Vụ Vạn Thịnh Phát: 3 người chết bị tịch thu hàng triệu đô la

Ba’o Nguoi-Viet

September 21, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ba người chết “bất thường” trong vụ án Vạn Thịnh Phát đã bị nhà chức trách tịch thu tiền, vàng, sổ tiết kiệm, giấy tờ nhà đất, phong tỏa tài khoản ngân hàng… lên đến hàng triệu đô la.

Ba người xấu số được kể tên là bà Nguyễn Phương Hồng (cựu giám đốc chi nhánh Sài Gòn của ngân hàng SCB), ông Nguyễn Tiến Thành (chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm tổng giám đốc công ty cổ phần Chứng Khoán Tân Việt, TVSI) và ông Nguyễn Ngọc Dương (cựu tổng giám đốc tập đoàn Sài Gòn Peninsula).

Ông Nguyễn Tiến Thành (trái) và bà Nguyễn Phương Hồng, hai trong số ba người chết “bất thường” trong vụ án Vạn Thịnh Phát. (Hình: Trang web SCB)

Cả ba người nêu trên tuy làm ở các công ty khác nhau nhưng được hiểu đều là thuộc cấp của bà Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và lần lượt qua đời trong vòng vài ngày sau khi bà này bị bắt hồi Tháng Mười, 2022.

Nhân lúc phiên tòa xử giai đoạn hai của vụ Vạn Thịnh Phát đang diễn ra tại Sài Gòn, báo VietNamNet hôm 21 Tháng Chín tiết lộ, dù bà Hồng và hai ông Thành, Dương đã chết nhưng để bảo đảm khắc phục hậu quả của vụ án, cơ quan điều tra “đã áp dụng các biện pháp đối với các tài sản của họ.”

Cụ thể, người bị tịch thu nhiều tiền, vàng nhất trong số ba người là ông Nguyễn Ngọc Dương. Ông này bị ngăn chặn giao dịch 9.1 tỷ đồng ($369,844) trong ba tài khoản tại nhà băng SCB, ngăn chặn giao dịch 50.5 tỷ đồng ($2 triệu) trong các tài khoản của con trai ông.

Ngoài ra, khi khám xét tư gia của ông Dương, công an còn tịch thu 216 miếng vàng, sáu sổ tiết kiệm trị giá 132 tỷ đồng ($5.3 triệu), “sổ đỏ” của ba căn nhà tại Sài Gòn và tỉnh Long An, cùng 100 triệu đồng ($4,064) tiền mặt.

Bị cáo Trương Mỹ Lan, cựu chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, tại phiên tòa. (Hình: Pháp Luật TP.HCM)

Toàn bộ số tài sản nêu trên bị phong tỏa và tịch thu sau khi Bộ Công An kết luận rằng những người nhà trong hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Ngọc Dương “không đưa ra được căn cứ xác định rõ nguồn gốc các khoản tiền, tài sản liên quan đến ông này.”

Cùng lúc, bà Nguyễn Phương Hồng bị kê biên 2.5 triệu cổ phần tại TVSI, “sổ đỏ” một khu đất tại quận 4, Sài Gòn, ngăn chặn tài khoản ngân hàng có 85 triệu đồng ($3,454).

Người còn lại, ông Nguyễn Tiến Thành bị chặn giao dịch 8.7 triệu cổ phần TVSI và phong tỏa 386 triệu đồng ($15,687) trong hai tài khoản ngân hàng. (N.H.K) [qd]


 

‘Rải truyền đơn,’ 2 người ở Sài Gòn bị bắt

Ba’o Nguoi-Viet

September 20, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Một bà 56 tuổi và một ông 67 tuổi, cùng ở quận Gò Vấp, Sài Gòn, bị bắt giữ với cáo buộc “rải truyền đơn, kích động biểu tình nhân dịp Quốc Khánh 2 Tháng Chín.”

Theo báo VNExpress hôm 20 Tháng Chín, bà Nguyễn Thị Hường và ông Trần Văn Linh bị Công An ở Sài Gòn vu cho tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Ông Trần Văn Linh (trái) và bà Nguyễn Thị Hường. (Hình: VNExpress)

Bản tin cho biết, tại tư gia của bà Hường, công an tịch thu “1,000 tờ truyền đơn,” cùng máy điện toán, máy in màu, điện thoại… và một số tang chứng khác.

Trong vụ này, ông Linh bị cáo buộc “được giao nhiệm vụ khảo sát các nơi đông người ở Sài Gòn như công viên, trường học, bệnh viện… để rải truyền đơn.”

Bà Hường và ông Linh bị quy kết tham gia tổ chức Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời.

Vụ bắt giữ hai người nêu trên được mô tả là “chiến công đặc biệt xuất sắc” của công an, giúp chính quyền “kịp thời ngăn chặn hoạt động phá hoại, bảo vệ tuyệt đối an toàn lễ quốc khánh.”

Facebooker Thành Nguyễn, cựu nhà hoạt động, bình luận trên trang cá nhân: “Thế giới này chắc chỉ còn vài nhà cầm quyền độc tài và man rợ mới xem hình thức biểu đạt này là tội hình sự. Nhưng Công An ở Sài Gòn lại xem đây là ‘chiến công đặc biệt xuất sắc’ khi bắt hai ông bà già để lập công và giải ngân dự án. Tôi cũng tò mò không biết nội dung truyền đơn là gì mà có thể ảnh hưởng đến ‘an ninh quốc gia’ như vậy? [Cơ quan] An ninh ở Sài Gòn cũng nên công bố nội dung truyền đơn để dư luận được rõ.”

Bà Nguyễn Thị Hường (phải) khi bị bắt. (Hình: VNExpress)

Trong một vụ bắt giữ tương tự, theo báo Tuổi Trẻ hồi cuối tháng trước, ông Phạm Hoàng, 66 tuổi, quê Nam Định, bị bắt với cáo buộc “chuẩn bị rải truyền đơn tại Sài Gòn nhân dịp 2 Tháng Chín.”

Ông Hoàng cũng bị chính quyền vu cáo là “người của tổ chức Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời.”

Sau vụ bắt giữ ông Hoàng, Phòng An Ninh Nội Địa và Phòng An Ninh Điều Tra của Công An Tỉnh Nam Định được “thưởng nóng” 50 triệu đồng ($2,035).

Ông Trần Văn Linh (trái) bị bắt tại tư gia ở quận Gò Vấp, Sài Gòn. (Hình: VNExpress)

Liên quan tổ chức Chính Phủ Quốc Gia Việt Nam Lâm Thời, báo Gia Lai hồi Tháng Bảy cho hay, bị cáo Phan Thị Thảo, 67 tuổi, tạm trú tại thị trấn Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai, bị kết án 13 năm tù vì “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.”

Đáng nói, bị cáo Thảo “có nhiều năm công tác tại Công An Thành Phố Hà Nội” trước khi bà này làm đơn xin ra khỏi ngành công an hồi năm 1989.

Sau đó, bà bị chính quyền dán nhãn “phản động” cho đến khi bị bắt và phạt tù. (N.H.K) [qd]


 

Sự trở lại của Văn học đô thị miền Nam- Tuấn Khanh/SGN

Ba’o Nguoi-Viet

September 19, 2024

Tuấn Khanh/SGN

Thời gian trước, tôi thật may mắn được chứng kiến buổi ngỏ ý của một nhà xuất bản, muốn tái bản lại cuốn “Vòng tay học trò” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, một cây viết quen thuộc của độc giả miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Với Nguyễn Thị Hoàng, bà rõ là điểm sáng đáng quý trên bầu trời lấp lánh của văn chương tự do miền Nam Việt Nam trước năm 1975.

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, một trong những danh sĩ của miền Nam được cho phép tái bản gần đây (Hình: TK)

Văn chương miền Nam nói chung, thời gian gần đây dần dần được tái bản lại nhiều ở trong nước, trong con mắt nhìn kiểm duyệt ít vằn vện nghi ngờ hơn. Rồi thoáng thấy trên Facebook, báo điện tử… những lời chia sẻ với nhà văn Nguyễn Thị Hoàng về cuốn sách “Vòng tay học trò” được tái bản, cùng sự hào hứng của những người giới thiệu, quen gọi tên là tác phẩm thuộc “dòng văn học đô thị miền Nam.”

