Bùng nổ cuộc chiến giữa Trọng và Lâm, nếu Huy Đức ra tòa-Nam Việt/SGN

Ba’o Nguoi-Viet

June 9, 2024

Nam Việt/SGN

Sau sự lên tiếng liên tục của các tổ chức thế giới cũng như người trong nước, Công An CSVN buộc phải công bố là đã bắt giam ông Trương Huy San, tức Huy Đức, về tội 331.

Dù tạm thời việc cố gắng hợp pháp hóa chuyện bắt cóc ông Huy Đức, nhưng vấn đề của chuyện kết tội và đưa ra dư luận công khai, rõ là thứ khó nhằn của Chủ Tịch Nước Tô Lâm nhưng là kẻ có quyền lực thao túng cả Bộ Công An lúc này.

Nhà báo Huy Đức. (Hình: Facebook Truong Huy San)

Trong số những blogger có giọng điệu bình luận nghiêm túc và rành rẽ những vấn đề nội bộ của giới lãnh đạo Việt Nam, không ai được đánh giá cao hơn ông Huy Đức, người từng dùng bút danh Osin, và có 350,000 người theo dõi trên Facebook. Việc bất ngờ bắt giữ ông Huy Đức, kể cả những người chống cộng cực đoan, và coi ông Đức là “cái loa” của phe phái, vẫn không thể giải thích được chuyện ông bị giam giữ. Sự bắt giữ, đóng Facebook của ông Đức, rõ ràng cho thấy cách viết luôn men theo lằn ranh cuối cùng của ông, nay đã quá mức chịu đựng của những kẻ âm mưu thao túng trong đất nước, và khiến họ phải bịt miệng, trước khi ông có thể tiết lộ kế hoạch đen tối nào đó, họ sợ bị rò rỉ.

Huy Đức là phóng viên nội chính ở Việt Nam, loại phóng viên có những mối quan hệ với các quan chức đang cầm quyền và có tư cách để tiếp cận các tài liệu của quốc gia, được coi là phóng viên loại 1 của hệ thống truyền thông độc tài nhà nước. Nhưng cũng là loại phóng viên dễ dàng vào tù khi có những cuộc thay đổi các cấp lãnh đạo tối cao.

Vài ngày sau khi ông Huy Đức mất tích, không gian mạng Việt Nam xuất hiện những lời bình phẩm trái chiều. Một phía là những người chống cộng cực đoan, coi rằng việc sa lưới của cây viết thuộc về phe phái là xứng đáng. Nhưng một phía, có vẻ là nhiều hơn hết, là những lời ghi nhận về giá trị của những bài viết của ông, những phân tích tình hình chính trị Việt Nam, cũng như về bộ sách Bên Thắng Cuộc, với những phần tư liệu bạch hóa, mà mỗi khi nhìn lại có thể khiến giới chóp bu Ba Đình phải cảm thấy cay đắng.

Hầu hết các phân tích về vụ bắt giữ ông Huy Đức, kể cả những bình luận cảm tính, cũng đều cho rằng, người ra tay là Chủ Tịch Nước Tô Lâm – người đang kiểm soát Bộ Công An sau bức màn. Có thể thấy trong các lịch sử bài viết của ông Huy Đức, việc đụng chạm đến Bộ Công An là không nhiều, cho thấy nguồn tin bên trong đủ cho ông Đức thấy không nên chạm vào kẻ sắt máu này, ngay cả vụ nổi dậy ở Daklak vào 10 Tháng Sáu năm 2023, nhiều người cố ý trông chờ ông Huy Đức bình luận xác đáng về câu chuyện này, nhưng mọi thứ là im lặng.

Điều mà ai cũng nhận ra là quyền lực mà ông Nguyễn Phú Trọng giao cho ông Tô Lâm để thực hiện cái gọi là “đốt lò” trong đại dự án tham nhũng, đã tạo cơ hội cho tân chủ tịch nước biến Bộ Công An thành một bộ máy thanh trừng đặc biệt riêng cho mình, mà bây giờ ngay cả Bộ Chính Trị cũng run sợ. Hiện nay, tất cả những thành viên cao hay trung cấp trong hệ thống lãnh đạo CSVN đều nơm nớp vì không biết ông Lâm sẽ nhắm đến mình khi nào. Bởi có thể nhìn thấy rõ ràng mọi quan chức cộng sản đều nhúng chàm tham nhũng, hay những khoản tiền bí mật để làm giàu riêng cá nhân, vấn đề là ông Lâm sẽ chọn ai để đưa vào bàn tiệc sắp tới – loại bàn tiệc mà mọi người trong đó đều có sai phạm, ngoại trừ kẻ kiểm soát Tô Lâm.

Chưa bao giờ thế lực của công an trong đất nước Việt Nam lại lớn như lúc này. Tin trong nội bộ nói rằng các quan chức Bộ Quốc Phòng đang hối hả tăng cường sức mạnh của mình, trong nỗi lo không để cán cân nghiêng về phía công an một cách hoàn toàn. Việc đẩy tướng quân đội Lương Cường tham gia Ban Bí Thư và giữ chức vụ Thường trực Ban Bí Thư mới đây, cũng được coi là một cách tính nhằm giảm bớt áp lực thao túng từ ông Lâm – chủ Tịch nước nhưng là cựu bộ trưởng Công An, và đàn em là Lương Tam Quang, tự xông vào vị trí bộ trưởng Công An mà không thèm xin ý kiến của Tổng Trọng.

Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, tuổi cao, sức yếu, và bị coi là ngày càng mất dần quyền lực. (Hình minh họa: Hoang Dinh Nam/AFP via Getty Images)

Những sự bất đồng trong nội bộ đảng CSVN đang ngày càng lớn, và cuộc khủng hoảng lớn nhất có thể đến, bắt đầu từ một nguồn tin bán công khai nào đó có thể tác động đến đa số đảng viên và dân chúng. Mặc dù những lời đồn đoán về khát vọng tiếm quyền lan khắp mọi nơi, nhưng ông Lâm không muốn ngôn luận đó được chính thức bàn ở Quốc Hội, trước khi những mưu tính của ông hoàn thành.

Lâu nay, nhiều người vẫn nói Huy Đức thuộc “phe” của ông Nguyễn Phú Trọng, vậy thì việc bắt giữ Huy Đức có thể là chuyện bất ngờ với người cầm quyền chính của đảng CSVN, nhưng giờ thì mỗi lúc đang vào thế bù nhìn, với bao nhiêu sức mạnh đang đổ về ông Lâm, người được nói là cũng nắm những hồ sơ sai phạm của ông Trọng.

Theo lý thuyết “phe phái” nói trên, nếu ông Trọng không cứu được ông Huy Đức chuyến này, có nghĩa ông đã bị tiếm quyền, hoàn toàn bất lực và có thể “tự nguyện” ra về vào cuối năm nay, chứ không đợi đến hết nhiệm kỳ vào năm 2026.

Nếu nhìn theo thói quen triệt hạ nhau của nội bộ cộng sản, đánh dằn mặt và mở màn, thường vào các cột trụ truyền thông tố cáo. Chặng hạn, vụ PMU18, hai phóng viên Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) và Nguyễn Văn Hải (Báo Tuổi Trẻ) bị tù vì bị cho là dùng tài liệu mật để tố cáo tham nhũng. Nhà báo Phạm Chí Dũng cũng bị ông Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh bỏ tù 2012, nhưng lúc đó có sự giằng co trong nội bộ nên sau sáu tháng tạm giữ, công an thông báo đình chỉ điều tra. Mỗi lần như vậy, đều có những chuyển động lớn ở hàng ngũ cấp cao.

Nay thì chủ tịch nước triệt cây bút ủng hộ chống tham nhũng và được coi là đứng về phía tổng bí thư, nếu trong thời gian tới, ông Huy Đức không được đình chỉ điều tra, phải ra tòa nhận án, điều đó có nghĩa sự rạn nứt trong hệ thống lãnh đạo Ba Đình đã vào đoạn cuối, chắc chắn phải có một trận quyết liệt cuối cùng, nhưng chưa biết ai sẽ là người ngồi vua đảng CSVN sắp tới.


 

Bắt Huy Đức, siết báo đảng

Ba’o Dat Viet

June 10, 2024

Nhà báo Huy Đức

Chừng nào còn phụ thuộc vào tín hiệu đèn xanh thì báo chí vẫn còn sống dài dài với nỗi thấp thỏm bị siết cổ nửa đêm bằng tin nhắn hoặc cú gọi lạnh tóc gáy từ một “đồng chí” tuyên giáo.

