Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28) – Cha Vương

Chúc bạn một ngày hậu Lễ Tạ Ơn bình yên và nhẹ nhõm sau những yến tiệc linh đình.

Cha Vương

Thứ 7: 26/11/2022

TIN MỪNG: Khôn ngoan chính là cây sự sống đối với người nào nắm được khôn ngoan. Giữ được khôn ngoan quả là hạnh phúc. ĐỨC CHÚA dùng khôn ngoan đặt nền cho trái đất, dùng hiểu biết thiết lập các tầng trời. (CN 3:18-19)

SUY NIỆM: 1/ Linh hồn: Lạy Nữ Đồng Trinh, Mẹ đã sống qua những ngày rất yên hàn, bình tĩnh trong Đền Thờ, Mẹ đã hưởng thụ các ơn Chúa trong cảnh bình an thư thái. Tâm trí Mẹ luôn suy nhớ Chúa ngự trước mặt: Mẹ năng tưởng niệm những sự huy hoàng và các mỹ diệu Chúa. Đấng yêu mến trở nên chót cả cho Mẹ và Mẹ ở tận tình với Người. Mọi sự trên trời dầu rất cao trọng, mỹ miều trước mặt Mẹ đều hư vô.

2/ Đức Mẹ: Hỡi con, đúng thế, linh hồn nào ở nơi tĩnh mạc (yên lặng, êm ái), xa tránh trần tục và thế sự, sẽ được sống trong những ngày đầy hạnh phúc. Linh hồn ấy chỉ tưởng đến Chúa, coi như trên mặt đất chỉ có Chúa và mình thôi. Họ năng chú trọng nghe Chúa phán tới mực không gì làm cho họ xao lãng được. Linh hồn ấy ưa đọc đi lặp lại lời thánh Đa-vít: “Đức Chúa trời là Chúa lòng con” (Tv 73:26), họ được thấy vinh hiển, phong phú và hạnh phúc Chúa. (x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:7:1,2)

LẮNG NGHE: Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. (Mt 11:28)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, mỗi khi mệt mỏi buồn chán con thường tìm đến thứ vui tạm thời của trần tục, “Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm”. Xin Mẹ giúp con biết chạy đến Chúa khi vui cũng như khi buồn, sống trong khôn ngoan của Chúa, để được thư thái và bình an.

THỰC HÀNH: Tìm một nơi tĩnh mạc (yên tịnh) để cầu nguyện và nghỉ ngơi với Chúa.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Catarina thành Alexandria (287-305)- Cha Vương

Ước mong tâm hồn bạn tràn đầy vui sướng phát xuất từ một tấm lòng tạ ơn. Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Catarina thành Alexandria (287-305), một vị thánh tử đạo lúc 18 tuổi, được tôn kính vào thế kỷ IV. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài là quan thần nhé.
Cha Vương

Thứ 6: 25/11/2022

Thánh Catarina Alexandria là một trong những vị thánh được nhiều người sùng bái. Thánh nữ cũng là tiếng nói từ trời thúc dục Thánh Jeanne dArc một thiếu nữ chăn cừu cầm quân đánh đuổi quân Anh giúp vua nước Pháp.
Theo truyền tụng thì Thánh Catarina thuộc dòng dõi quí tộc, sinh tại Alexandria, xứ Ai cập, dười thời quân Roma cai trị xứ này. Sau khi học hỏi và nghiên cứu về triết lý, Thánh Catarina đã gia nhập Ðạo Công giáo vì nhận thấy đây là con đường duy nhất dẫn đến chân lý.

Thánh nữ đã tranh luận với các triết gia thời bấy giờ, có một số đông nghe lời thuyết phục của bà nên đã trở lại theo Công giáo. Thánh nữ cũng cố gắng thuyết phục hoàng đế Maximus, nhưng hoàng đế chỉ say mê sắc đẹp của bà và chỉ muốn cưới bà làm tì thiếp. Thánh nữ đã từ chối lời đề nghị của hoàng đế vì bà đã trọn dâng mình cho Chúa và chấp nhận bị tù đày và hành hạ.

Hoàng đế Maximus tức giận bỏ tù bà và trong tù bà đã thuyết phục được hoàng hậu cùng một số quân lính theo đạo. Tức giận đến cực độ, hoàng đế đã ra lệnh giết vợ và số quan quân đã theo đạo Công giáo. Còn thánh Catarina thì bị buộc vào bánh xe có kết gươm để phanh thây như một hình phạt. Nhưng xe bị hỏng một cách kỳ lạ và những mảnh sắt văng tung tóe làm chết một số đông người tham dự. Hoàng đế Maximus bèn ra lệnh chém đầu bà tại Alexandria, Egypt năm 305.

Thánh nữ Catarina qua nhiều thế kỷ được tôn sùng như là bổn mạng của những triết gia, những nhà thuyết giáo. Thánh nữ cũng được tôn sùng như là sự khôn ngoan của các phụ nữ trong công việc đòi hỏi công bình và tự do cho nữ giới. (Nguồn: VietCatholic News, PT Huỳnh Mai Trác)

Thánh Catarina thành Alexandria, cầu cho chúng con.
From: Đỗ Dzũng

Tại sao phụng vụ lại chiếm địa vị ưu tiên trong đời sống Hội Thánh và trong đời sống mỗi người chúng ta?

