Lũ lụt là một thảm họa, nhưng sạt lở đất có khi còn kinh hoàng hơn – Thái Hạo

My Lan Pham –  Những Câu Chuyện Thú Vị

Thái Hạo

Lũ lụt là một thảm họa, nhưng sạt lở đất có khi còn kinh hoàng hơn. Nguyên nhân thì sách vở báo chí nói nhiều rồi, tôi chỉ muốn chia sẻ quan sát của cá nhân.

Theo tôi, sạt lở (nặng hơn nữa là lũ bùn, đất chảy), nguyên nhân chính là do núi đồi bị mất chân. Đối với loại núi đất, đồi đất, thì chân của chúng là tối quan trọng. Trải qua hàng triệu năm, những núi đồi ấy đã ổn định hình dáng và cấu trúc, mưa lũ cũng không làm chúng bị lở/ vỡ ra được. Mất chân, mất đi thế đứng vững chãi, những khối đất bên trên trở thành cheo leo, có thể bị sụt và đổ ập xuống bất cứ lúc nào.

Việc làm đường, xây dựng nhà cửa hay các công trình khác trên các vùng địa hình rừng núi, thường sẽ chặt đứt chân núi đồi, khiến chúng từ chỗ đang thoải dáng trở thành dựng đứng. Một quả bom treo lơ lửng trên đầu.

Cây rừng tự nhiên có bộ rễ sâu hàng chục mét và đan kết chằng chịt vào nhau, có vai trò quan trọng trong việc giữ vững liên kết giữa đất và đá, giữa tầng mặt và tầng sâu…, tạo thành một khối ổn định và vững chắc. Nhưng nay rừng đã bị cạo trọc, mối liên kết ấy mất đi. Một khi mưa lớn kéo dài, đất trong núi no nước, liên kết trở nên yếu ớt. Khi đất đá đã ở trong tình trạng mềm/ nhão, kết hợp với sự mất chân của núi đồi, một vụ sạt lở sẽ xảy ra. Những vụ sạt lở lớn sẽ kéo xuống cả vạn, thậm chí là cả triệu khối đất đá, vùi lấp mọi thứ bên dưới.

Do đất đã bị nhão ra, nên theo quy luật, càng chảy sẽ càng trở nên nhuyễn hơn, thành bùn, thành cháo. Kết hợp với nước mưa và dòng nước chảy, có nguy cơ trở thành lũ bùn, quét sạch và chôn vùi mọi thứ trên đường nó đi qua.

Nếu muốn tránh những vụ sạt lở như thế, việc bảo vệ rừng (có còn không mà bảo vệ?), trồng mới rừng (tất nhiên không phải rừng keo!) là điều quan trọng phải thực hiện. Tuy nhiên, cái có thể làm ngay là tránh việc chặt đứt chân của đồi núi, nhất là đồi núi đất.

Các công trình dân sinh hay công cộng phải được tính toán kỹ để tránh thứ tác động chết người này. Việc khai thác đất đá để phục vụ làm đường sá phải tránh giật gấu vá vai, không thể chỉ vì cái tiện và lợi trước mắt mà múc luôn những chân đồi có cả một ngôi làng đang sinh sống bên dưới (gần tôi nhất là nhiều xã ở huyện Nông Cống – Thanh Hóa đang diễn ra tình trạng này mà tôi đã nhiều lần phản ánh trên báo).

Trời còn mưa, lũ còn chảy, nhiều ngôi làng vẫn đang đứng dưới những quả bom đất lơ lửng trên đầu. Người dân nên tự đánh giá tình trạng nguy hiểm của quả đồi/ quả núi nơi mình ở để chủ động tìm nơi tránh trú an toàn. Nhà nước cần căn cứ vào cấu trúc địa chất, tình trạng rừng và tình trạng chân núi (còn hay mất), để khẩn cấp di dời những ngôi làng có nguy cơ cao, tránh những thảm họa đau đớn sẽ tiếp tục xảy ra. Đừng chỉ để đến khi một ngôi làng đã bị vùi dưới bùn đất rồi mới đi thống kê số lượng người chết.

Thái Hạo


 

Bi thương một huyện ở Lào Cai có 30 trẻ nhỏ tử vong do lũ

Ba’o Dat Viet

September 12, 2024

Trong những ngày qua, huyện Bảo Yên, tỉnh  Lào Cai đã chứng kiến một thảm kịch khủng khiếp do lũ lụt gây ra, đặc biệt tại  Làng Nủ thuộc xã Phúc Khánh. Theo ông Bùi Minh Tuân, Trưởng phòng Giáo dục huyện Bảo Yên, đã có tổng cộng 30 trẻ em tử vong vì lũ lụt. Sự việc này được báo chí trong nước đưa tin vào ngày 12/9.

Làng Nủ, nơi bị trận lũ quét lịch sử vào sáng ngày 10/9, đã hoàn toàn bị chôn vùi. Toàn bộ ngôi làng có 37 hộ dân với 154 người, cùng với bốn người từ nơi khác đến, đều bị lũ quét cuốn trôi, gây thiệt hại không thể đo đếm nổi.

Theo số liệu từ chính quyền địa phương, trong số những em nhỏ bị thiệt mạng và mất tích, có bảy em là học sinh của Trường mầm non số 1 Phúc Khánh. Ngoài ra, ba em còn lại chưa đến tuổi đi học, trong đó có một bé mới chỉ 38 ngày tuổi. Trường THCS Phúc Khánh cũng phải chịu thiệt hại nặng nề, với 20 học sinh tử vong và mất tích do lũ quét.

Đặc biệt, trong số các nạn nhân của trận lũ kinh hoàng tại Làng Nủ, có 18 em nhỏ dưới 6 tuổi và 14 em dưới 14 tuổi. Đây là một mất mát vô cùng đau lòng cho cộng đồng, khi những sinh mạng trẻ thơ bị lũ dữ cướp đi quá sớm.

Công tác tìm kiếm cứu hộ ở Làng Nủ vẫn đang diễn ra khẩn trương. Đến 15 giờ ngày 12/9, chính quyền địa phương đã xác định được số người chết tại đây là 44 người, 17 người khác bị thương đang được điều trị, và vẫn còn 51 người mất tích. May mắn, 46 người đã được xác định an toàn.

Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu hộ tỉnh Lào Cai, trận lũ này đã gây ra số thương vong lên tới 255 người trên toàn tỉnh. Thiệt hại về kinh tế do bão lũ ước tính khoảng 3.000 tỷ đồng, tạo ra gánh nặng lớn cho địa phương trong việc khắc phục hậu quả và phục hồi cuộc sống của người dân.

Sự việc ở huyện Bảo Yên là một lời cảnh tỉnh về sức tàn phá của thiên nhiên và sự cần thiết của các biện pháp phòng chống thiên tai. Chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đang nỗ lực hết sức để tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích và hỗ trợ người dân nhanh chóng ổn định lại cuộc sống.


 

Cô gái Cà Mau tự sát trong lúc gọi về nhà nhờ gửi tiền ‘chuộc mạng’ ở Cambodia

Ba’o Nguoi-Viet

September 13, 2024

CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Nhà chức trách xác nhận thi thể cô LTV, 22 tuổi, đã được đưa từ Cambodia về lo hậu sự ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, sau khi cô này tự sát trong lúc gọi video call cho gia đình.

Theo báo Tiền Phong hôm 13 Tháng Chín, hồi Tháng Sáu, cô V. đi làm công nhân xa nhà.

Gia đình lo hậu sự cho cô LTV, 22 tuổi, ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. (Hình: Tiền Phong)

Sau đó, cô gái này gọi về nhà thông báo rằng mình cùng một số người bạn đi xe gắn máy qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sang Cambodia làm việc. Tuy nhiên, cô V. không cho biết cụ thể mình làm công việc gì.

Đến ngày 6 Tháng Chín, cô V. gọi video call về cho gia đình, cầu xin gửi gấp 60 triệu đồng ($2,440) tiền “chuộc mạng” để thoát khỏi cảnh bị đánh đập do không đạt “chỉ tiêu” lừa đảo trực tuyến.

Do hoàn cảnh khó khăn, người nhà khuyên cô V. ráng đợi thêm vài ngày để gia đình xoay tiền gửi qua.

Cô V. than rằng nếu không có tiền gửi ngay thì trong đêm hôm đó sẽ bị đánh chết.

