Khí chất Giáo sư Đoàn Viết Hoạt trước tòa cộng sản

Tue Doan

Kính chuyển: Đối chất giữa tòa và người tù

Gs Đoàn Viết Hoạt (Ảnh tư liệu gia đình)

Phiên tòa kết án Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt diễn ra vào ngày 29 Tháng Ba 1993, cùng với bảy người khác là Phạm Đức Khâm, Nguyễn Văn Thuận, Lê Đức Vượng, Hoàng Cao Nhã, Nguyễn Xuân Đồng, Nguyễn Thiệu Hùng, Phạm Thái Thủy, với tội danh “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” theo điều 73 của Bộ luật Hình sự.

Vụ án có ngày xử không công bố trước trên báo chí, nhưng buổi sáng, trước sân tòa án ở Sài Gòn, đã thấy có vài chục người đứng đợi xe tù đến và xin vào dự tòa. Nhiều gương mặt quen thuộc của giới văn nghệ sĩ trước 1975 cũng có mặt ở đây như nhà văn Hoàng Hải Thủy, Vũ Khắc Mai Anh, Thanh Thương Hoàng, Hồ Nam, ca sĩ Tâm Vấn (vợ bác sĩ Nguyễn Đan Quế)… Dĩ nhiên là những người này không được vào dự tòa, mặc dù theo thông báo đây là phiên tòa xử công khai. Hầu hết đều vẫn đứng trước sân tòa và kiên nhẫn đợi buổi xử kết thúc để chờ kết quả, bao vây chung quanh là vô số công an thường phục và sắc phục.

Chủ tọa phiên tòa là Lê Thúc Anh, một nhân vật nổi tiếng sắt máu, bất cần công lý. Công tố viên là Trương Hoàng Minh, đại tá trưởng phòng điều tra an ninh của Viện Kiểm Sát. Thẩm phán là ông Nguyễn Lâm.

Theo cáo trạng, Đoàn Viết Hoạt và đồng phạm bị khởi tố từ Tháng Tư năm 1990 và bị bắt vào Tháng Mười Một năm 1990, bị truy tố theo điều 73 Bộ luật Hình sự vì hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Chứng cứ quan trọng nhất của “tội trạng” đó là việc những người này đã cho lưu hành nội bộ 4 số báo mang tên Diễn Đàn Tự Do từ Tháng Bảy 1990 đến Tháng Mười 1990.

Trước tòa, công tố viên nói ông Đoàn Viết Hoạt âm mưu lật đổ chính quyền qua việc lập nhóm hoạt động tên Diễn Đàn Tự Do, cùng các tài liệu. Từ lời kết tội này, sự hài hước về tư duy của chế độ được giáo sư Đoàn Viết Hoạt cũng như các nhân vật bị kết án lật ra, chỉ rõ.

Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt quả quyết không chủ trương lật đổ ai, và đòi công tố viên phải chỉ ra cho được điểm nào có thể gọi là “lật đổ.” Ông nói việc cáo buộc lập “nhóm Diễn Đàn Tự Do” là ngụy chứng, mọi thứ chỉ xoay quanh các tập tài liệu Diễn Đàn Tự Do, thể hiện ý kiến chính trị xã hội mà thôi. Giáo sư cũng bác bỏ kết luận của cáo trạng rằng đây không phải là tờ báo, nó chỉ là một tài liệu đánh máy có 4 bản. “Không phát hành rộng rãi, không bán cho ai, thì sao có thể gọi là tờ báo?” Giáo sư Hoạt hỏi ngược công tố viên.

Tòa nói Giáo Sư Hoạt muốn sửa hiến pháp, tức muốn lật đổ chế độ. Ông Hoạt phản đối ngay: “Tòa lên án tôi đòi sửa hiến pháp, nhưng từ trước đến nay, đảng Cộng Sản Việt Nam đã từng sửa hiến pháp tới 3 lần, như vậy đảng Cộng Sản Việt Nam đã lật đổ chính quyền của mình đến 3 lần hay sao?” Cử tọa ở dưới bật cười ồ, làm chủ tọa Lê Thúc Anh cau mày, khó chịu.

Ông Hoạt bị giải tới tòa (Hình do thân hữu ẩn danh trong nuớc, chụp gửi cho bà Thức chuyển ra nước ngoài)

Với lời kết tội là chống chế độ, giáo sư đứng trước tòa chỉ xác nhận duy nhất là ông đã lên tiếng đòi dân chủ và ngay bây giờ vẫn giữ nguyên lập trường đó. Ông nói: “Tôi không chống ai cả, tôi là một người dân chủ và chấp nhận mọi người. Phải nói đảng cộng sản chống tôi thì đúng hơn, vì họ chống lại dân chủ.”

Lần đầu tiên sau 1975, tòa án của Cộng Sản phải đối diện với một trí thức đấu tranh dân chủ, và mọi thứ sắp đặt để kết án tưởng chừng như dễ dàng, thế nhưng việc ông Đoàn Viết Hoạt luôn từ tốn trình bày trước tòa, rõ ràng và khôn khoan nhượng, khiến những ngôn từ dao búa và đen tối được chuẩn bị trước trở nên hết sức hài hước và ấu trĩ.

Giáo Sư Hoạt nói việc làm của ông chỉ là việc làm của người bất đồng chánh kiến, việc làm của người dân bình thường đòi quyền yêu nước trước đảng CSVN. “Tại sao đảng CSVN lại sợ dân có quyền tự do bày tỏ ý kiến của mình, được tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do bầu cử và ứng cử. Tại sao đảng cộng sản lại không chấp nhận một cuộc bầu cử tự do không gian lận, ai được lòng dân thì dân bầu. Đảng CSVN nếu quả là được lòng dân thì dân bầu, tại sao đảng lại sợ?” Giáo Sư Hoạt đặt ta một loạt câu hỏi mà không ai phía tòa án có thể phản ứng.  Đến đây, ông Hoạt bị chủ tọa Lê Thúc Anh ngắt lời không cho nói tiếp. Ông Hoạt trở về chỗ, nhưng những người chung quanh thấy rõ ông mỉm cười.

Ông Nguyễn Văn Thuận, tức biệt danh Châu Sơn, được gọi để trả lời trước tòa sau ông Đoàn Viết Hoạt. Ông Thuận khai rằng ông tâm đắc với đường lối ôn hòa của Diễn Đàn Tự Do và ông cũng chẳng mưu cầu lật đổ ai, mà nhận ra rằng chính người Cộng Sản đang tự lật đổ chế độ của mình. Có thể là do quá kìm nén ở phần bị Giáo Sư Hoạt chất vấn, nên ông Lê Thúc Anh lúc này đã không còn giữ được bình tĩnh, mà đã gầm lên, quát “Láo. Láo. Không được nói bậy. Im ngay!”

Trong 8 bị can ra đứng trước tòa, ai nấy đều có lý lẽ và phong thái hết sức điềm đạm. Duy nhất là bị can Hoàng Cao Nhã thì khai rằng có nhận 2 số Diễn Đàn Tự Do, nhưng đọc xong rồi “xé vì thấy nó quá dở.” Ông Hoàng Cao Nhã thành khẩn khai báo, và tỏ ra ăn năn, nên là người duy nhất được ông chủ tọa Lê Thúc Anh tỏ ra chiếu cố, cho có 8 tháng 20 ngày tù.

Vào phần cuối phiên tòa, khi các bị cáo nói lời cuối cùng trước khi tòa nghị án, ông Đoàn Viết Hoạt nói rằng ông xuất bản tập Diễn Đàn Tự Do là muốn giúp cho Việt Nam đổi mới về chính trị bởi vì theo mục tiêu của đảng CSVN trù tính thì đến năm 2000 thu nhập quốc dân tỉnh theo đầu người là $400, tính như vậy thì tới thời điểm đó, dù mục tiêu của đảng Cộng Sản có đạt được đi nữa, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới.

