‘Tình riêng tổng thống Pháp đã hai năm’

‘Tình riêng tổng thống Pháp đã hai năm’

Thứ sáu, 17 tháng 1, 2014

Tạp chí ‘tin đồn’ Closer của Pháp lại vừa đưa tin nói tổng thống Francois Hollande đã có quan hệ bí mật với diễn viên Julie Gayet được hai năm.

Tạp chí này cũng cho in thêm ảnh chụp chung hai người.

Nữ diễn viên Gayet tuyên bố đang kiện báo Closer về tội xâm phạm riêng tư, đòi bồi thường 50.000 euro và 4.000 euro chi phí luật sư từ tờ Closer.

Nếu bà thắng kiện, Closer sẽ phải đăng phán quyết của tòa trên trang bìa, theo AFP.

Bạn gái chính thức của tổng thống Pháp, bà Valerie Trierweiler, vẫn đang được điều trị sau khi nhập viện do biết tin về cáo buộc tình ái hồi tuần trước.

Trong bản mới nhất này, Closer nói tổng thống Pháp có một căn hộ khác ở phía Tây Paris để gặp gỡ người tình 41 tuổi.

Tạp chí cho rằng đôi tình nhân cũng bên nhau ở miền nam nước Pháp vào một số cuối tuần, và rằng ông Hollande viện cớ để tránh đi nghỉ với bà Trierweiler ở Hy Lạp vào năm ngoái, để đi gặp cử trị ở Correze với bà Gayet.

Tạp chí Closer cáo buộc tổng thống và bà Gayet đã có “chuyện tình đầy sóng gió” trong suốt hai năm – trong khi và sau chiến dịch tranh cử của ông.

‘Thời điểm khó khăn’

Ông Hollande, 59 tuổi, nói với các phóng viên vào hôm thứ Ba rằng ông đang trong “thời điểm khó khăn” của cuộc sống nhưng từ chối bình luận về bản tin trên Closer, với lý do “chuyện riêng tư cần được xử lý một cách riêng tư”.

Ông cũng không xác nhận liệu bà Trierweiler, 48 tuổi, còn là Đệ nhất phu nhân trước chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng Hai tới hay không.

“… các bức ảnh ông Hollande đội mũ bảo hiểm rời căn hộ của người tình khiến ông ta trông ngớ ngẩn quá.”

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy

Thứ Sáu tuần trước Closer đã đăng tường thuật dài bảy trang về cáo buộc tình ái mà ông Hollande không bác bỏ.

Các bức hình trên tạp chí này cho thấy một người đàn ông đi xe máy, đội mũ bảo hiểm, được tin là ông Hollande, tới một căn hộ gần Điện Elysee. Bà Gayet xuất hiện tại chính tòa nhà này trong một bức ảnh khác.

Dư luận Pháp không thấy sôi nổi bàn tán về cáo buộc tình ái này.

Tuy nhiên cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy được tin đã cười khẩy khi nghe kể về các khó khăn của người từng thắng ông trong cuộc bầu cử 2012.

Ông Sarkozy được tuần báo trào phúng Le Canard Enchaine dẫn lời nói: “Khi ông là tổng thống nước Cộng hòa Pháp thì ông phải nhận thức được nguy cơ bị bẽ mặt và các bức ảnh ông Hollande đội mũ bảo hiểm rời căn hộ của người tình khiến ông ta trông ngớ ngẩn quá”.

Nhiều người cho rằng ông Sarkozy sẽ tái ứng cử năm 2017 và có thể sẽ lại phải đương đầu với ông Hollande.

Thái Lan: Huy động cảnh sát bắt giữ lãnh đạo phong trào biểu tình

Thái Lan: Huy động cảnh sát bắt giữ lãnh đạo phong trào biểu tình

Lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban (T) phát biểu trước các ủng hộ viên trong cuộc biểu tình tại Bangkok, Thái Lan, 15/01/2014

Lãnh đạo đối lập Suthep Thaugsuban (T) phát biểu trước các ủng hộ viên trong cuộc biểu tình tại Bangkok, Thái Lan, 15/01/2014

REUTERS/Chaiwat Subprasom

Thanh Hà

RFI

Tiếp người đứng đầu ngành cảnh sát quốc gia vào hôm nay (16/01/2014) Phó Thủ tướng Thái Lan kêu gọi cảnh sát bắt giữ lãnh đạo phong trào biểu tình, ông Suthep Thaugsuban. Phong trào đối lập Thái Lan bắt đầu hụt hơi. Người biểu tình dọa bắt giữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Phó Thủ tướng Surapong Tovichakchaikum tuyên bố: « Bắt ông Suthep là nhiệm vụ của ngành cảnh sát, người đang bị truy tố vì tội kích động quần chúng nổi dậy ». Lãnh đạo phong trào chống chính phủ, cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban luôn được khoảng 40 cận vệ bao quanh. Đến nay, cảnh sát Thái Lan chưa câu lưu người đã liên tục dẫn đầu các đợt biểu tình làm tê liệt một phần thủ đô Bangkok. Một số nhà quan sát cho rằng, cảnh sát chưa dám đụng tới ông Suthep do ông này được phe Hoàng gia ngầm ủng hộ và ít có khả năng ông Suthep Thaugsuban bị bắt giam.

Về phần Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra không chỉ bị phe biểu tình dọa bắt giữ. Bà còn đang lấn cấn về một thủ tục pháp lý. Cũng hôm nay, ủy ban chống tham nhũng ra phán quyết xem chương trình trợ giúp nông dân Thái Lan của chính phủ Yingluck có hợp pháp hay không.

Đối lập Thái Lan luôn đòi Thủ tướng Yingluck, em gái của Thủ tướng bị lật đổ Thaksin Shinawatra, từ chức và muốn gạt hẳn gia đình Shinawatra ra khỏi quyền lực. Nhượng bộ của phía chính quyền thông báo tổ chức bầu cử Quốc hội trước thời hạn không thỏa mãn đòi hỏi của phe đối lập.

