CHIẾN DỊCH ANRÊ


CHIẾN DỊCH ANRÊ

Lm. Mark Link

Chủ đề: “Chúng ta hãy nên bắt chước Anrê chia sẻ với người khác niềm tin của mình vào Chúa Giêsu.”

Cách đây mấy năm, có một ông lão được nhận vào bệnh viện để điều trị bệnh.  Sau khi ông cụ được dễ chịu, cô y tá hỏi ông lão vài câu hỏi theo thông lệ, vì cô phải điền vào một trong các giấy tờ thủ tục nhập bệnh viện.  Một trong những câu cô hỏi ông lão là: “Tôn giáo ông quí chuộng hơn cả là tôn giáo nào?”  Cụ già nhìn cô y tá và nói: “Tôi rất vui sướng được cô hỏi câu ấy, tôi luôn luôn muốn là một người công giáo, nhưng trước đây chưa có ai hỏi tôi như vậy.  Chính cô là người đầu tiên hỏi tôi câu ấy.”

 Câu chuyện có thực trên đặt cho chúng ta một vấn đề gây bối rối: Tại sao trong chúng ta có nhiều người do dự khi phải chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác?  Hoặc chúng ta có thể đặt lại câu hỏi này như sau: Nếu chúng ta tin rằng Phúc Âm thực sự là Tin Mừng, thì tại sao chúng ta lại không chia sẻ nó với kẻ khác?  Hoặc nếu chúng ta tin Đức Giêsu là kho tàng vĩ đại nhất mà chúng ta có thể chiếm hữu được, thì tại sao chúng ta không chia sẻ với người khác đức tin của mình nơi Đức Kitô?

Điều này dẫn chúng ta đến với bài đọc ngày hôm nay.  Bài đọc thứ nhất tường thuật việc Samuel chia sẻ niềm tin của mình với Eli.  Bài đọc thứ hai thuật lại việc thánh Phaolô chia sẻ đức tin của mình với tín hữu Côrintô.  Và bài Phúc Âm trình bày Gioan Tẩy Giả chia sẻ đức tin với hai môn đệ của mình, và Andrê chia sẻ đức tin với anh em mình là Phêrô.

Chúng ta hãy chú ý vào bài Phúc Âm và đặc biệt vào trường hợp Andrê.  Sự kiện thánh Gioan nhắc đến Andrê những ba lần trong Phúc Âm của ngài quả thực mang đầy ý nghĩ.  Lần nào Andrê cũng dẫn đến với Chúa Giêsu một người nào đó, lần nào ông cũng chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác, trong bài đọc hôm nay, Andrê dẫn Phêrô, anh mình đến với Chúa Giêsu, mà Ngài đặt làm viên đá để xây dựng Giáo hội Ngài trên đó.  Về sau, Andrê lại dẫn đến với Chúa Giêsu một em bé có 5 ổ bánh và hai con cá (Ga 6: 8) và Chúa Giêsu đã dùng bánh và cá này để thiết đãi đám đông đang đói một bữa no nê.  Sau cùng, chính Andrê lại dẫn đến với Chúa Giêsu vài người Hy Lạp (Ga 12: 20-22), để rồi Chúa Giêsu thừa cơ hội này dạy cho dân chúng những điều trọng đại.

Từ đó, chúng ta trở lại câu hỏi ban đầu; Nếu quả thực chúng ta tin Đức Giêsu là kho báu to lớn nhất mà chúng ta có thể chiếm hữu được, thì tại sao chúng ta lại không muốn chia sẻ kho tàng của chúng ta cho kẻ khác?

Câu trả lời mà chúng ta thường nghe là: người khác có thèm chú tâm đến Đức Giêsu đâu: câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi trên là nhiều người nghĩ rằng ông lão kia cũng chả chú tâm gì đến Chúa Giêsu.  Có lẽ họ tự nghĩ; “Nếu ông lão chú tâm đến Chúa Giêsu hoặc nếu lão ta muốn trở thành một người Công giáo thì lão ta đã lo liệu được việc đó từ lâu rồi!”

Vài năm trước, một giáo viên trung học ở Chicago đã yêu cầu mỗi học viên trong lớp phỏng vấn ba người về vấn đề cầu nguyện.  Các học viên phải đặt cho họ 5 câu hỏi:

– Anh (chị) có cầu nguyện không?

– Anh (chị) cầu nguyện hằng ngày hay chỉ thỉnh thoảng?

– Tai sao anh (chị) cầu nguyện?

– Khi cầu nguyện, anh (chị) cầu nguyện như thế nào?

– Ai đã dạy anh (chị) cầu nguyện?

Cuộc phỏng vấn của các học viên đem lại ba điều ngạc nhiên:

Thứ nhất, các học viên ngạc nhiên vì không ngờ người ta lại sẵn lòng bàn luận đến vấn đề cầu nguyện như thế.

Thứ hai, họ ngạc nhiên khi thấy có nhiều người cầu nguyện hằng ngày.

Và thứ ba, họ ngạc nhiên vì có nhiều bạn bè thân thiết của mình có cầu nguyện, thế mà trước đó họ chưa hề bao giờ bàn luận với nhau vấn đề ấy.

Một sinh viên nói về cuộc phỏng vấn:

“Tôi cứ tưởng các bạn tôi sẽ chế nhạo cuộc phỏng vấn, thế mà hoàn toàn khác hẳn, họ đã kính cẩn trả lời.  Một trong các bạn tôi nói rằng anh thực vui mừng khi bàn về một điều thực sự có ý nghĩa như thế.

Một cô gái kết luận: “Điều tôi thu lượm được từ dự án phỏng vấn nói trên chính là: Người ta đã thực sự quan tâm đến vấn đề cầu nguyện.”

Tất cả chúng ta đều đã đọc các bài viết trong các tạp chí bàn về cách thức trở nên một người nói chuyện có duyên hơn, hoặc bàn về việc trau dồi nhân cách bằng cách trau dồi nghệ thuật nói chuyện của mình.  Các bài ấy luôn luôn nhấn mạnh điều này; Chúng ta nên nói đến những gì thân thiết và quan trọng đối với chúng ta.  Thế mà có gì thân thiết và quan trọng hơn là niềm tin vào Chúa Giêsu?  Ai còn nghĩ rằng người ta chả quan tâm gì đến những việc này thì nên ghi nhớ cuộc khảo sát của các sinh viên nêu trên.  Người ta chẳng những ủng hộ cuộc khảo sát mà còn lấy làm hăng hái tham gia vào đó là khác.

Điều này khiến chúng ta đi đến một điểm quan trọng “chúng ta nên chia sẻ đức tin của chúng ta với kẻ khác.”  Bất cứ ai nghĩ rằng điều này không quan trọng thì người ấy nên ghi vào tâm trí câu chuyện về ông lão nói trên.  Giả như cô y tá chẳng hỏi ông về vấn đề tôn giáo thì chắc hẳn ông đã qua đời trong tình trạng chưa thực hiện được giấc mơ trở thành một người công giáo.

Và bất cứ ai nghĩ rằng việc chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác là không quan trọng thì kẻ ấy nên ghi vào tâm trí bài Tin Mừng hôm nay.  Giả như Andrê đã không chia sẻ đức tin với ông anh Phêrô thì có lẽ chẳng bao giờ Phêrô trở nên tảng đá trên đó Chúa Giêsu xây dựng Giáo hội Ngài.  Và giả như Andrê đã không chia sẻ đức tin của mình với cậu bé có năm chiếc bánh và hai con cá thì có lẽ đám đông trên đồi sẽ trở về nhà bụng đói meo và Phúc Âm có lẽ đã không có được một trong những câu chuyện hứng khởi nhất của toàn bộ Kinh Thánh rồi!

Để kết luận, bài Phúc Âm hôm nay mời gọi chúng ta xem xét kỹ lưỡng lý do tại sao chúng ta còn miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với kẻ khác?  Nếu chúng ta tin Phúc Âm là Tin Mừng và nếu chúng ta tin Đức Giêsu là kho báu to lớn nhất mà con người có thể chiếm hữu, thì tại sao chúng ta lại miễn cưỡng không muốn chia sẻ đức tin của mình với con cái chúng ta, với bạn bè chúng ta và với những ai mà ta biết đang tìm kiếm một niềm tin?  Đây là vấn nạn cực kỳ quan trọng mà Tin Mừng hôm nay đặt ra trước mỗi người trong chúng ta.  Không ai có thể trả lời dùm chúng ta.  Chúng ta phải tự mình trả lời lấy, mỗi người tuỳ theo cách thức riêng của mình.  Và chúng ta bị bắt buộc phải trả lời câu hỏi ấy.  Tha nhân đang chú tâm vào đức tin của chúng ta, và sự chia sẻ đức tin của chúng ta đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Chúng ta hãy kết thúc với lời khấn nguyện.

“Lạy Chúa, xin dạy cho mỗi người trong chúng con biết rằng ngay ở đây, trên trái đất này, Chúa chỉ biết nhờ đôi bàn tay chúng con để giúp đỡ những người thiếu thốn, Chúa chỉ biết dùng trái tim chúng con để ôm ấp những kẻ cô đơn; Chúa chỉ nhờ giọng nói chúng con để chia sẻ sứ điệp loan báo cuộc sống, nỗi khổ đau và cái chết Chúa đã chịu vì chúng con.

