Lãnh đạo đối lập Miến Điện thúc giục sửa đổi Hiến pháp

Lãnh đạo đối lập Miến Điện thúc giục sửa đổi Hiến pháp

Lãnh tụ đối lập Miến Aung San Suu Kyi trong cuộc họp báo tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Ảnh chụp tại Rangoon ngày 27/09/2013.

Lãnh tụ đối lập Miến Aung San Suu Kyi trong cuộc họp báo tại lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ. Ảnh chụp tại Rangoon ngày 27/09/2013.

REUTERS/Soe Than Win/Pool

Tú Anh

RFI

Hôm nay 27/09 tại Rangoon, Liên đoàn Quốc gia Vì Dân chủ tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm thành lập. Trước 3.000 người tham dự, lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã yêu cầu sửa đổi bản Hiến pháp 2008, trao cho quân đội nhiều quyền hạn quan trọng.

Tu chính hiến pháp về điều khoản bầu cử ứng cử là một trong những yêu sách cốt lõi mà bà Aung San Suu Kyi nhấn mạnh trong bài diễn văn kỷ niệm 25 năm thành lập Liên đoàn Quốc dia Vì Dân chủ : « Nếu Hiến pháp không được tu sửa thì chúng ta không thể nói đất nước này đang theo con đường dân chủ. Bầu cử quốc hội năm 2015 sẽ không công bình ».

Hiến pháp 2008 vừa bảo vệ đặc quyền của quân đội, vừa ngăn chận bà Aung San Suu Ky – sau 15 năm bị tù giam và quản chế – lên lãnh đạo quốc gia. Bản hiến pháp gây tranh cãi này dành riêng cho quân đội 25% ghế dân biểu trong quốc hội và cấm không cho công dân Miến Điện tranh cử tổng thống nếu có người phối ngẫu (vợ hay chồng) là người ngoại quốc hoặc có con mang quốc tịch nước ngoài. Đây là trường hợp của bà Aung San Suu Kyi : tuy chồng là người Anh đã qua đời nhưng có hai con mang quốc tịch Anh.

Theo AFP, cũng trong bài diễn văn kỷ niệm 25 năm thành lập phong trào đối lập, đọc trước 3000 đoàn viên và dân chúng tụ tập trước trụ sở đảng ở Rangoon, khôi nguyên Nobel Hòa bình 1991 cám ơn những người cùng chia sẻ giá trị tự do dân chủ, và những sự hỗ trợ bên trong và trên khắp thế giới, giúp cho đối lập Miến Điện tồn tại suốt 25 năm qua.

Liên Đoàn Quốc Gia Vì Dân Chủ được thành lập vào năm 1988 sau một cuộc nổi dậy của dân chúng bị đàn áp làm 3000 người thiệt mạng. Một năm sau, trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên vào năm 1989, sau ba thập niên độc tài quân phiệt, đối lập chiến thắng lớn với 80% ghế dân biểu.

Từ chối trao trả quyền lực cho dân sự, giới tướng lãnh ra lệnh đàn áp. Bà Aung San Suu Kyi bị giam cầm và quản chế tổng cộng 15 năm cho đến khi tướng Thein Sein lên làm Tổng thống năm 2011.

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên hành quyết 9 người để tránh tai tiếng cho vợ

Lãnh tụ Bắc Triều Tiên hành quyết 9 người để tránh tai tiếng cho vợ
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và vợ Ri Sol Ju.
Lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và vợ Ri Sol Ju.
22.09.2013
Bắc Triều Tiên đã hành quyết 9 nghệ sĩ ca nhạc dường như là để bịt lại các tin đồn phu nhân của lãnh tụ Kim Jong Un đã có thời sống buông thả.

Tin này đến từ một quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên mới đào thoát.

Theo các nguồn tin khác nhau, cả hai chính phủ Nhật Bản và Nam Triều Tiên đều xác nhận tin này.

Bà vợ của ông Kim-Ri Sol Ju-từng là ca sĩ cho ban Unhasu trước khi lập gia đình với ông vào năm 2012.

9 người bị hành quyết bị nghi là đã quay và đóng một video có tính cách khiêu dâm.

Bộ Công an Nhân dân đã nghe lén các buổi trao đổi của 9 người này, qua đó có một người nói rằng “Trước đây, Ri Sol Ju cũng đã từng làm chuyện linh tinh theo kiểu chúng mình bây giờ.”

Lãnh tụ họ Kim lo ngại tin đồn về vợ mình có thể lan nhanh.

Ngày 17 tháng 8, cả 9 người đều bị bắt. Ba ngày sau họ bị xử bắn tại Học viện Quân sự Kang Gon, bên ngoài Bình Nhưỡng trước sự chứng kiến của các đảng viên cao cấp của đảng Lao động và nghệ sĩ của hai ban nhạc.

