Thánh Nữ Bridget nước Thụy Điển – Cha Vương

 Thánh Nữ Bridget nước Thụy Điển

Chúc bình an đến Bạn và gia đình, hôm nay 23/07 Giáo Hội mừng kính Thánh Nữ Bridget nước Thụy Điển (1303?-1373), mừng Bổn Mạnh đến những ai chọn thánh nữ làm quan thầy nhé. 

Cha Vương

Thánh Nữ Bridget nước Thụy Điển—từ lúc bảy tuổi trở đi, Thánh Bridget đã được thị kiến Ðức Kitô trên thánh giá. Các thị kiến ấy làm nền tảng cho đời sống của thánh nữ — luôn luôn chú trọng đến đức ái hơn là trông đợi các ơn huệ thiêng liêng.

     Thánh Bridget là một người trong hoàng gia Thụy Ðiển, được thừa hưởng sự đạo đức của cha mẹ, ngay từ nhỏ ngài đã yêu quý sự thống khổ của Ðức Kitô. Khi mười bốn tuổi, vâng lời cha, ngài kết hôn với vua Thụy Ðiển là Magnus II và có tám người con (người con thứ là Thánh Catarina ở Thụy Ðiển). Sau khi nhà vua từ trần ngài sống một cuộc đời rất khổ hạnh.

     Trong thời gian hôn nhân, Thánh Bridget cố gắng ảnh hưởng tốt đến vua Magnus. Dù chưa hoàn toàn thay đổi, nhà vua cũng đã ban cho ngài đất đai và cơ sở để thiết lập một đan viện cho nam giới và nữ giới. Tổ chức này sau đó phát triển thành một tu hội, được gọi là Tu Hội Thánh Bridget the Order of the Most Holy Savior (Bridgettines) và được Đức Giáo Hoàng Urban V chuẩn nhận năm 1370 hiện vẫn còn.

     Vào Năm Thánh 1350, Thánh Bridget bất chấp bệnh dịch đang lan tràn khắp  Âu Châu, ngài thực hiện cuộc hành hương đến Rôma. Ngài không bao giờ trở về Thụy Ðiển và những năm ở Rôma thật không sung sướng chút nào vì bị chủ nợ săn đuổi và bị chống đối bởi sự thối nát trong Giáo Hội thời bấy giờ.

     Chuyến hành hương sau cùng của ngài đến Ðất Thánh thì bị hỏng vì đắm tầu và cái chết của người con trai. Ngài qua đời ngày 23 tháng 7 năm 1373 tại Rome, nước Ý. Ngài được chôn cất tại tu viện Vadstena, Thụy Điển. Thánh nữ Bridget được Đức Giáo Hoàng Bonifacius IX tôn phong hiển thánh ngày 07 tháng 10 năm 1391 và đặt là quan thầy của Thụy Điển.

Lời Bàn: Các thị kiến của Thánh Bridget, thay vì cô lập ngài khỏi các sinh hoạt của thế gian, đã đưa ngài can dự vào nhiều vấn đề đương thời, dù đó là chính sách của hoàng gia hay của giáo triều Avignon. Ngài không thấy sự mâu thuẫn giữa các cảm nghiệm thần bí và các sinh hoạt trần tục, và cuộc đời ngài chứng minh rằng SỰ THÁNH THIỆN CÓ THỂ THỰC HIỆN ĐƯỢC GIỮA NƠI THƯƠNG TRƯỜNG.

Sau đây mời bạn suy niệm những câu nói của Thánh Bridget:

❦ Nếu Thiên Chúa chịu đựng những trận đòn và sự hành hạ, thì ta nhiều khi phải chịu đựng những lời nói và những sự nghịch lý. 

❦ “Tội lỗi của một người cho dù có nặng nề đến đâu đi nữa, nhưng nếu họ trở về với Mẹ với trọn con tim và quyết tâm sửa cải thực sự thì Mẹ lập tức sẵn lòng tiếp nhận họ, Mẹ sẽ không kể bao nhiêu tội lỗi họ  đã phạm trước, nhưng chỉ nhìn đến thiện chí và việc họ trở về mà thôi. Người ta xưng tụng Mẹ là Hiền Mẫu nhân lành, và thực sự lòng từ nhân của Con Mẹ đã làm cho Mẹ hết sức nhân lành; và chỉ có những ai có thể mà lại không chịu đến với lòng nhân lành mới thực sự là kẻ khốn nạn.” (Lời Mẹ phán với thánh nữ Bridget nước Thụy Điển)

From: Đỗ Dzũng

Thánh Lawrence of Brindisi Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619)- Cha Vương

Thánh Lawrence of Brindisi Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619).

Chúc bình an. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Lawrence of Brindisi Linh Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (1559-1619).

Cha Vương 

Thứ 5: 21/07/2022

Thoạt nhìn qua tiểu sử, có lẽ đặc tính nổi bật của Thánh Lawrence ở Brindisi là ngài biết nhiều thứ tiếng. Ngoài kiến thức về tiếng mẹ đẻ là tiếng Ý, ngài còn có thể đọc và viết thông thạo tiếng Latinh, Do Thái, Hy Lạp, Ðức, Bohemia, Tây Ban Nha và tiếng Pháp.

Ngài sinh ngày 22 tháng 7 năm 1559, và từ trần đúng 60 năm sau cũng vào ngày sinh nhật năm 1619. Tên thật của ngài là Julius Caesare Rossi, sau khi cha mẹ mất sớm, ngài được người chú nuôi nấng và cho theo học trường Thánh Máccô ở Venice.

Khi mới 16 tuổi, ngài gia nhập Dòng Phanxicô Capuchin ở Venice và lấy tên là Lawrence. Ngài học triết thần, Kinh Thánh, và các ngôn ngữ ở Ðại Học Padua và được thụ phong linh mục năm 23 tuổi.

