Đi tu trong thời đại internet – Thái Hạo

Thái Hạo

Chiều qua, trong một clip, khi đang đi, ông Minh Tuệ cùng những người cạo đầu và mặc áo giống ông đột ngột rẽ xuống chân cầu, lội qua một con suối và đi thẳng vào trong núi, bỏ lại đoàn người ngơ ngác đứng từ trên nhìn xuống. Chắc ông muốn “cắt đuôi” cái đám đông ấy, và ông đã ngủ lại trong núi. Sáng nay, từ trong núi ấy đi ra, lại cảnh tượng cũ, họ đã tràn xuống lòng suối và đứng kín hai bên, ai cũng lăm lăm điện thoại trên tay, chỉa vào ông và chào hỏi, lạy lục không ngớt.

Đến giờ nghỉ trưa nay (20.5), trong đám đông đi theo đã xảy ra xô đẩy và to tiếng giữa những người quay phim và những người tự gọi là “hộ pháp”, ông Minh Tuệ đã phải dừng lại, kêu tất cả những Youtuber, Tiktoker và người dân đến bên cạnh và nói một cách đanh thép: “Người tu cũng có công việc riêng của họ, họ ngồi thiền, họ tu hành, họ làm việc riêng tư chứ đâu làm thế này…, đâu phải diễn viên điện ảnh đâu, không phải Hollywood, không phải chiếu phim. Nên là mình về, công việc của mình. Không ai ₫i theo nữa. Con nói rồi, con nói như thế đấy!”. Sau đó, ông lại cùng những người đồng tu tiếp tục rẽ vào trong một ngọn núi, nghỉ trưa và “chạy trốn” đám đông này.

Đến giờ bộ hành đầu giờ chiều sau khi đã nghỉ trưa, đám người vẫn đứng bên ngoài chực chờ, ai cũng điện thoại trên tay. Ngóng mãi không thấy, bất chợt một người đồng tu từ trong núi đi ra, nói với các Youtuber, Tiktoker và người dân đang vây lấy khu vực ấy rằng, Thầy Minh Tuệ sẽ ẩn tu và không ra ngoài nữa nếu mọi người vẫn tiếp tục quay và đi theo. Người này còn nói, nếu vẫn quay mà chưa được sự cho phép thì họ sẽ nhờ công an can thiệp. Đến đây đã thấy sự bế tắc thật sự.

Vạn bất đắc dĩ phải nhờ đến công an thì ta hiểu rằng những người tu này không còn cách nào khác. Và họ không sai, vì việc sử dụng hình ảnh cá nhân của người khác nếu chưa được sự cho phép của đương sự là vi phạm pháp luật. Nhưng dù gì, nếu phải dùng đến cách ấy thì cũng coi như một sự tồi tệ. Tôi không rõ suốt từ đầu chiều đến giờ những người tu kia đã đi ra chưa hay vẫn còn “trốn” trong núi.

Cách đây gần 20 ngày khi ông Minh Tuệ đi qua Thanh Hóa, trong bài viết của mình tôi đã nói rằng, “tôi đoán ông Minh Tuệ sẽ sớm phải chọn một con đường khác, ví dụ như ẩn tu”. Bởi vì từ đây trở đi ông không thể tiếp tục bộ hành được nữa. Nếu ông có ẩn đi khoảng vài tháng hay vài năm, nhưng chỉ cần xuất hiện trở lại thì lập tức sẽ bị bu kín như cũ, thậm chí còn khủng khiếp hơn.

Cái kiếp nạn này, nói rằng do internet gây ra thì cũng đúng, nhưng cũng là oan. Internet nằm trong tay con người có ý thức sẽ khác. Suốt từ bài viết đầu tiên về “hiện tượng Minh Tuệ” đến bây giờ, tôi đã luôn nhắc và “kêu gọi” một cách tha thiết rằng mọi người nên giữ cho ông Minh Tuệ quyền riêng tư và sự thanh tu; kính trọng thì chỉ nên học ông mà sống chứ không phải là rồng rắn đi theo. Tuy nhiên, theo quan sát, đến thời điểm này hầu như tình hình không những không có gì thay đổi mà còn tồi tệ hơn (chỉ trừ một quãng ngắn nào đó khi ông đi qua Hà Tĩnh là có ổn hơn một chút). Thậm chí có những người tỏ ra khó chịu với những lo lắng và nhắc nhở của tôi. Không những thế, một giảng viên đại học ở Vinh đi theo, quay, rộn ràng, và về viết tút nói rằng “ai quay cứ quay, ai đi theo cứ đi theo”. Ngao ngán.

Theo tôi, từ nay ông Minh Tuệ có lẽ không thể đi bộ như trước được nữa. Rất có thể mọi thứ sẽ phải chấm dứt từ đây. Tiếc thay.

Và tôi cũng thôi, không muốn “nhắc nhau” gì nữa, vì quá nản rồi. Nếu còn viết gì có liên quan đến ông Minh Tuệ thì chỉ là chia sẻ về đạo Phật nói chung mà thôi.

Thái Hạo


 

Văn Bút Mỹ vinh danh tác giả Phạm Đoan Trang (VOA)

18/05/2024

VOA Tiếng Việt

Ông Dinaw Mengestu, phó chủ tịch Văn Bút Mỹ, bà Trần Quỳnh Vi, và ông Đặng Đình Mạnh tại lễ trao giải Tự do sáng tác Barbey 2024 cho tác giả Phạm Đoan Trang hôm 16/5/2024 ở New York, Mỹ. (Photo by Kevin Mazur/Getty Images for PEN America)

Tại đêm Gala trao giải thưởng Tự do sáng tác Barbey 2024 hôm 16/5 ở New York, tổ chức Văn Bút Mỹ (PEN America) vinh danh nhà báo độc lập Phạm Đoan Trang, gọi bà là “nhà văn, nhà hoạt động tiêu biểu trong cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ cho quyền tự do ngôn luận và tự do sáng tác ở Việt Nam”.

Ông Dinaw Mengestu, tiểu thuyết gia và nhà văn người Mỹ gốc Ethiopia, đồng thời là phó chủ tịch Văn Bút Mỹ, đã trao giải thưởng Tự do sáng tác Barbey 2024 cho hai đại diện của bà Trang là luật sư Đặng Đình Mạnh và bà Trần Quỳnh Vi – một người bạn và đồng thời là đồng sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Sáng kiến Pháp lý cho Việt Nam (LIV).

Giải thưởng này được trao hàng năm cho một nhà văn đang bị bỏ tù vì những tác phẩm của mình và ghi nhận lòng dũng cảm và sự hy sinh khi đối mặt với áp bức.

Được biết đến như là một blogger, một nhà hoạt động và là tác giả của những quyển sách về quyền tự do dân sự, chính trị, bà Trang bị chính quyền Việt Nam kết án 9 năm tù vào năm 2021 với tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”.

“Bị giáng mức án 9 năm tù vì dám thách thức chính quyền Việt Nam qua các bài viết của mình, bà Phạm Đoan Trang là điển hình cho cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của nhiều nhà văn và nhà hoạt động vì quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam”, bà Anh-Thu Vo, trưởng phòng nghiên cứu và vận động chính sách của Trung tâm Tự do Sáng tác PEN/Barbey thuộc Văn Bút Mỹ, viết trong một bài xã luận trên trang Just Security hôm 17/5 ca ngợi sự kiên cường của bà Trang.

Ông Đặng Đình Mạnh (trái) và bà Trần Quỳnh Vi (giữa) tại buổi Gala trao giải thưởng. (Photo by Bryan Bedder/Getty Images PEN America)

Bà Trần Quỳnh Vi phát biểu tại lễ trao giải: “Bà Trang là biểu tượng của lòng dũng cảm và sự kiên trì, truyền cảm hứng cho vô số bạn trẻ hình dung và phấn đấu vì một Việt Nam nơi tự do và nhân quyền được đề cao”, theo một thông cáo hôm 16/5 của Văn Bút Mỹ.

VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về việc trao giải thưởng này cho bà Trang, nhưng chưa được trả lời.

“Là luật sư bào chữa cho cô Phạm Đoan Trang, tôi hiểu về sự dấn thân của cô ấy để đấu tranh cho những giá trị mang tính cách phổ quát, cùng với cái giá rất đắt mà cô ấy đã phải đánh đổi: Bằng sức khỏe, bằng tuổi thanh xuân, bằng sự tự do…”, luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh, người bào chữa cho bà Trang và hiện đang tị nạn chính trị tại Mỹ, nêu nhận định với VOA trước khi diễn ra lễ trao giải.

“Theo đó, cô ấy hoàn toàn xứng đáng với mọi sự vinh danh, tất nhiên, bao gồm sự vinh danh dành cho Đoan Trang lần này đến từ hội Văn Bút Hoa Kỳ – một tổ chức hàng đầu cổ võ cho quyền tự do ngôn luận”, ông Mạnh cho biết thêm.

“Trong bối cảnh hiện nay, khi mà chính quyền trong nước gia tăng sự đàn áp quyền tự do ngôn luận đến mức khốc liệt chưa từng có, thì sự vinh danh Đoan Trang của hội Văn Bút Hoa Kỳ càng mang ý nghĩa đặc biệt. Nó chẳng khác nào là thông điệp phản đối mạnh mẽ của thế giới văn minh gởi đến chính quyền trong nước, rằng sự đàn áp quyền tự do của người dân không hề được chào đón, thậm chí, còn bị lên án ở khắp mọi nơi”.

“PEN America đã trao những giải thưởng này cho những người mà họ tin là những nhà văn truyền cảm hứng và sử dụng bài viết của mình để truyền cảm hứng cho người khác làm những điều tốt đẹp hơn trong xã hội”, bà Trần Quỳnh Vi, hiện đang làm việc tại Đài Loan, chia sẻ với VOA trước khi đến New York nhận giải thưởng thay mặt cho người bạn đang bị giam cầm.