Chuẩn bị đón khách chưa? Nếu mình là con gà tây trong mùa Lễ Tạ Ơn, thì mình sẽ biến dạng trở thành một vị ẩn sĩ, đi biệt tăm biệt tích để khỏi bị tóm cổ. Một ngày thật hứng thú trong tâm tình tạ ơn nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 23/11/2022

GIÁO LÝ: Tại sao phụng vụ lại chiếm địa vị ưu tiên trong đời sống Hội Thánh và trong đời sống mỗi người chúng ta? Vì phụng vụ là chóp đỉnh mà các hoạt động của Hội thánh hướng về đó, đồng thời Phụng vụ cũng là nguồn suối trào ra các sức mạnh (Hiến chế Phụng vụ số 10). (YouCat, số 168)

SUY NIỆM: Xưa Chúa Giêsu sống ở trần gian, đám đông dân chúng kéo đến với Người vì họ muốn được chữa khỏi bệnh do sự có mặt của Người. Hôm nay chúng ta vẫn có thể gặp gỡ Chúa Giêsu, vì Chúa sống trong Hội thánh Người. Người bảo đảm Người có mặt khi chúng ta phục vụ người nghèo (Mt 25,42) và có mặt trong bí tích Thánh Thể. Đó là hai nơi mà chúng ta trực tiếp chạy đến trong vòng tay của Người. Nếu chúng ta để cho Người gặp gỡ chúng ta, Người sẽ dạy dỗ, nuôi sống, biến đổi, chữa lành cho chúng ta, và chúng ta nên một với Người trong Thánh lễ. (YouCat, số 168 t.t.)

❦  Một sức thiêng phát xuất từ Người và chữa lành tất cả. (Lc 6:19)

LẮNG NGHE: Tôi, tôi đến để họ được sống và sống dồi dào. (Ga 10:10)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin mở trí lòng con để con gặp được Chúa trong Thánh Lễ và trong những người con gặp gỡ hôm nay.

THỰC HÀNH: Làm một việc bác ái.

From: Đỗ Dzũng

21/11 lễ Ðức Mẹ dâng mình vào Ðền Thờ-Cha Vương

Mến chúc bạn và gia đình ngày đầu tuần bình an và hạnh phúc! Hôm nay 21/11, Giáo hội mừng lễ Ðức Mẹ dâng mình vào Ðền Thờ, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho bạn và gia đình nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 21/11/2022

Những cha mẹ đạo đức thường dâng con mình cho Chúa, trong lúc mang thai cũng như sau khi sinh. Đối với một số người Do thái, họ có thói quen dâng con cho Chúa lúc chúng còn thơ ấu. Họ đem con đến Đền thờ, cho chúng ở lại đó phục vụ các tư tế trong việc phụng tự. Chúng ta gặp thấy nhiều cuộc dâng hiến như thế, như trường hợp của Samuen và nhiều vị thánh khác. Riêng Đức Maria, Phúc âm không nói gì về thời thơ ấu của ngài, nhưng truyền thống nói rằng lúc lên ba tuổi, cha mẹ đã đem dâng ngài trong đền thờ.

Hôm nay Hội thánh mừng ngày kỷ niệm Đức Mẹ dâng mình đó. Lễ này mới được Hội thánh công nhận và phổ biến rộng khắp vào thế kỷ 14. Việc Đức Mẹ dâng mình chắc chắn rất đẹp lòng Chúa, vì ngài đã được Vô nhiễm nguyên tội ngay từ buổi đầu thai, vì Chúa đã định chọn Mẹ cưu mang và sinh Con của Ngài. Và Mẹ đã dâng mình cách trọn vẹn, trọn hảo.

Chính trong đền thờ, Mẹ chuẩn bị sứ mạng làm Mẹ Thiên Chúa. Mười hai năm trời Mẹ suy niệm, cầu nguyện, sống gần gũi thân mật với Chúa. Theo thánh Giêrônimô, chương trình sống một ngày của Mẹ ở trong đền thờ gồm có kinh nguyện, suy gẫm, học hỏi Lời Chúa, hát thánh vịnh. Mẹ làm các việc thiêng liêng đạo đức đó với cả lòng sốt sắng nhiệt thành, nêu gương cho mọi người khác.

Mẹ luôn lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa, đó chính là điểm đặc sắc nhất của đời sống Mẹ. Theo thánh Augustinô: “Thánh Mẫu Maria đã thực hiện hoàn toàn ý định Chúa Cha, và vì thế, việc ngài được làm môn đệ Đức Kitô thì có giá trị hơn là việc được làm Mẹ Đức Kitô. Do đó, Đức Maria thật diễm phúc vì đã mang Chúa trong lòng trước khi sinh ra Người”.

