Tổng Giám mục Giuse Ngô Quang Kiệt: Tại Miền Trung, chúng ta thấy bóng tối của Herodes

Ảnh của nguyenhuuvinh

Cuộc hội ngộ đầu năm

Ngày 7/1/2017, Nhóm Giáo huấn xã hội Công giáo đã tập trung về Đan viện Xito, Châu Sơn, Tỉnh Ninh Bình để hành hương, tập huấn đầu năm, chúc mừng năm mới Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt nhân dịp năm mới.

Gần 200 người thuộc nhiều Giáo phận đã tề tựu về đây từ khá sớm với niềm vui lâu ngày gặp lại từ nhiều tỉnh khác nhau. Đặc biệt, nhóm học tập Giáo huấn xã hội Công giáo từ Thái Bình với đầy đủ các thành phần nam nữ, già trẻ tíu tít như đi dự hội, phấn khởi và vui mừng khi được gặp lại người cha chung mà nhiều người lần đầu được gặp mặt.

Trong buổi nói chuyện với lớp Giáo huấn xã hội Công giáo, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã chỉ rõ: Việc học tập GHXHCG là việc hết sức cần thiết theo lời kêu gọi của Hội đồng Giám mục Việt Nam. Đây là một tài liệu quan trọng và quý giá của Giáo hội được hình thành từ ngàn xưa. Trong các sách về các tiên si A Mốt, Ô Sê, Isaia… đã nhiều lần lên án những bất công. Chúa đã nhiều lần không nhận những của lễ của những kẻ bất công.

Qua nhiều đời của các Đức Giáo Hoàng, nhất là ĐGH Leo XIII đã đề cập đến các quyền cơ bản của con người trong xã hội. Đặc biệt đến Công đồng Vaticano II, với thông điệp “Vui mừng và hy vọng, lo âu và buồn khổ” của con người cũng chính là những vui mừng và hy vọng, lo âu và buồn khổ của chính Giáo hội Công giáo bởi Giáo hội không đứng ngoài lề xã hội.

Sau đó GHXHCG được Ủy ban Công lý – Hòa bình của Tòa Thánh biên soạn, trong đó có sự đóng góp lớ lao của Đức cố Hồng Y Fanxico Nguyễn Văn Thuận. Tài liệu do Nhà xuất bản Tôn giáo ấn hành. Việc học tập và phổ biến tài liệu này, nhằm để người tín hữu và người dân có ý thức thực hiện tình yêu thương, bác ái với mọi vấn đề xã hội và tự nhiên, nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp, một thế giới bình an.

Do vậy, việc học tập GHXHCG là nhiệm vụ của mỗi tín hữu và cộng đoàn, việc này hoàn toàn hợp lẽ với đạo đức và phù hợp luật pháp hiện hành. Chúng ta cần cổ vũ cho việc học hỏi nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người về thế giới xung quanh, về xã hội và cách xây dựng xã hội tốt đẹp, trước hết là những hành xử cá nhân phù hợp với các nguyên tắc đạo đức và tình yêu thương cần có.

Bởi nhiều khi trong đời sống cá nhân và xã hội, người ta không biết cách xử lý và hành động ra sao cho phù hợp. Do vậy, cần có những đường hướng, phương cách để hành động cho đúng đắn theo đường hướng lời Chúa trong đời sống.

Trong thực tế đời sống xã hội và đời sống giáo dân thời gian qua đã thể hiện đầy tình bác ái và hiệp thông trong Giáo hội trong các trận lũ lụt cũng như thảm họa ở Miền Trung Việt Nam.

Ngài cho biết, trong thời gian 3 tháng qua, ngài đã có 5 lần ghé thăm các nạn nhân của thảm họa Formosa, những thể hiện tình yêu thương của tín hữu tại đây đã nói lên tinh thần giáo lý phúc âm của Giáo hội Công giáo.

Ngài nói: Chúng ta mong muốn cho đất nước, xã hội chúng ta ngày càng tốt đẹp, cần học hỏi Giáo huấn XHCG để thấm nhuần lời Chúa.  Và khi biết những điều tốt đẹp đó, khi cần thì phải đứng ra để tham gia xây dựng xã hội theo lời kêu gọi “Công dân phải tham gia chính trị như là hành động bác ái”, không thể để những người xấu nằm quyền điều hành xã hội. Để những đóng góp của mình làm xã hội tốt đẹp hơn.

Những điều này sẽ có ý nghĩa hơn, khi chuẩn bị kỷ niệm biến cố 100 năm Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Ngài nói đến biến cố này như một sự nhắc nhở mời gọi mọi người hiệp thông với Hội thánh Công giáo hoàn vũ trong dịp kỷ niệm trọng đại này.

Buổi nói chuyện đã cuốn hút người nghe và giả tỏa cho nhiều tín hữu, học viên nhiều điều nghi ngại, củng cố lòng tin vững chắc cho họ trong việc học tập những điều tốt đẹp từ Giáo huấn XHCG.

Sau bữa trưa dùng chung với các học viên, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã làm hướng dẫn viên tự nguyện để hướng dẫn tất cả anh chị em Nhóm GHXHCG đi thăm vường Fatima, một công trình sắp khánh thành vào dịp Kỷ niệm 100 năm biến cố Đức Mẹ hiện ra ở Fatima. Công trình do công sức lao động miệt mài thời gian qua của tất cả các đan sĩ, linh mục và cộng đồng thuộc Đan viện Xito. Đây là một công trình nghệ thuật độc đáo, nhiều mô hình, vật thể chứa đựng nhiều ý nghĩa lớn và thú vị.

Như một hướng dẫn viên du lịch, ngài đã giải thích cho đoàn người hiểu về ý nghĩa của từng viên đá, gốc cây tại đây mang những ý nghĩa gì trong Kinh Thánh.

Đặc biệt, khi hiện ra ở Fatima năm 1917 là năm mà cuộc Cách mạng Cộng sản ở nước Nga thành công, bắt đầu một thể chế Cộng sản trên thế giới. Ngay khi đó, Đức Mẹ đã cho biết: “Nước Nga sẽ gieo rắc lầm lạc khắp thế giới, gây ra những trận chiến tranh và các cuộc bắt bớ Giáo Hội. Kẻ lành sẽ bị tử đạo, Đức Thánh Cha sẽ phải chịu nhiều đau khổ, một số quốc gia sẽ bị hủy diệt”.

Thực tế đã chứng minh điều đó là sự thật.

Ngày nay, đất nước Việt Nam vẫn là nơi bám trụ cuối cùng của chủ nghĩa Cộng sản hoang tưởng, gieo rắc biết bao đau thương, tang tóc cho người dân Việt. Tại vườn Fatima này có mô hình Dâng đất nước Việt Nam cho trái tim Mẹ.

Trước bức tượng Đức mẹ Fatima, Bên cạnh bản đổ Việt Nam được ghép bằng đá, nổi trên mặt bằng với một bên là hồ nước tượng trưng Biển Đông và bên kia là đồi núi. Bên cạnh đó, dòng truyền thuyết “Trăm trứng” về sự hình thành nòi giống Việt, chung nghĩa đồng bào được tái hiện bằng vườn trứng đá.

Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã hướng dẫn đoàn người thăm từng khu vực với những câu chuyện Kinh Thánh khác nhau với Giếng nước trong Sa mạc, câu chuyện về ông Giakêu… Tất cả đều được bố trí xây dựng công phu, tỉ mỉ và đầy ý nghĩa đến từng hòn đá, cây trồng tại đó.

Tại miền Trung ta thấy tất cả những bóng tối của Herodes

Sau khi hướng dẫn đoàn người thăm vườn Fatima, Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt đã cùng đoàn người lên hang núi. Đây là nơi các tu sĩ, đan sĩ Xito đã xây dựng trên đỉnh núi cây Thánh giá từ lâu. Giữa lưng chừng núi có một hang rộng, ở đây có thể dâng Thánh lễ. Đường lên hang với hàng trăm bậc đá. Cuộc leo dốc là một thử thách, nhưng tất cả những người trong đoàn, dù già, trẻ… đều không ai bỏ cuộc.

Thánh lễ ban chiều, cũng là Thánh lễ đồng tế của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, cha Bề trên Đan viện Châu Sơn, hai linh mục từ Dòng Chúa Cứu thế Hà Nội là Cha Giuse Ngô Văn Kha, Phó bề trên DCCT Hà Nội và cha Gioan Nguyễn Ngọc Nam Phong.

Đặc biệt đây cũng là Thánh lễ tạ ơn của linh mục Fanxico Xavie Phạm Văn Phúc là nghĩa tử của ngài.

Trong bài giảng Thánh lễ, Đức TGM Giuse đã nêu bật lên những mối quan tâm, lo âu của ngài. Những hệ lụy từ những thể chế chính trị bất chính và đen tối từ xưa đến nay đã hãm hại dân lành và đi ngược lại với lương tâm đạo đức loài người.

Ngài nói: “Suốt năm qua cả nước hướng về miền Trung. Với thảm hoạ Formosa.  Với thảm hoạ lũ lụt vừa do mưa vừa do thuỷ điện Hố Hô xả nước bừa bãi. Tại miền Trung ta thấy tất cả những bóng tối của Hêrode. Đó là bóng tối bạo quyền, dùng quyền hành áp bức. Tự do bán đất cho nước ngoài, tự do xả chất độc, tự do xả nước bất chấp quyền dân. Đó là bóng tối chết chóc. Vì bảo vệ quyền lợi tài phiệt và một nhóm nhỏ mà giết chết đời sống hàng triệu người dân. Đó là bóng tối gian dối vì không công khai minh bạch. Đó là bóng tối xác thịt tội lỗi. Vinh thân phì gia bất chấp sinh mạng và quyền lợi của người khác”.

Và Ngài kêu gọi: “Trong bối cảnh thế giới và xã hội Việt Nam hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta: Hãy bừng sáng lên. Để muôn dân nhận biết Chúa thật. Để mọi người khắp nơi trở thành con cái trong nhà Chúa”.

Ngài cũng đã nói lên những niềm vui, những hy vọng trong hòa cảnh tối tăm của đất nước, của xã hội. Ngài nói: “Nhưng giữa những bóng tối dầy đặc ấy lại xuất hiện ánh sáng. Ánh sáng của tình yêu thương bác ái. Khắp thế giới bao tấm lòng bác ái tập trung về miền Trung. Để cảm thông, để yêu thương, để chia sẻ. Và đặc biệt những xứ đạo, các cha, anh chị em giáo dân đã biết quan tâm chia sẻ với anh chị em lương dân. Anh chị em lương dân cảm nhận được tình yêu thương. Không biết chạy vào đâu đã tìm đến với các giáo xứ công giáo. Và họ cảm nhận được vẻ đẹp của Chúa, của đạo, của anh chị em công giáo. Đó chính là ánh sáng chiếu trong đêm tối. Ánh sáng của đạo Chúa đã làm cho anh chị em giáo dân sáng lên. Qua ánh sáng đó người muôn phương tìm đến thờ phượng Chúa.

Khi cứu trợ tại các xứ đạo mọi sự diễn ra trong trật tự. Không có tranh giành chen lấn. Vì mọi người đều vâng lời cha xứ. Chính quyền thắc mắc: sao giáo dân lại yêu mến và vâng lời các cha mà không vâng lời chính quyền. Người giáo dân trả lời: Vì các cha đã hiến trọn cuộc đời, dành mọi tài sản, sức lực, của cải cho Chúa, cho Giáo hội, cho dân chúng, nên chúng tôi yêu mến và vâng phục. Nếu các ông cũng hiến tài sản, sức khoẻ, thì giờ cho dân thì dân yêu mến và vâng lời ngay”.

Thánh lễ đã kết thúc một ngày tĩnh tâm và gặp gỡ, tập huấn của Nhóm Giáo huấn XHCG và gặp gỡ với Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt là một niềm vui lớn của nhiều giáo dân từ nhiều nơi trên đất nước.

Những lời căn dặn, tâm sự của ĐứcTGM Giuse như những sự nâng đỡ, dìu dắt và hướng dẫn để các giáo dân, các tín hữu đi theo con đường sáng mà Giáo hội đã đúc kết và chỉ ra.