Nhưng nghe mà sao đột nhiên thấy chạnh lòng. Nghe “đô thị” có vẻ như co cụm và không thuộc về nhân dân, không thuộc về một thời, một đời. Nói như nhà văn Nguyễn Hưng Quốc, nói văn chương “đô thị” miền Nam, thì không sai nhưng thừa. Bởi sự nhấn nhá riêng “đô thị” của miệng lưỡi tuyên truyền là thừa ác ý. Có nơi còn gọi là sự “trở lại” – sự trở lại của “văn chương đô thị miền Nam.” Cụm từ giới thiệu này thường được thấy khi có một tác phẩm của miền Nam trước 1975 được in lại.

Thế nhưng văn chương miền Nam đi đâu mà trở lại?

Toàn bộ chữ nghĩa đã được hình thành, nuôi dưỡng và tồn tại suốt trong hai nền cộng hòa ở miền Nam Việt Nam chỉ có một hành trình duy nhất là đi xuyên qua sự thù hận, bước qua chà đạp và hủy diệt… mà dù có đau đớn hay rách nát thế nào, nền văn chương (hay nền văn hóa Cộng hòa miền Nam Việt Nam nói chung) vẫn tiếp tục tồn tại trong một thời đại mới, và vẫn tỏa sáng với những tư tưởng tự do không kiểm duyệt.

Văn chương miền Nam Việt Nam, tự nó cũng giống như số phận của ông Khai Trí, một người ước mơ đem sách và chữ đến cho dân tộc mình, rồi chính quyền mới, nói tiếng Việt, tịch thu. Gia sản tri thức bị đốt và bản thân ông cũng bị cầm tù. Nhưng câu chuyện Khai Trí và những ấn phẩm của ông vẫn tiếp tục lưu truyền một cách im lặng trong lòng người dân Việt Nam, mà có những giai đoạn phải thầm kín và gìn giữ trong nơm nớp sợ hãi không khác gì những tờ truyền đơn của người Do Thái trong thời Phát xít Đức.

Gần nửa thế kỷ, suốt thời thống nhất địa lý, văn chương miền Nam Việt Nam (chứ cũng không phải là đô-thị-miền-Nam), trở thành một di sản quý được tìm mua với những giá ngày càng đắt. Hãy thử nghĩ xem, vì sao một tổng tập của nhà thơ Tố Hữu có thể được in ấn tuyệt đẹp, trợ giá bán rẻ vẫn không có sức thu hút bằng một tập thơ mỏng, cũ rách của Nguyên Sa hay Thanh Tâm Tuyền?

“Văn học đô thị miền Nam” – cách gọi bị ám ảnh từ lối tuyên truyền văn hóa của chính quyền mới sau năm 1975 cho đến nay – vẫn ngầm chứa trong đó như một sự khinh thị, chỉ để góp vào cái nhìn toàn cảnh cố không công nhận miền Nam Việt Nam là một chính thể.

Rất nhiều những tham luận, những nghiên cứu, và cả cuốn sách dày cộp của tác giả Trần Trọng Đăng Đàn “Văn hóa văn nghệ Việt Nam từ 54 đến 75” đều coi văn chương miền Nam là một thứ hỗn độn hình thành từ sự phồn vinh giả tạo của Mỹ-Ngụy.

Báo Nhân Dân số ra ngày 13-9-2016, với bài viết “Ứng xử với văn học miền Nam trước năm 1975” của tác giả Hạnh Nguyễn, còn nói với giọng trịch thượng rằng “bằng sự gạn đục khơi trong, chính quyền cách mạng đã cho phép lưu hành 1067 cuốn sách tiếng Việt, 562 cuốn sách tiếng Anh, 359 cuốn từ điển bằng tiếng nước ngoài.”

Sự cho phép nó chỉ là một giả định trên đời sống thật. Không có phép thì suốt vài thập niên nay, người miền Nam vẫn ca hát những bài hát không được duyệt, thậm chí còn làm cho nó lan ra đến cả nước. Sách vở không được in, không có phép thì vẫn được chuyền tay nhau, và vẫn được thế hệ mới ngày hôm nay tìm đọc với một sự kinh ngạc về khung trời tự do trong tư tưởng. Cho phép và không cho phép, chỉ là màn trình diễn giả định về luật pháp giữa người dân và chính quyền, nghiễm nhiên tồn tại suốt bấy lâu nay.

Vì vậy, cách nói rằng văn chương đô thị miền Nam “trở lại”, khi có dăm ba cuốn sách cũ tái bản, có vẻ khiên cưỡng trong sự thật lịch sử của một di sản văn hóa vĩ đại của Việt Nam Cộng Hòa.

Trong sự kiểm duyệt chặt chẽ, một số sách vở của miền Nam VNCH dần được tái bản vì giá trị không thể phủ nhận được (Hình: Facebook)

Nói “trở lại” là giả tạo trong việc mô tả một chính quyền đủ tốt để dung nhận tất cả. Giả tạo như tất cả mọi thứ trong cuộc sống đang là một vòng quay đẹp đẽ theo tự nhiên, nhưng lờ hẳn phần xin lỗi về một giai đoạn mà những nhà văn, nhà thơ miền Nam đã từng bị tù đày, và tác phẩm của họ thì bị đấu tố như kẻ thù của dân tộc.

Trong tiểu luận “Văn học Miền Nam 1954-1975: những Khuynh hướng chủ yếu và thành tựu hiện đại hóa” của giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Như Phương, mô tả về căn nguyên quan trọng ra đời của nền văn hóa văn nghệ Miền Nam Việt Nam là bởi “nhờ đồng lương và các khoản thu nhập khác, nên một bộ phận công chức và giới trung lưu có thể chi tiêu những khoản tiền vào việc mua sắm theo ý muốn, ngoài các nhu cầu thiết yếu hằng ngày. Chính đây là tiền đề dẫn đến sự hình thành một thị trường văn nghệ ở miền Nam những năm 1954-1975.”

Có vẻ sự căn bản hình thành của văn chương miền Nam Việt Nam thực dụng và không được cao quý, theo cách mô tả của tất cả những ngôn luận nhận định từ bên thắng cuộc. Nhưng lại không hiểu vì sao hàng chục năm xây dựng xã hội chủ nghĩa, với những thành tựu xuất chúng, như trên báo chí vẫn nói, xã hội cách mạng hôm nay vẫn reo mừng khi những thứ bị chà đạp ấy quay “trở lại,” như “Vòng tay học trò” của nữ sĩ Nguyễn Thị Hoàng, và của nhiều trí thức miền Nam khác, từng bị phủ nhận.


 

Vì sao vùng cao ngập mưa, vùng trũng ngập triều?

Ba’o Tieng Dan

Mai Bá Kiếm

19-9-2024

Đọc tin mưa ngập ở TP.HCM sáng 18/9, tuy thời sự nhưng rất cũ, có vài chi tiết mới: Công ty Thoát nước đô thị cử nhiều nhân viên đặt cảnh báo, chỉ dẫn người dân chọn đường ngập thấp; điều xe bồn đến hút nước trên đường Nguyễn Văn Khối (Gò Vấp) để giảm ngập. Do phóng viên dốt, không biết xe bồn màu vàng là xe hút cống bị nghẹt, và một xe có bồn năm khối không thể hút hết nước trên đường Nguyễn Văn Khối được!

Báo trích dẫn “tổng kết” của Sở Xây dựng: Thành phố có 13 tuyến trục chính ngập do MƯA (ở Gò Vấp, Thủ Đức, Q.12, TP.HCM) và năm tuyến trục chính ngập do TRIỀU CƯỜNG (Bình Chánh, Nhà Bè, Q.7). Sở không nói nguyên nhân gây ngập mưa và ngập triều, chỉ hứa nạo vét cải tạo kênh Hàng Bàng, kênh Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên. Người dân không biết vì sao vùng đất gò cao (Gò Vấp, Thủ Đức) bị ngập sau mưa rất lâu (24 tiếng) và vùng đất thấp (Bình Chánh, Nhà Bè) ngập do triều cường 2-3 tiếng?

