Để thấy thương vợ nhà  hơn – Tràm Cà Mau – Truyện ngắn

 Tác giả: Tràm Cà Mau

Rất nhiều bà vợ hiểu biết, hiền lành, dễ thương, ngày đêm vun xới cho hạnh phúc gia đình. Bởi hạnh phúc gia đình, có thể nói là thứ quý báu nhất trên đời, khó có gì sánh bằng. Sống trên thế gian, ai ai cũng mưu cầu hạnh phúc, chỉ có người mất trí khôn mới không biết quý không khí êm ấm của gia đình. Nếu trong một đất nước, mà nhà nhà đều được hạnh phúc đơm đầy, thì quốc gia đó, đạt được lý tưởng mơ ước, không cần giàu, mạnh, hay tiếng tăm.

Người ta kiếm cho ra nhiều tiền, không kể nhọc nhằn, lao tâm khổ trí, cũng chỉ để mưu cầu hạnh phúc. (Họ tưởng tiền bạc có thể mua được hạnh phúc) Theo đuổi danh vọng, cũng là một thứ đi tìm hạnh phúc cá nhân, khoan kể đúng hay sai.

Tuy nhiên, có không ít bà vợ đã cố ý hay vô tình phá vở hạnh phúc êm đềm thường ngày, bằng cách làm khó chồng, đay nghiến, nói lời độc ác, hành động hoang loạn, bất mãn triền miên và chê bai chồng đủ điều. Các bà nầy, đã tự đập vở hạnh phúc đang có, và bỏ phí tháng ngày trời cho. Có thể, đến khi mất đi ông chồng dễ ghét đó, các bà mới chợt ý thức được hành động đáng trách của họ, và lúc đó tiếc thương thì cũng đã quá muộn màng.

Ai đã từng ít nhiều đau khổ vì bị vợ hành, xin đọc các trích đoạn sau đây.  Đoạn đầu là bản dịch chương 1 phần 6 của tập “Đắc Nhân Tâm” do học giả Nguyễn Hiến Lê dịch, nguyên tác của Dale Carnegie, sẽ thấy an ủi vô cùng. Vì thế gian đã có những danh nhân bị vợ hành gấp trăm mình.

Xin để thì giờ đọc, mà tìm đuợc chút an ủi và hạnh phúc. Nếu đã đọc rồi, cũng nên đọc lại, vẫn thấy hay vô cùng. Chương 1 phần 6 của cuốn Đắc Nhân Tâm viết  như sau:

Chôn sống hạnh phúc gia đình cách nào lẹ nhất?

Năm 1852, Hoàng đế Nã Phá Luân đệ tam say mê Nữ bá tước Mari Eugénie Ignace Augustine de Montiji, người đàn bà đẹp nhất thế giới và cưới nàng. Cận thần có người can gián Hoàng đế vì lẽ không được “môn đăng hộ đối”.

Nhưng Hoàng đế nói: “Có cần chi điều đó”. Cái duyên và vẻ đẹp lộng lẫy của nàng làm cho Hoàng đế mê ly như gặp tiên. Trong một bài diễn văn, Hoàng đế nói như thách cả nước Pháp: “Trẫm đã cưới một người đàn bà mà Trẫm yêu và ngưỡng mộ, như vậy còn hơn là cưới một người mà Trẫm không được biết”.

Hoàng đế và Hoàng hậu có đủ điều kiện để cuộc lương duyên hoàn toàn theo lý tưởng: Sức mạnh, tiền bạc, quyền thế quang vinh, sắc đẹp, tình yêu. Chưa bao giờ người ta thấy hạnh phúc thiêng liêng trong gia đình chói lọi rực rỡ như vậy.

Than ôi! Chẳng bao lâu, lửa thiêng đó chập chờn, lu mờ và tắt hẳn. Nã Phá Luân đã có thể làm cho nàng Eugénie thành một bà Hoàng hậu được, nhưng không có gì ở đời này, cả tình thương của ông, cả uy quyền của ông, có thể thay đổi nổi tính tình của người đàn bà đó.

Bà điên cuồng vì ghen tuông bị nghi ngờ nó giày vò bà, làm cho đời sống của ông không được mảy may tự do. Bà không kể gì tới mệnh lệnh của ông nữa, bà sồng sộc xông vào văn phòng của ông trong khi ông bề bộn việc nước; Trong lúc ông bàn kín việc quốc gia đại sự, bà cũng vào cho kỳ được mới nghe. Bà nhất định không bao giờ để cho ông ở một mình hết, luôn luôn sợ ông có ngoại tình.

Thường thường bà chạy lại nhà một bà chị để phàn nàn về chồng, trút hết tâm sự, khóc la, đe dọa. Có lắm lần bà đạp cửa vô thư viện của ông để chửi ông nữa. Cho nên, làm chủ mười hai tòa cung điện lộng lẫy mà Nã Phá Luân đệ tam không có lấy một cái tủ để trốn trong đó cho yên thân được.
Rồi sau xảy ra sao?

Đoạn văn bản này trích trong cuốn sách thú vị của E. A. Rheinhardt “Nã Phá Luân và Eugénie: Bi hài kịch của một đế chính” trả lời câu hỏi đó:
“Như vậy, rốt cuộc Nã Phá Luân có ngoại tình thiệt và ông luôn luôn lén lút ra khỏi cung, đội chiếc nón nỉ kéo sụp xuống che mắt, có độc một người hầu cận theo sau, để đi tới nơi hẹn hò với một giai nhân… Nếu không phải, như hồi còn hàn vi, để đi lang thang trong kinh đô, vơ vẩn dạo chơi trong những con đường mà các vị Hoàng đế chỉ được nghe tả trong sách…”.

Đó, cách cư xử của bà Eugénie đem tới kết quả như vậy đó. Đành rằng bà vẫn luôn luôn là Hoàng hậu nước Pháp. Đành rằng bà là người đẹp nhất thế giới. Nhưng khốn nạn thay, cả chức Hoàng hậu và sắc đẹp đó không đủ cứu vãn tình yêu bị ngạt trong không khí đầy chất độc, vì những cuộc bất hòa đó.

Phải, Eugénie cũng có thể kêu Trời như Job “Ghét của nào, Trời trao của đó”. Trời trao ư? Không đâu. Chính bà đã tự đem trút nó lên đầu bà vì cái máu ghen và những lời đay nghiến của bà. Đành hanh, nhiếc móc, giày vò, thứ khí giới tai hại nhất mà Diêm Vương đặt ra để tiêu diệt tình yêu. Khí giới đó chắc chắn có hiệu quả hơn hết cũng như nọc rắn hổ vậy, không ai thoát khỏi chết.

Bá tước phu nhân Tolstoi tìm thấy chân lý đó – nhưng trễ quá. Lúc lâm chung, bà thú với con gái bà rằng: “Chính má đã làm cho ba các con chết”. Con gái bà không biết trả lời ra sao, sa lệ. Vì biết rằng quả đúng như vậy: Ông Tolstoi chết vì bà đầu độc đời ông bằng những lời đay nghiến cay chua không ngớt, những cuộc xung khắc bất tận.

Mà cặp vợ chồng đó có đủ những điều kiện của hạnh phúc. Tolstoi là một văn sĩ nổi danh nhất hoàn cầu. Ngoài vinh quang đó ra, ông bà lại giàu sang, có địa vị quan trọng trong xã hội và có nhiều con. Không bao giờ một cuộc hôn nhân trổ bông dưới nền trời tươi sáng hơn nữa. Mới đầu, hạnh phúc của ông bà đầy đủ quá, hoàn toàn quá, đến nỗi có khi cả hai đều quỳ gối, cầu xin Thượng đế gìn giữ họ trong cảnh thần tiên đó.

Rồi thì một sự lạ lùng xảy ra. Lần lần Tolstoi biến đổi tính nết, thành một người khác hẳn. Ông xấu hổ về những danh tác ông đã viết, và bắt đầu từ lúc đó ông miệt mài viết những bài thuyết giáo về hòa bình và kêu gọi diệt trừ chiến tranh và khổ cực cho nhân loại.

Ông thú rằng hồi thiếu thời, ông đã mắc những tội lỗi không thể tưởng tượng được, cả tội giết người nữa và để chuộc tội, ông nhất định theo đúng giáo lý Cơ Đốc. Ông phân phát hết thảy những của cải của ông và thề sống trong cảnh nghèo. Ông làm lụng ngoài đồng, chặt cây, phơi cỏ, đóng lấy giày, quét lấy phòng, ăn trong đĩa bằng gỗ, ráng yêu cả những kẻ thù ông.
Đời của ông là một bi kịch, mà như vậy chỉ do hôn nhân của ông. Bà ưa xa hoa, ông thì ghét. Bà ham danh vọng, thích được tôn trọng, thích giao du, mà ông lại không màng gì tới những thú tầm phào đó. Bà đòi có nhiều vàng, sống một cuộc đời sang trọng, còn ông thì cho giàu có là một tội lỗi.
Trong nhiều năm, bà đay nghiến ông, thịnh nộ với ông, mạt sát ông, vì ông in sách cho không, không đòi quyền tác giả, mà bà thì không muốn bỏ những món tiền đó.

Khi ông chống lại thì bà phát cơn động kinh, lăn trên mặt đất, ngậm ở môi một ve thuốc phiện, thề sẽ tự tử hay dọa sẽ đâm đầu xuống giếng.
Có một chi tiết mà tôi cho là vô cùng thương tâm trong đời của ông bà. Như tôi đã nói, lúc mới cưới, cuộc tình duyên đó thiệt đẹp đẽ, vậy mà 48 năm sau, ông Tolstoi đến nỗi hễ trông thấy mặt bà là chịu không nổi… Có khi, buổi tối, bà già cô đơn đó thèm khát tình thương, lại quỳ bên ông và xin ông đọc cho nghe những đoạn dịu dàng cảm động, mà ông viết vô nhật ký để tặng bà, 50 năm trước.

Và khi ông đọc, sống lại những ngày tươi sáng rực rỡ, bây giờ đã tan như mây khói, cả hai đều rơi lệ. Than ôi! Thực trạng khác xa những mơ mộng thiếu thời một cách độc địa làm sao!

Sau cùng, năm 82 tuổi, Tolstoi không chịu nổi sự bất hòa ghê gớm trong gia đình nữa và một buổi tối, tháng 10 năm 1910, tuyết sa đầy trời ông trốn bà, đi xa, trong đêm tối và lạnh lẽo, không biết là đi về đâu.

Mười một ngày sau, ông đau phổi mà chết tại một nhà ga. Lời cầu xin cuối cùng của ông là đừng để ông thấy mặt vợ ông.

Đó, bà Tolstoi phải chuộc những cơn giận, lời dọa nạt, lời trách móc với cái giá đó.  Có lẽ độc giả tự nhủ rằng có nhiều chỗ bà phàn nàn cũng đáng. Phải. Nhưng vấn đề không phải ở đó. Vấn đề ở chỗ này: Bà phàn nàn có ích gì cho bà không? Hay là, trái lại, chỉ làm cho tình thế đã tệ hại còn tệ hại thêm nhiều?

Khi trễ quá rồi, bà mới tự thú: “Tôi tin chắc rằng hồi đó tôi điên”.

Bi kịch thảm thương nhất trong đời Lincoln cũng là cuộc hôn nhân của ông. Tôi nói rõ: Không phải là vụ ám sát ông mà là cuộc hôn nhân của ông. Khi tên Booth hạ sát ông bằng một viên đạn, ông không hay rằng người ta mới bắn ông, nhưng trong 23 năm trời, gần như mỗi ngày, ông được nếm “những trái cây chua chát của một duyên nợ đau khổ” như lời ông Herdon, người bạn ông đã nói. Thiệt vậy, trong gần một phần tư thế kỷ, bà Lincoln rút dần mạch sống của đời ông bằng cách khích bác, gây lộn, giày vò, đay nghiến ông.

Bà luôn luôn day dứt, đay nghiến rằng ông chẳng được vẻ gì: Nào là lưng thì gù, chân đi thì kéo lê như thằng mọi, dáng điệu cứng như que củi, gai mắt lạ lùng.

Bà nhại dáng đi của ông rồi nghiến răng hỏi ông sao không bắt chước dáng đi lịch sự của bà? Bà oán cả hai tai ông, vừa rộng vừa vểnh ra như tai voi. Bà chê ông mũi lệch, bà chê môi dưới ông trề ra, bà chê ông có vẻ ốm đói; Tay chân lớn quá mà đầu thì nhỏ quá! Hai ông bà trái ngược nhau về đủ mọi phương diện: Giáo dục, tính tình, thị hiếu. Chọi nhau hoài…

Một sử gia thông thạo nhất về đời sống Tổng thống Lincoln có viết: “Giọng nói the thé của bà Lincoln, ở ngoài đường cũng nghe thấy, và những cơn thịnh nộ của bà thì điếc tai hàng xóm. Mà không phải khi bà giận dữ, chỉ la hét mà thôi đâu, bà còn làm hung nữa, có nhiều chứng cớ không chối cãi được”.

Chẳng hạn, sau khi cưới, ông bà lại trọ nhà bà Farly, vợ góa một lương y, có nấu cơm tháng.