Hà Nội, 13/1/2017

J.B Nguyễn Hữu Vinh

***********

Phụ lục: Bài giảng của Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

HÃY BỪNG SÁNG

Is 60,1-6; Ep 3,2-3a.5-6; Mt 2,1-12

Thánh Lễ Tạ Ơn của Tân LM FX Phạm văn Phúc

Châu sơn 07-01-2017

Hôm nay là một ngày thật đẹp. Ngày thứ Bảy đầu tiên trong tháng đầu tiên của  năm 2017. Ngày hôm nay cha mới Phanxico Xavie Phạm văn Phúc, trong tháng đầu tiên đời linh mục, đến dâng thánh lễ Tạ ơn trên núi Đức Mẹ.

Trong những ngày giờ đầu tiên của năm mới, Lời Chúa nói mời gọi ta: “Hãy bừng sáng lên, hỡi Giê-ru-sa-lem”. Vì “bóng tối đang bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân”. Thời Isaia cũng như thời Chúa Giê-su dân Israel sống trong bóng tối dầy đặc. Nhưng Chúa sẽ đến chiếu ánh sáng xé tan màn đêm tăm tối. Lời tiên báo ứng nghiệm khi Chúa Giê-su sinh ra. Tin mừng cho thấy Hêrode đại diện cho thế lực bóng tối. Nhưng Chúa Giê-su đã chiếu lên ánh sáng.

Herode là bóng tối của bạo quyền, dùng quyền để thống trị dân chúng. Chúa Giêsu là ánh sáng hiền lành khiêm nhường, đến không phải để cai trị nhưng để phục vụ.

Hêrode  là bóng tối chết chóc. Sẵn sàng giết chết các trẻ em để bảo vệ ngai vàng. Chúa Giêsu chiếu lên ánh sáng sự sống. Chúa đến cho mọi người được sống và sống dồi dào.

Hêrode là bóng tối gian dối lừa gạt các nhà đạo sĩ. Chúa Giêsu là ánh sáng, là Đường Đi, là Sự Thật và là Sự Sống.

Hêrode là bóng tối tội lỗi, xác thịt. Nên ngôi sao đến Giêrusalem vụt tắt. Chúa Giêsu là ánh sáng Thần Khí nên làng quê Belem nhỏ bé rực sáng.

Trong bối cảnh thế giới và xã hội Việt Nam hôm nay, Chúa mời gọi chúng ta: Hãy bừng sáng lên. Để muôn dân nhận biết Chúa thật. Để mọi người khắp nơi trở thành con cái trong nhà Chúa.

Suốt năm qua cả nước hướng về miền Trung. Với thảm hoạ Formosa.  Với thảm hoạ lũ lụt vừa do mưa vừa do thuỷ điện Hố Hô xả nước bừa bãi. Tại miền Trung ta thấy tất cả những bóng tối của Hêrode. Đó là bóng tối bạo quyền, dùng quyền hành áp bức. Tự do bán đất cho nước ngoài, tự do xả chất độc, tự do xả nước bất chấp quyền dân. Đó là bóng tối chết chóc. Vì bảo vệ quyền lợi tài phiệt và một nhóm nhỏ mà giết chết đời sống hàng triệu người dân. Đó là bóng tối gian dối vì không công khai minh bạch. Đó là bóng tối xác thịt tội lỗi. Vinh thân phì gia bất chấp sinh mạng và quyền lợi của người khác.

Nhưng giữa những bóng tối dầy đặc ấy lại xuất hiện ánh sáng. Ánh sáng của tình yêu thương bác ái. Khắp thế giới bao tấm lòng bác ái tập trung về miền Trung. Để cảm thông, để yêu thương, để chia sẻ. Và đặc biệt những xứ đạo, các cha, anh chị em giáo dân đã biết quan tâm chia sẻ với anh chị em lương dân. Anh chị em lương dân cảm nhận được tình yêu thương. Không biết chạy vào đâu đã tìm đến với các giáo xứ công giáo. Và họ cảm nhận được vẻ đẹp của Chúa, của đạo, của anh chị em công giáo. Đó chính là ánh sáng chiếu trong đêm tối. Ánh sáng của đạo Chúa đã làm cho anh chị em giáo dân sáng lên. Qua ánh sáng đó người muôn phương tìm đến thờ phượng Chúa.

Khi cứu trợ tại các xứ đạo mọi sự diễn ra trong trật tự. Không có tranh giành chen lấn. Vì mọi người đều vâng lời cha xứ. Chính quyền thắc mắc: sao giáo dân lại yêu mến và vâng lời các cha mà không vâng lời chính quyền. Người giáo dân trả lời: Vì các cha đã hiến trọn cuộc đời, dành mọi tài sản, sức lực, của cải cho Chúa, cho Giáo hội, cho dân chúng, nên chúng tôi yêu mến và vâng phục. Nếu các ông cũng hiến tài sản, sức khoẻ, thì giờ cho dân thì dân yêu mến và vâng lời ngay.

Trong bóng tối của thời đại hôm nay, mọi người đều đi tìm quyền lực, tiền bạc và hưởng thụ. Khi đi tìm mọi thứ cho bản thân, người ta sẵn sàng chà đạp người khác. Gây nên bóng tối đau khổ chết chóc bất công. Trong bóng tối đó linh mục sáng lên như ngọn đuốc. Vì dám đi ngược chiều thời đại. Từ bỏ bản thân. Hiến dâng cuộc đời cho Chúa. Phục vụ tha nhân.

Hôm nay chúng ta vui mừng. Vì trong đoàn người góp phần chiếu ánh sáng của Chúa trên thế giới tăm tối hôm nay, có thêm tân linh mục FX Phạm văn Phúc. Tạ ơn Chúa ban thêm ánh sáng cho thế giới nhiều bóng tối hôm nay. Cám ơn ông bà cố và gia đình đã quảng đại dâng hiến người con ưu tú cho Chúa và cho dân Chúa. Cám ơn cha đã hi sinh cuộc đời như ngọn nến cháy lên để đem ánh sáng cho thế giới. Hôm nay Chúa cũng nói với cha: Hãy bừng sáng lên, vì bóng tối đang bao phủ dân chúng.

Như ngọn nến muốn cháy sáng phải tiêu hao đời mình. Chúc cha ngày càng hăng say tiêu hao đời mình. Để bừng lên ánh sáng rực rỡ cho mọi người nhận biết Chúa.

TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

httpv://www.youtube.com/watch?v=6ze7tokDzgM

Cha bị triệu tập vì một bài báo của con trên VOA?

Cha bị triệu tập vì một bài báo của con trên VOA?

VOA

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng

Ông Phạm Văn Hùng, 86 tuổi, thân phụ của nhà báo độc Phạm Chí Dũng đã bị “triệu” đến Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh để “làm việc” vào ngày 10/1.

Nhà báo Phạm Chí Dũng xem đây là một hành vi bất nhã và thiếu lễ độ. Ông nói với VOA như sau:

“Gia đình tôi đánh giá cách mời của họ là một sự trịch thượng và vô lễ vì họ chỉ cho người thông báo qua điện thoại.”

Nhà báo Phạm Chí Dũng cho biết có rất nhiều cơ quan của thành ủy có mặt trong buổi triệu tập này và họ đưa ra nhiều lời đe dọa, trong đó có đe dọa khởi tố Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam do ông làm chủ tịch:

“Trong buổi làm việc đó có cả quan chức của Đảng như Ban Nội chính Thành Uỷ, Ban Tuyên giáo Thành Uỷ, và Văn phòng Thành Uỷ. Họ có ý kiến mà tôi nghe ba tôi thuật lại rằng họ nói tôi viết bài xuyên tạc, viết bài sai sự thật. Thậm chí có ý kiến cho rằng đã đủ yếu tố để khởi tố tôi về vụ thành lập Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.”

Ông Dũng tin rằng Thành ủy cảm thấy những bài báo của ông đã đụng chạm đến sân sau của Thành ủy, trong đó có một bài viết trên VOA đề cập đến ông cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải.

Bài viết trên của ông Dũng cho VOA vào tháng 12, 2016 có đoạn: “Có dư luận cho biết công an đã nắm rõ được hành vi gây thất thoát của ông Trần Phương Bình tại DongA Bank, nhưng không dám bắt vào năm 2015 là vì DongA Bank là một ngân hàng của Thành ủy TP HCM được bí thư thành ủy khi đó là ông Lê Thanh Hải che chắn. Luồng dư luận này cũng cho rằng việc ông Trần Phương Bình bị bắt vào thời điểm cuối năm 2016, khi ông Lê Thanh Hải đã nghỉ, là một đòn đánh vào ông Hải và khối tài sản khổng lồ tích góp qua nhiều năm của ông này”.

Ngoài ra, theo theo ông Dũng, chính quyền muốn chặn những bài viết tiếp theo của ông về Tp. Hồ Chí Minh hay cụ thể hơn là các bài liên quan đến ông Lê Thanh Hải.

“Ngay trong một bài báo mà họ đặc biệt nhấn mạnh, bài liên quan đến ông Trần Phương Bình, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Ngân hàng Đông Á ở Tp. HCM bị bắt. Trong bài đó trong dẫn nguồn dư luận đánh giá rằng ông Trần Phương Bình có mối quan hệ có lẽ được che chắn bởi ông Lê Thanh Hải thành thử không bị bắt vào năm 2015.”

Ông Dũng cũng tin rằng cuộc triệu tập này do ông Lê Thanh Hải đứng phía sau, thông qua Phó Bí thư thường trực Tất Thành Cang:

“Cũng không loại trừ khả năng là ông Lê Thanh Hải có nhờ riêng ông Tất Thành Cang để ông Tất Thành Cang tổ chức một cuộc họp như vừa rồi, lấy danh nghĩa của thành ủy để đặt ra những vấn đề liên quan đến ông Lê Thanh Hải.”

Cũng theo nhà báo độc lập, những bài viết của ông liên quan đến chế độ hiện hành, quốc nạn tham nhũng, thực chất nền kinh tế, và các quyền tự do căn bản của người dân bị đàn đáp. Trong khi đó chính quyền từ trung ương đến địa phương lại bưng bít các thông tin này.

Trong thư ngỏ cho thành ủy ngay trong ngày 10/1, ông Dũng đề nghị đối thoại với ông Tất Thành Cang để cùng tìm ra sự thật. Tuy nhiên, ông Dũng tin rằng thư ngỏ của ông sẽ không được phản hồi.

Kiên Giang: Tiểu thương mang quan tài phản đối tháo dỡ chợ

Kiên Giang: Tiểu thương mang quan tài phản đối tháo dỡ chợ

Nguoi-viet.com

Lực lượng chức năng bảo vệ việc tháo dỡ chợ Tân Hiệp. (Hình: Báo Dân Trí)

KIÊN GIANG (NV) – Chính quyền huyện Tân Hiệp đưa cả trăm cảnh sát xuống cưỡng ép tháo dỡ chợ thị trấn Tân Hiệp ngay trước Tết Nguyên Đán, buộc tiểu thương mang quan tài ra phản đối quyết liệt.

Theo báo Dân Trí, ngày 10 Tháng Giêng, khi công an tháo dỡ chợ bị nhiều người phản đối nên công an còng tay dẫn về đồn. Một số người dùng điện thoại chụp hình, quay phim… cũng bị giật mất điện thoại và đưa về đồn công an “làm việc.” Để phản đối, tiểu thương đã đặt hai chiếc quan tài ở đầu chợ, nhưng công an đã cướp lấy đem giấu.

Bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, một tiểu thương nói: “Các khiếu nại của bà con tiểu thương chúng tôi chưa được chính quyền địa phương xem xét giải quyết thấu đáo thì sáng 10 Tháng Giêng, ủy ban huyện đã cho lực lượng chức năng xuống cưỡng chế tháo dỡ chợ trong khi ngày Tết cận kề. Việc này lãnh đạo địa phương đã ép chúng tôi vào bước đường cùng, vì hàng hóa nhập về không thể buôn bán.”

Giải thích về việc này, ông Nguyễn Văn Đức, chủ tịch huyện Tân Hiệp cho rằng: “Đây không phải là tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của công dân nên huyện không cưỡng chế, mà đây là công trình của nhà nước nên chúng tôi tháo dỡ khi nó đã xuống cấp.”

Tin cho biết, chợ thị trấn Tân Hiệp đã tồn tại hơn 60 năm với gần 300 tiểu thương kinh doanh buôn bán. Khi xây dựng chợ mới, chính quyền địa phương không họp lấy ý kiến, lắng nghe nguyện vọng của tiểu thương…

Đến khi công ty Sao Mai, một doanh nghiệp tư nhân liên kết với huyện xây dựng chợ mới cách chợ cũ 1 cây số vào gần xong vào cuối 2014, thì mới vận động tiểu thương di dời, nhưng tiểu thương không đồng tình vì cho rằng giá thuê cao, khu chợ xa dân cư, lô sạp thiếu và nhỏ… Cách làm này trái quy định pháp luật, mặt khác làm nhiều tiểu thương trở tay không kịp.

