Lời nguyền chính trị

Lời nguyền chính trị

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-07-06

07052015-political-curse.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Ông Nguyễn Văn Linh được truyền thông chính thống Việt nam xem là cha đẻ của cái gọi là “đổi mới,” chuyển đổi chính sách kinh tế bao cấp sang việc chấp nhận thực tế thị trường

Ông Nguyễn Văn Linh được truyền thông chính thống Việt nam xem là cha đẻ của cái gọi là “đổi mới,” chuyển đổi chính sách kinh tế bao cấp sang việc chấp nhận thực tế thị trường

File photo

Hai nhà chính trị

Tên tuổi hai nhà chính trị Việt nam được giới blogger nhắc đến nhiều trong tuần qua là cựu Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ vừa từ trần, và ông Nguyễn Văn Linh nguyên Tổng bí thư đảng cộng sản, được giới chức Việt nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh một cách trọng thể.

Người ta nhắc nhiều đến ông Trần Quang Cơ vì khí phách của ông như lời một blogger bình luận, là ông chống lại ý kiến của những người đứng đầu nước Việt nam ở giai đoạn đầu thập niên 90 trong chính sách đối ngoại với Trung quốc. Ông từ chối nhận lãnh chức vụ Bộ trưởng ngoại giao, điều mà ông Nguyễn Vĩnh vốn là một thuộc cấp của ông cho là rất hiếm hoi trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp. Người ta nhắc tới ông Cơ nhiều nhất là về quyển hồi ký của ông liên quan đến hội nghị Thành Đô dẫn đến bình thường hóa quan hệ với Trung quốc. Quyển hồi ký không được in ở Việt nam mà chỉ lưu truyền trên mạng, trong đó ông đề cập nhiều đến những nhân nhượng quá đáng mà các nhà lãnh đạo đảng cộng sản lúc ấy dành cho Trung quốc.

Nếu ông Trần Quang Cơ được nhiều trang blog không chịu sự kiểm soát của đảng nhắc tới, thì trên báo chí chính thống người ta ít nhắc tới ông, mà thay vào đó là ông Nguyễn Văn Linh. Ông Linh được truyền thông chính thống Việt nam xem là cha đẻ của cái gọi là “đổi mới,” chuyển đổi chính sách kinh tế bao cấp sang việc chấp nhận thực tế thị trường. Rất nhiều lời tán dương ông Linh trên báo chí Việt nam, đặc biệt có một bài báo chạy hàng chữ đậm rằng ông Linh là người… Không chấp nhận đa nguyên đa đảng!

Ngược lại với báo chính thống, ông Linh bị nhiều chỉ trích trên các trang blog.

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cho rằng ở thời buổi hiện nay mà gióng lên ý tưởng của ông Linh rằng không chấp nhận đa nguyên đa đảng là một điều lạ.

Còn danh hiệu cha đẻ của đổi mới cũng được các blogger hoài nghi rằng có phải chính ông Linh là kiến trúc sư của cái gọi là đổi mới ấy hay không, vì gần 30 năm sau, nhiều tài liệu được công khai, người ta thấy rằng ông Linh không phải là một người can đảm đi đến những quyết định chính trị như vậy. Hơn nữa có nhiều bằng chứng cho thấy ông Linh lại là một người bảo thủ với nhiều nỗi sợ hãi khi chứng kiến chủ nghĩa cộng sản sụp đổ khắp nơi trên thế giới vào giai đoạn những năm 1989-1990. Chính điều này đẩy ông thành kẻ mà nhiều người cho rằng có tội khi chủ trương ký hiệp định Thành Đô với Trung quốc. Trang blog Bauxite Việt nam bình luận:

Đánh giá một nhân vật lịch sử chính là phải đứng ở góc độ dân tộc, chứ không phải trên lập trường của một đảng: Người đó đã làm gì cho đất nước, chứ không phải đã làm gì cho đảng. Lịch sử đã đánh giá Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống nghiêm khắc như thế nào, sẽ đánh giá những kẻ đang tâm bán đứng dân tộc qua thỏa thuận Thành Đô, mà di lụy của nó cho đến nay vẫn chưa biết hết, như thế ấy.

Còn Tiến sĩ Hà Sĩ Phu thì cho rằng ông Linh là kẻ có tội nhiều hơn công:

“Cuối cùng do sự bố trí của phe thân Trung Cộng ông Nguyễn Văn Linh đã cầm đầu phái đoàn đi sang Thành Đô, là hành động vô cùng tệ hại, đưa Việt Nam vào một quỹ đạo không thể ra được. Tôi nghĩ rằng ông Nguyễn Văn Linh đổi mới cũng chẳng qua là cứu Đảng thôi nhưng cũng do chuyện cứu Đảng mà trình độ lại non và quan điểm lại bảo thủ nên cuối cùng phải đi vào quỹ đạo Thành Đô cho nên cái tội nhiều hơn công rất nhiều.”

Và cuối cùng khi bàn về cái gọi là đổi mới, thì Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn xem đó chẳng phải là điều gì hay ho, vì vốn cuộc sống luôn cần một sự đổi mới.

Còn một điều khác nữa là bản chất của cái gọi là đổi mới là quay về với những gì đúng đắn hợp lẽ tự nhiên, phá đi những rào cản mà chính những người cộng sản tạo ra cho dân tộc và cho chính mình. Để nói về giai đoạn thay đổi đó, ngôn ngữ của đảng cộng sản hay dùng từ cởi trói, nhưng dường như là không có người lạ nào trói họ cả.

30 năm sau

Những quyết định chính trị trong những năm 1989-1990 đã định hình nước Việt nam với hoàn cảnh đối ngoại, và những xáo trộn xã hội đặc biệt của nó.

Sự thành công của ông Nguyễn Văn Linh, hay là sự thất bại của ông Trần Quang Cơ đã để lại một nước Việt nam gắn chặt về ý thức hệ với Trung quốc ngày nay.

Blogger Song Chi viết bài Nước còn hay mất. Bà cho rằng trong thời buổi hiện đại hiện nay, một kịch bản Trung quốc đưa quân xâm lược để đặt Việt nam thành quận huyện là khó có thể xảy ra. Tuy vậy với sự lệ thuộc Trung quốc ngày càng nhiều về kinh tế, văn hóa, bên cạnh sự cam kết chính trị trung thành với ý thức hệ của giới lãnh đạo,… thì Trung quốc cũng không cần dụng binh làm gì.

Sự lệ thuộc văn hóa Trung quốc lên đến đỉnh điểm trong hàng loạt công trình xây Văn miếu thờ Khổng Tử trong thời gian qua. Điều mà nhà báo Danh Đức gọi là Dịch xây Văn Miếu. Ông viết trên trang blog của thời báo Kinh tế Sài gòn:

Không phải là bài ngoại, song cái gọi là “văn hóa tương đồng” nhất định phải có giới hạn của nó, chứ không thể cứ “đánh đồng làm một” mãi. Trong lịch sử, quả là Nho giáo đã chiếm vị trí quan trọng ở Việt Nam, song ảnh hưởng đó cũng đã kết thúc hơn 100 năm nay rồi và Việt Nam đang là một quốc gia độc lập, nên không thể tùy tiện hay vì bất cứ lý do gì khác mà tái du nhập những di tích của sự lệ thuộc đó.

Cựu Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ

Cựu Thứ trưởng ngoại giao Trần Quang Cơ 1927 – 2015

Có thể là Nho giáo không còn ảnh hưởng nhiều trong xã hội Việt nam, nhưng trên bình diện chính trị ý thức hệ, dường như một cụm từ khác đã thay thế, đó là xã hội chủ nghĩa. Điều mà blogger Cánh Cò mượn lời các quan chức Bắc Kinh mà gọi đó là một …. Đại cục vô hình mà tới giờ dường như các nhà lãnh đạo Việt nam chưa thoát ra được.

Và chính ý thức hệ đó trở thành một trở ngại cho công cuộc cải cách giáo dục mà nhiều trí thức Việt nam lo lắng hàng chục năm nay.

Trang blog Bauxite Việt nam kể lại câu chuyện đối thoại giữa nhóm Đối thoại giáo dục do Giáo sư Ngô Bảo Châu chủ xướng và một số ý kiến phản biện.

Nhóm Đối thoại giáo dục đề nghị một điều quan trọng trong cải cách Đại học là thành lập Hội đồng ủy thác để điều hành. Tiến sĩ Ngô Doãn Đãi cho rằng đề nghị này không thể thực hiện được vì theo luật giáo dục Việt nam thì Đảng cộng sản lãnh đạo các trường Đại học.

Một người tham gia phản biện nhóm Đối thoại giáo dục là dịch giả Đinh Bá Anh, lại cho rằng hiện nay nền giáo dục Việt nam không thể cải cách được vì nó không chịu một sức ép nào cả. Ông cho rằng nó có thể được cải cách nếu có một ý chí chính trị mạnh mẽ nào đó, nhưng ông tiếp lời là chuyện đó chưa xảy ra vì hiện nay chính trị Việt nam là một nền chính trị chịu sức ép từ nhóm lợi ích chứ không có viễn kiến.

Có lẽ câu chuyện cải cách giáo dục lại một lần nữa đi vào bế tắc.

Đứng trước tình trạnh xã hội chính trị hiện nay, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng có một điều gì đó như là một lời nguyền mà nước Việt đang gánh chịu, lời nguyền đó theo ông xuất hiện sau khi cuộc chiến Việt nam tương tàn kết thúc:

Có thể những người cầm đầu phe bại trận đã không có một lời nguyền nào nhưng hàng vạn, hàng chục vạn những người khác đã công khai hoặc bí mật nguyền rủa vì cho rằng họ bị đối xử bất công, tàn bạo, bị phản bội lời hứa và lòng tin. Đó là những người bị triệu tập vào các trại cải tạo, bị giam giữ không kết án, bị tước đoạt tài sản và tự do, bị ép buộc đến các vùng kinh tế mới, bị trở thành “thuyền nhân”với không biết bao nhiêu tai họa.

Giáo sư Nguyễn Đình Cống là người công khai tuyên bố rằng muốn cho Việt nam phát triển thì phải từ bỏ chủ nghĩa cộng sản và ý thức hệ Mác Lê Nin, nền tảng của cấu trúc nhà nước Việt nam hiện tại.

Trong lãnh vực tư pháp, cấu trúc nhà nước ấy không chấp nhận sự cân bằng quyền lực như ở mô hình các quốc gia theo thể chế tư bản dân chủ. Đó cũng là điều mà Luật sư Nguyễn Văn Thân cho rằng nó làm cho Việt nam không thể xây dựng nên nhà nước Pháp quyền được. Ông viết:

Muốn xây dựng một nhà nước pháp quyền thì trước hết phải có sự phân quyền giữa hành pháp, lập pháp và tư pháp và một hệ thống tư pháp thật sự độc lập. Nhưng Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn đứng trên pháp luật và cai trị một cách tùy tiện. Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Trương Hòa Bình là một thành viên Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản thì làm sao tòa án có thể độc lập?

Nhưng mô hình mới nào cho Việt nam để thoát khỏi bế tắc?

Tác giả Vũ Hoàng Nguyên viết trên trang Ngàn Lau rằng cần phải thận trọng, đừng lập lại sai lầm của những người cộng sản nữa:

Cần phải xác định một điều là không có cơ chế nào trên thế giới này hoàn hảo. Chúng ta không đi tìm một cơ chế hoàn hảo bởi nếu chúng ta vẫn mang tư tưởng tìm một cơ chế hoàn hảo thì tự chúng ta sẽ lập lại sai lầm của đảng cầm quyền hiện giờ, tức là đưa đất nước dân tộc vào Xã Hội Chủ Nghĩa mà chính những người lãnh đạo không biết cái Xã Hội Chủ Nghĩa đó ra sao, khi nào được hình thành. Chúng ta cũng không đem bất cứ cơ chế của quốc gia nào đó vào áp dụng trên dân tộc của mình bởi chúng ta sẽ vấp phải sai lầm mà đảng CSVN đang sai lầm.

Nhưng cho đến bao giờ?

LS Nguyễn Văn Thân viết rằng so với những mầm mống dân chủ hình thành ở nước Anh trước đây thì Việt nam đã muộn đến 800 năm.

Ăn cơm Australia, thờ ma China

Ăn cơm Australia, thờ ma China

GS Nguyễn Văn Tuấn

Sáng hôm qua có chuyện phải đi chợ, và thấy hai cảnh hay hay, nên ghi lại cái note. Cảnh thứ nhất là trái vải của VN đã có mặt ở Sydney (với cái giá hơi đắt, 16 đôla/kí). Cảnh thứ hai là thấy một nhóm activists (nhà hoạt động) vận động người Úc lên tiếng ngăn chận chính sách mà họ cho là thù hận với Tàu. Thấy cách họ làm làm tôi phải nhại câu nói nổi tiếng trước 1975 và đặt tên cho họ là “Ăn cơm Australia, thờ ma china”.

Ở Úc, cũng như trong các xã hội dân chủ khác ở phương Tây, có rất nhiều nhóm đấu tranh cho rất nhiều vấn đề họ quan tâm. Có những nhóm đấu tranh cho chủ nghĩa xã hội, có nhóm đấu tranh để được quyền mua súng, có nhóm mời gọi người ta theo đạo, có nhóm đấu tranh đòi giảm học phí, v.v. Nói chung là rất phong phú, thật sự là một xã hội tự do và dân chủ, ai cũng có tiếng nói (còn nói có ai nghe hay không là chuyện khác). Phương thức làm việc của họ cũng đơn giản. Họ thường xuất hiện trong các trung tâm shopping, thường là kê một cái bàn, và một đống tờ rơi để phát cho người qua đường. Có khi họ cũng có những thảo luận bỏ túi với người quan tâm.

Nhưng sáng qua tôi thấy có một nhóm … lạ. Lạ là vì họ đấu tranh cho Tàu. Nói là “nhóm”, nhưng trong thực tế chỉ có 3 người, tất cả đều là da trắng tóc vàng, chứ không phải tóc đen da vàng. Trong khi chờ đèn xanh qua đường, tôi nghe loáng thoáng họ hỏi một người là “Bạn có quan tâm đến tình hình Chính phủ Úc càng ngày càng tỏ thái độ thù địch với Tàu?” Anh chàng kia nói “Không”. Anh chàng tuyên truyền nhấn mạnh “Bạn không quan tâm? Nó có ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả chúng ta và sự tồn tại của Úc”. Anh chàng kia trả lời tỉnh queo: “Không, tôi không quan tâm, và tôi nói cho anh biết nhé: tôi không thích China, OK.”

Thấy không chiêu dụ được anh kia, anh ta quay sang tôi, và cũng hỏi câu đó: Bạn có quan tâm. Tôi thấy chắc phải tiêu ra vài phút với anh chàng này, tôi tạm gọi là anh chàng China. Chàng China hỏi tôi là có biết Chính phủ Úc đang có chính sách thù địch với Tàu, tôi trả lời là biết. Chàng China hỏi tôi vậy chứ biết, thì phải làm gì. Tôi nói rằng tôi hoàn toàn ủng hộ Chính phủ Úc trong nỗ lực ngăn chận sự bành trướng của Tàu.

Anh chàng China có vẻ khựng lại và nói rằng đó là một chính sách nguy hiểm vì sẽ đẩy Úc đối đầu với Tàu, không tốt cho kinh tế Úc. Tôi trả lời rằng Úc và Tàu đã làm ăn mấy mươi năm nay, trong thời gian đó có lúc “up”, có lúc “down”, nhưng chưa bao giờ kinh tế Úc bị đe doạ như bây giờ. Đe doạ là vì Tàu đang mua mỏ, mua nhà, và mua đất của Úc, để rồi mai mốt con cháu chúng ta khó có khả năng mua được một căn nhà để ở. Tôi hỏi anh China rằng anh có muốn thấy cái viễn cảnh anh hay con cháu anh phải đạp xích lô cho mấy người Tàu cộng ngay trên đất Úc này không?

Anh ta nói rằng Chính phủ Úc không bán mỏ cho Tàu là một sai lầm vì kinh tế Úc cần Tàu, ngay cả Mĩ còn chơi với Tàu mà Úc dám chống Tàu là tự sát. Tôi không đồng ý, vì mối quan hệ Mĩ – Tàu không đơn giản như anh ta nghĩ. Còn Tàu là một nước chauvin, nó đang bành trướng, nó đang thực hiện cái gọi là “giấc mơ China” của Tập Cận Bình, và nếu giấc mơ đó thành hiện thực thì đó là thảm hoạ cho thế giới vì một chế độ fascist mới sẽ xuất hiện, và vì thế phải ngăn chận Tàu.

Anh China hỏi tôi là bằng chứng Tàu bành trướng ở đâu? Tôi vỗ vai anh China và nói anh thử đọc tình hình Biển Đông nhé, Tàu nó đang muốn nuốt hết vùng biển Đông Nam Á, nó đang xây thành phố nhân tạo trên đảo mà nó ăn cướp từ Việt Nam, nó đang ăn cướp ngư dân Việt Nam, Phi Luật Tân. Tôi nói thêm rằng anh China làm nghề tuyên truyền này mà không biết đến những việc Tàu nó làm ở Biển Đông thì tốt nhất là anh China nên đi đọc thêm. Thấy tôi nói một mạch, có đầu có đuôi, và có vẻ am hiểu tình hình, nên anh chàng China khựng lại vì thấy rõ ràng là khó tuyên truyền với tôi, nên tỏ vẻ lảng đi …

Nhưng tôi không tha. Tôi hỏi lớn anh chàng China đang làm cho ai, ai đứng đằng sau việc làm của anh. Tôi nói rằng tôi không nói anh là người của Tàu cộng, nhưng anh China đang làm lợi cho Tàu cộng. Tôi hỏi anh rằng anh đang ăn lương hay trợ cấp của ai? Của Úc phải không? Tôi bắt đầu nóng máu, tôi đưa mắt nhìn quanh (lúc này đã có đông người chú ý), rồi nói lớn: tôi đây này, và các bạn đang đứng chung quanh tôi đây, chúng tôi đã và đang đóng thuế để nuôi những người như anh, để rồi các anh quay lại chống lại chúng tôi, các anh thấy như thế là hợp lí không?

Anh chàng China nói lại: Nhưng anh không phải là người Úc. Làm tôi nóng mặt hơn và nói: Anh định nghĩa thế nào là người Úc? Là người định cư ở đây hơn 1000 năm trước? Nếu thế thì tôi và anh đều không phải là người Úc. Nếu định nghĩa là quốc tịch Úc, thì tôi là người Úc đây. Nhưng câu hỏi của anh lạc đề, vì câu hỏi đáng lẽ phải là tôi và anh đã và đang làm gì đem lại lợi ích cho đất nước này. Tôi đem lại lợi ích cho Úc, còn anh thì chống Úc và tôi xem đó là một việc làm thiếu suy nghĩ. Chào anh, tôi phải đi chợ cái đã. Ngạc nhiên là khi tôi hết câu đó, thấy vài người vỗ tay đồng tình. Một buổi sáng mát dạ.

Chế độ tự do dân chủ như Úc có cái hay là nó cho mọi người có quyền tự do ngôn luận và có quyền phát biểu ý kiến đi ngược lại chính quyền. Nhưng cũng chính cái thể chế này đang nuôi ong tay áo, và tôi chợt nhận ra câu “Ăn cơm Australia, thờ ma china” quá thích hợp cho những kẻ như anh chàng China đó. Buồn một điều là mình phải đóng thuế nuôi anh chàng vô dụng đó. Tôi chợt tự hỏi ở VN mình có bao nhiêu người đang ăn cơm Việt Nam mà thờ ma Tàu. Con số chắc là nhiều, nhưng khác với Úc là những kẻ này có thể đã chui sâu và leo cao trong hệ thống công quyền VN nên chúng rất nguy hiểm.

Người Việt Nam làm “đệm thịt“ bảo vệ Trung Quốc?

Người Việt Nam làm “đệm thịt“ bảo vệ Trung Quốc?

