Giám đốc FBI: ‘Trung Quốc đứng đầu danh sách phạm tội trên mạng’

Giám đốc FBI: ‘Trung Quốc đứng đầu danh sách phạm tội trên mạng’

Giám đốc FBI James Comey

Giám đốc FBI James Comey

05.10.2014

Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ, (FBI) James Comey nói rằng Trung Quốc đứng đầu danh sách các nước tiến hành chiến tranh mạng nhắm vào công nghiệp của Hoa Kỳ, gây thiệt hại hàng tỷ đôla một năm.

Nói chuyện trong chương trình “60 Minutes” của đài truyền hình CBS hôm Chủ nhật, ông Comey nói rằng Trung Quốc hoạt động cực kỳ năng động và rông rãi trong các nỗ lực đánh cắp các bí mật có lợi cho doanh nghiệp và công nghiệp của họ.

Ông nói số thiệt hại hàng năm của các công ty Mỹ “không thể tính,”nhưng lên đến hàng tỉ đôla.

Trung Quốc hay bất cứ ai ăn cắp bằng sáng chế và các bí mật thương mại của các công ty Mỹ đều có thể dẫn đến tình trạng một số lớn công ăn việc làm bị mất cùng với doanh thu trong ngành công nghiệp.

Giám đốc FBI cho biết con số các vụ tấn công hàng ngày của các tin tặc và các phần tử khủng bố mạng quá nhiều không thể đếm và người Mỹ đánh giá thấp sự nguy hiểm của hành động phạm tội trên mạng.

Hoa Kỳ đã khởi tố 5 chuyên viên quân đội Trung Quốc hồi tháng 5 về tội ăn cắp trên mạng, gây phẩn nộ cho Trung quốc, vì họ vẫn phủ nhận hoạt động tin tặc và cáo buộc Hoa Kỳ làm gián điệp công nghiệp.

Lãnh đạo HK yêu cầu dẹp đường

Lãnh đạo HK yêu cầu dẹp đường

Chia sẻ

 

Cảnh sát Hong Kong đã được lệnh làm sao để công sở mở cửa trở lại

Xô xát đã xảy ra giữa những người biểu tình đòi dân chủ hiện đang chiếm giữ trung tâm Hong Kong và cảnh sát chống bạo động trong lúc cuộc phản kháng ở Hong Kong đã bước sang tuần thứ hai.

Hàng ngàn người đã tập hợp qua đêm bất chấp cảnh báo của chính quyền Hong Kong do Bắc Kinh hậu thuẫn mặc dù đến sáng Chủ nhật ngày 5/10 nhiều người biểu tình đã về nhà.

Hôm thứ Bảy ngày 4/10, nhà lãnh đạo Hong Kong đã nói rằng cảnh sát phải đảm bảo cho các công sở và trường học mở cửa trở lại vào thứ Hai ngày 6/10.

Kiên trì

Trong đêm thứ Bảy ngày 4/10, hàng ngàn người hô vang: “Dân chủ ngay! Dân chủ cho Hong Kong!” trong lúc các diễn giả kêu gọi người biểu tình kiên trì đến cùng, hãng tin AP tường thuật.

Vụ xô xát xảy ra vào sáng sớm ngày 5/10 ở quận Mong Kok khi cảnh sát xịt tiêu cay vào một số người biểu tình.

Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đã lên tiếng sau khi xảy ra xung đột khiến cuộc đàm phán giữa chính quyền và người biểu tình bị hoãn lại.

Ông Lương nói ông ‘cực lực lên án’ bạo lực nhưng cảnh báo rằng bạo lực có thể tiếp diễn trừ phi ‘trật tự xã hội được khôi phục’.

Ông Lương còn nói rằng ‘việc khẩn cấp nhất’ là người biểu tình để cho các viên chức nhà nước quay trở lại làm việc và giải phóng các tuyến đường chính để học sinh có thể đi học lại vào sáng thứ Hai tới.

“Chính quyền và cảnh sát có trách nhiệm và quyết tâm làm mọi việc cần thiết để khôi phục trật tự xã hội

Lương Chấn Anh, đặc khu trưởng Hong Kong”

Theo phóng viên BBC John Sudworth ở Hong Kong thì mặc dù ông Lương không đe dọa thẳng thừng là sẽ dùng vũ lực để giải tán đám đông nhưng những gì ông nói nghe giống như là tối hậu thư.

Liên đoàn Sinh viên Hong Kong đã rút lui khỏi cuộc đàm phán được dự định diễn ra vào ngày 3/10 và cáo buộc chính quyền cho xã hội đen tấn công người biểu tình – điều mà cảnh sát Hong Kong bác bỏ.

Hôm 4/10, cảnh sát Hong Kong thông báo họ đã bắt giữ 19 người có liên quan đến vụ ẩu đả với người biểu tình và cho biết tám trong số này ‘có liên hệ với Hội Tam Hoàng’.

Theo các phóng viên ở Hong Kong thì Hội Tam Hoàng thường có những hoạt động như buôn bán ma túy, điều hành các mạng lưới mại dâm và tống tiền nhưng trong những năm gần đây họ đã tham gia vào những thương vụ hợp pháp như xây dựng bất động sản và đầu tư tài chính.

Một số thành viên Hội Tam Hoàng còn được cho là có liên hệ với giới chính trị dẫn đến cáo buộc cho rằng chính quyền đã cho tiền để họ phá rối người biểu tình.

Biểu tình ở Hong Kong: Khi bọn chim mồi hô khẩu hiệu

Biểu tình ở Hong Kong: Khi bọn chim mồi hô khẩu hiệu
October 04, 2014

Nguoiviet.com

Trần Tiến Dũng (Từ Sài Gòn)

Từ Hong Kong, diễn biến chuyện tấn công người biểu tình và thái độ người không ủng hộ biểu tình ôn hòa cho thấy, giá trị đấu tranh đòi quyền dân chủ đã đứng trước kẻ thù mới, tuy không lạ nhưng nguy hiểm không kém gì chuyện công an  Hong Kong-Trung Quốc dùng bạo lực đàn áp biểu tình.

Thái độ hung hãn của những ‘con chim mồi’ phản biểu tình ở Hồng Kông. (Hình: Getty Images)

Những kẻ tấn công biểu tình và những kẻ chống biểu tình muốn sống ngoan- ổn đinh theo khung chuồng chuyên chế áp đặt của Trung Quốc đã ném ra loại vũ khí tối thượng của họ: “Người Hong Kong cần làm việc kiếm tiền, Người Hong Kong cần phải ăn.”

Người Trung Quốc hiện nay không bị nạn đói như các thế kỷ trước đây và không có dịch đói như một số vùng ở Châu Phi. Người Hong Kong, kể cả dân mới nhập cư từ lục địa có mức sống hơn hẳn nhiều quốc gia kém phát triển. Và một điều căn bản là họ chưa bao giờ không ăn và mất miếng ăn dù chỉ một bữa.

Vậy thì, họ trưng ra cái vũ khí. Cần kiếm tiền, cần ăn để làm gì. Họ chính xác là những con chim mồi cùng với chủ chuồng chim trưng ra miếng ăn để nhốt hốt sự ý thức tự do.

Như những sinh viên Hong Kong đang biểu tình đang chứng minh là cha ông họ đến Hong Kong và xây dựng Hương Cảng, chấm dứt ám ảnh đói nghèo và nay họ muốn xây dựng Hong Kong cho lúc này và tương lai chấm dứt nỗi ám ảnh trở thành nô lệ cho tập đoàn chuyên chế độc tài Bắc Kinh.

Không có bọn làm nhiệm vụ những con chim mồi thì Bắc Kinh không thể nhốt vào cái lồng lớn hơn một tỉ người Trung Hoa. Việt Nam, Cu Ba, Bắc Triều Tiên bầy đàn người làm chim mồi cũng không thiếu.

Nhưng lịch sử chứng minh chưa bao giờ bọn chim mồi và thế lực độc tài có thể nhốt hốt hết những trái tim và ý thức đấu tranh cho quyền con người trong ánh sáng tự do-dân chủ.

