Em Tên Là Nujood, Mười Tuổi, Xin Ly Dị.

Em Tên Là Nujood, Mười Tuổi, Xin Ly Dị.

·
Trên đây là tựa đề cuốn tiểu thuyết kể lại hoàn cảnh đau lòng của các em bé gái ở nước Yemen. Gia đình em Nujood bắt em phải làm vợ một người đàn ông lớn tuổi vào lúc em mới 10 tuổi. Em bị đánh đập, hành hạ, và cha mẹ em từ chối giúp đỡ. Vì thế, em phải tìm cách tự cứu lấy mình. Em chạy đến toà án xin quan toà cho em được ly dị người chồng của em.

·      Câu chuyện thương tâm của em Nujood đã làm thay đổi luật lệ về tục lệ tảo hôn ở quốc gia theo Hồi Giáo. Chúng tôi dịch phần tóm lược cuốn truyện đăng trên Reader’s Digest tháng 1 năm 2013.

“Đầu óc em quay mòng mòng – Chưa bao giờ em trông thấy một đám đông nhiều người đến như thế . Ngoài sân toà án, người ta đang vội vã, tấp nập từ mọi phía, đổ dồn về đây. Chẳng ai trông thấy em: Em nhỏ bé quá so với những người này. Năm nay em mới được mười tuổi, không chừng chưa đủ mười tuổi. Nào có aí biết rõ em bao nhiêu tuổi?”

NGƯỜI TA ĐỒN RẰNG QUAN TOÀ   là người giúp đỡ những kẻ cô thế. Vì  vậy, em phải tìm cho được một vị quan toà, và kể cho ông ta nghe câu chuyện của em. Em mệt bã cả người. Trời nóng bức quá, em còn phải mang tấm lưới che mặt, đầu em nhức như búa bổ, và em cảm thấy xấu hổ quá chừng.

Em dáo dác ngó quanh, để ý canh chừng những người cảnh sát mặc đồng phục. Nếu họ trông thấy em, họ có thể bắt em. Một con bé mười tuổi dám bỏ nhà đi hoang. Em sợ đến run rẩy cả chân tay, em cố tìm xem có người phụ nữ  nào mang lưới che mặt đi ngang qua, để hỏi thăm. Gặp một bà, em vội vàng lên tiếng hỏi thăm: “Cháu muốn tìm gặp một vị quan toà.”

Hai con mắt sau tấm lưới mầu đen mở to ra để nhìn em, ngạc nhiên hỏi: “Em muốn gặp ông quan toà nào?”

“Ông nào cũng được. Cứ dẫn cháu đi gặp một ông quan toà đi.”

Bà ta nhìn em chòng chọc, kinh  ngạc khi nghe em trả lời như vậy.

Cuối cùng, bà ta nói: “Em đi theo tôi.”.

Cánh cửa căn phòng được mở ra. Trong phòng có rất nhiều người, và ở cuối căn phòng, tôi trông thấy một người đàn ông ngồi ở đó với nét mặt gầy ốm, và bộ râu mép. Cuối cùng thì tôi cũng gặp được một vị quan toà. Tôi ngồi xuống, ngả lưng ra sau ghế, chờ đến lượt mình.

Đang mơ màng lim dim chợp mắt ngủ, tôi nghe tiếng người đàn ông hỏi: “Ta có thể giúp gì được cho cháu?”. Tiếng nói của người này nghe rất êm ái, dịu dàng. Tôi đưa tay lên dụi mắt cho tỉnh ngủ, và nhận ra người đang đứng trước mặt tôi chính là vị quan toà có râu mép.

 

Thoả Ước Giữa Cha Tôi và Một Người Đàn Ông

Ở Khardji, một ngôi làng nhỏ bé nơi tôi sinh ra, thuộc xứ Yemen, người phụ nữ không được phép chọn lựa khi lập gia đình. Mẹ tôi, bà Shoya lập gia đình với cha tôi, ông Ali Mohammad al-Ahdel, khi bà mới được 16 tuổi. Bà lấy chồng theo sự sắp xếp của gia đình, không một lời phản đối. Sau đó bốn năm, khi cha tôi quyết định muốn lấy thêm một bà vợ thứ hai, mẹ tôi chỉ biết ngoan ngoãn vâng lời. Tôi cũng ở trong
trường hợp giống mẹ tôi, nghĩa là đồng ý lập gia đình theo ý muốn của cha mẹ,
không có ý kiến, và cũng không ngờ mình bị lâm vào hoàn cảnh nguy hiểm. Ở tuổi
còn nhỏ, tôi không có nhiều câu hỏi để thắc mắc.

Mẹ tôi sinh ra tôi, và 15 anh chị em khác ngay tại nhà.Tôi thường gọi mẹ tôi là Omma hay Mama. Khi lớn lên, tôi chỉ biết quan sát sự chăm lo việc nhà của mẹ tôi cho đến lúc tôi biết theo đuôi mấy bà chị giúp mẹ làm việc nhà. Tôi cứ theo hai chị lớn, nghe mẹ và các chị bảo làm gì thì làm. Hai chị rủ đi lấy nước ngoài con suối  đem về nhà, tôi cũng đi theo. Khi tôi được hai hay ba tuổi, bỗng dưng xảy ra một vụ đánh nhau dữ dội giữa cha tôi với vài người trong làng. Chúng tôi bị buộc phải dọn đi nơi khác ngay lập tức.

Khi gia đình chúng tôi đến thành phố Sana, chúng tôi bị “sốc” nặng về cuộc sống mới ở thành phố chính trong vùng. Nó hết sức ồn ào, bụi bậm, khác hẳn với đời sống êm đềm ở dưới làng quê.  Chúng tôi sống trong một bin đinh tồi tàn ở khu Al-Qa. Sau  một thời gian dài chật vật tìm việc, cho tôi được phu quét đường cho sở vệ sinh.

Tôi được cắp sách đi học năm đầu ở trường tiểu học, và là họ trò giỏi. Tôi sắp sửa lên năm học thứ hai thì một buổi chiều tháng Hai năm 2008, cha tôi- tôi vẫn gọi người là Aba- đi làm về nói với tôi rằng ông có một tin vui cho tôi.

“Nujood, con sắp sửa lập gia đình rồi.”

Tin này đến với tôi thật là bất ngờ, không biết tử đâu tới.
Tôi thực sự chẳng hiểu gì cả. Lúc đầu tôi cảm thấy hình như đó là điều tốt, vì
tôi sẽ được ra khỏi nhà, ở riêng. Cuộc sống trong nhà chật trội, tù túng đến
ngộp thở. Aba (cha tôi) không tìm được việc làm toàn thời gian sau khi ông bị
mất việc làm phu quét đường cho sở vệ sinh. Vì thế, tháng nào ông cũng lâm vào
hoàn cảnh trả tiền thuê nhà trễ nải. Mấy đứa em trai của tôi đứng ngoài đường
chặn xe hơi ở ngã tư để bán cuộn giấy chùi tay kiếm được vài cắc bạc. Sau đó
đến lượt chị Haifa cũng phải ra đường bán hàng, và rồi đến lượt tôi. Tôi không
thích cái việc rượt chạy theo xe để bán hàng.

Lúc gần đây, Aba thường hay ngồi la cà, nhai lá thuốc phiện  “khat” với bạn bè. Ông bào chữa là nhai lá “khat” giúp ông khuây khỏa, bớt chán đời. Qua ba cái vụ ngồi lê, nhai lá “khat” như vậy, cha tôi được một người đàn ông khoảng trên dưới 30 làm quen với ông. Hắn nóí với cha tôi: “Tôi muốn hai gia đình chúng ta kết nghĩa với nhau.”

Người đàn ông đó tên là Faez Ali Thamer, làm nghể giao hàng. Hắn cũng là dân vùng Khardji giống như gia đình tôi, và đang có ý định đi  tìm vợ. Cha tôi nhận lời cầu hôn của hắn. Thế là sau  hai chị tôi, đến lượt tôi phải lập gia đình ra ở riêng.

Chiều tối hôm đó, tôi nghe lóm được câu chuyện giữa chị Mona và cha tôi.

Chị tôi cằn nhằn cha tôi: “Em Nujood còn bé quá, sao cha lại đem gả chồng cho nó.”.

Cha tôi lý sự: “Đó là cách hay nhất để bảo bọc cho nó. Nó sẽ không bị người lạ hãm hiếp, và không bị làm đề tài để nói xấu hay dèm pha. Người đàn ông này rất đàng hoàng, đứng đắn. Anh ta hứa sẽ không đụng vào người con Nujood cho đến khi nó đủ khôn lớn. Ngoài ra, gia đình mình không có đủ tiền để nuôi cả nhà đông con.”.

Mẹ tôi không nói một lời nào cả. Bà có ý buồn lòng, nhưng ngậm câm không nói ra. Ở nước tôi, đàn ông là chủ gia đình, quyết định mọi chuyện.

 

Đám cưới được tổ chức.

KẾ HOẠCH CHUẨN BỊ ĐÁM CƯỚI CHO TÔI được tiến hành như dự
liệu, và tôi sớm nhận ra những điều bất hạnh sẽ xảy ra cho tôi từ lúc tôi nghe
nói gia đình bên chồng  quyết định sẽ không cho tôi đi học nữa. Tôi thích
đi học, và yêu trường học. Đối với tôi những giờ cắp sách đi học đến trường là
những giây phút thần tiên. Chỉ có ở trường học tôi mới có thể trốn khỏi được sự
tù túng, khó khăn của cuộc sống. Trường học là nơi ẩn náu bình yên cho tôi.

Vào ngày đám cưới của tôi, các cô bạn, chị em họ đứng chờ sẵn hai bên đường để reo hò, và vỗ tay khi họ trông thấy tôi đi ra. Nhưng lúc đó, mắt tôi nhòa lệ, không còn trông thấy ai cả.

Từ phiá sau chiếc xe hơi loại SUV, đậu truớc cửa nhà tôi,
một người đàn ông thấp, lùn nhìn tôi chằm chặp. Ông ta mặc bộ quốc phục “zana”
mầu trắng, trên mép có hàng râu mỏng. Mái tóc cắt ngắn của ông bôi dầu bóng
láng, mặt ông được cạo sơ sài, cẩu thả. Ông ta không được đẹp trai cho lắm.
Người đó chính là Faez Ali Thamer! Chồng tương lai của tôi.

Khi chiếc xe nổ máy, người tài xế lái xe đi. Tôi chợt tỉnh
ngộ và bắt đầu khóc thầm, mặt tôi tì lên cửa kính xe hơi. Tôi nhìn mãi về phía
căn nhà thân yêu của tôi cho đến khi hình ảnh cha tôi nhỏ dần.

Một người đàn bà đứng chờ tôi ở bực cửa căn nhà bằng đá ở vùng
Khardji. Tôi linh cảm thấy ngay bà ta không mấy gì ưa tôi. Bà mẹ chồng mới của
tôi già lắm, lớp da trên mặt bà nhăn nheo như da con kỳ đà. Bà ra dấu cho tôi
bước vào nhà. Bên trong căn nhà bầy biện rất sơ sài, không có bàn ghế tủ giả gì
nhiều. Căn nhà có bốn phòng ngủ, một phòng khách, và một cái bếp nhỏ.

Tôi ăn bữa cơm có thịt do em gái của chồng tôi làm sẵn, ăn
chung với mọi người. Sau bữa ăn, những người lớn tuổi trong làng ngồi nói
chuyện, và  ngồi nhai lá “khat” chuyện vãn với nhau. Không ai để ý đến
tuổi tác quá nhỏ của tôi. Về sau tôi mới hiểu rằng lấy con gái nhỏ tuổi là
chuyện thường xảy ra ở miền quê. Ở một bộ lạc, người ta còn nhắc nhở cho nhau
nghe một câu châm ngôn xưa là: “Muốn có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, thì nên
lấy một cô gái chín tuổi.”.

Tôi cảm thấy an lòng khi được đưa về phòng riêng của mình.
Một tấm chiếu dài được trải trên nền nhà: đó là cái giường của tôi. Mệt quá,
tôi nằm lăn ra ngủ, chẳng cần tắt đèn.

Phải chi tôi được ngủ luôn một giấc dài vô tận thì hay biết
mấy. Khi cánh cửa bị đẩy mạnh, mở ra, làm tôi thức giấc. Chưa kịp mở to đôi
mắt, tôi đã ngửi thấy cái mùi mổ hôi nhớp nhúa, và một thân hình đầy lông lá đè
lên người tôi. Ai đó đã thổi tắt ngọn đèn dầu, làm cho căn phòng tối đen như
mực. Thì ra người đó là hắn ta. Tôi nhận ra hắn vì cái mùi hôi của thuốc lá, và
mùi lá “khát” toả ra từ người  hắn. Hắn cạ người hắn vào người tôi.

Tôi thở dài, năn nỉ: “Đừng, đừng đụng vào người tôi. Hãy để cho tôi yên.”

“Em là vợ của tôi mà! Sao vậy?”.

Tôi đứng bật dậy, cửa căn phòng chưa khép kín. Tôi nhìn
thấy tia sáng mờ từ bên ngoài lọt vào, tôi phóng mình chạy ra ngoài sân.

Hắn đuổi theo tôi.

Tôi hét lên: “Cứu tôi với! Làm ơn cứu tôi.”. Tôi khóc oà
lên.

Tiếng khóc của tôi vang vọng vào giữa đêm yên tịnh. Nhưng
hình như đó là tiếng la hét trong hư không, vô vọng. Tôi chạy thật nhanh, thở
hổn hển. Tôi vấp ngã, và lại ráng đứng dậy chạy tiếp. Nhưng cánh tay cứng rắn
của hắn đã túm lấy được tôi, lôi tôi trở lại căn phòng ngủ, đẩy mạnh tôi nằm
xuống chiếu. Tôi cảm thấy như mình bị tê liệt toàn thân, như người bị trói chặt.

Hy vọng tìm được một người phụ nữ làm đồng minh đến tiếp
cứu. Tôi kêu cứu bà mẹ chồng: “Amma! Dì ơi đến cứu con.”

Không có ai lên tiếng trả lời, hay chạy đến cứu tôi.

Khi hắn cởi bỏ bộ sà rông cuốn trên người. Tôi lăn tròn người
trên chiếu để tự vệ, nhưng hắn bắt đầu lột quần áo ngủ của tôi ra.

Tôi lại tìm cách bỏ chạy, và nói với hắn: “Tôi sẽ về mách
với cha tôi.”.

“Mày muốn về nói gì với cha mày cũng được. Chính ông ấy là
người đã ký giao kèo với tao kia mà.”

“Ông không có quyền đụng vào tôi.”

Hắn bắt đầu cười to, thái độ khinh mạn, đểu cáng.

“Mày bây giờ là vợ của tao rồi. Mày phải làm đủ mọi thứ tao
muốn.”.

Bỗng nhiên tôi cảm thấy mình như bị cuốn bay đi trong một
cơn bão to, người tôi  bị ném lên không trung, ném vào mưa bão, và tôi
không còn hơi sức để chống cự được nữa. Có cái gì đó đang âm ỉ cháy ở tận sâu
trong đáy lòng. Bất kể tôi gào thét, kêu cứu ra sao, vẫn không có ai đến cứu
tôi. Tôi cảm thấy đau đớn vô cùng. Tôi hét lên tiếng thét cuối cùng, và ngất
đi, không còn biết gì nữa.

 

Tôi quyết định chạy đi trốn.

Tôi phải tự thích ứng với cuộc sống mới thật nhanh, tôi không
có quyền bỏ nhà ra đi, không có quyền than phiền, và không có quyền từ chối làm
bất cứ điều gì. Ban ngày tôi phải rắm rắp tuân lệnh bà mẹ chồng: Đi hái rau,
chùi nền nhà, rửa chén. Khi nào tôi ngừng tay, nghỉ một chút là bị bà mẹ chồng
nắm tóc kéo.

Chồng tôi ra khỏi nhà từ sáng sớm, và trở về  trước lúc mặt trời lặn. Mỗi khi tôi nghe hắn về đến nhà, là tim tôi đau thắt lại vì sợ hãi, hoảng hốt. Khi màn đêm buông xuống là tôi biết chuyện gì lại sắp xảy ra. Cũng những hành động dã man bỉ ổi được tái diễn nhiều lần. Lần nào cũng đem lại đau đớn, và buồn chán cho tôi. Vào ngày thứ ba, hắn bắt đầu đánh tôi. Lúc đầu đánh bằng tay, sau đó đánh bằng gậy. Mẹ hắn ở bên cạnh còn nói đốc thêm vào. Bà bảo con trai bà cứ đánh nữa đi.

Mỗi khi hắn lên tiếng chê trách tôi, là bà lại xúi : “Đánh mạnh vào mắt nó – Nó phải nghe lời con- Nó là vợ của con mà.”.

Tôi sống trong nỗi sợ hãi vô cùng tận. Khi nào có cơ hội ở
nhà một mình, tôi trốn  trong một xó góc nhà, ngồi một mình, ngẩn ngơ suy
nghĩ không hiểu vì sao đời tôi lại khốn khổ thế. Một buổi sáng, chán cái cảnh
trông thấy tôi ngồi khóc cả ngày, hắn bảo tôi là hắn cho phép tôi về thăm cha
mẹ. Cuối cùng thì tôi cũng được toại nguyện, về thăm gia đình một chuyến.

Vừa về đến nhà, gặp cha tôi. Ông nói ngay: “Nujood. Bây giờ
con đã là người phụ nữ có gia đình. Con phải ở với chồng con. Nếu con ly dị
chồng con, anh em, họ hàng của cha sẽ giết cha mất. Danh dự của gia đình là
trên hết.”.

Tôi bèn đi thăm dì Dowla. Bà là vợ thứ hai của cha tôi. Bà
sống với năm đưá con cuả bà trong một apartment rất nhỏ gần nhà của chúng tôi.
Tôi leo hết bực cầu thang, vừa đi vừa bịt mũi vì mùi hôi thối của đống rác, và
dẫy cầu tiêu công cộng gần đó. Dì Dowla mở cửa đón tôi vào với nụ cười rạng rỡ
trên môi.

“Nujood! Con đến thăm dì, làm dì ngạc nhiên quá. Dì mừng được gặp lại con. Vào nhà chơi đi con.”.

Tôi rất thích dì Dowla. Dì có dáng cao và gầy. Dì đẹp hơn
mẹ Omma của tôi nhiều, và dì không bao giờ rầy la tôi. Tội nghiệp dì sống khổ
lắm. Cha tôi hầu như không bao giờ ngó ngàng đến gì. Nghèo quá, dì phải ra
đường đi ăn xin.

Tôi dốc bầu tâm sự kể cho dì nghe hoàn cảnh hiện tại của
tôi. Câu chuyện làm cho dì xúc động mạnh. Dì lặng yên suy nghĩ một hồi lâu,
trong lúc dì pha trà cho tôi uống. Đưa chén trà cho tôi, dì nhìn thẳng vào mắt
tôi, cúi đầu nói thật chậm, và rõ ràng:

“Nujood, nếu không có ai muốn nghe hoàn cảnh của con, con
phải đi đến toà án để trình bầy trường hợp của con.”. Dì nói nhỏ bên tai
tôi.Tôi hỏi lại cho rõ:

“Đi đâu hả Dì?”

“Đi đến toà án làm gì?”

Trong chớp mắt, những hình ảnh các vị quan toà đầu chít
khăn cao, các luật sư đi đứng vội vàng trong toà án, và những người dân thường
đàn ông, đàn bà  ra toà để thưa kiện về những việc rắc rối trong gia đình,
trộm cắp, tranh dành tiền thừa kế. Tôi đã được xem trên truyền hình về sinh
hoạt ở toà án tại nhà một người hàng xóm.

Dì Dowla tiếp tục giải thích thêm: “Con hãy ra toà hỏi thăm xem quan toà có thể giúp gì cho con được không. Công việc của họ là giúp đỡ nạn nhân bị hà hiếp.”.

Sáng hôm sau, tôi nôn nóng ngồi chờ mẹ tôi thức dậy. Bà đến
và cho tôi 150 đồng rials. Bà dặn dò: “Con cầm lấy tiền ra mua bánh mì để ăn
sáng.”.

“Thưa mẹ vâng!”.Tôi ngoan ngoãn trả lời mẹ tôi.

Tôi đi theo con đường quen thuộc để đến tiệm bánh mì. Nhưng
đến phút chót, tôi đổi ý, ra đường lộ chính mà đi.

Tuy vậy, tôi không biết toà án ở đâu. Trong đầu tôi lúc đó
đầy ắp những lo âu, sợ hãi. Bị choáng mắt vì ánh đèn sáng trưng trên đường phố
chính, tôi cố gắng trấn tỉnh, sắp xếp những ý nghĩ lộn xộn trong đầu cho có thứ
tự. Trông thấy một chiếc Taxi chạy ngang, tôi dơ tay ra vẫy taxi. Tôi muốn dùng
taxi đi đến Bab-al-Yemen để gặp chị Mona trước đã.

Xe taxi ngừng. Ngồi vào trong xe, tôi lại đổi ý và nói:
“Tôi muốn đi đến toà án.”

 

Gặp Ông Quan Toà

Chánh án Abdo không dấu nổi sự ngạc nhiên, hỏi lại tôi: “Có phải con muốn xin ly dị, đúng không?”.

“Thưa vâng.”

“Nhưng… bộ con có gia đình rồi hay sao?

“Thưa vâng!”

Trông ông thật là đạo mạo, uy nghi. Chiếc áo sơ mi trắng ông mặc làm tăng vẻ đẹp của nước da mầu ô liu của ông. Nhưng khi nghe câu trả lời của tôi, mặt ông tối sầm lại.

“Nhưng con còn nhỏ quá mà, sao con lại có gia đình rồi?”

Không muốn phải trả lời câu hỏi của ông. Tôi nhắc lại câu
nói của tôi với giọng cương quyết: “Con muốn xin ly dị.”.

Ông bối rối suy nhĩ, lấy tay gãi râu, không hiểu ông có
đồng ý giúp tôi hay không.

Ông tiếp tục hỏi thêm: “Vậy tại sao con lại muốn ly dị?”

Tôi nhìn thẳng vào mắt ông và nói: “Vì chồng cháu đánh đập
cháu mỗi ngày.”.

Câu trả lời của tôi như một cái tát vào mặt ông. Nét mặt ông trở nên đanh lại, lạnh lùng. Ông hỏi tôi một cách sỗ sàng: “Con vẫn còn trinh hay sao?”

Tôi cay đắng ngậm tủi hờn. Tôi hết sức xấu hổ khi phải nói về chuyện riêng tư này. Nhưng cùng lúc đó, tôi linh cảm rằng ông là người thấu hiểu nỗi đau đớn của tôi, nếu tôi muốn ông giúp thắng kiện, tôi phải nói thật mọi chuyện với ông.

“Không. Con đã mất trinh rồi, con bị chảy máu.”

Ông bị xúc động nặng. Tôi đọc thấy nét kinh ngạc trên mặt
ông. Ông muốn che dấu cảm xúc của mình. Sau đó, tôi thấy ông hít vào một hơi
dài, và nói: “Ta sẽ giúp con.”.

Tôi cảm thấy được an ủi, yên tâm. Tôi nhìn ông run rẩy cầm
chiếc điện thoại trong tay. Nếu trời cho tôi gặp may mắn, ông quan toà này sẽ
can thiệp giúp tôi, và chiều nay tôi có thể trở về nhà cha mẹ mình, chơi với
các anh chị em tôi như trước đây. Được Ly Dị!! Đó là điều tôi ước mơ nhất trong
lúc này. Tôi sợ phải trở về nhà chồng ngồi một mình, khi màn đêm buông xuống,
tôi phải nằm cạnh người đàn ông đó.

Một vị thẩm phán thứ hai bước vào phòng để bàn về chuyện
của tôi, ông làm mọi niềm hy vọng của tôi tan vỡ ra từng mảnh.

“Cháu bé à, chuyện của cháu sẽ phải mất nhiều thì giờ mới
gỉải quyết được. Nó không đơn gỉản như cháu nghĩ đâu. Và điều đáng tiếc là ta
không hứa chắc con sẽ thắng kiện được đâu.” .

Vị quan toà thứ hai này là ông Mohammad al-Ghazi. Ông là vị
quan tòa cao cấp nhất của toà án. Ông nói ông chưa hề thấy một trường hợp nào
tương tự như vụ của tôi. Ông giải thích cho tôi biết ở Yemen, con gái thường
lấy chồng rất sớm, trước khi đến tuổi luật định là 15. Chánh án Abdo gỉải thích
thêm đó là một tập quán cổ truyền có từ lâu lắm rồi. Nhưng theo ông hiểu, không
có vụ hôn nhân, cưới gả lúc còn nhỏ tuổi nào  lại đi đến chỗ ly dị, bởi vì
ông chưa hề thấy một cô gái trẻ tuồi ra toà xin ly dị.

