Thánh Mát-thêu-Cha Vương

Thánh Mát-thêu

Hôm nay 21/09, Giáo hội mừng kính Thánh Mát-thêu. Mừng bổn mạng đến những ai chọn Ngài làm quan thầy nhé. Hãy thêm lời cầu nguyện cho những ai đang bị ảnh hưởng bởi tai ương, chiến tranh, bệnh tật khắp nơi.

Cha Vương

Thứ 4: 21/09/2022

“Bỏ nơi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người.”

Câu văn ngắn ngủi trên cho chúng ta biết về người môn đệ tên là Mát-thêu Thánh sử. Có phải thật Mát-thêu là người thu thuế như Thánh Marcô và Luca đã viết trong Tin Mừng không? Nếu đúng như vậy thì Mát-thêu chắc chắn bị những người Do thái khinh bỉ và ghét bỏ vì là người cộng tác với quân La Mã. Những người thu thuế là kẻ thù của nhân dân và là người tội lỗi mà họ oán trách Chúa Giêsu đã đi lại và dùng bữa với họ.

Dù sao đi nữa thì Mát-thêu đã bỏ dĩ vãng lại trong quá khứ mà đi theo Chúa Giêsu. Nhiều học giả nghi ngờ là sách Tin Mừng Mát-thêu có thể là do một trong những môn đồ của Chúa Giêsu vào cuối thế kỷ đầu tiên vì dường như là sách Tin Mừng Mát-thêu được viết bởi một Kitô hữu Do thái thông thạo tiếng Hy lạp và quả quyết Chúa Giêsu là Đấng Messiah, Đấng đã hoàn tất những tiên báo trong Cựu Ước mang đến một luật lệ và một kỷ nguyên mới.

Dường như thánh Mát-thêu viết sách Tin Mừng dành nhiều cho người Do Thái và người giàu có. Phúc âm thánh Mát-thêu ca ngợi sự nghèo khó và thuyết phục người đọc là ơn cứu độ tùy thuộc nhiều vào lòng thương xót những kẻ nghèo khó. Điều này nói lên lòng ăn năn hối cải của người thu thuế. Mát-thêu kể lại những lời giảng dạy của Chúa Kitô và tóm tắt điều căn bản trong Bài giảng trên Núi về các Mối Phúc Thật.

Mát-thêu ghi lại dụ nguôn về cuộc Phán Xét Cuối Cùng khi “Đức Chúa Con trở lại trong vinh quang” để tách ra “chiên và dê”. Chúa phán với những người được Chúa ân thưởng: “Vì khi Ta đói các người đã cho ăn, Ta Khát các ngươi đã cho uống, Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước, Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc, Ta đau ốm các ngươi dã thăm viếng, Ta ngồi tù các ngươi đã hỏi han.” Họ bèn hỏi: “Chúng tôi đã làm những việc ấy lúc nào? Chúa bèn phán: “Ta bảo thật các ngươi, mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ của Ta đây là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”

Thánh Mát-thêu là đấng phù trợ các sứ vụ của Giáo Hội. Được ơn gọi đi theo Chúa Giêsu, thánh Mát-thêu kết thúc Tin Mừng lời thúc dục người theo Chúa như sau: “Vậy anh em hãy ra đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, “và lời cuối cùng cho chúng ta và cho mọi thời đại: “Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Nguồn: ViệtCatholic)

Xin bạn hãy tự trả lời những câu hỏi gợi ý suy niệm hôm nay, nếu được thì hãy chia sẻ với một người nào đó:

❦ Hôm nay, Thiên Chúa sai tôi đến với ai?

 Tôi đã và đang làm gì để mang Tin Mừng vào trong môi trường sống của tôi?

 Đâu là những lĩnh vực trong đời sống mà tôi có thể tận hiến cho Thiên Chúa?

From: Đỗ Dzũng

 Thánh Andrê Kim Taegon & Thánh Paul Chong Hasang và các Bạn tử đạo người Ðại Hàn.

 Thánh Andrê Kim Taegon & Thánh Paul Chong Hasang và các Bạn tử đạo người Ðại Hàn.

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Andrê Kim Taegon & Thánh Paul Chong Hasang và các Bạn tử đạo người Ðại Hàn.

Cha Vương

Thứ 3: 20/09/2022

Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. 

Sáu năm sau, ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài có nhiệm vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm tránh né sự kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu ở sông Han gần thủ đô Hán Thành.

    Thánh Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi. Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế.

    Một trong những chuyến đi này, khoảng năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén lút đem về để dạy bảo người Kitô Giáo Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu thành hình. Khoảng mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại Hàn, ngài thấy có đến 4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh mục. Bảy năm sau, số người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng, tự do tôn giáo được ban hành vào năm 1883.

    Khi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn ngày 06 tháng 5 năm 1984 để phong thánh, ngoài hai Thánh Anrê Kim Taegon và Phaolô Chong Hasang, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử đạo trong khoảng 1839 và 1867. Trong số 103 Thánh tử đạo có các giám mục và linh mục, số còn lại  là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.

    Trong những người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù, bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi, Peter Ryou, bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào quan toà. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi, sau khi bị tra tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông  trở lại, tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.

