Chúng ta có phải chịu xét xử sau khi chết không?-Cha Vương

Chúng ta có phải chịu xét xử sau khi chết không?

Một ngày an lành đến với bạn và gia đình, đừng để những ảnh hưởng trần tục làm bạn rời xa Chúa hôm nay nhé.

Cha Vương

https://youtu.be/wESgj5oaSJw

Thứ 4: 12/10/2022

GIÁO LÝ: Chúng ta có phải chịu xét xử sau khi chết không? Có. Sau khi chết, mỗi người tức khắc sẽ chịu cuộc xét xử. Cuộc xét xử này được gọi là cuộc xét xử riêng. Còn đến ngày sau hết, sẽ xảy ra một cuộc xét xử được gọi là cuộc xét xử chung, khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang của Người. (YouCat, số 157)

SUY NIỆM: Khi chết, mỗi người đi tới giờ của sự thật. Lúc đó không gì có thể bị gạt đi và che giấu nữa. Ta phải đối mặt với cuộc xét xử của Chúa, Đấng công nhận sự công chính của ta, vì Thiên Chúa gần gũi ta, ta chỉ có thể hoặc là công chính như Chúa muốn khi Người tạo dựng ta. Hoặc có thể ta cần phải qua một tiến trình thanh luyện chăng, hoặc có thể ta được đón ngay vào vòng tay của Chúa chăng? Nhưng cũng có thể ta đầy tội ác, hận thù, từ chối tất cả; ta sẽ từ chối vĩnh viễn bộ mặt của Tình yêu, bộ mặt của Thiên Chúa. (YouCat, số 157 t.t.)

❦  Xét xử. Việc xét xử riêng hay cá nhân sẽ xảy ra lúc mỗi người chết. Việc xét xử chung tất cả cũng gọi là xét xử sau cùng sẽ xảy ra khi tận thế lúc Chúa trở lại. 

❦ Khi đời đã về chiều, ta sẽ chịu xét xử về tình yêu của ta. (Thánh Gioan Thánh giá, 1542-1591, nhà thần bí Tây ban nha, tiến sĩ Hội Thánh và thi sĩ)

LẮNG NGHE: Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người, và Người sẽ tách biệt họ với nhau, như mục tử tách biệt chiên với dê. Người sẽ cho chiên đứng bên phải Người, còn dê ở bên trái… Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời. (Mt. 25:31,32,33,46)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, Chúa là vị thẩm phán công minh, và là vị Vua tình yêu. Chính vì tình yêu mà Chúa đã xuống thế làm người để cứu độ nhân loại. Sống trong thân phận con người, Chúa luôn thông cảm chạnh lòng thương xót và giải thoát con người khỏi những đau khổ mà họ đang gánh chịu, xin cho con biết kết hiệp với Chúa trong mọi hoàn cảnh để khỏi bị án phạt đời đời.

THỰC HÀNH: “Đến cuối đời, chúng ta sẽ bị phán xét về tình yêu.” Bạn đã và đang yêu mến Chúa và tha nhân đến mức nào?

From: Đào & Trắng

 Sự sống vĩnh hằng là gì?

 Sự sống vĩnh hằng là gì?

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để đổi mới đời mình trong mối tình không đổi thay của Chúa. Hãy nhớ cầu nguyện cho nhau nhé.

Thư 3: 11/10/2022

GIÁO LÝ: Sự sống vĩnh hằng là gì? Sự Sống vĩnh hằng đã khởi đầu khi ta lãnh Bí tích Rửa tội. Nó tiếp tục sau khi chết và nó sẽ vô cùng tận. (YouCat, số 156)

SUY NIỆM: Những người yêu nhau có kinh nghiệm rằng: họ muốn cho chuyện tình của họ không ngừng lại bao giờ. Thiên Chúa là tình yêu, thư thứ nhất của thánh Gioan nói thế (1Ga 4:16). Thư thứ nhất gửi Côrintô nói đức ái không bao giờ mất được (1Cr 13:8). Thiên Chúa thì vĩnh hằng vì Người là tình yêu và tình yêu thì vĩnh hằng bởi vì tình yêu là thần thiêng. Khi ta sống trong tình yêu, là ta đi vào hiện tại vĩnh viễn của Thiên Chúa. Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên, đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày. (2 Pr 3:8) (YouCat, số 156 t.t.)

❦ Thời gian để tìm Chúa, đó là sống. Thời gian để tìm được Chúa, đó là chết. Thời gian để có được Chúa là đời đời. (Thánh Phanxicô Salêdiô)

 LẮNG NGHE: Phúc thay người lắng nghe ta dạy, ngày ngày canh thức trước cửa nhà ta, túc trực ở ngay lối ra vào. Vì gặp được ta là gặp sự sống, và hưởng ân lộc ĐỨC CHÚA ban cho. (Cn 8:34-35)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, hạnh phúc tuyệt đối và trường cửu là của Chúa. Xin cho con biết dành thời giờ Chúa ban để kết hiệp với Chúa qua việc tích cực tham dự các Bí Tích và sống Lời Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời con.

THỰC HÀNH: Khi tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật, bạn cảm thấy thế nào khi tuyên xưng “Tôi tin hằng sống vậy.”?

From: Đỗ Dzũng

 Nếu ta trông cậy vào Chúa Kitô, Người sẽ giúp ta thế nào vào lúc ta chết?

 Nếu ta trông cậy vào Chúa Kitô, Người sẽ giúp ta thế nào vào lúc ta chết?

Cầu chúc bạn một ngày tràn đầy niềm trông cậy vào Chúa Ki-tô như em bé được nằm trong tay mẹ hiền vậy nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 10/10/2022

GIÁO LÝ:  Nếu ta trông cậy vào Chúa Kitô, Người sẽ giúp ta thế nào vào lúc ta chết? Chúa Kitô sẽ tới gặp ta và đưa ta vào cuộc sống đời đời. Thánh Têrêsa Hài đồng nói: “Không phải cái chết sẽ đến đón tôi mà là chính Thiên Chúa”. (YouCat, số 155)

SUY NIỆM: Khi chiêm ngắm những đau khổ và cái chết của Chúa Giêsu, đoạn nói về cái chết của Chúa có thể dễ hiểu hơn. Trong hành vi tin cậy và yêu mến Chúa Cha, ta có thể “xin vâng” như Chúa Giêsu đã làm trong vườn cây dầu. Loại thái độ này được gọi là “hiến dâng linh thiêng”. Người đang chết kết hợp với cuộc hiến dâng của Chúa Kitô trên thập giá. Chết như vậy trong niềm tin cậy nơi Chúa và trong bình an với mọi người, thì không có tội nặng, đó là lên đường đi tới cộng đồng của Chúa Kitô phục sinh. Cái chết của ta làm ta rớt xuống, nhưng ta rớt trong tay Chúa. Người chết không hành trình tới hư vô, nhưng trở về nhà trong tình yêu của Đấng đã tạo dựng họ. (YouCat, số 155 t.t.)

