HRW kêu gọi Việt Nam tiếp tục thả các nhà bất đồng chính kiến

HRW kêu gọi Việt Nam tiếp tục thả các nhà bất đồng chính kiến

RFI /Karen Ferreira / hrw.org

Thanh Hà

RFI

Human Rights Watch hoan nghênh sự kiện Việt Nam vừa trả tự do trước thời hạn cho các ông Vi Đức Hồi và Nguyễn Tiến Trung, vài ngày sau khi thả luật gia Cù Huy Hà Vũ. Thế nhưng, tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch kêu gọi Hà Nội tiếp tục thả các nhà bất đồng chính kiến.

Ông Vi Đức Hồi, nguyên là giám đốc một trường đảng ở Lạng Sơn vào năm 2011 đã bị tuyên án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế với tội danh « Tuyên truyền chống Nhà nước ». Khi xử phúc thẩm, ông được giảm án xuống còn 5 năm tù giam và 3 năm quản chế.

Là tác giả nhiều bài viết chỉ trích chính quyền, ông Vi Đức Hồi vào năm 2009 đã được trao giải Hellman/Hammett của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch vì những đóng góp của ông trong việc thúc đẩy tự do ngôn luận ở Việt Nam.

Về phần Nguyễn Tiến Trung, đã bị bắt vào tháng 07/2009. Tháng 01/2010 ông đã ra tòa cùng với ba nhà bất đồng chính kiến khác là Trần Huỳnh Duy Thức, Lê Công Định và Lê Thăng Long và bị khép vào tội « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ». Nguyễn Tiến Trung bị tuyên án 7 năm tù và 3 năm quản thúc. Trước đó, dưới sức ép của quốc tế, tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ cũng đã được trả tự do, ra tù ngày 06/04/2014 và lên đường bay thẳng sang Mỹ.

Trả lời đài Pháp ngữ RFI phó giám đốc đặc trách khu vực châu Á của Human Rights Watch, ông Phil Robertson ghi nhận :

« Hai nhà bất đồng chính kiến Vi Đức Hồi, Nguyễn Tiến trung được trả tự do trước thời hạn mà lẽ ra cả hai người này không bao giờ phải lãnh án tù như vậy. Họ chỉ sử dụng quyền dân sự và chính trị mà thôi. Ông Vi Đức Hồi là một nhà viết blog còn Nguyễn Tiến Trung thì đã cùng với một số khác muốn lập ra một đảng phái chính trị.

Đấy không phải là những tội phạm và lẽ ra hai ông Hồi và Trung không thể bị kết án tù. Tổ chức Human Rights Watch hài lòng trước việc hai nhà bất đồng chính kiến này của Việt Nam đã được trả tự do trước thời hạn nhưng đừng quên rằng, tại Việt Nam hãy còn hàng trăm tù nhân chính trị.

Hơn nữa, lý do Việt Nam đã phóng thích hai ông Vi Đức Hồi, Nguyễn Tiến Trung cũng không được rõ ràng. Không hiểu là Việt Nam đã lấy quyết định như trên do áp lực của quốc tế – chủ yếu là từ phía Hoa Kỳ – hay đấy cũng có thể là do Việt Nam muốn nhanh chóng thúc đẩy tiến trình đàm phán về thương mại ….

Tình trạng nhân quyền tại Việt Nam chưa được cải thiện và tôi nghĩ là tình trạng nhân quyền ở Việt Nam chỉ được cải thiện một khi Việt Nam thả thêm hàng chục tù nhân lương tâm nữa và Việt Nam phải chấm dứt việc bắt giữ công dân của họ vì lý do chính trị »

 

Vụ Bắc Sơn: chủ tịch và trưởng công an xã tuyên bố từ nhiệm

Vụ Bắc Sơn: chủ tịch và trưởng công an xã tuyên bố từ nhiệm
Sunday, April 13, 2014

Nguoi-viet.com

BẮC SƠN, Hà Tĩnh (NV) – Chủ tịch xã Bắc Sơn và trưởng công an xã vừa cho biết họ sẽ xin từ nhiệm. Sự giận dữ của dân chúng đã khiến các viên chức trong xã phải đưa thân nhân trốn đi nơi khác.

Vài ngày qua, dân xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh đã rào làng để tự phòng thủ. Hệ thống chính quyền tại Bắc Sơn được mô tả là hoàn toàn tê liệt.

 

Xe hai bánh gắn máy của trưởng công an xã Bắc Sơn bị dân đốt đêm 10 tháng 4. (Hình: VN Express)

Vụ phản kháng ở Bắc Sơn bùng phát hôm 10 tháng 4. Khởi đầu bằng việc dân chúng bắt sáu sĩ quan công an đến thôn Trung Sơn thực hiện lệnh bắt ông Trương Văn Trường, 30 tuổi, với cáo buộc “gây rối trật tự công cộng.”

Việc bắt ông Trường được xem như một hành vi nhằm răn đe những người phản kháng “Dự án khu nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng.”

Theo dân chúng xã Bắc Sơn, cách đây 50 năm, vùng này chỉ có đồi núi, hoàn toàn hoang vu. Năm 1965, chính quyền Việt Nam dồn dân đến đó “khai hoang, lập nghiệp.” Sau năm thập niên định cư, sinh sống ổn định, năm ngoái, dân chúng được chính quyền thông báo sẽ thu hồi 38 héc ta để giao cho một nhà đầu tư thực hiện “dự án khu nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng.” Nếu dự án này được thực thi, nhiều người dân xã Bắc Sơn sẽ mất sạch ruộng, vườn, nhà cửa, hoàn toàn trắng tay.

Công an Hà Tĩnh đã điều động hàng trăm cảnh sát cơ động đến xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà để “giải cứu” cho sáu sĩ quan công an bị dân chúng bắt. Dân chúng chống trả quyết liệt và 4 trong số hàng trăm cảnh sát “tham gia giải cứu” bị đánh trọng thương, phải chuyển đến bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu.

Phản kháng vẫn chưa ngừng ở đó! Ðêm 10 tháng 4, khoảng 200 người đã đến phá nhà tám viên chức xã: bí thư xã, chủ tịch xã, trưởng công an xã, bí thư đoàn xã,… Trong đó, hai căn nhà của trưởng công an xã và bí thư đoàn xã được mô tả là bị “đập phá tan tành.” Sau khi đốt, phá nhà của 8 viên chức trong xã, dân Bắc Sơn kéo đến trụ sở xã đập, phá nơi làm việc và một số tài sản trong xã. Ðến 1 giờ sáng ngày 11 tháng 4, dân Bắc Sơn tự giải tán.

Mới đây, ông Trần Bá Hoành, chủ tịch xã Bắc Sơn, tiết lộ với báo chí, cả đảng ủy lẫn chính quyền xã Bắc Sơn không đồng tình với việc thực hiện “dự án khu nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng.” Hồi đầu năm nay, ông Dương Công Tự, bí thư xã Bắc Sơn đã từng thay mặt đảng ủy xã gửi văn bản cho huyện ủy và chính quyền huyện Thạch Hà, đề nghị xem lại dự án này vì có nhiều vấn đề không khả thi: Không hợp với lòng dân vì thu hồi quá nhiều đất canh tác. Dự án sẽ bít tất cả những con đường nối xã Bắc Sơn với bên ngoài.

Mồ mả người thân của dân chúng bị xâm hại. Không còn quỹ đất để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo qui định chung.

