TRỞ VỀ CỐ HƯƠNG

TRỞ VỀ CỐ HƯƠNG

Phương-Vũ Võ Tam-Anh

Được tin chị tôi đau nặng, tôi vội vã bay về Việt Nam mà lòng áy náy tưởng chừng như đang đi vào lòng địch. Trước ngày lên máy bay, ông sui tôi đến cho hay là có người trong toà đại sứ VC báo rằng họ đã đọc hết những bài viết của tôi, kể cả cuốn sách mới in xong chỉ phổ biến trong vòng thân mật. Người này còn thêm rằng những hình chụp các cuộc biểu tình ở Paris không thấy có mặt tôi (chỉ vì đơn giản là tôi không ở Paris) nên kết luận rằng tôi không có hành động chống đối cụ thể do đó được cấp visa về Việt Nam trong ba tháng. Trở ngại ban đầu được trót lọt. Ngồi trên máy bay mà tôi cứ hình dung đến một Hà Nội diễm kiều trước năm 54, khi tôi vào học y khoa Hà Nội. Phố Hàng Ngang, Hàng Đào ngày xưa với những cô gái kiêu sa lịch thiệp đang lờ mờ hiện ra trong trí nhớ. Con đường Cổ Ngư mộng mơ với những hàng cây sà mình xuống mặt hồ Trúc Bạch như để in dấu gót chân thướt tha của trai thanh gái lịch Hà thành vào những buổi chiều cuối tuần ấm áp…

Qua cái ải kiểm soát Nội Bài dù sao tôi cũng không khỏi hồi hộp khi nhìn những cặp mắt lầm lừ của đám công an súng sính trong bộ áo màu cứt ngựa, nhất là sau khi lật qua lật lại tấm hộ chiếu rồi trao lại cho tôi như còn tiếc rẻ một cái gì. Có lẽ tôi cũng chỉ tưởng tượng và tự nổ một mình thôi, chứ hạng cắc ké như tôi thì phiền hà chi cho đáng, vì hình như lúc này nhà nước đang còn bận lo đấu đá nhau coi bộ hấp dẫn hơn. Tuy vậy tôi vẫn cứ lo nơm nớp vì biết đâu mấy ông cao hứng đuổi tôi trở lại Pháp như nhiều vị đi trước hù dọa thì hóa ra mất toi tiền máy bay mà vừa không được gặp bà chị gần chín chục tuổi như mục đích và . nguyện tha thiết của tôi. Không lẽ nhà nước lại để đánh rơi mấy ngàn đô la “kiều hối” mà tôi mang về để lo cho bà chị?

Khi ra khỏi sân bay Nội Bài thì tôi mới hoàn hồn. Như vừa qua được một trở ngại (dù chỉ trong tưởng tượng), tôi vui vẻ khen với thằng em ra đón tôi:

– Sân bay này khá đấy, có tầm vóc quốc tế, ai xây vậy?

Thằng em nhanh nhẩu:

– Ta đấy.

Tôi như bị dị ứng với chữ “ta”, nhưng cũng khen:

– Bốn mươi năm hoà bình có khác, nhưng ai thiết kế?

Thấy tôi có vẻ hoài nghi, thằng em xuống giọng:

– Đúng ra thiết kế và công trình là do kỷ sư Nhật, ta chỉ phụ thôi.

Tôi buộc miệng:

– Ta làm thợ vịn mà được như vậy là giỏi lắm rồi…

Để cho không khí nhẹ hơn, tôi bèn đổi sang chuyện hỏi thăm gia đình. Thằng em cho biết chị tôi  vừa mới “nhập viện”.

Tôi nghĩ bụng: quái, ở cái xứ Việt Nam này có biết bao là Viện, nào là Viện Dưỡng Lão, Viện Bào Chế, Viện Uốn Tóc, Viện Thẩm Mỹ, Viện Ung Bướu, Viện Mồ Côi, Viện Kiểm Sát Nhân Dân và gần đây lại có thêm Viện Khổng Tử v.v… thì không biết chị tôi đã nhập viện nào? Hoá ra chỉ có đơn giản là chị tôi mới vào nằm nhà thương. Sau đó tôi biết thêm nhiều chi tiết: lúc đầu chị tôi được đưa vào “trạm trung chuyển” (tức trạm chuyển tiếp) ở bệnh viện Hoàn Mỹ, nhưng ở đây không đúng “tuyến” nên phải “điều” qua bệnh viện Đa Khoa Đà Nẵng, hiện đang nằm ở “khu yêu cầu” của “khoa Nội Tổng Hợp”.

Sau cái chuổi văn chương tân tiến đó thì tôi có được một khái niệm lờ mờ về con đường bệnh hoạn của chị tôi, nhưng tôi lại thấy rất rõ ràng về triệu chứng hiện tại của tôi, xây xẩm mặt mày, choáng váng, nhức đầu… Tôi nhờ thằng em đưa đến một nhà thuốc tây, nhưng nửa đường tôi lại đổi ý vì nghĩ rằng bệnh của tôi chắc không chửa bằng thuốc được, nên vào một hiệu sách lớn nhất Thủ Đô ở phố Trường Tiền để kiếm một cuốn tự điển may ra giải cứu được chứng nhức đầu của tôi.

Tôi hí hửng tìm được cuốn Tự Điển của cụ Đào Duy Anh và may mắn không phải sốt ruột xếp hàng chờ đợi để trả tiền như mỗi lần mua sách ở mấy tiệm sách Fnac hay Vỉrgin. Ở đây thì vắng như chùa Bà Đanh. Ở chốn ngàn năm văn vật này, người dân thích chen chúc ở mấy tiệm phở tiệm cà phê hơn là ở mấy tiệm sách (những biển ngữ “Hà Nội Ngàn Năm Văn Vật” được treo đầy khắp phố phường trong dịp Tết sắp đến). Nhưng tôi lại thất vọng thêm một lần nữa vì sách của cụ Đào Duy Anh đã viết trước năm 1975 nên không có những danh từ huyền bí mà tôi cần phải tra cứu trong mấy ngày ở Việt Nam.

Trên đường tới sứ quán Pháp để thông báo sự có mặt của tôi tại Việt Nam theo đề nghị của bộ Ngoại Giao, tôi có dịp đi ngang qua Hàng Ngang Hàng Đào, những âm thanh rất gần gủi với Hà Nội, như dội lại trong tôi lòng rạo rực của sáu mươi năm về trước. Tôi cố tìm lại cái hình ảnh bẽn lẽn của mấy cô gái Trưng Vương năm xưa dưới những mái tóc hình dấu phết dịu  dàng, thì nay chỉ thấy lại những khuôn mặt cứng đơ, dấu kín trong chiếc khẩu trang bí ẩn, mái tóc mượt mà thì như đang vùng vẫy trong chiếc nón bảo hộ nặng nề láng bóng, đang chen nhau lòn lách trên những chiếc Honda như mắc cưỡi. Không hiểu vì mãi mê cái hoạt cảnh đó hay vì nhát gan mà tôi không dám qua đường.

Ảnh của Llewelling King

Đi qua đường là một khổ nạn. Không như con dâu tôi (người Pháp) phải mướn một chiếc taxi để qua đường, còn tôi thì theo triết lý của thằng em là muốn qua đường thì phải nhắm mắt lại mà bước tới, còn hể mở mắt thì cả ngày cũng không qua được, ở đây xe tránh mình chứ không phải mình tránh xe. Tôi đem triết l. đó ra áp dụng, tuy hơi rợn người nhưng lại hiệu nghiệm. Đến Đà Nẵng, tôi vọt ngay vào bệnh viện. Trước kia tôi cũng có làm việc ở bệnh viện, nhưng cái “khu yêu cầu” làm tôi điên đầu tôi không biết là khu gì vì chưa hề nghe tới. Vì nôn nóng, tôi cũng đếch cần tìm hiểu . nghĩa của cái khu đó là gì mà chỉ nhờ người dẫn tới khu đó và vui mừng ôm chầm lấy chị tôi giữa đám con cháu bao quanh. Đến đây tôi mới vỡ lẽ là “khu yêu cầu” chỉ có nghĩa đơn giản là “phòng riêng”, tôi như đang ở một nước lạ mà mình không biết tiếng.

Ở Việt Nam nằm bệnh viện có nghĩa gần như mướn một phòng khách sạn mà có được bác sĩ khám, còn mọi dịch vụ khác như cơm nước, vệ sinh, thuốc men… là mình phải lo lấy, vì vậy lúc nào cũng phải có người nhà bên cạnh, không những để lo săn sóc người bệnh mà còn để trả tiền trước cho mỗi dịch vụ y khoa như xét nghiệm, X quang, siêu âm v.v…, mà phần lớn không ăn nhập gì với bệnh tình lúc đó. Chị tôi, một bà già gần chín chục tuổi đang hôn mê và bị chảy máu đường ruột ào ào thì được bs phán cho đi “siêu âm tim” và “nội soi”. Bác sĩ chuyên khoa nội soi chờ phải cầm chắc biên nhận đã thanh toán ba triệu VND rồi mới bắt tay vào việc.

Bệnh viện đã chấp hành nghiêm chỉnh câu phương châm “tiền bạc đi trước, thầy thuốc đi sau”, mặc dầu ở đầu trại có tấm bảng lớn sơn bốn chữ đỏ “Bệnh Viện Văn Hoá”!

Vào lúc nửa khuya, vì máu đường ruột ra nhiều quá nên phải đưa chị vào khu cấp cứu cách ly với bên ngoài. Tôi cũng theo đám người nhà để chen lấn nằm la liệt trước cửa phòng để nghe ngóng tin tức và nhất là để chờ gọi đến tên mà thanh toán khoảng tiền cho mỗi dịch vụ y khoa như truyền máu, thở oxy, xét nghiệm v.v. .. mà trong kia chị tôi đang chờ được thi hành nếu trả tiền xong. Được hai hôm thì bác sĩ trưởng khu cấp cứu khuyên người nhà đưa chị tôi về để lo hậu sự vì nhà thương đã “chạy”, tình trạng hoàn toàn tuyệt vọng, hôn mê, sốt cao, có triệu chứng viêm màn ruột và máu vẫn tiếp tục chảy trong đường ruột…

Vào lúc nửa khuya, chúng tôi đưa chị về nhà mà ruột gan tơi bời. Trong sự tuyệt vọng tột cùng, nhưng còn nước còn tát nên chúng tôi vẫn tiếp tục điều trị như ở bệnh viện (chị có một rể bác sĩ và một dâu y tá), chỉ khác một điều là dùng được những thuốc tôi đã mang từ Pháp về mà khi còn ở bệnh viện, chúng tôi có đề nghị nhưng bị từ chối. Ở VN bác sĩ của bệnh viện chỉ được phép điều trị với những thứ thuốc trong một danh sách nhất định có bán ở bệnh viện mà thôi. Điều đáng nghi ngờ là bệnh viện có dùng nhiều kháng sinh mà triệu chứng nhiểm trùng càng ngày càng nặng, phải chờ đến sau khi dùng kháng sinh tôi đem về từ Pháp mới thấy hiệu nghiệm.

Rồi từ đó, bệnh tình chị tôi thuyên giảm rõ rệt như một phép lạ. Nếu có phép lạ chăng là ở sự khác biệt giữa “thuốc nội” và “thuốc ngoại”, thứ mà người dân ráng tìm cho được không phải vì óc vọng ngoại mà chỉ để cứu mạng sống của người thân. Một tháng sau, tôi từ giả chị tôi với một nụ cười phấn khởi.

Nhớ lại khi mua giấy máy bay để về Việt Nam tôi vô cùng bối rối vì tôi phải làm trái với . định và sợ rằng khi trở lại Pháp sẽ vô cùng đau buồn vì e rằng chị tôi khó qua khỏi s ố mệnh. Thế nhưng không ngờ tôi lại được đi lang thang để có những nhận xét ngộ nghĩnh về cách sống của bà con nơi quê nhà.

Bức hình tôi chụp được bên ngoài hàng rào bệnh viện Đà Nẵng, nơi chị tôi (và cả ông vua Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh) nằm điều trị cho thấy còn có người vô tình mang bệnh tiểu đường hay lại cố coi thường hay thách thức cái “hoành tráng” của toà nhà hành chánh chọc trời đồ sộ ngay phía trước? Cơn bệnh này còn lây nhiễm đến cả thủ đô Hà Nội, nơi có con đường Trần Nhật Duật, hay còn gọi là đường Gốm Sứ, dài 4km dọc theo sông Hồng, gồm những bức tranh khảm ghép công phu tốn kém, coi như một kỳ quan nghệ thuật, một kiêu hảnh của chốn ngàn năm văn vật thì cũng được người dân thủ đô chiếu cố một cách “vô tư”.

Một sung sướng khác của dân mình là rất nhàn rỗi. Với 3 triệu công chức phục vụ cho 90 triệu dân thì lấy đâu ra việc mà làm, vì vậy ngày Tết được nghỉ những chín ngày tha hồ mà du hí.

 

Một anh taxi lái ngược đường vui vẻ khoe với tôi là sẽ không bị phạt vì giờ này mấy chú công an giao thông bận đi đón con ở trường thì lấy ai mà phạt. Anh taxi thoải mái ra mặt nhưng tôi thì lại lên ruột.

Vào giờ làm việc mà mấy tiệm cà phê vẫn đông nghẹt, toàn người trẻ, họ thích la cà ở đây hơn là ngồi trong thư viện. Một bà mẹ than phiền là đã cẩn thận đưa rước con đúng giờ giấc ở trường nhưng cuối cùng cũng phát giác ra là cậu quí tử vẫn trốn học… rất đúng giờ.

Nhà chị tôi có một đứa cháu 13 tuổi mà tôi chưa bao giờ gặp mặt trong bửa cơm tối vì vào giờ đó nó phải đi học, nó học 7 tiếng mỗi ngày, 4 tiếng với cô giáo ở trường, 3 tiếng học thêm với chính cô giáo đó. Như một thông lệ, trong giờ chính thức cô giáo chỉ dạy…chiếu lệ, còn giảng dạy đúng chương trình thì phải đợi vào giờ học thêm để cô kiếm chút tiền còm, nếu không cô sẽ…đói.

Nguyên tắc đó được một nhóm bạn trẻ mặc những chiếc áo có in mấy chữ “du học sinh.net” mà tôi gặp trong một chyến du lịch ở Campuchia xác nhận như vậy. Họ còn cho tôi biết thêm là phần lớn du học sinh đều nhắm mục đích chính là để… ở lại nước ngoài.

Trong số những tự do mà dân mình được hưởng phải kể đến tự do giao thông mà gần đây ký giả Mỹ Llewelling King gọi đó là một kỳ quan giao thông. Tất cả những quy luật trên thế giới đều vô hiệu với Việt Nam đưa đến cho người lái xe cái cảm giác… tứ khoái.

Khoái thứ nhất là được “U turn” bất cứ lúc nào ở đâu, ngay cả nơi có bảng cấm hay trên đường một chiều.

Khoái thứ hai là coi đèn xanh đèn đỏ như… “ne pas”.

Khoái thứ ba là đi ngược chiều, ngay cả trên xa lộ. Tôi bắt gặp được hai lần có xe chạy ngược chiều trên đoạn đường “cao tốc” từ Nội Bài về Hà Nội, được trang trí như là một tủ kính bày hàng nhằm loè du khách đến thăm Hà Nội.

Khoái thứ tư là được “vô tư” chen lấn, không có ưu tiên phải trái, mạnh ai nấy đi và được bóp còi thoải mái…Ngay cả con tàu “Thống Nhất” xuyên Việt cũng chen chúc qua các phố phường chật hẹp như chốn không người, giữa những chùm giây điện dọc ngang chằng chịt.

Trên đường đi Angkor Wat phải ghé qua Saigon, khi tôi bước xuống hôtel, mọi người la ó nhìn tôi như nhìn người từ hành tinh khác, không phải vì tôi ăn mặc kỳ dị mà chỉ vì tôi mang theo trên người cái máy chụp hình và cái điện thoại di động. Ở tuổi tôi đi trên đường phố Saigon mà mang những thứ đó là một cách tự sát. Khi trở lại Saigon tôi muốn về ngay Đà Nẵng thì các bạn trẻ cùng đi tours khuyên tôi không nên đứng đón taxi một mình với hành l. trên tay vì đó cũng là một hình thức tự sát khác (vì tôi còn yêu đời nên không muốn tự sát trong mấy ngày liên tiếp) nên phải nhờ anh hướng dẫn theo tôi lên taxi ra tận phi trường Tân Sơn Nhất. Trên taxi tôi thường nghe chửi bới chế độ, không biết là thật tình hay cò mồi nên tôi không dại gì mà hùa theo. Dân mình hay có óc châm biếm, như để mô tả cái xã hội được rêu rao là dân làm chủ thì người dân lại h. lộng về 3 thứ chợ ở Hà Nội đẳng cấp khác nhau bằng mấy câu:

Tôn Đản là của vua quan,

Nhà Thờ là của bầy tôi nịnh thần,

Vỉa hè là của nhân dân anh hùng…

Tuy thỉch châm biếm nhưng con người sống dưới chế độ cộng sản lại mất đi cái tính khôi hài dí dỏm của người Việt, nếu có khôi hài thì lại rẻ tiền, kiểu Hoài Linh, mà có khi còn thô tục nữa. Ở Hà Nội, ngay bên cạnh Trung Tâm Văn Hoá Ca Múa Âu Cơ trên đường Huỳnh Thúc Khang (lớn thứ hai sau Nhà Hát Lớn) thì lại có nhà hàng ăn với bảng hiệu đồ sộ “Chim To Dần” để cho các bà đi ngang phải đỏ mặt.

Về Việt Nam mà không ăn phở là một thiếu sót, tuy nhiên tôi cũng chưa tìm được cái hương vị tuyệt vời như ở Berlin hay ở Sydney. Sau mấy ngày lục lạo, tôi may mắn được bước vào một tiệm phở lịch sử đã đứng vững từ nửa thế kỷ nay và còn in dấu vết trong lòng người Hà Nội để nhớ lại thời kỳ bao cấp kinh hoàng. Trong thời đó, tiệm phở gà số 2 đường Nam Ngư này đã làm một cuộc cách mạng và đã thách thức với chính quyền cách mạng vì đã phá rào để bán phở “có người lái” nghĩa là có thịt trong tô phở, trong khi cả nước đều phải ăn phở không người lái nghĩa là không có thịt. Ngay cả khách sạn Phú Gia lớn nhất Hà Nội cũng chỉ được bán phở không thịt, ba chữ “không người lái” trở thành những chữ cấm kỵ châm biếm chế độ. Một cựu biên tập viên báo Nhân Dân than thở với tôi rằng anh ta đã bị công an bắt đứng nghiêm để đọc 100 lần chữ “phở không có thịt” vì anh ta đã vào tiệm mà ngang nhiên gọi một “tô phở không người lái”.

Sở dĩ bà chủ tiệm phở Nam Ngư làm ăn được là vì đã lợi dụng sự sơ hở của chế độ. Lúc đó nhà nước quản l. ba loại súc vật: trâu (để đi cày), bò (nói là bị Mỹ dội bom chết), heo (thì để làm nghĩa vụ đóng thuế), chỉ có gà là thoát khỏi tầm tay nhà nước, nên bỏ một miếng thịt gà vào tô phở không thể coi là hành động chống đối.

Tuy làm ăn khắm khá nhưng bà chủ Nam Ngư vẫn giữ nguyên trạng tiệm phở từ hồi mới mở tới nay, với những cái bàn con và những chiếc ghế nhựa thấp lè tè, kể cả cái thau nước rửa bát bên lề đường, như để nhắc nhở người dân Hà nội rằng dấu vết của thời bao cấp đang còn đó. Trong khi bao cấp kinh tế chỉ liên quan tới thể xác, thì ngày nay bao cấp chính trị nguy hiểm hơn, lại bao gồm luôn cả tinh thần. Khốn nạn thay cho người dân Việt, không biết còn phải chịu đựng cho tới bao giờ.

Paris, Tết Ất Mùi 2015

Phương-Vũ Võ Tam-Anh

Chuyện của danh ca Lệ Thu

Chuyện của danh ca Lệ Thu

1. Cuộc đời tôi như một tờ giấy trắng, được tạo hóa vẽ lên đó những đường nét rõ ràng và tôi chưa một lần đi ngược lại quy luật tự nhiên. Tôi tin mọi thứ đều do trời định cả. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một ca sĩ. Ngay cả khi bén duyên ca hát rồi, tôi cũng chẳng mơ được gọi hai tiếng “danh ca”. Bước lên sân khấu, tôi cứ thế hát bằng tất cả xúc cảm, bằng tâm hồn mình. Có lẽ vậy mà tiếng hát tôi còn được thính giả yêu quý tới giờ. Vì giọng hát theo thời gian sẽ khác đi nhưng tâm hồn trong tiếng hát thì bất biến.

Tôi may mắn được sinh ra trong một gia đình khá giả. Bên nội, bên ngoại đều khá giả. Mẹ tôi trải qua 8 lần sinh nở nhưng các anh chị tôi không được hưởng phúc phận, cứ lên 3 là mất. Chỉ có tôi là đứa con duy nhất nhận được toàn bộ tình thương, chăm sóc của cả gia đình. Mẹ lúc nào cũng âu yếm gọi tôi “Em ơi”, “cô ơi”. Tôi có một cuộc sống đầy đủ trong căn nhà đúng kiểu làng quê miền Bắc ngày đó. Một căn nhà ba gian, có ao thả cá, có vườn cây hoa trái rộng bát ngát.

Tuổi thơ tôi bình yên trôi. Tôi hầu như không biết đến sự khốc liệt của chiến tranh, đi học ở đình làng gần nhà, sau đó chuyển từ Hà Đông lên Hà Nội. Thấy tôi mê nhạc, gia đình cho tôi đi học đàn. Nhưng nghĩ, con gái mà học guitar sợ “ngổ ngáo” quá nên bố mẹ gởi tôi vào trường dòng từ lúc lên 5 cho tôi học piano. Đam mê được thỏa nguyện tạo nên trong tôi tình yêu vô cùng trong âm nhạc. Mặc nhiên đến mức tôi chưa bao giờ nghĩ mình lại có thể khác đi. Ca hát, với tôi là duyên số, là phước phần trời định. Gia đình tôi, các chú, các cậu đều hát rất hay. Tôi hát chẳng là gì so với họ nhưng chắc không ai có cái nghiệp như tôi.

Mẹ tôi là vợ lẽ, sống dưới quyền mẹ cả, phải chịu đựng đủ điều. Đủ thứ việc trong nhà, cụ phải dang tay cáng đáng, chẳng bao giờ được nghỉ tay. Năm tôi 10 tuổi, mẹ con tôi chuyển vào Sài Gòn sinh sống.

Nhà tôi hồi đó nằm trên đường Phan Đình Phùng, cạnh nhà có một ông thầy dạy nhạc. Tôi thường nghe tiếng nhạc phát ra từ nhà ông rồi cứ thế véo von hát theo. Bạn bè, bà con lối xóm cứ thế kéo sang đứng chật trước cửa nhà, trầm trồ: “Ôi, con bé này hát hay quá!”. Tôi nghe thì biết vậy chứ có hiểu thế nào là hát hay hoặc chưa hay đâu. Có người kêu tôi, đi thi hát đi. Tôi tò mò hỏi thế thi hát là thi như thế nào? Họ bảo lên đài phát thanh ghi tên, rồi đứng trong phòng kính có đặt một tấm gương cho mình nhìn vào và hát. Trí óc non nớt của một đứa con gái 13, 14 tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, chưa từng đến phòng thu, làm sao có thể hát trước một tấm gương phản chiếu hình ảnh của mình trong một căn phòng kín như thế? Tôi sợ nên không dám đi thi.

Lần sắp thi tú tài, nhân dịp sinh nhật một nhỏ bạn tổ chức trên sân thượng phòng trà Bồng Lai, mấy cô bạn trong nhóm của tôi thúc: “Ê Oanh, mày lên hát tặng con Liên một bài sinh nhật đi!”. Toàn bạn bè chơi với nhau, có gì đâu mà ngại. Tôi liền đứng lên hát bài Tà áo xanh (Dang dở) của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Trong vô thức tự nhiên tôi hát bài đó thôi chớ không nghĩ chuyện kiêng kỵ gì hết. Tự dưng đâu, giọng hát tôi “lọt tai” ông chủ phòng trà. Ổng bèn ngỏ lời mời tôi đi hát.
Gia đình tôi gia giáo, biết chắc là mẹ không thể nào chấp nhận chuyện này nên tôi thẳng thừng từ chối.
Ông thuyết phục tôi rằng: “Em có giọng hát rất hay và lạ. Không cần thức khuya đâu. Em cứ đến đây lúc 8 giờ, hát vài bài rồi 9 giờ về. Cứ nói với mẹ là đến nhà bạn thảo luận bài”. Kèm theo đó, ông trả cho tôi một số tiền khá lớn so với hình dung của tôi thời ấy.

Thế là tối tối, tôi giấu mẹ đi hát. Nhiều khi tôi mặc cả đồng phục ở trường đi hát luôn. Khi ông chủ phòng trà hỏi, tôi muốn được gọi như thế nào thì cái tên Lệ Thu lập tức bật ra như được định sẵn trong đầu mình. Kỳ thực, tôi cũng biết, chữ “lệ” mang nghĩa buồn lắm, là nước mắt và mùa thu cũng sầu không kém. Thế nhưng “lệ” ở đây còn có nghĩa là mỹ lệ, là một mùa thu rất đẹp. Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao cái tên này lại được bật lên một cách tự nhiên như thế.

2. Xế nhà tôi có anh hàng xóm thích tôi lắm. Mỗi lần ăn cơm xong, có tráng miệng lúc trái na, lúc trái cam, anh không ăn mà để dành cho tôi. Thấy tôi đi qua, ảnh không dám đưa tận tay, chỉ quẳng cho tôi và tôi cũng hồn nhiên nhận. Ảnh và tôi học khác trường. Bốn năm trời ảnh cứ đạp xe đứng ngóng tôi trong những giờ ra chơi vậy đó. Tối nào tôi cũng đi hát khiến ảnh tò mò. Độ đâu vài tháng, anh biết được và đem mách mẹ tôi. Cụ nghe chuyện, nổi trận lôi đình. Cụ sợ tôi khổ do vướng phận “xướng ca vô loài”, rồi vướng chuyện trai gái này nọ. Tôi đứng im re nghe cụ rầy, không dám giải thích tiếng nào hết.

Bẵng đi ba bốn hôm, không thấy tôi đến, nghĩ là có chuyện, ông chủ phòng trà tìm đến tận nhà. Mẹ tôi cấm ngặt. Ông thuyết phục mẹ tôi rằng, tôi có giọng hát rất hay và lạ, mong mẹ đừng để lỡ cơ hội và tài năng của tôi. Thấy mẹ còn lo lắng, ông mời mẹ lên phòng trà mục sở thị. Mẹ tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày liền mới quyết định đi thử. Bữa đó, gia đình tôi đông người đi xem lắm. Bác tôi cứ liên tục đay nghiến mẹ: “Tại sao cô lại để cho nó đi hát chứ?”. Coi tôi bước lên bục hát vài bài rồi xuống, mẹ tôi còn tưởng là lừa cụ do đâu nghĩ mọi chuyện dễ dàng vậy mà được trả thù lao cao thế. Đi vài đêm, nghe thính giả vỗ tay rần rần, cụ bắt đầu lay chuyển và đồng ý, với điều kiện phải cho cụ theo. Suốt hai năm như vậy, cụ mới cảm thấy yên tâm để tôi đi một mình.

Ngày ấy, con gái đến tuổi cập kê mà chưa cưới hỏi thì các cụ lo sốt vó. Tôi lại vướng nghiệp cầm ca nên mẹ tôi càng rầu. Thành ra, anh chàng kia mới quen tôi đâu được một tháng thì đem sính lễ tới nhà hỏi cưới tôi, cụ gật đầu gả liền. Thời đi học, cũng lãng mạn, làm thơ này nọ nhưng tôi chưa bao giờ biết yêu ai. Đùng một cái đi lấy chồng, mọi thứ kéo từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác. Tôi hơn hai mươi tuổi đầu mà chuyện bếp núc, chuyện làm dâu, chuyện vợ chồng cứ lóng nga lóng ngóng. Năm này qua tháng khác, riết người ta làm sao chịu nổi. Thành ra, tụi tôi mỗi người mỗi hướng. Tôi không thấy buồn gì hết. Tại hồi đó, tôi có biết yêu là thế nào đâu. Nhiều người cho rằng, cái tên và những bài tôi hát đồng cảm với cuộc đời tôi. Tôi cũng không hiểu vì sao nó lại vận vào mình. Để đến khi gặp người mình yêu thương thật lòng thì chuyện lại dở dở dang dang. Âu lỗi cũng ở mình và ở người. Tự ái và cái tôi lớn hơn sự cảm thông thì đành lỗi duyên giai ngẫu…

Ở tuổi này rồi, sự trải nghiệm khiến tôi thấm lẽ đời. Tạo hóa vốn dĩ rất công bằng, người cho tôi một chút nhan sắc, một chút tài năng thì phải lấy lại một cái gì đó. Và người lấy của tôi hạnh phúc trong cuộc sống riêng. Hôn nhân là chuyện nợ, chuyện duyên. Nếu có duyên nợ với nhau, sẽ cùng nhau đi hết một đoạn đường dài. Duyên nợ của tôi có lẽ chỉ đến đó, và chúng tôi đã trả cho nhau xong rồi. Định mệnh mà, có được làm lại cũng sẽ không thể thay đổi. Dẫu gì cũng đã cùng nhau qua một đoạn đường trần.
Tôi được nghe ở đâu đó rằng, hạnh phúc trong tầm tay mình và hiện hữu ở hiện tại. Quá khứ là gia sản của mỗi người, những gì có được ở hiện tại, dù là không may mắn nhưng tôi luôn bằng lòng với nó. Có câu danh ngôn vầy, hãy khép lại cánh cửa quá khứ và mở cánh cửa

3. Người Mỹ hay dùng thành ngữ “Born to be that way” để nói về vận mệnh. Có những người sinh ra để hưởng phú quý, có người số phận khổ sở,… còn tôi sinh ra để làm một nghệ sĩ. Chuyện trở thành một ca sĩ là điều tất yếu và nếu được chọn lại tôi sẽ vẫn làm như vậy.

