NIỀM HẠNH PHÚC THẬT THIÊNG LIÊNG…-Truyen ngan

Khi ba mẹ qua đời, anh trai là chỗ dựa duy nhất của cô bé. Cô ngoan ngoãn nghe lời anh vì sợ rằng anh cũng sẽ bỏ cô mà đi. Một buổi sáng kia khi tỉnh dậy, cô bé không tìm thấy anh đâu nữa. Trong lòng cô chỉ còn niềm oán hận với người anh bạc bẽo của mình, cho đến một ngày hiểu ra sự thật cô mới òa khóc…

Năm cô 6 tuổi, cô mất cả ba lẫn mẹ, họ bị tai nạn ô tô trong lần về quê thắp hương cho ông bà nội. 6 tuổi, cô chưa thể hiểu hết mọi chuyện đang xảy ra trong gia đình, cô chỉ biết khóc suốt ngày vì ba mẹ không quay về.

Cô còn một người anh trai tên là Nam, cậu bé 14 tuổi, dáng người to cao giống cha. Lúc ba mẹ mất, cậu không khóc, không gào thét mà chỉ ôm chặt cô em gái vào lòng cho đến khi ngủ thiếp đi.

Suốt ngày cô đều theo sau anh trai đòi ba, đòi mẹ; cô không thích ăn cơm nửa sống nửa chín của anh trai nấu, không thích mặc bộ đồ nhăn rúm anh trai giặt,…
Kể từ ngày hiểu ra rằng ba mẹ mãi mãi không về, cô bắt đầu dựa dẫm vào anh trai vì sợ anh lại bỏ cô mà đi

Đêm hôm đó, trời đã rất muộn, rất muộn nhưng cô không chịu ngủ mà ngồi dậy kéo anh trai và hét to: “Em muốn gặp mẹ!”.

Bỗng nhiên, Nam kéo cô từ trong mền ra, hai tay nắm lấy đôi vai bé nhỏ của cô và nói:

“Mẹ mất rồi, đừng có tìm mẹ nữa, ba mẹ đều không còn nữa, họ sẽ không quay về nữa đâu!”.

Giọng nói của Nam vang lên rất to khiến cô phải im lặng vì sợ hãi. Sau đó, cô dần dần hiểu được ba mẹ cô mãi mãi không quay về, cô hiểu được trên thế giới này chỉ còn anh trai là người thân duy nhất của mình.

Nam úp mặt xuống giường và khóc thật to, đó là lần đầu tiên cô nhìn thấy anh trai khóc kể từ ngày ba mẹ mất.

Cô nhẹ nhàng cúi xuống rồi nằm trên lưng anh trai, cô dùng đôi tay bé nhỏ của mình ôm lấy anh, cảm giác ấm áp như ôm ba mẹ vậy.

Cô bắt đầu dựa dẫm vào anh trai giống như trước kia từng dựa vào ba mẹ: đi học, cô đòi anh chở đi; tan học, anh trai phải đến đón cô. Trường của cô cách nhà khá xa, mỗi buổi sáng Nam đều chở cô đến trường, đến nơi người Nam ướt đẫm mồ hôi. Ngồi trên xe, cô nắm chặt lấy vạt áo của anh không rời, cô không khóc đòi ba mẹ như trước nữa. Trước giờ cô chưa từng nói với anh, kể từ khi hiểu ra rằng ba mẹ mãi mãi không quay về nữa, trong lòng cô luôn bao trùm một nỗi sợ hãi, cô sợ rằng một ngày nào đó, anh trai cũng sẽ rời xa cô.

Cảm giác sợ hãi đó khiến một đứa bé 6 tuổi trở nên ngoan ngoãn, nghe lời đến lạ. Thế rồi, có mơ cô cũng không tưởng tượng được rằng cuối cùng anh trai vẫn bỏ rơi cô.

Hôm đó là ngày cuối tuần, mới sáng sớm, Nam đã phải mất hơn nửa tiếng đồng hồ chăm chút buộc cho cô hai bím tóc, mặc cho cô bộ váy màu trắng mà cô không biết anh mua cho cô từ khi nào, sau đó cô được anh trai dẫn đi công viên chơi rất nhiều trò, ăn rất nhiều món, cho đến khi mệt, cô ngủ say trên lưng anh.
Sáng hôm sau tỉnh dậy, cô thấy mình nằm trên giường của nhà khác còn anh trai thì không thấy đâu nữa. Cô hốt hoảng chạy đi tìm anh, sau đó một người hàng xóm mà cô gọi là “thím” nói với cô rằng anh trai cô đi làm thuê rồi, từ nay về sau, cô sẽ sống cùng với gia đình họ. Mặc dù cô biết, chú thím là bạn thân thiết của ba mẹ mình nhưng cảm giác bị anh trai bỏ rơi lúc này còn tuyệt vọng, đau đớn hơn khi ba mẹ rời đi. Là anh trai đã bỏ rơi cô, cô đã bị anh trai bán lấy tiền, anh trai không cần cô nữa.

Sau khi biết anh trai cũng bỏ đi không về như ba mẹ, cô nhanh chóng thích nghi với cuộc sống mới, có nhiều sự thay đổi. Sự thích nghi nhanh chóng đó mãi đến khi lớn lên, cô nhận ra rằng đó chính là một kiểu để quên đi đau thương.

Cô chủ động học làm việc nhà, tự giặt quần áo, cô biết đây không phải là nhà của mình, họ không phải người thân của mình nên cô không dần dần không còn dựa dẫm vào ai nữa. Kể từ khi anh trai bỏ đi, cô hòan toàn mất đi quyền được nũng nịu, đòi được yêu chiều. Cô cũng có một người anh trai nữa, người đó hơn cô một tuổi, rất nghịch ngợm và đôi lúc còn bắt nạt cô.

Cũng may là bố mẹ nuôi rất thương cô, mỗi năm họ đều mua quần áo mới cho cô, có đồ ăn ngon cũng luôn để phần. Tình cảm cô đối với bố mẹ nuôi, có yêu thương, nhưng sự cảm kích, ơn huệ lại là phần nhiều.

Năm cô 11 tuổi, lúc đó cô đang học lớp 4, một buổi tối nọ, cô đang giúp mẹ vá lại chiếc áo, bỗng mẹ nuôi nói:

“Mấy năm nay, con không nhớ Nam sao? Lúc đó, nó còn bé, sao có thể chăm lo cho con được?”

Cô im lặng không nói, đúng vậy, cô không nhớ anh trai, mới nghĩ đến cô đã thấy hận, vì thế cô không muốn nghĩ. Cô nói với mẹ: “Mẹ à, đừng nhắc đến anh con nữa”.

Mẹ nuôi thở dài, hình như trong lòng vẫn còn điều gì đó muốn nói nhưng cô đã đi về phòng mất.

Chính xác, cô hận anh, cô không sợ khổ khi đi theo anh, không được đi học thì có gì đáng sợ đâu, cô sẽ theo anh đi kiếm cơm vậy. Nhưng anh đã đập tan mộng tưởng của cô, đã làm mất đi chỗ dựa của người thân duy nhất, đó chính là sự hủy diệt triệt để, không để lại điều gì cả. Vì thế, cô không thể tha thứ cho anh trai mình.

Năm 16 tuổi, thành tích học tâp đứng đầu toàn trường giúp cô thi đỗ vào trường cấp ba, người anh lớn hơn cô một tuổi đang học lớp 11.

Một năm sau, khi người anh đó đang chuẩn bị tốt nghiệp cấp ba, cha nuôi nghỉ việc, ông thuê một cửa hàng nhỏ ở chợ để bán rau. Tối hôm đó, đang ngồi học cô khát nước nên đi ra phòng khách uống thì tình cờ nghe được cuộc trò chuyện bên phòng của cha mẹ. Anh trai nuôi nói với mẹ rằng: “Mẹ, con không biết, dù thế nào đi nữa con cũng phải học Đại học”.

“Không được, con Mai học tốt hơn con, nó có khả năng thi đậu Đại học”. Tiếng nói của cha nuôi nhỏ nhẹ nhưng rất quyết đoán.

“Lấy đâu ra tiền mà nuôi hai đưa ăn học cùng một lúc chứ?” Mẹ nuôi nói.
Nghe đến đó, cô vội quay về phòng, cô không muốn nghe gì nữa. Lúc đó, cô quyết định để cho anh trai học Đại học, còn cô, học xong cấp ba, cô sẽ đi tìm việc. Bởi từ khi anh trai bỏ cô mà đi, ba mẹ nuôi đã cho cô quá nhiều, cô không muốn thêm gánh nặng cho họ nữa.

Đáng tiếc là anh trai nuôi của cô thi không đậu và ba nuôi cô vẫn kiên quyết rằng cô phải vào Đại học.

Cô vẫn kiên quyết: “Con không thi đâu, con quyết định rồi!”.

Tranh luận hồi lâu không được, mẹ nuôi cô từ trong bếp nói vọng ra: “Mai à, con bắt buộc phải thi vào Đại học. Con có biết không, anh trai con đã gửi đủ số tiền học phí cho con rồi nên con nhất định phải học Đại học, đừng phụ lòng nó, nó không dễ dàng gì…”.

Cô ngẩn người.

11 năm sau, lần đầu tiên cô lại tìm về hồi ức của anh trai mình.

Ba mẹ nuôi nói với cô: “Năm đó, anh trai con biết một đứa trẻ 14 tuổi như nó không có khả năng để nuôi em gái nên nó mới quyết định ra ngoài đi làm kiếm cơm, còn gửi con lại cho ba mẹ. Nó bán nhà và đưa hết số tiền đó cho ba mẹ bởi nó tin rằng ba mẹ sẽ chăm sóc tốt cho con. Buổi sáng sớm hôm đó, trước khi rời đi, anh con ôm con đang ngủ say trong lòng đưa cho mẹ bồng, sau đó nhìn con và hứa rằng: “Thím à, con nhất định sẽ về đón em con, mong thím chăm sóc tốt cho nó…”.

“Từ khi con bắt đầu lên lớp 4, mỗi tháng nó đều gửi tiền về cho mẹ, ba mẹ cũng tích góp lại cho nó. Là ba mẹ vô dụng, nhiều năm qua luôn để con phải chịu ấm ức…” Ba mẹ nuôi nghẹn lòng không nói nên lời, họ cầm lấy tay cô và khóc.
Vậy những năm qua anh ấy đi đâu, sống như thế nào?…Hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu, thì ra anh trai chưa từng bỏ rơi cô, anh trai vẫn luôn yêu cô nhưng bằng cách mà mấy năm qua cô không thể lý giải được.

“Thế tại sao anh lại không về thăm mình chứ, không phải anh đã hứa sẽ về thăm mình rồi ư?…”.

Số tiền gửi từ Sài Gòn về, bên ngoài phong bì không ghi địa chỉ cụ thể, cô hạ quyết tâm nhất định phải vào Sài Gòn tìm anh.

Một năm sau, cô thi đậu và vào Sài Gòn học tập, cô vẫn không thôi nghĩ đến việc tìm anh trai, thế nhưng giữa đất Sài Gòn rộng lớn như thế, đi tìm một người quả như là mò kim đáy bể.

Tốt nghiệp xong, cô ở lại Sài Gòn và làm việc ở đó, cũng là để tìm anh trai luôn. Vào lúc cô gần như tuyệt vọng, bỗng nhiên cô nhìn thấy một bức ảnh trên mạng: “Trước một quầy báo nhỏ, có một chàng trai người gầy gò ốm yếu miệng, bị mất một tay đang sửa xe đạp…” Khi nhìn thấy dòng chữ ghi tên Nam, cô hoa mắt, người đó chẳng phải là anh trai mình sao? Đúng rồi, là anh ấy.

Cô xem tiếp: “Năm 19 tuổi, người thanh niên làm việc ở một công trường xây dựng, trong lúc đang làm việc thì do gặp sự cố về máy móc nên anh ta đã bị mất đi một cánh tay, từ đó anh lang thang phiêu bạt khắp nơi, làm đủ nghề để mưu sinh: nhặt phế thải, đi bán báo, phát tờ rơi,…Và 3 năm trước, anh ta mở một quầy báo nhỏ vừa bán báo vừa sửa xe đạp. Động lực duy nhất để anh sống lạc quan như thế chính là cô em gái…”.

Khi cô xuất hiện trước quầy báo, anh trai cô đang bận rộn với công việc sửa xe đạp, mặc dù mất một tay nhưng động tác của anh vô cùng nhanh nhẹn và điêu luyện. Cô nhẹ nhàng bước lại gần, nước mắt cô rơi xuống lã chã, trước mắt cô chính là người anh mà cô từng hận vì đã bỏ rơi cô, chính là người yêu thương cô nhất, bất chấp tất cả để lo cho cô một cuộc sống đầy đủ.

“Cô gái, cô…” Anh ngạc nhiên khi nhìn thấy cô, cô khóc nức nở và ngồi xuống nhẹ nhàng lấy khăn lau mồ hôi cho anh.

“Anh à, em là Mai đây!…”

Cô vội vàng ôm lấy anh, đã lâu lắm rồi cô không được ôm anh như vậy, cảm giác đó vẫn ấm áp như hồi bé, cảm giác được an toàn, được yêu chiều…
*********

Tình cảm gia đình luôn thiêng liêng như vậy, nó luôn là chỗ dựa để ta lớn lên, luôn là động lực để ta bước tiếp, dù người thân có làm gì thì hãy luôn nhớ rằng, tất cả đều vì những người mà họ thương yêu mà thôi…!.

ST

From: Ngọc Nga  & KimBang Nguyen

MỘT NỬA CUỘC ĐỜI-Thang Le-Truyen rat ngan

Kimtrong Lam

Anh và cô rất yêu nhau. Rồi một ngày anh ngỏ ý cầu hôn.

Cô cười hỏi: “Em là gì đối với anh?”

Anh suy nghĩ một lúc rồi nhìn vào mắt cô và trả lời: “Em chính là một nửa cuộc đời mà anh đang tìm.”

Cô mỉm cười và chấp nhận lời cầu hôn, cả hai kết hôn chẳng bao lâu sau và sống hạnh phúc trong một thời gian.

Ngày tháng qua đi, đôi bạn trẻ bắt đầu xa nhau vì lịch trình làm việc bận rộn với những lo toan và công việc hàng ngày, cuộc sống của họ trở nên khó khăn.

Rồi cặp đôi bắt đầu có những cuộc cãi vã và mối quan hệ của họ xấu đi theo thời gian, nó trở nên ngày một tồi tệ hơn.

Một ngày nọ cả hai gây gổ và trong lúc nóng giận anh đã tát cô. Cô chạy ra khỏi nhà và hét lên: “Anh không hề yêu em.”

Anh càng điên lên và giận dữ nói: “Hình như có một sai lầm. Em chưa bao giờ là một nửa trong cuộc đời của anh cả …”

Cô đột nhiên im lặng và biết rằng những lời đã nói ra không thể rút lại được.

Nước mắt lưng tròng, cô về nhà, thu dọn đồ đạc và trước khi đi đã ghi lại cho anh một mảnh giấy:

“Anh nói đúng, có thể em đã chưa bao giờ là một nửa trong cuộc đời anh, hãy để em đi và anh hãy tìm đúng phần thiếu sót của mình …

Chúng ta hãy đi trên con đường của riêng mình, bằng cách này sẽ đỡ đau hơn”.

Năm năm trôi qua ..

Anh không bao giờ kết hôn lần nào nữa, nhưng anh thường tìm cách biết tin tức về cô.

Anh biết rằng cô đã rời khỏi đất nước và đang sống trong những giấc mơ của mình.

Anh cũng đã hối hận về những gì đã xảy ra nhưng chưa bao giờ tìm đến với cô và cố gắng hàn gắn.

Anh không muốn chấp nhận sự thật rằng anh nhớ cô và vẫn rất nhớ cô trong đời …

Một ngày kia khi đi công việc tại phi trường, anh đã nhìn thấy cô.

Cô đang đứng một mình chỉ cách đó vài bước. Cô cũng nhìn thấy anh và mỉm cười với anh dịu dàng.

Anh hỏi: “Em khỏe không?”

Cô trả lời: “Em ổn, còn anh? Anh đã tìm thấy tình yêu trong đời mình chưa?”

Anh mỉm cười lắc đầu: “Chưa …”

Cô nói: “Em sẽ bay trong chuyến bay kế tiếp.”

Anh nói với cô: “Anh sẽ trở lại sau 2 tuần. Hãy gọi cho anh sau đó nha ..”

Cô mỉm cười và vẫy tay chào tạm biệt …

Bản tin tối cùng ngày anh nghe nói về vụ tai nạn phi cơ.

Chính là chiếc phi cơ mà cô đã bay. Anh cố gắng tìm kiếm tin tức và biết rằng cô đã ra đi mãi mãi …

Một lần nữa anh cảm thấy đau đớn tột cùng vì nhớ cô.

Cuối cùng thì anh cũng hiểu cô chính là phần còn thiếu sót trong cuộc đời mà anh đã bất cẩn đánh mất, nhưng tất cả đã quá muộn …

Austin, 10/03/2022

Thang Le.


 

 Người Trong Mộng – Nguyễn thị Thanh Dương- Truyen ngan HAY

Nguyễn thị Thanh Dương

Đây là lần thứ hai vợ chồng Tư Chuột về thăm Việt Nam, lần trước cách đây năm, sáu năm. Thời gian cứ vùn vụt trôi, mải mê bận rộn vì cuộc sống, dù nhớ nhà, nhớ người thân hai bên nội ngoại, mà bây giờ mới có dịp trở về lần nữa.

Tư Chuột nao nức về Việt Nam gặp lại người thân, ngoài ra còn vì một lý do khác. Anh sẽ gặp lại một người bạn gái cũ sau hơn 30 năm xa cách, là “người trong mộng” của anh thời còn đi học.

Qua một người bạn học cũ mới liên lạc được, hiện cũng đang sống ở Mỹ, anh ta đã cho Tư Chuột biết tin tức một số bạn bè cùng lớp thời Trung Học. Họ cùng hào hứng nhắc đến người đẹp Ngọc Diệp, cô bé xinh xinh và nổi tiếng làm thơ hay của lớp, đám nam sinh thuở đó cứ mười người thì phải trên năm người có cảm tình với nàng và hâm mộ thơ nàng. Trong số đông đảo những thằng trồng cây si nàng có cả Tư Chuột. Là một người vóc dáng nhỏ thó, gương mặt choắt choeo, lại con nhà nghèo học dở, nên anh nam sinh Lê Văn Tư, biệt danh các bạn đặt cho là Tư Chuột không bao giờ dám mơ được tiếp cận nàng thơ, không bao giờ dám “chen lấn” với các nam sinh khác để hòng chiếm được cảm tình của nàng. Tư Chuột chỉ biết thương trộm nhớ thầm người trong mộng.

Ngọc Diệp là một trong số vài người đẹp của lớp, nàng là con nhà giàu, học giỏi, dáng gầy gầy, đôi mắt to đen đằm thắm, và mái tóc dài qua vai luôn buông xỏa về một bên trông càng quyến rũ và lãng mạn. Các anh tha hồ đua nhau làm thơ tặng nàng, Tư Chuột xôn xao chẳng thể nào ngồi yên, anh không biết làm thơ, nên định mua một cuốn sách thơ của nhà thơ nổi tiếng nào đó để tặng nàng, mượn thơ người khác nói lên nỗi lòng của mình hay ít ra cũng làm nàng vui thích vì nhận được cuốn thơ hay. Nhưng anh chưa thực hiện được thì biến cố 1975 xẩy ra.