Những chiếc dù trên đầu và những cánh nơ vàng trên ngực các công dân trẻ và già của Hong Kong hôm nay sẽ là con đường lớn, không chỉ riệng cho họ mà còn là đích đến tương lai những dân tộc đang sống dưới tai họa độc tài.

Báo chí nóng tin Hong Kong: một lá bài mới

Báo chí nóng tin Hong Kong: một lá bài mới

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2014-10-03

vn-hk-305.jpg

Tin tức về biểu tình ở Hong Kong đăng tải trên báo VNExpress hôm 3/10/2014.

Screen capture

Thay đổi cách ứng xử?

Báo chí Việt Nam được rộng cửa đưa tin bài và hình ảnh về các cuộc biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Điều này trái với thông lệ trong quá khứ là không đưa tin nhạy cảm mà Bắc Kinh không hài lòng. Phải chăng Chính quyền thay đổi cách ứng xử và cũng đủ tự tin vì đã kiểm soát chặt chẽ giới thanh niên sinh viên học sinh.

Có gì bất thường qua sự kiện báo chí Việt Nam sôi nổi với phong trào dân chủ Hong Kong và những hình ảnh đầy ấn tượng của cuộc “cách mạng cây dù,” hàng chục ngàn người biểu tình chiếm lĩnh khu trung tâm Hong Kong và họ đã dương cao những chiếc ô để chống lựu đạn cay khỏi rơi trúng đầu hoặc để cản hơi cay, hơi hồ tiêu khi cảnh sát xịt thẳng vào đám đông. Trả lời câu hỏi này, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động xã hội dân sự từ Hà Nội nhận định:

“Không phải là bất thường nếu xét tới những sự thay đổi trong 4-5 tháng vừa qua. Tôi nghĩ nếu so với thời gian trước kia thì có thể coi là bất thường bởi vì người ta tránh đụng tới chuyện mà Trung Quốc và nhà cầm quyền Bắc Kinh coi là nhạy cảm trong báo chí Việt Nam. Nhưng từ tháng 5 đến giờ tình hình đã khác xa rồi.”

Nếu so với thời gian trước kia thì có thể coi là bất thường bởi vì người ta tránh đụng tới chuyện mà TQ và nhà cầm quyền Bắc Kinh coi là nhạy cảm trong báo chí VN.
-TS Nguyễn Quang A

Ông Nguyễn Quốc Thái, nguyên Tổng thư Ký Báo Doanh Nghiệp, một người có nhiều kinh nghiệm hoạt động báo chí, từ Saigon nhận định:

“Không có tờ báo nào ở Việt Nam là của tư nhân cả, tất cả báo đều là của một đoàn thể nào đó và do nhà nước chỉ đạo. Vì thế hiện tượng báo chí đưa tin Hong Kong như vậy nếu không được sự đồng ý của lãnh đạo cụ thể là Ban Văn hóa Tư tưởng thì không một tờ báo nào được đưa tin một cách rộng rãi như vậy đâu.”

Trong khi đó nhà báo Phạm Thành ở Hà Nội, người từng nhiều năm phục vụ truyền thông nhà nước có cách nhìn nhận khác về báo chí lề phải và tình hình Hong Kong. Ông nói:

“Một số báo nhà nước đưa tin dè dặt, đưa tin trong tình trạng lương tri của các nhà báo, của những người quản lý tờ báo được thức tỉnh, cộng với việc không có chỉ đạo của Ban Tuyên giáo là cấm đưa tin về biểu tình ở Hong Kong…”

vn-hk-400.jpg

Tin tức về ẩu đả giữa người biểu tình và chống biểu tình ở Hồng Kông trên báo Thanh Niên hôm 3/10/2014. Screen capture.

Phần lớn các báo lề phải do nhà nước quản lý đều có tin bài về phong trào đòi dân chủ trong bầu cử ở Hong Kong, từ các tờ báo hoạt động tự túc ngân sách cho đến Thông tấn xã Nhà nước, thể hiện qua trang mạng truy cập miễn phí là Vietnam Plus. Trang mạng VnExpress là một điển hình về đưa tin và hình ảnh nhanh chóng về phong trào dân chủ Hong Kong. Ngay từ ngày 22/9 trang mạng này đã có những tin bài và hình ảnh về cuộc biểu tình của hàng ngàn sinh viên học sinh ở khu Trung Hoàn và sau đó là sự tiếp sức của Phong trào Ocuppy Central đưa qui mô cuộc biểu tình kéo dài nhiều ngày lên hàng chục ngàn người với đủ mọi thành phần dân chúng tham gia.

Thanh Niên, một tờ báo của Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam vừa có bản in và bản điện tử, có vẻ là tờ báo đi đầu trong phong trào Hong Kong đòi dân chủ với nhiều tin bài, hình ảnh nhưng ở đỉnh điểm ngày 2/10, tờ báo có bài tường trình tại chổ “ Tường thuật từ điểm nóng Hồng Kông” với nhà báo Nguyễn Thành Trung. Blog Quê Choa khi đưa lại tin này đã có lời dẫn của chủ blog nhà báo, nhà văn Nguyễn Quang Lập, xin trích nguyên văn : “Hoan hô báo Thanh Niên! Thế mới gọi là làm báo. Ngồi thúc thủ trong lô cốt, nhặt nhạnh thông tin từ FB và ngửa mặt chờ chỉ thị của Ban Tuyên giáo…thì đó không phải là làm báo mà là đi ăn mày.”

“Tự do báo chí”

Trong câu chuyện với chúng tôi, liên quan đến vấn nhà nước Việt Nam dựa vào đâu mà không ngại phong trào đòi hỏi dân chủ ở Hong Kong có thể gây ảnh hưởng đến giới trẻ trong nước. TS Nguyễn Quang A nhận định:

Nhà nước phải biết rằng không phải những điều diễn ra ở Hong Kong sinh viên học sinh Việt Nam họ không nhìn thấy, họ không suy nghĩ hay không có ý tưởng của họ.
-Nguyễn Quốc Thái

“Tình hình của Việt Nam và Hong Kong là khác, cũng giống hệt như tình hình của Hồng Kông với tình hình của Đại lục là khác nhau một trời một vực. Ở Hong Kong giới sinh viên ít ra cũng đã được hưởng một mức độ tự do đáng kể, do chế độ thuộc địa của Anh để lại và trong thời gian vừa qua với chính sách một nước hai chế độ thì người dân vẫn được hưởng tự do gấp rất nhiều lần người dân Việt Nam ở đây cũng như người dân Trung Quốc ở Đại lục. Cả ở Trung Quốc lẫn ở Việt nam này Đảng Cộng sản kiểm soát rất chặt chẽ, họ có những mạng lưới vô cùng tinh vi và rộng khắp để quản lý giới học sinh sinh viên. Tôi nói ở đây không chỉ nói đến các tổ chức Đảng, không chỉ nói đến Đoàn Thanh niên Cộng sản, đến Hiệp hội Sinh viên mà đến rất nhiều thứ khác đụng đến khả năng học hành của các bạn trẻ, đụng đến khả năng kiếm việc, khả năng thăng tiến của các bạn trẻ. Tất cả những mối dây trói buộc ấy được siết rất là chặt đối với giới sinh viên. Tôi nghĩ họ có lo chứ không phải không lo giới sinh viên Việt Nam rồi cũng sẽ được gây cảm hứng của sinh viên Hong Kong đòi cái này cái kia…”

Theo TS Nguyễn Quang A nhà nước có lực lượng công an hùng hậu và mạng lưới kiểm soát chằng chịt, tuy họ có quan ngại nhưng mọi việc đối với họ vẫn ở trong vòng kiểm soát và họ để cho báo chí tương đối thoải mái về tình hình Hong Kong. Và cũng có thể đây là một tính toán của họ để cho quốc tế thấy rằng Việt Nam cũng có tự do báo chí. Đây là thứ tự do báo chí mà TS Nguyễn Quang A nói là cần đặt trong ngoặc kép.

vn-hk-2-400.jpg

Tin tức về biểu tình ở Hồng Kông đăng trên báo Tuổi Trẻ hôm 3/10/2014. Screen capture.

