Tị nạn giáo dục hay tị nạn chính trị?

Tị nạn giáo dục hay tị nạn chính trị?

GS Nguyễn Văn Tuấn

Hôm qua đọc được một bài báo mà cái tựa đề [nói theo tiếng Anh là] rất “revealing”: Thạc sĩ, cử nhân thất nghiệp: Có làm được việc đâu mà kêu ca (1). Bài báo liệt kê vài nhược điểm của tình trạng đào tạo trong các đại học Việt Nam, nhưng chủ yếu vẫn là vấn đề chất lượng. Dĩ nhiên, câu chuyện không mới, nhưng nó một lần nữa nhắc nhở vấn đề chất lượng đào tạo, và dẫn đến vấn nan “tị nạn giáo dục” như hiện nay. Nhưng tôi nghĩ trong thực tế thì đó là một cuộc tị nạn chính trị, chứ không hẳn là tị nạn giáo dục.

Vấn đề này đã được đề cập đến gần 20 năm trước đây. Lúc đó tôi bắt đầu có những tìm hiểu về vấn đề, và đọc được một báo cáo của UNDP (Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc). Trong báo cáo đó, tác giả nhận xét rằng sinh viên ra trường chưa đảm nhận được công việc mà đáng lẽ những người được đào tạo như thế phải làm được: “Hệ thống GD-ĐT [giáo dục và đào tạo] lâu nay của Việt Nam còn bất cập. Tỉ lệ người được đào tạo ra đạt tiêu chuẩn quốc tế là rất ít.” Một nghiên cứu của bà Maureen Chao thuộc Trường Đại học Seattle (Mĩ) vào thập niên 1990s, trong nhiều công ti liên doanh với Việt Nam, như Intel chẳng hạn, hầu hết sinh viên Việt Nam đều phải được đào tạo lại cả về chuyên môn lẫn kĩ năng giao tiếp!

Một trong những vấn đề mà ít ai đề cập đến là sinh viên VN tiêu ra khá nhiều thì giờ học những môn mà [nói theo ông Hồ Ngọc Nhuận] là “thầy không muốn dạy và trò thì không muốn học”. Đó là những môn cách mạng Việt Nam, lịch sử đảng, kinh tế mác lê, v.v. Chưa có một hệ thống giáo dục nào trên thế giới mà có chương trình quái đản như thế! Thật ra, sau này tôi tìm hiểu thi mới biết là bên Tàu họ cũng dạy như thế. Một em nghiên cứu sinh của tôi (nay đã đi Mĩ) kể rằng em ấy phải học mấy môn học vô bổ đó, và nó chiếm 20% chương trình. Một lần nữa, VN lại bắt chước cách tẩy não của Tàu. Một hệ thống giáo dục lẫn lộn giữa tuyên truyền chính trị và giáo dục thì làm sao đào tạo ra con người giỏi được.

Đến nay vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Một bài báo trên tạp chí công nghệ thông tin cnet (do Zing dịch) cho biết “Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Việt Nam phải được đào tạo thêm để đứng máy ở các dây chuyền sản xuất. Đây là thực tế được hàng chục nhà tuyển dụng xác nhận. Quá trình đào tạo này mất vài tháng, có khi vài năm” (2). Các nhà tuyển dụng còn phê bình hệ thống giáo dục VN không linh động, và không cải tiến nhanh để theo kịp tình hình phát triển kinh tế.

Nhưng các công ti lại thấy đó là cơ hội cho họ, để họ liên kết với đại học nước ngoài đào tạo lại các giảng viên và giáo sư Việt Nam (2). Nói cách khác, họ không tin tưởng vào hệ thống đại học VN, nên họ phải nhờ nước ngoài làm giúp. Đào tạo lại giảng viên, giáo sư Việt Nam? Trong thực tế, theo như bài báo cho biết, công ti Intel liên kết cùng một cơ sở khác “đã đào tạo 291 giảng viên người Việt Nam, trong đó có 71 giảng viên nữ, với các khoá học kéo dài 6 tuần cùng hàng trăm giáo sư khác.”

Có lẽ điều này cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên, bởi vì trước đây một vị trưởng lão trong làng giáo dục đã từng nhận xét rằng hệ thống đào tạo tiến sĩ trong nước còn có nhiều bất cập. Trong một bài viết năm 2007, Gs Hoàng Tuỵ cho rằng “Có những công trình khoa học, những luậnvăn tiến sĩ của ta ngay cả về những ngành học thuậtcó tính quốc tế như khoa học cơ bản, kinh tế,…,nếu xét theo tiêu chuẩn thông thường ở các nước thì thậm chí chỉ là những mớ giấy lộn. Đội ngũ GS của ta thì nhiều người hữu danh vô thực, số khá đông dưới xa chuẩn mực quốc tế bình thường nhất” (3).

Nhưng GS Tuỵ không phải là người duy nhất nhận định như thế; Gs Trần Văn Thọ cũng từng có nhận xét giống như thế trong ngành kinh tế. Anh Thọ viết: “Cách suy nghĩ về việc chọn đề tài ở VN chỉ làm cho luận án tiến sĩ thiếu tính học thuật và phần lớn thiếu tính độc sáng. Nội dung, trình độ của luận án do đó còn rất xa mới đạt được tiêu chuẩn tối thiểu của thế giới và người được cấp bằng trong trường hợp đó khó có thể thảo luận khoa học với chuyên gia nước ngoài trong cùng ngành” (4).

Đặt những nhận xét đó trong bối cảnh chung thì chúng ta sẽ có một bức tranh logic. Do cách đào tạo người thầy bậc đại học đã có vấn đề, nên từ đó dẫn đến hàng loạt vấn đề về trò. Tôi cũng từng viết trong cuốn sách về giáo dục là chất lượng đào tạo phải bắt đầu từ thầy cô. Chẳng có gì là một sáng kiến mới, mà rất ư hiển nhiên. Thầy cô là “thợ giảng” thì làm sao có thể đào tạo ra trò giỏi được. Nhưng nói như thế có thể không công bằng cho những bạn được đào tạo ở trong nước nhưng được đào tạo đàng hoàng. Nhưng con số “đàng hoàng” đó chẳng bao nhiêu, nên cả hệ thống phải ở trong tình trạng vàng thau lẫn lộn như hiện nay.

Nói một cách nôm na, thầy dỏm “sản xuất” ra một thế hệ dỏm I. Thế hệ dỏm I lại cho ra một thế hệ dỏm II, và cứ thế cả hệ thống theo thời gian là dỏm nhiều thế hệ. Nói như thế để thấy việc gác “đền thiêng” giáo dục rất quan trọng. Nhưng rất tiếc, việc đó đã bị lơ là cả 40 năm nay, nên để lọt và dung túng những kẻ bất tài có mặt trong cái đền thiêng giáo dục. Những kẻ bất tài đó đã làm cho nền giáo dục trở nên tầm thường hoá, có khi dung tục hoá. Và, hệ quả là cả nước phải hứng chịu tình trạng như ngày nay.

Nhớ ngày xưa, những người gác đền thiêng rất nghiêm (như Gs Phạm Biểu Tâm) nên còn giữ được phẩm giá giáo dục một thời. Xin nhắc lại thời đó Gs Tâm từ chối không cho con gái của ông Ngô Đình Nhu theo học y khoa chỉ vì cô ấy thiếu một chút xíu điểm. Dù có áp lực gián tiếp từ hệ thống chính trị (chứ không phải từ ông Nhu) nhưng Gs Tâm nhất định giữ vững quyết định. Còn sau 1975 thì có một thời gian dài người ta nhận sinh viên theo chế độ lí lịch, thì việc gác đền thiêng giáo dục coi như vô hiệu hoá.

Cái khó là có một số người dỏm và “ngồi nhầm chỗ” lại đang cầm trịch hệ thống giáo dục và đào tạo ở khắp nơi. Thành ra, việc cải cách giáo dục có thể xem là gần như vô vọng, không có lối ra. Có lẽ đó là một cái nhìn hơi bi quan, nhưng quả thật đã 20 năm qua từ lúc tôi quan tâm đến vấn đề cho đến nay, tôi vẫn chưa thấy tín hiệu gì tích cực để thay đổi cái nhìn đó.

Vì thế, xin đừng trách tại sao Việt Nam có hiện tượng “tị nạn giáo dục” ở nước ngoài. Người nước khác thì đi tị nạn chính trị, còn Việt Nam thì tị nạn giáo dục. Những người biết rõ nhất sự vô vọng của nền giáo dục chính là các quan chức trong chính quyền, vì con cháu họ thường được gửi đi tị nạn giáo dục. Thật ra, tị nạn giáo dục của Việt Nam cũng là một hình thức tị nạn chính trị, vì các em ấy khi ra nước ngoài là để giải phóng khỏi những môn học vô bổ và sau đó là xin định cư luôn ở nước ngoài. Khi định cư, các em ấy lại bảo lãnh anh em và cha mẹ sang tị nạn tiếp! Tị nạn khỏi nền giáo dục lẫn lộn giữa tuyên truyền chính trị và giáo dục. Do đó, nói là tị nạn giáo dục, nhưng phải hiểu là tị nạn chính trị.

Không quốc giáo, không giáo điều

Không quốc giáo, không  giáo điều

( No State Religion, No State Dogma)

Đoàn Thanh Liêm

Năm 1975, sau khi chiến thắng được miền Nam rồi, thì giới lãnh đạo cộng sản tại Hanoi bèn công khai đổi tên “Đảng Lao Động” thành ra “Đảng Cộng sản”, tờ tạp chí “Học Tập” là cơ quan nghiên cứu và lý luận cuả Đảng Lao Động cũng đổi tên thành tạp chí “Cộng sản” luôn. Và cả đến cái “Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam Việt Nam” (National Liberation Front NLF) cũng được cho giải tán, dẹp bỏ mất tiêu luôn. Đó là chuyện nội bộ cuả đảng cộng sản, họ có quyền quyết định thay đổi tên tuổi cuả riêng họ, chúng ta không phải là người trong đảng cộng sản, thì cũng chẳng nên thắc mắc  gì về cái chuyện riêng tư đó trong tổ chức cuả riêng họ.

Nhưng mà, vẫn theo chuyện “thưà thắng xông lên”, họ đã cả gan đổi cả cái tên, cái danh xưng cuả quốc gia thành ra nhà nước “Cộng hoà Xã hội Chủ nghiã Việt nam” (Socialist Republic of Vietnam SRV), thì đó là điều mọi người công dân Việt nam chúng ta đều có quyền bất đồng, có quyền dị nghị. Vì rõ ràng là đảng cộng sản đã quá ư lộng quyền. Họ vẫn xưng mình là “đày tớ cuả nhân dân”, ấy thế mà họ dám ngang nhiên qua mặt “các chủ nhân ông, tức là toàn thể nhân dân”, mà thay đổi cả cái danh xưng cuả đất nước Việt nam thành ra là một quốc gia nằm dưới trướng cuả cái giáo điều “xã hội chủ nghiã”, với nền” độc tài chuyên chính vô sản”, với chủ trương “đấu tranh giai cấp, hận thù giai cấp”, “dân chủ tập trung” v.v…Đó là cái điều mà không bao giờ chúng ta lại có thể chấp nhận được.

Ở bên Pháp vào năm 1981, lần đầu tiên có lãnh tụ Đảng Xã hội là Francois Mitterand được bàu làm Tổng Thống, thì Giáo sư Raymond Aron có viết một bài báo gây chấn động trên báo Figaro, ông vìết thật đanh thép rằng  : “ Nước Pháp là nước Pháp, hay là Cộng Hoà Pháp quốc, chứ không có thêm một tĩnh từ nào khác” (Nguyên văn : La France, c’est la France ou la République Francaise, sans adjectifs! ) Tức là vị giáo sư lừng danh này muốn cảnh cáo cả phe tả phái và đảng Xã hội rằng : “Không được đem bất kỳ cái chủ thuyết nào mà gán vào danh xưng nước Pháp.” Lập trường này cũng có thể đem áp dụng cho nước Việt nam chúng ta, mà cho tới năm 2010 này vẫn còn bị đảng cộng sản gắn cho “cái đuôi con chồn xã hội chủ nghiã”!

Đầu năm 1990, sau khi chế độ cộng sản xụp đổ ở Đông Âu, thì tôi có viết một bản văn nhan đề là : “Năm Điểm Thoả Thuận Căn Bản” được coi như cái “guideline” cho việc soạn thảo bản Hiến pháp sau này. Bản văn được bắt đầu như sau :

Điểm 1 – Quốc gia Việt nam không công nhận một tôn giáo nào làm quốc giáo.

Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức cuả Dân tộc.

Nhằm tôn trọng và bảo vệ Tự do Tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ cuả các tổ chức tôn giáo.

(Toàn văn Bản “Năm Điểm” này sẽ được ghi trong Phần Phụ Lục đính kèm bài viết này).

Vì bản văn này, mà tôi bị công an bắt giam giữ vào tháng Tư 1990 và trong phiên xử vào ngày 14 Tháng Năm 1992, Toà án tại Saigon đã xử phạt tôi 12 năm tù giam về tội “Tuyên truyền chống chủ nghiã xã hội”. Và sau đó, họ đưa tôi đi “thi hành án” tại trại giam Z30D ở Rừng Lá thuộc huyện Hàm Tân Phan Thiết.

Năm 1996, nhờ sự vận động can thiệp cuả nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế như Amnesty International, Human Rights Watch, cũng như cuả nhiều Dân biểu, Nghị sĩ và các nhân vật văn hoá xã hội, và nhất là cuả chánh quyền Mỹ, mà tôi đã được trả tự do bằng cách công an chở tôi từ nhà tù Hàm Tân ra thẳng phi trường Tân Sơn Nhất, để cùng với gia đình qua định cư bên nước Mỹ. Đại khái vắn tắt cuả vụ án cuả tôi là như vậy.

Trong 10 năm nay, tôi để thời giờ nghiên cứu tìm hiểu về sự “Chuyển hoá Dân chủ” (Democratic Transition) tại các nước cựu cộng sản ở Đông Âu và cả ở nước Nga. Và tôi đã tìm ra được nhiều điều lý thú, khả dĩ có thể rút kinh nghiệm cho việc xây dựng tương lai đất nước và dân tộc Việt nam chúng ta. Để cho ngắn gọn, tôi chỉ xin trích dẫn một số điều khoản căn bản trong bản Hiến pháp, mới được ban hành trong thập niên 1990 và sau này, cuả một số nước cựu công sản, mà có liên hệ trực tiếp đến quan điểm cuả tôi như đã ghi nơi điều 1 Bản văn “Năm Điểm” đã trưng dẫn ở trên.

A/ Không có Quốc giáo (No State Church).

1-      Điều 40 khoản 2 Hiến Pháp nước Estonia : “Không có quốc giáo” (There is no State Church).

2-      Điều 14 khoản 1 Hiến Pháp nước Nga : “Không một Tôn giáo nào được thiết lập như một quốc giáo, hay như một tôn giáo bắt buộc (No Religion shall be established as a State or Obligatory One).

B/ Không có Ý thức hệ Nhà nước (No State Ideology)

1-      Điều 13 khoản 2 Hiến Pháp nước Nga : “ Không có một Ý thức hệ nào được thiết lập như là Ý thức hệ Nhà nước, hoặc như môt ý thức hệ bắt buộc (No Ideology may be established as a State or Obligatory One).

2-      Điều 5 khoản 2 Hiến Pháp nước Moldova : “Không có Ý thức hệ nào được công bố là Ý thức hệ chính thức cuả Nhà nước (No Ideology may be pronounced as an official ideology of the State).

3-      Điều 12 khoản b Hiến Pháp nước Uzbekistan : “ Không một Ý thức hệ nào mà được ban cấp quy chế cuả Ý thức hệ Nhà nước” (No Ideology shall be granted the status of State Ideology).

4-       Điều 11 khoản 2 Hiến Pháp nước Bulgaria : “Không có Ý thức hệ nào mà được công bố hay xác nhận là Ý thức hệ của Nhà nước”-  (No Ideology shall be proclaimed or affirmed as an Ideology of the State).

Mấy trích dẫn ghi trên thiết nghĩ cũng đã đủ để đánh giá được sự dứt khoát loại bỏ căn bệnh giáo điều cuả chế độ cộng sản trước đây. Người viết xin để bạn đọc tuỳ nghi phân tích và lượng định về sự thay đổi này trong các quốc gia cựu cộng sản ở Đông Âu và nhất là ở nước Nga. Và rồi đối chiếu với tình trạng ở Việt nam hiện nay./

Baltimore Tháng Năm 2010

Đoàn Thanh Liêm

Phụ   Lục

Năm Điểm Thoả Thuận Căn Bản

Điểm 1 – Quốc gia Việt nam không công nhận một Tôn giáo nào làm Quốc giáo.

Quốc gia cũng không áp đặt một chủ thuyết nào làm giáo điều chính thức cuả dân tộc.

Nhằm tôn trọng và bảo vệ Tự do Tín ngưỡng, Nhà nước không can thiệp vào chuyện nội bộ cuả các tổ chức tôn giáo.

Điểm 2 – Dân tộc Việt nam gồm nhiều sắc tộc có truyền thống văn hoá lịch sử khác nhau. Như vậy nền tảng cuả xã hội Việt nam phải được đặt trên cơ sở đa chủng tộc, đa văn hoá.

Điểm 3 – Phát huy truyền thống nhân bản và nhân ái cuả dân tộc, hệ thống chính trị và luật pháp Việt nam phải được xây dựng theo những nguyên tắc đã được ghi rõ trong Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.

Điểm 4 – Về phương diện kinh tế, vai trò cuả nhà nước là làm trọng tài để bảo đảm công bằng xã hội và trật tự xã hội. Như vậy, nhà nước không thể vừa đứng làm trọng tài, mà lại vưà là một bên đương sự trong các hoạt động kinh doanh làm ăn được (vưà thổi còi, lại vưà đá bóng).

Hệ luận cuả nguyên tắc này là : Hệ thống quốc doanh hiện nay sẽ được giảm bớt tới mức tối thiểu.

Điểm 5 – Thể hiện tinh thần hoà giải hoà hợp dân tộc, quốc gia sẽ ban hành lệnh khoan hồng đại xá đối với mọi vi phạm do cá nhân hay do tập thể gây ra.Nghiêm cấm mọi sự tuỳ tiện báo ân, báo oán.

Mọi khiếu nại đòi bồi thường thiệt hại sẽ được xử lý theo đúng thủ tục luật pháp./

Làm tại Saigon Tháng Hai 1990.

Đoàn Thanh Liêm

Đại Sứ Phạm Duy Khiêm với chuyện Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế

Đại Sứ Phạm Duy Khiêm

với chuyện Thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế

Đoàn Thanh Liêm

Tôi chưa bao giờ được gặp nhà giáo nhà văn Phạm Duy Khiêm (1908 – 1974), mà sau này vào năm 1954 – 55 ông đã làm Đại sứ của Việt nam tại Pháp. Từ lâu, tôi được nghe đến danh tiếng ông Khiêm là người Việt nam đầu tiên có văn bằng Thạc sĩ chuyên về bộ môn Văn phạm tiếng Pháp, mà có người gọi là “Trạng Mẹo” ( Mẹo = Văn phạm). Ông nổi tiếng là người có tài viết văn bằng tiếng Pháp rất trôi chảy và ông chỉ cộng tác với học giả Trần Trọng Kim trong việc biên sọan cuốn Văn phạm Việt nam – đó là cuốn sách duy nhất ông viết bằng tiếng Việt.

Hồi còn theo học ở bậc trung học tại Hanoi trước năm 1954, thì tôi có được đọc cuốn “Légendes des Terres Sereines” (Những Truyền thuyết từ Miền Đất Thanh Bình) của ông Khiêm viết từ năm 1941 và mới được tái bản ở Pháp vào năm 1951 – 52. Sách kể lại các chuyện cổ tích như Trầu cau, Thiếu phụ Nam Xương, Trương Chi & Mỵ Nương v.v… bằng một giọng văn mạch lạc, đơn sơ trong sáng – thật dễ hiểu và lôi cuốn cho lớp học sinh chúng tôi thời đó. So sánh với hai tác giả người Việt cũng viết bằng tiếng Pháp hồi trước năm 1945 là quý ông Nguyễn Mạnh Tường và Nguyễn Tiến Lãng, thì lối viết của ông Khiêm hấp dẫn đối với chúng tôi hơn nhiều.

Vào cuối năm 1974, tại Saigon chúng tôi được nghe là Thạc sĩ Phạm Duy Khiêm đã tự sát và từ giã cõi đời ở bên Pháp. Báo chí hồi đó có đưa ra nhiều chi tiết về sự việc xung quanh biến cố này, nhưng lâu ngày rồi tôi cũng không còn nhớ rõ về câu chuyện đó nữa. Vào năm 2004, nhân dịp kỷ niệm năm thứ 30 kể từ ngày ông qua đời, tạp chí Thế kỷ XXI ở California có cho đăng một số bài do nhiều tác giả viết về nhà văn Phạm Duy Khiêm, trong đó có cả bài của nhạc sĩ Phạm Duy là bào đệ của ông. Và qua internet, ta cũng có thể đọc được nhiều bài viết về ông nữa.

