Cầu nguyện

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ, nhờ đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói, dễ thấy Chúa hiện diện và hoạt động trong đời con. Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa, xin cho con đừng trở nên cứng cỏi, khép kín và nghi ngờ. Xin dạy con sự hiền hậu để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân. Xin dạy con sự khiêm nhu để con dám buông đời con cho Chúa.

Cuối cùng, xin cho con sự bình an sâu thẳm, vui tươi đi trên con đường hẹp với Ngài, hạnh phúc vì được cùng Ngài chịu khổ đau. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

From: anh chị Thụ Mai

Cầu nguyện

Cầu nguyện:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao, xin Cha nhìn xuống những gia đình sống trên mặt đất trong những khu ổ chuột tồi tàn hay biệt thự sang trọng. Xin thương nhìn đến những gia đình thiếu vắng tình yêu hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu, những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc. Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới, những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán, những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường, những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ, gìn giữ từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất, từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ. Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình; nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ hạnh phúc luôn ở trong tầm tay của từng người chúng ta. Amen.

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

THÔNG ĐIỆP KÉP CỦA GIÁNG SINH

THÔNG ĐIỆP KÉP CỦA GIÁNG SINH

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 

 

Tôi cực kỳ hạnh phúc khi một số bạn bè là nhà hoạt động xã hội gửi cho tôi các tấm thiệp Giáng Sinh với lời chúc: “Nguyện xin Bình an Chúa Kitô làm phiền bạn!”  Chẳng lẽ chúng ta không thể có một ngày trong năm để vui vẻ ăn mừng mà không để cái tôi vốn đã chẳng vui vẻ gì giờ lại gánh thêm cảm giác tội lỗi sao?  Chẳng phải Giáng Sinh là thời gian để chúng ta tận hưởng cảm giác làm trẻ thơ lần nữa sao?  Hơn nữa, như Karl Rahner từng nói, chẳng phải Giáng Sinh là thời gian Chúa cho chúng ta được phép vui vẻ sao?  Thế thì sao lại không vui vẻ?

 

À, chuyện này phức tạp lắm.  Giáng Sinh là thời gian Chúa cho chúng ta được phép vui vẻ, là thời gian như lời Chúa nói qua ngôn sứ Isaia: “Hãy làm khuây khỏa dân Ta.  Hãy nói những lời khuây khỏa!”  Nhưng Giáng Sinh cũng là thời gian cho thấy khi Thiên Chúa sinh ra cách đây 2000 năm, chẳng nhà nào có chỗ cho Ngài.  Chẳng có chỗ cho Ngài trong nhà trọ.  Cuộc sống bận rộn và những kỳ vọng của mọi người đã ngăn họ dành cho Ngài một nơi để ra đời.  Và điều đó vẫn không thay đổi.

 

Nhưng trước hết, tôi xin nói đến sự khuây khỏa Chúa Giêsu đem lại khi ra đời.  Nhiều năm về trước, tôi có tham gia hội đồng của một giáo phận lớn.  Trong giờ sinh hoạt, người điếu hành chương trình chia chúng tôi thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm được yêu cầu trả lời một câu hỏi: Một điều duy nhất, quan trọng nhất mà Giáo hội cần thách thức thế giới thực hiện ngay lúc này?

 

Các nhóm gửi lại câu trả lời, mỗi nhóm lại nêu ra một thách thức đạo đức hoặc thiêng liêng quan trọng: “Chúng ta cần thách thức xã hội biết thực thi công lý hơn!”  “Chúng ta cần thách thức thế giới biết có đức tin thật và đừng nhầm lẫn Lời Chúa với ý muốn của riêng mình.”  “Chúng ta cần thách thức thế giới biết nghiêm túc hơn về đạo đức tình dục.  Chúng ta đã lạc lối rồi!”  Đây đều là những thách thức cần thiết, và tốt đẹp.  Nhưng không nhóm nào nói: “Chúng ta cần thách thức thế giới đón nhận sự khuây khỏa của Thiên Chúa!”  Cứ cho là thế giới hiện nay đang có nhiều bất công, bạo lực, kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính, tham lam, ích kỷ, tình dục bừa bãi, và giả danh đức tin vì lợi ích riêng, nhưng hầu hết những người trưởng thành cũng đang sống trong đau đớn, lo âu, thất vọng, mất mát, trầm cảm, và mặc cảm tội lỗi không cách nào cởi bỏ.  Nhìn đâu cũng thấy những tâm hồn nặng trĩu.  Hơn nữa, quá nhiều người đang sống với tổn thương và thất vọng, họ chẳng thấy Thiên Chúa và Giáo hội là lời giải cho nỗi đau của mình, mà thậm chí còn là một phần gây nên nỗi đau đó.

 

Thế nên, khi rao giảng Lời Chúa, Giáo hội trước hết phải cam đoan với thế giới về tình yêu thương, sự quan tâm và sự tha thứ của Thiên Chúa.  Lời Chúa, trước hết là sự khuây khỏa cho chúng ta, thật sự là nguồn tối hậu của mọi khuây khỏa.  Chỉ khi nào thế giới biết đến sự khuây khỏa nơi Lời Chúa, thì thế giới mới đón nhận các thách thức kèm theo.


Và thách thức đó, trong mọi thách thức khác là dành chỗ cho Chúa Kitô trong nhà trọ, nghĩa là mở rộng lòng mình, nhà mình và thế giới mình sao cho Chúa Kitô có thể đến và sống ở đó.  Với khoảng cách 2000 năm, chúng ta dễ dàng phán xét gay gắt những người đồng thời với Chúa Giêsu đã không nhận ra thánh Giuse và Đức Mẹ đang cưu mang ai, đã không tạo một nơi xứng đáng để Ngài hạ sinh, đã không nhận ra Ngài là Đấng Thiên sai.  Sao họ có thể mù tối như thế?  Nhưng chính phán xét đó có thể áp dụng trên chúng ta.  Chúng ta đâu hẳn đã dành chỗ cho Chúa trong nhà trọ của mình.