LỜI BÀN: Chúng ta bàng hoàng khi thấy Giáo Hội Ðại Hàn, sau khi được thành lập, hoàn toàn là một Giáo Hội của giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào mà giáo hội ấy sống còn khi không có bí tích Thánh Thể? Ðiều này cho thấy, không phải các bí tích không có giá trị, nhưng phải có một đức tin sống động trước khi thực sự được hưởng ơn ích của bí tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ của sự hoạt động của Thiên Chúa và là đáp ứng của đức tin sẵn có. Bí tích làm gia tăng ơn sủng và đức tin, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra khi đã có một điều gì đó để gia tăng.

LỜI TRÍCH: “Giáo Hội Ðại Hàn thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Ðại Hàn ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến” (ÐGH Gioan Phaolô II, bài giảng trong lễ phong thánh).

(Nguồn: Người Tín Hữu Online)   

From: Đỗ Dzũng

Hội Thánh tha thứ tội lỗi như thế nào?-Cha Vương

Hội Thánh tha thứ tội lỗi như thế nào?

Ngày thứ 2 tràn đầy tình yêu và ân sủng của Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 19/09/2022

GIÁO LÝ: Hội Thánh tha thứ tội lỗi như thế nào? Bí tích đầu tiên và chính yếu để tha tội là bí tích Rửa Tội. Sau khi lãnh bí tích Rửa tội, đối với các tội nặng đã phạm, điều cần thiết để được tha thứ là phải chạy đến với bí tích Hòa Giải (bí tích Thống Hối, Giải Tội). Đối với các tội nhẹ thì chỉ khuyên xưng tội thôi. [Tội nhẹ không buộc xưng, nhưng để tiến nhanh trên đường theo Chúa, ta nên thường xuyên  xưng các tội mà ta quyết tâm chừa bỏ.  Lý do là để:

– Giúp rèn luyện lương tâm: lương tâm sẽ nhậy bén đối với tội lỗi hơn.

– Giúp chiến đấu chống lại các khuynh hướng xấu nơi ta.

– Càng ngày càng thăng tiến trong đời sống ơn thánh và nên giống Chúa Kitô hơn.

Khi xưng các tội nhẹ, điều quan trọng vẫn là lòng thống hối ăn năn và quyết tâm sửa mình. Đừng cố xưng thật nhiều tội nhẹ nhưng lại không chủ tâm chừa tội nào. Những tội nhẹ ta cần xưng là những tội ta đang quyết tâm sửa mình.]

Việc đền tội phải tương xứng với tính chất trầm trọng của tội đã phạm. Có thể đền tội bằng cách đọc Kinh Thánh, cầu nguyện, ăn chay, và làm các việc lành khác. (YouCat, số 151)

❦  Tôi sẽ phải bối rối nếu không có phép giải tội trong kín đáo. (Martin Luther, 1483–1546, nhà cải cách Tin lành Đức)

SUY NIỆM: Trong một nhà thờ ở Tây Ban Nha, người ta tôn kính một cây Thánh Giá cổ xưa mà cánh tay phải của Chúa tách rời khỏi đinh. Cây Thánh Giá này có lịch sử như sau:

Ngày nọ, một tội nhân “gạo cội” đến xưng thú tội mình dưới cây Thánh Giá này với tất cả dấu hiệu của một sự thống hối chân thật. Cha giải tội do dự ban phép giải tội cho ông ta vì các tội của ông nhiều và nặng. Tội nhân cầu xin sự tha thứ.

– Tôi ban phép giải tội cho ông, vị linh mục nói – Tuy nhiên ông không được tái phạm nữa nhé!

Tội nhân xin hứa và giữ được lời hứa trong một thời gian. Nhưng rồi ông yếu đuối và sa ngã lại. Lòng thống hối thúc đẩy ông đến toà giải tội. Vị linh mục bảo ông:—Lần này thì tôi không ban phép giải tội cho ông đâu!

Ông ta nài nỉ:—Con đã chân thành đoan hứa với cha, nhưng con yếu đuối! Xin hãy tha thứ cho con!

Cha giải tội tha thứ và nói thêm:— Đây là lần cuối cùng đó nhé!

Một thời gian khá lâu sau đó, một phần do thói quen, một phần vì yếu đuối, ông ta lại rơi vào vòng tội lỗi.

– Bây giờ thì dứt khoát! Vị linh mục bảo ông – ông luôn rơi lại trong cùng một tội. Sự thống hối của ông không chân thành.

– Thưa cha, con rất chân thành thống hối. Con sa ngã vì con yếu đuối. Con thẳng thắn, chân thực, nhưng con bệnh hoạn.

– Không, không còn sự tha thứ cho ông nữa!

Và chính lúc đó người ta nghe có tiếng ai khóc. Tiếng động phát xuất từ cây Thánh Giá: một cánh tay rời khỏi đinh, giơ lên và vạch trên đầu tội nhân dấu hiệu sự tha thứ, đồng thời có một tiếng nói: “Chính ta đổ máu ra cho người này chứ không phải ngươi!”

Từ đó, bàn tay của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy như không ngừng mời gọi người tội lỗi hãy đến để đón nhận ơn tha thứ… (Sưu tầm online)

LẮNG NGHE: Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin; (Tv 86:5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin đoái nhìn và xót thương con, ban sức mạnh của Ngài và xuống ơn cứu độ cho con vì con là kẻ tội lỗi.

THỰC HÀNH: Quyết tâm từ bỏ một tội nhẹ nhé.