Làng báo Việt Nam là nó đã trở nên “khác biệt” so với hầu hết các nước chứng kiến tình trạng báo chí bị ngược đãi, bởi “đặc điểm” rằng: Không có nhà báo chính thức nào dám lên tiếng trước các vụ bắt bớ những người nói thay cho mình hoặc nói thay người dân về những vấn đề dân chủ và thậm chí những vấn đề liên quan trực tiếp đến tự do thông tin. Ký giả miền Nam trước 1975 từng “đi ăn mày” để phản đối sự kiểm soát báo chí. Giới báo chí ngày nay có những chọn lựa khác hơn “đi ăn mày,” dù họ biết thái độ đó mang lại kết cuộc như thế nào cho xã hội lẫn quốc gia.

Trên Washington Post, ký giả Jamal Khashoggi từng viết:

“Liệu có cách nào khác cho chúng ta hay không? Liệu chúng ta có phải chọn giữa rạp chiếu bóng và quyền công dân để có thể cất tiếng nói, dù là ủng hộ hay chỉ trích những hành động của chính quyền? Chúng ta có nên chỉ ton hót những lời bóng bẩy trước các quyết định của lãnh đạo, cái nhìn của ông ấy về tương lai chúng ta, nhằm đổi lại quyền sống và sự đi lại tự do cho bản thân và gia đình mình?”

Tự do báo chí đôi khi không hẳn là “không gian” được phép thể hiện. Tự do báo chí có khi là “khoảng cách” giữa “rạp chiếu phim” và “quyền công dân” cùng với sự chọn lựa một trong hai này. Khó có thể có một nền báo chí tự do khi mà nhà báo luôn chọn “rạp chiếu phim”. Không thể đòi hỏi có một nền báo chí tự do khi mà nhà báo cúi đầu chấp nhận khước từ quyền tự do ngôn luận của chính mình. Báo chí sẽ chẳng bao giờ có được sự độc lập và trung thực thông tin, nếu nhà báo không dám “tự do” “đi ăn mày” nhưng sẵn sàng “tự do” “mài bút” xu nịnh vuốt ve “các cụ,” để được thụ hưởng lợi ích kinh tế hoặc được “bảo kê” trong các cuộc đấu đá phe nhóm chính trị.

Chẳng có cái gì gọi là báo chí được “cởi trói” trong làng báo Việt Nam, như cách nói nhai nhải của Ban Tuyên Giáo Trung Ương.

“Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được nhà nước bảo hộ.” Đây là quy định được nêu tại Điều 13 của Luật Báo Chí năm 2016. Chỉ riêng quy định này đã thấy báo chí bị trói như thế nào. Mỉa mai thay, Điều 25 Hiến Pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Báo chí tiếp tục bị trói và thực hiện “các quyền” của nó khi được yêu cầu thực hiện “nhiệm vụ chính trị tuyên truyền” với nội dung bài vở được chỉ định. Lực lượng truyền thông luôn được xua ra để diễn một vở kịch chính trị tuyên truyền nhằm phục vụ chính trị đối ngoại lẫn đối nội. Chừng nào còn phụ thuộc vào tín hiệu đèn xanh thì báo chí vẫn còn sống dài dài với nỗi thấp thỏm bị siết cổ nửa đêm bằng tin nhắn hoặc cú gọi lạnh tóc gáy từ một “đồng chí” tuyên giáo. “Sáng đăng, chiều gỡ” đã trở thành “hoạt động báo chí” quen thuộc của làng báo trong nước nhiều năm qua.

Cá nhân ông trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương cũng là công cụ. Tuyên truyền phục vụ đường lối chính sách của đảng vẫn là “tôn chỉ” xuyên suốt của hoạt động báo chí Việt Nam. Thậm chí cách thức thể hiện cũng được chỉ định. Cơ quan truyền thông trung ương VTV chỉ được phép dùng từ “đối phương,” “lính bên kia biên giới”… chứ không được đề cập trực tiếp đến “Trung Quốc.”

Khi các trưởng phòng ban, thư ký tòa soạn hoặc ban biên tập nói chung phải chịu sự kiềm kẹp gần như hàng ngày bằng những tin nhắn trực tiếp vào điện thoại (rằng vấn đề nào được phép nói với liều lượng bao nhiêu và vấn đề nào cấm được đụng đến) thì báo chí còn lâu mới “trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.”

Ý thức tự kiểm duyệt không chỉ xảy ra với ban biên tập mà với cả người viết. Những vụ án tham nhũng hoặc những bài báo “phản biện” không phải tự nhiên xuất hiện và được tùy ý ban biên tập quyết định. “Tự do thông tin” là khái niệm được hiểu là khoảng không gian giới hạn mà phóng viên phải mặc nhiên hiểu như một ý thức nghề nghiệp hình thành như một quán tính nhắc nhở thường trực chớ nên dại dột vượt qua.

Sự cạnh tranh giữa các báo gần như không tồn tại hoặc chỉ tồn tại ở mức tiểu xảo chạy theo những tin vô thưởng vô phạt chứ không phải đẳng cấp “điều tra thông tin.” Sự nghèo nàn thông tin càng khiến báo chí nhạt nhẽo. Làng báo “cách mạng Việt Nam” không có chỗ cho phóng viên điều tra độc lập; và báo chí “cách mạng Việt Nam” không có chỗ cho làm báo độc lập. Lịch sử báo chí “cách mạng Việt Nam” chưa từng có một Bob Woodward. Báo chí Việt Nam rất thích nói về những Seymour Hersh với những bài báo phanh phui làm xấu mặt chính quyền nhưng làng báo “cách mạng Việt Nam” không thể có một Seymour Hersh dám “làm xấu mặt chính quyền” hay một New York Times dám bung ra một hồ sơ tương tự “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài.”

Những uyển ngữ kiểu “nhà báo là người xung kích trên mặt trận thông tin” chỉ là một khẩu hiệu thuần túy như một thứ hô hào rỗng tuếch. Cái khái niệm “nhà báo có tầm, có tâm” còn đáng buồn cười hơn nữa. Khi một phóng viên vượt rào và bị sa chân vào tù mà tổng biên tập không dám đứng lên bênh vực hoặc thậm chí còn không dám vào tù thăm hỏi thì “tâm- tầm” trở thành khái niệm cực kỳ vô nghĩa. Người ta có thể thấy rõ điều này trong vô số vụ nhà báo bị bắt, từ Phạm Chí Dũng năm 2021 đến Huy Đức 2024.

Trúc Phương/Người Việt 


 

Thích Minh Tuệ, ánh sáng giữa vô minh-Tác Giả: Hồ Phú Bông

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Hồ Phú Bông

Ông Thích Minh Tuệ “tự nguyện” dừng khất thực

Đi khất thực là buông bỏ vật chất, ôm bình bát hành niệm trên đường phố, ai cho gì ăn nấy vì nhu cầu tối thiểu của sự sống. Đầu trần, chân đất. mỗi ngày một bữa cơm chay, giờ ăn dân dã gọi là “độ ngọ”. Người đi khất là “khất sĩ”. Nơi ở là Tịnh Xá, không gọi là Chùa.

Khất thực Thích Minh Tuệ khác hơn. Ông không mặc áo vàng mà tự nhặt vải lượm được khâu lại. Không ở Tịnh Xá. Sau 6 năm độc hành khất thực được hơn hai vòng khắp Việt Nam, trừ một vài tỉnh chưa kịp đến. Ông ôm ruột (lõi) của nồi cơm điện vì ngại ôm bình bát dễ bị ngộ nhận với hệ phái Phật giáo khác. Ai hỏi, xưng con khi trả lời. Ông xác nhận chỉ là người đang học và hành theo lời Phật dạy. Người đi theo ông là quyền tự do của cá nhân họ, không phải đệ tử. Được khen/chê, kể cả chửi, ông đều bình thản với nụ cười vô ưu, chúc mọi người được an vui, hạnh phúc.

Khất thực Thích Minh Tuệ từng nhỏ nhoi đơn độc giữa biển người ở thành phố, cô độc ở vùng hoang vắng. Đêm ngủ ngồi (không nằm) ở nghĩa địa hay rừng đầy côn trùng, muỗi mòng mà nhìn ông vẫn khỏe bỗng dưng được cả trăm triệu người theo dõi chặt chẽ đến từng bước đi hơn một tháng qua trên mạng xã hội.