Nói xong, cô V. bất ngờ tự sát trong lúc cuộc gọi video vẫn đang diễn ra. Gia đình cô V. bất lực, không thể can ngăn con gái tìm đến cái chết.

Sau đó, gia đình cô V. đăng tải sự việc trên mạng xã hội, nhờ cộng đồng người Việt ở Cambodia trợ giúp đưa thi thể con gái về Việt Nam.

Rạng sáng 12 Tháng Chín, thi thể cô V. được đưa về đến nhà.

Trước vụ này, đã từng có một số thanh niên tự sát sau khi bị lừa sang Cambodia làm công việc lừa đảo trực tuyến trong các cơ sở do người Trung Quốc làm chủ.

Trong một bi kịch tương tự, báo Lao Động hồi Tháng Tám, 2022, tường thuật vụ một thanh niên Việt Nam nhảy lầu tự sát vì không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột của một công ty tổ chức đánh bạc trực tuyến ở Cambodia.

Bản tin dẫn lời ông NDK, người làm chung với thanh niên xấu số, kể rằng nạn nhân được giấu danh tính, bị lừa sang Cambodia do tin vào lời hứa hẹn “ngồi máy điện toán làm việc qua mạng, hưởng lương từ 20 triệu đồng ($813) mỗi tháng.”

Khi qua đến Cambodia, nam thanh niên bị cưỡng bức vào làm cho một công ty tổ chức đánh bạc qua mạng đặt tại thành phố Sihanoukville.

Mỗi ngày, nạn nhân phải làm việc 16 giờ, vào mạng dụ dỗ nhiều người ở Việt Nam nạp tiền tham gia đánh bạc trực tuyến, bị áp đặt “doanh số” lừa đảo hàng trăm triệu đồng (hàng ngàn đô la) mỗi tháng thì mới được hưởng mức lương từ $200 đến $800 mỗi tháng.

Trước khi nhảy lầu, nạn nhân bị đánh đập và bị đe dọa đem bán cho công ty khác vì gia đình không đủ khả năng chi tiền “chuộc mạng.”

Nam thanh niên từng bỏ trốn nhưng bất thành và bị bắt lại, bị đánh đập.

Hiện trường được cho là nơi nạn nhân NPH, 21 tuổi, ngụ thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, nhảy lầu tử vong ở Cambodia. (Hình: Thanh Niên)

Cũng vào năm 2022 tại Cambodia, theo báo Thanh Niên hôm 18 Tháng Chín, 2022, ông Nguyễn Đức Thịnh, cậu nạn nhân NPH, 21 tuổi, ngụ thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ngày 15 Tháng Chín, có một thanh niên đến gia đình thông báo là H. nhảy lầu tử vong ở Cambodia. Người này cho biết có người quen làm ở Cambodia và người quen đó nhờ đến gia đình cho hay.”

Người đến nhà thông báo cho ông Thịnh có cho số điện thoại của một người đang ở Cambodia. Ông Thịnh gọi vào số điện thoại được cho thì người này cho biết cháu ông nhảy lầu tử vong ngày 13 Tháng Chín.

“Khi tôi gọi vào, người nghe điện thoại dặn gia đình đừng làm lớn chuyện, đừng báo công an, cứ đi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ có người đón qua bên đó, mang thi thể về. Xong bên đó sẽ hỗ trợ cho 600-800 triệu đồng ($24,400 đến $32,500). Còn làm lớn chuyện sẽ không nhận được thi thể, không nhận được tiền hỗ trợ. Nghe họ hướng dẫn, vừa nghi ngờ vừa hoang mang nên tôi trình báo cơ quan chức năng,” ông Thịnh kể.

Sau đó, công an xác minh người đến gia đình cho hay nạn nhân H. tử vong có người cậu đang làm việc ở Cambodia.

Người nhà của nạn nhân cũng cung cấp thêm, anh H. đi sang Cambodia ngày 15 Tháng Tư và việc này gia đình không ai biết. Trước đó, người chị họ giới thiệu cho anh H. làm bảo vệ tại Sài Gòn. Thời gian anh H. ở Cambodia, liên lạc về gia đình nhưng anh H. chỉ nói đang ở Sài Gòn.

Người chị họ anh H. kể, theo tin nhắn H. về cho bạn thì công việc hằng ngày là lên mạng, nhắn tin lừa người khác với chỉ tiêu 100-200 triệu đồng ($4,000 đến $8,000). Hôm nào không đạt chỉ tiêu thì không được phát phiếu ăn cơm, bị đánh; còn phát hiện sử dụng điện thoại thì bị chích điện.

Sau khi bị đánh, nhốt, anh H. gọi điện thoại về cho bạn nhờ hỗ trợ chuộc về nước. Nhưng do không mượn được tiền, người bạn nói báo cho gia đình để giải quyết nhưng anh H. không cho vì sợ gia đình lo lắng.

“Tính lại thời gian H. gửi tiền về cho mẹ thì tháng đầu cháu nó sang Cambodia có gửi về cho mẹ 8 triệu đồng ($325). Tháng sau nhắn cho mẹ không có tiền, mẹ cố xoay xở. Sau đó, H. mượn mấy chị họ, khi thì 500,000 đồng ($20), khi thì 1 triệu đồng ($40). Có lẽ khi đó H., không làm được việc như họ sai khiến,” ông Thịnh nói. (N.H.K) [qd]


 

Việt Nam: Hãy hủy bỏ cáo trạng, phóng thích nhà vận động dân chủ

Ba’o Tieng Dan

13/09/2024

Human Rights Watch

12-9-2024

Ông Phan Vân Bách bị truy tố vì phê phán chính quyền

Phan Vân Bách mang biểu ngữ ủng hộ tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức. © 2018 Private

(Bangkok) – Hôm nay, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng nhà cầm quyền Việt Nam cần ngay lập tức hủy bỏ mọi cáo buộc và phóng thích nhà vận động dân chủ Phan Vân Bách.

Công an Hà Nội bắt giữ Phan Vân Bách, 49 tuổi, vào ngày 29 tháng 12 năm 2023 vì các bài đăng trên Facebook của ông, và cáo buộc ông tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 117 của bộ luật hình sự. Một tòa án ở Hà Nội dự kiến sẽ xét xử vụ án của ông vào ngày 16 tháng 9 năm 2024. Nếu bị kết luận có tội, Phan Vân Bách phải đối mặt với bản án lên tới 12 năm tù.

“Phan Vân Bách là nạn nhân mới nhất của đợt đàn áp thẳng tay vẫn đang tiếp diễn của chính quyền Việt Nam nhằm vào tất cả những người bất đồng chính kiến,” bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Danh sách người Việt bị giam giữ vì nói lên ý nghĩ của mình vẫn ngày một dài thêm trong khi các đối tác thương mại của Việt Nam đang làm ngơ trước những vi phạm nhân quyền có hệ thống của quốc gia này”.

Phiên tòa xử ông Phan Vân Bách diễn ra đúng một tuần trước khi Tổng Bí thư Tô Lâm tới New York để dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai của Liên Hiệp Quốc.

Tính từ giữa tháng Tám năm 2024, các tòa án ở Việt Nam đã xử và kết án ít nhất chín nhà hoạt động nhân quyền, những người đã vận động cho tự do ngôn luận và công bằng xã hội, trong đó có Nguyễn Chí Tuyến, Trần Văn Khanh và Nguyễn Vũ Bình. Tất cả đều bị kết án tù nhiều năm.

Phan Vân Bách đã vận động cho các quyền dân sự và chính trị cơ bản ở Việt Nam trong hơn một thập niên qua. Ông từng tham gia các cuộc biểu tình công khai phản đối Bộ Luật An ninh Mạng hà khắc. Ông tham gia tuần hành phản đối Công ty Thép Formosa Hà Tĩnh, một doanh nghiệp Đài Loan đã xả chất thải độc xuống biển thuộc tỉnh Hà Tĩnh khiến hàng triệu con cá bị chết và hủy hoại sinh kế của các cộng đồng ngư dân hồi tháng Tư năm 2016.

Phan Vân Bách cũng công khai lên tiếng ủng hộ các nhà hoạt động thân hữu, trong đó có các nhà vận động nhân quyền nổi tiếng như Trần Huỳnh Duy ThứcNguyễn Tường ThụyPhạm Chí ThànhLê Văn DũngLê Trọng HùngCấn Thị Thêu và Hoàng Đức Bình.

