WHO IS TRAN DAI QUANG?

From facebook:  Hoa Kim Ngo shared Phạm Thanh Nghiên‘s post.
 

WHO IS TRAN DAI QUANG?
(Trần Trung Đạo)

Khắp nơi đang bàn tán về bức ảnh Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull chụp và sau đó đăng trên Twitter của ông. Nhiều người đã phân tích, tôi chỉ xin góp thêm một hai ý về bang giao quốc tế.

Bức ảnh có ba người, ngoài ông ra còn có Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch CSTQ Tập Cận Bình với lời ghi chú “Gặp gỡ Donald Trump và Chủ tịch Tập tại APEC2017, cùng nhau làm việc để bảo vệ an toàn và thịnh vượng của khu vực chúng ta.” (Catching up with @realDonaldTrump & President Xi at # APEC2017 working together to secure our region’s safety & prosperity.)

Cùng lúc, một phóng viên của Thông Tấn Xã Việt Nam cũng chụp nhưng có Chủ tịch CSVN Trần Đại Quang và phổ biến rộng rãi trên các báo Việt Nam.

Nếu phóng viên không chụp hay Thông Tấn Xã Việt Nam không khoe khoang bức ảnh thì có lẽ không ai biết Thủ tướng Úc đã cắt bớt hay không chụp Chủ tịch CSVN Trần Đại Quang.

Cắt bớt hay không chụp Trần Đại Quang về ý nghĩa cũng giống nhau.

Trong ý định của Thủ tướng Malcolm Turnbull vốn đã không có hình ảnh người đóng vai “Chủ tịch nước Việt Nam” đang đứng bên cạnh Tổng thống Donald Trump. Ông chỉ chú ý đến Donald Trump và Tập Cận Bình vì họ là những con người có quyền lực.

Nếu hôm nay có ai đó bất chợt nhắc tới tên “Trần Đại Quang”, có thể Thủ tướng Úc sẽ hỏi ngược “Who is Tran Dai Quang?”

Không giống như các chế độ dân chủ, nơi mà các chức vụ lãnh đạo do dân bầu, vai “chủ tịch nước” dưới chế độ CS chỉ là một vai phụ và rất ít được các lãnh đạo thế giới quan tâm.

Bằng chứng.

Nikolai Podgorny là Chủ tịch Cộng Hòa Liên Bang Sô Viết kiêm Chủ Tịch Sô Viết Tối Cao suốt 12 năm, 1965-1977, nhưng thế giới ít ai biết đến Nikolai Podgorny. Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược (SALT I) ký ngày 26 tháng 5, 1972 được ký giữa Tổng thống Richard Nixon và Tổng Bí Thư đảng CS Liên Sô Leonid Brezhnev chứ không phải ký với Chủ tich nước Nikolai Podgorny.

Đặng Tiểu Bình viếng thăm Mỹ vào tháng Giêng 1979 và được Tổng thống Jimmy Carter tiếp đãi như quốc khách mặc dù chức vụ của ông ta chỉ là Phó Thủ tướng. Tất cả hiệp định và cam kết thay mặt Trung Cộng đều qua họ Đặng. Tuy nhiên xin lưu ý, trong thời gian đó Chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa là Lý Tiên Niệm (1983-1988) và theo sau bởi Dương Thượng Côn (1988-1993). Nhưng bao nhiêu lãnh đạo thế giới biết Lý Tiên Niệm và Dương Thượng Côn là ai? Chắc không nhiều.

Một số người Việt trong nước tỏ ra bất bình với Thủ tướng Malcolm Turnbull và cho rằng ông khinh thường dân tộc Việt Nam. Một người nhận xét “đến nhà người ta phải biết ai là chủ nhà.”

Thủ tướng Úc không khinh thường dân tộc Việt vì Trần Đại Quang không đại diện cho dân tộc Việt và nhà Việt Nam.

Thủ tướng Malcolm Turnbull rõ ràng muốn nhấn mạnh đến yếu tố bảo vệ “an toàn và thịnh vượng” cho khu vực Nam Thái Bình Dương, và nếu vậy thì anh chàng CSVN đứng bên cạnh đó chẳng đóng vai trò gì tích cực và quan trọng để xứng đáng đứng chung trong bức hình.

Nếu phải phân tích cho sâu, hành động của Thủ tướng Malcolm Turnbull cho thấy ông xem thường chế độ CS, mà càng xem thường chế độ CS bao nhiêu ông càng kính trọng và cảm thông với dân tộc Việt Nam đang chịu đựng bấy nhiêu.

Trần Trung Đạo

09/11/1956: Jean-Paul Sartre từ bỏ chủ nghĩa cộng sản

 

09/11/1956: Jean-Paul Sartre từ bỏ chủ nghĩa cộng sản

Nguồn: Sartre renounces communistsHistory.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1956, nhà triết học và nhà văn người Pháp Jean-Paul Sartre – trước đây từng là một người ngưỡng mộ Liên Xô – giờ lại lên tiếng tố cáo cả Liên Xô lẫn hệ thống cộng sản của nước này sau cuộc xâm lược tàn bạo của Liên Xô vào Hungary.

Jean-Paul Sartre, sinh ra ở Paris vào năm 1905, là một trong những đại diện hàng đầu cho chủ nghĩa hiện sinh, một phong trào triết học cổ vũ cho bản tính tự do trong sự tồn tại của cá nhân con người, đồng thời tiếc thương cho sự vô nghĩa vốn có của nó. Là tác giả của hơn 20 tiểu thuyết, kịch và luận văn triết học, Sartre đã từ chối Giải Nobel năm 1964 vì lý do một nhà văn “nên từ chối để bản thân mình bị biến thành một thể chế.” Tuy nhiên, chính Sartre đã là một thể chế: đầu tiên là như tiếng nói của chủ nghĩa hiện sinh và sau đó như lương tâm của chủ nghĩa cộng sản.

Khi còn là một sinh viên ở Paris và Berlin, Sartre bị ảnh hưởng rất nhiều bởi triết học Đức, đặc biệt là chủ nghĩa hiện sinh của Martin Heidegger và phương pháp hiện tượng học của Edmund Hussel, người đã ủng hộ một cách thận trọng, không thiên vị đối với việc mô tả ngắn gọn. Tác phẩm chính đầu tiên của Sartre là cuốn tiểu thuyết La Nausée (Nausea/Buồn Nôn, 1938), một câu chuyện về nỗi tức giận hiện sinh, viết dưới dạng nhật ký. Các công trình hiện sinh quan trọng khác của ông là Huis Clos (No Exit/Không Lối thoát, 1946) và L’Être et le néant (Being and Nothingness/Hiện hữu và Hư không, 1956).

Sau khi Thế chiến II nổ ra vào năm 1939, Sartre đã từng phục vụ trong quân đội Pháp trước khi trở thành tù binh chiến tranh từ năm 1940 đến năm 1941. Sau khi được thả ra, ông đã định cư tại Paris (khi ấy đang bị Đức chiếm đóng), nơi ông giảng dạy, sáng tác và liên kết với quân Kháng chiến Pháp. Chính trong thời kỳ chiến tranh này, chủ nghĩa Marx đã phát triển thành tình yêu trí tuệ thứ hai của Sartre. Mặc dù không bao giờ tham gia Đảng Cộng sản Pháp, ông là một trong những người cộng sản nổi tiếng nhất của Pháp, và thường xuyên lên tiếng ủng hộ Liên Xô và các chính sách của nước này. Năm 1954, ông đã đến thăm Liên Xô.

Sau khi quân đội Liên Xô xâm lược Hungary vào ngày 04/11/1956, Sartre đã lên án sự can thiệp của Liên Xô và việc Đảng Cộng sản Pháp luôn tuân theo mệnh lệnh từ Moskva. Ngày 09/11, trên tạp chí Pháp L’Express, ông tuyên bố: “Tôi cực lực lên án cuộc xâm lược của Liên Xô mà không hề có chút do dự nào. Dù không đặt bất cứ trách nhiệm nào lên người dân Nga, tôi vẫn nhấn mạnh rằng chính phủ hiện tại của họ đã phạm tội …. Và tội ác, đối với tôi, không chỉ là việc xe tăng của quân đội xâm lăng Budapest, mà là sự thật rằng điều này đã trở nên khả dĩ bởi mười hai năm khủng bố và hành động ngu xuẩn … Hiện tại hay tương lai tôi đều không thể thiết lập lại bất cứ hình thức liên lạc nào với những người hiện đang đứng đầu [Đảng Cộng sản Pháp]. Mỗi câu họ nói, mỗi hành động mà họ thực hiện đều là đỉnh điểm của 30 năm gian dối và bảo thủ.”

Mặc dù hy vọng của Sartre đối với chủ nghĩa cộng sản đã bị nghiền nát, ông vẫn tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa Marx và tìm cách phát triển một loại chủ nghĩa xã hội mới trong cuốn Questions de méthode (Search for a Method/Tìm kiếm một Phương pháp, 1960). Sartre chính thức đoạn tuyệt với Liên Xô vào năm 1968 khi nước này đàn áp phong trào Mùa xuân Praha của Tiệp Khắc. Sau đó, sự trung thành của Sartre đã được dành cho các nhà cách mạng trẻ tuổi ở Pháp, và đôi khi ông còn trở thành biên tập viên chuyên đề cho các tờ báo nhỏ cấp tiến. Tác phẩm chính cuối cùng của ông là một nghiên cứu đồ sộ gồm bốn phần về nhà văn người Pháp sống vào thế kỷ 19, Gustave Flaubert. Jean-Paul Sartre qua đời vào năm 1980, và đám tang của ông đã có 25.000 người tham dự.

Trung Quốc trở về với sự cai trị độc tài

Trung Quốc trở về với sự cai trị độc tài

Nguồn: Minxin Pei: “China’s Return to Strongman Rule”,  Foreign Affairs, 1 November 2017

Người dịch: Huỳnh Hoa

Ý nghĩa việc thâu tóm quyền lực của Tập Cận Bình

Một kỷ nguyên mới đã bắt đầu trong chính trị Trung Quốc. Vào ngày 24 tháng 10, khi đại hội toàn quốc lần thứ 19 của đảng Cộng sản Trung Quốc hạ màn, các đại biểu của đảng đã sửa đổi điều lệ của tổ chức này để thiêng hóa một nguyên tắc ý thức hệ có vai trò dẫn dắt mới: “Tư tưởng Tập Cận Bình” (Xi Jinping). Ít có nhà quan sát nào biết chính xác học thuyết này dẫn tới cái gì – đó là một tập hợp vô hình vô ảnh những ý tưởng về duy trì nhà nước độc đảng của Trung Quốc và chuyển hóa đất nước thành một cường quốc toàn cầu – nhưng đa số đều lập tức nắm được cái biểu trưng chính trị trong sự ra đời học thuyết này. Đảng Cộng sản đã đề cao những đóng góp về ý thức hệ của nhà lãnh đạo Trung Quốc lên ngang tầm với những đóng góp của Mao Trạch Đông (Mao Zedong) và Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping), hai lãnh tụ đảng Cộng sản Trung Quốc duy nhất có ý tưởng được thánh hóa như vậy.

Đây mới chỉ là dấu hiệu đầu tiên rằng ông Tập đã giành được một thắng lợi chính trị quan trọng tại đại hội đảng. Quy mô thực sự của chiến thắng của ông trở nên rõ ràng vào ngày hôm sau, khi các đại biểu đảng chọn ra các ủy viên mới của ủy ban thường vụ bộ chính trị, cơ quan quyết định cấp cao nhất của Trung Quốc. Ông Tập lấp đầy cái ủy ban bảy người này bằng những người trung thành với ông, tất cả đều quá già để có thể có cơ hội lên thay vị trí của ông trong đại hội đảng lần tới vào năm 2022. Kết quả là ông Tập sẽ cai trị 15 năm nữa và có thể lâu hơn.

Tuy có vẻ rất vững mạnh, giờ đây ông Tập phải có đủ vốn chính trị để bảo đảm một nhiệm kỳ kéo dài trong tư cách lãnh tụ Trung Quốc. Trong thực tế, ông sẽ cần thực hiện lời cam kết tái cân bằng và làm cho bền vững đà tăng trưởng kinh tế và tái cơ cấu hệ thống tư pháp của Trung Quốc.

Sự gia tăng quyền lực của ông Tập

Trong số bảy ủy viên thường trực bộ chính trị khóa trước của đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ hai người còn tại nhiệm: ông Tập và người phó của ông, thủ tướng Lý Khắc Cường (Li Keqiang). Năm ủy viên khác của cơ quan này là người mới và bốn trong số họ là thân tín của ông Tập.

Lật Chiến Thư (Li Zhanshu), nhân vật thứ ba và mới của đảng, đã gây dựng một tình bạn thân thiết với ông Tập hơn 30 năm về trước và là chánh văn phòng của ông Tập trong nhiệm kỳ đầu của ông, từ năm 2007. Một thuộc hạ trung thành khác, ông Triệu Lạc Tế (Zhao Leji) sẽ là người chỉ huy mới của công cuộc chống tham nhũng, đóng vai người canh tay chủ lực thực hành chỉ thị của ông Tập. Người lãnh đạo cũ của cơ quan này, ông Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan) đã giữ vai trò người xoay chuyển trong việc giúp ông Tập loại bỏ các đối thủ và củng cố quyền lực trong nhiệm kỳ đầu.

Nhiều nhà quan sát Trung Quốc đã nhận ra hai gương mặt mới và khác trong ủy ban thường vụ, ông Vương Hỗ Ninh (Wang Huning) và Hàn Chính (Han Zheng), là thành viên của cái gọi là Nhóm Thượng Hải – một nhóm đầu sỏ câu kết với cựu chủ tịch Giang Trạch Dân (Jiang Zemin) – một lối suy nghĩ nhằm đặt nghi vấn về lòng trung thành của hai ông này đối với ông Tập. Nhưng cách đánh giá như vậy là không chính xác. Ông Vương đã từng là cố vấn chính về ý thức hệ cho cả ba đời lãnh tụ đảng – ông Giang, ông Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao) và ông Tập – và không có khả năng ông ta sẽ gắn bó với nhóm của ông Giang để gây nguy hiểm cho mối quan hệ với ông Tập sau khi nhóm ông Giang đã bị tiêu hao nhiều vì đòn phép chống tham nhũng của ông Tập. Ông Hàn cũng vậy, ông ta là người có năng lực, một nhà kỹ trị điềm tĩnh không có sự trung thành vĩnh viễn với Nhóm Thượng Hải. Thực ra, khi ông Tập làm bí thư Thượng Hải trong các năm 2006-2007 thì ông Hàn đã là thị trưởng thành phố và là cánh tay mặt của ông Tập. Ủy viên thứ bảy trong ủy ban thường vụ là ông Uông Dương (Wang Yang), một người có quan hệ với Nhóm Đoàn Thanh niên đối lập. Ông Uông sẽ trở thành lãnh đạo của hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (Chính hiệp) – một cơ quan tư vấn của đảng.

Ông Tập cũng thành công trong việc lấp đầy bộ chính trị 25 thành viên bằng những đồng minh của mình. Có ít nhất 11 trong số 15 thành viên mới của bộ chính trị nằm trong nhóm của ông Tập. Kết quả là, giờ đây ông có thể giành tới 18 phiếu trong bộ chính trị. Các quyết định của ông sẽ được bộ chính trị và ủy ban thường vụ phê chuẩn với số phiếu áp đảo, từ đó sẽ có quyền lực phi thường. Hơn thế nữa, các đồng minh của ông Tập trong bộ chính trị, một số người còn khá trẻ, sẽ là những ứng viên mạnh để được đưa vào ủy ban thường vụ trong đại hội đảng lần thứ 20 vào năm 2022.

Thắng lợi chính trị lớn lao nhất mà ông Tập giành được tại đại hội là sự chấm dứt thông lệ của đảng, theo đó một nhà lãnh đạo mới sẽ được chính thức đề bạt ít nhất 5 năm trước ngày nhận chuyển giao quyền lực. Truyền thống này có từ năm 1992, khi ông Đặng chọn ông Hồ làm người kế tục ông Giang mười năm trước ngày ông Hồ đảm nhiệm chức vụ. Tương tự như vậy năm 2007 đảng đã chọn ông Tập làm người kế nhiệm ông Hồ. Thông lệ này làm giảm rủi ro tranh giành quyền kế tục trong đảng và giúp thực thi quy định không chính thức về giới hạn số nhiệm kỳ của các lãnh đạo cấp cao nhất là hai nhiệm kỳ, mỗi nhiệm kỳ 5 năm. Nhưng đảng chưa bao giờ pháp chế hóa những truyền thống này trong điều lệ của mình và một lãnh đạo đương nhiệm muốn tìm cách kéo dài sự cai trị của mình sẽ luôn có thể chấm dứt các truyền thống đó nếu như có đủ quyền lực.

Đây rõ ràng là trường hợp của ông Tập; ông và các đồng minh của ông đã đi những nước cờ xuất sắc để thoát ra khỏi tiền lệ. Trước tiên, vào mùa thu năm 2016, đảng Cộng sản Trung Quốc chính thức phong ông Tập là “lãnh tụ hạt nhân” (core leader) của đảng, khiến ông là lãnh tụ duy nhất từ thời ông Đặng tự mình có được cái danh hiệu đáng thèm muốn ấy và gửi một thông điệp cho các nhân vật cao cấp khác rằng vị trí của ông Tập là bất khả xâm phạm. (Ông Giang cũng được làm core leader nhưng do ông Đặng phong, còn ông Hồ không bao giờ nhận được danh hiệu này). Vài tháng sau đó, vào tháng Giêng năm nay, các đặc vụ an ninh Trung Quốc đã bắt cóc nhà tài phiệt Tiểu Kiến Hoa (Xiao Jianhua) tại một căn hộ trong khu Four Seasons ở Hong Kong. Vụ bắt cóc nhằm ngăn chặn những thách thức tiềm tàng đối với kế hoạch của ông Tập: là nhà tài phiệt cung cấp tiền bạc cho nhiều lãnh đạo chóp bu Trung Quốc, ông Tiểu có khả năng nắm giữ nhiều thông tin có thể dùng để buộc tội một số đối thủ của Tập.

Tháng Bảy, Tập có thêm một động tác nữa: ra lệnh bắt giam bí thư đảng thành phố Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) về tội tham nhũng. Vụ hạ bệ ông Tôn có nhiều ý nghĩa, một phần vì ông này kết giao với nhóm ông Giang và còn vì ông này còn trẻ đến mức nếu để cho ông ta yên thì ông ta sẽ là một người kế nhiệm hợp lý của ông Tập. (Ủy viên bộ chính trị nói chung phải dưới 55 tuổi thì mới đủ điều kiện xem xét làm người kế tục tương lai). Giờ đây sau khi ông Tôn đã bị loại bỏ thì chỉ còn một ủy viên bộ chính trị có tuổi đủ trẻ để có thể làm người kế nhiệm ông Tập vào năm 2022: cựu bí thư tỉnh Quảng Đông Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua). Nhưng ông Hồ 55 tuổi này vừa rồi không được đề bạt vào ủy ban thường vụ bộ chính trị, rõ ràng ông ta không đủ điều kiện để kế nhiệm ông Tập vào năm 2022 nữa. Ông Hồ có khả năng sẽ được bố trí chức phó chủ tịch nặng tính tượng trưng vào tháng Ba năm tới.

Với ít sự lựa chọn như vậy, ông Tập sẽ có cái cớ hoàn hảo để trì hoãn việc đưa ra quyết định ai là người sẽ kế nhiệm ông. Sự thống trị của ông trong bộ chính trị và ủy ban thường vụ sẽ giúp ông có đủ quyền lực để làm như vậy, bảo đảm cho ông có thêm nhiệm kỳ lãnh đạo thứ ba tại đại hội kế tiếp của đảng vào năm 2022.

Ông Tập sẽ sửa đổi điều lệ đảng và hiến pháp Trung Quốc để hợp pháp hóa sự kéo dài quyền lực của ông. Chẳng hạn như ông có thể đảm nhiệm vị trí chủ tịch đảng – khôi phục một chức vụ đã bị bãi bỏ trong điều lệ đảng – và khởi động lại việc tính thời gian lãnh đạo đảng của ông. Còn đối với giới hạn hai nhiệm kỳ ở chức vụ chủ tịch nhà nước Trung Quốc (thường được nói tới “chức chủ tịch” (presidency) trong tiếng Anh nhưng để phù hợp ra phải dịch là “chức chủ tịch hội đồng” (chairmanship)) nó có thể được thay đổi chỉ với một sự điều chỉnh về ngữ nghĩa: các quan chức có thể sửa đổi hiến pháp Trung Quốc để chức danh chính thức của ông Tập trở thành “chủ tịch” (president). Bằng việc bảo đảm thêm hai nhiệm kỳ 5 năm mới với tư cách người đứng đầu cả đảng và nhà nước, ông Tập sẽ có thể cầm quyền cho đến tận năm 2032.

Pháp trị

Những câu hỏi lớn nhất về kỷ nguyên mới của Trung Quốc đều xoay quanh chương trình của ông Tập. Ít ai kỳ vọng ông Tập sẽ trở thành nhà cải cách chính trị do những cuộc đàn áp xã hội dân sự và quyền tự do internet trong suốt nhiệm kỳ đầu của ông. Nhưng những người lạc quan tin rằng, quyền lực tối cao mới giành được của ông Tập sẽ khiến ông được tự do theo đuổi những cuộc cải cách khác nữa, giới thiệu các cải cách kinh tế thân thiện với thị trường và tái cơ cấu hệ thống tư pháp Trung Quốc để bảo vệ quyền tư hữu và thúc đẩy phát triển một cách hiệu quả hơn.

