Video Đức Thánh Cha và chú bé con đang phá kỷ lục trên mạng



Những video quay lại cảnh Đức Thánh Cha Phanxicô xoa đầu một chú bé con trong lúc Ngài ban lời giảng cho các cặp hôn nhân vào đêm thứ Bảy vừa qua đã phá kỷ lục truy cập trên toàn thế giới và nhận được hàng trăm ngàn lời bình luận khen ngợi.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban lời giảng về việc giữ gìn hạnh phúc trong cuộc sống gia đình, Ngài khuyên mọi người cần phải biết nói lên 3 lời này là “xin lỗi (Excuse me), cảm ơn (Thank you) và tôi lấy làm tiếc (I am sorry).”

Vào lúc đó thì một chú bé (giấu tên), là con nuôi cuả một cặp ở nước Columbia và là một trong số những đưá trẻ được chọn ngồi gần sân khấu, đã la cà đi lên bục giảng, tới gần Đức Giáo Hoàng và diễu hành xung quanh một cách “rất ư là tự nhiên”.

Có lúc đứa bé leo lên Ngai cuả Đức Giáo Hoàng, lúc khác nó ôm lấy chân Ngài như ôm lấy chân cuả một người cha, và thậm chí nó còn kéo theo một đưá bé gái lớn tới gần bên Đức Giáo Hoàng.

Nhân viên trật tự đã tìm cách lấy kẹo dụ chú bé đi chơi nơi khác, nhưng nó không tha thiết ngoài việc quanh quẩn ở cạnh bên Đức Thánh Cha.

Như một người ông nuông chiều con cháu, Đức Thánh Cha mỉm cười xoa đầu nó và có lúc dạy nó hôn lên cây Thánh Giá của mình.

Những hình ảnh tươi mát như vậy đã được cộng đồng Mạng truyền bá cho nhau lan ra khắp thế giới, cộng thêm những lời khen ngợi quí mến.

Một học sinh Trung Quốc nhảy lầu chết « theo lệnh » của thầy giáo

Một học sinh Trung Quốc nhảy lầu chết « theo lệnh » của thầy giáo

Trò chơi tập làm bộ đội, tại khuôn viên Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh chụp 25/10/2013)

Trò chơi tập làm bộ đội, tại khuôn viên Đông Dương, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc (Ảnh chụp 25/10/2013)

REUTERS

Thụy My

RFI

Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc (CNR) hôm nay 31/10/2013 loan tin, một học sinh Trung Quốc 10 tuổi đã tử vong khi nhảy từ tầng lầu thứ 30 xuống đất, sau khi bị thầy giáo ra lệnh phải viết bản tự kiểm, nếu không thì phải nhảy từ trên lầu xuống.

Em học sinh này bị thầy giáo ra lệnh phải viết một bản tự kiểm gồm 1.000 từ vì đã nói chuyện trong lớp. Phóng sự của Đài phát thanh quốc gia Trung Quốc trích lời thân nhân và hàng xóm của học sinh trên cho biết, cậu bé nhiều lần không hoàn thành nổi bản tự kiểm, và thầy giáo bèn nói, thế thì chỉ còn cách nhảy từ trên tòa nhà xuống.

Cũng theo CNR, người ta tìm thấy mảnh giấy trong một cuốn sách giáo khoa của em học sinh, viết nguệch ngoạc mấy chữ : « Thầy ơi, con không viết nổi. Con đã do dự nhiều lần khi cố gắng nhảy từ trên lầu xuống ».

Sau cái chết bi thảm của cậu bé, các thành viên trong gia đình đã giương biểu ngữ bên ngoài ngôi trường tại thành phố Thành Đô mang dòng chữ : « Thầy giáo đã buộc con chúng tôi phải nhảy lầu » – theo các tấm ảnh được đưa lên internet hôm nay.

Một viên chức có trách nhiệm của khu Cẩm Giang, nơi xảy ra thảm kịch nói là công an đang tiến hành điều tra, và không cho biết thêm chi tiết. Trên tài khoản tiểu blog, nhà trường viết rằng em học sinh trên và nhiều bạn học đã được lệnh viết bản phản tỉnh về thái độ của mình, sau khi gây trở ngại cho một cuộc thi hùng biện trong trường. Trường cam đoan là cậu bé chết « do tai nạn ».

Hệ thống giáo dục Trung Quốc có tiếng là kỷ luật nghiêm khắc. Truyền thống Trung Hoa buộc phải tuyệt đối tôn trọng bề trên, và học sinh phải luôn ngoan ngoãn vâng lời thầy cô.

Các buổi tự kiểm đã để lại dấu ấn sâu đậm cho xã hội Trung Quốc trong những năm tháng đen tối dưới chế độ Mao Trạch Đông, và mới đây lại được nêu cao nhân chiến dịch chống tham nhũng đang được tiến hành.

Rumani: Truy tố trưởng trại tù thời Cộng sản

Rumani: Truy tố trưởng trại tù thời Cộng sản

Ioan Ficior (Ảnh : @amosnews.ro)

Ioan Ficior (Ảnh : @amosnews.ro)

Thanh Phương

Hôm nay, 24/10/2013, Viện Công tố Rumani thông báo đã truy tố về tội “diệt chủng” ông Ioan Ficior, trưởng một trại cải tạo thời Cộng sản, nơi mà cả trăm nhà đối lập đã bỏ mạng cách đây 50 năm.

Trong bản thông cáo, Viện Công tố cho biết, trong cương vị của ông từ năm 1958 đến 1963, Ioan Ficior đã thi hành một chế độ giam giữ “mang tính trấn áp, lạm quyền, vô nhân đạo” đối với các tù chính trị trong trại cải tạo Periprava, miền đông nam Rumani.

Theo các nhà điều tra, chế độ giam giữ nói trên nhằm mục đích “tận diệt các tù chính trị”, bằng cách bắt họ làm việc rất cực nhọc, trong cái rét kinh người, thiếu nước uống, thức ăn và thuốc chữa bệnh. Trong thời gian ông Ficior làm trưởng trại cải tạo từ tháng 8/1958 đến 11/1963, 113 tù chính trị đã chết trong trại này.

