Biển Đông : Mỹ lại chống việc dùng võ lực để áp đặt chủ quyền

Biển Đông : Mỹ lại chống việc dùng võ lực để áp đặt chủ quyền

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhân kỳ dự hội nghị ASEAN tại Brunei - Reuters

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhân kỳ dự hội nghị ASEAN tại Brunei – Reuters

Trọng Nghĩa

RFI

Kể từ ngày 13/02/2014 tới đây, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry lại lên đường công du châu Á với các chặng ngừng tại Seoul, Bắc Kinh, và Jakarta. Hồ sơ Biển Đông chắc chắn là một điểm nóng trong chương trình nghị sự của người lãnh đạo ngành ngoại giao Mỹ.

Chuyến công du châu Á của Ngoại trưởng Mỹ diễn ra vào lúc khẩu chiến Mỹ Trung vẫn tiếp diễn về tính chấp phi pháp của đường lưỡi bò mà Bắc Kinh dùng để khoanh vùng chủ quyền của họ trên Biển Đông và các động thái quyết đoán của Trung Quốc nhằm áp đặt yêu sách biển đảo của mình.

Trong buổi họp báo thường kỳ tại Washington vào hôm qua, bà Marie Harf, Phó Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Mỹ đã nhắc lại rằng Ngoại trưởng John Kerry sẽ công du châu Á từ ngày 13 đến 18 tháng 2, và sẽ lần lượt ghé Seoul, Bắc Kinh, Jakarta rồi Abu Dhabi.

Trả lời câu hỏi của một nhà báo về nội dung các vấn đề mà ông Kerry có thể bàn bạc với Trung Quốc, bà Marie Harf chưa cho biết cụ thể những cho rằng ngoại trưởng Mỹ sẽ nhắc lại quan điểm chống lại việc dùng sức mạnh để giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, từng được ông Danny Russel Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương trình bày trước Tiểu ban Châu Á – Thái Bình Dương thuộc Ủy Ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ vào tuần trước.

Riêng về phản ứng của Trung Quốc trước nhận định công khai của ông Russel về tính chất không phù hợp với luật pháp quốc tế của tấm bản đồ 9 đường gián đoạn được Bắc Kinh dùng làm cơ sở để đòi chủ quyền trên Biển Đông, Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại tuyên bố của ông Russel theo đó « tính chất khiêu khích trong một số hành động của Trung Quốc đã làm nảy sinh nhiều mối quan ngại trong vùng về ý đồ lâu dài của Trung Quốc ».

Riêng về tấm bản đồ đường lưỡi bò, bà Harf cho biết là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đã xác định rằng : « Căn cứ theo luật quốc tế, mọi đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông, như đường chín đoạn của Trung Quốc, phải lấy cơ sở từ các thực thể lãnh thổ đã được Luật Biển Liên Hiệp Quốc quy định, và luật quốc tế phải là cơ sơ duy nhất có giá trị để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông ».

Nổ súng gây nhiều thương tích ở Bangkok

Nổ súng gây nhiều thương tích ở Bangkok

Thứ bảy, 1 tháng 2, 2014

Bạo lực ở Bangkok

Vài phút trước khi súng nổ, môt chiếc xe hơi đã bị tấn công.

Ít nhất sáu người đã trúng đạn và bị thương nặng ở thủ đô Bangkok của Thái Lan, trong lúc xảy ra các cuộc đụng độ chống chính phủ ngay trước cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật.

Bạo lực bùng phát trong một diễn biến cá biệt giữa những người ủng hộ và phản đối Thủ tướng Yingluck Shinawatra.

Nhiều tiếng súng đã nổ vào lúc những người biểu tình phong tỏa một tòa nhà là nơi lưu trữ các lá phiếu phục vụ bầu cử, trong một nỗ lực nhằm ngăn chặn phân phối các lá phiếu bầu.

Những người phản đối muốn chính phủ phải được thay thế bằng một “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử.

Phe đối lập cũng tuyên bố sẽ tẩy chay cuộc bỏ phiếu hôm Chủ nhật, sự kiện được cho là mang lại khả năng giành thắng lợi cho bà Yingluck.

Những người biểu tình cáo buộc Thủ tướng hoạt động dưới sự kiểm soát của anh trai bà, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người đã bị lật đổ và đang sống lưu vong.

Gài bom nhỏ

“Một số người được cho là bị thương đã nằm lại trên đường, khi hai bên nổ súng giao tranh, buộc các phóng viên và người qua đường phải bỏ chạy tìm nơi trú ẩn”

Vụ nổ súng hôm thứ Bảy xảy ra ở quận Laksi ở Bangkok, thành trì của đảng Pheu Thai của Thủ tướng Thái Lan.

Vụ nổ súng xảy ra sau một diễn biến riêng rẽ đối đầu căng thẳng giữa hai bên chống và ủng hộ chính phủ, theo phóng viên BBC Jonathan Head, ở Bangkok, tường trình.

Một số người được cho là bị thương đã nằm lại trên đường khi hai bên nổ súng giao tranh, buộc các phóng viên và người qua đường phải bỏ chạy tìm nơi trú ẩn, vẫn theo phóng viên của BBC.

Hiện chưa rõ những người bị thương thuộc phe ủng hộ hay hậu thuẫn chính phủ.

Trước khi tấn công, những người biểu tình đã tấn công một chiếc xe và gài một loạt các trái bom loại nhỏ.

Quân đội triển khai

 

Ít nhất 6 người đang được cấp cứu vì bị thương nghiêm trọng sau vụ nổ súng hôm thứ Bảy.

Phong trào đối lập – từng được biết tới với tên gọi phe “áo vàng” – tuyên bố sẽ phá hoại cuộc bầu cử với mức độ càng nhiều càng tốt, bằng cách ngăn chặn các lá phiếu bầu được đưa đến các điểm bỏ phiếu.

Trong khi đó, các nhóm ủng hộ chính phủ – hay phe “áo đỏ ” – đã được lệnh phải giám sát cuộc bỏ phiếu.

Thế nhưng họ không được phép đối đầu với những người biểu tình, vì sợ rằng bạo lực sẽ gây ra thêm nguy hiểm cho cuộc bầu cử.

Quân đội trước đó nói sẽ tăng cường quân số và triển khai tại Bangkok phục vụ cuộc bầu cử vào ngày Chủ nhật.

Khoảng 10.000 cảnh sát cũng sẽ tuần tra các đường phố trong ngày 02 tháng Hai.

Phóng viên của BBC nói hiện chưa thể dự đoán gì về khả năng và kết quả của cuộc bỏ phiếu ngày Chủ Nhật.

Tuy nhiên rõ ràng các hoạt động ngăn chặn bầu cử và đặc biệt là vụ nổ súng gây nhiều thương tích hôm thứ Bảy báo trước cuộc bầu cử ngày Chủ Nhật sẽ khó có thể diễn ra hoàn toàn bình ổn, do nguy cơ bạo lực nóng lên.

Truyền hình Ả Rập lột mặt nạ bài Việt Nam của đối lập Cam Bốt

Truyền hình Ả Rập lột mặt nạ bài Việt Nam của đối lập Cam Bốt

Ông Sam Rainsy, lãnh đạo phe đối lập thường có luận điệu bài Việt - REUTERS /Samrang Pring

Ông Sam Rainsy, lãnh đạo phe đối lập thường có luận điệu bài Việt – REUTERS /Samrang Pring

Trọng Nghĩa

RFI

Trong không khí phấn khởi của phong trào đòi dân chủ và dân sinh tại Phnom Penh vào tháng 12/2013 và tháng 01/2014, với những cuộc biểu tình rầm rộ nhất trong lịch sử Cam Bốt, một khía cạnh đen tối đã xuất hiện : Khẩu hiệu và hành vi bạo động kỳ thị người Việt Nam nhiều khi được tung ra cùng với những lời kêu gọi cải thiện dân chủ và tăng lương đến từ phe đối lập. Đó là ghi nhận của đài truyền hình Ả Rập Al Jazeera trong một phóng sự ngày 24/01/2014 vừa qua.

