Trần Văn Minh, cựu phó tổng thanh tra, chết vì nhận hối lộ gần $400,000?

Ba’o Nguoi-Viet

November 3, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Hơn một năm rưỡi sau khi ông Trần Văn Minh, phó tổng Thanh Tra Chính Phủ, qua đời với nhiều khuất tất, các báo ở Việt Nam xác nhận ông này nhận hối lộ 10 tỷ đồng ($395,257) từ “đại gia” Nguyễn Cao Trí, trong vụ án Đại Ninh, thuộc tỉnh Lâm Đồng.

Ông Minh chết hồi đầu Tháng Ba năm 2023, được các báo đưa tin giống nhau rằng “qua đời vì đột quỵ.”

Ông Trần Văn Minh, phó tổng Thanh Tra Chính Phủ, chết hồi đầu Tháng Ba năm 2023. (Hình: Thanh Niên)

Tuy vậy, thời điểm đó, mạng xã hội rầm rộ tin đồn cho rằng ông Minh phải “tự xử,” tức tự sát để tránh khai ra “trùm cuối” trong vụ Đại Ninh.

Tờ Pháp Luật TP.HCM hôm 2 Tháng Mười Một, dẫn bản kết luận điều tra của Bộ Công An Việt Nam cho hay, ông Minh và ông Trí “có mối quan hệ gần gũi, cùng học và bảo vệ tiến sĩ kinh tế với nhau.”

Ông Minh đồng ý “giúp” ông Trí thay đổi bản kết luận thanh tra về dự án Sài Gòn Đại Ninh tại tỉnh Lâm Đồng.

Để “cảm ơn,” ông Trí đưa 10 tỷ đồng cho ông Minh làm hai lần, tại tư gia của ông này ở Sài Gòn vào hồi cuối Tháng Tư, 2021. Lần đầu ông Minh nhận, lần sau thì con trai ruột của ông nhận thay cho cha mình.

Theo bản tin, do ông Trần Văn Minh đã chết trước khi vụ án được khởi tố nên Cơ Quan Điều Tra chỉ có thể căn cứ vào lời khai của ông Trí về khoản tiền hối lộ.

Tuy vậy, con trai ông Trần Văn Minh khai nhận vào khoảng 10 giờ đêm 28 Tháng Tư, 2021, anh này có nhận một túi tiền ở con hẻm gần nhà.

Con trai ông Minh khai rằng mình không biết trong túi có bao nhiêu tiền, nhận xong thì đem vào để ở phòng ngủ của cha mình.

Dự án Sài Gòn Đại Ninh nay trong cảnh hoang tàn sau khi những người liên quan vào tù. (Hình: Võ Tùng/Pháp Luật TP.HCM)

Sau khi ông Minh chết, Bộ Công An đã ra lệnh ngăn chặn giao dịch các tài sản nhà, đất đứng tên ông Trần Văn Minh và những người liên quan, được hiểu là vợ con ông này.

Bản tin không cho biết trị giá các tài sản nhà, đất liên quan ông Minh bị thu hồi để “khắc phục hậu quả.”

Bà vợ và con trai ông Minh được ghi nhận không biết về mối quan hệ cũng như thỏa thuận đưa hối lộ giữa ông Minh và ông Trí, nên họ không bị xem xét trách nhiệm là đồng phạm trong vụ án Đại Ninh. (N.H.K) [kn]


 

Bạn Tù Sơn La – Phan Lạc Phúc -Truyen ngan HAY

Kimtrong LamLƯƠNG VĂN CAN K 76.

 Phan Lạc Phúc.

Trời Sydney năm nay lạnh hơn mọi năm. Đêm đông buốt giá, phải trở dậy kiếm cái heater. Mở đèn lên, nhìn ra ngoài vườn, sương đêm đã đọng thành một màn băng mỏng.

Nhìn màn băng mỏng trên sân, ký ức tôi bỗng trở về cái lạnh buốt xương năm 1976, khi tù cải tạo miền Nam năm đầu tiên ra Bắc. Tụi tôi được “chiếu cố” cho ở Sơn La, địa danh nổi tiếng “Nước Sơn La, ma Vạn Bú”. “Sơn La âm u, núi khuất trong sương mù”. Tù cải tạo thuộc trại 1, liên trại 2 được phân ra ở trong trại tù Sơn La thời Pháp thuộc. Sau nhiều cuộc biến thiên, nhất là sau vụ ném bom miền Bắc, các trại tù này đã đổ nát, chỉ còn lại cái nền xi măng. Nhà tù đã đổ bây giờ được che tạm bằng ni lông, hoặc lợp bằng tranh mỏng. Sơn La là miền cao nên lạnh sớm. Mới tháng 11 gió bấc đã lồng lộng thổi về. Đến cuối tháng 12, lạnh vào cao điểm… Chậu nước để ngoài sân, qua đêm đã đọng thành băng mỏng bên trên.

Tù thì nóng cũng khổ, lạnh cũng khổ. Nhưng nóng thì đôi khi còn trốn được. Tạt vào một lùm cây hoặc là tạm ngâm mình xuống ao, xuống suối. Còn lạnh thì không trốn vào đâu được, nó theo mình suốt ngày, suốt đêm. Nhất là anh em trong Nam ra cứ yên trí là “học tập một tháng”, nên quần áo đem đi làm gì nhiều cho nặng. Ra ngoài Bắc đụng cái buốt giá của mùa đông thượng du miền Bắc, thêm mưa phùn ẩm ướt nên cái lạnh lại càng thấm thía. Ban đêm cái nền xi măng trong nhà tù nó lạnh như nước đá, mặc đủ thứ áo quần hiện có mà vẫn lạnh, mặc cả áo mưa đi ngủ, có anh chui vào một cái bao tải vừa kiếm được mà vẫn cứ run. Hóa ra cái lạnh ở ngoài vào thì ít mà cái lạnh ở trong ra thì nhiều. Cái lạnh vì đói cơm nhiều hơn cái lạnh vì thiếu áo.

Hồi đó nằm cạnh bên tôi là hai người bạn tù cùng trong đội rau… Một ông nguyên là dân Thiết Giáp, một ông nguyên là Thượng Tọa (giám đốc nha Tuyên Úy Phật giáo). Ông Thiết Giáp trước đây vốn là một tay hào hoa rất mực. Ông thuộc loại “Tây con”, học trường danh tiếng Saumur, đánh giặc rất chì, ăn chơi rất bảnh… Đôi lần tâm sự vụn, ổng rút trong ngực áo ra có tấm ví có hình một bà rất đẹp, rất mignonne mà khẽ nói “bà xã moi”. Đôi mắt đục và nhăn vì đói lạnh của ông chợt sáng lên khi nhìn lại hình ảnh vợ. Mới đây ổng vừa nhận được một gói quà 1kg đầu tiên từ trong Nam gửi ra. Ông hy vọng lắm vì có người nhận được ít thịt khô, ít ruốc chà bông. Gói quà của ông, xem đi xem lại mãi chỉ có một cái áo lạnh và đặc biệt có hai cái quần slip màu hồng nhạt, chắc là của phái nữ. Tôi không tiện tò mò, hỏi han về việc riêng của bạn nhưng tôi chắc bà xã của bạn phải yêu thương lắm, phải lãng mạn lắm mới gửi món quà để “tưởng nhớ một mùi hương” như vậy. Đôi khi rảnh rỗi, ông bạn tù hàng xóm của tôi lại khẽ giở món quà đặc biệt ra hồi tưởng…

Trước đây ông bạn tôi thường hút Lucky. Đi cải tạo ông mang theo một cái pipe Dunhill và vài hộp thuốc Half and Half. Nhưng đã lâu rồi hết thuốc hút pipe, ổng cũng như mọi người khác hút thuốc lào. Quá nửa đời người rồi mới biết cái hấp dẫn của thuốc lào. Nhất là mùa rét, sáng sớm tinh mơ ngồi dậy, hút một điếu đầu tiên trong ngày, cho nó say lơ mơ quên trời, quên đất, quên cảnh lên voi xuống chó, quên luôn cảnh lưu đày tù tội. Ôi giây phút tuyệt vời… Thuốc lào hấp dẫn như vậy nên trong tù đã có thành ngữ “Có thuốc lào là có tất cả”. Nhưng ở miền Bắc cái cần thiết nhất là gạo, ăn còn không đủ thì lấy đâu ra thuốc lào cho tù. Đành trông chờ vào quà của gia đình gửi tới. Nhưng trong những chuyến gửi quà đầu tiên, có mấy ai được nhận thuốc lào. Thuốc lào thành của hiếm… Ở trong tù cái gì thiếu cũng chấp nhận được, nhưng thiếu thuốc lào là một thiếu thốn rất lớn lao. Thuốc lào không những làm quên hiện tại mà thuốc lào còn là dấu móc để người tù cải tạo thêm kiên nhẫn đi tiếp cuộc đời tù dằng dặc. Trong trại không có ai có quyền đeo đồng hồ. Phải gửi đồng hồ cũng như những đồ tùy thân có giá ở trại. Ngày ngày đi làm, cuộc sống khổ sai nhọc nhằn, đời tù hun hút, thời gian mịt mờ.

Trong khi đó quy định của trại giam cứ một tiếng rưỡi đồng hồ lao động là có “kẻng” nghỉ 10 phút “hút thuốc, uống nước”. Điếu thuốc lào ở trên một cái đích gần gũi để người tù vươn tới, một đoạn đường dù ngắn nhưng sắp đến nơi. Nó cũng là một an ủi nhỏ sau hơn một giờ cực nhọc. Vì vậy nên dù khó kiếm, dù đắt đỏ, cũng không ai muốn bỏ thuốc lào. Những tay có thuốc lào thấy vậy nên càng ngày càng lên giá. Một phần ăn sáng (một phần tư chiếc bánh mì luộc) trước đổi được 5 điếu thuốc lào, sau xuống giá còn 3, rồi còn 2 điếu… Người ta sẵn sàng quên đi cái đói để đổi lấy một vài phút say quên.

Anh bạn tù hàng xóm của tôi, nghiền thuốc lào quá nặng, rét đến nơi mà không thuốc hút. Anh liền lấy cái pipe Dunhill nổi tiếng của Ăng lê ra đổi thuốc lào. Được chừng 10 hôm là hết thuốc. Có người mách lấy lá ngải cứu phơi khô thái nhỏ hút vô nghe được lắm. Anh bạn tôi nghe lời, phơi đi phơi lại lá ngải cứu trộn thêm với nước điếu và một chút nước mắm, một chút đường. Hôm hoàn thành thuốc lào ngải cứu, anh có mời tôi hút thử, cũng thấy say say nhưng không êm bằng thuốc lào, mà rát cổ họng. Ông bạn tù Thượng tọa mới bảo rằng không nên hút cái giống ấy, hao người, hao phổi. Nhưng anh bạn tôi thèm thuốc quá cứ hút thuốc ngải cứu cho đỡ thèm. Một hôm, vừa hút xong, chưa kịp đặt cái điếu cày xuống, máu mũi anh đã chảy ròng ròng.,..

Mùa đông đầu tiên ngoài Bắc, anh bạn tù hào hoa một thuở của tôi vừa đói, vừa lạnh, vừa thèm thuốc. Theo anh thì mùa lạnh ở VN khó chịu hơn bên Tây nhiều mà lạnh nhất là hai cái tai. “Nhiều khi tôi cứ tưởng hai cái tai lạnh cóng của tôi nó rụng mất rồi”. Anh vừa nói, vừa run lập cập. Một buổi tối trời vừa lạnh, vừa mưa, lán lợp giấy nilong, nước mưa giột tí tách, anh bạn tù của tôi chợt có sáng kiến mới. Anh lấy chiếc quần slip của vợ gửi cho chụp lên đầu, kéo sụp xuống tận mí mắt, che kín hai tai. Trong cái chập choạng của một ngọn đèn dầu hỏa, tôi thấy anh “không giống ai”, mà trên thế giới này chắc không thể có một cái mũ, cái nón nào ly kỳ đến vậy. Anh nhếch một nụ cười, vừa hài lòng vừa ngượng ngập và khẽ nói: “Cho nó ấm hai cái tai mà đỡ nhớ thương vợ con, ông ạ…”

Dạo ấy, tù cải tạo còn thuộc quyền quân quản, thuộc Bộ quốc phòng, chưa thuộc Bộ nội vụ. Quân đội trông nom tù, chưa phải công an. Anh em chưa phải vào các trại tù mà ở trong các lán, có dây thép gai bao quanh và bộ đội canh gác ở ngoài. Buổi tối chưa có lệ vào phòng giam, xích cửa lại, gióng sắt đưa lên giam tù trong đó suốt đêm, sáng mai mới tháo xích, mở cửa, ăn uống, ỉa đái trong đó luôn như các trại tù công an sau này. Nhưng mỗi tuần vài ba lần thế nào quân đội Vi Xi cũng có kiểm tra đột xuất, mà kiểm tra thường vào ban đêm. Nghe tiếng còi gắt gỏng rít lên là anh em phải vội vàng trở dậy, mắt nhắm mắt mở chạy ra sân đứng xếp hàng 2 để cho cán bộ kiểm soát. Anh “lán trưởng” sau khi kiểm lại số người trong lán, đứng nghiêm báo cáo.

