Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được bầu làm đại biểu Quốc hội với 100% phiếu thuận

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un được bầu làm đại biểu Quốc hội với 100% phiếu thuận.

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên  Kim Jong Un  bỏ phiếu trong cuộc bầu đại biểu quốc hội  ngày 09/03/2014

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un bỏ phiếu trong cuộc bầu đại biểu quốc hội ngày 09/03/2014

REUTERS/KCNA

Đức Tâm

RFI

Một tỷ lệ phiếu thuận chỉ có thể tồn tại trong một chế độ độc tài, độc đảng lãnh đạo và Quốc hội là bù nhìn. Tại Bắc Triều Tiên, mọi công dân đến tuổi đi bầu cử phải đăng ký và phải đi bỏ phiếu.

Theo kết quả cuộc bầu cử Quốc hội được tổ chức ngày hôm qua, 09/03/2014, được hãng thông tấn chính thức Bắc Triều Tiên KCNA đưa tin, lãnh đạo Kim Jong Un đã được bầu làm đại biểu Quốc hội với 100% số phiếu bầu, không có phiếu trắng hoặc bất hợp lệ.

Vẫn theo hãng tin này thì cuộc bầu cử « thể hiện sự ủng hộ tuyệt đối, lòng tin sâu sắc đối với lãnh đạo tối cao Kim Jong Un ».

Đây là cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên, kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền lãnh đạo Bắc Triều Tiên, vào năm 2011.

Cũng giống như người cha, Kim Jong Un ra ứng cử tại đơn vị bầu cử số 111, ở Núi Trường Bạch (Mont Paektu). Vô tuyến truyền hình Bắc Triều Tiên chiếu cảnh hàng trăm binh sĩ đứng xếp hàng chờ bỏ phiếu, sau đó, đến nghiêng mình trước trước chân dung Kim Nhật Thành và Kim Jong Il, ông nội và người cha của lãnh đạo Kim Jong Un.

Núi Trường Bạch nằm sát vùng biên giới chung với Trung Quốc được coi là thiêng liêng đối với người dân Bắc Triều Tiên, vì Kim Nhật Thành lập căn cứ kháng chiến chống Nhật tại đây và theo sử sách Bắc Triều Tiên, thì Kim Jong Il cũng sinh ra tại nơi này vào năm 1942.

Ngày hôm nay, KCNA ca ngợi Kim Jong Un xứng đáng là người kế tục Kim Nhật Thành và Kim Jong Il.

Nhiệm kỳ của đại biểu Quốc hội Bắc Triều Tiên là 5 năm và mỗi năm chỉ nhóm họp một hoặc hai lần với hoạt động chính là thông qua ngân sách và các quyết định mà đảng Lao Động Triều Tiên, đảng cầm quyền, đưa ra.

Khóa họp gần đây nhất của Quốc hội Bắc Triều Tiên là vào tháng Tư năm 2013 và đã thông qua một nghị định đặc biệt chính thức hóa quy chế cường quốc hạt nhân của Bắc Triều Tiên.

 

Ukraina muốn tòa án quốc tế truy tố Ianukovitch

Ukraina muốn tòa án quốc tế truy tố Ianukovitch

Tổng thống Viktor Ianoukovitch bị truất phế nay đang bỏ trốn - AFP / ALEXANDER KLEIN

Tổng thống Viktor Ianoukovitch bị truất phế nay đang bỏ trốn – AFP / ALEXANDER KLEIN

Thanh Phương

RFI

Hôm nay, 25/02/2014, Quốc hội Ukraina đã bỏ phiếu thông qua quyết định đưa Tổng thống bị truất phế Viktor Ianoukovitch ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye vì « tội ác chống nhân loại » do cái chết của hơn 100 người biểu tình trong các vụ xung đột với cảnh sát ở Kiev vào tuần trước.

Các dân biểu Ukraina cáo buộc ông Ianukovitch và các lãnh đạo khác, trong đó có cựu bộ trưởng Nội vụ Vitali Zakhartchenko, có liên can đến những hành động bạo lực của cảnh sát đối với những người biểu tình. Trong nước, Tổng thống bị truất phế hiện đang bị truy nã về tội « giết người hàng loạt ».

Về mặt chính trị, Tổng thống lâm thời của Ukraina, Olexandre Tourtchinov vừa thông báo với Quốc hội là việc thành lập chính phủ mới, dự trù hôm nay, 25/02/2014, được dời lại cho đến thứ năm tuần này. Trong khi chờ thành lập tân nội các, ủy ban bầu cử trung ương Ukraina thông báo là chiến dịch tranh cử cho cuộc bầu cử tổng thống ngày 25/05 bắt đầu từ hôm nay. Hạn chót để các ứng cử viên đăng ký là 30/03. Hiện giờ chỉ mới có thống đốc vùng Kharkiv, Mikhailo Dobkine, một nhân vật thân Nga, là đã tuyên bố sẽ tranh chức tổng thống Ukraina.

Trong khi đó, các nhà ngoại giao phương Tây đang có mặt tại Kiev để tìm cách cứu vãn nền kinh tế Ukraina, hiện đang trong tình trạng rất thảm hại, nhất là vì sau khi Tổng thống thân Nga Viktor Ianoukovitch bị truất phế và bỏ trốn, Matxcơva đã ngưng viện trợ cho Ukraina vì không công nhận chính quyền mới ở Kiev.

Theo lời bộ trưởng Tài chính lâm thời Iuri Kolobov, Ukraina hiện cần đến 35 tỷ đôla và đang trông chờ vào việc tổ chức hội nghị các nhà tài trợ phương Tây. Các nước châu Âu đã ủng hộ yêu cầu này của Kiev.

Đại diện ngoại giao cao cấp của Liên hiệp châu Âu Catherine Ashton hiện đang có mặt ở Ukraina. Trong cuộc họp báo sáng nay, bà Ashton đã kêu gọi Nga hỗ trợ Ukraina để nước này tiến về phía trước « theo cách mà họ mong muốn ».

Nhân vật số hai của bộ Ngoại giao Mỹ William Burns cũng sẽ đến Kiev cùng với các đại diện của bộ Tài chính Hoa Kỳ để thảo luận với Liên hiệp châu Âu và Quỹ tiền tệ quốc tế về việc hỗ trợ tài chính cho Ukraina.

Về phần Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu ( OSCE ) đã chỉ định một đặc phái viên về Ukraina và đề nghị thành lập một Nhóm tiếp xúc quốc tế để giúp Ukraina trong thời kỳ chuyển tiếp này.

Các nước phương Tây từ nhiều ngày qua vẫn rất lo ngại cho sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina, sợ rằng khủng hoảng trong những tháng qua đào sâu thêm hố ngăn cách giữa người dân miền Đông nói tiếng Nga và thân Nga, chiếm đa số, với người dân miền Tây nói tiếng Ukraina và có tinh thần dân tộc rất mạnh.

 

Biểu tình đòi tự do báo chí tại Hồng Kông

Biểu tình đòi tự do báo chí tại Hồng Kông

Những người biểu tình trong đó có cả một số dân biểu trong cuộc xuống đường đòi tự do báo chí cho Hồng Kông ngày 23/02/2014.