Phải chăng tất cả những rào chắn của chế độ toàn trị đã làm thui chột khát vọng dân chủ của giới trẻ Việt Nam. Thực tế cho thấy những nhà hoạt động trẻ ra công khai chỉ đếm trên đầu ngón tay và dễ dàng bị chính quyền kiểm soát hay đàn áp thẳng tay. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nhận định:

“Nhà nước kiểm soát rất chặt và sẽ còn kiểm soát rất chặt, sự khao khát dân chủ của sinh viên học sinh không phải không tiềm ẩn trong con người của họ. Nhưng không phải không có sợ hãi, ngăn trở, không phải không có những đe dọa. Trong hoàn cảnh nào đó sự ngăn cản, sự sợ hãi đó có thể chấp nhận được. Nhưng đến một lúc không thể chấp nhận được nữa thì mọi chuyện sẽ xảy ra. Nhà nước phải biết rằng không phải những điều diễn ra ở Hong Kong sinh viên học sinh Việt Nam họ không nhìn thấy, họ không suy nghĩ hay không có ý tưởng của họ…trong hoàn cảnh bị ràng buộc bị che chắn bởi nhiều thứ, kể cả sự sợ hãi của một số đông. Nhưng chuyện gì cũng có thể xảy ra được, nếu tất cả những điều đó nó ở trong một hoàn cảnh thích hợp phù hợp với những nguyện vọng tha thiết của họ.”

Chúng tôi ghi nhận một luồng ý kiến cho rằng, trong giai đoạn này chuyện gì làm Trung Quốc nhức đầu thì Việt Nam sẽ tận dụng bằng cách này hay cách khác. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái trình bày ý kiến của ông:

“Chắc ông có đọc truyện Kim Dung, có một miếng võ của nhà Cô Tô Mộ Dung là ‘gậy ông đập lưng ông’. Tôi nghĩ đây cũng có thể là một thăm dò, thực sự chuyện hôm nay và ngày mai ở Việt Nam, hôm nay nói thế này ngày mai nói khác xảy ra bình thường; bạn đọc họ cũng thấy chuyện đó là bình thường. Có thể là vài ngày nữa thì những luận điểm về Hong Kong trên báo chí Việt Nam sẽ khác đi chăng?”

Tính đến ngày 2/10 biểu tình đòi dân chủ trong bầu cử ở Hong Kong đã được hai tuần khởi đầu từ cuộc bãi khóa ngày 22/9 của hàng nghìn sinh viên. Theo ghi nhận của Đài chúng tôi một số sinh viên Việt nam đang du học ở Hong Kong đã tham gia các cuộc biểu tình. Theo VnExpress, trong cuộc họp báo chiều 2/10/2014 tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao khuyến cáo công dân Việt Nam đang ở Hong Kong tránh nơi có biểu tình để tránh tình huống phức tạp. Về mặt chính thức người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nhấn mạnh: “Đây là công việc nội bộ của Trung Quốc, hy vọng phiá Hong Kong sẽ có biện pháp cần thiết và tích cực để bảo vệ người và tài sản của công dân Việt Nam đang ở Hong Kong.”

Có những ý kiến cho rằng, trong những ngày qua báo chí Việt Nam đã tận dụng được cơ hội thoải mái đưa tin biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong. Các nhà báo đã làm hết sức mình chỉ tránh một vấn đề duy nhất không nói tới. Đó là việc giới trẻ thanh niên, sinh viên, học sinh Việt Nam cũng tiềm ẩn những khát vọng dân chủ của thế giới văn minh. Nhưng những khát vọng này chưa có cơ hội để biểu tỏ hay nói cách khác là vẫn còn bị đè nén và che dấu.

Buôn bán tượng Lenin và kỷ vật Liên Xô

Buôn bán tượng Lenin và kỷ vật Liên Xô

Nguyễn Giang bbcvietnamese.com

  • 3 tháng 10 2014

Tượng Lenin trong một buổi bán đấu giá ở Hungary hồi 2010

Chỉ một ngày sau khi pho tượng lớn của Lenin ở trung tâm Kharkiv bị kéo đổ hôm 28/9, tôi đã được các đồng nghiệp từ BBC Tiếng Ukraine cho hay có người rao bán các mảnh của tượng.

Được biết chỉ mảnh tai không thôi đã nặng 35 kilogram và mũi Lenin cũng bị đem bán.

Bức hình nhóm người dùng búa đập rồi đục đẽo, cắt nát tác phẩm bằng đồng này gợi ra với tôi một hình ảnh không đẹp về mặt văn hóa.

Ta có thể hiểu rằng bối cảnh tranh chấp quân sự hai phe gần như nội chiến ở Ukraine nên vụ đập tượng này trông rất bạo lực.

Còn tại các nước có chuyển đổi thể chế ôn hòa như Ba Lan, Hungary, Tiệp Khắc sau năm 1989 tượng cựu lãnh tụ thường được di dời vào bảo tàng hay vườn lưu niệm chứ không bị dân tự phát đập rồi đem bán.

Hồi 2013, một hãng điện thoại di động Ba Lan còn dùng hình Lenin để quảng cáo và sau phải bỏ đi vì bị phản đối.

Nhưng chuyện không ưa Lenin chỉ dừng lại ở đó, không xảy ra điều gì bạo lực.

Mặt khác, hình tượng Lenin đã thuộc về một quá khứ và rơi vào nhóm sản phẩm đồ lưu niệm của Liên Xô, Đức và nhiều quốc gia Đông Âu khác sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã.

Hồi ở Ba Lan, sau năm 1991, tôi đã thấy nhiều khu chợ trời bán huân huy chương Liên Xô, kể cả các bằng khen, phần thưởng có ngôi sao đỏ, hình tượng búa liềm.

Những người bán hàng đa số là dân Nga hoặc từ vùng thuộc Liên Xô cũ.

Họ đội mũ lông có ngôi sao Hồng quân màu đỏ thắm, đứng dậm chận trong tuyết cho ấm, miệng ngậm thuốc lá, tay cầm cốc trà bốc khói để chống lại cái giá rét ngoài trời.

Có người rao bán các mảnh của tượng Lenin ở Ukraine trên trang đấu giá

Trên tấ́m nilon trải dưới đất là thôi rồi đủ thứ kỷ vật của thời Liên Xô, từ huy chương, huy hiệu, quân phục Xô – Viết, mũ mãng, thắt lưng, bao da túi sách.

Nghe nói nếu hỏi kỹ và sẵn sàng trả tiền, người bán hàng có thể dẫn bạn đến người bán có hàng là súng AK-47 hoặc lựu đạn chưa hề rút chốt.

Ở Ba Lan vào thập niên 1990, tôi không hiểu người ta mua làm gì mấy thứ hàng ‘Made in USSR’ hoặc còn nguyên tiếng Nga là CCCP.

Nhưng sang Anh năm 1999, khi ở nhờ nhà một anh bạn Ba Lan, tôi mới biết nhiều người Đông Âu đóng thùng mang sang Tây Âu hàng lưu niệm Liên Xô, từ tượng Lenin tới huân huy chương Lenin, và các giấy tờ thời Chiến tranh Lạnh.

Hóa ra ở Anh, Pháp, Đức và cả Mỹ, Canada, Israel có cả một thị trường tiêu thụ khá lớn.

Vì ở Nga thời hậu cộng sản, giao dịch trên Internet chưa phát triển nên những người Ba Lan ‘khôn ngoan’ đã dùng hệ thống bưu chính Anh và Đức để bán hàng đi khắp thế giới.

Người mua có hai loại, theo như anh bạn tôi, Krystian giải thích.

Một là giới sưu tập chuyên nghiệp mua để giữ giá rồi bán lại vào các bảo tàng hoặc trên thị trường cổ vật.

Hai là giới amateur, tức là hiếu kỳ thì mua về để trong nhà vì ưa của lạ.

