Nhân viên y tế LHQ chết vì Ebola ở Đức

Nhân viên y tế LHQ chết vì Ebola ở Đức

Khoa Truyền nhiễm tại bệnh viên St Georg, Leipzig, Đức

Bệnh nhân Ebola được điều trị tại bệnh viện St Georg ở Leipzig, Đức

Một nhân viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) bị nhiễm Ebola vừa qua đời tại một bệnh viện ở Đức.

Các bác sĩ tại bệnh viện ở Leipzig cho biết người đàn ông 56 tuổi đã chết vào đầu giờ sáng hôm thứ Ba.

Đợt bùng phát bệnh dịch này đã khiến hơn 4.000 người thiệt mạng kể từ tháng Ba năm nay, phần lớn tại Liberia, Sierra Leone, Guinea và Nigeria.

Tổ chức Y tế Thế giới miêu tả đây là “tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng nhất từng có thời hiện đại”. Hoa Kỳ và Anh Quốc là trong số những quốc gia bắt đầu áp dụng việc kiểm tra y tế tại sân bay.

Người đàn ông mới qua đời này là nhân viên y tế của LHQ tại Liberia – một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trước đợt bùng phát này. Đây cũng là nơi ông bị nhiễm Ebola. Ông tới Đức hôm thứ Năm tuần trước để được điều trị.

“Bất chấp những biện pháp y tế tích cực và những nỗ lực tối đa của toán nhân viên y tế, nhân viên LHQ 56 tuổi đã bị nhiễm bệnh nặng,” một tuyên bố từ bệnh viện St Georg nói.

Ông là bệnh nhân Ebola thứ ba được điều trị virus chết người này tại Đức, theo tờ báo Der Spiegel đưa tin.

Một bệnh nhân khác vẫn đang được điều trị tại bệnh viện Frankfurt trong khi bệnh nhân thứ ba được xuất viện ở Hamburg sau năm tuần điều trị, tờ báo viết thêm.

Trung Đông: Dân Kurds ở giữa 2 kẻ thù và 3 đối thủ

Trung Đông: Dân Kurds ở giữa 2 kẻ thù và 3 đối thủ

HÀ TƯỜNG CÁT/Người Việt

Dân Kurds đứng ở tuyến đầu trong cuộc chiến đấu của quốc tế chống tổ chức quá khích tự xưng là Nhà Nước Hồi Giáo (IS) ở Trung Đông.

Họ cũng còn đứng về phía chống chính quyền Syria và  tuy hiện nay không có xung đột nhưng Kurds vẫn bị Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Iran hoài nghi dè chừng về chiều hướng tranh đấu muốn ly khai và phân chia lãnh thổ.

Các nữ chiến binh Pershmerga của Iraq Kurdistan,  một lực lượng có khả năng chiến đấu hiệu quả  chống ISIL  (Hình: Ahmad al-Rubaye-Pool/Getty Images)

Kurds là một dân tộc không tổ quốc đông nhất thế giới với khoảng 35 triệu người, hầu hết sinh sống tại Trung Đông, số còn lại rải rác lưu vong ở nhiều quốc gia trên toàn cầu.

Dân Kurds tập trung trong một vùng diện tích khoảng  gần 400,000 km2, được gọi là Kurdistan, với 65,000 km2 trên lãnh thổ Iraq, 190,000 km2 ở Thổ Nhĩ Kỳ, 125,000 km2 ở Iran, 12,000 km2 ở Syria, còn lại ở các nước miền Nam Nga như Armenia, Azerbaijan,… Kurdistan có quy chế bán tự trị trong Iraq nhưng chưa phải ở các quốc gia khác, và từ lâu người Kurds đã tranh đấu võ trang kháng chiến cho điều này và mục tiêu tối hậu của họ là hình thành một quốc gia độc lập.

Năm 2011 dân chúng Syria nổi dậy theo kiểu phong trào cách mạng Mùa Xuân Á Rập chống chế độ độc tài của Tổng Thống Bashar al-Assad. Nhưng cuộc nội chiến Syria tiếp theo đó đi tới những diễn biến hết sức phức tạp, không nên hiểu chỉ đơn giản là một cuộc đấu tranh  vì tự do dân chủ, mà bao gồm nhiều yếu tố tôn giáo, chủng tộc, phe phái chính tri đặc thù của khu vực Trung Đông.

Dân Kurds sống ở miền Bắc Syria đóng một vai trò quan trọng trong cuộc nội chiến, họ đứng về phía các phe phái võ trang nổi dậy, đánh chiếm các thị xã và làng mạc và dựng cờ của đảng PYD (Liên Hiệp Dân Chủ), một đảng chính trị của dân Kurds.

Một số phân tích gia cho rằng Bashar al-Assad có ý chấp nhận tình trạng ấy như một biện pháp trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ vì vùng này nằm sát biên giới và dân Kurds nổi dậy trong nước Thổ từ trước vẫn bị đàn áp quyết liệt.

Thủ Tướng Thổ Recep Tayyip Erdogan tán thành việc lật đổ al-Assad và hỗ trợ lực lượng nổi dậy FSA (Quân Đội Syria Tự Do) là một nhóm ôn hoà được Tây Phương ủng hộ.  Lúc đó FSA  đang nắm thế chủ động trong cuộc nội chiến và giữa FSA với PYD vẫn thường xảy ra xung đột.

Nhưng rồi qua ba năm nội chiến, lực lượng FSA suy yếu dần trước sức tấn công của quân đội chính quyền al-Assad, trong khi những nhóm Hồi Giáo quá khích Mặt Trận Al Nusra, phân bộ của al-Qaeda  và Nhà Nước Hồi Giáo ISIL lại nổi lên lớn mạnh. Từ tháng 6 vừa qua ISIL mở cuộc tổng tấn công quy mô đánh chiếm được nhiều vùng ở Syria và Iraq, đồng thời gây nên sự đe dọa sống còn cho dân Kurds vì sự kỳ thị đối với những chủng tộc bị coi là đi ngược lập trường tôn giáo cực đoan của họ.

Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Syria và dân Kurds có ảnh hưởng lớn trong tình hình tranh chấp quyết liệt ở Trung Đông. Thủ Tướng Erdogan, bây giờ là Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ, muốn al-Assad phải ra đi nhưng sự kiện ông này vẫn còn tồn tại đã làm lệch lạc những tính toán của Thổ. Các nước NATO, trong đó Hoa Kỳ nắm vai trò quyết định chính, phần nào đồng ý với Nga rằng một nước Syria không có chính quyền sẽ là môi trường thuận lợi cho sự phát triển của những tổ chức Hồi Giáo quá khích và khủng bố. Vì vậy, năm ngoái Hoa Kỳ đã hủy bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Syria khi chính quyền nước này dùng đến vũ khí hóa học, thay vào đó chấp thuận để Syria trao nạp phá hủy hết vũ khí hóa học và giải quyết vấn đề chính trị bằng đường lối ngoại giao với áp lực quân sự.