Mấy ngày vừa qua, khi từ Bắc vào đến Huế với hơn 70 người đi theo ông và hàng ngàn người rồng rắn chờ được đảnh lễ, kể cả tò mò, đã được nhà cầm quyền Huế gìn giữ an ninh trật tự rất chu đáo, thu xếp lộ trình tránh vào trung tâm thành phố và chọn chỗ để họ qua đêm tại ngoại ô yên tĩnh. Tại đây công an xua đuổi tất cả người ngưỡng mộ chờ đợi bên ngoài, cứ tưởng là đoàn người khất thực được tôn trọng việc ngủ nghỉ (!)

Sáng hôm sau mới phát hiện là đoàn người biến mất. Nhà cầm quyền thì thông báo là đoàn người đã TỰ NGUYỆN dừng cuộc hành khất với lý do a, b, c, d…. Khất thực Thích Minh Tuệ sẽ ẩn tu. Chi tiết xin đọc bản tin của RFA tại đây. Việc TỰ NGUYỆN “tan hàng êm đẹp” như thế tại sao lại xảy ra trong đêm khuya mà không công khai giữa ban ngày để mọi người chứng kiến?

Vô tình được cả trăm triệu người theo dõi gián tiếp (trên mạng xã hội) và hàng ngàn người trực tiếp trên đường, mọi lúc, mọi nơi VÌ HỌ TIN KHẤT THỰC THÍCH MINH TUỆ LÀ VỊ CHÂN TU. Nói cách khác ông là một vị sư. Hình ảnh sư Thích Minh Tuệ giống như ánh sáng của một ngọn nến, dù rất nhỏ bé, lẻ loi, đã bất chợt lóe lên giữa tăm tối vô minh. Ánh sáng vật thể đó dù có biến đi (bị ẩn tu) nhưng ánh sáng soi rọi vô minh vẫn còn đó. Và sẽ tiếp tục sáng.

Ánh sáng đó làm Giáo hội Phật giáo nhà nước lo ngại nên ra thông cáo “ông Thích Minh Tuệ tên là Lê Anh Tú… không phải là tu sĩ Phật giáo” điều mà sư Thích Minh Tuệ đã trả lời trước đó (câu thứ 44)

Ánh sáng đó cũng vô tình cho thấy sự khác biệt rất lớn với các sư của Giáo hội Phật giáo Việt Nam béo tốt, sang trọng, uy quyền, ngự trong những ngôi chùa lộng lẫy “khủng” do Ban tôn giáo nhà nước quản lý.

Ánh sáng đó cũng vô tình phát hiện được vài “nhân cách lớn” của chế độ khi họ phát biểu về hiện tượng Thích Minh Tuệ. Ví dụ:

– Tiến sĩ Lê Kiên Thành, quý tử cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, viết trên facebook của ông: “- Ai sẽ là người trồng lúa để có gạo cho thầy (sư Thích Minh Tuệ – nv) dùng bữa? – Ai sẽ dệt những tấm vải để có áo cho thầy mặc? – Ai sẽ giữ bình yên trên những con đường thầy sẽ đi?” Tiến sĩ Thành đã nhận ngay được phản ứng dồn dập của mạng xã hội, đại khái như: – Ai cũng xuất ngoại học tiến sĩ thì ai vô Nam chống Mỹ? – Ai cũng tổ chức đám cưới hoành tráng tại Hà Nội thì ai đổ máu để giải phóng miền Nam?… Tiến sĩ Thành lặng lẽ xóa bài sau đó.

– Thích Chân Quang, “cháu” Hồ Chí Minh, “giải thích” đôi điều rồi “kết luận” sư Thích Minh Tuệ dơ dáy, bẩn thỉu… là “thằng ba trợn”. Ba chữ “thằng ba trợn” được Chân Quang lặp lại mấy lần! Muốn xác minh chỉ cần vào google gõ ba chữ “thằng ba trợn”. Ba chữ này đang gắn liền với Thích Chân Quang!

Còn thái độ trọng kính sư Thích Minh Tuệ thì nhiều vô số. Rất nhiều bài nhận xét về sư. Thật/giả, phải/trái, trắng/đen phân tích rất kỹ về nhiều mặt, nhiều khía cạnh. Về Phật pháp. Về hạnh đầu đà…

Tất cả chỉ (vô tình) mà khai minh được cho hàng triệu Phật tử. Sự khai minh (vô tình) đó đi ngược lại mục đích của Phật giáo nhà nước với chủ trương “Đạo pháp, Dân tộc và Chủ nghĩa Xã hội” (!)

Như vài nguồn tin cho biết, lễ Phật Đản vừa rồi tại các chùa “khủng” của Giáo hội Phật giáo nhà nước khách đi lễ chùa bỗng mất đi phân nửa. Như vậy thì việc kinh doanh bị thất thu “khủng”. Vài giễu cợt “dám thiếu cả tiền để trả điện, nước và dọn dẹp lắm”!

Những việc làm của các sư nhà nước như: Thích Thanh Quyết bán lá bùa với giá 150 ngàn đồng, người mua đội lên đầu để được “cúng sao giải hạn”. Thích Trúc Thái Minh kêu gọi cúng dường để được giải “oan gia trái chủ”, đỉnh điểm là được chiêm bái “xá lợi tóc Phật linh thiêng”, vì tự nó nhúc nhích được. Thích Chân Quang giảng về luật Nhân Quả thì ai hát karaoke nhiều người đó có nguy cơ chết làm ma câm. Thích Nhật Từ thì dẹp xong Tịnh thất Bồng Lai vì không chịu gia nhập giáo hội nhà nước, nhốt tù cụ Lê Tùng Vân, 90 tuổi. Thích Thanh Toàn, trụ trì chùa Nga Hoàng phạm trọng tội, bị xả giới, nhưng xin được giữ lại tài sản 300 tỉ… v.v. Những sự thật như thế đã “giúp” ngôn ngữ đường phố có thêm nhiều tên lạ, mà thấm thía, như Thích Việt Á, Thích Thủ Thiêm, Thích Giải Cứu, Thích Vạn Phát… Thích Đủ Thứ.

Phải chăng đó là hiệu ứng được khai minh?

Vào cùng thời điểm này, Hà Nội vừa bị hơn 10 ngàn lần sấm sét vang rền, điều chưa từng xảy ra bao giờ cả. Đấy chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên thôi, nhưng nên coi là dấu mốc để dễ nhớ đến sự kiện “tan hàng” TỰ NGUYỆN giữa khuya của đoàn khất thực Thích Minh Tuệ tại Huế.

Nhìn chung toàn thế giới, khi nền tảng đạo đức và văn hóa của một nước bị băng hoại là lúc dân tộc đó rất dễ bị đồng hóa. Hiểu như thế thì sự xuất hiện bất ngờ của sư Thích Minh Tuệ, lẽ ra phải là cơ duyên để xiển dương đạo đức, ấy thế mà bị nhà cầm quyền quyết dẹp bỏ. Tại sao?

Câu hỏi mà người yêu nước cần tự tìm câu trả lời là: Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo toàn diện có phải vì đất nước và dân tộc hay không?

(6/6/2024)


Sự dối trá không chỉ trở thành phạm trù đạo đức mà còn trở thành ngành công nghiệp trụ cột

 Đỗ Trung Quân  ·

Chúng ta biết chúng đang nói láo, chúng biết chúng đang nói láo, chúng thậm chí biết rằng chúng ta biết chúng đang nói láo, chúng ta cũng biết rằng chúng biết chúng ta biết là chúng đang nói láo, chúng đương nhiên biết rằng chúng ta chắc chắn biết là chúng biết rằng chúng ta biết là chúng nói láo, nhưng chúng vẫn cứ láo. Ở đất nước chúng ta, sự dối trá không chỉ trở thành phạm trù đạo đức mà còn trở thành ngành công nghiệp trụ cột”

Note: Câu này được cho là của Solzhenitsyn, nhưng không rõ nguồn gốc.

( Phan Quỳnh Trâm )


Sư Thích Minh Tuệ xuất hiện trên tivi ‘tuyên truyền,’ dân mạng nghi vấn

Ba’o Nguoi-Viet

June 8, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Sau vụ bị Công An Tỉnh Thừa Thiên Huế cưỡng ép khiến nhóm tu sĩ cùng với sư Thích Minh Tuệ “tự nguyện” dừng bộ hành khất thực, sư Tuệ bất ngờ xuất hiện “trả lời phỏng vấn” trên đài Truyền Hình Việt Nam (VTV1) sau bảy ngày dừng bộ hành để “ẩn tu.”