Trong thực tế, ít có điều gì cho thấy rằng một làn sóng mới về cải tổ kinh tế đang hình thành. Ông Tập đã thủ đắc quyền lực to lớn trong suốt nhiệm kỳ đầu, năm 2013 ông đã đưa ra kế hoạch đầy tham vọng nhằm đại tu nền kinh tế Trung Quốc để “[cho phép] các lực lượng thị trường đóng một vai trò quyết định” như kế hoạch đã công bố. Nhưng từ ngày đó, ông chỉ làm được vài bước tiến rất khiêm tốn. Nhờ chính sách tiền tệ lỏng lẻo, mô hình tăng trưởng do đầu tư thúc đẩy và được tín dụng tiếp nhiên liệu vẫn đứng vững, góp phần nâng tỷ lệ nợ so với tổng sản lượng GDP của Trung Quốc từ mức 215% năm 2012 lên 242% năm 2016. Và mặc dù các doanh nghiệp nhà nước nợ nần đầm đìa của Trung Quốc đang trì kéo nền kinh tế quốc gia, chúng vẫn có một vị trí đặc biệt trong tầm nhìn tương lai của ông Tập. Tháng 7-2016, ông lập luận rằng các doanh nghiệp này cần phải trở nên “mạnh hơn, tốt hơn, lớn hơn, không có sự dè dặt nào”.

Niềm tin của các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào các chính sách hiện hành là một lý do khác để các nhà quan sát không nên đặt quá nhiều hy vọng vào cải cách kinh tế. Mặc dù đã có những lời cảnh báo rằng nợ nần không chống đỡ được sẽ dẫn tới sụp đổ tài chính, nhưng Bắc Kinh vẫn chưa phải trả một cái giá đắt cho việc bám chặt vào chiến lược bơm tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. Thật vậy, hoạt động kinh tế gần đây của Trung Quốc – tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ vượt qua mục tiêu chính thức là từ 6,5-6,7% trong năm nay – đã làm sâu sắc thêm niềm tin của các nhà hoạch định chính sách vào mô hình hiện hành.

Cuối cùng, bởi vì tất cả các cuộc cải cách kinh tế mạnh mẽ trong quá khứ đều được thôi thúc bởi những vụ khủng hoảng, những cú sốc nên các nhà quan sát nên giảm nhẹ cái khả năng Bắc Kinh sẽ theo đuổi những sự cải tổ sâu rộng một khi nền kinh tế vẫn đang vận hành tương đối tốt như ngày hôm nay.

Thay vì vậy, ưu tiên chính trị hàng đầu của ông Tập trong tương lai gần rất có thể là cải tổ toàn diện hệ thống tư pháp Trung Quốc, không phải nhắm tới sự thiết lập nhà nước pháp quyền (rule of law) thật sự mà là thực hiện pháp trị (rule by law), theo đó nhà nước sẽ dùng hệ thống tư pháp để duy trì sự kiểm soát về chính trị, xã hội và kinh tế. Nếu như vậy thì kết quả rất có thể là sự đàn áp chứ không phải là sự tiến bộ.

Có ba dấu hiệu cho thấy ông Tập sẽ tập trung vào cải cách tư pháp. Một là, đại hội đảng đã phê chuẩn kế hoạch của ông Tập cải tổ hệ thống tư pháp qua việc thành lập một “nhóm lãnh đạo về quản trị toàn diện đất nước theo luật pháp”, một cơ quan mà ông Tập là người đứng đầu. Thứ đến, ông Tập đã bổ nhiệm tay chân thân tín nhất của ông, ông Lật Chiến Thư, làm chủ tịch Đại hội Nhân dân toàn quốc, tức Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp của quốc gia, sẽ soạn thảo và thông qua các luật lệ thiết yếu cho việc hiện thực hóa tầm nhìn của ông Tập. Cả hai biện pháp này cho thấy rằng, chẳng bao lâu nữa, cải cách tư pháp sẽ nhận được rất nhiều sự quan tâm ở cấp cao. Cuối cùng, ông Tập là người tin tưởng sâu sắc vào truyền thống pháp trị của Trung Quốc và trọng tâm của nhóm lãnh đạo mới về quản trị “toàn diện” phản ánh tham vọng đó.

Như đã thấy, trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Tập đã ban hành một số luật quan trọng nhằm kiểm soát xã hội, siết chặt hoạt động an ninh mạng của Trung Quốc và hạn chế các tổ chức phi chính phủ nước ngoài. Nhưng để tái xác nhận quyền lực của đảng đối với xã hội và để cung cấp nền tảng pháp lý vững chắc cho chế độ độc tài chuyên chế thì còn nhiều chuyện phải làm. Ví dụ, Trung Quốc có thể áp đặt thêm nhiều hạn chế đối với các tổ chức phi chính phủ nội địa, ban hành những luật lệ mới về giáo dục tư tưởng trong các trường đại học, cao đẳng hoặc viết lại bộ luật hình sự sao cho nó trở thành công cụ ngày càng hiệu quả trong việc trấn áp sự phản kháng trong nước. Mục đích sẽ là biến đổi Trung Quốc từ một chế độ tản quyền hậu toàn trị chủ nghĩa thành một chế độ độc tài chuyên chế được cai trị bởi một đảng Leninist có kỷ luật.

Thói quan liêu

Trong ngắn hạn, các kế hoạch của ông Tập sẽ không gặp nhiều sự phản kháng công khai. Cuộc đàn áp thẳng tay giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự của ông đã có hiệu quả một cách đáng buồn, và đã xóa bỏ mọi mối đe dọa đối với sự cai trị của chế độ trong tương lai gần. Giờ đây, vai trò tối thượng của ông Tập trong đảng Cộng sản đã bao trùm tới mức không thể hình dung được có đồng nghiệp nào của ông dám đứng ra thách thức ông.

Sự phản kháng thật sự đối với tham vọng của ông Tập sẽ đến từ guồng máy hành chính quan liêu to lớn của Trung Quốc. Các quan chức cấp thấp và cấp trung của chế độ, số lượng lên tới hàng triệu người, là những con người có tính tư lợi đầu tiên và cao nhất, và họ quan tâm nhiều tới chuyện gia tăng đặc quyền và của cải của chính mình hơn là thúc đẩy những mục tiêu ý thức hệ trừu tượng. Khi ông Tập giải thể cơ chế chia sẻ quyền lực và bổng lộc từng là đặc trưng của trật tự ở Trung Quốc thời kỳ sau biến cố Thiên An Môn, triển vọng về quyền lực và tiền bạc của những cán bộ trong guồng máy quan liêu này cũng phai mờ dần. Đã không còn những băng nhóm tinh hoa để họ nhập vào, cũng không có nhiều người đỡ đầu để họ phục vụ. Ngày nay, mỗi quan chức đều phải cạnh tranh giành ân huệ của một chế độ do một nhóm duy nhất thống trị, và có rất ít con đường để thăng tiến so với thời kỳ trước khi ông Tập nắm quyền. Tệ hơn nữa, công cuộc trấn áp tham nhũng của ông Tập đã xóa sổ những hành vi hối lộ béo bở, những bổng lộc từng bảo đảm cho lối sống của giới cán bộ trong suốt hai thập kỷ qua. Trừ phi ông Tập bớt nghiêm khắc và cho phép đa số quan chức trong guồng máy được tiếp tục thu vén cho cá nhân họ, lòng trung thành sẽ mất đi sức hấp dẫn của nó.

Tất nhiên phần lớn các cán bộ cấp thấp hơn sẽ không từ bỏ đảng Cộng sản hoặc biểu lộ công khai sự bất mãn của họ. Thay vì vậy họ sẽ làm những gì mà guồng máy quan lại Trung Hoa đã làm trong hàng ngàn năm qua: phản ứng một cách thụ động với những mệnh lệnh từ cấp cao nhất. Mục tiêu của những cán bộ này là làm cho ông Tập phải nhận ra giá trị của họ và tưởng thưởng cho họ một cách tương xứng, có thể bằng cách chấm dứt cuộc trấn áp tham nhũng và yêu cầu thắt lưng buộc bụng. Cách thức duy nhất để đạt được điều này là thông qua sự tránh né, dối gạt của hệ thống quan liêu, làm chậm lại vòng quay của guồng máy hành chính và làm trì trệ cỗ máy kinh tế của Trung Quốc nhằm thu hút sự chú ý của ông Tập. Cho dù quyền lực của ông Tập có sâu rộng đến đâu thì nó cũng bị xói mòn nhanh chóng nếu tăng trưởng kinh tế bị trì trệ vài năm và giới quan chức Trung Quốc biết rõ điều đó.

Ông Tập không phải là nhà lãnh đạo đầy quyền năng đầu tiên của Trung Quốc phải đối mặt với guồng máy quan liêu cứng đầu cứng cổ. Ông Mao cũng đã đương đầu với một thách thức tương tự vào đầu thập niên 1960, khi ông nghĩ rằng các cán bộ đảng không có đủ nhiệt tình cách mạng. Một trong những động cơ để ông Mao phát động cuộc Cách mạng Văn hóa là sử dụng khủng bố của đám đông để đưa guồng máy quan liêu vào kỷ luật và phục hồi tinh thần cách mạng.

Nhưng ông Tập không phải là người tin tưởng vào các phong trào quần chúng và ông cũng không có cái uy tín tuyệt đối của ông Mao, người có thể huy động hàng trăm triệu thường dân Trung Quốc vào một hành động chung. Thay vì vậy, ông Tập phải tìm cách mở rộng phạm vi quyền lực của ông từ cấp ủy ban trung ương xuống tới các tỉnh thành quận huyện. Đó là một công việc nặng nhọc và tốn nhiều thời gian, chẳng hạn như nỗ lực xem xét và tuyển dụng cán bộ có triển vọng ở cấp địa phương.

Nhiều viên chức cấp thấp và cấp trung sẽ gia nhập phe của ông Tập. Nhưng khi cơ sở của ông mở rộng, nó cũng có thể gieo những hạt mầm tranh chấp trong nội bộ đảng. Biết rằng trận chiến kế tiếp để giành quyền lực tối thượng sẽ diễn ra trong 10, 15 năm nữa, khi ông Tập tiến tới ngày ra khỏi quyền lực, những thủ hạ bề ngoài có vẻ trung thành của ông sẽ quan tâm nhiều tới việc xây dựng quyền lực của riêng họ hơn là thực thi chương trình của ông Tập. Đây là chuyện đã xảy ra trong thời Cách mạng Văn hóa: sau khi Mao diệt xong các đối thủ thì những thủ hạ trung thành của ông ta, nhóm Lâm Bưu (Lin Biao) và nhóm Tứ Nhân Bang (Gang of Four) đã nhanh chóng đối địch với nhau vì lo sợ rằng nhóm kia sẽ tự đặt mình vào vị thế nối nghiệp vị chủ tịch già nua ấy.

Trong bàn tay của Tập

Trong những năm tháng sau khi Mao Trạch Đông qua đời, các nhà lãnh đạo Trung Quốc bắt đầu hiểu rằng, tập trung quyền lực vào tay một nhân vật đơn lẻ có thể gây thảm họa cho đảng. Đó là lý do tại sao những người sống sót sau cuộc Cách mạng Văn hóa đã tập hợp lại trong thập niên 1980 để bảo đảm rằng không bao giờ một lãnh tụ như Mao lại có thể cai trị Trung Quốc. Những sự thay đổi mà nhóm này đưa ra – chẳng hạn như cơ chế lãnh đạo tập thể, những luật lệ không chính thức về sự kế nhiệm, và những sự bảo đảm ngầm về an ninh cho các lãnh đạo cấp cao – đã sinh ra một sự ổn định của giới tinh hoa trước đây chưa từng thấy trong lịch sử của đảng. Chúng cũng giúp cho chế độ tránh được những sai lầm nguy hiểm phát sinh từ sự giao phó quyền lực vào tay một cá nhân.

Các quan chức Trung Quốc dường như đã quên những bài học này. Giờ đây đảng Cộng sản đã quay lại với sự cai trị chuyên chế của một nhà độc tài, tương lai của nó sẽ phụ thuộc phần lớn vào phẩm chất những quyết định của ông Tập. Sẽ có rất ít hạn chế về cách thức ông này đưa ra quyết định. Lần cuối cùng mà đảng có một lãnh tụ với quyền lực không bị kiểm soát như thế thì hậu quả là thảm họa. Chỉ có thể hy vọng rằng, lần này các nhà lãnh đạo Trung Quốc biết những gì mà họ đang làm – và rằng kết quả sẽ không giống trước.

Nguồn bài dịch: Viet-studies 

Một phần của Bức tường Berlin được đưa về Fatima

From facebook: Anthanh Linhgiang added 5 new photos.

Fátima, Portugal ·

Một phần của Bức tường Berlin được đưa về Fatima như là dấu chứng và lời tri ân với Mẹ Fatima. Nhiều người (trong đó có tôi) tin rằng, chính nhờ sự phù hộ của Đức Mẹ mà nước Nga và khối Đông Âu đã từ bỏ chủ thuyết Cộng Sản vô thần để trở về với cội nguồn của họ. Điều đặc biệt là sự chuyển đổi hết sức nhẹ nhàng và an lành. Ước mong một ngày cho Việt Nam!

Xem thêm thông tin trên Wikipedia:

Bức tường Berlin (tiếng Đức: Berliner Mauer) từng được Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức gọi là “Tường thành bảo vệ chống phát xít” (tiếng Đức: Antifaschistischer Schutzwall) và bị người dân Cộng hoà Liên bang Đức gọi là “Bức tường ô nhục” là một phần của biên giới nội địa nước Đức và đã chia cắt phần Tây Berlin với phần phía đông của thành phố và với lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức bao bọc chung quanh Tây Berlin từ ngày 13 tháng 8 năm 1961 đến ngày 9 tháng 11 năm 1989. Bức tường này là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh và của việc chia cắt nước Đức. Khoảng 5000 người đã tìm cách vượt qua bức tường để sang Tây Berlin. Số người bị thiệt mạng khi vượt tường nằm trong khoảng từ 86 đến 200 người.

Image may contain: plant, tree and outdoor
Image may contain: 1 person
Image may contain: 1 person, standing and outdoor
Image may contain: 1 person, outdoor
Image may contain: outdoor

 

Những ngày cuối cùng ở Việt Nam và phép lạ bị lãng quên

 Last Days In Vietnam full movie

httpv://www.youtube.com/watch?v=iu06xGdvRjY

Last Days In Vietnam full movie 

Những ngày cuối cùng ở Việt Nam và phép lạ bị lãng quên

Đinh Từ Thức

Last days in Vietnam là bộ phim tài liệu mới nhất về những ngày cuối cùng trước khi VNCH tan rã vào 30 tháng 4, 1975. Trước đây đã có 2 bộ phim tài liệu với nội dung tương tự: The fall of Saigon và The lucky few. Bộ phim mới này đã gây tiếng vang trước khi được phổ biến rộng rãi.

Last days in Vietnam do Rory Kennedy, con gái út của bộ trưởng Tư pháp và nghị sĩ bị ám sát Robert Kennedy, sản xuất cho hệ thống PBS, nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng sản. Bộ phim này mới được chiếu ra mắt tại một số rạp ở California, và Washington DC vào tháng 9 và đầu tháng 10, 2014, và sẽ được cho chiếu rộng rãi vào tháng 4, 2015.

Vì nội dung tương tự, có người tưởng lầm đây là một trong hai bộ phim cũ được chiếu lại. Thật ra, The fall of Saigon do Michael Dutfield sản xuất cho Discovery Channel đã ra đời từ 1995, nhân kỷ niệm 20 năm ngày mất Sài Gòn. Còn The lucky few do Hải quân Hoa Kỳ (US Navy) sản xuất năm 2010, vào dịp kỷ niệm 35 năm ngày mất miền Nam Việt Nam, ghi lại vai trò của hộ tống hạm USS Kirk trong cuộc di tản của toàn thể hạm đội VNCH từ Sài Gòn tới Philippines.

“Hậu sinh khả úy”, tuy cùng là những tài liệu và nhân vật thật, nhưng bộ phim mới nhất có những ưu điểm so với hai bộ phim trước. Về mặt kỹ thuật, Last days in Vietnam được chiếu ở rạp, với màn ảnh lớn và âm thanh tốt, làm tăng cảm giác của người xem. Về nội dung, tuy cũng là phim tài liệu như 2 bộ phim trước, nhưng phim này “có đầu có đuôi” như một cuốn phim truyện. Xem xong, ngoài những hình ảnh đặc biệt, có khi lần đầu tiên được thấy, cuốn phim còn để lại trong lòng người xem những điều đáng suy nghĩ, về danh dự, về trách nhiệm, và tình người.

Từ hòa bình không danh dự…

Cuốn phim đã bắt đầu bằng hình ảnh và tài liệu về kết quả hội nghị hòa bình Paris 1973: Chấm dứt chiến tranh trong danh dự. Nhưng những người ký tên vào hiệp định và những người long trọng hứa bảo vệ hòa bình bằng mọi giá đã coi thường danh dự của mình. Sau khi quân chiến đấu Mỹ rút khỏi Việt Nam, và sau khi Tổng thống Nixon phải từ chức vì vụ Watergate, chiến tranh tiếp diễn tàn ác hơn trước khi có hiệp định hòa bình.

Frank Snepp, một cựu nhân viên CIA xuất hiện trong phim, nói hiệp định Paris là một “tuyệt tác mơ hồ”, hàm ý văn bản hiệp định hòa bình thiếu rõ ràng, khiến Cộng sản Hà Nội có thể gia tăng chiến tranh, chiếm trọn miền Nam trong 2 năm. Nhận định này không chính xác. Với Cộng sản, những người theo cơ hội chủ nghĩa, khi đặt bút ký vào một thỏa hiệp, là nắm lấy một điểm tựa đề chờ cơ hội, bất chấp văn bản thỏa hiệp rõ ràng hay mơ hồ. Dù văn bản thiếu rõ ràng, khi cơ hội chưa tới, họ vẫn có thể chờ.

Khi Nixon từ chức vào năm 1974, và quốc hội Hoa Kỳ bác yêu cầu tháo khoán 722 triệu mỹ kim cuối cùng đã hứa viện trợ cho Sài Gòn, là cơ hội trời cho, Hà Nội không còn sợ Mỹ trừng phạt, dù hiệp định hòa bình có rõ ràng hay không, họ vẫn tăng tốc cuộc chiến chiếm trọn miền Nam. Bằng chứng là hiệp định đình chiến Genève 1954 đã qui định rõ ràng các viên chức thuộc chính quyền Quốc gia phải vào phía nam, và phe Việt Minh phải tập kết ra phía bắc vĩ tuyến 17. Nhưng, lãnh đạo hàng đầu của Cộng sản như Lê Duẩn, đã cố tình vi phạm hiệp định ngay khi nó mới được bắt đầu thi hành, đã lên tầu cho mọi người thấy, rồi nửa đêm trốn ở lại, đặt cơ sở cho cuộc chiến sau này.

Với những người cộng sản, và đôi khi cả những người không cộng sản, danh dự chỉ là cái vỏ bọc cho cơ hội.

Chỉ 2 năm sau khi Washington và Hà Nội đạt được “hòa bình trong danh dự” tại Paris, bản đồ Việt Nam dưới vĩ tuyến 17 đã bị nhuộm đỏ trong nháy mắt, đưa tới hồi kết không thể tránh: Mỹ rời khỏi Việt Nam. Nhưng ra đi như thế nào, vào lúc nào, và với ai, là điều không đơn giản.

Đến trách nhiệm của người đi

Quân Mỹ chiến đấu đã rút hết khỏi Việt Nam từ sau hiệp định Paris, tuy vậy, vẫn còn lại mấy ngàn người Mỹ là nhân viên ngoại giao, các chuyên viên kỹ thuật, kiến thiết, doanh nhân, ngân hàng… Mỹ có trách nhiệm đưa hết người Mỹ về nước, và trách nhiệm cả với những người Việt đã tin tưởng, cộng tác, hay làm việc cho Mỹ.

Vào tháng 4, tin tình báo cho biết quân Cộng sản cố lấy Sài Gòn để mừng sinh nhật Hồ vào ngày 19 tháng 5, 1975. Mỹ cố gắng hoàn tất việc ra đi vào cuối tháng 4.

Ngược dòng với những người đôn đáo cố gắng ra đi, có những người từ ngoại quốc liều lĩnh quay lại Sài Gòn, như cựu đại úy Bộ binh Mỹ Stuart Herrington, cố gắng xoay sở đưa bạn bè hoặc thân nhân người Việt ra đi. Có 4 kế hoạch ra đi đã được dự trù: đầu tiên là máy bay thương mại, thứ nhì là máy bay quân sự, kế tiếp là tầu thủy, cuối cùng là máy bay trực thăng ra Hạm đội số 7.

Các kế hoạch trên đã không thể thực hiện như dự tính. Những ngày cuối tháng 4, 1975, có tới 5 ngả di tản khỏi Sài Gòn:

1- Đi theo ngả DAO, diễn ra trong 10 ngày cuối cùng của tháng 4, dành cho nhân viên quân sự người Mỹ, người Việt và thân nhân hoặc những người quen biết. Đây là cuộc di tản sớm nhất, kín đáo nhất, do một số giới chức quân sự Mỹ chủ trương, không qua sự đồng ý chính thức hoặc dưới sự kiểm soát của nhà cầm quyền VNCH. Có người đã dùng chữ “lậu” để chỉ ngả ra đi này, bằng máy bay quân sự Mỹ, lúc đầu là máy bay vận tải C-141 và C-130, bay từ Tân Sơn Nhứt tới căn cứ không quân Mỹ Clark Airbase ở Philippines. Sau khi Tân Sơn Nhứt và khu DAO tại đây bị pháo kích sáng sớm 29-4, trực thăng được sử dụng để chở người ra Hạm đội 7. Rất ít hình ảnh được phổ biến cả từ nơi đi và nơi đến của ngả di tản này.

