Các giám mục Ba Lan kêu gọi người đồng hương tiếp đón người tị nạn Ucraina

Giáo xứ Cần Giờ – DCCT

Các giám mục Ba Lan kêu gọi người đồng hương tiếp đón người tị nạn Ucraina

Trong bối cảnh những căng thẳng tại Ucraina ngày càng gia tăng, Đức cha Stanislaw Gądecki, Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba Lan kêu gọi người Công giáo và tất cả những người thiện chí ở Ba Lan tiếp tục cầu nguyện cho hòa bình và chuẩn bị chào đón những người tị nạn Ucraina.

Trong Lời kêu gọi đưa ra hôm 21/2/2022, Đức cha Gądecki, cũng là giám mục giáo phận Poznań, đã viết: “Mọi người đều có quyền được sống trong hòa bình và an ninh. Mọi người đều có quyền tìm kiếm điều kiện sống an toàn cho bản thân và cho những người thân yêu của họ.”

Thể hiện lòng hiếu khách cách cụ thể

Đức cha Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba Lan nhắc rằng “trong nhiều thế kỷ, Ba Lan đã là nơi ẩn náu cho những người chạy trốn khỏi sự bách hại và thù hận, trong khi tôn trọng văn hóa và luật pháp Ba Lan”, và, cũng trong những năm gần đây, nước này đã mở cửa cho những người mới đến từ Ucraina, “những người sống giữa chúng ta, làm việc với chúng ta, cầu nguyện trong các nhà thờ Ba Lan, và học tập tại các trường học Ba Lan”.

Ngài yêu cầu rằng lòng hiếu khách đối với người tị nạn phải được thể hiện cụ thể thông qua việc hỗ trợ các tổ chức từ thiện, như Caritas Ba Lan, Caritas giáo phận và giáo xứ, và các hiệp hội khác. Ngài nói thêm rằng Caritas Ba Lan đã chuẩn bị một chương trình hỗ trợ bổ sung cho những người tị nạn từ Ucraina trong trường hợp căng thẳng và hành động quân sự leo thang hơn nữa.

Các giám mục châu Âu hoan nghênh hỗ trợ tài chính của EU đối với Ucraina

Trong khi đó, hôm 21/2/2022, các giám mục châu Âu hoan nghênh việc Liên minh châu Âu phê duyệt hoạt động hỗ trợ tài chính vĩ mô khẩn cấp trị giá 1,2 tỷ euro dưới hình thức cho vay để thúc đẩy sự ổn định ở Ucraina và tăng cường khả năng phục hồi của đất nước.

Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Hội đồng Giám mục châu Âu kêu gọi cộng đồng quốc tế, bao gồm cả Liên minh châu Âu, lặp lại cam kết vì hòa bình và đóng góp tích cực vào các nỗ lực đối thoại, “không phải bằng cách biểu dương vũ lực và củng cố cơ chế vũ khí, mà bằng cách tìm kiếm các cách thức sáng tạo đàm phán và dấn thân dựa trên các giá trị”.

Đức Hồng Y Hollerich tuyên bố: “Việc gia tăng những lời lẽ và hành động khiêu khích đã gây ra mối đe dọa không chỉ đối với người dân Ucraina mà còn gây nguy hiểm cho hòa bình trên toàn Lục địa châu Âu và hơn thế nữa, mang đến đau khổ và cái chết khủng khiếp cho con người, và cũng phá hủy thành quả của nhiều thế hệ trong việc xây dựng hòa bình và ổn định ở Châu Âu trong nhiều năm tới.”

Vatican News

TỘI ÁC CỦA NGA THỜI LIÊN XÔ…

TỘI ÁC CỦA NGA THỜI LIÊN XÔ…

Ukraine: Mồ chôn tập thể lớn nhất từ thời Stalin và Nạn đói Holodomor

Nơi có thể là một trong những nấm mồ tập thể lớn nhất, có từ thời Stalin, vừa được các nhà nghiên cứu xác định tại Ukraine.

Hài cốt của từ 5.000 đến 8.000 người đã được tìm thấy trong 29 nấm mộ tại thành phố Odessa ở miền nam nước này.

Địa điểm này, được cho là có từ vào khoảng cuối thập niên 1930, đã được phát hiện trong khi người ta tiến hành khảo sát theo kế hoạch nhằm mở rộng một sân bay.

Hàng trăm ngàn người Ukraine được cho là đã thiệt mạng trong thời gian Joseph Stalin cầm quyền tại Liên Xô.

Sergiy Gutsalyuk, người đứng đầu chi nhánh khu vực của Viện Tưởng niệm Quốc gia Ukraine, nói với hãng tin AFP rằng các nạn nhân nhiều khả năng đã bị giết chết bởi đơn vị cảnh sát mật Liên Xô trong thời gian cuối thập niên 1930.

Tuy nhiên, ông nói có lẽ không thể xác định được danh tính các nạn nhân, do mọi hồ sơ đều được lưu trữ tại Nga.

Theo trang web Ukrinform (08/2021) khoảng 8.600 người tại Odessa đã bị lực lượng cảnh sát mật Liên Xô kết án tử hình trong thời gian từ 1938 đến 1941.

Viện Tưởng niệm Quốc gia bước đầu nói rằng không thể ước tính được số người bị xử tử tại địa điểm này, nhưng có vẻ như đây là một trong những mồ chôn tập thể lớn nhất từng được phát hiện tại Ukraine.

Một trong các sử gia đang làm việc về khám phá này, Aleksander Babich, nói trên Facebook rằng nhiều khả năng sẽ còn có thêm nhiều hài cốt hơn so với số lượng đã được tìm thấy, do công tác khai quật vẫn chưa hoàn tất ở một số phần tại địa điểm này.

Ông nói thêm rằng có thể còn có thêm các ngôi mộ nữa ở một địa điểm gần đó, nơi hiện đang thuộc về một đơn vị quân đội.

Các nhà sử học nói rằng hàng trăm ngàn người đã bị giết chết trong thời kỳ đàn áp đẫm máu dưới thời Stalin cầm quyền, hồi thập niên 1930, với những nấm mồ tập thể khác đã được tìm thấy tại Odessa và những nơi khác của Ukraine.

Một trong những địa điểm lớn nhất là tại Bykivnia, một khu rừng nằm bên ngoài thủ đô Kiev, nơi một số người ước tính là có khoảng hơn 200 ngàn tù nhân chính trị bị xử tử rồi chôn tại đó.

Hàng triệu người Ukraine cũng đã thiệt mạng trong nạn đói dưới thời Stalin, 1932-1933, điều mà một số người tại Ukraine tin là hành động diệt chủng do nhà lãnh đạo Liên Xô thực hiện – tuy nước Nga bác bỏ.

Di sản Nạn đói diệt chủng thời Liên Xô

Hiện nay ở Kyiv có Bảo tàng Quốc gia về Nạn đói Diệt chủng (Holodomor Genocide).

Ước tính vài triệu nông dân Ukraine bị chính quyền Liên Xô bỏ đói để giết chết thời Stalin trong công cuộc cải tạo nông nghiệp, nông trang hóa năm 1932-33 nhằm xây dựng ‘chủ nghĩa xã hội’.

Sử gia Mỹ, Timothy Snyder từ ĐH Yale, người nghiên cứu về Nạn đói này, cho hay con số người chết là 3,3 triệu.

Các sử gia khác nêu con số cao hơn: 4 triệu.

Theo lệnh Stalin, cán bộ cộng sản tịch thu thực phẩm, cấm nông dân ra khỏi làng để tìm thức ăn. Ai chống lại nông trang hóa cưỡng bức sẽ bị trừng trị thẳng tay.

Người Ukraine nay gọi đây là ‘Holodomor’- bỏ đói cho chết (killing by starvation).

Một di sản của Nạn đói Diệt chủng, theo các sử gia Ukraine, là “mục tiêu dọn bớt người Ukraine” nhằm tạo không gian cho người Nga từ các vùng khác của Liên Xô sang sinh sống, mà hệ quả là số dân nói tiếng Nga tăng lên áp đảo ở nhiều vùng thuộc Ukraine cho đến năm 1991.

– Bykivnia là một địa điểm chôn tập thể nằm gần thủ đô Kiev của Ukraine. Nguồn hình ảnh, AFP

– Lễ tưởng niệm nạn nhân Holodomor ở Kyiv tháng 11/2021

Oleksandra Zaharova (right) with her young family member

Chụp lại hình ảnh. AFP via Getty Images

– Bà Oleksandra Zaharova kể lại cho cháu về nạn đói khủng khiếp thời Liên Xô

Nga chính thức xâm lược Ukraine

Nga chính thức xâm lược Ukraine

24-2-2022

Thế là Nga đã chính thức tấn công tổng lực vào các căn cứ quân sự của Ukraine trên khắp cả nước chứ không chỉ ở Donbass. Cuối cùng thì việc phương Tây “lu loa” khả năng Nga tấn công đã thành sự thật, không hiểu anh em cuồng Nga nghĩ sao về tình trạng hiện nay? Nên nhớ đây là cuộc tấn công quân sự vào tận Kiev chứ không chỉ hạn chế trong phạm vi “bảo vệ Nga kiều”. Đây chính xác là một cuộc tấn công xâm lược, không còn gì để biện bạch nữa.

Việc Ukraine gia nhập NATO không hề dễ dàng, do Đức và Pháp không ủng hộ, nhất là khi Ukraine đang có tranh chấp Crimea với Nga, cũng là vi phạm nguyên tắc kết nạp thành viên của NATO. Như vậy bản chất nguyên nhân cuộc chiến này chỉ do Nga thấy Ukraine dần tuột khỏi tay mình nên muốn “Dạy cho Ukraine một bài học”.

Kịch bản nào tiếp theo?

Động thái này mình cũng đã dự đoán. Khả năng lớn là Nga sẽ tấn công tổng lực vào các cơ quan đầu não về quân sự hòng làm tê liệt khả năng chiến đấu theo chiến tranh quy ước với Nga. Nga sẽ không chiếm đóng Ukraine nhưng không loại trừ việc kéo quân bộ sang để đánh triệt hạ hoàn toàn sức chiến đấu của Ukraine rồi nhanh chóng rút quân về củng cố vùng Donbass. Có thể phiến quân sẽ chiếm giữ toàn bộ Donbass (hiện chỉ chiếm được khoảng 1/3), dưới sự BẢO HỘ của Nga.

Khả năng Nga dựng được một Chính phủ thân Nga trên toàn nước Ukraine kiểu như Việt Nam đã làm ở Campuchia là rất thấp.

Người Ukraine sẽ không cô đơn, dân ba nước Baltic, Ba Lan thậm chí có thể cả một số nước Đông Âu khác có thể sẽ hỗ trợ nhân lực cho Ukraine. NATO sẽ bơm mạnh vũ khí. Cuộc chiến các ác liệt thì Nga càng sa lầy và trở nên bị cô lập và Ukraine sẽ càng được sự ủng hộ quốc tế.

Khả năng NATO can thiệp trực tiếp là rất thấp vì lo ngại chiến tranh hạt nhân. Đối đầu tổng lực với Nga là điều dại dột, nhưng cuộc chiến du kích dài ngày chắc chắn sẽ làm Nga thất bại.