Như thế, chính Đức Maria là Đền Thờ của Thiên Chúa. Việc Mẹ dâng mình vào đền thánh là thể hiện ngôi Đền thờ sống động trong tâm hồn. Chúng ta cũng thế, chúng ta là đền thờ sống động của Chúa, nên chúng ta biết noi gương Mẹ, dâng mình cho Chúa, lắng nghe và thực hành Lời Chúa hằng ngày trong đời sống. (Nguồn: Tinmung)

Dâng mình cho Đức Mẹ là một thói quen rất tốt lành vì ở đâu có Mẹ là ở đó có Chúa, có hy vọng, có ơn cứu rỗi, vậy mình mời bạn hãy tập dâng mình cho Đức Mẹ mỗi ngày qua lời kinh sau đây: Lạy Mẹ Maria là Mẹ nhân thay, con xin dâng mình con cho Đức Mẹ và cho chúng con hết lòng làm con Đức Mẹ, thì ngày (đêm) hôm nay con xin dâng con mắt, lỗ tai, miệng lưỡi, trái tim cùng tất cả thân mình con cho Đức Mẹ. Lạy Mẹ Maria là Mẹ khoan thay, này con thuộc về Đức Mẹ thì xin Đức Mẹ gìn giữ con như của riêng Đức Mẹ vậy. Amen. (Kinh Dâng Mình Cho Đức Mẹ)

From: Đỗ Dzũng

“Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.”(LC 23:43)- Cha Vương

Ngày Chúa Nhật hạnh phúc và ấm êm bên Chúa và những người thân yêu nhé.

Cha Vương

CN: 20/11/2022

TIN MỪNG: Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi!” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23:43-43)

SUY NIỆM: Hôm nay Giáo Hội mừng trọng thể lễ Chúa Kitô Vua, Vua của vũ trụ. Nhìn vào tượng chịu nạn, bạn sẽ thấy trên đầu của Chúa Giêsu có một chữ viết tắt là INRI. Chữ này dịch lấy từ tiếng Latin từ lệnh của Philatô:  Iesus Nazarenus, Rex Iudaeorum (Giêsu, người Nazareth, Vua Dân Do Thái). Mặc dù họ công bố Chúa Giêsu là Vua của người Do Thái nhưng mình nghĩ rằng họ không có đức tin để nhận ra sự thật của dấu hiệu này.

Vương quốc của Vua Giêsu là sự thật và là sự sống, Vương quốc thánh thiện và tràn đầy ân sủng, Vương quốc yêu thương, công lý và an bình. Một vương quốc được sinh ra từ Máu và nước từ cạnh sườn đâm thủng của Chúa Giêsu Kitô. Vương quốc của Vua Chúa Giêsu, Đấng đã được xức dầu (x. 1Col 1, 12-20), là Vua duy nhất của vũ hoàn, Vua khiêm nhường, Vua quyền năng, Vua bao dung và tha thứ.

Cuộc trao đổi ngắn trong bài đọc Phúc Âm giữa Chúa Giê-su và tên tội phạm cho thấy ngay cả trong cơn đau đớn tột cùng, vị Vua này vẫn tỏ lòng khoan dung tha thứ. Bất kể tội lỗi của bạn có to tát đến đâu, nếu bạn hối lỗi quay về với Vua Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh trên thập giá vì tội lỗi của nhân loại sẽ tha thứ và yêu thương bạn cho đến cùng. “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23:43)

Một khi Chúa đã tha thứ cho bạn rồi thì Chúa chỉ yêu cầu bạn một điều duy nhất thôi đó là “hãy tha thứ cho anh em mình”. Tha thứ có thể là một việc làm rất khó. Nếu nó dễ dàng, thì chẳng ai thực sự cần nó, phải không bạn? Tha thứ những điều mà không thể tha thứ được mới khiến việc làm đó trở nên quý và có giá trị. Ông Thomas Fuller nói: “Người nào không thể tha thứ cho người khác thì tự làm gãy cây cầu mà chính mình phải bước qua; vì con người ai cũng cần được tha thứ.” Vậy hôm nay ai là người đang cần đến sự tha thứ của bạn nhỉ? Tha thứ là cây cầu mang đến sự thấu cảm và cũng là liều thuốc để chữa trị mối quan hệ bị rạn nứt.

LẮNG NGHE: Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. (Cl 3:13)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con xin lỗi Chúa vì những tội con đã phạm mất lòng Chúa và anh em, xin giúp con biết bao dung và tha thứ như Chúa để mọi người cảm nhận được sự hiện diện của Chúa đang ở trong con.

THỰC HÀNH: Đọc chậm và suy niệm Kinh Lạy Cha.

From: Đỗ Dzũng

Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha. (1 Ga 2:15)-Cha Vương

Ngày Thứ 7 an lành và ấm áp nhé. Đừng quên cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời, xin cho họ được hưởng nhan thánh Chúa.

