Nhưng cuối cùng tôi cũng để rơi nước mắt-Truyen ngan HAY

 Những Câu Chuyện Thú Vị

Chi Nguyen 

Tôi đã khóc, dù cố kìm nén lắm nhưng cuối cùng tôi cũng để rơi nước mắt. Tôi muốn xin bà củ khoai, cái củ khoai khô quắt queo mà bà vừa móc ra từ trong giỏ đệm. Gương mặt bà cũng khô héo, mệt mỏi, âu lo…

**********

Bà đưa con lên Sài Gòn, sáng nay nó đi thi vào Đại học. Vô quán, bà kêu cho con tô phở đặc biệt. Bà vói tay lấy đũa cho nó, lấy khăn giấy cho nó. Ngồi sau lưng bà, tôi nghe thằng nhỏ hỏi:

– “Sao má không ăn?”

– Bà nói: “Má thích ăn khoai. Má có đem khoai theo. Con ăn đi kẻo trễ giờ.”

– Thằng con không buồn kèo nài, mời mọc thêm. Nó thản nhiên ăn. Ăn xong nó đứng lên, trường thi bên kia đường. Tôi nghe bà dặn dò nó, bà sẽ ngồi chờ nó ở gốc cây trước quán. Giọng bà lo lắng, ánh mắt bà lo âu.

Chờ nó khuất sau cổng trường thi, bà móc trong túi mấy đồng bạc nhăn nheo để trả tiền tô phở. Tôi hiểu bà nhịn ăn để dành cho con. Nhìn cái dáng cam chịu của bà, tôi thấy lòng mình chùng xuống. Nhìn bàn tay bà lần mò trong giỏ tìm lấy củ khoai, tôi không kềm nổi lòng mình. Tôi muốn xin bà củ khoai. Tôi muốn…

Trời mưa lâm râm. Mưa hắt vào lòng tôi nỗi buồn khó tả. Bà như người lái đò đưa con qua sông, con sông đời chập chùng sóng dữ. Và bà cũng như bao bà mẹ khác, luôn nhận phần giông bão cho riêng mình…

Bài & ảnh sưu tầm


 

KIẾP NGƯỜI !-Truyen ngan HAY

Vân Anh Nguyen 

Trải qua một cuộc bể dâu

Những điều trông thấy mà đau đớn lòng

Chị 60 tuổi, suy tim nặng, bị ung thư, phẫu thuật, đang chạy thận định kỳ.

Quê tận Sóc Trăng, chồng mất sớm, chị và đứa con trai lưu lạc đến tận Bình Dương.

Con đi làm thuê, mẹ chạy thận.

Cuộc sống của chị mong manh, không biết chấm dứt khi nào.

Chị chạy thận suốt 2 năm, đi về một mình. Con trai phải lo bươn chải kiếm tiền lo cho mẹ.

Sáng nay, chị trở nặng, ra đi không có người thân trong giây phút lâm chung.

May mà điện thoại của chị không cài mật khẩu nên các cô y tá gọi được đứa con trai.

Thằng nhỏ khoảng hai mươi tuổi, gầy gò, lam lũ, ánh mắt đau khổ, run run hỏi tôi:

– Giờ con làm sao hả bác sĩ ?

– Con đưa mẹ con về nhà lo hậu sự đi. Để cô làm giấy tờ và lo xe bệnh viện cho con.

– Con không còn nhà để về, bác sĩ à.

– Vậy còn ai bà con không ?

Thằng bé gọi điện thoại cho bà dì ruột. Xong, nó lắp bắp nói với tôi:

– Bác sĩ nói chuyện với dì của con.

Sau khi nghe hết câu chuyện, cô em gái trả lời:

– Bác sĩ thông cảm, lâu nay chị tui không liên lạc.

Khốn khổ cho chị. Không nhà để về, đứa em gái duy nhất cũng từ chối chị trong giây phút lìa trần.

May sao, bác sĩ H, trưởng khoa cấp cứu liên lạc được tổ chức mai táng thiện nguyện 0 đồng, lo hỏa táng miễn phí cho chị. Khoa thận và bệnh nhân gom góp một ít tiền cho thằng bé.

Sáng, chị còn bước vô khoa thận nhân tạo. Chiều, chị hóa thành tro bụi.

Chị an nghỉ nhé. Hãy phù hộ cho thằng con côi cút của chị.

Hãy theo dõi trang để cập nhật nhiều câu chuyện nhân văn hơn cảm ơn các bạn


 

GẶP LẠI NGƯỜI YÊU CŨ.-Truyen ngan HAY


Chuyện tuổi Xế Chiều

Công Tú Nguyễn

Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên người yêu cũ. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc hai người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh.

Nghe má nói ba bị tai biến, tôi tức tốc vượt hơn trăm cây số về nhà. May mà tai biến nhẹ, lại được cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng. Bệnh viện đông, không khí ngột ngạt làm ba khó chịu. Ba gắt má sao nước nguội quá, cháo gì lạt nhách, gối kê đầu sao quá mềm…

Ba quạu thì quạu, má vẫn nhỏ nhẹ “rồi rồi, để tôi sửa cho vừa ý ông”. Quạu với má vậy thôi, má về nhà mới được nửa buổi, ba đã sốt ruột hỏi tôi: “Sao má con đi lâu vậy?”. Ba với má đó giờ vẫn vậy, xa thì ngóng, gần thì như mặt trăng với mặt trời.

Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến ba má thường xuyên cãi cọ. Má da nâu nên ưa mặc quần áo màu nhạt, ba nói đàn bà phải mặc màu tối mới sang. Má uốn tóc ngắn, ba nói đàn bà phải để tóc dài, kẹp hay bới gì cũng quý phái…

Má biết tỏng bụng ba nên mát mẻ: “Người ta” của ông da trắng, dáng cao mới diện kiểu đó, tui bắt chước sao được”. “Người ta” của ba là dì Hiền. Hồi trẻ, ba và dì yêu nhau. Nhà dì chê ba nghèo nên không gả.

Nhà bán gạo, nhiều người mua thiếu rồi quỵt. Má nói người ta nghèo mới làm vậy, kệ đi, coi như làm phước. Ba thở dài, than: “Má mày hiền quá, dễ bị người ta gạt”. Má ấm ức: “Phải tía lia, mồm năm miệng mười như “người ta” mới vừa bụng ông chớ gì”…

Lớn lên tôi mới hiểu, ba đuổi bắt thứ gì đó rất mông lung, với hoài không tới. Từ vóc dáng tới tính tình của dì Hiền đã đóng khung trong ba thành chuẩn mực của cái đẹp. Vậy nên trong mắt ba, má chưa bao giờ toàn vẹn. Ba chưa một lần nhắc tên dì Hiền, cũng chưa từng gặp lại sau mấy chục năm xa cách, nhưng tôi vẫn cảm nhận được bóng dáng dì lúc nào cũng đâu đó trong những lần cãi cọ giữa ba với má, trong ánh mắt mênh mang của ba mỗi chiều về…

Người ta hay nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Chính vì dang dở nên ba mới nhớ, mới thương, mới tự gây sóng gió. Có lần tôi hỏi ba: “Dì Hiền đẹp lắm hả ba?”. Ba không trả lời, chỉ cười tủm tỉm, ánh mắt xa xăm như thể đang lạc về quá khứ.

Tôi nói: “Má không đẹp nhưng có duyên, tính lại hiền, chiều ba hết mực. Ba còn đòi gì nữa?”. Im lặng hồi lâu, ba mới khẽ khàng: “Chuyện người lớn, con không hiểu đâu”. Tôi hiểu chớ. Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên dì Hiền. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc hai người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh…

Ba nằm viện được năm ngày, tôi xin chuyển viện lên Sài Gòn để khám lại. Bệnh viện lớn càng quá tải hơn ở quê. Tôi trải chiếu để ba nằm cho đỡ mệt. Góc bên kia, giọng một phụ nữ lớn tuổi cứ liên tục kêu rên: “Bệnh viện gì mà đông phát khiếp”, “Bắt số 225 vầy biết chừng nào tới tui hả trời”, “Ông quạt mạnh tay cái coi, khỏe cùi cụi mà làm như sắp chết vậy”…

Ba khều tôi: “Chắc bà ấy bệnh nhiều nên khó chịu. Số của ba 200 hả con, đổi cho bà ấy để bả khám sớm chút”. Tôi nghe lời ba, mang số qua đổi. Dì ấy thở ì ạch, mặt cau có. Nghe tôi nói đổi số, dì buông gọn lỏn: “Sao tự dưng đổi, có tiền bạc gì không?”.

Anh con trai bước qua chào ba tôi để cảm ơn. Ba tôi hỏi anh quê ở đâu. Nghe nói người cùng tỉnh, ba nhổm dậy dòm qua. Hai người cùng sững sờ. Ba lắp bắp: “Là… là… cô Hiền phải không?”. Tôi giật thót, quay lại nhìn “kẻ thứ ba” vô hình của má bấy lâu.

Dì ấy mập ù, tóc tai xơ xác, bộ ngực thả rông xập xệ… dường như chẳng liên quan gì tới dì Hiền da trắng, tóc dài, dáng cao ba hay nhắc bấy lâu. Có lẽ cảm giác của ba cũng bàng hoàng giống tôi nên thăm hỏi gượng gạo. Lúc về, tôi trêu ba: “Gặp “người ta”, mãn nguyện rồi hả ba?”. Ba thở dài: “Thà đừng gặp…”.

Từ bữa đó, ba cư xử với má dịu dàng nhỏ nhẹ. Ảo ảnh ba bắt được rồi, cũng chỉ là ảo ảnh thôi, má mới là thực tại của ba. May, cuối cùng ba cũng ngộ ra điều đó.

Đỗ Minh Thùy


 

Một câu chuyện cảm động về tình cha-Đăng Dũng-Truyen ngan

Đăng Dũng

Tôi vẫn thường ngân nga khúc hát “tình cha”. Bởi tôi hiểu rằng, đó là thứ tình yêu không hình dáng, không màu sắc, cũng không có giai điệu, nhưng lại nâng tôi lên tới tận trời xanh…

 Nếu tới phố chợ công nhân ở Thiết Lĩnh, Liêu Ninh (Trung Quốc) vào mỗi sáng tinh mơ hay chiều tối, bạn sẽ nhìn thấy một ông lão đang chậm rãi đẩy xe đậu hũ. Chiếc loa sạc điện trên xe phát ra một giọng nữ lảnh lót: “Bán đậu hũ đây, đậu hũ chính tông đây! Đậu hũ đây”. Giọng nói đó là của tôi, còn ông lão ấy là cha tôi. Cha là một người câm điếc….

 Mãi cho tới sinh nhật 20 tuổi, tôi mới có đủ dũng khí để thu âm giọng nói của mình cho chiếc xe đậu hũ của cha, thay cho cái chuông đồng mà ông đã lắc suốt mấy chục năm qua. Nhớ lại những năm đầu của thập niên 80, khi vẫn còn là đứa trẻ 2-3 tuổi, tôi đã hiểu rằng có một người cha câm điếc sẽ khổ sở tủi nhục tới nhường nào. Vì vậy, từ nhỏ tôi đã ghét ông.

 Lần nọ, tội gặp một thằng bé bước tới xe của cha tôi mua đậu hũ. Nhưng khi cầm túi đậu hũ rồi nó không trả tiền mà chạy mất. Cha cứ rướn cổ về phía trước muốn gọi nó mà không phát ra được tiếng nào. Lúc đó tôi không thể đuổi bắt thằng nhỏ để đấm cho nó vài cú như các anh mình. Tôi đau lòng nhìn cảnh tượng ấy mà không nói được lời nào. Tôi không ghét thằng nhỏ, chỉ hận vì cha tôi là một người câm điếc.

 Di vật duy nhất mẹ để lại cho cha khi bà rời xa chúng tôi là tấm ảnh chụp chung với cô hàng xóm khi về nhà chồng. Nó thành nguồn an ủi động viên duy nhất của cha mỗi khi tôi tỏ thái độ lạnh nhạt. Cha ngắm bức ảnh thật lâu cho tới khi lấy lại được tinh thần và đi làm việc lại. Điều đáng giận nhất của tôi khi đó là những đứa trẻ khác gọi tôi là “nhỏ ba câm” (trong nhà tôi xếp thứ ba).

 Lúc chửi không lại chúng, tôi lại chạy về nhà. Đứng trước mặt cha đang mài đậu hũ, tôi tức giận vẽ lên đất một vòng tròn rồi nhổ một bãi nước bọt vào trong đó. Mặc dù không hiểu rõ hành động này có nghĩa gì, nhưng khi những đứa trẻ khác chửi tôi chúng vẫn thường làm thế. Tôi cho rằng đây là cách độc ác nhất để mắng một người câm.

