PHÉP NHIỆM MẦU CÓ THẬT

PHÉP NHIỆM MẦU CÓ THẬT

(Chuyện khó tin nhưng có thật)

Tôi sinh ra không biết cha mẹ mình là ai. Từ bé tí, tôi đã ở cũng với mõ già trong một ngôi chùa ở làng. Mọi người vẫn quen gọi nơi đây là chùa làng, nhưng nó bé lắm, do làng xây dựng từ thời xa xưa để cho bà con dân làng thờ Phật. Phía ngoài chùa có một am nhỏ mõ nói là thờ Thành Hoàng làng, và một cái chái phía bên cạnh am để cho mõ già và tôi ở.

Chùa làng không có sư, chỉ có mõ già được làng cắt cử ra trông coi chùa. Có việc lễ cúng gì thì người làng gọi mõ, sai mõ sửa soạn để các cụ trong làng ra cúng. Mõ không phải làm nghề đi thông báo công việc của làng xã, nhưng không hiểu sao người làng lại gọi là mõ.

Mõ già kể mõ nhặt được tôi trước cổng chùa. Người mẹ nào đó nhẫn tâm bỏ tôi lại trước cửa chùa không một mảnh vải che thân, dây rốn còn dài lòng thòng chưa kịp cắt. Thân thể mình mẩy tôi dính đầy máu, gọi kiến đen kiến đỏ kéo nhau đến bu kín. Lúc ấy là canh ba, tôi khóc như xé vải, mõ già nghễnh ngãng, tai đực tai lành, chẳng nghe thấy tiếng trẻ con khóc trước cửa chùa đâu.

Mõ nói, như có trời xui đất khiến, đêm ấy mõ không ngủ được nên lần ra cửa chùa. Nhìn thấy một bọc máu đỏ hỏn, ngo ngoe dưới chân, kiến bu đen bu đỏ, mõ giật mình. Bế tôi lên, mõ xót xa chửi rủa quân vô lương, phường chó sói, hổ dữ còn không ăn thịt con thế mà có đứa nó dám đẻ con rồi vứt cho kiến ăn.

Tôi thành con của mõ già, sống cùng mõ trong ngôi chùa làng. Mõ dạy tôi trồng lúa, trồng rau, nuôi gà để lấy cái ăn. Ngày rằm mồng một, trong làng có ai cúng nải chuối, đĩa xôi thì hôm đó hai mõ con có chút thức ăn tươi tỉnh.

Tôi lớn lên tự biết thân phận bất hạnh của mình, một mắt tôi bị mù do kiến đục sâu vào thủy tinh thể hồi lọt lòng. Tôi lại bị khèo một tay nên mõ thương tôi lắm. Mõ già chăm bẵm tôi, mỗi lần tắm cho tôi, mõ lại than thở, chắc khi đẻ ra nó biết mày mù mắt khoèo tay nên nó sợ nuôi mày sẽ vất vả, cho mày làm người lớn lên sẽ tủi nhục con ạ, nên con mẹ mày mới ngậm đắng nuốt cay bỏ mày đi để hóa kiếp cho mày. Ai ngờ số mày không làm ma được mà phải làm người con ạ. Thôi gắng sống cho nên người. Con người ta có số cả, ông trời không lấy của ai hết tất cả đâu mà lo!

Đó là câu cửa miệng mõ già luôn nói với tôi: “Ông trời không lấy của ai hết tất cả mọi thứ đâu con” để động viên tôi ráng vượt lên hoàn cảnh.

Tôi dứt khoát không đi học, vì mặc cảm thân phận. Mõ thương tôi, không nỡ ép. Mõ già dạy tôi biết tính nhẩm cộng trừ con số đủ để đi chợ bán rau không bị nhầm tiền. Mõ dạy tôi biết đọc và biết mỗi việc ký tên tôi nếu phải dùng đến chữ ký trong trường hợp nào đó mà không phải điểm chỉ như những người mù chữ thực sự. Mõ nói, mõ chỉ có thể dạy tôi được đến thế, và đó cũng là tất cả những vốn liếng văn hóa mà mõ có được thời bình dân học vụ. Mõ trút lại hết cho đứa bé côi cút tội nghiệp là tôi.

Mõ già lắm rồi, đau yếu quanh năm nên mọi việc trông nom trong chùa và công việc đồng áng một mình tôi gánh vác. Mõ không có chồng, không có con. Mãi sau này, khi giờ phút lâm chung, mõ mới nói cho tôi biết rằng, mõ có chồng nhưng hai người cưới nhau chưa kịp có con, chồng mõ đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường. Mõ ngã quỵ vì buồn đau, ốm một trận thập tử nhất sinh. Nhà chồng đưa mõ ra ngôi chùa làng để sư thầy trông coi chùa có nghề thuốc nam, thuốc thang cứu mõ.

Khỏi bệnh, mõ xin phép nhà chồng và nhà mẹ đẻ được ở lại chùa hầu hạ công việc tâm linh cho sư thầy. Vậy là mõ rời nhà đến chùa làng ở, coi như xuống tóc đi tu. Thật ra mõ chỉ nhận mình là mõ, chưa bao giờ mõ nhận mình là sư, vì mõ biết con đường tu tập phải học nhiều mà mõ thì chẳng có kiến thức. Mõ chỉ ở đây giúp đỡ sư thầy thôi. Nhưng từ khi có mõ ở chùa làng, sư thầy ra đi vì đã có mõ để gửi gắm công việc ở làng.

Nghe nói sư thầy ra tỉnh để nhận trụ trì ở một ngôi chùa to hơn. Từ đó đến nay, chùa làng không có sư, chỉ có mõ sống thui thủi một mình ở chùa cho đến ngày nhặt được tôi.

Mõ chỉ lên bát hương đặt sau ban thờ Thành Hoàng làng và nói với tôi, hăm hai tháng chạp là ngày giỗ của chồng mõ, sau này mõ khuất núi, con nhớ thắp hương cho linh hồn ông ấy khỏi tủi phận.

Mỗi lần mõ ốm là tôi lại khóc vì sợ mõ chết, bỏ tôi lại một mình. Mõ thương tôi, nước mắt đục rỉ ra từ hai khóe mắt nhăn nheo. Mõ thều thào: “Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Con cố gắng sống và kiếm đứa con mà nuôi. Người như con lấy chồng chắc là khó, không ai người ta thương mình tàn tật đâu con. Kiếm lấy mụn con, sau này nương tựa lúc tuổi già”.

Mõ ốm nằm liệt giường 2 năm rồi mới mất. Có lẽ mõ thương tôi, đi không dứt nên cứ leo lắt sống để mỗi ngày lại bày dạy cho tôi thêm một việc quan trọng ở đời mà lúc sinh thời có thể mõ đã dại dột mà đánh mất. Cứ mỗi lần mõ định đi, mõ lại kêu tôi đến bên giường, thều thào cái điệp khúc ông trời không lấy đi của ai tất cả, cố gắng kiếm lấy đứa con để nương tựa, đừng sống một mình thui thủi như mõ…

Nhưng không ai cưỡng được sinh lão bệnh tử. Cuối cùng mõ cũng rời bỏ ngôi chùa làng và tôi để trở về cõi âm trong một ngày mùa đông hửng nắng. Tôi buồn đau đến nỗi không thể gắng gượng được để lo tang ma cho mõ. Hội người cao tuổi trong xã lo đưa mõ ra đồng an nghỉ ngàn thu.

Cuộc sống trong ngôi chùa hẻo lánh những ngày không có mõ buồn hiu hắt. Năm đó tôi bước sang tuổi 18. Một mình trong ngôi chùa làng tôi vào ra thơ thẩn vì nhớ mõ. Tôi khóc nhiều lắm, khóc vì mất một người thân duy nhất để nương tựa trên đời. Mõ vừa là mẹ, vừa là cha, chăm sóc tôi từ khi tôi đỏ hỏn. Thế nên mất mõ, tôi thấm thía thế nào là mồ côi, là cô độc.

Năm đó, có thể là phép nhiệm màu đầu tiên của đời tôi đã xảy ra. Tôi vẫn chua chát nghĩ vậy mỗi lần nhớ đến sự kiện đó. Sau này càng ngẫm, tôi càng tin rằng mõ đã xui khiến cho tôi có sự gặp gỡ như vậy. Linh hồn mõ đã không bỏ rơi đứa con côi cút của mõ nhặt về. Sau này, trong tận cùng của cơn bĩ cực, tôi vẫn không một lần nào oán hận người đàn ông đã cho tôi một đứa con, dù đứa con đó đau ốm và bệnh tật từ trong trứng nước.

Tôi không một lần oán hận số phận, dù cuộc sống của tôi toàn những bất hạnh và buồn đau. Tôi tin lời mõ và luôn tâm niệm một điều, ông trời sẽ không lấy đi của ai tất cả.

Những ngày tháng sau cái chết của mõ, tôi rất buồn. Trong làng, các bậc cao niên sau cái chết của mõ già cũng đã họp và bàn bạc cử người ra trông chùa. Không thể để cho một đứa con hoang, lại là con gái, tàn tật như tôi không rõ gốc gác ở đâu, do mõ già nhặt về, giờ lại thay mõ coi sóc chùa làng được. Sớm muộn gì thì tôi cũng phải ra đi. Nếu tôi có ở lại thì cũng phải có người chính để coi chùa làng, tôi mới chỉ là một đứa con gái 18 tuổi, không thể đảm đương công việc soạn sửa ở chùa của làng. Nếu có thì tôi chỉ là làm những việc phụ giúp ở chùa làng thôi chứ không thể đứng ra thay mõ được. Điều đó khiến tôi càng buồn bã, mất phương hướng hơn.

Trong làng có một ông giáo già đã về hưu thường hay ra lễ chùa và cứ ngày rằm mồng một lại viết chữ nho cho dân làng ra xin sớ về dâng lễ ở gia tiên. Ông giáo dạy tôi chữ quốc ngữ để cho tôi biết đọc biết viết. Và điều gì đến đã đến. Tôi chưa kịp nghĩ đến việc sẽ xin ai đó một đứa con bầu bạn sớm hôm lúc tuổi già thì tôi đã bị chính ông giáo già cưỡng hiếp. Tôi cam phận và nhớ lời mõ dặn, thôi thì đây cũng là cơ hội cho tôi kiếm đứa con mà không phải mất công mất sức đi xin ở đâu xa, mà xin chắc gì thân phận tàn tật như tôi người ta đã cho.

Sau mấy lần cưỡng hiếp tôi, ông giáo già nói với tôi: “Ông được người làng cử ra trông chùa làng thay mõ. Ông thương mày côi cút, cho mày đứa con để bầu bạn lúc tuổi già. Mày có chửa thì đừng ở lại đây nữa mang tiếng cho cả ông và mày. Ông già rồi, có gia đình, con cháu đã phương trưởng ông không thể cưu mang mày được. Mày còn trẻ, ông cho mày ít tiền, ông dạy mày biết đọc biết viết rồi, mày ráng lên thành phố mà tìm cơ hội để làm việc sinh con làm lại cuộc sống, đừng có ở đây, mà chết già. Mày đi đi, đừng bao giờ trở về làng nữa mà tủi nhục con ạ”. Đau đớn và tủi nhục, tôi khăn gói quần áo và cầm ít tiền ông giáo chuẩn bị cho rồi ra đi.

Chưa một lần được hưởng lạc thú giữa đàn ông và đàn bà, hay được hưởng niềm hạnh phúc bình thường của một người con gái, một người đàn bà có một người đàn ông chăn gối cho đúng nghĩa, tôi đã mang thai và có con trong hoàn cảnh trớ trêu và bi kịch như vậy. Cắn răng lên thành phố, tôi xin việc ở một gánh chè trong ngõ. Ngày đi làm, tối về ngủ ở gầm cầu xó chợ. Khi cái bụng chửa đã vượt mặt, tôi đến cửa chùa xin được nương tựa để sinh con.

Nhưng chưa thấy ông trời thương tình ở đâu, chỉ thấy ông trời luôn tàn nhẫn với tôi, một số phận quá bất hạnh. Tôi sinh con trong thiếu thốn, bản thân thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng nên tôi đã không biết để tiêm phòng cho con. Con gái tôi lên 5 tuổi bị ốm một trận, hai chân teo tóp lại không đứng vững được nữa. Tôi đưa con đi khám mới biết con bị bại liệt do sơ sinh không được chủng ngừa đầy đủ. Nước mắt tuôn rơi, tôi ôm con mà chỉ muốn được đi ra cây cầu, đứng trên đó mà gieo mình xuống lòng sông để dòng nước cuốn mẹ con tôi trôi đi mãi, để tôi không phải sống kiếp người đau khổ…

Mình tôi tàn tật, tứ cố vô thân đã là cực khổ, tủi phận; đằng này, làm mẹ đơn thân, rồi lại sinh ra đứa con nhưng do thiếu hiểu biết, tôi đã vô tình làm hại con, tước đi cuộc sống bình thường lành lặn của con gái tôi, đó là một tội lỗi mà tôi không thể tha thứ cho bản thân được.

Khi bác sĩ giải thích căn bệnh bại liệt của con vô phương cứu chữa, và khả năng con phải đối diện với việc không còn đi lại được nữa, cả cuộc đời sẽ gắn liền với chiếc xe lăn mà tôi gần như ngất đi. Tôi ôm con trên tay, nước mắt tuôn rơi lã chã. Tôi không biết kêu ai, không biết than thở cùng ai. Tôi hận cuộc đời, hận chính bản thân mình, và tôi rơi vào tận cùng của tuyệt vọng. Tôi ôm con từ bệnh viện trở về nhà trọ đi như trôi trong vô định, mấy lần đứng sững trước làn đường ôtô đang chạy. Tôi chỉ muốn được chết.

Từ đó trở đi, tôi thường xuyên nghĩ đến cái chết. Tôi muốn kết thúc hết những đau khổ hiện tại để giải thoát cho cả hai mẹ con. Tôi không thể gắng gượng để sống tiếp. Tôi không dám nhìn vào đôi chân bại liệt của con, càng không dám hình dung con tôi sẽ lớn lên như thế nào trên chiếc xe lăn. Tôi khèo tay, đã đủ khổ, giờ con tôi hai chân không đi lại được, nó sẽ khổ cực gấp trăm lần tôi. Sau này tôi già đi, không đi làm được nữa, ai sẽ chăm sóc cho con tôi, ai sẽ nuôi nấng nó, ai sẽ bao bọc cho cuộc đời nó.

Chỉ nghĩ đến đấy thôi, nước mắt tôi đã lại tuôn rơi. Tôi không muốn tiếp tục với bể khổ trên vai. Tôi muốn tìm cách để kết thúc. Tôi sám hối trước con, bao nhiêu lần tôi ý định tự tử cùng với con nhưng mỗi lần bế con lên, nhìn gương mặt như thiên thần của con gái, nụ cười rạng rỡ của con, tôi không cầm lòng nổi. Không ít lần tôi ôm con gái tôi đi lên trên những chiếc cầu vắt qua sông Hàn với ý định sẽ nhảy xuống dòng sông chảy xiết để kết thúc những đau khổ ân hận. Nỗi ân hận giày vò tôi, hành hạ tôi, vì tôi mà con gái tôi tật nguyền, rằng tôi đã hại đời con gái mình một cách ngu xuẩn.

Chính sự thiếu hiểu biết của tôi mà con gái tôi mất đi sự cử động phát triển bình thường của một đôi chân. Càng nghĩ đến điều đó, tôi càng đau đớn, càng cảm thấy tội lỗi với con. Càng ân hận, lại càng nghĩ quẩn, vì thế tôi chỉ muốn được chết để giải thoát tất cả. Nhưng không biết có phải ông trời đã không lấy đi của ai tất cả như lời mõ già nói năm xưa không mà mỗi lần ôm con gái lên với ý định gieo mình xuống sông thì con gái tôi lại ngước ánh mắt trong veo ngây thơ nhìn tôi và nhoẻn miệng cười.

Con bập bẹ gọi mẹ, dụi mái đầu tóc tơ vào ngực tôi lần tìm bầu sữa mẹ. Con gái tôi gọi Mẹ! Mẹ! âu yếm như trong con chưa từng trải qua những cơn đau thể xác ở đôi chân. Con gái tôi vẫn lớn lên, với một sức sống mãnh liệt vô cùng. Con không đi được thì con bò, con lết chân rất nhanh và lúc nào cũng nhoẻn miệng cười với mẹ. Con gái tôi đã níu tôi lại với cuộc đời, ràng buộc tôi vào sự sống mãnh liệt của nó. Và tôi đã thua cuộc. Con gái tôi dù bị tật nguyền hai chân, con không chạy nhảy được, không chơi được cùng với các bạn cùng trang lứa nhưng con luôn tỏ ra là đứa bé lạc quan yêu đời.

Từ bé con đã như biết thân biết phận mình nên rất ít khi con quấy khóc. Con là đứa trẻ vui vẻ, thông minh và đáng yêu. Con cười suốt và luôn mang lại niềm vui cho tôi. Tôi cắn răng nuôi con lớn lên chấp nhận hoàn cảnh. Tôi mang con vào xin tá túc ở chùa. Ngày ngày tôi đi phụ bán chè, tối về lại vào chùa chăm con tìm chốn trú chân mưa nắng.

Con gái tôi thích đi học. Tôi không thể tước đoạt niềm khát khao của con. Hằng ngày tôi cõng con đến trường và chiều lại đến cõng con về. Suốt 5 năm cấp 1, dù mưa hay nắng, tôi đều dành thời gian để đưa con đến lớp mà không bỏ buổi nào trừ những hôm không may con bị ốm.

Lúc đầu tôi chỉ nghĩ cho con học đủ để biết đọc biết viết là được, rồi cho con ở nhà chăm sóc nuôi nấng giúp đỡ con, hai mẹ con nương tựa vào nhau mở gánh chè để sống. Nhưng con gái tôi rất thông minh, học giỏi xuất sắc, các thầy cô giáo rất yêu quý cháu và gần như miễn giảm hết các khoản nộp ở trường lớp để động viên con tiếp tục tới trường.

Nguyện vọng của con gái tôi là được tiếp tục học lên nữa nên tôi đã không thể tước bỏ ước mơ của con. Tôi đã tước bỏ đôi chân của con, làm cho con chịu đời sống tật nguyền, giờ đây tôi không có quyền để tước đoạt ước mơ của con. Nhà chùa nơi mẹ con tôi xin ghé nhờ tá túc người ta quyên góp mua tặng cho con gái tôi một chiếc xe lăn.

Từ đó khi con gái tôi lên cấp 2, con được bạn qua chùa đẩy xe lăn giúp con gái tôi tới trường. Niềm vui vì con ngoan, học giỏi đã giúp tôi vượt qua bao khó khăn cực khổ, giúp tôi vượt qua nỗi tủi hận về thân phận mình vốn đã chôn sâu trong tận cõi lòng.

Con gái tôi lớn lên như một phép màu cuộc đời đậu xuống cuộc sống khốn khổ và bất hạnh của tôi. Cùng với chiếc xe lăn con vượt qua bao gian khó để đến với những ước mơ của riêng con. Con vượt qua bao kỳ thi học sinh giỏi, qua bao thử thách của số phận để đón những điều tốt lành. Con thi đỗ vào Đại học Ngoại thương, một ngôi trường mà bao bạn bè lành lặn khác, có điều kiện sống tốt hơn con nhưng vẫn không với tới. Con trở thành sinh viên đại học trên chiếc xe lăn, và ngày tốt nghiệp đại học, con được một công ty lớn mời con về làm việc.

Thưa các anh các chị!

Từ ngày con gái tôi vào một công ty tài chính của nước ngoài làm việc, hai mẹ con tôi không phải tá túc ở chùa nữa, con gái đã đưa lương về phụ đỡ mẹ để mẹ có thể tìm chỗ thuê nhà. Tôi cũng đã mở được gánh chè trong hẻm bán cả ngày. Những đồng tiền dành dụm từ mồ hôi nước mắt của tôi từ gánh chè giờ không cần dùng đến nữa. Tôi tích cóp lại trong sổ tiết kiệm để mơ ước có một ngày mẹ con tôi mua được một gian nhà nhỏ trong thành phố để ở, để cho hai mẹ con an tâm có một chỗ của riêng mình.

Nhưng mơ ước chỉ là ước mơ thôi vì tiền lãi lời từ gánh chè có đáng là bao. Con gái đi làm lương đã có thể đủ trang trải cho cả hai mẹ con một cuộc sống không quá khổ nữa. Với đôi chân tật nguyền, chiếc xe lăn sớm tối, con gái bé nhỏ của tôi đã đến và bước vào đời sống này như một niềm ân huệ trời ban cho người mẹ đau khổ là tôi

Nhưng các anh chị ơi!

Phép nhiệm màu đã đến với mẹ con tôi không phải con gái tôi làm được tiền, hay có công việc ổn định, mà con tôi đã có một người đàn ông đích thực, một người đàn ông giàu yêu thương đã đến từ phía bên kia quả địa cầu và chia sẻ cùng con hành trình trên đường đời phía trước.

Ngày có một người đàn ông cao lớn, mắt xanh, tóc vàng đẩy xe lăn đưa con gái tôi về nhà và quỳ xuống nắm lấy hai bàn tay tôi nói bằng ngôn ngữ tiếng Việt rất sõi rằng: “Mẹ ơi, con xin phép mẹ cho con được yêu thương Nga và cưới cô ấy về làm vợ. Con nguyện cả đời chăm sóc và yêu thương cô ấy mẹ ạ” thì trái tim tôi vỡ òa ra nức nở.