 

Khi có một người mới sinh ra trên đời, thì người đó chiếm lấy một chỗ vốn trước đây chưa từng có ai.  Đôi khi, con người mới đó được chào đón nồng hậu, được có ngay một không gian yêu thương và được mọi người xung quanh mừng vui vì sự hiện diện mới này.  Nhưng không phải lúc nào cũng thế, đôi khi, như hoàn cảnh của Chúa Giêsu, người ta chẳng tạo một không gian yêu thương và cũng chẳng chào đón sự hiện diện mới này.

 

Thời nay chúng ta thấy chuyện này trong sự miễn cưỡng chào đón người nhập cư, một chuyện xảy ra gần như khắp thế giới và sẽ là lời phán xét sau này cho thế hệ chúng ta.  Liên hiệp quốc ước tính có 19,5 triệu người tị nạn trên thế giới, những người chẳng được ai hoan nghênh.  Tại sao lại không hoan nghênh?  Chúng ta đâu phải người xấu, và hầu như lúc nào chúng ta cũng có thể quảng đại rộng rãi vô cùng mà.  Nhưng để làn sóng nhập cư này tràn vào sẽ gây phiền toái cho cuộc đời chúng ta.  Cuộc đời của chúng ta sẽ phải thay đổi.  Chúng ta sẽ mất đi nhiều tiện nghi hiện thời, mất nhiều thứ vốn đã quen thuộc, và mất đi phần nào cảm giác an toàn.

 

Chúng ta không phải là người xấu, các chủ quán trọ hai ngàn năm trước cũng thế, họ không biết mình đang làm gì khi bỏ mặc, quay lưng với thánh Giuse cùng Đức Mẹ.  Tôi luôn có một lòng cảm thông dành cho họ.  Có lẽ bởi tôi, cũng đang vô thức làm hệt như họ.  Một người bạn của tôi thích nói rằng, “Tôi phản đối cho thêm người nhập cư vào… Vì tôi đã vào rồi mà!”

 

Bình an của Chúa Kitô, thông điệp tiềm ẩn và bối cảnh không êm đẹp trong việc Chúa Kitô xuống thế, nếu hiểu được, chắc chắn sẽ làm phiền chúng ta.  Và mong sao chúng cũng đem lại sự khuây khỏa sâu sắc cho chúng ta.

 

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim

30 - Joseph and Mary at Bethlehem 2.jpg

Con tin rằng …

Con tin rằng …

Con tin rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ đang chuyển mình tiến về với Cha, qua trung gian tuyệt vời của Chúa Giêsu và sức tác động mãnh liệt của Thánh Thần.

Con tin rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau, vượt qua mọi tranh chấp, bất đồng, mọi dị biệt, thành kiến, để cùng nắm tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời mà về nhà Cha là nơi hạnh phúc viên mãn.

Lạy Cha, đó là niềm tin của con.

Xin Cha cho con dám sống niềm tin ấy. Amen 

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

LỜI NGUYỆN XIN TĨNH LẶNG

LỜI NGUYỆN XIN TĨNH LẶNG

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Hãy làm thinh và biết Ta là Đức Chúa.

Kinh thánh quả quyết với chúng rằng nếu chúng ta làm thinh thì sẽ biết Chúa, nhưng có được sự lặng yên thì nói dễ hơn làm.  Như Blaise Pascal từng nói, “Mọi khốn khổ của con người là do chẳng ai có thể ngồi yên trong một tiếng đồng hồ.”  Đạt được sự tĩnh lặng có vẻ là việc quá tầm chúng ta, và như thế chúng ta gặp một song đề: chúng ta cần tĩnh lặng để tìm Chúa, nhưng cần Chúa giúp để tìm sự tĩnh lặng.  Nghĩ như thế, tôi xin đưa gởi gắm các bạn một lời nguyện xin sự tĩnh lặng.

Lạy Thiên Chúa của tĩnh lặng…

Xin làm tĩnh lặng những bồn chồn tuổi trẻ của con, tĩnh lặng cơn đói khát cứ ập vào con, cơn đói khát muốn nối kết với mọi người, muốn thấy và thưởng nếm mọi thứ, cơn đói khát khiến con mất bình an những buổi tối cuối tuần.  Xin tĩnh lặng những giấc mơ tự đại muốn mình nổi bật với người khác.  Xin cho con ơn sống hài lòng hơn với bản thân con.

Xin tĩnh lặng cơn bồn chồn khiến con thấy mình quá nhỏ bé.  Xin cho con biết rằng đời con là đủ, và con không cần đòi hỏi về mình, dù cho cả thế giới đang cố lôi kéo con làm thế với vô vàn những hình ảnh tiếng động khắp nơi.  Xin cho con ơn sống bình an trong cuộc đời mình.

Xin làm tĩnh lặng tính dục của con, chỉnh đốn những khao khát bừa bãi, dục vọng của con, nhu cầu không ngơi muốn được thân mật hơn nữa của con.  Xin tĩnh lặng và chỉnh đốn những dục vọng trần tục của con mà không cần phải xóa bỏ chúng đi.  Xin cho con biết nhìn người khác mà không phải với con mắt tình dục ích kỷ.

Xin tĩnh lặng những lo âu, trăn trở của con và đừng để con lúc nào cũng sống ngoài giây phút hiện tại.  Xin cho con biết ngày nào có mối lo của ngày ấy.  Xin cho con ơn biết rằng Chúa đã gọi con trong yêu thương, viết sẵn tên con trên thiên đàng, và con được tự do sống mà không cần lo lắng.

Xin tĩnh lặng nhu cầu muốn bận rộn luôn mãi của con, muốn kiếm việc gì đó để làm, muốn lên kế hoạch cho ngày mai, muốn hoạt động mọi phút giây, muốn tìm cái gì đó để lấp đầy khoảng thinh lặng.  Xin cho con biết thêm tuổi thêm khôn ngoan.  Xin làm nguôi đi những cơn giận âm ỉ vô thức của con vì thấy quá nhiều mong muốn của mình chưa thành sự.  Xin tĩnh lặng sự chua cay vì thất bại của con.  Xin giữ con khỏi ghen tương khi con cay đắng chấp nhận những giới hạn của cuộc sống mình.  Xin cho con ơn chấp nhận những thất bại và hoàn cảnh của mình.

