Cha Adrian Suyanto (30 tuổi), Cha là một Tân Tòng,

 Make Christianity Great As Always is at Catholic Archdiocese of Sydney.

Cha Adrian Suyanto (30 tuổi), một trong những Linh mục vừa được chịu chức tại Tổng Giáo phận Sydney (Úc) hôm 11/7 vừa qua.

Cha là một Tân Tòng, xuất thân trong một gia đình Di Dân gốc Indonesia, và là một Kỹ sư Hóa học (tốt nghiệp Đại học New South Wales).

Xin cầu nguyện cho cha, và cho Ơn Thiên Triệu. 


 

“Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ.”- LM Nguyen Tam Thuong

“Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ.”

Bài ca Tiếp Liên Lễ Chúa Nhật Phục Sinh nói tiếp: “Hỡi Maria, hãy kể cho chúng tôi nghe bà đã thấy gì trên quãng đường đi?”

Kính thưa Anh Chị Em,

Sau một tuần được xuất viện, tôi xin kể cho Anh Chị Em nghe những gì tôi đã thấy gì trên đường đi. Một số Anh Chị em gởi lời cầu nguyện cho tôi nhưng chưa biết rõ những gì xảy ra.

Trước hết, xin tạ ơn Chúa, sự phục hồi đang tiến triển rất tốt. Có thể nói đã được 80% sau có một tuần. ***

– Sau chuyến bay 14 tiếng về đến Denver tối thứ Bẩy June 22. Một buổi tối tuyệt vời, khỏe mạnh. – Sáng Chúa Nhật 23, ăn sáng, tuyệt vời đón một ngày mới với căn phòng thân thương của mình sau những ngày dài đi vắng.

– Khoảng 8 giờ sáng tôi uống 2 viên Bismol vì thấy hơi đầy bụng. Sau đó uống thêm 2 viên Alka-Seltzer. Đến trưa không thấy thuyên giảm. Khó hiểu vì không ăn gì lạ. Không ói mửa, chỉ đầy bụng. Đến sau 12 giờ trưa tôi nói với cha bạn trong nhà Dòng là khoảng 4 giờ mà không đỡ, nhờ cha chở đi gặp bác sĩ. Nhưng 2 giờ thì tôi quyết định đi.

– Vào Urgent care. Bác sĩ nói tôi cần vào nhà thương xét máu.
– Vào Emergency của St. Joseph Hospital khoảng 3 giờ.
– Hai tests đầu tiên CT scan và Ultra sound không thấy rõ kết quả.
– Tối Chúa Nhật, sau khi thảo luận với bác sĩ, hai bác sĩ trong nhóm giải phẫu gặp tôi, cho biết quyết đinh của của họ là không giải phẫu.
– Cả đêm Chúa Nhật họ liên tiếp lấy máu xét nghiệm.
– Sáng thứ Hai vì không thuyên giảm, họ đưa đi scan bằng Nuclear Medicine.

Nằm trong lòng máy một tiếng rưỡi. Tôi hỏi chuyên viên chay máy, họ nói không thấy gì trong túi mật.

– Khoảng 12 giờ trưa thứ Hai tôi bắt đầu chịu hết nổi. Tôi phàn nàn với các y tá là tôi biết cái gì đang xảy ra trong tôi. Cho dù các scan test không thấy rõ. Bây giờ tình trạng biến chuyển rất nhanh, từng phút chứ không như ban đầu từng giờ nữa. Tôi nói với y tá là cái gì đó đã bể hoặc đang hủy hoại trong tôi. Tôi chịu không nổi. Tôi đã phải kêu rên. Lúc đó là khoảng 12:35pm. Sau đó thì không biết gì nữa. Có thể tôi bất tỉnh. Đến khoảng 3 rưỡi chiều tôi tỉnh dạy. Có thể thấy tình trạng tôi như thế họ quyết định mổ.

NÓI CHUYỆN VỚI BÁC SĨ 

Question: Tại sao nhóm bác sĩ thứ nhất tối qua đã không giải phẫu cho tôi? Tại sao lại quyết định giải phẫu?

Doctor: Body người ta không là co máy. Phải xét toàn thể như một bức tranh tổng quát, dựa vào các yếu tố liên quan. Sau cùng chúng tôi quyết định giải phẫu. Đây là những trường hợp decide critical.

Question: Ông thấy gì trong túi mật vì không có sạn?
Doctor: Như cái ống nước, những viên đá làm kẹt nước. Nhưng có trường hợp không có sạn. Chất nhày nó phát triển cũng làm kẹt túi mật.
Question: Túi mật tôi thế nào? Làm sao đem nó ra?
Doctor: Nó đã thành đen, sưng phồng lên. Nó đang hủy hoại. Bình thường hết hai tiếng một cuộc cắt túi mật. Nhưng của ông thì hết ba tiếng. Chúng tôi phải làm cho nó xẹp lại, hốt nó vào cái bao rồi mới kéo ra.
Question: Có khi nào khi làm xẹp, nó rơi vãi những mẩu vụn ra trong body tôi không?
Doctor: Oh! No. Cuộc giải phẫu tốt đẹp. Chúng tôi bơm hơi vào cho bụng phồng lên, ép nó xuống. Đấy là lý do phải mất thêm một tiếng extra.

SAU CUỘC GIẢI PHẪU

Các bạn thân mến,

Bác sĩ bảo bệnh này gọi là Gangrenous Cholecystitis. Tôi không thấy một triệu chứng gì. Nó âm thầm hủy hoại không đau gì. Khi nó phát triệu chứng thì quá trễ. Trong vòng 24 tiếng. Và những những giây phút cuối nó tăng rất nhanh. Nếu tôi không về Mỹ sớm một ngày, hay chuyến bay của tôi bị thay đổi thì trưa ngày thu Hai, June 24 nhà Dòng bàng hoàng lo làm sao đem xác tôi về. Đấy là lý do nhiều người chết đột ngột. Đừng đợi chờ những triêu chứng rõ ràng.

Trong Bài Ca Tiếp Liên lễ Phúc Sinh:

“Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ.”

“Hỡi Maria, hãy kể cho chúng tôi nghe bà đã thấy gì trên quãng đường đi?”
Tôi xin kể cho các bạn cuộc nhập viện của tôi: Nghĩ lại tôi thấy sống chết quá mong manh. “Như bông hoa nở trong cánh đồng, một cơn gió thoảng đủ làm nó biến đi, nơi nó mọc cũng không còn mang vết tích.”

Lúc khỏe mạnh tham dự lễ cầu hồn tôi nghe hát thì biết vậy thôi, không cảm thấy “sống chết song đấu cách diệu kỳ”. Sau cuộc giải phẫu, ba tối nhà thương không ngủ được vì y tá vào hàng giờ lấy máu, truyền nước biển, đo áp huyết, đo nhiệt độ… tôi thấy bao ngày qua tôi giảng linh thao cho người khác, bây giờ trên giường bệnh mới là lúc linh thao cho chính mình.

Ngày xưa tôi viết trong bài suy niệm là trong cuộc sống, hai điều tôi trân quý là tình yêu và sự hiểu biết. Bây giờ tôi xin viết lại: Chỉ còn tình yêu.

Các bạn thân mến, Cuối tuần này July 4-7, 2024 tôi có 28 cặp vợ chồng tham dự khóa Linh Thao hôn nhân gia đình tại Houston. Tôi mong khóa này từ lâu. Mong gặp anh chị em. Tôi nói rất thật tình, vì khi về già người ta trân quý những lần gặp gỡ. Rất tiếc cuộc nhập viện bất ngờ xảy ra. Tôi còn yếu không thể đứng khóa ba ngày. Thay vì hủy bỏ khóa thì may có cha Nguyễn Cao Siêu, dòng Tên từ Việt Nam qua Mỹ đúng lúc. Ngài đã nhận giúp khóa thay tôi. Thật không ngờ, những kẻ tha thiết tìm ơn sủng thì Chúa ban. Thay vì Tầm Thường, Chúa cho Cao Siêu. Tôi nói với khóa sinh là anh chị em ở Mỹ gặp tôi hoài chẳng có gì đặc biệt, rất tầm thường. Làm sao về Vietnam gặp Cao Siêu được. Một kỷ niệm cho anh chị em. Rồi… biết đâu có ngày nào đó …về Viêt Nam với đồi thông hai mộ: Cao Siêu – Tầm Thường. Bấy giờ anh chị em có trọn bộ đường rầy xe lửa song hành!

Tôi xin gởi đến khóa cuối tuần này lời tâm sự:

– Qua cuộc nhập viện vừa rồi, nếu được giảng trong khóa tôi muốn nói với anh chị em 2 điều: Thứ nhất: CHỈ CÓ TÌNH YÊU THEO TA VỀ CÕI SAU. Xin hãy yêu thương. Không một lý do nào gây khổ đau cho nhau. Cuộc sống quá ngắn. Thứ hai: MỌI SỰ SẼ QUA ĐI. Chẳng có đáng để phiền não, sân si, con cái, tiền bạc, và khi sức khỏe qua đi là hết. Chủ đề tôi muốn tâm sự với anh chị em là: MỌI SỰ SẼ QUA ĐI, CHỈ CÓ TÌNH YÊU THEO TA VỀ CÕI SAU.

NÓI CHUYỆN VỚI BÁC SĨ

Sau khi bác sĩ quyết định cho tôi xuất viện.

Question: Sau khi giải phẫu, nhịp tim tôi xuống 50, nó không trở lại làm y tá rất quan tâm.

Doctor: Có nhiều nguyên nhân. Nhưng chính là khi chúng tôi bơm vào body nhiều thứ thuốc, nhất là thuốc gây mê, cơ thể phản ứng với các thứ lạ.

Question: Làm sao nó trở lại bình thường?
Doctor: Chúng tôi tiếp tục cho nước biển để tống khứ các thứ khác ra.

Question: Sau khi xuất viện chế độ ăn uống của tôi thế nào? Phải kiêng gì? Đồ mỡ, thức uống có chất cồn như rượu?
Doctor: Không kiêng gì ngay cả mỡ, rượu. Nhưng cần là phải moderate, rất điều độ. Người ta sống không cần túi mật. Có hai thứ không cần mà vẫn sống là túi mật và ruột dư.

Question: Tại sao không cần túi mật, có gì Tạo Hóa dựng nên lại dư thừa trong cơ thể người ta? Doctor: Haha.. để chúng tôi … make money!
Question: Rất cám ơn các bác sĩ đã cứu tôi. Tôi biết ơn các y tá, nhân viên của St. Joseph Hospital. Họ rất tuyệt vời. Tôi appreciate công việc của họ. Nhưng tôi không muốn nhìn thấy họ nữa.

Doctor: Chúng tôi cũng không muốn nhìn thấy ông trở lại đây nữa.
Question: Bye doctor!
Doctor: Bye!

NHỮNG LỜI CẦU NGUYỆN

Tôi xin cám ơn anh chi em đã cầu nguyện cho tôi. Tôi nói thật lòng. Tại sao? Chuyện xảy ra trong một chuyến hành hương Lòng Chúa Thương Xót tại Đức Mẹ Mễ Du. Taxi chở bốn người trong chuyến xe từ hotel Regina đến đồi Đức Mẹ hiện ra. Lúc trả tiền, ông tài xế không lấy tiền. Ai cũng ngạc nhiên, người ta hay có thành kiến khó mà tin mấy tài xế taxi. Bên đòi trả, bên không nhận: Ông nói:
– Hôm nay tôi đủ tiền sống rồi. Tôi chỉ xin khi lên Đồi Đức Mẹ, quý vị cầu nguyện cho tôi. Tôi không bao giờ quên chuyện này. Nếu không cảm nghiệm sức mạnh lời cầu nguyện không ai đánh đổi như thế. Tôi lấy cơ hội này cám ơn anh chị em cầu nguyện cho tôi. Chỉ trễ một ngày về Mỹ thì hôm nay thân tôi đang tan rữa trong lòng đất. Cám ơn lời cầu nguyện của anh chị em.

 

CÂU CHUYỆN CHƯA KỂ 

Dự tính tháng 9 năm 2025 tôi qua Úc. Nhóm linh thao và hành hương cho biết cha Liêm ở Sydney gởi lời thăm sức khỏe tôi, lo không biết có qua Úc được không. Chúng bảo cha Liêm rằng chúng hát: Cha chưa chết đâu con…

Những “fan” nhạc của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh thì biết chúng nhại bài hát huyền thoại từ lời ca: Anh, anh không chết đâu anh, anh chỉ về với mẹ mong con

… Không, anh, anh không chết đâu anh, anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua Không, anh không chết đâu em Chưa, anh chưa chết đâu em… Tôi viết cho chúng rằng:

– Chưa, cha chưa chết đâu con…vì còn đêm dài Tình Thơ Thập Giá. Các bạn thân mến, Cuối tuần July 13, 2024 này, Vũ Học, người phổ nhạc những bài thơ cậu học trò Nguyễn Tầm Thường viết 50 năm về trước, được cùng các bạn yêu những tâm ca sáng tạo sẽ tổ chức đêm tâm ca Tình Thơ Thập Giá tại hội trường giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Garland, Dallas. Xin mời các bạn tung cánh bay tìm về Dallas, đến cùng thả tiếng lòng với thơ và rủ nhau vào những chân trời sáng tạo mới cho tâm linh. Một đêm Tình Thơ Thập Giá như đã thực hiện ở Cali, với những bài mới như Người Khách Lạ, Chuyện Lòng Viết Trong Cung Thánh. Đấy nhé, nhóm Sydney ơi:  – Không, cha không chết đâu con…

– Chưa, cha chưa chết đâu con… vì còn đêm dài Tình Thơ Thập Giá…

*** Riêng các bạn trong các chuyến hành hương của tôi thì lấy cơ hội này tôi xin tâm sự và tiết lộ bí mật:

– Không, không, cha không khó tính đâu con…giả vờ một tí vậy thôi…
Chúc các bạn vào mùa hè sôi động với những chuyến đi hè tuyệt vời. Cầu chúc cho nhau sống trọn đường trần hạnh phúc.

Thân mến,

Denver July 4th ngày lễ Độc Lập Hoa Kỳ 2024
Cha Tước,
Greetings from Denver.

From: Joseph Nguyen


 

 Một phụ nữ đối diện mức án 20 năm tù và tiền phạt vì đem trứng gà Đông Tảo qua Mỹ

 Ba’o Dat Viet

July 2, 2024

Một phụ nữ 46 tuổi tại thị trấn Aransas Pass, tiểu bang Texas, vừa bị bắt giữ vì cáo buộc buôn lậu trái phép những quả trứng và gà con Đông Tảo vào Hoa Kỳ, theo thông tin từ Đài KIII ngày 1.7, dựa trên thông cáo của Văn phòng Chưởng lý Texas.

