Lượng kiều hối về Sài Gòn đạt kỷ lục, gần 7,4 tỷ USD trong chín tháng

Ba’o Dat Viet

October 21, 2024

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh  Sài Gòn, lượng kiều hối chuyển về thành phố này trong chín tháng đầu năm 2024 đã đạt mức kỷ lục gần 7,4 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay, chỉ trong ba quý đầu năm, và đạt 78,1% so với cả năm 2023, năm mà lượng kiều hối đã lên đến 9,46 tỷ USD – cũng là năm có lượng kiều hối lớn nhất lịch sử.

Kiều hối đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của Sài Gòn nói riêng và Việt Nam nói chung, cung cấp nguồn tài chính lớn cho tiêu dùng, đầu tư và phát triển hạ tầng. Lượng tiền từ người Việt ở nước ngoài gửi về thường được sử dụng để hỗ trợ gia đình, đầu tư vào bất động sản, kinh doanh và thậm chí là tài trợ cho các dự án phát triển địa phương.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, lượng kiều hối từ khu vực châu Á chiếm tỷ trọng cao nhất, đạt 53,8% trong tổng số tiền kiều hối chuyển về thành phố. Điều này cho thấy mối quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và các quốc gia châu Á vẫn rất mạnh mẽ, đặc biệt là với những cộng đồng người Việt sống ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan. Đáng chú ý, lượng kiều hối từ châu Mỹ tăng 4,4%, từ châu Đại Dương tăng 20%, trong khi từ châu Âu giảm 19,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, trong quý III/2024, lượng kiều hối từ các khu vực đều giảm, ngoại trừ châu Âu tăng 22,8% so với quý II/2024. Mặc dù kiều hối từ châu Âu giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng mức tăng trong quý III cho thấy có những tín hiệu tích cực từ khu vực này, có thể do các yếu tố kinh tế hoặc sự gia tăng nhu cầu hỗ trợ tài chính của người Việt ở nước ngoài.

Từ khi bắt đầu thống kê lượng kiều hối vào năm 1993, Việt Nam đã nhận được trên 190 tỷ USD tiền kiều hối, một con số gần tương đương với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân trong cùng giai đoạn. Điều này cho thấy tầm quan trọng của kiều hối đối với nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong việc giúp đỡ người dân cải thiện đời sống và đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế.

Số liệu cũng cho thấy rằng cộng đồng người Việt ở nước ngoài đang ngày càng lớn mạnh. Cách đây 20 năm, tổng số người Việt sinh sống ở nước ngoài là khoảng 2,7 triệu người. Hiện nay, con số này đã tăng lên khoảng 6 triệu người, sống ở hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 80% trong số này sinh sống tại các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Canada, Úc và các nước châu Âu. Những cộng đồng này không chỉ đóng góp về mặt kiều hối mà còn giúp phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và văn hóa giữa Việt Nam và các quốc gia mà họ đang sinh sống.

Bên cạnh kiều bào sinh sống lâu dài ở nước ngoài, lực lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam cũng đóng góp lớn vào nguồn kiều hối. Mỗi năm, từ 120.000 đến 140.000 lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, đặc biệt là ở các quốc gia châu Á, đã gửi về khoảng 3,5 đến 4 tỷ USD. Điều này không chỉ giúp cải thiện đời sống của hàng triệu gia đình mà còn góp phần vào sự phát triển kinh tế của Việt Nam thông qua đầu tư vào các dự án địa phương và các doanh nghiệp nhỏ.

Lượng kiều hối tăng kỷ lục trong năm 2024 cho thấy tầm quan trọng ngày càng lớn của nguồn tài chính này đối với nền kinh tế Việt Nam. Với xu hướng toàn cầu hóa và sự phát triển của công nghệ tài chính, việc chuyển tiền giữa các quốc gia ngày càng trở nên dễ dàng hơn, giúp người Việt ở nước ngoài có thể đóng góp một cách linh hoạt và hiệu quả hơn vào nền kinh tế quê hương. Trong tương lai, nguồn kiều hối có thể sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt khi số lượng người Việt Nam sinh sống và làm việc ở nước ngoài tiếp tục gia tăng. 


 

Từ giải thưởng Nobel kinh tế, lại nghĩ đến Việt Nam-Tác Giả: Hoàng Quốc Dũng

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Hoàng Quốc Dũng

Ba đồng sở hữu Nobel kinh tế

“Tiền là Tiên là Phật ». Chẳng ai phản đối câu nói dân dã này của người Việt Nam. Nói tóm lại Kinh tế quyết định tất cả. Sự thành bại của một cá nhân, của một quốc gia phụ thuộc vào kinh tế.

NHƯNG CÁI GÌ QUYẾT ĐỊNH CHO SỰ THÀNH BẠI CỦA KINH TẾ

Câu trả lời nằm trong giải Nobel kinh tế 2024

Giải Nobel Kinh tế năm 2024 đã được trao cho Daron Acemoglu, Simon Johnson và James A. Robinson vì những nghiên cứu của họ về tầm quan trọng của các thể chế đối với sự thịnh vượng của các quốc gia. Họ chỉ ra rằng các thể chế dân chủ, bảo vệ quyền sở hữu và hạn chế lạm dụng quyền lực, giúp thúc đẩy đổi mới và tăng trưởng kinh tế lâu dài. Ngược lại, các thể chế chiếm đoạt, tập trung quyền lực và tài sản vào một số giới nào đó thường kìm hãm sự phát triển kinh tế. Những nghiên cứu của họ được thể hiện trong cuốn sách “Why Nations Fail: The origins of Power, Prosperity, and Poverty”(Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói).

Tôi không muốn đi sâu vào các chi tiết của cuốn sách, chỉ biết rằng cuốn sách này đã được xuất bản từ năm 2012 được dịch ra hơn 30 thứ tiếng(kể cả tiếng Việt). Cuốn sách đã có 1 ảnh hưởng lớn trên toàn thế giới trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và phát triển.
Đã có biết bao nhiêu bài báo, sách vở chỉ trích chế độ độc tài, nguyên nhân của sự nghèo đói và kém phát triển. Nhưng cuốn sách này là một cuốn nghiên cứu sâu rộng, khoa học với các dẫn chứng cụ thể và nó đã xứng đáng đạt giải Nobel. Như vậy, giải Nobel cũng đã chính thức vạch mặt chỉ tên độc tài.

Bây giờ tôi muốn nói đến sự sụp đổ không thể tránh khỏi của các chế độ độc tài.
Các chế độ độc tài, dù có thể tồn tại trong một khoảng thời gian dài, cuối cùng cũng có xu hướng sụp đổ vì nhiều lý do mang tính cấu trúc. Về bản chất, các chế độ này không ổn định, giống như một thứ cân bằng không bền, mà đã có lần tôi đã dùng đến trong một bài viết trước đây.(Người đi trên dây là một thí dụ cân bằng không bền. Quả lắc đồng hồ là 1 thí dụ về cân bằng bền). Lịch sử của nhân loại đã cho chúng ta nhiều thí dụ về tính không ổn định và sự sụp đổ không tránh khỏi của các chế độ độc tài.