Mang tựa đề « Biểu tình tại Cam Bốt phơi bày quan điểm bài Việt Nam », phóng sự của đài truyền hình Ả Rập đã nêu bật sự kiện nhiều người biểu tình đã hô vang những khẩu hiệu chống Việt Nam, phản ánh thái độ thù hằn Việt Nam mà lãnh đạo đối lập Sam Rainsy đã có từ lâu đối với Việt Nam – một tỳ vết dễ thấy giữa các thành tích đấu tranh cho nhân quyền của ông.

Theo Al Jazeera, về cuộc biểu tình của những người ủng hộ phe đối lập và công nhân may mặc tại khu phố Veng Sreng, vùng ngoại ô Phnom Penh ngày 03/01 vừa qua, báo chí đã nói nhiều về vụ cảnh sát quân sự đã bắn chết ít nhất bốn công nhân và làm bị thương hàng chục người khác.

Tuy nhiên, ít được nói đến hơn là sự kiện những người biểu tình đã gào thét những lời lẽ kỳ thị chủng tộc và xông vào cướp phá ít nhất là ba cửa hàng của người Việt Nam gần đó. Có tin cho là số cửa hiệu bị phá hủy còn nhiều hơn nữa. Nhiều người Việt cư ngụ trong khu vực đã phải bỏ chạy về Việt Nam.

Đài truyền hình Ả Rập đã trích lời anh Sok Min, 27 tuổi, chủ nhân một quán cà phê gần phố Veng Sreng đã bị những người biểu tình chống Việt Nam phá hủy, cho biết là anh đã bị thiệt hại khoảng 40.000 đô la trong vụ tấn công này và đã phải cho vợ và hai đứa con trong hoàn cảnh cực kỳ sợ hãi trở về Việt Nam vô thời hạn.

Khi được hỏi vào lúc đang xem xét cửa hàng bị hư hỏng ngay sau vụ tấn công, với hầu như toàn bộ đồ đạc bị cướp đi, trên sàn nhà vương vãi mảnh thủy tinh bị với và bao bì cà phê trống rỗng, Sok Min cho biết : « Họ đến để phá hủy tất cả mọi thứ… Họ nói rằng tôi người Việt và họ không thích điều đó. ».

Những tuyên bố đáng ngại

Nhân cuộc bầu cử tại Cam Bốt vào tháng 07/2013, đảng Cứu nguy Dân tộc do ông Rainsy lãnh đạo đã giành được nhiều thắng lợi lớn trước đối thủ là Thủ tướng Hun Sen, lên cầm quyền từ năm 1985, ít lâu sau khi quân đội Việt Nam đánh qua Cam Bốt vào năm 1979 để lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ. Việt Nam đã rút khỏi Cam Bốt vào năm 1989, nhưng Đảng Nhân dân của ông Hun Sen vẫn duy trì quan hệ thân thiện với nước láng giềng hùng mạnh hơn ở phía đông, một kẻ thù lịch sử nhưng đã trở thành đồng minh.

Về phần ông Sam Rainsy, nhân vật này từ lâu đã luôn luôn cáo buộc điều ông ta cho là Việt Nam chiếm đất Cam Bốt, một quan điểm bị nhiều người cho rằng cố chấp đáng ngại. Ông Sam Rainsy khẳng định rằng ông không kích động bạo lực nhắm vào người Việt Nam sinh sống ở Cam Bốt, nhưng những phát biểu của ông trong suốt hai chục năm làm chính trị vừa qua thường bao gồm những luận điểm gay gắt chống lại thiểu số người Việt không được lòng dân tại chỗ, kèm theo những lời hứa là những người này sẽ bị đuổi khỏi Cam Bốt.

Al Jazeera nhắc lại là nhân một chuyến viếng thăm Phnom Penh ngày 23/01/2014, Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền tại Cam Bốt, ông Surya Subedi, đã có lời phê phán hiếm hoi nhắm vào phe đối lập, liên quan đến những luận điệu bài Việt Nam của đảng Cứu nguy Dân tộc và những vụ tấn công cửa hiệu của người Việt tại khu phố Veng Sreng.

Dùng từ yuon để gọi người Việt’

Để tìm hiểu thêm, đài truyền hình Ả Rập đã tìm gặp ông Ou Virak , một nhà hoạt động nhân quyền nổi bật tại Cam Bốt, đứng đầu Trung tâm Nhân quyền Cam Bốt. Nhân vật này đã lên tiếng tỏ ý lo ngại về việc ông Sam Rainsy đang lao vào một trò kích động thù hận dân tộc nguy hiểm. Ông Ou Virak đã lên án sự kiện lãnh đạo đối lập Cam Bốt thường xuyên sử dụng thường xuyên từ ngữ youn đầy tính miệt thị để chỉ người Việt Nam.

Tiếng nói phê phán nói trên tuy nhiên đã không lọt tai nhiều người. Theo Al Jazeera, trong tháng qua, ông Ou Virak đã phải chịu một loạt những lời chửi mắng trên mạng, thậm chí còn bị dọa giết. Tổ chức Đài Quan sát Bảo vệ Giới Đấu tranh cho Nhân quyền đã công bố một thông báo khẩn cấp về tình hình của ông Ou Virak, và kêu gọi Sam Rainsy chính thức lên án các lời đe dọa đó, điều chưa thấy lãnh đạo đối lập Cam Bốt thực hiện.
Đối với ông Ou Virak, đảng Cứu nguy Dân tộc đã tập trung vào việc bài xích người Việt Nam để đánh lạc hướng dư luận trước các vấn đề cấp bách hơn mà tất cả người dân Campuchia cần phải đối mặt, chẳng hạn như cơ sở hạ tầng yếu kém, nạn phá rừng ồ ạt, tình trạng vi phạm nhân quyền tràn lan của chính phủ Hun Sen.

Khi được Al Jazeera hỏi là vì sao ông lại không lên án những lời đe dọa nhắm vào ông Ou Virak, lãnh đạo đối lập Sam Rainsy nói tránh đi rằng ông lên án mọi hình thức bạo lực. Ông Rainsy cũng nói thêm rằng những lời chỉ trích của đặc sứ Liên Hiệp Quốc Subedi đã dựa trên một « sự hiểu lầm và hiểu sai » về ngôn ngữ và văn hóa Cam Bốt.

Trả lời đài truyền hình Ả Rập, ông Sam Rainsy khẳng định rằng dân Cam Bốt nói chung, và đảng Cứu nguy Dân tộc của ông nói riêng « không xem bất cứ nước nào, bất kỳ dân tộc nào là thù địch… nhưng các chính sách hiện hành của chính phủ hiện thời ở Việt Nam đối với Cam Bốt không thân thiện và không xây dựng lắm ». Ông đã nêu lại những cáo buộc về việc Việt Nam lấn đất dọc theo biên giới, và việc các công ty Việt Nam được nhượng quyền khai thác rừng ở Cam Bốt.

Đối với Al Jazeera tuy nhiên, ngay cả khi lãnh đạo đối lập Cam Bốt lên án bạo lực, ông ta có thể là không hoàn toàn kiểm soát được tâm lý chống Việt Nam mà chính ông đã kích động trên đường phố. Trong các cuộc biểu tình, tiếng hô « bọn youn súc sinh » và « bọn youn chó má » rất thường được nghe thấy nhắm vào cảnh sát và lực lượng an ninh.