Thẩm phán Abdo gỉải thích xong, và nói với tôi: “Chúng tôi
sẽ tìm cho cháu một luật sư.”.

Họ có biết rằng nếu tôi về nhà, không có sự bảo đảm của họ,
chồng tôi sẽ giam giữ tôi, và tiếp tục đánh tôi?.

Tôi trợn trừng mắt và nói rất cứng với ông: “Con muốn được
ly dị.”. Nói xong, chính tôi cũng phải ngạc nhiên, và lo sợ trong bụng. Không
ngờ tôi dám nói thẳng thừng như vậy.

Ông chánh án Al-Ghazi sửa lại khăn cuốn trên đầu, và nói
với: “ Ta sẽ nghĩ cách giúp con. Không thể cho cháu bé này về nhà được đâu.”.
Lúc đó, có thêm vị quan toà thứ ba, ông Abdel Wahed, tình nguyện giúp một tay.
Ông cho biết nhà ông có dư phòng cho tôi ở tạm. Ông sẽ nhận tôi vào tá túc một
thời gian.

Đến chín  giờ sáng hôm sau, ngày thứ Bảy, chúng tôi
cùng đến văn phòng làm việc của ông Abdel Wahed ở toà án. Có mặt trong phòng
còn có các ông Abdo và Mohammad al-Ghazi. Ông Al-Ghazi tỏ vẻ lo lắng. Ông nói
với tôi: “ Chiếu theo luật Yemen, rất khó cho cháu làm đơn thưa kiện chồng và
cha cháu.”. Giống như nhiều trẻ em sinh ra trong làng quê ở Yemen, tôi không có
giấy khai sinh, và tôi lại quá nhỏ để làm đơn khởi tố, hay thưa kiện. Một hợp
đồng đã được chấp thuận, và ký kết bởi những người đàn ông lớn tuổi trong gia
đình tôi. Theo tập quán của Yemen, hợp đồng như thế là hợp pháp, và có gía trị.

Ông Mohammad al-Ghazi bàn với các vị thẩm phán đồng sự:
“Ngay lúc này, chúng ta phải hành động thật nhanh. Tôi đề nghị chúng ta tạm
thời bắt giam chồng và cha của em Nujood. Nếu chúng ta muốn che chở cho em bé
gái này, chúng ta phải tạm giam hai người đàn ông đó lại, không cho họ được tự
do.”.

Bỏ tù cha tôi! Trời đất! Liệu rằng Aba có tha thứ cho tôi
cái tội tầy đình này hay không? Lòng tôi chan chứa tủi nhục, và cảm thấy mình
tội lỗi vô cùng.

Ba ngày sau đó, tôi có mặt ngoài toà án hầu như suốt cả
ngày, hy vọng sẽ tìm ra được một giải pháp mầu nhiệm nào đó. Tôi sẽ còn phải ra
toà bao nhiêu lần nữa, Chánh án Abdo từng báo trước cho tôi biết rằng vụ kiện
của tôi hết sức dị thường, đặc biệt. Nhưng không hiểu các vị quan toà sẽ xử trí
ra sao khi họ đối đầu với trường hợp như thế này.

Tôi học hỏi và tìm được câu trả lời từ bà luật sư Shada.
Người ta đồn rằng bà Shada là một nữ luật sư giỏi nhất xứ Yemen, bà chiến đấu
hết mình để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ. Bà là một phụ nữ đẹp, đứng cạnh
bà, tôi ngửi thấy mùi hoa lài thơm ngát. Ngay khi vừa gặp bà lần đầu, tôi đã
thích bà. Bà không mang lưới che mặt. Bà hay mặc tấm áo dài bằng luạ màu đen,
và vấn trên đầu một khăn choàng nhiều mầu.

Khi đến gặp tôi lần đầu, tôi thấy bà tỏ ra hết sức xúc
động, và thương cảm cho tôi. Bà nói: “Trời đất ơi! Cháu còn bé quá.”. Ngay sau
đó bà lật cuốn sổ ghi hẹn của bà, và bà liên tục gọi cho gia đình, bạn bè, và
đồng nghiệp để sửa lại lịch trình làm việc vô cùng bận rộn của bà. Bà nói với
những người này nhiều lần: “Tôi vừa mới nhận bào chữa cho một vụ hết sức quan
trọng..”.

Cuối cùng, bà nói nhỏ bên tai tôi: “ Nujood, em yên trí,
tôi sẽ không bỏ rơi em đâu.”. Tôi càm thấy an toan khi ở cạnh bà. Bà biết dùng
chữ thật đúng để nói về hoàn cảnh của tôi. Âm thanh dịu dàng trong lời ăn tiếng
nói của bà làm tôi thoài mái, yên lòng.

 

Vụ Ly Dị Được Chấp Thuận

Ngày trọng đại đến sớm hơn sự mong đợi của tôi. Rất nhiều người đến dự phiên toà nhờ chiến dịch quảng bá cuả bà luật sư Shada . Tôi chưa bao giờ thấy nhiều máy chụp ảnh, và máy thu hình  như vậy. Đằng sau tấm khăn choàng đầu mầu đen, mồ hôi đổ ra ướt đẫm trên người tôi.

Nhưng tự trong đáy lòng tôi, tôi cảm thấy lạnh căm vì lo sợ, và có nhiều toan tính trong đầu. Tôi ngồi yên, không nhúc nhích. Không biết kết qủa vụ án ly dị sẽ như thế nào? Nếu hắn chỉ trả là không đồng ý cho tôi ly dị thì tôi sẽ ra làm sao? Lỡ hắn cả gan lên tiếng hăm doạ các ông quan toà thì hậu quả như thế nào?

Lo thầm trong bụng, người tôi phát lạnh run: Tôi trông thấy
cha tôi và con ác qủi  xuất hiện. Họ được hai người lính hộ tống đi ra
trước toà. Hai tù nhân trông có vẻ tức giận lắm, tên ác qủi cúi đầu nhìn xuống
đất, rồi đột nhiên hắn ngẩng mặt lên, quay lại nhìn bà luật sư Shada. Hắn mỉa
mai nói: “Coi bộ mày hãnh diện quá hả?” .

Bà Shada tỉnh bơ, không chớp mắt. Cái nhìn của bà cho thấy
bà sẵn sàng thách thức tên này. Tôi học được ở bà nhiều bài học quí báu.

Bà nói nhỏ với tôi: “Đừng thèm nghe hắn nói.”.

Tim tôi đập mạnh. Khi ngước mắt nhìn lên, tôi chợt bắt gặp
tia nhìn của Aba, cha tôi. Trông ông có vẻ tức giận, buồn phiền nhiều lắm. Ông
từng nói với tôi về hai chữ “Danh Dự”. Nhìn vào mặt ông lúc này tôi mới hiểu ý
nghĩa của cái từ phức tạp này. Tôi có thể đọc được trong ánh mắt của ông vừa
tức giận vừa xấu hổ. Tôi giận ông lắm, nhưng tôi cũng không khỏi ân hận dùm cho
ông. Sự kính trọng của người khác dành cho ông rất  quan trọng ở vùng này.

Bây giờ đến lượt quan toà Abdo lên tiếng:

“Ở đây chúng ta có một vụ kiện giữa một cô gái bị ép buộc
phải lập gia đình, không có sự ưng thuận của cô. Sau khi hợp đồng hôn nhân được
ký kết cô không biết, cô gái bị cưỡng bách đem đến sống ở tỉnh Hajja. Ở đây, cô
bị chồng hãm hiếp, vùi dập khi cô chưa đến tuổi dậy thì, và không sẵn sàng cho
chuyện sinh lý. Người chồng đó còn đánh đập, và sỉ nhục cô ta. Cô ra toà hôm
nay để xin toà án cho phép cô được ly dị.” .

Giây phút quan trọng sắp xảy ra khi bản án cho kẻ có tội
được tuyên đọc.

Quan toà phải gõ cái búa bằng gỗ  lên bàn vài lần để
vãn hồi trật tự, yên lặng.

Ông nói với con quái vật mà tôi thù ghét: “Hãy lắng nghe
cho kỹ những gì tôi sắp nói: Anh lập gia đình với một cô gái cách nay hai
tháng. Anh ngủ với cô ta, anh đánh cô ta. Có đúng hay không?”

Tên ác qủi chớp mắt hai ba lần, rồi hắn trả lời: “Không.
Điều đó không đúng. Cô ta và cha của cô chấp thuận cuộc hôn nhân này.”.

Tôi nắm vạt áo bà Shada, kéo mạnh, và nói:

“Nó nói láo.”.

Quan toà quay sang cha tôi và hỏi: “Ông có đồng ý về vụ hôn
nhân này hay không?”.

“Vâng, tôi đồng ý.”

“Con gái của ông bao nhiêu tuổi?”

“Con gái tôi 13 tuổi.”

Mười ba ư? Chưa hề có ai nói tôi 13 tuổi. Tôi vặn vẹo hai
bàn tay vào nhau để trấn an lòng mình.

“Tôi gả con đi lâý chồng đế nó không bị người khác bắt trộm
đem đi.”.

Tôi chẳng hiểu cha tôi muốn nói cái gì. Câu trả lời của ông
rất mơ hồ và khó hiểu, và những câu hỏi sau đó của quan toà càng lúc càng thêm
phức tạp. Người ta bắt đầu to tiếng với nhau. Kẻ bị truy tố lên tiếng biện
minh. Tiếng ồn ào trong phòng xử ngày càng to hơn, trong lúc tim tôi đập loạn
xạ, dồn dập.

Ông chánh án ra hiệu cho chúng tôi đi theo ông sang một
phòng khác, tránh sự bàn tán của công chúng. Ông quan toà hỏi: “Faez Ali
Thamer, anh có làm tình với cô gái trong đêm tân hôn hay không. Trả lời cho tôi
rõ có hay không?”

Tôi nín thở nghe hắn trả lời. “Thưa có”, hắn thú nhận,
“nhưng tôi đã làm rất nhẹ nhàng với cô ta. Tôi rất cận thận. Tôi không hề đánh
cô ta.”

Câu trả lời của hắn như một cái tát thật mạnh vào mặt tôi.
Nó làm tôi nhớ lại những đau đớn, tủi hờn tôi phải chịu đựng.

“Điều đó là sai, không đúng.”, Tôi hét lên cho thỏa cơn tức giận.

Mọi người quay lại nhìn vào tôi. Nhưng chính tôi cũng phải
ngạc nhiên không ngờ mình nóng giận đến thế. Sau đó, mọi việc diễn tiến mau
chóng, thông suốt. Thằng ác quỉ nói rằng cha tôi đã phản bội, không giữ đúng
lời hứa, khi ông không nói thật tuổi của tôi. Đến lúc đó thì Aba, cha tôi lại
nổi giận, khai toạc hết ra là thằng qủi nó hứa với cha tôi nó sẽ đợi chờ, không
đụng vào người tôi cho đến khi tôi khôn lớn. Thằng ác qủi tuyên bố rằng nó sẵn
sàng chấp nhận cho tôi ly dị với một điều kiện là cha tôi phải hoàn trả số tiền
mua đứa con gái về làm vợ. Và lúc đó, cha tôi bèn quật ngược lại. Ông nói rằng
hắn chưa hề trả cho cha tôi một món tiền nào cả. Đôi bên cãi nhau như những kẻ
buôn bán ở ngoài chợ: Trả hồi nào? Trả ở đâu? Trả bao nhiêu?

Cuối cùng, tôi được quan toà cứu thoát bằng án lệnh ông ban ra.

Ông tuyên bố: “Toà án cho phép ly dị.”

 

Tái bút:

Vụ ly dị của tôi đã làm thay đổi đời tôi. Mỗi khi tôi đi ra ngoài đường phố, nhiều phụ nữ, chị em bạn gái níu áo tôi hỏi thăm, và chúc mừng tôi đã thắng kiện. Lúc gần đây, tôi đã rời khỏi nhà chú tôi, trở về sống với cha mẹ tôi. Tất cả chúng tôi đều tìm cách quên đi những chuyện bất hạnh xảy ra cho tôi.

Cách đây vài tuần, những cơn ác mộng của tôi không còn nữa. Thay vào đó, tôi mơ đến một ngày được cắp sách đến trường đi học lại. Sau này, khi lớn lên, tôi sẽ học trở thành một luật sư, giống như bà Shada, để bênh vực những em gái khác nhỏ bé như tôi.

Ghi chú thêm: Cuốn sách về câu truyện có thật của em Nujood được phát hành, và bán rất thành công. Do đó, kết quả thu về đã giúp em và cả gia đình thoát khỏi cuộc sống nghèo túng. Bây giờ gia đình em đã mua được một căn nhà ở Sana để sống, và có lợi tức vững chắc. Một người bạn và cũng là cố vấn cho gia đình tiết lộ rằng em Nujood bây giờ trở thành một thiếu nữ 15 tuổi, em phải chật vật sửa đổi cách ứng sử vì em quá nổi tiếng. Em đang cố trau dồi Anh Ngữ, và muốn du học ở nước ngoài.

Tháng Tư năm 2009, quốc hội nước Yemen nâng tuồi thành hôn luật định của các em gái lên 17 tuổi, nhưng qua ngày hôm sau, đạo luật này bị tiêu hủy. Hiện nay, nước Yemen đang rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị, và đàn ông có thể lấy vợ nhỏ tuổi bao nhiêu cũng được.

Tóm lược cuốn tự truyện của Nujood Ali, cùng với sự phụ giúp của Delphie Minoui

Nguyễn Minh Tâm dịch
theo Reader’s Digest

Cảm Nghiệm Sống

Tu Tại Gia

“Thứ nhất thời tu tại gia
Thứ nhì tu chợ, thứ ba tu… dòng” (2)
(Mượn ý  Ca dao)

Có ba người cùng tôn giáo, một là nhà truyền giáo, một là tài xế lái xe đò và
một nông dân có vợ và 10 con. Ba người đều thâm niên 40 năm chức nghiệp, đã qua
đời trùng hợp cùng giờ, cùng một ngày và cùng được lên trình diện Chúa để xin
vào thiên đàng. Ba người cùng tới cửa một lúc nên Thánh Phê-rô mới nói: Các anh
đều đến cùng một lúc, hãy tự nhường nhịn nhau, vậy anh nào muốn vào trước?
Nhà Truyền Giáo nói:
“Hai anh dành cho tôi vào trước được không?” Bác tài và anh nông dân
kính nể vị lãnh đạo tinh thần, chẳc hẳn người có nhiều công lao, nên đồng thanh
cất tiếng cùng một lúc: chúng tôi xin nhường ngài vào trước.
Nhà truyền giáo rất lấy làm hãnh diện thấy mình được nhường, cúi đầu chào thánh Phê-rô và chững chạc tiến vào cửa Thiên Cung quỳ trước Thiên Nhan tâu:
– Tấu lạy Chúa, con là nhà truyền giáo làm việc thay thế các Tông Đồ, suốt 40 năm chuyên lo rao giảng Lời Chúa nhân từ cho giáo dân, xin cho con được vào Thiên Đàng trước.
Chúa ngắm Nhà Truyền Giáo một cách rất trừu mến, xuất khẩu thành thơ, Ngài
phán:
  1. Bốn mươi năm dạy dỗ Lời Cha
Con giảng giáo dân ngủ gật gà
Đâu hiểu Phúc Âm mà áp dụng
Ra ngoài tạm nghỉ, đợi chờ ta.
Nhà truyền giáo lủi thủi lui ra, bác tài xế nói với anh nông dân: “Chú nhường cho tớ vào trước nhé vì tớ thường   chở chú đi đây… đó đó.” Anh nông dân gật đầu
chấp nhận vào sau chót.
1) Tu dòng không dễ bị cám dỗ – vì một trong những điều hứa là sống đời khó nghèo
. . . người nghèo đến ngay giữa chợ không người chào hỏi “bần nhân đáo thị
vô nhân vấn
” nên ai thèm cám dỗ. . .(đây chỉ là quan niệm cá nhân của kẻ
viết bài này thôi.)
Bác tài nhanh nhảu cũng cúi đầu chào thánh Phê-rô, rồi tiến vào cửa Thiên Cung quỳ xuống, ngẩng mặt lên chiêm ngưỡng Chúa và tâu:
– Tấu lạy Chúa: Con làm tài xế lái xe đò, suốt 40 năm con phục vụ đồng bào,
chuyên chở vợ đi thăm chồng, con đi thăm cha, đem tình thương yêu đến với mọi
người. Thỉnh xin Chúa cho con được vào Thiên Đàng sớm.
Chúa nhìn anh tài xế, Ngài mỉm cười: Ừ, kể ra con cũng có nhiều công to đáng được thưởng, tuy nhiên con tạm ra ngoài nghỉ, chờ Cha xem kỹ lại một số hồ sơ vừa trình lên thưa con, kiện tụng vì bị thương dập mũi, trầy trán. . . gì đó mà Cha chưa kịp xem hết; cũng xuất khẩu thành thơ, Ngài phán:
  1. Xe đò chuyên chở khách đi xa
Thăm viếng chồng, cha cũng tuyệt mà
Đáng thưởng Thiên Đàng nhờ lái giỏi!
Mỗi lần con thắng . . . chúng kêu Ta!”
Bác tài xế cũng chưa được vào, phải lui ra và ngồi chờ.
Đến lượt anh nông dân, anh rụt rè sợ sệt vì nghĩ bụng hai người có công lớn như vậy mà chưa được vào. Còn mình chỉ có cày sâu cuốc bẫm trồng trọt để nuôi vợ, nuôi con, đâu có công lao gì…làm sao vào nổi Thiên Đàng, nên rất hồi hộp lo âu..! Anh trịnh trọng cúi đầu chào thánh Phê-rô và nhỏ nhẹ thưa; bẩm ngài, con được phép và chưa? Thánh Phê-rô gật đầu và  nói:
– Con hãy vào trình diện Chúa đi.
Anh nông dân rụt rè tiến vào, còn cách cửa thiên cung cả trăm bộ anh đã qùy xuống và di chuyển bằng hai đầu gối, gần đến cửa anh cúi rạp đầu khúm núm tâu:
– Bẩm lạy Cha nhân từ: Con là một nông dân dốt nát, nghèo hèn, bốn mươi năm chỉ biết, cày sâu cuốc bẫm, trồng trọt để nuôi vợ và 10 đứa con, bữa tối còn phải phụ bà xã rửa chén, cuối tuần còn phải lau nhà nữa. Xin Cha rộng lòng thương cho con được nương náu dưới mái nhà yêu mến của Cha là sung sướng lắm rồi. Con xin tình nguyện làm bất cứ việc gì con cũng xin vâng theo…!
– Chúa nhìn anh nông dân trừu mến Ngài phán: Con quả thực có công lớn, vì:
– Làm chồng chiều vợ tuyệt vời thay
Nhịn nhục khôn ngoan đáng bậc thày!
Chỉ bốn mươi năm con chịu… nổi
Thiên Đàng, Cha thưởng bước vô ngay.
Qua câu chuyện dí dỏm trên, cho phép ta suy luận. Bất cứ ở trong địa vị nào dù quan trọng hay không quan trọng, mỗi người chúng ta đều là một Tông Đồ của Thiên Chúa. Sự khiêm tốn hoàn thành sứ vụ của mình, không phân biệt dù lớn hay nhỏ đều có là giá trị, chứ không phải giá trị ở chức vụ. “. . . sau khi đã làm tất cả những
gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: Chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.(
Lc 17,10)
Chúng ta có yêu thương nhau, chúng ta mới biết nhường nhịn nhau. Vì có “khôn ngoan” mới biết nhịn nhục. Vì sự nhịn nhục và tha thứ sẽ làm cho tình yêu được bền vững, gia đình hòa thuận, mà gia đình chính là nền tảng của xã hội; là một giáo xứ nhỏ trong những giáo xứ của Giáo Hội. Quả thực xứng đáng là bậc
thày vậy!
Cảm  Tác
Thiên Đàng, nhà của Chúa Trời
Là nơi quê thật tuyệt vời, Ngài ban
Cho ai trách nhiệm chu toàn
Yêu thương chân lý, khôn ngoan thực hành.
Bần cùng hay bậc trâm anh
Tề gia khéo léo, mới rành trị dân.
Trần gian Thiên Ý vâng tuân
Đời đời hạnh phúc hồng ân chan hòa.
Ngày về Thiên Quốc hoan ca
Thiên Thần mở cửa, Chúa Cha chúc lành.
Hoài Việt Nguyễn Vĩnh Tường
1-Trích trong Thiên Nga Thoát Nam của tác giả.
– dongcong.net
Anh chị Thụ & Mai gởi

Ông Cha Và Ổ Chứa Nô Lệ Tình Dục

Ông Cha Và Ổ Chứa Nô Lệ Tình Dục

(01/04/2013)

Vietbao.com

Tác giả : Nguyễn Kim Dục

Tác giả sinh năm 1938, cựu sĩ quan an ninh quân đội, sang Mỹ
theo diện H.O. vào năm 1990, hiện đã về hưu và an cư tại Westminster. Ông tham
dự Viết Về Nước Mỹ từ năm 2008 và đã góp nhiều bài viết giá trị. Bài mới sau
đây mang tựa đề “Tu thành Linh Mục nhưng không thích làm “cha”
thiên hạ.” Công việc ông Cha này chọn là cải trang đi vào các động mãi
dâm, những ổ chứa, ổ buôn người, giúp giải cứu những nạn nhân bị buộc làm nô lệ
lệ tình dục.

Một hôm vợ tôi đi đâu về liệng ra 2 vé đi tham dự buổi tiệc gây quỹ tổ chức tại
nhà hàng Paracell. Tôi hỏi:

– Ai đứng ra gây quỹ?

– Một ông Cha.

– Cha nào?

– Em không biết tên.

– Hay nhỉ?

– Em chỉ biết có một Cha đứng ra tổ chức để gây quỹ cho tổ chức cứu giúp những
nạn nhân bán vào các động làm nô lệ tình dục ở các nước Đông Nam Á.

Vợ chồng chúng tôi thấy ai dù Thầy hay Cha đứng ra tổ chức đều rất sốt sắng
tham dự.

Hôm đó vào ngày cuối tuần, chúng tôi đến đúng giờ mà sao thiên hạ tham dự đông
thế, tìm mãi mới có chỗ đậu xe. Buổi tiệc hôm nay không thấy quảng cáo trên
đài, trên báo mà sao thiên hạ bảo nhau đi đông thế. Chúng tôi vào trong thì các
bàn đã đông đủ mọi người chờ giờ khai mạc.

Chả thấy ai giới thiệu tự nhiên nhìn thấy ông Cha xuất hiện trên sân khấu cầm
micro tự giới thiệu linh mục Nguyễn-Bá-Thông, vợ tôi khèo vai tôi nói cha này
đấy làm tôi cũng phì cười. Cha còn trẻ khoảng 36, 37 tuổi là cùng. Cha xưng
“Con” với mọi người tham dự một cách tự nhiên.

Cha cho biết hôm nay tổ chức của Cha với Website onebodyvillage.com phối hợp
với Hopetoday.com tổ chức bữa tiệc gây quỹ để giúp cho những người con gái và
trẻ em bị bán vào các động mãi dâm ở vùng Đông Nam Á. Tổ chức này đã âm thầm
hoạt động từ năm 1998 và đã cứu được biết bao nhiêu người kể cả trẻ em từ các
động mãi dâm không phải cứu họ ra rồi để mặc họ muốn sống làm sao thì sống mà
lập ra những làng nhỏ để họ sống, trong đó dạy học, huấn nghệ hầu có một nghề
tự nuôi sống bản thân để sau này không quay về con đường cũ. Tổ chức đã thành
lập nhiều làng ở Singapore, Campuchia và ở Việt Nam. Những nạn nhân được cứu ra
thường mắc những bệnh xã hội được các bác sĩ ở bên Hoa Kỳ về bên ấy chữa bệnh
như bác sĩ Nguyễn Thanh Tâm mà họ âm thầm đóng góp cả công và của. Thật đáng
quí thay. Công việc của họ không bao giờ thấy họ lên đài tuyên bố này nọ.

