Giao Nguyễn, từ bệnh nhân tâm thần trở thành bác sĩ phục vụ cộng đồng

 Ba’o Nguoi-Viet

April 1, 2024

Kalynh Ngô/Người Việt

 WESTMINSTER, CA (NV) – Khi chàng thanh niên 17 tuổi Giao Nguyễn tạm biệt gia đình xuống tàu vượt biên, không bao giờ anh nghĩ rằng mình sẽ trở thành một bác sĩ tâm thần. Anh càng không nghĩ đến sẽ có ngày chính mình là một bệnh nhân phải chiến đấu với căn bệnh suốt năm năm dài. Nhưng chính vì thế, Bác Sĩ Giao Nguyễn trân trọng giá trị cuộc sống và hiểu rất rõ công việc mình đã chọn.

Bác Sĩ Giao Nguyễn ngày tốt nghiệp kỹ sư đại học Rice University. (Hình: Bác Sĩ Giao Nguyễn cung cấp)

Trả ơn

Buổi tối ngày cuối cùng của năm 2023, trong một ngôi nhà nhỏ ấm cúng, đơn giản ở Westminster, trong vùng Little Saigon, thủ phủ người Việt tị nạn ở Orange County, California, người đàn ông ngoài 50 tuổi ngồi chơi với cậu con trai nhỏ sau bữa cơm chiều. Ông vừa kết thúc một ngày làm việc dài ở bệnh viện Tibor Rubin VA Medical Center, Long Beach. Ông là Bác Sĩ Giao Nguyễn.

“Toàn bộ thời gian của tôi bây giờ là công việc và chăm sóc gia đình, chăm sóc chính bản thân mình,” ông nói.

Sở dĩ có dấu mốc thời gian “bây giờ” trong câu chuyện của ông vì: “Trong chục năm qua, tôi phải tập trung vào việc đương đầu với bệnh tật và những trở ngại khác trong cuộc sống (tài chính, sự nghiệp…) mà tôi đã gác lại mọi thứ khác.”

Bác Sĩ Giao Nguyễn đã trải qua một giai đoạn khó khăn nhất kéo dài nhiều năm nên ông hiểu điều gì là quan trọng nhất với sức khoẻ tinh thần. Một trong những lý do ông về làm việc cho bệnh viện của Los Angeles County vì ông đã qua năm tháng là bệnh nhân của Fairfax County, Virginia.

“Lý do lớn nhất mà tôi có được ngày hôm nay là vì rất nhiều người đã giúp tôi,” ông nói.

Hơn 10 năm trước, ông quyết định về California sinh sống vì “hoạt động ngoài trời rất tốt cho sức khoẻ tinh thần, và thời tiết Nam California lý tưởng quanh năm cho điều đó. Nam California tập trung đông người Mỹ gốc Việt nhất, tôi muốn làm việc với cộng đồng này.”

Sinh tồn

Năm 1986, ông Giao là người duy nhất trong gia đình xuống tàu vượt biên. Những ngày nguy hiểm sống chết trên đại dương, chàng thanh niên 17 tuổi tự bảo vệ tâm lý của mình bằng cách nghĩ rằng những gì đang diễn ra xung quanh mình là không có thật. Sau khoảng sáu, bảy ngày lênh đênh trên biển, con tàu an toàn đến Indonesia, trước khi ông được định cư ở Mỹ.

“Những năm đầu ở Mỹ, tôi không biết tiếng Anh, không biết văn hóa Mỹ, cũng không tiền bạc. Ngày đầu tiên tôi đến Mỹ thì tôi đã bắt đầu lo lắng, trầm cảm rồi. Tôi đi học, đi làm. Sau đó tôi may mắn được nhận vào trường đại học Rice University ở Houston, Texas, ngành Kỹ Sư Điện Tử,” ông kể lại đời mình.

Bữa tiệc “thịnh soạn” nhất của gia đình Bác Sĩ Giao Nguyễn (hàng đứng, bên phải) khi còn ở Việt Nam. Sau hôm đó, ông xuống tàu vượt biên. (Hình: Bác Sĩ Giao Nguyễn cung cấp)

Đại học Rice University là trường tư. Phần lớn sinh viên là da trắng, con nhà khá giả trung lưu trở lên.

Ông nói: “Lúc đó ở trường tôi là người nói tiếng Anh dở nhất, mà kinh tế cũng nghèo nhất, không biết gì về văn hóa Mỹ, cái gì cũng kém nhất. Mình phải cố gắng rất nhiều. Có lẽ vì cố gắng quá nhiều mà bệnh trầm cảm, lo lắng của tôi ngày càng nặng hơn. Sau đó, từ Houston, tôi học cao học về Khoa Học Sức Khỏe Cộng Đồng – Chính Sách và Quản Trị ở trường cao học Harvard T.H. Chan School of Public Health thuộc đại học Harvard University, Boston, Massachusetts.”

Không ngờ đây lại là một áp lực khác. Nơi này mùa Đông kéo dài. Trời lạnh triền miên, ít ánh nắng mặt trời lúc nào cũng âm u. Nó làm cho bệnh của ông càng nặng. Ông vừa đi học vừa làm ban đêm. Cả hai gộp lại là áp lực lớn.

Kết thúc cao học năm 1994, ông ghi danh vào học y khoa đại học Tufts University, Boston, và ra trường năm 1999.

“Tôi là một người ít nói. Tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ nên sự thật là học trường y là một khó khăn. Tôi phải luôn cố gắng vượt qua hàng rào ngôn ngữ để học và nói chuyện với bệnh nhân. Những áp lực tích tụ dồn lại. Đến khi làm nội trú ở Boston Medical Center, làm về nội khoa, sau đó chuyển qua khoa tâm thần, căng thẳng quá, tôi đã gục,” ông kể.

Đó là năm 2004. Một thời gian rất dài, ông không thể làm gì. Ông nghỉ học, nghỉ làm.

“Tôi về Việt Nam khoảng năm, sáu tháng nhưng không đi đâu cả, chỉ ở trong phòng suốt ngày. May mắn tôi có người chị giúp chăm sóc tôi để vượt qua những ngày tháng đó,” ông chia sẻ.

Khi quay về Mỹ, ông dọn về Virginia. May mắn còn một ít tiền để sinh sống. Ông giam mình trong phòng hết ngày này đến ngày khác, hết tuần này đến tuần khác.

“Thời gian đó tôi ăn toàn kẹo chocolate. Xung quanh giường của tôi toàn những miếng giấy bạc gói kẹo. Ăn kẹo và uống nước,” ông kể.

Theo ông nói, khi một người đang bị bệnh nặng, thì điều người ta nghĩ đến ngay là làm sao để giảm đau nhanh nhất. Do vậy mà trong những năm bị bệnh, ông uống rượu và hút thuốc rất nhiều.

“Vì rượu và thuốc lá là cách mà những người bệnh tâm thần tự điều trị để cảm thấy dễ chịu hơn mặc dù hậu quả là tác hại lâu dài của nó,” Bác Sĩ Giao nói.

Vào khoảng năm 2008, ông chính thức trở thành “homeless.” Nơi ông trốn cái lạnh cắt da của mùa Đông khắc nghiệt vùng Đông Bắc là trong chiếc xe hơi của mình.

“Mỗi đêm tôi phải mở ‘heat’ xe một lần để chống chọi với cái lạnh,” ông nhớ lại và nói.

Bệnh trở nặng, ông phải vào bệnh viện tâm thần Fairfax County của tiểu bang.

“Những ca nặng nhất mới nhập việc ở đó. Lúc đó, bệnh trầm cảm của tôi rất nặng,” ông nói.

“Đứng lên và đi tiếp”

Chính trong thời gian chống chọi, chiến đấu với căn bệnh để sinh tồn, ông nhận ra sự “xa cách” mà người đời dành cho những người như ông. Khi bệnh của ông không còn ở mức độ “nguy hiểm đến tính mạng,” ông được xuất viện và thấy “người ta nhìn tôi rất khác.”

“Có một lần tôi đi đến Đại Hội Thánh Mẫu ở Carthage, Missouri, với anh và chị dâu của mình. Tình cờ gặp một người bạn học trung học ở Việt Nam. Lúc đó tôi bệnh nặng lắm, đầu tóc bê bối, nhiều ngày không tắm. Người đó thấy tôi như vậy, sau đó kể lại với những người bạn khác, và người này nói rằng tôi nói xạo, bộ dạng tôi như vậy mà làm sao học y được. Tôi hiểu cách người khác nhìn và đối xử với người khác như thế nào,” ông nói.

Năm 2009, do quyết tâm đến gặp các bác sĩ tâm thần, bác sĩ trị liệu tâm lý để cải thiện sức khoẻ, bệnh của ông thuyên giảm giảm dần. Đến khi nhận thấy có thể đi làm trở lại, ông được nhận vào làm ở Woodburn Place Crisis Care của tiểu bang Virginia ở Fairfax County.

“Ban đầu tôi làm 10 tiếng/tuần, sau đó 20 tiếng/tuần, rồi tăng lên. Khi hoàn toàn khoẻ mạnh, tôi tìm cách trở lại trường học tiếp y khoa. May mắn là tôi vẫn còn cơ hội để tiếp tục làm nội trú và trở thành một bác sĩ,” ông kể.

Ông nói: “Tôi hiểu bệnh nhân của tôi, hiểu những gì họ phải trải qua, những gì họ chịu đựng, những lời ăn tiếng nói suy nghĩ của người khác.”

Với Bác Sĩ Giao Nguyễn, thách thức lớn nhất đối với một bác sĩ tâm thần là sự kiên nhẫn.

Ông nói: “Bệnh nhân có la hét, chửi bới, đòi hỏi này kia, khó chịu… mình vẫn phải kiên nhẫn và lắng nghe họ. ‘Thấu cảm’ quan trọng hơn ‘thông cảm.’”

Bước ra ánh sáng sau năm năm dài trầm mình trong khối màu đen u uất là một cuộc chiến không đơn giản. Chắc chắn phải có một động lực to lớn giúp ông trở lại với cuộc đời.

Ông nói: “Đó chính là tình thương yêu mà bố mẹ tôi đã dành cho tôi.”

“Tôi nghĩ tôi phải cố gắng để đừng phụ lòng thương yêu mà bố mẹ tôi đã dành cho tôi. Thứ hai nữa tôi phải làm được điều gì đó trong cuộc đời của mình. Nếu mà buông xuôi hết thì uổng phí quá. Mình đã trải qua sự nghèo khổ ở Việt Nam, rồi vượt biên, rồi mười mấy năm đi học ở Mỹ. Tôi muốn tự cứu mình, rồi giúp cho những người giống như mình và cho xã hội này. Tôi phải đứng lên và đi tiếp,” bác sĩ chia sẻ.

Bác Sĩ Giao Nguyễn nói về “kẻ thù vô hình” của công đồng gốc Việt thuộc nhiều thế hệ. (Hình: Kalynh Ngô/Người Việt)

Ông Daniel Swint, bạn học cùng với ông Giao ở đại học Rice University từ năm 1989 đến 1992, hiện đang là kỹ sư của H&T Blocks ở Kansas City, nói với nhật báo Người Việt: “Cảm nhận của tôi về Giao khi còn học ở Rice đó là một người rất nghiêm túc và nhiệt huyết. Giao làm việc rất chăm chỉ. Chúng tôi học cùng lớp và ở cùng ký túc xá. Nhiều lần tôi thấy Giao uống rất nhiều rượu trong các bữa tiệc. Rice University là môi trường cạnh tranh khốc liệt. Chúng tôi hay chơi bida và bóng bàn. Việc Giao tốt nghiệp một chuyên ngành khó ở Rice là một điều bất ngờ.”

Theo ông Daniel, chỉ thời gian gần đây, ông mới biết về “giai thoại” vượt biên của người bạn mình.

Ông nói: “Chắc hẳn bạn tôi đã gặp nhiều khó khăn khi đến môi trường mới, ngôn ngữ mới, vào một đại học đòi hỏi cao, phải chịu sự nghèo đói và cố gắng tốt nghiệp sớm. Áp lực của Giao rất lớn.”

Rất khiêm tốn, ông Daniel cho rằng ông không nghĩ khi ấy mình đủ trưởng thành để giúp người bạn của ông vượt qua giai đoạn khó khăn thời sinh viên.

“Nhưng may mắn là bạn tôi đã có sự giúp đỡ. Tôi không biết sau khi học xong đại học anh ấy bệnh thêm bao lâu. Nhưng tôi biết chắc chắn bây giờ Giao đã vượt qua. Tôi nhìn thấy hạnh phúc trong ánh mắt của anh ấy,” ông Daniel nói.

Tôi hỏi Bác Sĩ Giao vì sao ông chọn một ngành học không đơn giản như thế này dù đã biết mình có vấn đề sức khoẻ tâm lý từ những ngày đầu tiên đến Mỹ?

Ông trả lời: “Gia đình tôi có di truyền về bệnh trầm cảm và lo lắng. Một người anh và một người chị của tôi hiện đang bệnh rất nặng. Tôi muốn giúp những người như họ và như tôi.”

“Tâm thần là một ngành học kết hợp hài hòa giữa nhiều môn học khác nhau, về y khoa, cơ thể con người, về bộ óc. Thứ hai nữa là phải hiểu biết về văn hóa cũng là một phần rất quan trọng trong ngành tâm thần. Tôi thích tất cả những điều này,” ông thêm.

Bác Sĩ Giao Nguyễn từng phân tích, 60% nguyên nhân của bệnh tâm thần là do di truyền.

Như vậy, ông có lo lắng cho đứa con trai nhỏ duy nhất của mình không? Bác Sĩ Giao từ tốn nói: “Chắc chắn là có. Phân tích kỹ thêm về góc độ khoa học thì con của tôi chỉ có 30% trong 60% đó. Tôi hy vọng 30% đó không đến nỗi nào. Tôi chỉ có một đứa con, nên tôi càng phải giữ sức khoẻ, không làm những gì mang đến áp lực cho mình và cho những người thân xung quanh mình.”

Để tránh những áp lực đó, thì phải làm gì?

Ông cho biết: “Hãy giữ sức khoẻ, tập thể thao, ăn uống điều độ. Nếu làm được, chúng ta không nên làm cho người khác ganh tỵ với những gì mình có. Bản thân con người luôn ganh đua, muốn bằng người này, hơn người khác. Nếu làm được, chúng ta đừng phô trương, mà thay vào đó là đồng cảm với nhau.”