“Tôi xin cảm ơn PEN America và PEN International vì họ đã ủng hộ quyền tự do của cô Trang và họ cũng nhận thức rất rõ về quyền tự do biểu đạt ở Việt Nam”, bà Vi cho biết thêm.

Bà Phạm Đoan Trang, 45 tuổi, hiện đang thụ án tại trại giam An Phước, tỉnh Bình Dương, đã viết nhiều cuốn sách, trong đó có “Chính trị của một Nhà nước Công an” và “Chính trị bình dân”.

Giải thưởng của Văn Bút Mỹ ra đời vào năm 2016, đặt theo tên của ông Peter Barbey, giám đốc điều hành của nhà xuất bản Reading Eagle, có trụ sở ở bang Pennsylvania, Mỹ. Giải thưởng này được thiết kế để hàng năm vinh danh một nhà văn bị bỏ tù vì các tác phẩm của mình.

Cũng trong tuần này, như VOA đưa tin, bà Uzra Zeya, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách An ninh Dân sự, Dân chủ, và Nhân quyền nêu ra những “lo ngại nghiêm trọng” về tình trạng nhân quyền ở Việt Nam, nơi mà trong những năm gần đây xảy ra các vụ bắt giam những người bất đồng chính kiến.

Phát biểu hôm 14/5 tại sự kiện Ngày Nhân quyền Việt Nam ở Quốc hội Mỹ, bà Zeya nhắc đến trường hợp nhà báo Phạm Đoan Trang đang bị chính quyền Việt Nam giam cầm, cũng như các nhà hoạt động tôn giáo, họ nằm trong số hơn 180 tù nhân chính trị bị Việt Nam giam giữ oan uổng.

Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay luôn bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, khăng khăng rằng các quyền căn bản của công dân, bao gồm quyền tự do biểu đạt, luôn được tôn trọng.


 

Thầy Thích Minh Tuệ và những hệ quả đáng lưu ý trong đời sống cộng đồng

Ba’o Tieng Dan

Lê Nguyễn

16-5-2024

Trong lịch sử tồn tại của xã hội Việt Nam, hình như từ cả trăm năm qua, chưa từng có hiện tượng một cá nhân không sở hữu tiền bạc, đầu trần chân đất, theo con đường tu khổ hạnh mà lại làm dậy sóng dư luận, cuốn hút sự theo dõi của hàng triệu người như trường hợp của thầy Thích Minh Tuệ.

Hình ảnh thầy Minh Tuệ trái ngược hoàn toàn với hình ảnh nhiều nhà tu khác đang có những ảnh hưởng nhất định trong đời sống tâm linh cũng như trong đời sống xã hội. Một bên buông bỏ tất cả những ràng buộc của cuộc sống ta bà, dấn thân vào con đường khổ hạnh, những mong tìm được sự giác ngộ cho bản thân và cho người khác. Một bên “hoằng dương đạo pháp” bằng cách vận động người mộ đạo cúng dường thật nhiều để xây dựng những kiểng chùa to, ngang cung điện các vua chúa ngày xưa.

Nếu tiền cúng dường của người mộ đạo biến thành chùa to, tượng lớn, đủ chỗ cho tín đồ đến chiêm bái, tu tập, thì chẳng nói làm chi, đàng này, chúng còn biến tướng thành xe bốn bánh, điện thoại Vertu, đồng hồ Rolex, biến thành chăn êm nệm ấm cho kẻ tu hành. Đó không phải là hoằng dương đạo pháp, mà là lợi dụng đạo pháp để trục lợi.

Trong những đồng tiền cúng dường đó, bao nhiêu đến từ những đại gia bất động sản, tài sản tính bằng ngàn tỷ đồng, bao nhiêu đến từ những người lao động nghèo khổ, vì lòng mộ đạo mà san sẻ chén cơm gia đình để hỗ trợ nhà chùa? Cho dù chúng đến từ đâu thì hành vi biến tiền cúng dường thành vật chất xa xỉ phục vụ cho cá nhân cũng là hành vi trộm cắp trắng trợn: Trộm cắp lòng tin, trộm cắp của nhà nghèo…

Đã đến mức đó, kẻ giả tu còn chưa thấy đủ, thẳng thừng ra giá cho người mộ đạo về những loại tiền được chấp nhận cúng dường, loại nào không, kêu gọi dâng hiến cả nơi dành cho cả gia đình người ta chui ra, chui vào, để đổi lấy sự hứa hẹn mang tính giả trá và lừa gạt. Trong những trường hợp như vậy, sự trâng tráo, vô liêm sỉ là không có một giới hạn nào!

Chính sinh hoạt Phật giáo trong thời gian qua chứa đựng nhiều cái bất cập như vậy mà lòng tin của công chúng mộ đạo bị sứt mẻ khá nhiều, những bức xúc chỉ chờ cơ hội thuận tiện để bùng phát. Và cơ hội đó đã đến bất ngở với hình ảnh vị sư “đầu đội trời, chân đạp đất”, sống trong tình trạng không còn có thể khổ hạnh hơn, mắt sáng, môi tươi, lòng khiêm cung đáng để cho mọi người học hỏi.

Sau khi trải qua cuộc đời khổ hạnh trong bóng tối suốt 4-5 năm dài, đi về Bắc không ai biết, trở về Nam chẳng ai hay, thầy Thích Minh Tuệ bỗng xuất hiện trong thế giới truyền thông như vầng sáng chói lòa, soi tỏ từng hành vi lợi dụng Phật pháp của kẻ giả tu, giúp nhiều người mộ đạo phân biệt rõ đâu là chánh, đâu là tà, góp phần xác định lại giá trị chân chính của sự tu hành.

Tất nhiên, những gì đã xảy ra khiến cho kẻ lợi dụng đạo pháp cảm thấy bất an. Họ thể hiện sự thiếu kiên nhẫn một cách vụng về đến đỗi một người mang tiếng tu hành như ông Thích Chân Quang lại gọi một người tu hành khác là “thằng ba trợn”!

Chiếc mặt nạ rớt xuống, giữa kẻ tự xưng là bậc tu hành với tên tướng cướp không còn có ranh giới nào hết! Dẫu sao, hệ quả này có mặt tích cực của nó, giúp cho nhiều người thấy rõ chân tướng của những kẻ mà họ từng quỳ mọp xuống để dâng lên những đồng tiền mồ hôi nước mắt. Chính sự tỉnh ngộ này đã tạo ra một lớp công chúng biết đặt niềm tin đúng chỗ, biết bảo vệ người và bảo vệ mình.

Buổi sáng ngày 16.5.2024, tại Hà Tĩnh, công chúng phát hiện một sự kiện “khó hiểu”: Một người lạ mang áo nhà tu len lỏi vào số người mộ đạo, dâng cho thầy Minh Tuệ mấy quyển sách mỏng. Tất nhiên là thầy Minh Tuệ từ chối và đông đảo công chúng nhanh chóng vào cuộc. Được biết trước khi làm cái việc dâng sách cho thầy, người đàn ông lạ mặc áo tu hành này đã mang theo cả túi sách, phân phát cho công chúng. Tin sơ khởi của giới YouTuber cho biết những tập sách đó có in tên thầy Minh Tuệ lên trang đầu và không được phát hành bởi cơ quan xuất bản chính thống.

Đó là những dấu hiệu ban đầu cho phép chúng ta nghi ngờ đang có một âm mưu gắp lửa bỏ tay người đối với thầy Minh Tuệ. Song điều khiến chúng ta vui mừng là sự tỉnh táo của công chúng, trong đó tất nhiên có cả các YouTuber. Họ vừa hành nghề truyền thông, vừa tham gia vào việc giữ gìn trật tự, an ninh trong toàn khu vực, bất cứ một động tỉnh bất thường nào cũng được họ ghi nhận và đánh giá.

Sự phát hiện ra kẻ lạ mặt, mặc y áo tu hành, phát không cho công chúng sách in tên thầy Minh Tuệ là chiến tích bước đầu của những người có tâm, là lời cảnh cáo đầu tiên dành cho những kẻ ném đá giấu tay, đồng thời cũng khiến chúng ta lo lắng cho sự an toàn cho sư Minh Tuệ.

Đối với thầy Minh Tuệ, cái chết cũng chả có ý nghĩa nào, song với chúng ta, sự ám hại thành công bậc chân tu này sẽ kéo theo sự vùng dậy của những thế lực lợi dụng sự tu hành để làm điều xằng bậy, và như thế, một lần nữa đạo pháp trở thành phương tiện hữu hiệu của những kẻ cướp bóc trắng trợn cả niềm tin lẫn tài sản của người mộ đạo.

***

Chiều nay, văn bản số 151/HĐTS-VP1, ngày 16.5.2024, do người đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam ký, được phổ biến rộng rãi, liên quan đến sự tu tập của sư Thích Minh Tuệ. Một lần nữa, cộng đồng mạng dậy sóng, hàng ngàn bình luận được tung ra với chiều hướng nào, ai xem qua cũng có thể hiểu được. Riêng mình nhận thấy trong nội dung văn bản trên có ít nhất mấy điểm cần được bàn lại:

Ảnh trên mạng

– Ai có quyền xác nhận tư cách tu sĩ Phật giáo của một người công dân? Câu trả lời là không ai có quyền đó cả. Bởi vì quyền tu hành trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật là quyền cơ bản của mọi công dân và người tu theo Phật giáo đương nhiên là tu sĩ Phật giáo, không tổ chức nào có quyền cho phép hay không cho phép người công dân tu tập theo Phật giáo hết. Giáo hội Phật giáo chỉ có quyền xác nhận hay phủ nhận tư cách thành viên giáo hội của một ai đó mà thôi.

– Trong văn bản, câu “Phật tử tập trung với số lượng đông, cúng dàng, vật phẩm, thức ăn và cả tiền…” không chính xác ở chi tiết về tiền. Sai sót này khó có thể thông cảm được, vì nó có thể tạo ra trong công chúng dư luận cho rằng đây là một sự xuyên tạc trắng trợn nhằm vào mục đích xấu.

