Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời

 

Cha Vương

Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. (Mt 8:8)

Nguyện xin bình an và ơn chữa của Chúa đến với bạn hôm nay.

Thứ 2: 04/12/2023

TIN MỪNG: Thưa Ngài, tôi chẳng đáng Ngài vào nhà tôi, nhưng xin Ngài chỉ nói một lời là đầy tớ tôi được khỏi bệnh. (Mt 8:8)

SUY NIỆM:

Mùa vọng, Giáo Hội mời gọi bạn hãy hoán cải.

Vậy hoán cải là gì? Có phải là đổi đời, đổi nết?

Thưa không! Hoán cải là để cho Thiên Chúa là Cha nhân hiền và giàu tình thương chạm vào tâm hồn bạn để rồi bạn bừng lên hình ảnh của Người Con của Ngài.

Việc hoán cải tâm hồn, bắt đầu từ đức tin bám rễ từ việc khám phá thấy sự tốt lành vô bờ bến của Thiên Chúa:

Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.

For God so loved the world that he gave his one and only Son, that ...

Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. (Ga 3:16-17)

Sự khám phá này thúc đẩy tâm hồn hãy từ bỏ tất cả để trở về với Chúa là người Cha nhân lành. Đây là hành trình hoán cải của một tâm hồn khao khát Chúa. Thái độ khiêm nhường của viên đại đội trưởng đến gặp Chúa nài xin chữa lành cho người đầy tớ của ông thực là một gương sáng về việc hoán cải.

Bible Pictures, Jesus Pictures, Roman Centurion, The Centurions, Roman ...

Tuy là một người có đầy quyền hành trong tay nhưng ông đã khiêm tốn xin Chúa chạm vào tâm hồn, và ông đã khám phá thấy sự tốt lành vô bờ bến của Thiên Chúa. Vậy trong Mùa vọng này, uớc mong bạn có lòng khao khát được Chúa ngự vào tâm hồn qua việc rước Mình và Máu Thánh Chúa mỗi ngày.

LẮNG NGHE:

Lạy CHÚA là THIÊN CHÚA chúng con, xin ngự đến mà giải thoát chúng con; xin tỏa ánh tôn nhan rạng ngời, để chúng con được ơn cứu độ. (Tv 80:4)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa là Ðấng cứu độ duy nhất của đời con, xin soi lòng mở trí để con biết nhận ra những yếu đuối, xấu xa, mờ tối trong tâm hồn và chạy đến Chúa để được chữa lành.

THỰC HÀNH:  Trong ngày hôm nay mời bạn hãy lập đi lập lại cầu này: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời, thì linh hồn con sẽ lành mạnh.”

From: Do Dzung

Con Đi Tìm Chúa | Angelo Band 


 

Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. (Mc 13:33)-Cha Vương

Mùa vọng tràn đầy ân sủng của Chúa nhé.

Cha Vương

CN: 3/12/2023

TIN MỪNG: Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến. (Mc 13:33)

SUY NIỆM: Chắc bạn đã từng nghe câu thành ngữ dân gian Việt Nam: “mong như mong mẹ về chợ”. Câu này diễn tả nỗi mong ngóng của một em bé ngồi nhà trông mẹ đi chợ về xem mẹ mua gì về cho con. Cảm giác này cũng là tinh thần của Mùa vọng. Sách Giáo Lý của Giáo hội Công Giáo dạy rằng: Mùa vọng là  Hằng năm khi cử hành phụng vụ Mùa Vọng, Hội Thánh hiện tại hóa niềm mong đợi Đấng Mê-si-a: khi hiệp thông với việc chuẩn bị lâu dài cho Đấng Cứu Thế đến lần thứ nhất, các tín hữu làm bừng sáng niềm khát khao mong mỏi Người đến lần thứ hai (x. Kh 22,17). Khi mừng sinh nhật và cuộc tử đạo của vị Tiền Hô, Hội Thánh cũng hợp ý với thánh nhân “Đức Ki-tô phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi”—Ga 3,30. (SGLHTCG, số 524). Thiết tưởng hai câu hỏi then chốt được đặt ra hôm nay để giúp bạn chuẩn bị tâm hồn gặp Chúa không những trong Mùa vọng này mà cả khoảng thời gian còn lại trong cuộc đời của bạn.

(1) Bạn mong đợi nơi Chúa điều gì?

(2) Chúa mong đợi nơi bạn điều gì?

Bạn hãy tự trả lời 2 câu hỏi này đi. Hãy hoán cải, hãy lắng nghe, hãy tỉnh thức, hãy vui mừng nhé.

 LẮNG NGHE: Thật thế, lời chứng về Đức Ki-tô đã ăn sâu vững chắc vào lòng trí anh em, khiến anh em không thiếu một ân huệ nào, trong lúc mong đợi ngày Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mặc khải vinh quang của Người. (1 Cr 1:6-7)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, trong tâm tình ngày đầu Mùa vọng, xin giúp con chuẩn bị tâm hồn cho xứng đáng để Chúa và con có thể gặp nhau trò chuyện trong lời cầu nguyện mỗi ngày.