Bài nói ngắn của Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt như một diễn ngôn trước công chúng đang dõi theo, hy vọng cho một tương lai dân chủ, tự do. Chính quyền và tòa án có mặt dù không muốn cũng bị rúng động trước sự ôn hòa và đầy suy tư của một công dân không mang thù oán gì với chế độ, dù đã bị bắt đi tù từ năm 1976 đến 1988 mà không có một lý do nào.

Tóm tắt, Giáo Sư Hoạt nói trước một viễn tượng đất nước cần một giải đáp khác giải đáp cộng sản. Ông nghĩ rằng phải làm sao động viên được mọi người dân Việt Nam trong một cố gắng chung để vươn lên. Muốn như vậy không có giải đáp nào khác hơn là một thể chế dân chủ đa nguyên tôn trọng chỗ đứng, bổn phận và quyền lợi ngang nhau của mọi người. Ông Hoạt nói rằng một chế độ độc tài sẽ trói buộc Việt Nam trong lạc hậu. Chỉ có dân chủ mới bảo đảm được tiến bộ liên tục và mau chóng, điều đó mọi người Việt Nam cần phải hiểu. Và chính vì dân chủ cần thiết nên ông đã sẵn sàng chấp nhận mọi hậu quả khi nói lên nguyện vọng dân chủ.

Ông Hoạt cũng nói rằng trong suốt dòng lịch sử, nhiều anh hùng liệt sĩ đã hy sinh giữ nước và giành độc lập, nhưng vấn đề của đất nước hiện nay là dân chủ hóa và ông không tiếc đã phải chịu mọi gian lao để đất nước có dân chủ.

Tới đây, ông Đoàn Viết Hoạt bị chủ tọa phiên tòa Lê Thúc Anh ngắt lời và nhắc lại luận điểm Việt Nam mà đổi mới về chính trị như Liên Xô cũ là sẽ tan rã. Việt Nam cần ổn định nên cần duy trì đường lối bảo thủ xã hội chủ nghĩa. Ông Hoạt hỏi lại ông Lê Thúc Anh có sẵn sàng thảo luận về vấn đề đổi mới không, nhưng ông Lê Thúc Anh không cho ông Hoạt nói nữa.

Đến 18 giờ chiều, tòa đình nghị án và tuyên bố sẽ tuyên án vào lúc 9 giờ 30 ngày 30-3-1993. Sáng 30-3, các bị can được đưa đến khám Chí Hòa để nghe tuyên án. Giáo sư Đoàn Viết Hoạt bị tuyên 20 năm tù về một tội danh, mà ngay trước tòa, cả hệ thống đã không chứng minh được là ông có tội. Những hình ảnh cuối cùng của phiên tòa đó, là ông Hoạt bận bộ đồ xám cùng ông Phạm Đức Khâm và Nguyễn Văn Thuận bước ra, nở nụ cười với mọi người. Ông Hoạt nhìn thấy vợ là bà Trần Thị Thức đứng gần xe áp giải, ông cười, giơ tay lên chào, nhưng bị tay công an đi cạnh giật xuống và xô lên xe.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt, đứng giữa, và những tù nhân chính trị trong trại Z-30. Từ trái: Đoàn Thanh Liêm, Lý Trường Trân, Vương Đức Lệ, Đoàn Viết Hoạt, Phạm Đức Khâm, Ngô Văn Thuận, Nguyễn Trì (Ảnh tài liệu của Indochina Journal)

Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, nhà hoạt động dân chủ nổi tiếng và là cựu tù nhân lương tâm ở Việt Nam, qua đời ngày 14-5-2025, tại quận Cam, California, Hoa Kỳ, hưởng thọ 83 tuổi.

Giáo sư Đoàn Viết Hoạt sinh năm 1942 tại làng Mai Lĩnh, huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Mai Lĩnh, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội) là một nhà báo người Việt, học hàm giáo sư, nguyên phụ tá viện trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh của Việt Nam Cộng hòa. Ông được trao Giải Tự Do Báo Chí Quốc Tế năm 1993, Giải Nhân Quyền Robert F. Kennedy năm 1995 và Giải Bút Vàng Tự Do năm 1998 vì những thành tích phấn đấu, đóng góp trong việc bênh vực quyền tự do báo chí và các quyền tự do dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Ông Đoàn Viết Hoạt còn là thành viên danh dự của PEN Club Mỹ, Canada, áo, Thụy Sĩ, Pháp và Ba Lan.

Tháng Bảy 1976, ông bị chế độ CSVN đưa đi tù cải tạo 12 năm. Tháng Mười Một 1990, ông bị bắt do viết và tập hợp các tiểu luận chính trị tên Diễn Đàn Tự Do, bị kêu án 20 năm tù. Năm 1998, ông được ra tù và đi tỵ nạn ở Hoa Kỳ, từ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế, trong đó PEN Club Poland.

Nam Việt – 20 tháng 5, 2025


 

LY HƯƠNG, SỰ LỰA CHỌN NGHIỆT NGÃ

Xuyên Sơn

Cuối cùng cũng đến ngày em gái út cùng chồng và con sang Mỹ định cư. Thế là lại thêm một gia đình người thân nữa của tôi rời bỏ đất nước này.

43 tuổi, em đang có việc làm ổn định ở một doanh nghiệp với mức thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng.

Hai vợ chồng có biệt thự, xe hơi và chồng còn sở hữu một cơ ngơi làm ăn riêng, tuy nhỏ nhưng cũng đáng để cho nhiều người phải mơ ước.

Vậy mà điều gì đã khiến các em bỏ hết mọi thứ và dắt díu ba đứa con nhỏ dại từ giã quê hương để bắt đầu làm lại cuộc sống nơi xứ người cách đây nửa vòng trái đất?

Câu trả lời nghe vẫn quen thuộc như nhiều lần tôi đã từng nghe:

“Vì tương lai con cái!”.

Vâng! Đó là lý do mà rất nhiều người Việt trong dòng chảy nhập cư nước ngoài những năm gần đây thường nêu lên để giải thích cho việc ra đi của mình.

Thật chua chát khi hơn 40 năm sau ngày 30-4-1975, ký ức “thuyền nhân” lại trở về dưới một dạng thức khác.

Lần này, các “thuyền nhân” ra đi không phải trong tâm thế trốn chạy hoảng loạn, vội vã mà là được cân nhắc, chuẩn bị cẩn thận.

Không phải trên những chiếc thuyền lênh đênh đầy bất trắc mà là trên những chuyến bay tiện nghi, an toàn.

Không phải lén lút, vô định mà là công khai và được chuẩn bị sẵn mọi thứ cho đến khi cầm visa trong tay mới lên đường.

Các công ty tư vấn nhập cư dạo này nhan nhản khắp nơi với những chương trình mời gọi đi định cư châu Âu, Mỹ, Canada, Úc…

Giờ gặp nhau, người ta hỏi thăm đã có PR (permanent resident) của nước nọ nước kia chưa, như một điều bình thường!

Người có tài tìm đường đi theo dạng skill worker hoặc doanh nhân khởi nghiệp.

Người có tiền thì bỏ tiền ra mua quốc tịch hoặc “thẻ xanh” cho nhanh.

Người ít cả tiền và tài thì hy vọng kiếm được một suất đi lao động nước ngoài rồi tìm đường ở lại bằng đủ cách.

Lớp trẻ đi du học hầu hết cũng không muốn trở về.

Năm 2014, báo chí thông tin có 12/13 quán quân của cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia”

không trở về nước sau khi kết thúc thời gian du học ở Úc với học bổng toàn phần cho người chiến thắng chung cuộc.

Con số đó đến nay chắc đã tăng thêm sau.

Tháng 7-2017, Hiệp hội Quốc gia chuyên viên địa ốc Hoa Kỳ công bố báo cáo hằng năm cho thấy Việt Nam đứng trong top 10 nước hàng đầu mua nhà tại Mỹ.

Trả lời BBC, tổ chức này cho biết chỉ trong thời gian từ tháng 4-2016 đến tháng 3-2017, công dân Việt Nam đã mua bất động sản tại Mỹ trị giá lên tới 3,06 tỷ USD.

Đó là mới tính số tiền chuyển đi để mua nhà tại Mỹ chứ chưa tính ở các nước khác và tất nhiên, đó cũng chỉ là phần nổi của tảng băng!