– Báo cáo cán bộ, lán 4 trại 1, 30 người đủ.

Tên Thượng úy chính trị viên cầm đèn pin, đứng cạnh một anh lính mang AK tùy tùng, hất đầu ra lệnh:

– Được, cho vào.

Tù hàng hai lần lượt kéo nhau vô lán. Anh bạn tù Thiết Giáp của tôi đang giở thức giở ngủ nên lật đật cứ đội nguyên cái “mũ” không giống ai ra xếp hàng. Khi anh vừa đi qua tên Thượng úy, chợt có tiếng giật giọng:

– Anh kia đứng nại.

Tất cả anh em vô lán hết, chỉ còn NVP Thiết giáp đứng co ro ngoài cửa. Anh em lắng nghe cuộc đối thoại bên ngoài:

– Cái này là cái gì”

– Dạ… cái quần…

– Ở đâu ra”

– Vợ tôi gửi cho tôi.

– Tại sao mà anh nại đội cái quần của vợ anh…

– Tại trời lạnh quá… mà không có mũ…

– À, anh này bôi bác chế độ. Anh tên gì” Mai nên nàm việc…

Tên Thượng úy Vi Xi này anh em trong trại đặt tên là “Thượng úy Không No”. Tuần nào sáng thứ Hai, y cũng lên lớp anh em về mọi thứ chuyện trên trời, dưới biển. Nói thì ngọng líu, ngọng lo, l đánh ra n nhưng lúc nào cũng thở ra giọng “đỉnh cao trí tuệ”. Một hôm trong đề tài “an tâm học tập, cải tạo” y ta lên tiếng: “Các anh không no, gia đình các anh không no, nhân dân không no, đã có đảng và nhà nước no”. Mọi khi, y ta nói trời trăng mây nước gì, tù cũng cứ ậm ừ, coi như gác bỏ ngoài tai. Bữa ấy, khi vừa nghe y nói tới đó, đám bạn tù cải tạo bỗng phát lên một trận cười rầm rĩ cũng với tiếng vỗ tay vang dậy. Y ta tưởng bở, lại càng đỏ mặt tía tai lên mà nói tiếp….

Nhưng sau này không biết có tên “thối mồm” nào đó mới lý giải cái cười rôm rả và tiếng vỗ tay không ngớt của tù cải tạo cho y. Y ta giận lắm. Giận lắm nên y hành hạ anh em tù sát ván. Một anh bạn tù đói quá, nhổ trộm khoai mì (sắn) mọc trên sườn non. Trước đây, cái tội như thế này chỉ bị cảnh cáo trước đội, rồi viết kiểm điểm “rút kinh nghiệm” là xong. Kỳ này, chính trị viên “Không no” liền nhốt anh bạn nhổ trộm sắn 1 tuần vào trong cái cũi dây thép gai, một kỳ công của đỉnh cao trí tuệ. Đây là một túp lều, nhưng một túp lều quây bằng dây kẽm gai. Không có tường mái, chỉ có một tấm bạt được coi như mái lều. Ở trong dây thép gai quấn ngang dọc, chằng chịt cao thấp. Người vô ở trong đó phải cẩn thận lắm không thì bị gai cào rách lưng, rách mặt, đặc biệt là ngồi không được vì thấp quá, nằm cũng không được vì không đủ chỗ. Lúc nào cũng phải nửa nằm, nửa ngồi cứ lom khom, lom khom…

Chính trong thời điểm này anh bạn tù Thiết Giáp của tôi lên gặp “y ta làm việc”. Khi về NVT mặt mũi chảy dài. Anh cho hay là cán bộ “không no” tuyên bố không cho anh đội cái mũ “thiếu văn hóa” ấy nữa. Anh phải làm kiểm điểm” hứa trước đảng và nhân dân thực hiện nghiêm chỉnh lệnh của cán bộ”. Buổi tối, bên ngọn đèn dầu tuôn khói mịt mù, anh bạn thiết giáp của tôi thở phào phào ngồi viết kiểm điểm, vừa viết vừa run vì đói lạnh, vì không có cái mũ che tai… Chợt ông bạn hàng xóm bên phải của tôi là Thượng tọa Thích Thanh Long (nguyên giám đốc nha tuyên úy Phật giáo) từ từ lên tiếng:

– Đừng có lo, rồi đâu có đó…

Nói xong, ông khẽ lục trong đám quần áo của ông lấy ra một tấm áo nâu dài, tấm áo “Thượng tọa” của ông mà đưa cho ông Thiết Giáp.

– Hãy cứ quấn cái áo này lên đầu cho ấm… Rồi ta tính…

Chúng tôi, ông Thượng tọa, ông Thiết Giáp, và tôi, là 3 người trong số 1 tổ “tam tam” trong đội rau. Ba người chúng tôi phụ trách một khu rau ở bên bờ suối, cạnh bệnh xá và khu B dưới gốc cây lim già… Chúng tôi cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm… nên hiểu nhau nhiều lắm. Được làm với ông già này là một điều may mắn lớn. Vì ông Thiết Giáp với tôi, từ xưa đến giờ đâu có biết cày cuốc, trồng rau trồng củ ra làm sao đâu. Ông già Thượng tọa chỉ vẽ cho chúng tôi hết thảy. Từ cách cầm cái cuốc, cái thế đứng khi cuốc phải như thế nào” Cuốc hùng hục “như trâu đánh mả” như tôi… là không được. Cuốc như thế là “cuốc lật” dành cho việc cuốc ruộng, cuốc vườn. Ở đây trồng rau thì cuốc phải “đầm”, nhẹ nhàng, từ tốn như mưa dầm, mưa lâu thấm đất. Cuốc hùng hục như tôi thì sức đâu mà cuốc cả ngày cả buổi. Ông cụ còn chỉ cách sử dụng các loại cuốc thật nhỏ, chỉ lớn hơn cái bay thợ nề một chút thôi. Rồi còn ủ phân, pha nước tiểu, tưới bón, trồng trọt… Mỗi loại rau, mỗi thời kỳ đều tưới bón khác nhau, lúc nhỏ tưới bón khác, lúc lớn phải bón thúc lại khác. Bây giờ chúng tôi đang trồng rau cải ngồn ngộn, những trái su hào no tròn… Đi tưới nước giữa hai hàng cây cải tốt tươi, tiếng vòi nước hoa sen dội vào lá cải nghe rào rào, ông cụ ung dung làm việc, thần thái an nhiên. Ngoại cảnh hình như không ảnh hưởng được đến ông cụ. Ông giống như một ông già nhà quê thuần hậu, quanh quẩn bên cây lá trong vườn. Ông hình như không lo, không sợ cái gì. Ông nói ít, cái câu thường thấy ở ông cụ là: “Đừng có lo, rồi đâu có đó”…

Để cho cái việc của ông bạn Thiết GIáp “đâu có đó” đối phó với anh thượng úy “không no”, ông cụ Thanh Long một ngày chủ nhật sau đó liền cắt cái vạt áo dài nâu “Thượng tọa” của ông lấy vải may cho ông bạn Thiết Giáp một cái mũ đội đầu. Bàn tay già nua run rẩy (năm ấy 1976 ông cụ đã 63 tuổi) đường kim mũi chỉ cũng thô sơ vụng về nhưng ông bạn Thiết Giáp đón nhận cái mũ mà rưng rưng xúc động. Ông cụ đã cắt chiếc đạo y ra may mũ. Ai cũng tiếc chiếc áo dài theo ông cụ đã lâu, chắc mang nhiều kỷ niệm tu hành của một vị cao tăng, nhưng ông cụ chỉ cười xòa mà nói: “Thì nó cũng chỉ là cái áo…”

Đã lâu lắm rồi, người địa phương ở Sơn La nói vậy, mới có năm quá lạnh như năm nay. Đúng là “giậu đổ bìm leo”, vào cái lúc mà tù cải tạo ra Bắc, lại đụng ngay một trận rét kinh hồn… Mà xưa nay cái lạnh và cái đói có nó có liên hệ “hữu cơ” với nhau. Càng đói thì càng rét – mà càng rét thì càng đói. Anh em ta đã có người “nằm xuống” vì đói lạnh. Vũ Văn Sâm (viết văn, làm nhạc) chết đêm 16 rạng 17 tháng 11 năm 1976 bên bịnh xá, sau cơn gió mùa đông bắc đầu tiên. Đến đầu tháng giêng 1977 (không rõ là ngày 3 hay 13 tháng giêng, tôi nhớ không được kỹ lắm) Ngô Quý Thuyết tòa án quân sự vùng 4 cũng đi luôn, đi rất êm đềm, rất lặng lẽ. Sáng ra không thấy anh ta dậy nữa, lay chân gọi dậy thì người đã lạnh cứng từ lúc nào rồi. Trong tờ khai của đội trưởng đội của anh NQ Thuyết, có nói rằng “Anh NQ Thuyết được đội cử nuôi heo, anh đói quá nên thường ăn vụng cám heo. Chắc là bị ngộ độc nên đã chết”.

Ở xứ thượng du này có cái rất sẵn là đá và cỏ. Những bữa trời quang mây tạnh, trèo lên núi kiếm lá về ủ phân, thấy bát ngát toàn núi là núi. Những chỏm núi gần xa, chập chùng ngút mắt trông giống y như một màng lưới bao la mà mỗi ngọn núi là một mắt lưới. Sơn la: lưới núi. Hay thật, đúng y như thế thật. Tù mà ở trong cái lưới núi này thì chạy đi đâu cho thoát. Vì nhiều núi nên có nhiều loại đá. Một bạn tù trẻ tuổi ở khu B bên cạnh, Vũ Xuân Th. tay biệt kích dù mũ xanh kiệt hiệt có khá nhiều tài: đóng ciné, điêu khắc, vẽ, đánh bóng chuyền có hạng, mưu sinh kỳ tài… Bây giờ Vũ Xuân Th. kiếm ăn lần hồi những khi rảnh rỗi bằng cách chọn đá marble về gọt thành nõ điếu hút thuốc lào. Nõ điếu made in Vũ Xuân Th. thì khỏi nói, vừa đẹp vừa có khắc hoa, khắc chữ (theo yêu cầu) vừa kêu ròn rã không thể tả. Giá rẻ thôi: một ký sắn hay 2 cục đường tán 1 cái. Tôi và Vũ Xuân Th. là chỗ “bồ tèo” nên Vũ Xuân Th. có tặng một cái nõ điếu tuyệt vời: rất kêu (cái này là dĩ nhiên rồi) mặt trước có khắc nổi hình một con diều hâu đậu trên cành thông, một bên là một đóa hoa hồng, một bên nữa là khắc năm tháng… Khi đem tặng cái nõ điếu, Vũ Xuân Th. mới “bốc láo” rằng: “Một đóa hồng cho đại bàng cô đơn đây”. “Đại bàng đại biếc gì nữa ông ơi, đáng lẽ ông phải khắc một con quạ già mắc bẫy”.

Trong khi đó ông bạn già Thượng tọa của tôi cũng đi kiếm đâu được mấy mảnh đá dài dài. Lúc nào rỗi rãi lại thấy ông cụ ra bờ suối mài mài, đục đục…. Một hôm tôi thấy trong lều dụng cụ của tổ rau tụi tôi, hình dạng hai tấm bia đá thô sơ có khắc tên Vũ Văn Sâm, mất ngày…, Ngô Quý Thuyết mất ngày… Tôi nhấc tấm mộ bia lên, nhìn ông cụ” Ông cụ ngó mông ra khoảng rừng núi chập chùng mà nói: “Thì cũng mong đánh dấu được vài nắm xương tàn.”

Một sáng mùa đông vào khoảng nửa buổi, tôi đang lặc lè 2 thùng “ô doa” (arrosoir) tưới nốt cho khoảng vườn rau trước mặt, gần nhà bếp khu B thì bỗng có tiếng gọi khe khẽ, khẩn trương:

– Này, này.

– Ai đấy”

– Vũ Xuân Th. đây.

– Làm gì đấy”

– Bữa này làm “chảo trưởng”. Thổi cơm nhà bếp. Ăn cháy không”

Tại sao mà bạn ta hôm nay lại hỏi một câu “thừa thãi” như thế nhỉ. Tôi và Vũ Xuân Th. đều là dân “volley”. Tôi thì già rồi còn Th. thì đang sức. Trong làng “bóng chuyền” tụi tôi, mỗi khi mà cây nêu lỡ tay nêu sang lưới bên kia thì dân bóng chuyền kêu bằng “cơm nắm cho tù”, nghĩa là đối phương được biếu không một trái banh ngon lắm, bổ lắm, chắc ăn lắm, ít khi có lắm. Bây giờ chúng ta là tù “chính cống bà lang trọc” rồi, đói lòi xương, vàng mắt mà lại còn hỏi “có ăn cháy không””. Chừng như nhận ra sự vô duyên của mình, Vũ Xuân Th. vội nói:

– Chạy ra góc vườn lấy mảnh lá chuối lại đây.

– Có ngay.