Thỏa thuận của cường quốc và bài học cho Việt Nam (Phần 2)

Thỏa thuận của cường quốc và bài học cho Việt Nam (Phần 2)

 Bởi  AdminTD

23-2-2022

Tiếp theo Phần 1

II. LÝ LẼ KẺ MẠNH VÀ THÔNG ĐIỆP MANG TÍNH “TỐI HẬU THƯ” CỦA ÔNG PUTIN

Ngày 22/2/2022 Tổng thư ký Liên hợp quốc, ông Antonio Guterres đã khẳng định, nhóm lính Nga được triển khai ở miền Đông Ukraine không phải là “lực lượng gìn giữ hoà bình” như Matxcova tuyên bố.

Thực ra, từ khi ông Putin xâm chiếm và sát nhập Crimea tháng 2 năm 2014, là bắt đầu một cuộc chiến tranh không tuyên bố giữa Nga và Ukraine. Dân quân hai vùng Donetsk và Lugansk không thể chống lại được quân đội Ukraine. Lực lượng chủ chốt và vũ khí tại Donetsk và Lugansk là của Nga.

Với việc sát nhập Crimea và công khai đưa quân vào Donbass, chiếm 2 vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk của Ukraine, ông Putin đã vi phạm luật pháp quốc tế về biên giới hiện hành, không đếm xỉa đến chữ ký của tiền nhiệm trong Bản ghi nhớ Budapest về đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ Ukraine, chối bỏ ngay cả thoả thuận của chính ông Putin về tôn trọng đường biên giới hiện hành của Ukraine trong thoả thuận Minsk.

Các đế chế xuất hiện rồi tan biến. Nếu nói rằng Crimea và miền Đông Ukraine là lãnh thổ trước đây của Nga, nay lấy lại, thì Mông Cổ sẽ đòi lại phần lớn lãnh thổ LB Nga (bao gồm Matxcova), Đông Âu và các lãnh thổ khác với diện tích lên đến 24 triệu km2; Trung Quốc sẽ đòi lại 600.000 km2 vùng viễn đông của LB Nga bao gồm Vladivostok; Người da đỏ sẽ đòi lại châu Mỹ; Anh sẽ đòi lại 35% lãnh thổ thế giới… cả thế giới không thể vẽ lại được bản đồ. Lý luận “lãnh thổ trước đây” nay tiến hành chiến tranh lấy lại là lý luận bất chấp luật pháp quốc tế, là lý lẽ của kẻ mạnh.

Ông Eltsin, tiếp theo là ông Putin, đã đàn áp bằng được sự đòi độc lập của dân tộc Cherchen cộng hoà Chechnia qua hai cuộc chiến tranh đẫm máu hoang tàn 12/1994 – 8/1996 và 8/199 – 5/2000. Nhưng ông Putin lại ủng hộ và dưỡng sinh những nước “cộng hoà độc lập” trong lòng Grudia và Ukraine. Những người điếc cũng nghe được tiếng súng mà nhận ra “lẽ phải thuộc về kẻ mạnh” của các hoàng đế xâm lược và các bạo chúa độc tài.

Ông Putin tập trung khoảng 190.000 quân tại biên giới Ukraine không phải chỉ để tập trận, không phải để đe doạ, mà để hành động. Một bộ phận trong số đó đã được bố trí ngập tràn ở Donetsk và Lugansk. Hôm 22/2/2022 ông Putin đã không ngần ngại gửi một thông điệp mang tính “tối hậu thư” cho Ukraine và Phương Tây để tránh chiến tranh, với 4 điểm mấu chốt:

Điều gì nên xảy ra để, theo quan điểm của chúng tôi, tình hình được xem xét giải quyết theo quan điểm lịch sử lâu dài, để chúng ta có thể sống trong hòa bình, không để xảy ra bất kỳ cuộc xung đột nào, đặc biệt là những cuộc xung đột vũ trang”, ông Putin nói.

Trước tiên, theo ông, mọi người nên công nhận Crimea bị chiếm đóng là của Nga. Thứ hai, Ukraine phải tự nguyện từ bỏ tư cách thành viên NATO. Thứ ba, “giải quyết vấn đề Donbass thông qua các cuộc đàm phán và thực hiện các thỏa thuận Minsk”, nhưng điều này, theo Putin, “đã không còn phù hợp”.

“Và cuối cùng, điều quan trọng nhất, điều thứ 4. Mọi thứ đã nói ở trên có thể được lật ngược trong một giây nếu những người được gọi là đối tác của chúng tôi bơm cho chính quyền Kiev những loại vũ khí hiện đại. Do đó, điểm quan trọng nhất là mức độ nhất định về việc phi quân sự hóa Ukraine ngày nay”.

Bốn điều kiện mà ông Putin đưa ra, Ukraine khó mà chấp nhận, nguyên tắc nhất là toàn vẹn lãnh thổ. Và như ông Putin đe doạ “mọi thứ đã nói ở trên có thể được lật ngược trong một giây”.

Ai cũng biết, NATO không bao giờ dám gây chiến tranh với Nga, tổng thống Mỹ cũng đã tuyên bố rõ ràng như vậy. Trong trường hợp Nga tấn công Ukraine, Anh, Mỹ đều công khai tuyên bố không mang quân trợ giúp, chẳng những thế các nước Phương Tây đã sơ tán cả nhân viên ngoại giao và cảnh báo công dân của họ rời khỏi Ukraine. Còn Ukraine thì không bao giờ có thể đe doạ hay tấn công được Nga. Nhưng điều 4 đã cho thấy ông Putin lo sợ Ukraine có vũ khí hiện đại. Ông muốn Ukraine không có được khả năng quân sự đủ để cầm cự được sự tấn công chớp nhoáng của Nga. Và như vậy, Ukraine luôn nằm trong thế thần phục ông Putin.

Từ năm 1991, sau khi Liên Xô tan rã, Ukraine đã chung sống với LB Nga mà không hề có ý định gia nhập NATO. Ý định gia nhập NATO chỉ xuất hiện sau khi ông Putin xâm chiếm Crimea và sát nhập vào LB Nga năm 2014. Chính ông Putin đã đẩy Ukraine vào thế phải tìm kiếm NATO để bảo vệ lãnh thổ.

Nhưng thực chất, vấn đề Ukraine chưa bao giờ được nằm trên bàn NATO để thảo luận. Có hai điều khoản của NATO mà Ukraine khó vượt qua. Một là, NATO không kết nạp các thành viên đang có tranh chấp lãnh thổ. Hai là, chỉ cần một nước trong NATO phủ quyết là không được thông qua. Không ít các thành viên trong NATO không chấp nhận Ukraine vì quan hệ với Nga.

Nhưng bây giờ, khi ông Putin công khai đưa quân vào Donbass, thì khát vọng gia nhập NATO của Ukraine còn lớn hơn, và vấn đề gia nhập NATO của Ukraine có thể ở một tình thế khác.

Còn nói về tên lửa của NATO, thì ba nước Ban-tích thành viên NATO là Litva, Latvia, Estonia nằm cạnh Saint Petersburg, gần Matxcova như Kiev. Tất cả các lý do đưa ra đều là lý lẽ của kẻ mạnh.

III. TUYÊN BỐ CỦA TỔNG THỐNG UKRAINE ZELENSKY

Sau phát biểu mang tính “tối hậu thư” của ông Putin, vào lúc 22 giờ ngày 22/2/2022, Tổng thống Ukraine Zelensky đã có bài phát biểu dưới đây.

“Dân tộc tự do của đất nước tự do!

Tôi đã hứa rằng chúng ta sẽ thường xuyên trao đổi với nhau, và quan trọng nhất là trao đổi một cách thành thật.

Hiện giờ là 22h, giờ Kiev. Như đã hứa, tôi xin được báo cáo lại tất cả các hoạt động của chúng tôi một cách rõ ràng để các bạn hiểu chính xác những gì đang diễn ra ở Ukraine và cả ở ngoài biên giới của chúng ta.

Ngày hôm qua, Liên bang Nga đã công nhận độc lập cho những thực thể hình thành tại khu vực bị chiếm đóng trên lãnh thổ Ukraine. Ngày hôm nay họ đã phê chuẩn cái gọi là “Thỏa thuận” và cho phép tổng thống Nga có thể sử dụng quân đội ở nước ngoài, nghĩa là ở Donbas, thuộc lãnh thổ Ukraine. Bằng vào việc đó, họ chính thức thay lời dối trá “chúng tôi không có ở đó” bằng “Dù sao chúng tôi vẫn ở đây”. Quyết định này được tất cả họ đồng thuận. Như thế là đã rõ, ai là bên muốn hòa bình trên trái đất này, còn ai là bên muốn chia chác lại đất đai.

Với quyết định này của họ, trên thực tế Nga đã rời bỏ mọi thỏa thuận Minsk, thỏa thuận mà theo lời của họ là không có gì có thể thay thế. Còn đối với cá nhân tôi, kết thúc chiến tranh mới không thể khác được chứ không phải là cơ sở hay định dạng để đàm phán. Vì vậy, tôi sẵn sàng đàm phán cả ở các cuộc đàm phán song phương lẫn các cuộc đàm phán có sự tham gia của các nhà lãnh đạo khác. Nhưng tôi xin nhấn mạnh rằng, đối với tôi, điều quan trọng nhất là chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Trước tiên, chúng tôi đã đề nghị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc với sự tham gia của Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức. Phần lớn các thành viên tham gia Hội nghị thượng đỉnh đều ủng hộ sáng kiến này, trong đó có tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.

Đồng thời các đối tác của Ukraine cũng cho thấy rõ, không còn con đường nào khác ngoài việc áp dụng các chế tài đối với Liên bang Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua các chế tài đối với những thực thể khủng bố LDNR, còn Anh quốc đã công bố các chế tài khác đối với các ngân hàng và các tài phiệt thân hữu. Phía Đức cũng đình chỉ việc cấp phép đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương bắc -2”. Cannada cũng cho biết, sẽ áp dụng chế tài với Liên bang Nga vì sự vi phạm trắng trợn toàn vẹn lãnh thổ Ukraine.

Tôi cũng xin cảm ơn mọi giúp đỡ tài chính từ Mỹ, Canada, Anh, Pháp, Nhật và Ngân hàng thế giới. Đây là những nguồn tài chính để bảo đảm sự vững vàng cho nền kinh tế Ukraine.

Liên quan đến an ninh và quốc phòng.

Cho đến hôm nay, việc tổng động viên trên toàn quốc là chưa cần thiết. Hiện tại, chúng ta chỉ cần tích cực hoàn thiện quân đội và các tổ chức quân sự khác.

Với tư cách là Tư lệnh tối cao của các lực lượng vũ trang Ukraine, tôi ban hành lệnh triệu tập quân số dự bị trong giai đoạn đặc biệt. Xin nhấn mạnh, chỉ những người thuộc lực lượng dự bị chiến đấu liên quan đến sắc lệnh này. Chúng ta cần nâng cao tính sẵn sàng chiến đấu cho quân đội trong mọi bối cảnh. Trong những ngày tới, sẽ tổ chức tập huấn quân sự cho các lực lượng dự bị ở địa phương.

