Trại họp mặt “Nối Vòng Tay Tỵ Nạn”, thành phố Denton, Texas

 
Dân Tỵ Nạn bằng thuyền thật là hăng hái, can đảm và đều có những chấn thương ít hay nhiều từ chuyến hải hành tìm cái sống trong gian nguy, chết chóc.
 
Đã 50 năm vấn đề vẫn còn đó di sản phải truyền thụ cho con cháu, bắt chước người Do Thái không bao giờ bị mất văn hóa và truyền thống dù có nhiều khi bị mất nước.
Tất cả mọi người dự trại “Nối Vòng Tay Tỵ Nạn” đều nhìn ra nhu cầu phải giữ gìn di sản tỵ nạn nếu không thì con cái sẽ suy thoái giống như người bản xứ, sa đà vào trụy lạc và hưởng thụ vật chất rồi mất đi tinh thần tranh đấu, sống còn của di dân vốn là sức mạnh cốt lõi của Hoa Kỳ.
Tinh Thần bền bĩ này được minh họa bằng các câu chuyện của Doanh Nhân thành đạt nhất Hoa Kỳ, Giáo Sư ĐH Yale, và các đại học Y Khoa, ĐH Kỹ Thuật, … Trại có sự hiện diện của các ân nhân của thuyền nhân: 3 mục sư người Mỹ đã sát cánh với Việt Tộc trong suốt 50 năm qua.
Trại thật tuyệt vời, không ai muốn nhổ trại về nhà … thôi thì hẹn đến sang năm ở Washington DC hay là một tiểu bang nào đó !!!
Cuộc Vui còn dang dở!

Tỷ phú Charles Francis “Chuck” Feeney (1931 – 2023)

GIÀU CÓ KHÔNG LỘ DIỆN, NHIỀU TIỀN KHÔNG TIÊU XÀI SANG, LÀM TỪ THIỆN KHÔNG CẦN GHI DANH – NHƯNG NHỮNG VIỆC LÀM CỦA ÔNG ĐƯỢC CẢ THẾ GIỚI BIẾT ĐẾN.

Tỷ phú Charles F. Feeney (1931) là một người Mỹ gốc Ireland. Ông chính thức rỗng túi, đi ở thuê vào tuổi ngoài 80, nhưng đã hoàn thành khát vọng “cho đi khi còn đang sống”.

Mặc dù kiếm được rất nhiều tiền từ rất sớm, nhưng Chuck Feeney có cuộc sống riêng tư rất bình lặng và đơn giản, không xa hoa, không bao giờ thắt cà-vạt Hermes hay mang giày Gucci. Ông đi ở thuê vào tuổi ngoài 80.

Suốt hơn 30 năm qua ông đã hiến tặng toàn bộ tài sản 8 tỷ USD để làm từ thiện, tập trung và giáo dục, khoa học, chăm sóc y tế,… trong đó có khoản hỗ trợ hàng trăm triệu USD cho Việt Nam.

Tỷ phú Charles Francis “Chuck” Feeney vừa qua đời ở tuổi 92.(23 tháng 4 năm 1931 – 9 tháng 10 năm 2023)[

“Tôi không thể nghĩ ra cách sử dụng tài sản nào xứng đáng và phù hợp hơn là cho đi khi một người còn sống, để cống hiến hết mình cho những nỗ lực có ý nghĩa nhằm cải thiện tình trạng con người”…

SƯU TẦM

PHẠM VĂN HẠNG

#8saigon


 

‘Sống hạnh phúc, chết bình an’ – Tạp ghi Huy Phương

Tạp ghi Huy Phương

Sau khi ông bác họ tôi chết được ít lâu, gia đình muốn lợp lại mái nhà. Khi người ta gỡ mái tranh cũ mang đi, họ tìm thấy ba lượng vàng được gói cẩn thận trong một miếng vải đỏ, nhét trong mái tranh. Người con trưởng, bỗng nhớ những giờ phút sắp ra đi của ông cụ thân sinh, lúc không còn cử động và nói năng được, nhưng đôi mắt ông cứ đăm đăm nhìn lên mái nhà, nơi mà ông giấu mấy lượng vàng.

Tôi cũng nhớ lại, sau năm 1975, hồi đi tù Cộng Sản, ngày được lệnh đổi tiền, nhiều anh sĩ quan đang bị tập trung, đã xin phép quản giáo cho về nhà, vì những người này lỡ giấu tiền trong bộ salon ở phòng khách hay ở một góc hẻm nào trong nhà, mà không cho vợ biết, và cứ nghĩ rằng mình đi tù một hai tuần rồi sẽ được về nhà.

Đến tuổi này rồi, bạn có giấu của cải, tiền bạc ở chỗ nào, con rơi con rớt ở đâu, xin “thành thật khai báo” kẻo không còn kịp nữa.

Quả tình là không ai biết mình sẽ giã từ cuộc đời này vào lúc nào, kể cả những bệnh nhân ung thư đến thời kỳ cuối, đã được bác sĩ thông báo ngày chết. Mới vài ngày trước đây thôi, người bạn trẻ của tôi đang khỏe mạnh, nói nói cười cười, thế mà hôm nay, qua một cuộc phẫu thuật tim, thông thường sau vài ba tiếng đồng hồ sẽ tỉnh lại, anh đã không bao giờ mở mắt ra để nhìn cuộc đời này nữa. Cũng trong lúc này tôi có những người bạn nằm trong “nursing home” đã trên 10 năm dài, có người phải dùng thức ăn lỏng bơm thẳng vào dạ dày, có người đôi mắt đã hư, chỉ còn nhận ra người quen qua tiếng nói.

Nghĩ cho cùng, cái chết là tất yếu, nhưng ai biết được bao giờ mình sẽ chết? Và cũng vì không ai biết trước được ngày mình chết, nên mỗi người đều đi tìm cho mình một cách sống.

Ví như loài người trên trái đất này đến tuổi 60 tất cả đều phải chết, thì không còn ai phải sửa soạn hay dành dụm cho mình để lo cho những ngày chưa chết. Chính vì cái điều mà người ta thường gọi là số mệnh, cuộc sống lâu mau của mỗi người đã làm nên, mỗi người một hoàn cảnh, không ai giống ai. Khoa tử vi cũng không giải thích được cuộc đời của hai người song sinh, cùng cha mẹ, chào đời trong một giờ, một ngày, một năm, một tháng giống nhau.