Sau đó từ cái lỗ mắt cáo của hàng rào nhà bếp khu B, qua đám lá duối và dây leo bìm bìm, tôi nhận được từ bạn ta Vũ Xuân Th. một cái gói lá chuối âm ấm, nóng nóng. Để ngay cái gói này áp sát vào bụng, mà đi về dưới gốc lim già bên bờ suối, nơi cái lều nhỏ của tiểu tổ chúng tôi… Ôi chao, cái làn da bụng lép kẹp của tôi đang được sưởi ấm, đang được phỉnh nịnh. Cái may mắn này ít khi có lắm. Tôi phi về như bay. “Tây con” Thiết Giáp thấy tôi mặt mày tươi rói liền ngẩng đầu lên hỏi:

– Cái gì mà hí hửng thế”

Tôi bước vô lều, nhìn trước nhìn sau, rút từ trong bụng ra gói lá chuối còn tươm khói. Mở ra, miếng cháy vàng rộm, nóng hổi, đang bốc hơi.

“Tây con” sáng mắt ra, vội hỏi:

– Ở đâu ra thế”

Tôi chỉ sang khu B mà khẽ nói:

– Bạn vừa cho…

Tôi để phần ông cụ một miếng, ông cụ đang bận tay ngoài chỗ “cây giống”. “Tây con” và tôi chia nhau miếng cháy nóng, vừa ăn rau ráu vừa hít hà. Từ sáng đến giờ, mỗi đứa chúng tôi xách ít ra cũng hàng trăm đôi nước, chân tay, mình mẩy rã rời, bởi vì buổi sáng có cái gì vào bụng đâu. Dạo này hết bột mì cứu trợ rồi. Cái gọi là “bữa sáng” chỉ là một chén cháo bột khoai mì loãng đầy mùi hôi mốc. Không ra đâu vào đâu. Mùa lạnh nước suối cạn, phải lần xuống dưới lòng suối mới múc được nước. Leo lên bao bậc đá trơn, tay xách đôi thùng tưới, miệng thở dốc, sức cứ oải dần, tay chân càng lúc càng nặng trĩu, nhấc không muốn nổi. Trời thì lạnh và ẩm. Cái rét thượng du miền Bắc rất thấm, rất sâu. Người Bắc kêu bằng rét ngọt. “Cái ngọt nó lọt tận xương”, lại thêm xách nước nên áo quần thấm nước suối. Cái lạnh bên ngoài cái đói bên trong nó hành mình tơi tả. Đang khi sức cùng lực kiệt, đầu váng mắt hoa như thế thì có miếng cháy nóng này… “Ôi món quà từ trên trời rơi xuống”. Chưa có món bánh mì nào trên thế giới có thể sánh được với miếng cháy.

Ông cụ ăn từ tốn, không có ào ào như tụi tôi. Ông cụ làm còn nhiều, còn mạnh hơn tụi tôi nữa mà hình như ông già không thấy mệt mỏi. Lúc nào cũng nhẩn nha, lững thững mà việc gì cũng xong. Ông cụ vẫn nói “từ lúc nhỏ đi tu ở nhà chùa… thì tôi vẫn làm lụng như thế này, cũng dưa cà như thế này… chỉ tội nghiệp các ông…” Ông cụ chỉ vẽ cho chúng tôi cách làm vườn, trồng cây, bón tưới… Những công việc gì khó khăn, vất vả ông cụ giành lấy mà làm. Như cái món lấy phân bắc (phân người) về ủ, ông cụ cũng tự tay làm lấy. Hôm nay, sau khi ăn miếng cháy xong, ông cụ khẽ nheo mắt, tay giơ một nhúm thuốc lào mà nói “hút đi”. Thuốc lào thật, dẻo quánh, thơm nồng, đâu phải thuốc lào “ngải cứu” hay thuốc lào “lá cải khô”.

– Hút luôn hở cụ. Hay là xái nhì, xái ba”

– Hút luôn đi.

Trong cái lúc thuốc lào khan hiếm như lúc này, nếu có thuốc lào thật, đâu có dám hút luôn cả điếu. Phải hút xái nhì, có khi xái ba, tức là một điếu thuốc mà hút 2 hay 3 người. Người thứ nhất châm lửa, rít một hơi, người thứ 2 rít một hơi, rồi người thứ 3 hơi cuối cùng. Người nào mà được hút cuối cùng là “đặc biệt”, vì được hưởng cái hậu, được rít kêu lóc cóc… Hôm nay, trúng số rồi. Vừa được ăn “bữa lỡ”, lại có thuốc lào thật rít thẳng tay. Tôi hút xong điếu thuốc lào mà say lừ đừ. Từ mấy bữa nay, hôm nay mới có thuốc lào thật. Còn toàn hút thuốc lào “lá cải già tẩm nước điếu phơi khô”. Ăn xong, hút xong thấy đời sáng láng, phơi phới. Tôi liền tà tà đi ra gần chỗ nhà bếp, đằng hắng lấy giọng mà thưa với bạn ta rằng:

“Tương phùng được buổi hôm nay… Trùng phùng lại nhớ giờ này hôm sau”.

Tôi nghe thấy tiếng cười rinh rích rồi Vũ Xuân Th. vừa cười, vừa nói vọng ra:

– Được rồi, hiểu rồi… ông nội… Cứ khoảng giờ này ngày mai ông lại tới đây… Nhưng mà khéo léo đấy nhá.

Thế là cứ vào khoảng nửa buổi, 9 giờ rưỡi mười giờ sáng những ngày sau đó, mỗi khi thấy bạn tôi “chảo trưởng” ra cơm, tiếng xẻng khua xuống chảo gang kêu xoèn xoẹt, là tôi lại lững thững giả vờ bắt sâu bọ, bên bụi ruối… rồi lĩnh từ tay bạn ta một gói cháy vừa chín tới mang về…

Nhưng cái thời gian “bồi dưỡng” này không được bao lâu. Chừng hơn nửa tháng sau, bạn tôi Vũ Xuân Th. đã rời khỏi nhà bếp, ra làm công việc khác. Nguồn tiếp tế của tụi tôi bị cắt. “Phúc bất trùng lai họa vô đơn chí”, bạn Thiết Giáp NVP của tụi tôi cũng điều sang đội chăn nuôi. Cái khu rau này, thượng úy “không no” tuyên bố: “Chỉ cần 2 người cũng đủ. Các anh khắc phục”. Công việc 3 người làm trước đây đã “bá thở” bây giờ còn lại có 2 người. Ông cụ gần như bao giàn hết công việc cũ của NVP nhưng tôi vẫn phải làm thêm. Nhưng điều đáng phàn nàn là trong thời gian bồi dưỡng vừa qua cái bao tử của tôi nó bắt đầu quen ăn “bữa lỡ” hồi 9, 10 giờ sáng rôi. Bây giờ “ăn quen nhịn không quen” cứ nửa buổi là tôi phờ phạc, đói mịt mờ, cất chân, cất không muốn nổi. Thấy tôi rũ rượi như “gà chết” ông cụ một bữa nhìn tôi rồi chắt lưỡi: “Đừng có lo…” Ông cụ cầm con dao, xách cái bị cói phăng phăng, chừng nửa giờ sau ông cụ về, đặt phịch cái bị vào trong bếp. Trong cái lều nhỏ của tụi tôi, lúc nào bếp cũng cháy lim dim, vừa để đun nước, hút thuốc vừa để sưởi những lúc nghỉ tay. Bây giờ ông cụ quạt lửa lên, lấy mấy củ sắn ở trong bị ra bỏ vào bếp nướng. Ông cụ bảo tôi ra ngoài coi “động tĩnh”. Tôi lại bắt đầu mừng vì có đồ ăn, nhưng lại ghê vì tôi biết ông cụ vừa lên trên đồi lấy sắn của trại. Ở các trại tù hoặc các nơi đóng quân của Vi Xi, ở chung quanh thế nào cũng có một số đất đai thống thuộc. Ở vùng đồng bằng hoặc trung du thì trồng lúa, trồng ngô khoai trồng trà, trên thượng du như Sơn La này thì trồng sắn, trồng ngô, trồng mía. Thứ sắn lưu niên để từ năm này sang năm khác, coi như là nguồn lương thực dự trữ. Đây là thứ cây lương thực dễ trồng nhất trong thiên hạ. Nhổ cây sắn lên lấy một chùm củ. Xong rồi cứ cây sắn ấy. lấy dao chặt một gang tay, phải có ít nhất là 3 mắt. Cuốc một nhát cuốc hay lấy dao đào lên, nhét một cái hom lên trên mặt đất. Cứ thế là chừng năm sau, mỗi cái hom lại thành một cây sắn, lại cho một chùm củ. Đất tốt thì củ lớn, đất xấu thì củ nhỏ. Trong những thứ lương thực ở trại tù miền Bắc, sắn được xếp vào hạng bét. Chỉ tiêu, cân đo, đong, đếm của lương thực là 1 gạo ăn 2 ngô, hay là 3 khoai, hay là 4 sắn. Dù là hạng bét nhưng đối với tù đói nhăn răng, nó vẫn là rất quý. Tù mà động đến sắn, ngôi, khoai của trại… là xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa”. Nhất là trong khi thượng úy “Không no” cứ như cái bóng ma, lúc ẩn lúc hiện, chuyên môn rình rập theo dõi anh em. Đó là nghề của hắn.

Tôi có một anh bạn cùng khóa, NKB xưa nay tính tình “nhà binh” cho đến tận kẽ răng. “Reglo” số 1, việc làm răng rắc quần áo là ủi thẳng tắp, giầy bottle de saut bóng láng, huy chương đeo một dề, xe díp bóng ngời nệm trắng tinh tươm. Đi cải tạo ra Bắc bây giờ bạn tôi, không biết vì không hợp thủy thổ hoặc đói khát ra sao mà răng rụng hết, thành một ông già móm xọm. Nhưng bạn tôi lại thèm đường thèm mật quá. Ở gần khu trại mộc của đội anh có một khu trồng mía. Mía cứ bị bẻ trộm hoài, thượng úy “không no” rình rập mãi mà không bắt được ai. Một bữa, thượng úy thấy thấp thoáng bóng người trong ruộng mía liền nhảy ra bắt giữ. Gặp ông bạn móm xọm của tôi.

– Anh vào đây nàm gì” Ăn trộm mía phải không”

– Tôi đi kiếm rau “tàu bay”, tôi đâu có ăn trộm mía.

– Không ăn trộm mía vào đây để làm gì”

Anh bạn tôi liền há mồm ra, chỉ vào hai hàng lợi không răng mà phều phào nói:

– Tôi đâu còn răng mà ăn mía.

Thượng úy “không no” thấy vậy, không còn bắt bẻ vào đâu được nữa nên vùng vằng bỏ đi. Nhưng y ta nhất quyết bắt cho bằng được người ăn cắp mía. Một bữa không biết y ta đến từ bao giờ, cải trang ẩn dạng ra sao mà ông bạn móm của tôi vào chặt một cây mía là bị y ta bắt được ngay tại trận. Y rất bằng lòng về chiến công “bắt trộm” của mình. Bạn tôi quá thiếu chất đường (cũng như hầu hết các tù cải tạo thèm chất ngọt và thèm mỡ) nên thường lén vô ruộng mía, đem dao chặt vội một vài đẫn, nhét vào người mang về. Lấy dao dóc mía, chẻ mía ra từng miếng nhỏ đưa vào miệng không răng mà nhần, mà ngậm. Nó cũng khỏe lên được phần nào. Còn vỏ mía thì phải chôn xuống đất ngoài vườn.

Ngay bữa bắt được kẻ trộm mía, thượng úy “không no” liền biểu diễn quyền uy của mình bằng cách khác; không có giam tội nhân vào cái cũi dây kẽm gai mà y bắt ông bạn không răng của tôi cầm nguyên một cây mía đứng riêng ở ngoài cổng trại. Y ta nói: “Hãy nhìn cho kỹ đi, thượng cấp của các anh đấy”. Anh em đi làm về đều thấy ông bạn tù gì, cầm cây mía đứng lom khom, cúi mặt không dám nhìn ai. Ai cũng thương anh…. đồng cảm với anh vì đi tù cải tạo trăm người như một đều phải “cải thiện” cách này, cách khác. Con người “một động vật xã hội”, nên “đói là đầu gối phải bò”. Thế thôi, chả ai coi thường, chả ai bỉ thử anh đâu. Nhưng tôi biết, bạn tôi vốn trọng phép tắc lễ nghi nên bạn tôi đau lắm.

Do vậy nên bây giờ thấy ông bạn già Thượng tọa đi lấy trộm sắn về cho tôi ăn vì tôi thèm quá, đói quá, tôi vẫn cứ ghê ghê trong bụng. Thượng úy “không no” mà bắt được, không biết y ta sẽ hành hạ mình cách nào đây” Nhưng sợ bị bắt là cái lo xa. Còn đói cồn cào ruột gan là cái lo gần. Thế thì ta hãy cứ ăn cái đã. Đang đói bụng mà lại có sắn lùi bếp than thì nhất thế giới rồi. Tôi cứ chạp thẳng cánh. Ông cụ đi lấy sắn, nướng sắn mà ông cụ có ăn bao nhiêu đâu. Tôi ăn phần lớn. Và sau đó cứ vào khoảng 9, 10 giờ sáng, tưới bón xong là ông cụ xách cái bị đi ra. Lúc thì sắn lúc thì khoai, lúc thì củ giong… Tôi cứ có ăn đều đặn.