Cả đời tôi không biết bố mẹ là ai. Cả đời tôi không được gọi một tiếng bố tiếng mẹ. Tôi chỉ có mõ già, lớn lên trong côi cút, hiu quạnh. Đời tôi chưa một lần được yêu đương, tôi có thai từ những lần bị ông giáo già cưỡng hiếp. Tôi sinh con gái ra trong tận cùng cay cực. Vì ám ảnh tội lỗi mình gây ra cho con, khiến cho tôi khép chặt lòng mình vĩnh viễn, tôi ở vậy để dồn tất cả tình yêu thương, mối quan tâm để nuôi dạy con nên người. Tôi cũng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện con gái tôi có thể học lên được đại học, tốt nghiệp giỏi, rồi ra trường có được một công ty lớn mời về làm việc. Càng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện con có được một chàng trai yêu thương và lấy làm chồng.

Nếu có mơ thì cũng chỉ dám mơ con gái tôi tìm được người cùng hoàn cảnh, thấu hiểu hoàn cảnh thiệt thòi của nhau mà có thể thương yêu nhau nên vợ nên chồng. Càng không bao giờ dám hy vọng có một người con trai khỏe mạnh lành lặn đường hoàng thương con gái tôi chứ chưa nói đến việc chọn con gái tôi làm vợ.

Ấy thế mà đứa con tật nguyền không nhà, không cha là bé Nga nhà tôi không những trở thành một nhân viên giỏi, được bạn bè đồng nghiệp quý trọng, con còn tìm được tình yêu của một người đàn ông xuyên biên giới. Cậu ấy là người Pháp, cùng làm việc trong công ty tài chính mà con gái tôi đang làm hiện nay, và chàng trai đó đã về tận ngôi nhà thuê trọ nhỏ bé trong hẻm để quỳ xuống xin phép tôi chấp nhận cho cậu ấy được lấy bé Nga làm vợ.

Kính thưa các anh các chị!

Cuộc đời tôi có là mơ không. Đám cưới của con gái tôi được các đồng nghiệp ở công ty tổ chức một bữa tiệc nhỏ ấm cúng ở Việt Nam. Bố mẹ con rể tôi bay từ Pháp sang dự tiệc và đến tận nhà trọ nơi hai mẹ con tôi ở để ăn bữa cơm thân mật do tôi tự tay nấu, các con tôi đang đi hưởng tuần trăng mật tại Phú Quốc. Bố mẹ chồng của con gái tôi đã bay trở về Pháp để chuẩn bị tổ chức tiệc cưới vào đúng ngày Valentin cho cả hai đứa ở bên Pháp. Vé máy bay mời dự đám cưới của con gái ở Pháp cũng đã được con rể tôi mua sẵn cho mẹ vợ rồi. Nhiều lúc tôi không dám tin đây là sự thật nữa.

Tôi viết những dòng chữ này để chia sẻ câu chuyện của đời tôi mà nước mắt tôi chảy giàn giụa. Tôi nhớ mõ già, người đã nhặt tôi ở cổng chùa về nuôi, người đã trao cho tôi một niềm tin mãnh liệt để sống, để vượt qua cay đắng tủi cực. Tôi nhớ mõ luôn động viên tôi: “Con hãy tin đi, ông trời không lấy đi của ai tất cả”. Tôi đã sống bằng niềm tin mong manh ấy. Tôi đã đến được bến bờ hạnh phúc cũng chỉ bằng một niềm tin bé nhỏ trong vũ trụ bao la này.

Thưa các anh các chị!

Tôi định khi các con ổn định sau đám cưới, tôi sẽ kể cho con gái tôi nghe gốc gác của con và ai là bố của con. Tôi sẽ dẫn con gái, con rể tôi trở về làng, vào ngôi chùa làng để thắp nén hương, lạy tạ cho Mõ già, cho Đức Phật ở đó. Tôi tin rằng, Mõ già vẫn dõi theo tôi và chở che cho tôi đến được bến bờ hạnh phúc hôm nay.

Và còn một điều nữa, tôi muốn con tôi biết mặt bố, cho dù ông ấy là một kẻ hèn hạ, độc ác, hay giờ chỉ còn là một nấm mộ ngoài nghĩa trang đi chăng nữa thì con tôi vẫn có quyền được biết bố của mình là ai, và tôi cũng nói với ông ấy một lời hàm ơn rằng vì ông ấy mà tôi có được kho báu của đời mình.

Đà Nẵng (NTMN)

 From: Phong Dương

Cậu Út

Cậu Út

Tôi bắt đầu khó chịu khi gặp hắn lần thứ ba. Vẫn bộ quần áo vàng dành cho sinh viên sĩ quan lúc đi phép, hắn tỉnh bơ ngồi tại câu lạc bộ sĩ quan. Chung quanh, mọi người đều mặc đồ trận, kể cả những sĩ quan trẻ ngồi cùng bàn với hắn. Trừ bộ quần áo lạc lõng, còn lại từ thái độ đến cung cách ăn nói của hắn chẳng có gì khác lạ. Nâng ly bia, cụng ly, uống một hơi dài. Rồi cười nói, vung tay, xoãi chân như việc hắn có mặt tại đây trong bộ quần áo vàng là điều tự nhiên. Bất cần thiên hạ với những cái nhìn kỳ cục ném về. Kể cả tôi, tiểu đoàn trưởng của tiểu đoàn hắn phải trình diện.

Một vài cái nhìn của đám sĩ quan trẻ ngồi cùng bàn với hắn hướng về khi tôi ngồi xuống. Những cái cười, cái gật đầu được làm. Tôi gật đầu đáp lễ, mắt vẫn không rời hắn. Hắn thản nhiên nhìn tôi rồi bưng ly bia lên uống một hơi dài. Đám sĩ quan trẻ cùng bàn thì thầm với hắn. Hẳn đang nói về tôi. Đột nhiên tôi có ý nghĩ theo dõi thái độ hắn – sau khi đã biết tôi sẽ là tiểu đoàn trưởng của hắn – thế nào. Ngạc nhiên? Bối rối? Rồi sẽ làm một cái chào… làm quen đầy ngượng ngùng như hầu hết các sĩ quan vừa ra trường về trình diện đơn vị. Nhưng không, mọi điều suy đoán của tôi đều sai. Chỉ thấy sau những câu thì thầm của những người ngồi cùng bàn là cái gật đầu của hắn. Cái gật đầu hờ hững. Lại thêm một câu nói của người ngồi bên trái hắn. Lần này tôi ngạc nhiên và cảm giác khó chịu đã bắt đầu. Đó là cái nhún vai – cũng rất tự nhiên – của hắn.

Nén bực bội, tôi quay sang hướng khác. Thái độ dửng dưng và cái nhún vai của hắn vẫn đeo đuổi tôi. Cảm giác khó chịu càng lúc càng tăng khi tiếng cười của bàn hắn ngồi vang đến. Cuối cùng là tự ái bùng lên với ý nghĩ bị coi thường. Dù sao hắn cũng chỉ là một sĩ quan thuộc cấp, không thể có hành động như thế được. Liên tưởng đến hai lần trước tôi càng bực bội. Cả hai lần hẹn hắn trình diện đều không gặp cả hai. Lần đầu hắn đến khoảng 8 giờ rưỡi. Giờ trình diện là 9 giờ. Tôi ra trễ, hắn bỏ về. Lần thứ hai hắn đến văn phòng từ lúc 7 giờ sáng. Khoảng 9 giờ 10 tôi đến. Vẫn không thấy hắn. Người thượng sĩ già cho biết hắn vừa đi. Tôi im lặng theo dõi tên chuẩn úy này. Đằng nào mình cũng trễ hẹn. Tôi đã nghĩ thế và thông báo hắn đến trình diện lần thứ bạ Cái kỳ cục của hắn, kể cả bộ quần áo vàng đang mặc trên người đã làm tôi chú ý. Một mẫu người đặc biệt. Đã có lần tôi nghĩ thế với cái cười khoan dung. Nhưng hôm nay, lần hẹn thứ ba chưa đến tôi đã gặp cái nhún vai của hắn. Bao nhiêu ý nghĩ về hắn trong đầu đã thành khó chịu. Rõ ràng hắn coi tôi chả có ký lô nào. Mẹ kiếp! Ngựa non háu đá. Tôi uống cạn ly cà phê và đứng dậy với quyết định rất bình thường của một đơn vị trưởng bị xúc phạm: sẽ chứng minh cho hắn biết quyền hạn của mình.

Chín giờ sáng hôm sau tôi có mặt tại văn phòng. Hắn đã đến từ lúc nào. Vẫn bộ quần áo vàng hắn vào trình diện. Trong thế đứng nghiêm còn sặc mùi quân trường, hắn đọc nhanh cấp bậc, họ tên, số quân, câu trình diện rồi kết thúc bằng hai tiếng “chờ lịnh” lớn. Cung cánh rất nghiêm chỉnh, hắn đứng nhìn tôi. Đã sẵn ý tưởng lấy uy từ chiều hôm qua, tôi để yên hắn đứng một lúc. Sau cùng là cái hất hàm.

– Chuẩn úy ngồi xuống.

– Cảm ơn thiếu tá.

Hắn ngồi xuống, hai tay đặt trên bàn, vai thẳng băng với cái cổ cứng ngắc. Tôi nhìn chăm chăm vào mắt hắn. Đôi mắt lồi với những sợi gân máu nhỏ li ti bám trên lòng trắng cũng đang nhìn thẳng vào mắt tôi. Hắn có vẻ bình tĩnh hơn tôi tưởng.

– Mãi đến hôm nay tôi mới gặp chuẩn úy.

Tôi mở đầu lửng lơ. Hắn gật đầu.

– Thưa thiếu tá, tôi có đến đây hai lần theo lời gọi của thượng sĩ thường vụ.

– Đến rồi lại về?

– Vâng.

– Tại sao?

– Bởi không gặp thiếu tá.

– Tôi có nghe thượng sĩ thường vụ bảo cả hai lần chuẩn úy đều không chờ…

– Tại sao tôi phải chờ khi thiếu tá hẹn đúng 9 giờ là trình diện?

Hai bàn tay hắn vẫn đặt thoải mái trên mặt bàn khi hắn hỏi lại. Cảm giác khó chịu lại đến, tôi gằn giọng.

– Lần đầu tôi không nói. Tại sao lần thứ nhì chuẩn úy đến từ 7 giờ, chờ hơn hai tiếng rồi lại bỏ về khi vừa quá giờ hẹn độ mươi phút?

– Thưa thiếu tá, chờ hơn hai tiếng là phần tôi thích chờ, còn trễ 10 phút là phần thiếu tá trễ. Tôi không có lỗi…

Hắn vẫn nhìn thẳng vào mắt tôi khi nói. Từ cặp đồng tử đen láy của hắn, tôi bắt gặp hình ảnh của tôi ngày mới ra trường. Cứng ngắc trong từng câu nói, từng bước đi và ngại ngùng khi gặp cấp trên. Người sĩ quan trẻ trước mặt tôi khác hẳn. Hắn thoải mái và tự tin khi đối diện với mọi vật. Sự khó chịu chợt mất, trong tôi bắt đầu thích thú. Nhưng vẫn với nét mặt nghiêm nghị, tôi tiếp tục câu chuyện.

– Hôm qua ở câu lạc bộ sĩ quan, gặp tôi sao chuẩn úy lại nhún vai?

– Thiếu tá có thấy?

Hắn hỏi lại như xác nhận những ý nghĩ của tôi ngày hôm qua là đúng một cách rất ư là tự nhiên.

– Phải. Tôi thấy chuẩn úy có vẻ khinh thường tôi.

– Tại sao tôi lại khinh thường thiếu tá khi tôi chưa biết thiếu tá là ai? Hơn nữa, nếu biết là thiếu tá thì lúc đó tôi vẫn chưa trình diện…

Rất rành mạch hắn trả lời câu hỏi. Sự thích thú trong tôi chợt lớn. Cố nén nụ cười, tôi nói nhanh.

– Còn bộ quân phục, không lẽ nhà kho chưa phát quần áo trận cho chuẩn úy?

– Thưa thiếu tá tôi đã nhận được quần áo trận, nhưng quá rộng không thể mặc được. Ở quân trường có dạy nhìn quân phục biết tư cách. Tôi phải giữ tư cách, không thể ăn mặc cẩu thả được. Đành phải mặc đỡ bộ quần áo này, sau khi lãnh lương tôi sẽ sửa.

Lần này không thể nhịn được, tôi bật cười trước vẻ nghiêm trang của hắn khi trình bầy về bộ quần áo vàng đang mặc trên người. Nhưng hắn vẫn nghiêm. Bây giờ thì người giữ uy là hắn chứ không phải là tôi.

– Thôi được, chuẩn úy xuống ban quân lương để tạm ứng trước. Cố gắng sửa sớm, mình chỉ còn hai tuần để học bổ túc. Sau đó sẽ ra hành quân.

– Cảm ơn thiếu tá.

Hắn đứng dậy, lại một cái chào đúng kiểu Thủ đức. Tôi nhìn theo tấm lưng thẳng của hắn với nụ cười lạc quan. Thằng này một xanh cỏ, hai đỏ ngực, đúng điều cần thiết cho một binh chủng tác chiến mang nhiều lời khen pha trộn với tiếng chê: Biệt động Quân.

Vẫn không xanh cỏ, nhưng chẳng đỏ ngực bởi ký củ quá nhiều. Hơn một năm tại chiến trường Bồng sơn, Tam quan hắn đã trở thành một trong những trung đội trưởng chiến với cái tên dễ thương được gọi từ đồng đội: “cậu út”. Tôi thích thú theo dõi sự trưởng thành của một anh chàng chuẩn úy sặc mùi quân trường thành một sĩ quan tác chiến. Ngoài tính tự tin và kỷ luật với đơn vị khi hành quân, cậu út như đã quên hẳn những lễ nghi cứng ngắc. Phanh ngực áo, ngồi nhậu với lính từng can rượu trắng một cách hồn nhiên. Chửi thề ròn tan và đánh lộn với lính Địa phương quân tiểu đoàn 208 như cơm bữa. Bồ bịch tứ tung với các cô bán cà phê Tam quan… Nghĩa là chơi tận mạng, chơi đúng nghĩa một người chết trở về sau mỗi lần ủi. Bù lại cho những lần phá phách, cậu út đánh đấm rất đẹp. Lỳ lợm và khôn ngoan. Tự tin và kỷ luật. Cậu út đã biết áp dụng những điều cần thiết cho từng trường hợp. Con cọp đã rời khỏi bọc. Tôi đã thấy và tin tưởng. Bò vào tuyến Gia an, qua dẫy giao thông hào đầy mìn bẫy để cắm cờ. Giành lại đèo Bình đê để khai thông quốc lộ. Đánh đồi Hai vú để giữ đường vào phi trường. Giữ đồi 30, 31 để án ngữ lối vào An lão… cậu út đã thản nhiên tham dự với tiểu đoàn bằng đôi mắt nhìn thẳng như lúc trình diện tôi tại trung tâm huấn luyện Dục mỹ, khi tiểu đoàn về học bổ túc và bổ xung quân số. Cảm tình của người đơn vị trưởng dành cho một sĩ quan cấp dưới trong tôi thật kỳ lạ. Hãnh diện và thán phục. Thái độ ung dung trong mỗi lần hành quân đã làm tôi suy nghĩ nhiều về cậu út. Hắn còn quá trẻ để thành một con người như vậy. Thời gian ở đơn vị quá ngắn so với cái hắn làm được. Cộng tất cả những điều đã học ở quân trường với kinh nghiệm tại đơn vị cũng không đủ cho hắn thay đổi đến thế. Tôi đã hãnh diện. Tôi đã thán phục. Và bắt đầu tìm hiểu.

Sự thắc mắc trở nên rối bung và kín mít, không thể giải thích khi tôi biết về quá khứ của hắn. Là con út một ông đại tá thanh tra quân đoàn 3, Gia đình giàu có với hai tiệm vàng của bà mẹ làm chủ, “cậu út” sống sung sướng. Học giỏi, được mã, con ông cháu cha. Nghĩa là cậu út hội đủ điều kiện mơ ước của một thanh niên đang sống trong thời này. Lại nữa, kèm theo là hai tấm giấy hoãn dịch, một vàng vì lý do học vấn, một trắng vì lý do gia cảnh. Chữ “thọ” theo như quan niệm của số đông đeo vững vàng trước ngực. Vậy mà “tình nguyện” đi lính. Hai chữ “tình nguyện” là do mọi người nói. Nhưng sau cùng tôi biết, cậu út đi lính vì thất tình. Rất thành thật hắn kể lại mối tình với cô gái người Tiều châu. Chẳng giấu diếm để tô thêm lớp son hào hùng quanh con người lì lợm của hắn. Tất cả chỉ thế. Dễ hiểu và bình thường như trăm ngàn lý do bình thường khác. Vào lính ông cụ lo về chỗ ngon lành. Hắn từ chối, chọn Biệt động Quân. Bấy giờ có danh từ “cọp liếm”. Mặc tất cả, hắn thản nhiên xách ba lô về trình diện. Thản nhiên đánh đấm. Thản nhiên chơi bời. Để trở thành người sĩ quan tác chiến kỳ cục này với cái hỗn danh: cậu út.

Thêm vào đó những ngày trọng cấm mà hắn cũng thản nhiên ký lại làm sự thắc mắc của tôi càng thêm rối rắm. Nếu muốn chết để quên mối tình với cô gái Tiều châu – tạm gán cho hắn lý do cải lương này – thì hắn đâu cần khôn ngoan khi chiến đấu? Nếu muốn “đỏ ngực” thì hắn đâu thoải mái phá phách, rong chơi? Cả đoạn đời sau lưng và trước mặt đều không lộ ra một nguyên nhân nào giải thích cho con người cậu út. Tôi bỏ cuộc khi cậu út được đeo lon thiếu úy.

Sau trận núi Chéo, tiểu đoàn bị cày nát. Hơn một tuần lễ tăng phái cho sư đoàn 22 Bộ binh để ủi lên, ủi xuống núi Chéo – tên ngọn đồi trọc chỉ cao 81 thước – cả đơn vị còn lại chưa đầy trăm người lính và mươi sĩ quan. Trong đó có tôi và cậu út.

Trước ngày về Dục mỹ bổ xung quân số và học bổ túc, đứng trước hàng xác đồng đội quấn trong poncho tại phi trường Phù cát, lần đầu tiên tôi thấy vẻ ung dung biến mất trên mặt cậu út. Khuôn mặt như cằn lại, hai hố mắt lõm sâu. Chúng tôi im lặng khi hỏa tiễn 122 ly vẫn rót chung quanh. Người lính trong cậu út có lẽ bấy giờ đã lớn hơn.

Hắn đứng rất lâu trước hàng poncho cuộn xác. Mắt lờ đờ như đôi mắt xác chết. Nét hồn nhiên mọi ngày như chưa từng có. Đứng ngẩn ngơ, rồi đi từng bước ngắn. Thỉnh thoảng lại cúi xuống đọc một cái tên, miệng lẩm bẩm những câu không rõ. Tôi không còn nhận ra dấu vết gì của riêng hắn – người sĩ quan trẻ lì lợm, hồn nhiên và dễ thương của đơn vị. Chỉ còn lại một cái xác di động trước những cái xác đang cuộn trong poncho. Một cái xác chưa cuộn poncho.

Lê từng bước đến cuối dãy xác hắn dừng lại. Rồi bắt đầu quay lại bằng những bước ngắn hơn. Đế giày hình như không rời khỏi mặt nhựa của phi đạo. Tất cả sự mệt mỏi được bộc lộ trên con người cậu út. Tôi ngạc nhiên theo dõi thái độ hắn và vẫn không nghĩ hắn mất hồn sau trận đánh. Không thể bảo hắn là sợ hãi cái chết được. Điều hắn đã làm và tôi đang chứng kiến đã cho kết luận này. Đạn 122 ly vẫn nổ rải rác. Phi trường vắng hoe, chỉ có những người lính đang trong nhiệm vụ mới có mặt, còn lại hầu hết đều ở trong hầm. Mỗi tiếng nổ là một đám khói bốc lên, một cái chết đem đến. Ngay cả những người đang ngồi trong hầm, dưới lớp bao cát dầy vẫn thấp thoải âu lo. Nhưng hắn vẫn đi đi, lại lại trước hàng xác. Mặc đạn réo ngang đầu, mặc từng chớp lửa xa gần. Cậu út như đang sống với hàng xác quấn poncho trong một khoảng trời khác.

Từ trong miệng hầm tôi gọi tên hắn. Cậu út vẫn những bước chân lê sát mặt nhựa. Tôi gọi lần thứ nhì lớn hơn. Hắn vẫn không nghe. Rồi lần thứ ba tôi gọi bằng cái hỗn danh đồng đội thường gọi. Vừa lúc đó một loạt pháo 122 ly nổ chung quanh, rất gần. Những ánh chớp loé lên và cái ù tai rầm rĩ làm đau bọng tai. Cậu út dừng lại, đầu ngẩng lên và mắt hướng về phía hầm của tôi. Cặp mắt lờ đờ vừa có tia sáng ngạc nhiên. Tôi gọi thêm lần nữa, hắn đã nghe rõ. Trên nét mặt lầm lì vẫn không điểm thêm chút xúc cảm nào. Bằng những bước chân dài hơn khi nãy, nhưng không vội vã hắn tiến về phía hầm tôi. Đến sát miệng hầm, hắn ngồi xuống trước lối vào. Cái đầu đưa vào trong đó với đôi mắt đã trở lại bình thường.