Điều khiến tôi hối tiếc nhất là tôi đã sống chưa đủ đầy bổn phận với mẹ, với các con. Chưa đủ đầy ở đây là không trực tiếp chăm sóc, nhìn các con trưởng thành từng ngày. Có lẽ, tôi hơi ích kỷ… Không! Đúng ra là tôi ích kỷ. Đây có lẽ là lần đầu tiên tôi thổ lộ điều này. Tôi chỉ nghĩ cho mình, tự thương mình nhiều quá mà quên mất những điều người thân trông chờ và cần ở mình. Nếu được sống lại, có lẽ, tôi sẽ sống khác đi. Sẽ biết cách cân bằng hơn giữa công việc và gia đình thay vì lúc nào cũng chỉ miệt mài dồn sức cho công việc.

Cũng vì lẽ ấy nên tôi chưa từng nghĩ rằng một ngày nào đó tôi sẽ xa con cháu… Tôi yêu thương và muốn bù đắp cho chúng. Các con trưởng thành và xây dựng cuộc sống riêng ở đâu thì đó là nơi chúng phải gắn bó dài lâu. Với tôi, nơi nào được gần những người mình yêu thương, nơi đó chính là nhà.
Ở tuổi này rồi, thi thoảng tôi nghĩ đến chuyện trở về thế giới bên kia. Ai rồi cũng phải về thôi mà, phải không? Không phải vì tôi buồn, vì thiếu thốn, hiu quạnh hay bất cứ lý do nào khác. Danh vọng, tiền tài, gia đình, tôi may mắn được ơn phước cho đủ đầy rồi. Còn mong gì hơn? Chỉ là, cái đẹp biến mất khi dấu ấn vẫn còn, hẳn sẽ trọn vẹn hơn.
Hoàng Linh Lan (ghi)

Ca sĩ Lệ Thu tên thật là Bùi Thị Oanh, sinh năm 1943 tại Hải Phòng.
Cùng với Khánh Ly, Thái Thanh, Lệ Thu là một trong những giọng ca lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Lệ Thu tuy không gắn với một nhạc sĩ nào, nhưng bà là người trình bày rất thành công nhạc của Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Cung Tiến… và nhiều nhạc phẩm tiền chiến, tình khúc 1954-1975 khác.
Trong những năm từ 1968 đến 1971, tiếng hát Lệ Thu là một trong những yếu tố đưa khách đến với các vũ trường Queen Bee, Tự Do và Ritz. Năm 1968, Lệ Thu về cộng tác với chương trình Jo Marcel tại vũ trường Queen Bee. Ngoài việc đi hát hằng đêm Lệ Thu còn ký giao kèo thu thanh băng nhạc cho Jo Marcel, khởi đầu cho một thời kỳ vàng son nhất trong cuộc đời đi hát của bà.
Lệ Thu còn tham gia các chương trình ca nhạc trên các đài phát thanh Sài Gòn, đài Quân Đội và Mẹ Việt Nam và thu âm nhiều băng nhạc.
Sau cuộc hôn nhân đầu đổ vỡ, Lệ Thu kết hôn với ký giả Hồng Dương nhưng hai người chia tay sau khi có một con gái tên Thu Uyển.
Trong sự kiện tháng 4 năm 1975, Lệ Thu quyết định ở lại Việt Nam vì còn mẹ, dù đã tới phi trường, bước chân đến máy bay nhưng lại quay về.
Tháng 11 năm 1979, Lệ Thu cùng con gái út vượt biển đến Pulau Bidong, sau đó sang Mỹ vào giữa năm 1980. Hai năm sau hai người con gái lớn của Lệ Thu đoàn tụ với Lệ Thu tại nam California.
Tại Hoa Kỳ, Lệ Thu tiếp tục đi hát, cộng tác với các vũ trường như Tự Do, Làng Văn và Maxim’s. Năm 1981 Lệ Thu thực hiện băng nhạc đầu tiên của mình ở hải ngoại mang tên Hát trên đường tử sinh. Tiếp theo là Thu, hát cho người gồm nhiều ca khúc đã gắn liền với tên tuổi của mình. Và cho đến nay Lệ Thu vẫn tiếp tục ca hát…

Chuyện về một cô gái

Chuyện về một cô gái

 

Tôi vẫn thường lân la đến các trụ sở Tòa án cấp huyện, cấp tỉnh, chỉ để xem lịch xét xử trong tuần, trong tháng. Mục đích của tôi là tìm một vài để tài để viết cho một tờ báo tỉnh lẻ. Một lần, tôi trông thấy một thanh niên. Nhìn sơ qua là biết anh đã bị viêm màng não từ thuở nhỏ. Cặp mắt anh vô hồn, miệng mấp máy những câu vô nghĩa và tay chân cứ động đậy vô thức. Anh ngồi trên chiếc xe lăn, do một người đàn bà có đôi mắt ti hí đẩy đi. Hỏi người thư ký phiên tòa mới biết. Anh là người Đài Loan, đến Tòa để tham dự phiên xét xử vụ ly hôn giữa anh và vợ, một cô gái Việt Nam.

Tôi thắc mắc:

– Luật pháp Việt Nam đâu cho phép người tâm thần kết hôn. Hơn nữa, đây là một vụ hôn nhân có yếu tố nước ngoài, phải do Chủ tịch UBND tỉnh ký giấy kết hôn mới hợp pháp. Vậy mà tại sao…

Bà thư ký phiên tòa lườm tôi một cái sắc lẻm để ngắt ngang câu hỏi, rồi buông ra một câu nói rất lạnh lùng.

– Chuyện đó là do cấp trên quyết, ông là nhà báo nên giữ mồm giữ miệng.

Tôi chợt nhớ tới câu nói của ông Thường vụ Tỉnh ủy, phụ trách Ban Tuyên Giáo: “Không phải sự thật nào cũng viết báo”. Nên tôi biết phải làm gì để không làm cho “bầu trời chính trị ở Việt Nam không trở nên xám xịt”. Nhưng tôi vẫn tò mò vì sao họ phải ly hôn, nên bước vào phòng xử án để dự khán.

Cô vợ tên là Mai (tôi đã đổi tên thật của cô ta, để tôn trọng vong hồn của một người đã khuất). Số phận Mai giống như nàng Kiều của thời đại năm 2000. Nhà nghèo, Mai phải đi lấy một người chồng nước ngoài, để cho gia đình được đổi đời. Cho dù biết rất rõ, người chồng tương lai đang sống như một người điên dại và hoàn toàn bất lực về sinh lý. Vai trò của Mai ở xứ người không khác gì một bảo mẫu chăm sóc người bệnh tâm thần.

Tôi nhìn Mai đang đứng gần người chồng cứ lắc lư cái đầu, hai bàn tay cà kheo của anh ta hết giơ tên trời, rồi lại chỉ xuống đất. Hai con ngươi trong đôi mắt vô thần mắt hết lác (lé) ra ngoài, sau đó chụm vào gần nhau một cách tài tình đến mức người bình thường không thể nào bắt chước được. Trong khi đó, Mai – một cô gái có thân hình nhỏ nhắn, một gương mặt trái xoan, nước da bánh mật. Đó là vẻ đẹp “hương đồng gió nội” của các cô gái vùng sông nước Miền Tây Nam bộ.

Hồi nhỏ, tôi vẫn thường hay nghe mẹ tôi hát ru cho em tôi ngủ:

Ầu ơ… má ơi đừng gả con xa.
Chim kêu vượn hú biết nhà má đâu?!

Còn đối với cụ Nguyễn Du trong câu chuyện Đoạn Trường Tân Thanh, ngay từ những câu dạo đầu cũng phải thốt lên.

Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.

Nét đẹp của Mai không qua nổi cặp mắt tinh đời của cha chồng. Ông biết rằng đứa con tật nguyền của mình không thể nào thực hiện chức năng của người chồng. Vì thế, ông lén lút vào phòng con dâu để không hoài của. Còn Mai phải âm thầm chịu đựng để cứu cái gia đình túng thiếu ở quê nhà xa tít.
Một hôm, người mẹ chồng của Mai bất ngờ vào phòng con trai và tận mắt chứng kiến cái cảnh cha chồng nàng dâu trên giường trong tư thế không một mảnh vải che thân. Bà đã nổi điên.

Phiên tòa xử vụ ly hôn lần đó là theo kế hoạch của bà mẹ chồng. Một là để cắt đứt mối quan hệ loạn luân của cha chồng nàng dâu, hai là đuổi cổ con đĩ về Việt Nam mà không phải phân chia tài sản.

* * *Như thường lệ, tôi vẫn lân la đến các trụ sở Tòa án để săn tin. Được biết tại xã X, một xã giáp biên với Canpuchia sắp đưa ra xét xử một vụ án “Lây truyền HIV cho người khác” theo Điều 117 của Bộ Luật hình sự.

Đến nơi, tôi tá hỏa vì người đứng trước vành móng ngựa lại là Mai.

Sau khi ly dị chồng, cô không dám về nhà vì sợ tai tiếng. Cô đành phải lên vùng biên giới để hành nghề bán bia ôm, kiêm luôn nghề bán dâm. Người mua dâm thường là những người bên kia biên giới. Nghề này đôi khi cũng túng thiếu, nên thỉnh thoảng Mai về tỉnh, vào bệnh viện để bán máu.

Một ngày kia, sau khi xét nghiệm máu, người ta đã thông báo cho Mai biết: Cô đã bị nhiễm HIV. Chán đời, cô sử dụng cái vốn trời cho của mình một cách hợt, buông thả: Một chầu nhậu cũng cho, một bát phở cũng cho, thậm chí cho không chỉ vì ông ấy có chức có quyền ở địa phương.

Tại phiên tòa, trong phần thẩm vấn, vị Hội thẩm nhân dân đặt ra một câu hỏi hết sức ngu ngốc:

– Tại sao bị cáo biết mình bị nhiễm HIV mà vẫn có tình lây nhiễm cho người khác, trong đó có cả đảng viên, cán bộ xã ấp?

Thế là Mai bị tuyên án 5 năm tù. Có lẽ cô cũng không buồn vì án này vẫn còn nhẹ so với án tử đang treo lơ lửng trên đầu cô bởi triệu chứng căn bệnh SIDA ngày càng rõ dần.

* * *Mấy năm sau.

Tôi về Bạc Liêu và được mấy anh bạn đồng nghiệp thết đãi ở Nhà hàng công tử Bạc Liêu.

Một đám ma buồn ngang qua. Mấy ông bạn nhanh nhảu, chứng tỏ thạo tin.

– Chết vì SIDA đó! Hồi trước gia đình, giòng họ bà này giàu lắm, địa chủ mà! Cháu ba đời của công tử Bạc Liêu. Sau giải phóng, ông già của bà này là trung úy lính Sài Gòn, phải đi học tập cải tạo, rồi chết trong rừng. Mấy chục mẫu ruộng bị nhà nước tịch thu trong đợt cải tạo nông nghiệp ở Miền Nam. Thành ra, đang giàu trở thành nghèo rớt mùng tơi. Nghe lời thiên hạ! Bả lấy một thằng khùng ở Đài Loan để có ba ngàn đô cứu cái gia cảnh đang lâm vô cảnh bần cùng.

Tôi chợt bán tín, bán nghi lao ra xem cái cảnh đưa đám ma. Di ảnh người chết rõ ràng là Mai.

Tôi lặng người một lát. Sau đó tôi quay vô đám nhậu và uống nhiều đến mức mấy thằng bạn đồng nghiệp phải bái sư.

* * *

Tổng Biên tập mời tôi lên phòng ông và trả lại bản thảo. Mắt ông đo đỏ, ươn ướt:

– Bài này không đăng được, anh hiểu rồi đó!

Tôi vác bản thảo về nhà để lên bàn, rồi thắp một nén hương. Đợi cho nhang tàn, tôi đốt bản thảo và lầm thầm mấy câu:

– Mai ơi! Đây chỉ là một chút lòng thành với em. Ở suối vàng, mong em thảnh thơi. Mai mốt có đầu thai, em nên chọn những gia đình có công với cách mạng để mà sinh ra. Còn anh, chỉ làm bổn phận của một người cầm bút.

Một thời gian sau, tôi trả Thẻ nhà báo, trả thẻ hội viên Hội nhà báo để cho lòng được thanh thản./-

TRẦN ĐẶNG

Bạc Tình Bạc Nghĩa

Bạc Tình Bạc Nghĩa

Phó Tế  NGUYỄN MẠNH SAN

Khi còn ở Việt Nam chúng ta chỉ được nghe kể chuyện lại hoặc đôi khi được nhìn thấy tận mắt tai nghe những thảm cảnh vợ chồng bị đổ vỡ vì người chồng có bồ bịch với người đàn bà khác, bỏ bê vợ con hoặc có vợ bé còn rơi đem giấu diếm ở một nơi kín đáo.

Nhất là trong giới phụ nữ bình dân, nhiều cảnh đau thương đến rơi lệ của những người vợ dịu hiền, thật thà chất phác, phải làm việc vất vả ngày đêm bằng chân tay, thay thế cho người chồng bội bạc và thay thế cho người Cha vô trách nhiệm, để nuôi dưỡng một đàn con nhỏ dại khờ đến khi chúng khôn lớn, được thể hiện qua câu hò đã đi sâu vào lòng người phụ nữ Miền Nam, vang vọng lên trong các đêm khuya thanh vắng từ các xóm nghèo như: Hò ơi! Gió đưa bụi chuối sau hè, Anh mê vợ bé bỏ bầy con thơ.

Tuy nhiên theo sự nhận xét khách quan cho biết, những thảm cảnh này xảy ra trước đây ở Việt Nam, phần nhiều là chỉ bạc tình chứ không đến nỗi bạc nghĩa, mặc dầu là người chồng hết yêu thương vợ mình thật đấy, nhưng cái ơn sâu nghĩa nặng ngàn vàng của người vợ, hàng ngày tận tụy săn sóc từ miếng cơm manh áo cho chồng cho con được sống êm ấm hạnh phúc trong những năm tháng vợ chồng còn chung sống bên nhau, thì họ đâu nỡ lòng nào dám quên cái ơn sâu nghĩa nặng ngàn vàng đó, nếu không bằng cách này thì cũng bằng cách khác, trực tiếp hay gián tiếp, họ cũng cố gắng làm tốt một việc gì để đền đáp lại một phần nào cho vợ cho con, vì họ nghĩ lại hành động sai quấy của mình đã phạm lỗi đối với vợ con.

Nhưng kể từ khi chúng ta bỏ quê hương đi tìm tự do để được định cư tại Hoa Kỳ đã hơn 33 năm qua, thì có một số những cặp vợ chồng bị đổ vỡ lại xảy ra trái ngược hẳn đối với những thảm trạng vừa mới được kể trên, mà có lẽ chúng ta cũng nên đổi ngược lại câu hò trên cho đúng với thực trạng nội dung của câu chuyện mà chúng tôi sắp kể lại dưới đây đến quý độc giả là: Hò ơi! Gió đưa bụi chuối sau hè, Em mê bồ nhí bỏ bầy con thơ.

Chúng tôi nói như thế hoàn toàn không có ngụ ý muốn ám chỉ một ai, chê bai hay bênh vực một nhân vật nào trong câu chuyện này, vì từ trước cho đến nay, mỗi khi chúng tôi viết một đề tài mang tính chất pháp luật thực dụng Hoa Kỳ (US applicable law), là để độc giả và chúng tôi cùng nhau tìm hiểu thêm những vấn đề có liên quan đến luật pháp tại đây và luôn luôn được kèm theo một câu chuyện xảy ra có thực, để dẫn chứng cho những điều luật mà những nhân vật trong câu chuyện đã vi phạm, đồng thời cũng giúp cho chúng ta ghi nhớ những điều luật này để khi cần, chúng ta có thể chỉ dẫn cho người khác biết.

Hôm nay, lại một lần nữa, đề tài chúng tôi xin trình bày cùng quí độc giả cũng không đi ra ngoài mục đích đó và câu chuyện Bạc Tình Bạc Nghĩa có liên quan đến vấn đề ly dị (Divorce), kèm theo tội ngoại tình (Adultery), cả hai vấn đề này đều nằm trong Bộ Luật Gia Đình Hoa Kỳ (American Family Law) là nơi chúng ta đang sinh sống, qua những tình tiết dưới đây:

Anh Tony Chung và chị Ngọc Thúy đã lấy nhau được trên 14 năm và có 4 người con, đứa lớn nhất 11 tuổi và nhỏ nhất hơn 2 tuổi, vợ anh là người có bằng cấp 4 năm đại học, làm nghề bán bảo hiểm xe hơi và nhân thọ, nhưng từ khi lập gia đình với anh Tony Chung đến nay, chị Ngọc Thúy chỉ ở nhà lo việc nội trợ và săn sóc con cái nhà cửa, trong khi anh Tony Chung làm chủ một cơ sở thương mại có khoảng 15 nhân viên người Việt và người Mễ, làm việc dưới quyền chỉ huy trực tiếp của anh. Sau khi trả lương cho nhân viên và trừ tất cả mọi chi phí cho cơ sở thương mại, lợi tức hàng tháng anh thu về ít nhất từ 15 cho đến 20 ngàn trở lên, nên cuộc sống của gia đình anh rất trưởng giả, không kém gì đời sống sang trọng của một gia đình bác sĩ Mỹ chuyên khoa tại đây.

Cách đây hơn 2 năm, anh Tony Chung tình cờ bắt gặp quả tang chị Ngọc Thúy đang đi vui vẻ tay trong tay một cách âu yếm với một người thanh niên, trông trẻ tuổi hơn anh đến 6, 7 tuổi tại một shopping center, vừa nhìn thấy cảnh tượng này như một tiếng sét đánh trúng ngay vào trái tim anh, làm anh hoa cả đôi mắt như sắp sửa té xuống đất, anh vội vàng bước nhanh tới một cái ghế dài đã kê sẵn trong hành lang của trung tâm, để anh ngồi xuống lấy lại hơi thở và sự bình tĩnh trong tâm hồn.

Sau vài phút anh lấy lại được sự bình tĩnh, anh vội vàng lái xe trở về thẳng nhà, ngồi ở phòng khách chờ đợi vợ về để hỏi vợ mình xem tại sao lại có sự việc lạ lùng như thế đã xảy ra trước mắt anh vào buổi chiều nay khi anh đến shopping center để định mua một món quà đặc biệt để tặng vợ mình, nhân dịp kỷ niệm ngày cưới nhau sắp được 15 năm vào Thứ Bảy cuối tuần này.

Như có linh tính báo trước là hành động của chị chiều nay đã bị lộ diện đối với chồng chị rồi, nên khi chị vừa mới mở cửa bước vào nhà, chị đã nhìn thấy anh Tony Chung với nét mặt thất sắc, pha lẫn một chút giận dữ, là chị hiểu ngay sẽ phải đối đáp thế nào với anh, chị thong thả bình tĩnh ngồi xuống chiếc ghế đối diện với anh.

Không cần phải chờ đợi chồng chị lên tiếng đặt câu hỏi, chị đã vội vàng nói: “Em đoán chắc anh đã biết hoặc đã thấy những sự việc gì em làm chiều nay rồi, em không cần phải nhắc lại làm gì, vì nhắc lại chỉ làm cho anh tức giận và làm tổn thương đến lòng tự ái của anh, là anh đã có người vợ phạm tội ngoại tình.

Điều này đúng thật 100%, em không dám chối cãi sự thật vẫn là sự thật, nếu em có chối cãi thì chỉ làm cho anh tức giận thêm và có thể dẫn đưa anh đến một hành động thiếu suy xét, mà kết quả sẽ còn tệ hại hơn cho chúng ta và cho con cái chúng ta sau này. Em xin chấp nhận tạ lỗi với anh về hành động phạm tội ngoại tình của em và cho đến ngày hôm nay, em không còn cách gì để che đậy hành động ngoại tình của em nữa, em xin phép được chia tay với anh kể từ giờ phút này, em ra đi không cần đòi hỏi tiền bạc hay tài sản gì của anh mà anh đã bỏ công bỏ sức lực, bỏ tiền bạc trong nhiều năm qua, để tạo dựng lên sự nghiệp như ngày hôm nay, và em cũng sẵn sàng để lại 4 con cho anh nuôi dưỡng chúng nên người.

Vì đối với em, anh là người Cha rất tốt, biết lo lắng săn sóc cho các con được hoàn toàn đầy đủ từ vật chất cho đến tinh thần, nhưng nếu nói anh là người chồng tốt thì cần phải xét lại những điểm sau: Từ ngày anh lấy em về làm vợ, mới có 3 tháng sau, cuối tuần nào anh cũng đi nhậu với bạn bè, không tại nhà mình thì cũng hết nhà bạn này đến nhà bạn khác, mỗi lần như thế em phải đi theo anh và mang tất cả 4 đứa con nhỏ theo anh cho đến nửa đêm hoặc gần 1 giờ sáng hôm sau mới về tới nhà.

Sở dĩ em phải theo chân anh như vậy, là để lái xe đưa anh về nhà được an toàn, vì sợ anh uống rượu vào, lái xe có thể dễ gây tai nạn hoặc bị cảnh sát bắt giam. Em biết anh không thể bỏ tật uống rượu, vì rượu là người yêu suốt đời của anh và những người bạn nhậu của anh là những người tri kỷ với anh, chứ không phải là vợ anh và con anh.

Trong 10 năm qua liên tục, em đã cố gắng tìm đủ mọi cách để thuyết phục anh bỏ uống rượu hay yêu cầu anh thỉnh thoảng hãy uống, nhưng em đã hoàn toàn thất bại. Mặc dù tiền bạc anh đưa cho em tiêu xài quá dư thừa, nhưng anh nên hiểu rằng tiền bạc không tạo dựng được tình yêu. Người ta vẫn thường nói tiền hết thì tình cũng hết, nhưng đối với em, tiền hết nhưng tình vẫn còn.

Đúng như thế, bao nhiêu năm trời sống bên cạnh anh, tâm hồn em vẫn cô đơn trống trải, không có tình yêu, mãi cho đến hơn 2 năm nay em mới thật sự có tình yêu. Vậy em xin trả lại cuộc sống độc thân tự do của anh. Với tài năng, tiền bạc và tài sản mà anh đang có, thì anh muốn ai chả được, những thiếu nữ trẻ trung, xin đẹp và tài giỏi hơn em gấp trăm ngàn lần đang sẵn sàng chờ đợi anh ở Việt Nam, anh chỉ cần gật đầu một cái, là cô nào cô ấy  tranh nhau tình nguyện xin được đến nâng khăn sửa túi cho anh.

Một điều chót em muốn nhắc nhở với anh một lần nữa, là tình yêu đích thực không thể mua được bằng tiền bạc như anh tưởng, mà chỉ có thể mua được bằng những cử chỉ âu yếm, ân cần săn sóc với lời nói ngọt ngào trìu mến đối với người mình yêu. Vì tình yêu không phải là một thứ đồ cổ quí giá, đem cất giấu đi một nơi an toàn, sợ bị người khác đánh cắp mất nên thỉnh thoảng lại mang nó ra lau chùi cho sạch những bụi bặm, để đem nó ra khoe cho một số bạn thân thiết nhìn thấy khen ngợi, xong rồi lại đem cất giấu nó đi một chỗ. Nếu bất cứ ai có quan niệm tình yêu bằng những hành động như thế, thì người đó sẽ không bao giờ có được tình yêu chân thành đáp lại của người mình yêu.

Đây là một kinh nghiệm sống đau thương trong tình yêu của anh đã dành cho em, mà em đã phải âm thầm cắn răng chịu đựng trong suốt gần 15 năm qua và cho tới giờ phút này, em phải thú thật với anh rằng, mới chỉ hơn 2 năm qua, em mới có được tình yêu thật sự trong trái tim  em, vì người em yêu đã không cư xử với em như là một thứ đồ cổ quí giá như anh đã cư xử với em, mà người này đã ân cần săn sóc em để đáp ứng đúng với nhu cầu tình cảm tâm lý của người con gái khi lấy chồng, giống như cây cỏ hoa lá muốn được xanh tươi lâu dài, thì cần phải được tưới nước đều đặn.

Mặc dầu em biết rõ hành động này của em đối với pháp luật, em đã phạm tội ngoại tình và đối với luân thường đạo lý gia đình theo phong tục nho giáo Việt Nam, thì em là một người đàn bà hư thân mất nết, đã phản bội lại tình yêu của anh dành cho em, nhưng khổ một nỗi, tình yêu mà anh dành cho em là thứ tình yêu như em vừa mô tả ở trên.

Nếu em cứ vẫn tiếp tục chung sống với anh như một món đồ cổ quí giá của anh, thì suốt đời em sẽ không bao giờ có được tình yêu đích thực với anh như em hằng mong đợi và tới một ngày nào đó trong tương lai, em sẽ không còn là một thứ đồ cổ quí giá để anh cất giấu đi nữa, mà em sẽ trở thành một thứ đồ chơi cũ kỹ vô dụng, đến lúc đó, anh sẽ thẳng tay vứt bỏ nó đi không thương tiếc.”

Một tuần lễ sau câu chuyện này xảy ra, anh Tony Chung gọi điện thoại đến văn phòng chúng tôi để yêu cầu được giúp đỡ, vì chúng tôi là chỗ thân tình quen biết nhau trong nhiều năm, hơn thế nữa tôi lại được mời rao giảng Tin Mừng trong Thánh Lễ Thành Hôn của vợ chồng anh nên anh đã kể lại cho chúng tôi nghe tất cả mọi sự việc diễn tiến xảy ra như chúng tôi đã trình bày ở phần trên và anh yêu cầu riêng tôi hãy giúp anh hòa giải vấn đề này với vợ anh.

Điều duy nhất anh ao ước là làm sao thuyết phục vợ anh hãy quay trở về với gia đình, để săn sóc 4 đứa con còn khờ dại, chúng đang khóc lóc thảm thiết vì nhớ thương Mẹ không có ở nhà.

Anh cho tôi biết là anh sẵn sàng tha thức mọi lỗi lầm của vợ anh và hứa sẽ bỏ hẳn uống rượu như lời yêu cầu của vợ anh. Tôi bằng lòng giúp anh Tony Chung và tôi đã tìm đến gặp chị Ngọc Thúy đang tá túc tại nhà người bạn gái thân của chị.

Tôi đã đưa ra nhiều lý lẽ vững chắc để cố gắng thuyết phục chị hãy quay trở về và tôi nhấn mạnh đến tình nghĩa vợ chồng, cho dù chỉ ở với nhau một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng, đặc biệt tình Mẹ thương yêu con cái của người Việt Nam thì rộng bao la bát ngát như đại dương vô bờ bến, nhất là 4 đứa con thơ dại của chị đang khóc lóc kêu gào vì không thấy mặt chị trong suốt một tuần qua.

Nhưng chị Ngọc Thúy đã trả lời tôi: “Trước hết con xin hết lòng cảm ơn Thầy đã khuyên bảo con bằng những lời lẽ thật trí lý, nhưng mọi chuyện đã quá trễ, con xin phép được ví con như một con chim đã bị nhốt trong lồng nhiều năm với đầy đủ thức ăn nhưng thiếu nước uống, bây giờ nó có dịp may được bay ra khỏi lồng, để bay đến một nơi chân trời mới, thì nó đâu còn muốn bay trở về chốn cũ, là nơi đối với nó như một nhà tù bị biệt giam một mình và con đã nhờ một vị luật sư lo thủ tục giấy tờ ly dị tại Tòa án nên xin Thầy hãy thông cảm cho con.”

Ngày hôm sau, tôi cũng tìm cách gặp được anh chàng trai trẻ, là người đã cám dỗ chị Ngọc Thúy với niềm hy vọng thuyết phục được anh ta, là xin anh ta hãy buông tha chị Ngọc Thúy ra và anh hãy khuyên chị ta nên quay trở về với chồng con của chị đang chờ đợi chị ở nhà từng giờ từng phút.

Tôi đã giải thích cho anh ta nghe tình yêu chân thật là chỉ biết cho đi chứ không cần phải nhận lại, đúng như câu hát: Tình cho không biếu không. Anh cũng nên hiểu rằng không ai có quyền ngăn cấm anh yêu một người đàn bà có chồng có con, nhưng đối với lẻ công bằng của một con người có lương tri, dù trực tiếp hay gián tiếp, anh không nên có hành động thiếu lương tâm của con người, để đến phá hoại đời sống hạnh phúc của gia đình người khác như anh đang làm.

Nếu thật sự anh yêu chị Ngọc Thúy hết lòng, thì anh có bổn phận thiêng liêng là phải khuyên bảo chị ta nên quay trở về với chồng với 4 đứa con thơ dại của chị sớm chừng nào tốt chừng ấy và anh cũng nên nhớ câu châm ngôn mà người ta thường nói: Hễ ai gieo gió thì người đó sẽ gặt bão. Đúng như thế và để đáp lại những lời tôi đã khuyên nhủ anh, anh trả lời tôi bằng một câu rất ngắn gọn: “Xin cảm ơn Thầy và con xin thưa với Thầy, là có những trường hợp lý trí không biết được lý lẽ của con tim mà trường hợp của chúng con cũng đang ở trong một tình trạng y như vậy.”

Vấn đề thứ nhất (nên nhớ mỗi tiểu bang luật lệ mỗi khác, nhất là luật dân sự của Louisiana (civil law) áp dụng giống luật của Pháp Napoleon Code), theo như luật hôn phối và gia đình (Marriage and Family) của tiểu bang Oklahoma, điều 43 đoạn 101 nói về ly dị và tiền trợ cấp hôn thê (Divorce and Alimony), đã liệt kê những nguyên cớ pháp lý căn bản (Basically legal grounds) dưới đây, để người chồng hay người vợ chỉ cần căn cứ vào một trong những yếu tố cơ bản này, là có đủ lý do yêu cầu Tòa cứu xét đơn thỉnh nguyện xin ly dị mà chị Ngọc Thúy đã nhờ luật sư đang tiến hành thủ tục ly dị chồng:

1.  Bỏ bê gia đình.

2.  Ngoại tình với người khác.

3.  Bất lực sinh lý hay thể xác.

4.  Có bầu với người khác.

5.  Rất hung dữ.

6.  Bội ước hôn nhân.

7.  Bất hòa với nhau.

8.  Say sưa rượu chè.

9.  Trốn tránh trách nhiệm với gia đình.

10.  Bị lãnh án tù ở về tội hình sự.

11.  Bản án ly dị đã được ban hành ở một tiểu bang khác nhưng người chồng hay người vợ ở tiểu bang này vẫn phải lãnh một số trách nhiệm liên đới với nhau.

12.  Bị bệnh tâm thần liên tục trong 5 năm.

Vấn đề thứ hai là tội ngoại tình (Adultery Offense), có nghĩa là người vợ hay người chồng có hành động tình dục với người khác trong lúc đang chung sống với nhau có hôn thú.