Thấy không thể tuyên truyền bằng miệng, chính quyền ra hạn định di dời chợ hạn chót là ngày 20 Tháng Ba năm 2015. Tuy nhiên tiểu thương vẫn “án binh bất động.”

Đến ngày 26 Tháng Tám năm 2016, chủ tịch huyện Tân Hiệp ra quyết định đình chỉ hoạt động chợ thị trấn Tân Hiệp để di dời sang khu chợ mới, với lý do “chợ cũ đã xuống cấp và hệ thống cứu hỏa không bảo đảm nên buộc phải di dời sang chợ mới.”

Các tiểu thương tiếp tục khiếu nại lên ủy ban tỉnh Kiên Giang, buộc nơi này phải thành lập tổ công tác kiểm tra lại quá trình xây chợ mới, xóa chợ cũ của lãnh đạo huyện Tân Hiệp.

Sau khi kiểm tra, tổ công tác của tỉnh cho biết huyện Tân Hiệp “có sai phạm,” vì vậy nên xem lại việc hỗ trợ cho các tiểu thương có đất gian hàng cho thuê, đầu tư, sửa chữa, cải tạo chợ cũ trong thời gian qua… Thế nhưng, kiến nghị của tỉnh chưa được huyện Tân Hiệp xem xét thực hiện thì sáng 10 Tháng Giêng đã cho lực lượng xuống cưỡng chế tháo dỡ chợ cũ. (Tr.N)

Việc ngăn chặn thô bạo

From facebook: Suong Quynh and Hoang Le Thanh shared Lê Công Định‘s post.

Lê Công Định with Charles Sellers.

Việc ngăn chặn thô bạo tại nhà hôm nay khiến tôi phải huỷ bỏ cuộc gặp chiều nay với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry theo lời mời của Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, một lần nữa cho thấy nhà cầm quyền Việt Nam vi phạm nghiêm trọng quyền tự do đi lại của công dân nói riêng và nhân quyền nói chung.

Đây là bằng chứng cụ thể và rõ ràng về hồ sơ vi phạm nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi đã thông báo đầy đủ cho cơ quan ngoại giao Hoa Kỳ và Ngoại trưởng John Kerry để các viên chức ngoại giao Mỹ soạn thảo báo cáo và tài liệu cần thiết cho mục đích chế tài nhân quyền đối với các quan chức vi phạm Luật Nhân quyền Magnitsky Toàn cầu vừa được Tổng thống Obama ký ban hành.

Không diện kiến Ngoại trưởng John Kerry nhưng tác động của việc không đi gặp lại tốt hơn đi gặp, chắc chắn là điều cần làm đối với một người tranh đấu như tôi trong hoàn cảnh hiện tại. Thứ Sáu ngày 13 đầu năm 2017 không phải là một ngày tồi tệ vậy.

Cưỡng chế tượng Trần Hưng Đạo tại tư gia là trái luật?

Cưỡng chế tượng Trần Hưng Đạo tại tư gia là trái luật?

Hòa Ái, RFA

Tượng danh tướng Trần Hưng Đạo được đặt trên bục cao 1 m trong sân nhà ông Phương.

Tượng danh tướng Trần Hưng Đạo được đặt trên bục cao 1 m trong sân nhà ông Phương.

Courtesy of plo.vn

Vụ việc chính quyền địa phương không cho phép người dân đặt tượng thờ Đức Thánh Trần-Hưng Đạo Vương trên bục, trong khuôn viên gia đình ở Lâm Đồng làm dấy lên quan ngại rằng dân chúng Việt Nam thể hiện tín ngưỡng thuần Việt của họ như thế nào mới là đúng luật?

Những ngày vừa qua, cư dân mạng đặc biệt chú ý đến lời kêu cứu của gia đình ông Tống Hồ Phương, ngụ tại thôn Kinh Tế Mới, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng về việc đặt tượng Đức Ông-Trần Hưng Đạo trong khuôn viên của gia đình.

Ông Tống Hồ Phương cho biết gia đình tích cóp để mua bức tượng vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Vương-Trần Quốc Tuấn, phiên bản do Hội Mỹ Thuật Việt Nam thực hiện, được chạm khắc bởi các nghệ nhân đá Non Nước Đà Nẵng. Vào đầu tháng 12 năm 2016, gia đình ông Phương xây một cái bục bằng xi măng, cao 1 mét và rộng 9 tấc trong sân nhà để đặt bức tượng này. Trước khi rước tượng về đặt trên bục trong khuôn viên của gia đình, ông Phương làm đơn gửi các cấp chính quyền xã, huyện và tỉnh để xin phép nhưng không nhận được phản hồi. Sau đó, gia đình ông Phương đi lên tận văn phòng Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Lâm Đồng hỏi về việc xin phép đặt tượng và được trả lời rằng gia đình cứ tiến hành vì bức tượng nghệ thuật vị anh hùng dân tộc đặt trong khuôn viên gia đình không gây trở ngại gì.

Họ kêu phải tháo dỡ tượng Ông xuống. Biên bản lập yêu cầu tháo dỡ xuống…Họ nói miệng rằng trong vòng 60 ngày nếu không có một công văn nào phản hồi cho họ thì họ vào làm việc; không có giấy phép xây dựng thì họ phạt từ 3 đến 5 triệu đồng và họ cưỡng chế
-Nguyễn Xuân Quang

Lập biên bản vi phạm

Tuy nhiên, gia đình ông Tống Hồ Phương kêu cứu kể từ ngày 4 tháng 1 năm 2017, là thời điểm dựng tượng Đức Ông-Trần Hưng Đạo, cao khoảng 1,6 mét lên bục. Trong vòng ba ngày liên tiếp, cho đến ngày mùng 6 tháng 1, chủ tịch và phó chủ tịch cùng công an và cán bộ địa chính xã Ninh Gia đến tận nhà yêu cầu gia đình hạ tượng. Anh Nguyễn Xuân Quang, cháu của ông Tống Hồ Phương kể lại diễn tiến của vụ việc:

“Bắt đầu xây cái bục tầm khoảng ngày 9, ngày 10 tháng 12. Mình xây xong thì họ chẳng nói gì hết. Khi đưa tượng Ông về thì họ nói là vi phạm không có giấy phép xây dựng. Họ kêu phải tháo dỡ tượng Ông xuống. Biên bản lập yêu cầu tháo dỡ xuống. Gia đình em xin không tháo dỡ mà để Ông đứng đó. Họ mới nói dời cái lư hương, không cho để bát nhang, thắp nhang. Gia đình mới dời cái lư hương. Mình xin thì họ đồng ý như vậy, nhưng họ nói miệng rằng trong vòng 60 ngày nếu không có một công văn nào phản hồi cho họ thì họ vào làm việc; không có giấy phép xây dựng thì họ phạt từ 3 đến 5 triệu đồng và họ cưỡng chế.”

Lên tiếng với Báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh qua điện thoại vào chiều mùng 6 tháng 1, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ninh Gia, ông Nguyễn Ngọc Huyên xác nhận việc lập biên bản vi phạm xây dựng bục đặt tượng của gia đình ông Tống Hồ Phương, cụ thể là không có giấy phép. Ông Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Ninh Gia còn nhấn mạnh gia đình ông Phương cho biết Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Lâm Đồng cho phép, nhưng phải có văn bản trả lời thì mới đúng quy định.

Trong khi đó, cháu của ông Phương, anh Nguyễn Xuân Quang nói với Đài Á Châu Tự Do vào tối ngày 11 tháng 1 rằng gia đình một lần nữa đi lên văn phòng Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Lâm Đồng để xin giấy phép về trình cho cơ quan địa phương. Nhưng, cán bộ Sở khẳng định với gia đình:

“Không có giấy phép hoặc thẩm quyền nào để cấp. Cũng không có một công văn nào, không có thẩm quyền thì không ai ký được hết.”

Cưỡng chế dỡ tượng sai cả lý và tình

034_1616717-300.jpg
Tượng Đức thánh Trần Hưng đạo phía trước đền Đức Thánh Trần ở Sài Gòn. Ảnh chụp hôm 9/8/2010. AFP photo

Đáp câu hỏi của chúng tôi liệu rằng quyết định của xã Ninh Gia về việc cưỡng chế dỡ tượng Trần Hưng Đạo khỏi bục tại tự gia của gia đình ông Tống Hồ Phương, do vi phạm không có giấy phép xây dựng là đúng theo quy định pháp luật trong tình thế mà dân gian gọi là “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” như thế; Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh, Luật sư Nguyễn Văn Hậu trình bày:

“Theo tôi, việc đặt các tượng này thì không cần phải xin phép. Chuyện đó, tôi nghĩ rằng địa phương làm như vậy là không đúng trong trường hợp người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm; cụ thể là pháp luật chưa có quy định nào về việc dựng tượng như vậy. Điều này được quy định trong Luật Xây Dựng năm 2014, đã được Quốc hội Việt Nam thông qua, những đối tượng phải có giấy phép xây dựng thì không có trường hợp này.

Khi Ủy ban Nhân dân xã chưa có quyết định hành chính thì họ không được thi hành cưỡng chế. Trong trường hợp họ tiến hành cưỡng chế thì người dân có quyền khởi kiện ra toàn án hành chính liên quan quyết định hành chính đó hoặc hành vi hành chính đó của cán bộ xã.”

Khi Ủy ban Nhân dân xã chưa có quyết định hành chính thì họ không được thi hành cưỡng chế. Trong trường hợp họ tiến hành cưỡng chế thì người dân có quyền khởi kiện ra toàn án hành chính liên quan quyết định hành chính đó hoặc hành vi hành chính đó của cán bộ xã
-LS.Nguyễn Văn Hậu

Qua lời kêu cứu của gia đình ông Phương đăng trên mạng xã hội Facebook cùng lên tiếng để đồng lòng hướng về lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc Việt, cộng đồng cư dân mạng cho rằng việc làm của chính quyền xã Ninh Gia hoàn toàn sai trái khi dân chúng bày tỏ sự tôn kính đối với Đức Thánh Trần-Hưng Đạo Vương một cách riêng tư, không ảnh hưởng đến trật tự xã hội và trên hết là không vi phạm pháp luật Việt Nam. Cư dân mạng Trịnh Mạnh Hùng chia sẻ suy nghĩ của anh nếu chính quyền xã Ninh Gia tiến hành cưỡng chế dỡ tượng Trần Hưng Đạo tại khuôn viên của gia đình ông Phương trong 60 ngày tới:

“Về lý thì chưa có bất kỳ một văn bản nào cấm người dân không được dựng tượng Đức Trần Hưng Đạo. Nếu dựng ở ngoài đường thì chụp mũ là gây cản trở lưu thông…Còn ở đây người dân dựng trong khuôn viên đất nhà của họ, mà lại dựng tượng của một biểu hiện gọi là tôn sùng bậc tiền nhân. Nếu cấm thì hoàn toàn sai, sai về tình và cả sai về lý.”

Tại Hội thảo Khoa học với chủ đề “Đức Thánh Trần trong hệ thống Đạo Mẫu Việt Nam” được tổ chức hồi hạ tuần tháng 9, năm 2014, nhân 713 năm ngày giỗ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, giới nghiên cứu đánh giá tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần có giá trị về nhận thức và nhân sinh, về củng cố và tăng cường lòng yêu nước, về văn hóa và nghệ thuật thông qua lễ hội và phong tục cũng như kiến trúc và điêu khắc. Bên cạnh đó, các chuyên gia đưa ra ý kiến mong muốn Nhà nước cần sớm chính thức công nhận và có các quy định cụ thể đối với những sinh hoạt gắn liền các tín ngưỡng thuần Việt.

Với thời gian đợi chờ Chính phủ phản hồi kiến nghị của các chuyên gia liên quan đến thờ Đức Thánh Trần, gia đình ông Tống Hồ Phương chỉ còn biết trông cậy vào những đơn khiếu nại đã gửi đến cơ quan công quyền, từ cấp xã đến cấp Trung ương và các cư dân mạng Đài RFA tiếp xúc bày tỏ với luật pháp hiện hành như một “mớ bòng bong” qua vụ việc tại xã Ninh Gia thì việc thể hiện tín ngưỡng thuần Việt của người dân là điều không phải dễ.

