Thánh Antôn Padua (1195-1231) – Cha Vương 

Thánh Antôn Padua (1195-1231)

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé, hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh An-tôn, mừng bổn mạng đến những ai nhận thánh Antôn làm quan thầy.

Cha Vương 

 Thứ 2: 13/06/2022

TIN MỪNG: Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. (Roma 12:1)

SUY NIỆM: Thánh Antôn Padua (1195-1231) người Bồ Đào Nha và là tu sĩ Dòng Phanxicô. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có ở Lisboa, Bồ Đào Nha nhưng mất tại Padua, Ý. Với kiến thức chuyên sâu về Kinh Thánh, ông đã rao giảng mạnh mẽ về đức tin Kitô giáo cho người khác, chính vì thế, ông được phong thánh rất sớm sau khi qua đời và được Giáo hội Công giáo Rôma phong làm tiến sĩ Hội thánh vào ngày 16 tháng 1 năm 1946. Antôn là một người người làm việc không biết mệt mỏi. Ông thường được nhiều người ta gán cho tên “Hòm Bia giao ước” hoặc “Cái búa của bọn lạc giáo”. Người ta thường gọi thánh Antôn Padua là “ông thánh hay làm phép lạ”. Tuy ngay lúc sinh thời Ngài đã làm rất nhiều phép lạ, nhưng Ngài một mực hạ mình khiêm nhu. Chính sự khiêm nhượng cùng với lòng mến Chúa yêu Ðức Mẹ say mê và thương người tha thiết của Ngài đã làm nên nhiều phép lạ…

Tại thành Tulu, nước Pháp, thầy Antôn tranh luận với nhóm rối đạo về mầu nhiệm Chúa Giêsu ngự thật trong Thánh Thể. Sau khi nghe thầy trình bày những luận cứ vững vàng, thì một người rối đạo nói:

– “Đã hay lời Chúa Giêsu thì rõ ràng lắm, song nếu con mắt tôi không tỏ tường, thì tôi không tin”.

Thầy Antôn liền hỏi:

– Vậy anh muốn tôi làm phép lạ nào?

– Tôi có một con ngựa. Ngày thứ bốn tôi sẽ dắt ra đây cùng một bó cỏ non. Còn thầy, thầy sẽ đưa Thánh Thể ra trước mặt nó. Nếu nó bỏ cỏ không ăn mà quỳ lạy Thánh Thể, thì tôi sẽ tin có Chúa Giêsu ngự thật trong đó.

Thầy Antôn nhận cuộc, rồi quay về tu viện ăn chay, cầu nguyện ba ngày ba đêm.

Đến ngày hẹn, từ sáng sớm, dân chúng đã tuôn đến đầy chợ. Ông chủ dắt ngựa đi trước, đầy tớ đội cỏ theo sau. Đồng thời, thầy Antôn cũng kiệu Mình Thánh Chúa đến và nói lớn: “Hỡi con vật vô tri, nhân danh Chúa Giêsu đã dựng nên mi, và đang ngự trước mặt mi, ta truyền cho mi phải quỳ gối thờ lạy Chúa, để thiên hạ biết rằng vạn vật trên trời, dưới đất phải thờ lạy Ngài”.

Đang khi thầy nói, thì đầy tớ vâng lời chủ vội đem sọt cỏ đặt ngay trước mõm ngựa, nhưng nó chẳng thèm để ý tới: chỉ vội vàng quỳ hai chân trước xuống thờ lạy Chúa; dù tên đầy tớ ra sức ấn cỏ vào mồm, nhưng ngựa vẫn không thèm ăn, cứ quỳ yên cho đến khi thầy Antôn kiệu Mình Thánh Chúa về mới đứng lên ăn. Phần người rối đạo nói trên cùng cả dòng họ thì đã trở lại đạo thật và sống đạo nên gương. Ông lại còn bỏ tiền của xây một đền thờ tôn kính thánh Phêrô tại thành Tulu, đến nay hãy còn.

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, vì lời cầu bầu của thánh Antôn, xin nâng đỡ chúng con, vì chúng con yếu đuối và bé mọn, trong cơn đau đớn phần hồn và xác,… (thinh lặng nói lên ý cầu xin) xin giúp chúng con trung thành với Chúa đến cùng. Lạy thánh Antôn hay làm phép lạ, cầu cho chúng con.

LẮNG NGHE: Anh em hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em, vì có lời Kinh Thánh chép: Hãy sống thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh. (1 Phêrô 2:15-16)

THỰC HÀNH: Trong tuần này, thay vì chỉ đi lễ ngày Chủ Nhật,  Bạn hãy sắp xếp dành thời gian đi lễ ngày thường nữa. Nếu không thể được thì Bạn vào nhà thờ viếng Chúa 5/10 phút trước khi về nhà. Hay tâm sự với Chúa và để những khó khăn nơi công sở dưới chân Ngài thì Bạn về nhà sẽ được bình an hơn.