Vào giữa tháng 9 vừa qua, Viện nghiên cứu tội ác Cộng sản của Rumani đã đề nghị Viện Công tố truy tố ông Ficior về tội diệt chủng. Năm nay 85 tuổi, ông Ficior khi trả lời phỏng vấn một nhật báo Rumani đã chối bỏ trách nhiệm của ông về cái chết của các nhà đối lập trong trại cải tạo do ông điều hành.

Tổng cộng, hơn 600 000 người Rumani đã bị tuyên án và giam cầm vì những lý do chính trị dưới thời Cộng sản, từ năm 1945 đến 1989, theo số liệu của Viện bảo tàng tưởng niệm nạn nhân Cộng sản Sighet. Thế nhưng, cho tới nay, rất ít cựu lãnh đạo Cộng sản nước này phải ra trước vành móng ngựa vì đã hết thời hiệu truy tố.

Trung Quốc ‘thể hiện mộng bá quyền’ qua Viện Khổng Tử ở Việt Nam?

Trung Quốc ‘thể hiện mộng bá quyền’ qua Viện Khổng Tử ở Việt Nam?

 Ý tưởng thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam đã được nhen nhóm từ năm 2009.

Ý tưởng thành lập Viện Khổng tử ở Việt Nam đã được nhen nhóm từ năm 2009.

VOA Tiếng Việt

24.10.2013

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường rời Hà Nội hôm 15/10, nhưng dư âm của chuyến công du của giới chức từ nước láng giềng phương bắc của Việt Nam vẫn chưa lắng dịu.

Một trong những vấn đề được bàn luận nhiều trên các trang mạng xã hội những ngày qua là bản thỏa thuận giữa giới chức hai nước về việc thành lập Viện Khổng Tử tại Trường Đại học Hà Nội.

Tin cho hay, ý tưởng thành lập Viện này ở Việt Nam đã được nhen nhóm từ năm 2009, nhưng theo nhận định của giới quan sát, những mối căng thẳng ở biển Đông đã làm cho dự án này bị trì hoãn.

Nhưng Bắc Kinh đã tỏ ra dịu giọng hơn trong chuyến thăm của ông Lý vì theo đánh giá của các chuyên gia, ‘Trung Quốc muốn tỏ ra rằng họ không hiếu chiến’ trong bối cảnh nước này ‘đang bị cô lập trong vấn đề tranh chấp lãnh hải’.

Ngay cả Trung Quốc, thời kỳ Cách mạng văn hóa cũng đã đạp đổ hoàn toàn cả Khổng học cũng như Nho giáo. Bây giờ họ muốn dựng lại để tạo ảnh hưởng đối với các nước lân bang hay là các nước mà họ muốn gây ảnh hưởng.

Tiến sỹ Nguyễn Nhã nói.

Tiến sỹ Nguyễn Nhã, nhà sử học có nghiên cứu về Trung Quốc, cho rằng Viện Khổng tử là ‘một trong những ý đồ của Bắc Kinh muốn sử dụng ảnh hưởng về văn hóa để thể hiện quyền lực mềm đối với Việt Nam’.

Ông nói: “Ngay cả Trung Quốc, thời kỳ Cách mạng văn hóa cũng đã đạp đổ hoàn toàn cả Khổng học cũng như Nho giáo. Bây giờ họ muốn dựng lại để tạo ảnh hưởng đối với các nước lân bang hay là các nước mà họ muốn gây ảnh hưởng”.

Báo chí trong nước đưa tin, Viện Khổng Tử ‘giảng dạy tiếng Hoa; đào tạo giáo viên Hoa ngữ; tổ chức thi trình độ tiếng Hoa; chiếu phim Trung Quốc; tư vấn du học; tổ chức các hoạt động trao đổi văn hóa, hữu nghị’.

Trong khi đó, blogger Paulo Thành Nguyễn cho rằng Viện Khổng tử là một trong những công cụ để Trung Quốc ‘thể hiện mộng bá quyền’.

Người từng lập cơ sở kinh doanh với ‘cam kết không bán hàng hóa Trung Quốc’ còn nói thêm rằng Trung Quốc đã truyền bá văn hóa của nước này ở Việt Nam ‘qua con đường phim ảnh từ lâu rồi’.

Ông nói: “Đó là một trong những mục đích để thể hiện bá quyền về văn hóa và giải trí. Tất cả đều lồng vào thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đến người dân Việt Nam để thông quá đó để rao giảng về văn hóa của họ”.

Đó là một trong những mục đích để thể hiện bá quyền về văn hóa và giải trí. Tất cả đều lồng vào thông điệp mà Trung Quốc muốn gửi đến người dân Việt Nam để thông quá đó để rao giảng về văn hóa của họ.

Ông Paulo Thành Nguyễn nói.

Về tác động của quyền lực mềm của Trung Quốc đối với Việt Nam, người được coi là cha đẻ của thuyết quyền lực mềm, Giáo sư tại Đại học Harvard Joseph Nye từng nhận định với VOA Việt Ngữ rằng ‘Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc, đặc biệt là Khổng giáo, trong một thời gian dài’.

‘Ngoài ra, Trung Quốc còn tìm cách truyền bá tư tưởng của mình. Người Trung Quốc cho rằng quá trình thích nghi của Đảng Cộng sản trong khi thực thi nền kinh tế thị trường là điều hấp dẫn đối với Việt Nam’, ông Nye nói.

Theo Tiến sỹ Nhã, sự mở rộng văn hóa của Trung Quốc ‘không phải là hướng có lợi cho Việt Nam’.

Ông nói: “Trung Quốc đã muốn và thể hiện quyền lực mềm trong kinh tế, và theo tôi, Trung Quốc đã khá thành công. Hàng hóa của Trung Quốc tràn lan và sự nhập siêu của Việt Nam thì quá lớn. Như thế theo tôi cũng là một sự lệ thuộc. Chỉ khi nào mình cân bằng được thì lúc đó mình mới thực sự thể hiện sự độc lập, tự chủ của mình”.

Trong một bài viết trên blog của mình, blogger Nguyễn Xuân Diện, cán bộ Viện Hán – Nôm ở Hà Nội, cho rằng giới lãnh đạo Việt Nam ‘có một sự hiểu biết rất hạn chế về văn hóa của Trung Quốc’.