Tháng 3 năm 2016, Phan Vân Bách cố gắng ra tranh cử vào Quốc Hội với tư cách ứng viên độc lập, nhưng nỗ lực tự ứng cử của ông bị dập tắt ngay từ vòng đầu. Kể cả các ứng viên tự ứng cử cũng phải được Đảng Cộng sản cầm quyền phê duyệt. Tháng 5 năm 2021, Phan Vân Bách tẩy chay bầu cử với lý do không bảo đảm tính tự do và công bằng.

Từ năm 2017 đến 2018, Phan Vân Bách tham gia vào một kênh YouTube lấy tên là Chấn Hưng TV. Một nhóm các nhà hoạt động gồm có Lê Văn DũngLê Trọng Hùng và một số người khác cùng nhau vận hành kênh cũng như chức năng phát trực tiếp trên Facebook để bình luận về các vấn đề chính trị xã hội. Họ phỏng vấn và đưa ra lời khuyên cho những người nông dân có nguy cơ bị trưng thu đất đai, và cho những người bị đàn áp hoặc chịu những bất công khác của chính quyền, trong đó có người mẹ của tử tù Hồ Duy Hải.

Những người thuyết trình như Phan Vân Bách cũng cung cấp thông tin về các quyền cơ bản và luật pháp cho khán giả của kênh, và phát miễn phí bản sao của Hiến pháp Việt Nam. Tháng Bảy năm 2018, Phan Vân Bách đại diện cho Chấn Hưng TV tới tỉnh Lâm Đồng để thăm hỏi một nhà hoạt động thân hữu, Đinh Văn Hải, người vừa bị hành hung sau khi tới thăm một cựu tù nhân chính trị. Đinh Văn Hải hiện đang phải thụ án năm năm tù vì phê phán chính quyền.

Vì tinh thần hoạt động đó, Phan Vân Bách đã nhiều lần bị công an sách nhiễu, đe dọa, câu lưu và thẩm vấn. Trong một bài phỏng vấn vào tháng 9 năm 2024 với Đài Á châu Tự do, vợ ông đã bày tỏ quan ngại nghiêm trọng về tình hình sức khỏe của ông trong tù. Bà nói rằng, trong đợt thăm nuôi ngắn ngủi hồi tháng 6 năm 2024, bà gần như “không nhận ra” chồng vì ông đã bị sụt gần 25 cân kể từ khi bị bắt hồi tháng 12 năm 2023.

“Phan Vân Bách chỉ có ‘tội’ duy nhất là kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng nhân quyền và chấm dứt đàn áp công dân mình,” bà Gossman nói. “Các đối tác thương mại của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Australia và Nhật Bản cần chấm dứt việc ngoảnh mặt làm ngơ trước những vi phạm của chính quyền Việt Nam”.


 

Đất hiếm của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung / Mai Thanh Truyết

Mai Thanh Truyết

Vấn đề khai thác đất hiếm đang nằm trong số các dự án hợp tác được Washington và Hà Nội thảo luận trong cuộc viếng thăm của TT Biden vừa qua. Trong khi Mỹ và các nước phương Tây khác đang cố gắng chấm dứt sự phụ thuộc vào đất hiếm của TC thì Chính phủ Việt Nam lại có kế hoạch khởi động lại mỏ đất hiếm lớn nhất nước này cùng với một số mỏ đất hiếm khác vào năm 2024.

Ðất hiếm là một nhóm các nguyên tố hóa học có tính chất tương tự nhau và rất quan trọng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp, bao gồm sản xuất thiết bị điện tử, công nghệ năng lượng tái tạo và ngành công nghiệp quốc phòng. Việt Nam sở hữu một số mỏ đất hiếm quan trọng, đặc biệt là tại các tỉnh miền Bắc.

Dưới đây là một số dữ liệu về đất hiếm ở Việt Nam:

1.    Mỏ đất hiếm tại Lai Châu: Mỏ đất hiếm lớn nhất của Việt Nam được phát hiện ở huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu. Ðây là một trong những nguồn cung cấp đất hiếm quan trọng của đất nước, với tiềm năng khai thác lớn.

2.    Mỏ đất hiếm tại Nghệ An: Ðây là những khu vực có khả năng khai thác các nguyên tố đất hiếm như Cerium, Lanthanum và Neodymium.

3.    Mỏ đất hiếm tại Hà Giang: Khu vực này cũng có một số mỏ nhỏ hơn với tiềm năng chứa đất hiếm.

Việc khai thác và chế biến đất hiếm tại Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, với nhiều dự án nghiên cứu và đầu tư để nâng cao giá trị kinh tế và bảo vệ môi trường. Ðất hiếm có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, và việc khai thác bền vững các nguồn tài nguyên này có thể mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam.

Theo số liệu của Cơ quan Khảo sát Ðịa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới nhưng phần lớn vẫn chưa được khai thác. Vào năm 2022 Việt Nam sản xuất 4.300 tấn đất hiếm so với 200 tấn năm 2021. Vì đất hiếm rất quan trọng đối với ngành bán dẫn nên Việt Nam có tiềm năng rất lớn để trở thành nước đóng vai trò chính trong ngành bán dẫn trong tương lai. Việt Nam, quốc gia này trở thành nước đứng hàng thứ sáu trên thế giới về mặt hàng đất hiếm. Theo Reuters, TC sẽ là nước có lợi khi Việt Nam tăng sản lượng khai thác đất hiếm. Lý do vì Hoa Lục là thị trường xe hơi và xe điện lớn nhất thế giới; cũng như là trung tâm sản xuất các sản phẩm điện tử và điện thoại thông minh trên thế giới.

Tuy nhiên, như một số chuyên gia nhận định, vẫn còn khó khăn lớn để Mỹ có thể chấm dứt vai trò dẫn đầu của TC là nhà cung cấp đất hiếm lớn nhất trong một thời gian ngắn.

Tại hội nghị thượng đỉnh các nước G7 tại Hiroshima, Nhật Bản, từ 19 đến 21 tháng 5, 2023, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu – EC, đã nhấn mạnh cần phải hợp tác với những đối tác và các quốc gia có tầm nhìn chung để “giảm thiểu sự phụ thuộc của chúng ta vào TC” ở một số lĩnh vực then chốt, trong đó có đất hiếm.

Ngày 18/5/2023, Bộ Tài nguyên của Australia, một nước không thuộc G7 nhưng là khách mời tham dự G7 tương tự như Việt Nam, đã ra thông báo chính sách tài trợ cho ngành khai thác mỏ, trong đó có chiến lược khai thác đất hiếm, nhằm giảm thiểu các rủi ro về chủ quyền và tăng cường năng lực cho chuỗi cung ứng của các lĩnh vực sản xuất.

Trong thời đại của nền kinh tế công nghệ cao, các nguyên tố đất hiếm có mặt khắp mọi sản phẩm công nghiệp như xe hơi, điện thoại di động, vệ tinh, động cơ, hỏa tiễn dẫn đường bằng tia laser… Một báo cáo của RAND Corporation cho biết trong động cơ và các thiết bị điện tử của mỗi chiếc máy bay chiến đấu F-35 Lightning II thế hệ mới nhất của Hoa Kỳ có khoảng 450 kg nguyên tố đất hiếm.

Reuters đã từng loan tin, Việt Nam trong năm 2022 tăng sản lượng đất hiếm lên 10 lần và trong năm nay hãng Australian Strategic Materials Ltd. sẽ mua 100 tấn đất hiếm của Việt Nam.

Hãng tin Reuters vào đầu tháng qua loan tin dẫn nguồn Cục Khảo sát Ðịa chất Hoa Kỳ ước tính trữ lượng đất hiếm của Việt Nam chừng 22 triệu tấn, chỉ đứng sau TC và bằng phân nửa trữ lượng của nước láng giềng này thôi.

Về trữ lượng và vùng phân bố của đất hiếm ở Việt Nam, một nhà nghiên cứu ở Hà Nội, phát biểu với điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh, cho biết: “Lai Châu mới là địa phương có mỏ đất hiếm lớn nhất, theo một dự báo của Bộ Tài Nguyên Môi trường lên tới khoảng 21 triệu tấn, nhưng hiện vẫn chưa thể khai thác trên quy mô công nghiệp do thiếu đầu tư.”