Cha Vương

Thứ 7: 19/11/2022

TIN MỪNG: Anh em đừng yêu thế gian và những gì ở trong thế gian. Kẻ nào yêu thế gian thì nơi kẻ ấy không có lòng mến Chúa Cha. (1 Ga 2:15)

SUY NIỆM: 3/ Đức Mẹ: Ai quá trìu mến thế tục sẽ xúc phạm và đối nghịch cùng Chúa. Con cho rằng mình đau khổ lắm, vì không được vào số người nghĩa thiết với Chúa. Người yếu ớt hèn nhát trở nên nghĩa thiết Chúa sao được? Chúa biết rõ con chưa hiến dâng cho Người, mà chính Người lại ban trót mình cho con. Hãy tận tâm với Chúa, dâng mọi sự cho Chúa, chắc con sẽ được Chúa ban nhiều ơn. Thế tục và những sự thuộc về nó không sánh vào đâu với người được Chúa làm gia tài.

4/ Linh hồn: Lạy Đức Nữ Đồng Trinh, con yếu đuối cần phải có ơn rất mạnh, mới có thể vâng giữ các điều Mẹ phán dạy, và theo chân, học tập Mẹ được; xin Mẹ cầu bầu giúp sức cho con vui lòng noi gương Mẹ và đồ trên con những ơn cần thiết.

Biết bao lần con đã trở lòng, đã bội tín, mà còn dám dâng lòng cho con cho Chúa Giêsu? Song Chúa không chê bỏ “tấm lòng khiêm tốn hối cải” và không bao giờ từ chối lời Mẹ. Lạy Mẹ đầy tình thương xin giúp con hòa thuận với Chúa, để Chúa Con ban dư đầy lòng con mọi ơn lành, ngõ hầu con nhận biết và ước ao kính mến làm tôi Chúa luôn. (x. Sách Gương Đức Mẹ, Q1:6:3-4)

LẮNG NGHE: Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo. (Rm 12:2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Mẹ Maria, xin Mẹ gìn giữ con tinh tuyền giữa đời ô nhơ, giữa muôn ngàn nguy hiểm để con được ủi an dưới bóng Mẹ yêu luôn mãi.

THỰC HÀNH: Đọc 10 Kinh Kính Mừng và một Kinh Vực Sâu cầu nguyện cho các linh hồn trong luyện ngục.

From: Đỗ Dzũng

Phụng vụ là gì?-Cha Vương

Một tuần mới bình yên và tốt đẹp nhé. Hãy cố gắng tham dự Thánh Lễ (Tiệc Thánh) thường xuyên hơn và sốt sắng hơn nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 14/11/2022

GIÁO LÝ: Phụng vụ là gì? Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức của Hội thánh. (YouCat, số 167)

SUY NIỆM: Một cử hành phụng vụ không phải một biến cố gồm những ý tưởng tốt và những thánh ca hay. Không phụng vụ nào tự tạo ra mình cũng như tự mình sáng kiến ra. Phụng vụ chứng tỏ về một đời sống đức tin đã lớn dần trong nhiều thế kỷ. Một việc đạo đức là một biến cố thánh, đáng được tôn trọng. Phụng vụ trở nên hấp dẫn khi ta cảm nghiệm được chính Thiên Chúa đang có mặt trong các dấu hiệu thánh và trong các kinh nguyện quý báu và thường là rất cổ kính.

❦ Phụng vụ là việc thờ phượng chính thức được hoàn thành do dân và cho dân. Theo truyền thống Kitô Giáo, phụng vụ có nghĩa là dân Chúa tham gia vào “việc” của Chúa. Việc quan trọng nhất trong các cử hành phụng vụ là Phụng vụ Thánh Thể. Các cử hành phụng vụ khác đều tùy thuộc vào Phụng vụ Thánh Thể, chẳng hạn như cử hành các bí tích, các việc tôn thờ, các buổi chầu chúc lành, các cuộc rước kiệu, và phụng vụ các giờ kinh.

❦  Phụng vụ không bao giờ được rút gọn vào một cuộc họp nhóm để cử hành riêng cho mình… Nhờ được tham dự vào việc Chúa Kitô trở về cùng Chúa Cha… chúng ta cũng được thông công cùng các thánh. Đúng thế, chúng ta một cách nào đó được tham gia phụng vụ trên trời. (Đức Hồng Y Ratzinger trong cuốn “Thiên Chúa và thế giới”) (YouCat, số 167 t.t.)

LẮNG NGHE: Ngày thứ nhất trong tuần, chúng tôi họp nhau để bẻ bánh. Ông Phao-lô thảo luận với các anh em và vì hôm sau ông ra đi, nên ông đã kéo dài cuộc nói chuyện đến mãi nửa đêm. Có khá nhiều đèn ở lầu trên, nơi chúng tôi họp nhau. (Cv 20:7-8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa là Linh Mục Tối Cao, là Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người. Xin giúp con luôn yêu mến, tôn trọng, siêng năng và hăng hái tham dự những biến cố thánh để cảm nghiệm được chính Thiên Chúa đang có mặt trong việc cử hành phụng vụ rồi một ngày nào đó con được cùng với các thánh tham gia phụng vụ trên trời.

THỰC HÀNH: Nhận định lại thái độ của bạn khi tham gia vào việc cử hành phụng vụ Thánh Thể. Làm một thay đổi cho chính mình để ý thức hơn rằng mỗi khi tham dự Thánh Lễ là mình đang tham gia vào “việc” của Chúa nhé.