❦ Tôi không chết, tôi đi vào sự sống. (Thánh Têrêsa Hài đồng, 1873-1897, nhà thần bí và tiến sĩ Hội thánh)

LẮNG NGHE: Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa. Vậy, dù sống, dù chết, chúng ta vẫn thuộc về Chúa. (Rm 14:8)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin gia tăng lòng tin cậy mến cho con để con tin vào tình yêu của Chúa và đặt niềm tin vào sự sống vĩnh cửu mai sau. 

THỰC HÀNH: Làm một việc hy sinh nhỏ hôm nay để cầu nguyện cho các linh hồn đã qua đời.

From: Đỗ Dzũng

Có một bệnh phong cùi đáng sợ hơn đó là tội lỗi- Cha Vương

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để hoán cải và trở về với Chúa và những người thân thương của mình. Một ngày bình yên nhé.

Cha Vương

CN: 09/10/2022

TIN MỪNG: Lúc Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người. Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Thấy vậy, Đức Giê-su bảo họ: “Hãy đi trình diện với các tư tế.” Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. (Lc 17:12-15)

SUY NIỆM: Phong cùi là một bệnh nan y khó trị, ai cũng ghê tởm và run sợ nếu mắc phải bệnh này. Ai bị bệnh này họ bị ruồng bỏ, bị coi là nhơ nhớp, phải sống cách ly trong một làng cùi xa mọi người, xa cả người thân… Bạn biết không? Trong xã hội ngày nay có một loại phong cùi còn nguy hiểm và đáng sợ hơn nữa. Một khi nó xâm nhập vào con người nó sẽ gây tổn thương và làm tan vỡ hạnh phúc không những cho chính đương sự đó và cho cả gia đình, xã hội và những người xung quanh nữa. Bệnh này có những triệu chứng như sau: Ham thích văn hoá phẩm đồi truỵ —“ông ăn chả bà ăn nem” hoặc có tí máu “dê”— lang chạ trong tình ái, nghiện ngập rượu chè ma tuý, cờ bạc, mê tín dị đoan v.v. Nếu những ai mang chứng bệnh phong cùi của thời đại này, họ không tự chữa mình được bạn ạ.  Họ cần phải cậy nhờ vào sức mạnh và quyền năng chữa lành của Thiên Chúa qua việc ăn năn hoán cải, quyết tâm kiên nhẫn cầu nguyện và siêng năng chạy đến bí tích Giải tội để xin ơn chữa lành của Chúa bằng sự quyết tâm từ bỏ. Vậy mỗi khi bị cám dỗ, như người phong cùi hôm nay, bạn hãy kêu lớn tiếng: “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương chúng tôi!” Nếu bạn hết lòng thành tâm cầu khẩn xin ơn, Chúa sẽ cứu bạn đó.

LẮNG NGHE: Chúa Giê-su nói: “Giống quỷ ấy, chỉ có cầu nguyện mới trừ được thôi.”

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, có một bệnh phong cùi đáng sợ hơn đó là tội lỗi vì nó làm hoen ố tâm hồn, gia đình, cộng đồng và xã hội, xin cho con biết siêng năng chạy đến bí tích Giải tội để được tẩy sạch bệnh phong cùi thiêng liêng này.

THỰC HÀNH: Tự xét mình và nếu được hãy đi xưng tội.  

From: Đỗ Dzũng

 Giáo Hội Công Giáo kêu gọi các tín hữu lần hạt Mân Côi. Tại sao vậy?- Cha Vương 

 Giáo Hội Công Giáo kêu gọi các tín hữu lần hạt Mân Côi. Tại sao vậy?

Cha Vương 

Bạn thân mến, mỗi năm vào Tháng 10 Giáo Hội Công Giáo kêu gọi các tín hữu lần hạt Mân Côi. Tại sao vậy? Kinh Mân Côi mang lại cho bạn những giá trị gì cho phần hồn? Có người nói rằng: “Kinh Mân Côi làm cho cả ngày của tôi bình an hơn, giống như Đức Maria luôn sẵn sàng trợ giúp tôi khi phải đối diện với những điều tồi tệ. Mọi sự sẽ trở nên dễ dàng hơn. Tôi ý thức hơn về sự hiện diện của Chúa”. Cầu nguyện với kinh Mân Côi không làm đau khổ biến mất, nhưng nó cung cấp cho bạn một vũ khí mạnh mẽ hơn để chiến đấu. Nói tóm lại đọc Kinh Mân Côi làm cho một ngày sống của bạn sẽ bình an hơn đó. Mỗi lần Mẹ hiện ra, Mẹ đều kêu gọi ta khẩn trương ăn năn sám hối, cải thiện đời sống và siêng năng lần hạt Mân Côi. Hãy lần hạt Mân Côi ngay, Mẹ sẽ không làm con cái Mẹ thất vọng.

          Nhiều người vì cái nhìn thiển cận và không hiểu biết nên nghĩ rằng, kinh Mân Côi là kinh của bà già, con nít, của kẻ vô công rỗi nghề, của kẻ mê muội ít học, nhưng họ đã lầm. Chính vì hiểu lầm nên họ rất lười đọc kinh Mân Côi, hoặc đọc cách rất hời hợt hững hờ, thậm chí có người không bao giờ thèm đọc.