2- Đi theo ngả tòa đại sứ Mỹ. Đây là cuộc di tản ồn ào nhất, lộ liễu nhất, và được chú ý nhiều nhất, bắt đầu từ sáng 29, chấm dứt sáng sớm hôm 30 tháng 4.

3- Đi bằng tầu Hải quân VNCH, rời Sài Gòn tối 29, tập trung ở Côn Sơn ngày 30 tháng 4, tới căn cứ hải quân Mỹ ở Subic Bay, Phi Luật Tân, ngày 7 tháng 5.

4- Một số cá nhân hoặc nhóm, một mình hoặc cùng với thân nhân đi bằng trực thăng loại nhỏ Huey của VNCH, một số không đủ nhiên liệu bay xa, được cho đáp xuống hộ tống hạm Mỹ USS Kirk, chiếc nầy hoạt động gần đất liền hơn Hạm đội 7.

Vì không đủ chỗ chứa, 13 trực thăng sau khi đáp đã bị đẩy xuống biển. Số đông hơn đủ nhiên liệu bay tới Hạm đội 7, gần 20 tầu, dưới quyền chỉ huy từ soái hạm Blue Ridge, xếp hàng chờ đợi cách Vũng Tầu khoảng trên 30 cây số. Tướng Nguyễn Cao Kỳ tự mình lái trực thăng chở tướng Ngô Quang Trưởng cũng đáp xuống Blue Ridge. Một quân nhân TQLC Mỹ kể lại, nhìn lên trời lúc đó, trực thăng tị nạn đông như đàn ong về tổ Có 5 chiếc bị đụng bể khi đáp, mảnh vỡ bay tứ tung, suýt gây tai nạn. Một chiếc rớt xuống biển.

Điều lạ trong Last days in Vietnam, vào thời máy quay phim còn rất hiếm, không rõ bằng cách nào bộ phim đã có được hình ảnh chuyến đi đầy kịch tính của gia đình Thiếu tá phi công Nguyễn văn Ba, khi ông lái chiếc trực thăng khổng lồ CH-47 đáp xuống sân vận động gần nhà, đón vợ và ba con nhỏ và bay đến USS Kirk. Trực thăng quá lớn, dài hơn 30 mét và nặng trên 10 tấn, nếu đáp xuống, có thể gây tai nạn, hoặc làm đắm tầu. Ông Ba đã tài tình cho máy bay quần rất thấp, hai con và vợ với con gái út 1 tuổi lần lượt nhảy xuống, để những bàn tay thủy thủ đỡ lấy. Riêng ông Ba, đã điều khiển cho trực thăng nghiêng về một phía, tạo thế cho cỗ máy trị giá trên 30 triệu đô la “chỏng gọng” trên mặt biển, cùng lúc phóng ra từ phía kia, lặn xuống để tránh những mảnh vỡ khi máy bay chạm nước. Mọi người hồi hộp căng thẳng chờ đợi, rồi reo hò mừng vui thấy đầu ông nhô lên khỏi mặt nước. Không phải chỉ có mình Thiếu tá Ba và vợ con ông là những người liều lĩnh. Những ai tự nguyện đứng dưới bụng chiếc trực thăng nặng hơn 20 ngàn lbs để đỡ người nhảy xuống cũng là những người can đảm cùng mình; chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng toi mạng.

5- Đi bằng tầu buôn vào sáng 30 tháng 4, như Việt Nam Thương Tín, Trường Xuân, xà lan, và nhiều tầu nhỏ khác. Ngả di tản này cũng đầy hiểm nguy gian khổ. Chính trên boong tầu Việt Nam Thương Tín, nhà văn nhà báo Chu Tử đã thiệt mạng vào trưa 30-4 vì mảnh đạn pháo kích của cộng sản bắn đuổi theo người ra đi, trước cửa sông Lòng Tảo, ngang Vũng Tầu. Tầu Trường Xuân chở tới 4 ngàn người, vớt từ nhiều thuyền nhỏ, thiếu thốn đủ thứ, gian nan tới được Hồng Kông.

Còn một cuộc ra đi nữa bằng tầu, từ Cần Thơ, ít người biết tới. Khi được phỏng vấn về cuốn phim Last days in Vietnam, Rory Kennedy cho biết đã có đầy đủ tài liệu về chuyến đi này, nhưng sợ quá rườm rà, đã loại khỏi bộ phim. Ông lãnh sự Hoa Kỳ tại Cần Thơ, khi được lệnh sử dụng 2 trực thăng để ra đi cùng những nhân viên người Mỹ, đã không đành lòng bỏ lại các nhân viên người Việt và thân nhân của họ, sợ họ sẽ bị cộng sản bách hại. Vì tình người, hành động theo lương tâm, ông bỏ trực thăng, dùng tiền của mình mua 2 chiếc tầu, chở tất cả 450 người rời lãnh sự quán theo sông ra biển. Hành trình cũng đầy gian nan, vừa bị bắn, vừa bị phía Hải quân VNCH cản trở. Cuối cùng cũng ra tới biển.

Cuốn phim Last days in Vietnam chỉ chú trọng nhiều tới cảnh ra đi từ tòa đại sứ, không có cảnh tới Hạm đội 7; một phần cảnh tới USS Kirk, và ít hơn về quang cảnh trên hạm đội Việt Nam. Hoàn toàn vắng bóng cuộc ra đi theo các ngả 1 và 5. Ấy là chưa kể cuộc di tản của Không quân VNCH, trước đó các phi công đã được lệnh lái một số phi cơ chiến đấu qua Thái Lan.

Người khổng lồ chậm chạp

Vì tình hình biến chuyển quá nhanh, sau khi phi trường Tân Sân Nhứt bị pháo kích vào đêm 28 rạng sáng 29, phá hư một số máy bay, đường băng, và 2 TQLC Mỹ thiệt mạng tại khu vực DAO, chỉ còn kế hoạch cuối cùng được thi hành: Di chuyển bằng trực thăng từ tòa đại sứ ra Hạm đội 7.

Mật hiệu tập trung để ra đi bằng mẩu tin “thời tiết Sài Gòn nóng 105 độ F và đang tăng”, tiếp theo là bài White Christmas được phát đi trên đài radio quân đội Mỹ vào khoảng hơn 10 giờ sáng 29-4. Những ai đợi lúc đó mới rời nhà coi như quá trễ. Trước tòa đại sứ đã đông nghẹt, khó chen chân vào.

Theo nhân chứng Jim Kean, sĩ quan chỉ huy Đại đội C TQLC có nhiệm vụ canh giữ tòa đại sứ, số đông lúc đó khoảng 10 ngàn người.

Thi hành một công tác lớn, dù là cỡ chiến dịch, thường chỉ do một bộ chỉ huy ra lệnh. Kế hoạch của Mỹ rút khỏi VNCH vào ngày cuối cùng liên hệ tới nhiều cơ quan, nhiều cấp chỉ huy khác nhau, ở rải rác trên nửa địa cầu, trải rộng 12 múi giờ. Vì thế, đã gặp nhiều trục trặc và chậm trễ đáng tiếc.

Tổng thống Ford và ngoại trưởng Kissinger trực tiếp theo dõi, và ra chỉ thị từ Bạch ốc. Đón người là Hạm đội 7, chỉ huy từ soái hạm Blue Ridge, dưới quyền Bộ tư lệnh Thái bình dương ở Hawaii. Phương tiện di chuyển và nhân sự thi hành thuộc Sư đoàn TQLC, chỉ huy từ chiến hạm Okinawa. Người chỉ huy tại hiện trường Sài Gòn là đại sứ Martin.

Sau khi tự mình tới Tân Sơn Nhứt quan sát những thiệt hại do cộng sản pháo kích gây ra vào hồi sáng sớm, đại sứ Martin đồng ý di tản theo kế hoạch cuối cùng bằng 75 trực thăng của TQLC, chở người từ tòa đại sứ ra thẳng Hạm đội 7. Một số người không thể vào được tòa đại sứ đã được bốc từ các địa điểm khác bằng trực thăng nhỏ, đưa vào khu DAO ở Tân Sơn Nhứt, lên trực thăng lớn ra Hạm đội 7. Bức hình nổi tiếng thế giới, chụp những người nối đuôi nhau trên cầu thang dẫn lên trực thăng mà nhiều người vẫn tưởng là đậu trên nóc tòa đại sứ. Thật ra, đó là tòa nhà ở số 22 đường Gia Long, bên dưới là trụ sở USAID, tầng trên cùng do CIA sử dụng.

Kế hoạch “Frequent Wind” được chính thức loan báo bắt đầu vào lúc 10:51 sáng 29-4. Nhưng vì các cấp chỉ huy mỗi thành phần trách nhiệm phải liên lạc, thảo thuận và xác nhận với nhau, rồi cấp thừa hành phải đợi lệnh từ cấp chỉ huy trực tiếp của mình. Kết quả là mãi tới 12:15 PM kế hoạch mới được lệnh thi hành.

Nhưng vẫn còn điều cần làm sáng tỏ, ví dụ, giờ nào là giờ chính thức; giờ GMT, giờ Washington, giờ Hawaii, giờ Okinawa, hay giờ Sài Gòn? Rồi vì quá nhiều thông tin viễn liên được gửi qua gửi lại giữa các cấp chỉ huy, hệ thống truyền tin bị quá tải, trục trặc. Cuối cùng, đến 3 giờ chiều, kế hoạch mới thực sự bắt đầu. Chiếc CH-53 đầu tiên bốc người từ tòa đại sứ đáp xuống tầu Blue Ridge vào lúc 3:40. Nếu không có những trục trặc chậm trễ này, khoảng thời gian phí phạm từ gần 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều, đã giúp được hàng ngàn người đi thoát.

Tự mình làm con tin

Qua lời phát biểu của các viên chức xuất hiện trong Last days in Vietnam, cũng như theo quan điểm của một số bài điểm phim, đại sứ Martin là một người thiển cận, không biết rõ tình hình, và cứng đầu. Mãi đến những ngày cuối cùng, ông vẫn không chịu thừa nhận tình trạng tuyệt vọng của VNCH, không chính thức cho thi hành cuộc triệt thoái khỏi Việt Nam. Và cho đến ngày chót, ông vẫn cưỡng lại lệnh ra đi, cố ở lại cho đến lúc không thể trì hoãn thêm.

Người viết bài này nghĩ rằng đại sứ Martin là một người có tinh thần trách nhiệm cao, sáng suốt, và rất nặng tình với người Việt Nam.

Mọi người thừa biết, không có võ khí của Nga, Tầu, miền Bắc không thể đánh miền Nam, và không có sự giúp đỡ của Mỹ, miền Nam không thể ngăn được bước tiến của miền Bắc. Ngay cả những nước mạnh hơn, và trong thời bình, như Tây Đức và Nam Hàn, mỗi nơi cũng cần tới mấy chục ngàn quân Mỹ đồn trú thường trực, để đối phó với Cộng quân khi cần. Cho nên, giây phút Mỹ chính thức cuốn gói rời Sài Gòn, là tín hiệu toàn miền Nam rơi vào tay cộng sản. Xã hội sẽ náo loạn, ngay cả người Mỹ cũng khó rút đi an toàn. Đợi cho đến sáng 29, sau khi có điện văn chính thức của tân Thủ tướng Vũ văn Mẫu, yêu cầu Mỹ rút trong vòng 24 giờ, đại sứ Martin mới chính thức thi hành kế hoạch di tản. Như vậy, trên danh nghĩa, Mỹ ra đi vì bị đuổi, không phải tự ý bỏ đi.

Sau này, qua một cuộc phỏng vấn, được hỏi tại sao đuổi Mỹ trong tình trạng nguy ngập như thế, ông Mẫu cho biết đã làm theo yêu cầu của đại sứ Martin.

Chiều 29-4, tòa đại sứ có hai bãi đáp dành cho hai loại trực thăng CH-46 trên nóc nhà, và CH-53 dưới sân đậu xe, sau khi đã đốn một cây me lớn. Washington chỉ thị đại sứ Martin ra đi sớm, và người Mỹ đi ưu tiên. Ông Martin không chống lại lệnh thượng cấp, nhưng chần chừ không chịu đi. Đồng thời, qui định người đi trên mỗi chuyến bay theo tỉ lệ khoảng 10 người có 1 người Mỹ. Ngoài ra, một số nhân viên tòa đại sứ Nam Hàn, đã vào được tòa đại sứ Mỹ, luôn yêu cầu được ưu tiên ra đi, nhưng chỉ được đối xử như mọi người.

Phi công định ngừng cầu không vận khi trời tối. Tòa đại sứ yêu cầu tiếp tục, cam kết có đủ ánh sáng, bằng cách gom một số xe hơi lại, cùng chạy máy, mở đèn pha chiếu thẳng vào bãi đáp. Hơn 9 giờ rưỡi tối, có lệnh từ Hạm đội 7 chấm dứt kế hoạch vào lúc 11 giờ. Ông đại sứ vẫn yêu cầu tiếp tục. Khoảng nửa đêm, lại có lệnh chỉ còn 20 chuyến bay nữa, trong khi vẫn còn 850 người chờ được bốc, chưa kể 225 quân nhân TQLC. Bên ngoài, vẫn còn hàng chục ngàn người.

Khoảng 4 giờ sáng 30 tháng 4, Đại úy phi công Gerald L. “Gerry” Berry, được lệnh đáp chiếc CH-46 trên nóc tòa đại sứ, và phải đợi đến khi đại sứ Martin lên máy bay, mới được cất cánh. Ông Martin vĩnh biệt nhiệm sở lúc 4:58 phút sáng. Sau ông, chỉ còn những chuyến bay chở TQLC ra đi. Ông Martin đã tự biến mình thành con tin, để Bạch ốc không thể ngừng sớm cuộc di tản. Tuy nhiên, ông đã không thành công hoàn toàn; số người kẹt lại trong khuôn viên tòa đại sứ khoảng trên dưới 400.

Tư lệnh Hạm đội 7, Phó đô đốc George Steele, cũng có cùng quan điểm:

“Một điều không được biết nhiều là đại sứ Martin tìm cách mang đi một số lớn người Việt từ tòa đại sứ. Nó có vẻ như một con số bất tận, và người cùng máy móc của chúng tôi bắt đầu thấm mệt… Tôi không muốn cho lệnh bắt ông. Nhân vật số 3 của đại sứ quán đáp xuống Blue Ridge xác nhận báo cáo rằng đại sứ bệnh và kiệt sức. Qua lòng thành đối với các đồng nghiệp Việt Nam của chúng ta, ông đã cố gắng giữ cho cuộc di tản kéo dài bất tận, và theo quan điểm của tôi, ráng giữ cho nó tiếp tục bằng cách tự mình không ra đi”

Phép lạ bị lãng quên

Trong một bài phổ biến trên RFA sau khi xem Last days in Vietnam, tổng biên tập của đài này là nhà báo lão thành Dan Southerland viết:

Cuốn phim cũng kể câu chuyện về Richard Armitage, khi đó 30 tuổi, sĩ quan cố vấn của Hải quân Việt Nam, về sau đảm nhiệm những chức vụ cao cấp trong Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ dưới thời các Tổng thống Reagan và Bush.

Armitage làm việc chặt chẽ với hạm trưởng tàu Kirk cùng các sĩ quan Hải quân khác để đưa 30 chiếc tàu của Hải quân Việt Nam cùng với mấy chục tàu đánh cá và tàu vận tải đầy người tị nạn trốn chạy khỏi Việt Nam. Đài truyền thanh quốc gia NPR của Hoa Kỳ, trong phóng sự riêng về chiến hạm USS Kirk, đã viện dẫn thống kê cho thấy có tới 30 ngàn người chen chúc nhau trên những con tàu này. Một số tàu không thể nhúc nhích được, tàu khác phải kéo đi. Nhiều chiếc khác bị vô nước. Thật là một phép lạ khi đoàn tàu ấy, với sự giúp đỡ của người Mỹ, đã vượt được cả ngàn dặm về hướng đông để đến được bờ bến Philippines an toàn.

(Nếu gọi đây là “phép lạ” thì người viết bài này, nhờ may mắn có mặt trên chiến hạm HQ 3, soái hạm của đoàn tầu Việt Nam, có thể nói rõ những ai đã làm được phép lạ này, và họ đã bị lãng quên ra sao)

Sau này, xem các bộ phim The fall of Saigon, Lucky few, và Last days in Vietnam, tôi mới được biết Đại tá Hải quân Đỗ Kiểm, là người được trao trách nhiệm tổ chức đưa toàn bộ hạm đội Việt Nam ra đi, để khỏi rơi vào tay Cộng sản. Trên HQ 3, tôi cứ đinh ninh Phó đề đốc Hoàng Cơ Minh là người chỉ huy chuyến đi. Trên tầu, còn nhiều tướng lãnh cao cấp hơn, nhưng chỉ thấy tướng Minh (thủy thủ gọi là “Đô đốc Minh” – hình như trong Hải quân, ai đeo sao cũng được gọi là “đô đốc”) qua lại, đôn đốc, ra chỉ thị, hay lên tiếng trên hệ thống loa phát thanh.

Chiều 30-4-1975, 30 chiếm hạm của VNCH tập trung ở Côn Sơn, đa số chở đầy người tị nạn, chưa biết sẽ đi đâu. Được hỏi, tướng Minh nói vẫn chưa biết đi đâu. Ông thêm: “Có một sĩ quan liên lạc sắp đến từ Hạm đội 7, ông này sẽ cho biết mình đi đâu”. Với thái độ phấn khởi, tướng Minh tiết lộ thêm: “Tay này còn trẻ, rất có cảm tình với Hải quân Việt Nam, tên là Richard Armitage, biết nói tiếng Việt, có tên Việt là Trần văn Phú, vì thánh tổ Hải quân Việt Nam họ Trần, Văn là tên đệm của đa số đàn ông Việt Nam, Phú là giầu (từ tên Richard). Khi ông Armitage, thường phục, từ tầu liên lạc nhỏ leo lên HQ 3, đã được tướng Minh chào đón nồng nhiệt.

Sáng 1 tháng 5, sau khi vớt thêm một số người từ Côn Sơn, cũng như một số người xuống tầu nhỏ trở về, đoàn tầu được lệnh nhổ neo, trực chỉ Philippines.

Nhìn toàn cảnh, đoàn chiến hạm VNCH xếp hàng 3, mỗi hàng 10 chiếc, cùng di chuyển trên mặt nước yên lặng xanh như thủy tinh, giống như trong một cuộc thao diễn khổng lồ, rất ngoạn mục. Ban đêm, đoàn tầu lên đèn sáng trưng, như cả một thành phố di chuyển. Nhưng thực trạng, đó là những chiếc tầu rất cũ, Mỹ đã phế thải trước khi viện trợ cho Việt Nam tái sử dụng. Không hiểu trong tài khoản viện trợ, chúng đã được định giá ra sao. Có thể dân Mỹ vẫn tưởng tiền thuế của họ đã được dùng để mua tầu mới viện trợ cho Việt Nam.

Đoàn tầu di chuyển rất chậm, có chiếc phải ròng dây kéo đi. Có chiếc bị nước vào, phải phân chia người tị nạn sang các tầu khác, rồi bị bắn chìm. Đi từ Côn Sơn đến Phi, bình thường, chỉ mất 2 ngày 2 đêm, đoàn tầu Việt Nam đã phải đi ròng rã trong một tuần.

Hộ tống hạm Mỹ USS Kirk đã hướng dẫn, săn sóc, tận tình giúp đỡ, tiếp tế thuốc men và thực phẩm. Nhưng hạm trưởng Jacobs, cũng như sĩ quan liên lạc Armitage, không phải là các nhà phù thủy có tài hô phong hoán vũ, “bốc” cả đoàn tầu với 30 ngàn người tị nạn đem từ Việt Nam qua Phi. Cái “phép lạ” làm được công việc này, chính là đoàn thủy thủ Hải quân VNCH.

Đại tá Đỗ Kiểm cho biết, chủ đích của kế hoạch là đem tất cả đoàn tầu ra đi, và thủy thủ cùng thân nhân đi càng nhiều càng tốt. Nhưng trước ngày đi, trong khi tướng lãnh và sĩ quan cao cấp biết trước để chuẩn bị, tổ chức cho thân nhân và bạn hữu ra đi, tất cả thủy thủ bị cấm trại 100%. Trước khi ra đi, họ chỉ được vài giờ về đón gia đình. Sợ không sửa soạn kịp, hoặc không kịp trở lại sẽ mang tội đào ngũ, nhất là chưa biết sẽ đi đâu, đa số quyết định đi luôn. Hôm sau tại Côn Sơn, sau khi biết lệnh đầu hàng, một số đã xuống tầu nhỏ trở về.

Những thủy thủ còn gắn bó với tầu, trên nguyên tắc, vì quân ngũ không còn tồn tại, họ không còn bổn phận phục vụ và tuân lệnh cấp trên. Không ai còn quyền ra lệnh, sai bảo họ nữa. Họ, đương nhiên biến thành người tị nạn, như bất cứ ai khác, muốn làm thì làm, không muốn thì thôi. Cũng chẳng còn chính quyền để trả lương cho họ. Tập thể thủy thủ này đã làm việc trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, cả về tinh thần và vật chất. Về tinh thần, trong khi cấp trên của họ, và cả những người ngoài không quen biết mà họ đang phục vụ, đem được gia đình, bạn hữu đi theo, riêng họ, nặng trĩu lo âu, không biết gia đình ra sao. Điều kiện làm việc của họ khó khăn hơn, chật chội hơn, thiếu thốn hơn, vất vả hơn, vì phải làm thay cho những người vắng mặt, và giúp đỡ hàng ngàn người tị nạn. Từ người lái tầu tới thợ máy vẫn phải giữ cho mọi việc hoạt động đều đặn. Riêng phần việc nhà bếp gia tăng gấp bội, vừa phải phục vụ các thượng khách và gia đình, vừa phải cung cấp cơm cháo cho đồng bào tị nạn. Trong tình trạng như vậy, các thủy thủ vẫn cố gắng chịu đựng, làm việc trong kỷ luật, trật tự, và tinh thần trách nhiệm, đưa đoàn tầu và người tị nạn tới bến.