Có ai bỏ lại được mọi sự lo lắng lại cho cuộc đời này để thanh thản ra đi.

Phải chăng vì sự lo, sợ cung tần mỹ nữ sẽ không trung thành với mình hay ích kỷ muốn mang theo những vật sở hữu của mình, mà vua Khang Hy (1654-1722) đã “chôn theo” mình toàn bộ 48 phi tần của ông.

Có người chết đi, “yêu mình” đến nỗi lo sợ sự nghiệp của mình không ai nhớ đến, nên lo đúc tượng mình khi còn sống. Nhà thơ Hàn Mặc Tử lãng mạn than khóc vì cuộc đời vốn đã bất hạnh của mình, sợ rồi khi mình nằm xuống, “không có nàng tiên mô đến khóc, đến hôn anh và rửa vết thương tâm!”

Nguyễn Du cũng ngậm ngùi “bất tri tam bách dư niên hậu, thiện hạ hà nhân khấp Tố Như?”

Làm chính trị cũng lo lắng chuyện dở dang, bất thành: -“Tôi chết thì trả thù cho tôi!”

Nhà văn Võ Phiến trước khi qua đời cũng băn khoăn: – “Anh nghĩ ở trong nước bây giờ người ta có đọc tôi không, hả anh?” (Nguyễn Hưng Quốc, 1 Tháng Mười, 2015)

Thì ra, trước khi qua đời, ai cũng có cái lo, mỗi người lo một cách.

Chết rồi, có người chẳng muốn thiêu vì sợ nóng, nhưng cũng có người không muốn chôn, vì nằm đó, mà chẳng có đứa con nào viếng thăm, “thì buồn chết được!” Chết thì hẳn đã chết rồi, mà người chết rồi làm sao biết buồn nữa! Có người đã lớn tuổi, đau ốm quanh năm, muốn về Việt Nam thăm bà con một chuyến, nhưng bắt các con hứa, nếu lỡ có mệnh hệ nào, thì các con nhớ mang cha trở lại Mỹ. Có người ở tù Cộng Sản năm bảy năm, sang được Mỹ, bây giờ chết lại đòi mang quan tài về Việt Nam. Như vậy, chết vẫn chưa là hết, chết cũng còn nằm trong kế hoạch, chương trình, sau khi nắp quan tài được đậy lại.

Có những cái chết mang lại thương tiếc cho tất cả mọi người, có những tấm lòng và công việc của những người chết mà không ai có, không ai thay thế được, nhưng trái lại, có những người sống lâu, bị người đời nguyền rủa. Trong những cái “chẳng khoái ư!” của ông Lâm Ngữ Đường, tác giả kể chuyện ông Kim Thánh Thán, sáng sớm thức giấc, nghe đêm qua con người giảo quyệt, mưu mô nhất trong làng vừa chết, ông bèn “chẳng khoái ư?” Thoạt đầu, tôi trộm nghĩ, đã là con người với nhau, thằng xảo quyệt ấy chết, mình không buồn thì cũng dửng dưng, có đâu lòng dạ lại cảm thấy sung sướng được, như thế chẳng hóa ra bất nhân! Nhưng nghĩ lại, nếu mình không là nạn nhân, không là người chịu đựng những nỗi khổ đau trầm luân của người trong cuộc, thì không thể thông cảm với cái “vui” khi thấy người khác chết! Một con người hay một chế độ cũng vậy!

Sống bao lâu là đủ, chết lúc nào là vừa?

Phải chăng câu trả lời còn tùy theo sự sống của mỗi người.

Lợi ích của cây đa, cây đề là còn cho con người bóng mát, chứ không phải là nơi người ta gửi những cái ông bình vôi sứt mẻ để tạo ra một hình ảnh tôn kính quá đáng. Chúng ta chọn hình ảnh người tướng lãnh chết giữa trận tiền hay sống tàn tạ, chết già nua trong sự quên lãng của mọi người. Đối với một người lính, chúng ta chọn giữa cái chết hay sự sống dần dần phai nhạt?

Chưa có ai từ cõi chết trở lại cõi sống để mô tả cho con người biết cái chết, cũng không có bằng chứng khoa học về ý thức sự sống sau cái chết của một sinh vật, nhưng hầu hết tôn giáo đều cho rằng nếu chúng ta hình dung cái chết như là một sự biến mất, một sự chấm dứt, không còn lưu lại gì cả thì nhất định đó là một sự sai lầm.

Nhưng có một điều chúng ta ai cũng phải nghĩ đến là có sinh thì có diệt, có sống tất phải có cái chết!

“Chẳng ai sống đời đời, kiếp kiếp, chẳng cái gì vĩnh viễn không phai. Này, anh em nhớ kỹ điều đó và vui lên mà sống…” “Thi nhân, riêng mình, nào phải viết bài thơ trường cửu. Hoa nở rồi tàn. Và, ai đó đã cài hoa lên áo, cũng chẳng cần khóc thương mãi mãi làm gì. Đấy, anh em, nhớ kỹ điều đó, và vui lên mà sống.” (Rabindranath Tagore – Đỗ Khánh Hoan dịch)

Alan Phan là một doanh nhân nổi tiếng, từng tổ chức và hoàn tất chuyển giao 18,000 xe lăn tại Việt Nam và Indonesia, vừa qua đời, tạm khép lại giấc mơ ông đang ấp ủ cho quê nhà: “20 triệu máy tính cho trẻ em Việt Nam.” Tuy vậy, chỉ ba tháng trước khi ra đi, cảm nhận được những bất trắc của cuộc đời, Alan Phan đã bình thản nhận mình “rất bình an với những gì mình đã có, đã mất, đã thua, đã thắng, nghĩa là cái chuyện nó đã xảy ra rồi, thế thôi.”

Trên mọi sự, ông đã không những “forget” mà còn “forgive!”

(Nhân ngày tiễn đưa Tiễn Sĩ Alan Phan, 25 Tháng Mười Một, 2015)


 

Elon Musk ra mắt taxi rô-bốt-VOA

Ba’o VOA

12/10/2024

Taxi rô-bốt của Tesla ra mắt tại Los Angeles, California, ngày 10/10/2024.