Trong phóng sự ngắn phát sóng trong bản tin Thời Sự của VTV1 tối 8 Tháng Sáu, sư Thích Minh Tuệ được thấy xuất hiện trong bộ trang phục quen thuộc, đầu trần đứng ngoài trời dưới gốc cây được quét vôi trắng để trả lời phỏng vấn đài truyền hình.

Hình ảnh của sư Thích Minh Tuệ trong bản tin Thời Sự tối 8 Tháng Sáu của đài truyền hình Việt Nam. (Hình: Chụp từ màn hình)

“Tinh thần và sức khỏe của con vẫn tốt, vẫn đảm bảo học theo lời Phật dạy. Không có người dân đông hay những việc không ảnh hưởng đến trật tự giao thông, an toàn xã hội thì con vẫn học tập ở ngoài, không có gì thay đổi cả. Nhưng giờ nguyện vọng học tập của mình mà người dân ra làm ách tắc, mình đi không được thì mình cũng nên dừng. Con cũng mong muốn khi mình đi ra đường, mọi người đừng tập trung như thế làm ảnh hưởng buộc mình không học được nữa. Họ đi theo để quay phim với làm những việc kiếm tiền hay gì đó thì không phù hợp,” lời sư Tuệ trong bản tin phỏng vấn.

Facebook Nguyễn Xuân Diện nêu những điểm cư dân mạng nghi ngờ sau khi xem phóng sự của VTV1: “Ống kính đặt rất gần, sát với Ngài. Điều này là tối kỵ khi tiếp cận nhà tu hành. Ngài và PV Liên Liên không cùng trong một khung hình. FB Trần Long còn phát hiện gốc đa nơi Ngài ngồi được chăm chút quét vôi trắng.”

Facebook Thai Doan viết: “Nhận xét từng trải ở những nơi gốc cây thường quét vôi trắng: trại tù, trại cải tạo; doanh trại quân đội; cơ quan chính quyền. Trên rừng và những nơi khác không ai quét vôi trắng.”

Facebook Liên Hương Lêna nhận xét: “Dân kỹ thuật phóng to soi mắt thầy Minh Tuệ trong clip của VTV thì không có bóng cô phóng viên áo trắng với hàng cây phản chiếu trong mắt thầy.”

Theo phóng viên Liên Liên của đài VTV1, mới đây gia đình sư Minh Tuệ cũng đã có đơn gửi các cơ quan hữu trách đề nghị “xử lý” các trường hợp lợi dụng hình ảnh của ông để đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội, “gây ảnh hưởng tới ông Thích Minh Tuệ và gia đình ông.”

VTV1 cho rằng “việc tu tập thực hành giáo lý nhà Phật là nhu cầu chính đáng của người dân và được pháp luật bảo hộ.” Quyết định dừng bộ hành của sư Thích Minh Tuệ “cần được tôn trọng.”

“Đã đến lúc cần siết chặt công tác quản lý nội dung số, nếu không các YouTuber, TikToker sẽ bất chấp tất cả để kiếm tiền mà không quan tâm đến hậu quả gây ra cho xã hội,” phóng viên VTV1 mạnh miệng đề nghị.

Trong bản tin, nhà đài không quên cáo buộc “các thế lực chống phá” đã xuyên tạc “đưa nhiều tin sai lệch” về lý do sư Thích Minh Tuệ bị dừng bộ hành để ẩn tu.

Việc VTV1 đưa hình ảnh sư Thích Minh Tuệ lên “phỏng vấn” nhằm tuyên truyền xoa dịu sự bàn tán, hoài nghi của công luận về việc nhà sư bị khống chế, thậm chí bị bắt giữ. Song, thực hư thì chỉ có nhà đài mới rõ.

Trước đó, nói với báo Pháp Luật TP.HCM hôm 4 Tháng Sáu, một lãnh đạo Công An Tỉnh Thừa Thiên Huế cho hay hôm qua 3 Tháng Sáu, sau khi sư Thích Minh Tuệ “tự nguyện” dừng việc đi bộ khất thực, Công An Tỉnh Thừa Thiên Huế đã đưa nhà sư “đến nơi theo yêu cầu” và việc làm Căn Cước Công Dân cho ông do lực lượng Công An Tỉnh Gia Lai thực hiện, nhưng không cho biết địa chỉ cư trú cố định.

Theo truyền thông trong nước, khi sư Thích Minh Tuệ đang khất thực đi qua địa phận Thừa Thiên Huế, các cơ quan hữu trách “đã gặp gỡ, trao đổi” với ông về việc “nhà nước nhất quán chủ trương tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người.”

Trên thực tế, theo các video clip ghi lại, từ chiều 2 Tháng Sáu, các lực lượng hữu trách tỉnh Thừa Thiên Huế đã điều hướng đoàn người đi vào đường tránh Tứ Hạ – Phú Bài, mà không đi vào thành phố Huế.

Khi đoàn bộ hành lúc đó có tổng cộng 72 người (thất thập nhị hiền) kể cả sư Minh Tuệ, được dẫn tới nghỉ qua đêm trong một lán trại của kiểm lâm giữa một cánh rừng không xa đường lớn.

Trong khi đó, đoàn người bám theo kể cả các YouTuber, TikToker bị barie ngăn lại. Tại đây đã có máy phá sóng viễn thông.

Vẻ mặt trầm tư của sư Thích Minh Tuệ trong cuộc “phỏng vấn.” (Hình: Chụp từ màn hình)

Khoảng hơn 1 giờ rạng sáng 3 Tháng Sáu, lực lượng hữu trách Thừa Thiên Huế đạp cửa rào bên ngoài để vào bên trong lán trại, trong khi các sư huynh đệ đang ngủ.

Đầu tiên, công an “làm việc” với sư Minh Tuệ, yêu cầu dừng cuộc bộ hành, nhưng sư thản nhiên trả lời đây là hạnh nguyện tu tập nên sẽ không có chuyện dừng bộ hành.

Cùng lúc đó, công an đã ập vào bên trong lán trại và quàng các dây nhựa màu vàng xích hai tay các vị hành giả đầu đà để áp giải đưa đi, nhất là những người có hình xăm bị cưỡng bức quyết liệt.

Riêng với hai sư Minh Tuệ và Tuệ Đức thì không bị trói.

Công an đưa các sư ra các xe đã chờ sẵn rất nhiều ở quanh đó, rồi chia làm hai nhóm, một đi về phía Nam và một đi về phía Bắc.

Sư Minh Tuệ cũng bị cưỡng bức đưa lên một xe hơi chở đi, nhưng không rõ điểm đến.
Xe vào phía Nam đến Quảng Ngãi thì dừng để đưa vào một trụ sở công an. Xe đi phía Bắc thì ngừng một bãi đất trống ở thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Sau đó, công an đưa cho mỗi người một bộ quần áo, gồm quần thể thao và áo phông màu xanh và yêu cầu thay bộ y phấn tảo.

“Về y phục, có lẽ chỉ có sư Minh Tuệ là không thay y, còn sư Tuệ Đức chỉ cởi y phấn tảo để mặc y màu nâu như các sư của Giáo Hội. Khi xảy ra biến cố, đoàn bộ hành có 72 người, đông nhất kể từ khi việc bộ hành của sư Minh Tuệ được mọi người biết đến. Sức khỏe và ý chí của đoàn bộ hành rất tốt và mạnh mẽ,” theo Facebooker Minh Thành. (Tr.N) [qd]


 

BÁI VỌNG NGÀI THÍCH MINH TUỆ


Trần Sĩ Tuấn

Xin giới thiệu bài viết hay , với rất nhiều điều để chúng ta cùng suy ngẫm của nhà thơ Hàm Anh . Cách đây hơn mười năm khi em còn công tác ở Ấn độ, em đã đưa đoàn chúng tôi đi dọc dài Đất nước, trung tâm của Phật giáo.

( Ảnh dưới: Hai anh em bên sông Hằng huyền bí)

BÁI VỌNG NGÀI THÍCH MINH TUỆ

Khi Ngài Thích Minh Tuệ còn đang bị/được chú ý nhiều quá thì mình có ý không nói gì thêm. Lắng nghe Ngài và mọi người là đủ rồi. Mà mình cũng tránh đọc nhiều, nghe nhiều, chỉ theo dõi vì lo cho Ngài bị hệ lụy không thể nào tránh khỏi. Mấy hôm nay bạn bè inbox, gọi điện, gặp gỡ, trong câu chuyện ai cũng hỏi mình về Ngài. Có cuộc nói thoại kéo dài cả nửa tiếng. Nhiều người buồn, phẫn nộ, lo lắng, nỗi lo lắng ngày một lớn khi không có tin chính thức về Ngài để biết chắc Ngài không bị làm sao. Mình post lên đây những gì mình đã trả lời bạn bè của mình để Nhớ về Ngài, bái vọng Ngài.