          Kinh Mân Côi là bộ kinh nguyện kính Đức Mẹ gồm 200 kinh chia làm từng chục. Mỗi chục gồm một kinh Lậy Cha,10 kinh Kính Mừng và một kinh Sáng Danh. Đồng thời mỗi chục kinh để tưởng nhớ một mầu nhiệm liên hệ đến Chúa Giêsu hay Đức Mẹ Maria. Như vậy kinh Mân Côi là kinh suy niệm 20 Mầu Nhiệm, được chia làm 4 Mầu Nhiệm chính mà đặc ngữ Công Giáo gọi là Mùa như Mầu Nhiệm Mùa Vui, Mầu Nhiệm Mùa Thương, Mầu Nhiệm Mùa Mừng, và Mầu Nhiệm Sự Sáng. MÙA VUI suy tư sự kiện Chúa Giáng Sinh. MÙA THƯƠNG tưởng nhớ đến việc Chúa chịu chết trên Thập Giá. MÙA MỪNG tưởng nhớ đến việc Chúa Phục Sinh. MÙA SÁNG  hay Mầu Nhiệm Sự Sáng mới có từ năm 2002 dưới thời ĐGH Gioan Phaolô II, dành để suy niệm cuộc đời Chúa Giêsu khi ra đi giảng đạo từ lúc chịu phép rửa trên sông Jordan tới khi Chúa lập phép bí tích Thánh Thể. Theo tài liệu thì Kinh Mân Côi do Đức Mẹ truyền dậy cho thánh Đa Minh và Giáo Hội cho chính thức phổ biến từ năm 1214. “Kinh Mân Côi là cuốn Tin Mừng rút gọi!” Lý thú quá phải không bạn? Một khi bạn hiểu được những mầu nhiệm tiềm ẩn trong Kinh Mân Côi thì những lời kinh rất đơn sơ, mộc mạc và thành thực không còn là những lời lảm nhảm mà là một cầu nối qua Mẹ đến thẳng Thiên Chúa. Mời bạn đọc Kinh Mân Côi với hết cả tâm tình của mình hôm nay nhé.

Chúc bạn một ngày tràn đầy ân sủng của Chúa qua Mẹ Maria. 

Cha Vương 

Lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10-Cha Vương

Lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10

Mến Chúc Bạn và gia đình một ngày bình an trong Chúa và Mẹ. Cha Thánh Pio khuyên: “Hãy yêu mến Đức Mẹ và hãy lần chuỗi Mân Côi, vì Kinh Mân Côi là vũ khí chống lại sự dữ của thế giới hôm nay.” Mời bạn hãy cầm lấy vũ khí để chống lại sự dữ của thời đại ngày nay nhé.

Cha Vương

Thứ 6: 07/10

          Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi vào ngày 7 tháng 10, và kính trọng thể vào ngày Chúa Nhật đầu tháng 10 dương lịch và dâng cả tháng 10 làm “ tháng Mân Côi” kêu gọi các tín hữu lần hạt Mân Côi. Giáo Hội nhờ kinh Mân Côi đã được nhiều ơn lành đặc biệt. Ngày 7 tháng 10  năm 1571 đạo binh Công Giáo đã chiến thắng quân Hồi, toan xông vào xâm chiếm nước Ý, tại vùng Lepante. Đức Giáo Hoàng Piô thứ V đã từ điện Vatican thị kiến trận chiến này. Để ghi nhớ ơn ấy Ngài đã lập lễ “ Đức Bà Thắng Trận” ( Notre Dame de la victoire), sau đổi thành lễ Đức Bà Rất Thánh Mân Côi, và thêm vào kinh cầu Đức Bà câu: Đức bà phù hộ các giáo hữu. Cầu cho chúng con.”

          Hai năm sau , năm 1573, Đức Giêgôriô XIII muốn đặc biệt kính nhớ chiến thắng Lepane, đã truyền mừng lễ Mân Côi trọng thể vào Chúa Nhật đầu tháng 10, tại các nhà thờ có hội Mân Côi và bàn thờ kính dâng Đức Mẹ Mân Côi.

          Năm 1716, Đức Clêmentê XI truyền mừng lễ Đức Bà Mân Côi trọng thể trong khắp Giáo Hội, để kính nhớ ơn chiến thắng tại vịnh Belgrade nhờ việc giáo hữu lần hạt Mân Côi kính xin Đức Mẹ. Năm 1888, Đức Lêô XIII quyết định nâng lễ Mân Côi lên bậc “ kép hạng nhất” ( Dup lex primae classis) mừng ngày 7 tháng 10 và kính trọng thể Chúa Nhật đầu tháng 10.

         Ngày 2-2-1974, Đức Phalô VI trong tông huấn “Tôn Sùng Đức Maria” (Marialis Cultus) vẫn nhìn nhận lễ Mân Côi mừng ngày 7 tháng 10 vì lý do chính lễ này là sự tham dự mật thiết của Đức Maria vào những mầu nhiệm Chúa Kitô, mà kinh Mân Côi là điển hình. (MC 8)

        Đến năm 1913, thì lễ này được đức Pio X định vào ngày 7-10 mỗi năm. Tước hiệu “Đức Mẹ phù hộ các giáo hữu” được thêm vào trong kinh cầu Đức Bà từ đó. ( Nguồn: mạng—mancoichihoa)

        Tôi tớ Chúa (tu sĩ) Joseph Kentenich nói: “Kinh Mân Côi là phương dược hiệu nghiệm cho thời hiện đại. Kinh Mân Côi sẽ ảnh hưởng lên những biến cố của thế giới hơn bất cứ những cố gắng ngoại giao, và cũng có tác động lên đời sống công cộng hơn tất cả mọi cố gắng của bất cứ tổ chức nào.” Vậy hôm nay mời Bạn cộng tác với mình hãy chạy đến Mẹ Maria qua Kinh Mân Côi nhé để cầu nguyện cho cho nền hòa bình trên trên thế giới.

    Sau đây là 15 điều Đức Mẹ đã hứa, qua thánh Dôminicô, cho những ai siêng năng đọc kinh Mân Côi. Mời bạn đọc và coi đây là một lời mời khẩn thiết “hãy chạy đến Mẹ!” trong thời gian sáo trộn này.

1- Những ai đọc kinh Mân Côi sẽ nhận được những ơn cao cả.

2- Mẹ hứa sẽ phù trợ đặc biệt, và ban nhiều đặc ân cho những ai đọc kinh Mân Côi.

3- Kinh Mân Côi sẽ là áo mã giáp chống lại hỏa ngục, phá tan các ngụy thuyết.

4- Kinh Mân Côi là phương tiện thánh hóa các linh hồn.

5- Linh hồn nào đến với Đức Mẹ bằng kinh Mân Côi, sẽ không bị hư mất.

6- Ai đọc kinh Mân Côi sẽ không bị rủi ro, chết bất đắc kỳ tử.