Bây giờ Ngọc Diệp là goá phụ, hai con, cuộc sống của nàng ở Việt Nam rất nghèo khổ. Mới nghe, Tư Chuột mủi lòng thương xót cho người xưa. Có ai ngờ một cô gái đẹp cao sang thuở đó, bể dâu cuộc đời vùi dập nàng sa cơ thất thế đến tôị nghiệp? Cũng có ai ngờ anh Tư Chuột, tướng tá lù đù, thuở đó không ông thầy bói nào nhìn mà dám mở miệng tiên đoán tương lai giàu sang phú quý cho được, học hành thì lình bình đủ điểm lên lớp là may lắm rồi, nay lại là một người thành đạt, một ông chủ shop sửa xe to lớn và đông khách trên xứ Mỹ, hai con học Đại học, nhà cao cửa rộng trả off từ lâu, vợ Tư Chuột hột soàn đeo đầy cổ, đầy tay.

Tư Chuột đã ghi chép cẩn thận địa chỉ nhà Ngọc Diệp, nàng sống tại Sài Gòn nên sự đi lại càng thuận tiện vì hầu hết họ hàng bên vợ và bên Tư Chuột cũng ở quanh Saì Gòn. Nhất định, anh sẽ đến thăm nàng, cả một đời người anh mới có dịp hiên ngang tiếp cận nàng như thời điểm này. Dù anh gặp lại Ngọc Diệp chỉ với tư cách một người bạn cũ, để nhìn lại bóng dáng người xưa. Nay ai đã phận nấy, hai khung trời khác biệt, cái tình cảm thời tuổi trẻ chỉ còn là kỷ niệm, một kỷ niệm đẹp có lẽ Tư Chuột không thể nào quên.

Tư Chuột dấu vợ, chị vợ hay ghen và giàu tưởng tượng, chỉ cần anh nói đi thăm một người bạn gái cũ là chị ta sẽ suy đoán ra một thiên tình sử ngay, và chị sẽ không rời anh nửa bước. Tư Chuột không muốn vợ đi theo làm tan biến đi giây phu’t diệu kỳ hội ngộ, chắc chắn nên thơ và lãng mạn như người thơ thuở ấy.

Tư Chuột đã sắp đặt sẵn mọi thứ trong đầu trước khi đến nhà thăm Ngọc Diệp, anh sẽ ghé tiệm sách mua một cuốn thơ, món quà anh còn mắc nợ nàng bao nhiêu năm về trước. Nhưng nàng nghèo lắm, thơ chỉ có ý nghĩa cho tâm hồn. Anh sẽ tặng nàng một món quà thực tế là tiền, là đô la. Anh ngại ngùng quá , với một người yêu thơ, làm thơ, mà anh mang chuyện tiền bạc ra có đụng chạm vào tự ái của nàng không? Anh sẽ bỏ món quà ấy vào phong thư cho lịch sự, sẽ nhẹ nhàng kín đáo và nói hết sức khiêm nhường rằng: “ Tôi quý mến Ngọc Diệp chân tình nên mới tặng món quà nhỏ mọn này, mong Ngọc Diệp đừng từ chối làm tôi đau lòng”. Ôi, đôi mắt to đen đằm thắm của nàng chắc sẽ nhìn anh cảm động? và biết đâu trong sâu thẳm tâm hồn nàng sẽ dày vò nuối tiếc sao ngày xưa không để ý đến anh Tư Chuột, thì ngày nay đời nàng sung sướng biết bao?

Sáng nay sau khi ăn uống điểm tâm bên nhà vợ, Tư Chuột thay bộ quần áo bình dân giản dị nhất, chiếc quần màu kaki và áo sơ mi trắng bỏ ra ngoài. Đến nhà Ngọc Diệp trong hoàn cảnh nghèo, anh chẳng muốn mình ăn mặc sang trọng ra vẻ Việt Kiều làm nàng tủi thân. Anh xin phép vợ để đi thăm vài thằng bạn cũ, nhìn cách ăn mặc tàn tàn của anh, chị tin ngay, và dặn chiều về sớm để hai vợ chồng cùng đi dạo phố.

Tư Chuột ra đầu ngõ kêu xe ôm chở đến một tiệm sách gần nhất và bảo anh xe ôm ngồi ngoài chờ.

Từ xưa tới nay Tư Chuột có biết gì về thơ, nay lạc vào một rừng thơ làm anh hoa cả mắt, có nhiều tập thơ của nhiều tác giả khác nhau, cuốn nào trình bày bìa cũng đẹp, những lời đề tựa, lời giới thiệu nào cũng bay bổng trời xanh. Mở ra đọc thử mỗi bài thơ, Tư Chuột thấy bài nào cũng… giống nhau, thất tình, thương nhớ, giận hờn… càng làm anh rối trí. Thà như ở shop sửa xe của anh, xe nào hư không nổ máy, anh mày mò một lúc là tìm ra lý do ngay, thà khách hàng yêu cầu anh thay nhớt xe, anh làm vèo một cái là xong. Còn lựa chọn một cuốn thơ trong đám thơ này sao mà khó khăn qúa!

Tư Chuột cầm một cuốn thơ lên, bìa màu tím, xinh xinh, cuốn thơ tên “Một thời tương tư”, anh thấy thích hợp với mình nhất, anh đã chẳng một thời tương tư Ngọc Diệp đó sao! Muộn còn hơn không, để anh được bày tỏ tình cảm với nàng, dù điều ấy nàng cũng biết thừa từ lâu..

Anh mang cuốn thơ ra quầy tính tiền, nhờ cô nhân viên gói giấy hoa cho đẹp để làm quà tặng, anh đã hào hoa trả tiền gấp đôi gấp ba giá ghi trên bìa sau cuốn thơ và hớn hở ra khỏi nhà sách.

Anh xe ôm tiếp tục cuộc hành trình tìm địa chỉ nhà Ngọc Diệp, một con hẻm nhỏ gần khu chợ Bà Chiểu, anh ta bảo đảm sẽ tìm ra địa chỉ mới ăn tiền xe, nên Tư Chuột yên tâm, âu yếm ôm nhẹ cuốn thơ vào lòng và ngắm nhìn cảnh tấp nập của phố phường. Sau khi anh xe ôm quẹo vào vài con hẻm ngoằn nghoèo, vài lần rẽ trái, rẽ phải đến chóng mặt, Tư Chuột đã đứng ngay trước số nhà muốn tìm.

Anh sửa lại nếp áo, nếp quần cho bớt nhăn nhó và run run đưa tay lên gõ cửa, hồi hộp chờ đợi gương mặt quen thuộc ngày xưa hiện ra. Chắc khi nghe anh giới thiệu là Tư Chuột, Ngọc Diệp sẽ nhớ ra ngay, cái biệt danh độc đáo của anh nam sinh nhỏ con nhất lớp, nhà quê nhất lớp, và học dở nhất lớp, ai cũng biết.

Nhưng trong nhà vẫn im vắng, không một ai ra trả lời! Tư Chuột đang ngỡ ngàng chưa biết tính sao thì một bà hàng xóm sát bên chạy ra, sốt sắng:

– Ông tìm nhà bà Diệp hả?

Tư Chuột mừng rỡ:

– Vâng, có phải đây là nhà bà Ngọc Diệp không?

– Đúng rồi, ba mẹ con bà ấy bán quán cơm tấm ngoài đầu hẻm, kế bên tiệm bán chè, sinh tố đó, bộ khi nãy vô đây ông anh không nhìn thấy hả?

– Vâng, thôi cám ơn bà.

Tư Chuột leo lên xe ôm và chạy ra đầu hẻm, bây giờ mới để ý thấy quán cơm đúng như bà hàng xóm nói, Anh trả tiền hậu hĩ cho anh xe ôm và đến hàng sinh tố kêu một ly mãng cầu tươi, ngồi nghỉ chân và suy nghĩ, không lẽ Ngọc Diệp đang bận rộn bán buôn mà anh đến nhận diện người quen, chuyện trò và tặng quà ngay giữa chốn bát nháo ăn uống này thì còn gì là ý nghĩa? Để chiều nay, khi nàng về nhà, anh sẽ đến cũng không muộn màng gì, và sẽ có nhiều thời gian để tâm sự, nhắc lại những kỷ niệm thời đi học.

Anh thong thả uống ngụm sinh tố và dõi mắt sang hàng cơm tấm bên cạnh. Đang tầm sáng, giờ cao điểm đông khách, anh chẳng thấy Ngọc Diệp đâu, chỉ thấy một bà to mập đang ngồi giữa nồi cơm to tướng không kém gì bà ta, và một cái bàn thấp trên bày la liệt những món ăn, những hũ đồ chua và hũ nước mắm, mấy ống đựng thìa, đựng nỉa. Bà vừa xới cơm ra dĩa, vừa gắp thức ăn lia lịa và luôn miệng quát hai phụ nữ trẻ bưng bê:

– Lẹ tay lẹ chân lên chút coi, khách đang ngồi đợi kìa!

– Dẹp mấy cái dĩa không vào đây cho tao, hết dĩa rồi !

Tư Chuột làm bộ bâng quơ hỏi chị bán sinh tố:

– Nghe nói quán cơm này ngon lắm phải không chị?

Chị sinh tố thật thà:

– Quán cơm tấm bà Ngọc Diệp nổi tiếng ngon, ông ăn thử thì biết.

– Chị làm ơn kêu cô giúp việc cho tôi dĩa cơm tấm sườn nướng đi.

– Hai cô đó là con gái bà Ngọc Diệp, ba mẹ con sống nhờ nồi cơm tấm này đó.

– Vậy bà ấy đâu rồi?

– Thì bà Ngọc Diệp to béo đang ngồi bán cơm chứ ai.

Tư Chuột giật mình hụt hẫng, anh tưởng mình nghe lầm. Cố giữ vẻ bình tĩnh, anh nói cho chị sinh tố khỏi nghi ngờ vì thái độ khác thường của mình:

– Nghe danh quán cơm bà Ngọc Diệp, hôm nay tôi mới có dịp ghé đây ăn thử.

Chị sinh tố chẳng thì giờ đâu mà nghi ngờ như chị Tư Chuột nhà anh. Chị ta vui vẻ đi gọi cơm giùm anh, nên Tư Chuột tự nhiên và thoải mái nhìn bà to mập kia kỹ lưỡng hơn. Đúng là Ngọc Diệp rồi, nhờ đôi mắt to đen mà anh đã nhận ra nàng, dù hình dáng nàng thì hoàn toàn khác hẳn.

Mọi thứ trên cõi đời có thể thay đổi, nhưng sao cuộc sống và thời gian lại nỡ biến đổi một cách phũ phàng từ một cô gái xinh xẻo, vóc dáng gầy gầy, một nàng thơ dịu dàng ngày nào thành một bà to mập, ngồi bán cơm ngoài đường phố và luôn miệng quát mắng con trước mặt mọi người như thế?

Cô con gái của Ngọc Diệp bưng dĩa cơm tới bàn Tư Chuột, nhìn cô gái, Tư Chuột đã thấy lại đôi mắt to đen đằm thắm của người mẹ bao nhiêu năm về trước. Anh thong thả ăn từng thìa cơm nhỏ vì bụng hãy còn no, và vì muốn kéo dài thì giờ để nhìn thêm cảnh đời của Ngọc Diệp, cho bỏ công lao anh nao nức từ bên Mỹ khi chuẩn bị về Việt Nam, cho bỏ công lao anh đã ngồi mỏi lưng sau chiếc xe ôm đi tìm con hẻm nhà nàng cả giờ đồng hồ.

Khách hàng vẫn đông, bà mẹ vẫn the thé sai bảo và mắng hai cô con gái, có lúc rảnh tay bà ngẩng lên, quét ánh mắt lanh lợi như điểm danh các khách hàng, bà ta ngừng lại nơi Tư Chuột vài giây, vẫn không có cảm xúc gì khác lạ, như với bao nhiêu người khách khác mà thôi. Làm sao trong giây phút bận rộn hối hả này, bà có thể nhận ra một người quen sau hơn 30 năm mờ mịt vì gío bụi cuộc đời? rồi bà lại cúi xuống thoăn thoắt xới cơm, lấy thức ăn cho khách.

Tư Chuột kêu tính tiền, cô gái hét gía 40 ngàn đồng, trong khi nãy giờ anh thấy mỗi dĩa cơm tương tự người ta chỉ trả có 20 ngàn đồng. Anh ngạc nhiên nhưng cũng móc túi trả đầy đủ, chị bán sinh tố nhìn Tư Chuột thương hại, thì thầm:

– Mẹ con bà này chuyên môn coi mặt đặt tên, thấy ông là khách lạ, ngàn năm một thuở mới đến quán một lần, nên tính gía trời ơi, kiếm thêm thu nhập. Nhưng cũng còn may cho ông, bữa hôm có chị Việt Kiều về xóm chơi, sáng ra đây ăn cơm tấm, bị chém một dĩa cơm tới 50 ngàn đồng, vì chị đó ăn mặc sang trọng lắm, nhìn vô thấy Việt Kiều liền.

Tư Chuột xót xa, không vì mất thêm tiền một cách vô lý, mà vì lòng tham của con người, lại là người mà anh từng ngưỡng mộ, thương mến. Cuốn sách thơ trong tay Tư Chuột bỗng trở nên thừa thãi, lố bịch, và cái phong thư có vài trăm đô la nằm trong túi áo anh có lẽ không bao giờ cần phải lựa lời tế nhị để trao cho người nhận nữa. Anh bỗng quyết định không cần đến nhà Ngọc Diệp, không đối diện với nàng, người trong mộng của anh đã chết tự lâu rồi. Món tiền này anh sẽ cho những người nghèo khổ nào đó anh gặp trên đường phố, còn cuốn thơ, sẽ có một người xứng đáng hơn Ngọc Diệp để anh trao tặng.

Một thằng bé bán vé số đến bên Tư Chuột, nó chìa xấp vé số ra mời mọc, nhưng Tư Chuột gạt đi và mời lại nó:

– Thằng nhỏ, mày muốn ăn cơm tấm không?

– Muốn, mà không có tiền ông ơi!

– Mày có bao nhiêu đứa bạn kêu hết lại đây, tao bao.

Thằng vé số nhẩy cẩng lên vì vui sướng, vội chạy đi tìm lũ bạn, một lúc sau hơn chục đứa kéo tới bu quanh Tư Chuột, anh ra lệnh:

– Đứa nào muốn ăn gì thì kêu đi, rồi qua uống sinh tố hay ăn chè quán này. Nghe chưa?

Lũ trẻ uà ra chỗ bà bán cơm, xúm xít chỉ trỏ các món ăn. Tư Chuột gọi cô con gái bà hàng cơm ra, đếm bao nhiêu dĩa cơm, mỗi dĩa 40 ngàn đồng , trả tiền ngay tại chỗ, làm cô kinh ngạc không ngờ hôm nay trúng mánh lớn. Tư Chuột lại đưa cho cô một xấp bạc Việt Nam nữa và nói trước mặt lũ trẻ:

– Số tiền này đủ cho lũ trẻ đến đây ăn cơm ít nhất cũng ba lần nữa. Tôi trả trước cho cô đấy.

Anh quay qua trả tiền chị sinh tố cũng đủ cho bọn trẻ ba lần nữa rồi ra về.

Thấy chồng về sớm chị Tư Chuột ngạc nhiên:

– Tưởng anh đi tới nhà bạn bè chiều mới về?

Anh chìa cuốn thơ gói trong tấm giấy hoa xinh đẹp ra:

– Có tìm nhưng không gặp bạn, nên anh ghé vào một tiệm sách, chọn mua tặng em một cuốn thơ tình.

– Một cuốn thơ tình?

Chị Tư Chuột cảm động ngỡ ngàng vì món quà bất ngờ, chồng chị chưa bao giờ tặng chị một món quà thanh lịch như thế này, chị như bay bổng vào cõi thiên thai:

– Anh ơi, tuy em ít đọc thơ, nhưng anh mua tặng thì từ nay em sẽ siêng đọc thơ và sẽ yêu nó.

Chị mở ra thấy cuốn thơ, lẩm bẩm đọc “ Một thời tương tư”, nên càng cảm động và ngạc nhiên:

– Không ngờ anh tối ngày lo sửa xe, tay chân dầu nhớt, mà cũng có tâm hồn thi sĩ ghê. Ở với anh mấy chục năm em mới phát hiện ra điều này. Bộ hồi đó anh tương tư em hả?

Tư Chuột nhìn vợ, chị cũng to mập, sồn sồn không thua gì Ngọc Diệp. Nhưng còn có chỗ dễ thương, chị đôn hậu và thành thật tin vào những lời nói dối của chồng.

Tư Chuột bỗng thấy thương vợ hơn bao giờ, anh nói bằng sự trìu mến như thuở ban đầu mới cưới nàng:

– Vì em mãi mãi là người anh yêu, là người trong mộng của đời anh.

* * *

Buổi chiều đi chơi cùng với vợ, tình cờ đi ngang qua con đường nơi đầu hẻm nhà Ngọc Diệp, quán cơm đã dẹp, chỉ còn quán sinh tố. Tư Chuột bảo tài xế taxi ngừng lại, để anh ghé vào tiệm sinh tố mua một bao thuốc lá ba số. Chị sinh tố nhận ra anh ngay và mau mắn:

– Mấy đứa nhỏ nhờ tôi gởi lời cám ơn ông nếu có dịp gặp lại. Còn bà Ngọc Diệp chủ tiệm cơm, bà ấy tuyên bố một câu về ông, nói ông đừng có buồn nghe?

– Chị cứ nói đi.

– Bà ấy nói với tôi rằng thằng cha đó một là khùng, hai là dân giang hồ làm ăn gian dối, trúng mánh, nên mới thừa tiền bao lũ trẻ bụi đời ngoài đường phố. Biết thằng cha chịu chơi như vậy, lúc nãy tao tính mỗi dĩa cơm 50 ngàn đồng rồi. Tiếc quá!

Tư Chuột chào chị sinh tố lên Taxi, lòng thảnh thơi, không có gì để nuối tiếc khi anh đã quyết định không bao giờ gặp lại người trong mộng ngày xưa của mình nữa. 


 

ĐỪNG ĐÁNH GIÁ VÌ BỀ NGOÀI-Truyen rat ngan

 Bùi Mạnh Toàn  

CÂU CHUYỆN NHÂN VĂN

Một ngày cuối chiều anh ấy đến quán ‘Thức ăn nhanh & cà phê’ của tôi, hỏi tôi xin một ít thức ăn đã không bán được.

– Sao anh không có việc làm, anh biết không có gì là miễn phí không?

Anh trả lời:

– Tại tôi có rất nhiều tội và không ai muốn thuê tôi, vì điều đó nên tôi phải ra đường và sống theo cách của tôi để tồn tại.

Ngày hôm đó tôi thiếu nhân viên, vì vậy tôi hỏi:

– Anh muốn làm việc không? tôi có công việc cho anh.

Đôi mắt anh mở to và nụ cười của anh đã làm tôi yên lòng.

Và anh đã làm việc cho tôi ngày hôm sau, rửa ly, quét dọn và tất cả những việc vặt của quán.