Với khả năng ngôn ngữ trổi vượt, ngài có thể nghiên cứu Phúc Âm bằng tiếng nguyên thủy. Theo lời yêu cầu của Ðức Giáo Hoàng Clêmentê VIII, ngài dành nhiều thời giờ để rao giảng cho người Do Thái ở Ý. Ngài thông thạo tiếng Hebrew đến nỗi các giáo sĩ Do Thái tin rằng ngài là người Do Thái trở lại Kitô Giáo.

Ngài rất nhạy cảm trước nhu cầu của người khác — đó là một đặc tính không ngờ nơi một học giả tài giỏi như vậy. Ngài được bầu làm bề trên tỉnh dòng Capuchin ở Tuscany khi mới 31 tuổi. Ngài là một con người tổng hợp của sự lỗi lạc, có lòng thương người và khả năng điều hành. Sau một loạt “thăng quan tiến chức”, ngài được các tu sĩ Capuchin chọn làm bề trên toàn Dòng vào năm 1602. Với chức vụ này, ngài góp phần lớn trong việc phát triển Dòng về phương diện địa lý.

Sau khi từ chối việc tái bổ nhiệm chức vụ bề trên vào năm 1605, ngài được đức giáo hoàng chọn làm sứ thần và sứ giả hòa bình cho một vài tranh chấp giữa các hoàng gia. Vào năm 1616, ngài giã từ mọi sinh hoạt trần tục để về sống trong tu viện ở Caserta.

Vào năm 1956, Dòng Capuchin đã hoàn tất việc biên soạn 15 tuyển tập của ngài. Trong các tuyển tập ấy, mười một tập là các bài giảng, mỗi bài giảng được ngài dựa trên một câu Kinh Thánh để dẫn giải. Một trong những bài giảng: “Thiên Chúa là tình yêu, và mọi hoạt động của Ngài xuất phát từ tình yêu. Một khi Ngài muốn thể hiện sự tốt lành ấy bằng cách chia sẻ tình yêu của Ngài ra cho bên ngoài, thì sự Nhập Thể là một thể hiện vượt bực về sự tốt lành và tình yêu và vinh quang của Thiên Chúa. Như thế, Ðức Kitô đã được tiền định trước tất cả mọi tạo vật và cho chính Ngài. Vì Người mà muôn vật được tạo thành, và đối với Người mà muôn vật phải quy phục, và Thiên Chúa yêu quý mọi tạo vật trong Ðức Kitô và vì Ðức Kitô. Ðức Kitô là trưởng tử của mọi tạo vật, và toàn thể nhân loại cũng như thế giới vật chất tìm thấy nền tảng và ý nghĩa của nó trong Ðức Kitô. Hơn thế nữa, điều này cũng sẽ xảy ra ngay cả nếu Adong không phạm tội” (Thánh Lawrence ở Brindisi, Tiến Sĩ Hội Thánh).

Thể theo lời yêu cầu của các nhà cầm quyền ở Naples, ngài đã đến Tây Ban Nha để can thiệp với Vua Philip III. Cái nóng bức oi ả của mùa hè trong chuyến đi ấy đã làm ngài kiệt sức, và vài ngày sau khi gặp gỡ nhà vua, ngài từ trần ở Lisbon, Bồ Đào Nha ngày 22 tháng 7 năm 1619 và được mai táng tại nghĩa trang của Dòng thánh Clare nghèo khó ở Villafranca.

Đức Giáo Hoàng Pius VI đã tôn phong Chân Phước cho ngài năm 1783 và Đức Giáo Hoàng Leone XIII đã nâng ngài lên hàng hiển thánh ngày 08 tháng 12 năm 1881. Ðức Giáo Hoàng Gioan XXIII tuyên xưng ngài là Tiến Sĩ Hội Thánh ngày 19 tháng 3 năm 1959 với tước hiệu “doctor apostolicus – tiến sĩ tông đồ”.

(Trích Gương Thánh Nhân – ns Người Tín Hữu online & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saint và Santi-Beati-Testimoni)

Thánh Lawrence ở Brindisi, cầu cho chúng con.

“Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”  (2 Côrintô 12:9) – Cha Vương

“Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”  (2 Côrintô 12:9)

Hãy Tạ ơn vì Chúa đã ban cho Bạn một ngày mới! Chúc Bạn có một quả tim đầy ân sủng để vượt qua mọi khó khăn và thử thách trong ngày.

Cha Vương

Thứ 3: 19/07/2022

“Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.”  (2 Côrintô 12:9)

SUY NIỆM:

Khi bị bệnh Bạn đi tìm thầy thuốc. Khi đau khổ buồn chán Bạn đi tìm an ủi. Có 2 nguồn an ủi: an ủi của giác quan (thế gian) và an ủi của Thần Khí (Thiên Chúa).

Nguồn an ủi của thế gian Bạn nên tránh xa! “Không hưởng được nhiều an ủi ở đời, nhất là những yên ủi giác quan, thì lại có lợi và làm cho đời ta vững chắc hơn.” (SGCGs, Q1:C21)

Còn nguồn an ủi của Thiên Chúa thì bạn PHẢI có qua việc tham dự tích cực vào các Bí Tích, vì “Các Bí tích là những dấu chỉ hữu hiệu của ân sủng do Chúa Kitô thiết lập và uỷ thác cho Hội Thánh. Qua các bí tích, Thiên Chúa ban cho chúng ta sự sống thần linh.”(SGLCG, số 1131) Đức Hồng Y Thuận nói: “Con đừng bảo: ‘Nước không dập tắt được lửa!’—Chỉ vì nước ít lửa nhiều thôi.” (ĐHV, 438) Vậy Bạn hãy đến với Chúa thường xuyên hơn để xin Ngài tăng cường ân sủng cho mình thì mới dập tắt được ngọn lửa của dục vọng.