From: Đỗ Dzũng

Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn – Cha Vương

 Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn

Trời đang từ từ chuyển sang Mùa Thu, thời tiết tuy thay đổi nhưng tình yêu của Chúa đối vời bạn không bao giờ thay đổi. Hãy vững tin vào Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 18/09/2022

TIN MỪNG: Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn. (Lc 16:10)

SUY NIỆM: Trong cuộc sống hằng ngày ít khi bạn gặp những việc lớn mà chỉ gặp những việc nhỏ, tầm thường. Đời sống con người thường chỉ là  một chuỗi những việc nhỏ mọn tình cờ chắp nối lại. Tách ra từng việc thì hình như không có giá trị gì, nhưng chính những cái nhỏ đó là những sợi chỉ dệt nên tấm thảm của đời sống bạn. Thí dụ, cái nhà đồ sộ nguy nga cũng chỉ là những hạt cát tí ti, những viên gạch góp lại. Ba vạn sáu ngàn ngày là mấy, chỉ là những biến cố nhỏ mọn; và tất cả những cuộc sa ngã nặng nề chỉ bắt đầu bằng những sai lỗi nhỏ mọn. Bạn sa ngã nặng nề bởi vì bạn coi thường và không biết đề phòng những sa ngã nhỏ. Hôm nay bạn phạm tội nhẹ rồi sớm muộn gì tội nặng sẽ tới thôi—“Trẻ ăn trộm gà, già ăn trộm trâu”. Tại sao bạn lại vấp ngã giữa đường? Không phải vì những hòn đá to lù lù trước mắt, mà chỉ tại một hòn sỏi hay một hòn bi làm bạn trượt chân mà thôi. Có người nói rằng: Trước khi bạn cho ai một đồng bạn cần phải nhìn xem người đó đánh giá trị một đồng xu như thế nào.  Hay nhỉ, tại đâu mà cái nhỏ lại có ảnh hưởng đến thế? Vì ở đời không có cái gì qua đi mà không để lại vết tích. Mỗi việc qua đi dù là rất nhỏ cũng góp một phần vào việc xây đắp thói quen. Nếu bạn muốn có những thói quen tốt thì hãy bắt đầu ngay bây giờ những việc nhỏ tốt trước đi.

LẮNG NGHE: Ông bảo người ấy: “Khá lắm, hỡi đầy tớ tài giỏi! Vì anh đã trung thành trong việc rất nhỏ, thì hãy cầm quyền cai trị mười thành.” (Lc 19:17)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, để được nên thánh con cần phải thắng các nến xấu. Nết xấu tuy là nhỏ nhưng rất nguy hiểm, nếu con không diệt trừ nó thì nó sẽ thắng con và con sẽ làm nô lệ cho nó. Xin thêm sức cho con để con luôn sống cho Chúa mà không bị thương tích.

THỰC HÀNH: Tập một thói quen tốt nho nhỏ hôm nay, rồi cứ làm đi làm lại mỗi ngày.

From:Đỗ Dzũng

httpv://www.youtube.com/watch?v=Khso8QWZftc

TÌNH CHÚA YÊU CON-Quang Thái & Mai Thiên Vân 

 Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa-Cha Vương

 Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa

Những ngày cuối tuần zui zẻ, bình an và thánh thiện nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 17/09/2022

TIN MỪNG: Anh em hãy xem điều gì đẹp lòng Chúa. Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng. (Ep 5:10-11)

SUY NIỆM: (4)Ta thường thấy, người cao niên là người từng trải, nhưng có khi lại không khôn ngoan hơn. Những thiếu nữ lờ đờ kêu rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, xin mở cửa cho chúng con” (Mt 25:11), song họ đến trễ quá, nên lời kêu xin, tiếng gõ cửa của họ chỉ trở nên vô ích. Hạnh phúc cho ai từ tuổi thơ ấu đã dọn mình ra trước tòa án tối cao, nơi đấng oai quyền thẩm vấn hết mọi người mọi tuổi. Ai không dâng trọn sự sống mình từ đầu cho chúa rất đáng sợ sẽ mất hưởng dung nhan Người đời đời.

(5) Lạy Chúa, biết bao thời giờ con bỏ không kính mến chúa! Ước mong con còn thơ ấu, để dâng linh hồn, ý chí, tư tưởng và tình yêu cho Chúa. Đội ơn Chúa, đã thương gìn giữ con được sống giữa lúc con phản bội Chúa. Xin cho con được trung thành kính mến Chúa đến hơi thở cuối cùng. (x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:5:4-5)

LẮNG NGHE: Lạy CHÚA, xin dạy cho con biết: đời sống con chung cuộc thế nào, ngày tháng con đếm được mấy mươi, để hiểu rằng kiếp phù du là thế. / Ấy tuổi đời con, Chúa đo cho một vài gang tấc, kiếp sống này, Chúa kể bằng không. Đứng ở đời, thật con người chỉ như hơi thở, / thấp thoáng trên đường tựa bóng câu. Công vất vả ngược xuôi: làn gió thoảng, ky cóp mà chẳng hay ai sẽ hưởng dùng.” (Tv 39:5-7)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, dù cuộc sống con đang đứng ở trong hoàn cảnh nào, con biết Mẹ không bao giờ bỏ rơi con. Hôm nay con thành tâm đến với Mẹ dâng trọn cả linh hồn, ý chí, tư tưởng và tình yêu của con cho Mẹ, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho con để con biết chu toàn bổn phận mỗi ngày cho đến cùng.

