Người Đứng Bên Cầu – Truyện ngắn

Việtbáo

Đào Ngọc Phong

Tôi vừa nhận được một bì thư của con gái tôi, Amelia, gởi từ thành phố New York, đựng một xấp hình mới chụp trong khuôn viên đại học, và một lá thư viết tay bằng chữ Việt, nét chữ nắn-nót, tròn- trịa. Con gái báo cho mẹ biết đã được cấp một học bổng cho bậc cao học, để mẹ khỏi lo tiền bạc cho con nữa. Sở dĩ con viết tay là để mẹ vui vì con không quên tiếng mẹ đẻ; hai nữa, để nói mẹ biết về một ý định của con trong tương lai. Sau nhiều đêm suy nghĩ, con chưa muốn đi làm ngay, mà muốn học cao hơn nữa, vì muốn làm tròn ước nguyện mà mẹ không thực hiện được trong đời mẹ; nhưng điều quan trọng nhất, có lẽ con sẽ không lập gia đình, vì chỉ sợ lại rơi vào bi kịch mà mẹ chịu đựng suốt đời, mặc dù có vài bạn trai đứng- đắn tỏ ra yêu thích con.

Một giọt nước mắt rỏ xuống làm nhòe một chữ trên trang thư. Tôi có lầm lỗi không, khi nói hết sự thực cho Amelia? Không, trước khi nói điều đó, tôi đã suy nghĩ 8 năm trời đằng –đẵng. Bây giờ tôi đang ngồi trên một ghế xếp bên cầu đọc thư con gái; nhưng suốt tám năm, tôi chỉ đứng bên cầu nhìn giòng nước chảy, một tiếng đồng hồ mỗi sáng chủ nhật.Amelia sinh năm 2000 tại Orange County tiểu bang California.

Năm 2018, tốt nghiệp trung học, rời gia đình vào đại học, coi như đã trưởng thành; tâm trí đủ vững vàng đối diện với thực tế đời sống; bốn năm học xong BA, tự mình xoay-xở mọi việc; không, tôi không nên tự trách; việc tôi kể chuyện đời của mẹ vào lúc con trưởng thành vào đời là điều cần thiết.Sáng chủ nhật trước khi Amelia lên máy bay vào thứ hai, bốn năm trước, tôi và con gái ngồi bên cầu nói chuyện. Đây là một cây cầu ngắn, bắc qua một giòng suối nhỏ, nước chảy quanh năm trong một công viên quốc gia rừng nguyên sinh. Chỗ này vắng vẻ, ít du khách qua lại.

****

Tôi sanh năm 1975 tại Sài Gòn. Năm sáu tuổi, tôi đã biết giúp mẹ nhiều việc để kiếm tiền nuôi bà nội và hai mẹ con. Mẹ tôi dậy từ bốn giờ sáng để tráng bánh cuốn, bày bán trước cửa nhà trong một xóm lao động ngoại ô Sài Gòn. Mẹ làm bánh cuốn ngon, bà con trong xóm đều thích; thường chỉ đến 10 giờ sáng là bán hết. Vừa đi học vừa tập làm bánh cuốn, tôi dần lớn lên, thạo nghề, đỡ mẹ vất vả. Mẹ thường nói, bố mất sớm trong trại cải tạo, mẹ con mình phải cố gắng mưu sinh nuôi bà ; nhưng con phải hứa học cho giỏi, bán bánh cuốn chỉ là tạm thời.

Từ 10 tuổi trở lên, tôi đã thay mẹ dậy từ sáng sớm, tráng một mẻ bánh cho mẹ bán buổi sáng; nếu trưa còn khách, mẹ tráng thêm một ít để buổi chiều đi học về tôi mang hàng đi giao cho khách ở xa.   Nhờ đi giao hàng đây đó, tôi thấy việc học Anh ngữ thật cần thiết để giao dịch. Vì vậy tôi chuyên tâm học tiếng Anh. Tôi len lỏi vào những cửa hàng nước ngoài, những khách sạn đê chào hàng; khách hàng của tôi đông lên dần. Mẹ phải xin phép phường khóm cho đặt bàn trong nhà. Hai năm cuối trung học, tôi phải tập trung vào việc học để thi vào đại học, nên mẹ phải mướn thêm người giúp việc. Nhưng 4 giờ sáng tôi vẫn phải dậy sớm tráng bánh.

Tôi định hướng tương lai của tôi là trở thành giáo viên Anh ngữ, nên tôi nộp đơn thi vào Đại Học Sư Phạm.  Làm bài thi đầy tự tin, tôi hy vọng chờ đợi kết quả trúng tuyển, nhưng ngày tuyên bố kết quả lại không có tên. Mẹ tôi buồn lắm, năm sau bà nhất định không cho tôi dính vào buôn bán nữa, chỉ có học và học. Lại một lần tự tin, lại một lần thất bại. Nhưng khi xem những ai trúng tuyển, tôi ngạc nhiên thấy có những bạn học rất thường mà đậu.

Tôi đành phải đi dạy học tư, mở lớp dạy ở nhà, kiếm được khá để giúp mẹ; nhưng bà vẫn ấm ức trong lòng. Bất ngờ một lần tôi gặp một cô bạn thân hồi lớp 11 cùng tuổi tên là N. xinh- xắn dễ mến. N, là con gái của một cán bộ cao cấp; sau 75, ông được cấp một căn biệt thự trên đường Tú Xương mà chủ nhân đã bỏ ra nước ngoài. Gia đình N. thuộc loại giai cấp thượng lưu mới.

N, gặp tôi mừng lắm, hỏi sắp ra trường đi dạy chưa; tôi buồn buồn nói hai năm làm bài tự tin nhưng đều trượt; N.có vẻ ngạc nhiên, nói để sẽ nhờ cha cô hỏi Sở Giáo Dục xem sao; về phần cô thứ năm sau sẽ sang Mỹ học.

Một tuần sau cô mời tôi đi ăn kem nói chuyện. N. có vẻ buồn nói : “Ba mình đã hỏi cho cậu rồi; ông nói điểm cậu rất cao, nhưng vì….lý lịch cậu có cha là sĩ quan chế độ cũ nên bị gạc đi”.

Vừa nghe xong, tôi bỗng cảm thấy người tôi lạnh ngắt; nhưng tôi cố kìm không bật lên tiếng khóc. N. ôm lấy vai tôi: “Mình cũng vậy, khi vừa nghe xong điều đó mình không giữ được bình tĩnh; mình gay gắt nói bố của cô ấy đã chết trong tù của quí vị, đã trả nợ quí vị rồi, sao còn bắt tội con của ông ấy? Cô ấy cũng như con đây sinh năm 1975 có biết gì về các việc của quí vị trước 75 đâu? Ba mình chỉ yên lặng. Mình chán cái não trạng bộ lạc, bỏ đi sang Mỹ sống cho thoải mái”.

Khi N. sắp xuất ngoại, gởi thiếp nhiệt tình năn- nỉ tôi đến dự party tiễn đưa, tổ chức tại biệt thự nhà cô. Tối rất quí N. nên miễn cưỡng nhận lời.

Tất nhiên khách của N, toàn là “cậu ấm cô chiêu” thuộc giai cấp mới. Đó là vào   1998, tôi đã 23 tuổi. N. kéo tôi giới thiệu với một thanh niên : “Đây là anh K, anh họ mình, làm nghề bán xe hơi ở Mỹ, mới về thăm nhà. Còn đây là H. bạn thân của em, giỏi tiếng Anh lắm; hy vọng hai người “đấu” với nhau nhiệt tình nhá”

Có lẽ K. ở Mỹ lâu, nói tiếng Việt không sõi lắm, nên gặp tôi “đấu” tiếng Anh thì anh tỏ ra thích thú vô cùng. Anh khen tôi giỏi, và anh bám lấy tôi suốt buổi. N. rất hài lòng, cám ơn tôi đã tiếp khách giùm cô.

Cửa hàng bánh cuốn của mẹ phát đạt, nên tiền bạc gia đình tương đối rủng- rỉnh.

Một đêm, mẹ tôi kéo tôi vào phòng ngủ thì thầm “Mẹ đã để giành ít tiền, muốn lo cho con du học Mỹ như người ta. Thời buổi này cứ tiền thôi con ạ, cửa nào cũng lọt”. Tôi mừng rỡ ôm mẹ, cám ơn mẹ, nhưng con đi xa chỉ sợ mẹ già và bà nội cô đơn trống trải. Mẹ nói bố con ngày xưa là  giáo sư toán kiếm tiền như nước, con nhất định phải lấy bằng đại học thì bố mới vui mà không trách mẹ không lo được cho con ăn học đến nơi đến chốn.

Tôi tăng giờ dạy học để có thêm tiền lo việc. Tôi vô phỏng vấn, trót lọt mọi đường. Đầu năm 1999, tôi đặt chân lên xứ Mỹ, cám ơn mẹ kính yêu của con; tự hứa nhất định phải hoàn thành ước mơ đại học, một ước mơ bị tàn lụi nơi quê nhà.

Một mình đến xứ lạ, tôi mới cảm nghiệm sâu xa ý nghĩa của câu “Bơ vơ thân gái dặm trường”. Tuy nhiên, tôi bương chải từ năm sáu tuổi, nên mọi sự khốn khó tôi dều vượt qua. May mắn, tôi được bạn của mẹ đón về cho “share” một phòng trong một căn nhà nhỏ ở vùng Little Sai gòn. Con gái của bà giúp tôi học lái xe và dẫn đi mua một xe cũ.

Duyên nợ kiếp nào đưa đẩy, khiến cô dẫn tôi đến một trung tâm bán nhiều xe cũ gọi là “used car”. Vừa gặp người “dealer”, tôi nhận ra ngay K., anh họ của bạn tôi N. K mừng rỡ, nói không ngờ gặp tôi ở đây.

Anh chọn cho tôi một xe khá tốt vừa túi tiền. Từ ngày đó, chúng tôi thường đi ăn với nhau.  Việc học của tôi trôi chảy, và tôi thich nghi mau với đời sống Mỹ. K hơn tôi năm tuổi, tức là năm ấy anh 29 tuổi vẫn thích sống độc thân trong một căn “mobile home” quanh khu Phước Lộc Thọ, phố Bolsa. Tôi gọi cho N. lúc ấy đang sống ở San Francisco.

N. chúc mừng tôi và hẹn sẽ xuôi Nam hội ngộ. Cuộc hội ngộ này là cuộc hội ngộ định mệnh cho đời tôi. Sau một tuần đi chơi chung, N. bỗng đề nghị K. và tôi nên kết duyên đi.

Cả K và tôi đều sửng- sốt, vì cả hai đều chưa hề nghĩ tới cái việc “kinh khủng” này. Bởi vì, sau một thời gian giao thiệp với K, tôi thấy anh chàng này sống phóng túng, khó mà khép anh ta vào một khuôn khổ; còn tôi thì dĩ nhiên, sự nghiệp chẳng có gì, cần phải học ít nhất ba năm nữa cho xong cử nhân mới tìm việc làm đàng hoàng. Đời nào mẹ tôi chấp nhận.

N, gặp riêng tôi, nói tôi nên thực tế theo lối Mỹ, đừng có nghĩ theo kiểu Việt Nam, muốn bằng cấp này nọ, vô tích sự; ôm cái bằng cử nhân ra đời xứ Mỹ chưa chắc tìm được việc làm bằng một người “technician”. Cứ đi làm có tiền sống đã rồi dần học lên. Vả lại, nếu tôi lấy K. thì tôi sẽ có quốc tịch sớm, giúp cho tiền học phí của tôi nhẹ nhàng và được nhiều phúc lợi khác của xã hội Mỹ.

Tôi viết thư về cho mẹ, trình bày theo ý của N. Mẹ tôi quả là có óc thực tế, chấp nhân liền. Bà thấy rõ phí tổn tiền bạc rất lớn cho một du học sinh. Không biết N. thuyết phục thế nào mà K đồng ý. N. đúng là bà mai cho cuộc hôn nhân này.

Chúng tôi thành hôn và năm sau sinh bé Amelia. N. nói tôi cố gắng khép K vào nề nếp. Năm năm đầu chúng tôi có hạnh phúc trong hôn nhân.

Nhưng hầu như ngựa quen đường cũ; K chỉ chi tiền nhà hàng tháng còn bao nhiêu tiền bạc kiếm được cứ vung theo bạn bè; buổi chiều ít khi về nhà, cuối tuần miệt- mài trong vũ trường. Tôi muốn học cho xong BA để xin chân giáo viên mau có nghề tương đối ổn định, nên cố nhẫn nhục chịu đựng. Tôi gởi bé Amelia vào trường mẫu giáo để có thì giờ đi học.

Tôi không dám hé răng than thở với mẹ. May là năm sau, tốt nghiệp rồi, tôi xin được chân phụ giáo, sống đỡ, dù đồng lương khiêm tốn.

Tiền bạc eo hẹp không đủ nuôi con, tôi bật ra ý nghĩ thử quay lại nghề bánh cuốn xem sao. Thế là tôi âm thầm sắm đủ đồ nghề; ở trường về, tôi cặm cụi tráng bánh, rồi đem đi mời chào cô bác trong khu mobile home phần lớn là đồng hương Việt. Y như ngày xưa mẹ tôi vào nghề, bánh cuốn của tôi vừa rẻ vừa ngon, khiến dần dần cả khu mobile home đặt tôi làm. Tôi có đồng ra đồng vô; bèn nghĩ cách quảng cáo trên báo, kết hợp với xã giao, tôi được nhiều khách đặt hàng. Hóa ra nghề bánh cuốn của mẹ cứu tôi, chứ không phải cái bằng BA.

The Carpenters Apartment Complex | California Curiosities

Thế là suốt năm năm cho tới khi Amelia mười tuồi, năm 2010, tôi có chồng mà như chẳng có chồng. Nhưng như có phép lạ, khi bé vào trung học, thì K bỗng mỗi buổi chiều trở về tỏ ra săn sóc mẹ con; nhưng tuyệt đối, tôi tránh việc chăn gối. Bản thân tôi thấy mình lạnh rồi; việc làm bánh cuốn để sinh nhai đã làm tôi mệt nhoài rã rời thân thể; mà tâm hồn tôi cũng không còn coi K như chồng nữa. Tuy nhiên sự hiện diện của anh mỗi tối cũng làm cho Amelia vui vẻ.

Tôi đi giao bánh hàng ngày ở nhiều địa chỉ, khiến tôi quen nhiều khách hàng mến tôi. Nhờ vậy tôi mới khám phá một việc “động trời “về K. Khách hàng chỉ cho tôi một căn nhà mà K hay lui tới vào ban chiều. Hóa ra K thuê căn nhà đó cho một cô bồ mà hình như đã có một đứa con trai. Tôi suy nghĩ đối chiếu hành xử của K, đi đến kết luận K. về nhà thăm bé Amelia chỉ là đóng kịch.

Vì tương lai của bé, tôi cũng sẽ đóng kịch. Những bữa cơm chiều diễn ra có vẻ chan hòa đầm ấm. K hầu như không hề biết tôi đã khám phá ra chân tướng của anh. Nhưng cũng từ ngày đó, lòng tôi tan nát. Làm sao để tôi không suy sụp trước khi bé trưởng thành?. Tôi chỉ sợ tôi không giữ nổi vai kịch từ năm này sang năm khác.

Mom and Her Little Daughter on a Bench in the Park. Stock Image - Image ...

K. không bao giở ở nhà ngày chủ nhật, viện cớ chủ nhật đông khách.Tôi dẫn bé Amelia vào một công viên và khám phá ra môt giòng suối có cây cầu xinh xinh. Trong khi bé vui chơi trên cỏ, tôi đứng tựa bên cầu nhìn giòng nước chảy.

Có lúc nước trong veo, có lúc hơi đục vì kéo theo vài cành lá mục; có lúc chảy xiết, có lúc lờ đờ; có lúc nước đầy gần chạm cầu, có lúc gần như cạn sát đáy, trơ cát. Mắt tôi cứ dán vào giòng nước, mà tâm tư tôi trôi theo đời tôi từ hồi sáu tuổi dọn bàn, sắp ghế bán bánh cho mẹ, san chai nước mắm, pha ớt thêm đường.đi giao hàng khắp phố phường, đi thi vào đại học, đi dạy tư kiếm thêm tiền…rồi qua Mỹ, lấy chồng……Tôi nhìn giòng tâm tư trôi đi, y như nhìn giòng nước dưới cầu; nước cứ chảy, cầu cứ thản nhiên nhìn xuống. Tôi bỗng thấy tâm tôi như cây cầu thản nhiên nhìn giòng đời.  Lòng tôi êm ả, bao nhêu buồn bã, phiền muộn tan đi. Tôi khám phá ra phương pháp đứng vững nhìn giòng dời. Tôi không còn buồn về chồng, không còn lo về con,

Tôi cảm thấy tự tin điều khiển giòng đời theo ý mình, không để cho ngoại cảnh chi phối.

Tôi thấy rõ tôi phải làm gì để tự cứu; không ai cứu tôi được.  Tiền kiếm được, tôi chắt-chiu dành-dụm; trong bảy năm tôi có tạm đủ số tiền để “down” một căn nhà kiểu townhouse hai phòng ngủ cho hai mẹ con; tôi không muốn phụ thuộc vào căn mobile của K nữa.

Tôi bí mật ra luật sư làm sẵn giấy tờ ly dị.

Khi con sắp hết lớp 12, tôi âm thầm “book” vé cho con rời gia đình sang tiểu bang khác vào đại học, dặn dò con kín tiếng không cho ai hay. Cha con cũng chẳng quan tâm con đã học đến đâu. Ngày mai thứ hai, khi con lên máy bay rồi, mẹ sẽ báo cho cha con biết, và mẹ sẽ dọn nhà ngay, trả lại ông ấy căn mobile home.

Bốn năm trước vào sáng chủ nhật bên cây cầu này, hai mẹ con tôi nói chuyện như thế. Tôi nhớ khi nói hết câu chuyện, Amelia òa khóc, ôm chặt lấy tôi, nói con không muốn đi đâu hết, không để mẹ một mình. Tôi an ủi, khich lệ con, nói tương lai của con là lẽ sống của đời mẹ, con phải can đảm ra đi.

****

Tôi nhớ thứ hai buổi chiều, chồng tôi về, không thấy Amelia, tỏ vẻ ngạc nhiên. Tôi lạnh lùng mời anh ra phòng khách; tôi nói màn kịch đã chấm dứt; tôi biết từ lâu anh đã có phụ nữ khác hợp với anh, nhưng cám ơn anh đã đóng kịch khéo để cho Amelia an lòng học hết trung học, không bỏ lớp giở -dang; trong tám năm tôi đã cần lao tự lực mua được căn nhà riêng cho hai mẹ con rồi, ngày mai tôi sẽ dọn ra, trả lại căn mobile này mà không đòi hỏi gì; tôi sẽ thuê người lại làm sạch sẽ hoàn toàn; cám ơn anh đã cho mẹ con tôi tá túc bao năm. Hiện giờ Amelia đã vào cư xá sinh viên bên New York rồi. Đây là đơn ly dị, xin anh ký vào.

K. không nói một lời nào, anh lặng- lẽ ký giấy, rồi bỏ vào phòng. Nghĩ cho cùng, tôi không giận anh, vì hai chúng tôi chưa đủ tình yêu với nhau trước hôn nhân. Thì tôi đã nói, duyên nợ kiếp nào đã buộc chúng tôi vào nhau một thời gian.

Pin by JAN ITA on photography | college grad | College photography ...