Xin tĩnh lặng nỗi sợ chính mình, nỗi sợ trước những thế lực tăm tối đang đe dọa con trong vô thức.  Xin cho con can đảm để đối diện với bóng tối cũng như ánh sáng của chính mình.  Xin cho con ơn đừng sợ sự phức tạp của mình.

Xin tĩnh lặng nỗi sợ bẩm tại của con là sợ mình không được yêu thương, sợ con không xứng đáng để yêu.  Xin làm tĩnh lặng sự hoài nghi dằn vặt rằng con luôn là kẻ ngoài cuộc, rằng cuộc sống thật bất công, rằng con không được tôn trọng và thừa nhận.  Xin cho con ơn biết rằng con là con yêu dấu của Chúa, Đấng yêu thương con vô điều kiện.

Xin tĩnh lặng trong con nỗi sợ vô cớ đối với Chúa, để con đừng thấy Chúa xa cách và đáng sợ, mà thay vào đó là nhìn thấy Chúa nồng ấm và thân thiện.  Xin cho con ơn liên kết với Chúa thật hồn nhiên, như một người bạn mà con có thể chuyện trò, đùa giỡn, vui vẻ và thân thiết.

Xin tĩnh lặng trong con những suy nghĩ bất dung, về những giận hờn từ quá khứ, những bội bạc, lăng mạ mà con phải chịu.  Xin tĩnh lặng trong con những tội mà chính con đã phạm.  Xin tĩnh lặng trong con những tổn thương, cay đắng và giận hờn.  Xin cho con sự tĩnh lặng từ sự tha thứ, từ con và cho con.

Xin tĩnh lặng những nghi ngờ, lo lắng về sự hiện diện của Chúa, về lòng trung tín của Chúa.  Xin tĩnh lặng trong con xung lực muốn để lại dấu ấn, muốn tạo nên gì đó bất tử cho bản thân mình.  Xin cho con ơn biết tin tưởng, ngay cả trong tối tăm và nghi hoặc, rằng chính Chúa sẽ cho con sự sống đời đời.

Xin tĩnh lặng tâm hồn con để con biết Chúa là Thiên Chúa, và cho con biết Chúa đã tạo dựng và gìn giữ mọi hơi thở của con, rằng Chúa yêu thương con cũng như hết thảy mọi người, rằng Chúa muốn cuộc sống chúng con bừng nở, Chúa muốn chúng con hạnh phúc, Chúa yêu thương và chăm lo hết mọi người, rằng chúng con sẽ được an bình trong bàn tay nhân từ của Chúa, ở đời này và đời sau.  Amen!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 From: ngocnga_12 & NguyenNThu

DÂNG MẸ MARIA TÂM TÌNH MÙA VỌNG XIN MẸ BAN CHO GIA ĐÌNH ĐƯỢC BÌNH AN

DÂNG MẸ MARIA TÂM TÌNH MÙA VỌNG XIN MẸ BAN CHO GIA ĐÌNH ĐƯỢC BÌNH AN

 Tuyết Mai

Phải cần đến một độ tuổi nào đó thì chúng con mới hiểu và thông cảm cho người già những ai có con cái chúng có gia đình và ra ở riêng. Chúng con mới thông cảm và mới hiểu được sự vắng bóng, thiếu tiếng cười nói rộn rã của chúng con cái trong những ngày đại lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh … nhất là trong thời gian của đại dịch Covid-19 này.

**

Người trẻ thì bị cuồng chân khi tất cả phải bị lệnh ở trong nhà. Đàn ông thì sanh ra chè chén say sưa đánh đập vợ con. Đàn bà thì bị đè nén trong cảnh phải chứng kiến những tệ nạn, những tánh hư tật xấu của chồng, con mà hằng ngày không có giờ để ý tới. Chưa kể tài chánh eo hẹp sẽ thêm phần ưu tư phiền muộn và rất căng thẳng trong những ngày tháng tới; lấy tiền đâu để trả cho chỗ ở, nơi ăn và những tài khoản quan trọng khác nữa như ga, điện, nước và tiền điện thoại, v.v…

**

Có phải vì Covid-19 nó tàn phá sự sống của con người ảnh hưởng rất mạnh từ ngoài vào trong cơ thể?. Có phải nó đã làm cho biết bao nhiêu người chết vì chưa có thuốc chữa?. Có phải nó đã làm cho biết bao nhiêu gia đình phải mất đi người thân thương mà người còn ở lại mới điêu đứng, thương tâm vì bỏ lại những trẻ nít không biết chúng sẽ sống ra sao?. Và vẫn còn đó rất rất nhiều người hiện đang nhiễm bệnh mà không biết hay biết mà vẫn không thể tự giam mình ở trong nhà mà cố tình để đem con vi khuẩn nó đi lây lan khắp nơi?.

**

Năm nay quả là một năm đại nạn cho con người trên khắp cùng thế giới, thưa Mẹ!. Một năm tận cùng và tận thế đối với những người đã qua đời nếu cộng lại thì còn hơn cả những người chết ở Nhật Bản khi bị thả bom nguyên tử. Người chết ở trận Pearl Harbor ở Hawaii, Hoa Kỳ. Dịch bệnh ở Tây Ban Nha. Người chết ở 2 tòa nhà thương mại ở NewYork, Hoa Kỳ trong ngày 911. Cùng những nơi có bão cấp giật chết người như miền trung ở nước VN, v.v…

**

Nhưng không vì thế mà làm cho con người chúng con bị chùn bước, thất vọng, bi quan vì chúng con cũng đang trông đợi ngày Chúa Đến trần gian; sinh hạ và làm người … Là món quà quý hiếm vô cùng giá trị cho cuộc sống tâm linh của toàn thể nhân loại chúng con mà thế gian không có. Vì ngày Chúa Giáng Sinh sẽ mang lại cho tất cả mọi loài, mọi tạo vật trên trái đất này một sự sống bừng lên nỗi vô cùng sung sướng, vui mừng khấp khởi và là niềm hy vọng thật lớn lao vĩ đại để con người nhờ đó mà sống tiếp tục trong bình an, trong hạnh phúc và tương lai sáng lạn hơn bội phần. Như đèn dầu mỗi ngày được châm thêm dầu, như hũ bột không bao giờ vơi, như những ai đang nằm thoi thóp chờ chết nhưng lại được Chúa cứu sống, v.v…

