Chứng khoán Trung Quốc bất ngờ xuống điểm ‘thê thảm’

Chứng khoán Trung Quốc bất ngờ xuống điểm ‘thê thảm’

Nguoi-viet.com

BẮC KINH, Trung Quốc (NV) Thị trường chứng khoán Trung Quốc xuống điểm “thê thảm” hôm Thứ Ba, nhiều nhất trong 5 năm qua, sau khi Bắc Kinh bất ngờ giảm mức cho vay, làm nhiều người lo ngại mức tăng trưởng của nền kinh tế lớn hàng thứ hai thế giới, theo một bản tin của báo Wall Street Journal.

Giới đầu tư bán tháo chứng khoán hôm Thứ Ba trong lúc các nhà kinh tế Trung Quốc họp ở Bắc Kinh để đưa ra chính sách kinh tế cho năm tới, và nhiều người nghĩ rằng, dự đoán mức tăng trưởng chỉ đạt từ 7 đến 7.5%.

Một nhà đầu tư tại tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, phản ứng trong lúc theo dõi thị trường chứng khoán Thượng Hải trên bảng điện tử hôm Thứ Ba. (Hình: STR/AFP/Getty Images)

Các nhà hoạch định kinh tế Trung Quốc trong thời gian qua gặp khó khăn trong việc quân bình giữa giảm chi tiêu của chính phủ, đồng thời thúc đẩy chi tiêu của người tiêu dùng để duy trì mức tăng trưởng lâu dài.

Các chính sách nhằm cắt giảm nợ quốc gia – mà các nhà kinh tế ước tính tương đương khoảng 250% tổng sản lượng nội địa năm nay – có thể làm mức tăng trưởng chựng lại trong trước mắt, nhất là hai ngành sản xuất thép và xi măng, hai lãnh vực mà mức cung cao hơn mức cầu.

Trong ngày Thứ Ba, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite xuống điểm 5.4%, mức thấp nhất kể từ năm 2009, sau khi giới chức chính phủ không cho giới đầu tư vay thêm tiền.

Sau khi thị trường cổ phiếu rớt điểm, đồng yuan bị ảnh hưởng ngay lập tức, đánh dấu sự xuống giá lớn nhất trong hai ngày đối với đồng đô la Mỹ.

Chính sách nêu trên là nhắc nhở đối với các nhà đầu tư thế giới, rằng có nhiều rủi ro, ngay cả tại Trung Quốc, nơi mà thị trường chứng khoán rộng mở cho người ngoại quốc mua.

Mục tiêu của mức tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ được công bố vào Tháng Ba, 2015, khi Quốc Hội có cuộc họp thường niên.

Tuy nhiên, tại Trung Quốc, giới truyền thông thường gián tiếp thông báo thay đổi chính sách trước khi nhà nước công bố.

Cũng hôm Thứ Ba, tờ Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Trung Quốc, đang cầm quyền tại quốc gia đông dân nhất thế giới, cho đăng một bài xã luận, nói rằng thị trường cần một số kích thích, nhưng vẫn phải tiếp tục cải tổ kinh tế.

“Mục tiêu quan trọng là điều chỉnh cấu trúc kinh tế và gia tăng phẩm chất của nó,” ông Liu Shijin, phó chủ tịch Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển thuộc Hội Ðồng Nhà Nước, viết.

Bài viết này được đăng trên trang nhất của tờ báo, cùng với một bản báo cáo nói rằng, tăng trưởng kinh tế không còn cao như trước là “bình thường ‘mới.’”

Sự xuống điểm thê thảm của thị trường chứng khoán Trung Quốc hôm Thứ Ba là đáng ngạc nhiên, nhưng một số người đã dự đoán trước được.

Tuy nhiên, nó cũng làm một số người lo lắng.

“Chứng khoán Trung Quốc là một thị trường ‘bệnh hoạn,’” một cư dân ở Linyi, một thành phố phía Ðông Trung Quốc, nói.

“Chứng khoán tăng cao buổi sáng, nhưng lại xuống nhiều hơn vào buổi chiều,” một người khác viết trên trang mạng Weibo, một trang xã hội giống Facebook ở Hoa Kỳ. “Tôi không hiểu tại sao nó xuống điểm, và tôi cũng không hiểu tại nó tăng điểm. Chẳng hợp lý tí nào cả. Nó còn tệ hơn là đi đánh bạc ở Macau.” (Ð.D.)