Bây giờ ngồi bên cầu, tôi giở xem xấp hình Amelia trong khuôn viên đại học. Nhin giòng nước êm đềm trôi, tôi cám ơn cây cầu và giòng suối đã giúp tôi đứng vững giữa giòng đời . Hồ sơ bảo lãnh mẹ tôi đã xong, tôi chờ ngày đoàn tụ với mẹ, vì bà nội tôi đã mất mấy năm nay rồi.

Amelia text cho tôi, nói con còn một tháng nghỉ ngơi trước khi vào khóa học, sẽ bay về ở với mẹ, sẽ cùng mẹ ra ngồi bên cầu bốn chủ nhật, vì mẹ đã đứng mấy trăm lần bên cầu rồi.

From: giang pham&KimBang Nguyen


 

Saigon, một thời VéloSolex

VéloSolex trên đường phố Saigon xưa (file photo)

Thư về cho bà con, bạn học cũ ở miền Nam Việt Nam, khi viết bì thư, lần nào Hà cũng thấy lòng xao lên một nỗi bất an: Hà muốn viết thật to cái tên thành phố Saigon, nhưng sợ thư mình sẽ đi mà không đến. Do đó càng ngày thư càng ít về với thành phố cũ, nhất là khi đã có điện thư.

Saigon, nơi đã dung dưỡng Hà suốt một thời hoa niên. Hồi di cư vào Nam chị chỉ là một cô bé học lớp Đệ Lục trường Trưng Vương. Cô bé này vào loại nhỏ nhất trong lớp vì sau chiến tranh, gia đình cô hồi cư về Hà Nội rất sớm và cô trở lại trường ngay, nên bạn cùng lớp có người lớn hơn cô đến năm, ba tuổi. Niên học nào cô cũng phải ngồi bàn trên. Mấy năm đầu, học trò Trưng Vương còn phải học nhờ trường Gia Long, mỗi sáng các cô đứng chờ ở cổng trường nhìn các chị học trò Gia Long phóng xe Mobylette, ống quần rộng bay phần phật, mấy cô nhỏ Bắc Kỳ nhìn nhau cười ngặt nghẽo.

Nhưng chỉ ít lâu tình nghĩa Bắc Nam lại khăng khít. Lý do là Trưng Vương học từ sáng tới buổi trưa. Trước khi về, các cô để lại tình thư trong hộc bàn cho bạn Gia Long học lớp chiều và sáng sau vào lớp lại tìm trong hộc bàn hi vọng có thư hồi âm của người bạn mới. Có khi tình thư lại kèm theo vài cái kẹo hay quả ô mai mà cô bạn Nam Kỳ gọi là xí muội. Tình bạn như thế cũng kéo dài cho đến hết niên học, mà có khi chẳng thấy mặt nhau lần nào.

Sau một niên học ngày ngày phải cuốc bộ từ nhà tới trường, một buổi tối mẹ bảo hai anh cô dẫn em đi mua chiếc xe đạp mới. Nhớ lại hôm đó lòng cô vui như mở hội nhưng sao hai anh lại có vẻ nôn nóng hơn cô? Ngoài hai anh em, lại còn có cả mấy anh bạn xung phong đi theo tháp tùng. Các anh đưa cô đến một cửa hàng bán xe đạp gần đầu đường Gia Long.

Tới nơi, cô thấy cửa hàng sầm uất, đèn néon sáng trưng. Một thiếu nữ xinh đẹp đứng ở cửa hàng tiếp khách, với mái tóc đen mượt óng ả chảy dài xuống tận thắt lưng. Cô nhỏ tò mò nhìn mái tóc cánh phượng nghiêng nghiêng một bên mái đầu mà cô đoán có lẽ nó phải được giữ bằng hàng chục cái kẹp tóc.

Cô gái yểu điệu, tươi cười với các anh và âu yếm hỏi cô: Em muốn chiếc xe nào? Cô không nhớ các anh cô có dám đề cập gì đến giá cả nhưng cuối cùng cô cũng đem về một chiếc xe đạp mới, khung màu xanh lá mạ, ghi-đông và chuông mạ kền sáng bóng. Mãi sau cô mới biết tên thiếu nữ con chủ tiệm là Phước Liên, rất nổi tiếng và học trên cô mấy lớp. Hèn chi sứ mạng dẫn em đi mua xe đạp được các anh cô và cả mấy người bạn hăng hái tham gia.

Cô là em út trong gia đình. Được các anh chị thương nhưng ai cũng có cái quyền dạy dỗ đe nẹt cô, nhiều khi cô cũng thấy khổ sở. Bù lại, hai anh cô lại có nhiều bạn, mẹ cô cũng hiếu khách coi bạn con như con cháu nên họ rất thoải mái, chiều chuộng cô như em. Các anh đều sắp lên đại học nên coi con bé gầy gò, mặt mũi tinh nghịch như em út của mình.

Gặp bữa, người nhà vừa đặt lên bàn ăn đĩa đậu rán chiên giòn thơm phức, các anh tiện tay nhón ăn ngon lành khiến chị giúp việc trợn mắt ngạc nhiên. Các anh cũng giúp cô trong việc học như anh Tín hàng xóm giải dùm những bài toán khó, anh Bích giảng cho cô những ý hay nét đẹp của những bài thơ cổ, các anh Hiệp, anh Bảo đạp xe đưa cô đi xem lớp xem trường trước ngày thi Trung Học Phổ Thông.

Có những buổi chiều hè, gió mát thổi qua giàn hoa ti-gôn trước mái hiên căn nhà nhỏ, các anh thổi sáo, hòa đàn. Anh cô có ngón đàn Hạ Uy Di lâm ly thánh thót, anh thường hát bài Tà Áo Văn Quân thật lãng mạn mà cô còn nhớ đến bây giờ: “Tư Mã người ơi, dừng đàn bên Văn Quân, nâng phím hào hoa kề làn môi giai nhân”. Có khi anh hứng chí hát bài Cô Hàng Nước: “Mẹ tôi nói rằng: Quyết chí hỏi vợ cho con a, quyết chí tìm nàng dâu ngoan a…” thật tức cười.

Còn có anh Dư rất đẹp trai khi anh kéo vĩ cầm bản Em Tôi, Chiều Tà, mái tóc anh xõa xuống một bên trán trông thật nghệ sĩ. Nghe đâu sau này anh lấy vợ là con một nhà văn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Cô Út bị sai bưng nước cam, xá xị, kem soda… túi bụi mà cũng không thấy phiền hà. Cô cũng nghe các anh thường suýt xoa nhắc đến những người đẹp của Saigon thời đó, nào là Bảo, Chất, Châu Phố, Châu Qui… Nhưng hình ảnh các anh cho là đẹp nhất là “Cô Thiều áo trắng đi VéloSolex”. Với cái nhìn của cô bé 13 tuổi, hình ảnh áo trắng và VéloSolex là biểu tượng cho nét đẹp trong sáng của thời đó.

Vài năm sau, các anh lớn lên, đi học xa hay ra trường đi làm nên nhà cô cũng bớt khách, và có lẽ cô cũng đã lớn hơn nên các bạn anh cô cũng sinh ra dè dặt. Chỉ còn ít người thỉnh thoảng tới nhà. Cô còn nhớ có một anh, hình như lúc đó mới vào đại học. Anh có cái Vespa Italy hay đến chở anh cô đi chơi. Mẹ cô hay nói “thằng ấy nó hiền”, nhưng cô không chắc anh ta có hiền thật không vì thỉnh thoảng cô bắt gặp anh chở mấy cô gái đàng sau xe Vespa, hôm thì tà áo xanh, hôm thì tà áo hồng tung bay trong gió. Cô cũng không kể lại với mẹ vì thấy chẳng liên hệ gì tới mình.

Ngày ngày cô và đám bạn nhỏ trong trường vẫn đạp xe nói cười nhăng nhít. Thấm thoắt đã đến kỳ thi Trung Học Phổ Thông. Không đủ tuổi, anh cô phải làm giùm đơn xin miễn tuổi. Môn toán đại số vốn là khắc tinh của cô thì may sao, anh Hai của cô được nghỉ phép về nhà cả tháng để sửa soạn sang Mỹ học. Anh la mắng dạy dỗ ra sao mà đến kỳ thi ấy cô đậu Bình thứ.

Để làm quà thưởng, mẹ cô mua cho một chiếc xe Solex kiểu mới. Mẹ nói, ra ý không phải nuông chiều cô út, nhưng vì “trường nó sắp dọn về gần Sở thú, đi xe đạp thì hết ngày giờ”. Chiếc xe trong mộng của cô không biết được mua lại của ai nhưng trông rất mới, nước sơn đen vẫn còn bóng loáng, máy nổ dễ dàng, xe chạy êm ru. Thế là bắt đầu từ nay cô đã ung dung lướt xe VéloSolex dưới những trận mưa lá me dọc con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Xe VéloSolex, cũng gọi là Solex, không giống như những chiếc xe gắn máy của Nhật tràn ngập Việt Nam sau này, cũng khác với những chiếc Mobylette nặng nề cục mịch, máy mạnh hơn, tiếng kêu rất to. Xe Solex của cô gần giống như khung xe đạp, có gắn một bộ máy hình trụ nhỏ đằng trước dưới ghi đông. Xe thường sơn mầu đen, trông  thanh nhã, tiếng máy kêu cũng nhẹ nhàng, êm dịu. Cô nghĩ xe Solex rất hợp với thiếu nữ Việt Nam, nhất là khi mặc áo dài. Các cô học trò thường thả tà áo trắng ra sau cho gió thổi bay bay như phượng múa trên đường phố.

Từ năm này cô đã thuộc vào lớp lớn, lên học đệ nhị cấp là trên cả bốn lớp đàn em. Đã có một số bạn lớp cô bỏ trường bỏ lớp theo chồng, mà nhìn lại cô vẫn là một con bé 15 tuổi không đáng để ý.

Ở nhà thì vẫn có “anh Vespa” vẫn đến chơi với anh cô. Hình như anh ta cũng chẳng để ý đến cô, và cô cũng bận với đám bạn học, cũng chẳng để ý đến anh.

Chỉ nhớ một lần, mới gội đầu, cô ra ngồi ở bàn học với hộp đựng gương lược và kẹp tóc. Anh đi qua, tò mò đứng nhìn cô nhỏ 15 tuổi nghiêng đầu chải tóc. Cái nhìn của anh có gì là lạ, làm cô mắc cỡ, vội ôm cả gương lược chạy vào phòng trong, vẫn thấy tiếng anh cười nói, không biết với ai “cái con nhỏ, có thế mà cũng…”

Thời đó nhiều cậu thanh niên Saigon có cái mốt mỗi ngày vào giờ tan học là đến “trồng cây si” ở các cổng trường con gái.  Còn các cô học trò thì sợ nhất là các anh lẽo đẽo theo sau rồi hỏi han này nọ, ai mà nhìn thấy về mách là chết đòn hay ít ra cũng bị mắng trơ mặt mũi. Nguyệt, cô bạn ăn diện rất thời trang kể lại với đám bạn là vừa bị mẹ mắng “Tại mày cứ ăn mặc vào chúng nó mới hay theo”. Bà muốn nói con gái cứ diện bộ trang điểm nên đám con trai mới để ý mà chòng ghẹo. Mấy cô ghé tai nhau thầm thì “không ăn mặc gì nó càng theo nữa” rồi cười khúc khích với nhau.

Hồi này cô cũng mắc cỡ vì có một cây si rất trung thành. Ra khỏi cổng trường, quay đi quay lại đã thấy anh ta đứng đâu đó lặng lẽ nhìn theo cô ríu rít với đám bạn. Có lần muốn đánh lạc hướng, cô chạy xe lên nhà bạn hay ghé các cửa tiệm, tưởng thoát nhưng lúc đi ra đã thấy anh ta với chiếc Mobylette màu xám đứng chờ đâu đó.

Cô sợ không bao giờ dám nhìn thẳng vào mặt anh ta nhưng hình như anh ta hay mặc quần áo màu xám, mái tóc hơi quăn cũng xám và có lẽ mặt mũi anh cũng xám như chiếc Mobylette của anh. Cô tức tối nghĩ thầm người đâu mà lì quá. Nhưng anh ta không bao giờ đến gần hay nói năng gì nên cô không biết làm sao, chỉ coi anh ta như “một nỗi ám ảnh không rời”.

Nhiều năm sau, khi đã có gia đình, vợ chồng cô tình cờ gặp lại anh Mobylette ở nhà một chị bạn cũ. Té ra anh cũng là một dược sĩ đồng nghiệp với chị bạn.  Anh già hơn ngày xưa một chút, mập hơn một chút. Anh không còn cái xe Mobylette màu xám và anh vẫn chưa lấy vợ.  Anh nói chuyện nhưng hình như đầu óc để đâu đâu. Anh nhìn cô, hai mắt hơi buồn “Có lẽ không bao giờ tôi lấy vợ”. 

Những năm sau, Saigon mất đi vẻ thanh bình, lúc nào cũng thấy sôi sục không khí chiến tranh với những cách mạng và chỉnh lý. Đã thành sinh viên của Đại học Saigon và xin được ít giờ dạy ở vài trường trung học tư, cô có phương tiện rủ các bạn chạy Solex lên Tân Định ăn mì bò viên Cây Nhãn, mua sách của Tự Lực Văn Đoàn… Cô cũng đã tham dự những Đêm Không Ngủ của sinh viên thảo luận về tình hình đất nước, khi thì cùng theo các anh chị lớn theo chiến dịch Xuống Đường để phản đối chế độ mà các người trẻ thời đó cho là lỗi thời, cần đổi mới.

Một buổi chiều, đang chạy xe trên đường Lê Văn Duyệt, cô chợt thấy một chiếc Vespa phóng nhanh đến cạnh. Quay sang, cô nhận ra “anh Vespa”, người bạn thân của anh cô trước đây hay đến nhà chở anh đi chơi, đi phòng trà, khiêu vũ. Những lúc sau này không thấy anh đến nhà thường như trước và không hiểu sao lòng cô lại hay nghĩ đến anh, người thanh niên gầy gầy cao cao, ít nói, nhưng có ánh mắt làm cô bối rối. Anh nói: “Ngày mai anh phải đi Nha Trang rồi!”. Cô không nhớ lúc đó anh còn nói những gì, nhưng trước khi bỏ đi, anh nói vội “Anh sẽ viết thư cho em”.

Cô biết anh vừa tốt nghiệp trường Hành Chánh thì được đưa ra quân trường Đồng Đế ở Nha Trang để huấn luyện quân sự trước khi được bổ nhiệm đi xa. Vài tuần sau, cô nhận được thư anh nhưng cô không trả lời. Sau gần một năm, cô nghe nói anh đã mãn khóa và trở lại Saigon. Cô cũng không thấy anh đến thăm. Chắc anh sợ cô thấy cái đầu tóc ngắn, da đen khét nắng, không còn nét thư sinh của anh?

Rồi anh được đổi ra làm việc ở đảo Phú Quốc, một đảo xa tít tắp phía Nam Việt Nam. Anh lại viết thư về. Trong thư anh không than thở về cảnh sống cô đơn nơi cuối bãi đầu ghềnh mà anh lại nói về sự quyến rũ của mùi nồng thơm biển cả, màu trắng xóa của những ngọn sóng bạc đầu và màu xanh của núi rừng. Anh gọi hòn đảo là “Lost Paradise” của anh. Anh cũng mong thư của cô và dần dần anh phác họa đời sống tương lai có cô dự phần trong đó. Rồi bỗng nhiên cô thấy mình chiều nào cũng mở radio nghe tin thời tiết, dù chỉ được nghe báo tin “Hôm nay Phú Quốc trời nhiều mây…” và để thấy lòng mình cũng xao xuyến như mây.

Ít lâu sau anh trở lại Saigon vẫn hình dáng cũ, nhưng trông đã đượm nét phong sương. Bây giờ cô nói chuyện với anh lâu hơn và rồi sau đó anh đến thăm cô luôn, ngay cả khi anh cô không có nhà. Mẹ cô thì vốn đã thích anh. Lúc này anh không còn xe Vespa, lần nào đi chơi với nhau cũng bằng taxi. Chiếc xe Solex của cô cũng được nghỉ hưu. Hai năm sau anh rời đảo, về Saigon làm việc trong một cơ quan chính phủ và cô cũng lên thuyền hoa theo anh, bỏ lại quãng đời thơ mộng mà cô gọi là quãng đời VéloSolex đã qua.

Saigon vẫn tiếp tục cảnh sống phồn vinh trong nỗi ưu tư của chiến tranh kề cận. Phố xá nhộn nhịp, phòng trà quán ăn đông đúc rộn rã tiếng nói cười, nhưng đêm đêm những đốm hỏa châu vẫn vụt lên chiếu sáng vùng ven đô, như báo trước những hiểm nguy sắp tới. Rồi đến một ngày hốt hoảng dồn hết tất cả những gì có thể mang theo được vào mấy cái va-li chạy ra bến tàu, mặc cho định mệnh đẩy đưa cả gia đình vào một tương lai vô định. Nước mắt nhạt nhòa, quay đầu nhìn lại thành phố cũ, biết rằng lần này ra đi là vĩnh biệt.

Không biết bao năm tháng đã đi qua nơi xứ người. Gặp lại những nam thanh nữ tú của Saigon năm nào, giật mình vì không thể nhận ra nhau. Mới hôm xưa còn trẻ trung nhanh nhẹn, nay nhìn lại đã thấy mái tóc muối nhiều hơn tiêu. Đúng như ngày xưa Lý Bạch đã ngậm ngùi: Buổi sáng tóc còn xanh như tơ, chiều đến đã trắng như tuyết.

Hình dáng thay đổi theo thời gian, mà định mệnh cũng vần xoay bao cuộc đời vào các ngả rẽ không ngờ. Tình cờ tìm ra một tấm hình kỷ niệm lớp Đệ Nhị ngày xưa, thấy cô bạn Vũ Hoàng Oanh thuở nào với gương mặt vui tươi như hứa hẹn một tương lai sáng lạn, thì sau 1975 ở lại Saigon đã phải vừa làm cô giáo vừa tảo tần buôn bán thêm để nuôi con khi chồng là nhà văn quân đội Dương Hùng Cường bị bắt vào trại học tập cải tạo rồi qua đời.

Sau đó Oanh cũng bị tai nạn trong khi long đong chạy hàng bán, và mất theo chồng để lại mấy đứa con còn thơ dại. Cùng đứng trong tấm ảnh ngày xưa có Thu Nhạn dung dị đoan trang mà những năm gần đây thường được thông tin trong nước nhắc đến là người vợ tận tụy sống một đời khép kín theo chồng là cố Thiếu tướng Việt Cộng Phạm Xuân Ẩn, một gián điệp nhị trùng nổi tiếng.

Gần đó trong hình là Bích Vân, người vợ xinh xắn hiền hậu của Đề đốc Hải quân VNCH Hoàng Cơ Minh, người đã thành lập tổ chức Kháng Chiến, trở lại Việt Nam lập chiến khu và nghe đâu đã hy sinh trong khu rừng Hạ Lào. Hai thiếu nữ ngây thơ trong sáng thuở nào vì nghịch cảnh lịch sử đã sống hai cuộc đời khác biệt, nay đứng trên hai chiến tuyến, biết có khi nào gặp lại nhau?