Hỏi: Những lời Ngài nói không có gì mới, không có gì cao siêu, Ngài cũng không nói gì nhiều. Ngài lại còn nói rằng Ngài “chưa vào Định được”, chưa thành tựu được chánh đẳng chánh giác nên chưa giảng pháp cho mọi người được, vậy sao nhiều người coi Ngài như vị Phật? Có phải là quá cực đoan, quá tôn vinh Ngài hay không?

Trả lời: Đã có nhiều người phân tích hiện tượng này rất sâu sắc, mình xin không nhắc lại ở đây. Bản thân mình thì mình ngưỡng mộ Ngài vì Ngài đã thực hành, tu tập thật là dũng cảm, bền gan, chân thực, rốt ráo. Không những thế, qua những lời nói hết sức đơn sơ, chân thật mà lại vô cùng đích xác, sáng rõ, từ bi hỉ xả của Ngài mình cũng như nhiều người cảm nhận được mức độ giác ngộ rất lớn của Ngài. Qua lời Ngài, Chân lý được truyền tải một cách rung động, sâu xa, trực tiếp đi thẳng vào trái tim, khối óc của mỗi người. Hơn 2500 năm nay đã có biết bao sách vở giảng giải và nói về giáo lý của Đức Phật rồi, những lời lẽ cao siêu, uyên áo mình có thể nghe được, đọc được ở nhiều người, nhiều nơi nhưng chỉ ở những bậc tu hành đã thực sự đạt tới một sự giác ngộ lớn lao mới có được năng lực siêu phàm có thể chạm tới được tâm can con người mà không cần nhiều lời. Là một người đã từng may mắn ở Ấn Độ hơn ba năm, có duyên biết được về Con đường Sáng để mà luôn quay về khi lãng quên, đã từng gặp rất nhiều người tu hành theo các môn phái khác nhau, quốc tịch khác nhau, có vị ẩn tu vô danh, có vị vô cùng nổi tiếng được thế giới biết đến và kính trọng, mình có một linh giác riêng để cảm nhận được mức độ giác ngộ của các vị tu hành mình có duyên gặp, mình muốn nói với các bạn rằng, đối với mình, Ngài có một sức hút kỳ lạ, hiếm hoi, có khả năng cảm hóa người khác một cách Siêu phàm! Vì thế, đối với mình Ngài là một Vị Phật.

Hỏi: Thật tiếc nuối biết bao khi Giáo hội và chính quyền đã thiếu lòng tôn trọng Ngài, tìm cách vô hiệu hóa Ngài, dân chúng đang khao khát được nhìn thấy được lắng nghe một người tu hành đức hạnh, minh triết như Ngài. Đất nước này cần những vị tu hành như Ngài để lấy lại được đức tin, niềm hy vọng, cứu Phật giáo Việt Nam khỏi bị lợi dung và tha hóa, loại trừ những “sư giả” sa đọa, những “chùa giả” bị biến thành những cỗ máy kiếm tiền khủng, u mê dân chúng. Đau buồn biết bao vì Ngài không được thực hiện nguyện vọng chính đáng và quan trọng sống còn đối với Ngài: tu theo hạnh Đầu đà để đạt tới Chánh đẳng, Chánh giác. Có phải Ngài đã bị buộc phải dừng chân quá sớm không? Liệu Ngài có bị ám hại không? Ngài đang ở đâu?

Trả lời: Ngay từ khi Ngài vừa mới bị/được đưa lên mạng xã hội mình đã vô cùng lo lắng cho Ngài. Bản thân Ngài cũng lường trước được những hệ lụy do đám đông và sự ngưỡng mộ của dân chúng mang lại. Các bạn cứ đọc 44 đoạn nói chuyện của Ngài mà ai đó đã công đức ghi chép thì sẽ thấy rất rõ sự thông thái, nhìn xa biết trước của Ngài. Nhưng Ngài cũng không tránh khỏi phải dừng bước dù đã gắng phát ra những tín hiệu rất rõ ràng về sự “vô hại”, không liên quan đến chính trị và giáo hội của mình. Bởi vì bản thân hành động rất mực quang minh chính đại, rất mực chân thực giữ giới, đức hạnh tột bậc của Ngài, khổ hạnh tột bậc của Ngài, sự giác ngộ lớn lao của Ngài – tự thân tất cả những điều đó đã tự nhiên trở thành TẤM GƯƠNG CHIẾU YÊU khiến tất thảy chúng ta đều hiện hình mình đang khiếm khuyết ở chỗ nào. Người nào thực lòng tha thiết muốn được giác ngộ, người nào có duyên lành chạm tới thì người đó lấy cái thấy biết từ tấm gương Ngài mà tu tâm sửa tính. Không nhìn thấy được hào quang từ người hành khất siêu năng Thích Minh Tuệ? – Không sao cả. Ai cũng có phận mình mà thôi. Ngài không xuất hiện để chia rẽ mọi người, để gây ra sự sợ hãi, tức giận, hay thậm chí là lo lắng, đau buồn… Ngài xuất hiện để chỉ cho chúng ta Thấy: chúng ta đang như thế nào. Tất cả những điều ấy là do Tâm chúng ta tạo tác. Ngài KHÔNG LÀM GÌ CẢ. Đối với Ngài, Đến và Đi như nhau. Sống và Chết như nhau. Ngài đột nhiên lộ diện – không phải do ý Ngài. Ngài bị buộc phải ẩn đi, biến mất – không phải do ý Ngài. Thoạt tiên, ta tưởng rằng Ngài bị lộ diện vì có các tiktoker, youtuber, vì có công nghệ và mạng xã hội. Thoạt tiên ta tưởng rằng Ngài bị cắt đứt khỏi chúng ta vì Giáo hội và Chính quyền không ưa Ngài, e ngại Ngài. Sự thật Đúng là như thế. Nhưng có một Sự thật khác là tất cả mọi điều xảy ra đều Có lý, đều có một ý nghĩa nào đó, cho chúng ta một bài học nào đó, nó vừa Ngẫu nhiên, vừa có sự sắp đặt Siêu nhiên mà người phàm chúng ta chưa thấy hết được mà thôi. Ngài Đến để cảm hoá, để thức tỉnh, để cứu vãn… Ngài Đi để làm cho ta Thấy rõ hơn những điều ta còn chưa thấy hoặc mơ hồ… Ta làm gì cũng chịu Luật nhân quả, luật ấy vừa nhìn thấy vừa không nhìn thấy được. Thấy hay không thấy là ở ta thôi.

Hãy kiên trì tu tập để rèn giũa cho cái Thấy Biết của mỗi người sáng hơn, dần hiểu được vô vàn bài học từ Ngài, từ những gì diễn ra, xảy đến với Ngài với tâm từ bi, hỉ xả.

Ngài đang ở đâu? Ngài có bị hại không? – Càng bưng bít thông tin thì lòng dân còn bất an, hệ quả khôn lường, lợi bất cập hại. Không biết tôn trọng Ngài là quá dại. Nay, mang Ngài đi đâu không cho dân chúng rõ thì lại càng dại hơn! Đã đến lúc phải cho người dân được rõ: Ngài được an toàn. Ngài được tự do.

Vì làm sao có thể Giết được Ngài? Đạo là Trăng chứ không phải là Lửa. Dù có bất kể làm gì chăng nữa thì Ngài đã loé sáng, đã ghi dấu ấn và ở lại trong tâm thức mọi người. Ngài đang ở đâu? Ngài đang ở trong tất thảy. Và mình nghĩ, dù có làm gì đi nữa cũng chỉ chạm đến xác tạm của Ngài chứ Ngài làm sao mà mất đi được? Ngài làm sao mà bị lãng quên? Ngài cũng như Đức Phật xưa kia giác ngộ, truyền Chân lý đến chúng ta theo một cách nào đó. Sức cảm hóa vô biên của Ngài như vầng trăng sáng tỏ sẽ còn theo chúng ta, còn ở lại với thế gian này để cứu độ chúng sinh. Nam mô bổn sư Thích Ca Mầu Ni Phật!

Hàm Anh.