– Các nhà sư hoạt động trong hệ thống Giáo hội Phật giáo ai tốt, ai xấu, dư luận công chúng rộng rãi đã phê phán hay nhận định từ lâu, không đợi có sự xuất hiện của tu sĩ Thích Minh Tuệ mới có điều mà người ký văn bản gọi là “xúc phạm” giáo hội. Khi một tu sĩ hành động đúng giáo pháp, đúng đạo lý làm người, không ai có thể phê phán hay xúc phạm, trái lại khi người đó vi phạm đạo lý như lấy tiền cúng dường của người mộ đạo để sống xa hoa, kêu gọi, dụ dỗ người mộ đạo dâng cúng tiền, nhà, tuyên truyền những điều trái ngược với đạo pháp, thì trước hết, giáo hội có trách nhiệm khai trừ những con sâu đó trong nồi canh của mình, không phải đợi công chúng lên tiếng. Trách nhiệm của mình, mình không làm được, xin đừng đổ vấy cho người khác.


 

Viet-Hanh Winchell, chánh án gốc Việt đầu tiên của Minnesota

Ba’o Nguoi-Viet

May 15, 2024

Kalynh Ngô/Người Việt

St. PAUL, Minnesota (NV) –Một gia đình Việt Nam vượt biên năm 1979. Sau vài tháng ở trại tị nạn Thái Lan, họ định cư ở Minnesota với vốn Anh Ngữ là con số 0. Hơn 40 năm sau, cô con gái út của họ, Viet-Hanh Winchell, 41 tuổi, luật sư người Mỹ gốc Việt sinh ra ở Minnesota, vừa tuyên thệ trở thành chánh án gốc Việt đầu tiên của tiểu bang này hôm Thứ Hai, 13 Tháng Năm, theo tờ báo địa phương Pioneer Press.

Cô Viet-Hanh Winchell, chánh án gốc Việt đầu tiên của tiểu bang Minnesota. (Hình: LinkedIn Viet-Hanh Winchell)

Điều đặc biệt là, cô Viet-Hanh Winchell tuyên thệ trở thành chánh án tiểu bang Minnesota trong Tháng Năm, tháng được gọi là Tháng Di Sản Người Mỹ Gốc Á, một ý nghĩa lớn cho người gốc Á và Châu Á Thái Bình Dương nói chung, cộng đồng Việt hải ngoại nói riêng.

Từ thư ký tòa đến chánh án tiểu bang

Luật Sư Viet-Hanh Winchell sẽ là chánh án gốc Việt đầu tiên của Tòa Thượng Thẩm Số 10, bao gồm các thành phố Anoka, Chisago, Isanti, Kanabec, Pine, Sherburne, Washington, và Wright.

Khi thông báo về việc bổ nhiệm này, Thống Đốc Tim Walz cho biết trên trang mạng của văn phòng tiểu bang: “Cô Viet-Hanh Winchell là một luật sư tranh tụng tài năng, có nhiều kinh nghiệm sống và có sự cam kết xây dựng các mối quan hệ trong cộng đồng của mình. Tất cả sẽ khiến cô ấy trở thành một nhân tố tuyệt vời của quận.”

Phó Thống Đốc Peggy Flanagan nói: “Trách nhiệm của Viet-Hanh Winchell đối với cộng đồng, sự cống hiến cho công bằng và chính đáng cho tất cả mọi người sẽ khiến cô trở thành một chánh án tuyệt vời. Tôi mong nhìn thấy sự phát triển mạnh mẽ của cô trong vai trò mới.”

Tân Chánh Án Tòa Thượng Thẩm Số 10 Viet-Hanh Winchell tốt nghiệp đại học University of Minnesota vào Tháng Mười Hai, 2004, với những bằng cử nhân tiếng Pháp, luật về xã hội học, tội phạm học. Cô nhận bằng Tiến Sĩ Luật từ đại học Hamline University of Law ở St. Paul năm 2008.

Cô từng du học ở Pháp và South Africa.

“Tôi vào trường luật để tôi có thể biện hộ cho những người yếu thế. Do đó tôi muốn trở thành một luật sư,” cô Viet-Hanh Winchell trả lời Pioneer Press.

Sau khi tốt nghiệp trường luật, công việc đầu tiên của cô là thư ký tòa án cho Chánh Án P. Hunter Anderson thuộc Tòa Thượng Thẩm Số 10 cũng chính là cơ quan cô vừa tuyên thệ trở thành chánh án.

Chính thời gian làm thư ký tòa đã khơi dậy trong cô niềm khao khát đứng sau bục bào chữa. Cô nói với Pioneer Press: “Tôi đã chứng kiến vị chánh án mà tôi làm việc cùng trầm ngâm như thế nào trước khi đưa ra những quyết định. Họ luôn hiểu nguyên nhân và lý do vì sao ông đưa ra quyết định đó. Bất kể họ tán thành hay không, họ cũng hiểu nguồn gốc của những quyết định ấy.”

“Không chỉ những quyết định lớn cuối cùng phải được đưa ra, thậm chí nó còn đơn giản hơn thế. Ví dụ, một khách hàng của tôi, người đã làm mọi thứ có thể nhưng họ vẫn mắc một số sai lầm và họ lo sợ con mình vẫn sẽ bị bắt đi. Nhưng tại phiên điều trần, vị chánh án chỉ nói: ‘Tôi hiểu. Tôi biết bạn đang làm việc rất chăm chỉ.’ Và đó thực sự là tất cả những gì khách hàng của tôi cần…,” cô Viet-Hanh nói.

Cũng theo Pioneer Press, trước khi thành lập công ty riêng United Rivers Law Firm, ở St. Paul, vào năm 2021, cô đã làm việc cho một số công ty luật, gồm Gallagher Law Firm ở St. Paul; Woods & Thompson ở Fridley; và Lawson, Marshall, McDonald & Galowitz ở Lake Elmo.

Ngoài ra, cô Viet-Hanh từng là thành viên của của Ủy Ban Lựa Chọn Tư Pháp. Cô quyết định trở thành chánh án vì cô biết một chánh án có thể tác động thế nào đến một người xuất hiện trước họ, theo Pioneer Press.

“Tự hào vì đại diện cho cộng đồng gốc Việt”

Chánh Án Viet-Hanh Winchell chia sẻ niềm vui này trên trang LinkedIn của cô: “Tôi rất vinh dự được bổ nhiệm vào ghế chánh án của Tòa Thượng Thẩm Số 10. Nói tôi vui sướng là một cách nói nhẹ nhàng. Tôi thích được giúp đỡ khách hàng của mình, vì vậy thật là một cảm giác buồn vui lẫn lộn khi phải bỏ dở công việc của mình. Nhưng tôi hoàn toàn không thể chờ đợi thêm để bắt đầu hành trình mới và phục vụ cộng đồng theo một cách hoàn toàn khác!”

Tờ Pioneer Press hôm Chủ Nhật, 12 Tháng Năm, nhấn mạnh: “Khi Viet-Hanh Winchell tuyên thệ trở thành chánh án của Washington County Courthouse, cô ấy sẽ làm nên lịch sử.”

Trả lời phỏng vấn của AsAmNews, cô nói: “Tôi rất tự hào được đại diện cho cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Dĩ nhiên, đó là niềm tự hào tôi dành riêng cho cộng đồng của mình. Cha mẹ của tôi vui sướng vô cùng.”

Cha mẹ của cô, ông bà Hoa Nguyễn rời Việt Nam năm 1979 cùng với ba người con nhỏ. Sau khi ở trại tị nạn Thái Lan vài tháng, họ được bảo lãnh sang Mỹ, đến tiểu bang Minnesota. Viet-Hanh Winchell được sinh ra và lớn lên ở Twin Cities, Minnesota.

Theo Minnesota Lawyer, cô Viet-Hanh Winchell hiện đang điều hành công ty luật United Rivers Law Firm PLLC do chính cô lập ra.

Trên trang web của công ty United Rivers Law Firm PLLC cho biết một câu chuyện đẹp và đầy ý nghĩa của cái tên United Rivers: “Sau khi Sài Gòn thất thủ, cha mẹ Việt Hạnh đã có quyết định dũng cảm cùng các anh chị của cô mình trốn thoát khỏi một đất nước đang hỗn loạn để đổi lấy một tương lai vô định. Cha mẹ của cô đã bỏ lại tất cả để có cơ hội làm lại từ đầu. Họ ra đi trên một con thuyền nhỏ và may mắn đến được trại tị nạn Thái Lan an toàn. Nơi đó, họ đã sống nhiều tháng trước khi được một gia đình người Mỹ bảo trợ sang Mỹ. Gia đình cô đến Minnesota giữa mùa Đông lạnh lẽo, không có gì ngoài bộ quần áo đang mặc. Dù mất tất cả cùng đất nước, họ vẫn có nhau và còn hy vọng. Nếu không có niềm tin to lớn ấy, Viet-Hanh đã không được ra đời. Cũng như các anh chị của cô cũng không được cơ hội phát triển và đạt được vị trí như hôm nay.”

Tên đệm của Viet-Hanh là Sông. Sông có nghĩa là “river” trong tiếng Anh. Cha mẹ của cô chọn “Sông” để hàm ý cho sự hợp nhất hai dòng sông của hai gia đình.

Sự hy sinh của gia đình này là chỗ dựa cho sự ra đời của cô và là nền tảng xây dựng nên tập đoàn luật United River. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]


 

THƯ GỬI “sư em” MINH TUỆ

Dieu Le-Những câu chuyện Nhân Văn

Anh và em chưa một lần gặp mặt

Và biết em chưa chắc đọc thư này

Nhưng tâm tình thì cứ gởi liền tay

Nhờ phây lưu biết ngày sau giá thử.

Nhiều năm trước anh cũng từng phát nguyện

Sang Thái Lan đi khất thực dăm ba ngày

Tập quấn y mà cứ mãi trầm trây

Rồi nguyện đẹp cũng dần dà trôi luống.

Nay thấy em tấm hình hài buông xuống

Phấn tảo y ôm lấy chiếc thân gầy

Bước chân trần em rong ruỗi đó đây

Anh cúi đầu với biết bao xúc cảm.