Gia đình của 9 người bị hành quyết bị đưa vào trại cải tạo, còn hai ban nhạc đến xem hành quyết bị giải thể.

Nguồn: Asahi Shimbun, The Malay Mail Online

Chuyên gia kêu gọi Mỹ-Trung dự phòng Bắc Triều Tiên sụp đổ

Chuyên gia kêu gọi Mỹ-Trung dự phòng Bắc Triều Tiên sụp đổ

Lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm một công trường của quân đội Bắc Triều Tiên (ảnh do KCNA công bố 27/05/2013)

Lãnh đạo Kim Jong Un đến thăm một công trường của quân đội Bắc Triều Tiên (ảnh do KCNA công bố 27/05/2013)

REUTERS

Tú Anh

RFI

Cũng như Đông Đức, chế độ Bắc Triều Tiên có thể sụp đổ bất ngờ, không có dấu hiệu báo trước. Tuy nhiên, khác với Đông Đức, tình trạng « rắn mất đầu » tại Bình Nhưỡng sẽ đưa đến thảm họa kinh hoàng, vì không có chuẩn bị. Viện nghiên cứu chiến lược RAND Corp kêu gọi Hoa Kỳ và Trung Quốc hội ý.

Hôm qua 19/09/2013,Viện nghiên cứu chiến lược Mỹ RAND Corp, một tổ chức bất vụ lợi, công bố bản phúc trình về tình hình Bắc Triều Tiên với nhận định : Chính quyền Kim Jong Un có dấu hiệu mất ổn định trong một giai đoạn. Hầu hết các nhà phân tích đều đồng ý rằng chế độ này có khả năng bị sụp đổ. Tác giả bản báo cáo, Bruce Bennett, một chuyên gia về quốc phòng cho rằng đây không còn là vấn đề « khi nào » hay là « nếu ».

Bản báo cáo liệt kê một loạt hệ quả nếu chính quyền Kim Jong Un sụp đổ : Từ khủng hoảng lương thực cho đến nội chiến tại quốc gia khép kín, nhưng có vũ khí sát hại hàng loạt . Rand Corp không loại trừ kịch bản chiến tranh với Trung Quốc.

Theo dự báo, tình hình Bắc Triều Tiên có thể suy thoái nhanh chóng. Trong điều kiện lương thực và thuốc men đang thiếu nghiêm trọng, một khi chế độ lung lay sẽ đưa đến phản xạ tích trữ nhu yếu phẩm, làm cho tình hình nguy ngập hơn. Nạn đói sẽ làm cho dân chúng bỏ nhà đi kiếm sống tạo ra một làn sóng tỵ nạn làm cho các giải pháp viện trợ nhân đạo, cứu đói khó có thể thực hiện. Rồi số phận của 200.000 tù nhân cải tạo sẽ ra sao ?

Trong tình thế này, quân đội và lực lượng an ninh có thể xung đột với nhau để bảo vệ trước nạn giành giựt lương thực. Nếu cộng đồng quốc tế không phản ứng kịp thì có nguy cơ xẩy ra nội chiến với những cuộc nổi dậy mang tinh chất cướp bóc, gây ra tình trạng bất ổn kéo dài, cản trở tiến trình thống nhất đất nước.

Do vậy, bản báo cáo đề nghị các biện pháp làm giảm bớt các hệ quả này: Hoa Kỳ và đồng minh Hàn Quốc cần phải có sẵn kế hoạch và phương tiện nhanh chóng vận chuyển lương thực thuốc men cho miền bắc. Nhưng điều quan trọng hơn hết là phải thuyết phục được cán bộ và binh sĩ Bắc Triều Tiên biết rằng họ sẽ được Hàn Quốc đối xử tốt, và có đời sống tươi sáng hơn trong một đất nước thống nhất. Có lẽ ý thức và lo ngại quân đội bội phản, bộ máy tuyên truyền của chính quyền Bình Nhưỡng khẳng định người dân miền nam đói khổ gấp mười lần người dân miền bắc.

Về quân sự, quân đội Bắc Triều Tiên, với kho vũ khí hóa học, vi trùng và có thể có cả hạt nhân là một mối đe dọa lớn. Mỹ và Hàn Quốc cần phải can thiệp nhanh chóng để « kiểm soát » kho vũ khí này được cất giấu đó đây trên lãnh thổ.

Vấn đề là Trung Quốc cũng dự phóng khả năng này và sẽ đưa quân ra tay trước để « bảo vệ » các kho vũ khí chiến lược này và nhân đó « lấn chiếm một phần lớn lãnh thổ Bắc Triều Tiên » .

Nguy cơ quân đội Mỹ và Trung Quốc đụng nhau sẽ rất lớn, nhưng theo viện RAND Corp, thái độ của Bắc Kinh đang thay đổi trong thời gian gần đây và có thể mở đường cho đối thoại.