Khi Tổng Thống Obama cho lệnh mở chiến dịch không quân đánh ISIL, Thổ Nhĩ Kỳ tỏ ra lưỡng lự trong sự tham gia. Là thành viên Hồi Giáo duy nhất trong NATO, Thổ có những điều kiện tế nhị nhất định trong sự đối đầu với ISIL. Giống như nhiều nước  Trung Đông khác, Thổ Nhĩ Kỳ do dự khi phải chống lại một phe phái cùng là Hồi Giáo Sunni dù rằng các hoạt động khủng bố cũng là nguy cơ cho chính mình. Thổ Nhĩ Kỳ cũng lo ngại rằng chống ISIL là giúp cho al-Assad tồn tại và “chiến lược chống ISIL sẽ không thể thành công nếu không tập trung vào mục tiêu thay đổi chế độ Syria.”

Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ không muốn chấp nhận sự hiện diện của một khu vực dân Kurds tự trị ở Syria ngay cạnh biên giới, sẽ có tác động xấu đối với dân Kurds ở Thổ mà phong trào kháng chiến PKK đã 30 năm chiến đấu đòi tự trị trong lãnh thổ của mình. Điều ấy thể hiện trong cuộc chiến tại Kobani, thành phố do các lực lượng dân Kurds kiểm soát ở Syria từ 2012, đang bị ISIL tấn công vây hãm từ tuần trước và chắc chắn đã thất thủ nếu không có sự can thiệp oanh kích của máy bay Hoa Kỳ. Thổ Nhĩ Kỳ triển khai quân đội và chiến xa đến biên giới nhưng chỉ đứng quan sát mà không trợ giúp can thiệp vào cuộc chiến.

Mùa hè vừa qua, Tổng Thống Massoud Barzani của lãnh thổ tự trị Kurdistan ở Iraq, công khai tuyên bố sẽ vận động tiến tới thành lập một quốc gia độc lập cho dân Kurds. Tiếp đó chiến binh Hồi Giáo ISIL tấn công đánh chiếm nhiều vùng ở Iraq. Lực lượng dân quân Pershmerga của dân Kurds đã kháng cự quyết liệt đẩy lui được ISIL tại nhiều nơi và còn chiếm lại được thành phố  Kirkut và vùng phụ cận mà quân đội Iraq đã tháo lui. Kurdistan và Iraq từ năm 2003 đã tranh chấp gay gắt về sự phân chia  quyền lợi ở khu vực mỏ dầu lửa Kirkut, đồng thời về quy chế của Kurdistan trong liên bang Iraq.

Tuy vẫn không đồng ý cho dân Kurds tự trị ở Syria hay trong nước mình, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ gần đây lại tỏ ra ủng hộ Kurdistan tự trị ở Iraq. Do đó, mặc dầu bị đe dọa nguy hiểm vì ISIL, cuộc chiến tranh ở Iraq hiện nay lại chính  là cơ hội bằng vàng cho dân Kurds gia tăng quyền hạn và tiến tới thành một quốc gia độc lập. (HC)

Nước cờ của Bắc Kinh

Nước cờ của Bắc Kinh

Việt-Long- Tổng hợp tin tức quốc tế
2014-10-14

Việt-Long- Tổng hợp tin tức quốc tế
2014-10-14

hongkong-monday

Xô giựt hàng rào giữa sinh viên với người chống biểu tình

RFA photo

Trắc nghiệm

Cảnh sát hành động bất ngờ lúc sáng thứ hai, dẹp bỏ những rào chắn do sinh viên dựng trên các đại lộ. Sinh viên trực tiếp khiếu nại lên chủ tịch Trung Quốc Tập Cận-Bình, yêu cầu xem xét lại về chức vụ lãnh đạo Hồng Kông, và Trưởng Quan Lương Chấn Anh bác bỏ mọi yêu sách của sinh viên. Đó là diễn tiến cuối tuần qua tại Hồng Kông.

Cảnh sát ra tay trước bình minh hôm thứ hai, như để trắc nghiệm phản ứng của sinh viên, nhưng tuyên bố không giải tán biểu tình, mà chỉ giảm thiểu nguy cơ tai nạn lưu thông.

Có xô xát nhưng không có tin đụng chạm mạnh, trong khi 50 người biểu tình tập trung cản trở cảnh sát dỡ rào cản ở khu Vượng Giác (Mong Kok). Những người khác ngăn cản công nhân khai thông đường rầy trong phố. Một số người biểu tình phát biểu chống đối hành động của cảnh sát.

Chiếm cứ lâu dài

Từ cuối tuần qua mấy chục lều trại đã mọc lên trên những con đường của khu trung tâm Hồng Kông. Sinh viên chuẩn bị thực hiện lời đe “chiếm cứ lâu dài” nếu chính quyền từ chối ngồi vào bàn đàm phán về những đòi hỏi dân chủ, và đòi ông Lương từ chức.

most-beautiful-protest

Cuộc biều tình được mô tả là "đẹp nhất thế giới"- Video capture

Mỗi ngày qua khu vực phản đối chính lại mang thêm vẻ thường xuyên và lâu dài. Ít nhất 1 ngàn người lui tới nơi đó vào lúc 11 giờ đêm chủ nhật. Sinh viên ngồi ở bàn học ngoài đường để học hành, hoặc xem tài liệu về cuộc chống đối trên màn ảnh lớn, hay ngồi xếp bằng, xem điện thoại cầm tay. Chiếu, lều, bạt nối nhau kéo dài tới cuối phố.

Sinh viên nói họ không thể dừng cuộc phản đối nếu chính quyền không nhương bộ chút nào, hay ít nhất cũng phải thông đạt quan điểm của họ cho chính quyền trung ương ở Bắc Kinh.

Không thể kéo dài

Chính quyền Hồng Kông tuyên bố không nhượng bộ, gọi đó là phong trào quần chúng vượt quá giới hạn. Trưởng quan Lương Chấn Anh tin rằng phong trào này không thể kéo dài, từ chối đàm phán trừ phi sinh viên chấm dứt biểu tình và bỏ đòi hỏi dân chủ thực sự cho cuộc bầu cử Trưởng quan Hành chánh Hồng Kông năm 2017. Ông nói sinh viên chỉ “có con số không” cho cơ hội một cuộc đầu phiếu tự do, vì như vậy đảng Cộng sản Trung Hoa sẽ phải thu hồi sắc lệnh tháng 8 đã xếp đặt mọi chi tiết cho cuộc tuyển cử này.  Chính quyền tỏ ra muốn chơi nước cờ “kéo dài cho mòn mỏi”, hy vọng sự ủng hộ chống đối sẽ yếu dần rồi phai tàn khi công chúng ngày càng chồng chất nỗi bực dọc vì cuộc sống thường nhật bị xáo trộn.

Đằng sau hành động chống biểu tình

Sáng thứ hai những người dân sự khác tập trung gần nơi chiếm cứ của sinh viên. Trong nhóm này có những công nhân xây dựng và tài xế taxi, đến để phản đối cuộc biểu tình vì đời sống của họ bị tổn hại. Một người tự xưng tài xế taxi nói anh ủng hộ dân chủ, nhưng thu nhập của anh đã giảm 40% từ mươi hôm nay vì lưu thông bị chặn đứng. Hằng trăm người biểu tình chống biểu tình, mang dải băng màu xanh và khăn xanh để phân biệt với phe sinh viên dùng dải băng và khăn vàng. Phe “băng xanh” mang những biểu ngữ ghi “Yêu Hồng Kông , ủng hộ lực lượng cảnh sát”, gọi các sinh viên lãnh đạo phong trào chống đối là “kẻ thù của nhân dân”, hô khẩu hiệu đòi cưỡng hành luật pháp và dẹp sạch cuộc chống đối. Nhóm băng xanh trông lớn tuổi hơn các sinh viên “băng vàng” nhiều, có cả những người nói tiếng Quan thoại của Hoa lục, không nói tiếng Quảng Đông như người Hồng Kông. Sinh viên coi đó là những côn đồ được thuê mướn và người của Bắc Kinh phái đến để chống biểu tình.