Bạn “Tây con” Thiết Giáp NVP phải đổi sang đội chăn nuôi, trong cái rủi lại có cái may. Bên ấy có công tác lên rừng đẵn cây chuối hột về cho heo ăn. Được ra ngoài thuộc “diện rộng” đi xa xa, gặp được ‘đồng bào’ nên mới có cơ hội kiếm ăn, đổi chác. Vắng mặt tên quản giáo, len lén đem được một cái quần tây, một cái ao pull, một cái kính, một cái bật lửa… đem “quy ra thóc” lấy xôi, lấy cơm mắm… hoặc ‘quy ra thuốc’ lấy thuốc lào… đều được cả, thành ra tụi tôi dạo này có vẻ “phong lưu” hơn trước.

Một bữa lấy sắn về ông cụ đang ngồi trong lều, quạt đang đều tay, sắn đã bắt đầu chín bốc mùi thơm ngậy, tôi đã chực sẵn đến giờ ăn, thì bỗng có tiếng động nhẹ đằng sau. Tôi quay lại thì thấy đôi ủng màu đen đã đứng sau lưng tự lúc nào rồi. Tôi chết sững. Thượng úy “không no” đã tới.

– Biết ngay mà, cứ vào khoảng 10 giờ nà cái nều này có khói. – Thượng úy “không no” đắc chí.

Tôi cứng họng không biết nói năng gì, tâm thần hoảng hốt. Ông già thượng tọa của tôi, khẽ ngước lên, nhìn thượng úy “không no” rồi điềm đạm nói:

– Cán bộ thứ cho. Anh em chúng tôi… đói quá…

Giọng nói ông bình tĩnh, người ông vẫn ngồi vững vàng, cái tay quạt sắn vẫn đều đặn không thay đổi, không cuống quýt, mà cũng không ngừng nghỉ.

_ Như thế này là nâu rồi đấy nhá. Không phải chỉ một hôm nay mà thôi đâu.

Thượng úy “không no” vừa nói vừa quay ra xem xét, kiểm soát căn lều. Chợt y thấy hai cái mộ bia mà ông già Thượng tọa của tôi mới đục xong còn để đó. “Vũ Văn Sâm mất ngày…”, “Ngôi Quý Thuyết mất ngày….” Y đọc mộ bia xong nhìn chúng tôi, một anh tù già tóc bạc phơ, một anh tù trung niên xác xơ ốm đói. Hình như có một suy nghĩ gì đó thoáng qua, nên nét mặt y có vẻ đắn đo, xong rồi y lững thững đi ra mà nói:

– Sau không được thế nữa nhá. Ninh tinh.

…Cho đến bây giờ không biết vì lý do nào mà tên thượng úy hầm hừ ấy đã bỏ qua cho chúng tôi. Có thể vì những tấm mộ bia, nghĩ đến những người anh em xấu số của chúng tôi đã chết vì đói lạnh… hoặc là phong thái “đại hùng, đại lực, đại từ bi” của con nhà Phật trong phút giây nào đó đã khơi dậy được “chút tính người còn sót lại” trong y.

Phan Lạc Phúc


 

Muốn giáo dục Việt Nam theo kịp các nước phát triển?

Ba’o Nguoi-Viet

November 3, 2024

Chuyện Vỉa Hè

Tư Ngộ

Ngày Thứ Bảy, 2 Tháng Mười Một, Thủ Tướng CSVN Phạm Minh Chính hô hoán: “Đưa giáo dục và đào tạo của Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt.”

Ông Giáo Sư Tiến Sĩ Hoàng Chí Bảo (trái) ngày 10 Tháng Mười Hai 2021 chúc mừng ông tân Tiến Sĩ Vương Tấn Việt được chấm luận văn xuất sắc dù chưa tốt nghiệp cấp III. (Hình: Đại Đoàn Kết)

Ông Chính là thủ tướng và kiêm luôn cái chức “chủ tịch ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo” của chế độ. Trong cuộc họp của cái ủy ban này, ông nhắc nhở đám quan chức ngành giáo dục làm theo “kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính Trị về tiếp tục thực hiện nghị quyết số 29-NQ/TW của trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.”

Ngành giáo dục tại Việt Nam năm nào cũng thấy sửa đổi và không năm nào người ta không thấy những kêu ca chói lói đủ mọi thứ chuyện. Không kể chuyện phụ huynh rên siết học phí và các khoản “tự nguyện đóng góp” nhưng không tự nguyện không được, chương trình học vừa nặng vừa đổi như chong chóng mỗi năm khiến cả thầy và trò đều phải ngụp lặn vất vả.

Người ta cũng từng thấy hàng ngàn giáo viên bỏ nghề đi kiếm việc khác để mưu sinh vì đồng lương “bán cháo phổi” không đủ sống. Vì vậy, nhiều tỉnh kêu ca không đủ giáo viên cho các trường. Một phần, ngân sách nhà nước cung cấp thiếu, phần khác, nhiều người không muốn lao vào dạy học để chịu đựng đói rách.

Nhưng trong cuộc họp kể trên, các quan cầm đầu ngành giáo dục đào tạo của chế độ vẫn tảng lờ thực tế, thấy hô hoán “ngành giáo dục xác định chủ đề năm học 2024-2025 là kỷ cương trách nhiệm, đổi mới không ngừng, nâng cao chất lượng, với 12 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tiếp tục triển khai, cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, chính sách của đảng, nhà nước về phát triển giáo dục, đào tạo; bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng; phát triển đội ngũ giáo viên, giảng viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục bảo đảm đủ số lượng và nâng cao về chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo.”

Sự thật hiện trạng nền giáo dục bết bát và thối nát ra sao, trái ngược với những lời tuyên truyền mị dân đó, người theo dõi thời sự Việt Nam thấy đầy đủ qua tin tức trên guồng máy tuyên truyền chính thống. Không thể đổ cho đám “phản động” bôi bác trên mạng xã hội.

Cho nên, khi nghe ông Thủ Tướng Phạm Minh Chính khua chiêng gõ trống hô hoán: “Đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam theo kịp các nước phát triển càng sớm càng tốt,” theo tôi, muốn vậy, các ông nên lập ngay một cái bộ gọi là “bộ giáo dục & đào tạo đi tắt đón đầu” rồi giao cho ông Tiến Sĩ Vương Tấn Việt tức sư ông Thích Chân Quang cầm đầu.

Chỉ vài ba tháng thôi, cả nước Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, tiến sĩ sẽ nhiều lúc nhúc như dòi. Không những bắt kịp các nước phát triển mà dải đất hình chữ S còn qua mặt họ cái vèo, hãnh diện biết dường nào. Học thuật ở các nước tiên tiến trên thế giới đã phải mò mẫm từ thế hệ này sang thế hệ khác mới đạt được, nếu do Vương tiến sĩ dắt “đi tắt đón đầu” thì không phải sốt ruột.

Sư ông Thích Chân Quang Vương Tấn Việt biết cách luồn lách, mua chuộc kiểu nào nhanh nhất để từ một kẻ vô học, ăn nói bặm trợn, bịp thiên hạ quanh năm suốt tháng ra tiền, mà trở thành một ông mũ áo cân đai tiến sĩ bảnh chọe. Tài tình ấy, phải là tài kinh bang tế thế, xứng đáng cầm đầu cái bộ đi tắt đón đầu đó, ông Chính ạ.

Cố vấn cho ông Vương Tấn Việt, đừng nên quên mời ông Tiến Sĩ Hoàng Chí Bảo, “nhà ráo nhăn rân” nổi tiếng “nhổ ra liếm vào” gì gì đó và mấy ông bà quỳ lạy sì sụp ông Việt đó, bảo đảm kết quả mỹ mãn, chế độ của các ông có các con số thống kê vô cùng ấn tượng để báo công trước nhân dân.

Quảng cáo dịch vụ viết thuê luận văn thạc sĩ, tiến sĩ công khai trên mạng. (Hình:Google)

Mà lại còn các tổ chức viết thuê luận án nữa. Nên làm luật gấp để đưa họ chính thức tham gia quốc sách giáo dục “đi tắt đón đầu.” Với công nghệ AI ngày càng tiến bộ hơn, họ sẽ sản xuất các bằng thạc sĩ, tiến sĩ còn nhanh gấp ngàn lần gà để trứng. Ông Vương Tấn Việt và bộ sậu của ông phải được tưởng thưởng xứng đáng vì đã giúp cho chế độ của các ông tiến nhanh đến thiên đường xã nghĩa.

Vài năm trước, người ta thấy cái Viện Hàn Lâm Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội cứ một ngày 3 giờ 55 phút thì “lò ấp tiến sĩ” tại cái “viện” vừa kể, ấp được một tiến sĩ. Tưởng vậy đã là kinh khiếp, bây giờ trao quyền hạn giáo dục “đi tắt đón đầu” cho ngài Vương Tấn Việt và bộ sậu sì sụp quanh ông thì cái thành tích của cái Viện Hàn Lâm kia không đáng xách dép cho ông.


 

Mai Tiến Dũng mập mờ khai Trương Hòa Bình là ‘trùm cuối’ vụ Đại Ninh

Ba’o Nguoi-Viet

November 2, 2024

HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Báo Dân Trí hôm 2 Tháng Mười Một ám chỉ việc bị can Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, sau khi bị bắt, khởi tố đã mập mờ khai ông Trương Hòa Bình, cựu ủy viên Bộ Chính Trị, cựu phó thủ tướng thường trực, là “trùm cuối” vụ án Đại Ninh.

Bản tin của báo này không dám nhắc tên ông Trương Hòa Bình, nhưng cho biết, bị can Mai Tiến Dũng khai rằng “đại gia” Nguyễn Cao Trí, người sở hữu dự án Sài Gòn Đại Ninh, “là doanh nhân có mối quan hệ thân tình với lãnh đạo chính phủ,” cấp trên của ông Dũng.

Ông Trương Hòa Bình làm phó thủ tướng thường trực của chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. (Hình: Công Lý)

Hồi năm 2020, ông Trí làm đơn xin gia hạn, giãn tiến độ dự án Đại Ninh ở tỉnh Lâm Đồng và nhờ ông Dũng báo cáo lãnh đạo chính phủ chỉ đạo chuyển đơn cho Thanh Tra Chính Phủ giải quyết.

Tuy nhiên, một năm sau, đề nghị này vẫn chưa được giải quyết.

Lúc này, ông Dũng mới báo cáo, xin ý kiến của phó thủ tướng thường trực [Trương Hòa Bình] với “chỉ đạo mạnh mẽ hơn.”

Sau khi nhận 200 triệu đồng ($7,905) tiền “cám ơn” của ông Trí, ông Dũng ghi chú “Chuyển Vụ I [Vụ Theo Dõi Công Tác Thanh Tra; Giải Quyết Khiếu Nại, Tố Cáo; Phòng, Chống Tham Nhũng, Buôn Lậu, Gian Lận Thương Mại Và Hàng Giả] xử lý sớm” vào đơn của công ty Sài Gòn Đại Ninh, để ông Trương Hòa Bình ký duyệt chỉ đạo.

Khi bị bắt, ông Dũng khai mình ghi chú như trên vì nghĩ rằng ông Trí “đã nhờ lãnh đạo chính phủ,” tức ông Trương Hòa Bình.

Đáng lưu ý, người “bắt mối” cho ông Trí trong vụ này là ông Trần Văn Minh, phó tổng Thanh Tra Chính Phủ, chết hồi đầu Tháng Ba năm ngoái, được các báo đưa tin rằng “qua đời vì đột quỵ.”

Tuy vậy, thời điểm đó, mạng xã hội rầm rộ tin đồn cho rằng ông Minh phải “tự xử,” tức tự sát để tránh khai ra “trùm cuối” trong vụ Đại Ninh.

Bị can Mai Tiến Dũng, chủ nhiệm Văn Phòng Chính Phủ, bị bắt, khởi tố hồi đầu Tháng Năm. (Hình: Dân Trí)

Ông Trương Hòa Bình được ghi nhận nghỉ hưu hồi Tháng Bảy, 2021.

Trong lúc một loạt quan chức từ bí thư, chủ tịch Lâm Đồng đến ông Mai Tiến Dũng lần lượt bị bắt vì dính vụ Đại Ninh, ông Bình đến nay vẫn “vô sự” và thường xuyên xuất hiện tại nhiều sự kiện với tư cách cựu lãnh đạo.

Thời gian qua, ông Trương Hòa Bình phối hợp với báo Người Lao Động đi khắp các tỉnh, thành trao cờ đỏ CSVN cho người dân, ngư dân để tuyên truyền về lòng ái quốc. (N.H.K) [qd]


 

Bỏ lý tưởng sai lầm sẽ thoát khỏi tắc nghẽn và vươn tầm thế giới!-Hà Sĩ Phu

Ba’o Tieng Dan

Hà Sĩ Phu

31-10-2024

Đảng viên cũ (khoảng trước 1975), đa số vì quá say lý tưởng nên sẵn sàng hy sinh, giữ đạo đức, quên mình cho lý tưởng. Đa số họ đáng quý, tiếc rắng chủ nghĩa mà họ trót thờ phụng là ảo tưởng, phi lý, cực đoan, nên sự hy sinh đó là uổng công.

