Buôn người và cuộc chiến chống nạn nô dịch thời hiện đại

Buôn người và cuộc chiến chống nạn nô dịch thời hiện đại

Một thiếu nữ Bangladesh 14 tuổi hành nghề mại dâm ở thành phố Faridpur, miền trung Bangladesh.

Một thiếu nữ Bangladesh 14 tuổi hành nghề mại dâm ở thành phố Faridpur, miền trung Bangladesh.

 

Faiza Elmasry

07.12.2013

Nạn buôn người có mặt tại hầu hết các nơi trên thế giới – trẻ em, thiếu nữ, kể cả đàn ông – bị lừa và bị ép bán dâm, lao động cưỡng bức và những hình thức nô dịch khác, không thể trốn thoát được. Con số phỏng định mới nhất cho thấy có khoảng 100.000 trẻ em và người lớn bị buôn bán tại Mỹ mỗi năm. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động khác nhau đang cùng nỗ lực chống lại nạn buôn người.

Cách đây 8 năm, cô Shamere McKenzie là một sinh viên đại học 21 tuổi có nhiều hoài bão ở New York. Nhưng cuối cùng cô sa vào con đường buôn bán tình dục. Cô cho biết:

“Việc này xảy ra khi tôi gặp một người đàn ông mà tôi tin là muốn hẹn hò với tôi. Tôi không bao giờ nghĩ hắn là một tay ma cô vì hắn rất khéo ăn nói, rất quyến rũ. Chúng tôi có những cuộc chuyện trò thú vị về chính trị, về những người làm cha mẹ đơn thân trong cộng đồng, về số lượng lớn những người đàn ông Mỹ gốc Phi bị tù. Do đó với những chuyện như thế, tôi không nghĩ hắn là một tên ma cô. Lúc đó tôi đang có nguy cơ sắp mất học bổng. Tôi cần 3000 đô la để đi học lại, và hắn ta nói, ‘Đừng lo gì cả, anh sẽ giúp em trở lại trường.’”

Tuy nhiên thay vì giúp cô, người này bắt cóc cô và bắt cô đi bán dâm.

“Tôi nghĩ một từ chính xác để định nghĩa bị bắt làm nô lệ là từ ‘tra tấn.’ Tra tấn theo mọi nghĩa của từ này mà bạn có thể tưởng tượng ra nó là gì. Người ta nhiều khi vẫn nghĩ đó là đánh đập, hãm hiếp, nhưng thực ra còn hơn thế nữa. Đối với một số người sống sót thì tra tấn là bị gí đầu lọc thuốc lá vào người. Đối với những người khác thì bị rạch đầu bằng dao rọc hộp giấy,” cô McKenzie nói.

Cô McKenzie bị buộc làm nô lệ trong 18 tháng và cô tìm đủ mọi cách để trốn thoát.

“Tuy nhiên mọi cách đều vô vọng. Tôi không có can đảm giết hắn ta. Tôi tìm cách trốn chạy vài lần nhưng không thành công. Tôi có nghĩ đến việc đầu độc thức ăn của hắn và đại loại như thế để thoát khỏi cảnh này. Tuy nhiên ngay lần đầu tiên tôi nói với hắn là tôi muốn rời đi thì hắn nói nếu tôi mà bỏ đi thì hắn sẽ giết tôi hay gia đình tôi.”

Cho đến khi cảnh sát ập vào bắt giữ tay buôn người này cô mới được giải thoát.

Cô McKenzie hiện đang làm việc với Tổ chức Chia sẻ Hy vọng Quốc tế, một tổ chức tranh đấu chống lại việc buôn bán tình dục và cứu những người bị kẹt trong mạng lưới của những đường dây này.

Bà Taryn Offenbacher, phát ngôn viên của tổ chức, nói họ có một chiến lược toàn diện để hoàn thành sứ mạng:

“Những nỗ lực ngăn ngừa của chúng tôi tất cả đều dựa trên huấn luyện và nhận thức. Trong nỗ lực phục hồi của chúng tôi, chúng tôi có 12 đối tác tại 5 quốc gia và chúng tôi hỗ trợ phục hồi dài hạn, cung cấp nơi tạm trú, chữa trị, thực phẩm và nơi trú ngụ, quần áo, những cơ hội giáo dục và huấn luyện. Các cơ quan tư pháp đối tác có khả năng xử lý thích đáng những tội phạm.”

Dù nạn buôn người có nhiều hình thức khác nhau trên khắp thế giới, bà Offenbacher nói lực đẩy đằng sau nạn buôn người vẫn không thay đổi: nhu cầu.

“Chúng ta biết không có nhu cầu thì sẽ không có nạn buôn người, sẽ không có nạn nhân. Nếu các quốc gia có thể dành ưu tiên cho việc ngăn chặn mức cầu, ban hành luật làm ngăn chặn những người mua và đưa ra những bản án và trừng phạt thích đáng để răn đe tội ác. Và nếu việc này được công nhận là tội ác thì chúng tôi tin rằng sẽ có ít người mua hơn và ít nạn nhân bị bóc lột hơn.”

Đó là thông điệp cô Shamere McKenzie trình bày như là tiếng nói của những nạn nhân bị buôn bán tình dục:

“Tôi nói chuyện với một số cử tọa, tôi nói chuyện tại trường đại học, tại nhà thờ, với những người làm chính sách. Khi tôi nói chuyện với những nam thanh niên, tôi nhấn mạnh việc làm ma cô chẳng có gì là hay ho. Tôi giải thích cho họ biết định nghĩa thực sự của ma cô là gì. Và đối với một số nam thanh niên này, khi họ nghe như vậy thì họ nói ‘những tên ma cô này xấu xa quá.’ Và đối với những thiếu nữ, tôi giải thích cho họ biết là họ dễ bị ma cô bắt như thế nào.”