Nghi phạm Jennifer Mayo đã tự thú với cơ quan chức năng vào ngày 27.6 về việc lén lút đưa trứng và gà Đông Tảo con vào Mỹ. Gà Đông Tảo, còn được gọi là gà Đông Cảo, là một giống gà đặc hữu và quý hiếm của Việt Nam, nổi tiếng với đôi chân to lớn và thịt ngon.

Bà Mayo bị cáo buộc đã thực hiện hành vi phạm pháp này trong khoảng thời gian từ ngày 1.8 đến ngày 15.9.2023. Trong thời gian này, bà đã vận chuyển và che giấu số trứng và gà con thuộc giống quý hiếm này. Thông cáo không nêu rõ nguồn gốc mà bà Mayo có được số trứng và gà con này.

Vào ngày 1.7, bà Mayo đã ra tòa lần đầu tiên trước thẩm phán Julie Hampton. Nếu bị kết án, bà có thể phải đối mặt với mức án lên đến 20 năm tù giam tại nhà tù liên bang và bị phạt tiền lên đến 250.000 USD.

Cơ quan chức năng đã tịch thu toàn bộ số trứng và gà con để tiến hành điều tra thêm. Dự kiến số gà con sẽ bị tiêu hủy. Cuộc điều tra đang được tiến hành bởi Bộ Nông nghiệp Mỹ với sự hỗ trợ của cơ quan điều tra thuộc Bộ An ninh nội địa và Cảnh sát Tư pháp. 


 

23 tù nhân tốt nghiệp cử nhân đại học UC Irvine

June 24, 2024

Ba’o Nguoi-Viet

IRVINE, California (NV) – Đối với những tù nhân, trở về cuộc sống thường nhật sau khi mãn hạn tù thường vướng mắc nhiều trở ngại và rủi ro, có lúc khiến cho những người này phạm pháp lần nữa.

Một chương trình mới ở California giúp cho tù nhân hội nhập trở lại xã hội dễ dàng hơn sau khi ra tù.

Bước vào mùa Hè, có 23 tù nhân ở California lãnh văn bằng tốt nghiệp bậc cử nhân từ đại học University of California, Irvine, để có thể bắt đầu một cuộc đời mới khi mãn hạn tù. Đây là chương trình hợp tác giữa hệ thống đại học UC và Sở Cải Huấn California CDCR, theo thông cáo của CDCR cho hay hôm Thứ Năm, 20 Tháng Sáu.

23 tù nhân California đang bị giam ở San Diego nhận bằng cử nhân từ đại học UC Irvine hôm 20 Tháng Sáu, 2024 (Hình: California Department of Corrections and Rehabilitation)

Các sinh viên tù nhân theo học lớp trong tù do các giáo sư UCI hướng dẫn tại nhà tù Richard J. Donovan Correctional Facility ở San Diego.

Chương trình mang tên Tạo Hướng Đi Tương Lai Qua Bằng Cấp Học Đường (LIFTED), cho phép tù nhân nộp đơn xin học tiếp ở UCI năm thứ ba và khi hoàn tất được cấp bằng cử nhân xã hội học trong thời gian còn ở tù. Những tù nhân tốt nghiệp hồi tuần qua bắt đầu chương trình học từ năm 2022.

Đây là một cách để giúp cho hệ thống nhà tù California chú ý tới công cuộc cải huấn nhiều hơn, giới chức nhà tù cho hay.

CDCR cho hay những cá nhân dự phần vào chương trình học tập trong thời gian ngồi tù giảm bớt 48% rủi ro trở lại nhà tù trong vòng ba năm, so với những ai không có cùng cơ hội.

Hiện tại, có hơn 13.5% tù nhân California tham dự các lớp đại học thông qua sự hợp tác với hệ thống đại học cộng đồng, hệ thống California State University, và hệ thống University of California, theo thông cáo từ CDCR.

Các nhà lập pháp California và Thống Đốc Gavin Newsom đã dành ra $1.8 triệu cho chương trình LIFTED cho tới năm 2027. (TTHN)


 

 Một chuyến đi tìm hoài niệm-Lưu An-Vũ Ngọc Ruẩn/SGN

Ba’o Nguoi-Viet

June 22, 2024

Lưu An-Vũ Ngọc Ruẩn/SGN

Một trong những thú vui của tôi khi về thăm Việt Nam là được lang thang một mình. Hoàn toàn tự do không bị gò bó với thời gian, nơi chốn hay phải theo một chương trình đã được xếp đặt trước cho cả nhóm.

Với tôi, rất đơn giản chỉ khoác lên vai cái ba lô nho nhỏ đựng hai bộ quần áo, vài vật dụng cá nhân, thế là đủ cho một cuộc du hành thích thú, hợp với bản tính lang bạt cố hữu của mình.

Mấy chục năm sống và làm việc ở hải ngoại, phải chạy đua với thời gian, công việc đầy nhàm chán của đời sống kỹ nghệ, tôi không muốn về Việt Nam để lập lại những gò bó khó chịu đó nữa. Tôi cũng không thích, thật ra cũng có chút dè xẻn, kiết chi mà không muốn cư trú ở một khách sạn sang trọng nhiều sao. Với tôi khi về Việt Nam, những cái hoa lệ đó thật nhàm chán, vô vị. Tôi muốn về để tìm lại những cái rất đơn sơ, mộc mạc mà ngày xưa tôi đã lầm lẫn coi thường mà không nhìn được giá trị của nó. Chẳng có gì thích thú hơn.

Ban đêm nằm trên chiếc chõng tre, trong một chiếc màn chống muỗi, nghe tiếng côn trùng ca vang, rúc rỉa như ru ngủ trong căn nhà mái lá, vách rơm trộn đất ở miền quê. Ban ngày len lỏi giữa những rạch nước đục phù sa trong những cồn đất giữa dòng sông bằng chiếc thuyền nho nhỏ. Khi mệt mỏi, đói bụng tạt vào quán ăn bên sông hay trên con đường mòn đồng quê, thưởng thức những món ăn dân dã, đặc sản của địa phương… Tất cả là những nét đẹp tuyệt vời của thiên nhiên mà tôi chưa một lần nào lãng phí, bỏ qua  mỗi khi có dịp về thăm quê.

Với cách du lịch đó, Tháng Tư năm 1995, tôi làm một chuyến đi xuống miền Tây Nam Bộ, nơi mà tôi đã có rất nhiều kỷ niệm trong vài năm cuối đại học và bốn năm bước vào đời công chức, khởi đầu con đường quan lộ của mình.

***

Vĩnh Long, thành phố đầu tiên tôi dừng chân, vào buổi xế trưa, dưới cái nóng như đổ lửa của một ngày nắng gắt. Công việc đầu tiên là tìm một khách sạn nho nhỏ gần trung tâm thành phố nghỉ ngơi bù lại nỗi khổ cực sau gần 3 tiếng đồng hồ bị nén trong chiếc xe đò chật chội.

Chính nơi đây tôi đã có một mối tình đúng nghĩa với Vân, một cô giáo trong thị xã.

Như phần lớn những cuộc tình, ban đầu chúng tôi cũng gặp những khó khăn, thách đố của hoàn cảnh. Đôi lần chúng tôi đã có cảm giác buông xuôi, để mặc cho cuộc tình đi vào đổ vỡ. Nhưng với sự lớn khôn và cứng mạnh của tình yêu đã giúp chúng tôi vượt qua những khó khăn. Chúng tôi dự tính sẽ thành hôn sau khi tôi hoàn tất công tác dài hạn ở hải ngoại trở về. Nhưng thời gian xa cách kèm theo những đổi dời của thời thế, cuối cùng mối tình của tôi và Vân chỉ là một giấc mơ không bao giờ thành sự thật. Ngày tôi từ giã Vân ra đi cũng là ngày buồn bã khởi đầu một lỡ làng dẫn đến vĩnh biệt xa nhau. Chuyến đi này, đến Vĩnh Long tôi muốn tìm lại những nơi mà ngày xưa chúng tôi đã sống, đã đi qua để mong được sống lại với những dấu tích kỷ niệm của một thời hạnh phúc nhất trong đời tôi.

Sau giấc ngủ trưa khá dài, mệt nhọc đã được lấy ra khỏi cơ thể, tôi làm một cuộc đi dạo để khởi động ký ức của mình về thành phố Vĩnh Long nhiều kỷ niệm này, nhìn lại những con đường ngày xưa, nơi đó vẫn còn mang đầy dấu vết của những năm tháng chúng tôi bên nhau. Bầu trời đã chớm hoàng hôn, nhưng hình như cái nóng gay gắt Tháng Tư chẳng có dấu hiệu gì thuyên giảm. Một góc phố, bến đậu xe lam trong thị xã hay vài quán cà phê nào đó ở trung tâm… Dù ngày nay thay đổi khá nhiều nhưng vẫn còn mập mờ trong trí nhớ, kéo tôi về với cảm giác hoài niệm của một thời đẹp đẽ, hoa mộng trong đời tôi.

Gần mấy tiếng đồng hồ lang thang, mệt mỏi đã thúc giục tôi phải tìm một chỗ nghỉ chân, uống nước. Hoàng hôn thật sự đã biến mất, cái nóng rát buổi chiều gần như đã được đuổi đi bằng làn gió dễ chịu, thoáng mát của trời đêm. Hàng cột đèn đường đã bật sáng, ánh điện cũng chỉ đủ tạo ra vẻ mù mờ của không gian. Hàng quán lưu động trên những chiếc xe thô kệch với những bộ bàn ghế thô sơ, thấp lè tè được bầy la liệt trên lề đường, dọc theo bờ sông. Những chiếc đèn dầu của những “chiếc xe hàng ăn” chiếu ra những ánh lửa bập bùng khi gió thổi. Trong cái bóng tối mông lung nhập nhèm đó, tiếng cười đùa, cụng ly, mời nhau uống rượu từ những nhóm khách ăn nhậu làm cho không gian trở nên náo nhiệt. Hoạt cảnh đó là bức tranh độc đáo rất giống nhau ở hầu hết các thành phố miền nam sông nước Cửu Long, nơi mà thực phẩm chẳng bao giờ thiếu thốn.

Tìm được chiếc bàn gần bờ sông, đưa mắt dõi theo những đám bèo lục bình bập bồng di chuyển theo dòng nước. Cảm giác cô đơn đã kéo trí nhớ tôi về quá khứ của hơn 30 năm, trước khi tôi rời xa Việt Nam. Ngày đó, chính tại nơi đây, tôi và Vân ngồi với nhau lần cuối để rồi tôi từ giã Vĩnh Long, từ giã Vân-người tình mà tôi đã xây rất nhiều mộng ước tương lai để ra đi theo tiếng gọi của phong hầu. Tôi còn nhớ rất kỹ ngày đó chúng tôi ngồi đối diện nhau bên một chiếc bàn nhựa. Cũng dưới ánh sáng đèn đường mù mờ, Vân đưa chiếc ly thủy tinh trống không lên ngang tầm mắt. Hướng về tôi, nàng xoay chuyển chiếc ly nhè nhẹ. Rồi với giọng buồn bã nói với tôi:

-Nhìn xuyên qua đáy chiếc ly, dưới ánh sáng mù mờ, hình bóng của anh như bị lòe đi. Mỗi khi em xoay đổi chiều hướng của nguồn sáng thì bóng hình của anh mờ dần rồi biến mất…

Bỏ chiếc ly xuống bàn, chuyển ánh mắt ra giòng sông, với giọng buồn bã, Vân nói tiếp:

-Anh ra đi, là chuyện chẳng thế nào đổi khác được. Nhưng em có linh cảm đây không phải là tạm biệt mà là lần chúng ta mãi mãi xa nhau.

Nghe Vân nói, tôi chợt nhìn thấy rõ áng mây buồn trong ánh mắt của Vân, tôi nắm nhẹ bàn tay của Vân, vuốt nhè nhẹ như muốn xác nhận  thêm lần nữa lời hứa hẹn, tôi sẽ trở về để cho mối tình của tôi và Vân toàn vẹn. Vân không nói gì, mắt vẫn mông lung, buồn bã nhìn theo vài đám lục bình trôi trên sông. Trong không gian tĩnh lặng, buồn bã đó, tôi đọc khẽ bên tai của Vân một bài thơ tôi làm vội vã, dùng tiết tấu tạo âm điệu diễn tả xúc cảm của tôi với Vân:

Hỡi người anh yêu, cho anh xin thêm một lần ước muốn

Em đừng vẽ cuộc đời anh bằng những con đường rất thẳng

Cũng đừng giam giữ anh trong một lâu đài hoa lệ,

Để những buổi hoàng hôn, qua lỗ châu mai

Anh chỉ biết ngồi nhìn đàn chim bay về tổ.

Như một tên tử tù, nhìn trời xanh qua khung cửa nhà giam,

Mà lòng tràn đầy những ước muốn của một người khao khát tự do.

Như em đã biết,

Trời sinh ra anh, không là người diễn viên trên sân khấu

Chỉ biết la hét, cười vui trong vai một kẻ sống trong nhung lụa

Mà lòng mình luôn luôn buồn rười rượi!

Anh sẽ về với em. Chắc chắn, anh sẽ về với em

Để tiếp nối cuộc tình bằng những ước mơ của chúng ta thành sự thật.

Anh sẽ dẫn em đi trên những đường kỷ niệm xa xưa đầy hoa bướm

Những con đường mà chúng mình đã cho nhau nụ hôn đầu tiên,

Anh sẽ làm thơ, đọc cho em nghe những vần thơ tình ái

Anh sẽ viết truyện ngắn, truyện dài lãng mạn,

Kể lể về những cuộc tình của những kẻ yêu nhau

Anh sẽ về với em

Như nước trên nguồn chảy xuống sông,

Sông lại về với biển cả .

Hỡi em yêu,

Hãy tạm biệt anh bằng nụ cười, dù đôi mắt có phải thấm ướt lúc xa nhau.

Hãy vẫy tay buồn làm gió lốc, thổi mây đen ảm đạm .

Hãy viết cho anh những lá thư thật dài,

Kể cho anh nghe toàn những chuyện yêu đương đẹp đẽ .

Để cho anh dù phải xa em mà quên được những tháng ngày tẻ nhạt.