Nhưng tôi đặc biệt chú ý đến chứng từ của giáo sư Raymond Aron (1905 – 1983) là một vị đại sư nổi danh ở Pháp viết trong cuốn Hồi ký nguyên tác bằng tiếng Pháp với nhan đề là : “ Mémoires : 50 ans de Réflexion Politique” xuất bản năm 1983  và bản dịch sang Anh ngữ với lời nói đầu của Henry Kissinger được xuất bản năm 1990 tại Mỹ. Hiện trong tay tôi, thì chỉ có bản dịch Anh ngữ này. Vì thế, tôi xin trình ra đây phóng ảnh của trang bìa và của một đọan trong trang 392 của bản tiếng Anh này với nhan đề như sau :

* Raymond Aron : Memoirs – Fifty Years of Political Reflection *

do nhà xuất bản Holmes & Meier ấn hành năm 1990 tại New York & London.

Giáo sư Aron viết trong đọan văn nói trên như sau : “ Thật ra, cuộc tấn công dịp Tết (Mậu Thân) là một sự thất bại về phía Việt cộng. Chẳng có nơi nào mà dân chúng lại hưởng ứng đi theo “ những chiến sĩ tự do”  (Nowhere did the population join the “freedom fighters”). Những người chiến sĩ đó đã phạm vào những hành động không thể tha thứ được. Họ bắt buộc các nạn nhân phải đào những con hố mà họ đảy hàng trăm những viên chức và người có tên tuổi của kinh đô Huế để chôn vùi vào trong đó. Bạn của tôi, Phạm Duy Khiêm vốn là vị Đại sứ của miền Nam tại Paris vào năm 1954, thì có phổ biến thông qua thông tấn AFP vào ngày 13 tháng Tư năm 1968 một bản tường trình đày vẻ phẫn nộ (an indignant report) về cung cách đối xử của Việt cộng trong những vùng mà họ kiểm sóat được trong một số ngày.”Những vị trí thức đó đã không hề ngó ngàng gì đến số phận của những viên chức bình thường, những nhân viên vô tội của chính quyền và gia đình của họ, những quân nhân đang nghỉ phép, những linh mục công giáo người Pháp, những giáo sư người Đức cùng với vợ của họ đều bị chôn sống (vào khỏang 300 người), hay bị giết sau khi bị cắt chân tay và bị tra tấn đủ kiểu ( vào khỏang 700 người), đôi khi còn bị trói chung với nhau bằng giây kẽm gai nữa.” Bản tường trình này đã bị rơi vào sự dửng dưng và quên lãng…”

(Ghi chú : Lúc đó thì tại Stockholm thủ đô của Thụy Điển đang có một thứ Tòa án có tên là Bertrand Russell Tribunal để tố cáo “tội ác của Mỹ trong chiến tranh Việt nam “. Và phong trào phản chiến đang rầm rộ sôi nổi ở Mỹ cũng như ở Tây Âu nữa. Nên Đại sứ Khiêm mới phải đề cập đến  “những nhà trí thức đó” với một sự phẫn nộ.)

Nếu ta để ý đến sự kiện là chỉ vào cuối tháng Hai năm 1968, thì quân đội Việt cộng mới bị đánh bật ra khỏi cố đô Huế và chỉ sau đó ít lâu thì các thông tin về cuộc Thảm sát kinh hòang hồi Tết Mậu thân mới được đưa ra một cách rõ ràng chính xác. Và như giáo sư Aron thuật lại ở trên là vào ngày 13 tháng Tư năm 1968, ông Khiêm lúc đó chỉ là một công dân bình thường –  nhưng vì ý thức được trách nhiệm của một vị thức giả mà ông đã phải công bố ngay tức khắc cho thế giới biết đến vụ tàn sát kinh hòang ở Huế lúc đó.

Sự kiện rõ rệt này tôi chưa thấy có tài liệu nào của người Việt nói đến. Vì thế, tôi xin trích thuật ra đây để trước hết góp phần bổ túc cho “Hồ sơ Thảm sát tại Huế hồi Tết Mậu Thân 1968” có thêm được một chi tiết khả tín nữa. Và sau là để tỏ lòng biết ơn đối với Đại sứ Phạm Duy Khiêm vì sự đóng góp quý giá của ông trong việc lưu ý cho công luận thế giới biết rõ hơn về cái tội ác tầy trời đó của người cộng sản đối với người dân vô tội ở Huế thời đó.

Tôi hy vọng sẽ có nhà nghiên cứu sưu tầm được tòan văn “Bản Tường Trình công bố vào ngày 13 tháng Tư năm 1968 của Đại sứ Khiêm được gửi qua thông tấn AFP của Pháp” như giáo sư Raymond Aron đã trích thuật lại trong cuốn Hồi ký của mình.

Quả thật, trong giới trí thức của chúng ta lúc nào cũng vẫn có những con người có lòng thương cảm và sự ngay thẳng để tố cáo những sự tàn bạo độc ác xảy ra đối với các nạn nhận vô tội là đồng bào ruột thịt của mình – như trường hợp của Đại sứ Phạm Duy Khiêm được ghi lại trong bài này vậy/.

San Clemente California, Mùa Trung Thu Nhâm Thìn 2012

Đoàn Thanh Liêm

II Giáo Dục Giải Phóng Con Người : Nội dung & Ảnh hưởng(bài 2)

II Giáo Dục Giải Phóng Con Người : Nội dung & Ảnh hưởng(bài 2)

Đoàn Thanh Liêm

Trước khi đề cập đến nội dung của chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” của Paulo Freire, người viết xin được kể sơ lược về cái duyên hạnh ngộ với nhà tư tưởng nổi danh này, xuất thân từ xứ Brazil là quốc gia đông dân nhất của Châu Mỹ La Tinh. Đó là vào cuối năm 1970, trong dịp tham dự một hội nghị quốc tế tại Paris, nhằm thành lập Institut Oecuménique au service du Développement des Peuples ( INODEP = Viện Đại kết Phát triển các Dân tộc), tôi đã được gặp đích thân Paulo Freire là một thuyết trình viên chính của Hội nghị, mà ông cũng còn được bàu là vị chủ tịch của INODEP nữa. Người tầm thước với bộ râu tóc dài đã điểm muối tiêu của người đã bước vào tuổi ngũ tuần, Paulo Freire có lối nói thật say mê sôi nổi, lôi cuốn như là một thi sĩ, mà lại diễn giải quan điểm lý luận của mình với niềm xác tín sâu sắc của một triết gia. Cử tọa gồm nhiều nhân vật đại diện từ khắp năm châu đều chăm chú theo dõi bài nói chuyện quan trọng, mà đày nhiệt tình của ông. Rồi qua năm 1972, lúc tôi đến Geneva để trao đổi gặp gỡ với một số vị tại văn phòng trung ương của Hội Đồng Tôn Giáo Thế Giới (WCC World Council of Churches), thì tôi cũng gặp lại Paulo Freire đang phụ trách về vấn đề giáo dục của tổ chức này.

Mùa hè năm 1971, vào dịp đến tham dự một cuộc hội thảo khác nữa tại Mindanao Philippines, thì tôi thấy sinh viên ở đây chuyền tay bán cho nhau cuốn sách “The Pedagogy of the Oppressed”, ấn bản địa phương đơn giản, chỉ có ruột sách, chứ không có bìa riêng theo kiểu tự làm lấy, cho nên giá rất rẻ, có 2 US$ một cuốn thôi. Và dĩ nhiên là tôi cũng đã mua vài cuốn để đem về cho các bạn ở Việt nam. Chuyện nhỏ này lại càng khiến tôi chăm chú theo dõi tư tưởng và đường lối giáo dục của Paulo Freire suốt từ hồi năm 1970 cho đến nay.

A – Nét chính yếu của tư tưởng và hành động của Paulo Freire.

Có thể nói Paulo Freire luôn nhất quán về cả phần lý thuyết, cũng như thực hành trong đường lối Giáo dục, nhằm giúp khối quần chúng bị áp bức tìm ra cho mình một phương cách cụ thể, hữu hiệu để tự giải thóat khỏi thân phận của người bị áp bức, bị tha hóa do các điều kiện khách quan của môi trường xã hội, cũng như chủ quan nội tại của bản thân mình. Quan điểm của ông có tính chất triệt để, dứt khóat là : Xã hội đương thời ở châu Mỹ La tinh, cũng như ở nhiều nơi khác đều do bao nhiêu bất công, áp bức bóc lột tạo ra nỗi lầm than cơ cực triền miên cho đa số quần chúng nhân dân. Và không khi nào mà giới thống trị lại chịu tự nguyện đứng ra chủ động việc cải thiện các định chế xã hội vốn bảo vệ các đặc quyền đăc lợi cho riêng họ.

Như vậy, chỉ khi nào chính cái đại khối quần chúng là nạn nhân của sự áp bức thống trị tệ hại đó, mà nhất quyết dấn thân vào công cuộc giải phóng kiên trì để tự cứu thóat lấy mình, thì xã hội mới có cơ may được xây dựng tốt đẹp, và con người mới phục hồi được nhân phẩm cao quý cho từng cá nhân được. Nói khác đi, chỉ khi nào chính quần chúng nhân dân mà được thức tỉnh giác ngộ về vai trò làm chủ nhân đích thực của xã hội, và cùng đồng lòng lăn xả vào cuộc tranh đấu giải phóng đó, thì họ mới có được một tương lai tươi sáng viên mãn, như từng mơ ước từ bao nhiêu thế hệ xưa nay.

Với niềm xác tín như thế, Paulo Freire đã nhập cuộc với xã hội quê hương mình, bằng cách phát triển phương thức giáo dục tráng niên, thúc bách cho các học viên cần phải có sự suy nghĩ với thái độ phê phán (critical thinking = conscientization) về hiện trạng xã hội, mà họ là nạn nhân của bao nhiêu áp bức bất công. Và rồi từ đó, chính họ sẽ ra tay hành động, nhằm biến đổi xã hội hủ lậu đó đi (transformative action). Do lối suy nghĩ và hành động cụ thể, cấp tiến như vây, mà ông đã bị phe quân nhân cầm quyền ở Brazil bắt giữ, rồi trục xuất đi ra khỏi nước vào năm 1964.

Trong thời gian sống lưu vong, ông có dịp đúc kết các suy nghĩ và hoạt động của mình, để rồi trình bày trong 2 cuốn sách xuất bản hồi cuối thập niên 1960, và được nhiều người đánh giá rất cao. Đó là cuốn sách đầu tiên có nhan đề  “ Education, the Practice of Freedom”, và đặc biệt là cuốn “The Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ phân tích chi tiết rành mạch hơn về tác phẩm quan trọng này trong một đoạn sau. Và ông đã kiên trì tiếp tục tìm kiếm trong suốt cuộc đời còn lại, nhất là kể từ ngày được trở về lại quê hương vào năm 1980, để khai triển cho thêm phong phú hơn nữa cái chủ trương giáo dục có tính cách khai phóng và nhân bản cao độ này.

Tác giả Henry A Giroux nhận định về Freire rằng : “ Thực ra, ông là người đã kết hợp được điều mà tôi gọi là cả hai thứ ngôn ngữ phê phán với thứ ngôn ngữ khả thể” (In effect, Freire has combined what I call the language of critique with the language of possibility).

B – Giới thiệu tác phẩm “ Giáo dục của Người bị Áp bức”.

Trong cuốn sách 160 trang ngắn gọn, xúc tích với chỉ có 4 chương này, Paulo đã phân tích khá rành mạch, dứt khoát về chủ trương kiên quyết không thỏa hiệp với nền thống trị đàn áp, vẫn ngự trị lâu đời trong xã hội đương thời, đặc biệt là tại châu Mỹ La tinh là quê hương bản quán của ông. Và sau khi cuốn sách ấn bản tiếng Anh ra đời vào năm 1970, tác giả lại còn có nhiều dịp trao đổi với các thức giả khắp thế giới, và từ đó ông đã hoàn chỉnh hơn quan điểm và lý luận của mình, như được trình bày trong nhiều cuốn sách và bài báo xuất bản vào thập niên 1980-1990 nữa. Ta có thể tóm gọn tư tưởng của ông trong mấy khía cạnh chính yếu sau đây :

1 / Giáo dục đại chúng cốt yếu là một cuộc đối thoại giữa” người dậy” và “người đi học” (a dialogue between the educator and the learner), trong đó phải có sự tương kính lẫn nhau giữa hai phía (mutual respect). Paulo Freire đặc biệt phê phán cái lối dậy học “nhồi nhét”, mà ông gọi là “banking concept”, tức là chỉ có người dậy chủ động chuyển mớ kiến thức vào đầu óc của học viên, y hệt như việc ký gửi các số tiền vào nơi chương mục tại ngân hàng (making deposits). Như vậy, thì người học viên hoàn toàn đóng vai trò “thụ động” của một đối tượng, chứ không hề được khuyến khích để chủ động phát huy óc sáng tạo và sự suy nghĩ có tính cách phê phán (critical thinking), để mà có thể tự mình khám phá ra hoàn cảnh bị áp bức của mình và rồi đưa đến một hành động thích đáng.

Thay vào đó, tác giả đề ra cái khái niệm “Giáo dục đặt vấn đề” (problem-posing concept of Education), trong đó cả hai phía người dậy và người học đều cùng hợp tác với nhau trong một quá trình hỗ tương (a mutual process), nhằm cùng nhau khám phá thế giới, và chung với nhau cố gắng vươn tới một mức độ nhân bản viên mãn hơn (their attempt to be more fully human).

2 / Cuộc đối thoại này không phải chỉ nhằm đào sâu sự hiểu biết, mà còn là một phần làm thay đổi nơi thế giới. Tự bản thân, sự đối thoại là một loại hoạt động có tính hợp tác bao gồm sự tôn kính (a co-operative activity involving respect). Quá trình này quan trọng, vì nó giúp tăng thêm sức mạnh cho cộng đồng và đồng thời lại xây dựng nên nguồn vốn xã hội  (enhancing community and building social capital), mà lại đưa dẫn chúng ta đến hành động cho công lý và phát triển nở rộ về phương diện nhân bản (human flourishing) nữa.

Cơ sở cụ thể cho hệ thống giáo dục căn cứ vào sự đối thoại này chính là nơi các“câu lạc bộ văn hóa” (culture circle), trong đó các học viên và người phối trí hợp cùng nhau bàn thảo về những” chủ đề khởi sinh” (generative themes), mà có ý nghĩa trong bối cảnh cuộc sống thực tiễn của người học viên. Các chủ đề này liên hệ tới thiên nhiên, văn hóa, công việc làm và các tương quan xã hội, thì đều được khám phá ra qua sự tìm kiếm chung nhau giữa nhà giáo dục với học viên. Rồi các chủ đề đó được sử dụng làm căn bản cho cuộc đối thoại trong phạm vi sinh họat nội bộ của câu lạc bộ. Từ đó, mà dần dần diễn ra quá trình cấu tạo được ý thức phê phán (critical consciousness) nơi các học viên tham gia, với tư cách là chủ thể của xã hội, mà chính họ đang cùng nhau ra sức xây dựng với quyết tâm của cả tập thể của mình.

3 / Tính chất độc đáo trong tư tưởng của Paulo Freire chính là việc ông đã khôn khéo tổng hợp đến độ nhuần nhuyễn được kinh nghiệm của những nhà tư tưởng tiền bối, và đem áp dụng vào đường lối giáo dục của ông. Điển hình là phép biện chứng của triết gia Hegel giữa “ông chủ và đày tớ”, thì đã được Freire áp dụng trong lối “giải thóat khỏi các hình thức độc đóan trong giáo dục”(liberation from authoritarian forms of education). Chủ thuyết hiện sinh của Jean Paul Sartre và của Martin Buber, triết gia Do Thái đã giúp Freire đưa ra khái niệm về “ sự tự biến đổi của người bị áp bức để tiến vào trong lãnh vực của tình trạng liên chủ thể tiến bộ” (the self-transformation of the oppressed into a space of radical intersubjectivity). Kể cả thuyết duy vật lịch sử của Karl Marx cũng ảnh hưởng tới quan niệm của Freire về lịch sử tính của các mối quan hệ xã hội (historicity of social relations).

Và chủ trương “Thần học giải phóng” cũng ảnh hưởng rõ rệt đến quan điểm của Freire, khi ông cho là “Tình yêu thương là điều kiện thiết yếu cho một nền giáo dục đích thực”. Rồi quan điểm cách mạng chống đế quốc của Ernest Che Guevara và Frantz Fanon, tác giả cuốn sách nổi tiếng “Les Damnés de la Terre”, cũng ảnh hưởng đến sự phân tích của Freire về tình trạng trầm đọng (sedimentation) của tư tưởng của giới áp bức thống trị, mà vẫn còn hằn sâu nơi não trạng của chính bản thân lớp người nạn nhân bị áp bức. Và rồi từ đó, ông đã dấn thân hết mình vào công cuộc tranh đấu chống lại chế độ thực dân đế quốc ở khắp mọi nơi.

C – Ảnh hưởng của tư tưởng Paulo Freire trên thế giới.

Có thể nói Paulo Freire là mẫu “con người tri hành hợp nhất” theo lối nói của Vương Dương Minh là nhà tư tưởng nổi danh của Trung quốc ngày xưa. Ông không chỉ đơn thuần là một lý thuyết gia, mà còn là một con người dấn thân hoạt động hết mình cho lý tưởng giải phóng con người. Chủ trương Giáo dục của ông tuy rất cương quyết dứt khoát, triệt để tiến bộ, nhưng đày tính nhân bản ôn hòa, khác hẳn với khuynh hướng quá khích, bạo hành của lớp người cộng sản Marxist tại châu Mỹ La tinh, cụ thể như Che Guevara, Fidel Castro. Vì thế mà đại bộ phận quần chúng nhân dân tại khu vực quê hương ông, vốn theo Thiên chúa giáo, thì đã tiếp nhận tư tưởng của Freire một cách nồng nhiệt, phấn khởi.

Tại Phi châu cũng vậy, trong nhiều dịp đến làm việc tại châu lục này, nhất là tại mấy nước trước đây cũng là thuộc địa của Bồ Đào Nha, như Angola, Mozambique, Guinea Bissau, Paulo Freire đã được đón tiếp một cách rất thân tình trân trọng, bởi lẽ ông cùng chia sẻ cái thân phận của người dân đã từng phải sống dưới sự thống trị hà khắc của các chánh quyền thực dân đế quốc trước kia, cũng như của các chế độ độc tài bản xứ trong giai đoạn độc lập tự chủ hiện nay.

Tại Á châu, ông cũng được đón tiếp tại nhiều nơi như Ấn độ, Papua New Guinea, và có nhiều dịp trao đổi với các giới chức hoạt động trong lãnh vực giáo dục, cũng như hoạt động cộng đồng.

Đã có nhiều quốc gia thiết lập các Viện Nghiên cứu Paulo Freire (Paulo Freire Institute = PFI) nhằm cổ võ và quảng bá tư tưởng của ông về lãnh vực cải cách giáo dục tráng niên, cũng như thúc đảy công cuộc tranh đấu cho công bằng xã hội trên phạm vi toàn cầu. Điển hình như PFI tại Nam Phi, tại Tây Ban Nha, tại Phần Lan, tại đảo quốc Malta, và dĩ nhiên tại Brazil là quê hương của ông.

Riêng tại Mỹ, thì có FPI đặt tại đại học UCLA ở thành phố Los Angeles California. Viện nghiên cứu này được thiết lập năm 2002 và rất hoạt động với việc xây dựng những mạng lưới liên kết giới học giả, nhà giáo,  nhà họat động xã hội, nghệ sĩ và các thành viên của cộng đồng. Thông qua các cuộc gặp gỡ trao đổi thường xuyên, tất cả các thành viên và các thân hữu của Viện FPI đều dồn nỗ lực vào việc xây dựng công bằng xã hội, và sử dụng giáo dục như là một phương tiện để tạo sức mạnh cho khối quần chúng bị áp bức, bị khuất phục tại khắp nơi trên trái đất.

Ngòai ra, cũng còn phải kể đến các Diễn Đàn Paulo Freire (bi-annual PF Forums) được tổ chức mỗi năm 2 lần, nhằm mở rộng và nâng cao sự nghiên cứu và trao đổi kinh nghiệm của những thức giả vốn theo đuổi đường lối giáo dục tiến bộ do Paulo Freire đã dày công khai phá từ trên nửa thế kỷ nay.

D – Thay lời kết luận.

Có thể nói Paulo Freire là một con người tòan diện, vừa có trình độ suy tư lý luận rất thâm hậu, mà cũng vừa là con người dấn thân họat động suốt đời, không bao giờ mệt mỏi. Ông được quần chúng mến phục, không những do các tác phẩm sâu sắc về triết lý giáo dục, về phương pháp vận động khích lệ cho tầng lớp người bị áp bức bóc lột, mà còn vì cái nhân cách sáng ngời, cái tinh thần khiêm cung hòa ái, và nhất là vì tấm lòng tha thiết yêu mến tột cùng đối với nhân quần xã hội nữa.

Quả thật, Paulo Freire là một tiêu biểu rất xứng đáng, là niềm tự hào cho tầng lớp sĩ phu trí thức của xứ Brazil, cũng như của tòan thể châu Mỹ La tinh vậy./

California, Tiết Trung Thu Canh Dần 2010.

Đoàn Thanh Liêm

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

Paulo Freire và chủ trương “Giáo Dục Giải phóng Con người”

( Paulo Freire : 1921 – 1997)

Paulo Freire sinh năm 1921 tại Brazil. Ông học Luật và Triết học, nhưng lại dấn thân vào công cuộc giáo dục đặc biệt cho giới tráng niên, nhằm gây ý thức cho đại chúng phải mạnh dạn tự giải thoát  mình ra khỏi tình trạng áp bức nặng nề, tàn bạo của xã hội đương thời. Vì có tư tưởng và hành động cấp tiến như vậy, nên ông bị giới quân nhân cầm quyền bắt buộc phải sống lưu vong ở nước ngoài, từ năm 1964, mãi cho đến năm 1980, ông mới có thể trở về quê hương mình được.