 Nguyễn Đặng Bắc-Ninh 

From: T. Nguyen

Nỗi Đau Của Tuổi Già – Huy Phương

Huy Phương

Ở đây, chúng ta không bàn chuyện đau nhức, cao máu, tiểu đường… nữa, vì đã có quá nhiều vị bác sĩ quan tâm tới tuổi già trên đất Mỹ này rồi.
Những loại đau trên đã có thuốc và có chính phủ Mỹ trả tiền, nhưng có những thứ đau khác không có thuốc chữa và cũng không ai kê vai gánh vác giùm.

Báo OC Register thứ sáu tuần trước có đăng tin một ông già bị người ta đem bỏ trước cổng một ngôi chùa ở thành phố Westminster.
Ông lặng lẽ ngồi trước hiên chùa suốt ngày.
Cảnh sát đến mang ông vào bệnh viện tâm thần.
Ông không có trong người bất cứ một thứ giấy tờ nào để biết được ông là ai, ở đâu.
Ông không nói một lời nào, chỉ biết lặng lẽ, đôi khi cười một mình như một người mất trí.
Ông là một người châu Á, Việt Nam cũng chưa chừng, như vậy ông không phải sinh ra ở đây, hay từ trên trời rơi xuống như cô bé Maika trong một tập phim Tiệp Khắc.
Vậy là có người chở ông tới và bỏ ông lại đây, không ai ngoài con cái hay thân thích của ông.

Lâu nay thỉnh thoảng người ta thấy có những thiếu phụ sinh con rồi đem con bỏ vào thùng rác, nhưng chưa thấy ai đem cha mẹ vứt bỏ ngoài đường.
Ông già chỉ cười vu vơ, trí nhớ của ông đã suy kiệt, nếu không ông sẽ đau khổ biết chừng nào?
Trước đây người ta kể chuyện có người chở bà mẹ già bỏ ở cây xăng, tôi không tin, tưởng là chuyện đùa, nhưng bây giờ thực sự lại có người “ đem cha bỏ chùa ”.

Cũng lại câu chuyện của một người già…
Tháng trước, trong một dịp đưa người thân đi Việt Nam, tại quầy vé China Airline ở phi trường Los Angeles tôi đã chứng kiến một cảnh khá đau lòng.
Trong khi mọi người đang xếp hàng trình vé, cân hàng thì một bà cụ người Việt cứ loay hoay lúng túng trước quầy vé với các thứ giấy tờ vương vãi, bề bộn trên sàn nhà.
Bà ngồi bệt xuống đất hết móc túi này đến túi nọ, vẻ mặt lo lắng.

Một nhân viên an ninh phi trường thấy tôi cũng là người Á Đông, ngỏ ý muốn tôi lên giúp bà cụ.
Nhân viên quầy vé cho biết bà có vé máy bay, một visa nhập cảnh Việt Nam nhưng không có passport hay thẻ xanh.
Tôi giúp bà moi từ đống giấy tờ ra chỉ thấy một cái hộ chiếu của Việt Nam cấp cách đây mười mấy năm khi bà đến Mỹ đã hết hạn và một cái ID của bà do tiểu bang Florida cấp.

Bà mới từ Florida đến phi trường LOS mấy giờ trước đây một mình và trình giấy tờ để lên máy bay đi Việt Nam.
Cuối cùng, bà cũng lên được máy bay, nhưng bà sẽ không bao giờ có thể trở lại Florida nữa vì trong tay bà không có passport của Hoa Kỳ, không thẻ xanh, không “entry permit”.
Đây là trường hợp một bà mẹ già, quê mùa bị con cái “mời khéo” về Việt Nam.

Tội nghiệp cho bà đã ngồi trên máy bay năm sáu tiếng đồng hồ để đến phi trường LAX, sắp tiếp tục chặng đường về Việt Nam nhưng không biết là mình không thể trở lại Mỹ và lòng bất nhân của con cái.
Hình ảnh bà già này cứ ám ảnh tôi mãi.
Bà vụng về, quê mùa, có lẽ cũng chẳng giúp ích được gì cho con cái mà chỉ thêm gánh nặng.

Thôi để cho bà đi, khi biết mình không trở lại Mỹ được thì chuyện đã rồi.
Tuổi bà có nằm lại trên quê hương cũng phải, sống chẳng giúp ích gì được cho ai, chết ở đây bao nhiêu thứ tốn kém.

Hai vợ chồng sang Mỹ từ hai mươi năm nay, đi làm nuôi con, mua được căn nhà đã pay off.
Khi các con đã có gia đình ra riêng thì ít năm sau ông cụ cũng qua đời.
Thấy mẹ hiu quạnh trong một căn nhà khá 1ớn, mà giá nhà đang lên, các con bàn với mẹ bán nhà đi rồi về ở với các con.
Bà mẹ bán nhà, thương con chia đều cho mỗi đứa một ít, còn dăm nghìn dắt lưng, rồi về ở với con.
Bà không biết lái xe, không biết chữ nghĩa, cũng không biết trông cháu làm homework, nên cha mẹ chúng phải nhờ người đưa đón.

Bà thích nấu ăn, gói bánh, kho cá, nhưng sợ nhà hôi hám, con cái không cho. Lúc đầu thì chẳng sao, lâu dần mẹ thành gánh nặng.
Buổi chiều, đứa con gái xô cửa trở về nhà, thấy mẹ đang gồi xem TV, nó hất hàm hỏi:
-“Có hiểu gì không mà thấy má ngồi coi suốt ngày vậy?”
Có lúc chuông điện thoại reo, đứa con nhấc máy, bên kia không biết ai hỏi gì, trước mặt bà già, nó trả lời nhát gừng:
-“Bả ấy đi khỏi rồi!”

Một bà mẹ khác, ở chung nhà với một đứa con nhưng nhờ một đứa con khác đưa đi bác sĩ.
Xong việc, nó đưa mẹ về rồi lẹ lẹ dọt xe đi làm.
Bà già vào tới cửa, móc túi mãi không tìm ra cái chìa khóa nhà. Bà không có chìa khóa, không cell phone, cũng không biết tiếng Anh, bà sợ sệt không dám gõ cửa hàng xóm.
Bà ngồi đó, trên bục cửa cho tới chiều, khi đứa con ở chung nhà đi làm về, thì bà đã kiệt sức vì khô nước, phân và nước tiểu đầy mình.

Đời xưa, người ta kể chuyện trong một gia đình, có hai vợ chồng đối xử với ông cha già đã run rẩy của mình tệ bạc, cho cha ăn trong cái “mủng dừa”.
Một hôm hai vợ chồng đi làm về thấy đứa con nhỏ của mình đang hì hục đẽo một cái gáo như thế, được cha mẹ hỏi, nó “thành thật khai báo” rằng “để dành cho cha mẹ lúc về già”.
Đâu phải ai nuôi con cũng nghĩ tới lòng cha mẹ, cũng như nhớ chuyện “trồng đậu có đậu, trồng dưa có dưa”.

Huy Phương

CẢM ƠN “CHIẾN HỮU” CỦA BA! – Tác giả: Nguyễn Xuân Hoàng

Tác giả: Nguyễn Xuân Hoàng 

Sau năm 1975, cả gia đình tôi từ Pleiku trở về quê mẹ Quảng Ngãi . Đó là những năm tháng cực kỳ khó khăn. Ruộng đã vào hợp tác . Đi làm công điểm thì nhiều nhưng cuối vụ lúa được chia rất ít. Mẹ chưa quen ruộng đồng, làm theo với người ta sức yếu nên thường đau ốm luôn. Bà từ nhỏ đi học rồi làm công chức nên cũng không biết ruộng mạ là gì. Nhà có cả thảy tám miệng ăn. Bữa đói, bữa no. Những đêm mùa đông lạnh rét dài, cái đói giày vò không ngủ được.  Để chống đói chị tôi “sáng kiến” món ” nem rau muống” : một cái bánh tráng sống nhúng nước rồi cắt làm bốn, gói được bốn cái “nem rau muống”, chấm với mắm cái.  Nhìn chị em tôi xúm xít quanh rổ rau muống, ba tôi im lặng, mắt nhìn nơi khác…Một hôm ba nói với mẹ: ” Chắc là anh phải kiếm một nghề gì đó làm thêm”. Nói là làm, dồn chút vốn liếng còn lại, vay mượn thêm một ít, ba tôi sắm chiếc xe đạp thồ.

Ngày đầu lạ nước lạ cái chưa quen khách hàng, bến bãi, ba đạp xe đi lơ ngơ suốt ngày vẫn không có khách.  Không nản lòng, hôm sau, rồi hôm sau nữa, từ sáng sớm ba đã dắt xe ra đường đến tối mịt mới về nhà. Từ ấy, ba làm nghề xe đạp thồ. Thỉnh thoảng chị em tôi đi học vẫn thường thấy ba gò lưng đạp xe trên đường, tấm áo ba mặc loang đầy mồ hôi bạc thếch. Có khi ba tôi chở khách, có khi chở mắm, chở heo hoặc chở cá từ biển Đức Lợi lên chợ Trạm, Sông Vệ. Những năm tháng ấy tuyến đường từ Đức Lợi lên chợ Trạm, Sông Vệ rất xấu. Mùa đông mưa dầm đường đầy bùn lầy, ổ gà, ổ voi. Ba và chiếc xe thồ lấm lem như trâu cui.  Mà đâu chỉ có lên chợ Trạm, Sông Vệ, ba còn chở khách đi chợ Chùa, lên tận những vùng heo hút Ba Tơ, Trà Bồng, Minh Long… Suốt 20 năm dường như ba chưa nghỉ một ngày nào.

Chị đầu tôi vào Đại học Qui Nhơn, ba tôi tất tả trên đường.  Chị kế tôi vào Đại học Sư phạm ngoại ngữ Đà Nẵng, ba tôi càng vất vả hơn. Rồi tôi và em tôi vào Đại học Tổng hợp Huế, ba tôi đã qua thời trai trẻ, người có yếu đi nhưng vẫn ngày ngày miệt mài đạp xe.  Tiền ăn học không gởi được đủ tháng cho mấy chị em, ba gởi gối đầu từng nửa tháng một. Tôi ra bưu điện Huế nhận tiền mà nhớ xé ruột gương mặt gầy gò cháy nắng của ba. Do đạp xe nặng nhọc, hai bàn chân cha bị sừng hóa, các đầu ngón biến thành hình tam giác. Ba thường lặng lẽ lấy nước muối để ngâm đôi bàn chân nứt nẻ ấy.

Mỗi bận hè về thăm nhà, ra lại trường, ba lại cặm cụi chở chị em tôi ra bến xe. Xe chạy xa rồi vẫn còn thấy dáng ba đứng nhàu úa thầm lặng bên chiếc xe đạp thồ. Không hiểu ba tôi lấy đâu ra sức lực để đạp xe ròng rã suốt 20 năm trời như vậy. Có những ngày đau ốm, cảm hàn chỉ ăn được cháo mà ba vẫn đạp xe, bởi tháng nào tiền ăn học của chị em tôi cũng tới liền liền.  Khi em út tôi vào Đại học Thủy sản Nha Trang, năm ấy ba tôi đã gần 60, sức yếu đi nhiều.  Ba nói em tôi ra trường sẽ treo xe giải nghệ. Ngày ba còn trẻ khỏe mạnh, mối đi xe của ba rất nhiều.  Đoạn sau này ba già yếu, người đi ít hơn. Ba cũng không chở nặng được nữa, nhưng cũng không nghỉ một ngày nào, chắt chiu gửi tiền nuôi em tôi ăn học.

Rồi em tôi ra trường, có việc làm, ba quyết định giải nghệ. Buổi sáng sớm ông dắt xe thồ ra ngoài sông Vệ, chăm chút rửa thật sạch. Có người muốn mua lại chiếc xe, ông chỉ lắc đầu cười. Ba thương chiếc xe – vât vô tri ấy bằng một tình cảm đặc biệt.  Ba thường gọi vui nó là ” chiến hữu” của ba. Treo chiếc xe lên xà nhà, ba buồn mấy tháng trời.

Năm rồi tôi về thăm nhà, ba khoe “Gia đình mình vừa được công nhận là gia đình hiếu học tiêu biểu”. Tôi cầm tấm bằng lớn bằng bìa cuốn vở học sinh ba đưa mà thấy lòng nặng trĩu. Nhìn lên xà nhà, “Chiến hữu” của ba vẫn còn đó với những chiếc căm đã gỉ rét, ghiđông sạm đen, mạng nhện giăng đầy khung xe. Ba cười bảo ” Chiếc xe bây giờ nó cũng già nua lụm cụm như ba”. 20 năm trời, ba tôi đã dùng nó để “thồ” năm chị em tôi đến giảng đường đại học.  Ừ, nếu có gia huy của gia đình, có lẽ gia huy của gia đình tôi sẽ là hình ảnh cách điệu một chiếc xe đạp thồ – ” Chiến hữu” thân thiết của ba.

Nói vui vậy mà lòng rưng rưng.  20 năm, 50 cây số trung bình một ngày, vị chi là bốn vạn cây số mà ba đã đi. Viết những dòng này, cho con thay mặt năm chị em cảm ơn ba 20 mươi năm trời nhọc nhằn vì chị em con. Và xin cảm ơn “CHIẾN HỮU” của ba.
N.X.H

CẬU TÔI – NGÔ TRƯỜNG AN-Truyện ngắn

NGÔ TRƯỜNG AN

Nhân chuyện lùm xùm sùng bái lãnh tụ của ông võ sư mấy ngày qua. Nay, mình kể chuyện ông cậu của mình, cũng một thời tôn thờ lãnh tụ khủng khiếp cho đến… năm 2005. (Lúc đó Internet cũng chưa phổ biến). Chuyện là vầy.

Cậu quê Quảng Ngãi, có vợ và ba đứa con. Năm 1954 cậu tập kết ra Bắc, mãi đến năm 1978 cậu mới về lại quê.

Mặc dù thống nhất đất nước năm 1975, nhưng cậu không hồi hương được là vì khi ra Bắc, cậu cưới vợ và có hai đứa con nữa. Điều này, bà vợ ở Quảng Ngãi không chấp nhận ông về sống chung. Vì vậy, sau đó ông ly dị với bà ngoài trở về sống với bà trong. Cậu nói: cuộc sống trong này sung túc hơn, đó là lý do cậu quay lại.

Cậu rất thần tượng bác Hồ. Đi đâu, ngồi đâu cậu cũng nói về bác. Những mẩu chuyện, những giai thoại không biết cậu cóp nhặt từ đâu mà mỗi lần nói về bác Hồ là cậu say sưa, huyên thuyên bất tận.

Tết năm 2005 mình về quê ngoại chúc tết. Lúc mình xuống nhà thăm cậu thì thấy cậu ngồi nói chuyện với những người hàng xóm sang chơi đầu năm. Vẫn điệp khúc về bác Hồ, cậu say sưa ca tụng.

(XEM TIẾP TRONG ATTACHMENTS KÈM THEO)

Khi khách về hết, mình hỏi cậu:

– Cậu nè, nếu bây giờ có một phép màu nào đó làm bác Hồ sống lại lãnh đạo ở miền bắc. Cũng với chính sách đưa dân vào hợp tác xã làm công ăn điểm. Cũng xếp hàng mua dầu hỏa, nước mắm, cá khô. Cũng phải xin giấy đi đường khi đến nơi khác. Cũng phải vác cuốc ra đồng khi nghe trống đánh, và cũng phải vác cuốc ra về khi nghe tiếng trống báo hiệu hết giờ làm việc. Rồi nuôi được con gà, con heo cũng phải bán cho hợp tác xã chớ không được bán cho ai khác… Đó là cuộc sống ở miền bắc sau năm 1954, do bác Hồ lãnh đạo. Vậy cậu có muốn sống lại thời đó dưới sự lãnh đạo của bác Hồ không? Cậu nói thật lòng đi! Đầu năm, đầu tháng đừng có nói dối nha cậu!

Không suy nghĩ, cậu trả lời ngay:

– Khùng điên gì muốn sống lại thời cực khổ đó mậy!

– Ủa, vậy sao cậu ca ngợi bác Hồ tài giỏi, nhân đức mà lãnh đạo để dân cực khổ vậy?

Cậu gay gắt:

– Thời đó đang chiến tranh nên phải chấp nhận cực khổ. Mầy không thể nói thế được!

– Dạ, thì con vẫn đang nói về thời ấy đấy. Nếu bây giờ cho cậu sống trong thời ông Diệm lãnh đạo ở miền nam. Thời đó người dân được quyền sở hữu đất đai. Được quyền đi lại và định cư bất cứ nơi đâu mà không cần phải xin giấy đi đường, giấy chuyển hộ khẩu, nhập hộ khẩu gì cả. Được quyền tiếp cận mọi thông tin… con nói ví dụ, ở miền bắc cậu mua được cái radio, cậu phải đăng ký với nhà nước và nhà nước chỉ cho phép cậu nghe mỗi đài của nhà nước phát thanh thôi. Còn trong nam, cậu có thể nghe bất cứ đài phát thanh nào nếu cậu muốn. Trong giai đoạn đó có rất nhiều đài quốc tế phát thanh Việt ngữ, như: BBC, ASIA, Phi Luật Tân, Trung Hoa Tự Do, Bắc Kinh… Ngoài ra, cậu có thể viết báo, viết truyện, hoặc làm thơ…mà không cần thông qua kiểm duyệt. Vậy cậu có muốn sống trong thời như thế không? Cậu nói thiệt đi!

Cậu trả lời cũng không suy nghĩ:

– Được sở hữu tài sản, được tự do đi đây đi đó mà sao không muốn? Nhưng vấn đề là mầy nói có đúng không!

Tôi xuống giọng chứng minh:

– Cậu à, khi cậu ra đi thì mợ và ba đứa em vẫn ở chung với bà ngoại. Sau đó thì mợ mới mua đất cất nhà và nuôi ba đứa con ăn học, trong đó có hai đứa đậu tú tài toàn phần. Ngôi nhà năm gian hoành tráng hôm nay được xây từ thời ông Diệm. Nếu chính sách ông Diệm, ông Thiệu cũng y chang chính sách bác Hồ, thì làm sao mợ xây được nhà và mua sắm tiện nghi như thế này phải hông cậu? Cũng bằng ấy thời gian, nhưng ngoài bắc cậu làm lụng vất vả vẫn chưa xây được nhà đúng không? Con nghe thằng Tư năm 1976 ra thăm cậu về nói, nhà ba ở như một cái chòi chăn vịt, xe đạp cũng chưa có mà đi.

Cậu vẫn chống chế:

– Nhưng bác Hồ là người lãnh đạo nhân dân đánh thắng đế quốc để giành độc lập, còn thằng Diệm chỉ là thằng rước voi về giày mả tổ!

– Cậu ơi, người lãnh đạo hơn người bình thường là ở cái tầm nhìn cậu ạ. Biết bao nhiêu nước bị đô hộ nhưng họ chẳng cần đánh nhau, rồi cuối cùng họ cũng giành được độc lập. Cậu thấy đó. Trên thế giới hiện nay chẳng còn nước nào bị đô hộ cả. Chiến thắng chẳng nói lên được điều gì khi mà sau chiến thắng ấy nhân dân lại lầm than trong cảnh đói nghèo, lạc hậu, mất tự do. Nhật Bản họ chấp nhận thua Mỹ, để rồi ngày nay họ thành cường quốc. Nếu ngày ấy, họ quyết đánh Mỹ đến người Nhật cuối cùng thì chẳng biết điều gì sẽ đến với đất nước họ hôm nay.