Nhưng còn nhóm thứ ba, đông hơn, ít tiền hơn nhưng mua kỷ vật vì có liên hệ tình cảm gì đó với khối cộng sản cũ.

Cũng không lạ, vì vào giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, hàng cả triệu người từ phía Đông của châu Âu di cư, chạy loạn sang phía Tây trong khi thân nhân của họ ở lại bên kia Bức màn sắt.

Không tính Đức bị chia cắt mà rất nhiều công dân Anh, Mỹ, Canada, Israel đều có bà con họ hàng hoặc tổ tiên ở Ba Lan, Nga, Ukraine, Bulgaria, Hungary, Tiệp Khắc…

Có người tìm mua cả những tài liệu, bản đồ, sách báo về các thành phố cụ thể ở khắp vùng Liên Xô cũ.

Một quảng cáo điện thoại ở Ba Lan hồi 2013 dùng hình Lenin

Có người ưa tìm đồ quân sự cũ (militaria) và có ông là lính Bạch Vệ nhưng lại tìm mua những thứ của phe Hồng quân.

Và khác với các vật phẩm của Đức Quốc xã (Nazi) bị cấm buôn bán, ‘hàng đỏ’ từ Liên Xô được mua đi bán lại thoải mái.

Giá thị trường

Nhưng gần đây, khi hỏi lại người bạn Ba Lan về chuyện buôn bán huân huy chương của thời cộng sản Đông Âu mà anh cũng có tham gia ít nhiều thì tôi được nghe là thị trường này đã hoàn toàn ế ẩm.

Mấy năm gần đây, các trang chuyên kinh doanh cổ vật, đồ sưu tập bằng tiếng Anh đã mở chi nhánh ngay tại Nga và vùng thuộc Liên Xô cũ, và người ta mua bán trao đổi trực tiếp, không cần mấy người Ba Lan làm trung gian.

Nhưng cũng vì Liên Xô đã đúc ra quá nhiều tượng Lenin, dập ra quá nhiều huân chương các loại nên hàng này cũng bắt đầu bị ế thảm hại.

Nhà anh bạn Ba Lan của tôi còn vài ký lô huy chương mang hình Lenin, nay để xó nhà.

Vào kiểm các trang đấu giá như eBay hay www.invaluable.co.uk tại Anh tuần này, tôi thấy giá tượng bán thân hoặc tượng chân dung (chỉ có đầu) của Lenin được rao bán (bidding) chỉ từ khoảng 118 tới 149 bảng.

Thậm chí tại Mông Cổ, theo trang www.paulfrasercollectibles.com hồi 2012, sau khi bức tượng Lenin 58 tuổi ở Ulan Bator bị kéo đổ, giá rao bán của nó chỉ bắt đầu ở mức 300 USD.

Khác với tranh thánh của đạo Chính Thống (chủ yếu ở Nga và Bulgaria) vốn ngày càng trở nên hiếm hoi nên luôn được giá, nay chỉ những vật phẩm gì có ý nghĩa lịch sử cụ thể mới có khách mua.

Tài liệu và huy chương Lenin trưng bày tại Bulgaria sau thời cộng sản

Chẳng hạn một lá thư từ năm 1915 do Lenin ký tên nói về một hội nghị của đảng Xã hội Nga đã được bá́n trên mạng đấu giá ở Hoa Kỳ năm 2010 với giá 12500 USD.

Gần đây, một huy chương nạm vàng do cơ quan công an khét tiếng NKVD của Liên Xô cũ trao tặng cho một sỹ quan an ninh nhân kỷ niệm 10 năm cách mạng Nga, được rao bán với giá 19 nghìn USD ở Mỹ.

Hàng lạ, như một tấm huy chương Liên Xô đúc năm 1992 (sau khi quốc gia này tan rã năm 1991 nhưng nhà máy vẫn tiếp tục sản xuất) lại có giá hơn huy chương đúc ra đúng kỳ hạn.

Thị trường hóa ra chỉ cần ‘của hiếm’, gắn liền với những sự kiện lịch sử hay cá nhân cụ thể.

Điều nghịch lý là Lenin khi sống đã cố gắng xóa các tôn giáo nhưng sau khi chết lại bị Liên Xô biến thành một thứ ngẫu tượng để tôn thờ và tạo ra nạn lạm phát hình tượng của ông.

Xét cho cùng, dù có những ở người Việt Nam vẫn kính trọng Lenin nhưng cả họ và ông đều không thắng được những quy luật của lịch sử và nguyên tắc thị trường.

Những biểu tượng Lenin để lại đã nói lên một thời vinh quang và tàn khốc của Liên Xô, và cũng chỉ một thời mà thôi.

 

Nhà nước Hồi giáo tuyên bố chặt đầu con tin thứ tư

Nhà nước Hồi giáo tuyên bố chặt đầu con tin thứ tư

Trong bức ảnh do Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung của Anh cung cấp, nhân viên cứu trợ người Anh Alan Henning đang bế một em bé ở trại tỵ nạn tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Trong bức ảnh do Văn phòng Đối ngoại và Khối thịnh vượng chung của Anh cung cấp, nhân viên cứu trợ người Anh Alan Henning đang bế một em bé ở trại tỵ nạn tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Cập nhật: 03.10.2014 18:01

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo cho biết đã hành hình con tin người Anh Alan Henning.

Nhóm này công bố một video vào đêm thứ Sáu mà họ nói là quay cảnh Henning bị chặt đầu. Video được công bố theo cách tương tự như những video quay cảnh chặt đầu ba người phương Tây trước đó.

Video kết thúc với lời đe dọa của một chiến binh Nhà nước Hồi giáo đưa ra đối với một người đàn ông được chiến binh này xác định là người Mỹ.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là vụ chặt đầu thứ tư những người nước ngoài bị giam cầm mà nhóm Nhà nước Hồi giáo thực hiện trong những tuần gần đây. Các chiến binh đã chặt đầu công tác viên cứu trợ người Anh David Haines cũng như nhà báo người Mỹ Jim Foley và Steven Sotloff.

Bộ Ngoại giao Anh cho biết họ đang nỗ lực xác minh nội dung đoạn video. Thủ tướng Anh David Cameron để một dòng tin trên Twitter nói rằng, “Việc ISIL sát hại tàn bạo Alan Henning cho thấy những kẻ khủng bố này man rợ tới mức nào. Suy tưởng của tôi xin dành cho vợ và con cái của ông.”

Nhà nước Hồi giáo cho biết những người này bị chặt đầu là để trả đũa cho những cuộc không kích của Mỹ nhắm vào những vị trí của họ ở Iraq. Liên minh đang cố gắng ngăn chặn chiến dịch quân sự của nhóm này nhằm thành lập một nhà nước Hồi giáo từ nhiều vùng của Iraq và Syria.

Henning là thành viên của một đoàn viện trợ không chính thức bị bắt giữ vào cuối năm ngoái sau khi vượt biên giới vào Syria.

Người Hong Kong bình tĩnh trước những đe dọa kinh tế của Bắc Kinh

Người Hong Kong bình tĩnh trước những đe dọa kinh tế của Bắc Kinh

Một bản điện tử cho thấy chỉ số Hàng Sinh của Hong Kong hạ 72 điểm, 3/10/14. Chứng khoán Hong Kong hạ giá trong khi các cuộc biểu tình bước vào tuần thứ nhì

Một bản điện tử cho thấy chỉ số Hàng Sinh của Hong Kong hạ 72 điểm, 3/10/14. Chứng khoán Hong Kong hạ giá trong khi các cuộc biểu tình bước vào tuần thứ nhì

Ivan Broadhead

03.10.2014

Cục Quản trị Du lịch Quốc gia Trung Quốc đang cấm các nhóm du lịch ở lục địa du hành đến Hong Kong. Lệnh cấm hôm thứ tư đánh dấu một sự thay đổi chiến lược trong cách thức Bắc Kinh cố gắng kiềm chế, và theo gợi ý của các chuyên gia phân tích, gieo rắc sự chia rẽ, trong vùng hành chinh đặc biệt Hong Kong, nơi các cuộc biểu tình đòi dân chủ đang tăng lên mỗi ngày. Thông tín viên VOA Ivan Broadhead ghi nhận thêm chi tiết về tác động của quy định mới đối với thành phố miền nam Trung Quốc này.