Cảnh sát Thái Lan cho biết phong trào đối lập chiếm đóng thủ đô Bangkok đang hụt hơi. Hôm nay (16/01/2014) chỉ còn có khoảng 7.000 người tham gia các cuộc xuống đường. Con số này giảm đi nhiều so với tối hôm qua (23.000 người).

 

Một lòng hay hai lòng?

Một lòng hay hai lòng?

Đinh Kim Phúc gửi RFA
2014-01-15

035_pau705177_07-305.jpg

Tàu đánh cá Trung Quốc neo đậu tại một bến cảng ở thành phố Ôn Lĩnh ngày 16-09-2012.

AFP

Vi phạm trắng trợn UNCLOS 1982

Mới đây, theo tờ The Washington Free Beacon ngày 7/1/2014 cho biết Trung Quốc đã ra lệnh cho các tàu đánh bắt cá nước ngoài phải có sự chấp thuận của chính quyền địa phương trước khi đánh bắt cá hoặc khảo sát ở 2/3 khu vực trên Biển Đông, Lệnh mới đã có hiệu lực ngày 1 tháng 1 năm 2014 sau khi được các nhà chức trách chính quyền tỉnh Hải Nam ban hành hồi cuối tháng 11.

Theo đó, các tàu vi phạm quy định lệnh đánh bắt cá sẽ bị buộc rời khỏi khu vực, thủy sản đánh bắt được sẽ bị tịch thu và phải đối mặt với khoản tiền phạt lên đến 82.600 Mỹ kim. Trong một số trường hợp, các tàu đánh cá có thể bị tịch thu và thủy thủ đoàn bị truy tố theo luật pháp Trung Quốc.

Thực ra những lời tuyên bố của phía Trung Quốc không có gì mới.

Vào tháng 2-1992 Trung Quốc đặt ra “Luật về lãnh hải và vùng nước tiếp giáp của nước CHND Trung Hoa” (Luật lãnh hải), đây chỉ là cụ thể hóa “Tuyên bố của Chính phủ Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về Lãnh hải (Ðược thông qua trong kỳ họp thứ 100 của Ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc ngày 4 tháng 9 năm 1958).

“Luật về lãnh hải và vùng nước tiếp giáp của nước CHND Trung Hoa” gồm 17 điều. Biên độ lãnh hải theo luật này áp dụng “12 hải lý tính từ đường bờ biển cơ bản (Điều 3). Hơn luật lãnh hải này còn qui định phạm vi lãnh hải của Trung Quốc bao gồm cả vùng biển tiếp giáp với nội thủy và lãnh thổ trên đất liền” Điều 2 về lãnh thổ trên đất liền xác định “tất cả đại lục Trung Quốc, các đảo ven biển, Đài Loan và các đảo phụ thuộc bao gồm đảo Điếu Ngư (Senkaku của Nhật Bản), quần đảo Bành Hồ, các quần đảo Đông Sa, Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam), Trung Sa, Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) và kể cả các đảo nhỏ khác có tên gọi Trung Quốc để khẳng định phạm vi chủ quyền của Trung Quốc.

Điểm đáng lưu ý là Điều 14 cho rằng “Trung Quốc có quyền truy đuổi tàu bè nước ngoài vi phạm luật pháp Trung Quốc” và “giữ quyền truy đuổi ở vùng biển nằm ngoài lãnh hải Trung Quốc” việc truy đuổi được thực hiện bởi những lực lượng quân sự như tàu chiến, máy bay của quân đội hay tàu bè, máy bay được chính phủ trao quyền chấp hành công vụ”.

Như vậy, chúng ta đã thấy rõ rằng Luật này đã vi phạm trắng trợn những gì Trung Quốc đã cam kết quốc tế trong lần ký kết Công ước quốc tế về biển của LHQ (UNCLOS) vào năm 1982.

Tất cả những căn cứ trên đã cho thấy rằng tư tưởng “Chủ quyền thuộc ngã” của Trung Quốc trên biển Đông là không thay đổi, cho nên những ai tin tưởng vào thiện chí của Trung Quốc đều là ảo tưởng.

035_pau705177_01-250.jpg

Tàu đánh cá của ngư dân Trung Quốc neo đậu tại một bến cảng ở thành phố Ôn Lĩnh, phía đông của Trung Quốc ngày 16 tháng 9 năm 2012. AFP PHOTO.

Cũng cần nhắc lại rằng, trong một khía cạnh khác, bên cạnh những áp đặt phi lý và đe dọa sử dụng vũ lực trên Biển Đông, Trung Quốc thường đưa ra luận điểm “gác tranh chấp, cùng khai thác” là một chủ trương nghe qua có vẻ hòa hoãn nhưng thực chất đây là một xu thế tấn công trên bàn đàm phán trong khi chờ “điều kiện chín muồi” để sử dụng bạo lực. Các chuyên gia về Trung Quốc ở Nhật Bản phân tích “Trung Quốc một mặt chủ trương “giải quyết hòa bình” cuộc tranh chấp nhưng mặt khác lại củng cố chiếm cứ bằng sức mạnh quân sự, cố chấp đàm phán song phương với nước có yêu sách về chủ quyền, phản đối việc giải quyết bằng thương lượng đa phương. Mặt khác Trung Quốc vừa đưa ra chủ trương “cùng nhau khai thác” tài nguyên đáy biển, “gác lại” vấn đề lãnh thổ với tiền đề là Hoàng Sa và Trường Sa và các đảo nhỏ, dãy đá ngầm khác là của Trung Quốc, lập trường xem biển Đông, là vùng biển “mang tính lịch sử”, chủ trương “giải quyết hòa bình” để “cùng khai thác” bằng cách “gác lại” nhưng chính Trung Quốc là nước thực quyền chi phối các quần đảo này”.