Giờ gần 30 tuổi, cô McKenzie đang chuẩn bị quay lại trường đại học và theo học luật. Cô hy vọng sẽ truy tố những kẻ buôn người và giúp chấm dứt tệ nạn này.

 

Nelson Mandela : Biểu tượng thế giới của hòa giải

Nelson Mandela : Biểu tượng thế giới của hòa giải

Một buổi cầu nguyện, tưởng niệm Nelson Mandela tại Ấn Độ, 06/12/2013.

Một buổi cầu nguyện, tưởng niệm Nelson Mandela tại Ấn Độ, 06/12/2013.

REUTERS/Babu

Tú Anh

RFI

« Tôi không phải là một vị thánh. Trừ phi bạn tin rằng thánh là một kẻ phạm tội đang tự sửa mình ». Tuy không là thánh, nhưng cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã được toàn thế giới tôn vinh như một biểu tượng mà Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đã thu gọn lại trong lời phát biểu :« một trong những nhân vật tiêu biểu nhất của thời đại chúng ta và của mọi thời đại ».

Từ lúc sinh thời, Nelson Mandela, danh tiếng của khôi nguyên Nobel Hòa bình 1993 đã lan ra ngoài lục địa châu Phi : giải phóng Nam Phi ra khỏi chế độ kỳ thị màu da và cùng lúc từ bỏ mọi hành động trả thù cộng đồng da trắng đã bỏ tù ông suốt 27 năm dài.

Dân tộc yêu mến và thế giới tôn vinh vì Nelson Mandela, từ hành động đến lời nói đều chứng tỏ ông là con người biết tha thứ. Trong cẩm nang chỉ đạo cuộc tranh đấu chống chế độ phân biệt đối xử mang lại dân chủ cho Nam Phi, ông viết : “tha thứ giải thoát tâm hồn và làm tan biến sợ hãi. Do vậy, tha thứ là vũ khí tối thượng“.

27 năm tù khổ sai, nhà tranh đấu mà dân bộ tộc của ông gọi là Madiba (cha già) không lấy oán trả oán. Ngay khi đắc cử Tổng thống, ông đã tiến hành xây dựng một chế độ đa sắc tộc trong đó cộng đồng da trắng vẫn có chỗ đứng, duy trì sức mạnh kinh tế, tài chính, không bị kỳ thị trả thù tước đoạt tài sản nhân danh cách mạng.

Khác với Lênin và thánh Gandhi, ông Nelson Mandela không giới hạn mình trong cái gọi là ý thức hệ cách mạng. Từ thời tuổi trẻ, ông ham mê thể thao và từng là võ sĩ quyền Anh và có tiếng là thích chạy theo các bóng hồng xinh đẹp.

Tự do đối với Nelson Mandela là giá trị cao quý nhất nhất, cho nên khi còn là sinh viên luật đầy triển vọng, ông vẫn bất chấp hậu quả bị đuổi học, thẳng thừng đứng lên tranh đấu chống ban giám hiệu đại học Fort Hare. Tiếp theo đó, để phản đối gia đình buộc ông lấy vợ, Nelson Mandela bỏ nhà trốn về thủ đô Johannesburg nơi đang sôi sục không khí đấu tranh. Dần dần, Nelson Mandela cũng tốt nghiệp luật sư và bắt đầu có ý thức chính trị. Lòng hăng say tranh đấu đã làm Nelson Mandela xa dần người vợ đầu tiên để rơi vào vòng tay của cô nữ y tá trẻ tuổi, xinh đẹp và cũng là một trong những « phát ngôn viên » của giới trẻ nổi dậy.

Cùng với một nhóm thành viên trẻ trong đảng, Nelson Madela nhanh chóng nắm quyền lãnh đạo tổ chức ANC. Cuộc chiến mang lại dân chủ và công lý đã đưa ông vào giai đoạn gian lao nhất, nhiều lần bị bắt, có lần bị kết án tử hình và lần cuối cùng bị đày ra đảo cô lập suốt 26 năm.

Tổng giám mục Anh Giáo Desmond Tutu vinh danh là « biểu tượng thế giới của hòa giải », Nelson Mandela không bao giờ cho mình có vai trò « thiên định ». Ngược lại, ông rất « nhân bản » và xem tình người là cốt lõi của con người. Khôi nguyên Nobel văn học Nadine Gordimer, khi bình luận về người đồng hương của mình đã nói : 26 năm tù khổ đau không làm Nelson Mandela thốt lên lời kêu gọi trả thù, bởi vì ông xem nhân loại là gia đình.

Nelson Mandela tự dặn lòng mình : khi tôi bước ra cổng nhà tù, nhiệm vụ của tôi là giải phóng người bị áp bức lẫn người áp bức.

Đây không phải lời tuyên bố cường điệu của kẻ chiến thắng. Theo AFP, ông đã dành nhiều thời giờ trong nhà tù để học tiếng Afrikanner để tìm hiểu văn thơ của các tác giả nổi tiếng của người da trắng thống trị Nam Phi. Nhờ hiểu mà ông đi sâu vào tâm hồn và thương yêu cộng đồng đã áp bức dân tộc da đen và cuối cùng giải phóng được cả hai bên mở ra một thời đại hài hòa và vô tình được toàn thế giới yêu kính kể cả nhiều nhà độc tài cũng phải nương tựa oai linh đến tận Nam Phi nhân ngày tang lễ.

Khi được tự do vào năm 1990, Nelson Mandela đã thương lượng với chính quyền một giải pháp hòa bình tổ chức bầu cử tự do. Trong cuộc bầu cử năm 1994, ông đắc cử vẻ vang trong tinh thần hòa giải với kẻ thù.

 

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời, thọ 95 tuổi

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời, thọ 95 tuổi

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela.

05.12.2013

Ông Nelson Mandela, nhà lãnh đạo chống chủ nghĩa apartheid và là tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi, đã qua đời hôm thứ Năm, thọ 95 tuổi.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma loan báo tin tức này trong một diễn văn được truyền hình toàn quốc. Ông Zuma nói rằng ông Mandela đã “ra đi thanh thản.”