THỰC HÀNH: Đừng quá bận rộn trong công việc mua sắm quà Giáng Sinh, trang trí đèn mà mà quên đi việc chuẩn bị tâm hồn. Mời bạn hãy lập ra kế hoạch cụ thể cho mỗi ngày của Mùa vọng năm nay.

From: Do Dzung

Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện 

Tại sao Hội Thánh Công giáo đòi các linh mục và Giám mục sống đời độc thân?-Cha Vương 

Chúc bạn một ngày tươi sáng như ngôi sao “Sirius” chiếu soi ánh sáng hy vọng cho đời và là hơi ấm yên ủi lẫn nhau trong lúc cô đơn lạnh lẽo.

Cha Vương 

Thứ 6: 1/12/2023

GIÁO LÝ:  Tại sao Hội Thánh Công giáo đòi các linh mục và Giám mục sống đời độc thân? Chúa Giêsu đã sống đời độc thân, và muốn dùng cách này để nói lên tình yêu của Người với Thiên Chúa Cha là không chia sẻ với ai. Cho nên việc theo lối sống của Chúa Giêsu và sống khiết tịnh không đôi bạn “vì Nước Trời” (Mt 19,12) đã có từ thời Chúa Giêsu, được coi như là dấu hiệu của tình yêu, của sự hiến dâng cho Thiên Chúa không chia sẻ, của sự tự nguyện hoàn toàn để phục vụ. Hội thánh Rôma đòi các linh mục, giám mục của mình theo lối sống độc thân này, trong khi các Giáo hội Công giáo Đông phương chỉ đòi các Giám mục của họ. (YouCat, số 258)

SUY NIỆM: Theo Đức Bênêđictô XVI, sống độc thân không có nghĩa là “để cho tình yêu trống rỗng, trái lại nó phải mang ý nghĩa đó là người để cho tình yêu Thiên Chúa chiếm lấy mình. Một linh mục sống độc thân phải chứng tỏ rằng cuộc đời ngài có sinh sản bởi vì ngài làm cho tư cách là cha của Thiên Chúa và Chúa Giêsu được thể hiện. Đức Giáo hoàng còn nói với chúng ta rằng “Chúa Kitô cần những linh mục chín chắn và can đảm, có khả năng và thực hành tư cách đích thực là cha thiêng liêng.”

❦  Hội thánh Công giáo có ý thức rõ ràng rằng mình sẽ kéo theo một sự đảo lộn triệt để về các giá trị khi loại bỏ việc sống độc thân không? Việc sống độc thân của linh mục là một điên rồ của Tin Mừng, trong đó có chứa một chân lý ẩn giấu. Duy trì việc độc thân Hội thánh đặt mình vào lãnh vực vô hình, vào Mầu nhiệm Chúa Kitô—Frère

Roger Schutz. (YouCat, số  258 t.t.)

LẮNG NGHE: Có lời ĐỨC CHÚA phán với tôi rằng: “Ngươi đừng cưới vợ; đừng có con trai, con gái ở nơi này! (Gr 16:1-2)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, đời sống độc thân là dấu hiệu của tình yêu, của sự hiến dâng cho Thiên Chúa không chia sẻ, xin Chúa gìn giữ thân xác, trái tim, và linh hồn những người tự do vui vẻ sống đời độc thân cho Tin Mừng để phục vụ Chúa.

THỰC HÀNH: Cầu nguyện xin ơn bền đỗ cho các linh mục và nam nữ tu sĩ đang sống đời sống độc thân.

From: Do Dzung

TỰ TÌNH – Nguyễn Hồng Ân

Ai được lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh?-Cha Vương 

Lạnh quá đi! Xin Chúa sưởi ấm tâm hồn những người nguội lạnh. Bảo trọng nhé.

Cha Vương 

 Thứ 4: 29/11/2023

GIÁO LÝ:  Ai được lãnh Bí tích Truyền Chức Thánh? Chỉ người nam giới, đã được Rửa tội trong đạo Công giáo, được Hội thánh kêu gọi lên lãnh các chức Phó tế, Linh mục, Giám mục, thì mới lãnh các chức vụ này thành phép. (YouCat, số 256)

Nếu chỉ có nam giới được lãnh bí tích Truyền Chức Thánh thì nữ giới có bị kỳ thị không? Luật nói rằng: chỉ nam giới được lãnh chức thánh, không làm hạ phẩm giá nữ giới. Đối với Thiên Chúa, nam hay nữ đều có phẩm giá như nhau, nhưng mỗi giới có những bổn phận và đoàn sủng khác nhau. Hội thánh quen chọn người nam, chính vì Chúa Giêsu đã chỉ chọn người nam khi lập chức linh mục trong bữa Tiệc ly. Năm 1994, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II tuyên bố rằng: “Hội thánh không có quyền truyền chức linh mục cho nữ giới, và mọi tín hữu của Hội thánh phải dứt khoát tuân giữ quyết định đó “. (YouCat, số 257)