 BÀI TẬP THỰC HÀNH:

  1. Hãy đi xưng tội thường xuyên hơn.
  2. Nếu hoàn cảnh cho phép Bạn hãy đi Lễ ngày thường để rước Chúa.
  3. Tham dự thánh lễ một cách nghiêm trang và sốt sắng.
  4. Tắt nguồn (power off) điện thoại di động trước khi bước vào nhà thờ để khỏi bị chia trí.

Lạy Đức Mẹ Chúa Trời, / Ngài xiết bao thánh thiện, / Này chúng con chạy đến / Tìm nương ẩn nơi Ngài. / Lúc sa vòng gian khổ, / Khi gặp cảnh phong trần, / Lời con cái nài van, / Xin Mẹ đừng chê bỏ. (Lạy Đức Mẹ Chúa Trời (Sub tuum praesidium)

From: Đỗ Dzũng

Tại sao Hội Thánh có đặc tính là công giáo? – Cha Vương

Tại sao Hội Thánh có đặc tính là công giáo?

Houston nóng quá đi thôi! Nguyện xin tình yêu Thiên Chúa tưới mát tâm hồn bạn hôm nay và mãi mãi nhé.

Cha Vương

Th 2: 18/7/2022

GIÁO LÝ: Tại sao Hội Thánh có đặc tính là công giáo? Thuật ngữ “Công giáo” (tiếng Hi lạp là Katholon) có nghĩa là mở ra cho tất cả. Hội Thánh là Công giáo, vì Chúa Kitô kêu gọi Hội Thánh tuyên xưng toàn bộ đức tin, gìn giữ đầy đủ các Bí tích để ban phát, và loan báo Tin mừng cho mọi người. Chúa Ki-tô sai Hội Thánh đi đến với mọi dân tộc ở mọi thời đại và thuộc mọi nền văn hóa.

(YouCat, số 133)

SUY NIỆM: Ban đầu, Chúa Giêsu Kitô chỉ thiết lập có một Giáo Hội duy nhất, cũng như chỉ có một chân lý duy nhất mà Người đã giảng dạy. Theo dòng thời gian, Giáo Hội phát triển lớn mạnh, như một cây đại thụ sum sê cành lá. Điều đáng buồn là đôi khi lại có những cành gãy xuống khỏi cây đại thụ ấy; tức là những nhóm người xa rời Giáo Hội nguyên thủy của Chúa Kitô, lập nên những giáo hội khác:

Đầu thế kỷ thứ 11 (1054), một nhóm tín hữu bên Đông Âu tự tách ra lập thành Chính Thống giáo, với một số nghi thức mới riêng biệt.

Đầu thế kỷ 16, vua Henry VIII của nước Anh vì muốn có con trai nối dõi đã xin Đức Giáo Hoàng cho được tiêu hôn để cưới vợ mới, không được chấp thuận nên nhà vua đã ra sắc lệnh tách nước Anh ra khỏi Hội Thánh và lập nên Anh Giáo.

Năm 1517, ông Martin Luther cùng với một số đồng bạn chủ xướng tại Đức phong trào Kháng Cách để lập thành giáo hội Tin Lành (Protestantism). Từ giáo hội mới này đã nảy sinh ra cả ngàn các hệ phái khác nhau với những giáo thuyết khác biệt ở nhiều nơi. Và rồi mỗi giáo phái, dù lớn dù nhỏ cũng đều nhận rằng chỉ có mình mới là chân chính, là đạo thật.

Nhưng Giáo Hội nguyên thủy của Chúa Kitô – Hội Thánh Công Giáo – vẫn là cây đại thụ sừng sững bao la. Giáo Hội vẫn thủy chung gìn giữ nguyên vẹn mọi giáo huấn và truyền thống của các tông đồ. Giáo Hội không ngừng làm cho giáo lý ấy thêm sáng tỏ và thích nghi theo từng thời đại, vẫn trung thành tuân phục quyền bính các đấng kế vị các tông đồ mà Chúa Giêsu đã đặt. Đặc biệt Giáo Hội Công Giáo Rôma vẫn hiệp thông với Đức Giáo Hoàng là Đấng kế vị thánh Phêrô, thay mặt Chúa Kitô ở trần gian.

Công Giáo có nghĩa là toàn vẹn và phổ quát, vì đạo chứa đựng mọi điều cần thiết để được ơn cứu rỗi. Công Giáo cũng có nghĩa là đạo chung, đạo cho toàn thể nhân loại, đạo dành cho tất cả mọi người không phân biệt màu da, tiếng nói, văn hóa hay địa vị. (Nguồn: Rômualđô M. Bùi Văn Nghĩa, CRM)

LẮNG NGHE: Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28:19-20)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, hai điều Chúa dạy con là hãy “mến Chúa và yêu người”, xin cho con biết tôn thờ, yêu mến Thiên Chúa toàn năng, toàn mỹ, toàn thiện, toàn ái và yêu thương mọi người như anh em để cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

THỰC HÀNH: Sống đức tin Công Giáo bằng hành động bác ái của mình.

From: Đỗ Dzũng

 Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28) – Cha Vương

 Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28) – Cha Vương

Ngày Chúa Nhật thật nhẹ nhõm trong vòng tay của Chúa. Đừng quên cầu nguyện cho nhau và cho người dân Ukraine nhé.