“Đất nước chúng ta đã mất đi người con vĩ đại nhất,” ông Zuma nói. Ông nói rằng ông Mandela sẽ được cử hành quốc tang và Nam Phi sẽ treo cờ rủ.

Ông Mandela đã trải qua gần ba thập kỷ trong tù vì vai trò của ông trong cuộc chiến dẫn đến chấm dứt chế độ cai trị của người da trắng thiểu số và sự phân biệt đối xử chính thức đối với người da đen ở Nam Phi.

Sau khi được phóng thích, ông nổi lên như một biểu tượng của hòa bình và hòa giải và được trao giải Nobel Hòa bình vào năm 1993. Năm sau, ông trở thành tổng thống đầu tiên của Nam Phi.

Ông Mandela bị bệnh lao phổi trong thời gian ba thập niên bị giam giữ. Những năm qua ông phải nhập viện liên tục, lần gần đây nhất là do nhiễm trùng phổi tái phát.

Những lời tri ân dành cho ông Mandela đã bắt đầu đổ về từ khắp nơi trên thế giới ngay sau khi tin tức ông qua đời được loan báo.

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: “Hôm nay ông đã trở về nhà.” Tổng thống da đen đầu tiên của Mỹ nói thế giới đã mất đi một trong những người can trường nhất và lương hảo nhất. Ông Obama nói ông không thể hình dung cuộc đời của mình ra sao nếu không có tấm gương ông Mandela.

Thủ tướng Anh David Cameron viết trên trang Twitter: ‘Một ánh sáng rạng ngời đã vụt tắt khỏi thế giới. Ông Nelson Mandela là anh hùng của thời đại chúng ta . Tôi đã yêu cầu treo cờ rủ tại dinh thủ tướng (số 10 đường Downing).’

Vĩnh biệt Nelson Mandela (BBC)

Mỹ ‘không công nhận vùng phòng không’

Mỹ ‘không công nhận vùng phòng không’

Thứ năm, 5 tháng 12, 2013

BBC

Bà Marie Harf

Mỹ từng yêu cầu Trung Quốc hủy thiết lập ADIZ

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói Washington yêu cầu Bắc Kinh không thực hiện vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới thiết lập.

Bà Marie Harf có họp báo với giới phóng viên nước ngoài hôm thứ Tư 4/12 tại Washington DC sau khi Phó Tổng thống Joe Biden tới Trung Quốc.

Bà Harf lặp lại lập trường của Hoa Kỳ, rằng nước này “không công nhận vùng nhận dạng phòng không mà Trung Quốc mới thông báo thiết lập”.

Nữ phát ngôn viên này nói danh sách yêu cầu mà phía Trung Quốc đưa ra đối với các máy bay nước ngoài khi vào khu vực ADIZ là “không phù hợp với thực tế hàng không quốc tế”.

Bà Harf cũng tuyên bố hành động của Trung Quốc “là hành động có tính khiêu khích cao” và có khả năng góp phần gây ra những tính toán sai lầm và sự cố trong khu vực.

Mỹ yêu cầu Trung Quốc hủy các yêu cầu thủ tục cũng như các đòi hỏi đã đưa ra.

Trong các cuộc đối thoại với lãnh đạo Trung Quốc, Phó Tổng thống Joe Biden cũng đã đề cập ‘thẳng thắn’ tới chủ đề ADIZ.

Phát biểu sau cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ông Biden nói vùng phòng không của Trung Quốc đã gây quan ngại ở châu Á.

Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc khi tường thuật về phát biểu của Phó phát ngôn viên Mỹ cho rằng Mỹ đã “giảm giọng điệu”.

Tờ China Daily nói thay vì đòi hỏi hủy ADIZ như trước, bà Harf chỉ nói Mỹ yêu cầu không thực hiện nó.

 

Somalia, Bắc Triều Tiên, Afghanistan đứng đầu các nước tham nhũng

Somalia, Bắc Triều Tiên, Afghanistan đứng đầu các nước tham nhũng

Henry Ridgwell

03.12.2013

LONDON —

Các nước tham nhũng nhất thế giới:

-Somalia
-Bắc Triều Tiên
-Afghanistan
-Sudan
-Nam Sudan
-Libya

Nguồn: Minh bạch Quốc tế

Somalia là nước tham nhũng nhất trên thế giới, theo chỉ số mới nhất được đưa ra bởi tổ chức theo dõi tham nhũng có trụ sở tại Berlin, tổ chức Minh Bạch Quốc Tế. Tổ chức này đã thực hiện thăm dò trên hàng ngàn người tại 177 quốc gia về nhận thức của họ về tham nhũng. Kết quả cho thấy có sự tiến triển mạnh mẽ ở vài quốc gia châu Phi, thế nhưng mức độ hối lộ rất cao và sự lạm dụng quyền lực lại đang diễn ra ở những nước đang có xung đột như Syria và Afghanistan. Thông tín viên Henry Ridgwell tường thuật cho VOA từ London.

Somalia, Afghanishtan và Bắc Triều Tiên, mỗi nước chỉ được 8/100 điểm trong bảng chỉ số nhận thức tham nhũng 2013 của tổ chức Minh bạch Quốc tế, trong đó 100 điểm là hoàn toàn không có tham nhũng.

Bản báo cáo được công bố hôm thứ Ba, chỉ một ngày sau khi các nhà lập pháp ở Mogadishu bỏ phiếu để lật đổ chính quyền Somalia, sau một cuộc đấu đá kịch liệt vì các cáo buộc về nạn bè phái và gia đình trị. Chính quyền Somalia hiện đang chiến đấu chống lại cuộc nổi dậy của những phiến quân Hồi giáo al-Shabab.