Một cách ngắn gọn nhất, Các chế độ độc tài sụp đổ vì :
1. Điểm yếu đầu tiên là nó thiếu tính chính danh từ nhân dân, tính chính danh dân chủ. Khác với các chế độ dân chủ, các chế độ độc tài thường cướp chính quyền và duy trì quyền lực bằng bạo động và đàn áp. Đây là những nguyên nhân gây ra bất mãn và các phong trào phản kháng của nhân dân. Khi những bất mãn này đạt đến đỉnh điểm, chế độ sẽ sụp đổ dưới áp lực của các cuộc đấu tranh, biểu tình của nhân dân.
2. Điểm yếu thứ hai của độc tài là nó tập trung quyền lực vào tay của một cá nhân hay một nhóm. Điều này dẫn đến lạm dụng quyền lực và tham nhũng tràn lan. Thiếu sự kiểm soát và đối trọng, các chế độ này trở nên mục nát từ bên trong, sẽ đến lúc không thể nào cứu vãn được.
3. Điểm yếu thứ ba chính là điều mà giải thưởng Nobel kinh tế 2024 đã nói đến, Kinh tế kém hiệu quả. Các chế độ độc tài không thể đảm bảo được sự tăng trưởng kinh tế bền vững. Tự do cá nhân bị bóp nghẹt, tự do sáng tạo sẽ bị hạn chế. Tham nhũng làm bộ máy kinh tế không thể nào hoạt động một cách bình thường.

Sự phồn thịnh hay đói nghèo của một đất nước hay một dân tộc không phụ thuộc vào vị trí địa lý, chủng tộc hay tôn giáo hay sự ngắn dài của lịch sử mà là kết quả của thể chế chính trị. Nước Mỹ chỉ có hơn 200 năm lịch sử, nước ta trên 4.000 năm…

Tuy nhiên, một số đặc điểm riêng của VN(văn hóa, lịch sử, xã hội…) đã làm cho chế độ cộng sản có thể bám rễ lâu hơn so với các nước khác. Tôi mạo muội đưa ra một số đặc điểm sau:

  1. Chế độ cộng sản không coi trọng cá nhân(trong nhân dân) và luôn luôn đề cao tính tập thể. Đặc điểm này có vẻ như hợp với người VN. Từ ngàn đời, người Vn ta có truyền thống sống trong các làng xã nhỏ bé, nơi mà mọi người biết rõ nhau, thậm chí có quan hệ huyết thống với nhau và cùng hỗ trợ nhau để tồn tại. Sự đoàn kết chặt chẽ này giúp hình thành tinh thần tập thể mạnh mẽ và dễ đồng nhất với tư tưởng cộng sản, vốn coi trọng tập thể và cộng đồng hơn cá nhân. Chế độ cộng sản đã khéo léo khai thác đặc tính này, sử dụng nó như một công cụ để duy trì sự thống nhất và kiểm soát xã hội.
  2. Tinh thần yêu nước và chống ngoại xâm: Người Vn có truyền thống yêu nước, có lịch sử lâu dài chống lại thành công các cuộc xâm lược từ Trung Quốc. Chính quyền cộng sản đã rất thành công trong việc động viên, kích động nhân dân trong các cuộc chiến chống Pháp, Nhật, Mỹ. HỌ KÉO LÉO GẮN KẾT NHỮNG THÀNH CÔNG ĐÓ VỚI TƯ TƯỞNG CỘNG SẢN, kiến nhiều người dân tin rằng Đảng với tư tưởng cộng sản là lực lượng duy nhất có thể bảo vệ đất nước trước sự đe dọa của ngoại bang. Yêu nước trở thành yêu Đảng, Yêu CNXH. Chủ nghĩa yêu nước của VN tự nhiên trở thành một yếu tố quan trọng củng cố tính chính danh của chế độ, hóa giải được điểm yếu chí mạng của một chế độ độc tài.(Yếu tố số 1 nêu trên).
  3. Chấp nhận quyền lực từ trên xuống dưới. Nước ta là một nước nông nghiệp, phong kiến lạc hậu. Người Vn quen với việc chấp nhận quyền lực từ trên xuống dưới. Ngày xưa thì có vua, bây giờ thì có đảng. Trong cấu trúc xã hội VN, sự tuân thủ và tôn trọng quyền lực đã trở thành một phần của văn hóa. Chính quyền cộng sản đã kế thừa và khai thác mô hình quyền lực này, áp đặt quyền lực mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương. Điều này khiến cho người dân có xu hướng dễ chấp nhận và ít chống đối sự cai trị từ trên.
  4. Tính linh hoạt, khôn lỏi và thích nghi với hoàn cảnh. Trên đây là tôi tạm thời liệt kê một vài yếu tố có tính chất xã hội, cộng đồng, nói chung. Còn về cá nhân, người Việt có tính khôn lỏi rất cao để thích nghi với hoàn cảnh. Họ có thể chấp nhận điều chỉnh cuộc sống của mình dưới bất kỳ chế độ nào, luồn lách, tìm cái lợi riêng trong một thể chế chung tồi tệ. Người ta có thể nhắm mắt làm ngơ trước những bất công của xã hội, miễn là mình còn có lợi. Hơn nữa, trong xă hội Việt Nam, gia đình là một yếu tố trung tâm rất quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân. Nhiều người tìm cách sống khôn lỏi, an phận để bảo vệ an toàn cho mình và gia đình. Chế độ cộng sản cũng khéo léo lợi dụng yếu tố này để duy trì sự ổn định, thậm chí khuyến khích việc giám sát lẫn nhau giữa các thành viên trong xã hội.
  5. Tính kiên nhẫn và sức chịu đựng. Chắc chắn chúng ta là một dân tộc có tính kiên nhẫn và chịu đựng rất cao. Nói một cách dân dã “thà đói khổ nằm nhà còn hơn là đi đấu tranh đòi hỏi một cái gì đó chống lại chính quyền”.

6 Dân trí. Dưới đây là một đoạn trích trong báo Tiền Phong, Cơ quan trung ương đoàn TNCS Hồ Chí Minh : “Tản Đà đã chỉ ra một vấn nạn vô cùng nặng nề và dai dẳng của dân tộc: Ấy là mối quan hệ giữa dân trí với nạn quan tham lại nhũng: Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn/Cho nên quân nó dễ làm quan”.(trích nguyên văn)

Rõ ràng dân trí của chúng ta vẫn đang là một vấn nạn khổng lồ của ngày hôm nay. Xã hội chỉ thay đổi được trước những đòi hỏi mãnh liệt của quần chúng nhân dân.

Chúng ta đã bước sang thế kỷ 21, nhưng dân trí của ta có thể vẫn ở mức độ cách đây vài trăm năm của Châu Âu. Chế độ độc tài nào rồi cũng phải sụp đổ nhưng nếu dân trí không khá hơn thì chúng ta vẫn tiếp tục “xứng đáng được hưởng” những “thành quả” của CNXH và tiếp tục tiến tới CNCS, thiên đường.

Giải thưởng Nobel là giải thưởng quốc tế danh giá nhất giành cho những công trình nghiên cứu có những đóng góp lớn lao trong việc làm cho xã hội loài người tốt hơn. Phủ nhận các giải thưởng Nobel đồng nghĩa với phủ nhận sự tiến bộ của nhân loại. Vậy mà, theo tôi được biết, cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại: Nguồn gốc của quyền lực, thịnh vượng và nghèo đói” do Tiến Sỹ Nguyễn Quang A dịch đầu tiên, sau đó được nhóm khác có bản quyền dịch, xuất bản ở VN đã không được tái bản, thậm chí đang bị âm thầm thu hồi.