From: Đỗ Dzũng

Tại sao Hội Thánh còn hơn là một tổ chức?- Cha Vương  

 Tại sao Hội Thánh còn hơn là một tổ chức?- Cha Vương

 Thứ 6 nóng nảy quá, giá xăng lại cao, tiền điện lại nhiều, ước mong lòng bạn được bình yên và tươi mát trong Chúa. Xin bạn tiếp tục cầu nguyện cho các thầy 6 sắp nhận chức linh mục cuối tuần này. Đa tạ!

Cha Vương

Thứ 6: 10/06/2022

GIÁO LÝ: Tại sao Hội Thánh còn hơn là một tổ chức? Hội Thánh còn hơn là một tổ chức bởi vì Hội Thánh là một mầu nhiệm, vừa nhân loại hữu hình, vừa thần linh vô hình. (YouCat, số 124)

SUY NIỆM: Tình yêu chân thật không làm ta mù quáng, nhưng sáng suốt. Cái nhìn của ta về Hội Thánh cũng như vậy. Nhìn bên ngoài Hội thánh chỉ là một xã hội trong lịch sử, có những hậu quả trong lịch sử như những lầm lạc, cả những tội ác nữa, một Hội thánh gồm các tội nhân. Nhưng mà nhìn sâu xa hơn, Chúa Kitô lại tín nhiệm chúng ta là những kẻ tội lỗi đến nỗi không bao giờ Chúa bỏ rơi Hội thánh, mặc dầu hàng ngày chúng ta có thể phản bội Chúa. Sự hiệp nhất không thể tách rời giữa thần linh và nhân loại, giữa tội lỗi và ân sủng, đó chính là bí nhiệm của Hội thánh. Theo con mắt đức tin, chính ở chỗ đó mà Hội thánh bất diệt. (YouCat, số 124 t.t.)

❦ Hội Thánh không thể xử sự như một xí nghiệp, thay đổi “cung” khi “cầu” xuống thấp. (Hồng y Karl Lehmann, 1936, Giám mục Mayence)

LẮNG NGHE: Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (Mt 16:18)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa xây dựng Giáo Hội trên một tảng đá mong manh mà lại vững bền để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa. Xin cho con biết sử dụng những kiến thức, những tài năng Chúa ban để kết hiệp với Chúa, với Giáo Hội mang niềm vui của đức tin đến cho mọi người con gặp hôm nay. 

THỰC HÀNH: Bạn có cảm được gánh nặng trách nhiệm và nỗi âu lo của Đức Thánh Cha trước những vấn đề của Hội Thánh và của thế giới không? Làm một việc hy sinh để cầu nguyện cho Đức Thánh Cha.

From: Đỗ Dzũng

Nhiệm vụ của Hội Thánh là gì? – Cha Vương

Nhiệm vụ của Hội Thánh là gì?

Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài. Một ngày an lành nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 09/06/2022

GIÁO LÝ: Nhiệm vụ của Hội Thánh là gì? Nhiệm vụ của Hội Thánh như Chúa Giêsu đã bắt đầu là mang hạt giống Nước Thiên Chúa gieo trồng và làm sao cho hạt giống ấy được lớn lên phát triển trong mọi dân tộc. (YouCat, số 123)

SUY NIỆM: Ở đâu Chúa Giêsu đi qua thì trời chạm tới đất: Nước Thiên Chúa tràn vào, một nước hòa bình và công chính. Hội Thánh phục vụ cho Nước Thiên Chúa. Hội Thánh không có cùng đích là chính mình, mà phải theo đuổi những gì Chúa Giêsu đã bắt đầu. Hội Thánh phải làm việc của mình. Hội Thánh nối dài các dấu hiệu thánh của Chúa Giêsu (các bí tích). Hội Thánh thông truyền những Lời của Chúa Giêsu. Vì thế Hội Thánh với các yếu đuối của mình là một mảnh trời ở trên trần gian. (YouCat, số 123 t.t.)

❦ Như Chúa Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. (Ga 20:21)

LẮNG NGHE: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em. Và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. (Mt 28:19-20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trong thời gian gần đây Giáo Hội đang bị công kích từ nhiều phía. Là những người con trong Giáo Hội, xin cho con biết cộng tác và cầu nguyện hằng ngày cho các vị chủ chăn để họ luôn vững vàng can đảm, bình an lèo lái con thuyền Giáo Hội vượt qua mọi cơn sóng gió.

THỰC HÀNH: Làm một việc hy sinh nhỏ để cầu nguyện cho các hàng giáo sĩ và giáo phẩm trong Giáo Hội Công Giáo.

 From: Đỗ Dzũng

Hội Thánh nghĩa là gì? – Cha Vương

Hội Thánh nghĩa là gì?