Đảng viên ngày nay thì ngược lại, vào đảng chỉ vì quyền lợi và cấm không được có lý tưởng! Bởi vì có lý tưởng trong sáng thì sẽ nhận biết phải thay đổi tận gốc, phải để hạnh phúc của nhân dân lên trên quyền lợi của đảng, phải dân chủ, phải đa nguyên và tam quyền phân lập. Đảng viên mà giác ngộ như vậy thì bị coi là “thoái hóa biến chất”, sẽ bị khai trừ (như Trần Độ, Hoàng Minh Chính, Lê Hiếu Đằng v.v…).

Nhớ câu thơ của Bùi Minh Quốc (cũng bị khai trừ) nói về bộ máy bây giờ:

Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa

Cả một thời đểu cáng đã lên ngôi

(Quay mặt vào đâu cũng phải ghìm cơn mửa, vì chỗ nào cũng bị tắc “nghẽn” như Tổng Bí thư Tô Lâm cũng thấy).

Và tiếc sự hy sinh uổng phí của quá khứ:

Cả tuổi xuân ta hiến dâng cuồng nhiệt

Để đúc nên chính cỗ máy này!

(Lòng tốt lại gây ra thảm họa, thì tiếc làm chi cái quá khứ sai lầm đau đớn ấy? Rũ sạch con đường cộng sản ấy đi để đưa đất nước vào con đường sáng mà văn minh ngày nay đã chỉ ra rất rõ ràng!).

Xin chia sẻ với nỗi đau của nhà thơ Bùi Minh Quốc!

Nguyên nhân tắc nghẽn là tại thể chế, ông Tô Lâm cũng thấy thế. Thể chế Kinh tế cũng không thoát khỏi Thể chế Chính trị. Lôi thẳng cái Chủ nghĩa Cộng sản ra mà hỏi tội, đừng ấp úng nữa!

Chủ nghĩa Cộng sản làm khổ Nước, khổ Dân nhưng tạo Ngai vàng béo bở cho giới Cầm quyền! Ách tắc ở đâu đã biết quá rõ!


 

Là ‘cái gai’ trong mắt Tô Lâm, Phạm Minh Chính trụ được tới khi nào?

Ba’o Nguoi-Viet

October 31, 2024

Trần Anh Quân/SGN

Điểu tận cung tàn, chim hết thì bẻ cung, ông Phạm Minh Chính từng liên minh với ông Tô Lâm trong cuộc đảo chính ông Trọng, giờ đây họ Phạm lại thành cái gai trong mắt họ Tô.

Những người thân cận ông thủ tướng lần lượt về quê hoặc… về nơi an nghỉ cuối cùng.

Không biết vô tình hay hữu ý, mà có sự trùng hợp lạ kỳ giữa nhóm tứ trụ và văn phòng chính phủ của ông Phạm Minh Chính. Trong nhóm tứ trụ từ đầu nhiệm kỳ tới nay thì có một người chết, và ba người phải từ chức, chỉ còn ông Chính còn ngồi lại ghế thủ tướng. Còn tại chính phủ thì cũng một phó thủ tướng chết ngay giữa nhiệm kỳ, và ba phó thủ tướng phải từ chức, từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 tới giờ chỉ còn ông Chính tại vị.

Các tứ trụ cùng nhiệm kỳ với ông Chính, có cố tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chết giữa nhiệm kỳ, ông Nguyễn Xuân Phúc mới làm chủ tịch nước chưa đầy hai năm là phải từ chức. Kế nhiệm ông Phúc, ông Võ Văn Thưởng cũng làm được 1 năm là phải nhường ghế cho ông Lâm. Ông Vương Đình Huệ có thời gian tại vị lâu hơn khi làm chủ tịch Quốc Hội, được ba năm mới giao ghế lại cho ông Trần Thanh Mẫn.

Trong văn phòng Chính Phủ, ông Phạm Bình Minh, uỷ viên Bộ Chính Trị phải từ chức sau 1 năm 121 ngày làm phó thủ tướng do liên quan tới tham nhũng. Ông Vũ Đức Đam làm phó thủ tướng hơn 9 năm, nhưng cũng phải từ chức cùng lúc với ông Minh với cùng lý do tham nhũng. Ông Lê Văn Thành qua đời do bệnh nặng sau hơn hai năm làm phó thủ tướng dưới trướng Phạm Minh Chính. Còn ông Lê Minh Khái là phó thủ tướng mới nhất vừa bị cho nghỉ việc vào ngày 3 Tháng Tám.

Theo truyền thông cộng sản, ông Huệ, và ông Thưởng đều bị buộc phải từ chức để chịu trách nhiệm người đứng đầu. Căn cứ vào lý do này, ông Chính cũng phải từ chức khi để ba phó thủ tướng tham nhũng và gây ra nhiều tiêu cực, ảnh hưởng tới cả đất nước. Chỉ trong nửa nhiệm kỳ mà chính phủ của ông Chính lộ ra quá nhiều vấn đề và lòi ra tới ba “con mối chúa” như vậy, liệu nửa nhiệm kỳ sau sẽ ra sao, nếu ông Chính vẫn tiếp tục tham quyền cố vị?

Phạm Minh Chính và bốn lãnh đạo chủ chốt của cộng sản Việt Nam hồi đầu năm 2023. (Hình: Cổng thông tin điện tử Quốc Hội Việt Nam)

Liên quan tới AIC, tương lai ông Chính nằm trong tay Tô Lâm

Những ngày cuối Tháng Mười, tiếp tục diễn ra phiên toà xét xử đại án tham nhũng liên quan tới công ty AIC do bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn làm chủ tịch hội đồng quản trị.

Trước phiên toà này, người phụ nữ sinh năm 1969 này đã hai lần bị kết án vắng mặt với tổng mức án là 30 năm tù với cáo buộc tham nhũng lên tới hàng ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên, các thông tin rò rỉ cho biết việc bà Nhàn bị khởi tố là do liên quan tới việc đấu đá nội bộ trong đảng cộng sản. Theo đó, bà là “người tình lâu năm” của đương kim thủ tướng Việt Nam, ông Phạm Minh Chính. Hai người có với nhau một cô con gái đã trưởng thành. Nhờ mối quan hệ của ông Chính mà bà Nhàn được kết nối làm trung gian cung cấp thiết bị quân sự và công nghệ y tế từ Tây phương về Việt Nam.

Tới năm 2022, bà Nhàn bị công an khởi tố và truy nã. Đây là lúc ông Nguyễn Phú Trọng muốn cho ông Chính theo ông Phúc về vườn “làm người tử tế.” Và AIC chỉ là cái cớ để ông Trọng tiễn ông Chính đi nhanh hơn.

Đại án tham nhũng của công ty AIC diễn ra trong thời kỳ ông Chính còn làm bí thư tỉnh Quảng Ninh. Ông Chính có liên quan trực tiếp trong vụ uỷ ban tỉnh Quảng Ninh duyệt kinh phí hơn 238 tỷ đồng cho bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh mua thiết bị y tế với giá cao của AIC. Lúc đó ông Trọng lệnh cho Tô Lâm điều ông Đinh Văn Nơi về Quảng Ninh để thu thập đầy đủ mọi bằng chứng về vụ này. Bây giờ, nếu ông Lâm thật sự muốn hạ bệ ông Chính ngay trong nhiệm kỳ này, thì chỉ cần gật đầu là xong!

Nói đi thì phải nói lại, cũng cần phải thấy nguyên nhân vì sao mà ông Chính vẫn có thể ngồi cứng ghế thủ tướng cho tới giờ phút này. Ông Chính có lý lịch từng làm phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Tình Báo, thứ trưởng Bộ Công An và có lịch sử thăng cấp hàm bậc thiếu tướng và trung tướng cùng các đợt với ông Lâm. Thế lực và các bí mật tình báo của ông Chính cũng “không phải dạng vừa.”

Ông thủ tướng rõ ràng không phải là một khúc xương dễ gặm. Cho nên sau khi bị ông Trọng cho vào danh sách đen, ông Chính kết hợp với ông Lâm làm một cuộc đảo chính vô tiền khoáng hậu. Lần lượt đưa các thân tín của ông Trọng về vườn và đưa luôn ông Trọng… về nơi an nghỉ cuối cùng.

Ông Phạm Minh Chính (giữa), và bốn phó thủ tướng đầu tiên trong nhiệm kỳ 2021-2026. (Hình: VGP)

Nhưng bây giờ, sau khi ông Lâm triệt hạ gần hết các đối thủ tiềm năng, thì Chính lại trở thành cái gai trong mắt tổng bí thư hiện nay. Chiếu theo điều lệ đảng cộng sản, ông Chính cũng là người duy nhất có khả năng tranh ghế tổng bí thư nhiệm kỳ 2026-2031 với ông Lâm. Hoặc ông Chính có thể xin ngồi lại ghế thủ tướng thêm một nhiệm kỳ, như vậy lại cản chân ông Lâm trong việc “Hưng Yên hoá” Bộ Chính Trị.

Cái ghế thủ tướng này, rõ ràng ông Lâm muốn để dành cho một trong những thân tín của mình chứ không muốn chia cho phe nào cả. Dù rằng họ Tô và họ Phạm đều đã lố tuổi để có thể tiếp tục lãnh đạo thêm một nhiệm kỳ nữa. Như năm 2021, ông Trọng và ông Phúc cùng “được gia hạn” thêm một nhiệm kỳ theo dạng “trường hợp đặc biệt.” Cho nên việc ông Lâm đưa bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn ra xét xử những ngày qua cũng là một cách nhắc nhở nhẹ nhàng, buộc ông Chính phải đầu hàng. Con bài AIC mà ông Trọng để lại đã giúp ông Lâm nắm đằng cán. Và với sức ép mà họ Tô đang tạo ra trong khắp bộ máy chính trị, chắc chắn ông Lâm sẽ tiếp tục thêm một, hoặc nhiều nhiệm kỳ nữa.

Còn ông Chính có lẽ chỉ cố gắng hết nhiệm kỳ này rồi hạ cánh an toàn, nhường ghế thủ tướng lại cho một trong những thân tín của họ Lâm, sẽ là nước đi sáng suốt, chứ nếu tiếp tục tranh chấp ghế tổng bí thư, hay xin ngồi lại ghế thủ tướng thêm một nhiệm kỳ nữa, có lẽ ông Chính không đủ lực nữa rồi.


 

Khi cường quốc phải nhờ đến tay côn đồ-JB Nguyễn Hữu Vinh- RFA

Ba’o Tieng Dan

31/10/2024

Blog RFA

JB Nguyễn Hữu Vinh

Cường quốc?

Không phải cho đến bây giờ, không phải gần đây, mà từ xa xưa, những thông tin về một “Liên bang Xô Viết vĩ đại” là thành trì của Chủ nghĩa Xã hội, với những lời khẳng định chắc nịch về tính hơn hẳn trong cuộc “Ai thắng ai” giữa hệ thống XHCN và Tư bản.

Những điều này đã tạo ra cho các dân tộc, các đất nước bị lây nhiễm cái gọi là “Học thuyết Mác – Lenin, với những bộ máy tuyên truyền khổng lồ đã đem đến cho dân chúng niềm tin, những sự mù quáng về một đất nước, về một hệ thống xã hội. Ở đó chỉ có sự chiến thắng của văn minh tiến bộ với nghèo nàn lạc hậu, ở đó chỉ có sự hơn hẳn giữa công cụ sản xuất tiên tiến có năng suất cao với công cụ sản xuất kém cỏi để bóc lột giá trị thặng dư một cách tàn bạo nhất có thể của các tập đoàn tư bản.

Trên hết, nó tạo ra một tư duy về một thế giới có hai thế lực rõ rệt giữa Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư Bản, trong đó, mọi thứ xấu xa đều được dành cho Chủ nghĩa Tư bản và nó đang trong đêm đen “giãy chết” để chuẩn bị cho ngày ánh sáng XHCN bừng sáng trên khắp thế giới.

Với tư duy và cách nghĩ đó, Liên Xô được coi là một mẫu gương, một “thành trì” để các quốc gia đàn em trông cậy, hy vọng và dựa dẫm trên con đường “Tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên Chủ nghĩa Xã hội”. Để rồi qua đó, các quốc gia ăn theo, với thân phận chư hầu sẵn sàng nhận vai trò là “Tiền đồn của Phe XHCN” ở các khu vực trên thế giới như Việt Nam tại Đông Nam Á và Cuba hay các quốc gia Mỹ Latinh…

Với nền kinh tế tập trung, duy ý chí của cả hệ thống cộng sản, kể từ khi Liên bang Xô viết được thành lập, bao gồm cả hơn chục quốc gia, dồn mọi nguồn lực cho sản xuất vũ khí, tập hợp cả trí tuệ, tài nguyên của khối cộng sản nhằm chạy đua vũ trang, hệ thống vũ khí và tiềm lực quân sự của Liên Xô và khối cộng sản đã phát triển và tích lũy đến mức đáng sợ. Đặc biệt là hệ thống vũ khí hạt nhân, Liên Xô đã đứng đầu thế giới về số lượng đầu đạn hạt nhân.