Những quốc gia biểu hiện tệ nhất thường là những nước đang xảy ra xung đột, ông Robert Barrington, giám đốc điều hành của tổ chức Minh bạch Quốc tế cho biết.

“Nếu bạn nhìn vào những chính phủ có chỉ số minh bạch thấp, đặc biệt, bạn sẽ thấy là họ hoàn toàn thiếu tinh thần trách nhiệm. Các cơ chế của đất nước đó đang tan rã. Và chính vì vậy mà công dân phải gánh chịu đau khổ.”

Syria, với một cuộc nội chiến kéo dài, đã trượt xuống rất nhiều trong bảng chỉ số tham nhũng và được xếp thứ 10 tính từ dưới lên. Iraq, cũng đang đối diện với bạo lực, cũng đứng trong số 10 nước tệ nhất. Tương tự như vậy là Afghanistan.

Ukraina xếp hạng 144 trong bảng chỉ số, tệ nhất trong khu vực bao gồm châu Âu, Nga và phần lớn các nước thuộc Xô Viết cũ. Trong những ngày gần đây, những người biểu tình chống chính phủ đã xuống đường để đòi tổ chức một cuộc bầu cử mới.

Ông Robert Barrington của tổ chức Minh Bạch Quốc Tế:

“Ở nhiều quốc gia, hầu hết các quốc gia, điều bạn hy vọng khi đến sở cảnh sát là họ sẽ là đồng minh của bạn để chống lại tội phạm. Thế nhưng ở nhiều nước, bạn thực sự cảm thấy họ là kẻ thù của bạn trong cuộc chiến chống tội phạm. Bản thân họ chính là tội phạm.”

Tuy nhiên, cũng có những câu chuyện tích cực. Ông Barrington cho biết.

“Rwanda là một trường hợp đặc biệt thú vị bởi vì trước đây nước này thể hiện rất kém trong nhiều năm liền, nhưng đã có sự nỗ lực của chính phủ chống lại tham nhũng, bây giờ là lúc gặt hái kết quả.”

Chỉ một thập niên trước, Liberia đã bị tàn phá bởi cuộc nội chiến. Hiện nay kinh tế nước này đang lên, với mức tăng trường GDP hơn 10% trong năm 2012. Liberia đứng thứ 83 trong số 177 nước trong bảng xếp hạng nhận thức tham nhũng của tổ chức Minh bạch Quốc tế. Điều đó rất tốt so với nhiều nước châu Phi, tuy nhiên nhiều nhà phân tích cho rằng tham nhũng vẫn còn níu chân quốc gia này.

Ðó là tiếng của bà Robtel Pailey khi bà đọc cuốn sách thiếu nhi mà bà viết về tham nhũng, có tiêu đề là “Gbagba”, hay là “Thủ đoạn gian trá”. Bà là một thủ thư quốc gia và là học giả của trường đại học London về chuyên ngành Ðông phương và châu Phi. Bà cho rằng thế hệ trẻ cần phải nhận thức được vấn đề.

LHQ: Nhiều nạn nhân bão lụt Philippines vẫn chưa có lương thực

LHQ: Nhiều nạn nhân bão lụt Philippines vẫn chưa có lương thực

Cư dân tranh nhau phẩm vật cứu trợ từ trực thăng Seahawk của hải quân Mỹ tại San Jose, Philippines, ngày 18/11/2013.

Cư dân tranh nhau phẩm vật cứu trợ từ trực thăng Seahawk của hải quân Mỹ tại San Jose, Philippines, ngày 18/11/2013.

Simone Orendain

19.11.2013

MANILA — Tại Philippines, Chương trình Thực phẩm Thế giới cho biết một phần tư số người cần gấp lương thực tại miền trung bị bão tàn phá vẫn chưa nhận được hàng cứu trợ, 11 ngày sau khi bão Haiyan ập vào, chính phủ cho biết khoảng 5.000 người hoặc thiệt mạng hoặc mất tích. Từ Manila, thông tín viên Simone Orendain của đài VOA gởi về bài tường thuật sau đây.

Các giới chức Philippines và những tổ chức cứu trợ quốc tế đã chật vật đối phó với thách thức trong việc đưa lương thực tới những vùng hẻo lánh và bị cô lập.

Hôm nay, Giám đốc Chương trình Thực phẩm Thế giới Ertharin Cousin cho biết cho đến nay các cơ quan cứu trợ đã phân phát các gói vật dụng khẩn cấp cho 1 triệu 900 ngàn người không có thức ăn kể từ khi Siêu bão Haiyan ập vào hôm 8 tháng 11. Nhưng hiện vẫn còn khoảng 600.000 người không có gì để ăn trong 11 ngày qua.

Bà Cousin cho báo chí ở Manila biết rằng vì Philippines là một quần đảo nên hàng cứu trợ khó tới được tận tay tất cả mọi người. Bà nói rằng nhân viên cứu trợ đang dùng máy bay trực thăng, phi cơ, tàu thuyền và xe tải để đưa hàng cứu trợ tới nơi lâm nạn.

“Đây là một nỗ lực cứu trợ mà vì có quá nhiều các cộng đồng hẻo lánh cho nên việc đưa phẩm vật cứu trợ tới mọi cộng đồng là một thách thức vô cùng to lớn.”

Bên cạnh yếu tố địa dư, vấn đề đường sá và phi trường bị hư hại cũng gây trở ngại rất nhiều cho các nỗ lực cứu trợ. Các tổ chức của chính phủ và các cơ quan từ thiện đã phải đối mặt với tình trạng mất điện, mất thông tin liên lạc và đường sá bị hư hỏng trong nhiều ngày.

Những vấn đề này đã được giải quyết một phần tại đa số các tỉnh bị ảnh hưởng, nhưng một số tỉnh khác vẫn còn bị mất điện và sóng điện thoại di động vẫn còn yếu ớt.