Đất nước như một bao gạo bị thủng để trí lực, tài lực cứ chảy dần ra nước ngoài cho đến khi rỗng ruột.

Quê hương chôn rau cắt rốn ở đây mà dường như chỉ là chốn dừng chân tạm bợ với rất nhiều người Việt bây giờ…

Làm sao có thể trách em tôi cũng như hàng triệu người dân khác đã và đang tính bỏ nước ra đi?

Bởi cái lý do “vì tương lai con cái” nghe nhẹ bâng vậy mà trĩu nặng quá chừng!

Sự lo toan và hy sinh vô bờ cho con cái vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt.

Những bậc cha mẹ thuộc nhiều thế hệ đã trải qua các cuộc chiến tranh trên đất nước nhỏ bé này, càng khổ cực nhiều ở đời mình lại càng thấm thía sâu sắc ước mơ về một cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho đời con cháu.

Nhưng nỗi lo bây giờ không còn là chuyện cơm ăn áo mặc hàng ngày cho phần “con”, như trong thời kỳ phải thắt lưng buộc bụng vì chiến tranh và sự mông muội.

Nỗi lo bây giờ là về chất lượng cuộc sống cho nhu cầu của phần “người”.

Có thể nào sống an yên khi môi trường bị phá hoại tàn khốc, tài nguyên đất nước bị khai thác tới cạn kiệt, thực phẩm bẩn tràn lan khắp nơi và tham nhũng thì như ổ dịch bệnh hoành hành từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài?

Có thể nào sống hạnh phúc khi nền giáo dục và y tế ngày càng xuống cấp,

các phúc lợi xã hội không chỉ kém chất lượng mà còn tiếp tục giảm sút,

các giá trị văn hoá – đạo đức bị tha hoá và đảo lộn?…

Bây giờ, bước ra đường là thấy lo:

Lo nạn cướp giật, móc túi;

lo tai nạn giao thông;

lo ăn uống bị ngộ độc thực phẩm;

lo hít khói bụi bị ung thư;

lo bọn trẻ bị dụ dỗ sa vào ma túy hoặc bị xâm hại, bắt cóc…

Cứ thế mà ngút ngàn triền miên lo.

Thà chỉ phải lo cơm áo như ngày xưa còn dễ hơn bội phần!

Xã hội càng bất ổn, lòng người càng bất an.

Làm sao có thể yên tâm để con cái lớn lên trong một môi trường sống như vậy?

Chưa kể, những lời đồn đoán về một tương lai xám xịt của đất nước gắn với những thỏa thuận của Việt Nam và Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô năm 1990 cũng là một trong những nguyên nhân gây hoang mang khiến cho nhiều người phải tính đường tháo chạy trước.

28 năm qua, Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam vẫn giữ bí mật, nhất quyết không công khai những nội dung đã ký kết với Đảng cộng sản và Nhà nước Trung Quốc trong Hội nghị Thành Đô.

Vì thế, những đồn đãi càng ngày càng lan rộng, bất chấp mọi nỗ lực trấn an dân chúng của chính quyền.

Và dù đã bước sang thế kỷ 21, thế nhưng nhà nước Việt Nam vẫn chủ trương quản lý, định hướng về tư tưởng và bưng bít thông tin không khác gì ở trong thế kỷ trước.

Hôm biết tin Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng, một người quen của tôi là tiến sĩ trong lĩnh vực tài chính từng hăm hở từ Mỹ trở về nước cách đây 10 năm ngậm ngùi chia sẻ:

“Em đã hoàn tất thủ tục cho cả gia đình trở lại Mỹ cách đây mấy tháng,

Znhưng vẫn còn cố nấn ná…Giờ thì phải ra đi thôi chị ạ, không thể để bọn trẻ lớn lên trong bầu không khí ngày càng ngột ngạt thế này…”.

Bao nhiêu người trẻ có tri thức và nặng tình với quê hương đã “vội vã trở về, vội vã ra đi”

như thế?

***

Hồi đi thăm Israel, tôi thường đứng lặng thật lâu trước hình ảnh những con tàu hồi hương hiện diện khắp mọi nơi, như một niềm kiêu hãnh trong lịch sử lập quốc của đất nước này.

Đó là những chuyến tàu từ châu Âu, châu Mỹ… đưa hàng triệu người Do Thái ở khắp nơi trên thế giới trở về xây dựng quê hương sau khi Israel chính thức được thành lập vào năm 1948.

Những gương mặt người Do Thái hồi hương khi ấy còn vương nét nhọc nhằn sau Thế chiến, nhưng vẫn bừng sáng niềm hy vọng vào tương lai và ý chí quyết tâm kiến thiết quốc gia.

70 năm sau khi lập quốc, ngày nay Israel đã trở thành một trong số các quốc gia phát triển hàng đầu và là nền kinh tế lớn thứ 34 thế giới (tính theo GDP danh nghĩa năm 2016). Những chuyến tàu hồi hương ngày đó đã mang về cho quốc gia này vốn liếng quý nhất là những con người tinh hoa để xây dựng thành công một đất nước đã từng không có tên trên bản đồ thế giới.

Còn chúng ta?

Sau hơn 73 năm thành lập và thống nhất đất nước (dài hơn thời gian lập quốc của Israel),

những chuyến tàu (cả tàu thuỷ và tàu bay) sao lại chỉ mang dân ta ra đi mà không có trở về?

Lịch sử dân tộc Việt Nam dường như gắn liền với các cuộc di dân, nhưng chua xót hơn là cho tới tận bây giờ, những cuộc di dân ra nước ngoài vẫn chưa biết bao giờ mới dừng lại?

Bao câu hỏi cứ quay quắt trong tôi khi nghĩ đến em gái.

Ngoài kia, trời Sài Gòn vẫn vần vũ mưa.

Tiếng hát Thái Thanh vọng từ nhà ai đó nghe nức nở:

“Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui, khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi…”.

Và trong tôi, không hiểu sao cứ thấp thoáng khôn nguôi hình ảnh những con tàu hồi hương về Israel cùng những con tàu ly hương rời Việt Nam…

Chúa Nhật, 12 tháng Tư năm 2020 20:37

Tác Giả: Nguyễn Thị Oanh


 

Tù Nhân Lương Tâm Tuyệt Thực Trong Bóng Tối Để Đòi Công Lý

Ba’o Dat Viet

May 17, 2025

VIỆT NAM – Trong những bức tường ngột ngạt của hệ thống trại giam Cộng Sản Việt Nam, những tiếng nói phản kháng lại tiếp tục vang lên bằng cách thầm lặng và đau đớn nhất: tuyệt thực.

Tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, 60 tuổi, hiện đang bước sang ngày tuyệt thực thứ năm trong trại giam, theo lời kêu cứu của con trai ông, anh Lê Đình Hiếu, đăng tải trên mạng xã hội hôm 15 Tháng Năm. “Sức khỏe và tinh thần của bố tôi đang suy kiệt nghiêm trọng,” anh Hiếu viết. “Ông đã nhiều lần xin được khám bệnh, nhưng tất cả đều bị từ chối.”

Bị bắt từ năm 2017 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền,” ông Lượng – một giáo dân và nhà hoạt động nhân quyền nổi bật trong các cuộc đấu tranh phản đối Formosa xả thải đầu độc biển miền Trung – bị kết án 20 năm tù giam và 5 năm quản chế. Sự im lặng của hệ thống tư pháp trước tình trạng giam giữ ông kéo dài trong biệt giam, cấm đoán sinh hoạt tôn giáo, và từ chối chăm sóc y tế là một bản cáo trạng về sự vô cảm của nhà cầm quyền đối với những người dám nói thật.

Cuộc gọi ngắn ngủi từ ông Lượng đến người vợ hôm 15 Tháng Năm chỉ đủ để ông thều thào “như lời kêu cứu cuối cùng,” theo lời gia đình.