Những người biểu tình trong đó có cả một số dân biểu trong cuộc xuống đường đòi tự do báo chí cho Hồng Kông ngày 23/02/2014.

REUTERS/Bobby Yip

Thụy My

RFI

Tại Hồng Kông hôm nay 23/02/2014 khoảng sáu ngàn người đã xuống đường đòi tự do báo chí. Cuộc biểu tình này do các nhà báo tổ chức, vì mối lo ngại bị Bắc Kinh hạn chế tự do ngôn luận đang ngày càng tăng.

Nhiều người biểu tình cài trên ngực áo những chiếc ruban màu xanh, biểu tượng cho tự do ngôn luận trong ngành truyền thông. Các nhà tổ chức ước tính có khoảng 6.000 người tham gia xuống đường, còn cảnh sát cho rằng chỉ có 1.600 người. AFP nhận định, tại Hồng Kông quan ngại đang tăng lên về việc Bắc Kinh tìm cách tăng cường kiểm soát vùng đất bán tự trị này và khống chế báo chí.

Bà Tuyết Lợi Âm (Shirley Yam), phó chủ tịch Hiệp hội các nhà báo Hồng Kông nói rằng : « Các tiêu đề bị sửa lại, phỏng vấn bị cấm, và các cây bút xã luận bị sa thải. Một số coi đây là các quyết định mang tính thương mại hay thậm chí các xung đột về lao động. Nhưng chúng ta phải nhìn thấy các sự kiện này trong bối cảnh các phương tiện truyền thông Hồng Kông đang bị siết chặt ».

Những người biểu tình hô vang các khẩu hiệu như « Tự do cho người dân », « Tự do cho Hồng Kông », « Phản đối kiểm duyệt ». Họ diễu hành qua các đường phố, điểm đến là khu Kim Chung (Admiralty) nơi đặt trụ sở chính quyền thành phố.

Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) đặt tại New York nhận định, tự do báo chí tại Hồng Kông hiện đang « ở mức thấp », nêu ra việc các phóng viên phải tự kiểm duyệt, các tờ báo bị đe dọa về tài chính và về vật chất cũng như các bước về tư pháp có thể ngăn cản việc thực hiện phóng sự điều tra. Còn tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) có trụ sở tại Paris tuyên bố sự độc lập của truyền thông Hồng Kông « hiện đang bị đe dọa », vì Bắc Kinh ra sức bóp nghẹt các bài viết chỉ trích.

Theo thỏa thuận giữa Luân Đôn và Bắc Kinh khi trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc năm 1997, tự do báo chí cùng với một số quyền tự do khác phải được duy trì trong ít nhất 50 năm.

Ông Jonathan Hopfner, một phóng viên ở Hồng Kông và là thành viên Câu lạc bộ các thông tín viên ngoại quốc, nói với AFP trong cuộc biểu tình : « Xu hướng đáng ngại về tự kiểm duyệt đang tăng lên, điều này ảnh hưởng đến tất cả các nhà báo. Nhiều cơ quan truyền thông chọn lựa Hồng Kông để hoạt động vì nơi đây có truyền thống tự do ngôn luận mạnh mẽ. Chúng tôi hy vọng những gì đúng đắn vẫn được duy trì ». Còn ông Martin Lee, cựu chủ tịch đảng Dân chủ cũng tham gia biểu tình tuyên bố : « Một khi tự do báo chí không còn nữa thì các quyền tự do khác cũng không thể được cứu vãn ».

Chính quyền Hồng Kông do ông Lương Chấn Anh (Leung Chun Ying) thân Bắc Kinh lãnh đạo, luôn chối cãi cho rằng không đàn áp báo chí.

Ukraine ra lệnh bắt Yanukovych

Ukraine ra lệnh bắt Yanukovych

Thứ hai, 24 tháng 2, 2014

Ông Yanukovych rời Kiev cuối tuần qua về vùng giáp Nga

Ukraine ra lệnh bắt tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, bộ trưởng nội vụ lâm thời Arsen Avakov vừa tuyên bố.

Ông Avakov cho biết ông Yanukovych và các quan chức khác đang bị điều tra hình sự về tội “giết người hàng loạt”.

Các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu phế truất ông Yanukovych vào thứ Bảy, sau các cuộc biểu tình hàng tháng trời để phản đối quyết định từ chối hợp tác với Liên minh Châu Âu (EU) của ông này.

Cuộc đàn áp người biểu tình tuần rồi khiến cho hàng chục người thiệt mạng.

“Vụ điều tra chính thức về việc tội thảm sát hàng loạt dân lành đã được mở ra,” ông Avakov nói.

“Yanukovych và những người chịu trách nhiệm đã bị truy nã.”

Thông báo cho biết ông Yanukovych được nhìn thấy lần cuối ở Balaklava trên bán đảo Crimea vào Chủ nhật, và sau đó đã được hộ tống bằng ô tô đến một địa điểm khác.

Trước khi rời khỏi Balaklava, ông Yanukovych đã cho phép các vệ sĩ nghỉ việc nếu muốn, và nhiều người đã chọn bỏ rơi ông này.

Thông báo không đưa tên những nhân vật khác bị truy nã.

‘Cần viện trợ’

Dân Ukraine vui đùa khi vào xem khu biệt thự bỏ trống của ông Yanukovych

Ông Avakov, một nhân vật đối lập chủ chốt, được bổ nhiệm vào bộ trưởng nội vụ vào thứ Bảy trong một ngày có rất nhiều biến cố ở Quốc hội.

Ông thay thế Vitaly Zakharchenko, người bị sa thải vào thứ Sáu sau khi bị cáo buộc giết hại dân thường trong các cuộc biểu tình.

Bộ Y tế cho biết có 88 người thiệt mạng trong tuần qua, gồm chủ yếu là người biểu tình và một số nhân viên cảnh sát.

Trong khi đó, bộ trưởng tài chính lâm thời Yuriy Kolobov nói rằng Ukraine cần khoảng 35 tỷ đôla viện trợ khẩn cấp và đề nghị thành lập một hội nghị các nhà tài trợ.

Moscow từng đồng ‎ý viện trợ 15 tỷ đôla cho Ukraine, động thái được cho là phần thưởng cho việc ông Yanukovych từ chối hợp tác với EU.

Tuy nhiên, thỏa thuận này có thể sẽ không còn hiệu lực sau khi ông Yanukovych bị lật đổ. Ukraine đang có khoản nợ lên đến 73 tỷ đ la, và phải trả 6 tỷ đôla trong năm nay.

Kênh truyền hình Kanal 5 của Ukraine hôm Chủ Nhật 23/2/2014 chiếu một đoạn phim từ camera đường phố gần dinh thự của ông Yanukovych hôm thứ Sáu ghi lại cảnh ông rời nhà bằng trực thăng.

Camera ghi lại hình ông Yanukovych và một phụ nữ cùng một con chó lên máy bay sau khi một nhóm đàn ông chuyển lên trực thăng nhiều va-li to.