Trong văn bản vừa kể, viên bí thư xã Bắc Sơn nhấn mạnh, nếu tiếp tục thực hiện dự án, dân chúng sẽ phản kháng mạnh hơn, Bắc Sơn sẽ thành điểm nóng, hậu quả sẽ rất lớn. Ðáp lại, huyện ủy huyện Thạch Hà chỉ đạo đảng ủy, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân và các đoàn thể trong hệ thống chính trị xã Bắc Sơn phải kiểm điểm nghiêm túc về trách nhiệm khi không quyết tâm thực hiện dự án. Chủ tịch huyện Thạch Hà ban hành công văn phê bình chủ tịch xã Bắc Sơn vì không có các giải pháp hữu hiệu bảo đảm an ninh trật tự. Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo tiếp tục tìm các nhà thầu tham gia “dự án khu nghĩa trang sinh thái Vĩnh Hằng.”

Sau hàng loạt các sự kiện vừa kể, ông Trần Bá Hoành, người từng làm chủ tịch xã Bắc Sơn trong 13 năm, nói với báo chí, ông ta và chính quyền xã bị kẹt giữa cấp trên và dân. Nay, do sự phản kháng mạnh mẽ của dân, ông ta và gia đình phải trốn khỏi xã. Ông Hoành bảo rằng: “Tốt nhất là cấp trên nên cho tôi nghỉ việc, nếu không, tôi cũng sẽ làm đơn xin nghỉ.”

Ông Nguyễn Khắc Sơn, trưởng công an xã Bắc Sơn, một trong hai người mà tư gia bị “đập phá tan tành,” tâm sự với báo giới rằng, ông ta không dám đi ra ngoài và “sẽ làm đơn xin nghỉ việc.”

Tin mới nhất cho biết, công an huyện Thạch Hà đã bắt 4 người, trong đó có một phụ nữ liên quan đến các hành động phản kháng vừa kể và sẽ còn tiếp tục bắt nhiều người khác. Cũng vì vậy, Bắc Sơn vẫn là một thùng thuốc súng. (G.Ð.)

Xin xem thêm:

Điều gì khiến người dân Bắc Sơn nổi loạn? (RFA)

Nhà cầm quyền cấm xuất cảnh và câu lưu phóng viên Anna Huyền Trang, VRNs

Nhà cầm quyền cấm xuất cảnh và câu lưu phóng viên Anna Huyền Trang, VRNs

chuacuuthe.com

VRNs (14.04.2014) – Sài Gòn – An ninh cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã chặn, cấm xuất cảnh và câu lưu phóng viên Anna Huyền Trang của Truyền thông Chúa Cứu Thế Việt Nam, lúc 21:30, ngày 13.04.2014.

140413008

Những viên an ninh làm việc đã cấm xuất cảnh và đòi thu hộ chiếu, nhưng không đưa ra được văn bản có hiệu lực nào cho biết nhà hữu trách cấm phóng viên Huyền Trang xuất cảnh và bị tịch thu hộ chiếu.

Phản ứng với việc làm sai luật này, phóng viên Huyền Trang đã không chấp nhận biên bản, và đòi các nhân viên thừa hành phải trưng ra văn bản cấm xuất cảnh. Lúc ấy họ bảo Huyền Trang liên lạc với công an thành phố. Cô Trang không đồng ý, vì đó là trách nhiệm nội bộ của họ. Họ đã liên lạc một thời gian dài.

Sau đó, họ bắt giam cô Trang vào một căn phòng khác, có hai nữ an ninh canh. Đến lúc 23:30, ba nam an ninh đã vào đánh, kẹp cổ phóng viên Huyền Trang, và lôi ra ngoài trước sự chứng kiến của rất đông dân chúng,và bạn hữu của phóng viên này.

Như vậy, không hề có biên bản và quyết định hay bất kỳ văn bản hợp luật nào đã được thực hiện trong việc cấm xuất cảnh và thu hộ chiếu của phóng viên Huyền Trang. Hành động này đi ngược lại với quyền tự do đi lại của công dân đã được Hiến định.

Đây là việc làm đã diễn ra thường xuyên, gần đây, đối với một nước là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đang vận động 11 nước khác chấp nhật thông qua thỏa thuận để trở thành thành viên chính thức của Hiệp ước thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Nhân đây, chúng tôi xin gởi đến quý vị một chút chia sẻ của Huyền Trang về lý do “Tại sao tôi lại chọn con đường hoạt động truyền thông”

PV. VRNs

Mục đích tôi làm truyền thông để loan báo Tin mừng và dấn thân cho người nghèo, người bị bỏ rơi, người không có tiếng nói… vì tôi là một người Kitô hữu, con cái của Chúa.

Tôi tham gia các hoạt động truyền thông vào cuối năm 2011. Trong những năm đầu, tôi còn bỡ ngỡ, chưa có khái niệm thế nào là dân oan, tù nhân lương tâm chính trị, chế độ Việt Nam Cộng Hòa, Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa – Trường Sa của VN… Lúc đó, đối với tôi đất nước VN chỉ có một đảng cs và ông Hồ.

Sau những trải nghiệm trong các chuyến tác nghiệp của VRNs cùng với niềm tin tưởng của các Cha trong Ban quản trị VRNs, các ngài đã giao cho tôi phụ trách chương trình VNTQ, là một chương trình chuyên bình luận về các sự kiện VN. Từ đó, tôi đã tiếp cận được nhiều nguồn thông tin trái chiều khác nhau, tiếp xúc được nhiều người yêu chuộng Công lý và Hòa Bình trong cũng như ngoài nước. Đặc biệt, tôi có nhiều cơ hội trò chuyện và lắng nghe những nỗi oan khuất của những người nghèo bị bỏ rơi và không có tiếng nói như Dân oan, thân nhân gia đình và các tù nhân lương tâm,… Hoặc cảm nghiệm được sự ý chí, tính khí phách kiên cường của các cựu tù nhân lương tâm mà tôi may mắn có dịp tiếp xúc. Nơi những con người ấy, tôi cảm nghiệm được nguồn sức sống mới trong sự khốn cùng và bĩ cực của chính cuộc sống của họ. Điều này, đã đánh động, thúc đẩy tôi chọn người nghèo, tù nhân lương tâm, dân oan… trong hành trình Đức tin của tôi, để sẵn sàng và khiêm nhường đón nhận Chúa trong thử thách mới.

Tôi thiết nghĩ, những gì tôi đã nói ở trên mang tính lý luận vả cảm tính của con người, không mang lại nguồn sức mạnh nội tâm cho tôi dấn thân trên con đường dài. Nỗi lo sợ bị trả thù, bị đánh đập, sách nhiễu, bỏ tù vẫn đeo bám tôi mỗi ngày. Nhưng sau biến cố, tôi bị câu lưu trong thời gian ngắn ngủi hồi cuối tháng 10.2012, tại phường Cầu Kho – Q1- Sài Gòn, tôi thực sự được biến đổi vì chính Chúa Giêsu và Đức Mẹ Maria đã cứu thoát tôi khỏi sự dữ. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã ở bên tôi.

Ngay sau đó, tôi được một người bạn tặng cho tôi cuốn sách “Đường Hy Vọng” của Đức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận. Một vị Hồng y bị nhà cầm quyền cs biệt giam trong suốt 13 năm trời không thông qua một phiên tòa xét xử và sau khi ra khỏi nhà tù, ngài đã bị trục xuất ra khỏi đất nước VN. Trong suốt thời gian bị biệt giam, ngài đã sống trọn con đường mới Chúa trao và ngài đã làm con đường ấy tràn đầy hy vọng, đầy sự yêu thương nơi ngục tù tưởng như vô vọng. Chính năm tháng đó, ngài đã biến đổi được nhiều loại người và giúp họ nhận biết Chúa. Ngài mất vào ngày 16.09.2002. Và, hiện nay, ngài đang trong quá trình được phong thánh.