Tại nước Chi lê, ông đã làm việc cho tổ chức văn hóa Unesco của Liên Hiệp Quốc, và Viện Cải cách Ruộng đất của chánh phủ Chi lê. Ông còn được mời tới làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu về Phát triển và Biến đổi xã hôi thuộc đại học Harvard ở Mỹ (Center for Studies in Development and Social Change). Rồi sau này làm giám đốc chương trình giáo dục của Hội đồng Tôn giáo thế giới (World Council of Churches) tại Geneva, Thụy sĩ.

Năm 1970, ấn bản tiếng Anh “The Pedagogy of the Oppressed” (Giáo dục của Người bị Áp bức) của Paulo Freire đã gây một tiếng vang lớn trong giới giáo dục và hoạt động xã hôi khắp thế giới. Sau trên 40 năm, thì đã có hàng triệu cuốn được phổ biến rộng rãi qua nhiều lần tái bản, và hàng mấy chục bản dịch ra các thứ tiếng khác nữa. Ông là người đã cổ võ cho ý niệm “ Conscientizacao’ nguyên văn tiếng Bồ đào nha, mà bây giờ đã trở thành thông dụng khắp thế giới với tiếng Anh là “Conscientisation” (= Consciousness Raising, Critical Conciousness). Ta có thể diễn tả ý niệm này là :  Sự thức tỉnh Ý thức và Suy nghĩ có tính cách phê phán.

Quả thật, chủ trương giáo dục có tính chất cách mạng triệt để của ông đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến các phong trào giáo dục và xã hội cùng khắp thế giới. Và tư tưởng triết học của ông cũng ảnh hưởng đến nhiều ngành học thuật như thần học, xã hội học, nhân chủng học, sư phạm, ngữ học thực hành và nghiên cứu văn hóa (applied linguistics & cultural studies).

Có thể nói : Paulo Freire là một nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về bộ môn giáo dục vào cuối thế kỷ XX ( the most influential thinker about education).

Bài viết này nhằm giới thiệu tư tưởng độc đáo và dứt khoát của ông. Đồng thời cũng lược qua về ảnh hưởng của tư tưởng này trong thế giới hiện đại, đặc biệt là tại các quốc gia vốn xưa kia là thuộc địa của thực dân Tây phương ở Châu Mỹ La tinh, Châu Phi và Châu Á. Để bạn đọc có thể dễ dàng theo dõi quá trình hình thành và phát triển tư tưởng của Paulo Freire, là một nhân vật tiêu biểu của trào lưu thức tỉnh và vận động xã hội tại Châu Mỹ La tinh là quê hương của ông, người viết xin được dàn trải việc trình bày trong 2 bài như sau :

Bài 1 / – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh vào cuối thế kỷ XX.

Bài 2 / – Cốt lõi chủ trương “Giáo dục giải phóng” & Ảnh hưởng trong thế giới hiện đại.

I – Bối cảnh văn hóa xã hội của Châu Mỹ La tinh.

Châu Mỹ La tinh (Latin America) là khu vực nằm ở phía nam của nước Mỹ, mà xưa kia hầu hết đều là các lãnh thổ nằm dưới sự cai trị của hai nước Tây ban nha và Bồ đào nha. Hiện nay khu vực này có chừng 30 nước với tổng số dân là trên 560 triệu. Chỉ có Brazil với dân số trên 190 triệu là nói tiếng Bồ đào nha. Còn lại, thì tất cả đều nói tiếng Tây ban nha. Trừ một số rất nhỏ xưa kia là thuộc địa của Pháp, Anh, Hòa lan, thì vẫn còn nói tiếng như tại “mẫu quốc” cũ của họ.

Có tới 70% dân chúng trong khu vực theo đạo Thiên chúa giáo La mã (Roman Catholic). Và chừng 15% theo đạo Tin lành.

A – Tình trạng bất ổn trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

Kể từ thập niên 1960 trở đi, khu vực này đã trải qua nhiều biến động về chính trị kinh tế, cũng như về mặt văn hóa xã hội thật sôi động, nhiều khi đưa đến những tranh chấp tàn bạo đẫm máu, do các chế độ độc tài thiên hữu, quân phiệt hay thiên tả gây ra. Nhiều cuộc đảo chính đã liên tục xảy ra, khiến cho xã hội luôn bất ổn định, và chế độ độc tài quân phiệt dễ có cơ hội được củng cố, và người dân bị dồn vào thế bị động, không thể hợp nhau góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển quốc gia được.

Lại nữa, vào giữa thời chiến tranh lạnh, nên phía Liên Xô đã tìm nhiều cách để gây ảnh hưởng của chủ thuyết cộng sản tại đây; điển hình là tại Cuba từ khi Fidel lên nắm chánh quyền năm 1959 và đã ngả hẳn về phía Liên Xô. Chúng ta hẳn đều còn nhớ việc Liên Xô cho đem thiết trí lọai hỏa tiễn tại Cuba nhằm hướng vào nước Mỹ, khiến xúyt gây nên cảnh chiến tranh giữa hai siêu cường Nga-Mỹ vào năm 1962, trước sự đối đầu nẩy lửa của hai lãnh tụ Kruschev và Kennedy.

Mà phía Mỹ, thì cũng tìm mọi cách can thiệp nhiều khi rất nặng tay tàn bạo, để bảo vệ toàn thể khu vực được gọi là“cái sân sau” (backyard) của riêng nước Mỹ; điển hình như có bàn tay của CIA trong việc lật đổ chế độ thiên tả của Tổng thống Salvador Allende tại Chi lê năm 1973. Rồi sau này vào thập niên 1980, thì phe Sandinista khuynh tả đã lên nắm được chánh quyền ở Nicaragua, với sự trợ giúp đắc lực của Cuba cộng sản cũng như của Liên Xô. Và chánh quyền Mỹ dười thời Tổng thống Reagan đã ra tay can thiệp mạnh bạo, để giúp phe đối lập Contras lập lại thế cờ tại đây. Đại khái đó là vài nét đại cương về ảnh hưởng của chiến tranh lạnh tại khu vực Châu Mỹ La tinh, từ hồi thập niên 1960 cho đến khi khối Liên Xô bị tan rã kể từ 1990.

B –  Sự nhập cuộc của Giáo hội công giáo La mã.

Về phía Thiên chúa giáo, thì do ảnh hưởng của tinh thần đổi mới của Công đồng Vatican 2, trong giới tu sĩ và giáo dân tại khu vực đã có sự chuyển biến rất mạnh mẽ trong sự nhận thức, cũng như trong hành động của Giáo hội công giáo. Điển hình như trường hợp của Tổng giám mục Helder Camara của Brazil; ông là người rát năng động trong việc phục vụ và tranh đấu cho khối đa số nghèo túng, đến nỗi bị chụp mủ là “vị giám mục đỏ” (the red bishop). Ông nói chua chát như sau : “Khi tôi cho người nghèo ăn, thì người ta gọi tôi là một ông thánh. Khi tôi hỏi tại sao người nghèo lại không có thực phẩm, thì người ta gọi tôi là một người cộng sản!” Giám mục Camara và cầu thủ Pele’ là hai người xứ Brazil mà được biết đến nhiều nhất trên thế giới.

Lại có trường hợp vị Giám mục cấp tiến Oscar Romero ở nước El Salvador, ông còn bị chánh quyền cho dùng tay chân ám sát, ngay giữa lúc ông  đang cử hành thánh lễ an táng cho bà mẹ của một người bạn vào năm 1980. Và đã có đến 250,000 người đến tham dự lễ an táng của vị mục tử kiên cường này, mà họ coi như là một vị thánh tử đạo (Martyr).

Cũng tại El Salvador, vào cuối năm 1980 đã xảy ra việc sát hại 4 nữ tu người Mỹ, do bàn tay của nhân viên công lực nhà nước. Sự kiện này đã gây sự phẫn nộ tột cùng của báo chí và công luận nước Mỹ, đến độ tạo thành áp lực buộc chánh phủ Mỹ phải có biện pháp răn đe mạnh mẽ đối với chánh quyền tàn bạo của El Salvador.

Cũng phải kể thêm về trường hợp của vị linh mục Camilo Torres ở nước Colombia, ông là một tu sĩ cấp tiến, được đào tạo tại đại học công giáo nổi tiếng Louvain bên nước Belgium ở Âu châu. Vì áp lực nặng nề từ phía chánh quyền Colombia, ông phải thóat ly theo hẳn phe du kích chống chánh phủ, và đã bị hạ sát vào năm 1966 trong một cuộc đụng độ với quân đội. Tên tuổi của Camilo Torres, cũng như của Che Guerava bị hạ sát năm 1967 tại Bolivia, thì đã trở thành một huyền thoại lôi cuốn giới trẻ trong toàn thể khu vực Châu Mỹ La tinh từ trên 40 năm nay.

Nhân tiện, cũng cần phải ghi lại cái thủ đọan cực kỳ độc ác là “làm mất tích” (disappearance), bằng cách thủ tiêu những người chống đối, mà cơ quan an ninh tại nhiều nước trong khu vực sử dụng, để đàn áp phong trào tranh đấu cho dân chủ tự do tại các nước này. Điển hình là tổ chức Các Bà Mẹ có con bị mất tích ở Argentina, đã liên tục trong nhiều năm tháng đến tụ hợp với nhau tại một quảng trường Plaza de Mayo trong thành phố thủ đô, để đòi hỏi chánh quyền phải cho công bố về các vụ mất tích này. Các tổ chức tranh đấu bảo vệ nhân quyền quốc tế như Hội Ân xá Quốc tế (Amnesty International) cũng đã thâu thập được khá nhiều chứng từ về các trường hợp “ người bị mất tích” (disappeared persons) tại nhiều quốc gia trong vùng, mà có nơi con số này lên tới nhiều ngàn người. Rõ ràng chế độ độc tài nào dù theo phe tả như cộng sản, hay theo phe hữu như chế độ quân phiệt, thì cũng đều tàn bạo độc ác như thế cả.

C – Nền Thần học Giải phóng.

Châu Mỹ La tinh này lại còn là nơi phát sinh một trào lưu tư tưởng đặc biệt sôi nổi sinh động, đó là nền “Thần học giải phóng”          ( Liberation Theology). Đó là cả một phong trào của các giáo sĩ và giáo dân phản ứng không khoan nhượng trước thực trạng xã hội đày rẫy bất công áp bức, bóc lột trong xã hội các quốc gia trong khu vực. Họ lục tìm trong Kinh thánh và trong Giáo huấn chân truyền của Giáo hội công giáo từ xưa nay, để xây dựng được một nhận thức đứng đắn, trung thực về vai trò dấn thân nhập cuộc của Giáo hội trong công trình giải thoát con người và xã hội khỏi các định chế chính trị xã hội hủ lậu, phản động và vô luân trong xã hội đương thời. Trừ một số nhỏ thiên về phía marxit cộng sản quá khích, còn đa số giáo sĩ và giáo dân đều giữ vững lập trường tranh đấu ôn hòa, bất bạo động của tôn giáo. Hệ thống tư tưởng tiến bộ này luôn được sự hưởng ứng của quần chúng giáo dân và giới chức sắc của giáo hội, mà tiêu biểu sáng ngời nhất là “Hội Đồng Giám mục Châu Mỹ La tinh (CELAM = the Latin American Episcopal Conference). Dưới sự thôi thúc của những vị lãnh đạo năng nổ, nhiệt tình như Helder Camara, Hội Đồng này đã biểu quyết thông qua chủ trương rất tiến bộ là : “ Giáo hội phải dứt khoát chọn lựa đứng về phía người nghèo” ( Church’s Option for the Poor).

D – Vai trò của giới trí thức và văn nghệ sĩ.

Trong khi đó, thì giới hàn lâm đại học (Academia), cũng như giới văn nghệ sĩ, đều sôi nổi góp phần vào công cuộc dấn thân phục vụ xã hội, mà điển hình là sự đóng góp thật là vĩ đại của Paulo Freire với chủ trương “Giáo dục Giải phóng Con người” như đã được trình bày rất khúc chiết trong cuốn “Pedagogy of the Oppressed”. Ta sẽ đề cập chi tiết vế tư tưởng này trong một bài sau.

Cũng cần phải ghi thêm về ảnh hưởng của phong trào trí thức tả phái phát xuất từ Âu châu, đặc biệt là từ thập niên 1950, đối với tư tưởng và hành động của học giới và văn nghệ sĩ tại Châu Mỹ La tinh. Khuynh hướng “Bài Mỹ” (Anti-Americanism) từ Âu châu đã làm tăng thêm sự hậm hực, ân óan vốn có sẵn từ lâu đời đối với sự thống trị và khuynh lóat của chánh sách bá quyền (hegemony) của nước Mỹ đối với tòan thể các quốc gia và lãnh thổ yếu thế, mà lại bị chia rẽ, phân tán ở phía Nam bán cầu (hemisphere). Lâu lâu, người ta vẫn nghe thấy dân chúng tại đây hô thật to cái khẩu hiệu “Yankees, Go Home” (Người Mỹ, Hãy Cút Đi!) mỗi khi có phái đòan cao cấp của Mỹ đi qua một số thành phố lớn. Điển hình là vụ phản đối rầm rộ, đến độ xô xát bạo hành đối với Phó Tổng thống Nixon của Mỹ trong chuyến viếng thăm Nam Mỹ vào năm 1958.

Lại nữa, chánh phủ Mỹ vì luôn bênh vực che chở cho giới tài phiệt Mỹ làm ăn buôn bán khai thác tại các nước trong khu vực, nên đã cho thiết lập và ủng hộ các chánh quyền cực hữu, độc tài mà được đặt tên một cách mỉa mai là “Banana Republics”, vì chuyên làm tay sai cho các đại gia chuyên môn khai thác trồng chuối để xuất cảng về Mỹ, hoặc khai thác các nguồn lợi thiên nhiên khác, để thu về được một số lợi nhuận khổng lồ cho các tập đòan kinh tế có độc quyền khai thác, mà điển hình là United Fruit.

Trước tình trạng bất ổn căng thẳng như thế, ta không lạ gì với sự chống đối quyết liệt như của những lãnh tụ mới đây như Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela đối với nước Mỹ. Và qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ thêm về phản ứng dứt khóat và triệt để của giới trí thức như Paulo Freire trong bối cảnh chung của khu vực Châu Mỹ La tinh vậy./

( Bài 2 :  Giáo dục Giải phóng : Nội dung và Ảnh hưởng)

Ăn Trộm của huyện còn là chuyện nhỏ

Ăn Trộm của huyện còn là chuyện nhỏ

Nguyệt Quỳnh

19-07-2015

Trịnh Khả là bậc thái tể đứng đầu triều đình nhà Lê. Ông là người thẳng thắn, giữ phép nước rất nghiêm. Một hôm, viên quan giữ chức Chuyển vận Phó sứ của huyện Văn Bàn là Trương Tông Ký ăn hối lộ. Việc ấy bị phát giác, ông muốn nghiêm trị nhưng các quan hai bên tả hữu đều một mực xin tha. Trịnh Khả cương quyết nói:

Ăn trộm của một nhà còn không thể nào tha, huống chi là ăn trộm của một huyện.

Nói xong, liền giao xuống cho các quan tra xét. Rốt cuộc, viên quan cấp huyện ấy bị xử tội phải chết. Các quan thời bấy giờ, trên dưới không ai là không sợ.

***

Thời Trịnh Khả không có những loại “bình quý” để chuột ẩn núp. Thời ấy ông bà ta sống đối diện với Trời với Đất, với quỷ thần trên hai vai. Người ta tin rằng có nhân quả, có kiếp trước, kiếp sau. Người ta nhắc nhau làm lành, lánh dữ vì cho rằng ở ác thì sẽ gặp quả báo, gian tham của kẻ khác thì sẽ bị trời phạt. Biết bao đời vua, không thiếu những vị quan làm đến chức tể tướng trong triều mà trong nhà vẫn thanh sạch.

Ngày nay, thể chế độc tài, độc đảng trong cơ chế thị trường định hướng của nước ta đã sản sinh ra nhiều “lợi ích nhóm”. Chuyện ăn cắp của một huyện còn là chuyện nhỏ và là chuyện rất “bình thường” ! Bộ máy nhà nước đang trở thành công cụ cho một nhóm người độc quyền kinh tế và độc quyền chính trị. Đến nỗi chính phủ đã phải huy động toàn xã hội tham gia phòng chống tham nhũng. Chỉ cần lược sơ qua các ban nghành được thành lập đủ thấy mức độ hệ trọng của nó: đứng đầu là Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng Trung ương thuộc Đảng CSVN, bên Chính phủ thì có Thanh tra Chính phủ do Tổng Thanh Tra chính phủ đứng đầu và hầu như tất cả các Bộ ngành, Uỷ Ban Nhân Dân đều có cơ quan phòng chống tham nhũng.

Thế mà theo Trace International, một cơ quan nghiên cứu và theo dõi nạn hối lộ; cuộc khảo sát năm 2014 chấm điểm 197 quốc gia trên thế giới thì Việt Nam đứng hạng 188 với 82/100 điểm, nằm lọt thỏm trong nhóm mười quốc gia tham nhũng nhất. Đó là chỉ số đo lường của một cơ quan bên ngoài, còn trong nhà thì sao? Về thành quả phòng chống tham nhũng, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội nhấn mạnh rằng trên thực tế, trong tổng số bị can bị khởi tố về hành vi tham nhũng, các cán bộ cấp xã, phường chiếm tỷ lệ 30,9% còn cấp Trung ương chỉ chiếm rất ít chỉ có 0,3%.

Liếc sơ qua hai chỉ số trên, người ta biết ngay rằng những ổ chuột lớn đang được bảo vệ. Đại biểu Quốc Hội Lê Như Tiến xác nhận: “Phòng chống tham nhũng chỉ dừng lại ở việc bắt sâu nhỏ lá cành chứ chưa bắt được sâu lớn đục khoét thân cây gốc rễ. Đó mới là nguyên nhân chính làm suy kiệt nhựa sống của cơ thể xã hội”. Dẫu cho các quan chức ở thượng tầng có hô hào với đầy lòng quyết tâm và hàng trăm lời thề độc cũng sẽ chẳng làm được gì. Kế hoạch đã bế tắc ngay từ nguyên thuỷ vì người được giao trách vụ chống tham nhũng cũng chính là người bảo vệ tham nhũng, là người đã từng tham nhũng hoặc cũng đang ở trong các nhóm lợi ích.

Cấp huyện có thể ngang nhiên tham ô nhũng nhiễu được là vì có bao che, ăn chia với cấp tỉnh, cấp thành phố. Cấp tỉnh, cấp thành phố có ung dung được như vậy là do có sự thông đồng của cấp cao hơn nữa, cho đến cấp cao nhất… bởi thượng bất chánh hạ tắc loạn. Cứ xem dinh cơ của quan Trần Văn Truyền, chỉ mới ở cấp trung ương đảng, rồi đến cung điện của ông Nông Đức mạnh, Lê Khả Phiêu… thì biết, lương họ bao nhiêu? bổng ở đâu ra? Các hình ảnh tràn lan trên mạng cho thấy có cả ngà voi, trống đồng – tức là đồ quốc cấm – trong nhà riêng của họ. Đây mới là lý do tại sao cấp tỉnh, cấp huyện ăn cắp mà vẫn nhởn nhơ. Ai cũng bảo rằng những vụ được lôi ra chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Còn hằng hà sa số “các đồng chí chưa bị lộ”.

Tổ chức đảng, tổ chức nhà nước, các cơ chế chống tham nhũng nhiều đến nỗi tưởng chừng như con ruồi bay qua không lọt, thế nhưng chưa bao giờ các cơ chế ấy phát hiện ra một vụ tham nhũng nào. Tại sao? Nhà báo Kim Quốc Hoa, Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi chỉ vì lôi ra nhiều vụ tham nhũng và tha hoá thì bỗng dưng chính ông lại trở thành tội phạm. Bài báo “ Bàn về thị trường Sao Và Vạch” là giọt nước cuối cùng đưa ông vào chốn tù tội!

Sâu xa trong lòng mọi người VN, ai cũng muốn được sống trong một xã hội thượng tôn pháp luật. Không thiếu những cán bộ trong bộ máy công quyền ngày nay đã một thời hy sinh, một thời chấp nhận đổ xương máu để mong đem lại một đất nước tự do no ấm cho đồng bào mình. Tuy nhiên, sự im lặng ích kỷ đang đánh đồng họ với những kẻ cơ hội, gian dối, sách nhiễu và tham nhũng…

Ngày xưa khi đi vào chiến tranh, người ta không màng đến sống chết, không nghĩ đến bom đạn, hiểm nguy. Cái chết của đồng đội hay của chính bản thân được nhìn thấy trước mắt, hàng ngày, nơi cụm vườn, miếng ruộng, rừng cói, lạch nước… nhưng người ta không lùi bước vì người ta biết mình là ai, mình muốn gì, mình phải sống ra sao. Người ta gắn kết chính mình với quê hương và niềm tự hào dân tộc. Người ta gắn kết mật thiết với nhau bởi tình yêu nước, lòng tự trọng và trách nhiệm đối với tổ quốc.