Có vẻ như càng trải nghiệm cuộc đời bao nhiêu thì người ta càng biết quý trọng sự bình yên và trân trọng hiện tại bấy nhiêu. Bác Sĩ Giao Nguyễn tìm thấy hạnh phúc tinh thần và thể chất từ chính những năm chiến đấu để bước ra khỏi căn bệnh của mình. Ông cũng là người kính phục và lĩnh ngộ triết lý văn thơ của Thầy Tuệ Sỹ.

Khóc Tuệ Sỹ

Du thủ hồng trần đường xa chân mỏi

Lạc lối về ngừng bước hỏi trăng sao

Ngậm ngùi kiếp cỏ hoang bên đá sỏi

Nước mắt vàng thu lá rớt lao xao

Cổng niết bàn trong hư vô tịch mịch

Dạo vòng quanh tìm lối bước chân vào

Khoảnh khắc hội qua, nhang tàn lửa

Hạc mai thân xác thoát chiêm bao

Đây là bài thơ ông viết ngày 26 Tháng Mười Một, 2023 khi được tin Thầy Tuệ Sỹ viên tịch. Cách gieo vần, tứ thơ ảnh hưởng rất nhiều từ bài “Khung Trời Cũ” của Thầy Tuệ Sỹ.

Ngôi nhà nhỏ của gia đình Bác Sĩ Giao Nguyễn nhìn rất đơn giản, có lẽ như tính cách mà ông chia sẻ, “nhiều khi im lặng là thể loại âm nhạc tôi thích nhất, và sự cô độc là người bạn đồng hành tuyệt vời nhất của tôi.” [đ.d.]

(Bài viết này được thực hiện qua chương trình “Impact Fund for Reporting on Health Equity and Health Systems” năm 2023 của Annenberg Center for Health Journalism, thuộc đại học USC, bao gồm huấn luyện, hướng dẫn, và tài trợ cho tác giả).

Liên lạc tác giả: ngo.kalynh@nguoi-viet.com


 

 Chuyên gia tài chính Việt kiều Mỹ bị mất $20,000 trong ngân hàng ở Việt Nam

 Ba’o Nguoi-Viet

March 31, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông Nguyễn Trí Hiếu, Việt kiều Mỹ, được biết đến là chuyên gia tài chính, vừa tố cáo chuyện mình bị mất 500 triệu đồng ($20,168) trong tài khoản tại một ngân hàng ở Việt Nam.

Báo Thanh Niên hôm 31 Tháng Ba đưa tin này nhưng giấu tên ngân hàng, trong lúc một số báo khác viết tắt là “ngân hàng N.”

Ông Nguyễn Trí Hiếu thường được các báo ở Việt Nam dẫn bình luận về lĩnh vực tài chính, ngân hàng. (Hình: Thanh Niên)

Theo bản tin, vụ mất tiền này đã xảy ra từ mấy tháng trước, nhưng nay khổ chủ mới lên tiếng.

Cụ thể, hôm 18 Tháng Mười Một năm ngoái, ông Hiếu ra ngân hàng để rút tiền thì tá hỏa khi nhân viên báo tài khoản của ông chỉ còn đúng 50,000 đồng ($2) trong khi trước đó số dư là 500 triệu đồng.

Khi ông Hiếu khiếu nại, ngân hàng cung cấp sao kê chi tiết các giao dịch từ tài khoản.

Theo đó, từ ngày 3 đến 17 Tháng Mười Một cùng năm, chủ tài khoản này được ghi nhận “nhiều lần chuyển tiền sang nhiều tài khoản khác nhau ở một số ngân hàng khác.”

Trong khoảng thời gian đó, đã có hai lần chủ tài khoản gửi yêu cầu cấp lại mật khẩu xác thực mã OTP thông qua ứng dụng “Internet Banking.”

Đáng lưu ý, mã OTP được gửi đến số điện thoại mà ông Nguyễn Trí Hiếu đã ghi danh với ngân hàng.

Tuy nhiên, thay vì gửi mã OTP đến điện thoại ông đang sử dụng là iPhone, thì ngân hàng cho biết mã này được gửi đến một chiếc điện thoại Xiaomi. Ông Hiếu cho rằng trong vụ này, ông không nhận được tin nhắn thông báo thay đổi số dư tài khoản như lâu nay.

Ông nói thêm rằng mình đã gửi đơn yêu cầu ngân hàng bồi thường nhưng không nhận được hồi âm. Thậm chí, chưa có bất kỳ lãnh đạo chi nhánh của ngân hàng hẹn gặp ông để làm rõ vụ mất tiền.

“Phía ngân hàng hoàn toàn bỏ lơ và không đề cập gì đến việc trách nhiệm hay bồi thường số tiền đã mất. Hiện tại, tôi vẫn chưa muốn đưa tên cụ thể ngân hàng này vì còn trao đổi chi tiết với họ cũng như để phía công an điều tra,” ông Nguyễn Trí Hiếu được dẫn lời.

Các vụ “bỗng dưng” mất tiền trong tài khoản ngân hàng xảy ra liên tiếp tại Việt Nam trong thời gian qua. (Hình: Thanh Niên)

Trong một diễn biến khác, báo Kinh Tế và Đô Thị hôm 29 Tháng Ba cho hay: “Thời gian vừa qua, không ít khách hàng bị mất tiền gửi tại các ngân hàng. Đáng chú ý, một số vụ do các cán bộ, nhân viên của ngân hàng lừa đảo, tham ô, chiếm đoạt tiền gửi trong tài khoản của khách hàng. Điều này đang dấy lên sự lo ngại về sự an toàn và quy trình giao dịch gửi và rút tiền từ ngân hàng.”

Bản tin viết thêm: “Nhiều sự việc mất tiền trong ngân hàng gần đây là hồi chuông cảnh báo về việc tuân thủ các quy trình giao dịch ngân hàng và việc kiểm soát các giao dịch này. Nếu không có các giải pháp kịp thời thì nguy cơ mất tiền tỷ sẽ còn tái diễn.” (N.H.K) [kn]


 

 Nhân viên bán bảo hiểm gốc Việt khai gian khách hàng là sinh viên

March 22, 2024

Ba’o Nguoi-Viet

SANTA CLARA, California (NV) – Một nhân viên bán bảo hiểm xe hơi bị buộc tội gian lận sau khi bị cáo buộc làm giả hồ sơ từ chương trình hỗ trợ sinh viên để giảm giá cho khách hàng và kiếm được hàng ngàn Mỹ kim tiền hoa hồng. Thomas Trương, 61 tuổi, đến từ San Jose, nộp văn bằng tốt nghiệp đại học giả của đại học University of California, Berkeley, phiếu điểm giả và thư giả mà ông có được từ một trường đại học cộng đồng địa phương, theo Văn Phòng Biện Lý Quận Santa Clara, theo KRON 4 News.

Thomas Trương, Biện Lý Quận cho biết, đã nộp 10 mẫu đơn “Sinh Viên Giỏi” từ trường đại học Mission College ở Santa Clara tới chỗ làm việc của mình để lấy phiếu giảm giá cho khách hàng. Một cuộc điều tra cho thấy tám trong số 10 khách hàng được giảm giá chưa bao giờ theo học tại trường đại học và hai người từng là sinh viên Mission College thì lại không đi học trong những ngày được điểm danh trong biểu mẫu.

Thomas Trương bị công ty Farmers Insurance cho thôi việc sau khi cáo buộc phạm tội được đưa ra ánh sáng. Ông ra tòa vào Thứ Ba, 19 Tháng Ba  tại Tòa Án Công Lý ở San Jose. Nếu bị kết án, Thomas Trương có thể phải trả tiền bồi thường và có thể phải lãnh nhận án tù.

Một nhân viên bán bảo hiểm xe hơi ở San Jose, California bị buộc tội gian lận với cáo buộc làm giả hồ sơ từ chương trình hỗ trợ sinh viên để giảm giá cho khách hàng và kiếm được hàng ngàn Mỹ kim tiền hoa hồng hôm 19 Tháng Ba, 2024 (Hình: JeShoots.com/Pexels)

“Tình trạng gian lận bảo hiểm gây ra tổn thất lớn và nhỏ trên toàn tiểu bang,” Biện Lý Quận Jeff Rosen cho biết. “Chúng tôi quyết tâm thực thi công lý và giúp các doanh nghiệp và khách hàng có điều kiện mua bán lành mạnh.”

Các nhà điều tra từ Sở Bảo Hiểm California dò xét công việc của Thomas Trương và phát giác ra: 10 văn bằng đại học giả, 14 phiếu điểm giả từ các trường trung học trên khắp Vùng Vịnh, 10 tuyên bố giả từ giới chức trường học.

Khi công lực đưa ra các hồ sơ, khách hàng cũ của Thomas Trương cho biết họ không đưa cho ông các loại hồ sơ đó và chưa bao giờ nhìn thấy chúng trước đây. Nhiều khách hàng nói với các nhà điều tra rằng họ không biết mình đang nhận được những khoản tiền giảm giá do gian lận. (TTHN)


 

SÀI GÒN TAN TẦM VÀ TIẾNG SÁO CÔ GÁI -(Bài ảnh Lê Minh Hạ)

Trần Xuân Thái   

Lại là một phụ nữ Miền Tây, nhưng không phải bà lão bán đu đủ quê Long An hôm qua (tôi đăng ở stt trước). Lần này là bé Thiên, một cô gái trẻ chỉ mới tuổi vị thành niên. Em quê Cà Mau, và tiếng sáo của em đã khiến khoảng cách giữa Sài Gòn và Cà Mau thiệt rất gần. Đúng là Cà Mau không xa lắm mà, phải không bé Thiên?

Thương quá xá là thương!

SÀI GÒN TAN TẦM VÀ TIẾNG SÁO CÔ GÁI MÙ

(Bài ảnh Lê Minh Hạ)

Sài Gòn tan tầm, ngang qua công viên Tao Đàn, chen giữa tiếng xe tiếng còi ồn ả, vẳng tiếng sáo ai vang lên tha thiết quá! Lại đúng lúc đang miên man nhớ về Cà Mau thì tiếng sáo cứ khiến tôi muốn hát thành lời: Nghe nói cà mau xa lắm… Tiềng sáo nghe da diết, như mênh mang một nỗi niềm!

Lần theo tiếng sáo, tôi ngỡ ngàng nhận ra đó là tiếng sáo của một cô gái mù! Em đứng một góc công viên, nhỏ nhắn xinh xắn trong chiếc váy nhạt màu, trông rất duyên dáng, đứng mải miết thổi cho tới khi khách qua đường tôi lên tiếng thăm hỏi.

Em người Cà Mau, ở huyện Trần Văn Thời. Mấy năm nay lên Sài Gòn ở trọ, học thổi sáo, mưu sinh với một niềm tin mãnh liệt về một ngày mai sẽ nhìn thấy được mặt trời!

Năm 14 tuổi, e bị tai nạn giao thông, bị tổn thương mắt. Lúc đó cha em ko biết, theo lời người ta chỉ, nhỏ mật gấu thôi! Rồi thì em mù hẳn. 14 năm rồi! Em nói mắt em bị teo võng mạc. Em nói 14 năm sống trong bóng tối em đã quen rồi, không có thời gian buồn nữa, em chỉ dành thời gian để nghĩ với tình trạng của mình thì sẽ mưu sinh như thế nào cho ổn nhứt! Và em chọn nghề thổi sáo để bá.n từng cây viết bi! Nếu lỡ có ế, thì cũng thổi lên cho đỡ nỗi nhớ quê!

Em nghe nói gần đây có tin là tình trạng bệnh mắt như em sẽ được chữa, nhưng chỉ ở nước ngoài! Em lại nuôi hy vọng! Ngày ngày, em lại cầm ống sáo, thuê xe ôm chở đi khắp các ngã tư Sài Gòn, thổi sáo cho người đi đường nghe mà chú ý đến em! Để thấy được mặt hàng của mình là cây bút bi!

5 ngàn đồng một cây bút bi để chuyên chở một giấc mơ một ngày mai nhìn thấy lại cuộc đời!

Hôm nay lần đầu tiên em ra tới công viên Tao Đàn!

Hỏi sao em đứng khuất 1 góc nếu ko để ý sẽ không thấy, em nói bác tài Grab đặt em xuống đâu thì em đứng đó thôi! Tôi dắt em qua chỗ sáng đèn hơn cạnh lối vô công viên, đối diện số 200 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1.

Tạm biệt em, tôi mong chúc em bán được nhiều hơn! Nhưng cũng lo lo, chẳng biết cái chỗ mình dắt em tới có thực sự đông người, dễ nhìn thấy em không nữa!

Chào tạm biệt tôi, em cười, rồi tiếp tục đưa sáo lên tiếp tục bài đang dang dở. Tôi vào ghế đá công viên gõ mấy dòng, trong tiếng sáo của em!

Bài Áo mới Cà Mau lại vang lên, âm thanh giữa vòm cây của công viên nghe rõ lắm, nhưng không biết là người đi đường có nghe được tiếng sáo của em không?

Sài Gòn đã lên đèn, không biết, bao lâu nữa, em sẽ nhìn thấy được đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ?

Sài Gòn của chúng ta rộng lắm! Anh cũng là người nhập cư như em, cũng nuôi bao ước vọng! Và Sài Gòn luôn có đủ chỗ cho tất cả những ước mơ!

Em tên Thiên, rồi sẽ có ngày em nhìn thấy lại bầu trời, Thiên há!

** Ngẫm:

Những gì tôi – Trần Xuân Thái – chép lại ở đây chỉ là phần nổi của một câu chuyện buồn dài tập nhưng đầy triết lý sống. Em đã mang đến cho cuộc đời một cơ hội, để mở lòng mình ra mà chia sớt, làm vơi đi nỗi đau mà bản thân em đã và đang phải gánh chịu. Hãy đến với Thiên một lần đi, để mở rộng lòng mình vậy!