Hơn nửa triệu người ở lục địa Trung Quốc băng qua biên giới vào Hong Kong mỗi năm, cho tới nay vẫn là nhóm du khách lớn nhất đến thành phố này. Giám đốc điều hành Hội đồng Công nghiệp Du lịch Joseph Tung nói trong khi du khách không phải từ  Trung Quốc đang chọn tránh xa Hong Kong vào thời điểm nhạy cảm này, thì thông cáo hôm thứ tư là một cú đánh mạnh vào khu vực du lịch địa phương.

“Con số nhóm du khách vào khoảng 300 đến nơi mỗi ngày từ lục địa; nhưng theo thông tin chúng tôi nhận được, mặc dù điều này chưa được xác nhận bởi vì chúng tôi không có văn kiện chính thức từ phía các đại diện ở Trung Quốc – họ đã nhận được chỉ thị ngưng quảng cáo các tua đến Hong Kong.”

Ông Michael Degolyer, giám đốc Dự án Chuyển giao Hong Kong, dự báo lệnh cấm chỉ vài giờ trước khi lệnh được công bố. Nó tạo thành một phần điều ông gọi là tình huống Anaconda – sự bóp nghẹt dần phong trào dân chủ Hong Kong.

Sự sụt giảm trong thương nghiệp du lịch sẽ dẫn đến việc cắt giảm công ăn việc làm trong khu vực dịch vụ – có lẽ ngay vào đầu tuần tới – tạo áp lực đối với đồng đôla Hong Kong và việc các công ty bị loại ra khỏi bảng niêm yết của thị trường Hàng Sinh trong khi lòng tin toàn cầu bị lung lay trong nền kinh tế địa phương. Ông Degolyer nói:

“Mục tiêu hay sách lược là ngày càng làm cho dân chúng chống lại những người đứng đầu phong trào Chiếm Trung bởi vì thiệt hại kinh tế dần dà gia tăng này. Và vì thế có nhiều cách, mà không cần phải dùng tới hơi cay mắt hay vũ lực, để gia tăng áp lực đối với sinh viên và những người ủng hộ Chiếm Trung phải thoái lui.”

Ngoài đường phố, những người hoạt động – mệt mỏi nhưng kiên quyết – bày tỏ tình đoàn kết với dân chúng Hong Kong, nhưng vẫn không nhúc nhích trước hành động của Bắc Kinh.

Nhiều người coi biện pháp đó chỉ là một mưu toan khác của Trung Quốc để làm cho tin tức về phong trào dân chủ ngấm ngược trở lại qua biên giới.

Ngoài ra, ngành du lịch góp phần chưa đầy 5 phần trăm tổng sản phẩm nội địa của Hong Kong và chỉ có 30 phần trăm du khách Trung Quốc đến trong các nhóm du khách có tổ chức, theo lời nhà hoạt động Bernard Luck, đang đứng trên một rào cản với bạn bè.

“Khi du khách lục địa xuống Hong Kong, họ chi tiền vào các khách sạn hạng sang, mua ví Gucci, iPhone, đóng góp vào nền kinh tế Hong Kong, nhưng không trực tiếp. Các  bạn có thấy không? Tất cả khoản tiền này là đưa trở lại cho Gucci và Apple. Nó sẽ có ảnh hưởng rất nhỏ, đối với dân chúng.”

Nếu Bắc Kinh cố ý chọn, thì họ có thể áp đặt một hình phạt kinh tế gay gắt hơn nhiều đối với công dân của vùng bán tự trị này, phụ thuộc lớn vào lục địa về cung ứng thực phẩm và nước uống. Ông DeGolyer mô tả đây là “tình huống Tôn Tử theo tên tác giả của Sách Chiến Quốc.

“Nếu họ thực sự muốn Hong Kong đầu hàng mà không bắn một phát súng nào, thì họ chỉ cần nói: “Được, ta sẽ cho bọn bây toàn quyền tự trị – không có nước, không có chuyên chở trên đất liền, không có tàu bè, không có máy bay.” Và sau từ 1 tuần đến 10 ngày, đặt câu hỏi, “Được, bọn bây muốn bao tự trị đến mức nào?”

Trong khi việc lập chiến lược ở Bắc Kinh tiếp tục, vụ giằng co giữa giới hữu trách và người biểu tình trở nên khó theo dõi hơn. Với mỗi ngày qua đi, thế hệ công dân sắp tới của Hong Kong lại trở nên ngày càng bất mãn với các nhà lãnh đạo quốc gia.

Hồng Kông : Người biểu tình đụng độ « quần chúng tự phát »

Hồng Kông : Người biểu tình đụng độ « quần chúng tự phát »

Thụy My

media

Người biểu tình dân chủ ngăn cản những người phản đối tiến gần lều của họ trên một con đường chính của khu mua sắm Mongkok, Hồng Kông, 03/10/2014.REUTERS/Bobby Yip

Căng thẳng lên đến cực độ tối nay 03/10/2014 tại Hồng Kông, khi xảy ra những cuộc xung đột dữ dội giữa những người biểu tình đòi dân chủ với hàng trăm người bực tức trước phong trào phản kháng. Các lãnh tụ sinh viên loan báo sẽ không tham gia đối thoại với chính quyền, cho rằng cảnh sát đã để cho côn đồ tấn công người biểu tình.

Tại Vượng Giác (Mong Kok), khu thương mại rất đông dân của quận Cửu Long (Kowloon), hàng trăm người đã tấn công những người biểu tình, cố dỡ bỏ các rào chắn và thường là thành công. Đám người « phản biểu tình » hô to : « Hãy trả lại khu Vượng Giác cho chúng tôi ! Người Hồng Kông cần phải kiếm ăn », « Trở về nhà đi ! ».

Hai phe trao đổi những cú đánh và lời thóa mạ, trong khi cảnh sát cố gắng tách họ ra và mở một lối cho các xe cứu thương. Trước mắt, chưa biết được có ai bị thương trong các vụ xô xát này hay không. Một số người biểu tình lên án phe phản đối đã thuê mướn côn đồ để gây rối và bêu xấu phong trào đòi dân chủ – vốn đã huy động được hàng chục ngàn người xuống đường từ hôm Chủ nhật, gây xáo trộn các hoạt động trong thành phố.

Tại Vịnh Đồng La (Causeway Bay), thiên đường mua sắm và là địa điểm tập hợp thứ hai của phong trào dân chủ, đụng độ cũng xảy ra giữa khoảng 25 người biểu tình với chừng 50 người khác. Một người gào lên : « Đó không phải là dân chủ, người ta cần phải nuôi con ». Một số người qua đường vỗ tay khi các rào chắn được dỡ bỏ.

Còn tại khu vực có trụ sở các Bộ, những vụ xung đột lại diễn ra giữa người biểu tình với cảnh sát. Trưởng đặc khu Lương Chấn Anh tố cáo tình hình « gần như hỗn loạn ».

Liên đoàn Sinh viên Hồng Kông (HKFS) hôm nay loan báo « không có cách nào khác là hủy bỏ việc tham gia đối thoại ». HKFS cho biết lý do là « Chính quyền và cảnh sát đã nhắm mắt làm ngơ khi bọn côn đồ hung bạo tấn công vào người biểu tình ôn hòa ».

« Cuộc cách mạng những chiếc dù » đã gây tiếng vang rộng rãi trên thế giới, nhiều cuộc biểu tình ủng hộ phong trào dân chủ Hồng Kông đã được tổ chức tại nhiều quốc gia. Nhưng dưới áp lực mạnh mẽ của truyền thông và ngoại giao, Trung Quốc đã cảnh báo Hoa Kỳ « không nên xen vào chuyện nội bộ » của mình, trong khi Liên hiệp châu Âu bày tỏ « sự quan ngại ».