Tỷ phú Elon Musk trình làng một chiếc taxi rô-bốt có hai cửa cánh chim mà không có vô lăng hoặc bàn đạp tại một sự kiện hoành tráng hôm 10/10 và bổ sung thêm một chiếc xe van rô-bốt vào danh sách khi mục tiêu của Tesla chuyển từ nhà sản xuất ô tô đại chúng giá rẻ sang nhà sản xuất xe rô-bốt.

Ông Musk cho biết chiếc taxi rô-bốt sẽ được đưa vào sản xuất vào năm 2026, với giá dưới 30.000 đô la.

Và ông cho biết xe tự lái thực sự cuối cùng cũng sẽ xuất hiện:

“Chúng ta sẽ chuyển từ xe tự lái hoàn toàn có giám sát sang xe tự lái hoàn toàn không có giám sát, khi đó xe… bạn có thể ngủ quên và thức dậy tại điểm đến của mình,” ông Musk nói.

Ông cũng giới thiệu một chiếc xe tự lái lớn hơn – gọi là Robovan – có thể chở tới 20 người.

Buổi ra mắt là một phần trong động thái đổi thương hiệu Tesla thành một công ty chế tạo rô-bốt, thay vì là một nhà sản xuất ô tô đại chúng.

Robot Optimus hình người của công ty cũng được trưng bày để nhấn mạnh quan điểm này.

Sự kiện này đã khơi dậy sự nhiệt tình lớn trong số những người hâm mộ, với lời hứa rằng chủ sở hữu sẽ có thể kiếm tiền bằng cách cho thuê xe của họ làm taxi.

“Xe chở khách trung bình của bạn chỉ được sử dụng khoảng 10 giờ một tuần trong tổng số 168 giờ. Vì vậy, phần lớn thời gian, ô tô không làm gì cả. Nhưng nếu chúng tự động, chúng có thể được sử dụng nhiều hơn năm lần. Có thể là 10 lần,” ông Musk nói.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát tỏ ra hoài nghi hơn.

Một cổ đông nói với Reuters rằng ông thất vọng vì chưa có khung thời gian rõ ràng cho dịch vụ taxi rô-bốt.

Các nhà đầu tư khác lưu ý rằng Tesla không cung cấp thông tin chi tiết về tốc độ tăng sản lượng và cách công ty có thể vượt qua những lo ngại về quy định về an toàn.

Các chiếc taxi tự vận hành này dựa vào công nghệ AI và camera để di chuyển, loại bỏ các cảm biến khác mà các đối thủ như Waymo của Alphabet sử dụng.

Các chuyên gia cho biết cách tiếp cận đó cắt giảm đáng kể chi phí, nhưng cũng đặt ra những thách thức kỹ thuật rất lớn.

Năm 2019, ông Musk từng hứa sẽ đưa taxi rô-bốt ra thị trường vào năm sau. 


 

Uống thuốc mua trên mạng coi chừng ‘mất mạng’ Ba’o Nguoi-Viet

Ba’o Nguoi-Viet

October 12, 2024

WASHINGTON, DC (NV) – Giới chức Mỹ cảnh báo người tiêu dùng cẩn thận khi mua thuốc trên mạng, sau khi một phụ nữ qua đời vì uống thuốc mua trên mạng, theo CNN hôm Thứ Năm, 10 Tháng Mười.

Trong lệnh báo động an toàn công cộng mới hôm 4 Tháng Mười, Cơ Quan Chống Ma Túy Hoa Kỳ (DEA) cho hay phụ nữ này mua thuốc giảm đau oxycodone của “tiệm thuốc tây trên mạng” và thuốc mà người ta giao cho bà giống y chang thuốc thật.

Thuốc bị nghi trộn fentanyl được trưng bày tại Cơ Quan Chống Ma Túy ở New York năm 2019. (Hình minh họa: Don Emmart/AFP via Getty Images)

Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau nhận thuốc, phụ nữ này thiệt mạng vì ngộ độc fentanyl cấp tính, DEA cho biết.

Tình trạng công ty bất hợp pháp trên mạng, thường nằm ở ngoại quốc, lừa đảo người tiêu dùng Mỹ đang ngày càng tăng, DEA cảnh báo.

“Những công ty này hoạt động bất hợp pháp, cố ý lừa khách hàng ở Mỹ tin rằng họ mua thuốc an toàn, có giấy phép, nhưng thực ra, những công ty này bán thuốc giả làm bằng fentanyl hoặc methamphetamine,” DEA cho hay.

Những tiệm thuốc tây giả mạo này thường dùng địa chỉ trang web ở Mỹ và thiết kế rất chuyên nghiệp, DEA lưu ý.

Và thay vì bán thuốc của các hãng dược có tiếng tăm, “nhiều trang web trong số này có vẻ hợp pháp, nằm ở Mỹ hoặc được Cơ Quan An Toàn Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) chuẩn thuận, nhưng thực ra đang hợp tác với bọn buôn lậu ma túy để bán thuốc giả cho khách hàng trên mạng.”

DEA cho hay có rất nhiều dấu hiệu giúp khách hàng cảnh giác với nạn lừa đảo này, như trang web bán thuốc mà không cần toa bác sĩ, ghi giá bằng ngoại tệ, không có bằng chứng có giấy phép hợp pháp của tiểu bang và liên bang, và bao bì khi nhận được bị hư hỏng, có chữ ngoại quốc hoặc thuốc không có ngày hết hạn.

Cũng trong Tháng Mười, Trung Tâm Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) cảnh báo những tiệm thuốc tây giả mạo trên mạng thường “giảm giá rất nhiều hoặc giá rẻ tới mức khó tin.”

DEA nêu ra vài trang web bán thuốc giả mạo, gồm pharmacystoresonline.com, careonlinestore.com, orderpainkillersonline.com và USAmedstores.com. Hiện tại, khi vào những trang web này, khách hàng sẽ thấy dòng chữ ngụ ý những trang trang web này đã bị chính quyền Mỹ tịch thu.

“Ai lỡ mua thuốc từ bất cứ trang web nào trong số này thì nên ngưng sử dụng ngay lập tức và liên lạc với văn phòng DEA địa phương” hoặc báo cáo trên mạng, DEA khuyên(Th.Long)


 

Giải Nobel Hòa Bình 2024 được trao cho tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản-Vũ Ngọc Yên

Ba’o Tieng Dan

Vũ Ngọc Yên

11-10-2024

Giải Nobel Hòa bình năm nay vinh danh tổ chức Nihon Hidankyo của Nhật Bản,  tổ chức của những người chống việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tổ chức này, còn được gọi là Hibakusha, với những nỗ lực hướng tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân, như Ủy ban Nobel Na Uy đã công bố tại Oslo.

