ĐỨC TIN

ĐỨC TIN

Có một người kia, sinh ra đã bị mù, anh sống trong một gian phòng, bởi vì không nhìn thấy gì nên anh phủ nhận tất cả những gì những người chung quanh quả quyết là có: “Tôi không tin, vì tôi có thấy đâu nào.”  Một vị lương y thấy vậy thì thương hại anh, ông đi tìm một thứ linh dược chữa cho anh được sáng mắt, anh sung sướng quá, tự phụ nói: “Giờ đây tôi đã thấy được tất cả sự thật chung quanh tôi rồi.”  Nhưng có người nói với anh: “Bạn ơi, bạn mới chỉ thấy được những vật chung quanh bạn trong căn phòng này thôi.  Như thế có là bao, ngoài kia người ta còn thấy được mặt trời, mặt trăng và các tinh tú hằng hà sa số, còn biết bao vật khác mà bạn chưa thấy, bạn đừng tự phụ như vậy.”  Anh tỏ vẻ không tin, lại còn nói mạnh hơn: “Làm gì có được những cái đó, những gì có thể thấy được, tôi đã thấy tất cả rồi.”

Một vị y sĩ khác lên tận núi cao, gặp được Sơn Thần chỉ cho một thứ linh dược khác, đem về giúp cho anh được cặp mắt sáng hơn và thấy xa hơn.  Bây giờ anh thấy được mặt trời, mặt trăng và các tinh tú trên không trung.  Mừng quá và lòng tự phụ tự đắc lại tăng thêm, anh nói với mọi người: “Trước đây tôi không tin, nhưng bây giờ tôi thấy, tôi tin.  Như thế giờ đây không còn có gì mà tôi chẳng thấy, chẳng biết, đâu còn ai hơn tôi được nữa.”

Thấy anh ta tự phụ như vậy, một hiền nhân nói với anh: “Cậu ơi, cậu vừa hết mù, nhưng cậu cũng vẫn chưa biết gì cả.  Tại sao cậu lại quá tự phụ như thế?  Với chừng mực và giới hạn của tầm mắt, cậu làm gì biết có những vật ngoài ngàn dặm mà mắt cậu không làm sao thấy được.  Cậu có thấy được những nguyên nhân nào đã cấu tạo ra cậu khi cậu còn nằm trong bào thai của mẹ cậu chăng?  Ngoài cái vũ trụ nhỏ bé mà cậu đang sống đây, còn không biết bao nhiêu vũ trụ khác vô cùng to lớn và nhiều không kể hết như cát ở bãi biển, cậu có thấy không?  Tại sao cậu dám tự phụ bảo rằng: “Tôi thấy cả, tôi biết cả rồi.”  Cậu vẫn còn là một anh mù, cậu vẫn còn lấy tối làm sáng, lấy sáng làm tối.”

 Đó là câu chuyện của một anh mù bẩm sinh ở Ấn Độ.  Còn câu chuyện của anh mù, cũng mù từ bẩm sinh, kể lại trong bài Tin Mừng, thì lại khác hẳn: trong khi mù và sau khi được sáng mắt, anh luôn khiêm nhường, luôn nhìn nhận thân phận hẩm hiu buồn tủi của mình.  Ngược lại, những người sáng mắt thì lại mù tối, kiêu ngạo trong sự mù tối của mình, đó là những người Pharisêu.  Chúng ta thấy sự khác biệt tàn nhẫn giữa đôi mắt của người mù và đôi mắt của những người Pharisêu.  Đôi mắt thân xác của người này mù nhưng mắt tâm hồn anh lại sáng.  Những người Pharisêu có đôi mắt thân xác không mù lòa, nhưng đôi mắt tâm hồn đã chết.  Sự khác biệt đó là niềm tin và đức tin: anh mù được phép lạ đã tin Chúa Giêsu.  Còn những người Pharisêu thấy phép lạ nhưng không tin Chúa.

Đây là một phép lạ đặc biệt chưa từng có trong nhân loại.  Cho đến ngày nay, mặc dầu y khoa rất tiến bộ nhưng vẫn còn bó tay trước những người mù bẩm sinh.  Còn đối với những người vì một lý do nào đó bị mù lòa thì y khoa có thể dùng một loại ra đa hay dùng con mắt của người khác thay vào thì có thể thấy được.  Trường hợp anh mù trong Tin Mừng, Chúa Giêsu không làm thế, Ngài không thay mắt cho anh, Ngài dùng quyền năng Thiên Chúa để làm một phép lạ phi thường cho anh được sáng mắt.  Nhưng trên hết con mắt đức tin của anh được bừng sáng, anh nhận ra Đức Kitô mà nhiều người sáng mắt không nhận ra.

Theo ý nghĩa tượng trưng, trong phạm vi thiêng liêng, bệnh mù về tinh thần là tình trạng mê muội của những người sống trong tội lỗi và tình trạng mù quáng của những kẻ cố chấp.  Vậy hình thức thứ nhất của bệnh mù về tinh thần là tội lỗi, nó che lấp mắt linh hồn làm cho linh hồn không nhận ra Chúa và cũng chẳng nhận ra thánh ý Chúa.  Vì thế, Kinh Thánh gọi những người sống trong tội lỗi như ngồi trong chỗ tối tăm, ngồi trong bóng đêm, ngồi trong bóng sự chết.  Một hình thức khác của bệnh mù tinh thần là sự cố chấp, tức là bảo thủ trong sự lập luận sai lầm hay gàn dở của mình và nhất định không chịu phục thiện.  Chính vì thế mà nhiều lần Chúa Giêsu đã gọi những người Pharisêu là những kẻ mù quáng, bài Tin Mừng hôm nay là một điển hình.  Chúa đã nói: “Tôi đến thế gian này chính là để những kẻ không xem thấy thì được xem thấy, còn những kẻ xem thấy sẽ trở nên đui mù.”  Chúng ta thường nói về những người cố chấp: “Không ai điếc nặng cho bằng kẻ không muốn nghe”, thì chúng ta cũng có thể nói về những người mù tinh thần: “Không ai mù quáng nặng cho bằng kẻ mở mắt mà không muốn xem.”

Chúng ta có đang sống trong tình trạng mù lòa về tinh thần không?  Chúng ta tội lỗi và cố chấp ư?  Và hiện giờ chúng ta vẫn còn cố chấp trong tình trạng đó ư?  Không được đâu.  Chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu để Ngài thắp sáng cuộc đời chúng ta như Ngài đã thắp sáng cuộc đời người mù xưa kia.  Nói khác đi, trên đời này không ai có thể giải thoát chúng ta khỏi tội lỗi, vì lý do ai cũng có tội, chỉ có một Đấng không có tội gì, tuyệt đối chí thánh, mới có quyền cứu giúp chúng ta mà thôi, đó là Chúa Giêsu.  Vấn đề là chúng ta có bằng lòng đến với Chúa không?

Người mù sung sướng biết bao khi đôi mắt anh mở ra và nhìn thấy Chúa Giêsu, vị ân nhân vĩ đại của mình.  Chúa đã thắp sáng đời anh.  Trong Mùa Chay, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu, vị đại ân nhân của chúng ta, để Chúa mở mắt tinh thần cho chúng ta, để Chúa thắp sáng đời chúng ta.