Theo CNN trích lại nguồn tin Ukraine thì chiếc trực thăng đã bay đến một sân bay của Kiev rồi từ đó, ông Yanukovych và nhóm người thân cận bay tiếp về phía Đông tới Kharkov.

Nhưng sau đó có vẻ như ông lại muốn bay đi tiếp và Cục Biên phòng Ukraine xác nhận với báo chí ông Yanukovych và một nhóm đàn ông có vũ trang thuê máy bay tư để xuất ngoại.

Tuy nhiên, cơ quan biên phòng phụ trách sân bay ở Donetsk hôm 22/2 đã không cho chiếc phi cơ này cất cánh và buộc ông Yanukovych rời sân bay vì lý do ‘không có giấy tờ hợp lệ để xuất cảnh’.

Theo ông Sergei Artakov, Cục trưởng Cục Biên phòng Ukraine, thì các nhân viên biên phòng ra đường băng yêu cầu ông Yanukovych không bay đi và ông đã lên một trong hai chiếc xe hơi rời phi trường về hướng không rõ.

Đại gia thi nhau đi

Chế độ Yanukovych tan rã khiến Tổng thống Nga, ông Putin đau đầu

Theo báo chí châu Âu hôm Chủ Nhật thì sau vụ cho cảnh sát vũ trang bắn vào đoàn biểu tình ở Kiev hôm thứ Năm, làm chết ít nhất 75 người, ông Yanukovych và nhóm thân cận thấy không thể làm chủ được tình hình và quyết định rút chạy.

Vẫn các nguồn tin này cho hay từ đêm thứ Năm, sân bay Zhulany ở ngoại ô Kiev chứng kiến ít nhất 80 chuyến bay tư nhân của các nhân vật giàu có, tài phiệt Ukraine.

Có khoảng 30 chuyến bay rời Ukraine sang Moscow và 35 chuyến sang Tây Âu.

Chế độ của ông Yanukovych bị phê phán là thường phân chia các hợp đồng nhà nước đầy giá trị cho giới tài phiệt thân hữu tức oligarch.

Hôm cuối tuần, người dân lũ lượt vào xem khuôn viên Bấm khu dinh thự tráng lệ của vị lãnh đạo đã bị phế truất ở ngoại ô Kiev.

Hiện tình hình Ukraine vẫn trong tình trạng không rõ rệt khiến các quốc gia bên ngoài lo ngại.

Báo Đức cho hay hôm 23/2, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin về tình hình Ukraine.

Báo chí Đức được nghe tiết lộ rằng cả hai vị lãnh đạo không muốn Ukraine tan vỡ và phải được đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ, bà Susan Rice, thì trả lời phỏng vấn đài NBC rằng Hoa Kỳ không muốn thấy Nga can thiệp quân sự vào Ukraine.

Xin xem thêm:

Ukraina phát lệnh truy nã cựu Tổng thống Ianoukovitch (RFI)

 

Hai Giáo Hoàng: Một hình ảnh hiếm có!

Hai Giáo Hoàng: Một hình ảnh hiếm có!

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn


Vatican – 22.2.2014 – Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã xuất hiện chính thức lần đầu tiên trong buổi lễ tấn phong 19 Hồng Y của Hội Thánh Công Giáo vào sáng thứ bẩy, 22.2.2014 tại đền Thánh Phêrô kể từ khi Ngài từ chức và nghỉ hưu.

Trước khi khai mạc ĐGH Phanxicô đã tiến đến người tiền nhiệm của mình là Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và hai Giáo Hoàng ôm choàng nhau thắm thiết trong tình anh em Giáo Hoàng.

Giây phút gặp gỡ chính thức trước công chúng này của hai Giáo Hoàng đã làm cho thế giới chờ đợi đến gần cả một năm qua, mặc dù trước đó hai Ngài đã gặp nhau tại nhà nghỉ mát Castel Gandolfo và trong nội thành Vatican thì hôm nay mới là lúc mọi người hiện diện trong đền thánh và qua truyền hình trực tiếp được chứng kiến tỏ tường. Nhiều người đã nhỏ lệ nhìn thấy hai vị ôm choàng nhau. Một hình ảnh thật hiếm có như thế.

Kể từ khi Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từ chức vào ngày 28 tháng 2 năm 2013 thì Ngài đã không xuất hiện chính thức cũng như không tham dự các nghi lễ trong đền Thánh Phêrô hoặc các sự kiện công cộng khác, kể cả lúc Đức Tân Giáo Hoàng Phanxicô chính thức nhận sứ vụ mục tử.

Hôm nay Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI mặc áo dòng trắng và bên ngoài khoác áo măng-tô màu trắng cũng như đội nón trắng của Giáo Hoàng. ĐTC Bênêđictô XVI ngồi ở hàng ghế đầu của hàng Hồng Y trên một ghệ đệm màu đỏ giống như tất cả các vị Hồng Y khác. Trước lúc khai mạc nhiều Hồng Y đã đến tận ghế ngồi chào và hỏi thăm Ngài.

Tân Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đại diện chào mừng ĐTC Bênêđictô XVI: “Chúng con rất biết ơn đối với sự hiện diện của ĐTC đang ở giữa chúng con”. Hồng Y đoàn và mọi người hiện diện vui mừng vỗ tay chào mừng thật dài. ĐTC Bênêđictô XVI mỉm cười và giơ tay vẫy chào lại.

Cho đến nay, ĐTC Bênêđictô XVI chỉ tham dự chung một lần với ĐGH Phanxicô lúc làm phép tượng Thánh Michael trong vườn của Vatican vào tháng 7 năm ngoái.

ĐTC Bênêđictô XVI đã công bố trước ngày từ chức vào cuối tháng Hai năm 2013 là Ngài muốn sống thinh lặng trong nội thành Vatican.

Đối với ĐGH Phanxicô thì đây là lần đầu tiên Ngài tấn phong Hồng Y trong đời Giáo Hoàng đã được bắt đầu từ tháng Ba năm 2013.

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn

Ukraina : Phát hiện dinh thự hoành tráng của ông Ianoukovitch

Ukraina : Phát hiện dinh thự hoành tráng của ông Ianoukovitch

Tòa dinh thự nguy nga như một cung điện của tổng thống Ukraina bị phế truất Victor Ianoukovitch ở ngoại ô thủ đô Kiev. Ảnh chụp ngày 22/02/2014.

Tòa dinh thự nguy nga như một cung điện của tổng thống Ukraina bị phế truất Victor Ianoukovitch ở ngoại ô thủ đô Kiev. Ảnh chụp ngày 22/02/2014.

REUTERS/Konstantin Chernichkin

Thụy My

RFI

Mọi chuyện đã diễn biến quá nhanh hôm thứ Bảy 22/02/2014, khi những dấu hiệu cho hồi kết của Tổng thống Victor Ianoukovitch liên tục nhân rộng. Quốc hội nắm lấy quyền hành, truất phế Tổng thống, giải tán nội các và bổ nhiệm những nhân vật thay thế, kiểm soát lực lượng an ninh và phóng thích bà Ioulia Timochenko bị cầm tù từ năm 2011. Một biểu tượng quan trọng cho việc thời thế đã thay đổi : đó là việc dinh thự riêng của Tổng thống được mở cửa cho công chúng vào tham quan.