Lạy Chúa, xin hãy dạy chúng con biết rằng ở nơi đây, trên trái đất này, chúng con là đôi tay của Chúa, chúng con là tiếng nói của Chúa, và chúng con là trái tim của Chúa.”

 Lm. Mark Link

From: Langthangchieutim

Ba Lời Nguyện Nhiệm Màu Cầu Cho Người Hấp Hối

 Ba Lời Nguyện Nhiệm Màu Cầu Cho Người Hấp Hối

Kinh này rất cần thiết cho người sắp chết, và nên được đọc thường xuyên như việc thực thi lòng thương xót.

  1. Lạy Chúa Giêsu Kitô! Ngài là Con Thiên Chúa và Ðức Trinh Nữ Maria, là Thiên Chúa và là loài người! Ngài trong nổi sợ đổ mồ hôi máu cho chúng con trên Ðồi Olives để mang đến cho chúng con bình an, và đã dâng lên Thiên Chúa Cha chính cái Chết Cực Thánh của Ngài để cứu độ cho (người…) đang hấp hối này.

Nếu như vì tội lỗi của (người…) đang hấp hối đây, người đáng chịu án phạt đời đời, con nguyện xin Chúa cho (người…) này được tránh khỏi án phạt đó. Lạy Cha Hằng Hữu, qua Chúa Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Cha, Ðấng đang sống và hiển trị trong sự hiệp nhất với Ngài và Chúa Thánh Thần bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.

  1. Lạy Chúa Giêsu Kitô! Ngài đã vâng lời chịu chết trên cây Thập Tự cho chúng con. Ngài đã hiến dâng trọn vẹn cho Thánh Ý của Ngài cho Chúa Cha trên trời để mang lại bình an và hiến dâng cái Chết Cực Thánh cho Cha trên trời để giãi thoát (người này ….) và để xóa đi những tội lỗi (người này) đã phạm.

Lạy Cha Hằng Hữu xin ban cho người này qua Chúa Giêsu Kitô con Cha, Ðấng đang sống và hiển trị với Ngài trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.

  1. Lạy Chúa Giêsu Kitô! Ngài đã giữ im lặng để nói qua miệng của các ngôn sứ rằng: Tôi đã nhận lấy Ngài qua Tình Yêu Vĩnh Cữu, đó là tình yêu đã đem Ngài từ Thiên Ðàng xuống trong cung lòng của Ðức Trinh Nữ, tình yêu đã đem Ngài từ thân xác của Ðức Trinh Nữ vào trong thung lũng của thế giới đầy khao khác này, tình yêu đã giữ Ngài 33 năm ở nơi trần thế, và như dấu chỉ của Tình Yêu Lớn Lao, Ngài đã ban tặng Thánh Thể như Của Ăn Thật và Máu Thánh như Của Uống Thật.

Như một dấu chỉ của Tình Yêu Lớn Lao, Ngài đã bằng lòng bị bắt và bị điệu từ quan tòa này đến quan tòa khác. Như một dấu chỉ của Tình Yêu Lớn Lao, Ngài đã bằng lòng nhận chịu án tử, và đã bằng lòng chịu chết, chịu mai táng và đã sống lại thật, và đã hiện ra cho Ðức Mẹ và các Thánh tông đồ.

Như một dấu chỉ của Tình Yêu Lớn Lao, Ngài đã lên trời bằng quyền năng của Ngài ngự bên hữu Ðức Chúa Cha. Ngài đã ban Chúa Thánh Linh vào trong tim của các Tông Ðồ và tất cả những ai hy vọng và tin tưởng nơi Ngài.

Qua Dấu Hiệu của Tình Yêu Vĩnh Cữu, xin Ngài mở cửa Thiên Ðàng hôm nay và đón nhận (người này …) đang hấp hối đây… và mọi tội lỗi được tha của (người) này vào trong Vương Quốc của Thiên Chúa Cha trên trời, nơi người này sẽ cùng hưởng phúc với Ngài bây giờ và cho đến muôn đời. Amen.

* Nguồn Gốc :

Có một vị Giáo Hoàng ở Roma phạm nhiều tội lỗi. Chúa đã phạt Ngài với căn bịnh hiểm nghèo. Khi Ngài biết rằng Ngài đã sắp chết, Ngài triệu các Hồng Y, Giám Mục và các học giã đến và phán:

– ‘Các bạn thân mến ! Ðiều gì các bạn có thể giúp trấn an cho Ta trong lúc này đây vì ta sẽ chết, trong khi ta đáng chịu hình phạt đời đời vì tội lỗi của Ta?’

Không ai trả lời Ngài cả. Một người trong họ, một Cha phụ tá tên là John đáp:

– ‘Thưa Cha, tại sao Ngài lại nghi ngờ lòng thương xót của Thiên Chúa?’

Ðức Thánh Cha trã lời:

– ‘Lời an ủi nào con có thể cho Cha bây giờ khi Cha phải chết và sợ rằng Cha sẽ bị án phạt vì tội lỗi của Cha?’

Cha John đáp:

– ‘Con sẽ đọc ba lời nguyện cho Cha; con hy vọng Cha sẽ được an ủi và Cha sẽ nhận được lòng thương xót của Chúa.’

Vị Giáo Hoàng không thể nói thêm được lời nào cả. Cha phụ tá và mọi người quỳ xuống và đọc những lời kinh ở trên.

Trong khi đó, Ðức Thánh Cha từ trần. Cha phụ tá kiên trì cho đến giờ thứ ba và Ðức Thánh Cha hiện ra trong thân xác Ngài và trấn an Cha; vẻ mặt Ngài rạng rở như mặc trời, y phục Ngài trắng như tuyết, Ngài phán:

– “Bạn thân mến! Trong khi tôi đáng là đứa con bị nguyền rủa thì tôi đã trở thành đứa con được chúc phúc.

Khi Cha đọc lời nguyện thứ nhất, nhiều tội lỗi đã rời khỏi tôi như mưa từ Thiên Ðàng rơi xuống, và khi Cha đọc lời nguyện thứ hai, tôi đã được thanh tẩy, như người thợ bạc rèn vàng trong lửa nóng.

Tôi vẫn còn được thanh luyện thêm trong khi Cha đọc lời nguyện thứ ba. Và rồi tôi thấy Thiên Ðàng mở ra và Chúa giêsu đang ngự bên hữu Chúa Cha, Ngài nói với tôi:

– ‘Hãy đến đây, mọi tội lỗi con đã được tha rồi, con sẽ ở đây và ở lại trong Vương quốc của Cha Ta mãi mãi.

Với những lời nguyện này, linh hồn tôi lìa khỏi xác và được Thiên Thần Chúa dẫn về nơi vĩnh phúc.”

Khi nghe những lời này Cha phụ tá nói:

– ‘Ôi Ðức Thánh Cha! con không thể nói việc này với ai cả vì họ sẽ không tin con đâu.’

Ðức Thánh Cha phán:

– ‘Quả thật Cha nói cho con hay, Thiên Thần của Chúa đang đứng với Cha và đã viết những lời nguyện này bằng chữ vàng để an ủi mọi tội nhân.

Ðức Thánh Cha nói rằng những lời nguyện này nếu được đọc trong sự có mặt của một người rất tội lỗi đang lúc gần chết, sẽ trợ giúp họ với nhiều ân sủng và ngay cả giúp họ chịu đựng nơi luyện ngục để họ sẽ được giải thoát khỏi những trừng phạt do tội lỗi họ gây nên.

Những ai nghe đọc kinh này, sẽ không chết trong khốn khổ. Những ai gần chết, mà đọc hoặc nghe những kinh này, thì sẽ được 400 năm ân xá nếu phải chịu gia hình nơi luyện ngục vì tội lỗi họ. Cũng vậy, người đọc hoặc nghe kinh nguyện này, sẽ được biết trước giờ chết của họ. Amen!

Image may contain: 4 people

ÔNG HOÀNG NÓI DỐI

ÔNG HOÀNG NÓI DỐI

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Nhìn vào thế giới của chúng ta ngày nay, điều làm cho tôi lo sợ và lo lắng hơn cả mối đe dọa Covid, hơn cả bất bình đẳng ngày càng tăng giữa người giàu và người nghèo, hơn cả nguy hiểm biến đổi khí hậu, và thậm chí hơn cả sự căm ghét cay đắng hiện đang chia rẽ chúng ta, đó là việc chúng ta mất đi không còn cảm giác nào về sự thật, sự từ chối thẳng thừng của chúng ta đối với bất kỳ sự thật nào mà chúng ta cho là không thuận lợi, cũng như câu cửa miệng của chúng ta về “tin tức giả”, “sự thật dối lừa” và các âm mưu ảo tưởng.  Mạng xã hội, với tất cả những gì tốt đẹp nó mang lại, lại tạo ra cơ sở để cho ai cũng có thể nói lên sự thật của riêng mình, và sau đó làm xói mòn các sự thật kết nối chúng ta và neo giữ sức khỏe tinh thần chúng ta.  Hiện nay chúng ta sống trong một thế giới mà hai cộng hai thường không còn là bốn nữa.  Điều này tác động trên sức khỏe tinh thần chúng ta và đã tạo ra một số chuyện điên rồ trong xã hội.  Các sự thật neo giữ cuộc sống chung của chúng ta không còn được neo giữ.

