Kiện công an vì bỗng nhiên bị vây bắt, còng tay giữa chợ

Kiện công an vì bỗng nhiên bị vây bắt, còng tay giữa chợ

Vợ chồng ông Hoài bị bắt, còng tay vô cớ vì nghi “bắt cóc trẻ em.” (Hình: Báo Pháp Luật TP.HCM)

BÌNH THUẬN (NV) – Hai vợ chồng đang đi chợ thì có người hô hoán bắt cóc trẻ em, rồi bỗng nhiên bị công an đuổi bắt, còng tay, áp giải về trụ sở dù không rõ đầu đuôi. Uất ức, họ đã tính chuyện khởi kiện.

Nói với phóng viên báo Pháp Luật Sài Gòn, ngày 7 Tháng Hai, vợ chồng ông Nguyễn Hoài (28 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hoa Mai (30 tuổi), nạn nhân bị người dân và công an thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, bắt giữ, còng tay vì cho rằng “bắt cóc trẻ con” cho biết, sự việc xảy ra khiến vợ chồng ông vô cùng đau đớn và uất ức. Vì vậy, hai vợ chồng đã mượn tiền chủ trang trại thanh long nơi đang làm thuê về quê ở Phú Yên để cùng gia đình tính toán khởi kiện những người liên quan. Bởi vì sau khi bị bắt, còng tay đi đâu hai vợ chồng cũng bị nghi ngờ.

Tối 5 Tháng Hai, trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều hình ảnh, video clip về việc người dân, bảo vệ dân phố và công an thị trấn Tân Minh đã bắt giữ hai vợ chồng đi xe đạp vì nghi ngờ họ bắt cóc trẻ em, bởi vì đôi vợ chồng trên thường vào nhà hỏi trẻ nhỏ tối ngủ ở đâu, đi học trường nào… và thường vào chợ nựng mấy đứa trẻ nhỏ.

Trong clip cho thấy, có vài người hành hung cặp vợ chồng này và cả hai người đều bị còng tay áp giải về công an thị trấn Tân Minh. Tuy nhiên, đến tối cùng ngày thì cả hai vợ chồng đều đã được thả vì “bắt nhầm.”

Tuy nhiên theo ông Hoài, chiều 5 Tháng Hai, vợ chồng ông đi xe đạp ra chợ mua rau, mắm, gạo để vào trang trại thanh long để ăn. Tại đây, ông có gặp một người quen là tiểu thương ở chợ do trước đây ông có thuê nhà ở gần nhà người này.

Sau khi ông hỏi thăm rồi đi ra trước cổng chợ thì người này đi theo và bất ngờ hô to ông là thủ phạm bắt cóc trẻ em khiến rất đông người dân ở chợ đã lao vào khống chế ông cùng vợ rồi hành hung. Liền sau đó, công an đến còng tay hai vợ chồng đưa về trụ sở, đến 8 giờ tối cùng ngày mới thả mà không hề có một lời xin lỗi nào.

Nói với phóng viên báo Pháp Luật TP.HCM, bà C., chủ trang trại thanh long nơi vợ chồng ông Hoài đang làm thuê, cho biết vợ chồng ông Hoài đi chợ lúc khoảng 4 giờ chiều thì đến 5 giờ chiều bà nhận được điện thoại của công an yêu cầu mang căn cước của vợ chồng ông Hoài đến. Sau đó có khoảng ba người mặc cảnh phục đến trang trại thanh long tự tiện lục xét giỏ xách vợ chồng ông Hoài mà không hề có biên bản hoặc giấy tờ khám xét gì. (Tr.N)

Dự án nhà ở 100 triệu USD của Formosa gây bất an


Ảnh chụp màn hình từ dantri.com.vn. Báo Dân Trí trích lời một giới chức của Ban Quản lý dự án cho biết dự án 'nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên yên tâm làm việc lâu dài, cũng như xây dựng gia đình, dễ dàng chăm sóc người nhà, giữ người tài an cư lập nghiệp ở Hà Tĩnh'.

Ảnh chụp màn hình từ dantri.com.vn. Báo Dân Trí trích lời một giới chức của Ban Quản lý dự án cho biết dự án ‘nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên yên tâm làm việc lâu dài, cũng như xây dựng gia đình, dễ dàng chăm sóc người nhà, giữ người tài an cư lập nghiệp ở Hà Tĩnh’.

Hôm 7/2, lãnh đạo Ban quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh loan báo dự án của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, cho xây một khu gia cư trị giá hơn 100 triệu đôla (3.150 tỷ đồng) ở thị xã Kỳ Anh, đã khiến một số người quan ngại về khả năng xuất hiện những khu “phố Tàu” trong tương lai.

Được biết dự án khu nhà ở “nghìn tỷ” của Formosa được thực hiện trên một diện tích rộng hơn 19 ha đất tại phường Kỳ Liên và Kỳ Phương thuộc thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, nơi được xem là đầu mối của thảm họa ô nhiễm biển ở các tỉnh miền Trung vào năm 2016.

Dự án sẽ bao gồm những ngôi nhà liền kề và hệ thống cơ sở hạ tầng như nhà trẻ, công viên cho trẻ em, siêu thị, công viên thể thao ngoài trời…

Báo Dân Trí trích lời một giới chức của Ban Quản lý dự án cho biết dự án đó là “nhằm tạo điều kiện cho cán bộ nhân viên yên tâm làm việc lâu dài, cũng như xây dựng gia đình, dễ dàng chăm sóc người nhà, giữ người tài an cư lập nghiệp ở Hà Tĩnh”.

Theo nguồn tin này, công ty Formosa đã xin phép xây dự án nhà ở, gồm ký túc xá hộ gia đình cho cán bộ và công nhân viên của công ty, và đã được chính quyền Việt Nam chấp thuận.

Ngay sau khi tin này được loan ra, một số người Việt Nam bày tỏ lo ngại về khả năng xuất hiện “tô giới” của người Trung Quốc tại khu Formosa.

Linh mục Đặng Hữu Nam, người từng sát cánh với các nạn nhân trong sự kiện ô nhiễm môi trường Formosa, bày tỏ nghi ngờ về đối tượng sẽ được thuê nhà là các công nhân của Formosa, cũng như những lo ngại về thông tin liên quan đến công nhân Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều tại Việt Nam. Ông nói:

“Dù là quan chức (Việt Nam), khi sự kiện ô nhiễm môi trường xảy ra, họ cũng không được vào khu vực của Formosa. Đó đã trở thành tô giới của Tàu. Cũng có rất nhiều thông tin như đường hầm, có bằng chứng hơn 10.000 người là công nhân của Tàu được đưa đến làm việc tại Formosa… Rồi những thông tin mà chúng ta thấy được là những tội phạm người Trung Quốc người ta đưa sang để lao động tại Formosa. Và cũng có thể đó là những người mà ban ngày là công nhân, ban đêm là lính như ở Tân Rai, Bauxite Tây Nguyên mà chúng ta có một vài lần có thể kiểm chứng được điều đó”.

Dự án nhà ở của Formosa có thời gian hoạt động là 50 năm kể từ ngày được cấp quyết định chủ trương đầu tư.

Hai tù nhân lương tâm sắp mãn án

Hai tù nhân lương tâm sắp mãn án

Bà Bùi Thị Minh Hằng trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 24/7/2011.

Bà Bùi Thị Minh Hằng trong cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 24/7/2011.

AFP photo
Hai tù nhân lương tâm Bùi thị Minh Hằng và Đoàn Huy Chương sẽ mãn án tù trong vòng 7 ngày tới.

Cụ thể bà Bùi thị Minh Hằng người hiện thụ án tại trại giam Gia Trung, tỉnh Gia Lai hết hạn 3 năm tù vào ngày thứ bảy 11 tháng 2; và anh Đoàn Huy Chương kết thúc 7 năm tù vào ngày thứ hai 13 tháng 2 tới đây.

Bà Bùi thị Minh Hằng, một người từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc gây hấn với Việt Nam và là một nhà hoạt động vì quyền con người, bị bắt ngày 11 tháng 2 năm 2014 tại khu vực huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp khi bà cùng một số thân hữu và tín đồ Phật giáo Hòa Hảo không theo phái Nhà nước, trên đường đến thăm một cựu tù nhân lương tâm khác là ông Nguyễn Bắc Truyển.