Đó là nguồn nội lực thôi thúc tôi dấn thân trong sứ mạng truyền thông cho người nghèo, những người bị gạt ra bên lề xã hội và không có tiếng nói.

Huyền Trang, VRNs

 

Ế ẩm, lại kêu gọi bán nhà cho người ngoại quốc

Ế ẩm, lại kêu gọi bán nhà cho người ngoại quốc
Friday, April 11,  2014

nguoi-viet.com

SÀI GÒN (NV) Tham dự cuộc họp mang chủ đề “Ðối thoại giữa chính quyền thành phố và doanh nghiệp” do chính quyền Sài Gòn tổ chức hôm 10 tháng 4, 2014 tại Sài Gòn, Hiệp Hội Bất Ðộng Sản Sài Gòn yêu cầu nhà nước Việt Nam “bán nhà hạng sang cho người ngoại quốc.”



Khu nhà ở hạng sang Dolphin Plaza. (Hình: KienViet.net)

Báo Tiền Phong dẫn phúc trình của bà Ðỗ Thị Loan, tổng thư ký Hiệp Hội Bất Ðộng Sản Sài Gòn công bố tại cuộc họp trên nói rằng, Sài Gòn hiện có hàng chục ngàn người ngoại quốc, kể cả người Việt hải ngoại đang làm việc, sinh sống và học hành.

Theo bà, lớp người này có nhu cầu mua một căn nhà thuộc sở hữu của mình để ở, trong khi rất nhiều căn hộ thuộc các khu nhà chung cư sang trọng cho đến nay vẫn còn bỏ trống. Bà Loan còn nại lý do rằng, chính phủ Singapore cho phép người ngoại quốc cư ngụ thường xuyên tại nước họ từ 6 tháng trở lên được phép mua đến 4 căn nhà.

Tại cuộc hội nghị kể trên, đại diện một số công ty kinh doanh bất động sản cảnh cáo rằng, rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã rút vốn khỏi các dự án bất
động sản tại Việt Nam.



Nhà ở đắt tiền tại Việt Nam. (Hình: báo Tiền Phong)

Dư luận này cho rằng việc rút vốn của các công ty ngoại quốc khỏi các dự án đầu tư tại Việt Nam sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo giới kinh doanh, nhiều cản ngại từ phía chính sách, thủ tục hành chính, việc giải tỏa đất đai… khiến giới đầu tư nản lòng.

Một số tài liệu nói rằng ở Sài Gòn và cả Hà Nội trong hơn 10 năm qua, mọc lên nhiều khu đô thị mới sang trọng. Tại Hà Nội có khu Linh Ðàm, còn Sài Gòn thì có Phú Mỹ Hưng. Nhiều khu nhà ở khác như Times City, hoặc Dolphin Plaza được sử dụng kết cấu đắt tiền và hết sức tiện nghi.

Theo dư luận, các loại nhà hạng sang này vượt khỏi tầm tay của người có thu nhập trung bình tại Việt Nam. Còn thị trường chung cư nhà ở cao cấp thì có dấu hiệu đóng băng lâu nay vì không có người mua. Vì vậy, theo Hiệp Hội Bất Ðộng Sản Sài Gòn, cho phép người ngoại quốc mua nhà hạng sang thì mới hy vọng làm tan băng thị trường bất động sản. (PL)

Bác sĩ Việt kiều Mỹ chữa trị cho ‘Em bé bị cắt nhầm bàng quang’

Bác sĩ Việt kiều Mỹ chữa trị cho ‘Em bé bị cắt nhầm bàng quang’
Tuesday, April 08, 2014

nguoi-viet.com

KHÁNH HÒA (NV) Gia đình em bé bị cắt nhầm bàng quang tại bệnh viện Cam Ranh cho hay, đã không chịu trao bé cho bệnh viện Nhi Trung Ương Hà Nội để phẫu thuật và điều trị tiếp tục theo đề nghị của Bộ Y Tế Việt Nam hồi tháng 6, 2013.



Bác sĩ và em bé bệnh nhân. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Trái lại, gia đình đã đồng ý để bác sĩ Việt kiều Mỹ xuất thân từ Ninh Hòa, Khánh Hòa khám bệnh để phẫu thuật tái tạo bàng quang cho bé trai Trần Anh Ðức, 2 tuổi.

Hôm 23 tháng 10, 2012, bé Ðức được gia đình đưa đến bệnh viện Cam Ranh để mổ thoát vị bẹn. Hai bác sĩ Trần Ngọc Nghĩa và Phạm Văn Toàn sơ suất đã cắt nhầm bàng quang của bé. Hai ông này đã bị kỷ luật sau đó, vì thiếu kinh nghiệm phẫu thuật đã gây tai biến cho trẻ.

Bé trai bị cắt nhầm bàng quang, mê man trên giường bệnh. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Ðến ngày 24 tháng 3, 2014 vừa qua, bé Trần Anh Ðức được mổ “thoát vị bẹn” tại bệnh viện Nhi Ðồng 2. Cho đến nay, tình trạng sức khỏe của bé đã khá ổn định.

Trước đó, Bộ Y Tế yêu cầu đưa bé Ðức đến điều trị tiếp tục tại bệnh viện Nhi Trung Ương ở Hà Nội nhưng gia đình từ chối, vì không muốn bé được phẫu thuật theo phương án của bệnh viện này: mở một lỗ ở bên hông để đưa nước tiểu ra ngoài. Hiện nay, vì bàng quang đã bị cắt bỏ, người ta đặt một ống dẫn nước tiểu qua thành bụng của bé chuyển ra ngoài.

Mới đây, hôm 23 tháng 3, 2014, một đoàn y bác sĩ Hoa Kỳ phối hợp với các bác sĩ bệnh viện Nhi Ðồng 2 đã trực tiếp khám bệnh để tìm phương án điều trị tốt nhất cho bé Trần Anh Ðức. Tuy nhiên, bé sẽ phải chờ ít nhất hai năm nữa, lúc đủ 5 tuổi mới có thể tiến hành cuộc phẫu thuật tái tạo bàng quang.



Bác Sĩ Nguyễn Xuân Nam, bên phải đang nghiên cứu hồ sơ bệnh án của bé Ðức. (Hình: báo Tuổi Trẻ)

Cũng theo báo Tuổi Trẻ, chiều ngày 8 tháng 4, 2014, Bác Sĩ Nguyễn Xuân Nam, Việt kiều Mỹ đã có mặt tại bệnh viện Khánh Hòa để khám bệnh và nghiên cứu hồ sơ, chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật tái tạo bàng quang cho bé. Bác Sĩ Nam cho hay, sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của các chuyên viên tiết niệu hàng đầu của Hoa Kỳ cho việc phẫu thuật tái tạo bàng quang ở bé Trần Anh Ðức.

Theo Tuổi Trẻ, Bác Sĩ Nguyễn Xuân Nam tốt nghiệp bác sĩ y khoa Hoa Kỳ năm 1991, hiện là trưởng khoa ngoại bệnh viện nhi đồng Los Angeles và là trưởng khoa phẫu thuật nhi bệnh viện UCI, California.