VIỆT NAM, MỘT THỜI THỪA MÁU

VIỆT NAM, MỘT THỜI THỪA MÁU

FB Trần Trung Đạo

Trẻ em VN chết trong chiến tranh. Nguồn: internet/ FB Trần Trung Đạo

Trẻ em VN chết trong chiến tranh. Nguồn: internet/ FB Trần Trung Đạo

Trong ngôn ngữ Việt Nam, chữ “máu” không đơn giản chỉ một bộ phận cơ thể hay “thiếu máu” không phải dùng để chỉ một nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe như tại các nước khác mà còn khơi dậy nỗi đau đã in sâu trong nhận thức con người.

Nhắc tới chuyện thiếu máu năm nay, không thể quên có một thời Việt Nam dư thừa máu. Đâu cũng đều thấy máu. Máu chảy đầy sông. Máu ngập ruộng đồng. Máu loang đường phố. Thừa đến nỗi, máu của nhiều triệu người Việt đã đổ xuống không chỉ để thỏa mãn tham vọng bành trướng của Mao và CS quốc tế mà còn giúp các quốc gia vùng Đông Nam Á đang nghèo nàn bỗng trở nên giàu có.

James Macdonald trong tác phẩm When Globalization Fails: The Rise and Fall of Pax Americana, nhắc lại câu nói của cố TT Singapore Lý Quang Diệu, chiến tranh Việt Nam (đúng ra nên gọi “máu Việt Nam”) đã “giúp các quốc gia Đông Nam Á có thêm thời gian” để nâng cao mức sống, bởi vì nếu không, “Đông Nam Á chắc chắn đã lọt vào tay CS”. [1]

Đọc câu nói của cố TT Lý Quang Diệu và tìm hiểu các diễn biến chính trị trong cuộc chiến Việt Nam sẽ thấy ngay từ đầu cuộc chiến, nhiều triệu người Việt đã đổ máu một cách oan uổng cho ý thức hệ CS và bá quyền Trung Cộng chứ chẳng phải để “giải phóng dân tộc” hay “thống nhất đất nước” như hệ thống tuyên truyền của đảng nhồi nhét vào nhận thức của các thế hệ Việt Nam từ 1945 đến nay.

Máu Việt Nam, tham vọng Mao Trạch Đông

Đảng CSVN không chế tạo được một khẩu súng, một viên đạn, một túi lương khô nào nhưng có khả năng rút máu của nhân dân Việt Nam để cung cấp cho tham vọng của Mao.

Stalin, trong buổi họp với Mao và Hồ Chí Minh tại Moscow giữa tháng Hai, 1950 đã phó thác sinh mạng CSVN vào tay Trung Cộng. Theo William J. Duiker trong Ho Chi Minh: A Life, Stalin nói với Hồ Chí Minh tại Moscow “Từ bây giờ về sau, các đồng chí có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của Liên Xô, đặc biệt hiện nay sau thời kỳ chiến tranh, thặng dư của chúng tôi còn rất nhiều, và chúng tôi sẽ chuyển đến các đồng chí qua ngã Trung Quốc. Tuy nhiên vì điều kiện thiên nhiên, chính yếu vẫn là Trung Quốc sẽ giúp đỡ các đồng chí. Những gì Trung Quốc thiếu chúng tôi sẽ cung cấp.” Tới phiên Mao, y cũng lần nữa xác định với Hồ “Bất cứ những gì Trung Quốc có mà Việt Nam cần, chúng tôi sẽ cung cấp.”

Từ đó, Mao sử dụng đảng CSVN như những tay sai trung thành phục vụ cho lòng căm thù Mỹ của riêng y và bảo vệ vùng an toàn phía nam của Trung Cộng. CSVN, cũng từ đó, hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng, không chỉ phương tiện chiến tranh, kinh tế, quốc phòng, hệ ý thức, cơ sở lý luận mà cả cách nói, cách ăn mặc, cách hôn hít, chào hỏi.

Sự thù địch Mỹ trong lòng Mao bắt đầu từ thời gian Mao còn ở Diên An khi tàn quân của Mao bị quân Tưởng Giới Thạch bao vây và Mỹ lại công khai tuyên bố chỉ ủng hộ phe Tưởng. Lòng thù hận dâng cao sau xung đột Eo Biển Đài Loan, và trầm trọng hơn, sau chiến tranh Triều Tiên với gần 400 ngàn quân Trung Cộng bị giết, trong số đó có Mao Ngạn Anh (Mao Anying), con trai trưởng và gần gũi nhất của Mao. Đối với Mao kẻ thù số một là Mỹ. [2]

Mao chỉ thị toàn bộ bộ máy tuyên truyền tại Trung Cộng phải chống Mỹ bằng mọi cách. Chống Mỹ từ xa, chống Mỹ ở gần, chống Mỹ trong lý luận, chống Mỹ trong thực tế, chống Mỹ khi có mặt Mỹ và chống Mỹ khi chưa có mặt Mỹ.

Theo lệnh Mao, trong hội nghị lần thứ sáu của Trung ương Đảng CSVN từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh và bộ chính trị đảng CSVN đã nghĩ đến chuyện đánh Mỹ “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ”. [3]

Khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” được thai nghén từ quan điểm và thời điểm này. Nhưng “nước” trong khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” phải hiểu là nước Tàu chứ không phải nước Việt. Lý do, trong thời điểm 17 tháng 7, 1954 chưa có một người lính hay một cố vấn Mỹ nào ở miền Nam Việt Nam. Hôm đó, ngay cả hiệp định Geneva cũng còn chưa ký.

Đọc cái tài liệu trong thời kỳ chống Pháp để thấy Mao gần như đơn phương quyết định mọi hoạt động quân sự của Việt Minh kể cả việc chọn ngày, chọn tháng cần phải chiếm cho được Điện Biên Phủ. Theo Qiang Zhai, trong tác phẩm China and Vietnam war 1950-1975, Mao đã theo dõi một cách tường tận và chỉ thị một cách chi tiết cho từng sư đoàn Việt Minh trong mặt trận Điện Biên Phủ. [4]

Người viết xin mở ngoặc ở đây. Điều đó không có nghĩa những người Việt Nam đã hy sinh dù trong màu áo “Việt Minh”, trên đường tấn công vào bản doanh của tướng de Castries là những người đánh thuê cho Trung Cộng hay phục vụ một cách có ý thức cho chủ trương nhuộm đỏ Việt Nam của CS Quốc Tế. Không. Họ không biết điều đó. Đa số nông dân tay lấm chân bùn kia là những người Việt Nam yêu nước và họ đã chết trong ước mơ một ngày Việt Nam sẽ thực sự là một nước tự do, độc lập. Lòng yêu nước chân thành và trong sáng của họ sẽ không rơi vào quên lãng.

Nhuộm máu miền Nam

Kiên trì với mục đích CS hóa Việt Nam đề ra từ 1930, vào tháng 5, 1959, Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động sau khi biết rằng việc chiến miền Nam bằng phương tiện chính trị không thành, đã quyết định chiếm miền Nam bằng võ lực dù phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn”.

Giáo sư Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học công nghệ của CSVN trong bài viết Đã Đến Lúc Cần Phải Đối Thoại đăng trên mạng Bauxit Viet Nam hôm 23/08/2016 cũng thừa nhận nguyên nhân sâu xa của thực trạng bi thảm tại Việt Nam hiện nay phát xuất từ lý do ý thức hệ: “Nguyên nhân gốc rễ của mọi ý kiến bất đồng, mọi bức xúc và phẫn uất đều nằm trong những điều bất cập, phản khoa học, phản tiến bộ, phản dân chủ của Cương lĩnh đảng CSVN và Hiến pháp nước CHXHCNVN”. [5]

Đảng CSVN từ ngày thành lập 3 tháng 2, 1930 đến nay đã có cả thảy 4 cương lĩnh đảng, gồm 3 cương lĩnh về “cách mạng dân tộc dân chủ” và 1 Cương lĩnh “về thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nội dung có thay đổi trong mỗi thời kỳ nhưng mục tiêu tối hậu vẫn không thay đổi như Nguyễn Thanh Tâm thuộc Viện Lịch sử Đảng khẳng định: “chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản. Đó là mục đích lâu dài, cuối cùng của Đảng và cách mạng Việt Nam.”[6]

Người viết cám ơn Gs Chu Hảo cuối cùng đã thấy ra điều đó. Rất tiếc giải pháp giáo sư đưa ra lại là “đối thoại”, một giải pháp không đúng với lý luận lẫn thực tế chính trị như đã diễn ra tại các quốc gia cựu CS Đông Âu và Liên Xô.

Từ ngày thành lập tại Hong Kong năm 1930, dù hoạt động dưới nhiều danh xưng (đảng Cộng sản Đông Dương, Hội nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Đông Dương, đảng Lao động Việt Nam, đảng Nhân dân Cách mạng ở miền Nam, đảng Cộng sản Việt Nam) nhưng đảng luôn kiên trì và hoàn toàn nhất quán về mục đích nhuộm đỏ Việt Nam.

Máu Việt Nam giúp các nước Đông Nam Á có cơ hội làm giàu

Trong khi máu của nhiều triệu người Việt trên cả hai miền Nam Bắc đổ xuống cho ý thức hệ CS và tham vọng của Mao Trạch Đông, các quốc gia Đông Nam Á tận dụng thời gian và cơ hội để phát triển kinh tế như TT Lý Quang Diệu thừa nhận.

Lấy thời điểm 1965 khi chiến tranh Việt Nam gia tăng cường độ, nền kinh tế Singapore tính theo GDP theo đầu người chỉ vào khoảng 500 đô la, tương đương với Mexico và Nam Phi. Năm 2015, GDP theo đầu người của Singapore lên đến 56 ngàn đô la, ngang với Đức.

Phát triển nhanh không kém với Singapore là Nam Hàn. Trong thập niên từ 1950 đến 1960 Nam Hàn là quốc gia nghèo nhất thế giới, nghèo hơn cả Nam Việt Nam, Bolivia và Mozambique, nhưng ngày nay, quốc gia này giàu hơn cả Tây Ban Nha và New Zealand. [7]

Các quốc gia khác trong vùng từ Thái Lan đến Nam Dương, Mã Lai đều phát triển nhanh chóng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam nhờ chính sách đầu tư rộng rãi của Mỹ để lấy lòng đồng minh nhằm bao vây và ngăn chận CS lan tràn.

Mọi việc đều có nguyên nhân

Mùa Giáng Sinh vừa rồi, giáo sư Tương Lai trong bài viết Nhớ Lại Mùa Giáng Sinh B-52 đăng trên nhiều báo trong nước vẫn tiếp tục một giọng điệu tuyên truyền đã được đảng lặp đi lặp lại hơn 40 năm qua: “Hiểu thêm những điều này để càng thấy rõ xương máu của các chiến sĩ và nhân dân ta trong một cuộc chiến không cân sức giữa biết bao những toan tính lợi ích của các nước lớn là đau đớn và uất hận đến thế nào cho thân phận một nước nhỏ trong trùng điệp những mưu mô được khoác ra ngoài những tấm áo sặc sỡ! “ [8]

Thưa giáo sư, mọi việc trên đời đều có nguyên nhân.

Nếu chịu lắng lòng và suy nghĩ, ông sẽ truy ra được nguồn gốc của chiến tranh Việt Nam. Tại sao Mỹ không ném bom hay can thiệp vào nội bộ Senegal, Tunisia, Morocco hay hàng trăm thuộc địa khác của Pháp mà chỉ can thiệp vào thuộc địa Việt Nam?

Ngay cả trong cuộc chiến tranh giành độc lập đẫm máu của Algeria chống thực dân Pháp, dù là đồng minh lâu năm với lãnh tụ Pháp de Gaulle, Mỹ đã công khai bày tỏ cảm tình với lý tưởng độc lập, tự do của nhân dân Algiera và xem xung đột Algeria là chuyện nội bộ của Pháp. [9]

Sau Thế chiến Thứ hai Mỹ chủ trương giải thực nhưng sự đe dọa của Trung Cộng và CSVN đã làm Mỹ thay đổi chính sách đối với Á Châu. TT Richard Nixon thừa nhận việc Mỹ đã đổ nhiều trăm triệu đô la giúp Pháp chỉ với mục đích duy nhất là ngăn chận làn sóng đỏ CS từ Bắc Kinh xuống Đông Nam Á qua ngã Hà Nội. Sau khi Pháp rút, Mỹ đã cố gắng hết sức trong nhiều năm để bảo vệ miền Nam.