Đoán xem, anh ta đã làm gì khi tôi trả tiền công. Anh ấy không nhận tiền và nói chỉ cần số thức ăn và nước uống không bán được trong ngày.

Tôi đã trả lời:

– Vâng anh được lấy tất cả những thứ đó. – và bí mật đi theo xem anh ấy sẽ làm gì với số thức ăn đó.

Thật ngạc nhiên và bất ngờ khi thấy anh ấy đã chia sẻ thức ăn và đồ uống đó cho những người vô gia cư như anh.

Tôi chợt nhận ra mình thật nhỏ bé hơn những gì ẩn dấu bên trong anh ấy.

Vâng tôi sẽ thay đổi sau những gì tôi đã thấy từ một người được cho là thấp hèn này.

  • Bài học:

Mỗi chúng ta có thể bắt đầu thay đổi ngay lúc này và sẽ không bao giờ là muộn màng.

Nguồn sưu tầm

TẤM LÒNG VÀNG CỦA MỘT CÔ GIÁO-Truyen ngan

Nghề dạy học là một nghề khiêm tốn, nhưng hết sức quan trọng. Có những thầy cô giáo tạo được ảnh hưởng lâu dài, ảnh hưởng đến cả đời của học sinh. Câu chuyện dưới đây là một ví dụ điển hình về những thầy cô giáo tạo được sự khác biệt đến cuộc đời của học sinh. Chúng tôi mượn tựa đề “Tấm Lòng Vàng” của nhà văn Nguyễn Công Hoan để miêu tả câu chuyện.

*************

Hồi năm 1968, tôi còn là một học sinh ở trường trung học Levon & Sophia Hagopian Armenian ở Beirut. Vào lúc ghi danh theo học lớp 10, tôi phải đến văn phòng hiệu trưởng nói với người thư ký rằng cha mẹ tôi không có đủ tiền để đóng học phí. Mặc dù lúc đó tôi là một học sinh giỏi, đứng đầu lớp, nhưng tôi vẫn bị đuổi đi, cho về nhà. Sự việc này làm tôi đau lòng vô cùng, tôi rất thích đi học, và muốn có mặt ở trường ngay từ ngày đầu niên học.

Tôi về nhà, không được đi học nữa. Mỗi ngày tôi phải phụ với cha tôi làm việc trong xưởng vá bánh xe hơi. Cha tôi chỉ kiếm đủ tiền nuôi gia đình, gồm mẹ tôi và ba đứa con, ông không có tiền để đóng học phí cho tôi.

Một ông già trông thấy tôi ở tiệm sửa xe, và thắc mắc không hiểu vì sao tôi không đi học. Tôi nói với ông rằng tôi phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí. Ông đề nghị để ông gọi điện thoại cho một vị hiệu trưởng trường khác, không phải trả học phí, để tôi có thể tiếp tục đi học. Mặc dù trường sau này ở rất xa nhà tôi, nhưng tôi vẫn không bỏ lỡ cơ hội theo học tiếp, tôi đi xe buýt rất lâu để đến trường tiếp tục học. Tôi nói với ông hiệu trưởng rằng tôi đã được thu xếp không phải đóng học phí, hay chỉ đóng với giá đặc biệt. Nhưng tôi vô cùng kinh ngạc khi vị hiệu trưởng sỉ vả, mắng nhiếc tôi, và nói rằng không hề có chuyện học miễn phí, hay mặc cả tiền học.Tôi lập tức quay đầu trở về, và đi thẳng đến nơi sửa xe của cha tôi.

Ba ngày sau, một người bạn cùng lớp với tôi ở trường Sophia Hagopian đến gặp tôi. Ông hiệu trưởng sai nó đến gặp tôi và nói tôi nên quay trở lại trường. Khi đến trường, tôi nói với người thư ký học vụ rằng tôi không có tiền đóng học phí. Nhưng bà ấy báo cho tôi biết tiền học phí của tôi đã được trả hết rồi, và tôi có thể đi học bình thường với bạn bè như trước. Tôi hỏi bà thư ký ai đã đóng tiền học cho tôi, để tôi có thể cám ơn con người tử tế ấy. Nhưng bà thư ký nói rằng người đóng học phí cho tôi muốn giữ kín tên của họ.

Tôi vào lớp học mà trong đầu cứ quanh quẩn suy nghĩ mãi xem ai là người đã đóng học phí cho tôi. Ai là người đã có tấm lòng vàng cho tôi cơ hội may mắn này. Tôi quanh trở lại văn phòng hiệu trưởng và năn nỉ bà thư ký học vụ xin bà vui lòng cho biết ai đã đóng học phí cho tôi. Vì tôi năn nỉ quá, bà thư ký dặn tôi rằng bà sẽ tiết lộ danh tánh người đóng học phí cho tôi với điều kiện tôi phải giữ bí mật, và không được đến cám ơn người ấy. Nếu không, bà thư ký học vụ có thể bị mất việc vì không giữ bí mật tin tức. Bà cho tôi biết người có lòng tốt đóng học phí cho tôi chính là cô giáo dạy Anh Văn, cô Olivia Balian.

Bà thư ký học vụ kể cho tôi nghe rằng khi niên học bắt đầu, bà thấy ghế ngồi của tôi ở trong lớp bị bỏ trống, không thấy tôi đi học. Bà hỏi thăm vì lý do gì. Bà thư ký học vụ nói rằng cha mẹ em học sinh này không có tiền đóng học phí, nên em đó phải nghỉ học. Bà Balian nói với ông Hiệu trưởng yêu cầu nhà trường trừ tiền học phí cho học sinh đó vào tiền lương hàng tháng của bà.

Trong suốt cả niên học, tôi ngồi học trong lớp của cô Balian, suy nghĩ về tấm lòng tử tế của cô, mà không thể nói lời cảm ơn. Một năm sau, gia đình tôi được sang định cư ở Hoa Kỳ. Ở đây, tôi lấy được hai văn bằng Master, một ở trường Columbia University, và một ở trường Pepperdine University.

Tôi không bao giờ quên được tấm lòng tử tế, rộng lượng của cô giáo Balian. Gần 40 năm sau, tôi quanh trở lại Beirut lần đầu tiên, và tặng $4.5 triệu đô la cho Quĩ Giáo Dục Kirk Kerkorian’s Lincy Foundation, cấp học bổng cho 28 trường học của người Armenian hoạt động ở Beirut. Một trong những trường tôi đến thăm, có trường trung học cũ của tôi. Khi trao tấm chi phiếu vài trăm ngàn đô la cho ông Hiệu trưởng, tôi dặn dò ông chớ bao giờ đuổi học sinh về nhà vì em đó không có tiền đóng học phí. Bởi vì không ai có thể biết được trong tương lai em bé đó sẽ trở thành con người như thế nào. Em học sinh đó có thể trở thành một bác sĩ, một nhà ngoại giao tài giỏi, hay trở thành một tỉ phú tặng tiền rất nhiều cho các trường học.

Trong lúc lưu lại Lebanon, tôi đi thăm cô giáo cũ của mình, là cô Balian. Bây giờ cô đã nghỉ hưu, không còn đi dậy nữa. Cô đang sống một mình trong một căn hộ nhỏ bên ngoài Beirut. Cô hết sức vui mùng khi gặp lại tôi. Cuối cùng thì tôi cũng có dịp ngỏ lời cảm ơn cô vì sự tử tế, rộng lượng của cô trong nhiều năm tôi đi học. Nhưng cô rất khiêm tốn, không màng để ý đến việc tôi cảm ơn cô, cô tìm cách đổi đề tài câu chuyện đi hướng khác. Tôi ngỏ lời xin được giúp đỡ cô về mặt tài chánh, hay làm một buổi lễ vinh danh cô vì cô đã dành nhiều năm để dậy dỗ học sinh gốc Armenian. Nhưng cô từ chối tất cả mọi đề nghị của tôi.

Tôi viết câu chuyện này để tôn vinh cô giáo của tôi, bà Olivia Balian. Bà qua đời vào năm 2017. Nhưng cũng nhân dịp này tôi xin được nói ra một điều là người ta có thể tạo ra sự khác biệt rất lớn cho cuộc đời của một người khác. Nếu không có cô giáo Balian, tôi đâu có dịp học tiếng Anh, và có lẽ chẳng bao giờ có cơ hội sang Hoa Kỳ, để rồi trở thành một nhà xuất bản nhật báo Anh Ngữ The California Courier. Rất có thể tôi đã suốt đời làm việc trong tiệm vá bánh xe của cha tôi ở Beirut.

My Lan Phạm (ST)

Bao Nguyen Quang

– Ảnh: Đỗ quyên cổ thụ trên núi cao ở Ấn Độ.

From: haiphuoc47&NguyenNThu


 

Một chọn lựa – Lưu An-Vũ Ngọc Ruẩn/SGN-Truyen ngan HAY

Ba’o Nguoi-Viet

June 28, 2024

Lưu An-Vũ Ngọc Ruẩn/SGN

Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám

Tuổi của nàng, tôi nhớ chỉ mười ba.

Giữa năm Định đang học đệ lục (lớp 7) ban trung học thì ông Vinh, ba của Định bị mất việc làm, cuộc sống gia đình vốn dĩ đã nghèo túng lại càng bi đát hơn. Ông Vinh đã phải cùng với vợ nhận quần áo, chăn màn, khăn lau miệng… từ các nhà hàng ăn, khách sạn… trong thành phố đem về giặt ủi để kiếm tiền chu cấp cho đàn còn bảy đứa đang tuổi ăn học. Trong hoàn cảnh khó khăn đó việc học hành của anh em Định được coi như thứ yếu.

Dù ở cái tuổi 13, 14 đang ham chơi nhưng Định cũng phải nhảy vào công việc kiếm tiền giúp đỡ cha mẹ. Mỗi sáng, Định phải thức dậy thật sớm chở các đồ vật đã được bố mẹ giặt ủi ngày hôm trước đi giao cho các nhà hàng, khách sạn trong thành phố rồi mới lo chuyện đến trường học. Buổi trưa về nhà, có gì ăn nấy vội vã cho xong bữa cơm rồi cố dành tí thời gian lo bài vở nhà trường cho ngày mai. Sau đó khoảng 3 giờ chiều phải đạp xe lên các tòa báo trên trung tâm Sài Gòn, nhận báo đi bán rông cho mãi đến tối khuya mới về nhà. Trong hoàn cảnh khó khăn đó, việc học của Định trong hai năm đệ lục và đệ ngũ xuống dốc thê thảm, gần như độn sổ! Hầu như không khi nào Định làm trọn vẹn vai trò của đứa học trò ở mức tối thiểu. Ba mẹ Định cũng biết việc học của con lết bết nhưng cũng đành chịu vì chẳng biết làm gì hơn.

Hàng ngày Định cố tranh giành xếp hàng ở các tòa báo, lấy được báo càng sớm càng tốt từ các nhà phát hành rồi vội vã đạp xe đến bùng binh ngã sáu Sài gòn hay công trường Dân Chủ hoặc  các giao lộ đông người qua lại để rao bán báo mới (ngày hôm sau) cho người đi làm về lúc 4 hay 5 giờ chiều. Sau đó khi luồng người đi làm về đã thưa thớt hơn, Định mới đạp xe đi bán báo dạo hay bỏ báo tháng ở những con đường, ngõ hẻm quen thuộc trong thành phố cho mãi đến tối khuya mới về nhà.

Đường Bùi Viện là nơi Định đến bán báo sớm nhất, vì nơi đó khá gần với trung tâm thành phố. Cuối con đường này có một gia đình mua báo tháng của Định, đã ghi đậm vào ký ức của Định rất nhiều cảm tình gắn bó vì tình thân thương của gia đình họ. Hàng ngày mỗi khi gõ nhẹ vào cánh cổng bằng tôn của căn nhà, một cô bé khoảng tuổi 12, 13  cùng với chú em trai hay bà mẹ ra nhận tờ báo từ tay Định với nụ cười dễ dãi, họ không bao giờ quên nói với Định vài lời cám ơn rất chân thành.

Thông thường khi đi bán báo Định mặc chiếc quần đùi cũ kỹ vá chằng chịt như cái bẹ dừa khô ở mông chiếc quần, chiếc áo màu xanh lá mạ do mẹ sửa đổi từ chiếc áo cũ của bố nhưng cũng xệch xoạc vì các miếng vá bằng tay.  Nhưng nhiều khi khi vì lười biếng, Định không thay bộ đồng phục, quần xanh áo trắng với huy hiệu trường Chu Văn An trên túi áo lúc đi bán báo. Một lần, khi vừa gõ vào chiếc cổng bằng tôn của căn nhà mua báo tháng dễ mến đó, như mọi lần cô bé gái và chú em ra mở cổng nhận báo kèm lời cám ơn lễ phép ân cần, nhưng lần đó cô bé có tí e lệ, rụt rè, không dấu được vẻ vui tươi hiện rất rõ trên khuôn mặt ngây thơ khi đưa tay nhận lấy tờ báo, cô bé nói với Định:

-Anh chờ một tí, mẹ em muốn nói chuyện với anh.

Rồi cô bé quay vào nhà gọi to:

-Mẹ ơi, anh bán báo tới mẹ ạ.

Định bình thản đứng chờ mẹ cô bé, hoàn toàn không một tí ngạc nhiên vì chẳng có gì lạ khi người mua báo tháng muốn có vài đòi hỏi, yêu cầu trong việc nhận báo hàng ngày.  Bà mẹ từ phía trong nhà bước ra với nụ cười rất niềm nở trên môi, đưa  tay vỗ nhẹ thân mật vào vai Định, nhìn rất kỹ vào chiếc huy hiệu Chu Văn An trên ngực áo của Định, rồi bà hỏi:

-Cháu học Chu Văn An hả? Lớp mấy?

-Vâng ạ, cháu đang học lớp đệ ngũ.

Rồi tiếp theo là những câu hỏi khác về thân thế, gia đình, việc học hành và cả lý do vì sao Định phải bán báo. Định  trả lời tất cả những gì mà bà ta muốn biết, chẳng giấu giếm gì dù có chút ngượng ngùng khi cho bà ta biết về sự thua kém bè bạn cùng lớp trong việc học hành cũng như gia cảnh nghèo túng của mình. Tuy nhiên, Định có cảm tưởng bà ta nhìn sự ngượng ngập của Định với ánh mắt rất cảm thông, an ủi và có chút cảm phục. Đứng bên cạnh bà mẹ, hai chị em cô bé im lặng giương mắt nhìn Định với đầy cảm phục, dễ mến.

Ngày hôm sau, lúc đưa báo, Định chưa kịp gõ vào chiếc cổng bằng tôn, cô bé và chú em trai, hình như đã đứng sau cánh cổng chờ đợi từ trước để mở cửa. Cánh cổng vừa mở, cô bé với vẻ mặt tươi cười , thân thiện nói ngay:

-Anh chờ mẹ em một tí…

Ngay lúc đó bà mẹ đi ra, nhìn Định với nụ cười hiền hòa hỏi Định đã ăn cơm chưa, rồi bà chẳng chờ đợi Định trả lời, bà đưa cho Định một khúc bánh mì thịt khá lớn, gói trong bọc giấy. Với tí chút ngạc nhiên nhưng không giấu được vẻ mừng vui, Định cầm ngay gói quà và không quên cúi đầu liền mấy lần kèm theo lời cám ơn. Bà mẹ và hai đứa con hơi chau mắt, ngẩn ngơ khi nhìn thấy rõ nét mặt quá vui mừng của Định khi nhận món quà. Có lẽ họ không hiểu được, mỗi ngày sau khi phải giành giật khách mua báo với lũ trẻ bán báo khác ở các công trường vào giờ tan sở rồi lại phải đạp xe len lỏi vào  khắp các ngõ hẻm để bán và bỏ báo tháng, cơn đói luôn luôn đến với Định. Hôm nay ngẫu nhiên nhận được khúc bánh mì kẹp thịt ngon lành, làm sao mà Định không mừng rỡ được?

(Hình: Annie Spratt/Unsplash)

Từ đó, thỉnh thoảng Định lại được bà mẹ hay cô bé gái tên Loan, chú em tên Chính cung cấp cho các món ăn. Lúc thì  ổ bánh mì thịt, lúc thì vài chiếc bánh ”Pao” hay gói xôi đậu phụng… Rồi cũng nhờ bà mẹ giới thiệu, Định có thêm hai gia đình mua báo tháng ở cùng khu vực. Tình thân của Định và gia đình Loan gia tăng theo những lần cho quà, những lần trả tiền báo tháng nhiều hơn giá quy định.

Cũng có vài lần bà mẹ nói với Loan mời Định sau khi bán báo xong đến nhà ăn cơm tối. Rồi cứ thế Định và Loan thân nhau dần dần, tình cảm thân thương non nớt, ngây thơ của hai đứa hình như cũng lớn theo với gần hai năm Định bỏ báo tháng cho nhà Loan. Những câu nói, ánh mắt nhìn nhau e lệ  hình như càng lúc càng nhiều hơn, kín đáo hơn. Dù chỉ là vài câu chào hỏi bâng quơ trong khoảng thời gian vài phút ngắn ngủi hàng ngày, khi Loan ra nhận tờ báo đã vô tình, êm ả trở thành những giây phút chờ đợi, niềm vui của Định và có lẽ cũng của Loan nữa. Ba của Loan là công chức sở Thuế vụ trên đường Hàm Nghi Sài Gòn, Loan thua Định 3 tuổi, sau lần thi tuyển vào lớp đệ thất trường Gia Long không đậu, nên phải theo học tại trường tư thục Hưng Đạo ở gần nhà.

Bước sang đầu năm đệ tứ, ba của Định kiếm được việc làm, mẹ quen việc nên  vẫn tiếp tục nhận quần áo về giặt ủi nhờ vậy vấn đề tài chánh cho gia đình đã có phần dễ thở hơn. Không nỡ nhìn thấy các con lem luốc vì phải kiếm sống mà bỏ bê việc học hành, nhất là sang năm Định lên lớp đệ tứ, phải có thời gian chuẩn bị cho kỳ thi lấy bằng trung học đệ nhất cấp. Đúng lúc đó, báo chí ồn ào về tin một đứa trẻ bán báo dạo, cùng lứa tuổi của Định, chỉ vì món tiền bán báo nhỏ nhoi đã bị giết chết, xác bỏ xuống con rạch ở Cống Bà Xếp nên ba mẹ bắt Định bỏ việc bán báo để chuyên lo việc học.

Thời gian vẫn chậm rãi, bình thản đi qua, Định hoàn tất xong bằng trung học, sửa soạn thi tú tài bán phần. Dù không còn bán báo nữa nhưng thỉnh thoảng Định cũng trở lại con đường Bùi viện tạt vào thăm gia đình Loan. Loan cũng lớn dần, với chiếc áo dài màu trắng, màu vàng dễ thương của cô học trò trường Hưng Đạo, cô bé đã biết e lệ hay giới hạn lời nói, nụ cười, ánh mắt mỗi khi Định đến thăm. Những cuộc nói chuyện giữa Định và Loan không còn tự nhiên như trước nữa. Nó mất dần vẻ hồn nhiên, thoải mái của ngày trước, lúc hai đứa còn bé nhỏ, ngây ngô, khi Định còn bỏ báo cho gia đình Loan. Cả hai không nói ra, nhưng đều cảm nhận được rất rõ ràng là giữa họ hình như đã có cái gì vô hình, rất mơ hồ mang âm thanh của ngượng ngùng, mỗi khi có dịp gặp nhau riêng rẽ. Cả hai cũng cảm thấy có tí nhớ nhung, lo lắng cho nhau nếu bẵng đi một thời gian khoảng vài tuần lễ không gặp, không nhìn thấy nhau.