Báo Tuổi Trẻ dẫn lời một số chuyên gia tiết niệu giàu kinh nghiệm nói rằng, nếu được phẫu thuật tái tạo bàng quang và điều trị tiếp tục bằng phương pháp hiện đại, bé có thể đi tiểu qua đường dương vật, tránh nguy cơ nhiễm trùng, dẫn đến suy thận. Ðó là chưa kể việc tránh được sự bất tiện mà bé phải chịu đựng suốt đời. (PL)

 

Nhiều người không quen biết đến viếng thầy giáo Đinh Đăng Định

Nhiều người không quen biết đến viếng thầy giáo Đinh Đăng Định

Chuacuuthe.com

VRNs (07.4.2014) – Sài Gòn – Từ tối ngày 06.04 đến 07.04, có khoảng 1000 người đến từ các Hội Đoàn, Đoàn thể cũng như cá nhân từ Bắc vào Nam viếng thăm linh cữu thầy giáo Đinh Đăng Định, tại phòng A6 trong khuôn viên Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, 38 Kỳ Đồng, Quận 3, Sài Gòn.

Nổi bật trong gần hai ngày linh cữu thầy giáo được đặt tại đây là có nhiều người dân xa lạ đến tìm hiểu và đọc tiểu sử về ông, được đặt trong khuôn viên nhà thờ và cách phòng để linh cữu khoảng 20m. Sau đó, họ chụp hình bản văn sơ lược tiểu sử và thành kính thăm viếng linh cữu. Những con người xa lạ ấy, có thể trong số họ đã từng biết đến thầy giáo Định dù chỉ một lần, hoặc có người chưa, nhưng trong lòng tin đã giúp gia đình và những con người xa lạ này trở thành một cộng đồng gần gũi nhau hơn, tạo nên sự đồng tình, đồng cảm và đồng hành. Cách nào đó cộng đồng ấy đã, đang ủng hộ những gì thầy giáo Định đã làm.

Người dân xem đọc tiểu sử thầy Đinh Đăng Định, phía ngoài phòng đặt linh cữu, tối Chúa nhật 06.4

Người dân đọc tiểu sử thầy Đinh Đăng Định, phía ngoài phòng đặt linh cữu, tối Chúa nhật 06.4

Anh chị em Huynh Trưởng (dạy giáo lý cho các em thiếu nhi) Giáo xứ Đức Mẹ HCG đến viến thầy Định

Anh chị em Huynh Trưởng (dạy giáo lý cho các em thiếu nhi) Giáo xứ Đức Mẹ HCG đến viếng thầy Định

Một nhóm bạn trẻ chụp hình trước khi vào viếng

Một nhóm bạn trẻ chụp hình trước khi vào viếng

Cô Thúy Nga, con gái út thầy giáo Đinh Đăng Định mô tả: “Rất nhiều người đến viếng bố em rất chân thành và họ đã khóc. Em cảm tưởng bố em đã đánh động tâm của họ nên đã làm cho họ khóc rất là nhiều. Em rất tự hào những gì bố đã làm.”

Còn cô Thúy An, cô con gái thứ hai của gia đình thổ lộ: “Em rất xúc động khi được nhiều người quan tâm đến gia đình em như vậy. Rất nhiều người gia đình em không quen nhưng họ đã viếng bố em bằng tình cảm chân thành làm cho gia đình em cảm thấy rất ấm áp. Em cảm ơn tất cả mọi người đã quan tâm đến gia đình em, đặc biệt là quan tâm đến bố em. Em tin rằng, bố em đã ra đi nhưng rất mãn nguyện và hài lòng. Gia đình em được an ủi rất nhiều. Những gì bố em làm rất đơn phương độc mã khi bố em còn sống ở Đắk Nông, nhưng qua đám tang này bố em không hề cô độc, việc làm bố em không có gì là sai trái. Em rất tự hào về bố.”

Về việc đón tiếp, gia đình cũng như Ban tổ chức tang lễ tiếp đón tất cả mọi người, không ngoại trừ một ai, kể cả các chú công an và an ninh chìm nổi đang ráo riết theo dõi các hoạt động đơn thuần của các ngày tang lễ. Cho đến thời điểm hôm nay, không có một sự cố nào xảy ra ngoài ý muốn, mọi việc diễn ra tốt đẹp.

Vào lúc 20 giờ ngày 07.04, tại giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp SG, thánh lễ xa quê diễn ra như thường lệ nhưng đặc biệt hôm nay thánh lễ cầu nguyện cho thầy giáo Định và có sự hiện diện của 2 người con gái ông là cô Thúy Nga và cô Thúy An.

Trong bài giảng Cha Giuse Lê Quang Uy nhấn mạnh: “Cái chết của thầy Định đối với thế gian là sự thất bại, nhưng đối với người có lòng tin thì đó là một Lazadô đã ra khỏi mồ, thoát ra khỏi sự chết, còn tất cả chúng ta đang bị sự chết bao vây. Nhà cầm quyền đang bị giam hãm trong sự dữ, thế nhưng, họ cứ tưởng đó là lý tưởng, còn người dân bị giam giữ trong sự sợ hãi làm cho cuộc sống bị tê liệt, thụ động, ù lì, vô cảm… Chúng ta cần đi ra khỏi sự sợ hãi và sự dữ đó. Chúng ta không cần phải làm những chuyện lớn lao như thầy Định đã làm, mà chúng ta khởi đi từ những chuyện nho nhỏ như sống thật tốt, làm những điều lành, phản ứng trước những điều xấu. Đó là khởi đi của mỗi con người được Chúa gọi và ra khỏi nấm mồ.”

Kết thúc thánh lễ, cha Giuse Lê Quang Uy mời gọi cộng đoàn cùng viếng linh cữu thầy Định. Cha Giuse Lê Quang Uy chia sẻ: “Việc thăm viếng mang lại nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, chúng ta chia sẻ sự đồng cảm đến với gia đình họ. Thứ hai, chúng ta bày tỏ sự hưởng ứng với những gì trên con đường thầy Định đã đi.”

Sau thánh lễ, có hơn 200 giáo dân đến viếng xác thầy Định với lòng thành kính. Diện tích ngôi nhà quàn không đủ sức chứa, nên có những người đứng bên ngoài đọc kinh và cầu nguyện cách chân thành cho ông.

Ca đoàn hát lễ xa quê (thánh lễ lúc 20 giờ mỗi Chúa nhật) cầu nguyện trước linh cữu thầy Định

Ca đoàn hát lễ xa quê (thánh lễ lúc 20 giờ mỗi Chúa nhật) cầu nguyện trước linh cữu thầy Định

 

Nhiều tổ chức, cá nhân đã  gửi vòng hoa tới kính viếng

Nhiều tổ chức, cá nhân đã gửi vòng hoa tới kính viếng

Không chỉ trong Sài Gòn, giáo xứ Thái Hà – Hà Nội cũng thắp nến cầu nguyện cách đặc biệt cho thầy giáo Đinh Đăng Định. Tin Không Lề bình phẩm: “Mình tin rằng thầy Định sẽ rất vui nếu nhìn thấy những tấm ảnh này. Sự hy sinh của thầy không vô nghĩa (như nhà cầm quyền muốn), mà nó thổi bùng lên một ngọn lửa, cháy sáng hơn, để nhiều thế hệ sau nhìn thấy và tiếp tục con đường mà thầy đã chọn. Hãy yên nghỉ thầy nhé, nhiệm vụ của thầy đã xong. Những việc còn lại là nhiệm vụ của chúng ta, những người còn sống.”

Điều này đã làm cho gia đình ông Định không khỏi sự ngỡ ngàng và xúc động. Bà Đặng Thị Dinh nghẹn ngào: “Tôi cảm thấy rất hạnh phúc và ấm áp vì được quý cha, quý cộng đoàn và những người đấu tranh dân chủ động viên chia sẻ với gia đình. Gia đình tôi không còn cảm thấy cô đơn. Tôi không ngờ chồng tôi lại được nhiều người quý mến như vậy mà đa số là những người gia đình tôi chưa một lần gặp mặt. Gia đình tôi không biết phải cám ơn tất cả mọi người thế nào.”