Bão Hagupit ập vào Philippines

Bão Hagupit ập vào Philippines

Tuy chưa mạnh tới mức siêu bão, nhưng bão Hagupit là cơn bão dữ dội nhất thổi vào Philippines trong năm nay.

Tuy chưa mạnh tới mức siêu bão, nhưng bão Hagupit là cơn bão dữ dội nhất thổi vào Philippines trong năm nay.

07.12.2014

Bão Hagupit đã ập vào Philippines, mang theo những trận mưa lớn và những cơn gió giật có cường độ 210 kilomét giờ.

Tin tức cho biết bão đã ập vào thị trấn Dolres ở tỉnh Đông Samar hồi tối thứ bảy.

Văn phòng Phòng vệ Dân sự Philippines nói rằng hơn nửa triệu người hôm thứ sáu đã di tản khỏi vùng duyên hải và những nơi dễ bị nạn đất chuồi.

Các nhà dự báo thời tiết nói rằng bão Hagupit sẽ ảnh hưởng tới những khu vực ở miền trung, là nơi đã bị tàn phá bởi Siêu bão Haiyan hồi năm ngoái.

Các giới chức cho biết phân nửa các tỉnh ở Philippines được xem là có rủi ro bị bão Hagupit hoành hành.

Các chuyên gia thời tiết cảnh báo rằng tuy chưa mạnh tới mức siêu bão, nhưng đây là cơn bão dữ dội nhất thổi vào Philippines trong năm nay.

Đụng độ lớn giữa cảnh sát và người biểu tình Hồng Kông

Đụng độ lớn giữa cảnh sát và người biểu tình Hồng Kông

Thanh Hà

clip_image002

Người biểu tình và cảnh sát chống bạo động vẫn đối đầu trước trụ sở chính quyền ngày 01/12/2014. REUTERS/Bobby Yip

Hàng ngàn người biểu tình Hồng Kông lại chiếm đóng khu vực hành chính, Admiralty, bao vây trụ sở của chính quyền. Bạo động bùng lên giữa cảnh sát với người biểu tình trong đêm hôm qua 30/11/2014. Khoảng 40 người biểu tình bị câu lưu. Chính quyền Hồng Kông dọa dập tắt phong trào dân chủ.

«Không thể chấp nhận» để cho phong trào dân chủ tiếp tục chiếm đóng đường phố sau hơn hai tháng được khởi động. Trên đây là tuyên bố của lãnh đạo số 1 Hồng Kông, Lương Chấn Anh vào sáng nay (01/12/2014). Ông thông báo trước là «cảnh sát sẽ không ngần ngại áp dụng luật pháp» để can thiệp.

Sáng nay, phe xuống đường đòi dân chủ đã bao vây trụ sở của chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông và Nghị viện. Đêm hôm qua 30/11/2014 cảnh sát chống bạo động đã thẳng tay đàn áp người biểu tình, dùng lựu đạn cay và dùi cui để giải tán đám đông. Hàng chục người bị thương. Đây là đụng độ nghiêm trọng nhất kể từ khi phong trào chiếm đóng Hồng Kông bắt đầu hôm 28/09/2014.

Thông tín viên đài RFI Florence de Changy sáng nay có mặt tại khu Admiralty cho biết thêm về không khí tại chỗ sau một đêm nhiều sóng gió:

“Khu Admiralty vào sáng nay hãy còn lại dư âm của các vụ xung đột nghiêm trọng đêm hôm qua. Phải nói đêm hôm qua là đêm đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã diễn ra một cách khốc liệt nhất kể từ đầu phong trào bất phục tùng dân sự.

Chưa bao giờ khu vực Admiralty lại ngổn ngang như hôm nay, nhiều đống rác mọc lên như nấm. Không ai biết là điều gì sẽ xảy ra vào đêm nay.

Một thanh niên 24 tuổi sắp tốt nghiệp để đi dạy học thú nhận là anh đã rất nản chí, bởi vì chính quyền Hồng Kông nhất quyết từ chối đối thoại và không ngần ngại tố cáo sinh viên là gây bạo động. Thanh niên này không ngần ngại lên án cảnh sát Hồng Kông đánh đập người biểu tình để làm nản lòng những ai muốn đứng về phía dân chủ.