Cuối năm đệ nhị, trong một lần Định đến thăm gia đình Loan, Loan cho biết ba của Loan vừa bị thuyên chuyển xuống Sóc Trăng, vì không muốn dở dang việc học hành của hai đứa con nên ông chỉ  đi một mình mà thôi. Từ đó, thỉnh thoảng vì bận việc hay gặp dịp nghỉ học, mẹ của Loan thường nhờ Định cùng đi với Loan đôi khi cả với Chính, em trai của Loan xuống Sóc Trăng thăm ba. Cũng nhờ vậy tình thân giữa Định và gia đình Loan, nhất là với Loan gia tăng theo ngày tháng cùng với sự  khôn lớn của cả hai. Trong những lần đi như thế, biết bao nhiêu kỷ niệm đã đến với hai đứa, những cái nắm tay, dìu nhau vội vàng để kịp chuyển đổi xe đò hay kéo nhau lên phà đang rời cầu tầu ở hai bến bắc Tiền Giang, Hậu Giang. Gặp những buổi trời mưa ướt sũng nơi bến xe miền Tây lầy lội cả hai cùng đi dưới một cái ô dù. Những bữa cơm trưa ngon miệng, đĩa cơm tấm bì, tô hủ tíu ở bến phà lúc chờ đợi xe và cả những đụng chạm thân thể khi ngồi bên nhau trên dẫy ghế chật chội của chiếc xe đò… Tất cả là những ghi dấu đơn sơ, dù không nói ra nhưng cả hai, Định và Loan vẫn cảm thấy có cái gì ấm cúng nhè nhẹ trong lòng hai đứa.

Thực ra lúc đó, Định vừa chớm 18 tuổi vẫn chưa thoát được vẻ non nớt của người con trai mới lớn, dù cảm giác đụng chạm thân thể khi ngồi sát bên nhau trên chiếc ghế xe đò, đôi lúc cũng cho Định có tí chút đê mê. Nhưng cũng chỉ có thế, không bước xa hơn cái giới hạn được gọi là quá đáng của đứa con trai mới chớm ngưỡng cửa của lớn khôn trong yêu đương, chưa thực sự bỏ hết được vẻ ngây ngô của một thằng bé. Nhưng ngược lại Loan dù chỉ là cô gái 15 tuổi, đã biết ngượng ngập. Cái ngượng ngập mang sắc thái khôn lớn khi ánh mắt của hai đứa bất chợt chạm  nhau cũng như lúc ngồi sát bên nhau trên chiếc ghế xe đó chật chội, nhất là khi vô tình Định đụng chạm vào thân thể kín đáo của Loan. Đôi lần Định chợt thấy vài nét đỏ hồng trên đôi má của Loan đã làm cho Định hiểu được phần nào cảm xúc của cô bạn gái đồng hành. Lúc đó trái tim của Định thoáng có một vài cảm giác là lạ chứa đựng cái gì rất bé nhỏ, rất mơ hồ nhưng lại rất dễ thương, đáng nhớ. Đơn giản và cũng rất tự nhiên như thế với một thằng con trai vẫn còn ít nhiều ngờ nghệch với yêu đương trong cái ngây ngô của tuổi học trò, lớp đệ nhị của Định và lớp đệ tứ ngượng ngùng, hồng hồng đôi má của Loan. Nhưng rồi thằng con trai cũng lớn dần theo năm tháng, Định cũng như Loan đã nhìn thấy,  đã cảm nhận được mùi vị ngọt ngào của tình yêu bản ngã đó, nó trầm lặng đi vào ký ức đẹp của cả hai.

Một buổi tối, vào ngày cuối tuần, Định đến thăm gia đình Loan, căn nhà  có vẻ bề bộn với những thùng chứa đồ đạc, lúc đó mẹ Loan và em trai hình như có việc đi đâu không có nhà. Loan mất hẳn đi vẻ vui mừng như mọi lần mỗi khi ra mở cửa cho Định. Với khuôn mặt buồn bã, im lặng Loan dẫn Định vào trong nhà. Nhíu mắt nhìn những thùng đồ đạc và thái độ khác thường của Loan, Định chắc chắn gia đình Loan lại có một thay đổi to lớn nào đó. Một lúc sau Loan cho biết ba của Loan lại vừa được nha quan thuế chuyển đổi đi làm việc ở Phan Thiết, không muốn lỡ làng việc học hành của các con, kịp nhập học niên khóa mới ở Phan Thiết, gia đình Loan đã phải gấp rút dọn nhà đi Phan Thiết.

Nghe Loan nói, tự nhiên cảm giác buồn nhè nhẹ, tiếc rẻ phủ kín lấy tâm hồn mình, đưa mắt nhìn Loan, thấy Loan cũng im lặng buồn bã nhìn mình. Trong ánh nhìn đó hình như Định tìm thấy có cái gì đó kín đáo, thân thiết mà Loan muốn gửi gấm cho mình. Hai đứa nói chuyện với nhau được một lúc thì mẹ Loan và cậu em cũng về nhà, sau vài câu chào hỏi thông thường, mẹ Loan nói sơ sơ vấn đề phải vội vàng dọn nhà cho Định biết. Bà cũng tiếc rẻ là Loan và Chính không có dịp gần gũi để Định giúp đỡ con bà trong việc học hành.

Thấy mọi người bận rộn với việc đóng thùng, thu dọn nhà, không muốn làm phiền, Định nói vài lời trấn an, chúc may mắn, tỏ bày cảm giác buồn tiếc khi phải xa mọi người, mong ước có được dịp may nào đó trong tương lai được gặp lại mọi người trước khi từ giã ra về. Loan im lặng buồn bã theo Định ra đến tận cổng nhà, trước khi chiếc cổng được khép lại, Loan nhét vội vào tay Định một gói nhỏ, với tí ngượng ngập, đưa cặp mắt ướt buồn như muốn khóc nhìn Định, Loan nói nhẹ như chỉ đủ cho hai người nghe:

-Loan tặng cho anh một kỷ niệm, hy vọng sẽ có dịp gặp lại anh sau này.

Cầm món quà nhỏ ngỏ trong bao thư, Định nghĩ rằng đó là một lá thư với vài lời thân thiết chia tay hay một vật dụng nho nhỏ bằng giấy nào đó để kỷ niệm thời quen nhau. Nhận món quà trong tay, Định cũng thẫn thờ nhìn Loan như muốn gửi lại cho Loan lời cám ơn đầy xúc động của mình, rồi im lặng bỏ món quà tặng vào trong chiếc cặp đi học. Loan cũng không nói gì, bất thình lình nắm nhẹ lấy bàn tay Định, bóp mạnh rồi cúi đầu vội vã bước mau vào trong nhà. Định thoáng thấy đôi mắt Loan ửng đỏ, hình như trên khóe mắt đôi dòng lệ đang chảy dài xuống gò má.

Trở về nhà, mở gói quà nhỏ ra đã làm Định lịm người, hoàn toàn ra ngoài dự đoán của đứa con trai, dù đã 18 tuổi, nhưng vẫn còn ngờ nghệch với yêu đương, vẫn còn thích đùa chơi với lũ bạn bè hơn là mơ mộng yêu thương. Một nhúm tóc được cột bởi một sợi len màu tím rất gọn gàng với hàng chữ viết nắn nót, trên một mảnh giấy học trò màu trắng:

”Tặng anh để kỷ niệm, cũng để nhớ mãi những lần cùng đi với anh xuống Sóc Trăng!”Loan

Chỉ có thế, Định nhìn vào món quà khôn lớn, già dặn đó, tự nhiên trái tim của mình có một tí (hay rất nhiều?) cảm giác tiêng tiếc, buồn thương bởi một bóng hình mà anh đã đánh mất chỉ vì sự nhát nhúa, ngu ngơ của một thằng con trai chưa thực sự lớn khôn trong tình cảm. Hôm nay, lúc phải chia tay mới biết rõ, cảm nhận được  tâm tư của Loan  thì đã muộn , đành phải nhận lấy nỗi buồn  ân hận lúc chia ly.

Đúng như vậy, ở cái tuổi 18, đứa con trai hình như vẫn chưa có gì để gọi là khôn lớn đúng nghĩa, nhất là trong lĩnh vực tình yêu. Rồi vì những bận rộn học hành, những công việc kiếm tiền giúp đỡ gia đình kèm theo tánh lơ là dễ quên, ham vui với lũ bạn trai thân thiết nên Định cũng vẫn là thằng bé ngu ngơ. Sau khi  gia đình Loan di chuyển lên Phan Thiết, đôi lúc Định cũng nhớ đến Loan với chút cảm giác êm ả, suy tư nhưng cũng chỉ ở mức độ nhẹ nhàng, thoáng qua mà thôi. Trong cái vẻ ngây ngô chưa lớn khôn đó, Định không quên Loan, nhưng cũng chẳng có nhiều thời gian và điều kiện để nhớ thương, tiếc rẻ một kỷ niệm. Anh nghĩ rằng cái tình cảm buồn buồn nhè nhẹ đó chỉ thoáng qua như là một lay động nhẹ nhàng của tuổi thơ ngây mà thôi. Nếu có một tí gì làm dấu tích để nhớ thương, để ghi dấu một cảm xúc trong cuộc sống, nhắc nhở Định nhớ đến Loan, đó là những khi vô tình Định nhìn thấy nhúm tóc của Loan, đã được Định dính ép vào trong một tập nhạc, để trên giá sách cùng với những cuốn sách học trò thời trung học của mình. Nhúm tóc đó vẫn được Định gìn giữ, như là một di tích một tình yêu đẹp đẽ thoáng qua của tuổi thơ ngây, chưa khôn lớn của mình. Đôi lần vì một ngẫu nhiên nào đó, bất chợt Định giở tập nhạc, nhìn thấy nhúm tóc, lúc đó làm cho Định nhớ đến Loan với ít nhiều suy nghĩ vẩn vơ. Nếu có gì hơn khi nhớ đến Loan, có lẽ trong lòng Định tự trách mình đã chưa khôn lớn để không tìm cách liên hệ với Loan, giữ lấy mối tình đẹp trong quá khứ của đời mình.

Đúng như vậy, từ khi gia đình Loan di chuyển lên Phan Thiết, Định hoàn toàn không biết tin tức gì về Loan và cũng chẳng để tâm dò la, liên hệ với Loan nữa. Cho đến cuối năm 1970 khi Định gần tốt nghiệp đại học, ngẫu nhiên trong một lần lang thang, bát phố ở trung tâm Saigon, Định ngẫu nhiên gặp Chính, em trai của Loan. Chính cho biết sau vài lần thi không đậu tú tài bán phần, nhờ quen biết của ba, Loan xin được việc làm cho tòa hành chánh tỉnh ở Phan Thiết. Sau vài năm làm việc, nhờ mối mai Loan sửa soạn lập gia đình, chồng chưa cưới của Loan là trưởng phòng hành chính trong toà thị chính Vĩnh Long.

Mặc dầu Định hiểu rất rõ, giữa mình và Loan cũng chẳng có gì nhiều hơn là tình bạn thời trẻ, tuổi học trò, không có gì khả dĩ có thể nói đến chữ tình yêu, ngoài vài kỷ niệm trong quen biết như những ổ bánh mì nhân thịt, vài chiếc bánh “Pao” và cả ánh mắt cảm phục ” học giỏi ” mà Loan đã dành cho Định ngày xưa. Nếu có hơn một tí của cái tuổi ngây thơ đó, có lẽ là những kỷ niệm của những lần cùng đi với Loan xuống Sóc Trăng, cùng đợi chờ ở hai chiếc Bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ. Cùng kéo nhau vào trú mưa ở những quán bên đường trong lúc đợi chờ xe đò qua sông… Rồi ngày xa nhau, khi gia đình Loan dọn lên Phan Thiết, Định nhận được kỷ vật  một nhúm tóc nhỏ của Loan với hàng chữ nhỏ ghi dấu một tình yêu đầu tiên, của cô bé gái tuổi 15 dành cho Định. Chỉ có vậy rồi xa nhau, không một lần tái ngộ, hoàn toàn không biết gì về nhau. Nhưng khi nghe tin Loan sửa soạn lấy chồng Định cảm thấy một nỗi buồn nhè nhẹ, một cảm giác thấm thía, tiếc nuối thấm buốt trong tim mình. 

Định tự hỏi, có phải mình đã quá dại khờ, để ngày nay phải tiếc rẻ vì đã chậm chạp trong mối tình đó chăng ? Chắc không phải, vì lúc đó anh vẫn chỉ là một người sinh viên chưa tốt nghiệp, gia đình thì nghèo túng, cha mẹ vẫn còn phải tần tảo kiếm tiền nuôi sống anh em Định đang ở tuổi ăn học. Với hoàn cảnh đó thì làm sao Định dám bước xa hơn được những gì mình chưa có, hay còn thật xa ngoài vòng tay và ước muốn của chính mình và gia đình được?! Đau đớn vì dang dở tình yêu chăng?

Cũng hoàn toàn không đúng, sự quen biết giữa Định và Loan chẳng có gì hơn, khi chỉ mới thực sự tìm thấy một vài cảm giác mà hình như vẫn còn mù mờ  trong tim của mình. Lúc gia đình Loan sửa soạn dọn nhà ra Phan Thiết, Loan đã tặng Định nhúm tóc khi rời xa, dù món quà đó ít hay nhiều đã nói lên cái khôn lớn và lãng mạn của cô gái 15  đã biết yêu và dành tình yêu cho Định . Nhưng dù ở tuổi 18, hơn Loan 3 tuổi, Định lúc đó  vẫn còn ngờ nghệch nên chỉ đến với lời tỏ tình đó bằng một cảm xúc nhẹ nhàng dù có thoáng tí chút suy tư mà thôi. Với suy nghĩ như vậy, dù có cảm giác buồn nhưng Định cảm thấy mình có chút bình thản hơn khi nghe tin Loan lấy chồng. Nó rất tự nhiên và hợp lý, mình không phải buồn đau hay tiếc nuối một mối tình thoáng đi qua trong đời mình.

Sau đó khoảng gần một năm, khi Định đã tốt nghiệp đại học rồi đi làm việc dưới Cần Thơ. Một lần trên Bắc Mỹ Thuận, từ Sài Gòn trở lại Cần Thơ sau vài ngày công tác. Trong khi đang đứng ở đầu chiếc phà quen thuộc, nhìn bâng quơ dòng nước đục ngầu phù sa của con sông Tiền Giang.  Vài tiếng gọi, âm thanh mừng rỡ của người đàn bà trên phà đã làm Định quay lại với tất cả ngạc nhiên, bên kia của chiếc phà, Loan vội vàng bước xuống từ một chiếc xe du lịch khá mới màu xanh lá mạ. Bên cạnh Loan, nơi tay lái một người đàn ông, ăn mặc chỉnh tề với chiếc cà vạt lủng lẳng trước ngực.

Loan luồn lách qua những chiếc xe khác, chạy vội đến phía Định. Mừng rỡ Loan hỏi:

-Anh Định, anh đi đâu vậy, bao nhiêu năm rồi, hôm nay em  mới gặp lại anh. Cuộc sống của anh ra sao ?…

Định cũng mừng rỡ với sự tái ngộ bất ngờ, anh cũng tách rẽ đám đông đang đứng chung quanh để lấy đường chạy vội ra đón Loan. Cả hai ôm lấy nhau, nét vui mừng, quen biết hiện rõ trên gương mặt, cùng những câu nói anh, em ngọt bùi, thân thiết xa xưa được lập lại một cách rất tự nhiên, thân ái. Nhưng hai người đã vô tình không chú ý đến ánh mắt tò mò, nhíu cặp lông mày trong vẻ bực bội, không vui của người đàn ông, chồng của Loan ngồi trong xe.

Cho đến khi Loan quay lại khi nhìn thấy thái độ không vui của chồng, cố lấy lại vẻ tự nhiên, Loan dẫn Định đến giới thiệu với chồng. Cũng chính lúc đó âm thanh, ngôn từ trong lời nói của Định và Loan hình như đã bị sự ngại ngần, khuôn thước, xen vào với những câu xả giao vô nghĩa, vu vơ cùng với những nụ cười, câu nói đẩy đưa, khách sáo giả tạo.

Cái không khí, ngôn từ nặng nề đó phủ trùm lên cả ba người trong suốt khoảng thời gian chiếc phà còn chạy trên sông. Đến khi chiếc phà cập bến, cuộc tái ngộ ngẫu nhiên, mừng vui của hai người lúc ban đầu đã biến thành nhạt nhẽo, giả tạo khi xa nhau. Cuộc gặp mặt ngẫu nhiên của Loan và Định được kết thúc, bằng vài lời chào tái ngộ miễn cưỡng, chúc mừng vô nghĩa trước khi chiếc xe của vợ chồng Loan rời xa, trong ánh mắt không mấy thân thiện của người chồng và kín đáo tiếc rẻ của Loan.

Nhiều năm sau đó, Định vẫn đi và về rất thường xuyên trên phà Mỹ Thuận và nhiều lần thăm viếng bạn bè ở thị xã Vĩnh Long, nhưng không một lần nào Định gặp lại Loan cũng như người chồng của Loan nữa. Cũng từ ngày gặp mặt ngẫu nhiên ngắn ngủi đó, mỗi lần có dịp đi lại trên hai con bắc Mỹ Thuận, Cần Thơ, ký ức lại kéo Định trở lại với những kỷ niệm xa xưa. Những lần anh và Loan cùng đi xuống miền Tây thăm ba của Loan,  tự nhiên Định có cảm giác buồn vu vơ, nhẹ nhàng thoáng qua xâm lấn bao phủ lấy hồn mình. Cũng từ ngày đó Định hiểu nhiều hơn, thấm thía nhiều hơn những câu hát trong bản nhạc ” Tôi Đưa Em Sang Sông ” của Y Vũ, Nhật Ngân:

“Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm, để thấm ướt chiếc áo xanh và đẫm ướt mái tóc em…” Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần, sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim…” Hôm nào đưa em sang ngang. Bằng xe hoa thay con thuyền. Giờ phút cuối đến tiễn em, nhìn xác pháo vướng gót chân. Gót chân ngày xa xưa. Sợ lấm trong bùn khi mưa. Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa!”

**

Rồi thời gian lẳng lặng trôi qua, với biết bao nhiêu đưa đẩy của thời thế đã đưa Định sang Âu châu định cư. Mùa hè năm 1993, trong một dịp đi công tác tại một viện khảo cứu về thực phẩm ở ngoại ô thành phố London. Vào một chiều thứ bảy, sau một lúc lang thang trên những con phố chính của trung tâm thành phố. Định vào ngồi uống nước ở một chiếc bàn dưới hàng hiên của một quán cà phê sang trọng trên đại lộ Oxford.