(Hình minh hoạ tranh vui của Nga “Cái hoạ không phải là ở chỗ ở bên trên nói láo mà ở chỗ bên dưới lại tin”).


 

Báo VnExpress gỡ hình về giải Nobel Kinh tế 2024

 Đài Á Châu Tự Do

Hình ảnh với nội dung quy trách nhiệm cho thể chế chính trị về tình trạng giàu nghèo giữa các quốc gia đã bị báo VnExpress gỡ bỏ trên trang Facebook.

Ảnh chụp màn hình của bài đăng gốc về giải Nobel Kinh tế năm 2024, được đăng lúc 12:05 trưa ngày 18 tháng 10, chứa dòng chữ “Chênh lệch giàu nghèo giữa các nước là do thể chế”.

Nhưng theo lịch sử chỉnh sửa của bài đăng trên, chỉ 40 phút sau, lúc 12:45 hình ảnh gốc đã bị gỡ bỏ và thay thế bằng hình ảnh mới có nội dung “Nobel Kinh tế 2024 giải thích chênh lệch giàu-nghèo”.

Giải Nobel Kinh tế năm nay được trao cho ba kinh tế gia đang làm việc tại Hoa Kỳ, hai trong số đó là tác giả của cuốn sách “Tại sao các quốc gia thất bại” được Nhà xuất bản Trẻ phát hành bản tiếng Việt năm 2013.

Ngày 15 tháng 10, RFA đưa tin hiện cuốn sách này đã bị cấm tái bản ở Việt Nam mà không rõ lý do.

#RFAVietnamese #NobelPrize #NobelPrize2024 #censorship #kiemduyet

SÔNG CÓ THỂ CẠN-THÁI BÁ TÂN

Nghiem Huynh

Trong “Đèn Cù” có đoạn

Nói về Chu Văn Biên,

Trùm cải cách Nghệ Tĩnh,

Bắc ghế ngồi trên thềm.

 

Hắn chỉ vào mặt mẹ

Đang cúi lạy dưới sân:

“Mày là đứa bóc lột,

Kẻ thù của nhân dân.

 

Không mẹ con gì hết.

Tao phải tiêu diệt mày.”

Vì cái thành tích ấy

Chu Văn Biên sau này

 

Được đề bạt thứ trưởng

Bộ nông nghiệp nước nhà.

Mẹ cắn lưỡi tự tử.

Thật tội nghiệp bà già.

*

Một chính quyền xúi giục

Con cái đấu mẹ cha,

Người ở đấu ông chủ,

Cháu chắt đấu ông bà,

 

Thử hỏi chính quyền ấy

Là thứ chính quyền gì?

Một tội ác man rợ

Thuộc vào hàng tru di.

 

Và sông có thể cạn,

Và núi có thể mòn,

Tội ác man rợ ấy

Sẽ được nhớ, trường tồn.

THÁI BÁ TÂN

BÀ HẰNG, ÔNG VIỆT…- NGUYỄN TIẾN TƯỜNG

Những câu chuyện ý nghĩa

Bà Nguyễn Thị Phương Hằng vừa đi tù về, tự khoác cho mình một “sứ mệnh” vì dân. Tôi không biết bà vì dân là vì điều gì khi rõ ràng rằng bà đi tù vì tội xúc phạm nhân phẩm và vu khống người khác.

Lương dân, nên là những người biết đúng sai phải quấy, không nên là những người vì lòng hiếu kỳ mà tung hê một người chỉ vì họ giàu có và nanh nọc.

Tương tự, ông Vương Tấn Việt, kẻ không có mặt trong kỳ thi cấp 3 trở thành tiến sĩ. Ông sắm nhiều vai vĩ cuồng, nhiều sứ mệnh mông lung huyễn hoặc. Trong đó ông đứng đầu một hệ thống nhằng nhịt dẫn dắt “chúng thanh niên”.

Tôi không xem họ là những người mộ đạo, họ chỉ là những người mê lầm, trót tin vào những bài pháp xiêu vẹo của ông Việt.

Dân của bà Hằng, chúng thanh niên của ông Việt, chỉ là một nhóm người có nhu cầu của riêng họ, không ai được phép khoác chung vào một chữ “nhân dân”.

……

Ông Việt mắng sư Minh Tuệ “thằng ba trợn”, bà Phương Hằng đòi “quất”. Cả hai, với ngôn ngữ bặm trợn cục súc của mình, đã phô bày với thiên hạ rằng sự giàu có và đạo mạo không làm nên cái sang. “Sang” là cả một quá trình hội tụ nhiều yếu tố, trong đó nền tảng học vấn và tu tập nắm phần quan trọng.

Cả hai người đều dính nặng “tam độc” tham, sân, si. Vì quá tham hư danh, hai người múa may quay cuồng, làm đủ thứ chuyện nhố nhăng, mạ lị.

Vì tham nên sân, cả hai đem lòng đố kỵ với một nhà sư bình dị, vốn chẳng liên quan gì đến mình.

Sư Minh Tuệ là người tự thấp mà cao, không tranh mà được, không cầu mà đắc. Đó chính là đỉnh cao của trí huệ giải thoát. Còn người như bà Hằng, ông Việt đến trí tuệ còn chưa kịp sắm, thì đường đến trí huệ còn rất gian nan.

Đến cây cỏ côn trùng mà sư Minh Tuệ còn không muốn giẫm lên thì bà Hằng ông Việt không bao giờ có cơ hội đến gần gót chân ông ấy.

Xin đừng nghĩ tôi có ý xúc phạm. Bởi vì chúng sinh bình đẳng, cây cỏ côn trùng sống an vui và thanh cao hơn những người dính vào tam độc. Địa ngục không ở đâu xa cả, địa ngục là ngọn lửa tham hận luôn cháy trong lòng.

……

Sư Minh Tuệ sẽ luôn chúc phúc cho mọi người, cho dù có ghét ông đi nữa. Cũng giống như đức Phật luôn mềm mỏng với kẻ phỉ báng mình, vì Phật hiểu rằng họ sẽ phải đối mặt với nhân quả của họ.

Ông Việt, chỉ gieo nhân 3 chữ “thằng ba trợn”, đã nhận lại một quả đắng thân bại danh liệt trốn chui trốn nhủi như chuột nhắt.

Bà Hằng tự huyễn hoặc mình đang ở “đỉnh cao”. Một lời khuyên cho bà là hãy tận hưởng đỉnh cao của mình, tự do trong khuôn khổ. Có hai thứ bà không bao giờ nên đụng vào là tự do và đức tin của người khác.

Nhân quả pháp luật, nhân quả đức tin là hiển hiện và rất chóng vánh. Quay đầu, là bờ!

NGUYỄN TIẾN TƯỜNG

Buổi thăm gặp em trai tôi Trịnh Bá Tư sau 19 ngày tuyệt thực ở Trại 6 Nghệ An…

Ba’o Tieng Dan

17/10/2024

Trịnh Thị Thảo

16-10-2024

BUỔI THĂM GẶP EM TRAI TÔI TRỊNH BÁ TƯ SAU 19 NGÀY TUYỆT THỰC Ở TRẠI 6 NGHỆ AN ĐỂ ĐÒI HỎI CHẤM DỨT CHẾ ĐỘ CHUỒNG CỌP VÀ THẢ TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ.