“Chiến thắng của Pyrrhus”

hongkong-protest

Hình ảnh Hồng Kông biểu tình – Video capture

Phía sinh viên cũng nhận thấy công chúng bị phiền nhiễu. Một số lãnh đạo sinh viên đã bàn thảo việc giải tỏa một  hay hai trong số ba khu vực chiếm cứ, hoặc mở thêm đường xung quanh để giảm thiểu sự cản trở lưu thông. Tuy nhiên trong số các sinh viên lãnh đạo vẫn còn có nhiều do dự trong sự nhượng bộ như vậy, trừ phi chính quyền nhượng bộ trước một số đòi hỏi của họ.

Suốt cuộc chống đối, sinh viên tránh chỉ trích trực tiếp chính quyền Bắc Kinh. Hôm thứ bảy, họ phổ biến thư ngỏ gởi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận-Bình, kêu gọi ông xem xét việc cải tổ chính trị cho Hồng Kông, và quy trách Trưởng quan Lương Chấn Anh về cuộc biểu tình của họ. Thư viết :”Nếu chính quyền trung ương tự tin, chính quyền không nên sợ phải để người dân Hồng Kông  tự mình bầu cử chức vụ Trưởng quan Hành chánh.”

Trung Quốc có vẻ sẽ không nhượng bộ. Hôm thứ bảy báo Nhân dân viết là phong trào biểu tình đã gây bất ổn. Báo Tin tức Trung Quốc do Nhà nước điều khiển gọi yêu sách của sinh viên là “kiêu ngạo và ngu dốt”. Giới quan sát coi đó là ngôn ngữ chứng tỏ Bắc Kinh bắt đầu mất kiên nhẫn.

Tuy nhiên, giáo sự luật đại học Hồng Kông Michael Davis cho rằng chính quyền Hồng Kông đang đi một nước cờ nguy hiểm nếu họ tin rằng chỉ cần chờ cho cuộc chống đối tự phai tàn.  Vị giáo sư nói làm như vậy có thể đem lại hiệu quả về ngắn hạn, nhưng chẳng khác nào “chiến thắng của Pyrrhus”, vị vua thời Cổ Hy Lạp đã đánh bại quân La Mã ở Asculum vào năm 279 trước công nguyên, nhưng cũng bị tổn thất nặng nề không kém.

Lãnh đạo biểu tình Hồng Kông gửi thư ngỏ tới Tập Cận Bình

Lãnh đạo biểu tình Hồng Kông gửi thư ngỏ tới Tập Cận Bình
October 11, 2014

Nguoiviet.com

HONG KONG (AP) – Thành phần sinh viên lãnh đạo cuộc biểu tình đòi tự do dân chủ ở Hồng Kông hôm Thứ Bảy vừa đưa ra bức thư ngỏ gửi lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, kêu gọi ông cứu xét việc để cho có cải cách chính trị ở nơi này và đổ lỗi cho đặc khu trưởng Hồng Kông hiện nay đã góp phần tạo ra biểu tình.

Hàng ngàn người Hồng Kông vẫn tiếp tục biểu tình
ở khu trung tâm những ngày qua. (Hình: Paula Bronstein/Getty Images)

Bức thư ngỏ, do hai nhóm sinh viên lãnh đạo biểu tình đưa ra, nói rằng Ðặc Khu Trưởng Hồng Kông Lương Chấn Anh có trách nhiệm gây ra cuộc bất tuân dân sự, trong đó nhiều chục ngàn người dân vùng đất này kéo xuống đường trong hai tuần lễ qua.

Hôm Thứ Bảy, sau khi chính quyền Hồng Kông từ chối thảo luận với sinh viên, hàng ngàn người tụ tập về khu vực biểu tình chính, cho hay sẽ tiếp tục xuống đường tới khi nào chính quyền đáp ứng nguyện vọng của họ.

Ban tổ chức trong dịp này kêu gọi người tham dự hãy chuẩn bị đồ dùng cần thiết cho một cuộc chiếm đóng khắp nơi và lâu dài.

“Học sinh sinh viên rời bỏ lớp học và đang chiếm đóng nhiều nơi vì ông Lương và những người khác đã không để ý đến những điều người dân mong muốn,” bức thư cho hay. “Nếu chính quyền trung ương có sự tự tin thì không nên lo sợ để cho người dân Hồng Kông tự bầu lên người lãnh đạo của mình.”

Trong khi đó, một nhóm người không ủng hộ biểu tình ở Hồng Kông tuyên bố sẽ bao vây các khu vực biểu tình trên đường phố nếu chính quyền “bất lực.”

Theo hãng thông tấn AFP, những người này, thuộc phong trào “Nơ Xanh Dương” (Blue Ribbon), yêu cầu nhà chức trách Hồng Kông phải giải tán ba địa điểm mà những người biểu tình đang chiếm đóng trong hai tuần qua để giải tỏa tắc nghẽn giao thông trước tối 14 Tháng Mười.

“Nếu chính quyền Hồng Kông không giải quyết được vấn đề này, chúng tôi sẽ có kế hoạch bao vây những người chiếm Mong Kok, Causeway Bay và Admiralty,” ông Tsoi Hak Kin, phó chủ tịch phong trào “Nơ Xanh Dương,” tuyên bố. “Người dân Hồng Kông đã phải chịu đựng quá nhiều rồi.”

Tuy nhiên, ông Tsoi không cung cấp thông tin chi tiết về thời gian cụ thể và cách thức nhóm này sẽ bao vây các địa điểm biểu tình như thế nào.

Thủ Tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường hôm Thứ Sáu nói rằng ông tin tưởng là chính quyền Hồng Kông có thể duy trì được sự “ổn định xã hội.”

Ông không đề cập trực tiếp tới cuộc biểu tình, nhưng nhấn mạnh rằng Bắc Kinh sẽ không thay đổi chính sách “một quốc gia, hai hệ thống” trong việc điều hành Hồng Kông.

Trong khi đó, một tờ báo nhà nước Trung Quốc đổ lỗi là chính phủ Mỹ ngầm đứng sau các cuộc biểu tình ở Hồng Kông, một điều mà Bộ Ngoại Giao Mỹ mạnh mẽ bác bỏ. (V.Giang)

Hong Kong: Hàng chục ngàn người tiếp tục biểu tình đòi dân chủ

Hong Kong: Hàng chục ngàn người tiếp tục biểu tình đòi dân chủ

RFA

11.10.2014

017_199742.jpg

Hàng chục ngàn người ủng hộ dân chủ tiếp tục biểu tình tại Hồng Kông tối thứ sáu ngày 10 tháng 10 năm 2014.

AFP

Hàng ngàn sinh viên cắm lều trên đường phố quyết tâm theo đuổi cuộc biểu tình đòi phổ thông đầu phiếu sau khi cuộc đối thoại với ban lãnh đạo đặc khu bị hủy bỏ.