Đảng Cộng sản Trung Quốc tăng cường kiểm duyệt các mạng xã hội, gần hai chục người bị bắt vì đã ủng hộ người biểu tình Hồng Kông. Nhân dân Nhật báo cao giọng cảnh cáo là các đòi hỏi của phong trào dân chủ « vừa không hợp pháp vừa bất hợp lý », các cuộc biểu tình « đi ngược lại các nguyên tắc luật pháp và sẽ thất bại », Bắc Kinh sẽ không có nhượng bộ nào.

Phe biểu tình HK dọa bỏ đàm phán

Phe biểu tình HK dọa bỏ đàm phán

BBC

Chia sẻ

Các lãnh đạo biểu tình ở Hong Kong đe dọa hủy đối thoại với chính phủ sau khi người biểu tình đụng độ với những người không đồng tình với họ.

Phe biểu tình nói chính phủ phải ngăn “các vụ tấn công có tổ chức”.

Trước đó họ chấp nhận đề nghị họp với đại diện chính phủ.

Quả thực nhiều người dân Hong Kong cũng giận dữ vì cuộc sống bị ảnh hưởng bởi biểu tình, nhưng phe biểu tình cáo buộc chính phủ đứng đằng sau hành động bạo lực.

Các vụ va chạm đã xảy ra ở một số nơi, khi người dân tìm cách gỡ bỏ rào chắn, lều của người biểu tình.

Ba nhóm biểu tình chính ra thông cáo quy trách nhiệm cho chính quyền.

Đặc khu trưởng Lương Chấn Anh đưa ra lời đề nghị đàm phán hôm thứ Năm ngày 3/10 theo thời hạn chót mà phe biểu tình ra cho ông.

Những người biểu tình đã chiếm giữ một số nơi trong thành phố trong vài ngày để phản đối việc Bắc Kinh kiểm soát các ứng viên trong cuộc bầu cử đặc khu trưởng vào năm 2017.

Bắc Kinh đã bày tỏ sự ủng hộ ông Lương và nói cuộc biểu tình là ‘bất hợp pháp’ và ‘chắc chắn sẽ thất bại’.

Hôm thứ Sáu ngày 3/10, Hong Kong đã tạm thời đóng cửa các cơ quan chính quyền ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nhất. Các viên chức nhà nước được cho là có thể làm việc ở nhà.

Số lượng người biểu tình tăng lên vào ban đêm và giảm xuống vào ban ngày. Vào sáng thứ Sáu ngày 3/10, nhiều nhóm nhỏ vẫn còn ở trên đường.

‘Hậu quả nghiêm trọng’

Vào tối muộn ngày 2/10, khi mà thời hạn chót mà người biểu tình đặt ra cho ông để từ chức săp hết, ông Lương nói chính quyền của ông sẽ đàm phán với các lãnh đạo sinh viên.

“Đàm phán là cách giải quyết khả dĩ nhất. Người dân Hong Kong không hề tắc trách hay hành động phi lý. Một sự nhượng bộ đúng đắn để cho phép tiến hành bầu cử mà người dân nhìn nhận là công bằng chứ không phải sắp đặt là hoàn toàn có thể.

Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Hong Kong”

Đổng lý Carrie Lam, viên chức dân sự cao nhất của Hong Kong, sẽ bắt đầu đối thoại với sinh viên càng sớm càng tốt, ông Lương nói nhưng không cho biết thời hạn cụ thể.

“Tôi sẽ không từ chức bởi vì tôi phải tiếp tục công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử,” ông nói và cảnh báo rằng bất cứ nỗ lực nào của người biểu tình nhằm chiếm giữ các trụ sở chính quyền đều sẽ dẫn đến ‘hậu quả nghiêm trọng’.

Những người biểu tình, trong đó có sinh viên, những người thuộc phong trào Occupy Central và nhiều người khác, đã phong tỏa ba khu vực ở Hong Kong kể cả trung tâm tài chính, kể từ hôm 28/9.

Họ đe dọa sẽ chiếm giữ các cơ quan công quyền nhưng giờ đây lại nói sẽ đàm phán với chính quyền.

Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS) nói họ sẽ có một cuộc gặp công khai với bà Carrie Lam nhưng vẫn nhấn mạnh yêu sách ông Lương phải từ chức.

Trong khi đó, Occupy Central ra thông cáo nói rằng họ hy vọng ‘việc đàm phán sẽ đưa đến bước ngoặt cho tình hình bế tắc chính trị hiện nay’.

Chính quyền Hong Kong nói họ sẽ không dùng vũ lực đối với người biểu tình

Tuy nhiên họ vẫn kêu gọi ông Lương từ chức vì cho rằng ông ‘phải chịu trách nhiệm cho sự bế tắc hiện nay’.

Trong lúc này, có báo dẫn các nguồn tin chính quyền Hong Kong cho rằng họ đang chờ cho phong trào biểu tình mất nhiệt sau khi đã thấy việc cảnh sát dùng hơi cay trấn áp đã khiến cho càng nhiều người tham gia biểu tình như thế nào.

Viết cho tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng, ông Chris Patten, thống đốc cuối cùng của Hong Kong khi nơi này còn là thuộc địa của Anh, nói rằng tham vấn minh bạch là ‘cách duy nhất’ để tiến về phía trước.

“Theo kế hoạch hiện nay thì cần phải có giai đoạn đàm phán thứ hai về tiến trình dân chủ sau khi vòng đàm phán đầu tiên đã được nhận ra là sự khởi đầu giả tạo,” ông Patten viết.

“Chính quyền Hong Kong giờ đây phải tổ chức vòng tham vấn thứ hai một cách đàng hoàng cho người dân của họ – một cuộc tham vấn công khai và trung thực.”

“Đàm phán là cách giải quyết khả dĩ nhất. Người dân Hong Kong không hề tắc trách hay hành động phi lý. Một sự nhượng bộ đúng đắn để cho phép tiến hành bầu cử mà người dân nhìn nhận là công bằng chứ không phải sắp đặt là hoàn toàn có thể,” ông Patten nhận định.

Phận nghèo lấy chồng Hàn Quốc

Phận nghèo lấy chồng Hàn Quốc

Hoài Vũ, phóng viên RFA
2014-09-20

TCPN09202014.mp3

Co-dau-Viet-305.jpg

Cô dâu Thanh Thảo cùng chồng và con trai ba tháng tuổi.

Hình do Cô Thảo cung cấp

Trong thời đại phụ nữ được tự do tìm bạn đời theo ý muốn, nhiều cô gái Việt Nam phải cất bước ra đi lấy chồng ngoại quốc dù một chữ ngoại ngữ bẻ đôi cũng không biết. Có người may mắn tìm được người chồng hiền lành, tử tế, có người không may tới mức bị chồng đánh chết. Hoài Vũ tìm hiểu các cuộc hôn nhân vợ Việt chồng Hàn trong tạp chí phụ nữ tuần này.

Nghỉ học từ năm lớp 7, Thanh Thảo bỏ nhà ở Kiên Giang đến Buôn Mê Thuột làm việc. Năm 24 tuổi, cô giấu gia đình, đi lên Sài Gòn tìm chồng Hàn Quốc. Cô chỉ nói với bố mẹ về quyết định cưới chồng vào buổi sáng của ngày cưới:

“Ba mẹ em khóc nhiều lắm. Em thì nói không có gì phải khóc cả. Mẹ em bảo đâu có đến nỗi gì mà phải qua tới bên đó. Em bảo ở đâu mà chẳng có chồng nên mẹ đừng có lo.”

Thấm thoắt đã hai năm trôi qua, Thảo trải qua đủ chuyện chìm nổi. Giờ cô định cư ở thành phố Taegu, miền đông nam Hàn Quốc, với người chồng hơn cô 18 tuổi và cậu con trai vừa gần ba tháng tuổi.

Thảo là một trong số hàng chục nghìn phụ nữ Việt Nam lấy chồng Hàn Quốc. Kể từ năm 2004 tới năm 2009, có tới 40.000 phụ nữ Việt sang đất nước này làm dâu. Con số dâu Việt ở Hàn được cho là cao nhất trong số các phụ nữ xuất thân từ các nước Đông Nam Á.