Đã có một thời Liên bang Xô Viết từng thách thức cả thế giới phương Tây trong cuộc chiến tranh lạnh kéo dài. Mọi con mắt, tâm hồn cũng như suy nghĩ của những người dân trong các quốc gia bị thâm nhập của Chủ nghĩa Cộng sản nói chung đều hướng về Liên Xô và nước Nga xa xôi ấy.

Những thông tin qua hệ thống tuyên truyền cộng sản toàn thế giới đã đến với mọi người dân ở các dân tộc khác là một Liên Xô, hiện thân của Thiên đường tại trần thế.

Vẫn còn đầy rẫy trên các trang báo chí của Việt Nam tuyên truyền cho Chủ nghĩa Cộng sản Liên Xô trước đây. Rằng: “Một số thành tựu của Liên Xô về các lĩnh vực: Giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội…thời gian này đã vượt xa các nước phương Tây như: Anh, Pháp, Mỹ; Đức…”.

Thế rồi như một quy luật không thể cưỡng nổi, hệ thống Cộng sản trên thế giới đua nhau đổ sụp không thể chống đỡ, Liên Bang Xô Viết bỗng chốc tan thành các quốc gia độc lập, khối cộng sản đua nhau bỏ chạy khỏi con đường quá độ tiến lên CNXH để quay về với thế giới văn minh, tiến bộ và dân chủ.

Khi đó, nước Nga được thừa hưởng hầu hết mọi tiềm năng, tài sản và đặc biệt là vị thế cũng như thành quả mấy chục năm của hệ thống Liên bang Xô Viết.

Có thể nói, nước Nga đã từng được coi là một cường quốc về nhiều mặt, không chỉ về quân sự, mà đã một thời được coi như là một quốc gia mạnh mẽ về tiềm năng khoa học, giàu có về tài nguyên và có một nền văn hóa lâu đời.

Ngày 2/3/2018, tại Kaliningrad, khi được phóng viên một tờ báo trong nước hỏi rằng: “Nếu có cơ hội, ông muốn thay đổi điều gì trong lịch sử của nước Nga?”, Tổng thống Nga Vladmir Putin trả lời: “Sẽ tìm cách ngăn Liên Xô tan rã”.

Đó là một sự tiếc nuối của kẻ thống trị muốn khôi phục lại ngai vàng bá chủ thế giới, là một khát vọng làm đại đế, sa hoàng.

Và với tư duy không thay đổi về sự bành trướng, về tham vọng cá nhân, về sự coi thường cả thế giới, đặc biệt là với tư duy độc tài vốn có trong máu huyết cộng sản, Putin đã đưa nước Nga trở lại nguyên hình là một quốc gia xâm lược.

“Cuộc chiến 3 ngày” và cái giá thực?

Ngày 24/2/2022, Putin xua đội quân đông đúc hàng trăm ngàn, (mà trước đó khi bị cảnh báo, Putin leo lẻo rằng chỉ để tập trận) với đủ loại trang thiết bị, vũ khí hiện đại qua biên giới, tổng tấn công xâm lược Ukraine.

Cuộc chiến mà Nga đã phát động tưởng chừng chỉ có một chớp ngắn về thời gian trong vòng một vài tuần lễ theo kế hoạch của Putin. Putin tự tin đến mức, người ta kể rằng trong đội quân xâm lược ấy, còn có cả đội quân nhạc và nghi lễ chuẩn bị cho cuộc diễu binh mưng chiến thắng tại Kiiv mấy ngày sau đó khi cuộc xâm lược thành công.

Thế nhưng, sự đời không như mơ.

Đến nay, đã kéo dài sắp tròn ba năm mà vẫn chưa có hy vọng kết thúc. Trái lại, nó đang phát triển với những tình tiết và biến động mới làm thế giới lo ngại.

Người ta lo ngại, bởi những năm tháng qua, đất nước Ukraine xinh đẹp, được xây dựng từ bao đời nay bỗng chốc hàng loạt khu vực biến thành gạch vụn, sự sống bị thay thế bằng sự tàn phá, bằng đạn bom, mìn bẫy.

Người ra lo ngại, bởi sự dã man, tàn bạo mà Putin, một nguyên sĩ quan KGB của Cộng sản Xô Viết với vai trò Tổng thống Nga hiện nay, đã tiến hành một cuộc chiến hủy diệt sự sống trên một quốc gia láng giềng và hiện nguyên hình là một tội phạm chiến tranh bị truy nã.

Trước hết, những con số về thương vong được hai phía đưa ra làm người ta giật mình về quy mô của sự tàn bạo trong cuộc chiến này. Những thông tin từ Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết: Đến nay, số binh lính Nga chết trên chiến trường Ukraine đã gần 700.000 người, với hơn 9.000 xe tăng và hơn 600 máy bay, trực thăng bị phá hủy cũng như hàng vạn các phương tiện chiến tranh khác.

Người ta sẽ giật mình, nếu nhớ lại điều này: Trong 10 năm của cuộc chiến do Liên Xô tiến hành tại Apganixtan, số thương vong của binh lính Liên Xô là 16.000 người. Như vậy, về thương vong, con số tại cuộc chiến nay đã vượt gấp 150 lần. Đó là máu xương, là tính mạng người dân Nga được Putin đem sử dụng cho mưu đồ của mình như một trò chơi, cho thỏa mãn cái tư duy, hành vi xâm lược.

Con số thiệt hại khổng lồ về các tài nguyên, thiết bị quân sự khác đi cùng với những hậu quả khổng lồ mà cả hơn trăm triệu dân Nga đã và đang phải chịu khi bị cả thế giới văn minh, tiến bộ tẩy chay, trừng phạt đã đem lại cho xã hội Nga nhiều bước lùi ngoài dự đoán của những chiếc đầu nóng tại Moscow. Người ta cho rằng, hậu quả trước mắt là sự cô lập mọi mặt của Nga trên trường Quốc tế, và nó sẽ kéo lùi sự phát triển của đất nước Nga về phía sau hàng chục năm.

Hẳn nhiên, phía Ukraine cũng đã chịu những thiệt hại khổng lồ về mọi mặt. Đó là điều không thể tránh khỏi khi phải đối diện với một kẻ thù, một tên xâm lược tàn bạo đến đất nước mình. Những tổn thất, những thiệt hại mà phía Ukraine phải chấp nhận, là cái giá phải trả cho sự lựa chọn không thể khác giữa tự do và nô lệ, khác hẳn với sự lựa chọn của Putin là xâm lược, cướp nước và trở lại hòa bình.

Tại cuộc chiến này, đó là một tính toán hết sức phiêu lưu và sai lầm.

Bởi ở cuộc chiến này, Putin và tập đoàn Moscow đối diện với không chỉ là một quốc gia nhỏ hơn mình về mọi mặt, nhưng ở đó, họ có những điều mà Putin không thể lường hết. Đó là tình thế lựa chọn giữa tự do và nô lệ, giữa mất nước và độc lập, giữa cơ đồ dân tộc và sự xâm lăng… Đó là phẩm giá dân tộc, là tinh thần yêu nước, sự quật cường và trí tuệ của người Ukraine không chịu khuất phục trước kẻ thù mạnh hơn mình nhiều lần.

Đặc biệt, Putin đã đối đầu với hầu hết cả thế giới văn minh, tiến bộ không thể chấp nhận hành động ăn cướp một cách trắng trợn khi chính Nga đang là một thành viên, là ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc. Đó là một sự sỉ nhục, sự coi thường với mọi tiêu chuẩn, nguyên tắc xã hội mọi mặt trên thế giới.

Nhưng, với ảo tưởng về sức mạnh của mình, Putin đã tự tin xua quân xâm lược Ukraine với khí thế tưởng chừng như có thể ăn tươi, nuốt sống một đất nước, một dân tộc như Putin đã từng làm trước đó với một số quốc gia khác.

Thui ra mới biết béo, gầy

Người ta cứ tưởng rằng với cơ đồ được để lại từ thời mà cả hơn chục nước Cộng hòa thuộc Liên xô dồn mọi sức lực, trí tuệ, tài nguyên và tiền của cho nước Nga, Cộng với cả khối cộng sản khắp thế giới cung phụng và tự nguyện làm chư hầu cho Liên Xô, thì Nga, sẽ có một cơ đồ vĩ đại đủ sức đương đầu không chỉ với Mỹ mà với cả khố NATO hùng mạnh để làm bá chủ thế giới mà không ai có thể ngăn chặn như những nhà tuyên truyền Moscow thường vênh vang.

Thế nên những cuộc chiến do Putin phát động xâm lăng các quốc gia láng giềng đã trở nên suôn sẻ bởi không chỉ với tiềm lực quân sự, kinh tế, quy mô mà còn có sự góp phần bởi sự thị uy từ hệ thống tuyên truyền.

Nhưng, sự thật đã được phơi bày ba năm qua tại chiến trường Ukraine về những cái gọi là thành tựu, là sức mạnh và những điều bị che giấu, nước Nga đã bị lột truồng trước thiên hạ về mọi mặt.

Về mặt quân sự, nền quốc phòng được tuyên truyền, được xây dựng gần cả thế kỷ qua đã từng hăm dọa cả thế giới, nay chỉ qua 3 năm của cuộc chiến, đã cho thấy sự kiệt quệ và yếu kém của nó. Những đoàn xác xe tăng, thiết bị quân sự, máy bay cũng như các loại vũ khí khác trên mọi miền đất nước Ukraine đã chứng minh thế nào là “sức mạnh của vũ khí Nga” đã tạo nên huyền thoại ra sao.

Nhưng hình ảnh của những chiếc xe tăng T-34 đã từng tham gia thế chiến lần thứ 2 và các thiết bị cùng thời đó, nay được kéo vào trận chiến hiện tại. Con số trăm ngàn máy bay không người lái Nga buộc phải mua của Iran, các loại vũ khí và hàng triệu quả đạn pháo Nga phải mua từ Bắc Triều Tiên dù chất lượng kém đủ cho thấy về vũ khí Nga đã kiệt quệ đến mức nào.

Không chỉ có vậy, hệ thống phòng không, không quân và đặc biệt là hải quân Nga, là niềm tự hào, là cơ sở để Nga vênh vang trên thế giới, nay đã tự lặn mất tăm với cuộc chiến này.

Hàng trăm ngàn quân số được huy động qua các chiến dịch bắt lính rầm rộ làm công dân Nga chạy tán loạn, cũng không đủ để đổ vào thay thế lượng binh lính được đem sang làm phân bón ở Ukraine. Nga đã phải huy động một lượng lớn tù nhân ra trận. Putin ký luật miễn trách nhiệm hình sự cho các bị cáo đang phục vụ trong quân đội. Và điều này, ngay lập tức xã hội Nga nhận hậu quả khủng khiếp khi tội phạm trở về tung hoành giữa xã hội Nga, công khai gây tội ác.

Điều đặc biệt nhất là Nga, một “Cường quốc quân sự và kinh tế”, sức mạnh Nga đủ để răn đe mọi kẻ thù đến mức chưa ai dám nghĩ đến việc tấn công lãnh thổ Liên Bang Nga.

Nhưng, kể từ ngày 6/8/2024, lãnh thổ Nga đã bị chính quân đội Ukraine chiếm đóng mà đến nay, hết hạn lần này đến lần khác, Putin tìm mọi cách để gỡ không ra. Đấy là một vết nhơ trong lịch sử của nước Nga.

Đó là những hậu quả nhãn tiền mà Putin đã và đang mang lại cho nước Nga, chỉ bởi cái thói độc tài và chuyên quyền kết hợp tham vọng vô độ của mình.

Tuyệt vọng

Những thông tin từ cuộc chiến Ukraine với những bước phát triển mới gây nhiều lo lắng cho những người yêu chuộng hòa bình thế giới. Dù Nga và Bắc Triều Tiên vẫn leo lẻo chối, nhưng thế giới đã có nhiều thông tin rằng: Bắc Triều Tiên đã đưa hàng ngàn quân sang Nga để tham gia cuộc chiến xâm lược tại Ukraine. Như vậy, việc hợp tác giữa Nga và Bắc Triều Tiên đã nâng lên một bước mới, sau nhiều thông tin về việc Nga đã phải cầu viện đến Bắc Triều Tiên về vũ khí và đạn được.

Và nay, thì không chỉ có vũ khí, mà Nga đã chính thức vay máu của người dân Triều Tiên trong cuộc chiến xâm lược này.

Nếu như ngày trước, Trung Cộng đã đưa quân vào Bắc Triều Tiên để “đánh Mỹ viện Triều”, để cho đến bây giờ Bắc Triều Tiên vẫn mang một món nợ bằng máu không thể trả cho đàn anh Trung Quốc… Thì ngày nay, Nga, một “Cường quốc quân sự” đã không thể duy trì được cuộc xâm lược của mình, trái lại còn bị chính Ukraine, là quốc gia đầu tiên mang quân vào lãnh thổ Nga kể từ cuộc chiến thế giới thứ 2 cho đến nay và Nga buộc phải muối mặt nhờ Bắc Triều Tiên đến “giải phóng”.