Quán cà phê của người Việt là ổ gián điệp

Phuong Sopheak, 27 tuổi, là một ủng hộ viên đối lập nhiệt tình, đã gia nhập đảng Cứu nguy Dân tộc vào tháng 06/2013, từng tham gia nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ, bao gồm cả cuộc biểu tình trên phố Veng Sreng. Trả lời đài Al Jazeera, một mặt xác nhận rất thích đề nghị của đảng Cứu nguy Dân tộc muốn giúp Cam Bốt phát triển nhanh hơn, nhưng một mặt khác thanh niên này cho biết rất tâm đắc với lập trường chống người Việt nhập cư của đảng.

Thanh niên này đoán chắc rằng nhiều quan chức chính phủ hàng đầu là người Việt giả mạo thành người Cam Bốt : « Họ gửi người của họ sang Cam Bốt và cài Hun Sen lên làm lãnh đạo… để có được lãnh thổ Cam Bốt ».
Đối với đảng viên đảng Cứu nguy Dân tộc này, các tiểu thương như trường hợp ông Sok Min thực sự là gián điệp : « Một số chủ tiệm cà phê là gián điệp được cử qua để có được thông tin từ Cam Bốt. Tất nhiên họ có thể khẳng định rằng Cam Bốt là một nơi tốt cho kinh doanh và sinh hoạt, nhưng tôi đã nhìn thấy chứng minh thư của họ và họ là công an Việt Nam ».

Theo Al Jazeera, Thủ tướng Hun Sen vẫn duy trì một mối quan hệ thân thiết với Việt Nam, một kẻ thù lịch sử của Cam Bốt, qua đó cung cấp một mục tiêu tấn công dễ dàng cho đảng Cứu nguy Dân tộc. Trong một chuyến thăm Việt Nam gần đây, ông có bài phát biểu bằng tiếng Việt trôi chảy về tình hữu nghị giữa hai nước. Một clip video về sự kiện này được lưu truyền trên YouTube và nhanh chóng thu hút được hàng trăm ý kiến ​​tức giận.

Ngoài ra, chính quyền Phnom Penh cũng có phần lỏng lẻo trong việc thực thi luật nhập cư trong trường hợp các di dân kinh tế Việt Nam như ông Sok Min, nhiều người trong số này đổi lại đã thể hiện sự trung thành với đảng Nhân dân Cam Bốt.

Họ đã mất tất cả

Cheam Yeap, một dân biểu cấp cao trong đảng cầm quyền đã bảo vệ các chính sách của chính phủ đối với Việt Nam, cho đấy chỉ là một vấn đề hợp tác khéo léo với một người hàng xóm hùng mạnh. Theo nhân vật này, việc đảng Cứu nguy Dân tộc nêu bật Việt Nam như một kẻ thù và kỳ thị một quốc gia láng giềng là một trò « rất nguy hiểm, và tác hại mạnh mẽ đến lợi ích quốc gia của Cam Bốt » vì có tác dụng xua đuổi du khách và các nhà đầu tư Việt Nam.

Đối với chuyên gia David Chandler, giáo sư danh dự tại Đại học Úc Monash, từng nghiên cứu về Cam Bốt trong hàng chục năm, đã gọi các lời cáo buộc chống Việt Nam của ông Sam Rainsy là những « mưu mẹo ».
Chuyên gia này giải thích : « [Sam Rainsy] ít khi dẫn chứng cho các lời cáo buộc của ông ta. Điều chắc chắn là doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam đang gây hại ở Cam Bốt, nhưng cũng tương tự như những người Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc ». Giáo sư Chandler không chắc rằng những người buôn bán nhỏ và người nhập cư kinh tế khác đến từ Việt Nam đã làm tổn hại đến lợi ích của Cam Bốt.

Phóng sự của đài truyền hình Ả Rập kết thúc bằng câu chuyện một phụ nữ Cam Bốt, bà Ben Daravy, phải bận rộn suốt tuần này để quét dọn cửa hàng tại phố Veng Sreng mà bà đang muốn cho người khác thuê. Người thuê trước đó, một phụ nữ độc thân người Việt, đã bỏ chạy về Việt Nam sau hôm mồng 03/01/2014 sau khi quán cà phê của bà bị một đám đông phá cửa xông vào, cướp đi tất cả đồ đạc cũng như dụng cụ làm bếp. Những kẻ này còn đe dọa sẽ đốt cháy căn nhà, khiến cho người phụ nữ đó cùng đứa con gái phải trốn đi bằng cửa sau và không bao giờ quay trở lại.

Bà Daravy không nén nỗi tức giận : « Họ mang xăng đến đòi đốt nhà, và họ đã có thể làm thật nếu không có một người hàng xóm ngăn cản, nói với họ rằng chủ thực sự của cửa hàng này là người Khmer chứ không phải là người Việt ».

Người phụ nữ Cam Bốt này đã tỏ ý rất thông cảm với người thuê cũ của mình : « Người Việt thuê nhà ấy đã mất tất cả mọi thứ, tôi cũng mất rất nhiều nên không thể giúp bà ấy điều gì cả ».

 

Thủ tướng Ukraine nộp đơn từ chức

Thủ tướng Ukraine nộp đơn từ chức

Thứ ba, 28 tháng 1, 2014

Tổng thống Yanukovych gặp lãnh đạo đối lập tối 27/1

Thủ tướng Ukraine Mykola Azarov nộp đơn từ chức nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình trên toàn quốc.

Trong một thông cáo, ông nói bước đi nhằm tạo ra “sự thỏa hiệp xã hội và chính trị”.

Nếu tổng thống ký nghị định để thủ tướng từ chức, cả nội các sẽ từ nhiệm.

Họ vẫn có thể tiếp tục cương vị trong vòng 60 ngày cho đến khi có chính phủ mới.

Trong khi đó, quốc hội nước này đang có phiên thảo luận khẩn cấp.

Dự kiến quốc hội sẽ bỏ phiếu về việc xóa bỏ luật cấm biểu tình, mà tổng thống Viktor Yanukovych cũng đã chấp nhận bãi bỏ.

Ông Viktor Yanukovych cũng đề xuất ân xá cho người biểu tình, với điều kiện họ tháo dỡ các rào chắn và chấm dứt tấn công các tòa nhà của chính phủ.

Đề xuất trên đã được đưa ra trong cuộc gặp của ông tổng thống với ba lãnh đạo đối lập chính.

Người biểu tình từng yêu cầu bỏ điều luật gây tranh cãi, đồng thời muốn ông Yanukovych từ nhiệm.

Luật chống biểu tình được Quốc hội vội vã thông qua hôm 16/1.

Trong điều luật này có các điểm như cấm dựng lều trại trái phép tại các địa điểm công cộng, và truy tố trách nhiệm hình sự cho hành vi phỉ báng quan chức nhà nước.

Các phóng viên nói trong phiên họp đặc biệt vào thứ Ba 28/1 nhằm thảo luận khủng hoảng chính trị trong nước, điều luật này có thể sẽ bị xóa bỏ.

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Yanukovych vào tối thứ Hai để bày tỏ ủng hộ của Washington cho cuộc đàm phán hiện tại với phe đối lập nhằm tìm ra giải pháp chính trị hòa bình cho cuộc khủng hoảng.

Ông Biden cảnh báo rằng đưa ra các biện pháp an ninh mạnh có thể khiến tình hình còn leo thang và thu hẹp khả năng giải pháp hòa bình.

Biểu tình lan rộng

Điều luật gây tranh cãi đã làm người biểu tình tức giận và khiến làn sóng biểu tình lan rộng trong nước Ukraine, thậm chí tới cả khu vực phía đông nói tiếng Nga vốn là nơi ủng hộ ông Yanukovych.