– Thiếu tá…

– Cậu vào đây, chúng nó đang pháo, ở ngoài rất nguy hiểm…

– Không sao đâu thiếu tá.

– Biết đâu…

– Có gì thì nằm chung với anh em ngoài kia cũng đỡ buồn…

Hắn cười nhạt sau câu nói và đứng dậy, đi về phía hàng xác. Tấm lưng thẳng như chĩu xuống dưới ánh nắng. Bước chân đang nhanh lại thành chậm khi đến cạnh hàng xác. Từ miệng hầm nhìn ra, khoảng cách giữa tôi và cậu út như xa lắm. Bóng hắn in trên nền trời ngập nắng, sừng sững như một pho tượng đang sống. Trong cảm giác xấu hổ tôi thấy miệng hầm đang trú ẩn như lối vào hang chuột.

Sau lần đó, tôi được chuyển về đơn vị khác.

Tháng 3 năm 1975, chúng tôi gặp lại nhau thêm lần nữa. Đó là buổi chiều tại sông Bạ Sau đoạn đường đầy máu của liên tỉnh lộ 7B, qua Phú bổn, Phú túc… Cái mệt mỏi pha trộn âu lo làm tôi muốn bỏ cuộc khi thấy cảnh tượng tại sông Bạ Đạn pháo đủ loại vẫn rót, trực thăng vẫn tải người qua sông với chùm người bám trên hai càng sắt như đàn kiến bám trên hai sợi chỉ mỏng manh. Những cái đạp chân của đồng đội trên những bàn tay đồng đội đang tìm sự sống. Những con người chơi vơi hai tay khi rớt xuống. Những con người đong đưa, tay duỗi căng đang chờ phiên mình bị đạp để bắt đầu cái chết. Những hố đạn pháo vung vít thịt, xương… Tất cả bao quanh tôi sau cố gắng vượt qua mọi thứ để sống, từ Kontum.

Tôi ngơ ngác nhìn mọi việc xảy ra. Người và người. Đạn và đạn. Như hôn mê, tôi không còn là tôi. Ranh giới giữa cái sống và cái chết không có tại đây. Nhốn nháo pha trộn sự phó mặc, đám đông chung quanh ẩn hiện như có, như không. Tôi chán nản đến một hố đạn ngồi xuống. Một bàn tay nắm lấy vai tôi. Rồi một bàn tay nữa. Cậu út đang đứng trước mặt tôi.

– Trung tá…

– Cậu…

– Vâng. Em đây.

Tiếng “em” đầu tiên, từ ngày gặp được cậu út gọi thật bất ngờ. Giữa cái hoang mang tôi chợt thấy được an ủi. Nước mắt tôi ứa ra.

– Mình đã thua cậu ạ.

– Vâng. Mình đang thua.

Hắn gật đầu, khuôn mặt của ngày ở phi trường Phù cát lại hiện về. Bây giờ ngoài hai hố mắt sâu còn thêm những nét nhăn trên trán. Người lính trong cậu út đã già hơn.

– Cậu tính sao?

– Em không biết. Em đã ngồi đây từ đêm hôm qua Chẳng biết phải làm gì.

– Phải về Sàigòn.

– Về Sàigòn?

– Đúng.

– Rồi từ Sàigòn sẽ về đâu?

Hắn đặt lại câu hỏi như lần đầu gặp. Nhưng ngoài thái độ điềm tĩnh còn pha thêm vẻ đau đớn trên khuôn mặt.

Tôi im lặng. Chúng tôi im lặng ngồi xuống hố đạn. Nắng đã tắt, trên bầu trời bắt đầu sáng ánh vàng hỏa châu. Trong cơn mệt mỏi tôi thiếp đi.

Sáng sau tôi tỉnh dậy, cậu út đã bỏ đi từ lúc nào.

Mười ba năm ở Mỹ, vật lộn với cuộc sống khiến quá khứ trở thành hỗn độn, nhạt nhòa. Có những điều nhớ, có những điều quên trộn lẫn. Một nơi chốn nào, một thời gian nào, một con người nào… Cả ba điều khó đi cùng một lúc để trở lại. Tôi đã quá mệt mỏi. Qúa khứ như vùng cát đã lấp sóng. Chỉ thương, chỉ nhớ – và ngay cả 2 điều này – cũng chỉ cảm thấy. Không thể hình dung rõ nét. Nhưng nếp nhăn trên trán của người thanh niên 24 tuổi vẫn rõ ràng trong tôi. Những nếp nhăn kỳ cục của một con người thoáng qua trong đời làm tôi phải suy nghĩ. Sau đêm đó cậu út mất biệt trong cuộc sống. Không một tin tức nào cả. Kể cả những người đi tù về, vừa vượt biển sang. Chẳng một ai nhắc đến người thanh niên đó.

Đã có lần tôi hình dung ra cái chết của hắn. Một mảnh đạn ghim vào thân thể khi rời hố đi cầu. Chỉ thế mới bỏ mình tôi ở lại trong hố đạn. Không một lời giã từ, không một lời trăn trối. Suốt 13 năm, chưa một lần tôi nghĩ hắn bỏ lại mình tôi để vượt sông Ba một mình. Sự tin tưởng thật rõ ràng. Tôi tin thế, như tôi đã tin hắn khi còn ở Bình định. Nhất là lúc đó, giữa cái hoang mang tìm cách vượt sông của mọi người hắn vẫn ngồi yên trong hố đạn. Con người như hắn chỉ có cái chết mới bỏ đồng đội. Có thể hắn tự tử… Có thể hắn bị giết… Những câu trả lời tôi đặt ra cho tôi đều bằng cái chết của cậu út. Luôn luôn thế, bởi trong trường hợp đó chỉ có cái chết mới làm cậu út sống mãi hình ảnh đẹp trong ý nghĩ của tôi. Tôi biết dù sao cũng là ích kỷ – nhưng thà thế – để cậu út có trọn cuộc sống đúng nghĩa.

Sự tin tưởng là hắn đã chết càng mãnh liệt khi tôi nghe một số bạn vừa sang kể về cuộc sống tù đày tại những trại tập trung. Ở đó, ranh giới giữa anh hùng và anh hèn mong manh như lớp vỏ khoai mì. Con người thật lộ ra trong trại. Có những con người rất bình thường khi sống ngoài đời, hoặc giả tầm thường hay nhút nhát cũng trở thành kiên cường, quyết liệt với kẻ thù trong trại. Và ngược lại cũng có những con người rất can đảm, khí phách ngoài đời lại biến thành bần tiện, hèn hạ trong tù. Sẵn sàng bán rẻ đồng đội bằng những tiện nghi tối thiểu. Tôi ngạc nhiên khi nghe chuyện kể và mừng rỡ trong ý nghĩ nhỏ nhen là mình không lâm vào cảnh đó. Lại liên tưởng đến cậu út. Hắn sẽ thế nào nếu sống trong tù? Nghĩ đến hắn và ý nghĩ mong hắn chết lại càng lớn hơn. Thà thế, để mãi mãi người lính với cái hỗn danh dễ thương đó là một hình ảnh đẹp. Cuối cùng cái phân vân nghi hoặc trở thành sợ hãi khi sẽ nhận được một tin về hắn đã làm những năm sau này tôi nhốt kín hắn trong đầu của mình. Không muốn hỏi thăm ai và cũng chẳng muốn nghe ai nhắc đến hắn. Cầm bằng như đã chết mất một người bạn nhỏ.

Trong số những người tôi quen tại thành phố này, có một người viết sách. Một chiều tháng sáu, anh ta rủ tôi đến chơi tại tòa soạn tờ báo Việt ngữ. Mục đích, như anh ta bảo là để xem bài mình viết được trình bày ra sao. Tôi cùng đi và được nghe mẩu đối thoại tại phòng kỹ thuật và trình bày tờ báo.

– Ai lay out bài này.

– Tôi.

– Tại sao lại để ở phần cuối trang.

– Vì mỹ thuật và kỹ thuật

– Tôi đề nghị đem bài này lên đầu trang.

– Tại sao?

– Bởi vì bài này do tôi viết.

– Không được.

– Phải được. Tôi muốn thế.

– Tôi có 2 điều nói với ông. Một là tôi không cần biết ông là ai. Hai là tôi yêu cầu ông bước ra khỏi phòng này.

– Anh biết tôi là ai không?

– Tại sao phải biết?

– Tôi giới thiệu với anh, tôi được mời vào nhóm chủ trương tờ báo này.

– Ra thế!

– Anh hãy dời lên trên.

– Sau khi ông giới thiệu về ông. Ngoài hai điều vừa nói tôi còn thêm một điều thứ ba nữa để nói với ông: tôi sẽ không đăng bài của ông. Không! Phải nói là tôi không cho phép bài ông đăng vào phụ trang này, bởi tôi là người đã và đang phụ trách trang báo. Và ông, người chủ trương tờ báo không có nghĩa là ông có quyền xếp bài mình viết lên đầu trang báo theo ý muốn.

Tôi ngẩn người sau mẩu đối thoại. Lối trả lời rành mạch và giọng nói cách đây mười mấy năm sống lại. Chỉ là hắn mới có lối nói chuyện thế này. Tôi bước vào phòng kỹ thuật. Người viết sách hầm hầm nhìn một thanh niên đang vo bài báo – chắc của hắn – vất vào sọt rác. Đôi vai thẳng băng, cái lưng cứng và thái độ ung dung. Tôi gọi một cái tên. Người thanh niên quay lại. Đó là cậu út, hắn nhận ra tôi ngay.

– Anh…

– Phải, tôi đây.

Bỏ mặc người viết sách, cậu út tiến lại phía tôi. Nụ cười thật hồn nhiên trên môi. Khuôn mặt đã không còn nếp nhăn với đôi mắt đầy tự tin. Đột nhiên tôi liên tưởng đến những chuyện đã được nghe về trại tù, rồi hình ảnh hố đạn pháo cạnh sông Ba trở về.

– Sau đêm đó cậu đi đâu? Đêm ở sông Ba đó…

– Anh nhớ dai thật. Hắn vẫn cười hồn nhiên. Em không ngủ được, đầu óc nghĩ những chuyện đâu đâu, chỉ muốn tự tử. Bởi lúc đó em chẳng biết sẽ về đâu… Sau cùng, tự nhiên em đi ngược về liên tỉnh lộ 7B. Em cũng không hiểu tại sao lại quay về hướng cũ. Rồi bị bắt, sau mấy năm tù em trốn về được. Lại thêm mấy năm lang thang, làm đủ thứ nghề ở Sàigòn. Bây giờ em ở đây, như anh thấy…

– Cậu sang đây một mình?

– Vâng, nhà chả còn ai. Ông cụ mất, bà cụ thì già, anh chị cả đống con cái… Em đi một mình, hiện đi học buổi sáng, chiều làm ở đây.

Hắn kể chuyện của mình thản nhiên, như mọi việc xảy ra là điều tất nhiên. Ngay cả những chuyện tù, bị bắt, cha chết… Chỉ nhắc thoáng qua, không lộ vẻ cảm xúc nào. Và tương lai như đã vạch sẵn, chỉ bước tới. “Đi học buổi sáng, đi làm buổi chiều tại đây”. Thoải mái, tự nhiên hành động như ngày xưa chiến đấu và phá phách. Tin vào chính việc mình làm, con người cậu út vẫn không thay đổi. Người chết mười ba năm vừa sống lại. Tôi chăm chăm nhìn hắn. Mắt vẫn sáng và đang nhìn thẳng vào mắt tôi.

– Chuyện lúc nãy có thể khó khăn cho công việc của cậu.

– Tại sao lại khó khăn? Em làm đúng việc của mình, mấy cái râu ria em đâu màng. Không nhận thì không làm, nhận thì làm rõ ràng…

– Cậu vẫn thế.

– Làm sao thay đổi được hả anh.

– Ngay cả lối nói chuyện.

– Vâng, ngay cả lối nói chuyện.

Hắn nhắc lại và chúng tôi cùng bật cười. Phía góc phòng người viết sách ngạc nhiên theo dõi. Hắn sẽ mãi mãi ngạc nhiên bởi đã có cuộc sống của một con người hoàn toàn khác hẳn những trang sách đã viết. Của gã và ngay cả không của gã. Cuộc sống của người lính bình thường mang tên cậu út. Hệt như trăm ngàn người lính khác đã bước ra những ngoài dòng kẻ của trang giấy. Để sống và đã sống.

Nguyễn Ý Thuần

From: TU-PHUNG

Bi Kịch Bởi Một Chữ Tiền-Truyện ngắn

Van Pham

 GÓC SUY GẪM – Truyện ngắn phỏng dịch từ truyện ngoại quốc

Bi Kịch Bởi Một Chữ Tiền

Một người phụ nữ 28 tuổi làm việc cho một công ty ở thành phố, chồng cô và đứa con trai 10 tuổi ở quê nhà, cô hàng ngày đều đến công ty làm việc rất chăm chỉ để kiếm tiền gửi về cho gia đình.

Nhưng một ngày nọ bỗng xảy ra biến cố. Giám đốc công ty để mắt đến vẻ đẹp của cô. Ông ta đã nghĩ đủ mọi cách để theo đuổi, cũng nói với cô rằng, dẫu cho cô đã kết hôn và có con đi nữa, ông ta cũng vẫn một lòng yêu cô.

Lúc vừa mới bắt đầu, cô đã thẳng thừng cự tuyệt những lời đường mật. Về sau, ông giám đốc đó luôn tặng hoa và thường xuyên dẫn cô đi ăn. Còn hứa rằng ông sẽ ly dị vợ của mình để có thể được chung sống với cô. Cô đã tin, nhưng vẫn không từ bỏ được người chồng và đứa con của mình. Cô thường mang rất nhiều tiền về nhà.

Và chồng cô đã bắt đầu nảy sinh nghi ngờ, anh thường hay âm thầm theo dõi cô. Ngày kia, khi anh đến trước cửa phòng công ty thì nhìn thấy vợ mình đang nằm trong vòng tay của người đàn ông khác.

Đến một ngày cô đã xao động và quyết định bỏ rơi người chồng và đứa con. Anh đã tìm đến công ty để hỏi cho rõ ràng mọi chuyện. Nhưng cô im lặng, không nói một lời. Ông giám đốc kia nói: “Anh có thể cho cô ấy cái gì, anh chẳng cho được cô ấy cái gì cả, nhưng tôi thì lại hoàn toàn có thể. Cái tôi có chính là tiền”. Khi anh nghe xong, không nói được lời nào, liền lặng lẽ bỏ về.

Anh trở về ngôi nhà cũ. Cũng từ ngày hôm đó, cô không gọi điện về nhà hỏi thăm, và cũng không gửi tiền về nhà nữa. Đứa con trai còn nhỏ, thực sự không hiểu được tại sao mẹ không về nhà nữa. Rồi một ngày, đứa con trai hỏi ba nó:

– “Sao mẹ không gọi điện thoại về nhà nữa”.

Anh nói với con rằng mẹ sẽ không bao giờ trở về nữa, bây giờ cô đang sống một cuộc sống giàu sang, hạnh phúc với một người đàn ông giàu có khác rồi. Đứa con nghe xong nghĩ rằng anh đang gạt nó, bởi vì mẹ rất thương yêu nó, tình cảm hai mẹ con rất tốt kia mà.

Câu chuyện này chẳng mấy chốc đã đồn ầm lên, mọi người trong làng đều biết hết cả. Thằng bé đến trường cũng bị bạn bè trong trường chọc phá. Nó tức giận không thèm đến trường nữa, mà cầm bức ảnh chụp gia đình và 350 đồng của ba nó đi mất…

Nó mới 10 tuổi, cái tuổi qúa nhỏ để tìm mẹ giữa phố phường bao la đặc kín người qua lại. Nó muốn đích thân đi gặp mẹ để hỏi rằng có phải mẹ nó không còn cần nó nữa không. Dốc hết tâm tư, quyết đi tìm mẹ. Nó ra bến xe, đưa ra mảnh giấy có ghi địa chỉ của mẹ cho nhân viên bán vé xem, bảo vệ trạm xe đã đưa nó lên xe. Xe đưa nó lên thành phố nhưng thực sự nó không biết đến đâu để tìm.

Nó cầm mảnh giấy hỏi hêt người này đến người kia. Cuối cùn nó gặp một chú cảnh sát giao thông. Chú Cảnh sát giao thông đưa nó lên xe tắc-xi. Chiếc xe đã chở nó đến trước cổng công ty của mẹ nó. Thằng bé ngồi ở bên ngoài đợi mẹ tan ca.

Năm giờ rưỡi chiều, nó đã nhìn thấy mẹ, nhưng bên cạnh còn có một người khác nữa, nó liền chạy đến, gọi một tiếng “mẹ ơi!”

Mẹ nó lặng người đi vì sự xuất hiện bất ngờ của nó nên không nói lên lời. Đứa con tan nát cõi lòng, thất vọng tràn trề đối với mẹ…

Nó liền hỏi người đàn ông bên cạnh mẹ nó là ai. Ông giám đốc đó liền nói thẳng rằng ông là chồng của cô. Lúc đó, thằng bé vừa khóc òa lên vừa nói: “Tôi không có người mẹ như bà!”. Nói xong, liền cắm đầu cắm cổ bỏ chạy. Nó đau đớn, tuyệt vọng cứ nhắm mắt mà chạy qua một ngã tư đường, bỗng có một chiếc xe đang chạy như bay lao đến tông nó văng xa mấy mét, tài xế sợ quá, vội vã chạy xuống xe xem.

Kết quả nhìn thấy là một đứa bé, máu từ trong miệng nôn ra. Mọi người chung quanh đều chạy đến xem, có người tốt bụng liền gọi 119. Người tài xế cũng đã gọi cho cảnh sát. Xe cấp cứu đến nơi liền ôm nó lên xe. Trên xe nó cố dốc hết sức xin hỏi mượn điện thoại của bác sĩ. Nó gọi vào số của ba nó rồi gắng sức nói với ba rằng:

“Ba, kiếp sau con vẫn sẽ là con trai của ba. Nhưng con không cần người mẹ đó nữa”.

Khi ba nó chạy đến nơi thì nó đã nằm trong bệnh viện rồi. Ba nó chạy đến trước cửa bệnh viện, vừa trông thấy đứa con của mình chân anh khụy xuống, mềm nhũn hẳn ra, khó khăn lắm mới bò được đến bên cạnh giường đứa con đang nằm, anh đưa tay vuốt ve đầu của nó. Lúc đó, tất cả y tá trong bệnh viện đều khóc chảy nước mắt, cảnh sát đứng bên ngoài cửa mắt cũng ngấn lệ.

Khi anh muốn ôm con về nhà. Mẹ thằng bé đã đến. Nhưng anh không nói câu nào cả, vừa ôm lấy đứa con vừa lẩm bẩm một mình mà đi.

Mẹ nó khóc lóc thảm thiết, nói rằng:

– “Mẹ sai rồi…….mẹ sai rồi…..”

Ba nó nói:

– “Cô không sai. Chỉ là tôi vô dụng. Chúc cô hạnh phúc!”

Nói xong liền bỏ đi. Anh ôm đứa con về ngôi nhà cũ. Mọi người trong làng đều đã nghe tini, nên kéo đến xem. Khi mọi người trong làng thấy anh ôm thi thể của đứa con trai, mọi người đều không cầm nước mắt. Ông nội bà nội, ông ngoại bà ngoại đều khóc rất thương tâm. Khi mọi người còn đang chìm trong nỗi đau đớn cùng cực, mẹ của thằng bé đã trở về.

Người trong làng đều dùng ánh mắt khinh bỉ để nhìn cô. Ông ngoại thằng bé vừa nhìn thấy, liền đi sang đánh cô một bạt tai, nói:

– “Tao không có đứa con gái như mày”. Còn mắng cô không biết xấu hổ, là đồ hạ tiện, vì tiền mà chồng con cũng không cần.

Cô vẫn nhất quyết muốn nhìn đứa con trai mình lần cuối, nhưng không ai cho cô vào xem. Hết thảy mọi người đều ra sức xua đuổi cô. Ngay đến cha mẹ vốn là người thương yêu cô nhất cũng đuổi cô đi.

Khi cô xoay người đi, đứa em trai ruột của cô chạy đến trước mặt cô, nói: “Sao tôi lại có người chị không biết xấu hổ đến như vậy, thật khiến cho cả nhà chúng tôi cảm thấy vô cùng nhục nhã”. Mỗi một câu, tựa như một nhát dao đâm thẳng vào tim, cô vừa khóc vừa đi khỏi đó.

Trở về công ty để tìm người đàn ông đó, nhưng… Khi cô đến cổng công ty, bảo vệ liền ngăn cô lại, nói cô đã bị đuổi việc rồi, không cần phải đến công ty nữa. Lúc đó, cô đã hiểu. Gọi điện thoại của người đàn ông đó đều là khóa máy. Cô đã biết người đàn ông đó chỉ là đùa cợt với cô, cô liền ở trước cổng công ty đợi ông ta đi ra.