Nói thẳng ra, do “đô thị hóa tham lam ngu dốt”! Ngày xưa, Thủ Đức, Gò Vấp là đất gò trồng rẫy, nước mưa ngấm xuống đất và chảy trên bề mặt tùy theo lưu vực đổ ra kênh, mương. Khi cấp phép xây dựng, Sở Xây dựng không xét code nền có cản trở nước mưa thoát trên bề mặt không? Sở cho mật độ xây dựng, nhưng không kiểm tra phần diện tích không được xây phải để trống cho nước mưa ngấm xuống đất.

Tất cả cao ốc, chung cư, nhà phân lô đều tráng xi măng phần đất không được xây, chỉ chừa vài lõm đất trồng cây và hoa. Nước mưa chỉ còn cách thoát trên bề mặt nhưng bị cản bởi code sân cao hơn mặt đất. Khốn nạn nhất là việc cho phép các dự án Bất động sản san lấp cống hở, mương hở để thoát nước (ở Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức…) rồi thay bằng cống hộp. Mặc dù, đứa con nít cũng biết lưu lượng nước mưa chảy xuống cống, mương hở, nhiều gấp 100 lần lượng nước gom vào miệng hố ga (hố cách nhau 20m, còn bị bịt bằng lưới rác).

Hồi xưa ở Tân Sơn Nhứt, nên tôi biết 1.530ha đất phi trường và vùng đệm xung quanh (Tân Bình, Gò Vấp, Hóc Môn) đều xài mương, cống hở. Ở phía nam, mương hở từ Sư đoàn Dù chảy qua trường Quốc gia nghĩa tử, đổ ra cây cầu (nay lấp bít xây Bệnh viện đa khoa Tân Bình) chảy vô kênh Nhiêu Lộc. Cống hở từ cổng Phi Long chảy ra trước cổng Bệnh viện 3 dã chiến Hoa Kỳ (nay là Bệnh viện phụ sản). Mương hở phía Bắc Tân Sơn Nhất dẫn ra kênh Hy Vọng dài 1,2km đổ vào Tham Lương. Mương hở phía Đông Tân Sơn Nhất, đổ ra Gò Vấp.

Sau năm 1975, lần lượt các mương hở xung quanh Tân Sơn Nhất bị lấp thành cống hộp, các hồ trữ nước (trong trại Hoàng Hoa Thám) bị lấp, xây Khu dân cư Cộng Hòa, Hoàng Hoa Thám. Chưa kể, tất cả kênh trong nội thành bị lấn chiếm, thu hẹp, nhiều đoạn kênh bị lấp đặt cống vì lý do hôi thúi, như kênh Hy Vọng, kênh Hàng Bàng (từ Lò Gốm đến Bình Tiên).

Nếu Sở chỉ nạo vét các kênh mương, mà không tháo dỡ bê tông phần đất không được xây dựng, hạ các code nền cản dòng chảy bề mặt, không phục hồi ao chứa nước trong Hoàng Hoa Thám, hồ Kỳ Hòa, Radar Phú Lâm, Bàu Cát… thì hệ thống cống hộp không đủ thể tích để thoát nước.

Bởi vậy, mới có các bài báo đặt tựa mỉa mai “Gò Vấp, Thủ Đức: Nâng đường cao mấy vẫn không hết ngập”; “Nhiều đường ở TP Thủ Đức ngập nước 24 tiếng chưa rút”.

Trước năm 1975, Nhà Bè, Bình Chánh là vùng ruộng bán ngập (nước lớn ruộng ngập 40-50cm, nước ròng mặt ruộng cao hơn mặt nước 1-2m). Ngày nay, do san lấp ruộng xây nhà, nước không tràn đồng được, mực nước lớn trên dòng sông cao lên, nên Nhà Bè, Bình Chánh chuyển từ “RUỘNG BÁN NGẬP” thành “ĐƯỜNG BÁN NGẬP!


 

Tử hình thanh niên giết, hiếp, giấu xác cô gái trong tủ bếp ở Hà Nội

Ba’o Nguoi-Viet

September 19, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Chiều 18 Tháng Chín, Tòa Án Thành Phố Hà Nội đã tuyên tử hình bị cáo Hoàng Minh Hào, 20 tuổi, quê Bắc Giang, về bốn tội danh “hiếp dâm, giết người, trộm cắp tài sản và cướp tài sản.”

Báo Pháp Luật TP.HCM cho biết tại tòa, bị cáo Hoàng Minh Hào thừa nhận các tội danh, mong được tha thứ. Tuy nhiên, Hội Đồng Xét Xử cho rằng hành vi của bị cáo là “nguy hiểm cho xã hội, phạm nhiều tội khác nhau, thể hiện không thể giáo dục được nữa” nên tuyên mức án trên.

Bị cáo Hoàng Minh Hào tại tòa hôm 18 Tháng Chín. (Hình: Danh Lam/VNExpress)

Nạn nhân là cô Lê Thị Thùy Linh, 21 tuổi, quê Thanh Hóa, tạm trú ở phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội.

Cáo trạng xác định, hôm 29 Tháng Mười, 2023, Hoàng Minh từ Bắc Giang về Hà Nội, thuê phòng trọ tại phường Thượng Đình, quận Thanh Xuân. Thời gian này, anh ta nảy sinh ý định trộm cắp tài sản của những người sống cùng khu trọ để bán lấy tiền ăn tiêu.

Đến hôm 22 Tháng Giêng, Hào trộm một xe gắn máy ở phường Thượng Đình đem cầm cố lấy 10 triệu đồng ($405). Sau đó, anh ta thuê nhà nghỉ ở phường Mỹ Đình, đợi ba ngày sau bắt xe đò về quê bạn gái tại Hà Tĩnh ăn Tết.

Chiều 16 Tháng Hai, tức Mùng Bảy Tết Giáp Thìn, trên đường ra Hà Nội, Hào hẹn gặp cô Linh, đang làm quản lý một số khu chung cư mini để xem phòng trọ.

Tối cùng ngày, anh ta hẹn cô Linh dẫn lên xem phòng trọ ở tầng ba khu chung cư mini ở phố Cầu Giấy, quận Thanh Xuân, nhưng khi thấy cô gái 21 tuổi đi một mình nên nảy sinh ý định cướp tài sản.

Để chắc chắn khu trọ không có ai, Hào vờ hỏi cô Linh về những người thuê phòng khác, được cho biết tất cả đã về quê nghỉ Tết và chưa quay lại. Khi lên đến tầng ba, cô Linh mở cửa phòng cho Hào vào xem, rồi đi ra ngồi ở hành lang cạnh thang máy, cầm điện thoại xem tin tức.

Thừa lúc cô Linh không để ý, Hào lẻn ra phía sau bất ngờ bóp cổ và đẩy cô gái vào trong phòng. Khi nạn nhân bất tỉnh, anh ta hiếp dâm.

Hoàng Minh Hào khi thực nghiệm hiện trường giết người. (Hình: VNExpress)

Kiểm tra thấy cô Linh đã chết, nghi can Hào kéo thi thể giấu vào trong tủ bếp, lấy điện thoại, chìa khóa xe gắn máy của nạn nhân rồi đóng cửa rời đi, bắt đầu tiêu thụ số tài sản tìm thấy trong cốp xe.

Cụ thể, Hào nạp 11 triệu đồng ($446) tiền mặt vào thẻ ngân hàng, bán hai điện thoại và hai chỉ vàng được gần 30 triệu đồng ($1,216); dùng ba thẻ tín dụng để quẹt POS được hơn 68 triệu đồng ($2,758) để mua hai điện thoại iPhone 14 Promax, iPhone 15 Plus và vật dụng cá nhân.