Người biểu tình, với xu hướng ủng hộ các đảng đối lập, đã nhằm vào các tòa nhà của chính phủ và chiếm trụ sở một số bộ ngành tại Kiev torng thời gian ngắn.

Ông tổng thống đã có cuộc gặp với lãnh đạo đảng Tổ quốc Arseniy Yatsenyuk, đảng Udar Vitali Klitschko, và lãnh đạo phe dân tộc chủ nghĩa Oleg Tyahnybok.

Trong một thông cáo đăng trên website của dinh tổng thống, Bộ trưởng Tư pháp Olena Lukash được dẫn lời nói “một quyết định chính trị đã được đưa ra để bãi bỏ điều luật thông qua hôm 16/1, vốn đã gây tranh luận”.

Bà Lukash cũng nói ông Yatsenyuk đã chính thức không chấp thuận chức thủ tướng mà ông được mời vào.

Hiện chưa có phản ứng từ các đảng đối lập.

Trong khi đó Cao ủy phụ trách đối ngoại của EU Catherine Ashton đã thay đổi lịch trình tới Ukraine và sẽ đến nước này hôm 28/1, trước kế hoạch hai ngày, để gặp ông Yanukovych và các lãnh đạo đối lập.

Bà nói bà “quan ngại” về các thông tin rằng chính phủ đang chuẩn bị đưa ra luật tình trạng khẩn cấp.

Trước đó giới chức Ukraine nói họ chưa có ý định làm điều này.

Khủng hoảng bắt đầu khi Tổng thống Viktor Yanukovych rút khỏi thỏa thuận thương mại với EU hồi tháng 11 năm ngoái để đổi lấy khoản trợ giúp 15 tỷ đôla của Nga.

 

Nông dân Lào biểu tình chống bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc

Nông dân Lào biểu tình chống bán đất cho doanh nghiệp Trung Quốc

Sòng bạc Kings Romans tại Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo, miền Bắc Lào.

Sòng bạc Kings Romans tại Đặc khu Kinh tế Tam giác vàng ở tỉnh Bokeo, miền Bắc Lào.

DR

Tú Anh

RFI

Trong chương trình « phát triển » vùng Thượng Lào, khoảng 1000 hecta ruộng đồng của nông dân ở tỉnh Bokeo sẽ biến thành phi trường phục vụ khu sòng bạc do doanh nhân Trung Quốc đầu tư. Bất bình vì tiền bồi thường quá thấp, hơn 50 nông dân đã quyết liệt bảo vệ đất đai làm cho lực lượng công an phải lùi bước.

Theo bản tin của Asia News, bằng hành động « bất phục tùng dân sự » hiếm hoi tại nước Lào, hàng chục gia đình nông dân đã dứt khoát chống cự lại công an võ trang thi hành quyết định cưỡng chế.

Tuần qua, công an Lào đã đến huyện Tonpheung, tỉnh Bokeo (miền Bắc Lào) đọc lệnh cưỡng chế, buộc nông dân phải nhượng đất lại cho tập đoàn mang tên Dok Kham Ngiew. Khu vực này từ lâu nay là trung tâm xung khắc giữa nông dân và chính quyền địa phương từ khi một công ty Trung Quốc, được chính quyền Lào ủng hộ, dành quyền khai thác để xây phi trường và « đặc khu kinh tế » gồm khách sạn hạng sang và khu giải trí, cờ bạc để phục vụ khách hàng Trung Quốc.

Ngày 25 vừa qua, nông dân Lào đã nắm tay lập hàng rào người, ngăn chận trước đầu các xe ủi đất. Tập đoàn Trung Quốc phải gọi công an can thiệp. Tuy nhiên, khi lực lượng an ninh võ trang tiểu liên AK 47 kéo đến thì gặp phải sự kháng cự ôn hòa nhưng quyết liệt.

Bị nông dân chất vấn : « Tại sao công an cảnh sát Lào không bảo vệ nhân dân của mình mà lại tuân theo lệnh của bọn phản quốc bán đất cho Trung Quốc ? Một khi họ lấy hết đất trồng lúa thì chúng ta còn gì ?», cuối cùng lực lượng công an phải rút lui để tránh xung đột với nông dân.

Theo nguồn tin của AsiaNews, các nhà nông ở khu cưỡng chế, tổng cộng gồm 6 ngôi làng, thay phiên nhau canh chừng ruộng đất ngày và đêm bên cạnh một chiếc đồng hồ.

 

Tổng thống Pháp chia tay Đệ nhất Phu nhân

Tổng thống Pháp chia tay Đệ nhất Phu nhân

Tổng thống Pháp Francois Hollande và bà Valerie Trierweiler

Tổng thống Pháp Francois Hollande và bà Valerie Trierweiler

 

25.01.2014

Tổng thống Pháp Francois Hollande nói ông đã chia tay với bà Valerie Trierweiler, người đã sống chung với ông trong 7 năm sau khi báo chí râm ran đưa tin về mối quan hệ của ông với một nữ diễn viên.

Ông Hollande hôm nay cho Thông tấn xã Pháp AFP biết về việc chia tay.

Loan báo này được đưa ra hai tuần sau khi một tờ báo lá cải đăng tin là ông Hollande có quan hệ tình ái với nữ diễn viên điện ảnh Julie Gayet 41 tuổi, nhỏ hơn ông gần 20 tuổi.

Tổng thống Pháp, 59 tuổi, không kết hôn với bà Trierweiler, 48 tuổi và là một nhà báo nổi tiếng, nhưng họ đã sống chung kể từ năm 2006. Bà lên chức Đệ nhất Phu nhân sau khi ông được bầu làm Tổng thống Pháp năm 2012.

Loan báo về việc chia tay này được đưa ra chỉ một ngày sau khi bà Trierweiler đi Ấn Độ làm từ thiện. Có tin bà phải nhập viện vì mệt sau khi tin về vụ ông Hollande có quan hệ tình cảm với người khác vỡ lở.

Tổng thống Pháp trước đó có quan hệ với bà Ségolène Royal, một thành viên cao cấp trong Đảng Xã hội của ông và là ứng cử viên Tổng thống năm 2007. Hai người có 4 con nhưng chia tay vào năm 2007, ngay sau khi bà thua ông Nicolas Sarkozy, người tiền nhiệm của ông Hollande.

Trên 15.000 ngàn chữ ký vì Hoàng Sa gởi đến Liên Hiệp Quốc

Trên 15.000 ngàn chữ ký vì Hoàng Sa gởi đến Liên Hiệp Quốc

Danh sách 15.888 người ký tên được kèm theo lá thư về Hoàng Sa gởi đến Liên Hiệp Quốc ngày 24/01/2014.

Danh sách 15.888 người ký tên được kèm theo lá thư về Hoàng Sa gởi đến Liên Hiệp Quốc ngày 24/01/2014.

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông

Thụy My

RFI

Chỉ trong vòng một tuần lễ, đã có 15.588 người từ nhiều nơi trên thế giới ký tên vào lá thư gởi cho Liên Hiệp Quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Lá thư được gởi đi trưa 24/01/2014 từ Paris, nhằm nhắc nhở trước thế giới « Hoàng Sa là của Việt Nam », và kêu gọi đưa vấn đề ra trước Tòa án Công lý Quốc tế.

Từ sáng kiến của Quỹ Nghiên cứu Biển Đông và nhóm Biển Đông tại Pháp đã cùng soạn thảo lá thư và vận động thu thập chữ ký. Lá thư nhắc lại sự kiện lịch sử bi hùng ngày 19 và 20/01/1974, quân Trung Quốc đã tấn công và chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa sau trận hải chiến ác liệt với Hải quân Việt Nam Cộng Hòa. Đồng thời cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thượng tôn luật pháp quốc tế, tố cáo hành động xâm lược của Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.