Cho đến nay, Trung Quốc ngần ngại thảo luận về khả năng chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ, vì không muốn mang tiếng « phản bội » đồng minh và vô tình làm tình hình Bắc Triều Tiên suy thoái thêm.

Bản báo cáo đề nghị Bắc Kinh và Washington cần phải thỏa thuận lập một đường ranh để quân đội hai bên không chạm mặt nhau. Đường ranh đó không lấn sâu quá 50 km kể từ dòng sông Áp lục, biên giới thiên nhiên Trung-Triều.

Một điểm đáng lo khác được nêu lên là quân số của Bắc Triều Tiên có thể đươc cắt giảm từ 22 sư đoàn xuống còn 12 sư đoàn vào năm 2022 vì sinh suất thấp. Bình Nhưỡng sẽ cân bằng quân số bằng cách nào ? Vũ khí hạt nhân ? Hay gia tăng lực lượng trừ bị ?

Trước câu hỏi chất vấn của báo chí về « xác suất » Bình Nhưỡng sụp đổ trong năm tới, chuyên gia Bruce Bennett trả lời là 2%. Tuy nhiên, ông lý giải, xác xuất này tuy thấp, nhưng vẫn còn cao hơn xác xuất « bị cháy nhà ». Biết vậy nhưng ai cũng mua bảo hiểm.

Cũng theo Bruce Bennett, tất cả các quốc gia trong khu vực đều lo âu chế độ Bình Nhưỡng tự tan rã. Một trong những kịch bản có xác suất cao nhất là Kim Jong Un bị ám sát.

Tuy mở cửa nhưng Miến Điện vẫn chưa có công lý

Tuy mở cửa nhưng Miến Điện vẫn chưa có công lý

Chùa Shwedagon tại thành phố Rangoon - DR

Chùa Shwedagon tại thành phố Rangoon – DR

Đức Tâm

RFI

Cách nay 25 năm, quân đội Miến Điện đã đàn áp phong trào nổi dậy đòi dân chủ năm 1988. Miến Điện rơi vào tình trạng hỗn loạn trong vòng 6 tháng. Khoảng 3 ngàn người thiệt mạng và vào ngày 18/09/1988, quân đội đã nắm lại chính quyền, sau một cuộc đảo chính đẫm máu.

Phóng sự của RFI tại Rangoon

21/09/2013

Nghe (03:20)

 

Những sự kiện này để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử chính trị Miến Điện. Từ hơn hai năm nay, Miến Điện đã mở cửa, chính quyền đã chấp nhận để cho người dân có nhiều quyền tự do hơn, thế nhưng, điều trái ngược là các đòi hỏi công lý và sự thật lại ngày càng hiếm, kể cả trong hàng ngũ phe đối lập. Phóng sự của thông tín viên RFI Rémy Favre tại Rangoon giúp giải đáp phần nào câu hỏi này.

Con trai của bà Daw Sein Kyi đã thiệt mạng sau ngày xẩy ra cuộc đảo chính 18/09/1988. Bà đã không thể làm tang lễ cho đứa con theo như phong tục truyền thống, bởi vì quân đội cấm các nhóm tụ tập quá 5 người. Cũng giống như nhiều nạn nhân khác, bà Daw Sein Kyi không đòi hỏi công lý.

« Người chết thì đã chết rồi, điều gì xẩy ra thì cũng đã xẩy ra rồi. Tôi có thể tha thứ nhờ vào những khuyên dạy của Phật. Tôi muốn làm những việc thiện cho anh linh của con tôi siêu thoát, để tôi bớt buồn. Ví dụ, tôi muốn gặp và mời các nhà sư một bữa cơm. Khi có tiền, tôi đã làm như vậy, nhưng giờ đây, tôi không thể làm được nữa. Tôi cảm thấy rất buồn và xấu hổ vì không làm được các việc thiện ».

Các nay hai năm, Giải Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi đã đề cao mô hình các ủy ban sự thật và hòa giải của Nam Phi, để buộc những kẻ chịu trách nhiệm vụ thảm sát năm 1988 phải tự thú, chứ không nhất thiết để kết án họ. Giờ đây, bà đã không đưa ra những đòi hỏi như vậy nữa.

Bà Aung San Suu Kyi không trả lời đề nghị xin phỏng vấn của RFI và phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, U Nyan Win cũng không muốn đòi quân đội phải xin lỗi.

« Chúng tôi muốn cố gắng đi về phía trước, hướng tới nền dân chủ. Chúng tôi không muốn đánh thức con hùm đang ngủ. Điều đó có nghĩa là quân đội vẫn bình yên. Quân đội nguy hiểm lắm. Chúng tôi không muốn quấy rầy quân đội ».