Thật ra, chẳng có phép lạ nào hết. Đó chỉ là thành tích đáng kính phục của các thủy thủ Hải quân VNCH, những đơn vị cuối cùng trong quân lực vẫn còn hoạt động theo đội ngũ, một tuần sau lệnh đầu hàng, để phục vụ đồng bào. Trong gần 40 năm qua, đã có những cuộc gặp gỡ của đông đảo người tị nạn, để cảm ơn Hạm đội 7, cảm ơn USS Kirk, nhưng chẳng thấy ai nhắc đến, ghi ơn, hay vinh danh những người lính Hải quân Việt Nam đã tạo thành tích được coi như “phép lạ”

***

Trong một bài đăng trên New York Times ngày 4-9-2014, nhà điểm phim A.O. Scott viết rằng: “Bây giờ, thời gian đã qua lâu, liên lạc Mỹ Việt đã bình thường, sẽ là điều tốt nếu được nghe tiếng nói của một vài người từ phía bên kia, để được biết những người lính đã suy nghĩ như thế nào khi họ vào Sài Gòn lúc người Mỹ ra đi”

Nhà điểm phim này chắc chưa có cơ hội xem The fall of Saigon ra đời cách đây 20 năm. Lúc ấy, Mỹ Việt vừa tái lập bang giao, và hai người phía bên kia đã có cơ hội lên tiếng trong phim, là Trần văn Trà và viên sĩ quan cấp tá chỉ huy đoàn quân tiến vào Sài Gòn. Không cần nhớ rằng chỉ 2 năm trước 1975, phía bên kia đã ký vào hiệp định hòa bình Paris, qui định nhân dân miền Nam sẽ định đoạt tương lai của mình.

Tướng Trà nói rằng: “Mong đợi thương thuyết vào phút chót chỉ là ước mơ tuyệt vọng của những kẻ biết mình thua cuộc, chúng tôi đã dứt khoát đạt chiến thắng bằng quân sự”

Còn viên sĩ quan cấp tá, đề cập việc binh sĩ VNCH cởi bỏ quân phục sau lệnh đầu hàng, nói: “Họ phải làm như vậy, vì biết rằng, đối với những người đã cầm súng bắn vào quân đội nhân dân, thế nào chúng tôi cũng phải tiêu diệt”

Cho nên, trong Last days in Vietnam, không có tiếng nói của phía bên kia lại là điều hay. Nếu không, nó sẽ làm hư cả cuốn phim, như để một vài con ruồi đáp vào tô phở ngon.

Last days in Vietnam, như đã trình bầy, tuy khá hơn 2 bộ phim tài liệu trước có cùng nội dung, nhưng cũng chỉ mới trình bầy được một phần, chừng 30%, về toàn cảnh những gì xẩy ra trong mấy ngày cuối tháng 4 cách đây 40 năm.

Tuy vậy, đối với nhiều người gốc Việt, bộ phim này cũng đáng giữ làm kỷ niệm, và cho con cháu coi, để chúng biết được một phần, ông bà cha mẹ chúng đã ra đi trong hoàn cảnh như thế nào. Chẳng biết 10 năm sau, trong dịp kỷ niệm 50 năm, có còn phim nào, với thêm hình ảnh mới nữa không?

Có một cảnh vào ngày cuối ở Sài Gòn, chưa ai có được, và có lẽ chẳng ai có, đã đươc Larry Berman kể trong Perfect spy. Đó là cảnh diễn ra chiều 29 tháng 4: Sau hai lần đến trước tòa đại sứ Mỹ mà không vào được, theo chỉ dẫn của Dan Southerland, ký giả của báo Christian Science Monitor, “Điệp viên hoàn hảo” của Hà Nội là Phạm Xuân Ẩn chở bác sĩ Trần Kim Tuyến, vốn được coi là “trùm mật vụ” của Đệ Nhất Cộng Hòa, tới trụ sở CIA ở 22 Gia Long. Ông Tuyến đến đúng lúc cánh cổng đang hạ xuống, và chuyến trực thăng chót đang sửa soạn cất cánh Được Ẩn đẩy vào, ông Tuyến chạy vội lên nóc nhà. Một cánh tay từ trực thăng đưa ra kéo bổng ông lên. Đó là tay tướng Trần văn Đôn, thành viên nhóm đảo chánh, đã từng hạ lệnh bắt và đầy ông Tuyến ra Côn đảo.

Anh chị Thụ & Mai gởi

GS Nguyễn Ngọc Huy & Lm Cao Văn Luận tiết lộ Bí Ẩn 30.4.1975

GS Nguyễn Ngọc Huy & Lm Cao Văn Luận tiết lộ Bí Ẩn 30.4.1975

Như vậy biến cố 30.04.1975 đã xảy ra, nguyên nhân chính là Hoa Kỳ có chính sách bỏ rơi miền Nam VNCH và thế lực Do Thái thúc đẩy chính sách đó được thực hiện qua bè đảng Kissinger.
..Nhưng thực tế chính trị cho thấy thủ đoạn & tham vọng xâm chiếm đất đai láng giềng của Do Thái sau khi tái lập quốc, nên chính ông đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích nặng nề. Đó cũng là tâm trạng của chúng tôi khi biết qua Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Linh mục Cao Văn Luận khám phá ra mưu sâu độc của thế lực Do Thái khiến xảy ra biến cố 30.4.1975 cho quê hương Việt Nam mà nay đang dẩn tới đại họa mất nước vào tay Trung Cộng.

GS Nguyễn Ngọc Huy & Lm Cao Văn Luận tiết lộ Bí Ẩn 30.4.1975

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Đối với đa số người Việt đã từng sống trải qua, ngày 30.04.1975 là một biến cố khó quên nhứt của đời người. Trong khi đó dư luân quốc tế nhận định cho rằng sự sụp đổ của Bức Tường Bá Linh vào ngày 9.11.1989 là biến cố lịch sử quan trọng nhứt của thế kỷ 20. Thực ra cả hai biến cố lịch sử này đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến người Việt chúng ta. Cho nên cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy – một bình luận gia am tường mọi biến chuyển quốc tế, đã nổi tiếng với những bài nhận định thời cuộc “Tình hình thế giới trong tháng vừa qua” đăng tải trên nhiều tờ báo tại Âu Mỹ – từng đề cập công khai trực tiếp hoặc kín đáo gián tiếp trả lời những câu hỏi về hai biến cố lịch sử đặc biệt nêu trên.

 

 

 

 

 

 

 

Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy / Khoa trưởng Đại Học Luật 

Từ hồi còn là sinh viên, chúng tôi được tiếp xúc đối thoại với Giáo sư Huy và đã may mắn ghi nhận được những chi tiết rất đặc biệt. Sau khi Giáo sư Huy qua đời vào ngày 28.07.1989, chúng tôi đã đảm trách nối tiếp Giáo sư Huy hàng tháng viết bài nhận định thời cuộc “Tình hình thế giới trong tháng vừa qua” kéo dài trên 5 năm trên nguyệt san Tự Do Dân Bản tại Hoa Kỳ. Nhân dịp đó, chúng tôi đã phải nghiên cứu các sáng tác của Giáo sư Huy để nắm vững thêm mọi chi tiết thời cuộc. Nhờ vậy, chúng tôi mới thấy được tầm kiến thức uyên bác & đa diện của Giáo sư Huy mà hiếm ai cùng thời có được. Nổi bật nhứt là những viễn kiến và phân tích độc đáo về các biến cố lịch sử trên thế giới.

1) Ai đã làm sụp đổ Bức Tường Bá Linh ? 

Trong dịp kỷ niệm 20 năm ngày Bức Tường Bá Linh sụp đổ, chúng tôi đã trình bày cái nhìn độc đáo của Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy về vấn đề ” Ai đã làm sụp đổ Bức Tường Bá Linh ? ” 


 

 

 

 

 

 

Bức tường Berlin sụp đỗ ngày 9.11.1989

 Câu hỏi lịch sử này đã tranh cãi sôi nổi từ trên 20 năm qua và có nhiều câu trả lời chủ quan khác nhau tùy theo hoàn cảnh, trình độ hiểu biết và nhứt là lòng tự hào của những dân tộc liên hệ. 

  1. a) Phía Ba Lan cho rằng nhờ hai công dân của họ. Đó là lãnh tụ nghiệp đoàn Walesa và Đức Giáo Hoàng John Paul II đã dám dũng cảm đi hàng đầu tranh đấu chống độc tài cộng sản. 
  1. b) Phía Hung Gia Lợi cho rằng nhờ Cựu Thủ Tướng Nemeth đã sáng suốt dám cho mở cửa biên giới Áo Hung tạo cơ hội cho làn sóng người tị nạn cộng sản bùng nổ.
  1. c) Phía Đông Đức cho rằng nhờ lực lượng cải cách trong đảng cộng sản Đông Đức đã thành công lật đổ được nhà độc tài Honecker và tạo điều kiện cho lực lượng đối lập dễ dàng tranh đấu.
  1. d) Phía Tây Đức cho rằng nhờ chính sách hòa dịu của Cựu Thủ Tướng Brandt từ từ tạo được biến đổi ôn hòa trong chế độ cộng sản.
  1. e) Phía Liên Xô cho rằng chính Tổng Bí Thư Gorbachev với chính sách cởi mở tạo ra tình thế vuột ra khỏi vòng tay kiểm soát.
  1. f) Phía Hoa Kỳ cho rằng nhờ Cố Tổng Thống Reagan hành xử cứng rắn đối phó với Liên Xô và quan trọng nhứt tại Bức Tường Bá Linh vào ngày 12.6.1987 đã lên tiếng “khích tướng” kêu gọi Tân Tổng Bí Thư Gorbachev muốn chứng minh thực tâm cởi mở thì nên mở cửa và phá sụp bức tường này (nguyên văn: “Come here to this gate! Mr. Gorbachev, open this gate! Mr. Gorbachev, tear down this wall!“) Duy nhứt về phía Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy đã tiên đoán rất sớm và trình bày rất cặn kẽ ngay trong tác phẩm “Perestroika” ( viết bằng Anh ngữ, dày 402 trang với trên 200 dẫn chứng tài liệu ) cho rằng ông Gorbachev bắt buộc phải cởi mở thay đổi chính sách cai trị để đủ sức đối đầu với Hoa Kỳ dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Reagan đang trên đà leo thang võ trang quân sự, điển hình là kế hoạch phòng thủ chống hỏa tiễn SDI ( Strategic Defense Initiative ). 

Chỉ trong lúc đi thuyết trình cho đồng bào Việt Nam, Giáo sư Huy mới kín đáo tiết lộ đưa ra một cái nhìn độc đáo rằng dân Nga có truyền thống chơi cờ vua ( Chess ) nên có thói quen suy nghĩ đa nghi nhiều, còn dân Mỹ thích chơi bài phé ( Poker ) nên thường phải ” tháu cáy “với cây bài xấu nhưng vẫn có thể ” tố ” cho địch thủ bỏ chạy. Theo Giáo sư Huy thì Tổng Thống Hoa Kỳ Reagan đang dùng kế hoạch SDI để ” hù ” Tổng Bí Thư Liên Xô Gorbachev với bản chất đa nghi buộc phải cải tổ nền tảng chính trị và kinh tế để có đủ thực lực đương đầu lại với Hoa Kỳ. Quả nhiên ông Gorbachev đã xúc tiến cải tổ, trước hết về kinh tế ( Perestroika ), và sau đó về chính trị ( Glasnost ). Nhưng chính vì sự cải tổ chính trị đã khiến làn sóng đòi hỏi tự do dân chủ dâng cao, kiểm soát không nổi và vuột ra khỏi tầm tay. Bức Tường Bá Linh sụp đổ, Đông Âu thoát khỏi sự chi phối của Mạc Tư Khoa và Liên Xô tan rã vào ngày 21.12.1991 là hậu quả tất nhiên đó. Chính vì vậy, bên ngoài Liên Xô ông Gorbachev được vinh danh là nhân vật có công với cuộc cách mạng dân chủ hóa Đông Âu, nhưng ở trong nước thì trái lại không có chút uy tín gì vì bị chỉ trích là không có khả năng lãnh đạo làm cho Liên Xô tan vỡ và nước Nga không còn sức mạnh gì trên bàn cờ thế giới. Cái nhìn độc đáo của Giáo sư Huy được chứng thực là rất đúng, vì kế hoạch SDI của Mỹ sau đó đã được Mỹ âm thầm hủy bỏ khi mục tiêu đã xí gạt được Liên Xô rồi. Tương tự về biến cố 30.04.1975 của Việt Nam chúng ta, Giáo sư Huy cũng có câu trả lời độc đáo với lời giải thích bất ngờ sau đây. 

2) Ai đã gây ra biến cố 30.04.1975 ? 

Câu hỏi lịch sử này cũng đã được bàn cãi sôi nổi từ trên 35 năm qua và chưa đi đến một kết luận nào hữu lý để được mọi khuynh hướng chấp thuận. Điển hình nhứt là ngay trong dịp Hội Thảo “Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại” ( “Vietnam – a 35 Year Retrospective Conference” ) tại Washington D.C. vào ngày 9.4.2010 quy tụ gần 200 nhân vật với thành phần nổi tiếng như cựu Đại sứ Bùi Diễm, cựu Đại tá không quân Hoa Kỳ Tiến sĩ Stephen Randolph, Trung tá biệt cách dù Nguyễn Văn Lân, Thứ trưởng John Negroponte, Sử gia Dale Andrade, Tiến sĩ John Carland, Cựu Bộ trưởng Hoàng Đức Nhã, Đại tá Trần Minh Công, Đại tá Hoàng Ngọc Lung… cũng không đưa ra được câu trả lời thỏa mãn cho sự thắc mắc: Ai đã gây ra biến cố 30.04.1975? Nhìn trở lại, người ta có thể thấy rõ ràng trong thời gian đầu ngay sau 30.04.1975, phần lớn các khuynh hướng, từ chính trị đến tôn giáo, đều tìm cách đổ trách nhiệm lẫn cho nhau về tội đã làm mất miền Nam. Chỉ có Giáo sư Huy là sớm thấy rõ nguyên nhân chính nào đã khiến xảy ra biến cố 30.04.1975. 

Trong dịp tái ngộ cùng Giáo sư Huy vào năm 1982, chúng tôi có hỏi đến vấn đề nhức nhối này và được Giáo sư Huy trả lời cho biết nguyên nhân chính là Hoa Kỳ đã có kế hoạch giải kết ( bỏ mọi cam kết bảo vệ miền Nam! ) để từng bước rời bỏ miền Nam VNCH. Về thế lực nào ở Hoa Kỳ đứng sau kế hoạch bỏ rơi miền Nam, Giáo sư Huy cho biết trên chính trường Mỹ có hai sắc tộc nổi bật nhứt. Đó là sắc tộc gốc Ái Nhĩ Lan ( Ireland ) và sắc tộc gốc Do Thái ( Israel ). 

– Trong dòng lịch sử, Cộng Đồng Người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan đã rất nhiều lần thắng cử chức vụ Tổng Thống. 

– Bên cạnh đó Cộng Đồng Người Mỹ gốc Do Thái chủ trương nắm giữ các cơ cấu quan trọng trong guồng máy điều khiển đất nước Hoa Kỳ. Họ gài được nhiều nhân sự vào bên hành pháp, lập pháp cũng như tư pháp. Trong các bộ quan trọng nhứt như ngoại giao, quốc phòng và tài chánh thường thấy đa số có nhân viên gốc Do Thái và nhiều lần cấp bộ trưởng cũng do người Mỹ gốc Do Thái nắm giữ. Trong Thượng Viện và Hạ Viện có khá nhiều nghị sĩ và dân biểu gốc Do Thái trong cả hai chính đảng. Vì vậy, thế lực của Cộng Đồng Người Mỹ gốc Do Thái rất lớn và đã khiến cho chánh sách đối ngoại của Hoa Kỳ luôn luôn binh vực quyền lợi của Do Thái. 

Tham dự Hòa đàm Paris, Giáo sư Huy nhận xét rằng Kissinger ( một người Mỹ gốc Do Thái lúc đó còn làm Cố Vấn An Ninh cho Tổng Thống Nixon ) có thái độ đáng ngờ là cương quyết muốn thỏa hiệp riêng ( “đi đêm”! ) với CSVN bất cứ giá nào để quân đội Hoa Kỳ rời bỏ miền Nam, dù biết rằng sau đó miền Nam sẽ lọt vào tay Hà Nội. Theo kinh nghiệm chính trị thì các chính trị gia gốc Do Thái đều hành động có chủ đích với kế hoạch rõ rệt. Như vậy đằng sau Kissinger ắt phải là chủ trương của thế lực Do Thái. 

Thế lực Do Thái này phải hiểu là không phải chỉ thuần túy Cộng Đồng Người Mỹ gốc Do Thái, mà là sắc dân Do Thái trải dài trên thế giới từ Tel Aviv đến Washington D.C., Paris, London, Berlin, Moscow… với tổng số 13,1 triệu người, trong đó 5,4 triệu tại quốc gia Do Thái, 5,3 triệu tại Hoa Kỳ và 2,4 triệu rải rác tại 30 quốc gia khác. Thế lực này được điều khiển hữu hiệu từ Tel Aviv với 2 bộ phận đắc lực gồm cơ quan tình báo Mossad và Nghị Viện Do Thái Thế Giới ( – World Jewish Congress – từ năm 2007 đứng đầu là nhà tỷ phú nổi tiếng Ronald Stephen Lauder người Mỹ gốc Do Thái ) . Ngoài ra, Giáo sư Huy còn chỉ dẩn cho chúng tôi nhận biết được dân gốc Do Thái đặc biệt thường với mũi to loại diều hâu, điển hình như Ngoại trưởng Kissinger hoặc Nữ Ngoại trưởng Albright 

 

 

 

 

 

 

 

Nữ Ngoại trưởng Albright & Ngoại trưởng Kissinger

 Những tiết lộ tế nhị của Giáo Sư Huy hoàn toàn phù hợp với nhận định của Linh Mục Cao văn Luận (1908 – 1986) nhân dịp tái bản tác phẩm Bên Giòng Lịch Sử cũng cho rằng thế lực dân Mỹ gốc Do Thái chủ trương Hoa Kỳ phải rút quân ra khỏi Việt Nam. 

 

 

 

 

 

 

 

Linh mục Cao Văn Luận / Viện trưởng Đại Học Huế 

Riêng dư luận báo chí quốc tế đã sớm nhìn thấy rõ Hoa Kỳ muốn rút lui bỏ rơi miền Nam từ khi bắt đầu chánh sách Việt Nam Hóa Chiến Tranh sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 ( mà họ phân tích là nhằm thay đổi màu da tử sĩ! ), nhứt là hòa đàm Paris (mà họ nhận định là nhằm bảo đảm Mỹ rút quân được an toàn!). 

Như vậy biến cố 30.04.1975 đã xảy ra, nguyên nhân chính là Hoa Kỳ có chính sách bỏ rơi miền Nam VNCH và thế lực Do Thái thúc đẩy chính sách đó được thực hiện qua bè đảng Kissinger. 

3) Tại sao thế lực Do Thái muốn Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam ? 

  1. a) Thế lực Do Thái tại Hoa Kỳ Đối với chúng tôi quả thực hoàn toàn mới mẻ và đầy ngạc nhiên khi được Giáo sư Huy vào năm 1982 cho biết đến vai trò thực sự của người Mỹ gốc Ái Nhĩ Lan và gốc Do Thái trên chính trường Hoa Kỳ. Sau này sinh hoạt lâu năm tại hải ngoại và qua nghiên cứu, chúng tôi công nhận thấy Giáo sư Huy hoàn toàn đúng. Điển hình là cho đến nay có ít nhứt 23 Tổng Thống Hoa Kỳ gốc Ái Nhĩ Lan (xem website: http://en.wikipedia. org/wiki/List_o f_Irish_ Americans) mà trong đó có Tổng Thống Washington và những Tổng Thống gần đây như Clinton, Reagan, Kennedy và kể cả Tổng Thống Obama (bên ngoại gốc Ái Nhĩ Lan) Cũng như hiện nay tại quốc hội có 15 Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ gốc Do Thái và 33 Dân Biểu Liên Bang gốc Do Thái (xem http://en.wikipedia.org/ wiki/List_of_Je wish_American_ politicians#Lis t). 

Thực sự nếu nghiên cứu sâu rộng thì sẽ thấy thế lực Do Thái tại Mỹ còn lớn hơn nhiều. Họ thành công trong việc gài được những nhân sự cấp lãnh đạo ở các bộ phận yết hầu của Hoa Kỳ. Thí dụ điển hình gần đây như:

– trong Thượng Viện và Hạ Viện hiện nay với tổng số 48 nghị sĩ và dân biểu gốc Do Thái ( so sánh trước đây chỉ có 1 dân biểu gốc Việt Nam là ông Cao Quang Ánh! ). – trong Bộ Ngoại Giao có Bộ trưởng Henry Kissinger dưới thời TT Nixon và Bộ trưởng Madeleine Albright dưới thời TT Clinton…

– trong Bộ Quốc Phòng có Bộ trưởng James Schlesinger dưới thời TT Nixon và thời TT Ford.