Giờ tan ca đã đến, nhìn thấy người đàn ông mà cô đã từng tin tưởng xuất hiện. Cô bước đến, hỏi: “Anh không còn yêu em nữa sao?”. Người đàn ông đó trả lời: “Tôi không thể ly hôn với vợ tôi được, đây là 100 vạn, cô đi đi, từ giờ trở đi đừng đến làm phiền tôi nữa”. Cô đau đớn ngồi bệt xuống đất, ông ta không thèm nhìn cô một cái liền lái xe bỏ đi.

Cô một mình bước đi trên đường như người mất hồn, nghĩ đến người chồng trước đây luôn đối xử tốt với cô, liền cầm điện thoại gọi điện cho anh, chồng cô nghe tiếng của cô liền hỏi có chuyện gì. Cô nói ông giám đốc đó chỉ đùa giỡn với cô, dối gạt cô. Chồng cô nghe xong, không nói gì cả. Cô biết rằng chồng cô sẽ không tha thứ cho cô. Bảo anh hãy tìm một người phụ nữ khác, mong anh sẽ sống vui vẻ, hạnh phúc, nói xong liền cúp máy.

Nhưng cô lại không hề biết rằng chồng cô đã khóc. Kỳ thực anh vẫn rất yêu cô. Cô tự mình đi mua một lọ thuốc bỏ vào trong bình nước uống, rồi đi tìm người đàn ông đó nói,

– “Ông không chịu trách nhiệm thì tôi sẽ tự sát.”. Cô đã uống, uống hết tất cả. Một lát sau, cô từ từ ngã xuống mặt đất, miệng sùi bọt trắng, bảo vệ vội vàng gọi cho 120 nhưng đã muộn mất rồi. Cảnh sát gọi anh đến nhận thi thể. Anh nhận thi thể về nhà. Anh chôn cô cùng với cậu con trai.

Anh đã mất đi người vợ và đứa con trai mà mình thương yêu nhất

Anh ngồi trước mộ cô và con 5 ngày 5 đêm, mãi đến ngày thứ 6, anh cảm thấy đầu óc choáng váng, rồi ngã lăn xuống đất. Khi tỉnh lại, thấy mình đang ở trên giường. Anh ngồi dậy, một mình chạy ra ngoài. Anh đi tìm ông giám đốc đó để tính sổ, anh thủ sẵn một con dao đợi ông ta ở bãi đậu xe. Đợi suốt mấy tiếng đồng hồ, cuối cùng ông ta đã đến lấy xe. Khi nhìn thấy anh, ông ta vô cùng hoảng sợ, hỏi anh muốn gì. Anh cầm con dao ra, chém 3 nhát vào cánh tay của ông ta, nói:

– “Ba nhát dao này chính là thay cho một nhà ba người chúng tôi”.

Lúc này, cảnh sát đã đến nơi. Thì ra lúc anh đến đây, anh đã gọi điện cho cảnh sát rồi. Khi cảnh sát chuẩn bị bắt, anh tự sát bằng cách cầm con dao đâm liên tiếp 7 nhát vào người mình. Anh nói với ông ta rằng: “Tôi không có tiền, nhưng tôi rất yêu cô ấy. Tôi sẽ mãi ở bên cạnh cô ấy. Tôi bằng lòng chết vì cô ấy. Ông có thể làm được không”.

Khi thi thể anh được đưa về quê nhà, người dân trong làng đều đứng đợi trước cổng làng, Vào thời khắc cảnh sát bàn giao thi thể anh cho người nhà, mọi người trong làng đều chảy nước mắt xót thương cho anh, cho gia đình anh. Còn cha mẹ anh khóc đến chết đi sống lại.

Ngày hôm sau, thi thể của anh được chôn cất, ngày hôm đó dường như ông trời cũng đang khóc vì anh. Trời đã mưa rất to. Nhưng mọi người trong làng không thiếu một người, tất cả đều dầm mưa để đưa tiễn anh. Tấm hình của anh được một người cháu ôm đi trước linh cữu. Đoàn người hướng về nghĩa trang.

Ba ngôi mộ chồng, vợ & con cùng được chôn bên cạnh nhau. Sự việc đã làm xôn xao dư luận khắp tỉnh và đến tai vợ ông giám đốc. Bà liền ly hôn với ông ta. Người đàn ông đó đã lãnh nhận hậu qủa việc mình làm. Công việc bị mất, gia đình tan vỡ…..

Tất cả đau thương đều bắt nguồn bởi một chữ “tiền”.

Thông điệp câu chuyện: “Làm người phải sống đúng với lương tri, đạo đức của một con người”. Tiền có thể từ từ mà kiếm, có tiền bạn có thể ăn ngon, mặc đẹp, có đời sống sung túc. Không có tiền, thì ăn không được ngon, mặc cũng không được đẹp. Nhưng quan trọng nhất vẫn là vui vẻ, hạnh phúc.

Tiền có thể mua được căn nhà, nhưng không mua được “ tổ ấm” !

Câu chuyện phỏng dịch từ cmoney.tw

R Ơ M – Quyên Di

Quyên Di

R Ơ M

Do một tình cảm đơn sơ, thuần khiết lúc ấu thơ, tôi rất thích rơm.

Trong những năm tuổi nhỏ được ở thôn quê, tôi thấy rơm và thích rơm một cách tự nhiên, không tìm biết lý do. Tôi thích rơm như cậu bé khác thích cái kèn làm bằng lá tre, như cô bé nọ thích con búp bê làm bằng những sợi len xanh đỏ kết lại. Tôi thích rơm, cái thích đơn thuần giản dị. Có lẽ đó là bản chất của tôi, bởi vì khi đã lớn lên, tình yêu của tôi cũng là một tình yêu giản dị. Tôi yêu vì yêu, không hỏi lý do, không cần biện bạch.

Sau ngày mùa, khi những bông lúa vàng trĩu đã được nhà nông cắt đem về kho lẫm, cánh đồng chỉ còn trơ lại rơm và rạ. Thân lúa xanh tốt ngày nào dẫn chất bổ dưỡng lên làm căng phồng những hạt lúa thơm ngát hương đồng nội, nay trở thành những cọng rơm khô vàng, rỗng và nhẹ. Tôi thích cái màu vàng ấy. Nó tươi và óng ánh như có tráng một lớp men. Màu vàng của rơm rực rỡ dưới ánh nắng mặt trời, làm cho cánh đồng sau mùa gặt có một nét đẹp riêng, mà trí óc non nớt của tôi chỉ có thể cảm nhận mà không biết tìm cách mô tả cho trọn vẹn được.

Thế rồi rơm cũng được người ta đem về như một thứ phó sản của vụ mùa. Lúa vì quý nên được cất vào bồ. Rơm không quý nên chỉ được đánh đống thành từng đụn ở ngoài sân, dưới gốc những cây cau, hoặc cũng nhiều khi được dùng để phủ kín những bồ lúa của nhà nông.

Những ngày mùa đông giá rét, khi cánh đồng cỏ trơ trụi phô ra mặt đất nâu cứng nứt nẻ, trâu bò ở trong chuồng cũng run lên vì lạnh, mẹ tôi và người nhà đem rơm ra cho trâu, bò ăn. Món ăn không ngon như những ngọn cỏ xanh mượt nõn nà ngoài đồng, nhưng cũng đủ làm cho trâu, bò no lòng và ấm áp.

Riêng tôi, những ngày mùa đông giá rét ấy, lại càng thấy gần rơm và thích rơm. Đang khi những ngọn gió rét buốt chạy đuổi nhau ngoài đồng hoặc tinh nghịch chui vào những mái nhà làm tốc lên lớp cỏ tranh; đang khi những chú chim sẻ trốn thật kín trong các ống nứa ống tre, tránh cái lạnh tê buốt cắt da, thì tôi thu mình nằm gọn trong ổ rơm mà mẹ tôi đã dọn sẵn ở góc nhà. Hơi ấm tự nhiên, thơm mùi lúa chín và cánh đồng còn vương vấn, toả ra thật dễ chịu. Tôi nằm lim dim trong trạng thái nửa thức nửa ngủ, để cho trí tượng tưởng miên man. Tôi thấy như được nằm gọn trong bàn tay từ ái của đất trời. Tình yêu của đất trời nồng nàn và bát ngát, ôm ấp và sưởi ấm con người, nhưng cũng giản dị mộc mạc như cánh đồng, ngọn cỏ, sợi rơm, tiếng chim hót, làn gió nhẹ hay ánh nắng chiều. Dù chỉ là một chú bé con, nhưng tôi cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc được làm người và được sống trên cái trái đất dễ thương, đẹp đẽ này. Về sau khi lớn, tôi đã nằm trên những chiếc giường tân tiến và tiện nghi, nhưng chưa một lần nào tôi tìm lại được cái cảm giác ấm áp, an toàn và hạnh phúc như khi nằm trên cái ổ rơm của ngày xưa còn bé.

Nằm trong ổ rơm chán, tôi ngồi dậy, co ro đi xuống bếp xem chị tôi thổi lửa nấu cơm. Chị cho rơm vào trong bếp làm mồi, ngọn lửa bùng lên rực rỡ, rồi tàn đần. Lửa rơm rất mau tàn. Nhưng ngọn lửa ấy đã bắt qua những cục than đen bóng. Chị kê cái ống thổi lửa vào bếp, chụm môi thổi. Làn hơi của chị làm cho những cục than dần dần hồng lên, cho đến lúc những cục than đen biến thành những cục than hồng rực rỡ. Hai má của chị tôi khi ấy cũng hồng, làm cho khuôn mặt thiếu nữ đương xuân của chị thêm tươi đẹp và duyên dáng…

Xem vậy mà rơm còn được dùng vào nhiều việc khác. Bạn có bao giờ thưởng thức món chân giò nấu măng chưa? Trước khi cho vào nồi nấu, người ta thui cái chân giò trong đống rơm cháy đỏ, mùi thơm trong khói lan tỏa khắp xóm. Mẹ tôi bảo chân giò không thui bằng rơm thì sẽ không thơm như vậy. Tôi kể chuyện này nghe có vẻ “phàm phu” quá phải không? Nhưng đó là một trong những niềm vui tuổi nhỏ của tôi.

Có khi rơm còn được ở… trên đầu người ta nữa. Ở trên đầu không giống như kiểu “trên đầu những rạ cùng rơm, chồng yêu chồng bảo hoa thơm cài đầu” đâu, mà là ở trên đầu mặt cách thật nghiêm chỉnh. Năm ấy bác tôi mất, cả họ để tang. Ngày đi đưa đám, tôi thấy các chị con bác mặc áo sô đội mấn trắng; các anh tôi cũng mặc áo sô chít khăn tang trắng. Anh con cả của bác thì mặc áo tang, và đội trên đầu một vành rơm, chống gậy đi giật lùi trước quan tài. Mẹ tôi giải thích cho tôi biết bác mất là chuyện đau buồn cho gia đình, không còn ai vui thích trong việc trang điểm lộng lẫy, áo quần bảnh bao nữa. Mặc áo sô, đội vành rơm để biểu lộ ra bên ngoài nỗi đau buồn bên trong. Như thế, dù được ở trên đầu người ta, rơm cũng vẫn bị xem như là một vật tầm thường, xấu xí.

Từ khi rời quê lên thành phố, rồi trối nổi theo những chuyển biến của lịch sử, cuối cùng thành một gã bỏ lại quê hương, tôi không còn dịp nào được gần gũi với rơm nữa. Nhưng mỗi khi tìm lại tuổi ấu thơ trong cơn mơ hay trong những lúc thả hồn theo kỷ niệm thiếu thời, tôi lại thấy rơm. Những sợi rơm vàng óng, nồng nàn mùi thơm hoang dã và hương lúa ngạt ngào như quấn lấy thân tôi. Hình như rơm muốn che chở cho tôi, ấp ủ lấy tôi để truyền cho tôi sự ấm áp và tình thân. Bây giờ đã lớn, nên tôi biết phân tích tình cảm của tôi để thấy rằng chính cái giản dị của rơm tạo nên một vẻ quyến rũ và làm tôi tưởng nhớ mãi, cho dù bao nhiêu hình ảnh khác của quá khứ hầu như đã tan biến trong tôi. Tôi cũng cảm nghiệm rằng tình yêu đơn sơ giản dị chính là thứ tình yêu đẹp nhất và lôi cuốn nhất.

Dịp lễ Giáng Sinh năm ngoái, tự nhiên tôi được một người bạn nhắc cho những hình ảnh về rơm, và qua bạn, tôi học được những bài học của rơm. Bạn tôi hiền như một con chim sẻ, ngây thơ như bồ câu, dễ thương như thỏ, nhưng đôi khi cũng biết tự phòng thủ như một con nhím. Và một điều chắc chắn là bạn có đời sống nội tâm thật sâu thẳm, sâu như lòng giếng nhìn không thấy đáy.

Bạn tôi sống trong một cộng đồng. Cộng đồng này có một tục lệ dễ thương lắm, cứ vào dịp Giáng sinh, mọi người bắt thăm để nói về một vật gì đó có liên quan đến máng cỏ. Bạn tôi bắt được lá thăm yêu cầu nói về rơm. Và sau dịp trình bày ấy, bạn đã nói lại cho tôi nghe những gì bạn nghĩ về rơm.

Bạn nói rằng bạn cũng đã nghĩ đến sự tầm thường của rơm, tầm thường đến độ khi đề cập đến những gì thấp kém, vô dụng, người ta gọi đó là những thứ “rơm rác.” Nhưng dù tầm thường đến thế nào đi nữa, rơm cũng không thật sự vô dụng đâu. Rơm sẵn lòng làm những công việc tầm thường nhất, khi mà người ta không có phương tiện để làm cho khá hơn. Nếu có chăn êm nệm ấm, chắc người ta không nghĩ đến chuyện nằm ổ rơm. Nhưng khi không có chăn êm nệm ấm, ổ rơm đã là nơi sưởi ấm con người trong những ngày tháng mùa Đông. Nếu có cỏ non thơm ngọt, người ta đã không nghĩ đến chuyện nuôi trâu bò bằng rơm. Nhưng khi chẳng còn cỏ non, rơm đã trở thành món ăn cho trâu bò no bụng. Không biết rằng người ta có ai hiền lành và có tinh thần phục vụ như rơm, sẵn lòng làm cho người khác những việc mà “không còn biết chạy vào đâu nữa người ta mới nhờ đến mình.”

Bạn nóị rằng khi đề cập đến lửa rơm, ai cũng có vẻ xem thường. Nhưng bạn nhìn lửa rơm ở một khía cạnh khác, và bạn thấy lửa rơm đáng quý lắm. Đáng quý vì lửa rơm mang ý nghĩa của sự hy sinh và khiêm tốn. Truớc khi có lửa củi, lửa than, người ta phải có lửa rơm. Lửa rơm tàn nhanh lắm, nhưng nếu không có lửa rơm, làm sao củi, than bén lửa? Và khi bếp đã cháy hồng, rơm chỉ còn là một nắm tro, không ai biết đến rơm nữa, người ta chỉ trầm trồ ngắm nghía những thanh củi, hòn than cháy hồng rực rỡ. Chẳng biết có mấy ai dám hy sinh và khiêm tốn như rơm, khởi đầu công việc, nhưng sau đó âm thầm lui đi và nhường lại vinh quang cho người khác?

Bạn nói đến một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Đó là sự trống rỗng của rơm. Trong lòng cọng rơm không chứa gì. Chính cái trống rỗng ấy làm cho rơm trở nên hữu ích. Bạn kể cho tôi nghe ngày xưa khi chưa có những địa bàn tối tân như ngày nay, người Trung Hoa đã xỏ kim nam châm vào trong một cọng rơm và thả xuống mặt nước yên lặng. Cọng rơm sẽ chỉ cho người ta biết hướng Nam hướng Bắc. Từ hình ảnh ấy, bạn nói cho tôi nghe cái cần thiết của sự trống rỗng. Hầu như ít có người biết tự làm trống mình. Tâm trí người ta thường chất chứa nhiều thứ lắm: tham vọng, mưu tính, hận thù, tranh chấp, thiên kiến… Những thứ ấy làm cho đầu óc và trái tim người ta chật chội, từ đó khó có những nhận định chính xác. Khi không có được nhận định chính xác, người ta không thể tự hướng dẫn mình và hướng dẫn người khác. Cọng rơm mà đặc thì không thể dùng để xỏ kim nam châm vào, để chỉ cho người ta biết hướng Bắc, Nam.

*

Bạn còn nói với tôi về sự đáng yêu trong cái tầm thường của rơm. Chúa Hài Nhi yêu sự khiêm hạ nên khi giáng thế Ngài đã chọn một hang đá nghèo hèn lạnh lẽo, và ngự trên một máng đựng cỏ, rơm. Vinh dự thay cho rơm, thụ tạo tầm thường “rơm rác” của trái đất, lại là vật đầu tiên được đụng chạm đến Thánh Thể Hài Nhi. Đâu còn vinh dự nào sánh bằng?

Và tôi thấy thích rơm hơn nữa. Tôi muốn giống rơm. Vì thế, tôi đã cầu nguyện với Chúa rằng: “Lạy Chúa, xin cho con biết hiền lành, khiêm tốn như một cọng rơm, để con được gần Chúa và được Chúa yêu. Xin cho trái tim con trống rỗng như một cọng rơm, để tình Chúa đổ xuống ngập tràn con tim ấy.”

Quyên Di

ĂN NĂN

Võ Hữu Nhậm

ĂN NĂN

Hôm qua nhà vợ có đám giỗ, vợ bảo nhà không làm cỗ, chỉ bày chút hoa quả cúng tổ tiên thôi. Anh về cũng được, nếu bận thì thôi. Vợ nói thì nói vậy, tôi tự thấy vẫn nên về.

Vợ chồng tôi sắp li hôn, sau 2 năm yêu nhau và 16 năm chung sống. Chúng tôi đến với nhau từ thời tôi còn hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng trầy trật tạo dựng sự nghiệp, cuối cùng rồi cũng có ngày phát triển như hôm nay. Nhưng khi kinh tế đã đủ đầy thì tình yêu cũng thay đổi.

Thực ra là do tôi đã nguôi dần cảm xúc với vợ. Tôi ngoại tình và tự thấy cuộc sống hôn nhân quá tẻ nhạt. Sống chung thực ra chỉ làm vợ tôi thêm đau khổ, vậy nên tôi nghĩ li hôn là giải pháp. Vợ tôi ngày xưa rất cá tính và ương bướng, giờ làm ăn nên cũng trở nên khá gan lì.Cô ấy tất nhiên không chịu, nhưng sự im lặng kéo dài cũng khiến cô ấy ngột ngạt. Phụ nữ thực ra không giỏi chịu đựng như người ta tưởng, nhất là về phương diện tình cảm, nếu không níu được họ vẫn biết sẵn sàng buông.

Bố mẹ vợ đón tôi vẫn bằng nụ cười như mọi khi nhưng có vẻ hơi khách khí. Có lẽ vì biết chúng tôi sắp chia tay nên họ đón tôi như khách, không cho tôi động tay động chân việc gì. Mẹ vợ nhìn tôi lạnh nhạt, còn bố vợ đối với tôi vẫn thân tình niềm nở.

Bố vợ tôi là người ít nói. Từ ngày làm rể ông, chưa bao giờ tôi thấy ông can thiệp vào chuyện gia đình con cái. Nhưng lần này có vẻ như ông muốn nói. Ông bảo: Từ trước giờ bố vẫn đối với tôi như hai người đàn ông với nhau. Nhưng hôm nay bố muốn nói chuyện với tôi là tư cách bố vợ. Giọng ông chậm rãi, đều đều, nhỏ đủ để tôi nghe:

“Ngày xưa hồi cái Bống nó yêu con, bố mẹ không đồng ý. Bố mẹ chỉ có mình nó là con, bao yêu thương chăm sóc dồn cho nó cả. Tính nó từ bé đã ương bướng vì được bố mẹ nuông chiêu, cưng như hoa như trứng. Bố vẫn nghĩ nó lớn lên trong đủ đầy sẽ không thể nào chịu được khốn khó. Ngày nó nói yêu con và muốn lấy con, bố đã cản ngăn, không phải vì chê con mà vì sợ con gái bố nông nổi. Nó quen ăn sung mặc sướng, con thì thiếu thốn khổ nghèo. Nó vốn quen đón đưa, con thì một mái nhà để ở cũng không có. Nó yêu con, tưởng tình yêu là vĩ đại lắm, tưởng phong ba gì cũng vượt được, nhưng khi đối mặt với thực tại cơm tiền có chịu nổi không? Bố chỉ sợ nó lấy con rồi, được dăm bữa nửa tháng sẽ chạy về nhà than rằng con không quen chịu khổ, như vậy sẽ rất thiệt thòi cho con.

Dù vậy nó vẫn kiên quyết lấy, nó khóc lóc suốt ngày, nó quỳ lạy van xin. Làm cha mẹ, không thể thấy con mình yêu sống yêu chết mà nỡ can ngăn. Thôi thì nó lớn rồi, tự làm tự chịu.

Các con về với nhau, nhà phải đi thuê. Ba lần bảy lượt bố nói các con về sống chung, nó bảo không về. Nó không muốn con cảm thấy xấu hổ vì cậy nhờ nhà vợ, ăn không dám ăn, nói không dám nói. Rồi trong lúc khốn khó, con tập tành kinh doanh. Nó cũng nghỉ việc nhà nước hỗ trợ con. Nó mang bầu trong thời gian làm ăn nhiều thất bại. Đôi bận nó về nhà, người lả đi vì suy nhược, nhưng nó giấu con, không muốn con nghĩ ngợi mông lung.