Không riêng gì ông Lượng. Cùng thời điểm, một tù nhân lương tâm khác – ông Lê Trọng Hùng – bắt đầu cuộc tuyệt thực 30 ngày để phản đối việc chính quyền Hà Nội tìm cách sửa đổi hiến pháp mà không hỏi ý kiến thực sự từ người dân. Là một nhà báo độc lập từng ra ứng cử đại biểu Quốc hội, ông Hùng bị kết án 5 năm tù với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” vào năm 2021. Trong tù, ông đã nhiều lần dùng hình thức tuyệt thực để phản kháng.

Câu chuyện của họ chỉ là hai trong hàng loạt trường hợp tuyệt thực từng diễn ra trong các trại giam từ Bắc chí Nam. Những cái tên như Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư, Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đình Bách hay Bùi Văn Thuận – những người đấu tranh vì môi trường, đất đai, tự do ngôn luận – đều đã phải dùng đến biện pháp cuối cùng: lấy thân thể và mạng sống của mình để buộc chế độ phải lắng nghe.

Trường hợp ông Trần Huỳnh Duy Thức, người từng tuyệt thực đến gần 4 tháng trước khi được thả vào Tháng Chín năm 2024, là một minh chứng cho cái giá đắt của tự do trong một thể chế mà nhân quyền vẫn là một khái niệm xa xỉ.

Tuyệt thực trong nhà tù cộng sản không phải là hành vi tự hành xác, mà là lời kháng cự cuối cùng – khi không còn một công cụ pháp lý nào để đấu tranh. Đó là khi thân thể gầy mòn trở thành biểu tượng cho sự bất khuất, khi từng hơi thở là một tiếng gào trong câm lặng.

Và trong sự câm lặng ấy, có cả tiếng gọi chúng ta – những người còn tự do – hãy lên tiếng thay họ.


 

NGUYÊN NHÂN CÔNG AN TỈNH LONG AN TRUY BỨC THIỀN AM

Việt Tân 

– Luật sư Mạnh Đăng-

Tôi đã nhiều lần bắt gặp câu hỏi rằng “Tại sao Thiền Am lại bị công an Long An truy bức đến mức độ như vậy?”. Vì thật khó hiểu khi Thiền Am chỉ là một cơ sở tu tại gia và một số thành viên có hoạt động văn nghệ giải trí cho công chúng mà thôi…

Thật ra, chỉ những ai đã từng quan tâm theo dõi đến các hoạt động của Thiền Am, từ cách họ mưu sinh bằng tài năng văn nghệ của mình, cũng như cách họ vụng về đối phó với những thị phi ập đến… mới có thể có câu trả lời đúng đắn và đầy đủ. Vì lẽ, nguyên nhân của sự việc đã trải dài theo nhiều năm.

Qua đó, theo nhận xét của tôi, có 6 nguyên nhân chính khiến cho Thiền Am bị truy bức:

– Sự nổi tiếng của Thiền Am, một cơ sở tu hành từ chối sự quản lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiềm ẩn thách thức an ninh đối với chính quyền địa phương;

– Thiền Am từ chối cộng tác với Thích Nhật Từ và từ chối vào Giáo hội Phật Giáo Việt Nam khiến cho Thích Nhật Từ tố cáo trả đũa;

– Công an trả đũa vụ tai tiếng hối lộ 300 triệu bất thành làm mất uy tín ngành công an tại địa phương;

– Công an che dấu tội phạm trong vụ 50 côn đồ xâm nhập vào Thiền Am để hành hung người, đập phá, trộm cắp tài sản;

– Công an che dấu sự lạm quyền trong việc cưỡngbức đưa cô Bùi Ngọc Trâm đi khám phụ khoa;

– Công an che dấu sự lạm quyền khi bắt cóc cô Diễm My, một phụ nữ đã thành niên trái với ý muốn của cô ấy;

Cụ thể như sau:

  1. Đánh giá an ninh mang tính truyền thống của chế độ vốn không cho phép cá nhân, tổ chức được phép tồn tại nếu nổi tiếng và có khả năng hiệu triệu được công chúng. Cho dù hoạt động của các cá nhân, tổ chức đó không liên quan gì đến chính trị cả.

Sự tiềm ẩn về thách thức an ninh đối với chính quyền phải được triệt tiêu từ trong trứng nước.

Thiền Am đã trở nên rất nổi tiếng ở trong nước và nhất là ở ngoài nước, với những sản phảm video thu hút đến hàng chục vạn, thậm chí hàng triệu lượt xem và theo dõi đã vô tình trở thành mối tiềm ẩn về thách thức an ninh đối với chính quyền địa phương. Để triệt tiêu sự thách thức này, họ truy bức Thiền Am.

  1. Thiền Am đã thẳng thừng từ chối 2 lời mời của Thích Nhật Từ, trụ trì chùa Giác Ngộ và là một chức sắc thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, gồm:

– Sau những thành công của Thiền Am qua việc đoạt các giải thưởng cao trong game show truyền hình và trên trang mạng xã hội, Thích Nhật Từ đã mời Thiền Am cộng tác để cùng tham gia vào các hoạt động kinh doanh của chùa Giác Ngộ do Thích Nhật Từ trụ trì. Nhưng Thiền Am đã từ chối.

– Thích Nhật Từ cũng mời Thiền Am tham gia vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Nhưng Thiền Am cũng từ chối. Theo lời ông cụ Lê Tùng Vân: “Vì Giáo hội Phật Giáo Việt Nam không xứng đáng để tôi tham gia”!.

Sĩ diện, “Ăn không được thì đạp đổ”, Thích Nhật Từ đã trả đũa bằng cách trở mặt, liên tục xúc phạm, bôi nhọ, đặt điều gây tổn hại đến thanh danh của Thiền Am trong một thời gian dài. Sau khi Thiền Am khiếu nại, tố cáo không được giải quyết, đã có lời xúc phạm trả đũa liền bị Thích Nhật Từ tố cáo yêu cầu công an xử lý.

Sự tố cáo của Thích Nhật Từ phù hợp với ý đồ của Công an tỉnh Long An, do đó, họ đã truy bức Thiền Am.

  1. Công an địa phương đã đòi hối lộ 300 triệu đồng để làm chứng minh nhân dân cho một số thành viên của Thiền Am. Sự việc bị tố cáo khiến cho công an mất mặt, mất uy tín.

Để trả đũa, họ truy bức Thiền Am.

  1. Như chính Võ Văn Thắng thừa nhận, với sự gợi ý của công an địa phương, Võ Văn Thắng đã huy động 50 tên côn đồ tự tiện xâm nhập vào Thiền Am, hành hung người gây thương tích, trộm cướp, đập phá tài sản… Tất cả đều có clip ghi ảnh, ghi hình đầy đủ.

Dù Thiền Am đã tố cáo, nhưng công an tỉnh Long An đã làm ngơ, không điều tra, không khởi tố vụ án với lý do đã làm mất hồ sơ và chứng cứ vụ án.

Để chạy tội cho 50 tên tội phạm và để che dấu sự bao che tội phạm của chính mình, họ truy bức Thiền Am.

  1. Cô Bùi Ngọc Trâm là một nữ tu tại Thiền Am và chưa từng lập gia đình. Cô ấy tố cáo luật sư Trần Quốc Dũ có phát ngôn trên mạng xã hội xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm.

Đổi lại, công an địa phương cưỡng chế đưa cô ấy đi khám phụ khoa để chứng minh lời luật sư Trần Quốc Dũ xúc phạm cô Trâm là đúng. Như là cách để cứu ông Dũ!

Từ tư cách người tố cáo, cô Bùi Ngọc Trâm bị công an tỉnh Long An ngang nhiên xúc phạm thân thể, danh dự. Cho dù sau đó luật sư Trần Quốc Dũ đã thừa nhận lỗi của mình.

Để che đậy cho sự lạm quyền của mình, họ truy bức Thiền Am.

  1. Cô Diễm My là một thiếu nữ đã thành niên. Cô ấy có toàn quyền quyết định chọn nơi cư trú ở nhà cha mẹ hoặc ở Thiền Am mà cô ấy mong muốn.

Nhưng Công an địa phương đã lừa gạt, dùng xe cứu thương đưa cô ấy về giao cho cha mẹ.