 Lần đầu tiên tôi dùng cách này để mắng cha, ông đang làm việc bèn ngưng tay, đứng lặng nhìn tôi rất lâu và nước mắt cứ thế tuôn rơi như suối. Tôi rất ít khi nhìn thấy ông khóc, nhưng tối hôm đó ông đã trốn trong phòng làm đậu hũ khóc suốt đêm. Đó là một thứ nước mắt đau đớn bất lực tới không thốt thành lời. Tôi phát hiện ra cách để bộc lộ sự tủi nhục của mình với cha chính là mắng ông. Từ sau lần đó, mỗi khi bị ức hiếp tôi lại chạy tới trước mặt ông và mắng ông thậm tệ, sau đó tôi mặc kệ ông đứng đó và bỏ đi. Cũng từ sau lần ấy, tôi không thấy ông khóc nữa, chỉ biết ông cứ ngày một gầy yếu và già đi.

 Vì ghét cha, tôi nỗ lực chăm chỉ học hành. Vì ghét cha, tôi cố hết sức ôn thi vào đại học để rời khỏi cái làng nơi mà ai ai cũng biết cha tôi là một người câm. Đây là nguyện vọng lớn nhất của tôi khi ấy. Tôi không biết các anh trai mình đã thành gia lập thất như thế nào, cũng không cần biết căn phòng làm đậu của cha đã thay bao nhiêu khuôn mới, càng không cần biết đông đi hạ đến cái chuông đồng lắc đến mòn ấy đang vang khắp bao nhiêu thôn làng… Chỉ biết rằng, tôi đã bắt bản thân mình lao vào học điên cuồng như thù như hận.

 Cuối cùng tôi đã thi đỗ đại học. Sau bao ngày tháng mong đợi, cuối cùng tôi cũng có cơ hội thoát khỏi người cha câm điếc ấy. Tôi sung sướng trong lòng, đếm từng ngày từng giờ để lên đường vào thành phố. Hôm ấy, cũng là lần đầu tiên cha mặc chiếc áo dài màu xanh lam mà cô tôi đã may cho ông từ lâu. Đây là chiếc áo “diện” nhất trong tủ của cha mà bình thường ông không dám mặc đến. Ông ngồi dưới ánh đèn bày tỏ niềm vui sướng và lấy một đống bạc giấy còn vương mùi đậu hũ nhét vào tay tôi, miệng ê a ê a “nói” không ngừng. Tôi nghe mà không hiểu ông nói gì, nhìn mà không biết ông định làm gì. Khi cha dẫn hai người chú và các anh trai tôi lôi con lợn béo tốt mà ông đã chăm chút nuôi suốt 2 năm ra giết thịt, đãi bà con thân thuộc ăn mừng tôi thi đậu đại học, không biết điều gì đã làm tan vỡ trái tim sắt đá của tôi khi ấy. Tôi chợt đứng ngây người…

 Và tôi oà khóc! Tôi òa khóc như một đứa trẻ vì thương cha.

 Trong bữa cơm, tôi gắp cho cha mấy miếng thịt lợn, đôi mắt nhoà lệ, tôi lắp bắp: “Cha, cha ơi, cha ăn đi”. Cha không nghe thấy nhưng ông hiểu được ý của tôi, ánh mắt ông lóe lên tia sáng chưa từng có. Ông uống cạn một hơi rượu nếp hòa cùng nước mắt, ăn thêm những miếng thịt do con gái gắp cho mình, vì hôm nay ông thấy vui thật sự. Ông đã uống đến say vì vui mừng, khuôn mặt đỏ bừng, ông nói bằng thứ ngôn ngữ khua chân múa tay! Đã 18 năm, đã 18 năm rồi từ ngày mẹ rời đi, chưa bao giờ tôi gọi ông một tiếng “cha” cho thành hình. Đó là lần đầu tiên tôi gọi ông những lời đó.

 Cha tiếp tục vất vả làm đậu hũ, và những tờ giấy bạc thấm mùi mồ hôi ấy đã nuôi tôi học xong đại học. Sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về Thiết Lĩnh cách quê tôi 20 km. Khi đã ổn định công việc, tôi muốn đón cha lên thành phố để báo đáp ông những ngày cuối đời muộn màng. Thế nhưng, tôi bất ngờ gặp tai nạn trên đường.

 Và qua lời chị dâu kể lại, tôi mới được biết mọi chuyện xảy ra như thế nào. Hôm ấy, một số người qua đường nhận ra tôi là con ông bán đậu hũ nên đã về báo tin cho anh chị tôi. Thế là, cả hai anh trai và hai chị dâu tôi vội vàng chạy đến, thấy tôi bê bết máu nằm đó bất tỉnh. Cha đến sau cùng đẩy đám đông ra, ôm lấy đứa con mà mọi người đều chắc chắn rằng đã chết rồi. Ông chặn một chiếc xe hơi lớn bên đường, móc trong túi áo ra một mớ tiền lẻ bán đậu hũ rồi nhét vào tay tài xế, sau đó ông ra hiệu cầu xin người tài xế đưa tôi đến bệnh viện cấp cứu.

 Nhập viện không lâu, các bác sĩ lại cho tôi chuyển viện và ngầm khuyên các anh tôi sớm chuẩn bị hậu sự. Nguyên nhân vì lúc đó họ không đo được huyết áp của tôi, đầu tôi lại bị chấn thương, ngay cả bác sĩ cũng tin rằng tôi sẽ khó qua khỏi.

 Nhưng người cha cả đời đau yếu của tôi, lúc ấy lại toát lên một sức mạnh và sự kiên cường vô hạn. Cha xé nát chiếc áo tang mà anh cả mua về. Ông chỉ vào mắt mình, rồi khoa chân múa tay, ý nói rằng: “Chúng bây không được khóc, cha không khóc thì các con càng không được khóc. Em gái con sẽ không chết đâu, nó mới hơn 20 tuổi, nó nhất định sẽ sống, chúng ta nhất định sẽ cứu sống nó”.

 Các bác sĩ lắc đầu nói với cha rằng: “Con ông vô phương cứu chữa rồi, cho dù muốn cứu cũng phải tốn rất nhiều rất nhiều tiền, cứ cho là tốn nhiều tiền đi cũng chưa hẳn là cứu được”. Những lời này đều được anh cả tôi “phiên dịch” lại cho cha.

 Lúc ấy cha không khóc mà ngã quỵ xuống đất, ánh mắt thất thần. Nhưng rồi rất nhanh sau đó ông đứng dậy, ánh mắt đầy quyết tâm. Ông làm động tác tay, ý nói rằng: “Xin các ông hãy cứu con gái tôi, con gái tôi còn có hi vọng, đừng xem nhẹ, các ông nhất định phải cứu nó. Tôi sẽ kiếm tiền nộp tiền cho bệnh viện, tôi sẽ cho lợn ăn, trồng trọt, làm đậu hũ, tôi có tiền, tôi nhất định sẽ trả được”. Rồi cha lại chỉ tay vào anh và chị dâu tôi, biểu thị: “Tôi còn có chúng nó, chúng tôi cùng nhau cố gắng, chúng tôi có thể làm được”. Thấy bác sĩ không nói gì, ông lại chỉ lên trần nhà: “Tôi có nhà, có thể bán, tôi có thể ngủ trên đất, cứ xem như khuynh gia bại sản, tôi cũng phải cứu con gái tôi sống lại”. Cha lại chỉ vào trái tim mình, hai hàng nước mắt cứ thế chảy dài, ông muốn nói: “Con bé là cốt nhục của tôi, là cả đời tôi, xin hãy cứu nó sống lại”.

 Anh cả vừa khóc vừa dịch những lời của cha cho bác sĩ nghe, khiến vị bác sĩ cảm động tâm can, nước mắt ông đầm đìa nhìn cha. Tình yêu vĩ đại của cha không chỉ giữ tôi lại nơi trần thế mà còn mang đến lòng tin và quyết tâm để bác sĩ mạo hiểm cứu tôi. Tôi được đưa vào phòng mổ. Cha ngồi bên ngoài, cứ đi tới đi lui ngoài hành lang trong tâm trạng bất an, đến mức đôi dép của ông đã mòn cả đế. Ông cứ ngồi chờ suốt mười mấy tiếng đồng hồ đến nỗi miệng phồng rộp cả lên. Ông không ngừng cầu Phật trong hỗn loạn, cầu xin sự ban ơn của Đức Phật từ bi, khẩn cầu ban cho con gái ông sự sống.

 Trời cũng động lòng người, và tôi đã qua khỏi như một kỳ tích. Nhưng trong thời gian nửa tháng tôi vẫn hôn mê, không hề biết đến tình yêu vô hạn ông dành cho tôi. Đối diện với “người thực vật” như tôi, mọi người đều đã mất đi lòng tin, chỉ có cha là luôn túc trực bên giường bệnh, kiên định chờ tôi tỉnh lại. Bàn tay thô ráp của ông cẩn thận xoa bóp chân tay cho tôi, ông không thể nói được nhưng vẫn liên tục a…a… gọi tôi. Có lẽ ông muốn nói: “Con gái yêu, con tỉnh lại đi, con gái yêu, cha đang chờ con ăn đậu hũ cha mới làm ra đây!”.

 Trong thời gian ấy, để có đủ tiền trả viện phí, ông đã đi khắp các thôn làng mà ông từng tới bán đậu hũ, và bằng sự trung hậu và lương thiện của nửa cuộc đời, ông đã nhận được sự ủng hộ đủ để con gái ông bước qua ranh giới sinh tử. Bà con cùng nhau góp tiền và ông vẫn đều đặn ghi vào cuốn sổ tay với nét chữ xiêu vẹo, chân thật: anh Trương Tam 20 đồng, Lý Cương 100 đồng, thím Vương 65 đồng…

 Sau nửa tháng trời ròng rã, cuối cùng tôi cũng mở mắt. Tôi thấy trước mắt mình là một màu trắng như Thiên Đường, ngoảnh sang trái, tôi nhìn thấy một ông già gầy yếu với cái đầu bạc trắng. Ông nhìn thấy tôi tỉnh lại mà vui mừng đến a…a… gọi to lên, mái tóc bạc phút chốc bị những giọt mồ hôi xúc động thấm đẫm. Cha, người cha mà nửa tháng trước đây tóc vẫn còn xanh, nay như già thêm 20 tuổi.

 Cái đầu bị cạo trọc của tôi dần dần mọc tóc, cha vuốt ve đầu tôi và mỉm cười dịu dàng hiền từ. Đợi đến nửa năm sau, khi mái tóc đã có thể tết thành lọn, tôi nắm tay cha, ra hiệu bảo ông chải đầu cho mình. Cha trở nên vụng về vô cùng, ông chải từng lọn tóc, suốt cả buổi cũng không tết tóc được hình dáng mà ông hài lòng. Rồi cha đẩy xe đưa tôi ra ngoài hành lang hít thở khí trời, gặp ai tôi cũng khoe hai lọn tóc được chính tay cha bện. Những ngày ấy tôi giống như đứa trẻ đang cố hàn gắn lại một “khoảng trời đã mất” cho cha…

 Chúng tôi cùng nhau cố gắng trả hết nợ, cha cũng chuyển vào thành phố sống với tôi, có điều ông không muốn ngồi rảnh rang cả ngày. Và để giúp cha thoả niềm vui lao động như xưa, tôi thuê cho ông một gian nhà nhỏ làm đậu hũ ở gần đó. Đậu hũ mà cha làm rất thơm rất mềm, miếng lại to nên mọi người đều rất thích ăn. Tôi lắp trên xe đậu hũ của ông một cái loa bằng điện, mặc dù cha không nghe thấy âm thanh rao bán lanh lảnh của tôi, nhưng ông hiểu được ý nghĩa của nó. Và mỗi khi ấn tay vào cái nút phát trên loa, ông sẽ ngẩng đầu lên, niềm hạnh phúc và mãn nguyện lại tràn ngập trên gương mặt ông.

 Tôi thường nghĩ cuộc sống giống như một bản giao hưởng tràn ngập tình yêu. Nếu chúng ta chú ý lắng nghe, cảm thụ sẽ hiểu được sức lay động tới tận tâm can. Tuy nhiên người cha câm đã giúp tôi hiểu được rằng thứ âm nhạc đích thực vĩ đại nhất là thứ âm thanh không lời. Nó có một sức mạnh vô cùng to lớn, mang tình yêu vô bờ bến của cha dành cho tôi vút cao lên tận trời xanh. Hãy dành lời chúc phúc tốt đẹp nhất cho những ông bố của chúng ta, cầu mong họ luôn khỏe mạnh bình an với tình yêu vô biên dành cho con cái.