Ngày nay sự gắn kết đó bị gãy đổ. Lý tưởng, lòng nhiệt thành yêu nước bị đánh bạt trước bạo lực và sợ hãi. Cái xấu lên ngôi, kẻ xấu kéo theo bầy đàn. Người ta không còn dám tin vào điều thiện, không dám đứng lên chống lại cái xấu và cái ác, người ta làm ngơ trước những bất công, ngang trái. Đồng sự, ông A không thể đưa con mình ra bảo vệ biển đảo khi con ông B đang du học yên ấm ở xứ người. Các tướng tá quân đội không thể đẩy con mình ra chiến trường để bảo vệ đất nước, khi con của Thủ Tướng đương nhiệm đang làm chủ cả một khối tài sản khổng lồ ở Hoa Kỳ bao gồm cả một vận động trường trị giá lên đến hàng trăm triệu Mỹ Kim…

Và thế là tham nhũng nối tiếp tham nhũng, cầu sập kéo theo cầu sập. Từ Cầu treo Chùa Bung đến cầu treo Cái Bảng rồi đến Chu Va…người ta đành chấp nhận sống với những tai họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào do những công trình bị tham nhũng rút ruột. Những tuyến đường sắt chênh vênh mạng người như Cát linh – Hà Đông với chi phí đội vốn lên đến gấp đôi dự tính; thế mà cũng chỉ thấy đây đó phản ứng bằng những cái lắc đầu ngao ngán hoặc một tiếng than não lòng: “sao có thể đem tính mạng, của cải của dân ra đùa giởn?”

Các cán bộ nhà nước, giới trí thức, báo chí còn im lặng, còn cam chịu như thế; hỏi sao dân đen không bị chúng cho lưu manh dùng xe ủi đất cán lên người? Nhưng mối hoạ không chỉ dừng ở đó. Đức thánh cha Phanxicô bảo rằng: “Một xã hội tham nhũng thì như một xác chết đang thối rữa”.

Và sự thối rữa đó lây lan. Nó đang lan sang quân đội, lực lượng được coi là đứng đầu sóng ngọn gió để bảo vệ tổ quốc. Một bản tin gần đây cho hay bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị đã kê khai để thanh toán hàng tỷ đồng tiền xăng dầu nhưng chẳng hề đi tuần tra để hỗ trợ ngư dân. Thế là kẻ cướp cứ tha hồ đâm tàu, đuổi đánh, ức hiếp, cướp bóc ngư dân VN vì lực lượng vũ trang biên phòng chỉ đi tuần…trên giấy!

Tham nhũng tàn phá tất cả. Từ văn hoá, xã hội, đến con người và chính nó là nguy cơ dẫn đến mất chủ quyền đất nước. Tham nhũng đã mời Trung Cộng vào độc chiếm Tây Nguyên, cho phép kẻ thù đào đường hầm bí mật ở Hà Tĩnh, tự do làm bất cứ điều gì họ muốn ngay trên mảnh đất của tổ quốc! Nếu ngày xưa trong chiến tranh biên giới, nhân dân VN đã đổ máu để giành giật từng đường hầm, từng điểm cao ở Đồng Đăng, Móng Cái…thì ngày nay ta mở rộng cửa, mời đón họ vào đóng trụ ở những nơi hiểm yếu nhất. Nếu ngày xưa ta quan niệm rằng chính mình có thể bị huỷ diệt, nhưng đất nước này dân tộc này không thể bị huỷ diệt, thì ngày nay chỉ vì đồng tiền ta vất bỏ tất cả.

***

Trong cái tối tăm mịt mờ ấy, kẻ tối dạ nhất trong mỗi người dân chúng ta cũng biết rằng “tham nhũng chỉ chấm dứt khi đất nước có dân chủ”. Có điều vẫn còn rất nhiều người chưa biết là dân chủ sẽ có mặt khi nó đến từ quyết tâm của mỗi chúng ta. Bốn mươi năm đã trôi qua, nhưng hồi ức những ngày máu lửa vẫn còn nguyên đó. Sâu xa trong lòng, tôi vẫn tin đất nước sẽ là điểm nối kết cho người dân VN, bởi nỗi đau trong tim tôi cũng là nỗi đau trong tim anh. Không còn cách nào khác, đất nước chúng ta đã đụng đáy. Sự thay đổi phải đến từ chính mỗi chúng ta. Hãy chặn đứng tham nhũng ngay từ vị trí, chỗ đứng của mình. Khi chúng ta bắt tay hành động, môi trường chung quanh sẽ thay đổi, xã hội sẽ thay đổi và đất nước sẽ hồi sinh.

Đừng trông chờ nơi lãnh đạo CS, vô ích! Để bảo vệ được chế độ, chính họ đang chủ động sử dụng tham nhũng để duy trì sự trung thành của hàng ngũ cán bộ đảng viên. Cao hơn nữa, Trung Cộng đang dùng chính hàng ngũ lãnh đạo tham nhũng này để chiếm đoạt đất nước VN.

Trận chiến này Trung Cộng đang thắng thế. Chúng đã chẳng hề tốn chút xương máu gì; cái giá trả cho cuộc trường chinh của họ quá rẻ so với cuộc chiến tranh biên giới năm nào!

Dân chủ? Vẫn là mơ thôi?

Dân chủ? Vẫn là mơ thôi?

Cao Huy Thuần

Bác Cao Huy Thuần đã có một bài viết cực đỉnh, đỉnh về sự uyên bác, sự từng trải, lịch lãm ở đời. Không sống ở nước ngoài, không có cặp mắt nhìn thấu “bốn cõi” và không có khát vọng dân chủ thì không thể viết được như vậy. Lại nữa, văn bác rất hoạt, bác nói những điều khó nói, khó diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ dân chủ: giản dị, minh bạch, ai cũng hiểu.
Tuy nhiên, đọc bác chỉ thấy buồn và thất vọng cho câu chuyện dân chủ nhiều tập cho đến nay vẫn chưa rõ ràng gì cả và không hẳn là sẽ có một cái kết có hậu như nhiều người vẫn tưởng. Đó là chuyện của thế giới, còn chuyện nước mình, càng đáng buồn và đáng thất vọng hơn. Vừa qua bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố ở Mỹ rằng hiện tại nhân dân Việt Nam đang được sống trong một thời kỳ dân chủ nhất từ trước đến nay. Hẳn ý bác Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng muốn nói thứ dân chủ mà người dân Việt Nam được hưởng là dân chủ theo kiểu cộng sản (chứ không phải dân chủ là một thứ giá trị phổ quát của nhân loại) chăng? Là dân chủ tập trung chăng?
Dân chủ tập trung là một khái niệm mù mờ chưa ai duy danh định nghĩa chính xác được. Nó cũng khó hiểu và mù mờ như khái niệm làm chủ tập thể.
Người ta nói trong toán học có một bài toán (hình như gọi là fac ma fac mơ gì đó thì phải) tồn tại hàng trăm năm, nếu ai giải được hẳn là nhận giải Nobel. Đảng ta cũng nên mở một cuộc thi định nghĩa “tập trung dân chủ”. Ai định nghĩa hay nhất sẽ nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Hẳn đó là một Giải thưởng Hồ Chí Minh xứng đáng nhất từ trước đến nay.
Người viết những dòng này không dám giấu dốt, xin thưa thật rằng từ hồi sinh viên đến giờ trải qua mấy chục mùa lá vàng rơi rồi mà vẫn chưa hiểu khái niệm dân chủ tập trung là cái chi chi. Tuy nhiên có thể tạm hiểu một cách chung chung rằng dân chủ tập trung là một thứ bảo bối của Đảng ta dùng để cai trị dân ta giống như cái vong kim cô trên đầu Tôn Ngộ Không Đường Tăng dùng để “cai trị” con khỉ này. Không tự do ngôn luận, không tam quyền phân lập, không đa nguyên đa đảng chi hết, chỉ có dân chủ tập trung – gấp vạn lần dân chủ tư sản! Dân chủ tập trung muôn năm! Làm chủ tập thể muôn năm! Chuyên chính vô sản muôn năm!
Không biết nhà bác Cao Huy Thuần giờ này đang ở đâu, mời bác về quê nghiên cứu xem thế nào là dân chủ tập trung để còn dạy dỗ con dân đất Việt, chứ cứ ù ù cạc cạc cả đám thế này mãi thì không biết bao giờ mới lên đỉnh xã hội chủ nghĩa!

Bauxite Việt Nam

Các anh chị thân mến, vấn đề mà tôi đặt ra hôm nay đã cũ rích, cũ mèm, nghe nói đã mòn tai mà chính chúng ta cũng đã nói mòn lưỡi trong bao nhiêu năm Hội Thảo Hè này. Vậy tại sao lần này vẫn đem cái chuyện “dân chủ” cũ mèmấy ra mà nói nữa? Có lẽvì đề tài của Hội Thảo Hè năm nay: “Nhìn lại 40 năm” chăng? Nhìn lại thì phải nói chuyện cũ. Nhưng nhìn lại cũng phải để nói chuyện mới. Vậy thì cái chuyện gì mới phải nói lần này? Trong 40 năm qua, chúng ta vẫn chưa đi được bước nào trên con đường dân chủ. Vậy chuyện mới phải chăng chính là cái bước đầu phải đi? Nhưng đi thế nào? Thế nào để không xa thực tế?

Tôi đề nghị một cách đặt vấn đề mới. Một câu hỏi khác. Bốn mươi năm đã qua, ngay cả tình trạng dân chủ ở các nước Tây phương cũng đã biến chuyển cùng với thời đại toàn cầu hóa. Dân chủ ở đấy không tránh khỏi vài du nhập độc đoán. Ngược lại, các chính thể độc đoán, không nhiều thì ít, bị bắt buộc phải vay mượn vài cơ chế dân chủ. Một mặt, chính dân chủ cũng bất toàn, cho nên khái niệm “dân chủ hóa” cũng mất bớt đi tính chính xác. Một mặt, các chính thể độc đoán có đi vài bước dân chủ thật, nhưng không phải để tiến đến dân chủ mà để củng cố chế độ. Vậy nếu chúng ta cũng đi được vài bước như thế, chúng ta phải nghĩ như thế nào? Rằng: ta đang ở trên quá trình “dân chủ hóa”? Hay rằng: ta đang củng cố độc đoán? Rằng: ta cũng nên tạm bằng lòng? Hay rằng: ta nên thất vọng?

Tôi biết: cách đặt vấn đề và câu hỏi như thế này phát xuất từ một tâm trạng bi quan. Bi quan trước lo ngại khủng hoảng dân chủ ở Tây phương. Bi quan trước triển vọng dân chủ ở các nước độc đoán, triển vọng ấy có thể bị tương lai hứa hão. Bốn mươi năm rồi, chưa đi một bước mà lạc quan thì mới lạ. Nhưng chính phải bi quan như vậy để đừng bắt đầu với những mơ mộng cao xa, tách lìa thực tế.

Tôi bắt đầu với bi quan thứ nhất của tôi: vấn đề “dân chủ hóa” bị lu mờ, trên sân khấu thế giới cũng nhưtrong học thuyết.

1

Khi các nước Á Phi mới độc lập, vấn đề dân chủ hóa đã sôi nổi ngay, trong chính trị quốc tế cũng như giữa các lý thuyết gia. Từ đó cho đến gần đây, học thuyết về dân chủ hóa xoay quanh một câu hỏi: làm thế nào để các chếđộđộc đoán trở thành dân chủ? Câu hỏi đó hàm ý: độc đoán là tạm thời, dân chủ là cái đích. Trong khoảng một phần tư thế kỷ đầu, lý thuyết ngự trị trên tư tưởng dân chủ hóa mang tên là “phát triển chính trị” (political development). Lấy ý từ lý thuyết phát triển kinh tế, dân chủ hóa cũng phải trải qua nhiều giai đoạn mà giai đoạn đầu là “cất cánh”. Các lý thuyết gia vạch ra nhiều điều kiện tất yếu để cất cánh mà các nước dân chủ Tây phương đã hội đủ trong lịch sử phát triển chính trị của họ. Phát triển kiểu này, chắc chúng ta đành lắc đầu thôi, vì chẳng lẽ chúng ta phải để cả trăm năm để hội đủ điều kiện? Được tán dương hoặc bị chỉ trích, lý thuyết ấy tiếp tục sống dai cho đến khi khối Liên Xô sụp đổ, các nước Đông Âu cháy bỏng nhu cầu dân chủ hóa. Lý thuyết “phát triển chính trị” nhường chỗ cho một cao trào lý thuyết khác, ào ạt như thủy triều, mang tên là lý thuyết “chuyển tiếp“, có tham vọng trở thành cả một khoa học, cả một transitologie. Đồng thời với các nước Đông Âu, khắp nơi trong “thế giới thứ ba”, Á Phi, Trung Đông, nhất là Nam Mỹ, bùng lên nhiệt huyết dân chủ, thủy triều Đông Âu dâng lên thành triều cường của cả thế giới. Không còn tranh cãi gì nữa, vấn đề duy nhất còn lại là làm thế nào để chuyển tiếp. Chuyển tiếp là tất nhiên, giống như “lịch sử chấm dứt” của Fukuyama cũng là tất nhiên.

Nhưng lịch sử đã không chấm dứt như vậy. Nước Nga không chuyển tiếp. Phi châu không chuyển tiếp. Nếu có chuyển tiếp thì chuyển tiếp từ chính thể độc đoán này đến chính thể độc đoán khác. Nước Pháp có đem viện trợ ra để dọa phải dân chủ hóa thì mới viện trợ, chẳng nước nào tin. Chỉ Nam Mỹ là có thay đổi, nhưng chuyển tiếp lại không vững chắc, hoặc quân đội lại lên thay dân sự, hoặc dân sự khác lên thay nhưng dở hơn. Một tiếng thở dài thốt ra trên sách vở của Pháp: désenchantement!1 Vỡ mộng! Các lý thuyết gia của trường phái chuyển tiếp xoay giấy mực qua đề tài mà họ cho là then chốt của quá trình chuyển tiếp: củng cố. Làm sao củng cố thành quả của chuyển tiếp. Nhưng cách nhìn vấn đề của họ vẫn như từ đầu, nghĩa là: độc đoán là tạm thời, dân chủ là cái đích, và dân chủ đó là dân chủ Tây phương.

Thế nhưng, ngày nay, dưới áp lực của toàn cầu hóa, chính dân chủ Tây phương lại đang trăn trở trên tình trạng khủng hoảng của mình.Một mặt, dân chúng khinh khi giới chính trị, cử tri không thèm đi bỏ phiếu, đảng phái làm mất lòng tin, Quốc hội yếu kém, bất mãn diễn ra ngoài đường, dư luận thờ ơ trước chính sự. Một mặt, việc đối phó với khủng bố, với cực đoan tôn giáo, với làn sóng di tản từ khắp nơi tràn vào, làm các chính quyền Tây phương hụt hơi, giải quyết nạn an ninh và nạn thất nghiệp chưa xong, hơi sức đâu nữa mà lo toan dân chủ hóa cho thiên hạ. Thay vì dân chủ hóa, ngôn ngữ chính trị của Tây phương chuyển qua nhân quyền, mà cũng chỉ nhân quyền ở đầu môi chót lưỡi để hù kẻ yếu. Nước Pháp, quê hương của nhân quyền, thay kép chính trên sân khấu ngoại giao, cổ võ cho “ngoại giao kinh tế” để bán máy bay cho các nước độc tài. Trên sân khấu chính trị cũng như ở trong lòng xã hội Tây phương, các khuynh hướng cực đoan khuynh loát dư luận, ảnh hưởng lên chính trị, len vào Quốc hội, ngự trong các cơ quan dân cử. Dân chủ Tây phương, từ Aristote, đặt nền móng trên tinh thần ôn hòa (modération); ngày nay cực đoan đe dọa đánh cắp gia bảo ấy. Nguy cơ diễn ra trên chính nước Pháp. Ở Bắc Âu, nguy cơ đã thành sự thật. Tại Phần Lan, bầu cử tháng 4 vừa qua, 2015, các bác cực hữu đứng vào hàng thứ hai, bây giờ đã vào chính quyền. Tại Thụy Điển, cũng các bác mỵ dân cực hữu ấy trở thành lực lượng chính đảng thứ ba, chấm dứt mô hình dân chủ xã hội mà thế giới vẫn hằng ca tụng. Tại Đan Mạch, cực hữu đứng đầu trong bầu cử Quốc hội Âu châu năm ngoái 2014, đứng đầu trong bầu cử Quốc hội năm nay, 18-6-2015, đang chơi nước cờ đứng ngoài chính quyền để mặc cả chính sách với giá cao nhất. Tại Na Uy, ôi thôi, các bác ấy cũng đã dõng dạc kéo ghế chính quyền. Có cần phải nói thêm dân chủ nước Mỹ, gương mẫu cho cả thế giới? Có cần phải nhắc lại đạo luật Patriot Act 2001 biểu quyết để chống khủng bố nhưng gây phản cảm lớn trong giới bảo vệ tự do, nhân quyền? Phải chăng cái mầm độc đoán đã thâm nhiễm vào các chính thể dân chủ Tây phương? Tôi trích ở đây một câu của một luật gia danh tiếng Pháp, bà Mireille Delmas-Marty, cảnh báo về mối đe dọa mà khủng bố đang đè nặng trên chính dân chủ Âu Mỹ: “Chúng ta đã có thể phải sợ rằng Ben Laden đã thắng cuộc trong thách thức. Y muốn đánh đổ dân chủ, chí ít y đã thấy trước y sẽ ném dân chủ vào vòng tay của Big Brother”. Chứ gì nữa! “Chiến tranh chống khủng bố” mà ông Bush mở màn từ 2001 ngày nay đã hội đủ nguyên liệu để trở thành “một nội chiến toàn cầu và thường xuyên”, chữ của bà Delmas-Marty.2 Đã đi vào “chiến tranh”, mà lại là “nội chiến”, mà lại là “toàn cầu”, mà lại là “thường xuyên”, làm sao tự do, làm sao nhân quyền, làm sao dân chủ khỏi sa vào cái bẫy của những luật pháp ngoại lệ?

Từ tình trạng ấy, học thuyết bắt đầu bàn luận trên hiện tượng lai giống: chính thể dân chủ lai giống độc đoán. “Không một chế độ dân chủ nào, ngay cả ở châu Âu, được bảo vệ khỏi áp lực của độc đoán”,một tác giả có uy tín trong đại học Pháp khẳng định như vậy.3 Chính mình đã không còn nguyên chất nữa, dạy dân chủ cho ai? Trong sách vở, xuất hiện nhiều khái niệm kỳ quái: “dân chủ độc đoán”, “độc đoán dân chủ”.4 Toàn cầu hóa làm xâm nhập ảnh hưởng lẫn nhau giữa hai loại chính thể vốn được coi là đối kháng, khiến dân chủ không còn trinh bạch mà độc đoán cũng không hẳn là sở khanh. Bên này có “dân chủ độc đoán” thì bên kia có “độc đoán dân chủ”. Vậy thì làm sao còn nói “quá trình dân chủ hóa” được nữa? Quá trình ấy có đưa đến “dân chủ” như mẫu mực cổ điển đâu? Vậy thì “độc đoán dân chủ” là tương đương với “dân chủ hóa”?

Lấy ví dụ Vénézuela. Cựu tổng thống Chavez là độc đoán chăng? Đúng thế. Nhưng ông được bầu lên hẳn hoi trong một cuộc bầu phiếu có tranh cử hẳn hoi. Hơn thế nữa, ông chấp nhận thất bại khi bị thiểu số trong trưng cầu dân ý. Vậy là độc đoán hay là đã dân chủ hóa rồi? Nước Nga hiện nay: dân chủ hay độc đoán? Sao không gọi là dân chủ được khi Putin thực sự được bầu lên, tam quyền phân lập là nguyên tắc? Nhưng sao không khỏi mang tiếng là độc đoán khi truyền thông bị áp lực, ký giả Anna Politkavskaïa bị ám sát ngay giữa thủ đô, khi Putin mạnh không thua gì Sa Hoàng, lấn lướt một Quốc hội yếu xìu, đẩy vào bóng tối các chính đảng? Ấy là độc đoán hóa? Ấy là dân chủ hóa? Iran là độc đoán chăng? Hiển nhiên. Mà còn độc đoán thần quyền. Nhưng cựu tổng thống Ahmadinejad được bầu lên trung thực rồi bị mất chức trung thực trong cuộc bầu cử tiếp theo. Ấy là gì? Dân chủ hóa? Đâu phải!

Các chính thể cứ lai nhau như vậy, đến nỗi học thuyết đã bắt đầu đặt câu hỏi: phải chăng mọi chính thể ngày nay đều là chính thể lai?5 Rồi sáng tác ra nhiều khái niệm mà nếu Montesquieu hay Rousseau sống lại chắc tưởng là quái vật. Về dân chủ thì: “dân chủ hậu toàn trị”, “dân chủ ủy nhiệm”, “dân chủ bán phần”, “dân chủ bầu cử”, “dân chủ bất tự do”… Về độc đoán thì: “bán độc đoán”, “độc đoán tự do hóa”, “độc đoán có chứa dân chủ”, “chuyên chế dịu dàng”, tyrannie douce, nghe rất nên thơ. Một bên thì xôi đậu. Một bên thì đậu xôi. Chỉ khác nhau ở chỗ bên này nhiều nếp hơn đậu, bên kia nhiều đậu hơn nếp. Nhưng nhiều nếp bao nhiêu cũng không phải là xôi. Chỉ là xôi đậu. Đâu nữa khái niệm nguyên thủy “dân chủ hóa”?