Đang đối mặt với trần gian ảm đạm

Giữa chúng ta ai thoát khỏi phiền ưu.

Em hơn anh ở dám quyết dám liều

Anh thua em vì nhiều duyên nợ khác.

Hành trạng em dù chưa tròn “y bát”

Như Luật Nghi, giáo pháp đề ra,

Theo dõi bước chân, anh thấy thật xót xa

Phải chi quanh em là vô ngôn tuyệt đích.

Chuyện đời thường mặc kẻ ưa người thích

Việc của mình, “muốn nhích” cứ làm thôi.

Mặc cho người chỉ trích hoặc bám, hôi.

Mong em giữ vững sơ tâm bền chí cả.

Xưng thầy, xưng con, chẳng có gì trí trá

Lõi nồi cơm hay ứng lượng khí bàn chi

Như đói ăn, khát uống bất tư nghì.

Khi hết thở, một mảnh đời dừng lại.

Nụ hoa Tuệ em có từng muốn hái?

Cõi Niết mơ hồ em có định hướng chưa?

Hay cực đoan khổ hạnh chốn đời thừa,

Để vớt vát bóng hình đời đang thiếu?!

Hành cước em vốn đặc thù chất liệu

Nhưng bướm ong vo vẻ nhện tơ giăng

Khiến tâm đan bỗng chốc bị phược thằng

Khiến trân phẩm vô tình thành phế phẩm?!

Gửi đến em bằng tình thương sâu thẳm

Như bao người, không phân biệt thân sơ.

Giữa chúng ta tuy bèo nước hững hờ,

Nhưng nguyện sẽ là người đồng lý tưởng.

Dẫu đường đi mỗi người theo mỗi hướng

Gá mộng thân theo cách của riêng mình

Sống hết lòng với cuộc thế phù sinh

Hết hành trình, ta hiện sinh chốn khác.

Anh chúc em giữa mưa chang gió tạt

Thân đủ an và sức khoẻ kiện khang,

Chân đủ lì để tiếp tục lang thang

Vẽ bức tranh nhàn du vô định.

———

Nguồn sưu tầm

Nam Mô A Di Đà Phật

Người đăng bài

Sa Môn Tỳ Kheo Thích Minh Thành


 

Lucy Hsu, cô gái gốc Việt du lịch đến 193 nước Liên Hiệp Quốc

Ba’o Nguoi-Viet

May 11, 2024

Kalynh Ngô/Người Việt

SAN JOSE, California (NV) – Nếu sự giàu có của một người được xét theo tiêu chuẩn kinh nghiệm từ những chuyến du lịch vòng quanh thế giới, thì chắc chắn cô gái gốc Việt Lucy Hsu ở San Jose sẽ có tên trong “top 10.” Tháng Năm, 2023, cô chính thức đặt chân đến Syria, quốc gia thứ 193 trong tổng số 195 nước trên bản đồ thế giới.

Lucy Hsu gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma tại Ấn Độ. (Hình: Lucy Hsu cung cấp)

“Tên tôi là Lucy Hoàng. Sau khi lập gia đình thì tôi dùng họ của chồng là Hsu. Tôi đang dạy lớp Hai ở trường tiểu học Cadwallader Elementary School. Dạy học là giấc mơ của tôi. Tôi xin lỗi tôi không nói rành tiếng Việt,” từ San Jose, cô giáo Lucy Hsu kể lại “sự giàu có” cô tích lũy được ở tuổi mới ngoài 40.

Từ giấc mơ khi bé và cuốn sổ thông hành năm 23 tuổi

Cô gái gốc Việt có giọng nói và cách kể chuyện từ tốn, nhẹ nhàng, rõ chữ, đúng phong cách của một giáo viên đang kể cho học trò của mình về những cuộc phiêu lưu ký.

Cha mẹ của Lucy là thuyền nhân. Họ rời Việt Nam năm 1979. Lucy sinh ra và lớn lên ở California. Cô tốt nghiệp đại học University of California, Berkeley năm 22 tuổi. Cho đến thời điểm ấy, cô chưa bao giờ rời nước Mỹ.

Khi còn là một cô bé, Lucy đã mơ về những chuyến du lịch. Nhưng như nhiều gia đình Việt tị nạn buổi đầu khác, du lịch là một điều rất xa xỉ với gia đình cô.

“Cha mẹ tôi không dư dả tài chính. Do đó chúng tôi đã không đi đâu cả, ngoại trừ một lần đi Canada thăm bà con bên mẹ của tôi. Khi đó tôi còn rất nhỏ, và là người Mỹ nên không cần phải có sổ thông hành để qua Canada,” cô Lucy kể.

Sau khi tốt nghiệp University of California, Berkeley, cô làm việc một năm tại đại học Stanford University. Khoảng thời gian đó, Lucy tiết kiệm được một số tiền, và cô quyết định học lên cao học.

Đó cũng là lúc cô có một khoảng thời gian trống. Không ngờ là vài tháng ngắn ngủi đó đã đặt viên gạch đầu tiên cho cô gái 23 tuổi bước ra với thế giới rộng lớn bên ngoài. Cô làm sổ thông hành, bắt đầu chuyến lịch đầu tiên trong đời.

Giấc mơ thuở nhỏ của cô bé Lucy Hoàng đã thành hiện thực.

“Tôi quyết định thực hiện chuyến du lịch vòng quanh các nước Châu Âu, đến các địa danh nổi tiếng như London, Paris, Rome…,” Lucy nhớ lại. “Cha mẹ dạy tôi cách sống tự lập từ nhỏ. Nếu tôi muốn làm điều gì đó, tôi sẽ thực hiện bằng mọi cách. Và tôi đã không chờ đợi ai cả. Tôi là người có cá tính rất độc lập.”

Sau chuyến đi Châu Âu, vẫn còn một chút thời gian trước khi vào học cao học, Lucy thực hiện chuyến đi thứ hai. Lần này cô đến Thái Lan, Singapore, Malaysia và Hồng Kông. Hai chuyến đi này đã “định hình” một mục tiêu mà Lucy đã thực hiện nó suốt cho đến hôm nay, bằng tất cả đam mê, cố gắng, và bản tính độc lập của cô.

“Tôi khám giá ra thế giới thật kỳ diệu. Từ sau hai chuyến đi Châu Âu và Châu Á, mục tiêu của tôi chỉ là đi du lịch mỗi mùa Hè, hai tuần nghỉ Giáng Sinh, nghỉ ‘Spring break,’ ngay cả tuần lễ ‘President’s week’ tôi cũng đi du lịch,” Lucy nói.

Bí kíp của “UN Master” và 193 quốc gia

Đến Tháng Năm, 2023, cô gái người Mỹ gốc Việt chỉ có sổ thông hành vào năm 23 tuổi đã trở thành “UN Master” – một biệt danh do câu lạc bộ du lịch nổi tiếng Nomadmania dành cho những ai đã đi đến tất cả các nước của Liên Hiệp Quốc.

Chuyến du lịch gần nhất của Lucy là Tháng Tư năm nay, cô đã đến Ấn Độ, được vinh dự, lẫn duyên lành, gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma.

“Phái đoàn của tôi đã đến thăm nhiều trại mồ côi, trường học do ngài sáng lập và tài trợ. Chúng tôi cũng làm tình nguyện viên ở các tu viện do ngài mở ra,” Lucy kể.

Lucy Hsu (thứ hai từ trái) ở Afghanistan. (Hình: Lucy Hsu cung cấp)

Cô nói: “Rất nhiều người thắc mắc vì sao tôi có đủ khả năng để chi trả cho bấy nhiêu chuyến du lịch. Khi còn độc thân, tôi thuê một căn phòng hoặc một căn chung cư nhỏ. Tôi rất tiết kiệm, không tiêu xài nhiều. Tôi học tận dụng tối đa điểm thẻ tín dụng một cách hiệu quả nhất. Tôi cũng ghi danh chương trình tích lũy điểm sau mỗi chặng bay. Tôi thích nhất là Star Alliance vì nó ứng dụng đến 30 hãng hàng không. Do đó cứ mỗi lần tôi bay hãng nào, tôi cũng tích lũy được điểm.”

Không chỉ là thế, cô còn dùng chuyên môn của mình để tìm việc trong những chuyến du lịch dài. Có một lần, cô đến Guatemala và dạy học vài tuần. Cô đón xe buýt từ Guatemala đến Belize rồi trở lại Guatemala. Tương tự, cô đi xe buýt đến Honduras và El Salvador. Cả mùa Hè năm đó, Lucy đã du lịch từ bốn đến năm quốc gia.

“Xe buýt rất rẻ, chỉ khoảng $5. Và tôi ở ‘hostel’ (một dạng nhà trọ, lữ quán) chỉ tốn $5. Khi tôi ghi danh tình nguyện viên, tôi sẽ ở nhà người bảo trợ. Tôi đã tình nguyện dạy học khi đến Africa và ở nhà một gia đình người dân,” Lucy kể lại kinh nghiệm của những chuyến đi.

Lucy nói cô tin rằng ai cũng có thể vươn tới những điều tưởng chừng là không thể, chỉ cần theo đuổi những điều thật sự có ý nghĩa với chúng ta.

Để minh chứng, Lucy kể câu chuyện thực tế của chính mình: “Ví dụ, mặc dù tôi là một giáo viên, mức lương của tôi không ‘great’ nhưng tôi sẵn sàng làm việc rất chăm chỉ. Ngoài việc đi dạy, tôi làm nhiều việc khác. Tôi dạy thêm mỗi ngày sau giờ ở trường. Tôi dạy đàn dương cầm vào mỗi cuối tuần. Ngay cả tôi đã đi giao hàng để có thêm thu nhập. Vì tôi rất, rất muốn đạt được giấc mơ của tôi. Do đó tôi chăm chỉ làm việc chứ không xin cha mẹ phải cho tôi tiền để thực hiện ước mơ, cũng không mơ tưởng mình trúng số.”