 Cha mẹ chính là những người yêu thương bạn hơn hết thảy ai trong cuộc đời này. Tình yêu của họ là một thứ tình cảm vị tha, vô tư lợi và xuất phát từ lòng từ bi thực sự. Dù một đời lấm lem bùn đất, nhễ nhại mồ hôi, bạn hãy nhớ rằng cha mẹ luôn là thiên sứ đẹp nhất trong lòng ta dù đôi lúc trên gương mặt thiên sứ ấy có hằn cứa những dấu vết thời gian khắc khổ.

 Người Việt có một câu ca dao đã đi vào tâm thức bao thế hệ: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra“. Ơn nghĩa ấy, một đời làm con nào có thể quên? Nhưng cha mẹ nào có ăn đời ở kiếp với con? Một sớm mai, nhìn trong gương thấy tóc cha mẹ đã điểm bạc, con bỗng thấy ngày tháng cuộc đời này sao mà mong manh, hư ảo. Nhận ơn một giọt, báo ơn một dòng, lòng con như thắt lại khi biết dẫu có dành cả kiếp này trả nợ, đền ơn cũng không thể bù đắp cho cha mẹ. Quả thực là:

 “Phụ hề sinh ngã

Mẫu hề cúc ngã

Ai ai phụ mẫu

Sinh ngã cù lao”

 Tạm dịch: Cha sinh ta, mẹ bồng bế ta. Cha mẹ nuôi ta vất vả, xót xa tấm lòng

 Với mỗi người gặp gỡ trong đời, hãy thực lòng trân trọng họ, hãy trao đi yêu thương và thiện lành, hãy đối xử chân thành và ấm áp. Một khi hai mắt kia khép lại, cõi hồng trần cuồn cuộn này chỉ còn là giấc mơ hư ảo. Khi ấy, dẫu có muốn yêu thương một ai, liệu ta còn có thể chăng?

 Đăng Dũng    

Đừng Bao Giờ… Trần Dzũng Minh Dân-Truyen ngan

 Trần Dzũng Minh Dân

Tôi ngồi ẩn mình dưới tàng cây rậm rạp sau sân chùa, tránh cái nắng oi ả của mùa hè. Hôm nay ngày thường, mọi người đi làm cả, cảnh chùa im lặng một cách trang nghiêm. Nhân tiện có công việc đi ngang qua chùa, tôi tạt vào viếng cốt và thắp cho ông bác một nén hương để tưởng nhớ đến bác mình. Tôi thường thích ngồi một mình yên lặng như thế, đầu óc như thể hồi mới sinh, mắt thấy cảnh, cảm nhận được hình ảnh nhưng chưa biết nói, trong đầu chưa có những biểu tượng tạo thành ý nghĩ hay tư tưởng! Những lúc như thế, tôi thấy tâm hồn có phần nào an lạc bình yên hơn.

Ngồi lơ đãng như vậy một lúc lâu, tôi chợt thấy bóng người đang lui cui dọn dẹp phía hông mé nhà kho. Để ý kỹ, tôi nhận ra đó là người đàn ông khoảng lứa tuổi ngoài 30 mà tôi thỉnh thoảng vẫn gặp làm công quả cho chùa. Mồ hôi người đàn ông đổ nhễ nhại dưới cái nóng bức của mùa hè, nhưng anh ta vẫn lẳng lặng làm không tỏ vẻ một chút nào khó chịu cả. Tôi ngồi nhìn anh ta làm việc, lòng thầm cảm phục.

Người đàn ông bất chợt nhìn thấy tôi. Anh ta cười, vẫy tay chào.

Tôi nói lớn:

– Nghỉ tay, uống miếng nước đã!

Người đàn ông khựng lại, ngẫm nghĩ, cúi xuống xách chai nước suối dưới đất rồi đi lại phía tôi ngồi.

Tôi đứng lên, bắt tay tự giới thiệu tên mình.

– Chào anh, tôi là Minh.

– Dạ, tôi tên Hiếu.

– Hôm nay anh không phải đi làm à?

Tôi ngắm Hiếu trong khi chờ đợi câu trả lời. Tuy với làn da hơi rám nắng, cùng với một mái tóc cắt ngắn, Hiếu có một khuôn mặt sáng sủa dù ẩn hiện nhiều nét suy tư. Đôi bàn tay gầy gầy thanh nhã chứng tỏ không phải làm việc lao động nhiều.

– Thưa anh không. Tôi nghỉ thứ Ba, không làm việc. Còn anh, sao hôm nay không đi làm à?

– Tôi có vài công việc riêng cần phải làm nên lấy ngày nghỉ hôm nay. Xong việc, đi ngang chùa nên ghé vào đây thăm cốt ông bác. Tôi thỉnh thoảng đi chùa vẫn thấy anh. Anh chắc thường làm công quả ở đây đã lâu?

– Dạ, cũng được vài năm, thưa anh. Sắp tới lễ Vu Lan rồi, tôi soạn lại nhà kho lấy những vật dụng cần thiết, để sẵn đó cho họ. Mỗi người một tay.

– Ừ nhỉ. Anh không nhắc thì tôi cũng quên khuấy đi mất, rằm tháng 7 sắp tới rồi! Trông anh còn trẻ, chắc còn bà cụ?

Hiếu chợt khựng lại, giọng nhỏ đi.

– Thưa anh không. Mẹ tôi mất cách đây được vài năm.

– Tôi xin lỗi.

– Dạ, không hề chi.

Tôi ngẫm nghĩ, miệng nói thầm “Hiếu, Hiếu …”. Tôi đã có nghe ai đó nói tới cái tên này, và đang cố nhớ là đã nghe ở đâu.

– A! Tôi có nghe mẹ tôi thỉnh thoảng nói ở chùa có một anh bác sĩ trẻ hay đến làm công quả, cho chùa tiền và chữa bệnh cho người đồng hương lấy tiền rất rẻ, gặp người nghèo thì chữa miễn phí, không biết có phải là anh không?

Hiếu cười ngượng ngập.

– Dạ, bà cụ anh nói quá lời. Tôi chỉ làm những gì khả năng cho phép.

Tôi tiếp lời:

– Mẹ tôi và mọi người ở đây quý mến anh lắm. Được một người trẻ công danh thành toại trong cộng đồng cũng là điều quý rồi, huống hồ thay vì hưởng thụ, vinh thân phì gia, anh còn nghĩ đến cộng đồng, giúp đỡ cộng đồng thì quá tốt. Tôi nói điều này bằng cả thực lòng, chẳng phải nói cho anh vui.

– Dạ, cám ơn anh. Tôi cũng chỉ xin đóng góp phần nào mà thôi. Một mình tôi thì cũng chẳng làm gì được nhiều nếu không có những sự tiếp tay và góp sức của những người khác. Người cho $100, người cho $5 đồng, $10 đồng … người làm trong nhà bếp, người chăm lo vườn, người lo giấy tờ thủ tục hành chánh v.v… một người thì chắc chắn không thể nào làm xuể được từng ấy công việc.

Tôi đổi đề tài đối thoại, để cho Hiếu được thoải mái, hỏi về những khóa tu thiền sắp tới do chùa tổ chức, những lớp học tiếng Việt v.v…

Ngồi nói chuyện được một lát, Hiếu xin phép quay trở lại làm tiếp công việc dang dở, tôi bảo để tôi phụ một tay khuân dọn cho nhanh chóng, thêm phần có hai người vừa làm vừa nói chuyện đỡ nhàm chán hơn. Hiếu vui vẻ cám ơn tôi.

Công việc xong thì cũng khoảng 5 giờ chiều. Tôi từ giã Hiếu và hẹn gặp lại trong ngày Vu Lan.
o0o

Khi tôi chở mẹ tôi tới thì chùa cũng đã có khá đông người. Một cô bé nhỏ tuổi mà tôi thường thấy trong gia đình Phật Tử của chùa chạy lại, chẳng cả hỏi, cài trên ngực áo tôi một bông đỏ rồi nhoẻn một nụ cười thật dễ thương chúc tôi may mắn còn mẹ.  Tôi mỉm cười sung sướng.

Mẹ tôi dặn dò tôi vài điều như sẽ về lúc mấy giờ, nếu muốn kiếm mẹ tôi thì có thể kiếm bà ở đâu… rồi vội vã đi về hướng nhà bếp để tiếp tay với những người bạn trong Ban Hộ Niệm của bà trong đó.

Tôi đảo mắt nhìn xung quanh, có những người mang đóa hoa đỏ cài trước ngực và có những người cài đóa hoa trắng, những người mà thân mẫu đã qua đời. Tôi chợt nhớ đến Hiếu, nhớ đến người bác sĩ trẻ hay làm công quả cho chùa. Tôi định bụng sẽ để ý kiếm Hiếu. Tôi đi vội về phía khán đài để giúp ban tổ chức văn nghệ khuân ghế ra cho khán giả ngồi và sắp đặt chương trình.

Không khí nhà chùa hôm nay đâu đâu cũng nhộn nhịp, mọi người cười nói vui vẻ. Tiếng thầy trụ trì đang sang sảng thuyết pháp vọng lại từ chính điện. Các em nhỏ trong ban vũ tíu tít gọi nhau để chuẩn bị cho chương trình văn nghệ. Những tà áo dài đủ mầu sắc thỉnh thoảng có dịp gì đó trong năm mới được mang ra mặc. Mọi người rạng rỡ trong ngày báo hiếu.

Khi trời trở chiều, tôi kiếm mẹ tôi, chở bà về lo nấu nướng để cúng bái ở nhà. Tôi vẫn chưa thấy Hiếu. Tôi chợt nhớ là người hẹn gặp nhau ở chùa là tôi và Hiếu chỉ cười, không nói.

************

Sau ngày Vu Lan tôi gặp Hiếu đôi lần ở chùa, những lúc như thế, chúng tôi thường thảo luận về các kinh điển nhà Phật. Hiếu có một trí nhớ rất dai, thuộc làu làu những câu kinh hoặc đoạn kinh. Tôi vốn thuộc loại “dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”, thuộc loại ưa ngủ chứ chẳng phải tướng học trò gì cả, chẳng nhớ gì nhiều. Nhưng có điều khi nghe Hiếu đọc các câu kinh, tôi hiểu thế nào nói ra như vậy khiến nhiều lúc Hiếu kinh ngạc và thường khen tôi là người có căn cơ, chắc những kiếp trước có tu tập gì rồi. Chúng tôi lại tưởng tượng ra những kiếp trước ra sao để trêu chọc nhau và ngày càng trở nên thân nhau hơn. Thú thật tới lúc đó, tôi cũng chẳng biết gì nhiều về bản thân cũng như gia đình của Hiếu. Tính tôi vốn không tò mò, ai thích kể cho mình nghe thì kể, tôi không hỏi và cũng không lấy đó làm điều quan tâm. Cho đến một hôm…

– Chiều thứ Bẩy này ông có rảnh không?

Ngẫm nghĩ một chốc, tôi trả lời Hiếu:

– Rảnh. Có chuyện gì không?

– Tôi định mời ông đến nhà ăn giỗ bà cụ.

– Ừ, nhưng ông phải chỉ đường cho tôi hay cho tôi địa chỉ. Ông định mấy giờ?

– Khoảng 7 giờ chiều được không? Sáng tôi còn ở phòng mạch. Để tôi vẽ đường đến cho ông sau.

– Ừ, cứ định như vậy đi.

Chiều thứ Bẩy tôi đến nhà Hiếu, một căn nhà nhỏ tọa lạc trong một khu vực yên lặng, hơi xa thành phố. Khi tôi tới, Hiếu đã cúng bái xong rồi, đang ngồi chờ tôi. Tôi đến bàn thờ, thắp nén nhang tỏ lòng tôn kính người quá cố. Nhìn di ảnh, mẹ của Hiếu là một người đàn bà khắc khổ, trông có vẻ lam lũ dù tấm ảnh chụp lúc còn khá trẻ. Duy chỉ có cặp mắt, cặp mắt thật buồn, cặp mắt của một người chịu đựng và hy sinh. Kế bên di ảnh là một bức ảnh của một người đàn ông mặc quân phục, da sạm nắng mà tôi đoán là cha của Hiếu. Điểm làm tôi ngạc nhiên, tôi là người khách duy nhất mà Hiếu mời! Không một người nào khác, ngoài tôi và Hiếu! Ngoài hai bức di ảnh trên bàn thờ, trong nhà không treo một tấm hình nào khác. Đồ đạc bầy biện rất đơn sơ nhưng gọn gàng và sạch sẽ. Nhìn qua, ai cũng có thể đoán được phần nào tâm lý của người chủ nhà.

Trong bữa ăn, Hiếu vui vẻ cười nói huyên thuyên nhiều hơn bình thường. Không biết có phải vì chút rượu vang hay đã lâu trong bữa ăn mới có người cho Hiếu nói chuyện, hoặc vì một lý do nào đó mà Hiếu cố che dấu để quên đi?