Các binh sĩ Mỹ và Philippines đã mang lương thực tới nơi bằng cách đáp máy bay trực thăng xuống những khu vực bị cô lập và tự tay phân phát lương thực cho người dân.

Bà Cousin cho biết một số người đề nghị gia tăng việc thả dù lương thực xuống vùng lâm nạn. Nhưng bà nói rằng phương pháp đó không mấy hiệu quả.

“Chúng tôi biết rằng việc thả lương thực xuống từ máy bay là một việc gây ấn tượng trước ống kính thu hình, nhưng những người thật sự cần lương thực nhất sẽ không nhận được. Đó là các em bé, đó là những phụ nữ, đó là những người già, đó là những người tàn tật.”

Bà Cousin cũng nhấn mạnh rằng Chương trình Lương thực Thế giới không thể tự mình hoàn tất các công việc này. Bà cho biết cơ quan của bà đang làm việc với chính phủ và các tổ chức từ thiện quốc tế; và khi có thêm những tổ chức này tới được các khu vực bị ảnh hưởng nặng, sự giúp đỡ sẽ tới được với nhiều người hơn.

CIA thu thập hồ sơ chuyển tiền quốc tế

CIA thu thập hồ sơ chuyển tiền quốc tế

Công ty chuyển tiền bằng điện thư Western Union được đề cập đến trong bản tin của báo Time

Công ty chuyển tiền bằng điện thư Western Union được đề cập đến trong bản tin của báo Time

15.11.2013

Hai nhật báo của Hoa Kỳ đang loan tin về việc Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ đang thu thập hồ sơ về những vụ chuyển tiền quốc tế, sử dụng cùng bộ luật mà Cơ quan An ninh Quốc gia dùng để thu thập hồ sơ về điện thoại và Internet.

Báo New York Times và báo Wall Street Journal hôm nay loan tin các cựu nhân viên và nhân viên của Hoa Kỳ không nêu danh tính xác nhận sự hiện diện của chương trình.

Các bản tin này nói chương trình giao dịch tài chính đuợc bao gồm trong Bộ luật Yêu nước thực thi sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố vào Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9 năm 2011.

Công ty chuyển tiền bằng điện thư Western Union được đề cập đến trong bản tin của báo Time. Western Union không xác nhận việc tham gia vào chương trình, mà chỉ nói là công ty tuân thủ các luật liên bang, đòi hỏi các ngân hàng báo cáo các giao dịch khả nghi.

Báo Times trích lời một giới chức nói rằng luật liên bang yêu cầu phải có liên hệ với một tổ chức khủng bố trước khi có thể tiến hành một sự truy cứu các giao dịch tài chính như thế, và kết quả truy cứu phải được xóa đi sau một số năm.

Phạm vi thu thập dữ liệu của chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu bị tiết lộ kể từ khi nhân viên hợp đồng của NSA, Edward Snowden tiết lộ các tài liệu cho trang web Wikileaks hồi đầu năm nay. Chính quyền Obama đã bênh vực các chương trình bị tiết lộ là quan trọng cho an ninh quốc gia.

Báo Times gợi ý trong bản tin hôm nay rằng báo có thông tin rằng sẽ có thêm các chương trình như vậy được đưa ra ánh sáng.

LHQ kêu gọi cứu giúp nạn nhân bão Haiyan

LHQ kêu gọi cứu giúp nạn nhân bão Haiyan

Các trẻ em trong thành phố Tacloban xách các thùng nước uống, 12/11/13

Các trẻ em trong thành phố Tacloban xách các thùng nước uống, 12/11/13

Lisa Schlein

12.11.2013

GENEVE —

Siêu bão Haiyan

-10.000 người đã thiệt mạng.
-Ít nhất 9,8 triệu người bị ảnh hưởng.
-Khoảng 660.000 người bị thất tán.
-394.494 người đang ở trong các trung tâm sơ tán.
-1.316 trung tấm sơ tán đã được thành lập.

Nguồn: Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc đang kêu gọi quyên góp hơn 300 triệu đôla để cung cấp viện trợ cứu mạng sống cho hàng triệu nạn nhân cơn bão Haiyan trong 6 tháng sắp tới. Thông tín viên VOA Lisa Schlein tường thuật từ Genève rằng chính phủ Philippin ước tính 11,3 triệu người ở 9 khu vực bị ảnh hưởng tai hại của cơn bão Haiyan, cơn bão lớn nhất đổ vào đất liền từ trước đến nay.

Chiến dịch cứu trợ nhân đạo này vô cùng to lớn và ngày càng lớn hơn. Liên Hiệp Quốc báo cáo việc đi lại đến các khu vực bị nạn vẫn còn khó khăn. Tổ chức quốc tế này nói các dịch vụ khẩn cấp đang hoạt động ngày đêm để dẹp những đống đổ nát trên đường sá và phi đạo để chuyên chở vật phẩm cứu trợ.

Bất kể nhiều trở ngại, các cơ quan cứu trợ mỗi ngày vẫn dùng máy bay đưa các vật phẩm cứu trợ khẩn cấp như thực phẩm, nước sạch, thuốc men, lều bạt và các đồ tiếp liệu khác cho các nạn nhân. Một người phát ngôn cho Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc, bà Marixie Mercado nói chưa ai cảm nhận được đầy đủ mức độ tàn phá vì nhiều khu vực vẫn còn chưa đến được.

Bà nói: “Có hơn 7 ngàn hòn đảo ở Philippin. Dân chúng ở đây sống rất nhiều ở vùng ven biển. Khó mà đến được với những người này ngay cả trong các tình huống bình thường. Ngay lúc này thì việc đó lại còn khó hơn nữa. Khoảng 1/3 trẻ em bị suy dinh dưỡng ở Philippin, có nghĩa là ở trong tình trạng suy dinh dưỡng kinh niên. Ðây là lý do vì sao điều hết sức quan trọng là chúng ta có thể đưa được nước sạch, các vật phẩm vệ sinh, và thuốc men để tránh cho trẻ em bị tiêu chảy ngay tức khắc.”