Rõ ràng đây là điều xấu, và Chúa Giêsu đã cảnh báo chúng ta, Ngài nói với chúng ta Satan là Vua Dối trá tiêu biểu nhất.  Nói dối là mối nguy hiểm tối hậu cuối cùng của thiêng liêng, đạo đức và tâm lý.  Nó có gốc rễ trong điều Chúa Giêsu gọi là “tội chống Đức Chúa Thánh Thần là tội không thể tha thứ.” Tội này là tội gì và vì sao nó không thể tha thứ?

Đây là bối cảnh Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về tội này: Ngài vừa trừ quỷ.  Các nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó tin như tín điều rằng: chỉ ai đến từ Chúa mới có thể đuổi quỷ.  Chúa Giêsu vừa trừ quỷ, nhưng lòng hận thù của họ đối với Ngài làm cho họ xem đây là sự thật khó nuốt trôi.  Vì thế để phủ nhận thực tế, họ chọn cách phủ nhận những gì họ biết là đúng.  Họ chọn nói dối, khẳng định (dù họ đã biết rõ) Chúa Giêsu đuổi quỷ nhờ quyền lực của Ben-dê-bút.  Mới đầu Chúa Giêsu cố gắng vạch ra lập trường phi lô-gích của họ, nhưng họ vẫn ngoan cố.  Sau đó Chúa đưa ra lời cảnh báo tội không thể tha thứ là tội chạm đến Chúa Thánh Thần.  Lúc đó Ngài không buộc tội họ phạm tội này, nhưng cảnh báo nếu họ đi theo con đường này, nếu họ không sửa đổi thì sẽ dẫn họ đến tội đó.  Về bản chất, Ngài đang nói điều này: nếu chúng ta nói dối đủ lâu, cuối cùng chúng ta sẽ tin vào điều đó và điều này làm lương tâm chúng ta bị xói mòn đến mức chúng ta bắt đầu coi sự thật là giả dối và giả dối là sự thật.  Tội sau đó trở thành không thể tha thứ vì chúng ta không còn muốn được tha thứ và cũng sẽ không sẵn sàng để nhận tha thứ.  Thiên Chúa sẵn sàng tha thứ nhưng chúng ta không sẵn sàng chấp nhận tha thứ vì chúng ta thấy tội là điều tốt và điều tốt lại thành tội.  Thế thì chúng ta muốn được tha thứ để làm gì?

Có thể chúng ta sẽ rơi vào trạng thái này, một trạng thái trong đó chúng ta cho rằng các ơn của Chúa Thánh Thần (bác ái, vui vẻ, hòa bình, nhẫn nại, tốt lành, kiên trì, trung thành, dịu dàng, khiết tịnh) là giả dối, là chống lại sự sống, là sói đội lốt cừu.  Và bước đầu để đi đến tình trạng này là nói dối, không chịu thừa nhận sự thật.  Các bước tiếp theo cũng là nói dối, có nghĩa là tiếp tục từ chối chấp nhận sự thật để rồi tin lời nói dối của chính mình và chúng ta xem chúng là sự thật và sự thật là dối trá.  Nói thẳng, đó là những gì tạo ra địa ngục.

Địa ngục không phải là nơi con người đau buồn, ăn năn và cầu xin Chúa cho thêm cơ hội để sửa đổi mọi thứ cho đúng đắn.  Địa ngục cũng không bao giờ là điều bất ngờ tà ác chực chờ người lương thiện.  Nếu có ai trong địa ngục, thì là họ ở đó với lòng kiêu ngạo, than phiền những người ở trên thiên đàng, xem thiên đàng là địa ngục, bóng tối là ánh sáng, giả dối là chân lý, xấu xa là tốt, hận thù là tình yêu, thiện cảm là yếu đuối, kiêu ngạo là sức mạnh, sáng suốt là điên rồ, và Chúa là ma quỷ.

Một trong các bài học trọng tâm trong Tin Mừng là: nói dối là nguy hiểm, là tội nguy hiểm nhất trong các tội.  Và điều này không chỉ diễn ra trong mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa và Chúa Thánh Thần.  Khi nói dối, chúng ta không những chỉ có tác động nhanh và lỏng lẻo với Chúa, chúng ta còn tác động nhanh và lỏng lẻo với chính sức khỏe tinh thần của chúng ta.  Sức khỏe tinh thần của chúng ta tùy thuộc vào điều mà thần học cổ điển gọi là “hiệp nhất” của Chúa.  Điều này có nghĩa Chúa là nhất quán.  Không có mâu thuẫn nào bên trong Thiên Chúa và do đó, thực tế cũng có thể được cho là nhất quán.  Sức khỏe tinh thần của chúng ta tùy thuộc vào niềm tin này.  Chẳng hạn nếu một ngày mà hai cộng hai không còn là bốn, thì các nền tảng sức khỏe tinh thần của chúng ta sẽ không còn trụ được nữa; chúng ta thực sự sẽ không có gì để neo giữ bản thân nữa.  Sức khỏe tinh thần của chúng ta và sức khỏe tinh thần của xã hội tùy thuộc vào sự thật, khi chúng ta thừa nhận sự thật, khi chúng ta nói sự thật, và dựa trên hai cộng hai mãi mãi vẫn là bốn.

Martin Luther đã nói: hãy phạm tội thật táo bạo!  Ông muốn nói rất nhiều về điều này, nhưng chắc chắn điều ông muốn nói là mối nguy hiểm tối hậu đối với tinh thần và đạo đức của chúng ta là che đậy yếu điểm của mình bằng cách nói dối, vì Satan là Vua của Dối trá!

Rev. Ron Rolheiser, OMI

From: Langthangchieutim

CẦU NGUYỆN

CẦU NGUYỆN:

Lạy Chúa Giêsu, sám hối không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ chúng con không đủ khiêm tốn để nhận mình lầm lỗi. Chúng con ngỡ ngàng khi thấy Chúa là Đấng vô tội, mà lại đứng chung với các tội nhân, chờ Gioan ban phép rửa. Chúa đã muốn nên bạn đồng hành với phận người mỏng dòn yếu đuối chúng con.

Xin cho chúng con biết thường xuyên điều chỉnh lối nghĩ và lối sống của mình, tỉnh táo để khỏi rơi vào ảo tưởng, thành thật để khỏi tự dối mình. Ước gì Chúa ban cho chúng con ơn hoán cải, dám đi đến những hành động cụ thể, và chấp nhận những cắt tỉa đớn đau. Nhưng xin đừng quên ban cho chúng con niềm vui của Gia kêu, hạnh phúc vì được tự do và được yêu mến.

Thanh Le Chu Nhat Le Chua Giesu Chiu Phep

Rua va Kinh Thanh Gregory of Nyssa.

From: Anh NguyenNThu

QUA PHÉP RỬA CỦA CHÚA GIÊSU NHẮC NHỞ CHÚNG TA GIỮ MÌNH LUÔN SẠCH TỘI

QUA PHÉP RỬA CỦA CHÚA GIÊSU NHẮC NHỞ CHÚNG TA GIỮ MÌNH LUÔN SẠCH TỘI

Tuyết Mai

Con cái của Thiên Chúa trên thế trần ai ai cũng biết rằng Chúa Giêsu của chúng ta Ngài đâu cần Phép Rửa vì Ngài đâu có mắc tội tổ tông truyền nhưng vì Ngài được sinh ra trong thế gian, mặc lấy xác phàm nên Ngài cũng đã phải chịu Phép Rửa để làm gương cho muôn dân nước.

–*–

Người đời chúng ta thường khi nghe nói đến từ “rửa” thì liền nghĩ đến ngay đến sự rửa ráy cho sạch những gì dơ bẩn bám trên thân thể, quần áo, vật dụng, nhà cửa, v.v… Và có phải người đời thường của chúng ta ai cũng thích, cũng chuộng sự sạch sẽ thơm tho nhất là vấn đề vệ sinh cá nhân vì ngay cả chính chúng ta cũng không chịu nổi cái mùi mồ hôi của chính mình.

**

Đấy là chúng ta nói về vấn đề thân xác rất dơ bẩn và hay chết của chúng ta, sẽ đến một ngày nào đó thật bất ngờ thì thân xác nó cũng sẽ bị ra thối tha và rữa tan vào lòng đất lạnh nhưng điều đáng sợ ở đây là Linh Hồn chúng ta nó sẽ sống muôn đời vì là giống thiêng liêng chẳng hề chết được và tùy vào Linh Hồn của mỗi người ấy có luôn giữ cho được sạch tội hay để cho quá dơ bẩn vì tội lỗi bám đầy theo thời gian?.

**

Khi nói đến một Linh Hồn sạch sẽ và một Linh Hồn dơ bẩn đến như thế nào, thiết nghĩ ai trong chúng ta là người Kitô hữu cũng hiểu được điều đó cả … Ấy là khi chúng ta còn sống trên cõi đời tạm bợ này đối với một Linh Hồn sạch sẽ thì nó luôn có sự yêu thương, khiêm nhường, tôn trọng người, bác ái, hy sinh và tha thứ cho nhau vô điều kiện.