Bản tin từ Reuters cho biết lều bạt dựng trên các con đường chính đã nổi lên trong đêm qua sau khi lãnh đạo phong trào sinh viên kêu gọi người dân và sinh viên chiếm lĩnh khu trung tâm. Hàng chục ngàn người đã tập trung và tiếp tục cuộc biểu tình bất bạo động như đã từng xảy ra trong hơn 10 ngày qua.

Theo tờ Bưu điện Hoa Nam cho biết người biểu tình tập trung trước trụ sở chính quyền Hong Kong đã tăng lên hàng ngàn người sau khi cuộc đối thoại như dự kiến không diễn ra. Liên đoàn học sinh sinh viên kêu gọi người biểu tình chiếm toàn bộ đường phố và chuẩn bị tinh thần cho biểu tình kéo dài trong các tuần lễ kế tiếp.

Các nhân vật tai mắt lãnh đạo Hong Kong hiện đang có mặt tại Quảng Châu để tham dự Diễn đàn Hội nhập khu vực. Ông Lương Chấn Anh cũng sẽ có mặt tại diễn đàn này.

Theo giới quan sát cho biết sự bỏ mặt đường phố cho sinh viên chiếm lĩnh là chiến thuật mới của Trung Quốc đưa ra cho Hong Kong nhằm kéo dài thời gian của sinh viên và người dân trong bối cảnh bất ổn để thử thách sức chịu đựng của họ.

Ngày hôm qua trong chuyến công du tới Đức Thủ tướng Lý Khắc Cường của Trung Quốc khẳng định chính sách “một quốc gia hai chế độ” mà Trung Quốc ký kết sẽ không thay đổi. Trong khi đó tại đại lục, báo chí đang có chỉ đạo cho rằng chính Hoa Kỳ đứng sau giật giây vụ biểu tình đòi dân chủ này.

Theo AFP thì phong trào chiếm lĩnh khu Trung Hoàn của sinh viên Hong Kong sẽ còn tiếp tục vì tinh thần của họ rất cao, bất kể khó khăn và nguy cơ bị côn đồ cũng như cảnh sát Hong Kong đàn áp, sách nhiễu.

Sinh viên Hong Kong kêu gọi biểu tình trở lại

Sinh viên Hong Kong kêu gọi biểu tình trở lại

 

Tối thứ Năm, chính quyền đã hủy kế hoạch đối thoại

Lãnh đạo sinh viên Hong Kong kêu gọi biểu tình lớn vào tối thứ Sáu 10/10 sau khi chính quyền hủy đàm phán về cải cách dân chủ.

Cuộc gặp đầu tiên kể từ khi bắt đầu làn sóng biểu tình đáng sẽ diễn ra vào lúc 16:00 chiều thứ Sáu nhưng đã bị hủy một hôm trước đó.

Chính quyền Hong Kong nói “không thể có đối thoại xây dựng” với người biểu tình.

Con số người biểu tình trong những ngày qua đã giảm đáng kể.

Tuần trước, hàng nghìn người thuộc các nhóm sinh viên và phong trào vì dân chủ Occupy Central đã làm tê liệt nhiều khu vực trong thành phố.

Thế nhưng tuần này, chỉ còn vài trăm người, chủ yếu là sinh viên, trụ lại trên các phố ở trung tâm Hong Kong và ở Mong Kok trên bán đảo Cửu Long. Các rào chắn vẫn được duy trì ở nhiều nơi khiến giao thông gián đoạn.

Người biểu tình yêu cầu thực hiện cải cách dân chủ, quyền bầu cử tự do tại Hong Kong trong năm 2017.

Trung Quốc vẫn kiên quyết nói rằng vị trí hành chính trưởng quan của đặc khu phải được chọn qua một danh sách đã được hội đồng bầu cử lọc trước.

Chưa rõ liệu kêu gọi biểu tình tối thứ Sáu có thu hút được đông đảo người tham gia để thổi lửa lại phong trào hay không.

Không nhượng bộ

Chưa rõ ủng hộ cho cuộc biểu tình mới sẽ thế nào

Tối thứ Năm, lãnh đạo sinh viên đã ra lời kêu gọi tăng biểu tình và chiếm đóng một số nơi nếu như chính quyền Hong Kong không nhượng bộ.

Một vài giờ sau đó, Tổng thư ký Carrie Lam, người đại diện cho chính quyền Hong Kong tại cuộc gặp được lên kế hoạch, cáo buộc phe biểu tình là “gây bất tín”.

Bà Lam tuyên bố:” Cuộc đối thoại không thể được sử dụng để làm động cơ xúi giục thêm người biểu tình. Các nhà hoạt động bất hợp pháp phải dừng ngay”.

Lãnh đạo sinh viên thì cáo buộc chính quyền không chân thành trong đối thoại và kêu gọi họ ngồi xuống bàn đàm phán.

Alex Chow, Chủ tịch Liên đoàn Sinh viên Hong Kong (HKFS), được hãng AFP dẫn lời nói: “Tình hình hỗn loạn chính là do chính quyền gây ra. Họ phải chịu trách nhiệm giải quyết hậu quả”.

Trên mạng Twitter, HKFS ra thông điệp tối thứ Năm nói: “Chính quyền không chịu đàm phán. Hãy cho họ thấy chúng ta có gì trong tay”.

Nữ sinh Pakistan được Nobel hòa bình

Nữ sinh Pakistan được Nobel hòa bình

Malala Yousafzai, 17 tuổi, được cả thế giới quan tâm sau khi sống sót từ vụ ám sát của Taliban

Nữ sinh Malala Yousafzai, người được thế giới biết đến sau khi cô bị Taliban bắn, đã được trao giải Nobel hòa bình năm nay.

Giải cũng được trao cho ông Kailash Satyarthi, sinh năm 1954, một nhà hoạt động cho quyền trẻ em ở Ấn Độ.

Cô Malala Yousafzai, 17 tuổi, được cả thế giới quan tâm sau khi sống sót từ vụ ám sát của Taliban tháng Mười 2012.

Lời kêu gọi quyền bình đẳng của cô tại quê nhà Pakistan đã khiến dân quân nổi giận.

Bị bắn vào đầu, cô bị hôn mê và được đưa sang bệnh viện tại Birmingham, Anh để điều trị.

Vụ ám sát khiến các lãnh đạo thế giới lên án và tôn vinh Malala như anh hùng.

Thông cáo của ủy ban Nobel nói: “Dù tuổi trẻ, Malala Yousafzai đã chiến đấu nhiều năm cho quyền đi học của phụ nữ, và đã chứng tỏ trẻ em, thiếu niên cũng có thể đóng góp để cải thiện hoàn cảnh của mình.”

“Cô đã cố gắng làm được trong điều kiện hiểm nguy nhất.”

Trong khi đó, ông Kailash Satyarthi, 60 tuổi, nổi bật với pohng trào đòi chấm dứt nô lệ và bóc lột trẻ em từ năm 1980, khi ông bỏ nghề kỹ sư điện.

Ông giúp giải cứu hàng chục ngàn trẻ em bị bắt làm nô lệ, và giúp các em được học hành.

Thorbjørn Jagland, chủ tịch ủy ban Nobel Na Uy, nói ông Kailash Satyarthi đã “đứng đầu nhiều hình thức phản đối và xuống đường, tất cả đều hòa bình, tập trung vào sự bóc lột trẻ em”.