Tổ chức Nihon Hidankyo được thành lập sau sự kiện hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki vào cuối Thế chiến thứ Hai và các chiến dịch chống vũ khí hạt nhân trên thế giới. Với lời kể của các nhân chứng, những người sống sót đã truyền đi thông điệp “không bao giờ được sử dụng vũ khí hạt nhân nữa”.

Ông Jørgen Watne Frydnes, tân Chủ tịch Ủy ban Nobel ở Oslo phát biểu, giải thưởng này được trao trong bối cảnh “chống lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân đang bị đe dọa” là “điều cấm kỵ” (taboo). Ông Frydnes cho biết, khi giải thưởng được công bố, họ vẫn chưa thể liên hệ với tổ chức Nihon Hidankyo để thông báo về giải thưởng. Tuy nhiên, một lúc sau, ông Toshiyuki Mimaki, chủ tịch tổ chức Nihon Hidankyo, đã lên tiếng. Ông yêu cầu vũ khí hạt nhân chắc chắn phải bị bãi bỏ.

Ảnh: Ông Toshiyuki Mimaki, chủ tịch tổ chức Nihon Hidankyo, chủ nhân giải Nobel Hòa bình 2024. Nguồn: The Hindo

Một số tổ chức đang hoạt động ở Trung Đông cũng được coi là ứng cử viên tiềm năng, chẳng hạn như cơ quan cứu trợ người Palestine của Liên Hiệp quốc UNRWA, tổ chức nhân quyền của người Palestine Al-Haq và nhóm nhân quyền B’Tselem của Israel. Tổng thư ký LHQ António Guterres và Tòa án Công lý Quốc tế ở The Hague cũng nằm trong số những ứng cử viên được yêu thích.

Trong những năm gần đây, Ủy ban Nobel đã nhiều lần trao giải Nobel cho các nhà hoạt động nhân quyền, thay vì những người hòa bình truyền thống. Năm ngoái, giải thưởng này thuộc về nhà hoạt động vì quyền phụ nữ Iran đang bị cầm tù Narges Mohammadi. Bà được vinh danh “vì cuộc chiến chống lại sự áp bức phụ nữ ở Iran và các nỗ lưc̣ thúc đẩy nhân quyền và tự do cho tất cả mọi người“.

Lần này có tổng cộng 286 ứng viên được đề cử, trong đó có 197 cá nhân và 89 tổ chức. Con số đó ít hơn đáng kể so với những năm trước. Tên của những người được đề cử theo truyền thống được các tổ chức Nobel giữ bí mật trong 50 năm.

Lễ trao giải tháng 12

Những cá nhân được vinh danh ở các giải y học, vật lý, hóa học và văn học trước đó, đã được công bố trong tuần này.

Tại thủ đô Stockholm (Thụy Điển), Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska đã công bố giải Nobel Y Sinh 2024 thuộc về hai nhà khoa học người Mỹ là Victor Ambros và Gary Ruvkun, với việc phát hiện ra microRNA và vai trò của nó trong việc điều hòa gen.

Giải Nobel Vật lý được trao cho John Hopfield và Geoffrey Hinton qua công trình nghiên cứu AI.

Giải Nobel Hóa học được trao cho ba người: David Baker, nhà sinh hóa tại Đại học Washington ở Seattle; Demis Hassabis và John Jumper, hai nhà khoa học máy tính của Google DeepMind, một phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Anh – Mỹ, có trụ sở tại London.

Giải Nobel Văn học năm 2024 thuộc về nữ văn sĩ Hàn Quốc, bà Han Kang nhờ các tác phẩm được nhận định là “trực diện với những chấn thương lịch sử, phơi bày sự mong manh trong cuộc sống phận người”.

Thứ Hai tới sẽ công bố Giải Nobel về Khoa học Kinh tế. Đây là giải thưởng duy nhất không dựa vào di chúc của nhà phát minh thuốc nổ Alfred Nobel (1833 – 1896).

Theo truyền thống, các giải Nobel đều được trao vào dịp kỷ niệm ngày mất của ông Nobel, ngày 10 tháng 12, trong đó Giải Nobel Hòa bình là giải duy nhất không phải ở Stockholm mà ở Oslo. Các giải thưởng có số tiền thưởng trị giá 11 triệu Thụy Điển (gần 970.000 euro) cho mỗi giải.


 

Quốc Hội Việt Nam: Bằng tiến sĩ của Thích Chân Quang là ‘học giả bằng thật’

Ba’o Nguoi-Viet

October 9, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Cơ Quan Quốc Hội Việt Nam đánh giá vụ cấp bằng tiến sĩ cho ông Vương Tấn Việt, tức Thượng Tọa Thích Chân Quang, là trường hợp “học giả bằng thật” làm “dậy sóng” dư luận xã hội năm 2024, song “chưa được xử lý thỏa đáng, minh bạch.”

Theo báo Thanh Niên hôm 9 Tháng Mười, trong buổi phúc trình “Thẩm tra về báo cáo kinh tế-xã hội năm 2024” của chính phủ, ông Vũ Hồng Thanh, chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế, trong lúc nói về các vấn đề chính phủ “cần quan tâm trong lĩnh vực giáo dục,” đã nhắc đến vụ ông Vương Tấn Việt bảo vệ luận án và được cấp bằng tiến sĩ tại Trường Đại Học Luật Hà Nội chỉ sau khoảng hơn hai năm từ khi tốt nghiệp cử nhân Luật “hệ vừa học, vừa làm” (hệ tại chức), thuộc trường hợp “học giả, bằng thật” ở cấp đào tạo trình độ cao nhất, khiến dư luận xã hội “dậy sóng.”

Ông Thích Chân Quang (thứ hai từ phải) nhận bằng tiến sĩ luật vào Tháng Tư, 2022, do Đại Học Luật Hà Nội cấp. (Hình: Cổng Thông Tin Điện Tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam/Tuổi Trẻ)

“Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục chưa có biện pháp xử lý thỏa đáng, công khai, minh bạch với công luận,” ông Thanh nói.