7- Những ai tôn sùng Kinh Mân Côi sẽ được chịu các phép bí tích trong giờ

chết.

8- Ai mộ mền chuỗi Mân Côi, khi lâm tử sẽ được chia sản nghiệp trên thiên

đàng.

9- Mẹ sẽ cứu khỏi luyện ngục cho những ai siêng năng đọc kinh Mân Côi.

10- Con cái trung thành với kinh Mân Côi, sẽ được hưởng vinh quang trên trời.

11- Nhờ lần hạt Mân Côi, Mẹ sẽ ban cho hết những gì mình xin.

12- Những ai truyền bá chuỗi Mân Côi, được Mẹ giúp đỡ trong những lúc khó khăn.

13- Những ai truyền bá chuỗi Mân Côi, được cả thiên quốc cầu bầu khi sống và khi chết.

14– Những ai đọc kinh Mân Côi đều là con cái Mẹ và anh em với Chúa Giêsu.

15- Tôn sùng chuỗi Mân Côi là dấu chắc chắn được ơn cứu rỗi.

httpv://www.youtube.com/watch?v=dqdHMUdCOGU

Ave Maria Trăng Từ Bi

From: Đỗ Dzũng

Chân Phước Marie-Rose

Chân Phước Marie-Rose

Chúc bình an đến bạn và gia đình nhé. Hôm nay mời bạn đọc và noi gương sống của Chân Phước Marie-Rose để được mạnh mẽ trong đức tin nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 06/10/2022

Eulalie Melanie Durocher sinh ngày 6 tháng 10 năm 1811 tại Saint Antoine-sur-Richelieu, Quebec (gần Montréal) và là người con thứ 10 trong gia đình 11 người con. Eulalie được giáo dục kỹ lưỡng, và tinh nghịch như con trai, biết cưỡi ngựa. Khi lên 16 tuổi, Eulalie cảm thấy muốn đi tu nhưng buộc phải từ bỏ ý định này vì thể chất yếu ớt. Lúc 18 tuổi, mẹ Eulalie từ trần, người anh linh mục của Eulalie mời người cha và em mình đến sống trong giáo xứ của linh mục ở Beloeil, không xa Montréal là bao. Trong 13 năm, Eulalie phục vụ như một người quản gia và trở nên tông đồ giáo dân của giáo xứ. Ngài nổi tiếng vì sự tử tế, hay giúp đỡ, tế nhị và giỏi lãnh đạo; quả thật, ngài được gọi là “vị thánh của Beloeil.”

    Gia Nã Đại lúc bấy giờ mới được độc lập, còn rất hoang dã chưa được thuần hóa, Gia Nã Đại chỉ có một giáo phận trải rộng từ đông sang tây. Số dân Công Giáo lúc đó là nửa triệu và được thừa hưởng tự do tôn giáo cũng như quyền công dân từ Anh Quốc mới 44 năm trước đó. Khi Marie-Rose được 29 tuổi, Đức GM Ignace Bourget làm Giám Mục Montréal. Ngài là người có ảnh hưởng đến cuộc đời của chân phước Marie-Rose.

    Đức giám mục phải đối phó với vấn đề thiếu linh mục và nữ tu, phần lớn số dân quê không có học vấn. Cũng như các giám mục ở Hoa Kỳ, ngài sục sạo khắp Âu Châu để tìm sự giúp đỡ và chính ngài thành lập bốn tu hội và giao cho Marie Rose một sứ mệnh mới giúp thành lập tu hội các Nữ Tu của Danh Thánh Giêsu và Maria (Sisters of the Holy Names of Jesus and Mary) để dậy dỗ cho những người nghèo và trẻ con bị bỏ rơi năm 1843. Nữ tu đầu tiên và cũng là vị sáng lập là Mẹ Marie-Rose. Nhiều người khác cũng xin gia nhập vào Dòng của người phụ nữ có tấm lòng quãng đại, tin vào sự giáo dục cho trẻ con là quan trọng vì tình thương của Chúa. 

    Khi còn trẻ, Marie-Rose thường hy vọng là một ngày nào đó sẽ có tu hội của các sơ chuyên lo việc giáo dục trong mỗi giáo xứ, không ngờ chính sơ  lại thành lập một cộng đồng như vậy. Cha linh hướng của Mẹ, Cha Pierre Telmon, O.M.I, sau khi tỉ mỉ (và khắt khe) hướng dẫn tinh thần của sơ, đã khuyên sơ thành lập một tu hội. Đức GM Bourget tán thành, nhưng sơ Marie-Rose chùn bước trước viễn ảnh đó. Chưa một phụ nữ Gia Nã Đại nào dám làm điều như vậy. Sơ thì yếu ớt, trong khi cha và anh sơ đang cần đến sự giúp đỡ của sơ.

    Sau cùng sơ đồng ý và với hai người bạn, sơ Melodie Dufresne và Henriette Cere, di chuyển đến một căn nhà nhỏ ở Longueuil, đối diện với Montréal qua con sông St. Lawrence. Cùng với họ là 13 thiếu nữ đã sẵn sàng vào nội trú. Lúc ấy Mẹ Marie-Rose 32 tuổi và chỉ còn sống thêm có sáu năm nữa — đó là những năm ngập tràn thử thách, khó khăn, đau yếu và nhiều điều vu cáo. Những đức tính mà ngài ấp ủ trong thời gian “ẩn dật” đã lộ ra — một ý chí mạnh mẽ, thông minh và có lương tri. Từ đó, phát sinh một tu hội có tầm vóc quốc tế gồm các nữ tu tận hiến cho việc giáo dục đức tin.

    Mẹ khắt khe với chính bản thân và cũng thật nghiêm khắc đối với các sơ trong dòng nếu dựa theo tiêu chuẩn ngày nay. Bên trong tất cả những điều ấy, dĩ nhiên, là điều phổ thông đối với các thánh: một tình yêu không lay chuyển dành cho Đức Kitô trên thập giá.