Chúa không ngừng tìm kiếm bạn, ước mong con mắt bạn được mở ra để nhận ra Chúa trong mọi hoàn cảnh hôm nay. Một ngày bình yên trong Chúa nhé. Xin một lời cầu nguyện cho các thầy 6 đang chuẩn bị chịu chức Linh Mục vào những ngày sắp tới. Đa tạ.

Cha Vương

Thứ 3: 07/06/2022

GIÁO LÝ: Hội Thánh nghĩa là gì? Từ “Hội Thánh”, theo tiếng Hy lạp “ekklesia”, có nghĩa là “cuộc tập họp của tất cả những người được triệu tập”. Những người đã lãnh nhận bí tích Rửa tội và tin vào Thiên Chúa đều được Thiên Chúa triệu tập, để cùng nhau chúng ta là Hội Thánh. Thánh Phao-lô đã nói, Chúa Kitô là Đầu của Hội Thánh, còn chúng ta là thân thể của Người. (YouCat, số 121)

SUY NIỆM: Khi ta lãnh nhận các Bí tích và nghe lời Chúa, Chúa Kitô ở trong ta và ta ở trong Chúa, đó là Hội thánh. Kinh thánh không ngừng gợi lên cuộc sống cộng đồng thân mật giữa các người được rửa tội với Chúa Giêsu bằng rất nhiều hình ảnh: khi thì Hội thánh là mẹ, khi thì là gia đình của Chúa, Hội thánh cũng được so sánh như những khách dự tiệc cuới… Nhưng không được hiểu Hội thánh như một thể chế thuần túy, “một Hội thánh chức năng” để ta có thể lìa bỏ. Ta có thể bực mình vì những lỗi lầm và những vết nhơ, nhưng không được bao giờ lìa bỏ Hội thánh. Bởi vì Chúa yêu thương Hội thánh không thể nào bỏ được và không bao giờ xa cách Hội thánh mặc dầu có nhiều tội lỗi. Hội thánh là sự có mặt của Chúa giữa loài người. Đó là lý do ta phải yêu mến Hội thánh. (YouCat, số 121 t.t.)

❦ Hội Thánh có nghĩa là “triệu tập”. 

❦ Hội Thánh là một bà già đầy những nhăn nheo. Nhưng Hội Thánh là mẹ tôi. Và người ta không bao giờ đánh mẹ. (Thần học gia Karl Rahner SJ, khi nghe những chỉ trích không thích hợp về Hội Thánh.)

❦ Khả năng hiểu biết của ta có hạn: vì thế sứ mệnh của Thánh Thần là dẫn dưa Hội Thánh một cách luôn mới mẻ, từ thế hệ này qua thế hệ sau, vào tầm mức cao trọng của mầu nhiệm Chúa Kitô. (Đức Bênêđictô XVI)

LẮNG NGHE: Chúa Kitô là Đầu của Thân Thể, nghĩa là Đầu của Hội Thánh. (Cl 1:18)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, sứ mạng của Hội Thánh là quy tụ mọi người, ở mọi nơi, mọi thời đại, để làm cho tất cả đều được hưởng ơn cứu độ, không phân biệt màu da, giai cấp. Xin ban cho con lòng ước muốn đem Chúa đến cho mọi người con gặp hôm nay.

THỰC HÀNH: Để đưa Chúa đến cho mọi người, mời bạn hãy cố gắng gởi đi những bài suy niệm hằng ngày đến những người thân yêu, bạn bè của bạn. Miếng ngon miếng ngọt không ai lại giữ riêng cho mình. Đến với Chúa một mình cũng không được, ta phải đến với Chúa chung với nhau chứ hả? Thành thật cảm ơn về sự tích cự cộng tác của bạn trong công việc truyền giáo nhỏ bé này.

From: Đỗ Dzũng

Tại sao Thiên Chúa muốn có Hội Thánh? – Cha Vương

Tại sao Thiên Chúa muốn có Hội Thánh?

Một ngày bình yên và sinh nhiều hoa quả của Chúa Thánh Thần nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 08/06/2022

GIÁO LÝ:  Tại sao Thiên Chúa muốn có Hội Thánh? Bởi vì Thiên Chúa không muốn cứu rỗi chúng ta cách riêng rẽ nhưng là tập thể. Người muốn tập họp toàn thể nhân loại vào một dân duy nhất, đó là Hội Thánh. (YouCat, số 122)

SUY NIỆM: Không ai có thể lên trời mà không cần người khác, Người chỉ nghĩ đến mình, chỉ lo cứu rỗi riêng mình sẽ sống không cần người khác. Điều này không thể có được cả ở trên trời cũng như dưới đất. Chính Thiên Chúa cũng cần người khác. Thiên Chúa không sống cô độc, tự coi là đủ cho mình. Chính Thiên Chúa là Ba Ngôi, là một cộng đồng, nên theo gương mẫu của Thiên Chúa, con người cũng được mời gọi để sống tương quan, trao đổi, tham gia và yêu thương lẫn nhau. Chúng ta đều có trách nhiệm đối với nhau. (YouCat, số 122 t.t.)