 

PHẠM QUỲNH (1892-1945)

Nguyễn Thủy Nguyên   HÀ NỘI NGÀY THÁNG CŨ

MTH- Năm 1992 ở Paris, tôi được đến dự buổi báo cáo luận án Tiến sĩ của bà Phạm Thị Viên, con gái học giả Phạm Quỳnh, về những đóng góp của ông với chữ quốc ngữ và trong lĩnh vực ngôn ngữ học. Phạm Quỳnh rất giỏi sử dụng tiếng mẹ đẻ, giỏi chữ Hán và tiếng Pháp, là người Việt Nam đầu tiên trong lịch sử diễn thuyết bằng tiếng Pháp trước Viện Hàn lâm Pháp Quốc khi ông mới 30 tuổi. Ông là người đi tiên phong trong việc quảng bá chữ Quốc ngữ và dùng tiếng Việt – thay vì chữ Nho hay tiếng Pháp – để viết lý luận, nghiên cứu. Ông là tác giả câu nói nổi tiếng “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”. Ông cho rằng tiếng nói gắn liền với vận mệnh dân tộc, tổ quốc. Nhờ giữ được nguyên vẹn tiếng mẹ đẻ trong suốt hơn nghìn năm Bắc thuộc mà dân tộc ta không bị Hán hoá và do đó không trở thành một dân tộc ít người của Trung Quốc. Ông viết: “Người Tàu cai trị ta hơn ngàn năm; văn hoá Tàu, ta đổi theo; phong tục Tàu, ta bắt chước; duy tiếng ta, ta nói; ta không nói tiếng Tàu.”

Phạm Quỳnh sinh tại số 17 phố Hàng Trống, Hà Nội; quê quán ở làng Lương Ngọc, tỉnh Hải Dương, một làng khoa bảng, có truyền thống hiếu học. Mồ côi mẹ từ 9 tháng tuổi, mồ côi cha từ khi lên 9 tuổi, Phạm Quỳnh côi cút được bà nội nuôi ăn học.

Phạm Quỳnh học giỏi, có học bổng, đỗ đầu bằng Thành chung, Trường trung học Bảo hộ (tức Trường Bưởi, nay là Chu Văn An ). Năm 1908, Phạm Quỳnh làm việc ở Trường Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lúc vừa tuổi 16.

Từ năm 1916, ông tham gia viết báo cho một số tờ có uy tín đương thời; làm chủ bút kỳ cựu của Nam Phong tạp chí từ ngày 1 tháng 7 năm 1917 cho đến năm 1932; tuyên truyền cho tư tưởng “Pháp Việt đề huề”. Cũng trong thời kỳ 1924–1932, ông còn là giảng viên Trường Cao đẳng Hà Nội.

Ngày 2 tháng 5 năm 1919, ông sáng lập và là Tổng Thư ký Hội Khai trí Tiến Đức. Ông Trần Trọng Kim là Trưởng ban Văn học của Hội; và Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ.

Năm 1922, với tư cách đại diện cho Hội Khai trí Tiến Đức, ông đã sang Pháp dự Hội chợ triển lãm Marseille rồi diễn thuyết cả ở Ban Chính trị và Ban Luân lý Viện Hàn lâm Pháp về dân tộc giáo dục.

Năm 1924, ông được mời làm giảng viên Khoa Bác ngữ học, Văn hóa, Ngữ ngôn Hoa Việt, Trường Cao đẳng Hà Nội, trợ bút báo France – Indochine.

Từ năm 1925–1928, Phạm Quỳnh là Hội trưởng Hội Trí tri Bắc Kỳ; năm 1926 ông làm ở Hội đồng Tư vấn Bắc Kỳ và đến năm 1929 được cử vào Hội đồng Kinh tế và Tài chính Đông Dương.

Năm 1930, Phạm Quỳnh đề xướng thuyết lập hiến, đòi hỏi người Pháp phải thành lập hiến pháp, để quy định rõ ràng quyền căn bản của nhân dân Việt Nam, vua quan Việt Nam và chính quyền bảo hộ.

Năm 1931, ông được giao chức Phó Hội trưởng Hội Địa dư Hà Nội.

Năm 1932, giữ chức Tổng Thư ký Ủy ban Cứu trợ xã hội Bắc Kỳ.

Ngày 11 tháng 11 năm 1932, sau khi Bảo Đại lên làm vua thay Khải Định, ông được triều đình nhà Nguyễn triệu vào Huế tham gia chính quyền, thôi không làm chủ bút Nam Phong tạp chí nữa. Tại Huế thời gian đầu ông làm việc tại Ngự tiền Văn phòng, sau đó làm Thượng thư Bộ Học và cuối cùng giữ chức vụ Thượng thư Bộ Lại(1942–1945).

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Ông lui về sống ẩn dật ở biệt thự Hoa Đường bên bờ sông đào Phủ Cam, Huế.

Trước đây, cũng có nhiều người cho rằng ông gắn bó với các chủ trương chính trị của thực dân Pháp. Ông bị coi là “ru ngủ” thanh niên trí thức trong cái “hồn nước” mơ hồ, khiến họ đi chệch khỏi chí hướng làm cách mạng chống Pháp. Trong một thời gian dài, quan điểm chính thống của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam gọi ông là tay sai đắc lực của Pháp.

Ngày 25 tháng 8 năm 1945, Phạm Quỳnh bị Phan Hàm và Võ Quang Hồ bắt giữ theo lệnh khẩn của Mặt trận Việt Minh và áp giải ra khỏi Huế cùng với Ngô Đình Khôi (anh cùng cha khác mẹ với Ngô Đình Diệm) và Ngô Đình Huân (con trai của Ngô Đình Khôi). Ba người bị xử bắn không lâu sau đó.

Di hài ông được tìm thấy năm 1956 trong khu rừng Hắc Thú, và được cải táng ngày 9 tháng 2 năm 1956 tại Huế, trong khuôn viên chùa Vạn Phước.

Theo nhạc sĩ Phạm Tuyên – con trai của học giả Phạm Quỳnh, vào mùa thu năm 1945, Hồ Chí Minh đã nói với hai người chị của ông là Phạm Thị Giá và Phạm Thị Thức rằng: “Cụ Phạm là người của lịch sử, sẽ được lịch sử đánh giá lại sau này. Con cháu cứ vững tâm đi theo cách mạng”.

Phạm Quỳnh được coi là người đi tiên phong trong việc dùng tiếng Việt để viết lý luận. GS Dương Quảng Hàm đánh giá các công trình của ông là đã “luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới”.

Ông là tác giả và dịch giả nhiều bài viết và sách văn học, triết học, cách ngôn, ngụ ngôn, tuồng hát tiếng Pháp dịch ra tiếng Việt và tùy bút. Gần như toàn bộ các tác phẩm của ông đều đăng trên tạp chí Nam Phong. Nhiều bài sau đó in lại thành sách do Đông Kinh ấn quán ở Hà Nội xuất bản.

 

Các tác phẩm của ông có thể chia làm ba loại:

Dịch thuật

Bao gồm các tác phẩm luận thuyết, phương pháp luận, sách cách ngôn, kịch bản và thơ văn… Ông dịch các đoạn văn và tác phẩm từ tiếng Pháp, chủ yếu thiên về triết học, như triết học của Descartes. Tuy nhiên, ông cũng có dịch một số tác phẩm nghệ thuật như kịch của Corneille.

Khảo luận

Phần quan trọng nhất trong các tác phẩm của Phạm Quỳnh là các tác phẩm khảo cứu. Ông nghiên cứu trong các sách chữ Nho, sách tiếng Pháp, và viết lại những bài chuyên khảo bằng tiếng Việt. Có ba ngành ông chú trọng là:

Các học thuyết Âu Tây, như trong Văn minh luận, Khảo về chính trị nước Pháp, Lịch sử và học thuyết của Rousseau, Lịch sử và học thuyết của Montesquieu, Lịch sử và học thuyết của Voltaire, v.v…

Học thuật Á Đông, những bài về triết học và tôn giáo Á Đông như Phật giáo lược khảo, Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng, v.v…

Văn hóa Việt Nam, với chủ đề trải rộng từ Tục ngữ ca dao, tới Việt Nam thi ca, tới Văn chương trong lối hát ả đào.

Nhiều tác phẩm của ông liên kết những học thuật Âu Tây và phân tích, so sánh chúng với các khái niệm quen thuộc của người Việt Nam. Như trong bài Cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng ông có phần phân tích và so sánh giữa quan niệm người quân tử của đạo Khổng và người “chính nhân” (là chữ ông dùng cho l’honnête homme) trong văn hóa Pháp. Hay như ông có những bài Văn hóa Pháp đối với tiền đồ nước Nam hoặc Công cuộc chấn chỉnh quốc gia ở nước Pháp và khôi phục cổ điển ở nước Nam.

Văn du ký

Ông viết nhiều du ký ghi lại những điều quan sát, nhận định, nghị luận trong các chuyến du lịch đi Pháp và đi các vùng đất Việt Nam như:

Mười ngày ở Huế (1918)

Một tháng ở Nam Kỳ (1919)

Pháp du hành trình nhật ký (1922)

Từ năm 2000, nhiều tác phẩm của Phạm Quỳnh đã được xuất bản tại Việt Nam:

Mười ngày ở Huế, Nhà xuất bản Văn học – 2001

Luận giải Văn học và Triết học, Nhà xuất bản Thông tin, 2003

Pháp du hành trình nhật ký, Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2004

Thượng Chi văn tập, Nhà xuất bản Văn học, 2007

Du ký Việt Nam, Nhà xuất bản Trẻ, 2007

Phạm Quỳnh – Tiểu luận viết bằng tiếng Pháp, Nhà xuất bản Tri thức, 2007 (gồm những bài diễn thuyết, bài báo ông viết bằng tiếng Pháp từ 1922 đến 1932)

Gia đình

Ông có một người vợ là bà Lê Thị Vân (1892-1953) và 16 người con (3 người mất từ nhỏ). Trong đó:

– Người con cả là Phạm Giao (sinh năm Tân Hợi 1911), kết hôn với bà Nguyễn Thị Hy, con gái ông Nguyễn Văn Ngọc (về sau bà Hy kết hôn với ông Trần Huy Liệu), sinh được hai người con, một gái, một trai.

– Phạm Thị Giá (sinh năm Quý Sửu 1913), vợ của quan Đốc học trường Thăng Long Tôn Thất Bình.

– Phạm Thị Thức (sinh năm Ất Mão 1915), vợ của Giáo sư Đặng Vũ Hỷ. Hai ông bà có người con trai là Đặng Vũ Minh, Giáo sư Tiến sĩ, Chủ tịch Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam.

– Phạm Bích (nam, sinh năm Mậu Ngọ 1918), Tiến sĩ Luật đã mất ở Thụy Sĩ.

– Phạm Thị Hảo (sinh năm Canh Thân 1920), vợ Dược sĩ Phùng Ngọc Duy, hiện sống tại Washington D.C., Hoa Kỳ.

– Phạm Thị Ngoạn (sinh năm Tân Dậu 1921), Tiến sĩ Văn chương, vợ của nhà văn Hán Thu Nguyễn Tiến Lãng.

– Phạm Khuê (nam, sinh năm Ất Sửu 1925), cố Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nguyên Viện trưởng Viện Lão khoa, nguyên Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam; Đại biểu Quốc hội khóa X.

– Phạm Thị Hoàn (sinh năm Mậu Thìn 1928), từng là ca sĩ. Chồng bà là nhạc sĩ Lương Ngọc Châu (cháu nội chí sĩ Lương Văn Can), tác giả những ca khúc như Tiếng hát lênh đênh, Một đi không trở về…

– Phạm Tuyên (nam, sinh đầu năm 1930, tuổi Kỷ Tỵ), nhạc sĩ, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội.

– Phạm Thị Diễm (Giễm) (sinh năm Tân Mùi 1931) định cư tại Pháp.

– Phạm Thị Lệ (sinh năm Giáp Tuất 1934) định cư tại Pháp.

– Phạm Tuân (nam, sinh năm Bính Tý 1936) định cư tại Hoa Kỳ.

– Phạm Thị Viên (sinh năm Mậu Dần 1938) định cư tại Pháp

Ngày 28 tháng 5 năm 2016, hội đồng họ Phạm Việt Nam phối hợp cùng gia đình nhạc sĩ Phạm Tuyên tổ chức lễ khánh thành công trình trùng tu mộ phần và dựng tượng Phạm Quỳnh tại Thành phố Huế. Bức tượng bán thân Phạm Quỳnh do chính người cháu ngoại của ông là kiến trúc sư Tôn Thất Đại thiết kế với chiều cao 60 cm, bề ngang 50 cm, được đặt ở bục cao gần 2 m nằm ngay sau ngôi mộ ông ở trước chùa Vạn Phước (phường Trường An, Thành phố Huế). Phía trước bia mộ được ốp tấm bia đá đen khắc ghi câu nói nổi tiếng của ông: “Truyện Kiều còn tiếng ta còn. Tiếng ta còn nước ta còn”.

Phạm Quỳnh đánh giá tiếng Việt bình dân [ông gọi là tiếng Nôm, tiếng ta] rất phong phú về ngữ âm và từ ngữ. Ông viết: Người nào hay chê tiếng Việt là nghèo hãy về nơi dân thôn hay ra chốn chợ búa, nghe bọn phụ nữ nói năng. Tôi tưởng các bậc tu mi [đàn ông]phải ghê cái tài hùng biện của các bạn quần trồi [đàn bà]… [điều đó] đủ chứng minh rằng tiếng Việt ta giàu biết bao nhiêu. Hãy thử nghe hai người đàn bà nhà quê nói chuyện hay cãi nhau, từ đầu chí cuối toàn là phươngngôn tục ngữ cả, cứ từng hồi, từng tràng, như một bài diễn thuyết trường thiên. Trong quốc âm ta có nhiều tiếng rắp đôi hay lắm [ví dụ láo nháo, xoen xoét], hay vô cùng, tưởng không có tiếng nước nào bằng.

Văn tiếng Nôm thường là văn truyền khẩu trong dân gian; ông nhận xét: Tuy không có sách nào biên chép, nhưng tôi dám quyết đó là một thứ văn chương rấtphong phú, tưởng không nước nào có một cái văn chương truyền khẩu giàu như nước ta. Tiếng ta thật giàu có mà lại tinh tế nữa.