Cuối cùng thì có công trồng cây cũng đến ngày hái quả. Các con dần có của ăn của để. Đứa trước lớn lên, đứa sau ra đời. Bố mẹ nhìn vào, cảm thấy hạnh phúc vì con mình đã trưởng thành, cứng cáp.

Lâu rồi nó về nhà, mấy lần trốn trong nhà tắm khóc. Mẹ con biết mới cố tra hỏi, nó bảo chồng con ngoại tình. Nó bảo nó không khóc trước mặt chồng, không muốn tỏ ra yếu đuối. Bố cũng không ngờ đứa con gái cá tính và bướng bỉnh ngày xưa nay lại trở nên yếu mềm như vậy. Từ bé tới lớn, người có thể làm nó khóc cũng chỉ có con.

Người ta nói, khó khăn thử thách lòng chung thủy của đàn bà. Giàu có thử thách lòng chung thủy của đàn ông. Khó khăn không làm lung lạc ý chí và tình yêu của vợ con, nhưng tiền bạc đã làm con thay đổi.

Bố không biết rốt cuộc là con gái bố đã làm sai điều gì với con, nó không biết ăn ở hay đối nhân xử thế tệ bạc? Nó ăn chơi trác táng hay bỏ bê chồng con? Là nó không tốt ở chỗ nào, hay chỉ vì đơn giản là con khát thèm sự mới mẻ?

Con nhìn xem, người phụ nữ đầu ấp tay gối với con 16 năm qua. 16 năm tuổi thanh xuân đẹp nhất cuộc đời nó dành để cùng con mưu sinh bươn chải. 16 năm nó bận bịu cho chồng cho con đến quên cả đòi hỏi. Giờ đến khi kinh tế đủ đầy rồi thì lại đối diện với cảnh chia ly. Người phụ nữ đã vì con mà từ bỏ đầy đủ ấm êm. Vì con mà cam tâm chịu khổ. Vì con mà mạnh mẽ, cũng vì con mà yếu đuối. Cuối cùng con lại làm khổ nó chỉ vì một người phụ nữ chưa một ngày vì con mà hao tâm tổn sức.

Người phụ nữ con đang yêu hiện tại, bố nghĩ nó chẳng có gì hơn vợ con, ngoại trừ tuổi trẻ. Tuổi trẻ vợ con cũng đã từng có, nhưng nó đã dành hết cho con rồi. Tiền bạc mà người phụ nữ kia đang được hưởng từ con, cũng có một phần mồ hôi và nước mắt của vợ con trong đó.

Là đàn ông bố biết, bản năng chinh phục ẩn giấu trong mỗi người. Nhiều khi chúng ta nhìn con mồi nằm gọn trong hang của mình rồi thì thèm khát những con mồi đang tung tăng ngoài kia. Ta thường đứng bên này đồi rồi ngó sang bên kia đồi xuýt xoa “ở bên kia cỏ sao mà xanh thế”. Thực tế thì đứng núi này chắc chắn sẽ thấy núi khác cao hơn.

Bố không muốn trách móc con. Nhưng bố là bố, cũng như con đối với con của mình. Làm bố, không thể thấy con mình khổ đau mà làm ngơ, không thể thấy con mình chịu ấm ức mà không lên tiếng.

“Làm bố của một cô con gái, ngay cả khi thấy nó cười vẫn cảm thấy bất an”.

Chưa bao giờ tôi thấy bố vợ tôi nói nhiều như vậy, cũng chưa bao giờ ông uống nhiều như vậy. Cả buổi tôi không nói một lời nào, chỉ sợ mỗi câu mình nói ra sẽ trở nên vô duyên vô dụng.

Vợ tôi từ đâu chạy ra, giật chén rượu trên tay bố: “Bố ạ, bố đừng uống nữa, đừng nói những chuyện vô nghĩa như thế nữa. Con đã giữ đúng lời hứa với bố ngày xưa, dù khổ cực đến đâu cũng không phụ anh ấy. Bố xem con gái bố mạnh mẽ thế này, con có khóc đâu mà bố lại khóc”.

Trong giây phút ấy theo lời kể của ông, bao nhiêu kí ức hiện về trong trí nhớ như một cuộn phim quay chậm lại từng chi tiết. Người ta vẫn thường nói không sai :

“khi bình yên, người ta thường quên đi những lời thề trong giông bão”