    Vào lúc lâm chung, lời cầu nguyện mà người ta thường nghe Mẹ thầm thĩ là “Giêsu, Maria, Giuse! Lạy Chúa Giêsu nhân lành, con yêu Chúa. Xin Chúa ở với con!” Trước khi chết, Mẹ mỉm cười và nói với các nữ tu “Lời cầu xin của các chị đã giữ tôi ở đây – hãy để tôi đi.” rồi Mẹ qua đời ngày 06 tháng 10 năm 1849. Tu hội các Nữ Tu của Danh Thánh Giêsu và Maria (Sisters of the Holy Names of Jesus and Mary) của Mẹ Marie-Rose ngày một bành trướng và lan rộng xuống tới Hoa Kỳ đến bang Oregon năm 1859, thánh địa và khắp nơi trên thế giới. Mẹ Marie Rose được Đức Giáo Hoàng John Paul II tôn phong Chân Phước ngày 23 tháng 5 năm 1982.

LỜI BÀN: Ba đặc tính Kitô Giáo luôn luôn đi với nhau là cầu nguyện, hãm mình và bác ái. Trong thời đại ngày nay, chúng ta thấy có những người nỗ lực sống bác ái, thực sự lưu tâm đến người nghèo. Biết bao Kitô Hữu đã cảm nghiệm được một hình thức cầu nguyện chân thành. Nhưng còn hãm mình thì sao? Chúng ta bối rối khi nghe thấy những hình thức hãm mình ghê gớm của các thánh, như Marie-Rose. Dĩ nhiên, không phải ai ai cũng được như vậy. Nhưng hấp lực của một nền văn hóa vật chất dẫn đến việc hưởng thụ và tiêu khiển thì không thể nào cưỡng chống được nếu không có một hình thức nào đó của sự chủ tâm và tiết chế vì Đức Kitô. Đó là một tiến trình trong việc đáp lời mời gọi của Đức Kitô để sám hối và thực sự quay về với Thiên Chúa.

  From: Đỗ Dzũng

Thánh Maria Faustina

Thánh Maria Faustina

Hôm nay 05/10, Giáo hội mừng kính Thánh Maria Faustina sứ điệp của lòng thương xót Chúa, ước mong bạn cảm nhận được tình yêu vô biên của Thiên Chúa. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài làm bổn mạng nhé.

Cha Vương

Thứ 4: 05/10/2022

Khi vị thánh nữ này cất tiếng khóc chào đời tại Ba Lan ngày 25 tháng Tám năm 1905, thì song thân thánh nữ đã đặt tên cho ngài là Helen. Trong cuộc đời ngắn ngủi tại thế, Helen đã thực hiện một sứ vụ quan trọng là dạy cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu. Ngay từ lúc lên 7, Helen đã muốn sống cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa như một nữ tu. Khi được 25 tuổi, Helen vào tu trong dòng Chị Em Con Đức Mẹ Thương Xót, và nhận tên là sơ Maria Faustina.

     Công việc của sơ Maria Faustina thật giản dị. Sơ nấu ăn, làm vườn và giữ cửa cho tu viện. Chỉ có sự tốt bụng, trầm lặng và hồi tâm là đáng lưu ý. Và ít có người biết được những chiều sâu đích thực về đời sống tâm linh của sơ Faustina. Thiên Chúa đã chúc lành cho sơ Faustina Maria bằng nhiều ân sủng đặc biệt, kể cả ơn thị kiến, ơn tiên tri và ơn được nhận năm Dấu Thánh cách vô hình.

     Trong một thị kiến mà sơ Maria Faustina nhận được, Chúa Giêsu đã hiện ra trong y phục màu trắng. Người giơ cao một tay để chúc lành và tay kia thì chạm vào Thánh Tâm Người. Có hai tia sáng phát ra từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, một màu đỏ và một màu nhạt. Tia sáng đỏ tượng trưng cho Máu cứu chuộc của Chúa Kitô, còn tia xanh nhạt biểu trưng nước thanh tẩy trong bí tích Rửa tội. Chúa Giêsu nói: “Con hãy cho vẽ lại bức ảnh như con xem thấy Cha, kèm theo dòng chữ: Lạy Chúa Giêsu, con tín thác nơi Chúa!” Chúa Giêsu đã nói với sơ Maria Faustina rằng Chúa nhật sau lễ Chúa Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa nhật kính Lòng Thương Xót.

      Sơ Maria Faustina đã viết nhật ký, chép lại mọi điều Chúa Giêsu muốn cho thế giới biết về Lòng Thương Xót của Người. Trong đó, Maria Faustina đã viết những lời cầu nguyện thật dễ thương, biểu lộ mối tương quan rất mực thân thiết đối với Đức Chúa Giêsu. Và Đức Chúa Giêsu nói với Maria Faustina rằng thánh nữ chính là thư ký nhỏ của Người. Chính công việc đặc biệt của thánh nữ Maria Faustina đã khích lệ nhiều người tin tưởng vào Lòng Thương Xót vô hạn lượng của Thiên Chúa.

     Chúa Giêsu hứa ban ơn tha thứ và ân sủng dư tràn cho bất cứ ai tôn sùng lễ kính Lòng Thương Xót Chúa. Tận hiến cho Lòng Thương Xót Chúa bao gồm tin tưởng vào lòng nhân hậu Chúa, yêu thương tha nhân, năng lãnh nhận bí tích Hòa giải để luôn ở trong tình trạng có ân sủng và rước lễ ngày Chúa nhật kính Lòng Thương Xót Chúa.

     Chỉ sau 13 năm sống trong bậc tu trì, sơ Maria Faustina Kowalska đã về trời vào ngày mùng 5 tháng Mười năm 1938 vì bệnh lao phổi, vừa tròn 33 tuổi.

     Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ Maria Faustina Kowalska: “Cha mong muốn con hãy luôn bày tỏ lòng thương xót ra khắp mọi nơi. Con không thể tự biện minh gì về điều này!” Phương thế tốt nhất để chứng tỏ chúng ta tin cậy vào Lòng Thương Xót của Đức Chúa Giêsu là biết tỏ bày lòng thương xót và luôn tha thứ cho những người xúc phạm đến chúng ta. Chúng ta có sẵn lòng cùng nhau thực hiện như vậy không? Vậy hôm nay mời bạn dành thời gian lần chuỗi Lòng Thương Xót Chúa để đền tội mình và tội lỗi của toàn thế giới. Sau đây là câu nói của ngài:

(1) Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh! Bao nhiêu lần hít thở, bao nhiêu lần nhịp tim đập, bao nhiêu lần dòng máu luân chuyển trong cơ thể con là bấy nhiêu ngàn lần con muốn tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa. (Thánh Faustina)

(2) Chúa Thánh Thần không nói với một linh hồn chia trí và lắm lời. Chúa Thánh Thần nói qua những soi động lặng lẽ của người với một linh hồn tịnh tâm, một linh hồn biết giữ thinh lặng. (Thánh Faustina)

Câu nào đánh động bạn nhất?