From: Đỗ Dzũng

Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình. (Lc 21:19)-Cha Vương

Lạnh quá đi thôi! Xin Chúa là hơi ấm mẹ hiền ấp ủ bạn hôm nay và mãi mãi, nhưng đừng quên mặc đồ đủ ấm nhé.

Cha Vương

https://youtu.be/PJZtmywqxYI

CN: 13/11/2022

TIN MỪNG: ĐỨC CHÚA các đạo binh phán: “Này Ngày của ĐỨC CHÚA đến, đốt cháy như hoả lò. Mọi kẻ kiêu ngạo và mọi kẻ làm điều gian ác sẽ như rơm rạ. Ngày ấy đến sẽ thiêu rụi chúng – ĐỨC CHÚA các đạo binh phán – không còn chừa lại cho chúng một rễ hay cành nào. a Nhưng đối với các ngươi là những kẻ kính sợ Danh Ta, mặt trời công chính sẽ mọc lên, mang theo các tia sáng chữa lành bệnh.” (Mi 3:19-20a)

SUY NIỆM: Cuộc sống đôi khi được mô tả như một cuộc hành trình với một điểm đến sau cùng. Bạn đang trong hai tuần cuối của năm phụng vụ, lại một năm phụng vụ nữa bắt đầu trôi qua. Mời bạn suy gẫm về điểm đến sau cùng của cuộc đời bạn.  Cuộc đời không ai sống mãi cả. Một ngày nào đó bạn sẽ chết.

Có bao giờ bạn tự nghĩ rằng điểm đến sau cùng của bạn sẽ ở chỗ nào chưa? Thiên Đàng, hoả ngục, hay luyện ngục? Ba điểm đến này đều dựa vào cuộc xét xử riêng sau khi chết. “Ngay sau khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị luận phạt đời đời, tùy theo đời sống của mình trong tương quan đối với Đức kitô. Linh hồn hoặc thân xác phải trải qua cuộc thanh luyện hoặc được hưởng hạnh phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn.” (GLCG 1022).

Nếu mình là bạn, mình sẽ cố gắng hết sức đi vào cửa hẹp để được vào Thiên Đàng. Nếu vì một lý do nào đó mà không được, thì ít nhất mình sẽ phải ở lại trong luyện ngục. Nếu ở trong luyện ngục, thì thế nào mình cũng sẽ được lên thiên đàng thôi, sau một thời gian thanh luyện rồi chỉ có đi lên thôi chứ không đi xuống. Vậy hãy cố gắng, kiên trì, giúp đỡ và cầu nguyện cho nhau để vào Thiên Đàng nhé.

LẮNG NGHE: Có kiên trì, anh em mới giữ được mạng sống mình. (Lc 21:19)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, hạnh phúc của con là được ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân của con đặt ở nơi Chúa, xin cho con biết dành thời giờ Chúa ban để liên lỉ tươi vui, kiên trì cầu nguyện và kết hiệp với Chúa qua việc tích cực tham dự các Bí Tích, sống Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh để dù sống hay chết con luôn thộc về Chúa.

THỰC HÀNH: Tự xét tội mình và chạy đến bí tích hoà giải để khỏi bị án phạt đời đời.”

Thánh Gio-sa-phát, tử đạo – Cha Vương

Thánh Gio-sa-phát, tử đạo

Chúc bạn ngày Thứ 7 tràn đầy ân sủng của Chúa nhé! Hôm nay Giáo Hội mừng kính Thánh Gio-sa-phát, tử đạo. Nguyện xin thánh nhân cầu thay nguyện giúp cho chúng con để chúng con luôn cổ võ cho sự hiệp nhất trong mọi tầng lớp của Giáo Hội và hội đoàn dân Chúa.

Cha Vương

Thứ 7: 12/11/2022

Ðường của Chúa thật kỳ diệu và vô cùng khác lạ: thánh Gio-sa-phát là một người đã hiểu được đường lối huyền nhiệm của Chúa. Ngài đã chấp hành ý Chúa hơn vâng lời cha mẹ trần gian.

 MỘT CON ÐƯỜNG: Cứ sự thường lập gia đình là khuynh hướng tự nhiên của bất cứ người nào khi lớn lên. Vì theo tập tục, theo sự thường của con người, cha mẹ của Gio-sa-phát đã muốn con mình kết hôn để nối dõi tông đường khi thánh nhân lúc 17 tuổi xin cha mẹ đi tu, thì cha mẹ lại hướng con lập gia đình. Thánh nhân tuy yêu thương cha mẹ, nhưng vẫn nung nấu, ấp ủ việc đi tu và từ chối lập gia đình. Với lòng cương quyết, dứt khoát của thánh nhân, cha mẹ Ngài cũng chiều ý để Ngài đi tu. Năm 20 tuổi, thánh nhân gia nhập dòng thánh Basiliô ở Vilna, nước Ba Lan. Khi ấy có bè rối nổi lên chống Giáo Hội Chúa Kitô, vị bề trên tu viện cũng ngả theo bè rối và buộc Ngài phải theo bè rối. Ngài rất phân vân không biết phải làm sao, Ngài cầu nguyện và dứt khoát trung thành với Giáo Hội. Sau khi vị bề trên bị trục xuất, Ðức giám mục liền cất nhắc Ngài lên thay thế. Chỉ hai năm sau đó Ngài được phong chức linh mục, rồi Giám mục và vào năm 1617, Ngài được nâng lên chức tổng Giám mục thành Polotsk. Thánh Gio-sa-phát luôn tỏ ra mẫu mực của các nhân đức. Ngài luôn sốt sắng, nhiệt tình vận động cho sự hiệp nhất giữa Giáo Hội Hy Lạp và La Tinh. Thánh nhân đã làm cho nhiều người lạc giáo quay về với Giáo Hội. Ngài đã bị bọn lạc giáo đâm chết và ném xác xuống sông trong khi Ngài đi kinh lý mục vụ tại Vitebsk.