Vì vậy, nếu chấp nhận đàm phán với Trung Quốc là lọt bẫy của Trung Quốc, thừa nhận  một tiền đề là Trung Quốc có chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa, một cái lưới mà Đặng Tiểu Bình từng sử dụng khi đàm phán về chủ quyền đảo Senkaku với Nhật Bản khi bình thường hóa quan hệ Trung-Nhật. Vấn đề Hoàng Sa bị Trung Quốc chiếm cứ tháng 1-1974 hay 7 đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã bị chiếm đóng năm 1988 mới là vấn đề Việt Nam cần thương lượng để đòi phía Trung Quốc trao trả vì đây là chiếm cứ trái phép, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ của nước CHXNCN Việt Nam chứ không thể đánh tráo bằng cụm từ “vấn đề do lịch sử” để lại theo chủ trương của nhà cầm quyền Trung Quốc.

Những người đồng chí, anh em

Thử hỏi Việt Nam đã có bao giờ mang quân sang gây hấn, hay tàu chiến của Hải quân Việt Nam bắt bớ, đánh đập và đòi tiền chuộc ngư dân Trung Quốc bao giờ chưa? Thế mà những người đồng chí, anh em đó đã làm như vậy, thường xuyên hù dọa, nạt nộ… thì người dân bình thường như chúng tôi sẽ phải hiểu như thế nào?

Thiết tưởng trong thế trận quốc phòng toàn dân, ngoài vấn đề xây dựng ý thức bảo vệ lãnh thổ và biển đảo, cần có sách lược và lộ trình lâu dài, từng bước bền bĩ  để biến cái “không thể tranh cãi” trở thành điều “có thể thương lượng được” với phía bạn trong việc trao trả những gì vốn là của dân tộc Việt Nam trong ôn hòa theo đúng “phương châm 16 chữ” và “tinh thần 4 tốt” mà lãnh đạo cao nhất của nhà nước Trung Quốc cam kết vì đây cũng là chỗ dựa để chúng ta có thể đặt lại vấn đề chủ quyền biển đảo một cách sòng phẳng và tĩnh táo. Chưa bao giờ trí tuệ và bản lĩnh của người Việt Nam đứng trước thử thách tuy vô cùng khó khăn tưởng chừng như không thể, nhưng dù muốn hay không, con người Việt Nam hôm nay phải gánh vác vai trò lịch sử đó.

Chúng ta không thể hô hào mãi khẩu hiệu “Hoàng Sa-Trường Sa là của Việt Nam” mà nên kết hợp thành một cuộc vận động quốc tế đòi trao trả Hoàng Sa-Trường Sa trong hoạt động đối ngoại, là một chủ đề trọng tâm trong những cuộc tiếp xúc để củng cố và nâng cao hợp tác song phương và đa phương ở tầm cao chiến lược trong khu vực và trên phạm vi toàn cầu. Thế giới phẳng ngày nay đã cung cấp cho Việt Nam một phương tiện để quảng bá những vấn đề cần được phổ biến ra bên ngoài trong thế chủ động, vấn đề còn lại là liệu chúng ta có lợi dụng được nó, phát huy tác dụng hổ trợ tích cực này được đến đâu mà thôi.

Trộm nghĩ nếu giữa hai nước Việt-Trung không tồn tại cái gọi là “vấn đề do lịch sử để lại” thì mối quan hệ này tốt đẹp biết bao, khả năng hợp tác toàn diện và chiến lược sẽ đưa Việt Nam lẫn Trung Quốc lên một tầm cao tương xứng với lòng tri ân và sự ngưỡng mộ, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau của nhân dân hai nước thay vì kích động lòng “hãnh tiến dân tộc” Đại Hán mà một số người nào đó đang rắp tâm theo đuổi. Phải chăng đó là một quan hệ hài hòa, công bằng, bình đẳng đem lại sự phồn vinh lâu bền cho cả hai dân tộc chúng ta.

Trong Thông điệp năm mới 2014 đầu tiên trên cương vị Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh “giấc mơ Trung Quốc”, khẩu hiệu mà ông đã nêu lên trong bài diễn văn đầu tiên sau khi trở thành nguyên thủ đất nước đông dân nhất thế giới “… Chúng ta, toàn thể người dân Trung Quốc đang tìm cách hiện thực hóa giấc mơ Trung Quốc, một sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa, cũng mong cho giấc mơ của nhân dân tất cả các nước trở thành hiện thực”.

Lãnh đạo Trung Quốc mong muốn đưa quốc gia của họ trở thành một cường quốc về kinh tế và quân sự, trước hết là số một châu Á, sau đó nhanh chóng vươn ra Thái Bình Dương, và giấc mơ sẽ thành hiện thực khi Trung Quốc thay thế Mỹ trở thành cường quốc số một trên thế giới.

Để thực hiện tham vọng vươn ra đại dương, ngoài việc khuấy động vùng Biển Hoa Đông, Bắc Kinh ngày càng nỗ lực hiện thực hóa “Đường lưỡi bò”, nhằm khẳng định chủ quyền phi lý và phi pháp của họ đối với vùng Biển Đông. Và để thực hiện được điều này, Trung Quốc không ngần ngại dư luận và luật pháp quốc tế, mang sức mạnh của nước lớn tranh giành với các nước láng giềng bé nhỏ: đưa ra vùng cấm đánh bắt trên Biển Đông, vùng cấm hoạt động hàng hải trên hải phận Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, đưa tàu Hải giám, Ngư chính của Trung Quốc (thực chất là tàu quân sự trá hình) tấn công xua đuổi các tàu cá của ngư dân Việt Nam hoạt động trên vùng truyền thống thuộc chủ quyền của mình bằng các cách thức mà “trời không dung đất không tha”.

Nhưng, như Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Nguyễn Văn Thơ đã phát biểu: “Phát triển quan hệ hữu nghị, tăng cường hợp tác toàn diện với Trung Quốc, chúng ta không hai  lòng, đấy là lợi ích của nhân dân”.

Trung Quốc có nghe ta không? Thưa ông Đại sứ?