Cha nói đưa ra những dẫn chứng lôi cuốn người nghe, mọi người chăm chú nghe cha
nói quên cả ăn, cuối cùng Cha nói thôi bây giờ con xin mời quý ông bà, cô bác
ăn đi đã chứ con chiếu những thước phim hay slide những cảnh con đã chứng kiến
thì quý vô bác ăn mất ngon. Cha liền báo nhà hàng đem đồ ăn ra. Đồ ăn đem lên
hết món này đến món khác ăn mệt nghỉ, tôi thấy nhà hàng cho ăn hậu hĩnh quá
liền ghé tai vợ tôi nói nhỏ “Mình mua có $25 một vé mà cho ăn như vầy thì
hết mẹ nó rồi còn đâu mà đóng góp gây quỹ.” Vợ tôi nói: “Anh đi kiếm
một cái bao thơ mình bỏ tiền vào đấy, ngoài phong bì đề dấu tên rồi đưa cho ban
tổ chức.” Tôi hỏi “Bao nhiêu?”  Vợ tôi dơ một ngón tay. Tôi
biết tôi phải làm gì rồi.

Trong lúc mọi người ăn tiệc có ca sĩ Tâm Đoan lên hát giúp vui 2 bài với sự
điều hành của cô Christine Sa sôi động, làm cho thực khách vui theo ngoài ra
cũng có một số thực khách lên giúp vui nữa,  đó là những người có tấm lòng
đáng quí.

Sau khi ăn xong, Cha lại lên bục nói cha nói chứ không giảng giáo lý, Cha nói
những trường hợp mà cha đã trải qua trong các ổ mãi dâm cha phải thay tên đổi
họ để trà trộn trong nơi chốn đó có khi giả làm người ngoại quốc như người
Singapore để nghe những người gái VN nói chuyện với nhau vì đâu họ ra nông nỗi
này. Phải vào tận hang ổ mới tìm ra đầu mối để đưa những tên đầu sỏ ra tòa.
Công việc của Cha làm rất là nguy hiểm mất mạng như chơi nhưng Cha có niềm tin
có ơn trên cứu giúp nên đã vượt qua mọi khó khăn nguy hiểm.

Sau đó Cha đã cho chiếu những thước phim chiếu những cảnh những em bé 5, 6 tuổi
bị bán vào các ổ mãi dâm bị hành xác như thế nào. 5, 6 tuổi biết cái gì? Để làm
vật vui chơi cho những kẻ bịnh hoạn. Nhìn những cảnh ấy không ai cầm được nước
mắt! Mọi người theo dõi trên màn ảnh cảnh tượng xảy ra như trong phim do một
đạo diễn tài ba dàn dựng không ngờ ngoài đời lại có những cảnh xót xa, đau đớn,
đốn mạt cùng cực như thế. Cả hội trường mấy trăm người im phăng phắc không một
tiếng động nhưng thỉnh thoảng cũng có tiếng nấc của một vài người không cầm
được lòng. Mặc dầu, buổi tiệc đã tàn từ lâu nhưng không ai muốn bỏ ra về trên
bục Cha vẫn nói, nói những điều mà Cha đã trải qua trong các động, phải cải
trang nhiều cách để không bị lộ một nhà tu đi trụy lạc nhưng cũng không tránh
khỏi những trận đòn thừa sống thiếu chết của những đường dây buôn bán người vì
chúng cho rằng người này không phải tay chơi thứ thiệt mà vào để lấy tin tức.

Sau đó có bác sĩ Thanh Tâm lên trình bày công tác y tế ở các làng mà tổ chức đã
thành lập ở Việt Nam, Campuchia, Lào và Singapore. Họ đã đến các trại chữa bệnh
cho các nạn nhân đã được cứu thoát ra từ các động, xây dựng họ có cuộc sống
lành mạnh để không trở về con đường cũ. Bác sĩ Thanh Tâm là chủ tịch  Hội
Đồng Quản Trị mà cha Thông là một trong chín thành viên.

Nói chung buổi tiệc gây quỹ rất thành công đã trình bày cho mọi người tham dự
biết được việc làm của tổ chức mà lâu nay ít ai được biết.

Buổi tiệc gây quỹ chỉ chấm dứt khi nhà hàng cho biết đến giờ đóng cửa, mọi
người ra về với tâm hồn nặng trĩu, thương cảm những nỗi bất hạnh của những
người con gái bị bán vào những đường dây làm nô lệ tình dục. Mình may mắn được
sống ở Mỹ có cuộc sống bình yên quá, đâu có biết các nơi trên thế giới còn có
những cảnh đáng thương như vừa rồi đã được cha Nguyễn Bá Thông cho biết chính
Cha suốt mười mấy năm nay đã lăn lộn vào sanh ra tử để cứu vớt những người lâm
vào hoàn cảnh bi đát. Cha, hay quá! Tôi tự nhủ bữa nào phải “phỏng
vấn” Cha mới được. Nói phỏng vấn cho oai chứ mình có phải nhà báo, nhà
truyền thông đâu mà đi phỏng vấn! Nhưng mà nhất định phải gặp Cha, nghe cha trò
truyện thêm.

Mấy ngày sau, tôi vào website và tìm ra được số phone của Cha Thông là số phone
này (706) 825-3032 nhưng liêc lạc mấy lần không được phúc đáp, chỉ nghe lời
nhắn là để lại tên và số phone sẽ gọi lại sau. Đợi mãi cũng không thấy Cha gọi
lại, cũng hơi thất vọng rồi cũng quên đi. Bẵng đi một thời gian hơi lâu vào một
ngày đẹp trời Cha gọi lại, ôi thật là sung sướng nỗi vui đến không sao kể xiết.
Cha cho biết mới ở Campuchia về. À, thì ra lúc mình gọi Cha ở nước ngoài làm
sao trả lời được.

– Thưa Cha, Cha đừng xin con với con tội chết.

– Chú là hàng Cha, hàng Chú con nhỏ tuổi phải xưng con mới phải phép.

– Thưa Cha con có đi tham dự buổi tiệc gây quỹ của cha ở nhà hàng Paracell, con
thấy việc làm của Cha con thích quá, con muốn viết một bài báo về Cha, Cha có
đồng ý không?

– Công việc của con cũng chưa được phổ biến lắm, nếu chú viết thì con cảm ơn
lắm.

– Thế bây giờ Cha có rảnh không, con muốn biết đôi điều về Cha.

– Rảnh, chú cứ hỏi.

– Trước hết Cha cho con biết một ít về thân thế của Cha.

– Bố là Sĩ Quan QLVNCH huấn luyện nhảy dù, cấp bậc Trung Tá. Mẹ nữ quân nhân.
Khi Sài Gòn mất vào tay Cộng sản thì bố mẹ đi vào tù trong lúc mẹ con mang thai
con mới một tháng. Ở tù được 8 tháng gần đến ngày sinh, thấy mẹ con ốm yếu,
kiệt sức sắp chết thì họ cho ra về để sanh. Bố con có nhắn ra nếu con gái thì
đặt tên là… và con trai đặt tên là Nguyễn Bá Thông nên bây giờ tên con là
Nguyễn Bá Thông dù đã vào quốc tịch Mỹ nhưng không đổi tên.

– Lúc sanh Cha ra chắc mẹ Cha gặp khó khăn lắm phải không?

– Dạ thưa đúng, sau này con được biết là mẹ con ở trong tù thiếu ăn nên kiệt
sức tưởng là chết ở trong trại nên Cộng sản phải cho mẹ ra ngoài nếu có chết
thì cũng đỡ mang tiếng. Mẹ con sanh con ra èo uột khó nuôi tưởng chết vì thiếu
sữa mẹ con phải ăn bobo thay sữa nên tướng con nhỏ thó không giống như cha con
tướng to lớn.

– Vâng con đã thấy Cha ở trên sân khấu, tướng nhỏ con, mặt búng ra sữa, dáng
thư sinh mà đã khoác áo Cha. Rồi sau đó thế nào, thưa Cha?

– Mẹ con con sống lây lất nay chỗ này, mai chỗ kia. Ba con đi tù sau mười mấy
năm mới được ra, sau đó có chương trình HO gia đình con đã được đi Mỹ. Vào Mỹ
05/02/93 HO15 và đến Chicago Illinois lúc đó con được 16 tuổi, học trung học.
Sau đại học 2 năm người bạn gái khuyên con đi tu, con nghe theo ghi tên vào
trường dòng đến ngày 5/6/2004 con được thụ phong linh mục và làm Phó Sứ cho 3
Giáo Sư các con chiên đoàn là người Mỹ. Con là người Á Châu đầu tiên và duy
nhất địa phận Savannah ở Georgia. Hiện giờ người bạn Mỹ hồi xưa khuyên con đi
tu đã ra bác sĩ sống gần bố mẹ con và săn sóc 2 cụ.

– Thưa Cha, Cha đã học ra Linh Mục sao không làm Mục Vụ mà lại tìm con đường
gai gốc mà đi?

– Ở VN con có thời gian sống trong nghèo đói nên con thông cảm nỗi bất hạnh của
những người cùng cảnh ngộ. Sang đến Mỹ khi thời gian học trung học con đến cùng
bạn bè vào ngày thứ 6 mỗi tuần nấu ăn cho người vô gia cư. Từ năm 1999, con
cùng các bạn đồng chí hướng về Campuchia sống với trẻ bụi đời mới phát hiện ra
có những tổ chức buôn bán trẻ em để làm nô lệ tình dục. Từ đó con bàn với anh
em làm sao cứu giúp những người đó ra khỏi các động. Cũng năm đó thay vì con đã
học y khoa một năm rồi con xin vào học trường dòng để con có rộng thì giờ theo
đuổi mục đích của con.

– Tổ chức của Cha đã cứu giúp được bao nhiêu người giải thoát ra từ các động?

– Ngày hôm nay có 583 em, cộng thêm 128 em trước đó nữa, số này chia ra làm mô
hình gia đình cứ từ 7 đến 12 em làm một nhóm rồi có bác sĩ đến chữa bệnh cho họ
và dạy cho họ một nghề thích nghi với năng khiếu của họ sau này ra khỏi trại có
1 nghề nuôi thân, không tìm đi vào đường cũ nữa. Tổ chức của con không có cứu
giúp họ ra rồi bỏ mặc họ sống ra sao thì ra mà còn giúp họ tìm một cuộc sống
mới. Các mô hình này rải đều khắp các nước Đông Nam Á không cứ ở VN.

– Việc cha ra vào VN, chính quyền sở tại có gây khó dễ cho Cha trong việc đi
đứng?

– Họ có nói thẳng với Cha vào VN không được làm chính trị, chỉ làm công tác
nhân đạo thôi.

– Cha làm công việc này có nguy hiểm không?

– Cá nhân bị các chính phủ bắt 14 lần và bị đánh thừa sống bán chết, có lần đổ
máu tai và một lần gẫy xương sườn bên trái. Đến năm 2008, tổ chức của con mới
ra công khai và có budget 150 ngàn của tư nhân. Tổ chức có mấy trăm anh em chỉ
mình con ra mặt vì nghĩ họ còn có gia đình, còn con không vướng bận gì nên con
chấp nhận mọi hiểm nguy.

– Động cơ nào thúc đẩy cha vào con đường này?

– Cũng do bốn câu thơ của cụ Phan Bội Châu

– Cha có thể cho biết bốn câu thơ như thế nào?

– “Sống tưởng công danh không tưởng nước

Sống lo phú quí chẳng lo đời

Sống mà như thế đừng nên sống

Sống tủi làm chi đứng chật trời.”

(Bốn câu thơ trên Cha đọc chỉ một lần tôi ghi vội không biết có đúng không, nếu
sai xin bỏ qua cho)

– Thưa Cha, gia đình có mỗi một người con mà Cha đi tu các cụ có phản đối
không?

– Không những không phản đối mà còn khuyến khích nữa.

– Ngoài ra có ai phản đối cha không?

– Có hôm nọ trên đài phát thanh ở Houston phỏng vấn con về tổ chức của con, sau
đó đài có cho thính giả gọi vào thì có một người gọi vào chửi con, nói xin lỗi
chú :”Đ.M Cha không đi giảng mà làm chuyện ruồi bu.” Con bị gọi 2 lần
bị chửi.

– Tội nghiệp Cha quá. Xin ơn trên phò trợ Cha. Con cảm ơn Cha nhiều đã dành ít
thì giờ cho con.

– Chào chú khi nào cần chú cứ gọi cho con.

– Kính Cha.

Nguyễn Kim Dục

Nguồn: Việt Báo

 

Chuyện tình không bao giờ tiết lộ

Chuyện tình không bao giờ tiết lộ

Hình như trên cõi đời này, ai cũng thương
Cố Thi sỉ Bùi Gíang, nếu không nói là nể nữa, nhất là giới sinh viên. Xin  một phút tưởng niệm.

“Trước mộ ông trước giờ hạ huyệt, Kim Cương nhẹ nhàng thủ thỉ : “Thưa Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông. Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời. Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ
ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay
nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống”.
Nhưng chắc gì Bùi Giáng đã chịu xa lìa Kim Cương. Ông còn một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay tại nhà Kim Cương:
“Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương”.
Và:
Vô ngần tao ngộ đầu tiên

Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.”

Chuyện tình không bao giờ tiết lộ
Cõi đời một kiếp yêu em

Dẫu là bỏ cuộc, mộng tìm dáng xưa

Bùi Giáng (1926-1998): là nhà thơ, dịch giả và là nhà nghiên cứu văn học của Việt Nam. Các bút danh khác của ông là : Trung niên thi sĩ, Thi sĩ đười ươi,
Brigitte Giáng, Giáng Moroe, Bùi Bán Dùi, Bùi Bàn Dúi, Bùi Tồn Lưu, Bùi Tồn Lê,
Bùi Bê Bối, Bùi Văn Chiêu Lỳ…
Ông nổi tiếng từ năm 1962 với tập thơ Mưa Nguồn.
Kỳ nữ Kim Cương : chiếm một vị trí đặc biệt trong cuộc đời, trong tâm hồn
và trong sáng tác của Bùi Giáng. Trong tâm hồn ông, Kim Cương là “đệ nhất mỹ
nhân” trong thiên hạ. Ông yêu Kim Cương bằng một tình yêu lạ lùng nhất thế
gian. Chỉ có thể nói đó là một tình yêu bất tử. Đã có rất nhiều giai thoại xung
quanh mối tình kỳ bí này.
Đối với Kim Cương, tuy là mối tình đơn phương từ phía Bùi Giáng, nhưng nữ nghệ sĩ này đã rất trân trọng tình yêu của ông, một sự trân trọng vô cùng cảm động và hiếm thấy.
Nhiều năm qua, nghệ sĩ Kim Cương có những lý do riêng nên đã
không lên tiếng một cách chính thức. Lần đầu tiên, bà tiết lộ với báo
chí một số sự thật về thiên tình sử này, vì đã đến lúc bà không còn lý do
để tiếp tục im lặng…
Có lẽ trong cuộc đời của thi sĩ Bùi Giáng, ngoài chuyện văn chương ra thì chuyện tình đơn phương của ông với Kim Cương là nổi bật nhất, kỳ lạ nhất, và cũng cảm động nhất.
Kim Cương còn giữ rất nhiều bài thơ của ông viết tặng riêng bà, cả hình ảnh nữa, nhưng từ lâu bà từ chối mọi lời yêu cầu của các tờ báo, nhà xuất bản xin được phát hành, đặc biệt sau khi Bùi Giáng qua đời nhiều đơn vị còn đặt vấn đề “mua” những tấm ảnh, tập thơ đó. Bà nói : “Tôi không muốn đem tình cảm của Bùi Giáng ra đánh bóng tên tuổi của mình hoặc làm gì đó có dấu ấn kinh doanh. Dù tôi không yêu ông, nhưng tôi trân trọng  tình yêu của ông. Tuy nhiên, bây giờ sau loạt bài của báo TN, tôi thấy đây không còn là chuyện riêng tư nữa, mà Bùi Giáng là một sự kiện văn học
chung và nếu không lên tiếng thì có những thêu dệt không đẹp cho Bùi Giáng, vì vậy tôi chỉ muốn nói rõ một vài sự thật để người ta hiểu ông đúng hơn”.
Kim Cương biết Bùi Giáng lúc bà khoảng 19 tuổi, còn theo đoàn cải lương của má Bảy Nam nhưng Kim Cương đã được mệnh danh là “kỳ nữ”. Thật ra, ông chú ý đến bà trong một đám cưới của đôi bạn Hạnh – Thùy. Sau đám cưới, một hôm Thùy bảo Kim Cương : “Có một ông giáo sư Đại học Văn khoa, đi học ở Đức về, ái mộ chị lắm, muốn đến nhà thăm chị”.
Kim Cương trả lời : “Ừ, thì mời ổng tới”.
Hóa ra là Bùi Giáng, lúc ấy đang dạy học, cũng áo quần tươm tất chứ chưa có “điên điên” như sau này. Bùi Giáng lui tới, mời Kim Cương lên xe đạp ông chở đi chơi, rồi cả cầu hôn, nhưng bà đều né tránh. Bởi sau vài lần tiếp xúc, bà thấy ở ông toát lên cái gì đó “kỳ kỳ”, bất bình thường, nên bà sợ. Đeo đuổi mãi không được, Bùi Giáng thở dài nói : “Thôi, chắc cô không ưng tôi vì tôi lớn tuổi hơn cô (Bùi Giáng lớn hơn Kim Cương mười mấy tuổi), vậy cô hứa với tôi là sẽ ưng thằng cháu của tôi nhé. Nó trẻ, lại đẹp trai, học giỏi”. Kim Cương ngần ngừ : “Thưa anh, chuyện tình cảm đâu có
nói trước được. Tôi không dám hứa hẹn gì đâu, để chừng nào gặp nhau hẵng
tính…”. Ý bà muốn hoãn binh. Nhưng Bùi Giáng đã đùng đùng dắt cháu tới.
Trời ơi, hóa ra đó là thằng nhỏ mới… 8 tuổi. Kim Cương hết hồn. Thôi rồi ! Ổng đúng là không bình thường !
Từ đó, mỗi năm Bùi Giáng mỗi bệnh  nặng hơn. Ông không có vợ con, suốt ngày đi lang thang ngoài đường, hò hét, rồi cứ địa chỉ nhà Kim Cương mà tới. Thằng bé Toro con của Kim Cương lúc ấy khoảng 5 tuổi, thường trố mắt ra nhìn ông, và hỏi : “Mẹ ơi, sao bác này giống cái xe hoa quá ?”. Tư duy trẻ con thật ngộ nghĩnh, nhưng lại rất chính xác. Thì trên người Bùi Giáng có đủ thứ : nào hộp lon treo lủng lẳng, nào lá cờ giắt sau lưng, nào nhánh cây, vòng hoa trên đầu… cả một nải chuối đeo thường xuyên trên cổ. Không mở cửa cho ông vào là ông la hét, đập cửa, chửi um sùm, ném đá nữa, khiến hàng xóm náo động. Nhưng riết rồi quen, mỗi lần ông tới nhà Kim Cương ai nấy đều cười. Má Bảy Nam ở trên lầu chỉ cần nghe la rùm beng, đập cửa ầm ầm, là hỏi : “Bùi Giáng phải không ?”.
Nhiều lần ông say khướt, nằm ịch xuống gốc cây trước nhà Kim Cương, mọi người phải khiêng vào. Bà lắc đầu : “Sợ ổng chết. Tướng tá vầy có thể chết bất cứ lúc nào. Nhưng khiêng vô rồi cũng sợ rủi ổng chết trong nhà mình. Mà điều, không nỡ bỏ ổng lăn lóc ngoài đường, thấy tội quá”.
Nhưng điều hay nhất là mỗi khi vô nhà Kim Cương ông lại sáng tác thơ để tặng bà. Tiện tay xé bất cứ tờ giấy, tờ lịch nào là ông viết ào vô đó. Nguồn thơ yêu cứ tuôn trào như suối, không vơi cạn theo năm tháng. Về sau, khi ông “quậy” quá thì Kim Cương nghĩ ra cách, không mở cửa, mà lòn một cuốn sổ ra khe cửa cho ông viết thơ. Ông hí hoáy một hồi, rồi vui vẻ bước đi.
Suốt 40 năm, cả chục cuốn sổ tay đã đầy ắp chữ của ông, chỉ riêng tặng “Nương tử Kim Cương”. Bà trân trọng gìn giữ trong ngăn tủ. Những vần thơ yêu với nét chữ ngả nghiêng chệnh choạng nhưng hồn nhiên say đắm lạ kỳ.
Kính thưa nương tử Kim Cương

Tấm lòng rộng mở phi thường bấy nay
Ngàn năm điêu đứng đọa đày
Thiên thu sử lịch cau mày về sau
Thưa em đời mộng dạt dào
Tình yêu vô tận yêu đào vô biên
Kể từ tao ngộ đầu tiên
Kim Cương vô tận, thuyền quyên vô cùng
Bốn mươi năm đã lẫy lừng
Âm thầm tưởng niệm lạ lùng giai nhân
Trái tim thiết thạch vô ngần
Từ tam thu tới tử phần hôm nay
Kể từ sử lịch xa xuôi
Bất ngờ một bận bùi ngùi yêu em
Lang thang vạn dặm độc hành
Cẩm nang bỏ cuộc đời mình trao em.

“Quyền lực” của Kim Cương đối với Bùi Giáng
Phải nói là Kim Cương có “quyền lực” rất lớn đối với Bùi Giáng. Cứ nghe tên bà là ông trở lại ngoan ngoãn như một đứa trẻ con. Một lần, ông làm “chim bay cò bay” giữa phố, gây ách tắc giao thông, công an tới lôi ông vào cũng không được. Tình cờ có ông nhà báo trông thấy, thế là anh ta rỉ tai ông : “Kim Cương nhắn ông tới nhà kìa !”. Lập tức ông riu ríu đi theo nhà báo.
Ông còn “ái mộ” bà theo kiểu “kinh khủng” của ông. Người ta ái mộ thì xin chữ ký, xin hình, còn ông thì xin… quần. Ông tới nhà nằng nặc đòi bà cho ông cái quần. Bà lấy quần của cậu Toro nay đã lớn cỡ ông mặc vừa. Ông giãy nảy không chịu, đòi cái quần của Kim Cương mới được. Bà bực quá, đưa thiệt. Lập tức ông mặc vô và rồi không chịu thay ra. Tắm xong, mặc lại. Tỉnh bơ.
Và sau này khi ông ở nhờ nhà anh Hoài – cháu gọi ông bằng bác họ – tại Gò Vấp, thì cũng chỉ Kim Cương là người phụ nữ duy nhất được ông cho phép bước vào nhà. Nhiều lần, các bạn thơ nữ có ghé thăm ông, nhưng vừa mới nghe cháu vô báo tin là ông đã la hét om sòm, đuổi họ như đuổi tà : “Chỉ có tiên nữ Kim Cương mới được bước tới đây. Đi ra ! Đi ra hết !”.
Nghệ sĩ Kim Cương nói : “Tôi rất trân trọng tài năng của ông, nhưng phải nói thật là ông điên nặng, nhưng là cái điên trí tuệ, nói ra nhiều câu cực kỳ sâu sắc”. Thỉnh thoảng, khi ông hơi tỉnh thì Kim Cương cũng ngồi bàn chuyện thơ văn với ông cho ông vui. Những lúc ấy, ông gọi bà bằng “cô” đàng hoàng chứ không “nương tử”, không “Hằng Nga” gì hết. Nhưng có một lần, ông làm bà hết hồn. Hai người bàn luận đến Kiều, bà đọc mấy câu lỡ có sai một chút, ông liền đập bàn, la hét, nhảy dựng lên : “Tại sao Kiều mà cô nói sai như vậy ? Câu vậy mà cô nói là của Kiều hả ?”. Thấy ông trợn mắt  giận dữ, bà cứ ngỡ ông sắp bóp cổ mình tới nơi. Bà quên mất rằng ông cũng yêu Kiều say đắm như yêu bà
Có một chuyện nhỏ, nhưng cảm động. Kim Cương nói rằng Bùi Giáng có đóng phim gì nữa đó, chắc đóng vai phụ nho nhỏ thôi. Kim Cương nhớ khi ông lãnh tiền thù lao, liền mua hai trái xoài đem tới cho bà. Rất dễ thương.
Kim Cương bùi ngùi nhớ lại : “Suốt 40 năm, ông đối với tôi như một người yêu đơn phương, thì ngược lại, tôi đối với ông như chỗ dựa tinh thần, bất cứ lúc nào nghe ông đau ốm hay bị công an bắt, bị người ta đánh là tôi có mặt”. Bởi đơn giản, trong đầu Bùi Giáng chỉ có một số điện thoại duy nhất, một địa chỉ duy nhất, đó là địa chỉ và số điện thoại của Kim Cương. Nhiều lần ông đứng giữa đường dang tay la hét, làm kẹt xe, công an tới bắt, hỏi cách gì ông cũng chỉ nói một câu : “Người thân cuả tôi là
Kim Cương, ở số… Hoàng Diệu, điện thoại 844…”. Thế là công an réo gọi Kim
Cương. Bà đi lãnh ông ra. Chuyện đó xảy ra không biết bao nhiêu lần. Có khi ông
bị té, bị thương, người ta chở vô bệnh viện, ông cũng chỉ “khai báo” y như
vậy.
Bệnh viện lại réo bà. Bà lại đến. Hoặc những lúc ông lên cơn, có khi vô quậy cả đám cưới nhà người ta, bị người ta đánh, bà lại đến đưa ông về. Có lần, ông xuất hiện trước nhà bà với tóc tai mặt mũi đầy máu vì mới bị ai đó đánh, bà hoảng hốt gọi xích lô cho ông đi cấp cứu. Ông không chịu : “Chừng nào cô đi với tôi thì tôi mới đi”. Ừ, thì đi. Kim Cương gọi chiếc xích lô chở ông, vừa ngồi xe ông vừa nói vung vít, mặc cho Kim Cương chịu trận.
Và như thường lệ, trong cơn điên điên tỉnh tỉnh, ông lại tiếp tục làm thơ yêu qua cuốn sổ nhỏ nhét vào khe cửa nhà bà :
Yêu nhau từ bấy tới nay