Chương trình Thực phẩm Thế giới cho hay dự định nuôi ăn 2,5 triệu người trong 5 tháng sắp tới. Nhưng vào lúc này, cơ quan này nói phân phối thực phẩm cho những người thiếu thốn là một cơn ác mộng về hậu cần. Cơ quan này nói đường sá bị chận và các phi cảng bị phá huỷ. Cơ quan thực phẩm Liên Hiệp Quốc cho biết đang thành lập các trung tâm hoạt động và tổ chức các cầu không vận các vật phẩm cấp thiết.

Tổ chức Y tế Thế giới, WHO, nói cơn bão đã gây hư hại hoặc phá huỷ hoàn toàn các cơ sở y tế. Tổ chức này nói dịch vụ y tế ở các vùng bị nạn nặng nhất không còn hiện hữu hoặc bị thiếu hụt nghiêm trọng. Tiếp liệu y tế còn rất ít.

Phát ngôn viên của WHO, ông Tarik Jasarevitch, nói ưu tiên là thành lập các trung tâm y tế tạm thời để xử lý các nhu cầu y tế ồ ạt.

Ông nói: “Có những người bị các thương tích, và đau đớn, nhưng cũng có những người có các nhu cầu thường lệ về y tế. Và lấy thí dụ, là dự trù có 12.000 trẻ sơ sinh sẽ ra đời vào tháng tới ở vùng bị nạn. Và ta có thể mường tượng các thai phụ cần đến sự giúp đỡ, nhất là trong các điều kiện như thế này.”

Tổ chức Y tế Thế giới và các cơ quan cứu trợ khác nói họ lo ngại về các tin tức nói rằng các chứng bệnh lây truyền qua nước, như tiêu chẩy và kiết lỵ đang lây lan.

Cơ quan tỵ nạn Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em và các nhóm dễ bị tổn thương như người già, người bị khuyết tật và các nhóm thiểu số. UNHCR nói tình hình hiện thời đang gây nguy cơ đáng kể cho những người dễ bị tổn thương nhất.

Chẳng hạn, cơ quan nêu ra rằng phụ nữ và trẻ em đang đi ăn xin trên đường phố. Sự kiện này khiến họ dễ bị ngược đãi và lợi dụng.

Nhóm NO-U kêu gọi giúp đỡ Philippines

Nhóm NO-U kêu gọi giúp đỡ Philippines

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-11-11

000_TS-Hkg9183693(1)-305.jpg

Một người Philippines viết lời kêu gọi cứu trợ lương thực tại Anibong, Tacloban, hôm 11 tháng 11 năm 2013.

AFP photo

Cơn bão Hải Yến được xem là cơn bão mạnh nhất đổ vào đất liền mà nhân loại ghi nhận được đã tàn phá một cách khủng khiếp một vùng rộng lớn miền Trung nước Philippines.

Các hoạt động cứu trợ đang được khẩn trương tiến hành. Tại Hà nội, nhóm NO-U, một nhóm có nhiều hoạt động dân sự, phi chính phủ, cũng bắt đầu kêu gọi cứu trợ cho Philippines. Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội tích cực của NO-U đã dành cho Kính Hòa cuộc trao đổi sau đây về việc kêu gọi cứu trợ mà nhóm của anh đang tiến hành.

Nguyễn Lân Thắng: Qua phương tiện thông tin đại chúng, câu lạc bộ NO-U chúng tôi biết được cơn bão rất tệ hại ở Philippines. Chúng tôi cũng đã có nhiều bạn bè người Philippines, cũng như những người có cùng những hoạt động lý tưởng với nhóm NO-U như chống đường lưỡi bò của Trung quốc trên biển Đông. Khi biết được các bạn Philippines đang chịu cái điều kinh khủng của cơn bão này, chúng tôi muốn làm điều gì đó để chia sẻ với các bạn.

Kính Hòa: Thưa anh, công việc quyên góp được tiến hành như thế nào ạ?


“Khi biết được các bạn Philippines đang chịu cái điều kinh khủng của cơn bão này, chúng tôi muốn làm điều gì đó để chia sẻ với các bạn.
– Anh Nguyễn Lân Thắng”

Nguyễn Lân Thắng: Hiện chúng tôi thông qua mạng xã hội để kêu gọi sự đóng góp. Ở đất nước Philippines có nhiều tổ chức nhân đạo khác nhau đang thực hiện công tác nhân đạo rất là to lớn. Bản thân chính phủ Việt Nam cũng đã hỗ trợ cho Philippines 100.000 đô la. Tuy nhiên nhóm NO-U của chúng tôi rất mong muốn tham gia các hoạt động nhân đạo, bởi vì thông qua đó chúng tôi kêu gọi được những người tốt, những người quan tâm đến những giá trị nhân bản, tham gia cùng với chúng tôi tham gia những điều thiện, giúp cho cuộc sống quanh ta tốt đẹp hơn.

Kính Hòa: Thông qua mạng xã hội để góp tiền bạc và phẩm vật rồi sau đó nhóm NO-U sẽ định làm như thế nào để nó đến tay người Philippines?

Nguyễn Lân Thắng: Các bạn NO-U sẽ góp tiền vì cái vùng bị bão hiện nay rất là hỗn loạn. Chúng tôi cũng có nhiều bạn bè Philippines hoạt động trong các tổ chức nhân đạo khác nhau. Lần này chúng tôi quyết định nhờ tổ chức Asian Bridge là tổ chức đã thực hiện khóa học về xã hội dân sự cách đây hơn một tháng. Họ đến vùng bão để hỗ trợ trực tiếp cho những người dân còn sống sót sau trận bão.

Kính Hòa: Các bạn có nghĩ tới việc liên hệ qua tòa Đại sứ Philippines ở Hà Nội không?