Dù sao thì ngày mai tôi vẫn phải đến tòa án. Đến tòa để rút lại đơn li hôn.

~~~Sưu tầm~~~

Người Lạc Mất Đường Về-TRUYỆN NGẮN – Nguyễn Thị Thêm

Van Pham

TRUYỆN NGẮN – Nguyễn Thị Thêm

Người Lạc Mất Đường Về

Người mẹ vừa chạy vừa thở dồn dập. Chiếc váy màu tim tím bay phần phật dưới cơn gió lạnh buổi tối. Cái áo sát nách tung tăng bộ ngực trần. Bà không kịp thay bộ đồ mặc ở nhà. Đôi dép hai quai mà người ta thường gọi là đôi dép lào kéo xoàn xoạt trên vĩa hè dành cho người đi bộ. Bà vừa chạy vừa thở, hai mắt nhìn chong về phía trước. Đôi mắt muốn chọc thủng màn đêm, xuyên suốt qua tận cùng cuối của con đường. Bà mong thấy một bóng người đang đi, hay ít nhất một cái gì đen đen nho nhỏ phía trước có hình dáng của một bóng người. Chiếc chìa khóa lắc lay trên tay. Một tay cầm chắc chiếc phone tay. Bà ngừng lại nghỉ mệt. Hơi thở đứt quãng. Bà bước chậm lại, rồi lại vội vã chạy về phía trước.

Bắt gặp 3 cặp trai gái đang đứng ôm nhau bên lề side walk. Một thoáng suy nghĩ lóe ra trong đầu:

– Có nên hỏi chúng không? Chúng có để ý đến những gì trước mặt không? Nếu không hỏi ngộ lỡ chúng thấy thì sao?

Bà dừng lại, vừa thở vừa hỏi:

– Xin lỗi. Làm ơn cho hỏi. Mấy em có thấy một ông già Á Châu , cao cở này đi bộ ngang đây không? Một thằng nhìn bà bằng đôi mắt dò hỏi rồi trả lời.:

– Có, tao thấy nó đi về phía trước.

– Cám ơn.

Và bà tiếp tục chạy, càng chạy nhanh hơn. Hy vọng tìm thấy chồng. Ông chồng tội nghiệp của bà đã bỏ nhà ra ngoài và chắc chắn ông không hề biết đường về nhà.

Con đường dường như dài hun hút. Không một bóng người phía trước. Tới ngã tư đèn xanh bà dừng lại. Nhìn bên phải, ngõ side walk im ắng trống trơn. Bà nghĩ: Không lẽ ổng đi xa vậy. Ngõ này bà chưa dẫn ông đi qua lần nào. Hay mình nhìn không kỹ trong nhà. Biết đâu ông ấy vẫn còn ở ngoài sân sau.

Bà lại vội vã chạy về như lúc chạy đi. Hai chân đã mỏi, hơi thở dồn dập. Bà mong mau tới nhà, niềm hy vọng nhen nhúm. Nghĩ tới lúc gặp ông đâu đó ở trong nhà bà nhẹ hẳn người.

Mở cửa bước vào bà bật đèn và kêu to ”Ông ơi, ông!” Nhà vắng vẻ, im lìm. Bà vào phòng, lấy đèn pin và rọi khắp nơi. Ra sân sau, bà tìm mọi góc xem ông có ngồi đâu đó hay không. Vẫn màn đêm chập choạng trả lời bà. Bà thật sự sợ hãi. Bà thật sự lo một điềm bất lành nào xảy ra.

Bà lại khóa cửa đi tìm ông ở một hướng khác. Bà bắt phone. Gọi con gái lớn, con gái thứ, con trai và hai vợ chồng em trai. Bà báo động và trả lời bằng tiếng nói dồn dập hơi thở theo bước chân đi:

– Ba đã đi đâu mất- Khoảng nửa giờ – Ba mặc áo jacket màu xám tro, quần đùi đen – Má ra thay nước uống cho con Lucy, trở vào thì không thấy ba đâu. -Hả! Má tìm vòng xóm rồi. – Ờ! ờ! Con đi lẹ lên tìm phụ má! Cậu đi gấp tìm phụ chị. Chị mệt quá rồi. Không biết anh đi đâu .

Vậy là đứa con gái thứ bỏ dang dở bữa ăn vừa dọn ra. Vợ một xe, chồng một xe. Hai đứa con được phân công một theo cha, một theo mẹ để ngồi trong xe nhìn ra ngoài tìm ông ngoại. Đứa con gái lớn đang ngồi tụng kinh ở chùa cũng bỏ ngang lấy xe đi tìm ba. Thằng con trai cũng vội vã phóng xe ra freeway đi về nhà. Hai vợ chồng thằng em cũng mỗi người một xe đi tìm anh rễ. Còn bà, bà chỉ biết đi tìm, hết đi rồi chạy vòng những con đường quanh xóm. Trời lạnh mà mồ hôi bà tươm ra. Bà mệt muốn ngất nhưng hai chân vẫn cứ từng bước mê mãi. Bắt gặp người nào trên đường bà cũng chặn lại hỏi và cho số điện thoại cầm tay:

– Làm ơn gọi lại dùm tôi ở số này nếu gặp một người đàn ông lớn tuổi cao cở này, mặc đồ… dáng …v. v…

Con đường vòng xóm quanh co cũng đưa bà về lại nhà. Bà ngồi bệt xuống bực thềm bằng gạch của vòng đai trồng hoa phía trước. Bà đoán những nơi nào ông sẽ đi qua. Ông chồng tội nghiệp của bà đã bị bệnh lãng quên từ mấy năm nay. Ông không thể nhớ đường về nhà, ông nói không rõ tiếng. Trời tối chập choạng này sẽ làm ông sợ hãi. Ông lại bị bệnh Parkinson chân tay run rẩy, có gì xảy ra ông làm sao biết đường xoay sở.

Những cú phone liên tục của gia đình gửi tới cho bà từ nhiều phía. Sáu chiếc xe loanh quanh trên mọi ngã đường khu vực nhà của bà cũng không tìm thấy bóng dáng ông đâu. Bà gọi con gái bảo đến chở má đi tìm chứ chân má quá mỏi rồi, không bước đi được nữa.

Chiếc xe ngừng trước cửa và bà lên xe, cùng con đi tìm những nơi khả dĩ ông sẽ đến. Hai mắt bà căng ra soi vào các bóng cây, gốc hoa ,vĩa hè bên lề đường để tìm xem ông có sợ quá ngồi núp ở đó không? Khi đi ông mang dép, quần chưa thay và không có mang theo bên mình một cái gì tùy thân. Trên tay ông chỉ duy nhất là chiếc lắc tay. Chiếc lắc đó ghi tên họ, số nhà, số điện thoại của bà và con gái. Một bên khác ghi rõ bệnh tình của ông. Bà cầu nguyện một người nào đó gặp ông và gọi cho bà. Mỗi lần phone reo là bà run lên hồi hộp.

Hơn một tiếng đồng hồ tìm kiếm, cuối cùng cả đoàn người trở về với đôi mắt thất vọng và gương mặt lo âu. Một lần nữa mấy đứa con quyết định lội bộ đi tìm lần chót những nơi khả dĩ ông sẽ tới. Tin về vẫn vô ích. Đứa con gái đi về lạnh run lên vì đi tìm ba ở những nơi thật vắng trong trường học. Lần trước ông cũng bỏ nhà đi, tìm mãi, tìm hoài khắp các nơi mà không gặp. Cuối cùng, con gái chạy vào sân sau của ngôi trường Tiểu học gần nhà, tìm được ông đang ngồi ở một băng ghế trước một lớp học. Hỏi sao ông ở đây? Ông nói đón mấy đứa tan học, mà sao giờ cô giáo chưa cho ra. Cho nên lần này con gái lớp chạy đi vòng khắp nơi để tìm nhưng vẫn bặt tin. Một đứa khác thì vào khu trung tâm thương mại sáng choang gần đó xem ba có vào mua cái gì hay không, mặc dù ông không mang theo tiền.

Biện pháp cuối cùng là gọi báo cảnh sát. Giả thuyết đặt ra, Ông không bị tai nạn. Vì nếu có tai nạn thì khi đi tìm gia đình đã thấy. Ông không gặp cảnh sát vì nếu gặp thì cảnh sát sẽ theo địa chỉ và số phone trên chiếc lắc tay mà gọi tới, Vậy ông chỉ có thể lang thang ở một nơi nào đó mà không biết đường về. Thằng út một lần nữa lại phóng xe đi.

Trong lúc chờ chiếc xe thằng út về là sẽ báo cảnh sát, cả nhà ra phía trước đứng ngóng tin. Người mẹ cứ nhìn con đường hun hút trước nhà hy vọng thấy bóng ông lù lù đi về.

Bỗng, một chiếc xe màu đỏ chạy tới, chậm chậm như tìm đường và quẹo vào nhà bà. Một người Mễ thò đầu ra ngoài dọ hỏi:’

– Có phải nhà này có một người đi lạc? Bà hối hả bước tới và nhìn vào trong xe.

– Yes! Yes! Trời ơi. Ba về rồi nè!

Cám ơn, cám ơn nhiều lắm! Bà cám ơn cuống quít người tài xế và chạy lại mở cửa xe. Ông ngồi phía trước, bình tỉnh cười cười như chẳng có chuyện xảy ra. Bà kéo chân ông ra khỏi xe và dìu ông đứng dậy. Cả nhà xúm lại hỏi thăm . Người tài xế mở cửa bước ra và vui vẻ trả lời.

Ông ta kể. Ông ta thấy một ông già Á Châu cứ loay hoay đi tới đi lui, dáng dấp như tìm đường mà không biết lối ra. Anh ta bước tới hỏi thăm và chỉ nhận được những tiếng thều thào run run theo tiếng nói không ra lời vì gió lạnh. Kết nối những tiếng đó anh ta nghe được chữ MountainView. Đó là con đường và cũng là cái tên trường Tiểu học con anh ta đang học. Anh ta đoán có lẽ ông già này ở đường Mountain View. Thế là anh đỡ ông già vào ngồi băng trước và lái xe đi, mong tìm đúng nhà lão già đi lạc. Đến đây anh ta thấy một nhóm người Á Châu đang đứng lóng ngóng như chờ đợi ai đó. Thế là anh ta tấp vào và hỏi. May quá đã trúng địa chỉ. Anh ta vui trong cái vui đoàn tụ của gia đình. Cả nhà cám ơn rối rít người Mễ tốt bụng. Không có gì mừng hơn tìm được người bị bệnh Alzheimers đi lạc về nhà.

Để tỏ chút lòng biết ơn, Bà gửi cho anh ta chút đỉnh gọi là phụ tiền xăng. Anh ta không nhận vì từ nhà anh đến đây cũng không xa lắm. Cả nhà cùng nói vào và năn nỉ. Cuối cùng anh ta nhận và chào mọi người lên xe ra về.

Đem ông chồng vào nhà, đầu tiên là bà pha cho ông ly nước ấm. Kéo ghế cho ông ngồi và giúp ông yên tỉnh lại. Bà xoa đôi tay lạnh cóng của ông, xoa đôi vai gầy gò cho ấm và khoác lên đôi vai một cái khăn cho ông bớt lạnh.

Thế nhưng, trái với sự lo lắng của toàn gia đình, ông lại là người bình tỉnh vui vẻ hơn ai hết. Ông cười cười nhìn một loạt cả nhà. Khi con gái hỏi:

– Ba đi đâu về vậy?

– Đi chơi

– Có vui không? Ông vui vẻ trả lời:

– Vui chớ! Đi ngoại quốc.

– Ba có nhớ đường về nhà không?

– Tìm không ra .

– Ba có sợ không?

– Sợ gì? Mà tối quá không biết nhà ở đâu.

– Ba nói tên nhà mình đi.

Ông trả lời từng chữ lấp bấp, thều thào và vui vẻ thấy mình cũng rất giỏi. Mình giỏi lắm. Mình biết rõ ràng tên đường và nhà mình. Tại cái tên Mễ kia không hiểu tiếng Việt. Mình đi chơi và đã về nhà bình yên.

Bà nhìn ông trong lòng dâng lên một niềm vui khó tả. Bà biết ông đang mừng lắm nhưng không nói ra mà chỉ cười cười. Bà nghĩ đến lúc ông đối diện bóng đêm và xung quanh là cây cối và những dãy nhà giống nhau. Có thể ông không dự định bỏ nhà ra đi, có thể chỉ vui bước chân hay ông nghĩ sẽ đi theo con đường đi bộ quen thuộc. Cũng có thể ông đi tìm bà vì không thấy bà bên cạnh. Thương ông biết chừng nào!

Ông là một cựu sĩ quan quân lực VNCH, đã từng là Đại đội trưởng tác chiến, phục vụ ở tiểu đoàn đối đầu với bao nhiêu trận chiến. Những nơi ông qua, những địa điểm ông đến ông đều ghi nhớ rất rõ ràng. Làm một người chỉ huy cái quan trọng là nắm bắt tình hình và bén nhạy với mọi tình huống, nguy cơ xấu có thể xảy ra. Ông từng nói với bà như vậy và luôn luôn nhạy bén với tình hình, mặc dù ông không còn là lính.

Ông rất thông minh nhất là tìm địa chỉ. Ngày xưa lúc bà mới quen ông, bà đi trọ học ở một xóm dệt ngoằn ngoèo trong ngõ hẻm ở quận Phú Nhuận.Tin rằng ông không thể nào tìm tới. Thế nhưng một buổi sáng chủ nhật từ trên gác bước xuống bà đã thấy ông ngồi đợi với nụ cười nửa miệng nửa mừng rỡ, nửa trêu chọc bà.

Ngày mới đến Mỹ, mới có bằng lái, đường xá chưa biết, ông vào tiệm bán xăng, mua bản đồ và trải ra giữa bàn, hí hoáy ghi ra giấy lộ trình đi và cuối tuần lái xe đưa cả nhà đi thăm những người bạn tù cũ hay đồng đội ở xa. Sống với ông bao nhiêu năm, bà biết rõ tính chồng và luôn khâm phục về cách tìm địa chỉ. Chỉ một tấm bản đồ chi chít những chữ nhỏ xíu, ông cũng tìm đúng nơi, đúng chỗ muốn tìm. Thời đó chưa có GPS hay Iphone, Ipad để tìm đường. Mọi việc chỉ nhờ những tấm bản đồ bằng giấy chi chít lằn ngang lằn dọc.

Bây giờ, chỉ một đoạn đường đi bộ vòng quanh xóm ông đã lạc đường. Càng nghĩ bà càng thương cảm, càng thấy cuộc đời thật là một vòng tròn huyền bí. Ông đã trở về vùng trời bình yên, khoảng trống vô tư của một đứa bé, thật an bình và cũng thật oái oăm. Bà cũng không hiểu sao cơ duyên nào mà ông có thể nhớ được địa chỉ nhà để người Mễ tốt bụng kia đưa ông về.

Thằng con lại gần bóp vai cha và xoa hai bàn tay đã trở nên giá lạnh của ông. Nó không có những cảm nghĩ như bà, vì khi nó ra đời và hiểu biết thì cha nó là một người cha nghiêm khắc, cứng rắn. Cái dĩ vãng oanh liệt của ông nó chỉ nghe nhưng chưa bao giờ thấy. Nó tự hào về ông nhưng những câu hỏi của nó về chiến tranh về tù đày, nó đã nghe ông trả lời nhưng không thể tưởng tượng ra được sự kinh hoàng của cuộc sống nơi đó.

Trước mặt nó là một người cha bệnh hoạn tội nghiệp, một người chỉ có một đoạn đường ngắn mà cũng không biết tìm về. Nhìn cha, nó thương ông biết bao nhiêu. Nếu không có người Mễ tốt bụng kia thì giờ này ông đang lạnh run trong bóng đêm và sợ hãi vì không biết lối về.

Ba đã về nhà bình yên. Con gái nhìn cha và vuốt lại lớp áo nhăn nhúm của ông:

– Tạ ơn Trời Phật, ba đã về nhà nguyên vẹn, không mất đi một miếng thịt nào. Nó nói xong cười vui vẻ xen lẫn một chút ngậm ngùi.

Phải rồi. Câu nói của nó nghe ngang phè lẫn chút tiếu lâm nhưng rất đúng. Những ngã tư đèn xanh, đèn đỏ. Những nút bấm dành cho người đi bộ mà ông không thể nào biết để sử dụng. Bóng đèn đường lấp loáng, xe cộ về đêm ai biết được chuyện gì có thể xảy ra. Càng nghĩ càng thấy sợ .

Người chồng, người cha, người anh như ông, không biết được tai hại của một lần bước ra khỏi nhà mà không biết đường về. Chỉ biết hôm nay mình đi xa, xa lắm, đi mỏi cả chân, gặp người lạ và giờ về nhà với đông đủ mọi người.

Người mẹ trong câu chuyện đã thấy cái sai của mình khi một chút lơ đãng đã không lock cửa kỹ càng. Người con trong câu chuyện thấy mình cần phải gần gũi cha hơn để cùng chăm sóc cho an toàn . Thấy mình có lỗi đã để mẹ chạy đi bao nhiêu đoạn đường tìm kiếm trong nỗi bất an. Mọi người dù mệt mỏi, đói và lo lắng nhưng vẫn thấy mình đã sai một điều gì đó. Chỉ có người tạo ra biến cố vẫn vui vì có một buổi tối thật lạ. Ông cười cười và bước từng bước mệt nhọc vào phòng và lẫm bẫm:

– Không biết hôm nay sao hai chân tui mỏi quá.

Mọi người tan hàng ra về. Người mẹ đưa chồng vào phòng và tắm rửa cho ông sạch sẽ. Ông lên giường và đi vào giấc ngủ thật say. Buổi tối lại trở về bình yên như có bàn tay vô cùng tuyệt diệu của ơn trên đã sắp xếp mọi thứ.

Bà mẹ vẫn chưa ngủ được, bà ngồi bên ông, lặng yên nhìn chồng. Gương mặt ông thay đổi theo giấc ngủ, khi thì nhìn thật an lành, lúc châu mặt lại nhăn nhúm. Có lúc rên khe khẻ hay hốt hoảng giật mình, người co rúm lại, tay chân giựt liên hồi. Bà nắm tay ông giữ thật chặt những lúc như vậy. Cả một quá khứ thương tích đã dìm ông vào những bi ai. Có khi ông ngồi nói chuyện hàng giờ một mình với những người đồng đội hay bạn tù khuất mặt. Có khi ông tươi cười bảo bà chuẩn bị quần áo vì ông có một buổi họp quan trọng ở Trung Đoàn. Đôi lúc đi loanh quanh tìm mẹ già và đoan chắc là bà vẫn còn sống. Cũng có nhiều khi bảo bà nấu nướng làm một bữa liên hoan có mấy đứa về chơi. Mấy đứa đây là nhóm đàn em lính tráng từng một thời sống chết với ông.

Bà nhớ lại cách đây không lâu, một dịp hai vợ chồng lên thăm thằng con đang phục vụ tại Nevada, base cũng gần Las Vegas. Cuối tuần vợ chồng nó dẫn cha mẹ đi ăn rồi đi mua sắm ở khu outlet. Bà lúc nào cũng nắm tay ông sợ ông đi lạc. Trời tháng 7 vùng đất sa mạc này nóng kinh hồn. Những cột nhỏ phun nước được bố trí dài theo hành lang khu shopping để giảm nhiệt.

Con dâu đẩy chiếc xe nhỏ của con, bà dẫn chồng kè kè một bên nên cũng không hứng thú mấy khi chọn đồ. Đứa con dâu chọn một cái áo thật dễ thương, nó hỏi ý kiến của bà. Bà quay sang cầm chiếc áo săm soi rồi trả lại cho con dâu và phát hiện ông chồng đã mất.

Bà hỏi thằng con, nó nói :

– “Ba mới đứng bên con mà”

– “Vậy ổng đi đâu?”

Thế là thằng con chạy đi tìm, ngược về đoạn đường mới đi qua. Bà đi ngược lại đoạn đường trước mặt. Hai mẹ con trở lại cũng không thấy bóng dáng ông đâu. Lại túa ra đi tìm. Ôi chao, trời thì nóng, phố xá đông người, các tiệm trùng điệp từng dãy, kẻ ra người vô. Bà cứ mở cửa một tiệm, ngó dáo dác xong lại đi qua tiệm khác. Thằng con cũng vậy. Con dâu thì cháu con quá nhỏ không dám ra nắng nhiều đành ở điểm hẹn nhận tin tức. Cuối cùng thằng con phải đi báo “tìm người thất lạc” tại trung tâm mua sắm. Trong lúc đi tìm bà cũng thấy những người security đi các tiệm và dọ hỏi tìm : “ông già người Á Châu đi lạc đội cái mũ in chữ Laker, mặc quần áo… “

Khi trở lại gặp con dâu, bà run cả người, tim đập mạnh muốn ngất vì mệt và vì sợ. Ai đã từng đi Las Vegas hay khu mua bán này thì đều biết người đi như trẩy hội, xe cộ chạy như mắc cửi. Chỉ bước xuống đường là xe có thể cán ngay thôi. Con dâu tìm đủ cách trấn an bà, mua nước cho bà uống và giao bà coi chừng cháu để nó đi. Bà biết đó là cách con dâu bắt bà ngồi lại nghỉ mệt. Mãi lúc sau mới thấy thằng con và dâu dẫn ông lù lù đi về. Hỏi ra mới biết có một bà trong tiệm vóc dáng giống bà đi ra nên ông đi theo. Bà ta đi nhanh và mất hút trong các cửa tiệm. Thế là ông lang thang đi tìm bà. Đi mãi, đi mãi quá khát nước ông ngồi một góc ghế khuất để nghỉ mệt. Thằng con đi qua lại tìm ở đó mấy dạo mà không thấy ba. Có lẽ tầm mắt bị che bởi những người du khách. Nhìn ông hốc hác mệt mỏi vì khát và nóng, các con mất cả hứng thú mua sắm. Sau khi cho ông nghỉ mệt, uống nước và báo tin đã tìm được ông cho tổng đài mọi người lên xe đi về.

Hỏi ông có sợ không? Ông lắc đầu nói: Sợ chi, người ta đông vui quá mà. Hỏi sao ông bỏ đi. Ông nói Ba đi tìm má con rồi ông cười. Nụ cười vô tư lẫn chút ngờ nghệch.

Thế là thằng con tìm trong web để mua cho ba những dụng cụ dành cho người già hay bị thất lạc. Rất nhiều thứ nhưng rất khó để ông chịu giữ trong mình. Cuối cùng đành mua tấm lắc đeo tay có ghi tên, họ, bệnh trạng, số phone và địa chỉ nhà để lỡ có việc gì cũng có người xem và giúp ông hay gọi liên lạc về gia đình.

Bà ngồi trầm tư, thương ông quá mà không biết làm sao.Cuộc đời bà gắn vào ông như hình với bóng một phút không rời. Đó là may mắn hay bất hạnh bà cũng không biết nữa. Nhưng tin chắc là bà không thể sống như các bạn bè trang lứa, về già hưởng những ngày hạnh phúc bên nhau Cùng đi chơi chỗ này chỗ kia trên thế giới, tham dự các buổi họp mặt liên hoan hay cùng nhau đi dạo, hàn huyên tâm sự.

Bà không biết ai là cái bóng của ai? Bà hay ông? vì thật ra bà không dám rời ông nửa bước. Người chồng của bà thật im lìm, ngớ ngẩn và bệnh hoạn, đôi khi không biết bà là ai và luôn cảm thấy bà cản trở mọi ước muốn. Bà là cái bóng của một cái hình lạc mất đường về nên bóng cũng chông chênh. Đôi lúc bà thấy mình rất tội nghiệp, nhưng nhìn ông, bà lại càng tội nghiệp ông hơn. Những con người, những nạn nhân của chiến tranh, tù tội, tuổi già và dường như đó là hậu chấn của cơn động đất ý thức hệ dân tộc.

Tháng 6 là tháng của cha. Người cha tội nghiệp trong câu chuyện tôi viết lên đây là thật. Người cha trong số những người cha, người mẹ đã đến tuổi già hay mang chứng bệnh Alzheimers. Họ đang sống trong thế giới mông lung của một bộ não đã lãng quên nhiều thứ. Họ đã bỏ lại sau lưng một quá khứ vàng son hay một cuộc đời đầy bất trắc để sống vô tư và mênh mang trong tiềm thức.

Hãy yêu thương và bảo vệ họ bằng tất cả trái tim chân thành và chịu đựng. Hãy cho họ một cuộc sống được bảo bọc và chia sẻ. Biết rằng chăm sóc họ là cả vấn đề nhưng tình gia đình, sự hiếu thuận của con cái là tất cả những gì cần phải có. Để những lúc bất ngờ như câu chuyện trên ta không cảm thấy bực bội hay giận hờn mà là mừng rỡ niềm vui đoàn tụ.

Hãy cho người cha, người mẹ tội nghiệp một bờ vai, một nắm tay ấm êm hạnh phúc.

Như ngày xưa. Vâng! như ngày xưa khi các con còn bé xíu nằm êm ấm, hạnh phúc trong vòng tay thương yêu bất tận của hai đấng sinh thành.

BLIND MAN

BLIND MAN

Anh bị mù từ lúc mới sinh ra. Tức là thế giới xung quanh anh chỉ là một màu đen kịt. Thậm chí anh không có cả khái niệm về màu sắc nữa, chỉ biết mẹ anh bảo đó là màu đen.

Mù bẩm sinh ít có cơ hội để phục hồi cho nên những lần đi khám, chữa bệnh thường kỳ đối với cha mẹ anh cũng chỉ là phương pháp để an ủi và nuôi hy vọng cho con mình mà thôi…

Điều mà họ có thể mang lại lợi ích thiết thực nhất cho anh là gửi anh vào một trường học chữ cho người mù …

Từ khi biết đọc, anh hình dung được vạn vật mà không nhất thiết phải dùng đến tay để sờ mó…

Anh rất thích những bông hoa vì thấy nó mềm mại, và có mùi thơm khác nhau… Người ta nói, những người bị mù thì thường các giác quan khác cực kỳ phát triển, điều này rất đúng với anh. Hàng chục các loại hoa khác nhau, chỉ cần đưa lên mũi là anh có thể nói tên vanh vách.

Người ta thường khen hoa đẹp, mà chẳng bao giờ thấy ai chê… cho nên anh có ước mơ: Nếu được nhìn thấy ánh sáng cho dù chỉ một lúc thôi thì ngoài cha mẹ ra anh sẽ chọn những bông hoa để ngắm nhìn chiêm ngưỡng…

Từ khi biết đọc, anh còn biết thêm hoa còn là biểu tượng khi người ta ngưỡng mộ tôn sùng lẫn nhau …