THỰC HÀNH: Cố gắng học thuộc Kinh Kinh Dâng Mình Cho Đức Mẹ để đọc hằng ngày nhé: Lạy Mẹ Maria là Mẹ nhân thay, con xin dâng mình con cho Đức Mẹ và cho chúng con hết lòng làm con Đức Mẹ, thì ngày (đêm) hôm nay con xin dâng con mắt, lỗ tai, miệng lưỡi, trái tim cùng tất cả thân mình con cho Đức Mẹ. Lạy Mẹ Maria là Mẹ khoan thay, này con thuộc về Đức Mẹ thì xin Đức Mẹ gìn giữ con như của riêng Đức Mẹ vậy. Amen.

From: Đỗ Dzũng

Hội Thánh Công giáo có thực sự tha tội được không?-Cha Vương

Hội Thánh Công giáo có thực sự tha tội được không?

Ngày thứ 6 đầy can đảm để dám nói nên lời xin lỗi khi bạn làm tổn thương đến một ai đó. Nhớ cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 16/09/2022

GIÁO LÝ: Hội Thánh Công giáo có thực sự tha tội được không? Có. Bởi vì không chỉ một mình Chúa Giêsu có quyền tha tội, mà Người còn trao cho Hội thánh nhiệm vụ và quyền giải thoát con người khỏi tội lỗi của họ. Chúa Giêsu đã cho linh mục tham gia vào quyền tha tội của Người, nên linh mục có thể tha tội. (YouCat, số 150)

SUY NIỆM: Qua tác vụ của linh mục, Thiên Chúa ban cho loài người ơn tha thứ và xóa bỏ mọi tội dường như tội lỗi không có bao giờ. Một linh mục chỉ có thể thực hiện được việc đó vì Chúa Giêsu đã cho tham dự vào quyền thần linh riêng tư của Chúa để tha tội. (YouCat, số 150 t.t.)

❦ Linh mục đã nhận được nơi Thiên Chúa một quyền năng đầy đủ mà Thiên Chúa đã không ban cho các thiên thần hay các tổng lãnh thiên thần. Thiên Chúa ở trên trời cao xác nhận điều linh mục làm ở dưới thế. (Thánh Gioan Chrysostom)

LẮNG NGHE: Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ. (Ga 20:23)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ… đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài, xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ” (Tv 51:12,13,14).

THỰC HÀNH: Tự xét mình và đọc Kinh Ăn Năn Tội, nếu thuận lợi thì chạy đến Bí Tích Hoà Giải để lãnh ơn tha thứ.

From: Đỗ Dzũng

httpv://www.youtube.com/watch?v=zauLeRyTAuM

[Karaoke Demo] Hãy Tha Thứ (Hiền Thục)

15/09 Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi-Cha Vương

 15/09 Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi

Hôm nay 15/09 Giáo Hội mừng Lễ Đức Mẹ Sầu Bi, ước mong bạn cảm nhận được sự an ủi của Mẹ trong lúc gặp thử thách.

Cha Vương

Thứ 5: 15/09/2022

TIN MỪNG: Ông Si-mê-on nói với bà Ma-ri-a: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải hư vong hay được cứu độ. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng. Phần bà, bà sẽ phải nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thấu.” (Lc 2:34-35)

SUY NIỆM: Hôm qua có một người bạn nói chuyện với mình về một người mẹ tự nhiên bỏ tất cả công việc bà đang làm, cầm vội cái bóp, và đi về. Khi được hỏi, “tại sao?” thì người mẹ trả lời một cách đau buồn, vì con của tôi đang ở trong phòng cấp cứu. Hoàn cảnh này làm mình liên tưởng đến ngày lễ Đức Mẹ Sầu Bi mà Giáo  hội mừng kính hôm nay, “Phần bà, bà sẽ phải nát ruột nát gan như bị lưỡi gươm đâm thấu.” Đúng! Tình mẫu tử không một giấy viết nào có thể diễn tả hết được. Chính vì vậy mà Chúa đã dùng tình mẫu tử này để nói lên tình yêu cao cả của Thiên Chúa đối với nhân loại, “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về.” (Is 66:13)

Dưới chân thập giá, Đức Mẹ với một nỗi niềm Đau Khổ khôn tả: “Hỡi những người qua đường, hãy nhìn xem! Có ai có nỗi thống khổ như tôi không? Tình mẫu tử cao cả tuôn trào bên chân Thánh Giá của Chúa Con. Mẹ đứng đó, cùng chịu đau khổ vô biên với Chúa Con, cùng hiệp dâng làm của Lễ Hy sinh để cứu chuộc nhân loại với sự đồng thuận trong Yêu thương.”

Trong xã hội ngày ngay có rất nhiều người mẹ đang đau khổ, họ là vấn nạn của những bất công, bạo hành, lạm dụng. Nếu bạn là người mẹ đang đau khổ vì con cái, vì chồng, vì gia đình, vì hoàn cảnh… Bạn hãy nhìn và chiêm ngắm hình ảnh Mẹ Đau Khổ. Mẹ cảm thông với cái nặng nề đau đớn của bạn, hãy noi gương Mẹ và sống mạnh dạn trong đau khổ của mình, vì “ai chịu khốn nạn vì đạo ngay, ấy là phúc thật, vì chưng nước Đức Chúa Trời là của mình vậy.”