Chỉ trong khoảng hơn một tuần lễ, đã có 15.588 chữ ký của đủ mọi tầng lớp, đủ mọi lứa tuổi ở trong và ngoài nước, chứng tỏ sự đồng lòng của những người yêu công lý đối với vấn đề Hoàng Sa. Đó là tiếng nói của các nhân sĩ trí thức và những người lao động, những cựu quân nhân cả hai miền Nam Bắc, các tu sĩ thuộc nhiều tôn giáo khác nhau trên mọi miền đất nước Việt Nam cũng như từ nhiều châu lục.

 

Các lá thư gởi đến Liên Hiệp Quốc.

Quỹ Nghiên cứu Biển Đông – Nhóm Biển Đông tại Pháp

Trong lá thư cám ơn đề ngày hôm nay, những người khởi xướng viết : « 15.558 chữ ký là 15.558 tiếng nói yêu thương cho Hoàng Sa, 15.558 bông hoa cho những người đã, đang và sẽ hy sinh để bảo vệ lẽ phải và những quyền chính đáng của mình, là 15.558 cái siết tay vì công lý và hòa bình, 15.558 lời phản kháng cường quyền và bạo lực…Chúng tôi xin tri ân 15.558 lần và hơn thế nữa những tấm lòng ấy ».

Thư cảm ơn nhấn mạnh : « Trên con đường giành lại công lý cho Hoàng Sa, mặc dù rất dài và gian nan, chúng ta không còn đơn độc ».

Trả lời RFI Việt ngữ hôm nay, tiến sĩ Lê Trung Tĩnh cho biết :

TS Lê Trung Tĩnh – Paris 

 

25/01/2014
by Thụy My

 

Nghe (03:15)

 

 

 

Báo Pháp : Tổng thống Hollande chính thức chia tay bà Trierweiler

Báo Pháp : Tổng thống Hollande chính thức chia tay bà Trierweiler

Bà Valérie Trierwieler đi cùng với ông François Hollande nhân chuyến thăm Sénégal tháng Mười 2012 - REUTERS /Philippe Wojazer

Bà Valérie Trierwieler đi cùng với ông François Hollande nhân chuyến thăm Sénégal tháng Mười 2012 – REUTERS /Philippe Wojazer

Thụy My

RFI

Hôm nay 25/01/2014, hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ tờ Journal du Dimanche (JDD) cho biết, Tổng thống Pháp François Hollande và bà Valérie Trierweiler, người lâu nay được mệnh danh là “Đệ nhất tình nhân” có thể chính thức loan báo chia tay trong hôm nay, trước khi bà lên đường đi Ấn Độ vào ngày mai.

Theo trang web của tờ báo Journal du Dimanche, một thông cáo báo chí của điện Elysée công bố hôm nay sẽ chính thức hóa tình trạng giữa hai người, khẳng định Tổng thống Pháp và bà Valérie Trierweiler “chấm dứt sống chung”.

Được Reuters đặt câu hỏi, văn phòng Tổng thống trả lời là “Elysée không đưa ra bình luận nào về những tin đồn trên internet”. Phát ngôn viên của bà Trierweiler chưa trả lời, trong khi nhiều cơ quan truyền thông khác hôm nay cũng đưa tin là hai người sẽ chính thức công bố chia tay trong ngày.

Sự tan vỡ giữa Tổng thống và “Đệ nhất tình nhân” là khó thể tránh khỏi, sau tiết lộ của tờ báo bình dân Closer về mối tình bí mật giữa ông François Hollande và nữ diễn viên Julie Gayet, với rất nhiều tấm ảnh minh họa.

Theo JDD, ông François Hollande và bà Valérie Trierweiler vào hôm thứ Năm 23/01/2014 khi cùng ăn trưa đã thỏa thuận được về cách thức chia tay. Như vậy, “Đệ nhất tình nhân” hiện đang an dưỡng tại biệt thự La Lanterne gần điện Versailles dành cho nguyên thủ Pháp sau một tuần lễ nằm viện vì cú sốc, sẽ trở về căn hộ của mình ở quận 15 Paris.

Nếu việc chia tay được chính thức công bố hôm nay, bà Valérie Trierweiler sẽ đi Bombay (Ấn Độ) ngày mai chỉ với tư cách một công dân bình thường. Đây là chuyến đi với mục đích nhân đạo, do tổ chức phi chính phủ Action contre la faim (Hành động chống nạn đói) tổ chức.

Trong cuộc họp báo hôm 14/01/2014, ông Hollande đã hứa sẽ làm rõ tình trạng quan hệ với bà Trierweiler trước chuyến công du Hoa Kỳ ngày 11/2 tới. Ban đầu dự kiến có “Đệ nhất tình nhân” tháp tùng, nhưng nay nếu thông tin trên là chính xác, sẽ là một Tổng thống Pháp độc thân đi gặp ông Barack Obama.

Tờ Le Parisien hôm nay nhắc lại, sự kiện mà báo chí nước ngoài gọi là “love affair” của ông François Hollande đã làm dấy lên trở lại cuộc tranh cãi về tư cách Đệ nhất phu nhân tại Pháp. Theo thăm dò dư luận của tờ báo này, thì 54% người dân Pháp không còn muốn có danh phận Đệ nhất phu nhân, nhất là không muốn ngân sách tiêu tốn cho người phụ nữ chung sống với Tổng thống.

 

Nhiều thành phố ở Mỹ bị đe dọa phá sản

Nhiều thành phố ở Mỹ bị đe dọa phá sản

Một quang cảnh thành phố Detroit, Michigan, ngày 06/01/2014. Thành phố mất khả năng thanh toán, đã phải tuyên bố phá sản.

Một quang cảnh thành phố Detroit, Michigan, ngày 06/01/2014. Thành phố mất khả năng thanh toán, đã phải tuyên bố phá sản.

REUTERS/Rebecca Cook

Thanh Hà

RFI

Không chỉ có nợ công của các thành phố của Trung Quốc đe dọa kinh tế toàn cầu. Chính quyền liên bang Mỹ cũng bắt đầu lo sợ trước núi nợ của các chính quyền địa phuơng.

Bốn ngàn tỷ đô la : đó là tổng nợ công chồng chất của các chính quyền địa phương trên đất Mỹ. Khoản nợ khổng lồ đó sẽ không là một mối de dọa nếu như các thành phố ở Hoa Kỳ không bị đe dọa mất khả năng thanh toán. Nguy hiểm đang rình rập một số chính quyền cấp tỉnh, cấp thành nằm ở chỗ giới chủ nợ bắt đầu hoang mang.

Các doanh nghiệp khi cần đi vay vốn, chủ nợ thường đòi hỏi rất nhiều bảo lãnh. Nhưng ở Hoa Kỳ khả năng huy động vốn của một chính quyền thành phố tùy thuộc vào sự quen biết ít nhiều rộng rãi của ông thị trưởng, với giới tài chính ngân hàng.

Còn đối với một nhà đầu tư, cho một thành phố vay mượn là thượng sách khi biết rằng, mua công trái phiếu của một cơ quan hành chính sẽ được miễn đóng thuế. Luật pháp của Mỹ dường như đã được soạn ra để tạo cơ hội cho các chính quyền cấp địa phương dễ dàng huy động vốn. Trong rất nhiều năm qua, mô hình đó đã hoạt động một cách trơn tru. Nhưng ngày nay, với dư âm của khủng hoảng tài chính 2008 -2009, tiền thuế thu vào ở cấp địa phương đã bị thu hẹp lại trong lúc các khoản chi tiêu xã hội thì cứ tăng dần, tương tự như những gì đã xảy tới với chính quyền liên bang. Hậu quả là thâm hụt ngân sách của thành phố tăng vọt.