Năm nay anh đã 17 tuổi, trong thế giới đen kịt của anh bỗng thỉnh thoảng lại lóe lên những “tia chớp” có màu khang khác, không phải màu đen. Thấy lạ, anh kể với bố mẹ. Họ lập tức đưa con trai đi khám… Sau 2 ngày xem xét kỹ các kết quả khám nghiệm, bác sĩ chuyên ngành gọi riêng cha mẹ anh đến để nói chuyện:

– Con trai của ông bà bị mù bẩm sinh là do thiếu tác động của một loại hormone , chúng tôi đã dùng nhiều loại thuốc để kích hoạt nhưng không có hiệu quả…Năm nay cháu 17 tuổi, tuổi dậy thì. Nội tiết tố trong cơ thể thay đổi, nếu cháu tự nhiên nhìn thấy những tia sáng, điều này chứng tỏ hormone đã có những tác đông tích cực đến thị lực của cháu. Đây là một điều rất đỗi khả quan cho chúng ta…Nếu ông bà đồng ý tôi sẽ gửi các mẫu xét nghiệm của cháu ra nước ngoài. Vạn sự mà được như ý thì chỉ sau một cuộc phẫu thuật của họ, ánh sáng sẽ đến với con trai của ông bà …Có điều là, chi phí cho việc này rất tốn kém, nếu gia đình  không có điều kiện thì tôi cũng không thể giúp được điều gì hơn…

Tất nhiên là cha mẹ anh đồng ý ngay lập tức, đối với họ việc này không cần phải suy nghĩ vì họ chỉ có với nhau một đứa con trai. Còn chuyện tiền nong thì họ có thể lo được, nếu cần thì sẵn sàng bán đi tất cả để đổi lấy ánh sáng, đã từ lâu tối mờ trong gia đình của mình…

Bác sĩ bổ sung thêm:

– Trong thời gian chờ đợi có khi tới khoảng 2 tháng. Tôi nghĩ, con trai của ông bà phải sống tại trại điều dưỡng và phục hồi khuyết tật cho người mù của chúng tôi, để được theo dõi thường xuyên và kỹ lưỡng hơn. Và đặc biệt trong thời gian này, cháu nó tuyệt đối không được khủng hoảng về tinh thần, như tức giận, đau buồn, thất vọng …Tôi nói vậy chắc ông bà hiểu…Tất cả chúng ta phải cố gắng cùng nhau tạo cho cháu một môi trường sống thật bình yên và vui vẻ…
……………………………………………………………………………………………….

Cô cũng bị “mù”, nhưng chỉ là tạm thời, đó là kết quả của 1 va chạm trong một tai nạn giao thông…

Cô vào trạm điều dưỡng này đã hơn 3 tuần. Theo lời các bác sĩ thì tiến trình phục hồi của cô rất kém bởi vì cô hay khóc và tức giận mỗi khi chạm vào những vết sẹo chưa lành hẳn trên cơ thể và chỉ nhìn thấy trước mặt mình một màn tối đen …

Hôm nay, đang ngồi thừ ra suy nghĩ “chuyện đời” thì cô được bác sĩ trưởng khoa gọi lên phòng khám, nghe nói ông này là chuyên gia lẫy lừng đã mang lại “ánh sáng” không biết cho bao nhiêu người…

– Cháu ngồi xuống đi – Bằng giọng nói đầy truyền cảm và thuyết phục bác sĩ nói với cô gái:

– Đáng lẽ ra cháu được xuất viện từ lâu rồi, nhưng chỉ vì thiếu lạc quan với cuộc đời và hay khóc cho nên cháu cho đến giờ vẫn ngồi trước mặt chú đấy

– Nhưng…Cô định nói gì đó nhưng ông đã ngắt lời:

– Thôi bỏ qua chuyện đó đi, hôm nay chú có một chuyện khiến cháu sẽ vui và không bao giờ khóc nữa, bệnh của cháu chẳng mấy chốc mà lành. Cháu sẽ được giao một nhiệm vụ rất quan trọng và sẽ không còn cảm giác là người thừa khi vào đây nữa

Cô bắt đầu thấy tò mò và lần đầu tiên kể từ khi bị tai nạn cô mỉm cười :

– Nhiệm vụ gì thế hả chú ?

– Ngày mai sẽ có một chàng trai trạc tuổi với cháu nhập viện để chờ một ca mổ tại nước ngoài, anh ấy thật đáng thương vì bị mù cả 2 mắt từ lúc mới sinh ra, nhưng lại rất lạc quan và yêu đời , đặc biệt có rất nhiều tài năng mà người bình thường không thể có. Tiếp xúc với anh ấy, cháu sẽ thấy rất thú vị cho mà xem …Nhiệm vụ của cháu là chủ động tiếp cận làm quen, chia sẻ mọi chuyện buồn vui, mục tiêu là để anh ấy không bị rơi vào trạng thái khủng hoảng tinh thần do nhớ nhà và cô đơn gây ra

Thấy mình được người lớn tin cậy và cũng vì sự tò mò của một cô gái mới lớn chưa có người yêu, cô gật đầu đồng ý.

Trước khi cô ra về bs còn nói với theo “ Bằng mọi giá cháu nhé, nhớ đấy! Chú rất hy vọng ở cháu!”

Nhiệm vụ được giao đã hoàn thành một cách xuất sắc. Chỉ có vài ngày mà họ đã thân quen như đã từng biết nhau từ thủa thiếu thời…

Chưa bao giờ cô thấy có một “nhiêm vụ” nào mà nó đáng yêu đến thế! … Chàng trai luôn làm cô ngạc nhiên về tài sử dụng các giác quan khác của một người khiếm thị bẩm sinh … Chỉ cần sờ lên các đồ vật là anh biết ngay chúng được làm bằng gỗ, nhựa hay sắt thép.. Hỏi, “tại sao anh biết?” thì nghe câu trả lời rất đơn giản “chúng nóng lạnh khác nhau mà”.

Nhất là tài phân biệt các loại hoa thì cô phục sát đất luôn! Cô hay được bố mẹ, bạn bè mang hoa đến tặng, anh ngửi chúng và gọi tên chẳng bao giờ sai. Thậm chí hoa tulip và thược dược chẳng có mùi vị gì mà anh cũng phân biệt được …

Anh thì cũng “mê” cô chẳng kém, mê từ giọng nói, tiếng cười, đặc biệt là cái sở thích “yêu hoa” của cô rất giống anh. Qua các câu chuyện của cô, thế giới không những trở nên nhiều màu mà nó còn có thêm cả vị nữa, đó chính là vị ngọt của tình yêu mà anh chưa được biết…

Hai tuần đã trôi qua…Tình yêu là bản năng gốc của con người không phận biệt ngoại lệ, nó đã đến là không ai có thể né tránh được…Anh và cô cũng vậy, họ yêu nhau từ lúc nào mà chẳng biết … Gặp nhau từ sáng đến tối mà họ vẫn thấy “thiếu” nhau kinh khủng, màn đêm trong đôi mắt anh luôn luôn có chớp giật, nhất là những khi họ cầm tay, dắt nhau đi chơi…

Tất nhiên nhiệm vụ nào mà chẳng có “sự cố” …. Đó là lần anh bỗng nhiên ôm cô thật chặt, cô muốn kêu lên và đẩy anh ra nhưng nhớ lại lời dặn của bác sĩ, cô nhanh trí nói nhỏ vào tai anh “Em bị tai nạn, cơ thể vẫn còn đau lắm, tạm thời mình đừng làm thế anh nhé!” …

Vị bác sĩ đôi khi cũng muốn hỏi cô về cái nhiệm vụ ấy đã làm được đến đâu, nhưng hàng ngày vẫn được nghe tiếng cười của họ từ hành lang vọng vào phòng khám, ông lại thôi và chỉ mỉm cười mãn nguyện…

Một lần anh đợi cô ở trước cổng viện, bỗng có một thứ mùi rất đặc biệt của các loại hoa trộn lẫn nhau… Anh cất tiếng gọi:

– Này! Người bán hoa ơi! Làm ơn lại đây cái nào! …

Bà bán hoa chạy lại:

– Cậu gọi tôi à? không nhìn thấy gì sao mà biết được nhỉ?”

Anh chỉ mỉm cười:

– Bà làm ơn bán cho cháu mấy bông hoa màu vàng và màu tím có được không ạ? Cô ấy thích hai màu này lắm …

Cầm lấy bó hoa nhỏ anh đưa lên mũi hít từng hơi thật dài, cô cũng vừa chạy tới, anh đưa hoa cho cô rồi nói:

– Anh thấy trong sách họ viết, hoa là biểu tượng cho sự tôn sùng và ngưỡng mộ lẫn nhau, em cầm lấy đi, đây là lần đầu tiên anh tặng hoa cho một cô gái đấy …

Cô cầm hoa rồi bẽn lẽn dụi đầu vào ngực anh:

– Em cũng thế, lần đầu tiên được một người đàn ông tặng hoa, em sẽ giữ nó mãi anh nhé!”….

Một tháng trôi qua, cô đã bình phục, hình dáng của anh đã rõ nét chứ không còn “lờ mờ” như xưa, anh cao lớn, đẹp trai còn hơn cả cô tưởng tượng… Đôi khi cô còn chạnh lòng “To cao đẹp giai vậy,sau này khỏi bệnh chắc gì đã đoái hoài đến mình!!”

***

Và tin vui của anh cũng đã đến trước thời hạn… Bên kia họ điện về bảo bệnh nhân phải sang gấp để khỏi bỏ lỡ cơ hội “ngàn năm có một ” . Bệnh của anh là đề tài nghiên cứu khoa học của rất nhiều người cho nên được miễn phí. Gia đình anh chỉ cần phải lo chuyện đi lại ăn ở mà thôi…

Ngày chia tay, thấy anh có vẻ buồn khi cùng cha mẹ bước ra khỏi cổng viện… Cô gọi, anh quay lại, họ ôm chặt lấy nhau, cô thì thào:”anh hãy vui lên, đừng buồn, thành công hay thất bại em cũng vẫn sẽ đợi anh về với em”, nói rồi cô đặt lên môi anh một nụ hôn vụng về nhưng nồng cháy…Lần đầu tiên anh được biết “nụ hôn” có sức mạnh ghê gớm như thế nào. Toàn thân anh như bốc lửa, màn đêm trong mắt anh lại nổi cơn giông tố đầy màu sắc…

Lại một tuần trôi qua, không có ngôn từ nào có thể lột tả hết niềm vui không giới hạn của anh khi được tháo băng trên mắt. Trong cái phòng tối đó, lần đầu tiên trong đời, anh nhìn thấy mọi người và các đồ vật ở xung quanh mình…

Rồi, tất cả đi ra, chỉ còn anh và bố mẹ ở lại ôm nhau mà khóc, nước mắt được nhân ba trong một niềm vui đang nức nở…

Vài ngày sau anh đã được tiếp cận với mặt trời. Việc đầu tiên là anh ra vườn trước cổng bệnh viện để ngắm những bông hoa…

Nếu như mặt trời rực rỡ gấp trăm lần trong tiềm thức , thì những bông hoa còn đẹp hơn gấp nghìn lần so với trí tưởng tượng của anh hồi ấy….

Và anh nghĩ đến cô, anh không biết cô trông như thế nào nhưng tấm lòng cô dành cho anh có lẽ còn đẹp hơn gấp vạn lần mặt trời và hoa…

Anh nhắm mắt lại, trong vườn rất nhiều hoa, nhưng anh không tìm thấy mùi vị của những bông hoa mà anh đã tặng…

Ngày bay về nước, mẹ nói với anh: ”Cha mẹ đã sinh ra con lần thứ nhất trong bóng tối nhưng may mắn thay con lại được người ta tái sinh lại dưới ánh mặt trời, con có biết những người ấy là ai không?” Anh trả lời không chút ngần ngừ
– Đó là bác sĩ trưởng khoa viện mắt TW “…
– Còn ai nữa?”
Anh lắc đầu, thì mẹ nói:
– Là người yêu của con đấy, hơn một tháng chờ đợi phẫu thuật, cô ấy đã đem hết tình yêu, lòng bao dung của người phụ nữ dành cho con, để cảm giác hạnh phúc không rời con nửa bước mặc dù đáng nhẽ ra cô ấy đã được ra viện từ lâu

Bây giờ anh mới hiểu, và càng cảm thấy nhớ cô hơn…Mẹ lại nói:
– Chuyện con lành bệnh mọi người đã biết cả rồi. Họ quyết định ra sân bay để đón con đấy, liệu con có thể dùng trực giác của mình như xưa để tìm ra họ được không?
Anh nói giọng quả quyết
– Con sẽ làm được mà, hãy tin ở con đi…

Qua khỏi hàng rào kiểm soát, trước mắt anh là cả một rừng người, hoa nhiều vô số, họ đang ngóng đợi người thân của mình trở về…

Thấy anh có vẻ hoang mang mất phương hướng, mẹ anh động viên:
– Con hãy tìm đi! họ đứng ở hai nơi khác nhau nhưng đều mang theo những dấu hiệu riêng mà con còn nhớ…

Anh nhắm mắt lại suy nghĩ gì đó rồi nói với mẹ:
– Mẹ lấy cái khăn và bịt mắt con lại đi !”

Mẹ anh làm theo, cả thế giới ngày xưa lại trở về… Anh đi lang thang giữa dòng người…

Thấy chuyện lạ nhiều người quên cả việc đón thân nhân, nhìn anh theo dõi…Bỗng anh dừng lại, cởi khăn che mắt rồi quỳ gối trước một người đàn ông tuổi trung niên giọng ngẹn ngào:
– Chú ơi, con đã về với chú đây này! Cám ơn chú đã đem lại cho con điều rực rỡ nhất của cuộc sống con người là ánh sáng mặt trời…

Người đàn ông vội đỡ anh dậy:
– Con vấn giỏi giang như xưa, chỉ cần chú mặc bộ blu của bệnh viện có mùi thuốc mà hàng ngày con phải uống là đã nhận ra rồi. Bây giờ thì con hãy đi tìm tình yêu của mình đi, mau lên!”

Anh lại buộc khăn che mắt và đi tiếp vào dòng người, họ như biết chuyện của anh, tất cả đứng im lặng để cổ vũ …

Cô vội đỡ anh lên, vì cô không muốn anh phải quỳ… Anh cũng không cởi khăn vì chỉ muốn cho cô biết rằng cô luôn xinh đẹp và cao cả như xưa, tấm lòng của anh bây giờ dành cho cô vẫn là tấm lòng của thằng mù hồi ấy và sẽ không bao giờ thay đổi theo thời gian…

Họ ôm hôn nhau trong tiếng vỗ tay của tất cả những ai hôm đó đã từng có mặt tại sân bay này…

Có một điều khó hiểu đối với nhiều người là tại sao anh lại tìm ra cô dễ dàng đến như vậy? Chuyện này đối với anh thật đơn giản, anh đi theo mùi vị đặc biệt của một bó hoa mà cô đang cầm ở trên tay, bó hoa mà hôm đó anh đã tặng cô ở cổng bệnh viện, nó đã khô lại nhưng hương vị thì vẫn chưa phai mờ…

From: KimBang Nguyen

SỰ KỲ DIỆU CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG…!

SỰ KỲ DIỆU CỦA TÌNH YÊU THƯƠNG…!

Giống như bất kỳ người mẹ nào, khi Karen biết mình mang thai, cô làm tất cả những gì có thể để giúp đứa con trai 3 tuổi, Michael, chuẩn bị tâm lý chào đón một thành viên mới trong gia đình.

Thành viên mới này là một bé gái. Ngày ngày, Michael hát cho đứa em gái còn trong bụng mẹ nghe. Cậu bé đã xây dựng tình yêu thương đối với em gái mình ngay cả trước khi cô bé ra đời.

Thai kì tiến triển bình thường. Theo thời gian, những cơn đau chuyển dạ đến. Mỗi năm phút, ba phút rồi một phút một lần. Tuy nhiên, biến chứng nghiêm trọng phát sinh, Karen chuyển dạ hàng giờ. Cuối cùng, em gái của Michael chào đời. Nhưng cô bé lại trong tình trạng rất nguy kịch. Tiếng còi hú trong đêm, xe cứu thương vội vàng chở đứa trẻ sơ sinh đến khu chăm sóc trẻ sơ sinh tại bệnh viện St. Mary, Knoxville.

Thời gian trôi dần… Tình trạng của bé trở nên tồi tệ hơn. Các bác sĩ nhi khoa nói với cha mẹ Michael rằng có rất ít hy vọng, hãy chuẩn bị tinh thần cho tình huống xấu nhất…!

Karen và chồng liên lạc với một nghĩa trang địa phương để chuẩn bị cho việc chôn cất. Họ đã chuẩn bị một căn phòng đặc biệt trong nhà cho em bé mới, nhưng giờ phải lên kế hoạch cho một đám tang…!

Tuy nhiên, Michael đã van nài cha mẹ cho cậu vào gặp em gái mình. Cậu bé nói: “Con muốn hát cho em ấy nghe…!”.

Tuần thứ hai trong phòng chăm sóc đặc biệt. Michael tiếp tục nài nỉ để được hát cho em gái mình, nhưng trẻ con không được phép vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Karen quyết định đưa Michael vào thăm em mình cho dù bệnh viện có đồng ý hay không. Nếu giờ cậu bé không được nhìn thấy em gái mình, thì có thể sẽ không bao giờ còn cơ hội nữa. Michael mặc bộ quần áo quá khổ và được dẫn đến phòng chăm sóc đặc biệt. Trông cậu bé giống như một giỏ đựng quần áo di động.

Người y tá trưởng nhận ra cậu bé và hét lên: “Đưa nó ra khỏi đây ngay. Trẻ con không được phép vào!”

Bản năng làm mẹ trong Karen trổi dậy và người phụ nữ bình thường hòa nhã nhìn trừng trừng vào mắt người y tá trưởng, với một giọng đanh thép, cô nói: “Cậu bé sẽ không rời khỏi cho đến khi nó hát cho em gái mình nghe…!”

Sau đó, Karen kéo Michael đến bên giường cô bé. Cậu bé nhìn chằm chằm vào đứa em đang yếu dần trong cuộc chiến giành lấy sự sống…! Sau một lúc, cậu bắt đầu cất giọng. Bằng giọng trong veo của một đứa trẻ 3 tuổi, Michael hát:

“You are my sunshine, my only sunshine, you make me happy when skies are gray.” (Bé là ánh nắng, ánh nắng mặt trời duy nhất của anh, bé làm anh hạnh phúc dẫu bầu trời xám xịt.)

Ngay lập tức, cô bé dường như có phản ứng. Mạch bắt đầu trở nên ổn định.

“Tiếp tục đi Michael”, Karen động viên, mắt ngấn lệ.

“You never know, dear, how much I love you, please don’t take my sunshine away.” (Bé con à, em không biết anh thương em thế nào đâu, xin đừng lấy đi ánh nắng mặt trời đi.)

Khi Michael hát, hơi thở rời rạc, yếu ớt của em bé trở nên nhịp nhàng. “Tiếp tục đi, con yêu…!”

“The other night, dear, as I lay sleeping, I dreamed I held you in my arms”. (Bé con ơi, một đêm nọ, khi anh nằm ngủ, anh mơ được ôm em trong vòng tay.)

Em gái của Michael bắt đầu thư giãn như đang ngủ. “Tiếp tục đi, Michael.” Lúc này, nước mắt đầm đìa trên gương mặt của người y tá trưởng hống hách. Karen thì cảm thấy ấm lòng.

“You are my sunshine, my only sunshine. Please don’t take my sunshine away…” (Bé là ánh nắng, ánh nắng mặt trời duy nhất của anh. Xin đừng lấy ánh nắng ấy đi …)

Ngày hôm sau, ngay ngày hôm sau…, một thời gian ngắn tiếp theo…, cô bé đã đủ khỏe để trở về nhà…!

*Thế mới hiểu: “Nơi nào có tình yêu thương chân thành thì nơi đó, luôn có điều kỳ diệu đáp đền…!”*

❁ Trần Hồng Điệp

*Dịch từ truyện ngắn The miracle of love, true story.

(Đinh Trực sưu tầm)

TRUYỆN NGẮN – BỬU UYỂN…. Chiếc Áo Len

Van Pham

Chuyện tình tuổi học trò… vì thế nó thơ mộng, mộng mơ nửa như thật, nửa như ảo ảnh. Thôi thì bạn cứ đọc để tìm vui, để mơ về một thủa ngày xưa ấy…

***

TRUYỆN NGẮN – BỬU UYỂN…

Chiếc Áo Len

Năm 1969, Minh học lớp Đệ Nhất trường Quốc Học Huế. Gia đình Minh ở Vỹ Dạ, một vùng ngoại ô quen thuộc đối với người Huế. Năm nay Minh đã 19 tuổi, nhưng Minh rất nhút nhát trong việc giao thiệp với người khác phái, vì vậy cho đến nay, Minh vẫn chưa có bạn gái.

Minh có một sở thích khá lạ lùng, là mỗi buổi sáng, anh thích đứng trước nhà, nhìn người qua lại một lúc trước khi đạp xe đạp đi học. Môt thời gian sau, anh đã nhớ mặt bác đạp xích lô, với chiếc áo nhà binh đã bạc màu, chị bán bánh dầy, một bà đứng tuổi với gánh bún bò thơm ngát…

Nhưng cái đặc biệt mà Minh nhớ nhất là việc chú ý đến một cô gái gánh đậu hủ trên vai, nhẹ nhàng thoăn thoắt đi bên kia đường. Anh không nhìn rõ mặt cô gái , vì chiếc nón lá che khuất nửa khuôn mặt của cô ấy; anh chỉ nhìn được chiếc lưng thon nhỏ của cô. Cô gái mặc một chiếc áo dài vải thô màu hạt dẻ, ôm lấy thân hình mảnh mai của cô. Minh ngạc nhiên , vì đang mùa đông lạnh lẽo mà sao cô ấy ăn mặc sơ sài quá vậy.

Từ đó, mỗi buổi sáng, Minh ra đứng trước cửa nhà, nhưng anh không còn nhìn vẫn vơ như trước nữa, anh đã có đối tượng để trông chờ, đó là cô gái bán đậu hủ. Từ xa, anh đã thấy cô gái đang đi tới, cô vẫn mặc chiếc áo dài cũ kĩ, mỏng manh. Tự nhiên, Minh thấy lạnh, không phải anh lạnh vì thời tiết , nhưng anh cảm nhận cái lạnh từ cô gái…Một ý nghĩ đáng yêu thoáng qua trong trí óc anh: “tại sao mình không tặng cho cô âý chiếc áo len, để cô đỡ rét trong những ngày đông giá lạnh nầy”.

Minh đánh liều , xin mẹ anh đan cho anh một chiếc áo len con gái. Mẹ anh mĩm cười :” Đã có chuyện rồi đây!”. Ba ngày sau, mẹ anh trao cho anh chiếc áo len mịn màng , màu cánh sen. Minh lí nhí cám ơn mẹ.

Hôm sau, anh ra đứng trước cửa sớm hơn thường lệ, tay ôm chiếc áo len, lòng rộn ràng…Minh đã thấy cô gái đi đến, với dáng điệu quen thuộc . Minh thu hết can đảm , băng qua bên kia đường để đón cô gái. Minh đứng chắn ngang đường , làm cô gái bỡ ngỡ dừng lại ngạc nhiên nhìn anh. Đây là lần đầu tiên anh được đứng gần cô gái và nhìn rõ mặt cô ấy, lòng anh lâng lâng như vừa uống một ly rượu mạnh. Chàng nhỏ nhẹ nói với cô gái:”Tôi tặng cô chiếc áo len nầy.. ” và trao chiếc áo cho cô gái. Ngần ngừ một chút, cô gái mới đón chiếc áo len. Cô nhìn Minh, cảm động nói : “Cám ơn anh”. Cô khoác chiếc áo len vào người, thong thả đặt gánh đậu hủ lên vai, rồi từ từ bước đi. Minh ngẩn ngơ nhìn theo cô gái, anh thấy lòng mình rộn rã, chơi vơi…anh đang sống những giây phút đẹp nhất mà anh chưa bao giờ có trong đời.

Hôm sau, và hôm sau nữa, mỗi buổi sáng, Minh lại ra cổng đứng nhìn cô gái đi qua. Mấy hôm nay, anh thấy hình như cô gái có ngước nhìn anh, khi đi ngang qua chỗ anh đang đứng, chỉ có thế mà anh vui vẻ suốt ngày, anh cảm thấy cuộc sống thật hạnh phúc.

Tuy nhiên, những ngày hạnh phúc đó sớm qua đi, chỉ mấy tháng, sau khi anh đậu Tú Tài toàn phần, anh nhận được giấy gọi nhập ngũ. Anh theo học khóa Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức. Giữa năm 1970, anh ra trường với cấp bậc Chuẩn Úy. Anh được điều động về phục vụ ở Tiểu khu Phong Dinh, anh xa Huế từ đó. Anh được cử giữ chứcTrung Đội trưởng, rồi Đại Đội Trưởng Địa Phương Quân ở Chi khu Phụng Hiệp, thuộc Tiểu khu Phong Dinh ( Cần Thơ).

Những lúc đi hành quân, hay những đêm ngủ ngồi trên bờ kinh…anh nhớ cô gái ấy lắm. Nhưng đời binh nghiệp trong thời chiến đã giữ chân Minh, ngày đêm sống chết với mãnh đất nầy, anh chưa có cơ hội nào để về thăm lại “người yêu”.

Rồi ngày 30 tháng 4 -1975 ập đến. Cũng như các Sĩ Quan khác của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, anh bị bắt đi tù cải tạo. Anh bị chuyển từ trại nầy qua trại khác ở Miền Tây , cho đến năm 1985, anh được trả tự do. Trước khi được tha về, họ hỏi anh “về đâu” để họ viết vào “Giấy Ra Trại”. Anh trả lời : “Nhà của tôi ở Huế đã bị họ lấy, cha mẹ tôi đều đã qua đời”. Họ lại hỏi “Trước khi đi lính, anh ở đâu?” Anh trả lời :” Ở Huế ..” Và họ ghi vào giấy ra trại của anh “Về trình diện chính quyền thành phố Huế”

Ở trại giam ra, họ phát cho anh 16 đồng. Minh mua vé xe đò, đi về Sàigòn, xin tạm trú ở nhà một người bà con. Người nầy cho anh biết, mẹ của anh qua đời năm 1979, sau khi bà mất, họ cướp luôn căn nhà của anh.

Trong mấy ngày ở Sàigòn, anh đi lang thang hết đường nầy , đến đường khác. Tình cờ anh đi ngang qua Nhà Thờ Ba Chuông, anh đi vào nhà thờ. Chung quanh anh, nhiều người đang quì gối đọc kinh, cầu nguyện. Nhìn lên Chúa chịu nạn trên bàn thờ, anh lâm râm cầu nguyện với Chúa: “Lạy Chúa, con biết Chúa yêu thương con, Chúa đã phù hộ, nâng đỡ con từ nhỏ, cho đến hôm nay. Nhưng lạy Chúa, con đã mất tất cả mọi sự ở đời nầy, nhưng phúc cho con còn có Chúa. Lạy Chúa, con biết làm gì bây giờ, xin Chúa chỉ cho con.” Anh vô cùng ngạc nhiên khi nghe một tiếng nói mơ hồ, từ sâu thẳm vọng lại :”Con nên đi về Huế”