Dùng cơm xong, chúng tôi ra phòng khách ngồi uống cà phê, nói chuyện. Lúc này Hiếu lại trở nên ít nói, có vẻ trầm ngâm tư lự, thành thử tôi cứ phải khơi chuyện.

– Ông ở một mình, sao không lấy vợ cho có không khí gia đình? Tôi đi làm về còn có cha mẹ, anh em, ông định ở như vầy đến bao giờ? Vả lại, cỡ người như ông đâu phải là khó lấy vợ!

Hiếu im lặng một hồi lâu rồi trả lời:

– Tôi cũng đã từng lập gia đình rồi.

Tôi nhìn Hiếu không nói. Hiếu tiếp tục kể:

– Tôi lấy vợ cách đây ba năm, ăn ở với nhau được gần một năm thì chúng tôi xa nhau. Chẳng phải lỗi tại Thy, lỗi tại tôi thì đúng hơn. Dầu sao đi nữa thì chúng tôi cũng đã ly dị.

*******

Như có dịp để tâm sự, Hiếu miên man kể cho tôi nghe.

– Bố của tôi là một sĩ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ông thuộc đơn vị tác chiến nên nay đây mai đó, vì vậy ông không muốn mẹ tôi theo. Khi tôi ra đời, lớn lên trong tình thương của mẹ, ít khi thấy mặt cha. Gia đình bên nội cũng như bên ngoại, tôi đều không biết vì bố mẹ tôi thương nhau không có sự đồng ý của cả hai gia đình vốn ghét nhau từ lâu. Mẹ tôi bị gia đình mình từ và gia đình bố tôi không nhận, nhưng vì thương yêu nhau nên bố mẹ tôi bất chấp tất cả để được gần nhau.

Lấy nhau một thời gian ngắn thì bố tôi nhập ngũ, mẹ tôi bắt đầu cuộc sống xa chồng, một thân một mình và có mang tôi. Không nói thì ông cũng có thể tưởng tượng được lúc đó mẹ tôi khổ sở đến thế nào. Bên nội, bên ngoại ngoảnh mặt nhất định không chịu nhìn. Chỉ tội bà ngoại tôi, thương con nhưng sợ chồng, lâu lâu lén lút gặp mẹ tôi và dấm dúi cho ít tiền. Mẹ tôi phải buôn thúng bán bưng để tự nuôi thân và chờ ngày sinh con.

Ngày tôi ra đời, tôi là nguồn sống của bà. Tôi lớn lên trong sự hy sinh cơ cực của mẹ tôi, nhưng ngày đó tôi còn quá nhỏ để nhận thức được sự hy sinh của mẹ mình. Tôi không biết  phải diễn tả thế nào để nói lên được sự vui sướng của mẹ tôi mỗi khi bố tôi về phép, không còn gì sung sướng hơn cho người đàn bà khi thấy chồng mình, con mình và mình được quây quần chung một nhà. Đôi khi mẹ tôi đi xe đò, mang tôi lên đơn vị thăm chồng. Bố tôi vừa mừng vì được gặp vợ con, vừa lo vì đường xá xa xôi, mất an ninh.

Sau khi Cộng Sản chiếm Miền Nam, bố tôi bị chúng bắt đi cải tạo hay đi tù thì đúng hơn! Họ chuyển bố tôi ra Bắc. Mẹ tôi lặn lội ra ngoài đó thăm chồng nhưng họ cho biết bố tôi đã bị bệnh chết! Một người đồng tù đã lén cho mẹ tôi biết là bố tôi đã bị hành hạ đến chết và cho mẹ tôi biết ngày bố tôi bị giết!

Trở vào Nam, đau đớn vì bố tôi bị giết, mẹ tôi lại phải chứng kiến cảnh tôi bị ngược đãi ở trường học vì có cha là lính ngụy. Mẹ tôi tìm cách vượt biên vì tương lai của tôi. Tôi vốn hiếu học lại có trí nhớ dai. Sau khi bán hết tất cả đồ đạc, tom góp được một khoản tiền, mẹ tôi đưa tôi xuống Rạch Giá để tìm đường đi.

Dừng lại, Hiếu nuốt nước bọt một cách khó khăn rồi kể tiếp:

– Trời cũng thương nên chuyến đầu đi lọt dù trải bao gian nan trên biển cả. Nếu không lọt thì cũng chẳng bao giờ còn tiền để đi những chuyến sau. Cuối cùng mẹ tôi và tôi đến Mã Lai. Không một nước nào nhận, nước sau cùng là Mỹ, họ nhận mẹ con tôi, một họ đạo Tin Lành bảo trợ cho vào Mỹ.

Đến Mỹ, không có nghề chuyên môn, tiếng Anh lại không biết, mẹ tôi vào làm phụ bếp trong một nhà hàng. Ai sai gì làm đó, một tuần bẩy ngày. Tối về mẹ tôi lại gò lưng may, ráp những tay áo, lấy tiền theo từng cái. Còn tôi chẳng phải lo lắng gì ngoài việc ăn học. Tôi học dễ dàng, từ trung học lên đại học rồi thi vào trường thuốc, ra trường và đi thực tập. Trong thời gian thực tập, tôi gặp Thy cũng thực tập cùng một nhà thương. Chúng tôi quen nhau và tình cảm nẩy sinh.

Cha mẹ của Thy cũng là bác sĩ từ Việt Nam, qua đây thi lại, thực tập lại rồi ra hành nghề. Nói chung gia đình Thy thuộc giai cấp trưởng giả. Họ biết cách ăn nói, xã giao rất lịch thiệp. Gia đình Thy rất quý mến tôi, mọi người ai cũng mong chúng tôi thành vợ thành chồng cả. Đời tôi thật sung sướng. Năm cuối thực tập, chúng tôi quyết định lấy nhau. Tôi đưa mẹ tôi đến nhà bố mẹ Thy dùng cơm tối để nói chuyện chung thân cho hai đứa tôi. Trong bữa cơm với gia đình Thy …

Giọng Hiếu trở nên khó khăn, ngập ngừng.

– Tôi chợt nhận thấy sự quê mùa của mẹ tôi khi ngồi chung bàn với gia đình Thy. Từ cái tóc, cách ăn mặc, lối ăn uống… Khi bố mẹ Thy nói chuyện, hỏi mẹ tôi những chuyện thông thường, mặt mẹ tôi ngớ ra, trắng bệch, giọng nói trở nên run rẩy, sợ hãi… Tôi… Hiếu nói nhỏ nhỏ, giọng run run trong cuống họng.

– Tôi… lúc đó cảm thấy xấu hổ. Tôi xấu hổ vì sự quê mùa, thiếu kiến thức của mẹ mình khi so sánh với người khác. Tôi trở nên tức giận mẹ tôi và có nhiều cử chỉ hỗn láo với mẹ trong suốt bữa ăn! Mẹ tôi im lặng, lúc về nhà bà luôn miệng xin lỗi tôi, đã làm tôi mất thể diện.

Đám cưới chúng tôi diễn tiến như dự định. Tôi càng tức tối trong ngày cưới khi thấy sự quê kệch, luống cuống của mẹ mình. Khách toàn là khách sang trọng. Lúc đó, tôi giận mẹ tôi vô cùng, tại sao những việc đơn giản như thế mà cũng không biết. Tôi gay gắt với mẹ tôi đến nỗi có lúc mẹ tôi vừa run vừa chẩy nước mắt vì sợ không vừa ý tôi!

Mẹ tôi về ở với vợ chồng chúng tôi. Thy có nhiều lúc khiếm nhã với mẹ của tôi, những lúc đó tôi lại tức tối mẹ tôi, tại sao những chuyện như vậy mà cũng không biết để người khác coi thường. Mẹ tôi trở nên sợ hãi, bà cố tránh chúng tôi, cả ngày bà trốn trong phòng. Chỉ những lúc ăn cơm bà mới phải ra, ăn vội ăn vàng rồi lại vào phòng. Mà đồ ăn nào vừa ý bà! Mẹ tôi ăn không có cơm đâu được! Đồ ăn thường là đồ kho, đồ xào. Thy lớn từ bé ở đây, lại thích ăn như người Mỹ. Tôi thì sao cũng được nhưng lúc đó tôi lại muốn tập cho mẹ tôi thay đổi! Chúng tôi đã bắt mẹ tôi nghỉ làm trước khi lấy nhau. Không lẽ cả hai vợ chồng là bác sĩ mà mẹ thì làm phụ bếp!

Ở như vậy được vài tháng thì mẹ tôi bỏ đi. Bà đi vì sợ vì bà, vì sự quê kệch của bà mà vợ chồng tôi sẽ mất hạnh phúc. Tôi không hiểu lúc đó tôi là con người hay là con vật! Tôi không mảy may quan tâm. Tôi nghĩ mẹ tôi đã từng tự lập từ hồi trẻ đến giờ, không có tôi mẹ tôi cũng không sao, nhất là mẹ tôi nói mẹ tôi dọn về ở với một người bạn. Thy cũng vậy. Chẳng trách Thy được. Tôi là con mà đối xử với mẹ mình như vậy, trách sao được người con dâu! Tôi có hỗn láo với mẹ tôi thì Thy mới dám coi thường mẹ tôi chứ! Mấy tháng sau…

Giọng Hiếu trở nên run rẩy, cố kìm hãm sự xúc động. Mắt ngấn lệ ngước lên nhìn hình mẹ.

– Mấy tháng sau, một nhân viên cảnh sát đến gõ cửa báo cho tôi biết mẹ tôi đã qua đời. Như tiếng sét đánh ngang tai, tôi không tin! Tôi vội vã chạy đến nhà xác. Xác mẹ tôi nằm đó, những nét nhăn hằn trên trán, những sự khổ cực hy sinh của mẹ tôi mà tôi cho là dấu tích của sự quê mùa. Tôi đã lầm …

Hiếu nức nở khóc.

– Làm sao mẹ tôi có thể sống thiếu tôi! Tôi là nguồn sống của bà mà! Tất cả sinh lực, ý chí phấn đấu trước kia là vì tương lai của tôi, là vì tôi! Không có tôi bên cạnh, không có đứa con trai thương yêu của bà bên cạnh, bà chẳng còn thiết gì! Tinh thần bà suy sụp, thể xác khô kiệt. Mẹ tôi lại sống một mình, chẳng phải với người quen như tôi tưởng. Trong khi đó vợ chồng tôi mải mê làm việc, lo làm giầu!

Tội này tôi làm sao rửa hết được! Tại sao tôi không nghĩ những lúc mẹ tôi khổ cực ở xó bếp để tôi được ăn miếng ngon, đến trường mặc những bộ quần áo mới! Tại sao tôi không nghĩ mẹ tôi còng lưng may những buổi tối để tôi có cái xe, thay vì bà ngồi đọc sách báo để tăng kiến thức như tôi mong muốn, cho tôi khỏi xấu hổ. Mẹ tôi chịu ngu dốt để cho tôi khôn, mẹ tôi quê mùa để tôi được thanh lịch mà tôi lại coi thường, khinh chê mẹ tôi! Sau khi chôn cất mẹ tôi. Tôi và Thy ly dị nhau chẳng bao lâu sau đó vì thấy Thy tôi lại nghĩ đến mẹ tôi.

Tôi dọn về tiểu bang này để khỏi phải thấy những cảnh quen cũ. Ông thấy đó, ngày lễ Vu Lan tôi không dám lên chùa vì sợ thấy cảnh hiếu thảo của người con đối với mẹ của họ, sợ thấy cảnh những người còn các bậc từ mẫu. Tôi làm công quả hy vọng hương hồn mẹ tôi vui lòng, những công việc mà bà rất muốn làm nhưng đã không làm được vì dành hết thời giờ cho tôi. Tôi bố thí, cúng dường với tâm ý hồi hướng công đức cho mẹ tôi dù biết rằng nên hồi hướng công đức cho tất cả chúng sinh. Công ơn mẹ tôi sâu dầy, lúc sống tôi đã không trả được, ít ra cũng làm nguôi ngoai phần nào hương hồn người khi đã mất.

Hiếu nhìn ảnh mẹ mình, nước mắt dàn dụa, miệng lẩm bẩm:

– Mẹ ơi, tội này con làm sao rửa hết được.

Tôi ngồi chẩy nước mắt nhìn Hiếu. Một tâm hồn đau khổ, đang quằn quại trước mặt tôi. Hiếu tiễn tôi ra cửa, miệng nói khe khẽ:

– Đừng bao giờ để hối hận như tôi ông nhé. Phúc thay cho những kẻ còn mẹ!

Tôi không trả lời, nắm tay Hiếu bóp mạnh.