Ông mạnh dạn vạch ra sai lầm suốt mấy nghìn năm của giới trí thức nước ta –– coi thường ngôn ngữ mẹ đẻ, tức tiếng Nôm, văn Nôm; họ “chung kiếp học mướn viết nhờ” (suốt đời học đạo Khổng Mạnh, viết chữ Hán); người coi trọng văn Nôm như Nguyễn Du, Đoàn Thị Điểm quá ít. Các cụ ta ngày xưa vì say đắm chữ Tàu nên lãng bỏ tiếngNôm, để cho con cháu ngày nay khổ vì có nước mà không có văn. Ông kêu gọi: Các cụ đã xao lãng, bọn ta phải chăm chú. Ngày nay người nào chịu viết văn Nôm là làm một việc công đức; người nào chịu đọc văn Nôm là làm một việc nghĩa vụ vậy. Công đức, nghĩa vụ ấy, người có lòng có dạ với nước nhà, há lại chẳng nên vui vẻ mà làm ư? Quan điểm tiến bộ, yêu nước ấy của ông trái với quan điểm của nhiều trí thức Hán học và Tây học đương thời: coi thường văn tiếng Việt, sùng bái văn Tàu hoặc Pháp.

Phạm Quỳnh nhận định đúng về mặt mạnh của tiếng Việt là ngữ âm rất phong phú. Ngôn ngữ học hiện đại cho biết tiếng Việt có số lượng âm tiết không xét thanh điệu (tức “khuôn âm tiết”, syllable) nhiều gấp chục lần tiếng Hán (4312 so với 415), nhờ thế tiếng Việt thích hợp dùng loại chữ viết dễ học là chữ biểu âm (phonogaph), còn tiếng Hán thì không. Kết quả là từ giữa thế kỷ 17 dăm vị giáo sĩ người Âu đã thành công chuyển đổi chữ Nôm thành loại chữ biểu âm Latin hoá (về sau gọi là chữ Quốc ngữ). Trong khi đó ở Trung Quốc, chính phủ và toàn dân bỏ ra ngót 100 năm tiến hành Latin hoá chữ Hán mà bất thành, rốt cuộc đành phải bỏ dở (từ 1986).

Tiếng Việt cũng rất phong phú về từ ngữ, bởi lẽ khi dùng ngôn ngữ biểu âm, ai cũng có thể tự do chắp các ngữ âm lại thành từ ngữ mới. Còn Hán ngữ có kho chữ Hán làm sẵn từ mấy nghìn năm trước, tất cả mọi người chỉ được dùng trong phạm vi số chữ ấy, không được làm chữ mới.

Tuy bênh vực tiếng Nôm nhưng Phạm Quỳnh cho rằng Tiếng ta giàu về phần cụ tượng [hình tượng] mà nghèo về phần trừu tượng…Bởi vậy tiếng ta sở trường về lối vận văn [văn vần, như thơ ca, vè, hát nói], còn lối tản văn [văn xuôi] là văn nghị luận thuyết lý thì vụng lắm. Những danh từ về nghĩa lý nếu không mượn chữ Nho[tức từ Hán Việt] thì không đủ tiếng mà dùng… Nói đến nghĩa lý thì các cụ ta toàn dùng Hán văn cả, cho rằng tiếng nước nhà là nôm na thô thiển. Thành ra tiếng ta[hiểu là chữ Nôm] xưa nay không bao giờ được cái danh dự dùng làm văn tự [chữ viết] để truyền bá học thuật. Danh dự ấy toàn thuộc về chữ Hán. Thật là những nhận xét rất xác đáng về ngôn ngữ học. Đúng thế, văn học chữ Nôm chủ yếu là thơ ca, hiếm có tác phẩm văn xuôi. Tác phẩm nổi tiếng nhất trong lịch sử văn học nước ta – Truyện Kiều, là truyện thơ, mượn nội dung của Trung Quốc, chủ yếu hay ở ngôn ngữ.

Phạm Quỳnh cho rằng tiếng Việt có sức sống vô cùng lớn, vì có thể mượn từ ngoại lai để làm giàu kho từ ngữ của mình. Nhờ mượn chữ Tàu [hiểu là từ Hán Việt] mà tiếng Việt mỗi ngày một giàu thêm; mượn chữ Tàu thì mượn bao nhiêu cũng có thể tiêu hoá được… không kể ngày nay đôi khi có thể mượn thêm chữ Tây nữa. Đúng vậy, ngót nghìn từ Hán-Nhật do người Nhật đặt ra vào cuối thế kỷ 19, khi du nhập nước ta cũng được người Việt Nam tiếp nhận, sử dụng toàn bộ.

Phạm Quỳnh nhận thức rất đúng về tính chất ngôn ngữ Việt. 100 năm trước, ông viết: Tiếng Việt Nam ta là một thứ tiếng độc vận, khác với các tiếngÂu Mỹ là những tiếng liên vận. Độc vận là đọc rời từng vần một, mỗi chữ là một vần [tức âm tiết]… Tiếng ta và tiếng Tàu mỗi vần là một tiếng, mỗi tiếng là một chữ. Cách giải thích như thế thật mạch lạc, dễ hiểu, uyên bác.

Ngày nay ta biết rằng tiếng Việt và tiếng Hán thuộc loại ngôn ngữ đơn âm tiết (monosyllabic, ông gọi là độc vận), mỗi tiếng một âm tiết. Vì thế hai thứ tiếng này “ngốn” rất nhiều âm tiết. Như trên đã nói, tiếng Việt vốn dĩ giàu âm tiết, cho phép làm được chữ viết biểu âm. Tiếng Hán quá nghèo âm tiết, chỉ thích hợp dùng chữ biểu ý (ideograph). Phần lớn ngôn ngữ trên thế giới thuộc loại đa âm tiết (multisyllabic, ông gọi là liên vận), ví dụ từ tiếng Nhật “Bushido”, tiếng Anh “Potato”, tiếng Nga “Rodina” đều có 3 âm tiết ghép theo kiểu tổ hợp (chỉnh hợp), có thể làm ra rất nhiều âm đọc, vì thế thích hợp dùng chữ biểu âm.

Phạm Quỳnh đánh giá đúng: nước ta không tồn tại nhiều tiếng địa phương khác nhau quá xa: Cứ thực mà nói, dân Việt Nam ta thật được hơn các dân tộc khác là chỉ có một thứ tiếng trong cả nước, người Việt Nam đi đến đâu cũngcó thể nghe hiểu được không khó gì. Ấy là ta chưa có văn chương sách vở gì nhiều, nếu có nhiều sách vở văn chương thì tiếng nói còn nhất trí hơn nữa. (Trong khi đó, tại Trung Quốc đến cuối năm 2000 mới có 80% số dân dùng Tiếng Phổ thông thống nhất toàn dân).

Phạm Quỳnh nhận thức đúng về chữ Hán và mối quan hệ giữa chữ Hán với tiếng Việt: Chữ Hán tuy phát tích từ Tàu mà từ thượng cổ đã không phải là văn tự riêng của một dân tộc Tàu. Chính nước Tàu ngày xưa cũng không phải là một nước, thực là một “thế giới” gồm nhiều nước. Mỗi dân có một tiếng nói riêng, có dân độc lập rồi vẫn chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa. Chữ Hán là khí cụ để truyền bá cái văn hoá ấy. Nó là một thứ chữ viết, không phải là một thứ tiếng nói, đem vào nước nào thì đọc theo thanh âm của nước ấy; chữ là chữ chung, nước nào cũng học chữ ấy mà đọc khác đi, nghe nhau không hiểu, phải viết ra chữ mới hiểu được.

Đúng thế, người Việt Nam, người Nhật, người Triều Tiên đều đọc chữ Hán theo âm của mình. Ông cho rằng nước ta chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa lâu đời quá nên tiếng Việt có quan hệ mật thiết với chữ Hán, vì vậyAi muốn gây dựng tiếng ta thành một nền quốc văn xứng đáng thì không thể nào đoạn tuyệt được cái cổ điển của ông cha ta, mà cái cổ điển ấy, ngoài chữ Nho thì không kiếm đâu được. Người nước ta không thể bỏ chữ Nho [tức từ Hán Việt]. Văn kỹ thuật, văn nghị luận càng cần phải mượn từ Hán Việt, vì tiếng Nôm không đủ dùng; chớ nên vì ghét người Tàu về chính trị, kinh tế mà ghét cả từ Hán Việt có gốc chữ Tàu. Thật là một quan điểm sáng suốt!

Rõ ràng, từ Hán Việt chiếm khoảng một nửa vốn từ tiếng ta, vả lại ngày nay đã Việt Nam hoá tới mức khó phân biệt với từ thuần Việt, càng không thể bỏ được.

Phạm Quỳnh ra sức đề cao chữ Quốc ngữ và đi đầu phong trào dùng chữ Quốc ngữ. Ông nói chữ Quốc ngữ là công cụ kỳ diệu giải phóng trí tuệ của người Việt Nam, là cái bè cứu vớt chúng ta trong biển trầm luân. Học giả Dương Quảng Hàm đánh giá các bài viết bằng chữ Quốc ngữ của Phạm Quỳnh đã “luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới”. Rõ ràng, chữ Quốc ngữ tuy mới chính thức sử dụng được hơn 100 năm nhưng đã góp phần quyết định đưa nền văn minh Việt Nam lên một tầng cao chưa từng thấy, hoà nhập văn minh nhân loại, giành được những thành tựu bỏ xa mấy nghìn năm trước.

Cuối cùng, Phạm Quỳnh đưa ra đường lối đúng đắn phát triển ngôn ngữ Việt: xây dựng nền Quốc học Việt Nam trên cơ sở nền Quốc văn bằng tiếng Việt có kết hợp sử dụng đúng mức từ Hán Việt và từ Pháp văn. Ông nói nước ta tất phải có nền quốc học riêng của mình, có thế nước nhà mới thật là được độc lập về đường tinh thần. Ta xưa nay chưa có nền quốc học, đó là do Kẻ thượng lưu thì học mướn viết nhờ, chung kiếp làm nô lệ tinh thần cho người [người nước ngoài]. Kẻ bình dân thì để mặc cho tối tăm dốt nát, không hề được chịu cái ảnh hưởng giáo hoá của người trên, vì trên dưới cách biệt nhau, dường như không cùng nhau nói một thứ tiếng vậy.”

Đúng vậy, ngày xưa nước ta tồn tại tiếng nói của tầng lớp trên (kiểu “nói chữ”, bắt chước lối nói “văn ngôn” của người Hán, chỉ dùng từ gốc Hán, ai không biết chữ Nho nghe không hiểu), và tiếng Việt bình dân mà Phạm Quỳnh gọi là tiếng Nôm. Ông nêu ví dụ: Bài “Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo rất hay, nhưng tiếc thay lại làm bằng chữ Nho, dẫu trong hàng tỳ tướng có lẽ cũng nhiều người không hiểu hết lời lẽ, nói chi đến trong dân gian. Nếu bài đó viết bằng tiếng [chữ] Nôm thì giọng văn hùng tráng đó lại còn thấm thía biết bao nhiêu, không những cảm các tỳ tướng mà lại cảm đến cả ba quân… còn cảm đến cả dân chúng nữa.

Đúng thế! Các học giả Việt Nam thời xưa rất ít viết bằng chữ Nôm. Đó là do Các cụ đời trước quá sùng thượng chữ Hán, không chịu viết bằng tiếng nước nhà. Văn thơ chữ Hán không phải là thứ của ta, phải dịch ra tiếng Nôm thì dân chúng mới hiểu. Vì thế ông chủ trương Muốn cho nước Nam có quốc học thì phải có quốc văn bằng tiếngNam, và kịch liệt phản đối quan điểm xây dựng nền quốc học trên cơ sở mượn dùng tiếng nước ngoài, bởi lẽ mượn tiếng người thì mượn cả tư tưởng của người, mượn cả học thuật của người rồi đến mượn cả tính tình phong tục của người nữa.

Dĩ nhiên, đã đề cao tiếng Nôm thì tất nhiên phải đề cao vai trò của văn chữ Nôm. Hàn Thuyên, tác giả đầu tiên của chữ Nôm, được ông ca ngợi “Vơ vẩn tơ vương hồn Đại Việt. Thanh tao thép lột giọng Hàn Thuyên”…Hai câu ấy thực là gồm cả các hy vọng tối thiết của bọn ta. Than ôi, vì sao mà ta khắc khoải trong lòng, băn khoăn trong dạ, vì sao ta mong mỏi mà tủi thương? Chẳng phải là từ xưa tới nay ta chưa từng được đem cái giọng Hàn Thuyên này mà diễn cái hồn Đại Việt kia ư? Khi được ngâm văn thơ Nôm, trong lòng ông có cái cảm vô hạn, tưởng như hồn xưa của đất Việt ta còn phảng phất đâu đây.

Chữ Nôm dù chưa được hoàn thiện do bị tầng lớp vua quan không thừa nhận, nhưng nhờ có chữ Nôm mà Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương v.v… đã viết nên một trang sáng ngời trong lịch sử văn học nước nhà. Không có chữ Nôm thì ta không thể biết tổ tiên mình mấy trăm năm trước nghĩ gì, nói thế nào, dùng từ thế nào. Hãy đọc mấy câu thơ chữ Nôm “Chơi cho liễu chán hoa chê, Cho lăn lóc đá, cho mê mẩn đời….Trong như tiếng hạc bay qua, Đục như nước suối mới sa nửa vời.” thì đủ biết tiếng Việt ngày xưa đã rất phát triển, chẳng khác gì lắm tiếng Việt hiện nay. Cho nên phát minh chữ Nôm thực là một sáng tạo kiệt xuất về ngôn ngữ học của tổ tiên ta.

Tuy đề cao tiếng Việt nhưng Phạm Quỳnh chủ trương rất đúng là nên sử dụng thêm từ Hán Việt ở mức vừa phải. Ông phản đối quan điểm cực đoan vì muốn bảo tồn tiếng thuần Việt mà bỏ hết từ Hán Việt (ông gọi là chữ Nho). Ông nêu ví dụ: Nếu nói “Ông vua Việt Nam đi chơi Bắc Kỳ nay đã về kinh rồi”, nghe sống sượng quá… Nếu dùng mấy chữ Nho [hiểu là từ Hán Việt] mà nói “Hoàng thượng ngự giá Bắc Kỳ, nay đã hồi loan”, có phải là lời văn trang trọng biết bao!

Những khảo sát trên đây của chúng tôi dù còn chưa đầy đủ và sâu sắc nhưng cũng đủ chứng tỏ Thượng Chi Phạm Quỳnh đích thực là nhà ngôn ngữ học của nước ta, hơn nữa, là người đi đầu nghiên cứu ngôn ngữ Việt, đề cao ngôn ngữ Việt. Những tìm tòi, sáng tạo và quan điểm của ông trên lĩnh vực ngôn ngữ đáng để chúng ta nghiên cứu học hỏi.