Một hôm lúc điểm tâm, ông Lincoln có một cử chỉ hoặc thốt một lời làm cho bà nổi giận. Không ai nhớ ông đã làm gì, nhưng người ta thấy bà Lincoln trong lúc cơn điên lên đến cực điểm, liệng một tách cà phê nóng vào mặt chồng, ngay lúc đông đủ các khách trọ khác.

Lincoln xấu hổ lắm, làm thinh ngồi trơ trên ghế trong khi bà chủ trọ đem chiếc khăn mặt ướt lại chùi má và quần áo ông.

Lòng ghen của bà Lincoln vô lý dữ tợn, và không thể tưởng tượng được, đến nỗi chỉ cần đọc những đoạn tả những cơn giận dữ, bi thảm làm cho ông mất mặt trước công chúng, phải, chỉ cần đọc những đoạn đó, 75 năm sau, cũng còn thấy kinh tởm rùng mình. Sau cùng, bà hóa điên. Người ta cho rằng tánh hạnh bà như vậy; Bởi vì bà mắc bệnh thần kinh. Không thể có lời nào nhân từ hơn để xét bà nữa.

Bây giờ ta hãy tự hỏi: Những cơn thịnh nộ đó, những lời đay nghiến đó, cái lối bù lu bù loa đó có cải thiện ông Lincoln chút nào không?

Một ngàn lần không. Nó chỉ giết hết tình cảm của ông đối với bà, nó làm cho ông suốt đời hối hận rằng đã cưới bà và chỉ muốn có mỗi một hành vi là đi khỏi nhà cho khuất mắt.

Tại tỉnh Springfield, là nơi gia đình Lincoln ở, có 11 ông luật sư. Vì đông quá, không thể kiếm ăn trong tỉnh đó được, họ phải đi ngựa từ tỉnh lỵ này qua tỉnh lỵ khác, theo sau ông tòa David Davis để cãi trong những lúc ông này xử án khắp trong miền. Nhưng trong khi bạn đồng nghiệp của ông Lincoln cứ cuối tuần lại trở về gia đình thì ông Lincoln không muốn về, vì rất kinh tởm sự ở gần bà vợ. Và trong ba tháng hè và ba tháng thu, ông ở xa biệt, không lai vãng gần miền Springfield.

Như vậy trong nhiều năm. Đời sống trong những quán trọ nhà quê đó không vui thú, cũng không đủ tiện nghi; Nhưng sống như vậy, ông còn thích hơn là về nhà để thấy bà Lincoln với những cơn tam bành, lục tặc của bà ấy.

Hành vi của bà Lincoln, Hoàng hậu Eugénie và Bá tước phu nhân Tolstoi có những kết quả như vậy. Chỉ mang lại bất hạnh cho gia đình và diệt hết nguồn ân ái mà mấy bà quý hóa nhất.

Sau khi bàn cãi trong 11 năm ở “Tòa chuyên xử các vụ lôi thôi trong gia đình ở Nữu Ước” và nghiên cứu cả ngàn vụ chồng bỏ nhà ra đi, bà luật sư Bessie Hamburger tuyên bố rằng đàn ông phải trốn vợ vì họ chán nghe vợ rầy rà, gây gổ. Như một văn sĩ đã nói: “Đàn bà đào huyệt chôn hạnh phúc gia đình bằng nanh vuốt của họ”.

Vậy, thưa quý bà, nếu quý bà muốn giữ sự vui vẻ hòa nhã trong gia đình, xin quý bà theo lời khuyên dưới đây: Đừng day dứt đay nghiến chồng!

Không phải chỉ các danh nhân mới khổ vì vợ. Những người bình thường, cũng gặp hoàn cảnh ngang trái, như hai nhân vật trong tập truyện ngắn nhan đề “Hương Tóc Cố Nhân” của Tràm Cà Mau, trích từ trang 59:

Nhiệm sở đầu tiên trong đời làm việc của tôi là một cơ sở quốc doanh, một khu kỹ nghệ, tiền vốn do các quốc gia Liên Âu viện trợ phát triển công nghiệp. Ông tổng giám đốc của tôi là một người Việt có quốc tịch Pháp. Trong sở, ông chỉ nói bằng tiếng Tây, giọng oang oang, oai phong lắm. Lời ông nói, mới nghe thì rất chi là thực dân phong kiến. Câu nói nào của ông cũng có kèm theo những lời vô cùng dao búa chết chóc: “Ông chém mầy. Ông giết mầy. Ông bắn mầy”. Nghe lối nói của ông, chúng tôi hết hồn, run. Vì đa số chúng tôi thường được giáo dục trong lời ăn tiếng nói, tránh những ngôn từ không đẹp, không dám dùng lời thô lổ sống sượng, làm mất lòng người nghe. Những vị giám đốc dưới quyền, sợ ông tổng giám đốc như sợ cọp. Cả ông thầy cũ của chúng tôi đang là nhân viên trong sở, cũng lấm la lấm lét trước mặt ông nầy. Thì chúng tôi là cái “thá” gì, có gan bằng trời hay sao mà không sợ? Tôi hỏi một anh lớn tuổi hơn trong sở, tại sao ông tổng giám đốc có thái độ hung hăng dữ dằn như thế. Anh bảo tôi đừng thèm để ý lời ông nói, miệng ông phun toàn lời độc địa, nhưng tâm ông không xấu. Có lẽ vì ông là kỹ sư  đào mỏ, tốt nghiệp ở Pháp, ra làm việc với phu mỏ bên Tây, tiếp xúc toàn cả dân “trời ơi đất hỡi” bên đó, cho nên ăn nói không được thanh nhả, quen thói mạnh miệng. Từ bé cho đến tuổi đó, tôi chưa gặp một người nào có vẻ hung hăng như ông nầy. Thế mà, trước mặt bà vợ đầm, ông xìu như cái mền rách. Ấp a ấp úng, nói cà lăm, bao nhiêu hùng khí trong ông đều tiêu tan cả. Một lần nọ, trong buổi họp, ông đang ba hoa nói trời, nói đất, đang doạ dẫm chuyện nầy chuyện kia, thì vị bí thư của ông hé cửa phòng họp chạy vào, thầm thì với ông câu gì đó. Mặt ông chợt xám ngắt như chì, ông run lên thấy rõ, lính quýnh chưa kịp hành động gì, thì nghe tiếng la oang oang bên ngoài bằng tiếng Tây, giọng đầm:

“Thằng chó đẻ, thằng mọi rợ, thằng khốn nạn, hèn mạt, đê tiện, vô liêm sỉ,  bà xé xác mầy ra. Mầy trốn ở đâu bà cũng lôi đầu mày ra, bà trị cho chừa.”

          Tiếng rầm rầm bên ngoài phòng. Ông tổng giám đốc của tôi nói giọng run run khẩn cấp:

          “Chốt cửa lại. Chốt cửa lại”

          Một anh kỹ sư chạy mau về phía cửa, kê nghiêng cái ghế vào nắm tay cầm, gia cố cho chắc thêm. Bên ngoài , bà đầm đang hành hạ cánh cửa, đấm đá, dộng, đập. Tiếng ầm ầm như bọn cướp phá nhà. Bên trong, ông tổng giám đốc của tôi mặt xanh như tàu lá, sợ đến mồ hôi chảy thành giòng.  Bây giờ thì tất cả cái vẻ oai phong hống hách thường ngày của ông đều tan biến đâu cả. Ông lắp bắp :

          “Kêu cảnh sát, kêu cảnh sát, kêu.. kêu…” 

          Có lẽ ông giả vờ nói cho đỡ ngượng, bớt xấu hổ, chứ ai mà cả gan dám kêu cảnh sát vào bắt vợ ông. Chúng tôi án binh bất động, ngồi thừ ra, mặt anh nào cũng sượng sần, không dám cười, nói gì cả. Bên ngoài, tiếng thoá mạ, xỉ vả của bà đầm nghe léo nhéo, ồn ào liên tục. Đấm đá cánh cửa một hồi lâu không hiệu quả, mà bên trong im khe. Bà đầm rùng rùng chạy xuống lầu, ra sân đậu xe, khiêng một tảng đá lớn, bà dộng mạnh vào tấm kiếng trước của chiếc công xa sang trọng láng bóng mà ông thường sử dụng. Ầm một tiếng, tấm kiếng vở tan tành thành từng mãnh vụn nhỏ như hạt bắp khô. Tảng đá chui tọt vào trong lòng xe.  Anh tài xế đứng gần đó, ôm đầu la, tiếng thất thanh : “Ối trời ơi.”. Bà đầm đứng chống nạnh kêu gào, chửi bới, đá ầm ầm vào xe thêm một hồi lâu nữa, mới hậm hực lửng thửng bỏ đi. Ông tổng giám đốc tuyên bố buổi họp tạm chấm dứt. Có lẽ, ông không còn lòng dạ nào mà tiếp tục phiên họp. 

          Sau nầy, tôi nghe anh tài xế riêng của ông kể thêm rằng, khi bà con của ông tổng giám đốc có kỵ giỗ, đem mâm thức ăn đến biếu. Bà đầm nầy đứng ngay cửa, cầm cả mâm thức ăn liệng ra sân. Choang một tiếng, cả mâm đồng và chén dĩa bể loảng xoảng.  Bà đầm gào lên  rằng: “ Không có bà con chi với ai cả. Không ai ăn các thứ dơ bẩn nầy.”

          Ông tổng giám đốc đầy uy quyền, hống hách của tôi, tưởng đâu trên đầu không còn có ai, thế mà cũng chịu thua  bà vợ, thua đậm, thua hoàn toàn, thua không cách gì gỡ được. Lâu lâu, bà vào sở, làm náo loạn vài ba tiếng rồi ra về. Bị vợ đì đến thế, nhưng ông không hổ thẹn với ai cả. Bởi ông sợ vợ ông, chứ có sợ vợ người khác đâu . Cái hung hăng của ông đối với cấp dưới quyền vẫn không giảm đi chút nào. 

          Ông Tư là người chỉ huy trực tiếp của tôi, có dáng vẻ hiền lành, đứng đắn, ăn nói nhỏ nhẹ. Mỗi sáng bà vợ đi theo vào sở, ngồi trước mặt ông để canh chừng. Mỗi khi điện thoại reo, bà cầm lên nghe trước, hỏi xem ai bên kia dây, rồi mới trao cho ông. Những khi nghe giọng đàn bà bên kia đường dây, thì bà ghé tai sát vào ống nghe, để biết hai người đang nói chuyện gì. Bà ngồi từ sáng sớm đến chiều tối cùng đi, cùng về với ông. Đứa con còn nhỏ bà giao cho vú em săn sóc. Ông như một tù nhân bị giam lỏng. Mỗi khi có chuyện cần, ông đi qua phòng khác, lầu khác, thì bà lẽo đẽo đi theo như một cái đuôi. Bà đứng đợi ông nói chuyện xong, rồi dẫn độ ông về lại văn phòng. Những lần họp chung trong phòng ông tổng giám đốc, bà đứng canh trước cửa.  Thế cũng chưa đủ. Lâu lâu bà dùng điện thoại của phòng khác, kêu vào, và xin được nói chuyện với ông Tư. Nhiều khi tôi nghe ông Tư càu nhàu trên điện thoại: “ Bà làm phiền hoài. Người ta đang họp. Khổ quá, như thế nầy thì làm ăn chi được?” Có lẽ ông tổng giám đốc cũng nghe, nghe rõ, và thông cảm cho ông Tư hơn ai cả, vì cả hai ông đều chung hội chung thuyền, thuộc loại râu quặp vào bên trong, khổ vì vợ.

          Một lần tôi hỏi bà Tư:

          “Bác đứng canh bên ngoài cửa, ai vào ra bác đều biết. Có phải họp lâu, bác nhớ bác trai quá, nên kêu điện thoại để nghe tiếng cho đỡ nhớ phải không?”

          Bà xí một tiếng dài, nói mà hai hàm răng nghiến lại:

          “Nhớ cái khỉ. Tên già dịch đó, nhớ làm chi cho bận tâm. Tôi kêu điện thoại, vì sợ lão tụt ống máng xuống, trốn đi làm chuyện bất chính.”

          Tôi phì cười nói:

          “Ở trên lầu ba cao thế nầy, ai mà đủ can đảm tuột ống máng xuống. Té một cái là vỡ đầu chết ngắt. Mà cả sở đông đảo vào ra, thể diện đâu mà ông giám đốc Tư lại tụt ống máng giữa ban ngày ban mặt? Giả dụ như bác Tư thành công trong việc tuột ống máng đi nữa, làm sao mà leo trở lại được. Có là siêu nhân mang cánh bay chăng. Giả như ông ta xuống được, về lại được, thì thời gian cấp bách đó, đâu có làm được cái trò khỉ gì mà bác lo?”

          “Tôi vẫn cứ lo như thường. Trên đời nầy, chuyện gì vô lý nhất, cũng vẫn có thể xẩy ra. Muốn là được. Anh có nghe câu nói đó chăng?”