Thông tín viên RFI tại Kiev Sébastien Gobert tường thuật :

« Đó là giây phút lịch sử, mang dáng dấp một cuộc dạo chơi cuối tuần. Nằm cách phía bắc Kiev ba mươi cây số, dinh cơ Mezhyhyria và 140 hecta bao quanh là tài sản của Nhà nước xô-viết cũ, được tư nhân hóa trong những điều kiện đáng ngờ và trở thành biệt thự riêng của ông Victor Ianoukovitch. Cơ ngơi này là biểu tượng cho những lạm dụng và nạn biển thủ công quỹ mà chế độ đã bị lên án từ năm 2010.

Khi những cánh cửa được mở ra vào sáng thứ Bảy, không hề có bạo động hay phá hoại. Hàng ngàn người dân gồm người lớn và trẻ em trong gia đình, những cặp tình nhân nắm tay nhau, họ lang thang trong khu công viên, mắt mở to sửng sốt trước sự hoành tráng của dinh cơ này. Dmytro là một trong số những người đó, anh nói : « Người ta đến để kiểm soát, để nhìn ngắm cơ ngơi của Tổng thống, tai nghe mắt thấy nhận ra nạn tham nhũng ở Ukraina. Không ai có thể tưởng tượng ra được những thứ này ».

Bên trong các tòa nhà vẫn được các nhóm tự vệ của phe đối lập canh gác, không cho khách tham quan vào để tránh mọi hành động phá phách. Đám đông thưởng ngoạn từ tòa lâu đài xa hoa, du thuyền, sở thú cho đến khu vực tắm hơi, từ nhà kính trồng cam đến ga-ra đậu đầy những chiếc xe hơi sang trọng. Tất cả đều với ý thức đáng nể : người ta khuyên không nên dẫm lên bãi cỏ !

Maria giải thích sự quan trọng của việc bảo tồn cơ ngơi này, để làm nên một địa điểm mang tính biểu tượng cho nước Ukraina mới : « Tôi mong rằng người ta sẽ dùng nơi này làm trung tâm y tế cho trẻ em và những người nghèo khổ. Hoặc là chuyển đổi thành đài kỷ niệm, hay công viên có thu tiền ».

Trong khi Ukraina vẫn là một trong những nước nghèo nhất châu Âu và nền kinh tế đang bên bờ vực phá sản, chuyến tham quan dinh cơ riêng của ông Ianoukovitch đối với nhiều người đã chứng tỏ rằng, cuộc cách mạng dẫn đến việc lật đổ một Tổng thống được bầu lên một cách dân chủ vào năm 2010 là đúng đắn. Cùng với Mezhyhyria, thêm một biểu tượng mạnh mẽ nữa đã sụp đổ »

Xin xem thêm: Dân Ukraine tràn vào tư gia Yanukovych (BBC)

 

Ukraina truất phế tổng thống, nhưng có nguy cơ bị tan rã

Ukraina truất phế tổng thống, nhưng có nguy cơ bị tan rã

Nhà đối lập Timochenko ngỏ lời với những người ủng hộ đối lập tại quảng trường Độc Lập tối 22/02/2014 sau khi được tự do.

Nhà đối lập Timochenko ngỏ lời với những người ủng hộ đối lập tại quảng trường Độc Lập tối 22/02/2014 sau khi được tự do.

Reuters

Thanh Phương

Ukraina vừa lật qua một trang sử mới với việc phế truất tổng thống Viktor Ianukovitch, và việc trả tự do cho nhà đối lập Iula Timochenko. Thế nhưng, cùng với hy vọng thoát khỏi khủng hoảng là mối lo về nguy cơ nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này bị tan rã.

Hôm qua, 22/02/2014, sau khi quyết định trả tự do ngay lập tức cho nhà đối lập Timochenko, cựu thủ tướng, Quốc hội Ukraina đã thông qua nghị quyết về việc truất phế tổng thống Ianukovitch và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn ngày 25/05 tới.

Tuy nhiên, tại thành phố Kharkiv, ông Ianukovitch, đắc cử tổng thống năm 2010 và trên nguyên tắc đến tháng 03/2015 mới hết nhiệm kỳ, tuyên bố là ông không hề có ý định từ chức, đồng thời lên án điều ông gọi là “một cuộc đảo chính”.

Đến đêm hôm qua, không ai biết là tổng thống bị truất phế đang ở đâu. Hôm nay, một phát ngôn viên của lực lượng biên phòng ở Donetsk ( miền Đông Ukraina ) cho hãng tin AFP biết là ông Ianukovitch đã toan hối lộ họ để phi cơ của ông được cất cánh bay sang Nga, nhưng họ đã từ chối nhận tiền. Hiện nay, tổng thống bị truất phế của Ukraina đang lẩn trốn trong vùng Donetsk, quê hương của ông và cũng là một trong những thành trì của phe ủng hộ ông.

Hôm nay, Quốc hội Urkaina vừa bỏ phiếu thông qua nghị quyết chỉ định chủ tịch Quốc hội Olexandre Tourchinov làm tổng thống lâm thời, chiếu theo quy định của Hiến pháp. Theo thông báo của ông Tourchinov, từ đây đến thứ ba tuần tới, các dân biểu Quốc hội phải thành lập một chính phủ mới. Các dân biểu Ukraina cũng thông qua việc việc giao trả tư dinh nguy nga của tổng thống Ianukovitch cho Nhà nước.

Về phần nhà đối lập Timochenko, sau khi được tự do, đã đến quảng trường Độc Lập để ngỏ lời với khoảng 50 ngàn người đứng chật cứng quảng trường. Bà đã kêu gọi những người biểu tình tiếp tục cuộc đấu tranh.

Về phản ứng của quốc tế, nước Nga hôm qua cáo buộc phe đối lập Ukraina “ đã không thực hiện một nghĩa vụ nào” trong thỏa thuận ký hôm thứ sáu với tổng thống Ianukovitch và tố cáo những người mà họ gọi là “thành phần cực đoan vũ trang và những kẻ cướp phá đang đe dọa trực tiếp toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina”.

Phản ứng của châu Âu thì hoàn toàn khác hẳn. Trên trang mạng Twitter hôm qua, Ngoại trưởng Ba Lan Silorski, người đã tham gia vào thương lượng giữa phe đối lập với chính quyền Ukraina cho rằng không hề có đảo chính ở Kiev. Đại diện ngoại giao cao cấp của Liên Hiệp Châu Âu Catherine Ashton hôm qua đã kêu gọi các lãnh đạo Ukraina hành động “một cách có trách nhiệm” để duy trì toàn vẹn lãnh thổ và sự thống nhất của đất nước.