Để những học viện Khổng Tử như thế tồn tại ở Việt Nam đòi hỏi những nhà lãnh đạo về tư tưởng và văn hóa phải có sự hiểu biết sâu sắc, một bản lĩnh vững vàng. Nếu không, nó sẽ là cuộc xâm lăng về mặt văn hóa.

Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện viết.

Nhà nghiên cứu về văn hóa Việt Nam – Trung Quốc viết: “Việc tuyên truyền, gây sức ép cũng như ảnh hưởng của văn hóa Trung Quốc lên Việt Nam là quá mạnh. Có những công trình tu bổ hoặc xây mới mang đậm dấu ấn Trung Quốc. Có hàng loạt các ngôi chùa từ Nam chí Bắc trùng tu, trang trí theo kiểu Trung Quốc”.

“Để những học viện Khổng Tử như thế tồn tại ở Việt Nam đòi hỏi những nhà lãnh đạo về tư tưởng và văn hóa phải có sự hiểu biết sâu sắc, một bản lĩnh vững vàng. Nếu không, nó sẽ là cuộc xâm lăng về mặt văn hóa”, ông Diện viết.

Theo tờ Nhân dân Nhật Báo của Trung Quốc, hiện có khoảng hơn 400 Viện Khổng Tử do Trung Quốc tài trợ đặt tại các trường đại học trên toàn thế giới, trong đó có cả Mỹ và nhiều nước châu Phi.

Jessica Cox – Người phụ nữ lái máy bay bằng chân đầu tiên của thế giới

Jessica Cox – Người phụ nữ lái máy bay bằng chân đầu tiên của thế giới

Hồng Hoa

19.10.2013

 

Vào năm 1983 tại Sierra Vista, bang Arizona, một bé gái ra đời không có cánh tay. Cô bé có thể sống lây lất, trong tình huống không ai đặt nhiều kỳ vọng nơi cô. Nhưng 14 năm sau, bé gái ấy không chỉ sống khỏe mạnh mà còn giành được đai đen Taekwondo của Liên hiệp Taekwondo Quốc tế. Sau đó trong thời gian theo học ngành tâm lý tại trường đại học Arizona, cô trở thành người không tay đầu tiên giành được đai đen Taewkondo của Hiệp hội Taekwondo Hoa Kỳ. Vào ngày 10 tháng 10 năm 2008, cô gái đặc biệt này đã có được bằng lái máy bay và vào năm 2011, tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận cô là người đầu tiên lái máy bay bằng chân. Hiện nay, bé gái sơ sinh không tay năm nào nay đã trở thành một diễn giả quốc tế đã đặt chân tới 20 quốc gia xuyên suốt sáu châu lục với hy vọng chia sẻ những thông điệp truyền cảm hứng sống cho mọi người trên khắp thế giới. Cô gái ấy là Jessica Cox. VOA Tiếng Việt đã may mắn có cơ hội được trò chuyện với cô gái phi thường này qua Skype. Xin mời quý vị cùng theo dõi bài phỏng vấn với cô Jessica Cox do Hồng Hoa thực hiện.

VOA: Xin chào chị Jessica. Chân thành cảm ơn chị một lần nữa đã nhận lời phỏng vấn với đài VOA. Được biết, hiện chị là một diễn giả quốc tế có những bài diễn thuyết truyền thông điệp cảm hứng trên khắp thế giới và chị cũng có một tổ chức hoạt động mang tên chị nhằm đem lại động lực sống cho mọi người. Vậy khi còn nhỏ, điều gì hay ai là nguồn cảm hứng, động lực sống của chị?

Chị Jessica Cox: Cha mẹ tôi ủng hộ tôi rất nhiều trong mọi việc. Mẹ tôi thường nói với tôi rằng Thượng đế dành cho con một kế hoạch riêng và con có thể làm bất cứ điều gì con muốn. Bà nói với tôi điều đó mỗi khi tôi nổi giận hay không chắc chắn về bản thân mình. Bà đã khích lệ tôi, và phần nào giúp tôi trở thành con người tôi ngày hôm nay. Bà là nguồn động lực, nguồn cảm hứng cho tôi như thế.

Còn cha của tôi là người đã tạo ra cho tôi một nền tảng cơ bản là hãy biết chấp nhận. Bạn sẽ không bao giờ thấy tôi là một nạn nhân. Ông là người truyền cho tôi sức mạnh để tin tưởng một điều rằng tôi không phải là nạn nhân của một tật nguyền nào đó, mà đơn giản đó là con người thật của tôi. Vì thế mà cha tôi đã cho tôi sự tự tin mạnh mẽ này, còn mẹ tôi luôn nói với tôi là tôi có thể làm bất cứ điều gì.

VOA: Vậy việc trở thành một phi công cũng do cha mẹ chị khuyến khích chị hay đó là ước mơ của riêng chị?

Chị Jessica Cox: Thực tế thì cha mẹ tôi không có khuyến khích tôi trở thành một phi công, mà đó là điều mà tôi tự mình quyết định. Thực ra trong gia đình tôi, không có ai làm phi công cả. Tôi chưa bao giờ ngồi trong một chiếc máy bay động cơ đơn trong đời cho tới khi tôi có trải nghiệm ngồi trong đó, và chỉ tới lúc đó tôi mới có quyết định trở thành một phi công. Lúc đó tôi lên 21 tuổi. Tôi đã sống suốt 21 năm mà không hề biết cảm giác ngồi trong một chiếc máy bay cỡ nhỏ nó như thế nào cho tới giây phút đó.

VOA: Trong cuộc sống hàng ngày, khi đó chị đã phải đối mặt với những khó khăn gì?

Chị Jessica Cox: Điều khó khăn rõ ràng nhất là tôi khác biệt với những người còn lại và phải đối phó với những bạn nhỏ khác, những người luôn đặt ra cho tôi những câu hỏi không phải lúc nào cũng lịch sự, đôi khi rất xấu. Những thử thách mang tính tinh thần cũng là những điều tôi phải đối mặt. Một vài thách thức bên ngoài như tự mình mặc quần áo, thật không đơn giản cho nhiều người nếu phải tự mặc quần áo bằng chân. Đó đã trở thành một hành trình của riêng tôi xuyên suốt 10 năm, tự mình tìm cách trở thành một con người độc lập.