Sưu tầm

From: Langthangchieutim

BIẾT DỨT KHOÁT ĐỨNG DẬY VÀ TRỞ VỀ

BIẾT DỨT KHOÁT ĐỨNG DẬY VÀ TRỞ VỀ

Chúa nhật IV Mùa Chay mời gọi chúng ta cảm nhận được và nhất là sống được trong niềm vui, niềm hạnh phúc của một người vừa thoát một hoạn nạn, một đau buồn, một cơn ác mộng và đang sống trong một thực tế an toàn và thanh thản.  Có bao giờ chúng ta cảm được kinh nghiệm đó chưa?  Đó là kinh nghiệm của một người tưởng mình mắc bệnh nan y đang chờ chết, nhưng sau khi đi khám bác sĩ bảo không có gì đáng ngại, sẽ khỏi.  Đó là kinh nghiệm của hai vợ chồng cắn đắng nhau, gây gỗ nhau tưởng đã đi đến chỗ đổ vỡ, nhưng sau đó tìm lại được sự tha thứ, sự giải hòa và ôm nhau trong nước mắt.  Đó là kinh nghiệm của người vừa an toàn thoát khỏi một tai nạn kinh hoàng, trong những trường hợp đó, chúng ta sẽ thấy thấm thía khi hát lên thánh vịnh 124: “Hồn tôi như cánh chim đã vượt thoát bẫy của người đánh chim, bẫy đã tan tành muôn mảnh, còn chúng tôi, chúng tôi đã thoát.”

Bài đọc thứ nhất trích từ sách Giosuê kể lại sự vui mừng hạnh phúc của dân Do Thái sau khi thoát khỏi nô lệ Ai Cập và nhất là sau khi đặt chân đến miền Đất Hứa.  Không còn nữa những ngày lang thang sa mạc gian lao, nguy hiểm.  Dân Chúa đã về đến quê hương Chúa đã hứa ban cho Abraham làm gia nghiệp, nơi đó tổ tiên của họ là Abraham, Isaác, Giacóp đã sống.  Họ đã xây dựng lại, đã khai khẩn đất đai làm mùa và nhất là đã bắt đầu tiêu dùng những thổ sản quê hương, từ ruộng đất và lao công của họ.  Vui hưởng ân lành của Chúa cảm thấy hạnh phúc tràn trề.  Trong tình yêu thương săn sóc của Chúa, họ đã hát lên thánh vịnh 33 dùng làm đáp ca “Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt.  Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn.”

Nơi bài đọc thứ hai thánh Phaolô đã nhắc cho tín hữu thành Côrintô một hạnh phúc to lớn, không hạnh phúc, không niềm vui nào có thể so sánh được.  Đó là hạnh phúc của con người trở thành tạo vật mới, trở thành con Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.  Công cuộc trở thành tạo vật mới đó được thực hiện nhờ sự giao hòa lại cùng Thiên Chúa.  Tội lỗi làm cho con người sống xa Chúa, cắt đứt mọi liên lạc cùng Chúa, cuộc đời bị mất hướng, đời sống trở thành vô nghĩa, nhất là nguy hiểm diệt vong đang chờ đón.  Nhưng may mắn cho nhân loại, cho chúng ta, thánh Phaolô bảo: “Vì Chúa Kitô, chúng tôi van nài anh chị em hãy giao hòa lại với Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội thì Thiên Chúa làm cho nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên công chính trước Thiên Chúa.”

Không còn niềm vui nào bằng, từ tội lỗi trở thành công chính, từ nô lệ sự dữ trở thành con Thiên Chúa, từ đứng bên bờ diệt vong trở thành sống đời đời, trong ân sủng và tình thương.  Niềm vui được cứu thoát nô lệ Ai Cập về Đất Hứa của dân Do Thái trong sách Giôsuê, nơi bài đọc thứ nhất không thể nào so sánh được với niềm vui to lớn của con người từ nô lệ tội lỗi trở về làm con cái Thiên Chúa.

Đến bài Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra một thí dụ tuyệt vời, rõ ràng dễ hiểu và nổi tiếng, ai cũng biết cả.  Để an ủi để khích lệ người tội lỗi hãy biết suy nghĩ, hãy biết dứt khoát đứng dậy và mạnh dạn tuyên bố: “Tôi muốn ra đi trở về với Cha tôi,” Chúa Giêsu đưa ra hai người con tiêu biểu cho hai cuộc trở về.  Người con phung phá trở về trong tình yêu của cha mình, của mái ấm gia đình.  Người con cả cần phải trở về trong tình anh em, phải biết tha thứ cho em mình, phải biết hòa nhập vào niềm vui của gia đình.  Sự trở về trong tình anh em này cũng có một tầm quan trọng giống như sự trở về cùng tình cha con.  Người con cả dầu tự hào là luôn sống trung thành với Cha, nhưng nếu khước từ tình anh em, thì anh vẫn là người ngoại cuộc không vào nhà và không cùng chung hưởng hạnh phúc niềm vui của gia đình.  Nếu anh không vào chính là tự ý anh không vào.  Người cha vẫn luôn mở rộng cửa nhà, mở rộng vòng tay, mở rộng cõi lòng năn nỉ anh.

Vậy niềm vui thật của cuộc trở về trong tình yêu thương của Chúa phải có hai chiều kích, trở về cùng Thiên Chúa là Cha, và trở về cùng anh chị em của mình, chính là tha thứ, làm hòa lại với nhau, giải tỏa những hận thù và sống trong tình yêu thương.  Đó là niềm vui thật, niềm vui mà ca nhập lễ kêu mời “Mừng vui lên hỡi Giêrusalem, tề tựu cả về đây hỡi những ai hằng mến yêu chân thành.  Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng hân hoan tận hưởng niềm an ủi chứa chan.”

Để có việc làm cụ thể trong tuần này, tôi noi gương người em trong gia đình nơi bài dụ ngôn của Chúa Giêsu.  Tôi phải làm một hành động chứng tỏ tôi nhất định đứng dậy lên đường trở về nhà cha tôi, để sống lại trong hạnh phúc của tình yêu thương nồng thắm của Người.  Hành động đó có thể là một sự dốc lòng từ bỏ một tật xấu đã từng làm tôi đau buồn, đã kéo ghì tôi trong tội lỗi hay đã làm cho những người thân yêu trong gia đình tôi phải khổ.  Và kế đó học lấy bài học của người anh: Tôi không đứng để cho Cha tôi phải năn nỉ.  Tôi hãy biết tha thứ cho người khác, hãy hòa mình vào niềm vui của gia đình, nhất là chia sẻ niềm vui của Thiên Chúa là Cha tôi khi một người anh chị em tôi trở về nhà Cha.

Radio Veritas Asia – Trích trong “Suy Niệm Lời Chúa”

From: suyniemhangngay1 & NguyenNThu

MÙA CHAY LÀ MÙA TRỞ VỀ CÙNG CHÚA

MÙA CHAY LÀ MÙA TRỞ VỀ CÙNG CHÚA

 (CN III MC, Năm C)

 Tuyết Mai

 Ngài nói với họ dụ ngôn này: “Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: ‘Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!’ Nhưng anh ta đáp rằng: ‘Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi'”. (Lc 13, 1-9).

 Cảm tạ Thiên Chúa và cảm ơn giáo hội hằng năm cho chúng ta 40 ngày Chay Thánh, nhắc nhở hết thảy mọi người con cái Chúa là hãy Trở Về cùng Chúa trong sự ăn năn, sám hối và đền tội; để được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi suốt một năm qua chúng ta đã cố tình phạm. Nay dốc lòng chừa cải và nhờ ơn Chúa thì chắc chắn Người sẽ giúp chúng ta thay đổi nếp sống hầu sống đẹp lòng Chúa hơn năm cũ.

 Chúa Giêsu dạy chúng ta bài dụ ngôn cây vả ở trên cũng nhắc nhở con người chúng ta hãy nhìn những biến chuyển của trời đất, của thiên nhiên mà gấp rút, khẩn trương để Trở Về nương tựa bên Thiên Chúa hay bên Lòng Chúa Thương Xót. Để được Người che chở, yêu thương, gìn giữ, chăm sóc, định liệu và dìm chúng ta vào đại dương của LCTX. Để được Người thay đổi cách sống của chúng ta vì ngày, giờ mà Chúa đến gọi ra khỏi cuộc đời này có thể là ngay ngày hôm nay chăng?