Cái bóng Liên Xô một thời bao trùm cả khối Cộng sản, trở thành bá chủ của nửa thế giới, đã thôi thúc Putin phiêu lưu vào cuộc xâm lược đầy bất trắc này. Và ngày nay, giấc mộng bá quyền đó đã trở thành một hành vi của sự tuyệt vọng khi lực bất tòng tâm.

Thế nên, khi một cường quốc quân sự, “nói nhiều người nghe, đe lắm kẻ sợ” nay phải mượn tay đám “Côn đồ quốc tế” đến để giải phóng nhà mình, thì đó không chỉ là một sự sỉ nhục, mà nó phản ánh sự tuyệt vọng không thể cứu vãn.


 

Thời Niên Thiếu Của Nhiều Người -ông Khai Trí”

Kimtrong LamLƯƠNG VĂN CAN K 76.

Thời điểm cả miền Nam buộc thay mầu cờ, một hôm, trong những ngày rỗi đó không biết làm gì cho hết thì giờ, tôi cuốc bộ không mục đích trên con phố Lê Lợi ở khu trung tâm. Và tôi bất ngờ nhìn thấy ông Nguyễn Hùng Trương!

Phải, là ông, người chủ ngôi nhà 6 tầng tại số 60-62 con phố đó, đúng lúc ấy, trên vỉa hè ngay trước thềm nhà mình, ông vẫn ăn mặc chỉnh tề như tôi thường thấy, áo sơ-mi trắng tay dài có cài cúc, quần Tây mầu xám tro. Và ông đang ngồi xổm trên mặt gạch hè giữa bao người buôn bán nhỏ từng ngồi ghé trước cửa nhà ông từ lâu, lặng lẽ trải một tấm ny-lông mầu trắng đục, để xếp ngay ngắn trên đó từng chồng báo Thiếu Nhi mà số cuối cùng chỉ cách đó vài tháng. Hàng trăm tờ báo trông vẫn mới tinh đó, vâng chỉ vài tháng, đã đi qua một mốc thời gian lịch sử mà người chủ nhiệm tòa báo làm ra chúng, ngay lúc đó, không biết làm gì hơn là bầy chúng ngay trên hè, bán “xôn” được đồng nào hay đồng nấy.

Tôi nhớ, mình từng có đủ collection tuần báo Thiếu Nhi hơn 200 số của ông Nguyễn Hùng Trương gom nhặt sau 4 năm mua và đọc cho đến 1975, nhưng đúng cái hôm đang kể, tôi chẳng còn số nào vì trước đó, bố mẹ tôi đã đem đốt sạch. Trong túi quần ngay lúc ấy lại chỉ có vài đồng bạc, không thể nào giúp ông được nên đành nhìn ông thiểu não ngồi đó, vừa bán vừa cho từng số báo chỉ tự định giá quãng vài mươi xu. Cả miền Nam hồi đó đang thất thần vì lo đói, người ta cứ mải nghĩ về thạp gạo nhà mình, ai rỗi đâu mà mua báo cũ? Thế nên, nếu có ai đó chậc lưỡi mua một tờ, ông lại đưa cho họ 3 tờ. Ông cười trông như mếu, vì cả một cơ nghiệp đã bay theo gió thời cuộc.

Ít lâu sau, ông phải đi học “lao cải” ở Hàm Tân.

Trước quãng “đứt phim”, người Sài Gòn thích đọc sách vẫn gọi ông Nguyễn Hùng Trương là “ông Khai Trí” – Theo tên nhà sách – nhà xuất bản do ông làm chủ trước kia. Người ta cũng nhớ, ông từng là chủ nhiệm tờ tuần báo Thiếu Nhi đang nhắc, với nhà văn Nhật Tiến (Thềm Hoang, Thuở Mơ Làm Văn Sĩ, Chim Hót Trong Lồng..) làm chủ biên. Một ngày đẹp trời đầu năm 1971, ông Khai Trí chủ động gặp ông Nhật Tiến để đề nghị nhà văn về nắm bài vở tờ Thiếu Nhi giúp mình. Tờ báo ấy đã có nhiều cây bút và cây cọ nổi danh khi đó góp mặt góp sức.

Ông Khai Trí rất hiếm khi nói về mình, nên ít người biết ông chính là một tấm gương làm việc và cống hiến sống động: Từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam. Ông sinh năm 1926, thuở bé, vẫn thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho hàng ngày để mua báo đọc. Đến Sài Gòn theo trung học Pétrus Ký, ông được gia đình sắm cho chiếc xe đạp cũ để mỗi cuối tuần về nhà, sang đầu tuần lại trở lên với một món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong cả tuần kế tiếp. Nhưng cứ mỗi chiều thứ Hai, ông lại tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần lại chấp nhận nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã. Chưa thấy ai mê sách, và nghiện sách tới phát cuồng như ông, lời bố tôi kể ngày xưa.

Sách ông mua, hầu hết là sách báo nước ngoài và ở tuổi thiếu niên trong những năm 1940, ông đã kịp gầy dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay lại thường gửi tiền nhờ ông mua giúp để theo kịp. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 quyển để được hưởng 30% hoa hồng từ nguồn. Số sách thừa ra, ông đem ký gửi ở một tiệm sách quen. Chỉ vài hôm, người chủ tiệm đã hỏi ông là tựa sách loại đó còn không, nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi từ trước đã bán hết cả. Từ đó, ông nẩy ra ý định mua sách báo trực tiếp từ nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mà trong nước không có. Lúc đầu chỉ mua thử mỗi thứ vài quyển, thấy bán chạy ông mới tăng số lượng lên, có khi cả trăm quyển, rồi lúc khấm khá thì nhiều hơn nữa!

Nhờ làm việc không mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952, 26 tuổi, ông đã đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại số 62 đại lộ Bonard (Sau là Lê Lợi), và đặt tên là Nhà sách Khai Trí (Sau 1975 trở thành Nhà sách Sài Gòn của công ty Fahasa). Khai Trí là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua gì cả và cũng chẳng có ai phàn nàn gì. Các nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục áo dài màu vàng hoàng yến ở đó, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom khách một cách kín đáo.

Cái điều đang được áp dụng ở đa số hiệu sách Việt Nam lúc này, vào thời điểm đó vẫn còn quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau đó, nhà Khai Trí mở rộng thêm thành 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu. Nhà Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản với những đầu sách được chọn kỹ và phong phú. Một thú chơi đặc biệt của ông chủ nữa là sưu tầm sách báo – Chỉ riêng tờ báo Pháp ngữ Le Monde, ông có từ số đầu tiên cho tới số ra ngày 28/4/1975. Ông còn là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị.

Nhà văn Nguyễn Thụy Long – Tác giả quyển tiểu thuyết nổi tiếng Loan Mắt Nhung, một tác phẩm rất gai góc mà sau này giới nghiên cứu miền Bắc sau 1975 từng dành nhiều cảm tình – có viết một bài nhan đề Vĩnh Biệt Ông Khai Trí, trong đó có nhắc đến hoàn cảnh bi thương của ông sau 1975: “… Ông Khai Trí qua đời lúc 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, thọ 80 tuổi sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, sau nhiều năm luôn cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông khi nó bị Nhà nước tịch thu trong đợt cải tạo văn hóa và thương nghiệp 1976 – 1977 tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi bị “quản lý”, nay mang tên Fahasa của nhà nước”. “… Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt giới văn nghệ sĩ sẽ bị đi sau, với bao tác phẩm của họ bị thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ đi ngược dòng chảy của dân tộc, đương nhiên đã bị bôi xóa, và kết tội là Biệt kích Văn nghệ. Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, bị liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng đã cho rằng ông kinh doanh và phát triển văn hóa đồi trụy”. “… Những người đã từng sống ở miền Nam trước 1975, ai cũng biết đến ông, người từng làm được nhiều việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, và cả đời ông đam mê việc ấy.

Ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954. Ông đã ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ tác quyền không thiếu một xu. Ngoài ra, ông còn tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn. Tờ Sống của Chu Tử cũng có sự góp sức của ông về mặt tiền bạc”. “… Bao nhiêu lần tôi (Nguyễn Thụy Long – TAK chú thích) đi qua phố Lê Lợi, lại thấy ông buồn bã đứng ở một góc ngã tư, nhìn sang hiệu sách cũ của mình đang mang tên mới là Fahasa. Một lần khác, trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi. Ông cười chua chát: “Phải đến năm 3000 thì may ra…”. Ngày ông bị đưa đi, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn giấu biết bao kho sách của chế độ cũ mà không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, giờ chính họ lại tố cáo ông bao nhiêu là tội – Kể cả những điều không hề có – để lập công…”. “… Tại buổi lễ tang ông, ngôi nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Hồng Thập Tự cũ), tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người cũ đến thắp cho ông nén hương và chia sẻ sự thương tiếc với gia đình ông…”. Ông Nguyễn Thụy Long đã ngậm ngùi: “…Tôi nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn sang hiệu sách cũ của mình và câu nói chán nản của ông, sao mà chua chát đến thế cho một người suốt cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau…”.

Bản thân tôi (TAK), là kỷ niệm bao nhiêu lần được bố tôi – Nhà văn Lan Đình – dắt tôi và đứa em trai lúc đó chỉ mới trên dưới 10 tuổi, vào cái nhà sách quá nhiều kỷ niệm ấy để mua những quyển truyện của Alphonse Daudet, của La Fontaine hay Charles Perrault và mua cả những quyển sách tranh đóng bộ từ Tủ Sách Vàng hay Ánh Dương lừng danh ngày trước. Tôi biết đọc loạt truyện Tuổi Hoa của ông Chân Tín cũng từ đó, đọc tờ Thiếu Nhi của chính ông Khai Trí và tờ Thằng Bờm của ông Nguyễn Vỹ dù sau đó mình đã lớn tướng cũng từ đó. Đọc loạt Truyện tuyển dịch 15 Cuộc Phiêu Lưu cũng từ đó. Và đọc ngấu nghiến quyển Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển rất phong phú, tới mức vô biên của ông Trịnh Vân Thanh, cũng từ đó. Đọc Truyện Cổ Nước Nam của ông Nguyễn Văn Ngọc, đọc Chuyện Giải Buồn của Paulus Huỳnh Tịnh Của, đọc Thú Chơi Sách của Vương Hồng Sển, đọc cả Ben Hur hay Les Trois Mousquetaires bản dịch và bản nguyên tác cũng từ đó. Đọc Những Giọt Mực của Lê Tất Điều, đọc sách Tự Lực Văn Đoàn ở đó. Đọc Đất Lề Quê Thói của ông Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, đọc Sherlock Holmes qua bản phóng tác của Vũ Hạnh, rồi trộm vía, đọc cả Ba Người Lính Nhẩy Dù Lâm Nạn của Nguyễn Mạnh Côn hay Chuyện Cấm Đàn Bà của Đặng Trần Huân cũng ở đó. Bố tôi chỉ không cho đọc Duyên Anh và Kim Dung mà thôi, nên tôi phải lẻn đọc chỗ khác.

Tội cho ông Khai Trí. Từ lúc làm tờ Thiếu Nhi, nhiều người biết quá rõ là nó lỗ sặc gạch suốt nhiều năm liền nhưng ông vẫn cứ làm, cho tới sát mí tháng 4/1975. Với tờ tuần báo đó, họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt trước sau đã vẽ 4 cái bìa báo Xuân cho các năm Nhâm Tý 1972, Quý Sửu 1973, Giáp Dần 1974 và Ất Mão 1975 – Số Tết cuối cùng trước ngày 30/4. Bìa Xuân cuối cùng đó in trên khổ nhỏ cỡ tờ A5 bây giờ (Khoảng 13x19cm) vì lúc đó tòa soạn gặp nhiều khó khăn về kinh doanh sau mấy năm gồng mình gánh lỗ lã, mà đình bản lại không đành. Còn 3 bìa Xuân trước đó đều ở khổ lớn gấp đôi, cỡ 22x30cm và các số Xuân đó nếu nhớ không nhầm thì đều dày 64 – 80 trang, in ruột 2 màu.

Kèm status này là bìa số báo Thiếu Nhi đầu tiên, 1971, và số Xuân Thiếu Nhi cũng đầu tiên, 1972 – Để thêm chút kỷ niệm, cạnh đó là số Xuân Tuổi Hoa của ông Chân Tín, in cùng năm, cũng của anh Vi Vi. Theo tôi, bìa Xuân Thiếu Nhi đẹp nhất và công phu nhất là vào năm Quý Sửu, 1973, lấy từ sự tích Cờ Lau Tập Trận của anh hùng thiếu niên Đinh Bộ Lĩnh.