Hôm nay ngày 16/10/2024 tôi và bố tôi có đến Trại 6 Thanh Chương, Nghệ An để thăm em tôi Trịnh Bá Tư sau 19 ngày tuyệt thực. Lần tuyệt thực này gồm Tư, anh Bùi Văn Thuận và anh Đặng Đình Bách. Lý do tuyệt thực lần này của ba anh em để đòi hỏi Trại 6 thả tù nhân chính trị và chấm dứt ngay chế độ chuồng cọp gây hủy hoại sức khoẻ, tinh thần và nhân phẩm của các tù nhân chính trị.

Khoảng 8h sáng xe của trại đón hai bố con tôi vào nhà thăm gặp để gặp Tư. Giám sát buổi thăm gặp có 5 công an, hai công an nam và một công an nữ giám sát bên Tư, còn bên tôi và bố tôi thì có một công an nữ và một công an nam giám sát. Cuộc nói chuyện phải nói qua điện thoại thi thoảng lại bị ngắt quãng và qua một tấm kính dày và mờ.

Tư nói anh Đặng Đình Bách có đồng hành tuyệt thực với Tư và anh Thuận 10 ngày thì dừng, do sức khỏe của anh Bách không được tốt, sau hai ngày dừng tuyệt thì sức khỏe của anh Bách dần dần phục hồi.

Trong biên bản làm việc với Tư và anh Thuận vào ngày 14/10/2024 trung uý Nguyễn Ngọc Thuận nói việc mở chuồng cọp chúng tôi sẽ xem xét, tuỳ vào thái độ của các anh.

Ngày 28/9/2024 trung uý Thuận nói các anh như thế này là không ôn hoà, trong khi đó ba anh em đều rất ôn hoà.

Ngày 13/10/2024 cán bộ y tế là trung tá Vũ Quang Quyết số hiệu 089941 khám sức khỏe của Tư, cân nặng là 60kg, phổi rì rào phế nang rõ, tuần hoàn T1, T2 đều rõ, huyết áp 125/70, mạch 80 lần/phút, hiện tại cân nặng của Tư sụt từ 68kg xuống còn 59kg.

Về tình hình của anh Thuận thì anh Thuận đau khớp nhiều, anh Thuận cũng sút cân như Tư.

Ngày 13/10/2024 họp tổ A, mọi người tổ A đề xuất có chế độ chăm sóc y tế cho anh Thuận, vì năm sáu ngày anh Thuận đau khớp nặng. Khớp tay, khớp gối của anh Thuận đau cả đêm không ngủ được. Anh em tổ A đề nghị đối thoại lãnh đạo trại đề nghị cải thiện chế độ giam giữ, anh em tổ A rất lo lắng bệnh khớp của anh Thuận biến chứng nguy hiểm. Và dặn vợ anh Thuận gửi thuốc vào cho anh Thuận. Anh em có khuyên anh Thuận dừng tuyệt thực nhưng anh Thuận vẫn tiếp tục tuyệt thực, tinh thần của anh Thuận thì rất mạnh mẽ. Hai ngày nay thì bệnh của anh Thuận có đỡ hơn chút có thể đi lại nhẹ được.

Sức khỏe của Tư có giảm sút, nhưng tương đối ổn định, không đau đầu, không đau cơ, không tức ngực, có chóng mặt và hoa mắt. Tư và anh Thuận sẽ vẫn tiếp tục tuyệt thực.

Ngày 14/10/2024 làm việc với trung tá Nguyễn Văn Du, ông Du nói chủ nhật hàng tuần sẽ mở cửa một vài tiếng để anh em ra sân chung tập thể dục, việc mở cửa chuồng cọp, trung tá Du gọi là cửa số 2, sẽ đề xuất lên trên (sẽ trả lời sau).

Ngày 9/10/2024 trại tổ chức khám buồng, đặc biệt khám kĩ thức ăn của Tư và anh Thuận, khám xong thì anh Thuận và Tư đều không có thức ăn gì, cán bộ hỏi thức ăn đâu, Tư bảo cho hết rồi, cán bộ hỏi cho ai thì Tư bảo cho ai quên mất rồi.

Khi làm việc với trung tá Du thì ông Du nói không có chuồng cọp, đúng là khu hình sự không có chuồng cọp, chỉ khu giam các tù nhân chính trị thì có chuồng cọp. Chứng tỏ các tù nhân chính trị bị phân biệt đối xử.

Tư nói sẽ dừng tuyệt thực khi thấy sức khỏe của anh Thuận có nguy cơ không ổn.

Tư kể rằng hôm chú Trần Huỳnh Duy Thức bị cưỡng chế đặc xá thì câu cuối cùng Tư nghe chú Thức nói là “Tư ơi bọn chúng khiêng chú ra rồi”, sau đó Tư cùng các anh em tù chính trị hô to là: “phản đối cưỡng chế đặc xá chú Thức ra khỏi nhà tù”.

Tôi có đọc nội dung bức thư ngỏ của chú Trần Huỳnh Duy Thức gửi ông Tô Lâm cho Tư nghe.

Tư và anh Thuận, anh Bách gửi lời cảm ơn tới chú Trần Huỳnh Duy Thức cùng các cô, chú, bác, anh, chị và bạn bè, các tổ chức nhân quyền quốc tế, các đại sứ quán đã gửi lời hỏi thăm và động viên tới ba anh em trong lần tuyệt thực ở trại 6 Nghệ An lần này để đòi hỏi các quyền chính đáng.

Một lần nữa thay mặt ba gia đình em Trịnh Bá Tư, anh Bùi Văn Thuận, anh Đặng Đình Bách cảm ơn mọi người rất nhiều.


 

‘Thành phố Hồ Chứa Mưa’ thất thủ! – Trần Thế Kỷ/SGN

Ba’o Nguoi-Viet

October 15, 2024

Trần Thế Kỷ/SGN

1.

Một cơn mưa lớn ập xuống, phố phường chìm trong biển nước. Một kênh youtube đăng video với tựa: “Sài Gòn thất thủ, mưa lớn kinh hoàng, đường biến thành sông.”

Thật ra chuyện Sài Gòn lụt lội đâu có gì mới. Mùa mưa nào chả thế. Đã gọi là “Thành phố Hồ Chứa Mưa” thì còn than nỗi gì. Nhiều người khen rằng nhờ qui hoạch mở đường, khai thông cống rãnh, chỉnh trang đô thị nên thành phố ta trở thành hồ nước đẹp mênh mang.

“Thành phố Hồ Chứa Mưa” nắng đi xe, mưa đi xuồng. Việt Nam mãi đỉnh. Có người hát: “Bao năm giải phóng như thế này, phải không em,” rồi chê chủ kênh youtube đặt tựa chưa đúng. Phải sửa lại là: “TPHCM thất thủ…” mới đúng. Bởi Sài Gòn ngày xưa làm gì có chuyện ngập thê thảm như bây giờ.

Mà đâu chỉ TPHCM mưa là ngập. Nhiều tỉnh thành trong cả nước cũng hễ mưa là ngập. Có nơi ngập từ ngoài đường, ngập vào trong nhà. Vợ chồng hè nhau tát nước nên tình nghĩa mặn nồng. Vậy đợi gì mà không hát: “Mùa mưa này về trên quê ta, khắp đất trời nước ngập bao la…”

Người dân đẩy xe chết máy trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức) sau cơn mưa lớn. (Hình: Tuổi Trẻ)

2.