          Tôi thấy tội nghiệp cho bà, và tội cho cả ông Tư rất hiền lành. Tôi nắm tay bà, thân mật nói đùa:

          “Tôi cũng rất thù ghét cái bọn đàn ông trăng hoa, gạt vợ dối con. Tôi đứng về phe bác. Tôi sẽ canh ông Tư cho bác. Khi nào có họp, mà ông Tư lẻn đến cửa sổ, có vẻ muốn tuột máng xối xuống lầu, thì tôi sẽ chạy ra hô hoán, thông báo cho bác ngay. Bác yên chí lớn.”

          “Thật không? Anh không sợ ‘thằng chả’ trù ếm sao?”

          “Sợ cái quái gì? Không làm sở nầy, thì tôi đi làm sở khác. Việc chi sợ ai. Tôi chỉ sợ…chỉ sợ …”

          Tôi định nói chỉ sợ dàn bà con gái mà thôi, nhưng kịp giữ miệng không nói ra. Bà mừng rỡ, mắt sáng lên và nói:

          “Thật nghe! Anh đứng về phe tôi. Nếu thật, thì anh thề độc đi”

          “Tôi sợ chi mà không thề độc?”

          “Anh tử tế quá. Tôi sẽ giới thiệu cô em gái út của tôi cho anh. Đẹp, giỏi không ai bằng.”

          Nghe bà đòi giới thiệu em gái, mà tôi sợ tái mặt, lạnh cả người.

          Mấy lần, tôi thấy ông Tư đi làm, mà không có bà đi theo. Chưa kịp hỏi thăm xã giao rằng bà vợ của ông có được mạnh khoẻ không, thì nghe tiếng chân bà chạy xồng xộc bên ngoài, phóng vào phòng, áo quần xốc xếch, mặt mày hớt hải, mắt nhìn lơ láo. Bà hỏi anh thư ký riêng của ông Tư:

          “Nãy giờ ông ấy có đi đâu không?”

          “Thưa bà không.”

          “Có thật không? Hay là anh nói dối.”

          Bà bước mau qua phòng tôi ngồi, hỏi tôi có chắc ông Tư không đi đâu từ sáng đến giờ. Tôi xác nhận, và hỏi bà:

          “Sáng nay bác ngủ trể hay sao mà không đi chung với bác trai?”

          Bà ghé sát, tai thì thầm:

          “Tôi vờ nói mệt, sáng nay không đi theo được. Khi ổng vừa lái xe ra đi, tôi đang mang đồ ngủ, vội vã kêu taxi bảo rượt theo đến đây. Thấy xe của giả đậu trong sân, chắc chắn là không đi đâu khác, tôi chạy gấp về, thay mau áo quần, và kêu xe đến ngay đây.  Tôi sợ trong thời gian đó, giả trốn đi đâu khác.”

          Một lần, anh thư ký riêng bị ông Tư la rầy, anh giận, chờ dịp trả thù.  Lần đó, bà Tư cũng giả mệt, đến sở sau. Bà cũng hớt hải hỏi anh thư ký. Anh bảo rằng, ông có đi đâu đó một chốc. Quả thật ông có qua lầu khác bàn chuyện sở với đồng nghiệp. Thế là bà Tư nổi cơn tam bành lên, kêu gào, khóc lóc, la hét, chửi ông Tư bằng những lời tục tỉu. Từ chuyện nhỏ, xé thành lớn.

          Không biết ông Tư nỗi đoá, doạ dẫm bà thế nào, mà bà chạy ra đường khóc lóc, la hét. Bà nạy đá, cục lớn bằng nắm tay, pháo kích vào sở ào ào. Mấy ông lao công phải chạy ra ngăn cản, và doạ bà. Bà không sợ. Bà thét to từ ngoài vào sở rằng, ông Tư mang bằng kỹ sư giả từ Pháp về, dối gạt chính quyền. Bà yêu cầu bỏ tù ông Tư, vì ông có liên hệ đến bọn buôn hàng quốc cấm. Bà thoá mạ ông chồng đủ các thứ ngôn ngữ hàng tôm hàng cá, bình dân nhất. Bao nhiêu hư hại do bà pháo kích, ông Tư phải trả đủ, trừ vào lương.

          Ông Tư giận, sa thải anh thư ký riêng. Rồi ông bà cũng làm hoà nhau. Nhiều hôm tôi thấy bà mệt mỏi, ngủ gật, mặt mày phờ phạc. Tôi hỏi xã giao:

          “Bác có vẻ mệt đấy. Về nhà ngủ một giấc cho sướng. Để tôi canh ông Tư cho.”

          “Không được đâu. Cả đêm tôi không dám ngủ say, sợ giả lén dậy đi đâu. Phải nắm chặt tay giả cho chắc.”

          “Tội nghiệp bác. Chắc vì thương bác trai quá, nên ghen và khổ như vậy.”  

          Bà Tư nghiến răng nói như gào:

          “Thương! Thương cái xương không còn. Tôi ghét cay ghét đắng, hận thù thằng chả đến tận tim gan. Kiếp trước tôi mang nợ thằng chả, nên kiếp nầy khổ như thế đấy.”

          “Bác trai có làm điều gì bậy bạ, tổn thương đến tình nghĩa vợ chồng không?”

           “Phải chờ cho đến khi làm việc bậy bạ sao?”

          Tôi nói đùa:

          “Bác muốn ngủ yên mỗi đêm, thì cứ mua một sợi xích, khoá chân bác trai vào chân giường, cất kỹ chìa khoá.  Thế là bác tha hồ mà ngáy.”

          Bà Tư cười. Mấy hôm sau, ông Tư vào sở la lối om sòm, xổ giọng mầy tao với tôi. Tôi không ngờ bà Tư làm thật, muốn xích ông Tư vào giường như xích nô lệ. Ông không chịu, và hai vợ chồng gây gổ nhau. Tôi biết lỗi. Xin lỗi ông Tư nhiều lần ông mới tạm nguôi.

          Tôi tưởng bà Tư nguyên là thôn nữ, thất học ngu dốt nên ghen tuông bậy bạ. Ghen tuông một cách vô lý, dốt nát. Nhưng một lần có phái đoàn viện trợ đa quốc gia, tới thăm khu kỹ nghệ, để xem viện trợ của họ có được dùng hợp lý hay không. Gồm đại diện của Pháp, Anh, Đức, Ý và Tây Ban Nha. Trong buổi tiếp tân, bà Tư nói tiếng Đức, tiếng Ý, và tiếng Anh theo giọng Luân Đôn, nói rôm rốp như nói tiếng mẹ đẻ. Bà còn kể cả chuyện khôi hài, làm các ông cười vui nhộn. Sau đó, tôi mới biết bà được gởi đi du học bên Pháp từ thuở nhỏ. Chỉ học chuyên về sinh ngữ. Bà có khiếu, nói song suốt tám ngôn ngữ khác nhau.

Thưa các bạn đọc, bạn có thấy sung sướng khi so sánh vợ nhà với quý phu nhân nầy hay không? Thì ra, vợ mình cũng còn dễ thương quá, chưa đến nỗi nào./.

Tràm Cà Mau

From: Tu-Phung

Lòng trung thực đã ‘cứu rỗi’ hai người đàn ông

Lòng trung thực đã ‘cứu rỗi’ hai người đàn ông

Một người đàn ông đến ngân hàng để rút tiền tiết kiệm. Khi đếm lại số tiền nhận được, anh ta hơi sững lại. Thay vì 120.000 rupee (đơn vị tiền tệ của Ấn Độ, tương đương khoảng 36 triệu VNĐ) và trên giấy tờ cũng đã ghi nhận con số này, nhưng có lẽ giao dịch viên đã nhầm nên đã đưa cho anh ta tới 140.000 rupee.

Thế nhưng, khi người đàn ông liếc nhìn nam giao dịch viên thì thấy người này không có biểu hiện gì là đã nhận ra sai sót, còn lịch sự chào anh. Thấy vậy, người đàn ông đã lẳng lặng cho tiền vào túi, rời đi trong im lặng.

Vừa đi, anh ta vừa nghĩ, cái ngân hàng này lớn như vậy, mất có 20.000 rupee thì cũng chẳng ảnh hưởng gì tới hoạt động của họ. Mà có phải do anh cố tình đâu. Đây là sai sót của họ mà, họ chẳng có lý do gì để kiện tụng hay làm khó anh cả. Từ trước đến nay, anh cũng thi thoảng trả nhầm tiền cho người khác, nhưng có ai đến tìm anh để trả lại đâu. Vì sao anh phải trả lại tiền cho ngân hàng. Cứ như thế, người đàn ông đã nghĩ ra đủ thứ lý do cho việc “ỉm” số tiền trả thừa của ngân hàng.

Song càng về gần đến nhà, người đàn ông lại nhớ đến nụ cười lịch sự của giao dịch viên. Anh ta rất tử tế, hòa nhã và còn cảm ơn lúc anh rời đi nữa mà chẳng hề hay biết chuyện gì đang xảy ra. Không biết anh ta có phải đền số tiền này cho ngân hàng không nhỉ?

Người đàn ông bắt đầu cảm thấy hơi có lỗi. Hai mươi ngàn rupee không phải số tiền quá lớn, nhưng cũng chẳng phải số tiền nhỏ. Nó có thể là thu nhập một tháng của bất kỳ người dân nào. Chẳng phải anh đang lợi dụng sai lầm của người khác ư?

Vậy là người đàn ông bắt đầu bồn chồn, mồ hôi túa ra khi đấu tranh tư tưởng có nên giữ số tiền đó hay không. Anh cảm thấy hơi khó thở. Rồi cuối cùng, anh nhìn đồng hồ, chỉ còn 1 tiếng nữa là ngân hàng đóng cửa và quyết định đem 20.000 rupee quay lại. Chỉ đến lúc này, sự căng thẳng trong anh mới bắt đầu giảm đi.

Khi nhận xong số tiền thừa từ người đàn ông, người giao dịch viên mới bắt đầu thở phào và cảm ơn anh rối rít. Anh ta lấy 1000 rupee từ trong túi của mình để cảm ơn người đàn ông và nói: “Cảm ơn anh rất nhiều. Hôm nay anh đã giúp tôi 1 việc lớn đấy. Tôi đang lo sẽ phải bù tiền lương của mình vào chỗ tiền bị nhầm lẫn. Thật hiếm có người nào trung thực như anh. Anh hãy nhận số tiền ít ỏi này của tôi thay cho lời cảm ơn và mua bánh kẹo cho các con của anh nhé”.

Người đàn ông nghe những lời nói này, vừa xúc động vừa lại có chút hổ thẹn. Chẳng phải ban đầu, anh đã định ỉm đi hay sao? May mắn là cuối cùng, lương tâm của anh đã chiến thắng.

“Thực ra tôi mới là người phải cảm ơn anh đấy. Lẽ ra tôi mới là người phải tặng anh số tiền này. Vì thế, tôi xin phép không nhận món quà của anh”, người đàn ông từ tốn đáp.
Giao dịch viên này lấy làm lạ, mới hỏi lại vị khách tại sao lại nói thế.

“Hai mươi ngàn rupee anh trao nhầm đã cho tôi cơ hội được tự đánh giá bản thân mình. Nếu không có sự nhầm lẫn của anh, tôi sẽ không biết việc chiến đấu với lòng tham của bản thân lại khó khăn đến thế. Tôi đã mất hàng giờ để suy nghĩ, để đấu tranh tư tưởng, và may mắn là, cuối cùng tôi đã làm đúng. Tôi đã vượt qua được sự tham lam, ích kỷ để chiến thắng và giữ được sự trung thực. Đây đúng là 1 cơ hội hiếm có. Vì thế, người tôi muốn cảm ơn là anh”, người đàn ông thú nhận.

Sưu tầm.

From: Anh Dang & KimBang Nguyen

GẶP LẠI NGƯỜI YÊU CŨ-Truyện ngắn

Nghe má nói ba bị tai biến, tôi tức tốc vượt hơn trăm cây số về nhà. May mà tai biến nhẹ, lại được cấp cứu kịp thời nên không để lại di chứng. Bệnh viện đông, không khí ngột ngạt làm ba khó chịu. Ba gắt má sao nước nguội quá, cháo gì lạt nhách, gối kê đầu sao quá mềm…

Ba quạu thì quạu, má vẫn nhỏ nhẹ “rồi rồi, để tôi sửa cho vừa ý ông”. Quạu với má vậy thôi, má về nhà mới được nửa buổi, ba đã sốt ruột hỏi tôi: “Sao má con đi lâu vậy?”. Ba với má đó giờ vẫn vậy, xa thì ngóng, gần thì như mặt trăng với mặt trời.

Từ nhỏ, tôi đã chứng kiến ba má thường xuyên cãi cọ. Má da nâu nên ưa mặc quần áo màu nhạt, ba nói đàn bà phải mặc màu tối mới sang. Má uốn tóc ngắn, ba nói đàn bà phải để tóc dài, kẹp hay bới gì cũng quý phái…
Má biết tỏng bụng ba nên mát mẻ: “Người ta” của ông da trắng, dáng cao mới diện kiểu đó, tui bắt chước sao được”. “Người ta” của ba là dì Hiền. Hồi trẻ, ba và dì yêu nhau. Nhà dì chê ba nghèo nên không gả.