Nhiều thành phố tại Hoa Kỳ còn cầm cự được nhờ ngửa tay xin viện trợ của trung ương. Một số khác như trong trường hợp của Detroit, phải tuyên bố phá sản và sau đó được phép tái cơ cấu núi nợ 18 tỷ đô la. « Tái cơ cấu nợ » tức là chủ nợ đồng ý xóa bớt một phần nợ cho kẻ đi vay hoặc cho phép con nợ thêm thời gian để thanh toán. Trong cả hai trường hợp, chủ nợ đều bị thiệt.

Trong bối cảnh này nhiều nhà phân tích chờ đợi giới đầu tư sẽ kém mặn mà khi cấp vốn cho các chính quyền thành phố.

Điều gì sẽ xảy tới nếu như các ông chủ nợ bán đổ bán thảo cổ phiếu đang có trong tay, rút lại vốn đã cho các chính quyền cấp vùng vay ? Kịch bản đen tối nhất là một cuộc khủng hoảng tài chính khác lại ập tới Hoa Kỳ khi các chính phủ cấp vùng, cấp tỉnh, và thành phố mất khả năng thanh toán.

Giảm chi

Nhiều thành phố ở Mỹ đang bị đặt trong tình huống bấp bênh về tài chính bắt đầu cắt giảm chi tiêu. Đặc biệt là giảm khoản hưu trí của các nhân viên công chức làm việc cho thành phố. Detroit đã mạnh tay trong chuyện này. Nhiều thành phố ở bang California bắt đầu đòi nhân viên làm việc thêm trước khi được quyền nghỉ hưu, giảm tiền hưu trí và trợ cấp xã hội.

Hiện tại ở Mỹ có ít nhất 21 thành phố đã bị mất khả năng thanh toán. Bốn trong số đó thuộc bang Michigan – tây bắc Hoa Kỳ- và trường hợp được biết đến nhiều nhất là Detroit, thành phố được mệnh danh là chiếc nôi của ngành công nghiệp xe hơi Mỹ.

Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại : sở dĩ đe dọa vỡ nợ ở cấp địa phương tại Hoa Kỳ ít được báo chí quan tâm do : tổng nợ công của các chính quyền cấp tỉnh, cấp vùng hay thành phố tới nay chỉ tương đương với khoảng 20 % GDP của nước Mỹ. Điểm thứ hai nữa là toàn bộ khoản nợ đó đều do người Mỹ kiểm soát. Điều đó cũng có nghĩa là các chính quyền địa phương không bị áp lực của các nhà đầu cơ ngoại quốc như trong trường hợp của Hy Lạp hay Chypre tại châu Âu. Một đặc điểm thứ ba là nợ công ở cấp địa phương được Ngân hàng trung ương Mỹ bảo lãnh. Đó là những yếu tố vì sao hoàn cảnh của Mỹ đáng quan ngại nhưng không đến mức báo động như là đối với một số quốc gia khác.

China Leaks: Tiết lộ khối tài sản ở nước ngoài của các lãnh đạo Trung Quốc

China Leaks: Tiết lộ khối tài sản ở nước ngoài của các lãnh đạo Trung Quốc

Thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc : Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo cất giấu tài sản tại các thiên đường thuế khóa - REUTERS /David Gray

Thượng tầng lãnh đạo Trung Quốc : Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo cất giấu tài sản tại các thiên đường thuế khóa – REUTERS /David Gray

Thụy My

Những người thân của các lãnh đạo cao cấp Trung Quốc, trong đó có các ông Tập Cận Bình, Hồ Cẩm Đào, Ôn Gia Bảo, Đặng Tiểu Bình, Lý Bằng …đã che giấu một khối tài sản to lớn tại các thiên đường trốn thuế ở nước ngoài.

Tiết lộ trên từ cuộc điều tra công phu của Liên minh quốc tế các phóng viên điều tra (ICIJ) có trụ sở tại Washington, được nhiều tờ báo lớn trên thế giới cùng công bố hôm nay 22/01/2014 khiến người ta càng thêm nghi ngờ về nỗ lực chống tham nhũng của Bắc Kinh.

Vụ China Leaks này là phần tiếp theo của chiến dịch Offshore Leaks do ICIJ khởi động từ tháng 4/2013. Ban đầu là sự rò rỉ một ổ cứng chứa các dữ liệu của hai nhà cung cấp dịch vụ vi tính tại Singapore và quần đảo Virgin thuộc Anh, với hai triệu rưỡi tài liệu mật.

Khi nghiên cứu tỉ mỉ các tài liệu trên, các nhà báo ban đầu đã phát hiện ra các tài khoản ở nước ngoài của cựu thủ quỹ ông François Hollande, tài sản che giấu của Tổng thống Zimbabwe Robert Mugabe, con gái nhà cựu độc tài Ferdinand Marcos của Philippines. Nhưng phần liên quan đến Hoa lục và Hồng Kông phải mất thêm nhiều tháng trời, chủ yếu là do khó khăn từ chữ Hán.

Trong số 22.000 cái tên được tiết lộ, có thân nhân của các lãnh đạo cao cấp nhất Trung Quốc, chủ yếu là tầng lớp « thái tử đỏ ». Hiện diện đông đảo trong danh sách này là các đại biểu Quốc hội, những người thân của cựu Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, các cựu Thủ tướng Lý Bằng, Đặng Tiểu Bình, Ôn Gia Bảo, và đặc biệt là đương kim Chủ tịch Tập Cận Bình. Tổng cộng Nhà nước Trung Quốc bị thiệt hại khoảng 3.000 tỉ euro do khối tài sản trốn thuế này.

Theo ICIJ, đại gia bất động sản Deng Jiagui đã kết hôn với chị của Tập Cận Bình năm 2006, sở hữu 50% vốn một công ty đăng ký tại quần đảo Virgin thuộc Anh là Excellence Effort Property Development. Con trai ông Ôn Gia Bảo là Ôn Vân Tùng (Wen Yunsong) cũng lập một công ty tại đây năm 2006, trong đó Ôn Vân Tùng là cổ đông duy nhất.

Giáo sư Bùi Mẫn Hân (Minxin Pei) của Claremont McKenne College nhận định, cho dù các công ty trên « có thể không hẳn là bất hợp pháp », nhưng thường là những « xung đột lợi ích, phục vụ cho các quan hệ ở trung tâm quyền lực ».

Chủ đề này quá nhạy cảm đối với Bắc Kinh, nên hôm nay trang web của ICIJ hoàn toàn không truy cập được tại Trung Quốc, cũng như các trang mạng của những tờ báo liên kết với ICIJ như tờ The Guardian của Anh, Le Monde của Pháp, El Pais của Tây Ban Nha, hay Minh Báo của Hồng Kông.

Một trùng hợp ngẫu nhiên là cũng trong hôm nay diễn ra phiên tòa xử luật sư chống tham nhũng Hứa Chí Vĩnh, nhà sáng lập phong trào Tân Công dân đã kiên trì đòi minh bạch tài sản của các lãnh đạo cao cấp.

Vài ngày trước đó, một lá thư của ông Ôn Gia Bảo được công bố trên một tờ báo Hồng Kông nhằm minh oan trước các tiết lộ của báo chí. Hồi tháng 11/2013, tờ New York Times khẳng định ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase đã tuyển dụng con gái ông là Wen Ruchun, có thể là nhằm giành được những hợp đồng béo bở tại Trung Quốc.