Có “dân chủ hóa” bởi vì có một bên là dân chủ, một bên là độc đoán, ranh giới phân minh. Ranh giới ấy, Raymond Aron đã vạch ra hồi 1965, khi thế giới còn phân ra hai khối. Ranh giới ấy là đa nguyên. Bên này bức màn sắt là đa đảng, bên kia độc đảng. Bên này là dân chủ, bên kia là toàn trị. Trong vòng 50 năm nay, quanh đi quẩn lại, học thuyết chính trị không ra khỏi khái niệm căn bản ấy. Nhưng ngày nay, anh nói: đa nguyên? Đâu chẳng có! Bên này hay bên kia đều có. Có thể, bên này có thật, bên kia có dổm, nhưng đều có. Có thật là dân chủ? Có dổm là dân chủ hóa? Bởi vì thà dổm còn hơn là độc một mình? Tiêu chuẩn đa nguyên đang bị khủng hoảng. Một tác giả danh tiếng, Juan Linz, cố hiện đại hóa tiêu chuẩn của R. Aron, sáng tác ra khái niệm “đa nguyên hạn chế”,6 nhưng không phải ai cũng nghe. Nhiều tác giả còn bác bỏ cả lối phân ranh lưỡng cực vì ranh giới đã nhoè nhoẹt khi hai bên xâm nhập lẫn nhau. Có tác giả, cũng danh tiếng không kém, bi quan thở dài: “Thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ của độc đoán”.7 Hết thật rồi chăngước mơ dân chủhóa?

2

Tôi tiếp theo với bi quan thứ hai của tôi. Bởi vì tôi sắp lấy ví dụ Trung Quốc để tự hỏi: chính thể Trung Quốc có phải là một chính thể lai? Một chính thể độc đoán đang lai giống dân chủ? Đang đi vào quá trình… dân chủ hóa? Hayđể củng cố chếđộ?

Tôi biết câu hỏi đó sẽ làm nhiều người phản đối vì một phản biện rất đúng: chế độ Trung Quốc là một chế độ riêng biệt, không giống ai, không theo mẫu mực nào, nếu có dính dáng gì đến dân chủ thì không phải là dân chủ hóa mà là “dân chủ với màu sắc Trung Quốc” như bất cứ sản phẩm chính trị nào khác. Vâng, đúng vậy, nhưng giả thuyết tôi sắp nói có phải là dân chủ hóa đâu? Lai thôi mà. Và lai để làm gì?

Không thiếu gì giới học thuật cũng như giới chính khách hoặc doanh nhân ở Mỹ đánh cuộc với tương lai rằng Trung Quốc của họ trước sau gì rồi cũng phải dân chủ như họ. Bao nhiêu lâu? Năm chục năm, trăm năm? Trước mắt, và ngay cả trung hạn, khó mà ngây thơ như họ. Tuy vậy, ai cũng phải nhìn nhận và ngả mũ chào khả năng chuyển biến để thích nghi với hoàn cảnh mới từ thời Đặng Tiểu Bình đến nay. Tất nhiên đó không phải là những canh tân chính trị, lại càng không phải là “đệ ngũ hiện đại hóa” (dân chủ) như Wei Jingshen đãkhản cổ kêu gào. Đó chỉ là những biện pháp cụ thể nhắm canh tân một vài cơ chế, nhưng có thể gây ảnh hưởng gián tiếp trên tiến trình của chếđộ. Xin kể sơ lược một vài biện pháp đó:8

Về bộ máy hành chánh: đào tạo hàng ngũ cán bộ có khả năng hơn; xây dựng một thế hệ công chức hữu hiệu hơn nhờ lương bổng cao hơn và quy chế ổn định hơn; đơn giản hóa thủ tục hành chính; sửa đổi thẩm quyền của các cơ quan chính phủ (bộ, ban, ngành…) không phải để quản lý trực tiếp nữa mà để chịu trách nhiệm về việc thực hiện các chính sách liên hệ… Về các cơ quan chuyên môn: hiện đại hóa các ngành thuế, ngân hàng, chứng khoán, hưu bổng, an sinh xã hội… Quan trọng hơn và liên quan đến vấn đề ta đang bàn cãi hơn: ban cấp cho các hội đồng nhân dân vài thẩm quyền – hạn chế– để góp phần vào quá trình lập pháp; thử nghiệm bầu cử ở cấp độ địa phương với ít nhiều cạnh tranh; sửa đổi luật lệ để đem lại nhiều bảo đảm hơn cho người dân và cho các doanh nghiệp ngoại quốc nhất là từ khi vào WTO; mở mang thêm các biện pháp giải quyết các tranh chấp xảy ra giữa xã hội và Nhà nước mà họ gọi là “Nhà nước pháp quyền”: trọng tài, hòa giải, thủ tục tố tụng, khiếu nại…; phát triển việc thăm dò ý kiến để tìm hiểu tâm lý, nguyện vọng của người dân. Xin kể đại khái như vậy thôi, không cần dông dài, các anh chị quá biết. Chỉ nói thêm về “pháp quyền”: đây là điều mà Tập Cận Bình được xem như đang quyết tâm thực hiện.

Kể như vậy để đặt câu hỏi: Các biện pháp ấy nhắm mục đích gì? Dân chủ hóa? Hayđể nắm vững trong tay tình trạng bất bình đẳng kinh tế và xã hội, để quản lý chặt chẽ hơn, giải quyết hiệu quả hơn, tránh trước những tranh chấp, những tình trạng nguy hiểm, cốt bảo đảm ổn định xã hội, quan tâm hàng đầu của Đặng Tiểu Bình? Dù sao đi nữa, dù chẳng liên quan gì đến “đệ ngũ hiện đại”, ai dám nói các biện pháp ấy không liên quan gì đến thể chế? Nó còn làm tăng tính chính đáng của chế độ trước mắt người dân thường và càng tăng hơn nữa trước mắt thế giới. Chỉ có điều là cách thức ổn định ấy tránh rất kỹ, không du nhập toàn vẹn một biện pháp nòng cốt của chế độ dân chủ: định chế hóa. Định chế hóa là để bảo đảm ổn định, an ninh của người dân đối với chính quyền. Ngược lại, cứ để mỗi biện pháp lửng lơ, tùy nghi áp dụng, tùy hoàn cảnh, tùy địa phương, là để bảo vệ an ninh của chính quyền, ổn định của chế độ. Thiếu định chế hóa, cho nên các quyết định đều làm trong bóng tối của bí mật và tùy tiện, chẳng ai biết tại sao vị này được bầu vào Bộ chính trị, vị kia lên chức bí thư, ai là “nhóm Thượng Hải”, ai là “nhóm Bắc Kinh”, ai tống ai xộ khám.

Ngoài các biện pháp kể trên, bất cứ ai cũng nói rằng phồn thịnh kinh tế đã làm xuất hiện một giai cấp xã hội mới, một loạt “tư bản đỏ” lớn nhỏ, một thế lực kinh tế làm ăn với chính quyền nhưng cũng cạnh tranh với chính quyền và với nhau, đưa đến hiện tượng mới là đa nguyên quyền lợi. Tây phương nghĩ rằng các thế lực kinh tế này càng ngày càng muốn thoát ra khỏi cái khung chật hẹp của chế độ chính trị, càng ngày càng muốn có tiếng nói mạnh hơn: đa nguyên kinh tế, đa nguyên xã hội sẽ đưa đến đa nguyên chính trị. Vậy thì, theo họ, dù muốn dù không, yếu tố trụ cột của dân chủ, đa nguyên, không hẹn vẫn đến.

Thế nhưng, lại thế nhưng, hai thế lực ấy ở Trung Quốc đang liên minh với nhau. Là thống soái, chính trị nói: anh liên minh với tôi, chúng ta cùng hưởng lợi. Kết quả là một thể chế chính trị nhiều tiếng nói tư vấn, nhiều hợp tác ý kiến hơn, nhưng tập trung ở quan hệ thượng đỉnh. Và chúng ta thấy gì? Ra đời lý thuyết chính trị “tam cá đại biểu” mà Giang Trạch Dân đã quảng bá hồi 2001. Từ nay, Đảng Cộng sản đại diện cho “những lực lượng sản xuất tiến bộ, văn hóa tiên tiến, và những quyền lợi thiết yếu của đa số quần chúng”. Đâu rồi, công nhân và nông dân? “Đa số quần chúng” đứng vào hạng bét. Đầu đàn là giai cấp quý tộc đỏ.

Giới quân tử đỏ ấy được ban cấp một thứ tự do ngôn luận nội bộ, tin tức không được lộ ra ngoài cho thứ dân. Đại gia, thê tử của các vị lãnh đạo nắm giữ các xí nghiệp công và bán công, cả một nomenklatura thượng tầng xã hội ấy sống trên pháp luật, được tập tục riêng của chế độ bảo vệ. Ngay cả doanh nghiệp tư và bán tư ở cấp địa phương cũng được chính quyền địa phương ưu đãi, ban phát cho thông tin riêng. Đứng vào hàng thứ hai trong bảng sắp hạng của Giang Trạch Dân, “văn hóa tiên tiến” cũng được ăn theo hưởng lợi chung: đại học, trung tâm nghiên cứu, think tank được ban cấp một thứ tự do hàn lâm rộng rãi, viết lách, tranh luận thoải mái nhưng cẩn thận không phát tán. Sinh viên được biểu tình, nhưng để rốc máu nóng dân tộc chủ nghĩa vào đấu tranh chống Mỹ Nhật, tuy rằng thỉnh thoảng cũng để phản đối bất an ninh trong khu đại học.

Đại học sản xuất ra chuyên gia, chuyên gia xuất hiện để được tư vấn. Còn gì vinh dự hơn được lãnh đạo nghiêng tai? Vậy là chuyên gia tranh nhau bày tỏ lời vàng tiếng ngọc, tuy rằng quyết định đã có trước rồi. Ngây thơ là bệnh kinh niên của trí thức, nhưng dù vậy chăng nữa, một khi khung cửa hẹp được mở ra cho ý kiến, một khi chính quyền biết nghĩ rằng mình không phải là ông thánh nắm hết mọi tri thức chuyên môn của thời đại, tư vấn với thiện chí học hỏi cũng giúp ích phần nào cho quá trình lấy quyết định hoặc để quyết định được trau chuốt hơn. Nóí khác đi, đa nguyên quyền lợi, đa nguyên ảnh hưởng, đa nguyên áp lực, đa nguyên thế lực, đa nguyên thương lượng, đa nguyên mặc cả… tất cả không khỏi đưa đến đa nguyên nội bộ, đa nguyên phenhóm, đa nguyên cấu xé nhau như thế giới đã thấy sau hậu trường của Tập Cận Bình. Bộ máy chính trị vẫn vận hành theo lối sắp xếp nội bộ, nhưng sắp anh hay sắp tôi tùy thuộc vào nhiều tiêu chuẩn mới làm bằng những quan hệ đan xen nhau giữa lãnh đạo chính trị và giai cấp tân quý tộc. Bề ngoài, bộ máy ấy vẫn vững như đồng, khó mà tin rằng những phần tử “thiên dân chủ” dám liều mạng đem quyền lợi đang hưởng của mình đánh đổi một cuộc phiêu lưu chính trị, nhưng ai dám nói chắc một biến đổi xã hội bất ngờ sẽ không bao giờ xảy ra trong bối cảnh bất bình đẳng cao độhiện nay?

Kết quả: một chế độ độc đoán đang thành công, thành công ở cấp trên nhờ ban cấp nhiều tự do và quyền lợi, thành công ở cấp dưới nhờ thành quả kinh tế và tự hào dân tộc được vuốt ve. Không ai chối cãi tính chính đáng của chế độ độc đoán ấy, tuy rằng tham nhũng vẫn hoành hành, truyền thông bị bóp nghẹt, nhân quyền bị coi rẻ, toà án và luật lệ bất công. Khó mà nghĩ rằng đa nguyên trong lòng chế độ sẽ đưa đến dân chủ. Thực tế mà xét, cái tài thích nghi của chế độ chỉ đưa ta đến kết luận rằng: trước mắt, cái thứ độc đoán có lai chút ít giống dân chủ ấy, dù có lai thêm đi nữa, cũng là để củng cố độc đoán thôi, đừng hòng nói dân chủ hóa với phát triển chính trị.

Tôi dông dài cho đến đây cũng chỉ để hỏi các anh chị một câu: Ví thử các anh chị sống trong chế độ ấy, tự hào với nó vì nó đưa đất nước lên địa vị thống soái thế giới, và ví thử các anh chị biết rằng đòi hỏi dân chủ chỉ đưa đến một chế độc tài được củng cố hơn, dễ chấp nhận hơn, mềm dịu hơn, các anh chị còn đòi hỏi dân chủ không hay bằng lòng như thế? Nói cho rõ hơn: phải chăng một chế độ độc đoán mềm dịu và hữu hiệu có thể thay thế đòi hỏi dân chủ hóa? Hay là cả hai là một, tương đương với nhau? Ngày trước, Voltaire ca tụng Cathérine II của nước Nga, nữ hoàng của một chếđộ mà lịch sử học thuyết chính trị gọi là “chuyên chế sáng suốt” (despotisme éclairé). Các anh chị nghĩ sao nếu bước chân đòi hỏi dân chủ của các anh chị dẫn đến một chếđộ mà tôi muốn bắt chước đểgọi là “độc đoán sáng suốt“?

3

Nói vậy chứ tôi không bi quan. Bởi vì tôi biết rằng nước chúng ta là một nước trung bình, không lớn mênh mông như Trung Quốc, nên không có những vấn đề như Trung Quốc, không thể lấy mô hình chính trị của một nước cực lớn được. Từ trước đến nay, hễ nói đến chính thể độc đoán là ai nấy đều chỉ vào Singapore. Hễ hỏi có chính thể độc đoán nào thành công không, ai nấy cũng chỉ vào Singapore. Chỉ có nước ấy xứng đáng để gọi là thành công. Vậy, tôi đặt câu hỏi: họ có muốn dân chủ hóa không? Hay là bằng lòng thành công với độc tài sáng suốt? Tôi đặt câu hỏi tại một thời điểm thích hợp: trên sân khấuchính trị của Singapore không còn ông Lý Quang Diệu. Các lý thuyết gia muốn nghiên cứu chuyển tiếp, không đâu bằng đến đây. Các lý thuyết gia chủ trương “chính thể lai giống“, đến đây cũng tìm ra chất liệu.

Độc đoán: mẫu mực không ai đúng hơn ông Lý Quang Diệu. Một mình ông làm thủ tướng từ 1959, trước khi nước ông độc lập, cho đến 1991 mới nhường ghế kế vị cho người được ông lựa chọn. Ghế ấy lại trao cho con ông, năm 2004. Nhưng ông đâu có từ bỏ chính trường: chế độ gia trưởng mà ông mở đầu tiếp tục đi theo ông cho đến phút cuối. Cũng như ông, đảng PAP (People’s Action Party) của ông nắm quyền một mình. Mãi đến 1981, đối lập mới chiếm được một ghế trong Quốc hội. Một ghế! Vậy mà ông đã lo cảnh giác, siết chặt báo chí, kềm kẹp đối lập, ra luật cho phép bắt giữ không cần xét xử trong một thời gian vô hạn định. Dân biểu đối lập ChiaThye Poh nằm khám 32 năm mà chưa hề ra tòa. Năm 2010, trang nhất của báo chí quốc tếđồng loạt phản đối việc một nhà báo Anh bị bắt vì dám chỉ trích chính quyền. Trước đó, Singapore được sắp hạng 133 trên 175 nước vặt lông báo chí ưu tú nhất.

Thế nhưng, trong bàn tay sắt của ông, không phải không có vài yếu tố dân chủ. Có đa nguyên chăng? Có chứ, vì có một đảng đối lập hoạt động công khai, hợp pháp, đảng Worker’s Party. Đã đành, đảng ấy hiện hữu như một ngón tay thừa trong bàn tay năm ngón, nhưng trong suốt 56 năm cầm quyền, đảng PAP chịu tranh cử hẳn hoi và chưa bao giờ bắt chước trò hề suýt soát 100% như các đảng độc quyền trong các nước độc đoán khác. Tuyển cử cuối cùng, năm 2011, PAP chiếm tỷ lệ trên 66% số phiếu, con số cao nhất từ trước đến nay. Đồng thời, số ghế của đối lập trong Quốc hội tăng lên thành 6. Một dấu hiệu dân chủ được hân hoan chào đón như một rạng đông của lịch sử mới. Một vinh dự cho cảđảng PAP vì tính chính đáng của chế độ càng được xác nhận thêm. Không quan sát viên nào không tán dương những thành quả xuất chúng của Singapore: tư pháp độc lập, luật pháp được tôn trọng từ trên chóp bu, bộ máy hành chánh trong sạch, công chức có trình độ học thức cao, giáo dục tiên tiến, an sinh xã hội được bảo đảm, y tế phát triển, và nhất là, nhất là, sao giỏi thế, tham những bịquét sạch.

Một “chế độ lai” thành công đến mức ấy, tương lai sẽ cứ là “độc đoán sáng suốt” như vậy mãi hay là sẽ dân chủ hóa lần hồi để càng ngày càng dân chủ? Hỏi người dân: muốn củng cố cái gì, củng cố độc đoán hay củng cố từng bước đi của dân chủ, cam đoan chẳng mấy ai, kể cả ở bên Tàu, trả lời độc đoán. Bởi vì dân chủ là ước muốn tự nhiên của con người, nhất là sau khi cơm áo đã có. Ở tầng lớp dưới, người dân muốn dân chủ để thoát ra khỏi cường hào. Ở tầng lớp trên, phồn thịnh kinh tế đưa đến một xã hội trung lưu phức tạp, vừa trong cách sống, vừa trong cách suy nghĩ, và cách cai trị một xã hội đa dạng, đa diện, phức tạp, nếu muốn tiếp tục thành công, không thể là cách cai trịmột đàn cừu. Chính ông Lý Quang Diệu đã thấy điều đó. Chính ông nói: thế hệ trẻ không còn nhìn quan điểm của ông với cùng một trọng lượng và đồng tình như giới già đã nhất loạt quy tụ xung quanh ông trong giai đoạn khó khăn của thời độc lập.9 Giữa già với trẻ, giữa giới thủ cựu và giới tân tiến, quan điểm khác nhau, kể cả trên những vấn đề đạo đức. Đồng tính luyến ái, lưỡng tính, chuyển tính, dục tính, quan hệ nam nữ trước hôn nhân, vợ chồng không hôn thú, cái roi của đức Khổng mà ông Lý lăm lăm trong tay để biến nước ông thành con rồng không làm giới trẻ cúi đầu nữa. Một xã hội phức tạp không cần cây roi để lãnh đạo bằng cái còi. Cái còi của người trọng tài. Các người kế vị ông Lý không học ở ông nghệ thuật cầm roi bằng nghệ thuật trọng tài. Trọng tài giữa nhiều quan điểm, nhiều xu hướng khác nhau tất nhiên phải có trong một xã hội phức tạp.

Trọng tài để giải quyết những căng thẳng trong xã hội cũng là trọng tài cần thiết để giải quyết những căng thẳng trong chính trị chắc chắn phải xảy ra. Làm sao giải quyết trong ôn hòa? Làm sao tránh những vấp váp của thời chuyển tiếp mà các con rồng khác đã trải qua? Làm sao đừng thấy diễn ra cảnh hai ông cựu tổng thống Hàn Quốc, một ông vô tù, một ông tự tử? Làm sao để dân chúng khỏi xuống đường như ở cả ba con rồng kia? Trong quá khứ, dân trao trọn quyền cho ông Lý và khoanh tay chờ quyết định. Ngàyấy qua rồi, các trí thức Singapore quả quyết như vậy.”Chúng ta không bao giờ trở lui về lại được nữa sự nhất trí cao độ mà chúng ta đã được hưởng hàng chục năm qua. Rạn nứt sẽ xảy ra”.10 Xã hội mới, họ báo trước, chắc chắn sẽ đem lại nhiều phản đối. Làm thế nào để xuôi buồm giữa các chiều gió nghịch?

Trí thức Singapore đặt vấn đề như vậy. Họ tự hỏi: làm sao thuận buồm xuôi gió để qua bờ bên kia, bờ dân chủ? Họ đâu có tự hỏi: làm sao củng cố cái thuyền cho chắc đểở lại yên ổn với bờ bên này, bờ độc đoán? Họ đâu có muốn lai mãi lai hoài một thứ chính thể dù thành công vượt mức? GDP đâu phải là mục đích thiên thu của con người? Mục đích thiên thu của con người là tự do. Singapore là bài học đáng để chúng ta suy ngẫm hơn cả. Bởi vì, cũng như ta, họđang suy nghĩ về bước đi đầu tiên. Họđã chờ cho đến khi Lý Quang Diệu mất đểđặt vấn đề cái bước đầu tiên ấy. Họ có đủ điều kiện để bước: một xã hội tân tiến, một xã hội trọng luật, một xã hội có giáo dục cao, một xã hội lành mạnh, một xã hội phồn vinh. Vậy mà trí thức của họ rất khiêm tốn trong bước đi. E rằng ta cũng phải khiêm tốn như họ chăng?