Trần Dzũng Minh Dân

From: Tu-Phung


 

TÌNH CŨ…-Truyen ngan HAY

Bùi Mạnh Toàn

Từ đầu kia của căn phòng dạ tiệc xa hoa, lộng lẫy chị đờ người ra khi anh cùng vợ và đàn con 4 đứa tiến vào trong tiếng vỗ tay, hoan hô của mọi người. Ly rượu vang trong tay chị xém chút nữa rơi xuống đất.

Chị đâu có ngờ người đến thay chồng chị làm trưởng văn phòng đại diện của một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trên thế giới là anh, người yêu cũ của chị.

15 năm xa nhau chị ngày càng đẹp mặn mà, quyến rũ. Anh bây giờ đã là biểu tượng của doanh nhân thành đạt: đẹp trai và vô cùng lịch lãm. Anh và chị mà đứng cạnh nhau thì là cặp đôi đẹp nhất của buổi tiệc tối nay. Còn ông chồng vừa già, vừa hói của chị thì nhìn rất tương xứng với cô vợ béo tốt, mặt tròn xoe của anh.

Khi chồng chị giới thiệu anh, chị rất bất ngờ khi thấy anh điềm tĩnh lên tiếng:

– Đã lâu không gặp, em vẫn không thay đổi gì cả.

Rồi quay sang ông chồng anh giải thích

– Chúng tôi trước kia là bạn học cùng trường đại học.

Chỉ nói có thế rồi anh đưa vợ con đi chào hỏi mọi người, cho đến cuối bữa tiệc cũng không tiếp xúc với chị thêm lần nào nữa.

Dù đứng ở góc nào, chị cũng kín đáo quan sát anh và mỗi khi thấy anh toàn tâm, toàn ý, hết lòng chăm sóc vợ con, sẵn sàng bế con cho vợ ăn … một nỗi buồn dâng lên sâu thẳm trong lòng chị.

Chị nhớ lại những đêm dạ hội ồn ào thời sinh viên, chị luôn là hoa khôi và ánh mắt của anh bao giờ cũng nhìn chị xao xuyến. Chị nhớ cầu thang kí túc xá tối om mỗi lần đi chơi về chị đều bắt anh cõng lên tận tầng 3. Nhớ có lần nước yếu anh phải thức đến 2 giờ sáng xách từng xô lên phòng cho chị.

Có lẽ nào anh đã quên hết những ngày tháng đó ?

Chồng chị còn nán lại 2 tuần để bàn giao công việc cho anh, họ ở cùng một khu căn hộ cao cấp. Chị cố tìm mọi cách để có thể gặp riêng anh, mỗi khi gặp nhau trong thang máy hoặc dưới sân, nhưng chị chỉ nhận thấy thái độ hờ hững, lạnh lùng của anh mà thôi…

Ngày mai gia đình chị bay rồi. Không cam lòng hôm nay chị hẹn gặp anh lần cuối ở một quán cà phê rất sang trọng, kín đáo.

Khi chị tới trong bộ váy áo cực kỳ đẹp phô bày hết tất cả những đường cong quyến rũ, anh đã ngồi chờ sẵn, trên bàn là ly chanh dây mà chị yêu thích. Lòng tràn ngập niềm vui chị hỏi khẽ

– Tại sao ?

Anh tiếp lời

– Em muốn hỏi tại sao anh hờ hững với em đúng không?

Chị gật đầu, anh vẫn như xưa, luôn đọc được các ý nghĩ của chị.

– Là bởi vì trong lòng anh không còn có em nữa. Khi em đạp lên mối tình 5 năm hạnh phúc của chúng mình để đi lấy chồng giàu có, anh đã từng rất tổn thương, đau khổ, vật vã rất lâu. Cũng nhờ sự tuyệt tình của em anh mới phấn đấu không ngừng nghỉ để có ngày hôm nay. Có thể trong mắt em vợ anh trông thô kệch, nhưng do cô ấy sinh đẻ 4 lần liên tiếp, mà bọn trẻ con nhà anh bị dị ứng với sữa ngoài nên cô ấy nuôi con bằng sữa mẹ rất lâu, không thể giữ dáng được. Anh yêu cô ấy vì ở bên cạnh cô ấy và các con anh luôn cảm thấy nhẹ nhàng, ấm áp.

Chị nghẹn ngào thốt lên

– Nhưng em cũng yêu anh mà

Anh nhướng mắt nhìn chị

– Không phải là em yêu anh đâu mà em yêu chính bản thân mình thôi. Em luôn luôn tính toán những gì tốt nhất cho mình. 15 năm trước giữa thằng sinh viên nghèo mới ra trường là anh và anh chàng Việt kiều già nhưng giàu có em đã chọn anh ta. 15 năm sau em không quên tình cũ vì anh bây giờ ngoài thành đạt thì trẻ hơn chồng em nhiều.

Bỏ mặc chị ngồi vật vã nước mắt lã chã tuôn rơi, anh đứng dậy.

– Anh phải về đưa bọn trẻ con đi bơi, thật ra qua tiếp xúc anh thấy chồng em là người tốt và rất yêu em đấy. Chúc em ngày mai lên đường thượng lộ bình an nhé!

Cái gì đã qua thì để cho nó qua luôn em à.

Bài và ảnh: ST


 

Tình yêu, đi theo chúng ta trọn kiếp người”-Truyen ngan HAY

Nguyễn Thái Sơn

“Bà ấy nói: “Đừng gọi bác sĩ, em muốn ngủ yên, với tay anh trong tay em. ” ông ấy nói với bà ấy về quá khứ, cách họ gặp nhau, nụ hôn đầu tiên của họ. Họ không khóc, họ mỉm cười. Họ không hối tiếc bất cứ điều gì, họ rất biết ơn. Rồi bà ấy lặp lại nhẹ nhàng, ‘Em yêu anh mãi mãi! ‘Ông trả lời bà, và trao l một nụ hôn nhẹ lên trán. Rồi bà ấy nhắm mắt lại và ngủ một cách nghẹ nhàng trong tay người mình yêu trọn đời.

Tình yêu là điều quan trọng bởi vì con người đến với thế giới này không có gì khác ngoài tình yêu và ra đi không có gì khác ngoài tình yêu , sự nghiệp, tài khoản ngân hàng, và mọi thứ của chúng ta chỉ là công cụ tiêu khiển cuộc đời, không hơn.

Nhưng, Tình yêu, đi theo chúng ta trọn kiếp người”

HAI ANH EM.-Truyen ngan HAY

Nghệ Lâm Hồng

Anh trai từ bỏ em gái sau khi bố mẹ qua đời và sự thật nghẹn ngào nước mắt…

Khi bố mẹ qua đời, anh trai là chỗ dựa duy nhất của cô bé. Cô ngoan ngoãn nghe lời anh, vì sợ rằng anh cũng sẽ bỏ cô mà đi. Một buổi sáng kia khi tỉnh dậy, cô bé không tìm thấy anh đâu nữa. Trong lòng cô chỉ còn niềm oán hận với người anh bạc bẽo của mình, cho đến một ngày hiểu ra sự thật cô mới òa khóc…

Năm cô 6 tuổi, cô mất cả bố lẫn mẹ, họ bị tai nạn ô tô trong lần về quê thắp hương cho ông bà nội.

6 tuổi, cô chưa thể hiểu hết mọi chuyện đang xảy ra trong gia đình, cô chỉ biết khóc suốt ngày vì bố mẹ không quay về.

Cô còn một người anh trai tên là Nam, cậu bé 14 tuổi, dáng người to cao giống bố. Lúc bố mẹ mất, cậu không khóc, không gào thét mà chỉ ôm chặt cô em gái vào lòng cho đến khi ngủ thiếp đi.

Suốt ngày cô đều theo sau anh trai đòi bố, đòi mẹ; cô không thích ăn cơm nửa sống nửa chín của anh trai nấu, không thích mặc bộ đồ nhăn rúm anh trai giặt,…

Kể từ ngày hiểu ra rằng bố mẹ mãi mãi không về, cô bắt đầu dựa dẫm vào anh trai vì sợ anh lại bỏ cô mà đi

Đêm hôm đó, trời đã rất muộn, rất muộn nhưng cô không chịu ngủ mà ngồi dậy kéo anh trai và hét to: “Em muốn gặp mẹ!”.

Bỗng nhiên, Nam kéo cô từ trong chăn ra, hai tay nắm lấy đôi vai bé nhỏ của cô và nói:

“Mẹ mất rồi, đừng có tìm mẹ nữa, bố mẹ đều không còn nữa, họ sẽ không quay về nữa đâu!”.

Giọng nói của Nam vang lên rất to khiến cô phải im lặng vì sợ hãi. Sau đó, cô dần dần hiểu được bố mẹ cô mãi mãi không quay về, cô hiểu được trên thế giới này chỉ còn anh trai là người thân duy nhất của mình.

Nam úp mặt xuống giường và khóc thật to, đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy anh trai khóc kể từ ngày bố mẹ mất.

Cô nhẹ nhàng cúi xuống rồi nằm trên lưng anh trai, cô dùng đôi tay bé nhỏ của mình ôm lấy anh, cảm giác ấm áp như ôm bố mẹ vậy.

Cô bắt đầu dựa dẫm vào anh trai giống như trước kia từng dựa vào bố mẹ: đi học, cô đòi anh chở đi; tan học, anh trai phải đến đón cô.

Trường của cô cách nhà khá xa, mỗi buổi sáng Nam đều chở cô đến trường, đến nơi người Nam ướt đẫm mồ hôi. Ngồi trên xe, cô nắm chặt lấy vạt áo của anh không rời, cô không khóc đòi bố mẹ như trước nữa. Trước giờ cô chưa từng nói với anh, kể từ khi hiểu ra rằng bố mẹ mãi mãi không quay về nữa, trong lòng cô luôn bao trùm một nỗi sợ hãi, cô sợ rằng một ngày nào đó, anh trai cũng sẽ rời xa cô.

Cảm giác sợ hãi đó khiến một đứa bé 6 tuổi trở nên ngoan ngoãn, nghe lời đến lạ. Thế rồi, có mơ cô cũng không tưởng tượng được rằng: cuối cùng, anh trai vẫn bỏ rơi cô.

Hôm đó là ngày cuối tuần, mới sáng sớm, Nam đã phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ chăm chút buộc cho cô hai bím tóc, mặc cho cô bộ váy màu trắng mà cô không biết anh mua cho cô từ khi nào, sau đó cô được anh trai dẫn đi công viên chơi rất nhiều trò, ăn rất nhiều món, cho đến khi mệt, cô ngủ say trên lưng anh.

Sáng hôm sau tỉnh dậy, cô thấy mình nằm trên giường của nhà khác, còn anh trai thì không thấy đâu nữa.

Cô hốt hoảng chạy đi tìm anh, sau đó một người hàng xóm mà cô gọi là “thím” nói với cô rằng anh trai cô đi làm thuê rồi, từ nay về sau, cô sẽ sống cùng với gia đình họ. Mặc dù cô biết, chú thím là bạn thân thiết của bố mẹ mình, nhưng cảm giác bị anh trai bỏ rơi lúc này còn tuyệt vọng, đau đớn hơn khi bố mẹ rời đi. Là anh trai đã bỏ rơi cô, cô đã bị anh trai bán lấy tiền, anh trai không cần cô nữa.

Sau khi biết anh trai cũng bỏ đi không về như bố mẹ, cô nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, có nhiều sự thay đổi. Sự thích nghi nhanh chóng đó mãi đến khi lớn lên, cô nhận ra rằng: đó chính là một kiểu để quên đi đau thương.

Cô chủ động học làm việc nhà, tự giặt quần áo, cô biết đây không phải là nhà của mình, họ không phải người thân của mình, nên cô dần dần cũng không còn có ý nghĩ dựa dẫm vào ai nữa. Kể từ khi anh trai bỏ đi, cô hoàn toàn mất đi quyền được nũng nịu, đòi được yêu chiều. Cô cũng có một người anh trai nữa, người đó hơn cô một tuổi, rất nghịch ngợm và đôi lúc còn bắt nạt cô.

Cũng may là bố mẹ nuôi rất thương cô, mỗi năm họ đều mua quần áo mới cho cô, có đồ ăn ngon cũng luôn để phần. Tình cảm của cô đối với bố mẹ nuôi, có yêu thương, nhưng sự cảm kích, ơn huệ lại là phần nhiều.

Năm cô 11 tuổi, lúc đó cô đang học lớp 4, một buổi tối nọ, cô đang giúp mẹ vá lại chiếc áo, bỗng mẹ nuôi nói:

“Mấy năm nay, con không nhớ Nam sao? Lúc đó, nó còn bé, sao có thể chăm lo cho con được?”

Cô im lặng không nói, đúng vậy, cô không nhớ anh trai, mới nghĩ đến, cô đã thấy hận, vì thế cô không muốn nghĩ. Cô nói với mẹ: “Mẹ à, đừng nhắc đến anh con nữa”.