Cha Vương

CN: 17/07/2022

TIN MỪNG: Chúa đáp: “Mác-ta! Mác-ta ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.” (Lc 10:41-42)

SUY NIỆM: Câu chuyện sau đây là lời nhắc nhở chân thành đến những ai đang băn khoăn, bận rộn, và lo lắng quá mà không có giờ cho Chúa, cho gia đình, cho con cái…

Cậu bé 10 tuổi nói với bố:

– Bố ơi, mỗi giờ bố làm được bao nhiêu tiền?

Không thích câu hỏi có tính cách tò mò, nhưng bố nó cũng trả lời :

– Mỗi giờ bố làm được 10.000 đồng.

– Bố cho con 5.000 đồng được không ?

– Thì ra con hỏi bố làm được bao nhiêu tiền để xin tiền à?

Thằng bé bị bố tạt cho một “gáo nước lạnh”, tiu nghỉu lên võng nằm.  Thấy thương, bố nó đến bên an ủi và bảo :

– Bố cho con 5.000 đồng đây, con cần mua bút mực hay sách vở cứ nói, bố sẽ cho. Thằng bé vui mừng chạy đến  chiếc cặp lấy ra 5.000 đồng nữa, tổng cộng nó có 10.000 đồng. Nó đưa cho bố và nói:

– Đây là tiền công một giờ của bố, bố hãy đi chơi với con một giờ được không?

Ngạc nhiên, bố nó ôm vào lòng rồi nói :

– Bố xin lỗi con, bấy lâu nay bố lơ là không quan tâm đến con, bố đổ thừa cho công việc quá bận rộn.

Thằng bé không hiểu, tròn mắt nhìn bố nó và nghĩ thầm: “Sao lại đổ thừa nhỉ”?

Như hiểu ý nó, bố nó nói :

– Đi làm, bố thường đi sớm về trễ, ở nhà loanh quanh với những việc nhà, ngày lễ, ngày nghỉ cũng chỉ nghĩ đến công việc. Bố quá lo cho đời sống vật chất mà quên đi đời sống tinh thần. Nói đến đây bố chợt nghĩ về mẹ con, mới đó mà đã 15 năm kể từ ngày bố lấy mẹ, từng ấy năm không một chút thư thả, chưa một ngày rong chơi, bố và mẹ đã già đi rất nhiều so với số tuổi. Tất cả chỉ vì công việc!

Im lặng một lúc, bố nói tiếp:

– Bố hứa từ nay, bố sẽ bớt công việc, bố sẽ lo cho mẹ và con được cuộc sống đích thực, tận hưởng được những gì mà Thượng Đế ban cho, đó là cảnh vật thiên nhiên, không khí trong lành.

Bạn có thể đang thật sự bận rộn hoặc đang nhiễm một chứng bệnh: “Ra vẻ bận rộn”.  Rất nhiều người từ già đến trẻ đang lấy cớ “bận rộn” để sống thờ ơ và lạnh nhạt trong cách sống đạo. Không có thời gian quan tâm đến người khác vì lúc nào cũng có một điệp khúc bất hủ trên cửa miệng: “Mình bận lắm, không có thời giờ đâu”.  Điệp khúc này được nhai đi nhai lại bằng những nhịp điệp khác nhau… Suốt 24 giờ, dường như là quá ít so với công việc một ngày của họ: đi làm, giao tiếp, đi học, cà phê, vi tính, lướt mạng, phim ảnh… điều này đã khiến cho họ xa lìa Chúa, thiếu sự quan tâm đến bản thân mình và người xung quanh.

LẮNG NGHE: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, gánh nặng của con là những bận rộn vô nghĩa. Xin cho con biết năng chạy đến với Chúa qua thinh lặng cầu nguyện và qua các Bí Tích mà Chúa đã thiết lập, nhờ đó con tìm được nguồn an vui, sự  bình an và bồi dưỡng cho tâm hồn.

THỰC HÀNH: Giảm giờ làm việc để dành thời gian cho Chúa, cho gia đình và cho sức khoẻ của mình nhé.

From: Đỗ Dzũng

Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với bạn hôm nay và mãi mãi. – Cha Vương

Xin Mẹ Maria luôn đồng hành với bạn hôm nay và mãi mãi.

Cha Vương

Thứ 7: 16/07/2022

TIN MỪNG: “Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi, – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA. Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng ĐỨC CHÚA: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi.” Bấy giờ, (các) người sẽ nhận biết rằng ĐỨC CHÚA các đạo binh đã phái tôi đến với (các) người. (Dcr 2:14,15)

SUY NIỆM: Hồi Đức Mẹ ẩn cư trong Đền thờ, Người gắng sức chuyên cần chu toàn phận sự. Lúc nào thư thái Đức Mẹ đọc kinh nguyện ngắm, nên Người đã xứng đáng lãnh nhận những ơn cao cả Chúa sắp ban cho. Hỡi Con Vua Cả trên trời bước đầu tiên của Người quý giá vinh hiển muôn trùng. Thật Người là “gương mẫu trong muôn ngàn trinh nữ trông vào, Người vui lòng hiến dâng trong cung Điện Đại Dương. Lễ vật các trinh nữ ấy tự ý dâng cho Đức Chúa Trời từ buổi niên thiếu, do lòng thành thực sẽ làm sáng danh Chúa Cha. Đấng uy nghi quyền phép, là mạch muôn ơn phúc, chính Người sẽ làm cho họ được dư đầy trọn đời mình. (x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:5:2) 

LẮNG NGHE: Người bảo kẻ ấy rằng: “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?” Rồi Người giơ tay chỉ các môn đệ và nói: “Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi.” (Mt 12:48-50)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, Mẹ đã được Thiên chúa chuẩn bị để lãnh nhận sứ mạng hết sức cao cả là trở thành Mẹ Ðức Giêsu Kitô, xin cho con biết noi gương Mẹ, sống hy sinh, từ bỏ, kiên nhẫn để xứng đáng cho con một Thiên Chúa là Ðức Giêsu Kitô đến cư ngụ trong con.