Võ Thị Hảo

RFA

* TQ đã sẵn sàng đưa VN ra trận?

Đến nay, theo nhận  định của nhiều chuyên gia có uy tín, chiến tranh Trung – Mỹ có nhiều khả năng xẩy ra trên biển Đông.

Cuộc xung đột trong khu vực này xuất phát từ việc TQ chiếm cứ và xây dựng các đảo trên quần đảo Trường Sa của VN để mở rộng thêm căn cứ không quân, hải quân về phía Nam, tiến tới giành quyền kiểm soát tất cả các vùng nước của biển Đông, nhằm hạn chế tự do hàng hải và hàng không của nhiều nước trên thế giới, trong đó có Mỹ.

Đương nhiên là Mỹ và khối đồng minh sẽ không chấp nhận sự ngang ngược đó. Nếu TQ không lùi bước, chiến tranh sẽ xẩy ra.

Phạm vi tàn hại của cuộc chiến sẽ rộng lớn, nhưng là điểm chốt của chiến địa, tổn thất trước hết là VN. Không chỉ trên biển, ngay trên đất liền VN, TQ cũng đã khéo léo chiếm dụng những vùng hiểm yếu có thể sử dụng làm căn cứ địa cho chiến tranh biển Đông. Những đường cao tốc nối từ TQ tới VN ngoài nhiệm vụ cho một cuộc chiến tranh kinh tế triệt hạ VN, cướp công ăn việc làm của người VN, còn một chức năng vô cùng quan trọng là để chuyển quân, lương thực vũ khí để chỉ trong vài giờ đã có thể san phẳng VN và tiến ra biển Đông đọ sức với phe Mỹ.

* Địa ngục trần gian

Chiến tranh của thế kỷ 21 khác xưa. Đã kết thúc từ lâu cái thời VN có thể tự hào dùng hầm chông, lối đánh du kích, súng bắn tỉa và hầm bí mật để đánh giặc.

Chiến tranh Trung – Mỹ sẽ là cuộc đối đầu giữa hai cường quốc quân sự với những vũ khí siêu tối tân với khả năng hủy diệt rộng lớn. Và cũng không loại trừ chiến tranh hạt nhân.

Phó Viện trưởng về nghiên cứu toàn cầu của Viện Công nghệ Hoàng gia Melbuorne(Úc) khẳng định: Mỹ và TQ đang chực chờ xông vào một cuộc chiến, bất kể giữa hai nước đang tồn tại một sợ dây quan hệ kinh tế không thể tách rời. Biển Đông trở thành ngòi nổ chiến sự.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, hiện nhiều nước đang gấp rút nâng cấp kho vũ khí hạt nhân.

“Nói trắng ra, một cuộc chiến Mỹ – Trung sẽ là địa ngục trần gian. Nhiều khả năng thế chiến thứ 3 sẽ bắt đầu trong thời gian tới đây. Sẽ có hàng triệu, thậm chí hàng tỉ người chết bởi vũ khí hạt nhân. Những người may mắn sống sót sẽ phải đối mặt với tình trạng nền kinh tế toàn cầu sụp đổ. Đó là tất cả những gì mà thế giới sẽ phải chứng kiến khi giữa hai cường quốc của thế giới xẩy ra xung đột vũ trang“(theo nguoivietaz.com.us).

Mọi người đều biết rằng, nếu VN đứng về phía TQ, giống một nước chư hầu cong tấm lưng còng bọc lấy đất TQ trước biển Đông như hiện nay, thì sẽ không tránh khỏi số phận phải làm „chiếc đệm thịt“ đầu tiên trên chiến trường và tan nát trước khi Mỹ tiến đánh Trung quốc lục địa.

Do vị trí địa chính trị, sự lựa chọn của VN hiện nay có thể gớp phần cùng thế giới ngăn chặn thảm họa đó hoặc nhập khẩu thảm họa đó vào VN nếu cuộc chiến tranh  Trung – Mỹ xẩy ra.

  • VN với truyền thống nhập khẩu chiến tranh

Với sự tham lam và thiển cận của nhà cầm quyền VN, họ đã tạo điều kiện tốt chưa từng có để TQ dễ dàng chiếm cứ VN trên mọi mặt và sử dụng người VN đi đánh nhau với Mỹ để bảo vệ TQ khi cần.

VN lựa chọn lệ thuộc TQ và thực hiện mọi mệnh lệnh của TQ là tự sát  nếu chiến tranh Trung – Mỹ xẩy ra.

Nhập khẩu chiến tranh vào nước của mình và hớn hở đi chết cho kẻ khác trong khi giết dân mình, đó là năng khiếu của nhiều thế hệ cầm quyền VN.

Trong cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn miền Nam miền Bắc, bên Nam đánh nhau với sự viện trợ và vũ khí của Mỹ, bên Bắc đánh nhau để thực hiện  nhiêm vụ „tiền đồn cho phe xã hội chủ nghĩa“ với vũ khí và lương thực của Nga và TQ. Nga và TQ không hề hấn gì, VN chỉ còn lại hoang tàn và hàng triệu người chết.

Nếu nhà cầm quyền VN tiếp tục tăm tối như vậy, lịch sử đớn đau sẽ lặp lại. Khi chiến tranh Trung- Mỹ xẩy ra, dân VN sẽ có được một hân hạnh cũ: làm cái „đệm thịt người“ đi chết cho quyền lợi của TQ, để TQ được yên ổn xây dựng chủ nghĩa xã hội.  Người TQ sẽ giẫm lên những xác chết của người VN mà tiến ra biển Đông. Người VN sẽ lại bị ép buộc mà chết hoặc ngu muội mà chết hoặc bị lừa đảo mà chết nhưng vẫn tự hào rằng chúng ta sẵn sàng hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ thành trì của đất nước và chủ nghĩa xã hội.

Nghe thế tưởng như chuyện đùa, nhưng không đùa một chút nào, nếu chúng ta nghe phát biểu của các vị lãnh đạo cao cấp VN và xem hành xử của họ.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đến năm 2009 còn tuyên bố: „Việt Nam Cu ba như là trời đất sinh ra. Một anh ở phía Đông, một anh ở phía Tây. Chúng ta thay nhau canh giữ hòa bình cho thế giới. Cu ba thức thì VN ngủ, Việt Nam gác thì Cuba nghỉ“( phát biểu trong chuyến thăm Cuba năm 2009).

Nay thì Cuba đã ngủ theo Mỹ, bỏ nhiệm vụ cùng VN thức canh hòa bình thế giới. Vậy còn VN lẻ loi thì thức canh hòa bình cho TQ vậy! Việc đó đã có Đảng CS VN trước sau kiên định lập trường lo liệu chu toàn.

Một dải đất sạch bóng người VN sau chiến tranh Trung – Mỹ là điều người TQ thấy vô cùng quyến rũ. Đặc biệt là cái chết ấy lại do chiến tranh  và do Mỹ chịu trách nhiệm..

Xuất khẩu chiến tranh ra ngoài lục địa Trung hoa để thực hiện những mưu đồ khác là điều mà nhà cầm quyền TQ khôn ngoan chí ít cũng đã làm cho dân của họ. Còn VN thì lại chỉ có khả năng nhập khẩu chiến tranh về tàn hại đồng bào của mình.

  • Thời cơ cứu nước và chặn chiến tranh

Để bảo vệ mạng sống, người dân VN cần tỉnh táo chống lại khuynh hướng „nhập khẩu chiến tranh“. Đấu tranh bảo vệ đất nước bằng cách chống lại việc bán nước cho TQ của một số kẻ cầm quyền tham lam và đớn hèn chính là cách để ngăn chặn hữu hiệu.

Vì sao Hồng kông – một thành phố nhỏ, dù đã bị trao trả cho TQ nhưng chính quyền nơi này đã không chấp nhận sự áp đặt chính trị của TQ, TQ dù hận tận xương tủy vẫn không dám giở trò đàn áp?

Vì sao Đài loan cũng là lãnh thổ đã bị trao trả cho TQ nhưng Đài loan vẫn ngang nhiên thách thức TQ mỗi khi TQ định làm điều gì đó ảnh hưởng đến sự độc lập và quyền lợi đảo này?

Vì sao Hàn quốc sống ngay bên cạnh Triều tiên hung hãn luôn muốn triệt phá Hàn quốc bằng chiến tranh hạt nhân nhưng Hàn quốc vẫn phát triển lớn mạnh?

Vì sao nước Nhật yên ổn  có một nền chính trị tiên tiến, ổn định và văn minh,  mức sống cao gấp khoảng 30 lần so với người VN?

Là vì họ đã không nhập khẩu chiến tranh, đã kiên quyết nói không với  cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Họ không cần đầu tư nhiều tiền vào quân sự vì được bảo vệ bởi những lực lượng quân sự đứng đầu thế giới như Mỹ và khối NATO. Khối này chưa bao giờ phản bội họ.

Người VN hoàn toàn có thể làm được một việc lớn là ngăn chiến tranh Trung – Mỹ xẩy ra.

Thời cơ cứu nước càng đến gần với VN khi vào ngày 24/6/2015, Thượng viện Mỹ đã chính thức thông qua Dự luật HR1314 trong đó có  Dự luật trao quyền đàm phán thương mại cho Tổng thống Mỹ và Dự luật hỗ trợ tổn thất cho những người Mỹ bị ảnh hưởng bởi các hiệp định tự do thương mại quốc tế.

Không nghi ngờ gì nữa, nước Mỹ đã rất linh hoạt trong việc giao cho Tổng thống Obama một đặc cách để quyết định đẩy nhanh đàm phán Thỏa thuận quan hệ đối tác  thương mại T-Tip và đầu tư Xuyên Đại Tây Dương cũng như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)và đặc biệt phục vụ cho quyền lợi của Mỹ ở biển Đông trong đó có liên quan đến việc liên kết chặt chẽ với VN.

VN cần phải nắm lấy bàn tay mà tổng thống Mỹ đưa ra để trở  thành đồng minh thực sự của Mỹ và khối NATO. Đây là khoảnh khắc mà Mỹ mở rộng vòng tay hơn bao giờ hết, bởi chính quyền lợi của Mỹ ở biển Đông. Lúc đó Mỹ và khối NATO sẽ tự động bảo vệ VN theo hiệp định tương hỗ quân sự.

Trong tình thế đó,  TQ bị buộc phải thay đổi cách hành xử, từ bỏ ảo vọng chiếm VN và  và độc chiếm biển Đông. Chỉ có như thế, chiến tranh mới không xẩy ra.

Như thế, người VN mới thoát được ách nô lệ ngàn năm của TQ và  ách nô lệ cộng sản.Và trước hết, gần nhất, là thoát được cuộc chiến tranh mà người VN không nhũng chịu mất nước về tay TQ mà còn phải chết cho TQ. Cuộc chiến đó không đưa VN trở về thời kỳ đồ đá vì ngay cả đá cũng nát và chỉ còn tro xương của người VN cọ vào nhau trong gió của những cánh đồng chết.

VTH

Vaclac Havel và Cách Mạng Nhung ở Tiệp Khắc

Vaclac Havel và Cách Mạng Nhung ở  Tiệp Khắc

Đoàn Thanh Liêm

*     *     *

Tài liệu tham khảo chính yếu :

HAVEL : A Life

by Michael Zantovsky

do Grove Press New York ấn hành

năm 2014, sách dày 543 trang

* * Năm 1989, lịch sử thế giới đã ghi nhận một biến cố cực kỳ quan trọng: đó là sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại khu vực Đông Âu để rồi kéo theo sự giải thể của Liên Bang Xô Viết vào cuối năm 1991. Và kể từ đó là sự kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh (The Cold War) giữa hai khối Cộng sản và Tư bản – cuộc đối đầu thật căng thẳng liên miên giữa hai siêu cường Mỹ và Nga khởi sự ngay sau khi thế chiến II chấm dứt vào năm 1945.

Trong bối cảnh chính trị xã hội sôi động của Đông Âu vào thời kỳ đó, thì tuy chỉ là một nước nhỏ với dân số tổng cộng chỉ vào khỏang 15 triệu người, thì Tiệp khắc đã được cả thế giới chú ý và ca ngợi vì thành tích tranh đấu bền bỉ để dành lại Tự do và Nhân quyền thông qua Phong trào Hiến chương 77 khởi sự từ đầu năm 1977 (The Charter 77 Movement). Và đặc biệt là cuộc Cách Mạng Nhung diễn ra trong các năm 1988 – 1989 (The Velvet Revolution) cùng với một nhân vật lãnh đạo xuất chúng: đó là Vaclac Havel – người sau này được bầu vào chức vụ Tổng thống suốt mấy nhiệm kỳ kéo dài trên 13 năm.

Bài viết này được xây dựng dựa trên những thông tin và tư liệu rất phong phú được chứa đựng trong cuốn sách có nhan đề là: “Havel : A Life” do tác giả Michael Zantovsky biên sọan và cho ấn hành mới đây vào năm 2014 – sau khi Vaclac Havel qua đời vào cuối năm 2011.

I – Sơ lược về tác giả Michael Zantovsky.

Michael Zantovsky hiện đang là Đại sứ của Cộng hòa Czech tại Anh quốc và là Chủ tịch của Viện Aspen Praha. Ông là một trong những thành viên sáng lập phong trào điều hợp công cuộc lật đổ chế độ cộng sản ở Tiệp khắc.

Năm 1990, ông trở thành phát ngôn viên, tùy viên báo chí và cố vấn cho Tổng thống Vaclac Havel. Sau đó, ông giữ chức vụ Đại sứ của Czech tại Washington và Tel Aviv. Ông họat động trên lãnh vực chính trị, ngọai giao và  còn là một tác giả và dịch giả chuyên giới thiệu tác phẩm của các tác giả đương đại của Anh và Mỹ cho độc giả người Tiệp khắc.

II – Giới thiệu tổng quát về cuốn sách “Havel: A Life”.

Là một bạn chiến hứu thân thiết đã từng sát cánh lâu năm với Havel, nên tác giả Zantovsky đã có thể cống hiến cho chúng ta rất nhiều tư liệu và thông tin về đời tư và nhất là về những họat động thật hăng say sôi động của Vaclac Havel (1936 – 2011), đó là một nhân vật cực kỳ nổi danh của Tiệp khắc vào cuối thế kỷ XX qua đầu thế kỷ XXI.

Cuốn sách trải dài 543 trang, được phân chia thành 47 đề mục với mỗi tiêu đề riêng cho từng mục. Tuy vậy, tác giả lại không chia thành những chương, những phân đọan như thường gặp trong các sách khác và cũng không chịu ghi số thứ tự của mỗi mục. Vì thế mà  người đọc gặp khó khăn trong việc theo dõi diễn biến của các sự việc với vô số chi tiết xảy ra xung quanh cuộc sống và họat động của Havel là nhân vật chính yếu của tác phẩm.

Đại cương, ta có thể ghi nhận tóm lược về cuộc đời của Havel với mấy nét nổi bật như sau:

(II) 1 – Trong thế chiến II, gia đình của Havel đã phải trải qua những đày đọa do chế độ độc tài Đức Quốc Xã gây ra cho tòan thể nước Tiệp Khắc. Rồi sau khi hết chiến tranh chẳng bao lâu, thì kể từ năm 1948 chế độ cộng sản do Stalin lãnh đạo đã bao trùm lên tòan thể khu vực Đông Âu và cậu bé Havel vừa đến tuổi 12, thì đã bị gạt ra ngòai lề xã hội, không được tiếp tục đi học và cũng thật khó mà kiếm được một việc làm tương đối ổn định – vì lý do là cậu xuất thân từ một gia đình tư sản địa chủ được coi như là một thứ “kẻ thù của cách mạng vô sản”.

Tuy vậy, do cố gắng vượt bậc vào độ tuổi 30 Havel đã trở thành một nhà viết kịch có tên tuổi với nhiều vở kịch được công chúng trong nước cũng như ngòai nước yêu chuộng – nhờ vậy mà ông đã có thể sống tự túc được bằng công việc sáng tác.

(II) 2 – Biến cố Mùa Xuân Praha năm 1968 và tiếp theo là cuộc “xâm lăng ào ạt” của các đạo quân thuộc khối Liên minh Quân sự Varsava do Liên Xô điều động để xâm nhập vào Tiệp khắc – nhằm dẹp bỏ cái chủ trương “Xã hội chủ nghĩa với bộ mặt nhân bản” (Socialism with Human Face) do giới lãnh đạo cộng sản địa phương phát động – đã khơi dậy tinh thần quật cường yêu nước của đa số nhân dân Tiệp khắc.Điển hình là vụ tự thiêu vào đầu năm 1969 của sinh viên Jan Palach tại công trương Wensceslav nơi trung tâm thủ đô Praha.

Và rồi với Thỏa ước Helsinki năm 1975, phong trào tranh đấu nhân quyền trong các quốc gia do cộng sản Liên Xô cầm trịch đã nhất lọat vùng lên – sự kiện này lại càng tiếp sức cho công cuộc đòi hỏi tự do và nhân quyền ở Tiệp khắc kể từ ngày nước này bị Liên Xô chiếm đóng sau vụ Mùa Xuân Praha như đã ghi ở trên.

Và chính trong bối cảnh chính trị xã hội sôi động đó mà Havel đã dấn thân nhập cuộc cùng với các bạn đồng chí hướng với mình trong việc đòi hỏi nhà nước cộng sản đương quyền phải trả tự do cho những tù nhân lương tâm bị giam giữ vô lý  – điển hình như vụ các nghệ sĩ bị đàn áp vì lý do trình diễn lọai nhạc theo trào lưu Rock N Roll ở các nước Tây phương. Đó là điểm xuất phát của Phong trào Hiến chương 77 với sự phổ biến tòan văn Bản Hiến chương này được gửi đến chính quyền cộng sản. Ta sẽ bàn thảo chi tiết về biến cố cực kỳ quan trọng này khởi sự từ đầu năm 1977 ở mục sau.

(II) 3 – Tiếp theo là cuộc Cách Mạng Nhung phát động vào năm 1988 – 89 đưa đến thắng lợi cuối cùng là giải thể được chế độ cộng sản vào cuối năm 1989 và sau đó Vaclac Havel được dân chúng tín nhiệm giao cho trách nhiệm lèo lái con thuyền quốc gia Tiệp khắc trong giai đọan xây dựng và tái thiết đất nước kể từ đầu thập niên 1990.

Lãnh tụ Havel đã được cả thế giới biết đến và yêu chuộng vì phong cách hòa ái nhân hậu khi điều hành guồng máy nhà nước – mà cũng vì lập trường tranh đấu bất bạo động và hết sức kiên cường chống lại chế độ độc tài chuyên chế cộng sản. Ta sẽ ghi thêm chi tiết về họat động của người nghệ sĩ và chiến sĩ Havel trong mục sau.

III – Vaclac Havel là một nghệ sĩ mà cũng là một chiến sĩ nữa.

Là người sọan kịch (playwright) với nhiều tác phẩm được công chúng tán thưởng yêu chuộng, Havel luôn cố gắng trau dồi vê học thuật tư tưởng theo truyền thống nhân bản của Âu châu. Nhờ vậy mà ông đã có được một căn bản sở học vững vàng để hội nhập được với trào lưu văn hóa tiến bộ của thế giới.

Và mặc dầu phải sống trong khung cảnh ngột ngạt do sự kềm kẹp của Liên Xô sau biến cố Mùa Xuân Praha năm 1968, Havel vẫn tìm cách liên hệ được với giới văn nghệ sĩ trí thức tại các nước Âu Mỹ qua những vở kịch được trình diễn ở nước ngòai. Nhờ đó, mà ông được sự yểm trợ và bênh đỡ tận tình của những nhân vật có tên tuổi trên thế giới – mỗi khi bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp, bắt giam vì những họat động tranh đấu cho Tự do và Nhân quyền. Dưới đây, ta sẽ xem xét chi tiết hơn về sự nhập cuộc của Havel khi bước vào tuổi 30. Và sau đó, cũng điểm qua một số thành tích nổi bật nhất của ông trong thời giam giữ chức vụ Tổng thống của Tiệp khắc tự do dân chủ.