(Tham khảo, trích dẫn Từ điển bách khoa, Nguyễn Hải Hoành (Nghiên cứu quốc tế) và các báo tạp chí tiếng Việt)

Hình 1- Học giả Phạm Quỳnh

Hình 3- Từ trái qua: Nhà văn Phạm Duy Tốn, học giả Phạm Quỳnh và học giả Nguyễn Văn Vĩnh tại Paris năm 1922.

Hình 2- 5 vị Thượng thư thời vua Bảo Đại, từ trái qua phải: Hồ Đắc Khải, Phạm Quỳnh, Thái Văn Toản, Ngô Đình Diệm, Bùi Bằng Đoàn.

(*) Bài và ảnh – Nguồn từ fb Minh Tran Hop


 

Cuộc sống này là kỳ diệu

Đây là một câu chuyện có thật trong lịch sử. Tại một trường trung học ở Mỹ, có một lớp học nọ với 26 em học sinh cá biệt. Những em học sinh trong lớp học này đều có tiểu sử không mấy hay ho: em từng tiêm chích ma túy, em từng vào trại cải tạo, thậm chí có một học sinh nữ mà trong một năm đã phá thai tới 3 lần.

Gia đình đều chán nản và đã buông bỏ chúng, các thầy cô giáo trong trường thậm chí cũng coi chúng là đồ bỏ đi. Tưởng chừng cuộc sống đã hết hi vọng thì một ngày kia, Phila, một cô giáo mới về trường đã tình nguyện làm chủ nhiệm của những đứa trẻ hư hỏng này.

Khác với suy đoán của bọn trẻ, trong ngày đầu tiên nhận lớp, Phila đã không hề quát nạt hay ra oai với chúng. Trong chiếc đầm lụa màu xanh nhạt, mái tóc màu nâu hạt dẻ búi cao, Phila bước nhẹ lên bục giảng. Cô dịu dàng nhìn xuống lũ trẻ một lượt rồi cất tiếng với vẻ trầm ngâm:

“Cô sẽ kể cho các em nghe về quá khứ của 3 người đàn ông khác nhau:

Người thứ nhất đã từng có những vụ bê bối về chính trị, rất tin vào y thuật của thầy cúng, ông ta từng có tới 2 tình nhân, hút thuốc nhiều và uống 8-10 ly rượu mạnh mỗi ngày.

Người thứ hai đã 2 lần bị đuổi việc, hôm nào cũng ngủ tới trưa mới dậy và tối nào cũng uống 1 lít rượu brandy.

Ông ta từng hít thuốc phiện khi còn là sinh viên…

Người thứ ba là anh hùng chiến tranh của một đất nước. Ông ta ăn chay trường, không bao giờ hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống rượu, có uống bia nhưng uống không nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì phạm pháp và chưa từng có một vụ bê bối tình ái nào.

Cô hỏi cả lớp, trong 3 người, ai sau này sẽ có cống hiến nhiều nhất cho nhân loại?”

Những đứa trẻ đồng thanh chọn người thứ ba sau khi nghe xong câu chuyện, nhưng câu trả lời của Phila đã khiến lũ trẻ chết lặng.

“Các em thân mến! Cô biết chắc là các em sẽ chọn người thứ 3 và cho rằng chỉ ông ta mới có thể cống hiến được nhiều cho nhân loại. Nhưng các em đã sai rồi đấy. Ba người này đều là những nhân vật nổi tiếng trong thế chiến thứ 2.

Người thứ nhất là Franklin Roosevelt, tuy tàn tật nhưng ý chí kiên cường. Ông ta đã đảm nhận chức vụ Tổng thống Mỹ trong bốn nhiệm kỳ liên tiếp.

Người thứ hai là Winston Churchill, vị Thủ tướng nổi tiếng và tài ba nhất trong lịch sử nước Anh.

Còn người thứ ba là Adolf Hitler, con ác quỷ phát xít Đức đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội”.

Người thứ nhất – Roosevelt, người thứ 2 – Churchill, và người thứ 3 là Adolf Hitler, thật không thể ngờ…

Những đứa trẻ như ngây người trước câu trả lời của Phila và dường như không thể tin nổi vào những gì chúng vừa nghe thấy.

“Các em có biết không, những điều mà cô vừa nói là quá khứ của họ, còn sự nghiệp sau này của họ, là những việc mà họ đã làm sau khi đã thoát ra khỏi cái quá khứ đó. Các em ạ, cuộc sống của các em chỉ mới bắt đầu. Vinh quang và tủi nhục trong quá khứ chỉ đại diện cho quá khứ, còn cái thực sự đại diện cho cuộc đời một con người chính là những việc làm ở hiện tại và tương lai. Hãy bước ra từ bóng tối của quá khứ, bắt đầu làm lại từ hôm nay, cố gắng làm những việc mà các em muốn làm, và cô tin các em sẽ trở thành những người xuất chúng…” – Phila vừa nói vừa nhìn chúng với ánh mắt đầy hi vọng.

Và bạn biết không, sau này khi trưởng thành, rất nhiều học sinh trong số họ đã trở thành những người thành đạt trong cuộc sống. Có người trở thành bác sĩ tâm lý, có người trở thành quan tòa, có người lại trở thành nhà du hành vũ trụ. Và trong số đó phải kể đến Robert Harrison, cậu học sinh thấp nhất và quậy phá nhất lớp, nay đã trở thành Robert Harrison – Giám đốc tài chính phố Wall.

Ý nghĩa của câu chuyện ở đây là bạn hãy đừng bao giờ ngừng hi vọng, ngừng yêu thương, ngừng cố gắng bởi hôm qua chỉ là quá khứ, ngày mai là một điều bí mật, còn ngày hôm nay là một món quà.

Và đó là lý sao nó được gọi là “The Present” (hiện tại/món quà).

Trong cuộc đời của con người, mỗi ngày đều có thể là một sự bắt đầu mới mẻ còn những vinh quang và tủi nhục của ngày hôm qua đều chỉ là dĩ vãng.

Những việc trong quá khứ nói cho người khác biết bạn đã từng là người như thế nào, nhưng chính những việc làm ở hiện tại và tương lai mới nói lên bạn là ai.
Cô giáo trẻ mới về trường chỉ hỏi đúng 1 câu, đám học sinh hư hỏng chết lặng…Thế nên:

Đừng bao giờ hạ thấp giá trị của mình bằng cách so sánh với người khác.
Đừng bao giờ đặt mục tiêu của mình dựa vào những gì mà người khác cho là quan trọng. Chỉ bạn mới biết được những gì tốt nhất đối với chính mình.

Đừng bao giờ để cuộc sống vuột khỏi tầm tay bằng cách sống khép mình vào trong quá khứ, hay uốn mình vào trong tương lai. Hãy sống cho hiện tại, lúc này và ở đây.

Hãy hướng về phía mặt trời và bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy bóng tối.

Và cuối cùng, hãy nhớ rằng, dù người khác có nói với bạn điều gì đi nữa, hãy tin rằng cuộc sống này là kỳ diệu và đẹp đẽ.

SƯU TẦM

From: giang pham& KimBang Nguyen


 

Sau cãi vã, ông Bình Phước chém chết vợ cũ ngoài đường

Ba’o Nguoi-Viet

March 9, 2024

BÌNH PHƯỚC, Việt Nam (NV) – Nghi can Nguyễn Đức Thiện Tâm, 47 tuổi, quê Tiền Giang, vừa bị bắt với cáo buộc dùng dao chém chết vợ cũ tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Theo báo VOV, trong sự việc xảy ra vào trưa 9 Tháng Ba, một video clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cảnh nghi can Tâm đánh tới tấp một người phụ nữ ngay trên đường.

Vụ án mạng xảy ra tại thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước. (Hình: VOV)

Những người chứng kiến vụ việc đến can ngăn thì bị ông này hù dọa.

Nghi can Tâm sau đó chạy lại xe gắn máy lấy một con dao rựa tiếp tục chém người phụ nữ đang nằm bò dưới đất.

Do thấy nghi can quá hung hăng nên những người xung quanh chỉ đứng từ xa, dùng ghế nhựa, thang, cây dài ném ông ta.

Trong đoạn còn có một đứa bé chạy lại can ngăn, quỳ lạy nhưng nghi can vẫn không dừng tay mà tiếp tục chém nạn nhân.

Đến khi người phụ nữ nằm bất động thì nghi can mới bỏ đi.

Liên quan vụ việc, Công An Tỉnh Bình Phước cho hay, sau khi biết nạn nhân thiệt mạng, nghi can Tâm đã ra đầu thú rồi bị bắt.

Danh tính nạn nhân là bà Kim Hạnh, 46 tuổi, quê Đồng Tháp.

Được biết sau vợ chồng ly hôn, bà Hạnh sống cùng hai đứa con tại thị xã Chơn Thành, còn nghi can Tâm ở huyện Củ Chi, Sài Gòn.

Do cả hai xảy ra mâu thuẫn nên nghi can Tâm đã chạy xe gắn máy lên Bình Phước gặp vợ cũ, mang theo một dao Thái Lan và một dao rựa.

Khi vừa gặp nhau, cả hai lập tức xảy ra cãi vã nên nghi can Tâm đã dùng dao chém chết vợ cũ.

Trong một bi kịch tương tự, báo Hà Nội Mới hồi cuối Tháng Giêng cho biết, bị cáo Nguyễn Văn Mạnh, 40 tuổi, quê Hải Phòng, bị một tòa án ở Hà Nội kết án chín năm tù với cáo buộc “giết người.”

Nạn nhân là bà Dương Thị Thiết, 39 tuổi, ở Hà Nội, vợ cũ của bị cáo.

Theo cáo trạng, hồi năm 2014, vợ chồng ông Mạnh ly hôn. Sau đó ông Mạnh kết hôn với bà NTL, cũng ở Hà Nội.

Nhà chức trách phong tỏa hiện trường. (Hình: VOV)

Đến năm 2019, ông Mạnh và bà L. quyết định ly thân. Thời gian này, ông Mạnh thường quay về nhà bà Thiết để cùng chăm sóc hai đứa con nhưng chẳng bao lâu, cả hai lại tiếp tục mâu thuẫn.

Hồi Tháng Chín năm ngoái, sau khi uống rượu, ông Mạnh đến nhà bà Thiết rồi nảy sinh ý định dùng một khúc gỗ sát hại vợ cũ trong lúc bà này đang ngủ.

Do được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời, bà Thiết giữ được mạng sống, bị tổn hại sức khỏe 10%. Sau sự việc, ông Mạnh ra công an đầu thú. (N.H.K) [qd]


 

Hoàng Xuân Hãn, người đặt nền móng cho Giáo dục và Học thuật Việt Nam hiện đại

Nguyễn Ngọc Giao

O” tròn như quả trứng gà

ô” thì đội mũ, “ơ” thời có râu

(…)

I”, “Tờ” có móc cả hai,

i” ngắn có chấm, “tờ” dài có ngang.

(…)

Bạn đọc trẻ, thậm chí trung niên, chắc ít ai biết những câu thơ lục bát giản dị, thân thuộc như ca dao, càng khó hình dung ra tác động to lớn của chúng trong phong trào « bình dân học vụ » những năm 1945-47, nhờ đó, hàng triệu đồng bào đã thoát khỏi nạn mù chữ. Phong trào « bình dân học vụ » đã tiếp nối và khuếch trương hoạt động của hội « Truyền bá Quốc ngữ » do cụ Nguyễn Văn Tố và một số trí thức thành lập năm 1936, trong đó có Hoàng Xuân Hãn, giáo sư toán học giảng dạy tại trường Bưởi (tức là trường trung học Chu Văn An).

Tác giả những câu “ca dao” đã đi vào lịch sử ấy, chính là Hoàng Xuân Hãn.

Năm học 1945-46, trong lúc những em bé chăn trâu nắn nót viết « i tờ » bằng vôi trắng trên lưng trâu, những bà mẹ già, những thanh niên nam nữ đánh vần « o tròn », thì lần đầu tiên, học sinh trung học được học các môn bằng tiếng Việt, theo « chương trình trung học », và ở đại học, các bộ môn khoa học cơ bản (toán, lý, hóa, sinh học..) được giảng bằng tiếng Việt.

Người soạn thảo « chương trình Trung học », công bố mùa hè 1945 cũng là tác giả bộ « Danh từ Khoa học » (xuất bản năm 1942) : Hoàng Xuân Hãn.

Tình cờ, cuối năm 1975, về nước lần đầu tiên sau ngày 30 tháng tư, tôi được gặp và sống chung hai tuần với nhà báo lão thành Thép Mới. Được anh kể nhiều chuyện, tôi còn nhớ mãi chuyện « thời Mỹ ném bom Nhật » năm 1943-1944 : năm ấy, Thép Mới học năm cuối trung học, học toán « bác Hãn ». Mỹ ném bom đường chuyển quân và vũ khí của quân đội Nhật ở Đông Dương, trường Bưởi sơ tán, thầy trò về Thanh Hóa. Hình như anh không còn giữ kỷ niệm về những lớp học toán sơ tán, nhưng anh say sưa kể những buổi đi « rập bia » với thầy.

Tốt hơn cả, xin chép lời kể của chính “bác Hãn” :

« Tôi biết vùng (Thanh Hóa) có nhiều cổ tích, lúc không bận dạy học là đi tìm. Lóc cóc trên chiếc xe đạp, kèm sau nải chuối xanh. Tìm ra được bia cổ, lần đọc. Đọc xong cắt đôi quả chuối xát lên mặt bia, trải tấm giấy bản lên, rập lấy tư liệu. Chuối xanh dán dính mà không chặt, rập xong gỡ tờ giấy ra rất dễ, không rách ».

Trong thời gian ấy, bác đã phát hiện 4 tấm bia đầu thế kỷ 12, trong đó có ba nói về Lý Thường Kiệt. Các tấm bia ấy đã bị phá hủy trong những năm chiến tranh, ngày nay ta còn giữ được văn bản là nhờ những tờ « rập bia » của bác Hãn.