Nếu chịu lắng lòng và đọc lại các sử liệu quốc tế, ông cũng biết, trong suốt cuộc chiến Việt Nam, Mỹ không hề chủ trương đổ bộ lên Hải Phòng như đã từng đổ bộ Incheon tháng 9, 1950 để mở đường tấn công Bắc Hàn. Miền Nam trong hai thời kỳ đệ nhất và đệ nhị cộng hòa cũng không có ý định chiếm đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ cơ chế CS miền Bắc. Sau gần một trăm năm chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ dưới ách thực dân, mục đích của nhân dân miền Nam là có được cơm no, áo ấm, có được cuộc sống tự do và xây dựng miền Nam thành một nước cộng hòa hiện đại.

Sau Thế chiến Thứ hai, phong trào giải thực được phát động từ Á sang Phi. Phần lớn các dân tộc bị trị đã giành lại nền tự chủ bằng các cuộc vận động hòa bình hay được trao trả quyền độc lập, riêng Việt Nam thì không. Việt Nam tiếp tục chìm sâu trong biển máu ý thức hệ cho đến 1975 và rồi tiếp tục chịu đựng nghèo nàn, độc tài, lạc hậu cho đến hôm nay.

Không cần phải một giáo sư mà một người bình thường cũng biết chính cơ chế chính trị, kinh tế và văn hóa độc quyền cộng sản hiện nay là nguyên nhân tạo ra tình trạng chậm tiến của đất nước, và do đó cần phải được tháo gỡ càng nhanh càng tốt, càng sớm càng tốt. Đừng tiếc nuối.

Trần Trung Đạo

_____

[1] James Macdonald, When Globalization Fails: The Rise and Fall of Pax Americana, 2015

[2] Seymour Topping, the former managing editor of the New York Times. China vs. the US: The Roots of a Love-Hate Relationship (Part 1), World Policy Journal, Dec 14, 2011.

[3] Lịch sử Việt Nam, Chương IV: Đảng Lãnh Đạo Cách Mạng xã hội chủ nghĩa ở miềN Bắc Và kháng chiến chống Mỹ, cứu Nước(1954-1975)

[4]Quang Zhai, China & The Vietnam Wars, 1950-1975, University of North Carolina Press, 2000.

[5] Chu Hảo, Đã đến lúc cần phải đối thoại, Bauxit Viet Nam, 23/08/2016

[6] Nguyễn Thanh Tâm, Viện Lịch sử Đảng- Học viện Chính trị- Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, các cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam, Tuyên Giáo, 31/1/2010

[7] South Korea: One of the World’s Great Success Stories Heads to the Polls

[8] Tương Lai, Nhớ lại mùa giáng sinh B-52 (Mênh mông thế sự 58), Bauxite Viet Nam, 26/12/2016

[9] France and the Algerian War, 1954-1962: Strategy, Operations and Diplomacy, Martin S. Alexander, J.F.V. Keiger, pp 148-150

MÙA XUÂN TÂY TẠNG VÀ CÂU CHUYỆN NHỮNG DÒNG SÔNG

MÙA XUÂN TÂY TẠNG VÀ CÂU CHUYỆN NHỮNG DÒNG SÔNG

Ngô Thế Vinh

Hình 1: Đức Dalai Lama và Cực Thứ Ba của Trái Đất. nguồn: activeremedy.org

Hình 1: Đức Dalai Lama và Cực Thứ Ba của Trái Đất. nguồn: activeremedy.org

Gửi Nhóm Bạn Cửu Long

If Tibet dries, Asia dies. Nghĩa là: Nếu Tây Tạng khô hạn, Châu Á chết

CỰC THỨ BA CỦA TRÁI ĐẤT

Khoảng ba trăm triệu năm trước, Tây Tạng còn nằm dưới đáy biển Tethys nguyên là một đại dương mênh mông bao trùm cả diện tích Châu Á và Ấn Độ. Do hành trình va chạm dữ dội của hai khối tiền lục địa Gondwanaland và Laurasia tạo nên cơn địa chấn với sức ép khổng lồ từ khối đất Ấn Độ dồn lên phía bắc tạo thành dãy Hy Mã Lạp Sơn và Cao nguyên Tây Tạng.

Với lịch sử địa chất ấy, Tây Tạng là vùng đất cao từ 3500 tới 5000 m – được mệnh danh là “xứ tuyết”, “nóc của trái đất”, hay “Cực Thứ Ba / Third Pole” — hai cực kia là Bắc Cực và Nam Cực. Tây Tạng với diện tích hơn một triệu km2 gần bằng Tây Âu nhưng cô lập với thế giới bên ngoài bởi ba bề núi non hiểm trở: phía nam là dãy Hy Mã Lạp Sơn, phía tây là rặng Karakoram, phía bắc là các rặng Kunlun và Tangla; riêng phía đông cũng bị cắt khoảng bởi các dãy núi không cao và lũng sâu và thoải dần xuống tới biên giới Trung Hoa, ráp gianh với hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam.

Phía tây bắc, Tây Tạng là một vùng đất hoang đông giá, gần như không người no-man’s-land trải dài hơn 1200 km từ tây sang đông. Phía nam là vùng núi non với thảo nguyên, nơi sống của dân du mục với các đàn cừu dê và những con bò Yaks.  Phía đông là tỉnh Kham và đông bắc là tỉnh Amdo (quê hương của Đức Dalai Lama thứ 14) là vùng trù phú và đông dân nhất. Thứ đến là vùng đất phía nam khí hậu bớt khắc nghiệt, nơi có con Sông Yarlung Tsangpo với những phụ lưu như một mạch sống.

Người nông dân Tây Tạng chủ yếu trồng lúa mạch và khoai tây là hoa màu phụ. Khí hậu thay đổi thất thường như mưa đá, đông giá nên mùa màng luôn luôn bị hư hại. Nguồn thực phẩm ổn định hơn là nuôi gia súc ngoài đàn bò Yaks còn có trừu, dê và gà để lấy trứng. Tsampa làm từ bột lúa mạch sấy là món ăn thường nhật của người Tây Tạng. Quốc gia Tây Tạng là hình ảnh mênh mông của những thảo nguyên với núi cao và lũng sâu, bầu trời thường thì trong xanh như ngọc. Cho tới cuối thế kỷ 19, nếp sống của họ vẫn vậy như từ hàng ngàn năm trước.

XỨ SỞ CỦA ĐẠO PHẬT

Đạo Phật du nhập vào Tây Tạng 12 thế kỷ sau khi Phật Thích Ca nhập niết bàn, khoảng thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên. Khí Tông Cương Tán (Songtsen Gampo) là một tù trưởng tài ba đã thống nhất được các bộ lạc trên cả một vùng băng tuyết tới chân Hy Mã Lạp Sơn; ông cưới công chúa Nepal làm hoàng hậu và chính nàng công chúa này đã du nhập đạo Phật vào Tây Tạng. Tây Tạng thời kỳ ấy là một quốc gia hùng mạnh khiến vua Trung Hoa đời Nhà Đường cũng phải xin cầu hòa và gả công chúa cho Khí Công Cương Tán, nàng công chúa gốc Hán này cũng đem đạo Phật vào Tây Tạng. Đạo Phật từ đó đã phát triển rất mạnh trên vùng đất mới, hòa nhập với tín ngưỡng Bon đa thần để biến thể thành một thứ đạo Phật cao siêu và thần bí.

Tới thế kỷ 14 một vị chân tu tên Tống Cáp Ba – Tsongkhapa đã sáng lập nên phái Hoàng Mão Hoàng Y của Phật giáo chính thống Tây Tạng. Sau khi ông mất, người kế thừa cũng là một vị chân tu tên Gendun Drup được toàn thể giới tăng lữ suy tôn làm Dalai Lama (Lama là một từ Tây Tạng có nghĩa là bậc thầy), ông có công phát huy đạo Phật đồng thời cũng xây dựng được một nền hành chánh kết hợp với giáo quyền trị vì quốc gia Tây Tạng. Vị đại sư mưu trí này đã đặt ra quy luật tái sanh của Dalai Lama theo đó khi chết linh hồn vị Dalai Lama sẽ nhập vào một trẻ sơ sinh như hiện thân của Bồ Tát Quán Thế Âm – Bodhisatva  Avalokitesara.

Tới thế kỷ 16, do các giáo phái lại chống đối nhau dẫn tới sự can thiệp của quân Mông Cổ, sau đó thì chính Đại Hãn Mông Cổ là Altan Khan do cảm phục kiến thức cao sâu của vị đại sư nên cũng xin quy y, đồng thời phong tước cho vị Lama là Dalai Lama – Dalai là từ Mông Cổ có nghĩa biển cả, bao hàm kiến thức mênh mông.

Đây là thời kỳ cực thịnh của Phật giáo Tây Tạng ghi dấu bằng công trình xây cất Lâu Đài Mùa Đông – Cung Điện Potala 1000 phòng của các vị Dalai Lama, được coi như một kỳ quan kiến trúc của thế giới.

Nhưng về phương diện lịch sử thì ngôi Chùa Jokhang mới là di tích cổ kính nhất, được xây dưới triều vua Khí Tông Cương Tán, nơi chứa tượng Phật do công chúa Nepal thỉnh về. Kỳ quan của Jokhang không phải chỉ là các tượng Phật mà là tấm bia đá dựng trước chùa như di tích lịch sử về một quá khứ hùng mạnh của quốc gia Tây Tạng, đã từng gây khốn đốn cho các vua Trung Hoa đời nhà Đường. Trên tấm bia là bản hiệp ước được phê chuẩn bởi Đại Hoàng đế Tây Tạng và Hoàng đế Trung Hoa vào năm 821- 822 khắc bằng hai thứ tiếng Tây Tạng và Trung Hoa với nội dung [Hình 2]:

“Thỏa thuận cùng nhau về sự liên minh giữa hai quốc gia… tìm cách ngăn ngừa những nguyên nhân gây tàn hại cho hai xứ sở bây giờ và mai sau, để mang lại hòa bình lâu dài cho thần dân hai nước. Thỏa ước được khắc trên bia này để cho các thế hệ tương lai được biết tới.” (1)

h2Hình 2: Jokhang, ngôi chùa có lịch sử hơn 1,300 năm ghi dấu một thời kỳ hưng thịnh của quốc gia Tây Tạng. Tấm bia ghi bản hiệp ước giữa Đại Hoàng đế Tây Tạng và Hoàng đế Trung Hoa vào năm 821- 822 đã bị phá huỷ. Jokhang, cùng với lâu đài Potala được UNESCO đưa vào danh sách Di sản Thế giới. Nguồn: internet

Giữa thời kỳ hưng thịnh của quốc gia Tây Tạng [618-907] nơi đầu nguồn Sông Mekong thì lúc ấy Việt Nam lại đang phải sống trong tối tăm nhục nhã dưới ách thống trị của người Tàu với cái tên An Nam Đô Hộ Phủ. Việt Nam đã bị nô lệ Tàu tổng cộng 1050 năm trước khi lấy lại được nền tự chủ với các triều đại Ngô, Lê, Lý, Trần.

Nhưng rồi cũng không tránh được lẽ thịnh suy, những thế kỷ sau đó Tây Tạng lại bị Trung Hoa xâm lấn, thủ đô Lhasa thường xuyên bị chiếm đóng. Đến đầu thế kỷ 20, nhân lúc triều đình Mãn Thanh bị cuộc Cách Mạng Tân Hợi của Tôn Dật Tiên lật đổ, nhân dân Tây Tạng đã lại vùng lên và tuyên bố độc lập nhưng bị đàn áp và đã gặp phải sự thờ ơ đến tàn nhẫn của thế giới. Trung Hoa cho dù dưới thể chế chánh trị nào vẫn xem Tây Tạng như phần lãnh thổ của họ.

MỘT TÂY TẠNG ĐAU THƯƠNG

Năm 1933 khi vị Dalai Lama 13 viên tịch, tương truyền rằng người ta thấy mặt ngài ngoảnh về hướng đông bắc, phía tỉnh Amdo. Kết hợp với một số điềm báo triệu khác, các vị trong hội đồng giáo phẩm tới được ngôi làng Takster tỉnh Amdo và họ đã tìm ra đứa trẻ hai tuổi là đứa con thứ tư trong một gia đình nông dân nghèo khó, và sau một chuỗi những trắc nghiệm thử thách, cậu bé Tenzin Gyatso sinh ngày 6 tháng 7 năm 1935, được công nhận là hiện thân của Đức Dalai Lama thứ 14.