Thế nhưng, kể từ nay, quân đội cũng như chính phủ Miến Điện chấp nhận sự chỉ trích. Cách nay hai năm, nói đến vụ thảm sát năm 1988 còn là điều cấm kỵ. Bây giờ, thì không.

Ông Thar Gyee, phụ trách liên lạc của hiệp hội ND Burmua, chuyên thu thập và thống kê các vụ vi phạm nhân quyền tại Miến Điện cho biết :

« Trong lễ tưởng niệm vụ thảm sát 1988, có một bộ trưởng tham dự, ông U Aung Min và ông nói rằng đã có những vụ vi phạm nhân quyền do chế độ chính trị tồi tệ trong quá khứ. Điều này có nghĩa là ông ta thừa nhận sự tồi tệ của bộ máy chính quyền ».

Cách nay hai năm, cộng đồng quốc tế còn đe dọa lập một ủy ban điều tra để làm rõ những tội ác chống nhân loại tại Miến Điện. Giờ đây, theo đặc phái viên Liên Hiệp Quốc Tomas Quintana, phụ trách về nhân quyền thì điều này không khả thi. Ông Quintana đã không còn có được sự ủng hộ của các nước phương Tây về sáng kiến này nữa. Mối quan tâm hàng đầu hiện nay của các nước phương Tây là đầu tư vào Miến Điện.

Mắng dân ‘vô ơn’, bí thư thành phố Trung Quốc bay chức

Mắng dân ‘vô ơn’, bí thư thành phố Trung Quốc bay chức

Hình ảnh bí thư đảng ủy Lương Văn Dũng ở thành phố Cô Sơn Tử trong đoạn video quay lén, sau đó đã được tải lên trang Sina

Hình ảnh bí thư đảng ủy Lương Văn Dũng ở thành phố Cô Sơn Tử trong đoạn video quay lén, sau đó đã được tải lên trang Sina

18.09.2013

Một quan chức Trung Quốc bị bãi chức sau khi một video trên mạng quay cảnh ông này phàn nàn về sự vô ơn của người dân thường Trung Quốc trong khi ông đang thưởng thức tôm hùm và uống rượu cao cấp, một vụ việc khiến dư luận phẫn nộ.

Ðoạn video dài năm phút phát tán trên những trang mạng xã hội Trung Quốc quay cảnh bí thư đảng ủy Lương Văn Dũng ở thành phố Cô Sơn Tử, thuộc tỉnh Hà Bắc, mắng mỏ người dân thường Trung Quốc trong lúc đang ăn uống linh đình tốn kém.

Ðược quay bí mật hồi tháng Năm nhưng đưa lên Internet vào giữa tháng Chín, video ghi lại phát biểu của vị quan chức to béo tại bàn ăn: “Bọn chúng có gạo trong tay, thịt trong miệng mà còn chửi mình. Bọn dân này là vậy đấy, thật không biết xấu hổ là gì.”

Thông tin trong đoạn video cho biết bữa tiệc của nhóm quan chức này, gồm hải sản, rượu và thuốc lá đắt tiền, có chi phí gần 10.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 1.500 đô la Mỹ).

Cơ quan truyền thông nhà nước – Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc – cho biết hôm thứ Ba rằng, giới chức kỷ luật huyện xác nhận video này là thật và ông Lương đã bị bãi chức vô thời hạn sau khi video nhanh chóng truyền đi khắp nơi.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát động một chiến dịch quyết liệt bài trừ tận gốc tham nhũng sau khi nhậm chức vào tháng Ba năm nay.

Nguồn: Reuters, Business Insider

Giáo Hội Hồng Kông kêu gọi Bắc Kinh ngưng đàn áp

Giáo Hội Hồng Kông kêu gọi Bắc Kinh ngưng đàn áp

Theo báo cáo của Giáo Hội Hồng Kông, các linh mục không phục tùng chế độ Bắc Kinh, bị uy hiếp - REUTERS/Stringer

Theo báo cáo của Giáo Hội Hồng Kông, các linh mục không phục tùng chế độ Bắc Kinh, bị uy hiếp – REUTERS/Stringer

Tú Anh

RFI

Ủy ban Công lý và Hòa bình Hồng Kông đã gửi một văn kiện lên Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc yêu cầu can thiệp. Lời kêu gọi Trung Quốc « chấm dứt hành vi chống lại dân mình » nêu lên tình trạng giáo dân và tu sĩ, trung thành với Vatican hay theo Nhà nước, cũng đều bị trấn áp một cách có hệ thống tại Hoa lục.

Văn kiện của Giáo Hội Công Giáo Hồng Kông đã được chuyển đến Hội Đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc dự trù cho phiên họp vào ngày 22/10/2013 tới, xem xét tình trạng nhân quyền tại châu Á.