 SUY NIỆM: Thời xưa không có ai đề cao phụ nữ bằng Chúa Giêsu (điều mà thời đó được coi là khiêu khích), Người đã đồng ý làm bạn với họ và bảo vệ họ. Nhiều phụ nữ đi theo Chúa Giêsu và Người đánh giá đức tin họ rất cao. Người đầu tiên làm chứng nhân cho việc Chúa Giêsu sống lại là phụ nữ, bà Maria Madalena. Vì thế người ta nói rằng bà là “một phụ nữ tông đồ giữa các tông đồ”. Dầu vậy việc truyền chức linh mục cũng như trách nhiệm mục vụ luôn luôn được truyền lại cho người nam. Các linh mục người nam phải thay mặt Chúa Giêsu để tập họp Hội thánh. Chức linh mục là một chức vụ đặc biệt đòi hỏi người nam phải thi hành vai trò của người nam làm cha. Không có sự ưu thế nào của nam trên nữ. Các phụ nữ có vai trò trong Hội thánh, như ta thấy qua Đức Maria một vai trò trung tâm không thua kém người nam, nhưng là vai trò của nữ giới. Bà Eva trở thành mẹ của mọi người đang sống (St 3,20). Xét theo là mẹ của mọi người đang sống, các phụ nữ có những tư chất và khả năng đặc biệt. Nếu không có cách thế riêng biệt mà chỉ phụ nữ mới có như dạy dỗ, loan báo Tin Mừng, sống bác ái, sống đạo đức và mục vụ, thì Hội thánh “bị cắt cụt một nửa”. Khi những người nam trong Hội thánh dùng chức vụ linh mục như công cụ của quyền lực, hoặc khi các người nữ không lo tận dụng những đặc sủng của mình, thì cả hai đã xúc phạm đến tình yêu và đến Thánh Thần của Chúa Giêsu. (YouCat, số 257 t.t.)

❦  Đấng Đáng kính Fulton Sheen từng nói: “Nếu Chúa muốn truyền chức cho phụ nữ thì chắc chắn Ngài đã truyền chức cho chính Mẹ của Ngài là Đức Mẹ, Mẹ không vướng mắc tội, nhưng Ngài đã không làm như vậy”.

LẮNG NGHE: … chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. (Mt 22:16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin gìn giữ Hội thánh Chúa.

THỰC HÀNH: Làm một việc bác ái âm thầm cầu nguyện cho Hội thánh nhé.

From: Do Dzung

Chúa là tất cả đời con..ck chạm đến trái tim


Thánh James ở Marche (1394-1476)- Cha Vương

Một ngày ấm áp trong tình yêu Chúa nhé. Hôm nay mời bạn tìm hiểu câu chuyện của vị thánh ngoài lịch, Thánh James ở Marche (1394-1476). Xin thánh nhân cầu bầu cho chúng ta nhé.

Cha Vương

Thứ 3: 28/11/2023

Thánh James sinh ở Marche thuộc tỉnh Ancona miền trung nước Ý, dọc theo bờ biển Adriatic. Sau khi lấy tiến sĩ giáo luật và dân luật tại Ðại Học Perugia, ngài gia nhập dòng Phanxicô, và bắt đầu một cuộc sống thật khắc khổ. Ngài ăn chay chín tháng trong một năm, và mỗi đêm chỉ ngủ có ba tiếng. Ngài hãm mình đến độ Thánh Bernardine ở Siena phải bảo ngài giảm bớt lại.

Thánh James học thần học với Thánh John ở Capistrano. Ðược thụ phong linh mục năm 1420, Thánh James bắt đầu cuộc đời rao giảng, và bởi đó, ngài đã đi khắp nước Ý cũng như đến 13 quốc gia thuộc Trung và Ðông Âu Châu. Sự hăng say của ngài đã giúp nhiều người trở lại đạo (người ta ước lượng khoảng 250.000 người), và giúp lan tràn việc sùng kính Thánh Danh Chúa Giêsu. Bài giảng của ngài thúc giục giáo dân cải thiện đời sống, và nhiều thanh niên gia nhập dòng Phanxicô vì sự ảnh hưởng của ngài.

Cùng với Thánh John ở Capistrano, Thánh Albert ở Sarteano và Thánh Bernardine ở Siena, Thánh James được coi là một trong “bốn cột trụ” của phong trào Nghiêm Thủ (Observant) của dòng Phanxicô. Các ngài nổi tiếng vì sự rao giảng.

Ðể chống với tệ nạn xã hội về số phân lời quá cao, Thánh James thiết lập một tổ chức gọi là “montes pietatis” (núi bác ái) – đó là một tổ chức bất vụ lợi, để cầm đồ với lãi suất thật thấp. Dĩ nhiên, các tay cầm đồ ác đức không hài lòng với tổ chức này, nên đã hai lần họ thuê người đến giết ngài, nhưng cứ mỗi lần đối diện với ngài là các hung thủ đều quên hết dự tính ở trong đầu. Ngài từ trần ở Naples ngày 28.11.1476, và được phong Thánh năm 1726.