Anicha. Be happy


 

 Vụ Vạn Thịnh Phát: 3 người chết ‘bất thường’ bị phong tỏa 200 sổ tiết kiệm, ‘sổ đỏ’

 Ba’o Nguoi-Viet

June 7, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Bộ Công An Việt Nam loan báo áp đặt biện pháp phong tỏa với hơn 200 sổ tiết kiệm, giấy tờ nhà đất, cùng hàng chục tỷ đồng và hàng trăm lượng vàng của ba người chết “bất thường” trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Đó là bà Nguyễn Phương Hồng (cựu giám đốc chi nhánh Sài Gòn của ngân hàng SCB), ông Nguyễn Tiến Thành (chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần Chứng Khoán Tân Việt, thành viên Hội Đồng Quản Trị SCB), và ông Nguyễn Ngọc Dương (tổng giám đốc công ty Sài Gòn Peninsula).

Ông Nguyễn Tiến Thành (trái), chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần Chứng Khoán Tân Việt (TVSI), và bà Nguyễn Phương Hồng, cựu giám đốc chi nhánh Sài Gòn của ngân hàng SCB, lần lượt chết hồi Tháng Mười, 2022. (Hình: Trang web SCB)

Cả ba người nêu trên tuy làm ở các công ty khác nhau nhưng được hiểu là thuộc cấp của bà Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và lần lượt qua đời trong vòng vài ngày sau khi bà này bị bắt hồi Tháng Mười, 2022.

Theo báo Tiền Phong hôm 7 Tháng Sáu, hành động nêu trên của Bộ Công An được giải thích là “truy hồi dòng tiền nhằm xác định nghĩa vụ hoàn trả tài sản” đối với ba người đã chết nhưng vẫn bị coi là bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát.

Kết quả điều tra giai đoạn hai của vụ án này cho hay, cả hai ông Thành, Dương và bà Hồng bị cáo buộc tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Trong số ba người, ông Nguyễn Ngọc Dương được ghi nhận là người bị phong tỏa nhiều tài sản nhất sau khi chết: Ba tài khoản đứng tên ông này tại ngân hàng SCB có 9.1 tỷ đồng ($358,021), giao dịch 50 tỷ đồng ($1.9 triệu) từ các tài khoản SCB và Vietcombank của anh Nguyễn Phúc Anh, 23 tuổi, con trai ông Dương.

Cả ba người chết “bất thường” trong vụ án Vạn Thịnh Phát đều là thuộc cấp của bà Trương Mỹ Lan (phải), cựu chủ tịch tập đoàn này. (Hình: ZNews)

Ngoài ra, khi khám xét tư gia ông này, công an còn tịch thu 216 miếng vàng và 206 số tiết kiệm đứng tên Nguyễn Ngọc Dương trị giá 132 tỷ đồng ($5.2 triệu) cùng “sổ đỏ” ba căn nhà tại Sài Gòn và tỉnh Long An, 100 triệu đồng ($3,934).

Toàn bộ số tài sản nêu trên bị phong tỏa và tịch thu sau khi Bộ Công An kết luận rằng những người nhà hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Ngọc Dương “không đưa ra được căn cứ xác định rõ nguồn gốc các khoản tiền, tài sản liên quan ông này.” (N.H.K) 


 

 Ý kiến ngắn: Tôi không bao giờ tin chính quyền hiện nay!

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Lê Diễn Đức

Vào năm 1967, công an mặc thường phục chặn xe đạp của nhà văn Vũ Thư Hiên và bắt giam, đoạ đầy ông suốt 9 năm trời qua các nhà tù, trải cải tạo lao động, rồi thả ông ra mà không hề có xét xử!

.Gần 60 năm sau, ngày 1 tháng 6 năm 2024 công an bất ngờ khám nhà nhà báo Huy Đức, bắt giữ và mang đi đâu bặt âm, vô tín. Người nhà, người thân quen và bạn bè không một ai biết nguyên do vì sao Huy Đức bị bắt và sự hành xử kỳ lạ của nhà cầm quyền VN.

.Theo luật của chính họ đặt ra, tạm giữ hành chính tối đa 24 giờ, còn tạm giữ hình sự có thể tới 9 ngày. Trong cả hai trường hợp, chính quyền điều phải nêu lý do bắt giữ và báo chí chính thống được thông tin cho dư luận.

.Thì ra, luật là vậy, nhà cầm quyền chỉ áp dụng khi nào cần, còn khi thấy không tiện, họ có thể sẵn sàng xổ toẹt vào nó, ngồi xổm lên nó. Cựu đại biểu quốc hội,,luật sư Ngô Bá Thành từng nói “Việt Nam có một rừng luật, nhưng xử theo luật rừng”, quả là chính xác.

.Nhà nước Việt Nam kể từ thập niên 80, quay ngoắt 180 độ với mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa bao cấp, đã thay đối cả cấu trúc kinh tế, cổ phần hóa, phát triển doanh nghiệp tư nhân, trước hết là để tự cứu lấy mình, giữ vững sự tồn tại của chế độ, sau đó là mở đường sống cho dân chúng từ thiếu thốn, nghèo khổ sau chiến tranh và sự bao vây kinh tế của thế giới sau cuộc mang quân chinh phạt chế độ Pol Pot.

.Dất nước đã chuyển mình và lột xác sau những thay đổi trên, dù chế độ vẫn giữ kiểm soát mọi mặt bằng triết lý “định hướng xã hội chủ nghĩa”. Nhưng chỉ về kinh tế!

.60 năm qua, về chính trị thì vẫn thế! Nhà văn Vũ Thư Hiên và nhà báo Huy Đức hay thậm chí tu sĩ Minh Tuệ, đều chịu chung một cách hành xử của nhà cầm quyền, một thế lực cai trị chuyên quyền, hãnh tiến, độc đoán, lưu manh, nhưng hèn nhát!

.Tôi không bao giờ có một chút lòng tin mảy may nào vào hệ thống chính quyền VN hiện nay!.

(Facebook)


 

Hé lộ cuộc đàn áp nhà sư Thích Minh Tuệ tại Huế

Ba’o Dat viet

June 4, 2024

Công an ập vào bên trong và quàng các dây nhựa màu vàng xích hai tay các vị hành giả đầu đà để áp giải đưa đi. Các sư phản ứng không chịu đi, nhưng họ quá đông nên cuối cùng cũng phải đi. Không có các cãi vã to tiếng trong lúc đó.

Từ chiều 2/6, lực lượng chức năng của tỉnh Thừa Thiên-Huế đã điều hướng đoàn người đi vào đường tránh Tứ Hạ – Phú Bài mà không đi vào thành phố Huế. Đoàn được dẫn tới nghỉ qua đêm trong một lán trại của kiểm lâm giữa một cánh rừng không xa đường lớn. Đoàn bộ hành lúc đó có tổng cộng 72 người kể cả ngài Minh Tuệ. Đoàn người bám theo kể cả các YouTuber, TikToker bị ngăn lại bởi barie. Tại đó đã có máy phá sóng viễn thông.

Khoảng 9 giờ tối, có một xe hơi đi vào, và có những người đi quanh lán để chụp ảnh.

Khoảng 11 giờ đêm có khoảng 70 người tụ tập ở ngoài đường lớn với mong muốn sáng hôm sau được gặp ngài Minh Tuệ đã được hốt lên xe, đưa đi làm việc đến 3 giờ sáng.

Nhà sư Thích Minh Tuệ. Ảnh của Trần Việt Đức

Khoảng hơn 1 giờ sáng ngày 3/6, các lực lượng đạp cửa rào bên ngoài để vào bên trong lán trại. Khi đó ngài Minh Tuệ và Ngài Tuệ Đức ngồi thiền ở phía bên ngoài hiên của lán trại. Các huynh đệ ngủ bên trong lán trại, trong đó có sư Minh Nhuận (vì thế trong lời kể, sư trẻ Minh Nhuận có nói đạp cửa vào bên trong).

Đầu tiên là họ “làm việc” với ngài Minh Tuệ, yêu cầu dừng cuộc bộ hành, nhưng Ngài Minh Tuệ thản nhiên trả lời đây là hạnh nguyện tu tập nên sẽ không có chuyện dừng bộ hành. Lúc đó họ đã ập vào bên trong và quàng các dây nhựa màu vàng xích hai tay các vị hành giả đầu đà để áp giải đưa đi. Các sư phản ứng không chịu đi, nhưng họ quá đông nên cuối cùng cũng phải đi. Không có cãi vã to tiếng trong lúc đó.