Đang lúc để mắt bâng quơ nhìn sinh hoạt nhộn nhịp, đông đảo của London trong một ngày cuối tuần nắng ấm. Định chợt bắt gặp ánh mắt chăm chú, ngạc nhiên nhìn Định của một thiếu phụ Á châu cùng đi với một cô bé gái khoảng 15, 16 tuổi, trên hè phố, chắc họ là hai mẹ con. Có lẽ Định cũng chẳng để ý nếu họ bình thản đi qua chỗ anh ngồi như mọi người dạo phố khác. Nhưng vừa qua chỗ Định khoảng vài chục mét, người mẹ nắm tay cô con gái, dừng lại rồi bà ta quay mặt lại, nhíu mắt nhìn Định kỹ lưỡng hơn. Rồi bà ta nói với người con vài điều gì đó trước khi cả hai lại quay trở lại khúc đường phố mà họ vừa đi qua.

Vẫn ánh mắt nhìn thân thiện, quen biết, nhưng lần này họ đi gần Định hơn, người mẹ nhìn Định nỡ nụ cười rồi gật đầu nhẹ chào Định. Vì lịch sự Định cũng gật đầu chào trả lễ bà ta, nhưng anh vẫn nhìn họ với ánh mắt không quen. Tuy nhiên thái độ thân thiện hơi khác của hai mẹ con bà Á đông đã gây cho Định có chút thắc mắc, khó hiểu. Nhưng anh cũng nghĩ rằng, đó là bản tính quá thân thiện của nhiều người châu Á khi gặp nhau trên đường phố ở Âu châu mà Định vẫn thường gặp trong những lần đi du lịch. Có lẽ thấy vẻ lơ là của Định, hai mẹ con đi qua chỗ Định thêm một lần nữa. Nhưng cũng không qúa xa họ lại dừng lại, bà mẹ quay  lại, chau ánh mắt nhìn Định với chút đắn đo suy nghĩ. Cuối cùng bà ta nắm lấy tay cô con gái đi ngược trở lại, đến trước chiếc bàn mà Định đang ngồi, họ đứng lại. Người mẹ nhìn Định kỹ lưỡng hơn rồi miệng nở một nụ cười như để xác định sự quen biết, không sai rồi bà ta gật đầu rất thân thiện chào Định, nói nhẹ với Định:

– Anh Định, anh không nhận ra em hả? Chắc anh không quên, Loan ngày xưa ở đường Bùi Viện đây!

Định giật mình khi nghe người mẹ nói, với chút ngẩn ngơ trong ngạc nhiên, mừng rỡ. Nhãn quan của Định đảo khắp thân thể người thiếu phụ đứng trước mặt mình. Ký ức và tưởng tượng kéo Định trở lại với gần 30 năm về trước, cô bé Loan nhỏ nhắn, hiền lành từng đưa cho anh những khúc bánh mì thịt làm no lòng thằng bé bán báo cho gia đình cô bé ngày xưa. Loan, cô học trò xinh đẹp dễ thương lớp đệ tứ trường Hưng Đạo trong tà áo trắng, áo màu, 30 năm xa xưa. Loan cô bé đã vài lần đi cùng với anh trên những chuyến xe đò miền Tây, trong những chuyến phà vượt hai nhánh sông Cửu Long đi thăm người cha làm việc ở Sóc Trăng.

Loan, người con gái đã cho anh những cảm giác đê mê, rất nhẹ nhàng êm ấm khi anh và cô ta ngồi sát bên nhau trên chiếc xe đò chật chội. Cũng là Loan đã tặng cho anh chiếc phong bì chứa nhúm tóc của nàng để làm kỷ niệm lúc xa nhau khi gia đình nàng dọn lên Phan thiết. Ký ức cũng kéo Định về với Loan, người thiếu phụ, đôi mắt ngỡ ngàng, mừng rỡ, chạy vội đến với anh trên phà Mỹ Thuận trong buổi chiều chủ nhật của gần 30 năm về trước. Lúc đó Định và Loan, cả hai đã quá mừng vui vì ngẫu nhiên tái ngộ, vì thân thiết xa xưa, thời còn là hai đứa trẻ mới lớn… Để rồi không nhìn thấy ánh mắt bực bội, khó chịu của người đàn ông, chồng của Loan đang ngồi trên chiếc du lịch !…Tất cả là Loan đang hiện diện, đứng trước mặt mình đây sao?

Với hồi tưởng đó, Định đưa mắt ngắm nhìn Loan, người thiếu phụ đang đứng trước mặt mình, kỷ niệm đẹp vui trong ký ức đang hiện dần dần ra trong trí nhớ của Định. Sau khi đã xác nhận rõ ràng không phải người xa lạ mà là cố nhân, một lần mình đã thân quen xa xưa. Hơi chau mày, Định nhíu mắt nhìn Loan kỹ hơn như cố thu gom, tìm kiếm lại những dấu tích còn sót lại của Loan ngày xưa mà trí nhớ của mình đang diễn tả.

Thời gian ơi! Mau quá, đã gần 30 năm rồi, khoảng thời gian quá dài, trí nhớ cùn mòn vì hoàn cảnh, vì lăn lộn với sinh nhai, kiếm sống , vì thời thế đổi thay và cũng có lẽ cả vì tuổi già quên lãng đã cho Định nhìn thấy Loan  có chút khác xưa, chính vì vậy anh đã không nhận được cố nhân ngay lúc ban đầu!  Nhưng dù thay đổi thế nào thì bóng dáng của Loan hiện tại cũng dư đủ cho Định xác nhận được một vài điểm vẫn còn lưu giữ trên khuôn mặt, ánh mắt nhìn của Loan ngày xưa. Định nhớ lại đôi mắt Loan hơi buồn, pha cái ngơ ngác, cảm phục cuả Loan thường dành cho mình ngày xưa, ngày mà cả gia đình Loan đã coi Định như một đứa học trò khuôn mẫu, giỏi giang. Cố kéo sự tưởng tượng và ký ức mình về gần hơn một tí nữa, đã cho Định nhận rõ Loan ngày nay vẫn có đôi môi đều đặn, nụ cười dễ mến, cặp mắt hơi buồn của Loan,  ngày còn là cô bé 15 tuổi. Chỉ có thế mà thôi! nhưng cũng quá đủ cho Định biết một sự thật đang hiện hữu trước mặt, hôm nay mình đã gặp lại được Loan trong lần tao ngộ lạ kỳ ở cái thành phố London hoa lệ, đông đảo này.

Hai người lại được ngồi với nhau, tâm sự về những đổi thay trong gần 30 năm thật dài, không biết gì về nhau. Trong khi cô con gái xin phép mẹ để một mình đi lang thang thăm phố phường. Loan cho biết lần gặp nhau trên Bắc Mỹ Thuận, lúc đó Loan vừa kết hôn được khoảng vài tháng rồi tiếp theo là những đổi đời thế sự đã mang vợ chồng Loan đến định cư tại Anh Quốc từ đầu năm 1979. Loan có 2 người con gái, người con gái út, là cô bé đang đi với nàng, sinh ra sau khi định cư tại Anh Quốc. Người con gái lớn sinh tại Việt Nam đã có gia đình và hai đứa con cũng định cư tai Anh Quốc. Điều làm Loan buồn đau nhất là sau khi đến Anh Quốc được vài năm gia đình bị đổ vỡ, hiện nay chồng của Loan đã có người vợ khác.

Định nhìn kỹ người thiếu phụ, người con gái mà một thời mình đã có khá nhiều ước muốn, thân thương, Loan vẫn còn đầy đủ dáng dấp của người đàn bà đẹp, tuổi hồi xuân. Vài lọn tóc thả dài, bập bồng trên vầng trán pha một tí ngây dại, trẻ trung của người thiếu phụ vẫn thích làm dáng với trang phục, phấn son…. Loan vẫn còn đầy vẻ sang trọng, thân thể vẫn lồ lộ nở nang với những góc cạnh làm đắm say đàn ông. Thỉnh thoảng Loan đưa bàn tay trắng hơi ốm, xinh xắn lên vuốt nhẹ mái tóc mềm mại, ép vào chiếc cổ trắng ngần, làm nổi bật khuôn mặt trái xoan đều đặn dễ thương. Đúng như vậy, thời gian đã qua gần 30 năm trôi qua nhưng Loan vẫn còn giữ được nét đẹp, hình như  có chút hơi ngây ngô, nhiều cuốn hút  dù ở lứa tuổi của người đàn bà gần 50.

Rồi những câu chuyện, kỷ niệm…  xa xưa được nhắc lại, cả những vẻ ngây thơ, ngờ nghệch của Định, tuổi 18 cũng được Loan nói đến với những nụ cười thích thú cùng với chút ngượng ngùng của Định. Tình thân của hai người trở lại rất nhanh, Loan hỏi Định về nhúm tóc kỷ niệm xa xưa. Định buồn rầu cho biết, nó đã bị tiêu hủy cùng với tập nhạc bởi sự lo sợ vu vơ của lũ em gái sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975 rồi.  Nhìn sự ân hận của Định, Loan nắm nhẹ bàn tay Định như để thông cảm, an ủi với sự mất mát ra ngoài ý muốn đó. Rồi tiếp theo, sự thân thiện, gần gũi, bạo dạn hơn trong những câu chuyện buồn vui của quá khứ được mau chóng trở lại với hai người. Những dại khờ, nhát nhúa mặc cảm của đứa bé bán báo, thằng con trai nhà nghèo mới lớn ngày xưa, được nhắc lại chi tiết hơn đã là những nụ cười vui cho cả hai người. Loan trách Định, ngày đó anh đã qúa nhát nhúa và khờ khệch nên đã không hiểu được những điều mà Loan mong muốn nơi anh, ngay từ khi nàng còn là cô bé 14, 15 tuổi…

Đúng như vậy Loan ạ, suốt khoảng thời gian quen biết em, ngay cả khi gặp vợ chồng em trên phà Mỹ Thuận, dù đã ra đời, đi làm nhưng anh vẫn chưa thoát khỏi cái dại khờ, non nớt của người con trai mới lớn dù lúc đó anh đã ở cái tuổi 25. Huống chi ngày đó với cái tuổi 16, 18, anh biết làm gì hơn là im lặng, ngượng nghịu dù có tí buồn đau khi biết phải xa nhau. Tình yêu nếu có, cũng chỉ là những thoáng qua, giấu giếm một tí tình si thôi em ạ. Em nên biết rõ rằng, ở khoảng tuổi đó, người con gái đã trầm lặng, già dặn hơn, cái trầm lặng tiềm ẩn sự khôn lớn, nồng nàn. Họ biết hình dung ra những hình ảnh lãng mạn trong tình yêu, cái lãng mạn đó không vu vơ, mộng tưởng mà có dáng dấp của cảm xúc thực tế. Họ muốn có những cuộc hò hẹn, biết cách làm dáng, cách giận hờn mang nhiều ý nghĩa để nắm giữ đối tượng của họ, sẵn sàng đón nhận, thưởng thức mùi vị ngọt bùi, đắm đuối của những nụ hôn… Tất cả những cái đó, người con gái bỏ xa, rất xa cái ngu ngơ, non nớt của những đứa con trai cùng lứa hay hơn họ một vài tuổi. Hãy hiểu cho anh, hiểu cho sự chậm phát triển của của phái nam, hiểu cho cái bất công của tạo hoá dành cho phái nam. Loan ơi, anh không phải là trường hợp ngớ ngẩn ngoại trừ đâu. Đó chính là lý do tại sao anh đã lơ là với ánh mắt đưa đẩy, và cả với lọn tóc tỏ tình mang nhiều ý nghĩa của em.

Nhưng Loan ơi, thời gian không thể đứng lại với cái tuổi ngờ nghệch đó mãi nơi anh, em ạ. Đứa con trai ngày xưa, ngớ ngẩn đó cũng lớn dần, mang theo những khôn ngoan từ những lăn lộn sinh nhai trong mấy chục năm qua, ngày nay anh đã là người đàn ông đúng nghĩa. Lần gặp em trên con phà Mỹ Thuận, với chồng em, anh đã thấy và hiểu rõ ít nhiều cảm giác buồn thương, tiếc nuối vì ngờ nghệch, chậm khôn lớn của mình rồi . Nhưng lúc đó đã muộn màng rồi phải không Loan?!. Hôm nay, với biết bao những dở dang trong đời, những bài học thua lỗ vì ngu ngơ đã làm anh khôn lớn hơn. Đã biến đổi anh, người thanh niên mới lớn, dại khờ ngày xưa thành một người đàn ông tạm gọi là  từng trải rồi em ạ, anh đã khôn lớn, khôn lớn nhiều rồi. Anh đã thành một người đàn ông khá tự tin, kinh nghiệm trong tình yêu rồi Loan ạ. Nhìn lại em, nhan sắc dễ thương xa xưa, anh vẫn còn nguyên vẹn những cảm giác hấp dẫn, nồng nàn. Với anh bây giờ em hiển hiện là người đàn bà, một thiếu phụ vẫn còn toàn vẹn dấu tích đam mê, cuốn hút anh như xưa. Đúng như vậy, anh bây giờ, người đàn ông vẫn mang đầy thôi thúc cảm giác gần gũi em, dù muộn màng, để bù lấp sự dại khờ, khiếm khuyết của anh thời ngu ngơ xưa cũ .

Định nhẹ nhàng nắn vuốt thân thể, nét mặt, gò má của Loan muốn bù trừ cho những ham muốn ngày xưa chỉ vì mình ngây dại mà đã bỏ lỡ. Loan im lặng nhận những ái ân muộn màng đó, đôi mắt nhắm nhẹ như để hòa mình với ngây ngất và tưởng tượng về những cảm giác mà Loan đã từng mong đợi gần 30 năm về trước từ người con trai dại khờ mà Loan đã gửi tặng một nhúm tóc lúc chia tay. Còn Định cũng chẳng hơn gì, anh lịm người với cảm giác của người đàn ông gặp lại cố nhân mà mình đã từng si mê.

Cho mãi đến khi người con gái của Loan trở lại, hai người mới bước ra khỏi khoảnh khắc mê say trong lần tái ngộ ngẫu nhiên. Họ hẹn nhau ngày mai buổi chiều chủ nhật, Loan, một mình sẽ đợi Định ở chính nơi đây, dự tính sẽ đi với nhau, chắc chắn không có gì gò bó, cản ngăn họ với một ngày chủ nhật rảnh rỗi. Ngày cuối tuần, Định đang đơn độc ở một thành phố lớn, còn Loan cũng chẳng có gì lo lắng với gia đình, chồng con. Cả hai hoàn toàn tự do, sẵn sàng mở rộng tâm hồn và thể xác để nhận lấy những cảm giác nồng ấm mong bù lấp cho gần 30 năm quên lãng, xa nhau. Họ sẽ đến với tình yêu trong một dạng thức trọn vẹn, không một tí gì đáng gọi là vướng víu, cách ngăn. Cả hai đã quá dư đủ khôn lớn và già dặn của một người đàn ông từng trải với một người đàn bà vẫn còn đẹp, nồng nàn với yêu đương. Họ sẽ gặp lại nhau ngày mai,chiều chủ nhật  và cũng rất có thể vào bất cứ lúc nào họ muốn trong tương lai.

Ngày hôm sau, chiều chủ nhật, ngồi trên chiếc xe bus Impérial hai tầng màu đỏ, độc đáo của London, Định vẫn mang trong lòng cảm giác phập phồng hò hẹn của tuổi trẻ ngày xưa. Đưa mắt nhìn những đám đông lũ lượt, dập dìu của trung tâm thành phố London, trên con đường Oxford dẫn đến quán cà phê hò hẹn với Loan. Cái cảm giác là lạ hơi run khi hò hẹn ngày xưa, thời còn tuổi đi học, mới biết yêu chợt đến với Định. Nhưng hình như ở một góc kín sâu nào đó trong lòng Định cũng có cái cảm giác ngại ngần pha một tí ăn năn của người đàn ông, khi nhớ đến vợ, người vợ đã dám buông bỏ biết bao nhiêu ngăn cách của gia đình, việc làm để đến với mình hơn 20 năm trước. Định cũng nhớ đến những đứa con ngoan ngoãn, vô tư luôn luôn nhìn về mình với cái khuôn của cố gắng, kiên trì… Tất cả những hình ảnh đó trở về trong tâm trí Định khi ngồi trên chuyến xe bus màu đỏ hai tầng của London để đến nơi hẹn hò với Loan.

Hình ảnh người vợ của Định hiện ra trong trí nhớ,  gần ba năm yêu nhau trước khi cùng nhau bước vào tình nghĩa phu thê. Những hộp cơm trưa, những buổi hẹn hò, những sự chăm sóc, an ủi tinh thần dưới bóng dáng một người đồng hành khi Định gặp những khó khăn, thất bại…. Tất cả là những dấu tích của hy sinh đã giúp Định bước qua được những khó khăn trong nhiều chục năm chung sống. Những lúc chán nản vì thất bại, nhiều lần Định đã tưởng như đời mình phải rơi vào góc kẹt của buồn nản, buông xuôi vào những năm khổ ải, chán chường sau năm 1975.

Tiếp theo với  gần 20 năm chung sống, nghĩa vợ chồng không một lời cãi vã, không một tiếng than van khổ cực…. Những cực nhọc, buồn vui của năm tháng khù khờ, non dại lúc hai đứa mới lấy nhau ở xứ lạ quê người. Những thành công khiêm nhường trong xã hội của chính Định cũng như của ba đứa con trong trường học. Tất cả là một bản hợp ca toàn là những đoản khúc hoan vui trong hạnh phúc gia đình dưới tài năng giáo dục của người vợ khuôn mẫu mà Định đã may mắn có được. Những cái đẹp đẽ đó, không phải tự nhiên mà có, cũng chẳng phải dễ dàng hiện diện ở một xã hội mà sự vỡ bể của gia đình được coi như rất bình thường. Niềm vui, tự mãn đó phần lớn nhờ bản tánh hiền thục, nhờ khéo léo cũng như nhờ tình yêu tuyệt vời của người vợ đã theo Định gần 20 năm qua.

Với suy nghĩ đó, cảm giác dằn vặt, lưỡng lự phủ trùm lên tâm tư của Định khi ngồi trên chiếc xe bus, chiều chủ nhật hôm nay đang đưa anh đến chỗ hẹn hò, nơi quán cà phê với Loan. Người tình lỡ của tuổi thơ ngây, bóng hình trong ký ức xa xưa của gần 30 năm thật dài nhưng vẫn còn nóng ấm trong lòng Định. Dáng vẻ sang trọng, lồ lộ quyến rũ của Loan hòa trộn với những cảm giác thương yêu xa cũ, dù mù mờ nhưng vẫn bừng dậy trong lòng Định trong lần tái ngộ bất chợt chiều hôm qua, đang thúc dục Định phải đến nơi hẹn hò để gặp lại Loan. Hình ảnh dễ mến của cô học sinh trong chiếc áo dài nhiều màu ngày xưa cũng lần lượt hiện về, xúc cảm mềm mại, âm ấm xác thân của cô bé tên Loan ngồi sát bên nhau trong những chuyến xe đò miền Tây ngày xa xưa đó cũng vẫn còn y nguyên trong trí nhớ… Còn hiện tại, Loan vẫn nét mặt trái xoan, vẫn đôi môi mềm hấp dẫn, vẫn dáng vẻ sang trọng của một thiếu phụ tuổi hồi xuân …tất cả là những gì mà người đàn ông không thể phủ nhận được đó là những tố chất khiêu gợi từ một người đàn bà vẫn còn đầy rẫy hấp dẫn, đa mê. Tất cả những cái của ký ức xa xưa và tưởng tượng trong hiện tại đã đang làm Định ngất ngây khi ngồi trên chiếc xe bus đến chỗ hẹn với Loan.