Nhà bán gạo, nhiều người mua thiếu rồi quỵt. Má nói người ta nghèo mới làm vậy, kệ đi, coi như làm phước. Ba thở dài, than: “Má mày hiền quá, dễ bị người ta gạt”. Má ấm ức: “Phải tía lia, mồm năm miệng mười như “người ta” mới vừa bụng ông chớ gì”…

Lớn lên tôi mới hiểu, ba đuổi bắt thứ gì đó rất mông lung, với hoài không tới. Từ vóc dáng tới tính tình của dì Hiền đã đóng khung trong ba thành chuẩn mực của cái đẹp. Vậy nên trong mắt ba, má chưa bao giờ toàn vẹn. Ba chưa một lần nhắc tên dì Hiền, cũng chưa từng gặp lại sau mấy chục năm xa cách, nhưng tôi vẫn cảm nhận được bóng dáng dì lúc nào cũng đâu đó trong những lần cãi cọ giữa ba với má, trong ánh mắt mênh mang của ba mỗi chiều về…

Người ta hay nói “tình chỉ đẹp khi còn dang dở”. Chính vì dang dở nên ba mới nhớ, mới thương, mới tự gây sóng gió. Có lần tôi hỏi ba: “Dì Hiền đẹp lắm hả ba?”. Ba không trả lời, chỉ cười tủm tỉm, ánh mắt xa xăm như thể đang lạc về quá khứ.

Tôi nói: “Má không đẹp nhưng có duyên, tính lại hiền, chiều ba hết mực. Ba còn đòi gì nữa?”. Im lặng hồi lâu, ba mới khẽ khàng: “Chuyện người lớn, con không hiểu đâu”. Tôi hiểu chớ. Tôi hiểu ba thương má nhưng không thể quên dì Hiền. Có điều, trái tim không thể chứa cùng lúc 2 người phụ nữ, nên ba mới thấy chông chênh…

Ba nằm viện được 5 ngày, tôi xin chuyển viện cho ba lên Sài Gòn để khám lại. Bệnh viện lớn càng quá tải hơn ở quê. Tôi trải chiếu để ba nằm cho đỡ mệt. Góc bên kia, giọng một phụ nữ lớn tuổi cứ liên tục kêu rên: “Bệnh viện gì mà đông phát khiếp”, “Bắt số 225 vầy biết chừng nào tới tui hả trời”, “Ông quạt mạnh tay cái coi, khỏe cùi cụi mà làm như sắp chết vậy”…

Ba khều tôi: “Chắc bà ấy bệnh nhiều nên khó chịu. Số của ba 200 hả con, đổi cho bà ấy để bả khám sớm chút”. Tôi nghe lời ba, mang số qua đổi. Dì ấy thở ì ạch, mặt cau có. Nghe tôi nói đổi số, dì buông gọn lỏn: “Sao tự dưng đổi, có tiền bạc gì không?”.

Anh con trai bước qua chào ba tôi để cảm ơn. Ba tôi hỏi anh quê ở đâu. Nghe nói người cùng tỉnh, ba nhổm dậy dòm qua. 2 người cùng sững sờ. Ba lắp bắp: “Là… là… cô Hiền phải không?” Tôi giật thót, quay lại nhìn “kẻ thứ ba” vô hình của má bấy lâu.

Dì ấy mập ù, tóc tai xơ xác, bộ ngực thả rông xập xệ… dường như chẳng liên quan gì tới dì Hiền da trắng, tóc dài, dáng cao mà ba hay nhắc bấy lâu. Có lẽ cảm giác của ba cũng bàng hoàng giống tôi nên thăm hỏi gượng gạo. Lúc về, tôi trêu ba: “Gặp “người ta”, mãn nguyện rồi hả ba?”. Ba thở dài: “Thà đừng gặp…”.

Từ bữa đó, ba cư xử với má dịu dàng nhỏ nhẹ. Ảo ảnh ba bắt được rồi, cũng chỉ là ảo ảnh thôi, má mới là thực tại của ba. May, cuối cùng ba cũng ngộ ra điều này…

Đỗ Minh Thùy

From: Tu-Phung

NGÔI MỘ CÔ ĐƠN – truyện ngắn

Loc Teresa

Cách đây khá lâu vào năm 1988, trong tập san “Kiến Thức Ngày Nay” người ta có đăng một bài viết về “Ngôi mộ cô đơn”, câu chuyện kể về một linh mục giải tội, cốt truyện như sau:

Một tên cướp vào một đêm nọ đột nhập vào phòng cha xứ, hắn không lấy gì hết ngoại trừ chiếc áo dòng và đôi giầy của vị linh mục để mặc vào. Sau khi đóng giả là vị linh mục hắn đến nhà một người phụ nữ giàu có và lớn tuổi. Sau khi nhấn chuông hắn chờ đợi, từ trong nhà bà cụ nhìn qua lỗ cửa thấy bóng dáng một linh mục, bà an tâm mở cửa. Bà vừa mở cửa, tên cướp mau chóng tóm lấy bà và tra khảo tiền bạc của bà, sau khi lấy được của, hắn giết chết bà.

Hắn trở lại phòng của vị linh mục, lay ngài dậy và xin xưng thú tất cả những gì đã làm, trả lại áo dòng, đôi giầy và bỏ đi. Mấy ngày sau, người ta theo dấu vết khám phá ra vị linh mục chính là kẻ sát nhân. Người ta bắt ngài và kết án chung thân, ngài không thể nói điều gì thanh minh cho mình và vui lòng đón nhận bản án.

Án chung thân của ngài, được thực hiện tại một vùng đảo xa, chung quanh hòn đảo ấy đầy những đàn cá mập hung dữ. Ngày đầu tiên trên đảo, các tù nhân trên đảo, biết ngài là một linh mục chịu án sát nhân. Họ khinh thường sỉ vả người linh mục cách thậm tệ, người linh mục vẫn im lặng chịu vậy. Vài năm lao động cực khổ trôi qua, vì là người hiểu biết nhiều người ta giao cho ngài trách nhiệm coi phòng thuốc phát cho tù nhân. Ngài thực hành không giống như những người coi phòng thuốc trước đây, mỗi khi xin thuốc đều phải đút lót nhiều ít thì may ra mới lãnh được ít thuốc. Ngài chăm sóc bệnh nhân cách tận tình không vụ lợi, dần dần người ta không còn nhớ đến lỗi lầm của ngài khi mang bản án, có đôi khi người ta cũng thắc mắc, một linh mục nhân hậu như thế không thể là một tên sát nhân được.

Nhiều người trên đảo nhận ra ngài là một người cha đúng nghĩa, họ bắt đầu tuôn đến ngài không chỉ được chữa lành phần xác mà cả phần hồn. Nhiều năm sau, những ngày cuối đời của ngài, có một chiếc tàu từ đất liền chở ra những người tù chung thân mới, trên chiếc tàu ấy, có tên sát nhân năm xưa, hắn bị bắt quả tang giết người. Hắn đến đảo và sống trên đảo ấy, hắn nghe nói rất nhiều về câu chuyện của người linh mục phạm tội sát nhân, nhưng lại là người rất nhân hậu, hắn nhớ lại cái án chung thân khổ sai trước đây hắn đã tránh được khi đổ tội cho vị linh mục.

Hắn nghe nhiều điều qua tốt lành về ngài, lúc đầu hắn còn làm ngơ đi, nhưng không thể làm ngơ được mãi, bởi vì chính hắn cũng có một ngày, cần đến sự chăm sóc của vị lương y già. Ngài đã hết lòng chăm sóc hắn như người con. Xúc động vì việc ngài làm cho hắn, hắn đã tự thú tất cả những điều hắn đã gây ra trước đây và minh oan cho vị linh mục. Mọi người nhận ra sự thật, nhưng cũng là những ngày cuối đời của vị linh mục.

Trước khi ngài mất, ngài để lại chúc thư cho những người có quyền, xin tha án cho kẻ đã hại ngài, để hắn có một cơ hội phục hồi nhân cách và sống những điều tốt đẹp mà hắn chưa từng sống. Ngài đã qua đời trong sự an bình giữa những vòng tay người thân yêu trên đảo. Theo thông lệ, những xác của tù nhân sau khi chết sẽ được thuỷ táng, nhưng đối với vị linh mục, người ta đề nghị xin được chôn cất ngài trên đảo. Một sự kiện duy nhất trện đảo, mà người viết lại câu chuyện này chính là người tù khổ sai sau khi được ân xá nhờ di chúc của vị linh mục, ông đã đặt tên cho cuốn sách là “Ngôi mộ cô đơn”.

Để có người linh mục như câu truyện, chắc cũng nhờ đến rất nhiều đến những hy sinh, lời cầu nguyện của người tín hữu. Càng qua nhiều năm sống đời linh mục lại càng nhận ra mình đón nhận rất nhiều ân tình của mọi người, tạ ơn không bao giờ hết. Xin ông bà anh chị em cũng cầu nguyện cho người linh mục của anh chị em và tha thứ cho những lầm lỗi, những phiền lòng khi gây những khó khăn mà anh chị em gánh chịu.

Linh mục cũng là một hối nhân, cũng là người cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa. Cuộc sống phủ bụi đi nhiều hình ảnh, dấu chỉ của Thiên Chúa nơi người linh mục, cần có những cuộc tĩnh tâm, những lần lau sạch để làm mới lại trong Đức Kitô. Xin ông bà anh chị em cầu nguyện cho người linh mục của anh chị em.

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

nguồn: https://joshkimt.blogspot.com

LÀ ĐỨC MẸ MARIA? Hay QUAN THẾ ÂM BỒ TÁT?

Thai NC-Những câu chuyện Nhân Văn

Sau khi an toàn đến “Bến Bờ Tự Do”, tôi được chở đến trại tỵ nạn Leam Sing thuộc Thái Lan, và ở đó gần một năm chờ thủ tục được đi định cư nước ngoài. Có câu chuyện rất hi hữu sau đây chia sẻ cùng bạn.

Một hôm có ghe vượt biên mới được chuyển đến trại.Trên ghe già trẻ lớn bé khoảng 30 người. Sau khi làm xong thủ tục nhập trại, họ chia làm hai nhóm. Một nhóm xin được đến nhà thờ Công giáo của trại ngay lập tức, và nhóm kia cũng vậy, nhưng xin đến một chùa Phật giáo. May sao trại khi đó đã có cả nhà thờ và chùa, tuy vậy mọi người thắc mắc là tại sao họ lại nóng lòng muốn đến nhà thờ hay chùa chiền gấp gáp như vậy? Chuyện gì đã xảy ra?

Câu chuyện xảy ra mới thần kỳ!

Ghe của họ đã chết máy trôi giạt trên biển mấy ngày, và nguy kịch nhất là không còn nước. Một vài cụ lớn tuổi và trẻ em đã bắt đầu không thể chịu đựng được nữa. Mọi người chỉ còn biết cầu nguyện. Giữa giây phút tuyệt vọng ấy, họ bỗng thấy trên đầu một đám mây trắng có hình dáng một người đàn bà đứng đó, và huyền diệu thay một trận mưa rào chỉ trong phạm vi nhỏ quanh ghe rơi xuống. Nhờ cơn mưa đó, mọi người đã được cứu sống.

Những người có đạo tin rằng đó là Đức Mẹ Maria.

Và những người Phật tử thì nói chính QuanThế Âm Bồ Tát thị hiện.

Nếu chỉ một hai người nói còn bảo là hoa mắt, nhưng tất cả mọi người trên ghe đều xác nhận chuyện xảy ra thì chắc chắn là không sai, hơn nữa làm sao giải thích cơn mưa rào rơi chỉ quanh một phạm vi nhỏ chiếc ghe mà thôi? Cho nên sau khi đã an toàn trong trại, điều đầu tiên họ muốn làm ngay là mỗi người theo đức tin của mình đều muốn đến chùa hay nhà thờ để cảm tạ ơn trên đã cứu rỗi.

Thế giới bao la đầy dẫy những nhiệm mầu.

ThaiNC

QUÂN VƯƠNG

Bài hay từ fb Nguyễn Thị Bích Hậu:

Tấm hình của hãng Reuters này cho thấy một người đàn ông đang ngồi đơn độc dưới một cái chòi tạm trong rừng. Ông không phải là người thường mà chính là Quốc vương của xứ Bhutan.

****

Trong 14 tháng, Đức vua Jigme Khesar Namgyel Wangchuck của xứ này đã đi bộ, di chuyển bằng ôtô và ngựa đến các ngôi làng hẻo lánh để giám sát hoạt động phòng chống dịch. Tổng quãng đường là hàng trăm dặm.

Tuần qua, xứ này ghi nhận đã chủng ngừa xong 2 mũi cho 85% dân số trưởng thành đủ điều kiện và chủ yếu là dùng vaccines của Astra Zeneca, Pfizer và Moderna…

Và vì thế, trong khi Nam Á và nhiều xứ trên toàn cầu đang chìm trong sóng dịch khủng của biến chủng mới, thì Bhutan thoát nạn. Giáp giới với Ấn nhưng tới nay xứ này chỉ có vẻn vẹn 2000 ca bệnh và 1 ca tử vong. Trong khi y tế ở xứ có 770 ngàn dân này rất yếu, chỉ có 1 bác sĩ trên 2000 dân, y tá rất ít ỏi.