Theo Asia News, nội dung văn kiện đã được hoàn tất từ tháng 7 liệt kê những trường hợp đàn áp cụ thể mà cả hai Giáo hội dù trung thành với Tòa thánh Vatican (Giáo hội thầm lặng) hay do nhà nước kiểm soát (Giáo hội yêu nước) đều bị khổ đau như nhau.

Các linh mục không phục tùng chế độ bị theo dõi, bị quản chế thậm chí bị tra tấn, bị bắt cóc. Giáo dân bị chính sách tôn giáo của chính quyền, qua trung gian của các tổ chức « bù nhìn » như Hiệp Hội Tổ Quốc và « đại biểu công giáo tại Quốc hội » gây chia rẽ.

Giám mục, Linh mục của hai Giáo hội bị ép buộc nhóm họp chung , những người từ chối đều bị bắt cóc, cưỡng chế học tập chính trị. Trong hai năm 2010 và 2012, để tiến hành hai vụ tấn phong giám mục mà không có sự đồng ý của Tòa thánh Vatican, công an đã chận bắt nhiều linh mục đưa về địa điểm hành lễ.

Hội đồng Giám mục Cuba kêu gọi cải cách chính trị

Hội đồng Giám mục Cuba kêu gọi cải cách chính trị

Đức Hồng Y Jaime Ortega, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Cuba. Ảnh chụp ngày 20/05/2010 tại La Habana

Đức Hồng Y Jaime Ortega, lãnh đạo Giáo hội Công giáo Cuba. Ảnh chụp ngày 20/05/2010 tại La Habana

REUTERS/Enrique De La Osa

Tú Anh

RFI

Lần đầu tiên trong nhiều thập niên, Giáo hội Công giáo Cuba trực tiếp kêu gọi chính quyền La Habana đẩy mạnh cải cách kinh tế và dân chủ hóa chế độ. Thư yêu cầu « hòa giải dân tộc » đã được Hội Đồng Giám Mục công bố vào chủ nhật 15/09/2013.

Hội đồng Giám mục Cuba đã công bố bức thư « Hy vọng không làm thất vọng » trên trang mạng của Giáo Hội Công Giáo Cuba.

Qua bức thư này, Hội đồng Giám mục kêu gọi chính phủ Cuba về đối ngoại hãy cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ, về đối nội cần phải đối thoại để hòa giải dân tộc, để cho người dân quyền tự lập, tự do thực hiện ước mơ của mình kể cả việc di cư sang một quốc gia khác.

Từ khi lên thay Fidel Castro vào năm 2006, Raoul Castro đã ban hành nhiều biện pháp « đổi mới » kinh tế tại Cuba.

Do vậy, Hội đồng Giám mục Cuba nhận định : Lãnh vực chính trị cũng cần thích ứng với thực tế như trong lãnh vực kinh tế… Luật pháp và chính trị cũng phải được đổi mới. Chức sắc lãnh đạo Giáo hội Công giáo Cuba kêu gọi chính quyền xem xét lại chính sách đối với Hoa Kỳ mà từ nhiều thập niên nay đã gây tác hại cho nhân dân Cuba.

Theo AFP, bức thư này đánh dấu lời kêu gọi đầu tiên của Hội đồng Giám mục Cuba, trực tiếp yêu cầu chính quyền cải cách kể từ 20 năm qua, tiếp theo sau bức thư thứ nhất công bố năm 1993, trong bối cảnh kinh tế quốc gia bị khủng hoảng nghiêm trọng sau khi Liên Xô, nguồn tài trợ của Cuba, sụp đổ.

Chủ tịch Raoul Castro xem Giáo hội Công giáo Cuba là tổ chức duy nhất mà chính quyền chấp nhận đối thoại.

Người già nhất thế giới qua đời

Người già nhất thế giới qua đời

Cụ ông Salustiano Sanchez-Blazquez 112 tuổi được xem là người già nhất thế giới.

Cụ ông Salustiano Sanchez-Blazquez 112 tuổi được xem là người già nhất thế giới.

15.09.2013

Người được sách kỷ lục Guinness thế giới xem là người già nhất thế giới đã qua đời.

Cụ ông Salustiano Sanchez-Blazquez qua đời hôm thứ Sáu tại một viện dưỡng lão ở thành phố Grand Island, tiểu bang New York.

Năm nay cụ 112 tuổi.

Cụ sinh năm 1901 tại làng El Tejado do Bejar, nước Tây Ban Nha.

Khi còn là một thiếu niên, cụ và người em trai và một nhóm bạn làm cho một vườn mía ở Cuba.

Cụ Sanchez di cư sang Mỹ năm 1920 qua ngả New York và sau đó định cư trong tiểu bang này, tự học nhạc và sống bằng nghề nhạc sĩ.

Bà vợ của cụ qua đời năm 1988.