Mẹ nuôi thở dài, hình như trong lòng vẫn còn điều gì đó muốn nói, nhưng cô đã đi về phòng mất.

Chính xác, cô hận anh, cô không sợ khổ khi đi theo anh, không được đi học thì có gì đáng sợ đâu, cô sẽ theo anh đi kiếm cơm vậy. Nhưng, anh đã đập tan mộng tưởng của cô, đã làm mất đi chỗ dựa của người thân duy nhất, đó chính là sự hủy diệt triệt để, không để lại điều gì cả. Vì thế, cô không thể tha thứ cho anh trai mình.

Năm 16 tuổi, thành tích học tập đứng đầu toàn trường đã giúp cô thi đỗ vào trường cấp ba, người anh lớn hơn cô một tuổi đang học lớp 11.

Một năm sau, khi người anh đó đang chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba, bố nuôi nghỉ việc, ông thuê một cửa hàng nhỏ ở chợ để bán rau. Tối hôm đó, đang ngồi học cô khát nước nên đi ra phòng khách uống thì tình cờ nghe được cuộc trò chuyện bên phòng của bố mẹ. Anh trai nuôi nói với mẹ rằng: “Mẹ, con không biết, dù thế nào đi nữa con cũng phải học đại học”.

“Không được, cái Mai học tốt hơn con, nó có khả năng thi đỗ đại học”. Tiếng nói của bố nuôi nhỏ nhẹ nhưng rất quyết đoán.

“Lấy đâu ra tiền mà nuôi hai đứa ăn học cùng một lúc chứ?” Mẹ nuôi nói.

Nghe đến đó, cô vội quay về phòng, cô không muốn nghe gì nữa. Lúc đó, cô quyết định để cho anh trai học đại học, còn cô, học xong cấp ba, cô sẽ đi tìm việc. Bởi, từ khi anh trai bỏ cô mà đi, bố mẹ nuôi đã cho cô quá nhiều, cô không muốn thêm gánh nặng cho họ nữa.

Đáng tiếc là anh trai nuôi của cô thi không đỗ và bố nuôi cô vẫn kiên quyết rằng cô phải vào đại học.

Cô vẫn kiên quyết: “Con không thi đâu, con quyết định rồi!”.

Tranh luận hồi lâu không được, mẹ nuôi cô từ trong bếp nói vọng ra: “Mai à, con bắt buộc phải thi vào đại học. Con có biết không, anh trai con đã gửi đủ số tiền học phí cho con rồi nên con nhất định phải học đại học, đừng phụ lòng nó, nó không dễ dàng gì…”.

Cô ngẩn người.

11 năm sau, lần đầu tiên cô lại tìm về hồi ức của anh trai mình.

Bố mẹ nuôi nói với cô: “Năm đó, anh trai con biết: một đứa trẻ 14 tuổi như nó, sẽ không có khả năng để nuôi em gái, nên nó mới quyết định ra ngoài đi làm kiếm cơm, còn gửi con lại cho bố mẹ. Nó đã bán nhà và đưa hết số tiền đó cho bố mẹ, bởi nó tin rằng bố mẹ sẽ chăm sóc tốt cho con. Buổi sáng sớm hôm đó, trước khi rời đi, anh con ôm con đang ngủ say trong lòng và đưa cho mẹ bế, sau đó nó nhìn con và hứa rằng: “Thím à, con nhất định sẽ về đón em con, mong thím chăm sóc tốt cho nó…”.

“Từ khi con bắt đầu lên lớp 4, mỗi tháng nó đều gửi tiền về cho mẹ, bố mẹ cũng tích góp lại cho nó. Là bố mẹ vô dụng, nhiều năm qua luôn để con phải chịu ấm ức…” Bố mẹ nuôi nghẹn lòng không nói nên lời, họ cầm lấy tay cô và khóc.

Vậy những năm qua anh ấy đi đâu, sống như thế nào?…

Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu, thì ra anh trai chưa từng bỏ rơi cô, anh trai vẫn luôn yêu cô, nhưng bằng cách mà mấy năm qua cô không thể lý giải được.

“Thế tại sao anh lại không về thăm mình chứ, không phải anh đã hứa sẽ về thăm mình rồi ư?…”.

Số tiền gửi từ Sài Gòn về, bên ngoài phong bì không ghi địa chỉ cụ thể, cô hạ quyết tâm nhất định phải vào Sài Gòn tìm anh.

Một năm sau, cô thi đỗ và vào Sài Gòn học tập, cô vẫn không thôi nghĩ đến việc tìm anh trai; thế nhưng, giữa đất Sài Gòn rộng lớn như thế, đi tìm một người quả như là mò kim đáy bể.

Tốt nghiệp xong, cô ở lại Sài Gòn và làm việc ở đó, cũng là để tìm anh trai luôn. Vào lúc cô gần như tuyệt vọng, bỗng nhiên cô nhìn thấy một bức ảnh trên mạng: “Trước một quầy báo nhỏ, có một chàng trai người gầy gò ốm yếu, bị mất một tay, đang sửa xe đạp…” Khi nhìn thấy dòng chữ ghi tên Nam, cô hoa mắt, người đó chẳng phải là anh trai mình sao? Đúng rồi, là anh ấy.

Cô xem tiếp: “Năm 19 tuổi, người thanh niên làm việc ở một công trường xây dựng, trong lúc đang làm việc thì do gặp sự cố về máy móc nên anh ta đã bị mất đi một cánh tay, từ đó anh lang thang phiêu bạt khắp nơi, làm đủ nghề để mưu sinh: nhặt phế thải, đi bán báo, phát tờ rơi… Và, 3 năm trước, anh ta mở một quầy báo nhỏ vừa bán báo vừa sửa xe đạp. Động lực duy nhất để anh sống lạc quan như thế chính là cô em gái…”.

Khi cô xuất hiện trước quầy báo, anh trai cô đang bận rộn với công việc sửa xe đạp, mặc dù mất một tay, nhưng động tác của anh vô cùng nhanh nhẹn và điêu luyện. Cô nhẹ nhàng bước lại gần, nước mắt cô rơi xuống lã chã, trước mắt cô chính là người anh mà cô từng hận vì đã bỏ rơi cô, chính là người yêu thương cô nhất, bất chấp tất cả để lo cho cô có một cuộc sống đầy đủ.

“Cô gái, cô…” Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy cô, cô khóc nức nở và ngồi xuống nhẹ nhàng lấy khăn lau mồ hôi cho anh.

“Anh à, em là Mai đây!…”

Cô vội vàng ôm lấy anh, đã lâu lắm rồi cô không được ôm anh như vậy, cảm giác đó vẫn ấm áp như hồi bé, cảm giác được an toàn, được yêu chiều…

Tình cảm gia đình luôn thiêng liêng như vậy, nó luôn là chỗ dựa để ta lớn lên, luôn là động lực để ta bước tiếp, dù người thân có làm gì thì hãy luôn nhớ rằng, tất cả đều vì những người mà họ thương yêu mà thôi!.

ST

Hoangtuan Nguyen


Tướng mệnh-Truyện ngắn

Đức Năng Thắng Số hay Có Đức Không Sức mà ăn.   

Tướng mệnh

Có một mẫu người, thầy tướng số không thể xem đúng mệnh được !

Mỗi người đều có một vận mệnh, mỗi người đều có một lá số an bài. Nhưng như Nguyễn Du từng nói: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, phải chăng con người vẫn có thể cải biến số mệnh của mình?

Lúc đó vào khoảng tháng 5 hoặc tháng 6 năm 1981, thời tiết rất oi bức. Mấy đứa nhỏ muốn đi ra ngoài dạo chơi, tôi cũng thuận đường đến hiệu sách tìm mua mấy cuốn hướng dẫn đan len mới xuất bản bằng tiếng Nhật.

Khi đi ngang qua hành lang, vị thầy tướng số đã gọi lại và ngỏ ý muốn xem tướng cho tôi. Thấy tôi lắc đầu xua tay từ chối, vị thầy tỏ vẻ rất buồn giống như có điều bí ẩn gì khó nói.

Cô con gái lớn không đành lòng liền kéo tay tôi đến xem một chút và nói: “Mẹ cho ông này xem mệnh được không ạ? Giúp ông có ít tiền để ăn cơm được không mẹ? Nhìn ông đáng thương quá mẹ à”.

Tôi vốn là người không thích xem tướng số, cũng không có ấn tượng tốt về họ. Nhưng vì mấy đứa nhỏ quá lương thiện, tôi đã động lòng. Vậy là tôi đành để mấy đứa nhỏ kéo đến tiệm nhờ vị tiên sinh kia xem tướng cho.

Sau khi nhìn hồi lâu, xem tay của tôi rồi lại xem tay của từng đứa nhỏ, vị tiên sinh nói: “Không cần xem nữa, cũng không phải trả tiền, tất cả đều là số mệnh, con người không thể thay đổi dù chỉ một chút”.

Xem hồi lâu vị tiên sinh không nói gì nhiều cũng không muốn lấy tiền.

Nhưng bốn đứa nhỏ cứ nhất mực muốn tôi trả tiền cho thầy tướng số này..

Cuối cùng, vị tiên sinh xem tướng số cũng miễn cưỡng nhận tiền. Hai mắt ông đỏ hoe sờ lên đầu mấy đứa nhỏ và nói lẩm bẩm: “Ôi! Ông Trời thật không có mắt, ông Trời thật không có mắt!”.

Mấy đứa nhỏ nói lời tạm biệt, ông đã xua tay ra hiệu đi đi mà không nói lời nào. Tinh thần của ông lộ ra trạng thái vô cùng đau khổ.

Sau đó, đi ngang qua công viên, chúng tôi thấy một đám đông người đang tụ tập. Mấy đứa nhỏ rất thích những gì náo nhiệt, chúng vừa nhìn thấy đã vội chạy tới. Chúng len qua đám đông để vào xem nguyên nhân của sự náo nhiệt. Một lát sau, chúng chạy lại và kéo bằng được tôi tới xem.

Thì ra, một bà mẹ đang quỳ trên mặt đất cầu xin mọi người giúp đỡ. Bà cần một khoản tiền lớn để điều trị cho con trai đang nằm tại bệnh viện.

Mấy đứa nhỏ nói với người đàn bà đang quỳ trên mặt đất: “Bà ơi, bà không cần phải quỳ đâu, mẹ của cháu đến đây rồi, mẹ nhất định sẽ giúp bà lo việc này”.

Chúng hợp sức cùng nhau đỡ người đàn bà này đứng lên. Tôi không chỉ lấy hết tiền trong túi ra làm phúc mà còn hướng đến mọi người nói lời giúp đỡ bà mẹ đáng thương này. Sau đó, tôi cùng bà đến bệnh viện để nộp tiền viện phí.

Sau khi mọi việc được làm tốt đẹp, mấy đứa nhỏ mới chịu buông tha cho tôi và nói: “Mẹ à, cảm ơn mẹ! Chúng con sẽ không làm phiền mẹ nữa, về nhà thôi mẹ nhỉ!”.

Một tháng sau, không rõ lý do gì mà đàn kiến lũ lượt kéo đến nhà tôi, chúng bâu kín tường. Vì không muốn làm tổn thương chúng, tôi đã mua 20 chiếc ghế đẩu để làm lối đi lại.

Mấy đứa nhỏ nhìn thấy kiến kéo đến bâu khắp phòng đã vô cùng sợ hãi. Tuy nhiên chúng lại rất nghe lời tôi, không làm phiền cũng không làm hại những con kiến này. Chúng cũng hiểu, kiến đến nhà là khách, lại càng biết đạo đãi khách, nên đã cẩn thận để vào góc nhà một ít đường và nước coi như là khao thưởng đàn kiến vì đã hành quân đến nhà tôi làm khách.

Lúc này là vào mùa hè, mấy đứa nhỏ không phải đến trường nên chúng ở trong nhà với người giúp việc. Công việc của tôi lại đang rất bận.

Khi đang trong cuộc họp, tôi lờ mờ nghe được thông tin về một đám cháy lớn. Tôi định bụng sau khi họp xong sẽ đến hiện trường để xem tình hình.

Thấy con đường quen thuộc quá, tôi nói với đồng nghiệp lái xe: “Tôi chưa vội về nhà. Tôi muốn đến hiện trường phát sinh hỏa hoạn, sao cậu cứ chạy về hướng nhà của tôi thế?”.

Đồng nghiệp trả lời rằng, chúng ta cách hiện trường đám cháy không xa, một lát nữa là đến thôi.

Do quá mệt nên tôi đã ngủ thiếp đi, khi nhìn thấy hiện trường tôi mới bừng tỉnh và thốt lên: “Đây là nhà tôi!”.