Cuối cùng, Hào mang xe gắn máy của nạn nhân đi dán đề can đổi từ đỏ sang đen, rồi tới cửa hàng cầm đồ đã cầm cố chiếc xe ăn cắp ở ở phường Thượng Đình trước đó để trả lại cho khổ chủ, nhưng đang thanh toán thì bị bắt tại phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm.

Điều bất ngờ là Hoàng Minh Hào bị bắt do phạm tội “trộm cắp tài sản” nêu trên, sau đó qua lời khai mới “lòi” ra vụ sát hại cô Linh. (Tr.N)


 

Sập cầu Phong Châu: Ông trời là thế lực thù địch của Hà Nội

Ba’o Nguoi-Viet

September 18, 2024

Trần Anh Quân/SGN

Vụ sập cầu Phong Châu (tỉnh Phú Thọ) ngày 9 Tháng Chín sau bão Yagi, đã khiến 13 người rơi xuống sông cùng với 1 xe container, 1 xe tải, 3 xe hơi, 4 xe máy, chỉ có 3 người thoát nạn. Kể từ vụ sập cầu Cần Thơ (2007), thì đây là cây cầu lớn duy nhất bị sập nhịp chính giữa sông, đây cũng là vụ sập cầu gây thiệt hại nặng nề nhất.

Cầu này được làm bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực với quy mô vĩnh cữu. Chỉ mới được khánh thành năm 1995, và đã trải qua 3 lần sửa chữa trong các năm 2013, 2019 và 2023. Sau đợt gia cố năm 2019 thi sở Giao thông Vận tải Phú Thọ đã kiểm định và tuyên bố rằng chân móng trụ rất vững chắc, đạt tiêu chuẩn tải trọng HL93, không phải cấm biển hạn chế trọng tải xe cộ.

Khi đã không hạn chế tải trọng thì tức là cầu sập không phải do trọng tải của các xe đang lưu thông trên cầu. Quan sát các hình ảnh, video lúc cầu sập thì cũng không có mưa to gió lớn, nước dưới chân cầu chảy cũng không quá mạnh để có thể đẩy sập cầu. Nếu lưu lượng dòng chảy đủ mạnh để làm sập một cây cầu mới xây năm 1995 thì cầu Long Biên, cũng trên sông Hồng, do Pháp xây cách đây 122 năm đã không thể trụ vững tới bây giờ.

Lập tức, người ta nhìn ra vấn đề của cầu sập: (1) là công ty xây dựng rút ruột công trình và kiểm định có nhận hối lộ để thông cầu khi không đảm bảo chất lượng, và (2) là do khai thác cát vô tội vạ khiến cho lòng sông bị xói mòn, ảnh hưởng tới dòng chảy, gây sụt lún chân trụ cầu.

Và cả hai nguyên nhân này đều là do cách quản lý của người cộng sản. Việc xây dựng cầu rồi lợi dụng rút ruột công trình là tình trạng vô cùng phổ biến từ các công ty do đảng cộng sản quản lý. Đấu thầu cũng là người cộng sản. Nhận thầu rồi nhận ngân sách để làm cầu cũng là người cộng sản ăn chia với nhau. Đến rút ruột công trình để làm giàu cũng là chuyện gian dối của người cộng sản.

Còn nếu cầu sập vì khai thác cát thì cũng chính các quan chức cộng sản ăn hối lộ, cho khai thác cát tràn lan, những kẻ khai thác cát đều không thể phanh phui xử lý, bởi tất cả đều nằm dưới tay cộng sản.

Móng cầu Phong Châu lúc cạn do người dân địa phương chụp lại từ năm 2023. (Hình: Facebook Lê Vinh)

Thế nhưng khi cầu sập thì ai là người chịu thiệt hại nặng nề nhất? Chắc chắn là người dân, không chỉ tổn thất về nhân mạng, xe cộ, của cải; mà còn là tiền thuế đã đóng cho nhà nước để xây dựng cầu. Và còn những thiệt hại về thời gian, quãng đường di chuyển khi không thể đi qua cầu trong khi chờ đợi xây cầu mới.

Nhưng rồi báo chí đổ tội cho ai? Ông trời! Đúng vậy, từ lúc sập cầu, chỉ thấy đỗ lỗi cho thiên tai, bão lũ. Không thấy một cán bộ cộng sản nào đứng ra chịu trách nhiệm, từ chức, hoặc ít nhất là xin lỗi dân cũng không có. Cả một hệ thống từ người duyệt dự án xây cầu, nhà thầu, kỹ sư xây dựng, quản lý thi công, giám sát; tới những người duy tu, sửa chữa cầu… tất cả đều giấu mặt im lặng!

Ai là người hưởng lợi nhờ cầu sập? Cầu sập mới một tuần lễ, chưa tìm đủ xác nạn nhân, nhưng lãnh đạo cộng sản tỉnh Phú Thọ đã hớn hở đề nghị ngân sách chi 865 tỷ đồng xây cầu mới, và thêm 250 tỷ gia cố đê. Có lẽ không cần nói ra thì ai cũng biết kẻ nào hưởng lợi từ vụ sập cầu này.

Thế rồi chuyện bổn cũ soạn lại, cây cầu mới được dựng lên bởi chính những người đã gian tham, bọn quan lại giấm giúi chia nhau ngân sách và rút ruột công trình. Bên cạnh đó, vẫn không chấm dứt được việc khai thác cát bừa bãi. Thì câu hỏi đặt ra là khi nào lại sập cầu nữa?

Cầu Trung Hà bị “hở chân”, vỡ trụ dù mới chỉ được khánh thành từ năm 2002. (Hình: TTXVN)

Cầu Phong Châu bị sập chỉ là câu chuyện biểu trưng. Trên khắp Việt Nam, rất nhiều cây cầu được xây dựng theo cách đó, những con sông dưới chân cầu cũng bị hút cát tràn lan như vậy. Sau vụ sập cầu Phong Châu, lộ mặt quan quyền nhà nước thì dư luận bắt đầu quan tâm tới cầu Trung Hà nối Hà Nội với Phú Thọ. Những trụ của cây cầu này cũng bị hở chân, vỡ trụ dù mới chỉ được khánh thành từ năm 2002.

Việt Nam năm nào cũng phải hứng chịu hàng chục cơn bão, áp thấp nhiệt đới, cùng với đó là việc xả lũ tuỳ tiện của các đập, hồ thuỷ điện. Kết hợp với quy trình xây cầu, hút cát hiện nay, thì có lẽ Phong Châu chỉ là cây cầu mở màn chứ chưa phải là cuối cùng. Bão thì không tránh được, nhưng mọi việc chung quanh đó đều là do đảng cộng sản quyết định. Khi mọi thứ còn nằm trong tay độc tài cộng sản thì những cây cầu, hay tính mạng người dân như ngàn cân treo sợi tóc, nhưng cần thì cứ đổ lỗi cho trời đất. Cầu chông chênh như chính con đường đi lên xã hội chủ nghĩa của chế độ cộng sản hiện nay, cứ nhắm mắt đi, bất chấp sinh mạng con người và đất nước.


 

Sự Diệu Kỳ.

Sự Diệu Kỳ.
Một đêm khuya, lâu lắm rồi, tôi lang thang trên mạng và bất ngờ “tầm” được tấm ảnh anh chiến sỹ VNCH quỳ cầu nguyện giữa ngôi thánh đường đổ nát, hoang tàn, và tôi đã chia sẻ trên FB.
Bất chợt cách đây vài ngày, tôi nhận được một lời mời của một người hẹn gặp tại Bmt, và tôi đã đến. Trong buổi gặp gỡ, tôi thật ngỡ ngàng đến sững sờ: người hẹn gặp tôi chính là anh chiến sỹ trong ảnh, Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, lúc đó anh mới ra trường, mang quân hàm Thiếu úy thuộc đội đặc nhiệm của Lữ đoàn Dù.
Theo lời anh kể: Năm ấy, ngôi thánh đường La Vang, Quảng Trị sau một trận cuồng pháo của phía Bắc Việt nhưng cây thánh giá và tượng Đức Mẹ không hề bị một mảnh đạn pháo nào và một niềm tin vào Chúa, anh đã quỳ xuống… Tấm hình này hiện được trưng bày ở bảo tàng San Jose California USA.
Lời cuối cùng khi chia tay, anh nói: “Anh đạo Phật nhưng anh tin Chúa”

Tiệm McDonald’s đầu tiên ở Sài Gòn bất ngờ đóng cửa sau 10 năm

Ba’o Nguoi-Viet

September 17, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Sau khi Starbucks Việt Nam đóng cửa quán cao cấp duy nhất ở Sài Gòn, nay đến lượt McDonald’s phải đóng cửa dẹp tiệm mở đầu tiên ở ngay Bến Thành, quận 1.