Theo xác minh của báo Tuổi Trẻ hôm 24 Tháng Sáu, nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt nhận bằng tốt nghiệp cử nhân Luật hệ tại chức hôm 26 Tháng Giêng, 2019, thì đến ngày 2 Tháng Tư, 2022, đã nhận được bằng tốt nghiệp tiến sĩ Luật.

Vì vậy, công luận hoài nghi thắc mắc ông Vương Tấn Việt lấy bằng tiến sĩ bằng cách nào chỉ trong hai năm sau khi tốt nghiệp đại học?

Để giảm áp lực từ công luận, Trường Đại Học Luật Hà Nội phát ra thông cáo khẳng định trường hợp ông Vương Tấn Việt trúng tuyển nghiên cứu sinh và được cấp bằng tiến sĩ là “đúng pháp luật.”

Lý giải việc ông Việt nhận bằng tốt nghiệp tiến sĩ sớm, ông Tô Văn Hòa, phó hiệu trưởng Trường Đại Học Luật Hà Nội, cho rằng ông Vương Tấn Việt “học thẳng từ cử nhân lên tiến sĩ, làm xong và bảo vệ luận án tiến sĩ sớm.”

“Thượng Tọa Thích Chân Quang [Vương Tấn Việt] đáp ứng được những điều kiện về thời gian đào tạo nên được bảo vệ luận án sớm. Tất cả các quy trình đều đầy đủ theo các bước theo quy định của Bộ Giáo Dục,” ông Hòa biện minh.

Thế nhưng sau đó, theo kết quả xác minh của Sở Giáo Dục và Đào Tạo TP.HCM, ông Vương Tấn Việt “không có tên trong danh sách thi tốt nghiệp cấp 3 năm 1989 ở Sài Gòn.”

Ông này cũng “không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa” khóa ngày 6 Tháng Sáu, 1989, tại Sài Gòn.

Ông Vũ Hồng Thanh (trái), chủ nhiệm Ủy Ban Kinh Tế, phúc trình thẩm tra tình hình kinh tế-xã hội năm 2024. (Hình: Gia Hân/Thanh Niên)

Trước đó, theo báo Thanh Niên hôm 19 Tháng Sáu, hơn 10 ngày sau khi bị đề nghị thẩm tra các bài thuyết giảng, Thượng Tọa Thích Chân Quang bị Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam kỷ luật bằng lệnh cấm thuyết giảng dưới mọi hình thức trong hai năm.

Lệnh cấm nêu trên được coi là đòn giáng mạnh vào “thu nhập” của sư Chân Quang, người lâu nay gây tranh cãi với việc hù dọa Phật tử về thuyết nhân quả để họ cúng dường thật nhiều cho chùa của ông.

Chưa dừng lại, vài ngày sau khi bị Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam cấm thuyết giảng, sư Thích Chân Quang tiếp tục bị một số sư cô tố giác ông ta lạm dụng tình dục.

Theo mô tả của các nạn nhân, bên cạnh những lời nói dụ dỗ, sư Chân Quang còn có các hành vi như sờ soạng ngực, cưỡng hôn, cầm tay sư cô đặt vào bộ phận sinh dục của ông, thậm chí xâm hại tình dục một sư cô rồi sau đó đưa nạn nhân 10 triệu đồng ($392) để đi phá thai tại bệnh viện Từ Dũ ở Sài Gòn… (Tr.N) [qd]


 

Đổ thừa bệnh nhân chết do vaccine Covid, bác sĩ Little Saigon sắp bị kỷ luật

Ba’o Nguoi-Viet

October 10, 2024

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Một bác sĩ tuyên bố sai trái rằng một bệnh nhân qua đời vì đột quỵ tại nơi trước đây là Bệnh Viện Khu Vực Fountain Valley do chích vaccine Moderna Covid-19 nay bị buộc tội và phải đối diện với hình phạt kỷ luật từ Hội Đồng Y Khoa California, theo nhật báo Orange County Register.

Vào Tháng Chín, Tâm Kỳ Nguyễn, một bác sĩ nội khoa tại Garden Grove, bị Hội Đồng Y Khoa tố cáo các hành vi tắc trách nghiêm trọng và không lưu trữ đầy đủ hồ sơ liên quan tới tuyên bố được cho là sai trái, cũng như các chẩn đoán liên quan tới Covid-19 của hai bệnh nhân tại Bệnh Viện Fountain Valley.

Trước đó, BS Tâm từng bị tước quyền khám bệnh năm 2021 sau khi gửi tin tức về virus Covid-19 liên quan tới các viên chức tại Bệnh Viện Khu Vực Fountain Valley, nơi được Bệnh Viện University of California, Irvine (UCI Health) đàm phán mua lại vào Tháng Ba nhờ công ty Tenet Healthcare Corp. thương thảo, cùng với ba bệnh viện khác ở miền Nam California.

Hình minh họa: Pixabay/Pexels

BS Tâm được liên lạc qua điện thoại hôm Thứ Tư, 9 Tháng Mười, từ chối bình luận và chuyển các câu hỏi từ Southern California News Group cho luật sư đại diện, người này cũng không lập tức trả lời điện thư và cuộc điện thoại.

UCI Health từ chối bình luận về các cáo buộc từ Hội Đồng Y Khoa vì tất cả được đưa ra trước khi hoàn tất thương vụ mua lại bệnh viện.

“Hiện nay, Bác Sĩ Tâm Kỳ Nguyễn không phải là nhân viên của UCI Health và cũng chưa từng làm việc tại bệnh viện,” Phát ngôn viên John Murray cho biết. “Là một bác sĩ tổng quát hành nghề cá nhân, BS Tâm không có đặc quyền hành nghề hay khám bệnh tại UCI Health – Fountain Valley.”

BS Tâm được Hội Đồng Y Khoa cấp phép từ 1996, sẽ được phép tranh biện với các tội trạng do hội đồng đưa ra tại phiên điều trần tương tự như một phiên tòa xét xử và do một thẩm phán luật hành chánh chủ sự.

Sau phiên điều trần, thẩm phán sẽ viết một kiến nghị gửi cho hội đồng xem xét. Các thành viên hội đồng có trách nhiệm đưa ra quyết định cuối cùng về các hình thức kỷ luật và có thể thông qua, sửa đổi hoặc bác bỏ kiến nghị.

Sau cuộc điều tra do hội đồng khởi sự, nếu có quyết định kỷ luật, hội đồng có thể trách cứ công khai, quản chế, đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép hành nghề của BS Tâm.