Bà cùng cô Nguyễn Thúy Quỳnh và ông Trần Văn Minh bị giam giữ và sau đó truy tố với cáo buộc ‘gây rối làm mất trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Phiên sơ thẩm xử ba người diễn ra ngày 26 tháng 8 năm 2014 tuyên án bà Bùi thị Minh Hằng 3 năm tù giam, ông Nguyễn Văn Minh  hai năm sáu tháng tù giam và cô Nguyễn Thúy Quỳnh 2 năm tù giam.

Các mức án được giữ nguyên tại phiên phúc thẩm ngày 2 tháng 12 năm 2014.

Anh Đoàn Huy Chương là người tham gia hoạt động đòi hỏi quyền lợi cho công nhân.

Anh bị bắt cùng cô Đỗ thị Minh Hạnh và anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng vào ngày 13 tháng 2 năm 2010 tại tỉnh Trà Vinh. Khi đó cả ba cùng tham gia cuộc đình công kéo dài nhiều ngày của công nhân nhà máy giày da Mỹ Phong tại Trà Vinh. Đợt đình công phản đối cách hành xử xúc phạm của chủ quản Trung Quốc đối với công nhân cũng như mức lương thấp.

Cáo buộc mà cơ quan chức năng đưa ra với nhóm ba người là ‘phá rối an ninh trật tự nhằm chống lại chính quyền nhân dân’ theo điều 89 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Tòa sơ thẩm diễn ra hôm 26 tháng 10 năm 2010 tuyên án anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng 9 năm tù, Đoàn Huy Chương và Đỗ thị Minh Hạnh mỗi người 7 năm tù giam.

Cô Đỗ thị Minh Hạnh được ra tù sớm vào ngày 26 tháng 6 năm 2014.

Sông Quyền lại xuất hiện cá chết hàng loạt

From facebook:   Paul Trần Minh Nhật‘s post.

·
Image may contain: 8 people, people standing, crowd and outdoor
Paul Trần Minh NhậtFollow

Sông Quyền lại xuất hiện cá chết hàng loạt bà con ơi. Dân Kỳ Anh cho hay Formosa – con quái vật của tàu cộng vẫn âm thầm xả thải đầu độc dòng sông. Người dân Hà Tĩnh liên tục chịu nạn. Lần trước khi cá chết người dân đã xuống đường biểu tình. Xin hãy chung tay #Cứu_Sông_Quyền #SaveQuyenRiver #Formosa_cút

Từ “tham gia cướp chính quyền” đến tham gia cướp lộc thánh

Từ “tham gia cướp chính quyền” đến tham gia cướp lộc thánh

TMCNN

Điền Phương Thảo

7-2-2017

ranh cướp lộc ở chùa Hương. Ảnh: Zing

Trong những ngày đầu Xuân, tràn ngập trên các mặt báo, các trang mạng truyền thông là tin tức về sự kiện của các lễ hội, tập tục, cúng tế được tổ chức với mục đích cầu tài lộc, bình an trong năm mới.

Dù là thực hiện một nghi thức mang tính tâm linh và sự kiện được tổ chức ở không gian thiêng như đền, chùa…thế nhưng hành động của những người tham gia lễ hội đều mang đặc điểm chung đó là CƯỚP.

Gì cũng cướp: một lá bùa, một lá ấn, lộc thánh thậm chí là một cọng chiếu, tất tần tật những gì khiến người ta tin rằng giúp mang tài lộc đến cho mình là phải CƯỚP.

Theo TS. Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Tôn giáo, cho biết “trước năm 1945, các hội làng rất quy củ, có trình tự, nghi thức trang nghiêm trong thời điểm thiêng, không gian thiêng. Thế nhưng, hành động cướp lộc giờ đây chỉ cho thấy sự vô tổ chức, hoàn toàn trái với ngày xưa”.

Vậy thì vì đâu nên nỗi ?

Philippines là một đất nước chậm phát triển, kinh tế còn nghèo. Tuy nhiên, họ vẫn có một thói quen rất văn minh, lịch sự đó là luôn xếp hàng ở các nơi công cộng. Cho dù dòng người xếp hàng có dài đến bao nhiêu đi nữa thì nếu là người đến sau, mình vẫn phải xếp hàng.

Còn nhớ khi mới qua Philippines, có lần đi Mall ra, trời đã sập tối mà dòng người xếp hàng đợi taxi thì dài ngoằng. Thế là với lối hành xử rất “An-nam-mít”, chúng tôi rủ nhau chạy đến khúc đường phía trên dòng người đang xếp hàng để chận đón taxi, trong bụng còn thầm khen mình thật là nhanh ý, “thông minh”. Thế nhưng, tất cả các tài xế taxi đều TỪ CHỐI và bảo chúng tôi phải trở về dòng người đang xếp hàng.

Và khi muốn đứng vào một chỗ trống mà sau lưng có người đứng thì phải hỏi họ là mình có được phép đứng lấp vào chỗ trống đó hay không? Vì nếu tự tiện đứng vào trong khi họ là người kế tiếp thì họ sẽ nhìn mình như một kẻ man di mọi rợ.

Chia sẻ câu chuyện này để thấy không phải ở các nước văn minh giàu có như Mỹ, Canada, Nhật…người dân trong xã hội mới có thể thực hiện tốt văn hóa xếp hàng, nhưng ngay cả một đất nước mặc dù mức sống của còn thấp nhưng người dân vẫn không hề tranh giành, chen lấn và tệ hại hơn là cướp, miễn sao quyền lợi, nhu cầu của mình được thỏa mãn. Như vậy không phải “bần cùng sinh đạo tặc”, một đất nước nghèo không phải là lý do để người dân thích CƯỚP, thích tranh giành.

Vì sao người dân Philippines có được cái văn hóa xếp hàng này ?

Thứ nhất : Họ được giáo dục ngay từ trong trường học. Con gái tôi kể rằng trong giờ ra chơi, khi tất cả học sinh ùa xuống canteen để mua quà bánh, chúng nó đều xếp hàng đợi tới lượt mình, cho dù nếu không kịp mua thức ăn thì đứa trẻ đó phải xách cái bụng đói vào học tiếp những tiết học sau.

Thứ hai: Họ TIN rằng cái nguyên tắc “first come, first served” sẽ được tất cả mọi người tuân thủ cách nghiêm túc. Và nếu ai vi phạm để xảy ra tranh cãi thì ngay lập tức nhân viên bảo vệ của khu vực đó sẽ đến can thiệp. Đây chính là điểm mấu chốt của vấn đề. Khi một điều tốt được tất cả mọi người chung tay thực hiện và được luật pháp bảo vệ thì người dân trong xã hội đó YÊN TÂM TIN TƯỞNG để thi hành.

Còn ở nước ta thì sao ?

Có thể nói cụm từ “khủng hoảng niềm tin” đã trở thành từ khóa quen thuộc trên các trang mạng xã hội. “Có vẻ như người Việt Nam không còn tin vào ai nữa”. Không tin vào nơi được xem như những “ngôi đền thiêng” của xã hội bởi chức năng cao quý của nó như trường học, bệnh viện. Không tin vào nhà nước, vào nhà cầm quyền. Không tin vào những nơi thực thi công lý và cũng không tin vào những việc thiện. Bởi lẽ ở sự dối trá có mặt ở khắp nơi. Do vậy, CƯỚP và giành giật là phương thế hữu hiệu được nhiều người lựa chọn nếu muốn bảo vệ quyền lợi của mình.

Từ trước đến nay, khi nói về cuộc tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 trên sách báo cũng như một số kênh thông tin đại chúng, trên các văn kiện chính trị *…thường dùng cụm từ “tham gia cướp chính quyền”. “Cướp chính quyền từ tay Nhật”; “Việt Minh phát động công nhân, nông dân cướp chính quyền trên toàn quốc”; “cướp chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim”; “ Việt Minh cướp chính quyền tại Hà Nội. …”

Phải chăng vì thế mà trong lịch sử phát triển của dân tộc, chưa có giai đoạn nào người dân Việt thích CƯỚP hơn bây giờ ?

____

Bài sử dụng nguồn từ:

http://www.baomoi.com/dam-dap-de-tranh-cuop-loc-meo-mo-le-hoi-hon-loan-niem-tin/c/21459002.epi

http://news.zing.vn/tranh-gianh-vac-xin-khung-hoang-niem-tin-cua-nguoi-viet-post614180.html

*Trong sách văn học 11 (tập I – NXB Giáo Dục 2000), trong bài tác giả Nam Cao có đoạn: “Năm 1943 Nam Cao tham gia Hội Văn hóa cứu quốc do Đảng Cộng sản tổ chức và lãnh đạo. Bị khủng bố gắt gao, ông về hẳn làng quê rồi tham gia cướp chính quyền ở địa phương và được bầu làm chủ tịch đầu tiên ở xã” (trang 196-197).