Tòa án Tối cao Hồng Kông vừa ra lệnh giải tỏa khu vực Admiralty nội trong ngày hôm nay, 01/12/201. Bằng không nhân viên công vụ sẽ đến hiện trường để can thiệp. Một số người tại đây cho rằng cảnh sát Hồng Kông đã lợi dụng đợt xung đột đêm hôm qua để thẩm định số đông của đối phương, để xem cần phải huy động bao nhiêu lực lượng để ra tay vào đêm nay”.

T.H.

Nguồn: http://vi.rfi.fr/chau-a/20141201-dung-do-lon-giua-canh-sat-va-nguoi-bieu-tinh-hong-kong/

Campuchia trục xuất người Thượng theo yêu cầu của Việt Nam

Campuchia trục xuất người Thượng theo yêu cầu của Việt Nam

Nguoi-viet.com

PHNOM PENH (NV) .- Ông Nguon Koeun, một thiếu tướng cảnh sát của Campuchia vừa cho biết sẽ đáp ứng yêu cầu của Việt Nam, trục xuất những người thiểu số đang lánh nạn ở Campuchia.

Một khu tái định cư cho những người thiểu số bị mất nhà, mất đất vì các dự án thủy điện ở Tây Nguyên. Phần lớn những khu tái định cư này bị bỏ hoang vì chất lượng quá tồi tệ, dân chúng không chịu ở. (Hình: Lao Động)

Việt Nam đã gửi một danh sách ghi tên 16 người thiểu số, cư trú tại Tây Nguyên, tháng trước đã chạy sang Campuchia lánh nạn và đề nghị Campuchia bắt giữ, trục xuất những người thiểu số này. Báo chí Campuchia cho biết, cả 16 người đang tạm trú tại vùng Lumphat, thuộc tỉnh Ratanakkiri. Một tỉnh nằm ở phía Bắc Campuchia.

Tuy tuyên bố sẽ thực hiện yêu cầu của Việt Nam, song tướng Koeun phủ nhận thông tin cho rằng, cảnh sát Campuchia đã bắt giữ 16 người thiểu số này.

Trước thông tin vừa kể, bà Vivian Tan, một nhân viên của Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) tại Campuchia, cho biết, UNHCR đang làm việc với  chính quyền Campuchia để xác định 16 người mà Việt Nam đề nghị Campuchia trục xuất có hội đủ điều kiện để được xem là người tỵ nạn hay không.

Theo bà Tan, UNHCR đã khuyến cáo Campuchia khoan trục xuất những người này vì có thể họ sẽ gặp nguy hiểm khi bị trả về Việt Nam. Tướng Sok Phal, nhân vật đứng đầu Văn phòng Di trú của Bộ Nội vụ Campuchia, vừa khẳng định, chỉ chính phủ Campuchia mới quyết định 16 người thiểu số vừa kể có phải là người tỵ nạn hay không.

Xưa nay, Campuchia vẫn là nơi mà nhiều người thiểu số ở Tây Nguyên chạy sang lánh nạn khi bị chế độ Hà Nội đàn áp vì không chịu từ bỏ niềm tin tôn giáo của họ và tranh đấu đòi quyền sống.

Các nghiên cứu của một số chuyên gia khoa học xã hội tại Việt Nam nhiều lần khẳng định, những sắc tộc bản địa ở Tây Nguyên không còn không gian sinh tồn riêng và rất nghèo khổ vì bị tước đoạt đất đai. Nam ngoái, một báo cáo của Ủy ban Dân tộc thuộc nhà cầm quyền CSVN xác nhận, tại Tây Nguyên hiện có hơn 20,000 gia đình thiếu cả đất để ở lẫn đất canh tác.

Người thiểu số ở Tây Nguyên đã nổi dậy hai lần. Ngoài lần đầu tiên vào năm 2001 và sau đó có hàng ngàn người vượt biên sang Cambodia xin tị nạn chính trị, họ còn đồng loạt nổi dậy thêm một lần nữa vào tháng 4 năm 2004.

Hiệp hội người thiểu số Việt Nam tại Hoa Kỳ đã nhiều lần lên tiếng tố cáo về việc nhà cầm quyền CSVN đang giam giữ từ vài trăm đến hàng ngàn người thiểu số tham gia các cuộc nổi dậy này. Đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp để những tù nhân đó không “chết dần, chết mòn” trong tù.