Hội Đồng Y Khoa bắt đầu điều tra BS Tâm vào Tháng Chín 2021 sau khi Bệnh Viện Fountain Valley tố cáo ông không nộp đơn đánh giá tâm thần và không tuân thủ các yêu cầu kiểm tra bệnh nhân trước khi cho nằm viện.

Cuộc điều tra gồm có xem xét hồ sơ của Bệnh Viện Fountain Valley cũng như thẩm vấn nhiều chứng nhân từng làm việc với BS Tâm.

Tháng Bảy 2021, BS Tâm mô tả chẩn đoán viêm phổi do Covid-19 của một phụ nữ 67 tuổi, theo hồ sơ bệnh nhân, là một phản ứng phụ có thể xảy ra liên quan tới vaccine Pfizer mà bà từng chích hai tháng trước đó, Hội Đồng Y Khoa cho biết.

BS Tâm bị tố cáo kê toa thuốc sốt rét Plaquenil cho nữ bệnh nhân nọ, giấy phép của loại thuốc này từng bị Cơ Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm FDA thu hồi khẩn cấp vào Tháng Sáu 2020, trước khi nữ bệnh nhân nằm viện vì thuốc không có tác dụng trong việc tăng tốc độ bình phục sau khi nhiễm Covid-19.

Một bác sĩ cố vấn bệnh truyền nhiễm từng khuyến cáo bệnh nhân ngừng dùng Plaquenil, theo hồ sơ bệnh án.

Đáp lại khuyến cáo của vị bác sĩ chuyên khoa truyền nhiễm, thay vì lắng nghe lời khuyên, BS Tâm được cho là ghi chú trong hồ sơ bệnh lý là đã kê toa Plaquenil để chữa bệnh nhân bị viêm khớp dạng nhẹ mà không tham khảo ý kiến ​​từ các chuyên gia y tế, không những thế, còn với liều gấp đôi liều tối đa thông thường.

BS Tâm cũng bị tố cáo từng khuyên người phụ nữ có nguy cơ nhiễm Covid-19 cao rằng bà không nên tiếp tục chích vaccine Covid-19, đây là một khuyến cáo “rất xa rời” tiêu chuẩn chăm sóc, Hội Đồng Y Khoa cho biết.

Trong một trường hợp khác, BS Tâm còn bị tố cáo chẩn đoán một phụ nữ 58 tuổi nằm viện sau khi bị đột quỵ rằng bệnh nhân này đột ngột phản ứng bất lợi với vaccine Moderna. Sau khi bà qua đời vào ngày 19 Tháng Năm 2021, BS Tâm ghi trong hồ sơ nguyên nhân tử vong là suy hô hấp và suy đa cơ quan do vaccine Moderna mà không có bất kỳ “bằng chứng hay thông tin khách quan” nào, một hành vi cẩu thả nghiêm trọng, Hội Đồng Y Khoa cho biết.

Ngoài ra, BS Tâm còn bị tố cáo khi nêu trong hồ sơ y khoa rằng một người đàn ông 66 tuổi bị viêm phổi nằm viện tại Bệnh Viện Fountain Valley vào Tháng Bảy 2021, là do nhiễm trùng phổi, đồng thời bệnh nhân này còn ho ra máu và bị suy nhược tương tự như bệnh cúm, gặp phải “phản ứng tự miễn dịch bất lợi có thể xảy ra liên quan tới vaccine COVID-19.”

Hội Đồng Y Khoa cho biết hồ sơ cũng có một ghi chú từ BS Tâm khuyên bệnh nhân đừng chích thêm vaccine Covid-19. (TTHN)


 

ĐI HỌC ĐỂ LÀM GÌ?- Trần Trọng Kim)

Tôi xin gửi các bạn kho tàng quý báu trong link dưới đây. Từ link này, các bạn có thể đọc được nguyên bản Quốc văn giáo khoa thư và Luân lý giáo khoa thư là 2 bộ sách lâu đời dạy trẻ tiểu học ở VN của cụ Trần Trọng Kim và các đồng nghiệp biên soạn.
Đây là sách giáo khoa có thể dạy con trẻ học tiếng Việt đàng hoàng, không sai ngữ pháp và chính tả, đọc thông viết thạo. Đồng thời dạy con cháu chúng ta trở thành người tử tế, biết hiếu thuận với cha mẹ, thương yêu anh em, kính trọng thày cô, ra đường nên biết chọn bạn mà chơi, giúp đỡ người già yếu, tàn tật; lớn lên phải cố gắng làm người trung hậu, liêm chính.
➖Bài Đi học để làm gì?
“Bác hỏi tôi đi học để làm gì. Tôi xin nói bác nghe.
Tôi đi học để biết đọc những thư từ người ta gửi cho tôi và viết những thư từ tôi gửi cho người ta. Tôi đi học để biết đọc sách, đọc nhật báo, thấy điều gì hay thì bắt chước.
Tôi đi học để biết tính toán, biết mọi sự vật và biết phép vệ sinh mà giữ thân thể cho khoẻ mạnh.
Nhưng tôi đi học cốt nhất là biết luân lý, cho hiểu cách ăn ở để thành người con hiếu thảo và người dân lương thiện”.
(Quốc văn giáo khoa thư)
➖Bài Một nhà hòa hợp.
“Một người mẹ cho con một quả cam. Con cầm lấy, nhưng không ăn, chạy ngay ra sân đưa cho em bé. Thằng bé cầm lấy rồi nói rằng: “Tôi không ăn, để đem cho cha ăn cho mát ruột”. Nói rồi, nó chạy ngay ra đồng đưa cam cho cha nó. Người cha cầm lấy, nhưng cũng không ăn, lại đem về cho vợ.
Thành ra quả cam tự tay người mẹ cho, rồi lại về tay người mẹ. Cái cảnh một nhà âu yếm nhau như vậy, thật đáng quí.
Một nhà hòa hợp: Người một nhà phải âu yếm hòa thuận với nhau. Có âu yếm hòa thuận, thì mới có sức mạnh và làm ăn mới được thịnh vượng”.
(Luân lý giáo khoa thư)
Nhờ các bạn chia sẻ rộng rãi cho cộng đồng giúp con em có sách hay học tập.
(Hình học giả Trần Trọng Kim)
NGUYỄN THỊ BÍCH HẬU
8saigon
No photo description available.