Tôi chọn một người trí thức có uy tín ở Singapore và trên quốc tế đểđọc: đó là Kishore Mahbubani mà tôi vừa trích câu nói ở trên.11 Đọc ông, rồi đọc những bài viết đăng trên báo chí sau khi Lý Quang Diệu mất, tôi thấy có hai chữ sáng lên như một cặp đèn pha trong sương mù: “normal” và “consensus“. Bình thường và đồng thuận. Singapore sẽ, và sẽ phải là, một chính thể “bình thường”. Một chính thể bình thường là một chính thể không cần đến anh hùng vĩ đại. Vĩ nhân chỉ xuất hiện trong những giai đoạn bất bình thường. Xong nhiệm vụ bất bình thường, vĩ nhân bay lên trời như Phù Đổng, để mặt đất lại cho anh, cho tôi, cho chúng ta, những người bình thường. Những người bình thường cần định chế vững chắc để sống chung với nhau trong hòa bình. Định chế ấy phải được xây dựng trên nền tảng dung hòa, bởi vì đa nguyên quyền lợi là tình trạng bình thường trong xã hội. Nói đến dung hòa là nói đến đồng thuận. Nếu không thì là cưỡng chế và cưỡng chế là bất bình thường. Đồng thuận là đồng thuận trong xã hội và đồng thuận giữa chính quyền và người dân. Nếu không thì là áp bức và áp bức là bất bình thường, chẳng ai ưa áp bức cả, ai cũng muốn thở không khí tự do, vì tự do là bình thường.

Làm cách thế nào để “thoát Lee”, thoát ly ra khỏi tình trạng bất bình thường của một bàn tay sắt, khi cái roi “nhất trí” không còn hợp thời nữa, khi chính tinh thần nhất trí phải nhường chỗ cho đồng thuận? Tôi lắng nghe ông Mahbubani nói, bởi vì chẳng lẽ chúng ta cũng cứ ở mãi trong tình trạng bất bình thường từ bốn chục năm qua? Cứ chiến tranh với nhau hoài? Cứ hận thù hoài? Cứ đánh gục mọi ý kiến khác, dù đầy thiện chí, như nã súng cối vào kẻ thù? Cứ đặt vòng kim cô trên đầu xã hội với mệnh lệnh và khẩu hiệu? Tôi lắng nghe ông Mahbubani nói để xem ông có giải quyết được giùm tôi cái vòng luẩn quẩn mà một tác giả danh tiếng của đại học Mỹ cứ làm tôi khổ sở hoài: “Chỉ một Nhà nước dân chủ mới tạo ra được một xã hội dân chủ, chỉ một xã hội dân chủ mới nâng lên được một Nhà nước dân chủ“.12 Làm sao đi bước đầu trong cái vòng luẩn quẩn ấy? Tôi cám ơn ông bạn trí thức lân bang của ta, ông nói: Chỉ có cách phát triển một văn hóa chính trị mới, một political culture, lấy dung hòa làm căn bản thay cho mệnh lệnh. Khiêm tốn thế thôi.

Các anh chị thân mến, tôi chưa bao giờ mơ tưởng đa đảng như là bước đi đầu tiên. Cũng chưa bao giờ nghiêm túc sử dụng Hán văn “tam quyền phân lập”. Tôi không dám mơ tưởng xa xôi khi vấn đề định nghĩa chính xác thế nào là “đảng lãnh đạo” chưa được chính thức đặt ra để cả nước cùng góp ý kiến trong bầu không khí tin tưởng, cởi mở, tự do. Tôi chỉ có thể làm một người trí thức bình thường, khiêm tốn trongmơ ước. Văn hóa là chuyện bình thường của chúng ta. Và văn hóa dung hòa là chuyện quá bình thường trong văn minh của Việt Nam. Nhưng làm thế nào để nói lên cái văn hóa ấy? Làm thế nào để tháo ra cái vòng luẩn quẩn, để mở đầu với cái chìa khóa xã hội dân chủ? Đố ai có thể tìm ra được một câu trả lời nào khác: không có quyền ngôn luận thì không có cảvăn hóa, nói gì văn hóa chính trị. Đó là bước đầu, trước khi nói đến cái gì khác. Tôi đề nghị: Với quyền ngôn luận thẳng thắn, trong sáng, tự do, và với tinh thần trách nhiệm, hãy bước cái bước đầu sau 40 năm dằng dai, trên câu hỏi đầu tiên: thế nào là “đảng lãnh đạo”? Thế nào là “đảng lãnh đạo” trong tình trạng “suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng” hiện nay, kể cả tận “cấp cao“?13 Đâu là biện chứng giữa lãnh đạo và đồng thuận trong bối cảnh không còn là bất bình thường nữa của chiến tranh? Thế thôi, khiêm tốn, bước đầu. Nhưng đó là bước đầu để đi đến dân chủ. Dù chỉ là giấc mơ, dân chủ vẫn là lý tưởng. Không ai mơ độc tài, dù là sáng suốt.

Vĩ thanh: Khi tôi viết bài này xong thì được GS Trần Ngọc Vương gửi cho bài viết của anh về Tập Cận Bình, trong đó tôi vô cùng thích thú thấy anh cùng đưa ra luận điểm “độc tài sáng suốt”. Xin đọc bài rất đặc sắc của GS Trần Ngọc Vương, “Thử giải mã Tập Cận Bình“, Tạp chí Người Cao Tuổi, số Tết 2015.

C.H.T.

© Thời Đại Mới

1 GuyHermet, Les désenchantements de la liberté. La sortie des dictatures dans les années 1990, Fayard, 1993.

2 La démocratie dans les bras de Big Brother, phỏng vấn Mireille Delmas-Marty, Le Monde, 6-6-2015.

3 Bertrand Badie, Aucune démocratie n’est à l’abri d’une poussée autoritaire, même en Europe, Le Monde.fr, 22-9-2009.

4Olivier Dabène, Vincent Geisser, Gille Massardier, Autoritarismes démocratiques et démocraties autoritaires au XXIè siècle. Convergence Nord-Sud, La Découverte, 2008.

5Lydie Fournier, Entre démocratie et autoritarisme vers des régimes hybrides? Sciences Humaines, n° 212, Février 2010.

6 Juan Linz, Totalitarian and Authoritarian Regimes, trích bởi Michel Camau, Remarques sur la consolidation autoritaire et ses limites, http://books.openedition.org/cedej/1111?lang=fr

7Ralf Dahrendorf, trích trong chú thích (4) ởtrên và www.editionsladecouverte.fr(giới thiệu quyển sách).

8Jean-Pierre Cabestan, La Chine évoluerait-elle vers un autoritarisme “éclairé” mais ploutocratique?, Perspectives chinoises, n°84, Juillet-Août 2004. Tôi lấy nhiều chi tiết và khái niệm “độc đoán sáng suốt” từđây.

9Ang Cheng Guan, Singapore and the Worldview of Lee Kuan Yew, The Diplomat, 3-3-2015.

10 Kishore Mahbubani, Nurturing the Art of Compromise, Straits Time, 13-92014.

11 Kishore Mahbubani, bài đã dẫn.

12 Michael Walzer, The Concept of Civil Society, trích bởi Michel Camau, xem chú thích (6) và (7).

13Ngàynay, chữ “suythoái” đã quá phổ thông trên mọi lĩnh vực, kể cả… kinh tế. Nhưng đặc biệt ởđây, trong bối cảnh của bài này, chữ ấy lại càng có ý nghĩa khi đi vào Nghị quyết 4 Trung ương: “một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên kể cả cấp cao, suy thoái vềtưtưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng”.

Nguồn: http://www.tapchithoidai.org/, số 33, tháng 7/2015

 

Tôn giáo và Xã hội Dân sự (1).

Tôn  giáo  và  Xã  hội  Dân  sự (1).

Lọat bài nhiều kỳ của : Đòan Thanh Liêm

Bài I –  Mối liên hệ giữa Tôn giáo và Chính quyền Nhà nước.

Như ta đã biết : Xã hội Dân sự (XHDS) là một khu vực khác biệt với khu vực Chính quyền Nhà nước và khu vực Thị trường Kinh doanh, đó là ba khu vực cấu thành cái Không gian Xã hội do con người sống hợp quần với nhau trong xã hội mà tạo lập ra. Và càng ngày với sự tiến bộ của nền dân chủ tại khắp nơi trên thế giới, thì sinh họat của XHDS mỗi ngày càng thêm khởi sắc phong phú hơn.

Ta có thể tóm lược cái định nghĩa này về XHDS trong một phương trình đơn giản như sau :

Không gian Xã hội = Nhà nước + Kinh doanh + Xã hội Dân sự

(The Social Space = The State + The Marketplace + The Civil Society).

Khu vực XHDS bao gồm các tổ chức phi chính phủ, bất vụ lợi (non- governmental, non-profit organisations – NGO – NPO) và các nhóm nhỏ (small groups) do các cá nhân hay tập thể tự nguyện đứng ra thành lập và điều hành. Như vậy, các tổ chức nhân đạo từ thiện hay văn hóa xã hội do các tôn giáo trực tiếp đảm trách hay yểm trợ, thì đều thuộc khu vực XHDS. Vì các tổ chức này đều có tính chất bất vụ lợi, nên cũng khác biệt với các công ty xí nghiệp có tính cách vụ lợi (for profit) thuộc khu vực thị trường kinh doanh.

Cụ thể như tại nước Mỹ, thì có đến cả triệu các đơn vị NGO ( mà hầu hết được chánh quyền cấp phát cho quy chế miễn thuế) và trên 3 triệu nhóm nhỏ (không cần đăng ký để được miễn thuế). Và trong các tổ chức này, thì có đến 60% xuất phát từ các tôn giáo, mà thường được gọi là các tổ chức họat động xã hội dựa vào niềm tin tôn giáo ( Faith-based social action organisations/groups).

Trong một thể chế dân chủ đích thực, thì chánh quyền nhà nước không bao giờ lại đi can thiệp vào sinh họat riêng biệt của các tổ chức thuộc khu vực XHDS. Mà trong một số trường hợp, nhà nước lại còn cấp ngân khỏan tài chánh, và yểm trợ cho các họat động từ thiện nhân đạo hay văn hóa xã hội của XHDS nữa. Và ngân khỏan điều hành chủ yếu của các đơn vị trong khu vực XHDS là do sự đóng góp tự nguyện của các thành viên, hay do sự tài trợ của các công ty xí nghiệp kinh doanh cấp phát cho (các khỏan tài trợ này đều được khai miễn thuế – tax exempt).

Chỉ có trong một chế độ chuyên chế độc tài tòan trị (totalitarian dictatorship) như tại Trung hoa, Việt nam, Bắc Triều tiên và Cuba hiên nay, thì đảng cộng sản mới xâm nhập, lũng đọan tòan thể khu vực XHDS, cũng như khống chế cả khu vực kinh doanh kinh tế nữa. Điển hình như tại Việt nam hiện nay, thì các cơ sở ngọai vi của đảng như Mặt trận Tổ quốc, Tổng Công đòan, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đòan Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh, Hội Nhà văn v.v…, mặc dầu trên danh nghĩa đó là các tổ chức phi chánh phủ và bất vụ lợi, nhưng thực chất thì đều do đảng cộng sản lập ra để nắm giữ độc quyền thao túng và lũng đọan tòan bộ XHDS, nhất là để khống chế đối với các tổ chức tôn giáo.

Trong bài Dẫn nhập này, ta sẽ bàn về mối Liên hệ của Tôn giáo đối với chính quyền Nhà nước dưới các khía cạnh sau đây :

1/ Sụ tách biệt giữa Tôn giáo và Nhà nước.

(Separation of  Church and  State)

2/ Vai trò Tôn giáo làm Đối tác đối với Nhà nước (Counterpart).

3/ Vai trò Tôn giáo làm Đối trọng đối với Nhà nước

(Counterbalance)

*  Sự tách biệt giữa Tôn giáo và Nhà nước.

Từ mấy trăm năm gần đây, nhiều quốc gia trên thế giới đã xây dựng được một nền nếp sinh họat chính trị xã hội khá ổn định vững chãi, mà trong đó phải kể đến sự tách biệt rõ ràng giữa hai lãnh vực họat động của Tôn giáo và của chính quyền Nhà nước. Cụ thể là các Tôn giáo không tìm cách can thiệp, khuynh lóat hay thao túng vào công việc của cơ quan nhà nước. Và ngược lại, chính quyền Nhà nước cũng không xen vào sinh họat đạo đức tâm linh của các tổ chức tôn giáo.

Phạm vi họat động của một nhà nước thế tục càng ngày càng được quy định rõ rệt và chi tiết về nhiều phương diện chính trị, kinh tế xã hội cũng như văn hóa. Và dù có sự khác biệt tại một số quốc gia do ảnh hưởng của truyền thống lịch sử để lại, thì chiều hướng chung hiện nay trên thế giới vẫn là : lãnh vực thần quyền của tôn giáo không được lấn át hay đồng hóa vào trong lãnh vực thế tục của nhà nước; mà trái lại hai bên đều có sự tương kính và tương trợ lẫn nhau trong ý hướng cùng chung phục vụ quần chúng nhân dân. Đó là điều ta sẽ thảo luận chi tiết hơn trong hai mục tiếp theo sau đây.

** Vai trò Tôn giáo làm Đối tác với Nhà nước.

Chính quyền Nhà nước dù có thiện chí đến mấy đi nữa, thì cũng không thể chăm sóc đày đủ cho người dân về mọi phương diện vật chất cũng như tinh thần được, nhất là khi gặp thiên tai bão lụt, động đất, hay khi có chiến tranh tàn phá. Do đó mà cần phải có sự hợp tác của các tổ chức từ thiện nhân đạo của tư nhân, đặc biệt là của các tổ chức xã hội của Tôn giáo, để cùng chung sức góp phần vào việc phục vụ các nạn nhân, các bệnh nhân ngặt nghèo như bệnh phong cùi, bệnh HIV/AID, và tầng lớp quần chúng kém may mắn nhất của xã hội như trẻ mồ côi, góa phụ, người già neo đơn v.v… Về giáo dục, y tế cũng vậy, các trường công cũng như các bệnh viện công lập của nhà nước không thể thỏa mãn được nhu cầu của số quá đông các học sinh hay bệnh nhân, do đó mà cần phải để cho các tổ chức tư nhân cũng như các tôn giáo tham gia vào lãnh vực y tế giáo dục này.

Chỉ có trong chế độ độc tài cộng sản, thì nhà nước mới giữ độc quyền, không hề để cho các tổ chức tư nhân được tham gia vào việc phục vụ xã hội, như ta thấy ở Việt nam từ khi có chế độ cộng sản đến nay.

Tại các quốc gia dân chủ, không những tôn giáo được quyền tham gia vào các họat động xã hội, mà lại còn được nhà nước khuyến khích hỗ trợ để tôn giáo có thể phục vụ người dân một cách thỏa đáng hơn nữa. Cụ thể như ở nước Pháp, thì nhà nước thường trợ cấp và dành nhiều thuận lợi cho những cơ sở xã hội từ thiện nào mà được công nhận là có ích lợi công cộng, thí dụ như Hội Hồng Thập Tự, Hội Hướng Đạo, Hội Bác Ái Vincent de Paul v.v… (organisation reconnue d’utilité publique). Vì có sự hợp tác cụ thể và thường xuyên như vậy, nên đã phát sinh ra sự hiểu biết thông cảm và thân thiện giữa các viên chức cán bộ cùa Nhà nước với các tu sĩ và tín đồ của các tôn giáo. Và từ đó mà lần hồi tránh bớt được những ngộ nhận, thành kiến, ác cảm đối nghịch thường có giữa hai phía Nhà nước và Tôn giáo.

Triết gia người Pháp nổi danh là Jacques Maritain từ hồi giữa thế kỷ XX đã nhận định rằng tại nước Mỹ thì từ lâu đã có “ sự  phân biệt sắc nét và sự hợp tác thực tế ” giữa tôn giáo và nhà nước (sharp distinction and actual cooperation), mà ông gọi đó là một “kho báu lịch sử” rất đáng trân trọng cần phải được duy trì và phát triển thêm lên mãi (an historical treasure).  Và mới đây, vào đầu thế kỷ XXI Tổng thống Nicolas Sarkozy của Pháp cũng kêu gọi phải phát triển cái “tinh thần thế tục tích cực” (a positive laicité) với thái độ cởi mở hơn đối với tôn giáo.

*** Vai trò Tôn giáo làm Đối trọng đối với Nhà nước.

Chính quyền nào thì cũng dễ có khuynh hướng lạm quyền và vượt quyền, khiến gây ra những sự bất công áp bức đối với người dân. Vì thế mà tại các nước dân chủ, người ta mới phải áp dụng các phương thức gọi là “ kiểm soát và cân bằng” (checks and balance), nhằm ngăn chặn những vi phạm sai trái của cơ quan thi hành luật pháp mà thường gây ra thiệt hại cho dân chúng. Giới truyền thông báo chí, các tổ chức bênh vực nhân quyền, các đại diện dân cử do người dân bàu ra… đều có trách nhiệm đóng vai trò cảnh giác và ngăn chặn đối với những vi phạm này của nhân viên chính quyền.

Vì đi sâu đi sát với quần chúng nhân dân, nên Tôn giáo dễ phát hiện ra được những sự bóc lột bất công áp bức trong xã hội, và do đó cũng phải có trách nhiệm tham gia vào việc bảo vệ người dân bằng cách làm áp lực bắt buộc chính quyền phải sửa sai chấn chỉnh lại cái lề lối cai trị của mình, phải bài trừ nạn sa đọa quan liêu tham nhũng của nhân viên cán bộ nhà nước. Muốn làm được như vậy, thì giới tu sĩ và các tín đồ phải có lòng ngay thẳng và sự dũng cảm để dấn thân nhập cuộc cùng với tầng lớp sĩ phu trí thức, với giới văn nghệ sĩ – là những thành phần ưu tú của Xã hội Dân sự – trong sự nghiệp tranh đấu chung cho công bằng xã hội, cho nhân phẩm và nhân quyền của tòan thể cộng đồng dân tộc.

Thái độ im lặng, thụ động buông xuôi trước những bất công áp bức đày rẫy trong xã hội thì rõ ràng đó là sự lẩn tránh trách nhiệm, là cái tội đồng lõa với giới cầm quyền thống trị ác nhân ác đức. Đó là điều mà người chính nhân trượng phu quân tử, cũng như giới lãnh đạo tinh thần đích thực nơi các tôn giáo, thì không bao giờ lại có thể mắc phải được. Dân gian ta vẫn thường nói là : “ Anh hùng thấy sự bất bình chẳng tha”. Đó là sự nhắc nhở đề cao tán dương cái hành động cao quý của người có nghĩa khí hào hiệp, biết xả thân ra tay bênh vực cứu vớt những nạn nhân khốn khổ trước sự lộng hành của bọn côn đồ ác ôn thường hãm hại đàn áp dân lành vậy.

Nói vắn tắt lại, muốn làm tròn nghĩa vụ làm Đối trọng đối với chính quyền Nhà nước, thì giới lãnh đạo Tôn giáo cần phải có sự hợp tác chặt chẽ với giới Hàn lâm Đại học (Academy), vì giới này có sự hiểu biết bao quát và chính xác về tình hình xã hội, họ có tầm nhìn xa, có viễn kiến sâu rộng (global thinking / global vision). Họ có Trí tuệ thông suốt, mà Tôn giáo thì có cái tấm lòng từ bi nhân hậu, có sự hy sinh nhẫn nại kiên trì. Cho nên nếu kết hợp được cái Tâm và cái Trí như vậy, thì nhất định việc xây dựng và phát triển xã hội có cơ may thành công tốt đẹp, đáp ứng được niềm mong ước chính đáng của đại đa số quần chúng trong xã hội ngày nay vậy.

Nhân đây, cũng cần phải xác định cho rõ rằng : Xã hội Dân sự cũng như Tôn giáo, thì không bao giờ lại nhằm vào việc đánh đổ hay thay thế chính quyền Nhà nước. Mà XHDS chỉ nhằm hợp tác với Nhà nước để cùng chung nhau phục vụ dân tộc một cách có hiệu quả tối ưu mà thôi.

Trên đây là mấy suy nghĩ hết sức đại cương tóm lược về sự dấn thân nhập cuộc của Tôn giáo trong hòan cảnh xã hội đương thời, nhằm sát cánh chung với các thành phần khác của Xã hội Dân sự trong sự nghiệp xây dựng một xã hội tiến bộ, công bằng và nhân ái tại mỗi một địa phương quốc gia.

Trong các bài kế tiếp, chúng tôi sẽ xin trình bày chi tiết hơn về kinh nghiệm họat động cụ thể và suy nghĩ đúc kết của một số tổ chức tôn giáo điển hình có danh tiếng trên thế giới, và đặc biệt tại riêng một số quốc gia ở Á châu, Phi châu và châu Mỹ La tinh.

Xin quý độc giả đón coi tiếp theo vậy nhé./

California, Tháng Năm 2011

Đòan Thanh Liêm

Bài diễn văn chấn động của nữ sinh 17 tuổi: Hai ngàn năm nữa, tổ quốc tôi, ông là ai?

Bài diễn văn chấn động của nữ sinh 17 tuổi: Hai ngàn năm nữa, tổ quốc tôi, ông là ai?

Một trường trung học phổ thông tại Trung Quốc, tổ chức hội diễn văn với chủ đề “Tổ quốc thân yêu”, dưới đây là bản thảo bài diễn văn của nữ sinh thể hiện những nhận thức rất lí trí và sáng suốt, vượt xa phần đông thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện tại. Liệu cô gái này có thể thay đổi Trung Quốc?