Cậu à, chắc cậu cũng nghe nói lại hoặc đọc báo hoặc xem phim tài liệu chứ ngoài đời làm gì gặp được bác Hồ, đúng không? Trong này bọn con cũng nghe nói ông Diệm, ông Thiệu chứ chưa ai gặp mặt bao giờ. Nhưng để biết một lãnh đạo tốt hay tồi, mình chỉ cần nhìn vào cuộc sống chung quanh mình thì hiểu. Cậu không nhất thiết phải trèo lên đầu nguồn để xem dòng nước trên ấy trong hay đục. Mà, cậu hãy nhìn dưới hạ lưu, nếu nước dưới hạ lưu đục thì nước trên đầu nguồn đục và ngược lại phải hông cậu?

Điều cuối cùng con muốn nói với cậu là, dù muốn hay không thì ông Hồ cũng là người của lịch sử và ổng đã qua đời. Vậy hãy để ông yên nghỉ chứ không nên nói nhiều về ông, một khi mình chưa hiểu tường tận.

Mình chào cậu ra về. Cậu thờ ơ gật đầu vẻ không vui. Đến tháng Chín âm lịch năm ấy mình vô dự giỗ ngoại và ghé nhà cậu, thì không thấy ảnh chân dung của bác – trước kia được treo trang trọng ở căn giữa, giờ không còn nữa.

Cậu mất năm 2014 thọ 85 tuổi.

Nhớ cậu!

NGÔ TRƯỜNG AN

18.04.2023

From: TRUONG LE

THẰNG ĐI MẤT BIỆT! ~ tác giả: Tiểu Tử ~Truyện ngắn

Thuy Tinh

~ tác giả: Tiểu Tử ~

Sáng nào, nếu trời không mưa, bà Hai cũng vắt cái khăn rằn lên vai, chụp cái nón lá đã tưa vành lên đầu, xách giỏ trầu đi ra phía vàm rạch trèo lên mô đất cao, ngồi chồm hổm vừa nhai trầu vừa nhìn qua bên kia sông, nhìn miết.

Mô đất nầy, cách đây hơn ba mươi năm -hồi thời kháng chiến chống Tây- chính tay bà và đồng bào trong xóm đã đắp lên làm ụ súng cho du kích bắn tàu Tây chạy ngoài sông Cái. Hồi đó, mô đất cao lắm. Bây giờ nó đã mòn lần nhưng vẫn còn đủ cao để bà Hai, dầu ở vị trí ngồi, vẫn nhìn thấu tuốt qua bên kia sông.

Bên kia sông là quận Gò Keo, ở đó có sở cao su của Năm Lượm, em út của bà. Bà còn nhớ rõ như in:

– Hồi nẳm, thằng Lượm làm cặp-rằng trong sở cao su của thằng tây Mi-Sên. Kế đến tây rút đi – đâu hồi một ngàn chín trăm năm mấy gì đó – thằng Mi-Sên kêu bán rẻ lại cho thằng Lượm. Thằng hên! Nó bán đi phần ruộng ông già để lại cho nó rồi chạy thêm mớ nợ, mua trọn gói sở cao su! Vậy rồi nó giàu ngang, mới tức cười!

Thường thì kể đến đây bà Hai hay ngừng lại để xỉa cục thuốc qua lại mấy lần rồi mới nói tiếp:

– Bây coi! Hồi thời ông gì đó, chỉ có Út Lượm là sắm được chiếc ca-nô tổ chảng, chạy lên chạy xuống tỉnh hà rầm. Lâu lâu còn cho mấy ông lớn mượn đi bắn le le nữa! Hồi ông nhà tao còn sống, nó hay lái ca-nô qua đây nhậu với ổng. Mẹ! Mỗi lần ca-nô nó vô tới đầu vàm rạch là nó hú còi nghe điếc con ráy, còn làm nổi sóng cho nước phóng lên bờ, bà con trong xóm ai cũng hay la ‘có ông Út qua’!

Bà thường ngừng ở đây để cười khịt khịt mà nghe sung sướng ở trong lòng, bởi vì trong ba thằng em trai, bà Hai thương thằng em út nầy nhứt. Bà hay nói:

– Thằng Lượm tuy ít học hơn hai anh của nó nhưng bụng dạ nó tốt lắm. Ăn ở có nhơn nên dân thợ trong sở cao su ai cũng thương. Hồi giàu lên rồi, nó cũng không quên ai hết. Như anh Ba của nó đi tập kết đâu tuốt ngoài bắc viết thơ về gởi gắm hết người nầy tới người kia cho nó, vậy mà nó cũng lén nuôi đàng hoàng. Còn thằng anh Tư của nó theo bên vợ làm thầy giáo ở Cần Thơ muốn mở trường tư thục gì gì đó, nó cũng mang tiền xuống giúp. Thằng tốt!

Trong làng Bình Quới nầy ai cũng biết vụ bà Hai ngày ngày ra ngồi trên mô đất nhìn miết qua bên kia sông. Chuyện xảy ra sau ‘giải phóng’, từ ngày người con trai út của bà – tên Trực – ở Sài Gòn về thăm bà và để cho hay là vợ con của Trực đã theo tàu hải quân di tản rồi, còn Trực thì phải lo khai báo với chánh quyền mới để có giấy tờ hợp lệ bởi vì Trực là sĩ quan của chế đõ cũ. Trực nói:

– Chừng có giấy tờ, con về đây ở với má. Chắc chừng vài ba bữa nửa tháng, hà!

Nghe vậy, bà Hai rất vui, têm trầu ăn liền liền! Bà nói:

– Tao chỉ có hai thằng con, mà Trời thương, thằng nào cũng được hết. Thằng Cang -thằng lớn- đi lính quốc gia. Nghe nói nó đánh giặc gan lỳ. Vậy mà không bao giờ nó nói động tới thằng cậu Ba nó ở ngoài kia. Còn thằng Trực -thằng út- thì thông minh học giỏi, vậy mà sau khi anh hai nó chết trận ở Công-tum Công-tiết gì đó, nó đang học đại học cũng bỏ học đi lính nói để trả thù cho thằng anh!

Bà hay ngừng một chút rồi mới nói tiếp, như để kết một câu chuyện:

– Bây giờ thì hết giặc rồi. Vài bữa thằng Trực về đây, tao sẽ chỉ nó lo chăm sóc cây trái vườn tược thế cho con Tư, để con nhỏ còn đi lấy chồng chớ!

Nói như vậy bởi vì mấy năm gần đây, từ ngày ông Hai nằm xuống, bà Hai hay ngã bịnh bất thường nên người em bà con ở bên quận gởi đứa con gái là cô Tư -ba mươi tuổi, chưa chông- qua ở với bà để lo cơm nước vườn tược v.v… Cô Tư kêu bà bằng Dì.

Sau khi Trực trở về Sài Gòn, một hôm đò ngang từ bên quận Gò Keo qua làng Bình Quới ngừng lại trước nhà bà Hai thả xuống một ông già lưng mang ba-lô, ốm nhom đen thui, đầu bạc trắng. Người lái đò chỉ tay nói lớn:

– Ông đi thẳng vô trong, cái nhà gạch nền đúc đó, đó!

Nghe lao xao, cô Tư nói:

– Dì Hai! Dì Hai! Có ai kìa!

Bà Hai nheo mắt nhìn, má bên trái của ông già có một nút ruồi với một sợi râu lăng quăng. Bà rớt nước mắt:

– Mầy còn sống hả Ba?

Vậy là hai chị em gặp lại nhau, vẫn nhìn ra được nhau sau hơn hai mươi năm xa cách! Út Lượm hay tin cũng xách ca-nô chạy qua thăm anh Ba, tủi tủi mừng mừng. Cô Tư dầu chưa biết ‘Cậu Ba‘ là ai nhưng trước cảnh gặp nhau đó, cô cũng nghe xúc động nước mắt chảy quanh….

Sau đó, để hàn huyên cho đã, nên ông Ba dự trù ở lại chơi thêm năm bảy hôm.

Bữa nọ lối mười giờ sáng, có tiếng ca-nô chạy xộc vô rạch. Thằng Kiên, con Út Lượm, u vào nhà, vừa thở vừa nói:

– Con qua rước bác Ba về can thiệp gắp vụ nầy, họ đang kiểm kê để tịch thâu sở cao su ở bển đó!

Ông Ba cười:

– Bây làm gì như Mỹ bỏ bom vậy?

Rồi quay qua bà Hai:

– Chị để em qua bển một chút. Em nói mấy tiếng rồi về, hà! Biểu con Tư nó nấu cho em miếng cháo gà ăn chơi!

Rồi ông xuống ca-nô qua quận. Bà Hai ở nhà đợi em. Càng lúc càng trưa, rồi đứng bóng, rồi xế bóng. Chừng đó mới thấy một chiếc xuồng nhỏ, với tiếng giầm khua nước lách chách, đâm đầu vào chân cầu thủy tạ trước nhà, ông Ba lò dò bước lên. Bà Hai và cô Tư chạy ra bươn bả:

– Ủa! Sao vậy cậu Ba? Còn ca-nô đâu?

Ông Ba lắc đầu:

– Tụi nó kiểm kê luôn rồi!

Bà Hai thở hắt ra:

– Còn thằng Út!

Ông Ba cười như mếu:

– Nhờ nó có công nuôi cách mạng nên mấy đồng chí đó giữ nó lại làm trong tổ kế hoạch, làm tổ viên thôi nhưng cũng có lương.

Bà Hai phun cốt trầu nghe cái phẹt:

– Hứ! Đồng chí với đồng rận! Lương với lậu!

Bà ngừng ở đó, nhai miếng trầu trong miệng như nhai cái tức ở trong lòng. Một lúc, bà mới nói:

– Tao tưởng mầy đi theo tụi nó mấy chục năm để làm được cái giống gì, té ra mầy cũng trớt quơ cũng bạch tuộc như mấy thằng cô hồn trôi sông lạc chợ chớ có hơn gì đâu? Hỏi chớ mầy đi theo tụi nó chi lâu vậy?

Ông Ba đốt điếu thuốc rồi ngồi bập liên miên, làm như khói thuốc có thể che cho ông đỡ ê mặt! Bà Hai xỉa cục thuốc qua lại, ấn mạnh vô răng như muốn kỳ cọ cho cái ‘lớp tức’ nó bong ra! Một lúc sau, bà nói với cô Tư, giọng thật trầm tĩnh:

– Tư! Mầy đẩy xuồng trong xẽo ra đưa cậu Ba qua sông, đi!

Cô Tư nhìn bà, ngạc nhiên. Nhưng người ngạc nhiên nhứt là ông Ba. Ông nuốt nước miếng rồi mới nói được:

– Bộ chị đuổi em hả chị Hai?

Bà Hai tằng hắng:

– Tôi đâu có đuổi! Ai mà dám đuổi cách mạng! Tôi… mời cậu ra khỏi nhà, chớ ở lại đây, thiên hạ cười tôi thúi mặt sao cậu?

Ngần ngừ một chút như định nói gì, nhưng rồi ông Ba lẳng lặng xách ba-lô cuối đầu đi thẳng ra bờ rạch, bước xuống xuồng mà nghe như trời đất ngã nghiêng chao đảo….

Thằng em đi rồi, bà Hai như người mất hồn. Tối ngày làm thinh, ngồi bó gối trên bộ ván nhỏ kê ngoài hàng hiên, vừa ăn trầu liên miên vừa nhìn đăm đăm ra phía rạch như đợi như chờ cái gì. Thấy kỳ, cô Tư hỏi:

– Bộ đợi ai sao dì Hai?

Một lúc, bà mới trả lời:

– Tao đợi thằng Trực! Nó nói nó đi năm ba bữa gì đó là về. Vậy mà đã hơn con trăng rồi sao hổng thấy bóng dáng gì hết.

Rồi bà lầm bầm:

– Thằng! Đi mất biệt!

Cô Tư nói:

– Con nghe nói…

Rồi ngừng ngang. Cô định nói là cô có nghe nói sĩ quan chế độ cũ đều bị đi cải tạo, chắc giống như đi ở tù… nhưng cô sợ dì Hai hết hồn nên cô bỏ lửng câu nói. Trong nhà, ngoài cô Tư ra, ông Út Lượm –lúc nầy lâu lâu chèo xuồng qua thăm chị Hai– cũng biết vụ ‘cải tạo’ nhưng ông không dám nói cho bà chị biết. Vì vậy, bà Hai cứ ngày ngày ngồi đợi thằng con. Và trách: «Thằng đi mất biệt!»

Mới đầu, bà còn ngồi chờ trên bộ ván hàng hiên. Thời gian sau, khi trời nắng ráo, bà hay đi tuốt ra ngoài vàm rạch lên ngồi trên mô đất để có thể nhìn thẳng qua bên kia sông. Như vậy, ‘khi nào thằng nhỏ nó về, mình thấy nó từ đằng xa, nó có đi đò, trong đám đông mình cũng nhìn ra được nó liền hà!’.

Vậy rồi ngày ngày bà ra ngồi trên mô đất, như một pho tượng. Thiên hạ trong làng đi ghe đi xuồng ngang qua, có hỏi thì bà trả lời, lúc nào cũng chỉ có một câu:

– Ợ… Tao đợi thằng đi mất biệt!

Không ai ngừng lại để hỏi tiếp coi ‘Thằng đi mất biệt’ là ai?. Riết rồi thành quen nên lâu lâu nghe có người chèo ngang qua hỏi cho lấy có: “Đợi thằng đi mất biệt hả bà Hai?”. Rồi đi tuốt….

Cái mô đất bà ngồi, bây giờ láng cón. Cỏ dại chỉ mọc cao ở dưới chân, bao quanh giống như một hàng rào. Người mẹ đợi con đó ngã bịnh rồi chết, hai năm sau. Bà nhắm mắt mà trong lòng chắc vẫn trách thằng con sao đi mất biệt. Lúc hấp hối, bà Hai còn rán thều thào:

– Bây chôn tao ở đầu vàm cho tao thấy thằng Trực trở về….

* * *

‘Thằng đi mất biệt’ được thả về sáu năm sau, nhờ học tập tốt. Đi đón Trực ở bến xe đò quận Gò Keo là ông Ba và ông Út. Ông Út, vì rầu sự nghiệp nên già khú, vẫn là công nhân nhà máy cao su. Ông Ba về thọ tang bà Hai rồi ở lại luôn Bình Quới để giữ ‘đất đai ông bà’ kẻo ‘mấy thằng ác ôn nó quen thói côn đồ đớp hết của người ta’, ổng nói như vậy! Bây giờ, ông Ba hay cười gằn, cầm cây rựa quơ quơ:

– Tụi nó có muốn vô nhà nầy phải bước qua xác của tao, nè!

Hai ông đưa Trực ra đầu vàm thăm mả bà Hai nằm cách mô đất không xa. Sau khi thắp nhang vái lạy, ông Ba kể cho Trực nghe chuyện bà Hai ngày ngày ra ngồi trên mô đất để trông ‘thằng đi mất biệt’.

Trực ngồi thụp xuống, úp mặt vào hai tay khóc ngất. Ông Ba chấp tay nói như nói trước mặt người chị:

– Chị Hai ơi! Thằng đi mất biệt của chị, nó về rồi nè!

Bỗng, mặt ông nhăn nhúm lại, giọng ông cao lên:

– Mà… thằng Trực đâu phải là thằng đi mất biệt đâu, chị Hai!

Rồi ông nấc lên, vứa đấm vào ngực vừa la lớn:

– Em mới là thằng đi mất biệt đây, chị Hai à!

Ông quì xuống ôm lấy mộ bia, gục đầu lên đó, nức nở. Cái đầu tóc trắng lắc qua lắc lại, nói lên tâm tư của một người không tìm ra đáp số cho bài toán khó.

Ông Út khom xuống, đặt tay lên vai anh bóp nhẹ:

– Anh Ba à! Anh nói được như vậy là anh đã thấy con đường về rồi đó, anh Ba!


 

Người con lai và chiếc vỏ ốc – Truyện ngắn- Hoàng Thanh

 Hoàng Thanh

Bước vào tiệm food to go, tôi thoáng thấy một phụ nữ da đen – mà tôi nghĩ ngay là người Mỹ đen hay Phi châu, đứng trước quầy thức ăn dường như đang lựa chọn. Như thường lệ, tôi đứng đợi tới phiên mình. Bỗng dưng nghe cô ta nói rất rõ ràng bằng tiếng Việt “Bán cho tui một phần cơm chiên nhỏ”, làm tôi ngạc nhiên quay lại nhìn, vì không ngờ cô ta nói tiếng Việt rành thế. Da cô này rất đen, đúng điệu là dân lai Mỹ đen chính hiệu. Khi tôi ra bàn ngồi ăn, cô gái bước đến rụt rè chỉ vào chiếc ghế bên cạnh tôi và hỏi “Tui ngồi đây được không?” Tôi gật đầu.

Trời Cali vào đông lành lạnh, ngồi gắp từng đũa mì Nam vang nóng mà nghe ấm cả lòng. Đang múc muỗng nước lèo thì chị da đen lên tiếng “Trời lạnh quá, ăn cái này ngon lắm mà không chắc bụng”. Tôi quay sang nhìn thì bắt gặp cô đen vừa đưa tay chỉ chỉ vào tô mì tôi đang ăn, vừa nói với ánh mắt có vẻ thèm thuồng. Chị đen nói với cái giọng chân chất rất nhà quê “Cơm chiên nó hổng ngon bằng nhưng nó chắc cái bụng, tui mới khiêng đồ nặng nổi”. Thấy ái ngại, tôi nói ngay “Chị ăn không, tôi kêu tặng chị một tô”. Chị đen lắc đầu “Giờ ăn hổng kịp đâu, trễ xe bus là cả tiếng nữa mới có chuyến sau”. Tôi hỏi “Chị làm gì mà phải khiêng nặng?”. Chị đáp “Tui lau chùi cầu tiêu, lau sàn nhà, chùi rửa hết tất cả phòng, sắp xếp đồ đạc lại ngay ngắn, khiêng bàn ghế, nhiều bàn ghế nặng lắm, cái gì tui cũng làm hết đó, để mười giờ người ta vô thì mọi thứ phải sạch sẽ đâu vô đó”. Rồi chị tiếp “Tui ở xa, nên 7 giờ phải dậy rồi, đi xe bus tới đây thì phải đổi xe bus khác mới tới. Nhưng đói quá nên tui phải xuống mua đồ ăn cho no bụng cái đã rồi mới lấy bus đi tiếp đến chỗ làm”. Tôi cứ nghĩ chắc chị đen này đi làm thêm overtime ngày cuối tuần, nên tôi nói “Chị làm thêm cuối tuần vậy, họ trả chị khá không?” Chị nói ngay “Tôi đâu có lãnh lương, làm cho nhà thờ mà, cái này là tui tự nguyện làm, tui làm là cho Chúa, mà tui làm nhiều năm nay rồi…”.

Vừa thấy tội nghiệp cho chị đen, tôi vừa thầm khâm phục chị đã có can đảm mà đứng chờ hai chuyến bus từ 7 giờ sáng, ngày chủ nhật – là lúc mà ai nấy đều đang ngon giấc với khí trời rất lạnh ở bên ngoài. Chị không những đã làm được điều phi thường đó, không có lương, một cách vui vẻ, mà lại từ nhiều năm qua…

Bỗng dưng tôi muốn làm quen “Chị tên gì? Mà tại sao chị lại tự nguyện làm công việc này từ bao lâu nay, nhà thờ không có người nào phụ chị sao?”. Thấy có người quan tâm, chị đen có vẻ xúc động, nỗi xúc động mà tôi linh cảm như của một con người thường bị hất hủi bỏ rơi. Chị nói nhỏ lại “Tui tên Amy, là tên Mỹ đó, còn tên Việt nam, tui không thích nó…”. Chị có tên Việt nam? “Ừa, mà tui ghét nó lắm…”. Tôi ngạc nhiên “Tại sao chị lại ghét tên mình?” Chị đen im lặng, và rồi chị kể, bằng cái giọng quê mùa mộc mạc ….