Cuộc trao đổi tiền-tình

Các cô dâu Việt đa phần trẻ tuổi, sinh ra ở các vùng quê nghèo, còn chồng của họ đều ít nhất 40 tuổi, và làm nghề lao động chân tay. Theo các thống kê từ Hàn Quốc, trong năm 2010, hơn nửa số đàn ông trung niên vẫn còn độc thân, phần lớn là những anh trai nghèo. Thanh Thảo cho biết:

Người ta lớn tuổi, người ta nghèo, người ta không có tiền nên mới về Việt Nam để cưới vợ. Nếu họ giàu, họ đã cưới vợ Hàn Quốc, chứ cưới vợ Việt Nam làm gì.
-Thanh Thảo

Người ta lớn tuổi, người ta nghèo, người ta không có tiền nên mới về Việt Nam để cưới vợ. Nếu họ giàu, họ đã cưới vợ Hàn Quốc, chứ cưới vợ Việt Nam làm gì. Người ta cưới mình chẳng qua là để duy trì nòi giống thôi.”

Thảo cho biết kể từ khi biết sinh con trai, gia đình đối xử với cô tốt hơn trước:

Sinh con gái thì không được như vậy đâu vì chồng em là con trưởng. Nhà chồng em có 5 anh chị em, trong đó có 2 anh em trai. Cậu út không được thờ cha mẹ, tổ tiên.”

Phần lớn các cô dâu Việt sang Hàn Quốc mong dành dụm được tiền để gửi về cho gia đình. Theo số liệu năm 2010, trung bình các cô dâu này gửi về Việt Nam khoảng 3.000 USD một năm, gấp ba thu nhập trung bình đầu người trong nước khi đó.

Thảo cũng cho hay khi chưa sinh con, cô đi làm 12 tiếng mỗi ngày ở một công ty lắp ráp xe hơi. Mỗi tháng cô gửi về nhà 1.200 đôla, và giữ lại chỉ 300 đôla để tiêu vặt.

Những cô dâu mới, chưa đi làm thì không được như vậy. Phần lớn họ chỉ dành dụm từ số tiền mà chồng cho để chi tiêu hàng ngày. Một cô dâu mới đến Hàn Quốc được 5 tháng cho biết cô dành dụm được khoảng 200 – 300 đôla để gửi về cho gia đình.

Thân gái 12 bến nước

Chân ướt chân ráo sang Hàn Quốc, cô dâu nào cũng gặp đủ khó khăn giống nhau như không hiểu tiếng, không nói chuyện được với chồng, bó buộc trong cuộc sống do chưa được đi làm. Cô Thanh Thảo còn bị cảnh trớ trêu là chồng của cô đổ bệnh sau khi vợ sang đoàn tụ mới được có hai tháng:

“Chồng em bị bệnh đúng mùa tuyết rơi nên cũng buồn lắm. Mẹ chồng đổ lỗi cho em là cưới em mất nhiều tiền quá nên chồng em đổ bệnh. Mình qua đây vì đồng tiền, vì cha mẹ. Bà mẹ chồng nói thì em chỉ biết khóc thôi.”

Gia đình chồng của Thảo gây sức ép quá nhiều, khiến cô phẫn uất, bỏ ra ngoài ở nhờ một người bạn ở một thành phố khác. Sau gần một tháng, chồng cô đến tận nơi đón cô về nhà. Cô nói:

Nhà chồng đối xử với em như một người con dâu Hàn thôi. Kinh tế thì em quản lý, mọi việc trong gia đình đều phải có sự đồng ý của hai vợ chồng.
-Cô Phương

“Cuộc sống của dâu Hàn thì ai cũng khổ hết, không ai có cuộc sống màu hồng đâu.”

Ngoài những mâu thuẫn bình thường do không hiểu ngôn ngữ, nhiều cô dâu Việt cũng cảm thấy bị chính người dân Hàn Quốc phân biệt đối xử, khiến cuộc sống của họ càng thêm ngột ngạt. Thanh Thảo chia sẻ:

“Đa phần là 70% người ta không thích mình chị ạ. Người ta mà không thích mình thì dễ biết lắm: Nhìn ánh mắt, cử chỉ là biết mà. Em cũng cảm thấy hơi ngột ngạt một chút. Em nghĩ cô dâu nào cũng là cô dâu, có khổ thì họ mới qua đây. Họ cũng đi lao động chứ có nằm ngửa mà xin tiền đâu.”

Minh Thu, 29 tuổi, lấy chồng được 5 tháng nay. Cô đã có một con trai với người chồng cũ. Anh chồng của cô qua đời hai năm trước sau tai nạn khiến anh phải nằm liệt giường cả năm trời. Tiền thuốc trị bệnh cho chồng cũ quá lớn khiến Thu và gia đình chồng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất.

Thu sang Hàn Quốc với hy vọng đổi đời. Tuy nhiên, người chồng 47 tuổi dù bỏ ra nhiều tiền để cưới cô qua môi giới, không hề đoái hoài đến vợ vì đã có một cô bồ ở bên ngoài. Chồng cô lại rất gia trưởng, thỉnh thoảng quát cô mà mắt “trợn trừng lên” khiến cô “rùng rợn hết cả người”. Minh Thu cho biết:

“Nó coi em như người hầu. Ví dụ như 4 hôm trước, nó bắt em phải lấy khăn lau người cho nó. Mà nó đi chơi về chứ có phải đi làm đâu.”

Thu cũng đã nghĩ tới chuyện bỏ ra ngoài sinh sống và làm việc bất hợp pháp. Tuy nhiên, cô nói rằng cô không thể sống chui lủi ở đất khách quê người. Vì vậy, cô cắn răng chịu đựng để học tiếng Hàn, sau một thời gian sẽ thi quốc tịch và làm việc ở Hàn Quốc. Cô nói sau này nếu có quốc tịch, nếu chồng tốt thì cô sẽ ở lại với anh, còn không cô sẽ ly dị.

Chốn nương náu xa nhà

ho-tro-co-dau-viet-400.jpg

Nhân viên hỗ trợ cho cô dâu Việt Nam tại Trung tâm Hỗ trợ người nhập cư tỉnh An San. Photo courtesy of PNO.

Dự tính tới năm 2020, các cuộc hôn nhân đa văn hoá ở Hàn Quốc sẽ lên tới 1,5 triệu tới năm 2020, trên tổng dân số 50 triệu người ở quốc gia vốn tự hào với truyền thống đồng chủng. Chính phủ Hàn Quốc mở ra 200 trung tâm gia đình giúp các cặp vợ chồng như thế này. Mục đích là giúp đỡ những cô dâu mới hoà nhập vào đời sống ở Hàn hay hoà giải mâu thuẫn giữa con dâu nước ngoài và gia đình nhà chồng.

Hầu hết các cô dâu Việt khi mới sang đất Hàn đều phải nhờ tới những người phiên dịch tại trung tâm gia đình đa văn hoá. Phương, 25 tuổi, làm phiên dịch viên cho trung tâm ở thành phố Taegu cũng gần hai năm nay. Phương cho hay trung bình mỗi tuần cô cũng đứng ra giúp đỡ cho khoảng 15 vụ hiểu lầm giữa các cặp vợ chồng Việt – Hàn.

Chẳng hạn như trường hợp một cô dâu khi vừa mới sang liên tục gửi tiền về nhà bố mẹ đẻ. Phương giải thích cho cả hai vợ chồng hiểu về hoàn cảnh của hai bên, đồng thời đưa ra một giải pháp là chỉ gửi tiền về Việt Nam trong một thời gian nhất định. Cô khuyên người vợ cũng phải biết chăm lo cho gia đình bên này, chứ không chỉ lo cho nhà vợ.

Phương cho hay trung tâm này cũng được coi như “nhà ngoại” của các cô dâu Việt. Trung tâm có nhà tạm lánh, mỗi khi vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt, các cô dâu Việt có chỗ nương náu. Phương kể về trường hợp một cô dâu người miền Tây tới tạm lánh vì bị chồng đánh:

“Hồi đó cô ấy đến nhà tạm lánh. Bố mẹ chồng cũng lên đây, cũng nhận lỗi. Con của cô ấy lúc đó có sáu tháng. Bây giờ thì sống không có chuyện gì cả.”