Thực hư việc Ban Tôn giáo Chính phủ nói sư Minh Tuệ "tự nguyện dừng bộ hành khất thực"

Những người có hình xăm bị cưỡng bức quyết liệt. Riêng với ngài Minh Tuệ và Tuệ Đức (Sư Rừng Gọi) thì họ không dùng dây để xích tay. Họ đưa ra các xe đã chờ sẵn rất nhiều ở quanh đó, rồi chia làm hai nhóm, một đi về phía Nam và một đi về phía Bắc. Phía Nam, đến Quảng Ngãi thì dừng để đưa vào một trụ sở. Phía Bắc thì đáp xuống một bãi đất trống ở Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Họ đưa cho mỗi người một bộ quần áo, gồm quần thể thao và áo phông màu xanh và yêu cầu thay bộ y phấn tảo. Tại Quảng Ngãi, riêng Sư Tuệ Đức – là Thạc sĩ, cũng là một tu sĩ thuộc Giáo hội Phật giáo thì họ đưa vào một phòng riêng, những người còn lại ở một phòng lớn để thực hiện các cuộc làm việc. Mọi người đều bị buộc phải mặc đồ mà họ đưa tới.

Về y phục, có lẽ chỉ có hai ngài Tuệ Đức, Minh Tuệ là không thay y, (ngài Tuệ Đức chỉ cởi y phấn tảo để mặc y màu nâu như các sư của Giáo hội).

de tu su minh tue.jpgMột số sư bị đưa về Hà Tĩnh, buộc cởi y bá nạp và phải ghé quán ăn bên đường xin phở không ăn với nước tương. Ảnh Facebook

Ngài Minh Tuệ cũng bị cưỡng bức đưa lên một xe hơi chở đi. Hiện chưa có thông tin Ngài đang ở đâu, nhưng chắc chắn Ngài không còn ở Thừa Thiên – Huế.

Khi xảy ra biến cố, đoàn bộ hành có 72 người (thất thập nhị hiền), con số đông nhất kể từ khi việc bộ hành của ngài Minh Tuệ được mọi người biết đến. Sức khỏe và ý chí của đoàn bộ hành rất tốt và mạnh mẽ.

Hiện tại, các nhà tu hành phía Nam đã được đưa về các địa phương để bàn giao. Riêng các nhà tu hành phía Bắc đã rải rác đi về phía Nam bằng mọi phương tiện để tìm kiếm huynh đệ và tìm thầy của mình. Màu sắc của hạnh đầu đà với y phấn tảo nhiều màu đang di chuyển tô điểm trên nền xanh của rừng núi miền Trung.

Minh Thành


 

  Tin nóng: Phó Ban Nội chính Trung ương bị bắt?! – Ba’o Tieng Dan

Ba’o Tieng Dan

Mai Hoa Kiếm

4-6-2024

Chúng tôi vừa nhận được tin, cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang tiến hành điều tra ông Nguyễn Văn Yên, Phó Ban Nội Chính Trung Ương. Được biết, ông Yên bị mời về trụ sở công an điều tra hôm thứ Bảy ngày 2-6-2024 và bị câu lưu cho đến nay.

Tin nội bộ cho biết, mọi thủ tục tố tụng đối với ông Nguyễn Văn Yên sẽ sớm được Bộ Công an công bố trong nay mai.

Ảnh: Ông Nguyễn Văn Yên, Phó ban Nội chính Trung ương. Nguồn: BNC Trung ương

Nguyễn Văn Yên sinh năm 1966, quê Mê Linh, Hà Nội. Yên từng công tác trong ngành Công an, hàm đại tá.

Năm 2006, Yên là thư ký của Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Năm 2010, Yên làm Phó vụ trưởng Vụ Công tác phía Nam, Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Năm 2013, Yên là Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Theo dõi Xử lý các vụ án của Ban Nội chính Trung ương.

Năm 2015, Yên là Vụ trưởng Vụ Theo dõi xử lý các vụ án, vụ việc của Ban Nội chính Trung ương.

Từ tháng 1-2022 đến nay, Nguyễn Văn Yên được bổ nhiệm chức Phó Ban Nội Chính Trung Ương.

Nguyễn Văn Yên từng bị dư luận xã hội phát hiện và chỉ trích, khi xài đồng hồ đeo tay Patek Philippe World Time Mecca, trị giá 270.000 Mỹ kim.

Ngoài ra còn có tin đồn ông Nguyễn Văn Yên cặp bồ với bà Lê Y Linh, sống trong một biệt thự 400 m2, có giá 50 tỷ đồng, ở khu Biệt thự liền kề khu K Ciputra Tây Hồ (Grand Gardenville Tây Hồ). Nhưng nơi gặp gỡ, hẹn hò cặp đôi Yên — Linh thì ở chỗ khác: Căn hộ cao cấp giá 8 tỷ đồng, tại chung cư UDIC WestLake, đường Võ Chí Công, Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội.

Bà Lê Y Linh và căn biệt thự ở Ciputra (ảnh dưới). Nguồn: Bộ Công an

Trong một diễn biến khác, ngày 24-5-2024, Cơ quan điều tra (C03) đã khởi tố bị can, tạm giam và thực hiện lệnh khám xét đối với 9 người để điều tra về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí“, quy định tại khoản 3 Điều 219, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trong đó có bà Lê Y Linh, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tổng hợp Việt Tín.

Bà Linh bị cáo buộc liên quan trong vụ án “các sai phạm tại dự án khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, phường 12, quận 4, TP.HCM”.

Như vậy “liền anh liền chị” sẽ có cơ hội gặp nhau trong trại giam.

Vụ ông Nguyễn Văn Yên bị bắt, dấy lên đồn đoàn rằng hai phe to đang đánh nhau để tranh quyền lực: Phe Tô Lâm – Bộ Công an và phe Phan Đình Trạc – Ban Nội chính Trung ương.


 

 Tô Lâm bắt Huy Đức ngoài dự liệu của Nguyễn Phú Trọng?

Ba’o Dat Viet

June 2, 2024

Huy Đức (phải) và Trương Duy Nhất

Việc Huy Đức bị bắt, ngoài dự liệu của Nguyễn Phú Trọng – nếu đúng như vậy – cho thấy tình thế của Trọng mỗi lúc càng ngặt nghèo, và chỉ có thể ngồi yên ở trên ghế vị trí tổng bí thư như một bù nhìn cho đến khi rời chức.

Lâu nay, nhà báo Huy Đức được coi là người ủng hộ Nguyễn Phú Trọng trong các chính sách điều hành đất nước và đặc biệt là trong vấn đề chống tham nhũng. Có ý kiến nói rằng ông Huy Đức đã quá mệt mỏi trước tiến trình thanh trừng không ngừng mà ông Trọng chủ trương, dần dần mở ra một lộ trình độc tài chỉ huy, làm nền cho Tô Lâm tiếp bước, đưa đất nước vào một con đường tăm tối không biết về đâu. Bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” được bình luận rằng đó là một lời nói thẳng cảnh tỉnh ông ,Trọng vào giai đoạn ông sắp sửa rời khỏi vị trí cầm quyền của mình.

Tuy nhiên, có một góc nhìn khác với những nhà quan sát thời sự, cho rằng bài viết này được viết với sự hậu thuẫn của ông Trọng, tự chịu đau, để lấy đà cho một cuộc dọn dẹp mới từ sự thao túng của Tô Lâm đang diễn ra. Vào lúc này, nếu không có những hành động quyết liệt được lobby trên báo chí, Tô lâm sẽ nghiễm nhiên ngồi vào chức Tổng bí thư, và có đàn em nắm Bộ Công an kiểm soát cả nước, lẫn Bộ Chính trị cho Lâm. Đất nước, sẽ rơi vào tình cảnh không khác gì như Bắc Triều Tiên.

Từ góc nhìn này, các nhận định cho rằng Tô lâm đã nhận thức thấy chuyện gì sắp xảy ra với mình. Vì vậy, có ý kiến cho rằng tên bạo chúa này lập tức tiến hành bắt giữ nhà báo Huy Đức, mỉa mai thay, cũng dựa vào điều luật 331 và 117 (Bộ luật Hình sự) mà Đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn y trong việc trấn áp cả nước. Hiện chưa có thông tin xác nhận chính thức từ phía Nhà nước về việc bắt giữ và cáo buộc đối với Huy Đức.

Việc Huy Đức bị bắt, ngoài dự liệu của Nguyễn Phú Trọng – nếu đúng như vậy – cho thấy tình thế của Trọng mỗi lúc càng ngặt nghèo, và chỉ có thể ngồi yên ở trên ghế vị trí tổng bí thư như một bù nhìn cho đến khi rời chức.