LẮNG NGHE: Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người. (Hr 5:8-9)

CẦU NGUYỆN: Lạy Đức Maria, Nữ Vương cả đất trời, Mẹ vẫn hiên ngang đứng vững gần bên thập giá Đức Kitô, xin Mẹ đỡ nâng con trong mọi biến cố hay đau khổ trong đời để con biết can đảm xin thưa hai chữ “xin vâng”, xin dạy con biết thầm lặng gẫm suy và thực thi Thánh Ý Chúa mỗi ngày để được thưởng cùng với Mẹ trên nước thiên đàng.

THỰC HÀNH: Dù người mẹ của mình con sống hay đã khuất núi, mời bạn suy tư về người mẹ qua câu này: “Mẹ có thể chưa bao giờ nói yêu bạn, thương bạn, nhưng mẹ sẽ là người làm tất cả để bạn được sống một cuộc sống tốt nhất và hạnh phúc nhất.”

Vì vậy hãy thể hiện những cử chỉ yêu thương mẹ mình mỗi ngày qua lời cầu nguyện hoặc bằng những hành động cụ thể bạn nhé.

From: Đỗ Dzũng

Lễ kính Thánh Giá Chúa Giêsu (14 tháng 09)-Cha Vương

Lễ kính Thánh Giá Chúa Giêsu (14 tháng 09)

Xin Chúa gìn giữ bạn và gia đình hôm nay và mãi mãi nhé. Hãy bảo trọng!

Cha Vương

Thứ 4: 14/09/2022

Mỗi ngày 14 tháng 9 hàng năm, chúng ta nói lên sự biết ơn và lòng yêu mến Ðức Giêsu qua sự tôn trọng thập giá. Trước đây, thập giá từng là biểu hiệu của sự tủi hổ. Các tử tội được chết chém đó là một ân huệ, vì được miễn cho sự nhục nhã khi bị treo trên thập giá. Ðức Giêsu đã thi hành mọi sự để đem lại sự cứu độ cho chúng ta. Ngài đã chấp nhận sự đau khổ thập giá. Ðau khổ dẫn đến tủi nhục.

Thập giá trở nên dấu hiệu thiêng liêng của Kitô Giáo. Khi thập giá có mang tượng Ðức Giêsu, thập giá đó trở thành thánh giá. Chúng ta treo thánh giá trong nhà hay đeo trên người để nhắc nhở rằng, vì chúng ta mà Ðức Giêsu đã phải hy sinh.

Trong nhiều thế kỷ, di tích của cây thập giá đích thực được Kitô Hữu quý trọng. Người ta tin rằng vào năm 629, dưới thời Hoàng đế Herachius I, những người Ba Tư xâm chiếm Giêrusalem và lấy mất phần chính của Thánh Giá thật mà thánh Hélène, mẹ của Hoàng đế Constantin đã để lại. Hérachius nhất định chiếm lại thánh giá này. Ngài cầu nguyện xin Chúa giúp đỡ và nung nấu lòng can đảm. Quả nhiên, lời cầu xin của vua đã được Chúa chấp nhận. Ngài đã đánh bại được quân Ba Tư và trở về Constantinople giữa tiếng reo hò của dân chúng. Với những cành olive, những ngọn đuốc cháy sáng, thánh giá thật của Chúa đã được tôn vinh trong bầu khí khải hoàn. Hoàng đế tràn trề vui sướng muốn trở về Giêrusalem với thánh giá này sau 14 năm lưu lạc. Nhà vua long trọng tiến vào thành thánh, nhưng trước khi lên núi Sọ, ngài đã không thể bước đi được nữa, khiến cho mọi người đều kinh ngạc sợ hãi. Giáo trưởng Zachachie hô lớn: “Tâu đức vua, chắc chắn phẩm phục của đức vua không xứng đáng với cảnh nghèo nàn và khiêm nhượng của Chúa Giêsu khi vác thánh giá”. Hérachius vội cởi bỏ mọi phẩm phục sang trọng và thay vào bằng bộ quần áo nghèo hèn. Tức thì nhà vua cất bước một cách dễ dàng… và để tỏ ra sự khải hoàn, Chúa đã ban nhiều phép lạ cả thể trong ngày ấy.

Từ đó, lễ kính Thánh Giá Chúa Giêsu được lập ra để nhắc nhớ cho các thế hệ kỷ niệm này. Nhưng trước cả thời gian đó, Kitô Hữu đã tôn kính và quý trọng thập giá và lễ Suy Tôn Thánh Giá được các Kitô Hữu tại Rome cử hành từ cuối thế kỷ thứ 7.

Chữ “thập giá” cũng có nghĩa những đau khổ trên đường đời. Khi chúng ta kiên nhẫn và vui lòng chấp nhận đau khổ như Ðức Giêsu đã chấp nhận thập giá của Ngài, chúng ta sẽ trở nên “người vác thập giá” như Ðức Giêsu Kitô. (Nguồn: Người Tín Hữu online)

Hôm nay mời bạn bỏ ra mấy phút suy niệm trước Thánh Giá là nơi treo Đấng Cứu Độ trần gian, bạn hãy đặt tất cả những gánh nặng cuộc đời vào lòng xót thương và sự quan phòng của Chúa.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Gioan Kim Khẩu- Cha Vương

Thánh Gioan Kim Khẩu

Mến chúc Bạn và gia đình một ngày an lành. Nào cùng hít thở sâu 10 lần để lấy sinh lực của Chúa Thánh Thần mà phục vụ nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 13/09/2022