Chúng ta cũng cần làm việc và đóng góp cho nền kinh tế Ukraine để có thể bảo đảm một quân đội vững mạnh. Người yêu nước không chỉ là những người chiến đấu với kẻ thù bảo vệ quê hương, mà còn là những người làm việc đóng góp vật chất và tạo ra công ăn việc làm cho đất nước. Do đó, nhà nước quyết định thực thi Chương trình kinh tế yêu nước. Đây là những ưu đãi đối với nền sản xuất nước nhà.

Mục đích chương trình kinh tế này hỗ trợ một số lĩnh vực sản xuất, giảm nhẹ gánh nặng thuế má và hạn chế thanh tra doanh nghiệp. Sự ưu đãi này nhằm thu hút nguồn lực của nhân dân đầu tư vào kinh doanh và hệ thống ngân hàng. Nhà nước cũng sẽ giảm thuế giá trị gia tăng cho xăng dầu. Mục đích của chúng ta là có một nền kinh tế độc lập, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Đã đến lúc mọi chính trị gia đều phải trở thành nhà hoạt động chính sách. Hãy vứt bỏ mọi tham vọng cá nhân để vì lợi ích quốc gia. Tôi đã trao đổi với những người đứng đầu các đảng phái chính trị, mọi người đều hiểu rõ rằng, hiện tai, trong quốc hội chỉ cần một liên minh duy nhất – đó là liên minh quân sự: đồng lòng, đưa ra những quyết định quan trọng và nhanh chóng để có một nền kinh tế vững mạnh và nâng cao khả năng quốc phòng của đất nước. Từ hôm nay, mọi đảng phái đều đứng dưới một màu cờ – màu xanh – vàng của chúng ta.

Ngày mai, tôi sẽ gặp gỡ với 50 doanh nghiệp hàng đầu. Tất cả các doanh nghiệp này cần ở lại trong nước. Nhà máy, xí nghiệp của họ nằm trên lãnh thổ Ukraine mà quân đội chúng ta có trách nhiệm bảo vệ. Do đó, các doanh nghiệp cũng có trách nhiệm bảo vệ nền kinh tế và tạo thêm công ăn việc làm. Tất cả đồng lòng vực dậy và củng cố nền kinh tế. Mỗi người đều ở trên mặt trận của mình.

Đồng bào kính mến!

Ukraine là một dân tộc hiền lành, Chúng ta thích yên ổn. Nhưng nếu hôm nay chúng ta im lặng, ngày mai chúng ta sẽ bị tiêu diệt. Chờ đợi phía trước chúng ta là những tháng ngày khó khăn, vất vả. Nhưng chúng ta đã sẵn sàng. Hãy tự tin vào bản thân. Hãy tin vào đất nước và tin vào chiến thắng!

Đừng than vãn mà hãy chiến thắng!

Vinh quang Ukraine!

Volodymyr Zelensky”

22.02.2022.

(https://www.rbc.ua/rus/news/zelenskiy-zapisal-ocherednoe-obrashchenie-1645564980.html, bản dịch của Nguyễn Hồng Giang).

Về quan điểm phía Nga, truyền thông Việt Nam đã đưa nhiều, còn quan điểm phía Ukraine thì ít được nhắc đến. Để có thêm thông tin, xin giới thiệu ý kiến của Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam, bà Natalia Zhynkina – một công dân từ Lugansk của Ukraine.

Bà Natalia Zhynkina khẳng định: “Trong mọi trường hợp, chúng tôi sẽ bảo vệ đất mẹ của mình và dựa vào sự hỗ trợ của quốc tế”.

Breaking News: Putin công nhận hai khu vực ly khai, Biden phản pháo trừng phạt kinh tế

Breaking News: Putin công nhận hai khu vực ly khai, Biden phản pháo trừng phạt kinh tế

February 21, 2022

MOSCOW, Nga (NV) – Tổng Thống Joe Biden phản ứng nhanh chóng trước việc Tổng Thống Nga Vladimir Putin tuyên bố công nhận nền độc lập của hai khu vực ly khai ở miền đông Ukraine, một hành động có thể mở màn cho một cuộc xâm lăng mà Mỹ đã cảnh báo trong suốt thời gian vừa qua.

Toà Bạch Ốc cho biết ông Biden sẽ sớm ban hành lệnh “cấm người Mỹ đầu tư, thương mại và tài chính kể cả đầu vào hoặc ra” hai khu vực Donetsk và Luhansk, nằm dưới sự kiểm soát của phe ly khai do Nga hậu thuẫn, vừa được ông Putin công nhận.

Toà Bạch Ốc cho biết Tổng Thống Joe Biden sẽ ban hành cấm vận kinh tế Donetsk và Luhansk, hai khu vực vừa được Nga công nhận độc lập. (Hình: Anna Moneymaker/Getty Images)

Bà Jen Psaki, phát ngôn viên Toà Bạch Ốc, cho biết như trên vào Thứ Hai, 21 Tháng Hai, đồng thời nói thêm rằng Washington “cũng sẽ sớm công bố các biện pháp bổ sung liên quan đến sự vi phạm trắng trợn các cam kết quốc tế của Nga hiện nay.”

“Nói rõ hơn: những biện pháp này riêng biệt và bổ sung cho các biện pháp cấm vận kinh tế một cách nhanh chóng và nghiêm ngặt mà Mỹ đã và đang chuẩn bị với sự phối hợp với đồng minh và các quốc gia đối tác nếu Nga xâm lăng Ukraine,” bà Psaki nhấn mạnh.

Ông Vladimir Putin, tổng thống Nga, cũng vào hôm Thứ Hai lên tiếng yêu cầu các nhà lập pháp nước này công nhận hai khu vực ly khai, bước đầu thiết lập cớ để mở cuộc xâm lăng Ukraine, theo NPR.

Hành động công nhận độc lập trên của ông Putin cho phép phe ly khai chính thức mời quân đội Nga vào trong vùng lãnh thổ miền Đông của Ukraine.

Trong tuyên bố của nhà lãnh đạo điện Kremlin, ông gọi tên hai vùng lãnh thổ đòi ly khai khỏi Uraine là Cộng Hoà Nhân Dân Luhanks và Cộng Hoà Nhân Dân Donetsk. Cả hai khu vực này đều là những vùng lãnh thổ tự trị bởi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn ở vùng Donbas, miền Đông Ukraine, sau khi các cuộc giao tranh với chính phủ Kiev vào năm 2014.

Tổng Thống Nga Vladimir Putin. (Hình: Mikhail Klimentyev/Sputnik/AFP via Getty Images)

Tuyên bố của Nga công nhận độc lập hai vùng lãnh thổ này là một sự leo thang nghiêm trọng thủ tiêu các thoả thuận hiệp định Minsk, hồi 2015, mà nhiều người tin rằng có thể giúp tìm ra một cách ngoại giao thoát khỏi bế tắc hiện tại. 

Ông Putin đã gọi điện thoại cho Thủ Tướng Đức Olaf Scholz và Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron hôm Thứ Hai để thông báo việc công nhận nền độc lập của Donetsk và Luhansk, theo ký giả Rob Schmitz của NPR đưa tin từ Berlin. 

Thủ Tướng Scholz tuyên bố hành động này sẽ dẫn đến vi phạm một phía các thỏa thuận Minsk, đồng thời thúc giục Putin rút quân đội Nga khỏi biên giới Ukraine để giảm căng thẳng.

Ông Boris Johnson, thủ tướng Anh, gọi quyết định của ông Putin là “một dấu hiệu cho thấy mọi thứ đang đi sai hướng ở Ukraine,” theo BBC đưa tin.

“Nước Anh sẽ tiếp tục làm mọi thứ có thể để đứng về phía người dân Ukraine, bao gồm cả việc chuẩn bị các biện pháp trừng phạt và củng cố sườn phía đông của NATO,” vị thủ tướng của Anh tuyên bố.

Trong một tuyên bố, Nga cho rằng Ukraine đang thực hiện một “cuộc diệt chủng” ở tại vùng Donbask và Tổng Thống Putin có thể cử quân đội đến để ứng cứu. 

Phía Hoa Kỳ, trong những ngày qua, đã mô tả những tuyên bố của Nga như trên báo hiệu một cuộc xâm lăng Ukraine sẽ được tiến hành bất kỳ ngày nào.

Tin tình báo Mỹ cho biết Nga tập trung tới 190,000 quân ở biên giới với Ukraine. 

Washington và các đồng minh phương Tây đã cảnh báo về các biện pháp trừng phạt nếu Nga vượt biên giới của Ukraine. (MPL)

ĐGH Phanxicô mở dành lời cầu nguyện cho thành phố của Ba Tây bị lở bùn khiến hơn 100 người chết

ĐGH Phanxicô mở dành lời cầu nguyện cho thành phố của Ba Tây bị lở bùn khiến hơn 100 người chết

Ít nhất 117 người đã thiệt mạng vì lở bùn và lũ lụt ở thành phố Petrópolis gần Rio de Janiero ở Ba Tây.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một bức điện tới Đức Giám mục Petrópolis Gregório Paixão Neto, do Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Vatican ký.

Ngài viết rằng Đức Giáo hoàng gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân và chia sẻ nỗi đau của tang quyến. Ngài cũng cầu chúc sự thanh thản và niềm hy vọng của người Kitô giáo cho tất cả những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.

Kể từ tháng Mười Hai, mưa lớn đã dẫn đến lũ lụt và lở đất chết người trên khắp Ba Tây.

Tại Petrópolis, hơn 700 người đã phải rời bỏ nhà cửa và hiện đang phải trú ẩn trong các trường học và các khu nhà tạm. Nhà chức trách cho biết hơn 100 người vẫn mất tích.

Jos. Nguyễn Minh Sơn

Tình báo Estonia: Nga có thể tấn công quân sự ‘chừng mực’ vào Ukraine

VOA Tiếng Việt

Nga đang tiếp tục điều quân đến biên giới Ukraine và có thể sẽ mở một cuộc tấn công quân sự “chừng mực” nhắm vào Ukraine, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Estonia cho hay.

Cuộc tấn công sẽ bao gồm pháo kích bằng phi đạn và chiếm “địa hình quan trọng” tại Ukraine, ông Mikk Marran, tổng giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài Estonia, nói.

“Hiện nay, chúng tôi đánh giá là họ sẽ tránh những thành phố đông dân, vì phải mất nhiều quân để kiểm soát những khu vực này. Nhưng không biết rõ là binh sĩ Nga sẽ khai thác đường nào,” ông nói tại một cuộc họp báo.

Một khả năng khác có thể là gia tăng cường độ giao tranh tại hai vùng ly khai ở đông Ukraine mà Nga hậu thuẫn, theo tình báo Estonia. Leo thang như vậy “rất có khả năng xảy ra”, và theo cách này “Nga có thể phủ nhận chính đáng và tránh chế tài,” ông Marran nói.

“Nếu Nga thành công tại Ukraine, thì sẽ càng khuyến khích họ tăng áp lực lên vùng Baltic trong những năm tới,” ông nói. “Đe dọa chiến tranh đã trở thành công cụ chính sách chủ chốt của ông Putin.”

Tình báo Estonia biết có khoảng 10 quân đoàn chiến đấu của quân đội Nga tiến về biên giới Ukraine, nơi đã triển khai 100 quân đoàn chiến đấu Nga tức khoảng 170.000 binh sĩ, ông Marran cho hay.