Về phần Hoa Kỳ thì hoan nghênh việc trả tự do cho nhà đối lập Timochenko, đồng thời nhắc lại rằng chính người dân Ukraina quyết định về tương lai của họ. Từ Washington, thông tín viên Jean-Louis Pourtet gởi về bài tường trình:

“Trong một bản thông cáo, Nhà Trắng đã hoan nghênh việc làm mang tính xây dựng của Quốc hội Ukraina và kêu gọi nhanh chóng thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc, rộng rãi và bao gồm các nhà kỷ trị. Đối với chính quyền Mỹ, có thể là Ukraina đã gần đạt được mục tiêu đề ra: giảm dần bạo lực, sửa đổi Hiến pháp, thành lập chính phủ liên hiệp và tổ chức bầu cử trước thời hạn. Nhà Trắng cũng hoan nghênh việc trả tự do cho nhà đối lập Timochenko và chúc bà chóng bình phục.

Khi được đài NBC hỏi rằng những diễn biến gần đây có thể đưa Ukraina xích gần lại châu Âu và Hoa Kỳ hay không, đại sứ Mỹ tại LHQ Samantha Power nói rằng :” Hiện giờ, chúng tôi nghĩ trước hết đến nhân dân Ukraina. Dứt khoát phải chấm dứt các vụ bạo động và thực hiện thỏa hiệp. Người dân Ukraina phải thảo luận với nhau để quyết định về tương lai của đất nước họ”.

Hoa Kỳ cũng cam kết sẽ làm việc với các đồng minh, với nước Nga, với các định chế Châu Âu và quốc tế để Ukraina trở thành một quốc gia thịnh vượng, thống nhất và dân chủ”.

Nhưng tương lai của nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ này còn rất mờ mịt. Tại Kharkiv, các lãnh đạo của những vùng thân Nga ở miền Đông đã không nhìn nhận “tính chính đáng” của Quốc hội Ukraina, mà theo họ, đang làm việc “ dưới họng súng”. Họ cho rằng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina đang bị đe dọa. Quốc gia có 46 triệu dân này cho tới nay vẫn bị phân làm hai, một bên là miền Đông, với dân nói tiếng Nga và thân Nga, chiếm đa số, và bên kia là miền Tây, với dân nói tiếng Ukraina và có tinh thần dân tộc rất mạnh.

 

Quốc hội Ukraina quyết định trả tự do cho nhà đối lập Timochenko

Quốc hội Ukraina quyết định trả tự do cho nhà đối lập Timochenko

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Ianoukovitch và đại diện phe đối lập Ukraina đồng ký thỏa thuận - REUTERS/Pool

Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier, Tổng thống Ianoukovitch và đại diện phe đối lập Ukraina đồng ký thỏa thuận – REUTERS/Pool

Anh Vũ

RFI

Chưa đầy một ngày sau khi thoả thuận giữa các đại diện ngoại giao của Liên hiệp châu Âu, của đối lập Ukraina và chính quyền của Tổng thống Ianoukovitch được ký. Hôm nay 22/01/2014, Quốc hội Ukraina đã bỏ phiếu thông qua quyết định trả tự do “ngay lập tức” nhà đối lập Ioulia Timochenko, đang bị giam giữ với án tù 7 năm.

Nghị sĩ Victor Chvets, thuộc đảng của nhà đối lập Timochenko cho AFP biết : « Nghị quyết của Quốc hội được thông qua với 322 phiếu thuận, theo đó chính quyền phải trả tự do ngay lập tức cho bà Ioulia Timochenko, trên cơ sở một quyết định của Toà án châu Âu ».

Trở lại với những diễn biến khác sau khi có thoả thuận ký tối qua giữa tổng thống Ianoukovitch và các đại diện châu Âu cùng với phe đối lập. Tình hình tại Kiev vẫn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp. Ngoài đường phố, phe đối lập vẫn tiếp tục huy động để kiểm soát các khu phố trọng yếu như toà nhà của chính phủ, dinh Tổng thống.Đối lập tiếp tục kêu gọi Quốc hội phế truất Tổng thống Ianoukovitch.

Sáng nay 22/01/2014, thêm nhiều nhân vật của phe Tổng thống từ nhiệm. Sau khi khoảng bốn chục dân biển thuộc Đảng Các vùng, đảng cầm quyền, từ nhiệm, đến lượt Chủ tịch Quốc hội Volodymyr Rybak cũng đã tuyên bố từ chức. Trong khi đó người ta không rõ Tổng thống Ianoukovitch đang ở đâu sau khi ký thoả thuận.

Thông tín viên Anastasia Becchiotại Kiev tường trình :

Các phóng viên nhà báo đã mất cả đêm qua để xác định Tổng thống Ianoukovitch đang ở đâu. Có thể ông đã bay về Kharkov, thành phố ở miền đông nằm trong vùng được cho là căn cứ chính trị của ông. Theo một quan chức ngoại giao Mỹ, Tổng thống Ukraina đến đó để dự một cuộc họp sau đó sẽ phải trở về Kiev.

Các nhóm tự vệ tại quảng trường Maidan, hay có thể gọi là lực lượng giữ gìn trật tự của phong trào chống đối, cho biết họ đang kiểm soát khu vực trụ sở chính phủ. Theo truyền thông Ukraina, từ chiều hôm qua, các xe ca của cảnh sát đã đồng loạt rút khỏi nơi này.

Sáng nay Quốc hội Ukraina đã trở lại làm việc để xem xét một loạt các sửa đổi luật theo yêu cầu của đối lập. Sau khi đã đạt được yêu sách khiến bộ trưởng Nội vụ, người chịu trách nhiệm trong vụ trấn áp đẫm máu, phải từ chức, phe đối lập muốn ông Chánh công tố cũng phải ra đi.

Phe đối lập chính trị sẽ phải thành lập với thành phần có các nhóm cực đoan, những người này vẫn quyết chiến đấu chừng nào ông Victor Ianoukovitch chưa từ chức.

Trong bối cảnh như vậy, việc triển khai thực hiện thoả thuận đạt được hôm qua giữa ba lãnh đạo đối lập sẽ là một việc làm rất tế nhị. Quốc hội đã thông qua với đại đa số viêc quay trở lại với hiến pháp năm 2004, theo đó quyền hành của tổng thống không quan trọng như theo Hiến pháp hiện hành.

Quyết định này sẽ có hiệu lực trong vòng 48 giờ. Kể từ thời điểm đó trở đi, hai phe sẽ bắt tay vào thành lập một liên minh và một chính phủ đoàn kết quốc gia trong vòng 10 ngày.

 

Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến « ngắn, gọn » với Nhật Bản

Trung Quốc đã sẵn sàng cho một cuộc chiến « ngắn, gọn » với Nhật Bản

Nany China Chiến hạm Trung Quốc đi qua eo biển phía Bắc Nhật Bản, sau khi tham gia tập trận với Nga - Reuters / China Daily

Nany China Chiến hạm Trung Quốc đi qua eo biển phía Bắc Nhật Bản, sau khi tham gia tập trận với Nga – Reuters / China Daily

Trọng Nghĩa

RFI

Các cuộc tập trận gần đây của Trung Quốc đã cho thấy rằng nước này đang chuẩn bị một cuộc chiến tranh ngắn với Nhật Bản nhằm đánh chiếm các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông. Trên đây là lời báo động của một quan chức tình báo Hải quân Mỹ được nhật báo Washington Times số đề ngày 19/02/2014 tiết lộ.