– trong Bộ Tài Chánh có Bộ trưởng Larry Summer và Bộ trưởng Robert Rubin dưới thời TT Clinton.

– trong CIA có Tổng giám đốc John M. Deutch dưới thời TT Reagan. 

– trong Ngân Hàng Trung Ương ( Fed ) cầm đầu bởi Tiến sĩ Alan Greenspan từ 1987 đến 2006 và Giáo sư Ben Bernanke từ 2006 đến nay. 

Họ còn chủ động nắm những lãnh vực ngân hàng, thị trường chứng khoán, báo chí, truyền thanh, truyền hình và điện ảnh… Đặc biệt, ngành truyền thông, quan trọng nhứt là điện ảnh Hollywood, nằm trong tay thế lực Do Thái. Tại Hollywood đa số nhân sự từ đạo diễn đến diễn viên đều có gốc Do Thái, nổi tiếng nhứt như Steven Spielberg, Liz Taylor, Kirk Douglas, Michael Douglas, Harrison Ford… (xem website: http://en.wikipedia. org/wiki/List_o f_Jewish_ American_entert ainers).

Họ biết rõ rằng nắm được truyền thông trong tay là hướng dẫn được dư luận quần chúng trong mục tiêu phục vụ quyền lợi cho nguời Do Thái. Họ còn điều khiển một phần lớn các viện nghiên cứu chiến lược nhằm đưa ra những đề nghị cho chính sách tương lai cho chánh phủ Mỹ và dĩ nhiên phải phù hợp với quyền lợi của người Do Thái. Ngoài ra tại các cường quốc Âu Châu, thế lực Do Thái có ảnh hưởng tuy âm thầm nhưng cũng mạnh mẽ lắm. Điển hình nhứt là Tổng Thống Sarkozy ( Pháp ) & Thủ Tướng Đức Schmidt ( Đức ) trước đây đều gốc Do Thái nên không bao giờ lên tiếng thực sự chống lại những vi phạm cam kết của Do Thái tại Trung Đông . Chính vì vậy đa số thành viên Liên Hiệp Quốc đã cho rằng thế lực Do Thái có ảnh hưởng quá lớn đến chính sách và biểu quyết về Trung Đông của các cường quốc Âu Mỹ . 

  1. b) Tại sao thế lực Do Thái muốn Hoa Kỳ phủi tay bỏ miền Nam ? 

Muốn biết rõ, chúng ta phải tìm hiểu lịch sử mất nước và dựng lại nước của người Do Thái. Vào năm 135 dân tộc Do Thái chính thức bị mất nước và phải lưu vong khắp nơi vì đế quốc La Mã. Thảm họa mất nước đó thường được dư luận Thiên Chúa Giáo cho là sự trừng phạt dân Do Thái đã đóng đinh giết Chúa Jesus và kẻ phản bội Judas chính là một người Do Thái. Chính vì chuyện này đã làm cho dân Do Thái bị kỳ thị trên bước đường lưu vong. Nhưng cũng chính vì có niềm tin mãnh liệt vào Do Thái Giáo, họ đã đoàn kết nhau lại dưới sự lãnh đạo của học giả Theodor Herzl trong đại hội thế giới đầu tiên tại Basel ( Thụy sĩ ) vào năm 1897. Từ đó, từng đợt một họ lén lút trở về quê hương Palestine. Thế Chiến thứ 2 và với sự yểm trợ tích cực của Hoa Kỳ đã tạo cơ hội ngàn năm một thuở để họ dựng lại đất nước vào ngày 14.5.1948 sau gần 2,000 năm lưu vong. Chỉ 11 phút sau đó Tổng Thống Hoa Kỳ đã lên tiếng công nhân quốc gia mới này, bất chấp mọi chống đối của thế giới Ả Rập và đã yểm trợ hữu hiệu cho Do Thái chống lại cuộc tấn công ngay sau đó của các quốc gia Ả Rập láng giềng và trong các cuộc chiến xảy ra sau này. 

Như vậy, Do Thái còn tồn tại đến ngày nay là nhờ Hoa Kỳ làm “lá bùa hộ mạng”. Nhiều nghị quyết tại Liên Hiệp Quốc kết án Do Thái vi phạm cam kết tại Trung Đông chỉ vì duy nhứt Hoa Kỳ dùng quyền phủ quyết ( veto ) nên đành phải bỏ đi. Trong quá khứ, Hoa Kỳ từng giải kết ( phản bội! ) bỏ rơi đồng minh như Lào, Cam Bốt, Việt Nam, Đài Loan… , nhưng luôn luôn “sống chết” hết lòng với Do Thái, mặc dù quốc gia nhỏ bé này không mang lại lợi ích gì về tài nguyên hoặc vị trí chiến lược cho Hoa Kỳ, mà trái lại chính vì Do Thái, Hoa Kỳ còn gây rất nhiều hiềm khích (mang họa vào thân!) với thế giới Hồi Giáo dân số rất đông đảo ( 1,3 tỷ ) và rất quan trọng về năng lượng dầu hỏa . Tất cả cho thấy rõ ràng vì thế lực Do Thái nắm giữ được các bộ phận huyết mạch tại Mỹ nên chính sách của Hoa Kỳ phải luôn luôn không được đi trái ngược lại với quyền lợi của quốc gia Do Thái.

Từ đó, chúng ta mới hiểu rõ tại sao thế lực Do Thái muốn Hoa Kỳ phủi tay bỏ miền Nam Việt Nam. Đó là vì họ sợ Hoa Kỳ sa lầy và sự tốn kém khổng lồ tại chiến trường Việt Nam có thể đưa tới hậu quả Hoa Kỳ không còn khả năng giúp đỡ một cách hiệu lực nước Do Thái tồn tại như trong quá khứ Hoa Kỳ đã từng làm. Cho nên họ chủ trương Hoa Kỳ phải giải kết bỏ rơi miền Nam để trở về chuyên tâm lo cho Do Thái. Để thực hiện mục tiêu này họ đã có kế hoạch rõ ràng từng bước một. 

  1. c) Kế hoạch Do Thái thúc đẩy Hoa Kỳ bỏ rơi miền Nam.

Khởi đầu giải quyết cuộc chiến Quốc Cộng tại Lào vào đầu thập niên 1960, ông Ngô Đình Nhu đã ngạc nhiên và bất mãn thấy thái độ nhượng bộ quá mức của ông Averell Harriman ( đặc trách bộ phận Viễn Đông của Bộ Ngoại Giao Mỹ ) trong lúc đàm phán. Nên biết ông Averell Harriman (1891 – 1986) là một nhà tư bản lớn nổi tiếng gốc Do Thái và cũng là một đảng viên cấp lãnh đạo của đảng Dân Chủ ở Mỹ. Rõ ràng phía thế lực Do Thái muốn ngăn chận không cho Hoa Kỳ can thiệp với nhiều tốn kém ở Viễn Đông. Sự nhượng bộ rút lui này đã khiến lực lượng miền Bắc kiểm soát được phần lớn các địa điểm chiến lược tại Lào và thiết lập đường mòn Hồ Chí Minh vận chuyển nhân lực và võ khí vào để đánh chiếm miền Nam vào 30.4.1975. 

Từ khi nhậm chức, Tổng Thống Johnson ( dân Texas ! ) cùng ban tham mưu luôn cứng rắn chủ chiến và không muốn Hoa Kỳ bị thua trận đầu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Thế lực Do Thái lúc đó không có ảnh hưởng nhiều trong chánh phủ Tổng Thống Johnson để xoay đổi từ bên trong chính sách can thiệp quân sự của Tổng Thống Johnson, cho nên họ phải chờ đợi cơ hội thuận tiện để tấn công từ bên ngoài dư luận quần chúng. 

Đó là lúc cuộc chiến Việt Nam bùng nổ lớn bắt đầu từ cuối năm 1964 trở đi với các trận đánh dữ dội tại Bình Giã, Đồng Xoài, Đức Cơ… bắt đầu gây tử thương nhiều quân nhân Mỹ. Những hình ảnh quan tài phủ quốc kỳ kèm theo sau hình ảnh dã man và bất lợi ( thổi phồng vụ Mỹ Lai & vụ Tướng Nguyễn Ngọc Loan ! ) của chiến tranh được hệ thống truyền thông Hoa Kỳ -đa số gốc Do Thái quản trị- khai thác triệt để ngày đêm tạo một phong trào phản chiến lớn mạnh chưa từng thấy trên thế giới, không những tại Hoa Kỳ mà còn lan rộng khắp nơi trên nhiều quốc gia khác . Tướng độc nhởn Moshe Dayan -Bộ trưởng Quốc phòng của Do Thái- đột ngột tự qua Việt Nam 3 ngày ( từ 25 tới 27 tháng 7 năm 1966 ) và cho báo chí chụp bức hình biểu diễn đang đi hành quân với lực lượng Hải Quân Mỹ. 

Sau chuyến “hành quân” chớp nhoáng đó, Tướng độc nhởn Moshe Dayan viết ngay đề nghị Mỹ nên rút quân ra khỏi Việt Nam vì không thể thắng cuộc chiến này được ( rất là vô lý vì thực sự hiện diện xem xét chiến trường VN chỉ có 1 ngày , mà dám đưa ngay đề nghị khủng khiếp như vậy ! ) . Dĩ nhiên lời đề nghị chủ bại này càng được thổi phồng bởi phong trào phản chiến và làm mất uy tín Tổng Thống Johnson. Tiếc thay sau này vẫn còn có những ký giả và bình luận gia Việt Nam ca ngợi những phân tích và đề nghị của ông tướng một mắt này, mà không hiểu đó chính là một trong những thủ phạm đã góp phần “khai tử” miền Nam! 

 

 

 

 

 

 

 

Israeli General Moshe Dayan on Patrol with US Marines – South Vietnam 1966 

Phong trào phản chiến càng lên cao và đã khiến Tổng Thống Johnson vào tháng 3 năm 1968 phải quyết định không ra tái ứng cử. Sự xáo trộn tranh chấp kịch liệt trong đảng Dân Chủ đã tạo cơ hội hiếm có để cho ứng cử viên của đảng Cộng Hòa nắm chắc sự thắng cử. Vì vậy thế lực Do Thái đã gài được Kissinger từ năm 1957 làm cố vấn cho Nelson A. Rockefeller ( Thống đốc New York ) đang vận động ra tranh cử làm ứng cử viên Tổng Thống của đảng Cộng Hòa. Nhưng không ngờ Nixon thành công hơn và cuối cùng thắng cử làm Tổng Thống. Thấy vậy, Kissinger bèn trở cờ đầu quân theo Nixon và được trọng dụng làm Cố vấn An ninh. 

Thế lực Do Thái còn đưa được thêm nhân sự gốc Do Thái vào trong guồng máy cầm quyền Mỹ. Đáng kể nhứt là Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger, Cố vấn đặc trách Nội vụ John Ehrlichmann ( 1925 – 1999 )… Với những chức vụ then chốt này, họ đã thành công bày mưu cho Nixon bỏ rơi miền Nam. Bắt đầu với chương trình Việt Nam Hóa Chiến Tranh sau biến cố Tết Mậu Thân 1968 để từng bước giảm con số lính Mỹ tử vong và bớt dần sự hiện diện của Hoa Kỳ tại miền Nam. Đến năm 1971, Kissinger bí mật qua Trung Cộng tìm cách tái bang giao với chính quyền Bắc Kinh và đưa đến thỏa hiệp Thượng Hải 1972 giữa Mao Trạch Đông và Nixon. Trên bề mặt, thỏa hiệp này chỉ công nhận một nước Trung Hoa cho thấy Hoa Kỳ bỏ rơi Đài Loan trên chính trường thế giới, nhưng bên trong thực tế Kissinger nhằm sửa soạn sự rút lui an toàn cho quân đội Mỹ ra khỏi miền Nam với sự bảo đảm của Trung Cộng. 

Quả nhiên, chỉ sau đó chưa đầy một năm, Kissinger đã dùng đủ mọi mánh khóe, kể cả đe dọa tánh mạng các cấp lãnh đạo miền Nam, thành công trong việc ép buộc ký kết Hiệp Định Paris vào ngày 27.1.1973 để quân đội Hoa Kỳ được an toàn rời khỏi miền Nam. Phía dư luận báo chí quốc tế đã sớm thấy rõ âm mưu của Kissinger và đã ví bản hiệp định này giống như tờ khai tử cho miền Nam Việt Nam. Chính ngay Kissinger cũng đã tiết lộ bề trái của bản hiệp định cho Cố vấn đặc trách Nội vụ John Ehrlichman của T.T Nixon như sau: 

“Tôi nghĩ rằng nếu họ ( chánh phủ miền Nam ) may mắn thì được 1 năm rưỡi mới mất”. Tương tự , Kissinger đã trấn an T.T Nixon là: “ Huê Kỳ phải tìm ra một công thức nào đó để làm cho yên bề mọi chuyện trong một hay hai năm sau, sau đó thì …chẳng ai cần đếch gì nữa . Vì lúc ấy, Việt nam sẽ chỉ còn là bãi hoang vắng ”. 

Bởi vậy biến cố 30.4.1975 xảy ra là điều tất nhiên đúng như tính toán dự trù của Kissinger và thế lực Do Thái. 

Chỉ sau Hiệp Định Paris khoảng 9 tháng, cuộc chiến Jom Kippur vào ngày 6.10.1973 giữa Do Thái và các quốc gia Ả Rập láng giềng xảy ra. Lần đầu tiên trong lịch sử tái lập quốc, Do Thái bị thua trận và mất một số lớn phần đất chiếm đóng trước đây. Đáng lẽ Do Thái còn có thể bị thua nặng nề hơn nữa, nhưng giờ chót nhờ có Kissinger thuyết phục được Nixon nỗ lực can thiệp giúp Do Thái nên tình thế không còn bi đát nhiều. Tuy nhiên, sau đó Tướng độc nhỡn Moshe Dayan phải từ chức Bộ trưởng Quốc phòng vì chịu trách nhiệm bị thua trận. 

4) Kết luận 

Biến cố thua trận lần đầu tiên Jom Kippur năm 1973 cho thấy thế lực Do Thái nhìn rất xa và rất có lý với nỗi lo sợ Hoa Kỳ vì bị sa lầy ở chiến trường Việt Nam nên không còn có thể chuyên tâm giúp cho Do Thái thắng trận như trước đây. Cho nên không gì ngạc nhiên khi thế lực Do Thái phải vận dụng toàn diện từ trong lẫn ngoài để thúc đẩy và buộc giới lãnh đạo Hoa Kỳ phải bỏ rơi miền Nam. Bởi vậy mới xảy ra biến cố 30.4.1975 . Từ thời điểm đó đến nay Do Thái ung dung tồn tại được, vì không những ” độc quyền ” hưởng trọn vẹn sự yểm trợ hữu hiệu của Hoa Kỳ, mà còn khôn khéo tạo được mâu thuẩn chia rẻ để xô đẩy siêu cường số 1 này phải ra tay đối phó với kẻ thù Hồi Giáo của mình. 

Bí ẩn về lý do và động lực thúc đẩy Hoa Kỳ phải rút quân bỏ rơi miền Nam được che dấu tinh vi không đưa ra dư luận nổi , bởi vì phần lớn hệ thống truyền thống báo chí quan trọng nằm trong tay thế lực Do Thái hoặc bị họ ảnh hưởng kiểm soát không cho phép làm hoặc sợ bị mang tiếng bài Do Thái ( Anti-Semitism ) . Cho nên đến nay dư luận vẫn còn bị lường gạt . Điển hình , về phía dư luận ngoại quốc vẫn còn có những học giả ( thí dụ : Tiến sĩ Stephen Randolph trong Hội Thảo “Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại” (“Vietnam – a 35 Year Retrospective Conference”) tại Washington D.C. vào ngày 9.4.2010 ) lầm lẫn hoặc cố tình cho rằng Hoa Kỳ vào năm 1972 muốn tái lập bang giao với Trung Cộng nên phải rút quân ra khỏi miền Nam (chịu thua ! ) vì đang câu con cá to hơn ( “has bigger fish to fry” ) . Thực tế Hoa Kỳ đã có kế hoạch bỏ rơi miền Nam từ khi Kssinger bước vào Tòa Bạch Ốc năm 1969 với gia tăng Việt Nam Hóa Chiến Tranh . Về phía miền Bắc, họ không ngờ có được sự giúp đỡ hữu hiệu của thế lực Do Thái tạo ra phong trào phản chiến đưa tới tình trạng ” Đồng Minh tháo chạy ” ( từ ngữ theo Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng !) bỏ rơi miền Nam . Thực tế, nếu không có sự phản bội của thế lực Do Thái qua sự nắm quyền của ê kíp Kissinger thì chưa chắc gì miền Bắc sớm thắng trận. Như vậy miền Nam chỉ cần cầm cự được vài năm cho đến khi Tổng Thống Reagan nắm quyền và với tài lãnh đạo xuất sắc cương quyết nổi tiếng của ông này chắc chắn miền Nam sẽ được yểm trợ đầy đủ ( đã xảy ra như vậy tại Nam Mỹ và A Phú Hản ! ) để không thể dể dàng sụp đỗ như đã xảy ra trong ngày 30.4.1975. 

Đa số người Việt chúng ta đều có tâm tình thiện cảm với dân tộc Do Thái ( một phần ảnh hưởng qua tác phẩm lừng danh ” Về miền đất hứa / Exodus ” của tác giả Leon Uris ) vì ngưỡng mộ tinh thần đoàn kết và chiến đấu dũng cảm của họ sau 2000 năm lưu vong đã thành công trở về tái dựng lại quốc gia Do Thái nhỏ bé bất chấp trước mọi đe dọa của Khối Ả Rập khổng lồ . Cũng trong cảm tình nồng nàn đó , Học giả Nguyễn Hiến Lê vào năm 1968 mang sức ra viết tác phẩm ” Bài học Israel ( Do Thái ) ” .

Nhưng thực tế chính trị cho thấy thủ đoạn & tham vọng xâm chiếm đất đai láng giềng của Do Thái sau khi tái lập quốc, nên chính ông đã không ngần ngại lên tiếng chỉ trích nặng nề. Đó cũng là tâm trạng của chúng tôi khi biết qua Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Linh mục Cao Văn Luận khám phá ra mưu sâu độc của thế lực Do Thái khiến xảy ra biến cố 30.4.1975 cho quê hương Việt Nam mà nay đang dẩn tới đại họa mất nước vào tay Trung Cộng. 

Chúng ta hy vọng rằng Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và Linh mục Cao Văn Luận đã đi bước tiên phong tiết lộ những bí ẩn về biến cố 30.4.1975 và trong tương lai sẽ được giới truyền thông báo chí chú tâm nghiên cứu khai triển tích cực để dư luận Việt Nam và thế giới mai sau không còn bị lường gạt nữa . 

Mong thay ! 

Phạm Trần Hoàng Việt

tháng tư 2010 & 2013

Sức Mạnh của Cộng Sản ở Đâu

From facebook: Le Thai Hoa

Sức Mạnh của Cộng Sản ở Đâu

Nhiều người nghĩ rằng sức mạnh của csvn nằm ở quân đội. Quân đội Nhân Dân “bách chiến bách thắng”, “kẻ thù nào cũng đánh thắng”. Nổ cho lắm, Điện biên Phủ là nhờ Trung Cộng, “điện biên phủ trên không” là nhờ Liên Xô, thắng miền Nam là nhờ Mỹ ngưng viện trợ, VNCH rút quân, chớ từ 1954-1975 là thua tan tác, tổng cộng gần 1 triệu xác bộ đội chất thành núi.

Nếu không là quân đội, sức mạnh cs chắc phải nằm ở công an, an ninh và tình báo, nhiều người nghĩ vậy. Cũng k phải, dù được KGB dày công đào tạo, công an Trung quốc tận tình huấn luyện, công an csvn tuy đông nhưng ô hợp, toàn là bọn đá cá lăn dưa, tham lam vô độ, chỉ giỏi ăn hiếp người nghèo, đàn bà và con nít. Chưa có đất nước nào mà công an bị dân khinh thường như ở Vn.

Không phải quân đội, không phải công an, cái sức mạnh giúp cs tồn tại chính là hệ thống tuyên truyền!

Độc quyền tất Cả phương tiện truyền thông, bao gồm 700 tờ báo, mấy chục cái đài TV, Radio, hàng ngàn loa phường và vô số Bích chương, biểu ngữ giăng đầy đường phố, cs đã điều khiển, định hướng người dân từ khi mới sinh ra; tha hồ đặt điều, nói k thành có, nói có thành k; tha hồ bưng bít, dấu diếm, xảo ngôn ngụy biện; chỉ thông tin cái gì có lợi cho đảng. Nhờ tuyên giáo, cs đã biến cha già dâm dục thành cha già dân tộc, biến đảng cướp thành đảng quanh minh vĩ đại, biến thanh niên sinh viên thành cuồng đảng và biến 1 dân tộc anh hùng thành 1 đàn cừu u mê bạc nhược.

Không lạ gì, khi mới thành lập quân đội, csvn đặt tên là đội Vn Tuyên Truyền Giải Phóng Quân. Cho đến bây giờ, công tác tuyên tuyền vẫn là nhiệm vụ số 1 của đảng, nhất là khi đảng viên và nhân dân ngày nhận ra chân tướng lừa bịp của đảng, đang chuyển hoá mạnh mẽ.