Phương cho biết trung tâm của cô giúp đỡ cho khoảng 1.000 phụ nữ ngoại lấy chồng Hàn Quốc, trong số đó người Việt là nhiều nhất và cũng kém cỏi nhất:

“Mình kém nhiều vì trình độ kém, nhiều người còn chưa học xong cấp 1. Thành ra sang bên nước tư bản này, nơi mà trình độ phổ cập giáo dục là cấp 3, phụ nữ mình hoà nhập chậm, nắm bắt thông tin kém. Phụ nữ Việt Nam mình còn nhiều thiệt thòi lắm.”

Phương nói cũng có người biết phấn đấu, học hành chăm chỉ và kiếm được việc làm ổn định. Bản thân Phương cũng lấy chồng Hàn Quốc 4 năm trước. Khi đó, cô đang học ngành kế toán ở Đại học Công nghiệp Hà Nội. Mẹ cô đã ở Hàn Quốc cả chục năm nay vì thế cô cũng muốn sang Hàn sinh sống.

Sau hai năm học tiếng, cô tự tìm hiểu về các tiêu chuẩn cho nghề phiên dịch và thi đỗ vào trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hoá của quận. Cô cũng chuẩn bị học thêm về ngành xã hội học, mong có việc tốt hơn. Chồng Phương làm nghề thiết kế cửa nội thất. Bản thân cô được gia đình chồng hết sức coi trọng. Cô chia sẻ:

“Nhà chồng đối xử với em như một người con dâu Hàn thôi. Kinh tế thì em quản lý, mọi việc trong gia đình đều phải có sự đồng ý của hai vợ chồng.”

Còn như Thanh Thảo quê ở Kiên Giang thì cho biết cô chỉ học nói tiếng Hàn chứ không đọc và viết được do cứ nhìn vào chữ là cô “choáng váng”. Cô mong đón bố mẹ sang Hàn Quốc bế cháu hộ để đi làm ca đêm ở công ty điện thoại. Làm như thế, lương sẽ được hơn mức tối thiểu một chút.

 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh sắp thăm Hoa Kỳ

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh sắp thăm Hoa Kỳ

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong chuyến thăm Việt Nam của ông Kerry tháng 12 năm 2013.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt tay với Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh trong chuyến thăm Việt Nam của ông Kerry tháng 12 năm 2013.

19.09.2014

Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ đi thăm Washington vào đầu tháng 10 sắp tới để tham khảo ý kiến với Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS) nói các cuộc họp giữa hai vị Ngoại trưởng là một diễn đàn để đề ra những bước cụ thể và đào sâu hơn quan hệ đối tác toàn diện đã được loan báo khi Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang đến thăm Tòa Bạch Ốc vào tháng Bảy năm 2013.

Trong một bài viết đăng trên trang web của CSIS hôm 18 tháng 9, ông Ernest Bower, một chuyên gia về các vấn đề Đông Nam Á tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại Washington (CSIS), nói rằng ngày nay, các nhà làm chính sách Mỹ coi Việt Nam là một đối tác có tiềm năng trong khu vực Á Châu-Thái Bình Dương. Ông cho rằng trong một khu vực rất năng động và đang thay đổi nhanh chóng, các lợi ích của Washington và Hà Nội đang ngày càng hội tụ về một điểm, trong bối cảnh hai nước chia chung một số lợi ích địa chính trị, và lợi ích kinh tế. Những hành động gây hấn của Trung Quốc là một yếu tố góp phần trong những tính toán của Việt Nam về liệu nước này có nên xích lại gần Hoa Kỳ, và xích lại nước cựu thù này theo tốc độ như thế nào.

Năm tới, 2015, hai nước sẽ kỷ niệm 20 năm từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau hồi năm 1995, sau một cuộc chiến tranh kéo dài và nhiều cay đắng. CSIS cho rằng các điều kiện hiện nay đã chín muồi để lãnh đạo hai nước đề ra những bước cụ thể để hoàn toàn bình thường hóa các quan hệ song phương, dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau.

Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế đề nghị hai nước hãy đề ra những bước cụ thể, để tạo điều kiện cho một chuyến đi của Tổng Thống Barack Obama tới thăm Việt Nam trong năm tới, để đánh dấu kỷ niệm 20 năm ngày hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau, có lẽ vào dịp hội nghị thượng đỉnh an ninh và kinh tế thường niên sẽ được tổ chức ở Malaysia và Philippines vào tháng 11, 2015.

Hungary hạ bệ tượng Các Mác

Hungary hạ bệ tượng Các Mác

Thanh Hà

media

Tượng Các Mác đại học Corvinus-Budapest.DR

Tồn tại được 25 năm sau ngày chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, bức tượng nổi tiếng của nhà tư tưởng Các Mác tại khuôn viên đại học Corvinus -thủ đô Budapest bị cho vào quên lãng.

Tuần trước, chính phủ của thủ tướng Orban ra lệnh hạ bệ bức tượng của nhà cách mạng nổi tiếng Các Mác. Đó là một bức tượng đồng, cao 4 thước, đã trở nên quá quen thuộc với người dân Budapest từ hơn nửa thế kỷ qua. Tác phẩm này được coi là một trong những bức tượng cuối cùng của Mác trên thế giới.

Đối với viện trưởng của đại học Corvinus tháo gỡ bức tượng của cha để chủ nghĩa cộng sản là một hình thức để khẳng định thêm bản sắc của trường. Thực ra trường Corvinus trước năm 1990 từng mang tên nhà bác học người Đức này. Ngày nay đại học ở thủ đô Budapest không phải là thành trì của những phần tử vẫn ngưỡng mộ Mác hay là nơi tập hợp của những người “hoài cổ” nuối tiếc thời kỳ vàng son dưới chế độ cộng sản. Dù vây rất  nhiều sinh viên được hỏi lấy làm tiếc là bức tượng đồng nổi tiếng nói trên bị hạ bệ.

Hình dáng một nhà bác học ngồi suy tư ngự tọa ngay giữa sảnh chính của trường đại học, một tay cầm cuốn sách dày, có thể là cuốn « Tư bản» như đã ăn sâu vào ký ức của biết bao nhiêu thế hệ sinh viên Hungary. Hàng năm vào mùa khai trường những sinh viên mới đều chụp hình lưu niệm dưới chân Các Mác.Học xong, trước khi rời nhà trường, họ cũng đến chia tay với bác Mác.

Đối với những thế hệ trẻ không bị bức màn sắt ám ảnh, thì bức tượng của nhà cách mạng người Đức này đơn giản là một điểm hẹn lý tưởng của giới sinh viên trong trường.

Việc chính quyền của thủ tướng Orban ra lệnh hạ bệ tượng Các Mác gây xôn xao trong dư luận Hungary. Một số nhà trí thức tại Budapest cho rằng ông Viktor Orban muốn « xóa toàn bộ quá khứ cộng sản » của Hungary để chứng tỏ rằng đất nước ông đang thực hiện một « cuộc cách mạng theo hướng dân chủ tự do ».

Nhà sử học Andra Mink thuộc đại học Trung Âu Budapest thậm chí còn cho rằng ông Orban đang theo gót Putin : tất cả những chương trình sửa đổi hiến pháp, các đạo luật do ông ban hành có khuynh hướng bóp nghẹt tự do báo chí, chà đạp quyền tự do cá nhân. Thậm chí theo giới phân tích luật pháp do nội các của thủ tướng Hungary soạn ra phần lớn là để thâu tóm các quyền lợi kinh tế. Từ mùa xuân năm nay nhiều tổ chức phi chính phủ trong tầm ngắm của cảnh sát Hung. Nói cách khác dù là thành viên Liên Hiệp Châu Âu, nhưng nước Hungary của thủ tướng Viktor Orban lại rất gần gũi với nước Nga của ông Vladimir Putin.