Do Thiền Am không biết sự lừa gạt này nên đã có phát ngôn cho rằng công an bắt cóc Diễm My là có lý do và hoàn toàn bình thường.

Để che đậy hành vi lừa gạt, bắt cóc một thiếu nữ đã thành niên trái với ý muốn của cô ấy và trả đũa phát ngôn “công an bắt cóc người”, họ truy bức Thiền Am.

KẾT LUẬN :

Truy bức Thiền Am là cách công an tỉnh Long An trả đũa và đang tự cứu lấy mình để: Che dấu các hành vi lạm quyền cùng các hành vi che dấu tội phạm của chính công an tỉnh.

Trong một xã hội bất công, lực lượng công an thay vì là giải pháp lại trở thành nguồn gốc gây ra bất công. Nó khiến cho mọi quan hệ xã hội trở nên méo mó. Theo đó, thì ngay cả việc dân lành chọn cách sống lương thiện cũng trở thành khó khăn.

Manh Dang

——-///——-

Ảnh: Đại tá Văn Công Minh, Phó Giám đốc công an tỉnh, người chủ trương xóa sổ Thiền Am


 

CÁI NƯỚC MÌNH NÓ THẾ ..

Hắn đưa ông bố viêm túi mật đi cấp cứu nhà thương. Bệnh cụ căng quá. Bác sỹ bảo phải mổ ngay.

“Gia đình mình cho cụ mổ CÔNG NGHỆ CAO nhé ?!”

“Ngoài công nghệ cao còn có mổ gì, thưa bác sỹ ?!” – Hắn hỏi một cách cầu thị.

Tay bác sỹ nhìn hắn như nhìn một thằng ngố lạc loài, đáp: “Mổ thường chứ còn mổ gì !”.

Vì lơ mơ không hiểu nên hắn định hỏi thêm về “Mổ Công nghệ cao” và “Mổ thường” khác nhau thế nào nhưng rồi kinh nghiệm đi viện khiến hắn ngậm miệng.

Hắn gọi điện nhờ tư vấn. Ông bạn thân quát lên trong máy: “Lăn tăn gì nữa! Công nghệ cao! Nhanh và luôn !”.

Ca mổ thành công rực rỡ. Tất nhiên chi phí “công nghệ cao” cũng… cao hơn vài chục triệu đồng. Mổ xong ắt phải nằm hồi sức.

“Gia đình cho cụ nằm hồi sức TÍCH CỰC hay hồi sức thường ?!”

Kinh nghiệm của “công nghệ cao” cho hắn quyết định nhanh gọn: “Vâng! Xin theo hồi sức tích cực”.

Quyết định của hắn thật sáng suốt. Phòng “Hồi sức tích cực” nằm ngay gần cầu thang chứ không xa xôi heo hắt như “hồi sức thường”. Phòng có cả… dép tổ ong đỏ thắm, cắt cụt mũi cho người nhà bệnh nhân. Ở đây đủ loại máy móc, thầy thuốc ra vào chăm sóc tận tình. Vì “tích cực” nên mấy cô osin cũng có vẻ sang chảnh hơn, móng chân, móng tay, điện thoại đều đời mới. Các cô đi lại chộn rộn và thường nhìn mấy cô osin “hồi sức thường” với con mắt rất… thường.

Chưa hết, ngày đầu ở phòng “tích cực” hắn bối rối khi bác sỹ hỏi:

“Gia đình mình cho cụ dùng THUỐC TỐT nhé ?!”;

Hắn giật mình: “Sao nhỉ! Đã tích cực thì thuốc phải tốt chứ ?!”. Dù thắc mắc vậy, trước mặt anh chị em, họ hàng, bạn bè, hắn vẫn dõng dạc tuyên bố: “Thuốc tốt tất nhiên !”

Tiếc rằng, dù mổ công nghệ cao, hồi sức tích cực và dùng thuốc tốt, bố hắn vẫn qua đời không lâu sau khi nhập viện.

Tưởng chết là hết ai ngờ khi gọi điện tìm nhà tang lễ, đầu dây bên kia có người hỏi:

“Gia đình mình dùng DỊCH VỤ TRỌN GÓI hay dịch vụ thường ?”.

Đang sẵn đau thương bối rối nên hắn trả lời cho xong: “Bình thường thôi !”. Hắn không ngờ không dùng “trọn gói”, dịch vụ bình thường lại không… bình thường chút nào. Nhưng chuyện đã dài rồi, để lúc khác kể tiếp…

Thực lòng chuyện này viết ra không phải để đau thương căm hận mà để hài hước đồng ý với danh ngôn: “Cái nước mình nó thế !…”

Nguồn: Tào lao kẻ chợ


 

CHÍNH THIÊN CHÚA ĐÃ NÂNG ĐỠ TÔI TRONG CHỐN LAO TÙ- Tu Huynh Anh

Tu Huynh Anh is with Chim Toc Trang

 (Tính không đăng nhưng một số người sau khi nghe lại muốn đọc thêm nên tôi post ở đây.  Bài phát biểu tại Thượng viện Hoa Kỳ hôm 1 Tháng Năm, 2025. Nhan đề tôi vừa đặt).

CHÍNH THIÊN CHÚA ĐÃ NÂNG ĐỠ TÔI TRONG CHỐN LAO TÙ

Kính thưa quý vị!

Trước tiên, tôi xin cảm ơn quý vị đã cho tôi cơ hội hiện diện tại đây hôm nay.

Thật khó để truyền tải chặng đường 14 năm tù đày chỉ trong vài phút ngắn ngủi. Tôi ra tù đã gần 12 năm, có những điều đã phai mờ, nhưng cũng có những ký ức sẽ theo tôi suốt đời.

Tôi và người em trai, Huỳnh Anh Trí, bị bắt vào đêm 29/12/1999. Sau đó, họ đưa anh em tôi đến hai địa điểm khác nhau để tra khảo. Hơn mười viên an ninh thay nhau hỏi cung tôi suốt 72 giờ không ngừng nghỉ. Suốt ba ngày ba đêm, tôi không được ăn, không được ngủ. Nhiều lúc không thể chịu đựng nổi, tôi gục xuống bàn. Mỗi lần như thế, họ lại nắm tóc dựng tôi dậy và hắt nước vào mặt tôi.

Một trong số họ đã đánh tôi, trong khi những viên an ninh khác thì chửi bới, đe dọa: nếu không nhận tội, tôi sẽ đối mặt với bản án 20 năm tù, hoặc chung thân, thậm chí tử hình.

Sang ngày thứ tư, họ đưa tôi vào buồng biệt giam rộng chừng 6 mét vuông, không cửa sổ, ăn uống và tiêu tiểu tại chỗ. Sau 72 giờ bị tra khảo liên tục, tôi tưởng rằng mình sẽ được nghỉ ngơi. Nhưng vừa thiếp đi, lập tức trong đầu tôi vang lên thứ âm thanh rất đáng sợ, lúc thì như là tiếng tru tréo kinh hoàng, khi thì giọng cười ma quái. Tôi cố bịt tai lại, nhưng âm thanh ấy càng lúc càng rợn người. Hơn mươi sáu năm đã trôi qua, đôi khi âm thanh đó vẫn bất ngờ quay lại, khiến tôi hoảng loạn.

Tôi bị biệt giam khoảng một năm rưỡi trước khi ra tòa. Tám tháng đầu, tôi liên tục bị gọi đi cung lúc 1–2 giờ sáng. Gần sáng họ đưa tôi trở lại buồng, và chỉ vài tiếng sau lại có nhóm khác đến tiếp tục lôi tôi đi thẩm vấn. Chúng tôi gọi hình thức này là “xa luân chiến” – một người phải đấu trí với cả chục an ninh.

Tôi từng bị chuyển qua 5 nhà tù khác nhau, chưa kể các lần chuyển buồng, chuyển trại.

Ký ức ám ảnh nhất đối với tôi là ĐÓI, RẤT ĐÓI.

Không ai có thể sống nổi ngần ấy năm tù nếu chỉ dựa vào khẩu phần ăn của nhà tù cung cấp.