… ” Khi Má sinh ra tui thì mọi người ai cũng đã ghét tui rồi. Chỉ vì tui ra đời dưới ngôi sao xấu, bởi vì cái màu da đen đúa không sao che dấu được của tui. Tui đâu có quyền được chọn màu da gì để sinh ra, cả Má tui cũng không chọn được cho tui. Nhà tui nghèo lắm, ở ven bờ một con sông. Gia đình tui gồm có sáu người: Má và năm chị em, chị Hai, chị Ba, chị Tư , tui, rồi đến em trai Út. Mấy chị và em trai là da vàng, chỉ có tui là đen thui thôi. Nhà tui nghèo mạt rệp, cả căn nhà dột nát không có cả cái bàn hay cái giường, cái ghế. Một mình Má đi mò ốc cả ngày để bán lấy tiền mua đồ ăn cho sáu miệng ăn. Mới ba, bốn tuổi là tụi con nít đã ghét tui. Tui tên Tí, họ Mai là họ của Má, vì Ba bỏ Má từ khi Má mới có bầu tui. Tụi con nít cả đám cứ đi theo sau tui hát nhạo là “Cút về Mỹ đi con Tí đen”. Có đứa còn lấy que tre vít cứt chim, cứt gà rồi kêu cả bọn xúm lại đè tôi xuống, trét vô miệng tui, tới khi nào tui lạy, tui khóc thì tụi nó mới tha.

Năm sáu tuổi, Má cho tui với mấy chị đi học trường làng, nhưng tụi học trò khinh ghét tui lắm. Có lần tụi nó hè hội đồng tống một đống cứt gà vô miệng, tui không chống cự được nên nuốt vô cổ họng, nghe thúi ình và chua loét. Tui oẹ ra, tụi nó bóc nhét vô lại. Tui vùng vẫy, la hét. Thấy tui khóc dữ quá, mấy chị và em trai xúm lại binh, thì tụi nó đánh mấy chị, vừa đánh tụi nó vừa chửi ” Đồ Mỹ đen không cha cút về nước đen mà sống “. Lần đó tui chạy về khóc với Má sưng cả mắt. Má cứ im lặng và rồi bà cho tui nghỉ học luôn. Nhiều lúc tui thèm được đi học, thèm được chơi chung, bất cứ trò chơi nào với chúng bạn, vậy mà đứa nào cũng chê là tui đen, tui dơ, tui thúi… hổng ai thèm chơi.

Tui tủi thân lắm nên hỏi Má. Má bảo là “Ba bỏ Má từ lúc tui chưa sinh ra nữa”. Tôi ức lắm, hỏi lại “Thế Ba tên gì? Sao Má không đi tìm?”. Má im lặng, rồi Má khóc. Tui thương Má quá, và tui ghét Ba lắm. Tui thề sẽ có một ngày tui tìm gặp Ba và hỏi Ba cho ra lẽ…”. Im lặng. Chị đen tiếp “Tại Ba mà giờ này tui vẫn chưa biết đọc, biết viết. Người ta nói là tui mù chữ. Mắt tui sáng mà, tui thấy đường, nhìn tờ báo thì tui chỉ thấy hình, chớ không biết đọc”…

Rồi từ đó tui thui thủi chơi một mình. Nhà nghèo quá làm gì có tiền mua đồ chơi, nên tui cứ quanh quẩn bên bờ biển mà lượm mấy cái vỏ ốc, hốt cát bỏ vô đó, rồi đổ đi, rồi lại hốt vào. Hễ có lượm được cái vỏ ốc nào đẹp đẹp, tui để dành vô cái thùng giấy, lâu ngày có nhiều, tui đem ra ngắm một mình , thích lắm. Tui nhớ lần nọ tui đem ra khoe con bạn, nó lại kêu mấy đứa khác tới coi. Tui khoái lắm, trong bụng chắc mẫm thế nào bọn nó cũng khen cho coi. Ai dè, tự dưng thằng Tọc giựt mạnh một cái làm rách thùng giấy, rồi nó quăng tung tóe hết cả chục cái vỏ ốc của tui ra biển. Tui hoảng hốt giơ hai tay chụp lại nhưng không kịp, thế là mất hết đống vỏ ốc ” gia tài ” mà tui gom góp gần cả năm trời. Tui đứng đó khóc ròng, cúi xuống nhìn thì chỉ còn sót lại trên cát một cái vỏ ốc to bằng nửa bàn tay, một bên màu đen còn nửa bên kia màu trắng. Tui lật đật lượm lên, dấu vào túi áo. Đám trẻ xúm quanh la to “Cút về Mỹ mà lượm vỏ ốc. Ở đây không có thứ gì cho mầy đâu, đồ da đen”. Tui tủi thân quá chạy về nhà khóc với Má. Lần đó Má cũng khóc. Hôm đó Má nói “Làm cái vỏ ốc mà còn sướng hơn Má con mình, bởi nó không biết buồn, không biết khóc, nó tự do khi thì nằm trên cát, lúc lại nhập vào biển cả bao la. Còn Má con mình, suốt đời chỉ sống nhục mãi ở đây thôi”. Tui quý cái vỏ ốc trắng đen này lắm, cứ lâu lâu đem ra nhìn. Phần nửa màu đen, sao mà đen thủi đen thui giống da của tui, còn bên kia màu trắng lại óng ánh như có pha lê. Nhớ có lần Má tui dạy “Con người ta giống cái vỏ ốc này vậy, có đen có trắng, có tốt có xấu. Da con dù có đen như bên này, nhưng con phải sống tốt, sao cho cuộc đời mình có ý nghĩa mà óng ánh như nửa bên kia”…

Một hôm bỗng dưng Má nói “Tí đen ơi, đúng là Trời thương Má con mình, mình sắp hết khổ rồi…”. Thì ra là chính phủ nước của Ba tui (chính phủ Mỹ) cho nhà tui đi theo diện con đen (con lai). Má và tui mừng hơn bắt được vàng. Lúc vô phỏng vấn, tui run quá nên cứ khóc, mà tay chân thì lạnh ngắt. Tui cứ sợ ông Bill – tên ông hỏi chuyện Má tui, mà thấy tui đen, tui xấu, tui hôi, tui dơ… ổng không cho đi thì tui phải ở đây suốt đời tui khổ lắm. Má tui cũng khóc, năn nỉ cô thông dịch xin ông Bill cho đi Mỹ. Lúc đó tui nghe ai cũng nói ở Mỹ sướng lắm, con nít được đi học, dù mình đen cũng không ai đánh mình, không ai nhét cứt vô miệng mình… Khi đó chị Hai và chị Ba có chồng rồi, còn chị Tư và em trai thì chưa. Má định nếu được đi Mỹ rồi thì Má sẽ nhờ người làm đơn xin chính phủ cho chị Tư và em tui đi sau. Đêm trước hôm phỏng vấn, Má lo quá không ngủ được, mấy mẹ con cứ ngồi ôm nhau khóc cả đêm. Với gia đình tui, thì nước Mỹ là thiên đàng, chỉ tới Mỹ thì chúng tui mới hết khổ. Khi ông Bill biết rằng chị Tư và em trai còn độc thân, ông nói “Chiến tranh đã làm cho Bà và các con cực khổ, nên nay vì nhân đạo, chúng tôi cho Bà, cô con gái lai và cả hai người con độc thân cùng đi để qua Mỹ đùm bọc nhau mà sống”. Cả nhà tui khóc, vì mừng quá, đến nỗi quên cả nói lời cám ơn ông Bill…

Đặt chân đến “thiên đàng” Virginia, bốn Má con tui không biết một chữ tiếng Anh, nói không được câu nào, mà đọc cũng rặn không ra, còn viết thì một chữ bẻ đôi cũng không biết. Một người quen cùng làng ngày xưa nhận ra Má nên giúp tìm dùm cho chúng tôi thuê một căn appartment nhỏ xíu một phòng ngủ để cả nhà ở chung.

Cả nhà tui đi làm đủ thứ nghề nặng nhọc đễ đắp đỗi qua ngày. Tui còn nhớ lần thi vô quốc tịch, tui lo quá chừng, cứ học thuộc lòng những câu hỏi như con vẹt, vì tui có đọc và hiểu được chữ nào đâu. Có một chị người Việt đọc cho tui nghe các câu hỏi rồi biểu tui học cho thuộc, hễ người ta hỏi câu nào thì trả lời y như đã thuộc. Vậy mà may mắn ghê, tui đậu. Khi họ hỏi tui muốn có tên Mỹ không, hay vẫn muốn giữ cái tên Việt nam là Tí Mai, thì tui khóc. Không biết nói tiếng, tui nhờ cô thông dịch nói dùm với ổng là “Tui ghét lắm cái tên Tí đen, vì nó đen như màu da tui, đen như tuổi thơ nghèo hèn của tui”. Ông Mỹ trắng hỏi tui muốn tên gì. Lúc đó tui chỉ nhớ đến đứa cháu họ xa, đi lính cho quân đội Mỹ. Có một lần về thăm Má con tui ở Virginia, nó nói lý do nó đi lính là vì nó muốn đền ơn chính phủ. Tui nhớ mang máng nó có nói quân đội Mỹ gọi là… “AMI”… gì đó thì phải. Thiệt tình khi đó tui không biết chữ “AMI” viết làm sao nữa, nên tui nói đại với cô thông dịch là “Tui muốn cám ơn chính phủ Mỹ, cám ơn ông Bill đã thương mà cho Má con tui đi, nên tui muốn có tên Mỹ là AMI, có nghĩa là quân đội”. Tui còn nhớ khi nghe tui nói vậy thì cô này cười, dễ thương lắm, và cô viết tên tôi lên tờ giấy đưa cho ông Mỹ. Thế là passport của tui có cái tên Amy Mai từ đó. Mãi sau này tui mới biết là cô đã quên chữ e rờ (R), vì quân đội viết là “army”, nhưng sao có người lại nói với tui là cô ta cố tình quên…?

Sau đó vài năm thì phát hiện ra là Má tui bị có nước trong phổi. Bác sĩ sau khi hỏi cặn kẽ thì giải thích rằng “Do Má ngâm nước lạnh hằng mấy chục năm liền khi đi mò ốc, nên giờ phổi Má yếu lắm”. Mấy chị em sợ quá, đứa nào cũng đi làm quần quật mà không sao đủ tiền mua thuốc cho Má. May mà Trời thương, nên lại có người hàng xóm ngày xưa biết chuyện, bảo chị em tui qua Cali ở đi thì khí hậu ấm sẽ tốt hơn cho sức khỏe của Má. Nhưng tiền đâu mà mua vé máy bay? Cô Anh bảo “Khi xưa lúc chồng cô mới chết, cô một mình với con nhỏ, sức khỏe yếu nên không sao ngâm nước nổi, nhờ Má cho cô bữa bịch ốc, khi mấy con tôm mà sống qua ngày, nên cô muốn đền ơn Má bằng cách mua bốn vé máy bay cho chúng tôi qua Cali, cô cũng đã thuê sẵn một appartment nhỏ (cô Anh đã trả trước một tháng tiền nhà) cho Má con tui.

Thế là cả nhà kéo nhau qua Cali. Cả tháng trời không ai xin được việc làm. Khi chỉ còn vài ngày là hết tháng, tụi tui lo lắm vì tiền đâu để trả cho tháng tới? Gọi phone cho cô Anh thì cô và gia đình đi đâu rồi nên không sao liên lạc được. Một buổi tối trước ngày Giáng sinh, mấy Má con đứng đón bus về nhà. Trời lại lạnh, bụng ai cũng đói, nên không còn sức để mà đi, cứ đứng mà run. Chúng tôi thấy nhiều người đi vào một nhà thờ nhỏ. Vì lạnh quá, nên chúng tôi cũng đi vô đại định tìm một chỗ trú cho ấm chút rồi sẽ về. Đó là buổi tối đánh dấu một bước ngoặc lớn trong cuộc đời chúng tui. Trên kia, mục sư Bảo đang giảng về tình yêu của Chúa. Ông nói “Chúa luôn dang rộng vòng tay yêu thương cho mọi người”. Có lẽ lúc ấy, vì quá buồn, mỏi mệt và tủi thân, nên bốn Má con đứng khóc ròng. Một người đàn bà bước lại hỏi thăm  sau này tui mới được biết là vợ mục sư Bảo). Má con tui thật lòng kể hết. Vợ chồng mục sư cùng một vài cô chú ở nhà thờ thấy tội nghiệp nên chở dùm mấy Má con về nhà, rồi hôm sau người ta đem đồ đến cho, bàn ghế, quần áo, tiền bạc, thức ăn. Rồi đích thân vợ chồng mục sư giúp điền đơn dùm Má con tui để xin tiền bệnh, tiền trợ cấp. Cũng chính nhờ sự động viên, nâng đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần mà má con tui mới sống nổi qua ngày…

Và từ đó chúng tui đi nhà thờ mỗi chủ nhật. Cám ơn Chúa. Cầu nguyện cho Má mau hết bệnh. Cầu nguyện cho mấy chị em có công ăn việc làm. Các cô chú trong nhà thờ đối xử rất tốt với tui, không ai nhìn màu da tui mà khinh khi hết. Tui vui lắm khi mọi người cứ kêu “Amy, đến phụ cô làm cái này đi!”, “Amy, ăn chút gì cho có sức rồi hẵng làm chứ cháu ..”. Và tui biết là ở nơi nào có Chúa, thì tui có tình thương…

Mang ơn vợ chồng mục sư Bảo và các cô chú trong nhà thờ, nên mấy chị em tui tình nguyện làm bất cứ việc gì nhà thờ cần. Tiền thì không có, nên chúng tui đóng góp bằng công sức và thời gian. Tui không bao giờ buồn vì công việc mình làm hết. Mà cầu tiêu ở Mỹ sạch sẽ lắm kìa, không có dơ, không có thúi như mấy đống cứt gà mà hồi nhỏ tui phải nuốt đâu. Tui vui lắm, dù công việc có cực nhọc cách mấy, vì tui biết mình làm là đền đáp công ơn Chúa…

Và rồi một ngày Chúa gọi Má tôi về với Ngài. Bà chết khi trong túi mấy chị em cộng lại hết vẫn chưa được một đồng. Lúc còn sống, Má cứ ước có tiền về Việt nam thăm chị Hai, chị Ba và các cháu. Vậy mà mơ ước chưa thành, Má đã ra đi. Tui còn nhớ lúc biết mình sẽ không qua khỏi, Má nói với các chị em tui “Ngày xưa Má cứ ước ao cả nhà mình qua đến được thiên đàng, nhưng nếu như Má có mất thì mấy con ráng lo cho Má về Việt nam mà chôn cất, dù gì nằm bên bờ sông ngày xưa với mấy con ốc, Má vẫn thấy ấm lòng hơn…”. Cả nhà ai cũng đều biết ước nguyện cuối cùng của Má là được chôn nơi miền quê cha đất tổ, mà đào đâu ra tiền để chở xác Má về Việt nam? Tụi tui chỉ biết khóc, vì không mua nổi một quan tài cho Má. Vợ chồng mục sư Bảo biết rõ ước nguyện của Má, nên tối nào mục sư cũng lên đài kêu gọi mọi người giúp một tay. Đêm nào mấy chị em cũng ngồi trên đài với mục sư Bảo và tụi tui cứ khóc, thương Má, mang ơn vợ chồng mục sư và tất cả những người hảo tâm. Nhiều người mang tiền đến tận nhà giúp. Cuối cùng quyên góp được 16 ngàn đồng – cả một gia tài mà mấy chị em tui không bao giờ dám mơ tới. Phải, 16 ngàn đồng – con số này suốt đời tui không thể nào quên. Đó là công ơn của hằng trăm người, mà nhiều nhất là vợ chồng mục sư Bảo và bác sĩ Nguyễn Hùng. Anh Tuấn ở nhà quàn biết hoàn cảnh nhà tui, nên anh bớt cho hai ngàn tiền chi phí chuyên chở xác Má về Việt nam. Em trai tui được mua vé đi cùng về Việt nam với Má. Rồi số tiền còn lại thì mục sư đưa cho em tui về mua đất và lo chôn cất Má. Thế là cuối cùng Má cũng được về yên nghĩ vĩnh viễn bên vùng ven biển ngày nào với những con ốc nhỏ ngày xưa. Tạ ơn Chúa. Tạ ơn những tấm lòng…

Hôm đưa em trai ra phi trường, tui đưa nó gói giấy trong đó có cái vỏ ốc trắng đen. Tui dặn nó nhớ thảy xuống huyệt khi chôn Má. Nó không chịu, hỏi lại là “Chị quý nó lắm mà?”. Tui gật đầu. Nhưng tui biết Má thích biển, và đặc biệt là cái vỏ ốc này, Má cũng quý nó như tui. Lời Má dạy con ghi nhớ, con không tiền, không có gì tặng Má. Thôi con gửi Má cái vỏ ốc này, Má mang theo mà về với Chúa. Mong Má nói với Ngài rằng “Con Tí đen vẫn luôn cố gắng sống tốt, sao cho cuộc đời đẹp và có ý nghĩa như nửa trắng óng ánh bên kia của vỏ ốc…

Chị Amy ngừng kể. Tôi im lặng, vì tôi biết có nói gì cũng sẽ là rất thừa thãi vào giây phút này. Bất chợt chị nói “Tui không biết tên Ba, phải chi tui được gặp lại ông Bill năm nào phỏng vấn, có thể tui nhờ ổng tìm ra Ba tui… ”

– Chị mong gặp lại Ba chị à? Chị không giận Ba sao?

– Ngày xưa tui ghét Ba lắm. Nhưng Chúa dạy rằng “Mình phải biết tha thứ và yêu thương. Tui chỉ mong gặp Ba, để nhìn ông và kêu một tiếng “BA” một lần trong đời”. Ngừng một chút, chị tiếp “Và tui sẽ nói rằng “Ba đã làm Má khổ và con buồn. Vậy thôi…”

Gió ngoài trời lành lạnh, báo hiệu một mùa Giáng sinh nữa lại sắp đến. Tôi hỏi “Năm nay Giáng sinh, chị sẽ làm gì?”. Chị Amy buồn buồn đáp “Tui đến nhà thờ dọn nhà cầu, khiêng bàn ghế, lau chùi các phòng, dự Thánh lễ rồi về nhà… nhớ Má. Má mới mất năm ngoái thôi, nên tui nhớ bả lắm, nhớ cả cái vỏ ốc trắng đen ngày xưa…”. Chị lại tiếp “Năm nào tui cũng đâu có tiền mà mua gì dâng tặng nhà thờ, hay tặng vợ chồng mục sư – người mà gia đình tui mang ơn cả đời, nên tui chỉ biết cầu nguyện cho mọi người. Nhiều lúc tui buồn lắm, vì không năm nào có tiền mua món quà gì dâng Chúa…”

– Những gì chị làm, chắc chắn là Ngài sẽ biết mà. Tôi tin chắc là thời gian, công sức và tấm lòng của chị, sẽ là một trong những món quà mà Ngài ưng ý nhất…

Chị Amy chỉ cười, không nói. Tự dưng chị hỏi “Khi nào cuộc đời tui đăng lên báo, chị cho tui xin ba tờ được không?”