Lucy nói thêm: “Nhưng quan trọng là tích cực săn tìm giá vé rẻ. Tôi rất thích dùng skyscanner.com. Tôi vào đó, ghi vào khoảng thời gian tôi có thể đi du lịch để xem nơi nào có giá vé rẻ.”

Quan trọng hơn, là tìm hiểu kỹ về nơi mình sẽ đến. Cô gái này đã đến những quốc gia “nóng” nhất tính theo tình hình chính trị thế giới: Bắc Hàn, Afghanistan, và cả Iraq.

“Đừng vội nghĩ là sao tôi khờ khạo quá lại du lịch đến Bắc Hàn hay Afghanistan. Tôi đã tìm hiểu, tham khảo rất nhiều từ những du khách trước. Tôi là thành viên của những nhóm du lịch đến hơn 150 quốc gia. Họ chia sẻ kinh nghiệm khi biết nơi tôi muốn đến,” cô nói.

Lucy Hsu đã đến Bắc Hàn, chụp ảnh ngay ở biên giới DMZ. Cô đến Afghanistan, dùng cơm với gia đình người bản xứ.

Lucy Hsu chụp ảnh tại DMZ ở Bắc Hàn. (Hình: Lucy Hsu cung cấp)

Thay đổi nhân sinh quan

Câu chuyện với “UN Master” Lucy Hsu ngày càng thêm thú vị và ý nghĩa khi cô chia sẻ về sự thay đổi nhân sinh quan của một cô gái gốc Việt sinh ra và lớn lên ở Mỹ.

“Rất nhiều thứ,” Lucy nói. “Chính tôi đã không thể tin được. Tôi là con gái của gia đình tị nạn, tôi lớn lên trong cuộc sống không có nhiều điều kiện và tôi có thể đạt được ước mơ của mình là du lịch đến mỗi quốc gia trên thế giới.”

Phần thưởng lớn nhất Lucy Hsu có được chính là bạn bè và kinh nghiệm. Cô nói: “Tôi đã thật sự khám phá thế giới và hiểu con người có nhiều cách khác nhau để sinh tồn. Dù tôi ở bất cứ nơi nào, Africa hay Châu Á, Châu Âu, Nam Mỹ, tôi đều có thể có bạn. Dù chúng ta khác văn hóa, khác nền tảng, nhưng tất cả chúng ta đều có điểm giống nhau là chăm lo cho gia đình, quan tâm đến giáo dục, đến cơ hội tốt…”

Sau những chuyến đi đầu tiên, Lucy nói cô đã đẩy lùi khỏi tư tưởng của mình những suy nghĩ mà cô gọi là “American mindset:” “Khi tôi bắt đầu du lịch, tôi chọn những nơi nổi tiếng như Vạn Lý Trường Thành, tháp Eiffel, London Bridge… Tư tưởng của tôi còn rất ‘American mindset.’ Tôi thường so sánh cái này, cái kia với nước Mỹ. Nhưng khi tôi quyết định du lịch nhiều hơn và lâu hơn, tôi bắt đầu kết bạn với người địa phương và hiểu về văn hóa của họ. Đó là lúc tôi thấy cách nghĩ đó không còn thích hợp nữa.”

Từ những quốc gia mà Lucy chọn để du lịch và làm thiện nguyện, cô đã nhìn thấy nhiều điều ý nghĩa hơn, đẹp đẽ hơn là hai từ “địa danh.” Cho dù, đó là những nơi không có nhà vệ sinh, không có nước sạch, những lớp học chỉ là một túp lều mong manh.

“Tôi đến Kenya, nhà vệ sinh chỉ là một cái hố dưới mặt đất. Tôi phải mang theo nước uống. Nếu muốn nước nóng, tôi phải đi nấu. Không có nhà tắm, chỉ là thau nước và miếng bọt biển. Khi tôi đưa ra những tấm ảnh về cuộc sống ở đó, mọi người đều cho rằng cuộc sống quá khó khăn. Tôi không cho là thế. Tất cả chỉ là chúng ta nghĩ như thế,” Lucy nói.

“Đừng cứ mãi than phiền, xe tôi không đẹp như xe kia, nhà tôi không to như nhà kia, thời tiết hôm nay tệ quá, đường phố hôm nay đông xe quá… Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn rất nhiều nếu chúng ta trân trọng những gì chúng ta đang có mỗi ngày. Tôi nghĩ rằng đó là giá trị mà tôi học được, trân quý những gì tôi có, công việc tôi đang làm, ngôi nhà tôi đang ở. Tôi biết mình hạnh phúc,” cô gái “UN Master” nở nụ cười viên mãn.

Mùa Hè sắp đến, Lucy Hsu lại chuẩn bị cho chuyến hành trình kế tiếp. Chắc chắn học trò của cô sẽ lại được nghe về cuộc phiêu lưu kỳ thú của cô giáo mình.

Trước khi kết thúc buổi trò chuyện, cô chân thành nhắn gửi: “Nếu các bạn cần hỏi gì về những chuyến du lịch, đừng ngại liên lạc với tôi ở Instagram: Calgirl2003.” [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]


 

BẬC THẦY … ĐI BỘ – (Fb Đỗ Trí Hùng)

Oanh Vy Lý

(Fb Đỗ Trí Hùng)

1 – Những ngày gần đây cõi mạng ồn ào về hình ảnh một nhà sư đi bộ, nhà sư này có pháp danh Thích Minh Tuệ. Vài người trẻ tuổi phản biện kiểu : Đi bộ suốt ngày thế để chứng tỏ điều gì? Tự làm khổ mình để thành Phật chăng? Nếu ai cũng đi khất thực thì ai sẽ lao động, đất nước này sẽ đi về đâu?

Cái kiểu đặt câu hỏi này, dù rất tôn trọng lớp trẻ học nhiều hiểu rộng, tôi vẫn phải thốt lên, sao mà ngu lấy ngu để, ngu không để đâu cho hết ngu vậy trời?

Hỏi thế chắc khi xem Messi đá bóng, lại thốt lên, ai cũng thần tượng rồi học theo Messi đi đá bóng hết, rồi lấy ai lao động làm ra của cải vật chất, đất nước sẽ đi về đâu hả ông giời?

Rồi khi xem phin lại than, ai cũng thần tượng học theo trấn thành làm phin, thì lấy ai lao động sản xuất làm ra của cải, đất nước sẽ đi về đâu hả giời?

Rồi thậm chí đến nhà toán học hay nhạc công thiên tài cũng bị tra hỏi, nếu ai cũng thần tượng rồi học theo ông ngô bảo châu, ông đặng thái sơn… cứ suốt ngày ngồi làm toán với chơi đàn, thì lấy ai lao động sản xuất, đất nước này sẽ đi về đâu hả giời…

2 – Thế giới cổ kim có nhiều nhân vật vĩ đại, nhưng có ba ông được lịch sử tư tưởng đánh giá ngang hàng, chính là Socrat, Chúa Jesus và đức Phật. Ba vị này sẽ lưu danh đến muôn đời như ba bậc thầy thức tỉnh loài người khỏi cõi u mê tăm tối, dù đến nay, hàng ngàn năm đã trôi qua, nhân loại chưa hẳn đã thức tỉnh như mong muốn của họ thì ít nhất nhờ họ mà nhân loại giã từ kiếp cầm thú.

Và, cả ba vị này giống nhau y chang ở chỗ : Họ không có nhà cửa, không cần nhà cửa, họ không có chức vụ và không cần chức vụ, thậm chí họ chẳng cần cả món ăn theo nghĩa hốc đẫy tễ lấy ngon miệng như quí vị bây giờ, và … họ cứ lang thang đi bộ khắp nơi, đi suôt ngày…

Nên nhớ, trong ba vị, thì một vị từ bỏ cung vàng điện ngọc, từ bỏ ngôi báu. Một vị được mệnh danh “ người thông minh nhất hy lạp” đã từng được mời làm quan, được ban ghế thủ lĩnh hội đồng tư vấn cho chính quyền, và vị nữa thì các tín đồ xin được quyên góp xây điện để ngài ngự và giảng đạo

Nhưng, các vị ấy đã chọn … lang thang đi bộ, ăn uống tạp nham, màn trời chiếu đất, để làm gì vậy?

Và, loài sâu bọ luôn có câu trả lời thay cho sư tử, bằng cái bụng của loài sâu bọ, thế mới buồn cười.

3 – Nói về sự đi bộ bền bỉ thì Socrat là người đi ít nhất, ông chỉ loanh quanh trong thành Athen, và tháng đôi lần vẫn rẽ về nhà để nghe vợ … chửi.

Người đi thứ nhì chính là Chúa Giesu, thời kỳ đầu ngài chỉ giảng bài quanh vùng Galilea – phía bắc Israel ngay nay – và vài chuyến đến Yerushalayim tức Jezusalem và không xa hơn…

Đứng đầu trong ba vị chính là đức Phật. Ngài quả nhiên có sức lực vô biên, cả sự nghiệp hoằng pháp của ngài, ngài đã băng qua đồng bằng sông Hằng bao la, qua vương quốc Kosala – thuộc Nepan hiện tại – đến tận xứ Ma kiệt đà – tức vùng bắc Ấn độ – xuyên qua rất nhiều vương quốc nhỏ giữa các địa danh trên. Thật là kỳ tích vĩ đại…

Câu hỏi là, nếu cả ba vị thầy này đi bộ chỉ để giảng pháp, giảng triết học, giảng lẽ đời, thì, như phần 1 tôi đã nói, họ chỉ cần ngồi xuống lập tức đệ tử sẽ bu đến, và nơi họ tọa sẽ thành học viện, thiền viện, hàn lâm viện…

Vậy vì sao họ cứ đi bộ lang thang như kẻ vô gia cư, với những điều kiện sinh hoạt nhếch nhác như ăn mày?

4 – Giờ, các bạn hình dung, nếu có một thằng trọc mặc áo cà sa, tay đeo đồng hồ Rolex thụy sĩ, bước lên xe hơi Mẹc sờ đùi, tọa trong quả tháp bọc vàng…

Và rao giảng cho chúng sinh về buông bỏ, về việc coi của cải là phù du, coi vật chất là vô thường, coi cám dỗ là căn nguyên của nghiệp chướng …. thì các bạn có tin được không?