Đinh Kim Phúc,

15/01/2014

Trung Quốc bắt tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào Biển Đông

Trung Quốc bắt tàu cá nước ngoài phải xin phép khi vào Biển Đông

Bản đồ Biển Đông

Bản đồ Biển Đông

Trọng Nghĩa

RFI

Qua một hành động bị gọi là « leo thang » trong chiến lược độc chiếm Biển Đông, Trung Quốc vừa loan báo hai quyết định song song : Tăng cường quyền hạn cảnh sát của họ tại vùng Biển Đông, và bắt buộc tàu đánh cá nước ngoài phải xin phép khi vào hoạt động bên trong vùng biển mà Bắc Kinh nhận là của mình. Quyết định do tỉnh Hải Nam ban hành – có hiệu lực từ ngày 01/01/2014 – gây quan ngại vì bị đánh giá là một hành vi khiêu khích mới nhắm vào các láng giềng đang bị Trung Quốc tranh chấp chủ quyền tại khu vực Biển Đông.

Theo hãng thông tấn Mỹ AP, các quy định mới của Trung Quốc yêu cầu tàu thuyền nước ngoài phải xin phép khi đi vào đánh bắt cá hoặc khảo sát trong vùng biển do tỉnh Hải Nam quản lý. Được tỉnh này thông qua vào cuối tháng 11/2013, các quy định mới chỉ nói chung chung là đơn xin phép phải được gởi đến các « ban ngành có liên quan » của chính quyền Trung Quốc.

Một dấu hiệu cho thấy là Trung Quốc có thái độ ngày càng lấn lướt : Luật của họ cho phép tịch thu không chỉ sản lượng mà ngư dân nước ngoài đánh bắt được, cũng như thiết bị trên tàu bị chặn bắt, mà còn nâng mức tiền phạt người vi phạm lên thành 500.000 nhân dân tệ (tương đương với 83.000 đô la).

Vấn đề là trên nguyên tắc, tỉnh đảo Hải Nam lại là địa phương được Bắc Kinh trao quyền quản lý hầu như toàn bộ vùng Biển Đông mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ, nằm bên trong tấm bản đồ hình lưỡi bò được chính thức công bố vào năm 2009.

Tính ra, vùng biển mà Trung Quốc muốn độc chiếm trải rộng trên hai triệu km vuông của vùng Biển Đông, bao gồm các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và một số nơi khác tranh chấp với Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan. Đơn vị hành chánh trực tiếp « điều hành » Biển Đông là thành phố Tam Sa mà Bắc Kinh đặt trụ sở ngay trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa, đã bị Trung Quốc chiếm đoạt từ tay Việt Nam vào năm 1974.

Như để phô trương uy lực dằn mặt các láng giềng, hôm 01/01/2014, vào đúng ngày các quy định kể trên có hiệu lực, chính quyền Tam Sa đã tổ chức một cuộc tập trận chung, huy động 14 chiếc tàu và 190 người thuộc các đơn vị biên phòng và các cơ quan thực thi pháp luật khác nhau.

Truyền thông Trung Quốc đã dẫn lời một quan chức cho biết cuộc tập trận đã xử lý một số kịch bản nhằm đối phó với tình « tàu cá nước ngoài vi phạm tràn lan » luật lệ của Trung Quốc.

Đối với hãng tin Mỹ AP, các quy định mới trên đây là một động thái mới nhằm áp đặt chủ quyền của Trung Quốc tại toàn bộ các vùng đang tranh chấp. Quyết định này đã nối tiếp theo thông báo cuối tháng 11/2013, áp đặt vùng phòng không mới trên Biển Hoa Đông, bao trùm lên vùng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản.

Nếu tại Biển Đông, tàu đánh cá ngoại quốc đi vào bên trong đường lưỡi bò phải xin phép Trung Quốc, thì tại vùng Hoa Đông, máy bay nước ngoài khi đi qua khu vực vùng phòng không đó, cũng phải báo trước cho Bắc Kinh.

 

Lễ Độc lập : Miến Điện ân xá hơn 13.000 tù nhân

Lễ Độc lập : Miến Điện ân xá hơn 13.000 tù nhân

Tù nhân rời trại giam Insein : Các nguồn tin độc lập chưa xác định được số lượng tù chính trị được ân xá.- Reuters

Tù nhân rời trại giam Insein : Các nguồn tin độc lập chưa xác định được số lượng tù chính trị được ân xá.- Reuters

Trọng Nghĩa

RFI

Nhật báo Anh ngữ New Light of Myanmar, cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Miến Điện, vào hôm qua, 06/01/2014 cho biết : Tổng thống Thein Sein hôm 02/01/2014 vừa qua đã ký một lệnh ân xá mới liên quan đến 13.274 tù nhân.

Quyết định đại ân xá trên đây được ban hành một hôm trước ngày Miến Điện kỷ niệm 66 năm ngày giành được độc lập vào năm 1948. Tuy nhiên, chưa biết là có bao nhiều tù chính trị được trả tự do nhân đợt ân xá mới đó.

Theo ghi nhận của hãng tin Anh Reuters, thông tin do nhật báo chính thức Miến Điện đưa ra chưa thể được kiểm chứng bằng các nguồn độc lập, nhất là không xác định được số lượng tù nhân lương tâm được hưởng lệnh ân xá.

Vào tuần trước, Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị Miến Điện, một tổ chức có đại diện trong ủy ban do chính quyền thiết lập để xét duyệt các trường hợp tù nhân chính trị, đã cho biết là khoảng 230 tù nhân trong diện này có thể được trả tự do trong khuôn khổ lệnh ân xá mới.

Trong thời gian qua, mà gần đây nhất là vào những ngày cuối năm 2013, đã có hàng trăm tù nhân vì chính kiến tại Miến Điện được rời khỏi nhà tù. Trả tự do cho toàn bộ các tù chính trị là một trong những cam kết của Tổng thống Miến Điện Thein Sein với cộng đồng quốc tế, mà cụ thể là nhân chuyến công du đầu tiên của ông đến Anh Quốc vào tháng 7 năm 2013.