Cụ Vương Hồng Sển vốn là một nhà sưu tầm đồ cổ có tiếng.

Giá trị bộ sưu tập đồ cổ của cụ Vương được giới sưu tầm đánh giá vài triệu đôla. Thuở cụ còn sống, nhiều người hỏi mua cổ vật của cụ nhưng cụ không bán.

Cụ Vương có một người con trai nhưng tính nết hư hỏng nên trước khi mất, cụ Vương quyết định hiến tặng bộ sưu tập của mình cho nhà nước. Lúc đó không ít người khen việc cụ Vương hiến cho nhà nước bộ sưu tập quí giá là một quyết định khôn ngoan. Song thực tế lại rất phủ phàng. Mới đây, một cán bộ ngành văn hóa cho hay nhiều món trong bộ sưu tập của cụ Vương đã không cánh mà bay. Không nói ra thì ai cũng biết tại sao mà bay, dẫu không có cánh.

Nghĩ mà buồn, cụ Vương cả đời tốn bao công sức mới có được những cổ vật đầy giá trị. Vậy mà…

Rõ là ký ca ký cóp cho cọp nó xơi!

Cụ Vương Hồng Sển. (Hình: Wikipedia.org)

3.

Sợ chết đứng là vì cây không ngay!

Về việc bỏ qui định người dân được giám sát qua ghi âm, ghi hình, Cục CSGT (Bộ Công An VN) cho rằng là để tránh kẻ xấu lợi dụng quyền giám sát để quay phim, ghi hình đưa lên mạng xã hội, và để không gây ảnh hưởng quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Rất nhiều ý kiến của người dân phản đối việc này. Vì nếu đúng như lời giải thích của Cục CSGT, thì Bộ CA chỉ cần cấm đăng lên các mạng xã hội, chứ sao lại cấm quay phim, chụp hình. Quang minh, chính đại thì việc gì mà phải cấm?

Vả lại, ai sử dụng sai hình ảnh thì cứ xử lý người đó. Pháp luật đã có qui định về việc này. Bộ CA không nên đánh đồng với những người sai rồi làm ảnh hưởng tới quyền lợi chính đáng của nhân dân. Công dân được phép làm những điều pháp luật không cấm. CSGT cứ làm đúng luật thì sợ gì bị dân ghi hình. Nếu không cho dân ghi hình thì dân lấy gì làm bằng chứng để tố cáo những việc làm sai qui định của CSGT?

Dân cho rằng nếu CSGT làm đúng luật mà được ghi hình đăng lên mạng thì dân càng khâm phục. Có sao lại sợ? Nhà nước luôn nói “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Cấm dân ghi hình CSGT làm nhiệm vụ thì dân kiểm tra kiểu gì đây? Và thế nào là “không gây ảnh hưởng quá trình thực hiện nhiệm vụ?” Dân quay phim, ghi hình thì ảnh hưởng gì tới CSGT làm nhiệm vụ?

Cây ngay không sợ chết đứng. Sợ chết đứng là vì cây không ngay! 


 

Báo chí cộng sản: kiếp nạn thứ tư của người Việt Nam

Ba’o Nguoi-Viet

October 15, 2024

Trần Anh Quân/SGN

Ở những nước dân chủ, tự do, báo chí được coi là quyền lực thứ tư, sau hệ thống “tam quyền phân lập” (lập pháp, hành pháp và tư pháp), là nơi lên tiếng bảo vệ người yếu thế khi họ bị áp bức, bất công xã hội. Nhưng ở Việt Nam thì khác, theo khoản 2, điều 3, Hiến pháp do CSVN viết thì “quyền lực nhà nước là thống nhất.”

Tức là Việt Nam không có tam quyền phân lập, mà mọi thứ đều nằm trong tay đảng cộng sản, báo chí cũng không nằm ngoài vòng kiểm soát đó được.

Tuy không phải là quyền lực thứ tư bảo vệ người dân. Nhưng báo chí cộng sản lại trở thành “kiếp nạn thứ tư” của người dân và các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ đứng sau thuế vụ; công an quan chức; quản lý thị trường – y tế – môi trường. Lương tháng thì ít, lương tâm thì không có, các phóng viên, nhà báo dùng mọi chiêu trò để moi tiền từ các công ty, doanh nghiệp.

Điển hình mới nhất là vụ cả toà soạn báo bị bắt vì thủ đoạn tống tiền doanh nghiệp với danh nghĩa xin tiền từ thiện. Vụ việc xảy ra tại toà soạn tạp chí Môi trường và Đô thị Việt Nam. Tổng biên tập Đồng Xuân Thụ cùng phó tổng biên tập, trưởng ban kinh tế môi trường, kế toán và 4 phóng viên của tờ báo này bị công an khởi tố, bắt giam với cáo trạng “cưỡng đoạt tài sản” của hàng trăm bị hại, với số tiền lên tới hàng chục tỷ đồng.

Công an cáo buộc ông Thụ đã chỉ đạo lập chương trình gây quỹ “Cây Chổi Vàng” để tôn vinh, ủng hộ, làm công tác từ thiện giúp đỡ công nhân vệ sinh môi trường. Sau đó, giao nhiệm vụ cho các phóng viên, cộng tác viên đi tìm kiếm các dấu hiệu sai phạm của các tổ chức, cá nhân, công ty rồi đe dọa đăng thông tin trên báo. Điều này nhằm gây sức ép buộc họ tham gia tài trợ chương trình “Cây Chổi Vàng”. Các mức đóng “quỹ từ thiện” gồm 300 triệu đồng, 200 triệu đồng, 100 triệu đồng, 50 triệu đồng. Nhận được tiền thì nhóm này sẽ chia nhau rồi chỉ đạo kế toán “chế biến” hóa đơn, giấy tờ để hợp thức hóa với việc vận hành quỹ “Cây Chổi Vàng”.

Ngoài việc đi “xin tiền quỹ từ thiện,” có một thủ đoạn tinh vi hơn là tống tiền doanh nghiệp bằng hình thức “ký hợp đồng hợp tác truyền thông.” Đây là chiêu thức được đa số các tờ báo CSVN sử dụng hiện nay, các công ty rất khó cãi lý vì có hợp đồng ký kết rõ ràng.

Năm 2021, công an đã vạch mặt một vụ tại Tạp chí Doanh nghiệp & Hội nhập với chiêu trò hợp pháp hoá việc tống tiền doanh nghiệp bằng các hợp đồng truyền thông. Trong vụ án này, bà Nguyễn Ngọc Diệp, nguyên Trưởng ban PR – Chuyên đề của tờ báo đã tìm kiếm các công ty có dấu hiệu không tuân thủ quy định nhà nước để nhắn tin tống tiền. Nếu phía doanh nghiệp không ký hợp đồng truyền thông và chuyển tiền thì họ sẽ viết bài phanh phui. Nếu đồng ý chuyển tiền thì họ sẽ viết bài quảng cáo cho các công ty đó.

Ngoài ra thì các tờ báo cũng dùng chiêu “sáng đăng, trưa cà phê, chiều xoá bài.” Theo đó, tòa soạn sẽ cho phóng viên đi thu thập thông tin, chụp ảnh các công trình có dấu hiệu sai phạm; rồi phân công người viết và đăng bài. Sau đó nhắn tin, gửi bài viết, hoặc hẹn lãnh đạo công ty đi uống cà phê để đe dọa, uy hiếp phải chi tiền để gỡ bài.