Anh sẽ về với em,

Chắc chắn anh sẽ về với  em

Để chúng mình mãi mãi bên nhau.

Đúng như vậy tôi đã xa Vân để ra đi, mong thỏa mộng công hầu. Nhưng rồi hoàn cảnh đổi thay và mối tình của chúng tôi dang dở. Những giấc mơ, lời hứa hẹn của tôi và Vân chỉ còn là ảo mộng, vu vơ.

Chuyến đi này, chỉ một mình tôi trở lại Vĩnh Long mong tìm lại được phần nào những gì mà ngày xưa của chúng tôi còn lưu lại trong hiện thực hay trong ảo giác. Vĩnh Long ngày nay với tôi là một thành phố thật buồn, thành phố của dĩ vãng, thành  phố của đầy rẫy dấu tích kỷ niệm và dư âm rất buồn vì nó mang màu sắc và âm vang của chia ly.

Ở Vĩnh Long được 2 ngày,  tôi cảm thấy tất cả những gì của thành phố hiện ra đều khơi dậy nỗi buồn đau trong lòng tôi. Thời gian qua đã quá lâu, Vân cũng chẳng còn trên thế gian này nữa, câu tạm biệt ngày ấy đã biến thành vĩnh biệt. Nghĩ như vậy, tôi cảm thấy chẳng có lý do gì để ở lại thành phố quá buồn, nhiều hoài niệm này nữa. Tôi phải rời xa để trốn tránh một nỗi buồn không bao giờ biến mất trong lòng tôi.

***

Rời xa Vĩnh Long, tôi xuống Cần thơ, điểm đến kế tiếp của chuyến đi tìm hoài niệm của mình. Tôi sinh ra ở một làng quê miền Bắc, nhưng phần lớn tuổi ấu thơ được trôi qua ở Hà Nội cho đến khi vào miền Nam ở tuổi lên 9. Với gần 15 năm học hành, lớn khôn ở Sài Gòn, dù thế nào, ít hay nhiều tôi cũng phải có những kỷ niệm với cái thành phố xô bồ, bận rộn này. Nhưng Cần Thơ mới là nơi tôi yêu thích. Tôi đã tưởng rằng sẽ định cư mãi mãi nơi đây, nhận nó là quê hương của đời mình. Rồi những thế hệ tiếp theo của tôi sẽ sinh ra, lớn lên và sẽ đúng nghĩa là người bản địa.

Tôi không quên, ngày đầu tiên từ Sài Gòn xuống đây làm việc, khởi đầu con đường lập nghiệp của mình, Cần Thơ đã chờ đón tôi với vòng tay nồng nàn nhiều ưu ái. Rồi mấy năm sau, ngày tôi đi tu nghiệp hải ngoại, Cần Thơ vẫy tay chào tạm biệt, mong tôi thành tài để được đón chờ tôi ngày trở về. Nhưng thực tế tất cả đã đổi khác, những tính toán, ước mơ của tôi và của Cần Thơ chỉ còn là ảo tưởng. Tôi đã đi, đã tăng tiến tài năng nhưng ngày về lại là một tấu khúc có quá nhiều âm vang lỗi điệu. Mấy mươi năm  qua, sống trong nhung lụa, chu du gần khắp trái đất, nhưng  tôi vẫn không quên được nơi đã dành cho mình những ân tình nhiều gắn bó. Những lần về thăm đất nước, tôi vẫn tìm dịp để về thăm lại, nhìn lại Cần Thơ nhưng tôi vẫn thấy lòng mình vẫn có cái gì buồn buồn, khó nói!

Suốt hai ngày tại Cần Thơ, tôi đi thăm lại gần như hầu hết những nơi mà ngày xưa ít hay nhiều tôi đã  có dịp đi qua. Tạt vào thăm khu kỹ nghệ đồ sộ mới thành lập ở Ô Môn, Thốt Nốt. Với chiếc thuyền gỗ nhỏ, tôi đến chợ nổi Cái Răng, Phong Điền thăm bè nuôi cá, những cồn đất trù phú đủ loại trái cây, rải rác dọc theo giòng sông Hậu. Chiều tối, khi cái nóng đã giảm bớt tôi đi dạo ở khu trung tâm thành phố, nhìn sinh hoạt phố xá về đêm. Khi mỏi chân, hưởng thụ cái thú ngồi xe lôi chạy chầm chậm qua những nơi mà ngày xưa tôi đã làm việc để nhớ hay tìm những gì còn lại trong ký ức…

(Hình: Steve Douglas/Unsplash)

Dù vẫn còn một số bạn bè, quen biết ngày xưa đang sống ở thị xã nhưng tôi không đến thăm họ.Tôi muốn dành riêng cảm xúc của mình trong chuyến đi này cho Cần Thơ. Tôi muốn tìm lại những dấu vết xa xưa của chính tôi ở Cần Thơ dù biết rằng lòng mình vẫn có những âm thanh buồn bã khi nhớ về kỷ niệm thời quá khứ.

Buổi tối, tìm được một chiếc bàn trống ngay bên cạnh bờ sông, trên bến Ninh Kiều. Ngồi nghỉ chân uống nước, tôi dự tính nhìn lại một lần nữa nếp sinh hoạt của một nơi mà bất cứ ai đến Cần thơ đều biết. Chính nơi đây, lúc tôi còn làm việc ở Cần Thơ, đã bao nhiêu lần ngồi ăn nhậu với bạn bè, thân nhân, quen biết từ xa đến thăm tôi. Cũng nơi đây, tôi và Vân đã bao lần ngồi bên nhau nhìn dòng sông nước chảy mà nói chuyện ước mơ.

Ánh sáng từ mặt trăng tròn trịa treo giữa bầu trời ngàn sao lấp lánh hoà lẫn với đèn đường, rọi xuống mặt nước sông nhấp nhô sóng nhẹ. Tạo ra những giải sáng lung linh trên mặt nước sông, thật đẹp. Những cái đó hòa trộn với xúc cảm của kẻ giang hồ khi trở về nhìn lại Cần thơ, làm tôi chợt nhớ đến bài thơ tiền chiến“ Nhà Tôi“  của Yên Thao. Bài thơ nói đến ngày về của một người chiến binh, trên bước đường chinh chiến, anh ta nhìn lại quê nhà trong tâm trạng hào hùng của một kẻ nam nhi . Đây là bài thơ tôi thường ngâm cho Vân nghe, mỗi khi chúng tôi ngồi bên nhau bên dòng sông tâm sự:

Đêm hôm nay tôi trở về lành lạnh

Sông sâu mừng lấp lánh sao lưa thưa

Ống quần nâu đã vá mụn giang hồ

Chắc tay súng tôi về mơ Nguyễn Huệ

Tôi có người vợ trẻ đẹp như thơ

Tuổi đôi mươi cưới buổi dâng cờ

Má trắng mịn thơm thơm mùi lúa chín

Ai bước đi mà không từng bịn rịn

Rồi yêu thương nào có mấy ai vui

Em lặng hồn, nhìn với lúc chia phôi

Tôi mạnh bước mà nghe hồn nhỏ lệ!

Tôi là anh lính chiến

Theo quân về giải phóng quê hương

Mái đầu xanh đầy bụi viễn phương

Này anh đồng đội

Người bạn pháo binh

Đã đến giờ chưa nhỉ?

Mà tôi nghe như trại giặc đã tan tành!

Tuyệt vời thay một bài thơ cao ngạo, kiêu hùng mang quá đầy ý nghĩa! Thời gian xa nhau được diễn tả bằng những vết vá trên ống quần nâu bạc màu chinh chiến. Lòng nhớ thương, bịn rịn dành cho người vợ trẻ đẹp như mơ mới cưới ngày ra đi, hiển hiện trong cái đau xót lúc chia ly. Nhưng ngạo nghễ bao nhiêu khi người chinh phụ vẫn mạnh bước rời xa dù trong lòng mình ướt lệ! Rồi ngày về, nhìn quê nhà mà tưởng đến quân thù đang giãy chết. Đúng như vậy, bài thơ quá hay! Không còn gì để mô tả hơn được cái tuyệt vời, đầy hùng tráng của giấc mơ Nguyễn Huệ trong những vần thơ “ Nhà tôi “ của Yên Thao nữa.

Thả hồn vào âm vang của những vần thơ quá hay, quá kiêu hùng đó, tôi chợt nhìn về chính mình, về hiện trạng của tôi lúc này. Cũng trong cái tâm trạng của kẻ tìm về nơi mình thương nhớ. Cũng có dòng sông trước mặt dưới ánh trăng sao lấp lánh. Cũng nơi đây đã ghi nhớ bao lần hò hẹn với tình nhân… Nhưng tôi về đây trong tâm trạng của một khách lãng du đi tìm lại hoài niệm của đời mình. Chẳng một tí gì mang ý nghĩa của hào hùng, ngạo nghễ, dù tâm hồn tôi vẫn có đôi chút lãng mạn nhưng cái lãng mạn đó nhuốm đầy vẻ ủy mị của một kẻ quá tầm thường:

Tôi sẽ về thăm em chiều nay hay chiều mốt

Cho dòng sông không ngái ngủ buổi bình minh

Và cả những con đường em đã đi qua dạo ấy

Vẫn mờ mờ bóng điện sáng ban đêm.

Tôi sẽ về với em dù trời mưa hay trời nắng

Thoáng vẽ trong hồn tôi con đường xưa thật nhỏ

Bước chân em nhẹ nhàng như chân chim se sẻ

Ngẩn ngơ nhìn, tôi tìm em trong giấc mộng hôm nay.

Tôi về đây, bập bềnh tóc trắng gió bay bay

Xin hãy mở giùm tôi cánh cửa thời dĩ vãng

Để tôi mơ, dù phải cúi đầu lệ ướt thấm vành môi

Cho ngày về, thoáng nụ cười, buồn dang dở?

Đúng như vậy, tôi đã dùng những câu thơ viết vội khi trở lại Cần Thơ với tâm trạng của kẻ làm thơ ủy mị đi tìm hoài niệm. Không có một tí gì kiêu hùng như của người lính chiến trong những vần thơ Yên Thao.

(Hình: Nhan Nguyen/Unsplash)

Hôm sau, khi mặt trời chớm ngả về chiều. Tôi vừa từ chiếc xe lôi bước xuống bến xe Cần Thơ, dự định lấy xe về lại Sài Gòn, chấm dứt chuyến lang thang. Từ phía con đường bên ngoài bến xe, một ông lão quần áo khá tề chỉnh, tay dắt một đứa bé trai, khoảng 12, 13 tuổi,  chạy vội đến chỗ tôi. Ông lão cầm lấy cánh tay tôi lắc lia lịa ra vẻ mừng vui tột cùng:

-Thầy Hai, trời ơi sao lại gặp được thầy ở đây? Thầy về nước bao giờ vậy?…

Ông ta hỏi tôi dồn dập, tôi chẳng biết trả lời ra sao vì chưa biết ông là ai. Trong khi tôi ngẩn ngơ giương mắt nhìn ông già rồi lại nhìn sang đứa cháu của ông ta. Tôi nhíu lông mày, cố kéo trí nhớ về để xác định một người quen biết nào đó mà mình đã vô tình lãng quên. Nhưng hoàn toàn vô ích. Một lúc sau, ông lão hình như nhìn thấy vẻ thắc mắc của tôi. Ông ta lay nhẹ cánh tôi mạnh hơn kèm theo lời nói:

-Thầy Hai, quên tôi rồi sao? Tôi là Châu, nhân viên nông trại ngày xưa mà có lần thầy cho tôi, ông ba Mỹ và chị Điệp cùng về Sài Gòn công tác, nhận hàng viện trợ của Nhật cho đại học đó. Chúng tôi ở nhà thầy mấy ngày, ông bà Hai, ba má thầy đã quá tốt, giết gà vịt đãi chúng tôi đó, thầy nhớ ra chưa?

Câu nói của ông lão đã khơi động trí nhớ giúp tôi nhận ra người quen biết của mình ngày xưa. Ngày đó, mỗi lần được cử về Sài Gòn công tác, tôi thường xin cho vài nhân viên về theo, lấy lý do cần họ để giúp đỡ, khuân đồ đạc. Nhưng thật ra tôi chỉ muốn giúp họ có tí tiền công tác và nhất là để họ có dịp thăm viếng con cháu hay thân nhân của sống trên Sàigòn. Hồi đó, nhà tôi ở bìa thành phố, khá rộng rãi lại có cơ sở chăn nuôi nho nhỏ vì vậy vấn đề cư trú của họ rất thoải mái. Bố mẹ tôi lại thuộc giới lao động, ít học, chẳng có tí gì ngăn cách kẻ trên, người dưới khi họ đến tạm trú. Đã vậy gia đình có sẵn gà vịt, vấn đề ăn uống dành cho họ luôn luôn thịnh soạn.

Từ đó, họ tự phân chia với nhau đi theo tôi khi có dịp về Sài Gòn công tác. Với bất cứ ai được tôi dẫn về nhà, bố mẹ  tôi đều đối xử rất chân tình. Chính vì vậy mỗi khi tôi về Sàigòn, họ đều mang gạo, rau, trái cây gửi biếu cho bố mẹ tôi. Hôm nay tình cờ gặp lại họ. Cuốn phim dĩ vãng giữa những người nhân viên cũ và gia đình tôi lần lượt hiện ra trong trí nhớ. Tôi vui mừng ôm chặt lấy đôi vai của ông lão, nhân viên cũ cùng làm việc của mình, cảm động tôi nói với ông ta:

-Ông Châu! Tôi đã nhận ra ông rồi. Mấy chục năm rồi chứ ít sao?

Nói xong, đưa tay lên nhìn đồng hồ thấy vẫn còn sớm, dư đủ thời gian để đón xe về Sài Gòn trong ngày, tôi muốn hỏi thăm về đời sống của những người quen biết ngày xưa rồi tôi mời hai ông cháu vào một quán nước gần bến xe.

Qua lời kể của ông Châu, gần như hầu hết những nhân viên lao động cũng như các chị thư ký nơi tôi làm việc ngày xưa đã về hưu, nhưng vẫn còn sống ở Cần Thơ. Cuộc sống của họ cũng như hàng triệu người Việt khác luôn luôn tùy thuộc vào sự thăng trầm của đất nước. Tôi cũng chẳng giấu giếm ông Châu, tôi kể cho ông ta biết về những nỗi cực nhọc, đắng cay, buồn vui mà tôi đã phải trải qua trong mấy chục năm sống ở hải ngoại.