Chiếc xe bus đi vào con đường Oxford, không xa nơi hò hẹn với Loan. Quán cà phê đã hiện ra trước mắt, nơi chờ đón hai người gặp nhau. Nơi bước chân họ đến gần nhau trong ngày chủ nhật đẹp trời hôm nay. Nhưng bất chợt sự lưỡng lự đã làm Định ngồi yên, dù chiếc xe bus đã dừng lại ở trạm xe gần quán cà phê, nơi hò hẹn với Loan. Nhìn xuyên qua khung cửa kính xe bus, Loan đã ngồi ở chiếc bàn ngày hôm qua,  nàng để mắt bâng quơ nhìn xa xa, chờ đợi. Định vẫn ngồi im lặng cùng với sự dầy vò, lưỡng lự đang cấu xé trong lòng mình, mặc dù âm thanh của cảm giác muốn sống lại với bóng dáng lỡ làng xa xưa vẫn đang bùng cháy trong lòng Định. Nhưng hình như nó đang bị hình ảnh người vợ hiền, thương yêu của Định hiện ra chấn áp. Rồi ánh nến ấm cúng bập bùng hạnh phúc vào những buổi tối vợ chồng quây quần với ba đứa con ngoan ngoãn cũng hiện về trong trí nhớ… Tất cả những cái đó lại sáng lên trong tưởng nhớ của Định, lại làm cho Định lưỡng lự, ngồi yên!

(Hình minh họa: Thomas Charters/Unsplash)

Chiếc xe bus vẫn chạy, nó vượt qua quán cà phê hò hẹn, dừng lại ở một trạm kế tiếp, Định cũng vẫn ngồi yên,vẫn mang cái tâm trạng băn khoăn, lưỡng lự trong lòng. Chiếc bus dừng lại tí chút cho vài ba người khách xuống lên rồi lại tách bến. Khoảng cách xa dần điểm hẹn lại mang đến cho Định sự tiếc nuối, thèm khát ái ân của người đàn ông trong một ngày chủ nhật cô đơn với một người tình một thời mình đã si mê. Định xuống xe, đi sang bên kia đường, đứng chờ một chuyến xe bus khác để trở lại khúc đường vừa đi qua với một quyết định, sẽ gặp lại Loan để trọn vẹn cuộc hẹn hò, tái ngộ  và cũng để tìm lại những yêu si mà mình đã vì quá ngây ngô để lỡ làng của mấy mươi năm về trước.

Nhưng khi đến gần quán cà phê, qua khung cửa kính, Loan vẫn còn ngồi đó, vẫn bóng dáng hấp dẫn, vẫn đôi mắt bâng quơ nhìn xa xa đợi chờ… Định lại day dứt, hình ảnh vợ hiền, ba đứa con ngoan, hạnh phúc của hơn 20 năm lại hiện về, Định lại mất đi quyết định xuống khỏi chiếc xe dù nó đã dừng lại ở trạm gần quán cà phê, điểm hẹn hò. Chiếc xe dừng lại rồi lại tách bến, Định quay lại nhìn rất kỹ bóng dáng của Loan, người thiếu phụ, người tình lỡ xa xưa một lần nữa, lần cuối cùng như để khắc sâu vào ký ức bóng dáng của Loan, người tình trong trí nhớ mà Định không muốn quên, muốn gặp lại nhưng  vẫn phải quyết định rời xa.

Buông tiếng thở dài, Định lấy tờ báo ra, đọc qua loa vài khung hình quảng cáo như muốn xua đuổi đi hình bóng của Loan, còn vương vấn trong nhãn quan của mình, nhưng cũng muốn biểu lộ một quyết định, một lựa chọn mà Định đã phải qua rất nhiều lưỡng lự, đắn đo mới có được. Sự lựa chọn đó đã đến nhờ hình ảnh của gia đình vào những buổi tối vợ chồng, ba đứa con cùng quây quần quanh những bữa ăn đậm đà đầy tiếng cười vui.

Đúng như  vậy, Định đã lựa chọn, nếu còn một vài lưỡng lự nào khác có lẽ anh ước mong một lần nào đó, có thể 10 năm, 20 năm sau hay lâu hơn nữa, khi mà thời gian đã đủ để soi mòn thân xác của Định, của Loan không còn gì để mà nghĩ đến với những đê mê xác thân nữa. Lúc đó, có lẽ cả Định và Loan sẽ nhìn lại những kỷ niệm dưới nhãn quan trong thanh, đẹp đẽ hơn. Cả hai sẽ gặp lại nhau, tâm sự với nhau dưới một dạng thức thân ái khác, thân ái của tình bạn tâm giao, thân ái của tuổi già và kỷ niệm đẹp đẽ xa xưa mà thôi. Rất có thể lúc đó, có những tiếng hát đùa vui của một vài đứa cháu nội, cháu ngoại làm cho ký ức của cả hai người, Định và Loan phong phú hơn. Rồi cả hai sẽ mỉm cười để cùng nghe những âm thanh ngây ngô của lũ trẻ con như là một bản nhạc hoan lạc trong tuổi hoàng hôn, xế bóng.

Vâng, Định đã chọn lựa âm thanh hoan lạc đó để làm lỡ một cuộc hẹn hò với Loan, người tình lỡ tuổi mới lớn xa xưa. Định hy vọng Loan tha thứ cho anh, hiểu được ý nghĩa của sự lựa chọn mà Định vừa có vào buổi chiều chủ nhật, hôm nay, trên đại lộ Oxford của London. Một thành phố mà Định chợt thấy ở nó có cái gì níu kéo, khó quên.

(Switzerland, Zürich April 2024) 


 

HỌC LÀM NGƯỜI-Truyen ngan

Gần nhà ngoại tôi có một đôi vợ chồng già bị mù. Họ đã có với nhau một đàn con cháu đông đúc. Nghe ngoại nói, năm nay hai cụ đã ngót nghét tám mươi tuổi.

Ngoại kể, ngày xưa, khi lấy nhau, người chồng ngồi xe bò đi đón vợ. Tuy cô dâu và chú rể đều không nhìn thấy gì, nhưng chú rể vẫn nhờ người cuốn đầy lụa điều lên chiếc xe và đầu con bò, như vậy cho giống đám cưới.

Khi cô dâu vừa về nhà chồng, chú rể dắt tay vợ rà mò từ nhà trên xuống nhà bếp, khắp lượt các ngóc ngách trong gia đình. Rồi cũng từ đó, suốt hơn nửa thế kỷ, trong cái thôn nghèo chẳng mấy ai biết đến ấy, dù trời mưa hay nắng, người ta luôn nhìn thấy họ tay trong tay, lẳng lặng cùng nhau làm mọi việc.

Có lẽ trong tất cả công việc thì khó nhất vẫn là múc nước từ giếng lên. Lần nào cũng thế, hai người họ đều dắt nhau đi. Người vợ sờ thấy cây gỗ ở cạnh giếng, một tay ôm chặt cây, còn tay kia níu chặt bàn tay chồng. Người chồng quỳ trên sàn giếng thả gầu xuống múc, kéo nước lên.

Có người nhìn thấy họ múc nước khó khăn ngỏ ý muốn giúp nhưng hai vợ chồng đều cảm ơn rồi từ chối. Họ bảo: “Các ông bà giúp được chúng tôi một lần, nhưng không giúp được chúng tôi một đời”.

Cứ như thế, hai vợ chồng luôn tay dắt tay nhau đi lấy nước cho đến khi đứa con đầu lòng có thể gánh được một gánh nước. Dân làng đều cảm thấy lạ lùng. Trong thôn cũng có nhiều trai gái trẻ từng vì đất trơn mà trượt chân ngã xuống giếng, nhưng đôi vợ chồng mù chưa lần nào té ngã. Càng lạ lùng hơn, dù không thể nhìn thấy nhưng vợ chồng họ vẫn có thể tìm ra nhau trong đám đông đang nói chuyện ồn ào.

Người chồng là một người thổi kèn trong ban nhạc ở thôn quê. Ông thường đến các đám cưới thổi những bài: “trăm con chim phượng hoàng”“niềm vui đầy nhà” … Dù đi thổi kèn ở đâu, ông cũng có một yêu cầu, để người vợ mù của ông đi cùng. Ông nói, để vợ ở nhà một mình, ông không an tâm.

Mỗi khi tiếng kèn của người chồng cất lên, người vợ ngồi bên rất chăm chú nghe. Dường như những giai điệu ấy đều là ông thổi riêng cho bà. Người ta bảo, những lúc ấy, khuôn mặt người vợ mù thường đỏ ửng lên, khiến ai nấy đều cảm thấy người phụ nữ đang ngồi lặng lẽ kia xinh đẹp biết nhường nào.

Có lần, người chồng sơ ý bị ngã gãy chân. Những ngày chồng nằm bệnh viện, ba bốn hôm liền người vợ không ăn hột cơm nào vào bụng. Bà bảo, không có bàn tay quen thuộc kia, bà chẳng còn lòng dạ nào mà ăn.

Sau này, khi hai vợ chồng đều đã già và không cần đi ra ngoài nữa, họ bắt đầu trồng hoa trong sân nhà. Dù chẳng thể nhìn thấy được những đóa  hoa tươi rực rỡ mình trồng lên, nhưng ông bà đều rất hạnh phúc mỗi khi đến mùa hoa nở.
Những người con của ông bà từng hỏi bố mẹ: “Nếu ông trời dành cho bố mẹ một cơ hội, liệu bố mẹ có muốn nhìn nhau bằng mắt không?”

Ông tự hào nói: “Dắt tay nhau một đời, có bao nhiêu đường vân trong lòng bàn tay mẹ con, đều đã in trong trái tim bố. Bố chưa từng trông thấy người đẹp nhất. Trong trái tim bố thì mẹ con là người đẹp hơn cả. Cần mắt để làm gì. Mắt là thứ tham lam nhất trần đời, nhìn cái gì cũng đánh giá tốt hay xấu, xinh hay không xinh; nhìn cái gì hay là muốn có cái đó. Trên mặt người ta có một vết sẹo cũng có thể để trong tim suốt đời.”

Tim sáng hơn mắt. Nó là sáng nhất, thật nhất!.

Còn bà thì trả lời: “Người ta nhìn người bằng mắt, bố mẹ nhìn người bằng trái tim. Tim sáng hơn mắt, thật.”

Bởi chúng ta có mắt. Nên khi chúng ta nhìn người, chỉ dựa vào mắt mà quên dùng trái tim.

Có lẽ người vợ mù đã nói đúng: Tim sáng hơn mắt. Nó là sáng nhất, thật nhất!

Sưu tầm

From: Anh Dang & KimBang Nguyen


 

NGƯỜI CỰU CHIẾN BINH GIÀ-Truyen ngan

Rồi đêm dài cũng hết, liếc thấy đã gần 11 giờ 30, tôi thu dọn lại những việc riêng của mình để sửa soạn ra bãi đậu, đóng sổ và kiểm tiền cho mấy người sắp hết ca về nghỉ.Trời khuya vắng lặng, tất cả chuyến bay đến đều đã đáp xong. Trong bãi đậu, một hai nhóm khách nhận hành lý trễ đang rảo bước tìm về xe của họ với hành lý kéo lê rồn rột theo sau.

Áng chừng phải mất 10 phút cho đám khách nầy lấy xe và lái ra cổng trả tiền, tôi thong thả rảo bước vòng quanh mấy trạm xem lại cửa nẻo. Mây vần vũ, gió lạnh, thế nào đêm nay cũng mưa to và bên trong booth, tức là cái trạm của người thâu tiền, máy móc và các hộc tiền sẽ ướt sũng nếu cửa để hở, vì khu vực phi trường trống trải, gió lồng lộng, chỉ cần mở hé cửa chừng một ngón tay, nước mưa sẽ vung vãi đầy trên các máy móc tính tiền và hệ thống đó hôm sau ắt gặp đủ thứ trở ngại.

Sau khi tắt hết các đèn chiếu sáng lối ra, cảnh vật trở nên âm u, chỉ còn đèn trong booth hắt xuống thành vệt dài trên nền xi măng xám xịt. Tôi chợt giật nẩy người khi suýt đụng vào một đống đen thui đang ngồi bệt xuống thềm, dựa lưng vào thành sắt đằng sau cái booth, thở phì phò, ” hắn” phải mệt nhọc lắm mới ngồi đại xuống thềm xi măng lạnh lẽo đang ướt đẫm sương đêm. Một người da đen, trong chiếc áo bông bù xù, không rõ đàn ông hay đàn bà, đội chiếc mũ vải có vành nhỏ chung quanh như của mấy người lính biệt kích năm xưa hay đội, trời tối quá không nhìn được rõ mặt, tôi e ngại bước lui lại, hỏi:
– Sao “you” lại ngồi ở đây? You có cần giúp gì không?

Hơi thở phì phò đáp lại:
– Tôi không tìm được xe của mình…
rồi ngưng một chút như để lấy hơi thêm, hắn cáu kỉnh:
– Cái phi trường chết tiệt của mấy ông rắc rối quá, làm người ta lẫn lộn lung tung!
– Không đâu…

Tôi nói và chỉ vào hàng xe đang tiến đến đến gần cổng trả tiền, tôi  bảo hắn:
– You có thấy mấy người kia không, họ tìm ra xe mình rất dễ dàng.

Hắn nói gần như lẩm bẩm trong miệng:
– Tôi không giống như họ.

Dĩ nhiên rồi, tôi thầm nghĩ, và để chấm dứt đôi co, tôi hỏi ngay:
– Xe you đậu ở đây bao lâu rồi?
– 7 ngày.
– OK, nhưng you có chắc là đậu trong bãi nầy không, phi trường còn có nhiều bãi đậu khác nhau nữa đó.

Hắn im lặng, tỏ vẻ phân vân, tôi hỏi tiếp:
– Vé gởi xe  của you màu gì?
– Chẳng biết nữa, nó ở trong xe. Cái xe thì màu xanh, dark blue, Chevy 2000.

Sợ hắn nổi giận tôi không dám nói là ở trong nầy, dark blue Chevy 2000 có cả trăm chiếc như thế.
– Thôi cho tôi bảng số xe, tôi sẽ tìm ra nó nằm ở đâu rồi chỉ đường cho you đến đó, OK?
– Bảng số xe ư?
– Vâng, chúng tôi kiểm kê xe hằng đêm, bằng bảng số. You có vẻ không nhớ số xe mình hả?
– No way..

Những ngày đầu mới vào làm ở đây, tôi rất ghét những người chỉ có  bảng số xe của mình mà cũng không nhớ được, nhưng sau một thời gian, tôi mới hiểu ra là họ có thể có nhiều xe, và thay đổi xe luôn chứ không phải chỉ đi có một chiếc, và cũng không phải khi nào xe chạy hết nổi mới đổi chiếc khác như mình nên tôi mới hết thấy bực mình về chuyện đó, còn giờ đây, một người mà sức khỏe tàn tệ như thế nầy thì việc không nhớ được số xe mình cũng là điều dễ hiểu, không đáng phải thắc mắc lắm.

Nhìn đoàn xe ra cổng đã gần hết, tôi sắp phải làm việc nên bảo người da đen:
– Gọi phone về nhà you xem có ai nhớ được số xe không rồi cho tôi hay, tôi phải đóng sổ cho người cashier nầy ra về đã rồi quay lại với you sau nhé.

Hắn nhìn tôi lo lắng:
– Còn ai ở nhà nữa đâu, chỉ có vợ tôi mà cũng đang ở đây với tôi.
– Thế thì tôi chịu thua luôn, làm sao giúp you được.

Rồi nhìn hắn ái ngại, tôi nói thêm cầu may:
– Trước khi đi, you ráng tìm xem có cái thứ giấy gì có thể có số xe ở trong đó không, giấy đăng bộ xe của DMV, giấy mua bảo hiểm xe… cố gắng lên, đó là cách sau cùng để có thể giúp ông được đấy – bây giờ thì tôi biết hắn là đàn ông rồi.

Hắn lồm cồm đứng dậy, một người đàn ông đen, mặt mày thô kệch, râu bạc lún phún đầy 2 bên má, chắc cũng phải 6, 70 tuổi hoặc hơn nữa, bước chân nặng nề đến bên quầng sáng của ánh đèn, khó khăn lắm mới móc ra được cái ví dày cộm, rồi lần lượt lôi ra các thứ giấy tờ. Tôi vừa làm việc mình vừa liếc nhìn giùm cho hắn, thấy cái giấy in chữ xanh quen thuộc của DMV, tôi thở phào: Nó kìa. Nhưng không phải, đó chỉ là cái giấy chứng nhận người đàn ông là handicap thôi, một người thương tật, thảo nào đi  đứng khập khiểng, chậm chạp. Hình như một bàn tay cũng không xử dụng được, chỉ để chận cái ví cho tay kia lục lọi giấy tờ mà thôi. Tôi ái ngại nói với bà cashier người Mễ cũng đang theo dõi câu chuyện:
– Nầy Rosa, thôi bà đếm tiền đi nhé, tôi phải giúp hắn một tay đây.

– OK, dĩ nhiên, trông “him” cũng đáng thương quá, nhưng bà níu tay tôi nói nhỏ: mà ông coi chừng trễ giờ của tôi nhé, gần 12 giờ rồi đấy.
– Không sao đâu Rosa, tôi quay lại với bà ngay.

Trong cái mớ giấy tờ hỗn độn của gã đàn ông da đen nầy, tôi thoáng thấy được một loại giấy làm tôi rất xúc động, mà nếu không nhìn thấy nó, chưa chắc tôi đã hết sức giúp đỡ ông lúc ấy, loại giấy đó là cái thẻ DAV Goldcard Membership. DAV là Disabled American Veterans, Cựu chiến binh tàn phế Mỹ. Không biết ông ta có phải là một cựu chiến binh hay không, nhưng đã đóng góp giúp đỡ cho hội CCB nầy, đóng góp khá lâu và có thể là khá nhiều nên mới có thẻ Goldcard như thế, chia sẻ tiền trợ cấp tàn phế của mình cho những người tàn phế khác, thật cảm động, ông già da đen nầy cao hơn những gì tôi đã đánh giá về ông, “đừng đánh giá một con người qua bề ngoài của họ”, bài học nầy đã được dạy tự bao giờ mà cứ vấp phải hoài.

Tôi thấy ngượng, không dám nhìn vào mặt ông trong lúc ông cứ nhìn tôi chờ đợi. Tôi nhẹ nhàng nói :
-Giữ chặt những thứ nầy ông nhé, không thì gió thổi bay mất.

Sau khi bà Rosa xong việc và rời khỏi booth, thấy ông già có vẻ tin cậy mình và thân thiện hơn, tôi hỏi:
– Vợ ông đang đợi ở đâu?
– Trước cửa thang máy tầng 3, tôi cứ ngỡ là mình đậu xe ở đó.

– Được rồi, ông có nghĩ là còn loại giấy tờ nào liên quan đến chiếc xe nữa không?
Ông già lục lọi thêm nữa rồi đưa ra một cái giấy…chỉ có số VIN.