(III) 1 – Cuộc tranh đấu kiên cường ròng rã suốt trên 20 năm (1968 – 1989)

Nói chung, sau vụ khối Liên Xô kéo quân đội vào Tiệp khắc năm 1948, thì giới trí thức văn nghệ sĩ tại xứ này cũng như tại Đông Âu lại càng trở nên bất mãn và chống đối lại chính quyền cộng sản do Liên Xô áp đặt để kềm kẹp dân chúng chặt chẽ, khắc nghiệt hơn nữa – theo chính sách mà họ gọi là “bình thường hóa” (normalisation) để tái lập quyền thống trị tòan diện của đảng cộng sản chống lại khuynh hướng cải cách (reformist). Havel đã mỗi ngày tham gia nhiệt thành hơn vào cuộc tranh đấu của những phần tử cấp tiến nhất trong giới văn nghệ sĩ trí thức tại quê hương mình.

Nổi bật nhất là việc Havel góp phần sọan thảo bản văn của Hiến Chương 77 và rồi được giao phó trách nhiệm là một trong ba người phát ngôn viên của tổ chức này (spokeman). Lời văn nhẹ nhàng, khiêm tốn, nhưng nội dung thật dứt khóat tập chú vào việc đòi hỏi chính quyền phải tôn trọng nhân quyền bằng cách thả những người bị bắt giữ vì lý do chính kiến bất đồng (dissident).

Cũng vì tích cực hành động như vậy mà Havel đã bị giam giữ ngặt nghèo liên tục đến gần 5 năm từ năm 1978 đến 1983.

Tiếp đến là vào năm 1988, nhân kỷ niệm 40 năm ngày công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948 – 1988), giới tranh đấu lại quy tụ với nhau dưới danh nghĩa “Diễn Đàn Công Dân” (Civic Forum) để đẩy mạnh hơn nữa cuộc tranh đấu cho Tự do và Nhân quyền. Và đó là căn nguyên của cuộc Cách Mạng Nhung đưa đến sự sụp đổ dứt khóat của chế độ cộng sản ở Tiệp khắc vào cuối năm 1989. Gọi là Cách Mạng Nhung bởi vì không hề có bạo động đổ máu và cũng không có sự trả thù của bên thắng cuộc là phe tự do dân chủ của Havel đối với những cựu đảng viên cán bộ cộng sản ở bên thua cuộc.

Tổng thống Havel được quốc tế ca ngợi và mến phục vì thái độ trượng phu quân tử khi nắm quyền lãnh đạo quốc gia sau khi chế độ cộng sản sụp đổ năm 1989 đó vậy, mặc dầu ông cũng bị một số bà con đồng bào ấm ức bất mãn vì chuyện quá ư nhân đạo bao dung cho kẻ đã từng gây ra bao nhiêu tội ác trong suốt hơn 40 năm đảng cộng sản nắm giữ quyền hành.

(III)  2 – Một vị Tổng thống được nhiều người mến mộ.

Từ sau năm 1990, ít có vị lãnh đạo quốc gia nào mà lại được tòan thể chính  giới quốc tế ca ngợi mến chuộng như là đối với Tổng thống Havel của Tiệp khắc, một nước nhỏ mà vừa mới thóat khỏi ách cộng sản do thắng lợi kỳ diệu của cuộc Cách Mạng Nhung. Nhưng thành tích nổi bật nhất của Tổng thống Havel là ông đã thật khôn ngoan nhiệt thành trong việc vận động để Tiệp khắc được gia nhập minh ước phòng thủ  NATO và tiếp theo là gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu (EU = European Union).

Đó quả thật là một kỳ công để Tiệp khắc có thể trở về trong vòng tay ấm cúng của đại gia đình Âu châu vốn có truyền thống văn hóa lịch sử cũng như học thuật tư tưởng sáng chói –  mà nước này cũng như Ba Lan, Hungary ở Đông Âu đã chia sẻ chung với nhau từ cả ngàn năm trước. Chỉ có tầm nhìn thật bao quát rộng lớn của người nghệ sĩ trí thức như Vaclac Havel mới có thể lôi cuốn thuyết phục được giới lãnh đạo chính quyền cũng như xã hội dân sự tại các nước Tây Âu và Hoa kỳ chấp thuận cho Tiệp khắc hội nhập êm thăm với cộng đồng Tây Âu như vậy mà thôi.

(III)  3 – Một số tác phẩm tiêu biểu của Vaclac Havel.

Tại cuối sách “Havel:A Life”, tác giả Michael Zantovsky đã ghi ra khá nhiều tác phẩm của Havel mà ông đã trích dẫn trong sách. Xin ghi nơi đây một số tác phẩm tiêu biểu ;

A – “Disturbing the Peace” do Paul Wilson dịch, ấn hành năm 1990.

B – “Letters to Olga” cũng do P.Wilson dịch, ấn hành 1990. Olga là bà vợ lâu năm của Havel, hai người không có con với nhau. Bà chết vì bệnh ung thư năm 1995. Sau khi Olga mất, Havel tục huyền với Dasa Dagmar.

C – “Toward a Civil Society” do P. Wilson và những người khác dịch, ấn hành năm 1995.

D – “ The Power of the Powerless” tiểu luận viết năm 1978  (có đề tặng và  tưởng niệm triết gia Jan Patocka người bị chết sau cuộc điều tra của công an mật vụ vì là đồng tác giả và phát ngôn nhân của Hiến chương 77).Bản dịch tiếng Anh ấn hành năm 1985 tại London.

E – “Selected Plays, 1963 – 83”, do Vera Blackwell dịch ấn hành tại London năm 1992

*  * Tóm tắt lại, Vaclac Havel là một nhân vật xuất chúng của Tiệp khắc vào cuối thế kỷ XX sang đầu thế kỷ XXI. Ông là một đại diện nổi trội nhất của tầng lớp trì thức văn nghệ sĩ tại Đông Âu với lòng dũng cảm kiên trì trong phong trào tranh đấu bất bạo động cho Tự do, Dân chủ và Nhân quyền để đạt tới thắng lợi cuối cùng vào năm 1989 – là dẹp bỏ dứt khóat được chế độ cộng sản độc tài tòan trị do Liên Xô áp đặt trên quê hương đất nước ông từ năm 1948. Cả thế giới đều ngưỡng mộ con người kiệt xuất này của thời đại chúng ta ngày nay vậy./

Costa Mesa California, Tháng Sáu 2015

Đoàn Thanh Liêm

40 năm sau: Lịch sử đang lặp lại

40 năm sau: Lịch sử đang lặp lại

Nguyễn Quang Dy

“Có lẽ chúng ta đã tạo ra một quái vật Frankenstein”

(Richard Nixon nói với William Safire (bình luận gia của New York Times) năm 1994, trước khi chết).

40 năm sau Chiến tranh Việt Nam, cuối cùng người Mỹ và Việt Nam đang làm những gì mà họ đáng lẽ phải làm từ năm 1978 khi nước Việt Nam thống nhất rất cần hòa giải và hợp tác với Mỹ (là kẻ thù cũ) để tái thiết và đối phó với hiểm họa mới từ Trung Cộng (là anh em bạn thù); hoặc từ năm 1945 khi nước Việt Nam mới do Hồ Chí Minh đứng đầu đang cố giành sự ủng hộ của Mỹ để hóa giải sự thù nghịch của nước Pháp thực dân và Trung hoa Dân quốc; hoặc từ năm 1875 khi vua Tự Đức cử ông Bùi Viện sang Mỹ tìm kiếm sự ủng hộ để chống lại ý đồ nước Pháp thực dân muốn biến Annam thành thuộc địa. Nhưng hai nước đã để tuột mất những cơ hội lịch sử, bây giờ phải “trở về tương lai”, sau khi bị bầm dập bởi cuộc chiến tranh sai lầm đẫm máu, và lãng phí quá nhiều thời gian, sức lực và mạng sống vào những trò chơi hậu chiến điên khùng, bao gồm cái gọi là “Chiến tranh Đông Dương lần thứ ba” không kém khốc liệt giữa “anh em bạn thù” và những đồng minh mới của họ.

Đấy là phác thảo nhanh bức chân dung đầy bi kịch của quan hệ Việt-Mỹ. Thật trớ trêu là tương lai quan hệ Việt-Mỹ lại gắn liền với tương lai của Biển Đông, mà tương lai của Biển Đông nay lại gắn liền với quan hệ Trung-Việt, cũng như quan hệ Trung-Mỹ. Để làm rõ những khía cạnh đầy uẩn khúc của những mối quan hệ này, hãy bình tâm xem lại một số bối cảnh lịch sử có liên quan và một số biến chuyển gần đây, như những dấu hiệu mới. 

Ngăn chặn Trung Quốc: Trở về tương lai?

Ai quan tâm đến lịch sử chắc vẫn nhớ 60 năm về trước (sau chiến tranh Triều Tiên và Điện Biên Phủ), Mỹ đã triển khai chiến lược Ngăn chặn Trung Cộng bằng cách sử dụng SEATO (South East Asia Treaty Organization) làm cơ chế an ninh tập thể ở Đông Nam Á. Chẳng có gì sai khi Mỹ ngăn chặn Trung Quốc lúc đó cũng như bây giờ khi họ hung hăng trỗi dậy và bành trướng ở khu vực, bằng cách “xoay trục sang Châu Á” để tái cân bằng lực lượng, và sử dụng TPP (Tran-Pacific Partnership) làm khuôn khổ hợp tác mới ở khu vực. Nhưng mục đích kinh tế của TPP có lẽ không quan trọng bằng mục đích chiến lược.

Nói cách khác, đây là trò “rượu cũ bình mới”. “Rượu cũ” là mối đe dọa tiềm ẩn của chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán (không hề thay đổi). “Bình mới” là Trung Quốc nay áp đặt “Đường Lưỡi bò” và dùng dàn khoan để lấn chiếm Biển Đông, và ráo riết xây dựng các đảo nhân tạo và công trình quân sự tại các đảo san hô mà họ chiếm ở Hoàng Sa và Trường Sa, hòng kiểm soát Biển Đông (như “lợi ích cốt lõi”). “Rượu cũ” là Mỹ “Ngăn chặn” Trung Cộng, và “bình mới” là trò chơi TPP (thay cho “SEATO”). Quan hệ Trung-Việt đầy phức tạp vừa là đối tác chiến lược (cùng ý thức hệ), vừa là đối thủ chiến lược (do tranh chấp chủ quyền). Đó là mối quan hệ bất bình thường (vừa yêu vừa ghét) như “anh em thù địch”. Nhưng lúc này thật là dại dột và bất khả thi, nếu Việt Nam cố duy trì nguyên trạng mối quan hệ bất bình thường đó bằng cách đong đưa và đi trên dây để cân bằng quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ.

Cách đây 60 năm, Mỹ đã ngăn chặn một Trung Quốc nghèo nàn (như con “hổ giấy”), tuy ngoài mặt thách thức Mỹ nhưng trong bụng rất muốn bắt tay. Còn bây giờ, Mỹ đang ngăn chặn một Trung Quốc giàu có như một “quái vật kinh tế và quân sự”, vừa muốn giữ nguyên trạng (bên trong), lại vừa muốn thay đổi nguyên trạng (bên ngoài), thách thức vai trò cầm đầu của Mỹ. Trước đây, Mỹ ngăn chặn Trung Quốc bằng cách đánh Việt Nam (tưởng là kẻ thù ý thức hệ). Còn bây giờ Mỹ ngăn chặn Trung Quốc đang hung hăng trỗi dậy bằng hợp tác với Việt Nam (như đối tác chiến lược mới).

Đây là một sự chuyển đổi đầy kịch tính, để sửa chữa một sai lầm lớn mà cả hai nước đã mắc phải. Chiến lược Ngăn chặn và chiến tranh Việt Nam là hai chuyện khác nhau, không nên nhầm lẫn. Đáng lẽ Mỹ không nên can thiệp vào Việt Nam bằng “một cuôc chiến tranh sai lầm, tại một địa điểm sai, vào một thời điểm sai, với một kẻ thù sai” (Omar Bradley, 1951). Nhưng phải 20 năm sau cuộc chiến, ông Robert McNamara mới công khai thừa nhận sai lầm này (trong cuốn sách xuất bản năm 1995). Thực ra, ngay từ năm 1965, ông George Ball (trợ lý Ngoại trưởng) đã nhìn thấy trước một cuộc chiến sai lầm, đã cảnh báo và khuyên can Tổng thống John Kennedy đừng quyết định đưa quân sang Việt Nam để can thiệp trực tiếp.

Nhưng đáng tiếc là không ai muốn nghe George Ball, mà người ta còn cười nhạo ông ấy. Theo tôi, George Ball giỏi không kém gì George Kennan. Họ là những người Mỹ thông minh, dũng cảm, có tầm nhìn xa. Nếu Chính quyền biết lắng nghe họ, thì nước Mỹ đã tránh được bao tổn thất về xương máu và nguồn lực tại Việt Nam (và Iraq sau này). Việt Nam và Iraq là những bài học đẫm máu, còn tiếp tục ám ảnh người Mỹ. Thomas Vallely (cựu chiến binh, Giám đốc chương trình Việt Nam tại Harvard) đã nói rất đúng (trong tư liệu TV, 1985), “chúng ta không nên làm cái việc sai lầm là đưa thanh niên đến chỗ chết, chỉ vì lòng tự hào của mấy ông già”.

Khi ông Archimedes Patti (cựu sĩ quan OSS) ký tặng tôi cuốn sách “Why Vietnam” (Bangkok, 1990), tôi có hỏi ông ấy, “lúc đó họ có đọc sách của ông không”. Ông Patti nói với ánh mắt buồn rầu, “chẳng ai đọc nó cả, chẳng ai nghe tao cả”. Trong một lần báo chí phỏng vấn (năm 1981), ông Patti đã nói rất rõ, “Theo tôi, chiến tranh Viêt Nam là một sự lãng phí khồng lồ. Trước hết, nó không cần phải xảy ra. Hoàn toàn không. Không đáng tí nào cả. Trong suốt những năm chiến tranh Việt Nam, không ai đến gặp tôi để tìm hiểu xem điều gì đã xảy ra năm 1945 hoặc 1944. Trong suốt những năm tôi làm việc ở Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại Giao, và Nhà Trắng, không một ai có quyền hành đến gặp tôi cả…”

Điều đó làm tôi nhớ lại sự kiện “Blood Telegrams” (mà chắc nhiều người đã quên). Ông Archer Blood, Tổng lãnh sự Mỹ tại Dacca (thủ phủ Đông Pakistan lúc đó) đã gửi điện khẩn về Washington (ngày 6/4/1971, có 29 cán bộ ngoại giao Mỹ ký tên) cảnh báo về nạn “diệt chủng có chọn lọc” đang biến Dacca trở thành “thành phố ma” (3/4 dân số bị giết hoặc bỏ chạy). Họ công khai phản đối chính sách của Mỹ ủng hộ chính quyền quân sự (của tướng Yahya Khan) đàn áp dã man người Bengali đòi độc lập cho Bangladesh. Nhưng Tổng thống Nixon và Tiến sĩ Henry Kissinger lúc đó đã lờ đi, vì muốn tướng Yahya Khan làm cầu nối với Trung Quốc để Tổng thống Nixon đến Thượng Hải bắt tay Mao Chủ tịch, như một “bước ngoặt lịch sử”. Tôi xin trích một đoạn bức điện đó, “Chính phủ chúng ta đã không lên án việc đàn áp dân chủ. Chính phủ chúng ta đã không lên án tội ác. Chính phủ chúng ta đã không có biện pháp mạnh mẽ để bảo vệ công dân của mình, trong khi đó ra sức làm vừa lòng chính phủ do người Tây Pakistan nắm quyền và làm giảm bớt đi mọi sức ép tiêu cực của dư luận quốc tế đối với chính phủ Pakistan. Chính phủ chúng ta đã chứng tỏ một điều mà tất cả mọi người đều coi là phá sản về đạo đức…”.

Tham dự tích cực: Trò chơi kết thúc?

Tôi không biết Tổng thống Nixon thực sự nghĩ gì khi ông ta bắt tay Mao Chủ tịch tại Shanghai năm 1972. Nhưng tôi tin ông Nixon đã một lần nói thật khi ông ấy nhận xét một cách chí lý (năm 1994, trước khi ông ấy chết), “Có lẽ chúng ta đã tạo ra một quái vật Frankenstein”. Ông Nixon lúc sắp chết đã trở thành “thiên tài”! Thực tế là phải 42 năm sau, đến tận 2014, đa số người Mỹ mới nhận ra “hệ quả không định trước” này và bắt đầu lo ngại về sự trỗi dậy “không hòa bình” của Trung Quốc (tuy vẫn tranh cãi về nguy cơ xung đột Trung-Mỹ).

Công bằng mà nói, không nên đổ lỗi cho ông Nixon vì Dr Henry Kissinger mới chính là kiến trúc sư của chính sách Trung Quốc, từ “Shanghai Communique” để cho Mỹ rút quân khỏi Việt Nam “trong danh dự” và chia sẻ quyền lực với Trung Quốc tại Đông Á, đến “Constructive Engagement” để thay thế “Containment” giúp Trung Quốc “trỗi dậy trong hòa bình”, và “China Card” để biến Trung Quốc thành đồng minh “trên thực tế” chống Liên Xô, và cuối cùng “China Lobby” để vận động hành lang ủng hộ Trung Quốc trong mọi chuyện làm ăn khác.

Trong nửa thế kỷ qua (nói chính xác là qua 8 đời Tổng thống Mỹ, cả Cộng hòa lẫn Dân chủ), Washington vẫn cho rằng chủ trương “Can dự tích cực” là cách duy nhất để khuyến khích Trung Quốc cởi mở dần trong quá trình mà ông Kissinger gọi là “co-evolution” (hay diễn biến hòa bình) theo các giá trị của Mỹ, và “trỗi dậy trong hòa bình”. Chỉ gần đây, người Mỹ mới bắt đầu thất vọng như bị bạn tình Trung Quốc phản bội. Các chuyên gia về Trung Quốc bắt đầu nói đến sự cần thiết phải “ngăn chặn” Trung Quốc, và hai bên bắt đầu coi nhau như đối thủ (thay cho đối tác). “Đồng thuận Washinton” về lợi ích của “Constructive Engagement” bắt đầu đổ vỡ.

Điều này làm ta nhớ lại trận Trân Châu Cảng (7/12/1941) khi hạm đội Mỹ tại đây đã bị hải quân Nhật đánh đắm, nhưng đa số người Mỹ lúc đó vẫn không tin là Nhật Bản dám khởi chiến. Có lẽ “Đồng thuận Washington” giống như một con voi quá lớn và quá chậm để dễ dàng chuyển động. Không biết người Mỹ có thật ngây thơ về Trung Quốc không, hay là cái bóng của ông Kisinger quá lớn, nhưng gần nửa thế kỷ qua, chính sách của Mỹ tại Châu Á-Thái Bình Dương vẫn xoay quanh “cái trục Trung Quốc” mà ông Kissinger đã thiết kế.

Dù nguyên nhân Trung Quốc trỗi dậy ngày cànghung hăng (như đầu gấu tại khu vực) có phải do chính sách “Can dự tích cực” hay không, thì nhiều người cho rằng Mỹ và Trung Quốc khó tránh khỏi chiến tranh lạnh (thậm chí xung đột). Gần đây, tỷ phú George Soros lập luận rằng nếu không nhân nhượng Trung Quốc về vấn đề tài chính sống còn đối với họ, thì lãnh đạo Trung Quốc có thể phải dùng đến xung đột vũ trang để tồn tại, dễ gây ra chiến tranh thế giới mới. Điều này làm ta nhớ lại chính sách “Appeasement” của chính phủ Anh (Neville Chamberlain) đã thỏa hiệp quá nhiều với Hitler (tại Munich, năm 1938). “Constructive Engagement” nếu đi quá đà, mà không có điều kiện khắt khe ràng buộc, sẽ phản tác dụng hơn cả “Appeasement”.