–*–

Còn ngược lại những Linh Hồn luôn sống trong tham lam, kiêu ngạo, ganh tị, khinh rẻ và bạc đãi người anh em, thù ghét và gieo họa cho người thì Linh Hồn ấy hẳn rất là dơ bẩn, bất xứng trước Nhan Thiên Chúa. Vì như viên ngọc quý Chúa ban cho mà chúng ta lại dám coi thường và vứt nó vào xó nhà. Lâu ngày chầy tháng, nó bị bụi trần chúng đóng bám đầy đến độ nó trở thành một cục đá rất xấu xí và rất nặng nề mà tự chính mình không thể nào chùi rửa được nữa.

**

Ai trong chúng ta con cái Chúa cũng vinh hạnh nhận được Phép Rửa từ ở tuổi sơ sinh cho đến ở tuổi gần mãn đời cũng được Thiên Chúa yêu thương đồng đều nhưng mỗi Linh Hồn thì không đồng đều nhau là do tự ý chúng ta đã chọn cách sống tốt lành hay xấu xa đầy tội lỗi trong suốt thời gian chúng ta sống trên cõi đời rất vô thường này.

–*–

Nên Phép Rửa của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta hằng năm là cố gắng sống đẹp lòng Chúa qua thanh tẩy cuộc đời và tâm hồn của mình bằng cách tìm đến Tòa Giải Tội để hòa giải cùng với Chúa ít là một năm một lần. Cố gắng giảm bớt hay từ bỏ bớt sự sống kiêu ngạo, tham lam, gian dối, lừa lọc, và hãm hại người nhất là trong thời đại dịch Covid-19 này vì không ai biết trước được ngày mai ta sẽ ra sao?.

–*–

Thay vào đó là tăng lòng sốt mến yêu kính Chúa hơn, yêu tha nhân hơn, siêng năng đọc kinh Mân Côi và qua mọi việc chúng ta làm cách hy sinh dù ít hay nhiều; để bảo đảm linh hồn của chúng ta sau khi lìa trần thì linh hồn chúng ta sẽ được Thiên Chúa đón nhận vào Nơi có sự sống hạnh phúc muôn đời trên Thiên Đàng.

–*–

Nơi có Thiên Chúa Cha, Chúa Con, Chúa Thánh Thần, Đức Mẹ Maria, cùng toàn thể các đạo binh, các thánh và tất cả anh chị em trên Thiên Quốc. Amen.

Y tá con của Chúa,

Tuyết Mai

9 tháng 1, 2021

MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

MỘT KỶ NGUYÊN MỚI

 TGM Giuse Vũ Văn Thiên

Chúa nhật tuần trước, chúng ta đã cử hành lễ Hiển Linh, Chúa Giêsu được giới thiệu cho muôn dân mà đại diện là ba nhà đạo sĩ đến từ phương Đông.  Hôm nay, Phụng vụ giới thiệu với chúng ta một cuộc “thần hiện” khác qua việc Chúa Giêsu chịu phép rửa.  Sự kiện này được trình bày như một nghi thức phong vương long trọng.  Qua nghi thức này, chính Chúa Cha giới thiệu với nhân loại về Chúa Con và sứ mạng của Người.  Chúa Thánh Thần cũng xuất hiện dưới hình chim bồ câu và đậu trên Chúa Giêsu.

Dưới ngòi bút của thánh sử Maccô, Chúa Giêsu được diễn tả như một Môisen mới.  Nếu ông Môisen trong Cựu Ước đã dẫn Dân Thánh đi qua biển đỏ, thì nay, Chúa Giêsu cũng dẫn nhân loại vượt qua tội lỗi đến đạt tới sự thánh thiện.  Cách nói “vừa lên khỏi nước” gắn liền với nghi thức thanh tẩy Chúa Giêsu đã lãnh nhận từ tay ông Gioan Tẩy giả, phần nào muốn nhắc tới cuộc vượt qua biển đỏ của dân Do Thái trong lịch sử.

Chi tiết kể lại việc “Chúa Giêsu thấy tầng trời mở ra” có ý nghĩa tượng trưng rất sâu sắc: theo truyền thống Do Thái, cửa trời đã đóng lại sau những vị ngôn sứ cuối cùng (Agê, Giacaria, Malakia) ở thế kỷ thứ V trước Công nguyên.  Mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người cũng vì thế mà gián đoạn.  Trước khi Chúa Giêsu đến trần gian, dường như hoạt động của Thần Khí đã bị ngưng lại.  Với Chúa Giêsu, mọi sự đã thay đổi.  Kỷ nguyên mới đã khai mào.  Việc các tầng trời mở ra (nguyên văn tiếng Hy lạp: trời xé toạc ra) chứng minh cho thấy mối liên hệ giữa Thiên Chúa và con người không còn ngăn cách nữa, mà được nối lại.  Chúa Thánh Thần ngự xuống trên Chúa Giêsu như dấu hiệu của thời cứu rỗi và của cuộc sáng tạo mới.  Hình ảnh Chúa Thánh Thần ngự xuống nơi Chúa Giêsu dường như phác họa lại thời hoang sơ, trước khi Thiên Chúa thực hiện công trình sáng tạo của Người: “Thần Khí Chúa bay là là trên vực thẳm hỗn mang” (St 1,2).  Việc Chúa Thánh Thần dưới hình dạng chim bồ câu giúp chúng ta liên tưởng đến con chim ngậm cành ôliu sau trận Đại hồng thủy trong Cựu Ước.  Thần Khí Chúa đến để loan báo cho nhân loại biết thời gian trừng phạt của Chúa đã mãn (x. St 8,8-11).  Cũng giống như nước hồng thủy đã rút và một nhân loại mới tinh tuyền thánh thiện đã khởi đầu, thời kỳ cứu độ trong ân sủng đã khai mào trong Chúa Giêsu và nhờ Chúa Giêsu.  Vì vậy, từ thời các Giáo phụ, trận lụt Đại hồng thủy, cũnng như cuộc vượt qua Biển Đỏ, đã được chú giải như hình bóng của Bí tích Thanh tẩy của các Kitô hữu.

Một chi tiết nữa rất quan trọng trong trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa trong Tin Mừng Thánh Máccô, đó là tiếng nói từ trời.  “Tiếng nói từ trời” là cách diễn tả Thiên Chúa của người Do Thái, như kiểu người Việt chúng ta kiêng tránh phạm húy.  Tiếng nói ấy đã khẳng định: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”  Đây cũng là một lời giới thiệu Đấng Mêsia cho nhân loại.  Những người hiện diện hôm đó ở bờ sông Giođan, khi nghe câu tuyên bố của Chúa Cha, chắc chắn liên tưởng đến những lời của Cựu Ước: “Con là con Ta, hôm nay Ta đã hạ sinh ra con” (Tv 2,7); hoặc: “Đây là tôi tớ mà Ta tuyển chọn.  Ta hài lòng về Người” (Is 42,1-2).

Vì những chú giải ở trên, sự kiện Chúa Giêsu chịu phép rửa được hiểu như một cuộc “thần hiện”, qua đó, sứ mạng của Chúa Giêsu được giới thiệu công khai cho dân chúng.  Người là Đấng Cứu độ trần gian.  Người đã khởi đầu sứ mạng một cách rất khiêm tốn, hòa vào dòng người đang nhận mình là tội nhân và sám hối bằng cách dìm mình xuống dòng sông để được ông Gioan thanh tẩy.

Theo giáo huấn của Giáo Hội Công giáo, khi chấp nhận dìm mình xuống dòng sông Giordan và lãnh phép rửa bởi tay ông Gioan, Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Tẩy, để rồi từ nay, những ai được dòng nước thiêng ấy tẩy rửa, họ sẽ được tha tội Tổ tông và các tội khác đã phạm, trở nên một tạo vật mới tinh tuyền thánh thiện.  Thánh sử Maccô đã nhìn thấy bản chất siêu nhiên của bí tích Thanh Tẩy Kitô giáo, khi ghi lại lời của Gioan Tẩy giả: “Tôi thì tôi đã làm phép rửa cho anh em bằng nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em bằng Thánh Thần.”  Như vậy, trong nghi thức Thanh tẩy, linh mục chủ sự chỉ đóng vai trò như ông Gioan Tẩy giả, còn chính Chúa Giêsu thanh tẩy chúng ta và ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần.  Nhờ việc ban Chúa Thánh Thần, chúng ta trở nên những người con cái của Thiên Chúa, là người đồng thừa tự với Chúa Giêsu, tức là cùng với Người hưởng gia nghiệp vĩnh cửu mà Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.  Nhờ Chúa Giêsu và trong Chúa Giêsu, chúng ta cũng trở nên những người con yêu dấu của Chúa Cha.  Nhờ bí tích Thanh tẩy, chúng ta chấm dứt cuộc sống cũ và bước sang thời đại mới, thời đại của ơn cứu rỗi.  Huyền nhiệm vinh dự của phép Thanh tẩy chỉ có thể cảm nhận bằng Đức Tin, vì “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối của các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng của các ngươi chừng ấy” (Bài đọc I).

Nếu Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trên Chúa Giêsu dưới hình chim bồ câu, thì vào ngày chúng ta được lãnh nhận Bí tích Thanh Tẩy, chúng ta cũng được lãnh nhận Chúa Thánh Thần như vậy.  Chính Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta Đức tin và soi sáng giúp chúng ta nhận biết Đức Giêsu là Đấng Cứu độ nhân loại.  Có Đức tin là một ơn Chúa ban.  Chúng ta ngỡ ngàng trước mầu nhiệm Thiên Chúa làm người, giống như chúng ta và đã chết trên cây thập giá, đã sống lại vào ngày thứ ba.  Đương nhiên chúng ta chưa thể hiểu hết những mầu nhiệm này.  Tuy vậy, khi thinh lặng quỳ gối cầu nguyện, chúng ta nhận ra những màu nhiệm ấy là có thật.  Khi chiêm ngắm cầu nguyện trước Thánh Thể, là một mầu nhiệm con người không thể hiểu thấu, chúng ta ra về với tâm hồn thanh thản và được tăng thêm sức mạnh.