Ông gốc Việt can tội gọi điện thoại hù dọa giết người ở Boston

Ba’o Nguoi-Viet

October 6, 2024

BOSTON, Massachusetts (NV) – Một người đàn ông California đang phải đối diện với các tội trạng liên bang sau khi bị tố cáo đe dọa bạo lực trong các cuộc điện thoại gọi tới các công ty ở Massachusetts, theo NBC10.

Hôm Thứ Sáu, 4 Tháng Mười, Daniel Nguyễn, 34 tuổi, bị buộc tội dùng lời lẽ đe dọa trong giao dịch thương mại liên bang, văn phòng của quyền Biện Lý Hoa Kỳ Joshua Levy cho biết.

Daniel Nguyễn bị Cơ Quan Điều Tra Liên Bang FBI bắt giữ hôm Thứ Năm và phải hầu tòa liên bang tại San Francisco trước khi bị áp giải tới Boston.

Tòa án và công lý (Hình minh họa: Katrin Bolovtsova/Pexels)

Trong hai tháng đầu năm 2024, nhà chức trách cho biết, Daniel Nguyễn đã năm lần gọi điện thoại cho các công ty tại Massachusetts mà cáo trạng không nêu danh tánh, để lại tin nhắn ghi âm, đe dọa dùng súng AK-47 để “bắn phá” văn phòng của họ. Các công tố viên liên bang cho biết bị can còn thề “tắm máu” các nhân viên bằng cách giết sạch không chừa một mống.

Ngoài ra, các công tố viên cho biết Daniel Nguyễn còn gửi điện thư đe dọa bạo lực những người tại California và Nevada. Nhà chức trách cho biết những tin nhắn đe dọa đó mang tính kỳ thị chủng tộc.

Nếu bị kết tội, bị can sẽ phải lãnh nhận mức án lên tới năm năm tù, tối đa ba năm quản chế và $250,000 tiền phạt, văn phòng của Levy cho biết.

Vẫn chưa rõ bị can có luật sư hay không. (TTHN)


 

Vì sao 60 không mời rượu, 70 không qua đêm, 80 không để dành cơm, 90 không giữ chỗ ngồi?

Minh Tran

Tuổi già như đèn dầu trước gió, có thể vụt tắt bất cứ lúc nào. Mỗi từng miếng ăn giấc ngủ của họ đều cần được cháu con chăm sóc. Dân gian có câu: “60 không mời rượu, 70 không qua đêm, 80 không để dành cơm, 90 không giữ chỗ ngồi”.

Câu nói gửi đến chúng ta đạo lý gì?

Câu nói ấy có nhiều tầng ý nghĩa khác nhau, nhưng phải trải qua rất nhiều năm chiêm nghiệm và chăm sóc cho bố trong những năm tuổi già, tôi mới dần dần hiểu được ý nghĩa của câu nói đó.

Thời trẻ bố tôi là một người đàn ông khỏe mạnh và chăm chỉ làm việc nuôi cả gia đình.

Khi bố bước vào độ tuổi 60, sức khỏe mặc dù vẫn rất tốt nhưng không còn nhanh nhẹn như trước.

Sau 70 tuổi cơ thể của ông bắt đầu có những biểu hiện người già, tình trạng sức khỏe cũng ngày càng yếu đi.

Cho đến vài năm nay, sức khỏe của bố ngày càng đi xuống khiến con cháu trong nhà ai ai cũng lo lắng.

“60 tuổi không mời rượu, 70 tuổi không qua đêm, 80 tuổi không để dành cơm, 90 tuổi không giữ chỗ ngồi”, câu nói này cho thấy tình trạng sức khỏe của con người theo từng độ tuổi. Dù khỏe mạnh thế nào đi nữa, thì từ 60 tuổi về sau mọi biểu hiện của tuổi già bắt đầu xuất hiện. Những thói quen nhỏ hay những việc mà trước đây ta có thể thực hiện một cách dễ dàng, thì sau 60 mọi thứ cũng trở nên khó khăn.

Vì vậy mới nói “60 không mời rượu”, vì khi con người bước vào độ tuổi 60, uống rượu rất độc hại cho cơ thể. Những bạn trẻ đừng nên mời người đã trên 60 tuổi uống rượu, bởi như thế cũng bằng như hại họ.

Qua tuổi 70, sức khỏe sẽ càng ngày đi xuống, nếu ngủ lại ở nhà người khác qua đêm thì rất có thể sẽ xảy ra nhiều vấn đề không mong muốn. Vì vậy sau tuổi 70 không nên qua đêm ở nhà người khác, nếu sự cố ngoài ý muốn xảy ra thì vừa thiệt mình mà lại đem đến phiền phức cho gia chủ.

70 tuổi gọi là “cổ hy”, 80 tuổi gọi là “điệt”, 90 tuổi gọi là “mạo”. Những người sống đến tuổi 80, 90 là những người đã sống đến cái tuổi “điệt mạo”. Vào lúc này, cơ thể trở nên suy lão và yếu ớt, không thể thích nghi với chế độ ăn uống quá nhiều dinh dưỡng. Vì thế mới nói: “80 không để dành cơm, 90 không giữ chỗ ngồi”.

Câu nói trên cũng là lời nhắc nhở đến con cháu và tất cả chúng ta về phép tắc cư xử với người cao niên. Chẳng phải chúng ta vẫn nói người già như vật báu trong nhà, cần phải trân trọng và chăm sóc tận tình đó sao?

S.T.


 

‘Ăn Chưa?’ cuốn sách của tình cảm gia đình và cội nguồn văn hóa

Ba’o Nguoi-Viet

September 27, 2024

Maison Trần/Người Việt
(Đằng-Giao/Người Việt chuyển ngữ)

LOS ANGELES, California (NV) – Cô Julie Mai Trần nhẩm câu thần chú của mẹ khi đổ bột bánh xèo vào chảo. Đây là một trong nhiều công thức nấu ăn gia truyền trong cuốn sách dạy nấu ăn của cô, “Ăn Chưa: Công Thức Nấu Ăn Việt Nam Đơn Giản Có Hương Vị Như Ở Nhà.”