Những ngày qua, VRNs nhận thấy có rất nhiều Hội đoàn như Hội Bầu Bí Tương Thân, Diễn đàn Xã hội Dân sự, Hội phụ nữ vì nhân quyền VN, Hội phụ nữ nhân quyền VN, No-U Sài Gòn, Hội tù nhân lương tâm, Hội anh em dân chủ, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ… Về phía các trang mạng xã Hội gồm có Bauxit Việt Nam, Dân Làm Báo, Dân Luận… Nhóm HDN Hoa Kỳ, Đồng bào dân tộc H’Mông phía Bắc, Phật giáo Hòa Hỏa Miền Tây, Tin lành Mennonite, Giáo xứ Thái Hà… đặt vòng hoa, phúng điếu và cầu nguyện cho ông.

Nhiều cá nhân đi từ Miền Bắc, Miền Trung… vào Sài Gòn để trực tiếp kính viếng thầy giáo Định như từ Tuyên Quang có đại diện bà con Dân tộc H’Mông, từ Hà Nội có Blogger Nguyễn Lân Thắng và bà Thảo, từ Hà Nam có Dân oan Thúy Nga, Từ Huế có ông Đức Quốc, từ Bình Thuận có mẹ sinh viên Nguyễn Phương Uyên, từ Long An có gia đình gia đình Đinh Nhật Uy, từ Vũng Tàu có con trai dân oan Bùi Thị Minh Hằng… và nhóm Phật giáo Hòa hỏa từ Miền Tây xuống làm lễ theo nghi thức tôn giáo của họ. Quý cha, Quý thầy và các Hội đoàn trong giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sài Gòn cũng đến chia sẻ với gia đình và thăm viếng linh cữu thầy giáo Định.

Pv.VRNs

 

Công an Hà Nội sách nhiễu sinh viên CLB Mái Ấm xanh

Công an Hà Nội sách nhiễu sinh viên CLB Mái Ấm xanh

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-04-07

000_Hkg4764737-305BB.jpg

Ảnh minh họa chụp ở Hà Nội tháng 04 năm 2011.

AFP PHOTO

Sáng ngày hôm qua 6 tháng 4 một nhóm sinh viên thuộc Câu lạc bộ Mái Ấm Xanh đã bị công an sách nhiễu và câu lưu.

Ngăn cản hoạt động lành mạnh

Nhóm sinh viên này đang theo học tại Viện Đại học mở và Đại học kinh tế Hà Nội. Họ đã tổ chức các cuộc đạp xe đạp vận động cho việc làm từ thiện giúp đỡ người nghèo và bảo vệ môi trường. Một trong những bạn bị câu lưu là sinh viên Trần Quang Trung bị công an phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai, Hà Nội tạm giữ điều tra. Chúng tôi gọi về công an phường này và được công an viên trực máy trả lời:

Mặc Lâm: Vâng xin được hỏi có phải công an phường Lĩnh Nam không ạ?

Công an: Dạ đúng rồi anh.

Mặc Lâm: Vâng, thưa anh chúng tôi được biết anh Trần Quang Trung đang bị câu lưu tại đây, sự thật như thế nào vậy anh? Có thả anh ấy chưa vậy?

Công an: Tôi đang nói chuyện với ai dây ạ?

Mặc Lâm: Vâng tôi là Đài Á Châu Tự do, tôi là Mặc Lâm thưa anh. Vì có tin anh Trần Quang Trung bị câu lưu bị bắt một cách vô cớ nên muốn xác định anh ấy tội gì.

Công an: Về việc đấy nếu anh cần việc gì thì anh đến trực tiếp bởi vì nội dung thì không có việc đó.

Mặc Lâm: Không có hả anh, không có việc đó à?

Công an: Vâng.

Mặc Lâm: Cám ơn anh.

Cho tới sáng hôm nay chúng tôi liên lạc được với sinh viên Trần Quang Trung và được bạn cho biết:

Thực ra thì vấn đề này chỉ do một nhóm bọn em tổ chức thôi, mục đích chỉ nhằm vào môi trường không nhắm tới chính trị gì cả mà họ lại tưởng là có mục đích chính trị là cuộc biểu tình của sinh viên.
-Trần Quang Trung

Trần Quang Trung: “Thực ra thì từ tối hôm thứ Bảy họ đã tìm em rồi. Sáng hôm sau Chủ Nhật thì khoảng 7 giờ sáng họ đã có mặt ở nhà em họ yêu cầu phải lên để làm việc. Em bảo thứ Bảy Chủ Nhật không đi và em yêu cầu họ phải có giấy mời nhưng họ không có. Họ cứ gọi điện và họ nài nỉ em nói là chỉ làm việc 5 phút về vấn đề tạm trú tạm vắng của em. Cuối cùng thì họ giữ em lại rồi họ hỏi em về vấn đề đạp xe, về môi trường.

Thực ra thì vấn đề này chỉ do một nhóm bọn em tổ chức thôi, mục đích chỉ nhằm vào môi trường không nhắm tới chính trị gì cả mà họ lại tưởng là có mục đích chính trị là cuộc biểu tình của sinh viên. Chiều Chủ Nhật hôm qua họ huy động đến 5 nghìn công an, an ninh với dân phòng và tăng cường lực lượng công an hình sự để chốt ở các ngã tư công viên Thống Nhất và công viên Hòa Bình.

Chiều hôm qua họ đứng rất đông ở đường Trần Đại Nghĩa, gần ký túc xá trường Kinh tế Quốc dân. Một số người bạn của em ngay buổi sáng hôm qua, ngoài em ra có một người bạn khác của em đã bị họ đưa lên công an phường Mai Động và thu hết tất cả áo đồng phục của Câu lạc bộ.”

Cũng trong sáng hôm nay, một sinh viên khác là bạn Nguyễn Ngọc Duyên, Chủ nhiệm CLB Mái Ấm Xanh lại bị công an phường Đại Mỗ, huyện Từ Liêm câu lưu. Vào lúc 11 giờ chúng tôi liên lạc được với bạn sinh viên này ngay khi bạn đang còn ngồi trong đồn công an phường Đại Mỗ. Bạn Duyên cho biết:

Nguyễn Ngọc Duyên: “Em vẫn đang ở trong đồn công an phường Đại Mỗ họ hỏi về tổ chức Câu lạc bộ Mái ấm xanh. Câu lạc bộ này các em hoạt động chuyên tổ chức từ thiện và họ cứ hỏi tất cả các hoạt động trong tổ chức. Thôi lúc khác bây giờ họ không cho trả lời điện thoại.”

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi và tìm hiểu thêm sinh hoạt của câu lạc bộ này và lý do gì công an Hà Nội lại ngăn cản các hoạt động rất lành mạnh và đúng ra phải khuyến khích thay vì ngăn cấm, sách nhiễu.

 

Hàng trăm người vây đánh trộm chó

Hàng trăm người vây đánh trộm chó
Sunday, April 06, 2014

nguoi-viet.com

THANH HÓA 6-4 (NV) .- Hàng trăm người đã ùa ra vây đánh một người đàn ông bị tình nghi là kẻ bắt trộm chó và đồng thời phá nát chiếc xe gắn máy của người đàn ông này.