Theo tờ báo trên, Ngân hàng này với chính sách tuyển mộ người thân của các lãnh đạo Bắc Kinh, từng bị chính quyền Mỹ điều tra, đã chi 1,8 triệu đô la cho công ty tư vấn của con gái ông Ôn Gia Bảo từ 2006 đến 2008. Tài liệu của ICIJ hôm nay cho thấy cách thức bà Wen Ruchun đã xóa dấu vết liên hệ giữa công ty của bà và người cha, sử dụng tên giả là Lily Chang.

Cũng theo ICIJ, đến 90% khách hàng Hoa lục đã lập các công ty tại quần đảo Virgin thuộc Anh để trốn thuế, 7% tại quần đảo Samoa, 3% còn lại tại các thiên đường thuế khóa khác.

Hôm nay phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương đã cho rằng : « Logic các bài viết của ICIJ là không thuyết phục, đặt ra dấu hỏi về động cơ của họ ».

‘Chiêu thức về nhân quyền của Hà Nội’

‘Chiêu thức về nhân quyền của Hà Nội’

Vũ Quí Hạo Nhiên

Viết cho BBC từ Little Saigon, California

Thứ bảy, 18 tháng 1, 2014

Wikileaks

Điện văn của Tòa đại sứ Mỹ tiết lộ ‘mánh khóe’ của VN, theo Wikileaks.

Bảy tổ chức tranh đấu Việt Nam đang trên đường tới Geneva để cố gắng truyền đạt thông tin về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam tới các nước và các tổ chức quốc tế, nhân dịp sự kiện UPR hay Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.

UPR, viết tắt của Universal Period Review, là kỳ kiểm điểm diễn ra 4 năm một lần để Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc kiểm điểm tình trạng nhân quyền của các nước. Tất cả các nước hội viên LHQ đều phải qua UPR.

Các tổ chức người Việt Nam đang trên đường tới Geneva để tổ chức một Ngày Việt Nam bên lề buổi điều trần UPR, nhưng ngay cả cuộc họp này cũng chỉ là một phần của cả quá trình UPR.

Về phần tài liệu, UPR dưa trên 3 tài liệu chính, theo trang web Hội đồng Nhân quyền: Báo cáo của nước đang được kiểm điểm; báo cáo của Cao ủy Nhân quyền LHQ; và báo cáo do Văn phòng Cao ủy thu thập từ các nguồn thứ ba như các NGO.

Về phần điều trần, các nước sẽ cùng góp ý về tình trạng nhân quyền trong một phiên họp kéo dài 3 tiếng rưỡi, dưới sự chủ tọa của một nhóm 3 nước được gọi là ‘troika.’ Đây là buổi điều trần dự trù diễn ra tại Geneva ngày 5 tháng 2 tới đây để thảo luận về Việt Nam.

“Trước hết là có bản báo cáo tình hình nhân quyền của Việt Nam trong vòng 4 năm qua, trong đó sẽ chia ra 4 phần, có thể nhiều hơn, đó là sự vi phạm tự do ngôn luận, sự vi phạm tự do tôn giáo, sự vi phạm về tự do lập hội, biểu tình, và một phần nữa là sự bắt giữ tùy tiện và hành xử tàn bạo, thô bạo với tù nhân”

Nhà báo tự do Đoan Trang

Báo cáo phi chính phủ

Việc góp tài liệu, một bản báo cáo đứng tên chung các tổ chức Việt Nam như VOICE, Con Đường Việt Nam, Dân Làm Báo, cùng với tổ chức Freedom House, đã được nộp cho Cao ủy Nhân quyền.

Blogger Đoan Trang, một tác giả chính của báo cáo này, nói ‘tài liệu thì không thiếu.’ Cô cho biết chi biết:

‘Trước hết là có bản báo cáo tình hình nhân quyền của Việt Nam trong vòng 4 năm qua, trong đó sẽ chia ra 4 phần, có thể nhiều hơn, đó là sự vi phạm tự do ngôn luận, sự vi phạm tự do tôn giáo, sự vi phạm về tự do lập hội, biểu tình, và một phần nữa là sự bắt giữ tùy tiện và hành xử tàn bạo, thô bạo với tù nhân.’

Ngoài ra, cô nói thêm, ‘có rất nhiều báo cáo khác đi kèm báo cáo chính đó, ví dụ báo cáo của riêng năm 2013 có rất nhiều những vụ vi phạm nhân quyền, như các bloggers bị ném mắm tôm trong Ngày Quốc tế Nhân quyền.’

Cha mẹ các tù nhân chính trị

Một nhóm cha mẹ các tù nhân chính trị ở VN ra nước ngoài năm nay để dự điều trần và vận động cho con cái.

Đó là phần tài liệu. Nhưng còn phần điều trần thì sao?

Tài liệu mật của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bị Wikileaks tiết lộ, cho thấy những điều mà Phó Đại sứ Mỹ Virginia E. Palmer tại Hà Nội gọi là ‘chiêu thức’ (nguyên văn ‘manipulation’) của Việt Nam để làm lệch lạc kết quả UPR, mà người cầm đầu chính là ông Phạm Bình Minh, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao và nay là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

‘Chiêu thức’ năm 2009

Năm 2009 là lần đầu tiên Hội đồng Nhân quyền thực hiện UPR đối với Việt Nam, và năm nay là lần thứ nhì. Trong vòng UPR năm 2009, Canada là một trong 3 nước ‘troika’ (cùng với Nhật và Burkina Faso). Một nhân vật chính trong phái đoán Canada là Tham tán Chính trị Robert Burley thuộc Đại sứ quán Canada ở Hà Nội.

Tham tán chính trị của Mỹ đã gặp ông Burley, và báo cáo về cuộc gặp gỡ này đã được ghi lại trong tài liệu của Phó Đại sứ Palmer bị Wikileaks tiết lộ. Bản điện văn gởi về Bộ Ngoại giao đề ngày 5-6-2009 và được Wikileaks đánh số ký hiệu 09HANOI520.

Tham tán Burley miêu tả mức độ vận động của đoàn Việt Nam là ‘xưa nay chưa từng thấy.’ Mức độ vận động của Việt Nam lên tới mức một số nước khiếu nại với Ban Thư Ký của Hội đồng Nhân quyền.

“Tham tán Burley miêu tả mức độ vận động của đoàn Việt Nam là ‘xưa nay chưa từng thấy.’ Mức độ vận động của Việt Nam lên tới mức một số nước khiếu nại với Ban Thư Ký của Hội đồng Nhân quyền”

Burley cho phía Mỹ biết, phái đoàn Việt Nam vì biết thời gian có hạn, nên cố tình mời thật nhiều các quốc gia thân thiện để điều trần, át đi các nước khác.

Việt Nam còn cố tình thuyết phục thay đổi báo cáo cuối cùng; họ chọn mẫu báo cáo mà những đề nghị nào Việt Nam đồng ý thì được liệt kê hai lần, trong khi những đề nghị nào Việt Nam không đồng ý thì rút bớt lại.

Điều này bóp méo con số và giúp Thứ trưởng Minh trong cuộc họp báo về UPR nhấn mạnh được là ‘Việt Nam chấp nhận 93 trong 123 đề nghị được đưa ra và chỉ bác bỏ 20 đề nghị (trong đó có 4 là của Hoa Kỳ).’

‘Sắp xếp điều trần’

Việt Nam biết trước là chỉ có thời gian cho 60 nước điều trần.

Vì vậy, một phái đoàn hùng hậu được Việt Nam đưa tới, mà theo chính Thứ trưởng Minh nói là có tới 29 người, gồm ‘22 người đến từ Hà Nội và từ 11 bộ khác nhau.’

‘Bốn tiếng trước giờ họp bắt đầu, Việt Nam đã cho người tháp tùng từng quốc gia thân thiện với họ như Zimbabwe, Venezuela, Lào, Cuba, Trung Quốc, Miến Điện, Nga, Iran, Syria, Belarus và các nước khác, đứng xếp hàng để điều trần.’