Báo Tuổi Trẻ số 201 ra ngày thứ năm, 1-9-2005, trong bài “Chết tự do hơn sống nô lệ!” kỳ 5 của tác giả Vũ Bình – Thế Anh có đoạn: “Có một địa danh ở Nam bộ cướp chính quyền thành công vào đêm 22-8-1945 trước cả Sài Gòn”.

Bài báo viết về những hồi tưởng của trung tướng Nguyễn Thới Bưng, nguyên phó tổng tham mưu trưởng quân đội nhân dân VN. “Ngày 25-8-1945 người dân An Tịnh cũng như huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh và cả miền Nam đứng lên cướp chính quyền”…

Giáo Sư Nghiêm Thẩm Bị VC Sát Hại Như Thế Nào?

Giáo Sư Nghiêm Thẩm Bị VC Sát Hại Như Thế Nào?

Bạch Diện Thư Sinh

NghiemTham

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Gs Nghiêm Thẩm

  1. Nghiêm Thẩm: Vị giáo sư anh hùng – Nhà khoa học chân chính

Sau ngày 30-4-1975, nhiều giáo sư các Đại học miền Nam bị loại ra khỏi Đại học. Một số giáo sư tìm cách vượt biên, một số bất hợp tác thẳng thừng, một số chấp nhận hợp tác, hợp tác miễn cưỡng hay hợp tác tự nguyện. Có một sự thật phũ phàng là, hợp tác tự nguyện hay hợp tác miễn cưỡng, các vị giáo sư ấy đều bị kì thị và không được tin dùng. Thêm một sự thật khác nữa, đó là các vị ấy thường xuyên nhận được lệnh phải viết lách hoặc thực hiện những công trình “khoa học” nhằm phục vụ nhu cầu chính trị. Trong cuốn Bên Thắng Cuộc của Huy Đức vừa mới được phổ biến, có đoạn trích lời phát biểu của Huỳnh Kim Báu, Tổng thư ký Hội Trí thức Yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh xác nhận sự thật ấy: “Những năm ấy, các trí thức Sài Gòn vẫn nhận được điện thoại từ Văn phòng Thành ủy hỏi xem: ‘Có công trình khoa học chào mừng 3-2 hay 19-5 không?’. Những Giáo sư như Phạm Biểu Tâm, Lê Văn Thới thì mắng ngay: ‘Không có thứ khoa học nào gọi là khoa học chào mừng cả’. Nhưng một số người khác thì có, người thì làm ra chất tẩy rửa ‘pentonic’, người chứng minh ‘ăn mấy ký khoai mì bổ bằng một ký thịt bò’, người thì ‘ăn bo bo nhiều dinh dưỡng hơn cả gạo’. Nhưng ngay cả những ‘nỗ lực’ đó cũng không giúp kiến tạo được lòng tin”. (Huy Đức. Bên Thắng Cuộc. Cuốn I, Phần I: Miền Nam, Chương VI: Vượt Biên. Bodoilambao.wordpress. com).

Trong số những giáo sư Đại học ở lại và hợp tác miễn cưỡng, đã nổi bật lên một vị giáo sư anh hùng, dám đem mạng sống của mình để bảo vệ danh dự của một nhà giáo, một nhà khoa học chân chính. Vị giáo sư đó chính là Giáo sư Nghiêm Thẩm, Giám đốc Viện Bảo tàng Sài Gòn, giáo sư Đại học Văn khoa Sài Gòn và cũng là giáo sư của hầu hết các Đại học công tư ở miền Nam hồi đó.

  • Thân thế

Gs. Nghiêm Thẩm sinh năm 1920, tại huyện Đông Anh, tỉnh Vĩnh Yên (nay thuộc Hà Nội); là con thứ 5 của cụ Nghiêm Hoàn Luyến, người làng Hòa Xá, phủ Ứng Hòa, Hà Nội.

Dòng tộc Gs. Nghiêm Thẩm, lớp trước, có nhiều người xuất thân khoa bảng, quan lại. Thế hệ sau, ở miền Bắc, có người là thứ trưởng, đại sứ, doanh gia; ở miền Nam, người anh thứ ba của Gs. Nghiêm Thẩm là Gs. Nghiêm Đằng, nguyên Phó Viện trưởng Học viện Quốc gia Hành chánh và anh thứ 4 là Nghiêm Mỹ, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa ở Malaysia, Jordan và New Zealand. (Xin xem Bài Phát Biểu của Ông Nghiêm Kiến Nam trong buổi lễ kỉ niệm ngày húy 90 năm của Cụ Bảng Mai Lâm Nghiêm Châu Tuệ tổ chức ngày 18.9.2011. Nghiemchungtam. wordpress.com)
Sau khi tốt nghiệp Trung học ở Hà Nội, ông được gửi sang Pháp, học trường École du Louvre, Paris, ngành bảo tàng (de Muséologie).

Năm 1956, ông về nước. Từ đó, ông lần lượt đảm trách nhiều công tác văn hóa giáo dục:
– Phục vụ tại Viện Khảo cổ Sài Gòn, đặc trách khai quật di tích lịch sử Óc Eo (Ba Thê, An Giang); hướng dẫn các đoàn đi nhiều nơi ở miền Nam để khai quật những di chỉ khảo cổ.
– 1961, được bầu làm thành viên Hội đồng điều hành khóa 10 Hội Tiền sử Viễn Đông (Far Eastern Prehistory Association – FEPA). Cũng trong năm này, ông được mời làm giáo sư ngành nhân chủng học tại Đại học Văn khoa Sài Gòn và Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.
– Năm 1964, ông được mời làm Giám đốc Viện Khảo cổ Sài Gòn và giáo sư tại Đại học Vạn Hạnh vừa mới thành lập; đồng thời, được mời làm cố vấn xây dựng chùa Vĩnh Nghiêm.
– Năm 1966, được mời giảng dậy tại trường Đại học Chiến Tranh Chánh Trị Đà lạt.
– Năm 1968, Quản thủ Viện Bảo tàng Quốc gia Sài Gòn.
– Năm 1969, Ủy viên Ủy ban Khoa học Nhân văn của Hội đồng Quốc gia Khảo cứu khoa học Việt Nam Cộng hòa.
Sau 30 tháng 4 năm 1975, Gs. Nghiêm Thẩm ở lại và tiếp tục được coi là nhân viên giảng huấn như trước. (Chúng tôi chưa biết Gs. Nghiêm Thẩm “được phép” dậy môn gì).
Cuối tháng 11 năm 1979, Gs. Nghiêm Thẩm bị giết chết một cách tàn ác tại nhà riêng số 29/27 Nam Kỳ Khởi Nghĩa (tên cũ: đường Công Lý), phường 8, quận 3,Tp. HCM.

  • Những công trình khảo cứu

Gs. Nghiêm Thẩm để lại nhiều công trình nghiên cứu nhân chủng và khảo cổ quý báu cho đời sau (theo Wikipedia).