From: Đỗ Dzũng

Thánh Phanxicô Assisi

Thánh Phanxicô Assisi

Hôm nay 04/10 Giáo Hội mừng kính thánh Phanxicô Átxidi (Assisi). Mừng lễ Bổn Mạng đến những ai nhận thánh Phanxicô làm quan thầy nhé. Nguyện cho bình an của Chúa toả lan trên khắp thế giới hôm nay.

Cha Vương

Thứ 3: 04/10/2022

        Thánh Phanxicô sinh khoảng năm 1181, tại thành phố Átxidi nước Ý. Thánh Phanxicô Átxidi chỉ sống cuộc đời trần thế có 45 năm. Nhưng cuộc đời của Ngài là cả một bài ca. Một bản nhạc với những dòng nhạc,với những cung bậc, hòa nên một bản trường ca tình yêu tuyệt vời. Người ta trong nhiều thế kỷ đã không ngớt ca ngợi thánh nhân vì con người lạ lùng của thánh nhân giữa cuộc đời. Ngay anh em trong Dòng cũng không nhận ra Ngài có gì đặc biệt mà sao lạ lùng thu hút mọi người. Thánh nhân đã rất khiêm nhượng, sự khiêm tốn của một tâm hồn thánh thiện đã nhìn ra con người đầy khiếm khuyết, đầy tội lỗi của mình và có làm được gì là do ân huệ nhưng không của Chúa, đã biến cái tầm thường nên cái phi thường, đã biến cái đơn sơ, nhỏ bé nên cái vĩ đại khôn lường. Vì thế, tình yêu của Phanxicô Átxidi là một tình yêu mang tính cụ thể, thánh nhân yêu mọi người, mọi vật. Ngài biến mọi sự vật, mọi thụ tạo nên sinh động và có nhân tính. Ngài yêu tất cả vì Ngài thấy Thiên Chúa nơi tất cả mà trung tâm là Chúa Giêsu. Thánh nhân yêu thương mọi người với tất cả con tim của mình, với cả cuộc đời mình vì chính Chúa đã chết cho nhân loại trong đó có cả Phanxicô Átxidi. Tình yêu của Phanxicô Átxidi là tình yêu mang tính vui tươi, thoải mái. Ngài sống trong niềm vui vì lúc nào Ngài cũng mang Chúa trong con người của mình, Ngài đồng hóa mọi sự và nhân cách hóa tất cả để tất cả ca ngợi Chúa trong niềm vui.

       Thánh nhân sinh ở Átxidi khoảng năm 1182. Cha Ngài là ông Bênađô là một thương gia tơ sợi nổi tiếng và mẹ Ngài là bà Pica, một người đạo đức, thánh thiện đã hun đúc Ngài nên một vị thánh thời danh. Cuộc nổi loạn của những người lê dân chống lại những nhà quí tộc. Thánh nhân bị bắt và bị giam cầm trong suốt một năm trời ròng rã. Ngài bị một căn bệnh hiểm nghèo và được Chúa cứu chữa, Ngài được khỏi bệnh và Chúa đã cảm hóa Ngài với câu:” Lạy Cha chúng tôi ở trên trời “. Năm 1206, thánh nhân quyết định rũ bỏ bụi trần, từ bỏ mọi sự mà theo Chúa Giêsu, dù rằng bị người cha già hết sức phản đối, thánh nhân rất thương cha nhưng không dám làm trái ý Chúa. Thánh nhân phân phát tất cả của cải mình có cho những người nghèo, Ngài chỉ giữ lại một chiếc áo choàng cũ kỹ, rồi ra đi rao giảng Tin Mừng. Ðược Chúa thúc đẩy, soi sáng, thánh nhân đã lập Dòng anh em hèn mọn. Thời gian sau đó, Ngài lui về Alverne, một nơi thật cô liêu phía Bắc Átxidi để ăn chay, cầu nguyện và sống tình thân với Thiên Chúa. Chúa yêu thương Ngài cách đặc biệt, nên trong lúc Ngài xuất thần, Ngài nhìn thấy Tổng Lãnh Thiên Thần Séraphim và một ảnh chuộc tội. Tỉnh dậy, Ngài đã được Chúa in năm dấu thánh trên người lúc đó là năm 1224. Chỉ hai năm sau đó, Ngài lâm trọng bệnh. Trước khi ra đi về với Chúa, thánh nhân khuyên nhủ anh em trong Dòng giữ đức khó nghèo tuyệt đối và trung thành với Giáo Hội Chúa Kitô. Thánh nhân qua đời vào ngày 4.10.1226. Ðức Thánh Cha Grêgoriô đã tôn Ngài lên bậc hiển thánh. (Nguồn: SimonDalat)

 Nói đến Thánh Phanxicô thì chúng ta nghĩ ngay đến Kinh Hòa Bình. Có thể nói, từ những tư tưởng này, ngài được mệnh danh là Sứ giả hòa bình bởi vì chúng là điểm qui chiếu cho đời sống an hòa nơi ngài. Vậy hôm nay mời Bạn dành thời gian để suy niệm Kinh Hòa Bình nhé: Lạy Chúa, xin hãy dùng con / Như khí cụ bình an của Chúa / Để con đem yêu thương vào nơi oán thù / Đem thứ tha vào nơi lăng nhục / Đem tin kính vào nơi nguy nan / Đem trông cậy vào nơi thất vọng / Dọi ánh sáng vào nơi tối tăm / Đem niềm vui đến chốn ưu sầu. / Lạy Chúa, xin hãy dạy con / Tìm an ủi người hơn được người ủi an / Tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết / Tìm yêu mến người hơn được người mến yêu / Vì hiến thân chính là nhận lãnh / Tha thứ cho người chính là được thứ tha / Cam lòng chịu chết là được sống muôn đời. 

Câu nào đánh động bạn nhất? Mời bạn hãy đưa câu đó áp dụng vào trong cuộc sống hàng ngày. Đối với mình thì câu, “Đem yêu thương vào nơi oán thù.”   

From: Đỗ Dzũng

  Khi ta chết, xảy ra điều gì?-Cha Vương

Khi ta chết, xảy ra điều gì?