Khi còn nhỏ, tôi sống gần trường tiểu học nên có lúc tôi đi bộ, có lúc cha mẹ đưa tôi tới trường. Đến năm tôi lên lớp 8, tôi bắt đầu đi xe buýt đi học cho tới hết năm lớp 9. Sau đó khi học cấp 3 thì tôi đi học cùng anh trai nên chúng tôi cùng lái xe tới trường.

Bạn biết không, điều ngạc nhiên là có rất nhiều bạn nhỏ đã rất tò mò, một cách bản năng thôi, là tại sao tôi bị mất tay, trong khi thực ra tôi chưa bao giờ có tay từ khi tôi chào đời cả. Vì thế mà có nhiều lúc mà chúng tò mò và muốn hỏi tôi. Một số người thì cũng không lịch sự cho lắm. Có những đứa nhỏ khá ồn ào và cũng không lễ phép. Chúng có chọc ghẹo tôi. Nhưng ngoài những điều đó thì phần lớn, tôi phải nói là tôi rất may mắn vì có được những người bạn tốt dám đứng lên bảo vệ tôi. Khi tôi đi học bằng xe buýt, tôi có gặp được nhiều người bạn tốt mà tôi nghĩ là khi bạn có ít nhất một người bạn, chuyện gì cũng có thể trở nên dễ dàng hơn.

VOA: Được biết là chị đã đi nhiều quốc gia để diễn thuyết, vậy chị có thể kể tên một vài quốc gia chị đã từng tới được không?

Chị Jessica Cox: Tôi đã từng đến Sri Lanka, Malaysia, Italy, Hy Lạp, Vatican, El Savador, Guatamala, Canada, Mexico. Tôi vừa đến Hàn Quốc năm nay. Ngoài ra còn có Ethiopia, Kenya, Ghana. Như vậy tôi đến châu Phi ba lần rồi.

VOA: Đã đi diễn thuyết nhiều như vậy nên có lẽ chị cũng đã có nhiều trải nghiệm đáng nhớ trong mỗi lần diễn thuyết. Vậy câu chuyện nào khiến chị ấn tượng nhất?

Chị Jessica Cox: Một trong những bài diễn thuyết mà tôi sẽ không bao giờ quên đó là lần tôi diễn thuyết ở Ghana, Châu Phi. Lý do mà tôi sẽ không bao giờ quên lần đó là vì có một người phụ nữ đã tới gặp tôi trên sân khấu. Cô ấy cũng là một người sinh ra mà không có tay. Khi cô ấy kể cho tôi nghe câu chuyện của cô ấy và đó là một câu chuyện buồn. Khi cô ấy sinh ra, cộng đồng nơi cô ấy sống nghĩ rằng cha mẹ cô ấy nên bỏ rơi cô ấy. Lúc còn là một đứa trẻ sơ sinh, người ta khuyến khích mẹ cô đem cô vào rừng và bỏ cô ấy ở đó vì họ không nghĩ là cô ấy có cơ hội sống sót. Quả thực rất khó khăn khi nghe chuyện của cô ấy. Nhưng mẹ của cô đã quyết định không nghe theo mọi người mà bỏ rơi cô. Bởi vì có một người qua đường nói với mẹ cô rằng bà không nên bỏ rơi mà nên tiếp tục nuôi dưỡng con, nên cho cô ấy một cơ hội sống. Và bà đã làm như vậy. Bà ấy lén lút nuôi cô con gái Louise của mình, và Louise giờ đã đã trở thành một cô giáo mầm non. Cô ấy thường dạy những đứa trẻ rằng khác biệt không có vấn đề gì cả. Cho dù không có tay, nhưng cô ấy vẫn tiếp tục sống và tạo ra sự khác biệt cho thế hệ kế tiếp, và hy vọng rằng chúng có thể thay đổi suy nghĩ về những người khuyết tật.

Câu chuyện này đã truyền cảm hứng rất nhiều cho tôi và cũng tác động rất lớn đến tôi vì tôi đã may mắn sinh ra ở đây, được tiếp tục sống cho dù không có tay. Nhưng ở những nước khác, không phải ai cũng may mắn có được cơ hội này. Nếu có người bị tật nguyền ở một bộ phận nào đó, đôi khi họ sẽ bị bỏ rơi cho đến chết hay bị đem đến một trại mồ côi hay một viện chăm sóc nào đó. Đây quả là một trải nghiệm giúp tôi mở mang được thêm nhiều điều.

VOA: Nếu có ai một ai đó sống ở một nước kém phát triển hoặc đang phát triển nói với chị rằng bởi vì chị vốn đã được sinh ra và lớn lên ở Mỹ, một quốc gia phát triển, nên chị có nhiều cơ hội tốt hơn họ như việc được đi học, được thực hiện những giấc mơ của mình, hay làm bất cứ điều mà chị muốn. Vậy chị sẽ nói với họ điều gì?

Chị Jessica Cox: Tôi cho rằng câu nói đó là đúng khi tôi nhận được nhiều cơ hội tốt. Nhưng bây giờ, tôi sẽ là người tận dụng cơ hội của mình, là được sống trong một nền dân chủ, góp tiếng nói của mình để một công ước về người tàn tật sẽ được thông qua. Công ước này về cơ bản sẽ giúp tất cả mọi người ở khắp nơi trên thế giới, dĩ nhiên từng nước cũng sẽ phải thông qua công ước đó, nhưng về cơ bản công ước này sẽ bảo vệ quyền lợi và tạo ra cơ hội đồng đều cho tất cả những người tật nguyền ở khắp mọi nơi. Vì thế tôi đang tiếp tay vận động để công ước này được thông qua, để nếu có ai sinh ra cũng như tôi, nếu họ không sống ở Mỹ mà ở một nơi khác, thì họ cũng sẽ được hưởng những quyền lợi mà tôi có khi ở nước Mỹ này.