Hàng trăm người dân ở xóm Lục Hải ùa ra đường khi nghe tin có kẻ trộm chó. (Hình: VNExpress)

Theo tin của VNExpress hôm Chủ Nhật, chiều ngày 4/4/2014 vừa qua, thấy một thanh niên chở 2 con chó đã chết,  người dân xóm Lục Hải, xã Nga Giáp, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóa đã đuổi theo ép phải ngừng xe lại để kiểm soát.

Vì thấy trong bao tải của anh ta có hai con chó đã chết, mỗi con chừng 20 kg, “nhiều người hò nhau hành hung mặc cho anh ta van xin. Khi công an xã có mặt, nạn nhân mới được giải cứu đưa về trụ sở, xe máy đã bị phá nát”, theo VNExpress.

Chỉ ít ngày trước, khoảng 300 người dân thôn Vân Đức của xã Nga Phú, huyện Nga Sơn, đã vây đánh, đốt xe của hai thanh niên mò đến đây ăn trộm. Hàng chục cảnh sát công an tại địa phương đã phải thuyết phục, người dân mới giao nộp các nghi can. Một trong hai tên trộm sau đó đã tử vong vì chấn thương quá nặng.

Tháng Sáu năm ngoái, cũng đã có chuyện hai người đàn ông bị nghi là kẻ trộm chó đã bị khoảng 500 người tại xã Thạch Bình, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa, đánh cho thiệt mạng. Tỉnh Thanh Hóa là một trong những tỉnh tại Việt Nam hay xảy ra các vụ bắt trộm chó, có thể là để bán lấy tiền hay để ăn thịt.

Suốt trong ngày 20/2/2014 vừa qua, trụ sở UBND xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn tỉnh Thanh Hóa  náo loạn khi hàng trăm người dân địa phương kéo đến bao vây. Họ mang theo gậy gộc, mũ nón la ó, đòi nhà cầm quyền địa phương giao nộp hai tên trộm chó để chi chính dân làng xử tội. Hai tên trộm chó bị tạm giữ ở trụ sở xã được Công an huyện Triệu Sơn lấy “xe đặc chủng” đưa thoát khỏi vòng vây.

Mới ngày  28/3/2014, hàng trăm người dân đã bao vây Tòa án  tỉnh Quảng Trị bầy tỏ sự bất bình khi nơi này mở phiên sơ thẩm xét xử các bị cáo vì hành vi ‘cố ý gây thương tích’ trong vụ đánh chết hai kẻ trộm chó. Mười bị cáo bị tuyên án từ 2 năm tù treo cho tới mức cao nhất là 3 năm tù giam, và được yêu cầu yêu cầu bồi thường mai táng phí và cấp dưỡng hàng tháng cho 3 người con của nạn nhân đến khi trưởng thành.(TN)

 

Tang lễ ông Đinh Đăng Định sẽ ở Sài Gòn

Tang lễ ông Đinh Đăng Định sẽ ở Sài Gòn
Sunday, April 06, 2014

nguoi-viet.com

SÀI GÒN 6-4 (NV) – Linh cữu ông Đinh Đăng Định, một cựu tù chính trị, người vừa qua đời hôm 4 tháng 3-2014, sau khi được “đặc xá” trước đó hai tuần, đã được đưa về Sài Gòn.

Thân nhân và thân hữu của ông Đinh Đăng Định đưa linh cữu của ông từ Đắk Nông về Sài Gòn. (Hình: Facebook Tưởng Nhớ Thầy Đinh Đăng Định)

Trước khi qua đời, ông Định đề nghị được rửa tội theo nghi thức Công giáo. Sau khi khâm liệm và để hàng xóm, đồng nghiệp thắp nhang tiễn biệt, với sự hỗ trợ của Dòng Chúa Cứu thế và thành viên một số tổ chức dân sự, thân nhân của ông đã đưa linh cữu của ông về quàn tại Sài Gòn.

Theo dự kiến ban đầu, linh cữu của ông Định sẽ được đặt tại Nhà nguyện Đức mẹ Thăm viếng thuộc Giáo xứ Đức mẹ Hằng cứu giúp, nằm bên ngoài Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, quận 3, Sài Gòn, cho những người yêu mến ông đến phúng viếng.

Tuy nhiên ngay sau đó, công an Việt Nam đã tìm đến tư gia người trông coi nhà nguyện này, yêu cầu ông ta phải ký một “cam kết không làm mất an ninh trật tự”. Trước những người dấu hiệu cho thấy công an CSVN có thể gây rối, Ban Tổ chức tang lễ cho ông Định đã đưa linh cữu vào quàn bên trong khuôn viên Tu viện Dòng Chúa Cứu Thế ở đường Kỳ Đồng, quận 3.

Ông Định, 51 tuổi, từng là một sĩ quan của quân đội CSVN. Sau khi giải ngũ, làm việc cho nhiều công ty khác nhau, ông trở thành giáo viên dạy môn Hóa học của trường trung học Lê Qúy Đôn ở huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Ông là một trong những người vận động dân chúng Đắk Nông ký tên vào kiến nghị yêu cầu không khai thác bauxite tại Tây Nguyên, vừa để bảo vệ môi trường của Tây Nguyên và vùng Đông Nam bộ, vừa nhằm ngăn chặn Trung Quốc đặt chân vào khu vực này. Ông cũng là tác giả một số bài viết kêu gọi đa đảng, sửa điều 4 Hiến pháp, thực hiện phi chính trị trong giáo dục.

Vì các hoạt động vừa kể, ông Định bị bắt năm 2011. Năm 2012 bị hệ thống tư pháp kết án 6 năm tù vì “tuyên truyền chống nhà nước”. Nhiều lần ông Định được khuyến dụ nhận tội để hưởng “chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và nhà nước” song ông cương quyết từ chối. Trong tù, sức khỏe của ông suy kiệt trầm trọng và giờ chót mới được thăm khám, kết luận là ung thư bao tử.

Đại diện nhiều chính phủ, nhiều tổ chức quốc tế đã liên tục kêu gọi chế độ Hà Nội phóng thích ông Định để ông nhắm mắt bên cạnh những người thân nhưng những lời kêu gọi đó chỉ được đáp ứng khi căn bệnh đã đến giai đoạn cuối.

Cuối cùng, nhà cầm quyền CSVN quyết định cho ông Định tạm hoãn thi hành án trong 12 tháng khi ông đang điều trị tại Bệnh viện Ung bướu ở Sài Gòn. Sau đó, khi thân nhân đưa ông về Đắk Nông để ông nhắm mắt dưới mái nhà của mình, đại diện nhà cầm quyền Hà Nội đã đến tư gia trao Quyết định “đặc xá”.

Tin ông Định qua đời khiến nhiều người xúc động. Việc đưa linh cữu của ông từ Đắk Nông về Sài Gòn được cho là để những người yêu mến ông dễ dàng đến tiễn biệt ông, trước khi thi hài của ông được thiêu vào ngày 7 tháng 4-2014.

Trong một thông cáo về sự kiện ông Đinh Đăng Định qua đời, ông Rupert Abbott, người đặc trách khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của tổ chức Ân xá Quốc tế, ngỏ lời phân ưu với thân nhân của ông Định. Ông Abbott gọi trường hợp ông Định là một thảm kịch và cần biến thảm kịch này thành lời kêu gọi thức tỉnh. Theo ông Abbott, tại Việt Nam, vẫn còn rất nhiều người đang bị giam giữ một cách khắc nghiệt chỉ vì họ dám lên tiếng nói sự thật.

Bằng hữu, những người cảm phục ông Đinh Đăng Định đến dự thánh lễ cầu nguyện cho ông ở nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn chiều tối ngày 6/4/2014. (Hình: Facebook Tưởng Nhớ Thầy Đinh Đăng Định)

Nhận định về trường hợp của cha mình, con gái ông Định cho rằng, nhà cầm quyền CSVN nợ ông một lời xin lỗi vì ông vô tội.