Các quyết định thả tù nhân chính trị, cùng với một loạt các biện pháp cải tổ khác do chính quyền Thein Sein thực hiện trong thời gian hơn hai năm gần đây, đã thúc đẩy Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đình chỉ hầu hết các biện pháp trừng phạt áp đặt trên chính quyền Miến Điện đồng thời tăng cường các chương trình trợ giúp.

Một trong những dấu hiệu mới nhất cho thấy sự thay đổi quan điểm – theo chiều hướng tích cực – của phương Tây đối với Miến Điện là sự kiện Hoa Kỳ đã nhiều lần gọi đất nước này bằng tên chính thức Myanmar, thay vì tên thông dụng tiếng Anh là Burma như trước đây.

Ví dụ điển hình là sự kiện hôm 03/01 vừa qua, trong một tuyên bố chúc mừng ngày độc lập của Miến Điện, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hai lần dùng tên Myanmar mà không hề đề cập đến tên Burma.

Trước đó, vào tháng 12/2012, nhân chuyến công du chớp nhoáng Miến Điện, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã không ngần ngại sự dụng song song cả hai tên gọi Myanmar và Burma.

 

Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco bị phóng hỏa

Lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco bị phóng hỏa

Cổng vào lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco bị thiệt hại nặng -  Reuters /Stephen Lam

Cổng vào lãnh sự quán Trung Quốc tại San Francisco bị thiệt hại nặng – Reuters /Stephen Lam

Thụy My

RFI

Buổi tối đầu năm Dương lịch, lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco đã bị đốt cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Một phát ngôn viên của tòa lãnh sự hôm qua 02/01/2013 đã kêu gọi chính quyền Mỹ bảo vệ các nhân viên ngoại giao Trung Quốc.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ “quan ngại sâu sắc” và hứa hẹn sẽ tìm kiếm và đưa thủ phạm ra trước pháp luật. Tại Bắc Kinh, hôm nay 03/01/2014, tờ Global Times đã chỉ trích “tình trạng mất an ninh”, cho rằng Mỹ không thể chối bỏ trách nhiệm.

Thông cáo của lãnh sự quán Trung Quốc cho biết, một người nào đó đã quăng “hai xô xăng vào cổng tòa lãnh sự và châm lửa” vào lúc 21 giờ 25 địa phương (5 giờ 25 GMT) đúng vào tối thứ Tư 01/01/2014, gây ra các “thiệt hại nghiêm trọng”. Cảnh sát, lính cứu hỏa thành phố và bộ phận an ninh ngoại giao đã can thiệp ngay lập tức. Hiện nay tòa lãnh sự đã đóng cửa, nhưng vẫn có vài nhân viên làm việc.

Trước khi phóng hỏa, thủ phạm đã đậu chiếc xe vận tải nhẹ trước lãnh sự quán. Người ta vẫn chưa biết được người này là nam hay nữ, và động cơ là gì. Cảnh sát Mỹ đang tiến hành điều tra.

Tại Washington, trợ lý phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Marie Harf tuyên bố: “Chúng tôi rất quan tâm đến vụ này, bộ phận an ninh ngoại giao đang làm việc với cơ quan FBI và chính quyền địa phương để điều tra và bắt giữ các thủ phạm. Các viên chức Bộ Ngoại giao đã liên hệ với các đồng nhiệm Trung Quốc nhằm thông tin và hỗ trợ họ”. Bà nói tiếp an ninh của các nhà ngoại giao nước ngoài là “quan trọng và là trọng tâm chú ý của chúng tôi”.

Phát ngôn viên lãnh sự quán Trung Quốc lên án “một hành động hèn mạt”, là một “đe dọa cho an ninh của nhân viên lãnh sự quán và dân cư xung quanh. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Mỹ sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ đúng mức nhân viên và trụ sở lãnh sự quán Trung Quốc, và đưa ra thủ phạm ra tòa càng sớm càng tốt”.

Tờ báo San Francisco Chronicle cho biết, tòa lãnh sự này đã từng bị đốt cháy tháng 3/2008 : nhiều người đã đổ chất gây cháy vào cổng tòa nhà rồi phóng hỏa. Sự kiện trên xảy ra trong lúc nhiều tiếng nói đang cất lên tại San Francisco tố cáo tình trạng đàn áp nhân quyền ở Trung Quốc, vào thời điểm đuốc Thế vận Bắc Kinh 2008 được rước đến thành phố Mỹ.

Hôm nay 03/01/2014, tờ Global Times có khuynh hướng cực đoan và quan hệ chặt chẽ với đảng Cộng sản Trung Quốc tố cáo “tình trạng mất an ninh”, kêu gọi “có những bản án nghiêm khắc” và cho rằng “các thế lực bài Hoa” đã “chứng tỏ ngày càng táo tợn hơn”. Global Times khẳng định: “Vì những sự kiện này cứ tái diễn, chính quyền Mỹ khó thể chối bỏ mọi trách nhiệm của mình”.

 

Campuchia: Công nhân biểu tình đụng độ với đơn vị quân đội ưu tú

Campuchia: Công nhân biểu tình đụng độ với đơn vị quân đội ưu tú

Binh sĩ Campuchia trấn áp một công nhân trong đoàn biểu tình đòi tăng lương 2/1/14

Binh sĩ Campuchia trấn áp một công nhân trong đoàn biểu tình đòi tăng lương 2/1/14

 

02.01.2014

Những người biểu tình cho biết có ít nhất 20 người, bao gồm 15 vị sư, đã bị thương trong vụ trấn áp các công nhân dệt may biểu tình sau khi một đơn vị quân đội đặc biệt được đưa đến để dẹp biểu tình.

Các nhóm nhân quyền địa phương cho biết có ít nhất 10 người bị bắt giữ hôm thứ Năm bên ngoài công xưởng Yak Jin gần Phnom Penh, và họ lên án bạo lực cũng như việc triển khai của một đơn vị binh sĩ ưu tú – Ðơn vị chỉ huy đặc biệt 911.