Thấy ông tìm giấy tờ một cách quá khó khăn và chậm chạp, tôi hỏi:
– Tôi có thể tìm giúp ông được không?
– Why not?… please!.

Cầm lấy cái ví và mớ giấy tờ hỗn độn vào trong cho khỏi bị gió thổi bay, tôi cẩn thận xếp cất lại những giấy tờ không cần thiết, và do đó ngỡ ngàng thấy được thêm một phần trái tim bao la nữa của ông lão tàn tật, đó là một phong bì có in sẵn địa chỉ của PVA, và xuyên qua ánh đèn sáng trắng, tôi thấy đã có một tấm check nằm sẵn ở bên trong. Tấm check ký bao nhiêu tiền thì tôi không biết, nhưng PVA và cái logo có hình người ngồi xe lăn thì với tôi không lạ gì, đó là Paralyzed Veterans of America, Cựu chiến binh bại liệt Hoa Kỳ.

Hoá ra ông già đen đúa xấu xí nầy đây là ân nhân của cả 2 hội Cựu chiến binh Mỹ. Tôi không biết rõ lắm những hoạt động của 2 hội nầy vì không bao giờ đọc hết những giấy tờ của họ gởi, nhưng tôi biết họ là những cựu chiến binh, phục vụ giúp đỡ lại cho những cựu chiến binh khác yếu đuối, tàn phế hơn mình, hay nói theo cách những người Việt mình hay nói, tàn nhưng không phế.

Chúng tôi đứng nhìn nhau, đầy thiện cảm. Tôi nhìn ông, và không giấu diếm sự ngưỡng mộ nhưng không dám nói ra vì mình coi lén giấy tờ riêng tư của người khác, còn ông thì nhìn tôi tin cậy, nghĩ là chắc tôi sẽ tìm ra được chiếc xe của ông, tuy vậy, cuối cùng vẫn không có một chi tiết gì hơn về chiếc xe của ông cả, tôi quyết định phải chở ông đi vòng quanh các bãi đậu để cho ông nhìn từng chiếc một, và như vậy tôi có thể về nhà trễ hơn thường ngày chừng nửa giờ.

Tôi bảo ông gọi cho bà vợ, dặn cứ chờ tại chỗ và hỏi bả xem có nhớ được gì thêm về việc đậu xe hay không rồi cho biết khi tôi trở lại, vì tôi phải vào văn phòng nộp hết báo cáo của  cashier mới chấm dứt nhiệm vụ của mình hôm nay. Hơn 20 phút sau, quay lại với xe riêng của mình thì bà vợ của ông cũng đã đến đó, với mớ hành lý hỗn độn. Bà cũng là một người  da đen, nhỏ con, nói năng nhỏ nhẹ dịu dàng thật khác hẳn với anh chồng .

Họ tự giới thiệu: Paul và Helena, trong lúc chúng tôi đã yên vị trên xe.
–  Gọi tôi là Tony ông bà nhé.
– Okedo.

Paul bật ra tiếng OK mà những người lính hay dùng làm tôi nghe mà xúc động, tưởng như nghe bạn mình đang nói trên tần số vô tuyến như những ngày nào.
Họ có vẻ rất yên tâm, thoải mái hẳn ra, còn tôi rất vui được có dịp giúp đỡ nhưng người có tấm lòng tốt như họ.

Paul không phải là người vui chuyện kể lể ba hoa như những người da đen khác, ông nói ít giọng trầm trầm có lẽ tại tuổi già, tôi khơi chuyện của mình trước mà cũng có ý ngầm tìm hiểu thêm về Paul :
– Ở tuổi của ông chắc có nghe nói đến chiến tranh Việt Nam, quê hương của tôi đó Paul, tôi rời quê sang đây đã 15 năm .

Cả 2 người  im lặng hồi lâu, rồi Paul cất giọng khàn khàn.
– Tôi đã ở đó…  đơn vị tôi đóng đâu đó trên vùng cao nguyên, tên là An Khê.

– Thật thế ư, còn tôi thì ở Pleiku, không xa nơi đó là bao nhiêu, chắc ông cũng thường được yểm trợ từ phi trường Pleiku chứ.
– Vâng, dĩ nhiên…hầu như mỗi ngày,  và rồi một lần… chuyện chết tiệt ấy xảy ra cho tôi, họ mang tôi về Mỹ, cưa cụt chân, và để tôi rời quân đội từ đó, năm 1967.

Sợ nhắc đến chuyện cũ làm ông không vui, tôi hỏi qua hướng khác :
– Năm 67, chắc ông còn trẻ lắm, lúc ấy đã có bồ chưa ?

– Vào ngày giải ngũ, tôi vừa đúng 20. Helena còn ở lại Việt Nam, nàng là một y tá, về Mỹ năm sau rồi lại phải sang Âu châu. Tôi trở lại trường Đại học, nhưng không học hành được gì, chỉ tối ngày biểu tình phản chiến, rồi nghiện ngập, chán chường, suýt tự tử. May sao đó là lúc Helena trở về…

Paul không biết diễn tả gì hơn nữa, chỉ chậm rãi gật gù, nói thêm nhè nhẹ :
– Nàng là một thiên thần, đối với tôi.
– Dĩ nhiên rồi, tôi thấy bà rất dịu dàng đối với ông…

và muốn nói thêm với Paul : Ông cũng là một thiên thần, tuy rằng đã gãy cánh, nhưng vẫn cứ là một thiên thần đối với những người bất hạnh khác. Nhưng tôi đã yên lặng. Paul chắc là loại người không thích những lời khen.

Chạy vòng chầm chậm qua các dãy xe, chúng tôi lại nói chuyện, Paul  và Helena  có vẻ thân mật, tin cậy hơn, họ kể thêm về cuộc sống gia đình, kể về tiểu bang Alabama, nơi ông và Helena lớn lên. Không văn hoa màu mè, Paul thành thực kể lại nỗi đau của những người lính trở về, nhất là những cựu chiến binh da đen như ông, những người nổi loạn bị cảnh sát đánh đập, dân tình cũng hất hủi, đến nỗi ông phải bỏ xe lăn tập đi nạng, rồi phải bỏ nạng đi bằng chân giả, cắn răng nuốt xuống nỗi đau vừa tâm hồn vừa thể xác để đi học, cố kiếm lấy mảnh bằng chỉ để làm giáo viên thôi, vì một bàn tay ông cứ tê liệt dần và rồi thì không còn cử động mấy ngón tay được nữa…

Tôi cố gắng trở lại cái điều mà tôi muốn hỏi :
– Là một cựu chiến binh, hẳn ông hiểu họ nhiều lắm nhỉ ?
– Đương nhiên rồi, tôi hiểu họ lắm ông Tony ạ, vì tôi đã từng là họ. Làm xong bổn phận của một người lính, cho dù có là một anh hùng đi chăng nữa, cụt chân trở về, cởi trả quân phục, họ như những con chim bị vặt trụi hết lông, không có ngay đến lớp áo để tự vệ, mà cũng không thể giấu mình hoài trong tổ được, phải chui ra ngoài để kiếm ăn nữa chứ…
…giọng ông vẫn trầm trầm như thương cảm cho những người cựu chiến binh nào đó, không hề có ẩn giấu một chút gì cay đắng cho chính số phận của mình …

– Tôi luôn luôn cố gắng làm một cái gì cho họ, nhưng có làm được gì nhiều đâu, lâu lâu mới giúp được một món quà nhỏ trong cái trợ cấp của mình, thế thôi.

– Thế là đã nhiều lắm đối với ông rồi, Paul ạ. Càng thiếu thốn sự chia sẻ của ông mới càng cao quí. Thế bây giờ ông có làm một công việc gì thêm nữa không –  tôi nói nửa đùa nửa thật – chỗ chúng tôi  đang còn cần nhiều cashier lắm đó.

Paul bình thản trả lời :
– Làm gì còn thì giờ nữa ông, mẹ của Helena cảm ơn Chúa bà vẫn còn sống, Helena thì dạy học cho lũ trẻ và làm việc ở nhà thờ, tôi phải ở nhà chăm sóc bà cụ một buổi, còn buổi chiều vào Bệnh viện quân đội giúp việc thiện nguyện. Chúng tôi sống tạm đủ, có cần tiền vào việc gì nữa đâu …

Tìm được chiếc xe của Paul không khó lắm, tôi phụ giúp 2 ông bà chuyển đồ đạc sang xe họ, khi tôi vừa đóng nắp thùng xe thì 2 người đã đứng sát sau lưng. Trong tay cầm sẵn mấy tờ giấy bạc, bà Helena trang trọng nói :
– Cảm ơn Tony, nếu không có ông giúp thì đêm nay chúng tôi không biết sẽ ra sao trong cái phi trường rộng lớn nầy, chúng tôi hết sức biết ơn sự giúp đỡ của ông mặc dù ông chưa bao giờ biết chúng tôi, Chúa sẽ phù hộ cho ông .

Hít một hơi dài trấn tĩnh, tôi giữ chặt trong tay mình những bàn tay đen đúa của họ, nói chậm rãi :
– Hai người đừng bận tâm, tôi chỉ làm công việc thường ngày của mình thôi.  Vâng, tôi chưa hề gặp ông bà lần nào, nhưng ông Paul đây cũng đâu có biết một người Việt Nam nào mà ông vẫn sang chiến đấu cho quê hương chúng tôi, đổ máu trên đất nước chúng tôi, và cuối cùng đã bỏ lại những phần thân thể trên đất nước không phải là của ông mà là của chúng tôi, vì vậy tôi mới là người phải nói lên những lời cảm tạ và biết ơn quí bạn về việc đó…

Paul hẳn là  không thích nghe người khác ca tụng mình, ông lắp bắp :
– Thôi…thôi Tony, đó chỉ là làm nhiệm vụ thôi, đã ở trong quân đội thì ông cũng biết rồi.

– Vâng, cứ cho là như vậy, còn bây giờ thì sao, khi ông vẫn tiếp tục giúp đỡ đồng đội, những cựu chiến binh thương tật khác. Còn có nhiều người như mình nữa, ông Paul ạ, nghĩa là những cựu chiến binh như chúng ta, nhưng họ có làm như ông đâu. Khi nhìn thấy tấm thẻ DAV và PVA của ông, tôi kính phục tấm lòng của ông lắm, mặc cho chuyện gì đã xảy ra, ông vẫn không quên các quân nhân, các đồng đội, ghét chiến tranh nhưng yêu mến chiến binh ông nhỉ. Ông bà rất xứng đáng được Chúa phù hộ và bảo vệ. Số tiền nầy nếu ông bà muốn cho tôi thì cho phép tôi đóng góp vào phần giúp đỡ của ông bà cho họ nhé.

Thôi đã quá khuya rồi, xin tạm biệt, chúc hai ông bà lên đường bình an.

Cả hai người đều xúc động, họ cầm tay tôi khàn khàn nói tiếng cảm ơn, trong cái ôm vai của những người không quen biết nhưng đã hiểu nhau, tôi thấy mắt Paul đẫm ướt, nhưng chỉ một bên thôi, còn con mắt bên kia vẫn trong sáng, vô hồn. Ô, hoá ra những gì mà Paul bỏ lại trên quê hương tôi năm nào, không phải chỉ có một bàn tay, một bàn chân mà còn có thêm một con mắt nữa.
Ông Paul ơi, cơ thể ông thương tổn như vậy mà tấm lòng thì bao la vô cùng.

Xin chân thành cảm ơn ông./.

Vĩnh Toàn

From: Cuc Nguyen


 

BI KỊCH-Truyen ngan HAY

Bùi Mạnh Toàn

Nhiều tiền mà sống quá kham khổ, chết còn nguyên một cục tiền đấy, cũng là một bi kịch!

Bà hàng xóm cũ, xưa là một nha sĩ, làm ra nhiều tiền chẳng bao giờ tiêu, dành tiền mua đất đai nhà cửa. Tài sản của bà ngoài những ngôi nhà cho thuê ở một quận trung tâm Sài Gòn, còn thêm một dãy nhà trọ cho thuê. Bà không cần làm gì, mỗi ngày mở mắt cũng đã có chục triệu trong tay. Chồng mất sớm, bà chỉ có mỗi cô con gái định cư nước ngoài và khá sung túc.

Do tính tiết kiệm, chẳng ai thấy bà ăn tiêu gì bao giờ. Ra chợ vài mớ rau, con cá nhàn nhạt, cứ thế ăn qua ngày. Bà cũng chẳng bao giờ đi du lịch, cũng chẳng mấy khi về quê ngoại ngoài Bắc thăm bà con hàng xóm. Thi thoảng vài đứa cháu họ ghé thăm nhưng cũng chẳng ở lại được vì bà chẳng tin ai, cứ sợ bị mất tiền, thế nên chẳng ai ở được với bà cả.

Thế rồi một ngày bà bị tai biến nằm bẹp một chỗ. Đứa con gái ở xa về vài ngày thuê người chăm sóc mẹ. Bà cũng chẳng thể nói cho con biết bà có bao nhiêu tiền và đang để đâu.

Vậy đấy. Cứ sống kham khổ để nuôi tiền, đến khi bệnh nặng nằm xuống chả còn có thể sờ được đến tiền, cũng chẳng thể nói cho người thân biết tiền ở đâu, có khi còn ôm nỗi ấm ức mang tên tiền về nơi chín suối.

Ông chú bạn mình thì khác, cũng không đến mức keo kiệt, cũng có thể gọi là hơi tiết kiệm, nhưng bị cái bệnh siêng làm. Lúc nào cũng làm quần quật, làm hết thanh xuân làm sang cả tuổi già. Làm đến mức mà cứ nghỉ tay vài bữa cứ như chết đến nơi. Làm đến mức chả cần sinh nhiều con. Chỉ một đứa, sau chú về già, người con bị ung thư chết trước. Chú ôm một núi tiền, có thể gọi là thế (nhà 4 cái, đất mênh mông), muốn tiêu tiền cho thoả thì đến lúc chẳng còn nhu cầu để tiêu nữa.

Nhiều người siêng năng càng về già càng mắc cái bệnh ít nhu cầu, không có nhu cầu ăn chơi hưởng thụ, chứ không phải là keo kiệt. Vậy là cả cuộc đời họ đã trôi đi trong vất vả và về già, nhìn thấy tiền mà bất lực, chẳng thể làm gì với nó.

Chắc chắn, đến chết cũng chẳng mang đi được đâu. Nên từ 35 đến 45 tuổi các bạn cứ làm giàu đi. Sau đó, các bạn nghỉ hưu, đi đến nơi chưa được đi, hưởng thụ những thứ chưa được hưởng (trừ hút hít hay tiêu hoang). Con cái nó trên 18 cứ để nó tự lập. Yêu thương nó cứ rủ nó đi du lịch cùng hay cuối tuần rủ các con cùng đi ăn các nhà hàng ngon nhất. Nếu không muốn trở nên bi kịch như hai trường hợp trên.

Có những thứ không mua được bằng tiền, đó là tuổi trẻ, sức khoẻ, thời gian. Lao động là vinh quang, tiền bạc là tài sản nhưng đến một lúc nào đó, nên cho phép mình nghỉ ngơi và để những đồng tiền mình làm ra quay lại để phục vụ mình.

Còn nhìn thấy tiền mà không nhắm mắt nổi để về bên kia thế giới, chính là một bi kịch lớn!

Dieu Le __Sưu tầm


 

Những Ánh Mắt Trẻ Thơ-Kim Loan-Truyen ngan HAY

Kim Loan

Khi ba vừa bước chân vào nhà
Tưởng các con vui khi gặp ba
Nhưng trong ánh mắt con, ba hiểu
Ba chỉ là một bóng hình xa…