Phát biểu nhân một hội nghị vào tuần trước tại San Diego (California – Hoa Kỳ), Đại úy Hải quân James Fanell, chỉ huy các hoạt động thông tin – tình báo tại Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, đã xác định trước tiên rằng quy mô các cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc vào mùa thu vừa rồi cho thấy là Đài Loan không còn là mục tiêu đánh chiếm quan trọng duy nhất của Bắc Kinh.

Đối với chuyên gia này, cuộc tập trận đổ bộ rầm rộ và kết hợp nhiều quân khu mang tên Nhiệm vụ 2013, chứng tỏ rằng Quân đội Trung Quốc đã được giao phó một nhiệm vụ mới : « Tiến hành một cuộc chiến tranh ngắn gọn và dứt điểm để tiêu diệt lực lượng Nhật Bản trên Biển Hoa Đông, nối tiếp bằng điều chỉ có thể là đánh chiếm quần đảo Senkaku, thậm chí cả các đảo Nam Ryukyu ».

Đây không phải là lần đầu tiên mà Đại úy Fanell lên tiếng báo động về thái độ càng lúc càng hiếu chiến của Trung Quốc.

Vào năm ngoái, chuyên gia tình báo này từng lưu ý rằng Bắc Kinh đang leo thang trong chủ trương bắt nạt các láng giềng. Còn năm nay, ông cảnh báo rằng an ninh trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xấu đi đáng kể, mà tồi tệ nhất là vào tháng 11 năm 2013 với việc Trung Quốc áp đặt một khu vực phòng không trên Biển Hoa Đông.
Cùng lúc, chuyên gia Mỹ ghi nhận là lực lượng tuần duyên và hải quân Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hành động khiêu khích có phối hợp với nhau nhằm hù dọa các quốc gia lân cận, thậm chí cả Mỹ, như đã thấy trong sự cố suýt va chạm nhau ở Biển Đông giữa tàu Mỹ Cowpens và một chiếc tàu đổ bộ tháp tùng theo tàu sân bay Trung Quốc Liêu Ninh.

Chuyên gia Mỹ không ngần ngại tố cáo điều được ông gọi là « chủ nghĩa bành trướng » của Trung Quốc trong toàn vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông vào năm ngoái, được tiến hành theo kiểu vừa đấm vừa xoa : « Tàu tuần duyên Trung Quốc đóng vai kẻ xấu, đi sách nhiễu các láng giềng của Trung Quốc, trong khi tàu hải quân Trung Quốc, kẻ bảo vệ cho lực lượng tuần duyên đó, thì thực hiện những chuyến ghé cảng trong khắp khu vực để hứa hẹn hữu nghị và hợp tác ».

Về chiến lược lâu dài của Trung Quốc, Đại úy Fanell nhắc lại rằng Tướng Lưu Hoa Thanh (Liu Huaqing 1916-2011), người được coi là cha đẻ của Hải quân Trung Quốc, vào năm 1983, đã phác thảo ra lộ trình đưa Bắc Kinh lên nắm quyền bá chủ trong lãnh vực hải quân.
Theo lộ trình này, năm 2010, Trung Quốc sẽ giành được ưu thế hải quân bên trong cái được họ gọi là « chuỗi đảo đầu tiên », tức là vùng hải phận gần bờ biển Trung Quốc. Đến năm 2020, uy lực Trung Quốc sẽ mở rộng để kiểm soát vùng biển xung quanh « chuỗi đảo thứ hai » nằm cách Trung Quốc hàng trăm hải lý. Và đến năm 2040, tướng Lưu Hoa Thanh cho rằng « Trung Quốc sẽ đủ sức ngăn chặn thế thống trị của hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương ».

Nhận xét của ông Fanell khá bi quan : « Tôi nghĩ rằng Trung Quốc đang tiến nhanh hơn lịch trình dự kiến ».
Theo Washington Times, Tướng Trung Quốc Lưu Hoa Thanh từng được biết đến trong tư cách người chỉ huy lực lượng đã đàn áp đẫm máu những người biểu tình không vũ trang trên quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989.

Riêng đối với Việt Nam, nhân vật này là kẻ đã thiết kế cuộc tấn công hải quân đã giết chết 70 thủy thủ Việt Nam ở khu vực đảo Gạc Ma (Johnson South Reef) tại vùng Trường Sa vào năm 1988.

 

Bạo lực leo thang tại thủ đô Ukraine

Bạo lực leo thang tại thủ đô Ukraine

Thứ tư, 19 tháng 2, 2014

Mở bằng chương trình nghe nhìn khác

Ít nhất 26 người đã thiệt mạng trong vụ đụng độ giữa lực lượng cảnh sát và người biểu tình tại thủ đô Kiev, Ukraine, Bộ Y tế nước này cho biết

Thông cáo từ Bộ Nội vụ nói 9 người trong số này là nhân viên cảnh sát và một người là nhà báo.

Hàng trăm người đã được đưa vào bệnh viện để chữa trị vết thương và hiện đang có quan ngại rằng số người chết có thể sẽ tiếp tục gia tăng.

Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych đã đổ lỗi cho các lãnh đạo phe đối lập là nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực leo thang, trong khi các nhà hoạt động cho rằng trách nhiệm thuộc về phía chính phủ.

Sau khi đàm phán với phe đối lập thất bại, ông Yanukovych đã kêu gọi những người biểu tình “tránh xa lực lượng cực đoan”, và nói “vẫn chưa quá muộn để chấm dứt xung đột.”

Cảnh sát chống bạo động vẫn đang tiếp tục tiến công vào trại biểu tình chính tại Quảng trường Độc lập, tâm điểm của phong trào biểu tình chống chính phủ nổ ra từ tháng 11 năm ngoái.

‘Hòn đảo tự do’

Hàng nghìn cảnh sát chống bạo động được triển khai để trấn áp người biểu tình

Trước đó, các lực lượng an ninh đã yêu cầu người biểu tình phải rời khỏi Quảng trường Độc lập trước 18:00 giờ, giờ địa phương.

Dịch vụ tàu điện ngầm của thành phố hoàn toàn bị đóng cửa, và một số nguồn tin nói các phương tiện đã bị ngăn không cho tiến vào thành phố.

Ít phút trước lúc 18:00 giờ, cảnh sát tuyên bố trên loa lớn rằng họ sắp tiến hành một “chiến dịch chống khủng bố”.

Lực lượng an ninh, được xe bọc thép yểm trợ, đã tiến hành tháo gỡ các rào chắn, dùng vòi rồng và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông.

Những người biểu tình đáp trả bằng pháo hoa và bom xăng, đồng thời tạo nên những đám cháy lớn để ngăn bước tiến của cảnh sát.

Các lãnh đạo đối lập sau đó đã có cuộc gặp với Tổng thống Viktor Yanukovych nhưng hai bên đã không thể tìm kiếm một giải pháp cho cuộc khủng hoảng.