Hồng Y Trần Nhật Quân : “Bắc Kinh không giữ lời hứa về Hồng Kông”

Hồng Y Trần Nhật Quân : “Bắc Kinh không giữ lời hứa về Hồng Kông”

RFI

Mai Vân

media

Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), 82 tuổi, nguyên Giám mục Hồng Kông, phát biểu với người biểu tình trước tòa nhà chính quyền Hồng Kông hôm 24/9/2014.REUTERS/Liau Chung-ren

Tham gia biểu tình cùng với các sinh viên từ cuối tháng Chín năm 2014, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), nguyên Giám mục Hồng Kông, lo ngại nguy cơ chia rẽ trong phong trào biểu tình đòi dân chủ tại vùng đặc khu kinh tế này của Trung Quốc.

Trả lời phỏng vấn của nhật báo Công giáo Pháp La Croix, số ra ngày 08/10/2014, người được xem là hiện thân của “lương tâm đạo đức” của Hồng Kông, năm nay đã 82 tuổi, đã cho rằng một cuộc đàn áp đẫm máu vẫn có thể xẩy ra. Ngài đồng thời tố cáo chính quyền Trung Quốc là đã không giữ lời cam kết về Hồng Kông.

RFI giới thiệu nguyên văn bài phỏng vấn:

La Croix : Tình hình Hồng Kông đã lắng dịu, một cuộc đối thoại đã mở ra với chính quyền. Ngài có cảm thấy an tâm vì đã tránh được một cuộc đàn áp đẫm máu hay không ?

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân : Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm vì không thấy các học sinh, sinh viên nào bị thương nặng hoặc bị thiệt mạng trong những cuộc biểu tình lần này. Nhưng tôi vẫn còn rất lo lắng trước diễn biến của tình hình và những mối bất đồng phát sinh ngay bên trong phong trào sinh viên.

Đây là lý do tại sao tôi bảo vệ quan điểm cho rằng học sinh giờ đây phải nhường quyền điều hành phong trào cho những người có kinh nghiệm hơn họ, bởi vì đối phó với chính quyền để đàm phán đòi hỏi một nhận thức chính trị và những kinh nghiệm đấu tranh rất sắc nét.

Hiện nay, thời gian có lợi cho nhà cầm quyền và chúng tôi cần phải nhanh chóng thống nhất phong trào thành một tổng thể. Tôi đề nghị đoàn đàm phán với chính phủ mang tính chất đại diện nhiều hơn cho xã hội Hồng Kông. Phái đoàn này phải bao gồm sinh viên và phong trào Occupy Central – đó là lẽ đương nhiên – nhưng cũng phải có thêm các thành viên của Đảng Dân chủ, các đại diện của người lao động vốn được tổ chức tốt, và cũng phải có các học giả, các chủ tịch các trường đại học, các giáo sư.

Bước đầu tiên vừa được thực hiện để bảo vệ nền dân chủ và các quyền tự do, nhưng bây giờ cần phải có dự án lâu dài trong tương lai, với một chiến lược vững chắc và được xây dựng tốt. Chúng tôi hành động một cách công khai, trong khi chính quyền lại có thể hoạt động trong bóng tối. Chúng tôi đã nhìn thấy điều này qua các hành vi can thiệp của các hội Tam hoàng (tức là thành phần mafia đã đánh đập người biểu tình) vào tuần trước, mặc dù chúng tôi không biết là ai đã ra lệnh cho họ. Chúng tôi phải đoàn kết lại.

La Croix : Cuộc đối thoại với chính quyền có thể đi đến đâu ?

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân : Cần phải lặp lại toàn bộ quá trình ngay từ đầu để tìm ra một công thức tốt cho cuộc bầu cử lãnh đạo Hồng Kông vào năm 2017. Chính quyền Hồng Kông đã phạm tội cung cấp thông tin sai lạc cho Bắc Kinh. Ủy ban tham vấn của họ đã làm một bản báo cáo bị cắt xén về những suy nghĩ của người Hồng Kông liên quan đển dân chủ và bầu cử.

Bắc Kinh đã dựa vào các thông tin đó để ban hành các cải cách chính trị trong đó chúng tôi không có bất kỳ một không gian tự do nào. Chúng tôi không thể chấp nhận kế hoạch cải cách chính trị đó của Bắc Kinh.

La Croix : Phải chăng Trung Quốc đã phản bội lời hứa của ho về nền dân chủ cho Hồng Kông ?

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân : Đúng vây. Bắc Kinh đã không giữ lời hứa của mình họ liên quan đến Hồng Kông trong khi mà nền dân chủ được ghi trong bộ Luật cơ bản, bản Hiến pháp cỡ nhỏ làm nền tảng cho Hồng Kông, theo nguyên tắc “một quốc gia, hai chế độ.”

Theo nội dung các điều khoản ghi trong văn kiện đó, lẽ ra chúng tôi phải được hưởng dân chủ đầy đủ ngay từ năm 2007. Thế mà chúng tôi đã phải chờ đợi cho đến ngày hôm nay để được biết rằng trong thực tế, bầu cử tự do sẽ chỉ được tổ chức vào năm 2017, nhưng lại không thể tự do lựa chọn các ứng cử viên của chúng tôi.

Đó là một sự phản bội lời hứa của Bắc Kinh và là một giai đoạn rất xấu cho nền dân chủ ở Hồng Kông.

La Croix : Một nền dân chủ không hề tồn tại ở Trung Quốc …

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân : Dân chủ là điều thiết yếu đối với Hồng Kông nói chung, chứ không chỉ riêng cho xã hội dân sự. Nó cũng rất quan trọng đối với hệ thống kinh tế. Cần phải làm cho văn hóa dân chủ được bám rễ một cách sâu sắc tại Hồng Kông để chúng tôi không trở nên giống như các thành phố khác của Trung Hoa Đại lục.

Vấn đề không chỉ liên quan đến dân chủ, hệ thống thiết yếu, mà còn liên quan đến toàn bộ hệ thống kinh tế và xã hội ở Hồng Kông. Tại Trung Quốc đang ngự trị một nền văn hóa quỷ quyệt, không có sự thật, công bằng, lòng trung thực, nơi mà chỉ có quyền lực và sự giàu có là có giá trị.

Hồng Kông bảo vệ các giá trị đạo đức khác. Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian và công sức cho hệ thống giáo dục của chúng tôi tại Hồng Kông (nơi trường Công Giáo rất nhiều) và chúng tôi đã chứng kiến cảnh học sinh và người dân biểu tình trên đường phố một cách ôn hòa, không có bạo lực.

La Croix :Ngài có từng lo ngại, vào một lúc nào đó khi các cuộc biểu tình diễn ra, là sẽ có một cuộc đàn áp đẫm máu như tại Bắc Kinh vào tháng Sáu năm 1989 hay không ?

Đức Hồng Y Trần Nhật Quân : Một kịch bản như vậy là điều hoàn toàn có thể xẩy ra và ngay cả hiện nay; vẫn có nguy cơ xẩy ra một cuộc đàn áp đẫm máu.

Các sinh viên cần phải có đầy đủ trí khôn. Hiện nay họ cảm thấy họ như là những anh hùng. Họ không hiểu rằng nếu lực lượng an ninh bắt đầu bắn đạn thật, thì lúc đó đã quá muộn để “triệt thoái” như họ nói. Họ không ý thức được điều đó.