1. “Tôn giáo của người Chăm ở Việt Nam”, Quê-hương bộ 2 tập I, tháng 4/1962, tr. 108-123. (tài liệu tham-khảo đã được Pierre Bernard Lafont nhắc lại trong “Contributions à l’ètude des structures sociales des Chams du Viêt-nam”, Bulletins de l’Ecole francaise d’Extreme-Orient, No 1/volume 52,p157 – p171, 1964).
2. “Sơ lược về các kho tàng chứa bảo vật của các vua Chăm”, “Việt-nam khảo-cổ tập san’, số 1, 1960, Saigon Tham khảo bổ-túc cùng tác-giả Văn-hóa Nguyệt-san, số 56, trang 1359-1366, 1960 và Văn-hóa Nguyệt -san, số 57, trang 1567-1575, 1960 “Đi thăm kho tàng các vua Chăm”.
3. “Esquisse d’une étude sur les interdits chez les Vietnamiens” (tiếng Pháp), Ministère de la culture et de l’éducation la République du Vietnam, 1965, 240 trang. Tủ sách Viện Khảo Cổ ( trích đoạn: “le nom d’une personne fait partie integrante de son individu. On doit ménager ces noms individuels comme si l’on a affaire avec la substance precieuse et sacrée qu’est l’âme.(tr.74)” [tham khảo bổ túc “Interdits concernant les noms imperiaux sous le règne des Nguyễn” Tạ quang Phát, tập san khảo cổ 4, Saigon, 1966, pp 52–84].
4. “Tương quan giữa Sử địa và Nhân chủng học”, Tập san Sử địa cuốn 1, th.1,2,3, 1966.
5. “Công trình sư Trần Văn Học”, Tạp chí Văn hóa, số 61, 1962.
6. “Tìm hiểu đồng bào Thượng” Tạp chí Quê-hương, số 31, giêng/1962, tr 130-150 Bản dịch tiếng Anh của Voth Donald E. “Seeking to understand the highlanders: the two tribal kingdoms of the vietnamese Court in the past, king of Fire (Po Tau Pui) and King of Water(Po Tau Ea)”. South-East Asia. An international quarterly, vol 1, pp335–363, 1971.Tham-khảo bổ-túc tư-liệu của ông Adhemar Leclere “Compte-rendus des seances de l’Academie des Inscriptions et Belles Lettres 3903, vol 47, issue 4, pp 369-378. Bị vong lục của Công-sứ Pháp tại Cao-miên, Adhemar Leclere, phúc-trình Hiến-chương về việc sáng-lập một Đại thọ lâm Phật giáo “veah” (Vihara), ở Sâmbok (tỉnh Kratie), mà quốc vương Cao-miên Sauriyopor, gọi là “ngọ môn”(threa nokor) trong đó có nhắc đến các “Vua Lửa” (Hỏa xá) & “Vua nước” (Thủy xá) mà hai vương quốc Cao-miên và Ai-lao phải triều cống cứ ba năm một lần (kèm theo danh sách dài các loại cống-vật), ngoài ra cón cam kết sẽ bảo-lãnh chu toàn việc hậu sự cho các tiểu vương Hỏa xá và Thủy xá nếu một trong hai vị này băng hà. Vihara (đại tòng lảm) Sâmbok, khoảng 10 kms bắc Kratíe (Kracheh), hay, Wat Phnom Sâmbok, dựa theo hiến chương này được sáng lập vào năm 1601. Bản phúc-trình của Công sứ Leclere được in bởi nhà Alphonse Picard & fils, libraires des archives nationales et de la Sociéte de l’École des Chartes, 82 rue Bonaparte, Paris 6.
7. “Kĩ thuật Bảo tàng học và giáo dục căn-bản”, 96 trang, UNESCO, Saigon, 1959 (dịch).
8. “Persistence culturelle du substrat indonesien chez les Vietnamiens” (Sự tồn tại của bản chất Indonesien trong nền văn hóa Việt Nam) ngày 11 tháng 9 năm 1961.
9. Tờ trình về việc đi xem công tác xây cất hai ngôi đền tại Kalong và tại Sopmadronhay, để chứa bảo vật của các vua Chăm, và ghé thăm các Tháp Po Dam, tháp Phố Hài (Pajai), còn gọi Tháp Po Sah Inư trên Đồi Bà Nài và đền thờ vua Po Nrop (đồng tác giả với Lưu Quý Tân).
10. Phúc trình việc đi tiếp nhận những tảng đá chạm tại trường tiểu học Tam Hiệp, quận Bến Tranh, tỉnh Định Tường.(chú giải: v/v những tảng đá chạm, yêu cầu bạn đọc nên tham khảo bổ túc ở Louis Malleret, “II. Pierres gravées et Cachets de divers pays du Sud-Est de l’Asie, trường Viễn Đông Bác Cổ, B.E.F.E.O, vol 51, issue 51-1, pp 99–116, 1963).
11. R.Y. Lefebvre D’Argencé, Les céramiques à base chocolatée au musée Lous Finot de l’Ecole francaise d’Extrême-Orient à Hanoi.

  • Đời tư

Có 3 vị phụ nữ đã chính thức đi qua cuộc đời Gs. Nghiêm Thẩm: Hồi còn học bên Pháp, ông sống chung với bà Gerda Meta Nielsen, một nghệ sĩ phong cầm người Đan Mạch. Ông bà có với nhau 1 con gái tên là Đan Tuyết Thẩm Nghiêm, sanh năm 1956, tên đầy đủ là Ester Bondo Đan Tuyết Thẩm Nghiêm.

Đi du học về, ông thành hôn với Bà Ds. Đỗ Thị Thuần Bích. Bà là giáo sư dậy tại trường đại học Dược khoa Sài Gòn. Gs.Thuần Bích sinh 2 con trai, Nghiêm Thẩm Đan Nghị và Nghiêm Thẩm Đan Đại. Năm 1977, Bà Thuần Bích đưa 2 con đi vượt biên và định cư tại Hoa Kì. Bà đã qua đời tại Sacramento, CA., vào năm 2010.

Sau khi Bà Ds. Thuần Bích đi vượt biên được một thời gian, Gs. Nghiêm Thẩm sống chung với Bà Ngô Thị Dung. Bà Ngô Thị Dung giảng dậy tiếng Nhật tại Đại học Tổng hợp Thành phố HCM (Đh. Văn khoa cũ) sau ngày 30.4.1975.

  • Phong cách

Gs. Nghiêm Thẩm là một trí thức thứ thiệt, có cuộc sống giản dị, thanh bạch. Phong thái ông an nhiên, tự tại; nét mặt thường tươi vui, hiền lành. Ông cười bằng miệng và cả bằng mắt. Chiếc tẩu hút thuốc “pipe” coi như là vật tùy thân của ông. Gs. Đỗ Khánh Hoan, Trưởng Ban Anh văn Đại học Văn khoa Sài Gòn trước 30.4.1975, đồng nghiệp lâu năm của Gs. Nghiêm Thẩm, nhận xét về Gs. Nghiêm thẩm như sau: “Theo chỗ tôi biết Gs. Thẩm hiền lành, không gây thù chuốc oán với ai, không ganh đua kèn cựa với ai, coi mọi thứ như ‘nơ pa.’” (Email của Gs. Đỗ Khánh Hoan ngày 02.02.2013).
Mức lương một giáo sư Đại học ở miền Nam thời ấy đâu đến nỗi nào, song suốt bao năm, ông rong ruổi khắp mọi con đường Sài Gòn chỉ với một cái xe đạp, đàng sau ràng chiếc cặp samsonite đựng tài liệu giảng dậy. Bọn đạo chích đã từng chiếu cố chiếc samsonnite này của ông nhiều lần! Những thứ đó làm nên dáng dấp và phong cách độc đáo rất dễ mến của Gs. Nghiêm Thẩm.

Có lẽ của cải vật chất qúy giá nhất của ông là căn nhà do chính phủ Đệ nhất Cộng hòa cấp cho. Gia đình ông đã sống tại đây trên 20 năm và cũng chính tại nơi đây, ông đã bị thảm sát.
Cuộc sống Gs. Nghiêm Thẩm tuy thanh bạch về của cải vật chất, song trong căn nhà ông, chất chứa cả một kho tàng văn hóa vô giá. Thật vậy, chỉ cần phát mại một pho tượng đồng đen hay một chiếc búa khảo cổ không thôi, ông đã có thể kiếm được một món tiền khá lớn, đấy là chưa kể đến tủ sách hiếm qúy của ông. Còn nhớ, khi được Gs. Nghiêm Thẩm nhận đỡ đầu tiểu luận, ông đã đưa tôi lên lầu thăm kệ sách của ông kê chung quanh phòng ngủ. Ông hãnh diện bảo tủ sách của ông có những cuốn hiện ở cả miền Nam không đâu có. Liên tục trong nhiều năm, giáo sư đã chi tiêu một khoản tiền khá lớn để thuê người đóng bìa cứng cho những cuốn sách hiếm qúy mà ông sưu tầm được. Đương nhiên những cuốn sách này là vô giá trong thị trường văn hóa, chữ nghĩa.

  • Cái chết anh hùng của một nhà giáo, một nhà khoa học chân chính

Gs. Đỗ Khánh Hoan cho biết: Gs Nghiêm Thẩm chỉ miệt mài nghiên cứu và giảng dậy, không bao giờ dính dáng chuyện chính trị (qua cuộc tiếp xúc điện thoại với Gs. Đỗ Khánh Hoan ngày 08 và 09, 01. 2013)
Ai cũng nghĩ, sau 30.4.1975, một người luôn luôn xa tránh chính trị như Gs. Nghiêm Thẩm, sẽ được sống an thân dưới chế độ mới. Đáng tiếc, điều đó đã sai. Bởi vì, dưới chế độ Cộng Sản, tất cả đều phải phục vụ chính trị, đều phải phục vụ tuyên truyền. Chống chế độ, đương nhiên sẽ bị chế độ bóp nát. Không chống chế độ, nhưng không chịu làm tay sai cho chế độ, cũng bị chế độ nghiền nát.