“Dù không muốn nói lời chia tay, nhưng vào 2 giờ ngày 19 Tháng Chín, 2024, McDonald’s Bến Thành sẽ khép lại hành trình 10 năm đồng hành đầy cảm xúc,” McDonald’s chia sẻ trên fanpage có tích xanh với hơn 82 triệu người theo dõi.

Hình ảnh tiệm McDonald’s Bến Thành, quận 1, Sài Gòn, những ngày đầu mới khai trương. (Hình: Tuổi Trẻ)

Theo truyền thông trong nước, nguyên nhân McDonald’s Bến Thành đóng cửa chưa được công bố. Tuy nhiên, một lần nữa cộng đồng mạng lại hướng đến lý do “không trụ nổi giá thuê mặt bằng trung tâm.”

Là một trong những cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam, McDonald’s Bến Thành có vị trí đắc địa trong ngôi nhà ba tầng rộng gần 660 mét vuông, sức chứa khoảng 260 chỗ ngồi (180 chỗ ngồi bên trong nhà hàng và 80 chỗ ngồi ngoài trời), vừa gần chợ Bến Thành sầm uất, vừa không xa “khu phố Tây” Bùi Viện thường đông đúc du khách, lại mở cửa suốt 24 giờ, không chỉ là nơi cung cấp món ăn nhanh mà còn là địa điểm gặp gỡ, tụ tập của giới trẻ, du khách giữa đêm khuya.

Ngoài ra, thay vào dịch vụ Drive-thru, tiệm McDonald’s Bến Thành có một quầy đặt hàng “To Go” đặc biệt, giúp khách dễ dàng mua đồ ăn, thức uống nhanh chóng, tiện lợi mà không cần vào bên trong nhà hàng.

Nhiều người từng kỳ vọng điểm bán này sẽ “cố gắng bám trụ” đến khi tuyến metro đầu tiên được vận hành. Khi đó, đây sẽ là điểm đến khó bỏ qua của người dân, nhất là khách du lịch và Việt kiều. Vì thế, tin McDonald’s Bến Thành đóng cửa sau 10 năm hoạt động khá thu hút công luận.

Báo Tuổi Trẻ hôm 17 Tháng Chín nhận định, với thông báo đóng cửa McDonald’s Bến Thành, tại Việt Nam chuỗi thức ăn nhanh của Mỹ chỉ còn 35 điểm bán, riêng ở Sài Gòn có khoảng 17 điểm bán.

Sau Starbucks, việc McDonald’s đóng cửa trả mặt bằng vị trí trung tâm đã đánh dấu thêm biến động trong thị trường thực phẩm và thức uống F&B (Food and Beverage Service) tại Việt Nam.

Việc hai “ông lớn” trong ngành ẩm thực này liên tiếp dừng hoạt động một số chi nhánh chủ chốt ở trung tâm Sài Gòn, cho thấy thay đổi trong chiến lược phát triển cũng như bức tranh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong ngành F&B tại Việt Nam.

Tiệm McDonald’s Bến Thành thông báo đóng cửa sau 10 năm hoạt động. (Hình: Người Lao Động)

Các thương hiệu quốc tế đang phải đối mặt với chi phí vận hành cao, áp lực từ giá thuê mặt bằng trung tâm và thay đổi trong hành vi tiêu dùng của người Việt.

“Có thể cả Starbucks và McDonald’s đều có những kế hoạch tái cấu trúc nhằm tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, nhưng việc đóng cửa các địa điểm nổi bật như Bến Thành cho thấy họ đang điều chỉnh chiến lược để thích nghi với những biến động trong thị trường,” báo Tuổi Trẻ dẫn lời một chuyên gia trong ngành F&B nhận xét.

Báo VNExpress hôm 21 Tháng Tám dẫn phúc trình từ iPOS – nền tảng cung cấp giải pháp quản lý cho hơn 100,000 doanh nghiệp nhà hàng và quán cà phê ở Việt Nam – cho biết có ít nhất 30,000 cửa hàng F&B ở Việt Nam phải đóng cửa trong sáu tháng đầu năm, khi thực khách giảm chi tiêu do kinh tế khó khăn. (Tr.N) [qd]


 

Những chiếc xe mì của quá khứ- Đỗ Duy Ngọc

Đỗ Duy Ngọc –  August 26, 2024

Hình 1: Một xe mì Tàu ngày nay ở Sài Gòn. Ảnh: Báo Người Lao Động

Sài Gòn từ khi hình thành là nơi đất lành chim đậu, là nơi giao thoa các nền văn hóa khác nhau. Đó không chỉ là nơi hội tụ của người Việt từ ba miền Nam, Trung, Bắc mà còn là nơi đón nhận nhiều phong tục, lối sống của nhiều dân tộc khác nhau trên thề giới nữa. Đặc biệt là văn hóa ẩm thực. Ở Sài Gòn ta có thể thưởng thức món gan ngỗng béo ngậy của Pháp, món lẩu chua cay của Thái, mắm bò hóc và chè Kampuchia, món sushi của Nhật, món piza của Ý, món cari của Ấn, món nướng của Hàn, món soup rau của Địa Trung Hải, món cháo ếch của Singapore, món Dim sum Hồng Kông… và đặc biệt không thể không nhắc đến những món ăn của người Hoa Chợ Lớn.
Ẩm thực của người Hoa thì vô cùng phong phú, kể ra cũng vài trang giấy. Ở đây, trong phạm vi những dòng ngắn ngủi đầu xuân, tôi chỉ nói tới món hủ tíu và mì của họ. Những món ăn luôn hấp dẫn tôi từ trước đến nay.

Nhắc tới món ăn này trước hết phải kể đến chiếc xe mì.

Đó là những chiếc xe thường xuất hiện vào lúc xẩm tối, bên vỉa hè, nơi góc chợ, chỗ có đông người qua lại. Đó là những chiếc xe chuyên dụng, chỉ dùng để bán hủ tíu, mì. Trên chiếc xe này được trang bị đầy đủ như một quán ăn, có bếp đốt bằng than củi, có chỗ xài bình ga, lửa xanh lét phì phì, có nồi nước lèo hai ngăn to bự chảng, một bên để trụng hủ tíu, mì, ngăn còn lại chứa nước lèo sôi sùng sục. Nước lèo thường được hầm với xương, củ cải trắng, mực, tôm khô, có nơi còn có cả sá sùng. Bên trên có tủ kiếng chia ngăn để thịt, rau hành. Đặc biệt luôn luôn bên cạnh thùng nước lèo có mặt một cái vịm bằng gốm, trong chứa mỡ nước và những miếng mỡ heo thái hạt lựu đã được thắng vàng. Tôi có mấy người bạn làm nghề này bảo rằng thứ làm cho tô mì ngon hay dở đều nằm trong cái vịm thắng mỡ này. Theo họ thì cái này không chỉ chứa mỡ mà còn được gia cố thêm bột nêm, bột ngọt và bí quyết riêng của mỗi xe mì. Trụng xong mì hay sợi hủ tíu, bỏ vào tô, cho thịt, xá xíu, hành, rau, lúc đó múc một muỗng mỡ vào rồi mới chế nước lèo lên. Không có cái muỗng mỡ này, tô mì ăn lạt nhách. Hơn nữa, nồi nước lèo nếu nêm nếm gia vị nhiều quá sẽ mau thiu, không thể để lâu được. Còn cái vịm mỡ gia vị đó thì để bao lâu cũng chẳng hư. Âu đó cũng là kinh nghiệm gia truyền.