Vì sao xứ nghèo này lập ra kỳ tích chống dịch cho dân? Là vì họ có Quốc vương thương dân và một Thủ tướng vô cùng tận tâm vì dân, lại là một bác sĩ.

Đức vua rất lo lắng vì đại dịch một khi xảy ra với Buhtan thì sẽ xóa sổ dân tộc này. Do đó Ngài đã đi bộ cần mẫn, gõ cửa từng nhà dân và động viên họ chủng ngừa. Khi Ngài xuất hiện, dân hoàn toàn tin tưởng vào những gì Chính phủ làm và hưởng ứng nhiệt liệt. Dân cảm thấy họ không hề đơn độc trong đại dịch. Và mọi chỉ thị hành chính không có tác dụng mạnh mẽ như hình ảnh nhà vua băng rừng lội suối, tới tận từng vùng biên cương xa xôi nhất của đất nước để động viên người dân.

Gần đây nhất, Quốc vương đi bộ đường dài trong 5 ngày theo con đường mòn ở độ cao lên tới 4.343 m, để đến cảm ơn các nhân viên y tế tuyến đầu ở vùng núi non hiểm trở.

Trong khi đó, Chánh phủ của Ngài làm mọi cách chạy mọi nguồn để có đủ vaccines cho dân. Ban đầu từ nguồn sản xuất tại Ấn, vào tháng 3/2021 và sau đó là các quỹ tài trợ của thế giới.

Quốc vương Bhutan còn rất trẻ. Ngài sinh năm 1980. Để nối ngôi trị vì, Ngài đã dốc sức học tập rất nghiêm túc.

Sau khi học trung học cơ sở ở Bhutan, Ngài Khesar du học ở các trường danh giá nhất thế giới. Ban đầu học trung học tại Phillips Academy (Andover), Cushing Academy và Wheaton College ở Massachusetts, Mỹ, trước khi tốt nghiệp ở Magdalen College, Đại học Oxford, Anh, nơi Ngài hoàn tất khóa học chương trình công vụ ngoại quốc và cao học chính trị.

Ngài là người học cao hiểu rộng, ngoại ngữ tinh thông, và cực kỳ thương dân.

Ước gì có thật nhiều những nhà lãnh đạo kiệt xuất như vậy trên đời để dân đỡ khổ.

Nguyễn Thị Bích Hậu

  NHỮNG HÌNH ẢNH ĐẸP – Tiểu Tử

Tiểu Tử

Anh tôi nằm bịnh viện Saint Camille đã được mười bữa. Chiều hôm qua, ảnh gọi điện thoại về nhà, nói: «Thằng tây nằm chung phòng ra nhà thương rồi, ngày mai chủ nhựt, mầy vô đây anh em mình nói chuyện chơi». Nghe giọng ảnh “có thần” nên tôi vui vẻ trả lời: «Dạ! Mai em vô. Vợ con em đi Mỹ, chớ không thì em cũng chở tụi nó vô thăm anh». Tôi nghe ảnh cười khịt:  «Một mình mầy cũng đủ cho tao vui rồi…».

Phòng anh tôi là loại phòng hai giường ở lầu ba. Ông già người Pháp cỡ hơn tám mươi tuổi nằm chung phòng với anh tôi rất khó tánh. Ổng không thích có nhiều ánh sáng vào phòng nên volet cửa sổ lúc nào cũng chỉ hé lên một chút thôi. Thấy ổng quá già lại hay gắt gỏng nên mấy cô y tá cũng nhân nhượng, chỉ kéo volet lên cao trước giờ bác sĩ trưởng đi thăm bịnh nhân, rồi lại hạ thấp xuống, sau đó! Mỗi lần tôi vào thăm anh tôi, mặc dầu chúng tôi nói chuyện nho nhỏ với nhau, ổng cũng lăn qua trở lại thở dài. Có khi còn lấy gối bịt lỗ tai nữa!

Anh tôi nói: «Tao chưa bao giờ nghe nó… tằng hắng với tao một tiếng!» .

Ông Tây đó xuất viện, chắc anh tôi nghe… nhẹ lắm nên mới vội vã gọi tôi vào chơi, để nói chuyện mà không cần giữ gìn ý tứ gì hết!

Hôm nay, volet cửa sổ được kéo lên hết nên để lộ trời cao lồng lộng và phòng đầy ánh sáng… Thấy tôi, anh tôi vui vẻ nói: «Mừng quá! Hổm rày, cứ làm thinh, bực mình thấy mụ nội! Bữa nay, tụi mình nói chuyện tự do, cho nó đã!».

Tôi nhìn anh tôi mà thấy thương: mới ngoài sáu mươi mà đã già xọm. Bao nhiêu năm tù đày của VC đã ăn mòn cơ thể của ảnh đến nỗi từ khi ảnh qua Pháp sum họp với vợ chồng tôi, ảnh cứ bịnh lên bịnh xuống hoài. Cũng may là ảnh không có vợ con nên không có những cái lo của người có gánh nặng gia đình. Và cũng may là ảnh chỉ có một mình tôi là em đã có cuộc sống ổn định nên ảnh không phải cưu mang một đứa em nào khác.

Hai anh em tôi nói chuyện vui vẻ một lúc, bỗng anh tôi nhìn trời qua khuôn kiếng cửa sổ rồi nói: «Trời đẹp quá, Cu!».

Tôi còn đang ngẩn ngơ không biết ảnh nói với ai thì ảnh cười khịt khịt: «Mầy quên mầy hồi nhỏ tên là Cu hả? ».

Tôi bật cười: cả một trời dĩ vãng bỗng hiện về rất rõ, với những hình ảnh thuở nhỏ ở nhà quê, có bà mẹ một mình trồng rau trồng cải nuôi hai thằng con, đứa lớn tên Hai đứa nhỏ tên Cu… Tôi nhìn anh tôi mà nghe rưng rức ở trong lòng. Tôi “Dạ” như cái máy! Anh tôi nói: «Bác sĩ nói anh ra ngoài chút chút được».

Tôi lại “Dạ” nhưng vẫn còn thấy tôi đang ở quê tôi, ở trong cái nhà tranh vách đất có giàn bầu vắt lên mái tranh che sàng nước nằm bên góc bếp… Tôi nói “Vậy hả anh” mà vẫn còn đứng trong vườn rau của mẹ với mấy cây mít cây ổi cây xoài, vẫn còn nhìn cái giếng có cây cần vọt để kéo nước và cái gàu đeo lủng lẳng ở đầu cây sào dài… Tôi chỉ giật mình dạ lớn khi nghe anh tôi gọi: «Cu! Ê … Cu!».

Ảnh nhìn tôi, mỉm cười: «Tao muốn mầy đưa tao đi một vòng».

Tôi “Dạ” rồi vội vã bước ra cửa. Ảnh ngạc nhiên: «Đi đâu vậy?». Tôi trả lời: «Em đi lấy cái xe lăn!».

Ảnh bật cười: «Không cần xe lăn xe liếc gì hết. Mầy lại đây, tao chỉ cho».

Ảnh tằng hắng mấy tiếng rồi nói tiếp: «Mầy đỡ tao dậy cạnh giường. Đọ… Mầy xây lưng lại thụt sát vô cạnh giường ở giữa hai chân tao nè. Đọ… Rồi mầy rùn người xuống cho tao ôm cổ mầy. Mẹ… Mầy ăn thứ gì mà mầy lớn con quá hổng biết! Rồi! Tao ôm chắc rồi! Bây giờ, mầy choàng hai tay ôm hai bắp vế của tao đây, vừa xóc nhẹ để lấy trớn vừa đứng lên. Đọ… Như vậy, người mình gọi là ‘cõng’. Ở xứ nầy, tao chưa thấy ai cõng ai hết. Có lẽ người ta không biết cõng, mầy à!».

Tôi cõng anh tôi, nhẹ hều. Ảnh nói: «Hồi nhỏ, tao cõng mầy mòn lưng, mầy đâu có biết!».

Một xúc động bỗng dâng tràn lên cổ, tôi vừa nuốt xuống vừa siết chặt hai chân anh tôi như muốn ôm lấy hết con người của ảnh để cám ơn, cái con người đang nằm trên lưng tôi đây, cái người anh đã hy sinh suốt cuộc đời không chịu lập gia đình chỉ vì muốn nuôi thằng em ăn học cho đến nơi đến chốn! Ảnh đã cõng tôi trong thời tuổi nhỏ, về sau, ảnh vẫn tiếp tục cõng tôi – dù dưới hình thức khác – cho đến ngày tôi thành nhân ra đời. Biết bao giờ tôi cõng lại anh tôi suốt hai mươi mấy năm trời như vậy?

Chúng tôi ra hành lang. Gặp một cô y tá, cô ta vội nói: «Để tôi lấy cho ông một chiếc xe lăn!».

Tôi lắc đầu: «Khỏi cần! Cám ơn cô! Anh tôi muốn tôi cõng như vầy».

Cô ta mỉm cười bỏ đi, vừa đi vừa nhìn lại, vẻ ngạc nhiên. Anh tôi nói: «Mầy thấy không? Ở xứ nầy, người ta không biết cõng là gì!».

Thật vậy, đi dài dài theo hành lang, gặp ai cũng bị nhìn với một nụ cười như muốn nói “Làm gì ngộ vậy há!” Tiếng của anh tôi vẫn đều đều nho nhỏ bên tai: «Hồi đó, năm mầy ba tuổi là năm mầy bịnh hoài nên mầy cứ nhề nhệ nhề nhệ đeo theo má đòi ẵm. Chiều nào má cũng nói “Hai! Mầy cõng thằng Cu đi hàng xóm cho má nấu cơm coi!” Vậy là dầu tao đang tưới rau tao cũng quăng đó, cõng mầy đi vòng vòng. Hồi đó, lúc nào mầy cũng ở truồng, còn tao, dầu đã hơn mười tuổi, nhưng lúc nào cũng ở trần, chỉ khi nào đi học mới máng lên mình cái áo sơ-mi. Thành ra, khi cõng mầy tao thương ở cái chỗ là nghe con cu của mầy mềm mềm nằm gọn trên da lưng tao. Nhiều khi thương quá, tao xoay người lại hun mầy trơ trất làm mầy nhột mầy cười đưa mấy cái răng non nhỏ như hột gạo! Mầy coi! Vậy mà đã hơn năm mươi năm rồi chớ bộ!».

Tôi im lặng nghe anh tôi kể mà trong đầu thấy như đang nhìn ngay trước mắt cảnh thằng anh cõng thằng em đi quanh quanh để người mẹ rảnh tay lo nấu bữa cơm chiều… … Đẹp quá! Anh tôi lại nói: “Thiệt ra, tao đâu có cõng mầy đi đâu xa. Đi lòn lòn qua mấy liếp rau mấy bờ mía rồi qua lò bánh tráng của dì Sáu Lộc. Đứng xớ rớ một chút là dì Sáu hay chị Hai Huê con của dỉ cho một cái bánh tráng nướng thơm phức”.

Ngừng một chút, anh tôi hỏi:

“Mầy còn nhớ chị Hai Huê không?”

Tôi đáp: “Dạ có. Hồi đó, chỉ ra sư phạm rồi dạy tụi em ở tiểu học”.

Anh tôi tằng hắng: “Ờ! Chỉ đó! Má khen chỉ lắm, nói: con nhỏ dễ thương, đi làm có lương mà chỉ sắm có hai cái áo dài, hỏi nó thì nó nói nó để dành tiền cất một cái quán cho má nó ra bán bì bún ít cực hơn là xay bột tráng bánh”.

Đến đây thì tôi nhớ rõ cái quán của dì Sáu Lộc: Quán nhỏ nằm cạnh cây gõ trước lò bánh tráng. Bì bún ngon có tiếng. Có điều là dì Sáu không bán rượu đế mà cũng không cho khách hàng mang rượu đế đến quán! Dân nhậu phàn nàn thì dì Sáu nói: «Tôi ghét thứ đó lắm! Cũng tại ba cái đế đó mà ông nhà tôi ba ngù té xuống bàu chết không ai hay!».

Cái quán đó về sau giao cho vợ chồng cô cháu gái của dì Sáu trong nom và được cất rộng ra thành tiệm cà phê, người ta gọi là tiệm “Cây Gõ”…

Ở cuối hành lang bịnh viện là khuôn kiếng rộng. Nhìn xuống dưới thấy nắng đầy… Cây cỏ được cắt xén sạch sẽ đẹp mắt. Tia nước tưới vườn tự động quét qua quét lại coi mát rượi. Anh tôi im lặng nhìn một lúc rồi nói: «Hồi đó, chiều nào đi học về, tao cũng phải đi tưới vườn rau. Mới có mười tuổi mà tao mạnh lắm! Cái gàu nước lớn như vậy mà tao xách chạy bon bon. Phải nói là nhờ có cây cần vọt tao mới kéo nổi cái gàu ra khỏi giếng, chớ nếu kéo bằng sợi dây dừa thì chắc tao chịu thua».