Thời gian gần đây hầu như tháng nào cũng có một vài vụ phóng viên, nhà báo bị bắt vì tống tiền doanh nghiệp. Nhưng vấn nạn này không phải bây giờ mới có, mà trước đây kinh tế sáng sủa, doanh nghiệp chấp nhận chung chi cho báo chí, vừa coi như có chỗ dựa về truyền thông, vừa như là hợp đồng quảng cáo. Để tới bây giờ nền kinh tế bếch bác, làm không ra tiền mà còn phải chịu mấy ách xiềng xích từ thuế má tới quan chức cộng sản, thì doanh nghiệp họ buộc phải trở mặt với báo chí để bớt một phần gánh nặng.

Báo chí tống tiền doanh nghiệp không chỉ là gây áp lực cho doanh nghiệp, mà còn làm khó cho nền kinh tế chung. Khi doanh nghiệp phải chi thêm tiền lo lót cho báo chí thì họ phải tăng giá cả các mặc hàng để bù vào phần thất thoát đó. Vậy rồi cuối cùng người dân lại trở thành nạn nhân chính.

Có thể nói báo chí cộng sản còn thua cả báo chí thời Pháp thuộc. Lúc đó tuy người Pháp đô hộ Việt Nam, nhưng họ vẫn để cho báo chí xứ thuộc địa được tự do. Nhà báo đứng về phía người yếu thế để bảo vệ dân lành. Ví như vụ cánh đồng Nọc Nạng hồi năm 1928, nhờ có phóng viên Lê Trung Nghĩa và nhiều tờ báo độc lập như L’Echo Annamite, Đông Pháp Thời Báo, L’Impartial… gây áp lực mà tòa Đại hình Cần Thơ đã xử thắng cho các gia đình nông dân.

Còn bây giờ, phóng viên, báo chí cộng sản thì tiếp tay cho tham quan cường quyền, hãm hại lại chính đồng bào ruột thịt của mình. Như vụ công an bắn chết ông Lê Đình Kình ở Đồng Tâm (Hà Nội), bị báo chí đưa tin sai sự thật nhằm bảo vệ nhà cầm quyền cộng sản cướp đất giết dân.

Hoặc cũng có khi người dân nhờ nhà báo viết bài lên tiếng thì phải cho tiền rồi báo mới tới viết và đăng bài. Có khi người dân báo thông tin sai phạm cho phóng viên, rồi phóng viên lại bắt tay với phía bị tố cáo gây sức ép ngược lại cho người dân. Như vậy báo chí cộng sản không chỉ là kiếp nạn thứ tư của doanh nghiệp; mà còn là kiếp nạn thứ tư của dân lành, sau toà án, công an và những kẻ tạo ra hệ thống pháp luật rừng rú của CSVN.


 

Cách mạng dân chủ ở Việt Nam rất cần thiết

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Nguyễn Văn Khánh

15/10/2024

Cuộc cách mạng dân chủ sẽ là vĩ đại nhất trong lịch sử Việt Nam từ 2700* năm tới nay.

Đầu thế kỷ 20, cuộc cách mạng Tháng 10.1917 do Lê Nin lãnh đạo thành công lập ra nhà nước cộng sản đầu tiên Xô Viết ( Liên Xô), từ đó lan tỏa mạnh mẽ sang Châu Á, Phi, Mỹ la tinh, người dân từ đó nổi dậy chống chủ nghĩa thực dân đòi độc lập, Việt Nam bị thực dân Pháp đô hộ gần trăm năm, bao cuộc khởi nghĩa bị Pháp dập tắt như khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám, và nhiều cuộc khởi nghĩa trước đó thất bại vì không có dự án và tư tưởng chính trị nên thất bại.

Ông Hồ sau khi sang Pháp làm phụ bếp đã truyền bá tư tưởng chính trị Mác Lê Nin về Việt Nam thành lập đảng cộng sản năm 1930, và lãnh đạo cướp chính quyền của thủ tướng Trần Trọng Kim tháng 8.1945, lập ra nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Đảng cộng sản tuyên truyền đây là cuộc cách mạng vĩ đại của dân tộc phá tan chế độ thực dân phong kiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội và tiến lên thiên đường cộng sản không còn “người bóc lột người, khẩu hiệu ” làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu ” đã hoàn toàn thu hút được người dân nghèo khổ Việt Nam thời đó ủng hộ đảng cộng sản do Hồ Chí Minh lãnh đạo.

Thực tế nhà nước cộng sản xây dựng chế độ độc tài toàn trị còn kém xa chế độ phong kiến thực dân về quyền con người như tự do ngôn luận, tự do báo chí độc lập… nó chuyển từ cai trị ngoại bang sang cai trị do người cùng dân tộc.

Lợi dụng cơ hội Nhật Bản – Pháp bắn nhau và Nhật thua trận trong thế chiến thứ hai, chính quyền cộng sản phát động khởi nghĩa cướp chính quyền về tay đảng cộng sản thành công, bắt buộc chính quyền thủ tướng Trần Trọng Kim thân Nhật Bản phải trao chính quyền cho đảng cộng sản.

Lịch sử gọi ngày (19.8.1945) là cướp chính quyền thành công của đảng cộng sản, xây dựng nhà nước độc tài toàn trị.

Phải khẳng định nếu không có chế độ cộng sản lập ra thì không có nội chiến vô cùng khốc liệt 30 năm (1945 – 1975), Pháp và Mỹ lo sợ chủ nghĩa cộng sản lan sang Đông Nam Á nên can thiệp ủng hộ chế độ Việt Nam cộng hòa.

Đảng cộng sản thành công trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác Lê Nin trong hoàn cảnh thực tế, dùng chuyên chính vô sản, bạo lực trên nòng súng đàn áp khốc liệt người dân trong suốt gần 80 năm chiếm đóng và cai trị.

Cuộc cách mạng từ độc tài cộng sản chuyển sang chế độ dân chủ tự do ở các nước Châu Âu năm 1989 và Liên Xô năm 1991 thành công không đổ máu, các nước Ba Lan, Tiệp, Bungari, Đức… Chuyển sang chế độ dân chủ làm chấn động thế giới, hệ thống xã hội chủ nghĩa do Liên Xô sụp đổ hoàn toàn, nhưng vài nước Việt Nam, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu ba vẫn không thay đổi một cách ôn hòa, chính quyền cộng sản quyết tâm giữ chế độ độc tài bằng mọi giá.

Việt Nam và Trung Quốc không có cuộc cách mạng dân chủ ?

Nguyên nhân do văn hóa khổng giáo ( nho giáo ) vào tiềm thức con người Việt Nam hàng trăm năm, kẻ làm vua quan như số phận, như được trời ban cho xuống trần gian cai trị muôn dân, người dân phải làm nô lệ, ý vua là ý trời, nếu trái ý bị tru di tam tộc, do vậy đạo đức thần dân phải trung với vua quan triều đình.

Nho giáo với nhiều luật lệ phù hợp với chế độ độc tài cộng sản nên gọi là văn hóa khổng giáo cộng được bộ giáo dục giảng dạy trong trường học nhằm tẩy não con người trở thành ro bot, học thuộc lòng, ngu trung, ngoài ra tầng lớp có học chỉ có thói quen nghe lời, không có trình độ và thái độ trước các vấn đề sai trái của chính quyền cai trị từ địa phương tới trung ương.