Tôi không kìm được vội chạy tới tòa nhà, lao thẳng lên tầng 3 tìm các con, miệng không ngớt nói: “Con của tôi đâu rồi? Con của tôi đâu rồi?”. Lúc này đội chữa cháy mới tá hỏa đi tìm, còn tôi bị sốc quá mức mà ngất đi.

Cuối cùng cũng đã tìm thấy, mấy đứa nhỏ đang ở trong tình trạng sặc khói và nằm lịm trên mặt đất. Do chỉ bị sặc khói nên đến nửa đêm, mấy đứa nhỏ đã tỉnh lại.

Điều mọi người kinh ngạc chính là căn phòng đầy sách nhưng một đám cháy lớn như thế lại không thiêu đốt nổi.

Nhân viên cứu hộ đã ngỡ ngàng mà thốt lên: “Cái nhà này hẳn phải rất có phúc”. Đám cháy lớn đã thiêu rụi gần như tất cả tòa nhà cao tầng nhưng lại chừa lại căn phòng này.

Nhân viên phòng cháy còn nói: “Khi phun nước, tôi không nhìn thấy căn phòng này. Dường như căn phòng bị biến mất, do đó ngọn lửa lớn tầng dưới không thể thiêu đốt tới căn phòng này được”.

Tôi nghĩ trong phòng của tôi có hơn 1000 cuốn sách quý…

Đến ngày khai giảng, tôi dẫn các con đi mua sách. Chúng tôi đi ngang qua quầy xem bói của vị tiên sinh kia. Lúc nhìn thấy mấy đứa trẻ, ông đã ôm chặt lấy chúng, vô cùng kích động nói: “Sao các cháu vẫn còn sống? Sao các cháu vẫn bình an vô sự?”.

Thì ra, vị thầy xem trong mệnh thấy rằng, mấy đứa nhỏ lương thiện này không thể sống qua mùa hè và chúng sẽ bị chết bởi hỏa hoạn. Do đó lúc trước ông mới không ngớt lời nói rằng “ông Trời không có mắt” như thế. Lúc đó, ông đã khóc đến mức không muốn dọn quán nữa mà ra về.

Dù biết trước sự việc, nhưng ông không thể làm gì, giống như người bất lực. Nhưng có lẽ do bản tính lương thiện, mấy đứa nhỏ gặp đại nạn không chết.

Tuy mệnh đã hết nhưng có lẽ do bản tính lương thiện mà mấy đứa nhỏ gặp đại nạn không chết.

Nói về số sách quý trong nhà, tôi đã mua chúng ở một tiệm sách cũ. Cũng vì muốn giúp đỡ ông lão bán sách, để ông bớt việc dọn sách ra dọn sách vào mà ảnh hưởng sức khỏe. Vậy là hàng ngày, tôi đều qua tiệm của ông mua sách. Thật không ngờ số sách này lại cứu cả nhà tôi.

Con người khi còn sống, có một số sự tình ngoài ý muốn mà chúng ta không thể đoán trước được, cũng không giải thích nổi. Gặp đại nạn không chết, có lẽ vì chúng tôi đã sống theo lời Thần Phật dạy, sống thiện lương, giúp đỡ người khác và nghĩ cho người khác. Con người luôn tính toán mọi sự nhưng lại thường tính không trúng. Bởi vì chúng ta không biết rằng ông Trời đã có sự sắp đặt của riêng mình.

Trong suốt cuộc đời, tôi nhận thấy rằng con người thật sự quá nhỏ bé, không thể tự mãn mà coi mình hơn hết thảy, càng không nên quá tự tin. Bởi vì con người nhìn không thấy Thần Phật nhưng các Ngài lại nhìn con người rõ như lòng bàn tay…

Sưu tầm

My Lan Phạm

From: Tu Phung


 

LƯƠNG THIỆN-Truyện ngắn HAY

Người Việt Hải Ngoại 

Ngày nọ, ông Walter phải đi công tác ở ngoại thành. Trong lúc ông đứng đợi ở ga tàu thì nhìn thấy một cậu bé đánh giày chừng hơn 10 tuổi.

Cậu bé hỏi: “Ông có muốn đánh giày không?”

Ông Walter cúi đầu nhìn đôi giày mới đánh xong, bèn lắc đầu.

Kể chuyện " Cậu bé đánh giày" | Tiếng Việt lớp 3 - Tập 2 | Kết nối tri ...

Khi ông Walter bước đi được mấy bước, thì đột nhiên cậu bé mặt đỏ bừng chạy đến phía trước nhìn ông với đôi mắt khẩn cầu: “Thưa ông, cả ngày hôm nay tôi không có gì để ăn, ông có thể cho tôi vay ít tiền được không? Từ mai tôi sẽ cố gắng đánh giày, đảm bảo sau một tuần là có thể trả lại tiền cho ông!”

Nhìn cậu bé trước mặt trong bộ dạng đói khát, quần áo tả tơi lòng ông có chút thương cảm. Ông liền móc túi đưa cho cậu mấy đồng. Cậu bé rất cảm kích, nói: “Cảm ơn ông”, sau đó liền rời đi.

Ông Walter lắc đầu. Ông đã gặp quá nhiều những đứa trẻ lừa gạt trên đường như thế này rồi.

Nửa tháng sau, ông Walter đã hoàn toàn quên chuyện cậu bé đánh giày vay tiền mình. Trong một lần ông Walter đi qua nhà ga, bỗng nhìn thấy một bóng dáng gầy gò, từ xa đã vẫy tay gọi: “Ông ơi, hãy đợi một chút”.

Một cậu bé mặt nhễ nhại mồ hôi chạy đến đưa tiền trả lại thì ông mới nhận ra là cậu bé đánh giày lần trước.

Cậu bé vừa thở hổn hển vừa nói: “Tôi đã ở đây đợi ông rất lâu rồi, hôm nay mới gặp được ông để trả lại tiền.”

Ông Walter, nhìn những đồng xu vẫn còn ướt do mồ hôi trên tay, trong lòng cảm thấy ấm áp lạ thường. Ông nhìn lại cậu bé một lần nữa, chợt phát hiện thấy cậu chính là người mà ông luôn muốn tìm cho vai diễn mới.

Ông Walter đút mấy đồng tiền xu vào túi cậu bé, và nói: “Số tiền này là tôi cho cậu, cậu không cần phải trả lại.” Ông nói tiếp: “Ngày mai cậu hãy đến phòng đạo diễn của công ty điện ảnh ở trung tâm thành phố gặp tôi, tôi sẽ có một bất ngờ lớn cho cậu.”

Sáng sớm hôm sau, bảo vệ của công ty đã nói với ông Walter rằng, có một nhóm trẻ con đường phố đã đến.

Ông Walter kinh ngạc đi ra ngoài cửa, liền nhìn thấy cậu bé đánh giày chạy đến nói với ông với vẻ mặt ngây thơ: “Thưa ông, những đứa trẻ lang thang này đều không có bố mẹ giống tôi, chúng cũng muốn có những điều bất ngờ!”

Ông Walter hoàn toàn không thể nghĩ tới, một cậu bé lang thang bần cùng nhưng lại có một trái tim rất lương thiện.

Vinícius de Oliveira, de ‘Central do Brasil’, volta às novelas após 15 ...

Ông Walter quan sát và chọn lọc rất kỹ lưỡng, và phát hiện quả thực có một vài cậu bé rất lanh lợi, càng phù hợp với vai diễn hơn. Nhưng cuối cùng, ông chỉ giữ lại cậu bé đánh giày, đồng thời trong hợp đồng tuyển dụng, ông đã viết tại mục miễn thử việc là: “Lương thiện không cần thông qua sát hạch.”

Ông Walter nói, cậu bé rất lương thiện, tuy bản thân cậu vẫn phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn vô tư mang hy vọng và cơ hội của mình chia sẻ cho người khác. Mà diễn viên trong bộ phim chính là một người lương thiện tốt bụng như thế.

Cậu bé đánh giày tên là Vinícius de Oliveira. Dưới bàn tay của đạo diễn Walter, anh Vinícius de Oliveira đã rất thành công trong vai diễn của mình. Bộ phim này mang tên “Central do Brasil”, có nhiều tình tiết cảm động, đã giành được giải thưởng Gấu Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Berlin, Quả cầu vàng, và được đề cử giải Oscar cho bộ phim nước ngoài hay nhất.

G1 > Cinema - NOTÍCIAS - Dez anos após ‘Central do Brasil’, Vinícius de ...

Nhiều năm sau, anh Vinícius de Oliveira đã trở thành chủ tịch của một công ty Văn hóa Điện ảnh. Anh đã viết cuốn tự truyện “Cuộc đời diễn viên của tôi”. Trên bìa cuốn sách có dòng chữ mà chính đạo diễn Walter từng viết: “Lương thiện không cần qua sát hạch”. Và ở dưới là đánh giá của ông đối với anh Vinícius de Oliveira: “Sự lương thiện, đã từng đem cơ hội của anh ta trao cho người khác. Cũng chính là sự lương thiện, đã khiến cơ hội của cuộc đời không bỏ qua anh ta!”

 


 

  Trái Tim Người Cha-Truyen ngan HAY

Một ngày nọ, Cha tới mượn tiền tôi. Cha nói sức khỏe không tốt, cần phải tới bệnh viện để kiểm tra tổng quát, vậy nên tôi đã gửi tiền cho Cha.

Không ngờ, chưa được bao lâu, Cha lại gọi điện tới, nói muốn mua một chiếc xe điện 3 bánh. Tôi lưỡng lự một lúc, Cha dường như nghe thấy sự do dự của tôi bèn nói:

“Con cho Cha một nửa, Cha tự bỏ ra một nửa, đem bán mấy con dê nhà nuôi”.

Nghe thấy vậy, tôi liền mềm lòng. Mấy năm gần đây, Cha tôi đã nuôi hơn chục con dê, nuôi lớn rồi lại đem bán để trang trải chi tiêu hàng ngày. Sau khi Mẹ tôi mất đi, tôi muốn đón Cha lên thành phố ở chung, Cha quyết không chịu đi.

Thằng em trai đang sống ở thị trấn cũng muốn đón Cha tới, nhưng Cha nói đã quen với cuộc sống ở quê, quen với những người trong thôn nên không muốn rời đi.

Không có cách nào thuyết phục, đành theo ý Cha. Tuy nhiên, muốn biếu Cha chi phí sinh hoạt hàng ngày ông cũng không lấy, lần nào cũng nói, cuộc sống thôn dã đơn giản, chi phí ít, cũng không tiêu gì. Mà bây giờ… chuyển tiền cho Cha, nhưng tôi vẫn cảm thấy có gì đó không đúng.

3 tháng trôi qua, tôi quyết định đưa con gái về nhà thăm Cha.

Cửa nhà khóa, chú hàng xóm nói Cha tôi đang đi chăn dê. Tôi bèn dắt con gái xuống dốc, từ xa đã nhìn thấy đàn dê, tới gần mới thấy Cha đang ngồi ngủ bên gốc cây, bên cạnh trải một tấm vải, trên tấm vải có một cái bánh đã ăn được một nửa, một túi dưa muối nhỏ, còn có một bình nước… Trong lòng chợt thấy chua xót, tôi liền gọi: “Cha ơi”!

Cha giật mình tỉnh giấc, hồi lâu sau mới nói:

“Con bé này, sao về nhà mà không báo trước?”.

Con gái tôi liền giành nói trước: “Mẹ con nói muốn cho ông ngoại một bất ngờ”.

Cha tôi thực sự rất vui mừng, không nói thêm với tôi điều gì, chỉ kéo cháu gái tới làm quen với bầy dê bảo bối của mình. Một bầy dê nho nhỏ có trên chục con, Cha tôi vui vẻ nói:

“Đợi thêm một khoảng thời gian nữa có thể bán được rồi, chắc chắn sẽ bán được rất nhiều tiền! Bây giờ giá dê đang tăng”.

Về tới nhà, trong sân có chút bừa bộn, chiếc xe 3 bánh Cha tôi đã đi nhiều năm nằm ở một góc sân.

Tôi thuận miệng liền hỏi:

“Cha, chiếc xe 3 bánh Cha mới mua đâu rồi?”.

Ông bối rối trả lời:

“Cha… vẫn chưa mua! Nghe người ta nói tháng sau giá sẽ giảm”.

Trong lúc tôi dọn dẹp ngoài sân, nghe thấy Cha gọi điện cho thằng em trai nói:

“Chị gái con về nhà, tối nay con cũng về nhà cùng ăn cơm đi!”.

Sau đó Cha còn dặn nhỏ một câu:

“Mua thêm nhiều đồ ăn ngon nhé”!