LỞI BÀN: Thánh James muốn lời Chúa ăn sâu trong tâm hồn của người nghe. Lời giảng của ngài là để chuẩn bị mảnh đất tâm hồn, bằng cách lấy đi những sỏi đá, và làm mềm lòng những cuộc đời đã khô cằn vì tội lỗi. Chúa muốn lời của Người bén rễ trong đời sống chúng ta, nhưng để được như thế, không những chúng ta cần người rao giảng đầy sùng tín, nhưng chính chúng ta cũng phải tích cực lắng nghe.

LỜI TRÍCH: “Lời Chúa thật thánh thiện và đáng yêu quý dường nào! Chỉ có lời Chúa mới soi tỏ mọi tâm hồn tín hữu, làm thoả mãn người đói khát, an ủi kẻ đau khổ; lời Chúa giúp linh hồn tạo được công nghiệp và giúp mọi nhân đức phát triển; lời Chúa gìn giữ linh hồn khỏi nanh vuốt ma quỷ, giúp người độc ác nên thánh thiện, và mọi người trên mặt đất trở thành công dân nước Trời” (Trích Bài giảng của Thánh James).

From: Do Dzung

Hãy đi rao giảng Tin Mừng _ Quý Báu

Việc truyền chức phó tế ban ơn gì?- Cha Vương

Ngày Thứ 2 tốt lành trong ân sủng của Chúa nhé.

Cha Vương

Thứ 2: 27/11/2023

GIÁO LÝ:  Việc truyền chức phó tế ban ơn gì? Trong việc truyền chức Phó tế, người lãnh được trao ban một sứ vụ riêng trong bí tích Truyền Chức Thánh. Phó tế thay mặt Chúa Kitô Đấng đến để “phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Trong nghi thức Truyền Chức có nói rằng: “Phó tế vì là thừa tác viên của Lời Chúa, của bàn thờ, và của đức Ái, Phó tế sẽ biến mình thành tôi tớ mọi người”. (YouCat, số 255) 

SUY NIỆM: Hình ảnh đầu tiên ta có về hàng phó tế là thánh Têphanô tử đạo. Khi các tông đồ của Hội thánh tiên khởi ở Giêrusalem bị tràn ngập bởi nhiều công việc bác ái, các ngài kêu gọi bảy người nam “để phục vụ cho bữa ăn” mà sau đó các ngài truyền phép. Một vị tên là Têphanô “có đầy ân sủng và sức mạnh của Thiên Chúa” đã hoàn thành mọi việc để phục vụ đức tin và những người nghèo của cộng đoàn. Suốt nhiều thế kỷ chức phó tế chỉ là chặng đường dẫn đến chức linh mục, nay chức phó tế đã trở thành chức vụ riêng biệt hoàn toàn, dành cho những người độc thân hoặc đã lập gia đình. Một đàng Hội thánh muốn nhấn mạnh đến việc phục vụ như đặc tính của Hội thánh, và đàng khác Hội thánh muốn, như trong Hội thánh sơ khởi, phụ thêm cho các giám mục một chức vụ nhằm giúp đỡ các ngài, và để hoàn thành ngay trong lòng Hội thánh những hoạt động mục vụ và xã hội. Việc phong chức phó tế cũng in một dấu ấn bí tích (ấn tích) không thể xóa bỏ cho đến suốt đời.

Các trợ tá cũng vậy, phải là người đàng hoàng, biết giữ lời hứa, không rượu chè say sưa, không tìm kiếm lợi lộc thấp hèn; Họ phải bảo toàn mầu nhiệm đức tin trong một lương tâm trong sạch. Họ phải được thử thách trước đã, rồi mới được thi hành chức vụ trợ tá, nếu không bị ai khiếu nại. Các trợ tá phải là người chỉ có một đời vợ, biết điều khiển con cái và gia đình cho tốt. (1 Tim 3,8.12)

Phó tế là bậc đầu tiên trong bí tích truyền chức thánh trong Hội thánh Công giáo. Như chính tên đã nói rõ, phó tế dấn thân trước hết trong các dịch vụ bác ái, và cũng có bổn phận giảng dạy, dạy giáo lý công bố Tin Mừng, giảng trong Thánh lễ, cử hành bí tích Rửa tội và Hôn phối, và phụ giúp trong các buổi cử hành. (YouCat, số  255 t.t.)

LẮNG NGHE: Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa.” (Cv 6:3-4)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, xin thêm sức mạnh và ơn khôn ngoan cho các Phó tế của Chúa để họ duy trì lòng nhiệt huyết trong ơn gọi phục vụ.

THỰC HÀNH: Đọc 10 Kinh Kính Mừng cầu nguyện cho các phó tế đã qua đời.