“Đây là con Ta yêu dấu!”  Chúa Cha đã nói những lời ấy về Chúa Giêsu.  Khi được thanh tẩy, Chúa Cha cũng nói về chúng ta như thế.  Xin cho chúng ta trở nên hiện thân của Người giữa trần gian, để đem niềm vui và hy vọng đến cho cuộc đời.

 TGM Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim

The-baptism-of-Christ-andrea-del-verrocchio-and-leonardo-da-vinci.jpg

KHÔNG THỂ TUYỆT VỜI HƠN

KHÔNG THỂ TUYỆT VỜI HƠN

Thiên Chúa là Tình Yêu.”

Kính thưa Anh Chị em,

Nói đến Thiên Chúa, hẳn sẽ không có một định nghĩa nào có thể sâu sắc và giàu ý nghĩa hơn định nghĩa của Thánh Gioan hôm nay, “Thiên Chúa là Tình Yêu”; và trong cách thức Thiên Chúa yêu thương, Gioan đã có một nhận định ‘không thể tuyệt vời hơn’, “Chính Người đã thương yêu chúng ta trước.”  Tình yêu mẫn cảm đó thể hiện nơi Chúa Giêsu qua Tin Mừng hôm nay, “Thấy dân chúng đông đảo thì động lòng thương xót họ”; trái tim chạnh thương của Chúa Giêsu khiến Ngài phải ra tay khi Ngài bảo các môn đệ, “Các con hãy cho họ ăn đi!”

Trong mùa Giáng Sinh, khi chọn đọc trình thuật bánh cá hoá nhiều nuôi sống năm ngàn người, phải chăng Hội Thánh muốn nói đến tình yêu tự hiến của Thiên Chúa ngay từ trũng thấp Bêlem.

“Bêlem” có nghĩa là “Nhà Bánh”; nơi ngôi nhà này, Thiên Chúa muốn gặp gỡ toàn thể nhân loại, một nhân loại đông đảo, tất tưởi, đáng thương; một nhân loại đang đói và khát.  Hài nhi Giêsu biết con người cần cơm bánh để nuôi sống thể xác và cần một cái gì đó để nuôi sống tâm hồn; Ngài biết, các thứ dinh dưỡng trên thế gian này không làm cho lòng người thoả mãn.  Và như thể Ngài muốn nói, ‘Tôi ở đây với tư cách là lương thực của anh em’; Ngài tự giới thiệu chính mình như một của ăn; Ngài trao tặng chính bản thân Ngài. ‘Không thể tuyệt vời hơn’!

Tại Bêlem, chúng ta khám phá ra rằng, Thiên Chúa không phải là người lấy mất sự sống, nhưng là Đấng trao ban sự sống.  Thân xác bé nhỏ của hài nhi Giêsu ở Bêlem mở ra một mẫu sống mới, ‘Không ngấu nghiến và tích trữ, nhưng chia sẻ và cho đi.’  Một Thiên Chúa co rút mình lại để nên nhỏ bé, làm lương thực cho chúng ta; để một khi được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, chúng ta được tái sinh trong tình yêu; và những tham lam vô độ nhất định phải được nghiền nát đi.  Ngắm nhìn hang đá, chúng ta hiểu rằng, điều nuôi dưỡng sự sống, kéo dài sự sống không phải là sở hữu, nhưng là tình yêu; không phải là ham hố, nhưng là bác ái; không phải là thừa mứa để khoe mẽ, nhưng là sự giản dị mà người ta phải bảo vệ; thật ‘không thể tuyệt vời hơn!’

Như thế, Bêlem không còn tanh tưởi và lạnh lẽo; nhưng ở đó, chúng ta ngửi thấy hương thơm và sự nồng ấm của một sự sống mới, hương thơm của giản dị đến mong manh của hài nhi Giêsu; hương thơm của nhẫn nhịn đến lặng lẽ của Giuse và Maria; hương thơm của hồn nhiên đến ngây ngất của các mục đồng.  Ấy thế, đó là những con người đã lên đường!  Mẹ Maria, Thánh Giuse, các mục đồng là những con người đã lên đường, và Chúa Giêsu chính là lương thực cho sự lên đường, ‘không thể tuyệt vời hơn!’  Với chúng ta hôm nay, Ngài cũng muốn có một chuyển động, Ngài nóng lòng thôi thúc hai tỷ Kitô hữu trên thế giới hãy mau chóng đứng dậy và ra đi, để cũng có thể trở nên những tấm bánh bẻ ra cho người khác.

Ngày kia, một viên chức giàu có công khai trách cứ một người cha gia đình là keo kiết vì ông này đóng góp quá ít trong dịp Giáng Sinh.  Hôm sau, người này đến gặp riêng ông nhà giàu và cho biết, gia đình ông đã chỉ sống bằng khoai lang và nước lã mấy tuần qua.  Ông giải thích, đã hơn một năm, trước khi trở lại đạo, ông phải thanh toán nợ nần; đã trả hết cho từng chủ nợ.  Ông nói, “Chúa Kitô đã biến tôi thành một người lương thiện”; “Vì thế, tôi chỉ có thể dâng một ít của lễ như một người đã cố hoà nhập với những hàng xóm lương dân của mình và cho họ thấy ân sủng Chúa có thể làm gì trong trái tim của một người đã từng bất lương.”  Nghe thế, trái tim ông nhà giàu quặn thắt, vô cùng hối hận và ông đã ký một tấm check lớn cho người cha tân tòng; sau đó, ông nhà giàu đã bán mọi sự và làm nhà bảo trợ của một viện tế bần, ‘không thể tuyệt vời hơn’!

Anh Chị em,

Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta chính Con Một Người, Ngài là hiện thân đích thực của tình yêu Thiên Chúa.  Chính tình yêu đã khiến Ngài hiến thân làm bánh nuôi sống chúng ta mỗi ngày trên dương thế.  Thật ‘không thể tuyệt vời hơn!’  Nhờ của nuôi ấy, giờ đây, Ngài đang mời gọi chúng ta như đã mời ông nhà giàu trên, “Chính anh em hãy cho họ ăn!”  Không phải ai khác, chúng ta hãy cho họ ăn ‘chính bản thân mình’ như Chúa Giêsu đã cho.  Điều này có nghĩa là, chúng ta cống hiến tất cả bằng tình yêu như Chúa Giêsu đã cống hiến.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con luôn trở nên tấm bánh bẻ ra cho anh em con; cho con dám yêu thương hiến mình như Chúa.  Chính Chúa sẽ làm cho những gì ít ỏi của con góp phần để anh em con bớt khổ đau, và quan trọng hơn, được cứu độ đời đời.  Thật ‘không thể tuyệt vời hơn!’” Amen.

Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

From: Langthangchieutim

LoavesFishes.jpg

ĐẠO CÔNG GIÁO ĐẸP QUÁ VÀ XẤU QUÁ

ĐẠO CÔNG GIÁO ĐẸP QUÁ VÀ XẤU QUÁ

 Lm. Bùi Tuần

Một ông bạn đến thăm. Bạn mới toanh. Mình chỉ mới biết chứ chưa quen và chưa dám thân. Vừa ngồi xuống ghế, ông vô đề cái rụp:

– Anh là linh mục. Tôi là mácxít. Nhưng chúng mình cứ chân thành nói chuyện với nhau. Không ai ngại ai. Đừng ai sợ ai.

– Đồng ý. Tôi chỉ ước mong có bấy nhiêu thôi.

– Tôi công nhận đạo của anh có chân lý, vì nó tồn tại hai mươi thế kỷ. Tôi cố tìm hiểu đạo của anh, nhưng tìm hoài không ra. Tôi đọc Victor Hugo, tôi thấy đạo của anh rất mâu thuẫn. Đọc cuốn “Những Kẻ Khốn Cùng”, tôi thấy đạo của anh đẹp quá. Đọc cuốn “NhàThờ Đức Bà Paris”, thì lại thấy đạo của anh bẩn quá. Vậy thì đạo của anh là gì?

– Đọc Victor Hugo, anh chỉ thấy chúng tôi, chỉ thấy Giáo Hội, chứ chưa thấy ĐẠO. Chúng tôi không phải là ĐẠO. Đức Giêsu mới là ĐẠO. Chúng tôi hay Giáo Hội của chúng tôi, chỉ là những người tội lỗi đang lẽo đẽo theo sau Đức Giêsu, để tìm ơn cứu độ. Giữa Đức Giêsu và chúng tôi còn một khoảng cách xa vời vợi.

– Làm thế nào để hiểu biết Đức Giêsu?

– Phải đọc Thánh Kinh.

– Thánh Kinh bán ở đâu?

– Có đâu mà bán.

– Tại sao vậy?