 Nhưng đối với hầu hết chúng ta thì đều bị chước cám dỗ của ma quỷ vì chúng có thể cho chúng ta tất cả những gì trên thế gian này và rồi khi chúng ta kịp nhận ra mình đang nằm trên lưng cọp thì chỉ có mất tan xác mà thôi. Trong nhiều trường hợp mà chúng ta cũng đã ký giấy bán linh hồn cho chúng để chúng cho được những thỏa mãn xác thịt, những vật chất Ảo, mê đắm Ảo để dụ chúng ta vướng vào cuộc sống phù du nay còn mai mất; chẳng có một ý nghĩa gì. 

Bởi đó mà có nhiều người sau khi có được tất cả danh vọng, tiền tài, lạc thú thì họ đi tìm cái chết, kết liễu cuộc đời của mình cách vô nghĩa?. Nhưng bên cạnh đó thì hằng ngày trên thế giới chúng ta cũng chứng kiến có biết bao nhiêu người bị chết do chiến tranh, do thù ghét nhau; do đất chuồi, sạt lở, động đất, lũ lụt, tuyết đổ chôn vùi, giông bão, Tsunami, cháy rừng. Rồi thì chết vì tai nạn giao thông, ung thư, đuối nước, chích thuốc nghiện quá liều, v.v… không một lời trăn trối. 

Vâng, có lẽ vì chúng ta quá mải mê cuộc sống trên trần gian này mà ngày nay con người ta đã không còn tìm những gì là căn bản để sống nữa mà hầu hết là tìm những gì quá khả năng của mình có được. Nên phải gian xảo, lọc lừa, chém chặt, ăn trộm, ăn cướp hay tìm cách đốt phá nhà, quán, công ty của người vì lòng ghen tị mà ra … Vậy thì xin cho hỏi Chúa phải làm gì với người có tâm địa độc ác mà trong họ luôn có ma quỷ làm việc không ngừng nghỉ trong con người ấy?

 Lạy Thiên Chúa muôn đời vẫn trọn tình thương đối với con người tội lỗi của chúng con, xin Người thương ban cho chúng con đúng một năm nữa thì chúng con sẽ cố gắng cho Chúa hoa quả còn không thì chúng con quả là ngu khờ để chịu mất đi linh hồn, mất đi sự sống muôn đời nơi Hỏa Ngục đời đời, kiếp kiếp …. Amen.

 Y Tá của Chúa,

Tuyết Mai

23 tháng 3, 2019

VỀ NHÂN ĐỨC VÀ TỘI LỖI

VỀ NHÂN ĐỨC VÀ TỘI LỖI

 Rev. Ron Rolheiser, OMI

Có một câu châm ngôn nói rằng: Không gì cho ta cảm giác tốt đẹp hơn nhân đức.  Đây là chân lý sâu sắc, nhưng còn một khía cạnh ẩn giấu nữa.  Khi làm việc tốt, chúng ta thấy bản thân mình tốt đẹp.  Nhân đức thực sự là phần thưởng cho chính nó rồi, và như thế là tốt.  Nhưng cảm giác mình công chính có thể sớm biến thành cảm giác tự đại.  Không gì cho ta cảm giác tốt đẹp hơn nhân đức, nhưng sự tự đại có vẻ cũng cho ta cảm giác tốt đẹp nữa.

Chúng ta thấy điều này được biểu lộ rõ trong dụ ngôn của Chúa Giêsu về người thu thuế và người Pharisiêu.  Người Pharisiêu thực hành nhân đức, ông hành động đúng theo những điều được dạy, nhưng ông không có lòng khiêm nhượng, cũng không thấy mình cần Thiên Chúa và lòng thương xót, mà chỉ có thái độ tự đại và xét đoán người khác.  Tất cả chúng ta cũng thế, cũng dễ trở thành người Pharisiêu này.  Mỗi khi thấy người khác đang phải đấu tranh để sống đẹp, chúng ta nói: Nhờ ơn Chúa tôi mới được thế này.  Thái độ có vẻ khiêm nhượng đó có thể mang hai ý nghĩa rất khác nhau. Nó có thể là một lời tạ ơn chân thành vì đã được những ơn mình không xứng đáng, hoặc có thể dễ dàng là một thái độ tự đại về sự vượt trội của mình so với người khác.

Những ngòi bút thiêng liêng kinh điển như Gioan Thánh Giá, khi nói về những thử thách chúng ta gặp phải trên con đường môn đệ, đã nói về một thứ gọi là: Lỗi của những người nằm ngoài hoán cải ban đầu.  Ý nghĩa của câu này là: Chúng ta không bao giờ thoát được cuộc đấu tranh với tội lỗi.  Khi chúng ta trưởng thành, thì tội lỗi càng tinh vi hơn.  Ví dụ như, trước khi trưởng thành, chúng ta xác định được bảy mối tội đầu, và chúng thể hiện nơi chúng ta một cách nguyên sơ và rõ ràng.  Chúng ta thấy điều này nơi trẻ con, thanh thiếu niên.  Với họ, kiêu ngạo rõ ràng là kiêu ngạo, ghen tỵ rõ ràng là ghen tỵ, ích kỷ rõ ràng là ích kỷ, tham lam rõ ràng là tham lam, và nóng giận rõ ràng là nóng giận.  Chẳng có gì tinh vi hay ẩn giấu cả, cái lỗi nằm rành rành ra đó.

Nhưng khi chúng ta vượt qua được dạng nguyên sơ của những tội này, thì chúng lại đội những lốt khác tinh vi hơn trong cuộc đời mình.  Vì thế, chẳng hạn như, khi chúng ta khiêm nhượng, thì chúng ta lại trở nên kiêu ngạo và tự đại vì sự khiêm nhượng của mình.  Và tôi thấy từ chính kinh nghiệm của mình rằng: Không một ai thiển cận và xét đoán hơn một người mới trở lại đạo hay một người mang ngọn lửa nhiệt thành ban đầu.

Tội có những phức tạp của nó.  Một số khái niệm ngây thơ của chúng ta về tội và sự khiêm nhượng cũng cần được xem xét lại.  Ví dụ như, chúng ta thường nuôi một khái niệm lãng mạn hóa rằng, người có tội thì khiêm nhượng, nhận thức mình cần được tha thứ, và mở lòng ra với Chúa.  Và chúng ta có thể thấy điều này trong Phúc âm.  Khi Chúa Giêsu rao giảng, những người Pharisiêu đương cự với Chúa và thông điệp của Chúa, còn những người thu thuế và gái điếm lại mở lòng hơn với Ngài.  Vậy từ đó chúng ta có thể đặt một câu hỏi: Có phải tội lỗi còn khiến chúng ta nhận ra mình cần Chúa hơn cả nhân đức nữa?

Đúng, khi tội đó thành thật, khiêm nhượng, biết thú nhận và sám hối, hoặc là khi hành động sai trái của chúng ta bắt nguồn từ việc bị tổn thương, bị lợi dụng.  Không phải mọi tội lỗi đều như nhau.  Có tội ngay thẳng và tội bất lương.