– Được chứ. Tôi đáp ngay.

– Tui sẽ mang biếu vợ chồng mục sư Bảo một tờ, bác sĩ Nguyễn Hùng một tờ, còn một tờ tui sẽ nhờ ai đó đọc cho tui nghe, tại tui không biết chữ, rồi thì tui sẽ giữ nó mãi suốt đời. Phải chi Má còn sống, nghe đọc tờ báo này, chắc Má tui vui lắm…”.

Chị Amy nhờ tôi gửi bài viết này kính tặng vợ chồng Mục sư Nguyễn Xuân Bảo, bác sĩ Nguyễn Hùng cùng tất cả những tấm lòng nơi Thánh đường Sàigòn. Chị nói “Đây là món quà – từ trái tim, chị dâng tặng mọi người nhân mùa lễ Giáng Sinh “.

Trước khi chia tay, tôi hứa sẽ mang tặng chị Amy ba tờ báo, và sẽ đọc cho chị nghe. Chị nói “Cám ơn người đẹp”. Tôi ngượng ngùng “Chị đừng gọi tôi là người đẹp, kỳ lắm”. Amy đáp “Đẹp chứ, bởi vì chị trắng hơn tui..”…

Tôi quay đi. Chạnh cả lòng. Nhìn xuống làn da mình, tôi tự hỏi “Cuộc đời này có được bao người thật sự “trắng da” hơn chị?”

Hoàng Thanh

From: Tu-Phung

Love Story, Bản Tình Ca Bất Hủ và Chuyện Tình Muôn Thuở

Vương Trùng Dương

(Đặc San Lâm Viên)

“Un amour éternel en un moment conçu”

(Félix Arvers)

“Tình trong giây phút mà thành thiên thu”

(Khái Hưng)

Trong bài thơ Ngập Ngừng của nhà thơ Hồ Dzếnh, in trong thi phẩm Quê Ngoại năm 1943, đến nay đã tròn 80 năm. Trong đó có mấy câu, nhiều người đã nhớ:

“Tình mất vui khi đã vẹn câu thề

Ðời chỉ đẹp những khi còn dang dở

… Cho nghìn sau… lơ lửng với nghìn xưa”.

Tập thơ nầy đã tái bản ở Sài Gòn năm 1969, và bài thơ được nhạc sĩ Trần Thiện Thanh phổ nhạc thành ca khúc Chuyện Hẹn Hò, nhạc sĩ Anh Bằng phổ thành bài hát Anh Cứ Hẹn… Ngoài ra, vài bài thơ của ông đã phổ nhạc: Hoa Mẫu Đơn (Anh Bằng) “Ước chi sống lại thời xưa ấy. Để ta trẻ mãi, để hẹn nhau”, Chiều (Dương Thiệu Tước) “Nhớ nhà châm điếu thuốc. Khói huyền bay lên cây”.

Trong ca khúc Khi Đã Yêu của nhạc sĩ Phượng Linh (Nguyễn Văn Đông) có câu: “Bao ước mơ còn trong đợi chờ. Cho nghìn sau nối lại nghìn xưa”.

Từ xưa đến nay và Đông, Tây có nhiều tác phẩm đề cập đến tình yêu ngang trái (diabolik lovers), đó cũng là lẽ thường tình trong cuộc sống. Trong các bộ tiểu thuyết kiếm hiệp của nhà văn Kim Dung trong chốn võ lâm, thu hút độc giả không chỉ chuyện đấu chưởng, kiếm pháp, bí kiếp độc tôn thiên hạ… mà những mối tình ngang trái. Không có mối tình nào ngang trái trong đời sống đầy oan nghiệt như trong truyện kiếm hiệp. Nào là cuộc tình xảy ta giữa hai phái hắc/bạch, thù hận không đợi trời chung giữa các môn phái, hận thù chủng tộc, hiềm khích bởi là con, đệ tử của kẻ thù, cuộc tình tay ba ôm hận trong lòng… (Hai thập niên trước, tôi có viết về Những Mối Tình Ngang Tái Trong Tác Phẩm Kim Dung). Chính những cuộc tình ngang trái oái ăm nầy đã lôi cuốn độc giả từ chương nầy đến chương khác.

Ngày 16/12/1970, phim Love Story (Chuyện Tình) với nhạc phẩm chủ đề của Francis Lai được trình chiếu đầu tiên ở Hoa Kỳ thu hút khán giả trong 4 tuần liên tục. Nhiều nhà phê bình cho rằng Love Story là bản nhạc xuất sắc, xứng đáng được liệt vào hàng kiệt tác. Theo bình chọn của American Film Institute, nhạc phẩm Love Story của Francis Lai, nằm trong 100 bản nhạc phim hay nhất mọi thời đại. Nhạc phim Love Story đứng hạng thứ 9, chỉ thua các nhạc phim kinh điển như Casablanca, Cuốn Theo Chiều Gió, West Side Story, Bác Sĩ Zhivago… nhưng lại vượt qua mặt My Fair Lady.

Phim Love Story lần đầu tiên được chiếu tại rạp Rex ở Sài Gòn vào tháng 3/1971, khán giả đông nghẹt suốt 6 tuần lễ, hầu hết ở giới trẻ… tuy thời kỳ chinh chiến nhưng trào lưu lãng mạn từ phương Tây dã ảnh hưởng đến miền Nam VN vào thập niên 1960s.

Tác phẩm Love Story, tiểu thuyết lãng mạn của nhà văn người Mỹ Erich Segal, nhà xuất bản Harper & Row, ra mắt đúng ngày Lễ Tình Yêu, 14 tháng 2 năm 1970. Tác phẩm gồm 22 chương, vừa ấn hành đã thuộc loại best seller, bán chạy nhất trong năm 1970 tại Mỹ và được dịch ra hơn 25 ngôn ngữ (Chuyện Tình qua bản dịch của Phan Lệ Thanh).

Thông thường thì đạo diễn dựa vào tác phẩm ăn khách để dựng thành phim nhưng kịch bản của Erich Segal viết cho hãng phim Paramount Pictures về cuộc tình lãng mạn và bi thương giữa đôi tình nhân trẻ Oliver (tài tử Ryan O’Neal) và Jenny (minh tinh Ali MacGraw) thời còn sinh viên. Sau đó, hãng Paramount Pictures và đạo diễn Arthur Hiller đã yêu cầu Erich Segal viết thành tiểu thuyết để giới thiệu với độc giả, vì vậy tác phẩm xuất hiện cùng năm 1970, trước khi phim ra mắt.

Nhạc sĩ người Pháp Francis Lai (1932-2010) theo học tại đại học Harvard, Yale ở Hoa Kỳ, giáo sư văn học ở đại học Princeton, Dartmouth… đại học Oxford ở Anh, đại học Munich ở Đức. Nhưng tên tuổi ông lừng lẫy với nhạc sĩ sáng tác, khoảng 600 nhạc phẩm và hơn 100 ca khúc cho phim.

Phim Love Story được đề cử 7 giải Oscar năm 1970 nhưng chỉ đoạt được 1 giải cho nhạc phim. Lúc đó, nhạc phim không có lời, khi phim được trình chiếu, lời của Carl Sigman (dựa theo tình tiết trong phim để viết thành ca khúc) với tiếng hát của danh ca Andy Williams trở thành tình khúc bất hủ.

Tại giải Trái Cầu Vàng 1971, phim Love Story được đề cử 7 giải (phim hay nhất, đạo diễn, kịch bản, nam nữ diễn viên vai chính, nam diễn viên vai phụ, nhạc phim) và đoạt 5 giải (phim hay nhất, đạo diễn, kịch bản, nữ diễn viên vai chính, và nhạc phim).

Trong khi đó tác phẩm Love Story, khoảng 130 trang, được bán chạy nhất ở Hoa Kỳ và qua các bản dịch cũng thuộc loại best seller nhưng không có nhà phê bình văn học nào ca ngợi đến nó.

Điều trùng hợp giữa nhạc sĩ Francis Lai và nhà văn Erich Segal đều mất cùng năm 2010.

Theo lời kể của nhạc sĩ Francis Lai, nguồn cảm hứng của ông tìm được khúc nhạc Love Story vào lúc nửa khuya. Ca khúc Love Story với giai điệu và tiết tấu nhẹ nhàng, khoan thai, lâm ly, réo rắt… hình dung được nỗi buồn man mác.

Nhạc phẩm Love Story của Farncis Lai được Phạm Duy chuyển sang ca khúc Chuyện Tình, ấn hành trước năm 1975, in cả 3 tiếng Việt, Pháp và Anh.

Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ

Ôi biết nói gì, cuộc tình lớn quá

Chuyện tình đáng nhớ, tuy cũ như là biển già trắng xoá

Cuộc tình quý giá như những ngọc ngà nàng dành cho ta

Ôi biết nói gì ?

Với một lời quý mến, mà nàng nói đến

Khi bước chân vào cuộc đời vắng ngắt

Cuộc tình thứ nhất, muôn kiếp muôn đời là tình vĩnh viễn

Vì nàng đã hiến đôi cánh tay mềm nghìn đời quyến luyến

ĐK:

Lòng ta đầy kín, lòng ta đầy kín

Là muôn nghìn chuyện yêu đương, câu hát thần tiên

Và những mộng huyền mênh mang, đầy kín hồn hoang

Man mác tình duyên

Thôi hết cuộc đời im tiếng

Ðời lẻ loi đã tan, ta đã được nàng

Làm gì còn tiếng than, nắm đôi tay thiên thần

Ði suốt mùa Xuân…

Sẽ còn được biết mấy? Một đời luyến ái

Yêu sẽ lâu dài hoặc là quá ngắn? Thật là khó đoán

Nhưng vẫn cho rằng cuộc đời có hết, loài người có chết

Sao sáng trên trời ngày nào sẽ tắt

Em vẫn gần ta!

Với cuộc tình bi thương muôn thuở, tác phẩm Love Story của Erich Segal cũng na ná như những tác phẩm cổ điển với cuộc tình thơ mộng của giới trẻ nhưng gặp ngang trái bởi gia đình còn quan niệm lạc hậu “môn đăng hộ đối” (Oliver, con nhà quý tộc, Jenny giai cấp bình dân, gốc Italy, thân phụ là tù binh Italy, được đưa sang Mỹ và sau đó xin lưu trú) nhưng với sức mạnh của tình yêu đã vượt qua vòng cương tỏa đó. Cuối cùng khi Jenny sang Paris, tiếp tục theo học cao học về âm nhạc nhưng không may bị bệnh hoại huyết (leukemia) không có tiền chữa trị. Oliver ở Hoa Kỳ linh cảm điều gì không may xảy ra cho người yêu nên sang Paris, nhưng Jenny từ chối việc nhờ vả bên gia đình chồng và chỉ cần được sống những ngày cuối đời bên nhau.

Khi ông Barett, cha của Ollier biết được hoàn cảnh bệnh tình của Jenny và con trai xin tiền chữa trị cho vợ, ông mang theo số tiền lớn cho con, nhưng đã muộn.

Tại bệnh viện, Oliver gặp cha, cho biết “Jenny chết rồi!”. Ông Barett tỏ lời ân hận, nhưng đã muộn!. Bóng tối phủ kín!. (Nếu) Jenny được cứu sống thì không có 3 tác phẩm (truyện, phim và ca khúc) để lại cho đời. Trước đó chuyện tình Lan và Điệp trong tác phẩm Tắt Lửa Lòng của nhà văn Nguyễn Công Hoan (1933), với ca khúc của các nhạc sĩ Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng. Và, tuồng cải lương làm đẫm lệ. Hay chuyện tình Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài vào thế kỷ thứ tư đời Đông Tấn với tuồng cải lương buồn da diết.

Thấm thoát đã gần sáu thập niên, lúc đó ở phố cổ Hội An, người bạn thân với tôi đang có mối tình rất đẹp với cô nữ sinh học dưới hai lớp, khi anh khoác áo chiến y thì gia đình ngăn cấm không muốn con gái sớm chít khăn tang, cuộc tình tan vỡ! Anh tình nguyện phục vụ trong đơn vị tác chiến ở núi rừng Tây nguyên, nơi đó sống chết với đồng đội cho bớt cô đơn “Nhưng không chết người trai khói lửa. Mà chết người em nhỏ hậu phương” (Chuyện Hoa Sim – Anh Bằng). Thời gian trôi qua với bao thăng trầm nhưng “cái thuở ban đầu” đó vẫn “Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên” (Thế Lữ). “Aimer c’est mourir un peu!.. C’est la vie”.

Nay quý cụ, tuổi già thường mất ngủ, trằn trọc làm gì cho khổ tâm, lấy iPhone, vào YouTube, hoài cố nhân với Love Story “Cố nhân xa rồi, có ai về lối xưa” (Hoài Cảm – Cung Tiến) và cho giấc mơ “lơ lửng với nghìn xưa”.

Little Saigon Aug 2023

Vương Trùng Dương

(Đặc San Lâm Viên)

Nghe nhạc phẩm Love Story với tiếng Violin và Piano:

Nhiệm Mầu-Truyện ngắn

Trong thế chiến thứ hai, người đàn ông tên Martin Wall là một tù nhân chiến tranh bị giam tại trại tù binh ở Siberia, từ đó anh phải rời xa quê hương Ukraina, bỏ lại người vợ Anna và cậu con trai Jacob của mình. Martin và gia đình mỗi người một phương, bặt vô âm tín, thậm chí sau khi anh bị bắt một thời gian, đến cả việc người vợ Anna sinh thêm một đứa con gái tên là Sonia mà anh cũng không hề hay biết.

Vài năm sau, Martin được trả tự do, lúc này anh kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần, nhìn vẻ bề ngoài của anh lúc bấy giờ như một ông già lọm khọm. Không những vậy, trên tay và chân của anh còn lưu lại nhiều vết sẹo, điều khiến anh đau lòng hơn nữa, là anh không còn khả năng sinh con.

Sau khi được ra tù, chuyện đầu tiên mà Martin làm là tìm kiếm vợ con mình. Cuối cùng, anh cũng nghe ngóng được tin tức của họ từ hội Chữ Thập Đỏ, người ta nói rằng vợ con anh đã chết trên đường đi tới Siberia. Martin đau khổ tột cùng và anh vẫn không hay hề biết rằng mình còn có một cô con gái trên thế gian này.

Thật ra, không lâu sau khi Martin bị bắt, Anna đã may mắn đưa được con trai Jacob chạy trốn đến nước Đức. Cô gặp được một đôi vợ chồng nông dân tốt bụng tại đó, đôi vợ chồng này đã cho mẹ con cô ở lại. Vì vậy, Anna sống yên ổn tại đó, đồng thời cô cũng giúp họ làm việc đồng áng và dọn dẹp nhà cửa. Cũng vào thời gian này, cô sinh đứa con gái Sonia. Anna tin rằng, chỉ cần Martin còn sống, họ nhất định sẽ trùng phùng, nhất định có thể tạo lập một cuộc sống mới. Nhưng, cuộc đời vốn không ai có thể biết trước. Vài năm sau đó, cuộc chiến tranh tàn khốc đã đưa nước Đức đến bờ vực của sự thất bại. Anna và con tin rằng sẽ có cơ hội để đoàn tụ với Martin.

Tuy nhiên, điều họ không ngờ là, Hồng quân Liên Xô đã tập trung những người dân di cư như họ lại, đưa họ lên một con tàu đông đúc như tàu chở súc vật, nói rằng sẽ đưa họ về nhà, nhưng thực chất là đưa họ đến trại tập trung đầy chết chóc ở Siberia.

Sau khi biết chuyện, hi vọng của Anna vụt tắt, cô cảm thấy tuyệt vọng, rồi sinh bệnh nặng. Cô biết mình không thể sống được bao lâu nữa, chỉ ngày qua ngày cầu nguyện: “Cầu xin ông trời, hãy phù hộ cho hai đứa trẻ bất hạnh của con!”. Một ngày nọ, Anna gọi Jacob đến bên cạnh và nói: “Con trai của mẹ, mẹ bệnh nặng lắm rồi, có lẽ không sống được bao lâu nữa. Mẹ sẽ ở trên trời phù hộ các con. Jacob, con phải hứa với mẹ, không bao giờ được bỏ rơi em gái Sonia”.

Sáng sớm hôm sau, Anna qua đời. Người ta đem thi thể của cô chất lên xe hàng và chở đến một khu nghĩa địa đầy rẫy những ngôi mộ vô danh. Còn hai đứa trẻ thì bị đem lên tàu hỏa, đưa đến một cô nhi viện gần đó.
Về phần Martin, người đang chìm đắm trong tuyệt vọng, lúc này đang làm việc như cỗ máy trong một nông trang. Một buổi sáng, Martin gặp Greta, một cô gái làm cùng nông trang với anh. Greta luôn mỉm cười để ý đến anh. Martin không ngờ rằng, cô gái luôn lạc quan yêu đời, thông minh lanh lợi này lại là bạn học ngày xưa của mình. Bôn ba nhiều nơi, trải qua bao biến cố thăng trầm, mà họ lại có thể gặp nhau ở đây, cả hai đều cảm thấy đúng là duyên phận.

Chẳng bao lâu sau, họ tổ chức hôn lễ. Martin cảm thấy cuộc sống của mình tìm lại được ánh mặt trời, cuộc sống lại trở nên có ý nghĩa. Greta cũng cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Nhưng cô luôn mong mỏi có một đứa con để yêu thương, chăm sóc.

Đến một ngày, Greta nói với chồng: “Martin, có nhiều đứa trẻ trong cô nhi viện, chúng ta hãy nhận một đứa về nuôi có được không?”. Martin phản bác: “Greta, sao em lại có ý nghĩ như vậy, anh không thể chịu thêm bất cứ sự đả kích nào nữa, em có hiểu không?”. Greta vô cùng buồn bã.

Nhưng cuối cùng mong muốn mãnh liệt được trở thành một người mẹ của cô đã thuyết phục được Martin. Vào một buổi sáng, Martin nói với Greta: “Em hãy đến cô nhi viện nhận nuôi một đứa trẻ đi”. Greta vui mừng khôn xiết, cô lập tức lên tàu đi đến cô nhi viện.

Greta bước trên hành lang tối tăm của cô nhi viện, nhìn về phía lũ trẻ đang xếp thành hàng, chăm chú quan sát, cân nhắc. Nhìn thấy những khuôn mặt trầm mặc, những ánh mắt cầu xin của lũ trẻ, Greta chỉ muốn mở rộng vòng tay ôm lấy tất cả chúng vào lòng và đưa về nhà. Nhưng cô biết rằng, điều đó là không thể.

Đúng vào lúc này, có một đứa trẻ cười thẹn thùng bước về phía cô. Greta quỳ xuống, xoa đầu đứa trẻ: “Cháu à, cháu có đồng ý đi theo cô không? Đến một nơi có cả cha lẫn mẹ?”.

“Đương nhiên cháu đồng ý, nhưng cô đợi chút, cháu đi gọi anh trai. Chúng cháu phải đi cùng nhau, cháu không thể bỏ lại anh trai mình được”.

Greta cảm thấy vô cùng băn khoăn, bất lực lắc đầu: “Nhưng cháu à, cô chỉ có thể đưa một mình cháu đi thôi”. “Không, cháu muốn đi cùng anh trai mình. Trước đây chúng cháu cũng có mẹ, khi mẹ qua đời đã dặn anh trai không được bỏ rơi cháu”.