Xiết bao tâm sự từ ngày qua đêm
Thưa em nương tử dịu mềm
Bốn mươi năm lẻ êm đềm vô biên
Đầu tiên tiên nữ Kim Cương
Cuối cùng muôn một phi thường Cương Kim
Cúi đầu bái tạ tình em
Về sau vĩnh viễn êm đềm thương nhau

Làm thơ tiếp tục yêu em

Ồ Kim Cương ạ êm đềm vô song
Kể từ lịch kiếp long đong
Anh điêu tàn tới thong dong bây giờ

Bùi Giáng về ở nhà của anh Hoài vào khoảng năm 1978, thì đến khoảng 1992 đã hơi tỉnh tỉnh. Nhà thơ Trụ Vũ thường ghé chơi với ông. Một lần Trụ Vũ bảo : “Kim Cương hẹn ngày mai lên thăm anh”. Thế là suốt đêm ông không ngủ. Sáng dậy, ông đi tới đi lui, đứng ngồi không yên, và càu nhàu : “Cái thằng Trụ Vũ, chừng nào lên thì lên, nhắn nhe làm chi cho người ta sốt ruột”.
Anh Hoài còn tiết lộ ông phải giả vờ  uống một tí rượu để đóng vai “say”, như thế khi Kim Cương lên thăm ông mới có cớ đi ngả nghiêng cho Kim Cương dìu đỡ. Nhưng có lần uống mãi, uống mãi, rồi say thật lúc nào chả biết, khi Kim Cương đến nơi thì ông đã… ngủ khò. Một bữa, Kim Cương đến nhà, tặng ông đóa hoa hồng. Ông sung sướng quá. Kim Cương  về rồi, ông hỏi anh Hoài : “Làm sao giữ được hoa tươi mãi hè ?”. “Ba ngày là nó héo thôi bác ơi!”. “Trời ơi, của Kim Cương tặng tao, phải giữ hoài chớ bây !”. “Con có cách. Đem hoa trút ngược xuống thì sẽ giữ giùm bác được vài tháng”. Đúng là giữ được vài tháng, đến khi hoa đã khô nát ông mới đành lòng chia tay.
Gần 60 tuổi, ông tới nhà bà với đôi mắt nheo nheo không nhìn thấy rõ. Bà dắt ông đi mua cặp kính lão. Nhưng chỉ một tháng sau, ông xuất hiện với một bên tròng kính bị bể vì người ta đánh. Bà dỗ ngọt : “Tôi mua cho anh kính mới nghen”. Ông lắc đầu: “Thôi cô, nhìn đời bằng một con mắt đủ rồi”.
Kể ra, đâu chỉ có Bùi Giáng kiên nhẫn và thủy chung với kỳ nữ Kim Cương, mà chính Kim Cương cũng đã đáp lại mối tình đơn phương của Bùi Giáng một cách chân thành và kiên nhẫn, thủy chung suốt 40 năm, gần giống một người chị, một người mẹ. Cho nên, có người nói với bà :  “Chắc kiếp trước Bùi Giáng mắc nợ bà!”. Bà đáp vui trở lại: “Hổng biết ổng mắc nợ tui hay tui mắc nợ ổng!”. Những lúc tỉnh táo, ông nói: “Cô nhơn hậu lắm cô mới chịu nói chuyện với tôi tới giờ này!”. Nhân đó bạn bè hỏi: “Kim Cương có cái gì mà anh thương dữ vậy ?”. Ông đáp : “Lúc tôi gặp cô trong đám cưới của Hạnh – Thùy, cô mặc cái áo dài lụa trắng, tôi thấy hào quang tỏa tỏa ra, tới bây giờ vẫn còn tỏa”.
15 ngày trước khi chết, Bùi Giáng đến nhà Kim Cương để lại mấy câu thơ như báo trước điềm chia ly:
Thương yêu có lẽ như là

Nghi ngờ nhau mãi vẫn là Kim Cương
Ta đi đau xiết vui buồn
Một mình ở lại muôn trùng em yêu.

Rồi ông té, chấn thương sọ não, chở vào Bệnh viện Chợ Rẫy. Người đầu tiên gia đình gọi đến là Kim Cương. Kim Cương nói: “Lần đầu tiên tôi thấy Bùi Giáng sạch sẽ. Đầu cạo sạch, không còn mớ tóc bù xù nữa. Và quần áo bệnh viện thì trắng bong. Cho nên tôi nhìn ổng không ra, cứ chạy đôn chạy đáo khắp các phòng tìm ổng”. Những đứa cháu xin bà cho ý kiến. Bà đồng ý để bác sĩ phẫu thuật cho ông dù chỉ còn 1% hy vọng.

Nhưng rồi Bùi Giáng đã ra đi.

Ba lời cảm tạ của Kim Cương
Trước mộ ông trước giờ hạ huyệt, Kim Cương nhẹ nhàng thủ thỉ : “Thưa Bùi Giáng! Đời ông là một đời giang hồ, nhưng mọi người vẫn mến thương ông, chắc ông cũng mãn nguyện rồi. Riêng tôi có 3 điều cảm ơn ông. Thứ nhất, ông đã để lại một sự nghiệp thơ cho đời. Thứ hai, cảm ơn mối tình 40 năm ông dành tặng tôi, tới giờ tôi có thể nói đó là mối tình lớn, ông là người yêu tôi chung thủy nhất, lâu dài nhất. Thứ ba, cảm ơn vì ông đã cho tôi một bài học, rằng dù điên hay tỉnh, giàu hay nghèo, già hay trẻ, trong lòng mỗi người cũng phải có một mối tình để sống”.
Nhưng chắc gì Bùi Giáng đã chịu xa lìa Kim Cương. Ông còn một lời nhắn nhủ viết trong cuốn sổ tay tại nhà Kim Cương:
“Kiếp sau gặp lại nhau, anh Bùi Giáng chỉ mong được Kim Cương chấp thuận cho phép anh Bùi được làm đầy tớ trung thành tuyệt đối của Kim Cương”.
Và:
Vô ngần tao ngộ đầu tiên

Em bao giờ biết anh phiền ưu sao
Yêu em từ những kiếp nào
Về sau cũng niệm nguyên màu ban sơ.

(Source: Blog NguyenTrongTao)
Anh Nguyễn v Thập gởi

Bởi yêu thương là điều không đơn giản

Bởi yêu thương là điều không đơn giản

‘Chúng ta sẽ luôn bên nhau, không xa rời’.

Năm 7 tuổi, cậu đi học về tình cờ thấy một cô bé đứng khóc run rẩy vì trước mặt
là con chó hung dữ đang gầm gừ. Không chần chừ, cậu vớ lấy cây sao nhét

bên hông cặp, chạy đến đánh đuổi con vật rồi cùng cô bé nọ chạy thoát.

Được một đoạn, cả hai dừng lại thở…

“Cám ơn cậu nha!” Cô bé lau nước mắt nói.

“Không có gì. Lần sau cậu đừng đi đường đó nữa. Chó dữ lắm”. Cậu dặn dò.

“Nhưng đường về nhà mình chỉ có thể đi qua đó thôi”.

Nghe vậy, cậu nhóc đắn do hồi lâu rồi bảo:

“Hay là đến chiều, cậu đứng chờ mình ở đầu đường khi nãy mình sẽ giúp cậu về nhà”.

“Thiệt hả? Tuyệt quá! Thế chúng ta làm bạn nhé!”.

Cậu cười tươi, gật đầu.

Năm 10 tuổi, cậu nhóc và cô bé đã là đôi bạn thân. Một hôm, cô bé mang sổ liên lạc về khoe bố mẹ vì đạt thành tích cao. Nhưng không may, bố mẹ lại đang cãi nhau. Trong lúc nóng giận, họ đã ném cuốn sổ đi và la mắng con.

Cô bé bật khóc, chạy ra khỏi nhà đến tìm cậu bạn.

Cậu nhóc không ngừng an ủi, chọc cười cô bé.

“Cám ơn cậu vì đã luôn bên mình.” Cô bé nói khẽ.

“Bất kể khi nào cậu cần, mình sẽ luôn bên cạnh!” Cậu tuyên bố.

“Vậy… chúng ta hãy hứa sẽ luôn bên nhau, không xa rời!”.

Lời đề nghị của cô bé vừa dứt, cậu nhóc đồng ý liền: “Ừ, hứa!”.

Năm 14 tuổi, cả hai dần có tình cảm với nhau. Ngày nọ, cô bé bị đám bạn trai cùng lớp bắt nạt. May thay cậu nhóc thấy và lập tức chạy đến bảo vệ cô. Vì chúng quá đông nên cậu bị đập một trận tơi bời.

“Xin lỗi, vì mình mà cậu ra thế này.” Cô bé vừa băng bó vết thương cho cậu vừa khóc.

“Có gì đâu, mình ổn. Cậu bị hiếp đáp, dĩ nhiên mình phải bảo vệ.” Dù rất đau nhưng cậu cứ cười lớn.

Im lặng một lúc, cô bé khẽ cất tiếng:

“Thế, chúng ta tiếp tục lời hứa sẽ luôn bên nhau, không xa rời nha?”

Mặt đột nhiên đỏ ửng nhưng cậu vẫn đáp:
“Ừm, hứa!”

Năm 18 tuổi, hai người học cùng trường.
Vào ngày sinh nhật mình, cậu đã bất ngờ hôn cô.

“Cậu thích không?” Cậu ngập ngừng hỏi.

“Mình chờ nụ hôn này lâu lắm rồi”.
Cô bẽn lẽn nói.

“Chúng ta sẽ luôn bên nhau, không xa rời!”. Cậu nắm tay cô, dịu dàng lặp lại lời hứa.

Cô không đáp chỉ mỉm cười gật đầu.

Năm 23 tuổi, anh cầu hôn cô. Một lễ cưới hạnh phúc diễn ra trong thánh đường. Khi Cha đọc lời thể xong, cả hai cùng đồng thanh.

“Con đồng ý.”

Lúc đeo nhẫn cưới vào tay cô, anh hỏi: “Sẽ luôn bên nhau, không xa rời?”

Cô nở nụ cười thật tươi, trả lời:
“Vâng, em hứa!”

Năm 25 tuổi, khi đã là vợ chồng được hai năm, ngày nọ, cô hẹn anh ra và trao lại nhẫn cưới.

“Mình chia tay anh nhé”. Cô chậm rãi bảo.

“Tại sao?” Anh vô cùng kinh ngạc.

“Em thật sự xin lỗi! Cảm giác yêu thương em dành cho anh đã không còn như xưa!” Cô cúi đầu, nói thật khẽ.

Khi cô rời khỏi, chàng trai cầm nhẫn cưới trong tay, im lặng rất lâu. Sau đó, anh mỉm cười: “Tiếp tục lời hứa sẽ luôn bên nhau, không xa rời”.

Hôm ấy, chỉ còn một mình anh hứa.

Năm 26 tuổi, ly dị xong cô quen người yêu mới. Còn anh, vẫn yêu cô. Mỗi ngày, anh đều đứng từ xa quan sát cô nói chuyện vui vẻ với người con trai xa lạ.

Nhìn cô, anh thì thầm: “Sẽ luôn bên nhau, không xa rời”.

Lúc giận bạn trai, cô ngồi khóc một mình. Anh thấy liền giả làm thú bông đến tặng cô bó hoa và  chọc cười.

Trông cảnh người yêu cầm hoa, cười trở lại, trong đầu anh nghĩ: “Sẽ luôn bên nhau, không xa rời”.

Năm 30 tuổi, bạn trai đi xa, cô ở lại một mình. Và anh, biết tin mình bị bệnh nan y.

Mỗi buổi chiều, dù mưa hay nắng, anh đều trốn khỏi bệnh viện đến nơi làm việc chỉ để được nhìn cô. Dù mệt mỏi, anh vẫn âm thầm đi theo để biết rằng, cô đã về nhà an toàn.

“Sẽ luôn bên nhau, không xa rời”.
Anh luôn nói câu đó trước khi quay lưng trở về.

Bệnh trở nặng, bác sĩ bắt anh phải ở trong bệnh viện. Nhưng anh không nghe, tiếp tục ra ngoài vì biết tối nay cô sẽ dự sinh nhật một mình.

Cô ngồi tại quán cafe ăn bánh kem trong nỗi cô đơn. Và cô đã không biết, cách đó mấy chiếc bàn, anh âm thầm bên cô đón sinh nhật.

“Sẽ luôn bên nhau, không xa rời”.
Anh để dành lời hứa năm xưa làm quà cho cô.

Tối đó, anh và cô cùng về muộn.

Năm 32 tuổi, người yêu cô trở về rồi cả hai quyết định kết hôn. Về phía anh, bác sĩ lắc đầu, bảo hết hy vọng. Ngày cuối cùng, mặc cơn đau của bệnh, anh vận đồ thật đẹp đến dự đám cưới lần thứ hai của cô.

Lúc chú rể đeo nhẫn cho cô, anh nở nụ cười:

“Lời hứa sẽ luôn bên nhau, không xa rời có lẽ anh không thể thực hiện được nữa. Nhưng từ giờ, đã có người thay anh tiếp tục lời hứa đó với em!”.

Khi chúc phúc cô xong, anh rời khỏi thánh đường.

Trưa hôm ấy, người ta thấy có một chàng trai chết trong công viên. Anh ngồi trên ghế đá với vẻ mặt thanh thản.

Dù yêu theo cách nào, chúng ta đều mong muốn người mình yêu được hạnh phúc, phải không?

Nguồn: FB

Nguyễn Phi Phượng gởi

SƯỚNG và KHỔ

SƯỚNG và KHỔ

Có một đề thi dành cho các thí sinh đau khổ thuộc mọi lứa tuổi như sau: “Bạn
hãy chứng minh bạn khổ.

http://www.vncentral.com/news/wp-content/uploads/2012/05/Cuong-hiep-nguoi-minh-yeu-toi-dau-kho-tuyet-vong.jpg

 

Thí sinh thứ nhất, một người đàn ông chừng sáu mươi, chứng minh: Tôi lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo. Bố mẹ tôi quanh năm ‘bán mặt cho đất – bán lưng cho trời’. Vì nhà nghèo nên tôi phải nghỉ học sớm để đi làm kiếm tiền mưu sinh. Nghĩ mà tủi thân!…

Thí sinh thứ hai, một phụ nữ trẻ, dẫn chứng: Tôi là người kém sức khoẻ. Từ nhỏ đã hay đau yếu. Mỗi lần trái gió trở trời là tôi lại xụt xịt. Rất khó chịu!…

Thí sinh thứ ba, một thanh niên tuổi chừng hăm mấy, viết ngay không chần chừ: Tôi chẳng có tài cán gì. Giữa đám đông bạn bè, tôi chẳng biết ca hát. Mấy đứa bạn cứ trêu chọc bảo tôi giọng ngang như cua bò. Bực tức và chán ghê!…

Thí sinh thứ tư toan đặt bút xuống viết thì khựng lại. Rồi anh suy nghĩ có vẻ rất căng thẳng. Cuối cùng, quyết định nộp giấy trắng.

Kết quả cuộc thi: Ba thí sinh đầu tiên được 1 điểm an ủi vì đã có… công viết. Còn thí sinh thứ tư thì phải lên gặp thầy để trình bày rõ lý do tại sao lại để giấy trắng.

Trong giờ sửa bài, giáo sư nhận xét chung:

+ Các bạn không được điểm cao vì bài các bạn không thể hiện được tư duy sâu sắc. Các bạn chỉ liệt kê những điều không như ý xảy ra trong cuộc đời. Ai cũng làm được như thế. Thực ra nó không đủ chứng minh rằng các bạn khổ vì góc nhìn đó quá hẹp.

Rồi giáo sư quay sang thí sinh thứ tư và hỏi:

+ Tại sao bạn để giấy trắng?

– Thưa giáo sư, thoạt đầu tôi cũng có khuynh hướng vội vàng liệt kê như các bạn kia. Nhưng tôi chợt giật mình…

+ Sao bạn lại giật mình?

– Dạ, xin cho phép tôi đứng lên trước mọi người để trình bày được dễ dàng hơn.

Thế rồi cậu khập khiễng bước lên trên. Quay xuống nhìn mọi người, cậu nở một nụ cười thân thiện. Người ta thấy mặt cậu một bên bị nám đen. Cậu nói:

– Hồi tôi còn nhỏ, bố mẹ phải đi làm ngoài đồng, chỉ có chị tôi và tôi ở nhà. Một hôm, chị đang nấu cơm thì bị cháy nhà. Như quý vị thấy, tôi bị phỏng nặng, bây giờ vẫn còn dấu cháy trên mặt. Năm tôi lên bảy, bố tôi qua đời. Một buổi tôi đi học, một buổi tôi phải đi bán vé số ở khu chợ gần nhà để phụ mẹ. Cách đây ít năm, trên đường đi nhà thờ về, có một chú kia nhậu say lái xe tông vào tôi khiến chân tôi bị tật từ hồi đó. Bây giờ mỗi khi trời trở lạnh, chân tôi cũng khá đau. Gần đây, tôi thú thật là tôi yêu một
người con gái, nhưng tôi thế này thì làm sao xứng với người ta được!

Trong phòng lúc ấy có nhiều người. Giọng cậu yếu ớt nhưng ai cũng nghe rõ vì bầu khí lặng im đến lạ thường.

+ Nhưng sao bạn không viết những điều đau khổ này vào bài thi?

– Dạ không, vì tôi giật mình. Tôi giật mình khi tôi chợt nhớ lại lời của bạn tôi trong nhà thờ hôm Chúa Nhật. Anh ấy nói với mấy người nghèo khổ rằng: “Anh em thật có phúc.” Thế là tôi khựng lại để suy nghĩ.

Rồi tôi nhận ra: để chứng minh tôi thực sự khổ thì tôi phải chứng minh cho được rằng tôi không có gì để hạnh phúc.

Mọi người càng chăm chú. Vị giáo sư lên tiếng:

+ Hay! Xin lỗi bạn, tôi không phải là Kitô hữu, vậy cho tôi hỏi anh bạn gì gì đó của bạn nói như thế nào về việc may phúc khiến bạn thay đổi cách nhìn như thế?

http://img.tamtay.vn/files/photo2/2009/12/2/21/348544/4b1677ae_4d9a2289_jesus-children.jpg

– Dạ thưa giáo sư, bạn tôi tên là Giêsu. Anh ấy nói: “Mắt anh em thật có phúc vì được thấy những điều đang thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe những điều đang nghe. Nhiều người mong mỏi được như anh em mà không được.” (Mt 13:16-17).

Thưa giáo sư, lúc ấy tôi chợt nhìn thấy và nghe được nhiều điều may mắn trong cuộc sống của tôi.

Tôi có mẹ có chị. Nhà chúng tôi tuy chẳng kín cổng cao tường nhưng đùm bọc nhau
ấm áp. Tôi có trái tim biết rung động. Tôi có lòng quảng đại. Tôi có lương tâm. Tôi có bạn bè nói chuyện. Tôi có nhiều người cầu nguyện cho tôi. Tôi được đi học. Tôi có trí khôn để nhận ra trong cái xui có cái hên, tức là trong nghịch cảnh có ân sủng.

Ví dụ: Vì lớn lên trong cảnh khó khăn, tôi thấy mình biết cảm thương với người nghèo hơn. Vì mang tật nguyền trên mình, tôi hiểu được nỗi đau của tha nhân. Vì thấy mình giới hạn, tôi đặt niềm tin vào Chúa nhiều hơn. À, cuối tuần nào tôi cũng được cùng mẹ và chị đi Lễ với bà con chòm xóm để nghe Lời Chúa.

Vì thế tôi không thể chứng minh là tôi khổ.

nguồn: Anh Nguyễn v Thập gởi

__._,_._

Ruột Thịt Tình thân .

Ruột Thịt Tình thân .

Song Nhi

Tin chị Thơm bị chồng bỏ lan ra nhanh chóng đầu trên xóm dưới .

Có người nói tội  nghiệp chị đẹp người đẹp nết , con nhà ăn học mà số long đong .

Nhưng có người lại mừng dùm và họ coi đó như giải pháp mà ông trời giải thoát cho chị khỏi cảnh khổ .

Chị Thơm là con gái duy nhất trong ba người con của thầy giáo Thức ở xứ này .

Thời sinh tiền lúc còn sống thầy và ông chủ tiệm vàng Kim Vinh là bạn tâm giao
nối khố có nhau dù một người làm buôn bán một người theo nghiệp chử nghĩa thánh
hiền .

Ngay khi chị Thơm chỉ là trẻ thơ lúc nghe ông Vinh muốn kết thông gia cho hai gia đình càng thân hơn ,thầy giáo Thức đã đồng ý ngay.

Thơm từ nhỏ đã sáng dạ học đâu nhớ đó , thương con nên lớn lên ba chị cho chị lên ở nhờ nhà người cô ruột trên Sài Gòn để tiếp tục việc học .

Bắt đầu hiểu biết Thơm đã nhiều lần dùng dằng phản đối chuyện hứa hôn của ba chị khi ai đó đề cập đến .Xét cho cùng chị cũng không sai bởi xứ này ai mà không biết Huân con trai lớn ông chủ tiệm vàng Kim Vinh học hành thì ngu dốt nhưng ăn chơi
trăng hoa thì có tiếng .

Năm đó tự nhiên ông Vinh bị một căn bệnh lạ , chạy chữa nhiều thầy thuốc mà
bệnh có vẻ không thuyên giảm .

Khi thầy giáo Thức sang thăm ông bèn nhắc chuyện xưa và muốn tiến tới hôn nhân cho con trai mình .

Trước là được yên lòng nhắm mắt vì con nên bề gia thất do ông Vinh biết rất rõ Thơm là cô gái rất tốt .

Thêm vào cái hy vọng là biết đâu hôn lể xua đi được cái vận hạn xui xẻo đang đè ám gia đình ông
.

Năm 19 tuổi Thơm được ba mình gọi về quê và lấy chồng trong cái không khí gấp rút của đám cưới đang chuẩn bị .

Lúc đầu Thơm phản đối bằng cách bỏ ăn và khóc lóc không ngừng .

Nhưng đến khi ba chị dọa thắt cổ tự vận nếu chị dám từ hôn làm trái ngược lại lời hứa mà ông coi trọng như núi .

Đến nước đó thì Thơm hết cách đành theo ý ba mình về làm vợ Huấn.

Cứ tưởng Huấn chồng chị Thơm lấy được người vợ như chị , anh ta hẳn vui mừng mới đúng .

Nhưng vốn tính nhỏ nhen thêm vào chất gia trưởng Huấn thấy chướng mắt vì sự học vấn của vợ.

Trong khi chị vận dụng cái giỏi giang của mình để gánh vác việc nhà chồng thì Huấn sau khi tỏ rỏ đường đi lối về với cô vợ trẻ anh ta lại miệt mài với những thú vui tình ái bên ngoài
.

Từ khi sinh Thu con gái đầu lòng chị Thơm nhiều lần khuyên chồng nên để đức cho con đừng đi gạt gẫm những cô gái khác nhưng Huấn gạt bỏ ngoài tai .

Thậm chí nhiều lần còn hạ cẳng tay , thượng cẳng chân với chị khi say.

Nhất là sau khi ba chồng chị là ông Vinh qua đời thì Huấn không còn phải e dè ,

kiêng kỵ̣ ̣một ai.

Một lần đoàn gánh hát của ông bầu Tám Ít về đây hát , Huân đi xem và đâm ra mê
mệt Hai Như cô đào nhì của gánh .

Khác với những lần trước lần này Huấn trong mắt Hai Như là con mồi lớn nên Hai Như quyết không buông , cô xõ mũi Huân một cách nhanh chóng .

Vốn xuất thân lang bạt nên Hai Như không dể dàng gì trở thành trò chơi của Huân cô buộc Huân phải cho cô danh chính ngôn thuận khi cô có mang .