Đó là trường hợp Gs. Nghiêm Thẩm.

Hồi tưởng, khoảng gần cuối tháng 4 năm 1975, vì có việc phải vào gặp Ông Chấn tại Văn phòng Đại học Văn khoa Sài Gòn; khi đi ra ngang cửa Câu lạc bộ Văn khoa, tôi gặp Gs. Nghiêm Thẩm. Ông vẫn xách chiếc samsonite như mọi khi, nhưng khuôn mặt ra chiều rất đăm chiêu. Tôi chào ông và hỏi ông tình hình rồi sẽ ra sao. Giáo sư bảo: “Hết rồi. Sài Gòn sẽ như Nam Vang” (Nam Vang thất thủ ngày 17. 4. 1975). Ông còn nói như tiên tri: “Đại sứ Mĩ Martin (Graham Martin) sẽ cuốn cờ, leo lên máy bay trực thăng mà đào thoát y như Đại sứ Mĩ Dean (John Gunther Dean) ở Nam Vang”. Tôi hỏi tiếp: “Thầy có đi không”. Ông buồn buồn bảo: “Tôi không đi. Tôi già rồi, đi làm gì”. Đó là lần cuối cùng tôi gặp Gs. Nghiêm Thẩm.

Năm 1988, đi tù cải tạo về, nghe tin Gs. Nghiêm Thẩm đã bị sát hại, tôi rủ anh Nguyễn Văn V. tới thăm Gs. Toan Ánh và cũng để hỏi về cái chết của Gs. Nghiêm Thẩm. (Anh NVV. là giáo sư Trung học, cũng đi tù cải tạo về vì tội chống đối nhà trường XHCN).

Theo lời Gs. Toan Ánh kể cho hai chúng tôi thì Gs. Nghiêm Thẩm vẫn thường hay lên nhà ông chơi. Rồi, một sáng, Gs. Nghiêm Thẩm từ nhà Gs. Toan Ánh đạp xe về nhà, khi bước lên lưng chừng cầu thang, Gs. Nghiêm Thẩm đã bị một tên hung thủ dùng cái búa khảo cổ của ông đập vào đầu ông tới chết. Một điều đáng ngạc nhiên là, không biết căn cứ vào đâu, Gs. Toan Ánh nghi ngờ nguyên do vụ án mạng là vì tình.

Khi sang tới Hoa Kì, tình cờ tôi được đọc cuốn “Rồng Xanh Ngục Đỏ” (Hội Hữu xuất bản tại Hoa Kì năm 1986) của Lm. Vũ Đình Trác, trong đó có nói về cái chết của Gs. Nghiêm Thẩm.

Lm. Vũ Đình Trác và Gs. Nghiêm Thẩm quen nhau và trở thành đôi bạn thân từ năm 1978 khi hai vị, như hầu hết các giáo sư Đại học còn ở lại, đã gia nhập vào các nhóm nghiên cứu văn hóa thành lập sau 30.4.1975. Vì say mê khảo cổ, cho nên khi nghe Lm. Vũ Đình Trác nói ông có Cuốn Bách Việt Tiên Hiền Chí, trích ra từ Đại Bộ Dã Sử Trung Hoa Lĩnh Nam Di Thư, ngay lập tức, Gs. Nghiêm Thẩm tìm tới làm quen với Lm. Vũ Đình Trác. Rồi từ chỗ trao đổi sách cổ và tài liệu cổ, hai vị trở thành đôi bạn tri kỉ, tâm giao.

Lần đầu tới thăm Gs. Nghiêm Thẩm, Lm. Vũ Đình Trác ngạc nhiên được biết thêm Gs. Nghiêm Thẩm đang sống chung với bà Ngô Thị Dung. Sau 30.4.1975, bà Ngô Thị Dung dậy Nhật ngữ tại Đại học (Văn khoa cũ) Lm. Vũ Đình Trác quen biết Bà Ngô Thị Dung hồi cả hai còn học bên Nhật. Gs Nghiêm Thẩm nói ông và bà Ngô Thị Dung đã làm hôn thú để làm đơn xin đi đoàn tụ với ba má bà đang sống ở Canada.

Trong thời đại “đồ đểu cáng” sau 30.4.1975, dưới những con mắt tham lam và tàn ác của những ông kẹ văn hóa, việc sở hữu những đồ cổ và sách cổ qúy giá cũng trở thành một mối lo hại thân cho các khổ chủ

Cho nên Gs. Nghiêm Thẩm phải dặn dò Lm. Vũ Đình Trác: “Linh mục phải giữ bí mật những tài liệu cổ này, kẻo tụi nó đánh hơi được thì phiền to; chiếc búa khảo cổ của tôi, tụi nó cũng đã biết rồi, mà cứ nay đứa này, mai đứa khác đến hỏi thăm và đòi xem” (Sđd. Trang 253).

Còn Bà Ngô Thị Dung thì thổ lộ: “Anh Thẩm là một nhà khoa học thuần túy, nên anh thiếu sự đưa đẩy uyển chuyển, khi giao tiếp với công an cán bộ”. Bà cũng nói thật “ Anh Thẩm qúy cha lắm, mới tiết lộ những bí mật của anh như thế” (Sđd. Trang 253).
Thêm vào đó, sau khi chiếm trọn miền Nam, với khí thế thắng lợi ngút trời, Lê Duẩn và Lê Đức Thọ bộc lộ tham vọng muốn làm bá chủ toàn vùng Đông Nam Á. Trên thực tế, vào thời điểm đó, CSVN đã chiếm đóng Lào, rồi Kampuchea, và đang chuẩn bị “giải phóng” Thái Lan. Để thực hiện âm mưu, họ tích cực chuẩn bị mọi mặt. Trong kế hoạch chuẩn bị, họ toan tính lợi dụng chất xám của trí thức để đánh mặt trận tâm lí, khơi dậy ý chí quật cường và lòng kiêu hãnh dân tộc. Đây là điểm khởi đầu cho tai họa sắp đổ ập xuống cuộc đời của một trí thức thứ thiệt như Gs. Nghiêm Thẩm.

Đúng như vậy. Gs. Nghiêm Thẩm đã tâm sự với Lm. Vũ Đình Trác chuyện Tổng Bí thư đảng CSVN Lê Duẩn, với sự tháp tùng của Nguyễn Tuân, đã vào Nam và cho mời Gs. Nghiêm Thẩm tới khách sạn Majestic mà đãi đằng, khen ngợi, rồi “đưa đơn đặt hàng” cho ông.

Cuối bữa tiệc thịnh soạn, Lê Duẩn nói với Gs. Nghiêm Thẩm:

“Anh Nghiêm Thẩm, chắc anh biết: cả thế giới đang coi Việt Nam mình như “đỉnh cao trí tuệ loài người” mà anh cũng được vinh dự ấy. Việt Nam chúng ta phải làm chủ miền Đông-Nam-Á này. Mọi yếu tố làm chủ hầu như đã đầy đủ, chỉ còn thiếu một điều…
Từ trước tới nay, mấy thằng chép sử “nhãi ranh’ vẫn cho rằng: nguồn gốc các sắc tộc miền Đông-Nam Á-Châu này là Mã Lai hay Indonesien. Đại Nga-xô mới tìm được ít dấu vết chứng tỏ rằng Việt Nam chúng mình mới là thủy tổ. Chúng ta đang làm lại lịch sử Đông-Nam Á-Châu. Khoa nhân chủng học và khảo cổ của ta lúc này đang phát đạt vô biên, nên anh phải nắm lấy cơ hội này, với uy tín sẵn có của anh, anh phải viết một bài lớn, thẩm định lại: Dân Việt Nam là thủy tổ các dân tộc Đông-Nam Á-Châu. Như thế mới đúng ý nghĩa của “Đỉnh cao trí tuệ loài người” và mới xứng đáng tài năng hiếm có của anh”.

Tôi im lặng một phút…trả lời hắn:

Uy tín của tôi lúc này là nói đúng và nói thật. Theo các tài liệu khoa học hiển nhiên, nhất là khoa khảo cổ học và nhân chủng học quá rõ ràng, tôi không thể viết thế khác được. Viết như đồng chí nói là phản khoa học”.
Hắn mỉm cười, bảo tôi:

“Anh nói thế tức là còn đang ở trong vòng gò bó của sách vở, của óc đế quốc, của hủ lậu, chứ không theo sử quan một tí nào cả”.