Khi tôi tới nhiều nước diễn thuyết, tôi không chỉ muốn đem lại hy vọng, cảm hứng cho những người như tôi, mà còn hy vọng thay đổi suy nghĩ của bản thân những người khuyết tật rằng họ có thể thay đổi được thái độ của những người khác về họ, và còn cho cả thế giới thấy rằng nếu ai đó bị khuyết tật, không có nghĩa là không thể làm được những gì mà họ muốn.

VOA: Ước mơ khi chị còn nhỏ là được trở thành một phi công và bây giờ chị đã làm được điều đó. Vậy ước mơ, nguyện vọng tiếp theo của chị là gì?

Chị Jessica Cox: Chúng tôi đang thực hiện một bộ phim tài liệu với hy vọng là có thể ảnh hưởng tới nhiều người hơn nữa, ngoài những người mà tôi đã có cơ hội được gặp. Với bộ phim tài liệu này, chúng tôi hy vọng sẽ được tiếp cận hàng triệu người khác, sẽ truyền cảm hứng cho họ theo cách mà tôi đã làm khi diễn thuyết trên sân khấu. Bộ phim này được thực hiện để giúp tôi đến với những người ở những nơi mà tôi không bao giờ có cơ hội tới thăm, bởi vì dù sao tôi cũng chỉ là một người thôi và tôi không thể đến gặp mọi người ở khắp nơi trên thế giới được. Chúng tôi đang thực hiện bộ phim tài liệu này và đang hy vọng sẽ nhận được thêm nhiều sự ủng hộ về tài chính, dù ít dù nhiều, để có thể biến ước mơ đưa bộ phim tới mọi người trên khắp nơi trở thành hiện thực. Chúng tôi đã thực hiện hết các cảnh quay và đang trong giai đoạn hậu kỳ để có thể hoàn thành bộ phim trọn vẹn và đem bộ phim đó tới thế giới.  Vì vậy, nếu có ai quan tâm muốn tìm hiểu thêm về bộ phim này thì có thể ghé thăm website của tôi ở địa chỉ Rightfooted.com

VOA: Trong số rất nhiều điều mà chị đã chia sẻ với những khán giả của mình, điều gì là quan trọng nhất mà chị muốn họ ghi nhớ?

Chị Jessica Cox: Có nhiều người thấy những gì mà tôi đã làm được, và họ nhận ra rằng không có gì là không thể. Nhưng trên tất cả, tôi nghĩ, thông điệp quan trọng tôi muốn gửi tới mọi người là sự chấp nhận. Tất cả mọi người, cho dù là có khuyết tật hay không, đều cần phải chấp nhận con người thật của chính họ. Đó là điều mà tôi hy vọng mọi người có thể hiểu là họ cần phải chấp nhận những thử thách riêng mà cuộc sống dành cho họ và bản thân họ. Và đó cũng chính là điều mà tôi cũng phải học cách chấp nhận, đương đầu với nó trong suốt cuộc đời. Không phải lúc nào tôi cũng là một con người tràn đầy tự tin, nhưng tôi phải chấp nhận con người của tôi và phát triển sự tự tin của mình. Và đó là điều mà tôi hy vọng có thể chia sẻ với mọi người. Thông điệp của tôi đó là không có giới hạn nào cho chúng ta cả mà chỉ có chúng ta giới hạn khả năng của chính chúng ta thôi. Một thông điệp quan trọng khác đó là phải chấp nhận con người thật của chúng ta và hãy luôn yêu thương chính mình.

VOA: Một lần nữa xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị Jessica đã dành cho VOA. Xin chúc chị những điều tốt đẹp nhất trong sự nghiệp bao gồm việc phát hành bộ phim tài liệu và những chuyến đi diễn thuyết khắp thế giới, và trong cuộc sống.

Jessica Cox-Người phụ nữ lái máy bay bằng chân đầu tiên của thế giới.

httpv://www.youtube.com/watch?v=FkJrARxnRhc&list=PL0Xd6_vQV82LGqYrOqa6-XgJVKN8VpJcN

Tượng Chúa Jesus khổng lồ ở Syria

Tượng Chúa Jesus khổng lồ ở Syria

Tượng Chúa Jesus ở Syria – Ảnh:  The Moscow Times

(TNO) Một bức tượng chúa Jesus bằng đồng cao hơn tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janeiro (Brazil), đã xuất hiện tại Syria, báo The Moscow Times đưa tin ngày 22.10.

Bức tượng mang tên “Tôi đến để cứu thế giới” là công trình của ông Yury Gavrilov, một người Nga đang điều hành Quỹ St. Paul và St. George, một tổ chức ở London (Anh).

Dự án được Nhà thờ Chính thống Nga và Chính phủ Nga ủng hộ.

Nga đang đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết khủng hoảng tại Syria và có một căn cứ hải quân tại quốc gia này.

Bức tượng do một nhà điêu khắc Mỹ tạc tại Armenia. Bức tượng được an vị vào ngày 14.10, trên một đỉnh núi gần thành phố Saidnaya và gần Tu viện Cherubim nhìn xuống một tuyến đường hành hương lịch sử đến Jerusalem từ độ cao hơn 2.000 m so với mặt nước biển.

Bức tượng có chiều cao 39 m bao gồm bệ tượng, cao hơn 1 m so với tượng Chúa Cứu thế ở Brazil. Công trình này có thể được nhìn thấy từ các nước và nhà nước láng giềng như Li Băng, Jordan, Palestine và Israel.

Mọi hoạt động quân sự tạm ngưng tại khu vực trong thời gian bức tượng được lắp đặt. Dự án bức tượng này đã được xúc tiến từ năm 2005 và không liên quan gì đến cuộc khủng hoảng hiện tại ở Syria, theo Komsomolskaya Pravda.

Quỹ St. Paul và St. George của ông Gavrilov hy vọng công trình này sẽ góp phần đem lại hòa bình cho khu vực.

Trùng Quan

Khói mù bao phủ một thành phố Trung Quốc qua ngày thứ ba

Khói mù bao phủ một thành phố Trung Quốc qua ngày thứ ba

Giao thông trên đường phố ở Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, ngày 21/10/2013. Cảnh báo đỏ đã được ban hành vì ô nhiễm không khí nặng tạo một số thành phố trong tỉnh Hắc Long Giang.