CHÚA THƯỞNG CÔNG: Thánh nhân sinh tại Vladimir nước Balan vào khoảng năm 1580. Ngài đã chết khi mới có 43 tuổi đời với việc đánh đập tàn nhẫn và một nhát đâm thấu qua tim. Thiên Chúa đã thưởng công Ngài. Thánh nhân đã can đảm nhận “tôi đây” khi bọn lạc giáo quá khích đòi giết Ngài. Ngài đã biến giây phút đó làm giây phút vinh quang vì được kết hiệp với cái chết của Chúa Giêsu trên khổ giá. Ðức Thánh Cha Urbanô VIII đã phong chân phước cho Ngài. Ðức Giáo Hoàng Piô IX đã tôn phong Ngài lên bậc hiển thánh vào năm 1867 với tước hiệu” Ðấng bảo vệ sự thống nhất Giáo Hội”. Ngài là vị thánh Ðông phương đầu tiên được phong tước hiệu quí hóa này. (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

Sau đây là lời cầu nguyện của ngài khi lên đường đi Vitebsk để viếng thăm, ủy lạo và cổ vũ tinh thần hiệp nhất của các tín hữu nơi đây: “Lạy Chúa, con biết những kẻ thù nghịch của Chúa sẽ giết con; nhưng con sẵn sàng hiến dâng mạng sống con cho Chúa. Con chỉ xin Chúa một điều là cho họ được ơn trở về với Hội Thánh Chúa”.

From: Đỗ Dzũng 

Thánh Martinô Thành Tour, (316-397)-Cha Vương

 Chúc bình an, hôm nay 11/11 Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Martinô Thành Tour, (316-397), giám mục. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé. Và hôm nay cũng là ngày Veteran Day (Cựu Chiến Binh), xin bạn một phút thinh lặng cầu nguyện cho những người đã hy sinh và bỏ mình cho nền hoà bình và dân chủ mà bạn đang tận hưởng trên đất nước Hoa Kỳ này.

Cha vương

Thứ 6: 11/11/2022

Thánh Martinô sinh năm 316 tại Upper Pannonia (Hung Gia Lợi hiện nay) và được lớn lên ở Ý.  Là con của một cựu chiến binh, ngài bị ép buộc phải gia nhập quân đội vào lúc 16 tuổi. Ngài theo học đạo và được rửa tội lúc 18 tuổi. Người ta kể rằng ngài sống như một tu sĩ hơn là một binh sĩ. Năm 23 tuổi, ngài từ chối tham dự cuộc chiến của Hoàng Ðế Julian Caesar chống với thế giới bằng lập luận sau: “Tôi đã phục vụ ngài như một người lính; bây giờ hãy để tôi phục vụ Ðức Kitô. Hãy thưởng cho những người muốn chiến đấu. Nhưng tôi là một người lính của Ðức Kitô, và thật sai lầm nếu tôi đi đánh nhau.”

Sau đây là 2 bài học ngài để lại cho chúng ta:

BÀI HỌC 1: Đức tính đầu tiên mà người ta đặc biệt nói về ngài là lòng yêu thương những người nghèo khó. Một hôm, giữa kúc mùa đông trên đường đi công tác, thánh nhân gặp ngay ở cổng thành Amien một người ăn xin trần trụi, lạnh run lặp cặp. Ngài liền nhớ lại câu Chúa nói: “Ta trần trụi, các ngươi đã cho áo mặc”. Đến gần người đó, ngài nói: Tôi không có tiền bạc, chỉ có áo quần và khí giới. Nói xong thánh nhân rút kiếm ra, xẻ đôi chiếc áo choàng đang mặc, và trao cho người ăn mày một nửa. Tương truyền đêm hôm đó trong giấc ngủ, thánh nhân thấy Chúa Giêsu choàng nửa chiếc áo ngài cho người ăn mày hôm qua và nói: Đây là chiếc áo Martinô đã cho Ta. Một con người hy sinh, từ bỏ, dấn thân vì Chúa nên Chúa luôn yêu thương Ngài cách đặc biệt. Người ta có thể coi cuộc đời Ngài là một cuộc đời truân chuyên, gặp nhiều vất vả, khó khăn, đau khổ vì bị anh em bội bạc. Nhưng Ngài vẫn một niềm xác tín cậy trông vào Chúa. Ngài coi mọi sự là rác rến, thiệt thòi so với mối lợi tuyệt vời là biết Ðức Kitô. Ðể bảo vệ đức tin và bác ái, Ngài luôn cầu nguyện: “Lạy Chúa, nếu dân Chúa còn cần đến con, con sẽ không chối từ bất cứ việc gì”. Thánh nhân đã hăng say, giữ vững đức tin và củng cố đức tin để mong cho nhiều người nhận biết Chúa.