– Anh hiểu rõ hơn chúng tôi. Nhưng hy vọng chánh sách sẽ mở rộng từ từ…

Mình và ông mácxít ngồi tâm sự rỉ rả với nhau từ tám giờ tối, đến mười giờ đêm. Tin tưởng và chân thành dìu cả hai người đi vào mọi ngóc ngách lịch sử của cả đạo lẫn đời.

Mình không ngại kể lại cho ông bạn sơ giao nghe những trang sử đen tối nhất của GiáoHội. Thời Trung Cổ Giáo Hội đã phạm những sai lầm ngoài sức tưởng tượng của mình.Đó là chia rẽ Kitô giáo; tòa án tôn giáo; cuộc chiến dai dẳng giữa Công giáo và Hồi giáo; đời sống luân lý sa đọa ngay tại Vatican.

Mình kể chuyện Giáo Hội yếu đuối, mà lòng không e ngại. Dường như mình cảm thấy rằng khiêm tốn nhìn nhận lỗi lầm của Giáo Hội cũng là chứng tá của Tin Mừng. Thánh Phalô đã không giấu giếm cái quá khứ tội lỗi của mình. Ngài thấy mình yếu đuối bao nhiêu thì càng thấy ơn Chúa hùng mạnh bấy nhiêu. Thánh Phêrô trên đường truyền giáo, chắc chắn không quên kể lại chuyện mình chối Chúa ba lần. Kể chuyện mình chối Chúa, mà cả người kể lẫn người nghe đều cảm thấy lòng mình thương Chúa nhiều hơn.

Hôm nay ông bạn mácxít được nghe chuyện xấu xa của Giáo Hội nhiều hơn ông đã từng biết. Ông không ghét, ông không khinh Giáo Hội. Dường như ông thông cảm với Giáo Hội, y như ông thông cảm với thân phận yếu đuối chung của loài người và của chính ông. Dường như ông cũng bắt đầu thấy rằng dưới gầm trời chẳng có ai là thánh. Ai khoe mình là Thánh, thì chỉ là khoác lác, chỉ là cuồng si, chỉ là không tưởng…

Mình cảm thấy rằng khi hai người đối thoại với nhau mà không thành kiến, không hận thù, thì họ sẽ thấy những khuyết điểm của nhau chỉ là đáng tiếc, chứ không đáng khinh dể. Bây giờ ông bạn mácxít của mình không còn thắc mắc tại sao “đạo của anh bẩn quá”. Ông chỉ còn muốn biết Đức Giêsu là thế nào. Mình kể cho ông nghe ba câu chuyện của ba người.

Người thứ nhất là ông Philip.

Sau khi được Đức Giêsu mời gọi làm đệ tử, Philip vội vàng đi khoe với ông bạn Nathanael: “Đấng mà Môsê và ngôn sứ nói tới, thì chúng tôi đã gặp rồi, đó là Đức Giêsu con ông Giuse, người làng Nagiarét”. Nói tới Nagiarét một làng nổi tiếng quê mùa, Nathanael cả cười và phê một câu chắc nịch: “Chẳng có điều gì tốt mà lại xuất phát từ Nagiarét”. Philip đành chịu thua, nhưng khuyên bạn: “Anh hãy đến mà xem”. Nathanael đến gặp Đức Giêsu và đã tin Người là Đấng Cứu Thế.

Mình khuyên ông bạn mácxít của mình: “Anh hãy nuôi ước muốn tìm hiểu Đức Giêsu. Ngài sẽ trực tiếp giúp anh”.

Người thứ hai là đại danh hào Lep Tolstoi.

Tolstoi say mê kinh “Phước Thật Tám Mối”. Đó là bài giảng quan trọng nhất của Đức Chúa Giêsu. Đó là chân dung hoàn hảo nhất của một Kitô hữu chân chính. Tolstoi đã giới thiệu kinh này cho Thánh Gandhi của Ấn Độ. Thánh Gandhi đã phát biểu ý kiến của mình về kinh “Phước Thật Tám Mối” như sau:

“Sau khi đọc kinh phước thật tám mối, tôi rất yên tâm tiếp tục cuộc đấu tranh bất bạo động của mình để giành độc lập cho quê hương Ấn Độ”.

Người thứ ba là đại danh hào Dostoievsky.

Dostoievsky bất mãn với Giáo Hội thời Trung Cổ. Trong cuốn “Anh Em Nhà Karamasov” ông đã dựng nên một vở tuồng cực ngắn mô phỏng một vị hồng y ngồi ghế chánh án xử một tín đồ về tội không tin theo giáo huấn của Giáo Hội. Người tín đồ ấy bị đưa lên giàn hỏa thiêu. Phần kết của vở tuồng, Dostoievsky cho đức hồng y chánh án đối chất với Đức Giêsu đang bị giam ở tầng hầm của tòa giám mục, “Xin Ngài nhớ là trước khi về trời, Ngài đã trao mọi quyền hành trên trời và dưới đất cho chúng tôi rồi mà. Tại sao bây giờ Ngài lại đến xía vào việc của chúng tôi…”.

Dostoievsky bất mãn với cái xấu của Giáo Hội, một tập thể yếu đuối đang đi tìm ơn cứu độ nơi Đức Giêsu. Nhưng ông lại tuyệt đối tin tưởng vào Đức Giêsu. Ông tuyên tín như sau: “Đức Giêsu là Chân-Thiện-Mỹ tuyệt đối. Nếu có ai bảo rằng Đức Giêsu không có chân lý thì tôi, Dostoievsky, vẫn đứng về phía của Người”.

Mình hứa sẽ tìm cho ông bạn mácxít của mình một cuốn sách Thánh Kinh. Đọc Thánh Kinh để biết Đức Giêsu. Đọc Thánh Kinh còn giúp người đọc hiểu sâu sắc hơn về các tác phẩm văn chương của Châu Âu. Mình đan cử một ví dụ:

V.Gheorghiu tác giả của cuốn “Giờ Thứ Hai Mươi Lăm” kể chuyện: một người đàn bà nghèo tên là Aritiba có một người chồng mà dư luận cho là có dòng máu Do-Thái. Đó là thời điểm đang bùng vỡ phong trào bài Do Thái. Người đàn bà này sợ quá, nhưng không dám hỏi chồng. Bà cứ nom nóp lo sợ, cứ âm thầm thắc mắc. Cho tới buổi tối hôm ấy, chồng của bà hấp hối. Bà đứng khóc thút thít bên giường người chồng sắp ra đi. Khi ông vừa ngáp một cái rồi tắt thở, thì bà vội kéo quần ông xệ xuống một cái rồi kéo trở lại ngay. Bà hốt hoảng lấy tay làm dấu Thánh giá…

Mình hỏi ông bạn:

– Anh có biết tại sao bà kéo quần của chồng xệ xuống, rồi vội kéo lên ngay không? Anh có hiểu tại sao bà ta hốt hoảng và làm dấu Thánh giá không?

– Tôi chưa kịp hiểu. Anh hỏi tôi mới để ý.

– Bà kéo quần chồng xệ xuống mới phát giác ra rằng quả thật chồng bà là người Do Thái.Theo luật, thì mọi người Do Thái phải cắt bỏ da bọc quy đầu. bà đã thấy, bà sợ quá. Khi sợ quá người bên đạo chúng tôi thường làm dấu Thánh giá như một phản xạ. Nếu anh đọcThánh Kinh, anh sẽ tìm hiểu ngay chi tiết có vẻ hơi bí mật này.

– Có lý. Anh kiếm cho tôi một cuốn Thánh Kinh nha.

Lm. Bùi Tuần

NGƯỜI KHÁCH CUỐI CÙNG

NGƯỜI KHÁCH CUỐI CÙNG

Chuyện xảy ra ở Bêlem vào lúc trời rạng sáng, sao lạ vừa từ giã hang bò lừa để trở về. Đức Maria xếp lại đống rơm và Hài Nhi sắp ngủ… thì cánh cửa nhẹ nhàng mở ra. Một người đàn bà xuất hiện ở cửa, áo rách rưới, rất già và nhăn nheo đến độ trên khuôn mặt ấy, người ta có cảm tưởng cái miệng của bà cũng chỉ là một vết nhăn mà thôi.

Thấy bà, Maria sợ như thể một bà tiên dữ mang xui xẻo nào đến! Nhưng may thay, Hài nhi đang ngủ. Chú lừa và chú bò lặng lẽ nhai rơm, nhìn người khách lạ tiến vào, không một chút ngạc nhiên, y như chúng đã biết bà ấy từ lâu. Trái lại, Maria không ngừng đưa mắt theo dõi. Mỗi bước chân của bà đối với Maria hình như dài bằng cả thế kỷ. Bà già tiếp tục bước tới và bây giờ bà ở bên máng cỏ. Bé Giêsu vẫn say sưa ngủ.

Bất chợt Hài nhi mở to đôi mắt và mẹ Ngài ngạc nhiên khi thấy cặp mắt của con Mẹ và đôi mắt của người đàn bà hoàn toàn giống nhau, cùng chiếu lên một niềm hy vọng. Bà già cúi mình trên đống rơm trong khi bàn tay lục lọi trong mớ áo quần rách nát một vật gì đó. Maria luôn nhìn bà một cách lo lắng. Các con vật cũng nhìn, nhưng chúng không có vẻ gì ngạc nhiên như thể đã biết cái gì sẽ xảy ra.