Trong trường hợp của cặp vợ chồng anh Tony Chung như chị Ngọc Thúy đã thú tội với chồng, anh Tony Chung có thể đệ đơn truy tố vợ mình ra Tòa về tội ngoại tình và nếu Tòa xét thấy những bằng chứng cụ thể do anh Tony Chung đưa ra là đúng sự thật, thì Tòa sẽ phán quyết một bản án về hình sự tội ngoại tình đối với chị Ngọc Thúy, vì theo điều luật số 21 đoạn 871 đã quy định những tội danh và những hình phạt (Crimes and Punishments) của tiểu bang Oklahoma, là người nào vi phạm tội danh này, sẽ bị ở tù không quá 5 năm hoặc chỉ bị phạt tiền tối đa là $500.00 Mỹ kim, hoặc vừa bị ở tù lẫn đóng tiền phạt vạ cho Tòa.

Vấn đề thứ ba là bất cứ người đàn ông hay người đàn bà nào đó, có hành động cụ thể liên hệ đến tình dục với người đã có vợ hay có chồng hoặc bằng những hành động can thiệp trực tiếp vào nội bộ gia đình của người khác, làm phá hoại hạnh phúc gia đình của người ta, làm cho vợ chồng người ta phải ly dị nhau.

Trong trường hợp này anh Tony Chung có thể truy tố anh chàng trai trẻ này ra Tòa về hành động mật thiết tư tình với vợ anh mà anh đã nhìn thấy rõ tận mắt và qua lời thú tội của vợ anh, làm cho vợ chồng anh phải xa lìa nhau và 4 đứa con thơ dại trở nên mồ côi Mẹ.

Nếu anh chàng này bị Tòa kết án có phạm tội tư tình thật sự (Alienation of Affections), thì anh ta phải bồi thường thiệt hại vật chất lẫn tinh thần cho anh Tony Chung và có thể bị lãnh án tù ở. Nhưng đáng tiếc là hầu hết các tiểu bang trong đó có Oklahoma, đều bãi bỏ điều luật lâu đời này, ngoại trừ các tiểu bang như Hawai, Illinois, Mississipi, New Hamsphire, New Mexico, North Carolina, South Dakota và Utah thì vẫn còn duy trì áp dụng điều luật cũ này.

Nói tóm lại, chúng ta nhận thấy các nhân vật trong câu chuyện vừa kể trên đây, những người bị thiệt thòi nhất và đáng thương xót nhất vẫn là 4 đứa con còn dưới tuổi vị thành niên.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn được chứng kiến tận mắt những cảnh gia đình sống rất đầm ấm hạnh phúc như hồi còn ở Việt Nam.

Chúng tôi quen biết một số gia đình sang đây theo diện cựu tù nhân chính trị HO, ban ngày người vợ cũng phải đi làm vất vả cực nhọc cùng với chồng tại các hãng xưởng, nhưng chiều về tới nhà, người vợ vội vàng chạy xuống bếp để nấu cơm cho chồng con ăn bữa cơm tối, buổi sáng trước khi đi làm, người vợ phải thức dậy sớm để pha cà phê cho chồng uống và sửa soạn gói thức ăn cho hai vợ chồng đi làm mang theo cho bữa cơm trưa tại hãng, nhưng người vợ luôn luôn tỏ ra vui vẻ, không bao giờ có một lời than thân trách phận mình với ai hết, chúng ta có thể ví những người vợ này giống như những bông sen mọc trong bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Chính vì thế mà có một số các con cái của họ, sau khi học thành tài, ra trường có việc làm tốt, đều tỏ ra thương yêu và biết ơn người Mẹ nhiều hơn người Cha, có những trường hợp như vầy, con cái đến tuổi lập gia đình mà vẫn không chịu đi lấy chồng hay lấy vợ, nhất định sống độc thân ở nhà để phụng dưỡng Cha Mẹ.

Chúng tôi đã có nhiều dịp được tiếp xúc với các bà vợ này và các bà đã tâm sự cho chúng tôi biết: mặc dầu ban ngày phải đi làm cực nhọc cùng với chồng, để kiếm thêm lợi tức thì mới đủ chi tiêu trong gia đình hàng tháng và giúp đỡ cho con cái có thêm phương tiện tiếp tục học hành ra trường, để sau này chúng có một tương lai tốt đẹp hơn trên miền đất tự do này, những buổi chiều đi làm về, vì không có người giúp việc trong nhà như thời còn chính phủ quốc gia Việt Nam Cộng Hòa nên các bà tình nguyện tự tay lo việc bếp nước cho gia đình, chứ không phải bị áp lực nào của chồng con, hơn nữa các bà rất thấu hiểu được những nỗi đau khổ tột cùng về vật chất lẫn tinh thần của người chồng, đã bị giam cầm nơi chốn lao tù cộng sản trong nhiều năm, thì nay họ đã được may mắn sống sót đến nước tự do dân chủ này, và cũng chính nhờ vào những người chồng đã được chính phủ cho phép sang đây theo diện HO, mới có quyền đem vợ con đi theo, nên họ là những người xứng đáng được đền bù lại tất cả những gì mà người vợ có thể làm được cho chồng, và những đưa con khôn lớn có thể làm được cho cha của chúng tại đây.

Chúng ta phải công nhận rằng, đây đúng là những tấm gương sáng chói vô giá, tiêu biểu cho những người vợ Việt Nam, suốt đời chỉ biết hy sinh thân mình cho sự hạnh phúc của chồng và của con cái và cho cả các cháu nội cháu ngoại nữa.

Phó Tế Nguyễn Mạnh San

Tuyên Úy Trại Tù

XIN KỂ CHUYỆN BA TÔI…

XIN KỂ CHUYỆN BA TÔI…

QUANG UY, DCCT

Phần 1. Những thay đổi sâu xa

Ba tôi có cách dạy con nghiêm khắc, rất dữ đòn, nhưng sau năm người con đầu, đến hai chị em út ít chúng tôi thì ông thay đổi hẳn. Lúc ấy ông khoảng 40 tuổi. Mẹ bảo: “Bố các cô các cậu bây giờ là… bụt đấy !”

Dù vậy, mỗi khi tôi hư cũng vẫn phải đòn. Ông quát: “Đi ra lấy cái phất trần rồi lên giường nằm úp mặt xuống…” Dứt lời ông bỏ ra nhà ngoài làm một điếu thuốc lào. Thế là trong này, mẹ tôi chạy vội đi lấy cái khăn mặt cũ, đã dùng làm giẻ lau, đang phơi trên dây thép ngoài sân, đem vào lót dưới lớp quần đùi của thằng bé.

Thả xong những hơi khói thuốc lào, ba tôi quay vào nhìn “tội nhân” đang nằm xấp, hắng giọng hỏi: “Tội như thế thì mấy roi ?” Tôi lí nhí: “Dạ, thưa ba, mười roi !” Ông hừ một tiếng: “Hơi nhiều đấy, hạ xuống đi !” – “Dạ, thưa ba, một roi ạ !” Lần này ông quát: “Tội thế mà có một roi thôi à ?” Tôi vội vàng mặc cả: “Dạ, ba roi ạ !” Cuộc đối thoại tiếp tục: “Được ! Thế đánh mạnh hay đánh nhẹ ?” Hiểu ý ông, tôi lúng búng trả lời: “Dạ, mạnh !” – “Mạnh thì đau, đau có khóc không ?” – “Dạ, đau không khóc ạ !” – “Tại sao đau mà không khóc ?” – “Dạ thưa ba, đúng tội nên không khóc ạ !”

Tôi vừa dứt lời, rất nhanh, ông dơ cao cái phất trần lên, quất mạnh xuống mông thằng bé liên tiếp 3 roi đâu ra đấy, bật lên ba tiếng bộp, bộp, bộp. Tôi chẳng thấy đau gì, nhưng cũng giả vờ oằn người lên, mếu máo nhổm dậy kêu “A, A, A !” ra cái điều…

Dạo ấy tôi cứ ngỡ hai mẹ con “phối hợp tác chiến” độc chiêu lót đít lừa được ba tôi vì chả thấy ông bảo gì, đánh đòn xong chỉ vứt cái phất trần xuống rồi bỏ ra ngoài phòng khách ngồi xem sách. Mẹ bảo: “Ra xin lỗi bố đi…” Sau này lớn rồi, nghĩ lại, tôi mới hiểu làm sao mà “lấy vải thưa che mắt thánh” ? Có điều ông thay tính đổi nết, cũng đổi cách giáo dục con cái, cốt đánh đòn là để nhớ, sau khi đã hiểu lỗi thì chừa chứ không phải do sợ đòn mà không dám tái phạm !

Có lần, mẹ tôi ngồi bàn máy may, bảo tôi phụ đánh mấy cái suốt chỉ, bà mới nhẩn nha phân tích cho tôi hiểu nguồn cơn mọi sự về ba tôi như thế này: “Ấy bố cậu từ ngày gia đình mình di cư vào Nam năm 54, sinh cô Hiền chị cậu, rồi năm năm sau sinh thêm cậu nữa là út ít trong nhà, tự nhiên bố cậu đổi tính, dịu hẳn đi, nóng tính chỉ bằng nửa ngày xưa, lại không còn dữ đòn nữa. Có lẽ cũng nhờ bố cậu không còn phải căng thẳng chuyện với họ nội họ ngoại, và nhất là chuyện thoát được cái họa CS ở miền Bắc…”

À, thì ra gia đình và xã hội ảnh hưởng rất lớn lên tâm sinh lý con người ta sâu xa và ghê gớm lắm. Hiểu như thế rồi tôi càng thương ba tôi nhiều hơn.

Sau biến cố 75, ba tôi như rơi vào một cơn bi quan yếm thế trước thời cuộc. Cơ quan Quân Quản Sàigòn lúc ấy không ghép tội ba tôi là ngụy quyền, chỉ bắt cải tạo tại chỗ, ngồi dưới sân nắng ba ngày, rồi sau đó cố gắng thuyết phục ba tôi ra làm việc tiếp. Hình như lúc ấy họ cần ông để có thể vận hành được nhà máy sữa Foremost sau này đổi tên là sữa Thống Nhất ở Thủ Đức. Ba tôi từ chối thẳng: “Chúng tôi đã trốn CS các ông mà chạy vào Nam, được 21 năm tự do, bây giờ các ông lại vào đến đây thì chúng tôi đành chịu vậy chứ làm sao mà lại có thể cộng tác với các ông ?!?”

Ba tôi dạo ấy chỉ đi Lễ bên Nhà Thờ Phanxicô Đakao rồi về nhà, loay hoay với chuyện ra xếp hàng chờ mua dầu hôi, mua củi, mua khoai lang và các thứ nhu yếu phẩm lỉnh kỉnh ở cửa hàng hợp tác xã. Sau hai đợt đổi tiền thì ông suy sụp hẳn, lo đến thắt ruột cho tương lai cả gia đình có thể phải đi Kinh Tế Mới.

Nhà tôi bán dần đồ đạc và xe gắn máy, chỉ để lại mấy chiếc xe đạp, để lấy tiền thăm nuôi ông anh trong trại cải tạo, rồi dọn phòng khách đào lỗ căng khung dệt chiếu. Ba tôi lui cui lo việc phơi nắng trước hiên nhà mớ cói lác còn ẩm mốc. Còn tôi ngồi xệp một bên đưa cói cho mẹ lom khom trên khung dệt mà giập go. Của đáng tội, nhà tôi làm kỹ quá, giập go mạnh quá, đan chặt quá nên cái chiếu nặng chình chịch, lại tốn nhiều lác, đã lỗ công tốn của còn bị hợp tác xã trả về. Thế là cũng chỉ được mấy tháng rồi dẹp luôn, chuyển qua đan các loại rổ bằng lá buông. Chuyện hoàn toàn của đàn bà nên hai cha con tôi thành ra… thất nghiệp !

Và đây là lúc Chúa ra tay cứu vớt những năm cuối đời ba tôi một cách kỳ diệu không ngờ !

Phần 2. Không chịu bị khuất phục

Năm ấy, khoảng cuối 1977, hết cha Jean Marie Nguyễn Văn Phán, rồi lại đến cha Guy Marie Nguyễn Hồng Giáo bên Dòng Phanxicô, sang nhà đề nghị với ba tôi: “Nghe nói ông Lộc giỏi tiếng Pháp, ông dịch giúp mấy cuốn sách Đạo nhé !” Cuốn đầu tiên là một bộ bài giảng của cha Bernard Bro, Dòng Đa Minh, mang tựa đề “Contre toute espérance”.

Thoạt đầu ba tôi giữ nguyên tựa đề theo ý của cha Phán là “Tuyệt vọng mà vẫn một niềm cậy trông”, nhưng sau ba bảo phải dịch mạnh hơn, sắc hơn nữa cho đúng ý tác giả, ba chọn là “Niềm cậy trông bất chấp tuyệt vọng”, rồi cuối cùng lại đổi cho gọn hơn: “Niềm cậy trông bất khuất”.

Vậy là ba tôi như được hồi sinh. Từ một con người tuyệt vọng, cứ ngỡ phải chịu khuất phục bởi định mệnh nghiệt ngã của thời cuộc, nay tìm lại được ý nghĩa cuộc sống: ông không còn làm gì được để giúp đời, giúp gia đình như trước nữa, thì nay, Chúa cho ông cơ hội được chuyển sang phục vụ Hội Thánh bằng chính năng lực phong phú của ông.

Cuốn sách dịch đầu tay ấy không ngờ cái tựa đề và nội dung của nó lại như vận vào xác vào hồn của ba tôi để ông sống với niềm cậy trông bất chấp tuyệt vọng !

Cứ thế, miệt mài trong suốt mười năm, đến cuối năm 1988, chỉ mấy tháng trước khi qua đời vì bạo bệnh, ông khoe với tôi, hồn nhiên đơn sơ như một em bé cuối tháng ở trường về khoe học bạ loại giỏi với cha mẹ: “Uy ơi, ba không ngờ, lụi cụi mười năm mà tạ ơn Chúa, ba đã dịch được 17 cuốn sách cho Dòng Phanxicô, Dòng Kín và Dòng Chúa Cứu Thế…”

Người ta thường bảo con trai theo mẹ, con gái xán bố. Nhà tôi cũng nghiệm đúng nét tâm lý ấy. Tuy nhiên nếu từ bé lúc nào tôi cũng quấn quít gần mẹ, bú tí mẹ đến hai tuổi rưỡi, ăn cơm cũng do mẹ mớm, ngủ chung với mẹ mãi đến mười tuổi, thì đến khi trưởng thành, không ngờ tôi lại được mười năm liền gắn bó gần gũi bên cạnh ba tôi.

Ngay cuốn sách dịch đầu tiên, tôi lúc ấy mới 19 tuổi, đã được ba tôi tin cậy cho được làm “trợ lý” về ngôn ngữ tiếng Việt, hễ dịch được xong một đoạn dài hay một chương, tôi vừa đi đâu về, thế nào cũng được gọi đến, ngồi vào bàn, nghe ba tôi đọc đoạn văn Việt, phân tích chi tiết, đối chiếu bên nguyên bản tiếng Pháp, rồi diễn giải lại cho tôi hiểu ý nghĩa sâu xa bên dưới các từ ngữ. Cuối cùng ông cho tôi được phép biên tập lại câu văn tiếng Việt. Ông nịnh thằng bé: “Ba chỉ giỏi tiếng Pháp, dịch xong rồi đọc nghe nó vẫn thế nào ấy, con gỉi tiếng Việt, con sửa lại giúp ba cho nó ra kiểu nói người Việt mình…” Trời ơi, thằng bé được dịp phổng mũi lên, vận dụng hết khả năng giỏi văn của mình để cùng dịch với bố.

Cũng có khi câu tiếng Việt nghe rất xuôi nhưng ba tôi vẫn ngần ngừ đắn đo, ông bảo: “Dịch ra như con nghe hay rồi đấy, nhưng chữ ấy nếu dịch ngược sang tiếng Pháp thì nó lại ra chữ khác, ý khác, không còn đúng nguyên tác… Hay ba đề nghị thế này…” Vậy là chẳng biết từ lúc nào tôi đã được cất nhắc để làm việc với ba tôi như hai đối tác bình đẳng, trao đổi thẳng thắn, thậm chí có lúc tranh luận sôi nổi cho ra ngô ra khoai, đến nỗi ba tôi quên mất đang ngồi đối diện với thằng con út sinh viên non choẹt, còn tôi cứ ngỡ người cha nghiêm khắc của mình là một… người bạn ngang hàng !

Tính ba tôi chu đáo cẩn trọng lắm. Nhiều cuốn sách được dịch xong, các cha đã nhờ in roneo chui, phát hành cũng chui trong giới Linh Mục Tu Sĩ, bán chui cả ra cho các Giáo Dân cả năm rồi, một hôm, ba tôi chợt nghĩ ra một chi tiết nào đó, mở sách ra xem, gọi tôi đến mà bảo: “Uy ơi, ba thấy chỗ này không ổn, mạch văn như thế này thì phải hiểu như thế kia, con xem có chữ nào tiếng Việt hay có cách nói nào khác của tiếng Việt để diễn ý đúng không ?” Hai cha con lại vắt óc, lại mổ xẻ tranh cãi, đến khi tìm được một từ đắc dụng, ông sung sướng tỉ mỉ gõ máy đánh chữ, cắt ra dán đè lên chữ đã dịch trước đây. Xong xuôi, đọc to lên một lần nữa toàn đoạn văn, ông vỗ bàn một cái, hỉ hả hút một điếu thuốc lào hạnh phúc !

Đến cuốn sách dịch cuối cùng, ba tôi đã yếu đi nhiều, bệnh tật tuổi già cái này lôi kéo cái kia nhưng vẫn chưa quật ngã được ba tôi. Cuốn sách này không do cha nào, Dòng nào đặt dịch cả, tự ba tôi không biết tìm được ở đâu, đọc thấy hay quá, bắt tay luôn vào việc. Đó là một giáo trình dạy Giáo Lý của Giáo Phận Lyon bên Pháp, tựa đề “Parlez-nous de Jésus”.

Có thể nói đây là tác phẩm dịch… giối già của ba tôi. Thật vậy, ông đã giốc hết sức tàn cuối đời cho cuốn sách tâm huyết. Ông bảo tôi: “Ba dịch quyển này là để dành cho mấy chị em anh em trong nhà, rồi cho cả các cháu nội cháu ngoại nữa. Sau này con có điều kiện thì đem in ra phổ biến cho mọi người học Giáo Lý rất hữu dụng…”

Cũng phải đến gần 20 năm sau ( 2008 ), tôi mới thực hiện được ước nguyện cuối cùng của ba tôi. Cuốn sách được Nhà Xuất Bản Tôn Giáo in, nằm trong bộ sách Nối Lửa Cho Đời, có tựa đề “Xin hãy nói về Chúa Giêsu cho chúng tôi”. Và đây là di sản tinh thần vô giá ba tôi đã để lại cho gia đình. Khi nhận dạy môn Sư Phạm Huấn Giáo cho các Học Viện Liên Dòng, tôi vẫn hãnh diện khoe với các học viên rằng giáo án chính mà tôi sử dụng chính là tác phẩm của ba tôi…

Phần 3. Lòng thanh thản ra đi

Trong vòng có 6 tháng thôi mà ba tôi suy sụp hẳn. Tinh thần của ông đã gượng dậy được suốt trong 10 năm, nhưng công việc phiên dịch liên tục bất kể ngày đêm đã khiến ông rệu rã về thể xác. Có lần, ông đi bộ ra hớt tóc một chỗ gần nhà, bất ngờ quỵ ngã, may mà được một chú bé tốt bụng đỡ kịp, gọi xích lô đưa về tận nhà. Ba tôi phải nằm nhà cả tháng, một bên chân phù to tím bầm.

Bác sĩ Vũ Tam Tỉnh là con trai của cụ Vũ Tam Tư, bạn thân thiết với ba tôi, khám rất kỹ rồi bảo: “Bác ơi, may mà bác làm việc thiên về trí óc nên các mạch máu trên đầu bác tương đối dẻo dai, không bị vỡ làm cho bác bị bại liệt, nhưng bù lại, do bác ngồi một chỗ nhiều quá nên mạch máu chân bị giòn, áp lực dồn xuống nặng quá nên mới bung…”

Thế rồi ba tôi như linh cảm thấy cái ngày Chúa gọi về đã cận kề, nói như Thánh Phaolô: “thời gian đang co rút lại”, ông gắng lên, giốc hết sức chạy đua với định mệnh, mong hoàn tất được các bản dịch các Dòng đã mang tới với bao niềm kỳ vọng…

Nhưng rồi cuối cùng cũng phải đến lúc không còn cầm được chiếc bút mực, nói chi đến chuyện gõ lóc cóc trên bàn phím máy đánh chữ. Ba tôi bị áp huyết rất cao, lại tiểu đường hành hạ, thêm một chứng bệnh chi đó trong dạ dày và ruột, gan, khiến ông cứ ăn chút gì vào lại nôn thốc nôn tháo. Ông gầy xọp đi, chỉ còn nằm một chỗ, thỉnh thoảng gượng ngồi dậy được lại bảo tôi đọc cho nghe một bài suy niệm trong cuốn “Niềm Tin từ cuộc sống” hoặc “Đức Tin sống động” mà ông đã dịch mấy năm trước. Lắm khi vừa đọc xong, tôi bất chợt liếc thấy ông rươm rướm nước mắt mếu máo khóc như một em bé.

Một lần ba tôi trở bệnh nặng, nhà phải đưa ông cấp cứu vào Bệnh Viện Sàigòn. Mẹ tôi, chị áp tôi và tôi cứ thay phiên nhau mỗi ngày vào trực trong nhà thương. Có bà người Bắc trông ông chồng bệnh nằm giường bên cạnh, để ý thấy tôi lau chùi dọn dẹp mỗi khi ba tôi không cầm được tiêu chảy ra máu, bà khen xối xả: “Cái cậu này còn trẻ, lại là con trai mà khéo thế nhỉ ? Đâu ra đấy ! Choe choét ra như vậy mà cậu không thấy buồn nôn à ?” Tôi trả lời: “Thưa cô, sự thường cháu cũng hay ọe lắm, chẳng dạm đụng tay đụng chân đâu, nhưng sao chăm sóc cho ba cháu, cháu lại thấy chẳng ghê sợ gì, chẳng phải cố gắng chút nào, cô ạ !” Bà người Bắc buông cho một câu: “Tiếc tôi không có con gái, chứ không tôi gả phắt cho cậu !”

Các bác sĩ làm các xét nghiệm nhưng không tìm ra nguyên nhân chính, quyết định đưa ba tôi sang Bệnh Viện Bình Dân để nội soi. Hôm ấy đúng phiên trực của tôi, tôi ngồi trên xe cứu thương, bên cạnh chiếc băng ca ba tôi nằm thiêm thiếp. Tiếng còi hụ xe rú lên liên hồi nghe mà se thắt lòng, tôi chỉ biết thầm đọc kinh Mai Khôi cầu cho ba tôi được chữa lành mà lòng lại tự nhủ chắc cũng đã đến lúc ba tôi được an nghỉ rồi…

Một bác sĩ của Bệnh Viện Bình Dân làm nội soi cho ba tôi hôm ấy, dáng người chầm chập, khuôn mặt rạng rỡ phúc hậu, giọng nói rổn rảng, khiến tôi tự dưng hình dung ra hình tượng Ông Thiện tôi từng gặp trước cổng các ngôi chùa. Bác sĩ hoàn tất mọi việc rất nhanh gọn sạch sẽ và êm ái, chỉ trong khoảng 10 phút, ông cởi găng tay, vỗ đùa một tiếng bép lên mông của ba tôi rồi nói to: “Ông cụ yên tâm nhé, chẳng có bệnh tật gì ghê gớm mà phải lo…” Bác sĩ còn quay sang tôi bảo: “Cả nhà làm ngay bữa cỗ ăn mừng… Rồi ! Hai cha con có thể xin bên Bệnh Viện Sàigòn cho xuất viện hôm nay luôn !”

Lúc ấy tôi tưởng thật, ba tôi chắc cũng tưởng thật, xuất viện về nhà, cả nhà ai cũng tưởng thật, vì ba tôi khá hẳn lên, uống được chút sữa, ăn được mẩu bánh. Mãi sau này tôi mới hiểu ông bác sĩ tốt bụng ấy nói thế, giấu hẳn kết quả nan y bi đát để chính bệnh nhân và người nhà lên tinh thần khi mọi sự đã hoàn toàn không còn chút hy vọng nào nữa.

Từ giữa năm 1988, cha PX. Nguyễn Hữu Tấn, linh hướng bên Đại Chủng Viện, đã nhắc tôi phải chịu khó hoàn tất nghĩa vụ với Nhà Nước thì mới mong được duyệt vào tu. Tôi đã chọn Thanh Niên Xung Phong và chuẩn bị mọi sự. Bây giờ, tiến thoái lưỡng nan, giấy gọi lên đường đến đúng vào lúc ba tôi bệnh tật yếu nhược. Mẹ tôi vốn trước đây vẫn muốn ép tôi sớm đi tu, nay chỉ im lặng nhường cho ba tôi quyết định.

Cuối tháng 10, một hôm ba tôi nhỏ nhẹ bảo: “Uy à, con cứ lên đường đi TNXP đi, sức ba khá lên rồi, không sao đâu !” Cha Tiến Lộc đến thăm cũng bảo: “Có gì Uy cứ để mình lo cho bác !” Mà thể trạng ba tôi khá lên thấy rõ nên cuối cùng đầu tháng 11, Lễ các Thánh Nam Nữ xong là tôi balô lên xe của Tổng Đội 1 TNXP chạy một chặng đường dài mới vào đến Tổng Đội Bộ nằm giữa lòng chảo Tà Nung, một xã người dân tộc ngoại thành của Đà Lạt. Nhờ lý lịch đại học chính quy, tôi được giao luôn cho làm hiểu trưởng trường Bổ Túc Văn Hóa của Tổng Đội 1.

Thế rồi, giữa tháng 11 năm 1988 thì ba tôi ra đi. Mẹ tôi kể ba tôi ra đi thanh thản bình an lắm. Vậy mà khi xe của Tổng Đội đưa tôi từ Tà Nung về đến cửa nhà, tôi bước vào giữa những vành khăn trắng, chỉ mới đặt tay nhẹ lên trán thi hài ba tôi, ông liền ứa máu tươi hai bên mép. Chị tôi lấy bông thấm mãi mà không hết, mẹ tôi mới nói: “Thôi ông ơi, con nó đã về, ông chứng nghiệm như vậy đủ rồi, ông đừng ứa máu nữa, trông thương quá !” Máu cầm lại ngay ! Tôi nhìn kỹ thật lâu khuôn mặt ông, hình như ông mỉm cười…

Vâng, tôi tin là ba tôi đã thanh thản ra đi, cho dù nhà chỉ có hai con trai mà chẳng đứa con trai nào có mặt khi bố sinh thì. Tôi tin một con người như ba tôi, chắc lầm lỗi sai sót không thiếu, nhưng những gì ông đã cố gắng trong suốt cả cuộc đời 73 năm, ông đã dạy vợ con và các cháu phải sống thật lương thiện thì ắt là Thiên Chúa không thể từ khước đón lấy ông.

Không thấy ba tôi để lại di chúc gì, nhưng chỉ cần nhớ lại bao nhiêu câu chuyện tốt lành có thật trong đời ba mẹ được ông kể lại rất sinh động và hóm hỉnh trong các bữa ăn ngày xưa để gián tiếp giáo dục con cái, chỉ nhìn 17 cuốn sách ông đã cần cù dịch liên lỉ trong suốt những năm tuổi già yếu mệt, tôi cũng thấy gia tài ba tôi để lại thật sự đầy ắp và quý giá không gì sánh được, tất cả đã theo tôi, và sẽ còn theo tôi trong cả cuộc đời…

QUANG UY, DCCT, 21.6.2015

CHA VÀ CON

CHA VÀ CON

Nguyễn Văn Quyền

Hắn ra tù. Tự biết không có ma nào đến đón, đành dứt khoát bước đi. Xe Honda ôm vào giờ này không thiếu, nhưng hắn thích đi bộ. Lững thững đi hoài như người rảnh rang lắm, trời tối mịt mới đến thị xã.
“Khách sạn công viên” trước Cung thiếu nhi, khi xưa là chỗ ngủ tốt nhất của dân bụi đời. Trong một năm hắn ở tù, khu vực này đã sửa sang, trồng trọt đủ thứ hoa kiểng. Lại thêm nhiều đèn chùm đầy màu sắc, đứng xếp hàng nối dài khoe đẹp khoe sáng.

10 giờ đêm. Hắn lại quảy túi đi… Rồi cũng phát hiện ra chỗ ngủ lý tưởng. Cái thềm xi măng sát tường rào bệnh viện, có tàn cây phượng vĩ che khuất ánh đèn, giúp lại khoảng thềm tôi tối cỡ ánh sáng đèn ngủ. Hắn nghĩ: “Chỗ này chắc nhiều muỗi, nhưng ngủ rất êm không bị xe cộ ồn ào”. Moi từ cái túi ra tấm vải xanh cũ bèo nhèo, có thể gọi tạm là mền, trải ra, kê túi gối đầu lên, hắn nhắm mắt. Đi bộ mệt mỏi cả ngày nên hắn ngủ rất ngon.

Gần sáng, hắn giật mình tỉnh giấc, lạnh toát với cảm giác nghĩ có con gì đó quấn quanh cổ. Hắn nằm im định thần. Sát ngực hắn là một làn hơi thở nhẹ và một trái tim ai đó đập đều nhịp, cánh tay của người ấy vòng quanh cổ hắn. Hắn lẩm bẩm:

Con mẹ nào đây?

Hắn nhè nhẹ ngồi lên, nheo mắt nhìn. Hoá ra là một thằng nhỏ chừng hơn 10 tuổi. Mặc cái áo rách bươm bày ra bộ ngực lép kẹp, đã giành muốn hết cái mền của hắn. Nó cũng thuộc dạng không nhà như hắn, đang ngáy pho pho ngon lành, chẳng hay biết thằng cha nằm kế bên đã thức giấc, đang nhìn mình chăm chăm.

Hắm dợm người đứng lên, định bỏ đi tìm chỗ khác ngủ. Nhưng nghĩ gì đó, hắn nằm trở xuống, xoay lưng về phía thằng nhỏ, đưa tay kéo lại cái mền. Hắn nhắm mắt cố dỗ giấc nhưng không tài nào ngủ lại được. Hắn ngồi dậy móc thuốc hút, chợt thấy cái mền bỏ không, trong khi thằng bé bị sương xuống lạnh, càng lúc càng co tôm lại. Hắn bất giác chửi thề, rồi kéo mền đắp lên người thằng nhỏ.

Hút hết điếu thuốc, hắn nằm xuống thiếp được một lúc, tới khi thức dậy thằng nhỏ bỏ đi mất tiêu. Hắn hốt hoảng thọc tay vào túi quần kiểm tra, số tiền vẫn còn nguyên. Hắn thở phào, xếp mền bỏ vào túi, quàng lên vai bước đi.