Thế là sau 9 năm ,chị Thơm đành chịu tiếng bị chồng bỏ bởi không chịu nổi sự
cay nghiệt cũng như những trận đòn thừa sống thiếu chết của Huân gần đây .

Thầy giáo Thức ba của chị cũng qua đời vài năm trước đó nên chị cũng không muốn níu kéo.

Chị đồng ý ra đi với hai bàn tay trắng không làm phiền Huân cưới vợ mới nhưng bù lại Huân phải để chị dẩn bé Thu lúc này được 5 tuổi đi theo mình .

Buồn cho phần số dang dở của mình và cũng không muốn ở lại quê nơi có nhiều kỷ niệm gợi chuyện phiền lòng chị Thơm dẫn con gái lên lại Sài Gòn .

Ban đầu chị tá túc ở nhà cô ruột như trước .

Sau đó chị mang số tiền cha mẹ ruột cho phòng thân khi xuất giá lấy chồng làm vốn mua bán .

Chị mở một sạp bán trái cây và thuê căn nhà nhỏ gần đấy cho tiện việc đi về mẹ con chị sống yên ả vui vẻ với nhau .

Dạo gần đây có một anh chàng người Mỹ thường ghé mua trái cây chổ chị .

Anh ta gây sự chú ý cho Thơm bởi anh ta nói được tiếng Việt rất rành khác với những anh chàng Mỹ lớ ngớ thỉnh thoảng vẩn ghé chổ chị mua hàng .

Anh chàng  người Mỹ John Smith ấy cũng thật bất ngờ khi thấy cô chủ hàng nói rất chuẩn thứ ngôn ngữ mẹ đẻ của mình và là một người có ăn học.

Lúc đầu chỉ là trò chuyện xã giao lâu dần họ thành bạn .

Dù hai người cách xa nhau về hình thức lẩn nơi sinh trưởng nhưng họ lại khá hợp nhau trong nhiều cách nghĩ .

Hơn một năm sau John ngỏ lời với muốn cưới Thơm làm vợ.

Phần Thơm thật sự chị dành rất nhiều cảm tình cho John nhưng chị cũng e ngại sự cách biệt và tiếng đời thường mĩa mai những người phụ nữ lấy Mỹ thời đấy nên chị còn lưỡng lự chần chừ .

Nhưng tấm chân tình của Louis khiến chị cảm động .

Hai năm từ ngày họ quen biết chị dẹp cửa hàng về làm bà Smith .

Mười mấy năm trôi qua gia đình chị Thơm có thêm một trai hai gái .

Peter được 13 tuổi , Mary 11 tuổi và Ann 9 tuổi.

Ngoài xã hội John là người khá thành công về kinh doanh nhưng khi về nhà John là người chồng có trách nhiệm .

Anh ta đối xử với Thu cũng như những đứa con khác của mình hết mực yêu thương không hề có sự phân biệt .

Gia đình họ sống đầm ấm hạnh phúc ngoài những lúc đến trường ở nhà chị Thơm vẩn gọi con bằng những cái tên tiếng Việt là Phú , My và Ái .

Khác biệt nhau về mái tóc và cả màu da nhưng bốn chị em Thu lại quấn quých hòa thuận ,luôn gắn bó bên nhau không rời .

Năm 1975 lúc này Thu đã 21 tuổi đang theo học một trường Dược ở Sài Gòn .

Một ngày chị Thơm nhận được tin Huấn chồng cũ của chị tức là ba ruột của Thu ở quê qua đời đột ngột vì một cơn đột qụy .

Đúng ra chị Thơm không muốn về bởi tình hình lúc đó có nhiều thay đổi và Huấn từ lâu không hề nhắc nhở hay đá động gì tới đứa con gái của mình là Thu .

Nhưng cuối cùng chị cũng dẩn Thu về chịu tang cho đúng phép tắc dù gì họ cũng là cha con .

Phần chị thì xem như nghĩa tử nghĩa tận đến thắp một nén hương cho phải đạo làm người , hơn nữa chị không an tâm để Thu về một mình .

Sau đám tang ngay lúc chị chuẩn bị trở về Sài Gòn thì thời thế thay đổi trong một đêm phải chờ đến cả tuần sau và bằng nhiều cách mẹ con chị mới lặn lội trở về được Sài Gòn .

Nhưng khi chị Thơm và Thu lên tới Sài Gòn thì mọi chuyện đã khác lạ hoàn toàn .

Dâu bể đổi dời chỉ trong khoảng thời gian ngắn , chị không thể vào được nhà cũ bởi chúng bị tịch thu nên chị không lấy được thông tin hay địa chỉ liên quan gì tới chồng mình ở Mỹ .

Cũng không thể hỏi thăm ai giữa cái lúc hổn loạn ấy chị dành dẩn Thu nương náu , mưa sinh ở một quận gần đó và cố gắng hết khả năng để nghe ngóng liên lạc với chồng và con của mình trong vô vọng.

Ngày xưa vì người ở quê hay kỳ thị , dè bĩu và lo cho sự an toàn của chồng vào thời còn chiến tranh .

Chị Thơm chỉ dẩn duy nhất Peter về quê ngoại chơi hai lần mà thôi .

Không cho John cùng hai con gái nhỏ về thăm quê lần nào.

Bởi má chị vẩn lên thăm gia đình chị ở Sài Gòn thường xuyên .

Do chị cũng ỷ y đâu có dè cuộc đời có những thay đổi như vậy .

Thời gian dần trôi không một tin tức nào về họ dù là sống chết .

Phần lo lắng thương nhớ con nên sức khoẻ chị Thơm mỗi ngày một kém .

Rồi chị qua đời vào một đêm mưa sau cơn bệnh trong tay vẩn còn nắm chặt tấm ảnh gia đình của mình .

Lúc lâm chung không biết có phải còn tiếc nuối hay ấm ức mắt chị mở trừng trừng khiến Thu khóc than tức tưởi khấn nguyện rằng sẽ cố gắng tìm được những đứa em và mang chúng về .

Phần John Smith vào lúc mọi người nhốn nháo rồng rắn di tản dù không muốn bỏ vợ
mình lại nhưng John không còn cách nào khác hơn đành dẩn ba người con của mình
lên máy bay về Mỹ trong nổi đau đáu lo lắng .

Khi về đến xứ sở anh ta cũng cố gắng liên lạc với vợ mình nhưng ngoài tên họ của vợ và con gái .

John chỉ biết thêm địa danh quê vợ là Xào Bân chứ không hề có thông tin gì khác .

Đường phố còn thay đổi  tên thì nói chi muốn tìm một con người giữa cái đất Sài Gòn mênh mông ấy .

Ba năm sau trên đường đi làm về John qua đời trong một tai nạn giao thông thảm khóc .

Những đứa con của anh được chuyển về sống với ông bà nội ở bang Texas.

Gia đình họ lạc nhau từ đó…

*****

Ba mươi lăm năm sau

Thu bây giờ tóc đã bạc hơn phân nữa và lên chức bà Ngoại chị lấy chồng có được
ba người con .Chồng chị là người đàn ông tốt và hiền lành .

Các con chị vẩn sống và làm việc ở Sài Gòn .

Còn chị và chồng về sống ở quê vào 5 năm trước trên mãnh đất hương hỏa của bà Ngoại chia cho mẹ chị ngày xưa , vui thú cùng vườn cây ao cá, như bao người có tuổi khác .

Cuộc sống chị êm đềm, hạnh phúc như bao gia đình an phận bình thường nhưng dù bao năm trôi qua trong lòng Thu vẩn không quên được nổi nhớ về những người em của mình .

Thỉnh thoảng nhìn những tấm ảnh cũ đã úa vàng mà chị lưu giữ như một báu vật, chị lại chảy nước mắt .

Chị khóc khi hồi tưỡng cái khoảng khắc ngày xưa đút cơm cho những đứa em của mình .

Chị nhớ rõ đứa nào thích ăn gì , tính nết ra sao .

Nhớ lúc chạy giởn trong khoảng sân nhỏ cùng nhau giờ không biết họ lưu lạc phương trời nào và có bình an không ?.

Hiểu nổi khổ tâm bao năm của chị Thu các con chị cũng giúp mẹ bằng mọi cách họ có thể .

Từ những phương tiện thông tin hiện đại đến nhờ cả đại sứ quán giúp đỡ , nhưng thông tin qúa ít ỏi và trôi qua nhiều năm nên sự tìm kiếm của họ cũng rơi vào im lặng .

Peter ,Mary và Ann hiện tại cũng đã có gia đình và con cái họ khác xưa hoàn
toàn .

Vốn Việt Ngữ của họ gần như là mất hết , ngoại trừ Mary do làm quản lý ở một hãng có nhiều người Việt nên cô còn nói được chút ít .

Nhưng ba người họ vẩn không quên người mẹ và chị của mình .

Họ về Việt Nam rất nhiều lần nhờ sự giúp đở của nhiều nơi .

Nhắn tin trên báo để tìm kiếm nhưng tất cả vẩn không có tin tức gì ,họ cũng không có nhiều manh mối để mở rộng việc tìm kiếm..

Năm 2010 Peter lúc này đã 48 tuổi nhân dịp nghĩ thường năm anh ta dẩn theo cô vợ người Mỹ của mình là Jessica về Sài Gòn du lịch .

Lần đó khi đang ngồi trên chuyến xe tham quan của một đoàn du lịch chuẩn bị đi đến điểm vui chơi theo lịch trình .

Là người vui tính Peter trò chuyện cùng anh hướng dẩn viên là ngày xưa mình được sinh ra ở Sài Gòn .

Nhắc về kỷ niệm vô tình Peter nói rằng quê ngoại ở Xào Bân bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ.

Có một vị khách lớn tuổi trong đoàn nghe được .

Ông ta nói là ông ta biết một nơi trước kia gọi là Xẻo Bần chứ không phải là Xào Bân .

Đó là một làng nhỏ do dân địa phương tự đặt tên ấy vì có cái rạch nhỏ chảy cắt ngang qua.

Mà bây giờ không còn ai gọi là Xẻo Bần nữa họ gọi bằng tên một thị trấn khác.

Không biết có cái gì xui khiến Peter vội lấy giấy bút ra và nhờ ông ta ghi lại
chính xác nơi đó bằng cái tên hiện hành ngày nay.

Bỏ dở chuyến đi chơi Peter cùng vợ ngược về Sài Gòn tìm đến trung tâm lữ hành du lịch và ngỏ ý muốn thuê một hướng dẩn viên thông thuộc miền Tây để đi đến địa danh mà vị khách lạ cho.

Khi họ đến nơi thì gần như không còn vết tích nào giống trong ký ức của Peter .

Anh ta nhớ ngày xưa phải đi bằng thuyền nhỏ và cây cỏ hoang dại .

Còn nơi anh ta đến ngày nay là thị trấn sầm uất đông đúc xe cộ chạy xuôi ngược .

Thấy vẻ thất vọng của Peter anh hướng dẩn viên cũng không biết làm sao hơn đành cùng người tài xế chở hai vợ chồng ông khách người Mỹ đi loanh quanh cho đúng theo trình tự một chuyến tham quan .

Xe chạy dọc những con lộ nhỏ và anh hướng dẩn viên giảng giải đây là một vùng chuyên về trồng trái cây .

Chợt lúc đó chuông nhà thờ đổ hồi chuông ban trưa thông lệ .

Như có một thứ giác quan mách bảo Peter đòi được đến nơi đó .

Cả nhóm họ rời xe đi bộ trên con đường làng khi đứng trước căn nhà thờ có tuổi thọ gần cả trăm năm được xây từ thời Pháp đô hộ.

Peter gần như là không kèm được sự xúc động bởi anh ta nhận ra đây đúng là quê ngoại mình mà ngày xưa anh được mẹ dẩn về .

Qua bao nhiêu năm nhưng cũng may là cái nhà thờ ấy vẩn không thay đổi hình dáng kiến trúc cũ .

Nhất là cái vị trí nằm ngay ngã ba sông rất đặc biệt .

Peter nhớ một cách rõ ràng như vậy do có một lần khi về quê chị lớn là Thu dẩn em trai mình đến đây chơi .

Đang vui đùa chợt Peter tự nhiên bị chảy máu cam không rõ nguyên nhân khiến Thu hốt hoảng cầu cứu.

Chính một vị ma-soeur hiền lành đã kêu Peter nằm ngay xuống trước sảnh nhà thờ và ngước mặt lên ngay cho máu ngừng chảy .

Trong khi bà đặt chiếc khăn lạnh trên trán của Peter để hạ nhiệt độ.

Theo trong trí nhớ của Peter nhà bà ngoại đi bộ cách đó một đoạn nhưng hướng nào thì anh ta mơ hồ không nhớ nổi .

Vốn nhạy bén sau một hồi suy tính Peter nhờ anh hướng dẩn viên hỏi thăm những
ai nhiều tuổi từng sống nơi đó về người đàn bà có tên Ba Thơm có con gái tên
Thu .

Nhưng già trẻ không một ai biết bởi ngày trước chị ba Thơm chỉ thỉnh thoảng về thăm quê rồi đi .

Số người còn lại họ đến ở nơi đây mới độ hai , ba chục năm thì làm sau biết chuyện ngày xưa cũ .

Thêm nữa ở quê người ta thường gọi theo thứ ít ai gọi tên nên chẳng ai biết người đàn bà mà Peter muốn kiếm là ai .

Cuối cùng Peter chỉ còn cách ghi lại địa chỉ khách sạn ở Sài Gòn nơi mình trú ngụ cùng số điện thoại cá nhân đang tạm dùng trong thời gian ở Việt Nam .

Peter hứa sẽ hậu tạ cho bất cứ ai có tin tức về hai người mình đang cần tìm .

Đúng lúc kẻ ghi người viết thì có một người đàn bà đứng tuổi đi chợ về ngang do tò mò bà ta rẽ đám đông vào xem .

Khi biết rõ câu chuyện bà ta chậm rãi nói:

-Tui biết có chị kia ở cạnh nhà bà sui gái của tui .

Nghe đâu tên của chỉ là Hai Thu mà tui không nghe chỉ có anh chị em chi hết .

Chị mới về đây sống độ mấy năm thôi không biết có phải chị Thu gì mà ông ấy muốn kiếm không ?

Nhà chị ấy tuốt dưới xóm dưới đường hơi khó đi một chút.

Sau khi nghe anh thông dịch nói lại , không bỏ sót một tia hy vọng vào , Peter
vội khẩn khoản bà ấy giúp mình.

Họ chọn ra giải pháp cả nhóm sẽ ngồi ở quán cafe đầu chợ .

Trước là chờ gặp người tên Thu mà người đàn bà ấy vừa nói .

Sau là uống ít nước và nghĩ ngơi tạm bởi vì nhóm họ điều thấm mệt sau hàng nữa ngày trời đi tới đi lui.

Người đàn bà kia thì lên một chiếc xe honda ôm đã được Peter trả tiền tới nhà chị Thu và nhắn chị ấy có người cần gặp ngồi chờ nơi quán nước trước cổng chợ.

Buổi xế trưa , sau bữa cơm chị Thu đang cho mấy con gà ăn trước sân như thường
nhật chợt có tiếng xe honda dừng trước cửa.

Khi nghe nói có ông tóc vàng mắt xanh cần gặp một người tên Thu .

Trước sống ở Sài Gòn và cở bằng độ tuổi của chị vì có chuyện cần , chị hai Thu đã luống cuống tay chân , buông luôn cái thau đựng cơm nguội xuống sân nhà .

Chị không kịp cám ơn người đàn bà tốt bụng mà vội chạy vào lấy cái nón lá và lên tiếng gọi ông chồng mình đang lui cui sau vườn.

Tay chị run rẩy đến nổi không thay nổi cái áo bà ba nên chị mặc nó tròng đôi vào cái áo đang bận .

Chị lập cập không giấu được vẻ hồi hộp của mình khi ngồi lên chiếc xe do chồng mình nổ máy chờ sẳn chạy vội ra chợ.

Ở quán cafe mọi người không dấu được ánh mắt tò mò trước hai vị khách ngoại
quốc đang ngồi chờ như ngóng trông ai đó.

Xe ngừng trước quán chị Thu bươn bả đi vào , đám đông khẽ nhích ra nhường lối cho chị .

Nãy giờ đi ngoài trời chói nắng nên chị lột vội cái nón lá quẳng vô góc để nhìn cho rõ , Peter cũng vội vã đứng lên .

Không cần phải nói hay hỏi han điều gì chỉ cần nhìn mặt Peter chị Thu đã biết đó chính là em trai của mình bởi Peter giống cha anh ta John Simth thuở xưa như tạc .

Chị Thu khóc ngất nói trong tiếng nấc :

-Em ơi ….Phú ơi ….

Cơn xúc động dâng lên cao độ khiến chị Thu loạng choạng như muốn ngất .

Peter vội đở lấy chị mình dìu chị ngồi xuống ghế anh ta cũng khóc khi nhìn gương mặt của chị Thu với những đường nét của mẹ mình ngày xưa.

Nhoài người tới ôm lấy người chị của mình Peter lắp bắp bằng một thứ tiếng Việt ngọng nghịu :

-Chị … chị Hai … Phú nè …chị chị Hai

Tiếng chị Thu miếu máo ngắt quãng từng chập :

-Mẹ mong chờ mấy em biết bao nhiêu… hu..hu …mẹ mất rồi em ơi .

Trong khi Jessica vợ của Peter nhẹ đưa cánh tay vỗ vỗ lên lưng chồng mình như
sẻ chia dù cô không hiểu chuyện gì đang xảy ra cũng như người đàn bà kia nói gì
.

Thì chồng chị hai Thu biết rõ câu chuyện hơn do vợ mình thường kể nên anh cố giấu đi vẻ xúc động bằng cách nói như phân bua:

-Em của vợ tui , chị em ruột ấy thất lạc mấy chục năm rồi không tin tức chi
hết.

Nhìn thấy một ông ngoại quốc cao lớn nắm chặt tay một người đàn bà Việt Nam mãnh
mai miệng chỉ lắp bắp được vài chữ ”chị ơi..”.Một số người trong quán hôm ấy
khẽ lén lau đi giọt nước mắt vừa ứa ra.

*****

Một buổi tối của hai tháng sau .

Nhà chị Thu đèn đuốt mở sáng choang nhiều người đi tới đi lui .

Mấy bà chị thì nhỏ to dưới bếp bên cạnh nồi cháo gà và vài món ăn nhẹ .

Họ lo không biết những ông bà người Mỹ ở nhà trên có ăn được những món ăn Việt Nam không và nêm nếm như vậy có vừa khẩu vị của họ chưa .

Vài người trẻ trong xóm ngồi ngoài mấy cái ghế tre trước hiên của nhà chị Thu .

Đôi ba ông cụ bà cụ lớn tuổi một chút ngồi trong phòng khách cùng chị hai Thu , Peter , Mary và Ann.

Họ tới mừng cho chị khi nghe được tin chị em trùng phùng sau bao năm và tò mò chờ nghe câu truyện có phần hơi ly kỳ của họ .

Bốn chị em của chị Thu ngồi trên bộ di văng nói chuyện với nhau .

Mary còn nói được chút ít tiếng Việt , Peter và thì nhớ được một vài câu xã giao ngọng nghịu .

Riêng Ann thì không nhớ một câu nào , cả ba người họ phải nói qua người phiên dịch đang ngồi trên cái ghế nhỏ cạnh đó .

Chị Hai Thu đưa khăn lên lau nước mắt khi nghe Peter kể sau khi ba chết họ về sống cùng ông bà ở nơi mới .

Đi học Peter hay bị bọn trẻ chọc ghẹo kỳ thị vì là con lai .

Khiến cậu ta đánh nhau đến nổi chút nữa thì bị đuổi học.

Chị lại cười khi Mary nói lúc về Mỹ muốn ăn trứng ấp thảo với cháo trắng như ngày xưa mẹ nấu ở Việt Nam nhưng đành chịu vì không biết cái trứng đó tên là gì.

Bao nhiêu năm Mary luôn cảm thấy tủi thân và không vui khi ai đó hỏi về nguồn cội bởi Mary không biết trả lời họ ra sau.

Ra vẻ ái ngại Ann nhìn họ rồi khẽ nói ,qua người thông dịch rằng :

” Lúc đầu khi nhìn những tấm ảnh cũ ố vàng ngày xưa và nghe anh Peter thông
báo tìm được chị và nhắn thu xếp về gặp nhau .

Cô được một vài người khuyên nên cẩn thận để tránh sự nhầm lẩn thậm chí biết đâu chừng đó là sự giả trá , lường gạt .

Vì khi đi cô là người nhỏ tuổi nhất rồi sống ở môi trường không có người Việt nên ký ức về chị trong cô không còn được rõ nét như hai anh chị mình .

Nên cô thật sự có phần dè dặt ,không tin lắm nhưng trên đường về đây khi ghé qua quán ăn tạm ở dọc đường , chị hai Thu đã ngăn cô lại khi cô định ăn một bát súp.

Chị ấy nói rằng súp đó được nấu bằng tôm mà chị biết rõ Ann từ nhỏ đã dị ứng với đồ biển. Rồi chị nhờ người thông dịch hỏi giúp chị vết sẹo trên đùi Ann có biến mất theo
thời gian không hay là to hơn .

Ann cố ý hỏi vặn lại vết sẹo gì ? Chị Hai Thu nói ngày trước Ann từng bị té vào chậu hoa sau vườn nhà nên đùi có một vết thẹo khá dài , chính chị đã băng lại giúp cô .

Ann đưa khăn giấy chậm nước mắt bằng vẻ bối rối , xúc động cô ngỏ lời xin lổi chị mình vì những nghi ngờ trước đó .

Bởi bây giờ cô đã tin chị thật sự là chị Hai của cô ngày xưa.

Ann hứa với chị khi về Mỹ sẽ cố gắng học thêm ít tiếng Việt để có thể trực tiếp nói chuyện với chị mà không cần phiên dịch .”

*****

Sáng hôm sau khi tia nắng bình minh vừa hiện ra ở chân trời , gió dìu dịu mùi sương sớm .

Trước ngôi mộ của dì Ba Thơm nơi phần đất hương hỏa giữa đồng .

Bốn mái đầu rấm rức khóc và cuối lặng thật lâu .

Trong mùi hương trầm và những bó hoa thơm lan tỏa lãng bãng , tiếng chị hai Thu nghèn nghẹn khấn :

-Má …con dẩn mấy em đến thăm má .Xin má linh thiêng phù hộ độ trị cho chị em
con và xin má an lòng yên nghĩ.

Một ngày cuối chiều ở sân bay , khi tiếng loa thông báo nhắc nhở tên ba vị
khách còn lại của chuyến bay về Mỹ nhanh chóng ra cửa khởi hành .

Vòng tay của chị em họ lại vội vã ôm lấy nhau giữa khóc – cười họ hứa sẽ quay lại sớm vào một ngày nào đó cùng gia đình của mình .

Mary vội nói cùng chị bằng cái âm chưa chuẩn và quơ tay như minh họa cho lời nói:

-Em biết Việt Nam gọi ngày chết là đám giỗ rồi .

Đám giỗ má vào mùng 9 sau tết Việt Nam.

Tụi em sẽ về vào ngày đó hằng năm .

Chị Hai yên tâm giữ sức khoẻ .

Mắt chị Hai Thu vẩn còn đỏ và đầy nước nhưng miệng chị cười tươi .

Chị đưa cánh tay lên lưu luyến vẩy theo dáng những đứa em của mình đang khuất dần sau cánh cửa kiếng
.

Có một dịp tình cờ nào đó sau tết âm lịch trong cái không khí hãy còn Xuân .

Bạn chợt ngang qua một thị trấn nhỏ xinh đẹp thuộc một tỉnh miền Tây đồng bằng sông Cửu Long .

Đi tới cái xóm nhỏ mà địa danh ngày xưa gọi là Xẻo Bần vô tình bạn nhìn thấy một nhóm người trên đường làng hay trong cái quán Phở ở chợ .

Nhóm người đó trung niên có , trẻ có , tây ta lẩn lộn .

Đôi khi cô gái trẻ tóc vàng mắt xanh cao lớn đang cố trọ trẹ học câu tiếng việt từ một cô Việt Nam cũng còn khá trẻ .

Rồi cũng có lắm lúc cô gái Việt Nam nói những câu Anh Ngữ để giải thích sự việc gì đó cho cô gái kia .

Thỉnh thoảng hai người trung niên lại nói tiếng Việt bằng một âm điệu chưa chuẩn lắm làm bà chị của họ bật cười.

Bạn đừng lấy làm ngạc nhiên bởi đó chính là đại gia đình của chị em họ và

con cái thuộc thế hệ kế .