Hôm nay 13/9, Giáo Hội mừng kính Thánh Gioan Kim Khẩu. Thánh nhân sinh tại nước Thổ nhĩ Kỳ vào năm 349 tại Antiokia. Người ta gọi Ngài là Gioan thành Antiokia, được mệnh danh là Kim Khẩu: Chrysostome. Miệng tuôn toàn những lời quí như vàng. Thánh nhân có tài hùng biện và trí khôn ngoan minh mẫn hiếm có. Gioan thành Antiokia ngay từ khi còn nhỏ đã được mẹ Ngài giáo dục với một lòng nhân ái bao la, truyền đạt cho Ngài một đức tin sắt đá và lòng hy sinh hào hiệp. Năm 373, thánh nhân được tuyển vào chức đọc sách, nhưng tài lợi khẩu, hoạt bát của Ngài đã làm say mê bao người, từ đó danh tiếng Ngài vang dội khắp nơi. Vì danh tiếng lẫy lừng nổi bật do lòng đạo đức thánh thiện và tài hùng biện có sức thuyết phục nhiều người trở về với chúa, người ta nhất loạt tôn thánh nhân lên chức giám mục, nhưng Ngài khiêm tốn khước từ và chỉ thích ẩn mình, ăn chay, cầu nguyện. Ý Chúa lạ lùng không ai hiểu thấu, sau bốn năm sống khắc khổ, Ngài lâm bệnh dạ dầy nặng, buộc Ngài phải trở về Antiokia. Năm 386, thánh nhân lãnh nhận sứ vụ linh mục và trong cương vị linh mục, suốt 12 năm, thánh nhân đã làm say mê dân thành Antiokia nhờ lòng sốt sắng, tài ăn nói thuyết phục, miệng tuôn những lời quí như vàng và đưa rất nhiều người quay về với Chúa do lời giảng dậy của Ngài.

Thánh nhân đả phá những cổ tục mê tín, cuộc sống hào phóng, xa hoa, trụy lạc của những người giầu và kêu gọi mọi người lưu tâm đến những người nghèo. Chính thánh nhân nêu gương sáng sống nghèo và giúp đỡ người nghèo. Năm 397, Ngài được bầu làm giám mục thành Constantinople, thánh nhân lưu tâm nghiên cứu về thánh Phaolô tông đồ, cải tổ hàng giáo sĩ, thiết lập một số qui chế để thánh hóa bản thân, hủy bỏ tận căn mọi tập tục xa xỉ gây tốn phí tiền bạc, của cải, vật chất. Ngài chống đối kịch liệt các bè rối Ariô, Novatio vv. (Nguồn: Hạnh Các Thánh)

Thánh nhân qua đời vào ngày 14/9/407, Chúa thưởng công Ngài bằng vô số phép lạ sau khi Ngài chết. Ðức Thánh cha Piô X đã nâng Ngài lên bậc tiến sĩ Hội Thánh và đặt Ngài làm bổn mạng của những nhà giảng thuyết.

Mời Bạn suy niệm những câu nói vàng ngọc của Ngài sau đây nhé:

(1) Nếu bạn không tìm thấy Chúa Kitô nơi người ăn mày này, thì bạn sẽ không tìm thấy Ngài nơi chén thánh.

(2) Tội lỗi là một vết thương. Ăn năn là thuốc chữa.

(3) Cầu nguyện cho chính mình là bản năng tự nhiên; cầu nguyện cho người khác là bản năng của ân sủng.

(4) Yêu tiền bạc là một điều kinh khủng! Nó làm cho con mắt và lỗ tai không còn nghe thấy gì, khi đó con người tệ như con thú hoang dã.

(5) Tình yêu của người chồng và người vợ là sức mạnh gắn bó toàn xã hội.

(6) Dù lời của bạn có đúng cách nào, nó sẽ mất tất cả hiệu lực nếu bạn nói khi bạn giận.

Câu nào đánh động bạn nhất? (Câu 3 & 6 đánh động mình nhất)

Lạy thánh Gioan Kim Khẩu, xin ban cho chúng con biết dùng miệng lưỡi để ca tụng và cảm tạ tri ân Thiên Chúa.

From: Do Dzung 

 Lễ tôn kính Tên cực thánh Đức Bà Maria – Cha Vương

Lễ tôn kính Tên cực thánh Đức Bà Maria

Hôm nay là ngày Lễ tôn kính Tên cực thánh Đức Bà Maria. Mời bạn tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Tên cực thánh Đức Bà Maria mà luôn luôn chạy đến Mẹ với hết lòng tin tưởng nhé.

Cha Vương

 Thứ 2: 12/09/2022

NGUỒN GỐC: Ngày lễ tôn kính Tên cực thánh Đức Bà Maria được Đức Giáo Hoàng Innocent XI thiết lập vào năm 1683, để kỷ niệm biến cố lớn lao về cuộc chiến thắng vĩ đại của người Kitô hữu chống lại quân Thổ Nhỉ Kỳ do sự che chở rất hiển nhiên của Đức Maria, Nữ Vương trên Trời.