Về triển vọng của ngành khai thác đất hiếm của Việt Nam cũng như tiềm năng Việt Nam có thể thế chân TC trên thị trường thế giới khi TC định siết chặt hơn mặt hàng đất hiếm xuất khẩu sang Hoa Kỳ, Châu Âu và các đồng minh khác, nhà nghiên cứu ẩn danh cho rằng ông không quá lạc quan về việc đất hiếm có thể giúp Việt Nam nâng tầm vị thế. Lý do theo nhà nghiên cứu này, “đất hiếm” nhưng không thật sự hiếm, và “nhu cầu đất hiếm toàn cầu thực ra khá ổn định (chưa tới 100 ngàn tấn/năm).

Việc độc lập khai thác, chế biến đất hiếm ở Việt Nam không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Việc khai thác đất hiếm rất phức tạp và TC kiểm soát nhiều công nghệ thanh lọc đất hiếm ở Việt Nam. Ngay cả Mỹ, với tư cách là nước nhập khẩu đất hiếm lớn, cũng không có nhà máy chế biến đất hiếm trong nước và chỉ có thể xuất khẩu quặng đất hiếm sang TC để chế biến (cũng có thể vì khai thác đất hiếm phát sinh ra một lượng rất lớn phế thải cho nên các công ty Hoa Kỳ không muốn trang trãi một chi phí rất lớn, trong khi giá đất hiếm trên thị trường vẫn còn quá rẻ so với chi phí thanh lọc phế thải lỏng trong sản xuất!). Câu hỏi được đặt ra là liệu có công ty Mỹ nào sẵn sàng trả phí để phát triển các mỏ ở Việt Nam hay không?

Việt Nam bắt hàng loạt lãnh đạo ngành đất hiếm, gây lo ngại về kế hoạch cạnh tranh với Trung Quốc

Bảng chỉ đường đến Ðông Pao, mỏ đất hiếm lớn nhất Việt Nam. Công an Việt Nam vừa bắt giữ sáu người bị cáo buộc vi phạm các quy định về khai thác mỏ, trong đó có chủ tịch của một công ty đi đầu trong nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp đất hiếm để có thể cạnh tranh với sự thống trị của Trung Quốc trong lĩnh vực này, Reuters và truyền thông trong nước dẫn tin tức từ Bộ Công an cho biết hôm 20/10/2023.

Trong số những người bị bắt có lãnh đạo của ít nhất một công ty tham gia đấu thầu là Công ty Cổ phần Ðất hiếm Việt Nam (VTRE). Chủ tịch của VTRE, ông Lưu Anh Tuấn, đã bị buộc tội giả mạo biên lai thuế giá trị gia tăng khi mua bán đất hiếm với Tập đoàn Thái Dương, công ty điều hành một mỏ ở tỉnh Yên Bái, miền bắc Việt Nam.

VTRE đã hợp tác với các công ty khai thác mỏ của Úc là Australian Strategic Materials (ASM) và Blackstone Minerals (đơn vị đàm phán đấu thầu các mỏ đất hiếm với Việt Nam). Các công ty này không có tên trong cuộc điều tra của cơ quan chức năng Việt Nam.

Theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Ðịa chất Hoa Kỳ, Việt Nam có trữ lượng đất hiếm (loại khoáng sản đặc biệt dành cho việc sản xuất các sản phẩm công nghệ kỹ thuật cao) lớn thứ hai trên thế giới với 22 triệu tấn. TC có trữ lượng đất hiếm lớn nhất với 44 triệu tấn, đứng thứ ba là Brazil với 21 triệu tấn.Tuy nhiên, phần lớn đất hiếm ở Việt Nam vẫn chưa được khai thác, đầu tư không được khuyến khích vì giá thấp do Trung Quốc ấn định và do nước này gần như độc quyền trên thị trường toàn cầu.

Việt – Nhật Hợp Tác Khai Thác Ðất Hiếm – Sản Xuất Chất Bán Dẫn

Nhật Bản muốn hai nước Việt-Nhật hợp tác khai triển các dự án sản xuất chất bán dẫn, AI, khảo sát và khai thác đất hiếm.

Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bàn Nishimura Yasutosh đưa ra đề nghị trên trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vào chiều 3/11 và được truyền thông loan trong ngày 4/11/2023.

Bộ trưởng Nhật Bản nói Nhật sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành của Việt Nam thông qua các các nhóm công tác để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là trong chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực. Hai bên cũng tăng cường hợp tác cơ chế đa phương, nhất là CPTPP.

Thủ tướng Việt Nam khẳng định Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu đến đầu tư và đề nghị phía Nhật hỗ trợ để doanh nghiệp Việt tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu của nước này.

Việt Nam cũng đề nghị phía Nhật Bản hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ vốn và nâng cao năng lực quản trị để Việt Nam phát triển các lĩnh vực trên.

Trước mắt, Việt Nam muốn Nhật hỗ trợ, cấp vốn vay ODA thế hệ mới cho các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn của Việt Nam, như dự án đường sắt tốc độ cao. Cùng với đó, phía Chính phủ Nhật xem xét đơn giản hóa thủ tục cấp visa, hướng tới miễn visa cho người Việt Nam vào Nhật Bản và tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản sinh sống, học tập và làm việc.

Kết luận

Việc khai thác đất hiếm ở Việt Nam, một quốc gia chưa đạt được trình độ công nghệ cao, có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng đồng thời tiềm ẩn những rủi ro và thiệt hại đáng kể. Dưới đây là một số lợi ích và thiệt hại chính:

Lợi ích:

o    Tăng trưởng kinh tế: Ðất hiếm là nguyên liệu quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp công nghệ cao, bao gồm điện tử, năng lượng tái tạo, và quốc phòng. Khai thác đất hiếm có thể tạo ra nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

o    Tạo việc làm: Ngành khai thác đất hiếm có thể tạo ra hàng ngàn việc làm cho người dân địa phương, từ việc khai thác, chế biến, đến các công việc liên quan khác như giao thông vận tải và dịch vụ.

o    Phát triển công nghệ: Nguồn tài nguyên đất hiếm có thể góp phần vào sự phát triển của công nghệ tiên tiến và các ngành công nghiệp liên quan, giúp cải thiện khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

o    Ðầu tư và cơ sở hạ tầng: Các dự án khai thác lớn có thể thu hút đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như đường giao thông và cơ sở hạ tầng năng lượng, có thể mang lại lợi ích lâu dài cho các khu vực khai thác.

Thiệt hại:

o    Tác động môi trường: Khai thác đất hiếm thường liên quan đến việc sử dụng hóa chất độc hại và gây ra ô nhiễm nước và không khí. Ðiều này có thể dẫn đến hủy hoại môi trường, suy giảm chất lượng đất và nước, và ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái.

o    Tác động sức khỏe cộng đồng: Những hóa chất và bụi từ quá trình khai thác có thể gây ra vấn đề sức khỏe cho người dân sống gần khu vực khai thác, bao gồm các bệnh liên quan đến hô hấp và nhiễm độc kim loại nặng.

o    Suy giảm tài nguyên và xung đột xã hội: Khai thác đất hiếm có thể dẫn đến sự suy giảm tài nguyên và gây ra xung đột giữa các cộng đồng địa phương và các công ty khai thác, đặc biệt là khi quyền lợi không được phân chia công bằng.

o    Ảnh hưởng đến văn hóa và cộng đồng: Các dự án khai thác có thể làm thay đổi cách sống của các cộng đồng địa phương, bao gồm việc di dời dân cư và làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống.

o    Rủi ro kinh tế: Nếu không quản lý tốt, việc khai thác đất hiếm có thể dẫn đến hiện tượng “bẫy tài nguyên,” nơi mà sự phụ thuộc vào nguồn tài nguyên duy nhất có thể làm cho nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương trước biến động giá và thị trường.

Nhằm khai thác đất hiếm một cách bền vững, Việt Nam cần chú trọng đến việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo sự công bằng trong phân chia lợi ích, và đầu tư vào công nghệ khai thác sạch hơn. Ðồng thời, cần có các chính sách quản lý và giám sát chặt chẽ để giảm thiểu những tác động tiêu cực và tận dụng tối đa các lợi ích mà khai thác đất hiếm mang lại.