Ông Nuth Romduol thuộc đảng đối lập, Ðảng Cứu quốc Campuchia, và là thành viên của Quốc hội vừa đắc cử, nói với ban Khmer của đài VOA rằng các binh sĩ là những kẻ hung hãn. Ông nói:

“Họ rất hung hăng đối với chúng tôi khi đến nơi. Các binh sĩ đã hung hãn bắt đi một người đàn ông trẻ. Anh ấy chỉ là người ngoại cuộc đứng gần đó, nhưng đã bị đánh đập bằng dùi cui. Anh ta không có vũ khí và không hề ném một hòn đá nào. Sự việc xảy ra ngay trước mắt tôi”.

Thế nhưng ông Chap Sophorn, chỉ huy của đơn vị, nói rằng các đơn vị của ông chỉ phản ứng lại sau khi những người biểu tình bắt đầu ném đá vào họ. Ông nói:

“Chẳng lẽ chúng tôi phải đứng yên ở đó và chịu tấn công hay sao? Binh sĩ của tôi tuân theo lệnh của tôi. Nếu tôi nói “Chú ý”, họ sẽ chú ý, và nếu tôi nói “Dừng lại”, họ sẽ dừng. Ai sẽ chịu trách nhiệm khi chúng tôi nói đừng ném đá vào chúng tôi nhưng họ vẫn cứ làm? Ngay cả anh cũng không chịu được”.

Ða số các công nhân dệt may Campuchia biểu tình là để yêu cầu mức lương cao hơn.

Cựu TT Pakistan được đưa vào bệnh viện trên đường đến tòa án

Cựu TT Pakistan được đưa vào bệnh viện trên đường đến tòa án

Cựu tổng thống Pakistan Pervez Musharraf

Cựu tổng thống Pakistan Pervez Musharraf

Ayaz Gul

02.01.2014

ISLAMABAD — Lãnh đạo cũ của Pakistan, ông Pervez Musharraf, phải ra trước tòa án hôm thứ Năm để đối mặt với cáo trạng phản quốc, nhưng thay vào đó đã phải đưa gấp tới một bệnh viện quân sự vì những phàn nàn về một cơn đau tim.

Vụ xét xử về tội phản quốc của cựu Tổng thống và cũng là Tư lệnh quân đội Pakistan, ông Pervez Musharraf, đã được hoãn tới thứ Hai tại một tòa án đặc biệt với hội thẩm đoàn ba thành viên, ở Islamabad.

Các công tố viên nói rằng sự hiện diện của ông là cần thiết cho một cuộc truy tố có thể xảy ra và một lệnh của tòa án buộc ông Musharraf phải xuất hiện trước tòa.

Nhưng nhà cựu độc tài quân sự 70 tuổi này đã lỡ hai phiên khai mạc nêu lên những lo ngại về an ninh trong đó có một vụ lo ngại về gài bom.

Luật sư biện hộ, ông Ahmad Raza Kasuri, nói rằng, một trường hợp y khoa khẩn cấp đã ngăn không cho ông Musharraf xuất hiện trước tòa vào ngày thứ Năm. Ông nói:

“Trong khi di chuyển tới tòa án ông Musharraf bị một căn bệnh bất ngờ và vì vậy thay vì đưa ông tới tòa án, phải khẩn cấp đưa ông tới một bệnh viện tim mạch của quân đội. Và giờ đây ông đã được nhập viện.”

Bệnh viện quân sự điều trị cho ông Musharraf tọa lạc tại thành phố Rawalpindi kế cận, nơi có trụ sở của quân đội đầy thế lực.

Ông Musharraf là tư lệnh quân đội năm 1999 khi ông nắm quyền trong một cuộc đảo chính, bằng cách lật đổ thủ tướng Nawaz Sharif, là người giờ đây đã trở lại chức vụ. Sau đó, ông đã tự tuyên bố là Tổng thống để cai trị đất nước và đã từ chức năm 2008 trước khi tự đi sống lưu vong.

Cáo trạng phản quốc nhắm vào ông Musharraf bắt nguồn từ ngày cuối cùng nắm quyền của ông năm 2007 khi ông áp đặt lệnh cai trị khẩn cấp đất nước và bãi chức hàng chục thẩm phán trong toan tính bám víu vào quyền lực.

Trong tiến trình pháp lý hôm thứ Năm, luật sư biện hộ Anwar Mansoor lại nêu lên nghi vấn về tiến trình pháp lý trước sau như một của tòa án.

Khi nói với đài VOA, ông Mansoor tố cáo chính phủ là cố ý không đếm xỉa tới một số những đòi hỏi của hiến pháp trong khi theo đuổi vụ án phản quốc, và bổ nhiệm các công tố viên. Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng việc này có tính cách trả thù hơn là bất cứ chuyện gì khác. Quan điểm của tôi về vấn đề này là bởi vì ông Nawaz Sharif bị buồn phiền bởi ông Pervez Musharraf, và bởi vì ông Sharif bị yêu cầu ra nước ngoài sống lưu vong, vì thế giờ đây ông muốn cùng một hành động như vậy được lặp lại đối với Tướng Musharraf chứ ngoài ra không có gì khác.”

Ông Sharif và các bộ trưởng trong nội các của ông phủ nhận những cáo buộc về việc trả thù chính trị.

Tòa án Pakistan dưới chế độ Musharraf đã xét xử và kết án ông Sharif về tội phản quốc. Sau đó ông được ân xá và đi sống lưu vong tại Ả Rập Saudi dưới một thỏa thuận với nhà lãnh đạo quân đội là không trở về tham gia chính trị tại Pakistan.