Đang có khá nhiều ý kiến cho rằng, bệnh tình của ông Định là kết quả của đầu độc. Sau khi bị bắt, sức khỏe của ông suy kiệt rất nhanh và việc thăm khám, điều trị chỉ diễn ra khi tình thế đã trở thành vô phương cứu vãn. Con gái ông Định nói rằng, tuy chưa đủ chứng cứ nhưng không loại trừ khả năng đó. Trước khi qua đời, một vài lần, ông Định – người từng đảm nhận vai trò kỹ sư hóa tại một số doanh nghiệp từng vài lần đề cập đến nước uống và thực phẩm trong tù có mùi hóa chất.

Hồi giữa tháng hai, lúc vừa được tạm hoãn thi hành án 12 tháng, ông Định từng nhấn mạnh, thế giới cần phải biết rằng, nhân quyền ở Việt Nam chưa thể gọi là nhân quyền. Đặc biệt là trong môi trường tù tội. Tù chính trị bị tra tấn không phải bằng đánh đập mà là không cho chữa trị khi đau bệnh, để họ thiếu thốn trong chuyện ăn uống, cô lập họ với bên ngoài, không cho xem sách, đọc báo.

Ông đề nghị các tổ chức nhân quyền, các cơ quan giám sát việc thực thi nhân quyền của Liên Hiệp Quốc hãy tìm cách “mở cửa các trại tù” vào đó gặp cả tù chính trị lẫn tù hình sự để xem xét. Đến cuối tháng 3, sau khi được “đặc xá”, ông Định đề nghị mọi người hướng sự quan tâm vốn vẫn dành cho ông vào cuộc đấu tranh chống sự độc tài của chế độ cộng sản. (G.Đ)

Xin xem thêm:

Lễ tang thầy giáo Đinh Đăng Định (RFA)

Tàu chiến Mỹ cập cảng Đà Nẵng

Tàu chiến Mỹ cập cảng Đà Nẵng

Cập nhật: 08:32 GMT – thứ hai, 7 tháng 4, 2014

Lễ đón được tổ chức sáng 7/4 tại Đà Nẵng (ảnh báo Dân Trí)

Lễ đón khu trục hạm USS John S. McCain và tàu cứu hộ đa năng USNS Safeguard của hải quân Hoa Kỳ được tổ chức sáng 7/4 tại cảng Tiên Sa, Đà Nẵng.

Hai tàu thuộc Liên đội tàu Khu trục 7, Lực lượng Hậu cần vùng Tây Thái Bình Dương sẽ có đợt hoạt động chung với hải quân Việt Nam kéo dài sáu ngày, tới 12/4.

Theo thông cáo báo chí từ phía Mỹ, các hoạt động sẽ tập trung vào các sự kiện phi tác chiến và chuyên môn trong các lĩnh vực quân y, tìm kiếm và cứu nạn, lặn và sửa chữa thiết bị trên tàu.

Đây là năm thứ 5 hai bên có hoạt động hải quân chung, trong bối cảnh căng thẳng chủ quyền gia tăng tại Biển Đông.

Theo Tiến sỹ Jonathan London từ City University of Hong Kong, được hãng Bloomberg dẫn lời, hoạt động này mang tính biểu tượng lớn.

Ông London được dẫn lời nói:” Hoạt động chung này diễn ra vào lúc căng thẳng trong khu vực lên cao và các nước Đông Nam Á đều đang hết sức thận trọng trong định hình cách hành xử của mình”.

“Việc Trung Quốc tìm cách áp đặt lên toàn bộ Đông Nam Á khiến một số nước thấy cần gấp rút đối phó. Rõ ràng là Hà Nội đang mong muốn tiếp tục tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ.”

Trong một diễn biến liên quan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chuẩn thuận việc mở thêm bưu cục ở quần đảo Trường Sa ngay trong tháng 4/2014.

Ngoài ý nghĩa thực hiện chủ trương dân sự hóa Trường Sa, việc này còn là động thái khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đây.

Hoạt động chung

Khoảng 400 binh lính và sỹ quan Mỹ tham gia đợt hoạt động chung ngoài khơi Đà Nẵng.

Tàu khu trục USS John S. McCain đã thăm Việt Nam năm 2010.

Nhân dịp này, hải quân Hoa Kỳ cũng tổ chức nhiều hoạt động cho cộng đồng như nói chuyện về công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và Hội thảo về nhận thức môi trường Hàng hải tại Đại học Đà Nẵng.

Một người phát ngôn của hải quân Mỹ, ông Clay Doss, cũng được Bloomberg dẫn lời nói: “Chất lượng và chiều sâu của các cuộc trao đổi tăng lên mỗi năm trong khi hải quân mỗi nước chúng ta ngày càng hiểu nhau hơn”.

Một vài năm nay, Hoa Kỳ bắt đầu thực hiện chiến lược chuyển dịch trọng tâm sang châu Á-Thái Bình Dương, và Việt Nam được cho là một trong các đối tác quan trọng trong khu vực.

Bản chất tòa án từ vụ Phú Yên?

Bản chất tòa án từ vụ Phú Yên?

Thứ hai, 7 tháng 4, 2014

Gia đình nạn nhân rất bất bình với bản án

Bình luận về vụ án anh Trương Thanh Kiều bị công an đánh chết ở tỉnh Phú Yên, một luật sư từ trong nước nói với BBC rằng các tòa án ở cấp địa phương ở Việt Nam ‘rất khó độc lập’.

Hôm 3/4, Tòa án nhân dân thành phố Tuy Hòa, thủ phủ tỉnh Phú Yên thuộc Trung phần Việt Nam, đã tuyên án năm công an dùng dùi cui đánh anh Trương Thanh Kiều chấn thương sọ não dẫn đến tử vong với mức án từ 1 năm tù treo đến 5 năm tù giam.

Bản án bị cho là quá nhẹ này đã dẫn đến sự bức xúc trong công luận. Nhiều ý kiến trên các tờ báo trong nước đã công khai chỉ trích bản án này.

Những bị cáo này bị kết án về tội ‘Dùng nhục hình’. Riêng ông Lê Ngọc Hoàn, phó giám đốc Công an Tuy Hòa, người chỉ đạo vụ bắt giữ và thẩm vấn nạn nhân về hành vi nghi ngờ là trộm cắp, chỉ bị xử lý kỷ luật chứ không bị truy tố trách nhiệm hình sự.

‘Sự thật đáng buồn’

Trả lời báo Người Lao Động, ông Lương Quang, chánh án Tòa án Tuy Hòa, nói rằng khi xử vụ án này ông đã ‘chịu nhiều áp lực’ và đã phải xử làm sao ‘để an toàn’ và ‘bảo đảm mối quan hệ cho tốt’.

“Đây là một sự thật đáng buồn ở Việt Nam,” luật sư Trần Vũ Hải nói với BBC từ Hà Nội, “Tòa án ở cấp cơ sở hay bị tác động từ đảng ủy, từ ủy ban, từ công an.”

“Mà tòa án ở cấp cơ sở lại có số vụ xử nhiều nhất,” ông nói thêm.

“Đây là một sự thật đáng buồn ở Việt Nam. Tòa án ở cấp cơ sở hay bị tác động từ đảng ủy, từ ủy ban, từ công an.”

Luật sư Trần Vũ Hải

Theo ông Hải thì các cán bộ tòa án ở Việt Nam có ‘quan hệ chằng chịt với các quan chức’.