Bởi vì Mặt trận truyền thông là chỗ dựa vững chắc nhất của cs, những người yêu tự do dân chủ cần chiến thắng cs trên mặt trận này. Phải vạch trần những luận điệu xuyên tạc của tuyên giáo, trả sự thật về cho nhân dân. Phải đòi hỏi công khai minh bạch mọi chuyện đất nước , không chấp nhận lừa dối, ngụy biện.

Thua trắng trên mặt trận truyền thông, không lừa bịp được ai nữa, cs lộ nguyên hình là 1 bè lũ thấp kém, hèn hạ, phản dân hại nước và sẽ ra đi trong nhục nhã!

VN đứng 131/167 trong Chỉ số Dân chủ 2016 của Economist

VN đứng 131/167 trong Chỉ số Dân chủ 2016 của Economist

BBC

2-3-2017

Quyền biểu tình được cho là một khía cạnh của dân chủ. Ảnh: FB

Việt Nam đứng thứ 131/167 bảng Chỉ số Dân chủ 2016 của EIU (Economist Intelligence Unit), tổ chức dự báo và tư vấn có uy tín của Anh.

EIU thuộc nhóm The Economist Group, nhà xuất bản tạp chí The Economist.

Đây bảng xếp hạng mức độ dân chủ của 165 quốc gia và hai vùng lãnh thổ được EIU thực hiện hàng năm với đánh giá gần như toàn bộ dân số và đại đa số các quốc gia trên thế giới.

Bảng xếp hạng chia các quốc gia thành bốn loại:

  • Thực sự dân chủ: 19 nước
  • Dân chủ chưa hoàn hảo: 57 nước
  • Dân chủ lai tạp (đang chuyển đổi): 40 nước
  • Chế độ chuyên chế, độc tài: 51 nước

Và Việt Nam (đứng thứ 131), Trung Quốc (136), Lào (151) và Bắc Hàn (167 – cuối bảng) là nằm trong nhóm Chế độ chuyên chế độc tài. So với các nước trong vùng Châu Á và Châu Úc, Việt Nam đứng thứ 24 trong số 28 nước được xếp hạng.

Nhóm nghiên cứu EIU, nhóm thực hiện bảng Chỉ số Dân chủ, gọi năm 2016 là “năm suy thoái dân chủ toàn cầu và với Hoa Kỳ là phá hủy dân chủ”.

Các yếu tố và tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng của EIU

Chỉ số Dân chủ được EIU thực hiện theo đánh giá gồm 5 yếu tố, với thang điểm 10 (tối đa), bao gồm:

I. quy trình bầu cử và đa nguyên;

II. các quyền tự do của công dân;

III. hoạt động của nhà nước;

IV. sự tham gia chính trị; và

V. văn hóa chính trị

và chỉ số dân chủ của mỗi quốc gia được tính trung bình từ 5 yếu tố này.

So với các nước trong vùng Châu Á và Châu Úc, Việt Nam đứng thứ 24 trong số 28 nước được xếp hạng, và Việt Nam và một trong ba nước duy nhất trong số này (cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn) có yếu tố Quy trình bầu cử và đa nguyên đạt 0 điểm.

Việt Nam cũng là một trong số 5 nước (cùng với Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn và Afghanistan) có chế độ chuyên chế độc tài tại vùng Châu Á-Úc, vùng bị đánh giá là trì trệ, không có chút thay đổi nào về dân chủ so với năm 2015.

Tuy nhiên so với năm 2015, Việt Nam lên được 3 bậc trong bảng xếp hạng (từ 134 lên 131).

Các nhà nước thuộc diện Chế độ chuyên chế, độc tài theo EIU là các nhà nước không có đa nguyên chính trị.

Tại đây một số cơ chế dân chủ chính thức có thể tồn tại nhưng không có thực chất. Bầu cử nếu có diễn ra thì không tự do và công bằng.

Các đặc điểm khác là:

  • Những vi phạm quyền tự do dân sự bị bỏ qua.
  • Truyền thông đặc trưng là thuộc sở hữu nhà nước hoặc do các nhóm có liên hệ với chính phủ cầm quyền kiểm soát.
  • Có tình trạng đàn áp những chỉ trích chính phủ và kiểm duyệt nặng nề.
  • Không có hệ thống tư pháp độc lập.

“LỊCH SỬ” VÀ VIÊN ĐẠN CĂM PHẪN ĐÃ LỰA CHỌN CÁC NHÀ ĐỘC TÀI THẾ NÀO ?

From  Facebook :  Suong Quynh shared Lê Công Định‘s post.
“LỊCH SỬ” VÀ VIÊN ĐẠN CĂM PHẪN ĐÃ LỰA CHỌN CÁC NHÀ ĐỘC TÀI THẾ NÀO ?

Lê Công Định

Vào tháng 10/2011, khi đang trốn chui trốn nhủi sự truy lùng của lực lượng nổi dậy, Muammar al-Gaddafi, nhà độc tài cai trị Libya 42 năm, đã tuyên bố rằng chế độ của ông ta do “lịch sử lựa chọn”, nên ông không chấp nhận từ chức và lưu vong.

Có thể thấy mọi kẻ độc tài đều ảo tưởng và nguỵ biện rằng lịch sử và nhân dân đã lựa chọn họ, để họ tiếp tục đè đầu cưỡi cổ người dân. Đó là một lập luận theo thuyết định mệnh đã có từ thời quân chủ phong kiến, nhưng thay vì ông trời trao quyền cho vua chúa ngày xưa, thì nay là “lịch sử” giao phó sự lãnh đạo cho nhà độc tài.

Vào ngày 20/10/2011, hai viên đạn căm phẫn của lực lượng nổi dậy đã lựa chọn Gaddafi, một vào đầu và một vào bụng, chấm dứt giai đoạn cai trị độc đoán và tàn bạo của một chế độ từng có khuynh hướng “xã hội chủ nghĩa”. Một kết cuộc có thể thấy trước từ lúc Gaddafi bắt đầu cầm quyền.

Bất chấp xã hội hậu độc tài ở Libya hoặc Iraq vẫn nhiễu loạn hàng ngày, giờ đây dân chúng dù ở đâu trên thế giới vẫn không bao giờ chấp nhận sự lãnh đạo toàn trị của bất cứ cá nhân hay đảng phái nào. Họ có thể im lặng nhẫn nhịn một lúc, nhưng không là mãi mãi.

Đảng cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử (phần 2)

Đảng cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử (phần 2)

FB Lang Anh

30-1-2017

Các ông tổ cộng sản Liên Xô. Ảnh: internet

Tiếp theo phần 1: Đảng cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử: Tồn tại và diệt vong?

Những người cộng sản ở hầu hết các nước đều giành được quyền cai trị theo những cách thức giống hệt nhau. Bằng những khẩu hiệu tuyên truyền về một xã hội ảo tưởng, họ đặt trước mặt những người nghèo và thất học một cái bánh vẽ và xúi họ vào lò lửa chiến tranh. Tuy nhiên cơn điên dại tập thể cuối cùng cũng qua đi và hầu hết người dân nhận ra mình đã bị lừa vì không hề thấy sự bình đẳng cũng như phồn thịnh ở đâu mà chỉ thấy những ông chủ mới. Cho đến khi hàng loạt chế độ cộng sản sụp đổ vào cuối những năm 1980, nhân loại và chính người dân các nước đó đã phải trả những cái giá quá mức nặng nề. Dẫu sao họ đã gặp may vì cuối cùng cũng thoát khỏi một thứ quái vật ghê sợ trong lịch sử.

Tôi không phủ nhận rằng đã có những lớp người cộng sản sống vì lý tưởng với niềm tin cuồng tín rằng mình duy nhất đúng. Họ sẵn sàng phạm những tội ác không ghê tay để tiêu diệt và buộc những người khác phải nghe mình. Giữa những người cộng sản cuồng tín thời kỳ đầu và những tay đao phủ của nhà nước hồi giáo IS hiện nay có sự tương đồng giống hệt nhau: Khi cắt cổ người, chúng đều cho rằng mình đang làm vì điều đúng.

Với thứ bùa thiêng về một xã hội ảo tưởng, nơi con người có thể hưởng thụ theo nhu cầu bất chấp năng lực tạo ra của cải, những người cộng sản thế hệ đầu đã rất thành công trong việc nhồi sọ và lôi kéo con người. Họ đặc biệt thành công ở những xã hội đói nghèo với nền tảng dân trí thấp. Nhưng có lẽ khả năng trại lính hoá xã hội, triệt hạ tri thức độc lập mới là thứ vũ khí siêu hạng của những người cộng sản. Lenin và những đệ tử của ông ta đã diệt không gớm tay những người Mensevich và Trotsky, dù họ cùng là những đệ tử của Marx. Tất nhiên là bằng chuyên chính vô sản, số phận của trí thức và những kẻ thù giai cấp còn lại thì cực kỳ thê thảm. Mao Trạch Đông diệt hàng chục triệu người và tận diệt mọi tri thức đối lập cũng như các đối thủ chính trị trong Đại Cách Mạng văn hoá. Ở Việt Nam, ông Hồ Chí Minh cũng dìm chết mọi tư tưởng độc lập bằng cuộc thanh trừng nhân văn giai phẩm. Họ hành động rất giống nhau dù quy mô khác biệt nhau và mục đích thì chỉ có một: Tạo ra một xã hội tê liệt về tư duy và chỉ biết cúi đầu. Ở đây có lẽ nên có một nhận xét công bằng, Hồ Chí Minh không tàn bạo như hai tiền bối của ông ta. Trong hầu hết trường hợp, Hồ Chí Minh luôn tìm cách nấp phía sau giật dây và đẩy thuộc cấp ra hứng chịu búa rìu (Trường Chinh với cải cách ruộng đất, Tố Hữu với nhân văn giai phẩm).

Tuy nhiên những xã hội cộng sản đời đầu nhanh chóng đối diện với thực tại mà họ không thể vượt qua. Do xuất phát từ một lý tưởng sai lầm, họ thất bại trong việc tạo ra đủ của cải vật chất nuôi sống xã hội. Mục tiêu về sự công bằng thì lại càng xa vời vì cách thức họ kiểm soát quyền lực độc tài tự thân nó là gốc rễ tạo ra bất bình đẳng. Cuối năm 1980, sự tan rã của hàng loạt nhà nước cộng sản đánh dấu sự cáo chung của phong trào cộng sản toàn cầu.

Trong lúc đó, những người cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam loay hoay tìm cách thay đổi để kéo dài thời gian cai trị. Họ thấy rằng có thể vay mượn nền kinh tế thị trường vốn có năng lực nổi trội để tạo ra của cải ở phương Tây, và dựa vào đó làm bầu sữa nuôi sống cho bộ máy cai trị độc tài của mình. Trung Quốc tiến hành những cải cách cho phép sự hiện diện của đầu tư nước ngoài và kinh tế tư nhân vào cuối những năm 1970. Việt nam nối gót chậm hơn, vào khoảng cuối những năm 1980. Cả hai chế độ cộng sản này đều gặp may, vì các nước phương Tây sau khi chứng kiến sự tan rã của hàng loạt nhà nước cộng sản đã cho rằng sớm muộn gì Trung Quốc hay Việt Nam cũng sẽ phải từ bỏ con đường bế tắc ấy. Vốn nước ngoài và công nghệ đổ vào những đất nước này và tạo ra những nguồn lực mới. Trong khi đó việc giành được quyền tồn tại cũng khiến các lực lượng tư nhân tham gia vào việc tạo ra của cải. Tuy nhiên đây cũng là lúc đánh dấu sự tuyệt chủng của những người cộng sản cuối cùng. Các lợi ích kinh tế được tạo ra cùng với quyền lực độc tài không được kiểm soát đã khiến toàn bộ đội ngũ cai trị tại Trung Quốc và Việt Nam nhanh chóng thoái hóa và đánh mất chút niềm tin lý tưởng cuối cùng. Kết quả là họ trở thành một tập đoàn tội phạm gắn kết với nhau bởi những khẩu hiệu chẳng ai còn tin và các món lời được tạo ra từ bòn rút ngân sách, từ việc lạm dụng quyền lực hoặc kiếm lợi từ lợi thế thông tin bất bình đẳng. Thực tế chế độ cộng sản đã chết từ lâu ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam, còn lại chỉ là một tập đoàn cai trị độc tài tham nhũng dưới cái vỏ cộng sản.

Hai thứ bùa thiêng từng giúp những người cộng sản nắm quyền là cái bánh vẽ về một xã hội bình đẳng thì nay đã chẳng còn lừa gạt được ai khi chính họ đang là một đẳng cấp ưu tiên với mọi đặc quyền. Tuy nhiên, thứ vũ khí siêu hạng còn lại là kiểm soát thông tin và tiêu diệt mọi trí thức có năng lực tư duy độc lập thì họ vẫn đang làm rất tốt. Trung Quốc kiểm soát mạng xã hội cực kỳ ngặt nghèo và thanh trừng khốc liệt mọi trí thức đối lập. Việt Nam cũng đàn áp và triệt hạ không tiếc tay mọi trí thức phản biện với hàng loạt án tù. Bên cạnh đó, họ vẫn tiếp tục cố gắng duy trì hoạt động tuyên truyền để có thể lừa gạt càng lâu càng tốt những thành phần dân trí thấp nhằm kéo dài thời gian tồn tại. Tất nhiên đó là những nỗ lực không có ngày mai vì theo thời gian, khi chứng kiến tình trạng tham nhũng lan tràn, khi đối diện với sự tận diệt môi trường, những món nợ khổng lồ mà những tay cộng sản tham nhũng mang về cho đất nước, sự tuyên truyền của bộ máy cộng sản ngày một mất thiêng. Và cuộc cách mạng Internet đã bồi thêm những đòn trí mạng vào bức màn sắt kiểm duyệt tư tưởng và tuyên truyền của những chế độ cộng sản. Họ càng lúc càng mất khả năng kiểm duyệt và bóp nghẹt các luồng tư tưởng tự do. Bên cạnh đó chính nền kinh tế thị trường mà họ vay mượn từ các xã hội phát triển phương tây đã tạo ra sự hội nhập và giao lưu văn hoá mà họ không thể chặn lại được. Vấn đề mà tất cả các lãnh tụ cộng sản đều nhận ra: Không phải là có tồn tại được hay không mà là còn tồn tại được bao lâu nữa?

Những căn bệnh trầm kha mà Trung Quốc và Việt Nam đang mắc phải gần như giống hệt nhau. Một bộ máy tha hoá tham nhũng đến tận gốc rễ với hiệu năng cai trị ngày càng suy giảm. Các nguồn tài nguyên cạn kiệt và môi trường bị tàn phá nặng nề đến mức mất khả năng duy trì cuộc sống thông thường. Tình trạng bất công lan tràn với nạn lạm dụng quyền lực của bộ máy cai trị đã bị lưu manh hoá. Gánh nặng nợ công đè ngập cổ người dân cộng với mức thuế phí nặng nề trong khi các dịch vụ an sinh xã hội vô cùng tồi tệ.

Nhà lãnh đạo thuộc thế hệ thứ 5 của chế độ cộng sản Trung Quốc là Tập Cận Bình cố gắng tìm lối thoát bằng một cuộc đại thanh trừng với chiến dịch đả hổ diệt ruồi, nhắm mục tiêu vào những đối thủ chính trị của ông ta và những thành phần quan chức tham nhũng không nằm trong phe cánh của Tập. Nhưng hơn ai hết Tập Cận Bình hiểu rất rõ rằng ông ta đang dựa vào một phe cánh tham nhũng để triệt hạ phe cánh còn lại. Cái gọi là đấu tranh tham nhũng của Tập Cận Bình tự thân nó thất bại ngay từ đầu khi không giải quyết được sự cai trị độc tài: Quyền lực độc tài không được kiểm soát tự thân nó là mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng. Tập triệt hạ được một phe nhưng nếu Tập tước đoạt quyền lợi hoặc chĩa mũi dùi vào phe cánh đang phò trợ ông ta thì khi đó cái gì sẽ bảo vệ được Tập?

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sau khi thanh trừng được đối thủ chính trị lớn nhất của mình tại đại hội XII có vẻ cũng muốn thừa thắng xông lên với một chiến dịch học theo Tập Cận Bình. Nền chính trị của Việt Nam có độ tản quyền cao hơn và do đó dù có học theo thì Đảng Cộng Sản Việt Nam cũng chẳng diệt nổi muỗi, chưa nói gì đến ruồi hay hổ. Và mục đích chống tham nhũng tự thân nó mâu thuẫn ngay từ đầu với nền chính trị độc tài.

Lá bài nguy hiểm nhất của Tập Cận Bình nhằm kéo dài thời gian cai trị lại chẳng dính dáng gì đến bộ máy nhà nước hay các tư tưởng tự do. Nó chính là chủ nghĩa dân tộc cực đoan mà nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã nối tiếp nhau vun xới như một giải pháp dự phòng cho các bất ổn xã hội.

Đảng cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử: Tồn tại và diệt vong?

 Đảng cộng sản Việt Nam, ngã ba đường lịch sử: Tồn tại và diệt vong?

FB Lang Anh

29-1-2017

Các ông tổ cộng sản Karl Marx, Angels, Lenin, Stalin được so sánh với nhà lãnh đạo độc tài phát xít Hitler. Nguồn: internet

Phong trào cộng sản toàn cầu, được khởi xướng từ những nhà tư tưởng thủy tổ là Marx và Engels, cho đến khi được nhào nặn thành một nhà nước thực tế bởi một người có tư duy thực dụng là Lenin, đã trải qua một thời kỳ dài với những phép thử liên tiếp về mặt tư tưởng. Hầu hết những lý luận cốt lõi của lý thuyết cộng sản đều khá mù mờ, với nền tảng là một xã hội ảo tưởng dựa trên khao khát và hiện nay thì đã bị phủ nhận hoàn toàn.

Trong khi đó, con đường mà những đệ tử của Marx tìm cách đến với xã hội chỉ có trong mơ đó thì lại đầy rẫy sai lầm. Kết quả của những phép thử về mặt tư tưởng này là một thế giới bị cày xới bởi những biến động xã hội sâu sắc. Có nhiều triệu sinh mạng đã phải trả giá trong những cuộc chiến đẫm máu, nhiều quốc gia chìm vào vài chục thập niên trong bóng tối để đến lúc nhận ra thì đất nước đã phải trả giá nặng nề và họ lại phải bắt đầu lại từ vạch xuất phát, trong khi phần còn lại của thế giới đã có những bước tiến quá xa trong lộ trình hướng tới văn minh.

Thời hoàng kim của những lý thuyết cộng sản là những năm 1960. Khi đó người ta thống kê được trên dưới 100 quốc gia áp dụng theo hoặc mô phỏng theo các mô hình tổ chức xã hội mang sắc thái cộng sản. Sự đào thải của thực tế là một phép thử rất đắt giá. Ngày nay chỉ còn năm quốc gia tự nhận là hậu duệ của những nhà cách mạng cộng sản, gồm Trung Quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Lào và CuBa. Toàn bộ các chế độ cộng sản còn lại đều đã bị lịch sử đào thải.

Với 5 chế độ cộng sản còn đang thoi thóp, họ cũng chẳng còn chút bóng dáng nào của những mô hình xã hội mà họ tuyên bố kế thừa. Cốt lõi lý luận của họ đều đã bị chính họ đào thải về mặt thực tiễn, phần còn lại chỉ là một xã hội lai căng quái đản giữa thể chế cai trị độc tài và nền kinh tế thị trường vay mượn từ các nước phương tây. Trong năm quốc gia đó, Trung Quốc đạt được những bước tiến rất mạnh mẽ trong khoảng 45 năm qua và hiện được coi là cường quốc số hai thế giới. Việt Nam có những cải cách vay mượn học theo ở một trình độ thấp hơn và lọt tốp các quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, trong khi đó, Bắc Triều Tiên thoái lui trở lại thành một xã hội phong kiến, hai quốc gia kế chót còn lại thì đang ngấp nghé bởi những trào lưu hứa hẹn sự tan rã của các chính thể độc tài.

Sự phát triển của Trung Quốc thường được các tay tuyên huấn cộng sản tuyên truyền như một khởi đầu mới của các lý thuyết cộng sản. Trên thực tế, chính bản thân những nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc cũng hiểu rất rõ họ đang đối mặt với sự sụp đổ từ bên trong, và thời gian tồn tại của nền cái trị độc tài cộng sản ở quốc gia này là một chiếc đồng hồ đếm ngược. Sự lai căng quái đản giữa mô hình cái trị độc tài và nền kinh tế thị trường ở Trung Quốc và Việt Nam đã tạo ra những vấn nạn mà các chế độ này không thể tự giải quyết được. Toàn bộ nền tảng lý luận của họ đã bị thực tế phủ nhận và lộ rõ tính ảo tưởng, những đảng viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất lâm vào sự khủng hoảng khi không còn lý tưởng soi đường. Trong khi đó, quyền lực độc tài và những món lợi kinh tế được tạo ra từ sự cấu kết giữa quyền lực chính trị và các hoạt động kinh tế tư bản rừng rú đã khiến bộ máy cai trị của họ tha hoá nhanh chóng đến tận gốc rễ. Trên thực tế, tất cả các đảng viên từ cấp thấp nhất đến cấp cao nhất tại Trung Quốc và Việt Nam đều không sống bằng những nguồn thu nhập công khai, họ vơ vét tiền và làm giàu nhanh chóng từ những lợi thế quyền lực và thông tin mà chế độ ban phát cho họ. Bằng cách vay nợ và đánh đổi các giá trị môi trường, Trung Quốc đạt được nhiều thành tích kinh tế ngắn hạn, nhưng đi kèm với nó là sự tha hoá của toàn bộ đội ngũ cầm quyền. Tập Cận Bình khá thực lòng khi phát biểu công khai trong một hội nghị cấp cao của Đảng Cộng Sản Trung Quốc vào năm 2012: “Chúng ta đang phải dựa vào một đội ngũ tội phạm để cai trị đất nước”

Hầu như không còn ai tại Trung Quốc và Việt Nam còn tin rằng chế độ cai trị có thể trường tồn. Câu cửa miệng của các quan chức Trung Quốc khi gửi vợ con và các tài sản vơ vét được ra nước ngoài là: “Cũng chẳng còn được lâu nữa đâu”. Trên thực tế các xã hội như Trung Quốc và Việt Nam từ lâu đã biến thành những xã hội phân biệt đẳng cấp sâu sắc. Nếu có những thống kê thực tế về tài sản của các Đảng viên Đảng cộng sản cỡ trung cao cấp và toàn bộ phần còn lại của đất nước thì chắc chắn rằng hầu hết các tài sản và nguồn lực kinh tế của những quốc gia này đều nằm dưới sự chi phối, sở hữu và thao túng của các hậu duệ cộng sản. Khởi nguồn từ những cuộc đấu tranh giai cấp, nhưng hiện nay chính họ lại là một giai cấp mới, sở hữu hầu kết các nguồn lực kinh tế và sở hữu tuyệt đối về quyền lực chính trị. Tất nhiên, kiểu tồn tại của họ sẽ không thể lâu dài, vì tự thân nó là nguyên nhân của sự diệt vong. Vậy nhưng các nhà nước cộng sản tại Trung Quốc và Việt Nam vẫn đang tồn tại và cố tìm mọi cách níu kéo quyền lực của mình.