Giao thông trên đường phố ở Đại Khánh, tỉnh Hắc Long Giang, ngày 21/10/2013. Cảnh báo đỏ đã được ban hành vì ô nhiễm không khí nặng tạo một số thành phố trong tỉnh Hắc Long Giang.

22.10.2013

Một làn khói mù dày đặc bao phủ thành phố Cáp Nhĩ Tân miền đông bắc Trung Quốc sang ngày thứ ba, khiến nhiều chuyến bay phải hủy bỏ và một số xa lộ chính phải đóng cửa.

Dù tình hình trong thành phố 10 triệu dân này đã cải thiện một ít kể từ ngày hôm qua, mức ô nhiễm vẫn cao hơn 15 lần mức an toàn theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Ngày hôm nay nhiều trường học và văn phòng vẫn đóng cửa.

Hầu hết các chuyến bay bị hoãn lại hoặc bị hủy bỏ. Truyền thông nhà nước cho biết ô nhiễm cao đến nỗi ngày hôm nay tất cả các xa lộ phải đóng cửa.

Tân Hoa Xã nói rằng tình trạng khẩn cấp này xảy ra là do  hệ thống sưởi công cộng của thành phố được mở vì mùa đông đến.

Đài truyền hình nhà nước CCTV nói sương mù sẽ tan vào cuối ngày hôm nay.

Ô nhiễm do phát triển nhanh và sử dụng than đá tràn lan tại Trung Quốc, khiến cho các nhà lãnh đạo nước này phải hứa sẽ tìm cách cải thiện.

Chính phủ Trung Quốc đã hứa trong nhiều năm là sẽ giải quyết vấn đề ô nhiễm, nhưng chỉ có một ít tiến bộ.

Vụ thảm sát Katyn : Tòa án Nhân quyền Châu Âu y án đối với Nga

Vụ thảm sát Katyn : Tòa án Nhân quyền Châu Âu y án đối với Nga

Bia tưởng niệm các nạn nhân Ba Lan bị Liên Xô xử tử

Bia tưởng niệm các nạn nhân Ba Lan bị Liên Xô xử tử

CC-by-nc-sa_katyn, Stuck in Customs / Trey Ratcliff (flickr)

Mai Vân

RFI

Trong phán quyết chung cuộc công bố vào hôm nay, 21/10/2013, Tòa án Nhân quyền Châu Âu trụ sở tại Strasbourg đã xác nhận lời lên án của Nga về tội « thiếu tường trình tích cực » về số phận các tù nhân Ba Lan tại Katyn bị Liên Xô xử tử vào năm 1940.

Mười bảy thẩm phán của thuộc cơ quan tối cao của Tòa án Nhân quyền Châu Âu đã hoàn toàn nhất trí phán quyết rằng « Nga đã thiếu sót trong nghĩa vụ hợp tác với Toàa Án Châu Âu khi đã miễn cưỡng trong việc « cung cấp tất cả các phương tiện thuận lợi cho vieech xem xét vụ án ».

Các thẩm phán tuy nhiên – tương tự như trong phán quyết cấp sơ thẩm năm 2012 – đã tuyên bố không có thẩm quyền phán quyết về các trường hợp người bị chết « xảy ra 58 năm trước khi Công ước Châu Âu về Nhân quyền có hiệu lực tại Nga từ năm 1998 ».

Nguyên đơn trong vụ kiện này là người thân của 12 nạn nhân Ba Lan trong vụ thảm sát ở Katyn, gần thành phố Smolensk (phía tây nước Nga).

Tại đấy, gần 22.000 người Ba Lan, trong đó có nhiều sĩ quan, đã bị xử tử mà không kinh qua xét xử theo lệnh của Stalin vào đầu năm 1940. Mátxcơva trong một thời gian dài đã đổ tội giết người cho phía quân Đức.

Một cuộc điều tra về Katyn được Nga khởi xướng vào năm 1990, nhưng các thủ tục tố tụng hình sự đã kết thúc vào năm 2004 bằng một quyết định kết thúc cuộc điều tra. Văn bản về quyết định này vẫn còn bị liệt vào diện tài liệu mật, cho đến nay không ai được tham khảo.

Trung Quốc bắt một doanh nhân ủng hộ tổ chức xã hội dân sự

Trung Quốc bắt một doanh nhân ủng hộ tổ chức xã hội dân sự

Doanh nhân Vương Công Quyền

Doanh nhân Vương Công Quyền

21.10.2013

Cảnh sát Trung Quốc đã chính thức bắt giữ một doanh nhân có tiếng, người đã ủng hộ một tổ chức xã hội dân sự bị nhà chức trách theo dõi trong năm nay.

Hôm thứ Hai, một luật sư bênh vực cho ông Vương Công Quyền xác nhận rằng ông bị cáo buộc về tội tụ tập các đám đông làm rối loạn trật tự công cộng.

Ông Vương, bị câu lưu từ giữa tháng Chín, là một người ủng hộ Phong Trào Công Dân Mới, bênh vực đường lối pháp trị và có sự tham gia nhiều hơn của công chúng trong các vấn đề chính trị. Hơn một chục người trong tổ chức này đã bị giam giữ hay bị bắt trong năm nay.

Ông Trần Tử Minh, một học giả bênh vực dân chủ đã ký một kiến nghị cùng với 18 người khác yêu cầu phóng thích ông  Vương. Ông Trần đã nói với ban tiếng Quan thoại đài VOA rằng ông Vương không vi phạm pháp luật.

Ông nói những gì ông Vương làm đều phù hợp với hiến pháp và luật pháp Trung Quốc. Nếu chính phủ Trung Quốc muốn nước họ có một nền pháp trị, thì mỗi trường hợp phải chứng tỏ cam kết tôn trọng pháp luật.

Các vụ bắt giữ vừa kể đã diễn ra một ngày trước khi thành tích nhân quyền của Trung Quốc sẽ được đưa ra duyệt xét bởi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Geneve.

Trong cuộc điều trần của Bộ Ngoại Giao tại  Bắc Kinh hôm thứ Hai, nữ phát ngôn nhân Hoa Xuân Anh nói rằng Trung Quốc coi cuộc duyệt xét của Liên Hiệp Quốc là rất nghiêm túc và sẽ gởi một phái đoàn đông đảo tới Geneve.