Amdo lúc đó đang thuộc quyền kiểm soát của quân Trung Quốc nên phải trải qua hai năm thương thuyết khó khăn, cậu bé Tenzin Gyatso mới được rời Amdo lên thủ đô Lhasa và được đưa vào Cung Điện Mùa Hè Norbulingka rồi Cung Điện Mùa Đông Potala để được nuôi dưỡng và giáo dục đúng theo giáo lý bởi những vị cao tăng uyên bác. Trong thời gian đó, một quan nhiếp chính được chỉ định để lo việc nước.

Tình hình càng trở nên tệ hại khi Tưởng Giới Thạch bị thua phải chạy ra đảo Đài Loan (1949), Hồng Quân chiếm trọn Hoa Lục đồng thời cũng xua quân vào cưỡng chiếm Tây Tạng với chiêu bài “giải phóng nhân dân Tây Tạng đang bị giai cấp phong kiến áp bức.”

Và đã có ngay từng đợt hàng trăm ngàn binh lính Trung Cộng tiến vào Tây Tạng, kéo theo sau là gia đình của họ. Khác xa với hứa hẹn ban đầu bảo đảm tự do tín ngưỡng và phong tục tập quán của dân Tây Tạng, họ mở ngay chiến dịch chống tôn giáo, đồng thời thi hành “chánh sách tàm thực/ tầm ăn dâu” không ngừng di dân gốc Hán vào đất nước Tây Tạng.

Năm 1950, do nhu cầu cấp bách của thời cuộc, ở cái tuổi mới 16, Tenzin Gyatso đã phải rất sớm đứng ra đảm đương mọi trách nhiệm chánh trị điều hành quốc gia Tây Tạng.  Năm 1954, Gyatso bị đưa sang Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông trong ý muốn thuyết phục vị Dalai Lama trẻ tuổi ấy chấp nhận một xứ sở Tây Tạng sát nhập vào trật tự nước Trung Hoa.

Trước nguy cơ diệt vong, năm 1959 nhân dân Tây Tạng lại nhất loạt nổi dậy, nhưng đã bị Hồng Quân trấn áp và tàn sát không thương tiếc. Trong cuốn tự truyện Tự Do Trong Lưu Đầy – Freedom in Exile, Tenzin Gyatso viết:

“Trong gần một thập niên, ở cương vị người lãnh đạo chánh trị và tôn giáo cho dân tộc Tây Tạng, tôi đã cố gắng tái tạo mối liên hệ hòa bình giữa hai quốc gia Tây Tạng và Trung Hoa, nhưng trách vụ ấy không thể hoàn thành. Tôi đi tới kết luận là tôi sẽ phục vụ dân tộc tôi được nhiều hơn nếu tôi sống ở nước ngoài.” (1)

Đức Dalai Lama thứ 14 đã dẫn hơn một trăm ngàn dân Tây Tạng vượt biên giới thoát sang Ấn Độ. Bất chấp sự chống đối và cả hăm dọa của Bắc Kinh, chánh phủ Ấn vẫn giúp định cư số người Tây Tạng lưu vong này nơi thị trấn Dharmasala dưới chân rặng Hy Mã Lạp Sơn. Một chánh phủ lưu vong Kashag được hình thành như niềm hy vọng sống còn đối với người dân Tây Tạng trong nước.

Phía Trung Quốc bất kể nguyện vọng dân Tây Tạng ra sao, họ vẫn sát nhập quốc gia này vào “Nước mẹ vĩ đại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.” Tháng 9 năm 1965, Bắc Kinh tuyên bố lập “Vùng tự trị Tây Tạng – Tibetan Autonomous Region” trực thuộc nước Trung Hoa. Điều ấy có nghĩa là quốc gia Tây Tạng bị Bắc Kinh xoá tên trên bản đồ thế giới.

Và rồi các giai đoạn thảm khốc nhất đã diễn ra trong suốt thập niên sau đó khi có cuộc Cách Mạng Văn Hóa. Cả một di sản văn hóa của dân tộc Tây Tạng bị tận diệt một cách công khai và có hệ thống bởi những đoàn Vệ Binh Đỏ. Các đền đài tu viện bị phá trụi, các tranh tượng tôn giáo bị hủy hoại. Hàng chục ngàn người Tây Tạng bị kết tội “phản động” vì không chịu lên án Đức Dalai Lama và từ bỏ đức tin của họ.

Theo thống kê của Trung Cộng (1982) có 3.87 triệu người Tây Tạng, nếp sống đơn sơ và hiếu khách nhưng họ là một dân tộc đang phải sống trong nô lệ và chịu nỗi khổ đau vô hạn “trong nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.

h3Hình 3: Uống nước nhớ nguồn. Ngay sau cuộc nổi dậy của nhân dân Tây Tạng 1959 bị Bắc Kinh đàn áp đẫm máu khiến Đức Dalai Lama và hơn 100,000 người Tây Tạng phải tỵ nạn sang Ấn Độ. Việt Nam Cộng Hoà lúc ấy đã tức thời gửi lúa gạo sang cứu trợ. Lúa gạo ấy đã được gieo trồng từ nguồn nước con Sông Mekong. Đức Dalai Lama đã tiếp Phái đoàn Việt Nam tại Darjeeling, Ấn Độ. Từ trái: Gs Lê Xuân Khoa Tổng thư ký Hội Văn hoá Á Châu, Thượng toạ Thích Trí Dũng, Đức Dalai Lama, và Phó Chủ tịch Quốc Hội VNCH Cổ Văn Hai. (4)

Tháng 10 năm 1987, không còn kiên nhẫn hơn được nữa, dân Tây Tạng lại vùng dậy và cũng lại bị quân chiếm đóng Trung Cộng đàn áp tàn bạo. Đã có khoảng 1.2 triệu người Tây Tạng bị giết, một con số thật khủng khiếp nếu so với tổng số dân Tây Tạng chưa tới 4 triệu.

Để phối hợp với các cuộc đấu tranh ở trong nước, Đức Dalai Lama đã rời Dharmasala và du hành qua nhiều quốc gia trên thế giới để nói lên nguyện vọng được sống trong độc lập và tự do của nhân dân Tây Tạng.

Tenzin Gyatso chỉ nhận mình là một nhà sư giản dị, không bao giờ tự huyền thoại hóa mình là Phật Sống. Bất cứ ở đâu, bất cứ lúc nào, vẫn luôn luôn là một con người nhu hòa không định kiến, vượt lên trên mọi khen chê. Ông là một con người giàu lòng từ bi, hơn thế nữa là con người của tự do. Với tinh thần bất bạo động linh hoạt – active non-violence, ông luôn luôn cố gắng tái tạo mối liên hệ tin cậy và hòa bình với phía thù nghịch cho dù Bắc Kinh không từ một thủ đoạn nào để gây tai tiếng và bôi nhọ ông.

h4Hình 4: Jampa Yeshi, tên người thanh niên Tây Tạng đang chạy như một ngọn đuốc trên một đường phố New Dehi 26.3.2012 đòi tự do cho nhân dân Tây Tạng. Từ 2009 tới 2016, đã có 153 nhà sư và thường dân Tây Tạng tự thiêu phản kháng sự chiếm đóng của Trung Quốc. Nguồn: AP, photo by Manish Swarup

Cho dù gần đây Trung Cộng cho xây dựng lại một số chùa chiền ở Tây Tạng bề ngoài như một “sửa sai sau Cách Mạng Văn Hóa” nhưng chỉ là để phát triển kỹ nghệ du lịch; cùng một lúc họ cho gài công an chìm vào khắp các tu viện, đi xa hơn nữa Bắc Kinh còn cấm người trẻ đi tu và đồng thời cưỡng bách các vị sư già ngoài 60 tuổi phải về hưu trong khi vẫn không ngừng rêu rao “Tự do tôn giáo là điều được ghi trong hiến pháp”.

Nếu chỉ viếng thăm Tây Tạng “như một khách du lịch” và đi theo đoàn du khách với cô hướng dẫn người gốc Hán thì mọi sự đều rất êm thấm, cũng như một số khách Tây Phương – kể cả chánh trị gia lão thành Edward Heath cựu thủ tướng Anh, được Bắc Kinh tổ chức cho đi thăm Tây Tạng, khi trở về nói mọi chuyện ở đó đều tốt đẹp. Họ nói thật qua những điều dàn dựng và được phép cho thấy. Và bao giờ cũng vậy, những điều cho thấy ấy là một sự dối trá trắng trợn.

TÂY TẠNG VÀ BÀI HỌC AN NAM ĐÔ HỘ PHỦ

Trong khoảng hơn 20 năm từ 1995, kể từ khi có mối quan tâm về con Sông Mekong dài hơn 4,800 km ấy, về phương diện địa dư chính trị/ geopolitics, người viết luôn luôn xem Tây Tạng như một quốc gia, và con Sông Mekong chảy qua 7 quốc gia – thay vì 6. Nếu không kể Tây Tạng như một quốc gia đầu nguồn, một cách vô thức, cộng đồng quốc tế đã mặc nhiên hợp thức hoá dã tâm của Bắc Kinh muốn xoá Tây Tạng trên bản đồ thế giới.

Trong buổi lễ trao Giải thưởng Nhân quyền Robert F. Kennedy ngày 9 tháng 11 năm 1998 tại Đại Học Georgetown, Đức Dalai Lama tỏ ý ao ước được viếng thăm Việt Nam năm 2000. Điều đặc biệt hơn nữa là Đức Dalai Lama còn có đề nghị với các học giả Việt Nam hãy cung cấp cho các nhà sử học Tây Tạng những sử liệu liên quan tới mối quan hệ giữa Việt Nam – Trung Hoa và Việt Nam – Tây Tạng.

Và ai cũng hiểu rằng Đức Dalai Lama muốn nhân dân Tây Tạng tìm đến “Bài học Việt Nam”, làm thế nào dân tộc Việt vẫn lấy lại được nền tự chủ sau cả ngàn năm đã bị người Tàu đô hộ và quyết tâm đồng hóa. Đó như một “thông điệp hy vọng” của những người dân Tây Tạng đang bị Trung Quốc áp bức như hiện nay. (4)

Nhưng cũng để thấy ngay một khác biệt sâu xa giữa hai quốc gia Việt Nam và Tây Tạng. Trong hơn một ngàn năm bị đô hộ ấy, Trung Hoa chưa có nạn nhân mãn, Việt Nam vẫn là xứ xa xôi còn bị coi là man di chưa xuống xa tới Đồng Bằng Sông Cửu Long, chưa phải đối đầu với “chính sách tàm thực di dân Hán hóa” như thảm trạng hiện nay của Tây Tạng, khiến dân Tây Tạng đang mau chóng trở thành thiểu số trong biển người Hán ngay trên chính quê hương của họ. Với chiêu bài dân chủ nhân danh quyền tự quyết, nếu có một cuộc trưng cầu dân ý diễn ra trên đất nước Tây Tạng do Bắc Kinh chủ xướng, thì đó là một “cuộc tự sát” mà không một người dân Tây Tạng nào có thể ngây thơ chấp nhận.

Đã 16 năm kể từ năm 2000, Đức Dalai Lama năm nay cũng đã hơn 81 tuổi, và không có cuộc viếng thăm nào của Đức Dalai Lama tới Việt Nam. Chấp nhận hay không cuộc viếng thăm ấy là một thử thách can đảm đối với nhà cầm quyền Cộng sản Hà Nội. Đó cũng là thước đo mức tự chủ của Việt Nam đối với Trung Quốc.

TÂY TẠNG MẠCH SỐNG CỦA CHÂU Á

Các con sông lớn như mạch sống cho toàn vùng Châu Á đều bắt nguồn từ Cao nguyên Tây Tạng. (2)

Phía tây, gần rặng núi Kailash là hai con Sông Indus và Sutlej chảy về hướng tây nam và giao thoa với ba con sông khác để hình thành vùng châu thổ Punjab giữa hai nước Ấn và Hồi.

Phía nam là con Sông Yarlung Tsangpo hay “nguồn tinh khiết” còn được mệnh danh là “con sông cao nhất thế giới”, với các ghềnh thác xuyên dãy Hy Mã Lạp Sơn, rồi chảy qua Ấn độ, Bhutan và Bangladesh, con sông mang tên Brahmaputra trước khi đổ vào Vịnh Bengal, thuộc Ấn Độ Dương.