Cụ Sanchez còn để lại một con gái, một con trai, 7 cháu nội, 15 chắt, và 5 chít.

Tổng thư ký LHQ : Bachar al-Assad phạm “tội ác chống nhân loại”

Tổng thư ký LHQ : Bachar al-Assad phạm “tội ác chống nhân loại”

Ông Ban Ki Moon họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc - REUTERS

Ông Ban Ki Moon họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc – REUTERS

Tú Anh

RFI

Bản báo cáo của chuyên gia Liên Hiệp Quốc sẽ kết luận với những bằng chứng rõ ràng xác nhận có một vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ngày 21/08/2013 tại ngoại ô Damas. Trên đây là thông báo của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon vào chiều hôm qua 13/09/2013.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon không quy trách nhiệm trực tiếp cho chế độ Damas nhưng tố cáo Tổng thống al Assad “phạm tội ác chống nhân loại” và phải trả lời trước công lý. Từ New York, thông tín viên Karim Lebhour tường thuật :

Bản báo cáo sẽ đưa ra bằng chứng “không thể chối cãi được”. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc xác quyết rằng kết luận của các chuyên gia vũ khí hóa học từ Syria trở về sẽ cho thấy không có một yếu tố nào có thể hoài nghi sự thực đã xảy ra vào ngày 21 tháng 8.

Bản báo cáo sẽ được công bố vào thứ hai 16/09/2013 tới. Tổng thư ký Ban Ki Moon không lên án một ai, không gọi đích danh chính quyền Syria là thủ phạm nhưng ông nhấn mạnh là Bachar al Assad đã nhiều lần phạm “tội ác chống nhân loại” và các nhà lãnh đạo Syria sẽ phải trả lời trước pháp luật một khi chiến tranh kết thúc.

Ông Ban Ki Moon nói: “Hành động khủng khiếp dùng vũ khí hóa học tấn công đã sát hại 1400 người và làm 5000 người khác vẫn còn nằm trong bệnh viện. Phái bộ chuyên gia của Liên Hiệp Quốc sắp công bố bản báo cáo. Bằng chứng sẽ rất đầy đủ không thể phủ nhận được.

Bản báo cáo sẽ chứng minh vũ khí hóa học đã được sử dụng tại Syria mặc dù hiện giờ tôi không thể khằng định công khai vì bản phúc trình chưa đến tay tôi. Tổng thống Syria đã phạm nhiều tội ác chống nhân loại. Tôi tin chắc rằng những người có trách nhiệm sẽ phải trả lời (trước công lý) một khi chiến tranh kết thúc. Giờ đây, chúng ta phải làm mọi cách để xung đột nhường chỗ cho đối thoại”.

Mặc dù bản báo cáo Liên Hiệp Quốc không nói ai là thủ phạm tấn công bằng vũ khí hóa học nhưng các nhà ngoại giao thẩm định chuyện đó không khó khăn. Câu trả lời nằm ngay trong công thức hóa chất, loại tên lửa mang đầu đạn hóa học và quỷ đạo của tên lửa. Tất cả những yếu tố này sẽ chỉ ra tội trạng của chính quyền Damas.

Bản phúc trình của Liên Hiệp Quốc có tính đáng tin cậy vì phát xuất từ một cuộc điều tra độc lập. Pháp và Hoa Kỳ chắc chắn sẽ dựa vào kết luận này để áp đặt một tiến trình thanh tra nghiêm nhặt các kho vũ khí của Syria. Cuộc thương lượng tiếp tục tại New York để thiết lập cơ chế thanh tra cụ thể một khi Mỹ và Nga đạt thỏa thuận”.

Trưởng đặc khu Hồng Kông sẽ không được bầu một cách dân chủ

Trưởng đặc khu Hồng Kông sẽ không được bầu một cách dân chủ

RFI

Ảnh biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông ngày  01/07/ 2013. Người biểu tình với cò thời thuộc địa để tố cáo chính sách Trung Quốc và đòi bầu cử trực tiếp.

Ảnh biểu tình đòi dân chủ cho Hồng Kông ngày 01/07/ 2013. Người biểu tình với cò thời thuộc địa để tố cáo chính sách Trung Quốc và đòi bầu cử trực tiếp.

Reuters

Thụy My

Theo hãng tin Reuters hôm nay 13/09/2013, đại diện của Bắc Kinh tại Hồng Kông đã bác bỏ việc tổ chức bầu cử Trưởng đại diện đặc khu này vào năm 2017 bằng phương thức dân chủ.

Trong một lá thư gởi đến phong trào dân chủ Civic Party, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), phụ trách văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại đặc khu này nhấn mạnh, Luật cơ bản của Hồng Kông dự kiến việc bầu Trưởng đặc khu thông qua « một ủy ban bầu cử định danh đại diện cho rộng rãi các tầng lớp ». Ông Trương nói thêm là « Không có lựa chọn nào khác ».