BÀI HỌC 2: Điểm thứ hai mà người ta nhận thấy ở nơi ngài là lòng yêu mến Chúa Giêsu bị đóng đinh. Truyền thuyết kể rằng: Một hôm, ma quỉ muốn cám dỗ thánh nhân đi vào con đường trụy lạc. Hắn liền hiện hình một vị vua oai phong huy hoàng đến với thánh nhân: Martino hỡi con, cha cám ơn con về lòng tin của con đối với cha. Con cũng phải biết rằng cha luôn thành tín đối với con. Từ nay, con sẽ mãi mãi cảm thấy ở bên cạnh cha, con có thể hoàn toàn tín nhiệm ở cha. Thánh nhân chăm chú nhìn ông vua kia hồi lâu rồi ngài hỏi: Nhưng thưa ngài, ngài là ai vậy? Tên quỉ đội lốt vua đáp: Ta là Giêsu Kitô đây. Thánh nhân lại hỏi:  Vậy thì vết thương đóng đinh ở chân tay ngài đâu? Tên quỉ trả lời: Ta từ vinh quang trên trời xuống, nơi đó chẳng còn có thương tích nữa. Thánh nhân đáp lại ngay: Tôi không muốn nhìn Đức Kitô không thương tích. Tôi không thể tín nhiệm Đức Kitô không qua dấu hiệu thập giá. Thấy mưu đồ bại lộ, tên quỷ lủi mất.

Ước mong 2 bài học này giúp bạn hiểu được tầm quan trọng của lòng tín thác vào Chúa Giêsu chịu đóng đinh và tinh thần chia sẻ của của những ai muốn thuộc về Chúa thực sự.

Lạy thánh Martinô Thành Tour xin cầu cho chúng con. Amen.

From: Đỗ Dzũng

NGÀY THỨ CHÍN trong tuần cửu nhật-Cha Vương

Mến chào một ngày mới! Nào ta hãy đồng dâng lời tạ ơn đến Thiên Chúa cao cả vì Ngài đã gìn giữ bạn cho đến ngày hôm nay. Bạn thân mến, đối với người Công giáo, giáo huấn về luyện ngục thật là một niềm hy vọng và an ủi vì biết rằng bất cứ ai đạt đến giai đoạn thanh luyện cuối cùng này chỉ có thể “đi lên” chứ không “đi xuống”. Tuy nhiên, Giáo Hội dạy rằng những người còn sống có thể giúp đỡ các linh hồn nơi luyện ngục. Bởi vì khi chết rồi con người không thể làm gì cho chính mình được nữa. Khi còn sống, bạn có thể làm được việc gì thì làm để giúp họ, vì tình yêu của người còn sống vẫn hoạt động vươn tới cả đời sau, chẳng hạn như ăn chay, cầu nguyện, làm các việc lành, nhất là dâng thánh lễ để xin ơn cho họ. Thánh Gioan kim khẩu có nói: “Bạn đừng ngại ngùng cứu giúp những người đã ra đi và dâng lời cầu nguyện cho họ.” Vậy hôm nay bên cạnh cầu nguyện cho linh hồn của các người thân yêu của mình, mời bạn hiệp thông với mình cầu nguyện thêm cho các linh hồn đang thanh luyện trong luyện ngục mà không có ai cầu nguyện cho họ, xin cho họ sớm được hưởng nhan Thánh Chúa.

Xin chân thành cảm ơn bạn rất nhiều vì những việc bạn đã và đang làm cho phần rỗi của các linh hồn nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 10/11/2022

NGÀY THỨ CHÍN trong tuần cửu nhật:

HỠI CÁC LINH HỒN THÁNH THIỆN TRONG LUYỆN NGỤC, CÁC NGÀI CÓ NUỐI TIẾC ĐIỀU GÌ VỀ THẾ GIỚI MÀ CÁC NGÀI VỪA TỪ GIÃ KHÔNG?

“Tôi nuối tiếc cho thời gian đã mất. Tôi không bao giờ nghĩ rằng thời gian trên trái đất thật là quý giá chóng qua, và không thể đền bù được. Nếu tôi biết truớc thì lúc này đây tôi mới thấy thời giờ đáng quý biết là bao!  Thời giờ được ban cho tôi toàn quyền sử dụng trong tình yêu Thiên Chúa, cho sự thánh hóa của tôi, cho sự cảm hóa tha nhân. Tôi đã dùng thời giờ để gây tội lỗi, để hưởng thụ, để làm việc. Những thứ này bây giờ làm cho tôi phải nuối tiếc trong cay đắng. Ôi thời gian đã mất, không còn hy vọng gì lấy lại.