Tôi rất xúc động nhìn thấy sự buồn bã trên khuôn mặt người nhân viên cũ của mình khi biết mẹ tôi đã mất trong giai đoạn thiếu thốn cực nhọc nhất của đất nước. Ông Châu cho biết, ông cũng như nhiều người nhân viên khác đã có dịp lên Sài Gòn, cư trú tại nhà tôi. Họ không quên lòng tốt của bố mẹ tôi dành cho họ. Từ những bữa cơm thịnh soạn đến việc lo lắng giường chiếu khi họ ngủ đều được bố mẹ tôi chu toàn tươm tất. Ngay cả những người khi có việc quan trọng phải dẫn theo thân nhân, họ dẫn đến nhà tôi tạm trú vẫn được gia đình tôi giúp đỡ tận tình.

Ngồi tâm sự khá lâu, có lẽ đã đến lúc chia tay để kịp về Sài Gòn vào buổi tối, tôi nắm bàn tay nhăn nhúm của ông lão với vẻ buồn bã tôi nói:

-Đã đến lúc tôi phải lên xe rồi ông Châu ạ. Nhờ ông nhắn lời hỏi thăm của tôi đến những người khác. Ông nhớ nói với mọi người tôi không quên những tình cảm mà họ đã dành cho tôi ngày xưa, thời tôi còn làm việc. Tôi chúc ông và mọi người mãi mãi khỏe mạnh, hy vọng chúng ta lại có dịp gặp nhau lại.

Nói xong tôi cầm lấy chiếc ba lô của mình, định bước ra khỏi chỗ ngồi. Ông Châu nhìn tôi có vẻ ngập ngừng tí chút, rồi ông chậm chạp nói với tôi:

-Thấy Hai, nếu thầy không có việc gì gấp, mời thầy đến  nhà tôi ăn cơm tối, ngủ lại rồi sáng mai thầy hãy về….

Tôi chưa kịp trả lời thì ông ta nói tiếp:

-Tôi sẽ báo tin cho những người khác biết. Chắc chắn họ rất vui mừng đến gặp gỡ, chào hỏi thầy.

Nhìn tôi đưa tay lên vò trán, như hiểu được sự lưỡng lự của tôi, ông Châu nói tiếp:

-Thật ra, ở quê chẳng có gì đặc biệt để mời thầy, nhưng đây là dịp để gia đình tôi đền đáp lại phần nào lòng tốt của ông bà thân sinh của thầy. Tôi mong thầy đừng từ chối.

Nghe ông Châu nói, tôi biết không còn đường nào để chối từ lời mời của ông ta được. Với hơn 3 năm làm việc, tiếp xúc bạn bè ở miền Nam, tôi đã hiểu khá rõ con người nơi đây. Họ đơn giản, họ nghèo ngôn ngữ để diễn đạt tâm hồn, cảm xúc nhưng họ rất chân tình, không biết màu mè, môi mép, đưa đẩy kiểu ngoại giao. Khi họ đã nhận ai là người thân thiết, thì chẳng bao giờ tính toán thiệt hơn. Họ dám cho những cái họ đang cần, đang thiếu mà không một chút nhăn mặt ngại ngần.

Bước xuống chiếc xe lôi, tôi theo ông cháu ông Châu đi qua chiếc cầu bằng bê tông bắc ngang qua rạch nước chạy dọc theo đường lộ liên tỉnh. Chúng tôi đi vào con đường đất khô ráo, khá rộng, khoảng vài chục mét. Quẹo vào con đường rẽ riêng biệt dẫn đến một căn nhà ngói bề thế đứng giữa một khu vườn trồng cây ăn trái rộng lớn. Vách và mái nhà vẫn còn màu đỏ nâu nguyên thủy, chứng tỏ căn nhà xây cất không lâu. Hình như thấu hiểu được sự ngạc nhiên của tôi khi nhìn thấy cơ ngơi hoành tráng của mình. Ông Châu không dấu được sự sung sướng, tự hào, quay sang tôi ông nói:

-Cũng nhờ mấy năm được mùa, nhất là nhờ mấy ổng cởi mở, thêm vào mấy đứa con lớn khôn, chịu làm ăn gom góp lại tôi mới xây được căn nhà  này đó, thầy Hai.

Nói xong ông Châu dẫn tôi đi một vòng thăm cơ ngơi của mình, trước khi vào nhà giới thiệu với vợ con.  Khu vườn bao quanh nhà với những  mương dẫn nước chạy ngang dọc như bàn cờ. Trên bờ mương những hàng cây ăn trái đang có giá trên thị trường như nhãn,  đu đủ, bưởi năm roi… trồng xen kẽ nhau. Những cành cây xum xuê trái nặng trĩu phải dùng cột chống đỡ để khỏi bị gãy. Tất cả nói nên sự màu mỡ của khu vườn và sự khá giả của chủ nhân. Ông Châu chỉ những thửa ruộng xanh tươi bao quanh khu vườn với những bông lúa mới chớm vàng rũ xuống vì nặng hạt, nói với tôi:

-Tất cả 7 công ruộng này tôi trồng lúa nàng thơm giống mới, hàng năm trừ chi phí cũng kiếm được xấp xỉ 50 triệu đó thầy Hai.

Đi bên cạnh ông Châu, tôi có cảm tưởng, niềm hạnh phúc dạt dào trong lời nói, dáng điệu, tiếng cười của ông đã êm nhẹ thấm cả vào thân thể tôi. Cho tôi cái cảm giác vui mừng, có chút tự hào về sự thành công của người nhân viên cũ. Đưa mắt kín đáo nhìn mái tóc trắng gần hết, khuôn mặt nhăn nheo sạm nắng của ông Châu, tôi muốn chia sẻ sự sung sướng  đang có nơi ông. Tôi nghĩ hiện tại, ở cái tuổi về già ông rất xứng đáng được đền bù sau gần một đời người lao lực.

Chúng tôi vào nhà được một lúc, khi ráng chiều đã thấp thoáng trên ngọn cây. Sáu người nhân viên khác lần lượt đến, trong đó có  chị thư ký trực tiếp của tôi ngày xưa. Họ ôm lấy tôi, hỏi thăm, kể lể cho tôi nghe những khó khăn cũng như những thành công vui vẻ trong mấy chục năm vừa qua.  Điều làm tôi cảm động rớm nước mắt đó là họ luôn luôn nhắc đến bố mẹ tôi với những câu nói quá chân tình. Họ chia xẻ sự xót đau, thương tiếc với tôi khi biết mẹ tôi đã mất từ lâu, lúc tôi còn đang khốn khổ ở hải ngoại không có điều kiện về đưa đám.

Họ nhắc lại  những lần lên Sài Gòn tạm trú ở nhà bố mẹ tôi, những bữa ăn thịnh soạn mà gia đình tôi đã tiếp đãi họ… Tôi cảm thấy gần họ, yêu cái chân chất, mộc mạc từ con người họ, những con người của đồng ruộng miền Nam.  Nhưng tôi cũng không giấu được cảm giác thoáng buồn khi nhìn về thực tế, hoàn cảnh của mình.  Họ vẫn là họ. Họ mãi mãi sống và chết nơi đây, quê hương, đất nước, dân tộc của họ và cũng là của tôi.  Còn tôi thì đã khác, quê hương vẫn trong lòng, nhưng cuộc đời tôi đã xa vời vợi. Ngay cả tình thân ái giữa tôi và họ hôm nay, có lẽ chỉ là một cuộc tao phùng thoáng qua trong đời tôi, đời họ mà thôi. Gặp nhau thoáng qua hôm nay nhưng rồi cũng sẽ đi vào quá khứ khi từ giã, xa nhau. Rất khó khăn nếu không muốn nói là không còn có dịp để tái ngộ, nếu có chỉ là những hoài niệm mỗi khi chợt nhớ đến nhau mà thôi.

Buổi tối, một bữa nhậu dĩ nhiên là phải có ở cái vùng miền Nam sông nước phong phú thực phẩm và đầy ắp tình người này. Những ly rượu vẫn còn thơm mùi nếp mới được chuyền cho nhau, hâm nóng bầu không khí của buổi gặp mặt sau hàng chục năm xa cách . Nhưng cũng để mở cửa tâm hồn cho những lời tâm sự thân thương, không gò bó, đuổi đi những cái vớ vẩn kẻ trên người dưới của ngày xưa lúc còn làm việc với nhau.  Những nụ cười giòn giã  khi nhắc đến kỷ niệm vui buồn hàng chục năm về trước, hoà nhập cùng với vị ngọt của những ly rượu… Hình như nó xóa nhòa đi hết những vết thời gian trên những mái tóc, khuôn mặt chúng tôi.

Nhưng cuộc vui thế nào thì cũng đến hồi kết thúc. Những cái bắt tay nồng nàn, ôm xiết nhau rất chặt nhưng thật buồn khi từ giã nhau. Tôi và họ có linh cảm cuộc chia tay  này chắc khó có bao giờ được gặp lại nhau nữa. Thời gian, tuổi tác và không gian  cũng như hoàn cảnh… là những dữ kiện mà chúng tôi đã mường tượng ra những rào cản cho lần tái ngộ tương lai.

Nhìn sáu người nhân viên ra khỏi căn nhà của ông Châu lòng tôi trĩu nặng, buồn rười rượi. Tôi đưa mắt nhìn họ, cố gắng ghi nhận thật rõ dáng điệu, hình dạng của từng người vào trí nhớ mà tự nói với mình, đó là những người bạn sẽ không bao giờ tôi quên nhưng buồn ơi ! Tôi cũng chẳng còn dịp để gặp lại được nữa. Xin Trời Phật hãy phù hộ cho họ, cho gia đình họ mãi mãi có những niềm vui trong một đất nước VN thanh bình, thịnh vượng.

Sáng hôm sau, khi bữa điểm tâm vừa xong, tôi đang sửa soạn để về Sài Gòn, ông Châu im lặng nhét vào cái ba lô của tôi một bịch giấy khá nặng, đưa thêm cho tôi một gói khác đựng nhãn và mấy trái bưởi Năm roi. Ông nói với tôi:

-Thấy Hai, tôi nhờ thầy mang biếu ông Hai, ba của thầy 5 ký gạo thơm. Còn nhãn và mấy trái bưởi này nhờ thầy làm đồ cúng bà Hai, mẹ của thầy hộ tôi. Món quà nho nhỏ trả ơn nghĩa của tôi đến bà.

Cá tính của tôi từ xưa rất ngại việc xách mang luộm thuộm khi đi xa, nhưng với lời lẽ của người nhân viên cũ đã làm tôi khó nghĩ. Nhìn gói quà ra vẻ ngần ngừ tôi nói với ông:

-Thay mặt bố mẹ tôi, xin cám ơn ông, nhưng tôi chỉ xin ông mỗi thứ chút ít mà thôi. Tình cảm của ông và tôi thì ông đã biết rồi, không phải là nhiều hay ít, mà chúng ta thông hiểu nhau mới là điều quan trọng .

Ông Châu nằng nặc không chịu, cuối cùng tôi đành phải nhận tất cả. Khoác chiếc ba lô có thêm 5 ký gạo, tay cầm bịch trái cây tôi nói lời từ giã gia đình họ. Lúc đưa tôi lên xe lôi, ông Châu ôm lấy vai tôi, cảm động ông nói:

-Thầy đi mạnh giỏi, mong có dịp được gặp lại thầy nữa. Thầy cho tôi hỏi thăm ông Hai nhe .

Trước khi chiếc xe lôi lăn bánh, ông Châu nói với theo:

-Tối hôm qua lúc chia tay anh ba Mỹ cho biết sáng nay họ sẽ ra bến xe tiễn đưa thầy, tôi nghĩ họ đang ở đó chờ thầy đó.

Đúng như vậy, khi vừa bước xuống khỏi chiếc xe lôi, tôi thấy từ quán nước gần cổng bến xe, ông ba Mỹ và mấy người khác chạy ra đón. Mỗi người xách theo một bịch, nào rau cải, nào trái cây đủ loại, Nhìn họ tôi biết chẳng phải là cuộc đưa tiễn đơn giản, tay không. Chắc chắn có những món quà luộm thuộm đồng quê, nặng tình thân thiết mà tôi khó chối từ.

Vẫn những câu nói tình cảm, làm quà trả nghĩa bố mẹ tôi ngày xưa. Vẫn những lời thoái thác vô ích của tôi. Tôi phải nhận!  Chỉ vì tôi không thể chối từ được tấm lòng chân chất,  thân tình của họ dành cho tôi được. Cuối cùng những bó rau xanh tươi, những trái đu đủ, ổi xá lỵ, mít trà nóc, bưởi năm roi… vẫn còn thơm mùi ruộng vườn được nhét chung với nhau, rất gọn gàng trong hai cái sọt bằng tre đan. Hình như nhìn thấy ánh mắt ngại ngần của tôi với số lượng quá lớn, kềnh càng đựng quà, ông ba Mỹ nói:

-Đằng nào tới Sài Gòn thầy cũng phải thuê xe về nhà, nặng nhẹ gì đâu mà thầy lo. Chút quà cho ông Hai vui mà thầy Hai.

Rồi cũng nhờ sự xếp đặt của họ với xe đò, hai sọt quà được xếp gọn gàng dưới chỗ ngồi của tôi, bên cạnh tài xế. Khi xe vào địa phận tỉnh Tiền Giang, gần đến ngã ba Trung Lương, tôi chợt muốn tạt vào thăm thành phố Mỹ Tho, một thành phố nhỏ bé, dễ thương nằm bên giòng sông Tiền Giang. Tôi biết sơ sài về Mỹ Tho từ thời còn là học sinh trung học, nhưng từ khi xuống Cần Thơ làm việc rồi quen và yêu Vân. Chúng tôi thường tìm đến thành phố hiền hoà này rong chơi mỗi khi trên đường về Sài Gòn.

Lúc xách ba lô xuống xe ở ngã ba Trung Lương, người lơ xe kéo từ dưới ghế ra 2 cái sọt quà, để xuống mặt đường lộ cạnh bên chân tôi. Lúc đó tôi mới nhớ ra ngoài cái ba lô trên vai, tôi còn thêm những món quà cồng kềnh mà tôi đã quên mất từ khi lên xe. Món quà này đúng là vật cản đôi chân và bản chất giang hồ của tôi.  Làm sao với nó đây? Không dễ dàng cho tôi lang thang như mong muốn được.