Năm mươi vạn quân Thổ Nhỉ Kỳ tiến đánh sát thành Vienna và đang đe dọa toàn cỏi  Âu châu . Trong ngày lễ Bát Nhật kính ngày Sinh Nhật Mẹ Maria, Sobieski, vua xứ Ba Lan, quyết tâm đến cứu giúp thành Vienna đang bị quân Thổ bao vây khốn đốn. Vị vua này bắt đầu tiến quân với thánh lễ Misa. Sau khi sốt sắng rước Mình Thánh Chúa xong, ông tiến đến trước bàn thờ giang hai tay hình thánh giá và dỏng dạc hô lớn: “Chúng ta hãy mạnh dạn tiến quân, Thiên Chúa sẽ bảo vệ chúng ta và Đức Mẹ Maria sẽ trợ giúp chúng ta.” Lòng tin tưởng của vị vua thánh thiện này đã được đền đáp. Quân Thổ mặc dù rất đông đảo nhưng bị tấn công bất ngờ đã bỏ chạy trong rối loạn. Và từ đó danh thánh Mẹ Maria được tôn kính cho đến ngày hôm nay.

Thật là chính đáng khi tôn kính tên cực thánh Maria trong những ngày lễ kính của Giáo Hội Công giáo bên cạnh tên cực thánh Giêsu. Tên Maria là một tên cực thánh, đầy vinh quang, một tên có âm điệu dịu dàng, một tên khi gọi đến đều được mọi ơn cứu rổi. Các thánh đã cố gắng ghi lại nhiều điều lạ lùng tuyệt vời khi thốt lên tên cực thánh Maria. Niềm vinh quang của tên cực thánh Maria mà Thiên Chúa đã ban cho cha mẹ của Đức Nữ Đồng Trinh và là tên được Chúa chúc phúc mà thiên thần Gabriel đã rao truyền đầy lòng tôn kính và từ đó mọi thế hệ người Công giáo đã âu yếm lập lại trên đầu môi mỗi ngày; Thiên đàng đã ban cho thế gian một tên cực đẹp và thế gian đã ca tụng tên Maria với một âm điệu vang vọng hiền hòa. Thánh Pierre de Blois nói: “Nghe tên cực thánh Maria, toàn Giáo Hội đều quỳ gối, và những lời cầu xin và nguyện cầu của mọi người được vang vọng lên từ khắp mọi phương trời.”

Thánh Bonaventure thường cầu nguyện: “Tên của Mẹ đầy vinh quang, ôi Đức Mẹ Chúa Trời, ôi tên cực thánh là nguồn hạnh phúc tuyệt vời.” Chân phước Henri Suzo; “Tên của Mẹ ngọt ngào biết dường nào.” Thánh Ambrose nói: “Tên của Mẹ là hương thơm tỏa ra mọi ngưồn ân sủng. Nhưng đối với thánh Ephrem còn gọi tên của Đức Mẹ Maria là Chìa khóa cửa Thiên Đàng và thánh Bernard thì nói là khi kêu đến tên Maria thì mọi quỷ dữ đều bỏ chạy trốn. (PT Huỳnh Mai Trác)

THÁNH TÍCH: Bên Ý có một cô gái đang đi dọc đường, giữa một nơi xa vắng, gặp phải một tên cướp. Tên cướp ấy có tiếng là hung hãn và đã đoạt của cùng giết chết nhiều người. Giữa lúc bơ vơ không ai cứu chữa, cô sợ hải khiếp kinh. Giáp mặt cô, tên cướp bảo rằng: “Cô hãy nghe ta, bằng không ta sẽ giết”. Trong lúc nguy khốn, cô chợt nhớ đến Đức Mẹ, liền kêu tên Cực trọng Maria, cô lạy tên cướp và xin vì Đức Mẹ mà tha cho mình. Tên cướp nghe nói đến tên Maria thì dừng lại, nghĩ một lúc rồi bảo cô ta: “Được, vì Đức Mẹ mà ta tha chết cho cô, nhưng xin cô nhớ cầu Đức Mẹ cho ta với”. Ta xem tên Cực trọng Đức Mẹ linh ứng dường nào, tên cướp định hãm hại cô gái, nhưng vừa nghe tên Cực Thánh Đức Mẹ liền đổi lòng, chẳng những tha cho cô ta, mà lại đưa cô ta qua quãng đường đầy cheo leo ấy nữa.

From: Đỗ Dzũng

  Ta có được thờ kính Đức Maria không? Cha Vương

  Ta có được thờ kính Đức Maria không?

Mừng Tết Trung Thu nhé! Thay vì rước lồng đèn thì mời bạn đốt một ngọn nến để tôn kính Mẹ vì Mẹ được ví như là vầng trăng tuyệt vời, vầng trăng đón nhận ánh sáng từ Thiên Chúa và phản chiếu cho nhân loại. Xin Mẹ đồng hành với bạn hôm nay.

Cha Vương

 

Thứ 7: 10/09/2022

GIÁO LÝ: Ta có được thờ kính Đức Maria không? Không. Chúng ta chỉ thờ một mình Thiên Chúa. Nhưng chúng ta có thể tôn kính Đức Maria cách đặc biệt, vì Người là Mẹ Đấng Cứu Thế. (YouCat, số 149)

SUY NIỆM: Thờ kính có nghĩa là nhìn nhận cách khiêm tốn vô điều kiện quyền tối cao tuyệt đối của Thiên Chúa trên mọi thụ tạo. Đức Maria là một thụ tạo như ta. Người là Mẹ ta theo đức tin. Và ta phải thảo kính cha mẹ, đó là Kinh thánh dạy. Và Đức Maria đã nói về mình rằng: Vâng từ nay mọi thế hệ sẽ khen tôi có phước (Lc 1,48). Trong Hội thánh, việc tôn kính này được diễn ra một cách độc đáo trong các trung tâm hành hương kính Đức Mẹ, trong các lễ phụng vụ kính Mẹ Thiên Chúa và trong các kinh nguyện tôn kính Đức Mẹ, như kinh Mân Côi, được xem là bản tóm lược toàn bộ Tin Mừng. (YouCat, số 149 t.t.)