Số này gồm những binh sĩ thường xuyên được triển khai tại các khu vực xung quanh Ukraine, nhưng cũng có cả các binh sĩ tại Belarus mà Nga đưa đến để tập trận gần biên giới Ukraine.

Một số binh sĩ có thể ở lại Belarus quá ngày 20/2 kết thúc cuộc tập trận, một lo ngại đáng kể cho liên minh NATO mà trong đó có các nước vùng Baltic, ông Marran nói. “Việc này sẽ giảm bớt thời gian chuẩn bị cho một cuộc tấn công vào khu vực Baltic.”

Cờ Ukraine dài 200 mét được trưng bày tại sân vận động Olympiyskiy ở Kyiv, Ukraine, nhân Ngày Đòan kết 16/2/2022.

Sử gia Harari: Hướng đi của nhân loại đang được quyết định tại Ukraina (RFI)

Sử gia Harari: Hướng đi của nhân loại đang được quyết định tại Ukraina

Đăng ngày: 13/02/2022 

Sử gia Yuval Noah Harari. © wikipedia

Trọng Thành

Những tuần lễ đầu tiên của năm 2022, khi đại dịch Covid-19 có phần tạm lắng sau 2 năm hoành hành, nhân loại lại đứng trước một đe dọa lớn mới đáng sợ hơn bội phần : Chiến tranh. Nguy cơ nước Ukraina bị xâm lăng không chỉ là đại họa với người dân của riêng quốc gia này cùng những khu vực xung quanh, mà còn đe dọa toàn bộ thành tựu của thế giới từ hơn nửa thế kỷ qua: Nền hòa bình.

Đối với sử gia nổi tiếng người Israel, Yuval Noah Harari (*), « thành tựu chính trị lớn nhất » của nhân loại trong bảy thập niên qua là « tình trạng suy tàn của chiến tranh ». Chiến tranh, chinh phạt, xâm chiếm lãnh thổ, cướp bóc tài nguyên, lấy bạo lực để bảo đảm vị thế, sự thịnh vượng, bảo đảm vinh quang, vốn từng là hoạt động hết sức phổ biến trong lịch sử nhân loại hàng ngàn năm nay. Luật Rừng, nơi mạnh được yếu thua, đã từng là nguyên tắc chủ yếu chi phối lịch sử nhân loại trong một thời gian dài. Tuy nhiên, theo sử gia Harari, trong vòng một vài thế hệ gần đây, thế giới đã chuyển sang một hướng đi hoàn toàn khác, một thay đổi triệt để. Cụ thể là một bộ phận lớn của giới tinh hoa lãnh đạo thế giới hiện nay tin tưởng là chiến tranh là « cái ác có thể tránh được ».

Cho dù chiến tranh vẫn tiếp diễn giữa một số quốc gia, trong nội bộ một số quốc gia, nhưng xu thế chung của giai đoạn lịch sử hơn nửa thế kỷ qua là nền hòa bình đã trở thành tình trạng phổ biến, và chiến tranh xâm lược ngày càng trở nên chuyện gần như không thể. Theo tác giả, « sự suy tàn của chiến tranh » không phải là kết quả của một phép màu hay sự thay đổi của các quy luật mang tính tự nhiên, mà chính là do sự lựa chọn của con người.

Yuval Noah Harari sống tại Trung Đông, một khu vực mà bạo lực chiến tranh xảy ra khá thường xuyên. Tác giả phân biệt những gì là « ngoại lệ » với xu thế chung. Theo tác giả, « nền hòa bình mới » là điều chưa từng có với nhân loại. Chiến tranh xâm lược khó xảy ra hơn hiện nay khi tri thức đã trở thành « nguồn lực chủ yếu tạo ra của cải », chứ không còn là tài nguyên thiên nhiên như trước đây. Giờ đây, bạo lực do chiến tranh khiến ít người chết hơn là tai nạn giao thông hay bệnh béo phì. Chi phí cho giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội nhiều hơn hẳn ngân sách cho vũ trang, vốn chiếm tỉ lệ lớn nhất trong ngân sách của giới cầm quyền các thời kỳ lịch sử trước đây.

Yuval Noah Harari nhấn mạnh là « nền hòa bình mới » chưa từng có với nhân loại đang bị đe dọa: « Sự trỗi dậy của vũ khí mạng, các nền kinh tế do trí tuệ nhân tạo điều khiển và việc tái quân sự hóa nền văn hóa của chúng ta có thể mở ra một kỷ nguyên chiến tranh mới, tồi tệ hơn rất nhiều so với bất kỳ điều gì chúng ta từng biết trước đây ». Theo ông, hướng đi của nhân loại sẽ bị đảo chiều, nếu chiến tranh xâm lược bùng nổ tại Ukraina.

Tuy nhiên, nhà sử học nổi tiếng với tiếp cận lịch sử toàn cầu, xuyên nhiều thiên niên kỷ, cũng tin tưởng là chiến tranh, Luật Rừng không phải quy luật có trong tự nhiên, mà là sự lựa chọn của con người. Con người đã tạo lập được « nền hòa bình » kéo dài hơn nửa thế kỷ. Chiến tranh không phải là định mệnh, Luật Rừng không phải là luật tự nhiên. Khả năng hợp tác và xây dựng nền dân chủ có thể giúp cho nhân loại bảo vệ được hòa bình. Việc người dân Ukraina bất ngờ dựng nên nền dân chủ non trẻ, trỗi dậy lạ kỳ sau hàng thế kỷ bị đàn áp tưởng như không ngóc đầu lên được, cho thấy Ukraina có thể mang lại cho nhân loại những bài học bất ngờ.

Sau đây, xin giới thiệu với quý độc giả góc nhìn của sử gia Yuval Noah Harari trên The Economist, qua bài « Yuval Noah Harari argues that what’s at stake in Ukraine is the direction of human history » (tạm dịch là « Sử gia Harari: Hướng đi của lịch sử nhân loại đang được quyết định tại Ukraina »). Phần chuyển dịch dựa trên bản dịch tiếng Pháp trên Courrier International).

***

HƯỚNG ĐI của NHÂN LOẠI ĐANG ĐƯỢC QUYẾT ĐỊNH tại UKRAINA

Thành tựu chính trị lớn nhất của nhân loại trong bảy thập niên qua là tình trạng suy tàn của chiến tranh. Thành tựu đó hiện đang gặp nguy hiểm.

Trong tâm điểm của cuộc khủng hoảng Ukraina, có một câu hỏi căn bản liên quan đến bản chất của lịch sử và bản chất của nhân loại : Đó là thay đổi là có thể hay không thể ? Con người có thể thay đổi được ứng xử của mình ? hay lịch sử rút cục chỉ là sự lặp lại không ngừng, bởi nhân loại bị kết án mãi mãi lắp lại các bi kịch trong quá khứ, mà không có thể làm gì để thay đổi cả, có chăng chỉ là những gì không căn bản ?

Có một trường phái tư tưởng phủ nhận triệt để khả năng thay đổi của con người. Theo trường phái này, thì thế giới tuân theo Luật Rừng, nơi các loài mạnh ăn thịt các loài yếu, và sức mạnh vũ trang là phương tiện duy nhất ngăn cản một quốc gia này nuốt chửng một quốc gia khác. Lịch sử đã là như vậy, và sẽ luôn luôn tiếp tục là như vậy. Những ai không tin vào Luật Rừng sẽ không chì sống trong ảo ảnh, mà còn khiến sự tồn tại của chính mình lâm nguy. Họ sẽ không thể sống sót.

Một trường phái tư tưởng khác khẳng định rằng cái gọi là luật cạnh tranh sinh tồn đúng là rất phổ biến, nhưng lại không phải là một quy luật tự nhiên. Chính con người đã tạo ra nó, và như vậy con người có thể thay đổi nó. Ngược với những ý tưởng sai lầm đang tồn tại, theo các dấu hiệu khảo cổ học xưa nhất không thể phản bác, hoạt động chiến tranh có tổ chức chỉ xảy ra vào khoảng 13.000 năm trước Công nguyên. Và ngay cả sau niên đại này, trong nhiều khoảng thời gian dài, khó tìm thấy các dấu vết khảo cổ về chiến tranh. Ngược hẳn với « trọng lực » (một quy luật tự nhiên), chiến tranh không phải là một sức mạnh vốn có của thiên nhiên. Sự tồn tại của chiến tranh, mức độ căng thẳng của chiến tranh phụ thuộc vào các yếu tố công nghệ, kinh tế và văn hóa ngầm ẩn. Và khi các yếu tố này thay đổi thì chiến tranh cũng thay đổi.

Tri thức, nguồn lực chủ yếu sáng tạo ra của cải

Có nhiều bằng chứng cho sự thay đổi này xung quanh chúng ta. Trong vòng một vài thế hệ, vũ khí hạt nhân đã biến chiến tranh giữa các siêu cường thành một nguy cơ tự sát tập thể điên rồ. Đây là điều buộc các quốc gia hùng mạnh nhất hành tinh phải tìm ra các phương tiện ít bạo lực hơn để giải quyết các xung đột. Nếu như các cuộc chiến tranh giữa các đại cường, như kiểu Thế chiến Hai hay cuộc chiến tranh Punic lần thứ hai (từ 218 đến 201 trước Công Nguyên, tại Bắc Phi và Nam Âu, giữa Carthage và đế quốc La Mã –  người dịch bổ sung) đã từng là một đặc điểm nổi trội trong phần lớn lịch sử, thì 70 năm gần đây chưa từng chứng kiến bất cứ một xung đột trực tiếp nào giữa các đại cường.

Trong cùng một giai đoạn, nền kinh tế thế giới, trước đây vốn dựa vào các nguồn tài nguyên, nay đã chuyển hướng sang dựa vào tri thức. Trong lúc trước kia các nguồn tài nguyên chính là các tài sản vật chất, như mỏ vàng, đồng ruộng, các giếng dầu, thì giờ đây nguồn tài nguyên chính là tri thức. Mà, nếu như có thể dùng vũ lực để chiếm lĩnh các mỏ dầu, thì lại không thể làm như vậy với tri thức. Chính vì vậy, chinh phục lãnh thổ giờ đây ít mang lại lợi ích hơn.

Cuối cùng thì văn hóa thế giới đã trải qua một giai đoạn biến chuyển dữ dội. Trong lịch sử, một bộ phận lớn của giới tinh hoa – ví dụ như các thủ lĩnh của người Hun, người Viking, hay giới quý tộc La Mã – đã từng cho chiến tranh là điều tốt. Từ Sargon Đại Đế vùng Lưỡng Hà đến nhà độc tài Ý Benito Mussolini, các nhà lãnh đạo thường tìm kiếm danh tiếng bất tử thông qua các cuộc chinh phạt (…). Một số thành phần tinh hoa khác, như Giáo hội Thiên Chúa giáo, từng coi chiến tranh là cái ác không thể tránh được.