**

Vì thế chúng con trên toàn cầu phải cảm tạ Mẹ Maria muôn vàn vì Mẹ đã nhận lời từ sứ thần Gabriel để cưu mang một Thiên Chúa Đấng quyền năng vinh hiển nhưng rất yêu thương con người đớn hèn và tội lỗi của chúng con. Chúng con xin cảm ơn Mẹ cách riêng mà chúng con có thể vì chưng mọi thứ trên đời này thì lấy gì để xứng đáng những gì Mẹ luôn ban cho con cái Mẹ rất nhưng không. Những ơn riêng mà Mẹ đã, đang và sẽ ban cho khi chúng con cần cầu khẩn và van xin Mẹ … Mẹ chẳng có bao giờ từ chối lời cầu khẩn ấy đâu nhưng vì lòng của chúng con thì rối bời nên không thể nhận ra là mẹ luôn có đó; để an ủi, bảo ban và luôn gìn giữ cho chúng con được hồn an, xác mạnh nhất là Mẹ giúp chúng con đến gần với Chúa hơn.

**

Năm nay không gì bằng chúng con rất cần Chúa Đến (Giáng Sinh) để ngự vào căn nhà tâm hồn của chúng con vì nó đã bị côn trùng, mối mọt vào gặm nhấm; nhện giăng đầy và thiếu ánh sáng của Chúa chiếu soi nên căn nhà ấy nó ra tối tăm tàn tạ, bỏ phế và gần như sụp đổ chôn sống chúng con ở ngày rất gần vậy, thưa Mẹ!. Nhờ Mẹ Maria mà Chúa Hài Nhi Giêsu sẽ đến trần gian để cho đất, trời có được giao hòa; mọi người được trở nên thánh thiện và yêu thương nhau hơn như Chúa luôn yêu thương con người vậy.

**

Xin Mẹ Maria ban cho từng gia đình chúng con trong mùa Giáng Sinh này được sống trong hòa thuận an vui, trên thuận dưới hòa. Cha mẹ thì biết bỏ qua những gì con cái chúng làm phật lòng và con cái biết bỏ qua những gì mà cha mẹ chúng nói và làm rất vô tình nhưng ít, nhiều cũng đã làm tổn thương đến chúng con cái (chỉ vì thương yêu mới dạy dỗ, khuyên lơn). Vâng, dù là một lời nói không cố ý nhưng chúng con lại hay ghim trong dạ để làm cho cuộc đời buồn nhiều hơn vui. Thay vì tha thứ, thông cảm và bỏ qua cho nhau khi còn có thể vì ai biết trước được ngày mai chúng con sẽ ra sao? Amen.

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời

Bình an dưới thế cho người thiện tâm”.

 Y tá con của Chúa,

Tuyết Mai

13 tháng 12, 2020

CHÚA NHẬT HỒNG – NIỀM VUI CỨU ĐỘ

CHÚA NHẬT HỒNG – NIỀM VUI CỨU ĐỘ

Chúa Nhật hôm nay được gọi là: “Chúa Nhật Hồng, Chúa Nhật Vui.”  Đây là một niềm vui rất to lớn và tràn đầy hy vọng của những người tin vào Đấng Cứu Thế và đang hân hoan chờ đón Ngài.  Niềm vui này chúng ta được nghe trong Lời Chúa hôm nay: “Anh chị em hãy vui lên trong Chúa!  Tôi nhắc lại một lần nữa: Anh chị em hãy vui lên vì Chúa đã đến gần!”  Niềm vui này là một niềm vui được ơn Chúa cứu độ, niềm vui được an bình, niềm vui được hạnh phúc!  Vậy thì chúng ta phải sống như thế nào trong Mùa Vọng này, để hưởng được trọn vẹn hạnh phúc Chúa ban?

Chuyện kể rằng: Có một Ông Vua kia lúc nào cũng lo âu, mặc dù sống trong quyền lực và nhung lụa sung sướng nhưng ông không có hạnh phúc, không biết cách nào để có được hạnh phúc.  Nhà Vua gọi các nhà khôn ngoan lại bàn hỏi xem làm thế nào trút bỏ những âu lo đang đè nặng tâm trí Vua đến nỗi Vua không thể nào có được một cuộc sống hạnh phúc?  Nhà thông thái trả lời: “Chỉ có một cách duy nhất để giúp nhà Vua.  Đó là Vua phải mặc chiếc áo của người có hạnh phúc thật sự!”  Thế là các sứ giả được sai đi khắp nơi để tìm kiếm một người đang mặc chiếc áo hạnh phúc.  Nhưng bất kỳ người nào được hỏi đến cũng có lý do để đau khổ, buồn sầu… một điều gì đó đã cướp mất hạnh phúc của họ.  Sau cùng thì họ cũng tìm một người, đúng hơn là một người ăn xin.  Người ăn xin này ngồi mỉm cười ở giữa chợ và tự xưng mình là người hạnh phúc nhất, không có một điều gì buồn rầu, lo âu.  Sứ giả của Nhà Vua nói với người ăn xin về điều Nhà Vua cần mặc chiếc áo hạnh phúc ấy, và hứa trả cho người ăn xin một món tiền thật lớn để mua chiếc áo hạnh phúc ấy.  Chúng ta nghĩ sao?  Anh chàng ăn xin này có đồng ý bán chiếc áo hạnh phúc của mình không?  Chúng ta có biết phản ứng của người ăn xin ra sao không?  Không nín được cười, người ăn xin bật cười to lên và nói rằng: Thật đáng tiếc!  Tôi không thể nào làm hài lòng Nhà Vua được.  Vì tôi chẳng có chiếc áo nào cả!”  Vâng người hạnh phúc nhất trên đời lại là người không có một chiếc áo nào cả!

 Bài Tin mừng hôm nay Ga 1, 6-8, 19-28 cho chúng ta thấy nhiều người kéo đến với Gioan Tiền Hô để tìm kiếm hạnh phúc.  Và ông cũng đã vạch ra cho họ những con đường trong chính cách sống của ông để họ thực sự hạnh phúc khi họ biết tin vào Đấng Cứu Thế đang đến gần.  Đó là những con đường như:

Con đường sống khổ hạnh: Gioan sống ẩn dật trong sa mạc.  Sống trong sa mạc đồng nghĩa với sống khổ hạnh: sống trong sự khắc nghiệt của thời tiết, trong sự hoang vu cô tịch, sự đe dọa của thú dữ.  Sống khó nghèo, đơn sơ đạm bạc: mặc áo bằng da thú, ăn châu chấu và mật ong rừng.