Ông Vitaly Klitschko, lãnh đạo đảng đối lập Udar, nói với đài truyền hình Hromadske TV rằng tổng thống chỉ cho người biểu tình một sự lựa chọn duy nhất: Rời khỏi Maidan và trở về nhà.

Vào chiều tối 18/2, cảnh sát đã tìm cách chọc thủng một rào chắn ở Quảng trường Evorpeyska, nhưng cuộc tiến công đã bị đẩy lùi.

Các thủ lĩnh phe biểu tình đã thúc giục những người trấn thủ ở Maidan giữ vững vị trí và kêu gọi người dân từ những nơi khác kéo về quảng trường.

“Chúng ta sẽ không đi đâu cả,” ông Klitschko nói. “Đây là hòn đảo của tự do và chúng ta sẽ bảo vệ nó.”

Ông Arseniy Yatsenyuk, người đứng đầu đảng Tổ quốc, đã kêu gọi Tổng thống Yanukovych “chấm dứt cảnh đổ máu”.

“Tính mạng của những con người này và tương lai của đất nước có thể bị dìm trong máu. Hãy dừng lại, Viktor Yanukovych,” ông nói.

Những người biểu tình nói họ sẽ không rời khỏi Quảng trường Độc lập

‘Cần thêm thời gian’

Phóng viên BBC tại Kiev, David Stern, nhận định đây là một trong những thời khắc quyết định đối với Ukraine và nhiều người quan ngại rằng tình trạng bạo lực sẽ leo thang.

Mặc dù điều này không hoàn toàn đồng nghĩa với một cuộc nội chiến như nhiều ý kiến trước đó, Ukraine vẫn bị chia rẽ một cách nghiêm trọng, phóng viên của chúng tôi nói thêm.

Tình trạng bất ổn tại Ukraine bắt đầu hồi tháng 11, sau khi Tổng thống Yanukovych từ chối ký thỏa thuận liên hiệp và tự do thương mại với Liên Hiệp châu Âu để giữ quan hệ với Nga.

Những người biểu tình ủng hộ châu Âu đã yêu cầu ông Yanukovych phải từ chức và muốn một cuộc bầu cử sớm được tiến hành.

Bầu không khí nhiều ngày qua đã có phần bớt căng thẳng, tuy nhiên người dân vẫn tiếp tục xuống đường.

Trước đó, cũng trong ngày thứ Ba, cảnh sát đã ngăn chặn một đoàn người biểu tình tiến về phía trụ sở quốc hội, nơi các nghị sỹ lẽ ra sẽ có cuộc thảo luận về việc thay đổi hiến pháp, điều vốn sẽ hạn chế quyền lực của tổng thống.

Cuộc thảo luận này đã không diễn ra. Ông Yatsenyuk nói Tổng thống Yanukovych đang ngăn cản cải cách và những người đồng minh của ông “không hề có ý muốn chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị”.

Nhà Trắng nói “vũ lực sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng”

Tuy nhiên các nghị sỹ ủng hộ tổng thống cho rằng những đề xuất thay đổi hiến pháp chưa được thảo luận kỹ càng, và nói họ muốn có thêm thời gian.

Một số người biểu tình đã dùng đá lót đường để ném về phía cảnh sát. Cảnh sát đáp trả bằng các loại lựu đạn khói, lựu đạn gây choáng và đạn cao su. Giới quan sát nói hiện vẫn chưa rõ bên nào đã khơi mào cho vụ bạo lực mới nhất, vì cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau.

Những người biểu tình cũng đã tiến vào bên trong một trong các trụ sở của Đảng Khu vực của Tổng thống Yanukovych và phóng hỏa tòa nhà trước khi bị cảnh sát đẩy lùi.

Vào cuối ngày 18/2, cảnh sát cho biết ít nhất 16 người đã thiệt mạng, trong đó có bảy cảnh sát.

Nhà Trắng nói tình trạng bạo lực khiến họ “kinh hãi”, kèm với nhận định “vũ lực sẽ không giúp giải quyết khủng hoảng”.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney đã thúc giục Tổng thống Yanukovych “tái khởi động đàm phán với các lãnh đạo đối lập” vào ngày 19/2.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon trước đó cũng đã kêu gọi các bên kiềm chế và tiến hành đối thoại.

Ủy ban chống tham nhũng Thái sẽ truy tố Thủ tướng Yingluck Shinawatra

Ủy ban chống tham nhũng Thái sẽ truy tố Thủ tướng Yingluck Shinawatra

Người biểu tình vẫn bám trụ chung quanh trụ sở chính phủ. Ảnh ngày 18/02/2014.

Người biểu tình vẫn bám trụ chung quanh trụ sở chính phủ. Ảnh ngày 18/02/2014.

Reuters

Đức Tâm

RFI

Vào lúc Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đang phải đối phó với làn sóng biểu tình của phe đối lập chống chính phủ, thì bà lại phải đương đầu với một mối đe dọa mới : Hôm nay, 18/02/2014, Ủy ban chống tham nhũng Thái Lan thông báo sẽ truy tố bà do những khinh suất trong việc thực hiện chương trình trợ giá gạo và Thủ tướng Yingluck có thể bị hạ bệ.

Trong thông cáo, Ủy ban chống tham nhũng nêu rõ là Thủ tướng Yingluck đã bỏ ngoài tai những lời cảnh báo về nguy cơ tham nhũng và thất thoát tài chính trong việc thực hiện chương trình trợ giá gạo cho nông dân và Ủy ban quyết định « triệu tập bà Yingluck Shinawatra vào ngày 27/02 để thông báo các cáo buộc đối với bà ».

Chương trình trợ giá cho nông dân qua việc mua lại gạo của họ với giá cao hơn giá thị trường đến 50%, là một trong những yếu tố giúp cho bà Yingluck giành thắng lợi trong cuộc bầu cử năm 2011.

Tuy nhiên, những người chống bà Yingluck cho rằng chương trình trợ giá đã dẫn đến tình trạng tham nhũng, gây thâm hụt tài chính công, làm cho Thái Lan mất vị trí quốc gia xuất khẩu gạo số một thế giới.

Trong khuôn khổ điều tra về chương trình trợ giá gạo, Ủy ban chống tham nhũng đã từng truy tố nhiều quan chức Thái Lan, trong đó có cựu Bộ trưởng Thương mại.

Thông báo của Ủy ban chống tham nhũng được đưa ra vào lúc cảnh sát chống bạo động Thái Lan mở chiến dịch giải tỏa các địa điểm bị người biểu tình chống chính phủ chiếm giữ ở thủ đô Bangkok. Các vụ đụng độ đã xẩy ra làm nhiều người bị thương. Khoảng một trăm người đã bị bắt.

Thông tín viên RFI Arnaud Dubus tường trình từ Bangkok :

« Ngay từ 7 giờ sáng, hàng trăm cảnh sát chống bạo động đã ra tay nắm lại quyền kiểm soát một trong những nơi có biểu tình, gần trụ sở Bộ Năng lượng. Khoảng một trăm người đã bị bắt giữ.