Tạ ơn Chúa đã ban cho bạn một ngày mới để sống thánh thiện hơn. Xin bạn hãy tiếp tục cầu nguyện cho nạn nhân chiến tranh và bão lụt nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 03/10/2022

GIÁO LÝ:  Khi ta chết, xảy ra điều gì? Khi ta chết, hồn lìa xác, xác thối rữa, hồn đến gặp Thiên Chúa, và chờ hợp nhất lại với xác vào ngày tận thế.  (YouCat, số 154)

***[Chú giải: Sau khi chết, mỗi người tức khắc sẽ chịu cuộc xét xử. Cuộc xét xử này được gọi là cuộc xét xử riêng. Còn đến ngày sau hết, sẽ xảy ra một cuộc xét xử được gọi là cuộc xét xử chung, khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang của Người.

(1) Phán xét riêng: Ngay sau khi lìa khỏi xác, linh hồn bất tử sẽ chịu phán xét riêng để được thưởng hay bị luận phạt đời đời, tùy theo đời sống của mình trong tương quan đối với Đức kitô. Linh hồn hoặc thân xác phải trải qua cuộc thanh luyện hoặc được hưởng hạnh phúc trên trời hoặc sa địa ngục vĩnh viễn (GLCG 1022).

(2) Phán xét chung: Phán xét chung sẽ được diễn ra ngay sau khi mọi người đã chết được sống lại, người công chính cũng như người có tội.]

SUY NIỆM: Xác ta sẽ sống lại thế nào, đó là một mầu nhiệm. Một hình ảnh có thể giúp ta hiểu: khi ta xem thấy củ của cây hoa tulip, ta không biết nó sẽ phát triển thành hoa rực rỡ thế nào trong đất. Đối với ta cũng thế, ta cũng không biết gì về vẻ bề ngoài tương lai của thân xác mới của ta. Thánh Phaolô quả quyết chắc chắn rằng: người ta được gieo trong hèn hạ mà chỗi dậy thì vinh quang (1 Cr 15,43a). Nhưng có người sẽ nói, kẻ chết chỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết rồi mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý ngài muốn: giống nào hình thể ấy. (1 Cr 15,35) (YouCat, số 154 t.t.)

❦ Ngay thân xác cũng có một chỗ nơi Thiên Chúa. (Đức Bênêđictô XVI, 15-8-2005)

❦ Tôi muốn thấy Thiên Chúa và để thấy Thiên Chúa, tôi phải chết. (Thánh Têrêsa Avila)

LẮNG NGHE: Đức Giê-su đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy. (Ga 14:6)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa giàu lòng thương xót, xin tăng thêm lòng tin tưởng và cậy trông vào quyền năng của Chúa để mỗi chọn lựa của con hôm nay đều quy hướng về Chúa và cuộc sống mai sau để khỏi bị án phạt đời đời.

THỰC HÀNH: Khi đã chết rồi bạn không còn làm gì cho mình được nữa, mời bạn hãy chuẩn bị cho cái chết của mình ngay lúc mình còn đang sống qua những việc lành phúc đức và xa lánh dịp tội nhé.

From: Đỗ Dzũng

 Lễ Thiên Thần Bản Mệnh

 Lễ Thiên Thần Bản Mệnh

Chúc bình an! Mừng Lễ Thiên Thần Bản Mệnh nhé. 

Cha Vương

CN: 02/10/2022

Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi, để giữ gìn ngươi khi đi đường, và đưa ngươi vào nơi Ta đã dọn sẵn. (Xuất Hành 23:20)

           Giáo Hội Công Giáo dành ngày 02/10 hằng năm để mừng kính các Thiên thần Bản mệnh. Vào năm 1670, Đức Giáo Hoàng Clêmentê X đã thiết lập lễ này cho toàn thể Giáo Hội để tôn kính các đấng vô hình luôn ngày ngày bảo vệ chúng ta. Trong khi đa số chúng ta chỉ chú ý đến các Thiên thần Bản mệnh cá nhân, truyền thống Giáo Hội (được các nhà thần học như Thánh Tôma Aquinô giảng dạy) cho biết rằng các quốc gia, các thành phố, các giáo phận, các giáo xứ đều có Thiên thần Bản mệnh riêng, có những người, những nơi còn có nhiều vị Bản mệnh. Các ngài là những thụ tạo đẹp đẽ của Thiên Chúa, được ẩn giấu trong một mầu nhiệm kỳ vĩ. Báo chí nhiều khi tường thuật chuyện có một người huyền bí xuất hiện để giúp đỡ trong các vụ tai nạn rồi sau đó không bao giờ xuất hiện lại nữa. Chúng ta mắc nợ Thiên thần Bản mệnh của chúng ta rất nhiều, người hằng bảo vệ, chỉ dẫn chúng ta mà chúng ta không biết. Các ngài can thiệp vào đời sống chúng ta cách âm thầm, hoàn thành tác vụ của mình cách khiêm tốn nhất có thể. [Sau đây là] 5 sự thật về Thiên thần Bản mệnh:

  1. Mỗi một người trên thế giới đều có một Thiên thần Bản mệnh (dù là Kitô hữu hay không)
  2. Thiên thần Bản mệnh được ban ngay từ đầu đời
  3. Thiên thần Bản mệnh có tên, và chỉ mình Thiên Chúa biết tên của các vị
  4. Chúng ta sẽ không trở thành Thiên thần sau khi chết
  5. Thiên thần Bản mệnh luôn ở đây để giúp đỡ chúng ta

          Mike Aquilina, một nhà giáo sử nổi tiếng, viết về những kinh nghiệm của bạn ông liên quan đến thiên thần giúp đỡ như sau: “Một người bạn của tôi, một nhà triết học nổi tiếng từng học ở Harvard, là người vô thần từ trẻ. Một hôm, khi anh ta đang bơi ngoài biển thì bị sóng cuốn ra khơi. Anh ta biết mình đang chìm xuống, không hy vọng được ai cứu nữa. Đột nhiên, một cánh tay mạnh mẽ nắm lấy anh và kéo vào bờ. Người nắm lấy anh là một chàng trai vạm vỡ. Anh bạn vừa chết hụt định cám ơn người thanh niên kia thì anh thanh niên cười và biến mất. Từ lúc đó, anh bạn của tôi bắt đầu con đường quay trở về đức tin.” 