Bằng cách tận diệt tài nguyên và đánh đổi các giá trị môi trường, Trung Quốc tạo được nhiều thành tích ấn tượng về phát triển kinh tế ngắn hạn. Đây được coi là thứ bùa thiêng để các nhà tuyên huấn của Đảng Cộng Sản Trung Quốc tuyên truyền nhằm duy trì tính chính danh của mình. Tuy nhiên, đó là sự phát triển không có ngày mai vì đó là sự vay mượn tận diệt từ tương lai để đốt hết cho hiện tại. Trong lúc các vấn nạn về tham nhũng, tha hoá, bất bình đẳng và sự kìm kẹp xã hội đến nghẹt thở càng lúc càng nặng nề. Ở chiều ngược lại là một nền tảng dân chúng ngày một khao khát tự do. Một điều gần giống như thế cũng diễn ra ở Việt Nam, tuy nhiên chế độ cộng sản ở Việt Nam kém thành công hơn trong việc tạo ra các thành tích kinh tế ngắn hạn (điều không may) và đồng thời cũng kém thành công hơn trong việc bóp nghẹt sự giao lưu về các lý tưởng tự do (điều may mắn). Giữa hai chế độ độc tài cộng sản có thể coi là còn hùng mạnh này, Việt Nam có nhiều cơ sở để tạo ra sự đổi thay nhanh hơn Trung Quốc.

Mặc dù biết chắc phía trước là vực thẳm, nhưng đội ngũ lãnh đạo chóp bu ở cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều tin rằng họ có thể trì hoãn được thời gian. Những nỗ lực của họ không phải để hướng tới tương lai mà là để kéo dài cái chết. Điểm kết cuối cùng là những tay cộng sản nặng túi sẽ tìm cách đào thoát khỏi con tàu sắp đắm. Còn những gì diễn ra sau lưng thì có lẽ đúng với câu ngạn ngữ cổ xưa: “Khi trẫm đã thôi trị vì thì dẫu có nạn hồng thủy trên vương quốc cũng mặc”. Có những cách thức để họ có thể thay đổi và trì hoãn ngày tàn, và đó cũng chính là thứ mà các tay lý luận cộng sản cố gắng tìm kiếm. Bài viết này sẽ bàn đến những cách thức đó.

Sự sụp đổ của các nước Cộng Sản Đông Âu

 Sự sụp đổ của các nước Cộng Sản Đông Âu

sup-do-dong-au

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phạm Văn Tuấn

Những sự kiện này bắt đầu từ Ba Lan vào năm 1989, và tiếp tục ở Hungary, Đông Đức, Bungary, Tiệp Khắc và România.

Romania là nước Đông Âu duy nhất lật đổ chế độ Cộng sản của mình bằng bạo lực

Nổi tiếng nhất là sự sụp đổ của Bức tường Berlin, biểu tượng của việc thống nhất nước Đức vào năm 1990.

Việc Liên Xô bị giải thể vào cuối năm 1991 dẫn đến kết quả là Nga và 14 quốc gia tuyên bố độc lập của khỏi Liên Xô

1- Ba Lan 

Ba Lan là một lãnh thổ bằng phẳng nằm tại miền trung của châu Âu, rộng bằng nước Mễ Tây Cơ và có dân số là 37 triệu người. Từ 1,000 năm về trước và qua thời Trung Cổ, Ba Lan đã là một vương quốc quan trọng cho tới cuối thế kỷ 18, xứ sở này đã bị xóa tên trên bản đồ, bị chia ba giữa ba cường quốc là Nga, Áo và Phổ. Nhưng rồi người dân Ba Lan đã vùng lên, giành độc lập vào năm 1918.

Vào tháng 9-1939, đất nước Ba Lan lại bị dẫm nát bởi quân đội nước ngoài: quân đội Quốc Xã Đức tiến vào từ hướng tây và quân đội Xô Viết từ hướng đông. Ba Lan đã là bãi chiến trường, là địa điểm của rất nhiều trại tập trung mà xấu xa nhất là trại Auschwitz, chuyên việc tận diệt các kẻ chống đối, các tù binh, các người Do Thái.

Sau Thế Chiến Thứ Hai, Ba Lan đã lấy lại được phần đất đã mất trước kia do Quốc Xã Đức chiếm, nhưng từ năm 1948, các người cộng sản đã nắm được chính quyền, tạo nên một thể chế cộng sản theo kiểu mẫu Liên Xô. Tới năm 1956, không lâu sau khi ông Nikita Khrushchev tố cáo các tội ác khủng khiếp của Stalin, do tinh thần quốc gia tiềm ẩn, do lòng bất khuất và do nỗi bất mãn về kinh tế, người dân Ba Lan đã nổi dậy tại tỉnh Poznan. Các bạo loạn trong xứ đã làm cho Bộ Chính Trị phải thay đổi và ông Wladyslaw Gomulka được đưa ra lãnh đạo Đảng. Ông Gomulka liền bỏ chương trình tập thể hóa các nông trại, cho nới lỏng một số luật lệ và cải thiện liên lạc với Nhà Thờ Công Giáo. Nhưng trong cuộc nổi dậy của các công nhân tại Gdansk vào tháng 12-1970, các công nhân này đã bị đàn áp một cách tàn nhẫn, ít nhất có 44 người bị giết. Ông Gomulka sau đó bị thay thế bởi ông Edward Gierek, một người tìm cách hòa hoãn với khối tây phương. Nhưng tình trạng kinh tế tuột dốc đã gây nên nhiều làn sóng phản đối mới vào năm 1976.

Năm 1978, người dân Ba Lan lại vui mừng vì vị Tổng Giám Mục miền Cracow trở nên Đức Giáo Hoàng John Paul II. Sự kiện này đã đóng một vai trò gián tiếp trong việc khai tử chế độ Cộng Sản tại Đông Âu bởi vì trong các năm dài sống dưới chế độ cộng sản, người dân Ba Lan vẫn duy trì niềm tin Công Giáo Catholic, họ lấy lại can đảm để đương đầu với các kẻ cầm quyền độc ác.

Ngày 14 tháng 8 năm 1980, Công Đoàn Đoàn Kết (Solidarity Trade Union) ra đời và ông Lech Walesa, một người thợ điện, là lãnh tụ của phong trào đòi Dân Chủ cho đất nước Ba Lan. Hoạt động của Công Đoàn kể trên đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của ông Edward Gierek và ông Wojciech Jaruzelski thay thế. 15 tháng phát triển của Công Đoàn Đoàn Kết cũng là “điềm báo tử” cho chế độ Cộng Sản tại Ba Lan. Với số đoàn viên lên tới 10 triệu, Công Đoàn Đoàn Kết đã là một tổ chức có thực lực để đòi hỏi các cuộc bầu cử tự do và một chính quyền hợp pháp không cộng sản. Vào ngày 13-12-1981, dưới áp lực của Liên Xô lúc đó do ông Leonid Brezhnev lãnh đạo, Tướng Jaruzelski phải công bố tình trạng quân luật, giải tán Công Đoàn Đoàn Kết, bắt giam các lãnh tụ và các người hoạt động cho Công Đoàn, ra lệnh hủy bỏ mọi hình thức cởi mở mới được ban hành, tuy nhiên những mệnh lệnh này chưa thực sự tiêu diệt được Công Đoàn Đoàn Kết.

Khi ông Mikhail S. Gorbachev lên nắm quyền tại Liên Xô, khi các áp lực Xô Viết tại Ba Lan giảm đi, Công Đoàn Đoàn Kết đã lấy lại được khí thế cũ. Mùa xuân năm 1989, Công Đoàn đã được chính thức công nhận và đã thắng gần hết các ghế đại biểu trong các cuộc bầu cử.

Tháng 8-1989, Ba Lan là nước đầu tiên có một thủ tướng không cộng sản kể từ năm 1948, đó là ông Tadeusz Mazowiecki, một nhà trí thức Catholic và cũng là một người bạn thân của ông Lech Walesa. Chính phủ mới này tập trung vào việc cải tổ kinh tế nên đã đưa ra nhiều biện pháp khắc khổ để khắc phục nạn lạm phát và đưa đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường. Tới mùa hè năm 1990, sau khi các người cộng sản bị gạt sang một bên rồi, nội bộ của Công Đoàn Đoàn Kết lại bị tách ra làm hai: phe khuynh hữu với ông Lech Walesa và phe khuynh tả với ông Mazowiecki nhưng cuối cùng ông Lech Walesa đã thắng trong cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1990.

Vào tháng 10 năm 1991 là cuộc bầu cử Quốc Hội tự do đầu tiên nhưng trong các năm sau, nước Ba Lan đã có rất nhiều đảng phái, có 5 thủ tướng, gặp nạn lạm phát và cảnh thất nghiệp cao, hàng ngàn nông trại trên bờ phá sản.

2- Đông Đức

Nước Đức là quốc gia giàu có và đông dân nhất châu Âu, hiện nay gồm 77.5 triệu người. Nước Đức có lịch sử chính trị từ thời Vua Charlemagne, giống như nước Pháp, nhưng các lãnh địa đã bị chia rẽ và chỉ hợp lại thành một quốc gia thống nhất vào năm 1871. Sau đó Thủ Tướng Otto Bismark và các nhà lãnh đạo khác đã cố công theo đuổi các chính sách bành trướng lãnh thổ, dẫn tới Thế Chiến Thứ Nhất vào năm 1914. Sau khi thất trận, nước Đức lại cố gắng vươn lên rồi dân tộc Đức vì bị thất vọng về kinh tế suy kém, đã trông nhờ vào nhà độc tài Adolf Hitler.

Vào năm 1945, nước Đức Quốc Xã thất trận nên lãnh thổ Đức bị phân chia thành bốn khu vực chiếm đóng bởi Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô. Ba khu vực phia tây được phối hợp lại năm 1949 thành nước Cộng Hòa Liên Bang Đức hay nước Tây Đức rồi không lâu sau đó, Liên Xô cũng tạo nên nước Cộng Hòa Dân Chủ Đức (the German Democratic Republic) hay còn gọi là nước Đông Đức.

Trong nửa thời gian đầu, Đông Đức ở dưới quyền cai trị cứng dắn của ông Walter Ulbricht, với đường lối thù nghịch Tây Đức và cao điểm của sự đối đầu là việc xây dựng nên Bức Tường Bá Linh. Vào nửa giai đoạn sau dưới quyền của ông Erich Honecker, Đông Đức đã dịu bớt sự căng thẳng vì chính sách hòa hoãn “Ostpolitik” giữa hai miền nước Đức của ông Willy Brandt.

Giống như nước Đức bị chia cắt vào năm 1949, thành phố Bá Linh cũng bị phân chia và một khu vực của thành phố này thuộc về Đông Đức. Tuy nhiên, đường ranh giữa hai khu vực Đông và Tây Bá Linh vẫn là khe hở của Tấm Màn Sắt và các người sống dưới chế độ cộng sản Đông Đức thường trốn qua Tây Đức bằng khe hở này. Ngày 13 tháng 8 năm 1961, để chặn đứng những người vượt biên, chính quyền Đông Đức đã cho dựng nên Bức Tường ngăn cách Đông và Tây thành phố Bá Linh. Tại bức tường cao xây bằng bê-tông trên có hàng rào kẽm gai này, binh lính Đông Đức được lệnh bắn bỏ những người tìm cách leo qua tường, tìm tự do. Theo ước lượng vào năm 1992, đã có hơn 200 người dân Đông Đức bị bắn chết.

Tại Đông Đức về kinh tế, người dân giàu có hơn tất cả các dân tộc theo xã hội chủ nghĩa khác, nhưng họ vẫn bất mãn khi so sánh với mức sống của người dân anh em Tây Đức, bất mãn khi không được phép đi ra nước ngoài. Vào mùa hè năm 1989, hàng ngàn người Đông Đức đã vượt sang nước Hungari và tràn vào các tòa đại sứ của Tây Đức tại hai thành phố Prague và Warsaw. Hàng triệu người trên thế giới đã chứng kiến cảnh tượng này trên màn ảnh vô tuyến truyền hình: đây là cảnh “bỏ phiếu bằng chân” của những người sống trong chế độ cộng sản! Tới tháng 9-1989, số người biểu tình tại các thành phố của Đông Đức đã gia tăng rất cao, họ hát câu “chúng tôi muốn ở lại” và đòi hỏi chính quyền cộng sản phải thay đổi đường lối cai trị. Ông Erich Honecker vì thế phải từ chức, thay thế bằng ông Egon Krenz và các nhà lãnh đạo Đông Đức phải ra lệnh mở Bức Tường Bá Linh. Trong vài ngày, hàng triệu người dân Đông Đức đã vượt qua khu Tây Bá Linh. Một câu chuyện vui kể lại rằng khi ông Erich Honecker tỉnh dậy, thấy khu Đông Bá Linh không còn bóng người nhưng vẫn còn thắp đèn sáng, ông bèn tới Bức Tường Bá Linh và thấy một mẩu giấy ghi rõ câu : “ai đi sau cùng nhớ tắt đèn”.

Kể từ khi ông Egon Krenz quản trị Đông Đức, xứ sở này trong nhiều tháng vẫn chìm vào trong các rối loạn chính trị. Tháng 3 năm 1990, đã có các cuộc bầu cử tự do đầu tiên và Công Đoàn Dân Chủ Thiên Chúa Giáo (the Christian Democratic Union), một đảng phái mới được thành lập của những người Dân Chủ Thiên Chúa Giáo Tây Đức, đã chiếm được 41% số phiếu. Trong khi đó tại Tây Đức, Thủ Tướng Helmut Kohl không ngừng theo đuổi chương trình thống nhất nước Đức vì vậy vào tháng 3-1990, tại thành phố Bonn đã diễn ra các cuộc thảo luận “Hai cộng Bốn”, gồm 2 nước Đông và Tây Đức với 4 nước chiến thắng trong Thế Chiến Thứ Hai là Hoa Kỳ, Anh, Pháp và Liên Xô rồi vào ngày 12-9-1990, cả 6 nước kể trên đã ký tên vào “Hiệp Ước ổn định cuối cùng đối với nước Đức” (the Final Settlement with Respect to Germany) và sự kiện này chính thức chấm dứt Thế Chiến Thứ Hai.

Hiệp ước Ổn Định kể trên đã mở đường cho việc thống nhất nước Đức, và bắt đầu từ nửa đêm ngày 2-10-1990, nước Đông Đức không còn hiện hữu nữa mà trở thành 5 tiểu bang mới của Cộng Hòa Liên Bang Đức.

Kể từ ngày thành lập 7-10-1949, xứ sở cộng sản Đông Đức với dân số 16 triệu người và diện tích bằng tiểu bang Tennessee, với tên gọi là Cộng Hòa Dân Chủ Đức, đã cáo chung sau khi tồn tại được 40 năm và 360 ngày!

3- Tiệp Khắc

Tiệp Khắc là quốc gia nằm giữa châu Âu, gồm ba xứ hợp lại là Bohemia, Moravia và Slovakia. Từ nhiều thế kỷ, Tiệp Khắc vẫn theo đuổi nền dân chủ cho tới khi bị Đức Quốc Xã tấn công vào năm 1938. Sau khi nước Đức bị thua trận, một chính quyền Cộng sản theo Stalin được thiết lập tại Tiệp Khắc từ tháng 2-1948 tới đầu thập niên 1960. Vào lúc này và do nền kinh tế suy sụp, các người cầm quyền cộng sản đã tìm cách cải tổ kinh tế và nới lỏng các kiểm soát chính trị. Tiến trình cải cách đã đi tới cao điểm gọi là “Mùa Xuân Praha” (the Prague Spring) của năm 1968 do nhân vật cộng sản cải cách lãnh đạo tên là Alexander Dubcek.

Ông Alexander Dubcek (1921-92) chào đời vài tháng sau khi cha mẹ của ông từ thành phố Chicago, Hoa Kỳ, trở về xứ Slovakia. Ông Dubcek đã trải qua tuổi trẻ tại Liên Xô. Đầu năm 1968, ông Dubcek công bố một chương trình cải tiến gọi là “Xã Hội Chủ Nghĩa với bộ mặt con người” (Socialism with a human face). Trong thời gian 8 tháng dễ thở này, từ tháng 1 tới ngày 20-8-1968, ông Dubcek là hình ảnh của hy vọng cho người dân Tiệp Khắc. Liên Xô, dưới quyền lãnh đạo của ông Leonid Brezhnev, coi các cải tiến tại Tiệp Khắc là “quá nguy hiểm” cho thể chế cộng sản, nên đã đàn áp phong trào “Mùa Xuân Praha” bằng 500,000 quân thuộc Minh Ước Warsaw (the Warsaw Pact).

Warsaw là liên minh quân sự được thành lập năm 1955 để đối đầu với khối Nato. Các thành phần ban đầu của Minh Ước Warsaw gồm 8 nước: Tiệp Khắc, Đông Đức, Ba Lan, Hungari, Romania, Bulgaria, Albania và Liên Xô. Hành động quân sự duy nhất của liên minh này là cuộc xâm lăng Tiệp Khắc vào tháng 8-1968 trong đó Romania không tham gia. Vào đầu thập niên 1960, nước Albania không tham dự vào liên minh Warsaw rồi chính thức rút lui vào năm 1968. Minh Ước Warsaw bị giải thể vào tháng 7-1991.

Năm 1987, khi bị hỏi về sự khác biệt giữa “Mùa Xuân Praha” của ông Dubcek và các chương trình “Glasnost” và “Perestroika” của ông Gorbachev, người phát ngôn thuộc Bộ Ngoại Giao Liên Xô đã trả lời rằng: “19 năm”!

Sau khi ông Alexander Dubcek bị bắt về giam tại Liên Xô và phong trào “Mùa Xuân Praha” bị dẹp tan, một nhân vật cộng sản cứng dắn mới lên nắm quyền tại Tiệp Khắc, đó là ông Gustav Husak. Từ nay, tất cả những người có khuynh hướng cải tiến đều bị thanh trừng, hầu như mọi người dân Tiệp Khắc đều thu mình lại để được an toàn, thế nhưng vẫn còn một số ít người rất can đảm, cả nam lẫn nữ, đã tập hợp lại một cách lỏng lẻo để tạo nên một nhóm chống đối các kẻ đàn áp: “Nhóm Hiến Chương 77” (The Charter 77).

Vào khoảng đầu tháng 1 năm 1977, một nhóm 242 người bất đồng chính kiến gốc Tiệp và Slovak, đã họp lại và ký tên vào một bản Tuyên Ngôn (manifesto) qua đó họ liệt kê các đòi hỏi căn bản về Nhân Quyền (basic human rights). Mặc dù đã được viết bằng những từ ngữ thận trọng, bản Hiến Chương 77 đã gây nên các hành động giận dữ của chính quyền Cộng Sản Tiệp Khắc: các người ký tên trong đó có ông Vaclav Havel, đều bị bắt, bị lưu đầy, bị xách nhiễu nhưng những nhân vật anh hùng này đã là hạt nhân cho phong trào phản kháng 12 năm về sau tại Tiệp Khắc.

20 năm sau ngày quân đội của Hiệp Ước Warsaw xâm lăng Tiệp Khắc, đã có vào khoảng 20,000 người biểu tình đòi dân chủ, chống lại chế độ Cộng Sản vào ngày 21-8-1988 trước sự ngỡ ngàng của công an và đảng cộng sản cầm quyền. Đây là cuộc phản đối lớn nhất kể từ năm 1969 và cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán, 400 người bị bắt.

Tại thành phố Prague, cuộc biểu tình phản đối đã diễn ra từ ngày 15 tới ngày 20-1-1989 và cảnh sát cộng sản đã phải dùng dùi cui, hơi cay, vòi nước và chó dữ để dẹp biểu tình. Trong số người bị bắt lại có ông Vaclav Havel. Ngày 21-2, ông Havel bị tuyên án 8 tháng tù vì có hành vi “chống nhà nước và xã hội chủ nghĩa”. Nhiều người bất đồng chính kiến khác cũng bị tuyên án tương tự. Rồi 2,000 thanh niên đã tham gia biểu tình đòi dân chủ vào ngày 1-5-89, họ cũng bị đàn áp. Tới ngày 17-5-89, ông Havel được thả khỏi nhà tù vì đã “học tập tốt” theo lời của chính quyền cộng sản, nhưng thực ra là do sự chỉ trích của khối Tây Phương. Rồi 35,000 người bất đồng chính kiến, phản đối chế độ Cộng Sản, đòi hỏi Dân Chủ, đã ký tên vào một thỉnh nguyện thư yêu cầu phải “thay đổi tận gốc không khí xã hội và chính trị”.