Một nguyên tắc của Hoàng Xuân Hãn khi đi vào nghiên cứu sử học và văn hóa dân tộc là « tôn trọng tư liệu, thu thập tối đa ». Gia phả các dòng họ, bằng sắc, giấy tờ còn giữ lại trên các bàn thờ, những trang giấy bản đem bán đồng nát, thậm chí những tờ rời, nằm trên vỉa hè Hà Nội cuối năm 1946-1947, có tờ đã được dùng làm giấy vệ sinh… Chính nhờ « con mắt xanh », nhận ra từ đó những tư liệu quý, mà ngày nay chúng ta có được đạo sắc do chính tay Quang Trung Nguyễn Huệ viết cho Nguyễn Thiếp (La Sơn Phu Tử) – nay được lưu trữ ở Viện bảo tàng lịch sử.

Áp dụng tinh thần phê phán khoa học, Hoàng Xuân Hãn đã để lại cho chúng ta những công trình nghiên cứu gương mẫu như Lý Thường KiệtLa Sơn Phu Tử…

Cũng với nguyên tắc « sưu tầm tối đa » và tinh thần phê phán, trên cơ sở các bản nôm Chinh Phụ Ngâm (bản in và bản chép tay, cùng với những gia phả), Hoàng Xuân Hãn đã chứng minh một cách thuyết phục rẳng bản mà chúng ta được học ở nhà trường không phải là của Đoàn Thị Điểm, mà của Phan Huy Ích – và tác giả cũng đã tìm ra bản diễn ca đích thực của Đoàn Thị Điểm.

Tinh thần khoa học và sư uyên bác về toán học, thiên văn học cũng đã đưa Hoàng Xuân Hãn đến việc đối chiếu âm lịch và dương lịch, và nhất là tìm ra tại sao, trong một số thời kỳ, âm lịch Việt Nam khác với âm lịch Trung Quốc.

*

Tháng 5-1954, Hội nghị Genève về Đông Dương khai mạc. Lúc ấy, học giả Hoàng Xuân Hãn đang ở thủ đô Rôma nước Ý, theo lời mời của Tòa thánh Vatican để tham khảo những tư liệu chữ Nôm được lưu trữ từ thế kỷ 16. Qua báo chí, ông theo dõi diễn biến hội nghị, và suy nghĩ đến những nguy cơ chia cắt đất nước lâu dài nếu vì sao phải đi tới giải pháp phân vùng theo một vĩ tuyến cắt ngang lãnh thổ.

Ông muốn viết thư góp ý kiến với phái đoàn do phó thủ tướng kiêm bộ trưởng ngoại giao  dẫn đầu. Nhưng thư không thể viết bằng quốc ngữ hay tiếng Pháp, vì qua bưu điện, đối phương hay một bên thứ ba có thể đọc trộm được. Làm sao ? Biết rằng trong phái đoàn, có bộ trưởng Phan Anh, người bạn cố tri, đọc được chữ nôm. Thế là ông đã viết thư bằng chữ nôm, lá thư đã tới tay người nhận một cách an toàn. Giai thoại này làm chúng ta nhớ tới thời chiến tranh thế giới lần thứ hai : Đức quốc xã không « giải mã » được một số điện mật của quân đội Đồng Minh vì họ dùng ngôn ngữ Navajo, một tộc người bản địa Bắc Mỹ.

Giai thoại trên cho thấy Hoàng Xuân Hãn là một chuyên gia hàng đầu về chữ Nôm, nhờ sự uyên bác về Hán ngữ, và hiểu biết về biến chuyển của phát âm tiếng Việt theo dòng thời gian từ mấy thế kỷ nay (mỗi chữ Nôm gồm hai phần, phần nghĩa dùng chữ Hán, phần âm dùng một chữ Hán mà cách phát âm gần giống tiếng Việt, thí dụ : chữ Nôm « năm » (số 5) ghép chữ Hán « ngũ » và chữ Hán « nam », phát âm gần « năm » ; còn chữ Nôm « năm (tháng) » ghép chữ Hán « niên » (nghĩa) và « nam » (âm) ; cái khó của chữ Nôm là phần âm thay đổi theo thời gian và không gian – cách phát âm của mỗi vùng).

Nói dông dài một chút để bạn đọc hiểu tại sao say mê những năm cuối đời của học giả Hoàng Xuân Hãn là : đi tìm bản Kiều nào « sát gần » nhất nguyên tác của Nguyễn Du. Như ta biết, Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều vào đầu thế kỷ 19 (năm 1820, theo nhiều giả thuyết). Tác phẩm vĩ đại được truyền khẩu từ Bắc chí Nam, nhưng những bản in đầu tiên phải đợi đến cuối thế kỷ 19 mới xuất hiện, cạnh đó là những bản chép tay lưu truyền trong một số dòng họ, mà đã chép tay thì dễ « tam sao thất bản ». Đi tìm nguyên bản có thể là không tưởng, nhưng chí ít cũng phải tìm ra bản nào « gần » nguyên tác. Đây là một công trình đầy khó khăn, trong đó ngoài sự uyên bác, Hoàng Xuân Hãn còn có lợi thế : người Hà Tĩnh, đồng hương với tác giả Truyện Kiều, có thể « giải mã » được những chữ Nôm mà phần âm sử dụng cách phát âm của phương ngữ Hà Tĩnh !

Công trình đồ sộ ấy tất nhiên chưa hoàn thành. Những di cảo và tài liệu của bác về chủ đề này, theo tôi biết, chiếm hơn một mét trong thư viện. Điều đáng mừng là tủ sách và di cảo của bác, trong một phần tư thế kỷ vừa qua đã được con rể của hai bác, nhà toán học Nghiêm Xuân Hải, gìn giữ cẩn mật. Anh Hải vừa mất đi (tháng 9.2023). Đáng mừng là các con anh rất trân quý di sản của ông ngoại, đã có thỏa thuận hợp tác với cơ quan nghiên cứu uy tín là Viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) trước hết là số hóa và điều chỉnh những trang di cảo của học giả. Nhờ đội ngũ chuyên gia chữ Nôm và chuyên gia ứng dụng số hóa của EFEO, hy vọng trong một thời gian không xa lắm, các nhà nghiên cứu ở Việt Nam và trên thế giới, có thể tham khảo qua mạng, và tiếp tục công trình nghiên cứu Kiều học của học giả Hoàng Xuân Hãn.

*

Ngày 20.2.1996 (mồng 2 tết Bính Tý), ông tới Đại sứ quán Việt Nam nhờ chuyển một bức thư tay cho đại tướng Võ  (« anh Văn »). Hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua, bức thư còn giữ nguyên tính chất thời sự. Chúng tôi xin trích đăng một số đoạn :

«  Thân gửi anh ,

(…) Chúng ta là những kẻ tủi-nhục cho nước khi trẻ, mà may-mắn hơn nhiều bạn, còn sống đến ngày nay, nhận thấy đất nước thống-nhất độc-lập. Nhưng lại sợ rằng lớp trẻ, hiện nay là sinh-lực của nước, sẽ chóng quên tủi nhục xưa và công lao những người như các Anh.

Tôi đã có lúc biện-luận về điều khác biệt giữa sự thắng ngoại-xâm và sự giải-phóng đất nước. Nước ta chỉ có hai cuộc giải-phóng mà thôi: thời 1416-1427 với Lê Lợi cùng Nguyễn Trãi, và thời 1945-1975 . Tự nhiên cả hai mặt phải nhờ gắn-bó giữa mưu-lược lãnh-đạo và kiên-cường nhân-dân. Khi ngoại-xâm thì nhân-dân ai cũng căm-tức và lo-sợ cho tương-lai; còn trong cuộc giải-phóng thì địch đã ở chung với nhân-dân lâu trong nước, rồi có thể dùng quyền-lợi để chia rẽ và giảm tinh-thần nhân-dân. Vì vậy, cái cần-thiết nhất trong cuộc giải-phóng là cái ĐỨC của những người lãnh-đạo, cái Đức để cho địch không tìm cách mua-chuộc mình và làm gương cho nhân-dân giữ lòng yêu nước

(…)  Nước ta nghèo ; mới độc-lập và thống-nhất. Vậy sự bảo-thủ đất-nước rất khó. Nước lại có nhiều dân-tộc thiểu-số, tuy tỉ-lệ nhỏ, nhưng ở những vùng kinh-tế quan trọng ở mé Bắc và và mé Tây, và cả tại trung-châu như Chàm và Khme khrom. Gương ngoại-bang xui-khiến hay giúp-rập không thiếu: Tchechene, Đông-Âu, Tây-Á. Phi-Châu. Tôi nghĩ rằng phải tôn-trọng và ứng-dụng văn-hoá địa-phương và coi đó là văn-hoá Việt-nam, đồng-hoá chóng về trình-độ kiến-thức và trà-trộn dân-tộc trong lúc tuyển-chọn cán-bộ. Nước Pháp đã giải-quyết được vấn-đề Bretons, Auvergnats, Alsaciens, Basques v.v. mà vấn-đề Irland ở Anh vẫn tồn-tại. (…)

Về mặt kinh-tế, sự mở cửa cho ngoại-quốc đầu-tư là một sự dĩ-nhiên để dân mình có việc làm, học kỹ-thuật, học quản-lý, kiến-thiết hạ-tầng cơ-sở, nâng dần đời sống, và nhờ đó báo-đáp ít nhiều công-lao lãnh-đạo và nhân-dân. Nhưng các Anh cũng đồng-ý với tôi thà chịu thiệt-thòi chút ít bây giờ, chứ không để nợ lớn lâu dài về sau cho con cháu, đến mức không bao giờ trả hết lãi.

Cuối cùng, tôi muốn nói qua về vấn-đề bom hạt-nhân. Pháp vừa tuyên-bố ngừng thử, Trung-quốc vẫn thí-nghiệm và làm. Nước ta không thể có; nhưng phải nghĩ đến lúc bất ngờ có địch-thủ lấy nó để đe-doạ mình thì làm sao? Đây không phải là một giả-thuyết suông. Trung-quốc hiện nay còn đe-doạ Đài-loan nếu xứ nầy tưởng dựa vào Hoa-kỳ mà tỏ thái-độ ly-khai. Nếu lục-địa lấy bom hạt-nhân ra đe-doạ, Hoa-kỳ có can-thiệp vào nội-trị nước khác không? Ngoại-giao ta ắt có lúc phải chọn một nước lớn có bom hạt-nhân mà Trung-quốc sợ, để trở-ngại ý-đồ đe-doạ của địch. »

Năm ấy ông 88 tuổi. Kèm theo bức thư, ông chép gửi tặng bạn bài thơ khai bút « Xuân Bính Tý » (1996) :

Tám chục may rồi sắp chín mươi

Sức chừng thêm đuối tính thêm lười

Sử nhà bạn cũ ôn không thẹn

Vận nước tình sâu mộng sẽ tươi

Văn ngữ thời xưa tìm kiếm gốc

Tinh hoa thuả mới gắng đua người

Tuổi cao nhưng chí còn trai trẻ

Mắt đọc tay biên miệng vẫn cười.

Trên đường về, trượt chân té ngã, ông được đưa vào bệnh viện Orsay. Ít ngày sau, ông từ trần. Ngày 10.3.1996.

Hoàng Xuân Hãn đã sống gần trọn thế kỷ 20, nửa cuộc đời ở Việt Nam, nửa sau ở Pháp.

Ông sinh năm 1908 ở Yên Hồ, La Sơn, Hà Tĩnh. Thuở nhỏ học chữ Hán, trung học cấp một ở Vinh, cấp hai ở Hà Nội (Trường Bưởi rồi Lycée Albert Sarraut). Đỗ Thủ khoa Tú tài năm 1928, ông được học bổng sang Pháp, học lớp dự bị thi vào những « trường lớn ». Năm 1930, trúng tuyển vào hai trường nổi tiếng nhất : Ecole Normale Supérieure (ENS, Cao đẳng Sư phạm) và Ecole Polytechnique (Trường Bách khoa). Ông chọn trường Bách khoa (sau đó, Trường cao đẳng Cầu Đường (*)) với hy vọng có thể giúp nước với cương vị Kỹ sư. Nhưng dưới chế độ thực dân, không có chỗ đứng cho một Kỹ sư « bản xứ », ông trở lại Pháp năm 1934, theo học lớp dự bị thi Thạc sĩ (Master=Cao học) tại ENS và trúng tuyển Thạc sĩ toán học.

Về nước, ông giảng dạy lớp đệ Nhất Trường Bưởi. Tháng tư 1945, sau khi Nhật đảo chính Pháp (trước khi thất trận), tham gia nội các Trần Trọng Kim với chức vụ bộ trưởng Giáo dục – Mỹ thuật) cùng với bạn thân là Phan Anh (Bộ Thanh niên – Nhật không để cho chính quyền Bảo Đại trách nhiệm quốc phòng và ngoại giao), cả hai đều giao ước với ông Trần Trọng Kim, ngay khi Đồng Minh thắng trận, chính quyền phải nhường chỗ cho chính quyền cách mạng.

Tháng 5-1946, ông tham gia phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Đà Lạt. Kháng chiến bùng nổ, Hoàng Xuân Hãn ở Hà Nội, giữ liên lạc với kháng chiến, nhà thuốc Hoàng Xuân Hãn (của vợ ông, dược sĩ Nguyễn Thị Bính) thường xuyên cung cấp thuốc men cho kháng chiến. Được thông báo chính quyền Bảo Đại tìm cách bắt ông, Hoàng Xuân Hãn sang Pháp năm 1951. Trong những năm làm việc ở Trung tâm Nguyên tử lực Pháp (CEA), và nhất là sau đó, ông dành thì giờ nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Việt Nam.

(*) Năm 2011, ông được trường này (Ecole Nationale Supérieure des Ponts et Chausssées) vinh danh bằng cách đặt tên ông cho một giảng đường của trường.

Hinh trên bên chụp tấm bảng tóm tắt tiểu sử Hoàng Xuân Hãn đặt trước cửa giảng đường.

Nguyễn Ngọc Giao


 

 Hàng chục ngàn doanh nghiệp buộc phải rút khỏi thị trường trong hai tháng

 Hàng chục ngàn doanh nghiệp buộc phải rút khỏi thị trường trong hai tháng

Posted by BVN4

RFA

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. AFP PHOTO

Tổng cục Thống kê Việt Nam mới đây cho biết, bình quân 1 tháng có gần 31.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 2 tháng đầu năm 2024 là khoảng 63.000 doanh nghiệp.

Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất tư nhân ở Quận 2 thành phố Hồ Chí Minh, không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 4/3/2024 cho RFA biết thực tế:

“Tình hình sáu mươi mấy ngàn doanh nghiệp rút khỏi thị trường thì cũng đúng thôi, vì kinh tế đi xuống. Nhưng hai tháng vừa qua cũng có khoảng 130 ngàn doanh nghiệp đăng ký mới. Có đi cũng có đến, nhưng nói chung tình hình vẫn khó khăn. Thứ nhất là giá nguyên liệu tăng, thứ hai là giá năng lượng tăng, thứ ba là đầu ra hầu như hoàn toàn giảm sút rất lớn, tới khoảng 30-40%, lượng hàng xuất khẩu cũng rất ít… Còn thị trường trong nước thì điêu đứng, rơi vào tình trạng người bán thì có người mua thì không”.

Theo vị giám đốc này, hiện tại ở Việt Nam những mặt bằng lớn đẹp nằm giữa ngay trung tâm thành phố đều không có người thuê. Ông cho biết nguyên nhân:

“Do kinh doanh chịu không nổi, cái chính là do thu nhập người dân không có, đầu tư nước ngoài vào không có, việc làm không có, người dân không có tiền tiêu xài… nên sức mua giảm và kéo theo cả nền kinh tế. Đặc biệt là những hệ thống bán lẻ vất vả lắm. Tôi sợ tình hình còn bi đát hơn thời năm 2023. Mình hy vọng thôi, chứ thật sự đối với một nhà sản xuất nhỏ như tôi thì thật lòng mà nói rất bi đát”.

Vị này còn cho biết thêm, đối với ngân hàng, có vốn cho vay mà không ai vay, còn người vay thì không dám vay, vì vay không để làm gì. Theo vị Giám đốc này, hầu như toàn bộ hệ thống tiêu dùng, thu nhập của người dân lao dốc một cách khủng khiếp và khó khăn rất nhiều.

Ảnh minh họa chụp tại TP.HCM trước đây. AFP PHOTO

Không chỉ doanh nghiệp tư nhân, đầu năm 2023, hàng loạt  DNNN than lỗ từ vài trăm đến đến hàng chục ngàn tỷ đồng, xin được hỗ trợ hoặc tăng giá. Đơn cử như Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines dù có doanh thu trong năm 2022 phục hồi bằng hai năm trước đó cộng lại, nhưng vẫn than lỗ hơn 10 ngàn tỷ đồng với nguyên nhân được hãng này giải thích là do giá nhiên liệu và tỷ giá biến động mạnh.

Một DNNN độc quyền khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN cũng cho biết năm 2022 lỗ đậm gần 29.000 tỷ đồng. Sau đó EVN cũng cho biết năm 2023 chịu lỗ 17.000 tỷ đồng.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương từ năm 1993 đến năm 2002, nhận định với RFA hôm 4/3/2024 về vấn đề này:

“Đây là một tình hình rất đáng quan ngại, bởi vì các doanh nghiệp đó tạo ra công ăn việc làm và đóng thuế cho ngân sách nhà nước. Việc doanh nghiệp đóng cửa là bởi vì trong thời gian qua, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển tốt, nhưng công nghiệp của Việt Nam nhất là công nghiệp chế biến gặp nhiều khó khăn, do các sự kiện vận tải ở Biển Đỏ – Trung Đông, cũng như việc nhập các nguyên vật liệu và việc xuất khẩu sang thị trường châu Âu có nhiều khó khăn”.

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Nhà nước có các biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng rất tiếc là các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đó chưa được thực hiện một cách có hiệu quả. Ông Doanh nói tiếp:

“Số doanh nghiệp đóng cửa lớn hơn số doanh nghiệp đăng ký mới, vì vậy sức ép lên công ăn việc làm, cũng như là việc bảo đảm nguồn thu ngân sách từ khu vực kinh doanh trong nước là khó khăn. Trong khi đó thì diễn biến của đầu tư nước ngoài cũng không đạt”.

Đối với lĩnh vực ngân hàng thì theo ông Doanh đã có giảm đáng kể lãi suất cho vay để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể vay mượn. Ngoài ra ông Doanh cho biết thêm:

“Các cơ quan nhà nước cũng đang cố gắng vận dụng chuyển đổi sang kinh tế số và chính phủ điện tử, để giảm bớt các chi phí về thời gian và tiền bạc trong khi thực hiện các thủ tục kinh doanh. Tuy vậy, cho đến nay số những giấy phép con vẫn đang ở mức độ rất lớn, khoảng 6.000 giấy phép con”.

Và theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, lời kêu gọi của Thủ trưởng Chính phủ là ‘phải xem xét loại bỏ các giấy phép con để cho người dân có thể tự do kinh doanh theo pháp luật’… là một lời kêu gọi cần phải được thực hiện có hiệu quả trong thời gian tới.

Còn theo Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Huy Vũ khi trả lời RFA mới đây, nếu chính phủ tư nhân hoá các công ty nhà nước và cho phép một số công ty tư nhân khác tham gia vào cùng một lĩnh vực để tăng tính cạnh tranh… thì việc tăng hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp mới có thể thực hiện được.

Nguồn: RFA Tiếng Việt


 

Tỷ phú Bill Gates bất ngờ đến Việt Nam du lịch Đà Nẵng và Hội An

Ba’o Nguoi-Viet

March 5, 2024

ĐÀ NẴNG, Việt Nam (NV) – Sau gần hai thập niên, tỷ phú Bill Gates trở lại Việt Nam, đến Đà Nẵng và Hội An du lịch.

Theo các báo đài trong nước, tỷ phú Bill Gates và bạn gái là bà Paula Kalupa đã đến Đà Nẵng vào sáng 4 Tháng Ba, trên máy bay riêng Gulfstream G650ER và lưu trú tại một resort năm sao ở quận Sơn Trà.

Tỷ phú Bill Gates (trái) được một phụ nữ mời trầu khi đến Bắc Ninh, Việt Nam, ngày 22 Tháng Tư, 2006. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Nguồn tin của VNExpress hôm 5 Tháng Ba cho biết ông Bill Gates trở lại Việt Nam sau 18 năm và có chuyến du lịch cá nhân ở Đà Nẵng và Hội An trong khoảng năm ngày, chủ yếu cùng bạn gái thưởng ngoạn cảnh sắc và nghỉ dưỡng.

Lần đầu ông Bill Gates đến Việt Nam là vào năm 2006, để thực hiện các hoạt động kinh doanh liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin.

Trong chuyến thăm cách đây 18 năm, ông Bill Gates đã làm việc với các đại diện của ngành công nghệ thông tin của Việt Nam và đến thăm thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, ông trải nghiệm các phong tục địa phương, bao gồm nhai trầu và nghe hát dân ca Quan Họ.

“Sự trở lại của tỷ phú Mỹ Bill Gates sau 18 năm là minh chứng cho sức hấp dẫn ngày càng tăng của Việt Nam như một điểm đến du lịch đối với các nhân vật tầm cỡ thế giới,” trang BNN Breaking bình luận.

“Chuyến thăm của ông Bill Gates có thể thúc đẩy du lịch, giới thiệu di sản phong phú, cảnh quan tuyệt đẹp và lòng hiếu khách của người dân địa phương. Những chuyến thăm của nhân vật nổi tiếng như ông Gates thường thúc đẩy sự quan tâm đến các cơ hội đầu tư địa phương, có khả năng mang lại lợi ích cho nền kinh tế và lĩnh vực công nghệ của Việt Nam,” bản tin viết.

Sau khi có thông tin tỷ phú Bill Gates cùng đoàn tùy tùng đang có chuyến thăm Đà Nẵng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các đơn vị “tích cực xác minh lịch trình để sẵn sàng chào đón.”

Nói với báo Tuổi Trẻ hôm 5 Tháng Ba, một lãnh đạo thành phố Hội An cho biết đang chờ đợi thông tin đoàn của ông Bill Gates thăm viếng Hội An. Tuy nhiên, mọi thông tin lịch trình của đoàn vẫn chưa được cung cấp ra ngoài.

“Chúng tôi mới chỉ nhận được thông tin qua báo chí đăng tải. Chiều nay, lãnh đạo tỉnh đã liên lạc và yêu cầu thành phố Hội An nắm thông tin, nếu đoàn có tới thăm viếng phố cổ Hội An như báo chí đăng tải thì thành phố sẽ làm băng rôn chào mừng, có nghi thức tiếp đón phù hợp thể hiện lòng hiếu khách,” vị lãnh đạo thành phố Hội An nói.

Chuyên cơ của tỷ phú Bill Gates ở phi trường Đà Nẵng hôm 5 Tháng Ba. (Hình: Nguyễn Đông/VNExpress)

Thông tin ông Bill Gates dự kiến tới Hội An cũng thu người dân, khách du lịch, đặc biệt rất đông phóng viên, nhà báo theo dõi thông tin tại Đà Nẵng, Quảng Nam quan tâm. Nhiều phóng viên chờ đợi tại các lối vào ra phố cổ.

Trước chuyến du lịch Việt Nam, tối 1 Tháng Ba, nhà sáng lập Microsoft và bạn gái cùng giới tinh hoa toàn cầu đã tham dự bữa tiệc mừng con trai tỷ phú Mukesh Ambani ở Ấn Độ, chuẩn bị kết hôn trị giá $120 triệu. (Tr.N) [qd]


 

Bình luận về vụ cán bộ tòa án tỉnh Quảng Bình đi Mỹ du lịch rồi bỏ trốn

Ba’o Tieng Dan

Thái Hạo

5-3-2024

Khi viết bài nêu lên thực trạng hay phê phán những bất cập, sai trái tồn tại trong giáo dục và xã hội, tôi thường nhận được những cái còm của các bạn dư luận viên, thậm chí không phải dư luận viên, đại ý như “vậy thì cút ra nước ngoài mà sống”. Nay xin gửi các bạn một mẩu tin, còn nóng, trong vô số những tin cùng kiểu: “Cho nghỉ việc nữ cán bộ toà án nghỉ phép qua Mỹ du lịch rồi không về“. (Xem hình):

Các bạn thấy đó, chắc chắn bà cán bộ tòa án này sẽ chưa bao giờ phê phán điều gì trong xã hội Việt Nam mà bà đã sống; ngược lại, có lẽ bà đã luôn ca ngợi trong các buổi họp cơ quan, trong các status đăng trên mạng xã hội; thậm chí nếu có ai đó nói một điều gì theo hướng, rằng còn chỗ này xấu, chỗ kia sai thì bà ấy có thể sẽ phê bình ngay, và nếu đó là cấp dưới của bà, rất có thể bà sẽ mang ra kiểm điểm, uốn nắn, ghim vào sổ là giao động, là tự chuyển biến nọ kia. Và bây giờ, nhìn xem, bà ấy đã đi rồi, rời bỏ một nơi mà bà luôn nói rằng tốt đẹp nhất, đáng sống nhất, để trốn sang nơi mà hàng ngày bà vẫn lên án. Thế đấy.

Những người đã kiên nhẫn và chịu nhiều phiền phức để nói lên những điều chưa tốt, chưa đúng, chưa hay trong xã hội mà mình sống, chỉ mong mọi thứ tốt hơn, để rồi chịu từ các bạn biết bao lời lẽ cay nghiệt cùng những soi xét hằm hè, thậm chí đe dọa, nhưng họ vẫn ở đây, cố gắng từng ngày để góp sức xây dựng quê hương. Thế mà họ bị chụp lên đầu biết bao nhiêu cái mũ như phản động, thù địch. Còn những kẻ ra rả ca ngợi và luôn ca ngợi, sẵn sàng roi vọt lên bất cứ ai nói khác mình thì đã âm thầm bỏ trốn tự khi nào.

Chị cán bộ tòa án này chỉ là một ví dụ, nhỏ thôi, cho làn sóng ngầm di cư của quan chức và gia đình họ sang các nước tư bản, từ du học, mua nhà, định cư… mà báo chí nhà nước và diễn đàn quốc hội đã nêu công khai suốt bao nhiêu năm qua.

Tôi không trách họ, vì con người có quyền đi tìm nơi tốt lành để sinh sống. Chỉ có một điều khiến tôi không đồng ý, là họ không thật lòng. Họ nói một đằng nhưng làm một nẻo.

Và thật đáng thương, trong khi họ đã đáp xuống một biệt thự sang trọng nào đó bên trời Tây, các bạn vẫn ở đây mà không hề hay biết gì, vẫn cặm cụi đọc những góp ý của những người nặng lòng với quê hương, chửi, và bảo rằng “cút ra nước ngoài mà sống”…


 

 Chuyện một cây cầu và Lòng Vô-Ơn của người Việt-Truyện ngắn

Nguyễn Kim Chi

 NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐAN MẠCH – XÂY MẤY CHỤC CÂY CẦU & TRƯỜNG HỌC CHO NGƯỜI VIỆT… VÀ BỊ LỌC LỪA ĐẾN TRẮNG TAY.

Họ là đôi vợ chồng già, chồng người Đan Mạch, thợ xây – vợ người Việt đã đổ hết tâm sức xây được 24 cây cầu treo và 5 trường học tại những vùng nông thôn nghèo của Việt Nam.

Thế nhưng, cuộc đời họ lại không gặp suôn sẻ ngay trên chính mảnh đất mà họ yêu quý, thậm chí họ còn bị người Việt lừa trắng tay, giờ phải sống trong một ngôi nhà xây tạm bợ. Nhiều người không biết tới họ nhưng vẫn đi qua những cây cầu họ đã xây, Sống Mới đã được sự đồng ý của facebooker Tung Xich Lo – người đã chia sẻ những thông tin về cặp vợ chồng Kurt Lender Jensen – Tiêu Thị Ngọc Sang (Nhung) trên trang mạng xã hội – để gửi tới bạn đọc câu chuyện về những con người, dù không mang dòng máu Việt nhưng vẫn nhiệt tâm với nước Việt.

Lần đầu tiên, tôi gặp ông Kurt và bà Nhung là qua sự hướng dẫn của ông anh tôi khi anh giới thiệu về họ: “cặp vợ chồng này có chung 1 trái tim tốt”, Tùng nên đến thăm họ. Trong nhiều năm qua, tại Đan Mạch, ông Kurt và bà Nhung đã được nhiều người dân Đan Mạch biết đến khi họ khởi đầu xây một cây cầu treo tại khu vực trồng cà phê, thuộc Bảo Lộc, Lâm Đồng bằng chính công sức và sự cần cù của họ.