Ta phải trở nên thánh chung với nhau. Ta phải đến với Thiên Chúa chung với nhau, trình diện trước Thiên Chúa chung với nhau. Ta không được gặp Thiên Chúa tốt lành người này sau người kia. Thiên Chúa có thể nói tốt lành sao được nếu ta lại ra đi người này không có người kia? (Charles Péguy, 1873–1914, thi sĩ Pháp)

LẮNG NGHE: Thiên Chúa nói với Cain: Abel em ngươi ở đâu? Cain trả lời: Con không biết. Con có phải là người coi giữ em con đâu? (St 4:9)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, yêu thương anh em là một mệnh lệnh, xin Chúa thắp trong con ngọn lửa tình yêu của Chúa và niềm vui của Thánh Thần để con biết yêu thương và tôn trọng nhau, biết tha thứ và cộng tác với nhau, rồi cùng nhau hưởng vinh phúc thiên đàng với Chúa.

THỰC HÀNH: Tạo cơ hội đọc kinh chung hoặc chia sẻ lời Chúa trong gia đình hay với những bạn bè thân thuộc. Đại dịch COVID dạy cho người tín hữu một bài học quý giá là ta có thể nên thánh chung với nhau qua việc đọc kinh cầu nguyện qua điện thoại hoặc những thiết bị truyền thông.

From: Đỗ Dzũng

HOA QUẢ THỨ 10: Khiêm Nhu-Cha Vương

HOA QUẢ THỨ 10: Khiêm Nhu

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay bạn rán trở thành một người khiêm nhu đi, mình biết chắc những người chung quanh sẽ zui lắm đó.

Cha Vương

Thứ 6: 03/06/2022

TIN MỪNG: Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA là trường dạy khôn ngoan, khiêm nhu là đường dẫn đến vinh dự. (CN 15:33)

HOA QUẢ THỨ 10: Khiêm Nhu— Trong tự điển tiếng Việt định nghĩa là: 1. tính khiêm tốn, tính nhún nhường, tính nhũn nhặn, 2. tính thùy mị, tính nhu mì, tính e lệ, 3. tính vừa phải, tính phải chăng, tính bình thường, tính giản dị. Nhưng theo ý nghĩa truyền thống và thần học, khiêm nhu mang tính yếu đuối, nhưng người khiêm nhu chiến thắng cơn tức giận của mình, biết kiềm chế, biết điều chỉnh và điều khiển năng lực để làm điều tốt hơn điều xấu.

SUY NIỆM: Bạn đang sống trong xã hội có những phần tử đề cao sự thành công của con người dựa trên bao nhiêu huy chương, bao nhiêu phần thưởng, bao nhiêu bằng cấp bằng khen, bao nhiêu tài sản họ có. Họ rất hãnh diện và tự hào về sự thành công của họ. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì đó là mồ hôi nước mắt của họ, họ phải lao động hết sức vất vả mới có được như ngày hôm nay. Họ có đi ăn cướp ăn trộm của ai đâu. Vấn đề ở đây là một khi họ thần thánh hoá niềm tự hào, sự hãnh diện và những thành công của thì họ đã tự biến những gì rất bình thường trở thành bất bình thường. Họ trở thành người kêu ngạo, tự cao, tự đắc qua cách ứng xử không tế nhị, không tôn trọng kẻ khác. Hay nói cách khác đi, họ coi trời bằng vung. Họ luôn tìm kiếm những sự chú ý cho riêng mình. Ngược lại trong xã hội ngày nay cũng không thiếu những người rất khiêm nhu và khiêm nhường. Họ biết kiềm chế, điều chỉnh, và điều khiển cảm xúc của họ. Họ phục vụ một cách tích cực, biết động viên và khuyến khích những người cùng làm việc chung với cả sự khiêm nhu và hết sức tế nhị. Họ không muốn người khác nói lời cảm ơn hoặc tìm kiếm lời khen ngợi của người khác. Họ làm việc tận tuỵ trong âm thầm vì yêu mến Chúa và phục vụ tha nhân. Mẹ Thánh Teresa Calcutta nói: “Nếu bạn khiêm nhu, không có gì ảnh hưởng tới bạn, dù lời khen ngợi hoặc sự ghen ghét, vì bạn biết mình là ai”.  Ước mong bạn cảm nhận được tầm quan trọng của nhân đức khiêm nhu trong cuộc sống, biết dấn thân, quên mình, không đòi hỏi gì nơi người khác nhưng luôn biết cộng tác kết nối với tha nhân làm việc chỉ để cho danh Chúa được cả sáng mà thôi.