Tại một trong những nơi tụ tập chính ở Bangkok, những người biểu tình, dưới sự chỉ đạo của nhà sư Luang Pu Buddha Issara, đã chấp nhận thương lượng và rút khỏi một đại lộ mà họ đã chiếm giữ và làm tê liệt giao thông từ đầu tháng Giêng đến nay. Tình hình căng thẳng nhất trong sáng nay là ở xung quanh trụ sở chính phủ, trong khu phố cổ của Bangkok.

Cảnh sát chống bạo động đã bắn lựu đạn cay và đạn cao su nhằm xua đuổi nhóm biểu tình cực đoan nhất đang cố thủ đằng sau những hàng rào bằng bao cát và các khối bê tông. Một số người biểu tình đã dùng súng bắn chống trả. Có nhiều người bị thương ở cả hai bên, trong đó có một cảnh sát bị thương ở đầu. Dường như chính quyền quyết định tỏ thái độ cứng rắn, sau khi cảnh sát đã thất bại thảm hại trong việc giải tỏa các điểm tụ tập biểu tình hồi cuối tuần qua.

Đồng thời, Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã có một bài phát biểu trên vô tuyến truyền hình, gửi thông điệp tới những người nông dân trồng lúa đang biểu tình tại Bangkok để đòi được thanh toán các khoản tiền mà chính phủ còn nợ, trong khuôn khổ chương trình trợ giá gạo. Chắc chắn, bà Thủ tướng muốn nhắn nhủ là chiến dịch của cảnh sát giải tán các cuộc biểu tình không nhằm vào những người nông dân từ các tỉnh kéo về Bangkok ».

 

Liên Hiệp Quốc đe dọa đưa Kim Jong Un ra Tòa án Hình sự Quốc tế

Liên Hiệp Quốc đe dọa đưa Kim Jong Un ra Tòa án Hình sự Quốc tế

Bản báo cáo dày 372 trang do ông Michael Kirby, trưởng ban điều tra về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên công bố trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève ngày 17/02/2014.

Bản báo cáo dày 372 trang do ông Michael Kirby, trưởng ban điều tra về nhân quyền tại Bắc Triều Tiên công bố trong cuộc họp báo tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở Genève ngày 17/02/2014.

REUTERS/Denis Balibouse

Thụy My

RFI

Một ủy ban điều tra của Liên Hiệp Quốc trong báo cáo công bố hôm nay 17/02/2014 đã đe dọa đưa hàng trăm lãnh đạo Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI) kể cả Kim Jong Un, vì đã phạm hàng loạt tội ác chống nhân loại.

Báo cáo khẳng định : « Ủy ban điều tra đã ghi nhận được các vụ vi phạm đương nhiên, trải rộng và thô bạo về nhân quyền được tiến hành bởi nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong nhiều trường hợp, những vi phạm này là tội ác chống nhân loại ».

Trước khi bản báo cáo hết sức chi tiết dày đến 372 trang của ủy ban điều tra do Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại Genève thành lập vào tháng 3/2013 được công bố, Bình Nhưỡng đã « kiên quyết bác bỏ toàn bộ » văn bản được gọi là « sản phẩm chính trị hóa về nhân quyền do Liên hiệp châu Âu và Nhật Bản tiến hành cùng với chính sách thù địch của Hoa Kỳ ».

Trong lá thư gởi cho Kim Jong Un, ủy ban điều tra cảnh báo rằng tất cả các quan chức bị nhìn nhận là đã phạm tội « có thể kể cả ông », sẽ phải trả lời về các hành động của mình trước tòa án quốc tế. Đây là cảnh báo công khai chưa từng có từ trước đến nay đối với một lãnh đạo đương nhiệm.

Tuy nhiên khó thể có việc Hội đồng Bảo an ra lệnh đưa các quan chức Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế, vì chắc chắn đồng minh Trung Quốc của Bình Nhưỡng sẽ phủ quyết.

Bên cạnh việc tra tấn trong quá trình thẩm vấn đã trở thành phổ biến, và nạn đói mà các quan chức Bình Nhưỡng « cố tình » để xảy ra, các nhà điều tra do thẩm phán Úc Michael Kirby lãnh đạo, đã cảnh báo Bắc Kinh là Trung Quốc có thể bị coi là « đồng phạm tội ác chống nhân loại » vì đã gởi trả những người Bắc Triều Tiên đào thoát trở về nước.

Theo kết luận của cuộc điều tra được tiến hành trong một năm qua với những người đang tị nạn tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh và Hoa Kỳ, việc cưỡng bức người tị nạn phải quay về đã khiến họ có nhiều nguy cơ bị tra tấn, bị hành quyết tùy tiện.

Ủy ban điều tra ước tính có « hàng trăm ngàn tù nhân chính trị đã bị chết trong các trại cải tạo trong 50 năm gần đây », « lần lượt qua đời vì nạn đói cố tình gây ra, cưỡng bức lao động, hành hình, tra tấn, hiếp dâm, cưỡng bức phá thai ». Ba luật gia quốc tế là thành viên của ủy ban nhận định số trại cải tạo và tù nhân đã giảm xuống do tử vong và một số được trả tự do, nhưng « hiện vẫn còn 80.000 đến 120.000 tù nhân chính trị đang bị giam giữ trong bốn trại cải tạo tù chính trị lớn ».

Cho rằng không thể « chờ đợi đến mười năm », một nhà ngoại giao nêu ra ý tưởng lập một tòa án đặc biệt, trong lúc các điều tra viên so sánh các vụ vi phạm nhân quyền tại Bắc Triều Tiên với các tội ác Đức quốc xã trong Đệ nhị Thế chiến.

Ông Michael Kirby nhận xét : « Đối với hàng trăm vụ, sự giống nhau là rất ấn tượng. Sự trầm trọng, tầm cỡ và tính chất của các vụ vi phạm chứng tỏ đây là một đất nước chưa hề có nơi nào tương đồng trong thế giới hiện nay », và theo ông, hàng trăm viên chức Bắc Triều Tiên có thể bị nhìn nhận là đã phạm những tội ác nặng nề nhất.

Trong lá thư gởi cho Kim Jong Un có kèm theo báo cáo, chủ tịch ủy ban điều tra nhấn mạnh rằng các vụ lạm dụng thường từ những người có trách nhiệm của các tổ chức được lãnh tụ Bắc Triều Tiên trực tiếp kiểm soát như quân đội, tư pháp hay đảng Lao động Triều Tiên.

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền lên tiếng hoan nghênh bản báo cáo trong đó cũng đã nêu ra sự hiện diện của các « quỹ đen » ngoài ngân sách chính thức, việc buôn lậu rượu và ngà voi do các đại sứ quán Bắc Triều Tiên tiến hành.

Bà Julie de Rivero, thành viên Human Rights Watch lấy làm tiếc là « Bắc Triều Tiên chỉ được Hội đồng Bảo an xem xét dưới góc độ phổ biến vũ khí hạt nhân ». Bản báo cáo đã « đưa ra ánh sáng vấn đề nhân quyền tại Bắc Triều Tiên mà trước đây chưa được nêu. Chúng ta có thể hy vọng báo cáo sẽ thúc đẩy Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế không chỉ quan tâm các đe dọa về mặt an ninh ».