Bắc Kinh bị nhiều nhà hoạt động nhân quyền chỉ trích về vấn đề đối xử với những người bất đồng chánh kiến bênh vực dân chủ cũng như là những người biểu tình tại Tây Tạng và Tân Cương. Hoa Kỳ nói rằng họ quan tâm trước tin cho rằng Bắc Kinh đã ngăn chặn các tổ chức hoạt động không được tham gia cuộc duyệt xét của Liên Hiệp Quốc.

Chờ phán quyết xử Moscow về vụ Katyn

Chờ phán quyết xử Moscow về vụ Katyn

Thứ hai, 21 tháng 10, 2013

Ba Lan đã liên tục đòi Nga phải mở toàn bộ hồ sơ về vụ thảm sát Katyn

Tòa án Nhân quyền châu Âu chuẩn bị ra phán quyết về cách Liên bang Nga xử lý vụ điều tra cuộc thảm sát Katyn năm 1940 khi công an cộng sản Liên Xô giết hại hơn 20 nghìn tù binh chiến tranh Ba Lan.

Vụ xử xảy ra vì 15 thân nhân của một số nạn nhân lên tiếng rằng nước Nga ngày nay đã không thực hiện cuộc điều tra đúng quy cách.

Họ nói Moscow đã ngăn cản họ tìm hiểu sự thực về cuộc thảm sát xảy ra ở vùng phía Tây nước Nga.

Chỉ đến năm 1990 chính quyền Liên Xô mới thừa nhận là thủ phạm vụ giết người hàng loạt mà trước đó họ đổ cho phát-xít Đức.

Nước Nga thời hậu Xô- Viết đã bắt đầu một cuộc điều tra hình sự về vụ Katyn năm 1940 nhưng sau đó, văn phòng công tố viên quân sự tối cao của Nga đã ra lệnh ngưng lại.

Hồ sơ về quyết định này đã được bảo mật và các gia đình Ba Lan không có quyền xem hay hỏi thêm bất cứ thông tin gì về về cuộc điều tra.

Không có bất cứ ai tới nay bị kết án về vụ thảm sát vì các công tố viên Nga nói rằng những người chịu trách nhiệm đã chết rồi.

Nhưng đến năm 2010, Viện Duma của Nga lại ra một văn bản nói cần tiếp tục điều tra để “xác định danh sách các nạn nhân và tìm ra sự thực về bối cảnh của thảm kịch”.

Quốc hội Nga khi đó cũng nói chính Stalin đã ra lệnh cho mật vụ NKVD của Liên Xô thực hiện vụ giết người tại rừng Katyn, gần thành phố Smolensk, và cả tại nơi gần làng Mednoye, vùng Tver, và làng Pyatykhatky khi đó thuộc Cộng hòa Xô-Viết Ukraina.

Các nạn nhân vụ Katyn thuộc giới ưu tú của nước Cộng hòa Ba Lan tư sản, gồm các sỹ quan, linh mục bị bắt sau khi Liên Xô xâm lăng Ba Lan và chiếm phần phía Đông nước này năm 1939.

Chiếc vĩ cầm tàu Titanic được bán với giá kỷ lục 1,4 triệu đô la

Chiếc vĩ cầm tàu Titanic được bán với giá kỷ lục 1,4 triệu đô la

Chiếc vĩ cầm của nhạc trưởng Wallace Hartley trên tàu Titanic vừa được nhà bán đấu giá Henry Aldridge & S bán với giá 900,000 bảng (1,45 triệu đô la) ngày 19/10/2013.

Chiếc vĩ cầm của nhạc trưởng Wallace Hartley trên tàu Titanic vừa được nhà bán đấu giá Henry Aldridge & S bán với giá 900,000 bảng (1,45 triệu đô la) ngày 19/10/2013.

19.10.2013

Cây vĩ cầm, được người đứng đầu ban nhạc sử dụng trên chiếc tàu Titanic bị chìm, vừa được bán với giá 1,4 triệu đô la.

Cây đàn này được bán vào ngày thứ Bảy ngay sau khi cuộc đấu giá bắt đầu tại một nhà bán đấu giá ở miền nam nước Anh.

Nhà bán đấu giá nói người thắng trong vụ đấu giá này là một người mua tại miền nam nước Anh.

Nhà bán đấu giá Henry Aldridge và Con trai, chuyên về các di vật của tàu Titanic, nói đây là một giá kỷ lục thế giới đối với những vật kỷ niệm có liên hệ đến tàu Titanic.

Ông Alan Aldridge, người điều khiển chính cuộc bán đấu giá nói cây đàn vĩ cầm này tạo được nhiều chú ý vì giá trị tình cảm của đàn.

“Cây đàn có tính cách biểu tượng. Cây đàn tượng trưng cho sự can đảm của con người, cách thức mà nhạc sĩ trẻ này và các đồng nghiệp cũng như tất cả mọi người cư xử một cách can đảm trên con tàu, ở lại với con tàu và hoàn thành nhiệm vụ của họ.”

Nhà bán đấu giá Henry Aldridge và Con trai nói cây vĩ cầm thu hút các nhà sưu tập trên toàn thế giới.

Các giới chức nhà bán đấu giá cho biết họ phải mất 7 năm để kiểm tra về tính xác thực của cây đàn.

Các giới chức này nói thêm là cây đàn thuộc về trưởng ban nhạc Wallace Hartley đang trình diễn bản nhạc “Nearer, My God to Thee” thì con tàu bạc mệnh Titanic bị chìm.

Ông Hartley và các thành viên ban nhạc đều thiệt mạng. Chiếc vĩ cầm được tìm thấy sau đó, vướng trong xác của ông Hartley trôi trên mặt biển.

Nhà bán đấu giá cho biết trong những năm qua, cây đàn qua tay nhiều người, gồm cả hôn thê của ông Hartley, chết vào năm 1939.

Tàu Tinanic ra khơi trong chuyến đầu tiên từ Anh đi New York thì đụng phải một băng sơn và chìm vào ngày 15 tháng 4 năm 1912. Hơn 1.500 hành khách đã thiệt mạng.