Cản trở lớn nhất cho dân tộc Việt Nam là văn hóa khổng giáo, do vậy cuộc cách mạng dân chủ chính là cuộc cách mạng văn hóa chuyển sang văn hóa dân chủ một cách nhanh chóng, văn minh.

Nói một cách đơn giản, văn hóa dân chủ là dám nói thật những vấn đề của xã hội, dám phê phán chính quyền làm sai, không cuồng thần tượng chính trị, hiểu quyền con người phổ quát, tức là nhân quyền không phải ban ơn từ chính quyền, đây là quyền phải có.

“Văn hóa khổng giáo kiểm soát và tha hóa một cách tuyệt đối những người có học thức nhất, họ được giáo dục để coi việc phục tùng một cách tuyệt đối và làm dụng cụ vô điều kiện cho kẻ cầm quyền như một vinh dự và đạo lý.

Đạo đức của kẻ sỹ là trung thành với vua, ngay cả hôn quân bạo chúa. Đây là trở ngại lớn nhất của dân chủ. ” – Dự án tư tưởng tổ chức chính trị THDCDN.

Một ví dụ như Tô Lâm hiện nay minh chứng cho nhận định trên, từ một tướng công an gây nhiều tội ác, không đủ tư cách đại diện cho đảng cộng sản, chưa nói đến đại diện cả dân tộc Việt Nam, nhưng tất cả im lặng, chấp nhận ” hôn quân bạo chúa “** Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư.

Các nước Châu Âu không có văn hóa khổng giáo, nên thay đổi về dân chủ tự do dễ dàng hơn rất nhiều Việt Nam, Trung Quốc .Văn hóa Châu Âu chủ yếu văn hóa Thiên Chúa giáo, tôn trọng quyền con người, khi Đức Giáo Hoàng kêu gọi thì tất cả đoàn kết một khối người biểu tình bãi công kéo dài cho đến khi chính quyền phải đối thoại.Thứ hai là do địa chính trị Châu Âu bị chính quyền cộng sản Xô Viết áp đặt vào nhiều nước tạo thành hệ thống xã hội chủ nghĩa, khác với ông Hồ Chí Minh mang chủ nghĩa Mác Lê Nin vào áp dụng ở Việt Nam, Lào, Campuchia.

Cách mạng dân chủ khó khăn nhưng vẫn phải làm, không thay đổi thì Việt Nam sẽ nằm dưới đáy nền văn minh nhân loại, không bắt kịp kỷ nguyên mới của thế giới dân chủ đa nguyên.

Cuộc cách mạng dân chủ sẽ là lớn nhất , vĩ đại nhất từ trước tới nay trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Tấm gương các dân tộc Ba Lan, Séc, Đức … Chuyển mình mạnh mẽ sang dân chủ sẽ thôi thúc mọi người tham gia, đặc biệt tầng lớp có học hàng triệu người với giấc mơ lớn vì một Việt Nam dân chủ đa nguyên, một nước Việt Nam của tất cả mọi người Việt Nam, một không gian liên đới và tương lai chung, hòa giải và hợp dân tộc trên tinh thần tôn trọng và tương kính.

Việt Nam sẽ có cuộc cách mạng dân chủ muộn hơn so với tất cả các dân tộc khác, trong cái rủi có cái may, từ đó rút kinh nghiệm để không mắc sai lầm như trường hợp nước Nga của Putin hiện nay, từ độc tài cộng sản Liên Xô sụp đổ chuyển sang độc tài cá nhân Putin.

Nước Nga bị thế giới dân chủ văn minh cấm vận vì xâm lược Ukraine, vi phạm nhân quyền vì đàn áp tự do ngôn luận trong nước, ám sát thủ tiêu đối lập, tòa án hình sự Quốc tế kết án Putin là tội phạm chiến tranh.

Tháng 10.2024

* 2700 năm: tính từ khi Việt Nam có nhà nước đầu tiên.

** chữ nôm: Hôn nhân bạo chúa tức là Vua chúa ngu muội và tàn ác : bọn hôn quân bạo chúa làm khổ dân.


 

2 vợ chồng ở Thừa Thiên Huế bỏ tiền tỷ xây lăng mộ cho mình trong ‘thành phố ma’

Ba’o Nguoi-Viet

October 15, 2024

THỪA THIÊN HUẾ, Việt Nam (NV) – Xen lẫn trong hàng ngàn lăng mộ ở nghĩa trang An Bằng, xã Vinh An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế, có lăng mộ của hai vợ chồng đang sống, thu hút du khách nhiều nơi đến xem bởi sự nguy nga của nó.

Đó là khu lăng mộ của vợ chồng ông Hồ Thiết, 87 tuổi, đương kim thủ bộ (tương tự già làng) của An Bằng, và bà Văn Thị Thuận, 86 tuổi.

Lăng mộ của vợ chồng ông Hồ Thiết ở “thành phố ma” An Bằng. (Hình: Quang Nhật/Người Lao Động)

Theo báo Người Lao Động hôm 15 Tháng Mười, lăng mộ của vợ chồng ông Thiết nằm ở mặt tiền một con đường trong khu nghĩa trang An Bằng, có quy mô xây dựng tương đối lớn, bề thế hơn so với các lăng mộ khác.

Theo đó, kết cấu lăng mộ gồm bậc cấp trước lăng, bốn cặp trụ biểu (tám cột), tượng Phật, nhà bia và bình phong ở phía sau. Lăng mộ được trang trí đắp nổi hình linh vật rồng, phượng, cây cảnh và gây chú ý hơn cả là những bức tranh làng mạc, cảnh người dân cày cấy, đường sá tấp nập… được tạo bằng sành, sứ, mẻ sèng (mảnh vỡ của chén).

Ông Thiết cho biết từ năm 2021 đã cùng các con lên ý tưởng, phác họa khu mộ rồi thuê thợ xây. Sau ba năm thi công, lăng mộ của vợ chồng ông hoàn thiện với chi phí khoảng 3 tỷ đồng ($120,285).

Vợ chồng ông Thiết có tám người con trai và một người con gái, trong đó người con đầu năm nay đã 65 tuổi. Tất cả họ đang định cư ở Mỹ và thay nhau về thăm cha mẹ.

Vợ chồng ông Hồ Thiết. (Hình: Quang Nhật/Người Lao Động)

Làng An Bằng được nhiều người biết đến với cái tên “thành phố lăng mộ,” “thành phố ma,” “biệt thự lăng mộ” hay “nghĩa địa xa hoa nhất Việt Nam.”

Nơi đây có hơn 3,000 ngôi lăng mộ xa hoa đủ màu sắc và kích thước, mỗi ngôi có chi phí trung bình từ 800 triệu đến vài tỷ đồng.

Theo ông Mạnh, người dân làng An Bằng, cho biết: “Mọi người đua nhau xây dựng, ngôi mộ xây sau sẽ to đẹp hơn những ngôi mộ xây trước. Nguồn tiền là do con cái của những người trong làng đi nước ngoài nên không thể tận tay chăm sóc, báo hiếu cha mẹ. Việc gửi tiền về như là một phần nhỏ giúp họ cảm thấy được an ủi phần nào. Từ đó, họ dùng tiền con họ gửi để xây lăng mộ cho ông bà tổ tiên.” (Tr.N)


 

Thanh niên ở Lâm Đồng chém chết cha, đánh mẹ trọng thương

Ba’o Nguoi-Viet

October 14, 2024

LÂM ĐỒNG, Việt Nam (NV) – Do mâu thuẫn gia đình, thanh niên ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, đã dùng dao chém chết cha ruột, đánh mẹ ruột trọng thương.