Nguyễn Lân Thắng: Tòa Đại sứ là cơ quan đại diện ngoại giao của chính phủ Philippines. Chúng tôi không có chủ trương thông qua kênh này mà muốn các hoạt động dân sự là giữa các tổ chức dân sự với nhau, và các phẩm vật cứu trợ đến trực tiếp tới người bị nạn.

Kính Hòa: Hiện giờ hiện vật, tài chính cứu trợ thu được có khả quan không?

Nguyễn Lân Thắng: Hiện tại theo phản hồi trên mạng là khá tốt, tuy nhiên lời kêu gọi mới chỉ được đưa ra cách đây vài tiếng đồng hồ nên chúng tôi chưa biết chính xác.

Kính Hòa: Anh cho hỏi câu cuối là sau hoạt động này thì nhóm NO-U có thực hiện việc cứu trợ với chính đồng bào Việt Nam mình bị nạn sau cơn bão này không?


“NO-U luôn có một tinh thần hỗ trợ nhân đạo và hoạt động rất nhiều. Đây không phải là hoạt động sau cùng. Trước đây hai hay ba tuần NO-U đã thực hiện các chương trình ủng hộ đồng bào miền Trung.
– Anh Nguyễn Lân Thắng”

Nguyễn Lân Thắng: NO-U luôn có một tinh thần hỗ trợ nhân đạo và hoạt động rất nhiều. Đây không phải là hoạt động sau cùng. Trước đây hai hay ba tuần NO-U đã thực hiện các chương trình ủng hộ đồng bào miền Trung. Còn ngay bây giờ đây thì chúng tôi có chương trình xây đập tràn cho bà con nghèo ở vùng núi phía Bắc.

Kính Hòa: Xin cảm ơn anh Nguyễn Lân Thắng.

Nhóm NO-U là một nhóm ra đời từ sau những cuộc biểu tình chống sự gây hấn của Trung quốc trên biển Đông. Sau đó nhóm NO-U được duy trì và thực hiện các hoạt động dân sự như nhân đạo, thể thao. NO-U có nghĩa là không chấp nhận đường chữ U hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung quốc vạch ra để tuyên bố chủ quyền của họ trên biển Đông.

Nếu bạn ở nước ngoài, bạn có thể gửi ủng hộ trực tiếp vào tài khoản sau:
Name: Asian Bridge Philippines NGO Center, Inc.
Account no: 654 00 34 716
Swift code: BNORPHMM
Name of Bank: BDO
Address: Isidora Hills Branch, Manila, Philippines
________________________________________________
Nếu bạn là người trong nước, bạn có thể gửi đến tài khoản sau:
Chủ TK Lê Trung Sơn
Tk: 190 270 385 18018
Chi nhánh: Techcombank Hà nội
ĐT: 0936663858

Theo thông tin từ anh Nguyễn Lân Thắng, ngày 17/11/2013 Asian Bridge sẽ đến thành phó bị bão tàn phá là Tacloban để cứu trợ.

Bình Nhưỡng tử hình công khai những người xem truyền hình Hàn Quốc

Bình Nhưỡng tử hình công khai những người xem truyền hình Hàn Quốc

Kim Jong-un chủ trì Hội nghị BCH Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng,  31/03/2013

Kim Jong-un chủ trì Hội nghị BCH Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, Bình Nhưỡng, 31/03/2013

REUTERS/KCNA

Thụy My

Từ đầu tháng 11, chế độ Bình Nhưỡng đã hành quyết công khai khoảng 80 người, trong đó có nhiều người lãnh án tử vì đã xem nhiều chương trình truyền hình Hàn Quốc – một hành vi bị nghiêm cấm tại Bắc Triều Tiên. Hãng tin Pháp AFP hôm nay 11/11/2013 dẫn nguồn tin từ một tờ báo Hàn Quốc cho biết như trên.

Tờ Joong Ang Ilbo, một tờ báo bảo thủ chỉ nêu một nguồn tin giấu tên, nhưng có ít nhất một nhóm người Bắc Triều Tiên tị nạn cho biết cũng có nghe thông tin này, làm tăng tín khả tín của nguồn tin trên báo.

Theo nguồn tin trên được cho là rất thành thạo về những chuyện nội bộ của Bắc Triều Tiên, các cuộc hành quyết diễn ra vào ngày 03/11 tại bảy thành phố trên cả nước. Tại thành phố cảng Wonsan ở miền đông, chính quyền đã tập hợp 10.000 người tại một sân vận động để chứng kiến việc xử bắn tám tội nhân.

Đa số các tử tội bị hành hình do đã xem các chương trình truyền hình Hàn Quốc, qua các băng DVD hay USB được lén lút mang vào Bắc Triều Tiên. Một số khác bị kết án vì tội mại dâm.

Daily-NK, một trang web tin tức do những người Bắc Triều Tiên tị nạn điều hành và có một mạng lưới trên khắp nước nói rằng không nghe thông tin này. Một trang web khác cũng của người Bắc Triều Tiên tị nạn là North Korea Intellectual Solidarity thì nhấn mạnh, nhiều cơ sở của họ cách đây mấy tháng đã báo cho biết về dự định một đợt tử hình công khai rộng rãi. Một người có trách nhiệm của tổ chức này nói : « Chế độ Bình Nhưỡng có vẻ lo ngại khả năng thay đổi trong suy nghĩ của người dân và cố gây sợ hãi ».

Chế độ cộng sản Bắc Triều Tiên được điều hành với bàn tay sắt từ ba thế hệ nhà họ Kim : Kim Nhật Thành (Kim Il Sung), Kim Jong Il và nay đến đời thứ ba là Kim Jong Un.