Chỉ cần một lời ra lệnh đến từ Bắc Kinh là đủ để gây ra một cuộc đàn áp đẫm máu. Kịch bản này vẫn hoàn toàn có thể diễn ra ngày hôm nay.

Cách mạng Cây dù dưới mắt một bạn trẻ từ Mỹ đến Hongkong

Cách mạng Cây dù dưới mắt một bạn trẻ từ Mỹ đến Hongkong

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2014-10-08

Cô Nancy Nguyen đứng tại khu Central Mong Kok, Hongkong, phía sau là các sinh viên Hongkong tập trung đòi dân chủ

Cô Nancy Nguyen đứng tại khu Central Mong Kok, Hongkong, phía sau là các sinh viên Hongkong tập trung đòi dân chủ

Facebook

Cuộc tranh đấu của sinh viên và người dân Hongkong đã lắng dần nhưng vẫn còn hàng ngàn người tập trung vào đêm 7 tháng 10 tại hai khu Central và Mong Kok. Mặc Lâm có cuộc trao đổi với Nancy Nguyễn một cô gái thật trẻ tự nguyện đến từ Hoa Kỳ để tận mắt nhìn những hoạt động dân chủ của sinh viên Hongkong. Trước tiên Nancy Nguyễn cho biết:

Nancy Nguyễn: Nancy đã đi qua Hongkong hôm thứ bảy vừa rồi. Chủ yếu là đi theo ý thích của cá nhân chứ không phải công ty hay phái đoàn.

Mặc Lâm: Khung cảnh đầu tiên gây ấn tượng nhất cho Nancy khi Nancy bước xuống HongKong là gì?

Nancy Nguyễn: Khi bước xuống sân bay thì nhận thấy các bạn trẻ ở sân bay rất nhiệt tình. Họ chỉ cho mình rất là tường tận vì mình từ nơi xa xôi tới nên mình không hiểu gì hết. Mình nói là mình muốn tới khu central này và họ chỉ cho mình biết phải đi xe lửa ra sao, đến nhà ga nào ra sao…một cách rất là cặn kẻ. Không có các bạn chỉ dẫn như vậy thì chắc là khó có những phóng viên hay các ký giả nước ngoài có thể tiếp cận được với khu biểu tình.

Đi tới nơi thì những bạn trẻ HongKong ngay tại khu biểu tình rất, rất là thân thiện. Thân thiện cho tới nỗi mình không thể nào ngờ được luôn. Họ dễ thương vô cùng. Họ giúp cho mình hầu như tất cả mọi thứ, tất cả những “request” nào mình muốn-từ vấn đề internet, sạc pin cho đến đặt phòng khách sạn. Nhiều khi họ còn đưa mình đi mua thẻ điện thoại, mua dù, tất cả mọi thứ nữa.

Mặc Lâm: Còn sinh hoạt của họ khi họ họp nhóm hay chuẩn bị một cái gì đó thì Nancy thấy cách làm việc của họ có khoa học hay không hay là họ chỉ làm theo cảm tính thôi?

Nancy Nguyễn: Hầu như không thấy họ họp nhóm lại với nhau. Ở bên này, Nancy nhận thấy tất cả có vẻ như rất rõ ràng. Họ không có phải cần “training” gì hết. Có những tổ đưa người đi lại giữa các bậc thềm.

Không có người này thì người kia; Hoặc có những nhóm chuyên ngồi trong những cái lều để canh đồ đạc hay dụng cụ, thiết bị hay nước uống không không cần phải “training” gì hết. Người này về thì người khác vô ngồi thay. Đặc biệt là hầu như không bao giờ thấy họ họp lại. Họ luôn luôn nói chúng tôi không có lãnh đạo, không có leader.

” Khi bước xuống sân bay thì nhận thấy các bạn trẻ ở sân bay rất nhiệt tình. Họ chỉ cho mình rất là tường tận vì mình từ nơi xa xôi tới nên mình không hiểu gì hết. Mình nói là mình muốn tới khu central này và họ chỉ cho mình biết phải đi xe lửa ra sao, đến nhà ga nào ra sao…một cách rất là cặn kẻ

Nancy Nguyễn”

Mặc Lâm: Mấy ngày nay Nancy có thời gian nào tiếp xúc được với Joshua Wong hay không?

Nancy Nguyễn: Có lẽ là vì lý do an toàn, anh ấy né hơi kỹ nên rất là khó khăn. Có mấy khi anh ra ngoài nói chuyện có được gặp nhưng nói chuyện xong một cái là chạy liền. Ký giả rượt theo anh ấy không kịp.

Mặc Lâm: Theo Nancy nhận xét thì thái độ của cảnh sát đối với người biểu tình có vượt qua sự tưởng tượng của Nancy hay không – Tức là cảnh sát thì phải hùng hổ, phải mạnh bạo hay là họ có những thái độ thân thiện đối với sinh viên?

Nancy Nguyễn: Ở cả hai bên cảnh sát rất là thân thiện với người dân. Ở bên Central thì thân thiện hơn. Bên Mong Kok thì họ chỉ đứng để canh không cho bạo động xảy ra mà thôi. Cái đó là một trong những khác biệt lớn giữa Việt Nam và HongKong.

Còn về thái độ của những người biểu tình ở HongKong thì trên cả tuyệt vời. Họ rất là thân thiện. Họ luôn luôn nói với nhau, dặn dò nhau là lúc nào cũng phải “keep calm”, lúc nào cũng phải bình tĩnh, luôn dọn rác.

Cái message họ đứa ra rất thống nhất, rất đồng bộ. Họ chỉ nói là chúng tôi muốn dân chủ, hết rồi. (We just want democracy. That’s it). Với cái message xuyên suốt cuộc biểu tình như vậy làm representative, làm đại diện rất là hay ở chỗ không cần một nhóm người trong ban tổ chức đứng ra đại diện để trả lời báo chí. Hầu như tất cả mọi người đều có thể trả lời báo chí, trả lời press được hết.

Mặc Lâm: Đó là cảnh sát. Còn những thành phần được xem là côn đồ hay những thành phần mà họ gọi là “người dân tự phát” với những hành động nóng giận của họ thì sinh viên phản ứng lại ra sao, Nancy?

Cô Nancy Nguyen (phải) đang hỏi chuyện các sinh viên Hongkong. (ảnh từ facebook)

Cô Nancy Nguyen (phải) đang hỏi chuyện các sinh viên Hongkong. (ảnh từ facebook)

” Còn về thái độ của những người biểu tình ở HongKong thì trên cả tuyệt vời. Họ rất là thân thiện. Họ luôn luôn nói với nhau, dặn dò nhau là lúc nào cũng phải “keep calm”, lúc nào cũng phải bình tĩnh, luôn dọn rác. Cái message họ đứa ra rất thống nhất, rất đồng bộ. Họ chỉ nói là chúng tôi muốn dân chủ, thế thôi

Nancy Nguyễn

Nancy Nguyễn: Ở đây đúng là cũng có những đợt ẩu đả hay là cải vã nhưng không phải là giữa những người to tiếng với nhau mà chủ yếu là bởi vì họ rất là phẫn nộ khi mà xảy ra những chuyện như là có lời qua tiếng lại giữa hai bên: protest và anti-protest. Cảnh sát giãn ra và bảo vệ những người anti-protest rời khỏi hiện trường một cách an toàn mặc dù những người trong nhóm này có những hành động trái pháp luật. Họ vẫn được cảnh sát bảo vệ để đưa ra khỏi hiện trường khiến người dân rất phẫn nộ. Họ giận dữ vô cùng. Họ nói như vậy là không công bằng.