Hôm 14 Tháng Mười, Công An Huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng, đã bắt giữ nghi can Kiều Văn Châu, 27 tuổi, ở huyện Lâm Hà, để điều tra về tội “giết người.”

Nghi can Kiều Văn Châu tại cơ quan điều tra. (Hình: Hoài Thanh/Lao Động)

Báo Lao Động dẫn tin ban đầu cho biết tối hôm qua 13 Tháng Mười, Kiều Văn Châu từ huyện Lâm Hà sang xã Đa Rsal, huyện Đam Rông, thăm cha mẹ là ông Kiều Văn Hải, 58 tuổi, và mẹ là bà Bùi Thị Liền 62 tuổi, đang làm thuê cho một cơ sở sản xuất dâu tằm.

Tại đây, sau khi uống rượu, Kiều Văn Châu và cha xảy ra mâu thuẫn, sau đó anh ta cầm dao chém ông Hải chết tại chỗ.

Chưa dừng lại, nghịch tử này còn dùng chày đánh mẹ ruột trọng thương rồi chạy vào rẫy bỏ trốn. Bà Liền được người dân đưa đi cấp cứu tại bệnh viện.

Nhận tin được báo, Công An Huyện Đam Rông đã truy lùng và bắt được nghi can Châu khi anh ta đang lẩn trốn trong khu rẫy gần nhà.

Thời gian gần đây tại Việt Nam thường xảy ra các vụ con giết cha mẹ do mâu thuẫn nhỏ trong gia đình.

Mới đây, báo Người Lao Động hôm 3 Tháng Mười, cho biết Công An Tỉnh Gia Lai cũng đã bắt giữ nghi can Nguyễn Văn Tiến, 18 tuổi, ở xã Ia Le, huyện Chư Pưh, để điều tra về tội sát hại mẹ ruột của mình là bà Lê Thị Vân, 60 tuổi, rồi giấu xác phi tang trong vườn điều gia đình ở huyện Chư Pưh.

Khai với công an, nghi can Tiến cho biết vào sáng 18 Tháng Chín, cùng mẹ mình làm cỏ tại vườn điều sau nhà. Đến trưa, Tiến hỏi xin tiền để đi chơi game nhưng bà Vân không cho và la mắng.

Công an khám nghiệm hiện trường nơi bà Lê Thị Vân bị chôn lấp sơ sài trong vườn điều đêm 26 Tháng Chín. (Hình: VNExpress)

Bực tức, Tiến đã dùng dao rựa đang cầm trong tay chém nhiều nhát vào vùng mặt, đầu… khiến bà Vân chết tại chỗ.

Sau khi gây án, Tiến đào hố cạn ở vườn điều, chôn xác nạn nhân, rồi vào nhà tắm rửa, thay quần áo, gọi người đến bán hết bò, dê trong nhà được hơn 45 triệu đồng ($1,818).

Hôm sau, Tiến bình thản mua thẻ nạp chơi game hết 5.5 triệu đồng ($222) và mua điện thoại 17 triệu đồng ($687) rồi đón xe đò đi Hà Nội. Sau đó, đi xe đò từ Hà Nội vào Sài Gòn để lẩn trốn.

Chiều 26 Tháng Chín, xác bà Vân được người dân phát hiện đã không còn nguyên vẹn, lộ hộp sọ và một phần chân tay, được chôn lấp sơ sài và đang trong quá trình phân hủy.

Qua giảo nghiệm tử thi, giới hữu trách xác định bà Vân bị “chấn thương sọ não do tác động của ngoại lực.”

Công An Tỉnh Gia Lai sau đó xác định Tiến là nghi can và ra lệnh truy tìm trên cả nước. Sau năm ngày tìm kiếm, hôm 1 Tháng Mười, công an phát hiện anh ta đang lẩn trốn tại một khách sạn ở phường Thạnh Xuân, quận 12, Sài Gòn, và tiến hành bắt giữ. (Tr.N)


 

 Người dân bị triệu tập, hù dọa vì nêu phản đối trên Facebook ở Đà Lạt

Bao Dat Viet

October 13, 2024

Gần đây, ít nhất năm người dân tại Đà Lạt đã bị công an triệu tập vì đăng tải những bình luận chỉ trích trên Facebook về một hoạt động diễn tập chống bạo động do công an tổ chức. Buổi diễn tập này, diễn ra từ ngày 12/10, thuộc khuôn khổ Đại hội khỏe “Vì An ninh Tổ quốc” lần thứ IX và Hội thi điều lệnh, quân sự, võ thuật CAND lần thứ VI – Khu vực 3, với sự tham gia của 2.500 cán bộ chiến sĩ công an từ 20 tỉnh thành phía Nam.

Theo thông tin từ truyền thông Nhà nước, ba trong số những người bị triệu tập là ông N.Đ.T. (53 tuổi), ông B.V.T. (39 tuổi), và ông V.M.N. (40 tuổi), đều là cư dân Đà Lạt. Họ bị cáo buộc đăng tải nội dung sai sự thật và xuyên tạc về các hoạt động của đoàn mô tô hộ tống danh dự và Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh Công an Nhân dân trên mạng xã hội. Những bình luận của họ đã thu hút sự chú ý với những lời chỉ trích gay gắt như việc lực lượng công an “chạy xe thả hai tay, lạng lách đánh võng” và “không tôn trọng pháp luật”.

Ngoài ra, hai người khác cũng bị triệu tập, là quản trị viên của các trang cộng đồng lớn tại Đà Lạt. Bà T.H. (42 tuổi) và ông M.Đ. (33 tuổi) đã đăng tải các nội dung mỉa mai, trong đó bà T.H. ám chỉ hoạt động của Trung đoàn Cảnh sát Cơ động Kỵ binh là “dịch vụ cưỡi ngựa ngắm hồ Xuân Hương”. Cả hai đều bị cáo buộc phát tán những thông tin sai lệch về sự kiện này.

Một chi tiết đáng chú ý khác trong vụ việc là sự so sánh giữa đoàn mô tô của công an với trường hợp của người mẫu Ngọc Trinh. Trước đó, vào tháng 2 năm nay, Ngọc Trinh bị tuyên án tù treo một năm về tội “gây rối trật tự công cộng” sau khi thực hiện hành vi điều khiển xe phân khối lớn trên đường phố TP Thủ Đức. Sự kiện này đã gây tranh cãi khi nhiều người cho rằng việc xử phạt không công bằng, đặc biệt khi so sánh với những gì xảy ra trong buổi diễn tập.

Công an Lâm Đồng đã lên tiếng cảnh báo rằng việc đăng tải các thông tin xuyên tạc và sai sự thật về hoạt động này là vi phạm pháp luật và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đại hội khỏe “Vì An ninh Tổ quốc” và Hội thi võ thuật, điều lệnh của Bộ Công an. Truyền thông Nhà nước nhấn mạnh rằng những bình luận trên mạng xã hội đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của lực lượng công an và sự kiện.

Vụ việc này một lần nữa cho thấy sự nhạy cảm của các hoạt động liên quan đến an ninh trật tự và cách mà chính quyền xử lý những thông tin chỉ trích trên không gian mạng.