Lúc này, Greta cảm thấy bản thân không muốn chọn bất kì đứa trẻ nào khác, bởi vì đứa trẻ trước mặt cô vô cùng đáng yêu, đã thu hút toàn bộ sự chú ý của cô. Tuy nhiên, cô nghĩ rằng mình phải về thương lượng lại với Martin.
Khi về đến nhà, Greta lại khẩn cầu Martin: “Martin, có một chuyện em muốn thương lượng với anh. Em phải nhận nuôi hai đứa trẻ, bởi vì đứa trẻ mà em chọn có một người anh trai, nó không thể rời bỏ anh trai của mình. Em mong anh đồng ý nhận nuôi đứa trẻ này được không?”

“Greta, vậy sao em không chọn đứa trẻ khác, mà lại nhất quyết là bé gái này? Theo anh thấy thì tốt nhất đừng chọn đứa nào cả”.

Lời nói của Martin khiến Greta vô cùng đau lòng, cô thậm chí còn không muốn đến cô nhi viện nữa. Nhìn thấy bộ dạng buồn bã của Greta, trong lòng anh chợt trào dâng niềm thương cảm. Tình yêu rốt cuộc lại giành chiến thắng.

Lần này, Martin và Greta cùng đi đến cô nhi viện, Martin cũng muốn gặp đứa bé gái đó. Đứa bé gái ra ngoài hành lang tiếp đón họ, lần này, cô bé nắm chặt tay cậu bé đi cùng. Đó là một cậu bé gầy gò, trông rất yếu ớt, nhưng đôi mắt của cậu bé lại ngập tràn sự dịu dàng và lương thiện. Lúc này, cô bé mở to đôi mắt sáng, nhẹ nhàng hỏi Greta: “Cô đến đón chúng cháu phải không?”

Greta chưa kịp trả lời, thì cậu bé đứng bên cạnh đã mở lời: “Cháu đã đồng ý với mẹ là sẽ không bao giờ bỏ rơi em gái. Khi mẹ cháu mất, cháu đã hứa như vậy. Vậy nên, đáng tiếc là em gái cháu không thể đi cùng với hai người”.

Martin âm thầm quan sát hai đứa trẻ vừa đáng yêu lại đáng thương này. Một lát sau, anh tuyên bố đầy quả quyết: “Chúng tôi nhận cả hai đứa trẻ này”. Martin đã bị cậu bé gầy gò ốm yếu trước mắt lay động bởi tình yêu thương của mình dành cho em gái.

Vậy là Greta đưa hai anh em đi thu dọn quần áo, Martin đến văn phòng làm thủ tục nhận nuôi. Sau khi Greta thu dọn đồ đạc, đưa hai đứa trẻ đến văn phòng, liền thấy Martin bần thần lúng túng đứng ở đó. Gương mặt trắng bệch, đôi tay run rẩy, dường như không dám kí vào thủ tục nhận nuôi.

Greta sợ hãi hỏi: “Martin! Anh làm sao vậy? Martin?”

“Greta, em nhìn những cái tên này xem!”. Greta nhận lấy tờ thủ tục nhận nuôi có ghi tên hai đứa trẻ: “Jacob Wall; Sonia Wall, Mẹ: Anna (Bartel) Wall; Cha: Martin Wall”.

“Em có biết không Greta, hai đứa trẻ này là con ruột của anh! Một là đứa con trai mà anh tưởng rằng đã chết từ lâu, một là đứa con gái mà anh chưa từng gặp mặt!”

Martin xúc động đến nỗi nước mắt nhạt nhoà, anh vừa nói vừa quỳ xuống, ôm chặt hai đứa trẻ vào lòng, anh xúc động thốt lên: “Kỳ tích, thật là kỳ tích! Ôi! Cảm ơn trời đất đã phù hộ chúng con. Greta, nếu như không phải em đã thỉnh cầu anh nhận nuôi chúng, nếu như không có trái tim nhân ái của em, có lẽ anh đã không thể gặp được kỳ tích này rồi”.

Sự thiện lương của Martin, lòng nhân ái của Greta và lời hứa đầy trách nhiệm của cậu bé Jacob, tất cả đã tạo nên một kỳ tích. Hạnh phúc thực sự luôn tồn tại, chỉ cần bạn biết tin tưởng và sống đúng với con người thật của chính mình, phép màu của số phận có thể sẽ đến với bạn trong tương lai.

From: NguyenNThu

Hàng xóm-Truyện ngắn

Ngày 29 tháng Tư- 2023 đọc tin một anh chàng Texas sang nhà hàng xóm bên cạnh bắn chết 5 mạng vì “tội” họ đã  phàn nàn với anh ta bắn súng ở sân sau làm ồn khi con họ đang ngủ.

Vụ này tôi giật mình vì cũng có trường hợp tương tự nhưng may mắn hơn những nạn nhân này.

Hồi tôi mới dọn đến căn nhà đầu tiên, hàng xóm bên cạnh nuôi một con chó to lớn, mỗi lần thấy tôi ra vườn sau nó chồm chân lên hàng rào thấp ( loại mắt cáo bằng kim loại) vừa sủa vừa như muốn nhảy sang ăn tươi nuốt sống tôi làm tôi hết hồn và ngại không dám ra sân sau vì sợ chó. Vợ chồng tôi hậm hực bàn tính phải sang nói chuyện với chủ nhà để họ xích con chó lại kẻo có ngày mình thành nạn nhân của con chó dữ tợn này. Ngay như sân trước nhà tôi chưa kịp cắt khi cỏ hơi cao thì ông hàng xóm đối diện đã sang nhà nhắc nhở kẻo ảnh hưởng đến cảnh quan nhà ông ta và khu phố. Tôi đã vui vẻ cám ơn ông và hôm sau sân cỏ được cắt gọn gàng sạch sẽ, thì nay tôi cũng có quyền sang nhắc nhở hàng xóm nuôi chó kia chứ. Ở xứ Mỹ dân chủ này ai cũng có quyền phát biểu ý kiến, cả với tổng thống nói chi với hàng xóm quèn. Tôi nghĩ thế và hăm hở đợi dịp sang “phàn nàn” nhà hàng xóm.

Chiều hôm sau tôi nghe thấy tiếng ông Mỹ đang lao xao ở sân sau nhà ông, thế là tôi liền mở cửa ra vườn sau nhà mình, chuẩn bị tuôn ra hết những bực dọc lo âu bấy lâu. Tôi hăng hái tiến về phía hàng rào thì thấy ông Mỹ to con mặc áo thun sát nách, hai cánh tay ông ta xăm trổ đầy những hình thù quái dị, tay cầm ly bia uống dở mặt đỏ gay và bà vợ ngồi bên cạnh, gương mặt thuộc loại “bà chằn” đang hút thuốc lá phì phèo, chắc họ đang ăn nhậu và tôi là người phá đám cuộc vui của họ. Ông ta ngạc nhiên thấy tôi đến gần hàng rào và nhìn tôi bằng đôi mắt đỏ ngầu như thách thức tôi lên tiếng, con chó to lớn của họ đủng đỉnh đi qua đi lại như…dằn mặt tôi, nhưng dù con chó  to cao dữ dằn bao nhiêu chắc cũng… thua ông chủ. Bức tranh toàn cảnh gia đình ông Mỹ hàng xóm làm tôi phát… ớn,  những bực bội khó chịu trong tôi bấy lâu bỗng tan biến mất. Tôi khép nép líu ríu mỉm cười và… lễ phép:

– Xin chào… chào… ông bà.

Ông Mỹ hất hàm hỏi:

– Bạn có vẻ như muốn nói điều gì ?

Tôi… hiền dịu trả lời:

– Từ ngày gia đình tôi dọn đến đây tôi chưa gặp ông bà lần nào. Hôm nay tôi chỉ muốn chào ông bà một tiếng thôi. Chúc vui vẻ nhé.

Nói xong tôi vội quay vào nhà. Từ đó tôi không dám mơ ước khiếu nại vụ con chó nữa. Hai vợ chồng tôi bàn tính khi nào có tiền sẽ thay hàng rào khác cao hơn, an toàn hơn để không sứt mẻ tình hàng xóm.

Nhờ…sợ hàng xóm mà yên chuyện, nếu không biết đâu tôi cũng lãnh mấy viên đạn như vụ kia rồi.

“Tránh voi chẳng xấu mặt nào”, ông bà ta đã dạy thế. Là hàng xóm với nhau, mỗi người một chút chịu đựng, một chút hiểu chuyện thì cuộc sống an vui biết bao.

Hàng xóm ở Việt Nam tôi từng sống và lớn lên thật hiền hòa thân thiện, vì người ta sống lâu dài ở một địa chỉ, một khu xóm, có khi từ đời ông bà cha mẹ cho tới đời con cháu nên tình hàng xóm càng ngày càng gần gũi thân thuộc, đúng với câu “Tắt lửa tối đèn có nhau”. Ðầu trên xóm dưới đều là quen biết, người ta biết rõ ngọn nguồn gia cảnh của nhau, sang nhà hàng xóm mượn con dao, cái búa, cái thang hay mượn lon gạo, xin chén nước mắm khi nhỡ nhàng là chuyện thường tình. Có những anh hàng xóm, cô hàng xóm thuở nào còn làm ta nhớ mãi. Dĩ nhiên cũng có những hàng xóm không ưa nhau, bất hòa cãi vã nhưng không động chút là chém giết nhau.

Hàng xóm ở Mỹ thì ngược lại, may ra ta chỉ biết tên quen mặt vài nhà bên cạnh, họ không tình cảm như hàng xóm ở Việt Nam, có lẽ vì cuộc sống riêng tư khép kín của mỗi nhà, vì họ hay di chuyển dọn nhà đi, vì do khác màu da, khác ngôn ngữ nên chỉ có xã giao bề ngoài. Bởi thế thấy hàng xóm Mỹ luôn mỉm cười chào hỏi ta đừng vội mừng nhé. Gia đình chị Linh bạn tôi khi mới dọn đến căn nhà vừa mua, chị hàng xóm người Mỹ bên cạnh đã ân cần bước sang nhà với một hộp bánh cookie và lời chúc mừng hàng xóm mới. Chị Linh cảm động lắm. Thế rồi sau một thời gian quen biết nhau hơn, có dịp chuyện trò nhiều hơn chị Linh tưởng như gặp người tri kỷ, cao hứng và có cả chân tình kể cho chị hàng xóm Mỹ nghe nào căn nhà này vợ chồng chị mua tiền mặt, chỉ tốn vài trăm tiền ký giấy tờ là dọn vào ngay, nào chồng chị là kỹ sư lâu năm của hãng máy bay, nào con gái chị đang là sinh viên y khoa năm cuối, Linh kể tới đâu thì chị Mỹ kêu lên thán phục tới đó: ”Wow…very good”, “Wow, wonderful”.

 Thế mà tình hàng xóm đang nồng ấm bỗng hóa ra “hận thù” vợ chồng nhà Mỹ lạnh lùng ra mặt và thay đổi thái độ, bắt bẻ, khó dễ nhà hàng xóm Việt đủ điều. Vợ chồng Linh chán ngán đã nghĩ đến chuyện bán nhà đi nơi khác, may quá Linh chưa kịp thực hiện rao bán nhà thì gia đình nhà Mỹ đã …âm thầm dọn đi mất tiêu. Ít hôm sau thấy căn nhà của họ đã dán giấy “ foreclosed”. Họ trả nợ mortgage không nổi nên nhà bank lấy nhà. Biết đâu cả ti vi tủ lạnh, bộ sofa trong nhà cũng …toàn đồ trả góp? Thì làm sao họ vui vẻ cho được với nhà Châu Á di dân tị nạn trên đất nước họ đã thành công thế kia. Linh đã học được một bài học vô cùng quý giá.

Sống ở đâu phải theo nếp sống nơi ấy. Tôi chỉ muốn là một hàng xóm bình thường và dễ chịu của họ.

Tôi đã bán căn nhà trước và ở căn nhà hiện nay với vài kinh nghiệm về tình hàng xóm.

Một buổi chiều ngày lễ Tạ Ơn vợ chồng tôi đã trễ giờ hẹn, vội vàng mang món ăn ra xe để tới nhà người em, vừa lùi xe xuống đường thì một bà hàng xóm cách nhà tôi mấy căn chạy đến chặn xe lại nhờ vả. Có lẽ bà đứng ngoài sân nãy giờ chờ gặp ai thì nhờ người đó, bà làm mất cái cell phone đang tìm không ra nhờ tôi đến nhà giúp. Tôi thật sự đang nôn nóng tới nhà người em vì mọi người đang chờ nhưng chỉ vài giây suy nghĩ tôi quyết định xuống xe đi bộ theo bà vào nhà, lấy cell phone của tôi ra bấm số cell phone của bà, tiếng phôn của bà reo lên và bà đã tìm ra nó, bà cám ơn tôi rối rít. Thôi thì đằng nào cũng trễ giờ, cũng đến bữa tiệc muộn mà giúp được hàng xóm cũng vui, lòng khỏi áy náy.

Nhà tôi nằm đối diện ngay góc cua quẹo trái. Ðịa thế đẹp sáng sủa cho lũ trẻ bước vào xin kẹo mùa Halloween, bởi thế Halloween nào nhà tôi cũng sáng đèn cho trẻ đến nhà, hao kẹo nhưng vui người vui mình.

Tôi thích trồng hoa lá trước sân nhà, từ mùa Xuân cho tới tàn Thu có hoa Hồng, hoa Sứ, hoa Crepe Myrtle thay nhau nở hoa. Trước cửa nhà có thùng thư chung của dãy phố, ai đến lấy thư sẽ được ngắm hoa lá sân trước nhà tôi nở đẹp theo mùa. Không biết hàng xóm có ý nghĩ ấy không? Nhưng tôi vẫn cứ vui và tin rằng tôi trồng hoa làm đẹp nhà mình và làm đẹp lòng hàng xóm trong phút giây họ ra lấy thư.

Căn nhà đối diện nhà tôi là gia đình người Mỹ trẻ tuổi họ mới đến thuê căn nhà, khi bên này bên kia thấy mặt nhau họ đều giơ tay chào lịch sự. Họ cắt cỏ sạch sẽ làm đẹp một góc phố, thùng rác và thùng recycle tới ngày đổ họ mang ra để phía trước gọn gàng trước khi rời nhà đi làm. Một hôm trời đầy gió, thùng recycle sau khi đổ xong đã lăn lóc ra ngoài đường và gió lôi đi xa, tôi đã chạy theo kéo thùng recycle để ngay ngắn trở lại trên sidewalk nhà họ, vừa giúp nhà hàng xóm vừa…giúp đời, không còn vật cản trên đường cho xe cộ đi qua an toàn. Chẳng ai nhìn thấy, chẳng ai hay biết, chỉ có chồng tôi biết và khen “Hoan hô bà hàng xóm tốt bụng ”.

Nhà hàng xóm bên trái là một người mẹ độc thân với hai đứa con, thỉnh thoảng họ đi vacation đều qua nói với tôi một tiếng nhờ trông nhà giùm, tôi cảm thấy ấm áp lòng khi được hàng xóm tin tưởng…giao việc trông nhà giùm họ.

Nhà hàng xóm bên phải là gia đình người Mễ cũng trẻ tuổi ( Vậy là có mình gia đình tôi…già cả nhất góc đường này) Nhà Mễ làm phiền tôi nhiều nhất.

Gia đình Mễ đông người, ngoài mấy đứa con còn có cha mẹ già, đã thế họ còn giữ trẻ kiếm thêm thu nhập, mỗi lúc mấy bà mấy cô đồng hương Mễ của họ mang con tới gởi và đón con về là xe đậu tràn lan sang cả lề đường nhà tôi và nhà đối diện. Có lần tôi lùi xe từ sân nhà mình để xuống đường, ngó phía sau bên phải, bên trái và đối diện bên kia đều có xe đậu lề đường quây lại thành một hình chữ U làm tôi de xe vất vả khó khăn chỉ sợ đụng chạm xe họ. Tôi hồi hộp lo lắng nhưng khi chị Mễ bên cạnh lơn tơn ra sân thấy tôi de xe nhúc nhích từng chút một chị ái ngại hỏi “Are you OK ?” tôi cũng ráng nở nụ cười trả lời ngon lành: “Ok No problem”. Vẫn còn bản tính người Việt Nam khách sáo nhún nhường để làm vừa lòng người khác, thay vì “mặt sưng sỉa lên” nói thẳng nói thật lòng mình rằng:” Tôi chán cảnh đậu xe của khách khứa nhà chị lắm rồi”.

Thoát ra khỏi vụ de xe tôi sung sướng chạy thong dong trên đường tới chợ và hy vọng rằng lúc quay về nhà thì xe hàng xóm Mễ cũng đã “di tản” bớt, trả lại không gian lòng lề đường nhà tôi cho tôi dễ dàng lái xe lên drive way an toàn.

Nhà Mễ này lại có máu văn nghệ nữa cơ, qua khe hở hàng rào sân sau tôi thấy trong cái patio rộng là dàn trống to như một ban nhạc. Thỉnh thoảng họ tụ tập bạn bè ăn uống và ca hát đàn trống rộn ràng tới khuya. Căn phòng ngủ của tôi “vô phước” nằm gần ngay hàng rào nên tôi phải thưởng thức nhạc ngoài mong muốn, có hôm âm nhạc ru hồn tôi lạc vào giấc ngủ muộn, có hôm tôi lơ mơ ngủ nửa thức nửa tỉnh.

Những ngày cuối tuần tôi thường tha hồ thức khuya dậy muộn, nhưng có buổi sáng sớm tôi đang say ngủ bỗng choàng tỉnh giấc vì tiếng máy cắt cỏ giòn giã vang lên. Thì ra anh Mễ hàng xóm đang cắt cỏ khi mới 8 giờ sáng. Chắc anh ta muốn cắt cỏ giờ này cho mát mẻ vì trời Texas mùa hè nóng sớm mà vô tình phá hủy giấc ngủ ngon trớn của tôi.

Chưa bao giờ tôi có ý nghĩ sẽ sang nhà hàng xóm Mễ “phàn nàn” họ làm ầm ĩ khiến tôi mất ngủ cả. Vụ con chó dữ trước kia tôi còn chào thua thì vụ thỉnh thoảng mất ngủ chỉ là chuyện nhỏ.

Ngoài nhà anh Mễ, thêm một hàng xóm mà tôi chưa biết mặt bao giờ cũng góp phần làm tôi mất ngủ.

Ðằng sau vườn nhà tôi là một khu apartment, chỉ cách nhau một hàng rào, có đêm tôi nghe ai đó to tiếng cãi vã, đêm vắng lặng nên những âm thanh dữ dội vọng sang càng rõ, có vẻ như hai vợ chồng cãi nhau, họ lôi nhau chạy ra ngoài chửi bới nhau cả khu xóm cùng nghe.

Nhưng dù nhà Mễ bên cạnh chơi nhạc tới khuya hay bên kia apartment người ta cãi nhau nửa đêm về sáng thì hàng xóm làm tôi mất ngủ vẫn ít hơn …chính tôi làm tôi mất ngủ, trằn trọc thao thức chỉ vì một câu văn chưa vừa ý hay một câu thơ chưa tròn.

Hàng xóm của tôi dù là màu da nào, dù họ là ai, dưới mắt tôi họ vẫn là những hàng xóm dễ thương cho tôi thêm niềm vui trong cuộc sống này.

NTTD

From: Tu-Phung

Chuyện nhà, chuyện người

Bác Lộc (Giao Chỉ) có Vài hàng gửi cháu Nam và Yến.