Ba mặt của xe mì thường có ba tấm thiếc, nhôm hoặc inox hay ván gỗ, mở ra, cài hai cái móc, để thêm mấy cái ghế xếp nữa thành bàn. Trên đó để chai giấm, chai nước tương, hủ ớt dầm giấm và lon guigoz đựng muỗng đũa. Ông bà nào dân Việt thuần túy đi ăn mì Tàu mà muốn kiếm nước mắm sẽ không bao giờ tìm thấy ở đây. Nếu quán đông khách, người ta kê thêm mấy cái bàn, vài cái ghế đẩu và quán hoạt động đến khuya.
Nhắc xe mì mà không nói đến những tranh kiếng đủ màu trang trí trên xe là một thiếu sót lớn. Đó là những tấm tranh vẽ những điển tích của văn hóa dân gian Trung Hoa. Đó là những cảnh minh họa truyện Tam Quốc như nhân vật Quan Công mặt đỏ râu dài cỡi ngựa đỏ, Trương Phi râu rậm, mắt lồi dữ tợn, Triệu Tử Long múa đao, đó là cảnh Bát tiên phó hội, Bát tiên quá hải, Tôn ngộ không, Thất hiền, rồng phụng tương giao, cảnh sơn thủy…..
Tất cả đều tô màu sặc sỡ, với một kỹ thuật đặc biệt và nét vẽ điêu luyện tuy chỉ do những người thợ mỹ nghệ làm ra. Đến nay, nghề này đã bị thu hẹp lại, các nghệ nhân xưa đã già hay đã qua đời, nghề lại ít người theo nên tranh kiếng ngày nay thiếu mất cái hồn, cái uy nghi, vũ dũng trong nét bút của thời xưa. Hồi đó, mỗi lần đi ăn mì, tôi say sưa ngồi ngắm những tranh vẽ đó, về nhà học vẽ theo đầy cả vở, bị ba tôi phạt hoài.
Ngày nay, những xe mì với tranh kiếng vắng bóng dần trên các vỉa hè, đôi khi lại tìm thấy trong các nhà hàng, người ta để như là một biểu tượng. Chiếc xe mì tranh kiếng nằm nơi góc chợ, bên lề đường có vẻ hay hơn, đắc địa hơn, có sinh khí hơn nhiều.

Ngoài những xe mì cố định, còn có xe mì lưu động. Đó là những chiếc xe nhỏ hơn, trang bị gọn hơn, ít khi có tranh kiếng, nếu có cũng vẽ đơn giản, sơ sài hơn. Ông chủ xe thường là tuổi trung niên, mặc cái áo thun ba lỗ, vai vắt khăn. Bên cạnh thường có những đứa bé cầm hai thanh tre đã lên nước nâu bóng gõ theo nhịp điệu muôn đời không đổi sực ..tắc, sực…tắc. Tiếng gõ vang một góc đường, một con hẻm giữa đêm gợi cho ta thèm muốn một bát mì nghi ngút giữa đêm, giúp cho người đi chơi khuya về có bát mì ngon, giúp kẻ lỡ đường với số tiền ít ỏi qua cơn đói. Bởi những xe mì lưu động này bán giá rất bình dân, tuy vậy cũng có những xe mì lưu động rất ngon không khác gì những xe, những quán cố định.

Nhiều người đi xa có lúc nhớ về quê nhà lại nhớ tiếng sực tắc đêm khuya. Có những người đã già, nhớ lại thời bé dại, cũng có lúc lại nhớ tiếng gõ đều đều của hai thanh tre của chiếc xe mì đi qua ngõ quá khứ.
Tô mì hay hủ tíu thường được ăn cùng với xá xíu, những miếng thịt heo nạc màu đỏ xắt mỏng ăn thơm thơm mùi ngũ vị hương, ngòn ngọt của mật ong phết lên lúc quay lúc nướng. Cũng có mì hủ tíu ăn với cật, gan heo và con tôm hồng hào hấp dẫn. Còn có mì hoành thánh, sủi cảo chấm tương ớt hoặc nước tương. Bỏ vào miệng cảm được cái mềm mại của bột, cái dai dai béo béo đậm đà của thịt, cái ngọt lừ của nước lèo, tất cả hòa thành một hương vị đặc biệt khó quên. Người Hoa Chợ Lớn có người Tiều, người Quảng, người Hẹ, Phúc Kiến, người Hải Nam… Người vùng nào cũng có người làm nghề bán hủ tíu mì. Nhưng riêng tô hủ tíu mì của người Quảng thường có miếng bánh tráng mỏng nho nhỏ chiên vàng ươm, trên có một vài con tôm nhỏ để nguyên chân cắng, râu càng. Cắn miếng bánh dòn rụm, húp thêm niếng nước lèo, đưa thêm vài sợi mì, ngon!
Sau này còn có Hủ tíu sa tế, gồm bò hoặc nai ăn với một loại sauce cay cay trộn đậu phụng giã nát. Hình như những quán bán loại này đa phần là người Triều Châu, không biết đúng không bởi món này cũng không phổ biến lắm?

Tô mì ngon ngoài nước lèo ngọt, đậm đà, thịt chế biến giỏi còn có yếu tố quan trọng là sợi mì phải dai, ăn đến muỗng cuối cùng, mì vẫn không nhão nát. Mì được làm từ bột mì, thêm màu vàng óng của nghệ hoặc phẩm màu và nghe đâu phải có tro tàu sợi mì mới dai ngon. Có loại sợi mì nhỏ như sợi bún, cũng có loại to dẹp, ngon dở tùy khẩu vị mỗi người mà lựa chọn. Khi trụng mì cũng là một kỹ thuật. Có nơi trụng bằng nước sôi, xong lại qua một lượt nước lạnh, rồi trụng sơ lại nước nóng lượt nữa mới cho vào tô. Trụng như thế sợi mì sẽ dai lâu mà không nát. Mì được khoanh từng vắt nhỏ dáng tròn tròn như hột vịt. Có người muốn ăn no, thường kêu ba hoặc bốn vắt một tô. Nhìn tô mì đầy nhóc thấy ớn. Cũng có đôi chỗ bán mì tươi, kéo mì tại chỗ thành những sợi dài, kiểu mì này cũng ít nơi bán vì rất mất thì giờ chờ đợi.

Sợi hủ tíu làm bằng bột gạo, sợi hủ tíu ngon là sợi hủ tíu không bị nhão khi ăn, nuốt vào miệng nghe trơn tuột và cũng cần kỹ thuật khi trụng.

Cũng có nhiều xe mì bán thêm món há cảo, bột được bọc với con tôm, đem hấp chín, khi ăn chấm với tương ớt và xì dầu.

Có người thích ăn chung một tô có mì lẫn hủ tíu, cũng là một cái thú vì ăn được hai thứ trong một tô. Thế nhưng có nhiều xe mì không chịu làm thế, hủ tíu là hủ tíu, mì là mì, không thế có thứ hỗn hợp như thế.

Đi năm châu bốn bể, kể cả một thời gian khá dài ở bên Trung quốc, tôi vẫn không thấy đâu ngon bằng tô hủ tíu mì ở Việt Nam, đặc biệt là tô mì ở Chợ Lớn. Họ cũng gọi là mì nhưng thiếu cái hương vị mình đã dùng qua, cái cảm giác mà mình đã hưởng thụ. Ngay khi ra Hà Nội, hay về Đà Nẵng, vẫn thấy tô mì không giống tô mì Chợ Lớn. Bởi tô mì của quá khứ là tô mì quen thuộc, đã theo ta suốt một quãng đường dài của cuộc đời.