Cuối cùng, bà già tìm được nó và kéo ra từ trong bộ quần áo cũ kỹ một vật được giấu trong bàn tay, bà đưa cho Hài nhi.

Sau các kho tàng của Ba Vua và các lễ vật của các mục đồng, thì quà tặng này là cái gì thế? Bà này từ đâu đến, Maria không được biết. Nàng chỉ thấy cái lưng còng với số tuổi của bà còn còng hơn nữa khi cúi xuống trên cái nôi. Nhưng chú bò và chú lừa thấy mà vẫn không ngạc nhiên tí nào. Và như thế kéo dài khá lâu.

Cuối cùng bà già đứng thẳng người lại như trút khỏi một vật gì quá nặng đã kéo ghì bà xuống đất. Đôi vai của bà hết còng, khuôn mặt bà đã tìm lại được vẻ trẻ đẹp diệu kỳ. Bà dời cái nôi để ra cửa và biến mất trong đêm tối từ nơi bà đã đến. Cuối cùng, thì Maria cũng thấy được quà tặng kỳ diệu của bà.

Eva (chính là bà già) vừa trao lại cho Hài nhi một trái táo nhỏ, trái táo của tội đầu tiên (và của bao nhiêu tội tiếp theo) – Và trái táo nhỏ đó rạng sáng ở đôi tay em bé sơ sinh như qủa điạ cầu của một thế giới mới vừa sinh ra với Hài nhi.

***

Niềm hạnh phúc và sự thánh thiện nguyên thủy của Adam, Eva chính là cảm nhận được thân phận thụ tạo của mình và sống hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Con người chỉ được thành toàn trong sự liên kết với Thiên Chúa mà thôi. Đây là cái nghịch ly’ nhất của Kitô giáo: “Con người càng được tự do khi nó càng sống lệ thuộc vào Thiên Chúa”. Nhưng ông bà đã muốn chối bỏ thân phận thụ tạo có giới hạn của mình, muốn có tự do tuyệt đối. Khi ăn trái cấm, Adam Eva muốn trở thành Thiên Chúa, nghĩa là muốn lật đổ Thiên Chúa và gạt bỏ Ngài ra ngoài cuộc sống. Ông bà muốn đi tìm tự do: Tự do để thoát khỏi Thiên Chúa, tự do được trở thành Thiên Chúa. Xét cho cùng, đó là thứ tự do thoát khỏi thân phận con người, không còn muốn làm người nữa. Và dĩ nhiên, khi không còn muốn làm người nữa, thì chỉ còn làm thú vật mà thôị Đúng như lời triết gia Pascal đã nói: “Con người không phải là thiên thần, cũng chẳng phải thú vật. Ai muốn làm thiên thần thì sẽ trở thành thú vật.” Đó chính là ý nghĩa của tội mà nguyên tổ đã phạm, và đã để lại hậu qủa cho loài người.

Vì thế, khởi đầu của lịch sử, tội ác đã đi vào trong thế gian, tội ác đã ở ngay trong bản tính con ngườị Đó là một trong những khẳng định nền tảng của Kitô giáo. Vâng, tội ác chính là một mầu nhiệm, bởi vì con người không hiểu được tại sao mình phạm tội và hướng chiều về điều xấu. Thánh Phalô đã có một kinh nghiệm rất người khi Ngài thốt lên: “Điều thiện tôi muốn, tôi không làm, còn điều ác tôi không muốn, tôi lại làm”.

Tuy nhiên, Kitô giáo không chỉ là bức tranh buồn thảm về tội lỗi của con người, mà thiết yếu chính là một Tình Yêu được tỏ bày. cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Ngài vẫn yêu thương con ngườI. Không phải tội lỗi, nhưng chính Tình Yêu mới là tiếng nói cuối cùng trong lịch sử nhân loại. Tội lỗi không chỉ là điều ác, mà chính là một xúc phạm đến Thiên Chúa.

Vì thế, Thiên Chúa đã trao tặng cho chúng ta Người-Con-Chí-Ái để giao hoà lại chúng ta với Ngài, xóa đi tội ác con người đã phạm tội và nâng con người lên địa vị làm con Thiên Chúa. “Tội Hồng Phúc” chính là đây. Tội lỗi làm sao được coi là hồng phúc? Chỉ có “Thiên Chúa là Tình Yêu” mới có thể biến tội lỗi thành hồng phúc. Chỉ có Tình Yêu vô cùng bao la và sâu thẳm của Thiên Chúa mới có thể làm cho con người “có tội” trở nên “có phúc”. Nói cách khác, chính vì phạm tội mà con người được diễm phúc đón nhận Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người để cứu chuộc, tha thứ và yêu thương. Vâng, Ngôi Hai Giáng Sinh chính là lời tỏ tình đẹp nhất mà Thiên Chúa muốn ngỏ với con người. Cũng chính Hài Nhi Giáng Sinh đã biến đổi trần gian tội lỗi thành một thế giới mới tràn đầy ân sủng và tình thương.

***

Lạy Chúa Hài Đồng, tình yêu và sự trao ban là món quà quí giá nhất mà Chúa muốn tặng cho con người. Xin cho con từ nay luôn biết dốc cạn quả tim mình để yêu thương và trao ban cho anh em con.

Thánh Augustinô đã nói: “Giới hạn của tình yêu là yêu không giới hạn”. Vậy lạy Chúa, dù có bị xúc phạm và khước từ, xin cho con luôn sống xứng đáng là người con đích thực của một Thiên Chúa Tình Yêu, luôn sẵn sàng tha thứ và yêu thương hết cho mọi người.” Amen

Thiên Phúc

 

From: ngocnga_12 & KimBang Nguyen

 CHỨNG NHÂN LẶNG LẼ

 CHỨNG NHÂN LẶNG LẼ

“Người ta nghe tiếng khóc than nức nở,

đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ rất ngạc nhiên khi nói, trước cả cái chết của Têphanô, vị thánh phó tế, các trẻ sơ sinh thời Chúa Giêsu giáng thế là những chứng nhân tử đạo đầu tiên của Ngài; bằng chứng là Giáo Hội tôn kính các Thánh Anh Hài như các vị thánh tử đạo. Thật bất ngờ, những trẻ này nói với chúng ta nhiều điều nhân dịp Giáng Sinh, dẫu đó là những ‘chứng nhân lặng lẽ’ không mấy ai chú ý.

Trước hết, các trẻ này nói rằng, ‘Kìa, sự độc ác của con người sâu xa đến mức, khi ai đó muốn duy trì quyền lực, họ có thể cướp đi mạng sống của người khác!’. Thế nhưng, chính những trẻ thơ này lại âm thầm nhắc cho chúng ta về một thực tế khác rằng, ‘Có một nơi mà các chế độ chuyên chế không thể ngự trị; bởi lẽ, sẽ có một vị Vua trị vì thần dân Ngài bằng tình yêu; Vương Quốc Ngài không thể bị đánh bại bởi sự ác’. Những trẻ thơ này là sứ giả của Vương Quốc đó, Vương Quốc tình yêu của Giêsu. Các bé thơ này đã được kêu gọi để đưa ra một chứng tá lặng lẽ, gãy gọn, nhưng đầy sức mạnh về một cuộc chiến mà Vua Giêsu sẽ đích thân nghinh chiến vì tình yêu; các em là những ‘chứng nhân lặng lẽ’ đã đi trước Ngài; mẹ các em sẽ gặp lại con mình, bồng ẵm chúng mãi mãi vào một ngày nào đó trước sự chứng kiến của vị Vua đầy yêu thương.

Tiếp đến, các trẻ này đã đọc trước Kinh Lạy Cha mà vị Vua của họ sẽ dạy cho các môn đệ của Ngài, “Nước Cha trị đến!”; đây là tiếng khóc, tiếng nài van, cũng là lời cầu nguyện đầu tiên của những tâm hồn thánh thiện thơ bé. Một ngày nào đó, Tân Vương của họ sẽ trị vì trong Nước Cha; nhưng trước đó, sẽ có một cuộc chiến khủng khiếp giữa Ngài với quyền lực sự dữ; các trẻ này là những ngôn sứ quyền năng tiên báo bi kịch lịch sử của nhân loại cũng như cuộc chiến giữa vị Vua ánh sáng và ác thần của bóng tối; thư Thánh Gioan hôm nay nói, “Thiên Chúa là sự sáng, nơi Người không có sự tối tăm nào”.

Sau cùng, tiếng khóc của các thơ nhi này còn là một lời cầu nguyện mạnh mẽ được Chúa Cha nhậm lời vì Người đã lắng nghe; tiếng khóc của các em, những ‘chứng nhân lặng lẽ’ này đã khơi dậy trong trẻ Giêsu ước muốn hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc các linh hồn. Thật tuyệt vời! Ngài sẽ trị vì bằng cách hiến trọn đời mình đến nỗi chết trên thập giá như một quà tặng ân sủng cho những trẻ này và cho vô số các linh hồn qua muôn thế hệ sau Ngài và cả trước Ngài.

Hoài niệm những hài nhi vô tội cách đây hơn 2,000 năm, chúng ta nhớ các hài nhi vô tội hôm nay, hàng triệu thai nhi trên thế giới phải chết mỗi năm. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói, “Chúng ta thường xuyên nghe nói về những bước tiến nhảy vọt kỹ thuật phục vụ con người, nhất là y khoa. Tuy nhiên, bác ái và lòng nhân là những thứ mà hình như ngày càng vắng bóng hơn”.