Mặc Lâm: Và hôm nay một số rất lớn sinh viên đã về nhà. Số còn lại thì thái độ cũng như sự chuẩn bị của họ cho ngày mai như thế nào? Có thể họ tiếp tục hay sao?

Nancy Nguyễn: Thật ra hiện tại ở đây số lượng sinh viên rất là đông. Đông đến mức mình không ngờ tới. Họ đứng chật hết một ngã tư đường. Nói chuyện với một bạn sinh viên hỏi về vấn đề các bạn có nhất định ở lại đây cho tới ngày cuối cùng hay không thì họ nói là chúng tôi sẽ ở đây cho tới khi nào HongKong có dân chủ mới thôi. Họ sẽ không dời đi, không bỏ cuộc.

Mặc Lâm: Theo Nancy thì tình hình này có thể còn kéo dài được nữa hay không hay chỉ trong vòng một thời gian ngắn nữa thì sự mệt mỏi của sinh viên sẽ làm cho phong trào xẹp xuống và đâu lại vào đấy. Nancy có nghĩ là họ sẽ tiếp tục lâu dài không?

” Ngay trong đêm có biểu tình, có tin là sẽ có đàn áp tức là đêm Chủ Nhật vừa rồi thì chính Nancy ở ngay chỗ quảng trường mà họ phát cho mình một tờ giấy. Trên tờ giấy đó có đề là “Nếu như bạn bỏ đi ngày hôm nay, vào lúc này, bạn sẽ trở thành nô lệ mãi mãi.” Có nghĩa là họ không có ý định rút lui

Nancy Nguyễn”

Nancy Nguyễn: Ngay ngày hôm nay, chính quyền đã chính thức trả lời trên báo chí là đồng ý ngồi lại, bàn thảo với sinh viên (có conversation với sinh viên) trong thời gian rất ngắn tức là vào cuối tuần này. Thành ra không biết cuộc thương lượng (agreement) của họ sẽ ra sao. Nếu cuộc thương lượng này có sự nhượng bộ thì tuyệt vời nhất. Nếu không thì có thể họ sẽ bám trụ lại.

Khi được hỏi nếu mà như vậy các bạn sẽ bám trụ cho đến bao giờ thì họ luôn luôn trả lời rằng chúng tôi sẽ bám trụ lại ở đây cho tới khi nào HongKong có dân chủ. Nancy có hỏi chừng mười mấy người thì họ đều trả lời như vậy hết.

Thậm chí ngay trong đêm có biểu tình, có tin là sẽ có đàn áp tức là đêm Chủ Nhật vừa rồi thì chính Nancy ở ngay chỗ quảng trường mà họ phát cho mình một tờ giấy. Trên tờ giấy đó có đề là “Nếu như bạn bỏ đi ngày hôm nay, vào lúc này, bạn sẽ trở thành nô lệ mãi mãi.” Có nghĩa là họ không có ý định rút lui.

Nhưng điều mà họ lo sợ nhất đó là tình trạng này kéo dài thì họ sẽ không thể tranh thủ được mối quan tâm của truyền thông quốc tế nữa. Nhất là trong thời gian sắp tới đây có thể có những phái đoàn báo chí quốc tế như CNN, BBC… họ bắt đầu đưa phóng viên trở về nước. Như vậy vấn đề HongKong không còn được quan tâm nhiều như trước. Đó là điều họ lo sợ nhất chứ không phải họ lo từ từ bị mất lửa và sẽ không có tiếp tục tham gia.

Mặc Lâm: Chúc Nancy vui và tiếp tục theo dõi để đưa những tin nóng sốt nhất cho người Việt trên toàn thế giới. Một lần nữa cảm ơn Nancy rất  nhiều.

Nancy Nguyễn: Cảm ơn chú Mặc Lâm.

Sinh viên Hong Kong đồng ý đối thoại

Sinh viên Hong Kong đồng ý đối thoại

Hàng trăm người biểu tình vẫn còn ở lại trên đường phố

Lãnh đạo sinh viên Hong Kong chấp thuận đối thoại với chính quyền sau một tuần biểu tình dữ dội.

Hiện chưa có ngày tháng cho cuộc gặp nhưng các sinh viên nói nó sẽ không xảy ra nếu như những người biểu tình còn lại trên đường phố bị dẹp bằng vũ lực.

Cuộc biểu tình ở Hong Kong đã bước sang tuần thứ hai, và phóng viên của chúng tôi ở đây nói con số người tham gia đã giảm khá nhiều từ thứ Hai 6/10, khi các công sở và trường học mở cửa trở lại.

Tối thứ Hai, tại Mong Kok, Cửu Long, là nơi được coi là cứ điểm của người biểu tình, chỉ có vài trăm người, xung quanh là nhiều cảnh sát.

Phóng viên Hồng Nga có mặt tại hiện trường nói hai bên không có giao tiếp gì với nhau, và cảnh sát không có hành động gì mà chỉ quan sát.

Trước đó tại Mong Kok đã xảy ra một số cuộc đụng độ giữa người biểu tình và phản biểu tình, trong đó có một số phần tử mà cảnh sát nói là xã hội đen.

Hôm thứ Hai cảnh sát cho hay đã bắt ít nhất 37 người ở Mong Kok. Năm người khác bị bắt vì nghi tấn công các website của chính quyền.

Phóng viên của chúng tôi nói nhiều người Hong Kong tỏ ra bực bội khi cuộc biểu tình đã làm gián đoạn cuộc sống của họ.

Nhóm chủ lực

Quang cảnh nơi biểu tình ở Causeway Bay sáng 7/10 với biểu ngữ ‘Lớp học dân chủ di động’

Bà Angela Kwok, làm công sở, nói việc đi lại hết sức khó khăn vì nhiều nơi trong thành phố vẫn bị chặn.

“Bình thường tôi đi làm chỉ mất nửa tiếng, nay có khi mất tới một tiếng rưỡi.”

Người ta cần nghỉ ngơi, nhưng sẽ quay trở lại. Không có nghĩa là phong trào đang suy thoái, nhiều người còn ủng hộ cuộc biểu tình.

Alex Chow, lãnh đạo biểu tình

Một người khác, ông Andrew Chan, làm nghề kinh doanh, thì nói ông ủng hộ ý tưởng biểu tình nhưng không ủng hộ cách thức thực hiện nó.

Một số người biểu tình, được cho là thuộc nhóm chủ lực, vẫn kiên quyết duy trì vị trí.

Tối Chủ nhật người biểu tình và chính quyền đã có cuộc gặp bàn việc đối thoại nhưng không đạt thống nhất.

Tối thứ Hai, hai bên cho hay sẽ đối thoại chính thức.

Có đánh giá rằng giới biểu tình chỉ đang tạm ngưng một cách chiến lược, chủ yếu vì quá mệt.

Tuy nhiên thông tin sẽ có đối thoại mở đường cho cải cách chính trị có thể làm họ phấn chấn trở lại.

Alex Chow, tổng thư ký Liên đoàn Sinh viên Hong Kong, một trong những lãnh đạo biểu tình, nói anh không lo ngại về việc số người biểu tình giảm sút:

“Người ta cần nghỉ ngơi, nhưng sẽ quay trở lại. Không có nghĩa là phong trào đang suy thoái, nhiều người còn ủng hộ cuộc biểu tình.”