Bài diễn văn chấn động của nữ sinh 17 tuổi: Hai ngàn năm nữa, tổ quốc tôi, ông là ai?

Tiểu Thiện chuyển ngữ

Một trường trung học phổ thông tại Trung Quốc, tổ chức hội diễn văn với chủ đề “Tổ quốc thân yêu”, dưới đây là bản thảo bài diễn văn của nữ sinh thể hiện những nhận thức rất lí trí và sáng suốt, vượt xa phần đông thế hệ thanh niên Trung Quốc hiện tại. Liệu cô gái này có thể thay đổi Trung Quốc?

Dưới đây là toàn bộ bài nội dung bài diễn văn:

“Kính thưa các thầy cô, bạn bè thân mến!

Tôi tên Vương Khả Nhi, là học sinh lớp 10A6, tiêu đề bài diễn văn của tôi hôm nay là “Nếu tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì tổ quốc của tôi, ông sẽ là ai?”. Tôi không có những ngôn ngữ hùng hồn như mọi người, cũng không có nhiệt huyết dâng trào như những người khác; đối với hai từ “tổ quốc”, cái tôi có chính là suy nghĩ độc lập của riêng cá nhân tôi, tôi cảm thấy rằng xã hội chúng ta không thiếu những người đứng đầu về tri thức, mà cái thiếu chính là những người có tư duy vậy.

Tôi đang nghĩ rằng: Nếu như tôi có thể sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi tổ quốc của tôi sẽ là ai? Vào thời nhà Hán, tổ quốc của tôi chính là nhà Hán, chính là Đại Hán đã tiêu diệt hết thảy những kẻ xâm phạm bờ cõi. Vào triều đại nhà Đường, tổ quốc của tôi chính là Đại Đường, triều đại hưng thịnh bậc nhất khiến cho hàng nghìn nước khác đến viếng thăm. Vào thời Tống, tổ quốc của tôi là triều đại nhà Tống, triều đại đứng đầu về khoa học kỹ thuật, kinh tế phồn vinh. Vào triều đại nhà Nguyên, vó ngựa Mông Cổ đã chà đạp giày xéo chúng tôi thành những người dân thấp kém, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Nguyên sao? Và tôi phải yêu thương nó sao? Vào thời nhà Thanh, người Mãn giết người ngoài biên ải, để đầu không để tóc, để tóc không để đầu, cuộc tàn sát tại Dương Châu cũng ảm đạm thê lương không khác gì cuộc tàn sát tại Nam Kinh, vậy thì tổ quốc của tôi chính là Đại Thanh sao? Tôi phải yêu thương nó sao?

Thời gian lâu dần, tôi đã dần dần nhận ra rằng, nếu như có ai cưỡng đoạt mẹ của các vị, vậy thì mọi người đều nhận kẻ đó là cha của mình sao, chúng ta không có lòng tự trọng đến như thế sao? Có những lúc tôi cũng nghĩ rằng, nếu như lúc đầu Nhật Bản chiếm lĩnh Trung Quốc chúng ta, hỡi các bạn, có phải hôm này chúng ta sẽ hô lớn lên rằng “thiên hoàng vạn tuế” hay sao?

Nếu như tôi sống thêm hai nghìn năm nữa, thì thử hỏi xem, ai sẽ là tổ quốc của tôi đây, thật khiến cho tôi rất mơ màng khó hiểu .

Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là một nơi công bằng, công chính và không có sự bất công nào cả; trong lòng tôi có một tổ quốc, đó chính là nơi để cho bạn chiến thắng, chiến thắng một cách đường đường chính chính. Còn thua thì sao, chính là thua một cách tâm phục khẩu phục. Trong lòng tôi có một tổ quốc, đó là nơi mà ông lúc nào cũng có thể dang rộng đôi cánh che chở cho tôi; trong lòng tôi có một tổ quốc, bất luận cuộc sống của tôi vất vả gian khổ đến thế nào, thì tổ quốc cũng sẽ khiến cho lòng bạn tràn đầy hy vọng về một tương lai không xa.

Nước Mỹ sinh ra Washington, còn nước Anh thì sinh ra Churchill, nhưng họ đều đã ra đi vĩnh viễn; trách nhiệm hôm nay đây, không thể trông cậy vào họ nữa, mà là nằm ở thế hệ trẻ chúng ta. Trí tuệ của thế hệ trẻ chính là trí tuệ của quốc gia, thế hệ trẻ hùng mạnh chính là quốc gia hùng mạnh, thế hệ trẻ độc lập chính là quốc gia độc lập, thế hệ trẻ đứng đầu thế giới chính là quốc gia đứng đầu thế giới. Trong tay thế hệ trẻ chúng ta nhất định sẽ được cầm tờ báo nói về tổ quốc tân tiến văn minh bậc nhất của chúng ta, ông sẽ để cho mỗi người đều yêu mến ông sâu sắc từ tận đáy lòng, ông sẽ khiến cho nước Mỹ phải ngưỡng mộ về chế độ dân chủ của chúng ta, khiến cho nước Đức phải ngưỡng mộ về những thành tựu khoa học kỹ thuật của chúng ta, khiến cho Nhật Bản phải ngưỡng mộ đất nước dân giàu nước mạnh của chúng ta, khiến cho Singapore phải ngưỡng mộ về môi trường sạch đẹp của chúng ta. Nhìn xem ngày đó, tổ quốc của tôi, tất nhiên sẽ là một bầu trời rực sáng, một tổ quốc khiến cho con cháu muôn vàn đời sau cũng không thể nào quên được.

Người Trung Quốc cổ nuôi dưỡng ba giấc mộng Trung Hoa: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng minh quân, chính là hy vọng có được một hoàng đế tốt, hy vọng tất cả vấn đề đều được giải đáp và hiện thành. Tất cả mọi đều tốt đẹp đến từ sự ban ơn của kẻ thống trị. Giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng thanh quan, nếu như hoàng đế đã không thể trông cậy được nữa, thì người dân hy vọng sẽ có một vị thanh quan, thanh liêm chính trực, còn có thể trực tiếp nói lời can gián lên bề trên, mà không sợ xúc phạm đến những người có quyền có thế. Giấc mộng thứ ba gọi là giấc mộng hiệp khách, nếu như thanh quan cũng không thể trông cậy được nữa, thì hy vọng sẽ có một vị hiệp khách thay dân báo thù rửa hận.

Ba giấc mộng của người Trung Quốc thời nay: Giấc mộng thứ nhất gọi là giấc mộng tự do, chính là thoát ra khỏi sự chuyên chế của bộ máy chính trị một đảng độc tài, không còn bị đàn áp bức hại bởi những kẻ thống trị cậy quyền cậy thế cũng như bè lũ quan lại quyền quý hống hách lộng hành, giấc mộng thứ hai gọi là giấc mộng nhân quyền, chính là tất cả người dân đều có thể hưởng quyền lợi bình đẳng, không còn có bất cứ tầng lớp nào có đặc quyền cao hơn quảng đại quần chúng nhân dân để rồi khiến cho những người dân thấp cổ bé họng chỉ có thể uất ức căm hận mà chẳng làm được gì. Giấc mộng thứ ba chính là giấc mộng chính trị dân chủ, cũng chính là chế độ dân chủ toàn dân, tất cả người dân trong cả nước cùng nhau lập ra hiến pháp căn bản dựa trên cơ sở người người bình đẳng, đồng thời sẽ theo đó mà làm việc.

Ba giấc mộng thời xưa chính là “giấc mộng kê vàng” giữa ban ngày, mang tính bị động tiêu cực đối với nhân dân, là chính sách ngu dân mang lại ác mộng nghìn năm, chỉ có thể khiến cho dân chúng trở thành những con cừu ngoan ngoãn, mặc cho kẻ thống trị làm mưa làm gió, xâu xé giết hại, thống trị vĩnh viễn.

Ba giấc mộng thời nay chính là yêu cầu tất yếu của văn minh thương nghiệp, là một xã hội dân chủ khai sáng mà người người đều đã thấy rõ, là biểu hiện của toàn dân thức tỉnh, là kết quả mà tất cả kẻ sĩ và những người nhân nghĩa đều đang mong chờ, và ngày ấy nhất định sẽ đến”.

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

Chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc chết dần. Nhà cầm quyền tìm kiếm sự hỗ trợ trong truyền thống

Chủ nghĩa cộng sản ở Trung Quốc chết dần. Nhà cầm quyền tìm kiếm sự hỗ trợ trong truyền thống

RFA

Maciej Michalek – Lê Diễn Đức dịch

86 triệu đảng viên Cộng Sản Trung Quốc vào đảng vì quyền lợi hơn là lý tưởng – Ảnh: TVN24

Các phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng các tổ chức của đảng Cộng Sản sẽ sớm được dạy về văn hóa truyền thống và lịch sử của đất nước họ. Trung Quốc từ lâu đã không hoàn toàn tuân theo con đường cộng sản và ngày càng công khai trở lại với truyền thống, điều này có ý nghĩa rằng – dần dần sẽ có sự thay đổi hệ tư tưởng của siêu cường Châu Á này.

Vào tuần trước người ta thông báo rằng trong các trường học quan trọng nhất cho công chức ở Trung Quốc đã đuợc cung cấp sách giáo khoa về văn hóa truyền thống và lịch sử Trung Quốc. Tổng cộng có 21 cuốn sách – bao gồm cả sách nói về “ưu thế quốc tế” của văn hóa Trung Quốc – đây là môn mới đối với đối tượng giảng dạy của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, dự kiến ​​sẽ đưa vào chương trình ngay từ tháng 9.

Chính quyền mới, truyền thống cũ

Trong thời gian ngắn tới đấy sẽ có một môn học gọi là “guoxue” (quốc học), một môn có kiến ​​thức rộng nói về di sản nền văn minh Trung Quốc, bao gồm lịch sử, triết học, nghệ thuật và văn học. Tuy nhiên Đảng Cộng Sản Trung Quốc kể từ khi nắm chính quyền vào năm 1949, luôn có vấn đề với truyền thống dân tộc.

Sự lây lan sự nhiệt tình cách mạng và tạo ra một xã hội xã hội chủ nghĩa mới được kết hợp với những chỉ trích của quá khứ và Nho giáo được nói tới cho giới triết học xã hội và chính trị Trung Quốc như là nguồn gốc làm suy yếu nhà nước. Các giai đoạn đỉnh cao của cuộc chiến với lịch sử của chính mình đã diễn ra trong những năm 60 và 70, khi, trong cái gọi là “Cách mạng Văn hóa”, ở Trung Quốc người ta đã phá hủy các tòa nhà lịch sử, di tích, cổ vật, sách cũ.

Trên  cửa miệng là cách mạng, trong tim là người Trung Quốc

Mặc dù vậy, cá nhân Mao Trạch Đông thích văn học cổ điển Trung Quốc, và các nhà lãnh đạo tiếp theo cũng bắt đầu mạnh dạn hơn gắn bó với văn hóa và truyền thống cổ xưa. Khổng Tử và những lời dạy của ông cuối cùng đã chính thức giành lại vị thế một di sản vô giá của quốc gia, mà minh chứng là việc đặt tên của triết gia này cho các trung tâm xúc tiến mở ra trên toàn thế giới nhằm quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, tức là các Viện Khổng Tử. Các nhà nghiên cứu Trung Quốc ngày càng đưa nhiều các triết lý Trung Quốc khác như Pháp gia, Đạo giáo và Mặc gia, trên cơ sở đó tìm cách cố vấn cho chính quyền Bắc Kinh.

Có thể lưu ý rằng chính sách đối ngoại của Trung Quốc ngày càng được tiến hành phù hợp với các giả định tư tưởng của chính trị truyền thống hơn là học thuyết cộng sản. Bởi vì trong vị trí của cách mạng và chính sách tương phản xuất hiện các hành động được cân nhắc và dài hạn, trong đó, ít nhất là về mặt lý thuyết, các giá trị được nhấn mạnh như sự hài hòa, đạo đức và tìm kiếm lợi ích lẫn nhau.

Phong cách hoạt động mới có thể được nhìn thấy trong một số ví dụ, làm thế nào Bắc Kinh tìm cách biến đổi môi trường quốc tế hiện nay. Trước sự bá quyền thế giới của Mỹ, Trung Quốc tìm cách giảm dần vai trò của Mỹ và gia tăng ảnh hưởng của mình thông qua những tổ chức quốc tế mới như Ngân hàng Châu Á Đầu tư Hạ tầng và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cũng như ký kết thỏa thuận thương mại tự do với Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

“Dân tộc không có phẩm hạnh không thể kéo dài”

Sự tiến dần tới di sản văn hóa vĩ đại của Trung Quốc có lý do của nó. Ý thức hệ cộng sản, mặc dù vẫn được giảng dạy trong tất cả các trường học, đã nhàm chán và không còn truyền cảm hứng. Đa số các đảng viên mới của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đang đông hơn bao giờ hết, gia nhập đảng vì mong muốn cải thiện triển vọng nghề nghiệp của họ chứ không phải từ sự nhiệt tình tư tưởng.

Đồng thời, với dân tộc Trung Quốc đang bị thay đổi nhanh chóng về nhân khẩu học, xã hội và kinh tế, ngày càng trở nên khó khăn để tìm ra một la bàn đạo đức để họ có thể gắn bó với người dân. Phao cứu của xã hội không tôn giáo và đời sống với một ý thức hệ ngày càng yếu đi là “sự trở lại với cội nguồn của mình”, bởi vì nếu không có nó họ “không thể biết chính mình”, như Chủ tịch Tập Cận Bình giải thích.

Phá sản tư tưởng

Tuy nghiên, đối với Đảng Cộng sản, quảng bá truyền thống và văn hóa Trung Quốc khá khó khăn, vì những ý tưởng của Nho giáo, Đạo giáo, và các tư tưởng triết học khác mâu thuẫn với ý thức hệ Cộng Sản. Do đó, việc từ bỏ chủ nghĩa Cộng Sản ở Trung Quốc được thực hiện một cách kín đáo, để xã hội không có ấn tượng rằng quyền lực độc tài hiện nay là một hệ tư tưởng phá sản.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc từ nhiều thập kỷ nay cố gắng giả vờ rằng họ không thay đổi hướng đi mà chỉ thực hiện sự điều chỉnh liên tục. Kết quả là, ngày nay dễ dàng nhận ra rằng, những gì liên quan đến ý thức hệ cũ chủ yếu chỉ ở tên gọi và biểu tượng của nhà nước.

Nhiều khuôn mặt của chủ nghĩa xã hội

Bằng cách này, hệ thống chính trị chính thức của nhà nước vẫn là “chủ nghĩa xã hội” nhưng mang “đặc sắc Trung Quốc”. Đó là cách xác định thuận tiện, để trên một mặt, cho thấy sự liên tục với sự khởi đầu của cuộc khởi nghĩa cách mạng ở Trung Quốc, mặt khác có thể được diễn dịch tự do theo những cần thiết chính trị. Thật vậy, “đặc sắc Trung Quốc” là gì, không ai biết, và chỉ có Đảng mới có thể quyết định.

Tương tự như vậy, trong kinh tế vẫn được gọi là “thị trường’ nhưng “xã hội chủ nghĩa”. Trên lý thuyết, hệ thống này có nghĩa là Trung Quốc tham gia vào kinh tế thị trường, nhưng thông qua các đối tượng quốc doanh. Trong thực tế ở Trung Quốc đang hoành hành chủ nghĩa tư bản tham lam dựa trên sở hữu tư nhân, và tăng nhanh lối sống tiêu dùng được “phát minh” tại các nước giàu có ở châu Âu và Hoa Kỳ.

Chủ nghĩa xã hội Trung Quốc – lý thuyết và thực hành

Có bao nhiêu lý tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội đang hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của người dân Trung Quốc? Thực tế cho thấy trong nhiều khía cạnh, ít hơn so với dân chủ và tư bản chủ nghĩa ở Ba Lan.

Ở Trung Quốc, tiếp cận với giáo dục miễn phí ở một mức độ đạt yêu cầu gần như là ảo, còn được nhà nước trả tiền cho học đại học rất khó khăn. Hệ thống an sinh xã hội, bao gồm lương hưu trí, không thích hợp, cộng với chính sách một con và tăng dân số, sự cứu rỗi duy nhất là phải tư nhân hóa một phần của nó.

Ngoài ra chất lượng và tiếp cận chăm sóc sức khỏe cộng đồng đang ở mức rất thấp. Như vậy cũng chưa đủ, ở Trung Quốc rất hiếm hoi việc trợ  cấp – ở Ba Lan thì thành luật – đối với học sinh, sinh viên, hoặc những người khuyết tật.

Bức tranh của “chủ nghĩa xã hội” ở Trung Quốc được bổ sung khoảng cách tài chính khổng lồ giữa người giàu nhất và nghèo nhất tạo ra trong ba thập kỷ qua – sự tập trung của cải vào giới giàu có nhất trong xã hội Trung Quốc ngày nay thậm chí còn lớn hơn ở Hoa Kỳ.

Kết thúc chủ nghĩa cộng sản và sự khởi đầu là gì?

Trở lại cội nguồn của tư tưởng chính trị ở Trung Quốc không có nghĩa là Trung Quốc lại áp dụng hệ tư tưởng Nho giáo ở vị trí của hiện tại, được xem là Cộng Sản. Trung Quốc có thể sẽ vẫn còn tiếp tục lâu dài với cờ đỏ và búa liềm.

Bởi vì, sự thay đổi hệ tư tưởng chính trị Trung Quốc dựa trên việc ngày mỗi đưa vào tuyên truyền và giáo dục nhiều đối tượng khác như tư tưởng Nho giáo. Nhìn thấy rõ ràng trong hành vi của Tập Cận Bình, người mà đồng thời vừa nói đến di sản vĩ đại của quá khứ, đứng đầu là tư tưởng của Khổng Tử, vừa ca ngợi chủ nghĩa cộng sản là con đường duy nhất đúng cho đất nước.

Đề cập đến nguồn gốc của mình chủ yếu là để thực hiện một chính sách rõ ràng. Thứ nhất, đánh giá cao thành tựu kinh tế sẽ làm cho Đảng Cộng sản Trung Quốc có sự cảm thông và ủng hộ của xã hội. Thứ hai, nuôi dưỡng trong xã hội kiến ​​thức về di sản và niềm tự hào dân tộc. Thứ ba, nhấn mạnh Trung Quốc khác biệt với các nước khác và không cần phải lấy khuôn mẫu từ nước ngoài, bởi vì Trung Quốc có cái của riêng mình, tốt hơn.

Nho giáo bị khủng bố và ám ảnh

Một số người Trung Quốc nói rằng Nho giáo ở Trung Quốc tồn tại trong hai hình thức – bị bức hại bởi nhà cầm quyền khi họ cố gắng để áp đặt một hệ tư tưởng khác, hoặc bắt bớ người dân khi chính phủ  sử dụng nó để căn cước hóa chế độ chuyên chế.

Dù thế tranh luận thế nào thì quan điểm này đúng hay không cũng hoàn toàn phù hợp với kinh nghiệm của những người Cộng Sản Trung Quốc. Vào thời Mao Trạch Đông Nho giáo bị tấn công và phá hủy, và bây giờ họ đang cố gắng chọn lọc sử dụng để củng cố quyền lực của mình. Chính quyền muốn tồn tại phải đưa ra cho người dân một cái gì đó nhiều hơn là các trích dẫn từ chủ nghĩa Marx và sách đỏ của Mao Trạch Đông.

Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức

—————————————————————————————-

Dịch từ tiếng Ba Lan bài được đăng trên trang Web của TV tin tức Ba Lan TVN24 ngày 11 tháng 7 năm 2015 tại link: http://www.tvn24.pl/chiny-odchodza-od-komunizmu-i-siegaja-do-tradycji,558226,s.html

Nguyễn Khắc Mai: Lại có điều hầu chuyện với anh Trọng

Nguyễn Khắc Mai: Lại có điều hầu chuyện với anh Trọng

Viet-studies

Nguyễn Khắc Mai

11-07-2015

(Vấn đề “xin, cho”: dấu chỉ hủ lậu của văn hóa Việt)

Nhiều lần, tôi đã thưa với các vị lãnh đạo rằng chớ nhục nhã đi xin xỏ các nước tiên tiến giàu có: “xin công nhận cho chúng tôi quy chế kinh tế thị trường”, mà hãy quay về xin với nhân dân “hãy làm kinh tế thị trường cho đúng nghĩa, thực chất, văn minh và lành mạnh.”  Các nước tiến bộ, giàu mạnh, họ không xin xỏ như vậy.

Nhà nước của họ, và các chính đảng dân tộc, dân chủ của họ, phấn đấu để tạo ra luật lệ cần thiết và đầy đủ về mọi yếu tố của kinh tế thị trường để cho nhân dân, trong đó bộ phận dân làm doanh nhân có đầy đủ mọi điều kiện để làm kinh tế thị trường đúng nghĩa và lành mạnh văn minh. Ít thấy những nước Nhật, Hàn, Singapore, Indonesia, Ấn…đi van nài như vậy. Khi đất nước của họ có nền kinh tế thị trường đúng nghĩa rồi thì không cần xin xỏ ai nữa. Cố nhiên, họ không cần cho mọc cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” làm gì. Tôi xin lưu ý cái sự mọc đuôi là một dấu hiệu của thoái hóa. Cứ xem “Trăm năm cô đơn” thì rõ.