Hồi tháng 9, tờ Asahi Shimbun cho biết, người yêu cũ của Kim Jong Un, nữ ca sĩ Hyon Song Wol, văn công của đoàn Unhasu Orchestra đã bị xử bắn cùng với một số nữ diễn viên của đoàn vì tội quay video sex. Lệnh xử tử được đưa ra nhằm dập tắt những tin đồn về lối sống đồi trụy của Ri Sol Ju, vợ Kim Jong Un lúc còn là ca sĩ trong đoàn. Bình Nhưỡng hôm 22/9 đã giận dữ bác bỏ các thông tin trên « các phương tiện truyền thông rắn rết » nhằm gây « tổn hại phẩm cách » của lãnh đạo tối cao.

Đảng Chí Hiến Trung Quốc đòi bầu cử tự do

Đảng Chí Hiến Trung Quốc đòi bầu cử tự do

Nữ giáo sư Vương Tranh (Wang Zheng),  một trong những sáng lập viên đảng Chí Hiến (Zhi Xian), tại Quảng Tây, ngày 07/03/2013

Nữ giáo sư Vương Tranh (Wang Zheng), một trong những sáng lập viên đảng Chí Hiến (Zhi Xian), tại Quảng Tây, ngày 07/03/2013

REUTERS/Courtesy of Wang Zheng/Handout via Reuters

Tú Anh

RFI

Đảng Chí Hiến không bài bác quyền lực của đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng yêu cầu phải tổ chức bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu, chấm dứt tình trạng đảng cử dân bầu. Trên đây là giải thích của giáo sư Vương Tranh, một trong những người sáng lập đảng mới tại Trung Quốc, bất chấp các lời khuyến cáo từ phía chính quyền.

Đảng Chí Hiến ( Hiến pháp trên hết) do những người ủng hộ cựu lãnh đạo bị thất sủng Bạc Hy Lai thành lập hôm thứ Tư tuần trước, bất chấp lệnh cấm ngay vào lúc đảng Cộng sản Trung Quốc họp Hội nghị trung ương 3.

Tuy nhiên, theo hãng Reuters, ngày Chủ nhật 10/11/2013, một trong những sáng lập viên là nữ giáo sư Vương Tranh, đại học Bắc Kinh nói rõ là đảng Chí Hiến thừa nhận vai trò lãnh đạo Trung Quốc của đảng Cộng sản. Có điều là đảng mới này yêu cầu chính quyền phải chấp nhận bầu cử tự do theo lối phổ thông trực tiếp. Trong chế độ bầu cử hiện nay tại Trung Quốc, các ứng cử viên do đảng Cộng sản quyết định. Yêu cầu thứ hai là Nhà nước phải tôn trọng quyền tự do hội họp.

Cũng theo bà Vương Tranh, Hiến pháp Trung Quốc dự trù quyền tự do ứng cử bầu cử ở Quốc hội và sự có mặt của đại diện nhân dân ở mọi cấp chính quyền, nhưng trên thực tế những quy định này không được tôn trọng.

Sáng lập viên đảng Chí Hiến thú thật là chưa gặp ông Bạc Hy Lai lần nào. Nhân vật bị thất sủng này đang bị án tù chung thân đã được đề nghị làm chủ tịch đảng Chí Hiến đến trọn đời.

Bà Vương Tranh cũng cho biết, tuy công nhận thiện chí của Nhóm Hiến chương 08 của nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba, nhưng bà không đồng ý với phương thức đấu tranh của phong trào này. Được hỏi về mục đích của đảng Chí Hiến, giáo sư Vương Tranh tuyên bố là « để bảo vệ quyền lực của Hiến pháp » và sẽ tổ chức đại hội trong sáu tháng tới đây.

Chủ trương « bảo vệ Hiến pháp » bị phe bảo thủ trong đảng Cộng sản Trung Quốc chỉ trích dữ dội. Tạp chí Đảng Kiến, cơ quan tuyên huấn của đảng Cộng sản Trung Quốc trong số tháng 8/2013 xem đây là một chiến thuật « diễn biến hòa bình » dựa vào Hiến pháp để từ từ loại trừ đảng Cộng sản.

Hai nhà báo Pháp bị bắt cóc và giết chết tại Mali

Hai nhà báo Pháp bị bắt cóc và giết chết tại Mali

02.11.2013

Bộ Ngoại giao Pháp xác nhận hai nhà báo Pháp bị bắt cóc đã bị giết hôm thứ Bảy tại miền bắc Mali.

Vụ này xảy ra tại thành phố Kidal.

Những tay súng không rõ tung tích đã bắt cóc hai nhà báo, một nam và một nữ một ít lâu sau khi họ kết thúc cuộc phỏng vấn một viên chức thuộc tổ chức ly khai có tên là Phong trào Quốc gia Giải phóng Azawad MNLA.

Một phát ngôn viên của MNLA nói với Đài VOA là ông biết hai nhà báo bị những người bắt cóc giết cách thành phố một khoảng ngắn. Chủ tịch Hội đồng Cách mạng MNLA Attayoub Ag Dataye cho biết các binh sĩ Pháp tại Mali tìm thấy xác 2 nhà báo này.

Một phóng viên của Đài VOA tại Kidal nói là lực lượng Pháp dùng máy bay trực thăng để truy lùng những kẻ bắt cóc.

Hai nhà báo bị giết làm việc cho Đài phát thanh Quốc tế Pháp RFI.

Bốn người đàn ông Pháp được trả tự do vài ngày trước đó sau khi bị bắt làm con tin hơn 3 năm bởi các phần tử chủ chiến có liên hệ đến al-Qaida tại nước láng giềng Niger.

Người người Pháp này bị nhóm al-Qaida tại vùng Hồi Giáo Maghreb bắt vào tháng 9 năm 2010 khi đang làm việc cho công ty hạt nhân Areva của Pháp.

Kidal là cứ địa của MNLA, tổ chức chiến đấu cho một quốc gia Tuareg độc lập tại miền bắc Mali.

Tổ chức này kiểm soát Kidal sau khi lực lượng Pháp và châu Phi đẩy những phần tử chủ chiến Hồi Giáo ra khỏi vùng này trước đây trong năm.