Cùng xuống xe với tôi có khoảng 4,5 người, trong đó có một bà già có lẽ trên 70 tuổi, người miền quê Nam bộ đúng nghĩa, đầu đội chiếc khăn quàng ca rô màu xanh lá mạ, miệng lép nhép nhai trầu, tay xách cái túi bằng cói lép xẹp. Bà già nhìn hai sọt quà của tôi, hướng về phía tôi, bà nói bâng quơ:

-Chà, mấy trái xoài tượng ngon ghê, chú mua ở đâu dzậy?

Tôi thật thà trả lời:

-Người quen dưới Cần Thơ cho con đó dì.

Bà già nói tiếp:

-Đúng dzậy! Ở chợ đâu dễ mua được thứ ngon và to như dzậy!

Nhìn vẻ chất phác, vui vẻ dễ bắt chuyện của bà già, tự nhiên tôi cảm mến. Hình ảnh những bà mẹ quê Nam bộ mà tôi đã từng quen biết ngày xưa. Trong những dịp về quê thăm viếng gia đình bạn bè vào dịp giỗ Tết hiện ra trong trí nhớ tôi với nhiều ấn tượng đẹp. Họ có thể là bà nội, bà ngoại, là mẹ, là cô, là dì hay là chị của bạn tôi, nhưng họ đều có một điểm chung là rất thân thiện, cởi mở. Gặp họ dù dưới một dạng quen biết rất sơ sài nhưng vẫn được họ đãi ăn uống no say không một tí ngăn cách. Với sự cảm mến trong tiềm thức đó, tôi buột miệng nói với bà già:

-Dì muốn không, con biếu dì đó.

Bà già hơi chau mày, giương mắt nhìn tôi, có lẽ bà nghĩ tôi nói đùa. Bình thản bà trả lời:

-Cám ơn chú Hai, chú dzỡn với tui hoài…

Nghiêm nghị tôi nói chắc:

-Con không dzỡn với dì đâu, nếu dì thích con cho dì hết đó!

Lúc này bà già không còn nghĩ mình nghe lầm nữa, nhưng trên khuôn mặt, ánh mắt của bà vẫn còn vẻ ngạc nhiên, có vẻ vẫn chưa  tin lời nói của tôi là thật. Đứng gần đó, một thiếu phụ cỡ tuổi trung niên, cùng xuống xe với tôi và bà già. Có lẽ chị ta đã theo dõi trọn vẹn cuộc đối thọai của chúng tôi. Chị ta nói xen vào:

-Chú ấy nói thật đó, dì cứ nhận đi rồi chia cho chúng tôi mỗi người một chút không tốt sao?

Nghe vậy, bà già sung sướng ra mặt, bước đến cầm lấy 2 sọt qùa xoay qua, xoay lại nhìn rõ những vật phẩm trong sọt, ngước cặp mắt lem nhem trong vui mừng, nói với tôi vài lời cám ơn. Tiếp theo là một sự phân chia rất hoà thuận giữa bà và mấy người cùng chuyến xe. Vài người quay lại nói vài lời cám ơn tôi trước khi vội vàng bước lên chiếc xe đò nhỏ khác vừa táp vào đón họ. Tôi cũng không hiểu sao bà lại không lên xe theo những người kia. Hình như bà ta cố ý nán lại chờ đợi tôi hay muốn nói với tôi điều gì thì phải? Nghĩ như vậy, tôi nhìn bà, hỏi:

-Ủa, sao dì không lên xe?

Bà nhìn tôi rất thân thiện, trả lời:

-Chú Hai đi đâu dzậy? Tôi về quận Chợ Gạo, cũng gần đây nếu chú Hai rảnh ghé tôi chơi.

-Cám ơn dì, con  định tạt vào Mỹ Tho chút xíu rồi mới về lại Sài Gòn.

Bà đưa mắt nhìn tôi, trong ánh mắt bà ta có vẻ suy tư, thoáng buồn buồn. Tôi định nói với bà ta vài câu từ giã, nhưng chưa kịp, bà ta đã nói với tôi:

-Chú giống thằng Sáu Út, con của tôi quá. Nó chết đã hơn 10 năm nay rồi, tội nghiệp quá!

Nghe bà lão nói, tôi cũng hơi ngạc nhiên, buột miệng tôi hỏi:

-Chú Sáu Út vì sao mà chết vậy dì?

-Nó chết vì tai nạn lao động, lúc mới 22 tuổi chưa có vợ con gì cả. Nếu còn sống chắc cỡ tuổi chú Hai.

Nghe bà lão xét đoán quá thấp tuổi tác của mình, tôi im lặng đưa mắt nhìn khuôn mặt già nua, thoáng gợn nỗi buồn của bà ta.  Ngẫu nhiên tôi nhìn vào chiếc giỏ cói của bà ta, một trái bưởi năm roi, một chùm nhãn và mấy trái xoài tượng, tôi buột miệng hỏi:

-Sao dì chỉ lấy ít vậy?

-Không ít đâu chú Hai, tôi lấy dzậy là nhiều hơn mấy người khác rồi đó.

Tôi mỉm cười, chẳng hiểu bà lão nói để tôi vui hay đúng thật . Nhưng khi nhắc cái ba lô của mình lên, tôi chợt nhớ là trong đó còn 5 ký gạo thơm. Chẳng có tí ngại ngần, tôi mở ra cầm gói gạo đưa tận tay bà:

-May quá, con còn sót lại 5 ký gạo, biếu dì luôn nè.

Bà lão đưa tay đẩy bịch gạo,nhất định không nhận. Sau mấy lần đẩy qua, đẩy lại cùng với nhiệt lòng của tôi cuối cùng bà lão để cho tôi nhét bịch gạo vào giỏ của bà. Đúng lúc đó, tôi thấy bà thừ người ra, im lặng. Từ khoé mắt bà lão tôi thấy hai dòng lệ chảy xuống khuôn mặt rám nắng, nhăn nheo cuộn dính với vài sợi tóc trắng lòa xòa. Tôi chẳng hiểu vì sao bà lão khóc? Có thể vì cảm động với lòng tốt nhỏ bé của tôi, người mà bà chưa hề quen biết. Hay bà khóc vì qua tôi bà đã  trở về với hình ảnh đứa con trai út bất hạnh của bà ngày xưa? Bà lão đưa bàn tay vuốt nhẹ khuôn mặt tôi, ánh mắt mơ hồ, buồn bã nhìn tôi. Bà nói rất nhỏ:

-Tội nghiệp thằng Sáu Út của tôi quá, nó là đứa con có nghĩa với tôi lắm chú Hai.

Ngẩn ngơ nghe bà lão nói. Tôi nghĩ rằng dù là thằng Hai, thằng Ba, con Năm, con Bẩy… bất cứ một đứa con nào chết đi với bà ta, cũng như với bất cứ bà mẹ, ông cha nào trên thế gian này đều là đứa con tuyệt vời, đáng thương và tiếc nhớ nhất. Chủ quan hay khách quan?  Sai lầm hay chính xác? Chẳng còn là điều quan trọng mà cái đáng ghi nhận, đáng tôn thờ đó là lòng mẹ thương con mà ai ai cũng có. Tôi ôm lấy đôi vai bà lão, muốn gửi đến bà sự cảm thông, an ủi của tôi vì nỗi đau buồn mất mát của bà.

Rồi tôi chợt nhớ đến hai sọt quà, 5 ký gạo thơm của những người nhân viên cũ đã nhờ tôi mang biếu bố mẹ tôi đã không còn nữa, đã được tôi phân phát cho những người không quen biết, trong đó có bà lão dễ mến, đáng thương. Trong lòng tôi thoáng gợn một chút áy náy vì tôi đã không làm theo lời dặn của họ. Tôi cũng biết chắc chắn họ đã phải lựa chọn cái tốt nhất, ngon nhất trong khu vườn, thửa ruộng của gia đình họ để tặng tôi. Nhưng tôi hy vọng họ hiểu rõ con người tôi.

Tôi đã lớn lên, đi làm việc ở miền Nam, đã bao nhiêu lần có được những ân hưởng từ những tấm lòng chân thật, không tính toán của người miền Nam, ít hay nhiều tôi cũng bị ảnh hưởng cái tính phóng khoáng, chân chất của người miền Nam mà họ là tiêu biểu. Vậy có gì lạ đâu, tôi cũng như họ mà thôi. Làm sao tôi có thể chi ly khi mình đã sống và nhận được bao nhiêu sư rộng rãi của những người dân nơi đây ?! Ông Châu, ông Sáu, ông Mỹ, chị Điệp và tất cả hãy hiểu và cảm thông cho tôi.

Tôi lại nhớ đến bố mẹ tôi, chắc chắn qua hàng chục năm nuôi dưỡng, giáo dục tôi, bố mẹ tôi đã quá hiểu rõ thằng con trai, tính tình ngỗ nghịch nhưng cũng là đứa con có chút thiện tâm. Cái thiện tâm đó đã được di truyền từ chính bố mẹ tôi mang đến. Với suy nghĩ như vậy tôi chắc chắn bố mẹ tôi chẳng có gì để tiếc rẻ món quà  nhỏ nhặt của mình mà tôi đã đem tặng cho một bà lão không hề quen biết. Một bà mẹ già đáng thương, đã nhìn qua tôi mà chảy nước mắt khi nhớ đến thằng con trai út bất hạnh của bà ta, nó đã mất vào lúc còn non trẻ.

Lại một lần nữa tôi đưa mắt nhìn bà, vẫn những nếp nhăn nheo của da mặt, vẫn màu sắc sạm nắng gió mưa, vẫn vài lọn tóc trắng lòa xòa trên khuôn mặt… Tất cả là biểu tượng của sự già nua, cực nhọc in hằn trên cuộc đời bà lão. Trong lòng tôi tự nhiên hiện lên một ước mơ rất đẹp để cho thế hệ sau này sinh ra, lớn lên nơi đây không gặp phải những nghịch cảnh như tôi. Ra đi biền biệt nhưng vẫn không quên được quê nhà, người đồng hương và kỷ niệm để rồi lại tìm về mong được sống với những hoài niệm trong đời mình khi mà mái tóc đã bạc màu vì gió mưa!

(Hình minh họa: Minh Pham/Unsplash) 


 

 FBI khám nhà và văn phòng cha con ‘vua rác’ David Dương

 Ba’o Nguoi-Viet

June 20, 2024

Đỗ Dzũng/Người Việt

OAKLAND, California (NV) – Nhân viên FBI vừa khám nhà và văn phòng làm việc của hai cha con ông David Dương, một doanh gia nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam, ở Oakland, California, sáng Thứ Năm, 20 Tháng Sáu.

Nhân viên FBI khám nhà Thị Trưởng Sheng Thao ở Oakland. (Hình: Chụp từ màn hình ABC7 News)

Ông David Dương, thường được biết đến với tên “vua rác,” là chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc California Waste Solutions, một công ty thầu rác ở Oakland và San Jose. Ông cũng là chủ tịch Hiệp Hội Doanh Gia Việt Mỹ (VABA), một tổ chức có mục đích vận động, hỗ trợ, và liên kết các doanh nhân gốc Việt.

Theo đài truyền hình ABC7 News, các nơi bị khám gồm:

-Nhà của ông David Dương và vợ là bà Linda Dương trên đường Skyline Boulevard.

-Nhà của ông Andy Dương, con trai ông David Dương, trên đường View Crest Court trong khu Ridgemont. Ông Andy Dương là giám đốc California Waste Solutions.

-Văn phòng California Waste Solutions ở khu Embarcadero.

-Nhà bà Sheng Thao, thị trưởng Oakland, trên đường Maiden Lane trong khu Oakland Hills.

Theo ABC7 News, FBI khám xét những nơi này sau khi có trát tòa và cơ quan này cho biết: “FBI đang khám xét nhà trên đường Maiden Lane, theo lệnh của tòa. Chúng tôi chưa thể cung cấp thêm thông tin gì trong lúc này.”

Tuy nhiên, các nguồn của ABC7 News cho biết những vụ khám xét này có liên quan đến Sở Thuế IRS và Sở Bưu Điện Hoa Kỳ.

“Vua rác” David Dương. (Hình: VTC News)

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy khoảng một chục nhân viên FBI mang một số thùng giấy đi khỏi nhà bà thị trưởng vào lúc 10 giờ sáng.

Ông David Dương xác nhận các vụ khám xét này với nhật báo Người Việt vào lúc 2 giờ 50 phút chiều, và cho biết FBI vẫn đang làm việc.

“Tôi có sản xuất các loại nhà làm bằng container và có hợp đồng với một người Mexico. Người này có tống tiền tôi, rồi đổ thừa. Bây giờ FBI đang tìm bằng chứng xem tôi có hối lộ bà thị trưởng để có các hợp đồng hay không, đó là theo trát tòa,” ông David Dương nói. “Nhưng sự thực không phải như vậy. Ở đây là do ‘cơm không lành canh không ngọt’ thôi.”

Ông thêm: “Ngoài ra, bà thị trưởng đang bị một số người vận động bãi nhiệm, thành ra có nhiều chuyện xảy ra. FBI vẫn đang khám xét nhà và tôi vẫn để họ làm việc. Tôi nghĩ việc này là do chính trị. Có thể họ thấy mình là người gốc Á, nên mới có chuyện này. Khi nào có thêm thông tin tôi sẽ cho biết.”

Hồi Tháng Tám, 2023, Thị Trưởng Sheng Thao có dẫn đầu một phái đoàn khoảng chục doanh nghiệp thăm Việt Nam để gặp một số giới chức và doanh nghiệp. Cá nhân bà Thao cũng được gặp ông Phạm Minh Chính, thủ tướng Việt Nam, và ông Trần Sỹ Thanh, chủ tịch Hà Nội.

ABC7 News cho biết, ông Andy Dương là người giúp tổ chức chuyến đi Việt Nam cho bà Sheng Thao.

Thị Trưởng Sheng Thao của Oakland. (Hình: JP Yim/Getty Images for The Asian American Foundation)

Trả lời phỏng vấn VTC News trong nước hôm 4 Tháng Tám, 2023, ông David Dương nói chính ông là người thuyết phục bà thị trưởng Oakland thăm Việt Nam.

Hồi Tháng Hai, 2023, VABA có tổ chức một buổi tiệc ở Milpitas có nhiều dân cử gốc Việt tham dự và được nhiều doanh nghiệp bảo trợ trong đó có Vietnam Airlines và VinFast, hai công ty ở trong nước.

Ngoài California Waste Solutions, ông David Dương còn có nhà máy xử lý rác ở Đa Phước, Sài Gòn.