Lần này tại “Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế” ở Hoa Thịnh Đốn, anh một lần nữa, lặp lại, như nhiều vị lãnh đạo khác khi ra nước ngoài.Báo chí đưa tin, tại đây, “Tổng bí thư kêu gọi Mỹ sớm công nhận nền kinh tế thị trường của Việt Nam…”  (Báo Tuổi trẻ (Sài gòn)10-7-2015). Cớ sao anh không nói rõ với họ, các chính đảng yêu nước, các cấp chính quyền Việt Nam phấn đấu tạo ra mọi luật lệ văn minh để Việt Nam nhanh có nền kinh tế thị trường đặng hợp tác bình đẳng và có hiệu quả với Mỹ cũng như với các nước khác. Tôi nghĩ, chắc rằng anh có thể  “tin tưởng” hơn, khi đi Mỹ về, hãy thúc đẩy thay đổi thể chế, làm kinh tế thị trường cho đàng hoàng, không đánh tráo khái niệm. Riêng cái yếu tố, tôi cho là cơ bản, quan trọng nhất của kinh tế thị trường là quyền sở hữu, thì chúng ta đang rất lạc hậu, lúng túng. Vì thế lại tìm cách đánh tráo khái niệm. Trong khi chính Mác đã điều chỉnh nhận thức cho phù hợp, khi cuối đời ông khẳng định: “Các nhà sản xuất (doanh nhân) chỉ trở nên tự do,một khi họ có quyền sở hữu: đất đai, nhà xưởng, tàu bè, ngân hàng, tín dụng…”(dẫn theo Marx sa vie et son oeuvre, Jean Eleinstein, nxb Fayard.) Tôi lại xin trích một mệnh đề có ý nghĩa triết học về pháp quyền. Mác nói: “Khi, cùng với sự phát triển về mọi mặt của các cá nhân, sức sản xuất cứ càng ngày càng tăng lên, và tất cả các nguồn của cải công cộng đều tuôn ra dồi dào, thì chỉ khi đó người ta mới có thể vượt hẵn ra khỏi cái giới hạn chật hẹp của pháp quyền tư sản.” (C.Mác,  Phê phán cương lĩnh Gotha). Vậy thì ta phải loại bỏ tư duy Mác Lê lạc hậu và xuyên tạc đi. Chớ vội nhảy cỡn vào cái gọi là pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Và ta có thể sống, làm việc chân thực, không đánh lừa bằng cách đánh tráo khái niệm. Anh cứ thử nghĩ mà xem, ngay ở những nước trong G7, hai yếu tố và điều kiện cơ bản và quan trọng nhất là con người phát triển toàn diện, và nền kinh tế tuôn trào dồi dào cũng còn lâu mới tới, mà biết khi nào thì có con người toàn diện…Thế mà họ cũng chỉ dám cải tiến từng bước nền pháp quyền “tư sản”, có ai dám phiêu lưu và ngu muội để tuyên bố phải có một nền pháp quyền khác đâu. (Nhân nói tư sản, ĐCSVN hiểu một cách sai lầm rằng tư sản là giai cấp bóc lột. Thực ra tư sản có nghĩa là con người của xã hôi văn minh đô thị và công nghiệp! Xã hội Tây phương mấy trăm năm nay họ điều tiết xã hội theo hướng đó, cải tiến từng bước để có một xã hội văn minh đô thị và công nghiệp, hiện đại rồi hậu hiện đại. Họ chính là bài học, như Mác và Ăng ghen nói là “những thực tế văn minh của những dân tộc hiện đại” mà những người cộng đồng chủ nghĩa phải bắc chước và học hỏi.

Nhân anh học được câu nói hay của Roosevelt về lòng tin tưởng, tôi nghĩ là ta phải hướng cái tin tưởng của ta vào những gì là hợp lý và tốt đẹp cho Dân tộc. Tôi cũng tin rằng, nếu chúng ta sửa đổi thể chế cho tận cùng, chớ nửa vời, chớ “giáo điều ba rọi” chúng ta sẽ xây dựng được nền kinh tế thị trường lành mạnh, văn minh khiến nội lực Việt Nam lớn lên. Một nền kinh tế thị trường văn minh, lành mạnh, chỉ có trong một xã hội dân chủ phát triển, nhân dân thật sự là chủ thể của xã hội, họ có mọi quyền tự do, không còn là thân phận thứ dân, thường dân, thần dân như họ đang phải hứng chịu.

Anh từ Mỹ về, hãy đem những “thực tế văn minh tiến bộ của một Dân tộc hiện đại” làm bài học cho Việt Nam. Hãy từ bỏ cách nghĩ thực chất là của Liên Xô và Trung Cộng, chúng mớm cho ta kèm theo với vũ khí và lương thực, rằng Mỹ là đế quốc sài lang, là kẻ thù nguy hiểm nhất. Thế mà cái kẻ chúng ta coi là bạn bè chí cốt là Tàu lại từng đem quân xâm lược nước ta (chúng không xâm lược sao vẫn chiếm những cao điểm của chúng ta, lấn chiếm biên giới nước ta, cướp Hoàng Sa và một phần Trường Sa của chúng ta!). Chúng ta vẫn chơi với Tàu và chỉ đàng hoàng bình đẳng với họ khi biết hợp tác cùng những nước văn minh giàu mạnh như Mỹ… khiến cho nội lực Việt Nam lớn mạnh. Anh học sử chắc anh biết bài học minh triết về nhu cầu lớn, mạnh nhanh của Phù Đổng. Dân tộc ta, khi bước vào một khúc quanh của lịch sử, thì bài học “lớn nhanh lên” bao giờ cũng phải tâm niệm. Chúng ta đã học lấy những thực tế kém văn minh và cố giữ chúng lại coi đó là bản chất và phẩm chất, cho nên, nay đang trở nên lạc hậu rất xa so các nước trong vùng… Thành ra ngày nay trước sự uy hiếp của Tàu, chúng ta đang gặp rất nhiều khó khăn lớn. Làm sao để đi nhanh, nếu không vứt bỏ cái ba lô nặng trĩu đầy những thứ phế thừa, lại không chịu cắt bỏ những dây dợ ràng buộc  vô lối, vô nghĩa.

Nhân anh trích câu nói hay của Roosevelt, giá mà anh mời tôi đi cùng. Tôi sẽ mách cho anh một câu nói của Thomas Jefferson, cha đẻ của Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ: “Nếu biết hài hòa minh triết vào quyên lực, chúng ta sẽ ít dùng quyền lưc, mà hiệu quả lớn.” Ở Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội hiện có đôi câu đối, một vế của nó là: Dưỡng Minh Triết Dĩ Kế Trị, Thăng Long Kinh Trường Tụ Tinh Hoa. (Nghĩa cũng thâm thúy chẳng kém gì, nuôi dưỡng minh triết để nối tiếp cuộc trị bình, kinh đô Thăng Long mãi mãi quy tụ tinh hoa). Minh triết là tinh hoa của tư tưởng Việt. Nếu biết hài hòa với kiến thức đúng đắn, hợp lý và kinh nghiệm tốt đẹp hiện đại, chúng ta sẽ không cần Mác Lê mà vẫn có những kim chỉ nam tốt nhất để định hướng cho phát triển và phục hưng dân tộc, chạy đua rút ngắn cái thời gian đã mất. Người ta có thể nói hay ở diễn đàn,nhưng kết quả lại chỉ đo ở việc làm. Hãy nâng Dân lên, để Dân là chủ thể làm được mọi việc tốt lành cho những quan hệ tốt đẹp với “Mỹ”. Vì Mỹ cũng là đẹp.

Sau cùng tôi muốn thưa với anh chút hiểu biết về cái gọi là mặt tối của văn hóa: tinh thần “xin, cho”.  Văn hóa Việt Nam ghi lại nhiều dấu tích của tinh thẫn xin cho. Các triều đình phong kiến luôn giành cho mình quyền lực tuyệt đối, và cả ngàn năm nuôi dưỡng tinh thần xin cho. Thần dân chỉ cắn rơm cắn cỏ van xin. Với Bắc quốc dẫu có đánh thắng họ rồi cũng sai sứ đi cầu phong. Khi Hồ Chí Minh lãnh đạo đất nước tiến nhanh, tiến mạnh lên chủ nghĩa xã hội, thì vẫn sai các ủy viên bộ chính trị “cắp rá đi xin ăn” (lời của Lê Thanh Nghị) khắp các nước xã hội chủ nghĩa!

Trong xã hội ta hiện nay tinh thần xin cho vẫn tràn ngập. Bởi thể chế của chúng ta xây dựng trên triết lý đảng lãnh đạo (mà đảng trong thời đại dân chủ, nhưng độc tôn, độc quyền ,độc nguyên), nhà nước quản lý (mà nhà nước không tam quyền phân lập, gần đây trước tình hình phổ biến của thời đại, không thể cứ quê mãi, nên đã đánh tráo khái niệm này để đánh lừa đông đảo người dân thiếu học, khi chỉ cho là sự phân biệt giữa ba cơ quan quyền lực (!), dân làm chủ. Làm chủ của dân chỉ là hình thức, mọi chuyện đều phải xin đảng, xin nhà nước. Ở những nước văn minh, tiên tiến, họ đề cao triết lý “La suprême du Peuple”- Quyền tối thượng của nhân dân, nên người dân, xã hội dân sự có thực quyền, tinh thần xin cho được thay thế bởi tinh thần dân chủ, dân quyền. Vậy nên hai cụ Phan Bội Châu và Phan Châu Trinh đã khẳng định: “Nước được độc lập mà không có dân quyền cũng vô nghĩa.” Dẫu Hồ Chí Minh có lúc nói được những câu nghĩa lý, như trong bài Dân vận, ông nói “Bao nhiêu quyền hạn và lực lượng đều ở nơi Dân”. Nhưng thể chế không tốt, luật lệ thiếu sót, rút cục Dân vẫn chỉ là thân phận kẻ đi xin mà thôi.

Loại bỏ tinh thần đi xin, kiến taọ một tinh thần tự lập, tự chủ, phải xây dựng nền văn hóa mới, nền chính trị mới. Liệu từ Mỹ về, anh có trí, có dũng có tâm để Đại hôi XII là sự khép lại một thời kỳ trì trệ, xin xỏ,mở ra một thời kỳ mới của phục hưng, phát triển, dân tộc và dân chủ của Việt Nam hay không.”Ny pagadi” (tiếng Nga: hãy chờ xem)./.

Tác giả gửi choviet-studies ngày 10-7-15

Ai cũng phải chuyển mình

Ai cũng phải chuyển mình

Người Buôn Gió

Rút cục thì Nguyễn Phú Trọng, TBT ĐCSVN phải dẫn phái đoàn quan chức CS sang Hoa Kỳ để ký nhiều điều khoản hợp tác. Chẳng ai lạ gì sự tô vẽ của CSVN. Ngay cả những trận đánh thua tan tác, chết sạch sành sanh cũng được tô vẽ thành thắng lợi. Như thắng lợi mang tính chất chính trị, thắng lợi vì thăm dò được khả năng quân địch, thắng lợi có ý nghĩa đột phá….

Lặn lội bầu đoàn kéo đến nhà người ta cách nửa vòng trái đất, nhất là nhà của kẻ mình trước nay tuyên bố thù hận không đội trời chung.

Chỉ từng ấy cũng đủ để hiểu là cái vị thế đang ra sao. Không phải nói nhiều. Hãy cứ để cho bộ phận tuyên truyền của CSVN tìm cách xuyên tạc sự thật để giữ thể diện,  rằng Hoa Kỳ phải chấp nhận đàm phán, chấp nhận cộng sản, phải công nhận Việt Nam tiến bộ, dân chủ gấp ngàn lần tư bản….Sự thật thì ai cũng thấy rồi. Chẳng đôi co bóc mẽ những kẻ đã vào đường cùng làm gì.

Người hiểu biết cư xử, khi cho ăn mày tiền, không bao giờ họ đứng xa ném đồng xu vào cốc gã ăn mày. Họ lại gần, cúi xuống thả đồng xu nhẹ nhàng vào trong cốc.

Đã là Minh Quân ý chí muốn thâu phục thiên hạ,  không bao giờ hạ nhục hàng tướng địch đến dưới trướng mình, họ ân cần đối đãi tử tế như người bạn thân xa cách lâu ngày giờ quay lại cố hương.

Từ ngoài hè phố đến cung điện người ta đều cư xử như vậy.

Đến hơn nửa thế kỷ nay tư tưởng thù hằn, chống đối, nghị kỵ, không đội trời chung với Hoa Kỳ luôn ngự trị trong tim óc người CSVN. Thậm chí tư tưởng hận thù ấy còn được tuyên truyền cho thiếu nhi, học sinh lòng căm thù đế quốc Mỹ. Còn được dựng thành đài tưởng niệm bia căm thù trên khắp quê hương. Được khuyến khích sáng tác những tác phẩm văn học, nghệ thuật khích động lòng căm thù đó.

Càng như vậy, mới thấy sự chuyển mình của CSVN khi TBT Nguyễn Phú Trọng, kẻ thù Mỹ một cách cực đoan, lại dẫn phái đoàn quan chức cấp cao đến tận Hoa Kỳ để xin xỏ, nhờ vả là sự chuyển mình, thay đổi đáng ghi nhận.

Người thấy CSVN như thế, họ nói thế này.

Chẳng qua bọn CSVN sắp chết, chúng bám víu, cầu cạnh tìm lối thoát, chúng hết tiền, chúng đói khát, chúng van lạy tứ phương, bất chấp danh dự….

Với tôi, tôi cho rằng CSVN lần này can đảm. Cái can đảm là dám vượt qua những định kiến cố hữu, bắt tay với kẻ cựụ thù mà mình vẫn rêu rao , chỉ trích bao lâu nay..

Nếu nhìn công tâm, chắc bên trong nội bộ những người CSVN, họ cũng phải trăn trở, vật vã, cân nhắc…thậm chí là thanh trừng những ý kiến cản trở,  để đi đến quyết định hợp tác với Hoa Kỳ. Một quyết định quan trọng và lớn lao như thế, chỉ riêng sự túng bẫn thôi thúc là chưa đủ. Phải có thêm sự can đảm vượt qua chính tư tưởng, định kiến của bản thân mình. Lúc Hàn Tín luồn trôn anh hàng thịt, đó cũng là sự can đảm để vượt qua chính mình. Không phải bất cứ hành động cầu xin nào cũng là hèn nhát, không phải lúc nào sự hạ mình cũng do nhu cầu sinh tồn thôi thúc.

CSVN đã chuyển mình, tự thay đổi để thích ứng với thời cuộc mới. Chắc chắn CSVN phải nhận ra sự thay đổi, chuyển mình ấy mang lại cho họ lợi ích hơn việc không thay đổi. Và vì thế họ thay đổi, chuyển mình.

Ngay sau ngày người cộng sản bảo thủ số một Nguyễn Phú Trọng bắt tay thân thiện, cởi mở với tổng thống Obama trong phòng Bầu Dục. Hãng truyền thông quốc tế BBC phỏng vấn một cựu chiến binh VNCH có tên là Ngô Kỷ. Những ai ở Cali đều biết Ngô Kỷ là người chống Cộng không đội trời chung. Ông ta chống CSVN y như những người CSVN chống Hoa Kỳ. Nếu CSVN từng coi bất kỳ ai dính dáng đến Hoa Kỳ đều là tay sai của thế lực thù địch, thì Ngô Kỷ cũng coi bất kỳ ai kể cả đồng đội của ông ta là tay sai cộng sản nếu như không chống CSVN theo ý ông ta.

Ở một nét chống đến cùng, chống sắt máu, không đội trời chung. Ông Ngô Kỷ và ông Nguyễn Phú Trọng không khác gì nhau.

Thế nhưng ông Nguyễn Phú Trọng thay đổi, còn Ngô Kỷ thì vẫn thế.

Sở dĩ BBC chọn Ngô Kỷ phỏng vấn, là bởi Ngô Kỷ đại diện tiêu biểu cho tinh thần chống CSVN đến mức một mất, một còn. Không thể đứng song song cùng tồn tại. Hãy cứ dạo trên các trang mạng xã hội, diễn đàn, các tờ báo, các hội nghị để thấy tinh thần ấy không hề nhỏ một chút nào.

Có thể cái khác nhau là tinh thần ông Ngô Kỷ xuất phát từ chánh nghĩa quốc gia, là lá cờ vàng 3 sọc đỏ có từ thời vua Thành Thái, là vì một nước VNCH nhân bản, văn minh, tiến bộ, là ý chí của hàng triệu người Việt hải ngoại.

Nhưng thế cuộc đang diễn ra thế nào mới là điều đáng nói. Cái tinh thần mà ông Ngô Kỷ đại diện ấy, làm thế nào để chuyển biến nó thành hiệu quả là tiêu diệt được đảng CSVN, thành lập lại chế độ VNCH? Vận động quyên góp tiền bạc, lập quân đội như Hoàng Cơ Minh, Mai Văn Hạnh, Lê Quốc Tuý tiến về giải phóng quê hương.? Hay tuyên truyền vận động toàn dân đứng lên tổng khởi nghĩa lật đổ chế độ CSVN và phục dựng lại chế độ VNCH? Hoặc là nhờ các cường quốc tạo áp lực cô lập, cấm vận, phong toả khiến CSVN tan rã, tự sụp đổ để chế độ mới lên?

Chẳng biện pháp nào là hữu dụng cả, nó chỉ trên lý thuyết mà thôi. Chừng nào những người chống CSVN mà còn tư duy phải một mất một còn ngay với CSVN như đánh xóc đĩa, mở ra là phải có chẵn, có lẽ, có được, có thua ngay. Chừng đó những hoạt động nỗ lực của các bạn sẽ là gáo nước đổ vào xe cát. Lý thuyết là một gáo nước sẽ làm thấm đống cát, ngàn gáo nước sẽ làm trôi đống cát. Nhưng để có ngàn gáo nước là vấn đề của thời gian, mà bạn không biết bao giờ mới có đủ ngàn gáo nước.

Hoa Kỳ tiếp đảng trưởng CSVN Ngyễn Phú Trọng. Có nghĩa Hoa Kỳ công nhận ĐCSVN?

Đúng là vậy, nhưng chưa đủ. Công nhận ĐCSVN có nghĩa Hoa Kỳ sẽ còn công nhận hàng chục đảng phái khác ở Việt Nam. Nếu Hoa Kỳ muốn Việt Nam đa đảng, không có lý do gì Hoa Kỳ chiều lòng các đảng phái Việt Nam khác để tiêu diệt và xoá sổ Đảng CSVN. Các nước Pháp, Đức…đảng cộng sản vẫn được phép hoạt động như bất kỳ đảng phái nào. ĐCSVN vẫn hoạt động và các đảng khác cũng sẽ phải được hoạt động.

Và trong một quan điểm rõ ràng tiến bộ chung của toàn cầu như thế. Không có lý do gì mà Hoa Kỳ lại ủng hộ đảng này tiêu diệt, xoá sổ đảng khác. Các đảng phái phải phải học cách cạnh tranh lành mạnh để giành quyền lực chính trường.

Có lẽ đến lúc các đảng phái có tinh thần chống CSVN không đội trời chung, phải thay đổi quan điểm của mình. Thay đổi không phải là hèn nhát, không phải là từ bỏ bản thân mình, là thoả hiệp mắc mưu CSVN. Thay đổi là để phù hợp với một cuộc chiến mới, một tình hình thực tiễn đang diễn ra.

Điều cần thiết bây giờ là công khai thành lập đảng tại Việt Nam, có cương lĩnh, đường lối, hoạt động ôn hoà, dùng lý lẽ vận động quần chúng ủng hộ đảng mình. Một trong những đòi hỏi đầu tiên là đòi quyền chính danh của các đảng phái, tiếp tới đòi sửa đổi điều 4 hiến pháp…tiếp tới nữa thì đảng nào được nhân dân tin yêu, đảng đó nắm quyền.

Biết đâu nhân dân vẫn tin ĐCSVN, bầu lá phiếu cho họ nắm quyền giữa muôn trùng đảng khác. Cũng phải vui vẻ chờ lần sau.

Một số bạn sẽ nói, lập đảng phái công khai sẽ bị bắt tù hết ư?

Yên tâm đi, nếu các bạn bị bắt tù vì lập đảng phái ôn hoà. Đó sẽ là khúc xương ném giữa hiệp định toàn diện mà Hoa Kỳ và CSVN đang thực hiện. Nó sẽ làm cản trở, thậm chí là tan vỡ những gì mà Hoa Kỳ và ĐCSVN giao ước. Một khi hiệp định này tan vỡ, CSVN trở về con đường cũng quẫn, lúc đó chả ai biết nó sẽ sụp đổ hay tồn tại kiểu gì. Khi Đảng CSVN đã bước chân đi đến Hoa Kỳ thế này, con đường quay lại chẳng hề dễ chút nào. Họ sẽ phải lựa chọn là để cho các đảng khác hoạt động trong khi họ còn đầy đủ sức để lấn át để nắm quyền hơn là lựa chọn tiêu diệt các đảng khác, rồi cùng dắt tay đi đến thiên đàng CNXH sớm nhất bằng cách thăng thiên.

Nhưng không thể hoạt động với tiêu chí một mất một còn với ĐCSVN. Họ đã không còn thế với Hoa Kỳ, các bạn cũng nên nghĩ lại cho phù hợp thực tại.