LẮNG NGHE: Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải  biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo. (Rm 12:2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, xin biến đổi qua tim con để con biết những việc con phải làm, từ lúc khởi sự cho đến khi hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa chứ không bởi con.

THỰC HÀNH: Tập nhận biết tôi chẳng là gì trước mặt Chúa. Tôi chỉ là người quản lý của Chúa thôi.

From: Đỗ Dzũng

HOA QUẢ THỨ 10: Khoan Dung-Cha Vương

HOA QUẢ THỨ 10: Khoan Dung

Ước mong bạn được Chúa Thánh Thần khắc trên trán hai mẫu tự “ST” hôm nay. 🙂

Cha Vương

Thứ 5: 02/06/2022

TIN MỪNG: Cha ta trên trời sẽ đối xử với các ngươi như thế, nếu các ngươi mỗi người không thật lòng tha thứ, khoan dung cho anh em mình. (Mt 18:35)

HOA QUẢ THỨ 10: Khoan Dung—là thái độ của người có quyền, sẵn sàng làm ngơ hoặc tỏ lòng thương xót và tha thứ cho những người phạm pháp, là sự tha thứ khoan hồng của người trên đối với người, sự quên đi lầm lỗi và thông cảm của đồng bạn với nhau, là không chấp nhất, không trả thù…, là yêu thương tôn trọng người yếu thế hơn,… là sống luật bác ái của Chúa một cách triệt để. 

SUY NIỆM: Lòng khoan dung rất cần thiết cho con người. Đó là con đường mới cho con người bỏ con đường cũ. Pierre Benoit đã từng khẳng định: “Khoan dung là đức tính đem lợi về cho cả ta lẫn người khác”. Câu chuyện kể về hai anh em ăn trộm cừu như sau: 

    Tại một vùng nông thôn nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói kém, bần cùng đã rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ Stealer). Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống hòng chôn chặt bí mật này. Thế nhưng anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa.

    Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi không thể từ bỏ sự tin cẩn của những người xung quanh và của cả chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh.

    Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (ST cũng là chữ viết tắt của chữ Saint—vị thánh)”.

    Ai cũng có những lúc mắc phạm sai lầm, nhưng quan trọng hơn chính là sửa chữa được sai lầm đó. Mỗi người, ai cũng cần phải học cách khoan dung và cho người khác cơ hội sửa sai, nếu ích kỷ mà dẫn đến thiếu lòng vị tha thì bạn cũng chỉ mắc sai lầm giống kẻ phạm lỗi mà thôi.

LẮNG NGHE: CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. (Tv 103:8-10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng an ủi lòng con, xin khơi dậy trong con ngọn lửa khoan dung tha thứ để đốt đi tính vô cảm do sự ích kỷ của bản thân, sự thù hằn hay lòng ghen ghét gây ra.

THỰC HÀNH: Tập làm ngơ trước những bất toàn của người khác.

From: Đỗ Dzũng

HOA QUẢ THỨ 9: Tiết Độ-Cha Vương

HOA QUẢ THỨ 9: Tiết Độ

Tháng 6 rồi bạn ơi! Bình an, hạnh phúc tiết độ đến vời bạn hôm nay nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 01/06/2022

TIN MỪNG: Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. (2 Tm 1:7)

HOA QUẢ THỨ 9: Tiết Độ—Tiết độ là nhân đức nhân bản giúp ta kiềm chế sức lôi cuốn của dục vọng—những thú vui, giúp làm chủ bản năng và sử dụng chừng mực những của cải đời này. 

SUY NIỆM: Bạn đang sống trong môi trường tràn ngập với những lời mời gọi hấp dẫn để đáp ứng cho nhu cầu dục vọng của con người. Mọi thứ “thượng vàng hạ cám” lẻn vào gia đình, vào mảnh vườn tâm hồn của bạn một cách quá dễ dàng qua các thiết bị vi tính điện tử, mạng Internet, v.v…  từ đó bạn trở nên u mê ù lì trong  cõi riêng tư của chính mình, rồi bạn theo đuổi những tham vọng của bản ngã, của những đam mê vô trật tự… bạn không cần ai nữa kể cả Thiên Chúa.  Một khi bạn nói “CÓ” một cách dễ dàng với “đủ thứ” chung quanh thì việc rèn luyện nhân đức tiết độ lại càng trở thành khó khăn và có khi được coi như là việc làm cổ lỗ sĩ nữa. Ngược lại khi bạn nói ‘KHÔNG’, bạn sẽ đương đầu với một cuộc chiến nội tâm. Cuộc chiến này sẽ giúp bạn nhận định ra địa vị của mình trong thế giới, trong môi trường sống của mình. Đôi khi bạn phải mạnh dạn nói “KHÔNG” với những cám dỗ, những hào nhoáng tạm thời, những tư tưởng nông cạn và tiêu cực… để bạn có thể nói “CÓ” với những gì có giá trị thật sự và thể hiện chúng bằng hành động với lòng yêu thương và trung tín. Để rèn luyện nhân đức tiết độ bạn phải làm quen với việc nói ‘KHÔNG’ để dành phần thắng trong cuộc chiến nội tâm này, chắc chăn nó sẽ dẫn bạn đến một cuộc sống bình thản và hạnh phúc hơn đó.