Hành trình xây cầu chỉ bằng sự trợ giúp

Theo lời ông Kurt kể lại cho tôi, chyện xây cầu xuất phát từ một lần về thăm quê hương vợ, có người nhờ ông gắn giúp lại vài tấm ván cho chiếc cầu treo. Thoạt đầu nhìn chiếc cầu cũ kỹ, ông đã thốt lên rằng ông hoàn toàn có khả năng làm một cây cầu treo mới, còn chiếc cầu cũ như hiện tại thì vô phương sữa chữa. Lúc ấy ông nghĩ, chắc mọi người đều nghĩ “ông ta nói phét lác”. Nhưng ông Kurt đã bắt tay vào làm đúng như lời nói của mình.

Trở lại Đan Mạch, ông đã tích cực liên lạc với nhiều chuyên gia để xin vật liệu xây cầu. Công ty đầu tiên nhận giúp đỡ là một công ty sản xuất dây cáp, họ đã trả lời ngay lập tức rằng sẵn sàng trợ giúp mớ dây cáp ông cần dùng. Nhưng cáp của họ lại bọc nhôm, không có sự co giãn, e là không thích hợp cho việc làm cầu treo.

Cùng lúc đó, ông lại được một người bạn thân cung cấp cho ông một thông tin quan trọng: Hệ dây cáp căng giữa các tuyến cao tốc của Đan Mạch đang được tháo bỏ vì quá nguy hiểm. Thế là ông Kurt bắt tay liên lạc với sở đường bộ. Họ kết nối ông với một công ty đang thi công tháo gỡ của Đức. Công ty này đã không ngần ngại cho ông lấy những gì ông muốn.

Tuy nhiên, để cuộn những sợi dây cáp lại, ông phải liên lạc với một cơ sở điện lực tại địa phương. Sau khi nghe ông Kurt trình bày, công ty này vui vẻ chở những ống cuộn dây điện trống, đến thẳng đường cao tốc, nơi họ đang tháo gỡ dây. Để cho đôi vợ chồng Kurt – Nhung tự lăn dây cáp vào ống cuộn.

Cũng trong thời gian đó, ông Kurt tiến hành làm thử một chiếc cầu mẫu trong khu vườn của nhà mình. Ông cũng liên lạc với một công ty lớn của Đan Mạch, chuyên về nghành xây cầu có tên là Carl Bro và nhờ họ trợ giúp ông một bản vẽ sơ sài. Nhưng nhờ bản vẽ này, ông Kurt đã nhẩm tính được sẽ cần bao nhiêu mét cáp cho chiếc cầu trong thực tế.

Rồi ông lại tiếp tục nhờ đến một công ty chuyên về kỹ nghệ cung cấp các vật liệu cho ghe đánh cá có tên là Claus Harbo. Họ cũng rất ân cần giúp ông số trang thiết bị xiết dây cáp… mà ông cần dùng. Ngoài ra, Câu lạc bộ thể thao Lions Club, đã hỗ trợ thêm một máy phát điện và máy trộn bê tông cho công việc xây cầu của ông. Không dừng tại đây, ông xin tiếp được một số lượng sơn để bảo trì dây cáp của công ty Sadolin.

Cuối cùng ông liên lạc với hãng vận chuyển tàu Maersk mạnh nhất thế giới và đã được phép nói chuyện trực tiếp với tổng giám đốc, A. P. Muller. Tuy các tàu bè của hãng này không cập cảng Việt Nam, nhưng ông tổng giám đốc cũng vui lòng giúp ông Kurt chuyển số hàng ấy về Singapore, rồi nhờ các hãng khác chuyển tiếp số hàng trên về Việt Nam.

Coi như các công việc tại Đan Mạch tiến triển quá tốt. Tuy nhiên, khi số hàng trên về tới cảng Sài Gòn lại gặp vấn đề lớn nhất mà không nhận được sự trợ giúp nào khi phải chi tiền, thì hàng mới ra khỏi cổng. Ông Kurt đã phải thương lượng rằng cho ông lấy số hàng trước, còn tiền thì chiều ông mới đích thân đến nhà chủ kho để trả, nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế để ông Kurt đối phó với những “nhũng nhiễu” thường nhật ở Việt Nam, bởi ông lấy đâu ra tiền để trả cho chủ kho, khiến ông phải… nói phét như vậy.

Khi nguyên vật liệu đã có mặt tại Việt Nam, lãnh sự quán Đan Mạch đã trợ giúp bê tông, sắt thép và cây ván, cùng với chi phí vận chuyển.

Thế nhưng, ngày khởi công xây cầu, ông chủ tịch tỉnh Bảo Lộc chỉ điều giúp ông Kurt một đội quân 20 người, trong đó chỉ có một người cầm theo cái xẻng, là công cụ lao động duy nhất. Ông Kurt đã bức xúc với hành động thờ ơ này của chính quyền địa phương và tuyên bố sẽ làm cây cầu tại một địa phương khác nếu sự trợ giúp nhân lực “èo uột” như vậy.

Ngày hôm sau, ông Kurt nhận được một đội quân gấp đôi là 40 người. Với kinh nghiệm của một người thợ hồ, hiểu biết nhìn bản vẽ, ông đóng vai trò chỉ huy và phân chia công việc lớn nhỏ cho thợ, thậm chí chia từng điếu thuốc lá cho thợ. Cô Nhung – vợ ông đóng vai trò thông dịch và chị nuôi cho 40 người nông dân đến giúp việc xây cầu.

Sau 25 ngày, chiếc cầu treo dài 65 mét và ngang 1,2 mét hoàn tất với tổng chi phí là 4500 USD. Khi chiếc cầu được khánh thành, một bà cụ đòi nắm tay ông Kurt dẫn bà qua cầu. Cụ bà này đã bật khóc vì nỗi vui sướng và tâm sự rằng, “Đã 20 năm nay, tôi chưa bước qua được sang bên này đồi”.

Sau khi hoàn thành cây cầu treo đầu tiên, ông Kurt đã có đủ tư liệu để hoàn tất hồ sơ gửi đến lãnh sự quán của Đan Mạch tại Việt Nam kèm một câu “Chiếc cầu đã xây xong”. Họ đã trao cho vợ chồng ông đảm nhận những công trình xây dựng trợ giúp sau này. Ông Kurt đã phấn khởi và thốt lên: “Tôi có thể xây thêm cả 10 chiếc cầu nữa, nếu có ai đó thanh toán chi phí”. Vợ chồng ông chấp nhận công việc với điều kiện chỉ nhận lương tương ứng với một người lãnh tiền thất nghiệp tại Đan Mạch. Vì nếu nhận lương cao hơn, coi như chương trình trợ giúp không còn đúng ý nghĩa.

Trong khi đó, Danida – một hội chuyên gia về việc giúp phát triển nông nghiệp tại các vùng nông thôn nghèo trên toàn cầu đã đánh giá cao tính tiết kiệm của chiếc cầu, khi chỉ làm hết ¼ chi phí so với giá trị thật của nó. 6 năm tiếp theo, cặp vợ chồng này đã hoàn tất 24 cây cầu nằm trong chương trình trợ giúp của chính quyền Đan Mạch. Họ còn tham gia xây luôn cả 5 ngôi trường học.

Nhưng về sau nhiều chương trình trợ giúp, phải trải qua nhiều thủ tục rắc rối. Những khoản tiền trợ giúp không đến nơi cần nhận mà lọt thẳng vào túi những kẻ tham nhũng. Đến lúc này, cặp vợ chồng già tự nhận thấy “cuộc vui” đã kết thúc nên họ muốn rút lui về lại xứ xở Đan Mạch yên tĩnh. Ông Kurt cũng kể rằng, sau mỗi lần khánh thành cầu, vị chủ tịch tỉnh lại vui mừng khai tiệc ăn nhậu, thậm chí đã có lần hỏi ông: “Thủ tục đến Đan Mạch có dễ không?”

Những sóng gió khó ngờ trên mảnh đất Việt

Tưởng chừng như sau những phần đóng góp công sức cho xã hội, hai vợ chồng già sẽ được hạnh phúc an hưởng tuổi già, thì ngờ đâu Bộ nhập cư Đan Mạch đã bác bỏ đơn xin trở lại sống tại nước này của bà Nhung. Trong khi với khả năng tài chính của mình, ông Kurt không đủ khả năng nuôi vợ.

Tại Đan Mạch, ông Kurt cũng đang sống bằng đồng lương hưu ít ỏi bởi ông xuất thân từ một gia đình lao động. Từ năm 14 tuổi ông đã rời khỏi nhà và tự đi tìm việc kiếm sống bằng nhiều nghề. Rồi sau đó ông đã làm thủy thủ cho những hãng tàu khách đi khắp toàn cầu. Thời gian tiếp theo, ông trở lại Đan Mạch và làm thợ hồ trong 6 năm. Sau đó ông mua một chiếc ghe đánh cá và trở thành ngư dân. Ngay từ thời ấy, ông đã có những hành động được cho là khác người khi đoàn tàu đánh cá của Đan Mạch thường được sơn màu xanh da trời, còn thuyền của ông Kurt lại được sơn màu đỏ.

Năm 1992, lần đầu tiên ông về Việt Nam chơi cùng với một gia đình Việt Nam ông quen tại Đan Mạch. Trong chuyến đi này, ông đã yêu một người phụ nữ bản xứ, chính là bà Nhung. Sau nhiều lần thư từ và vài lần đi lại giữa Việt Nam – Đan Mạch. Đến mùa thu năm 1994, ông mới bảo lãnh được người vợ mới cưới sang Đan Mạch.

Sau nhiều năm làm việc tại Việt Nam, thay mặt cho quốc gia Đan Mạch trong trương trình trợ cấp, cặp vợ chồng Đan – Việt này đã xây biết bao nhiêu cái cầu treo, các ngôi trường trong những vùng hẻo lánh…Thế nhưng, đến tuổi già, họ chỉ mong có được một mảnh đất nhỏ để hưởng thụ những năm cuối đời tại Việt Nam mà cũng không xong. Họ đã bị cả những người thân, những người gần gũi lừa gạt khiến cặp vợ chồng già phải bán nông trại cà phê tại Bảo Lộc, nơi họ gắn bó hơn 10 năm để tìm nơi yên tĩnh tại một eo biển đẹp.

Lần đầu tiên gặp tôi, họ sống trong một túp lều bằng bạt, dựng tạm bợ tai khu du lịch Bình Tiên, Ninh Thuận. Nơi đây họ đã bị lừa một cú “ngoạn mục” bởi một ngư dân và cả chức trách của địa phương khi “đồng lòng”bán cho họ miếng đất nằm trong quy hoạch của một dự án du lịch.

Vẫn chưa hết, sau chuyến đến thăm của tôi, những con người trên mảnh đất họ yêu quý lại một lần nữa dụ họ mắc mưu, bỏ tiền ra mướn đất đang nằm trong dự án tại Hòa Phú, gần Phan Rí, Bình Thuận. Hơn nửa năm sau,

họ được chính quyền địa phương hứa hẹn “đền bù” bằng cách cho mướn một bãi biển đẹp hơn, tại Bãi Dương, Minh Hóa, cũng gần cửa Phan Rí. Tuy nhiên, miếng đất “hứa hẹn” ấy cũng đã từng dùng để lừa một người đàn ông mang quốc tịch Úc khiến anh này mất gần nửa năm theo đuổi vụ “mướn đất” và cũng mất một số tiền kha khá trong túi.

Đến lúc này thì sự chịu đựng của ông Kurt cho những gian xảo, lừa lọc của con người nơi đây cũng đã đến giới hạn, nhưng vì thương người vợ Việt Nam, ông không thể quay lại Đan Mạch mà bỏ vợ lại xứ này. Ông ta quyết định dành giụm số tiền ít ỏi còn lại, để mua được miếng đất sa mạc toàn cát, đầy mồ mả, ngay QL1, gần cây xăng Thắng Lợi, thuộc Chí Công, Bình Thuận.

Ông Kurt kể rằng, hàng xóm xung quanh cũng có người tốt, nhưng cũng vẫn có kẻ thích “bắt nạt” hoặc “bành trướng” chủ quyền sang nhà người khác. Mới đây, không hiểu vô tình hay ác ý mà có người đã phá hoại cái giếng nhà ông bằng cách thả dây thun cũ (cắt từ ruột xe đạp) vào trong ống bơm. Thế là ông Kurt phải xây cái giếng mới.

“Ông già và biển cả”

Ông Kurt rất thích trò chuyện tiếng Đan Mạch với tôi. Lâu lâu ông mới có cơ hội bày tỏ sự bức xúc của cuộc sống với một người hiểu được tiếng nước ông. Hai vợ chồng già rất quý hóa khách đến thăm nên rất muốn tôi ở lại. Nhưng vì tôi cũng là thằng ngang bướng với ý nghĩ ngủ một đêm tại nhà bạn bè mà phải đi trình giấy tờ với chính quyền địa phương thì nhiêu khê cho tôi quá. Thôi để tôi đi ngủ bụi và để cho đôi bạn già của tôi ngủ yên giấc.

Hiện nay ông bà Kurt, vẫn kiên trì định cư tại Chí Công. Miếng đất sa mạc và đầy mồ mả này nằm ngay QL1, gần giữa trạm xăng Thắng Lợi và khu đồi quạt gió, thuộc tỉnh Bình Thuận. Tôi chỉ thấy buồn là không giúp gì được cho họ.

Bạn yêu nước Việt ? vậy bạn đã giúp được gì cho người Việt? công sức bỏ ra liệu đã bằng đôi bạn già này chưa?

Họ chính là những người yêu nước Việt, những người có tâm hồn Việt nhưng cũng thật cực nhọc cho họ quá …. khi muốn yêu, muốn sống yên bình trên đất nước này cũng không được.

..Và những quan chức công bộc của xứ sở này – những kẻ luôn mồm rao giảng lòng yêu nước, luôn bi bô rằng vì dân vì nước (???) thì không chừa bất kỳ cơ hội nào để ôm hàng triệu đô la vơ vét được từ đất nước này, để bôn tẩu sang hưởng lạc tại các nước phương Tây !!!

Sao chép từ fb Diễm Chi – fb Nguyễn Hữu Quý