Cuối tuần rồi Hành chính Trưởng quan của đặc khu, ông CY Leung (Lương Chấn Anh) kêu gọi vãn hồi trật tự và dọa cảnh sát sẽ có hành động.

Nhiều nơi ở thành phố đã tê liệt trong tuần trước vì đám đông hàng vạn người biểu tình.

 

Cả trăm ngàn người Pháp xuống đường ủng hộ ‘giá trị gia đình’

Cả trăm ngàn người Pháp xuống đường ủng hộ ‘giá trị gia đình’
October 05, 2014

Nguoi-viet.com

PARIS, Pháp (AFP)Cả trăm ngàn người dân Pháp xuống đường biểu tình ở Paris và Bordeaux hôm Chủ Nhật để kêu gọi gìn giữ “giá trị gia đình truyền thống” và chống lại việc trợ giúp thụ thai nhân tạo hay mang bầu thuê.

Dân Pháp xuống đường biểu tình ở Paris và Bordeaux hôm Chủ Nhật để kêu gọi gìn giữ “giá trị gia đình truyền thống.” (Hình: Nicolas Tucat/AFP/Getty Images)

Các cuộc biểu tình này được một nhóm mang tên “Manif pour Tous” đứng ra tổ chức. Nhóm này có nỗ lực thành lập phong trào dân chúng chống chấp nhận đám cưới đồng tính ở Pháp hồi năm ngoái nhưng không thành công.

Mục tiêu phản đối của nhóm này lần này là việc trợ giúp thụ thai cho các cặp đồng tính và mang bầu thuê, điều phải bị ngăn cản “bằng mọi giá,” theo lời chủ tịch nhóm này là Ludovine de la Rochere.

Có khoảng 500,000 người tham dự trong cuộc biểu tình, theo ước tính của ban tổ chức. Hiện chưa có xác nhận gì từ phía cơ quan công lực.

Tại Bordeaux, cảnh sát cho hay có khoảng 7,500 người tham dự biểu tình.

Cuộc biểu tình ở Paris diễn ra dưới sự theo dõi của khoảng 1,000 cảnh sát viên. Trong các cuộc biểu tình tuần hành trước đây đã xảy ra một số vụ bạo động lẻ tẻ.

Ðể giảm bớt tình trạng căng thẳng trước khi có cuộc biểu tình, Thủ Tướng Manuel Valls nhấn mạnh rằng việc có bầu thuê “hiện và sẽ tiếp tục bị cấm tại Pháp.”

Tuy nhiên điều này có vẻ không có được sự tin tưởng của người biểu tình, mang theo các biểu ngữ như “Không có bầu thuê” và “Phụ nữ không phải máy đẻ.”

Một người biểu tình cho rằng có bầu thuê là một hình thức “kỹ nghệ hóa” và là “nô lệ thời đại mới.”

Nhóm Manif pour Tous từng mở ra cuộc vận động lớn lao chống lại đám cưới đồng tính, và có lúc nói rằng đã có được 1.4 triệu người tham dự biểu tình trên đường phố Paris. Tuy nhiên Tổng Thống Francois Hollande vẫn cứng rắn tiến hành chương trình của ông và vào Tháng Tư năm ngoái, Pháp trở thành quốc gia thứ 14 trên thế giới hợp thức hóa hôn nhân đồng tính.

Một cuộc vận động biểu tình của các nhóm ủng hộ đồng tính cho hay đã thu nhận được hơn 200,000 chữ ký ủng hộ trên mạng. Tuy nhiên đến sáng Chủ Nhật, khi cuộc biểu tình khởi sự ở quảng trường Place de la Republique, chỉ có vài trăm người tham dự. (V.Giang)

Người biểu tình ở Hong Kong tiếp tục thách thức chính quyền

Người biểu tình ở Hong Kong tiếp tục thách thức chính quyền

Các cuộc biểu tình đánh dấu vụ xáo trộn lớn nhất tại Hong Kong kể từ khi Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát vào năm 1997 lãnh thổ một thời là thuộc địa của Anh này.

Các cuộc biểu tình đánh dấu vụ xáo trộn lớn nhất tại Hong Kong kể từ khi Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát vào năm 1997 lãnh thổ một thời là thuộc địa của Anh này.

04.10.2014

Người biểu tình đòi dân chủ tại Hong Kong đã tập họp đông đảo vào ngày thứ Bảy tại khu thương mại thành phố, một ít lâu sau khi Hành chánh Trưởng quan Hong Kong tuyên bố là các đường phố của thành phố này phải được mở lại vào sáng thứ Hai.

Hàng chục ngàn người biểu tình tập họp bên ngoài những trụ sở chính quyền ngay sau khi Trưởng quan hành chánh Lương Chấn Anh cảnh báo là tất cả các hành động cần thiết sẽ được thi hành để đảm bảo là các công chức đến được sở làm vào tuần tới.

Cuối ngày thứ Bảy, các nhà lãnh đạo hội Liên hiệp Thanh Niên chính của Hong Kong đồng ý  tham gia những cuộc thương thuyết mới với nhà cầm quyền, nếu chính quyền đảm bảo bảo vệ sinh viên chống lại những cuộc tấn công của các băng đảng tại quận Mong Kok của Hong Kong vào ngày thứ Sáu vừa qua.

Các nhà lãnh đạo biểu tình  cũng nói các công chức sẽ được phép trở lại làm việc. Cả hai bên đều đổ lỗi lẫn nhau đã gây nên bạo động ngày thứ Sáu.

Cảnh sát bắt giữ 19 người trong đêm vì có liên hệ đến những vụ xung đột, làm ít nhất 18 người bị thương, trong đó có một vài nhân viên cảnh sát.

Cảnh sát nói một số người bị bắt liên hệ đến những băng đảng tội phạm có tổ chức có tên là Tam Hoàng.

Người đứng đầu cơ quan an ninh Hong Kong Lai Tung-kwok ngày thứ Bảy bác bỏ  tin là nhà cầm quyền thành phố sử dụng các băng đảng chống những người biểu tình để cố quét sạch những người này ra khỏi các dường phố.

Ông gọi những cáo buộc này là những lời đồn đoán và hoàn toàn vô căn cứ và không công bình.

Hàng chục ngàn người biểu tình, hầu hết là sinh viên đã chiếm một số con đường bận rộn nhất trong thành phố hơn một tuần lễ. làm giao thông và các hoạt động buôn bán bị tê liệt.

Các người biểu tình kêu gọi Trưởng quan Hành chánh Lương Chấn Anh từ chức  và yêu cầu Bắc Kinh bãi bỏ kế hoạch duyệt xét các ứng cử viên trước cuộc bầu cử năm 2017.

Các cuộc biểu tình đánh dấu vụ xáo trộn lớn nhất tại Hong Kong kể từ khi Bắc Kinh nắm quyền kiểm soát vào năm 1997 lãnh thổ một thời là thuộc địa của Anh này.

Hồng Kông: Người biểu tình kiên quyết không rút lui (RFA)

Lực lượng biểu tình tại Hongkong vẫn chiếm giữ trung tâm hành chánh Lực lượng biểu tình tại Hongkong vẫn chiếm giữ trung tâm hành chánh đêm 05/10/2014