Phía đông là khởi nguồn của các con sông lớn khác: Sông Dương Tử 6,500 km dài nhất Châu Á chảy về hướng đông theo suốt chiều ngang lãnh thổ Trung Hoa tới Thượng Hải, còn Hoàng Hà thì chảy về hướng bắc rồi sang đông tới Thiên Tân – Tianjin, và cả hai cùng đổ ra biển Trung Hoa.

Phía nam là hai con Sông Irrawaddy và Salween chảy xuống Miến Điện theo hướng bắc nam trước khi đổ vào Biển Andaman, những con đập thuỷ điện Made-in China nay đang bắt đầu xiềng xích và huỷ hoại hệ sinh thái của hai con sông Miến Điện này. [Hình 5]

h5Hình 5: Quốc gia Tây Tạng, nơi phát xuất những con sông lớn của Châu Á. Nguồn: Meltdown in Tibet, Michael Buckley, Palgrave MacMillan 2014

Riêng con Sông Mekong dài hơn 4,800 km, mang nhiều tên khác nhau, bắt nguồn từ Tây Tạng: có tên Dza-Chu có nghĩa “nguồn nước của đá,” tiếp tục chảy về hướng nam băng qua những hẻm núi sâu của tỉnh Vân Nam với tên Trung Hoa là Lancang Jiang “con sông xanh cuộn sóng,” qua đến biên giới Lào Thái mang một tên khác Mae Nam Khong “con sông mẹ,” xuống Cam Bốt lại mang một tên khác nữa Tonle Thom “con sông lớn” cuối cùng chảy qua Việt Nam mang tên Cửu Long “chín con rồng” với hai nhánh chính là Sông Tiền và Sông Hậu đổ ra Biển Đông bằng chín cửa sông, và nay chỉ còn bảy.

Cũng để thấy một con Sông Mekong hoang dã không còn nữa khi 6 con đập dòng chính khổng lồ Vân Nam đã hoàn tất, và 12 con đập hạ lưu Lào và Cam Bốt đang lần lượt được triển khai, cùng với những kế hoạch thuỷ lợi nguy hiểm là chuyển dòng lấy nước trên suốt chiều dài con Sông Mekong. Hậu quả là sự suy thoái của toàn thể hệ sinh thái lưu vực Sông Mekong và Đồng Bằng Sông Cửu Long thì khô hạn, nhiễm mặn và đang chết dần.

TIẾNG NÓI BẢO VỆ MÔI SINH

Đức Dalai Lama không chỉ là vị lãnh đạo tinh thần của dân Tây Tạng, ông còn là tiếng nói của “từ tâm” luôn luôn đấu tranh cho nhân quyền và bảo vệ môi sinh cho toàn hành tinh này.

Với quốc gia Tây Tạng, Đức Dalai Lama đã giành ưu tiên cho bảo vệ môi sinh thay vì thay vì những vấn đề chính trị nóng bỏng.

“Lịch trình chính trị có thể hoãn lại 5 – 10 năm nhưng cộng đồng quốc tế cần tập trung quan tâm tới biến đổi khí hậu trên Cao nguyên Tây Tạng: khối băng tuyết đang tan rã, nạn phá rừng, và ô nhiễm nguồn nước do những dự án khai thác hầm mỏ, là những vấn đề cấp thiết, không thể chờ đợi.”

Đức Dalai Lama đã nói với Đại sứ Hoa Kỳ Timothy Roemer như vậy trong một gặp gỡ ở New Delhi, thủ đô Ấn Độ vào tháng 8, 2009. Nguồn: Wikileaks Cables, the Guardian 10-8-2009

Từ trên đầu nguồn, những con sông lớn Châu Á đang bị Trung Quốc phá huỷ một cách toàn diện và có hệ thống: với khí thải từ các nhà máy gây hiệu ứng nhà kính khiến khối băng tuyết đang tan rã, rồi nạn phá rừng tự sát / suicidal deforestation, tới các kế hoạch khai thác hầm mỏ đại quy mô, tàn phá sinh cảnh, gây ô nhiễm các nguồn nước; những con sông trên Cao nguyên Tây Tạng cũng đang bị Trung Quốc xiềng xích bởi những con đập thuỷ điện và người dân Tây Tạng thì bị đuổi ra khỏi vùng đất đang sinh sống của họ.

h6Hình 6: Hâm Nóng Toàn Cầu trên Tây Tạng; Nếu Tây Tạng khô hạn, Châu Á chết. Nguồn: Meltdown in Tibet, Michael Buckley, MacMillan 2014

Hoa Lục xác nhận là sẽ xây các con đập lớn trên thượng nguồn Sông Yarlung Tsangpo – Brahmaputra, trước khi con sông ấy chảy sang Ấn Độ, Bhutan và Bangladesh. Brahmaputra là dòng sông huyết mạch của bao nhiêu triệu cư dân của 3 quốc gia này.

Giới chức Hoa Lục cho biết họ sẽ còn xây thêm những con đập khác giữa các quận hạt Sangro và Jiacha. Khi hoàn tất, tổng số công suất của những con đập thủy điện này sẽ “nhiều lần lớn hơn” công suất con đập Tam Hiệp (Three Gorges Dam) lớn nhất thế giới trên sông Dương Tử. Nguồn năng lượng mới này tương đương với 100 triệu tấn than đá, hoặc bằng toàn trữ lượng dầu khí trên Biển Đông. Yan Zhiyong, tổng giám đốc Nhóm Tham vấn Thủy điện Trung Quốc (China Hydropower Engineering Consulting Group) nhận định: “Tây Tạng là nguồn dự trữ thủy điện lớn nhất so với các tỉnh khác của Trung Quốc. Chuyển điện từ Tây Tạng sang các tỉnh miền Đông sẽ giải quyết vấn đề thiếu năng lượng của Trung Quốc”.

Anant Krishnan, nhà ngoại giao cao cấp của Ấn Độ cho rằng kế hoạch xây đập tràn lan của Bắc Kinh, cho dù đó là trong lãnh thổ Trung Quốc — thực ra là trong lãnh thổ quốc gia Tây Tạng, chắc chắn sẽ ảnh hưởng tác hại tới mối quan hệ đối với các quốc gia hạ nguồn. Rồi ông ta cũng không quên so sánh:

Ấn Độ bị báo động vì những con đập trên sông Yarlung Tsangpo- Brahmaputra, cũng giống như với các quốc gia Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Việt Nam đối với những con đập Vân Nam trên thượng nguồn Sông Lancang – Mekong”.

h7Hình 7: Cứu Tây Tạng là cứu mạch sống Châu Á. Nguồn: International Campaign for Tibet

Cho dù đang có những mối lo âu về sự tồn vong của quê hương nhưng Đức Dalai Lama cũng rất quan tâm tới những vấn đề chung của nhân loại. Ông đề cập tới vấn đề môi sinh với một tầm nhìn xa và trong mối tương quan toàn cầu và luôn luôn muốn “giữ xanh” hành tinh này, qua thông điệp nhân Ngày Môi Sinh Thế Giới / World Environment Day [06.05.1986]:

“Hòa bình và sự sống trên trái đất đang bị đe dọa bởi những hoạt động của con người thiếu quan tâm tới những giá trị nhân bản. Hủy hoại thiên nhiên và các nguồn tài nguyên thiên nhiên là do hậu quả của lòng tham lam và thiếu tôn kính đối với sự sống trên hành tinh này… Chúng ta dễ dàng tha thứ cho những gì đã xảy ra trong quá khứ do bởi u minh. Nhưng ngày nay do hiểu biết hơn, chúng ta phải duyệt xét lại với tiêu chuẩn đạo đức là phần gia tài nào mà chúng ta thừa hưởng, phần nào chúng ta có trách nhiệm sẽ truyền lại cho thế hệ mai sau.”

NGÔ THẾ VINH

California, ngày 11.01.2017

_____

Tham khảo:

1/ Freedom in Exile; The Autobiography of The Dalai Lama. Tenzin Gyatso, Hodder & Stoughton Ltd, London, 1990.

2/ Meltdown in Tibet: China’s Reckless Destruction of Ecosystems from the Highlands of Tibet to the Deltas of Asia. Michael Buckley. Palgrave MacMillan, New York, 2014   

3/ Global Ecology and the Made in China Dams; Ngô Thế Vinh, Viet Ecology Foundation 2010; http://vietecology.org/Article.aspx/Article/62

4/ The Nine Dragons Drained Dry, The East Sea in Turmoil. Ngô Thế Vinh, Viet Ecology Press, Người Việt Books, Nxb Giấy Vụn 2016.

Cà Mau: Cầu vừa thông xe, chưa khánh thành đã sập

Chân Trời Mới Media added a new video.

Cà Mau: Cầu vừa thông xe, chưa khánh thành đã sập

Chiếc cầu Ô Rô ở Xã Đất Mũi, Huyện Ngọc Hiển, Tỉnh Cà Mau vừa gây xôn xao cả nước khi vừa khánh thành ít hôm đã sập đùng xuống nước. May cầu sập trong đêm, nên không nghe nói có ai bị thiệt mạng. Tuy nhiên cầu sập trong tình trạng chẳng có gì đè lên nó!

Các phóng viên không giấu nỗi ngao ngán tình trạng thi công ẩu chiếc cầu 4 tỉ và xây trong 3 năm này không thua gì dân địa phương nên đưa ra lời bình hơi nặng so với truyền thông lề đảng.

Nguồn clip: HGTV

Thủ tướng Việt Nam thừa nhận nợ công vượt trần

 Thủ tướng Việt Nam thừa nhận nợ công vượt trần

VOA

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nợ công của chính phủ Việt Nam đã vượt trần

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nợ công của chính phủ Việt Nam đã vượt trần

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận nợ công của chính phủ Việt Nam đã vượt trần và cảnh báo về nguy cơ sụp đổ nền tài khóa quốc gia nếu tình trạng này không được chấm dứt.

Tại một hội nghị tổng kết ngành tài chính được tổ chức tại Hà Nội hôm 6/1, thủ tướng được các báo trong nước trích lời cho biết tỷ lệ nợ công tăng rất nhanh, trung bình gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP trong 5 năm qua.

Theo ghi nhận của truyền thông trong nước, bộ tài chính ước tính nợ công của Việt Nam chiếm 64.73% GDP vào cuối năm ngoái – gần chạm ngưỡng cho phép 65%.

NGUYỄN ĐẶNG MINH MẪN, sinh nhật trong tù.

From facebook:   Phan Thị Hồng‘s post.
Image may contain: 1 person, standing and outdoor
Image may contain: 5 people, people standing, text and outdoor
Image may contain: 1 person
Image may contain: 4 people, people standing
Image may contain: flower
Phan Thị Hồng added 5 new photos — with Suong Quynh 

 NGUYỄN ĐẶNG MINH MẪN, sinh nhật trong tù.

Ngày 10/1/2017, sinh nhật 32 tuổi người con gái đang ở trong tù !!!

NGUYỄN ĐẶNG MINH MẪN bị bắt ngày 31 tháng 7 năm 2011. Cô, mẹ cô là bà Đặng Ngọc Minh và anh trai Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc bị Tòa án tỉnh Nghệ An xét xử trong phiên tòa kéo dài hai ngày 8 và 9 tháng 1 năm 2013 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền theo điều 79 Bộ Luật hình sự Việt Nam” cùng với nhóm tất cả 14 nhà yêu nước, hoạt động nhân quyền và thanh niên Công giáo ở Vinh.

Trong vụ án này, 79 năm tù là mức án dành cho 14 con người yêu nước.

Đặc biệt, trong vụ án này có 3 mẹ con cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn cùng bị bắt, gồm mẹ cô bà Đặng Ngọc Minh (SN 1957), anh trai Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc (SN 1980) và Nguyễn Đặng Minh Mẫn (SN 1985) cùng trú tại TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh.

Cô Nguyễn Đặng Minh Mẫn bị tuyên án 8 năm tù giam và 5 năm quản chế. Người mẹ Đặng Ngọc Minh bị tuyên 3 năm tù và 2 năm quản chế. Bà Minh mãn án vào ngày 10 tháng 6 năm 2014. Người anh trai Nguyễn Đặng Vĩnh Phúc bị 3 năm án treo.