“Ví dụ như trường hợp ở Tuy Hòa ông trưởng ông an là thường vụ Đảng ủy trong khi chánh án chỉ là thành ủy viên lại là cấp dưới của ông trưởng công an.”

Luật sư Hải cũng dẫn chứng một vụ việc ông đang thụ lý là một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh kiện Ủy ban nhân dân Quận 9 ra Tòa. Ông cho biết ban hội thẩm trong phiên xử có người của Ủy ban nhân dân Quận 9 tham gia trong khi lãnh đạo Quận đến chỉ đạo quan tòa tại phiên tòa.

Về vụ án công an ‘dùng nhục hình ở Tuy Hòa’, ông Hải cho rằng dựa vào tình tiết vụ án thì có thể xác định rằng truy tố theo khung ‘Dùng nhục hình’ là ‘không thỏa đáng’.

“Rõ ràng các chiến sỹ công an đã tấn công nạn nhân với 70 vết thương. Hậu quả dẫn đến chết người nên cố ý gây thương tích, gây chết người là rõ rồi,” ông Hải giải thích.

“Có phải là tội ‘Giết người’ hay không thì cần phải điều tra thêm nhưng ai cũng hiểu là tấn công liên tục như vậy có thể dẫn đến chết người. Cho dù họ không mong muốn nhưng họ phải thấy được hậu quả,” ông nói thêm.

Tòa phải khởi tố?

Bị cáo bị xử nặng nhất là 5 năm tù

Luật sư Hải cho rằng không thể khẳng định các bị cáo ‘đang thi hành công vụ’.

“Bắt người có thể coi là bắt trái phép vì không có bất kỳ lệnh nào cả nên phải điều tra kỹ hơn trong vụ này có yếu tố công vụ hay không,” ông nói.

“Hơn nữa, thi hành công vụ thì không được phép đánh người,” ông nói thêm, “Lợi dung chức vụ quyền hạn cố ý gây thương tích lại là tình tiết tăng nặng.”

Do đó, ông Hải cho rằng với thẩm quyền của mình, tòa án Tuy Hòa có thể truy tố thêm tội nếu xác định tội ‘Dùng nhục hình’ là không thỏa đáng.

“Họ có thể khởi tố tại Tòa về tội khác như tội gây thương tích hoặc tội giết người hoặc tội bắt giữ người trái phép,” ông nói.

“Thi hành công vụ thì không được phép đánh người. Lợi dung chức vụ quyền hạn cố ý gây thương tích lại là tình tiết tăng nặng.”

Luật sư Trần Vũ Hải

“Tòa lẽ ra phải trả hồ sơ cho cơ quan điều tra hoặc tuyên án theo tội nhục hình nhưng khởi tố các vụ án khác,” ông nói thêm.

Trong trường hợp Viện kiểm sát và Công an Phú Yên không hợp tác với việc khởi tố thêm của tòa án, ông Hải cho rằng cũng không thể viện cớ này mà tòa án Tuy Hòa không khởi tố thêm tội.

“Tòa án chỉ làm đúng chức năng của mình đi đã,” ông giải thích. “Nếu họ không làm thì uy tín họ bị giảm sút.”

Ông Hải cũng cho rằng phải truy tố ông Hoàn, phó giám đốc Công an Tuy Hòa, về tội ‘Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’.

“Người chỉ huy chuyên án phải biết cấp dưới hành động ra sao. Nếu không biết rõ thì trách nhiệm của ông cũng phải kiểm soát họ,” ông nói.

Ân xá Quốc tế: Cái chết của Đinh Đăng Định là “lời kêu gọi thức tỉnh” đối với Việt Nam

Ân xá Quốc tế: Cái chết của Đinh Đăng Định là “lời kêu gọi thức tỉnh” đối với Việt Nam

Ông Đinh Đăng Định,  từngbị tòa án tỉnh Đăk Nông kết án 6 năm tù về tội  "Truyên truyền chống Nhà nước".

Ông Đinh Đăng Định, từngbị tòa án tỉnh Đăk Nông kết án 6 năm tù về tội “Truyên truyền chống Nhà nước”.

@TNCG

Thanh Phương

RFI

Hôm qua, 04/04/2014, Tổ chức Ân xá Quốc tế ra thông cáo về cái chết của nhà hoạt động môi trường, blogger và cựu tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định, vừa qua đời ngày 03/04 sau khi vừa được ân xá. Đối với Ân xá Quốc tế, cái chết của ông Đinh Đăng Định phải là một “lời kêu gọi thức tỉnh” đối với Việt Nam.

Trong thông cáo, Ân xá Quốc tế nhắc lại rằng ông Đinh Đăng Định, nguyên là một nhà giáo, đã bị bắt giam vào tháng 12/2011 một cách “một cách bất công” sau khi ông phát động một kiến nghị yêu cầu dừng dự án khai thác bô-xít tại Tây Nguyên. Đến tháng 08/2012, ông Định bị kết án tù 6 năm với tội danh “tuyên truyền chống Nhà nước”. Trong tù ông đã được chẩn đoán là bị ung thư.

Chính quyền Việt Nam chỉ cho phép ông Đinh Đăng Định được điều trị trong bệnh viện kể từ tháng 01/2014 trong điều kiện bị giám sát thường xuyên. Ông Định được tạm hoãn thi hành án vì lý do sức khoẻ vào tháng 2, trước khi được trả tự do vào tháng 3. Nhà hoạt động này đã qua đời vì bệnh ung thư dạ dày tối ngày 03/04 tại Đăk Nông.

Trong bản thông cáo, Phó giám đốc đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương của Ân xá Quốc tế, ông Rupert Abbott viết: “ “Cùng với những nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam và trên thế giới, chúng tôi vô cùng thương tiếc ông Đinh Đăng Định và xin thành kính phân ưu cùng gia quyến của ông. Thật là bi kịch khi nhà cầm quyền Việt Nam đã cướp đi những năm tháng cuối đời của ông Đinh Đăng Định, ngăn cách ông khỏi những người thân yêu.”

Ân xá Quốc tế nhắc lại rằng rất nhiều người khác vẫn đang phải chịu cảnh tù đày ở Việt Nam chỉ vì họ đã dám cất lên tiếng nói, một số tù nhân lương tâm thậm chí còn bị giam giữ trong những điều kiện khắc nghiệt suốt nhiều năm.

Ông Abbot nói : “ Cần biến thảm kịch của ông Đinh Đăng Định thành lời kêu gọi thức tỉnh ở Việt Nam”. Phó giám đốc Châu Á -Thái Bình Dương kêu gọi Việt Nam phải trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân lương tâm, những người, giống như ông Đinh Đăng Định, đã không làm gì khác ngoài việc bày tỏ ý kiến của họ một cách ôn hoà.”

Thi hài của ông Đinh Đăng Định đã được đưa từ Đắk Nông về Sài Gòn hôm nay và được quàn tại Nhà nguyện Đức Mẹ Thăm Viếng ở đường Hoàng Sa và trên nguyên tắc đến thứ hai 07/04 sẽ được chuyển đến nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp số 38 Kỳ Đồng để cử hành tang lễ trước khi hỏa thiêu.

Nhưng theo một nguồn tin từ Sài Gòn, chiều nay, công an có lẫn đã đến tư gia ông trùm quản lý Nhà nguyện Đức Mẹ Thăm Viếng ép ông ký vào “giấy cam kết không làm mất an ninh trật tự”. Vì sợ an ninh sẽ lấy cớ để phá rối đám tang, nên ban tổ chức quyết định di chuyển ngay từ hôm nay linh cữu của ông Định vào khuôn viên Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.