LẮNG NGHE: Hãy khuyên các cụ ông phải tiết độ, đàng hoàng, chừng mực, vững mạnh trong đức tin, đức mến và đức nhẫn nại. Các cụ bà cũng vậy, phải ăn ở sao cho xứng là người thánh, không nói xấu, không rượu chè say sưa, nhưng biết dạy bảo điều lành. (Tt 2:2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, xin rửa sạch trong con những gì nhơ bẩn, và xin chữa lành trong con mọi vết thương của tội lỗi, và xin thêm sức cho con để con biết nói “KHÔNG” với những dục vọng của thế tục.

THỰC HÀNH: Người Anh có câu: “All things in moderation and moderation in all things” (mọi thứ phải điều độ và điều độ trong mọi thứ). Tự kiểm tra lãnh vực thể xác như ăn uống, ngủ nghỉ, vui chơi, tình dục… bạn đang quá lố ở chỗ nào nhỉ? Tập sống một cách điều độ hơn.

From: Đỗ Dzũng

HOA QUẢ THỨ 8: Hiền Hoà – Cha Vương

Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5,4)

Sau ngày lễ nghỉ, uể oải quá đi thôi. Chúc bạn ngày mới tràn đầy nghị lực và hiền lành như con chim bồ câu vậy nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 31/05/2022

TIN MỪNG: Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt 5,4)

HOA QUẢ THỨ 8: Hiền Hoà— Hiền hoà (hiền lành) là một nhân đức, không để cho mình bị lôi cuốn bởi cơn giận dữ quá đáng so với nguyên nhân gây ra nó, nghĩa là không để cho mình bị lôi cuốn theo một cảm xúc phi lý. Người hiền lành thì luôn có tâm hồn đơn sơ, sống chân thật, không ích kỷ, không tìm tư lợi, nhưng sẵn sàng quên mình, biết dấn thân và biết sống vì người khác. Hiền hòa cũng có phần nào liên quan đến nhịn nhục và chịu đựng, đó là biết vui vẻ chấp nhận sự thua thiệt, hiền lành và chịu thua thiệt chứ không là nhu nhược.

SUY NIỆM: Trong cuộc sống tại thế này bạn phải đối diện với đủ loại thử thách: những thất bại, bất trắc, đau khổ, … có khi phải đối diện với những nghịch cảnh bi đát và nghiệt ngã bất công. Vấn đề là cách bạn ứng xử thế nào trước mỗi khó khăn thử thách như vậy. Lời khuyên của Đức Hồng Y Phanxicô Nguyễn Văn Thuận sau đây có thể giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của nhân đức hiền hoà khi ngài viết: “Đừng nản lòng vì thất bại. Nếu con tìm ý Chúa thực sự, thì chính sự thất bại đó là thành công. Chúa muốn như vậy. Xem gương Đức Giêsu trên thánh giá”; “Chỉ có một sự thất bại là không hy vọng vào Chúa. Con đã hy vọng vào Chúa và con sẽ không hổ thẹn đến muôn đời” (ĐHV, số 41. 43). Người hiền lành có thể bị người đời ăn hiếp hoặc luôn chịu phần thiệt thòi nhưng ngược lại họ lại là người mạnh mẽ và dễ mến vì chẳng có ai chống lại người hiền lành cả. Tiền nhân có câu: “No mất ngon, giận mất khôn”. Đúng quá! Một giây phút không kiềm hãm được những cảm xúc phi lý của mình không những bạn sẽ làm tổn thương đến những người chung quanh mà còn tự hại mình nữa. Nguy quá!

 LẮNG NGHE: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hòa rộng rãi, Chúa đã gần đến. (Pl 4,4-5)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần là Chủ nhân hiền hòa của tâm hồn con, là nguồn dịu dàng tươi mát dường bao, xin cất khỏi tim con những yếu đuối, những cảm xúc nóng nảy, thô lỗ, cộc cằn, và ban cho con đức đơn sơ, điềm tĩnh, khôn ngoan, hiền dịu và quả cảm để con sống hiền lành thánh thiệt như Chúa hằng mong ước.

THỰC HÀNH: Tập không phản ứng mạnh khi gặp chuyện trái ý, không làm dữ khi ý kiến của bạn bị bác bỏ.