THỰC HÀNH: Tập kết hiệp với Chúa qua 2 chữ “xin vâng” trong mọi nơi mọi lúc mọi hoàn cảnh.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Bonaventura (1221-1274) – Cha Vương

 Thánh Bonaventura (1221-1274)

Thân chào bình an đến Bạn và gia đình nhé. Hôm nay 15/7, Giáo hội mừng kính Thánh Bonaventura (1221-1274), Giám mục, Tiến sĩ Hội Thánh. Mừng Bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy.

Cha Vương 

Thứ 6: 15/7/2022

Thánh Bonaventura sinh tại Bagnorea miền Toscane năm 1221. Ngài trải qua thời niên thiếu tại dòng thánh Phanxicô Khó Khăn thành Assise (1243). Dưới sự hướng dẫn của Alexandre de Hales, ngài theo học văn chương và cũng thâu lượm nhiều kiến thức khoa học. Bảy năm sau, ngài cho xuất bản cuốn sách nổi tiếng “Commentaire sur les 4 livres des sentences” và nhiều sách có giá trị khác.

Ngài có lòng dịu hiền tột bậc, lòng khiêm nhường sâu xa và lòng mộ mến cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu. Năm 35 tuổi, ngài được bầu làm Bề Trên của dòng Phanxicô (1257). Với trọng trách nặng nề này, ngài được mọi người biết đến, không những vì học thuyết và sự thánh thiện nhưng còn vì sự thông minh và khôn khéo của ngài nữa. Chính vì vậy, năm 1273, Ðức Giáo Hoàng Grêgoriô X đặt ngài làm Hồng Y coi địa phận Albanô. Ngài đã viết nhiều tác phẩm thần học rất có giá trị và sau cùng ngài chết tại Lyon (1274), hưởng thọ 53 tuổi.

Ðức Giáo Hoàng Sixtô IV nâng ngài lên bậc Hiển Thánh năm 1482 và Ðức Giáo Hoàng Sixtô V đặt ngài làm Tiến Sĩ Hội Thánh năm 1588, vì ngài là cột trụ chống đỡ Giáo Hội, lưu tâm đến vấn đề hiệp nhất Hy Lạp và La Mã, đồng thời duy trì và củng cố dòng Phanxicô được lớn mạnh, vững vàng. (Nguồn: Nhóm Châu Kiên Long, Ðà Lạt, Vietnamese Missionaries in Asia)

Sau đây là những câu nói của Thánh Bonaventura:

(1) Vinh quang và danh dự chỉ dâng lên Thiên Chúa.

(2) Tất cả của Mẹ là của con và tất cả của con là của Mẹ.

(3) Hỡi linh hồn các tính hữu, anh chị em muốn chứng tỏ tình yêu thật đối với người đã qua đời không? Anh chị em muốn gửi cho họ món quà trợ giúp quý nhất và chìa khoá mở cửa Thiên đàng không? Hãy năng rước lễ cho các linh hồn được an nghỉ.

(4) Nếu ta kính chào Mẹ bằng kinh Kính Mừng thì Mẹ sẽ đáp lại ta bằng muôn ơn phúc.

(5) Thiên Chúa có thể tạo dựng một thế giới khác tốt đẹp hơn, nhưng không thể tạo dựng một người mẹ khác hoàn hảo hơn Mẹ Thiên Chúa được.

(6) Hạnh phúc cho những ai hiến dâng tâm hồn mình cho Mẹ! Hạnh phúc cho những ai thiết tình phụng sự Mẹ!

(7) Ôi tình thương lạ lùng của Chúa! Muốn một ngày kia khỏi phải tuyên án tống giam chúng con vào ngục tuyệt vọng đời đời, Chúa đã ban Mẹ là Mẹ Chúa, là Chủ tối cao kho tàng ân sủng, làm Trạng sư bầu chữa chúng con.

Câu nào đánh động Bạn nhất? Đối với mình thì câu số 3 và 4.

From: Đỗ Dzũng

 Thánh Biển Đức (480-547) – Cha Vương

 Thánh Biển Đức (480-547)

Chúc Bạn và gia đình một ngày an lành nhé. Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Biển Đức (Benedict), mừng Bổn Mạng đến những ai chọn Ngài làm quan thầy. Hãy cầu nguyện cho nhau.

Cha Vương 

Nếu Bạn muốn đi tour Tổng Tu Viện Bênêdíctô ở Montecassino bên Ý thì hãy vào linh sau đây. Mình đã có cơ hội đến đó. Tuyệt đẹp!!! Thánh Bênêdíctô, cầu cho chúng con.

Thứ 2: 11/07/2022

Thánh Biển Đức (480-547), Ngài sinh năm 480 trong một gia đình lỗi lạc ở Nursia, Umbria thuộc miền trung nước Ý, anh em song sinh cùng với nữ thánh Scholastica, theo học tại Rôma và ngay từ khi còn trẻ, ngài đã thích đời sống đan viện. Lúc đầu, ngài là một vị ẩn tu sống trong một cái hang ở Subiaco, xa lánh thế giới nhiều chán nản mà lúc bấy giờ giặc ngoại giáo đang lan tràn, Giáo Hội bị phân chia bởi ly giáo, dân chúng đau khổ vì chiến tranh, đạo lý ở mức độ thấp nhất. Sau đó không lâu, ngài thấy không thể sống cuộc đời ẩn dật ở gần thành phố, dù lớn hay nhỏ, do đó ngài đi lên núi cao, sống trong một cái hang và ở đó ba năm. Trong một thời gian, một số đan sĩ chọn ngài làm vị lãnh đạo, nhưng họ cảm thấy không thể theo được sự nghiêm nhặt của ngài. Tuy nhiên, đó cũng là lúc ngài chuyển từ đời sống ẩn tu sang đời sống cộng đoàn. Ngài có sáng kiến quy tụ các nhánh đan sĩ khác nhau thành một “Ðại Ðan Viện”, đem lại cho họ lợi ích của sự hợp quần, tình huynh đệ, và luôn luôn thờ phượng dưới một mái nhà. Sau cùng, ngài khởi công xây dựng một đan viện nổi tiếng nhất thế giới ở núi Cassino, cũng là nơi phát sinh dòng Bênêđích.