Chúc Mừng sinh nhật một cô gái tuổi đời còn rất trẻ mà đã hơn 5 năm lao khổ trong ngục tù, chuỗi ngày tù ngục của cô còn dài thăm thẫm.

Căm phẫn, đau đớn và xót xa!

Lại thêm một cái Tết trong đêm đông lạnh lẽo dành cho những con người yêu nước !!!

Xin gióng một tiếng chuông nhớ thương một người !!!

Tai họa Formosa, phân nửa sự thật và sự suy đồi

Kính Hòa, phóng viên RFA
2017-01-09
Ban giám đốc tập đoàn Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam tại cuộc họp báo công bố lý do cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 2016 tại Hà Nội.

Ban giám đốc tập đoàn Formosa cúi đầu xin lỗi người dân Việt Nam tại cuộc họp báo công bố lý do cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam ngày 30 tháng 6 năm 2016 tại Hà Nội.

AFP photo

Môi trường và chính trị

Vụ nhiễm độc biển, làm cá chết hàng loạt, do chất thải của nhà máy luyện thép Formosa gây ra, bùng nổ vào đầu tháng tư năm 2016. Hàng ngàn tấn cá chết dạt vào bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, QuảngTrị, và Thừa Thiên Huế trong tháng tư và tháng năm. Tai họa môi trường này làm cho hàng chục ngàn ngư dân mất việc làm, kéo theo hàng loạt những cuộc biểu tình bảo vệ môi trường, đòi đền bù, trong đó có những cuộc biểu tình lên đến 10 ngàn người.

Thế nhưng vụ Formosa không được Bộ tài nguyên và môi trường xếp vào một trong 10 sự kiện nổi bật của ngành tài nguyên và môi trường trong năm 2016.

Trong 10 sự kiện nổi bật mà Bộ tài nguyên môi trường công bố, có phân nửa là các nghị quyết, hay chỉ thị của đảng cộng sản và nhà nước Việt Nam. Nhà báo độc lập Huỳnh Ngọc Chênh nhận xét về danh sách 10 sự kiện này:

“Tôi chỉ nhớ loáng thoáng tôi đọc cách đây vài ngày, không còn nhớ rõ, mà nó chả đáng là những sự kiện, trong đó có chuyện triển khai nghị quyết đảng chi đó, chỉ là những chuyện vớ vẩn chẳng phải là một sự kiện.”

Rất nhiều người được chúng tôi tiếp xúc đều nói rằng không thể chối cãi rằng thảm họa Formosa là một sự kiện cực kỳ lớn, thậm chí mang tầm vóc quốc tế, xuyên biên giới.

Tuy nhiên một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng ở Việt Nam là kỹ sư Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng:

“Nó (vụ Formosa) không chỉ là vấn đề môi trường mà còn là một câu chuyện chính trị nữa, cho nên tôi cũng không rành lắm. Đâu phải vấn đề gì dân đồng ý mà họ đồng ý đâu.”

Không đếm xỉa gì đến nỗi bất hạnh của dân. Người ta chỉ coi trọng vai trò của nhà nước và sự lãnh đạo của đảng thôi. Họ coi đấy là số một. Và như thế hết sức là bi kịch.
-Ông Nguyễn Khắc Mai

Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho rằng vụ Formosa không chỉ đơn giản là một tai nạn do doanh nghiệp gây ra mà nó còn liên quan đến hàng loạt quan chức Việt Nam đã cấp giấy phép hoạt động cho công ty này, từ ông cựu Thủ tướng, cựu Bộ trưởng cho đến viên bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh. Vì thế theo ông Huỳnh Ngọc Chênh:

Qua những chuyện như vậy thì thấy rằng họ không đưa sự kiện Formosa vào trong 10 sự kiện là họ có ý đồ, muốn bưng bít không cho người dân nhớ đến chuyện này.”

Lên tiếng giải thích với công luận Việt Nam tại sao vụ Formosa không được đưa vào làm một trong những sự kiện quan trọng của ngành tài nguyên môi trường, một quan chức Việt Nam của Bộ Tài nguyên  và môi trường nói rằng chỉ ghi nhận những sự kiện mang tính tích cực mà thôi.

Một cựu viên chức từng phụ trách ngành dân vận của đảng cộng sản Việt Nam là ông Nguyễn Khắc Mai nói với chúng tôi rằng việc đưa tin tức theo kiểu chỉ loan báo những điều tốt đẹp vẫn còn trong não trạng quan chức Việt Nam.

“Đó là cái bệnh, cái tật bệnh của chủ nghĩa Mác Lê Nin, phải nói thẳng như vậy. Bởi vì thực chất người ta coi dân không ra gì. Không đếm xỉa gì đến nỗi bất hạnh của dân. Người ta chỉ coi trọng vai trò của nhà nước và sự lãnh đạo của đảng thôi. Họ coi đấy là số một. Và như thế hết sức là bi kịch.”

Ông Nguyễn Khắc Mai còn so sánh chế độ của đảng cộng sản ngày nay còn kém hơn các triều đại phong kiến trước kia, khi vua quan đứng ra nhận lỗi lầm hoặc tổ chức tưởng nhớ những người dân thiệt mạng khi những vụ thiên tai địch họa xảy ra.

Thông tin có lợi và thông tin có hại

000_CL918-400.jpg
Từ trái qua: Bộ trưởng Bộ nguồn tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại cuộc họp báo công bố lý do cá chết hàng loạt ở miền trung Việt Nam. Ảnh chụp ngày 30/6/2016 tại Hà Nội. AFP photo

Nhận định về việc loan truyền tin tức về những vụ tiêu cực tại Việt Nam trong những năm vừa qua nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết là do ảnh hưởng của mạng lưới thông tin điện tử nên những người cầm quyền tại Việt Nam cũng cho phép một sự thông tin tự do hơn:

“Càng ngày nhà nước cũng mạnh dạn công khai thông tin, kể cả những thông tin tiêu cực, không bưng bít một cách tuyệt đối như ngày xưa. Nhưng việc công khai nó ra cũng chưa đến đâu cả, vẫn tùy theo thông tin, có lợi hay không có lợi cho đảng, cho nhà cầm quyền.”

Liên quan đến tại họa môi trường Formosa, ông Nguyễn Huỳnh Thuật cho rằng có lẽ chính quyền sợ rằng nếu xếp vụ này vào một trong 10 sự kiện nổi bật nhất trong ngành môi trường trong năm 2016, nhà nước sợ rằng dân chúng sẽ vin vào đó tiếp tục đòi hỏi việc đền bù cho mình, hay là sẽ tiếp tục kéo theo những cuộc phản kháng.

Cách nhìn nhận vấn đề như vậy của nhà nước Việt Nam bị ông Nguyễn Khắc Mai cho là rất kém, lợi bất cập hại:

“Ngu xuẩn thì mới làm như vậy, chứ nếu mà khôn ra thì biết an ủi dân, để từ đó người ta có thể quên đi, người ta tha thứ cho. Còn làm như thế này tưởng để người ta quên đi, nhưng thật ra lại nhấn vào, khoét sâu vào nổi đau của dân tộc.”

Một nửa sự thật

Theo kỹ sư Nguyễn Huỳnh Thuật, người từng phản kháng thành công việc xây dựng hai nhà máy thủy điện có nguy cơ gây hại môi trường trên sông Đồng Nai, thì cái cách nhìn nhận vấn đề hiện nay của chính quyền là cái cách chỉ đưa ra được phân nửa sự thật. Ông nói tiếp:

“Vấn đề là sự thật cần được nhìn nhận, nhìn nhận được rồi thì mình sẽ có cách để chuyển hóa, để cho nó tốt hơn. Không dám nhìn nhận sự thật thì nó rất là khó. Mà trong bối cảnh này thì sự thật chưa được nhìn nhận, cũng như nhiều sự thật trước kia không được nhìn nhận.”

Kết thúc buổi nói chuyện với chúng tôi, nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, người từng tham gia các cuộc biểu tình vì môi trường sau vụ Formosa, một lần nữa nhấn mạnh tầm vóc thảm họa Vũng Áng Formosa:

Tập thể những nhà lãnh đạo phải can đảm nhìn vào sự thật.
-Ông Nguyễn Huỳnh Thuật

Đó là một sự kiện vô cùng lớn, từ Nghệ An vào đến Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, làm cho bao nhiêu ngư dân điêu đứng, làm cho cả một nền kinh tế biển và du lịch ở cả dãy đất miền Trung bị thiệt hại nặng nề. Mà cho đến bây giờ người dân vẫn chưa tìm ra lối ra để sinh sống. Cho nên đó là một sự kiện rất lớn.”

Ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng ông lo rằng những diễn biến sau khi xảy ra thảm họa, cái cách nhà cầm quyền giải quyết sự việc là một điều nguy hiểm rất nghiêm trọng cho đất nước và dân tộc Việt Nam hiện nay:

Tôi sợ đây là một vấn đề mà tôi cho là sự suy đồi văn hóa, một văn hóa chính trị đang suy đồi, và đấy là nỗi bất hạnh của dân thôi.”

Ông Nguyễn Huỳnh Thuật, người đang thực hiện thành công khu du lịch sinh thái Rừng Gọi tại vùng Nam Cát Tiên, lại có cái nhìn lạc quan hơn, mặc dù ông vẫn cho rằng có nhiều câu chuyện về môi trường tại Việt Nam không kết thúc có hậu như chuyện ông và đồng nghiệp phản đối các dự án thủy điện trên sông Đồng Nai. Theo ông thì để giải quyết những vấn đề đó cần một sự can đảm của tập thể những nhà cầm quyền, dám nhìn thẳng vào sự thật.

Công an đánh chết người ở Bình Ðịnh: ‘Chết do chạy quá sức’

Công an đánh chết người ở Bình Ðịnh: ‘Chết do chạy quá sức’

Nguoi-viet.com

Anh Phạm Ðặng Toàn được đưa đi cấp cứu nhưng đã chết. (Hình: báo VNExpress)

BÌNH ÐỊNH (NV) – Công an đưa ra kết quả giảo nghiệm cho rằng, nạn nhân nghi bị công an huyện Tuy Phước đánh chết khi bắt sòng bầu cua là “chết do chạy quá sức.”

Truyền thông Việt Nam loan tin, ngày 4 tháng 1, cơ quan pháp y của tỉnh Bình Ðịnh đã có kết luận giảo nghiệm tử thi anh Phạm Ðặng Toàn (29 tuổi), xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước “chết là do chạy quá sức dẫn đến không đủ oxy cung cấp cho phổi để phổi kịp đưa lên não dẫn đến phù phổi, phù não; hoàn toàn không có dấu vết của tác động ngoại lực,” sau khi được phát hiện chết trước nhà dân trong lúc công an huyện này tổ chức bắt sòng bầu cua ở chợ Ðịnh Thiện, xã Phước Quang.

Tuy nhiên theo báo Thanh Niên, kết quả giảo nghiệm trước đó cho thấy, não và phổi của nạn nhân đều bị phù; vùng trán trái có vết xây xát, vùng gò má có một vết xây xát do té ngã xuống nền xi măng.

Với kết quả giảo nghiệm đáng nghi ngờ này, song nói với truyền thông Việt Nam, một lãnh đạo công an tỉnh Bình Ðịnh cho biết “hiện tại cơ quan công an đang điều tra làm rõ việc những người đã đánh hai công an bị thương để đem ra xử lý trước pháp luật.”

Như tin đã loan, đêm 2 tháng 1, tổ công tác công an huyện Tuy Phước gồm 6 công an tuần tra phát hiện một nhóm thanh niên khoảng 20-30 người đang tụ tập tại chợ Ðịnh Thiện đánh bầu cua.

Khi thấy công an, mọi người đã bỏ chạy tán loạn. Một gia đình ở gần đó đã phát hiện anh Toàn nằm trước cửa nhà trong tình trạng tím tái mặt mày nên đã kêu mọi người đưa đi cấp cứu, song anh Toàn đã chết trước khi đến trung tâm y tế thị xã An Nhơn.

Theo ông Phạm Ðặng Tiến (35 tuổi), anh ruột của anh Toàn, khi thấy công an, anh Toàn có bỏ chạy nhưng bị bắt lại và sau đó thì bị chết.

Nghi cái chết của anh Toàn có liên quan đến công an, người dân đã đuổi theo tổ công tác, bắt được hai thiếu úy công an đưa đến bệnh viện bắt quỳ bên thi thể nạn nhân. Vụ việc được quay clip, tung lên YouTube và Facebook gây chấn động dư luận. (Tr.N)