Là con người, chúng ta yếu đuối và thiếu sức mạnh để luôn làm theo những gì tốt đẹp nhất trong con người mình.  Đôi khi chúng ta chịu thua cám dỗ và yếu đuối.  Để giải thích về việc chúng ta phạm tội, chỉ cần nói điều này thôi.  Chúng ta là con người!  Và đôi khi, người ta rơi vào tình trạng tội lỗi vốn không thật sự do tay họ gây ra.  Họ bị lợi dụng, bị bắt sống trong hoàn cảnh tội lỗi không do họ chọn lựa, họ là nạn nhân của nạn buôn người, là nạn nhân của hoàn cảnh bất công trong xã hội hay gia đình, hoặc họ bị tổn thương quá nặng.  Trong những hoàn cảnh đó, một hành động sai lầm, là vấn đề sống còn chứ không phải vấn đề chọn lựa tự do.  Một bà đã giải thích cho tôi rằng: “Tôi đơn giản là một con chó, cắn để khỏi bị cắn thôi.”  Trong những trường hợp này, thường thì dưới lớp vỏ chai đá có một tâm hồn vẫn ngây thơ vô tội biết mình cần lòng thương xót Chúa.  Có tội ngay thẳng.

Và có tội không ngay thẳng, là thứ tội biện luận, luôn chìm trong kiêu ngạo nên không thể thú nhận mình tội lỗi.  Kết quả là, nó trở thành một tâm hồn đầy xét đoán, cay đắng, và chai đá.  Khi tội biện luận, thì sự cay đắng tiếp vào, kéo theo sự ghét bỏ với nhân đức mà nó đã không giữ được.  Khi chúng ta biện luận, thì bản năng luân lý của chúng ta không bị lừa phỉnh đâu.  Nó phản ứng lại và trừng phạt bằng cách khiến chúng ta ghét bỏ mình.  Và khi ai đó ghét bỏ mình, thì sự căm ghét đó sẽ lớn lên và trở thành ghét bỏ người khác, và nhất là ghét bỏ nhân đức mà mình đã không giữ được.  Ví dụ như, không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều người ngoại tình thường cay độc vô cùng khi nói đến đức khiết tịnh.

Thấy mình yếu đuối và tội lỗi, có thể khiến chúng ta cúi mình khiêm nhượng, và mở lòng chúng ta đón nhận lòng thương xót Chúa.  Nhưng nó cũng có thể biến tâm hồn chúng ta chai đá, cay đắng và xét đoán.  Không phải mọi người có tội đều cầu nguyện như người thu thuế trong Phúc âm.

Nhân đức khiến chúng ta biết ơn.  Tội lỗi khiến chúng ta khiêm nhượng.

Đúng là thế.  Nhưng không phải lúc nào cũng thế.

Rev. Ron Rolheiser, OMI

 From Langthangchieutim

BÀI HỌC NƠI HOANG ĐỊA 

BÀI HỌC NƠI HOANG ĐỊA 

“Để đón nhận Hồng Ân của Chúa, bạn phải vào hoang địa và ở đó một lúc.”

Chân phước Charles de Foucauld

Mọi Kitô hữu đều phải vào hoang địa một lúc nào đó.  Hoang địa là sa mạc, là khoảng đất trống, khô khan, và “hoang địa” cũng là khi chúng ta cảm thấy sự mất mát, lầm lẫn, đau lòng, cô đơn.

Tôi đã vào hoang địa nhiều lần – có khi là một ngày, có khi là một tháng.  Nhức nhối lắm.  Khó chịu lắm.  Cần phải biết từ bỏ chính mình và các ước muốn.  Nhưng qua nhiều năm, tôi thấy rằng những lúc đó có sức biến đổi nhiều nhất.  Khi tôi thực sự nghĩ về điều đó, những lần mà tôi cảm thấy gần gũi với Thiên Chúa nhiều nhất.

Trong Mùa Chay này, thời gian mà Giáo hội tiến vào sa mạc của sự từ bỏ mình và sám hối.  Chúng ta có thể ghi nhớ 5 bài học quan trọng này để củng cố đời sống và tiến bước trên đường lữ hành trần gian:

  1. Chúng ta luôn cần ơn Chúa.  Không có gì khiêm nhường hơn là thu mình vào nơi tĩnh lặng.  Hầu như tôi luôn vào sa mạc ngay khi tôi nghĩ mình có những điều cần giải quyết.  Ngẫu nhiêu chăng?  Có thể là không.  Chỉ khi Thiên Chúa tước lột hết thì chúng ta mới hiểu được chúng ta yếu đuối thế nào khi không có Ngài.  Chúng ta nhận ra ý chí mình quá nhu nhược, nên cần được an ủi về thể lý, tình cảm, hoặc tâm linh.  Chúng ta chịu đau khổ một thời gian vì không được an ủi, nhưng khi Thiên Chúa phục hồi những điều đó, chúng ta biết là phải yêu mến Ngài và nhận biết lòng nhân lành của Ngài.     
  2. Trưởng thành từ đau khổ.Lửa thử vàng, gian nan thử sức.  Khi ở trong sa mạc, tôi phải thực hành các nhân đức mà tôi muốn phát triển nhưng tôi quá yếu đuối hoặc cố chấp.  Chỉ khi Thiên Chúa thúc ép tôi bằng cách nhẹ nhàng của Ngài thì tôi mới thực sự khả dĩ phát triển trong Ngài.  Bất kỳ nỗ lực nào Ngài muốn chúng ta làm cũng đều là cơ hội để chúng ta trưởng thành hơn.                                   3. Thiên Chúa dùng sự gian khổ để kêu gọi chúng ta kết hiệp mật thiết với Ngài. Thi thoảng Thiên Chúa kéo chúng ta vào hoang địa để chúng ta gặp gỡ và trò chuyện thân mật với Ngài: “Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình” (Hs 2:14).  Khi nào chúng ta thoát ly mọi thứ chia trí trần thế hoặc đau khổ, chúng ta mới có thể liên kết với Ngài đúng mức.  Một số an ủi tâm linh có được từ những lúc đau khổ và cô đơn.  Có vẻ như đó là cách duy nhất mà Thiên Chúa có thể bước vào tâm hồn chai cứng của chúng ta. 
  3. 4. Chúng ta không một mình, dù có vẻ như chúng ta bơ vơ.  Ở trong hoang địa tâm linh hoặc tình thần có vẻ là nơi cô đơn nhất thế gian.  Nhưng ngay trong khoảng trống vắng đó, chúng ta lại khả dĩ nhớ rằng chúng ta thực sự không bao giờ một mình, vì Thiên Chúa luôn hiện diện để hướng dẫn, an ủi, và nâng đỡ chúng ta.                                                                                                                     5.  Mọi sự sẽ ổn. Sau cơn mưa, trời lại sáng.  Thiên Chúa biết rõ giới hạn của chúng ta.  Ngài biết thập giá của chúng ta nặng nề, chúng ta cần trợ giúp.  Đó là lý do Ngài ân xá cho chúng ta, chúng ta được đổi mới về sức mạnh, và chúng ta lại dễ dàng tín thác vào Ngài.  Hãy nhớ rằng cuối cùng dân Do Thái cũng vào Đất Hứa sau 40 năm dài đằng đẵng nơi hoang đại.  Và chúng ta cũng vậy.

Trong Mùa Chay này, và những lúc khác trong cuộc sống, khi chúng ta cảm thấy trống vắng hoặc khô khan, đừng tìm cách chạy trốn, mà hãy tự hỏi mình: “Thiên Chúa muốn dạy tôi điều gì trong lúc khó khăn?  Ngài muốn tôi trau dồi nhân đức nào: Tín thác, từ bỏ mình, khiêm nhường?  Ngài đang lột bỏ cái gì nơi tôi để tôi có thể bước theo Ngài sát hơn: Kiêu ngạo, ý định, ước muốn?”

Chúng ta hãy ấp ủ sự biến đổi yêu thương mà Đức Kitô muốn nơi chúng ta trong thời gian này, khi chúng ta nghĩ rằng không có gì xảy ra hoặc khi chúng ta đi về phía hư vô, vì đó là lúc chúng ta trở nên hoàn thiện nhất trên hành trình nên thánh.  Hoang địa có thể lạnh lẽo và trống vắng.  Nhưng nếu chúng ta bước đi trên cát bên Đức Kitô, nắm lấy tay Ngài, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và xinh đẹp hơn trước.