Những người họ khác biệt nhau về ngôn ngữ , chủng tộc , tập quán và ở cách xa nhau nửa quả địa cầu , hàng chục giờ bay .

Nhưng họ có chung một thứ ,đó chính là dòng máu chảy trong huyết quản của họ có sự hiện diện của cái gọi là Ruột Thịt Tình Thân .

Cuối cùng thì tất cả các dòng sông điều trở về biển như một quy luật muôn
đời ….

Song Nhi

Anh Nguyễn Đình Hữu gởi

QUÀ TẶNG GIÁNG SINH CHO MẸ

QUÀ TẶNG GIÁNG SINH CHO MẸ

Andy ngồi trên tuyết, cậu bé thấy lạnh hơn từng giây một. Andy không đi ủng – thứ mà người ta vẫn thường đi trên tuyết vào mùa đông. Cậu bé không thích ủng và dù
sao cậu bé vẫn không có ủng cơ mà. Đôi giày vải, mỏng dính, mòn vẹt mà Andy
đang mang đã có vài lỗ thủng và chúng không thể làm được việc là giữ ấm cho đôi
chân cậu bé.

Andy đã ngồi trên tuyết thật là lâu rồi. Và dù cố đến mấy, cậu bé vẫn không thể
nghĩ ra được món quà Giáng sinh cho Mẹ. Cậu bé buồn bã lắc đầu ” Vô ích
thôi, dù rằng mình có nghĩ ra món quà gì, mình cũng không có tiền mà .”

Từ khi bố Andy mất 3 năm về trước, gia đình cậu bé suy sụp nặng nề. Ban đêm Mẹ
cậu làm việc ở bệnh viện, nhưng với đồng lương ít ỏi chỉ đủ mấy mẹ con sống tạm
qua ngày. Chúng còn nhỏ lắm, chẳng biết có nghĩ ra món quà gì để tặng Mẹ hay
không. Thật không công bằng, bây giờ đã là chiều tối đêm Giáng sinh mà cậu bé
vẫn ngồi đây, chẳng thể nghĩ được điều gì cả.

Chú chùi những giọt nước mắt, Andy đứng dậy đi xuống phố – nơi có rất nhiều cửa
hàng. Cuộc sống thật khó khăn khi mà cậu bé mới 6 tuổi và không có bố, đặc biệt
là khi mà người ta cần một người đàn ông để tâm sự. Andy đi từng cửa hàng này
sang cửa hàng khác, nhìn vào từng cửa sổ rực rỡ một. Mọi thứ đều đẹp và ngoài
khả năng của cậu. Trời đã bắt đầu tối, Andy buồn bã định quay về nhà thì bỗng
nhiên cậu bé nhìn thấy một vật gì đó ánh lên trong tuyết. Andy cúi xuống: 1
đồng xu nhỏ bóng loáng dưới đất. Hẳn chưa ai có cảm giác được giàu có như là
Andy cảm thấy vào lúc ấy.

Khi Andy nắm chặt “kho tàng mới nhặt được ” của mình, cậu bé cảm thấy như có hơi ấm chạy qua cơ thể, và cậu mạnh dạn bước vào cửa hàng đầu tiên, niềm hân hoan của
Andy ngay lập tức bị đóng băng lại khi từng nhân viên bán hàng bảo với cậu rằng
chẳng thể làm gi với đồng xu nhỏ xíu đó. Cậu bé đi ra, nhìn thấy một cửa hàng
hoa, Andy liều đứng lại xếp hàng

Khi người chủ cửa hàng hỏi Andy cần gì, cậu bé đưa một đồng u và e dè hỏi liệu
mình có thể mua được 1 bông hoa tặng Mẹ trong đêm Giáng sinh với đồng xu nhỏ
xíu này không, người chủ cửa hàng nhìn Andy, đặt tay lên vai cậu bé và nói
:” Đợi một chút, con trai, để ta xem có thể làm gì cho con.”

Khi đứng chờ, Andy ngắm những bông hoa tuyệt đẹp và cậu đã hiểu vì sao Mẹ cậu
cũng như bao người phụ nữ khác lại thích hoa đến thế.

Tiếng đóng cửa sớm khi người khách cuối cùng rời khỏi cửa hàng đã đưa cậu quay
về với hiện thực. Còn lại một mình trong cửa hàng, Andy bắt đầu cảm thấy cô đơn
và hoảng sợ. Bỗng người chủ cửa hàng lại đi ra.

Trước mắt cậu bé là 12 bông hồng đỏ thắm, cuống dài, lá xanh cùng với những
bông hoa gì đó trắng, nhỏ li ti, được bọc thành một bó có dây nơ màu bạc. Tim
Andy ngừng một nhịp khi ông chủ cửa hàng đặt bó hoa vào một chiếc hộp trắng và
bảo: “Tất cả là một đồng xu, con trai.”

Andy chậm chạp đặt đồng xu vào tay ông chủ cửa hàng. Không thể là thật được!
Không ai bán cho cậu cái gì với một đồng xu đâu ! Nhận thấy sự băn khoăn trên
mặt cậu bé, ông chủ cửa hàng giải thích: ” May mắn là ta có mấy bông hoa
bán với giá một đồng xu một bó. Con trai có thích không ? ”

Lần này thì Andy không ngần ngại nữa. Ra khỏi cửa hàng, Andy nghe thấy tiếng
ông chủ nói với theo :” Giáng sinh vui vẻ, con trai .”

Khi ông chủ cửa hàng quay vào trong nhà, vợ ông hỏi :”ông vừa nói chuyện và đem hoa cho ai thế ?” Nhìn qua cửa sổ và chớp chớp mắt để ngăn không cho nước mắt trào ra, ông chủ cửa hàng khẽ nói :” Một điều thật lạ lùng đã xảy ra. Sáng nay, khi
tôi chuẩn bị mở cửa hàng, tôi có cảm giác như ai đang mách bảo mình để sang bên
cạnh 12 bông hoa hồng thật đẹp vì đó sẽ là món quà đặc biệt. Tôi đã nghĩ là
mình đã tưởng tượng ra, thế nhưng tôi vẫn cứ để 12 bông hồng ra một chỗ. Và
ngay lúc nãy, một cậu bé vào cửa hàng và muốn mua hoa để chúc Giáng sinh cho Mẹ
chỉ với 1 đồng xu. Nhìn vào cậu bé, tôi thấy tôi của nhiều năm về trước. Tôi đã
là một đứa trẻ nghèo khổ không biết mua gì cho Mẹ vào đêm Giáng sinh.

Một người qua đường đã cho tôi 10 dolla không vì lý do gì. Khi tôi nhìn thấy
cậu bé tối hôm nay, tôi biết người đã mách bảo tôi là ai….

Tối Giáng sinh ấy, cả gia đình người chủ cửa hàng hoa và cả gia đình Andy nữa,
không ai cảm thấy lạnh chút nào….

Lequangchac sưu tầm

Phan Thiết đêm 22/12/2012

Chị Nguyễn Kim Bằng gởi

ĐÊM LẠNH

ĐÊM LẠNH

MINH DIỆN

* Ông Dương gọi điện thoại mời tôi về quê, chứng kiến lễ khánh thành cây cầu do công ty của ông ấy tài trợ.

– Anh có thể mang theo một tay quay phim? – Ông Dương nói.

– Chúng tôi đi nhờ xe của anh được chứ?

– Được! Nhưng một mình anh thôi!

– Thế còn cậu quay phim?

– Bảo nó đi xe đò! – Dương trả lời với một giọng khô khan, lạnh lùng.

Tôi vẫn biết ông Dương chẳng bao giờ cho nhân viên cấp dưới, hoặc những người địa vị thấp kém hơn mình ngồi vào chiếc xe Mercedes 500 sang trọng.

– Thôi được! Tôi sẽ nói cậu quay phim đi Honda.

Tôi vội vàng mặc quần áo và chạy đến văn phòng công ty Ánh Dương, nơi ông Dương đang làm Tổng giám đốc, sau khi động viên anh quay phim chịu khó đi xe đò hoặc xe
máy.

– Không sao! – Anh quay phim nói – Cháu quá biết tính ông Dương.

Chiếc Mercedes đen bóng đang đậu dưới sân tòa nhà mười một tầng, trụ sở công ty Ánh Dương. Trước kia,  đây là ngôi biệt thự rất đẹp và vững chắc, xây theo kiểu Pháp. Những người tiền nhiệm ông Dương đã từng làm việc dưới tầng hầm ngôi biệt thự giữa những ngày bom B52 của Mỹ rải thảm Thủ Đô. Cách đây hai năm, ông Dương đã cho đập ngôi biệt thự, rồi xây tòa nhà này. Nghe nói chi phí hết hơn ba chục tỷ đồng, nhưng chất lượng không tốt lắm, vì bị rút ruột chia chác nhau, trong đó ông Dương “ăn” phần lớn.

– Chào nhà báo ! – Ông Dương chào tôi khi từ thang máy bước ra,  chìa bàn tay múp míp cho tôi bắt. Ông mặc comple màu sữa, thắt cà-vạt đỏ tươi. Nhìn khuôn mặt bầu bầu và mái tóc mới nhuộm đen nhánh đố ai biết ông đã bước sang tuổi năm mươi chín.

Người lái xe của ông Dương cũng ăn mặc tươm tất. Anh ta tên Hà, đồng hương với vợ ông Dương. Nhờ phục vụ sếp tận tình, lại là đồng hương với vợ sếp nên Hà đã được đề
bạt thêm chức phó phòng hành chính.

– Thưa sếp, đi được chưa ạ?

Hà khúm núm hỏi sếp. Ông Dương xem đồng hồ thấy ba giờ kém mười phút, gật đầu. Một qui định bắt buộc do vợ ông Dương đặt ra là đi kém về hơn. Hằng ngày ông Dương đến cơ quan cũng như những chuyến đi công tác, đều xuất phát lúc kém, về lúc hơn. Hai ngày trước vợ ông Dương và cậu con trai về quê trước chuẩn bị buổi lễ khánh
thành cầu, họ cũng khởi hành lúc ba giờ kém mười…

Hà xách chiếc Sam-so-nai của ông Dương để vào cốp rồi mở cửa xe cho sếp. Dương chỉ chiếc ghế cạnh tài xế cho tôi. Có lẽ Dương sợ tôi không hiểu qui củ nên làm như
vậy. Thực ra tôi cũng biết sự sắp xếp thứ bậc trên dưới trong chiếc xe loại VIP
này. Ghế phía sau người lái là chỗ ngồi của sếp, không ai được đặt đít ngồi ké…

Chiếc xe ra khỏi Hà Nội và lướt êm trên quốc lộ số một. Đang giữa mùa đông lạnh khủng khiếp. Ngồi trong xe nhìn ra, dưới bầu trời xám ngắt, những dáng người liêu xiêu mờ mịt trong mưa phùn gió bấc.

Chiếc xe Mercedes 500 ấm áp và êm ái rộng thênh thang, chỉ có ba người. Ông Dương ngả đầu vào ghế da mơ màng nghe tiếng nhạc du dương. Tôi cảm thấy thương hại anh
quay phim, giờ này đang chen chúc trong xe đò hoặc tự lái xe máy giữa mưa rét.
Anh ta cũng đã biết ông Dương, chẳng bao giờ cho ai địa vị thấp kém đi nhờ xe.
Nói chung, ông ta chẳng thân thiện và muốn giúp đỡ ai bao giờ. Có chăng chỉ là
đóng kịch để phục vụ cho lợi ích của ông ta thôi.

Ngay từ hồi Dương còn rất trẻ, đã là một con người khôn ngoan, ích kỷ và tàn nhẫn. Lúc mới về công ty, Dương tỏ ra rất hiền lành, chăm chỉ và tìm mọi cách lấy lòng ông Tổng giám đốc Đinh. Nhờ vậy Dương được xếp vào diện cơ cấu cán bộ lãnh đạo, được đề bạt rất nhanh. Nhưng mới nhận chức Tổng giám đốc thay ông Đinh buổi sáng, buổi chiều Dưong đã mời ông già khốn khổ ấy ra khỏi căn phòng mà ông tự nguyện nhường cho Dư.

Còn một việc tàn nhẫn và thực dụng hơn mà Dưong đã làm lúc còn trẻ: Dưong yêu cô gái đồng hương, là sinh viên đại học. Cô gái xinh xắn, hiền lành, thông minh và yêu Dưong chân thành. Hai người đã chuẩn bị làm lễ cưới. Nhưng trong một chuyến công tác ở Kiên Giang, tình cờ Dưong gặp Trù, một cô gái dong dỏng cao, có đôi mắt sắc sảo, xấu  hơn người yêu Dưong nhưng  đang là một nhân viên hải quan có tiền. Thế là chỉ sau một tuần tìm hiểu, Dưong đã cùng Trù ra Hà Nội tổ chức đám cưới. Cô người yêu cũ toan tự tử, Dương quỳ xuống xin cô tha thứ. Cô sinh viên bỏ về quê mang theo cái thai, kết quả của mối tình đầu. Cô không tiếc và không muốn nhìn mặt một kẻ tính toán thực dụng đầy ích kỷ.

Tất nhiên đó không phải là chuyện bê bối duy nhất của  Dương. Những vi-la, biệt thự,
trang trại và của cải mà Dưong có từ khi làm Tổng giám đốc công ty Ánh Dương đã
nói lên điều đó.

Hà châm thuốc hút và mở cửa kính phía trước, ông Dư làu bàu:

– Đóng cửa lại! Không thấy lạnh à?

Vừa nói Dương vừa lấy dầu gió xoa bụng, xoa ngực. Tôi cố nín cười vì thói quen kiêng kỵ quá đáng của Dương. Dương kiêng nắng kiêng  gió như đàn bà đẻ kiêng cữ!.
Lúc nào cũng kè kè đủ thứ thuốc. Chả trách có lần Phó tổng giám đốc Ngọc đã
nói: “Tay Dương muốn sống trăm tuổi và dứt khoát không chịu về hưu sáu mươi
tuổi. Hắn muốn húp nước cả cặn!”. Có lẽ Ngọc nói đúng vì Dương đang chạy chiếc
ghế Phó chủ tịch Hội doanh nhân – một tổ chức phi chính phủ có tiếng, có miếng,
lại có thể ngồi đến già.

Dương đã mua mấy cái bắng và mấy cái giải thưởng để lấy tiếng. Hôm nay về quê cắt băng khánh thành chiếc cầu cũng không ngoài mục đích đó.

Trời sập tối. Mưa mỗi lúc một dày hạt. Con đường nhợp nhòa mờ mịt trước ánh đèn pha sũng nước. Vợ Dương gọi điện thoại hỏi chồng đã tới đâu? Ông Dương trả lời:

– Anh đã qua thành phố Vinh. Còn hơn cục cây nữa sẽ tới nơi!Thằng Xuân nhà mình có đó không?

– Nó đi chơi với bạn rồi.

Ông Dương cúp máy, khoe với tôi:

– Thằng Xuân con tôi sau kỳ nghỉ này sẽ quay lại Luân Đôn bảo vệ luận án tiến sĩ đấy.

– Thế à!

– Nó rất thông minh và có bản lĩnh…

– Vâng!

– Con gái ông thứ trưởng Màu rất yêu nó.

– Thế ư? Tôi biết cô bé ấy rất đẹp và ông thứ trưởng Màu rất giàu.
Tương lai ông ta sẽ lên bộ trưởng.

– Đúng vậy!

Bỗng phía trước thấp thoáng bóng người. Hà hãm xe lại. Một người đàn ông đứng giữa đường vẫy tay rối rít. Tôi bấm kính xuống, hỏi:

– Chuyện gì vậy bác?

Người đi đường áp gương mặt ướt sũng vào cửa xe. Đó là một ông già ốm nhom đang run lên bần bật:

– Có người bị tai nạn, xin quý ông chở giúp vô bệnh viện cấp cứu.

– Bác kiếm xe khác. – Hà từ chối.

– Trời mưa rét, không có xe…

– Đợi một chút sẽ có xe!

– Không đợi được nữa mô. Không cầm máu kịp, anh ta chết mất.

Dù đã biết tính ông Dương, nhưng trong tình huống hiểm nghèo của người bị tai nạn giữa đêm mưa rét, đường vắng, tôi năn nỉ ông Dương:

– Giúp người ta một chút anh Dương?

– Không được! – Ông Dương dứt khoát.

Chiếc xe vọt đi bỏ lại ông già chới với…

Gần một giờ sau chúng tôi về đến làng Cẩm, quê ông Dương. Dù mưa gió, rét mướt họ hàng, cán bộ địa phương cùng dân làng vẫn tập trung đón ông Dương. Nhưng ông có vẻ không vui vì vắng mặt cậu con trai yêu. Ông càng sốt ruột hơn khi gọi điện thoại di động cho con không có tín hiệu trả lời.

– Nó đi đâu bằng xe gì? Đến nhà ai? – Ông Dương sẵng giọng hạch hỏi vợ.

– Bằng xe Honda. Đi Vinh!

– Sao không đi ôtô?

– Nó thích thế! Mà sao anh lại quát nhỉ? – Vợ Dương đanh mặt.

Một nửa sự nghiệp của Dương do người đàn bà này tạo nên. Bà ta khi còn trẻ đã hiến
thân  cho cấp trên của Dương đề đồi lấy cấp chức cho Dương.  Bây giờ từ miếng ăn, giấc ngủ và giờ giấc đi lại của Dương  do bà ta chỉ đạo. Trước mặt vợ, Dương luôn dịu dàng, nín thinh, dù thực tế chỉ là diễn kịch. Ông ta ra lệnh cho Hà chạy xe hơi ra Vinh tìm đón con trai.

Hà đi được lúc lâu gọi điện về, báo tin cậu con trai ông bà Dương bị tai nạn giao thông. Bà Dương ngất xỉu.

Không còn thời gian và phương tiện để lựa chọn, anh quay phim sốt sắng lấy chiếc honda chở ông Dương và tôi đến bệnh viện.

Cậu con trai ông Dương lên thành phố Vinh chơi bằng xe honda, được tin bố về quê, anh ta vội phóng xe  đón bố. Vì trời tối, mưa rét nên lao xe xuống vực…

Trước phòng cấp cứu tôi nhìn thấy ông già vẫy tay chặn xe chúng tôi xin đi nhờ mấy giờ trước. Ông chỉ là người tình cờ qua đường gặp người thanh niên rơi xuống vực. Ông già cũng nhận ra chúng tôi, những kẻ đã từ chối không cho ông đưa người bị nạn lên xe. Ông nói với chúng tôi, giọng buồn buồn:

– Cậu ấy chết do mất nhiều máu! Giá lúc ấy các ông cho đi nhờ… đâu đến nỗi!

Ông Dương bước đi loạng choạng, rồi ông ngã dúi vào chiếc xe Mercedes bóng loáng đậu cạnh bức tường bệnh viện. Da ông nhợt nhạt, lưng còng hẳn xuống và mặt xọm đi, như ông lão tám mươi. Ông ôm mặt rú lên khủng khiếp:

– Con ơi!!!…

Tôi đỡ ông Duơng vào xe. Ông run rẩy…

M.D

Anh Nguyễn v. Thập gởi

 

 

RIÊNG MÌNH MỘT TIỆC TẠ ƠN

RIÊNG MÌNH MỘT TIỆC TẠ ƠN

Trong dịp Lễ Tạ Ơn đã qua, Tân một mình ghé quán phở đường Bolsa ăn trưa. Vì đông khách, chủ quán dùng một dãy bàn dài đặt ngay cửa ra vào, coi như bàn chung của những thực khách đi riêng rẽ. Cứ ghế nào trống thì một thực khách được xếp vào, bất kể là ai. Tình cờ, Tân được sắp ngồi đối diện với một bà khoảng ngoài sáu mươi đang ngồi ăn cơm. Tân lịch sự chào bà này trước khi ngồi xuống, xong kêu tô phở như thường lệ.

Nhìn sang phía bà này, Tân lấy làm lạ, sao bà này ăn trưa chỉ có một mình mà sao lại gọi lắm món thế, không giống ai cả. Vốn quen nghề điều tra và thẩm vấn, Tân vui vẻ gợi chuyện:

– Bà thường hay ăn trưa ở đây không?

Bà đáp:

– Lâu lắm mới sang đây, nay ăn bữa trưa cho vui rồi mai về.

Nghe tiếng Huế, người cùng miền, Tân đã hiểu một phần lý do: Người Huế vẫn còn ảnh hưởng tục vua chúa, tuy không ăn uống được nhiều hơn ai, nhưng lại thích có nhiều món trong một bữa ăn, dù nhiều ít. Tân hỏi tiếp:

– Vậy bà không phải người ở đây sao?

Được lời như mở tấm lòng bà đáp:

– Hồi trước tôi cũng có ở Cali , thỉnh thoảng cũng đến đây ăn. Kỳ Lễ Tạ Ơn này sang thăm Cali, sẵn đi lang thang, ghé vào đây ăn một bữa rồi mai về lại Texas.

À, thế Tân mới hiểu thêm lý do: Bữa ăn này coi như “Tiệc Lễ Tạ Ơn” của bà. Từ từ, Tân tiếp:

– Bà thấy vùng này bây giờ có vui không?

Nghe giọng Tân cũng là người miền Trung, hay hỏi và chịu nghe, cảm thấy như thể người thân, bà mới vừa ăn, vừa lai rai nói chuyện như để giải tỏa nỗi lòng u uẩn khôn khuây của mình. Tân chú ý nghe và nhớ, thuật lại đại khái như sau:

Từng đã bị kinh hoàng và may thoát cảnh bị đập đầu chôn sống trong trận Mậu Thân, nên khi Việt Cộng sắp tiến chiếm Huế vào mùa xuân 1975, vợ chồng bà bồng giắt bốn đứa con chạy thí mạng xuống thuyền đói khát, may mắn thoát chết vô đến ở Vũng Tàu. Rồi cuối tháng 4, tiếp đến, lại thuê thuyền ra hạm đội Mỹ, sang Guam, rồi định cư tại Nam Cali này từ hồi 1975. Con cái dần lớn khôn, ăn học thành tài, có công ăn việc làm tốt và đều ra riêng. Vợ chồng bà đều có học thức nên hội nhập vào đời sống Mỹ dễ dàng. Cả hai đều làm cho hãng xưởng kỹ nghệ. Chẳng may bà bị tai nạn lao động thế nào đó và xem như tàn phế, bà được bồi thường số tiền gần vài trăm ngàn, bà đã chia cho bốn người con để chúng làm vốn, đặt trước mua nhà cửa ở vùng Nam Cali.

Sau đó, chồng bà phải theo công việc làm, dọn sang Texas, bà cũng theo sang đó định cư luôn. Lâu nhớ Cali bà cũng muốn quay sang chơi, thăm con cái và gặp lại người quen cũ, dạo nhìn lại những cảnh bờ biển mà bà ưa thích, để gợi lại những kỷ niệm yên bình đầu tiên, khi gia đình bà mới đặt chân trên quê hương thứ hai này. Cũng đã nhiều năm qua, nay nhân dịp lễ Tạ Ơn, ông nhà phải về thăm Việt Nam lo chuyện gia tiên mồ mả. Ở nhà một mình buồn, bà ra sân bay, đứng chầu chực, đáp được chuyến bay từ Texas về Cali chơi và ghé thăm mấy người con.

Đầu tiên bà đến nhà người con trai út. Cậu này chưa vợ. Nhà cậu thường có bạn gái đến chơi. Nay sợ có bà ở đó làm mất tự do, sợ bạn gái phiền, nên cậu ta không muốn tiếp bà. Cậu khéo léo khuyên bà đến ở với các anh chị sẽ thuận tiện hơn, thêm lý do cậu bận việc không tiếp và lo cho bà được.

Bà đến người con trai áp út, nhà ở trên đồi sang trọng, nhưng cách trở khu Little Saigon nơi bà muốn lui tới, thêm nữa bà không hiểu vợ chồng anh này nghĩ gì và làm gì, cứ lái xe đi cả ngày, về đến nhà thì ngủ, không nói gì đến bà, không màng lo chuyện cơm nước gì cả, cứ để mặc bà thui thủi một mình, không hề hỏi đến. Quán xá thì xa, không ai đưa đi, đường xe buýt bà chưa rõ. Bà thấy nhà sang trọng nên cũng ngán, cái gì bà cũng không dám sờ vào vì sợ hư hỏng hay nhớp nhúa, con dâu sẽ phiền. Nhà cửa trên đồi nhìn xuống thung lũng rất đẹp, cuối thu trời gió lạnh, nhưng không mở sưởi điện, sưởi gas nào hết. Bà hỏi thì được cho biết lò sưởi hư. Bà thấy cảnh này vừa lạnh trên thể xác, vừa lạnh trong tâm tư nhiều hơn, và nghĩ đi Lễ Tạ Ơn sum họp mà cảnh này quá buồn. Cảm thấy con và dâu không muốn tiếp mình, nhưng chẳng lẽ chờ chúng đuổi đi. Một mình ở nhà, bà gọi taxi đến nhà người con gái lấy chồng Mỹ.