Bây giờ ở Sài Gòn, Chợ Lớn rong chơi, cũng chẳng khó khăn gì để kiếm một bát mì ngon, nhưng ăn trong quán, trong nhà hàng máy lạnh lại không có được cảm giác thú vị của ngọn gió đêm hiu hiu, ngọn đèn đường hắt hiu và phố xá có người qua, ăn trong âm thanh rộn rã của cuộc sống.

Tìm tô mì dễ dàng nhưng không còn thấy những chiếc xe mì lưu động, thay vào đó là những xe mì gõ mới không như cũ, tiếng sực tắc cũng chẳng còn âm thanh cũ, chất lượng, hương vị cũng đổi thay và tiếc nhất là những xe mì vỉa hè có những bức tranh kiếng. Giờ vẫn còn rải rác đâu đó để kiếm tìm, nhưng chắc chắn mốt mai, nó chỉ còn trong kỷ niệm.

Ai cũng có một món ngon của quá khứ, và chắc hẳn món đó là món ngon nhất trong tâm tưởng của riêng mình.

Xe hủ tíu Giang Cẩu ký ‘since 1968’. Ảnh: Báo Thanh Niên

Đỗ Duy Ngọc 


 

Tôi Đi Bầu -Tiểu Tử

Kimtrong Lam –  U 70 LVC.

.Tiểu Tử

Gần đến bầu cử quốc hội bên Việt Nam và nghe thiên hạ bàn qua tán lại về chuyện ‘ đảng cử dân bầu ‘….làm tôi nhớ lại hồi tôi đi bầu quốc hội VC sau tháng Tư năm 1975. Đó là lần đầu tiên dân miền Nam đi bầu theo kiểu ‘ cách mạng ‘.

Đầu tiên là ‘ nhân dân làm chủ ‘ phải học tập bầu cử. ( Ở chế độ mới này, không lúc nào thấy ngưng nghỉ học tập. Hết học tập chuyện này là tiếp ngay học tập chuyện khác. Vừa xong học tập ở tổ dân phố là đã thấy phải kéo nhau ra học tập ở phường, chưa kể những người đi làm còn phải học tập ở cơ quan…v v ! ) Ông tổ trưởng tổ dân phố xóm tôi – hồi trước làm kế toán cho một hãng bào chế thuốc Tây – cho người mời các tổ viên đến nhà ông họp vào một buổi tối để học tập bầu cử. Sau khi mọi người đã an vị, nghĩa là ngồi chồm hổm hay ngồi bẹp dưới đất, ông tổ trưởng – ngồi sau một cái bàn thấp trên đó có để mấy xấp giấy vuông vuông và một lô bút bi – tằng hắng rồi nói một cách trịnh trọng : « Tôi mời bà con đến đây để chúng ta cùng học tập bầu cử. Khác với thời ngụy, ứng cử loạn xà ngầu, vàng thau lẫn lộn, chẳng biết ai là ai hết, bây giờ, trong chế độ ta, đảng có bổn phận chọn người đứng đắng, có đạo đức cách mạng… để đề nghị nhân dân bầu. Như vậy, nhân dân khỏi sợ chọn lầm người như ta vẫn thường thấy trong thời ngụy trước đây. »

Tổ viên im lặng nghe. Phần đông hùt thuốc hay xỉa răng. Thỉnh thoảng có tiếng đập muỗi và vài tiếng … ngáp. Thấy có vẻ… được, ông tổ trưởng phấn khởi nói tiếp : ’’ Đơn vị của mình được 10 dân biểu, nhưng vì là một cuộc bầu cử nên trên lá phiếu có in 12 tên đánh số từ 1 đến 12 để mình gạch bỏ 2 tên .’’

Nói đến đây, ông lấy xấp giấy vuông vuông trên bàn đi phát cho mỗi người một tấm, vừa làm vừa nói : ’’ Đây là lá phiếu. Nó như thế này đấy.’’ Rồi ông cầm một phiếu đưa lên cao : ’’ Bà con thấy không , có 12 người. Khi đi bầu, mình phải gạch bỏ 2 tên như vầy nè .’’ Vừa nói ông vừa lấy bút bi gạch hai tên mang số 11 và 12, rồi tiếp : ’’ Bà con rõ chưa ? Bây giờ, mình bầu thử cho quen.’’ Ông lấy bút bi trao cho tổ viên : “ Bà con làm như mình đi bỏ phiếu thiệt vậy. Gạch như tôi chỉ rồi xếp giấy lại làm tư. Mà… đừng ai nhìn ai hết nghe. Mình bỏ phiếu kín mà ! Gạch xong mỗi người tự mang phiếu đến cho tôi xem coi có đúng không, nghĩa là có hợp lệ không.’’ Ổng trở vào ngồi sau cái bàn thấp, đốt thuốc hút. Một lúc, ổng hỏi : “ Xong chưa nà ?’’ Các tổ viên đồng thanh : “ Dạ rồi ” Ông tổ trưởng có vẻ hài lòng, nói : “ Từng người một tuần tự mang phiếu đến tôi xem nào.“ Ổng mở từng phiếu coi rồi gật đầu nói : ’’ Đúng !’’

Từ đầu, tôi đã thấy…. hề quá nên thay vì gạch số 11 và 12, tôi gạch đại hai số nằm phía bên trên. Khi ông xem phiếu của tôi, ổng giật mình ngạc nhiên nhìn tôi, dò xét. Rồi ổng ra dấu gọi tôi đến gần kề miệng vào tai tôi, nói nhỏ : “ Không phải hai thằng cha này, ông nội ơi !“ Tôi cười khẩy : “ Vậy hả bác ?“

Đến ngày đi bầu, ông tổ trưởng… gom chúng tôi trước nhà ổng lúc 10 giờ 30 sáng bởi vì tổ chúng tôi – theo lịch trình ấn định – sẽ vào phòng phiếu lúc 11 giờ. Sau khi đếm đủ nhân số 23 người, ổng dẫn chúng tôi đến trước phòng phiếu, bắt đứng thành hàng một, rồi ổng bước vào bên trong. Một lúc sau, ổng đi ra với một người nữa lạ hoắc vì không phải là dân trong xóm. Ổng vừa trao cho người đó một tấm giấy ( chắc là giấy kê khai dân số ) vừa chỉ vào… cái đuôi của tổ : “ Đây ! Đồng chí đếm đi ! 23 người đầy đủ !“ Ông đồng chí đếm xong nói : “ Đồng bào xếp hàng vào cái đuôi này.“ Ổng chỉ vào hàng….dép guốc từng đôi nối nhau dài dài nằm phơi dưới nắng. Tôi nhìn quanh : thì ra đồng bào, trong khi chờ đến phiên mình vào bỏ phiếu, đã vào núp nắng dưới hiên nhà dân, để giày dép làm đuôi thay thế ! Tổ chúng tôi bèn cởi giày dép guốc làm y như vậy, cười cười nói nói vì thấy… vừa lạ vừa vui !

Người đi bầu lần lượt mang lại giày dép để vào phòng phiếu cho nên lâu lâu phải…đôn từng đôi giày dép guốc lên, giống như cái đuôi người nhích tới mỗi khi phía trước có chỗ trống. Tôi thấy có một thằng nhỏ trong căn phố nằm cạnh phòng phiếu chạy ra làm việc này. Có lẽ người lớn trong nhà tự động biểu nó làm, vì họ thông cảm người cùng xóm đang bị cảnh trời trưa nắng gắt !

Khi gần đến tổ chúng tôi bầu, bỗng nghe có người la lên : “ Chết cha ! Tụi nào lấy mẹ nó đôi dép da của tôi rồi !“ Vậy là những người đang núp nắng chạy ào ra cái đuôi giày dép nhìn đồ của mình, rồi, chẳng ai bảo ai, mỗi người tự động lấy đi một chiếc của mình nhét vào lưng quần hay cầm trên tay, điềm nhiên trở về chỗ núp nắng cũ, để lại hàng dép guốc bây giờ mỗi thứ chỉ còn có một chiếc ! Thằng nhỏ vẫn lâu lâu đẩy từng chiếc lên, như chẳng có chuyện gì xảy ra hết !