Amy Atkinson

Trầm Thiên Thu (Chuyển ngữ từ IgnitumToday.com)

  Mời đọc cuốn sách nổi tiếng “Nhà trừ quỷ kể truyện” của Lm. Grabiele Amorth

  Mời đọc cuốn sách nổi tiếng “Nhà trừ quỷ kể truyện” của Lm. Grabiele Amorth

Thân chào các bạn trong Chúa Kitô,

Tôi tìm được bản dịch tiếng Việt của cuốn sách “An Exorcist Tells His Story” do Lm. Grabiele Amorth (Chief Exorcist of Rome) viết và được thôi thúc chia sẻ với các bạn trong Mùa Chay 2019:

https://suyniemhangngay.net/2016/09/17/nha-tru-quy-ke-truyen/

Phần Giới Thiệu:

Bạn biết gì về vấn đề lên đồng, cầu cơ, nghề phù thủy, bùa ngải, ma thuật đen… Những cách người ta bỏ bùa, với những ảnh hưởng cùng những vật lạ liên quan đến vấn đề này. Nguyên nhân vấn đề tự tử. Những hiện tượng bàn ghế tự nhảy múa hay những vật gì đó trong nhà tự chuyển động. Những bóng ma, những ngôi nhà bị quỷ ám. Cách phân biệt giữa người bị tâm thần với người bị quỷ nhập. Mục đích chính yếu của các con quỷ. Các con quỷ hù dọa người trừ

quỷ… Những vấn đề trên sẽ được giải đáp thỏa đáng với nhà trừ quỷ lừng danh người Ý – , ông đã có rất nhiều kinh nghiệm và đã cho xuất bản nhiều sách về ma quỷ. Cho đến năm 2010, ông đã xử lý hơn 70.000 trường hợp liên quan đến vấn đề này. Mời đọc cuốn sách nổi tiếng “Nhà trừ quỷ kể truyện” của ngài Gabriele Amorth. Qua đó bạn sẽ biết được những bí ẩn, sau những hiện tượng như vậy. 

Gần đây đã rộ lên những hiện tượng mà Lm. Amorth gọi là “ma thuật trắng” của thuyết  “thông linh”, “tâm linh”…  quảng cáo việc trừ tà, giải trừ thư ếm, bùa ngải và việc triệu hồn, soi căn, etc. mà không ít các Kitô hữu, đặc biệt là thanh thiếu niên tò mò tìm hiểu và tham gia. Thế giới bùa ngải, phù thủy và ma thuật là có thật và trận chiến thiêng liêng đang diễn ra ở mức độ quyết liệt do nạn phá thai tràn lan, văn hóa sự chết đang hủy hoại mọi tầng lớp trong xã hội và gia đình! Xin phổ biến cuốn sách đáng đọc này đến người thân bạn bè, đặc biệt là giới trẻ. Bản tiếng Anh có thể mua trên Amazon, Barnes & Noble, etc.

Thân chúc các bạn một Mùa Chay thánh thiện và gặt hái nhiều hoa trái của Chúa Thánh Thần!

Trong Hai Thánh Tâm,

Giuse Trần Thái Hoàng

From: Hoang Tran & Lucie1937

Yêu kẻ thù

Yêu kẻ thù (16.3.2019 – Thứ Bảy Tuần 1 Mùa Chay)

15/03/2019

Lời Chúa: Mt 5, 43-48

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Ðấng hoàn thiện.”

Suy nim:

“Tại sao anh lại bắn tôi khi cả hai chúng ta đều tin

vào sự hiện hữu của một Thiên Chúa duy nhất.”

Đó là một câu trong lá thư Đức Thánh Cha Gioan Phaolô định gửi

cho anh Ali Agca, người đã ám sát ngài vào ngày 13-5-1981 tại Rôma.

Nhưng ngài đã đích thân thăm anh trong tù năm 1983, và đã tha thứ cho anh.

Vào Đại Năm Thánh 2000, ngài đã xin Tổng Thống Ý cho anh được ân xá.

Điều đáng nói là anh đã chẳng bao giờ công khai xin ngài tha lỗi.

“Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù” (c.43).

Thật ra Luật Môsê không dạy ghét kẻ thù,

nhưng ghét kẻ thù của Thiên Chúa là chuyện có trong các thánh vịnh.

“Lạy Chúa kẻ ghét Ngài làm sao con không ghét?…

Con ghét chúng, ghét cay ghét đắng,

chúng trở thành thù địch của chính con” (Tv 139, 21-22).

Đức Giêsu dạy các môn đệ yêu kẻ thù (c. 44),

Nhưng vào sau năm 70, kẻ thù của các môn đệ là ai?

Là quân xâm lược Rôma, là thế giới dân ngoại đang bắt đạo (Mt 10, 22).

Là những người đồng hương thuộc hội đường đang ngược đãi các Kitô hữu.

Là những ai không phải là anh em, nghĩa là những ai không tin Đức Giêsu.

Đức Giêsu mời ta vượt qua khuynh hướng tự nhiên là chỉ yêu kẻ yêu mình.

Tình yêu Kitô vươn đến cả những kẻ ghét và làm hại mình nữa.

Hãy yêu kẻ thù, nhưng yêu lại không phải là một tình cảm tự nhiên.

Yêu là một thái độ của lòng nhân được diễn tả bằng những hành động cụ thể.

Yêu là cầu nguyện cho kẻ bách hại, là chào hỏi và chúc bình an cho họ.

“Tôi luôn cầu nguyện cho người anh em đã bắn vào tôi”,

Đức Gioan Phaolô II đã tuyên bố như thế sau khi hồi phục.

Yêu kẻ thù làm chúng ta được ơn trở nên con cái Cha trên trời (c. 45),

trở nên giống Cha là Đấng ban mặt trời và mưa cho kẻ bất chính.

Trở nên con cái Cha là tiến trình dài một đời,

xuyên qua những hành vi yêu thương vượt trên tự nhiên.

Cha yêu mọi người chẳng trừ ai bằng một tình yêu vô điều kiện.

Chúng ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Cha

nhờ yêu kẻ thù như Cha đã yêu họ (c. 48).

Kẻ thù cũng là anh em tôi, vì họ cũng là con được Cha yêu như tôi.

Chúng ta nên nghĩ đến những kẻ thù của mình, ở rất gần mình,

những người mình không muốn chào hỏi hay nhìn mặt, chỉ muốn nguyền rủa.

Tôi sẽ làm gì để bày tỏ tình yêu tha thứ đối với họ trong Mùa Chay này?

Cầu nguyện:

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

đón nhận những người khác

là điều vượt quá sức con,

vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

có những ngày

con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con

có những ngày

mà yêu mến người khác

làm cho tim con đau nhói,

vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau

và những giới hạn của bản thân con.

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con

trong những ngày khó khăn đó,

xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

tất cả chúng con đều là con cái Chúa

và đừng để con quên lời Chúa nói :

“Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

là làm cho chính Ta.”

(Trích trong PRIER)

 Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

NHỮNG CÂU CHUYỆN BIẾN HÌNH

NHỮNG CÂU CHUYỆN BIẾN HÌNH

Tác giả cuốn sách The Seven Habits of Highly Effective People (“Bảy Thói Quen Của Người Làm Việc Có Hiệu Quả”), Steve Covey, trên một chuyến xe điện ngầm tại thành phố New York vào một sáng Chúa nhật, đã thu được một kinh nghiệm sống rất quí như sau.  Steve kể:

Mọi người ngồi yên lặng.  Vài kẻ đang đọc báo.  Số khác đang chập chờn ru giấc ngủ.  Số khác nữa đang suy nghĩ miên man.  Thật là một cảnh yên tĩnh, thanh bình.