Cả ngày hắn đi tìm việc làm nhưng không ai mướn, đành xài thật dè xẻn từng đồng. Xong, trở lại nơi tối qua nằm ngủ.

Hắn còn hút thuốc thì thằng nhỏ lại về. Nó thò lõ mắt nhìn, trách hắn:

– Sao ông giành chỗ ngủ của tui hoài vậy?
– Chỗ nào của mầy?
– Thì đây chứ đâu?
– Vậy hả? Thôi để tao ngồi chơi một chút rồi đi, trả chỗ cho.

Thằng nhỏ thấy người đàn ông vạm vỡ nhưng có vẻ biết điều, liền tới ngồi cạnh hỏi chuyện. Bỗng nhiên hắn trút hết tâm sự với thằng nhỏ. Từ chuyện bỏ làng ra đi, đến chuyện ở tù hai lần, cả việc từng ăn ở với đàn bà lang thang và bây giờ là không tìm được việc làm.

Nghe xong, thằng nhỏ phán một câu xanh rờn:
– Dám chừng tui là con ông lắm à?
– Nói bậy! – Hắn nạt thật sự – Mầy con của ai?
– Má tui làm gái, gặp ông nào đó ở với bả. Bả có bầu thì đẻ ra tui. Bả bệnh chết rồi. Mấy năm trời tui sống với một bà già mù, dắt đi ăn xin lay lất. Rồi bả cũng chết luôn. Còn mình tui.
– Vậy mà nói là con tao?
– Biết đâu được?
– Mầy làm nghề gì mà lúc nào cũng về muộn?
– Buổi sáng tui đi khiêng cá biển, tiếp bà chủ làm khô. Buổi chiều tui đi bán thêm vé số, tới khuya mới về đây ngủ.
– Sao mầy hổng ngủ ở chỗ làm khô luôn, từ bến cảng đi tới đây xa bộn?
– Ông khờ quá! –

Thằng nhỏ đập muỗi cái bộp, rồi nói tỉnh queo – Muốn kiếm được việc làm bộ dễ lắm sao, mình cù bơ cù bất ai muốn? Phải nói dóc: Nhà ở xóm Bánh Tằm, có ba má đàng hoàng, tại nghèo mới đi kiếm việc làm tiếp gia đình, tối về nhà chớ bộ.

– Mầy giỏi hơn tao – Hắn buột miệng khen, hỏi tiếp – Mầy làm đủ sống không?
– Dư! Cho ông biết tui lấy vé số bằng tiền mặt đàng hoàng. Còn tiền gởi cho ông chủ thầu cất giùm một số nữa.
– Quá xạo!
– Hổng tin thì thôi – Thằng nhỏ nằm xuống, ngáp vắn ngáp dài – Ông ngủ đây với tui cũng được, ngủ chung với ông ấm hơn.

Tự dưng hắn cảm thấy mình bị xúc phạm khi phải ngủ nhờ thằng nhỏ, dù rằng thềm xi măng là của bệnh viện. Nhưng rõ ràng thằng nhỏ oai hơn hắn ở chỗ đầy vẻ tự tin và có việc làm đủ sống. Hắn ôm túi đứng lên bỏ đi. Thằng nhỏ vòng tay ra sau ót, nhóng cổ nói:
– Dân bụi đời mà còn bày đặt tự ái.

Hắn đảo một vòng nhỏ, kết cuộc đành trở lại. Thằng nhỏ cười hi hi:
Tui nói rồi. Chỗ này là ngon lành nhất thị xã, ngủ lạng quạng tổ bảo vệ lôi về khu phố phạt tiền là chết – Nó lăn người xích qua, nhường phần cho người đàn ông nằm xuống bên cạnh, thì thào – Tôi chỉ cho ông chỗ ngủ ngon lắnm.
– Ở đâu?
Trong bệnh viện. Vô ngủ ngoài hành lang người ta tưởng đâu mình đi nuôi bệnh, hổng ai thèm đuổi.

Hắn thở dài trong bóng tối:
– Sao mầy hổng vô đó ngủ, xúi tao?
– Tui ghét mùi thuốc sát trùng.
– Tao cũng vậy.

Sáng ra, thằng nhỏ lại thức sớm đi trước, hắn tiếp tục quẩn quanh với một ngày không có việc làm. Hắn không dám ăn cơm chỉ ăn bánh mì, uống một bọc trà đá, dành tiền cho những ngày sau.

Đêm nay, phố thị buồn mênh mang theo tâm trạng. Hắn bắt đầu chùn ý chí, nghĩ thầm: “Lúc mới ra tù còn ít tiền, giá cứ tìm nơi nào đó gần trại giam ở lại, lầm thuê làm mướn chắc dễ dàng hơn”.

Hắn nghe sống mũi cay cay, hình như một vài giọt nước đòi rơi ra từ mắt, hắn không kiềm giữ cứ để nó tuôn trào.

Bàn tay thằng nhỏ sờ vào mắt hắn:
– Ngủ rồi hả? Ý trời, sao ông khóc, chưa kiếm được việc làm phải không?

Hắn gượng cười:
– Tao khóc hồi nào? Tại ngáp chảy nước mắt thôi.

Thằng nhỏ ra vẻ sành sỏi:
– Má tui nói bụi đời mà còn biết khóc là bụi đời lương thiện. Tui khoái ông rùi đó, ngồi dậy “hưởng xái” với tui cái bánh bao nè.

Hắn ngồi lên sượng sùng:
– Mầy sang quá.
– Ờ! Tui ăn sang lắm, hổng ăn sao đủ sức đi làm suốt ngày! – Nó ngừng lời ngoạm một miếng lớn bánh bao, rồi nói nhẹ xều – Ông chịu để tui giúp, chắc sẽ tìm được việc làm.
– Làm gì? – Hắn có vẻ không tin, thờ ơ hỏi.
– Trước tiên, ông chịu làm ba tui nghen?

Hắn lắc đầu nguầy nguậy:
– Thân tao lo chưa xong, làm sao nuôi mầy?
– Ai bắt ông nuôi tui, tui nuôi ông thì có. Tui giới thiệu với bà chủ ông là ba tui. Nếu được nhận vô làm khô cho bả, sức ông mạnh, kiếm tiền nhiều hơn tui là cái chắc.
– Làm gì?
– Khiêng cá, gỡ khô ngoài nắng, vác khô lên xe –

Thằng nhỏ ngừng lời đưa tay nắm cổ tay hắn bóp bóp – Ông bụi đời mà sao hổng ốm, lại khoẻ mà còn hiền nữa chứ!

Một năm ở tù, tao lao động tốt mà – Hắn tự hào khoe, nói tiếp – Ai mới ở tù ra mà hổng hiền, có người sau khi được cải tạo thành tốt luôn, có người hiền được vài ba bữa.
– Nè! Ông nhớ việc cần thiết là: Nhà mình ở xóm Bánh Tằm, vợ ông bán bún cá, tui còn hai đứa em gái đang đi học. Mà ông có bộ đồ nào mới hơn bộ này không, ngày đầu đi xin việc phải đẹp trai, ít te tua một chút.

Hắn vỗ vỗ tay vào cái túi du lịch:
– Có, tao còn một bộ hơi mới. Mầy tên gì, sao má mầy ở xóm Bánh Tằm mà bán bún?
– Thì nói mẹ nó vậy. Tui tên Tèo nghe ba?
– Tao chịu cách xin việc của mầy, nhưng tao ghét có con lắm. Ở chỗ làm mầy kêu tao bằng ba, ngoài ra thì xưng hô như bây giờ.
– Ông cà chớn chết mẹ, người ta giúp cho mà còn làm phách – Thằng Tèo nhe răng cười hì hì – Ăn bánh bao vô khát nước quá ta.
– Tao mua cho – Hắn đứng lên đi lại quán mua hai bọc Pepsi.

Thằng Tèo nhăn mặt:
– Chưa có việc làm mà sài sang quá vậy ba?
Hắn nghiêm mặt:
– Mầy còn kêu như vậy, tao không nói chuyện đâu. Đây là tao đãi mầy, cảm ơn công giúp tao có việc làm.
– Biết đâu người ta hổng nhận thì sao?
– Thì kệ, coi như phá huề cái bánh bao với mầy.

Đêm đó hắn khó ngủ, lầm thầm nghiền ngẫm cái hoàn cảnh gia đình và địa chỉ do thằng Tèo đặt ra giúp hắn.

Vóc dáng khoẻ mạnh của hắn làm vừa mắt bà chủ. Hắn có việc làm, lương tháng kha khá, bèn bàn với thằng Tèo hùn nhau kiếm một chỗ trọ, thằng Tèo đồng ý.

Cái chỗ ở nhỏ xíu như cái hộp, ban ngày nắng nóng một ngộp thở, nhưng cũng sướng hơn ngủ ở thềm rào bệnh viện. Hơn nữa, ban ngày “cha con” nó có ở nhà đâu mà sợ nóng. Hắn và thằng Tèo có vẻ thương nhau nhiều hơn, nhưng không ai chịu bày tỏ điều đó. Nếu không phải ở chỗ làm khô mà thằng Tèo lỡ miệng kêu ba, là hắn cau mày khó chịu. Thằng Tèo không ưa cái kiểu bực bội của hắn, nên nói chuyện với hắn trống không, hổng ông hổng ba gì hết.

Hắn những tưởng cuộc sống êm trôi với công việc tanh tưởi cá biển. Nhưng sự đời thật không đơn giản, tới tháng làm thứ năm thì có chuyện xảy ra.
Sáng nay mới vác cần xé cá từ tàu lên bờ, thấy xôn xao trên nhà chủ, hắn vội đi lên.

Thằng Tèo đang bị bà chủ nắm áo. Bà ngoác cái miệng tô môi son đỏ chót gào lên:
– Nó ăn cắp bóp tiền, tui mới để đây xoay lưng đi vô, quay ra đã mất. Có mình nó đứng đây, ai vào lấy chớ?

Thằng Tèo nước mắt ngắn nước mắt dài, mũi dãi lòng thòng quẹt lấy quẹt để:
– Tui không ăn cắp đâu. Tui tốt nào giờ bà chủ biết mà?
– Nghèo mà tốt gì mày? Ba mầy hổng biết dạy con, tao tốt với cha con mầy quá, sao trả ơn vậy hả?

Hắn đứng im không thanh minh, mặc cho bà chủ xỉa xói chửi không ra gì cái thằng cha là hắn. Hắn đi lại bên thằng Tèo hỏi ngọt ngào:
– Mầy có lấy tiền của bà chủ không?
– Tui thề có trời, tui không lấy.

Một bên bà chủ sang trọng nói mất, một bên là thằng con hờ bảo không lấy. Hắn còn đang lúng túng thì hai anh công an phường tới. Mỗi lần gặp công an hắn lại nhớ tới trại giam. Hắn nghĩ thằng Tèo mới hơn mười tuổi mà phải chịu tiếng tù tội, sẽ ảnh hưởng tới tương lai sau này của thằng nhỏ không ít và hằn sâu trong ký ức nó khó nguôi quên. Như bản thân hắn đây! Có thể nó lỡ dại một lần, nhưng làm sao nỡ để nó bị bắt, khi thực bụng hắn thương nó như con.

Hắn vẹt đám người hiếu kỳ bu xung quanh, đi tới trước mắt hai anh công an thú tội:
– Tui ăn cắp tiền của bà chủ, lỡ tay đánh rơi xuống nước, chắc là trôi ra biển mất rồi.

Hắn im lặng đi theo đà đẩy của người công an, không thèm nhìn thằng Tèo đang há hốc miệng trông theo hắn. Lòng hắn nặng trĩu nhớ tới tiền án có sẵn. Nhưng rồi hắn chuyển sang niềm hy vọng: “Chắc chắn các anh công an sẽ tìm ra thủ phạm và mình được trả về”.

Thằng Tèo thấy niềm thương cảm dâng lên đầy ứ ngực, nó tốc chạy theo, hai tay đưa về phía trước chới với. Giọng nó khàn đục, gào tha thiết:
– Ba ơi, ba bỏ con sao ba?

Bất giác hắn xúc động tột cùng, cảm giác thương yêu chạy dọc sống lưng làm ớn lạnh. Hắn giật phắt người, quay lại hỏi bằng giọng âu yếm:
– Con kêu ba hả Tèo?

Công an đưa hắn lên xe. Thằng Tèo chạy theo, luồn lách trong dòng xe cộ, hụp hử trong khói bụi sau xe. Nó chạy luôn tới trụ sở công an, lảng vảng đứng ngoài chờ mà không biết chờ cái gì. Không thể làm gì hơn, thằng Tèo chửi cha chửi mẹ kẻ nào ăn cắp bóp tiền của bà chủ và nó tin tưởng các chú công an sẽ bắt được thằng ăn cắp.

Khoảng nửa tiếng đồng hồ sau, thằng Tèo đang ngồi dựa lưng vào tường, nhắm mắt ngủ gà ngủ gật, thì một bàn tay ai đập mạnh vào vai. Nó giật mình dụi mắt. Bà chủ nách kẹp cái bóp, đứng ngó nó cười toe toét:
– Đi vô lãnh ba mầy ra. Cái bóp dì mang theo lúc đi tiểu, bỏ quên trong toa lét mà tưởng mất. Dì đãng trí quá.

Vậy là “ba” thằng Tèo được thả. Nó nhào tới thót lên cổ ba để ba cõng nó tưng tưng trên lưng miệng liến thoắng:
– Ba thấy chưa? Ở hiền gặp lành mà!

Bà chủ đi sát bên, đưa tặng cha con nó chút tiền với thái độ của người có lỗi. Hắn lắc đầu không nhận vì đây chỉ là sự hiểu lầm. Thằng Tèo đột ngột dùng cả hai tay giật phắt nắm tiền, nói gọn hơ:
– Con cảm ơn bà chủ. Tiền này cha con mình xài cả tháng đó ba.
Trước hành động đường đột của thằng Tèo, hắn còn biết làm gì hơn là cảm ơn bà chủ. Rồi quay sang rầy “con””
– Con thiệt mất dạy quá, chắc phải cho đi học thôi.
– Ông nói cái gì? – Thằng Tèo khom người xuống nhìn hắn hỏi gằn.

Hắn lặp lại:
– Ba nói con phải đi học để cô giáo dạy những điều hay lẽ phải mới mong nên người.

Thằng Tèo đang ngồi trên lưng đột ngột tụt xuống. Nó lặng im đi miết lên phía trước. Hắn đuổi theo nó, hỏi:
– Sao vậy? Bộ con hổng muốn đi học hả?

Không quay người lại, thằng Tèo chúm chím cười, trả lời:
– Ba hổng biết gì hết trơn, tui đang khoái chớ bộ.
Gió từ biển thổi lộng vào mát rượi. Hắn mỉm cười nhủ thầm: “Gió nhiều thật dễ thở”

Chị Tô Yến gởi

Ông Nội và Cháu nội

Ông Nội và Cháu nội

Tác giả: Nguyễn Thị Thêm

“Chồng tôi là lính VNCH. Thằng con tôi là lính của quân đội Hoa kỳ. Tôi hết làm vợ lính lại làm mẹ lính,” tác giả kể. Bà sinh năm 1948. Quê quán: Biên Hòa Việt Nam, cựu học sinh Ngô Quyền. Trước 1975: Dạy học. Qua Mỹ năm 1991 theo diện HO. Bắt đầu viết từ năm 2010, có bài trên một số báo điện tử và các trang web: ngo-quyen.org; aihuubienhoa.com Hiện định cư tại Riverside, California. Bài mới kể thêm chuyện ông nội và cháu nội, trong một gia đình sĩ quan VNCH, cựu tù cải tạo.

* * *
Ông nội là cựu đại úy Việt Nam Cộng Hòa, con trai là đại úy không quân Hoa kỳ, mấy người quen thân gọi đùa cháu là Captain junior. Có hôm buổi sáng ông nội ngủ dậy khệnh khạng bước ra phòng khách, thằng con đang ăn điểm tâm đứng phắt lại giơ tay lên chào “Good morning, Sir!”. Ông nội giật mình đứng lại, không suy nghĩ ông nghiêm túc giơ tay lên chào. Miệng lẩm bẩm “Morning Sir!”. Cả nhà cùng cười, thằng cháu nội cũng cười.

Bước ra xe, con dâu mang cái túi baby có tã, sữa, quần áo. Bà nội dìu ông nội ra, tay mang một cái giỏ. Con dâu hỏi “Mẹ mang theo gì đó?”. Bà nội trả lời “Mang tã, nước và quần cho ba”. Thằng con cười:

– Hai ông cháu thiệt giống nhau.

*
Thằng cháu đái ướt tã khóc đòi thay. Ông nội lí nhí: “Tui muốn thay tã”. Con dâu vào phòng vệ sinh nữ trước. Ló đầu ra “Mẹ ! Không có ai”. Bà nội dẫn ông nội vào, đẩy nhanh vô phòng toilet đóng cửa lại. Một lúc sau, bà nội đưa ông nội ra nói với con dâu: ” Coi chừng ba, cho mẹ vào rửa tay”. Xong xuôi, ông nội cũng sạch, cháu cũng sạch. Cả nhà lại đi dạo phố. Con trai cười cười:

– Hai ông cháu cùng vào nhà vệ sinh nữ.

*
Chơi chán cả nhà lên xe về nhà. Thằng cháu nội khóc um sùm không chịu nằm vào ghế baby. Thằng con loay hoay lo cho con nó. Bà nội đưa ông nội ngồi vào ghế trước. Ông nội cũng không chịu lên. Bà nội năn nỉ, ông cương quyết phản đối: “Tui muốn nói chuyện với đồng đội của tui, sao bà kéo tui đi”. Thằng con trai hỏi lý do. Bà nội nói là đi ngang mấy người lính Mỹ ngồi uống nước, ông nội đòi ngồi lại đó nói chuyện. Thằng con dụ dỗ: ”Mai con mời họ tới nhà nói chuyện chơi với ba” Ông cương quyết bấu chặt cửa không chịu lên xe. Thằng con gỡ tay bồng ông lên, gài dây an toàn. Xe chạy, ông nội cũng ngủ, thằng cháu cũng ngủ.

*

Thằng cháu nội nhễu, nước miếng chảy lòng thòng. Ai cũng la con dâu: “Lúc có bầu bộ nhịn thèm hay sao mà thằng cu nhểu dữ vậy”. Con dâu chỉ cười. Ông nội không còn nhỏ nhưng ông nội cũng nhểu. Ông nội bồng cháu, mặt quay ra đàng trước. Hai tay ông bấu thật chặt sợ cháu té. Nước miếng ông nội nhểu lòng thòng rớt từng dây trên đầu cháu. Cháu nhểu lòng thòng rớt từng dây trên tay ông. Bà nội chạy lại lau cho cả hai:

– Ông nội và cháu nhểu giống nhau.

*

Thằng cháu đứng chơi trong trong cái xe đi trẻ em. Chơi chán, nó muốn ra ngoài. Cháu la và khóc. Ông nội đang nằm bật dậy, chạy ra. Ông lại gần bồng cháu lên. Hai tay ông bíu chặt vào nách cháu lôi ra. Cháu vùng vẫy, Ông cố sức nắm. Hai bàn tay ông cuối cùng chỉ còn nắm chặt cái áo, Cháu gần rơi xuống đất. Bà nội chạy lên. Kịp thời chụp cháu. Bà nội hết hồn. Ông phân bua: “Con ai mà bỏ khóc um sùm, thiệt là tội”.

– Thì ra ông còn ngái ngủ, không biết thằng bé là cháu mình.

*

Thằng cháu nội tắm trong cái bồn tắm nhỏ xíu trẻ em. Nó thích lắm, hai tay đập vào nước cười ngây thơ. Xong xuôi, cháu được lau sạch thay đồ. Con dâu nói: ”Mẹ! con xong rồi”. Bà nội đem ông nội vào phòng, kéo cái ghế để vào bathtube cho ông ngồi rồi xối nước tắm rửa, kỳ cọ. Ông đưa tay vuốt mặt nói: “Mát quá! Mát quá”. Bà nội tắm ông xong, lau sạch, thoa lotion và thay đồ. Ông ra ngoài, cháu đang nằm ngửa chân đạp lòng còng. Ông được dìu vào giường. Ông nằm yên, hai chân cũng nằm yên;

– Hai ông cháu sau khi tắm giống nhau.

*

Con dâu đút cho cháu nội ăn từng muỗng baby food. Cái yếm đeo trước ngực. Cháu vừa ăn vừa chơi. Thỉnh thoảng lắc đầu không chịu cho đút. Con dâu ngọt ngào: ”Giỏi nè, giỏi nè.” Bà nội cũng dìu ông nội lại bàn, kéo cái ghế ngay mông ông rồi kéo ông ngồi xuống. Bà nội lấy cái tạp đề mang vào cổ cho ông rồi đút cơm cho ông ăn. Ông đôi lúc cũng lắc đầu không chịu nuốt. Bà nội năn nỉ: ”Ăn đi ông, còn vài muỗng nữa thôi. Giỏi đi ông”.

– Khi ăn, ông và cháu cũng giống nhau.

*

Ông muốn bồng cháu nhưng tay ông bấu chặt quá, cháu đau, cháu khóc. Bà nội đem ông vào phòng, cho ông nằm xuống rồi đặt cháu nằm một bên. Cháu nằm trên tay ông, chân quơ lung tung, tay cầm đồ chơi bỏ vào miệng cạp liên tục. Bà nội ngồi nhìn hai ông cháu. Ông đã ngủ khò, còn cháu cứ ê a.

– Bà nội mắt cay xè, miốn khóc.

*

Thằng con nhận lệnh qua Ý công tác 3 năm. Cả nhà làm tiệc tiển đưa. Vợ chồng thằng con buồn, nước mắt ngân ngấn mi, nghĩ mấy năm xa nhà, nghĩ cha già thế này có chuyện gì không biết có về kịp không? Thằng cháu nội vẫn cười, bi bô những âm thanh không rõ tiếng. Bà nội nắm tay ông nội lại gần con nói: ”Con nó muốn nói với ông trước khi đi nè”. Ông cười cười: ”Nói gì! Đi đâu? Ừ đi chơi vui vẻ”. Xong ông đi vào phòng ngủ. Chả biết ông có buồn hay không. Chỉ biết khi bà nội vào phòng ông đã ngủ khò. Thằng cháu nội nằm trong ghế cũng ngủ khò.

– Hai ông cháu vô tư giống nhau.

*

Từ đất Ý, thằng con mở Webcam nói chuyện. Thằng cháu nội đã biết ngồi, đã bập bẹ âm thanh ba ba. Bà nội dẫn ông vào phòng, kéo ghế cho ngồi để nhìn con, dâu và cháu. Hỏi ông: ”Biết ai không ông?”. “Biết chớ, người quen”. Bà nội chỉ cháu và hỏi: ”Ông biết thằng đó không?”. Ông nội trả lời mạnh mẽ: ”Biết chớ sao không. Nó là bà con chú bác của tui mà”. Ông đưa tay rờ rờ màn hình. Bên kia thằng cháu cũng đưa tay quơ quơ. Bà nội muốn khóc.

– Hai ông cháu cùng trẻ con như nhau, không ai biết ai.

* * *

Vậy đó, ông nội và cháu có nhiều điểm giống nhau. Cháu sẽ lớn, sẽ trưởng thành. Ông một ngày nào đó sẽ ra đi. Bà nội nhìn ông mà nhớ cháu. Hạnh phúc của ông bây giờ là sống vô tư như trẻ con. Hạnh phúc của bà bây giờ là không còn giận hờn mà con tim đầy ắp những yêu thương và bổn phận.

Thế là thời gian trôi qua nhanh chóng, thằng cháu nội theo cha mẹ công tác bên Ý đã được 2 tuổi.

Cuối tháng này là sinh nhật cháu tôi. Đứa cháu trai duy nhất trong gia đình. Đứa cháu nội mà tôi thương nhất. Chẳng phải tôi thiên vị vì nó là con trai hay là vì nó là cháu nội. Mà vì nó ở quá xa. Nó lớn lên từng ngày không có tôi bên cạnh. Nhiều khi nhớ quá muốn ôm nó vào lòng mà hai tay trống rỗng. Muốn đi thăm nó thì ông chồng già chẳng biết bỏ cho ai. Thằng con trai cứ năn nỉ, “Má ơi! Qua đây một chuyến. Con sẽ đem má đi khắp Âu Châu cho biết với người ta.” Tôi cười cầu tài nói cho con yên lòng. Nhìn ông chồng đau yếu mà thương. Thôi đành thúc thủ.

Nhìn ông chồng ngày càng yếu để thấy sự đào thải của thời gian và thân phận của kiếp con người.

Ngày xưa, lúc cháu được vài tháng tuổi, mỗi lần đi đâu con dâu đem một giỏ tã, sữa cho con, còn bà nội cũng lè kè một túi cho chồng. Mỗi khi cần vào phòng vệ sinh thay tã, bà nội lại nhờ con dâu xem chừng phòng nữ có vắng hay không rồi đem chồng vào làm vệ sinh. Xong xuôi cháu cũng sạch mà ông cũng sạch.

Bây giờ cháu đã bỏ tã, nó mặc quần lót đàng hoàng. Lần đầu tiên bỏ tã, trên webcam con trai bảo nó kéo quần xuống cho nội xem. Nó mừng rỡ chỉ cái quần lót hình Superman bí bô khoe. Bà nội chẳng hiểu cháu nói gì, chỉ cười cười. Thương quá đỗi!

Còn ông nội, ngày xưa chỉ mang tã lúc đi đâu hay những lúc cần. Bây giờ ông phải mang tã cả ngày vì ông cũng không biết lúc nào mình cần giải quyết. Những ngày quan trọng cần thiết, bà nội mang khẩu trang, đeo găng tay làm y tá giải quyết những cục nợ đời hôi tanh mà ông không có sức rặn ra. Những ngày đó tã thay không biết bao nhiêu cái.

Bây giờ cháu đã biết đâu là phòng vệ sinh để vào, còn ông thì phòng vệ sinh ngay trước mặt cũng không biết mà vô, bà nội nắm tay ông lôi vào và làm từ A tới Z.

Cháu bây giờ đã biết bắt ghế đứng lên tự đánh răng. Còn ông nội thì bà nội phải đưa ly vào miệng cho ông từng ngụm nước. Bỏ kem vào bàn chải và giúp ông đánh răng. Xong lau mặt, lau tay đưa ông ra khỏi phòng.

Kết luận bây giờ, hai năm sau cháu đã vượt qua mặt ông cái vù về phương diện vệ sinh cá nhân.

Cháu bây giờ đã biết ngồi ăn chững chạc dù mẹ phải đút, bởi không đút là cháu ham chơi ăn không no. Cháu tự múc ăn khi nào đó là ăn chơi hay cháu thật đói. Còn ông thì bây giờ hoàn toàn không chủ động. Đút gì ông ăn đó, ăn xong thỉnh thoảng càm ràm bà nội, “Sao từ qua tới nay không cho tui ăn.”

Cháu bây giờ rất gọn gàng không cần khăn, còn ông nội thì phải một cái khăn lót ở dưới để hứng thức ăn rơi. Một cái khăn nhỏ ở trên để lau miệng.

Ngày xưa cháu đi tắm phải có cái thau riêng, cháu nằm trong đó cho mẹ kỳ cọ. Bây giờ cháu có thể đứng trong bathtub cho cha, mẹ thoa xà bông và xịt nước ấm.

Còn ông nội giờ này vẫn tệ như xưa. Càng tệ hơn sau khi xong xuôi, bà nội bảo giơ chân lên để mặc tã, ông cũng đứng im. Những giọt nước miếng cứ nhểu lòng thòng rơi trên đầu bà nội. Khi bà vỗ vỗ vào chân ông, nói, “Chân này nè ông, giơ chân lên!” thì ông mới giơ chân lên. Có hôm ông giật mình kéo mạnh chân tống vào càm bà nội bầm một cục.

Ờ mà còn cái vụ nhểu nữa. Cháu bây giờ ngon lành hơn ông nhiều. Cháu hết nhểu, đẹp trai ra, biết nhận diện đâu là mắt, mũi, miệng. Còn ông nội thì càng ngày tốc độ nhểu càng trầm trọng. Không có thuốc men hay phương pháp gì chận lại. Bà nội dùng kim gút gài một cái khăn bên áo để bà nội chùi cho ông để khỏi chạy đi tìm. Ông không thích cái khăn lòng thòng nên giựt tét cả áo, đứt kim băng. Bà nội phải mặc ngoài một cái áo che lại. Khi cần bà lôi khăn ra lau, xong nhét lại. Thế nhưng nước miếng ông vẫn nhểu dài theo nền nhà theo mỗi bước chân đi. Bà nội lúc nào cũng chuẩn bị khăn lau nhà. Thỉnh thoảng bà lại đạp khăn dưới chân xóa đi dấu vết cho đỡ trơn trợt và cũng để mấy đứa cháu ngoại khỏi gớm.

Cháu nội hôm nay đã có bạn, biết các trò chơi và tung tăng như chim sáo. Còn ông nội thì càng ngày càng quên, càng lẩm cẩm.

Mỗi khi đi đâu bà nội nắm tay ông tình tứ như một cặp tình nhân. Nhưng thực ra là giữ ông cho khỏi đi lạc. Ông rất thích tự do. Ờ mà tự do ai không thích. Nhưng tự do trong trật tự. Thế nhưng ông nội nào biết trật tự là gì. Buông tay ông ra là ông đi, không cần biết điểm đến và đi đâu. Bà nội lạc ông mấy lần nên sợ lắm. Bà giữ tay ông trong bàn tay già yếu nhăn nheo. Thế nhưng đôi khi ông gặp một người không quen, ông vẫn nhào tới nói không ra lời hay lôi bà nội chạy theo họ. Ông la, “Bạn tui, bạn tui.” Bà nội biết tẩy của ông nên ngọt ngào dụ dỗ, ”Biết rồi! Họ ra xe đợi mình đó. Đi chợ xong mình sẽ gặp,” có vậy ông mới chịu nghe lời và đi theo bà.

*

Cháu nội bây giờ đã biết nghe lời cha mẹ. Mỗi khi làm điều gì sai, mẹ cháu bắt xin lỗi, nhận được gì cháu biết cám ơn. Cháu đã bắt đầu học để nhận biết đúng, sai. Còn ông nội tháng ngày trôi qua ông nội càng mù mịt đúng sai. Cái gì ông muốn là ông làm, ông không muốn thì đừng hòng ép. Khi cần ông đứng lại thì ông đi. Khi muốn ông đi thì ông đứng yên một chỗ. Kéo ghì không nhúc nhích. Năn nỉ một hồi ông mới chịu cho kéo đi. Khi cần ông nói thì ông làm thinh hoặc tiếng không thoát ra ngoài, chỉ lầu bầu, lịch phịch theo nước miếng. Nhưng khi ông nói chuyện với những gì ông thích hay bạn bè ảo tưởng của ông thì ông nói ra tiếng, mạnh mẽ và đầy sức sống.