Theo dự trù, Thị Trưởng Sheng Thao có một cuộc họp báo tại San Francisco liên quan đến vấn đề gia cư với thị trưởng ba thành phố San Francisco, San Jose, và Berkeley hôm Thứ Năm, nhưng không thấy bà có mặt, theo CBS News Bay Area.

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

 


 

 Ông gốc Việt nghi sát hại con của bạn gái năm 2023 nay bị đưa ra xử tội

Ba’o Nguoi-Viet

June 20, 2024

DOTHAN, Alabama (NV) – Một cô gái vị thành niên tại Dothan bị một người đàn ông mà các nhà điều tra tuyên bố sát hại và cưỡng hiếp tại tư gia trước Lễ Giáng Sinh không lâu, nay bị một bồi thẩm đoàn Quận Houston truy tố, Đài WDHN News loan tin hôm Thứ Ba, 18 Tháng Sáu.

Minh Thanh Nguyễn bị truy tố vào Thứ Năm tuần rồi, dự trù ngày xét xử ​là giữa Tháng Chín.

Minh Thanh Nguyễn bị bắt giữ vào Tháng Mười Hai 2023 và bị buộc tội giết người-hiếp dâm và giết người-trộm cắp trong cái chết của Trương Thị Thúy Dương, 17 tuổi.

Bị cáo Minh Thanh Nguyễn (Hình: Dothan Police Department)

Vào ngày 9 Tháng Mười Hai, Dương được mẹ và chị ruột phát giác nằm ngửa trên giường tại tư gia trên đường Hartford Highway, lúc đó nạn nhân bị trọng thương. Nạn nhân qua đời sau khi được chở đi cấp cứu ở bệnh viện Dothan.

Theo kết quả giảo nghiệm tử thi, Dương bị siết cổ và cưỡng hiếp bằng một cây gậy tập yoga dài 2 foot.

Theo các nhà điều tra thuộc Sở Cảnh Sát Dothan, Minh Thanh Nguyễn và mẹ của Dương từng có quan hệ tình ái và chung sống ở Mississippi trước khi dời tới Dothan. Sau đó hai người đường ai nấy đi, được cho là vì Dương và hai chị em ruột không ưa Minh Thanh Nguyễn.

Vào thời điểm Minh Thanh Nguyễn bị bắt giữ, bị can bị buộc tội giết người; tuy nhiên, tội trạng đó bị nâng lên thành tội giết người có chủ đích sau khi các nhà điều tra phát giác ra rằng Dương bị tấn công tình dục và đồ đạc trong phòng ngủ cũng bị cuỗm đi.

Mặc dù tội trạng của Minh Thanh Nguyễn có thể dẫn tới án tử hình, nhưng hiện tại vẫn chưa rõ Văn Phòng Biện Lý Quận Houston có tìm cách trừng phạt bị can như vậy hay không. (TTHN)


 

Phòng Đợi Tử Thần – Hospice -QUỐC THÁI ĐINH HÙNG CƯỜNG         

QUỐC THÁI ĐINH HÙNG CƯỜNG                        

Viết trong mùa dịch Covid-19

Thực vậy, chẳng ai muốn đọc, một chuyện mà tất cả mọi người khi cuối đời, đều đến đây để được thần chết đưa đi, đó là phòng đợi tử thần (Hospice). Con người khi đi đến nơi cuối cùng của kiếp sống, người Nhật gọi là điểm khởi hành (Departure), Người Tây phương gọi là đời mới (New life), và người mình gọi là dứt nợ trần ai hay Chết. Thực ra đi tới cái chết là hết, nhưng thật không dễ gì để được chết êm thắm, nhắm mắt lìa đời như một giấc ngủ là ít người có được. Tôi muốn kể lại một số điều không muốn kể, tôi đã chứng kiến cảnh một số người sắp chết, dĩ nhiên là tôi đã an ủi người ta một cách dối trá, nói là anh không chết đâu anh, nhưng thực ra tôi biết thừa rằng, có thể tôi chỉ quay đi, người bạn tôi sẽ chết, nhưng ngay lúc đó, tôi không nói được. Những ngày còn trận mạc, tôi rất quan tâm đến cái chết của con người, tôi thường hỏi bác Diễn tôi, một nhà tướng số thần tài, là làm sao biết được một người sắp chết, bác tôi nói dễ lắm, cứ nhìn mặt người nào bóng nhẫy, da mặt căng như được bàn ủi ủi và tóc tai cứ dựng ngược lên trời, là biết người đó sắp chết. Trước những cuộc hành quân, tại tuyến xuất phát, tôi tập họp anh em, chuyện trò với họ, cố xem tướng mạo như bác tôi nói,  anh nào, lát nữa đây đụng trận sẽ chết. Nhưng khốn nỗi, Trời nắng chang chang, mặt anh lính nào cũng căng nhẫy, đỏ gay, mồ hôi nhễ nhại. Đầu thì đội nón sắt có lưới, tôi không cách gì coi cái tóc cái tai, để biết anh nào tóc dựng, anh nào tóc nằm, mà đoán xem họ sẽ sống hay chết sau cuộc hành quân này. Tôi bèn đổi cách, bắt chuyện, tìm hỏi xem, cách thức họ nói năng có lộ ra điều gì làm tôi suy nghĩ là anh này nói gở, sẽ gặp nạn hay không. Tuyệt nhiên – Tôi không tìm thấy điều gì ở những người lính sống chết cùng tôi, thân yêu như anh em, gia đình – có điềm nhìn thấy là sẽ chết. Chỉ sau khi chạm địch, im tiếng súng, điểm danh sau cơn binh lửa, mới biết ai còn ai mất. Cho hay số phận con người, trước hòn tên mũi đạn, khi chinh chiến, không ai biết được, chỉ trông vào rủi may cho cái mạng sống của mình.

Sau chiến tranh, đời tị nạn đã bắt tôi phải lo cơm áo cho vợ con, tôi bỗng quên bẵng đi cái chết của con người cho đến cả 40 năm. Rồi bất thần nhìn lại, bạn bè anh em đã bạc trắng mái đầu, tôi lại thấy cái chết lởn vởn trong tâm tư. Bây giờ tôi không còn bác Diễn để hỏi, và cho dù tôi còn có người học trò cưng của bác là anh Quyến, tôi cũng khó hỏi, hay có hỏi thì cũng chỉ được trả lời bằng một nụ cười vô thưởng vô phạt. Quyến không chịu nói. Tôi cũng chả cần hỏi, cứ vô phòng đợi tử thần (Hospice) cạnh nhà thương, hay chạy đến nhà bạn –  khi được thân nhân thông báo bạn mình, hay người thân thuộc sắp ra đi – thì biết ngay người đó sẽ chết.

Tôi đã đến thăm anh Đặng, một người bạn hơi lớn tuổi, một người hàng xóm của tôi. Tại phòng đợi tử thần, tôi mường tượng thần chết, đứng kính cẩn ngoài cửa, tay lăm lăm cầm lưỡi hái,  chờ giờ hoàng đạo là nhảy vào lấy mạng người.  Sự thật, không vậy, thật khác lạ, tôi thấy một phòng ốc sáng sủa, sạch sẽ, tuyệt nhiên không có cảnh chết, cảnh nhà thương, không thuốc men. Người bịnh được nằm yên tịnh thoải mái trong phòng đợi. Thời điểm này gọi là hết thuốc chữa, chỉ tĩnh dưỡng, ăn, uống và chờ đi. Anh Đặng nằm im trên giường, hai mắt nhìn lên trần nhà, thấy tiếng động, anh quay sang gặp tôi, mừng rỡ, khuôn mặt tươi hẳn lên, ra lời và tôi với anh bắt đầu nói chuyện:

– Cường hả, cảm ơn cậu vào thăm tôi. Tôi đáp đùa:

– Phải vào chứ, tình nghĩa lúc này, làm sao bỏ được anh Đặng già thân mến, người anh, người hàng xóm nhiều kỷ niệm của đời tôi. Anh khỏe không?  ăn ngủ được chứ?.

– Ăn như ăn rác vô mồm, có cảm thấy gì đâu.

Vẫn cái giọng vui đùa, anh Đặng nói tiếp

– Năm ngoái khi đi bác sĩ, tôi biết mình bị ung thư, bác sĩ phán là phải uống thuốc, làm kê mô (chemotherapy), yên chí sẽ sống thêm 10 năm nữa. Tôi nghe lời, nhưng khi làm kê mô, đau đớn, ói mửa, rụng tóc, khó chịu quá, tôi nghĩ, thôi thì bỏ kê mô,uống thuốc cũng sống được một nửa, 5 năm cũng đủ, lúc đó cũng ngoài tám chịch, đi thì cũng vừa, đâu ngờ, bỏ kê mô,  một năm sau, bệnh tái phát, nó lan nhanh đến độ bây giờ, không còn thuốc chữa.

Nói đến đây, anh Đặng chợt ngừng, khuôn mặt anh đang vui bỗng tối lại, thực tế đã cho anh nhìn thấy, mình sắp đi, mà đi thật, hết vui nổi anh đã buồn bã, khóc, nói với tôi, anh đâu muốn chết, chưa muốn Tô Bia, muốn sống vui với đời lúc nữa. Tôi ngồi im lặng cạnh anh, không biết làm cách nào an ủi. Chỉ giữ thái độ thân thiện với anh, đến khi anh Đặng lơ mơ chìm vào giấc ngủ, thì tôi lặng lẽ rời Hospice ra về. Một tuần lễ sau, anh Đặng đã ra đi khi tôi đang ở Cali, không có mặt tiễn anh. Tô Bia là nhà đòn lớn, sang trọng tọa lạc ở đường Hai Bà Trưng Sài gòn năm xưa. Khi sống anh Đặng hay dùng chữ Tô Bia để ám chỉ nói đùa đến người chết.

Lê Thiệp là người bạn chí thân của tôi từ Sài Gòn, tôi không phải bạn học với Thiệp, nhưng từ Ban Mê Thuột, Thiệp đã vô Nam ở với gia đình chú Mai, cùng xóm với tôi. Ông thần này được tổ đãi, suốt đời làm báo, lêu lổng, rong chơi, bỗng một ngày cậu vượt biển qua Mỹ, Thiệp đến ở nhà tôi một lúc với thằng Tùng, thằng Đàn con chú Mai. Trong lúc cầu bơ cầu bất Thiệp gặp thằng Tuyển, bạn làm báo của Thiệp, lại là bạn thân của tôi thời trung học. Thằng Tuyển nhường cái job của nó ở Connecticut cho Thiệp để đi Cali, vì vợ Tuyển không chịu nổi cái lạnh thấu xương ở miền Bắc Mỹ.

Tôi còn nhớ câu chuyện khi ở VN, tôi có dắt Thiệp cho bố nuôi tôi coi tử vi cho anh ta, bố tôi nói, anh này phú quý tột bực, nhưng phải cái nạn thượng lộ mai thi ( số chết đường, chết xa), mà quả thật, Thiệp kể tôi nghe, khi vượt biển, anh đã cho vợ chồng ông bà Bùi Điển đi nhờ, bạn bè nên không lấy tiền bạc chi cả, bà Bùi đã có một thời đi bay Air-VN với Trâm, còn cậu Điển sau này ôm tờ Thủ Đô Thời Báo ở Falls Church Virginia cho tới già. Trong lúc Thiệp đứng ở bờ thuyền trên biển, bỗng bị một cái sóng vô cùng mạnh đánh vô, làm cu cậu văng xuống biển, may nhờ phúc đức, Thiệp vớ được cái lốp cao su ở thành tàu, ôm mà chịu trận cho con thuyền kéo đi, đến một lúc, hai tay Thiệp rã rời, không còn có thể ôm theo con thuyền được nữa, thì bà Bùi, không hiểu sao trong khoang thuyền bước ra, thấy cậu Thiệp lóp ngóp dưới biển, bèn tri hô rầm rĩ, cả thuyền nhao nhao chạy ra cứu Thiệp. Thoát chết, Thiệp nói, sóng mạnh đến nỗi, Thiệp ở trần, mặc cái quần đùi, mà khi văng xuống biển, sóng lột băng cả cái quần, làm cậu Thiệp lên tàu mình trần như nhộng. Cho hay cái tâm tốt với bạn, ông Trời đã trả ơn, cho bà Bùi thấy mà cứu Thiệp. Trời thương, Lê Thiệp đã thành công vượt bực, với hàng chục tiệm phở ở Mỹ, ở Đại Hàn, shopping, office building đủ cả. Rồi bỗng dưng Lê Thiệp bị ung thư gan đến thời kỳ thứ tư. Lá gan là một bộ phận âm thầm gánh chịu mọi khổ đau cho những cơ phận khác trong cơ thể con người. Một khi nó quá tải, không ôm nổi nữa, thì nó phát ra, và bệnh nhân chỉ có nước chờ chết. Đó là trường hợp của Thiệp. Chị Mai vợ Thiệp, thương chồng, đã tìm mọi cách chữa chạy, bất kể tiền bạc, nhưng vô vọng.  Thiệp đã chọn “Hospice” ở nhà. Tôi đến thăm Thiệp với Thủy, ông bạn nhậu của Thiệp, mà Thủy cũng là em ruột ông Thụ, người bạn lớp nhì tiểu học với tôi. Điều tôi nói ở đây là tôi rất lạ cho phong thái của Thiệp. Tôi thương bạn đến rơi nước mắt, khi biết thằng bạn thân trong đời của mình sắp ra đi. Thay vì cảm động, nó đã sửng cồ mắng tôi:

– Tôi chết, tôi không lo, tại sao ông lo. Kệ mẹ nó, chúng mình ngồi đây, nói chuyện vui.

Cả ngày hôm đó, nó không uống rượu được nữa,  pha trà cho tôi và Thủy. Cậu Thủy buồn lắm, dân rượu với Thiệp nay lại phải uống trà. Nó loay hoay rót bình trà vô cái cốc nhỏ xíu, bảo tôi, trà này quý lắm. “Trảm Mã Trà” đấy. Người ta bỏ trà vô bụng con ngựa, xong chặt đầu nó, để dạ dầy con ngựa tiết ra một chất đặc biệt cho trà. Tôi cho là nó nói phét. Ngựa đâu mà lắm thế để chém đầu. Cũng như chuyện cà phê nanh chồn ngon nhất, người ta nói cho con chồn ăn hạt cà phê, không tiêu, nó ị ra, đem hột đó rang lên pha cà phê uống, thực ra chỉ là phiệu, người ta xem con chồn chọn hột nào nó ăn, người ta cho là hột ngon, bắt chước, lấy riêng ra làm cà phê đặt tên cà phê Nanh Chồn.