Chúng tôi sống được là nhờ sự đùm bọc của các tu sĩ Công giáo – những người bị bắt sau năm 1975 chỉ vì là linh mục. Đói và thèm ăn đến mức, có hôm tỉnh dậy, tôi thấy miệng mình dính thứ gì như chất bột màu trắng. Tôi chợt nhớ, đêm trước mình đã mơ được ăn no, và trong mơ tôi đã nhai thật – điều ấy giải thích vì sao quanh miệng tôi dính chất màu trắng vào sáng hôm sau.

Kính thưa quý vị!

Tôi và em trai bị kết án 14 năm tù. Cùng vụ còn 38 người khác, bị kết án từ 2 đến 20 năm. Gần 10 người đã chết vì đói, vì lao động khổ sai, vì bệnh tật không được chữa trị. Chưa kể những người chết trong các vụ án khác, như ông Nguyễn Minh Tân – hàng ngày vẫn lao động cuốc đất, nuôi cá, gặt lúa… nhưng chết vì đói.

Tù chính trị và cả tù hình sự đều phải lao động khổ sai, làm các việc như khai hoang, cuốc đất, đào ao, trồng rau… nhưng những năm đầu, chúng tôi chưa bao giờ được ăn những gì mình làm ra – dù chỉ là vài cọng rau. Nhiều khi chúng tôi phải hái cỏ non        để ăn thay rau.

Chúng tôi đã  nhiều lần tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi, yêu cầu cai tù thực thi đúng chính sách, quy định do chính nhà nước đề ra.

Cuộc tuyệt thực lâu nhất kéo dài 14 ngày tại trại giam Xuân Lộc, năm 2010, với hàng chục tù chính trị tham gia. Sau sự kiện đó, Tôi bị đưa về nhà tù An Phước, tỉnh Bình Dương.

Thưa quý vị!

Mười bốn năm tù không chỉ là sự chịu đựng bi kịch của cá nhân mình , mà tôi đã chứng kiến nỗi đau của biết bao người đồng cảnh ngộ. Tôi chưa từng thấy ai bị đánh đến chết, nhưng có nhiều người chết vì bị ngược đãi, một cách đàn áp tinh vi và có hệ thống”. Ví dụ, người mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp bị cấm mang thuốc vào buồng giam – và họ chết, như ông Lê Thân, ông Phan Văn Trước. Nguồn nước bẩn, thực phẩm ôi thiu, bồn cầu hỏng không sửa … ,tất cả đều có chủ đích và sự chịu đựng kéo dài đã hủy hoại sức khoẻ của tù nhân.

Tù đày không chỉ là tra tấn, bệnh tật, chết chóc – mà còn là sự cô lập tinh thần. Chúng tôi bị cách ly khỏi tù hình sự, bị kiểm soát mọi giao tiếp với nhau. Vì không được sử dụng giấy bút, không đuọc nhận sách báo nên chúng tôi không thể viết, không thể đọc, không thể ghi chép lại bất cứ điều gì tai nghe mắt thấy, hoặc chỉ đơn giản là giãi bày những cảm xúc của chính mình.

Không ít lần tôi có ý định tự tử và từng chuẩn bị một cái chết cho mình. Nhưng có một sức mạnh vô hình mà sau này tôi tin đó là Thiên Chúa, đã nâng đỡ tôi. Tôi phải sống để chiến thắng, chí ít là để không thất bại trước thế lực tà ác.

Thưa quý vị!

Chúng tôi kể lại những điều này không chỉ cho bản thân mình, mà còn cho những người đã chết – như em tôi, Huỳnh Anh Trí; ông Trương Văn Sương, Nguyễn Văn Trại, Bùi Đăng Thủy, Đinh Đăng Định và nhiều người vô danh khác.

Chúng tôi kể thay cho những người vẫn đang bị giam giữ – những người không có cơ hội cất tiếng nói của chính mình.

Tôi mong rằng quý vị – những tiếng nói mạnh mẽ vì tự do, sẽ không quên những nơi còn trong bóng tối, những con người vẫn đang chịu cảnh tù đày vì tranh đấu cho tự do, dù ở đất nước xa xôi như Việt Nam.

Xin chân thành cảm ơn quý vị.


 

BIỂU HIỆN CỦA NÔ LỆ HIỆN ĐẠI TRONG ĐỜI SỐNG XÃ HỘI – Nguyen Anh Tuan

 Đặng Huệ Như  

Bài viết hay của  Nguyen Anh Tuan

1. Thờ ơ với thời cuộc:

“Chính trị không liên quan đến tôi”, “Miễn tôi sống yên là được”. Đó là suy nghĩ phổ biến trong xã hội độc tài, nơi người dân bị tước quyền can thiệp vào các vấn đề công cộng, và dần đánh mất nhu cầu lên tiếng. Họ sống trong im lặng, coi bất công là chuyện “bình thường”, và không còn đặt câu hỏi vì sao đất nước mãi trì trệ.

  1. Vô cảm với đồng loại:

Khi thấy người khác bị oan sai, bị đàn áp, họ chỉ nói: “Tránh xa ra cho an toàn”. Sự vô cảm này không bắt nguồn từ sự ác, mà từ nỗi sợ hãi và tâm lý sinh tồn trong môi trường không an toàn. Nhưng chính sự vô cảm đó đã làm tê liệt sức mạnh cộng đồng.

  1. Không quan tâm chính trị:

Họ không biết ai là người nắm quyền, ai chịu trách nhiệm cho sự yếu kém của quốc gia. Họ không bầu chọn thật sự, không dám phản biện. Họ tin rằng “chuyện đó để nhà nước lo”, và vô tình trao toàn bộ vận mệnh vào tay kẻ khác.

  1. Khôn vặt, khôn lỏi để tồn tại:

Thay vì đòi hỏi một xã hội công bằng, họ học cách “luồn lách”, “biết điều”, “né rắc rối”, “chắc nó trừ mình ra”…. Đó là kỹ năng sinh tồn trong hệ thống bất công, nhưng đồng thời cũng làm lệch chuẩn đạo đức và suy giảm nhân cách xã hội.

  1. Sống trong sợ hãi thường trực:

Họ sợ bị theo dõi, sợ bị ghi nhận phát ngôn, sợ bị mất việc, sợ bị “xử lý hành chính”, sợ bị gán nhãn “phản động”. Sự sợ hãi khiến họ tự kiểm duyệt bản thân, không còn khả năng phản kháng, và dần chấp nhận kiếp sống lệ thuộc như điều tự nhiên. Nô lệ hiện đại không cần kẻ canh gác, bởi con người đã trở thành người canh giữ chính tư tưởng của mình. Và một khi con người không còn biết mình đang bị trói buộc, thì chính họ sẽ tiếp tục truyền lại sự nô lệ ấy cho thế hệ mai sau.

  1. 6. Nguy hiểm nhất của nô lệ hiện đại là khi người dân không chỉ bị kiểm soát bằng bạo lực, mà còn bị dẫn dắt trong vô thức. Họ tin rằng đất nước đang ổn định và phát triển dù thực tế đầy rẫy bất công; tin lãnh đạo là thiên tài bất chấp sai lầm hiển hiện; tin phản biện là nguy hiểm, tự do là gây loạn, “lên đồng tập thể” có khi chỉ một trận bóng đá hay một thú vui bị định hướng dẫn dắt nho nhỏ…. Mọi tiếng nói khác biệt bị gán nhãn “phản động”. Họ tự hào vì “biết chịu đựng”, vì “không cần dân chủ kiểu phương Tây”, mà không nhận ra mình đang bảo vệ chính cái hệ thống khiến họ sống trong nghèo đói, sợ hãi và bất lực. Khi người bị áp bức quay sang tôn vinh kẻ áp bức, khi xiềng xích trở thành niềm tin thì đó không còn là sự phục tùng đơn thuần, mà là tâm trí đã bị chiếm đóng.