*

Cho nên hai ông cháu đã đi ngược chiều với nhau, không còn giống nhau như xưa.

Mỗi khi vào Webcam nói chuyện, cháu chỉ trên màn ảnh “Bà nọi, bà nọi. My bà nọi.” Còn ông chỉ nhìn cháu như nhìn một cái gì lờ mờ không quen biết. Cặp mắt lơ đãng, ánh nhìn tỉnh khô, môi xệ xuống, nước miếng lòng thòng chảy ra.

Tuy nhiên hai ông cháu cũng có điểm na ná giống nhau là dỗi hờn.

Khi cháu dỗi cháu lăn xuống đất nằm đạp lòng còng. Cha, mẹ cháu kêu đứng dậy và bảo xin lỗi, nếu không sẽ phạt time out.

Còn ông nội, ông hay hờn mát. Mỗi khi như vậy ông bỏ đi nằm và bỏ ăn.

Cả nhà năn nỉ, dụ ngọt cả buổi trời ông mới ngồi dây ăn uống.

Chỉ hai năm thôi, hai năm trôi qua cho thấy một lực hút cuốn mọi người xoay chóng mặt. Đứa cháu ngày nào mới biết lật giờ đã là một cậu bé dễ thương tinh nghịch, ngây thơ. Cháu đang học mọi thứ để tập sự những ngày bước vào trường mầm non.

Còn ông thì mòn hết mọi thứ để đi vào con số không của cuộc đời. Ông như một cây đã cạn hết nhựa. Sống trong một trạng thái mơ hồ và làm theo quán tính của mình.

*

Thằng con trai vừa sinh thêm một đứa con gái. Đứa con gái đẹp như một con búp bê. Khi đứa con dâu sinh xong, thằng con chụp hình gửi về, rồi vào Webcam nói chuyện. Bà nội vui lắm khi nhìn con bé thật dễ thương nằm gọn trong lớp khăn xinh xắn.

Đứa con trai bồng con giơ giơ trước mặt ông nội:

– Ba biết ai không ba?. Cháu nội ba nè.

Ông nhìn cháu hai mắt lim dim, nước miếng chảy có dây ậm ừ:

– Cái cục gì đen đen vậy bà?

– Cái ông này nói kỳ. Bé Hạnh cháu mình đó. Bà nội vội trả lời

Ông làm thinh dường như mọi sự việc chẳng có gì liên quan đến ông. Đứa cháu gái hay cháu trai cũng không còn quan trọng.

Thỉnh thoảng ông cũng không nhớ bà là ai, ông cũng không phân biệt hai đứa cháu ở chung nhà đứa nào là chị đứa nào là em. Ông cũng không nhớ cháu ông tên gì. Cả đứa con gái đầu lòng ngày xưa ông rất mực yêu thương, thỉnh thoảng ông cũng không nhận ra và gọi là chị.

Thằng cháu nội ngày nào giờ đã được đi học ở thư viện trong base của quân đội. Cháu được dạy và chơi các môn thể thao. Cháu đã biết đếm từ 1 đến 40 bằng tiếng Mỹ và đếm 1 đến 10 bằng tiếng Việt Nam.

Còn ông nội bây giờ nói ông thử đếm xem. Bà nội đưa những ngón tay lên để đố, ông chỉ cười cười không trả lời. Không hiểu ông có biết hay ông chả thèm để ý chi ba cái chuyện đố ai lặt vặt trẻ con của đàn bà con gái.

Thằng cháu nội nhìn ông trong webcam và nói:

– Ông nội, ông nội. Ông nội nhểu giống em bé. Ông nội hư quá.

Ông nội bây giờ hư thật, ông sống trong thế giới của riêng ông và những thói hư tự dưng bây giờ xuất hiện.

Người ta nói đó là những thay đổi tâm tính của người già. Ông lúc nào cũng coi đồng tiền quan trọng lắm. Lúc nào cũng khư khư cái giỏ trong đó có cái ví tiền mà ông giữ thật cẩn thận.

Mỗi sáng ông lấy ra đếm đi đếm lại những đồng tiền mới mà bà nội để vào ví cho ông. Những giọt nước miếng chảy xuống làm ướt nhẹp mấy đồng tiền nằm trên. Ông cẩn thận xăm soi rồi lại bỏ vào. Như đứa bé chơi đồ chơi lấy một nón đồ chơi rồi bỏ vào trong hộp. Lại lôi ra chơi tiếp.

Ông hay sợ mất tiền và hay than hôm nay bị ai đánh cắp mấy trăm. Ông dấu kín dưới gối, kẹt tủ rồi lại hoảng loạn đi tìm vì không biết ở đâu. Ông kêu lên đầy lo lắng.:

– Gói tiền và giấy tờ để làm hồ sơ đi Mỹ đã bị đánh cắp rồi. Mình làm sao lên máy bay?

Vậy đó, ông nội lại trở về quá khứ để sống, còn cháu nhìn về tương lai để lớn lên. Cháu lớn từng ngày và mỗi ngày mỗi hiểu biết thêm một chút để bỏ xa ông nội đằng sau.

Bây giờ ông nội lại sắp hàng giống con em nó là con bé mới sinh được 5 tháng tuổi. Cũng mang tã, cũng ngu ngơ không biết gì như nó mấy năm về trước.

Tôi nhìn ông chồng tội nghiệp của tôi mà suy gẫm ra nhiều thứ.

Trên con đường đời của luật tử sinh vòng xoay bất biến, con người luôn đi theo một vòng tròn.

Khi đứa bé sinh ra bắt đầu bằng tã, sữa. Niềm vui là được bú no, ngủ cho yên giấc. Đứa bé lớn dần học nhiều thứ để trưởng thành. Để biết tham lam muốn cái này cái nọ. Để biết tìm cách lấy phần hơn về cho mình và trưởng thành để tự lập một đời sống riêng tư. Cái tuổi thành niên đến giai đoạn tráng niên là phải vật lộn với đời sống, với mưu sinh. Con người tốt hay xấu, danh vọng hay nghèo nàn, có nhân cách và đạo đức hay không là do mình tạo ra trong giai đoạn này.

Đến lão niên cuộc đời trải qua nhiều thăng trầm của cuộc sống. Tuổi đời chồng chất, đấu tranh mòn mõi, luật đời đào thải, cơ thể đào thải để cuối cùng cũng chỉ trở lại với tã và sữa.

Đứa bé là một sinh vật trong trắng, thơ ngây. Tã và sữa là những thứ cần thiết để đứa bé lớn lên và phát triển.

Người già là một cơ thể đã hết rồi nhựa sống. Trang sách đời đầy những dấu vết đau thương và tội lỗi. Nên ngoài tả sữa còn mang cả một quá khứ ở tâm hồn và đau đớn ở thân xác. Vì vậy đôi khi họ rất khó tính và câu chấp thiệt hơn. Cái vòng tròn khi về điểm cuối bao giờ cũng nhạt nhòa và mất dần đi nét vẻ đẹp ban đầu. Tất cả rồi sẽ nhập lại để hủy diệt. Để trả lại cái thân xác cho đất, nước lửa và không khí. Để sau đó một mầm sống mới vươn lên của vòng sinh tử, tử sinh bắt lại từ đầu.

Con đường nào rồi cũng có đích để đến, Nhưng cái đích để đến của những người lính VNCH bị tù Cộng Sản bao giờ cũng nhiều đau đớn, thương tích về thể xác lẫn tâm hồn. Nó đốt cháy và thiêu rụi nhiều thứ trong ký ức vàng son hay làm khô cằn niềm vui và sức sống.

Rất may ông và cháu đều được sống, được là công dân của một đất nước coi trọng người già và trẻ con. Một nước Mỹ tân tiến có nhiều quyền lợi ưu tiên cho cả ông và cháu. Cháu được xã hội nâng niu vì là mần non của đất nước. Cháu được tạo mọi điều kiện để sức khỏe và trí tuệ phát triển đến mức tối đa. Cháu sẽ trưởng thành để góp phần vào sự phồn vinh của đất nước, một người công dân xứng đáng trong xã hội.

Ông được xã hội trân trọng vì đã đóng góp ít nhiều cho xứ sở này. Một đất nước nhân bản coi trọng mỗi cá nhân. Những người già được quan tâm và hưởng những phúc lợi cần thiết để bảo vệ sức khỏe của mình. Để những ngày cuối đời là những ngày hạnh phúc và đáng sống.

Tôi cám ơn nước Mỹ vô cùng đã cho gia đình tôi có cơ hội sống và làm việc. Đã cho chúng tôi có một chỗ thật bình yên và an lành. Cho chúng tôi khi tuổi già không lo cơm áo gạo tiền, vật lộn với đời sống để kiếm miếng ăn. Nếu tôi còn ở VN ông chồng tôi chắc đã ra đi từ lâu lắm… Tôi sẽ không đủ khả năng để lo cho chồng như hiện nay Vì với một sức khỏe cạn kiệt sau bao nhiêu năm trên trại tù Việt Bắc. Bao nhiêu những ám ảnh quá khứ và hiện tại anh sẽ không thể nào đủ sức vượt qua.

Ông trời đã cho chồng tôi sống sót sau bao nhiêu năm tù tội gian lao. Đã cho chàng cùng tôi sang đây để xây lại một mái gia đình hạnh phúc. Và bây giờ đã cho chàng ở bên tôi hàng ngày, hàng giờ như tôi đã từng ước mơ, cầu nguyện.

Ông trời đã đùa với tôi. Ổng háy một bên mắt và cười: “Con ạ! Con xin gì ta đã cho con điều đó. Con ước nguyện cho chồng con sống sót trở về. Con cầu nguyện có chồng một bên không rời xa dù cực khổ bao nhiêu con cũng chịu. Cảm thương con ta cho con toại nguyện. Ta cho nó bên con hàng ngày, hằng giờ không bao giờ chia cắt. Con hãy trân trọng những đặc ân ta ban cho con. Chúc con hạnh phúc.”

Và thế, tôi ôm lấy niềm hạnh phúc ơn trên ban cho tôi và giữ lấy nó bằng cả trái tim.

Trái tim của một người phụ nữ Việt Nam yêu chồng.

Nguyễn thị Thêm

Con đường nào rồi cũng có đích để đến, Nhưng cái đích để đến của những người lính VNCH bị tù Cộng Sản bao giờ cũng nhiều đau đớn, thương tích về thể xác lẫn tâm hồn. Nó đốt cháy và thiêu rụi nhiều thứ trong ký ức vàng son hay làm khô cằn niềm vui và sức sống.

Ba Mối Tình

Ba Mối Tình

Tình Bạn : Tại sao anh khóc?

Một anh nọ đến gõ cửa nhà anh bạn Bedouin để nhờ vả:

“Tôi muốn anh cho tôi mượn bốn ngàn dinar vì tôi phải trả nợ. Anh giúp tôi được không?”

Anh bạn bảo vợ gom hết mọi thứ giá trị họ đang có, nhưng cũng không đủ. Hai vợ chồng phải đi mượn hàng xóm cho tới khi gom đủ số tiền.

Khi anh nọ đi rồi, vợ thấy chồng mình khóc.

“Sao anh lại buồn? Giờ đến lượt hai vợ chồng mình lại nợ hàng xóm, có phải anh sợ mình không trả nợ nổi?”

“Chẳng phải vậy đâu! Anh khóc vì anh ấy là người anh rất quý mến, vậy mà anh chẳng hề biết anh ấy gặp hoạn nạn. Anh chỉ nhớ tới anh ấy khi anh ấy đến gõ cửa hỏi mượn tiền.”

Tình Mẹ : Không chịu buông tay!

Vài năm về trước, vào một ngày mùa hè , một cậu bé quyết định đi bơi ở con sông gần nhà. Trời thì nóng mà nước sông thì mát, cậu mừng rỡ nhảy ào xuống, bơi ra giữa sông mà không để ý rằng một con cá sấu đang bơi lại phía sau!

Cùng lúc đó, mẹ cậu bé đang ở trong nhà và khi nhìn ra cửa sổ, bà hoảng hốt khi thấy con cá sấu tiến ngày càn gần cậu con trai hơn! Hoảng sợ tột độ, bà mẹ lao ra, nhanh gấp nhiều lần cậu bé khi cậu chạy đi bơi, vừa chạy, vừa hét gọi con trai. Nghe tiếng mẹ gọi, cậu phát hiện ra con cá sấu và bơi ngược trở lại về phía bờ. Nhưng quá muộn, đúng khi cậu bơi tới bờ thì cũng là lúc con cá sấu đớp được chân cậu! Từ trên bờ, người mẹ chậm một giây, chộp lấy cánh tay cậu. Và bắt đầu một trận kéo co không cân sức. Con cá sấu khoẻ hơn người mẹ rất nhiều, nhưng người mẹ còn quá nhiều tình thương và không thể buông tay.
Lúc đó, một bác nông dân đi qua, nghe tiếng kêu cứu vội vã của người mẹ nên đã vội vã lấy một chiếc gậy to ra cùng chiến đấu với con cá sấu! Con cá sấu đành thả chân cậu bé ra.

Sau hàng tuần, hàng tuần trong bệnh viện, cậu bé đã được cứu sống. Nhưng chân cậu có một vết sẹo rất to, trông rất khủng khiếp – bằng chứng của lần bị cá sấu tấn công.

Một phóng viên tới gặp cậu bé khi cậu đã hoàn toàn bình phục. Phóng viên này hỏi cậu bé có thể cho xem vết sẹo được không. Cậu bé kéo ống quần lên, để lộ vết sẹo cho phóng viên chụp ảnh. Và phóng viên nọ đã nói rằng vết sẹo này cậu bé sẽ không thể nào quên!

– Không đâu, hãy nhìn tay cháu đã! – cậu bé nói rồi kéo tay áo lên. Trên tay áo của cậu là một vết sẹo to, thậm chí còn sâu hơn cùng với những vết cào xước rất đậm và kéo dài do móng tay của mẹ cậu – khi người mẹ dồn tất cả sức lực và yêu thương đễ giữ lại đứa con trai yêu quý. Cậu bé nói với phóng viên:

– Chính vết sẹo này cháu mới không bao giờ quên được! Và cháu tự hào về nó, tự hào vì mẹ cháu đã không chịu buông tay.

Trong cuộc sống những người cha – người mẹ luôn như thế đấy, họ yêu đứa con của mình bằng cả trái tim và chấp nhận hy sinh, chấp nhận đau đớn và níu giữ lấy ngay cả những hy vọng nhỏ nhoi, mong manh nhất chỉ cần đứa con mình được sống, được no đủ và êm ấm.
Bất cứ người cha, người mẹ nào cũng sẽ không bao giờ buông tay khi con mình đang ở trong tận cùng hiểm nguy. Nơi bình yên nhất, chính là trong vòng tay gia đình thân yêu!
Gia đình chính là nơi bình yên và luôn dang tay che chở ta. Là nơi ta tìm về khi mệt nhòai trên con đường đời đầy rẫy chông gai.

Tình Người : Tiếng đóng cửa

Tôi mới chuyển đến nơi ở mới, cứ gần nửa đêm đang lúc ngủ ngon, tôi bị thức giấc vì tiếng đóng cửa rất mạnh ở lầu trên và tiếng chân lộp cộp rất khó chịu.

Nhiều ngày kế tiếp nhau, vẫn tiếng đóng cửa và tiếng dép vào đúng giờ ấy khiến tôi không sao chịu nổi.

Mẹ tôi khuyên: “Thôi con à, chúng ta mới đến, con đừng vội, kẻo làm mất lòng hàng xóm”.

Tôi đem chuyện ra than thở với mấy người trong xóm.
Có người khuyên: “Bà và chị cố gắng chịu đựng tiếng đóng cửa đó một thời gian. Chắc sẽ không lâu đâu…”

Rồi người ấy nói tiếp: “… Nửa năm trước, người cha bị tai nạn xe qua đời; người mẹ bị ung thư, liệt giường, không đi lại được.
Tiếng đóng cửa đó là của người con. Hoàn cảnh khá đáng thương, xin bà và chị thông cảm!

Cậu thanh niên này mới chỉ độ 16 tuổi. Tôi tự nhủ: “Trẻ người non dạ, cố chịu đựng thôi”.

Thế nhưng, tiếng đóng cửa vẫn tiếp tục xảy ra. Tôi quyết định lên lầu nhắc nhở.

Cậu bé mở cửa, hốt hoảng xin lỗi: “Dì thứ lỗi, cháu sẽ cố gắng cẩn thận hơn…”

Thế nhưng, cứ khi tôi vừa thiu thiu giấc ngủ, tiếng đóng cửa quen thuộc lại vang lên đập vào tai tôi như thách thức.

Mẹ tôi an ủi: “Ráng đi con, có lẽ nó quen rồi! Từ từ mới sửa được…”

Rồi khoảng một tháng sau, đúng như lời mẹ nói, tiếng đóng cửa đột nhiên biến mất.

Tôi nằm trên giường nín thở lắng tai nghe, tiếng khép cửa thật nhỏ, và bước chân nhẹ nhàng cẩn thận.

Tôi nói với mẹ: “Mẹ nói đúng thật!”

Nhưng tôi bỗng bất ngờ… khi thấy hai mắt mẹ tôi ngấn lệ.

Mẹ tôi nghẹn ngào nói: “Mẹ thằng bé trên lầu đã ra đi rồi, tội nghiệp thằng bé, ban ngày đi học, đêm đến quán chạy bàn.

Nó cố gắng đi làm thêm để kiếm tiền chạy chữa cho mẹ, nhưng rồi bà ấy vẫn không qua khỏi

Trong tình hàng xóm, tôi sắp xếp thời gian viếng xác người phụ nữ ấy.

Cậu bé cúi thấp đầu, tiến đến gần tôi và nói: “Dì! Nhiều lần cháu làm Dì mất ngủ, cháu xin Dì tha lỗi”.

Rồi cậu nói trong tiếng nấc: “Mẹ cháu mỗi ngày một yếu, nói không được, nghe không rõ, cháu đóng cửa mạnh để mẹ biết cháu đã về, có thế bà mới an tâm ngủ, Nay mẹ cháu không còn nữa, Dì ạ…”

Nghe câu chuyện, tôi bỗng cảm thấy như bị ù tai, lệ từ hai khóe mắt tôi bỗng tuôn trào ra…

Tôi thấy mình quả là vô tâm, thiếu cảm thông với hoàn cảnh của người khác.

Cảm thông là tối cần trong các mối quan hệ và lòng khoan dung là quà tặng đáng giá nhất trên đời.

Xin Bạn đừng bao giờ khép lại lòng mình,

Cầu mong cho con người chúng ta luôn hướng đến một nhịp đập trái tim quảng đại, tấm lòng vị tha, nhân ái, vượt qua những suy nghĩ tầm thường, để mặc lấy tâm tình yêu thương.

Tạo Hóa ban tặng riêng chỉ có ở “Con Người”…

S.T.

Thương Người Độ Lượng

Thương Người Độ Lượng

Tác giả: Vĩnh Chánh

Tác giả là một y sĩ thuộc hội Ái Hữu Y Khoa Huế Hải Ngoại, hiện là cư dân Mission Viejo, CA. Tốt nghiệp Y Khoa Huế năm 1973, thời chiến tranh, ông là Y Sĩ Trưởng binh chủng Nhảy Dù cấp tiểu đoàn và gắn bó với đơn vị chiến đấu cho tới giờ phút cuối tại vành đai Sàigon ngày 30 tháng Tư. Với bài “Không Bỏ anh em, không bỏ bạn bè” ông viết Tháng Tư 2013,  Bác sĩ Vĩnh Chánh đã nhận giải danh dự Viết về nước Mỹ cùng năm. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.

* * *
Thủa trời đất nổi cơn gió bụi
Khách má hồng nhiều nổi truân chuyên

Viết tặng các phụ nữ sống trong thử thách và nghịch cảnh

Khi gia đình chúng tôi dời chuyển đến xóm, Anh đang học Đệ Ngũ cùng một lứa với người anh thứ hai của tôi. Sau hiệp Định Genève, di cư từ Thanh Hóa vào, chỉ có cha và Anh, rất đơn chiếc.

Cùng với các đứa trẻ trong xóm, chúng tôi hay chạy theo chơi với Anh, để được nghe Anh kể chuyện ngoài nớ. Anh cũng thường đến nhà tôi chơi với anh trai và 2 chị của tôi. Đó là một người rất dễ mến, hiền hòa và đơn sơ. Lúc cha Anh tục huyền và có một bé gái, Anh tình nguyện vào Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt sau khi đậu Tú Tài. Vài năm sau cha Anh dọn nhà khỏi xóm.

Bẳng đi gần cả mươi năm, bất ngờ tôi gặp lại Anh trong bộ áo quần màu Olive Bộ Binh với cấp bực Đại Uý khi Anh về dự đám tang của cha mình năm 1972. Vẫn một vẽ trầm lặng, dáng người cao ốm. Vẫn một cách ăn nói từ tốn nhỏ nhẹ nhưng thân tình. Anh hiện đang phục vụ cho một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân và vừa lấy vợ vài tháng trước. Đám cưới rất đơn giản vì cha Anh già yếu không tham dự, nên Quân Đội đại diện nhà trai đi cưới vợ cho Anh. Bố vợ của Anh là một Thượng Sĩ già của Tiểu Đoàn, người thân thuộc với Anh từ bao năm qua. Tôi mừng Anh, khi Anh rút ví cho xem tấm hình người vợ xinh đẹp, một nữ sinh Trung Học.

20 năm sau, tình cờ gặp lại Anh tại California ở nhà một người bạn hàng xóm chung với nhau trước đây, chúng tôi mừng rở chào hỏi nhau trên đất Mỹ. Anh đã thay đổi nhiều và đi một mình. Khó nhận biết được nếu không được giới thiệu trước. Hình ảnh hiên ngang và oai vệ của một chiến sĩ năm nào tôi hằng ngưỡng mộ không còn nữa. Anh già hẳn đi, nét mặt cằn cổi, chín mùi với khổ đau, ánh mắt mệt nhọc. Lưng hơi còng và đôi vai co rút. Bước đi với những bước chân như ngần ngừ khập khỉnh. Anh và gia đình, 1 vợ 4 con được qua Mỹ theo diện HO trên một năm nay. Tôi mừng Anh đến bến bờ tự do. Sau đó Anh kéo tôi ra sân, trầm ngâm tâm sự.

Binh nghiệp Anh thăng tiến theo thời gian. Từ Trưởng Ban 3 Tiểu đoàn Địa Phương Quân, anh lên làm Tiểu Đoàn Phó, rồi Tiểu Đoàn Trưởng với cấp bậc Thiếu Tá giữa năm 1974. Theo con sóng di tản của Miền Trung vào cuối tháng 3, 1975, gia đình Anh đến Saigon cùng một nhóm sĩ quan và binh sĩ thuộc quyền. Lúc ấy Anh có 2 con gái, đứa lớn 3 tuổi và đứa nhỏ gần 1 tuổi. Khi Anh vừa kịp tìm ra một nơi cho gia đình Anh cùng gia đình bên vợ tạm trú ở khu Bàn Cờ, là lúc Miền Nam Việt Nam đang trên đà tan rả. Rồi tập trung cải tạo sau vụ cưởng chiếm Miền Nam. Trời đất đen tối. Người người thống khổ dưới chế độ mới, sát máu, bạo tàn.

Trong suốt 10 năm tù cải tạo, qua bao nhiêu lần chuyễn trại, từ Nam đến Bắc rồi Bắc trở lại Miền Nam, Anh chỉ được gia đình liên lạc 1 lần trước khi bị đưa ra Bắc và sau đó là biệt tăm. Anh không muốn nhắc nhiều đến những năm tháng sống trong các trại tập trung ở những núi rừng xa xôi lạnh lẻo, cơ cực đói khát. “Bên ngoài thì bị chúng chửi rủa mạc sát, hành hạ thể xác. Bên trông ê chề với đau đớn tuyệt vọng, niềm tin yêu cuối cùng cũng rạn nứt với cảm giác bị bỏ rơi, không một tin tức của vợ con”. Nhiều lần Anh nghĩ đến cái chết, nhưng vì bao ray rức dằn vặt, bao câu hỏi chưa có câu trả lời, rồi lòng thù hận và tự trách từ từ biến Anh thành câm lặng và chai đá.

Ngày được cho về tại địa chỉ cũ “Bàn Cờ” trên tờ giấy thả tù, lòng Anh xôn xao, nhưng căng thẳng chờ đợi một bất hạnh. Anh e dè, ngở ngàng bước vào nhà lúc xế trưa. Hai con gái Anh, nay 13 và 11 tuổi nhìn Anh xa lạ, hoàn toàn không biết Anh là cha ngay cả khi Anh nói rỏ tên họ và kêu tên chúng. Còn nàng ở đâu? Mẹ vợ cho biết nàng mang 2 đứa con nhỏ sau này về chơi bên gia đình chồng mới, sau khi nhận giấy báo Anh sẽ được thả về trong mấy ngày gần đây. Anh chết đứng như trời trồng giữa căn nhà, tê tái bên cạnh chiếc bị cũ chứa vài bộ quần áo rách do anh em bạn tù cho, lặng người nhìn 2 con gái của mình, trong khi nghe những lời phân bua của mẹ nàng.

Em nó và cả nhà đều nghĩ Anh đã chết trong tù. Hoặc giả, nếu còn sống, cũng chẳng biết khi nào được cho về. Nhà ta càng lúc càng túng thiếu, tình trạng rất bi đát, chạy đâu cho ra tiền. Ông già chẳng làm được gì nên thân ngoài chuyện nghiện ngập suốt ngày. Anh đi tù có để lại tiền bạc gì đâu! Vợ con Anh cần tiền để sống, đó là chưa kể chuyện bị thôi thúc đi kinh tế mới. Cuối cùng em nó phải nghĩ đến chuyện sống còn và nuôi con. Nó mới đành phải lấy cái thằng yêu nó lúc 2 đứa cùng chung trường trung học với nhau. Anh cứ tạm ở đây đi. Nhưng xin Anh xữ đẹp và hiểu là chúng đã có 2 con với nhau và nuôi luôn cả 2 con của Anh nữa…

Sét đánh ngang tai. Đất trời sụp đổ. Điều lo âu sợ hải nhất của người cải tạo trong những ngày tháng tù đày vô vọng đã phơi bày. Nổi tủi nhục bị phản bội ê chề. Không một đắn đo và trong một thôi thúc nghịch lý, Anh quyết định rời nhà dù chưa biết mình sẽ đi đâu. Một quyết định nhanh chóng và sắc bén, như Anh đã từng làm nhiều lần trong lâm nguy khi Anh còn chỉ huy cả trăm quân trong trận mạc. Anh ngập ngừng đến bàn vuốt đầu 2 con rồi lặng lẻ bước ra. Thêm một lần nữa Anh là người thua cuộc, trắng tay. Anh là kẻ bại trận, Anh đã thua trong cuộc chiến lẫn trong cuộc tình. Bên ngoài, trời nắng chang chang, nhưng Anh bổng nổi cơn lạnh run tới tận xương tủy và xâm xoàng. Như một con thú bị trúng thương, Anh lảo đảo vừa đi vừa hấp tấp chạy xa căn nhà cũ trong nhạt nhòa uất ức của mồ hôi lẫn nước mắt, khiến Anh vấp té vào một xe 2 bánh và gảy cổ chân phải.

Trôi theo dòng đời của một con người không còn gì đế mất thêm, Anh làm tất cả công việc lớn nhỏ, nặng nhẹ, để sống còn. Từ làm thuê ở chợ, khuân vác ở cảng, đạp xe xích lô, xe ba bánh chở hàng chở than…Rồi cũng như bao chiến hữu xưa cũ, bao bạn tù, Anh gia nhập dần vào cuộc sống bên lề xả hội, luôn mang nặng ưu tư của một thân phận thua thiệt với vết thương lòng sâu kín. Vài năm sau, Anh lấy vợ, là em gái của một bạn cùng khóa VBQG với Anh, có chồng thiếu úy bị chết ở vùng Cao Nguyên trong những tháng trước khi mất nước nay đang sống với 2 đứa con trai gần bằng tuổi con Anh. Người vợ thứ hai của Anh có một cửa hàng nhỏ nên tài chánh trong gia đình không mấy chật vật. Mổi tháng, đôi ba lần, Anh không quên ghé thăm 2 đứa con gái, đem theo chút quà cho chúng và tiếp tục làm thân. Có lúc không tránh được, Anh phải chạm mặt người vợ trước cùng người chồng trẻ hiện tại và 2 đứa con chung còn nhỏ, một trai một gái. Trong những lần đối diện hiếm hoi ấy, sự thù hận, đau đớn và chua chát làm người Anh cứng lại và giọng nói hằn học, cộc lốc.

Rồi chương trình HO xuất hiện. Lúc đầu chẳng mấy ai tin, nhưng rồi phường khóm tiếp tục gởi giấy thông báo, thúc giục. Sau đợt đầu tiên chính thức ra đi năm 1990, những tù cải tạo còn lại trong nước, xa gần thành phố hay bên trong các trại tù, nhìn thấy chính phủ Hoa Kỳ đang thi hành một chính sách nhân đạo để giúp đở những tù nhân chiến tranh bị giam cầm trên 3 năm. Anh bàn tính với vợ mới, rồi với vợ cũ. 2 con gái của Anh ráp vào hồ sơ đi chung với gia đình vợ mới của Anh. Hai con gái của Anh kêu Anh là Bố. Hai con trai của vợ sau kêu Anh bằng Tía. Tháng 4 năm 1991, Anh cùng vợ thứ hai và 4 con đến TB Wisconsin, định cư tại đó cho đến bây giờ.

Tôi ngỡ ngàng, xót xa giữ im lặng, ngồi nghe anh tâm sự. Tặng chút tiền làm quà cho các cháu, tôi cầu mong Anh được sức khỏe, gia đình hạnh phúc. Đời sống sớm ổn định, các cháu ngoan và học hành giỏi, chóng thích hợp với xả hội mới.

Tháng 10 năm 1999, Anh điện thoại hẹn dẫn Chị đến thăm chúng tôi tại nhà. Khác hẳn với 7 năm trước, Anh trông phương phi với nét mặt hồng hào, ánh mắt tinh anh trở lại. Anh thật sự nhìn trẻ hơn trước, với cách ăn nói và dáng điệu của một con người có tự tin, đầy sức sống. Như muốn tôi vừa là nhân chứng vừa là thân quen để Anh chia xẻ tâm tình, Anh đi ngay vào câu chuyện.