Trước khi Thiệp chết, tôi có đến ngồi với bà Toán, chị ruột nó. Chị Toán nói với tôi một câu mà tôi thật não lòng: “ Cậu Cường ơi, tôi thương Thiệp lắm, nếu tôi chết được thay cho em thì tôi cũng chết”.

Tôi biết nó nằm trên gác, đau đớn lắm, nhưng rồi theo số phận, trời kêu ai nấy dạ. Thằng Thiệp đã ra đi sau đó vài ngày. Tôi và ông Thủy đã đến nhà quàn đưa nó. Khi tôi và ông Thủy thấy, chị Mai vợ Thiệp ôm cái hình của Thiệp bước ra, mắt đỏ hoe, thì tôi biết đời bạn tôi kể như xong, bao nhiêu của cải, vợ con, tiền bạc, thương yêu để lại cho đời, ngọn lửa sáu ngàn độ trong lò thiêu đã mang Lê Thiệp với cái quan tài thành tro bụi. Thật buồn cho kiếp người! Cát bụi lại trở thành cát bụi. (Poussière revient à la poussière) Đúng là Vô Thường theo đạo Phật nhiệm mầu..

Ông Thủy, bạn nhậu với Lê Thiệp, cũng ra đi sau đó vài tháng. Ông Thiệp ung thư gan, ông Thủy ung thư cổ họng. Cũng như Lê Thiệp, ông Thủy chọn Hospice tại nhà, chị Liên vợ Thủy đã dọn cho ông một căn phòng nhỏ, nằm đó, yên ắng ôn lại sự đời mà đợi ngày đi.

Tôi là bạn học với ông Thụ, anh ruột ông Thủy từ thời lớp nhì. Tôi hợp với ông Thủy nhiều hơn, tuy không biết nhậu, nhưng mỗi khi sáp lại với Thụ, với Phạm Bá Vinh (anh vợ ông Thủy) thì tôi cũng túy lúy. Tôi biết ông Thủy hơi bê tha, nhưng con người có nghĩa lý, nên tôi cho đó là chuyện nhỏ, tôi vẫn thân với ông. Tính Thủy thẳng thắn, hay mất lòng người. Có một lần, chúng tôi ngồi uống rượu chung, bạn Thụ tôi hay nói chuyện cổ tích, Thụ thường kể, khi anh làm tổng đoàn trưởng thanh niên trừ gian, anh rất ngon lành dưới chính phủ Nguyễn Cao Kỳ. Anh được phái đi Mỹ, gặp tổng trưởng quốc phòng McNamara, đi giải độc sinh viên Mỹ về chiến tranh Việt Nam. Đó là chuyện thật, nhưng cậu Thủy khó chịu vì ông anh mình, bèn phang một câu, anh nói anh đi Mỹ giải độc sinh viên ở các trường Đại Học về chiến tranh Việt Nam. Bây giờ anh nói tiếng Anh, tôi nghe chưa hiểu hết, làm sao ngày đó anh nói tiếng Anh, sinh viên Mỹ hiểu được!. Ông Thụ nóng mặt vì ông em, bèn hết cả giữ lễ, chửi cho ông Thủy một phát và kết luận, ông im cha cái mồm ông lại. Rất may, không mất hòa khí, sau đó anh em lại dô dô vui vẻ. Ông Thủy có cái tài, là ông uống rượu bị cảnh sát bắt bao lần, mà không bao giờ bỏ tù ông được cả. Cứ mỗi lần thổi bong bóng là cậu Thủy tìm cách giữ lại nồng độ rượu trong cuống họng. và hơi thở bình thường chạy ra cái bong bóng, cảnh sát phải tha. Nhưng rồi, Trời bất dung đãng, cảnh sát đã chế ra một cái “device” mới, khi người phải thổi bong bóng, mà không thổi đủ áp suất cho cái “device activated” thì coi như chưa thổi, phải thổi lại. Lúc đó tài ông Thủy hết dùng được, ông phải vận hơi thổi, hơi rượu hàng chục chai bia trong bụng ông đã làm cho ông bị bắt vô tù. Tôi đã ứng tiền để chuộc ông ra, sau đó, ông nghĩ cách khác là có thể qua mặt cảnh sát, nhưng không hiệu quả, ông tái phạm lần thứ hai, cảnh sát cho ông ra tòa, thương ông, tôi đã nói Trâm ứng tiền cho ông thuê luật sư, chúng tôi đều nghĩ, giúp ông thôi, số tiền này sẽ không bao giờ được bồi hoàn và chúng tôi cũng không hề bao giờ nhắc nhở số tiền này trong suốt thời gian ông Thủy ốm đau. Có một lần lâu lắm, trước tất cả những chuyện này. Ông Thủy nói một câu trước mặt Trâm làm tôi cảm động. Thủy nói:” bạn bè ông Thụ tôi đều gọi bằng thằng, trừ ông, bao giờ tôi cũng gọi ông bằng ông”.  Mà thật vậy, bao giờ ông Thủy cũng gọi tôi bằng ông Cường và vợ tôi là bà Trâm.

Một điều bất ngờ nữa là sau khi ông Thủy chết, mấy năm sau, chị Liên vợ ông Thủy đã trả đủ số tiền bảy ngàn mà Trâm đã ứng cho ông. Tôi lạ quá, điều chúng tôi không bao giờ nhắc, sao chị Liên lại biết, hóa ra trước khi chết, ông Thủy đã tâm sự với chị Nhâm là chị ruột, ông thiếu tôi số tiền, nhờ chị Nhâm nói vợ Thủy, nên mấy năm sau bán nhà chị Liên đã trả.

Buổi trưa hôm đó, hai vợ chồng tôi đang học truyền hình với Võ Thành Nhân, bỗng ông Thụ kêu tôi, phải lại ngay, ông Thủy chết rồi. Vợ chồng tôi vứt sách vở, chạy như bay tới nơi, thì ông Thủy vừa mới tắt thở. Không may lúc Thủy chết, Thụ vội vã lo em mà quên cái hàm răng giả ở ngoài, Thụ nhất định bắt tôi, ghì xác ông Thủy, vừa chết mà đã cứng đơ, để Thụ banh miệng ông Thủy ra, nhét cái hàm răng giả vô. Thụ thật mạnh tay kéo hết sức mới kéo được cái hàm ông Thủy mở ra.

Thiệp và Thủy chết đi để lại trong lòng tôi niềm thương mến. Hai tay này có một cá tính đáng nể, cái chết đến với họ, nhẹ như không, chả buồn phiền, lo sợ hay thắc mắc. Đến và đi giữa cuộc đời không lưu luyến, không tạo âu sầu phiền não cho bạn bè hay người thân. Tuy chết bệnh, nhưng cả hai đã ra đi rất anh hùng. Thương bạn mà lòng tôi vô cùng cảm phục .

Chưa hết, cái năm quái ác này (2013) tôi có đến 3 người bạn đã ra đi, người thứ ba là một ông Mỹ, bạn Trâm, lúc đầu ông Smith khai thuế cho Trâm, sau ông thành người bạn thân thiết, vợ ông người Ukraine, đàng hoàng tư cách. Hàng năm, sau mùa thuế, Trâm thường đãi ông bà này ăn uống, và thưởng tiền cho ông. Richard Smith bảo vệ Trâm hết mình, bất chấp sở thuế, chuyện lớn, chuyện nhỏ, “audits” hay “questions” Richard  đến tận nơi, ăn thua đủ với nhân viên thuế vụ. Từ ngày có ông Smith, Trâm ăn no, ngủ yên, kiếm tiền mà không hề sợ sở thuế dòm ngó. Nhưng rồi cũng như ông Phật đã nói, mỗi người chỉ đi được với nhau có một đoạn đường, bất kể ai là ai. Có hợp, phải có tan, đúng sau 30 năm khai thuế, ông Smith gặp chúng tôi, đáng lẽ tiến hành công việc như thường lệ, ông lại nói là sẽ khai thuế năm chót, vì sức khỏe ông xuống quá. Từ một người vạm vỡ, cao lớn, ông tụt 90 pounds, gần một nửa trọng lượng con người. Dù hết sức rồi, với lời hứa, bà vợ Ukraine cũng chở ông từ Gettysburg xuống khai thuế cho Trâm. Chúng tôi đã đãi hai vợ chồng người bạn bữa cơm lần chót để ông nhập viện. Đến khi biết ông vô Hospice, chúng tôi lặn lội lên thăm. Cái cảnh Hospice, ôi hãi hùng, phòng đợi của tử thần, trông yên hàn tĩnh mịch nhưng ngầm chữa nỗi kinh hoàng. Mỹ cũng như Việt đều chung số phận, mỗi người nằm đó  ôn lại những phút chót của đời người bằng những lối suy nghĩ khác nhau, không biết do tinh thần, trực giác hay vô thức mà phản ứng mỗi người mỗi khác. Richard Smith, không bao giờ nghĩ mình sắp chết, ông nằm trên giường bệnh, thân hình còn bằng đúng một nửa, ông ta chỉ còn  là bộ xương nhúc nhích, hai con mắt chìm sâu vào trong hốc mắt. Chúng tôi tuy thương ông, nhưng nhìn ông không khác gì một con ma còn sống. Richard vẫn tỉnh táo nói với Trâm, hôm nay thứ sáu, tôi nghỉ cho khỏe, thứ hai vợ tôi sẽ chở tôi xuống Virginia, tôi sẽ làm nốt cái State tax cho bà. Ông nằm đó, không chấp nhận cái chết, hay ông dối nó cho là ông sẽ không chết, vì ông còn ham sống quá chăng?. Cho đến lúc chúng tôi bắt tay ông ra về, ông vẫn còn thì thào nói với Trâm, “See you Monday for your State tax”. Ba ngày sau đó, ông đã không xuống Virginia, mà chúng tôi phải trở ngược lên Gettysburg tiễn ông trong một nhà thờ Orthodox, vì ông là cựu chiến binh Hoa Kỳ, người ta đã bắn bảy phát súng tiễn ông trước khi hạ huyệt.

Cho dù Hospice tại Hospice (riêng rẽ), Hospice tại gia, hay Hospice tại nhà thương, tôi đều thấy các bạn tôi ra đi mau mắn, trường hợp bạn Sỹ, Hospice tại Maryland, thì bạn lại ra đi lâu lắm. Sỹ cứ nằm đó mà không chịu chết. Nguyễn Văn Long bảo tôi, mình phải đi thăm Sỹ, Ông bà Long Lan, vợ chồng tôi đã đến Hospice vào buổi chiều nhá nhem thăm Sỹ. Bà Lan cẩn thận mua bó hoa, vì cho rằng những người nằm trong Hospice thì ăn uống được gì nữa đâu. Bốn người chúng tôi ngồi nói chuyện với Sỹ lâu lắm.

Tôi thấy Sỹ không có triệu chứng gì là sắp ngủm cả, tôi bèn  khều Long ra ngoài nói nhỏ. Sỹ có gì đâu mà họ lôi anh ta vô đây nằm lâu quá.

Vô lý, họ phải cho anh ta trở lại nhà thương để chữa trị. Long nói không hiểu sao, chứ bà vợ Sỹ nói là hết thuốc chữa rồi, Ung thư nó ăn hết tim gan, phổi thận, còn gì nữa đâu để mà sống. Tôi không trả lời Long, nhưng nghĩ Long đã bảo vợ Sỹ nói thì phải trúng. Sỹ là bạn với tôi và Long cùng thời Sư Đoàn 5. Long ở Tiếp Vận, Sỹ ở Tổng Quản Trị, còn tôi ở quan sát viên. Chúng tôi có duyên với nhau, suốt bao năm chinh chiến, đi đâu cũng gặp. Anh chàng Sỹ này tính vui nhộn, sống rộng rãi theo kiểu Nam Kỳ, xả láng sáng về sớm. Trước khi động viên đi lính, Sỹ làm quan thuế, rất cổ tài.

Thường rộng rãi trong lúc ăn nhậu, tôi có một kỷ niệm bắt tức cười với anh, mà không dám cười. Số là hôm đó chúng tôi họp tại bộ tư lệnh sư đoàn có tướng Thuần, tư lệnh chủ tọa. Sỹ và tôi là loại cóc cắn, ngồi tuốt phía sau, Sỹ lấy thuốc lá ra hút. thời đó, sĩ quan anh nào có cái quẹt lửa gas là sang lắm. Rút điếu thuốc, ngậm lên môi, bật cái quẹt gas lên, ngọn lửa xanh rờn, mồi thuốc thật ngon, không có mùi xăng như quẹt zippo, hay mùi diêm sinh ngai ngái như que diêm. Bỗng tôi thấy Sỹ bật cái quẹt gas lên, rồi ngã ngửa ra đằng sau, ôm lấy mũi, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng. Lạ quá, ông tướng ngồi đó tôi đâu dám hỏi. đến khi tan buổi họp, tôi thấy mũi Sỹ đỏ lòm, tôi hỏi Sỹ, anh mới nói, không biết đứa nào rắn mắt, lấy cái quẹt gas của Sỹ, vặn cao hết mức, khi bật lên, lửa gas có thể cao cả tấc. Ngọn lửa đã không mồi điếu thuốc trên môi, mà đâm thọc vào mũi, đau quá, Sỹ bụm mặt, miệng muốn chửi thề, khốn nỗi ông tướng ngồi trên. Sỹ đau quá không văng được câu chửi, phải bịt miệng cho nước mắt chảy ra. Sỹ kể cho tôi, lúc đó anh mới văng tục một tràng ra cho hả nỗi đau mà trước đó không chửi được.  Làm tôi vừa tội nghiệp cho bạn vừa tức cười cho hành động của Sỹ, ngồi bên cạnh tôi đã ngửi mùi khói khét lẹt của lông mũi Sỹ.

Rồi đất nước hết binh đao, Sỹ ở tù mệt nghỉ, khi đến Mỹ, sống đời sung sướng. Tôi hỏi Sỹ, đi sau đến muộn làm sao sống đời sung sướng? Sỹ nói, vì đi sau, đâu có học hành chi mô, Tôi làm Janitor cho tòa báo Washington Post. Tôi kể chuyện diễu hay quá, mấy anh em ở đó thương, kêu tôi không phải làm gì cả, cứ kể chuyện vui cho họ nghe, đỡ buồn ngủ, là họ sẽ làm hết công chuyện cho Sỹ. Từ đó, hằng đêm Sỹ vác chiếu đi làm, kể chuyện riễu cho anh em và supervisor nghe, xong là tìm chỗ ngủ, đợi đến giờ về là anh em đánh thức Sỹ dậy.