1)Bác hiện bắt đầu sống trong giai đoạn bác gái 87 tuổi mở đầu bước vào bệnh Alzheimer. Hoàn toàn không nhớ chuyện thông thường. Luôn luôn hỏi bác mọi chuyện. Nói xong là quên ngay. Suy nghĩ sai lầm vì bộ óc như máy điện tử bị hư. Bác Lộc trai bắt buộc phải cố gắng học tập để trở thành người chồng tốt nhất thế giới. Tuyệt đối không làm bà xã buồn. Bác Lộc tuyệt đối không nói KHÔNG với bà xã. Và nói dối liên tục. Em thích ông Trâm, anh cũng thích ông Trâm. Em thích ông Bai, anh cũng thích ông Bai.

2)Bác đã theo dõi bệnh của anh Phạm Phú Nam. Bị Cancer ai cũng nghĩ rằng Nam không qua khỏi. Nhưng sống đến ngày nay quả nhiên là phép lạ. Cancer với Alzheimer là chỗ quen biết. Chúng nó rủ nhau đến thăm bệnh nhân. Nhưng rồi ai cũng sẽ có ngày cuối cùng. Trong thời gian qua bộ máy điện tử xuất sắc của Phạm Phú Nam đã bắt đầu sinh chuyện. Tất cả mọi ý kiến của Nam về việc tổ chức bác đều chiều theo nhưng thực sự đã đến lúc Nam phải nghỉ ngơi. Người duy nhất trên thế giới này phải hoàn toàn thay đổi để giúp Nam là cô Yến. Người vợ. Tuyệt đối không tranh cãi, không đóng góp ý kiến. Hãy trở thành người khác. Không quan tâm đến thiên hạ sự. Không quan tâm đến bất cứ chuyện bên ngoài. Chỉ cố giữ cho người chồng lý tưởng vui vẻ, dù bất cứ hoàn cảnh nào. Tất cả mọi người đều công nhân Nam là người gương mẫu và lương thiện. Nam được mọi người yêu quý và đang cần cháu Yến trông nom săn sóc. Không cần quan tâm đến chuyện phải trái đúng hay sai. Tất cả đều cố gắng là làm cho Nam vui vẻ. Tuyệt đối không nhắc chuyện không cần thiết. Giữ cho chính mình thanh thản và truyền cho người thân sự bình yên. Phật dạy rằng hãy Buông mọi nỗi ưu phiền của cuộc đời. Chúa dạy rằng Lỗi tại ta mọi đường.

Bác Lộc xin gửi bài viết về ông bà Nguyễn Đình Tạo cho cháu đọc.

Thiên hạ đón người về, đây là chuyện người vợ ngồi chờ chồng ra đi.

Bác Lộc vừa đi thăm bạn cùng khóa là bác Nguyễn đình Tạo.

Hình ảnh đẹp đẽ nhất là bác Tạo nằm trên ghế dài như bộ xương khô 90 tuổi. Bác Tạo gái còn trẻ ngoài 70 ngồi vuốt nhưng sợi tóc thưa cho chồng. Chị ngồi chờ mấy hôm nay cho đến giây phút anh đi. Thực sự ông Tạo đã không còn nhận ra ai từ 2 năm qua. Bệnh Alzheimer. Sống là xác thực nhưng hồn thiêng đã phiêu du cõi ngoài. Nguyễn Đình Tạo bỏ đất Bắc ra đi từ Hà Nội ngày 1 tháng 3 năm 1954. Vào Đà Lạt học võ bị với 300 anh em Bắc kỳ 20 tuổi. Hiệp định Geneve chia đôi đất nước. Bạn cùng khóa nhiều người đón được gia đình di cư. Anh Tạo hoàn toàn mất liên lạc và tiếp tục cô đơn theo đời lính. Lập gia đình có thêm con và sự nghiệp cuối là trung tá quận trưởng 75 đã ở lại đi tù cộng sản 9 năm. Khi được tự do, ông quận trưởng ngày xưa gặp vợ cũ đã có gia đình mới nên đành chia tay. Nguyễn đình Tạo chỉ còn duy nhất một con đường vượt biên.  Ông đem theo cậu con trai gan dạ ngon lành nhất đi đường bộ qua Cam Bốt. Bao nhiêu gian nan vất vả nhưng không thành công. May mắn bố con còn quay về được. Lại tìm đi đường biển.  Bố đi trước.Thằng con gan dạ hơi teo nên tạm chờ. Ông Tạo qua Mỹ nhưng mất thằng con yêu quý và gan dạ. Thấy bố đi êm, nó bèn lên đường. Cháu ở lại biển Đông. Ông Tạo làm thợ giặt ủi và đi bỏ báo để sống mà tìm con. Con ông sẽ không bao giờ tìm thấy những ông tìm được có vợ mới. Ngày xưa ở Đà Lạt có quen cô gái trẻ, ai mà biết được bây giờ nàng cũng đã có gia đình tan vỡ nhưng lại độc thân tại chỗ ở San Jose. Anh Tạo trở thành nhà thơ Đông Anh làm phụ tá giám đốc IRCC và làm thơ tán tỉnh cô Đông Em. Anh em cùng khóa tổ chức đám cưới cho cặp tình Rổ giá cặp lại với thực đơn bánh mì cầm tay. Đám cưới đứng ngồi vui vẻ cùng với ngày họp khóa đoàn viên. Ông Tạo nhận thêm hội Văn Thơ Lạc Việt đang tạm thời nghỉ mát. Ông gầy dựng cho sống lại huy hoàng. Các bạn tù như Hà Thượng Nhân và nhiều người tham dự. Cô vợ trẻ Đà Lạt tự lực cánh sinh bước từ thợ nail lên bà chủ. Mỗi lần hỏi gia cảnh nàng lại thưa rằng nhà em cứ thơ thẩn suốt ngày, chết em thôi. Ông Tạo vừa làm thơ với 9 năm ngục tù, vừa tiếp tục tìm con chết và làm hồ sơ đoàn tụ tất cả những đứa con sống còn ở Việt Nam. Ông bà mua nhà nhỏ rồi chuyển qua nhà rộng hơn. Khi ông về hưu thì bà vợ trẻ Đà Lạt vẫn trông nom cửa tiệm Nail còn nhiều tương lai. Một hôm mới sáng ra ông trung tá quận trưởng kiêm chỉ huy liên đoàn địa phương quân nhìn cô vợ lên tiếng hỏi rằng: Bà là ai, đến đây có chuyện gì. Em tưởng anh nói đùa hóa ra anh nói thật. Anh chẳng biết em là ai. Có lần đang ngồi bên nhau anh Tạo đứng lên đòi người đưa anh về. Về nhà. Đây không phải nhà mình. Em biết đưa anh về đâu. Chuyện người thân đóng vai khách lạ kéo dài suốt 2 năm. Rồi anh yếu dần. 911 đưa anh đi rồi em lại chở anh về. Tuần qua, nhà thơ Đông Anh được 911 chở đi lần cuối. Vợ chồng bác Lộc vào thăm anh chị Tạo. Ông quận trưởng kiêm chỉ huy địa phương quân anh hùng trên đường đi Đà Lạt nằm như bộ xương khô. Cô vợ trẻ, người tình năm xưa ngồi vuốt những sợi tóc thưa. Hỏi rằng vậy thì sau cùng sống bên nhau ra sao sau một kiếp người. Sao trông cô quá hốc hác mệt mỏi. Em không sao. Chỉ phải thức nhiều canh giây phút anh ra đi. Tiệm Nail ra sao. Phải ở nhà nên giao cho người ta rồi. Tuy anh Tạo không biết nhưng nghĩ rằng em là người quen mặt. Không thấy em anh ấy buồn. Tuy bệnh này hồn lìa khỏi xác. Vậy mà thấy người quen mắt anh Tạo tươi hơn đôi chút. Tôi chợt nhớ câu thơ ai viết.

Thiên hạ bao nhiêu người, sao anh chỉ thấy mình em. Tóc thưa sợi ngắn, sợi dài. Vẫn còn 2 sợi biết mình thương nhau…

Mở máy chợt thấy Elvis Phương dài hơi hát nhạc Lê Hựu Hà Yêu nhau, thương nhau, thương nhau, thương nhau. Giờ này còn yêu đương gì nữa. Chỉ thương nhau thôi. Tóc còn 2 sợi biết mình thương nhau…

Giao Chỉ, San Jose.

From: Tuan Ba Cao & KimBang Nguyen

MÙA XUÂN BÊN KHUNG CỬA -Truyện ngắn

Nguyễn Thị Thêm

Người lính già ngồi nhìn ra khung cửa. Nắng rực rỡ ngoài kia. Những hạt nắng nhảy nhót lung linh.

Ông đưa tay lên gãi đầu. Ông lại cười một mình. Ông biết cái đầu ông bây giờ tức cười lắm. Hôm qua bà vợ già đã đặt cái ghế giữa nhà, kéo ông ngồi xuống và hớt tóc cho ông. Bà đâu phải là thợ, bà cũng chưa hề hành nghề này bao giờ thế mà hôm nay bà ra tay “Đè đầu cưỡi cổ” ông. Ông ngồi yên. Mà ông không ngồi yên cũng không được bởi bà đã choàng cái khăn bà may giống ở tiệm, quấn kín cổ cho ông. Bà cười lỏn lẻn:

– Ông chịu khó ngồi yên nghen. Ông mà cựa quậy lung tung, tôi lỡ tay sẽ biến ông thành sư cọ.

Ông tức cười quá nhưng không dám trả lời. Ông mà mở miệng, nước miếng lại trào ra thành dòng. Thôi thì mặc kệ, bả muốn chơi kiểu nào cũng được. Đời ông từ lâu đã giao phó cho con gà mái dầu dễ thương này rồi.

Bà vừa hớt vừa xoay trở, bờ ngực đè lên vai ông cọ qua cọ lại nhiều lần. Ông cũng thấy xuân tình nổi lên, nếu mà ngày xưa bà sẽ chết dưới tay ông. Nhưng cũng nhưng mắc dịch, cái tông đơ đã lâu không sử dụng nó nghiến cái tóc ông đau từng hồi. Ông tự nhủ: “Thây kệ! ráng chịu đau, la lên lại chảy nước miếng”. Cái máy rè rè, bà nghiêng bên này, nghiêng bên kia, lúc dùng lược lúc dùng dao cạo, sửa tới sửa lui. Ông rọ rạy khó chịu. Bà nhét tay ông vào trong khăn dỗ dành:

– Ráng chút nữa, tui sẽ biểu bầy nhỏ mua cái máy khác. Máy mới nó đi ngọt hơn. Đừng! đừng… ông lại rọ rạy, tui dớt bên này sâu hơn rồi nè. Phải sửa lại bên kia cho nó đều. Ông thiệt là…

Một hồi sản phẩm của bà cũng xong, bà đứng ra phía trước nghiêng người ngắm nó ra vẻ hài lòng. Lột khăn choàng ra. Kéo ông đứng dậy bà cười:

– Bi giờ ông giống lính mới tò te nhập quân trường. Thôi đi vào ghế nằm nghỉ ngơi một lát, dọn dẹp xong, tui tắm cho ông.

Vào phòng tắm bà lại lôi máy cạo râu chơi một vòng lả lướt trên mặt ông trước khi lột sạch đồ và đưa ông vào bathtub. Bà lấy cái ghế nhỏ kéo ông ngồi xuống. Bà bước hẳn vào trong, thử nước vừa ấm và cẩn thận gội đầu cho ông. Bà cười giọng reo vui:

– Đại Úy, tóc cắt kiểu này không sai luật quân trường phải không? Tui cắt tóc cũng chiến lắm chứ bộ.

Ông làm thinh nhớ đến quân trường ngày đầu nhập ngũ, nhớ những lần tập huấn:”Quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu” Nhớ cái nhìn sửng sốt lẫn thương cảm của mẹ nhìn thấy con trai cái đầu húi cua và gương mặt sạm nắng.

– Ông nè, hớt tóc ở nhà đỡ cho ông khỏi phải chờ đợi ở tiệm đau cả lưng. Dẫu tui hớt có xấu đi một chút, nhưng già rồi mình đâu có đi đâu mà ngại. Mà ông đừng lo, lần đầu chưa quen tay, tui hớt chưa đều, mai mốt tui lành nghề mấy ông già hàng xóm thấy mê, qua đòi tui hớt và tắm rửa ông đừng có ghen nha.

Ông cố nín cười về câu pha trò của bà, bà cũng kéo ông về thực tại về những lần phải đi hớt tóc ngoài tiệm. Phải rồi, ông nhớ lại mỗi lần đi tiệm hớt tóc, bà vợ ông đã gọi trước lấy hẹn để ông khỏi phải chờ. Nhưng lần nào chú thợ cũng bận hớt một hoặc hai người trước ông. Ông ngồi xuống ghế, bà ngồi ghế kế bên luôn chậm nước miếng và đỡ cho đầu ông không gục xuống. Cái lưng ngồi lâu lại đau thắt cả người. Bà lại dìu ông đứng dậy rồi đỡ ông đi loanh quanh bên ngoài.

Tới phiên ông vào cắt, ông không thể nào ngồi vào cái ghế dễ dàng dù ghế đã hạ thấp xuống hết cỡ. Chú thợ và bà phải nâng ông lên trên ghế và xoay cho ông ngồi ngay ngắn. Cũng tội nghiệp chú thợ, đầu ông cứ ngọ ngoạy và gục xuống vì mỏi cổ. Có khi ông ngủ gục, giật mình một cái khiến chú thợ hết hồn. Cho nên lần nào ông đi hớt tóc bà vợ cũng kè một bên nâng đầu ông lên cho thẳng. Tóc ông hớt bay vào  người bà,  mỗi lần đi tiệm về, tắm ông xong bà cũng phải tắm luôn cho mình.

-Xong rồi. Sạch sẽ, đẹp trai. Mời đại úy bước ra.

Bà lại dìu ông bước ra khỏi bathtub trần truồng như nhộng. Nhìn vào gương ông không khỏi chạnh lòng. Ông già này là ông đó sao? Ông muốn khóc cho mình, cho số phận chua chát của  kiếp người, một người lính già bệnh tật. Hai tay vịn vào bàn ông giang chân hơi rộng ra để bà mang tã. Ông lại đứng yên nhìn mình trong gương. Cảm xúc lúc nãy biến mất dường như ông không quen người này, cái gã lạ mặt cứ nhìn chăm chăm vào ông.

– Giơ chân lên đi ông, chân này trước nè

Bà vỗ vỗ ở chân làm ông giật mình. Ông giơ chân lên để bà mặc quần, hết vỗ chân này bà lại vỗ chân kia, nếu không chân ông cứ dính chặt trên nền không nghe ông sai bảo. Mặc áo cho ông xong xuôi, bà cầm tay ông lên ngắm:

– Móng tay ông đã dài nữa rồi. Thôi sẵn nó mềm tui cắt luôn cho đủ bộ.

Bà dắt tay ông dìu ngồi trên cái bồn toilet đã được đậy nắp lại:

– Đưa tay trái đây ông.

Bàn tay bà nắm lấy tay ông  kéo về phía mình và ngồi xuống tẩn mẩn cắt từng móng tay, móng chân cho ông. Cái đầu bà cúi xuống chăm chỉ.

Chăm chỉ như khi bà mới về làm dâu nhà ông, lau thật kỹ bộ lư đồng bàn thờ. Cô dâu mới miền Nam đôi mắt ngây thơ sợ sệt bước vào gia đình ông. Một gia đình miền Trung cổ hũ, thân phận dâu cả phải lo kỵ giỗ, gia nương mồ mả nhà chồng.

Những móng tay bị cắt kêu tách tách. Ông nhớ những ngày quê nhà, bà hí hoáy bên nồi bánh Tết, lửa trong bếp sáng rực, kêu lách tách như vậy. Giòn giã hơn, vui tươi hơn. Còn bây giờ tiếng kêu như những nhịp đau thương từ trái tim ông reo lên thương cảm. Người vợ 43 năm chung thủy của ông có được gì đâu chớ. Chỉ nhận được từ ông bao nỗi cay đắng truân chuyên. Nước mắt ông ngân ngấn nhưng tay đã bị bà giữ chặt. Bà giữ cuộc đời ông bằng tất cả trái tim của một người vợ lính.

Xoa hai bàn tay lại với nhau, bà cười cười:

-Tất cả sạch sẽ, tươm tất. Đại úy ơi! xin cho tiền típ.

Ông cười, nước miếng lại chảy ra thành dòng. Bà với tay, lấy cái khăn chùi sạch, nhẹ nhàng chọc quê,:

– Thấy gà mái dầu xấu xí thèm gà móng đỏ phải không?.

Rồi bà dìu ông vào phòng, để ông ngồi lên giường, ôm ông xoay người cho ông nằm xuống. Bà kéo chăn đắp lên người ông, nâng giường cho đầu ông vừa tầm. Bà nói:

– Thôi ngủ một giấc cho khỏe đi ông! Tui đi tắm rồi tui xuống nấu cơm.

Và vậy bà đã xuống phòng ăn. Ông nằm im nhìn lên trần nhà buồn vui lẫn lộn. Có ai ngờ cuộc đời ông lại như thế này. Ông thường thấy bạn bè về bên ông tâm tình. Ông thấy thằng bạn trèo lên lợp nhà trong trại Thanh hà bị sét đánh chết. Ông nhìn thấy con rắn đang bò đến bên ông khi hai tay ông đang ôm bó tre thật lớn. Ông thấy bạn, thấy thù. Thấy những cái nón cối, thấy đầu súng kè kè bên hông ông. Ông thấy mình đói, cái đói cồn cào kinh hoàng như tiêu diệt từng tế bào của con người. Cái đói người tù giết mòn ý chí và nghị lực. Cái đói đến từng đêm dù bây giờ ông vẫn ăn no đủ. Những giấc mơ không đầu không đuôi vùi dập ông mỗi đêm. Những hình ảnh bạn bè thân quen đến với ông hàng ngày. Ông chìm vào thế giới đó và mênh mang trong cuộc sống. Đôi khi ông vô tình quên hẳn sự hiện hữu của bà.

Hôm nay, sao ông lại thấy bầu trời đẹp, thấy bà thật dễ thương. thấy thèm một dĩa cà và vã ăn với mắm ruốc hay một tô bún bò huế thật cay nghi ngút khói. Ông nhớ ngày bà ra Huế thăm ông, Ông chở bà bằng xe đạp đi loanh quanh thành nội thăm bà con. Thời kỳ chiến tranh căng thẳng, VC hay pháo kích bất ngờ. Nhưng thây kệ, mấy khi vợ lính ra thăm chồng, mấy khi ông được nghỉ phép đặc biệt. Cuộc sống lính tráng biết sao được ngày mai, hạnh phúc trong tay cứ hưởng. Thế là hai vợ chồng trẻ trên chiếc xe đạp đi khắp nơi. Tình yêu ngọt ngào tưởng như vô tận. Ông lại chép miệng thật thèm, thèm đủ thứ và tưởng chừng như có bà một bên để ông ôm siết bà thật chặt. ” Ôi! cô giáo của riêng ông!”

Ông lại sờ lên đầu. Cái đầu mới hớt của anh lính mới tò te, râu ria nhẵn nhụi. Cả một thời trai trẻ lại về. Ông nhắm mắt lại, nhớ mùa xuân quân trường. Nhớ nụ hôn ngọt mềm: “Em đến thăm anh vào một ngày đẹp nắng…”

Nguyễn Thị Thêm

From: Tu-Phung