Tôi định nói vài câu, rồi lại thôi. Hồi trước, tôi luôn để ý tới sự thiên vị của cha mẹ. Bởi vì sự đố kỵ lúc còn nhỏ mà tôi luôn xa cách thằng em trai, sau đó thì giận dỗi quyết định thi vào một trường đại học thật tốt, cuối cùng có thể hãnh diện rời khỏi nhà.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi vào làm việc ở một công ty nước ngoài khá tốt, còn em trai tôi miễn cưỡng cũng học xong trung cấp nghề, trở thành một công nhân làm trong một dây chuyền lắp ráp tại thị trấn, thằng út lại càng ngưỡng mộ và tôn trọng tôi hơn.

Buổi chiều, thằng em trai mang theo con về nhà, còn mua rất nhiều đồ.

Cha tôi đích thân xuống bếp, cùng với em trai làm rất nhiều món ngon, đều là những món tôi ưa thích. Lúc Mẹ tôi còn sống, Cha tôi chưa từng nấu ăn. Thật kỳ lạ là mỗi món ăn Cha làm đều giống y như mùi vị thức ăn Mẹ nấu. Ăn từng miếng, tôi dường như sắp khóc.

Buổi tối, tôi ngồi nói chuyện với Cha trong sân, chỉ là không ngờ tới, ông vòng vo một hồi lâu, nói từ chuyện trong thôn, nói tới việc lúc còn sống Mẹ tôi muốn xây lại nhà,… cuối cùng mới nói tới vấn đề chính:

“Các con, nếu như không quá khó khăn, có thể… con biết đấy, thằng em của con…”

Tôi ngắt lời ông, hỏi:

“Cha, sửa nhà cần bao nhiêu tiền”, trong lòng đột nhiên có một nỗi buồn không thể diễn đạt bằng lời.

“Khoảng, khoảng 200 triệu …..”, giọng của ông nhỏ lại, liền lập tức bổ sung, “nếu bán được bầy dê cũng sẽ được vài chục triệu”.

Tôi ngạc nhiên một lúc, 200 triệu với tôi cũng không phải là con số nhỏ, tôi ngập ngừng nói: “Cha, đợi con về nhà tính lại rồi nói, cũng không phải vấn đề quá lớn”.

Ông cúi thấp đầu nói:

“Con gái, làm khó con rồi. Con xem có thể được bao nhiêu, Cha già rồi, sẽ không tiêu tốn khoản nào nữa….”.

Tôi cười nhẹ. trong ánh trăng mờ ảo, chắc chắn Cha không thấy được sự cay đắng trong nụ cười đó.

Bàn bạc với chồng về chuyện của Cha, cả nửa ngày, anh ấy cũng không nói gì, chồng tôi không phải một người nhỏ mọn, nhưng năm nay, tình cảnh của anh ấy còn tệ hơn tôi. Chồng tôi mở một công ty xuất khẩu nhỏ, bây giờ đến tiền lương cũng trở thành vấn đề.

Cuối cùng anh ấy nói:

“Em đưa tiền cho Cha đi, chúng ta tự thắt chặt chi tiêu chút, vẫn có thể chịu được”.

Nửa tháng sau khi tôi chuyển tiền cho Cha, tôi gặp được một người họ hàng lên thành phố làm việc, trong lúc trò chuyện tôi liền thuận miệng hỏi:

“Nhà của con đã bắt đầu sửa lại chưa ạ”?

Ông ấy hơi ngạc nhiên:

“Không thấy Cha con nói tới việc sửa lại nhà!”, nghĩ một lúc người đó nói, “Đúng rồi, Cha con đem dê bán hết rồi, giúp em trai con mua một chiếc xe giao hàng nhỏ, em trai con không còn làm ở chỗ cũ nữa, đã tự lái xe đi giao hàng rồi. Kiếm được kha khá…”.

Trái tim tôi giống như bị ném vào băng vậy, cảm thấy thực sự lạnh lẽo.

Hoá ra Cha đã nói dối tôi, từ đầu tới cuối luôn đứng về phía thằng em trai, thiên vị tới mức nói dối tôi lấy tiền giúp đỡ nó, không thể oán hận Cha nhưng có bao nhiêu bất mãn chính tôi cũng không rõ.

Về tới nhà, tôi không thể chịu đựng được nữa, nhốt mình trong phòng vệ sinh, vừa mở nước vừa khóc một trận.

Vài ngày sau đó, tôi đều không chủ động gọi điện thoại cho Cha. Cuối cùng cũng làm Cha gọi trước, tôi chỉ trả lời lấy lệ, Cha cũng đành phải cúp máy. Nhưng không ngờ rằng, đó lại là lần cuối cùng tôi được nghe giọng của ba…

3 ngày sau, tôi nhận được điện thoại của thằng em trai, nói rằng Cha đã qua đời vì bị nhồi máu cơ tim… bỗng nhiên nhớ lại cuộc điện thoại 3 ngày trước, những lời dặn dò vụn vặt cùng sự lạnh lùng của tôi, khiến tôi không thể nhớ nổi.

Lập tức trở về nhà, lần đầu tiên tôi và thằng em trai ôm nhau khóc, lúc Mẹ mất tôi vẫn có thể dựa vào vòng tay Cha, còn bây giờ… tất cả những oán trách đối với Cha đều bị sự ra đi đột ngột này làm tan đi hết, chỉ còn sự đau thương bao trùm lấy tôi.

Sau khi lo liệu xong hậu sự của Cha, lúc rời đi, thằng em trai tiễn tôi tới bến xe rồi nói:

“Chị ơi, hãy thường về nhà nhé, Cha Mẹ đều không còn, nhưng nhà của chúng ta vẫn còn”.

Một câu nói đó đã khiến cho tôi vốn đã khóc tới cạn nước mắt lại dâng lên dòng lệ. Nắm tay thằng em trai tôi dặn dò nó giữ gìn sức khỏe rồi lên xe đi. Tôi đã nghĩ rằng, có thể sau này tôi sẽ không thường về nơi được gọi là nhà của chúng tôi nữa!

Trải qua vài ngày, tôi mới có thể bình tĩnh lại sau việc Cha qua đời…

Nhưng cuộc đời con người, quả thật là hoạ vô đơn chí, chuyện bất hạnh lại tiếp tục xảy tới, công ty của chồng tôi gặp sự cố, anh ấy bị khách hàng lừa mất toàn bộ tài sản.

Chồng tôi lúc đó gần như sụp đổ, từ một người không bao giờ uống rượu lại thành kẻ say sưa tối ngày. Tôi vô cùng lo lắng, sốt ruột, lại không có cách nào có thể giúp đỡ, suy nghĩ một đêm, cuối cùng quyết định bán nhà.

Trưa ngày hôm đó thằng em trai gọi điện tới, sau khi Cha mất, thằng em ngược lại rất thường xuyên gọi điện thoại tới. Tôi không có tâm trạng nói chuyện với nó, nó cũng hiểu được sự nôn nóng của tôi, nhẫn nại hỏi, tôi cố gắng mới nói được hết cho thằng út nghe.

Không ngờ được rằng, em trai tôi ngồi tàu hỏa, sáng hôm sau liền tới, bước vào nhà không nói gì hết, từ trong tay lấy ra một cọc tiền. “Chị, đây là 500 triệu, không nhiều, dùng giải quyết trước đã”.

Tôi vô cùng ngạc nhiên hỏi:

“Tiền này em lấy ở đâu?”. “Một phần từ mấy tháng nay em chở hàng kiếm được 300 triệu, nhà trên thị trấn không được bao nhiêu, chỉ có điều có được từng này…”.

Tôi cảm động, cầm tiền đưa lại cho em trai, nói:

“Chị không thể cầm tiền của em”.

Nó vội vã nói:

“Chị ơi, năm ngoái xưởng đóng cửa, em và vợ bị mất việc, muốn mua một chiếc xe chở hàng nhưng không có tiền, chị đã đưa ba 400 triệu, nói Cha đưa cho em, còn dặn Cha không được cho tụi em biết là tiền của chị”.

Tôi ngây người, em trai nói tiếp:

“Cha nói, hồi nhỏ, đều là chị nhường em, bởi vì em là em, bây giờ em phải bảo vệ chị, bởi vì chị là con gái. Cha còn nói, tới lúc Cha không còn nữa, em chính là nhà của chị…”.

“Cha”!

Tôi quay đầu, nước mắt rơi xuống như mưa. Tôi là đứa con bất hiếu! Sao lại không hiểu cho sự khổ tâm của Cha. Cha đã biết trước không còn sống được bao lâu, lại càng biết tôi vốn là đứa kiêu ngạo, ngay cả người thân cũng sẽ không nhờ vả dựa dẫm, chính vì vậy đã để lại sự yêu thương, dành cho tôi sau này.

Lúc đầu, khi Cha mượn tiền tôi, trong lòng Cha đã biết khó xử, đã phải dùng bao nhiêu dũng khí. Nhưng Cha vẫn làm vậy, chỉ để khi ông mất đi, chúng tôi còn có chỗ dựa, còn có người thân.

Thì ra đứa con mà ông yêu thương nhất lại chính là tôi. Tôi quay lại ôm lấy em trai, không thể nói một lời nào, chỉ ôm thật chặt nó.

Giây phút này, Cha tôi đang ở trên thiên đường cũng cảm thấy an lòng, bởi vì đứa con được sống trong tình yêu của ông mà hoàn toàn không biết, cuối cùng đã hiểu được tất cả.

(Nguồn: Những câu chuyện nhân văn)

 From: Tu-Phung


 

HÓA ĐƠN THANH TOÁN CHO TÌNH NGƯỜI…

Helen Tran is  José Machín 

Tại một thành phố ở Ấn Độ.. có vị thương gia nọ bận rộn cả ngày vì công việc.. mệt mỏi.. ông vào một nhà hàng tự thưởng cho mình bữa tối thịnh soạn..!

Khi những món ăn đã được dọn sẵn trên bàn.. bất chợt ông nhìn thấy một cậu bé đang nhìn trộm ông qua cửa kính với ánh mắt thèm thuồng.. hình ảnh ấy như có gì làm nhói tim ông..!

Ông đưa tay vẫy cậu bé.. cậu liền bước vội vào.. theo sau cậu là 1 bé gái nhỏ.. 2 đứa trẻ nhìn chăm chăm vào những đĩa thức ăn còn nóng hổi.. mà chẳng cần biết người vừa gọi chúng vào là ai..?

Vị thương gia bảo chúng cứ tự nhiên mà ăn thỏa thích…

Không nói.. không cười.. cả hai ngấu nghiến ăn hết các món ăn trên bàn một cách ngon lành…

Vị thương gia im lặng.. nhìn hai đứa trẻ ăn đắm đuối.. và khi chúng rời đi.. chúng đã không quên nói lời cám ơn với ông..!

Cơn đói trong lòng vị thương gia lúc ấy được xua tan một cách lạ kỳ.. kèm theo một cảm giác khó tả đang lâng lâng trong lòng…

Mãi một hồi sau.. vị thương gia gọi tiếp các món ăn lần nữa.. rồi từ từ thưởng thức.. đến khi gọi thanh toán.. nhìn tờ hóa đơn.. không ghi số tiền.. mà chỉ là một hàng chữ:

– “Thật đáng tiếc.. tiệm chúng tôi không in được HÓA ĐƠN THANH TOÁN CHO TÌNH NGƯỜI.. xin chúc ngài mãi luôn hạnh phúc..!”

Một giọt nước mắt đã rơi từ vị thương gia.. ông quay nhìn người đàn ông đang đứng tại quầy thu ngân rồi gật đầu mỉm cười.. ông ta đáp lại bằng một nụ cười rạng rỡ…

Vị thương gia đã dùng “Đức” đối xử với người nghèo.

Chủ nhà hàng dùng “Nghĩa” đáp lại “Đức” không biết ai hơn ai.?

Người xưa có câu :

– Ngồi trên đống Cát.. ai cũng là hiền nhân.. quân tử.

– Ngồi trên đống Vàng.. mới biết rõ.. ai mới là quân tử.. hiền nhân.

Tình yêu thương luôn đem đến những sự kỳ diệu từ hai phía:

– “người cho và người nhận”.

Hạnh phúc của TÌNH NGƯỜI là cảm giác bình yên và thật sâu lắng.. xóa tan tất cả những đau khổ và bất hạnh.

Vạn vật tồn tại trên thế giới này đều không thể sống mãi với thời gian.. ngay cả con người cũng không thể đi ngược lại hay cưỡng cầu với quy luật ấy.

– Theo thời gian.. mọi thứ đều biến hóa và thay đổi..

– Tất cả có thể sinh ra hoặc mất đi.. có thể phát triển hay lụi tàn..

– Cái gì có đến chắc chắn sẽ rời đi.. không bao giờ là tồn tại mãi mãi.

– Vật chất là ngoại thân.. TÌNH NGƯỜI là vĩnh cửu.

—Zen cafe ST—

(Nguyễn Hoàng Diễm chuyển bài)