Chắc bạn phải ngu lắm mới tin!

Giống như quan to vừa giảng đạo đức vừa ăn cắp, vừa nói về công chính vừa … chịch phò, vừa hô khẩu hiệu hy sinh cho lý tưởng, vừa vơ vét của cải của bách tích găm hết vào váy vợ…

5 – Ba nhà tư tưởng bậc thầy của nhân loại họ dấn thân vào con đường tìm lý tưởng, tìm đạo, hướng tới tự do tinh thần và sự cao cả và họ dứt khoát khước từ mọi ràng buộc trần thế. Họ thực hiện đời sống của họ hoàn toàn trùng khít với tư tưởng của họ.

Họ khước từ mọi ràng buộc vật chất để đạt được sự độc lập tối đa và sự thiếu vắng hoàn toàn mọi ràng buộc đã khiến họ đạt được sự tự do vô hạn của mình…

Họ mới là bậc thầy, là bậc chí thánh của loài người.

Và, ông Thích Minh Tuệ, rất có thể ông và những người cùng dòng tu “khổ hạnh” chỉ đang muốn dấn thân trải nghiệm cuộc đời của sư tổ. Những kẻ trần tục và hạn hẹp thấy ông ấy như đang tự đày đọa, ai mà biết, trong tâm ông ấy hoàn toàn là sự thanh thản, sự tự do tuyệt đối.

P/S:

Cần phải bố thí cho thằng thích chăn bò ở chùa gì vài lời, thằng này thì ai cũng biết – trừ lũ mê muội – là hạng sư chăn bò, vơ vét tiền cúng dường và tọa trong chùa to, thấy thiên hạ tự dưng ca ngơi ông sư khổ hạnh kia thì nó sợ mất khách, nó đăng đàn thóa mạ ông ấy, đúng là đồ vô liêm sỉ. Thích chăn bò đừng lo lắng, vẫn còn nhiều bò cho ngài chăn!


 

Bà thầy cúng ở Nam Định lừa được gần $12 triệu

Ba’o Nguoi-Viet

May 10, 2024

NAM ĐỊNH, Việt Nam (NV) – Bị can Bùi Thị Ninh, 44 tuổi, ở thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định, vừa bị bắt, khởi tố với cáo buộc đóng vai thầy cúng để lừa đảo, chiếm đoạt 300 tỷ đồng ($11.8 triệu).

Theo báo Công An Nhân Dân hôm 10 Tháng Năm, bị can Ninh bị bắt khi đang trốn tại quận 4, Sài Gòn.

Bị can Bùi Thị Ninh khi bị bắt. (Hình: Công An Nhân Dân)

Hồ sơ của Công An Tỉnh Nam Định cho hay, thoạt đầu, có bảy người ở tỉnh Nam Định và tỉnh Yên Bái làm đơn tố cáo hành vi lừa đảo 128 tỷ đồng ($5 triệu) của bị can Ninh.

Khi công an mở cuộc điều tra thì phát giác có thêm nhiều nạn nhân khác của nữ bị can đã “cao chạy xa bay.”

Kết quả điều tra sơ bộ cho hay, bị can Bùi Thị Ninh thường xuyên đi lễ chùa, dùng chiêu thức “xem tướng, đoán số mệnh” để tạo mối quan hệ với nhiều người.

Trong các năm 2018-2020, bị can Ninh hùn vốn kinh doanh nhà đất với nhiều người và bị thua lỗ nên nợ nần, mất khả năng thanh toán.

Để có tiền trả nợ, nữ bị can nói dối với nhiều người là mình đang cần khoản tiền lớn để đầu tư kinh doanh nhà đất, xăng dầu, mua cổ phiếu của các dự án thủy điện tại hai tỉnh Sơn La, Khánh Hòa hoặc vay tiền làm dịch vụ “đáo hạn ngân hàng.”

Thấy bà này “uy tín,” nhiều người góp vốn làm ăn.

Khi nhận được tiền của các nạn nhân, bị can Ninh không làm như đã thỏa thuận mà dùng để trả nợ gốc, tiền lãi dẫn đến số nợ nần ngày càng tăng cao.

Đến khi nhận thấy mình không tiếp tục vay được tiền của ai nữa, bị can Ninh cắt hết liên lạc với chủ nợ rồi bỏ trốn khỏi địa phương.

Công An Tỉnh Nam Định xác nhận đến nay có ít nhất 19 người sập bẫy “đầu tư kinh doanh” với bị can Bùi Thị Ninh.

Hiện nhà chức trách tỉnh Nam Định đề nghị những ai là nạn nhân hoặc có thông tin, chứng cứ về hành vi vi phạm của bị can Bùi Thị Ninh ra công an trình báo.

Trong một hành vi lừa đảo tương tự, bị cáo Trần Thị Thanh Tiền, 45 tuổi, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, bị kết án 14 năm tù với cáo buộc lừa đảo vay tiền “đáo hạn ngân hàng,” chiếm đoạt 2.1 tỷ đồng ($82,628).

Báo Thanh Niên hôm 3 Tháng Năm dẫn cáo trạng cho hay, trong hai năm 2019-2021, do làm ăn thua lỗ và nợ nần, bị cáo Tiền nảy sinh ý định lừa tiền người khác.

Bị cáo Trần Thị Thanh Tiền, 45 tuổi, ở huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long, bị kết án 14 năm tù với cáo buộc lừa đảo vay tiền “đáo hạn ngân hàng,” chiếm đoạt 2.1 tỷ đồng ($82,628). (Hình: Nam Long/Thanh Niên)

Bị cáo Tiền nói dối với ông TU, đồng nghiệp cũ, rằng bà quen biết cán bộ một chi nhánh ngân hàng ở huyện Tam Bình và đang cần nguồn vốn cho vay nhằm làm dịch vụ “đáo hạn ngân hàng.”

Tin lời nữ bị cáo, ông U. giới thiệu một người em họ là ông TSNR cho bà này vay tổng cộng 6.3 tỷ đồng ($247,884).

Sau đó, bị cáo Tiền đã trả lại một phần tiền cho ông R. và còn nợ 2.1 tỷ đồng cho đến ngày bị bắt giam.

Bản tin cho hay, tại phiên tòa, bị cáo Tiền được ghi nhận “không thành khẩn khai báo” nên bị Hội Đồng Xét Xử tuyên mức án nêu trên. (N.H.K) [qd]


 

Vụ tai nạn xe VinFast ở Bắc California: Tay lái từng bị trục trặc

Ba’o Nguoi-Viet

May 8, 2024

PLEASANTON, California (NV) – Chiếc xe hơi điện VinFast chở gia đình bốn người tông cột đèn và thiệt mạng ở Bắc California tháng trước, từng bị trục trặc tay lái, Bộ Giao Thông (DOT) loan báo, theo đài truyền hình địa phương KRON hôm Thứ Tư, 8 Tháng Năm.

Có người nộp đơn khiếu nại lên trang web Cơ Quan An Toàn Giao Thông Xa Lộ Quốc Gia (NHTSA) năm ngày sau vụ tai nạn thảm khốc làm thiệt mạng ông Tarun George, vợ ông là bà Rincy George, cùng hai đứa con nhỏ của họ, bé Aaron George, 9 tuổi, và Rowan George, 13 tuổi. Đơn khiếu nại này gồm nhiều chi tiết có vẻ đúng với tình huống vụ tai nạn.

Xe hơi điện VinFast VF8. (Hình minh họa: Apu Gomes/AFP via Getty Images)

Người nộp đơn khiếu nại cho hay họ mới là chủ chiếc VinFast VF8 và người lái xe lúc xảy ra vụ tai nạn là đồng nghiệp của họ.

Trước vụ tai nạn, chiếc xe này từng bị trục trặc tay lái, “cứ tự động lái sang bên phải,” theo đơn khiếu nại. Tình trạng này xảy ra khi bật tính năng hỗ trợ giữ làn đường “thì nó cứ tự động làm dịch chuyển tay lái,” theo đơn khiếu nại.

Đơn khiếu nại lo ngại rằng tình trạng “trục trặc này tái diễn” vào lúc xảy ra vụ tai nạn làm thiệt mạng gia đình ông George.

Trang web NHTSA liệt kê một lần thu hồi và chín đơn khiếu nại liên quan tới xe VinFast VF8 2023.

Trong số chín đơn khiếu nại đó, ba đơn báo cáo trục trặc tay lái, hai đơn liên quan tới kiểm soát tốc độ của xe, hai đơn liên quan tới chạy lệch làn đường, và hai đơn về tránh đụng xe.

Một đơn khiếu nại khác trên trang web NHTSA cho hay xe VinFast VF8 “bất thình lình quẹo đại” và suýt đụng xe hai lần.

“Cảm biến đụng xe phía trước và cảm biến giữ làn đường không hoạt động khi nắng chiếu trực tiếp,” một đơn khiếu nại khác cho biết.

“Tính năng bảo đảm an toàn không hoạt động” khi có sương mù dày đặc, mưa hoặc ánh sáng chiếu vào camera hay cảm biến, theo một đơn khiếu nại khác.

VinFast cũng thu hồi lô xe điện đầu tiên giao cho thị trường Mỹ vì vấn đề an toàn. Lô xe điện này bị thu hồi vào Tháng Năm, 2023, do màn hình không hiện lên thông tin an toàn thiết yếu như đồng hồ tốc độ hoặc đèn cảnh báo, “nên có thể làm tăng rủi ro đụng xe,” NHTSA cho hay.

Gia đình ông George thiệt mạng ở Pleasanton khi đang trên đường từ nhà bạn về nhà họ khoảng 9 giờ tối ngày 24 Tháng Tư. Theo cảnh sát Pleasanton, xe bị lạc tay lái, tông cột đèn, gốc cây trên đường Foothill rồi bốc cháy.