Con đường sống khiêm nhường: Gioan từ chối vinh quang mà người ta ban tặng cho mình. Ông thành thật nhận mình không phải là Đấng Cứu Thế.  Ông chỉ là “tiếng kêu trong sa mạc”, không đáng cởi giây giày cho Đấng Cứu Thế.

Con đường sống trung thực: Gioan đến để làm chứng về ánh sáng.  Trung thực với sứ mạng của mình, một mặc ông chỉ cho chúng ta thấy ánh sáng thật là ai, mặt khác khi có người lầm tưởng ông là ánh sáng ấy thì ông thẳng thắn phủ nhận.  Trung thực về những lời nói về mình nên ông không nhận vinh quang mà người ta lầm tưởng ban tặng.  Trung thực với lòng mình nên Ông sống khổ hạnh, không phô trương, không giả dối… Trung thực trong phán đoán nên ông thẳng thắn khuyên Vua Hêrôđê không được lấy chị dâu.

Con đường sống quên mình: nhìn nhận là người đưa tin nên ông quên mình để cho Đức Giêsu nổi bật lên.  Ông tự hủy mình để Đấng Cứu Thế được nhận biết.

Tóm lại Gioan Tiền Hô là một chứng nhân tuyệt hảo, Ông là chứng nhân của ánh sáng, chứng nhân của hy vọng, của hạnh phúc.  Ông là làm chứng cho sự sáng thật là Đức Kitô.

Mùa Vọng này, mọi người đang chờ Chúa đến, Chúa muốn chúng ta giới thiệu Chúa cho người khác, Chúa muốn chúng ta làm chứng cho Chúa.  Thế nhưng rất nhiều khi thay vì mở đường cho Chúa, chúng ta chỉ lo mở đường cho chúng ta.  Hay thay vì làm chứng cho Chúa thì chúng ta làm chứng cho ta….

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn vào tấm gương của Gioan Tiền Hô để biết cách dọn đường cho Chúa ngự đến bằng đời sống chứng tá là “để Chúa lớn lên” và để cho chúng ta biết đường tìm đến hạnh phúc đích thực.

Xin Thánh Gioan giúp chúng ta sống trong ánh sáng của Chúa Cứu Thế để chúng ta được hưởng trọn vẹn hạnh phúc Chúa ban.

Sưu tầm

30 - John the Baptist 2.jpg

KHOA HỌC LÀM SÁNG TỎ CÁC BÍ MẬT CỦA ĐỨC BÀ GUADALUPE

Một bài khác về Đức Mẹ Guadalupe cũng rất đáng đọc. Kính mời bà con.

KHOA HỌC LÀM SÁNG TỎ CÁC BÍ MẬT

CỦA ĐỨC BÀ GUADALUPE

Philip Callahan

Hôm đẹp trời lạnh lẽo 12-12-1531 ấy, Juan Diego -một trong những người cải đạo sớm nhất ở Mêhicô- không thể mơ có một ngày trong tương lai xa xôi, ông lại được bất tử hóa và được đặt trên bàn thờ của Giáo Hội hoàn vũ.

Juan Diego đang trên đường tới nhà thờ sáng sớm hôm đó thì lại nghe tiếng nói ngọt ngào của Bà Đẹp vốn đã hiện hình trước mắt ông tại chân Đồi Tepeyac ở ngoại ô Thành phố Mêhicô hai hôm trước.

Bà Đẹp đã lặp lại ước muốn của mình là có một teocali (nhà nguyện) được xây nơi Bà đã hiện ra. Juan Diego nói với Bà rằng Đức Giám mục Juan Zumarraga đòi bằng chứng về tính xác thực của yêu cầu này. Đức Bà đã chấp thuận. Theo hướng dẫn của Người, Juan Diego đã hái một bó hoa hồng Castilian rồi chính Người xếp trên tilma của ông (áo choàng, ct: một loại poncho hai vạt trước và sau). Ông sẽ phải đưa bó hoa hồng đó cho ĐGM. Vâng, những đóa hồng Castilian lạ lùng nở vào mùa Đông!

Juan Diego vội vàng đến gặp ĐGM. Và khi ông trải áo choàng của mình ra thì lạ chưa, ĐGM và mọi người có mặt đều hết sức kinh ngạc khi thấy không những nhiều đóa hồng thơm ngát rơi xuống từ áo choàng của ông mà còn cả một bức ảnh (cao 143 cm) của một phụ nữ trẻ đẹp với nước da hơi sẫm.

Đó là câu chuyện hay về việc làm sao hình ảnh Đức Bà Guadalupe đã xuất hiện. Hình Mẹ được bao quanh bằng những tia sáng mặt trời và dưới chân Đức Trinh Nữ có một vầng trăng lưỡi liềm và một thiên thần nâng Người lên. Đức Bà mặc một áo choàng màu xanh dương lẫn xanh lục với những ngôi sao vàng, và bên trong là một áo dài hồng thêu những nụ hoa viền vàng. Một đai lưng màu tía sẫm thắt quanh eo Đức Trinh Nữ theo kiểu các thai phụ Aztec vẫn thường mang.

Đức Mẹ yêu cầu Juan Diego gọi Người là coatloxopeuh mà trong tiếng Nahuatl, ngôn ngữ Aztec châu Mỹ, có nghĩa là “người đạp dẹp con rắn”. Trên phương diện lịch sử, đó là một phần văn hóa Aztec đương thời, vốn hàng năm dâng ít nhất 20.000 đàn ông, đàn bà và trẻ em cho các thần của họ như tế vật. Nhờ Đức Bà Guadalupe hiện ra với Juan Diego, hàng triệu người đã trở lại Kitô giáo, như thế là đạp dẹp con rắn của việc thờ ngẫu tượng.