Đến Hoa Kỳ khi gần 50 tuổi, Anh bắt đầu cuộc sống mới bằng cách đi học lại trong 2 năm, và nay Anh là nhân viên sở công chánh nơi thành phố Anh ở. Chị làm tá viên điều dưỡng cho một viện dưỡng lảo gần nhà. Cô con gái đầu thành công trong nghề nail, vừa sang lại một tiệm riêng, có chồng và một đứa con trai. Cô con gái út đang còn học năm cuối chương trình Nursing. Con trai đầu của vợ sau là một kỷ sư Điện, còn độc thân. Con trai thứ hai hiện học ngành Physical Therapy. Anh chị mua được cái nhà, ở chung với cô con gái út và 2 cậu con trai.

Tôi lên tiếng chung vui, hãnh diện với Anh về những gặt hái tốt đẹp của gia đình Anh trong thời gian ngắn chỉ 7 năm trên quê hương thứ hai này. Tôi nói ra sự nhận xét của mình khi nhìn thấy Anh măt mày rạn rở và hạnh phúc, miệng cười tươi thắm, thật khác hẳn khi gặp Anh lần đầu tại đất Mỹ. Hẳn phải có một điều gì huyền diệu đã xẩy ra!

Một buổi chiều cách đây vài năm, theo một người bạn đến nhà thờ Tin Lành, Anh nghe vị Mục Sư rao giảng đề tài “Tha Thứ và Độ Lượng”. Tha thứ người để người tha thứ ta! Độ lượng với người cũng như độ lượng với chính mình trong mưu tìm hạnh phúc! Bài giảng như ánh sáng nhiệm mầu chiếu thẳng vào tâm hồn. Vựt Anh dậy và Anh bổng nhìn ra chân lý. Sự cảm thông sẽ dễ dàng dẫn đưa đến lòng tha thứ. Thời gian giúp xoa dịu và chữa lành bao vết thương lòng. Những lời giáo huấn đưa Anh ra khỏi hận thù uất ức. Nâng tâm hồn Anh lên khỏi sự khinh ghét, dẫn đến tình thương độ lượng. Anh may mắn tìm được niềm tin mới và sự bình an trong tâm hồn.

Qua bao nhiêu năm, Anh cũng đã từng ân hận, dằn vặt về những lổi lầm trong đời binh nghiệp của mình. Càng nhớ đến những chiến trận, Anh càng thấy được những sai trái lớn nhỏ trong chỉ huy, những thiếu sót tham mưu, những hy sinh đáng tiếc hoặc không cần thiết của binh sĩ thuộc quyền. Có hay không Anh thực sự một vị chỉ huy giỏi, kinh nghiệm và trách nhiệm như Anh vẫn thường nghĩ?! Có hay không Anh thực sự được thương mến, kính nể mà không phải vì chức vụ thượng cấp của Anh?! Và có hay không Anh đối xử công bình, có trên có dưới, thương yêu đùm bọc thuộc cấp của mình?!

Anh chẳng thể quên tiếng khóc của cha mẹ những binh sĩ tử trận, những ai oán của cô nhi quả phụ. Như trường hợp thằng đệ tử thân tín từng theo Anh bao nhiêu năm, lo cho Anh từng bửa ăn, pha cho Anh từng ly cà phê, đào hầm ngồi canh cho Anh trong đêm, mang áo quần treo mùng cho Anh…Thế mà vì nó trình diện đơn vị trể 15 ngày sau khi đã được nghỉ phép 1 tuần về thăm nhà, Anh nổi giận, đưa nó ra bên ngoài với trung đội tác chiến, để chưa đến 5 ngày sau thì nó bị chết vì đạp mìn.

Câu chuyện về cái chết của thằng đệ tử luôn ám ảnh và dày vò lương tâm Anh. Rồi bao nhiêu thương binh, bao nhiêu tử sĩ khác, mà Anh vẫn mãi nhớ mặt nhớ tên, nhớ luôn cả từng địa điểm đụng nặng hay đụng nhẹ, trong làng mạc, trên cánh đồng lúa, trên con đường ruộng hay cạnh bìa rừng…Chính những vui buồn đời quân ngũ đó, những hình ảnh chiến đấu đó đã đóng khung trong đầu Anh và vẫn tồn tại trong tim óc Anh qua bao năm trong tù, nhiều và nhiều gấp bội so với những kỷ niệm Anh có với vợ con.

Rồi còn chuyện Anh lấy vợ nữa. “Ông thầy” lấy con gái “đệ tử”, đâu giống mấy chuyện tình bình thường.

Từ thủa mới về đơn vị, vì Anh độc thân và không có gia đình tại chỗ nên một người Trung Sĩ thường xuyên mời “Ông Thầy” về nhà chơi. Ròng rả mấy năm, mối quan hệ Thầy Trò càng khắng khít, nhất là khi Anh thăng cấp dần và người Trung Sĩ được gắn lon Thượng Sĩ. Chuyện lấy con gái cưng của vợ chồng ông Thượng Sĩ thuộc cấp này tự nhiên đến mà ngay chính Anh cũng ngạc nhiên khi nhận lời.

Không hẳn như tiền định, nhưng như một sắp đặt khó từ chối khi cha nàng ướm lời trong một bửa tiệc của đơn vị. Bấy giờ nàng chỉ là một cô bé 18 tuổi đang học lớp 12. Đối với Anh, lấy vợ trong lứa tuổi cần lấy vợ, vào giai đoạn mà đàn ông, nhất là trong giới võ biền, thường nghĩ đến sau khi đã có một chút danh phận. Anh biết đây không phải là một mối tình say đắm vì Anh không còn ở lứa tuổi bồng bột đam mê. Chính vì vậy Anh không có những rung động thật sự bên nàng, chưa có những câu nói tình tứ với nàng. Không phải chầu chực săn đón nàng. Không có những kỷ niệm hữu tình, những khung cảnh lãng mạn bên nhau. Không luôn những phút lưu luyến, những cử chỉ gắn bó. Có một cái gì đó khiến cuộc sống vợ chồng có phần lổi nhịp. Anh thường tự hỏi có thể số tuổi 12 năm cách nhau giữa vợ chồng khiến Anh thầm xem nàng như một người vợ bé bỏng cần nơi nương tựa vững vàng, và Anh quả là một ông chồng quyền uy, vì nếu cần liên lạc với nàng, đôi khi anh chỉ nhắn qua cha nàng, thế là xong.

Còn về phía nàng?

Nàng lớn lên trong một gia đình có khuôn khổ nề nếp quân đội, với người cha cứng rắn trong phong cách. Khi cha mẹ nàng quyết định nàng nên lấy Anh, vừa là một ông Đại Úy vừa là một Ông Thầy, ông xếp của cha, nàng không có lý do từ chối và cải lời cha mẹ. Có thể nàng cũng bị choáng ngợp vì Anh là thượng cấp của chính cha mình, vì Anh được cả trăm binh sĩ chào kính, vì Anh có chức vị đem đến sự ổn định cho cuộc sống tương lai… Yêu chồng hẳn là chưa yêu nhưng kính phục và thỏa mãn hãnh diện với chúng bạn là điều đương nhiên. Một vài người bạn cùng trường cũng có người yêu là lính, nhưng cùng lắm chỉ là chuẩn úy hay thiếu úy gì đó chứ làm gì tới chức Đại Úy như Anh. Nhìn Anh trong quân phục nàng thấy Anh hiên ngang và oai dũng, giống như cha mình vậy. Có được tấm chồng như Anh cũng được rồi, kén chọn chi nữa! Mẹ nàng đã chẳng từng nói như vậy, thêm rằng cha nàng nay là Thượng Sĩ và sẽ mãi mãi là Thượng Sĩ. Nhưng chồng tương lai của nàng nay là Đại Úy, mai đây lên lon, sẽ là Thiếu Tá, Đại Tá hoặc ngay cả Tướng cũng không chừng! Cả nhà ta sẽ thơm lây…

Khi vận nước thay đổi, chồng ở tù cải tạo, số tiền nhỏ nhoi dành dụm từ lương hàng tháng của chồng cạn mau. Gia đình nàng sa sút theo thời gian, bán dần đồ đạc của cải trong nhà cũng chẳng thể cứu vãn. 22 tuổi với 2 đứa con dại trong tay, chưa một lần đụng chạm với đời ngoài bổn phận làm vợ, làm mẹ, nay nàng đành bung ra thế giới bên ngoài tìm cách mua bán làm ăn, bôn ba hùn hạp với các bạn hàng khác và đơn độc chống trả nhiều cạm bẩy. Quá mệt mỏi và tinh thần căng thẳng, nàng chẳng có mấy thì giờ nghĩ đến chồng. Nhưng ông trời không có mắt, mớ vốn liếng ít ỏi cũng mất sạch. Cha nàng, người từng dạy khôn nàng phải lấy ông Thầy Đại úy của mình, nay lãi nhãi muốn nàng bỏ chồng- vì trước sau gì nó cũng không có ngày về và sẽ chết trong tù- để lấy người bạn học trước đây với nàng. Người đó chạy mối bán thuốc tây và hàng ngoại rất khấm khá và tháo vát. Đến đường cùng và để tránh bị đuổi đi kinh tế mới, nàng đành buông theo số phận, yên lặng bỏ người chồng trước. Biết làm như vậy là có lổi nặng với chồng trước, nhưng thà nàng về làm vợ với một người đứng đắn, từng quen biết và thầm kín yêu nàng qua bao nhiêu năm còn hơn là phải nhắm mắt chung chạ với cả trăm người để mưu sinh. Có trời mới hiểu được cái khổ của nàng trong quyết định mà bên nào cũng chỉ là phần thua thiệt.

Từ khi định cư, qua thời gian sống chung với các con, nghe các con gái kể chuyện về Mẹ, nhắc Mẹ từng yêu thương chăm sóc cho chúng, bảo vệ chúng khi bị bạn hàng xóm ăn hiếp; và Ba Dượng cưu mang đùm bọc cả gia đình, yêu thương chúng như con ruột của mình, y như 2 đứa nhỏ sau này. Chúng ghi nhận từ ngày có Ba Dượng, cuộc sống gia đình có phần ổn định hơn. Các con Anh chẳng được biết nhiều về Bố của mình cho đến ngày Anh xuất hiện. Bà Ngoại có giải thích đôi chút, nhưng Mẹ vẫn giữ im lặng. Chúng luôn bênh vực Mẹ và bày tỏ uớc mong Bố thấu hiểu cảnh khổ của Mẹ và gia đình nhất là trong những năm đầu sau khi Bố đi tù. Tâm sự của các con và lời rao giảng của vị Mục Sư giúp lòng Anh nhẹ hẳn từ đó. Không còn thắc mắc về những bất hạnh xẩy ra cho đời mình trước đây, Anh dần dần thấy cuộc đời trong sáng hơn và có lại niềm tin vui.

Các con Anh đã làm giấy tờ bảo lãnh Mẹ, Ba Dượng và 2 em qua Mỹ. Chính Anh là người thúc đầy làm giấy tờ, và theo dỏi tình trạng cứu xét đơn. Anh thường nhắc nhở 2 con gái dành dụm tiền gởi về cho Mẹ và Ba Dượng. Chính Anh cũng thường xuyên đóng góp phần mình. Thỉnh thoảnh Anh có nhận một vài lời gởi thăm của nàng qua thư con gái. Trong một thư gần đây nhất, nàng viết “Xin hảy tha thứ cho em và tha thứ cho nhau”. Như một trả lời cho lá thư dài Anh gởi nàng kèm theo trong cùng lá thư của con mà trong đó Anh đã viết, lần đầu tiên, lời cám ơn nàng đã thay Anh nuôi 2 con gái từ nhỏ cho đến khôn lớn, trong suốt thời gian Anh không có mặt và cả 7-8 năm sau khi Anh ở tù về. Nay đến phiên Anh sẽ tiếp tục chăm sóc các con cho nên người tốt. Anh không quên nhấn mạnh lòng biết ơn của mình đối với nước Mỹ đầy tình người. Nhờ đó Anh mới giác ngộ và tìm thấy mùa xuân đang từ từ nở muộn trong tuổi già.

Hè 2009, chúng tôi lại gặp nhau, lần này được giới thiệu với một cặp vợ chồng trẻ tuổi hơn. Họ là Mẹ và Ba Dượng của 2 con gái, vừa đuợc bảo lãnh qua Mỹ khoảng 6 tháng. Xum họp nào cũng vang dậy những tiếng cười, tiếng vổ tay, tiếng cụng ly và những lời chúc tụng. Đó là âm thanh của vui mừng hội ngộ, của hạnh phúc, của tình thân lẫn trong giọng nói của Anh, sảng khoái và nồng ấm.

Mẹ và Ba Dượng cùng một con trai và một con gái tạm thời ở chung với gia đình con gái đầu của Anh. Con gái đầu nay làm chủ 2 tiệm nail và có 3 con. Chồng nguời Việt và làm về bảo hiểm. Con gái thứ hai của Anh là một Registered Nurse từ nhiều năm qua, hiện làm cho một bệnh viện trong thành phố; lập gia đình với chồng người Mỹ chuyên viên về Siêu Âm và có 2 con. Con trai lớn kêu Anh bằng Tía, một kỷ sư điện, có vợ người Mỹ gốc Mễ và 2 con. Con trai thứ hai cũng kêu Anh bằng Tía, hành nghề Physical Therapist, lấy vợ Mỹ gốc Trung Hoa, cùng nghề với chồng và cũng có 2 con. Mẹ đang theo học nghề nail với con gái lớn. Ba Dượng đang lấy lớp học Anh Văn ở Đại Học Cộng Đồng. Con trai đầu của Mẹ và Ba Dượng có ý muốn theo học nghành cơ khí sửa xe hơi, và con gái út dự định học Medical Assistant.

Đại gia đình họ ở trong cùng một thành phố với nhau, nhà này cách nhà kia không quá 15 phút lái xe. Tôi chọc Anh mổi khi họp mặt gia đình kiểu Hiệp Chủng Quốc này, làm sao biết tên để gọi nhau cho đúng mà không sợ lộn xộn. Anh nhanh chóng trả lời dể ẹt. Nếu kêu Bố hay Tiá thì đó là Anh, kêu Má tức là vợ sau của Anh, kêu Mẹ tức là vợ của Dượng đồng thời mẹ của 2 con gái Anh và của 2 đứa con trai và con gái sau này. Nếu nghe gọi Ba hay Ba Dượng thì đó là dượng sau của mấy đứa con gái Anh. Còn 9 đứa cháu, chỉ cần kêu Grand Pa và Grand Ma là đủ. Và chúng có đầy đủ 2 sets Grand Pa và Grand Ma.

Chuyến đi chơi liên tiểu bang đầu tiên của đại gia đình Anh, với tất cả con trai gái, dâu rể và cháu nội ngoại. Lớn nhỏ tất cả gồm 23 người, trong một đoàn convoi nhiều xe do Anh lên chương trình kế hoạch, chỉ huy và dẫn đầu. Cuộc đi chơi này là một món quà đón mừng Mẹ và Ba Dượng được đoàn tụ. Chốc nữa, Anh sẽ lái xuống San Diego đến chổ hẹn với các xe kia. Mọi người cười lớn khi nghe tôi nói Anh bây giờ xệ hơn trước nhiều vì bị giáng cấp, từ một Tiểu Đoàn Trưởng nay chỉ là một Trung Đội Trưởng, lúc xưa hét ra lửa và oai biết bao nhiêu, bây giờ con cháu sai đâu chạy đó. Anh thành thật trả lời Anh may mắn nhiều và rất hạnh phúc mới còn có trung đội để chăm lo.

Phải chăng sự cởi mở về tư tưởng, sự bao dung và quảng đại của xả hội Mỹ đã khiến con người dễ hướng thiện và vị tha. Rỏ ràng nhất, nước Mỹ luôn mở rộng tấm lòng đón nhận các nạn nhân chiến tranh, tạo cho họ mọi cơ hội để vươn lên, làm lại cuộc đời. Ở đâu trên thế giới có thiên tai là ở đó có sự hiện diện và giúp đở của nước Mỹ. Ngoài đường phố, trong hội quán, đâu đâu cũng nghe những chào hỏi thân mật và tiếng cám ơn. Từ trường học cho đến cơ sở công tư, nhà thờ, đâu đâu cũng kêu gọi làm việc thiện nguyện, thăm viếng người già cô đơn, giúp đở kẻ bất hạnh, nghèo khó, tàn tật. Đâu đâu cũng đóng góp cho quỹ cứu trợ, cứu đói, cứu giúp người vô gia cư… Và đâu đâu cũng có những câu chuyện, dĩ nhiên, tương tự như câu chuyện của Anh. Những câu chuyện muôn thủa của tình thương và tha thứ, của khoan hồng độ lượng.

Tin giờ chót, vợ chồng người Thượng Sĩ già cũng vừa xum họp với đại gia đình, qua sự bảo trợ của chính con gái mình. Chúng tôi hẹn sẽ đến thăm Anh vào dịp lể Thanksgiving năm nay. Trước là để chung vui, kế để xem thử ai là người trung đội trưởng của clan. Vẫn là Anh hay Anh đã truyền chức lại cho người thuộc hạ thân tình ngày xưa.

May 2015. Mission Viejo, CA

Vĩnh Chánh

Ở Một Nơi Sung Sướng

Ở Một Nơi Sung Sướng

Truyện ngắn:

Nguyễn Thị Thanh Dương

Cô Laura từ trên lầu bước xuống đã thấy mẹ ngồi thù lù nơi bàn ăn gần cửa sau, bà đang ngó xuyên qua cửa kính đăm đăm?

– Ủa, sao má dậy sớm thế? Con thức giờ nào cũng thấy má thức trước con rồi..

Bà Tư Nhiều trả lời con gái:

– Má gìa cả ngủ là bao nhiêu, sao hôm nay con dậy sớm? mới có 8 giờ?

Cô Laura ra bếp lục đục vừa làm vừa đáp:

– Tùy bữa …mà con dậy sớm một chút thì giờ thong thả hơn?

Một lát sau cô bưng ra bàn 2 ly cà phê sữa nóng mới pha và 2 chiếc bánh bao cô mới hâm lại nóng hổi:

– Má ăn điểm tâm với con…

Bà Tư Nhiều nhìn ly cà phê sữa và chiếc bánh bao với vẻ ơ hờ:

– Cái bánh bự thế kia má ăn sao hết, nội ly cà phê sữa cũng đủ no bụng gìa rồi.

Cô Laura cằn nhằn:

– Má thiệt tình, sướng mà không biết hưởng, ở Việt Nam có cà phê sữa, có bánh bao cho má ăn không?

Cô nhìn theo hướng mẹ nhìn, qua khung cửa kính nhà ăn, ngoài kia một buổi sáng rạng rỡ, cây hoa Hồng leo quanh hàng rào trên deck và có hai con chim đang líu lo rồi chắp cánh bay đỉ

Cô tò mò hỏi:

– Nãy giờ má nhìn hai con chim đó hả?

– Ừ, má thấy nó vui qúa, cứ bay đi rồi quày lại líu lo, rồi lại baỷ

Cô Laura quen miệng luôn bắt đầu câu bằng chữ ?ôi? dù câu vui hay buồn:

– Ôi, chim trời cá nước mà má? nó bay đi khắp trời có gì lạ !

Bà Tư Nhiều không dám nói những điều mình đang nghĩ sợ cô con gái la, bà quậy ly cà phê sữa và uống vài ngụm rồi cầm chiếc bánh bao lên ăn cho con gái vừa lòng. Lòng bà như mọi ngày lại xót xa tự hỏi không biết sáng nay con cháu bà ở Việt Nam đang làm gì ? Có cái gì ăn sáng bỏ vào miệng không?

Cô Laura uống sữa ăn bánh bao xong lên lầu thay quần áo và xách giỏ đi xuống:

– Thôi con đi làm, hôm nay má nấu món cá kho với thịt ba rọi nghe, anh Nhàn thích món cá kho của má.

– Sao con bỏ cá ra ngoài nhiều thế? Trong tủ lạnh còn nồi thịt kho trứng từ hôm kia ăn chưa hết mà?

– Ôi, đồ ăn đã hai ngày rồi, ăn không hết thì đổ đi cho rộng tủ. Nhà này không thích ăn lại đồ cũ má ơỉ

Món thịt kho trứng mang tiếng là đã hai ngày mà thực tế ăn có là bao. Buổi chiều hôm đó cô Laura đi làm về, chắc gặp ngày hên đắt hàng, tiền tip nhiều cô cao hứng ghé vào nhà hàng mua mấy hộp đồ ăn mang về nhà, thế là nồi thịt kho trứng thành ế ẩm, thành đồ cũ..

– Thật là uổng phí, ở Việt Nam người ta không có mà ăn.

– Ôi, đồ ăn ở Mỹ rẻ rề má khỏi lo. Có khi một khách tiền tip cho con kho mấy nồi thịt trứng luôn.

Cô Laura đi ra cửa, cô là người cuối cùng rời khỏi nhà, vì nghề làm nail của cô đi trễ về trễ, cửa tiệm 9 giờ sáng mở cửa cho đến 9 giờ tối. Chồng và hai con kẻ đi làm người đi học trước rồi. Cô quay đầu dặn dò trước khi khép cửa:

– Má ở nhà cứ nằm xem ti vi, thích ăn gì thì mở tủ lạnh. Vui hưởng nhàn nghe má?

Bà Tư Nhiều còn lại một mình lại thở dài khi nhìn thấy hai con chim bay lượn ngoài sân. Chúng tự do sung sướng hơn bà, muốn đậu muốn bay đâu tùy thích.

Còn bà thì chỉ ngồi đây hay quanh quẩn trong nhà và lúc nào cũng thấp thỏm lo lắng chỉ sợ xảy tay xảy chân té ngã thì mang họa cho con vì thỉnh thoảng cô Laura nghiêm trọng nhắc nhở bà:

– Má nhớ giùm con má đang là khách sống ở Mỹ không có quyền lợi chi, huỵch toẹc ra là má không có bảo hiểm sức khỏe, nếu bị tai nạn gì phải vô bệnh viện là coi như con sạt nghiệp đó?

Bà Tư Nhiều đã sợ hãi và cẩn thận hỏi:

– Má sẽ ráng giữ gìn, nhưng rủi má bị cảm cúm, nhức đầu, đau lưng, đau bụng có sao không con?

– Ôi, ba cái bịnh vặt này thì không sao tránh khỏi, tiền khám bác sĩ con lo được.

Rồi cô trấn an mẹ hay trấn an cho chính mình:

– Má chỉ ráng cẩn thận trong vài tháng thôi, con tin là vài tháng nữa luật sư sẽ lo xong giấy tờ cho má định cư hợp pháp ở Mỹ nên không cần mua bảo hiểm diện du lịch làm chi cho tốn tiền, vì mua diện này mắc mỏ lắm. Khi má được hợp pháp hóa rồi thì chúng ta khỏi lo vụ ốm đau hay tai nạn gì nữa, con sẽ có cách xin thẻ khám bệnh rẻ tiền hay miễn phí cho má…

Cho nên bà Tư Nhiều tự cho quyền bà cao lắm là chỉ ốm đau vặt vãnh thôi, ngoài ra tuyệt đối không được vì bất cứ lý do gì phải vào bệnh viện.

Bà Tư Nhiều nào có muốn sống ở Mỹ, bà đang ở Việt Nam với gia đình người con trai lớn tên Hiền kể từ ngày chồng bà qua đời.

Vợ chồng Hiền nghèo lắm, Hiền nghề nghiệp không ổn định, nay thì làm phụ hồ, mai kia mốt nọ chạy xe ôm, còn vợ Hiền thì bán rau ngoài chợ, hai vợ chồng làm không đủ nuôi hai đứa con và bà mẹ chồng nếu không có món tiền 200 đô la Mỹ hàng tháng cô Laura từ Mỹ gởi về mục đích để nuôi má, báo hiếu cho má.

Cô Laura theo chồng đi Mỹ do nhà chồng bảo lãnh từ nhiều năm nay, cô muốn bảo lãnh mẹ sang Mỹ sinh sống nhưng bà Tư Nhiều từ chối, nhà có hai đứa con, gia đình cô Laura ở Mỹ đầy đủ hạnh phúc là bà an tâm rồi, bà chỉ muốn sống với gia đình con trai, họ nghèo khổ có bà ở bên may ra đỡ đần được chút công kia việc nọ cũng vui. Vợ chồng Hiền đi ra ngoài kiếm tiền thì bà ở nhà trông cháu, nấu cơm hay chăm nom nhà cửa.

Cô Laura gởi tiền về dặn anh trai và chị dâu phải lo cho mẹ được ăn ngon mặc đẹp, cho mẹ được hưởng sung sướng tuổi già…

Không hiểu cô nghe tin ?thèo lẻo? từ ai, từ đâu mà cô cho rằng cả nhà anh Hiền ăn bám vào đồng tiền cô gởi về nuôi mẹ, mẹ cô vẫn ăn đói ăn thèm, vẫn áo cũ sờn vaỉ

Thế là cô Laura gọi phone ngon ngọt thủ thỉ với bà Tư Nhiều, làm đơn bảo lãnh cho bà Tư Nhiều sang Mỹ diện du lịch thăm con cháu chỉ 3 tháng thôi và bà sẽ trở về Việt Nam.

Sang đến nơi thì cô Laura tuyên bố sẽ giữ bà ở lại Mỹ luôn, cô sẽ mướn luật sư lo cho mẹ định cư hợp pháp, cô Laura không muốn mẹ ở Việt Nam cực khổ, đồng tiền cô gởi về bị lợi dụng, mang tiếng là nuôi mẹ mà nuôi cả nhà anh Hiền.

Bà Tư Nhiều đã mấy lần lên tiếng giải bày:

– Con nghe hàng xóm xấu miệng làm chi? Nghe má nè, 200 đô con gởi về là má tự nguyện đưa vợ thằng Hiền lo chi phí trong gia đình, có miếng ngon miếng dở cả nhà cùng ăn, chớ má ăn một mình sao đành? quần áo cũ chưa rách chưa mòn má tiếc rẻ má mặc chớ vợ chồng Hiền không hề o ép má, thay vì má mặc quần áo mới thì má nhường cho hai thằng cháu nội . Chúng là anh chị của con, là cháu của con mà?

– Ôi, nhưng con không ưa …con dâu của má, bà vợ anh Hiền hay cằn nhằn má lắm, hồi còn ở Việt Nam con biết qúa mà?

Bà Tư Nhiều bênh vực con dâu:

– Má biết từ ngày đó con đã không ưa chị dâu rồi. Chuyện chị dâu em chồng hay mẹ chồng nàng dâu nhà nào chẳng có, không ít thì nhiều. Cuộc sống có lúc vui buồn đụng chạm là thường, nhưng vợ Hiền đâu dám hỗn hào gì với má?

Mấy tháng trôi qua rồi, đã qúa hạn 3 tháng ở Mỹ của bà rồi, chẳng biết vụ cô Laura nhờ luật sư tới đâu? mấy lần bà Tư Nhiều đòi về Việt Nam thì cô Laura gắt gỏng phản đối như pháo chuột nổ liên hồi một tràng:

– Má à, con mang má sang đây để hưởng đời sung sướng, nhà cao cửa rộng, mọi thứ tiện nghi, đồ ăn thức uống đầy trong tủ lạnh, má tha hồ mặc quần lành áo tốt, lên xe hơi có máy lạnh. Ngán đồ ăn nhà thì vào nhà hàng có đủ món ngon mà khi ở Việt Nam con chắc là má từng thèm và ao ước mà dễ gì có được. Không lẽ má từ chối ở một nơi sung sướng như thế này, từ chối lòng báo hiếu của con mà trở về Việt Nam sống với anh Hiền trong căn nhà xập xệ và túng thiếu mọi bề nữa sao?

Cô Laura bồi thêm để làm lung lạc cõi lòng bà mẹ:

– Má về là con cúp luôn tiền trợ cấp gia đình anh Hiền, má nghe lời con ở lại thì con sẽ thương tình thỉnh thoảng gởi tiền về giúp đỡ họ.

Bà Tư Nhiều không dám hó hé than phiền nữa, chỉ biết cầu mong vụ nhờ luật sư không thành để bà được trở về Việt Nam sống với gia đình thằng con trai.

Bà mở tủ lạnh lấy ra nồi thịt kho trứng, những cục thịt heo xắt to kho rệu, những trái trứng kho đi kho lại săn cứng đậm đà nước màu nước thịt, miếng ăn ngon thế này mà đổ đi sao đành..

Bà lại chạnh lòng nghĩ tới vợ chồng Hiền và hai thằng cháu nội Tèo và Tẹo. Người ăn không hết kẻ lần không ra, cuộc đời sao có nhiều nỗi trớ trêu.

Bà Tư Nhiều trút mớ thịt kho trứng vào một hộp nhựa và dấu kín sau mấy bó rau trong một góc tủ lạnh. Nếu vợ chồng cô Laura mà thấy đồ cũ là vứt thẳng tay vào thùng rác, bà tiếc lắm. Nhưng bà đã có cách của bà, vài ngày nữa bà sẽ nấu trở lại món thịt kho trứng, sẽ kho đồ cũ chung với đồ mới nồi thịt vẫn ngon lành, bà đã mấy lần “qua mặt” con kiểu này để tiết kiệm cho con mà nó nào hay biết.

Không phải bà chỉ tiếc mớ thịt kho trứng này, mà tiếc từ một ít cá kho vụn hay vài con tép rang còn sót trong nồi, bà đều lấy ra bát đậy lại dấu trong tủ lạnh để bà ăn dần, cũng là cách tiết kiệm cho con và đỡ phí của trời.

Không hiểu sao con gái bà sống từ bé tới lớn là con nhà nghèo thứ thiệt, từng túng thiếu từ miếng ăn cái mặc mà sang Mỹ đổi tính đổi nết sống làm sang và hoang phí thế ? Chồng nó làm nghề thợ tiện không biết lương hướng bao nhiêu, còn nó làm nghề nail một tuần 6 ngày sáng đi tối về, kiếm đồng tiền cũng đầu tắt mặt tối vất vả ..Vậy mà vợ chồng nó không biết sống tiết kiệm đồng tiền mình lao động làm ra, đồ ăn dư cũng bỏ, quần áo mặc chán cũng bỏ. Phải chi những thứ bỏ đó mà giúp cho nhà anh Hiền nó được thì đỡ khổ biết mấy.