Cũng nên nhắc, tờ tuần báo Thiếu Nhi thời đó có “Bác Vịt Mò” Vũ Văn Việt lo việc thư ký tòa soạn. Báo có sự góp mặt của các cây bút quen biết khi ấy như các nữ văn sĩ Minh Quân và Đỗ Phương Khanh (Hiền thê của ông Nhật Tiến, phụ trách mục Vườn Hồng); các nhà văn Vũ Hạnh, Lê Tất Điều, Nguyễn Đình Toàn; cây bút trẻ Phan Khương Thái; nhà thơ trào phúng Tú Kếu Trần Đức Uyển và cả nhạc sĩ Y Vân. Về phía họa sĩ, ngoài Vi Vi còn có cây cọ vẽ truyện tranh Nguyễn Tài rất gây chú ý bằng nét vẽ độc đáo của mình trong tác phẩm Cùng Đi Với Tử Thần. Đáng nhắc nữa, nhân vật Tí Hon Thần Lực (Benoit Brisefer mà tờ Thiếu Nhi gọi là Tí Xíu Đại Thần Lực) của họa sĩ người Bỉ Peyo lừng danh thế giới cũng góp mặt qua bản dịch 12 Kỳ Công Của Benoit Brisefer từ tiếng Pháp trên trang báo Spirou. Rồi cả 2 quyển truyện tranh Tintin Au Congo và Tintin En Amérique (Tintin Ở Xứ Congo và Tintin Ở Mỹ) của họa sĩ Hergé trứ danh, nhà xuất bản gốc Casterman, cũng được tuyển dịch trên bàn chụp phim cliché đàng hoàng.

Một chuỗi ngày bao kỷ niệm Hồng, của chúng ta… Cảm ơn ông Nguyễn Hùng Trương.

Photos: 1/ Trẻ em đọc “cọp” báo Thiếu Nhi trong nhà sách Khai Trí. 2/ Một số bìa báo do họa sĩ Vi Vi sáng tác hàng tuần, 1971 – 1975, trong đó có bìa Xuân Nhâm Tý 1972 cho tờ Tuổi Hoa.


 

TẬN CÙNG CỦA NỖI ĐAU: MẸ MẤT NHƯNG NƯỚC NGẬP NÓC NHÀ, CÁC CON PHẢI THAY NHAU TÚC TRỰC SỢ QUAN TÀI TRÔI MẤT…

Những câu chuyện Nhân Văn – My Lan Pham  ·   ·

TẬN CÙNG CỦA NỖI ĐAU: MẸ MẤT NHƯNG NƯỚC NGẬP NÓC NHÀ, CÁC CON PHẢI THAY NHAU TÚC TRỰC SỢ QUAN TÀI TRÔI MẤT…

Bà D.T.H (trú tại thôn Tuy Lộc, xã Lộc Thủy, Quảng Bình) tuvong vào sáng 28.10 sau thời gian ốm nặng.

Anh Trương Tấn Bình – con trai của bà H ngồi thẫn thờ bên quan tài của mẹ, nước đã mấp mé mái nhà, chừng 1m nữa sẽ ngập đến quan tài.

Nguyên đêm 28.10, gia đình chia nhau trực để canh nước lũ dâng lên, mỗi lần nước dâng là một lần lo lắng, khi chỉ còn chừng 30cm nữa sẽ đạt đỉnh lũ lịch sử năm 2020.

Đến sáng 29.10, nước bắt đầu hạ dần, gia đình chỉ mong muốn nước rút, nếu nước dâng phải níu quan tài quanh trụ nhà, sau đó mọi người di tản. Khi nước rút, gia đình sẽ bắt đầu an táng bà H theo phong tục địa phương.

Tin tức Việt nam

Vì liên quan đến nhiều quan chức cộng sản Việt Nam, ông Đường Văn Thái sẽ bị xử kín

Ba’o Dat Viet

October 29, 2024

Ngày 30/10, Tòa án Cộng Sản Việt Nam sẽ tiến hành xét xử kín blogger Đường Văn Thái (còn được biết đến là Thái Văn Đường), người nổi tiếng với các bài viết phơi bày tình trạng tham nhũng và đấu đá quyền lực trong nội bộ lãnh đạo Việt Nam. Ông Thái, 44 tuổi, trước đây đã xin tị nạn tại Thái Lan vào năm 2019 và được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) công nhận quyền tị nạn. Sau khi được phỏng vấn cho chương trình định cư tại một quốc gia thứ ba vào giữa tháng 4/2023, ông mất tích gần Bangkok. Vài ngày sau, báo chí Việt Nam thông tin rằng ông Thái đã bị công an bắt giữ khi “đang tìm cách nhập cảnh trái phép” từ Lào vào Hà Tĩnh.

Tuy nhiên, công an Việt Nam sau đó thông báo rằng ông Đường Văn Thái đang bị điều tra theo cáo buộc “tuyên truyền chống Nhà nước”. Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã truy tố ông theo Khoản 2 của Điều 117 Bộ luật Hình sự về tội “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Với cáo buộc phạm tội “đặc biệt nghiêm trọng”, ông Thái đối diện với án tù từ 10 đến 20 năm.

Một nguồn tin giấu tên cho biết, phiên tòa sẽ xử kín do liên quan đến những quan chức nhà nước được cho là đã cung cấp thông tin cho ông Thái. Theo quy định tại Điều 25 của Bộ luật Tố tụng Hình sự, các phiên tòa có thể xử kín trong trường hợp cần bảo vệ bí mật nhà nước, nhưng bản án phải được công khai. Phóng viên đã cố gắng liên lạc với Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội để tìm hiểu thêm, nhưng không thể kết nối.

Gia đình ông Thái đã thuê hai luật sư, Lê Đình Việt và Lê Văn Luân, để hỗ trợ pháp lý cho ông trong phiên tòa sơ thẩm. Tuy nhiên, do phiên xử kín, gia đình không được phép tham dự.

Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế, bao gồm Human Rights Watch (HRW), Phóng viên Không Biên giới (RSF), và Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ), cho rằng ông Đường Văn Thái có thể đã bị bắt cóc bởi lực lượng an ninh Việt Nam và bí mật đưa về nước, tương tự như vụ bắt cóc blogger Trương Duy Nhất tại Bangkok năm 2019 và cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh ở Berlin năm 2017. Các tổ chức này lên án mạnh mẽ việc bắt giữ ông Thái và kêu gọi bảo đảm quyền tự do ngôn luận và an toàn cho những nhà hoạt động báo chí.

Phiên tòa diễn ra trong bối cảnh các nhà quan sát quốc tế tiếp tục theo dõi sát sao các động thái của chính quyền Việt Nam đối với những người chỉ trích hoặc phanh phui các vấn đề nội bộ.


 

17 lần nhận hối lộ, Nguyễn Nhân Chiến, cựu bí thư Bắc Ninh, hầu tòa

Ba’o Nguoi-Viet

October 29, 2024

BẮC NINH, Việt Nam (NV) – Hôm 29 Tháng Mười, Tòa Án Tỉnh Bắc Ninh đã đưa ra xét xử 13 bị cáo trong vụ án gian lận sáu gói thầu cung cấp thiết bị y tế cho sáu bệnh viện tuyến huyện của tỉnh này.

Theo báo Thanh Niên, loạt cựu lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh bị truy tố trong vụ án này về tội “nhận hối lộ” gồm các bị cáo: Nguyễn Nhân Chiến, cựu bí thư Tỉnh Ủy; Nguyễn Tử Quỳnh, cựu chủ tịch tỉnh; Nguyễn Hạnh Chung, cựu phó chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh; Trần Văn Tuynh, cựu giám đốc Ban Quản Lý Dự Án Công Trình Xây Dựng Y Tế Tỉnh Bắc Ninh.

Các bị cáo là cựu quan chức tỉnh Bắc Ninh tại phiên tòa. (Hình: Phúc Bình/Thanh Niên)

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, chủ tịch công ty AIC, tiếp tục bị đưa ra xét xử vắng mặt về tội “đưa hối lộ.”

Ngoài bà Nhàn và cấp phó Nguyễn Hồng Sơn đang bỏ trốn, 11 bị cáo còn lại bị tạm giam.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong ba ngày.

Báo VNExpress cho hay vụ án khởi nguồn khi tỉnh Bắc Ninh cho sửa chữa, xây dựng mới sáu bệnh viện đa khoa của các huyện Gia Bình, Yên Phong, Thuận Thành, Lương Tài, Quế Võ, Tiên Du, do Ban Quản Lý Dự Án thuộc Sở Y Tế Tỉnh Bắc Ninh làm chủ đầu tư, với tổng vốn 497 tỷ đồng ($19.6 triệu) từ ngân sách nhà nước, tức tiền thuế của người dân.

Năm 2013, các bệnh viện đã xây xong nhưng phần lớn vốn đã dùng hết vào xây dựng nên thiếu tiền để mua sắm, lắp đặt trang thiết bị y tế.

Theo cáo trạng, khoảng giữa năm 2013, các ông Nguyễn Hạnh Chung, Trần Văn Tuynh cùng Lã Tuấn Hưng, phó tổng giám đốc tổng công ty Sông Hồng, cùng đến gặp ông Nguyễn Nhân Chiến, khi đó đang là chủ tịch tỉnh Bắc Ninh.

Tại cuộc gặp, ông Hưng đề nghị với ông Chiến được tiếp tục triển khai các dự án dở dang trên bằng cách xin vốn trái phiếu chính phủ bổ sung. Đổi lại, nhóm công ty Sông Hồng được trúng các gói thầu mua sắm thiết bị y tế của sáu bệnh viện đa khoa tuyến huyện. Ông Chiến đồng ý.

Sau đó, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cũng liên hệ đề nghị ông Trần Văn Tuynh về việc hỗ trợ xin nguồn vốn bổ sung cho tỉnh Bắc Ninh. Điều kiện bà Nhàn đưa ra giống nhóm công ty Sông Hồng.

Cơ quan điều tra cáo buộc, từ năm 2013 đến năm 2020, ông Nguyễn Nhân Chiến vì “động cơ vụ lợi” đã 17 lần nhận hối lộ, quà “cảm ơn” từ ông Tuynh và bà Nhàn tổng cộng 14 tỷ đồng ($552,230). Số tiền hưởng lợi, ông Chiến dùng chi tiêu cá nhân.

Địa điểm giao nhận tiền hầu hết ở phòng làm việc của ông Chiến tại trụ sở ủy ban tỉnh và Tỉnh Ủy Bắc Ninh, dưới hình thức “quà biếu.”

Hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Nguyễn Nhân Chiến. (Hình: VietNamNet)

Trong khi đó, theo báo VietNamNet, tuy bị cáo Trần Văn Tuynh thừa nhận toàn bộ nội dung cáo trạng truy tố, nhưng phủ nhận mình không nhận tiền hối lộ từ bà Nhàn.

“Chị Nhàn không cho tôi tiền, chỉ có tặng thuốc nhuộm tóc, mỹ phẩm…,” ông Tuynh khai.

Theo cơ quan công tố, thiệt hại vụ án chính là số tiền ngân sách tỉnh phải chi trả gần 48.7 tỷ đồng ($1.9 triệu) cho phần giá trị bị nâng khống.

Tuy nhiên, quá trình điều tra các bị cáo đã nộp lại là 51.9 tỷ đồng ($2 triệu) để “khắc phục hậu quả.” Riêng ông Chiến đã nộp lại 10 tỷ đồng ($394,450).

Theo Điều 354 Bộ Luật Hình Sự 2015, đối với người phạm tội nhận hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1 tỷ đồng ($39,445) trở lên; gây thiệt hại về tài sản 5 tỷ đồng ($197,225) trở lên sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình. (Tr.N)


 

Bứt phá mới của tân Tổng Bí Thư Tô Lâm: Tuyên Giáo không nên giáo điều và biết đóng góp cho văn minh nhân loại

Trích từ Báo Lề Phải

Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chiều 29/10, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc làm việc với Ban Tuyên giáo Trung ương về tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác tuyên giáo từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng đến nay và các phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đặc biệt là từ nay đến Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.

Tham dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; các đồng chí đại diện lãnh đạo các ban của Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng; lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện lãnh đạo các vụ, đơn vị chức năng của Ban Tuyên giáo Trung ương.

Tổng Bí Thư Tô Lâm dặn dò:

Huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, toàn dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các quy định về trách nhiệm, quyền hạn, nếu đội ngũ cán bộ làm tuyên giáo không thực chất, không thực lòng, không đổi mới, không sáng tạo thì không đi vào lòng người, lòng dân. Kẻ thù của tuyên giáo là giáo điều, nói không đi đôi với làm, Tổng Bí thư lưu ý.

Tổng Bí thư chỉ rõ, đi sâu nắm vững tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên, nhân dân và dư luận xã hội, những vấn đề bức xúc nổi lên. Các cơ quan cần phải hợp tác với nhau để nắm bắt mong muốn, nguyện vọng của nhân dân, nhất là trước những chủ trương chiến lược, tham mưu với Đảng giải quyết kịp thời những bức xúc, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Tập trung nắm tình hình, làm tốt hơn nữa công tác tham mưu với Đảng các chủ trương chiến lược về khoa giáo, nhất là y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Tích cực nghiên cứu đề xuất với Đảng các chủ trương về văn hóa, bảo đảm văn hóa thật sự trở thành ánh sáng soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Đảng, đóng góp ngày càng nhiều cho văn minh nhân loại.

Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ tuyên giáo thật sự là những chiến sỹ kiên trung trên mặt trận tư tưởng, tuyên giáo của Đảng, đoàn kết, sáng tạo, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Xây dựng đội ngũ trí thức, các nhà khoa học, các nhà giáo dục, các văn nghệ sỹ, có công trình, tác phẩm, có tính dẫn dắt, tầm cỡ quốc gia, quốc tế.