Không ai sinh ra để làm nô lệ. Một dân tộc chỉ thật sự phát triển khi từng người dân hiểu rằng tự do không phải là đặc ân mà là quyền bất khả xâm phạm. Độc tài có thể bành trướng, nhưng lịch sử chưa từng dung thứ cho nó mãi mãi. Hãy sống như một con người đúng nghĩa chứ không chỉ tồn tại như một công cụ thoi thóp thở.


 

  ƯỚC GÌ MẸ CÓ MƯỜI TAY – CA DAO MƯỜNG – HÌNH ẢNH VCH

(CA DAO MƯỜNG – HÌNH ẢNH VCH)

 Nhân Ngày Của Mẹ, mời các bạn đọc lại bài ca dao của người Mường. Lời ru con đầy chất dân ca, chứa đựng cả một trời tâm sự của mẹ…

MƯỜI TAY

Bồng bồng con nín con ơi
Dưới sông cá lội, ở trên trời chim bay
Ước gì mẹ có mười tay
Tay kia bắt cá, còn tay này bắn chim
Một tay chuốt chỉ luồn kim
Một tay đi làm ruộng, một tay tìm hái rau

Một tay ôm ấp con đau
Một tay vay gạo, một tay cầu cúng ma
Một tay khung cửi guồng xa
Một tay lo bếp nước, lo cửa nhà nắng mưa
Một tay đi củi muối dưa
Còn tay để van lạy, để bẩm thưa, đỡ đòn
Tay nào để giữ lấy con
Tay nào lau nước mắt, mẹ vẫn còn thiếu tay
Bồng bồng con ngủ cho say
Dưới sông cá vẫn lội, chim vẫn bay trên trời

(Ca dao dân tộc Mường, Cầm Giang dịch)

From: taberd- & NguyenNThu


 

Sài Gòn có mưa lớn nhất 8 năm, khắp nơi ngập nặng, xe chết máy

Ba’o Nguoi-Viet

May 10, 2025

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Cơn mưa vào sáng 10 Tháng Năm kéo dài một giờ rưỡi với lượng nước đo được gần 230 mm được xác nhận là “lớn nhất từ năm 2018 đến nay” khiến nhiều nơi ở Sài Gòn ngập nặng, các loại xe chết máy nằm la liệt.

Hình ảnh do các báo trong nước đăng tải cho thấy tại những khu vực như phường Tam Bình (thành phố Thủ Đức), quận Bình Thạnh, nước ngập hơn nửa mét, qua thắt lưng người lớn, thậm chí một số nơi nước ngập quá nửa căn nhà, gây thiệt hại nhiều tài sản.

Chỉ còn xe buýt chạy được trên đường trong lúc xe hơi, xe gắn máy chết máy la liệt ở Sài Gòn do mưa lớn hôm 10 Tháng Năm. (Hình: VNExpress)

Phóng viên báo VNExpress mô tả, nước ngập tràn vào nhà, cửa hàng cạnh xa lộ Hà Nội và cả vùng ven như huyện Hóc Môn, Củ Chi, khiến nhiều người phải vất vả tát nước.

Nhiều chủ cửa hàng hoặc tiểu thương bán ở chợ phải căng nylon, dựng tấm ván, đắp đê ngăn nước ngập làm hư hỏng hàng hóa.

Trên nhiều tuyến đường ở Sài Gòn, nước ngập khiến xe hơi, xe gắn máy chết máy, trong lúc chỉ còn xe buýt chạy được.

Còn theo ghi nhận của phóng viên báo Tiền Phong, nhiều ống cống ở Thủ Đức xuống cấp, lại bị rác thải và bùn đất bít kín khiến nhiều khu vực trở thành “rốn ngập,” nước dâng cao đến ngực người lớn, mỗi khi xảy ra mưa to.

Nước ngập hơn thắt lưng người lớn hôm 10 Tháng Năm tại phường Tam Bình, thành phố Thủ Đức, Sài Gòn. (Hình: Tiền Phong)

Ông Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia thời tiết, cho hay những ngày qua tại Sài Gòn có nắng nóng oi bức cùng “hiệu ứng đô thị,” khiến hơi ẩm bốc lên cao tích tụ rất nhiều.

Hiện tượng này kết hợp với “rìa của khối khí lạnh và khô hơn” ở trên tầng khí quyển hội tụ cực mạnh tạo nên “mưa dị thường” như trong hôm 10 Tháng Năm.

Chợ Thủ Đức nằm trong biển nước. (Hình: VNExpress)

Ngoài Sài Gòn, các tỉnh Đông Nam Bộ như Bình Dương, Đồng Nai cũng mưa lớn từ 100 đến 150 mm, gây ngập nặng ở các vườn trái cây, cô lập một số khu dân cư.

Ông Huy cũng đưa dự báo rằng từ nay đến ngày 14 Tháng Năm, tần suất mưa tại Sài Gòn và khu vực Nam Bộ sẽ gia tăng, người dân cần chuẩn bị ứng phó với hiện tượng gió giật mạnh, lốc xoáy, sấm sét hoặc mưa đá. (N.H.K) [qd]


 

Hai người Trung Quốc đào trộm mộ vua ở Thanh Hóa

Ba’o Dat Viet

May 8, 2025

Hai người đàn ông Trung Quốc bị bắt khi đang trên đường trốn về nước sau khi mang thiết bị dò kim loại đến khu di tích Lam Kinh để đào bới lăng mộ vua Lê Túc Tông – một phần linh thiêng của lịch sử Việt Nam.

Chiều ngày 6 Tháng Năm, Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt giữ hai nghi can Deng Zhiji (41 tuổi) và Shen Jiangyang (43 tuổi), đều quê ở Quảng Tây, Trung Quốc. Cả hai bị cáo buộc “xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt” và đã được bàn giao cho công an tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều tra.

Trước đó, vào tối 3 Tháng Năm, trong lúc tuần tra khu vực lăng mộ vua Lê Túc Tông tại xã Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, lực lượng bảo vệ di tích phát hiện dấu hiệu lạ: một khu đất có dấu vết đào bới, kèm theo một điện thoại di động có cài đặt tiếng Trung, giấy tờ tùy thân và một dụng cụ kim loại để xăm dò lòng đất. Tất cả đều nằm gần khu vực nơi từng an táng vị vua thứ bảy của triều Lê sơ – người chỉ trị vì vỏn vẹn bảy tháng trước khi băng hà vào năm 1504.

“Chúng dùng thiết bị dò xuyên đất để tìm đồ tùy táng có giá trị, có thể là vàng bạc, ngọc ngà hoặc cổ vật quý hiếm,” đại diện Trung tâm Nghiên cứu Lịch sử và Bảo tồn Di sản Văn hóa Thanh Hóa xác nhận. Vụ việc đã lập tức được báo cáo lên Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa.

Nhận tin báo, công an tỉnh Thanh Hóa phối hợp với công an tỉnh Quảng Ninh lập tức mở cuộc truy bắt. Đến khoảng 2 giờ 15 chiều 4 Tháng Năm, cảnh sát giao thông Quảng Ninh kiểm tra một xe taxi ở khu vực Móng Cái – cửa ngõ biên giới Việt – Trung, thì phát hiện và bắt giữ hai nghi can đang chuẩn bị xuất cảnh.

Tại cơ quan điều tra, cả hai khai nhận đã nhập cảnh vào Việt Nam hôm 28 Tháng Tư qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, mang theo thiết bị dò kim loại và bộ dụng cụ chuyên dụng để “săn cổ vật.” Tại Thanh Hóa, họ thuê xe máy để tiếp cận khu di tích Lam Kinh, nghiên cứu địa hình và chuẩn bị dụng cụ như khoan điện, dây thừng, cưa tay, bao bì, cuốc xẻng.

Ngày 3 Tháng Năm, họ thực hiện hành vi đào bới tại lăng mộ nhưng không tìm được gì đáng giá. Khi thấy có người xuất hiện gần đó, cả hai vội bỏ lại dụng cụ, trốn chạy.

Theo báo Dân Trí, lăng mộ vua Lê Túc Tông từng bị tàn phá trong quá khứ, chỉ còn lại một số gạch vồ mỏng. Sau khi khảo sát lại vào năm 1997, khu mộ được phục dựng, xây bằng gạch và trát xi măng bên ngoài.