From: Do Dzung

Chúa sai tôi đi-Gia Ân 

Lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ- Cha Vương

Mến chào bình an trong Chúa, hôm nay Giáo Hội mừng Lễ Đức Giê-su Ki-tô Vua Vũ Trụ, tuần cuối của Năm Phụng Vụ.  Tuần tới là Mùa Vọng rồi đó, lại bắt đầu năm phụng vụ mới. Đừng quá mải mê… nhé

Cha Vương

CN: 26/11/2023

TIN MỪNG: Bấy giờ những người ấy cũng sẽ thưa rằng: ‘Lạy CHÚA, có bao giờ chúng con đã thấy CHÚA đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù, mà không phục vụ CHÚA đâu?’ Bấy giờ Người sẽ đáp lại họ rằng: ‘Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi không làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã không làm cho chính Ta vậy.’ Thế là họ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để hưởng sự sống muôn đời.” (Mt 25:44-46)

SUY NIỆM: Bạn đang sống trong thế giới mạng. Nó là nơi để bạn xây dựng những mối quan hệ. Dù rằng những mối quan hệ đó có là gì đi nữa, nó có ảnh hưởng đến đời sống của bạn rất nhiều. Khi bạn tạo được mối quan hệ với những người tốt, thánh thiện, và thành công, họ sẽ là nguồn cảm hứng giúp ích cho bạn thành công trong công việc và trở nên thánh thiện hơn. Mọi mối quan hệ sẽ tàn lụi nếu nó không được duy trì. Hôm nay Đức Vua Vũ Trụ  muốn nhắc nhở bạn về mối quan hệ của bạn với những người đang bị bỏ rơi: người đói, khát, hoặc là khách lạ, hoặc trần truồng, đau yếu hay ngồi tù… Thái độ của bạn thế nào khi bạn tiếp xúc với họ? Nếu Chúa hiện diện nơi những người nghèo ngồi kề bên bạn, trước những người đau khổ nhất trên thế giới, bạn phản ứng thế nào?” Không nhất thiết là bạn phải cho họ một cái gì đó, mà có thể là một lời cầu nguyện chân thành, một cử chỉ đơn sơ, hoặc một việc hy sinh nhỏ bé như một ly nước cũng đủ để nâng cao phẩm giá con người hoặc sưởi ấm tâm hồn lạnh lẽo…

 LẮNG NGHE: Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ – sấm ngôn của ĐỨC CHÚA là CHÚA Thượng. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. (Ed 34:15-16)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, là Vua Vũ Trụ xin ban cho con quả tim của Chúa để con dấn thân không phải bằng lời nói suông, nhưng bằng các việc cụ thể để giúp đỡ những người đang bị bỏ rơi.

 THỰC HÀNH: Bắt chước Đức Vua Vũ Trụ mời bạn hãy thực thi một hành động bác ái tích cực hôm nay nhé.

From: Do Dzung

Giêsu Kitô Vua – Nguyễn Hồng Ân – ST: Phạm Đức Huyến 

Thánh Catarina Alexandria (287-305)-Cha Vương

Ước mong tâm hồn bạn tràn đầy hạnh phúc phát xuất từ một tấm lòng tạ ơn. Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Catarina thành Alexandria (287-305), một vị thánh tử đạo lúc 18 tuổi, được tôn kính vào thế kỷ IV. Mừng quan thầy đến những ai chọn ngài là quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 7: 25/11/2023

Thánh Catarina Alexandria là một trong những vị thánh được nhiều người sùng bái. Thánh nữ cũng là tiếng nói từ trời thúc dục Thánh Jeanne dArc một thiếu nữ chăn cừu cầm quân đánh đuổi quân Anh giúp vua nước Pháp.

Theo truyền tụng thì Thánh Catarina thuộc dòng dõi quí tộc, sinh tại Alexandria, xứ Ai cập, dười thời quân Roma cai trị xứ này. Sau khi học hỏi và nghiên cứu về triết lý, Thánh Catarina đã gia nhập Ðạo Công giáo vì nhận thấy đây là con đường duy nhất dẫn đến chân lý.

Thánh nữ đã tranh luận với các triết gia thời bấy giờ, có một số đông nghe lời thuyết phục của bà nên đã trở lại theo Công giáo. Thánh nữ cũng cố gắng thuyết phục hoàng đế Maximus, nhưng hoàng đế chỉ say mê sắc đẹp của bà và chỉ muốn cưới bà làm tì thiếp. Thánh nữ đã từ chối lời đề nghị của hoàng đế vì bà đã trọn dâng mình cho Chúa và chấp nhận bị tù đày và hành hạ.

Hoàng đế Maximus tức giận bỏ tù bà và trong tù bà đã thuyết phục được hoàng hậu cùng một số quân lính theo đạo. Tức giận đến cực độ, hoàng đế đã ra lệnh giết vợ và số quan quân đã theo đạo Công giáo. Còn thánh Catarina thì bị buộc vào bánh xe có kết gươm để phanh thây như một hình phạt . Nhưng xe bị hỏng một cách kỳ lạ và những mảnh sắt văng tung tóe làm chết một số đông người tham dự. Hoàng đế Maximus bèn ra lệnh chém đầu bà tại Alexandria, Egypt năm 305.