        Cũng từ đó, một quy luật từ từ được hình thành nói lên đời sống cầu nguyện phụng vụ, học hỏi, lao động chân tay và sống với nhau trong một cộng đoàn dưới một cha chung là đan viện trưởng. Sự khổ hạnh của Thánh Bênêđích được coi là chừng mực, và đời sống bác ái của ngài được thể hiện qua sự lưu tâm đến những người chung quanh. Trong thời Trung Cổ, tất cả các đan viện ở Tây Phương dần dà đều sống theo Quy Luật Thánh Bênêđích.

Thánh nhân qua đời ngày 21 tháng 3 năm 547 tại Monte Cassino, nước Ý. Thánh nhân được cho an táng trong cùng một ngôi mộ với em của ngài là Thánh nữ Scholastica dưới bàn thờ chính của đan viện Monte Cassino, nước Ý. Thánh tích của thánh nhân hiện đang giữ tại đan viện Monte Cassino và một phần tại đan viện Saint Bernoit-sur-Loire tại Fleury, nước Pháp.

        Lễ mừng kính ngài vào ngày 11 tháng 7 theo nghi lễ Roma, còn dòng Biển Đức thì cử hành lễ kính vào ngày 21 tháng 3 hàng năm để kỷ niệm ngày Thánh Nhân qua đời. (Nguồn: Người Tín Hữu Online)

Mời Bạn:

❦ Hãy áp dụng câu châm ngôn của ngài vào những công việc hàng ngày : “Ora et Labora” (Cầu nguyện và Lao động).

❦ Suy niệm những câu đáng ghi nhớ trên huy hiệu kính thánh Bênêdíctô:

+ Chớ gì chúng con được củng cố bởi sự hiện diện của Chúa vào giờ chúng con chết!

+ Chớ gì Thánh giá của Chúa là ánh sáng cho con!

+ Hãy cút đi, hỡi Xatan, đừng gợi ý cho ta về những sự hào nhoáng của thế gian! Ngươi thèm khát sự dữ ư? Ngươi hãy uống lấy nọc độc của ngươi!

 Câu nào đánh động Bạn nhất?

 From: Đỗ Dzũng

“Ai là người thân cận của bạn?” – Cha Vương

“Ai là người thân cận của bạn?”

Chúc bạn ngày Chúa Nhật zui zẻ và bình yên trong Chúa, xin bạn dừng lại một phút để cảm thông với những  người đang đau khổ hôm nay nhé.

Cha Vương

CN: 10/7/2022

TIN MỪNG: Nhưng ông ấy [người thông thạo] luật muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi? (Lc 10:29)

SUY NIỆM: Nếu bạn được hỏi câu: “Ai là người thân cận của bạn?”, câu trả lời của bạn là gì nhỉ? Mình đoán có lẽ bạn sẽ nói: là những người thân thương bạn bè, láng giềng của bạn. Có bao giờ bạn nghĩ đến những người đang bị bỏ rơi “nửa sống nửa chết” bên lề xã hội là những người thân cận của bạn chưa? Trong bài Phúc Âm của Thánh Luca 10:25-37 Chúa Giê-su đưa ra câu chuyện người Sa-ma-ri tốt lành để làm gương về lòng nhân hậu. Nhân hậu là một nhân đức nó bắt nguồn từ tâm hồn đạo đức, từ nếp sống chính trực và được thể hiện qua hành động yêu thương, quan tâm, âu yếm đối với tha nhân. Lòng nhân hậu này không bị lệ thuộc bởi một lề luật hay một thành kiến nào nhưng nó được điều khiển bởi một con tim chân chính yêu thương tự gạt bỏ đi mọi định kiến để đồng cảm và đồng hành với những người chung quanh nhất là những người đang đau khổ.  Ước mong bạn có một tấm lòng nhân hậu như người Sa-ma-ri tốt lành hôm nay nhé.

LẮNG NGHE: Đức Vua sẽ đáp lại rằng: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.” (Mt 25:40)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Cha nhân từ, xin đừng để con rơi vào tình trạng như những bậc chức sắc của đạo Do Thái nhắm mắt làm ngơ trước người bị cướp bóc lột trần, và bị đánh đập nằm bên đường, nhưng hãy giúp con trở thành ngươi Sa-ma-ri tốt lành, bất chấp nguy hiểm, ân cần giúp đỡ những người đau khổ chung quanh con. 

THỰC HÀNH: Làm một việc bác ái vì danh Chúa hôm nay.

From: Đỗ Dzũng

Các Kitô hữu “không Công giáo” có là anh chị em với chúng ta không? – Cha Vương

Các Kitô hữu “không Công giáo” có là anh chị em với chúng ta không?