Đến đây, người con rể Mỹ thấy bà mang bị đến, chỉ nhìn bà và “Hi” một tiếng, rồi tỉnh bơ coi như không có bà. Con gái bà biết ý chồng, không muốn khách khứa nhà quê quấy rầy. Nhà chỉ có ba phòng ngủ, cũng chỉ đủ cho vợ chồng cô ấy và hai con mỗi đứa một phòng. Để bà ở chung phòng với cháu, sợ bà già cả, sụt sùi lây bệnh nên cô tìm cách thoái thác, bảo bà rằng vợ chồng cô và hai đứa cháu sắp sửa đi nghỉ mát ở Big Bear trượt tuyết và khuyên bà nên tạm sang ở với người anh trưởng. Xong lấy xe chở bà thả trước sân căn nhà lầu của người con trưởng, lớn rộng cả gấp đôi căn nhà trung bình.

Lâu ngày gặp lại mẹ, thay vì vui  mừng, mời mọc chở bà đi chơi hay hàn huyên tâm sự, hỏi thăm chuyện người này người khác, hoặc sắp đặt chỗ ăn ở cho bà một cách thân tình, nhưng chỉ sau một tuần trà nước với vài chuyện qua loa, vợ chồng người con trai cả trách bà: “Mạ muốn sang chơi, sao không hẹn trước để chuẩn bị. Nhà còn một phòng trống nhưng cô em vợ đã gọi điện thoại đặt chỗ trước cả 2 tuần rồi, tối nay từ New York cô ấy bay sang. Vợ chồng con đã hứa dành sẵn cho cô ấy ở đây nghỉ trong dịp lễ Tạ Ơn này một tuần, vậy đâu còn phòng nào cho mạ ở. Vậy phiền mạ sang ở với mấy em con”.

Nghe thế, bà bối rối vài phút. Lấy lại bình tĩnh, bà nói không sao để má chơi đây một lát rồi má đi. Dạo thăm sơ, sau trước căn nhà, rồi bà nói đỡ gượng: “Ờ con gọi giùm cho mạ chiếc taxi mạ đi”. Thấy bốn người con đều không ai muốn tiếp đón mình, bà bảo taxi đưa đến một motel ở vùng Little Saigon và bà được nơi đây đón nhận nồng ấm. Rồi từ hôm đó, bà đi lông bông dạo chơi xem thiên hạ mua sắm, ngắm cảnh trí vùng Nam Cali, thăm vài bà bạn cũ rồi về motel nghỉ. Trưa nay đến quán này, bà gọi bồi bàn dọn cho bà một “Tiệc Tạ Ơn” giữa những quán khách xa lạ ồn ào. Rồi mai bà sẽ sayonara California, giữa trời cuối thu tê tái, cũng có thể là lần sau cùng.

Nghe bà vừa ăn vừa kể, với một giọng Huế nhẹ nhẹ buồn buồn, khiến Tân cũng buồn lây, nhớ đến câu thơ của người xưa: “Cùng một lứa bên trời lận đận. Gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau” (Tỳ Bà Hành) nên tìm lời an ủi bà ta, bằng cách nói:

– Tỵ nạn sang ở xứ này, phần nhiều là vậy, hơi đâu mà bà buồn, cũng do mình một phần là không lấy hẹn trước mà thôi. Nhiều người còn gặp trường hợp trầm trọng hơn bà nữa, nhưng người ta không nói ra vì sợ xấu hổ mà thôi. Phần đông cũng có ít nhiều gặp hoàn cảnh như vậy, bà nên tỉnh bơ đi chỗ khác chơi cho vui rồi mai về.

Bà than: – “Ra đi là kể như chìm biển đông mà”.

Tân phụ hoạ: – Sau bao năm chiến tranh, bom đạn, chạy giặc qua biển cả hiểm nguy, bà còn sống sót đến bây giờ tại Mỹ là vui rồi. Hơi nào mà buồn. Miễn sao bà được mạnh giỏi và minh mẫn là tốt, còn mọi thứ khác, sao cũng được thôi.

Nghĩ bà cũng rành chuyện xưa, Tân nhắc lại vài chữ trong câu đối đáp của danh sĩ Ngô Thời Nhậm với Đặng Trần Thường:

– “…Thời thế thế, thế thời phải thế.”

Và tiếp: – Mỗi nơi đều có phong tục và văn hóa khác nhau, có khi hoàn toàn trái ngược là chuyện bình thường. “Thanks” mà bà đã “giving” rồi thì còn gì mà “thanks” nữa, nên là hết “thanks” rồi, đừng nghĩ đến nữa. Người da đỏ đã chào mừng và giúp người da trắng, người da trắng đã quay lại đàn áp người da đỏ. Bà cũng như người lái đò, đưa người qua sông rồi thôi, mấy người ngoảnh lại mà nhớ kẻ lái đò. Người đi nhờ thuyền chùa vượt sông biển, đến nơi không cảm ơn người chủ thuyền, còn lấy ơn làm thù, hăm dọa, chửi thề vung vãi để trả công cũng là chuyện đã có.

Nghe và nói đến đây, tô phở cũng đã ăn xong, Tân vội chào từ giã, lại quày trả tiền và bước ra khỏi quán, rộng chỗ cho những khách đang chờ. Trên đường lái xe đi, suy nghĩ về chuyện bà này, Tân nhớ đến chuyện mình lúc trước, bỏ quê, tay trắng đến Sàigòn mưu sinh, kiếm một chỗ cư trú thật rất khó khăn. Nhưng sau nhiều năm, Tân đã có một căn nhà, nhỏ hơn cái garage chứa 2 xe của mỗi nhà Mỹ ở vùng này. Nhưng bà con xa gần, quen biết ở quê, mỗi lần đến Sàigòn, vì bất cứ công việc gì, họ đều ghé trọ lại năm ba ngày. Có khi một lúc đến mười mấy người, mà vẫn có đủ chỗ ngủ nghê, cơm nước. Tân không lấy đó làm phiền mà còn lấy làm vui vì được dịp hân hạnh gặp lại thăm họ và giúp đỡ cho họ khỏi phải tốn kém và thường khi còn chở họ ra quán xá đãi đằng. Tân còn nhớ một người đồng hương, chồng làm thợ hồ, vợ gánh nước mướn ở Sàigòn lúc trước, nhà cửa bằng nửa cái garage nhà Mỹ, chật chội nhưng lúc nào khách từ quê đến cũng có thể tạm trú, cơm nước được mời mọc miễn phí. Còn ở California này, những căn nhà mới thường rộng hơn cái đình làng ở
quê ta, nhưng chỉ thêm một, hai người ở tạm vài hôm lại không được, đó cũng là
một nét tương phản, nhất là ở giới chuyên môn, khá giả. Khiến Tân bâng khuâng
suy nghĩ về hai thái cực: Một bên là chỗ nghèo chật, lại rộng lòng. Còn ở xứ này lại trái ngược: chỗ ở giàu rộng, nhưng hẹp lòng. Âu cũng là một khía cạnh khác về nước Mỹ. Lớp trẻ được cha mẹ sống chết khó khăn đưa sang Mỹ, chưa hề tiếp xúc với hoàn cảnh gian nan, đói khổ, chật vật ở Việt Nam nên không hiểu được tình tương trợ đùm bọc, rất khó tính và rất cá nhân vị kỷ.

Nhật Quang, 2005

“Lấp đất, hố tôi, lấp với tay cô nàng,”

“Lấp đất, hố tôi, lấp với tay cô nàng,”

Thì hãy chôn, trái tim non buồn thương.”

(Paul Simon/Scarborough Fair- Giàn Tiên Lý Đã Xa)

(Lc 21: 25-26)

Lúc tan ánh mặt trời”, giờ đã đến! “Trái tim non buồn thương”, thì hãy chôn! Ôi thôi. Phải chăng đó là giờ phút anh “lấp đất”, “hố tôi”, “giàn thiên lý đã xa mãi người ơi”? Người xa mãi, cứ tít mù lời đồn đại, về thế tận? Phải chăng ý/lời bài hát trên là lời “tiên tri”, “hạ hồi sẽ rõ”? Rõ như ban ngày. Như, ngày thế tận có thông tin dồn cục ở trang mạng?

Trả lời câu hỏi này, cũng nên tóm tắt vài bản tin đọc được ở Úc rất như sau:

“Tại sao thế giới không tận tuyệt ngày hôm ấy?

Vâng. Đó, chỉ vì mấy ông bạn làm lịch người sắc tộc Maya đã tính sai những tháng ngày còn dài, có thế thôi. Nhưng, chuyện này vẫn không ngăn cản cơ quan NASA của Hoa Kỳ vừa cho ra đĩa hình đặc biệt cho thấy lời tiên tri trên lịch của dân Maya, nước Mexicô đã không thành hiện thực.

Làm sao hiện thực được, khi ở đầu đĩa đã thấy ghi lời phân trần, như sau: “Xem đĩa, bạn sẽ thấy rõ một điều là: ngày hôm qua, thế giới của ta chưa đi vào “ngõ cụt”, tựa hồ ngày tận thế đâu. Đĩa hình nói ở trên chỉ muốn chứng tỏ một điều là: hành tinh
Nibiru được biết dưới tên “Sumêrian” sẽ đụng vào trái đất, xoá sạch sự sống của
mọi sinh vật ở đây. Nhưng sự thực, làm gì có hành tinh nào giống như thế.”

Lại có lời đồn này khác, cứ đưa ra những lời đoán rất bậy bạ những bảo rằng: Mặt trời sẽ hủy hoại trái cầu của chúng ta, cũng chóng thôi. Nhưng, một lần nữa, may cho con người, là đã có cơ quan NASA cũng chứng minh rằng điều này vẫn sai tuốt luốt. Chuyên gia Lika Guhathakurta lại cứ đoán già đoán non rồi bảo:

Ngay lúc này, mặt trời đang đi vào giai đoạn chóp đỉnh của chu kỳ 11 năm vần vũ vẫn cứ quay, nhưng nay là giai đoạn chót có hiện tượng kỳ lạ nhất trong 50 năm qua.”

Nói thế, có nghĩa là: từ trường mặt đất, lúc này đây, sẽ đi ngược chiều khiến cấu tạo nhiều biến động về khí hậu cực kỳ khó chịu? Và, hành tinh ta đang sống có rơi vào hố sâu đen ngòm mà trước đây ta chưa từng thấy? Cơ quan NASA một lần nữa lại nói tiếng“Không”, rất chắc nịch. Ts John Carlson cắt nghĩa trong đĩa hình rằng: “Ý niệm về thời gian mà sắc dân Maya khi xưa sử dụng đã đụng phải ý niệm của các nhà khoa học ngày nay, kiểu thoái hoá. Theo hiểu biết của ngành khoa học hiện đại,
thì Vụ Nổ Big Bang đã xẩy ra cách nay những 13,7 tỷ năm trời, rồi còn gì. Thế
nhưng, tháng ngày được ghi trong đống tro tàn mảnh vụn của nền khoa-học dân-tộc
Maya lại thấy những tháng ngày ngược ngạo đến tỷ tỷ năm xưa hơn thế. Lịch của
sắc dân này bới những cân-đong-đo-đếm như thế chỉ để dõi theo khoảng cách sai
biệt quá xa vời đối với hệ thống viết nên lịch chưa từng triển khai khi nào.
Thành thử, như quý vị thấy đó, chẳng có cái-gọi-là tận thế hay tận mạng gì hết
cả. Đấy chỉ là ý niệm vẩn vơ tương đương với chuyện quên không lấy lại đồng hồ
báo thức, chỉ thế thôi.”
(x. au.news.yahoo.com/world/a/-/world/15636301/why-didnt-the-world-end-yesterday 14/12/2012)

Thật đúng như phim tập! Phim, là phim về sự sống trên hành tinh mang tên địa cầu,
cũng rất rầu. Thế nghĩa là một số bà con ta hết chuyện để bàn rồi, bèn chui vào
địa hạt khoa học không gian với khoa chiêm tinh/bói toán rồi đồn rồi đoán. Đoán
thật hay đoán giả thế nào không biết, nhưng cũng đã làm nhiều người bấn loạn
lên, hết tự tử, rồi lại bắn giết các trẻ bé ở trường Mẫu giáo nọ, đến nực cười.

Thế nhưng, chuyện đáng cười của người đời không chỉ là đoán già đoán non ngày
thế tận. Mà là, những ý tưởng vẩn vơ, chết chóc, tựa hồ lời thơ với ca nhạc như
nghệ sĩ nọ vẫn từng hát:

“Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà.


Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa.


Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi.


Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi.”

(Paul Simon – bđd)

Quả là, mỗi sớm mai im lặng trôi, tình quên thật. Người cứ mải quên sót mọi thứ
tình, để rồi luận bàn mãi những điều ít thấy, ít xảy ra. Chẳng thế mà, đấng bậc
nọ đã phải lên tiếng cả trong nhà thờ, qua bài chia sẻ rất nổi cộm như sau:

“Cuối năm 1999, dân chúng khắp nơi chừng như vẫn hối hả, ưu tư khi thế giới đang từ từ bước dần vào những ngày đầu của thiên niên kỷ mới. Có người dựa vào Phúc âm, để quyết đoán rằng: ngày thế tận đã gần kề. Và, Đức Kitô nhất định sẽ quang lâm giáng thế một lần nữa, vào ngày sinh thứ 2000 của Ngài.

Những ai quả quyết chuyện này, xem ra đã liên tưởng đến câu ngạn ngữ mà các cụ ngày xưa vẫn dặn dò: hãy luôn đặt mình vào tình huống xấu nhất, để rồi từ đó mình mới tự tìm cách thoát ra, mà đi vào chốn lạc quan, đầy ân huệ. Thật ra, Đạo Chúa đã bước vào chốn lạc quan niên lịch từ thế kỷ thứ tư, sau công nguyên. Đúng hơn, đấy là năm 526 tại La Mã, tu sĩ uyên bác tên là Dionysius Exiguus đã dày công nghiên cứu các niên biểu ghi rõ ngày Đức Giêsu sinh ra, tử nạn và sống lại để biên
soạn làm niên lịch cho Hội thánh.

Nhiều năm sau, ông đã định ngày cho các nghi lễ phụng vụ để rồi đúc kết thành một bộ gọi là lịch Hội thánh. Với các dụng cụ sơ sài tự kiếm, một thày dòng chuyên tu như thày Dionysius làm được niên lịch Hội thánh như thế, cũng là chuyện phi thường, hiếm thấy. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào các nguồn sử liệu bên ngoài và nhất là vào Tân Ước, khi kể về các vị cầm quyền Do Thái và La Mã ở Palestine, thì dứt khoát là lịch của Dionysius đã đi trễ, những 4 năm.

Đến năm 1582, Giáo hội biết rõ những sơ hở này, đã định sửa đổi. Tuy nhiên nếu sửa, thế giới sẽ phải bỏ phí đi, mất 4 năm. Chung cuộc, đã có quyết định là ta cứ để vậy. Như thế, tính đúng thực tại, phải thừa nhận rằng ngày Đức Giêsu quang lâm, lẽ đáng phải là năm 1996, chứ không phải 2000, như số dân con nhà Đạo từng khẳng định. Thêm một thực tế khác nữa, là: mỗi khi bắt đầu kỷ nguyên mới, tín hữu Đạo Chúa lại  được nghe kể về điềm thiêng dấu lạ trên mặt trời, mặt trăng cùng các ngôi sao, tinh tú. Rồi đến, thiên tai hạn hán mất mùa, động đất sóng thần, cứ liên tục
xảy đến. Và, người dân ngoan hiền ở quận huyện lại sẽ cho rằng: ngày Chúa tái
lâm đã gần kề. Tuy nhiên, rõ ràng là ta vẫn chờ. Và, vẫn cứ chờ.

Nếu ai muốn xác minh về điềm báo khốc liệt như thế, có lẽ nên nhớ lại lời dặn dò của Chúa hôm trước: “Các con chẳng thể biết được thời gian và nơi chốn khi Con Người đến trong vinh quang.” Chính vì lời dặn này, mà cộng đoàn thánh Luca nghĩ rằng Đức Kitô sẽ nhanh chóng quang lâm, trong tương lai gần. Ngài sẽ đến lại trong huy hoàng, lộng lẫy. Thời gian vẫn cứ trôi. Điềm báo, dấu hiệu vẫn cứ đến. Và, cộng đoàn tiên khởi lúc đó mới vỡ lẽ rằng: ngày Chúa quang lâm không mang mốc chặng thời gian và không gian gì rõ rệt hết.

Thực tế cho thấy: thời gian và không gian luôn thuộc về Ngài. Hy vọng đợi chờ từ nơi tín hữu thời ban sơ đã phản ảnh tình huống bách hại, những là khổ đau. Tín hữu Đạo Chúa nay đà hiểu rõ: chẳng thể tuyên xưng lòng tin vào Đức Kitô một khi hành vi, cuộc sống của mình không phản ảnh được sự sống ở Nước Trời, Ngài hằng nói đến. Đó là mấu chốt của niềm tin. Đó mới là mốc chặng của Tin Mừng mặc khải.

Nói rõ hơn, nếu tín hữu Đạo Chúa sống và thực hiện điều Đức Kitô truyền dạy nơi Tin Mừng, bằng và qua cuộc sống thường nhật, thì chắc chắn thế giới này cần phải đổi thay. Thế  giới này sẽ có thay đổi. Thay đổi rất nhiều. Thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp. Và khi đó, Đức Kitô mới quang lâm trong huy hoàng lộng lẫy, như mọi người chờ mong.

Cho đến nay, chưa nắm rõ được ngày giờ thế giới nhân trần đã đi vào giai đoạn tận tuyệt chưa. Nhưng ở đây, vào những giây phút đầu của niên lịch Hội thánh, ta biết rõ được hai điều: Đức Chúa sẽ trở lại bất cứ lúc nào khi ta thực hiện được tình yêu thương – tha thứ. Khi ta biết san sẻ tài sản ta có. Và, biết xót xa, độ lượng. Biết hy sinh cho những người có nhu cầu hơn ta. Thứ đến, vào ngày quang lâm Ngài đến lại, có thể sẽ không có hiện tượng mặt trời mặt trăng quay cuồng, nhảy múa. Và có thể,
cũng chẳng thấy hiện tượng thủy triều dâng sóng ngút ngàn, đâu. Và cuộc đời ta
vẫn cứ phẳng lặng. Vẫn trĩu nặng tình thương yêu, như trước.

Thực tế Nước Trời quang lâm đang diễn tiến. Quang lâm chính là lúc tình yêu dũng cảm của bậc cha mẹ đối xử với con. Quang lâm, là lòng thương yêu triển nở của vợ hoặc chồng đang diễn tiến với người phối ngẫu yếu đau.

Quang lâm còn là, lòng cảm thương yêu giúp đỡ của thế giới đã phát triển đang đùm bọc các quốc gia nghèo, thuộc thế giới thứ ba. Đại để là, mỗi khi ta có được những tình thương cao cả như thế, thì Vương quốc Nước Trời đã nguy nga, tráng lệ đủ để chứng minh rằng những điều Đức Giêsu loan báo về việc Ngài quang lâm, vẫn đến với chúng ta mỗi ngày, mỗi giờ. Ở mọi nơi, vào mọi lúc.” (xem Lm Richard Leonard, Suy Niệm Lời Chúa Chúa Nhật Thứ Nhất Mùa Vọng Năm C 02/12/2012 Bản Tin Giáo xứ Fairfield, Úc)

Có thể là bà con ta cứ mải bàn luận những chuyện tréo cẳng ngỗng như thế là do
hiểu không hết ý nghĩa của lời thánh hiền khi xưa từng viết:

“Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao.

Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang

trước cảnh biển gào sóng thét.

Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc,

chờ những gì sắp giáng  xuống địa cầu,

vì các quyền lực trên  trời sẽ bị lay chuyển.”

(Lc 21: 25-26)

Hiểu sự đời như thế, có khác nào người nghệ sĩ lại cứ viết:

“Này! Nàng hỡi nhớ may áo cho người.


Giàn Thiên lý đã xa tít mù khơi.


Tấm áo cắt ngay, đã cắt trên khăn lụa là.


Là, chiếc chăn đắp chung những ngày qua.”

(Paul Simon – bđd)

Chăn đắp chung, những ngày qua”, có phải là những tư tưởng buồn sầu ảo
não, vì tin vào ngày chấm hết của thế giới? “Giàn thiên lý đã xa tít mù khơi”,
phải chăng là cõi đất trời nay, tít mù tắp?

Để giải đáp, lại xin nghe những lời của đấng bậc thượng thừa, rất như sau

“Anh chị em có bao giờ về thăm nông trại nào đó vào một mùa hè nóng bỏng không? Nếu có, chắc anh chị em cũng có kinh nghiệm không ít về chuyện khan hiếm nước, như thế nào. Bản thân tôi, có nhiều dịp từng về quê thăm nông trại của ông chú ruột. Lúc ấy, chúng tôi gồm chừng 6, 7 người anh em họ, phần đông sống ở thị thành, về đây lưu lại sống trọn kỳ nghỉ. Một lần về là một lần thấy vui. Duy có điều mà chúng tôi cứ nhắc nhau mãi: phải cẩn trọng, khi sử dụng nước! Dường như, chúng ta quen sử dụng lượng nước tắm gội bao giờ cũng gấp đôi dung lượng của người anh em sống ở vùng sâu vùng xa, nơi thôn xóm.

Tôi nhớ mùa hè năm ấy ở miệt dưới, bà con chúng ta đã phải trông chờ hầu như suốt chín tháng trời ròng rã vẫn không thấy một giọt rơi vãi những nước mưa. Mãi về sau, vào buổi bóng xế hôn hoàng hôm đó, chúng tôi mới thấy cảnh “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”. Và, từng đám mây vần vũ từ đâu đến. Chốn thiên đàng như rộng mở. Và sau đó, từng khối và từng khối nước ào ào trút xuống đến độ chúng tôi không biết
lấy gì để hứng. Tựa như một hoạt cảnh, anh em chúng tôi vụt dậy chạy nhanh ra
đứng ngồi nơi lộ thiên, quyết vui hưởng ơn mưa móc tràn đầy những nước và nước.
Chẳng một ai muốn cất nên lời. Anh em chúng tôi, đứng đó tận hưởng những giọt
vắn giọt dài, đầy ân sủng. Mình mẩy chúng tôi ai nấy đều ướt sũng như chuột
trong hang ngập nước, nhưng vẫn cứ đứng mà đón nhận ơn mưa móc. Vạn vật, chừng như chỉ mong mỗi một điều là được triền miên tắm gội, toàn bằng nước .

Trong thư thánh Giacôbê tông đồ, hình ảnh mong chờ cơn nước lũ đổ xuống trên ta, được coi như ví dụ để hiểu rõ thế nào là sự chờ đợi ngày Đức Kitô đến lại. Đây, là hình ảnh sắc nét nhất, về Vọng chờ. Mỗi năm, vào mùa này, ta đều liên tưởng đến cảnh trí, qua đó nhân loại ao ước chờ mong dấu hiệu về cuộc sống mới, nơi Giêsu Đức Chúa.

Nhiều thế hệ cứ thế trôi qua, nhưng dân con nhà Đạo vẫn ngước mắt nhìn lên bầu trời rộng mở, ngong ngóng/kỳ vọng có được dấu hiệu nào đó cho thấy: hôm nay là ngày ơn cứu độ của Đức Chúa đổ tràn hồng ân, cho muôn dân. Thế rồi, vào buổi tối trời hôm ấy, theo cách thức không ai có thể mường tượng được; không kèn không trống, một Hài Nhi đã lao vụt về với thế giới gian trần, để lập nên triều đại cuối cùng, cho tình yêu của Đức Chúa.” (xem Lm Richard Leonard sj, Suy Niệm Lời Chúa , Chúa Nhật thứ 3 Mùa Vọng năm C, Bản Tin Giáo xứ Fairfield Úc 16/12/2012)

Nói gì thì nói, bàn gì thì bàn, hỡi bạn và hỡi tôi, ta cũng chỉ nên bàn bằng các câu truyện kể nhè nhẹ về tình yêu, hy vọng và niềm tin còn đứng vững như sau:

“Ngay từ khi lọt lòng mẹ, bác sĩ đã quả quyết rằng Kimberly Marshall không thể nào sống được. Bé bị chứng Cytic Fibrosis, một chứng bịnh bẩm sinh và di truyền mà người ta thường gọi tắt là CF. Trong sự tuyệt vọng để cứu sống con mình, mẹ của Kim đã mang bé về nhà, mỗi ngày ba bốn giờ, bà và bà ngoại của Kim đã thay phiên nhau vỗ nhẹ trên lưng và ngực của bé, với hy vọng mong manh là có thể làm tan đi những cục đờm đang đóng nghẹt trong phổi của bé. Một bác sĩ chuyên khoa về CF cho biết, diệt trừ những cục đờm bằng cách này, chẳng khác gì dùng chổi để quét mật ong trên sàn nhà.