Tôi cảm thấy tức đầy ruột…nên tôi hơi bạo lời:

“Nếu tôi viết như thế, thì các nhà khảo cổ và nhân chủng học trên thế giới sẽ cho tôi và cả chế độ tôi phục vụ là con chó chết. Tôi không bao giờ làm chuyện sa đọa ấy”.
Lê Duẩn vẫn không lộ vẻ tức giận. Hắn hỏi tôi vắn tắt: “Anh nhất định không làm chuyện đó?”.
Tôi bỗng tìm được một danh từ xưng hô, trả lời hắn: “Tôi không thể đáp ứng yêu cầu của đàn anh trong việc này”.
Lê Duẩn ném cho tôi một cái nhìn có vẻ dữ tợn với câu nói cộc lốc: “Anh nhất định thế…Mong anh đổi ý”.
Tôi cũng nhìn thẳng vào mặt hắn, trả lời cương quyết: “Tôi không bao giờ đổi ý”.

Hắn đi ra, không nói thêm nửa lời.

Tôi coi đó như một biến cố đổ vỡ trong đời tôi, dưới chế độ khốn nạn này. Nhưng tôi thà tan vỡ cả tấm thân với cả chế độ này, còn hơn đổ vỡ cho đất nước tôi, cho chí hướng và danh dự học thức của tôi” (Sđd. Trang 254, 255,256).

Sau lần gặp Lê Duẩn, Gs. Nghỉêm Thẩm sống thấp thỏm, lo âu, chờ đợi một điều gì đó không hay xẩy ra cho ông. Nhưng rất bất ngờ, giáo sư lại được mời đi họp một lần nữa. Người mời lần này là Bộ trưởng Thông tin Văn hóa CSVN Nguyễn Văn Hiếu. Tháp tùng Bộ trưởng Thông tin Văn hóa còn có Gs. Phạm Huy Thông, Viện trưởng Viện Khảo cổ Hà Nội và mấy viên bộ trưởng khác. Nơi hội họp là khách sạn Hữu Nghị. Thời gian họp kéo dài ba bốn ngày. Đưa rước bằng xe Mercedes. Ăn uống sang trọng. Mục đích được cho biết là chuẩn bị tham dự Đại hội khảo cổ sắp diễn ra ở Moscow. Họ yêu cầu Gs. Nghiêm Thẩm đóng góp tài liệu và kiến thức; họ nói úp mở có thể sẽ mời giáo sư tham gia phái đoàn.

Đáp lại, Gs. Nghiêm Thẩm dứt khoát không chấp nhận đưa ra quan điểm nào khác, ngoài sự tôn trọng tính khách quan của những tài liệu khảo cổ và giáo sư cũng ngỏ ý xin được miễn tháp tùng phái đoàn đi Moscow, viện cớ “tôi có nhiều ý kiến đối nghịch, sẽ bất lợi cho Đại hội” (Sđd. Trang 256).

Trước thái độ cương quyết của Gs. Nghiêm Thẩm, viên bộ trưởng nói: “Cái đó tùy anh” và “Anh chưa đủ thành thực”.
Gs. Nghiêm Thẩm nói với Lm. Vũ Đình Trác: “Tôi nghe câu đó như một bản án kết tội; từ đó, tôi bắt đầu chán sống. Bà NTD (Ngô Thị Dung) bảo tôi: thái độ như vậy không hay. Coi chừng tụi nó cho mình là phản chế độ, là bất hợp tác. Anh nên mềm dẻo với tụi nó thì hơn” (Sđd. Trang 257).

Chuyện Gs. Nghiêm Thẩm bị bọn Cộng sản làm phiền cũng được Gs. Đỗ Khánh Hoan xác nhận qua email ông gửi cho tôi ngày 02.02.2013 như sau: “…Nhiều lần gặp nhau anh (tức Gs. Nghiêm Thẩm) chỉ nói: Bọn nó muốn ‘toucher’ moa nhưng moa không thích, dính vào tụi nó bẩn người và khó chịu lắm. Họa chứ không phải phúc đâu, Hoan! Moa chỉ mong nó bảo nhau đến nhận chìa khóa cơ sở là moa bai bai!”.

Vào thời điểm đầu Tháng 11.1979, Gs Nghiêm Thẩm rất bi quan, chán nản; thậm chí có lần ông còn thổ lộ với Lm. Vũ Đình Trác là ông muốn vào đạo Chúa, mong nấp bóng từ bi của Ngài và được Ngài an ủi, phù trì.

Nỗi chết chóc càng ngày càng ám ảnh tâm trạng Gs. Nghiêm Thẩm.
Tuy rất thông cảm tâm trạng u uẩn của bạn, nhưng Lm. Vũ Đình Trác không biết làm gì để giúp bạn. Rồi vì phải đi Cần Thơ giảng dậy lớp Đông y, linh mục buồn bã chia tay Gs. Nghiêm Thẩm, ông nói với giáo sư: “Số phận chúng mình dưới chế độ Cộng sản chỉ có thế”.

Sau mấy tuần đi dậy ở miền Tây, Lm. Vũ Đình Trác trở lại Sài Gòn và tới thăm Gs. Lê Tôn Nghiêm (cựu linh mục, giáo sư Triết học). Gs. Lê Tôn Nghiêm cho linh mục biết Gs. Nghiêm Thẩm đã bị sát hại cách đó 2 tuần, tức là vào cuối Tháng 11.1979.

Theo sự tường thuật của Lm. Vũ Đình Trác thì vụ sát hại Gs. Nghiêm Thẩm xẩy ra vào lúc 11 sáng. Thủ phạm là 2 tên lạ mặt. Chúng tông cửa vào nhà và móc súng ra, uy hiếp Gs. Nghiêm Thẩm phải giao ra chiếc búa khảo cổ của ông. Khi lấy được chiếc búa khảo cổ, một tên dùng chính chiếc búa khảo cổ đập 3 búa lên đầu giáo sư, rồi chúng tẩu thoát cùng với chiếc búa cướp được. Gs. Nghiêm Thẩm nằm chết trên vũng máu. Lúc xẩy ra án mạng, bà Ngô Thị Dung không có ở nhà chỉ có cô cháu lén nhìn trộm thấy mọi diễn biến.

Cô cháu vội đi tìm bà Ngô Thị Dung. Công an tới lập biên bản và niêm phong tủ sách của giáo sư.

Bà Ngô Thị Dung lo việc mai táng cho Gs. Nghiêm Thẩm. Có một ít đồng nghiệp tiễn đưa giáo sư ra nghĩa trang.

Sau lễ an táng, một số giáo sư thân hữu đã ngồi lại với nhau để hồi tưởng về Gs. Nghiêm Thẩm. Qua trao đổi tâm tình, các vị biết được Gs. Nghiêm Thẩm đã thổ lộ tâm sự bi quan, yếm thế với 6 thân hữu khoảng 10 ngày trước khi ông bị thảm sát.
Gs. Lê Tôn Nghiêm và Gs. NTN (chưa đoán ra là vị nào) mời thân hữu nâng li, đang khi đó Gs. TNT ngâm lên bài thơ chiêu hồn thống thiết:

Nghiêm Thẩm! Nghiêm Thẩm!
Anh là đỉnh cao của hoa gấm Giang sơn,
Anh ra đi mang nặng những oán hờn.
Có khôn thiêng, xin hãy về chứng giám
Vạn lòng thành, vạn niềm tin tưởng niệm
Của anh em trí thức dưới trời Nam.
Nguyện làm gió quét sạch lũ sài lang,
Nguyện làm mưa cho quê hương mát mẻ,
Nguyện làm nắng cho rực màu đất mẹ,
Nguyện làm trăng gieo rắc ánh thanh bình.

(Bạch Diện Thư Sinh)

Dự án bôxit “sập bẫy” nhà thầu Trung Quốc ra sao?

Các nhà trí thức đã cảnh báo trước nhưng tập đoàn lãnh đạo vẫn ngoan cố. Tham nhũng rồi bỏ, tài sản quốc gia là của chùa, cha chung không ai khóc, không ai nhận trách nhiệm hình sự.

TTO – “Nếu sản xuất đủ 660.000 tấn theo kế hoạch thì tổng lỗ năm 2015 của Tập…
TUOITRE.VN|BY TUỔI TRẺ

Công an Việt Nam đàn áp học viên Pháp Luân Công tại TP Nha Trang.

From facebook:  Hung Tran shared An Chí Hiếu‘s post.
Công an Việt Nam đàn áp học viên Pháp Luân Công tại TP Nha Trang.
Image may contain: 1 person, outdoor
Image may contain: one or more people and closeup
Image may contain: one or more people, shoes, closeup and outdoor
Image may contain: one or more people and closeup
+3
An Chí Hiếu added 6 photos and a video — with Bông Sen and 5 others.