Tuy nhiên, trong vòng một vài thế hệ trở lại đây, lần đầu tiên thế giới được lãnh đạo bởi một bộ phận giới tinh hoa coi chiến tranh là một cái ác có thể tránh được. Cả các tổng thống Mỹ George W. Bush và Donald Trump, chưa kể đến những người như thủ tướng Đức Merkel và thủ tướng New Zealand Ardern. Đó là những chính trị gia khác hẳn với Attila Rợ Hung hay Alaric đệ nhất, vua của tộc Goth (tức các thủ lĩnh quân sự lừng danh châu Âu thế kỷ V – người dịch). Các chính trị gia đương đại (như Merkel nay Ardern) nhìn chung lên nắm quyền nhờ việc nuôi dưỡng niềm tin trong công chúng vào ước mơ có được các cải cách trong nước hơn là tiến hành các cuộc chinh phạt bên ngoài. Trong lúc đó, những cây đại thụ trong các lĩnh vực nghệ thuật và tư tưởng – từ danh họa Pablo Picasso đến nhà điện ảnh bậc thầy Stanley Kubrick – nổi tiếng đặc biệt là do đã mô tả sự ghê rợn phi lý của chiến tranh, hơn là tôn vinh những người gây ra chiến tranh.

Đường ăn khiến nhiều người chết hơn là thuốc súng

Tiếp theo những thay đổi như vậy, phần lớn các chính quyền đã ngừng coi các cuộc chiến tranh xâm lược, như một công cụ có thể dùng đến để bảo vệ các lợi ích của họ, và đa số các quốc gia cũng ngừng nuôi dưỡng tham vọng chinh phạt và sát nhập lãnh thổ của các láng giềng. Sẽ là sai lầm khi tin rằng lực lượng quân sự duy nhất đủ để ngăn cản Brazil chinh phục Uruguay, hoặc Tây Ban Nha xâm lược Maroc.

Các thống kê cho thấy sự suy tàn của chiến tranh không thiếu. Từ năm 1945, tương đối hiếm có việc các biên giới quốc tế bị vẽ lại do một cuộc xâm lược, và không có một quốc gia nào bị xóa sổ khỏi bản đồ do một cuộc xâm lặng từ bên ngoài. Dĩ nhiên là có nhiều loại xung đột khác, như nội chiến và nổi dậy. Tuy nhiên, ngay cả khi tính tổng cộng tất cả các nạn nhân của những cuộc chiến như vậy trong 20 năm đầu của thế kỷ XXI, bạo lực chiến tranh khiến ít người chết hơn là nạn tự sát, tai nạn giao thông hay bệnh tật liên quan đến béo phì. Giờ đây thuốc súng khiến ít người chết hơn là đường.

Tính chính xác của các số liệu này là đối tượng tranh luận trong giới khoa học, nhưng cần vượt ra khỏi chuyện này để nhắm đến câu chuyện căn bản hơn. Sự suy tàn của chiến tranh không chỉ là câu chuyện thống kê mà cũng là một hiện tượng tâm lý. Trước hết, có thể thấy có một thay đổi kỳ lạ trong bản thân nghĩa của từ « hòa bình », như một hệ quả. Trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại, « thời bình » đã từng là đồng nghĩa như « sự vắng mặt tạm thời của chiến tranh ». Năm 1913, khi mọi người nói rằng đã có « hòa bình » giữa Pháp và Đức, thì điều đó có chỉ nghĩa là hai quân đội Pháp và Đức đang trong tình trạng không đụng độ trực tiếp, nhưng tất cả đều hiểu rằng chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Kể từ vài thập niên trở lại đây, « hòa bình » cuối cùng đã mang nghĩa « chiến tranh là bất khả thi ». Nhiều quốc gia ngày nay khó lòng hình dung được là họ có thể bị xâm lược và chinh phục bởi các nước láng giềng. Tôi là người sống ở vùng Trung Đông, vì vậy tôi biết rõ rằng có những ngoại lệ với xu hướng này. Nhưng việc xác định các xu hướng cũng quan trọng không kém việc chỉ ra các trường hợp ngoại lệ.

Khi con người có những lựa chọn đúng hơn

« Nền hòa bình mới » không còn là một trạng thái bất thường xét về mặt thống kê, và cũng không còn là một ảo tưởng của giới hippy. Các ngân sách – được tính toán một cách lạnh lùng – cung cấp các bằng chứng rõ ràng nhất cho điều này. Trong những thập kỷ gần đây, các chính phủ trên toàn thế giới đã cảm thấy đủ an toàn khi chỉ chi trung bình 6,5% ngân sách cho vũ trang, và chi nhiều hơn hẳn cho giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội. Điều mà chúng ta có thể dễ dàng coi là chuyện đương nhiên, trong khi đây là một điều mới lạ đáng kinh ngạc, nếu xét trên toàn bộ lịch sử nhân loại. Trong hàng nghìn năm, chi tiêu quân sự đã từng là khoản chi lớn nhất trong ngân sách của các hoàng tử, các đại hãn, các quốc vương, hoàng đế. Họ hiếm khi chi tiền cho giáo dục hoặc chăm sóc y tế cho đại chúng.

Sự suy tàn của chiến tranh không phải là kết quả của một phép màu thần thánh hay sự thay đổi của các quy luật tự nhiên. Mà đó là bởi vì con người đã có những lựa chọn tốt hơn. Có thể nói, chắc chắn đây là thành tựu chính trị và đạo đức vĩ đại nhất của nền văn minh hiện đại. Nhưng thật không may, bởi nếu điều đó được sinh ra bởi sự lựa chọn của con người thì cũng có nghĩa là nó có thể bị đảo ngược.

Công nghệ, nền kinh tế và văn hóa tiếp tục phát triển. Sự trỗi dậy của vũ khí mạng, các nền kinh tế do trí tuệ nhân tạo điều khiển và việc tái quân sự hóa nền văn hóa của chúng ta có thể mở ra một kỷ nguyên chiến tranh mới, tồi tệ hơn rất nhiều so với bất kỳ điều gì chúng ta từng biết trước đây. Để tận hưởng nền hòa bình, điều cần thiết là tất cả mọi người, hoặc hầu hết tất cả mọi người, có được những lựa chọn đúng đắn. Ngược lại, chỉ cần một người tham gia lựa chọn tồi có thể khiến chiến tranh bùng nổ.

Đây là lý do tại sao mối đe dọa xâm lược Ukraina của Nga có thể khiến tất cả cư dân trên hành tinh này lo lắng. Nếu các quốc gia hùng mạnh có thể đè bẹp các nước láng giềng yếu hơn mà không bị trừng phạt, thì các cảm xúc và hành vi trên toàn thế giới sẽ thay đổi. Hệ quả đầu tiên, và có lẽ là rõ ràng nhất, của sự quay trở lại của Luật Rừng sẽ là sự gia tăng mạnh chi phi quân sự gây bất lợi cho phần còn lại của thế giới. Số tiền đáng lẽ dành cho giáo viên, y tá và nhân viên xã hội sẽ được đầu tư vào xe tăng, tên lửa và vũ khí mạng.

Vòng xoáy luẩn quẩn có thể dẫn nhân loại chúng ta đến chỗ diệt vong

Việc quay trở lại luật rừng cũng sẽ làm suy yếu hợp tác toàn cầu, đặc biệt là khi liên quan đến việc ngăn chặn biến đổi khí hậu, hoặc điều chỉnh các công nghệ tiềm ẩn nguy hiểm như trí tuệ nhân tạo và kỹ thuật di truyền. Thật không dễ dàng để làm việc, khi phải sống cạnh các quốc gia đang chuẩn bị xóa sổ nước bạn khỏi bản đồ. Và khi biến đổi khí hậu và cuộc chạy đua trí tuệ nhân tạo tăng tốc, thì mối đe dọa xung đột vũ trang cũng sẽ chỉ có thể gia tăng, giam hãm chúng ta vào một cái vòng luẩn quẩn, có thể dẫn nhân loại chúng ta đến chỗ diệt vong. Nếu bạn tin rằng sự thay đổi lịch sử là điều không thể xảy ra và loài người chưa bao giờ rời khỏi rừng rậm và sẽ không bao giờ rời khỏi rừng rậm, thì sự lựa chọn sẽ là giữa chọn làm kẻ săn mồi hoặc chọn làm con mồi. Khi ấy nếu phải lựa chọn, hầu hết các nhà lãnh đạo sẽ thà đi vào lịch sử như những kẻ săn mồi đỉnh cao và bổ sung tên của họ vào cái danh sách thê thảm của thủ lĩnh các cuộc chinh phạt mà những học sinh nghèo phải học thuộc lòng để qua được các kỳ thi môn lịch sử.

Nhưng thay đổi cũng là điều có thể ? Có thể vì Luật Rừng là một sự lựa chọn chứ không phải là định mệnh ? Nếu như vậy, nhà lãnh đạo nào lựa chọn quyết định xâm lược quốc gia hàng xóm sẽ có một vị trí đặc biệt trong ký ức của nhân loại, tệ hơn rất nhiều so với Tamerlane (thủ lĩnh quân sự nổi tiếng tàn bạo (sinh 1336 – chết 1405), người sáng lập đế quốc Timurid ở vùng Ba Tư và Trung Á – người dịch bổ sung). Một kẻ như vậy sẽ đi vào lịch sử với tư cách là người phá bỏ thành tựu vĩ đại nhất của chúng ta. Sẽ đưa chúng ta trở lại thế giới của Luật Rừng, trong khi chúng ta tin tưởng là đã thoát khỏi nó.

Người Ukraina có nhiều điều để dạy chúng ta

Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra ở Ukraina. Nhưng với tư cách là một nhà sử học, tôi tin vào khả năng thay đổi. Đây không phải là niềm tin ngây thơ, mà là chủ nghĩa hiện thực. Điều duy nhất bất biến trong lịch sử loài người đó là sự thay đổi. Và về chủ đề này, người Ukraina có thể có điều gì đó để dạy chúng ta. Nhiều thế hệ người Ukraina chỉ biết đến chế độ chuyên chế và bạo lực. Họ đã phải chịu đựng hai thế kỷ dưới chế độ chuyên chế Sa hoàng (cuối cùng đã sụp đổ trong cơn đại hồng thủy của Thế chiến thứ nhất). Nỗ lực giành độc lập ngắn ngủi của dân Ukraina đã nhanh chóng bị đè bẹp bởi Hồng Quân, lực lượng đã khôi phục quyền thống trị của đế chế Nga. Sau đó, người Ukraina đã trải qua nạn đói khủng khiếp do chính sách « Holodomor » (1932 – 1933) (chính sách gây chết đói hàng loạt), sự khủng bố của chế độ Stalin, sự chiếm đóng của Đức Quốc xã và nhiều thập niên bị đè nén dưới chế độ toàn trị cộng sản. Khi Liên Xô sụp đổ, đã có mọi lý do để tin rằng người Ukraina sẽ một lần nữa đi theo con đường của chế độ chuyên chế tàn bạo, vì đó là những gì duy nhất mà họ đã biết được.

Nhưng dân Ukraina đã có một sự lựa chọn khác. Bất chấp sức nặng của lịch sử, bất chấp tình trạng nghèo đói cùng cực và bất chấp những trở ngại dường như không thể vượt qua nổi, người Ukraina đã thiết lập được một nền dân chủ. Ở Ukraina, không giống như ở Nga và Belarus, các ứng cử viên đối lập đã nhiều lần lên nắm quyền. Đối mặt với mối đe dọa của một chế độ ngả sang độc tài, trong những năm 2004 và 2013, người Ukraina đã hai lần nổi dậy để bảo vệ quyền tự do của mình. Nền dân chủ với dân Ukraina là hoàn toàn mới mẻ. Cũng giống như « nền hòa bình mới » (của nhân loại từ hơn nửa thế kỷ nay – người dịch). Cả hai đều mong manh và có thể sẽ không tồn tại lâu. Nhưng cả nền dân chủ và hòa bình đều là điều có thể thành công, và có thể bắt rễ sâu. Chúng ta đừng quên rằng những gì cũ hiện nay trước đây đã từng là cái mới. Tất cả đều phụ thuộc vào những lựa chọn của con người.

GHI CHÚ

(*) Yuval Noah Harari (sinh năm 1976) là giáo sư Khoa Lịch sử tại Đại học Hebrew Jerusalem. Ông là tác giả của ba cuốn sách bán chạy hàng đầu thế giới: Sapiens: Lược sử loài người (2014), Homo Deus: Lược sử tương lai (2016) và 21 bài học cho thế kỷ 21 (2018).

LIMA-PERU: Thành Phố Kỳ Lạ Nhất Hành Tinh: 600 Năm Mới Mưa Một Lần  

LIMA-PERU: Thành Phố Kỳ Lạ Nhất Hành Tinh: 600 Năm Mới Mưa Một Lần  

Thành phố Lima của Peru là thành phố duy nhất trên thế giới quanh năm không có mưa nhưng người dân vẫn sống rất tốt. Tại sao lại như vậy?

Nếu các bạn chưa biết thì Lima chính là thủ đô, là thành phố lớn nhất của Peru. Thành phố có diện tích 804,3 km², dân số chiếm 2/3 tổng số dân cả nước. Đây là trung tâm văn hoá, công nghiệp, tài chính và giao thông của Peru. Thành phố Lima sẽ rất bình thường nếu chúng ta không nhắc đến khí hậu của thành phố này. Khí hậu ở đây rất đặc biệt, quanh năm không có mưa nhưng lại không bao giờ bị khô hạn.

Lima là thủ đô, thành phố lớn nhất của Peru

Đến với thành phố Lima, bạn chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên khi thấy đa số nhà ở khu ổ chuột ở đây đều không có mái che. Thậm chí, có những nhà còn được tạo nên bằng cách dùng bìa cứng quây lại.

Tại sao nhà của họ lại không cần mái che? Điều này hoàn toàn xuất phát từ đặc điểm khí hậu của Lima. Do quanh năm không có mưa và khí hậu khá ôn hòa nên họ cảm thấy làm mái là điều không cần thiết cho lắm. Hơn nữa, cũng vì vậy mà ô và áo mưa ở đây gần như không được dùng đến.

Thành phố Lima có lịch sử rất lâu đời. Ngay từ năm 1535, nơi đây đã là thuộc địa của thực dân người Tây Ban Nha. Và tại đây đã có sự giao thoa giữa 2 nền văn hóa phương Tây và nền văn hóa bản địa cũ. Đến thế kỉ XVI và XVII, thành phố Lima đã rất phát triển, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng được cải thiện.

Tất nhiên, trong quá trình sinh sống người châu Âu đã nhanh chóng phát hiện ra sự kì lạ của thành phố này. Trong một trăm năm, họ chỉ thấy có một cơn mưa duy nhất. Thậm chí, nhiều người dân địa phương ở Lima còn chưa bao giờ thấy mưa trong suốt cuộc đời của họ. Không có mưa đã trở thành một điều rất hiển nhiên ở thành phố này, đó là lý do tại sao Lima còn có một cái tên khác,”Thành phố không mưa”.

Hiện tại, theo thống kê, lượng mưa trung bình năm ở Lima chỉ dao động từ 10mm-15mm. Con số này còn chưa bằng 1/5 lượng mưa trung bình năm của sa mạc Sahara, một trong những vùng khô hạn nhất thế giới.

Lần có mưa cuối cùng ở thành phố Lima đã xảy ra hơn 600 năm trước. Có thể nói hiện nay đây là thành phố duy nhất trên thế giới không mưa.

Tuy nhiên, khi thành phố Lima “mưa” thì cảnh tượng cũng rất độc đáo. Không phải mưa theo hạt, từng cơn từng cơn một mà chúng ta vẫn thấy, mà nó chỉ là lượng lớn sương mù bao phủ thành phố, và sẽ đọng lại trên đất tạo chút ẩm ướt mà thôi.

Tuy thành phố Lima có lượng mưa rất nhỏ nhưng lại là thành phố rất thích hợp cho người dân sinh sống và cư trú. Thành phố Lima tuy thuộc khí hậu sa mạc nhiệt đới nhưng nhiệt độ trung bình năm chỉ có 18 độ C, nhiệt độ trung bình tháng thấp nhất là 17 độ C, cao nhất cũng chỉ tới 24 độ C, rất thích hợp cho con người sinh sống. Mặc dù xung quanh thành phố Lima là sa mạc nhưng trong thành phố thì diện tích đất được phủ xanh khá nhiều và chất lượng không khí khá tốt.

Câu hỏi đặt ra là: Tại sao mưa ít như vậy nhưng thành phố Lima lại không bị khô hạn như những nơi khác?

Đó đều do ảnh hưởng từ vị trí địa lý có phần đặc biệt của thành phố. Tuy thành phố Lima nằm ở rìa cao cận nhiệt đới Nam Thái Bình Dương, nằm trong vùng nhiệt đới nhưng lại chịu ảnh hưởng của dòng khí lạnh của dòng hải lưu Peru.

Điều này cũng khiến hơi nước trên thành phố Lima trong khi bốc lên đã bị dòng khí lạnh chặn lại, không thể ngưng tụ thành các đám mây vũ tích, do đó không thể gây mưa. Chính vì vậy, thành phố Lima không những không khô hạn mà còn rất ẩm ướt vì có lượng hơi nước lớn.

Ngoài ra, do có vị trí gần biển, lại có con sông Mark nổi tiếng nên thành phố Lima có nguồn nước ngầm rất dồi dào, chưa bao giờ xuất hiện tình trạng thiếu nước. Ngược lại, nguồn nước ở đây luôn phong phú, không chỉ đủ sinh hoạt mà còn cung cấp đủ cho các hoạt động khác nữa.

Khi quan sát thành phố Lima từ trên cao, ta có thể thấy rõ ràng thành phố được bao quanh bởi sa mạc, bờ biển và cát vàng, tạo thành một cảnh quan tuyệt đẹp. Nếu bạn thấy thành phố này thú vị, bạn có thể ghé thăm thành phố không mưa này trong tương lai.

Thiên An

Đức Thánh Cha tiếp bà Edith Bruck, người sống sót sau vụ thảm sát Auschwitz

Giáo xứ Cần Giờ – DCCT

Đức Thánh Cha tiếp bà Edith Bruck, người sống sót sau vụ thảm sát Auschwitz

Chiều thứ Năm 27/01, Ngày Tưởng niệm Holocaust, tại Nhà trọ Thánh Marta, Đức Thánh Cha đã tiếp bà Edith Bruck, người sống sót sau vụ thảm sát Auschwitz.

Bà Edith Bruck năm nay 90 tuổi, hai phần ba cuộc đời sống Roma, là một nhà văn người Do Thái sinh tại Hungary. Bà là một trong những người sống sót sau vụ thảm sát Auschwitz.

Phòng Báo chí Toà Thánh cho biết, cuộc trò chuyện kéo dài khoảng một giờ với sự hiện diện của bà Olga trợ lý của bà Edith Bruck, và ông Andrea Monda, Giám đốc Báo Quan sát viên Roma.

Về nội dung cuộc trò chuyện, ông Andrea nói: “Buổi gặp gỡ xoay quanh các câu chuyện, giai thoại, kỷ niệm được nhắc lại. Nhưng trên hết cả hai nói về những ký ức và tầm quan trọng của việc truyền nó lại cho thế hệ trẻ, một thế hệ đang phải “ăn chay” lịch sử và bị dằn vặt bởi những bóng ma của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài Do Thái đang tái xuất hiện, thậm chí cả trên web”.

Giám đốc Báo Quan sát viên Roma nói thêm: “Cả hai đều nhấn mạnh giá trị không thể phủ nhận của việc truyền ký ức quá khứ cho thế hệ trẻ, ngay cả những khía cạnh đau đớn, để họ không rơi vào những thảm trạng tương tự”.

Đây là lần thứ hai Đức Thánh Cha gặp bà Bruck. Vào ngày 20/2/2021, Đức Thánh Cha đã bất ngờ đến thăm bà tại nhà riêng.

Ngoài những câu chuyện được chia sẻ, Đức Thánh Cha và bà Bruck còn tặng quà cho nhau. Đức Thánh Cha đã tặng cho bà Bruck món quà thực tế là chiếc khăn choàng len, vì theo ngài trời đang lạnh bà cần nó, và một mề đay được thực hiện cho ngài ở Giêrusalem. Còn bà Bruck thì tặng cho Đức Thánh Cha một ổ bánh mì được làm tại nhà, đó là “chiếc bánh bị mất”, tựa đề của một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của bà. Cuốn sách ra đời có liên hệ đến việc mẹ của bà đã làm ổ bánh này trước khi bà bị Đức Quốc xã bắt, nhưng hôm nay nó mang lại một ý nghĩa khác, được giới thiệu với Đức Thánh Cha là “Chiếc bánh được tìm thấy”, một biểu tượng của sự thanh thản được lấy lại mặc dù vẫn còn đó những ký ức về sự dữ. Ngoài ra bà còn tặng Đức Thánh Cha hai cuốn sách: “Những lá thư của mẹ tôi”, và tập thơ của thi sĩ người Hungary Miklós Radnóti được bà dịch.

Vatican New

THIÊN TÀI THẾ GIỚI: ELON MUSK

 THIÊN TÀI THẾ GIỚI: ELON MUSK

Phiên bản Iron Man đời thực: Từ gã ngông cuồng với “cái búng tay” làm rung lắc thị trường tài chính tới người hiện thực hóa giấc mơ cứu cả thế giới

Không phải người giàu nhất thế giới nào cũng được bình chọn là Nhân vật của năm và khối tài sản khổng lồ của Elon Musk cũng không phải lý do ông được TIME vinh danh năm nay. Đằng sau bình chọn đó là một câu chuyện dài, bao trùm nhiều vấn đề trên hành tinh và cả trên vũ trụ.

Elon Musk là người đàn ông giàu nhất thế giới, 1 tay chèo lái 2 công ty trị giá trên 100 tỷ USD nhưng không sở hữu bất cứ căn nhà nào. Trên đỉnh cao của cuộc đời, Musk liên tục bán bớt tài sản và chọn sống trong một chiếc xe vài mét vuông. Ông đưa nhiều vệ tinh, tàu vũ trụ vào quỹ đạo; ngồi trên chiếc xe do chính mình tạo ra mà không cần sử dụng xăng cũng như chẳng cần chạm tay vào vô lăng.

Chưa hết, thị trường tài chính thực sự ví Musk như một siêu anh hùng khi chỉ “cái búng tay”, người đàn ông này dễ dàng khiến chứng khoán và tiền số phải “dậy sóng”. Người đàn ông này ôm mộng thay đổi thế giới, thậm chí là thay đổi cả vũ trụ và đang đặt 1 tay vào giấc mơ ngông cuồng đó.