Tuy chế độ Hà Nội đã đề ra nhiều chính sách, kế hoạch để ngăn chặn, hóa giải bất ổn song các chuyên gia nhận định, những chính sách, kế hoạch đó “chồng chéo, phân tán, không phù hợp với đặc điểm của từng sắc tộc”. Nguồn lực đầu tư phát triển từ các chính sách, kế hoạch mang tầm vóc quốc gia khi xuống đến các địa phương chỉ còn là những công việc “vụn vặt” để lấy “thành tích”.

Năm ngoái, Bộ Công an CSVN đã dùng các vụ nổi loạn của người thiểu số ở vùng Tây Bắc Việt Nam và Tây Nguyên để vận động Ủy ban Thường vụ của Quốc hội gia tăng đầu tư cho cảnh sát cơ động – lực lượng vũ trang của công an, chuyên thực hiện nhiệm vụ trấn áp.

Ngoài trang bị cá nhân, hơn hẳn quân nhân, năm ngoái, cảnh sát cơ động được trang bị thêm cả B.40, xe bọc thép. Qua “Pháp lệnh Cảnh sát cơ động”, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội CSVN còn cho phép lực lượng này mua phi cơ, tàu thủy và “nổ súng trấn áp bạo loạn, tụ tập đông người phá rối an ninh”. (G.Đ)

Tổng thống Đài Loan thôi lãnh đạo đảng

Tổng thống Đài Loan thôi lãnh đạo đảng

BBC

Ông Mã Anh Cửu rời phòng phiếu sau bầu cử địa phương ở Đài Loan hôm 30/11

Quốc Dân Đảng có thất bại lớn nhất trong lịch sử hôm 29/11

Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu sẽ từ chức Chủ tịch đảng Quốc Dân Đảng sau thất bại thảm hại trong bầu cử địa phương hôm thứ Bảy, theo truyền thông Đài Loan.

Ông Mã được cho là sẽ thông báo quyết định tại cuộc họp của ban chấp hành trung ương đảng vào ngày mai, 3/12/2014.

Trong bầu cử địa phương lớn nhất trong lịch sử Đài Loan, Quốc Dân Đảng ̣(KMT), vốn thân với Bắc Kinh, đã mất hơn một nửa số vị trí thị trưởng trong đó có cả chức thị trưởng Đài Bắc, địa hạt truyền thống của Quốc Dân Đảng.

Phe Dân Tiến Đảng (DPP) đối lập đã chiến thắng tại 13 trong tổng số 22 thành phố lớn nhất ở Đài Loan.

Tại Đài Bắc, ứng viên của Dân Tiến Đảng, ông Kha Văn Triết đắc cử vào chức đô trưởng.

Đối thủ của ông Kha là ứng viên Quốc Dân Đảng, Liên Thắng Văn (Sean Lien), con trai cựu thủ tướng Liên Chiến, đã chỉ được có 17 điểm dù Đài Bắc từng là “thành trì’ của Quốc Dân Đảng.

Thắng lợi vang dội

Tại các thành phố lớn khác của Đài Loan, phe Dân Tiến Đảng cũng thắng cử vang dội.

Đảng Dân Tiến từng có xu hướng độc lập nay nắm cả Đài Trung mà tân thị trưởng là Lâm Gia Long sau khi các ứng viên của họ cũng tái đắc cử ở Đài Nam và Cao Hùng.

Ở hai đô thị này, Dân Tiến Đảng giành 73 và 69 phần trăm phiếu.

Ông Lâm Gia Long thuộc Dân Tiến Đảng thắng cử tại Đài Trung

Hôm thứ Hai, toàn bộ nội các Quốc Dân Đảng của Thủ tướng Giang Nghi Hoa đã từ chức theo sau thất bại lớn nhất trong bầu cử địa phương của Quốc Dân Đảng ở Đài Loan.

Các nhà bình luận cho rằng dù đây chỉ là cuộc bầu cử cấp địa phương, mọi chỉ dấu cho thấy sự thay đổi tâm lý xã hội Đài Loan chưa đầy một năm trước cuộc bầu cử tổng thống.

Sau nhiệm kỳ nhiều vấn đề của Tổng thống Trần Thủy Biển, người bị tù vì tội biển thủ công quỹ, Dân Tiến Đảng đã thay đổi nhân sự và phục hồi mạnh mẽ.

Ngược lại, Quốc Dân Đảng có vẻ rơi vào khủng hoảng nặng hơn cả các chỉ dấu bề ngoài biểu lộ.