From: Đỗ Dzũng

 HOA QUẢ THỨ 7: Trung Tín – Cha Vương

 HOA QUẢ THỨ 7: Trung Tín – Cha Vương

Chúc bạn ngày nghỉ lễ Memorial Day thật zui zẻ và an lành nhé. Đừng quên cầu nguyện cho những linh hồn của những người đã hy sinh bảo vệ quốc gia Hoa Kỳ và nền tự do mà bạn đang tận hưởng.

Cha Vương

Thứ 2: 30/05/2022

TIN MỪNG: Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là sự sống Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Người. (Gc 1,12)

HOA QUẢ THỨ 7: Trung Tín— Trung tín là sự hiện hữu đúng với con người và sự việc. Bạn giữ vững lập trường cho dù khó khăn xảy đến. Sự trung tín là niềm tin vững mạnh được thử thách theo thời gian. Bạn dấn bước lên đường và sẽ tiếp tục hành trình ấy dù có khi bạn muốn dừng lại hoặc bị phân tâm.

SUY NIỆM: Bạn có biết không? Mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do từ trên, đều tuôn xuống từ Cha là Đấng dựng nên muôn tinh tú; nơi Người không hề có sự thay đổi, cũng không hề có sự chuyển vần khi tối khi sáng. (Gc 1;17) Đối Chúa không gì thay đổi nhưng lòng người lại hay đổi thay vì Ngài là Chân lý, đồng thời Ngài cũng là Tình Yêu. Vì là Tình yêu, Ngài muốn thông ban chính mình cho bạn ; Ngài yêu thương bạn, vì thế Ngài  không muốn lường gạt ai cả. Lòng trung tín của Thiên Chúa phải trở thành nền tảng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Xã hội ngày nay đang đương đầu với căn bệnh “giả dối, dối trá”. Con người tìm đủ mọi thủ đoạn đề tìm lợi tức cho riêng mình.  Căn bệnh này đang được báo động ở vị trí đỏ. Điều này nhắc nhở cho bạn về sự rất cần thiết của lòng trung tín, không những đối với Chúa mà còn đối với tha nhân nữa. Trong đời sống xã hội, lòng trung thành với lời cam kết rất quan trọng: sự bền vững của các mối tương quan đặt nền tảng trên sự trung thành của mỗi phần tử. Điều này đòi hỏi những nghĩa vụ hỗ tương. Mình phải có nghĩa vụ trung thành với điều đã cam kết, và phải cư xử thế nào để người khác có thể tin tưởng vào mình . Đồng thời, bạn cũng hãy tin tưởng nơi người khác, dựa trên lòng thành thực và tốt lành của họ. Thái độ này sẽ nảy sinh ra một sức mạnh nội tâm để giúp bạn đứng vững với lập trường của mình trước những khó khăn và thử thách trong đời.

LẮNG NGHE: Đừng sợ các nỗi đau khổ ngươi sắp phải chịu: này ma quỷ sắp tống một số người trong các ngươi vào ngục để thử thách các ngươi; các ngươi sẽ phải lâm cảnh gian truân trong vòng mười ngày. Hãy trung thành cho đến chết, và Ta sẽ ban cho ngươi triều thiên sự sống. (Kh 2,10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, xin giúp con biết lắng nghe tiếng gọi của lương tâm chân chính để con sống trung thành với Chúa, trung thành với lề luật, trung thành với những quyết định mà con đã lựa chọn trong ơn gọi làm Kitô hữu, xin cho con biết đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Hãy từ bỏ mọi sự, vác thập giá đi theo Chúa”.

THỰC HÀNH: Một người trung tín không bao nói xấu bạn mình sau lưng người khác. Tránh nói xấu hôm nay nhé.  

From: Đỗ Dzũng

HOA QUẢ THỨ 6: Từ Tâm—Lòng thương người-Cha Vương

 HOA QUẢ THỨ 6: Từ Tâm—Lòng thương người

Chúc bình an đến bạn và gia đình. Nguyện xin hồng ân của Thiên Chúa tuôn đổ trên bạn như mưa hôm nay. Hãy cầu nguyện cho nhau nhé.

Cha Vương

CN: 29/05/2022

TIN MỪNG: Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình của tốt của lành, phương chi Cha trên trời lại không ban Thánh Thần cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Lc 11,13)

HOA QUẢ THỨ 6: Từ Tâm—Lòng thương người. Phát sinh do lòng nhân hậu (nhân từ) trong lời nói và trong việc làm, nó được nảy sinh từ tâm hồn đạo đức, từ nếp sống chính trực, “mến Chúa và yêu người”.