Thánh nữ  Catarina qua nhiều thế kỷ được tôn sùng như là bổn mạng của những triết gia, những nhà thuyết giáo. Thánh nữ cũng được tôn sùng như là sự khôn ngoan của các phụ nữ trong công việc đòi hỏi công bình và tự do cho nữ giới. (Nguồn: VietCatholic News, PT Huỳnh Mai Trác )

Thánh Catarina thành Alexandria, cầu cho chúng con.

From: Do Dzung

NIỀM TIN KIÊN CƯỜNG_ĐÀN HÁT_Lm. Mi Trầm

Kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam

Thứ 6 đen tối (back Friday), cẩn thận đừng để cháy túi nhé. Một ngày an lành vui vẻ trong Chúa.

Cha Vương

Thứ 6: 24/11/2023

Ngày hôm nay 24/11, Giáo hội mừng kính các Thánh Tử Ðạo Việt Nam, những bậc tiền bối của chúng ta, đã nhận lãnh cái chết để minh chứng Ðức Kitô và đã lấy máu đào để viết nên trang sử oai hùng của Giáo Hội Việt Nam. Hai câu hỏi cần được nêu ra để hiểu thêm về việc minh chứng cho Đức Kitô của các ngài:

1) Tử đạo là gì? Tử đạo là chết để làm chứng cho chân lý đức tin, nên là lời chứng cao quí nhất. Sống kết hợp với Đức Ki-tô, khi chịu chết, vị tử đạo làm chứng cho Đấng đã chết và đã sống lại. Những vị tử đạo làm chứng cho chân lý đức tin và đạo lý Ki-tô giáo bằng cái chết anh hùng. “Hãy để tôi trở nên mồi ngon cho ác thú. Chính nhờ chúng mà tôi sẽ được về với Thiên Chúa”

(T. Inhaxiô thành Antiôkia, Rom. 4,1 ). (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 2473)

2) Phải có những điều kiện thiết yếu nào để được gọi là vị tử đạo? Ðể được gọi là vị tử đạo, một Kitô hữu phải thực sự chịu đựng những đau khổ, đang chết dần hay bị xử tử, vì đã làm chứng nhân cho Ðức Giêsu Kitô. Vậy cần có ba điều kiện thiết yếu như sau:

(1) đời sống thể lý đang đi dần đến cái chết;

(2) kẻ làm cho người Kitô hữu phải chết thực sự rất ghét đời sống Kitô Giáo và Chân Lý;

(3) cái chết đã được người Kitô hữu chấp nhận một cách tình nguyện để minh chứng đức tin.

Ngược giòng thời gian, Giáo Hội Việt Nam đã được khai sinh khi vị thừa sai đầu tiên đặt chân đến vào đầu thế kỷ XVI. Từ đó ánh sáng Phúc Âm được thắp lên trên quê hương tăm tối này. Nhưng chẳng bao lâu, giông bão phủ kín, và cơn bách hại tàn khóc xảy đến dưới chiêu bài chính trị và thời cuộc lúc bấy giờ. Sau 3 thế kỷ, không biết bao nhiêu người đã bị chiếm đoạt tài sản, bị lưu đày, hay lẩn lút sống trong rừng sâu nước độc, cắn răng chịu đựng khổ đau để giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa.

Hơn nữa, trên 130.000 đấng, thuộc mọi thành phần, đã được diễm phúc tử đạo, hiên ngang tuyên xưng đức tin. Trong số đó, 117 vị đã được các Ðức Giáo Hoàng Lêu XIII, Piô X, Piô XII tôn phong Chân Phước; và ngày 19-6-1988 đã được Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nâng lên hàng Hiển Thánh. Chúng ta có thể chia ra như sau: đời Trịnh Doanh 2 vị, đời Trịnh Sâm 2 vị, đời Cảnh Thịnh 2 vị, đời Minh Mạng 57 vị, đời Thiệu Trị 3 vị và đời Tự Ðức 51 vị; gồm 8 Giám Mục, 50 Linh Mục, 16 Thầy Giảng, 1 Chủng sinh và 42 Giáo dân. Cuộc tàn sát dã man tưởng chừng như muốn dập tắt ngọn lửa còn quá yếu ớt đó, nhưng máu tử đạo là hạt giống nẩy sinh các tín hữu. Vì thế, Giáo Hội Việt Nam đã lớn lên và trưởng thành trên nền tảng kiên vững đó. Nhìn lại dĩ vãng, chúng ta lấy làm hãnh diện vì cha ông chúng ta đã “can trường không kém các chiến sĩ ngày xưa trong thế kỷ khai nguyên của Hội Thánh”. Tuy nhiên, chúng ta hãy cố gắng noi gương các Ngài, biết can đảm chiếu sáng đức tin cho những người khác bằng một đời sống gương mẫu, đầy tình bác ái và sẵn sàng vác thập giá hằng ngày. Ðó cũng là một cách tử đạo anh dũng để minh chứng tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa. (Nguồn: Tinh Thần—Phụng Vụ Chư Thánh – Châu Kiên Long)

❦ Bạn đã và đang làm gì để khẳng định mình là người Ki-tô hữu?