Áo choàng của Juan Diego được làm bằng sợi thô, cứng, một thứ vải hoàn toàn không thích hợp để vẽ. Cuộc nghiên cứu và nhiều thử nghiệm khoa học đã được thực hiện trên áo choàng đó từ năm 1666 bởi các họa sĩ, bác sĩ và khoa học gia. Những phát hiện của họ cho thấy như sau: các đặc điểm lạ lùng của hình ảnh vượt quá mọi hiểu biết khoa học; hình ảnh xem ra đã không được vẽ bởi bàn tay con người; các màu sắc xuất hiện như “tích hợp” vào thớ vải; và chất màu được sử dụng không có nguồn gốc từ động vật hay khoáng vật. Hơn nữa, áo choàng, được làm bằng sợi đặc biệt đó, là tấm khăn duy nhất cùng loại còn tồn tại sau 476 năm [ct: 2007, thời điểm tác giả viết bài này].

Renzo Allegri, trong bài viết trên báo Messenger of Saint Anthony (Sứ giả của Thánh Antôn), cho biết rằng hiện tượng đã đánh thức sự tò mò khoa học đối với hình ảnh Đức Bà Guadalupe, liên quan đến cái đã được khám phá trong đồng tử đôi mắt Đức Mẹ. Năm 1929, Alfonso Gonzales, một nhiếp ảnh gia của Vương cung Thánh đường Guadalupe, sau khi nghiên cứu âm bản (phim) của hình ảnh, đã tìm ra cái có vẻ là hình ảnh rõ nét của một người nam có râu phản chiếu ở mắt bên phải.

Hơn 20 năm sau, một nhiếp ảnh gia khác của Vương cung Thánh đường, Carlos Chavez, đã tuyên bố rằng ông thấy một hình người trong mắt bên trái cũng như mắt bên phải của Đức Bà Guadalupe. Từ năm 1956 tới 1958, Rafael Torija Lavoigner đã thực hiện 5 cuộc nghiên cứu sử dụng các thấu kính phóng đại và kính soi đáy mắt (ophthalmoscopes), ông xác nhận có nhiều hình người trong đôi mắt của Đức Trinh Nữ.

Các hiện tượng như thế trở nên giật gân hơn nữa khi đôi mắt Đức Bà được nghiên cứu có sử dụng kỹ thuật tinh vi hơn nối kết với các máy vi tính.

Năm 1979, Tiến sĩ Jose Aste Tousman, một kỹ sư xuất sắc chuyên về vi tính ở Hoa Kỳ, đã đến Mêhicô. Ông là một trong những nhà nghiên cứu có khả năng nhất về đôi mắt Đức Bà Guadalupe. Allegri viết rằng công trình TS Tousman thực hiện trong 23 năm thật đáng kinh ngạc; ông đã sử dụng thiết bị cập nhật hay tinh vi nhất, giống các loại mà NASA vẫn dùng để giải mã các bức ảnh do vệ tinh chụp trong không gian. TS Tousman đã phóng to hình ảnh đôi mắt Đức Bà Guadalupe tới 2.500 lần, sử dụng 25.000 màu được chiếu sáng cho mỗi mm vuông.

Sau khi lọc và xử lý hình ảnh kỹ thuật số, TS Tousman khám phá ra một toàn cảnh được bắt hay được chụp trong đôi mắt Đức Bà Guadalupe. Trong toàn cảnh, có khoảng 11 người. Có một người Mêhicô bản địa ngồi xếp hai chân và tóc dài tết thành đuôi ngựa. Kế ông là một cụ già, hói đầu, râu trắng, mũi thẳng, lông mày rậm và một giọt nước mắt chảy dài xuống má phải. Nhân vật này được xác định là ĐGM Juan Zumarraga. Bên trái ngài là tay phiên dịch của ngài, Juan Gonzales. Có bóng dáng một ông già để râu và ria, với một cái mũi to kiểu Rôma, xương gò má lồi lên, đôi mắt chìm sâu và đôi môi nửa khép nửa mở – rõ ràng là một thổ dân châu Mỹ – đang mở áo choàng của mình khi quay mặt về phía ông già đầu hói. Rõ ràng là Juan Diego, kẻ đem những đóa hồng trong áo choàng mình tới cho ĐGM. Cũng có nhiều kẻ không xác định được gồm một người cha, một người mẹ, hai ông bà già và 3 đứa trẻ.

Cảnh tượng được khám phá trong đôi mắt phóng đại của hình ảnh kỹ thuật số cho thấy rằng trong giây phút đầy xúc động ấy, khi Juan Diego trải áo choàng cho Đức Giám mục và khi tất cả những ai đang hiện diện trong căn phòng thấy hình ảnh Đức Bà được vẽ lên đó, thì Mẹ Thiên Chúa thực sự có mặt: như những caméra tinh vi nhất, đôi mắt của Người đã chụp cảnh tượng và đã bảo tồn nó cho các thế hệ tương lai. Cũng kỳ lạ ở chỗ: ý thức những giới hạn của khoa học và kỹ thuật thời đó, Đức Mẹ biết rằng điều này sẽ chỉ được khám phá vài trăm năm sau, khi các thiết bị tinh vi nhất được con người phát minh chế tạo.

Sứ điệp của Đức Bà Guadalupe có thể là gì qua các phát hiện ấy của khoa học? TS Aste Tousman đã đi đến những suy nghĩ như vậy. Sự hiện diện của những kẻ không xác định có thể là một sự nhấn mạnh đến tầm quan trọng của gia đình và các giá trị gia đình. Vì hai người đàn ông da trắng và những thổ dân châu Mỹ được tìm thấy trong cảnh tượng, sự hiện diện của những chủng tộc pha trộn có thể là một cảnh báo chống kỳ thị chủng tộc và là một lời kêu gọi tình huynh đệ giữa con người. Việc khám phá cảnh tượng nhờ thiết bị hiện đại có thể là một lời mời gọi dùng kỹ thuật để loan truyền lời Chúa Kitô.

Juan Diego đã được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II phong thánh tại Mêhicô. Thổ dân châu Mỹ khiêm nhường, đơn sơ này có thể đã không hình dung rằng Bà Đẹp Guadalupe mà ông đã nói chuyện với ở đồi Tepayac còn có nhiều bí mật khác được tiết lộ, được dành riêng cho các thế hệ tương lai. Trong trí óc đơn giản của mình, ông đã không thể nhận thức điều ấy. Chỉ cần nói rằng ông đã vâng lời và yêu mến Đức Mẹ, Đức Mẹ cũng đã yêu mến ông vì tâm hồn đơn sơ và trong sạch của ông.