SUY NIỆM: Trong đoạn Tin Mừng của Thánh Luca 6, 36 Chúa Giê-su dạy:  “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ”. Đây là bài học coi thì dễ nhưng lại rất khó bởi vì không thước tấc nào có thể đo nổi lòng người được. Vậy thời xưa mới có câu: “dò sông dò biển dễ dò, nào ai lấy thước mà đo lòng người”. Nếu con người đối xử với nhau với lòng nhân từ như Chúa thì thế giới này sẽ hiền hoà yên ả. Có câu chuyện được kể về Mahatma Gandhi, một nhà ái quốc Ấn độ, lúc con nhỏ, ông sang Anh quốc học nghề luật sư và nhờ đó có dịp tiếp xúc với Kitô giáo. Ông đọc Phúc âm thường xuyên, đặc biệt ông thán phục bản Hiến chương tám mối phúc thật và lấy đó làm nguồn cảm hứng cho đường lối bất bạo động của ông trong việc giành lại độc lập cho dân tộc mình. Tuy nhiên, có lần ông đã tâm sự với người thân tín rằng dù thán phục Giáo lý của Chúa Kitô, nhưng ông không thể trở thành kẻ tin Chúa, vì ông thấy nhiều Kitô hữu không sống tám mối phúc thật của Chúa. Ông nói: “Tôi yêu mến Chúa Kitô, nhưng tôi không thích người Kitô. Nếu họ giống như Chúa Kitô thì dân Ấn độ chúng tôi đã trở thành Công giáo cả rồi”. Nhận xét của Mahatma Gandhi trên đây là một lời cảnh cáo về ơn gọi và trách nhiệm của mỗi người Ki-tô hữu. Là người Kitô hữu, bạn phải sống như Chúa Kitô, phải có những tâm tình từ bi, nhân hậu và yêu thương như Ngài. Ước mong bạn hãy mở cửa tâm hồn để xin ơn Chúa Thánh Thần ban cho bạn lòng thương người (hoa quả từ tâm) để mọi người nhận biết bạn là con cưng của Chúa nhé.

LẮNG NGHE: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.” (Lc 6, 36-38)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, chỉ lối cho con, hướng dẫn con, hỗ trợ con, an ủi con, cho con biết việc phải làm, xin ra chỉ thị cho con để con “đem уêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nới lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm, đem tin kính vào nơi nghi nan chiếu trông cậу vào nơi thất vọng, để con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm đem niềm vui đến chốn u sầu.”

THỰC HÀNH: Cái rễ của lòng của bạn đang cắm vào đâu vậy? Thế gian hay Thiên Chúa? Quyết tâm từ bỏ một thói quen xấu và tập rèn luyện một nhân đức mới để sống tốt lành hơn.

From: Đỗ Dzũng

Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong đời tôi?-Cha Vương

Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong đời tôi?

Nguyện xin bình an và tình yêu của Thiên Chúa luôn ở cùng bạn và gia quyến hôm nay nhé. Xin bạn một lời kinh cầu nguyện cho linh hồn Bà Cố Maria, bà Bác của mình mới qua đời tại Việt Nam. Xin đa tạ.

Cha Vương

Thứ 2: 23/05/2022

GIÁO LÝ: Chúa Thánh Thần hoạt động thế nào trong đời tôi? Chúa Thánh Thần mở lòng tôi đón nhận Thiên Chúa. Người dạy tôi cầu nguyện, và giúp tôi thực hành bác ái với tha nhân. (YouCat, số 120)

SUY NIỆM: Theo thánh Augustinô, Chúa Thánh Thần là vị khách thầm lặng của hồn tôi. Muốn cảm nghiệm được Người có mặt, cần phải thinh lặng. Vị khách này thường tỏ mình ra một cách rất êm đềm trong ta và với ta, qua tiếng lương tâm hoặc qua tiếng thúc giục bên trong hay bên ngoài. Là “đền thờ của Chúa Thánh Thần” có nghĩa là luôn có mặt sẵn sàng cả hồn xác để tiếp đón vị khách là Thiên Chúa trong ta. Xác ta là như nhà ở của Chúa. Ta càng mở rộng lòng cho Chúa Thánh Thần, Người càng trở nên Thầy dạy ta sống và càng mau mắn ban các đặc sủng để xây dựng Hội Thánh. Nhờ đó thay cho các công việc của xác thịt, các hoa quả của Thần Khí sẽ tăng trưởng. (YouCat, số 120 t.t.)

❦ Các hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ. (Ga 5:22)

LẮNG NGHE: Những việc do tính xác thịt gây ra thì ai cũng rõ, đó là: dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hòa, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa, rượu chè, và những điều khác giống như vậy. (Ga 5:19-21)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thần, là vị khách thầm lặng của hồn con, xin hướng dẫn và bảo vệ tâm hồn con khỏi những cạm bẫy của ma quỷ đang xúi dục con làm những điều bất chính, và xin thêm sức mạnh cho con để con trung thành với Chúa cho đến cùng.

 THỰC HÀNH: Hôm nay mời bạn bỏ ra 15 phút thinh lặng để lắng nghe tiếng thì thầm của “vị khách thầm lặng” đang muốn nói với bạn điều gì nhé.

From: Đỗ Dzũng