Như vậy việc lựa chọn người đứng đầu đặc khu Hồng Kông lại tiếp tục nằm trong tay một nhóm người chủ yếu là các nhân vật trung thành với Bắc Kinh, luôn thẳng tay loại ra tất cả các ứng viên đối lập.

Khi Anh trao trả cho Trung Quốc năm 1997, Hồng Kông có được quy chế tự trị, đảm bảo một nền tư pháp và báo chí độc lập. Lãnh thổ có bảy triệu dân này được hưởng nhiều quyền tự do nhất so với tất cả các đô thị lớn của Trung Quốc. Tuy nhiên hàng năm cứ đến ngày kỷ niệm trao trả vào tay Bắc Kinh, hàng ngàn người dân Hồng Kông lại xuống đường để đòi hỏi quyền được bầu lên người đại diện một cách dân chủ.

Tòa án Ấn Độ kết án tử hình 4 người về tội cưỡng hiếp tập thể

Tòa án Ấn Độ kết án tử hình 4 người về tội cưỡng hiếp tập thể

Người tụ họp bên ngoài tòa án ở New Delhi 13/9/13 chờ nghe bản án. Tòa tuyên án tử hình 4 bị can, một quyết định mà thẩm phán nói rằng chuyển đi thông điệp cho xã hội rằng một tội ác dã man như vậy không thể dung thứ

Người tụ họp bên ngoài tòa án ở New Delhi 13/9/13 chờ nghe bản án. Tòa tuyên án tử hình 4 bị can, một quyết định mà thẩm phán nói rằng chuyển đi thông điệp cho xã hội rằng một tội ác dã man như vậy không thể dung thứ

13.09.2013

Một tòa án Ấn Độ đã kết án tử hình bằng cách treo cổ 4 người đàn ông bị kết tội trong vụ hiếp dâm tập thể một phụ nữ trẻ trên một xe buýt ở New Delhi hồi năm ngoái, gây tử vong cho nạn nhân.

Trong phán quyết đưa ra hôm nay, Thẩm phán Yogesh Khanna nói tội này rơi vào loại “hiếm nhất trong các loại tội hiếm đáng bị xử tử hình”.

Một trong 4 người đàn ông đã òa khóc khi bản án được tuyên.

Cha của nạn nhân nói ông cảm thấy được an ủi khi con gái ông có được công lý.

Nạn nhân 23 tuổi bị hiếp dâm và tấn công bằng một thanh sắt vào tháng 12 năm ngoái. Bạn trai của cô cũng bị đánh đập trước khi cả hai bị ném ra khỏi xe buýt. Nạn nhân qua đời vì những vết thương tại một bệnh viện Singapore nơi cô được chữa trị hai tuần sau khi bị tấn công.

Vụ tấn công đã khơi dậy những cuộc biểu tình phẫn nộ trên khắp Ấn Độ về cách đối xử với phụ nữ tại nước này và dẫn tới  việc ban hành những đạo luật về tấn công tình dục tại Ấn Độ.

Phán quyết tử hình được đưa ra hôm nay cần phải được Tòa án Cấp cao New Delhi phê chuẩn. Luật sư của những bị cáo cho biết sẽ kháng án.

Bị cáo thứ 5, 17 tuổi vào lúc vụ tấn công xảy ra, bị kết án 3 năm tù trong một trại cải tạo—bản án tối đa dành cho một bị can vị thành niên.

Một bị cáo thứ sáu, một người trưởng thành, đã chết trong tù vào tháng Ba.

Bộ trưởng Nội vụ Ấn Độ Sushil Kumar Shinde nói án tử hình này đưa ra một tiền lệ và hy vọng sẽ ngăn ngừa được những tội như thế.

Canh thức cầu nguyện cho Hoà Bình tại Vatican.

Trần Mạnh Trác
Sep 07/2013
Khoảng 100 ngàn người đã tham gia buổi canh thức ăn chay và cầu nguyện cho Hoà Bình Thế Giới tại quảng trường Thánh Phêrô vào chiều thứ Bảy, 7 tháng 9, vừa qua.

Hãng AP cho biết đây là cuộc biểu dương lớn nhất ở phương Tây chống lại đề xuất quân sự cuả Mỹ đòi trừng phạt Syria.

Cuộc tấn công bằng vũ khí hoá học, đã gây thương vong cho khoảng 1000 thường dân, được coi như là một hành động cuả chính phủ Syria, bởi vì trong số các phe tham chiến, chỉ có quân chính phủ mới có khả năng sử dụng loại vũ khí hoá học tối tân và triển khai một số lượng nhiều và mau chóng như vậy.

Đức Thánh Cha Phanxicô, với vẻ mặt âu sầu, đã giữ yên lặng để suy tư và cầu nguyên hầu như trong suốt buổi canh thức.