Hành vi đào trộm mộ không chỉ là hành vi phạm pháp nghiêm trọng, mà còn là sự xúc phạm đến di sản quốc gia và linh hồn tổ tiên người Việt. Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực gìn giữ những giá trị văn hóa lịch sử hàng trăm năm tuổi, vụ việc này gióng lên hồi chuông báo động về lỗ hổng trong việc bảo vệ các khu di tích linh thiêng – đặc biệt là trước sự nhòm ngó từ bên ngoài.

Liệu đây chỉ là vụ việc đơn lẻ, hay đằng sau còn một đường dây săn cổ vật xuyên biên giới? Nhà Cầm Quyền CSVN có dám làm rõ đến tận gốc, hay sẽ chỉ dừng lại ở việc xử lý “hai cá nhân xâm phạm”?


 

CHUYỆN VỢ CON ÔNG TỐ HỮU, BÂY GIỜ MỚI KỂ

Việt Nam xưa và nay – Lien Nguyen

Dai Tat Phan NHỮNG BÀI POST HAY.

 Nước mình nghèo đến nỗi như thế này cũng từ những chính sách chế độ thiếu nhất quán.

Vào năm nào đó tôi cũng quên rồi, chỉ biết khi đó nhà ông Tố Hữu ở phố Hồ Xuân Hương được hoá giá rẻ như cho sau khi họ trả nhà công vụ ở Phan Đình Phùng, HN. Báo Tiền phong đã có bài phàn nàn về một cố ủy viên Bộ chính trị , nhà thơ lớn Tỗ Hữu không có chỗ để lập bàn thờ. Mới nghe, ai cũng mủi lòng thương cảm với ông. Nhiều người tỏ ra bất bình với Đảng và nhà nước sao lại đối xử phũ với một bậc lão thành như vây.

Do bị áp lực của dư luận, Ban Tư tưởng Văn hoá buộc phải công bố sự thật của một nhân vật nổi tiếng , đáng trân trọng nhưng người thân của ông thì đã làm hại thanh danh ông tại một buổi giao ban báo chí định kỳ mà tôi có dự và được Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá ngày đó là nhà báo Hữu Thọ được phép của cấp trên ” nói lại cho rõ”.

Số là sau khi gia đình ông Tố Hữu chuyển về phố Hồ Xuân Hương, gia đình nhà thơ đã cho một hãng dầu nhờn nước ngoài thuê, lấy mỗi tháng tới 9 ngàn đô la. Vì thế, bà Thanh, nguyên Phó ban Tuyên giáo Trung ương Đảng, vợ cố nhà thơ Tố Hữu phải về nhà con ở tại phường Thành Công ở nhờ để tiếp tục xin thêm chế độ nhà theo tiêu chuẩn ngang thứ trưởng riêng bà . Vì có chật nên bàn thờ không được đàng hoàng như nhà biệt thự nếu ở phố Hồ Xuân Hương mà gia định được mua rẻ. Lỗi này đâu phải do Đảng không chăm sóc chu đáo ? Báo Tiền phong bữa đó bị hớ to.

Từ ngôi biệt thự ở Hồ Xuân Hương, sau này gia đình bán cho ông Phạm Nhật Vũ Cty AVG, nghe đâu cả chục ngàn cây vàng. Điều này thì tôi ko nắm được mà nay đọc bài sau đây mới biết.

Từ chuyện gia đình ông Tố Hữu, tôi thấy buồn cho gia đình các quan chức , họ không hiểu rằng, tiền nhiều bao nhiêu cũng không đổi được thanh danh vốn người thân của họ được cả xã hội một thời trân trọng.

(Bài viết của Nhà báo Quoc Phong kể lại vào 2-12-2018) .

BA VAI TRÒ TRONG CUỘC ĐỜI LÀM CÁCH MẠNG CỦA TỐ HỮU

Bải ở Tố Hữu có ba vai trò trong suốt cuộc đời cách mạng của ông. Vai trò thứ nhất là làm quan, trong nhiều vị trí cao cấp của đảng. Vai trò thứ hai là làm chính trị và vai trò thứ ba là làm…thơ. Cả ba vai trò ấy đều có vấn đề, mà đều là vấn đề lớn liên quan tới nhiều người, nhiều thế hệ và nhiều năm sau đó.

Làm quan, Tố Hữu lợi dụng chức quyền đày đọa cả một thế hệ tinh hoa văn học trong phong trào Nhân văn giai phẩm. Đây là một phong trào đòi tự do nghệ thuật và thể hiện quan điểm chính trị của một số văn nghệ sĩ và trí thức sống ở miền Bắc,  khởi xướng đầu năm 1955 và kết thúc vào tháng 6 năm 1958.

Là Thứ trưởng Bộ Tuyên truyển khi phong trào Nhân Văn giai phẩm nổi lên, Tố Hữu đã thẳng tay ra lệnh đàn áp, bắt bớ các thành viên của phong trào và cho tới nay người trong cuộc đã vạch trần mọi sự trước dư luận quần chúng. Trần Dần, Phùng Quán, Hữu Loan, Nguyễn Hữu Đang, Lê Đạt, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Văn Cao, Phùng Cung…..Ngày nay thành viên Nhân văn giai phẩm được trả lại sự thật và phục hồi danh dự cho họ nhưng Tố Hữu vẫn lặng im như người ngoài cuộc mặc dù nhiều tư liệu cũng như lời chứng của người trong cuộc cho thấy ông ta chủ trì việc bách hại tự do sáng tác của phong trào này.

Làm chính trị, trong vai trò một Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu tham gia thảo luận và ký quyết định “Giá, lương, tiền” vào tháng 9 năm 1985. Quyết định này đã làm Việt Nam rơi vào vòng xoáy của lạm phát có lúc lên đến 770% và người dân oán thán như bị B52 tận diệt. Tố Hữu trở thành trò hề của kinh tế xã hội chủ nghĩa. Một năm sau cơn khủng hoảng, năm 1986, Việt Nam tiến hành đổi mới, Tố Hữu mất uy tín chính trị vì phải chịu trách nhiệm trong những vụ khủng hoảng tiền tệ nên bị miễn nhiệm các chức vụ quản lý, chỉ còn giữ chức danh đại biểu quốc hội.

Làm thơ có lẽ là lĩnh vực tai tiếng nhất của Tố Hữu. Ông được mệnh danh là nhà thơ cách mạng nhưng bỏ xa đồng nghiệp trong lĩnh vực tuyên truyền và nịnh bợ các tay trùm Cộng sản. Nếu những bài thơ đưa Hồ Chí Minh lên tới mây xanh thì người ta còn có thể hiểu được nhưng với Stalin, con ác quỷ của phe Xã hội chủ nghĩa mà Tố Hữu cũng làm những câu thơ tụng ca y ngang hàng với Thượng đế thì người dân không còn khả năng căm phẫn nữa, họ phỉ nhổ và chà đạp lên những từ ngữ trịch thượng mà Tố Hữu đã dày công sáng tác. Những câu thơ như thế này đã và vĩnh viễn là vết nhơ trong dòng thơ hiện đại Việt Nam, kể cả dòng thơ cách mạng:

“Áo Ông trắng giữa mây hồng

Mắt Ông hiền hậu, miệng Ông mỉm cười

Stalin! Stalin!

Yêu biết mấy, nghe con tập nói

Tiếng đầu lòng con gọi Stalin!

….

Thương cha, thương mẹ, thương chồng

Thương mình thương một, thương Ông thương mười”

Bao nhiêu thứ Tố hữu đã làm được lịch sử ghi lại đầy đủ. Chứng nhân trong vụ Nhân văn giai phẩm, gần sáu mươi triệu đồng bào cả nước trong vụ “Giá, lương, tiền” năm 1985 và hàng triệu trẻ con qua nhiều thế hệ học thơ Tố Hữu trong trường chẳng lẽ còn chưa đủ xấu hay sao mà lại bày trò xây dựng khu lưu niệm cho ông ấy?

(Trích : bài viết của Cánh Cò viết ở Đài Á Châu Tự Do RFA )