Bà lấy bịch cá chim mà con gái đã lấy ra từ tủ lạnh và để sẵn trong bồn rửa bát. Bà rửa lại cá từ trong ra ngoài cho sạch máu cá, hết mùi tanh, bà khứa mỗi con cá làm hai, rồi để ra rổ cho ráo nước. Xong bà thái thịt ba chỉ, thái củ hành, củ tỏi và ớt thật nhuyễn?

Món cá kho của bà ngon vì công phu hèn gì chồng cô Laura không thích, miếng cá vừa mềm vừa béo nhờ thấm mỡ thịt ba rọi và thơm mùi gia vị hành tỏi gừng tiêu ớt?

Bây giờ bà Tư Nhiều mang cá ra ngoài sân sau để kho bằng bếp ga, vì con bà dặn không được kho cá trong nhà sợ mùi hôi.

Căn nhà to lớn sang trọng này vợ chồng cô Laura mua gần 500.000 đồng, nhà có 4 phòng ngủ đều trên lầu, ở dưới là 2 phòng khách, nhà bếp và phòng ăn lắp kính cao từ trần nhà xuống tới dưới. Khi bức màn to dài vén sang một bên là căn phòng bếp, phòng ăn lồng lộng sáng ngời nguồn ánh sáng từ bên ngoài hắt qua cửa kính.

Ngồi tại bàn ăn là nhìn ra cái deck rộng sàn lót gỗ láng đẹp sau nhà..?

Cái deck có hàng lan can sơn màu trắng mỹ miều, có hoa hồng leo thơ mộng, có cái chuông gió mơ màng ở một góc sân. Từ đây có thể ngó sang những phía sau nhà hàng xóm, cũng cửa kính to cao lồng lộng, cũng cái deck lịch sự và đẹp như nhau

Các deck nhà hàng xóm trang trí đủ kiểu, trồng cây hoa leo hay hoa trong bồn, có nhà bày bộ bàn ghế dưới một tấm dù rộng màu sặc sỡ để chủ nhân thỉnh thoảng ra ngoài ngồi uống trà hóng gío. Có nhà thì bày lò nướng BBQ với bàn ghế để vừa nướng thịt vừa ăn uống ngoài trời

Nhưng cái “deck” nhà cô Laura thì thực tế, có bếp gaz để kho cá, chiên chả giò và những món đồ ăn có mùi

Bà Tư Nhiều còn thực tế hơn nữa, bà mang quần áo ra phơi la liệt trên lan can mỹ miều đó, những quần áo bà đã giặt bằng tay và đem phơi nắng cho đỡ tốn điện máy giặt máy xấy. Mấy cái quần đen, mấy quần lót và áo lót của bà bay phất phơ ở sân nhà con bà chẳng liên quan đến ai, vậy mà nhà hàng xóm bên cạnh sang gặp vợ chồng Laura phê bình sao đó nên cô Laura không cho bà Tư Nhiều phơi quần áo trên lan can hay bất cứ nơi nào ngoài deck, cô bảo làm thế là mất vẻ sang đẹp của khu gia cư.

Nhưng khi các con đi làm bà vẫn ?lén lút? mang ra sân phơi vài cái nồi, cái soong, cái thớt, con dao mới rửa hay rẻ rách bà mới lau nhà cho mau khô và sạch sẽ, bà để dưới thấp, dưới sàn để khuất mắt nhà ông hàng xóm Mỹ ?nhiều chuyện? kia, rồi bà canh chừng đồ vừa khô là nhanh chóng mang vào nhà, có trời mới biết bà đã vi phạm luật làm mất vẻ sang đẹp của khu gia cư này. Bà qua mặt được ông hàng xóm Mỹ và qua mặt con bà thật dễ dàng.

Bà Tư Nhiều đi đứng từ trong bếp và mở cửa ra ngoài deck nhiều lần, lần nào cũng rất cẩn thận, từ lúc bắt đầu kho cá cho đến khi nồi cá để lửa liu riu mới vào ngồi yên trong nhà, bà chỉ sợ vấp ngã mang tai họa đến cho con gái.

Con gái bà tên Lành, sang Mỹ nó đổi thành Laura. Lần đầu tiên bà Tư Nhiều nghe con khoe tên mới đã mắng con gái:

– Tên Lành ý nghĩa tốt lành tử tế sao mày đổi thành “Lo ra” cho khổ vậy con ? không lẽ mày cứ “Lo ra” cả đời ??

Cô Lành hãnh diện:

– Tên Mỹ con là Laura, một cái tên đẹp của phái nữ, ai biểu má dịch thành “Lo ra” kiểu Việt Nam làm chi.

Bà Tư Nhiều thắc mắc luôn thể:

– Còn cái sân sau của nhà con sao con gọi là “cái đách, cái đếch” gì đó, nghe phách lối qúa chừng.

– Ôi, má ơi là má, tiếng Mỹ mà má cứ dịch qua tiếng Việt Nam nghe không giống ai. Cái deck là cái sân sau nâng cao có lót sàn này nè, má hiểu thế là đủ rồi.

– Nhà ở Mỹ cầu kỳ qúa, lót sàn cho tốn tiền và dưới gầm sinh ra ẩm thấp dơ bẩn là hang ổ côn trùng rắn rít chứ đẹp đẽ gì? Thà sân đất như ở Việt Nam lấy chổi tre quét xoèn xoẹt mấy nhát là sạch sẽ tinh tươm.

Cô Lành phải khen:

– Ôi, má nhà quê chưa từng ở Mỹ mà nói trúng phóc, nhiều cái deck thấp thì sưới sàn có khi là nơi trú ẩn của rắn rết. Nhưng deck nhà mình cao và thoáng thì vẫn sạch đẹp má khỏi lo.

Bà Tư Nhiều đang ngồi chơi đợi nồi cá kho thì tiếng điện thoại reo vang, bà ra cầm máy lên, cô Laura những lúc ở tiệm nail chưa có khách cô hay gọi về nhà “canh chừng” mẹ lắm, cô không lo chuyện mẹ buồn hay vui mà chỉ lo mẹ có bất ngờ tai nạn gì không.

Nhưng lần này không phải cô Laura như bà nghĩ mà là tiếng của Hiền con trai bà từ bên Việt Nam:

– Má hả má? Con Hiền nè …

Bà Tư Nhiều mừng rỡ lắp bắp:

– Ừ má đây…má đây con..

– Ở Mỹ cuộc sống vật chất đầy đủ chắc giờ đây má vui và khỏe lắm hả má ? Vậy là tụi con mừng rồi.

Bà không nỡ làm con trai buồn lây nên cười gượng:

– Ừ, con đừng lo cho má …thế các con, các cháu khỏe không? Công việc làm của con có đều đặn không?

Hiền trả lời theo thứ tự câu hỏi của mẹ:

– Cả nhà vẫn khỏe má, lúc này phụ hồ không có việc mà chạy xe ôm cũng ế …

Giọng bà Tư Nhiều chùng xuống lo âu:

– Vậy các con sống ra sao ?

– Thì cơm rau và vài trái trứng luộc dầm nước mắm nước tương cũng xong. Mà biết rồi đó nhà con cực khổ đã quen ..

– Trời ơỉbên này hiện giờ có dư nửa nồi thịt kho trứng, có cả bịch bánh bao và nhiều thứ bánh trái khác trong tủ lạnh ê hề, ước gì má gởi về bển được cho các cháu má ăn?

Bà chép miệng tự than thở:

– Hồi má còn ở nhà chúng con được hưởng lây đồng tiền con Lành gởi cho má nên cũng đỡ khổ. Từ hôm má đi Mỹ đến giờ đã mấy tháng mà con Lành không cho đồng nào má cũng đoán ra được cảnh nàỷ

Bà Tư Nhiều hứa liều:

– Để chiều con Lành về má hỏi xin nó vài trăm gởi giúp con qua cơn ngặt nghèo. Thôi con cúp máy đi cho đỡ tốn tiền, bữa nào má kêu con Lành mua cho má mấy thẻ điện thoại gọi về Việt Nam thì con tha hồ nói chuyện.

– Khoan má, có thằng Tèo muốn hỏi thăm nội nè..

Ôi, thằng Tèo cháu đích tôn của bà, năm nay nó 14 tuổi, nó giống cha nó đẹp trai chỉ mỗi tội con nhà nghèo. Thằng Tèo học chăm lắm, phải chi nó được sống ở Mỹ như hai đứa con của Lành thì đẹp trai, giỏi giang chớ nào thua kém chi. Bà thương cho cháu và tội cho cháu qúa.

Thằng Tèo hãnh diện khi thấy bà nội đang ở Mỹ thật le lói, nó nào biết bà nội nó ngày ngày ngồi chèo queo bó gối trong căn nhà vắng như một tù nhân, suốt từ sáng cho đến chiều mới có người về trò chuyện đôi câu..

Tèo hí hửng xin ngay:

– Nội ơi …nội gởi cho con quần “din” áo thun nghe nội, con khóai hàng ngoại, hàng USA lắm

Bà Tư Nhiều chưa biết trả lời sao thì thằng cháu ngây thơ xin tiếp:

– Nội ơi, nội mua cho con cái máy vi tính đi, bạn con nói mày có bà nội, có cô ruột ở Mỹ mà không có máy vi tính là quê một cục?

Bà Tư Nhiều nghe lùng bùng đầy tai và khó khăn lắm mới trả lời cho thằng cháu thân yêu của bà:

– Vụ quần áo thì nội lo được, còn máy vi tính thì con đợi nội hỏi …cô Lành…

Vừa nói bà Tư Nhiều vừa nghĩ tới một tủ đầy quần áo của hai thằng con cô Lành, thỉnh thoảng chúng chê đồ hết ?mô đen? bỏ đi, cô Lành đem đi cho chỗ từ thiện nào đó. Bà lại ngậm ngùi thương thằng Tèo qúa chừng. Bà ngậm ngùi nhưng thực tế nhắc cháu:

– Tèo ơi …thôi con cúp máy đi cho đỡ tốn tiền…

Thằng Tèo ham vui:

– Nội kể con nghe nơi nội ở đi, sung sướng lắm phải không nội? nhà cô Lành mấy từng lầu? nhà cô Lành có mấy xe hơi?

Bà Tư Nhiều sợ con bên Việt Nam tốn tiền điện thoại mà vẫn phải chiều cháu:

– Qua đây nội chỉ thấy nhà trệt hay nhà 2 từng chứ không ngất ngưỡng nhiều từng như ở Việt Nam. Nhà cô Lành có 2 từng, 1 trệt và 1 lầu, nhà cô Lành có 3 xe hơi.

– Trời ơi, đã qúa, số nội có phước được hưởng mấy thứ này nha.

Bà Tư Nhiều lại xót ruột nhắc nhở:

– Tèo ơi, thôi con cúp máy đi cho đỡ tốn tiền.

Thằng Tèo vẫn đang hào hứng không để ý đến lời của bà nội nó:

– Nội ở Mỹ có ăn đồ Mỹ không nội ? chắc nước Mỹ siêu thế đồ ăn ngon hơn đồ ăn Việt Nam hả nội ? nội kể mấy đồ ăn Mỹ cho con nghe đi …

Bà Tư Nhiều trả lời tóm gọn câu hỏi tùm lum của thằng cháu:

– Người mình ăn đồ mình vẫn là ngon nhứt.

Lần này giọng bà năn nỉ:

– Tèo ơi, thôi con cúp máy đi cho đỡ tốn tiền !!

Thằng Tèo cằn nhằn:

– Nội kỳ ghê, con đang khoái nghe chuyện bên Mỹ mà nội nãy giờ cứ kêu con cúp máy cho đỡ tốn tiền hoài. Vậy chớ xóm cô Lành ở có nhiều Mỹ lắm hả nội? rồi nội không biết tiếng Mỹ làm sao nói chuyện với người ta?

Bà lại chiều cháu, trả lời câu hỏi tào lao của nó:

– Hàng xóm ở Mỹ mạnh ai nấy sống đâu như bên Việt Nam mình có chòm xóm sớm hôm đụng mặt nhau. Tèo ơi, thôi con cúp máy đi cho đỡ tốn tiền.

Lần này cái điệp khúc ?Tèo ơi, thôi con cúp máy đi cho đỡ tốn tiền? đã hiệu nghiệm, thằng Tèo đành chịu thua vì giọng rên rỉ của bà nội. Tèo sợ bà quên nên cố lập lại:

– Dạ con sẽ cúp máy, nội nhớ mấy thứ con xin hồi nãy nghe, quần “din” áo thun và cái máy vi tính.

Bà Tư Nhiều chợt nhớ ra vội níu kéo lại:

– Khoan, khoan Tèo ơi đừng cúp máy, nghe nội dặn nè, con nhớ đừng đạp xe từ Gò Vấp nhà mình xuống Chợ Cầu thăm bà ngoại nữa, đường xá xe cộ đông đúc nguy hiểm lắm, con gọi điện thăm ngoại con được rồi.

– Dạ, con biết rồi. Trước khi đi Mỹ nội đã dặn dò con điều này mấy chục lần rồi.

Nói xong thằng Tèo ngoan ngoãn cúp máy.

Bà Tư Nhiều thương cháu, lo cho cháu, bà sơ nó bị …xe đụng nên dặn dò nó thế vì tai nạn xe cộ bên Việt Nam xảy ra qúa nhiều chứ bà không có ác ý chia rẽ tình bà cháu của Tèo với bên ngoại.

Từ ngày sang Mỹ bà Tư Nhiều có nói con gái mua cho mấy cái thẻ điện thoại gọi về Việt Nam, bà gọi dần, nói chuyện với con trai, con dâu hỏi thăm từ sui gia cho đến họ hàng xa lối xóm gần. Thẻ hết rồi nên bà đành chịu để con trai gọi sang như hôm nay. Nó đã nghèo lại tốn tiền điện thoại làm bà xót xa cả ruột gan…

*****************

Bà Tư Nhiều ở Mỹ hơn 6 tháng thì văn phòng luật sư gởi thư cho cô Laura thông báo là mục đích không thành. Thế là tan vỡ bao hi vọng của cô Laura và làm cô tốn kém tiền bạc, khi thì vài trăm khi thì bạc ngàn, đụng tới luật sư thì không tránh khỏi tốn tiền hao của là vậy, họ tính tiền từ cuộc nói chuyện phone tham khảo hay khi cô thư ký đánh máy văn bản. Thời giờ của họ tính ra tiền mà.

Bà Tư Nhiều mừng thầm nhưng cô Laura cố vớt vát nói với mẹ:

– Anh phụ tá luật sư người Việt Nam có gợi ý cho con là nếu má ?kết hôn thì sẽ giải quyết ca này mau lẹ nhất, thành công nhất. Để con kiếm cho má một ông gìa nào vừa cô độc vừa ?khờ khờ, dụ ổng làm giấy tờ cho má.

Bà Tư Nhiều giật mình phản đối:

– Úy trời thần ơi …má gần 70 tuổi còn lấy chồng làm trò cười cho thiên hạ hả ?

Cô Laura cũng nản chí rồi, cho dù má cô có đồng ý thì kiếm một ông gìa khờ đâu phải dễ, mà chi trả kiểu “dịch vụ” tốn 30 ngàn đô thì qúa đắt, cô chẳng dại gì bỏ ra.

Hơn 6 tháng ở Mỹ bà Tư Nhiều chẳng béo tốt tươi vui gì mà trái lại trông bà còn u ẩn hao mòn đi, cứ cái đà này thì bà càng ở lại Mỹ sẽ càng tiêu đời sớm.

Bà than mệt mỏi và thỉnh thoảng chóng mặt càng làm cho cô Laura lo ngại vội đưa bà đi khám bác sĩ. Kết qủa bà Tư Nhiều bị cao huyết áp và có triệu chứng trầm cảm làm cô càng lo sốt vó …

Cô Laura đâu biết rằng hàng ngày mẹ cô đã lặng ngồi nơi bàn ăn nhìn ra cửa kính dõi theo mây trời trôi, dõi theo bóng chim bay từ giờ này đến giờ kia mà cõi lòng buồn vời vợi, bà thương nhớ khung trời cũ, khu xóm xưa, bà mong được trở về Việt Nam ở chung nhà với con với cháu, miếng ăn ngon là khi tâm bà vui, còn hơn sống ở Mỹ ban ngày con cháu đi vắng bà ngồi thui thủi ăn bát cơm đầy cá thịt mà nuốt như mắc nghẹn.

Cả ngày bà chỉ quanh quẩn ngồi thừ người nơi bàn ăn hay đi ra phòng khách, hay mở cửa bếp ra cái deck sau nhà như một người tù không được vượt qúa giới hạn vòng đai giam giữ.

Cô Laura đã phải chịu thua vội thu xếp ngày giờ cho bà trở về Việt Nam., kẻo đùng một cái bà trở bệnh nặng thì bao nhiêu chuyện phiền hà và tốn kém sẽ xảy ra.

Thật kỳ diệu, khi biết tin này bà Tư Nhiều sinh động hẳn lên, bà nói chuyện nhiều hơn .

Bà hớn hở hỏi cô Laura :

– Con xem quần áo của hai thằng con có món nào chúng chê, chúng chán thì cho má mang về Việt Nam cho thằng Tèo, thằng Tẹo.

Thế là bà có cả va ly quần áo còn rất tốt mà con cô Laura mới mặc qua vài lần, thậm chí có cái còn chưa mặc vào lần nào, quần áo đủ loại có cả quần “din” áo thun như thằng Tèo ao ước.

Rồi bà lựa lúc cô Laura vui vẻ bà hỏi thêm:

– Con xem hai thằng con của con có …dư cái máy vi tính nào thì cho má đem về Việt Nam cho thằng Tèo thằng Tẹo..

Cô Laura dãy nảy:

– Trời ơi, cái gì của nhà này má cũng muốn mang về cho thằng Tèo thằng Tẹo của má.

Tuy miệng cô Laura đong đỏng thế nhưng tâm cô cũng mở:

– Thôi, để con mua tặng anh em thằng Tèo thằng Tẹo một cái máy vi tính mới tinh, để mỗi khi chúng xài là biết ơn cô Lành nó.

Bà cầu cạnh thêm:

– Con à, con ráng nhín cho má vài trăm mang về cho anh chị con, lúc này công ăn việc làm bết bát lắm.

Cô Laura đồng ý mà còn thòng một câu mát mẻ:

– Con sẽ làm vui lòng má để má làm vui lòng con trai con dâu. Coi như má sang đây du lịch một chuyến cho biết nước Mỹ, cảnh sống ở Mỹ và mang qùa về cho con cháu của má ở Việt Nam

Bà Tư Nhiều sung sướng ra mặt, vừa được trở về nơi chốn cũ vừa mang qùa là mang bao niềm vui cho con cho cháu bà.

– Má cám ơn con., anh chị con hay tin này cũng mang ơn con không hết …

Cô Laura cũng có cảm giác sung sướng thoải mái như thế. Suốt mấy tháng qua cô đã thấp thỏm lo lắng đủ thứ, lo hồ sơ nhờ luật sư giúp mẹ cô định cư, và lo nhất là trong thời gian bà ở đây chỉ sợ xảy ra đại sự phải vào bệnh viện.

Bây giờ cô Laura mới hiểu ra một điều đơn giản mà sung sướng hạnh phúc cho cả đôi bên, thà mỗi tháng cô gởi 200 đô về Việt Nam nuôi má là xong bổn phận báo hiếu lại còn được tiếng giúp đỡ gia đình anh trai vì họ ăn ké vào những đồng tiền đó, và thỉnh thoảng cô gởi riêng cho nhà anh Hiền chút tiền họ mừng vui biết bao nhiêu.

Nhìn mẹ tươi vui và lăng xăng sửa soạn hành lý cho ngày trở về Việt Nam. Cô Laura chân tình nói với mẹ:

– Má ơi, con đã biết ở nơi nào là nơi sung sướng hạnh phúc của má rồi.

Nguyễn Thị Thanh Dương

Tâm sự người mất vợ

Tâm sự người mất vợ

Truyện ngắn:

Tràm Cà Mau

Có thời ông Tư thường hay đùa, trêu chọc bạn bè rằng: “Đời người đàn ông có hai lần sung sướng: Lần cưới vợ, và lần vợ chết. “Bây giờ vợ chết, ông mới ý thức được cái câu đùa nghịch đó vô cùng bậy bạ và bất nhân, không nên nói. Có lẽ anh chàng nào nghĩ ra câu nầy là kẻ độc thân, chưa có kinh nghiệm chết vợ. Ông ân hận và tự giận mình.

Sau khi chết vợ, ông như mất hồn, lãng đãng, trí óc để trên mây. Nhiều lần trên đường về nhà, ông đi lạc, lái xe qua khỏi nhà rồi mà không biết. Ngày xưa, ông hay bực mình mỗi khi được bà nhắc nhở đi lối nầy, quẹo góc kia, và bà cũng nổi nóng la nạt ông mỗi khi đi lạc đường. Bây giờ, mong được nghe lời cáu kỉnh gây gổ đó, mà không có được. Ông thở dài và đau nhói trong tim như có vật nhọn đâm vào. Không thể ngờ, vợ ông không còn trên đời nầy nữa. Bây giờ bà nằm ngoài kia, nghĩa địa hoang lạnh âm u. Không còn chầm chập kiểm soát từng hành động của ông để mà phê bình sửa sai.

Mở cửa, bước vào nhà, ông nói lớn như khi bà còn sống: “Em ơi! Anh đi làm về.” Trước đây, nếu không nghe tiếng trả lời, ông chạy vụt lên lầu tìm vợ. Bây giờ, ông lẳng lặng đến thẳng bàn thờ, thắp ba cây nhang, lạy bốn lạy. Ông thầm nghĩ, người ta chỉ lạy vợ khi vợ đã chết rồi, tại sao không ai lạy vợ khi vợ còn sống? Dù có gây nên tội lỗi tầy đình, cũng không ai lạy vợ bao giờ.

Ông nhìn tấm hình màu, ảnh bán thân của bà, có nụ cười thật tươi, hai vành môi uốn cong, đôi mắt sáng tinh anh, có ánh tinh nghịch. Ông thấy bà còn đẹp lắm, nét đẹp dịu dàng. Thế mà bao nhiêu năm nay, ông không hề biết, và chưa một lần nhìn ngắm kỹ cái nhan sắc của vợ. Sống lâu ngày bên nhau, thấy nhau, nhưng quên nhìn ngắm, chỉ thấy hình thể tổng quát của nhau. Cũng như nhiều ông có vợ thiếu nhan sắc, cũng không bao giờ biết vợ họ xấu. Những ông lấy được vợ đẹp, lâu ngày, cũng chẳng còn biết vợ mình là đẹp. Nhiều bà đi xâm môi, xâm lông mày xong, về nhà, ông chồng cũng không hề biết có sự thay đổi trên mặt vợ.

Ông Tư gieo mình nằm vật ra tấm ghế bành, hai tay ôm mặt khóc rưng rức như đứa bé đi về vắng mẹ. Tiếng khóc buồn bã vang dội trong căn phòng vắng. Ông ước sao chuyện thật hôm nay là một giấc mộng dữ, để khi ông thức dậy, thấy còn có bà bên cạnh. Có thể ông sẽ bị vợ cằn nhằn trách móc một điều gì đó như thường ngày, nhưng thà còn có những phiền hà của vợ, còn hơn là nằm đây một mình.

Ông đã khóc như thế cả tháng mấy nay, mỗi lần đi làm về. Bước vào căn nhà vắng vẻ lạnh lẽo, không còn bóng dáng người vợ thương yêu, làm trái tim ông se sắt, tâm trí ông trống rỗng mịt mờ. Nỗi đau cũng tan dần theo giòng nước mắt, rồi ông thiếp đi trong một giấc ngủ buồn, ngắn. Khi thức dậy, ông nhìn quanh, đâu đâu cũng có bóng dáng, có kỷ niệm với bà. Tất cả đều còn đó. Vật dụng, đồ đạc của bà trước khi chết, vẫn còn để y chỗ cũ, giữ nguyên trạng. Ông không muốn thay đổi chuyển dịch gì cả. Trên bàn trang điểm, vẫn còn chiếc lược nằm nghiêng nghiêng, thỏi son dựng đứng, hộp phấn, những chai thuốc bôi tay cho mịn da, tất cả đều không xê dịch, không sắp xếp lại. Ông tưởng như hương tay của bà còn phảng phất trên từng món vật dụng.

Mỗi bữa ăn, không còn ai thúc hối, hò hét dục ông ngồi vào bàn ngay, sợ cơm canh nguội lạnh. Bây giờ, ông tha hồ lần lửa, không tha thiết đến bữa cơm. Có khi chín mười giờ mới bắt dầu ăn, qua loa cho xong, miệng nhạt phèo. Thường ông để thêm chén dĩa đũa muỗng đầy đủ cho bà. Rồi thì thầm mời vợ ăn, tưởng như bà còn sống, ngồi đối diện và cùng chia vui hạnh phúc trong từng giây phút của thời gian. Ông có ảo tưởng như bà còn ngồi đối diện, đang lắng nghe ông nói. Hôm nay bà làm biếng phê bình, không mắng trách khi ông làm rơi cơm canh ra bàn. Với cách đó, ông tự dối lòng, để có thể nuốt trôi những thức ăn, mà vì buồn chán, ông không còn cảm được hương vị ngon ngọt.

Nhiều khi thức giấc nửa đêm, vòng tay qua ôm vợ, ôm vào khoảng trống, ông giật mình thảng thốt, chợt hỏi thầm, bà đi đâu rồi? Khi chợt nhớ bà không còn nữa, nước mắt của ông chảy ra ướt cả gối. Có khi úp mặt khóc rưng rức, khóc cho đã, cho trái tim mủn ra, và thân thể rã rời. Chiếc giường trở thành trống trải, rộng thênh thang. Ông vẫn nằm phía riêng, bên kia còn để trống, dành cho bà. Ông ôm hôn cái gối, mùi hương của bà còn phảng phất gợi bao kỷ niệm của tháng ngày hạnh phúc bên nhau. Khi không ngủ được, ông bật đèn nằm đọc sách, bây giờ ông không sợ ai cằn nhằn, ngăn cấm đọc sách giữa đêm khuya. Trước đây, nhiều khi ông tha thiết thèm đọc vài trang sách trước khi đi ngủ, mà vợ cứ cằn nhằn mãi, làm ông mất đi cái thú vui nầy. Bây giờ ông nhận ra vì thương chồng, sợ ngày hôm sau ông buồn ngủ, mệt, nên bà ngăn cản, bảo là chói mắt không ngủ được.

Ông tiếc, vợ chồng đã hay cãi vã những chuyện không đâu, chẳng liên quan gì đến ai, mà làm mất đi cái vui, cái hòa hợp của gia đình. Có khi chỉ vì tranh luận chuyện con khỉ bên Phi Châu, mà đi đến to tiếng, giận hờn, khóc lóc, làm vợ chồng buồn giận nhau, dại dột như hai đứa trẻ con ngu dại.

Tại sao phải gắt gỏng, đâu có được gì, mà làm nhau buồn. Bây giờ muốn nói lời ân hận, thì làm sao cho bà nghe được. Ông tự xét, ông là một con người tệ mạt, thiếu hiểu biết. Khi có hạnh phúc trong tay thì không biết trân trọng, để đến khi mất đi, mới ân hận, mà không còn kịp nữa.

Nếu được làm lại, ông sẽ đối xử với bà tử tế hơn, nói nhiều những lời êm ái dịu dàng. Sẽ không nổi giận khi bà làm chuyện ngang phè, sẽ nhường nhịn bà nhiều hơn, và sẽ phớt tỉnh mỗi khi bị bà chê bai, mai miả. Nhất là bày tỏ cái lòng ông, nói ông yêu thương bà, yêu thương lắm lắm. Đâu có gì ngăn trở, mà những ngày bà còn sống, ông không nói được những điều đó. Ông chợt nhớ có ngưòi viết rằng, vợ chồng phải đối xử như ngày mai thức dậy sẽ không còn nhau. Vì chẳng ai được sống mãi, và cũng không biết chắc chuyện gì sẽ xảy ra trong giờ sắp tới, cho ngày hôm sau. Cuộc đời con người vốn bấp bênh trong định mệnh.

Lấy kinh nghiện đó, nhiều lần nói với những người bạn mà vợ chồng còn được sống bên nhau, cho họ biết rằng, họ đang có hạnh phúc quý báu, nên họ nên trân trọng giữ gìn, kẻo mai đây, khi chiếc bóng, thì tiếc thương cũng đã muộn màng. Đa số có lắng nghe, và tin lời ông là đúng, nhưng họ quên phứt ngay sau đó, và không thực hành điều hiểu biết.

Mẹ ông mất trước vợ sáu tháng. Ông cũng buồn, thương. Nghĩ rằng mẹ già thì chết là chuyện thường tình. Nhưng khi mất vợ, ông cảm thấy đau đớn và buồn khổ vô cùng tận. Buồn hơn mất mẹ mười lần. Ông tự cảm thấy xấu hổ, vì mất mẹ mà lại không đau buồn bằng vợ chết! Có phải ông đã thương vợ hơn thương mẹ chăng? Có phải ông là đứa con bất hiếu? Ông cũng không biết, và không so sánh được hai cái đau vì mất mát. Nhưng rõ ràng, ông đã ngã gục khi chết vợ

Có khi quẩn trí, ông muốn chết theo bà. Sao cuộc sống vô vị quá chừng. Rồi mai mốt cũng già, bệnh, đâu có thoát được cái chết. Chết bây giờ, nếu còn linh hồn, thì còn gặp lại vợ ngay. Nhưng ông sực nhớ nhiều lần bà nói không muốn gặp ông lại trong kiếp sau. Bà đâu có thù ghét ông mà nói câu đó nhỉ. Nói chi cho ông đau lòng lúc nghe, và còn đau cả đến tận bây giờ. Ông nghe nói, có một loài chim, khi một con chết đi, thì con kia ngày đêm kêu thương, bỏ ăn bỏ ngủ, than gào cho đến chết. Chim còn chung tình đến thế, mà ông thì còn sống, còn ăn, còn ngủ, còn đi làm, còn giữ tiền bạc. Chẳng bằng được loài chim sao?

Trong căn nhà nầy, đâu đâu cũng có dấu vết của bà. Mở tủ đựng ly chén ra, ông đứng nhìn xem, bên trong sắp đặt thứ tự, gọn gàng. Có những thứ mà bây giờ ông mới thấy, và không biết công dụng nó làm gì, khi nào thì dùng đến. Bà đã mua sắm, sắp đặt cẩn thận. Ông cầm một cái ly, biết vật nầy đã có bàn tay vợ đụng đến, ông ghé môi hôn, tưởng đang hôn bàn tay bà. Ba bộ ấm pha trà xinh xắn, bà mang về trong dịp đi du lịch bên Nhật, để cho ông thù tiếp bạn bè. Bà thương ông đến như vậy đó.