Trong một bữa tiệc khoản đãi tại toà bạch ốc, đệ nhất phu nhân Hillary Clinton hỏi nhỏ một thực khách cùng bàn, “Bà nghĩ sao, khi mãi đến hôm nay chúng ta vẫn chưa có một phụ nữ làm tổng thống?”; người phụ nữ nhỏ thó đồng bàn không chần chừ trả lời, “Có lẽ bởi vì người phụ nữ ấy đã bị bóp chết ngay từ lúc còn là bào thai”. Đúng là câu trả lời của một vị thánh! Người phụ nữ nhỏ thó ấy không ai khác là Mẹ Têrêsa. Và ngày 22/01/1994, trong bữa điểm tâm truyền thống, cũng tại toà bạch ốc, Mẹ được mời làm diễn giả. Trước vợ chồng Bill Clinton cùng quan khách, Mẹ dõng dạc nói, “Tôi tin rằng, thủ phạm tồi tệ nhất đang huỷ hoại nền hoà bình thế giới là nạn phá thai, đó là cuộc chiến trực tiếp giết hại trẻ thơ vô tội, mà kẻ giết người chính là mẹ của chúng. Nếu nhẫn tâm chấp nhận để người mẹ ra tay sát hại con mình, làm sao chúng ta có thể nói cho người khác đừng giết nhau?”. Những tràng pháo tay từ phía cử toạ đang nhất loạt đứng lên biểu tỏ lòng ngưỡng mộ, ngoại trừ vợ chồng Bill; ông bà không đứng lên, cũng chẳng hề vỗ tay.

Anh Chị em,

Để duy trì quyền lực người ta có thể giết chết những người khác; để duy trì Vương Quốc tình yêu, Chúa Giêsu hiến dâng mạng sống Ngài. Là môn đệ Chúa Giêsu, mỗi người chúng ta được mời gọi mỗi ngày, dâng lời cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến”, đồng thời, như một ‘chứng nhân lặng lẽ’, chúng ta ra sức bảo vệ quyền lợi trẻ em; bảo vệ quyền sống, quyền học hành và quyền vui đùa của các thiên thần; đó chính là con em của chúng ta, xóm giềng của chúng ta.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn dành những gì tốt nhất của bản thân con cho các trẻ thơ Chúa trao cho con; xin cho đời con luôn là ‘chứng nhân lặng lẽ’ của tình yêu Chúa, Đấng luôn yêu mến và đề cao trẻ thơ”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế) 

From: ngocnga_12 & NguyenNThu

image.png

NIỀM VUI VÀ AN BÌNH

NIỀM VUI VÀ AN BÌNH

 Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Lời Chúa trong ba thánh lễ: thánh lễ Đêm, thánh lễ Rạng đông và thánh lễ Ban ngày đều nhấn mạnh tới chủ đề Niềm vui và an bình.  Biến cố Thiên Chúa làm người không chỉ là niềm vui của một nhóm nhỏ những người được chứng kiến, cũng không chỉ là niềm vui của dân tộc Do Thái, mà là niềm vui của toàn dân (Lc 2,10).  Vì thế mà ngôn sứ Isaia muốn hét to lên để loan truyền cho tới tận cùng trái đất rằng ơn cứu độ đang tới.  Cảnh hoang tàn sầu khổ và thân đơn goá bụa đã chấm dứt.  Không còn nước mắt nữa, bù vào đó sẽ là niềm vui.  Niềm vui này lan toả đến mọi tâm hồn, nhất là với những ai thành tâm thiện chí.  Không vui sao được, khi được chứng kiến Chúa can thiệp và lật đổ những kẻ quyền thế hùng mạnh, những chiếc áo choàng đẫm máu đào sẽ bị đốt đi (Bài đọc I).  Chiến tranh sẽ không còn và thay vào đó là vương quyền của Vua Hoà bình, từ nay sẽ lãnh đạo thế giới bằng tình thương và lòng nhân hậu.
 
Ngày Chúa đến là ngày hân hoan vui mừng, cũng là ngày khai mở kỷ nguyên hoà bình.  Ý tưởng an bình được nhắc tới rải rác trong các bài đọc Thánh Kinh.  Trước hết bình an đến từ trời cao, vì Đấng Cứu thế từ trời xuống thế để đem bình an cho nhân loại.  Bình an còn đến từ trần thế, nơi những tấm lòng chân thành rộng mở để đón Chúa.  Đức Maria, Thánh Giuse, các mục đồng ở Belem, họ là những người trước hết đã góp phần tạo nên đêm bình an kỳ diệu ấy.  Hài Nhi mới sinh say sưa trong giấc điệp, Bà Maria và Ông Giuse chiêm ngắm tôn thờ, các mục đồng cung kính suy tôn.  Đó là khung cảnh bình an tuyệt diệu, như thiên đàng nơi trần thế.  Đất với trời “xe chữ đồng”, cùng gặp gỡ nhau để rồi không bao giờ xa nhau nữa, vì Con Thiên Chúa là trung gian nối kết giữa trời với đất, như chiếc cầu nối hai bờ của một dòng sông để nhờ cây cầu ấy mà mọi người qua lại trong tình thân thiện.
 
Trong niềm vui và an bình ấy, Phụng vụ mời gọi chúng ta suy tư: Đấng Cứu thế là ai vậy?  Thánh Gioan trả lời: Người là Ngôi Lời của Thiên Chúa (Tin Mừng lễ Ban ngày).  Đức Giêsu không chỉ là con người, mà còn là Thiên Chúa.  Thánh Gioan đã tìm đến tận nguồn gốc thiên linh của Người.  Người là Ngôi Lời hằng hữu, hiện diện bên Chúa Cha từ thời sáng tạo.  Người không phải là một tạo vật, nhưng là Thiên Chúa và đồng bản thể với Chúa Cha.  Người có từ trước muôn đời.  Phụng vụ muốn chúng ta xác tín giáo huấn này, để khi đến chiêm ngưỡng Chúa Hài Đồng tại hang đá máng cỏ, chúng ta vượt lên những dấu chỉ khả giác bề ngoài để tôn thờ Thiên Chúa, Đấng đã xuống đời để cứu chuộc chúng ta.
 
Con Thiên Chúa đã mặc lấy thân phận con người và đến trần gian cách đây hơn hai ngàn năm.  Có rất nhiều người đã mở rộng tâm hồn đón Chúa, và họ được ánh sáng của Người chiếu soi.  Tuy vậy, suốt bề dày lịch sử, cũng có những người khước từ lời mời gọi đón Chúa, thậm chí phủ nhận sự hiện diện của Người.  Thánh Gioan đã nhắc lại một sự thật nghiệt ngã: “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11).  Để đón Chúa, mỗi chúng ta phải can đảm vượt lên chính mình, phải để cho ánh sáng của Chúa chiếu soi những góc khuất trong tâm hồn.  Đón Chúa đến trong đời cũng như người can đảm chấp nhận uống những liều thuốc đắng, nhưng có thể chữa khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền.  Những ai đón nhận Chúa, Người sẽ ban cho họ niềm vui, nhất là được quyền trở nên con Thiên Chúa.  Họ sẽ tìm được sự bình an đích thực, từ trong nội tâm và tồn tại vững bền.
 
Hơn hai ngàn năm đã qua, biến cố Giáng Sinh vẫn được long trọng cử hành, như điểm mốc khởi đầu của kỷ nguyên mới.  Chính Chúa Giêsu là trung gian của lịch sử.  Người đến để đem cho con người niềm vui và an bình.  Ai đón nhận người sẽ tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời.  Nhờ giáo huấn của Người mà con người sẽ trở nên “người” hơn trong mối tương quan với đồng loại.  Chúa Giêsu dạy chúng ta: người với người không phải là thù địch hay lang sói, nhưng là anh chị em với nhau và có cùng một Chúa là Cha.
 
Niềm vui và an bình khởi đi từ Hang Đá Máng Cỏ Belem năm xưa và nay đang được tỏa lan đến mọi miền thế giới, đến với mọi người, mọi nhà.  Ước mong mỗi Kitô hữu, khi mừng lễ Giáng Sinh, đều cảm nhận được niềm vui và an bình, như quà tặng mà Con Thiên Chúa mang đến cho trần gian.  Không chỉ thế, người tin Chúa còn được mời gọi trở nên những sứ giả đem niềm vui và an bình đến mọi nẻo đường của cuộc sống, để rồi qua lời nói và những nghĩa cử tốt lành, họ làm toả hương thơm của tình Chúa tình người.  Đó là những chứng từ mạnh mẽ và hiệu quả về sự hiện diện của Con Thiên Chúa giữa trần gian.

Xin Chúa cho chúng ta được hưởng trọn vẹn niềm vui và an bình của ngày lễ Giáng Sinh.  Amen!
 

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

From: Langthangchieutim

31 - Christmas 20.jpg

Cầu nguyện

Cầu nguyện:

Lạy Chúa, con được no nê mà vẫn thiếu ăn vì bên con còn có người đói lả.

Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran vì bên con còn có người đang khát. Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi vì bên con còn có người phiền muộn. Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm vì bên con còn có người mù tối. Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi vì bên con còn có người trần trụi. Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức vì bên con còn có bao người thiếu thốn.

(Myrtle Householder)

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

 From: NguyenNThu