Michael Pillsbury (một chuyên gia kỳ cựu về Trung Quốc) nhận xét, “Trung Quốc không đạt được hầu hết những mong muốn màu hồng của chúng ta”. David Lampton (một học giả về Trung Quốc tại Johns Hopkins) kết luận, “Quan hệ Trung-Mỹ đã đi đến chỗ đổ vỡ”. Robert Blackwill (một chuyên gia về an ninh quốc tế tại Belfer Center, Harvard) cho rằng “Constructive Engement với Trung Quốc chỉ giúp cho đối thủ mạnh lên”. Kevin Rudd (cựu Thủ tướng Australia, một chuyên gia về Trung Quốc) đã tóm tắt quan điểm của người Trung Quốc về mục tiêu của Mỹ là “nhằm cô lập, ngăn chặn, làm suy yếu, phân hóa Trung Quốc, và phá hoại lãnh đạo chính trị của Trung Quốc”. Ông ấy còn khuyến nghị “Constructive Realism” để thay cho “Constructive Engagement”.

Tôi cũng không rõ liệu cao kiến của ông Kevin Rudd, tuy có thực tế hơn, nhưng liệu có hiệu quả hơn không, khi điều chỉnh quan trọng gần đây của Washington vẫn tỏ ra “quá ít và quá muộn”. Thái độ cứng rắn hơn của Mỹ (điều máy bay quân sự đến Biển Đông) là một tín hiệu tích cực và lời cảnh báo rõ ràng đối với Trung Quốc, nhưng có lẽ vẫn chưa đủ thuyết phục Bắc Kinh phải thực sự nghiêm túc, và chưa đủ thuyết phục các nước Asean đang bị Trung Quốc bắt nạt và phân hóa cần phải dựa vào Washington hơn là Bắc Kinh. Ít nhất đó là cách hiểu (không chính thức) về thái độ nhìn nhận của Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La gần đây (May 29-31, 2015).

Biển Đông: Một thùng thuốc súng?

Hơn một năm nay, từ khi Trung Quốc đưa giàn khoan HD 981 vào Biển Đông và ráo riết xây dựng các công trình quân sự và đảo nhân tạo trên các đảo san hô họ chiếm tại Hoàng Sa và Trường Sa, để chuẩn bị thiết lập khu vực nhận diện phòng không, đe dọa tự do hàng hải, thì Biển Đông đã nóng lên như thùng thuốc súng. Quốc hội Mỹ và giới nghiên cứu đã chuyển biến mạnh,  buộc Chính quyền Obama phải có thái độ cứng rắn hơn, đưa máy bay quân sự và tàu chiến vào Biển Đông để răn đe, bất chấp Trung Quốc phản đối. Nhiều chính phủ và tổ chức quốc tế đã thực sự lo ngại. Một số nước đồng minh của Mỹ (như Japan và Australia) đã thay đổi hẳn thái độ, sẵn sàng tham gia tuần tra hải quân trên Biển Đông.

Trong khi bức tranh địa chính trị tại khu vực thay đổi nhanh và rõ nét hơn, thì tương lại Biển Đông vẫn mù mịt và bất định. Liệu đối đầu Trung-Mỹ tại Biển Đông có dẫn đến chiến tranh thật không, hay chỉ là chiến tranh lạnh? Liệu Trung Quốc và Mỹ có thể thỏa thuận với nhau để chia sẻ quyền lực (như trước đây)? Liệu căng thẳng Trung-Việt có dẫn đến chiến tranh không, hay tiếp tục nhùng nhằng (không hòa không chiến) và Trung Quốc tiếp tục chiến thuật “cắt lát gặm dần” như “chuyện đã rồi”, không đánh vẫn thắng? Và cuối cùng, liệu sức ép của Mỹ và cộng đồng thế giới, cũng như quá trình dân chủ hóa tại Trung Quốc, có đủ sức xoay chuyển thái độ của Bắc Kinh, và hóa giải được xung đột lợi ích tại Biển Đông để biến thùng thuốc súng này thành khu vực hợp tác hòa bình và cùng khai thác?

Một số chuyên gia về Trung Quốc theo thuyết “cái bẫy Thucydides” (Graham Allison đặt tên) cho rằng xung đột Trung-Mỹ là khó tránh khỏi, và Biển Đông có thể là cái ngòi nổ cho Thế chiến thứ Ba. Một số khác theo thuyết phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế (phái Neo-liberalism) lập luận rằng chiến tranh Trung-Mỹ rất khó xảy ra vì hai nền kinh tế khổng lồ này đã quá phụ thuộc vào nhau, nên khả năng cùng bị hủy diệt do chiến tranh là một sự răn đe hiệu quả. Số còn lại đưa ra nhiều giả thuyết và kịch bản khác nhau, chủ yếu dựa trên phân tích học thuật, thường làm rắc rối hơn là làm sáng tỏ vấn đề, và góp phần làm cho Biển Đông nóng hơn (trên mặt báo và các diễn đàn nghiên cứu) như thêm gia vị vào các thực đơn nghiên cứu.

Graham Allison dựa vào thực tế lịch sử để rút ra quy luật, chủ yếu nhằm cảnh báo về một nguy cơ tiềm tàng khó tránh, để biết mà phòng tránh chứ không phải để kết luận như đinh đóng cột rằng chiến tranh nhất thiết sẽ xảy ra. Trong thế giới đầy biến động khôn lường và đầy biến số này, không ai có thể chắc chắn về một điều gì như hằng số.

Sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia trong thế giới phẳng là một thực tế hiển nhiên. Trong trường hợp quan hệ Trung-Mỹ thì sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới càng lớn hơn. Nhưng sự phụ thuộc lẫn nhau càng lớn thì mâu thuẫn cũng càng lớn và rủi ro cũng càng cao, rất khó kiểm soát. Sự khác biệt về hệ thống giá trị cơ bản giữa hai quốc gia này như mặt trăng và mặt trời. Trong khi Mỹ dẫn đầu thế giới trong việc phát triển phương tiện truyền thông xã hội, thì Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong việc kiểm soát nó. Trong khi Mỹ muốn Trung Quốc áp dụng hệ thống giá trị của mình, thì lãnh đạo Trung Quốc coi đó là lật đổ.

Nếu cả hai xu hướng chính là “cái bẫy Thucydides” và “phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế” cùng tồn tại trong quan hệ Trung-Mỹ thì nó có thể triệt tiêu lẫn nhau, dẫn đến nhùng nhằng (không hòa không chiến) như chiến tranh lạnh kiểu mới (như xu hướng thứ ba). Nếu tình huống này thắng thế, thì Trung Quốc càng có lợi, tiếp tục “cắt lát” để gặm nhấm, biến thành “chuyện đã rồi”, và cuối cùng đạt được mục tiêu kiểm soát Biển Đông mà không tốn một viên đạn.

Có lẽ cả Trung Quốc và Mỹ đều quá bận tâm về các vấn đề chính trị nội bộ nên muốn hướng dư luận vào các vấn đề chính trị quốc tế. Họ cũng có thể gây căng thẳng tại vài nơi trên thế giới để thử gân nhau. Nhưng có lẽ lúc này cả hai đều không muốn và không sẵn sàng chiến tranh tổng lực. Kết quả có thể là chiến tranh lạnh kiểu mới, một dạng chiến tranh nửa dơi nửa chuột (hybrid warfare) hoặc mượn tay người khác (proxy warfare). Tuy nhiên, khi căng thẳng được đẩy lên thành kịch tính thì rủi ro càng lớn, và hai bên cần một cơ chế kiểm soát rủi ro để tránh sử dụng vũ lực. Dù sao, người ta cho rằng chiến tranh lạnh vẫn còn hơn là “Thế chiến thứ 3”.

Trong khi chưa biết là chiến tranh lạnh hay Thế chiến thứ Ba, thì các học giả về Trung Quốc cho rằng màn chót của chế độ Trung Cộng có lẽ đã bắt đầu. Bề ngoài, Trung Quốc có vẻ giàu có và hùng mạnh, nhưng nó che đậy một hệ thống đã đổ vỡ bên trong. Không phải chỉ có ông Gordon Chang lâu nay dự báo “Trung Quốc sắp sụp đổ”, mà cả Giáo sư Paul Krugman (được giải Nobel kinh tế) cũng báo động rằng “Trung Quốc đã kịch đường” (tới điểm giới hạn). Đáng chú ý là cả Giáo sư David Shambaugh (một chuyên gia hàng đầu về Trung Quốc tại George Washington University) đã tuyên bố “màn chót của chế độ Trung Cộng đã bắt đầu”…

Chiến dịch “đả hổ” chống tham nhũng quyết liệt của ông Tập Cận Bình để cứu chế độ (hay củng cố địa vị) đang đẩy màn chót đến nhanh hơn. Việc tăng cường đàn áp càng bộc lộ sự rạn nứt của hệ thống và đẩy nhanh quá trình sụp đổ. Thay vì mở cửa, ông Tập Cận Bình đang tăng cường kiểm soát gấp đôi. Giới tinh hoa ở Trung Quốc sẵn sàng ra đi hàng loạt nếu hệ thống bắt đầu sụp đổ. Theo Elizabeth Economy (Council on Foreign Relations) 2/3 (hoặc 64%) người Trung Quốc có tài sản trên 1.6 triệu USD đang di cư hoặc định như vậy.

Anh em bạn thù: Làm sao để thoát?

Định mệnh về địa lý

Dù muốn hay không, Việt Nam vẫn phải sống cạnh người láng giềng khổng lồ, như một định mệnh về địa lý, không thể thay đổi được. Vì vậy về lâu về dài, Việt Nam phải tìm cách chung sống hòa bình tử tế với các nước láng giềng, trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và cùng có lợi. Là một nước nhỏ hơn, muốn bảo vệ độc lập, chủ quyền của mình, Việt Nam phải thay đổi và mạnh lên để Trung Quốc phải tôn trọng. Nếu Việt Nam yếu đi trong khi Trung Quốc mạnh lên, thì chắc chắn Việt Nam sẽ mất độc lập, chủ quyền vì trở thành miếng mồi ngon cho tham vọng bành trướng bá quyền Trung Quốc. Đáng tiếc tình trạng hiện nay đúng là như vậy. Không phải Việt Nam chỉ mất đất biên giới và hải đảo tại Biển Đông, mà có thể sẽ mất tất cả, để “trở về tương lai” như thời kỳ Bắc thuộc.

Tương quan lực lượng

Trung Quốc đã trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang thách thức vai trò số một của Mỹ, và muốn kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Trung Quốc không chỉ là con quái vật kinh tế, mà còn là con quái vật quân sự và ý thức hệ, với tham vọng bành trướng bá quyền như đầu gấu trong khu vực. Họ đang lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, hướng dân Trung Quốc vào “Giấc mộng Trung Hoa”, hòng che đậy những mâu thuẫn cơ bản đang đe dọa sự tồn tại của chế độ. Biển Đông chỉ là một mảnh trong ván cờ lớn của họ. Trung Quốc muốn giữ chặt Việt Nam trong cái bẫy ý thức hệ, như một nước chư hầu, không được thân với Mỹ và Phương Tây. Vì vậy, Việt Nam phải mạnh lên, để thoát khỏi cái bẫy ý thức hệ đó. Nếu không mạnh được như Israel, thì chúng ta cũng phải đi theo hướng đó. Để khai thác được cái mỏ người hơn 90 triệu dân, chúng ta phải nâng cao dân trí, đổi mới thể chế kinh tế và chính trị. Việc này không thể một sớm một chiều mà cần vài thập kỷ (Đáng tiếc là chúng ta đã đánh mất ít nhất bốn thập kỷ).

Chủ nghĩa dân tộc cực đoan.

Chủ nghĩa dân tộc luôn là động lực chính trong quan hệ quốc tế. Trong lịch sử, chủ nghĩa dân tộc Việt Nam và Trung Quốc đã chứng tỏ sức mạnh và sức sống tiềm tàng, như những đối thủ truyền kiếp. Chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bành trướng bá quyền là hiểm họa cho cả Việt Nam và Trung Quốc. Khi chủ nghĩa dân tộc trở thành cực đoan và bá quyền, nó như con quái vật, xô đẩy các nước vào lò lửa chiến tranh. Chủ nghĩa dân tộc thường bị các chế độ độc tài thao túng để kích động lòng yêu nước và huy động dân chúng ủng hộ các tham vọng cực đoan của họ, hoặc che đậy những mâu thuẫn xã hội và xung đột nội bộ.

Người Đức thông minh tài giỏi như vậy, nhưng cũng bị Hitler và đảng Quốc Xã cực đoan thao túng, dẫn đến thảm họa chiến tranh thế giới. Người Trung Hoa có bề dày lịch sử và văn hóa như vậy, nhưng cũng bị Mao và các phái cộng sản cực đoan thao túng, dẫn đến thảm họa Cách mạng Văn hóa. Người Khmer hiền lành như vậy, nhưng cũng bị Pol Pot và Khmer Đỏ thao túng, trở thành nạn nhân của họa diệt chủng. Nguy cơ xung đột tại Biển Đông là do chủ nghĩa dân tộc cực đoan và chủ nghĩa bành trướng bá quyền. Muốn tránh thảm họa chiến tranh và xung đột, cần phải nâng cao dân trí và dân chủ hóa.

Dân chủ hóa

Đối với các xã hội chuyển đổi (như Trung Quốc và Việt Nam), dân chủ hóa là quy luật tất yếu và quá trình cần thiết để xã hội phát triển. Quá trình này nhanh hay chậm tùy thuộc vào đặc điểm chính trị và xã hội của từng nước. Dân chủ hóa thường song hành với quá trình phát triển tầng lớp trung lưu và dân trí. Nó vừa là động lực để đổi mới và phát triển kinh tế, vừa là đối trọng để hạn chế chủ nghĩa cực đoan và cuồng tín. Do đặc điểm lịch sử, văn hóa phức tạp nên quan hệ Việt-Trung vừa bị chi phối bởi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và bành trướng bá quyền, vừa bị trói buộc bởi ý thức hệ cộng sản cực đoan. Chỉ có dân chủ hóa và nâng cao dân trí thì Việt Nam và Trung Quốc mới có thể thoát khỏi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và nguy cơ xung đột. Sự phát triển bùng nổ của internet và truyền thông xã hội dựa trên kỹ thuật số gần đây có vai trò rất lớn trong quá trình này, như một cuộc cách mạng truyền thông.

Cất cánh kinh tế

Tuy Trung Quốc và Việt Nam có thể chế chính trị giống nhau (do Đảng cộng sản độc quyền lãnh đạo), nhưng kinh tế hai nước phát triển không giống nhau, làm quan hệ trở thành bất bình đẳng và lệ thuộc. Trong khi kinh tế Trung Quốc cất cánh với tốc độ tăng trưởng 2 con số trong suốt 3 thập kỷ, thì kinh tế Việt Nam không cất cánh lên được, thậm chí còn tụt hậu. Mặc dù đều độc tài và tham nhũng, nhưng Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ và nhanh chóng theo kinh tế thị trường, trong khi Việt Nam vẫn duy trì “định hướng XHCN”, dựa vào các doanh nghiệp nhà nước tham nhũng và yếu kém làm chủ đạo, dẫn đến thua lỗ và phá sản (như Vinashin và Vinalines). Trong khi Trung Quốc vơ vét tài nguyên khoáng sản toàn cầu để nuôi con quái vật kinh tế khổng lồ, xuất khẩu hàng hóa ra khắp thế giới để tích lũy tư bản, thì Việt Nam không công nghiệp hóa và nội địa hóa sản xuất, chỉ bán rẻ tài nguyên khoáng sản lấy tiền nhập siêu hàng tiêu dùng. Đây cũng là một bi kịch quốc gia. Nếu không thay đổi cơ bản về thể chế kinh tế và chính trị, để hội nhập vào thị trường thế giới, thì Việt Nam khó tránh khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc và mất chủ quyền tại Biển Đông.

Đối tác chiến lược.

Muốn đối phó với một láng giềng lớn chuyên bắt nạt (như Trung Quốc), Việt Nam phải liên kết với đối tác chiến lược mạnh hơn (như Mỹ) làm đối trọng và răn đe. Đó là quy luật tất yếu ai cũng biết, nhưng vận dụng như thế nào là một chuyện khác. Có nhiều bài học lịch sử. Ví dụ, không nên dựa hẳn vào bên này để chống bên kia, gây thù chuốc oán, như trước đây Việt Nam đã dựa hẳn vào Trung Quốc để chống Mỹ, rồi sau này lại dựa hẳn vào Liên Xô để chống Trung Quốc. Nhưng cũng không nên có quan hệ đối tác chiến lược với quá nhiều nước, mà chẳng nước nào có khả năng đương đầu với Trung Quốc để bênh vực Việt Nam. Nó giống như câu thành ngữ “lắm mối tối nằm không”. Việc giữ cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Mỹ bằng cách đi trên dây không phải là một chiến lược lâu dài. Càng không phải là một cái cớ để trì hoãn quan hệ đối tác chiến lược sống còn với Mỹ khi Trung Quốc đã lộ rõ bộ mặt thật là mối đe dọa chung đối với khu vực. Không nên nhầm lẫn mục tiêu chiến lược với phương tiện chiến thuật. Nếu không có quan hệ đối tác chiến lược với Mỹ và gia nhập TPP, Việt Nam dễ bị Trung Quốc bắt nạt và đô hộ. Muốn có quan hệ đối tác chiến lược hiệu quả, trước hết người Việt Nam phải đoàn kết và tự cường mạnh lên, để các đối tác tôn trọng và tin cậy. Quan hệ đối tác chiến lược sẽ trở thành vô nghĩa nếu không dựa trên tầm nhìn chiến lược và lòng tin chiến lược.     

N.Q.D.

6/2015

Tham Khảo

  1. “Hitting China’s Wall”, Paul Krugman, the New York Times, July 18, 2013
  2. “Pivot 2.0”, A Report of the CSIS Asia Program, CSIS, Jan 2015
  3. “The Coming Chinese Crackup”, David Shambaugh, the Wall Street Journal, March 6, 2015.
  4. “Revising US Grand Strategy Toward China”, Robert Blackwill & Ashley Tellis, Special Report, Council on Foreign Relations Press, April 2015
  5. “The Future of US-China Relations under Xi Jinping”, Kevin Rudd, Summary Report, Belfer Center, Harvard Kennedy School, April 2015,
  6. “A Tipping Point in US-China Relations is upon us”, David Lampton, speech at the Carter Center conference, May 6-7, 2015
  7. “Retaining America’s balance in the Asia-Pacific: Countering China’s Coercion in South East Asia”, Patrick Cronin, Crongressioanl Testimony, May 13, 2015
  8. “China’s Place in US Foreign Policy”, Karl Eikenberry, the American Interest, June 9, 2015
  9. “Can China Be Contained”, Andrew Browne, the Wall Street Journal, June 12, 2015

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-6-15

Nguồn: http://viet-studies.info/kinhte/NQuangDy_LichSuDangLapLai.htm

TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ: Trong va li có một con rắn Trung hoa?

TBT Nguyễn Phú Trọng thăm Mỹ: Trong va li có một con rắn Trung hoa?

Võ Thị Hảo

RFA

  • VN vừa ký thêm một „văn tự bán nước“?

Theo tin từ VN thì Nguyễn Phú Trọng sẽ sang thăm Mỹ từ 7-9/7/2015.

Nghe nói chính quyền Obama đã chuẩn bị một lễ đón tiếp trọng thể dành cho vị Tổng bí thư(TBT) lãnh đạo một trong những chính thể được xếp hạng tham nhũng và đồi bại nhất thế giới.