 

Tổng thống Miến Điện ủng hộ sửa đổi Hiến pháp

Tổng thống Miến Điện ủng hộ sửa đổi Hiến pháp

Tổng thống Miến Điện Thein Sein

Tổng thống Miến Điện Thein Sein

AFP PHOTO / ROSLAN RAHMAN

Thanh Phương

RFI

Hôm nay, 02/01/2014, Tổng thống Miến Điện Thein Sein tuyên bố ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp, đặc biệt là sửa đổi điều khoản cản trở nhà đối lập Aung San Suu Kyi trở thành Tổng thống. Trong một bài diễn văn được đăng trên tờ nhật báo chính thức New Light of Myanmar, ông Thein Sein tuyên bố : « Tôi nghĩ rằng một Hiến pháp lành mạnh thỉnh thoảng cần phải được sửa đổi để đáp ứng những nhu cầu của đất nước ».

Hiến pháp Miến Điện năm 2008, do chính quyền quân sự cũ soạn thảo, đã được thông qua trong một cuộc trưng cầu dân ý đúng một tuần sau cơn bão Nargis ( khiến 138 ngàn người chết và mất tích ). Hiến pháp này trao rất nhiều quyền cho phe quân đội, đặc biệt là cho họ nắm 25% số ghế của Quốc hội không cần qua bầu cử.

Đặc biệt, Hiến pháp hiện hành cấm một công dân Miến Điện có chồng hoặc con mang quốc tịch nước ngoài trở thành Tổng thống. Điều khoản này như vậy cản trở nhà đối lập Aung San Suu Kyi, lấy chồng (nay đã chết) và có con mang quốc tịch Anh, lên làm nguyên thủ quốc gia Miến Điện.

Bà Aung San Suu Kyi đã cho biết sẽ ra tranh chức Tổng thống Miến Điện. Chức vụ này sẽ được chọn bởi các dân biểu Quốc hội được bầu lên trong cuộc bầu cử năm 2015. Đảng đối lập Liên đoàn quốc gia vì dân chủ được dự báo là sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này.

Từ cách đây vài tháng, một Ủy ban Quốc hội, gồm đại diện của các chính đảng và của quân đội, đã bắt đầu họp bàn về cải tổ Hiến pháp Miến Điện. Ủy ban này sẽ trao báo cáo kết luận từ đây cho đến cuối tháng Giêng. Theo quy định hiện hành, mọi sửa đổi Hiến pháp cần phải được thông qua với hơn 75% số phiếu ở Quốc hội.

 

Hồng Kông đón năm 2014 bằng một cuộc biểu tình đòi dân chủ

Hồng Kông đón năm 2014 bằng một cuộc biểu tình đòi dân chủ

Hàng chục nghìn người Hồng Kông biểu tình đòi bầu cử phổ thông đầu phiếu và đòi ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) từ chức, 01/01/2014.

Hàng chục nghìn người Hồng Kông biểu tình đòi bầu cử phổ thông đầu phiếu và đòi ông Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) từ chức, 01/01/2014.

REUTERS/Tyrone Siu

Tú Anh

RFI

Hồng Kông bước vào năm 2014 với một cuộc xuống đường đòi dân chủ. Ban tổ chức dự kiến 50 ngàn người tham gia cuộc tuần hành phản kháng nhân ngày đầu năm dương lịch, chống bàn tay can thiệp của Bắc Kinh trong bối cảnh đang diễn ra một chiến dịch thăm dò ý kiến về việc cải cách ứng cử và bầu cử.

Theo tường thuật của AFP, hàng chục ngàn người đã tuần hành tại Hồng Kông trong ngày đầu năm dương lịch 2014. Người biểu tình mang biểu ngữ và hô to những khẩu hiệu lên án Trung Quốc và chính quyền Lương Chấn Anh (Leung Chun-ying) bị xem là người của Bắc Kinh.

Trong rừng biểu ngữ có những câu « dân chủ sẽ chiến thắng » hoặc là « muốn cải cách phải tranh đấu ».
Một doanh nhân giải thích : Chúng tôi là dân Hồng Kông, chúng tôi phải có quyền bầu người đại diện. Người dân có thừa thông minh để chọn lãnh đạo tương lai.

Đoàn biểu tình tập họp tại quảng trường Nữ Hoàng Victoria và tuần hành đến Trung tâm tài chính Hồng Kông. Vào trưa nay, ban tổ chức cho biết sẽ có hơn 50 ngàn người tham gia cuộc biểu tình trong « Ngày Đầu năm Dân chủ » hàng năm và kéo dài cho đến tối.

Thông điệp của cuộc biểu dương lực lượng hôm nay là khuyến cáo đảng Cộng sản Trung Quốc cũng như chính quyền Hồng Kông rằng « người dân Hồng Kông muốn một nền dân chủ thật sự ». Johnson Yeung, thành viên Mặt Trận Nhân Quyền Công Dân, giải thích như trên với phóng viên AFP.

Mặc dù Bắc Kinh cam kết tôn trọng quyền tự quyết của Hồng Kông, nhưng từ năm 1997 đến nay, Trung Quốc tìm cách trì hoãn không cho bầu cử theo lối phổ thông đầu phiếu. Lời hứa hẹn cuối cùng là vào năm 2017. Trong hệ thống hiện hành, lãnh đạo Hồng Kông do một ủy ban thân Bắc Kinh gồm 1200 « đại cử tri » bầu lên.

Theo các nhà tranh đấu thì cuộc tham khảo ý kiến cử tri (do chính quyền tiến hành) trong khuôn khổ cải cách luật bầu cử là một « trận chiến phải chiến thắng » trong năm nay. Người dân Hồng Kông lo ngại Trung Quốc sẽ tìm kế hoãn binh để từng bước gậm nhấm không gian còn tương đối tự do tại nhượng địa cũ của Anh Quốc.

Ban tổ chức biểu tình đe dọa là « nếu đảng Cộng sản Trung Quốc không hiểu thông điệp dân chủ này thì người dân sẽ hành động trực tiếp ». Nhiều nhà tranh đấu dự trù sẽ « chiếm lĩnh » khu tài chính để gây sức ép buộc Trung Quốc phải tôn trọng một chế độ bầu cử công bình. Vào trưa nay, hơn 50 ngàn người đã tham gia cuộc thăm dò ý kiến trên mạng về cách chọn lựa lãnh đạo trong kỳ bầu cử 2017.