Xem ra lạ lùng đối với một khoa học gia khi nói lên điều ấy, nhưng với tôi là kẻ cảm thấy liên hệ, bức ảnh gốc thật kỳ diệu. Nghiên cứu hình ảnh này là kinh nghiệm cảm động nhất của đời tôi. Tiếp cận với nó, tôi có cùng cảm giác lạ lùng như những ai đã nghiên cứu Khăn liệm thành Turin (Italia). Tôi tin vào những cách giải thích lô-gích tới một điểm nào đó. Nhưng không có cách giải thích lô-gích cho cuộc sống. Bạn có thể bẻ sự sống thành các nguyên tử, nhưng cái gì đến sau đó? Ngay cả nhà bác học Einstein cũng chân nhận có Thiên Chúa mà!

(*) Giáo sư Philip Callahan là khoa học gia xuất chúng, ĐH Florida năm 1979.

Trích Francis Johnston, Sự kỳ diệu của Guadalupe.

Linh mục Phêrô Phan Văn Lợi dịch từ nguyên bản Anh ngữ

Nguồn: http://www.all-about-the-virgin-mary.com/our-lady-of…

HÃY CAN ĐẢM TỪ BỎ ĐỂ ĐẾN VỚI CHÚA!

HÃY CAN ĐẢM TỪ BỎ ĐỂ ĐẾN VỚI CHÚA!

Tuyết Mai

Mùa Vọng là mùa Gì? Vọng có phải là trông đợi hay không? Thế chúng ta chuẩn bị để đón và trông đợi ai? Có phải Người mà ta trông đợi ấy rất dấu yêu hay không? Thưa đúng là như vậy! Vì cả toàn thể nhân loại con người dưới trần gian, ai ai cũng đang trông chờ và đón đợi một Đấng rất ư là nhỏ bé và thấp hèn; từ trời cao Ngài sẽ sinh hạ xuống dương trần và làm người.

**

Muốn đến và tôn thờ Ngài cho đúng nghĩa thì loài người chúng ta cần phải biết bỏ bớt và lột bớt tất cả những gì không phải là của mình, mới đến gần Chúa Hài Đồng Giêsu được. Chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để suy nghĩ kỹ thử xem từ tấm thân thật trần cho đến mọi thứ chúng ta khoác trên người và mọi thứ chúng ta có được, có phải thật sự là của mình hay không?

**

Thế thì tại sao chúng ta không thể bỏ bớt để đem đến làm quà ý nghĩa mà Dâng cho Ngôi Hai Thiên Chúa? Cố gắng tìm mọi cách thức để làm quà cho Chúa và để làm vui lòng Ngài nhất không gì bằng là chúng ta biết chia sẻ. Nhịn bớt tiền để giúp đỡ cho các gia đình có những con em sống nghèo trên khắp mọi nơi? Nhịn bớt thời giờ để đến xoa dịu, an ủi những anh chị em đang đau khổ vì tật nguyền, già nua và rất cô đơn sầu khổ vì bị con cái chúng không ngó ngàng gì tới.

–*–

Bớt tham lam và tích lũy để san sẻ cho những anh chị em sống trên những núi rác chung với những sinh vật cũng nhờ núi rác đó để được sống còn. Cùng những anh chị em bất hạnh trên khắp mọi nẻo đường mà chúng ta gặp hằng ngày mà cố tình giả lơ, giả điếc, giả đui; hất hủi và cố tình xa tránh họ.

**

Đến với Chúa bằng tâm tình sẻ chia là món quà quý giá nhất mà Chúa Hài Nhi muốn nhận và đến với Chúa thì chúng ta cần phải giống Chúa. Là cởi bỏ những vật chất có tính cách phô trương thì mới xứng đáng mà quỳ thấp xuống để sưởi ấm cho một Chúa Giêsu Hài Đồng, đã sinh hạ trong đêm đông giá lạnh tại Bêlem. Có ai trong chúng ta có chút thời giờ đứng ngắm nhìn kỹ Ngôi Hai Giêsu Con Thiên Chúa bao giờ chưa? Có phải mùa này bắt đầu cho chúng ta cái lạnh cóng người khi ra ngoài đường nếu không có chiếc áo ấm dầy để khoác vào?

–*–

Ngay cả trong nhà mùa này, không ai có thể sống khoẻ mạnh được nếu chúng ta thiếu máy sưởi. Tùy theo khả năng của mỗi gia đình, từ máy sưởi ấm cho cả một căn nhà to lớn cho đến một chiếc máy sưởi nhỏ cá nhân hoặc mua củi về chất đống để đốt trong lò sưởi nguyên suốt mùa đông giá lạnh này; Xuống cấp nữa thì chúng ta có thể dùng một nồi nấu soup thật lớn đổ đầy nước và để riu riu sôi cho ấm nhà. Tối đến thì chúng ta cần mặc thật nhiều lớp quần áo để giữ thân thể chúng ta được ấm.

–*–

Nhưng thương cảm hơn hết là những anh chị em có hoàn cảnh gần giống Chúa nhất đó là những con người không nhà không cửa, không nơi nương tựa. Nhà của họ là nơi cầu, cống, hiên nhà, ngay trước cửa tiệm, hay bất cứ nơi nào có thể tựa được cái lưng để cố gắng có một giấc ngủ không dễ có qua đêm. Bởi cái lạnh cóng cả người chưa kể nếu có gió kèm theo thì không có gì hứa hẹn là anh chị em này có thể bình an mà thức dậy được nữa ở buổi sáng hôm sau.