        Giáo lý gọi các Thiên thần Hộ thủ là các mục tử luôn muốn bảo vệ và dẫn dắt con người vào sự sống đời đời. Công tác duy nhất của các vị là giúp chúng ta vào Thiên đàng, nên chúng ta hãy cầu nguyện cùng các vị mỗi ngày, xin các vị giúp đỡ chúng ta trong mọi vấn đề của cuộc sống. (Nguồn: Công Giáo Infor-Gioakim Nguyễn dịch)

         Mời Bạn đọc Kinh Thiên thần Bản Mệnh mỗi ngày với hết lòng tin tưởng để xin Thiên thần Bản Mệnh luôn luôn gìn giữ Bạn: “Lạy Thiên thần Chúa là Thiên thần Bản mệnh yêu dấu của con. Nơi ngài Chúa ban tình yêu của Người cho con. Mỗi ngày, xin ngài hãy ở cạnh bên con để soi sáng và canh giữ, để điều khiển và hướng dẫn con. Amen.”

Dành thời gian để trò chuyện với Thiên Thần Bản Mệnh của bạn hôm nay nhé.

From: Đỗ Dzũng

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su-Cha Vương

Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su,

Nguyện xin bình an và xin ân sủng và bình an của Thiên Chúc ở cùng bạn và gia đình hôm nay và mãi mãi. Hôm nay 1/10 Giáo Hội mừng kính Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 01/10/2022

Thánh Têrêxa là người con thứ năm của một gia đình Công giáo trung lưu thánh thiện và đạo đức. Mẹ của Bà qua đời khi Bà mới bốn tuổi, Bà cùng bốn người chị được người cha thánh thiện nuôi nấng dạy dổ. Cha của Bà là ông Martin và năm người con gái dọn về định cư tại Lisieux để được gần gủi với gia đình. Một thảm cảnh thứ hai lại xẩy đến với Bà là các chị Pauline và Maria mà Bà xem như người mẹ đều vào tu Dòng kín Carmel…

Trong một đêm Noen, với một ân sủng lạ lùng và cao cả, Bà tìm lại được niềm vui cho tuổi trẻ và trong niềm hy vọng tràn trề với Tình Yêu Thiên Chúa mà Bà được nhận lảnh. Một cô bé nhút nhát yếu ớt trở nên bạo dạn và cương quyết, Bà cùng với cha mình đến Roma, trong buổi triều kiến ngày 9 tháng 4 năm 1888, Bà đã vượt qua mọi người và lính gác đến quì duới chân Đức Giáo Hoàng và xin phép được vào tu Dòng Carmel dù Bà mới 15 tuổi. Với lòng trung kiên tuyệt đối Bà tiến tới trên con đường nên thánh.

Bà bị bệnh lao phổi trầm trọng và kinh niên, Bà phú thác mọi sự trong tay Chúa Kitô. Trong sự đau khổ triền miên, Bà hiến dâng lên Chúa để cầu xin cho những người tội lỗi trở lại với Đức Tin. Bà qua đời vào năm 1897 lúc mới 24 tuổi. Bà hứa sẽ làm “mưa hoa hồng” xuống trần thế và lên Thiên đàng bằng “con đường nhỏ”là làm những việc thiện dưới trần thế này.

Chỉ vài năm sau khi Bà lìa đời, câu chuyện cuộc đời của Bà “Câu chuyện một linh hồn”, viết theo lệnh của Bề trên Dòng được phát hành và mọi tầng lớp dân chúng đã đón nhận nồng nhiệt. Nhiều người hành hương đến viếng tu viện Lisieux, họ đã nhận được những phép lạ và những ân sủng lạ lùng khi cầu xin cùng Thánh Têrêxa. Bà được phong hiển thánh năm 1928, và tuyên xưng là Đấng Bảo trợ các nhà truyền giáo. Đến năm 1997 thì Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lồ II tấn phong Tiến sĩ Hội Thánh. (Phó Tế J.B. Huỳnh Mai Trác)

Sau đây là những câu nói của thánh nhân, mời bạn hãy lắng nghe coi ngài đang muốn nhắn nhủ bạn điều gì:

(1) Xin nhớ rằng không có điều gì là nhỏ bé dưới mắt Thiên Chúa. Hãy làm mọi việc với tình yêu.

(2) Vẻ rực rỡ của bông hồng và màu trắng của bông huệ không tước mất hương thơm của bông hoa tím hay lấy đi vẻ hấp dẫn mộc mạc của bông cúc dại. Nếu mỗi bông hoa nhỏ cứ muốn làm một bông hồng, mùa xuân hẳn sẽ mất vẻ yêu kiều.

(3) Hẳn là bạn cũng biết rằng Chúa chúng ta không quan tâm nhiều đến vẻ lớn lao hay sự khó khăn của các hành vi chúng ta làm, nhưng là tình yêu chúng ta có khi làm.

(4) Không có tình yêu, các hành vi, dù sáng chói nhất, cũng không đáng kể gì.

(5) Tin tưởng và chỉ tin tưởng mới dẫn chúng ta đến tình yêu.

(6) Không nên bỏ lỡ bất cứ cơ hội nào mà không làm một hy sinh nhỏ, ở đây bằng gương mặt tươi cười, ở kia bằng một lời khả ái, luôn luôn làm việc đúng đắn dù nhỏ bé nhất và làm vì tình yêu.

(7) Đối với em, cầu nguyện là một sự trào dâng của con tim; cầu nguyện đơn giản là một cái nhìn hướng về trời, là một tiếng kêu nhận biết và yêu thương, ôm lấy cả thử thách lẫn niềm vui.

(8) Một lời nói hay một nụ cười thường cũng đủ để đưa sự sống tươi mát vào trong một tâm hồn thất vọng.

(9) Bây giờ em biết rằng bác ái chân thật hệ tại gánh lấy tất cả những khuyết điểm của người thân cận – không ngạc nhiên trước sự yếu đuối của họ, nhưng vui sướng về những nhân đức nhỏ nhất của họ.

(10) Con cầm lấy quyển Kinh Thánh. Thế là mọi sự dường như sáng ra với con; chỉ một chữ thôi cũng mở ra cho con những chân trời vô biên, sự hoàn thiện tỏ ra đơn giản với con.

(11) Điều duy nhất con thực sự ước muốn… là yêu cho đến chết vì yêu.

Câu nào đánh động bạn nhất?

Xin Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su, cầu cho chúng con.

From: Đỗ Dzũng