Không cần quan tâm đến nguyện vọng của dân và xu thế thời đại, ông dùng bộ máy đàn áp trói chặt người VN với đường lối và thể chế cộng sản. Khốn thay cho dân VN, chủ thuyết ấy và chính thể cộng sản độc tài lại là cái nôi đã ấp và nở ra những „ma cà rồng“  kếch xù gây tội ác lớn nhất chống lại loài người như Stalin, Lê nin, Mao Trạch Đông…

Những người lạc quan cho rằng đây là một cơ hội lớn để ông Tổng Bí thư rửa tiếng nhơ „ bán nước cho TQ“ để giữ quyền lực – điều mà nhiều người vẫn nhận định về ông lâu nay.

Vì thế, nếu  ông TBT không nhân dịp này mà lập công chuộc tội với nhân dân VN, liên minh thực sự với Mỹ để bảo vệ và phát triển đất nước, giải tán Đảng cộng sản VN, thiết lập thể chế dân chủ tự do đa nguyên; chuyến đi của ông cũng theo khuynh hướng „chiến tích ngoại giao đen“ kiểu ông Phạm Quang Nghị trước đây thì tai tiếng „cõng rắn về cắn gà nhà“ của ông và giới cầm quyền tham nhũng VN thật ngàn năm khôn rửa.

Cánh cửa đẹp luôn để ngỏ. Những ai dù đã có sai lầm, gây hại cho dân nhưng nếu biết sám hối, nhân thời cơ mà lật ngược tình thế, đưa cộng đồng thoát khỏi ách cộng sản độc tài, xóa bỏ gần trăm năm nô lệ thì vẫn được nhân dân tha thứ và ghi nhận như một anh hùng cứu nước.

Bất kỳ ai trong „tứ trụ triều đình“ VN cũng có thể làm được điều đó, trong đó có Nguyễn Phú Trọng.

Nhưng cho đến giờ này, hy vọng ấy chỉ là hoang tưởng nếu căn cứ quá khứ và hiện trạng những hành vi mà ông đã và đang làm.

  • Nước Mỹ có biết „Truyện Nỏ thần“?

Việc Nguyễn Phú Trọng sắp đi Mỹ khiến nhiều người liên tưởng đến „truyện Nỏ thần“-

Đó là một truyền thuyết rất nổi tiếng của VN, kể về loại vũ khí cực mạnh(nỏ thần) làm từ móng chân của một vị thần. Thần này thương tình trao nó vào tay vua An Dương vương của VN(thời đó gọi là nước Âu Lạc) để chống quân xâm lược người TQ. TQ bẫy vị vua này bằng mối quan hệ vờ như gắn bó ruột thịt để trộm lấy nỏ thần, rồi đem nỏ thần tàn sát quân VN. Nước mất,  bị truy đuổi, vua bất lực trước giặc, quay lại trút căm hờn vào người nhà, chém chết con gái rồi lao xuống biển tự sát.

Thời đại nay đã khác xưa.

Xưa kia vua với nước là một. Nước mất thì vua chết.

Vua VN bây giờ không phải một người, mà là „một bầy sâu“ tham nhũng. Do thời thế cũng như thể chế, quyền lợi của „bầy sâu“ này không gắn chặt với đất nước VN mà lại gắn chặt với nhà cầm quyền TQ – tức là giặc của người VN.

Chính bởi thế, nhà cầm quyền VN thỏa hiệp với sự xâm lấn của TQ. Dư luận chứng minh rằng hết người này đến người khác, hết lần này đến lần khác, nhà cầm quyền VN đã liên tục ký „văn tự bán nước“ cho TQ.

Một động thái gần đây nhất đã làm chồng chất thêm sự phẫn nộ của người VN. TQ liên tục đe dọa, tấn công, đánh đắm, cấm đoán các phương tiện thủy vận, bồi đắp đảo nhân tạo, đưa chiến hạm đến chiếm cứ lãnh hải, hoàn tất đường lưỡi bò chiếm đoạt hầu hết lãnh hải VN rồi vu cáo và nhục mạ VN. Nhưng thay vì phải đấu tranh với TQ trên mọi phương diện để bảo vệ đất nước  thì ngày 17- 19/6/2015, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh đã mau mắn dẫn một đoàn quan chức sang Bắc Kinh để dự cái gọi là „phiên họp lần thứ 8 ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương VN-TQ“.

Đoàn quan chức này đã làm gì cho đất nước VN?

Ông Phó Thủ tướng đã   ký ngay bản Cam kết „không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, duy trì quan hệ hai nước và hòa bình, ổn định ở biển Đông“, „thỏa thuận những nguyên tắc giải quyết vấn đề trên biển VN – TQ, đàm phán và tìm kiếm giải pháp mà hai bên có thể chấp nhận được, cùng kiểm soát bất đồng trên biển“…(„Việt Trung nhất trí kiểm soát bất đồng trên biển Đông“- theo VnExpress – 18/6/2015)!

Thật ngược đời! Bên có hành động phức tạp, bên mở rộng tranh chấp, bên gây mất hòa bình, ổn định ở biển Đông chính là TQ. VN là nạn nhân. Ký cam kết như trên là chấp nhận không phản đối, là đồng thuận việc TQ xâm lấn VN.

Sự kiện này khiến người ta cực kỳ thất vọng với ông Phạm Bình Minh – con trai của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch trước đây đã phản đối Hội nghị Thành Đô bán nước cho TQ và não nề thốt lên tiếng nói của lương tâm:“thời kỳ Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã khởi sự…“. Hóa ra ông Phạm Bình Minh chẳng nối được chí cha. Ông đã tự tha hóa khi đứng vào bộ máy quyền lực và quyền lợi?!

Đa phần những chuyến thăm TQ dày đặc của quan chức VN chỉ để ký kết các bản cam kết có hại cho VN theo lệnh của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương mà thực chất là VN thực hiện gần như vô điều kiện mọi yêu cầu của TQ.

  • Chiếc và li và con rắn

Người ta ngờ rằng việc ông Nguyễn Phú Trọng dám nhận lời thăm Mỹ sau khi thăm TQ cũng là do đã được lệnh của nhà cầm quyền Bắc Kinh, sau khi họ Tập đã tính toán kỹ kịch bản, đường đi nước bước để và biến họ Nguyễn thành một con bài lợi hại trong cuộc tuyệt giao với Mỹ để dễ bề thôn tính VN.

Ngay trước chuyến đi Mỹ của Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị năm 2014, nhiều người cũng đã khấp khởi hy vọng rằng việc lạ này sẽ mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ Mỹ – Việt, cho thấy khuynh hướng phe bảo thủ trong Đảng đã xích lại gần hơn với quyền lợi của dân VN.

Món quà ngoại giao mà ông Nghị tặng ông John McCain – người đại diện cho chính phủ Mỹ đứng ra mời ông sang thăm đã đi vào lịch sử đen tối của những món quà ngoại giao lố bịch nhất trên thế giới. Đó là ảnh chụp tấm bia dựng bên hồ Trúc Bạch sau khi ông John McCain bị bắt và giơ tay hàng với dòng chữ không thể nổi bật hơn: „Ngày 26/10/1967 tại hồ Trúc Bạch quân và dân Thủ đô Hà Nội bắt sống tên John Sney Ma Can thiếu tá không quân Mỹ…“.(lại càng thêm nổi bật vì ghi sai tên người, ghi sai binh chủng!)

Đó là một trong những món quà khả ố nhất được khách đem tặng để làm nhục chủ nhà mà theo nhận định của giới thạo tin thì đó là thành tựu ngoại giao của sự kết hợp hai Đảng cộng sản nhằm vô hiệu hóa mọi nỗ lực của phe cấp tiến VN muốn xích lại gần  hơn với Mỹ và thế giới văn minh để  thoát khỏi vòng trói của TQ.

Có vô số bình luận thể hiện bất bình về hành động trên. Hãy xem một trong những ý kiến được nhiều người cho là chuẩn xác, dù là của một blogger giấu tên để tránh sự truy bức : 11:22 Ngày 02 tháng 08 năm 2014„Nặc danh“ đã viết: „Được mời vào nhà làm khách lại có hành vi tiểu nhân, giấu dao đâm sau lưng, rồi cho đây là thắng lợi ư?

Dầu cho ĐCSVN có thần phục TQ, cũng không nên có hành động tiểu nhân như thế này, đây quả là một việc làm đầy nhục nhã, ngu muội.

Mỹ dại vì dây với ĐCSVN hay ĐCSVN trơ trẽn phơi bày bộ mặt chống Mỹ tới cùng và sẵn sàng ôm chân Tàu cộng.

Phải chăng đây là bằng chứng để ĐCSVN kể công với Tập Cận Bình.

Nói cho cùng, trước hành động này, là người Việt, mình cảm thấy rất nhục nhã“.

Để biết khuynh hướng và hiệu quả chuyến thăm Mỹ sắp tới của Nguyễn Phú Trọng, hãy xem hành trang của ông ta còn gì cho Mỹ và cho dân VN.

Dường như đó là một chiếc va li rỗng, trong đó cuộn tròn một con rắn Trung hoa?

Dường như vì quyền lợi của mình ở biển Đông, Mỹ vẫn muốn tạm thời hy sinh những đòi hỏi về nhân quyền, về thể chế chính trị với VN để trao cho VN một lệnh bỏ cấm vận vũ khí và đặc cách vào TPP – mạnh tương tự „nỏ thần“ cho VN tự vệ trước TQ?

Tốt thôi. Nước Mỹ thường khôn ngoan và chỉ đôi khi  khờ khạo. Nhưng những ông Mỹ mắt xanh quen suy bụng ta ra bụng người theo lối suy nghĩ logic của loài người, nhiều khi lại thua „trắng bụng“ trước thói quen tráo trở của cộng sản VN và TQ vốn coi danh dự chỉ là thứ để giẫm dưới gót giày.

Vậy, kinh nghiệm cho hay rằng, trước khi muốn trao vũ khí cho VN, nước Mỹ cần đọc „truyện Nỏ thần“. Cần đề phòng trường hợp „nỏ thần“ Mỹ từ tay VN sẽ quay lại bắn thẳng vào Mỹ và người bật lẫy nỏ TQ. Nếu thế thì VN và thế giới, không loại trừ Mỹ, sẽ thêm một lần „chết dưới tay TQ“.

VTH

Làn sóng mới người tỵ nạn chính trị từ VN ( phần 3)

Làn sóng mới người tỵ nạn chính trị từ VN ( phần 3)

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-06-23

  • RFA
  • 06232015-vn-new-wve-refuge-part3.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Công an, côn đồ đàn áp giáo dân, tu sĩ giáo xứ Thái Hà và giáo dân của giáo phận Hà Nội biểu tình tại thành phố Hà Nội hôm 18/11/2011, để đòi hỏi nhà nước giải quyết quyền lợi chính đáng.

Công an, côn đồ đàn áp giáo dân, tu sĩ giáo xứ Thái Hà và giáo dân của giáo phận Hà Nội biểu tình tại thành phố Hà Nội hôm 18/11/2011, để đòi hỏi nhà nước giải quyết quyền lợi chính đáng.

File photo

Từ khi VN tiến hành cải cách về kinh tế vào năm 1986, cho dù nền kinh tế đã phần nào phát triển. Tuy vậy trước việc chính quyền VN tiếp tục, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ và tôn giáo, thì đến nay vẫn có một làn sóng ngầm không ít những người đấu tranh tìm đường trốn khỏi VN để xin tỵ nạn vì lý do chính trị và tôn giáo.

Trong phần một và hai thông tín viên Anh Vũ tại Bangkok và Tường An từ Paris đã đến với các bạn câu chuyện nơi dừng chân Thái Lan và những người tị nạn tại châu Âu và Úc. Trong phần cuối này là câu chuyện tại Bắc Mỹ của Kính Hòa từ Washington.

Triệt đường sống

Năm 2008 xảy ra vụ án Thái Hà, trong đó có việc tranh chấp tài sản đất đai giữa giáo hội công giáo và chính quyền Việt nam. Luật sư Lê Trần Luật là người đại diện cho Giáo hội công giáo. Sau phiên tòa, cơ quan an ninh đã gặp ông Luật và khuyên ông không nên theo đuổi những vụ án chính trị. Sau đó ông Luật bị cho là đã lợi dụng phiên tòa để tuyên truyền chống phá nhà nước.

Người ta đã tước bằng luật sư của ông Luật, và ông thường xuyên bị cơ quan công an mời làm việc. Theo ông nhớ lại thì trong khoảng thời gian 7 năm ông phải gặp cơ quan an ninh đến hơn 300 lần. Khi bị buộc phải chấm dứt hành nghề luật sư và cũng không tìm được việc làm nào khác, ông Luật lâm vào tình trạng rất khốn khó.

Khi biết được tình trạng này, cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ đề nghị rằng ông có thể xin đi tị nạn chính trị. Đứng trước tương lai không sáng sửa của gia đình và bản thân ông Luật chấp nhận xin đi cứ trú chính trị tại Mỹ.

Năm 2007 blogger Uyên Vũ và những người đồng chí hướng sáng lập câu lạc bộ nhà báo tự do với mong muốn cổ võ cho tự do ngôn luận. Lặp tức ông và những người khác rơi vào tầm ngắm của cơ quan an ninh. Cuộc sống của hai vợ chồng blogger Uyên Vũ cũng bắt đầu rơi vào tình trạng như luật sư Lê Trần Luật. Ông Vũ kể lại:

Chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, tôi bị áp lực đến nỗi phải bỏ việc, ông giám đốc bị hăm dọa và không dám cho tôi tiếp tục làm việc nữa. Tôi cố gắng tìm một công việc nhưng không tìm được một công việc nào khác. Gia đình của chúng tôi là cha mẹ, anh chị thì cũng nhận những lời đe dọa của công an.”

Ông Uyên Vũ không còn con đường nào khác là quyết định xin đi tị nạn chính trị. Sau nhiều khó khăn ngăn trở từ phía nhà nước Việt nam ông đến Hoa Kỳ vào năm 2014 và hiện sống tại San Diego, California.

” Chúng tôi gặp vô vàn khó khăn, tôi bị áp lực đến nỗi phải bỏ việc, ông giám đốc bị hăm dọa và không dám cho tôi tiếp tục làm việc nữa. Tôi cố gắng tìm một công việc nhưng không tìm được một công việc nào khác. Gia đình của chúng tôi là cha mẹ, anh chị thì cũng nhận những lời đe dọa của công an

blogger Uyên Vũ”

Chuyện ra đi của ông Luật cũng không được dễ dàng. Cơ quan an ninh tìm nhiều biện pháp để xóa bỏ một hình ảnh tù chính trị và họ thường xuyên tuyên bố rằng ở Việt nam không có đàn áp chính trị. Ông Luật kể lại:

Họ nói là nếu mà tôi muốn đi Mỹ thì họ sẽ tạo điều kiện cho tôi đi, bằng cách là họ cấp hộ chiếu và để tôi lên sân bay thoãi mái, với điều kiện là tôi muốn đi Mỹ chứ không phải tôi bị đàn áp về mặt chính trị.”

Luật sư Lê Trần Luật (trái) và blogger Uyên Vũ

Luật sư Lê Trần Luật (trái) và blogger Uyên Vũ

Ông Luật từ chối điều này. Cuối cùng thì cơ quan an ninh Việt nam cũng cấp hộ chiếu và để gia đình ông lên đường sang Mỹ với lời nhắn gửi là đừng hoạt động gì ảnh hưởng tới hình ảnh của nhà nước Việt nam nếu muốn trở lại Việt nam sau này.

Để đối phó với những người mang quan điểm chính trị khác biệt, nhà cầm quyền Việt nam đã huy động một bộ máy an ninh khổng lồ. Ông Luật kể lại câu chuyện cơ quan an ninh điều tra nhân thân ông:

“Có những chuyện lâu rồi trong cuộc đời mình cách 10 hay 15 năm gì đó, mình đã quên, mà họ nhắc lại, chứng tỏ họ tìm hiểu về mình rất kỹ, họ có thể về cả quê nội quê ngoại của mình, để tìm hiểu cái động cơ mục đích, cũng như lý lịch của mình. Họ có thể bỏ ra hàng giờ hàng ngày để tiếp cận với bạn bè cũ, hồi học tiểu học, trung học của mình để tìm hiểu về cá tính, sở thích của mình.”

Ông Luật hiện sống tại thành phố Portland, tiểu bang Oregon.

Vượt biên

Có những người tị nạn chính trị khác không thể lên máy bay từ Việt nam, họ phải chọn con đường vượt biên trái phép sang Campuchia, rồi Thái Lan, rồi từ đây họ được chấp nhận qui chế tị nạn để sang Bắc Mỹ.

” Có những chuyện lâu rồi trong cuộc đời mình cách 10 hay 15 năm gì đó, mình đã quên, mà họ nhắc lại, chứng tỏ họ tìm hiểu về mình rất kỹ, họ có thể về cả quê nội quê ngoại của mình, để tìm hiểu cái động cơ mục đích, cũng như lý lịch của mình

Luật sư Lê Trần Luật”

Anh Đặng Chí Hùng hiện sống tại Toronto, Canada là một trong số những người như vậy. Anh Hùng sinh ra trong một gia đình cả cha mẹ đều là đảng viên cộng sản. Tuy vậy anh có một nguyên nhân khá lý thú đã thúc đẩy anh trở thành một nhân vật bất đồng chính kiến với chế độ cộng sản. Điều này nằm ngay trong những thông tin tuyên truyền về sự vĩ đại của ông Hồ Chí Minh, và sự phủ nhận nền âm nhạc của miền Nam Việt nam trước năm 1975. Anh Hùng đặt ra câu hỏi là tại sao một nhân vật như vậy lại được hết lời ca ngợi, và một nền âm nhạc như vậy lại bị chế độ hắt hủi.

Nhưng sự kiện quan trọng làm cho anh Hùng có một quyết định chính trị chống lại chủ nghĩa cộng sản là những cuộc biểu tình chống Trung quốc xâm lược bị đàn áp. Anh kể lại:

Anh Đặng Chí Hùng ngày đến Canada

Anh Đặng Chí Hùng ngày đến Canada

Khi Mỹ chuẩn bị đánh Iraq thì cộng sản Việt nam bắt bọn tôi phải xuống đường đi biểu tình chống Mỹ, nếu không đi biểu tình chống Mỹ thì sẽ trừ hạnh kiểm. Thật là kỳ lạ là tại sao Iraq thì lại biểu tình, còn người dân Việt nam mình bị Tàu giết thì không được đi biểu tình.”

Một người tù chính trị trẻ tuổi khác là anh Trương Quốc Huy. Anh Huy bị bắt giam sáu năm vì những bài viết bày tỏ chính kiến chính trị, cũng như tố cáo sự nhũng lạm của các quan chức địa phương. Anh kể lại hoàn cảnh của mình sau khi ra tù vào năm 2011:

Tôi ra khỏi tù thì họ không cấp giấy chứng minh nhân dân cho tôi, luôn kềm kẹp phía trước nhà tôi. Tôi không đi làm được vì không có giấy tờ, họ kéo dài cái tình trạng đó rất lâu. Mà khi ra tù thì tôi cũng cần phải sinh sống.”

Anh Trương Quốc Huy, cũng như anh Đặng Chí Hùng đã chọn con đường đào thoát sang Thái Lan. Ở đây họ bị chính quyền Thái bắt giam theo yêu cầu từ phía Việt nam. Ngoài ra Hà nội cũng yêu cầu Thái Lan trục xuất họ về Việt nam. Tuy nhiên với sự giúp đỡ của các tổ chức nhân quyền cũng như là Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc, chính quyền Thái lan đã phải cân nhắc và cuối cùng trả tự do cho họ để lên đường đi tị nạn chính trị.

Cuộc sống và quê hương

Cuộc sống của những người tị nạn chính trị mới tại Bắc Mỹ được nhìn nhận với những góc độ vui buồn khác nhau. Anh Trương Quốc Huy, ông Uyên Vũ thấy rằng mình hòa hợp với cuộc sống mới khá dễ dàng. Một người tị nạn chính trị trẻ tuổi là anh Nguyễn Xuân Thủy, đến Mỹ tháng 6/2015 cũng bằng con đường vượt biên sang Thái Lan kể với chúng tôi ấn tượng của anh về cuộc sống mới từ Houston:

Nó làm cho mình có cảm giác rằng tự do và khoáng đạt. Con người mình không bị để ý bị xoi mói nhiều, không bị đàn áp, tất nhiên là không bị công an đến nhà (cười.) Cảm thấy rất thoãi mái ở bên này.”