**

So với tình cảnh của Chúa Hài Đồng Giêsu thì chúng ta đang là những người nào trong xã hội? Từ giống Chúa là không có gì ngoài tấm vải để che tấm thân ngọc ngà châu báu của Ngài, cho đến ít nhất là có nơi chốn để che tấm thân? Hay có nhà cửa? Nhà có đến mấy tầng lầu? Thì chúng ta thử nghĩ mà xem, có phải nếu chúng ta đến với Chúa mà sang trọng quá thì không xứng đáng để được lại gần Chúa đâu. Mọi người hãy nhìn kỹ lại mình và nhìn kỹ Chúa Giêsu nằm trong máng cỏ mà xem sự khác biệt giữa một Thiên Chúa Tối Cao của cả khắp vũ trụ mà đến trong thế gian trong một thân phận chẳng là gì cả – trong Ngài còn hơn vua thế gian gấp bội lần, có phải? Còn chúng ta là gì và là ai trước Con Thiên Chúa chứ?

**

Trong tâm tình trông đợi đó, chúng ta có thể bắt chước Đấng sẽ xuống trần vì tình yêu thương mà Ngài dành cho toàn thể nhân loại chúng ta. Để thờ phượng Ngài một cách xứng đáng hơn mà không gì bằng là chúng ta thể hiện qua các công việc bác ái rất cụ thể và rất thiết thực nhất mà Chúa Giêsu trông đợi nơi từng người chúng ta.

**

Mùa Giáng Sinh là mùa của yêu thương, của chia sẻ, của sưởi ấm tình đồng loại, của bắt chước Chúa luôn sống trong yêu thương qua sự đoàn kết, hiệp nhất và cầu nguyện luôn – Cho một nguyện vọng duy nhất mà Ngài muốn chứng tỏ cho mọi người thấy rằng hạnh phúc là chỉ cần sống trong yêu thương, chia sẻ cho nhau thì tất cả sẽ được sống muôn đời trong hạnh phúc ngay tại đời này và cả ở đời sau. Amen.

Y tá con của Chúa,

Tuyết Mai

9 tháng 12, 2020

***

Xin bấm vào mã số dưới đây để cùng hát:

https://www.youtube.com/watch?v=5phRUPH8nek

Bêlem Đêm Đông

SỨC MẠNH CỦA NGUYỆN CẦU

 

SỨC MẠNH CỦA NGUYỆN CẦU

Một phụ nữ bước vào cửa tiệm tạp hóa lớn, cô ngó quanh dáo dát rồi đến bên quầy tính tiền nói với ông chủ.

“Thưa ông, tôi cần mua một ít thức ăn, nhưng tôi không có tiền ngày hôm nay. Ông có thể cho tôi mua chịu được không? Tôi hứa sẽ đem tiền đến trả ngay khi sớm nhất có thể.”, cô cuối đầu ngượng ngùng nói.

“Oh, không được đâu. Tôi đâu biết cô là ai? Làm sao tôi có thể bán chịu cho cô khi cô chưa từng là khách quen ở cửa tiệm tôi?”, ông chủ lắc đầu.

Nước mắt lưng tròng, người phụ nữ van xin: “Chồng tôi bị bệnh nặng, không thể đi làm được. Chúng tôi có 5 đứa con, và chúng đang rất đói. Xin ông hãy rủ lòng thuơng giúp đỡ cho một lần này thôi. Tôi hứa khi có tiền sẽ đem đến trả ông ngay!”.

Ông chủ tiệm chỉ tay ra phía cửa nói: “Cô vui lòng ra khỏi đây ngay. Đừng cản trở tôi mua bán chứ. Khách đang xếp hàng sau lưng cô kia kìa …”.

Từ phía sau người phụ nữ, một người đàn ông nãy giờ đã nghe 2 người đối thoại bước lên. Ông nói: “Hãy để tôi ứng tiền cho cô ấy, ông cứ để cô ấy lấy những gì cô ấy cần.”

Người chủ tiệm nhìn 2 người, lưỡng lự một chút, rồi ông ta chợt nảy ra ý tưởng hay. Ông hỏi người phụ nữ: “Cô có biết cô cần mua gì không? Nếu biết thì hãy viết ra giấy đưa cho tôi.”.

Người phụ nữ mừng rỡ nói: “Vâng, thưa ông. Tôi sẽ viết ngay đây.”

Nhưng ông chủ tiệm lại tiếp: “Viết xong đưa tờ giấy đó cho tôi, tôi sẽ bỏ lên bàn cân này. Nó nặng bao nhiêu thì cô cứ lấy những gì cô cần cho đến khi đủ. Tôi sẽ không tính tiền những gì cô lấy!”. Ông chủ tiệm cúi xuống gầm lôi lên bàn một cái cân to tướng, và chỉ vào một phía.

Người phụ nữ và ông khách phía sau ngạc nhiên trước thái độ ông chủ, nhưng cô không còn lựa chọn nào khác. Người phụ nữ lục trong túi xách một mảnh giấy nhàu nát, cô run run viết lên tờ giấy đó .. Rồi cô gấp đôi tờ giấy lại đưa cho ông ta.

Ông chủ tiệm nhếch mép cười, rồi bỏ tờ giấy lên một bên cân. Nhưng lạ thay, mảnh giấy từ từ chìm xuống cho đến đụng đáy trước sự ngạc nhiên của 3 người. Người phụ nữ vội đi gom thức ăn bỏ vào bên thau bên kia, nhưng dù cô có bỏ lên bao nhiêu, phía bên tờ giấy vẫn không nhúc nhích. Ông chủ tiệm nhìn kỹ 2 bên cân, nhưng rõ ràng nó không có gì khác thường …

Cho đến khi thau đồ đã đầy, ông chủ tiệm đành để người phụ nữ ôm túi đầy thức ăn bước ra tiệm mà không thể tính tiền trước sự ngạc nhiên của người khách lạ.

Ông chủ tiệm lật hẳn cái cân lên coi, thì ra phía dưới một bên cân đã gãy. Ông tức tối nhặt tờ giấy người phụ nữ gấp lại mở ra để xem cô đã lấy đi những gì của ông, thì ra cô chẳng hề viết list đồ cô cần mua, mà chỉ vỏn vẹn có giòng chữ:

“Lạy Chúa, Người biết chúng con đang cần gì, con xin phó thác tất cả trong tay người.”

Ông chủ tiệm nhắm mắt ngước lên Trời, giờ thì ông đã hiểu …

Bạn, xin hãy đừng đánh giá thấp một lời cầu nguyện. Chỉ có Chúa mới biết được lời nguyện cầu nặng bao nhiêu.

Thằng Bờm

No photo description available.