Hai Đệ Tử Pháp Luân Đại Pháp tại Nha Trang bị công an phường Vĩnh Phước và an ninh mặc thường phục bắt bớ, đánh đập mà không cần trình bày lý do

“Sau khi đến số 234 cuối đường Phạm Văn Đồng, đến một khu vắng của bãi biển cuối Nha Trang, họ đưa chúng tôi ra đó, vài người mặc thường phục đã đánh chúng tôi rất nhiều, họ đấm đá chúng tôi, thay phiên nhau đánh tôi và anh Lượng. Họ có người còn lượm cục đá bự như thế này, họ cầm họ đập rất là mạnh vào tay của tôi ba bốn lần, sau đó họ đập vào chân của tôi, bây giờ chân của tôi nó sưng lên. Sau đó họ còn đập vào mắt cá chân của tôi: ‘Cho mày coi mày còn tu luyện nữa không!’

Phỉ báng người tu luyện tội đã vô cùng nặng, nay lại ngang nhiên đánh đập nữa thì sao đây, người Nha Trang thì thân thiện hiền hòa mà sao lại có những người cán bộ như thế này?

Thông tin hai đệ tử Pháp Luân Đại Pháp bị đánh:
1. Lê Quang Trung (bên tay trái video). Sđt: 0169 6634308. Địa chỉ: hố Phát Thanh, đường Mimosa, phường 10, thành phố Đà Lạt.
2. Nguyễn Tăng Lượng. Sđt: 0941090817

Công Ty Việt dụ dỗ nông dân Đồng Tháp phá lúa, thuê đất cho người Trung Cộng làm việc

Công Ty Việt dụ dỗ nông dân Đồng Tháp phá lúa, thuê đất cho người Trung Cộng làm việc

Công Ty Việt dụ dỗ nông dân Đồng Tháp phá lúa, thuê đất cho người Trung Cộng làm việcẢnh: TUổi Trẻ

Báo Tuổi Trẻ vào ngày 4 Tháng Hai loan tin về việc người dân xã Tân Hội Trung cho biết một công ty Việt Nam đã dụ nông dân phá ruộng lúa, để đưa người Trung Cộng vào trồng sen.

Cách đây vài tháng, ông Trần Văn Hòa – giám đốc công ty sen Hoàng Giang- đứng đại diện “một công ty ở Hà Nội” kêu gọi người dân phá bỏ lúa dù gần đến ngày thu hoạch, để đưa người Trung Quốc đến làm việc trồng sen.  Nhưng sau đó dân địa phương mới phát giác là họ thuê đất để nuôi một loại tôm đỏ có nguồn gốc Nam Mỹ.

Theo giải thích của ông Phạm Minh Chí, phó Phòng Thanh Tra Chi Cục Thủy Sản tỉnh Đồng Tháp thì “Tác hại của tôm hùm đỏ rất lớn, chúng có thể chịu đựng khô hạn đến bốn tháng và vòng đời có thể kéo dài đến sáu năm, đào hang rất giỏi nên sẽ phá hại hệ thống kênh mương, có thể làm tan hoang các hệ sinh thái bản địa do ăn tạp. Đặc biệt, chúng mang theo nhiều virút gây bệnh trên tôm, kể cả loài giun ký sinh trên động vật có vú và người”.

Chuyện không ngừng ở chỗ nuôi “tôm lạ”, mà những khoảng đất được dùng để trồng sen cũng được người dân cho biết các loại “sen lạ” được trồng cũng chết hết. Còn về phía công an địa phương cũng ghi nhận những nhân công gốc Trung Cộng làm việc ở trang trại liên quan chỉ có visa du lịch.

Giới thẩm quyền địa phương đã đến đây vào ngày Chủ Nhật 5/2, nhưng không có ai tại trang trại, kể cả ông Trần Văn Hòa giám đốc công ty.  Điều đáng quan tâm nhất, là các nông dân đã phá bỏ ruộng lúa sắp đến ngày thu hoạch để bán cho doanh nghiệp trên.

Phong Ly / SBTN

Ba phụ nữ Bình Thuận ‘lại vượt biên đến Úc’

 Ba phụ nữ Bình Thuận ‘lại vượt biên đến Úc’

BBC

vượt biên

Bản quyền hình ảnhABC TV

Tàu cá chở người tỵ nạn Việt ngoài khơi Tây Úc tháng 7/2015

Luật sư của ba phụ nữ Bình Thuận, hai trong số đó đang được tạm hoãn chấp hành hình phạt tù, cho BBC biết họ “lại đang vượt biên đến Úc” và “nếu bị bắt sẽ nhảy xuống biển tự tử chứ không chịu về nước”.

Trần Thị Thanh Loan, Trần Thị Lụa và Trần Thị Phúc là người dân thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận, từng một lần vượt biên qua Úc, bị trả về Việt Nam 7/2015.

Tháng 9/2016, bà Trần Thị Lụa bị Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Thuận tuyên phạt 30 tháng tù giam trong phiên phúc thẩm về tội tổ chức vượt biên.

Thời điểm đó, bà Lụa được tin là có chồng đi đánh bắt cá biển bị Indonesia bắt giam.

Trong một phiên tòa khác hồi tháng 4/2016, bà Trần Thị Thanh Loan bị tuyên phạt 36 tháng tù giam trong lúc chồng bà, Hồ Trung Lợi bị phạt 24 tháng tù giam với cùng tội danh.

Cả hai bà Lụa và Loan đều được hoãn chấp hành hình phạt tù đến tháng 7/2017 “vì lý do nuôi con nhỏ và có chồng đi tù”, luật sư Võ An Đôn nói với BBC hôm 6/2/2017.

Riêng bà Trần Thị Phúc chỉ bị xử phạt hành chính do “không phải là người tổ chức vượt biên”.

Luật sư cho biết thêm: “Hôm 28/1 tức mùng 1 Tết, bà Loan và bag Lụa gọi điện chúc Tết tôi bằng số điện thoại ở Việt Nam.”

“Thế nhưng đến sáng 31/1 (mùng 4 Tết), họ gọi cho tôi bằng số điện thoại quốc tế và cho hay đang vượt biên bằng tàu cá và đã qua khỏi lãnh hải Indonesia, tiến vào hải phận nước Úc.”

‘Hơi bị sốc’

“Đến hôm nay thì tôi chưa có thêm tin tức gì của họ và cũng không rõ họ đang đi cùng với những ai.”

“Thoạt nghe thì tôi hơi bị sốc và có nói lại với họ rằng nếu bị phía Úc trả về thì họ sẽ đối mặt với bản án cũ và mới từ 7 đến 10 năm tù.”

“Nhưng qua điện thoại, hai bà ấy nói rằng nếu lần vượt biên này chính phủ Úc không nhận mà trả về nước thì họ thề sẽ nhảy xuống biển tự tử, chứ không bao giờ chịu trở về Việt Nam lần thứ hai.”

“Tôi thật lòng cầu mong cho ba gia đình họ thượng lộ bình an và sớm đến được bến bờ tự do, thoát khỏi tương lai mờ mịt” Luật sư Đôn trả lời BBC hôm 6/2.

Liên quan đến vụ việc, hồi tháng 8/2016, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của tổ chức nhân quyền Human Rights Watch nói với BBC: “Tôi được biết Chính phủ Úc chỉ phỏng vấn họ ngắn trên tàu của Hải quân Úc và trả họ về. Quan điểm của chúng tôi là như vậy là chưa có quyết định hợp lý về việc họ có nỗi sợ thật sẽ bị truy tố khi quay về.”

“Chính phủ Úc nói với chính phủ Việt Nam không trừng phạt những người này vì họ muốn rời khỏi đất nước. Ở Việt Nam, chính phủ đồng ý. Và bây giờ chính phủ Việt Nam đi ngược lại điều đó, họ truy tố những người này và Úc đang ở đâu? Phía Úc im lặng.”

“Chính phủ Úc đã bỏ rơi những người này. Đầu tiên, là trả họ về lại nơi họ có thể gặp nguy hiểm, và thậm chí không theo dõi việc gì đang xảy ra theo cách cơ bản nhất,” nhà hoạt động nhân quyền này bình luận.

“Khi chúng tôi nêu vấn đề này với Chính phủ Úc ở Canberra, đề nghị họ đảm bảo chính phủ Việt Nam không trừng phạt những người này. Chính phủ Úc nói với chúng tôi tại sao họ phải bảo vệ những người vận chuyển người lậu. Và họ phủi tay khỏi việc đó.”