Hơn cả chục chai rượu nho, rượu mạnh trong tủ kiếng, cũng do một tay bà mua. Bà không biết uống, nhưng hễ nghe ai khen rượu ngon, rượu quý, thì bà cũng cố mang về cho chồng một vài chai. Ông thường dặn nếu không biết uống rượu thì đừng mua, vì khẩu vị của mỗi người khác nhau. Cũng như mình khen mắm nêm thơm ngon, nhưng cho Tây ăn, thì họ bịt mũi mà oẹ ra. Bây giờ đứng đây, đưa tay sờ vào những chai rượu màu nâu sẫm, lòng ông đầy ân hận, đáng ra lúc đó, ông phải nói những lời tử tế ngọt ngào cám ơn, và bày tỏ cái hân hoan với tình thương chăm sóc của vợ. Những khi đó, ông đã nói những lời chân thật như đất ruộng, làm phụ tấm lòng yêu thương của bà. Ông định nhấp vài hớp rượu để tưởng nhớ đến ơn vợ, nhưng rồi đặt chai xuống, và thì thầm hai câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Em ơi! lửa tắt bình khô rượu. Đời vắng em rồi say với ai?” Mắt ông cay cay, tim đập sai nhịp.

Tủ áo quần của bà còn nguyên vẹn đó. Những chiếc áo giản dị, màu sắc khiêm tốn. Bà phải chờ cho đến khi bán hạ giá thấp nhất mới dám mua. Bà cần kiệm, không dám hoang phí. Đi đám cưới, tiệc tùng, bà không cần phải thay đổi áo mới, kiểu nầy, kiểu kia. Bà nói: “Ngay cả ông chồng, còn chưa nhớ được kỳ trước mình mặc áo nào, màu gì, huống chi thiên hạ. Họ đâu có dư thì giờ mà vớ vẩn nhớ đến cách phục sức của cả trăm người trong bữa tiệc. Mà dù cho họ có nhớ đi nữa, cũng không sao, đâu có gì quan trọng. Chắc cũng chẳng ai chê mình không có áo quần mới khi tham dự tiệc tùng.” Cái đơn sơ giản dị chân thành của bà làm ông thương và mến phục.

Áo quần của ông, cũng do bà tìm tòi mua giúp. Khi thấy cái áo quần tốt, màu sắc trang nhã, giá cả tương đối được, bà hối hả kêu ông chạy gấp đến tiệm thử liền. Ngay cả áo quần lót, vớ, cà-vạt, cũng do bà mua cho ông. Bà đem áo quần đã cũ sờn vất đi, thay vào các thứ mới. Ông cứ tự nhiên dùng, chưa bao giờ biết kích thước đúng của chính ông. Đã có bà lo hết. Bây giờ không còn bà, ông mới thấy rõ ràng hơn những gì đã nhận được xưa nay mà vô tình không nghĩ đến. Cầm chiếc quần được lên lai trong tay, nhìn đường kim mũi chỉ cẩn thận, ông thấy rõ tình thương của bà gói ghém trong đó. Áo quần mùa đông, mùa hè của ông cũng được bà sắp xếp riêng từng ngăn cẩn thận. Bà đã cho giặt sạch, kỹ lưỡng trước khi được treo xếp vào ngăn tủ áo quần, để dành mặc vào mùa sau. Từ khi có bà trong đời, ông mất dần đi khả năng tự lo, tự lập mà ông vô tình không biết.

Ông nhớ những khi tham dự tiệc tùng, trong lúc ăn uống, khi có chút rau, thịt mắc vào kẽ răng, không dùng lưỡi cạy ra được, bà nhìn ông, biết ngay. Bà len lén mở ví, kín đáo chuyền tay cho ông một cây tăm bọc trong giấy. Ông xem đó như chuyện tự nhiên. Cũng có khi ông quay qua bà hỏi khéo: “Em còn cây tăm nào không?” Bà mở ví, đưa cho ông ngay. Trong lúc ăn, có món ngon vừa ý, bà thì thầm nhắc ông. Hoặc khi lấy thức ăn, bà chọn cho ông miếng ngon nhất. Những lúc đó, ông hơi ngượng, liếc mắt nhìn quanh bàn. Phần ông, thì cứ dặp đại, chưa bao giờ phân biệt miếng ngon, miếng dở. Gắp được cục xương không dính chút thịt cũng cứ vui. Trong bữa ăn, khi thấy ly nước của ông cạn, bà châm, thêm, ông hoàn toàn không quan tâm đến.

Bà biết rõ ông ưa thích món ăn gì, để mỗi ngày nấu nướng. Khi nghe ông khen món nào đó, thì hôm sau, bà nấu ngay cho ông ăn. Ông chỉ lờ mờ nhận ra hảo ý của bà, nhưng không biết nói một câu nịnh cho vui lòng vợ.

Nhiều lần ông bà rủ nhau đi du lịch xa, ông có nhiệm vụ lên mạng mua vé máy bay, đặt khách thuê sạn. Thế là xong. Phần bà lo cho tất cả các mục còn lại. Từ áo quần thường, áo lạnh, áo ngủ, đồ lót, vớ, giày phụ, dép, bàn chải răng, kem, kiếng phụ, tăm, thuốc cấp cứu, thuốc dùng ngừa bệnh, điện thoại di động, giây cắm điện thoại, máy hình, máy điện toán xách tay và các thứ phụ tùng cần thiết. Danh sách của bà đủ bốn mươi tám món. Bà cũng không quên mang theo một ít thức ăn khô, phòng khi lỡ đường. Nhiều khi thấy va-li căng kè, nặng nề, ông gào to: “Đi chơi chứ đâu phải là dọn nhà? Sao không mang theo cả cái tủ lạnh cho tiện.”

Một lần đi Âu Châu, cuộc đình công kéo dài, điện tắt và trời bão tố. Ông bà bình tâm nằm trong khách sạn, không chút nao núng, vì đã có sẵn một ít thức ăn khô mang theo. Thường trước khi đi, bà đọc kỹ và kiểm soát lại chuyến bay, lộ trình, các hãng đưa đón, khách sạn, ngày giờ của các ‘tua’ du lịch. Bà bắt ông xuất trình giấy thông hành, căn cước, thẻ tín dụng, tiền bạc, kiểm soát lại từng chút một, để khỏi quên bất cứ vật gì. Ông cảm thấy khó chịu vì bị vợ xem như đứa trẻ con. Nhưng khi vợ mất rồi, ông đi xa mà để quên đủ thứ, nghĩ lại càng thương bà hơn.

Ông thường ham mê xem các trận đấu thể thao. Nhiều lần ông đang đi chơi với bạn, bà sợ ông bỏ mất trận đấu, kêu điện thoại nhắc nhở: “Anh nhớ chiều nay 5 giờ có trận chung kết bóng rổ đó nghe!” Ông cám ơn bà, và thu xếp về cho kịp giờ khai đấu.

Từ khi có gia đình, ông phụ thuộc quá nhiều vào vợ. Không có bà, ông như rơi xuống một vực sâu, tối tăm mù mịt, ngày tháng tẻ nhạt. Không gian và thời gian dường như thành trống rỗng.

Mỗi chiều tan sở, ông bâng khuâng không biết đi đâu,về đâu cho đỡ thấy quạnh hiu. Khi vợ còn sống, phải lo về ngay, không dám ngồi quán cà phê lai rai, về nhà vợ hạch hỏi không dám trả lời thật. Có khi ông điện thoại cho bạn, hỏi chiều nay ông đến chơi được không, và xin được ăn cơm tối. Bạn biết ông đang buồn, đơn lẻ, nên thường niềm nở chấp nhận. Nhiều lần, ông mua một vài món ăn ở tiệm, đem đến nhà bạn góp vào mâm cơm chiều và sau bữa ăn, uống trà, cà phê. Ngồi trong ghế bành, đôi khi không nói gì, cầm tờ báo lật qua lật lại, thế mà thấy bớt cô đơn trong lòng yên ổn. Rồi cũng phải về cho gia chủ đi ngủ. Ông ra xe, nỗi buồn lại dấy lên thấm thiá. Trời đất như rộng thênh thang. Đường về nhà hiu quạnh. Nghĩ đến căn nhà trống vắng, lòng ông rưng rưng.

Mỗi khi mở tủ lạnh tìm thức ăn, thấy trống không, chẳng có thứ gì ăn được. Vài ba cây trái đã đen điu thồi? rữa thối. Mấy bó rau đã đổi màu đen, khô quéo. Chai nước lọc cũng cạn. Không còn gì. Trong nhà không có bàn tay đàn bà, thì xem như chẳng còn có cái gì cả. Ông thầm thán phục những người bạn độc thân. Không biết làm sao họ có thể sống sót đến tuổi già, mà vẫn vui vẻ, yêu đời, nói cười. Họ đã làm gì cho tiêu tán quãng thời gian trống rỗng sau giờ tan sở nhỉ?

Như một thói quen, những chiều tan sở, ông chạy thẳng ra nghĩa địa, thơ thẩn bên mộ bà. Trong nghĩa địa hoang vắng nầy, ông thấy bớt cô đơn hơn là về nhà một mình. Cắm vài bông hoa, thắp nén hương. Rồi ngồi trò chuyện, như khi bà còn sống. Nói đủ thứ chuyện, nói nhiều hơn cả khi ông bà còn bên nhau. Ông độc thọai, và ông cứ tin ở dưới lòng đất, bà đang lắng nghe ông tâm sự. Khi có người lạ đi đến gần, ông hơi xấu hổ, nói nhỏ lại, chỉ thì thầm thôi. Ông sợ thiên hạ lần tưởng ông đau bệnh thần kinh. Rồi ông hát cho bà nghe. Hát những bài kỷ niệm, mà ngày trước, ông bà cùng song ca trong những buổi “Karaoke” tổ chức tại nhà bạn bè. Tai ông, vẫn còn văng vẳng giọng bà thánh thót hoà lẫn với tiếng hát trầm ấm trên môi ông. Ông hát từ bài nầy qua bài khác đến khô ran cả cổ. Nhiều khi ông nằm dài trên cỏ, bên tấm bia mộ ngang bằng, nhìn lên trời cao mênh mông và tưởng tượng có bà đang thân thiết nằm bên cạnh. Nghe được cả hơi thở của bà. Hơi thở có mùi hương quen thuộc của ngày nào. Ông thèm nghe vài lời cằn nhằn trách móc của bà.

Khi bóng đêm bắt đầu phủ xuống trên nghĩa địa, ông mới uể oải đứng dậy ra về. Ông nấn ná không muốn khu mộ, nhưng vốn yếu bóng viá và sợ ma, không dám ở lại khi đêm đen bao trùm khu nghĩa địa hoang vắng. Ông thì thầm: “Ngày mai anh sẽ đến thăm em.” Có những ngày chủ nhật, ông cứ mãi thơ thẩn quanh khu mộ. Ông nhận ra rằng, bây giờ ông yêu thương yêu vợ hơn nhiều lần khi bà còn sống. Tình cảm ông tha thiết, nồng nàn hơn xưa rất nhiều.

Mùa đông mưa dầm dề, gió thốc từng cơn trên nghĩa địa trống trải, ông trùm áo mưa, ngồi co ro run rẩy trong buốt giá bên mộ bà. Ngày nghỉ ông ngồi từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều. Tâm trí miên man mơ hồ vô định.

Chỉ mới một năm thôi, ông hốc hác, gầy rộc, vì mãi miết đắm chìm trong thương nhớ, khổ đau. Nhiều người khuyên ông nên đi bác sĩ tâm lý để điều trị, để tránh sa vào tình trạng  suy sụp trầm trọng.

Ông nghĩ, bác sĩ cũng không giúp gì được khi trong lòng ông thương nhớ bà. Bác sĩ không thể làm bà sống lại, không thể làm phép lạ cho ông quên buồn.

Một buổi sáng khi nắng vàng rực rỡ nhảy múa trên khu nghĩa địa, gió mát mơn man cỏ cây, tiếng chim kêu văng vẳng. Ông Tư rầu rĩ mang bó hoa hồng đến đặt lên mộ bà, định than vãn vài câu cho bớt nỗi buồn thương không dứt được trong lòng. Ông ngạc nhiên thấy một tờ giấy cuộn tròn trong bình đựng hoa. Ông giật mình, ô kià, lạ chưa, có nét chữ của bà. Ông mở tờ giấy ra đọc. Một bài thơ của ai chép tay chữ viết giống hệt nét chữ bà. Những chữ h, chữ g và cả cách đánh dấu hỏi ngã. Ông run run đọc:

Đừng đứng khóc lóc bên mồ em. Bởi em đâu còn dưới đó nữa. Em đang là ngàn gió bay cao trên đồng nội, là ánh dương quang lóng lánh giữa biển trời. Em đang tắm trong mưa thu mát dượi. Em đang trên cao, ngàn sao của giải ngân hà. Và một sáng mai kia, tiếng chim đánh thức anh. Thì hãy biết đó là tiếng em kêu anh. Thôi đừng khóc bên mồ em, chúng ta sẽ gặp lại nhau sau…”

Ông đọc đi đọc lại đến ba lần, và chợt nhớ ra đây là lời bản nhạc phổ từ bài thơ của bà Mary Elizabeth Frye viết trong cơn xúc động trên một mẫu giấy vụn. Trước đó bà Frye nẩy chưa hề bao giờ làm thơ. Bài thơ nầy về sau rất nổi tiếng, phổ biến rộng rãi trên khắp thế giới, được phỏng dịch ra hàng chục ngôn ngữ khác nhau. Ông đã từng nghe trong các đám tang người Mỹ. Nhưng khi đó, ông chẳng hề để ý. Bây giờ được đọc lại, ông thấm thiá và ngộ ra: Đúng. Bây giờ bà đâu còn nằm dưới đó nữa. Bà đang ở trên miền cực lạc. Bà đang sung sướng trong một thế giới khác, không có khó khăn, vất vả, không giận hờn ganh ghét, không có chiến tranh giành giựt, và không phải “Đổ mồ hôi trán mới có được miếng cơm vào mồm.” Thế thì, tại sao lâu nay ông phải âu sầu thương tiếc khóc lóc. Ông đã tự làm khổ ông, tự đọa đày trong vũng đau thương. Nếu bên kia thế giới mà bà biết được ông khổ sở rầu rĩ như thế nầy thì bà vui hay buồn? Ông tự hỏi, ông đau đớn vì thương bà hay tự thương mình? Bà đang hưởng lạc phúc, thì ông phải mừng, chứ sao lại sầu khổ? Nếu ông tự thương mình, thì phải chống tay đứng dậy, làm cho ngày tháng còn lại nầy được vui vẻ, hạnh phúc và lành mạnh hơn là chìm đắm trong tối tăm mịt mù. Ông đến trước bia mộ và thì thầm: “Đúng, em đâu còn nằm dưới lòng đất nầy nữa. Thân xác là cát bụi phải về với cát bụi. Không còn là em nữa. Em đã bay cao với gió trên mây vàng long lanh, đang rong chơi nơi thiên đường cực lạc. Anh phải biết mừng cho em. Phần anh, phải đi nốt tháng ngày còn lại trên hành tinh nầy với những bước chân vững vàng, vui vẻ và hạnh phúc cho riêng mình. Đó là bổn phận cấp thiết đối với bản thân.”

Ông lái xe ra về, lòng nhẹ thênh thang. Con đường có nắng vàng reo vui, cây cỏ xanh ngắt yêu đời. Tiếng nhạc vui rộn rã vang vang trong xe, ông đã tìm được ý nghiã cho tháng ngày vắng bóng vợ. Ông tin rằng, nếu chết là chưa hết, chưa vĩnh viễn tan biến, thì ông sẽ gặp lại bà trong tương lai, ở một nơi an bình hạnh phúc hơn ở cõi trần thế nầy. Nhưng nếu chết là hết, là xong, thì cũng khỏe. Bà đã khoẻ, và mai đây ông cũng sẽ theo bước bà tan vào hư không.

Về nhà, ông ngồi vào bàn, lập một chương trình sinh hoạt mới cho ngày tháng còn lại. Trước đây ông không dám về hưu vì sợ cô đơn, sợ không có việc chi làm bận rộn rồi sinh ra quẩn trí mà phát bệnh. Nhưng bây giờ, ông đã có một chương trình năng động, phủ kín thời gian trong tuần, còn sợ không đủ thì giờ để thực hiện. Nhưng không sao, với ông thì thi hành được chừng năm mươi phần trăm cũng đã là thành công rồi.

Mỗi sáng ông dậy sớm, đi đến phòng tập thể dục, chạy bộ trên dây?, cử tạ, bơi lội, tập yoga, tắm nước nóng. Sau đó họp bạn già uống cà phê, bàn chuyện trời đất thời thế. Về nhà đọc vi thư bạn bè, giải quyết các công việc lặt vặt. Rồi ngủ ngay một giấc ngắn. Tự nấu nướng lấy, mặc dù có thể đi ăn tiệm, hoặc mua thức ăn về. Ông học cách nấu ăn trong liên mạng vi tính. Đọc bốn năm bài dạy khác nhau, rồi chọn lựa, kết hợp, tìm ra cách nấu hợp với khẩu vị mà ông nghĩ là ngon nhất. Từ đó, ông ghiền xem truyền hình dạy nấu ăn, Ông nấu được những món ngon tiếp đãi bạn bè.

Có một bà góa ỡm ờ đề nghị: “Anh nấu ăn ngon thế nầy, mà ăn một mình cũng buồn và uổng quá. Hay là nấu cơm tháng cho em đi, mỗi ngày tới bữa em đến ăn. Hôm nào anh bận, thì báo trước, em sẽ đi ăn tiệm.”

Ông cười lịch sự đáp: “Cám ơn chị quá khen và đề nghị. Xin cho tôi suy nghĩ lại, xem có đủ sức phục vụ chị không, rồi sẽ trả lời sau.”

Ông bóng bẩy nhấn vào hai chữ ‘phục vụ” làm bà kia đỏ mặt e thẹn. Ông không thể tưởng tượng nổi có người nào đó thay thế được vợ ông. Mỗi khi nói chuyện thân thiết với bà nào đó, mà trong lòng ông có dấy lên một chút cảm tình, thì ông thấy như mang tội với người vợ đã khuất, ông đã thiếu chung thủy. Cứ áy náy mãi.

Ông tham gia các chương trình du lịch xa, đi chơi trên du thuyền. Ông gặp nhiều bạn bè, đàn ông, đàn bà, cùng vui chơi. Tham dự các trò đùa tập thể trên du thuyền. Nhiều bà góa thấy ông cô đơn, nhắm muốn tung lưới bắt mạng, nhưng ông cũng đủ khôn ngoan để né tránh. Ông nói với bạn bè rằng, mình già rồi, khôn có lõi, không còn ngu ngơ dại dột như thời trai trẻ, để nhắm mắt chui đầu vào tròng.

Đôi khi ông cũng muốn có bạn gái, có chút chất “mái”, dù không làm gì được, nhưng mơ hồ thấy có sự thăng bằng nào đó trong tâm trí.

Ông đã cùng bạn bè tham gia các chuyến du lịch xa, Âu Châu, Ấn Độ, Phi Châu. Bây giờ còn đủ sức để đi, có điều kiện tài chánh thong thả, tham gia kẻo mai mốt khi yếu bệnh, khỏi luyến tiếc. Đi theo đoàn đông đảo bạn bè, thì giờ rất sát, eo hẹp, làm ông không kịp nghĩ, kịp buồn.

Trên du thuyền, gia đình người bạn giới thiệu bà Huyền cho ông, bà đẹp, duyên dáng, hơi trầm tư, đôi mắt mở to như khi nào cũng ngạc nhiên ngơ ngác, cánh mũi thon, môi hình trái tim chúm chím. Bà Huyền xa chồng đã hơn ba năm. Lòng ông Tư mơ hồ dấy lên chút cảm tình vì bà đẹp, hiền thục, ít nói. Mấy lần hai người ngồi gần nhau trong bữa ăn. Bà Huyền hé lộ một chút tâm sự riêng tư cho ông nghe, rằng bà may mắn chạy thoát đến Mỹ vào năm 1975, bà lặn lội thân cò nuôi chồng theo đuổi đại học trong bao nhiêu năm. Nhờ may mắn trong thương trường, tiền bạc có thời vô như nước. Gia đình vui vầy tràn đầy hạnh phúc. Rồi tai họa đổ xuống, chồng bà say mê một cô nhỏ tuổi hơn con gái ông, cô nầy làm công cho cơ sở thương mãi của gia đình. Ông chồng li dị bà để vui duyên mới. Bà nói rằng, chẳng trách gì ông, một phần cũng lỗi tại bà không phòng xa, để cho ông chồng và cô gái có dịp tiếp xúc thường xuyên. Lửa gần rơm thì phải cháy. Chia đôi gia tài, bà cho ông cơ sở kinh doanh, bà không cần làm nữa, tài sản có thể sống đến khi già chết.

Ông Tư cũng cảm mến bà Huyền vì cái giọng nói dịu dàng ngọt ngào, trái tim nhân áí, và tâm từ bi của bà cùng tấm lòng cao thượng. Khi nhắc đến ông chồng cũ phản bội mà không thù hận, không gay gắt giận hờn.

Bà Huyền biết kiên nhẫn lắng nghe, tôn trọng ý của người khác, dù có khi bất đồng quan điểm. Ông Tư cảm thương cho một người đàn bà biết điều như thế mà gặp phải hoàn cảnh không may. Cái tình cảm trong lòng ông đâm mầm nhú mộng êm ái. Đôi khi ông cũng giật mình, sợ trái tim ông yếu đuối, đổi cái quan hệ bạn bè với bà Huyền thành tình yêu. Ông không muốn mang mặc cảm phản bội bà vợ bên kia thế giới. Nhưng cũng là chuyện lửa gần rơm, mối giao hảo thân thiết của ông với bà Huyền càng ngày càng khắng khít. Đã có vài lần ông toan tính thổ lộ cho bà Huyền mối tình cảm chân thành của ông, nhưng rồi vốn nhát, nên lại thôi. Ông tự cười, đã chừng nầy tuổi, trên đầu tóc trắng nhiều hơn tóc đen, mà vẫn còn nhút nhát như thời mười sáu tuổi. Cuối cùng, chính bà Huyền đã mở đường dẫn ông vào cuộc tình già. Khi ông đi gần đến quyết định mời bà Huyền về sống chung, thì bạn bè can gián, cho ông biết bà Huyền là một trong ba người đàn bà nổi danh đanh đá độc ác nhất của thành phố nầy. Ai cũng biết, mà chỉ riêng ông Tư không biết mà thôi. Ông không tin một vài người, nhưng phải tin khi nghe nhiều người khác nói. Ông quyết tâm tìm hiểu, và vô tình gặp ông Duẫn là người chồng cũ của bà Huyền trong một buổi họp mặt. Ông lân la đến làm quen. Thấy ông Duẫn hiền khô, không rượu, không trà, không cả cà phê thuốc lá, và nói năng lịch sự dịu dàng. Bạn bè lâu năm của ông Duẫn cũng xác nhận anh nầy là một ‘ông Phật đất’. Hoàn toàn không hề có chuyện gian díu với một người đàn bà nào. Bà Huyền cũng không nuôi ông Duẫn một ngày trong đời như bà nói, bà đã đặt chuyện, cứ nói mãi, nên tin là có thật.

Ông Tư mạnh dạn hỏi thẳng Duẫn: “Anh nghĩ sao, nếu tôi cưới bà Huyền, vợ cũ của anh?”

Ông Duẫn gãi đầu, và nói ngập ngừng: “Ô… ô, không nghĩ sao cả. Đó là chuyện riêng của bà ấy với anh. Tôi không can dự gì. Chúng tôi đã li hôn lâu rồi. Tại sao anh hỏi tôi câu đó?”

Ông Tư hạ giọng: “Không phải tôi xin phép anh, mà tôi muốn hỏi ý kiến của anh về bà ấy. Nhận xét của riêng tôi, thì bà Huyền là một người đoan trang, trinh thục, hiểu biết, có trái tim nhân ái. Nhưng theo nhiều người khác thì đó là một trong ba bà ác độc nhất của thành phố nầy. Có thật vậy không?”

Ông chồng cũ của bà Huyền ngững mặt lên trời mà cười ha hả: “Khoan khoan, đừng nói thế mà tội cho người ta. Phần tôi, nếu không nói tốt cho bà ấy được, thì cũng không có quyền nói xấu. Tôi không dám có ý kiến gì cả. Có thể bà ấy không hợp với tôi, nhưng lại hợp với người khác. Có thể tại tôi bất tài, không tạo được hạnh phúc cho gia đình. Biết đâu, bà ấy với anh đồng điệu, hai người có thể tạo nên thiên đàng dưới trần thế nầy.”

Ông Tư ngại ngần và chùn chân, âm thầm lảng xa dần bà Huyền. Bà nầy biết được ý định, mắng ông Tư một trận nên thân, chưởi ông hèn nhát, bần tiện, keo kiết, không đáng xách dép cho bà. Ông Tư nghe xỉ vả chưởi mắng mà mừng húm. May mà chưa có cam kết gì với bà Huyền. Từ đó, ông đâm ra có thành kiến với bất cứ người đàn bà nào muốn tiếp cận với ông.

Ông Tư đã hết suy sụp tinh thần, tự tổ chức cho ông một đời sống có ý nghĩa, có nhiều niềm vui nhỏ nhặt trong đời sống, tránh xa mọi phiền toái của thế gian. Trong nhà ông treo một tấm biển lớn, chữ viết theo lối bút họa, ghi lời của một người bạn:

Có thì vui. Không cũng vui. Được mất đều vui.”

Tràm Cà Mau

9 câu hỏi rất khó và 9 câu trả lời tuyệt vời

9 câu hi rt khó và 9 câu tr li tuyt vi

Một trí giả thích ngụy biện đến gặp Socrates nhà hiền triết xứ Hi Lạp và đặt nhiều câu hỏi khó với mục đích làm cho Ngài bối rối. Nhưng nhà hiền triết xứ Milet có thừa khả năng để trả lời. Sau đây là các câu hỏi:

1. – Trong các vật hiện hữu, cái gì xưa nhứt ?
– Thượng Đế, vì ở thời đại nào, Ngài cũng hiện hữu.

2. – Trong các vật, vật nào đẹp nhứt ?
– Vũ trụ, vì vũ trụ là công trình của Thượng Đế.

3. – Trong các vật, vật nào lớn nhứt ?
– Không gian, vì nó chứa tất cả những gì sáng tạo.

4. – Trong các vật, vật gì vững bền nhứt ?
– Hy vọng, vì khi con người mất hết, nó vẫn còn.

5. – Trong các vật, vật nào tốt nhứt ?
– Đức hạnh, vì thiếu nó không có một việc gì tốt đẹp.

6. – Trong các vật, vật chi di chuyển mau nhứt ?
– Tư tưởng, vì trong một giây nó có thể đến tận bên kia vũ trụ.

7. – Trong các vật, vật chi mạnh nhứt ?
– Nhu cầu, vì nó giúp ta san bằng các khó khăn to lớn nhứt.

8. – Trong các việc, việc chi dễ làm nhứt ?
– Khuyên bảo.

9. – Trong các việc, việc nào khó nhứt ?
– Tự biết mình.

SUY NGHĨ

Một câu chuyện ngụ ngôn rất hay. Trong đời tôi cũng đã có vài lần xảy ra tương tự như chuyện sau đây :

Vợ tôi, khi người còn khỏe mạnh, cùng tôi đi chùa lạy Phật. Vợ tôi và tôi vừa chấp tay lạy Phật thì nghe vị thầy tu đang giảng đạo-pháp thao thao bất tuyệt. Bổng có một bà cụ già bước đến bên vị tu sĩ hỏi xin thầy ngừng ở đây để cho bà hỏi thầy một câu. Vậy thì vị tu sĩ bỏ cuốn sách xuống và bắt đầu quở trách bà cụ nầy oang oang trên máy vi âm: “Tôi đang thuyết giảng mà sao bà làm tôi cụt hứng không còn nhớ tôi đọc đến chổ nào nữa”.. “Bà …bà… bà…v.v… Bà không được làm như vậy nữa nghe chưa?”

Tôi nghe lời mạt-sát của ông nầy rất chướng tai. Tôi giận cho thái-độ xỉ mạ của ông đối với người già cả. Tôi liền bảo nhà tôi ngưng lạy và lui ra để tôi vào gọi ông thầy chùa nầy hỏi vì sao ông mạt-sát người già cả. Phật, thầy nào dạy ông làm điều nầy? Ông đã tu được bao nhiêu năm mà ông không trấn tỉnh được sự sân-si? Tôi vừa nói vậy với vợ tôi thì vợ tôi bảo rằng: “Người ta đã sai, sân-si quá. Bây giờ anh cũng sân-si nữa thì chúng ta đi chùa làm gì?
Tôi nghe vợ tôi nói quá phải. Tôi đành theo nàng đi về nhà và lạy tượng Phật ở nhà. Tôi xin hứa với Phật rằng từ nay con không còn hành động trong cơn nóng giận nữa. Từ đó vợ tôi thương quý tôi nhiều hơn. Nàng bảo: “Sao dạo nầy trông anh hiền như Bụt vậy?” Tôi bảo nàng: Tôi nhớ chuyện đi chùa hôm ấy. Tôi đã thành Phật rồi .

Hòn Ðá Ném Ði

Văn hào Nga Leon Tonstoï có kể câu chuyện ngụ-ngôn như sau:
“Có một người hành-khất nọ đến trước cửa nhà của một người giàu có để xin bố-thí. Một đồng xu nhỏ hay một miếng bánh vụn, đó là tất cả những gì người ăn xin chờ đợi nơi người giàu có. Nhưng, mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Ðến một lúc không còn chịu nổi những lời van xin của người hành khất, thay vì bố-thí, người giàu đã lấy đá ném vào con người khốn-khổ.
Người hành-khất lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: “Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà người sa-cơ thất-thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi”.
Ði đâu, người hành-khất cũng mang theo hòn đá ấy. Tâm hồn ông lúc nào cũng cưu-mang sự báo thù.

Năm tháng qua đi. Lời chúc dữ của người hành-khất đã thành sự thật. Vì biển lận, người giàu có bị tước đoạt tất cả tài-sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó, người hành-khất chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu vào tù ngục. Nỗi căm hờn sôi-sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải. Tay ông không rời bỏ hòn đá mà người giàu đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sach mối nhục hằng đeo đẳng bên ông. Nhưng cuối cùng, nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: “Tại sao ta lại phải mang nặng hòn đá này từ bao nhiêu năm qua? Con người này, giờ đây, cũng chỉ là một con người khốn khổ như ta”.

Tha thứ là điều khó khăn nhất nhưng cũng là điều cao cả nhất.

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi