Đức Giáo hoàng kêu gọi không nghe những lời tiên đoán về tận thế

Đức Giáo hoàng kêu gọi không nghe những lời tiên đoán về tận thế

Đức Giáo Hoàng Benedicto 16.

Đức Giáo Hoàng Benedicto 16.

RFI

Thụy My

Trong khi một số nhà tiên tri loan báo ngày tận thế là ngày 21/12/2012, Đức Giáo hoàng
Benedicto thứ 16 trong thánh lễ hôm nay 18/11/2012 tại Vatican đã kêu gọi các
tín đồ công giáo không nên dừng lại ở « sự tò mò về thời điểm và các lời dự báo
».

Từ cửa số bao lơn nhìn ra quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo hoàng Benedicto 16 đã rao giảng bài Phúc âm trong ngày, trong đó Chúa Giêsu nói với các thánh tông đồ về ngày
Ngài lại xuống thế gian vào lúc tận thế, khi « bầu trời trở nên âm u » « các vì sao rơi rụng xuống từ trời ».

Theo Đức Giáo hoàng, thì Chúa Giêsu không hành động như một « nhà tiên tri » mô tả « ngày tận thế », mà ngược lại muốn giải thoát vĩnh viễn các môn đệ khỏi các lời tiên đoán
về thời điểm thế giới sẽ bị tận diệt.

Đức Giáo hoàng Benedicto 16 giải thích, Chúa Giêsu “muốn mang lại cho các tín đồ chiếc chìa khóa cho sự suy ngẫm sâu sắc hơn, đúng bản chất hơn, và nhất là chỉ ra con đường phải đi hôm nay và ngày mai để bước vào cuộc sống vĩnh hằng”. Ngài nói tiếp : « Tất cả rồi sẽ trôi qua, nhưng lời của Chúa không hề thay đổi ».

Đức Thánh Cha viếng thăm người già

Đức Thánh Cha viếng thăm người già

LM. Trần Đức Anh OP

11/12/2012
nguồn: Vietcatholic.net

ROMA. ĐTC Biển Đức 16 khích lệ người già vui sống và đồng thời đề cao giá trị người già trong xã hội và Giáo Hội.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong cuộc viếng thăm sáng 12-11-2012, tại Căn nhà gia đình “Hoan hô người cao niên” do Cộng đồng thánh Egidio thành lập tại khu vực  rastevere ở Roma. Nhà này được khánh thành hồi tháng giêng năm 2009 và hiện có 28 người già cư ngụ. Họ sống trong các căn hộ riêng, nhưng có liên hệ thường xuyên với các nhân viên giúp đỡ.

Đón tiếp ĐTC có Giáo sư Marco Impagliazzo, Chủ tịch Cộng đồng thánh Egidio, Bộ trưởng Andrea Riccardi, người sáng lập cộng đồngnày, và Đức TGM Vincenzo Paglia, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về gia đình, cùng một số nhân vật khác.

Cuộc viếng thăm của ĐTC diễn ra trong khuôn khổ ”Ngày Âu Châu về tuổi già tích cực”. Lên tiếng trong cuộc viếng thăm, ngài nói: ”Tôi đến nơi anh chị em trong tư cách là GM Roma, nhưng cũng với tư cách một người già viếng thăm những người đồng lứa tuổi của mình. Tôi biết rõ những khó khăn, các vấn đề và những giới hạn của tuổi này, và tôi biết rằng đối với nhiều người, những khó khăn ấy càng trầm trọng hơn do cuộc khủng hoảng kinh tế”.

ĐTC nhắn nhủ người già đừng nhìn lại quá khứ để thương tiếc trong sự sầu muộn, để rồi coi giai đoạn sống hiện nay như thời xế chiều. Ngài nhấn mạnh rằng: ”Thật là đẹp ở trong tuổi già! Trong mỗi lứa tuổi, ta cần biết khám phá sự hiện diện và phúc lành của Chúa và những phong phú mà lứa tuổi ấy chứa đựng. Đừng bao giờ để cho mình bị khép kín trong sầu muộn! Chúng ta đã lãnh nhận hồng ân sống lâu. Sống thật là điều tốt đẹp, kể cả với lứa tuổi chúng ta, mặc dù có một số khó khăn và giới hạn. Ước gì trên khuôn mặt chúng ta luôn có niềm vui vì cảm thấy mình được Thiên Chúa yêu thương, và không bao giờ buồn sầu”.

ĐTC nhắc lại giáo huấn của Kinh Thánh coi sự trường thọ là phúc lành của Thiên Chúa. Ngài phê bình não trạng trong xã hội ngày nay loại bỏ người già, coi họ như những người không sản xuất và vô ích. Đôi khi người già cảm thấy đau khổ vì bị gạt ra ngoài lề, phải sống xa nhà hoặc sống trong cô đơn….

Trong bối cảnh đó, ĐTC khuyến khích gia đình và các tổ chức công cộng làm sao để người già được tiếp tục ở lại trong nhà của họ và ngài xác quyết rằng ”chất lượng của một xã hội, của một nền văn minh, được đo lường theo cách thức người ta đối xử với người già và chỗ đứng dành cho người già trong cuộc sống chung. Ai dành chỗ cho người già tức là dành chỗ cho cuộc sống! Ai đón người người già là đón nhận cuộc sống”.

ĐTC ca ngợi Cộng đồng thánh Egidio ngay từ khi mới được thành lập đã nâng đỡ hành trình của bao nhiêu người già, giúp họ được ở lại trong môi trường sống của họ bằng cách thiết lập các căn nhà – gia đình cho người già ở Roma và trên thế giới”.

Hiện nay, cộng đồng này phục vụ 18 ngàn người già, với sự cộng tác của khoảng 800 người thiện nguyện. Ngoài ra cũng có khoảng 100 cộng đoàn nhỏ liên đới và thân hữu giữa người già.

Sau cùng, ĐTC nhắn nhủ người già đừng bao giờ nản chí: ”Anh chị em là một sự phong phú cho xã hội, cả khi gặp đau khổ và bệnh tật. Giai đoạn này trong cuộc sống là một hồng ân để đào sâu quan hệ với Thiên Chúa. Anh chị em đừng quên rằng trong số những nguồn lực quí giá mà anh chị em có, điều thiết yếu là kinh nguyện. Anh chị em hãy trở thành những người chuyển cầu nơi Thiên Chúa, cầu nguyện trong sự tin tưởng và kiên trì. Anh chị em hãy cầu nguyện cho Giáo Hội, cho tôi nữa, cho các nhu cầu của thế giới, cho người nghèo, để thế giới không còn bạo lực nữa” (SD 12-11-2012)

LM. Trần Đức Anh OP

Bầu cử tổng thống Mỹ có thể dẫn đến kết cục bất thường

Bầu cử tổng thống Mỹ có thể dẫn đến kết cục bất thường

Dân biểu Diana Degette đi bỏ phiếu sớm trong bang Colorado
01.11.2012                                    nguồn: VOA
Cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc giữa hai ông Obama và Romney xít xao đến độ có thể dẫn đến kết cục bất thường.
Nhà lãnh đạo nước Mỹ trong 4 năm kế tiếp có thể được chọn mà không cần có nhiều
phiếu phổ thông hơn đối thủ.
Một kết cục khác có thể xảy ra, là Quốc hội phải nhảy vào để quyết định ai là
tổng thống và phó tổng thống.
Theo luật bầu cử, kết quả sẽ không được định đoạt bằng số phiếu cao nhất mà ứng
cử viên thu được ở khắp nước Mỹ.
Thay vào đó, ông Obama hoặc ông Romney có thể được bầu bằng cơ chế cử tri đoàn
đã có từ hai thế kỷ qua, có thể nói một cách đơn giản rằng mỗi tiểu bang ảnh
hưởng lên kết quả bằng số dân trong tiểu bang.
Hai ông phải cố làm thế nào có đủ 270 phiếu cử tri đoàn trong số 538 phiếu trên
cả nước. 7 tiểu bang nhỏ nhất, mỗi tiểu bang có 3 phiếu cử tri đoàn, tiểu bang
đông dân nhất, California, có 55 phiếu.
Giáo sư Stephen Wayne của trường đại học Georgetown, chuyên nghiên cứu
các tổng thống Mỹ, nhắc lại có 3 lần tổng thống kém phiếu phổ thông nhưng thắng
phiếu cử tri đoàn, nên đã chiếm được Tòa Bạch Ốc. Lần mới đây nhất là năm 2000,
Thống đốc George W. Bush thắng khít khao Phó tổng thống Al Gore.
Giờ đây, khi mà các cuộc thăm dò cho thấy hai ông Obama và Romney hầu như ngang
ngửa nhau, giáo sư Wayne nói rằng rất có thể người thắng cuộc là người không có
nhiều phiếu phổ thông.
Một kịch bản khác cũng có thể xảy ra trong năm nay là hai ông Obama và Romney
mỗi người nhận được 269 phiếu cử tri đoàn bằng nhau, một chuyện chưa từng xảy
ra. Trong trường hợp này, Hiến pháp Hoa Kỳ qui định rằng Hạ Viện sẽ chọn tổng
thống.
Nếu chuyện này thành hiện thực, ông Romney có nhiều lợi thế, vì Hạ Viện bây giờ
có nhiều người thuộc đảng Cộng hòa.
Và cũng theo Hiến pháp, Thượng Viện có nhiệm vụ chọn phó tổng thống. Trước tình
hình phe Dân chủ chiềm đa số tại Thượng Viện hiện nay, các Thượng nghị sĩ có
thể chọn đương kim Phó tổng thống Joe Biden, và như vậy nước Mỹ sẽ có một tổng
thống Cộng hòa và một phó tổng thống Dân chủ.

Aung San Suu Kyi đến Mỹ sau hơn 20 năm

Aung San Suu Kyi đến Mỹ sau hơn 20 năm

Thứ hai, 17 tháng 9, 2012      Nguồn: BBC

Bà Suu Kyi trên đường ra sân bay đi Mỹ

Bà Suu Kyi là một nhân vật rất được trọng vọng ở Hoa Kỳ

Nhà lãnh đạo dân chủ Miến Điện Aung San Suu Kyi đã đặt chân đến Hoa Kỳ lần đầu tiên sau hơn hai thập kỷ.

Được cả hai Đảng Cộng hòa và Dân chủ kính trọng, bà Suu Kyi sẽ được chào đón long trọng tại Mỹ mặc dù lịch trình của bà đã được sắp xếp kỹ lưỡng để tránh làm ảnh hưởng đến chuyến đi của Tổng thống Thein Sein, người sẽ đến Mỹ vào tuần sau để tham dự phiên họp thường niên của các nhà lãnh đạo thế giới tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York.

Trong chuyến thăm kéo dài 18 ngày này bà sẽ được phía Mỹ trao Huân chương Vàng Quốc hội, vinh dự dân sự cao quý nhất ở Mỹ cùng với các phần thưởng khác.

Bà dự kiến có thể sẽ hội kiến Tổng thống Barack Obama và các nhóm kiều dân Miến Điện.

Bà cũng sẽ có các cuộc hội kiến ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội.

Sau đó bà sẽ đi New York, nơi bà đã làm việc cho Liên Hiệp Quốc từ năm 1969 cho đến 1971. Tại đây bà sẽ có dự một cuộc gặp cấp cao do Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban
Ki-moon tổ chức – một ngày trước khi Tổng thống Thein Sein đọc diễn văn trước Đại hội đồng.

Sau đó bà sẽ đến tiểu bang Trung Tây Kentucky và có bài diễn văn tại Đại học Louisville trước khi đến gặp một trong những cộng đồng Miến kiều đông đảo nhất ở Mỹ ở
Fort Wayne thuộc tiểu bang Indiana.

Bà cũng sẽ đến thăm San Francisco và Los Angeles thuộc tiểu bang California.

Bà sẽ diễn thuyết trước các nhà vận động nhân quyền và gặp gỡ các nhà báo người Miến tại Đài Á châu Tự do (RFA) và Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA).

Chuyến đi này diễn ra trong lúc chính quyền của Tổng thống Barack Obama đang xem xét nới lỏng các lệnh cấm vận vẫn còn duy trì đối với Miến Điện.

Trong nhiều năm, các chính khách có ảnh hưởng nhất ở Washington đều là những người ủng hộ bà Suu Kyi mạnh mẽ nhất và bà Suu Kyi là một trong những chủ đề hiếm hoi mà
cả hai chính đảng của Mỹ đều đồng thuận.

Cả hai đảng này đều đồng ý áp đặt các lệnh cấm vận lên chính quyền quân sự Miến Điện cũng như dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận mới đây.

Sức ép chính trị

Bà Suu Kyi trong chuyến thăm Bảo tàng Louvre ở Paris

Bà Suu Kyi đã công du nhiều nơi kể từ khi thoát khỏi quản thúc

Suu Kyi đang đối diện với sức ép chính trị từ chính phủ của Tổng thống Thein Sein để vận động Hoa Kỳ dỡ bỏ biện pháp cấm vận vẫn còn duy trì và bà có vẻ như sẵn sàng làm công việc này, hãng tin Mỹ AP nhận định, mặc dù nhiều người ủng hộ bà lâu năm ở hải ngoại vẫn phản đối.

“Chúng tôi không muốn nói liệu Hoa Kỳ có nên duy trì lệnh cấm nhập khẩu (từ Miến Điện) hay không,” Nyan Win, người phát ngôn của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ, đảng của
bà Suu Kyi, phát biểu trước khi bà lên đường đi Mỹ.

“Tôi hiểu rằng phía Mỹ vẫn duy trì lệnh cấm này bởi vì họ muốn theo dõi quá trình cải cách chính trị và kinh tế của Miến Điện và tôi nghĩ rằng Mỹ nên tiếp tục giám sát tình hình,” ông nói thêm.

Chủ nhân giải Nobel hòa bình cũng có thể sẽ đối mặt với các câu hỏi về cuộc xung đột sắc tộc ở bang miền Tây Rakhine hồi đầu năm.

Cuộc bạo loạn này xảy ra giữa người Phật giáo chiếm đa số với người Hồi giáo thiểu số ở Miến Điện sau khi một nữ Phật tử bị cưỡng hiếp và sát hại. Hàng chục người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột và hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa.

Cho đến nay bà Suu Kyi vẫn không hề nói gì về vấn đề này mặc dù bà đã kêu gọi Quốc hội Miến Điện ra luật bảo vệ quyền của các sắc dân thiểu số.

Khi được hỏi hồi tháng Sáu liệu người Hồi giáo Rohingya có được xem là công dân Miến Điện hay không, bà đã trả lời rằng ‘Tôi không biết’ và nói Miến Điện cần làm rõ luật công dân.

Kể từ khi được thoát khỏi tình cảnh quản thúc tại gia vào cuối năm 2010, Aung San Suu Kyi đã từ vị thế một người bất đồng chính kiến trở thành nghị sỹ Quốc hội trong khi đất nước của bà cũng thoát ra khỏi hơn năm thập kỷ của chính quyền độc tài quân sự và được cộng đồng quốc tế chào đón.

Bà đã đi công du Thái Lan và năm quốc gia châu Âu. Tại những nơi này, bà được dành những vinh dự vốn chỉ dành cho nguyên thủ.

Hoa Kỳ hoan nghênh Miến Điện tuyên bố bỏ kiểm duyệt báo chí

Hoa Kỳ hoan nghênh Miến Điện tuyên bố bỏ kiểm duyệt báo chí

                                                                                              nguồn:  RFI

 Các nhà báo Miến Điện phản kháng việc kiểm duyệt báo chí, tại Răngun, ngày 04/08/2012.

        Các nhà báo Miến Điện phản kháng việc kiểm duyệt báo chí, tại Răngun, ngày    04/08/2012.

REUTERS/Soe Zeya Tun

Trọng Thành

Hôm qua 20/08/2012, ngay sau khi chính quyền Miến Điện chính thức thông báo về việc chấm dứt chế độ kiểm duyệt đối với báo chí, Hoa Kỳ đã lên tiếng ủng hộ tuyên bố này. Đại diện nhiều tổ chức truyền thông kêu gọi Miến Điện thực thi triệt để chủ trương từ bỏ chế độ kiểm duyệt đối với truyền thông.

Nói chuyện với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Victoria Nuland : « Chúng tôi hoan nghênh tuyên bố của chính quyền Miến Điện về việc các phóng viên không cần phải nộp bài viết cho cơ quan phụ trách thông tin trước khi xuất bản ». Tuy nhiên, đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cũng lưu ý rằng, trên thực tế hệ thống kiểm duyệt tại Miến Điện vẫn chưa được hủy bỏ.

Về phần mình, Tổ chức Phóng viên Không biên giới, có trụ sở tại Paris nhận định, nếu như quyết định của chính quyền Naypyidaw dẫn đến việc hủy bỏ thực sự chế độ kiểm duyệt báo chí tại nước này, thì « đây sẽ là một thay đổi mang tính lịch sử, chấm dứt nửa thế kỷ mà các phương tiện truyền thông nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền ».

Xin nhắc lại là, sau hàng thập kỷ bị kiểm soát nghiêm ngặt, nhìn chung các hoạt động báo chí tại Miến Điện bắt đầu được nới lỏng khoảng một năm trở lại đây, kể từ khi chính quyền Miến Điện bắt đầu cải cách. Báo chí về chính trị và tôn giáo, hai lĩnh vực cuối cùng vẫn nằm dưới sự quản lý chặt chẽ của nhà nước, vừa mới được cho phép xuất bản không qua kiểm duyệt vào ngày hôm qua, thứ Hai 20/8.

Trả lời AFP, một viên chức thuộc Bộ Thông tin Miến Điện cho biết, phim sẽ tiếp tục được đặt dưới sự kiểm duyệt và các phóng viên truyền hình sẽ phải « tự kiểm duyệt », thông qua việc yêu cầu cấp trên định hướng trong các tin tức được đánh giá là nhạy cảm.

Ủy ban bảo vệ các nhà báo, có trụ sở tại New York, kêu gọi Miến Điện hủy bỏ hội đồng kiểm duyệt đối với phim và xem xét lại luật pháp trong lĩnh vực này.

Ông Shawn Crispin, đại diện Đông Nam Á của Ủy ban bảo vệ các nhà báo (Bangkok), lưu ý rằng, chỉ cho đến khi nào chính quyền Miến Điện cải cách triệt để, thì các nhà báo mới không còn lo bị kiểm duyệt, và tự do thông tin mới được đảm bảo.

Trong cô đơn và lãng quên, một bác sĩ Công Giáo cứu giúp kẻ liệt tại vùng chiến sự Sudan

Thương xác bảy mối: Trong cô đơn và lãng quên, một bác sĩ Công Giáo cứu giúp kẻ liệt tại vùng chiến sự Sudan
                                                             Trần Mạnh Trác  4/30/2012                                 nguồn: vietcatholic.net
 
 
Theo hồi ký của ông Alex Perry, giám đốc báo chí cuả TIME tại Phi Châu, thì nhiều người Công Giáo vẫn lì lợm ở lại vùng nuí Nuba hẻo lánh cuả Sudan để cứu giúp những người thiểu số đang bị săn đuổi tàn sát:
Tại bệnh viện Đức Mẹ Thương Xót (Mother of Mercy Hospital,) nằm sâu trong vùng kiểm soát cuả phiến quân ở vùng núi Nuba cuả Sudan, em Daniel Omar, 14 tuổi, kể lại trường hợp cuả em bị chặt đứt cả hai tay vì một quả bom vào đầu tháng ba vừa qua như sau:

“Em đang chăn bò ở Dar El thì nghe thấy tiếng máy bay Antonov, vì vậy em vội nằm xuống. Sau đó, em nghe thấy tiếng rít cuả bom và nhìn thấy nó đang rơi xuống ngay trên đầu mình. Vì vậy, em nhảy lên, nấp sau một gốc cây, và ôm chặt lấy thân cây.”

Quả bom rơi cách Daniel chỉ có vài mét. Cái cây, thực ra chỉ là một loại bụi gai ở sa mạc có một cái gốc dày, đã bảo vệ cơ thể của Daniel, nhưng hai tay của em đã bị sức nổ phá nát. “Em nhìn thấy máu”, Daniel nói. “Em không nhìn thấy tay nữa. Em thậm chí không khóc lên được. Em đứng lên, và bắt đầu đi, rồi gục xuống. Một người lính chạy đến và kéo em vào trong bóng râm. Sau đó, ông ta lấy một chiếc xe hơi, rửa và băng bó cho em, và đưa em tới đây. ”

Nói chung, những câu chuyện như vậy ở Châu Phi thì ít khi mang nhiều sự thật. Châu Phi – một lục địa có hơn 50 quốc gia và một tỷ người – đã nổi danh vì những câu chuyện được phóng đại trước mặt những người Tây phương. Nhưng trong trường hợp của Daniel và hàng trăm người khác ở nơi đây, lý do duy nhất mà họ còn sống để kể những câu chuyện là bởi vì có sự tận tâm của một bác sĩ phẫu thuật Mỹ, BS Tom Catena, người đã sống ở vùng núi Nuba từ năm 2008.

Catena, 47 tuổi, đến từ New York, ông đã làm việc ở vùng núi Nuba ba năm trước khi chính phủ Khartoum của Sudan phát động một cuộc tấn công vào phiến quân Nuba hồi cuối tháng Sáu năm ngoái. Nhưng những gì bắt đầu như một cuộc tấn công vào quân du kích nhanh chóng trở thành một cuộc tấn công vào tất cả các sắc dân thiểu số nói chung. Mỗi khi chính phủ kiểm soát một khu vực nào thì sẽ có hàng loạt các vụ tàn sát dân thường: dự án truyền hình vệ tinh Sentinel, điều chỉnh sự theo dõi từ trên không gian nhắm vào các hành động tàn bạo và các cuộc hành quân ở Sudan, đã tìm thấy nhiều vết tích trông giống như tám ngôi mộ tập thể ở trong và xung quanh thủ phủ Kadugli.

Bác sĩ Catena là người duy nhất ở nhà thương có khả năng đối phó với những thương tích nghiêm trọng. Và như vậy, có lẽ không ai có uy tín hơn để mô tả những gì chính quyền Khartoum đang làm với công dân của họ. Tôi hỏi Catena có bao nhiêu người bị thương mà ông đã điều trị kể từ khi cuộc chiến bắt đầu: 822, ông nói. Trong số đó, 140 vụ là thương tích thường và 102 vụ là nghiêm trọng, chủ yếu là phải cắt bỏ. Catena cho biết thêm rằng số bệnh nhân bị thương nặng nhất là 73 và là nạn nhân cuả các vụ đánh bom từ máy bay Antonov. Ông không có nghi ngờ nào về ý định của Khartoum. Đó là, ông nói, “đã có những tính toán trước khi đánh bom trên vùng dân sự. .. để khủng bố người dân và buộc họ rời khỏi nhà của họ, và đất đai của họ.”

BS Tom Catena, là thành viên hội đồng quản trị các Tình Nguyện viên Công giáo, đã làm việc tại Bệnh viện Mother of Mercy ở miền núi Nuba Sudan từ năm 2007.

Đây là lần thứ hai tôi gặp BS Catena. Lần đầu tiên hồi cuối tháng Sáu khi chiến dịch thanh trừng sắc tộc cuả chính quyền Khartoum khởi sự. Lúc đó, ông đã cho phép tôi đi lang thang trong khu bệnh viện của ông để thu thập lời khai. Bây giờ là mười tháng sau, trông ông hốc hác hẳn ra. Liên tục làm việc trong khu cấp cứu, BS Catena đã không thể rời khu giải phẫu trong 14 tháng dài, dưới sự đe doạ bị tấn công bất cứ lúc nào. “Tôi không biết lý do tại sao chúng tôi đã không bị bỏ bom”, ông nói. “Mỗi khi họ bay qua, tôi nghĩ rằng: ‘đây có phải là ngày đó chăng?” Thực ra họ chẳng phải là những người có lòng nhân đạo, hay có chút e dè về một nguyên tắc đạo lý nào cả. Vì họ đã từng đánh bom nhiều bệnh viện trước đây.”

Được hỏi tại sao ông trông xanh xao như thế này, ông cho biết “có một chút sốt rét” và cũng còn bị xúc động vì một cái chết trong đêm trước của một bệnh nhân. “Ông ta bị 20 lỗ trong ruột của mình,” Bs Catena nói “Chúng tôi ráng chữa một số và ông ta có vẻ hồi phục, thế là mỗi đêm chúng tôi cố chữa thêm một cái gì đó nữa cho ông ta, và ông ta lại bình phục rất tốt, giống như một con thuyền êm ả lướt sóng vậy. Thế rồi, ông ta tự nhiên bật ngửa ra chết vào lúc ba giờ sáng. Tôi không thể giải thích nổi.”

BS Catena hiểu rất rõ ràng về những gì đã thu hút ông đi tới miền núi Nuba: đó là đức tin Kitô giáo của mình. Ông luôn luôn ấp ủ ý định làm việc truyền giáo, và sau khi đậu bằng kỹ sư cơ khí và trả xong nợ, ông trở lại học y khoa. “Tôi nhận ra là ngành cơ khí không thích hợp cho công việc truyền giáo.” Ông gia nhập Hải quân để có cơ hội học y khoa và phục vụ là một bác sĩ cho các phi công Hải quân cho đến khi trả xong nợ của Hải Quân. Thế rồi, ông bắt đầu đi về châu Phi, làm việc ở Kenya, ở Nam Sudan, và sau cùng là bệnh viện Mother of Mercy, khi bệnh viện này mở cửa vào tháng 3 năm 2008. “Ý tưởng chính là phục vụ”, ông nói. “Bạn lấy Chúa Kitô làm hướng dẫn cho bạn, làm cố vấn của bạn. Đây là những gì Ngài đã làm. Ngài đến để phục vụ, chứ không phải được phục vụ, và tôi cố gắng noi theo cái gương đó. ”

Đức tin cuả Catena cũng đã thuyết phục ông ở lại sau khi chiến tranh bùng nổ, ngay cả khi vị giám đốc của ông muốn ông rút lui. “What the heck?” (“Sao phi lý thế“) Ông kêu lên. “Chúng ta là nhà truyền giáo mà. Thời gian của Chúa Kitô chính là những lúc bạn có nghĩa vụ phải có mặt. Chứ đâu phải là những lúc bạn thối lui.” Tuy nhiên ông không phải là một nhà tuyên truyền. Việc tuyên truyền không phù hợp với người Nuba, là những người hoàn toàn khác với nhóm Hồi giáo hiếu chiến, áp bức của chính phủ Khartoum – họ (dân Nuba) cho phép tự do và hỗn hợp tôn giáo, ngay cả trong một gia đình. Em Daniel là một trường hợp diển hình. Em đeo một cây thánh giá trên cổ, nhưng em nói: “cha mẹ em là người Hồi giáo. Nhưng ngay từ khi em biết nói, em đã quyết định làm một Kitô hữu. Và họ để mặc em.”

Tuy nhiên đức tin cuả Catena cũng không thể ngăn cản ông ta tưởng tượng ra những giải pháp thực dụng rất là ‘trần thế’ để giải quyết cái khổ mà mọi người đang nhìn thấy mỗi ngày. “Chúng ta cần phải thiết lập ra một hành lang nhân đạo”, ông nói. “Một khu vực cấm bay là một ý tưởng tốt, nhưng có nhiều người cho rằng chi phí cho giải pháp này là quá cao. Vâng, tôi đã từng phục vụ trong 1 phi đội F-18 của Hải quân và tôi biết chỉ cần 1 phi đội duy nhất là có thể kết thúc toàn bộ không lực của Sudan trong vòng một ngày.”

Sự tức giận cuả BS Catena lại tăng thêm với ý nghĩ rằng, ông sắp phải điều trị 1 đợt thứ hai cho các nạn nhân bị oanh kích. Hầu hết các gia đình đã phải rời bỏ làng xóm của họ, một số đi tới các trại tị nạn ở Nam Sudan, nhưng hàng trăm hàng ngàn người khác đã tìm trú ẩn trong các hang động rải rác trên miền núi đá Nuba. Xa quê hương bản thổ và không thể trồng cấy, một nạn đói – và có thể là một cuộc chạy loạn ồ ạt – đang lấp ló xuất hiện.

Nhưng sau cùng thì, ngay cả đối với một bác sĩ phẫu thuật, rất có thể là một trong những người ‘cưa chân cắt tay’ nhiều kinh nghiệm nhất thế giới, cũng có nhiều điều ông ta không thể sửa chữa nổi. Sau hơn một tháng, những vết thương của Daniel đã lành, hai cổ tay cuả em trông trơn tru và gọn gàng, chỉ lờ mờ là một vết sẹo. Nhưng hình như cái đau trong lòng thì vẫn chưa lành được. “Nếu không có bàn tay, em không thể làm bất cứ điều gì”, Daniel nói. “Em thậm chí không thể chiến đấu. Em sẽ là một gánh nặng cho gia đình trong tương lai”

Daniel đã nhìn thẳng vào mắt tôi và nói “Nếu em có thể chết được, thì em cũng muốn chết phứt đi cho rồi.”