Cần tập trung vào khoa học kỹ thuật khai thác cũng như cân bằng với việc bảo vệ môi trường chung hơn là chú trọng vào lợi nhuận và “bòn rút” hay tham nhũng!

Mai Thanh Truyết

Houston 7/20/2024

From: Tu-Phung


 

Chỉ Có Ở Việt Nam – Đỗ Duy Ngọc

Đỗ Duy Ngọc

“Cũng một thời, người ta toàn nói chuyện yêu nước thương dân, tình ái quốc, nghĩa đồng bào. Những gia đình vượt biên bị niêm phong với dấu đỏ lòm là phản quốc. Giờ thì ngồi đâu cũng nói chuyện Mỹ, chuyện Pháp, Anh. Người Việt ngày xưa trốn chạy, vượt biên giờ trở thành khúc ruột ngàn dặm.”

Nhiều bữa không ngủ được, nằm nghĩ toàn mấy chuyện tào lao. Ví dụ như những năm sau 1975, cơm không có, ăn toàn bo bo với bột mì, thức ăn toàn cá ươn và rau héo. Lúc đó chỉ mong có bát cơm trắng, bữa cơm có thịt. Giải trí thì chỉ quanh quẩn mấy bài ca cách mạng, thể thao thì chỉ loanh quanh bóng đá, bóng chuyền.

Thời mở cửa, tiền bạc khá hơn, đời sống được nâng cao, bắt đầu xuất hiện phong trào tennis. Thật ra trước 75 ở miền Nam, tennis cũng là bộ môn có khá người chơi, nhưng toàn tướng tá, nhà giàu, công chức cấp cao vì sân không nhiều mà dụng cụ thì giá rất đắt.

Từ cuối thập niên 80, sân tennis mở ra nhiều, vợt, banh, giày, vớ, áo quần được nhập về, phong trào rầm rộ. Và tennis lúc đó là thú chơi của người có tiền, nhất là cán bộ. Ra đường mà mặc bộ đồ đánh tennis trắng, giày Adidas, Nike…với vợt Wilson, Head chính hãng là quý tộc rồi. Vẫn biết đó là môn thể thao để mang lại sức khoẻ. Thế nhưng lắm người đến với bộ môn này để khoe khoang. Thời đó là thú chơi trưởng giả, có level cao trong xã hội. Ngồi đâu cũng nghe bàn về tennis, thể hiện đẳng cấp.

Dần dà, khi phong trào Golf du nhập vào, nhiều sân golf xây lên, 18, 36 lỗ đều có đủ. Người ta lấy luôn đất sân bay làm sân golf. Từ đó tennis thành trò chơi bình dân, ít vốn, không còn được nhắc nhiều nữa. Từ đấy golf mới là quý tộc, là đẳng cấp, là dân chơi thứ thiệt. Đi vào thế giới của trưởng giả, của trọc phú, của doanh nhân, của cán bộ đều bàn chuyện golf và giá cả của các món đồ phục vụ thú chơi này với giá cao ngất ngưỡng. Tennis xuống giá, golf trồi lên. Giá trị đã thay đổi.

Một thời người ta mong có miếng thịt mỡ để có chất béo, để rán, để chiên. Mong có miếng thịt nạc để có thêm chất đạm. Đến khi mở cửa, thức ăn tràn trề, thích gì có đấy, chỉ sợ không có tiền thì lại rộ lên phong trào ăn chay. Doanh nhân bạc tỷ cũng ăn chay, nghệ sĩ, người mẫu cũng ăn chay, tu cũng chay mà không tu cũng chay.

Tiệm cơm chay mở ra tràn ngập, bình dân có, sang chảnh có. Đi đâu cũng nghe bàn chuyện ăn rau cỏ. Vào nhà hàng sang trọng, giá cả trên trời cũng chỉ gọi món rau trộn. Ăn chay trở thành phong trào, trở thành mốt thời thượng.

Ngược với ăn chay lại có một xu hướng kiếm ăn thịt thú rừng. Thú càng quý, càng được săn đuổi. Thưởng thức thịt rừng là một thú vui quý tộc. Ăn những món ăn bình thường là tầm thường, phải tay gấu, óc khỉ, mật rắn, chồn hương, tê tê…rồi sừng tê, mật gấu, cao hổ, nhung hươu mới là dân chơi thứ thiệt. Cán bộ ta toàn là dân chơi.

Từ chuyện ăn chay lại dẫn đến chuyện tu hành. Xã hội càng tàn bạo, khát máu, bạo lực, lừa lọc, dối trá, láo toét thì người nói chuyện tu hành, kinh kệ càng nhiều. Chùa chiền mọc lên như nấm. Thằng du đãng giết người cướp của, bà cho vay nặng lãi, chứa gái, buôn ma tuý, cán bộ tham nhũng, cướp đất của dân ngày rằm, mồng một, lễ, vọng… đều mang tiền, dâng hương, vàng mã cúng lạy Phật. Họ cầu chức, cầu tiền, làm ăn phát đạt. Họ cầu giàu càng giàu thêm, ghế càng cao thêm, chức tước bổng lộc càng nhiều hơn. Bởi có chức là có tiền, có nhà to, có đô la, hột xoàn, vàng kí.

Chưa bao giờ mà câu A Di Đà Phật lại xuất hiện nhiều trên cửa miệng dân gian nhiều đến thế. Nó tràn đầy trong các mạng xã hội, đầy dẫy trong các comment. Tự hỏi họ có hiểu câu ấy muốn nói điều gì, ẩn chứa tư tưởng gì, chắc hẳn chẳng mấy người hiểu.

Họ bắt con chim đang sống tự do trên trời, con cá đang sống hạnh phúc dưới nước nhốt vào lồng, vào chậu, giam đói, chết khát rồi đúng giờ, đúng ngày đem thả ra gọi là phóng sinh. Sát sinh chứ phóng sinh nỗi gì. Tu theo phong trào, đọc kinh ê a theo phong trào, dạy người khác đạo lý, tín điều cũng theo phong trào. Trở thành một xã hội cuồng tín và mê muội. Một thời loạn tăng. Một số không ít thầy tu thuyết pháp toàn nói chuyện vớ vẩn, phản khoa học, công kích, nói xấu các tôn giáo khác. Xu nịnh người giàu, coi thường kẻ nghèo, cứ bước vào chùa là thấy rõ. Chùa thành doanh nghiệp, thầy tu thành doanh nhân, loạn xà ngầu cả lên.

Lại thêm phong trào từ thiện. Bản chất của việc từ thiện là tốt, là sự sẻ chia. Nhưng làm từ thiện mà khoe khoang cho tất thảy mọi người, mà tự hào xem đó là công trạng thì chưa hiểu hết nghĩa bố thí, bác ái. Đó chỉ là làm cho cái tôi của mình chứ chẳng phải vì tha nhân.

Phá rừng làm “biệt phủ” ở Thung Mây cách điểm cuối Đại lộ Thăng Long chưa đầy chục cây số

Chơi lan, chơi bonsai là thú vui tao nhã. Nhưng rồi người ta không dừng lại đó, đưa tới chuyện phá rừng, cưa cây đem về trưng bày trong vườn nhà. Cây trăm năm trong rừng già biến thành chậu bonsai cho lớp người nhà giàu mới. Cây lan biến hoá thành giá cả trăm tỷ đồng. Những thú chơi thanh lịch ngàn năm biến thành những trò cờ bạc, lọc lừa.

Có một hiện tượng khó mà cắt nghĩa được là hiện nay ở miền Bắc có phong trào mặc quân phục lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng Hoà, hát nhạc lính miền Nam. Họ tụ tập thành hội đoàn rất đông, có tổ chức đàng hoàng dù ngày xưa chửi Mỹ, hô hào đánh cho Mỹ cút, Nguỵ nhào. Nam thanh, nữ tú đủ cả, mỗi lần họ tập họp nhìn như tiểu đoàn quân đội VNCH chuẩn bị hành quân. Nhìn mặt họ hân hoan, sung sướng, tự hào, thoả mãn. Thế là sao nhỉ?

Cũng một thời, người ta toàn nói chuyện yêu nước thương dân, tình ái quốc, nghĩa đồng bào. Những gia đình vượt biên bị niêm phong với dấu đỏ lòm là phản quốc. Giờ thì ngồi đâu cũng nói chuyện Mỹ, chuyện Pháp, Anh. Người Việt ngày xưa trốn chạy, vượt biên giờ trở thành khúc ruột ngàn dặm. Con cán bộ từ cấp trung đến cấp cao đều du học Mỹ. Nhiều cán bộ chưa về hưu đã có thẻ xanh lận túi, chờ đến giờ là out. Thế mới thấy trên đời này mọi giá trị chẳng có chi là vĩnh cửu.

Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra. Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện, trong điệu đi, cách nói, cách cười. Chẳng phải chơi golf mà sang. Cũng chẳng phải có cây hoa quý đắt tiền mà sang. Cũng chẳng phải tiền muôn, bạc tỷ mà sang. Chẳng phải có chút sắc đẹp , có chút địa vị xã hội, có hột xoàn cả kí, có nhiều người xu nịnh tiền hô hậu ủng mà sang.

Cũng không phải miệng toàn nói chuyện đạo, chuyện chay tịnh, kể lể, khoe khoang chuyện bỏ tiền làm từ thiện, miệng luôn nam mô mới là người có lòng nhân ái, sống có đạo lý. Chiếc áo không làm nên thầy tu thì những kẻ cứ suốt ngày mô Phật cũng chưa hẳn là người tốt. Phật tại tâm chứ không phải tại miệng.

Đỗ Duy Ngọc


 

Mỹ viện trợ Việt Nam 1 triệu đôla để khắc phục hậu quả bão Yagi

Ba’o Dat Viet

September 12, 2024

Phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu đôla viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão Yagi gây ra, USAID tuyên bố hôm 11/9.

Khoản viện trợ này sẽ được phân bổ tới các đối tác cứu trợ nhân đạo để có thể tiến hành hỗ trợ tiền mặt cho các mục đích khác nhau, cung cấp nơi lánh nạn, nước sạch, vệ sinh cũng như các các hỗ trợ khác ngoài thực phẩm để đóng góp vào các nỗ lực cứu trợ thiên tai do Chính phủ Việt Nam chỉ đạo đang khẩn trương triển khai trên cả nước, tuyên bố cho biết thêm.

Cùng ngày, Cổng thông tin Chính phủ Việt Nam loan tin rằng khoản hỗ trợ 1 triệu đôla của USAID dựa trên nền tảng những hỗ trợ lâu dài dành cho Chính phủ Việt Nam và Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để giúp nâng cao khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và tăng cường năng lực ứng phó thiên tai, thảm họa cho các cộng đồng trên cả nước.

Trong 5 năm qua, phái đoàn Ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, thông qua USAID, đã cung cấp 7,7 triệu đôla hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ sẵn sàng ứng phó thiên tai, trong đó bao gồm đáp ứng các nhu cầu do bão, lũ cũng như nâng cao năng lực cho các đội xung kích phòng chống thiên tai trên cả nước.

Ngày 7/9, bão Yagi đã đổ bộ vào miền bắc Việt Nam. Đây là một trong những cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ vào Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, gây ra thiệt hại nặng nề tại 26 tỉnh thành.

Tính đến ngày 11/9, bão và mưa lớn sau đó đã gây ra lũ lụt, sạt lở đất và phá hủy nhiều công trình hạ tầng khiến 179 người thiệt mạng, và ước tính 145 người mất tích, theo Reuters.

Tính đến ngày 9/9, bão đã làm hư hại, phá hủy khoảng 48.000 ngôi nhà và khoảng 184.000 hecta sản xuất nông nghiệp.

Các chuyên gia cứu trợ nhân đạo của USAID tại thực địa đang tham gia vào các hoạt động đánh giá thiệt hại để đảm bảo viện trợ của Hoa Kỳ nhanh chóng đến được với những người dân đang cần nhất.

Trong nhiều thập kỷ qua, USAID đã hợp tác với Chính phủ Việt Nam để tăng cường năng lực của quốc gia trong công tác ứng phó, phòng chống và giảm thiểu rủi ro thiên tai. Hợp tác này nhằm mục tiêu nâng cao năng lực phòng chống thiên tai cho cộng đồng trên cả nước trong bối cảnh gia tăng tần suất và cường độ của thiên tai.

Truyền thông Việt Nam cho biết bên cạnh USAID, một số tổ chức quốc tế như Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), nhiều đại sứ quán đã cam kết hỗ trợ Việt Nam khắc phục thiệt hại do bão Yagi.

(Theo VOA)


 

  Yêu Nước là gì ?-  HUONG GIANG PHAN THI

   HUONG GIANG PHAN THI

Sep 11, 2024

“Thiết nghĩ, yêu nước không phải là công thức, đừng quy chụp và áp đặt suy nghĩ thô bạo của mình lên người khác!”

Ảnh nguồn internet: cây xanh đô thị và trụ điện sau bão Yayi.

Hôm nay tôi viết bài này nhân cơn sốt một đám đông đạo đức, chủ yếu là các cụ, vào cào cấu một đứa bé 16 tuổi. Thực sự tôi rất nể cậu bé ấy. Dám bày tỏ quan điểm của mình. Tôi khẳng định rằng đây là phát biểu có nhận thức! Quê tôi ở Phò Trạch _ Thừa Thiên Huế. Cha mẹ tôi là dân tập kết, là đảng viên, sinh tôi ra ở Nghệ An. Suy ra tôi là con cộng sản! Cuộc đời tôi, từ lúc sinh ra cho đến lúc tôi lấy chồng, chỉ ước được một bữa cơm trắng đơm đầy 3 chén, mỗi năm một bộ đồ mới. Cái ước mơ quá tầm thường mà bây giờ có lẽ không đứa trẻ nào thèm nghĩ tới.

Nhà tôi ở giữa những vườn cam của nông trường. Chúng tôi được giáo dục chỉ ăn trái cam sâu, xấu xí, chua le còn những trái đẹp lau sạch sẽ, gói trong tờ giấy bổi, đóng thùng nâng niu gửi qua Liên Xô đổi súng ống về đánh Mỹ, đổi máy móc về cải tiến nông nghiệp. Khốn nạn thay, hình ảnh cha tôi luôn luôn gắn với cái cày và con trâu, tôi chưa bao giờ thấy cái máy nào giúp cha bớt khó nhọc cả.

Chúng tôi một buổi đi học, một buổi chăn trâu cho nông trường, cầm theo con dao để lột vỏ những trái cam thúi đem về phơi khô để nộp cho nhà trường. Áo quần không có mặc mà năm nào cũng phải nộp giẻ rách để lau cam. Mà có định mức hẳn hoi! Mùa cà phê, công nhân thu hoạch xong là học sinh phải nghỉ học đi bươi nhặt hết những hạt rơi để nộp. Mẹ đùm cơm vào lá chuối để phần bữa trưa, sáng ăn khoai đi bộ mấy cây số, chiều tối mịt mới về nhà, mấy ngày liền như thế.

Không biết lúc đó cái hội bảo vệ quyền trẻ em đã ra đời chưa mà những cái “búp trên cành” chúng tôi cơm không có ăn, quần thủng đít, hết đi lao động cộng sản lại đầu trần chân đất đi cổ động hô hào, cứ câu cuối là đọc 3 lần kèm theo mỗi lần 3 tiếng trống.

Lên cấp 2 và cấp 3 thì đi trồng cây, cuốc cỏ cho nông trường, làm việc không lương trên tinh thần vui vẻ tự giác, không đi thì cuối năm hạ hạnh kiểm, lưu ban, làm “cán bộ khung”.

Tuổi thơ tôi thức và ngủ luôn luôn kèm chữ “thèm”. Những lúc đó tịnh không một ai đại diện cho một tổ chức nào hỏi tôi “thèm gì?”

Tôi nhớ, nhà bạn tôi có người về từ Quảng Trị mang về một con búp bê cũ, nó biết nhắm mắt và mở mắt. Lũ con gái chúng tôi thay nhau ẵm, ru… Cảm giác hạnh phúc đó tôi vẫn nhớ, lúc đó chúng tôi ngây thơ không thể nghĩ rằng, con búp bê đó đã từng có một bé gái như chúng tôi cũng ôm ấp và yêu thương lắm lắm!

Mẹ tôi trồng đậu phộng mà phải đi mò mò nhổ ban đêm như ăn trộm vì sợ bị kỷ luật, vi phạm tội “đảng viên mà có tư tưởng tư hữu tư sản”. Đậu phộng mẹ giã nhỏ nấu với ruốc để thay thức ăn gọi là chẻo, ăn với bo bo hoặc bắp đỏ hầm.