 

Người hành hương đến Bethlehem mừng lễ Giáng Sinh

Người hành hương đến Bethlehem mừng lễ Giáng Sinh

Giáo dân đốt nến trong nhà thờ Giáng Sinh ở Bethlehem

Giáo dân đốt nến trong nhà thờ Giáng Sinh ở Bethlehem

 

Robert Berger

24.12.2013

BETHLEHEM — Người hành hương từ khắp thế giới đã hội tụ về thị trấn Bethlehem trong bờ Tây để mừng lễ Giáng Sinh được nhà cầm quyền Palestine tổ chức. Thông tín viên VOA Robert Berger tường thuật từ Bethlehem.

Các hướng đạo sinh nam và nữ mở đầu ngày lễ Giáng Sinh với cuộc diễn hành ngang qua quảng trường Máng Cỏ ở Bethlehem.

Quảng trường được trang hoàng cho lễ hội với những cây Giáng Sinh khổng lồ, với các quả chuông, đèn và cờ Palestine.

Không khí trang trọng hơn ở phía bên trong Nhà thờ Giáng Sinh, một ngôi thánh đường cổ, khi hàng ngàn người hành hương đang xếp hàng để viếng hang đá, nơi mà theo truyền thuyết Chúa Giêsu đã ra đời.

Ông Shmuel Oluwa, một người hành hương đến từ Lagos, Nigeria nói rằng viếng hang đá trong dịp Lễ Giáng Sinh là một trải nghiệm về đức tin:

“Thật tuyệt vời! Cảm giác thật tuyệt vời! Một điều gì đó mà mỗi người Thiên Chúa giáo mong mỏi thực hiện. Nếu bạn cố gắng và thấu hiểu ý nghĩa của những gì đã diễn ra nơi đây, thì đó là một cảm giác kỳ diệu”.

Năm này có nhiều người đến mừng lễ nhờ các vụ bạo động giữa người Israel và Palestine tạm lắng.

Thị trưởng của Bethlehem bà Vera Baboun, người Palestine, nói rằng khách sạn không còn phòng trống:

“Tháng này chúng tôi dự kiến sẽ đón 300.000 du khách.

Bà cho biết:

“Chúng tôi có gần 4.000 phòng ở Bethlehem trong 33 khách sạn, tất cả đều được đặt trước. Ðiều này có nghĩa là thành phố đang thu nhận một lượng du khách cao nhất.”

Tuy vậy, người Palestine vẫn phàn nàn về bức tường lớn mà Israel đã dựng lên xung quanh Bethlehem vào khoảng 10 năm trước, tiếp theo sau làn sóng nổ bom tự sát chết người.

Các cư dân đã mô tả thành phố giống như một nhà tù lớn, thế nhưng Baboun nói rằng bức tường không thể dập tắt thông điệp hy vọng, tình yêu và hòa bình của Bethlehem được. Bà nói:

“Vẫn sẽ luôn là một Giáng Sinh Vui Vẻ bởi vì Giáng Sinh là niềm vui, bất chấp tất cả những khó khăn mà chúng tôi trải qua và sự bao vây thành phố, Giáng SInh vẫn là niềm vui”.

Chính quyền Israel và Palestine đang làm việc cùng với nhau để tạo thuận lợi cho những người hành hương từ Jerusalem đến Bethlehem, trong tinh thần của thiện chí Giáng Sinh.

Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ trong đêm trước Lễ Giáng Sinh

Đức Giáo Hoàng cử hành Thánh lễ trong đêm trước Lễ Giáng Sinh

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ở Vatican, 24/12/13

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô, ở Vatican, 24/12/13

 

24.12.2013

Đức Giáo Hoàng kêu gọi 1,2 tỉ người Công giáo trên thế giới hãy vui mừng trong ngày Giáng Sinh này vì “Chúa Giêsu là ánh sáng xua tan bóng tối” và mang lại an bình.

Đức Thánh Cha giảng bài giảng đầu tiên về Giáng Sinh của ngài trong cương vị Giáo Hoàng trong buổi Thánh lễ tại Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican trong đêm trước Lễ Giáng Sinh hôm thứ Ba.

Bài giảng của ngài chú trọng vào hành trình cá nhân và lich sử của con người cho một vùng đất hứa và cứu rỗi và – theo lời ngài – “tinh thần của những kẻ đi tới để nhìn thấy ánh sáng vĩ đại.”

Đức Giáo Hoàng, người được biết tiếng đầy lòng khiếm tốn và phục vụ kẻ nghèo, nói rằng mỗi con người có đều trải qua cả hai “thời gian tươi sáng và đen tối, ánh sáng và bóng tối”. Ngài kêu gọi tín hữu hãy dấn thân trong cuộc hành trình với tấm lòng rộng mở và gạt bỏ lòng kiêu kỳ, giả dối và tư lợi.

Ngài nói rằng Thiên Chúa đã tỏ ân sủng, lòng nhân ái và tình yêu thông qua Chúa Giêsu, người dẫn dắt thế giới.  Đức Thánh Cha kết thúc bài giảng với câu, “Chúa Giêsu là ánh sáng xua tan bóng tối. Người là sự an bình của chúng ta.”

Đức Giáo Hoàng sinh trưởng ở Argentina được bầu lên hồi tháng 3, một tháng sau khi Đức Giáo Hoàng Benedict bất ngờ từ chức.

Tiếng tăm của vị Giáo Hoàng 78 tuổi từ đó lên cao và ngài được ca tụng đã giúp khôi phục hình ảnh Giáo hội.

Trong tháng này, tạp chí Time đã bầu ngài là Nhân Vật Trong Năm và ca ngợi lời ngài kêu gọi chữa lành cho những ai đau yếu, nghèo khó và bất ổn trong đời sống.