Ngoài ra, ‘phái đoàn Việt Nam còn cho người đứng ngay bên cạnh hàng, để đánh dấu danh sách các nước mà, Burley đoán, đã đồng ý sẽ điều trần có lợi cho Việt Nam.’

Ông Phạm Bình Minh

Điện văn của sứ quán Hoa Kỳ nói ông Phạm Bình Minh có vai trò tích cực trong các động thái vận động.

Phía Việt Nam tiếp tục nhét phe mình vào buổi điều trần cho tới phút chót.

‘Khi hàng kéo dài tới khoảng 45 nước, đoàn Việt Nam bắt đầu thúc đẩy hết sức để các nước còn lại trong danh sách của họ nằm trong số 60 nước.’

‘Gây thêm áp lực’

Không chỉ làm lệch lạc buổi điều trần tại Geneva, Việt Nam còn gây áp lực lên ngoại giao đoàn tại Hà Nội để gây ảnh hưởng.

Việt Nam vận động và thuyết phục các nước giảm nhẹ lời lẽ trong các đề nghị cải thiện nhân quyền.

‘Một số nước đồng ý (Burley nhắc tới Úc và Thụy Sĩ), trong khi một số nước khác (Canada và Hoa Kỳ) thì không.’

Bộ Ngoại giao triệu tập Đại sứ Thụy Điển hai lần, vì nước này đặt câu hỏi hóc búa cho đoàn Việt Nam.

Những phái đoàn nào chỉ trích nhân quyền ở Việt Nam, như New Zealand, Phần Lan, Canada, thì Thứ trưởng Minh gọi họ là không ‘khách quan.’

Hiệu ứng ngược

“Mức độ tự biện hộ của Việt Nam cho thấy (ít nhất) Bộ Ngoại giao quan tâm tới những gì các nước khác nói về lối hành xử nhân quyền của Việt Nam”

Phó Đại sứ Mỹ Palmer

Nhưng không phải mọi chuyện đều được như ý của Việt Nam.

Chính vì chọn loại mẫu báo cáo làm nhân đôi số đề nghị Việt Nam đồng ý, mà lần đầu tiên danh tánh cụ thể các tù nhân lương tâm được đưa vào báo cáo.

Việt Nam đã khiếu nại với Ban Thư ký của Hội đồng Nhân quyền.

Thế nhưng cuối cùng thì chính vì Việt Nam đã chọn loại mẫu báo cáo này, nên tên của Linh mục Nguyễn Văn Lý và hai luật sư Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân được đưa vào báo cáo cuối cùng, một việc làm ít thấy trong một báo cáo UPR.

Tuy rằng áp lực và mánh khóe ngoại giao giúp Việt Nam có được một báo cáo UPR vừa ý hơn đối với họ, Phó Đại sứ Palmer ghi nhận là khi Việt Nam dồn rất nhiều nỗ lực vào việc này thì ‘Mức độ tự biện hộ của Việt Nam cho thấy (ít nhất) Bộ Ngoại giao quan tâm tới những gì các nước khác nói về lối hành xử nhân quyền của Việt Nam.’

Triệu Tử Dương vẫn còn gây cảm hứng

Triệu Tử Dương vẫn còn gây cảm hứng

Juliana Liu

BBC News, từ Hong Kong

Thứ năm, 16 tháng 1, 2014

Ông Triệu Tử Dương

Ông Triệu Tử Dương từng đảm bảo với sinh viên về dân chủ ở Hong Kong

Ở Hong Kong, lãnh thổ bán tự trị thuộc Trung Quốc nhưng có hệ thống luật pháp riêng, đang diễn ra một cuộc chiến ồn ào và công khai về tương lai của phổ thông đầu phiếu.

Lần đầu tiên, các cử tri đang kỳ vọng có quyền tự bầu chọn người làm chức chủ tịch đặc khu hành chính, chức vụ cao nhất của thành phố, vào năm 2017.

Nhưng gần đây, giới chức Trung Quốc đề nghị rằng chỉ một người nào đó trung thành với chính quyền Bắc Kinh mới được lãnh đạo Hong Kong.

Nhiều nhà dân chủ của thành phố tin rằng đó là một dấu hiệu cho thấy lãnh đạo của Đảng Cộng sản hiện nay sẽ không bao giờ cho phép có nền dân chủ thực sự trên đất Trung Quốc.

Chiến dịch cải cách chính trị của các nhà dân chủ được thúc đẩy từ việc phát hiện một lá thư từ lâu của cựu Thủ tướng Triệu Tử Dương.

Liên đoàn Sinh viên Đại học Hong Kong vừa tìm được một bức thư, trước đây được coi là đã thất lạc, do ông Triệu Tử Dương gửi sinh viên vào tháng 5/1984.

Vào thời điểm đó, Bắc Kinh và London đang đàm phán về tương lai của Hong Kong, khi đó còn là thuộc địa của Vương quốc Anh.

“Với bức thư vừa được tìm lại, ông Triệu như đã lên tiếng từ nấm mồ ở bên kia thế giới và hậu thuẫn phong trào dân chủ hôm nay của Hong Kong”

Hai bên chỉ còn cách vài tháng trước ngày ký Tuyên bố chung Trung – Anh, một dạng thức “giải quyết ly hôn”, văn bản phác thảo các điều khoản xác định cách thức trả Hong Kong trở lại để Trung Quốc cai quản.

Giới sinh viên vào thời điểm ấy đã viết thư cho ông Triệu hỏi về tương lai của phổ thông đầu phiếu ở Hong Kong.

Với ngôn ngữ đơn giản đời thường, ông Triệu Tử Dương đã phúc đáp, nói rằng bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân là một nguyên tắc cơ bản của Chính phủ.

Ông đảm bảo với các sinh viên rằng sẽ hưởng chế độ dân chủ ở Hong Kong.

‘Truyền cảm hứng’

Thông điệp này đã truyền cảm hứng cho các nhà hoạt động trẻ khi đó cũng như truyền cảm hứng cho thế hệ mới bây giờ, theo Benny Cai (Đái Diệu Đình), một cựu lãnh đạo sinh viên.

Trong một cách thức nào đó, cuộc đời của ông Benny Cai đã không thay đổi đáng kể trong ba thập niên qua.

Người hoạt động dân chủ ở Hong Kong

Ba thập niên đã qua, người Hong Kong vẫn tiếp tục tìm kiếm dân chủ thực sự.

Ông vẫn còn ở Đại học Hong Kong nhưng nay là giáo sư và tiếp tục kêu gọi cải cách dân chủ.

Ông Benny Cai tổ chức một chiến dịch bất tuân dân sự, gọi là Chiếm khu Trung tâm (Occupy Central), dự định kêu gọi các cử tri chặn các đường phố của khu tài chính Hong Kong để đấu tranh đòi có phổ thông đầu phiếu thực sự.

Trong chiến dịch này, nhiều người thấy có những được dư âm, đồng vọng từ những người biểu tình vì lý tưởng ở Thiên An Môn hồi năm 1989.

Chính ông Triệu Tử Dương, với một chiếc loa trên tay và ngân ngấn nước mắt, đã yêu cầu sinh viên giải tán.

Nhưng tất nhiên, ông đã không thể ngăn chặn được cuộc đàn áp bạo lực sau đó.

Sau khi thất bại trong một cuộc đấu tranh quyền lực với nhiều đối thủ cứng rắn, ông Triệu đã bị quản thúc tại gia trong suốt 15 năm cuối đời.

Với bức thư vừa được tìm lại, ông Triệu như đã lên tiếng từ bên kia thế giới và hậu thuẫn phong trào dân chủ hôm nay của Hong Kong.