Ngoài sự dự liệu của mọi người, bé Kimberly đã thoát được lưỡi hái của tử thần. Bé lớn lên và vào trường tiểu học.

Kim còn học vũ ballet và gia nhập đội soccer của trường. “Kìa nhìn xem công chúa của tôi” mẹ của Kim thường hãnh diện nói như vậy, mổi khi bà đứng bên lề sân cỏ để xem Kim đá bóng.

Bà vẫn mơ ước là Kim sẽ lớn lên bình thường nhưng những đứa trẻ bình thường khác. Bà mơ ước rằng Kim sẽ lên trung học, sẽ tham dự buổi khiêu vũ cuối năm lớp 12, và một buổi tối sẽ ngẩng mặt lên để đón nhận nụ hôn đầu của một chàng thanh niên đẹp trai.

Nhưng bác sĩ Robert Kramer, vị bác sĩ chuyên khoa về CF đầu tiên tại Dallas, đã nhiều lần khuyến cáo mẹ của Kim là cô bé chỉ tạm thời lướt thắng được cơn bịnh mà thôi. Giống như một tên sát nhân nguy hiểm, các bác sĩ chưa có phương cách để ngăn chận được CF. Mặc dù với nền y khoa hiện đại cùng thuốc men và máy móc tối tân, cũng chỉ giúp các bệnh nhân dễ chịu hơn, ít đau đớn hơn mà thôi. Tuổi thọ trung bình của các bệnh nhân CF chỉ ở vào khoảng 29.

Ðúng như lời của bác  sĩ Kramer, sức khoẻ của Kim tự dưng tuột dốc như một cái phao bị xì hơi. Mẹ của Kim, không còn cách nào hơn, bắt buộc phải mang Kim vào bệnh viện Presbyterian tại Dallas để chữa trị. Và cứ như vậy, Kim chỉ khoẻ được vài tháng, rồi lại phải vào bệnh viện…, lại khoẻ vài tháng rồi lại vào bệnh viện.

Trong những lần phải nằm bệnh viện, Kim luôn luôn mang theo những con thú nhồi bông, cái chăn màu  hồng mà cô bé thích nhất, cùng quyển nhật ký thân yêu. Mỗi khi chứng kiến một bạn cùng phòng bị CF cướp đi mạng sống, Kim lại viết vào nhật ký của mình, chẳng hạn như: “Wendy đã chết vào lúc 8 giờ sáng nay. Tội nghiệp nó quá. Nó đã đau đớn suốt đêm”. Mẹ của bé đã nghĩ thầm “Có lẽ đây là cách Kim
chuẩn bị cho những gì có thể xảy ra cho cô bé trong tương lai chăng?”.

Trong một thời gian, Kim đã cố gắng sống như một đứa trẻ “bình thường”. Cô thường hay gọi những đứa trẻ may mắn không bị chứng CF là “bình thường”. Trong những năm ở trung học, Kim đã cố gắng để lấy điểm A hay B. Cô mặc áo đầm dài để che giấu đôi chân gầy guộc, khẳng khiu của mình. Khi những bạn học hỏi về những cơn ho không dứt của cô, thì Kim trả lời rằng cô bị hen suyễn. Cô cũng chở những
bạn gái khác trên xe hơi của mình, cũng bấm còi inh ỏi, cũng vẫy tay chào và
cười duyên với bọn con trai cùng trường.

Nhưng Kim vẫn không thể lừa dối được thực tế. Bộ tiêu hoá của cô đặc nghẹt những đờm, khiến cô bị đau bụng và tiêu chảy. Thần kinh bị xáo trộn nên Kim đi đứng không vững. Ðôi khi Kim cũng bị hoa mắt.

Cuối cùng, cuối năm lớp 12, Kim phải rời trường để học tại gia vì sức khoẻ của cô quá yếu. Trong một phút nản lòng, Kim đã từ chối không muốn hình của mình được đăng trong kỷ yếu của trường, viện cớ là cô quá ốm yếu và xấu xí. Chán chường, Kim trở nên gắt gỏng với mọi người và hay cãi cọ hoặc xung đột với em gái của mình. Ðể giải sầu, Kim xem đi xem lại bộ phim “Blue Lagoon” không biết bao nhiêu
lần. Bộ phim nói về cuộc đời của hai đứa trẻ, một trai một gái, bị đắm tàu và
sống bơ vơ trên một hoang đảo. Cuối cùng, hai người đã yêu nhau tha thiết.

David Crenshaw, một bệnh nhân CF, đã để ý đến Kim khi hai người còn điều trị tại bệnh viện Presbyterian vào mùa xuân 1986. Kim, ở tuổi 16, ốm và xanh xao nhưng không thiếu nét dễ thương với mái tóc đỏ ngang lưng, buông xoã trên chiếc áo ngủ
hồng. David, lúc đó 18, mặc áo thun rộng thùng thình, quần pajama bạc màu, mang
cặp kiếng cận to tổ bố với hai gọng kính gãy được dán lại với nhau bằng miếng
băng keo.

“Ðừng hy vọng con bé để ý đến mày”, Doug Kellman, người y tá trong bệnh viện thường trêu David như vậy mỗi khi bắt gặp David đang mê mẩn nhìn trộm Kim. Thật tình mà nói, khó có thể tưởng tượng được David và Kim sẽ trở nên một cặp tình nhân. Kim thích quần áo đắt tiền, nước hoa và mỹ phẩm. Cô thích ngồi hằng giờ trên giường để đọc tiểu thuyết tình cảm. Trong khi đó, David nổi tiếng thích lấy le với
những cô gái bằng những mầu chuyện vui tục tằn.

Trông có vẻ yêu đời và khoẻ mạnh, David là một huyền thoại của khu CF. Không một bệnh nhân nào thuộc khu CF dám làm những việc David đã làm. Chẳng hạn như khi David không phải nằm bệnh viện, anh rất thích đua xe hơi mini tại sân đua gần nhà. “Mục đích của chúng tôi là giúp cho David sống như một đứa trẻ khỏe mạnh. May ra nhờ vậy, nó có thể lướt thắng được căn bịnh hiểm nghèo này”, ba của David đã nói như vậy.

Ðúng thế, David không  bao giờ biểu lộ cho người khác biết là mình bị bệnh. Anh đã tổ chức cuộc đua xe lăn và cuộc thi ném cà chua trên từng lầu 3 của bệnh viện. Có một đêm, David đã dẫn một số bệnh nhân CF đi đua xe mini, trong sự giá lạnh của mùa đông với nhiệt độ bên ngoài xuống gần 0 độ bách phân. “Có lẽ hắn nghĩ rằng hắn bất tử”, bác sĩ Kramer thường đùa như vậy.

Trong suốt hai năm  trời, David thường đi qua cửa phòng của Kim, lấy can đảm vào phòng, tán tỉnh. Nhưng Kim chỉ mỉm cười rồi lại cắm cúi đọc sách. Nhưng David chẳng nản lòng. “Khi David được ở nhà trong khi Kim phải ở lại bệnh viện, David thường hay gọi điện thoại cho tôi để hỏi han bệnh tình của Kim, mặc dầu Kim chẳng bao giờ để ý đến David. Ngay cả những khi David hỏi giờ, Kim cũng không thèm đáp lại”, người y tá cho biết như vậy.

Một điều ngạc nghiên, rất nhiều mối tình đã được kết hợp trong khu CF. “Ðừng nghĩ rằng chỉ vì họ bệnh hoạn mà họ không nghĩ đến tình yêu”, bác sĩ Kramer nói như vậy, “Có lẽ họ nghĩ đến tình yêu còn nhiều hơn những người khoẻ mạnh. Ðó là một
cách để họ biểu lộ sức sống và sự yêu đời của họ cho mọ người biết”.

Vào cuối năm 1988, Kim  chơi thân với một bệnh nhân cùng khu CF tên là Steven. “Tôi không nghĩ mối tình của họ sẽ bền vững. Họ sợ phải sống với nhau”, David khẳng định như vậy. Ðúng như lời David, cuộc tình của Kim và Steven chỉ một sớm một chiều đã tan vỡ.

Cuối mùa thu năm 1989, khi David và Kim, cả hai cùng được dưỡng bịnh tại tư gia, David đã gọi điện thoại mời Kim đi ăn tối. Mặc dù Kim đã quyết liệt từ chối, David vẫn lì lợm bảo Kim “Anh sẽ có mặt tại nhà em vào lúc 8 giờ tối, không nhưng không nhị gì hết cả”. Hoảng sợ, Kim rủ theo cô em gái, Pettri, để cô em ngồi ghế trước
với David còn nàng thì ngồi băng sau, nhất định không thèm nói chuyện với
David. Suốt bữa ăn, Kim hoàn toàn im lặng.

Nàng đã trợn mắt lên với David khi anh đề nghị cả ba cùng đi khiêu vũ. Khi David đưa Kim về đến nhà, nàng mở cửa xe và chạy một mách thẳng lên phòng, đóng kín cửa lại.

Dù vậy, David vẫn không bỏ cuộc, lì lợm, trường kỳ mặt dày đến nhà Kim. Thế rồi anh đã rủ được Kim đi chơi bowling. Sau đó, Daivid còn dẫn Kim đến sân đua để xem anh đua xe hơi mini.

Bất kể mọi chuyện, cuối cùng mối tình của David và Kimberly cũng đã nảy nở. Kim đã thật sự yêu David. Ngày 17 tháng 11 năm 89, Kim đã viết vào nhật ký của mình “Ðêm hôm nay, mình và David đã hôn nhau lần đầu. Lạy Chúa, xin chúc phúc cho mối tình của chúng con và xin cho chúng con yêu nhau mãi mãi”.

Sáu tháng sau, Kim và David tuyên bố làm lễ đính hôn. Tin được tung ra làm tất cả mọi người trong gia đình hai bên đều sửng sốt và bàng hoàng. “Tụi mày điên cả rồi, cả hai đứa bay đều bệnh hoạn”, ba của David đã lớn tiếng ngăn cản con. Riêng mẹ của Kim cũng khuyên ngăn con bằng một giọng đầy nước mắt “Con có biết rằng một
trong hai đứa sẽ chết trong vòng tay của đứa kia hay không?”.

Nhưng Kim và David vẫn quyết định lấy nhau. “Tôi nghĩ Kim biết rằng đây là cơ hội cuối cùng để nó được yêu”, mẹ của Kim cuối cùng đã nói như vậy và đã đồng ý tán thành cuộc hôn nhân.

Ngày 27 tháng 10 năm 1990, Kim trong chiếc áo cưới trắng tinh, sung sướng bước lên cung thánh, trước mặt Thiên Chúa nhận David làm chồng. Thánh lễ được cử hành trong những tiếng ho sặc sụa của các bệnh nhân khu CF. Tất cả được mời đến để tham dự, chứng kiến và chung vui ngày hôn lễ của Kim Marshall và David Crenshaw.

Họ chung sống với nhau bằng số tiền cấp dưỡng khiêm nhường trong một căn hộ nhỏ bé nhưng rất ấm cúng. Căn hộ được trang bị như một bệnh viện với những bình dưỡng khí, một tủ đầy thuốc và một tủ lạnh chứa đầy nước biển.

Việc dọn dẹp nhà cửa mới thật là khó khăn. Những khi phải dọn dẹp hoặc giặt giũ, họ phải mất cả ngày trời mới làm xong việc. Ðến tối, cả hai đều mệt lả. Dầu vậy, họ là cặp vợ chồng hạnh phúc nhất trên đời. David gọi Kim là “cọp con” vì nàng có mái
tóc hung đỏ.  Kim gọi Daivid là “gấu rừng” vì chàng phá như gấu. Chàng luôn luôn mua cho nàng những tấm thiệp ướt át nhất, càng ướt át bao nhiêu, càng tốt bấy nhiêu. Nàng luôn luôn viết cho chàng những bức thư tình thật dài, thật nồng nàn và tình tứ. “Chúng ta sẽ vượt qua mọi thử thách. Chúng ta sẽ thắng”, họ thường quả quyết với nhau như vậy.

Ðể kiếm thêm tiền tiêu vặt, David nhận thêm việc sửa xe hơi mini. Anh lại còn ghi tên học để lấy bằng Cử nhân về kế toán. Một người bạn thân ở khu CF khuyên David không nên phí sức. “Những việc tôi làm tất cả chỉ vì Kim. Ðời tôi bây giờ chỉ có Kim mà thôi”, David trả lời.

Vào năm 1992, những mạch máu trong người Kim bắt đầu tắt nghẽn. Vì cơ thể Kim không thể tiếp nhận những dinh dưỡng từ bộ tiêu hoá, Kim đã xuống cân một cách thảm hại. Thân thể nàng chỉ còn da bọc xương. Nàng rất xấu hổ khi tới những nơi công cộng. David đã viết cho Kim “Này cọp con, em là người đẹp nhất của đời anh. Anh yêu em bằng tất cả con tim, linh hồn và khối óc củ anh. Gấu rừng”.

Trong những lần Kim phải nằm bệnh viện, David không rời Kim nửa bước. Anh đã ngủ trên chiếc ghế bố kê trong phòng. Ðể giúp Kim khuây khoả, David đã đưa Kim đến khu sơ sanh, để Kim được ngắm những đứa trẻ mới chào đời. Và nếu nửa đêm Kim có đòi ăn kẹo, David chẳng ngần ngại, bất kể thời tiết, khoác áo đi mua ngay những viên kẹo mà Kim ưa thích. Lạ lùng thay, sức khoẻ của Kim càng ngày càng khá hơn. Cuối cùng, nàng đã được bác sĩ cho xuất viện.

Ðầu năm 1993, bệnh tình của David bỗng dưng trở nên trầm trọng. Những tiếng ho của anh lớn hơn. David ôm ngực ho từng cơn, ho sặc sụa. Những cơn ho như muốn phá vỡ tung lồng ngực của anh. Mặt David sưng lên như bị phù thủng. Dần dần, David đã phải thở bằng dưỡng khí. Nhưng David vẫn đoan chắc với Kim là chàng chẳng sao cả, chỉ cần tĩnh dưỡng ít lâu là sẽ khỏi. David đã giấu Kim những điều mà bác sĩ Kramer đã cho anh biết trong kỳ khám nghiệm mới đây: phổi của anh đã rách nát, thanh quản sắp nghẹt cứng. David đang chết lần, chết mòn vì thiếu dưỡng khí.

Chạy đua với thời gian, David không để lãng phí một giây phút nào. Tháng 7 năm 1993, để kỷ niệm sinh nhật thứ 26 của chàng và thứ 24 của nàng, David rủ Kim đi nghỉ hè ở bãi biển Florida. “Ðó là lần đầu tiên họ cảm thấy rất thoải mái khi ra khỏi
nhà để tới vùng biển. Cả hai đều mang theo bình dưỡng khí. Họ ngồi bên nhau,
nắm tay nhau trên bãi cát vàng”, Mandy, em gái Kim cho biết như vậy.

Ba tháng sau, David và Kim cùng đi khám bệnh. Trong khi Kim đợi ở phòng bên, bác sĩ Kramer, sau khi khám cho anh, đã nói với anh rằng “Anh phải nhập viện ngay tức khắc, lần này sẽ hơi lâu”. David trầm ngâm một hồi lâu, rồi nói “Xin bác sĩ tận tình chăm sóc cho Kim”.

Bác sĩ Kramer đến phòng Kim và cho nàng hay tin chẳng lành. Kim cúi đầu yên lặng, cố giấu hai hàng nước mắt “Xin bác sĩ tận tình giúp anh, đừng để anh phải đau
đớn”, nàng nức nở khẩn nài với bác sĩ Kramer.

Trong suốt ba mươi năm chuyên khoa về CF, bác sĩ Kramer đã từng chứng kiến hơn 400 bệnh nhân trẻ qua đời. Ðể khỏi bị ám ảnh, ông đã cố gắng không để tình cảm mình bị chi phối với những trường hợp như của David. Nhưng lần này, ông đã ôm Kim vào lòng và ông không sao cầm được nước mắt của mình.

David nhập viện ngày 21 tháng 10 năm 1993. Kim ngồi bên cạnh anh. Nàng đã cố gắng viết một bức thư cho Hội Ðồng Y Khoa của bệnh viện Presbyterian, khẩn nài xin họ thay phổi cho David. Nhưng Kim không bao giờ viếc xong lá thư.

Năm ngày sau, môi và móng tay của David trở nên bầm tím. Kim thổn thức bên anh “Anh ơi, đừng đi, đừng bỏ em”. David không nói nên lời, chỉ mấp máy đôi môi “Anh
yêu em”, rồi chàng gởi cho nàng một nụ hôn gió. Hai người cầm tay nhau
thật chặt, nhìn nhau một lần cuối thật lâu. David bóp mạnh tay Kim rồi nhắm mắt
yên giấc ngàn thu.

Sau ngày tang lễ của David, Kim trở nên điên loạn. Một tuần sau, mẹ nàng đưa nàng trở lại bệnh viện. Sau khi khám cho nàng, bác sĩ Kramer nói với mẹ nàng “Cơ thể của nàng đã kiệt lực. Kim đang chết mòn vì nhớ thương David”.

Rồi Kim rơi vào trạng thái nửa tỉnh, nửa mê trong hai ngày. Bỗng nhiên, vào sáng sớm ngày 11 tháng 11 năm 1993, Kim trở nên tỉnh táo lạ thường. Nàng mở mắt và nói bằng một giọng rất lạ, nhẹ nhàng như tiếng chim mà không ai hiểu nổi. Người nữ y tá chăm sóc nàng cho biết hình như Kim đang nói chuyện với David. Sau đó, Kim từ từ nhắm mắt, bình thản ra đi về bên kia thế giới.

Kim được liệm trong chiếc áo cưới trắng và được chôn bên cạnh David. Trên ngôi mộ đôi, dựng một tấm bia đá, với những hàng chữ được khắc sâu như sau “David S (Gấu rừng) Crenshaw và Kim (Cọp con) Crenshaw, bên nhau mãi mãi. Nghĩa phu thê trọn 3 năm”.

Gia đình và bạn bè đều đồng ý là chuyện tình của Kim và David không giống bất cứ một chuyện tình nào cả. Riêng bác sĩ Kramer đã tâm sự “Ðối với tôi, chuyện tình của họ như chuyện tình của Romeo và Julliette”.

Một tuần lễ sau, trong lúc mẹ của Kim thu dọn đồ đạc của hai con, bà đã tìm thấy một tấm thiệp mà David đã gởi cho Kim trước khi chàng rời bỏ thế gian. Tấm thiệp có những lời tình tự như sau “Em yêu, chúng ta gần nhau ngay cả khi chúng ta xa nhau. Hãy ngước mắt nhìn lên, chúng ta đang sống trong bầu trời đầy tinh
tú.”
(x. Trần Quốc Sỹ, theo “The Love Like No Other” Reader’s Digest, May 1995)

Truyện kể hôm nay, người kể không ghi thêm một lời bàn nào hết. Nhưng bàn thêm
mà làm gì. Bởi, cũng như câu chuyện về ngày sau hết của thế giới, cũng chẳng
cần bàn tán nhiều mà làm gì, chỉ cần cảm nghiệm là đủ. Cũng thế, truyện kể về
tình yêu thương, trước khi đi vào cõi hết, cũng đại để như truyện kể về ngày
thế tận.

Hôm nay đây, bàn về câu chuyện loanh quanh ngày thế tận, lại có người đến gần
bần đạo, đưa ra một câu hỏi nhỏ: “Nếu anh biết rằng ngày mai là ngày
thế tận, thì anh tính sao?”
Bần đạo nhớ mang máng câu trả lời/trả vốn
của mình chỉ thế này: “Khi ấy tôi cũng sẽ lấy giấy bút ra để viết đôi giòng
phiếm ngăn ngắn về những cảm nghiệm của mình trước khi không còn có khả năng để cầm bút mà viết nữa. Và chuyện phiếm tôi viết khi ấy, cũng chẳng có gì để ai
đọc, vì chẳng còn ai để đọc nữa, nhưng vẫn còn người để viết, ấy là tôi.”


Trần Ngọc Mười Hai


Và đôi giòng tưởng tượng về ngày tận cùng
của thế giới và cuộc đời.

Maria Thanh Mai gởi

Tình yêu chân thực

Tình yêu chân thực (Nhận xét của một bác sĩ)

Vào khoảng 8 giờ rưỡi một buổi sáng bận rộn, một ông cụ tuổi ngoài tám mươi đến để người ta rút chỉ khâu vết thương trên ngón tay cái của ông. Ông cụ nói ông vội lắm vì ông có cái hẹn lúc 9 giờ.

Thấy ông cụ có dấu hiệu nôn nóng tôi mời ông ngồi. Tôi biết sẽ phải mất hơn một tiếng đồng hồ nữa trước khi có ai đó có thể chăm sóc cho ông. Tôi nhận thấy ông bồn chồn nhìn đồng hồ và tôi quyết định xem xét vết thương của ông vì lúc ấy tôi không bận gì với bệnh nhân nào khác.

Theo chỗ tôi thấy, vết thương của ông đã khá liền miệng. Thế nên tôi bảo một
trong các bác sĩ mang dụng cụ đến để tôi tháo chỉ và băng lại cho ông ta. Trong
khi tôi chăm sóc vết thương cho ông cụ, hai chúng trôi trò chuyện với nhau. Tôi
hỏi chắc ông có hẹn đến khám nơi một bác sĩ khác hay sao mà vội thế. Ông cụ nói
không, và ông bảo rằng ông cần đến nhà dưỡng lão để ăn sáng cùng với vợ
ông.

Tôi hỏi thăm về sức khỏe bà vợ ông. Ông nói vợ ông đã ở trong viện dưỡng lão từ
lâu rồi vì bà là nạn nhân của bị bệnh Alzheimer (mất trí nhớ).

Tôi hỏi thêm, ông đến hơi trễ chắc bà ấy bực mình lắm nhỉ? Ông đáp rằng bà có
còn nhớ ông là ai đâu, và từ năm năm nay bà không còn nhận ra ông nữa! Tôi ngạc
nhiên hỏi: “Vậy mà sáng nào ông cũng đến đó dù bà ấy không còn nhận ra ông
sao?”

Ông cụ mỉm cười vỗ nhẹ lên bàn tay tôi: “Bà ấy không biết tôi, nhưng tôi vẫn
còn biết bà ấy là ai mà.”

Tôi đã phải cầm nước mắt khi ông cụ bước đi. Cánh tay tôi nổi da gà và tôi
nghĩ: “Đó là thứ tình yêu mà suốt đời tôi mong muốn có”. Tình yêu chân thực
không vì vật chất, cũng chẳng [cần phải] mang tính lãng mạn gì. Tình yêu chân
thực là sự chấp nhận tất cả những gì đang hiện hữu, đã có hay đã không có, sẽ
có hay sẽ không bao giờ có [nơi người mình yêu].

On True Love (a Doctors observation):

It was approximately 8.30 a.m. on a busy morning when an elderly gentleman in
his eighties arrived to have stitches removed from his thumb. He stated that he
was in a hurry as he had an appointment at 9.00 a.m.

I took his vital signs and had him take a seat. I knew it would take more than
an hour before someone would to able to attend to him. I saw him check his
watch anxiously for the time and decided to evaluate his wound, since I was not
busy with another patient.

On examination, the wound was well healed. Hence, I talked to one of the
doctors to get the supplies to remove his sutures and redress his wound. We
began to engage in a conversation, while I was taking care of his wound. I
asked him if he had another doctor’s appointment later as he was in such a
hurry. The gentleman told me no, and said that he needed to go to the nursing
home to have breakfast with his wife.

I inquired about her health. He told me that she had been in the nursing home
for a while as she was a victim of Alzheimer’s disease.

I probed further and asked if she would be upset, if he was slightly late. He
replied that she no longer knew who he was, and that she had not been able to
recognize him since five years ago.

I asked him in surprise, “And you still go every morning, even though she
doesn’t know who you are?”

Then he smiled as he patted my hand and said, “She doesn’t know me, but I
still know who she is!” 😉

I had to hold back my tears as he left. I had goose bumps on my arm, and I
thought, “That is the kind of love I want in my life.” True love is
neither physical, nor romantic. True love is an acceptance of all that is, has
been, was not, will be, and will not ever be…

Anh Nguyễn V.Thập gởi