❦ Là người tôn sùng Đức Mẹ, có biệt danh là Linh mục Kinh Mân Côi, Bậc đáng kính Patrick Peyton (1909-1992) nói: “Gia đình cầu nguyện với nhau thì hòa thuận với nhau. Thế giới cầu nguyện là thế giới bình an”

LẮNG NGHE: Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. (Lc 1:35)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, đoàn con tôn kính Mẹ vì Mẹ  là Mẹ của Đấng Cứu Thế và là Mẹ của những ai tin vào Chúa, “xin Mẹ lấy đức đơn sơ, điềm tĩnh, khôn ngoan, hiền dịu và quả cảm của Mẹ thay thế vào lòng con” để con nên giống Mẹ hôm nay.

THỰC HÀNH: Sắp xếp có giờ đọc kinh chung trong gia đình hoặc nối mạng với những người thân thương bạn bè đọc kinh trên “zoom/điện thoại” cũng mang lại hiệu quả rất tương xứng.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Peter Claver, Linh Mục dòng Tên (1580-1654)-Cha Vương

Thánh Peter Claver, Linh Mục dòng Tên (1580-1654)

Chúc Bạn một cuối tuần an lành trong Tình Yêu Thiên Chúa. Đừng quên cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 09/09/2022

Hôm nay 09/09, Giáo hội mừng lễ nhớ Thánh Peter Claver, Linh Mục dòng Tên, truyền giáo tại nước Colombia, Nam Mỹ Tây ban nha-Columbia (1580-1654). Sau khi tốt nghiệp  tại đại học Barcelona nước Tây ban nha, cậu quyết định theo ơn gọi Dòng Chúa Giêsu. Dưới sự giám hộ của thánh Alphonsô Rodriguez cậu được huấn luyện làm chiến sĩ truyền giáo cho Nam Mỹ.

Người Tây ban nha truyền giáo tại Colombia: Khấn dòng rồi, thầy được gửi đi Cartagena nước Colombia năm 1610, được chịu chức linh mục năm 1615.  Làm việc truyền giáo tại một trung tâm mua bán người nô lệ da đen. Mỗi tháng có tới hàng ngàn nô lệ được đổi chác.

Tự nhận mình là “nô lệ của những người nô lệ”, cha đã dành hầu cả cuộc đời mình (40 năm) để phục vụ người nô lệ.  Mỗi khi nghe có tàu Âu châu cập bến, cha đem quần áo,  thực phẩm, thuốc và nước uống cho họ, vì thế mà cha chinh phục được nhiều người trở lại với Chúa.  Ngài đã rửa tội được 300,000 người nô lệ tại Cartagena.

Cha Peter khi cầu nguyện, thường mở cuốn sách “Đời sống Chúa Giêsu “, nhìn vào hình ảnh Chúa trong đó mà cầu nguyện theo lối thánh Ignatio chỉ dạy.  Ngài mở nhiều đến nỗi sách rách và cũ mèn. Hình coi cũ nhất là hình Chúa Giêsu đau khổ cầu nguyện trong vườn Giêtsimani, Chúa bị đánh đòn, đội mũ gai, và chết trên thánh giá. Nhớ tới Chúa Giêsu tử nạn làm tăng sức cho cha Peter thương những người da đen cùng khổ.

Nguyên tắc nên thánh: Cha Peter viết trong tập sổ tay 4 nguyên tắc hướng dẫn đời ngài, những nguyên tắc giúp ngài nên thánh: (1)Tìm Chúa trong mọi sự, (2) vâng lời các bề trên như vâng lời Chúa, (3) làm mọi sự cho vinh danh Chúa hơn, (4) vui lòng đón nhận bất cứ đau khổ nào, hoặc việc làm nào có thể cứu các linh hồn.

Năm 1560, cha Peter bị bệnh dịch, mệt mỏi vì công việc, ngài nằm liệt giường 4 năm. Ngài chết tại Cartagena ngày lễ Sinh nhật Đức Mẹ  8 tháng 9 năm 1654.  Ngài được phong thánh năm 1888.  Năm 1896, Đức Giáo Hoàng Lêô 13 đã tôn ngài làm quan thầy các xứ truyền giáo da đen. (Nguồn: Dân Chúa, Hạnh các thánh)

Sau đây là những câu nói của thánh nhân:

 Chúng ta phải nói với họ bằng đôi tay rộng lượng trước khi nói với họ bằng miệng lưỡi của chúng ta.

Tìm kiếm Chúa trong mọi sự và bạn sẽ tìm thấy Chúa ở bên cạnh bạn. 

Để làm theo ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta phải từ bỏ chính mình: càng chết cho chính mình, thì càng sống cho Thiên Chúa. (Thánh Peter Claver)

Hôm nay mời Bạn hãy nói gương thánh nhân để nên thánh trong mọi hoàn cảnh của mình nhé.

From: Đỗ Dzũng