❦ Lời nói và việc làm của bạn có ăn khớp với Sự Thật của Tin Mừng hay không?

Lạy  Chúa, xin cho con can đảm và khôn ngoan quyết tâm chọn Chúa mỗi ngày, dám đánh đổi sự sống trần thế vì đức tin, hầu có thể đạt được phần phúc trên Thiên Đàng với Các Thánh Tử Đạo Việt Nam yêu quý của con. 

From: Do Dzung

Đức Tin Son Sắt & Bài Ca Ngàn Trùng | ANGELO BAND & CA ĐOÀN MAI TÂM

Thánh Nữ Cecilia, đồng trinh tử đạo-Cha Vuong

The Feast of St. Cecilia - Chant Café

Mến chào bình an! Hôm nay 22/11 Giáo Hội mừng kính Thánh Nữ Cecilia, đồng trinh tử đạo, bổn mạng của những ai yêu thích nhạc. Mừng Bổn Mạng đến những ai chọn Ngài làm quan thầy nhé!

Cha Vương.

Thư 4: 22/11/2023

Trong thành Roma có một thiếu nữ đồng trinh rất xinh đẹp. Cha mẹ nàng gả cho một thanh niên con nhà giàu có danh vọng tên là Valerian. Dưới bộ áo quần xinh đẹp, nàng mang một bộ áo gai ngứa xót. Nàng thường ăn chay cầu nguyện xin các đấng thánh, các thiên thần, các thánh đồng trinh giữ gìn nàng được luôn trinh khiết.

Sau lễ cưới, nàng nói với chồng: “Em sẻ kể cho anh một bí mật nếu anh thề là không kể lại với ai.” Sau khi chồng thề hứa nàng nói tiếp: “Có một thiên thần gìn giữ em không cho phép ai được đụng tới người em.” Chồng nàng nói:”Nếu đúng như vậy thì em cho anh thấy thiên thần đó đi!” “Ðiều đó chỉ có thể xẩy ra nếu anh cũng tin vào Thiên Chúa và chịu phép rửa tội.”

Nàng đã nhờ Ðức Giáo Hoàng Urban rửa tội cho chồng và khi người chồng trở về nhà thì thấy vợ đang cầu kinh trong phòng và bên cạnh nàng có một thiên thần đang đứng, cánh rực như lửa, tay đang cầm hai vương niệm một bằng hoa hồng và một bằng hoa huệ sau đó đội lên đầu cho hai vợ chồng Cecilia và Valerian rồi biến mất. Một lúc sau Tibertius, em của Valerian bước vào ngửi thấy mùi hoa thơm dịu dàng và những bông hoa đẹp tuyệt vời, lấy làm lạ làm sao có thể có hoa đó trong mùa này.

Sau khi được nghe kể lại câu chuyện về vương niệm bằng hoa thì Tibertius xin được chịu phép rửa tội. Trong thời kỳ này các tín hữu bị bắt bớ và bị hành quyết rất dã man, hai anh em đã đi thâu lượm hài cốt các thánh tử đạo đem về chôn cất. Quan quân tìm bắt hai anh em và ra lệnh phải dâng hương quỳ lạy thần của họ nhưng hai anh em quyết liệt chối từ, nên chúng đã dùng gươm mà đâm chết các ngài.

Trong lúc đó thì Thánh Cecilia không ngừng rao giảng Tin Mừng, và hàng ngàn người đã xin gia nhập đạo Chúa. Cuối cùng thì thánh nhân cũng bị bắt và nhốt trong phòng tắm hơi nóng cho chết ngột, nhưng thánh nhân đã không chết, nên quan tổng trấn cho người đến chặt đầu. Tên đao phủ đã chặt đến ba nhát nhưng đầu vẫn chưa lìa khỏi cổ. Hoảng sợ hắn liền bỏ đi, và thánh nhân đã sống như vậy trong ba ngày. Dân chúng đem khăn vải đến tẩm máu của thánh nhân để tôn kính, trong lúc đó thánh nhân vẩn không ngừng rao giảng Lời Chúa cho họ.

Câu chuyện về thánh Cecilia đẹp như một bài tình ca cao thượng nên các nhạc sĩ chọn Cecilia làm bổn mạng và được trình bày như môt thiếu nữ xinh đẹp ngồi bên chiếc đàn thụ cầm. 

(Phó Tế JB Huỳnh Mai Trác)

Lạy thánh nữ Cecilia, xin cầu thay nguyện giúp cho chúng con để mọi người chúng con được mạnh mẽ, can đảm làm chứng cho Chúa như thánh nhân đã chứng minh cho mọi người.

From: Do Dzung

Ca mừng thánh nữ Cecilia – ca đoàn Cecilia 

Việc truyền chức linh mục ban ơn gì?- Cha Vương  

Ngày Thứ 2 thật khoẻ mạnh và sáng suốt để chiến đấu với 3 thù (ma quỉ, xác thịt và thế gian) nhé.