Cảnh sát vẫn đang điều tra vụ tai nạn.

VinFast ra thông báo cho hay: “VinFast có biết vụ tai nạn bi thảm này ở Pleasanton và chúng tôi thương cảm gia đình này. Cơ quan hữu trách đang điều tra nguyên nhân vụ tai nạn và khi nào điều tra xong, họ sẽ công bố kết quả.” (Th.Long) [qd]


 

 Lê Tấn Trạng – ‘tiếng nói vì dân’ đã tắt

Ba’o Nguoi-Viet

May 5, 2024

Trần Bạch Thu/SGN

Năm 1967 sau khi thi đậu Tú Tài I, tôi đến văn phòng quận Châu Thành, tỉnh Đinh Tường (Mỹ Tho) để khai “Lược Giải Cá Nhân,” một giấy chứng nhận rất quan trọng để sau này đình kèm theo đơn xin dự tuyển vào các trường cao đẳng hay đại học.

Cô nhân viên văn phòng quận giải thích đơn giản và thực tế hơn “em thuộc tài nguyên sĩ quan,” cô bảo chờ chút xíu, đợi ông Phó Quận ký tên. Đó là lần đầu tiên tôi biết anh Lê Tấn Trạng.

Từ sau đó, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và biết về ông Phó Quận, còn rất trẻ với những hoạt động gây chú ý trong giới học sinh, ông là người vận động thành lập đoàn “Văn Sinh Đất Lành” quy tụ hầu hết các học sinh trung học trong tỉnh để phát động các phong trào dọn vệ sinh đường phố Mỹ Tho vào những dịp nghỉ lễ hay cuối tuần, thành lập ban văn nghệ trình diễn trong các buổi cắm trại của học sinh …

Hầu như giới trẻ ở Mỹ Tho lúc bấy giờ rất ngưỡng mộ ông Phó Trạng, rất bình dân và gần gũi với mọi thành phần trong xã hội. Đặc biệt là hiếm khi sử dụng công xa, anh thường di chuyển, đi lại bằng chiếc xe gắn máy đàn ông hiệu Honda, đời cũ màu đen.

Ngoài các sinh hoạt văn nghệ, xã hội, đoàn Văn Sinh Đất Lành còn là một tổ chức khuyến học duy nhất tại Mỹ Tho có thuyết trình, hướng dẫn chi tiết cho học sinh biết về các trường cao đẳng và đại học ở Sài Gòn, có những điều kiện như thế nào để thi tuyển nhập học. Lần đầu tiên tôi mới biết, muốn làm Phó Quận thì học ở trường nào, thời gian mấy năm và có gì hay hơn so với bác sĩ, dược sĩ hay kỹ Sư.

Anh nói: “Học ngành nào cũng được, miễn mình thích là tốt nhất.”

Hai năm sau, tôi thi đậu vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, ban Đốc Sự khóa 17 và gặp lại anh Trạng vừa mới thất cử nghị viên Hội Đồng tỉnh Định Tường, bèn về trường ghi danh theo học Cao Học khóa 6.

Xin được nói thêm về điều này, anh Trạng tốt nghiệp Đốc Sự khóa 11 với thứ hạng cao nên được quyền ưu tiên, khỏi thi, về học ban Cao Học kể từ sau hai năm ra trường.

Tuy là Phó Quận nhưng khi ra ứng cử chức nghị viên anh thua hai ứng cử viên khác là ông xã Huỳnh, rất khôn ngoan trong chiến dịch tranh cử, ông lấy dấu hiệu tranh cử là chiếc nón lá, và kín đáo phát cho dân chúng trong địa phương. Ngay ngày bỏ phiếu ông còn cho rải nón lá hai bên đường ở địa điểm bầu cử để nhắc nhở cử tri. Người thứ hai là chỉ huy trưởng Thám sát tỉnh, Huỳnh Hoa. Điều này nói lên sự công bằng và giá trị thật sự của lá phiếu bầu cử.

Mặc dù đã về trường học lại, nhưng hình như là anh đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử khác, chúng tôi ở chung với nhau trong ký túc xá của học viện.

Chưa đầy sáu tháng theo học lớp Cao Học 6, anh nói với tôi là sẽ trở về Mỹ Tho ra tranh cử chức dân biểu đơn vị Thị xã Mỹ Tho. Tôi im lặng vì thấy hơi khó, vì vừa mới thất cử nghị viên chưa đủ thời gian chuẩn bị lấy lại tinh thần, hơn nữa ứng cử viên tranh chức dân biểu thị xã Mỹ Tho lại là người bà con của bà Thiệu (Phu nhân Tổng Thống), lúc đó đang là Chánh Sở Học Chánh tỉnh Định Tường.

Ông Lê Tấn Trạng. (Hình: tác giả cung cấp)

Anh nói: “Hai phương diện bầu cử khác nhau, hai thành phần cử tri cũng khác nhau, một là vùng dân cư hỗn hợp, và một là vùng dân cư tương đối có trình độ chọn lọc. Thị xã Mỹ Tho có truyền thống chuộng người trí thức và cử tri biết đến các hoạt động của một ông Phó Quận nhiều hơn.

Thật vậy, năm 1971 anh Trạng đắc cử chức dân biểu đơn vị Thị xã Mỹ Tho một cách vẻ vang, mặc dù đối phương được sự ủng hộ tối đa của chính quyền, cụ thể là nhân viên công lực vận động đến gõ cửa từng nhà trong thị xã. Nhưng anh Trạng có các đoàn thể học sinh (Văn Sinh Đất Lành), nghiệp đoàn lao động, nhất là đảng phái đang lên lúc bấy giờ (Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến) nhiệt tình ủng hộ, các em học sinh đi gõ cửa từng nhà, mang biểu ngữ vận động tranh cử dán khắp thị xã.

Tại diễn đàn Hạ Nghị Viện, anh Trạng có tài hùng biện và được bầu làm Tổng Thư Ký khối Dân Quyền (đối lập) mà đa số trong đó là thành viên của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Anh là tiếng nói mạnh mẽ về các chương trình dân sinh và tranh đấu cho người dân bị ức hiếp. Điển hình qua vụ kiện tham nhũng nổi tiếng trên cả nước được mệnh danh là “Ông già Bến Tranh.”

Vụ án như thế này, ông già Bến Tranh tên thật là Lê Văn Duyên, người dân xã Tân Lý Tây, Bến Tranh (Định Tường) khởi kiện ông quận trưởng tham nhũng và hối mại quyền thế, bức hại dân lành có chứng cớ, nhưng cấp trên không xét xử thỏa đáng nên ông đã lên tận Sài Gòn nhờ các cơ quan công quyền giúp đỡ.

Lúc bấy giờ phong trào chống tham nhũng đang rầm rộ qua các phương tiện truyền thông, báo chí nên đã làm lung lay chiếc ghế của ông Quận trưởng. Để bảo vệ, ông quận cho người ngầm cảnh cáo ông Duyên, nhưng không có kết quả. Sau cùng, ông Duyên bị ám sát chết tại nhà, không bắt được thủ phạm.

Sự việc gây chấn động trong cả nước, và anh Trạng vào cuộc, đòi công lý cho ông Duyên, mặc dù cũng có lời hăm dọa của kẻ thủ ác. Thời gian kéo dài, có lúc gần như vô vọng vì các thế lực yểm trợ cho ông quận trưởng rất lớn, nhưng dân biểu Lê Tấn Trạng đã kiên trì tranh đấu bằng nhiều phương tiện hợp pháp để đưa vụ kiện ra ánh sáng.

Cuối năm 1974 sự thật được phanh phui, bắt được hai kẻ sát nhân, và ông quận trưởng bị giáng cấp, bị bắt giam vào Quân Lao ở Cần Thơ chờ ngày ra tòa lãnh án.

Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, nhóm dân biểu thuộc thành phần thứ ba, thân cộng như Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba tiếp xúc và can thiệp với chính quyền mới cho một số đồng viện được cải tạo tại chỗ, ngắn ngày trong đó có dân biểu Lê Tấn Trạng.

Mặc dù được chính Mai Chí Thọ ngưỡng mộ qua vụ án ông già Bến Tranh, gợi ý anh nên tham gia vào tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc cùng với dân biểu Hồ Ngọc Nhuân, nhưng anh từ chối và trở về quê sinh sống như người dân thường.

Cho đến Tháng Mười năm 1976, anh Trạng bị bắt trong đêm tại nhà, làng Tân Hòa Thành, Bến Tranh vì tội tham gia tổ chức “Sư Đoàn Tiền Giang” chống lại cộng sản đương thời.

Tháng Tám năm 1977 cộng sản mở một phiên tòa tại Mỹ Tho xử một vụ án âm mưu lật đổ chính quyền, tổ chức có danh xưng là “Sư Đoàn Tiền Giang.” Tuy luôn luôn nói là công khai nhưng không có thân nhân bị cáo tham dự, cũng như không có phóng viên báo chí theo dõi hay tường thuật, kể cả báo chí trong nước. Phiên tòa chỉ đọc cáo trạng trong khoảng hơn hai giờ đồng hồ. Không có luật sư bào chữa, nhân viên pháp lý cũng như bồi thẩm nhân dân đều do chính quyền chỉ định.

Tất cả bị can không có kháng án. Hoàng Văn Ngãi, tư lệnh sư đoàn, tử hình. Hai anh em Trương Văn Thân (Bí danh Trần Minh Dũng), tham mưu trưởng và Trương Văn Dậy (Mười Dậy) chỉ huy trưởng khu căn cứ Long An, mỗi người lãnh án 10, và 20 năm tù khổ sai.

Khoảng hơn 20 người khác bị kết tội phản động và lãnh án từ năm đến 10 năm tù giam. Tất cả đều bị bắt tại nhà Trần Minh Dũng vào buổi chiều tối ngày 10 Tháng Mười năm 1976 đem về trung tâm Thẩm Vấn (Tân Mỹ Chánh) nhốt vào xà lim hay biệt giam.