” Cái điều bất hạnh nhất là khi chúng ta không còn được sống trên quê hương chúng ta, nơi chôn nhao cắt rốn của mình. Quê hương nó luôn nằm trong lòng của mình, thành ra khi ình sống bên này thì điều kiện có thể tốt hơn khá hơn, nhưng nó không bao giờ bằng đất nước của mình quê hương của mình hết

Anh Trương Quốc Huy”

Luật sư Lê Trần Luật hiện đang làm việc tại một nhà máy ở Portland nói rằng:

Anh cứ tưởng tượng khi một người tị nạn đến Hoa kỳ hay bất cứ một đất nước nào, thì họ giống như người mới sinh ra, tức là công việc làm thì không có, xe cộ thì không biết đi, đường sá cũng không biết, ngôn ngữ không nói được, cũng không nghe được.”

Tuy nhiên cái nhìn của họ về quê hương đã bỏ lại sau lưng khá giống nhau. Ông Uyên Vũ nói rằng không biết bao giờ ông mới trở về Việt nam trong căn cước của một người tị nạn chính trị, nhưng khoảng thời gian hơn nửa thế kỷ ở Việt nam làm ông cứ mang hình ảnh Việt nam trong tâm khảm ngay trong cuộc sống hiện nay tại miền Nam California.

Anh Trương Quốc Huy rất xúc động khi được hỏi về Việt nam:

Cái điều bất hạnh nhất là khi chúng ta không còn được sống trên quê hương chúng ta, nơi chôn nhao cắt rốn của mình. Quê hương nó luôn nằm trong lòng của mình, thành ra khi ình sống bên này thì điều kiện có thể tốt hơn khá hơn, nhưng nó không bao giờ bằng đất nước của mình quê hương của mình hết.”

Họ đều mong muốn sẽ quay về.

Anh Nguyễn Xuân Thủy, hiện đang chuẩn bị học đại học tại Texas nói:

Mình không thể quay mặt đi được, mình không thể làm ngơ được, cái đó là cái nghĩa vụ, cái trách nhiệm tôi nghĩ là của tôi. Tôi chắc chắn là sẽ quay về, được như thế nào thì tùy ở sức lực của mình.”

Anh Đặng Chí Hùng thì nói là anh không phải là một nhà hoạt động chính trị, anh sẽ tìm kiếm một nghề để kiếm sống, nhưng hoạt động nhằm thay đổi Việt nam là một hoạt động đương nhiên mà mọi người như anh phải làm.

Còn cựu luật sư Lê Trần Luật nói khi kết thúc cuộc trao đổi với chúng tôi rằng ông mong về Việt nam càng sớm càng tốt. Ông mong rằng Việt nam phải đổi thay để có thể đón tất cả những người tị nạn chính trị trở về với đất mẹ.

Làn sóng mới người tỵ nạn chính trị từ VN (1)

Làn sóng mới người tỵ nạn chính trị từ VN (1)

Anh Vũ, thông tín viên RFA
2015-06-18

06182015-the-vn-new-wav-of-refug.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Sau tám năm chờ đợi, chiều thứ Ba 25/11 vừa qua thêm 39 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan đã đặt chân xuống phi trường quốc tế Vancouver của Canada. Đây là đợt thứ nhì. Đợt đầu tiên với 28 người đã tới Vancouver hôm 13 tháng 11, 2014.

Sau tám năm chờ đợi, chiều thứ Ba 25/11 vừa qua thêm 39 người Việt cư trú bất hợp pháp tại Thái Lan đã đặt chân xuống phi trường quốc tế Vancouver của Canada. Đây là đợt thứ nhì. Đợt đầu tiên với 28 người đã tới Vancouver hôm 13 tháng 11, 2014.

Từ khi VN tiến hành cải cách về kinh tế vào năm 1986, cho dù nền kinh tế đã phần nào phát triển. Tuy vậy trước việc chính quyền VN tiếp tục, bóp nghẹt các quyền tự do dân chủ và tôn giáo, thì đến nay vẫn có một làn sóng ngầm không ít những người đấu tranh tìm đường trốn khỏi VN để xin tỵ nạn vì lý do chính trị và tôn giáo.

Cuộc sống hiện nay của họ ra sao và những người này còn sẽ tiếp tục đấu tranh hay không?

Trong bài thứ nhất, Anh Vũ sẽ giới thiệu về chặng dừng chân đầu tiên của những người tỵ nạn này ở Thái lan và Campuchia.

…Buộc phải rời bỏ quê hương

Sau khi chiến tranh VN kết thúc, do sự sai lầm trong các chính sách chính trị và kinh tế của nhà cầm quyền cộng sản, đã dẫn đến một làn sóng người VN lên đến gần một triệu người bỏ nước ra đi để tìm kiếm cơ hội tỵ nạn ở nước ngoài.

Từ năm 1986, đảng CSVN phải thực hiện một cuộc cải cách kinh tế để thoát ra khỏi bờ vực phá sản. Đời sống kinh tế trong nước có khá hơn, cũng như sau đó các trại tỵ nạn của người Việt ở nhiều nơi trên thế giới bị đóng cửa, các nước không còn muốn nhận thuyền nhân nữa; khi đó cuộc khủng hoảng người tị nạn Việt nam tưởng như đã chấm dứt.

Tuy vậy ít người biết rằng từ đó đến nay, vẫn còn một làn sóng người Việt nam tị nạn chính trị mới. Nhiều người trong số họ buộc phải bỏ nước ra đi, mà các nước trong khu vực Đông Nam Á là chặng dừng chân đầu tiên của họ.

Theo số liệu thống kê, hiện tại ở Thái lan đang có khoảng 950 người tỵ nạn, tương tự ở Campuchia cũng có đến gần 200 người.

Nói về lý do khiến bản thân phải chạy sang Campuchia để tỵ nạn, ông Hồ Văn Chỉnh cho chúng tôi biết:

” Trước đây tôi ở tỉnh Vĩnh long, tôi đã bị chính quyền VN bắt cóc từ Campuchia đưa về VN bỏ tù. Sau khi tôi vượt ngục và trốn sang đây thì tôi bị kết án vắng mặt 17 năm, vì liên quan đến việc đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ và đòi đa nguyên, đa đảng

ông Hồ Văn Chỉnh”

“Trước đây tôi ở tỉnh Vĩnh long, tôi đã bị chính quyền VN bắt cóc từ Campuchia đưa về VN bỏ tù. Sau khi tôi vượt ngục và trốn sang đây thì tôi bị kết án vắng mặt 17 năm, vì liên quan đến việc đấu tranh đòi quyền tự do dân chủ và đòi đa nguyên, đa đảng.”

Anh Hoàng Đức Ái một nhà tranh đấu ở Nghệ An bị truy đuổi nên buộc phải bỏ nước ra đi đến Thái lan, anh nói:

“Lý do tôi phải đến Thái lan tỵ nạn là do tôi là 1 trong 8 người ở Nghệ An đã rải truyền đơn tẩy chay cuộc bầu cử Quốc hội.”

Thân phận tỵ nạn này còn dành cho những người sắc tộc H’mông, vì bị chính quyền đàn áp buộc họ phải từ bỏ tôn giáo mà họ tin theo. Một thầy truyền đạo người H’mông đang tỵ nạn ở Thái lan, yêu cầu được dấu danh tính cho chúng tôi biết. Ông nói:

Một gia đình dân tộc theo đạo Tin Lành, từ vùng Tây Nguyên chạy sang Thái Lan xin tị nạn năm 2010. Sau đó gia đình của anh Siu A Nem và 7 người con khi đến Canada tháng 7 năm 2014 (RFA)

Một gia đình dân tộc theo đạo Tin Lành, từ vùng Tây Nguyên chạy sang Thái Lan xin tị nạn năm 2010. Sau đó gia đình của anh Siu A Nem và 7 người con khi đến Canada tháng 7 năm 2014 (RFA)

“Quê quán của tôi ở VN là ở Lào cai, vì lý do ở VN tôi là một lãnh đạo tôn giáo, đã đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo cũng như tranh đấu chống việc chính quyền cướp đất của cộng đồng người H’mông chúng tôi.”

Khó khăn nơi “đất khách quê người”

Những khó khăn của những người bỏ nước ra đi tìm đường tỵ nạn ở nước ngoài khó mà kể hết, vì đối với họ tất cả đều mới lạ. Nói về những khó khăn hiện nay, anh Hoàng Đức Ái ghi nhận:

“Khó khăn thứ nhất là về công việc, mình không có việc làm. Thứ 2 là chính quyền Thái lan họ không cho mình nhập cư, nên nếu mình ra ngoài làm việc thì sợ họ bắt, vì nếu bị họ bắt thì chắc chắn sẽ nguy hiểm. Thứ 3 là vấn đề ngôn ngữ, vì không có ngôn ngữ thì rất khó khăn cho mình.”

Thầy truyền đạo người H’mông tiếp lời:

” Quê quán của tôi ở VN là ở Lào cai, vì lý do ở VN tôi là một lãnh đạo tôn giáo, đã đấu tranh cho quyền tự do tôn giáo cũng như tranh đấu chống việc chính quyền cướp đất của cộng đồng người H’mông chúng tôi

Một thầy truyền đạo người H’mông”

“Ở Thái lan này thì cuộc sống nói chung cũng có nhiều cái khó khăn lắm, một là mình phải cố gắng đi kiếm việc làm, song vì mình là người sống bất hợp pháp nên người thuê mình làm họ ép giá rất là thấp. Cũng vì Thái lan họ không ký cái Công ước Quốc tế năm 1951 để bảo vệ người tỵ nạn, vì thế chúng tôi sang lánh nạn ở đây thì sự nguy hiểm luôn thường trực 24/24.”

Những khó khăn thì chồng chất như vậy, song việc có được Cao ủy tỵ nạn LHQ (UNHCR) cứu xét để cấp quy chế tỵ nạn cho những người tỵ nạn hay không thì là cả một vấn đề lớn và cũng hết sức khó khăn. Anh Hoàng Đức Ái khẳng định:

“Hiện tại, tình hình những người tỵ nạn ở Trung Đông hay những người tỵ nạn ở VN cũng rất là nhiều, mà Cao ủy (tỵ nạn) ở đây thì làm việc hết sức chậm trễ. Cho nên các hồ sơ tỵ nạn sau này càng lâu hơn vì số người tỵ nạn ngày càng đông. Như lịch phỏng vấn của tôi cũng đã dời lại 2-3 lần, bây giờ cũng đã hết 1 năm rồi.”

Kể cả những trường hợp đã được chấp nhận cho hưởng quy chế tỵ nạn ở Campuchia, song quyết định đó cũng không có hiệu lực. Từ đó dẫn đến tình cảnh những người này vẫn phải sống một cuộc đời vô tổ quốc từ nhiều năm nay. Từ Campuchia, ông Hồ Văn Chỉnh nói với chúng tôi:

“Sau khi UN rút quân thì họ giao tôi lại cho phía Capuchia và họ cấp cho tôi một cái giấy do Phó Thủ tướng ký, nhưng cái giấy này không có hiệu lực gì hết. Bây giờ thì họ khong công nhận, mà họ chỉ công nhận giấy nhập tịch thôi. Do đó hiện tại cuộc sống của chúng tôi cũng hết sức khó khăn và ở Campuchia bây giờ chúng tôi không có tương lai gì hết.”

Tuy nhiên, ở miền đất mới đa số những người tỵ nạn vẫn không từ bỏ công việc đấu tranh của mình, họ vẫn tiếp tục tham gia công việc đấu tranh trong điều kiện có thể. Anh Hoàng Đức Ái bày tỏ:

“Đối với những người tỵ nạn như tôi hay một số người bạn ở đây, hàng ngày vẫn theo dõi tình hình ở VN để tiếp tục đồng hành đấu tranh với những người đấu tranh trong nước. Đặc biệt là đối với các bạn trẻ, bằng những bài viết trên các trang blog.”

” Hiện tại, tình hình những người tỵ nạn ở Trung Đông hay những người tỵ nạn ở VN cũng rất là nhiều, mà Cao ủy (tỵ nạn) ở đây thì làm việc hết sức chậm trễ. Cho nên các hồ sơ tỵ nạn sau này càng lâu hơn vì số người tỵ nạn ngày càng đông

Anh Hoàng Đức Ái”

Thầy truyền đạo người H’mông cho chúng tôi biết hiện tại số người H’mông tỵ nạn về vấn đề tôn giáo ở Thái lan có khoảng 350 người và ông vẫn tiếp tục đấu tranh để bảo vệ quyền lợi cho bà con sắc tộc H’mông ở trong nước. Ông nói:

“Tôi vẫn tiếp tục hoạt động về niềm tin tôn giáo ở đây. Trước tình hình cộng sản VN đã ngăn cấm không cho đồng bào hoạt động tôn giáo tự do theo ý muốn của người dân thì tôi cũng tìm hiểu các thông tin về vấn đề này để viết các báo cáo để cho các tổ chức Nhân quyền biết, để lên tiếng bảo vệ đồng bào H’mông của chúng tôi.”

Về nguyện vọng chung của những người tỵ nạn hầu như cũng giống nhau, tất cả đều mong nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng người Việt nam ở khắp nơi trên thế giới và mong muốn nhanh chóng được đi định cư ở nước thứ 3. Ông Hồ Văn Chỉnh cho biết:

“Bây giờ cộng đồng thế giới hãy lên tiếng để giúp chúng tôi được đi định cư ở nước thứ 3, vì chỉ có thế chúng tôi mới có tương lai cho con cái sau này. Cho đến giờ tôi đã tỵ nạn ở đây 15 năm rồi, mà họ không cho chúng tôi nhập tịch gì hết. Chẳng biết tương lai của chúng tôi sẽ ra sao nữa.”

Được biết không phải chỉ có ở các nước Đông Nam Á, nhất là Thái lan mới có những người VN tỵ nạn về các lý do chính trị và tôn giáo. Tại một số quốc gia thuộc các châu lục khác hiện nay cũng có người tỵ nạn Việt Nam.

Trong bài sau, mời quý vị đón nghe phần tường trình của thông tín viên Tường An từ Paris, về cuộc sống của những người tỵ nạn đến từ VN ở Âu châu và Úc châu.

Cách Mạng Mùa Thu: Oán thù chồng chất!

Cách Mạng Mùa Thu: Oán thù chồng chất!

Ghi nhận của Đoàn Thanh Liêm

Năm 2015 này đánh dấu 70 năm kể từ Việt nam dành lại được nền tự chủ độc lập thóat khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp sau biến cố đảo chính vào ngày 9 Tháng Ba, 1945 (1945 – 2015). Nhưng đến ngày 19 Tháng Tám năm đó, thì người Việt Minh Cộng Sản lại tổ chức một “cuộc cướp chính quyền” và tuyên bố ngày đó là khởi sự cho “Cách Mạng Mùa Thu” ở nước ta – theo khuôn khổ “Cách Mạng Tháng Mười” của Liên Xô bắt đầu vào năm 1917.

Sau 70 năm, thời gian đã đủ nguôi ngoai lắng đọng để cho người Việt chúng ta có thể bình tâm luận định về biến cố lịch sử đày dãy những tang thương thống khổ – với biết bao nhiêu máu và nước mắt của hàng triệu người lương dân vô tội đã đổ ra tại khắp nơi trên quê hương đất nước mình.

Nói chung, thì cũng chỉ vì cái chủ trương cuồng tín quá khích gọi là “bạo lực cách mạng”, “chuyên chính vô sản” mà người cộng sản du nhập từ Liên Xô và Trung Cộng vào đất nước ta ngay từ năm 1945, nên mới xảy ra bao nhiêu cuộc thảm sát hàng lọat những người quốc gia yêu nước mà người cộng sản gán cho đủ các thứ nhãn hiệu xấu xa như : “ quân ngụy”, “việt gian”, “phản quốc”, “phản động”, “lưu manh”,“tay sai ngọai bang” v.v… Để rồi họ ra tay truy lùng, trừ diệt khủng bố cực kỳ dã man tàn bạo, không mảy may xót xa thương tiếc đối với người anh em cùng một nòi giống da vàng máu đỏ như chính mình.

Bài viết này nhằm ghi lại những cuộc thảm sát rùng rợn đó và tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của những hành vi cực kỳ tàn ác man rợ do người cộng sản cố tình gây ra ngay kể từ lúc họ mới nắm được chính quyền trong tay kể từ năm 1945 cho đến ngày nay. Xin trình bày một số vụ thảm sát điển hình theo thứ tự thời gian xảy ra lần lượt tại khắp các miền Trung, Nam, Bắc.

I-Những cuộc khủng bố tàn sát man rợ do người cộng sản gây ra tại khắp các nơi trong nước.

1-Vụ thảm sát tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi Tháng Tám và Tháng Chín, 1945.

Ngay sau khi Việt Minh Cộng Sản chiếm được chính quyền trong tay vào Tháng Tám, 1945, thì tại nhiều làng xã thuộc các huyện Bình Sơn, Đức Phổ, Mộ Đức, Nghĩa Hành trong tỉnh Quảng Ngãi đã đồng lọat xảy ra các cuộc tàn sát tập thể (mass killing) tổng cộng lên đến gần 3,000 tín đồ Cao Đài. Có vùng người dân “bị giết hết cả già trẻ lớn bé mà mồ chôn tập thể cùng khắp các miền quê…” Sự việc này đã được Giáo Hữu Ngọc Sách Thanh tại Hoa Kỳ trình bày chi tiết trước Ủy Hội Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc gần đây vào Tháng Tư, 1999.

Hội Thánh Truyền Giáo Cao Đài có bảng liệt kê danh tánh các nạn nhân lên đến con số 2,791 người. Và trong tài liệu nghiên cứu có nhan đề là “Colonial Caodaists” do sử gia Janet Hoskins biên sọan, thì cũng ghi nhận con số 2,791 nạn nhân này. Danh sách này cũng được ghi nơi Đài Tưởng Niệm thiết lập từ năm 1956 tại Quảng Ngãi – mà sau năm 1975 chính quyền cộng sản đã cho triệt hạ phá bỏ hết tất cả mọi dấu tích đi.

Người đồ tể khét tiếng trong vụ thảm sát này có tên là Đặng Bửu sau này giữ chức vụ hiệu trưởng Trường Chính Trị Nguyễn Ái Quốc ở Hà nội.

So với cuộc thảm sát tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968, thì cuộc tàn sát này tại Quảng Ngãi năm 1945 cũng thật là khủng khiếp ghê rợn không kém – nhưng mà nó lại ít được công chúng ở miền Nam trước năm 1975 biết đến. Nhưng có dấu hiệu lạc quan là gần đây giới học giả quốc tế cũng đã có điều kiện tìm hiểu nhiều về vụ thảm sát năm 1945 này.

Nhân tiện, cũng xin ghi thêm là nhà ái quốc Tạ Thu Thâu cũng đã bị Cộng Sản giết hại tại Quảng Ngãi hồi mùa thu năm 1945, vào lúc ông trên đường trở lại miền Nam sau cuộc viếng thăm miền Bắc vài tháng trước đó.

2-Những vụ khủng bố tiêu diệt người quốc gia yêu nước tại miền Nam trong thời gian từ 1945 đến 1947.

Tại miền Nam vào năm 1945, thì tuy không có vụ tàn sáp tập thể có quy mô lớn như tại Quảng Ngãi, nhưng lại có vô số những cuộc ám sát khủng bố giết hại những người quốc gia yêu nước do cán bộ cộng sản theo khunh hướng Đệ Tam Quốc Tế gây ra. Và tổng số các nạn nhân bị giết hại trong các năm 1945, 1946 và 1947 có thể lên đến hàng nhiều ngàn người.