Trong bài giảng ngắn, Ngài lên án mọi hình thức bạo lực và nói :” Tối nay tôi cầu nguyện cùng Chúa để cho chúng ta, là những Kitô hữu, cũng như các anh chị em cuả các tôn giáo khác , và mọi người có thiện tâm, gióng lên một tiếng nói mạnh mẽ rằng: bạo lực và chiến tranh không bao giờ là con đường đưa tới hòa bình”

Ngài nói về trách nhiệm của mỗi cá nhân là phải chăm sóc cho nhau , đó là cơ sở cho hòa bình và hòa hợp .

“Khi người ta chỉ nghĩ về mình mà thôi, đặt lợi ích của mình (lên trên hết) và đặt mình làm trung tâm (vũ trụ ), thì người đó thả mình vào cơn mê hoặc cuả các thần tượng của thống trị và quyền lực, khi (người ta) tự đặt mình làm Thiên Chúa, thì tất cả các mối giao hảo sẽ bị phá vỡ và tất cả sẽ bị hủy hoại, sau đó chỉ còn là cánh cửa cuả bạo lực , thờ ơ và xung đột ” .

Ngài dùng câu chuyện của Abel và Cain như là một thí dụ cuả loài người đã không coi mình có trách nhiệm với tha nhân. Hậu quả là con người đã thất bại nhiều lần và chiến tranh đã bùng nổ.

Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi tất cả mọi người , đặc biệt các nhà lãnh đạo thế giới , hãy ” chuyển hướng ” khỏi bạo lực và tìm kiếm hòa bình.

“Hãy lo lắng cho những nỗi đau buồn của người anh em khác chứ đừng ‘đổ thêm dầu vào lửa’ , hãy rụt nắm tay cuả bạn lại, hãy xây dựng lại sự hài hòa đã bị tan vỡ , và tất cả những điều này sẽ đạt được không phải là do xung đột nhưng là do những gặp gỡ ! ”

Trong một cử chỉ tượng trưng cho mục đích của đêm canh thức, năm cặp vợ chồng đến từ Syria , Ai Cập , Đất Thánh , Nga , và Hoa Kỳ đã dâng hương trước bức linh ảnh Đức Mẹ. Đồng thời các em giúp lễ cũng đã được chọn từ trường North American College ở Rome.

Buổi canh thức kép dài 4 giờ trong một bầu không khí ảm đạm và im lặng.

Trước buổi lễ đã có số người dương lên cờ cuả Syria và những áp phích viết “Hảy để yên Syria , ” và ” Obama , ông không phải đang nằm mơ đâu, ông đang có ác mộng đấy”. Nhưng khi buổi cầu nguyện bắt đầu thì các áp phích và cờ đã biến mất.

Nhân viên giữ trật tự đã yêu cầu họ không biểu tình chính trị tại Quảng trường Thánh Phêrô, để tôn trọng ý định của Đức Thánh Cha là đây chỉ là một dịch vụ tôn giáo .

Người ta ghi nhận sự có mặt cuả nhiều nhà lãnh đạo cuả các tôn giáo khác và nhiều chính trị gia trong đó có một nhóm người Hồi Giáo ở Ý dẫn đầu bởi ông đạo trưởng Yaha Pallavicini.

Buổi canh thức cũng đã được tổ chức ở các nơi khác trên thế giới , Đài phát thanh Vatican báo cáo những buổi lễ ​​tương tự đã diễn ra trên khắp nước Ý. Hãng thông tấn Reuters cho biết đã có những buổi lễ diễn ra tại Jerusalem , Assisi, Milan, Boston và Baghdad .

Tại thủ đô Damascus cuả Syria, hãng Ap cho biết một số ít Kitô hữu Syria đã tụ họp tại nhà thờ al-Zaytoun. Đức Thượng phụ Gregorios III Laham tuyên bố rằng trong khi hầu hết các nước ủng hộ một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria thì vẫn có một số nước muốn hành động quân sự. “Nhưng đây là một sự khởi đầu, ” Ngài nói với các tín hữu ở Damascus ” Không chiến tranh . Có hòa bình.”

Đài phát thanh Vatican cũng cho biết vị đạo trưởng cuả Hồi Giáo ở Damacus đã cảm ơn Đức Thánh Cha trong một bức thư gởi cho Ngài tuần trước và ông kêu gọi người Hồi Giáo cùng tham gia ăn chay.

Riêng tại Argentina nơi quê hương cuả Đức Thánh Cha, nhiều nhóm nhân quyền và tôn giáo đã tổ chức buổi cầu nguyện tại Buenos Aires Plaza de Mayo và ở mọi thành phố trong nước.

httpv://www.youtube.com/watch?v=DELLQ5aMA1M