SpaceX – công ty khởi nghiệp của ông trong ngành hàng không – đã đi trước Boeing và nhiều cái tên lớn khác trong cuộc đua sở hữu tương lai du hành vũ trụ của nước Mỹ. Công ty xe hơi nằm trong tay ông – Tesla – đang dẫn đầu ngành công nghiệp xe điện và giữ 2/3 thị trường tiềm năng trị giá hàng tỷ USD này. Nó được định giá tới 1.000 tỷ USD.

Những thành công ấy đã giúp Elon Musk trở thành người giàu nhất thế giới, và giàu nhất lịch sử, với khối tài sản ròng hơn 250 tỷ USD. Ông còn là một “tay chơi” có tiếng trong lĩnh vực robot, năng lượng mặt trời, tiền số.

Elon đã dành cả cuộc đời mình để đối mặt với những người thù ghét và giờ đây, có vẻ như ông đã khiến họ thay đổi. Năm 2021 có thể xem là năm cởi trói cho Elon Musk.

Vào tháng 4, SpaceX đã giành được hợp đồng độc quyền của NASA trong việc đưa các phi hành gia Mỹ lên mặt trăng, lần đầu tiên kể từ năm 1972. Một tháng sau, Musk xuất hiện trong vai trò dẫn dắt chương trình Saturday Night Live.

Vào tháng 10, Hertz – gã khổng lồ cho thuê xe hơi thông báo kế hoạch bổ sung 100.000 chiếc xe của Tesla vào đội xe hiện có. Thậm chí, động thái bán ra cổ phiếu Tesla của ông còn khiến cả thị trường chấn động dù cái giá phải trả là hàng tỷ USD – số tiền đủ để tạo ra doanh thu thuế cung cấp cho Bộ Thương mại Mỹ trong vòng một năm.

Chỉ vài năm trước, Elon Musk bị chế giễu là kẻ lừa đảo điên rồ trên bờ vực phá sản. Nhưng giờ đây, cậu bé gốc Nam Phi nhút nhát này với hành trình vượt qua tuổi thơ không mấy vui vẻ và bi kịch cá nhân, đang khiến chính phủ và các ngành công nghiệp phải khuất phục, dõi theo tham vọng của mình.

Với Elon Musk, khối tài sản khổng lồ đang nắm giữ đơn giản là hiện thực hóa của những tiềm năng ông có thể nhìn thấy, và có thể làm được – điều mà không phải ai cũng có đủ dũng khí và tài năng.

Antonio Gracias – người bạn thân suốt hai thập kỷ của vị tỷ phú, người từng giữ vị trí trong hội đồng quản trị của Tesla và SpaceX, cho biết: “Elon Musk được sinh ra với bộ não thật sự đặc biệt và lớn lên trong một môi trường khắc nghiệt. 99% những người trong hoàn cảnh như Elon Musk không thể vượt qua sự sắp xếp vốn có. Một tỷ lệ nhỏ có thể thoát ra được là nhờ khả năng đưa ra quyết định tuyệt với dưới áp lực phi thường và động lực không ngừng nghỉ để thay đổi tiến trình của nhân loại”.

Elon Musk sinh ra tại Pretoria, là con trai của một người mẫu gốc Canada và một người kỹ sư Nam Phi. Tuổi thơ của Elon là những khoảng thời gian phải im lặng rất lâu và đọc nhanh bách khoa toàn thư. Khi chỉ mới 12 tuổi, Elon đã viết viết mã cho trò chơi điện tử Blastar, bán lại nó cho một tạp chí máy tính với giá 500 USD.

“Chàng trai ấy luôn khác biệt, là một cậu bé thiên tài. Từ khi Elon 3 tuổi, chúng tôi đã thường gọi cậu là thiên tài”, bà Maye Musk cho biết.

Khi Elon 9 tuổi, cha mẹ ông ly hôn. Ông cùng người em trai là Kimbal Musk đã đến sống với bố – một người kỹ sư và một doanh nhân xuất sắc. Dù vậy, với Elon, người đàn ông này lại là ký ức đau lòng khi liên tục bạo hành về tinh thần.

Trường học với Elon cũng không mấy vui vẻ hơn khi những kẻ bắt nạt nhắm vào ông không ngừng, thậm chí có thời điểm đánh đập thậm tệ khiến ông phải nhập viện.

Elon đã thực hiện cú lộn ngược dòng vào năm 17 tuổi, quyết định chuyển đến quê hương của mẹ ông là Canada, ghi danh vào trường Đại học Queen’s ở Ontario. Ông sau đó đã chuyển sang Đại học Pennsylvania, tốt nghiệp với bằng kép chuyên ngành vật lý và kinh tế.

Mặc dù có cơ hội với chương trình học tiến sĩ của Đại học Stanford, Elon đã rời ngôi trường này chỉ sau hai ngày, dành thời gian cùng em trai tham gia vào làn sóng bùng nổ Internet lúc bấy giờ.

Kết quả là họ đã cùng tạo ra Zip2 – nơi cung cấp các bản đồ, địa chỉ doanh nghiệp, cũng như các trang báo địện tử, rồi bán lại cho Compaq, giúp Elon kiếm được 22 triệu USD.

Sau đó, Elon Musk quyết định đi tiếp với ý tưởng mới, thành lập X.com – công ty được eBay mua lại và giờ được biết đến là Paypal. Thương vụ này đã đem lại cho chàng trai trẻ lúc bấy giờ khoảng 180 triệu USD.

Ở độ tuổi 30, Elon Musk giàu có đáng kinh ngạc, nhưng cảm thấy thiếu hào hứng với cuộc sống.

Vị doanh nhân trẻ tuổi đã đưa ra quyết định mạo hiểm khi dồn tài sản vào các công ty khởi nghiệp tại những ngành có chi phí cao, thời gian phát triển dài và nhiều rào cản gia nhập. Lần gần nhất công ty khởi nghiệp có thể thành công trong ngành công nghiệp ô tô của nước Mỹ là năm 1925.

Đến năm 2008, những thách thức càng trở nên lớn và rõ ràng hơn bao giờ với Elon Musk. Tesla đã nhận khoản đặt cọc lên tới 60.000 USD từ hơn 1.000 người yêu xe điện nhưng vẫn chưa giao được nhiều xe. Trong khi đó, SpaceX đã cố gắng phóng ba tên lửa Falcon từ một đảo san hô tại Thái Bình Dương, nhưng tất cả đều phát nổ. Sau đó, cuộc khủng hoảng tài chính ập đến.

Kimbal Musk nhớ lại: “Thế giới nổ tung, GM và Chrysler phá sản. Chúng tôi không muốn Tesla cũng như vậy”.

“Tôi nhớ Elon đã gọi cho tôi vào tháng 10 và hỏi tôi có tiền không. Tôi không có tiền bởi mọi thứ đã biến mất, ngoại trừ khoảng 1 triệu USD tiết kiệm để có thể sống sót qua cuộc suy thoái. Tôi đã chuyển nó cho Elon để đưa vào Tesla. Tôi nói với Elon rằng: Nếu mọi thứ trở thành địa ngục, ít nhất chúng ta sẽ ở trong địa ngục cùng nhau”.

Cuối cùng, tên lửa thứ tư đã phóng thành công. Hai ngày trước Giáng sinh năm ấy, NASA đã có quyết định gây sốc khi trao cho SpaceX 1,6 tỷ USD để thực hiện 12 chuyến bay lên trạm không gian quốc tế.

“Đôi khi tôi tự hỏi liệu những người khác có dễ dàng hơn trong việc xây dựng doanh nghiệp hay không, bởi vì tất cả các công việc của chúng tôi thực sự rất khó khăn”, Kimbal Musk nói. “Có điều gì đó trong quá trình giáo dục trước đây đã khiến chúng tôi không ngừng muốn vượt lên”.

Điều dễ hiểu là những tham vọng không tưởng thường đi kèm rắc rối, và Musk vẫn phải đối mặt với những yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền.

Các công ty của Elon Musk bị cáo buộc quấy rối tình dục và điều kiện làm việc. Hay vào tháng 10, cơ quan liên bang đã yêu cầu Tesla chi trả 137 triệu USD cho một nhân viên da đen vì vấn đề phớt lờ nạn phân biệt chủng tộc.

Không chỉ vậy, các cơ quan còn tiến hành cuộc điều tra với phần mềm Autopilot vì liên quan đến một số vụ va chạm đáng báo động với các xe cấp cứu đang đỗ, gây ra tử vong. Chưa hết, sự mở rộng của Tesla tại Trung Quốc còn vướng phải không ít khó khăn, thậm chí cơn bão phẫn nộ từ thị trường này.

Ngay cả bản thân Elon Musk cũng vướng phải nhiều điều tiếng. Các cộng sự cũ từng mô tả Musk là một người nhỏ nhen, tàn nhẫn, đặc biệt khi ông rơi vào thất vọng hay gặp thử thách. Gần đây, anh đã ly thân với ca sĩ Grimes – mẹ của đứa con trai thứ 7 – sau 3 năm chung sống.

“Anh ấy là một người thông minh trong kinh doanh, nhưng lại không có năng khiếu trong đồng cảm với mọi người”, Kimbal Musk cho hay.

Khi đại dịch Covid-19 nổ ra, Elon Musk đã có nhiều tuyên bố hạ thấp sự nguy hiểm của loại vi rút này, phá vỡ các quy định y tế để duy trì hoạt động của các nhà máy, cũng như “đổ thêm dầu” vào sự hoài nghi vốn có của người dân về tính an toàn của vaccine.

Nhưng điều không thể phủ nhận là Elon Musk đang tạo ra những thành quả đáng kinh ngạc. Tên lửa của ông được chế tạo với mong muốn phá vỡ khuôn mẫu, tiết kiệm hàng tỷ USD cho người nộp thuế khi có thể tái sử dụng, viết lại giấc mơ không gian vũ trụ của nước Mỹ, cũng như nhiều vệ tinh đang thực hiện nhiệm vụ mở rộng truy cập Internet toàn cầu.

Cùng với đó, nếu thực hiện đúng cam kết, Tesla sẽ giáng một đòn lớn vào sự nóng lên toàn cầu. Người đang ông này cùng với công nghệ đang biến mọi thứ thành có thể, đưa ngành công nghiệp huy hoàng trước khi nước Mỹ quay trở lại.

Robert Zubrin, nhà sáng lập Hiệp hội Sao Hỏa, người đã gặp Elon Musk vào năm 2001, chia sẻ: “Anh ấy là một người nhân văn, nhưng không phải theo nghĩa là một người tốt bụng hay dễ mến, bởi bản chất của anh ấy không như vậy. Anh ấy muốn vinh quang vĩnh viễn vì làm những việc lớn và trở thành tài sản của loài người, bởi với người đàn ông này, hành động vĩ đại được định nghĩa là điều gì đó vĩ đại cho nhân loại. Tiền với anh ta là phương tiện, không phải là cứu cánh”.

“Elon Musk có thể hay được gắn với từ thiên tài, nhưng khôn ngoan thì không”, người bạn cũ hóm hỉnh nói. “Nhưng theo tôi, có một ý nghĩ mà Elon Musk rất khôn ngoan, đó là việc hiểu rằng anh không thể tồn tại mãi mãi”.

From: Do Tan Hung & KimBang Nguyen

Bài diễn văn từ chức và giải tán Liên Xô vào ngày 25 tháng 12 năm 1991

Bài diễn văn từ chức và giải tán Liên Xô vào ngày 25 tháng 12 năm 1991

Mikhail Gorbachev * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch

Đồng bào thân mến! Các công dân thân mến!

Do tình hình hiện nay và sự thành lập Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, tôi vì thế giờ đây chấm dứt các hoạt động của tôi trên cương vị Chủ tịch Liên bang Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Xô viết. Tôi đi đến quyết định này vì lý do nguyên tắc.

Tôi đã thường xuyên lên tiếng kiên quyết ủng hộ tự trị và độc lập của các quốc gia và chủ quyền của các nước cộng hoà. Nhưng đồng thời, tôi ủng hộ gìn giữ nhà nước liên bang và sự toàn vẹn của nước này.

Các sự kiện diễn ra theo hướng khác. Khuynh hướng thắng thế hiện nay là chia cắt đất nước này và làm tan rã nhà nước, đây là điều tôi không thể chấp nhận.

Lập trường của tôi về vấn đề này đã không thay đổi sau hội nghị Alma Ata và sau khi các quyết định được thông qua ở đấy.

Hơn nữa, tôi tin chắc rằng những quyết định quan trọng như thế lẽ ra phải được ý dân thông qua.

Tuy nhiên, tôi sẽ làm mọi thứ trong quyền lực của mình để bảo đảm những hiệp ước Alma Ata sẽ mang lại đoàn kết thực sự cho xã hội chúng ta và mở đường thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng, tạo thuận lợi cho quá trình cải cách lâu dài.

Phát biểu lần cuối cùng trước đồng bào trên cương vị Chủ tịch Liên Xô, tôi thấy cần thiết phải bày tỏ lập trường của mình về con đường chúng ta đã bắt đầu từ năm 1985- đặc biệt vì có nhiều phán xét chủ quan, hời hợt, gây tranh cãi.

Số phận đã định rằng, khi tôi trở thành người đứng đầu nhà nước, thì đất nước này đã có điều gì đấy không ổn rồi. Chúng ta có mọi thứ: đất đai, dầu mỏ, khí đốt, và các tài nguyên khác, và Chúa cũng phú cho chúng ta nhiều trí tuệ và tài năng, tuy nhiên chúng ta sống tồi tệ hơn nhân dân ở các nước đã công nghiệp hoá khác và chúng ta càng ngày càng lạc hậu so với họ.

Lý do thì cũng đã rõ ràng ngay cả vào thời ấy- xã hội chúng ta bị bóp nghẹt trong gọng kềm của chế độ chỉ huy quan liêu. Quốc gia này gần như bắt đầu suy sụp vì bị bắt phải phục vụ ý thức hệ và phải gánh vác gánh nặng cuộc chạy đua vũ trang.

Tất cả các cuộc cải cách nửa vời- và đã có nhiều cuộc cải cách như thế-đều lần lượt thất bại. Đất nước này bắt đầu mất phương hướng. Chúng ta không thể sống mãi như thế. Chúng ta phải thay đổi căn bản mọi thứ.

Chính vì lý do này, tôi không bao giờ hối tiếc là tôi đã không dùng chức vụ Tổng Bí thư của mình để chỉ “ ngự trị “ trong vài năm. Tôi coi cầm quyền như thế là vô trách nhiệm và vô đạo đức.

Tôi cũng hiểu bắt đầu những cuộc cải cách trên phạm vi lớn như thế trong xã hội giống như xã hội chúng ta là một nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và cả rủi ro. Nhưng ngay cả bây giờ, tôi vẫn tin chắc rằng các cuộc cải cách dân chủ khởi đầu vào mùa xuân năm 1985 là đúng đắn về lịch sử.

Quá trình đổi mới quốc gia này và tạo ra những thay đổi cơ bản trong cộng đồng quốc tế hoá ra phức tạp hơn ban đầu ta tưởng. Tuy nhiên, chúng ta hãy công nhận những gì cho đến nay chúng ta đã đạt được.

Xã hội đã đạt đuợc tự do; xã hội đã được giải phóng về chính trị và tinh thần, và đây là thành tựu quan trọng nhất-mà chúng ta chưa hiểu hoàn toàn, một phần vì chúng ta chưa học cách dùng tự do.

Tuy nhiên, chúng ta đã hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử:

Chế độ toàn trị mà từ lâu đã ngăn cản quốc gia này trở thành một nước cường thịnh đã bị xoá bỏ.

Con đường cải cách dân chủ đã được khai thông. Tự do bầu cử, tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, cơ quan lập pháp đại diện cho dân, và một chế độ đa đảng tất cả đều đã trở thành hiện thực. Nhân quyền được coi là nguyên tắc tối cao và là ưu tiên hàng đầu.

Chúng ta đã bắt đầu chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần, và chúng ta đang xác lập sự bình đẳng của tất cả các hình thức sở hữu. Nhờ cải cách ruộng đất, giai cấp nông dân bắt đầu hồi sinh, những nông dân cá thể đã xuất hiện và hàng triệu mẫu đất đã được cấp cho những người sống ở nông thôn và thị thành. Luật về tự do kinh tế của người sản xuất đã được ban hành, còn sự tự do kinh doanh, sự ra đời các công ty cổ phần và tư nhân hoá vẫn đang diễn ra.

Khi nền kinh tế chuyển sang thị trường tự do, chúng ta không được quên rằng sự cải cách này được thực hiện vì lợi ích của con người. Trong thời khó khăn này người ta phải làm mọi thứ để bảo đảm an sinh xã hội cho mọi người, đặc biệt cho người già và trẻ em.

Chúng ta bây giờ sống trong một thế giới mới:

Chiến tranh lạnh và cuộc chạy đua vũ trang đã chấm dứt, và việc quân sự hoá điên cuồng của nước ta mà vốn làm suy yếu nền kinh tế của chúng ta, bóp méo tư duy của chúng ta và tổn hại đến đạo đức của chúng ta cũng không còn nữa. Nguy cơ thế chiến cũng không còn. Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là về phần mình tôi đã làm mọi thứ trong thời kỳ chuyển tiếp này để bảo đảm việc kiểm soát an toàn vũ khí hạt nhân.

Chúng ta đã mở lòng ra với thế giới, từ bỏ việc can thiệp vào công việc nội bộ của các nước khác và xử dụng quân đội ngoài biên giới nước ta. Nhờ thế chúng ta nhận lại được sự tin tưởng, đoàn kết, và tôn trọng.

Chúng ta đã trở thành một thành trì chính của công cuộc tái cấu trúc nền văn minh hiện đại trên nền tảng dân chủ và hoà bình.

Các dân tộc và các quốc gia của nước này đã đạt được quyền tự do chọn cho mình con đường tự quyết. Cuộc mưu cầu cải cách dân chủ của nhà nước đa quốc gia chúng ta đã đưa chúng ta đến thời điểm chúng ta sắp ký một hiệp ước liên bang mới.

Tất cả những thay đổi này đều đòi hỏi sự căng thẳng vô cùng và đều được thực hiện trong hoàn cảnh của cuộc đấu tranh quyết liệt chống lại sự kháng cự ngày càng gia tăng từ những thế lực cũ, lạc hậu và phản động- những cấu trúc Đảng và nhà nước và bộ máy quản lý kinh tế cũ- cũng như thói quen, thành kiến ý thức hệ, tâm lý bình đẳng và ăn bám của chúng ta. Sự thay đổi ấy đã vấp phải sự không khoan dung, trình độ văn hoá chính trị thấp và sợ thay đổi của chúng ta. Vì thế chúng ta đã phí rất nhiều thời gian. Hệ thống cũ sụp đổ trước khi hệ thống mới có thể bắt đầu hoạt động. Và cuộc khủng hoảng trong xã hội chúng ta lại càng trở nên gay gắt hơn.

Tôi ý thức về sự bất mãn trong dân chúng về tình hình nghiêm trọng ngày nay. Tôi nhận thấy chính quyền ở mọi cấp và bản thân tôi đều bị chỉ trích gay gắt. Tuy vậy tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa là trong một đất nước rộng lớn như vậy, và cũng xét đến di sản của nó, thì những thay đổi cơ bản không thể nào được thực hiện được mà không có bao khó khăn và đau đớn.

Cuộc đảo chính tháng Tám đã đưa cuộc khủng hoảng chung lên đến đỉnh cao nhất. Điều tai hại nhất về cuộc khủng hoảng này là sự sụp đổ của nhà nước. Và hôm nay tôi lo ngại các công dân chúng ta không còn là công dân của một cường quốc nữa-hậu quả của điều này có thể là nghiêm trọng đối với tất cả chúng ta.

Tôi coi vấn đề quan trọng sinh tử là gìn giữ những thành tựu dân chủ đã đạt được trong vài năm qua. Chúng ta đã trả giá cho những thành tựu dân chủ này bằng toàn bộ lịch sử đau khổ của chúng ta và kinh nghiệm bi thảm của chúng ta. Cho nên chúng ta trong bất kỳ hoàn cảnh nào, với bất kỳ lý do nào, cũng không được từ bỏ những thành tựu này. Nếu không, tất cả bao hy vọng của chúng ta về tương lai tươi sáng sẽ bị chôn vùi. Tôi thành tâm và thẳng thắn nói với đồng bào tất cả điều này vì tôi coi đây là trách nhiệm đạo đức của tôi.

Hôm nay tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những công dân đã ủng hộ chính sách đổi mới nước này và tham gia vào các cuộc cải cách xã hội.

Tôi cảm ơn những chính khách, những nhà chính trị và người của công chúng cũng như hàng triệu người bình thường ở các nước khác đã hiểu được các mục tiêu của chúng ta và ủng hộ chúng ta, thỏa hiệp với chúng ta. Tôi cảm ơn họ hợp tác chân thành với chúng ta.

Tôi rời bỏ chức vụ này với bao lo ngại- nhưng cũng với bao hy vọng và niềm tin vào đồng bào, vào sự chín chắn và sức mạnh tinh thần của đồng bào. Chúng ta là những người kế thừa di sản của một nền văn minh lớn, cho nên sự hồi sinh của nền văn minh này thành cuộc sống mới, hiện đại và tử tế giờ đây phụ thuộc vào mỗi người và tất cả mọi người. Tôi muốn tỏ lòng biết ơn chân thành đến những người trong suốt những năm qua đã sát cánh bên tôi bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa và cao quý này.

Tất nhiên, có những sai lầm có thể tránh được, và có nhiều thứ có thể làm tốt hơn. Nhưng tôi tin chắc rằng chẳng sớm thì muộn các nỗ lực chung của chúng ta sẽ có kết quả và các dân tộc chúng ta sẽ sống trong xã hội dân chủ và thịnh vượng.

Tôi chúc mọi người tất cả những điều tốt đẹp nhất.

Nguồn:

Bản dịch tiếng Việt được dịch từ tác phẩm “Hồi ký” của Mikhail Gorbachev và có tham khảo bản dịch tiếng Anh của đài CNN từ tiếng Nga.

Trần Quốc Việt

danlambaovn.blogspot.com