‘Khủng hoảng chính trị ở Mỹ dẫn tới các hệ quả nhiều mặt’

‘Khủng hoảng chính trị ở Mỹ dẫn tới các hệ quả nhiều mặt’

Các rào cản được dỡ bỏ tại Đài tưởng niệm Martin Luther King Jr. sau khi chính phủ Mỹ mở cửa lại, ngày 17/10/2013.

Các rào cản được dỡ bỏ tại Đài tưởng niệm Martin Luther King Jr. sau khi chính phủ Mỹ mở cửa lại, ngày 17/10/2013.

18.10.2013

Chi tiết thỏa thuận về nợ công

-Mở lại và cấp ngân khoản cho chính phủ cho đến ngày 15 tháng 1, 2014.
-Nâng mức trần nợ lên cho đến ngày 7 tháng 2, 2014.
-Ðòi hỏi chính phủ xác nhận điều kiện của những người được hưởng trợ cấp chính phủ theo Bộ luật chăm sóc sức khỏe với giá phải chăng.
-Thành lập ủy ban thương lượng để khai triển kế hoạch ngân sách dài hạn.
-Cung cấp tiền lương trả chậm cho công nhân viên liên bang bị cho nghỉ việc trong thời gian chính phủ đóng cửa.

Nhiều người thở phào nhẹ nhõm sau khi Quốc hội Mỹ đạt được thỏa thuận vào phút cuối để chấm dứt tình trạng bế tắc tài chính. Nhưng điều đó cũng không thể xóa bỏ cái giá mà nước Mỹ phải trả. Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard and Poor’s ước tính rằng việc chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong 16 ngày đã khiến nền kinh tế thiệt hại 24 tỷ đôla và làm cho tỷ lệ tăng trưởng GDP trong quý 4 giảm đi hơn 0,5%. Nhưng tân khôi nguyên giải Nobel Kinh tế, giáo sư Robert Shiller của Đại học Yale, nói với đài VOA rằng thiệt hại vượt quá những mất mát về mặt vật chất.

Hàng trăm nghìn nhân viên chính phủ liên bang hôm qua đã trở lại làm việc. Trong khi đó, các nhà đầu tư từng đặt cược Quốc hội không để cho nước Mỹ vỡ nợ đã thu lời. Và các nhà kinh doanh bị ảnh hưởng bởi vụ đóng cửa chính phủ, chào đón khách hàng trở lại.

Nhưng khôi nguyên giải Nobel Kinh tế Robert Shiller nói rằng thật khó để định lượng cuộc khủng hoảng do các chính trị gia ở Washington tạo ra đã làm tổn hại lòng tin của cộng đồng quốc tế.

“Rõ ràng danh tiếng của chúng ta là một điều rất quan trọng. Thật là có đôi chút khó chịu khi thấy điều đó hiện bị đe dọa như thế”.

Theo ông Shiller, điều đáng ngại hơn là tác động của tình trạng rối loạn hoạt động ở Washington đối với tầng lớp trung lưu. Đơn cử là việc chính phủ không thể thông qua một chương trình tạo thêm việc làm.

Standard and Poor’s ước tính việc chính phủ Mỹ đóng cửa một phần trong 16 ngày đã khiến nền kinh tế thiệt hại 24 tỷ đôla và làm tỷ lệ tăng trưởng GDP trong quý 4 giảm đi hơn 0,5%.

Ông đề nghị các biện pháp để giảm bớt khoảng cách giàu nghèo đang gia tăng nhanh chóng. Các nghiên cứu gần đây của Đại học California cho thấy thu nhập của số 1% người giàu nhất nước Mỹ đã tăng hơn 31% kể từ năm 2009, trong khi thu nhập của số 99% còn lại chỉ tăng chưa đầy 1%.

“Chúng ta phải đạt được một sự đồng thuận nào đó. Chúng ta phải xác định một mức độ bất bình đẳng tệ hơn hiện nay và tuyên bố rằng đó là giới hạn. Chúng ta sẽ không để cho tình trạng bất bình đẳng vượt qua mức đó và chúng ta sẽ làm thế nào để ngăn chặn. Vâng, cần phải áp dụng một hình thức thuế khóa nào đó đối với người giàu”.

Đó là một đề nghị gây tranh cãi và có phần chắc sẽ vấp phải sự chống đối mạnh mẽ từ các thành viên bảo thủ trong Quốc hội.

Tân khôi nguyên giải Nobel Kinh tế, giáo sư Robert Shiller của Đại học Yale.

Ông Shiller nói rằng sự khác biệt về ý thức hệ đã gây ra vụ đóng cửa sẽ ngày càng xói mòn lòng tin vào nền kinh tế Mỹ, và có thể sẽ nhanh chóng làm cho đồng đôla không còn là đồng tiền dự trữ an toàn của thế giới.

Vị thế mạnh của đồng đôla hiện nay đồng nghĩa với việc đồng tiền này được các chính phủ nước này dự trữ với số lượng lớn nhằm phục vụ cho thương mại và trao đổi ngoại tệ. Ngoài ra, vị thế đó khiến đồng đôla hấp dẫn hơn trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài và cho phép Mỹ vay nợ với chi phí thấp.

Nga và Trung Quốc đề nghị thay thế đồng đôla bằng điều mà họ gọi là ‘quỹ dự trữ siêu đẳng’ gồm nhiều loại chỉ tệ.

“Hoa Kỳ đang có rủi ro đánh mất vị thế đó, ngay cả trong trường hợp vụ bế tắc tài chánh không tiếp diễn. Đồng euro đang ngày càng trở thành một đồng tiền quan trọng. Các quốc gia trên thế giới không còn xem việc dự trữ đồng đôla là mục tiêu chính của họ nữa”.

Nga và Trung Quốc đã đề nghị thay thế đồng đôla bằng điều mà họ gọi là ‘quỹ dự trữ siêu đẳng’ gồm nhiều loại chỉ tệ. Các chuyên gia nói rằng các đề nghị đó có thể nhận được sự ủng hộ, nếu các nhà lập pháp Mỹ lại đưa đất nước vào một cuộc khủng hoảng tài chính khác sau 3 tháng nữa.