Minh như sực tỉnh, anh mua ngay vé xe lửa để về Huế. Qua một đêm, sáng hôm sau xe dừng lại ở ga Huế. Hành khách vội vã xuống xe; nhưng Minh cứ ngồi thừ ra đó, vì anh không biết đi đâu bây giờ. Bỗng anh có ý nghĩ là hãy về xem lại căn nhà cũ của mình…

Căn nhà quen thuộc của anh, nay đã thay đổi, hoàn toàn xa lạ. Anh đứng trước nhà, lơ đãng nhìn người qua lại. Bỗng anh tái mặt, run rẫy khi thấy từ xa, một cô gái gánh đậu hủ đang đi đến. Anh quá bối rối, không tin ở mắt mình nữa. Nhưng kìa cô gái đã đến gần, anh vội vã đi qua bên kia đường, đứng đón cô ấy. Một điều làm anh vô cùng sững sốt là cô gái lại mặc chiếc áo len màu cánh sen mà năm xưa anh đã tặng cho người con gái anh thương, nhưng khi nhìn kỹ, Minh thấy cô gái nầy còn trẻ quá, khoảng 15, 16 tuổi, không thể là người mà anh đã thầm yêu, trộm nhớ. Thế còn chiếc áo len ?

Minh đánh bạo hỏi cô gái : “Cô ơi, cô có thể cho tôi biết, ở đâu mà cô có chiếc áo len nầy ?” Bỗng nét mặt của cô gái tươi hẵn lên. Cô không trả lời anh, cô lại nhìn vào khoảng không và nói như reo :”Tạ ơn Trời Đất, chắc mẹ tôi vui mừng lắm, vì tôi đã gặp dược ngươì mà mẹ tôi trông chờ từ bao năm nay!” Cô gái nhìn Minh và thân mật nói :”Nếu ông muốn biết ở đâu mà tôi có chiếc aó len nầy, ông đi theo tôi..”

Không chờ Minh trả lời, cô gái nhẹ nhàng gánh đậu hủ lên vai, và đi ngược lại hướng chợ Vỹ Dạ. Anh lặng lẽ đi theo cô gái, anh không biết chuyện gì sẽ xảy đến với anh đây. Cô gái đi vào một căn nhà xưa cũ, cô đặt gánh đậu hủ xuống trước sân. Bỗng có tiếng từ trong nhà vọng ra: “Ủa ! bửa nay sao con về sớm rứa mà có ông nào đi với con vậy ?”. Cô gái hớn hở nói lớn:”Mạ ơi, mạ có tin vui, có ông nầy hỏi con ở đâu mà con có chiếc áo len nầy, nên con đưa ông ấy về nhà đây”

Im lặng một lúc, rồi một ngươì đàn bà khoảng 40 tuổi xuất hiện ở ngưỡng cửa. Khi nhìn thấy Minh, bà không dấu được sự xúc động tột cùng của mình, bà cảm động thốt lên : “Ông Trời không phụ tấm lòng của tôi, tôi đã đợi chờ ngày nầy, từ 20 năm nay!” Minh nhìn kỹ ngươì đàn bà, anh nhận ra ngay đây là cô gái mà anh đã yêu từ lúc còn đi học. Người đàn bà nhỏ nhẹ nói với Minh : “Mời ông vào nhà”

Trước đây, dù yêu nàng, nhưng anh đã không đủ can đảm để hỏi tên của nàng. Và nàng cũng không biết anh là ai. Nhưng Ông Trời đã sắp đặt cho hai người yêu nhau. Trải qua biết bao biến đổi của cuộc đời, hôm nay Minh được đứng cạnh người mình yêu và nhìn thẳng vào đôi mắt của nàng. Minh thầm nghĩ, đây là mộng hay thực?

Một giọng nói âu yếm vang lên, cắt ngang tư tưởng của Minh: “Ngày ấy sao anh không hỏi tên em?’ Minh ngập ngừng trả lời: “Lúc đó, anh là một đứa con trai mới lớn, dù đã để ý đến em, nhưng anh luôn luôn xem em như một nàng tiên, anh sợ đến gần em, hỏi han em.. có thể nàng tiên sẽ bay đi mất. Anh chỉ đứng bên nầy đường nhìn em đi ngang qua, cũng đã cảm thấy hạnh phúc lắm rồi “

Cô gái bùi ngùi nói với Minh: “Anh biết không, vì sự lãng mạn của anh , đã làm cho em phải chờ đợi anh qua bao năm tháng. Tinh thần và thể xác của em đã quá mõi mòn. Vì vậy, cách đây khoảng hai năm, em đã chuyển nghề bán đậu hủ nầy cho con gái của em. Em bắt cháu mỗi khi đi bán, phải mặc chiếc áo len mà anh đã tặng cho em, với lời dặn dò con rằng nếu có ông nào hỏi con về lai lịch của chiếc áo len nầy, thì người ấy là mối tình đầu của mẹ đó. Em mong chờ, em hy vọng..

Tạ ơn Trời Đất, hôm nay em đã được gặp anh!”Cô gái thân mật hỏi Minh: “Thế bây giờ anh có muốn biết tên của em không ? Tên của em là Nga” Minh đáp ngay:”Còn tên của anh là Minh”. Nga vui vẻ hỏi Minh: “Tại sao lúc đó, tự nhiên anh biến mất vậy? Mỗi buổi sáng khi đi ngang qua nhà anh, không thấy anh đứng đó, em buồn lắm!”. Minh thổn thức: “Năm đó, anh đậu Tú Tài toàn phần, chỉ mấy tháng sau, anh bị gọi động viên đi Thủ Đức. Ra trường, anh được điều động về phục vụ ở Tiểu Khu Phong Dinh. Đời binh nghiệp đã giữ chân anh ở đó, cho đến năm 1975, anh bị đi tù cải tạo, vừa mới được tha về từ tuần trước đây.” Minh buồn buồn tâm sự với Nga: “Nhà của anh đã bị họ lấy mất, người mẹ thân yêu của anh cũng đã qua đời khi anh còn trong trại tù. Giờ đây anh là một kẻ tứ cố vô thân!”

Giọng Nga trầm hẳn xuống: “Vậy em mời anh ở lại đây với mẹ con em nhé !”. Hạnh phúc chợt đến quá bất ngờ, làm Minh ngây ngất. Anh âu yếm nắm lấy tay Nga. Thân hình của nàng bủn rủn ngã vào lòng anh, hai hàng nước mắt chảy dài xuống má Nga.

Minh ôm Nga vào lòng mà ngỡ như mình đang sống trong mơ.

Ngoài vườn, ánh nắng lung linh, reo vui…

TÁI HỢP TÌNH ĐẦU SAU 2/3 THẾ KỶ

TÁI HỢP TÌNH ĐẦU SAU 2/3 THẾ KỶ

Khi nhận được tin bà vẫn còn trên đời, người đàn ông 91 tuổi nói với con trai 63 tuổi: Hãy đưa ta đi gặp bà ấy để ta nói với bà là ta không phản bội bà, bỏ rơi bà… 70 năm qua ta vẫn nhớ bà vẫn giữ những tấm ảnh của bà ở bên ta.

TÁI HỢP TÌNH ĐẦU SAU 2/3 THẾ KỶ

Năm 1953, trước khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc, một quân nhân Mỹ lên kế hoạch sống chung với người yêu là một cô gái Nhật.

Thế nhưng ý định không thành, phải đến gần 7 thập niên sau họ mới gặp lại. Chuyện tình đẹp này đã gây xúc động cộng đồng mạng thời gian gần đây.

ĐỊNH MỆNH CHIA LÌA

Trong gần 70 năm, cựu binh Hải quân Hoa Kỳ, Duane Mann, sống với trái tim nặng trĩu. Khi còn là một sĩ quan trẻ đóng quân ở Nhật Bản, ông đã yêu một thiếu nữ tên là Peggy Yamaguchi, và hai người có ý định đi đến hôn nhân.

Thế nhưng, định mệnh đã chia cắt họ. Không quên quá khứ, ở tuổi 91, Mann quyết tâm truy tìm mối tình đầu của mình.

Trong một bài đăng ngày 1/5/2022 trên Facebook, Mann đã kêu gọi cộng đồng mạng giúp đỡ tìm kiếm Yamaguchi kèm theo là một bức ảnh ông đã chụp Yamaguchi 70 năm trước.

Ông viết, “Tôi đã không ngừng tìm kiếm cô gái Nhật Bản này hoặc một trong những thành viên gia đình của cô ấy”. Sau đó, ông kể ra câu chuyện đáng chú ý và đau lòng của họ.

Năm 1953, Mann lúc đó 22 tuổi cùng đơn vị đóng quân tại Nhật Bản. Khi ở Tokyo, ông gặp Yamaguchi, cô gái 21 tuổi làm việc trong phòng kiểm tra mũ của một câu lạc bộ sĩ quan. Buổi tối nọ, ông làm quen với Peggy và cả hai bắt đầu khiêu vũ trong những điệu nhạc lãng mạn.

Mann viết trên Facebook: “Chúng tôi khiêu vũ rất ăn ý khiến nhiều người xem thích thú. Không mất nhiều thời gian, tình yêu đến chỉ chưa đầy 6 tháng sau gặp gỡ”. Yamaguchi biết tiếng Anh, giúp dịch các cuộc trò chuyện giữa các thành viên câu lạc bộ và người dân địa phương.

Chẳng bao lâu sau khi đôi tình nhân quyết định đi đến hôn nhân, Yamaguchi có thai. Nhưng trước khi họ có thể kết hôn, chiến tranh Triều Tiên kết thúc và đơn vị của Mann được lệnh trở về Mỹ. “Khi lên tàu rời Nhật, tôi đã để lại một cô gái đang mang thai, đầm đìa nước mắt”, Mann viết trên Facebook, “Tôi đã trấn an cô ấy rằng đừng quá lo lắng. Ở quê nhà tôi có một số tiến tiết kiệm và sẽ gửi cho cô ấy ngay khi có thể để lo cho đứa con ra đời”. Nhưng mọi thứ không diễn ra theo cách mà Mann đã trù tính.

KHÔNG QUÊN HÌNH BÓNG CŨ

Khi trở về nhà ở Pisgah, bang Iowa, Mann phát hiện tiền của mình đã không còn nữa. Mann đã để tiền trong tài khoản ngân hàng đứng tên cha mình, phòng trường hợp ông bị tử trận, nhưng cha ông đã tiêu sạch số tiền này. Mann nói với The Washington Post: “Không còn gì cả. Nếu biết không còn tiền, tôi đã không về nhà”.

Mann viết thư cho Yamaguchi và giải thích tình trạng hiện nay của mình. Ông kiếm được một công việc trong lĩnh vực xây dựng và bắt đầu tích lũy tiền để lo cho người yêu sang Mỹ. Nhưng rồi Yamaguchi bỗng bặt thư từ với ông, sau cùng Mann nhận được một lá thư từ cô ấy nói rằng đứa con của họ đã mất và cô kết hôn với người khác.

“Sau này, tôi mới phát hiện mẹ tôi đã thủ tiêu các bức thư gửi đến của Peggy vì bà không muốn tôi lấy một cô gái Nhật Bản”, Mann viết trên Facebook. Mẹ ông hy vọng ông sẽ kết hôn với một cô gái ở địa phương của họ.

Không trông mong gì ở Yamaguchi sau thời gian mất liên lạc, Mann đã kết hôn hai lần và có sáu người con nhưng vẫn không bao giờ quên người yêu ở Nhật Bản.

Ông viết trên Facebook, “Tôi đã dành 70 năm qua để cố gắng tìm Peggy, bởi vì điều ám ảnh nhất đối với tôi là có thể cô ấy cho rằng tôi đã bỏ rơi cô ấy!”

TÁI HỢP

Internet đã giúp Mann làm được điều ông muốn. Bài đăng của ông nhanh chóng lan truyền rộng rãi trên mạng, được phát trên các đài của thành phố, thậm chí còn được đưa tin ở Nhật Bản.

Lời cầu xin của Mann đã làm rung động trái tim của một cô gái ở Vancouver, Canada tên là Theresa Wong, đang làm việc cho mạng truyền hình History Channel. Cô bắt đầu tìm kiếm Peggy Yamaguchi và phát hiện bà sống ở Escanaba, bang Michigan, chỉ cách nhà của Mann ở Iowa 14 giờ lái xe vượt sông Mississippi. Khi được cho xem bức ảnh thời trẻ của Mann, Peggy Yamaguchi, hiện là Yamaguchi Sedenquist, nói: “Tôi vẫn nhớ anh ấy”. Đúng như những gì đã nói với Mann, bà kết hôn vào năm 1955 và có ba con trai. Nhưng bà vẫn không quên người yêu ngoại quốc của mình. Trên thực tế, bà đã đặt tên đệm cho con trai đầu của mình là “Duane”.

Biết bà còn sống, Mann kiên quyết đi gặp trực tiếp người yêu cũ. Con trai cả của Mann, Brian Mann, 63 tuổi, đã cùng ông tham gia cuộc hành trình. Hai cha con lái xe khoảng 14 giờ từ Iowa đến Michigan cho cuộc gặp ngày 1 tháng 6 năm 2022 vừa qua.

Thế là gần 70 năm sau cuộc chia tay đẫm nước mắt, Duane Mann và Peggy Yamaguchi Sedenquist đã tái hợp. Họ ôm nhau cùng hồi tưởng về những điệu nhảy ở Nhật Bản.

“Tôi đến đây để nói với bà rằng tôi không hề bỏ rơi bà. Tôi bị mất liên lạc với bà”, Duane nói với Yamaguchi trong cuộc hội ngộ của họ.

Mann đã cho Yamaguchi xem tất cả những bức ảnh của bà mà ông giữ kỹ trong ví suốt 70 năm.

“Cảm ơn ông đã nhớ và lưu giữ tất cả những bức ảnh, ông hẳn đã rất yêu tôi”, Yamaguchi đáp lại khi ôm và hôn Mann. Trái ngược với sự lo lắng của Mann, Yamaguchi Sedenquist không hề nuôi dưỡng sự oán hờn hay bất bình nào, cũng không hề cảm thấy bị người yêu bỏ rơi.

Đối với cụ Mann 91 tuổi, đó là một kết thúc có hậu. Ông nói với tờ The Washington Post: “Bây giờ tôi mới cảm thấy thực sự bình yên. Không còn canh cánh với mặc cảm bỏ rơi bà ấy. Tuy nhiên, tôi rất muốn được khiêu vũ với bà ấy một lần nữa, chỉ một lần nữa thôi”.

Băng Tâm

Theo: Allthatsinteresting

Duane Mann cùng Peggy Yamaguchi 70 năm trước và hiện nay

From: Tham Nguyen & KimBang Nguyen

Câu Chuyện Cho Những Ai Đã Là Vợ Chồng

Câu Chuyện Cho Những Ai Đã Là Vợ Chồng

Chồng chị là một kỹ sư giỏi, chị yêu anh vì sự vững chãi, chín chắn của anh, chị yêu cái cảm giác ấm áp mà chị có mỗi khi chị tựa đầu vào vai anh. Và sau 3 năm tìm hiểu, anh chị đã đi đến hôn nhân.

Nhưng đến hôm nay, sau hai năm là vợ chồng, chị bỗng thấy mệt mỏi với những cảm giác mà chị phải trải qua khi chung sống với anh. Những lý do khiến chị yêu anh trước đây, bỗng biến thành những lý do tạo nên sự đổi thay trong chị.

Chị là một phụ nữ nhạy cảm, và rất dễ bị thương tổn trong tình yêu, chị luôn khao khát những khoảnh khắc lãng mạn, giống như là bé gái nhỏ thèm khát kẹo ngọt. Nhưng anh lại trái ngược với chị, anh không có sự nhạy cảm, và hoàn toàn không quan tâm đến những khoảnh khắc lãng mạn trong cuộc sống vợ chồng, điều này đã làm cho chị càng chán nản hơn.

Và chuyện gì đến phải đến, một hôm chị quyết định cho anh biết rằng chị muốn ly dị, rằng chị không thể chung sống với anh thêm một giờ phút nào nữa. Rất bất ngờ khi nghe chị yêu cầu như thế, anh chỉ biết hỏi:

– Tại sao?

– Em cảm thấy mệt mỏi, không có lý do nào cho mọi thứ trên thế gian này! Chị trả lời.

Anh không nói gì thêm nữa, nhưng suốt đêm đó, anh không ngủ, và chìm sâu vào những ưu tư, khắc khoải với ánh sáng lập lòe của điếu thuốc gắn trên môi. Sự im lặng của anh càng làm cho cái cảm giác thất vọng trong chị tăng lên, đấy là một người đàn ông không thể biểu lộ gì ngay cả đến lúc gặp tình huống khó khăn như lúc này, còn gì nữa để mà chị hy vọng ở anh! Cuối cùng rồi anh cũng lên tiếng, anh hỏi chị:

“Anh có thể làm gì để thay đổi ý định của em?”

Ai đó đã nói đúng. “Rất khó khăn để thay đổi tính cách của một con người” và chị nghĩ rằng chị không thể nào thay đổi cách sống của anh. Nhìn sâu vào mắt anh, chị chậm rãi trả lời: 

“Đây chính là câu hỏi, nếu câu trả lời của anh có thể thuyết phục em, em sẽ thay đổi ý định ly dị. Nếu em nói, em muốn bông hoa ở phía bên kia vách núi, và cả hai chúng ta đều biết rằng khi anh cố hái bông hoa đó cho em thì anh sẽ chết, anh có vẫn cố làm cho em hài lòng chứ?”

Anh đáp: 

“Ngày mai anh sẽ trả lời câu hỏi cho em…” 

Những hy vọng của chị hoàn toàn bị chìm xuống khi nghe câu trả lời của anh.

Sáng hôm sau, chị tỉnh giấc và nhận ra anh đã đi rồi. Chị nhìn thấy một mảnh giấy với dòng chữ ngoệch ngoạc của anh, được dằn dưới ly sữa, trên chiếc bàn ăn gần cửa…. và chị bắt đầu đọc….

“Em yêu, Anh sẽ không thể nào hái bông hoa đó cho em, nhưng hãy cho anh giải thích những lý do mà anh không thể”.

Ngay những dòng đầu đã làm tan nát trái tim chị, chị tiếp tục đọc….

“… Khi em sử dụng máy vi tính, anh luôn sắp xếp phần mềm cho em dễ sử dụng, và khi em kêu lên trước màn hình khi có sự cố, anh luôn chuẩn bị những ngón tay để có thể giúp em phục hồi lại những chương trình. Em thường bỏ quên chìa khóa cửa, nên anh luôn chuẩn bị đôi chân để sẵn sàng chạy về mở cửa cho em. Em rất thích đi du lịch, nhưng lại thường hay bị lạc đường trong những thành phố xa lạ, nên anh phải chuẩn bị đôi mắt của mình để chỉ đường về cho em. Em thường đau bụng trong mỗi lần gần đến tháng, nên anh luôn chuẩn bị lòng bàn tay mình để sẵn sàng xoa bụng cho em để em dịu cơn đau. Khi thấy em luôn thích ở nhà, anh lo rằng em sẽ có thể bị mắc bệnh tự kỷ, vì thế anh phải luôn pha trò và chuẩn bị những câu chuyện vui để em quên đi nỗi buồn chán. Khi em luôn chăm chú vào màn hình vi tính, anh sợ như vậy có hại cho đôi mắt của em, nên anh phải để dành đôi mắt của anh để khi chúng ta già, anh sẽ có thể giúp cắt móng tay, và nhổ những sợi tóc bạc cho em. Anh có thể nắm bàn tay em đi tản bộ trên bãi biển, để em thưởng thức cảnh mặt trời mọc và bãi cát xinh đẹp… và anh sẽ cho em biết rằng màu sắc của những bông hoa cũng rực rỡ như gương mặt tươi tắn của em… Vì vậy, em yêu, trừ phi em chắc chắn rằng có ai đó yêu em hơn anh đã yêu em… nên bây giờ anh không thể hái bông hoa đó cho em, và chết…/.”

Nước mắt của chị không ngừng rơi trên trang giấy, làm nhạt nhòa những dòng chữ của anh… Chị đọc tiếp:

“…Bây giờ, nếu em cảm thấy hài lòng thì hãy mở cửa ra, vì anh đang đứng đó với bánh mì và sữa tươi cho buổi sáng của em, những món ăn mà em thích…”

Chị lao đến cửa và mở bung nó ra, trông thấy anh với gương mặt lo lắng, chị nắm chặt tay anh, cùng với ổ bánh mì và chai sữa, bây giờ chị biết chắc rằng không ai yêu chị như anh đã yêu chị, và chị quyết định quên đi bông hoa ở bên kia vách núi… đó là cuộc sống và tình yêu.

Khi được sống trong sự đầy đủ, dư thừa của tình yêu, thì cái cảm giác sôi nổi trong tình yêu thường bị khô héo đi, và người ta không còn có thể nhận thức được đâu là tình yêu chân thật và đâu là tình yêu giả dối, giữa cảm giác bình yên và buồn chán đó.

TẢN MẠN TUỔI MỘNG MƠ

Van Pham 

TẢN MẠN TUỔI MỘNG MƠ

Cái Thuở Ban Đầu Lưu Luyến Ấy…

Hàn Thiên Lương

Trong thời thế chiến thứ 2, đất nước mình rất xáo trộn, nhất là lúc quận Nhựt vào chiếm đóng , thành phố Saigon, Đồng Minh dội bom liên tục, gia đình tôi phải tản cư về quê Đức Hòa, kịp đến cuối năm 1945 Nhựt Bổn đầu hàng, quân Pháp trở lại tấn chiếm Việt Nam. Lệnh Uỷ Ban Việt Minh ra lệnh tiêu thổ kháng chiến, gia đình tôi phải rời quận chạy trốn vào vùng sâu, chiến khu Việt Minh và kẹt ở nơi đó.

Đến năm 1949 nhân cuộc hành quân lớn của Pháp, gia đình tôi thoát về thành. Từ đó tôi đựơc đi học lại, năm tôi học tại trường trong xóm, cũng nhờ ông cậu Mười tôi hướng dẫn, tôi tiến bộ rất nhiều! Đến năm 1950 cậu tôi cho tôi học lớp nhứt (lớp năm) trường Việt Nam Học Đường. Ngôi trường thật khang trang lớn đẹp, Thầy Nghi, thầy giáo đầu tiên, thầy dạy rất hay dễ hiểu, cuối năm đó tôi đậu tiểu học ,là một sự bất ngờ đối với mẹ và cậu tôi, nhưng ai cũng mừng và tôi rất vui sướng.

Trong lớp Nhất nầy tôi học chung với các chị Lê, Nhung, Minh Trí và Văn. Những người nầy học chung với tôi đến lớp đệ tứ (lớp 9), nay ai tóc cũng ngã màu sương tuyết!

Nhưng có một nữ sinh Việt Nam Học Đường học sau tôi một lớp (lớp đệ Ngũ), lại là người hàng xóm của tôi để lại dấu vết cái thuở ban đầu cho tôi đến nay chưa phai mờ!

Gia đình tôi về ở nhà ông ngoại tôi khu Phú Nhuận năm 1949, thì gia đình Hiền dọn đến ở căn phố cuối xóm. Gia đình nay chỉ có ba người, người mẹ chừng bốn mươi tuổi và hai cô con gái người chị khoảng 20 tuổi, cô em chừng 13tuổi. Gia đình sống lặng lẽ mẹ và chị trên hai bàn máy chăm chỉ may quần áo hàng xóm để độ nhựt. Cô em là Hiền rất nhu mì, lúc đó mới học lớp Nhì ( lớp 4).

Chẳng bao lâu mẹ tôi và chị tôi thân với mẹ và chị của Hiền. Gia đình tôi là khách hàng may của mẹ Hiền. Nhờ đó mà tôi và Hiền là hai láng giềng tuy chưa thân mà không xa lạ! Hằng ngày Hiền, em gái tôi và tôi thường đi bộ theo đường Võ Di Nguy lên cầu Kiệu đến trường. Thường Hiền và em gái tôi đi trước và tôi lững thửng đi sau trong nắng ấm buổi bình minh. \

Sau đó một thời gian em gái tôi đậu vào trường Gia Long. Tôi và Hiền cởi xe đạp đến trường, sáng nào hai đứa cũng chờ nhau cùng đi một lượt. Đó là niềm vui nhỏ thời tuổi dại, dường như có cái gì mơ hồ lưu luyến trong lòng !

Đến cuối năm Đệ ngũ của tôi và đệ lục của Hiền, hai đứa được lãnh thưởng, đều có thêm phần thưởng về toán của thầy Kinh. Có nỗi mừng vui chung nên tình cảm gần nhau lúc nào không biết . Vào thời tôi học lớp đệ tứ và Hiền học lớp đệ ngũ, chiến tranh dữ dội, rồi hòa bình, rồi Saigon xáo trộn, người từ Bắc di cư vào Nam, có người trong Nam âm thầm tập kết ra Bắc…

Cuối năm học đó (1955) tôi thi đâu Trung Học, lúc tôi thi vấn đáp Hiền cũng đi theo xem…Có mấy bạn theo hỏi: -Em gái của Tâm đó hả? Tôi thấy Hiền thẹn cúi mặt thật tội nghiệp!.

Sau đó chúng tôi có những ngày Hè thật vui…Hiền thường cỡi xe vào chợ Lớn để mua chỉ cho mẹ thì tôi cũng cỡi xe đi theo. Một lần hai đứa cỡi xe lên tận Lái Thiêu, đi dạo trong vườn măng, lúc trở về ghé quán uống nước, tôi chợt thấy gương mặt nàng buồn , nhìn tôi Hiền nói: -Nếu ngày nào mình phải xa nhau chắc buồn lắm phải không anh?

Tôi với tay nắm tay nàng nói : -tức là buồn lắm! nhưng sao có ngày đó được Hiền!

Nàng nhìn tôi, chớp mắt, cúi xuống như tránh đôi mắt tôi, nhưng lúc ra lấy xe tôi nhìn Hiền thấy mắt nàng ứa lệ!

Niềm vui thật qua mau, tôi về Đức Hòa một tuần dự đám tang của Bác tôi khi trở xuống, Chị Hai tôi cho tôi biết: – Hiền nó đi xa rồi, có người đến rước nó xuống Cao Lãnh tập kết với Ba ra Bắc; dường như Ba Hiền làm lớn trong Việt Minh, Hiền có gửi thư lại cho em, chị của Hiền đưa chị nhờ trao lại cho em.

Tôi mở thư ra chỉ có câu :

“Anh ơi em phải theo Ba, Anh ở lại bình an, lúc nào em cũng nhớ anh!”- Hiền

Lúc đó hồn tôi như dại như khờ, đúng là: Người đi một nửa hồn tôi mất, Một nữa hồn tôi bỗng dại khờ.

Thời gian như dòng nước cứ lặng lờ trôi. Còn tôi cứ bước đi theo dòng đời nghiệt ngả…Cái thuở ban đầu ấy thành dấu vết trong hồn tôi mãi mãi!