Hỡi các bạn còn sống trên trái đất hãy thay mặt chúng tôi mà thánh hiến cho Trái Tim Cực thánh Chúa Giêsu một chút thời giờ mà Chúa ban cho bạn cách dồi dào và miễn phí để xin ân huệ cho chúng tôi. Chúng tôi xin cảm tạ các bạn trước!”

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG: “Những nỗi thống khổ của các linh hồn dưới luyện ngục rất lớn cho nên một ngày ở đó cũng như ngàn năm đối với họ.” (Thánh Vincent Ferrier)

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa Thánh Thiện, vì Máu Thánh Cực châu báu của Chúa Giêsu đã đổ ra trong vườn cây dầu để cứu các linh hồn mồ côi trong luyện tội, con nài xin Chúa, xin hãy đưa các linh hồn vào nơi Vinh Quang để danh Chúa được tôn sùng và ngợi khen cho đến muôn đời.

Lạy Trái Tim dịu ngọt Chúa Giêsu, xin ban ơn cho chúng con để chúng con yêu mến Chúa ngày một hơn. (đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 Kinh Vực Sâu)

From: Đỗ Dzũng

NGÀY THỨ TÁM trong tuần cửu nhật-Cha Vương

Một ngày bình yên trong Chúa nhé. Bạn thân mến, khi nhìn vào chiến tranh, hận thù và bạo lực đang xảy ra trong nước và toàn thế giới bạn không thể phủ nhận một sự thật là: thế giới đang rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng. Cố Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã từng nói, “đã có quá nhiều bạo lực, quá nhiều bất công trên thế giới. Bạo lực không thể ngăn chặn bạo lực. Thế giới ngày nay cần yêu thương nhau hơn, và nhiều lòng nhân hậu hơn”. Vì vậy hôm nay mời bạn hãy cầu nguyện xin Chúa thay lòng đổi dạ những kẻ gây ra chiến tranh, bạo lực, và hận thù cho người khác. Bạn hãy khẩn thiết nài xin cho chiến tranh được thay thế bằng hòa bình, hận thù được thay thế bằng yêu thương, bạo lực được thay thế bằng sự dịu dàng và bóng tối bằng sự sáng. Hôm nay bên cạnh cầu nguyện cho Linh Hồn của các người thân yêu của mình, mời bạn hiệp thông với mình cầu nguyện thêm cho linh hồn của những nạn nhân của chiến tranh, bạo lực và hận thù. Xin cho họ được hưởng hạnh phúc trên Thiên Đàng với Chúa.

Thứ 4: 9/11/2022

NGÀY THỨ TÁM trong tuần cửu nhật:

HỠI CÁC LINH HỒN THÁNH THIỆN TRONG LUYỆN NGỤC, CÁC NGÀI CÓ NUỐI TIẾC ĐIỀU GÌ VỀ THẾ GIỚI MÀ CÁC NGÀI VỪA TỪ GIÃ KHÔNG?

“Tôi nuối tiếc vì tôi đã không ăn năn, hối lỗi đủ. Lúc còn sống, thật là dễ dàng để thống hối, giờ đây, thật là đau khổ trong lửa luyện tội!  Mọi nỗi thống khổ nhất trên trái đất không thể sánh với một nỗi đau nhỏ ở luyện ngục.  Lẽ ra lúc ấy tôi phải khiêm nhường mà chấp nhận mọi đau khổ và nghịch cảnh; lẽ ra tôi phải từ bỏ chính mình và bố thí qua các công việc từ thiện!”

“Ôi, hỡi các bạn đang đau khổ trong nước mắt, hãy vui mừng và chấp nhận với thái độ của một Kitô Hữu. Nếu ta chịu đau khổ để làm vui lòng sự công thẳng Chúa, và dâng hiến lên Trái Tim Cực thánh Chúa với một tâm tình đền tội, các bạn sẽ làm giảm thiểu thời gian lâu dài và đau đớn trong luyện ngục.”

BÓ HOA THIÊNG LIÊNG: “Chúng ta hãy thực hành những hoa quả của việc thống hối”.

LỜI CẦU NGUYỆN: Lạy Cha Chí Thánh, vì Mình và Máu Thánh Cực Châu Báu của Chúa Giêsu đã đổ ra trên thập giá, đặc biệt là những vết thương nơi tay chân thánh thiện của Ngài, con nài xin Chúa hãy giải thoát những linh hồn trong luyện ngục, đặc biệt là những linh hồn mà con hết sức cầu nguyện cho họ, để rồi không phải vì tội của con mà Chúa không cho họ lên thiên đàng. Xin cho họ ca ngợi Chúa muôn đời. Amen.

Ôi! Lạy Trái Tim dịu ngọt và khiêm nhường Chúa Giêsu, xin làm cho trái tim con nên giống trái tim Chúa. (đọc 1 Kinh Lạy Cha, 1 kinh Kính Mừng, 1 Kinh Vực Sâu)

From: Đỗ Dzũng