Cô Julie Mai Trần và cuốn sách nấu ăn độc đáo. (Hình: Maison Trần/Người Việt)

Với lịch sử Việt Nam, những câu chuyện gia đình và kỹ thuật nấu nướng đi kèm từng món ăn, “Ăn Chưa?” giới thiệu các công thức nấu ăn khắp ba miền của Việt Nam, từ bánh cuốn đến gà nướng sả, từ các món nước như bún riêu đến các món ăn đường phố như chả giò đến chè Thái.

“Ăn Chưa?” cũng là câu đầu tiên mẹ cô, bà Linda Thu Mai Trần, hỏi cô mỗi khi cô về thăm nhà rồi đãi cô một bữa ăn đầy yêu thương.

“Ăn Chưa?” là cảm giác thoải mái khi ăn, khi luyến tiếc hay nghĩ về những bữa cơm với cha mẹ hay lần về Việt Nam,” cô Julie Mai Trần nói. “Tôi thực sự muốn điều này được thể hiện trong cuốn sách để mọi người thấy như đang ở nhà.”

Cô Julie Mai Trần, 38 tuổi, nổi tiếng qua blog ẩm thực, chủ yếu trên Instagram, có tên “Chia Sẻ Cội Nguồn,” nơi cô đăng tải các video nấu ăn gia đình, những câu chuyện về lịch sử tị nạn của cha mẹ cô và những trải nghiệm của cô với tư cách là một người Mỹ gốc Việt thế hệ đầu tiên.

Năm 2018, khi cô Julie Mai Trần đang làm thêm giờ trong công việc tiếp thị, cô nhận ra rằng cha mẹ cô ngày càng lớn tuổi và cô không dành đủ thời gian cho họ.

“Tôi còn rất nhiều điều muốn tìm hiểu về lịch sử cha mẹ tôi, cuộc sống của họ, một cách khách quan, và nguồn gốc của tôi,” cô Julie Mai Trần nói. “Tôi chưa biết đủ về họ để tiếp tục truyền thống và để giữ cho câu chuyện của họ tiếp tục.”

Cuối tuần nào cô cũng về thăm nhà và nấu ăn với mẹ, giúp mẹ có cơ hội khám phá thêm công thức nấu ăn mới – và tìm hiểu sâu hơn về kinh nghiệm của cha mẹ cô trước khi đến Mỹ. Sau đó, cô bắt đầu viết blog ẩm thực dạy cách nấu món ăn Việt Nam và ghi lại những khoảnh khắc thân mật gia đình.

Cô Julie Mai Trần và một khay bò lúc lắc. (Hình: Facebook Sharemyroots)

Với hơn 110,000 người theo dõi trên Instagram, cô Julie Mai Trần nhận được tin nhắn khắp nơi trên khắp thế giới như Singapore, Úc, Anh, và Đức, nói rằng họ đã học cô cách nấu ăn cho con cái và cảm thấy gắn kết hơn với cội nguồn của mình thông qua blog của cô, tạo cảm hứng cho cô viết cuốn “Ăn Chưa?”

“Tôi muốn ghi lại các công thức nấu ăn cho thế hệ tương lai,” cô Julie Mai Trần nói. “Tôi thực sự muốn phá bỏ những rào cản trong việc nấu nướng của người Việt để mọi người có thể nấu nướng dễ dàng. Và vì tôi cảm thấy thông qua ẩm thực, chúng ta thực sự học được nhiều điều về văn hóa Việt Nam.”

Cha mẹ và chị cô rời Việt Nam năm 1979. Họ phải đi ba lần và bị tống vào trại giam rồi mới thoát đến Thái Lan rồi đến Mỹ năm 1980.

Sự can đảm và kiên cường của họ vẫn hiện hữu trong cô và cô cảm thấy mình có thể làm được bất cứ gì.

“Tôi đã hỏi cha mẹ tôi xem vì sao họ quyết định như nậy và họ nói rằng họ không có cách nào khác,” cô Julie Mai Trần nói. “Ngay cả khi trải qua những nguy hiểm đến tính mạng, họ vẫn quyết định trốn thoát và điều đó thực sự truyền cảm hứng cho tôi vì phải có rất nhiều can đảm mới làm được vậy.”

Cô Julie Mai Trần lớn lên học cách nấu ăn trên Food Network và từ mẹ. Trong khi cha mẹ cô làm việc cả ngày để tạo dựng cuộc sống mới, mẹ cô vẫn dành thời gian nấu nướng cho gia đình, mang đến cho chị em cô hương vị ẩm thực, không chỉ của quê hương mà còn của Mexico, Pháp, và các nước khác.

“Mình nấu ăn với tất cả tình yêu,” bà Linda Thu Mai Trần, nói. “Không biết ngon hay dở. Có thể ăn, và mình thích tại vì mình yêu nó.”

Cô Julie Mai Trần (phải) chụp hình các món ăn trong khi người cha cầm đèn soi ánh sáng. (Hình: Facebook Sharemyroots)

Bà Linda Thu Mai Trần, có ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuốn “Ăn Chưa?” vì cô Julie Mai Trần hợp tác với mẹ, người cô đặt biệt danh “Nữ Hoàng Bánh.”

“Ăn Chưa?” là kết quả của nhiều năm nghiên cứu và cô Julie Mai Trần luôn bên mẹ để ghi chép và ghi lại con số đo lường chính xác. Ngay cả thiết kế hoa mai trên trang bìa cũng được lấy cảm hứng từ họ Mai của mẹ cô.

“Thông thường, chúng ta nghĩ các bà mẹ không viết xuống công thức nấu ăn, nhưng khi viết cuốn sách này, tôi nhận ra rằng họ có viết,” cô Julie Mai Trần nói.

Cô vẫn cố gắng cân bằng thời gian giữa công việc, gia đình, và blog. Cô hy vọng sẽ tiếp tục ghi lại lịch sử tị nạn của cha mẹ mình, vì những gì cô sưu tầm được không thích hợp cho sách dạy nấu ăn.

Một độc giả nói với cô rằng ngoài việc có tất cả các công thức nấu ăn yêu thích của họ, cuốn sách của cô còn nhắc nhở họ về gia đình và những gì họ đã trải qua để có thể sống ở Mỹ, tác giả cho biết.

“Tôi rất mong cuốn sách này tôn vinh cha mẹ tôi, những gia đình tị nạn và người nhập cư khác,” cô Julie Mai Trần nói. “Cuốn sách này cũng dành cho các cháu tôi, cho thế hệ tiếp theo và cho những người đứng sau ẩm thực Việt Nam.” [đ.d.]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]