Lại khổ nữa, cha mẹ là đảng viên nên con phải hiền nhất xóm! Mỗi lần có miếng ngon như đường, sữa, áo quần viện trợ của Liên xô thì gia đình tôi phải nhường cho gia đình quần chúng khác, đa số họ cũng như gia đình tôi!

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi được ăn mì tôm từ miền Nam ra, phát theo tem phiếu, tôi đã ăn quá no vì lần đầu tiên được ăn mì tôm và được ăn no, lúc đó tôi 13 tuổi, vì ăn no quá không tiêu hoá được, tôi trằn trọc không ngủ được, nên nửa đêm mẹ phải đưa tôi ra vườn để ói. Từ đó đến giờ, tôi rất ít khi ăn mì tôm, vì mỗi lần ăn, tôi lại nhớ lần đầu được ăn mì, tôi sợ cảm giác ngửi lại cái mùi ói mửa ấy!

Tôi lấy chồng, thay đổi cuộc đời khi vợ chồng chuyển vào đất Vũng Tàu lập nghiệp. Cuộc sống nơi đây thật là dễ chịu, chúng tôi được 2 chị em người Sài Gòn đã lớn tuổi giúp đỡ, vợ chồng tôi chăm chỉ nên đời sống thay đổi nhanh chóng.

Khi tôi đọc bài viết về cháu bé tội nghiệp kia, tôi đã ủng hộ cháu, rất nhiều người vào chửi tôi là đồ vô ơn, đồ ba que, đu càng, đồ phản bội tổ cuốc…vân vân… Tôi nghĩ, tôi mang ơn cha mẹ tôi chứ, cha mẹ đã vất vả cả đời vì anh em tôi, cha mẹ không có nổi một bộ đồ tươm tất để mặc, một đôi dép để mang…vì nhường hết cho con…

Tôi nhớ, khi nhà tôi chuyển từ Nghệ An vào Phú Yên để sống, sốt rét và đói kinh khủng. Lương hưu cha mẹ không đủ nuôi thêm vợ và 2 đứa con của anh ba tôi đang đi bộ đội. Giáp ngày nhận lương hưu của cha mẹ thì như buổi giáp hạt nhà nông. Buổi chiều đó, cha tôi chặt 2 buồng chuối sứ để sáng mai chị dâu chở xuống chợ thì có 2 cha con ông đó chạy xe máy từ trong Nha Trang ra, tìm đến nhà tôi đưa cho mẹ tôi 1 triệu 8 trăm ngàn, tiền của cậu út gửi từ Mỹ về, cậu gửi địa chỉ nhà tôi về Nha Trang, sau bức thư tìm mẹ tôi, cậu gửi làm quà các cháu và họ tìm đến trao cho chúng tôi! Lúc đó thật sự nhà 6 người chỉ trông vào 2 buồng chuối ngày mai xuống chợ thì khái niệm về sĩ diện và lòng biết ơn một cái gì đó, lý tưởng nào đó, ở đâu đó… nó rất mơ hồ!

Chúng tôi sống sót là nhờ nỗ lực bản thân, nghèo khó cả đời, mơ cơm trắng ăn với cá khô! Chúng tôi đã vô ơn với ai???

Cũng như cậu bé kia, sinh ra và lớn lên nhờ sự vất vả của mẹ, vậy thì câu ấy phải mang ơn ai đây?

Chúng tôi đã học thuộc từ nhỏ ” khiêm tốn thật thà dũng cảm”… vậy tại sao chúng tôi lại bị lên án khi dám nói lên suy nghĩ của mình, nói lên sự thật?

Yêu Nước là gì, chẳng lẽ chúng tôi là những người không yêu nước?

Vào đất Vũng Tàu, vợ chồng tôi vẫn tham gia hoạt động các tổ chức đoàn thể như phụ nữ, nông dân, chữ thập đỏ… Tôi có hơn chục lần đi hiến máu nhân đạo (không phải bán máu) chồng tôi bận rộn nên hiến ít hơn. Khi tôi bị bệnh đi bệnh viện, chồng tôi bị tai nạn không hề có một tổ chức nào đến thăm hỏi, mặc dù vào cái hội nào cũng phải đóng hội phí. Chồng tôi là đảng viên cũng không được đảng bộ thăm hỏi. Bức xúc, tôi đến nhà ông bí thư, (vì còn nhiều điều khác nữa), tôi nói:” Chúng tôi không cần một kí đường và 1 hộp sữa của tổ chức mà cái chúng tôi cần là sự quan tâm của tổ chức, của đảng”. Điều nực cười là họ sửa sai ngay, họ đã đưa đường sữa đến thăm khi vợ chồng tôi đã khỏe mạnh từ lâu!

Vậy thì tôi phải biết ơn ai đây?

Những đứa trẻ con ông nọ bà kia, chúng sinh ra đã từ vạch đích, chúng không trải qua cơ cực như chúng tôi thì chúng phải biết ơn ai là đúng rồi. Thậm chí chúng phải biết ơn cả những người như chúng tôi vì chúng may mắn sống sung túc trên sự thiệt thòi của chúng tôi!

Tôi khẳng định một lần cuối: Khi tôi viết bài này, tôi vẫn là người yêu nước, tôi yêu Quê hương Tổ quốc của tôi theo cách của tôi, từ việc nhỏ nhặt hàng ngày!

Thiết nghĩ, yêu nước không phải là công thức, đừng quy chụp và áp đặt suy nghĩ thô bạo của mình lên người khác!

 HUONG GIANG PHAN THI

 https://viettudomunich.org/2024/09/11/yeu-nuoc-la-gi/

Một dân tộc không lớn nổi vì khôn lỏi, không có người “dại”!

Dan Chim Viet

Tác Giả: Nguyễn Văn Khánh

11/09/2024

Chu Ngọc Quang Vinh học sinh lớp 12, thi Olympic của học sinh phổ thông toàn quốc năm 2024 đoạt giải nhất tháng, chứng minh em có nhận thức vượt trội với các môn học tự nhiên, xã hội tức là có trình độ chính trị hiểu biết xã hội, suy nghĩ rất độc lập của anh ta trên fb :

“Được tiếp cận nền văn hóa dân chủ tự do văn minh Phương tây : EU và Hoa Kỳ em nhận ra văn hóa nho giáo, khổng giáo cộng dối trá trắng trợn, bịa đặt, chỉ lừa đảo dân và mục tiêu em muốn ra nước ngoài sinh sống”.

Ban Tuyên giáo trung ương đảng thấy đây là vấn đề nghiêm trọng với tầng lớp học sinh sinh viên, em Quang Vinh dù ít kinh nghiệm sống đã nói thật lòng mình trước học sinh sinh viên cả nước như một lời tuyên bố :

Đảng cộng sản chỉ tuyên truyền sai sự thật, điều này thật nguy hiểm cho chế độ cầm quyền, đảng chỉ đạo tấn công rầm rộ làm em phải sợ hãi, tất nhiên là nói thật ở Việt Nam là “dại”, không khôn như quan chức chính quyền cộng sản, không nói nhưng thực hiện bằng cách con cháu cho sang phương tây học ở đó, rồi chuyển tài sản sang, hàng năm có vài trăm nghìn người Việt tìm mọi cách tỵ nạn ở nước ngoài.

Một dân tộc toàn người khôn, không dám nói sự thật thì dân tộc đó chậm tiến, một dân tộc toàn người “dại”, dám nói sự thật sẽ thành dân tộc mạnh mẽ, thông minh và can đảm. Nếu như các dân tộc Ba Lan, Séc, Đức … Cũng khôn lỏi, không dám lên tiếng những cái sai trái của nhà nước cộng sản thì không thể thay đổi được xã hội, không biết đoàn kết trong một tổ chức thì xã hội không tiến về dân chủ được, vẫn y nguyên như cũ giống như Việt Nam ngày nay. Xã hội muốn thay đổi cần những người “dại”, nhận cái thiệt vào mình để thay đổi xã hội, em Quang Vinh gãi đúng cho ngứa làm xã hội Việt Nam rung động ! Lớp trẻ là tương lai đất nước dân tộc, khi họ nhận thức được sẽ đứng lên làm cuộc cách mạng thay đổi cả nền văn hóa lạc hậu, ngu dân của chính quyền cộng sản tám mươi năm qua nhồi sọ bao kiếp người Việt Nam trong tăm tối, ngu muội bằng một học thuyết Mác Lê Nin hoang đường mà không có lớp trẻ nào dám nói sự thật!