Cha Vương  

 Thứ 2: 20/11/2023

GIÁO LÝ:  Việc truyền chức linh mục ban ơn gì? Khi truyền chức linh mục, Giám mục xin sức mạnh của Thiên Chúa xuống trên người lãnh chức. Sức mạnh ấy in vào linh hồn một ấn tích còn mãi không bao giờ mất. Linh mục là người cộng tác của Giám mục, linh mục công bố Lời Chúa, ban các Bí tích, nhất là dâng Thánh lễ. (YouCat, số 254)

 SUY NIỆM: Trong thánh lễ, phong chức, bắt đầu là việc gọi tên các người được chọn. Sau bài giảng của Giám mục, người chịu chức hứa vâng lời Giám mục và các đấng kế vị. Việc phong chức được thực hiện bằng cử chỉ đặt tay của Giám mục và kinh nguyện kèm theo. (YouCat, số  254 t.t.)

❦ Linh mục tiếp tục công việc cứu rỗi của Chúa Kitô trên thế giới. (Thánh Gioan Vianney)

❦ Nếu người ta muốn phá Hội thánh, họ bắt đầu tấn công linh mục, vì không còn linh mục, sẽ không còn thánh lễ, không còn thánh lễ thì sẽ không còn đạo Công giáo nữa. (Thánh Gioan Vianney)

LẮNG NGHE: Ta sẽ cho các ngươi những mục tử đẹp lòng Ta; chúng sẽ khôn ngoan sáng suốt chăn dắt các ngươi. (Gr 3:15)

 CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, “không còn linh mục, sẽ không còn thánh lễ, không còn thánh lễ thì sẽ không còn đạo Công giáo nữa”, xin Chúa ra tay bảo vệ các linh mục của Chúa để họ chu toàn trọng trách chăn dắt đàn chiên trong thế giới tràn đầy cạm bẫy của ma quỷ.

THỰC HÀNH: Cầu nguyện cho các linh mục đã bị gẫy cánh. Có thể các ngài đang bị cầm tù hoặc đang tĩnh dưỡng trong các trung tâm phục hồi.

From: Do Dzung

Chúa Là Mục Tử (Thánh Vịnh 22) – Ca sĩ Thanh Hoài – ST: Lm. Bùi Ninh 


Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm – Cha Vương

Ngày Chúa Nhật hạnh phúc trong Chúa và Mẹ nhé.

Cha Vương

CN: 19/11/2023

TIN MỪNG: Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. (Mt 25: 29)

 SUY NIỆM:  Năm phụng vụ sắp kết thúc rồi bạn ơi, đây là cơ hội tốt nhất để nhìn lại những ngày tháng qua bạn đã sử dụng những món quà (nén bạc) Chúa ban cho bạn như thế nào? Tin Mừng là nén bạc quý báu nhất! Bạn có dùng sức mạnh của Tin Mừng để nuôi lớn đời sống tinh thần của mình không? Bạn có chia sẻ Tin Mừng đến cho người khác hoặc toả ánh sáng Tin Mừng qua lối sống của bạn cho những người chung quanh không? Đời sống của bạn được ví như một tài khoản ngân hàng tâm linh (spiritual bank account), trong đó bạn gửi những việc lành, những lời cầu nguyện, những việc hy sinh bác ái và tích luỹ của cải nhân đức trên thiên đàng. Một ngày nào đó khi đối  diện với những thử thách trong cuộc sống, bạn mới có nguồn dự trữ tinh thần để sử dụng. Giống như tài khoản tiền trong nhân hàng vậy bạn không thể rút tiền khỏi tài khoản của mình nếu bạn không bỏ tiền vào đó. Tất cả những gì Chúa ban cho bạn không chỉ nhằm mục đích để sử dụng cho lợi ích cá nhân riêng của bạn mà thôi nhưng phải được chia sẻ và sử dụng vì lợi ích chung cho anh em đồng loại. Bạn đừng quên rằng Chúa làm bài tính nhân giỏi lắm đó. 1 x 0 = 0, 2 x 2 = 4. Kinh nghiện riêng cho thấy, khi bạn làm mọi việc với Chúa và vì tha nhân, Chúa không để bạn lỗ đâu mà sợ! Chỉ có lời thôi.

LẮNG NGHE: Và phàm ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái hay ruộng đất, vì danh Thầy, thì sẽ được gấp bội và còn được sự sống vĩnh cửu làm gia nghiệp. (Mt 19:29)

CẦU NGUYỆN: Lạy Chúa, con cám ơn Chúa đã tín nhiệm trao những món quà cho con. Xin giúp con biết sử dụng cho đúng để gia tăng và đem lại lợi ích không những cho chính con mà cả anh em đồng loại nữa.

THỰC HÀNH: Làm một việc bác ái âm thầm với hết lòng yêu mến Chúa và anh em.

From: Do Dzung

TÌNH YÊU CHÚA TUYỆT VỜI – Mary Nguyễn