Có lẽ sợ tôi quên nên anh tôi tả cây cần vọt. Tôi vẫn để ảnh nói vì tôi thấy ảnh đang sung sướng với những hình ảnh đẹp của quê hương, cái quê hương ngàn trùng xa cách… Tiếng của anh tôi vẫn đều đều bên tai: «Cần vọt là hai cây tre lớn bằng bắp chân đóng dính chắc vào nhau bằng những thanh ngang coi giống như một cái thang. Chân cái thang đó được chôn đứng cách giếng độ hai ba thước. Trên đầu có một cốt tròn xỏ qua hai thân tre. Bắc dính chắc trên cái cốt đó là một thân tre dài, đầu to là đầu nặng nằm đụng đất, đầu nhỏ chỉ lên trời coi giống như một đòn bẩy hay một cái đu nhún lên hạ xuống của trẻ con. Đó là cái cần. Trên đầu cần là một cây sào bằng tầm vông dài xuống gần miệng giếng, đầu dưới của sào có cái móc để móc cái gàu. Muốn lấy nước, người ta kéo cây sào thòng gàu xuống giếng đợi gàu đầy nước là kéo gàu lên, cây cần làm đòn bẩy giúp cho người kéo nước không phải ráng sức. Hay quá!»

Tôi nói đẩy đưa, cố ý để cho anh tôi nghỉ: «Dạ. Em còn nhớ cây cần vọt chớ! Hồi em lớn lên, em vẫn phụ anh tưới rau cho má, anh quên sao? Em còn nhớ hồi đó phần của em là lo tưới và châm sóc giàn bầu của má”.

Ảnh cười khịt khịt: “Ờ… giàn bầu. Trái dài lòng thòng, đi ngang phải cúi đầu để tránh…”

Rồi giọng của ảnh như vui lên: “Bầu luộc là món mà tụi mình ăn hằng ngày, mầy nhớ không? Bữa cơm nào cũng có bầu luộc, mẻ cá kho và một tô nước luộc bầu. Nước luộc bầu không có con tôm con tép gì hết, chỉ có chút muối, chút tiêu và mấy cọng hành… vậy mà tụi mình chia nhau húp ngon lành, hén Cu!”.

Tôi bồi hồi nhớ lại cảnh anh em tôi húp nước luộc bầu, nhứt là cái cử chỉ của anh tôi khi ảnh đưa tô sành mẻ miệng, xây chỗ miệng tô còn lành, nói: “Húp ở đây nè, Cu!”. Cha ơi…! Sao mà nó đẹp!

Thấy gần trưa, tôi cõng anh tôi đi lần về phòng. Bỗng ảnh nói: “Ý! Má kêu kìa!”.

Rồi ảnh nghẻo đầu buông thõng hai tay! Tôi đang hốt hoảng chưa biết phải làm sao thì gặp ông bác sĩ trưởng trong thang máy bước ra. Tôi vội vã gọi: “Bác sĩ! Bác sĩ! Ông coi dùm coi! Anh tôi bị gì rồi!”.

Bác sĩ rờ đầu rờ cổ anh tôi rồi lôi tôi chạy lại phòng trực y tá. Bác sĩ hướng vào trong nói “Cứu cấp”. Mấy cô y tá phóng ra đỡ anh tôi qua giường sắt có bánh xe rồi đẩy nhanh về phòng, theo sau là xe dụng cụ thuốc men. Vào phòng, một cô y tá đẩy nhẹ tôi ra ngoài, nói:  “Ông đừng vào. Cảm phiền đứng đợi ở đây.” Rồi đóng cửa lại. Tôi tỳ người vào tường, nhìn quanh bối rối: hành lang trống trơn bỗng như rộng mênh mông…

Một lúc lâu sau mấy cô y tá mở cửa đẩy giường đẩy xe ra, nói chuyện tỉnh bơ. Đi sau cùng là bác sĩ trưởng. Ổng vỗ vai tôi, nói: “Không có gì hết! Chỉ bị xúc động mạnh thôi. Ông vào được rồi.”.

Tôi nói “Cám ơn” rồi thở dài nhè nhẹ như vừa trút một gánh nặng. Nhìn thấy tôi bước vào, anh tôi mỉm cười, mắt ảnh ngời sáng, nhưng ảnh vừa đưa tay ra dấu vừa nói: “Thôi! Mầy về đi! Để tao ngủ một chút”.

Nói xong, ảnh nhắm mắt mà trên môi vẫn còn nguyên nụ cười. Tôi biết: ảnh đang đi vào giấc ngủ với những hình ảnh đẹp!

Tôi bước ra, đóng nhẹ cửa lại. Hành lang dài tung hút. Chắc cũng đến giờ cho bịnh nhân ăn nên phảng phất có mùi đồ ăn. Tôi bỗng nghe thèm vị ngọt của nước luộc bầu mà anh em tôi chia nhau húp năm chục năm về trước, bây giờ sao vẫn còn nhớ. Và lạ thiệt! Nước luộc bầu quá tầm thường như vậy mà sao cũng mang đầy mùi vị của quê hương?

Tôi nuốt nước miếng…

Tiểu Tử

From: Tu-Phung

CÁCH MẠNG MUÔN NĂM.

Linh Cao

Thật lòng mà nói, biểu hiện của Cộng sản ngày nay so với ngày xưa đã được Tây hóa lên rất nhiều,nhưng hình như bản chất vẫn còn là Cộng sản.

Thái Bá Tân

Trích truyện ngắn (NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ TẮM) của Thiết Ngưng (chủ tịch hội nhà văn Trung Quốc) về cách mạng văn hóa Mao ít.

… Một ngày mùa thu năm 1966, Khiêu mới là học sinh lớp 1, được dự đại hội phê đấu rất ồn ào náo loạn diễn ra ở sân trường

Cứ từng đợt từng đợt học sinh lại giơ cánh tay non nớt, từng đợt từng đợt hô rất mạnh mẽ những khẩu hiệu như: “đả đảo con đĩ Đường Tân Tân” là cô giáo của trường, dạy toán bậc trung học phổ thông. Khiêu còn nghe những bạn nam bàn luận ở phía sau, chẳng nhẽ cô giáo ấy lại là một con đĩ sao?

Cô giáo Tân bị mấy nữ học sinh dẫn lên sân khấu, trước ngực viết mấy hàng chữ bằng mực đen: “Tôi là một con đĩ”… dòng chữ làm Khiêu ghê người, trong ý niệm của cô bé, con đĩ không chỉ là xấu xa mà còn là xấu xa nhất trong những người xấu xa, xấu hơn cả địa chủ, nhà tư bản. Khiêu nghĩ không hiểu một người lớn lại tự nhận “tôi là một con đĩ” nhỉ ?

Cô giáo Tân chừng 30 tuổi, da trắng, người gầy, quá gầy và trắng, cắt tóc ngắn và sống mũi cao, trông như một cây tăm… Cô đúng là một cây tăm mà không phải là cây dương liễu, bởi trông cô mảnh mai nhưng cứng rắn, cô như cây tăm cắm trên mặt bàn, mấy nữ học sinh lớp trên cứ xô đẩy nhưng cô vẫn không chịu quì mà cũng không cúi đầu… Khiêu có phần đồng tình với cô giáo Tân bởi cô đẹp. Đẹp, chỉ thế thôi.

… chợt có một phụ nữ trạc tuổi trung niên mặc áo cánh xẻ tà mầu mỡ gà lên sân khấu, xỉa xói vào cô giáo Tân:

– “Gọi mày là con đĩ oan ức lắm à? tao hỏi mày, mày đã lấy chồng chưa? Mày chưa bao giờ lấy chồng, mày chưa lấy chồng mà đã có con, thế thì mày ngủ với ai? khai thật ra”.

Tiếng hô khẩu hiệu lại vang lên:

“Mụ Tân phải khai ra! không khai thì thầy giáo và học sinh cách mạng sẽ không tha!”…

Một học sinh nam lớn tuổi đi vòng ra phía sau cô giáo Tân đạp mạnh vào khuỷu chân cô giáo, cô giáo “hự” lên một tiếng rồi ngã quỵ xuống. Cả sân trường hoan hô, vậy là cái cô giáo chết cũng không chịu quỳ đã bị bọn học sinh lớn khuất phục. Đại hội phê đấu tiếp tục, mấy giáo viên trẻ thay nhau lên phát biểu, chỉ trích gay gắt cô giáo Tân đã giấu giếm chuyện quan trọng trong cuộc sống riêng, lừa dối để được đồng nghiệp tin tưởng, nhà trường tín nhiệm, học sinh tin yêu. Các em học sinh hãy nghĩ xem, một sự việc ghê tởm biết chừng nào, một phụ nữ suy đồi về đạo đức, tác phong xấu xa như thế mà có thể là cô giáo… Tiếng hô khẩu hiệu lại vang lên: – “Mụ Tân phải cút khỏi trường, không cút thì những người kế tục sự nghiệp cách mạng của nhà trường sẽ không tha!”… “còn nữa, hàng xóm của mụ còn phản ánh, ở trường mụ Tân giả bộ giản dị, ở nhà thì sống theo lối sống của giai cấp tư sản, mụ nuôi mèo, đối với mèo còn tốt hơn đối với người, có hôm mụ ta dám ngồi ngoài sân ôm con mèo, hôn hít nó! trời đất ơi, hôn mèo!”

Cả sân trường cười ồ lên, tiếp theo là khẩu hiệu tỏ ra phẫn nộ hơn: “đả đảo con đĩ Tân Tân”

Những cái xấu của cô giáo Tân càng nói càng nhiều, chỉ bắt cô quỳ nghe khẩu hiệu thôi thì chưa đủ. Nhất là khuôn mặt gầy, trắng trẻo kia tỏ vẻ đối địch, nhất định không nói điều gì càng làm cho những người trên sân khấu thêm phần nộ khí xung thiên. Một học sinh nam lớn tuổi gí ngay chiếc giầy lính hắn đang đi vào mặt cô giáo và nói:

– “Mèo của giai cấp tư sản mày còn hôn, chẳng nhẽ mày không hôn giầy của giai cấp vô sản hay sao!”

Hắn vừa nói vừa gí giày vào mặt cô giáo. Một nữ sinh đến gần ấn đầu cô giáo xuống, bắt cô áp miệng vào chiếc giày của thằng kia; rất nhiều cái chân cùng giơ ra, bắt cô giáo phải áp miệng vào những chiếc giầy đầy bụi bẩn.

Cả sân trường sôi sục, trên sân khấu người đứng lố nhố. Học sinh ngồi dưới cũng không trật tự nữa, chúng xô đẩy, có đứa trèo lên ghế, có đứa chen nháo nhào lên sân khấu để xem cho rõ…

Bỗng có mùi thối, không hiểu ai đã đem đến 1 ca phân. Chỉ nghe có tiếng nói:

– “Quá lắm, mụ Tân không chịu hôn giầy của chúng ta, mồm mụ chỉ xứng đáng ăn cứt! Đúng, đúng… bắt mụ phải khai thành thật , không khai phải ăn cứt!”

Phân xuất hiện làm cả sân trường trật tự trở lại, mùi thối làm mọi người ngơ ngác. Đúng là phân được đựng vào ca uống nước đưa lên sân khấu đã kích thích dây thần kinh sâu nhất trong cơ thể con người. Sức uy hiếp của phân đã lên đài như thế.

Những người chen đến sát sân khấu bỗng lùi lại, những người đứng trên ghế ngồi cả xuống. Giống như một vở diễn, bắt đầu mở màn người xem còn nhốn nháo, khi vở diễn đến hồi gay cấn thì mọi người cùng chăm chú thưởng thức. Bắt cô giáo ăn phân có thể là hồi gay cấn của đại hội phê đấu này.

Ca phân đặt trước mặt cô giáo Tân, chỉ cách cô chừng 1 mét. Vẫn khuôn mặt trắng trẻo. Mọi người chờ cô khai báo thành thật, vì cớ gì mà không nói…

Trái tim Khiêu như có ai bóp chặt, nó cứ mong cho cô giáo nói ngay ra, như thế cô giáo không phải ăn phân. Nhưng nhiều người không nghĩ như Khiêu, bon họ không muốn cô giáo khai báo. Khi mọi người phải lựa chọn khai báo và ăn phân thì bọn họ muốn không phải là thấy người kia khai báo, mà muốn thấy người đó ăn phân.

Cô giáo không nói mà cũng không chịu ăn. Lúc này có 1 một thằng học sinh lớn đến nói với cô giáo Tân:

– “Nếu mụ không chịu khai báo, không chịu ăn cứt thì chúng ta còn có cách khác, lẽ nào quần chúng cách mạng lại chịu thua con đĩ này, chúng ta điệu đứa con gái của mụ lên đây cho mọi người thấy, cho mọi người trông thấy đứa con gái của mụ, bằng chứng cho hành động đĩ thõa tội lỗi của mụ ta”.

Cô giáo Tân không còn giữ nổi bình tĩnh nữa. Khiêu thấy cô lê bằng đầu gối đến trước ca phân, cô không chờ cho tiếng hò hét đinh tai nhức óc của bọn người kia tắt đi mà đi đến quyết định dứt khoát, để lại cho Khiêu một ấn tượng suốt đời không thể quên. Cô giáo quì gối bưng ca phân lên, nhìn vào trong ca một lúc, rồi trước mặt mọi người, đưa lên ăn…

Khiêu về nhà, việc đầu tiên là đánh răng súc miệng, tưởng như phải dùng hết ống kem đánh răng. Đánh răng làm Khiêu nôn ọe, nôn ọe rồi lại đánh răng. Đánh răng xong, Khiêu đưa nhẹ cái bàn chải vào họng cho nôn thốc nôn tháo. Khiêu nôn ra thức ăn, cuối cùng là nước nhờn. Nôn xong lại đánh răng, hai tay bịt mũi bịt miệng, bịt thật chặt, hà hơi thật mạnh. Rồi Khiêu cũng yên tâm trong miệng mình sạch sẽ, sạch như kem đánh răng. Khiêu lấy khăn lau miệng, lau đi lau lại, miệng đỏ lên, bật cả máu, đau cả miệng… Khiêu ở trong nhà vệ sinh rất lâu…

(Coppy từ: Lê Tích).