Bây giờ Sỹ nằm đây, khuôn mặt vui tươi nói chuyện, chúng tôi đã  yên lặng lắng tai nghe, Sỹ nói:

  • Tôi cảm ơn vợ chồng Cường với Long đã đến thăm trong đêm tối, dù chỉ ngắn ngủi thôi, nhưng vô vàn hạnh phúc. Đời tôi đang nằm đây, nếu có ai nói nhất nhật tại tù bằng ba thu tại ngoại, Thực không thấm vào đâu. Tôi phải nói một đêm nằm trong Hospice bằng ba năm nằm trong tù, nó kinh hoàng lắm bạn ơi. Tám giờ tối, khi những “services” trong nhà thương đã hết, người gác đóng cánh cửa lại, cho dù đèn vẫn bật sáng, nhưng cái im lặng làm cho tôi vô cùng sợ hãi. Nằm nghĩ viển vông, biết rằng cuộc đời đến đây là hết, nhưng nó hết như thế nào. Mình sẽ chết ra sao, sáng mai mình có dạy không?, còn hy vọng nhìn vợ con nói điều trăn trối, hay âm thầm nhắm mắt ra đi, mỗi tiếng động, mỗi tiếng kêu than, cho đến mỗi tiếng thở dài của những người bệnh nhân tôi đều nghe thật rõ, tôi cứ nằm đó, mắt không nhắm, không mở, không thức, không ngủ. Tôi muốn ngủ, nhưng không sao ngủ được, nghĩ ngợi mung lung, muôn ngàn muôn vạn ý nghĩ nhào vô trong đầu làm mình muốn điên luôn.

Tôi ngắt lời Sỹ, sao bạn không bật TV lên coi cho nó thật mỏi mắt thì nó sẽ ngủ. Sỹ nói:

– Đã làm hết cả rồi, không ăn thua gì cả. Cái điều mình không biết ngày mai ra sao, thì mình còn hy vọng, đằng này, mình biết ngày mai mình chết, thì còn gì để nghĩ, còn gì để hy vọng. bấu víu vào ai, tin tưởng vào cái gì?. Cứ thế và tôi phải thức, phải sống suốt đêm. Trời ơi, đêm dài lắm, Tôi mong có tiếng động, tôi mong cho trời sáng, để tôi thấy người ta qua lại lên xuống để mình biết mình đã qua đi được một đêm hãi hùng..

Nghe Sỹ nói, chúng tôi thương bạn quá, không nỡ về, kéo hai bà vợ ngồi lại cho đến gần nửa đêm mới từ giã. Chia tay nhau, mỗi người một ngả, Long đi Maryland, tôi lui lại Virginia. Có lẽ đời Sỹ sống quá nhởn nhơ, hồn nhiên vui vẻ, ông Trời ghét, bắt Sỹ phải sống lâu dài trong Hospice, đến cả tháng Trời, để nghiền ngẫm khổ đau, để biết đời là bể khổ. Tôi và Long trở lại hơn 1 tháng sau, khi Sỹ đang hấp hối, lúc này bịnh bắt đầu lây, chúng tôi để hai người vợ ngoài hành lang, Long và tôi, trang bị mặt na, mặc áo chống vi trùng bước vô thăm Sỹ, anh mệt lắm, chắc cũng không biết chúng tôi đến, anh chỉ cố sức kéo buồng phổi, lấy hơi vô để kéo dài sự sống, bà vợ Sỹ thì đứng cạnh, thương chồng, nước mắt lưng tròng, giọt ngắn, giọt dài rơi lã chã, gọi chồng, anh ơi! anh ơi, anh Cường và anh Long lại thăm nè, ráng mở mắt ra anh Sỹ ơi, tiếng gọi rơi vào thinh không. Trong phòng chỉ còn tiếng khò khè kéo hơi từ hai buồng phổi của Sỹ. Chúng tôi đứng lâu lắm, dù không nói chuyện với Sỹ được tiếng nào, nhưng để ai ủi cho vợi nỗi đau của vợ Sỹ.

Sinh ký tử quy (Sống gửi thác về) là định luật muôn đời. Nếu đời là bể khổ?. Sao ta cứ tiếp tục sinh con đẻ cái, gieo hạt, gieo mầm cho nỗi thống khổ kéo dài bất tận cho loài người ? Mà nếu đời là bể vui, thì cuộc đời chàng Sỹ, sống không biết khổ là gì, cuối đời, ông trời bắt sống trong phòng đợi, mà chầm chậm cho thần chết rước đi. Tôi nhớ mãi câu nói của Sỹ:” Khổ lắm Cường ơi!  Một ngày trong tù bằng 3 năm sống ngoài đời và một ngày trong Hospice, bằng 3 năm sống trong tù”.

Đời tôi sẽ ra sao? Tôi sẽ chết, không nhắm được mắt vì đau đớn bịnh tật, hay êm thắm ra đi, hay âm thầm lo hãi ngày đêm nằm trong Hospice, như Sỹ, như Smith, như Thủy, như Thiệp. Chịu thua. Tôi thấy bế tắc, nhưng bế tắc mà vẫn biết mình cũng sẽ phải đến điểm khởi hành. Cũng vậy thôi, nào ai thoát khỏi. Có một điều vắn gọn là cảm ơn Trời đã cho tôi làm người, cảm ơn đời đã cho tôi sống tới ngày hôm nay, cho dù tôi chả đẻ bọc điều, lớn lên không cha không mẹ, Tôi thèm khát tình thương tình người. Tôi phải trả giá biết bao nhiêu, không phải để thành công, thành danh, mà cái giá quá đắt khổ đau, nhục nhằn tôi trả, chỉ để  đổi lấy được sống bình thường như những bạn bè tôi. Tôi cảm ơn Trâm, vợ tôi đã lấy tôi qua bao trở ngại, thương tôi, sống bền vững bên tôi, cho tôi bốn đứa con, một mái gia đình. Cho dù hôm nay, gia đình chúng tôi sẩy đàn tan nghé, mẹ già chúng tôi ra đi lúc 104 tuổi, con cái, đứa theo chồng, đứa theo vợ. Chúng nó xây đời tự do riêng tư cho nhau. Một mẹ già, hai vợ chồng, 8 đứa con cả dâu lẫn rể, 7 đứa cháu, bỗng dưng bà cụ ra đi là tan hết, mỗi tiểu gia đình mỗi ngả, chung quy còn lại cuki có hai vợ chồng. Trâm thường hoài niệm, nuối tiếc những thời đã qua. Nhưng tôi đã hiểu biết phần nào qua cuộc đời những người bạn tôi. Tôi khuyên Trâm, hãy theo ông sư Trần Đức Giang, người bạn cũ năm xưa, nay là cao tăng Nhật Bản, từ mấy chục năm qua, Giang đã qua đây, chỉ cho chúng tôi rằng, “Hoan Hỉ Phụng Hành” hãy vui vẻ giúp đời, và “ Trung Thứ Truyền Chi”  tha thứ mà vui sống, đừng trách cứ con cái hay bất cứ ai.

Kết luận cho bài viết này, tôi xin chia sẻ với các bạn hai câu mà tôi mới học được, nó vô cùng chí lý.

“Khi biết nhân quả, không trách Trời,

Khi biết mình, không trách người”.

Quốc Thái – Đinh Hùng Cường.

From: TU-PHUNG

NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý KHI CHUẨN BỊ CÁI CHẾT CHO NGƯỜI NHA`

Võ Hữu Nhậm

Một người đang nằm hấp hối trên giường bệnh cần gì, không cần gì và sợ điều gì nhất? Tôi nói nhanh vài ý dưới đây cho mọi người tham khảo.

– Người sắp chết vì bệnh hay tuổi già nằm yên không cử động được nhưng cảm giác trên thân vẫn còn và rất dễ bị đau; Họ không nói được nhưng vẫn nghe rõ và rất dễ bị tác động tới tâm trí. Vì thế, nên tránh việc bóp tay bóp chân người ta. Lúc còn khỏe mạnh thì thấy thoải mái khi được bóp tay chân, nhưng khi sắp chết mà bị nắn vào xương thịt như thế là rất đau. Cảm giác đau đớn thì không tốt cho “cận tử nghiệp” của họ.

– Nói tới cận tử nghiệp, ta nên biết rằng cái “tâm” lúc này vô cùng quan trọng. Người sắp chết cần có một cái tâm thật thanh tịnh. Đừng để những ô nhiễm như tức giận, tiếc nuối, hối hận, lo lắng, nhục nhã, buồn phiền, đau khổ v.v… phát sinh vào lúc này. Người nhà cần tránh gây không khí căng thẳng hay cãi nhau to tiếng. Đừng nói chuyện đau thương hay khóc lóc quá nhiều. Đừng làm gì khiến họ nghe và thấy tủi thân.

– Đến đây chắc các bạn đã hiểu tại sao các vị tu sĩ các tôn giáo thường được mời đến để tụng kinh hay ban bí tích xức dầu. Tiếng đọc kinh rầm rì cũng như việc ban bí tích giúp người hấp hối đắm chìm trong bầu không khí an nhiên và lành thánh. Người nhà của bệnh nhân nên tiếp tục duy trì không khí này bằng cách đọc kinh hoặc giữ yên lặng. Không nên phá vỡ những khoảnh khắc đáng quý đó vì nó rất cần cho sự thanh tịnh của tâm.

Tóm lại, khi trong nhà có người sắp mất, ta cần giúp họ ra đi bình an bằng cách tránh những hành động có thể làm thân đau đớn, tránh nói những chuyện có thể làm tâm ô nhiễm. Công phu sống tốt cả đời nhiều khi bị hủy hoại vào giờ chót bởi người nhà. Việc nên làm là tạo ra và duy trì bầu không khí tích cực bằng cách cầu nguyện, đọc kinh hay đơn giản là giữ yên lặng. Mọi sự thánh thiện trong những phút cuối đời của một người là vô cùng quan trọng, bất kể bạn có biết điều đó hay không.

Chúc mọi người làm được những việc cần làm…

Bài viết của: Manh Hai Hoang

(Hình trên internet)


 

HẠNH PHÚC LÀ CẢM NHẬN…

Lời Chúa Mỗi Ngày

Trong cuộc sống đừng bao giờ so sánh

Mỗi một người là hoàn cảnh khác nhau

Tạo bức tranh có muôn vạn sắc màu

Hãy cứ chọn một màu ta hạnh phúc.

Đừng than thở bởi đời người có lúc

Nên con đường khi khấp khúc quanh co

Việc của mình là chớ nên lắng lo

Hãy mạnh mẽ vượt sóng to gió lớn.

Cứ mỉm cười đừng tính toán thiệt hơn

Bởi nay được mai đường trơn lại mất

Hãy bước chậm một cách bình thản nhất

Có nỗi buồn ta hay cất thật sâu.

Chẳng bao giờ có thể quên được đâu

Mà lấy đó để hiểu thấu hơn nữa

Nếu có sai hãy can đảm sửa chữa

Sống một đời đẹp tựa như ánh mai.

Vững bước nhé con đường đến tương lai.


 

Tổng Thống Biden tiến cử Tân Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam: Kim Moy

Theo Đài VOA

Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tiến cử ông Kin Moy, một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, làm đại sứ mới của quốc gia này tại Việt Nam, Nhà Trắng thông báo hôm 5/6.

Việc đề cử ông Moy được Nhà Trắng chuyển đến Thượng viện hôm 5/6 và cơ quan lập pháp này thông báo đã nhận được đề cử trong cùng ngày.

Ông Kin Moy, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Thường trực Hoa Kỳ phụ trách Vụ Đông Á và Thái Bình Dương, điều trần tại Quốc hội ngày 21/3/2024. Photo YouTube House Foreign Affairs Committee.

Ông Kin Moy, Phó Trợ lý Ngoại trưởng Thường trực Hoa Kỳ phụ trách Vụ Đông Á và Thái Bình Dương, điều trần tại Quốc hội ngày 21/3/2024. Photo YouTube House Foreign Affairs Committee.

Ông Kin Moy là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, hiện đang giữ chức Phó Trợ lý Ngoại trưởng Thường trực đặc trách Văn phòng Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương của bộ. Ông được bổ nhiệm vào vị trí này hồi tháng 6/2021, theo thông cáo của Nhà Trắng và thông tin của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Trước đó, ông từng giữ chức vụ Phó Trợ lý Ngoại trưởng tại Cục Tình báo và Nghiên cứu; Trưởng phái bộ mang tên Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan (AIT); và Phó Trợ lý Ngoại trưởng của Văn phòng Các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, đặc trách về Trung Quốc, Mông Cổ và Đài Loan, theo thông cáo của Nhà Trắng.

Ông Kin Moy và Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tại Đài Bắc, ngày 21/3/2018.

Kin Wah Moy (sinh năm 1966) là nhà ngoại giao Mỹ và giữ chức Bộ trưởng ngoại giao chuyên nghiệp.  

Moy được coi là một trong những người thực hiện chiến lược “Xoay trục châu Á” của Tổng thống Barack Obama Năm 2015, ông được bổ nhiệm làm giám đốc Viện Hoa Kỳ tại Đài Loan và do đó trên thực tế đã trở thành đại sứ Mỹ tại Đài Loan trong trường hợp không có quan hệ ngoại giao chính thức .

  Trong cuộc họp báo khai mạc Viện Hoa Kỳ, ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ là đồng minh thân cận nhất của Đài Loan. Không lâu trước khi rời AIT vào năm 2018, Moy đã được trao tặng Huân chương Ngôi sao rực rỡ cùng với Grand Cordon. Ông từng giữ chức phó trợ lý thư ký chính của Cục Tình báo và Nghiên cứu (INR). 

Kin W. Moy
Mai Kiến Hoa

Vào ngày 21 tháng 4 năm 2020, Moy được Thượng viện xác nhận làm bộ trưởng chuyên nghiệp. Vào ngày 20 tháng 1 năm 2021, ông được bổ nhiệm làm quyền trợ lý thư ký của INR, một chức vụ mà ông giữ cho đến ngày 15 tháng 6, khi ông được bổ nhiệm làm quan chức cấp cao của Văn phòng các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương. 

Cuộc sống cá nhân

Ông Moy tốt nghiệp Đại học Columbia và Đại học Minnesota và là một người nói tiếng Quan Thoại. Moy kết hôn với Kathy Chen, một nhà báo từng làm việc cho Wall Street Journal . Họ có bốn người con—Andrew, Claire, Olivia và Amanda và  Dane .