Lần bầu cử đó, theo báo cáo của Nhà Nước, đã đạt 99,99%. Có điều là người dân đi bầu chẳng thấy mặt ứng cử viên nào hết ! Chú Bảy thợ hồ xóm tôi….phát biểu : “ Mẹ ! Đã nói nhắm mắt bầu mà đòi thấy con khỉ gì , hả ?“

Đó là lần đầu cũng là lần cuối tôi đi bầu quốc hội V C, bởi vì sau đó, tôi đã….nhắm mắt vượt biên !

Tiểu Tử.


 

Vì sao dân không muốn gửi tiền cứu trợ qua tay Đảng?

Ba’o Nguoi-Viet

September 16, 2024

Trần Anh Quân/SGN

Khi có thiên tai xảy ra, chính quyền là nơi duy nhất có đầy đủ mọi nguồn lực để thực hiện cứu trợ. Nhà cầm quyền biết rõ nhất nơi nào cần cái gì, vì họ có đủ người và phương tiện để làm điều đó. Họ được người dân đóng thuế, trả lương để làm công việc này, đó là nhiệm vụ bắt buộc họ phải làm để phục vụ đất nước, chứ không phải là chuyện ban phát ơn nghĩa.

Cho nên về mặt nguyên tắc, khi người dân muốn cứu trợ đồng bào bị bão lũ thiên tai thì chỉ việc chuyển tiền vào tài khoản của nhà nước là được. Từ đó cơ quan chức năng sẽ mua những mặt hàng cần thiết để phân phối cho các nạn nhân, hoặc xây dựng lại các cơ sở điện, đường, trường, trạm, nhà ở cho người dân. Ngoài ra thì các lực lượng công an, quân đội, cán bộ, tình nguyện viên tại chỗ cũng đóng vai trò quan trọng nhất trong việc cứu nạn. Vì họ nắm rõ địa bàn, địa hình nhất và có đủ các phương tiện cứu hộ, đảm bảo an toàn.

Thế nhưng những năm gần đây cứ mỗi khi có bão lũ, thì người dân lại tự vận động nhau mang đồ cứu trợ chở thẳng ra vùng bị thiên tai để trao trực tiếp cho các nạn nhân. Có những xe tải chở gạo, chở mỳ gói, chở bánh trái vượt hàng ngàn cây số, chạy thẳng từ nam ra Bắc để tặng cho người dân. Mặc dù gạo, mỳ tôm, bánh trái ở các vùng lân cận khu vực chịu thiên tai không hề thiếu.

Việc mua hàng tự phát này đã dẫn tới một bất cập là “chỗ cần thì không có, mà chỗ có thì không cần.” Trên facebook Võ Hồng Ly, ngày 12 Tháng Chín có bài viết mô tả về tình hình cứu trợ đồng bào vùng lũ phía Bắc của đoàn thiện nguyện của chị Lê Hoài Hương. Theo đó, các đoàn từ thiện cùng nhau mua áo phao, bánh mỳ, mỳ gói.

(Facebook Võ Hồng Ly)

Đọc một dòng tin nhắn trên facebook của những người đi cứu trợ dặn nhau, mới thấy họ phải tự làm, tự nhìn thấy, tự nhắc nhau, chứ không có một tiếng nói hữu ích nào được nghe từ chính quyền trong vùng bão lũ. “Áo phao giờ đã qua giai đoạn nguy hiểm nên không cần thiết. Bánh mỳ sau 1 ngày thì mềm ỉu, bị dính nước trong quá trình vận chuyển nên bị hư hỏng. Bánh mỳ ăn liền có hạn 7 ngày nhưng đến lúc đến tay người nhận thì hết hạn sử dụng. Mỳ tôm không có bếp và nước nóng để nấu, ăn khô sống thì không thể ăn nổi quá 3 gói. Trứng dễ vỡ trong quá trình vận chuyển. Gạo không có nước, không có bếp để nấu lại vận chuyển khó khăn và khi bị ướt thì mốc.”

Sở dĩ dân phải tự giúp nhau và để xảy ra câu chuyện trên là do người dân đã không còn tin tưởng vào hệ thống chính trị đầy tham nhũng của CSVN. Chẳng ai biết hàng trăm tỷ đồng quyên góp cho việc cứu trợ bão lụt có thật sự được dùng đúng mục đích không hay lại đi vào nhà của các quan chức cộng sản.

Đã có nhiều bằng chứng cho thấy cộng sản Việt Nam sử dụng tiền cứu trợ sai mục đích, hoặc thậm chí mang tiền cứu trợ đi gửi ngân hàng lấy lãi. Tức là lấy tiền dân cứu nhau lúc nguy cấp đi cho dân vay lại (thông qua ngân hàng). Ví dụ số tiền người dân đóng góp vào Quỹ vaccine phòng COVID-19 là hơn 10 ngàn tỷ đồng (10,827.06 tỷ VN đồng, bao gồm lãi tiền gửi ngân hàng 194.4 tỷ VN đồng). Nhưng chỉ chi ra 7,672.2 tỷ VN đồng. Số dư quỹ tới ngày 24 Tháng Tám 2023 vẫn còn 3,154.86 tỷ VN đồng được dùng để gửi ngân hàng lấy lãi và mua lại Trái phiếu Chính phủ – một hoạt động hoàn toàn không liên quan gì đến việc lập quỹ.

Mặc dù cộng sản Việt Nam có khẩu hiệu “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.” Nhưng nếu lên tiếng yêu cầu minh bạch các vấn đề thu chi của những cơ quan, tổ chức chính quyền thì người dân sẽ bị bắt giam với các tội danh tuyên truyền chống đối nhà nước. Như vậy thì làm sao người dân có thể tin tưởng chuyển tiền cho CSVN nữa.

Còn nhớ năm 2016, khi lũ lụt diễn ra ở miền Trung, thay vì chuyển tiền cho Mặt Trận Tổ Quốc, người dân lại chuyển cho MC Phan Anh, một người dẫn chương trình có uy tín. Hoặc mùa lũ năm 2020, người dân cũng chuyển hàng trăm tỷ VN đồng cho các ca sỹ, nghệ sỹ như Thuỷ Tiên, Hoài Linh… Khiến cho CSVN phải thực hiện cả một chiến dịch phong sát để hạ uy tín các cá nhân này. Sau đó các văn nghệ sỹ bị bắt buộc phải chuyển tiền cho Mặt Trận Tổ Quốc (cơ quan nhà nước có vai trò quyên góp cứu trợ nạn nhân thiên tai) để tránh các án phạt của nhà cầm quyền.

Thật ra CSVN cũng thừa biết rằng người dân đã không còn tin tưởng vào nhà nước sau khi “thất thu” trong việc vận động tiền ủng hộ của người dân. Cho nên mới đây, Mặt Trận Tổ Quốc đã phải công bố hơn 12,000 trang sao kê tiền quyên góp của người dân ủng hộ nạn nhân lũ lụt. Cố tỏ ra minh bạch là vậy, nhưng điều đáng nói là họ chỉ công bố khoản thu đầu vào mà không công khai các khoản chi đầu ra, làm cái gì, mua cái gì,… Điều này lại càng là tăng thêm nghi vấn về vấn đề sử dụng tiền quyên góp của người dân.

Để người dân tin tưởng vào chính quyền thì không có cách nào khác là phải bạch hoá các hoạt động của nhà nước, và đặc biệt là giao việc cho các tổ chức xã hội dân sự thực hiện công khai, minh bạch. Đảng CSVN giờ không chỉ cần  công khai về việc sử dụng ngân sách quốc gia mà còn là công khai về lá phiếu của người dân. Đó là cách mà các quốc gia dân chủ làm. Còn trong chế độ độc tài tại Việt Nam hiện nay thì công khai minh bạch lại là tử huyệt của Đảng CSVN. Ở một nhà nước mà cán bộ nào cũng là sâu mọt thì công khai minh bạch chẳng khác nào “lạy ông tôi ở bụi này.”