Tàu dừng lại tại một nhà ga.  Một người đàn ông và mấy đứa nhỏ, có lẽ là con ông ta, bước lên.  Lập tức bầu khí yên bình bị phá tan.  Những đứa bé la hét om sòm.  Chúng vất đồ đạc qua lại.  Thậm chí còn lấy báo của người khác vò lại ném nhau.  Thật là phiền hà hết sức!  Nhưng sao người cha của mấy đứa bé kia lại không có phản ứng nào?

Steve cảm thấy bực bội khó chịu trước thái độ của cha con những người khách mới.  Anh ta không thể hình dung ra được trên đời này lại có những kẻ vô cảm và vô tâm như gã đàn ông kia.  Con cái quậy phá làm phiền biết bao nhiêu người, thế mà vẫn cứ ngồi im.  Steve quan sát và thấy nhiều hành khách khác cũng có vài nếp nhăn khó chịu.

Cuối cùng, khi sức kiên nhẫn đã vượt mức tối đa, Steve bèn lên tiếng với người bố: “Thưa ông, con ông đang làm phiền nhiều người lắm đấy.  Tôi rất ngạc nhiên khi thấy ông không làm gì để kiềm chế chúng một chút.”  Người đàn ông nhướng mắt nhìn Steve như vừa sực tỉnh lại từ một ưu trầm lắng.  Nén tiếng thở dài, ông ta nói: “Tôi thành thật xin lỗi.  Tôi cũng không biết phải làm sao.  Chúng tôi mới rời khỏi bệnh viện nơi mẹ chúng nó vừa qua đời cách đây một giờ.  Tôi suy nghĩ mãi mà không biết cuộc đời rồi đây sẽ ra sao khi không còn nhà tôi, và chắc là chúng nó cũng không biết chịu đựng thế nào khi chẳng còn có mẹ.”

Steve kết luận bài viết của mình: “Bạn có thể tưởng tượng được cảm giác của tôi lúc đó như thế nào không?  Ngay lập tức tôi thấy mọi sự đổi khác.  Vì thấy mọi sự đổi khác nên thái độ của tôi cũng đổi theo . Cơn khó chịu bực bội trong tôi biến mất.  Thay vào đó là niềm cảm thông cho nỗi đau của người chồng mất vợ, và những đứa con mất mẹ.”

 Nhờ “thấy” được chiều sâu tâm hồn của cha con người đồng hành mà Steve đã thắng vượt những khó chịu bực bội trong mình, và sau đó đã đến với họ bằng tâm tình cởi mở chân thành.  Phải chăng trong đời sống, người ta cũng cần có con mắt nội tâm để “thấy” được nền tảng và ý nghĩa của cuộc đời hầu có những thái độ và cách sống thích hợp?  Phải chăng nhờ sự biến hình trên núi Tabor, các môn đệ đã “thấy” được hình ảnh phục sinh vinh quang của Đức Giêsu, để từ đó họ bớt nao núng khi bước vào nẻo đường thánh giá và đón nhận khổ nạn với Ngài?  Phải chăng đời ta và đời người cũng cần những giây phút biến hình để dung nhan Thiên Chúa, trong tha nhân và nơi mình tôi, được bừng sáng, đón nhận, và tin yêu hơn?

Trong một bài báo tự thuật, Malcolm Muggeridge có kể lại việc nhóm chuyên viên truyền hình của anh ta cố gắng thực hiện một bộ phim tài liệu về Mẹ Têrêsa Calcutta.

Họ muốn quay cảnh mẹ cùng các chị nữ tu Bác ái đang làm việc trong căn nhà Hấp Hối, bên cạnh những kẻ sắp từ biệt cõi đời.  Thế nhưng nhóm của Malcolm đã gặp phải một vấn đề khó khăn: căn phòng họ tính quay phim hơi tối, không đủ ánh sáng cần thiết cho việc thâu hình, mà trong nhà lại không có một ổ cắm điện nào cả.

Tuy nhiên, sau khi bàn thảo, họ quyết định cứ tiến hành thu hình trong cảnh tranh sáng tranh tối của căn phòng Hấp Hối.

Nhưng rồi, kết quả, trước bao cặp mắt ngạc nhiên, những thước phim thâu được lại tuyệt vời quá sức tưởng tượng.  Ánh sáng trong các hình ảnh đạt đến mức độ hoàn hảo.  Dường như đã có một luồng sáng ấm dịu nào đó phát ra trong lúc họ đang quay phim.

Malcolm, người mà sau này trở thành một Kitô hữu, lúc bấy giờ đã bị thuyết phục hoàn toàn với ý nghĩ là ánh sáng đã phát ra từ tình thương mà người ta có thể bắt gặp khắp nơi trong căn nhà Hấp Hối kia.  Malcolm viết lại trong nhật ký của mình: “Chính tình yêu đã chiếu sáng, một thứ ánh sáng giống như hào quang trên đầu các thánh mà tôi từng được xem thấy.”

Phải chăng đó cũng là thứ ánh sáng mà Đức Giêsu đã tỏ cho ba môn đệ thân tín là Phêrô, Gioan và Giacobê khi Ngài biến hình trước mặt các ông?  Trong cuộc biến hình này, các môn đệ được nghe một lời phán bảo: “Đây là Con Ta yêu dấu, kẻ Ta đã chọn, các ngươi hãy nghe lời Ngài” (Lc 9:35).  Trong chương kế tiếp, Thánh sử Luca đã khéo léo trình bày việc “nghe lời” Đức Giêsu không gì khác hơn là ra đi rao giảng Tin Mừng Tình thương.  Chương 10 đã kể việc Chúa sai 72 môn đệ lên đường truyền giáo, đồng thời cũng làm nổi bật giáo lý của Đấng Cứu Thế qua câu hỏi “giới răn nào trọng nhất” của một luật sĩ, và qua câu chuyện “Người Samari Nhân Hậu” như những minh họa cho giáo lý yêu thương.

Cao điểm của cuộc biến hình là lời mời gọi “Hãy nghe Ngài.”  “Nghe Ngài” là để tiếp nối những cuộc biến hình khác, giữa cuộc đời này, bằng tình yêu.  Chính nhờ tình yêu mà Mẹ Têrêsa đã biến những thân xác tanh hôi, đau yếu, bị bỏ rơi, nên những con người có đầy đủ phẩm giá và đáng tôn trọng.  Chính nhờ tình yêu mà mẹ đã biến đổi tâm hồn của Malcolm, một kẻ “coi trời bằng vung”, nên cung điện tươi xinh cho Thiên Chúa ngự trị.

Không phải Chúa Giêsu đã từng nói: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đệ của Ta: ấy là các ngươi có lòng mến thương nhau” (Ga 13:35)?  Chính với yêu thương, cảm thông, cứu giúp, chia sẻ mà tha nhân thấy được dung mạo của Đức Kitô trong cuộc đời của bạn và tôi.

Ước gì tình yêu thương nhau sẽ biến hình đời ta và biến đổi đời người.  Ước gì tình yêu đó cũng giúp ta thắng vượt bao gian nan, trắc trở, và khổ giá trên đường đời, để tiến đến một ngày Phục sinh tươi sáng.

Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn

HÀNH ĐỘNG MÙA CHAY 

HÀNH ĐỘNG MÙA CHAY 

Kinh Thánh nhắn nhủ: “Con ơi, nếu con muốn dấn thân phụng sự Đức Chúa thì con hãy chuẩn bị tâm hồn để ĐÓN CHỊU THỬ THÁCH.  Hãy giữ lòng cho ngay thẳng và cứ kiên trì, đừng bấn loạn khi con gặp khốn khổ” (Hc 2:1-2).  Thử thách đó không chỉ là những nỗi khổ niềm đau, mà còn là những cơn cám dỗ như sóng xô không ngừng.