Chúc bạn một weekend vui vẻ hạnh phúc bên cạnh những người thân thương. Đừng quên cầu nguyện cho chiến tranh được chấm dứt bên nước Ukraine nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 08/07/2022

GIÁO LÝ: Các Kitô hữu “không Công giáo” có là anh chị em với chúng ta không? Tất cả những ai đã được Rửa tội đều thuộc về Hội Thánh của Chúa Giêsu Kitô. Vì thế, những người đã được rửa tội, dù không hiệp thông trọn vẹn với Hội Thánh Công giáo, họ cũng được gọi cách chính đáng là Kitô hữu, và do đó họ là anh chị em với chúng ta. (YouCat, số 130)

SUY NIỆM: – Những đổ vỡ trong Hội Thánh duy nhất của Chúa Kitô đều xuất phát từ những bóp méo giáo huấn của Chúa Kitô, từ những lầm lỗi của con người và từ những thiếu sót trong ý muốn hòa giải, nhất là nơi các vị hữu trách trong Hội Thánh. Ki tô hữu ngày nay không chịu trách nhiệm về những chia rẽ trong lịch sử Hội Thánh. Tuy nhiên vì muốn cả nhân loại được cứu rỗi, Chúa Thánh Thần vẫn hoạt động trong các Hội thánh và các cộng đồng đã ly khai khỏi Hội Thánh công giáo. Tất cả những ân sủng sẵn có, như Kinh Thánh, các bí tích, đức tin, cậy, mến, và các đặc sủng khác đều do Chúa Kitô mà đến. Ở đâu có Thánh Thần Chúa Kitô, ở đó có một năng lực nội tại thúc đẩy phải “khôi phục lại sự hiệp nhất”, bởi vì ai thuộc về Thánh Thần đều khao khát tập họp lại với nhau.

❦Các Hội Thánh và các cộng đồng Hội Thánh. Nhiều cộng đồng Kitô hữu khắp thế giới lấy tên là Hội Thánh. Đối với người Công giáo, chỉ là Hội Thánh khi trong cộng đồng đó các bí tích của Chúa Giêsu Kitô được duy trì nguyên vẹn. Điều này đúng với các cộng đồng Chính thống và các Hội Thánh Đông phương trước hết. Trong những cộng đồng Hội Thánh phát xuất từ cuộc cải cách của Tin lành, các bí tích không được duy trì nguyên vẹn. (YouCat, số 130 t.t.)

LẮNG NGHE: Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (Ga 15:7)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa luôn ao ước sự hiệp nhất Ki-tô giáo giữa những người tin vào Chúa Giêsu, xin giúp con vượt qua những gương xấu của sự chia rẽ, biết gạt sang một bên những ưu tiên riêng để thúc đẩy những gì mang lại sự hiệp nhất và công ích chung cho Giáo Hội.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Chúa Thánh Thần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Ki-tô giáo.

From: Đỗ Dzũng

Tại sao Hội Thánh có đặc tính là Duy nhất? Cha Vương

Tại sao Hội Thánh có đặc tính là Duy nhất?

Đúng là đi tới đâu cũng không bằng về nhà… Cảm ơn bạn đã cho mình những lời chúc tốt đẹp. Hôm nay mời bạn tiếp tục học hỏi và sống lời Chúa. Đừng quên gởi đi cho những người thân yêu của mình nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 07/07/2022

GIÁO LÝ: Tại sao Hội Thánh có đặc tính là Duy nhất? Cũng như chỉ có một Chúa Kitô, thì chỉ có thể có một Thân Thể Chúa Kitô, có một Hiền Thê Chúa Kitô, và do đó, chỉ có một Hội Thánh Chúa Kitô. Chúa Kitô là Đầu, Hội Thánh là Thân Thể. Tất cả hiệp thành “Chúa Kitô toàn thể” (Thánh Augustinô). Giống như thân mình có nhiều chi thể, nhưng chỉ là một. Cũng thế, Hội Thánh là duy nhất trong nhiều Hội Thánh địa phương khác nhau. Nhưng tất cả hợp thành Chúa Kitô toàn thể. (YouCat, số 129)

SUY NIỆM: Chúa Giêsu đã thiết lập Hội Thánh Người trên các Tông đồ. Ngày nay cũng vậy, Hội Thánh cho đến bây giờ vẫn dựa trên nền móng này. Dưới sự hướng dẫn của sứ vụ Thánh Phêrô “làm chủ theo tình yêu” (Thánh Inhaxiô Antiôkia), đức tin của các Tông đồ được truyền lại trong Hội Thánh từ thế hệ này sang thế hệ khác. Cả các Bí tích mà Chúa Giêsu đã trao phó cho tập đoàn các tông đồ, các bí tích đó tiếp tục tác động với sức mạnh có từ ban đầu. Chỉ có một Thân Thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được kêu gọi để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một niềm tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người và trong mọi người. (Ep 4,4-6) (YouCat, số 129 t.t.) 

❦ Với Hội Thánh này [giáo đoàn ở Rôma] do có nguồn gốc tuyệt hảo hơn, nên toàn Hội Thánh nhất thiết phải hòa hợp với nhau nghĩa là các tín hữu khắp nơi trong thế giới, vì nơi Hội Thánh đó có duy trì truyền thống của các Tông đồ để lại. (Thánh Irênê ở Lyon)

LẮNG NGHE: Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con. (Ga 17:20-21)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, sự hiệp nhất là dấu chỉ con đang sống trong Chúa, xin đừng để những ghen tương, đố kỵ, ác cảm… cá nhân làm tổn thương đến Giáo Hội, và xin cho con biết một lòng một dạ với nhau để những người chung quanh nhận ra những phần tử trong Giáo Hội là hình ảnh của Thiên Chúa, được tràn đầy lòng thương xót và ân sủng của Ngài.

THỰC HÀNH: Hạn chế và không chê bai, không chỉ trích, không nói hành nói xấu, nhưng yêu thương tất cả mọi người vì họ đều là anh em của mình trong Chúa Ki-tô.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Maria Goretti (1890-1902) – Cha Vương

Thánh Maria Goretti (1890-1902)

Chúc bạn và gia đình một ngày an lành! Hôm nay 06/7, Giáo Hội mừng kính Thánh Maria Goretti, mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng, xin cầu nguyện cho giới trẻ trong thời đại ngày nay nhé.