Cũng phải ba năm anh mới trở lại thành phố này, nơi anh đã từng ở và có rất nhiều kỷ niệm, hơn thế nữa, có hai đứa con anh đang sống. Cuộc sống mới bận rộn đã ràng buộc anh, với khoảng cách đường dài mười tiếng lái xe và anh nghĩ các con đã đầy đủ với số tiền cấp dưỡng hàng tháng nên chuyện thăm nom chúng không là điều bắt buộc. Dù đã dứt lòng khi ra đi nhưng khi lái xe về những con đường cũ, khu phố cũ, anh không khỏi cảm thấy man mác buồn.
Cho đến khi xe dừng trước cửa nhà thì anh lại thêm nỗi bối rối, không biết sẽ thế nào khi đối diện với người vợ cũ và hai đứa con. Người vợ mà trước kia anh đã dễ dàng buông ra những lời lạnh lùng nhất, tàn nhẫn nhất, để được chia tay, đi theo tiếng gọi của một tình yêu mới mà anh say đắm. Anh ngồi trong xe thật lâu để ngắm lại ngôi nhà, chẳng có gì thay đổi, có chăng là trong ngôi nhà này đã thay đổi, đã thiếu một người. Anh hồi hộp bấm chuông cửa, vài phút im lặng trôi qua, bây giờ là buổi chiều, anh tin là mọi người đang ở trong nhà, anh phải bấm chuông thêm hai lần thì cánh cửa mới từ từ hé mở ra, đó là thằng cu Tí, con trai lớn của anh.
Thấy ba, thằng bé vừa mừng vừa ngạc nhiên:
– Ba về hả, con nhìn qua lỗ cửa thấy ba nhưng con không tin.
Anh xoa đầu nó:
– Ba đây mà. Tại sao con lại không tin? Ba có khác đâu.
Đôi mắt thằng bé cụp xuống, vẻ vui mừng lúc nãy biến mất:
– Con nghĩ là ba không muốn về đây nữa. Ngày ba đi mẹ đã khóc nhiều lắm.
Anh hình dung ra người vợ tội nghiệp, lát nữa gặp anh, cô ta có khóc và mắng chửi anh bao nhiêu, anh cũng chấp nhận hết cho vơi bớt day dứt bấy lâu. Anh giục con:
– Mở cửa cho ba vào nhà. Hôm nay ba về thăm hai con.
Cu Tí mở rộng cánh cửa, bước vào nhà anh khựng lại nhìn thằng cu Tí, trẻ con mau lớn quá, mới ba năm, giá mà năm năm, mười năm thì chắc anh sẽ không nhận ra con của mình nữa. Anh quàng tay ôm vai con, âu yếm hỏi:
– Mẹ con đâu?
– Mẹ đi làm rồi.
Thì ra cô ấy đã đi làm dù hai con còn nhỏ không có ai bên cạnh trông nom đỡ đần. Ba năm nay người vợ cũ đã trừng phạt anh bằng cách không hề liên lạc với anh, cô đổi số điện thoại, không trả lời những thư từ anh gởi tới bằng đường bưu điện nên anh không biết gì về cuộc sống của họ, mặc dù hàng tháng tiền trả child support vẫn trừ trực tiếp vào lương của anh đều đặn. Anh chợt nhớ ra:
– Thế em đâu rồi? Em Tina đâu rồi?
– Nó đang ngủ.
– Để ba vào phòng thăm nó nhé.
Thằng bé gạt đi:
– Thôi ba, nó mà thức dậy thấy người lạ nó khóc đấy.
“Người lạ”, thằng cu Tí bình thản nói như một điều đương nhiên. Anh lẩm bẩm lập lại hai chữ “người lạ”, chợt thấy chạnh lòng, mà cũng phải, khi anh ra đi bé Tina mới mấy tháng tuổi nó có biết gì về anh đâu.
Hai cha con ngồi đối diện nhau, cu Tí đã 12 tuổi rồi, trông chững chạc hẳn ra, không biết vì anh đã xa nó một khoảng thời gian, một khoảng cách cuộc đời hay vì nó đã lớn khôn theo hoàn cảnh? Những đứa trẻ trong gia đình ly dị bao giờ cũng trưởng thành sớm hơn những đứa trẻ trong gia đình bình thường.
Anh hỏi han con về chuyện học hành trường lớp, cu Tí trả lời đầy đủ. Khi anh hỏi con có nhớ ba không thì nó trả lời ngây thơ:
– Lúc ba mới đi thì nhớ, con khóc nhiều lần lắm và ngày nào cũng chờ mong ba về, nhưng bây giờ hết rồi.
Và nó hỏi lại:
– Thế ba có nhớ con và em Tina không?
– Ba nhớ thương các con chứ.
– Sao ba không về thăm? Ba bỏ đi lâu thế?
Anh lúng túng:
– Tại ba…bận rộn quá.
– Mẹ nói ba ở nhà khác với vợ con khác của ba!
Anh nhìn con, trong đôi mắt thằng cu Tí vẫn vô tư, nói về ba nó mà như nói về một người nào xa lạ, Cu Tí không hề làm quan tòa kết tội anh, nhưng câu nói của nó đã gieo vào lòng anh như ngàn lời oán trách.
Bỗng có tiếng điện thoại reo, chắc đã là thông lệ nên cu Tí nói:
– Mẹ gọi đấy.
Nó ra dấu cho anh im lặng để nó nói chuyện phone. Anh lắng nghe cuộc đối thoại giữa hai mẹ con, mà chủ yếu là từ những câu trả lời của cu Tí, nó kể với mẹ là Tina đang ngủ, mẹ nó dặn khi nào em thức dậy thì cho em uống thuốc ho rồi mới cho ăn cơm, rồi sau đó tắm cho em. Câu cuối cùng là cu Tí luôn miệng vâng dạ, con nhớ lời mẹ dặn mà, con sẽ không bao giờ mở cửa cho người lạ đâu, mẹ cứ yên tâm.
Cúp phone xong cu Tí mỉm cười nheo mắt nhìn anh, coi như nó vừa làm một sự chiếu cố đặc biệt cho anh, đã phá lệ, để người lạ vào khi không có mẹ ở nhà. Nó đã không coi anh như một thành viên trong ngôi nhà này nữa.
Chỉ trong vài phút ngắn ngủi trò truyện giữa hai mẹ con, anh đã hình dung ra cuộc sống hiện nay của họ. Buổi sáng cô ở nhà lo cho con và buổi chiều đi học về cu Tí phải gánh vác nốt những việc còn lại, thiếu một người cha, thằng bé đã phải làm những công việc của người lớn. Cu Tí kể:
– Ngày nào lúc break time ở hãng mẹ cũng gọi để xem nhà có chuyện gì không, và mẹ nhắc nhở con đủ thứ việc nhà.
Anh cảm động khen con:
– Cu Tí ngoan và giỏi quá.
Anh đi lại khắp nhà, vẫn những đồ đạc cũ khi anh còn ở đây, kể cả những đồ dùng lặt vặt, người vợ cũ vẫn tiết kiệm như trước hoặc cô không có khả năng mua sắm cái mới.
Căn nhà này vợ chồng anh khi mới cưới nhau đã mua trả góp, đã là căn nhà hạnh phúc, căn nhà ước mơ của hai vợ chồng. Sinh thằng cu Tí xong, vợ anh đi làm tiếp để mau trả nợ nhà, khi cu Tí gần 9 tuổi món nợ nhà vơi bớt, vợ mới mang bầu Tina đứa con thứ hai, cô đâu ngờ rằng thời gian này anh đang có người yêu và sắp sửa lìa bỏ gia đình.
Căn nhà anh đã sống 9 năm trời nên anh dễ dàng nhận thấy vài thay đổi hư hỏng, những vết tường loang, cái mành cửa sổ xộc xệch, vài cái nẹp cửa phòng ngủ vênh ra, vòi nước trong phòng tắm đang chảy nhỏ giọt hững hờ như đang oán trách người chủ cũ đã vắng mặt lâu ngày.
Anh ra nhà kho sau vườn lấy búa đinh vào đóng lại nẹp cửa và sửa vòi nước, điều đơn giản dễ làm ấy nhưng với mẹ con cô cũng là điều không thể làm được. Khi mang hộp đồ nghề trả lại nhà kho, anh dạo quanh khu vườn. Cây đào, cây lê ngày nào còn bé nhỏ, vợ chồng anh hí hửng mua về, đã mong cây mau lớn để có bóng mát cho các con chơi. Nay cây đã lớn, đã có bóng mát, nhưng hai đứa con anh đã bao giờ vui thích chơi đùa dưới bóng mát ấy chưa?

Anh không dám nghĩ tiếp, bước vào nhà, những hình ảnh quá khứ bỗng đổ ập vào tâm tư anh, đây là phòng ăn, nhà bếp, cô ấy đã từng đứng nấu nướng, dọn ra những bữa ăn cho chồng con, kia là phòng ngủ, đã từng có những lúc mặn nồng hạnh phúc vợ chồng. Nhưng anh đã không yêu cô nữa, có một tình yêu khác làm anh mê đắm, anh đã đi theo tiếng gọi của con tim, dù khi anh đề nghị ly dị, vợ anh đã phản đối, đã khóc hết nước mắt, xin anh nghĩ lại vì các con, đừng làm tổn thương những tâm hồn vô tội.
Bé Tina đã thức dậy, từ trong phòng ngủ đi ra, thấy anh, Tina vội túm lấy áo cu Tí tìm chỗ nương tựa chở che và nhìn anh bằng ánh mắt nghi ngờ, xa lạ. Tina đã hơn 3 tuổi, nếu gặp ngoài đường anh không nhận ra con, anh thấy mình tệ bạc quá khi bây giờ mới đến thăm con lần đầu kể từ khi ly dị. Anh đến bên Tina giơ tay định bế nó, nhưng cu Tí nói ra vẻ hiểu biết đầy kinh nghiệm:
– Ba đụng vào người nó, nó sẽ khóc đấy.
Rồi cu Tí quay ra dỗ dành em:
– Đây là ba, ngày xưa ba cũng ở chung nhà với chúng ta mà. Cho ba bế Tina nhé?
Con bé vẫn chưa tin cậy, nó càng dựa vào người cu Tí và bám chặt lấy cu Tí hơn. Anh đành chịu thua, ngồi nhìn hai đứa con, ít nhiều ngày xưa anh đã từng bồng bế Tina, từng nâng niu nó, đó là máu thịt của anh, nhưng giờ đây chẳng khác gì người xa lạ. Khi ly dị vợ, xa con, anh không thể hình dung ra tình huống này.
Cu Tí để mặc anh ngồi thừ ra ở ghế, nó đi lo cho em, lấy chai thuốc ho như lời mẹ dặn. Anh không nỡ nhìn thằng bé loay hoay mở hộp thuốc, anh giúp nó bơm thuốc vào ống để cu Tí mang ra cho Tina uống, xong nó dắt em vào bếp lấy cơm để ra bàn cho con bé tự ăn một mình, cu Tí dịu dàng với em:
– Ăn cẩn thận, đừng làm đổ ra bàn, ăn xong anh cho ăn kẹo.
Tina ngoan ngoãn gật đầu và rón rén múc từng muỗng cơm ăn ngon lành. Tất cả diễn ra trước mắt anh như một vở bi kịch, vở bi kịch do chính anh gây ra và hai đứa con anh là nhân vật chính.
Từ lúc nào hai mắt anh cay xè mờ lệ. Cuộc sống hiện nay anh đang có bên vợ mới, con mới, chắc gì đã được như anh ước mơ, vậy mà anh đã đánh đổi bằng sự vất vả và thiếu thốn tình cảm của hai đứa bé này. Một ngày nào đó khi chúng lớn lên, chúng sẽ hiểu vì đâu.
Anh bỗng rùng mình và đau đớn, anh cứ ngồi nhìn hai con và không biết phải làm gì, nỗi đau như chôn chặt anh trong lòng ghế. Một lúc lâu cu Tí dè dặt hỏi:
– Ba đợi mẹ về không?
Anh lắc đầu, hình như nếu anh thốt ra lời thì nước mắt cũng ra theo.
– Vậy ba về đi, chút nữa con còn tắm cho Tina và học bài nữa, con bận lắm.
Anh rút ra một xấp tiền đưa cho cu Tí, nó nắm chặt lấy món tiền, chắc nó nghĩ những đồng tiền cần thiết cho mẹ và sẽ làm mẹ vui. Nhìn cử chỉ và nét mặt vui mừng của thằng bé, anh có thể đoán ra mẹ con họ đã sống trong cảnh chắt chiu từng đồng. Căn nhà anh hào phóng để lại cho vợ con nhưng cô ấy vẫn phải tiếp tục trả góp thêm vài năm nữa.
Anh ôm chặt lấy cu Tí, trong đời anh, chưa bao giờ có một cảm xúc thương yêu con dạt dào như bây giờ. Bé Tina vẫn đứng xa, nhất định không cho anh đụng tới.
– Ba đi nhé, con hãy ngoan, chăm học. Ba sẽ về thăm các con thường xuyên.
Anh đến đây, dự định sẽ gặp lại vợ cũ, sẽ nói lời xin lỗi và vui chơi cùng hai con. Bây giờ anh hiểu rằng, có nói trăm ngàn lần lời xin lỗi và dù vợ anh có tha thứ, chấp nhận hiện tại đường ai nấy đi, nhưng những cái nhìn của hai con, ánh mắt buồn vui bất chợt và dửng dưng của cu Tí, ánh mắt xa lạ và dè dặt của bé Tina, sẽ theo ám ảnh anh không biết đến bao giờ.
Cánh cửa mà cu Tí vừa khép lại sau lưng anh, lại gieo vào lòng anh cả sự lạnh lùng và oán trách. Cánh cửa đã phân chia ranh giới, như hai kẻ xa lạ mỗi người một lối đi và cuộc sống khác nhau.

Anh lái xe rời khỏi thành phố như một kẻ chạy trốn.

Kim Loan

From: Tu-Phung


 

Cau chuyen một cặp vợ chồng trẻ- Truyen ngan rat ngan

 Bùi Mạnh Toàn

Có một cặp vợ chồng trẻ đang sống vô cùng hạnh phúc, người vợ rất xinh đẹp và người chồng rất mực yêu thuơng vợ mình.

Một thời gian sau, trong khi người chồng đi làm việc xa, người vợ tình cờ phát hiện ra mình đang bị một căn bệnh da kỳ lạ. Những đốm đỏ nổi lên từ vai rồi nhanh chóng lan ra khắp mặt mũi toàn thân. Cô lập tức đến gặp nhiều bác sĩ, nhưng họ cho biết căn bệnh này cực kỳ hiếm và cũng không có cách chữa trị.

Người vợ xinh đẹp vô cùng đau khổ, khuôn mặt cô đã trở nên xấu xí nhanh chóng, cô nghĩ mình sẽ mất tình thuơng yêu từ chồng và cuộc đời cô kể như chấm hết.

Rồi cô nhận được hung tin, xe của chồng cô gặp tai nạn khi anh đang làm việc xa nhà, và anh vẫn còn hôn mê sau nhiều ngày cấp cứu. Khi anh hồi tỉnh, cô cũng được các bác sĩ báo tin đôi mắt anh đã mù vĩnh viễn.

Người chồng mù trở về, và dĩ nhiên, anh không nhìn thấy sự thay đổi của vợ. Anh vẫn một mực yêu thuơng vợ như ngày nào, và dĩ nhiên cô cũng yêu anh không thể nói hết. Người vợ vẫn thuờng dắt chồng đi dạo trong thị trấn, cô quàng chặt tay anh và người chồng mù đeo cặp kính đen dùng chiếc gậy dò đường vừa đi vừa trò chuyện hạnh phúc.

Ít lâu sau, người vợ trượt chân ngã từ trên cầu thang xuống đất, cô đã không qua khỏi vì vết chấn thương ở đầu quá nặng. Người chồng đau khổ tột cùng trong ngày đưa tang vợ, khiến cư dân trong thị trấn không khỏi xót thương ..

Khi tang lễ chấm dứt, một người hàng xóm hỏi anh dự định thế nào trong những ngày sắp tới. Người chồng mù cho biết anh sẽ đi xa khỏi thị trấn này, nơi luôn gợi anh nhớ lại người vợ yêu thương cùng những tháng ngày hạnh phúc. Một người khác hỏi: “Anh đi đâu bây giờ khi không nhìn thấy gì cả, và biết làm gì khi không còn vợ bên cạnh như trước đây?”.

Người chồng mù từ từ tháo cặp kính đen ra và chậm rãi trả lời: “Tôi chưa bao giờ mù, nhưng tôi luôn giả vờ mù trong những năm qua. Bởi vì nếu tôi nhìn thấy tất cả, vợ tôi còn đau đớn hơn căn bệnh quái ác kia đã tàn phá cô ấy. Tôi chỉ muốn vợ mình luôn hạnh phúc …”.

Nguồn: #GOTA chia sẻ từ internet.

———

Bạn thân mến!

Khi yêu ai đó bằng tình yêu đủ lớn của sự chân thành thì họ sẽ làm tất cả mọi thứ chỉ để người mình yêu được hạnh phúc.

Cơ mà giờ người đàn ông như trong truyện chắc tuyệt chủng rùi!


 

QUẢ TRỨNG KHÔNG THỂ BỔ BA…-Truyen ngan HAY

Những Câu Chuyện Thú Vị

Dieu Le

Trong giai đoạn đất nước đang gian khó, mẹ tôi là một thiếu phụ đơn độc một mình nuôi hai con nhỏ.

Tôi được nghe kể lại rằng vào lúc mẹ đang mang thai em út thì cha đã phụ phàng bỏ rơi mẹ và tôi, theo cô nhân tình xinh đẹp đi bặt âm vô tín.

Mẹ ở lại, lặng lẽ vượt qua bao đau đớn của những thị phi và cái đói nghèo đeo đẳng, để nuôi tôi và sinh thêm em Cu còi cọt ốm tong teo như con mèo hoang thiếu dinh dưỡng.

Mẹ rời quê nội, đưa chị em tôi về sống trong khu tập thể ngôi trường mẹ dạy học.

Trường học nơi miền trung du sâu tít tận chân Trường Sơn một tỉnh nghèo miền Trung, vừa trải qua những năm tháng chiến tranh gay gắt nên đất đai đã bạc màu hoang phế, chỉ lác đác đó đây mấy xóm dân nghèo bám đất để sống.

Lũ con trẻ chỉ được bữa cơm, bữa sắn để tạm no cái bụng, đến trường học chữ cho tương lai sáng lạn hơn.

Nhà có ba miệng ăn nhưng chỉ với mấy chục đồng bạc lương của giáo viên cấp 1, mẹ tôi đã phải tính toán đủ bề hàng tháng mới mua nổi mấy chục cân gạo mậu dịch và trang trải mọi nhu yếu phẩm hàng ngày.

Mỗi bữa ăn, hầu như mẹ chỉ đong gạo nấu cơm rồi kiếm qua loa quả trứng do con gà mái hoa đẻ với nhúm rau xanh trên khoảnh đất nhỏ mẹ trồng ở góc trường.

Thực đơn luôn là món trứng luộc và dĩa rau luộc chấm nước mắm hoặc xào với tí mỡ tỏi cho dậy hương thơm.

Vào mâm, mẹ luôn bổ quả trứng theo chiều dọc thành hai phần bằng nhau rồi gắp vào chén cho tôi và em cu.

Phần mẹ, chỉ gắp suông nhúm rau chấm vào bát nước mắm mậu dịch mặn chát vị muối đã dậy mùi thum thủm.

Nhiều lần như thế nên tôi buột miệng hỏi:

“ – Sao mẹ không bổ quả trứng thành ba để mẹ có một phần?”

Mẹ dịu dàng bảo: “ Con ăn phần trứng của con đi. Quả trứng không thể bổ làm ba được đâu con ạ. Hôm nào gà nhà ta đẻ nhiều hơn mẹ sẽ cùng ăn với hai con.”

Tôi ngây thơ tin lời mẹ rằng quả trứng không thể bổ làm ba, thoải mái cùng em ăn nửa quả trứng mẹ chia phần.

Quả trứng mẹ luộc chỉ độ chín hồng đào.

Bên ngoài ngòi trắng chín tới kết tụ mang một màu trắng phau.

Giữa tâm là ngòi đỏ chỉ vừa chín tái, sền sệt màu đỏ thắm.

Chỉ mới nhìn đã gợi thèm ăn.

Tôi luôn cắn từng miếng nhỏ xíu rồi ngậm nghe hương vị nó trong miệng.

Đó là phần thức ăn bổ dưỡng nhất trong bữa cơm nhà giáo nghèo mà mẹ đã dành cho chị em tôi.

Thời gian lặng lẽ trôi qua ngày này tháng nọ, do nhà chỉ nuôi hai con gà mái hoa thả rong nhặt nhạnh thức ăn trong vườn nên làm sao có nhiều trứng được?

Vì thế cả quảng đời thơ ấu, tôi chưa bao giờ nhìn thấy mẹ ăn trứng luộc bao giờ.

***

Rồi một hôm, khi tôi đủ trí khôn để phát hiện rằng quả trứng luộc không phải chỉ bổ hai như mẹ đã chia phần cho chị em tôi mà ta có thể bổ ba, bổ năm, bổ bảy … thì cũng là lúc mẹ lâm bệnh nan y.

Mẹ được chuyển vào viện cấp cứu sau một thời gian dài âm thầm giấu kín bệnh tật để nỗ lực nuôi chị em tôi.

Nghe tin xấu tôi chạy ngay vào viện với mẹ.

Khi bước chân vừa rón rén ở dãy hành lang, tôi thoáng nghe lời mẹ thều thào trong nước mắt cùng cô Duyên: ” Tôi biết căn bệnh ung thư của mình không chữa chạy được. Chỉ mong sao cuộc sống của tôi kéo dài thêm năm ba năm cho hai con tôi khôn thêm tí nữa. Các cháu còn dại khờ quá mà chẳng lẽ chúng đã mất cha nay lại mất thêm mẹ trong cuộc sống này?”

Tôi thương mẹ quá chạy về lục lọi chuồng gà tìm quả trứng để luộc cho mẹ ăn.

Khi quả trứng luộc vừa đem đến thì mẹ đã không còn nữa.

Hình hài mẹ nằm đó nhưng linh hồn mẹ đã bay lên trời cao.

Cô Duyên dạy tôi nấu bát cơm trắng, úp nguyên quả trứng luộc lên, đặt trên đầu mẹ rồi thắp hương khấn vái.

Đây là lần duy nhất và cũng là lần cuối cùng mẹ tôi được dành riêng một quả trứng.

Quả trứng không bổ hai, bổ ba… mà để nguyên quả trên bát cơm trắng tiễn đưa linh hồn mẹ về cõi vĩnh hằng.

Mẹ ơi giờ đây con hiểu vì sao quả trứng luộc nhà ta không thể bổ ba!

— fb Ba thôn —

( Nguyễn Hoàng Diễm chuyển bài)