Phàm nhân là cát bụi, tro bụi, vì được Thiên Chúa tạo nên từ đất, thế nên rất yếu đuối, dễ dàng sa ngã, nhưng khốn nạn là vẫn kiêu căng, và tất nhiên cũng luôn cần nhận diện mình mà ăn năn sám hối.  Thánh Louis Marie de Montfort nói: “Thiên Chúa thường xuyên và thực sự rất thường xuyên để cho các tôi trung cao cả của Người vấp phải những sai lỗi nhục nhã nhất.  Điều ấy hạ thấp họ trước mắt họ và trước mắt những người đồng sự của họ.  Điều ấy giữ cho họ khỏi nhìn thấy và không kiêu hãnh về những ân sủng Thiên Chúa đã ban cho họ.”

Sám hối liên quan cầu nguyện và ăn chay.  Ăn chay không chỉ là nhịn đói và từ khước thói quen vui thú nào đó, mà còn liên quan thực tế đời sống.  Kinh Thánh đặt ra vấn đề thực tế: “Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người, nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói, làm thoả lòng người bị hạ nhục, ánh sáng ngươi sẽ chiếu toả trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58:9b-10).  Còn thời gian để ăn chay và đền tội là còn diễm phúc lắm.

Mùa Chay – dịp tốt ăn năn

Bụi tro nhắc nhớ chớ quên phận mình!

Ăn chay, sám hối, hy sinh

Yêu thương, bác ái, công bình, thứ tha

Mùa Chay là thời điểm hành động cụ thể – làm thật chứ không chỉ mong ước hoặc nói suông.  Mùa Chay nhắc nhớ về thân phận bụi tro, yếu đuối và tội lỗi, chắc chắn như vậy, nhưng quan trọng là nhớ đến cái chết: Memento Mori – Hãy nhớ mình sẽ chết.  Màu Tím phủ đầy: Tím cõi lòng, tím ăn năn, tím sám hối, tím khiêm nhường, tím yêu thương, tím chia sẻ, tím cầu nguyện, tím nghĩ suy, tím tin kính, tím thú tội…  Màu tím tươi đẹp sắc thánh đức chứ không buồn sầu thảm não.

Ai cũng sa ngã, nhưng quan trọng hơn là can đảm đứng dậy.  Thánh François de Sales động viên: “Sau khi đã sa ngã, hãy hướng tâm hồn lên một cách dịu dàng và êm đềm.  Hãy sấp mình trước thánh nhan Thiên Chúa trong sự ý thức về nỗi khốn cùng của mình.  Đừng ngạc nhiên trước sự yếu đuối của mình, bởi vì chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, sự yếu đuối thì phải yếu đuối thôi.”  Đừng bao giờ ỷ lại hoặc tuyệt vọng, bởi vì như thế là động thái cố chấp và kiêu ngạo!

Cần Thiết Trở Về

Trở về không chỉ cần thiết mà còn cấp bách, vì đó là bước khởi đầu để được Thiên Chúa xót thương.  Vả lại, chính Đức Kitô đã khuyến cáo: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (Mt 3:2; Mt 4:17).

Biết ăn năn sám hối là điều tốt, nhưng coi chừng thói hợm mình và ỷ lại, rồi tự nhủ: “Tôi đã phạm tội nhưng nào có sao?  Bởi vì Đức Chúa nhẫn nại!  Đừng ỷ được tha thứ mà khinh thường, rồi cứ chồng chất tội này lên tội khác” (Hc 5:4-5).  Đừng lần lữa hoặc chần chừ, mà hãy nghe lời nhắn nhủ của Đức Chúa: “Các ngươi hãy hết lòng trở về với Ta, hãy ăn chay, khóc lóc, và thống thiết than van”(Ge 2:12).  Tuy nhiên, vấn đề là “ĐỪNG xé áo, nhưng HÃY xé lòng” và “TRỞ VỀ cùng Đức Chúa là Thiên Chúa, bởi vì Người từ bi và nhân hậu, chậm giận và giàu tình thương, Người hối tiếc vì đã giáng họa” (Ge 2:13).  Vì thế, nếu chúng ta thành tâm sám hối, nhận biết sự khốn nạn của mình, Thiên Chúa sẽ “nghĩ lại và hối tiếc mà để lại phúc lành, hầu chúng ta có lễ phẩm và lễ tưới rượu dâng lên Đức Chúa là Thiên Chúa của chúng ta” (Ge 2:14).  Thiên Chúa luôn kiên nhẫn chờ đợi tội nhân ăn năn.

Từ xưa, qua miệng ngôn sứ Giô-en, Thiên Chúa đã tuyên ngôn: “Hãy rúc tù và tại Sion, ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng; hãy tụ tập chúng dân, mời dự đại hội thánh, triệu tập các cụ già, tụ họp đám thiếu nhi cũng như trẻ thơ còn đang bú.  Tân lang hãy ra khỏi loan phòng, tân nương hãy rời bỏ phòng khuê!” (Ge 2:16).  Ai cũng đã từng phạm tội nên cũng phải sám hối: “Giữa tiền đình và tế đàn, các tư tế phụng sự Đức Chúa hãy than khóc và thân thưa: Lạy Đức Chúa, xin dủ lòng thương xót dân Ngài!  Xin đừng để gia nghiệp của Ngài phải nhục nhã và nên trò cười cho dân ngoại!” (Ge 2:17).  Quả thật, “Đức Chúa đã nồng nhiệt yêu thương đất của Người, đã tỏ lòng khoan dung đối với dân Người.  Tai ương chấm dứt và dân được giải thoát” (Ge 2:18).  Thiên Chúa không muốn ai phải hư mất, bởi vì ai cũng là tác phẩm do Ngài tạo nên, ai cũng là con cái của Ngài.

Mới được hình thành, chưa được sinh ra, chúng ta đã mắc tội rồi: Tội Tổ Tông.  Rồi lớn khôn, càng sống lâu càng nhiều tội.  Như vậy, không ai lại không có tội, cho nên không ai lại không phải khẩn khoản cầu xin Lòng Chúa Thương Xót: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.  Xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy” (Tv 51:3-4).  Phạm tội là lầm đường lạc lối, vì lầm lạc mà phải trở về.

Trở về là từ bỏ con đường cũ, là sám hối, là ăn năn.  Nhưng để có thể trở về thì phải khiêm nhường nhận ra sự đốn hèn của mình: “Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.  Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài.  Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử” (Tv 51:5-6).  Và rồi lại phải tiếp tục van xin: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.  Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.  Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:12-14).  Chắc chắn Thiên Chúa sẽ mủi lòng mà động lòng trắc ẩn.

Thiên Chúa kêu gọi: “Hãy RỬA cho sạch, TẨY cho hết, và VỨT BỎ tội ác của các ngươi cho khỏi chướng mắt Ta.  ĐỪNG làm điều ác nữa!” (Is 1:16). S ám hối và cầu nguyện không chỉ phải thực hiện trong Mùa Chay, mà phải thực hiện suốt đời – bao lâu còn thở, như Giáo Hội vẫn cầu xin hằng ngày: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17).  Đời sống tâm linh lúc nào cũng cấp bách: “Đừng trì hoãn, hãy trở về với Đức Chúa đi; đừng lần lữa hết ngày này qua ngày khác, vì thình lình Đức Chúa sẽ nổi cơn thịnh nộ, và trong thời trừng phạt, con sẽ phải tiêu vong” (Hc 5:7).