Các biểu tình phản kháng vẫn tiếp tục diễn ra tại Prague vào các ngày 28-8, 17-11, 20-11, 27-11-1989 rồi tới ngày 29-11, chính quyền cộng sản phải công nhận hủy bỏ vai trò lãnh đạo của đảng Cộng Sản. Ngày 10-12-1989, một chính quyền liên bang mới được thành lập và chủ tịch Husak từ chức. Ông Alexander Dubcek được bầu làm chủ tịch của Quốc Hội Liên Bang ngày 28-12 rồi ngày hôm sau, ông Vaclav Havel được bầu làm Tổng Thống của nước cộng hòa.

Ông Havel đã thăm viếng Moscow vào hai ngày 26, 27-2-1990 và ký với ông Gorbachev một thỏa ước theo đó 73,500 quân Xô Viết phải rút khỏi Tiệp Khắc vào tháng 7 năm 1991. Nước Tiệp Khắc vào giai đoạn này đã gặp rất nhiều vấn đề khó giải quyết, chẳng hạn làm sao loại bỏ “giới cầm quyền cũ Nomenclatura” (nhóm cựu đảng viên C.S.)  ra khỏi các chức vụ cao, làm sao tháo gỡ được hệ thống kinh tế chỉ huy phức tạp và nặng nề và làm sao giải quyết êm đẹp các căng thẳng quốc gia với xứ Slovakia, rồi cuối cùng, nước Tiệp Khắc bị chia làm hai xứ riêng rẽ vào tháng 1-1993: đó là hai nước cộng hòa Tiệp (Czech) và Slovak

4 . Hungari

Hungari là một quốc gia tại miền trung của châu Âu với diện tích nhỏ hơn tiểu bang Indiana và dân số 10 triệu người. Người Hungari có nguồn gốc từ bộ lạc du mục thiện chiến Magyar, từ châu Á tới châu Âu vào thế kỷ thứ 9 để rồi lập nên một vương quốc quan trọng. Khi đế quốc Áo-Hung bành trướng vào thế kỷ 19, Hungari là một miền đất tự trị, phát triển cho tới cuối Thế Chiến thứ nhất, khi đó hai phần ba diện tích bị cắt xén thành nước Tiệp Khắc, một phần của Nam Tư và một phần của Romania. Ngày nay, những người dân gốc Hungari vẫn còn sinh sống tại các quốc gia kể trên và đông đảo nhất tại vùng Transylvania thuộc nước Romania.

Vào thập niên 1930, nhà độc tài Adolf Hitler đã hứa sẽ trả lại các miền đất mà Hungari bị mất vì Hiệp Ước Trianon, cho nên vào năm 1941, Hungari đã giúp Hitler tấn công Nam Tư và tham gia vào khối Trục. Tới năm 1943, Hitler không coi Hungari là một nước đồng minh, đã chiếm đóng nước này vào tháng 3-1944 rồi sau đó, nửa triệu người Do Thái sinh sống tại Hungari đã bị chở tới các trại tập trung đặt trên nước Đức và bị giết trong các phòng hơi ngạt.

Sau khi Đức Quốc Xã thua trận, các người cộng sản Hungari đã chiếm chính quyền với sự giúp đỡ của quân đội Liên Xô. Ông Mathias Rakosi là lãnh tụ đảng Cộng Sản và cũng là người đứng đầu chính quyền Hungari, đã cai trị xứ sở này như một nhà độc tài. Chính sách cai trị khắc nghiệt của ông Rakosi đã khiến cho nền kinh tế Hungari đi dần tới chỗ kiệt quệ và dân chúng đều bất mãn.

Năm 1953, ông Imre Nagy làm Thủ Tướng, Rakosi làm chủ tịch đảng Cộng Sản. Ông Nagy đã nới lỏng các kiểm soát, cho dân chúng Hungari đôi phần tự do hơn để cải thiện đời sống nhưng các cải tiến này đã bị ông Rakosi và các đảng viên cộng sản khác chống đối. Ông Nagy bị loại khỏi chính quyền và bị khai trừ khỏi đảng vào năm 1955. Các chính sách khắc nghiệt của ông Rakosi một lần nữa lại được áp đặt lên xứ sở Hungari khiến cho các thanh niên, các nhà văn… đều phản đối, nhất là về phạm vi nhân quyền và tự do tư tưởng, vì thế ông Rakosi bị loại khỏi chức vụ chủ tịch đảng Cộng Sản vào giữa năm 1956 nhưng các chính sách khắc nghiệt vẫn còn được duy trì khiến cho đã xẩy ra một cuộc nổi dậy, chống đối, tại thành phố Budapest.

Cuộc cách mạng này đã lan ra khắp nước Hungari. Nhân dịp này nhiều tù nhân chính trị đã được trả tự do trong đó có cha Joseph Cardinal Mindszenty là người đứng đầu nhà thờ công giáo Catholic tại Hungari, đã bị giam cầm từ năm 1949. Cuộc nổi dậy của người dân Hungari đã khiến cho ông Imre Nagy lại trở nên Thủ Tướng và ông Nagy đã tuyên bố Hungari là một quốc gia trung lập, nhưng chính quyền này chỉ tồn tại được vài ngày, vì vào tháng 11 năm đó, quân đội Liên Xô đã tràn vào nước Hungari, đàn áp cuộc cách mạng. Số người bị giết trong cuộc tàn sát này từ 6,500 tới 32,000 người. Khoảng 250 người tích cực trong cuộc cách mạng kể trên, kể cả ông Imre Nagy, đã bị Liên Xô hành quyết vào năm 1958. 200,000 người Hungari đã bỏ xứ, chạy trốn.

Sau cuộc Cách Mạng năm 1956, Liên Xô đã kiểm soát chặt chẽ xứ Hungari và ông Janos Kadar là lãnh tụ đảng Cộng Sản mới, lãnh chức Thủ Tướng từ năm 1956 tới 1958 rồi từ năm 1961 tới 1965. Vào thập niên 1960, ông Kadar đã nới lỏng các kiểm soát về kinh tế, văn hóa và xã hội khiến cho chế độ cộng sản Hungari được coi là tiến bộ nhất. Năm 1987, ông Karoly Grosz được chọn làm Thủ Tướng rồi làm lãnh tụ đảng, thay thế ông Kadar. Vào cuối thập niên 1980 này, quyền lực của đảng Cộng Sản Hungari bị suy giảm, các đảng phái khác bắt đầu hoạt động trở lại. Vào tháng 6-1989, đảng Cộng Sản Hungari phải thảo luận với các đảng phái đối lập. Họ đã xét lại cuộc cách mạng năm 1956 và tuyên bố rằng vụ xét xử ông Imre Nagy và các đồng chí vào năm đó bị coi là bất hợp pháp và cuộc nổi dậy năm 1956 không bị coi là “phản cách mạng”. Ông Nagy và các đồng chí cũ được phục hồi danh dự và chôn cất long trọng vào tháng 6-1989.

Mùa hè năm 1989, Hungari đã mở cửa biên giới với nước Áo khiến cho hàng ngàn người Đông Đức đã tràn qua các nước tây phương. Ngày 10-3-1990, Hungari đã ký với Liên Xô một thỏa ước về rút toàn bộ 52,000 quân Xô Viết ra khỏi lãnh thổ Hungari vào tháng 7-1991và xứ sở này chuyển sang chính thể dân chủ đa đảng, có Quốc Hội và Tổng Thống. Đảng Cộng Sản Hungari mặc dù đã cải tổ nội bộ, kể từ tháng 4-1990 chỉ chiếm được 11 % số phiếu bầu. Cũng từ năm 1990, Hungari đã theo đuổi các chính sách cải tổ kinh tế, tư hữu các xí nghiệp và trả lại đất đai cho nông dân.

  1. Albania

Albania là quốc gia nghèo nhất của châu Âu, có diện tích vào khoảng tiểu bang Alabama với dân số hơn 3 triệu người. Albania tiếp giáp với các nước Nam Tư, Macedonia, Hy Lạp và biển Adriatic.

Qua nhiều thế kỷ bị nước ngoài đô hộ, người dân Albania vẫn giữ được bản tính dân tộc nên đã giành được độc lập vào năm 1920 rồi tới Thế Chiến Thứ Hai, quốc gia nhỏ bé này bị Phát Xít Ý xâm lăng vào tháng 4-1939, rồi bị sát nhập vào nước Ý. Trong thời kỳ Thế Chiến Thứ Hai, có ba lực lượng kháng chiến chính trong xứ Albania: a) tổ chức Cộng Sản gọi là Mặt Trận Giải Phóng Quốc Gia NLF (the National Liberation Front) do Enver Hoxha lãnh đạo, b) lực lượng bảo hoàng gọi là Phong Trào Hợp Pháp (Legality) do Abas Kupi điều khiển, c) phong trào quốc gia gọi tên là Balli Kombetar do Midhat Frasheri chủ trương. Cả ba nhóm quân sự này vừa đánh quân đội Đức Quốc Xã chiếm đóng, vừa đánh lẫn nhau.

Năm 1944, lực lượng Đức Quốc Xã bị đánh bật ra khỏi Albania và các người Cộng Sản kiểm soát được đất nước. Ông Hoxha đã thiết lập nên tại Tirana một chính quyền cộng sản và lãnh đạo đất nước với chức vụ Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản từ năm 1953. Ông Enver Hoxha (1908-1985), đã cai trị xứ Albania cho tới khi chết. Ông ta ủng hộ các chính sách của Joseph Stalin, nhà độc tài của Liên Xô. Từ nay, mọi ruộng đất đều bị tập trung thành các nông trại tập thể, các người chống đối đều bị cầm tù, các tài sản tư nhân bị tịch thu, mọi cơ sở tôn giáo đều bị đóng cửa, các hoạt động văn hóa và trí thức đều phải theo đường lối xã hội chủ nghĩa. Ông Hoxha đã cô lập xứ Albania, không cho giao tiếp với các quốc gia khác. Chính sách giới hạn mọi tự do cá nhân tại Albania đã khiến cho xứ sở này trở thành quốc gia nghèo đói nhất châu Âu, trong khi đó các đảng viên cộng sản vẫn tự hào rằng Albania là quốc gia duy nhất trên thế giới theo đúng các giáo điều Mác Xít Lê Nin Nít!

Khi Albania giành được độc lập vào năm 1944, đảng Cộng Sản Nam Tư đã giúp đỡ các đảng viên cộng sản Albania tổ chức lại Mặt Trận Giải Phóng NLF nhưng tới năm 1948, sự rạn nứt đã xẩy ra giữa Nam Tư và Liên Xô khiến cho Nam Tư bị trục xuất khỏi Khối Cominform, một tổ chức gồm các đảng cộng sản châu Âu do Liên Xô lãnh đạo. Vào lúc này, Albania theo Liên Xô nên đã tuyệt giao với Nam Tư.

Vào đầu thập niên 1960, đã xẩy ra một dạn nứt khác giữa Liên xô và Trung Cộng do khác biệt về cách giảng giải các giáo điều Cộng sản. Trung Cộng đả phá Liên Xô vì đã tìm cách sống chung với các quốc gia tây phương và Albania ủng hộ lập trường của Trung Cộng. Vào năm 1961, Albania đoạn giao với Liên Xô. Từ đó Trung Cộng cung cấp mọi trợ giúp cho Albania kể cả trợ giúp kỹ thuật. Tới cuối thập niên 1970, các nhà lãnh đạo cộng sản Albania lại chỉ trích Trung Cộng là đã không theo đúng các giáo điều Cộng Sản, đã liên lạc với Nam Tư và Hoa Kỳ. Trung Cộng bèn phản ứng lại bằng cách cắt hết viện trợ cho Albania.

Năm 1985, ông Enver Hoxha chết sau khi đã cai trị Albania hơn 40 năm, đã bắt mọi người dân Albania phải thành kính tôn sùng lãnh tụ. Ông Ramiz Alia, nguyên là chủ tịch nước từ năm 1982, đã kế tiếp ông Hoxha làm Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản.

Từ năm 1989, vì các quốc gia cộng sản Đông Âu bắt đầu tan rã nên xứ Albania cũng bị ảnh hưởng. Các cuộc biểu tình đã xẩy ra tại thủ đô Tirana, một sự việc không hề có trong 46 năm trường, một phần là do sự giảm bớt bóp nghẹt của cơ quan công an mật vụ Sigurimi. Vào mùa xuân năm 1990, chủ tịch Ramiz Alia công bố một chương trình “dân chủ hóa”, cho phép nông dân được quyền canh tác trên các mảnh đất tư hữu, chấp nhận việc du lịch ra nước ngoài và cho phép dân chúng thực hành tôn giáo tại gia đình. Một cải tiến khác của Albania là trả tiền thưởng cho các công nhân làm việc chăm chỉ, để sản xuất ra nhiều mặt hàng hơn. Thế nhưng, những cải cách này chưa thực sự mang lại các kết quả tốt.

Vào tháng 7-1990, 5,000 người Albania đã xuống đường, phản đối chính quyền Cộng Sản, đập phá các tòa đại sứ để yêu cầu được ra các nước ngoài. Nhiều người liều mạng băng qua biên giới Nam Tư và Hy Lạp mà không có giấy tờ, để tìm tự do và tránh các hiểm nghèo kinh tế. Các xáo trộn vẫn tiếp tục tới cuối năm 1990 khiến cho đảng cộng sản cầm quyền phải đồng ý để các đảng phái chính trị khác tham gia vào các cuộc bầu cử đa đảng, diễn ra vào tháng 3-1991. Sau cuộc bầu cử này, đảng cộng sản thắng nhiều phiếu bởi vì các lực lượng đối lập đã không được tổ chức cẩn thận. Các bạo loạn chống cộng sản vẫn diễn ra tại Albania khiến cho một chính phủ mới được thành lập, bao gồm bên trong 9 nhân vật độc lập.

Cuộc bầu cử kế tiếp diễn ra vào tháng 3-1992 và lần này, Đảng Dân Chủ Albania đối lập (the Albanian Democratic Party) đã thắng lớn trên toàn quốc. Ông Sali Berisha, một y sĩ giải phẫu tim, 47 tuổi, trở nên Tổng Thống không cộng sản đầu tiên vào tháng 4-1992. Sau khi trở thành nhà lãnh đạo của xứ Albania, ông Sali Berisha đã thực hiện nhiều chuyến công du ra các nước ngoài để xin trợ giúp, ngõ hầu ổn định xứ sở Albania quá nghèo đói.

  1. Bulgaria

Bulgaria là một quốc gia thuộc vùng Balkan, lãnh thổ nhiều đồi núi này có diện tích vào khoảng tiểu bang Tennessee và dân số 9 triệu người, tiếp giáp với các nước Hy Lạp và Thổ Nhĩ kỳ ở phía nam, Nam Tư và Macedonia ở phía tây, Romania ở phía bắc và Biển Đen (the Black Sea) ở phía đông. Thủ đô của Bulgaria là thành phố Sofia, được người La Mã xây dựng nên vào thế kỷ thứ 2. Người Bulgaria có nguồn gốc pha trộn của các bộ lạc Slavic và Bulgars, và bộ lạc sau này từ Trung Á tới xâm chiếm bán đảo Balkan vào thế kỷ thứ 9. Bulgaria bị cai trị bởi các người nước khác và cuối cùng bị chinh phục bởi đế quốc Thổ Nhĩ Kỳ Ottoman. Năm 1878, nước Bulgaria giành được độc lập nhờ sự trợ giúp của người Nga vì thế người Bulgaria thường có thiện cảm với dân Nga.

Năm 1912, với hy vọng giành lại miền đất đã mất vì Hiệp Ước Berlin, Bulgaria cùng với các nước khác thuộc vùng Balkan tham gia vào trận chiến đánh đuổi quân đội Ottoman ra khỏi châu Âu và đây là Cuộc Chiến Balkan thứ nhất. Sau khi Thổ Nhĩ Kỳ thua trận, các nước chiến thắng lại tranh chấp nhau và vào năm 1913, Bulgaria tấn công Serbia và Hy Lạp trong Cuộc Chiến Balkan thứ hai. Vì bị thua trong cuộc chiến này, Bulgaria bị mất phần đất đã giành được trong cuộc chiến trước.

Trong Thế Chiến Thứ Nhất, Bulgaria đứng về phe Đức vì hy vọng chiếm lại các phần đất đã mất nhưng đã thất bại. Tới Thế Chiến Thứ Hai, Bulgaria là đồng minh của Đức và Ý. Ngày 8-9-1944, quân đội Liên Xô xâm chiếm Bulgaria và các người cộng sản đã giành được chính quyền. Từ đây, các người dân bị phe cộng sản coi là chống đối đã bị giết, bị gửi đi các trại tù cải tạo, quyền tư hữu của dân chúng bị hủy bỏ, mọi tự do trong xứ bị giới hạn. Năm 1946, lãnh tụ cộng sản Georgi Dimitrov trở nên nhà cai trị xứ Bulgaria. Năm 1947, Bulgaria phê chuẩn Hiến Pháp giống như Hiến Pháp của Liên Xô rồi tới năm sau, 1948, các người cộng sản kiểm soát được hoàn toàn đất nước này. Ông Dimitrov chết vào năm 1949, năm sau ông Vulko Chervenkov lên nắm quyền. Từ năm 1950, nền kỹ nghệ của Bulgaria đã gia tăng nhưng mực sống của người dân xuống thấp dần.

Năm 1954, ông Todor Zhivkov (1911-   ) trở nên lãnh tụ đảng Cộng Sản và đã cầm quyền từ năm này tới tháng 11-1989. Trong số các lãnh tụ cộng sản Đông Âu, ông Zhivkov là kẻ tham quyền cố vị lâu thứ hai, chỉ đứng sau ông Enver Hoxha của xứ Albania. Ông Zhivkov là lãnh tụ cộng sản đầu tiên bị xét xử công khai vào tháng 9-1992 vì lạm quyền và thâm lạm của công rồi bị kết án 7 năm tù quản thúc. Hai lãnh tụ khác là ông Nicolae Ceausescu bị xử bắn ngay sau một phiên tòa quân sự vào năm 1989 và ông Erich Honecker, cựu chủ tịch Đông Đức, bị kết án vào cuối năm 1992.

Vào năm 1962, ông Zhivkov trở nên chủ tịch nước Bulgaria, đã theo đường lối thân Liên Xô. Trong thời gian Bulgaria sống dưới chế độ cộng sản, người dân phải chịu đựng mọi thiếu thốn về các nhu yếu phẩm căn bản và các dịch vụ sơ đẳng, khiến cho một số nhân viên chính quyền cộng sản cũng phải căm hờn đường lối bóp nghẹt của Liên Xô. Năm 1965, ông Zhivkov thoát nạn sau một cuộc đảo chính quân sự không thành.

Tới cuối thập niên 1980, các chính sách cởi mở tại Liên Xô đã ảnh hưởng đến xứ Bulgaria. Vào tháng 10-1989, các nhóm phản đối chính quyền cộng sản đã xuất hiện tại thành phố Sofia nhân một cuộc hội nghị quốc tế về môi trường được tổ chức tại đây, bởi vì sự hiện diện của một số đại biểu ngoại quốc đã khiến cho giới cấm quyền cộng sản phải nhẹ tay trong việc đàn áp. Rồi tới ngày 3-11 năm đó, 4,000 người đã biểu tình trước Quốc Hội, đây là cuộc phản kháng lớn nhất kể từ năm 1947.

Người dân trong nước Bulgaria đã biểu tình phản đối chính quyền cộng sản Zhivkov, đòi hỏi dân chủ và một số tự do căn bản. Cuộc phản kháng đã bắt đầu từ bên trong nội bộ đảng Cộng Sản, do Bộ Trưởng Ngoại Giao là ông Petar Mladenov. Do áp lực từ Liên Xô, ông Zhivkov phải rút lui khỏi chính quyền vào tháng 11-1989 và ông Mladenov trở nên chủ tịch đảng và chủ tịch nước.

Từ tháng 1-1990, do các bất mãn từ dân chúng, đảng Cộng Sản bị bớt dần độc quyền và chịu chấp nhận hệ thống chính trị đa đảng. Tháng 4 năm đó, đảng Cộng Sản Bulgaria đổi tên thành Đảng Xã Hội rồi cũng vào tháng 4, Quốc Hội bầu lại ông Mladenov làm chủ tịch nước. Tháng 6-1990, các cuộc bầu cử tự do, đa đảng, được tổ chức lần đầu tiên tại Bulgaria sau 44 năm. Đảng Xã Hội đã chiếm được nhiều phiếu nhất, sau đó là đảng Liên Hiệp Các Lực Lượng Dân Chủ UDF (Union of Democratic Forces). Tới tháng 7, các sinh viên lại biểu tình, phản đối ông Mladenov, họ dựng nên các căn lều trong “Vùng Không Cộng Sản” (a Communist free zone) thuộc thành phố Sofia. Tháng 8-1990, ông Zhelyu Zhelev thuộc lực lượng UDF được Quốc Hội bầu làm Tổng Thống xứ Bulgaria và đây là vị nguyên thủ loại “không cộng sản” đầu tiên, kể từ năm 1944. Từ năm 1991, đảng Cộng Sản Bulgaria tự hủy diệt dần dần.