Trong tháng 5, hầu hết các ý kiến của các chuyên gia về Việt Nam đều cho thấy rằng Tô Lâm đang nhắm đến chức tổng bí thư. Riêng nhà bình luận Nguyễn Anh Tuấn thì nhận định rằng có vẻ như ông Nguyễn Phú Trọng không muốn Tô Lâm trở thành người nắm quyền sinh sát cao nhất của đảng cộng sản, và dự trù sẽ có một cuộc thanh trừng để hạ bệ Tô Lâm – một công hai việc: loại trừ con hổ ăn thịt tất cả đồng chí ngay trong nội bộ. Đồng thời, sự kiện này sẽ gắn kết Đảng Cộng sản chung quanh việc lãnh đạo của Tổng trọng tài đức sáng ngời.

Dĩ nhiên tất cả mọi bình luận ở trên chỉ là những suy nghĩ và được đồn đoán trong giới bình luận thời sự ở Việt Nam. Riêng với hai bài viết cuối của nhà báo Huy Đức, có thể thấy sự lên tiếng của ông là suy nghĩ của một nhà báo dám nói, và không ngại lên tiếng vào đúng thời điểm, khiến bộ máy cai trị phải tìm cách dập tắt tiếng nói của ông.

Bất luận Huy Đức là ai, và có thể là của phe nào đó trong bộ máy cộng sản cầm quyền, nhưng Huy Đức vẫn là một nhà báo lớn với bộ sách “Bên Thắng Cuộc”, đem lại nhiều giá trị lịch sử quan trọng cho người Việt. Vào lúc này, khi tin tức ông Huy Đức bị bắt lan truyền trên mạng, có nhiều người tỏ vẻ vui mừng.

sai lầm đó được nhìn thấy qua việc ông Huy Đức bị bắt, tức là điều mà Đảng Cộng sản Việt Nam đang chà đạp quyền tự do ngôn luận, và cách bắt bớ này biểu hiện rõ sự đàn áp con người.

Nếu không phải là ông Huy Đức đang gánh chịu, thì tất cả những người Việt Nam ai ai cũng là nạn nhân của chế độ. Việc lên tiếng cho bất công này, là cần thiết như với mọi người Việt khác đang bị cầm tù ở Điều 331 hay 117 Bộ luật Hình sự.

(Theo RFA)


 

 Lê Nguyễn Hương Trà: ‘Đang khám xét nhà, bắt khẩn cấp nhà báo Huy Đức’

Ba’o Nguoi-Viet

June 1, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – “Đang khám xét nhà, bắt khẩn cấp nhà báo Huy Đức.” Đó là những gì Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà (Cô Gái Đồ Long) viết trên trang Facebook cá nhân của cô hôm Thứ Bảy, 1 Tháng Sáu.

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cũng là người đã loan tin sớm và chính xác về việc hai chủ tịch nước, Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng, lần lượt mất chức hồi Tháng Giêng, 2023, và Tháng Ba năm nay. Hôm 14 Tháng Năm, cũng Facebooker này loan tin sớm chuyện bà Trương Thị Mai, thường trực Ban Bí Thư kiêm trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương Đảng, mất chức.

Nhà báo Huy Đức. (Hình: Facebook Truong Huy San)

Ngoài ra, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà được giới “giang hồ” trên mạng coi là người thạo tin “cung đình” ở Hà Nội.

Đến chiều Thứ Bảy vẫn chưa thấy báo chí trong nước đăng tin ông Huy Đức bị bắt.

Trong thời gian qua, ông viết một số bài trên trang Facebook của mình, và được dư luận cho là “nặng ký” và “đụng chạm” tới “thượng tầng” lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là ông Tô Lâm, người từng là bộ trưởng Công An, và vừa mới tuyên thệ nhậm chức chủ tịch nước hôm 22 Tháng Năm, và ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, nhân vật quyền lực nhất ở Việt Nam hiện nay.

Hôm 30 Tháng Năm, ông Huy Đức viết bài “Cựu tổng thống Mỹ bị kết án” nhân vụ ông Donald Trump bị một bồi thẩm đoàn ở New York kết tội hình sự cả 34 tội liên quan vụ ông bị tố cáo trả $130,000 cho bà Stormy Daniels, nữ diễn viên phim khiêu dâm, để “bịt miệng” bà này nói bà từng “ăn nằm” với ông hồi năm 2006.

“Trump vừa bị bồi thẩm đoàn tuyên bố có tội với tất cả 34 tội danh. Như vậy là tên tội phạm này đã từng ngồi trên ghế tổng thống Mỹ một nhiệm kỳ và vẫn còn khả năng làm tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà khi những kẻ thô bạo và vô liêm sỉ nhất, chỉ vì quyền lực cá nhân, cũng có thể biến một nền dân chủ như nước Mỹ trở thành đám đông hoang dã.”

Không biết nhà báo Huy Đức có hàm ý gì khi viết đoạn này, vì các Facebook Việt Nam thường khi viết những vấn đề “nhạy cảm” hay có “ẩn ý” ám chỉ một ai đó trong “cung đình.”

Hôm 28 Tháng Năm, ông viết bài “Những suy nghĩ không rời rạc” trong đó chỉ trích việc Việt Nam ngày càng chuyển dần từ một “nhà nước pháp quyền” sang “nhà nước đảng quyền.”

“Ngày 14-4-2016, tôi viết, Hiến pháp 1992, tuy còn dùng dằng giữa ‘hai con đường’ đã vẽ cho Việt Nam một nền cộng hòa trên giấy. Ngay cả những tổng bí thư bị coi là bảo thủ nhất như Đỗ Mười hay Lê Khả Phiêu, sau Hiến pháp 1992, cũng đã phải chuyển dần từ một chế độ đảng trực trị sang một chế độ đảng cầm quyền thông qua nhà nước,” nhà báo Huy Đức viết.

Ông viết thêm: “Việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị.”

Ngày 26 Tháng Năm, nhà báo Huy Đức viết bài “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” chỉ trích việc Bộ Công An giới thiệu luật quản trị an ninh mạng xã hội và coi “dao sắc, dao nhọn và dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao thuộc danh mục vũ khí thô sơ.”

“Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc bộ công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành,” nhà báo Huy Đức nhận xét.

Ngày 19 Tháng Năm, nhà báo Huy Đức viết chỉ trích việc Quốc Hội định để ông Tô Lâm vừa làm chủ tịch nước vừa tiếp tục làm bộ trưởng Công An và cho rằng việc này là “vi phạm Hiến Pháp.”

Hôm đó, ông Bùi Văn Cường, tổng thư ký Quốc Hội, họp báo cho biết sẽ chỉ bầu hai chức danh chủ tịch Quốc Hội vào ngày 20 Tháng Năm và bầu chủ tịch nước vào ngày 22 Tháng Năm, và sẽ không “miễn nhiệm chức bộ trưởng Bộ Công An và bầu người mới vì Trung Ương Đảng chưa giới thiệu người” thay thế ông Tô Lâm.

Ngày 20 Tháng Năm, Quốc Hội Việt Nam bầu ông Trần Thanh Mẫn, phó chủ tịch Quốc Hội, làm chủ tịch.

Ngày 21 Tháng Năm, ông Cường thông báo, theo đề nghị của thủ tướng, Quốc Hội sẽ bỏ phiếu miễn nhiệm chức bộ trưởng Bộ Công An.

Ngày 22 Tháng Năm, ông Tô Lâm được bầu làm chủ tịch nước, tuyên thệ, sau đó Quốc Hội mới bầu miễn nhiệm chức bộ trưởng của ông.

Nhà báo Huy Đức, tên thật là Trương Huy San, có tên là blogger Osin, là một trong những người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội người Việt Nam trong và ngoài nước.

Trang Facebook của ông có hơn 370,000 người theo dõi.

Ông sinh ra ở Hà Tĩnh, từng đi bộ đội và tham gia cuộc chiến biên giới phía Bắc Việt Nam hồi cuối thập niên 1970.

Sau đó, ông làm phóng viên Tuổi Trẻ, Thanh Niên, và Sài Gòn Tiếp Thị, những tờ báo được coi là hàng đầu ở Việt Nam.

Sau khi thôi làm báo, ông trở thành một trong những blogger có nhiều người Việt Nam đọc nhất.

Ông là tác giả cuốn “Bên Thắng Cuộc” khá nổi tiếng, kể một số câu chuyện mà ông nghe được từ những cán bộ Cộng Sản cao cấp liên quan đến cuộc chiến Việt Nam. (Đ.D.)