Chân thành khuyên nhủ, Thánh Phaolô cho biết: “Chúng tôi là sứ giả thay mặt Đức Kitô, như thể chính Thiên Chúa dùng chúng tôi mà khuyên dạy.  Vậy, nhân danh Đức Kitô, chúng tôi nài xin anh em hãy làm hoà với Thiên Chúa.  Đấng chẳng hề biết tội là gì, thì Thiên Chúa đã biến Người thành hiện thân của tội lỗi vì chúng ta, để làm cho chúng ta nên công chính trong Người” (2 Cr 5:20-21).  Chúng ta không thể hiểu thấu và không thể dùng trí thông minh của phàm nhân mà lý luận về cách hành động “ngược đời” như vậy của Chúa Giêsu.  Chúng ta chỉ có thể cúi đầu mà cảm phục và tạ ơn Ngài mà thôi, đồng thời tín nhân chúng ta cũng phải không ngừng cố gắng sống “ngược đời” như Ngài.

Và rồi Thánh Phaolô còn cho biết thêm: “Vì được cộng tác với Thiên Chúa, chúng tôi khuyên nhủ anh em: anh em đã lãnh nhận ân huệ của Thiên Chúa thì đừng để trở nên vô hiệu.  Quả thế, Chúa phán rằng: Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ.  Vậy, đây là thời Thiên Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6:2).  Sám hối lúc nào cũng cần đối với loài người chúng ta, nhưng sám hối càng cần hơn vào các thời điểm đặc biệt như cuối ngày, đặc biệt là Mùa Chay.

Mục Đích Trở Về

Làm gì cũng đều có mục đích.  Học hỏi để thành nhân.  Kiêng cữ để giảm cân hoặc chữa bệnh.  Ăn chay để kiềm chế xác thịt – vì “ăn no rửng mỡ.”  Trở về để gặp gỡ Thiên Chúa, để được Ngài xót thương, tha thứ và cứu độ.  Thế nhưng trở về cũng phải biết cách: Ăn chay đúng cách, sám hối đúng cách, làm việc lành đúng cách.  Chúa Giêsu hướng dẫn cụ thể: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy.  Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng”(Mt 6:1).  Chúa Giêsu sống khiêm nhường nên Ngài rất thích những người khiêm nhường.  Và Ngài tiếp tục khuyến cáo: “Khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen.  Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi” (Mt 6:2).  Những mệnh lệnh phủ định mang thông điệp mạnh mẽ về cách thực hiện: Đừng và Chớ.

Cách thức của Chúa Giêsu luôn khác cách thức của chúng ta, chắc hẳn đôi khi chúng ta cũng thực sự cảm thấy “khó chịu”, bởi vì những gì mình làm không được ai biết đến – nhất là những điều hay, điều tốt.  Chỉ trong một đám tiệc nhỏ, chẳng nhiều người, vậy mà người ta cũng muốn thể hiện “tài năng” của mình bằng cách giành nhau hát, giành nhau nói.  Thế nhưng Chúa Giêsu lại bảo chúng ta phải âm thầm và kín đáo, không được phô trương hoặc khoe khoang.  Thật vậy, chính Ngài kề tai nhắn nhủ mỗi chúng ta: “Khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc bố thí được kín đáo.  Và Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn” (Mt 6:3-4).  

Để chúng ta có thể nhận thức rõ ràng hơn, Chúa Giêsu đưa ra ví dụ rất cụ thể: “Khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy.  Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi.  Còn bạn, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của bạn, Đấng hiện diện nơi kín đáo.  Và Cha của bạn, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho bạn” (Mt 6:5-6).  Im lặng là khôn ngoan, im lặng là mạnh mẽ, không phải ai cũng có thể làm được như vậy!

Mùa Chay có một chuỗi hoạt động liên kết chặt chẽ với nhau: sám hối – ăn chay – cầu nguyện – bác ái. Đó là quy trình cần thiết trong Hành Trình Mùa Chay.  Hành trình đó không là 40 ngày hoặc 40 năm, mà là hành trình cả đời, không được lơ đãng bất kỳ một giây phút nào.  Tịnh tâm rất cần để hồi phục, cả về thể lý lẫn tinh thần.  Trai tịnh nghĩa là ăn chay cả thể lý lẫn tinh thần.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin biến đổi chúng con, xin giúp chúng con biết chân thành trở về với Ngài và trở về với tha nhân bằng hành động cụ thể là yêu thương và tha thứ cho nhau, để chúng con xứng đáng được thông phần đau khổ với Con Một Ngài, tràn trề hy vọng được sống lại với Đấng-Tử-Nạn-và-Phục-Sinh.  Xin biến đổi các tội nhân và nâng đỡ những người đau khổ.  Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại.  Amen!

Trầm Thiên Thu

From: suyniemhangngay1 & NguyenNThu

Mời đọc cuốn sách nổi tiếng “Nhà trừ quỷ kể truyện” của Lm. Grabiele Amorth

 Mời đọc cuốn sách nổi tiếng “Nhà trừ quỷ kể truyện” của Lm. Grabiele Amorth

Thân chào các bạn trong Chúa Kitô,

Tôi tìm được bản dịch tiếng Việt của cuốn sách “An Exorcist Tells His Story” do Lm. Grabiele Amorth (Chief Exorcist of Rome) viết và được thôi thúc chia sẻ với các bạn trong Mùa Chay 2019:

https://suyniemhangngay.net/2016/09/17/nha-tru-quy-ke-truyen/

Phần Giới Thiệu:

Bạn biết gì về vấn đề lên đồng, cầu cơ, nghề phù thủy, bùa ngải, ma thuật đen… Những cách người ta bỏ bùa, với những ảnh hưởng cùng những vật lạ liên quan đến vấn đề này. Nguyên nhân vấn đề tự tử. Những hiện tượng bàn ghế tự nhảy múa hay những vật gì đó trong nhà tự chuyển động. Những bóng ma, những ngôi nhà bị quỷ ám. Cách phân biệt giữa người bị tâm thần với người bị quỷ nhập. Mục đích chính yếu của các con quỷ. Các con quỷ hù dọa người trừ

quỷ… Những vấn đề trên sẽ được giải đáp thỏa đáng với nhà trừ quỷ lừng danh người Ý – , ông đã có rất nhiều kinh nghiệm và đã cho xuất bản nhiều sách về ma quỷ. Cho đến năm 2010, ông đã xử lý hơn 70.000 trường hợp liên quan đến vấn đề này. Mời đọc cuốn sách nổi tiếng “Nhà trừ quỷ kể truyện” của ngài Gabriele Amorth. Qua đó bạn sẽ biết được những bí ẩn, sau những hiện tượng như vậy. 

Gần đây đã rộ lên những hiện tượng mà Lm. Amorth gọi là “ma thuật trắng” của thuyết  “thông linh”, “tâm linh”…  quảng cáo việc trừ tà, giải trừ thư ếm, bùa ngải và việc triệu hồn, soi căn, etc. mà không ít các Kitô hữu, đặc biệt là thanh thiếu niên tò mò tìm hiểu và tham gia. Thế giới bùa ngải, phù thủy và ma thuật là có thật và trận chiến thiêng liêng đang diễn ra ở mức độ quyết liệt do nạn phá thai tràn lan, văn hóa sự chết đang hủy hoại mọi tầng lớp trong xã hội và gia đình! Xin phổ biến cuốn sách đáng đọc này đến người thân bạn bè, đặc biệt là giới trẻ. Bản tiếng Anh có thể mua trên Amazon, Barnes & Noble, etc.

Thân chúc các bạn một Mùa Chay thánh thiện và gặt hái nhiều hoa trái của Chúa Thánh Thần!

Trong Hai Thánh Tâm,

Giuse Trần Thái Hoàng