Sau đó từng đợt được chuyển lên khám đường cũ ở số 2 đường Lãnh Binh Cẩn, thành phố Mỹ Tho.

Riêng anh Trạng bị biệt giam ở Trại Chấp Pháp cả năm trời, và bị xử kín không có ra tòa cùng với một số người khác, có người cho đến nay không biết còn sống hay đã bị thủ tiêu.

Sau đó, anh được chuyển xuống trại giam mới xây để tiếp tục tạm giam vì cho đến lúc này, công an cũng chưa bắt hết các thành viên của sư đoàn cũng như các cảm tình viên vẫn còn lẫn trốn. Cộng sản qui cho anh là chính ủy của sư đoàn nên canh chừng rất nghiêm ngặt.

Cho đến một ngày, nhờ gia đình lo lót cho cán bộ trại giam, anh được ra ngoài lao động làm cỏ, dọn vệ sinh xung quanh trại giam. Anh có người chị ruột trông duyên dáng và lanh lợi luôn thăm anh ở trại giam, lợi dụng sự tín cẩn của cán bộ, có hôm còn cho phép anh về thăm nhà trong ngày, chị Ba nhanh chóng tổ chức cho anh vượt biển thành công.

Anh không có lập gia đình, sống độc thân cho đến khi qua đời. Ước nguyện của anh, sống không về Việt Nam khi còn cộng sản, chết đem tro cốt về quê cũ làng Tân Hòa Thành, Bến Tranh chôn bên cạnh mồ mả của song thân. Chỉ vậy thôi.

Anh Lê Tấn Trạng qua đời ngày 2 Tháng Năm năm 2024 tại San Diego, CA.

Nhớ đến anh, tôi viết ít dòng về anh trong niềm thương tiếc khôn nguôi. Chúc anh thượng lộ bình an và cám ơn anh đã để lại cho đời tiếng nói vì dân thật mạnh mẽ của một con người yêu nước chân chính.


 

 Buổi ra mắt sách ‘Con Gái Thợ Nail’ đầy cảm xúc về gia đình Mỹ gốc Việt

 Ba’o Nguoi-Viet

May 3, 2024

Thiện Lê/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Đông người dự buổi ra mắt của sách hồi ký “The Manicurist’s Daughter” (Con Gái Thợ Nail) ở Little Saigon vào tối Thứ Năm, 25 Tháng Tư, nói về nhiều điều liên quan đến văn hóa của người Mỹ gốc Việt.

Tác giả Susan Liễu (thứ hai từ trái) chụp hình với những người có mặt tại buổi ra mắt sách. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Buổi ra mắt sách được tổ chức tại trường thẩm mỹ Advanced Beauty College ở Garden Grove. Với chủ đề nói về gia đình trong ngành nail, có thể nói không có nơi nào thích hợp hơn vì đây là trường đào tạo rất nhiều thợ nail ở Little Saigon.

Ông Tâm Nguyễn, chủ nhân Advanced Beauty College, chào mừng quan khách có mặt để dự buổi ra mắt sách của tác giả Susan Liễu, một nhà soạn kịch kiêm diễn viên kịch.

Cô được sinh ra trong một gia đình làm nghề nail, từng có chương trình kịch độc diễn có nội dung tự sự là “140 LBS: How Beauty Killed My Mother” tại 10 thành phố khắp Hoa Kỳ, được nhiều tờ báo như The Los Angeles Times, đài NPR, và tạp chí American Theatre đánh giá rất cao.

Chương trình kịch này nhận được nhiều giải thưởng, và còn được chiếu tại nhiều chương trình văn hóa, trong đó có Viet Film Fest ở Little Saigon, và cô từng được mời thuyết trình tại mấy chục đại học khắp nước.

Tác giả Susan Liễu đọc một đoạn trong sách. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Để lan truyền câu chuyện về cái chết của thân mẫu, về câu chuyện của gia đình, cô Susan quyết định viết quyển sách đầu tay là “The Manicurist’s Daughter.” Sách này là một hồi ký đầy cảm xúc nói về câu chuyện của một người con gái thuộc gia đình Việt Nam tị nạn tìm nhiều câu trả lời về cái chết của mẹ mình vì giải phẫu thẩm mỹ.

Gia đình cô đến Hoa Kỳ vào thập niên 1980 sau năm lần vượt biên không thành công. Khi đến được Hoa Kỳ, mẹ cô là người dẫn đầu gia đình, mở được hai tiệm nail thành công và là người đứng sau mọi thành công của gia đình. Đến khi cô được 11 tuổi, bà quyết định đi giải phẩu thẩm mỹ thắt chặt bụng, nhưng sau đó cuộc giải phẫu thất bại, và bà qua đời sau vài ngày hôn mê. Sau tang lễ, không ai trong gia đình được nói về mẹ mình hay những gì đã xảy ra.

Trong 20 năm tiếp theo, cô Susan quyết định tự đi tìm câu trả lời, muốn biết tại sao người hoàn hảo nhất trong gia đình lại muốn sửa đổi thân thể, và tại sao không ai nói cuộc sống của mẹ mình ở Việt Nam ra sao.

Bìa sách “The Manicurist’s Daughter.” (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Một câu trả lời khác mà cô muốn biết là tại sao bác sĩ kia làm mẹ mình mất mạng vẫn được hành nghề và vẫn tiếp tục nhắm vào cộng đồng gốc Việt. Qua nhiều đau đớn, nhiều khó khăn, và thậm chí phải qua các vấn đề về tâm linh, cô phát hiện được nhiều điều về thân mẫu, về bản thân và vẻ đẹp lý tưởng gần như không ai có được.

Đó là nội dung của “The Manicurist’s Daughter” mà cô Susan Liễu muốn trình bày với độc giả ở Little Saigon, Orange County.

Buổi ra mắt sách là một cuộc đối thoại giữa tác giả với người dẫn chương trình là cô Elizabeth Ái, đạo diễn kiêm nhà sản xuất của phim tài liệu “NEW WAVE,” nói về văn hóa của người Mỹ gốc Việt trong thập niên 1980, cũng như đối thoại với những người tham dự.

Cô mở đầu buổi trò chuyện bằng cách kể lại cái chết của mẹ khi mình mới 11 tuổi vào năm 1996, và bà qua đời chỉ ở tuổi 38 sau khi bị mất khí oxy trong não bộ sau khi vào phòng mổ hai tiếng, sau đó hôn mê năm ngày rồi qua đời. Cô cho hay sau đó mới biết người bác sĩ giải phẫu cho mẹ mình lúc đó đang bị treo bằng, không có bảo hiểm sai suất trong y tế, bị kiện 19 lần, những vẫn quảng cáo trong cộng đồng Việt Nam ở vùng vịnh San Francisco.

Tác giả Susan Liễu (phải) và người dẫn chương trình Elizabeth Ái. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Trong 20 năm, gia đình cô không hề đề cập đến người mẹ tuy bà luôn được coi như là sao Bắc Đẩu của gia đình. Điều đó khiến cô muốn đối mặt với nhiều điều cấm kỵ trong gia đình, cũng như trong cộng đồng gốc Việt, và cho rằng mẹ mình thật sự không còn trên cõi đời này nữa nếu không ai nhắc đến bà.

Cô kể cô phải tìm đủ mọi cách để vượt qua nỗi đau, thậm chí còn tham gia một giáo phái về yoga của người Nam Hàn, rồi quyết định đối mặt với quá khứ bằng chương trình kịch độc diễn “140 LBS: How Beauty Killed My Mother” để kể lại câu chuyện của gia đình, rồi biết được hàng ngàn khán giả đến xem đều có những nỗi đau mà họ giấu kín trong lòng.

Tác giả Susan Liễu còn nói về nhiều tranh cãi với gia đình trong 20 năm về cái chết của mẹ mình, kể lại cô cố gắng làm hài lòng gia đình qua học vấn vì cô tốt nghiệp hai đại học danh tiếng là Harvard University và Yale University. Cô còn kể về những chuyện khó tin xảy ra vào ngày cưới từ thời tiết thay đổi thất thường, đến những chuyện tâm linh trong gia đình như đi coi bói và lên đồng.

Cô kể cô sinh con vào ngày 30 Tháng Ba, 2020, lúc Hoa Kỳ đang đóng cửa mọi thứ vì đại dịch COVID-19, và không thể kiếm tiền bằng diễn kịch được nữa, nhưng sau đó may mắn có hợp đồng viết sách, và trong mấy năm vừa qua, cô bỏ nhiều công sức viết “The Manicurist’s Daughter.”

Ngoài mục đích tìm câu trả lời cho bản thân, cô Susan nói quyển sách này còn là một cách hàn gắn các thế hệ, chia sẻ nhiều câu chuyện với nhau để giúp thế hệ sau có cuộc sống tốt hơn.

Buổi nói chuyện đầy những chủ đề có thể khó nghe đối với nhiều người, nhưng với cách ăn nói đầy cuốn hút và hài hước của tác giả Susan Liễu làm mọi chủ đề dễ nghe hơn. Cô còn thể hiện nhiều cảm xúc rất thật, làm ai lắng nghe cũng thông cảm được, và đó là những cảm xúc mà cô muốn gửi đến độc giả trong 300 trang sách của “The Manicurist’s Daughter.”

Cô Susan Liễu ký tặng sách cho một độc giả. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Qua những cảm xúc đó, quyển hồi ký đầu tay của cô được khen ngợi rất nhiều, như tờ báo The Los Angeles Times đánh giá là một trong sáu sách phải đọc cho Tết Nguyen Đán. Tạp chí Goodreads and Elle đánh giá đó là một trong những sách đáng trông đợi nhất của năm 2024. Tạp chí V đánh giá “đó là một hồi ký dũng cảm, đầy cảm xúc đến mức không thể buông ra được.”

Với chủ đề về gia đình trong nghề nail, về văn hóa và những điều cấm kỵ trong gia đình Việt Nam, “The Manicurist’s Daughter” có thể là một sách vô cùng đáng đọc với nhiều độc giả người Mỹ gốc Việt. [đ.d.]

Liên lạc tác giả: [email protected]