“Rõ ràng là với thông tin chúng tôi nhận được, những chiếc tàu này được tổ chức theo kiểu cộng đồng truyền thống. Mọi người cùng góp tiền tiền lại và cùng ra đi. Úc nói rằng có nạn chuyển lậu người và đó là hoạt động tội phạm, nhưng điều này hoàn toàn không phải vậy.”

Quảng Bình: Bất ngờ biểu tình yêu cầu cắt chức trưởng thôn Cồn Sẻ

Quảng Bình: Bất ngờ biểu tình yêu cầu cắt chức trưởng thôn Cồn Sẻ

httpv://www.youtube.com/watch?v=2TaU1FJD0No

TMĐ – Lúc 13h trưa ngày 05 / 02 /2017 (mồng 09 tết âm lịch) khoảng 1.000 người dân bất ngờ kéo đến trụ sở thôn và nhà trưởng thôn biểu tình yêu cầu minh bạch việc bồi thường cho những hộ nuôi cá lồng bè bị thiệt hại nặng nề do Formosa xả thải làm chết cá hàng loạt lồng bè, hiện có 94 hộ nuôi cá, nhưng cán bộ địa phương chỉ bồi thường cho 79 hộ còn 15 hộ nuôi không được bồi thường!…
Ngoài ra số người lao động nuôi cá trong tổng số hộ cũng chưa đồng ý với cách tính bồi thường của nhà cầm quyền địa phương về thiệt hại lao động gần hơn 10 tháng qua. Bà con đã dùng loa và trống khua vang và hô khẩu hiệu “đả đảo” …đừng mị dân…

Yêu cầu nhà cầm quyền bồi thường thỏa đáng cho người dân lao động nuôi cá bị thiệt hại do Formosa gây ra, nhiều bà con đang hoang mang số tiền bồi thường từ Formosa có phải đã vào túi ai?… mà đến nay vẫn còn nhập nhằng chưa chịu bồi thường cho người dân.

SỰ BẢO THỦ TRONG TƯ TƯỞNG ĐÃ GIẾT CHẾT CHÚNG TA

SỰ BẢO THỦ TRONG TƯ TƯỞNG ĐÃ GIẾT CHẾT CHÚNG TA

FB Luân Lê

5-2-2017

Lão mù sờ voi. Nguồn: internet

“Nếu có sự ngu dốt nào đó được sinh ra, thì chắc chắn nó phải xuất phát từ một cái đầu của sự bảo thủ”.

Theo tôi, đây chính là một đặc tính khá nổi bật của người dân chúng ta. Vì đầu óc thủ cựu ăn sâu vào trong tư tưởng của nhiều thế hệ, nên thành ra chúng ta gần như giậm chân tại chỗ về các phát minh khoa học hay sáng kiến học thuật so với thế giới.

Chúng ta có một bất lợi lớn trong nhận thức do chuyển đổi hệ tư tưởng một cách đột ngột bằng cách thay đổi mô hình xã hội từ chế độ phong kiến qua một hình thái xã hội mà chúng ta chưa thể định hình. Điều này đã làm chúng ta khó khăn trong việc lựa chọn và vận dụng các thành quả của nhân loại về áp vào trong đất nước mình. Từ giáo dục của Tây phương, từ các quan điểm về dân quyền và nhân quyền, từ các học thuyết kinh tế kinh điển lẫn các triết lý học thuật về triết học, pháp luật lẫn chính trị, chúng ta gần như không tiếp nhận chúng để áp dụng vào trong xã hội chúng ta. Và từ một nước thuần phong kiến thuộc địa, với nền nông nghiệp lạc hậu, tư tưởng bị trói buộc bởi ý thức hệ và mang tính tôn giáo của Khổng Giáo nên thành ra đa phần người dân còn chưa thoát được tư tưởng lạc hậu của mình.

Chúng ta với tâm lý e ngại sự thay đổi, sợ đối mặt với cái mới, không muốn cải cách một khi chưa thấy hậu quả trước mắt. Vì thế mà dẫn tới chúng ta luôn muốn giữ bằng được cái cũ, cái đã thành thói quen ứng xử trong xã hội mà được định hình là chuẩn mực trong khuôn khổ của đạo đức và văn hóa chung của con người. Đây chính là tâm lý khiến cho con người chúng ta trở nên vừa bảo thủ mà lại vừa nhút nhát, khó thay đổi hoặc tiếp cận cái mới thì luôn thận trọng một cách quá mức. Và như thế thì văn minh của nhân loại ngày càng bỏ xa chúng ta trong khi chúng ta mãi còn chưa cả dung nạp hết được những thứ mà các quốc gia phát triển đã kiến tạo ra từ lâu mà là lạc hậu với họ.

Không thể để cho tư tưởng chúng ta trở nên như vậy được. Lý do là vì đâu ngoài những căn nguyên bởi yếu tố văn hóa thuộc về tâm lý con người người như vậy? Tôi cho rằng phần lớn sẵn chứa tâm lý đó có sự đóng góp của những chuyển động lịch sử bằng các chiến thắng của quân sự trong chiều dài dựng nước và giữ nước của chúng ta. Vì có lẽ, đất nước chúng ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, bị tàn phá, đô hộ, cai trị và áp đặt bởi rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, và chúng ta lần nào cũng đánh thắng được các quốc gia ngoại bang tới xâm lược, và đây chính là nền tảng tạo nên nhận thức cho đa phần người dân của chúng ta là quốc gia mạnh và xuất sắc hơn các quốc gia bại trận khác.

Tuy nhiên, điều đó đã làm kìm hãm con người trong tư tưởng thỏa mãn và tự an lòng với mình khi chiến tranh qua đi. Chúng ta cho rằng hòa bình đã là một điều may mắn mà có thể bằng lòng với nền kinh tế nghèo một chút cũng không sao. Đây là một tư tưởng tàn phá và kìm hãm xã hội phát triển đi lên. Chúng ta hãy nhớ là các quốc gia khác có phát triển được kinh tế thì mới mạnh về quân sự, và từ đó mới đi xâm chiếm và đô hộ các quốc gia yếu khác nhằm thu vén lợi ích, tài nguyên về xây dựng quốc gia mình.

Và nếu nói về các cuộc chiến tranh, nhiều quốc gia khác đều có những chiến thắng lừng lẫy và vang dội, nhưng nước Pháp không vì 39 trận thắng của Napoleon mà khiến họ trở nên tài giỏi hơn các quốc gia khác cùng thời đó. Không vì các quốc gia phe phát xít sẽ trở nên ngu ngốc và kém cỏi hơn các quốc gia khác ở phía đồng minh mặc dù họ là các quốc gia bại trận. Và thử nhìn xem, nước Đức và Nhật sau khi từ bỏ chủ nghĩa phát xít họ đã trở thành những quốc gia cường thịnh và vững mạnh một cách toàn diện như thế nào.

Thế thì điều gì đã khiến các quốc gia đó trở nên phát triển và cường thịnh như vậy? Vì ngoài đặc tính thông minh vốn có của họ, họ còn biết học hỏi sự tiến bộ và các giá trị hữu ích của các quốc gia khác mang về đất nước mình để áp dụng một cách triệt để, trên ba phương diện mà như tôi đã nói ở trên.

Chúng ta bảo thủ trong tư tưởng còn thể hiện ở một điểm, đó là thường rất khó thừa nhận những sai lầm, khuyết điểm của chính mình. Tôi cho rằng đây chính là đặc tính khiến chúng ta cứ mãi giậm chân tại chỗ so với thế giới xung quanh. Không dám phê phán, không dám thừa nhận sai lầm, không muốn nghe ý kiến của người khác, thậm chí trù dập các quan điểm đối lập so với mình chính là yếu tố đẩy đất nước đến phần lạc hậu so với trình độ và nhận thức của thế giới, mà nếu có biết rằng đã phạm sai lầm thì lại không sửa chữa ngay, mà âm thầm và thực hiện một cách chậm rãi, khiến cho những cơ hội tốt đẹp và thuận lợi cứ ngày một trôi qua trong tầm tay.

Ngại thay đổi, khó tiếp nhận cái mới, bài xích những quan điểm đối lập và áp đặt tư tưởng của mình lên người khác, chính là các biểu hiện nổi bật của tư tưởng bảo thủ. Và nó dẫn đến sự trì trệ của con người, mà từ đó là kéo theo sự trì trệ của một quốc gia. Chúng ta phải thay đổi điều này ngay tức khắc mới mong có thể giải phóng được tư duy, khai sáng được tầm thức và từ đó mới kiến tạo mà đưa đất nước phát triển được.