Cụ thể là những nhân vật trí thức có tên tuổi thuộc khuynh hướng Đệ Tứ Quốc Tế (thường được gọi là Trotskystes) thì đều bị giết hại như: Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Phan Văn Hùm v.v… Còn phải kể đến những vị lãnh đạo chính trị nổi tiếng cũng đều bị Cộng Sản chém giết, điển hình như nhân sĩ Bùi Quang Chiêu, vợ chồng bác sĩ Hồ Vĩnh Ký và Nguyễn Thị Sương, luật sư Dương Văn Giáo. v.v…

Tệ hại nhất là vụ sát hại Giáo Chủ Hùynh Phú Sổ người sáng lập Phật Giáo Hòa Hảo ở miền đồng băng sông Mekong – do người Cộng Sản thực hiện vào Tháng Tư, 1947. Sự việc động trời này đã gây ra mối hận thù dai dẳng kinh khiếp cho hàng triệu tín đồ Hòa Hảo tại khắp miền Nam.

Đối với các tín đồ Cao Đài tại miền Đông Nam Bộ cũng vậy, cán bộ Cộng Sản cũng ra tay tàn sát đến cả hàng ngàn nạn nhân nữa.

Chỉ riêng có một ngày 13 Tháng Mười, 1947, thì đã có đến con số 300 nạn nhân bị Việt Minh Cộng Sản ra tay sát hại tại khu vực Hóc Môn, Thủ Đức chỉ cách thành phố Sài Gòn có chừng vài chục cây số mà thôi.

Người chủ chốt phát động các cuộc tàn sát này chính là Tướng Nguyễn Bình (tên thật là Nguyễn Phương Thảo) do Trung Ương ở Hà Nội phái vào miền Nam để phụ trách điều hành guồng máy chính trị và quân sự tại đây.

3-Những vụ sát hại các thành viên ưu tú của các đảng Đại Việt, Duy Dân và Quốc Dân Đảng ở miền Bắc.

Tại miền Bắc, thì các đảng phái quốc gia như Đại Việt, Duy Dân, Quốc Dân Đảng đều lần lượt bị người Cộng Sản dùng mọi thủ đọan tàn bạo thâm độc mà tiêu diệt cho bằng hết. Điển hình là các lãnh tụ nổi danh như Trương Tử Anh của Đại Việt, Lý Đông A của Duy Dân và vô số những đảng viên ưu tú khác của Quốc Dân Đảng cũng đều bị ám hại bằng cách thủ tiêu hay giam giữ ngặt nghèo trong các trại tù đến nỗi phải bỏ xác nơi xa xôi hẻo lánh – mà thân nhân không hề được thông báo để lo việc ma chay chôn cất và cúng giỗ. Có thể nói tổng số nạn nhân bị sát hại như vậy ở miền Bắc trong thời gian từ năm 1945 đến 1954 phải lên đến con số nhiều ngàn người.

Xin ghi lại vài trường hợp bị bắt giam rồi bị sát hại rất thương tâm của mấy nhân vật rất nổi tiếng như sau:

A-Nhà văn Khái Hưng.

Khái Hưng là một nhà văn nổi tiếng từ thập niên 1930 trong Nhóm Tự Lực Văn Đòan do nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam khởi xướng. Vào năm 1940, Khái Hưng và họa sĩ Nguyễn Gia Trí bị thực dân Pháp bắt đi an trí tại vùng quê xa Hà nội. Năm 1947, ông đang ở nhà nhạc phụ trong huyện Trực Ninh, Nam Định, thì bị công an Việt Minh đến bắt đi và sát hại rồi vất xác xuống dòng sông Ninh Cơ chỗ gần bến đò Cựa Gà.

B-Bộ trưởng Chu Bá Phượng.

Ông Chu Bá Phượng sinh năm 1908 tại Bắc Giang là một kỹ sư đã từng tham gia vào công trình thiết lập đường xe lửa Đông Dương vào hồi thập niên 1930. Ông còn là một người trong thành phần lãnh đạo nòng cốt của Quốc Dân Đảng. Năm 1946, ông Chu Bá Phượng giữ chức bộ trưởng Kinh Tế trong Chính Phủ Liên Hiệp trong đó có ông Hồ Chí Minh làm chủ tịch, ông Nguyễn Hải Thần làm phó chủ tịch, ông Nguyễn Tường Tam làm bộ trưởng Ngọai Giao. Cuối năm 1946, vì các nhân vật quốc gia như Bảo Đại, Nguyễn Hải Thần, Vũ Hồng Khanh, Nguyễn Tường Tam đều đào thóat ra nước ngòai, nên chỉ còn có một mình ông Chu Bá Phượng bị kẹt lại và phải đi theo văn phòng chính phủ di tản lên chiến khu ở Việt Bắc.

Không bao lâu sau, ông Phượng bị đem đi quản chế ngặt nghèo tại vùng Hà Giang, Sơn La. Và từ cuối năm 1960, thì gia đình ông ở Hà Nội không hề nhận được bất kỳ tin tức nào của ông nữa. Mấy chục năm sau vào đầu thập niên 1990, con cháu mới nhờ người sử dụng ngọai cảm mà tìm được hài cốt của ông tại nơi rừng núi hoang vắng vùng Việt Bắc giáp giới với Trung Quốc và cải táng đem về quê nhà ở miền xuôi.

Giám đốc công an ở miền Bắc thời đó chính là ông Lê Giản, ông này phải chịu trách nhiệm nghiêm trọng về các cuộc đàn áp và giết chóc này.

II-Tìm hiểu nguyên do tại sao người cộng sản lại gây ra những vụ tàn sát với quy mô rộng lớn khủng khiếp như thế?

Trước khi đi sâu vào vấn đề, ta cần phải tĩnh trí để nhận định tình hình xã hội chính trị thực tế ở nước ta vào thời kỳ trước năm 1945 đại khái như thế này:

1-Không hề có sự ân óan thù hận nào giữa người cộng sản với người không Cộng Sản cả. Bởi lẽ vào lúc đó, tất cả hai nhóm đều là những người yêu nước và cùng hành động giống nhau là chống thực dân Pháp. Như vậy là tất cả đều ở cùng chung một phe để đối nghịch chống lại cái ách đô hộ của người Pháp để cùng dành lại nền độc lập tự chủ cho người Việt Nam. Và cả hai nhóm đều bị chính quyền Pháp đàn áp, bị bắt giam chung với nhau trong cùng một nhà tù nữa. Vì cùng có tinh thần yêu nước như nhau, lại cùng là nạn nhân khốn khổ vì sự tàn ác của đế quốc thực dân, cho nên giữa người cộng sản và không cộng sản lúc đó lại có sự thương yêu đùm bọc liên đới gắn bó chặt chẽ với nhau nữa.

Điều này khác hẳn với hai phe Quốc Gia và Cộng Sản ở bên Trung Quốc, vì hai phe đánh phá giành giật, giết chóc lẫn nhau suốt trong mấy chục năm kể từ cuối thập niên 1920 cho đến năm 1949, thì phe Cộng Sản do Mao Trạch Đông lãnh đạo mới tòan thắng và buộc phe Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu phải rút lui qua đảo Đài Loan. Từ đó mà phe Cộng Sản thắng trận phát động chiến dịch trả thù những người thua trận nào mà còn bị kẹt lại ở nội địa Trung Quốc. Tình trạng này chỉ xảy ra tại Việt Nam năm 1975 sau khi quân đội Cộng Sản từ miền Bắc xâm chiếm được tòan thể lãnh thổ của Việt Nam Cộng Hòa.

2-Ấy thế mà tại sao vào năm 1945, khi có chính quyền nắm trong tay được rồi, thì người Cộng Sản lại ra tay tận diệt người quốc gia một cách tàn bạo man rợ đến thế?

Câu trả lời cho vấn nạn này có thể thật ngắn gọn như sau: Đó là do họ áp dụng triệt để cái chủ trương “Bạo Lực Cách Mạng” (the Revolutionary Violence) mà họ học tập được từ Trung Ương Đệ Tam Quốc Tế Comintern do Liên Xô lãnh đạo.

Ngay từ thập niên 1920 cho đến năm 1945, thì đã có đến hàng trăm cán bộ cao cấp của đảng Cộng Sản Việt Nam được đào tạo rất bài bản tại Trường Đông Phương tại Moscow do Comintern điều hành. Tại đây, họ được học rất kỹ về kỹ thuật gọi là “agitprop = agitation – propaganda” – tức là tổ chức vận động quần chúng, tuyên truyền và đặc biệt về phương thức gây bạo lọan để tạo thời cơ cướp chính quyền. Họ cũng học được kỹ thuật xây dựng guồng máy công an mật vụ theo mô hình của Liên Xô để kềm kẹp dân chúng một khi họ đã nắm giữ được chính quyền.

Nói vắn tắt là Cộng Sản Việt Nam được Comintern đào tạo hương dẫn rất kỹ về mọi thủ đọan tinh vi để thiết lập được một chế độ độc tài chuyên chính vô sản (proletarian dictatorship). Do đó mà họ đã không từ bỏ bất kỳ một thủ đọan tàn ác vô nhân đạo nào – miễn sao đạt được mục đích tối hậu của đảng Cộng Sản là nắm vững được chính quyền trong gọng kềm sắt thép của mình.

Trái lại, các đảng phái quốc gia khác, thì không hề có được sự huấn luyện đào tạo hay sự yểm trợ vật chất tinh thần nào từ phía ngọai quốc tương tự như của Comintern cấp phát dồi dào cho đảng cộng sản Việt Nam.

Do đó mà từ năm 1945, Cộng Sản đã mặc sức tung hòanh ở Việt Nam với đủ mọi thứ đòn phép thâm độc và quỷ quyệt để vô hiệu hóa và tiêu diệt được mọi sức đối kháng của các đảng phái quốc gia hay của các tổ chức tôn giáo.

III-Tóm lược

Ta có thể tóm lược bài viết này bằng mấy nét chính yếu như sau:

1-Trước năm 1945, những người yêu nước dù là Cộng Sản hay không Cộng Sản, thì đều cùng theo đuổi một mục tiêu là đánh đổ chế độ thực dân Pháp để giành lại nền độc lập cho Việt Nam.

Thế nhưng, từ khi người Cộng Sản nắm giữ được quyền hành trong tay, thì ngay tức khắc họ ra tay tiêu diệt những người yêu nước khác để dành độc quyền riêng cho mình trong mọi lãnh vực chính trị, kinh tế cũng như văn hóa tinh thần. Đó là một thứ độc tài chuyên chế tòan trị (totalitarian dictatorship).

Hâu quả tai hại trầm trọng nhất của chủ trương này là đã phá hoại tận gốc rễ cái nền nếp nhân bản, nhân ái truyền thống của dân tộc Việt Nam chúng ta.

2-Dĩ nhiên là trong cái xã hội do thực dân, phong kiến tạo lập ra, thì có đầy rẫy những bất công áp bức. Nhưng vì người Cộng Sản đã cuồng tín du nhập cái chủ trương “hận thù giai cấp”, “bạo lực cách mạng” của Liên Xô và Trung Quốc vào đất nước ta, cho nên mới gây ra không biết bao nhiêu tang thương khổ nhục chết chóc cho tòan thể dân tộc ròng rã suốt 70 năm qua.

Như cha ông chúng ta từ xưa vẫn cảnh báo rằng “Lấy óan báo óan, óan ấy chập chùng”. Thì rõ ràng từ năm 1945 đến nay, đảng Cộng Sản đã liên tiếp gây ra biết bao nhiêu điều oan trái, khốn khổ cho cả hàng mấy chục triêu gia đình lương dân vô tội. Đó là một cái tội tày đình mà “Trời không dung, Đất không tha” cho người Cộng Sản vẫn còn cực kỳ ngoan cố mãi được.

3-Bài viết này là một lời nhắc nhở cho giới lãnh đạo chóp bu Cộng Sản ở Hà Nội phải biết phục thiện và thành khẩn công khai nhận lỗi của mình trước tòan thể dân tộc và dám có can đảm nói lên sự xám hối ăn năn về các tội ác man rợ kinh khủng như thế.

Có làm được như vậy, thì họ mới xứng đáng đón nhận được sự khoan dung tha thứ của đại khối dân tộc Việt Nam vậy./

Westminster California, Tháng Sáu 2015

Tài liệu tham khảo

Bài viết này được xây dựng trên những chứng từ của một số gia đình nạn nhân bị cộng sản sát hại với sự tham khảo từ một số bài nghiên cứu nghiêm túc mới đây của các chuyên gia sử học quốc tế. Cụ thể xin được trưng dẫn ra như sau đây :

1-Nhiều thư của ông Chu Bá Phượng viết về cho con vào cuối thập niên 1950 lúc ông bị quản chế tại Việt bắc. Búc thư sau cùng viết vào cuối năm 1960, sau đó thì biệt tăm luôn.

2-Thông tin do gia đình cụ Lê Quang Sách cung cấp. Cụ Sách năm nay đã 88 tuổi, cụ là người thóat chết trong vụ thảm sát gần 3,000 tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi vào Tháng Tám và Tháng Chín, 1945.

3-Về các tư liệu lấy từ Internet, thì đặc biệt có các tài liệu sau đây:

A-Vụ tàn sát tín đồ Cao Đài tại Quảng Ngãi vào Tháng Tám và Tháng Chín, 1945 (tiếng Việt). Do tổ chức của Giáo Hội Cao Đài phổ biến trên Trang Nhà “Hành Trình về Chân Lí Đạo” vào ngày 21/3/2015.

B-“Caught between Propaganda and History” by Shawn McHale, 2014. Tài liệu dài 10 trang là bài Điểm sách về cuốn “Lịch sử Nam bộ Kháng chiến” được đăng trong Tủ sách “Cold War International History Project”

C-“Autopsy of a Massacre” – “On a Political Purge in the Early Days of the Indochina War” (Nam Bộ 1947)  by Francois Guillemot, 2010. Tài liệu này dài 40 trang là một bài nghiên cứu rất công phu về sự khủng bố và tàn sát vì lí do chính trị ở miền Nam được đăng trong European Journal of Asian Studies.

D-“The Viet Minh Elimination of National Parties and Groups (1945-47)” by Human Rights Watch, April 23, 2013. Tài liệu dài 17 trang viết chi tiết về việc Việt minh tiêu diệt các đảng phái chính trị tại miền Nam trong giai đọan 1945 – 1947./

Đoàn Thanh Liêm

Bàn Tay Nào Sắp Xếp Cho Thiện Thắng ÁC?

Bàn Tay Nào Sp Xếp Cho Thin Thng ÁC?

Le Nguyen

Liên minh thế giới tự do dân chủ gồm các nước tư bản giẫy hòai không chết do Hoa Kỳ lãnh đạo đã kết thúc hệ thống nhà nước xã hội chủ nghĩa bằng con đường hòa bình, không kinh qua giải pháp đối đầu quân sự, một mất một còn thật ngoạn mục – như loài người đã thấy cái cách cộng sản chủ nghĩa sụp đổ. Do đó, việc kết thúc các chế độ cộng sản, dọn dẹp vài ba xác chết cộng sản còn sót lại không nhanh gọn như mong muốn nhưng nó cũng sẽ diễn ra…chắc chắn sẽ diễn ra cùng kịch bản, cùng với cung cách kết thúc nhẹ nhàng, êm đẹp như nó từng diễn ra ở thế kỷ trước. Thời đó lúc đế chế cộng sản hùng mạnh, mọi người bình thường ai cũng đều có suy nghĩ đánh sập hệ thống phi nhân, phá vỡ thành trì nhà nước xã hội chủ nghĩa là không thể, là nhiệm vụ bất khả thi nhưng nó đã diễn ra như phép lạ, đúng với nguyên tắc, quy luật tự nhiên của thiện thắng ác, chính nghĩa cuối cùng cũng sẽ thắng gian tà.

Những năm đầu của thập niên 90S của thế kỷ trước, các nước xã hội chủ nghĩa thi nhau sụp đổ hàng loạt, lan đến tận thành trì Xô Viết, cái nôi sản sinh ra hệ thống độc tài tòan trị xã hội chủ nghĩa và những nước cộng sản chưa sụp đổ, còn trụ lại trong đó có Trung Cộng. Thật ra trước đó, Trung Cộng đã manh nha làm theo ý tưởng của Đặng Tiểu Bình “mèo trắng hay mèo đen không quan trọng miễn là bắt được chuột” để cứu nguy nhà nước xã hội chủ nghĩa Trung Quốc đang chìm sâu trong lạc hậu, chậm tiến, đóí nghèo. Vì thế khi đứng trước tình thế nguy ngập của mô hình tổ chức xã hội chủ nghĩa, Trung Cộng vội vã chuyển đổi mô hình kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường theo tư bản chủ nghĩa với tên gọi xã hội chủ nghĩa mang màu sắc trung Quốc, nghĩa là làm kinh tế theo kinh tế thị trường như tư bản nhưng vẫn ôm chặt độc quyền lãnh đạo chính trị.

Trước tín hiệu thay đổi để cứu nguy chế độ của Trung Cộng, thế giới tự do hào hiệp mở cửa giao thương, làm ăn buôn bán trong tinh thần sống chung hòa bình, đôi bên cùng có lợi, với thiện chí giúp nhà nước Trung Cộng, giúp người dân Trung Hoa có đời sống sung túc, tạo ra số đông trung lưu tiếp cận nếp sống tự do, dân chủ văn minh làm động lực tác động, chuyển đổi thể chế độc tài sang dân chủ như quy luật phát triển tự nhiên của loài người có khuynh hướng hướng thiện, hướng về cái đẹp, về đời sống tốt đẹp hơn.

Thế nhưng khi Trung Quốc ăn nên làm ra, đời sống người dân có khá hơn, giàu có hơn và thành phần giàu có, thành phần trung lưu đã đủ sức làm cuộc thay đổi đất nước Trung Quốc nhưng lãnh đạo nhà nước Trung Cộng không dịch chuyển đồng bộ, không thực hiện tiến bộ về hướng tốt hơn theo quy luật phát triển tự nhiên của lịch sử xã hội loài người đã diễn ra trong quá khứ.

Thế giới dân chủ, tự do đã lầm lẫn, đã dự đóan sai về nhà nước cộng sản Trung Quốc bởi Trung Cộng giống như Việt Cộng là một nhà nước không giống ai nên nó đã không diễn ra, không chuyển đổi mô hình tổ chức về hướng tiến bộ, tốt đẹp hơn theo quy luật phát triển tự nhiên của lịch sử phát triển tổ chức bộ máy cai trị như xã hội loài người vốn có.

Có lẽ mọi người đều thấy cái không giống ai của Trung Cộng là khi giàu có, tiền bạc rủng rỉnh dư ăn dư để thì lộ ra bản chất nhà nước lưu manh, bá quyền qua việc tập trung ngân sách vào quốc phòng, là mua lẫn nghiên cứu, chế tạo vũ khí “khủng” hiện đại hóa quân đội và sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự khống chế, lấn chiếm lãnh thổ, lãnh hải của các nước nhỏ yếu chung quanh. Cũng như việc Trung Cộng không thể hiện là một nước lớn có trách nhiệm với nền hòa bình của thế giới mà còn tạo thêm bất ổn qua việc chủ động thay đổi hiện trạng vô nguyên tắc, tự ấn định đường biên giới trái với luật pháp quốc tế, tự vẽ lại đường biên giới luật định của các nước có chung đường biên giới đã được thế giới công nhận, thừa nhận!