Chính quyền cộng sản xúm vào đánh hội đồng một công dân nói sự thật xã hội Việt Nam bằng hình thức đấu tố như cải cách ruộng đất hồi xưa, kết hợp dùng lực lượng công an dọa nạt làm thui chột khả năng độc lập suy nghĩ của con người, em Chu Ngọc Quang Vinh không hề bồng bột, nông nổi, trái lại có sự trưởng thành nhận thức.

Muốn thay xã hội về dân chủ tự do thì phải thay đổi văn hóa nho giáo lạc hậu, ngu dân, dối trá, bằng văn hóa dân chủ tự do văn minh tức là được nói công khai điều mình cho là đúng không bị nhà cầm quyền cưỡng ép, đe dọa,

Quang Vinh như một tia sáng đại diện tầng lớp học sinh sinh viên hàng triệu người trong cả nước lên án chế độ độc tài toàn trị cộng sản phải thay đổi nếu không sẽ bị diệt vong bởi người dân trong tương lai gần, thông điệp của Chu Ngọc Quang Vinh thật sự có sức lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả 100 triệu người dân , trong đó có hàng triệu lớp trẻ trong học đường sự thật và sự thật.

“Dại” nhận thiệt hại về mình cho xã hội thay đổi, đó coi như một cuộc cách mạng tư tưởng của tầng lớp học sinh sinh viên Việt Nam, đây là lực lượng quan trọng nhất cho tương lai Việt Nam,

Văn hóa khổng giáo cộng “Khôn lỏi” chỉ biết lợi cho mình, hại người nên loại bỏ trong xã hội, phù thịnh không phù suy, tức là sợ kẻ cai trị mình dù họ sai trái, vô đạo không ai dám đứng lên đấu tranh lên án phản đối, nói lên sự thật.

Chúng ta những người Việt Nam cần khích lệ tinh thần của Quang Vinh, một công dân trẻ gần 18 tuổi, tuổi này có quyền đầy đủ một con người, có quyền bầu cử và ứng cử vào các chức vụ lãnh đạo đất nước từ địa phương tới trung ương nếu ở trong một chế độ chính trị dân chủ tự do,

Có thể Quang Vinh sinh nhầm thế kỷ, không ai chọn được nơi sinh. Thế kỷ 21 dân tộc Việt Nam vẫn chìm trong bóng tối độc tài cộng sản, nhiệm vụ của lớp trẻ phải thay đổi xã hội mà lớp cha anh sai lầm và bản thân phải chịu trận và trả giá.

Nhà tư tưởng chính trị dân chủ số một Việt Nam hiện nay, ông Nguyễn Gia Kiểng khẳng định nhiều lần.

“Xã hội Việt Nam muốn thay đổi về dân chủ thì trước tiên phải thay đổi về văn hóa, văn hóa nào thì chế độ đó, văn hóa khổng giáo cộng thì chế độ độc tài, văn hóa dân chủ thì có chế độ dân chủ, do vậy cuộc cách mạng dân chủ chính là cuộc cách mạng thay đổi văn hóa”.

Dám “Nói thật” của Chu Ngọc Quang Vinh là một yếu tố quan trọng của văn hóa dân chủ, như một phát súng đầu tiên công phá thành trì chế độ độc tài toàn trị cộng sản Việt Nam, hãy có nhiều phong trào học sinh sinh viên nói sự thật về chủ nghĩa Mác Lê Nin ở trường học, về chế độ độc tài cộng sản, về chủ nghĩa xã hội, chống tham nhũng, tự do ngôn luận, bầu cử ở Việt Nam … Rất nhiều vấn đề chính trị xã hội nền giáo dục cộng sản né tránh giải thích cho tầng lớp học sinh sinh viên hiện nay.

6.9.2024


 

BÃO TÀN PHÁ VÀ NHỮNG CÂU HỎI….-VŨ KIM HẠNH

VŨ KIM HẠNH

Đến 22g 9/9/2024, thống kê chính thức có 98 người chết và mất tích, 746 người bị thương, gần 50 ngàn ngôi nhà sập, hỏng.

Bào đã tàn khốc mà hoàn lưu của bão còn ghê gớm hơn, vẫn đang phá hủy hết mức trên đường đi của nó.

Trong số 58 người chết, 40 người mất tích thì số người chết do bão là 12 người, chết vì mưa lớn, sạt lỡ đất và lũ quét tới 72 người; chết vì lũ cuốn 6 người và do…sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) là 7 người.

Hai tỉnh vùng núi Cao Bằng và Lao Cai thiệt hại thê thảm nhất. Cao Bằng có 17 người chết, 16 người mất tích và Lao Cai cũng có 17 người chết, 12 người mất tích.

Bão, mưa lù làm chìm 85 tàu thuyền; 148 ngàn ha lúa và hơn 25 ngàn ha hoa màu; 11 ngàn ha cây ăn quả thiệt hai…

Lũ còn tiếp tục lên trên sông Thao (Lao Cai, Yên Bái) và duy trì trên mức báo động 3, trên mức hai trận lũ lịch sử năm 1968 và 2008.

Có cảnh báo hai ngày tới, trên các sông lớn khu vực Bắc Bộ xuất hiện một đợt lũ. Và nguy cơ cao xảy ra ngập lut tại các vùng trũng thấp ven sông các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Lao Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa…

Lâu lâu rồi, chúng ta không còn nghe hai từ “cải tạo” thiên nhiên nữa. Thuận thiên được đưa vô nghị quyết nhưng… nói và làm? Vì sao bão dữ đội mà dân chết vì bão ít hơn vì sạt lỡ, lũ quét? Vì sao cầu đang bình thường bỗng biến mất trong chớp mắt như phim hành động (không phân tích nghiêm túc thì sẽ đến …cầu nào nữa)? Vì sao dự báo bão trước một tuần mà ứng phó thế nào?…

Cứu bão, cứu lũ cũng chẳng kém cứu lửa. Nhưng sau những trận cứu này, liệu cần phải đề phòng các cuộc cứu khác có thể thảm khốc hơn???

VŨ KIM HẠNH

#8saigon


 

LỆ MÁU LÀO CAI

LỆ MÁU LÀO CAI

Rừng xanh chúng liếm

Cây to gỗ quý

Dựng lầu cho quỷ

Đắp mồ hồng lâu

Bán buôn làm giầu

Mặc mẹ dân đau

Xây nhiều thủy điện

Phá nát núi rừng

Bão lũ tràn về

Nước mắt thảm thê

Lào Cai não nề

Khóc trong lệ m.áu

Lãnh đạo lũ đ.ần

Toàn dân ch.ết hết

Đất nước cạn kiệt

Trí thức nhân tài

Chờ ngày tận d.iệt

Chôn xuống mồ hoang

Bão về nhà nát tan hoang

Lũ tràn xác nổi sóng loang m.áu đào

Lệ đau nước mắt tuôn trào

Chôn vùi đất lở tiếng gào tắt hơi

Cả đời mang đẫm mồ hôi

Giờ thêm lũ ngập cuộc đời nát tan

Rừng xưa xanh thẫm bạt ngàn

Cường quyền lợi nhuận liếm tràn ăn no

Thủy điện nuôi bọn quan bò

Người dân nghẹt nước đi lo quan tài

Dân đau lệ má.u tuôn dài

Cường quyền lợi nhuận thiên tài ng.u sâu

Rừng xanh chúng liếm trọc đầu

Cây về quan lớn xây lầu vi la

Lũ tràn dân ch.ết nát nhà

Quan tài nhang khói lệ nhòa muôn dân

Trị cai bởi lũ b.ất nhân

Phá rừng để chúng phì thân một thời

Thiên tai là bởi ông trời

Lũ về chính tại bọn người đ.ần ngu

Cây rừng băm nát tiền thu

Rừng xanh trọc trắng trơ khu nắng trời

Tham quan một lũ báo đời

Vàng đô lợi ích một thời gi.ết dân

Cường quyền trị nước vô nhân

Tương lai dân tộc: tương bần, cám heo

(xuanngocnguyen)

Lũ quét ở Lào Cai: 30 người chết, 17 người bị thương 65 người mất tích