Cha Vương

Thánh Maria Goretti (1890-1902) sống ở trần thế có 12 năm, nhưng câu chuyện cuộc đời của thánh nữ đã xúc động biết bao tâm hồn. Maria Goretti sinh ngày 16 tháng 10 năm 1890 tại Corinaldo, Ancona, Ý Đại Lợi. Là con gái của ông Luigi Goretti và bà Assunta Carlini, một gia đình nghèo người Ý, ông Luigi Goretti chết sớm, chỉ còn người vợ tần tảo nuôi 6 con. Maria không có cơ hội để đi học, do đó cũng không biết đọc và biết viết. Khi rước lễ lần đầu, cô là một thiếu nữ to con so với cả lớp.

Trong buổi trưa hè oi ả vào tháng Bảy, Maria một mình ngồi may vá trên các bậc thang trong căn nhà lụp xụp. Lúc ấy, cô chưa đến 12 tuổi, nhưng thân thể cô đã phát triển. Một chiếc xe bò dừng ở bên ngoài, và người thanh niên hàng xóm là Alessandro Serenelli, 18 tuổi, chạy vào nhà, bước vội lên cầu thang. Hắn tấn công Maria và lôi cô vào phòng ngủ để hãm hiếp. Cô kháng cự và kêu cứu, trong hơi thở dồn dập cô cho biết thà chết còn hơn phạm tội. “Ðó là tội lỗi. Chúa không muốn như vậy. Anh sẽ xuống hỏa ngục vì tội này.” Như một con thú điên, Alessandro rút dao đâm túi bụi vào người Maria. Trong khi nằm ở bệnh viện, Maria đã tha thứ cho Alessandro trước khi qua đời ngày 06 tháng 7 năm 1902.

Kẻ sát nhân bị án tù 30 năm. Trong một thời gian dài, hắn vẫn không ăn năn sám hối và hay bực tức. Một đêm kia hắn mơ thấy Maria, tay cầm một bông hoa và trao cho hắn. Kể từ đó, cuộc đời Alessandro thay đổi. Sau khi được trả tự do, hành động đầu tiên của Alessandro là đến xin người mẹ của Maria tha thứ cho mình.

Câu chuyện của Maria Goretti ngày càng lan rộng và lòng sùng mộ vị tử đạo trẻ tuổi ngày càng gia tăng, nhiều phép lạ đã được ghi nhận và chưa đầy nửa thế kỷ, Maria Goretti đã được tuyên xưng á thánh. Trong buổi lễ tôn phong chân phước ngày 27 tháng 4 năm 1947, mẹ của Maria Goretti (lúc ấy 82 tuổi), hai cô em gái và một em trai cùng xuất hiện với Ðức Giáo Hoàng Pius XII ở bao lơn Công Trường Thánh Phêrô.

Ba năm sau, vào ngày 24 tháng 6 năm 1950, Ðức Giáo Hoàng Pius XII đã nâng Maria Goretti lên hàng hiển thánh. Trong đám đông khoảng 500,000 người tham dự lễ phong thánh có Alessandro Serenelli, lúc ấy đã 66 tuổi, đang quỳ gối với hai hàng nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má.

   Thánh tích Thánh Maria Goretti: Thánh Maria Goretti được coi là vị tử đạo vì ngài đã chiến đấu chống trả hành động bạo lực của Alessandro. Tuy nhiên, khía cạnh quan trọng nhất của thánh nữ là sự tha thứ cho kẻ xúc phạm, mà ngài vẫn lưu tâm đến kẻ thù ngay cả sau khi chết. Thánh Maria Goretti được đặt làm quan thầy giới trẻ và các nạn nhân bị hãm hiếp. (Trích “Gương Thánh Nhân” – ns Người Tín Hữu Online & Nhóm Tinh Thần nhuận chính lại theo Patron Saints, Vatican Saints và Santi-Beati-Testimoni)

Sau đây là Lời Kinh Đức Thánh Cha Gioan Phaolo 2 dâng lên thánh nữ Maria Goretti: Hỡi Cô Bé của Thiên Chúa, Bé đã sớm biết thế nào là khổ cực, nhọc mệt, đau thương cùng những niềm vui ngắn ngủi của cuộc sống. Bé từng biết thế nào là nghèo đói và mồ côi. Bé đã không ngừng yêu mến tha nhân, tự làm người hầu hạ khiêm tốn và ân cần. Bé sống tốt lành, không khoe khoang, và đã yêu mến Tình Yêu trên mọi sự. Bé đã đổ máu đào để khỏi phản bội Thiên Chúa. Bé đã tha thứ cho người đã giết Bé và cầu mong hạnh phúc Thiên Đàng cho anh ta. Xin Bé hãy bầu cử và cầu nguyện cho chúng tôi bên tòa Thiên Chúa Cha, hầu chúng tôi cũng biết thưa vâng đối với chương trình Thiên Chúa định liệu trên chúng tôi. Hỡi Đấng là Bạn Hữu của Thiên Chúa, đang chiêm ngưỡng Chúa mặt giáp mặt, xin hãy khẩn cầu cùng Chúa ban cho chúng tôi ơn xin cùng ngài… (thêm vào ý chỉ cầu nguyện) Chúng tôi cảm tạ ngài, hỡi Marietta, vì tình yêu ngài dành cho Thiên Chúa và cho anh chị em đồng loại, mà ngài đã gieo vãi trong lòng chúng tôi. Amen.

Lạy Thánh Nữ Maria Goretti, xin cầu nguyện cho chúng con!