Tình chị em – Truyện ngắn

Mỗi ngày một câu chuyện thú vị

Tôi sinh ra tại một vùng quê hẻo lánh. Ngày qua ngày, cha mẹ tôi phải ra sức cày cấy trên mảnh ruộng khô cằn để nuôi hai chị em tôi ăn học. Một ngày kia tôi lén ăn cắp mười lăm đồng trong ngăn kéo của cha để mua một chiếc khăn tay mà những đứa con gái trong làng đều có. Cha tôi phát hiện, ông lấy chiếc roi tre treo trên vách xuống, bắt hai chị em tôi quỳ trước mặt và hỏi rằng ai đã lấy cắp. Vì sợ hãi, tôi đã không dám đứng lên nhận lỗi. Cha tức giận định đánh cả hai chị em, ông đưa chiếc roi lên. Em níu tay cha lại và nói:

– Thưa cha, con trót dại…

Em nói loanh quanh, không giải thích được đã dùng số tiền ấy vào việc gì. Cha giận đến tái mặt nghĩ rằng em đã ăn chơi lêu lổng và quất liên hồi chiếc roi dài vào lưng em cho đến khi cha gần như không thở được nữa. Đêm ấy, mẹ và tôi đã dỗ dành em. Nhìn thân hình đầy những lằn roi của em, tôi oà khóc. Em vội vàng nói:

– Chị ơi đừng khóc, kẻo cha nghe thấy cha sẽ đánh đòn chị đấy!

Năm ấy em vừa lên 8 và tôi 11 tuổi.

Năm em tôi được tuyển thẳng vào trường trung học thì tôi cũng trúng tuyển vào đại học. Chưa kịp vui với niềm mơ ước được chạm vào cánh cửa đại học thì tôi đã đối diện với nỗi lo lắng về học phí. Cha mẹ tôi không đủ tiền để cho hai chị em ăn học cùng một lúc. Em tôi quyết định bỏ học nhưng cha mẹ và cả tôi đều không đồng ý. Tôi nói:

– Em cần phải tiếp tục đi học để tìm cách thoát ra khỏi cảnh nghèo khó sau này. Chính chị mới là người không nên tiếp tục vào đại học.

Nhưng em đã bỏ nhà ra đi với vài bộ quần áo cũ và một ít muối mè trong chiếc túi xách nhỏ. Em đã lén đến bên giường tôi và để lại một mảnh giấy nhỏ bên gối tôi với lời nhắn nhủ: “Chị ơi, được vào đại học không phải là điều dễ dàng. Em sẽ tìm việc làm để gởi tiền về cho chị.”.

Tôi trào nước mắt, chẳng nói lên lời. Năm ấy em mới 17 và tôi tròn 20.

Với số tiền ba tôi vay được trong làng cộng với số tiền gởi về của em, cuối cùng tôi cũng học xong năm thứ 3 đại học. Một hôm đang ngồi học trong phòng, một đứa bạn chạy vào gọi tôi và nói:

– Có người cùng làng đợi cậu ngoài kia.

Tôi chạy ra và thấy em đứng từ xa, quần áo lấm lem dầu nhớt. Tôi hỏi em:

– Sao em không nói với bạn của chị, em là em trai chị chứ?

Em cười đáp lại:

-Em sợ mọi người sẽ cười chị khi nhìn thấy bộ dạng nhếch nhác của em.

Tôi lặng người, nước mắt tuôn trào.

Em mỉm cười, đôi mắt ánh lên lấp lánh. Em đưa tay vào túi áo lấy ra một chiếc kẹp tóc hình con bướm và nói:

– Em thấy mọi cô gái đều cài nó trên tóc, vì thế em mua tặng chị!

Tôi không kìm được niềm xúc động, ôm chầm lấy em nức nở. Năm ấy tôi đã 23 và em mới 20.

Khi lần đầu tôi đưa bạn trai về nhà ra mắt cha mẹ, mọi thứ trong nhà đều rất sạch sẽ và ngăn nắp, ngay cả miếng cửa sổ bị bể cũng đã được lắp lại. Mẹ cho tôi biết trong khi dọn dẹp và thay khung cửa sổ, em đã bị miếng kính đâm vào tay chảy máu.

Tôi chạy vào tìm em. Nhìn vết thương trên tay em, tôi cảm thấy như có hàng ngàn mũi kim đâm vào tim mình. Tôi lấy thuốc và bông băng để băng lại vết thương cho em. Em cười:

– Em không muốn anh ấy chê nhà mình nghèo khổ!

Năm ấy em 23 và tôi 26.

Sau khi lập gia đình, tôi về sống với chồng ở thành phố. Vài năm sau, chồng tôi trở thành giám đốc của một xí nghiệp. Vợ chồng tôi muốn đưa em vào làm nhưng em từ chối vì sợ mọi người sẽ xì xầm bàn tán những lời không hay về chồng tôi.

30 tuổi, em lập gia đình với một cô gái trong thôn.

Năm tôi 40, cuộc hôn nhân tưởng chừng như mỹ mãn của tôi bị đỗ vỡ vì sự xuất hiện của một người đàn bà khác. Em vứt hết chuyện gia đình đến chăm lo cho các con tôi, vực tôi dậy sau những đắng cay nghiệt ngã. Rồi một ngày cả hai chúng tôi đều già nua, tóc bạc gần hết mái đầu. Em ngồi bên tôi nhắc lại chuyện xưa: Ngày ấy, chị em tôi mỗi ngày phải lội bộ hơn hai tiếng mới có thể đến trường. Một hôm, em làm mất chiếc giày. Một phần sợ cha đánh em, một phần biết mẹ không có tiền mua giày mới, tôi đã nhường cho em đôi giày của mình. Và cứ thế, mỗi ngày hơn bốn tiếng đi-về, chân tôi phồng rộp lên và rướm máu vì những viên đá nhọn trên mặt đường nóng bỏng. Từ đó em hứa với lòng phải chăm sóc và đối xử với tôi thật tốt.

Nước mắt tôi chợt ứa ra vì hạnh phúc. Năm ấy em chỉ vừa lên 5!

Phải nói rằng: Tình cảm chị em chúng tôi là quá cao đẹp, quá thiêng liêng! Chính nhờ tình cảm đẹp đẽ đó đã nâng đỡ tôi trong cuộc sống, nhất là trong những khi khó khăn gấp khúc của đời người! Tôi ước gì có một ngày gọi là NGÀY ANH CHỊ EM, cũng là để mọi người biết trân trọng và bảo vệ tình cảm đẹp đẽ này.

(Nguồn và ảnh sưu tầm)

Câu chuyện về cây thánh giá

Lê Vi

Trong Sổ Tử thành phố Paris, thủ đô nước Pháp, người ta đọc thấy: Ông Gustave Busset, qua đời ngày 18 tháng 4 năm 1834.

Người quá cố không có con cái nhưng để lại một số gia sản đáng giá. Đám tang ông, chỉ có vài bà con xa đến tham dự. Ngay tại nghĩa trang, họ bắt đầu tranh giành gia tài. Sau cùng, họ quyết định đem bán đấu giá tất cả đồ đạc, lấy tiền chia đều nhau.

Ngày bán đấu giá, nhiều người cùng khu phố với ông Gustave Busset kéo nhau đến mua đồ, trong đó có chàng họa sĩ trẻ tên Pierre Piront.

Anh Pierre Piront rất nghèo. Anh chỉ có tấm nệm rơm để ngủ. Từ lâu anh mơ ước chiếc giường êm nên để dành được 100 quan. Hôm nay dịp may đến. Anh mua cái giường của ông Gustave với giá 75 quan. Như vậy anh vẫn còn 25 quan. Khi anh lên nhận chiếc giường thì cùng lúc ấy, ủy viên bán đấu giá cúi xuống đất, nhặt lên Cây Thánh Giá nặng, bám đầy bùn đất dơ bẩn. Với giọng khàn khàn ông cất tiếng la to:

– Ai trả bao nhiêu để mua vật này?

Trong phòng im lặng như tờ. Bỗng vang lên tiếng nói chế nhạo:

– Không trả xu nào hết!

Mọi người cười rộ, ngầm đồng ý với tiếng nói.

Chàng họa sĩ trẻ Pierre Piront cảm thấy kinh ngạc trước thái độ vô thần hỗn xược của người đồng hương. Bằng một giọng run run vì cảm động, anh nói:

– Tôi xin trả 25 quan. Rất tiếc tôi chỉ có thế. Nếu có nhiều tiền, hẳn tôi sẽ trả với giá cao hơn!

Trước lời lẽ can đảm, đám đông lại ào ào chế nhạo. Một người đàn bà cao tuổi, chỉ ngón tay vào anh Pierre và nói:

– Nó là tên ngu đần nhất trong tất cả các tên ngu đần!

Tức khắc, mọi người trong phòng cùng nói lớn:

– Hoan hô bà già nói đúng!

Tiếp tục thủ tục đấu giá, ủy viên đứng bán nói:

– 25 quan cho lần đầu tiên… lần thứ hai… lần thứ ba… Chấm dứt!

Không ai đấu giá. Thế là Cây Thánh Giá thuộc về anh Pierre Piront với giá 25 quan. Anh cảm động tiến lên nhận Cây Thánh Giá với trọn lòng kính cẩn yêu mến. Xong, anh ôm Thánh Giá rời phòng, trước các cặp mắt và lời nói chế diễu của mọi người hiện diện.

Về đến nhà, việc làm đầu tiên là vội vàng chùi rửa Cây Thánh Giá. Vừa lau, anh vừa âu yếm nói chuyện với Đức Chúa GIÊSU KITÔ, Đấng bị xúc phạm. Nhưng anh Pierre ngạc nhiên biết bao, khi vừa lau chùi xong, anh khám phá tên khắc bên dưới chân Thánh Giá. Với kính lúp, anh đọc:

– BENVENUTO CELLINI

Đây là tên của một thợ kim hoàn nổi tiếng người Ý. Lòng tràn đầy niềm vui, anh tiếp tục lau chùi thật kỹ lưỡng. Càng lau, càng chùi, anh càng khám phá ra Cây Thánh Giá và tượng Đức Chúa GIÊSU KITÔ bằng vàng ròng.

Anh Pierre Piront không còn bình tĩnh nữa. Anh lấy khăn bọc kỹ Cây Thánh Giá rồi chạy như bay tới tiệm kim hoàn gần đó. Anh nhờ chủ tiệm đánh giá cho phẩm vật của anh. Sau khi xem xét cẩn thận, chủ tiệm đánh giá toàn Cây Thánh Giá là 60.000 đồng vàng.

Cùng lúc, chủ tiệm xin chàng họa sĩ trẻ tuổi cho phép ông đăng tải trên báo chí câu chuyện khám phá bất ngờ, độc nhất vô nhị.

Câu chuyện đến tai vua Louis-Philippe I (1830-1848). Nhà vua cho gọi anh Pierre Piront đến và ca ngợi lòng dũng cảm, dám tuyên xưng Đức Tin Công Giáo của anh.

Nhà vua cũng cho mở cuộc điều tra, để biết tại sao Cây Thánh Giá quý báu lại lọt vào tay cụ già Gustave Busset. Qua cuộc điều tra, người ta biết:

– Vào năm 1531, vua Francois I nhờ nhà kim hoàn Benvenuto Cellini làm Cây Thánh Giá bằng vàng ròng. Sau đó, tác phẩm nghệ thuật tôn giáo được trưng bày tại điện Versailles. Khi cuộc cách mạng Pháp 1789 xảy ra, dân chúng tràn vào đập phá và ăn cắp của cải vật dụng trong điện Versailles. Có lẽ Cây Thánh Giá bị ăn cắp và bị bán đi với giá thật rẻ.

Sau cuộc điều tra, vua Louis-Philippe I mua lại Cây Thánh Giá với giá 60.000 đồng vàng và truyền gọi anh Pierre Piront vào làm việc trong hoàng cung. Nhờ cơ may, anh trau dồi, phát triển và tận dụng khả năng nghệ thuật của mình.

Để ghi nhớ biến cố ấy, anh Pierre Piront vẽ bức họa “Cây Thánh Giá bán đấu giá”. Bức họa là một tuyệt tác, tháp tùng anh theo anh và an ủi anh ở giây phút cuối đời.

(Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambré Editeur, Paris 1992, trang 79-81)

Người dịch câu chuyện cảm động nầy là Sr Jean Berchmans Minh Nguyệt, chị Năm của Ngọc Hải SB74, Sr cũng là em của Đức Ông Giuse M. Trần Thanh Phong (RIP)

from FB Võ Đình Thuần SB74

(Nguồn: radiovatican)

Fb Le Van Quy

ÔNG TƯ – Truyện ngắn

Tôi Là Tôi – TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM

ÔNG TƯ

Gia đình ông Tư hồi đó giàu lắm. Vợ chồng ông có cái xưởng rất lớn dưới khu bến Bình Đông với mấy trăm công nhân. Ông có hai căn nhà lớn kề nhau trên đường Công Lý, tiền bạc của cải ông gởi ngân hàng mà tiền lời mỗi tháng có thể mua được cả căn nhà nhỏ. Người thân ông Tư thì chẳng còn ai. Cha mẹ, anh em của ông Tư mất hết cùng mấy chục người hàng xóm nơi làng quê của ông sau một trận đánh lớn ở vùng đó. Hai vợ chồng ông Tư luôn giúp đở đóng góp các trại tế bần, các hội đoàn thiện nguyện. Cuộc sống gia đình ông Tư càng thêm hạnh phúc khi vợ ông sanh cho ông một cậu quý tử…

Rồi 30-4-1975 đến. Cái xưởng của ông được nhà nước tiếp quản, tiền bạc trong ngân hàng mất trắng. Ông loay hoay với hoàn cảnh mới, các đồ trang sức của hai vợ chồng và vật dụng có giá trị trong nhà được đắp đổi qua ngày. Mấy năm sau gia đình ông được liệt vào danh sách “tư sản mại bản”. Hai căn nhà và tài sản được sung vào công quỷ. Gia đình ông được đưa đi vùng kinh tế mới…

Một năm sau bổng nhiên mọi người thấy ông Tư quay về khu phố cũ với với bộ dạng tã tơi, ánh mắt vô hồn. Ông đứng nhìn hai căn nhà cũ rồi cười… có lúc ông cười sặc sụa, lúc cười vang thành tiếng, lúc thì cười khùng khục trong họng. Đêm xuống, mọi người thấy ông Tư ngồi bên mái hiên trước nhà cũ mà khóc. Ai thấy cũng đau lòng. Ông lang thang quanh khu phố nhưng ông không còn nhận ra ai là người quen nữa. Mọi người quý mến ông vì lúc đương thời ông hay giúp đỡ bà con lối xóm. Nay mọi người chung tay người cái áo cái quần, người bữa cơm, người tắm giặt… để đùm bọc ông. Có những lúc ông tĩnh táo, ông ngồi trầm ngâm và kể. Cả đời hai vợ chồng chưa làm việc gì nặng nhọc, bây giờ được đưa lên vùng kinh tế mới, phải tự khai hoang, dựng nhà. Vì thay đổi đột ngột nên không thích nghi kịp, sức khoẻ sa sút, vợ và con ông bị sốt rét mà qua đời…

Mấy ngày qua không thấy ông Tư quanh khu phố nữa. Sáng nay mọi người nhận được tin tìm thấy xác ông dưới kênh Nhiêu Lộc ngay cầu Công Lý…

H.D


 

CHUYỆN TÌNH MỘT GIÁM MỤC – “Áo cưới màu hồng”

Võ Ngọc Ánh

CHUYỆN TÌNH MỘT GIÁM MỤC

“Áo cưới màu hồng.

Hôm nay lướt FB, thấy tấm hình của một người đàn ông trung niên, mặc tu phục của một Giám Mục (vừa được tấn phong gần đây), chụp với một người phụ nữ cũng còn xuân, mặc áo màu hồng, làm cho Mười Lúa có một cái cảm xúc hết sức lạ kỳ, nên bật máy lên viết. Không viết liền, để nay mai sẽ quên mất, hay không còn hứng thú để viết nữa. Đây mới là lý do chính cho bài viết dài dòng chuyện tình LM này.

Ở VN, trước 75, nhà văn Lệ Hằng tung ra quyển “Tóc Mây”, kể chuyện tình của một LM với một cô sinh viên, làm cho xã hội miền Nam một thời rất ồn ào, và dĩ nhiên sách in không đủ bán, tác giả vừa nổi tiếng vừa phát tài! Người ta bàn tán, bình phẩm, khen, chống, ủng hộ, tẩy chay,… lung tung phèng lên! Nên nhớ, đây chỉ là một quyển tiểu thuyết chớ không phải chuyện có thiệt.

Ở Mỹ, bộ phim truyền hình “The thorn bird”, được chiếu 4 ngày từ 27 đến 30 tháng 3, năm 1983, cũng làm cho xã hội Mỹ ồn ào dữ lắm. Đây là bộ phim dựa theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Úc, xuất bản năm 1977. Sách bán như tôm tươi, và phim cũng thành công ngoài sức tưởng tượng. Dĩ nhiên, cả hai đều là chuyện giả tưởng!

Chuyện tiểu thuyết, chuyện phim ai muốn nghĩ sao thì nghĩ và ai muốn tin hay hỏng tin cũng không sao cả. Nói tóm lại là nhà sản xuất kinh doanh kiếm tiền, còn người thưởng thức thuần tuý là bỏ tiền ra mua một sở thích – sở thích đọc sách hay sở thích xem phim. Đơn giản chỉ có vậy.

Tui không phải nhà văn, cũng không là đạo diễn, nên muốn cạnh tranh với họ là chuyện “đội đá vá trời”. Tui chỉ muốn viết, muốn kể lại những chuyện tình có thiệt, tui biết rõ, không thêm mắm muối, theo cách kể nhà quê của mình. Chuyện của tui có thật, và là những chuyện tình đẹp như chuyện thần tiên! Còn chuyện mấy cha “phá rào”, ăn vụng,… ai muốn viết thì viết, tui không thấy hứng thú.

Câu chuyện sau đây Mười Lúa lấy thông tin từ một sư huynh đồng môn, những thông tin rất đáng tin cậy, vì anh và nhân vật chính sống trong cùng một họ đạo. Những nhân vật chính trong chuyện, tui đều biết, có quen hết. Sư huynh tui vẫn còn sống và bài viết của anh về nhân vật chính vẫn còn trên FB. Ai muốn đọc IB tui gởi cho đọc chơi.

Có một chú bé nhà quê, quê dữ lắm, quê hơn Mười Lúa, con nhà nông dĩ nhiên, ở miệt Chương Thiện (gần U minh rồi), nhưng rất rất rất thông minh và hiếu học. Thời Tiểu học, vừa đi học vừa bán bánh lá dừa giúp mẹ. Một hôm ế hàng, ngồi buồn thiu trước cửa nhà Xứ, thì ông cha Sở ra hỏi thăm rồi mua hết thúng bánh, cho các Thày và các sơ trong nhà xứ. Thời đó VC tịch thu Đại Chủng Viện, nên các Thày phải “sơ tán”, phải “chạy giặc”, về các họ đạo để chờ thời, và học chui. Thúng bánh lá dừa chẳng là cao lương mỹ vị gì, nhưng cũng no bụng các thày trong những ngày ăn độn, và nhứt là cậu bé mừng vui như trở cờ trong bụng. Cậu rất có cảm tình với cha sở, bắt đầu quí mến ngài và các Thày kể từ hôm đó. Hình ảnh chiếc áo chùng đen đã ghi nhẹ vào lòng chú bé nhà quê kia rồi!

Chú bé đã học hết chữ nghĩa trường làng, phải “du học” sang họ đạo khác mới có lớp cao hơn, bằng cách ngày ngày chống xuồng qua cái lung mênh mông, làm Mười Lúa cũng nhớ cái thời mình phải đi “du học”, và học với Bà Út. Lớn lên trong chốn đồng ruộng, cậu bé cũng đã từng đi chăn trâu, như Mười Lúa, có điều coi bộ nhà ML còn khá hơn cậu bé này một bậc, vì cậu chăn trâu mướn, còn ML chăn trâu nhà.

Sau bao gian nan vất vả, bi giờ cậu đã là một thanh niên khoẻ mạnh, đẹp trai, và đậu đầu bảng vào trường ĐH Cần Thơ. Một tương lai tươi sáng đang hé mở, chờ đợi. Nhiều cô bắt đầu để ý chàng trai trẻ, trong đó có một cô thôn nữ xinh đẹp, đạo hạnh, nết na, lại là con của một “đại gia” miền sông nước. Cậu đáp lại tình yêu ấy, và họ yêu nhau tha thiết, hẹn thề khi công thành danh toại, vinh qui bái tổ, thì “kiệu anh đi trước, võng nàng theo sau” về dinh! Một mái ấm gia đình, một tương lai tươi đẹp đang chờ họ một cách hiển nhiên. Đó là một ước mơ, một viễn ảnh tươi đẹp mà bất cứ đôi trái gái nào cũng mong chờ. Cha mẹ hai bên cũng không có lý do gì mà không tác hợp cho đôi trai tài gái sắc. Đàng trai đã mang lễ vật xin cưới, trong đó có một xấp vải màu hồng dùng để may áo cưới cô dâu.

Tình cờ chàng biết được Giáo Phận đang tuyển sinh vào các lớp dự tu (Lúc này VC trả lại Đại Chủng Viện, cho nhận tu sinh, nhưng rất giới hạn, cho nên muốn được nhận, phải qua các lớp dự tu khá gắt gao). Bấy lâu nay chỉ lo học hành, lo hoạch định cho tương lai, quên bẵng hình bóng chiếc áo dòng của cha Sở ngày xưa, thì dường như ước muốn làm LM bỗng trổi dậy.

Chuyện lớn rồi! Bên tình cho em, bên tình cho Chúa, rồi phải ăn nói làm sao với người yêu, với gia đình mình, và gia đình nàng? Phụ bạc người yêu cho dù là vì lý tưởng cao cả, cũng là một hành động khó được chấp nhận! Đính hôn rồi huỷ hôn là làm “mất duyên” con gái ngườii ta, nếu không muốn nói là làm nhục “đàng gái”! Rối như tơ vò. Cầu nguyện xin Chúa soi sáng cho mình biết lựa lời thuyết phục người yêu, thuyết phục gia đình hai bên để không ai bị tổn thương.

Biết được ý định của chàng, dĩ nhiên nàng bị sốc. Tình là cái chi chi mà nó mãnh liệt tới mức khi thất tình, bất kể đàn ông hay đàn bà, đều có thể “mua bao thuốc chuột uống cho rồi đời”! Cũng may, cô gái con nhà đạo hạnh, biết người yêu không phải phụ bạc, mà hy sinh tình riêng cho tình Chúa, cho lý tưởng phục vụ tha nhân, nên sau cùng nàng cũng chịu thua, “giành” không lại Chúa!

Rồi chàng được nhận vào Đại Chủng Viện và nàng cũng lên xe hoa theo chồng vài năm sau đó. Ngày cưới của nàng, chú bé chống xuồng ngày xưa được phép Bề Trên về tham dự đám cưới của người yêu, để chúc phúc cho họ.

Ngày trọng đại của chú bé chống xuồng cũng đến. Cha mẹ, anh em, bà con dòng họ của chú và cả gia đình “cha mẹ vợ hụt” cũng có mặt đông đủ đê tham dự lễ truyền chức LM cho chàng. Ít có người biết hay để ý đến chiếc áo màu hồng nàng đang mặc. Chỉ có chàng, nàng, và gia dình hai họ mới biết, đó là chiếc áo cưới chàng tặng nàng năm xưa! Một hội ngộ kỳ thú, cảm động vô cùng! Một tình yêu không giống một mối tình nào trên đời này cả!

Hôm nay tôi đăng tấm hình người phụ nữ trung niên, lặn lội ngàn dặm từ Mỹ về tham dự lễ tấn phong Giám Mục. Giám Mục là chàng. Người phụ nữ đứng kề bên là nàng. Cũng một chiếc áo màu hồng. Chỉ có người trong cuộc mới biết ý nghĩa của chiếc áo màu hồng. Chỉ có ai biết chuyện mới rơi lệ, mới cảm kích cho một cuộc tình có cái kết đẹp như chuyện thần thoại! Họ không tay trong tay như đôi tình nhân, như một cặp vợ chồng hạnh phúc, nhưng họ là biểu tượng của một tình yêu hoàn toàn vượt qua tình yêu trai gái.

Trái tim của họ là một cặp tim đẹp nhứt, là hy lễ cao quý nhứt đời, dâng lên Đấng Toàn Năng. Đây là bức hình đẹp nhứt, ý nghĩa nhứt mà nàng post lên FB với một ghi chú đơn giản: “Hôm any về quê hương về tham dự lễ truyền chức Đức Giám Mục….” Nàng trân trọng gọi chàng là “Đức Giám Mục” như bao nhiêu giáo dân xưng hô với một vị chủ chăn.

Ý Chúa nhiệm mầu! Không có ơn Chúa giúp, chắc gì có ai qua nổi cái ải tình tình yêu trai gái! Hãy dâng lời cảm tạ Chúa. Hãy cùng cầu nguyện cho Đức Tân Giám Mục, luôn là một chủ chăn như lòng Chúa mong muốn. Xin Chúa chúc lành cho người con gái mặc chiếc áo màu hồng, không phải trong ngày cưới, mà là ngày dâng hiến người yêu của mình cho Chúa. Amen.

Peter C. Tran”

Copy từ FB Duc Thang Nguyen