Sự vô trách nhiệm không giống ai hay nói cách khác là tham vọng bá quyền không chỉ tồn tại trong tư duy của các lãnh đạo đảng nhà nước Trung Cộng mà tư duy không giống ai này còn hiện hữu trong giới trí thức, giới trung lưu trong xã hội Trung Quốc, là thành phần chủ lực, nồng cốt cho mọi cuộc thay đổi xã hội, kinh tế…kể cả thay đổi chế độ nhưng họ vẫn bình chân như vại, sống chết mặc ai và sự vô cảm, vô trách nhiệm của thành phần này hiển lộ qua các hình thái sau:

Thứ nhất là thành phần trí thức, trung lưu làm giàu qua việc đi tắt đón đầu cơ hội làm ăn với thế giới tư bản và nhờ vào môi trường giao tiếp nên biết khá rõ ưu, khuyết điểm của mô hình tự do trong các nhà nước dân chủ so với mô hình nhà nước xã hội chủ nghĩa.

Đứng trước việc xấu, việc chưa tốt đó những công dân có trách nhiệm, nhất là giới trung lưu trí thức trong các nhà nước dân chủ, không phải là tất cả nhưng vẫn không hiếm người lên tiếng đấu tranh vì sự công bằng cho xã hội tốt đẹp hơn. Nhưng với công dân có ưu thế như giới trí thức, doanh gia trung lưu, cả đại gia trong nước Trung Cộng, họ không đấu tranh vì xã hội công bằng, vì một đất nước tốt đẹp hơn mà luôn trong tư thế tháo chạy với tài sản kiếm được trên lưng người dân kém may mắn để xây dựng tương lai ở các nước tư bản giẫy chết, vì họ biết chắc đời sống ở đó tốt đẹp vạn lần hơn ở nước Trung Hoa cộng sản.

Thứ hai là lớp trẻ thuộc thành phần con ông cháu cha trong giới lãnh đạo cộng sản đi du học bằng học bổng trong các chương trình viện trợ hoặc tự túc ở các nước dân chủ văn minh. Thành phần du học được thế giới dân chủ tây phương kỳ vọng là những hạt nhân, là động lực cho cuộc chuyển đổi độc tài sang dân chủ qua nhiều thập kỷ đã không diễn ra như lịch sử phát triển của xã hội loài người.

Dự đoán trên lý thuyết, sách vở của các lý thuyết gia tây phương đã không xảy ra với Trung Cộng, Việt Cộng bởi thành phần con ông cháu cha được ra ngoài học hỏi tổ chức khoa học của loài người văn minh tiến bộ, không góp phần tác động lên chế độ làm cuộc thay đổi mà lại sử dụng sở học, kiến thức củng cố chế độ thế tập “cha truyền con nối”, phát triển độc tài toàn trị tinh vi, độc đoán, rùng rợn hơn như mọi người thấy trong chế độ độc tài toàn trị Trung Cộng và Việt Cộng.

Nhiều thập kỷ phát triển liên tục đều đặn với những thành công nhất định về kinh tế của Trung Cộng nhờ giao thương buôn bán với các nước dân chủ giàu mạnh và tích lủy, thặng dư được nhiều ngàn tỷ đô la trong ngân hàng dự trữ trung ương, cùng với kim ngạch tổng sản lượng quốc gia (GDP) vượt mức 10 ngàn tỷ Mỹ kim tiến lên đứng hàng thứ hai thế giới chỉ sau Hoa Kỳ khiến cho nhiều nước trong giai đọan phát triển thèm thuồng, mơ ước.

Thành công bề ngoài của Trung Cộng tạo ra ảo tưởng mô hình xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc là mô hình nhà nước lãnh đạo kinh tế xã hội hiệu quả, là mẫu mực của thế giới thời đương đại, thậm chí là còn vượt qua được khủng hoảng chu kỳ như các nước tư bản đã từng gặp phải?

Với những thành quả trên “bề nổi” của Trung Cộng đạt được trong nhiều thập kỷ thực hiện mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc khiến cho không ít bình luận gia, chuyên gia phân tích bình luận thời cuộc tiên đóan với đà phát triển, tăng trưởng đều đặn và mạnh tay bỏ vốn đầu tư vào công nghệ quốc phòng, không bao lâu nữa Trung Cộng sẽ vượt mặt siêu cường Hoa Kỳ để trở thành cường quốc số một thế giới trong tương lai?

Phải công nhận thành quả đạt được của Trung Cộng ngày nay là có sự hào phóng của các nước dân chủ văn minh, giàu mạnh góp phần và đến khi có vốn rủng rỉnh trong túi thì lãnh đạo nhà nước Trung Cộng không bày tỏ thiện chí sống chung hòa bình, chuyển đổi thể chế lại tỏ rõ ý đồ xấu như: trong nước thì tăng cường khủng bố những nhà bất đồng chính kiến, xiết chặt kiểm soát các tôn giáo ngoài nhà nước, ra tay đàn áp các dân tộc thiểu số đòi nới rộng tự do cho ngưòi dân của họ…; bên ngoài thì biểu dương lực lượng gây hấn, áp đặt chủ quyền trên biển Hoa Đông, Biển Đông, vẽ lại đường biên giới trên đất liền đã được xác lập, có quốc tế công nhận và sử dụng ưu thế kinh tế, quân sự, chính trị của nước lớn, chi phối công việc nội bộ của các nước nhỏ…

Trước sự hung hăng, tàn bạo của nhà nước côn đồ Trung Cộng trong đối nội lẫn đối ngoại khiến cho dư luận bất bình dẫn đến việc nghi ngờ thiện chí của các nước dân chủ đề cao giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền mà không có hành động kinh tế, quân sự cụ thể để trừng phạt hành động rừng rú vi phạm nhân phẩm, nhân quyền của nhà nước du côn Trung Cộng thì việc dọn dẹp tàn dư cộng sản không tiếng súng, không cần đến giải pháp quân sự là đều không thể và không ai tin là nó sẽ diễn ra!

Tuy nhiên, nếu bình tĩnh quan sát những diễn biến xảy ra gần đây liên quan đến Trung Cộng thì việc kết thúc độc tài Trung Cộng cũng chính là chấm dứt các chế độ cộng sản còn sót lại trong hòa bình, là có cơ sở bởi các nguyên nhân, yếu tố thuận lợi lẫn không thuận lợi như sau:

Một là rút kinh nghiệm từ việc hàng triệu người Việt Nam chạy nạn cộng sản lúc Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, thật sự đã là gánh nặng cho các nước dân chủ. Thử tưởng tượng nếu các nước dân chủ manh động, bất chấp luật pháp quốc tế, trang bị vũ khí cho lực lượng chống đối đấu tranh lật đổ độc tài Trung Cộng và Trung Cộng có chuyện gì không dám làm, chúng tương kế tựu kế ra tay tàn sát, tạo cớ đẩy vài chục triệu người xuống biển thì thế giới này sẽ ra sao?

Hai là những tài sản, của cải vật chất của các tham quan cộng sản ăn cắp, ăn cướp được đều chảy vào các nước tư bản giẫy chết. Thế thì cần gì phải vội kết thúc tàn dư cộng sản khi độc tài cộng sản còn sinh lợi cho họ trong lúc thời cơ chưa chín mùi, chưa đủ điều kiện thiên thời, địa lợi, nhân hoà thuận lợi để xóa sổ cộng sản?

Ba là thế giới tự do dân chủ chưa dốc toàn lực, chỉ ngấm ngầm hỗ trợ nhỏ giọt nuôi sống các lực lượng đấu tranh cho tự do, dân chủ, nhân quyền bởi phong trào dân chủ Trung Quốc có những hạn chế nhất định vì người dân Trung Hoa không rơi vào tâm thế bức bối “tự do hay là chết” và không nằm trong vị thế chông chênh không còn chỗ để lùi khi dấn thân vào con đường đấu tranh dân chủ cho tổ quốc của họ.

Bốn là hiệp ước dẫn độ tội phạm xuyên quốc gia của Trung Cộng với cảnh sát quốc tế (Interpol) đang thu hẹp khoảng trống cho tội phạm, nhất là quan chức đảng viên cộng sản xóa bỏ tư duy hạ cánh an toàn trên các nước tư bản sau khi phạm tội tham nhũng, hối lộ và trong số 100 tham quan Trung Cộng đang bị truy nã trên toàn thế giới, đã có gần phân nửa sa lưới bị dẫn độ về Trung Quốc cũng ít nhiều tác động lên tư duy “hạ cánh an toàn” đã không còn an toàn của những tên quan tham.

Năm là tranh chấp trên biển Hoa Đông với Nhật và áp đặt 80% chủ quyền tùy tiện trên Biển Đông, buộc lực lượng hải quân hùng hậu của Trung Cộng phải hiện diện, trực chiến thường trực và hải quân Trung Cộng vô tình trở thành nút chặn các lực lượng đấu tranh dân chủ lẫn người dân bị đàn áp tháo chạy chạy xuống biển vượt thoát tìm tự do khi biến động xảy ra và các biên giới đường bộ hiểm trở cùng với nhiều hiểm nguy bất tiện cho vượt biên đường bộ tìm tự do, buộc họ phải ở lại chiến đấu tới cùng.

Sáu là việc Trung Cộng công khai khối nợ khổng lồ 28 ngàn 200 tỷ Mỹ kim, tương đương với 282% tổng sản lượng của Trung Cộng (GDP). Thực tế đó giúp cho các nước cộng sản còn sót lại thôi ảo tưởng về mô hình xã hội chủ nghĩa mang màu sắc Trung Quốc, là mô hình phát triển lý tưởng và nợ khủng của Trung Quốc kết hợp với các mâu thuẩn, xung đột sắc tộc, tôn giáo, giàu nghèo…tiềm ẩn trong lòng chế độ tạo thành ngòi nổ, có khả năng tác động làm sụp đổ chế độ độc tài toàn trị Trung Cộng không tiếng súng.

Với những diễn biến trong nội tình Trung Cộng hiện nay, không khó để thấy việc kết thúc chế độ cộng sản Trung Hoa cũng là việc chấm dứt tàn dư cộng sản đã đến gần. Điều thuận lợi đang diễn ra cho thời điểm này và thời gian sắp tới để kết liễu các chế độ cộng sản còn sót lại không cần sử dụng đến siêu vũ khí chiến tranh của các siêu cường. Nhân tố chính để kết thúc Trung Cộng là lực lượng đấu tranh lãnh đạo nhân dân Trung Hoa đang tiến gần đến chỗ “tự do hay là chết” và con đường để lùi của người dân trung hoa đã bị nhà cầm quyền Trung Cộng “vô tình” dần khép lại cũng là một trong nhiều nguyên nhân, động lực làm cho chế độ sụp đổ, vỡ ra từng mảng nhỏ.

Những chuyển biến đang diễn ra hiện nay rất thuận lợi để kết thúc các tàn dư cộng sản còn sót lại và những điều thuận lợi này, không hẳn do các bộ óc thông minh, thánh thiện của con người xếp đặt(?) Có thể nó diễn ra do bàn tay vô hình của đấng tối cao sắp xếp theo quy luật tự nhiên: “…thiện thắng ác…chính nghĩa thắng gian tà…”

40 năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, hòa giải dân tộc vẫn còn xa vời

40 năm sau khi Sài Gòn sụp đổ, hòa giải dân tộc vẫn còn xa vời

Asahi Shimbun

Tác giả: NAOJI SHIBATA

Người dịch: Trần Văn Minh

25-05-2015

Thành phố Hồ Chí Minh – Những hình ảnh về chiến tranh Việt Nam vẫn còn sống động trong ký ức của một giáo sư 54 tuổi, đang giảng dạy tại một trường đại học tư ở thủ phủ miền nam này.

Một người lính bị bắn và ngã xuống đất trước nhà của bà. Một vụ nổ trên đường phố, thổi tung các bộ phận cơ thể con người và làm cho đám đông chạy tứ tán. Sau đó lệnh đầu hàng được công bố.

Chiến tranh kết thúc ngày 30 tháng 5 năm 1975, với một chiếc xe tăng Bắc Việt tiến vào Dinh Độc Lập của miền Nam Việt Nam. Sự sụp đổ của Sài Gòn 40 năm trước đây được chính quyền miền Bắc gọi là “giải phóng” hoặc thống nhất Việt Nam.

Vị giáo sư, người viết blog về những gì mà nhà nước không muốn nghe, nói với tôi vào cuối cuộc phỏng vấn, rằng bà muốn giữ kín danh tính. Bà nói rằng bà không muốn có bất kỳ rắc rối nào đến với gia đình hay nơi làm việc của bà.

Quốc kỳ đỏ và cờ đỏ của Đảng Cộng sản Việt Nam được thấy tung bay tại rất nhiều góc đường của thành phố. Lá cờ đỏ cũng được cài theo tất cả các xe tắc xi. Tất cả biểu ngữ này đang tạo bầu không khí cho sự kiện đáng nhớ đánh dấu kỷ niệm lần thứ 40.

“Tôi chưa bao giờ giăng lá cờ đỏ tại nhà của tôi trong 40 năm qua”, vị giáo sư nói với một giọng thấp nhẹ khi tôi sửa soạn rời khỏi. “Tôi chỉ giả vờ như không để ý”.

Chắc hẳn bà phải có can đảm để không làm như thế ở đất nước này.

Dân chúng chưa đồng lòng

Mặc dù Sài Gòn đã được đổi tên thành Thành phố Hồ Chí Minh sau khi chiến tranh chấm dứt, tên cũ của thủ đô Nam Việt Nam vẫn còn tồn tại ở nơi cách [Sài Gòn] 13.000 cây số về phía đông.

Little Saigon, thường được biết đến như một địa hạt ở quận Cam, California, là nơi có cộng đồng người Việt lớn nhất ở nước ngoài, nơi có gần 200.000 người Việt.

Nhiều biển báo trong khu vực được viết bằng tiếng Việt. Một bảng hiệu ở lối vào khu vực ghi: “Chào mừng bạn đến Little Saigon”. Lá cờ vàng ba sọc đỏ, lá quốc kỳ của Nam Việt Nam, được thấy bay phất phới đây đó.

Tôi gặp một nhân viên cao cấp của một công ty của người Việt ở trung tâm khu vực. Người đàn bà 59 tuổi là em gái của vị giáo sư.

Bà cho biết bà đã chạy khỏi Sài Gòn vào ngày Sài Gòn sụp đổ và bị quân đội Mỹ bắt giữ. Cuộc sống thật khó khăn cho các thành viên của gia đình bà còn lại ở Việt Nam vì cha bà làm việc cho chính quyền miền Nam. Bà đã lần lượt mang sáu người em trai và em gái của bà, ngoại trừ vị giáo sư, đến Hoa Kỳ.

Bà làm việc cho một công ty Mỹ sau khi tốt nghiệp cao học. Bà đã đổi việc để làm việc cho người chủ hiện nay, mặc dù với điều kiện kém thuận lợi hơn, bởi vì bà muốn gắn bó với quê hương của mình.

Nhiều người Việt lưu vong có lẽ cùng chia sẻ quan điểm với hai chị em.

Người chị nói: “Họ nói thống nhất. Hệ thống chính trị đã được thống nhất, nhưng mọi người thì không – cho đến bây giờ. Lý tưởng của chủ nghĩa xã hội ở đâu? Tham nhũng và cách biệt kinh tế đang trở nên tệ hơn nhiều so với 40 năm trước đây. Chính phủ Nam Việt Nam cũng tham nhũng, nhưng ít nhất các phương tiện truyền thông có thể chỉ trích điều đó. Nhưng bây giờ không có tự do báo chí để chỉ trích nạn tham nhũng”.

Cách Little Saigon hai tiếng lái xe, cảng San Diego bên bờ Thái Bình Dương là nơi đặt hàng không mẫu hạm USS Midway. Được đóng từ thời Đệ Nhị Thế chiến và ngưng hoạt động vào năm 1992, tàu đã được chuyển đổi thành viện bảo tàng và mở cửa cho công chúng vào xem.

Máy bay chiến đấu và trực thăng quân sự được trưng bày trên boong tàu. Máy bay cùng loại cũng được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh ở thành phố Hồ Chí Minh. Nếu các máy bay trên hàng không mẫu hạm tượng trưng cho cuộc chiến tranh mà Hoa Kỳ đã chiến đấu cho tự do, máy bay ở viện bảo tàng được trưng bày như chiến lợi phẩm của một cuộc chiến tranh mà trong đó chủ nghĩa đế quốc đã bị đánh bại.

Một người cháu của Dương M. Nguyễn, Giám đốc điều hành của công ty DS Fibertech Corp, một nhà sản xuất máy móc chuẩn xác ở San Diego, ví tàu USS Midway như chiếc “Mayflower” của gia đình.

Ông Nguyễn, 70 tuổi, từng là một phi công trực thăng quân sự của miền Nam. Ông và gia đình rời Việt Nam một ngày trước khi Sài Gòn thất thủ. Gia đình ông so sánh hàng không mẫu hạm với con tàu đã đưa dân hành hương từ Anh đến Mỹ trong thế kỷ 17 bởi vì ông Nguyễn đến Hoa Kỳ sau khi tàu Midway, khi đó đang đậu ngoài khơi Sài Gòn, đã cứu ông.

Ông Nguyễn là một trong những người thành công nhất trong số khoảng 1,7 triệu người Việt sang định cư ở Hoa Kỳ. Ông bắt đầu làm việc với mức lương tối thiểu 2 USD một giờ. Hiện nay, ông có 75 nhân viên đồng hương của ông làm việc trong một công ty với doanh số 10 triệu USD hàng năm.

Nhiều người Việt Nam tha hương đã về thăm quê hương kể từ thập niên 1990, nhưng ông Nguyễn vẫn chưa lần nào đặt chân lên đất nước xuất thân của mình.

Ông nói, “Chúng tôi không muốn trở lại và chứng tỏ rằng chúng tôi là công dân Mỹ gốc Việt, là những người có đủ tiền để tận hưởng một kỳ nghỉ sang trọng trong khi có rất nhiều người Việt vẫn còn rất nghèo. Tốt hơn chúng tôi nên tiết kiệm tiền để giúp đỡ người nghèo, đặc biệt là các cựu chiến binh tàn phế ở Việt Nam”.

Vết thương cũ vẫn còn đau

Tôi đã đến thăm Văn Lê, một nhà làm phim kiêm nhà văn nổi tiếng với phim tài liệu chiến tranh của ông tại thành phố Hồ Chí Minh. Tôi hỏi một cựu chiến binh và cựu phóng viên Bắc Việt 66 tuổi những gì ông nhớ về ngày Sài Gòn sụp đổ.

“Trái tim tôi tràn đầy niềm vui từ ý nghĩ rằng chúng tôi không phải chiến đấu nữa, và về nỗi đau buồn thực sự là có quá nhiều người đã bị chết”, ông Lê nói thêm rằng chỉ có năm người sống sót trong số 300 người thuộc đơn vị của ông.

Nhà làm phim đã có những lời cay đắng nói về người Việt ở nước ngoài.

“Họ không tham gia vào xây dựng đất nước, và dù vậy họ nói xấu chúng tôi từ bên ngoài”, ông nói.

Không ít người có cảm xúc lẫn lộn về cuộc sống giàu có ở nước ngoài của những người chạy khỏi Việt Nam sau thất bại trong chiến tranh.

Tất cả những người tôi gặp ở Hoa Kỳ và Việt Nam đã có một quá khứ đầy ác mộng, mà chỉ có thể để cho lịch sử phán xét. Họ có những quan điểm khác nhau, nhưng họ đã chia sẻ một sự hiểu biết rằng bốn thập niên sau chiến tranh vẫn chưa mang lại hòa giải dân tộc. Chiến tranh Việt Nam cũng là một cuộc nội chiến, đã đẩy nhóm này chống lại nhóm kia trong một quốc gia với mục đích giết hại lẫn nhau.

Các bãi chiến trường đã trở thành các khu chợ, nhưng vết thương cũ vẫn còn đau. Là một sinh viên, cảm thông cho sự xung đột của người Việt Nam để giải phóng dân tộc, tôi thấy thương tiếc cho tình hình hiện nay của đất nước này.

“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhà lãnh đạo mà sau đó tên ông được đặt cho thành phố Sài Gòn nói.

Độc lập đã đạt được. Nhưng tự do cho công chúng vẫn còn hạn chế, và con đường đi đến dân chủ có vẻ xa vời hơn bao giờ hết.