Chẳng hạn tại Đào Nguyên, thành phố phía Bắc, ứng viên Quốc Dân Đảng dẫn 20 điểm trong các cuộc điều tra dư luận trước ngày đầu phiếu nhưng cuối cùng đã thua.

Di sản của ông Mã̉ Anh Cửu hiện được đánh giá tồi tệ ở cả hai mặt.

Một là chính sách hòa hoãn với Trung Quốc. Tuy được Bắc Kinh và Washington hoan nghênh, lại gây phản ứng khác nhau từ nhiều giới.

Việc mở cửa thị trường cho Trung Quốc đầu tư khiến không ít doanh nghiệp Đài Loan lo ngại và bị phong trào Hoa Hướng Dương của sinh viên phản đối.

Các cuộc chiếm nghị viện của sinh viên đã thu hút sự chú ý của dư luận châu Á.

Đài Loan là xứ sở duy nhất thuộc khu vực văn hóa Trung Hoa có bầu cử tự do

Gần đây, để tỏ ra độc lập hơn với Trung Quốc, ông Mã Anh Cửu đã lên tiếng ủng hộ phong trào đòi dân chủ ở Hong Kong nhưng với nhiều người Đài Loan, ông vẫn có tiếng là thân Trung Quốc.

Hai bên Trung Quốc và Đài Loan đã ký một loạt thỏa thuận mậu dịch quan trọng năm 2010 nhằm thông thương kinh tế.

Tuy nhiên, hiện nay việc đưa nhiều thỏa thuận đó vào thực hiện đang bị dư luận và viện lập pháp ngăn lại.

Một số điều tra dư luận ở Đài Loan nói người dân ủng hộ hòa hoãn với Trung Quốc về chính trị nhưng tin rằng chỉ các doanh nhân Đài đầu tư vào lục địa là nhóm được hưởng lợi nhất từ thỏa thuận mậu dịch.

Ngoài ra, chính sách hòa hoãn cũng không được Bắc Kinh đáp trả nồng hậu và hy vọng về cuộc gặp của Mã Anh Cửu với Chủ tịch Tập Cận Bình tại APEC Bắc Kinh đã không thành hiện thực.

Nay, có vẻ như vị thế của bà Thái Anh Văn, chủ tịch Dân Tiến Đảng đang tăng lên cùng cơ hội tranh cử tổng thống năm 2016.

Có tên chính thức là Trung Hoa Dân Quốc, Đài Loan là nơi duy nhất thuộc khu vực văn hóa Trung Hoa có bầu cử hoàn toàn tự do, dân chủ.

Bắc Triều Tiên : Thêm một đợt thanh trừng nhắm vào giới lãnh đạo

Bắc Triều Tiên : Thêm một đợt thanh trừng nhắm vào giới lãnh đạo

Thanh Hà

media

Ông Jang Song-Thaek lúc ra trước Tòa án quân sự, Ảnh ngày 12 /12/ 2013.REUTERS/Yonhap

Hàng chục đảng viên đảng Lao động Bắc Triều Tiên đã bị hành quyết hoặc cách chức trong những tháng qua. Nhật báo Hàn Quốc Korea Joongan, ấn bản ngày 01/12/2014 xem đây là đợt thanh trừng thứ nhì nhắm vào những vây cánh của ông Jang Song Thaek, dượng rể của Kim Jong Un. Ông Jang đã bị hành quyết cách nay một năm.

Theo tờ Korea Joongan, hôm nay Trung tâm Chiến lược và An ninh quốc gia của Hàn Quốc, trực thuộc cơ quan tình báo, công bố một báo cáo quan trọng với nội dung : Bình Nhưỡng đang mở ra một đợt thanh trừng thứ nhì nắm vào những người thân cận với cố phó chủ tịch Ủy ban quốc phòng Bắc Triều Tiên, Jang Song Thaek.

Ông này từng được coi là một trong những cột trụ của chế độ cha truyền con nối ở Bình Nhưỡng. Tháng 12/2013, Bình Nhưỡng đã cách chức và tử hình ông Jang, dượng rể của chính lãnh đạo số 1 Kim Jong Un.

Báo cáo của Trung tâm Chiến lược và An ninh Hàn Quốc, cho biết thêm là đợt thanh trừng thứ nhì đã mở màn từ tháng 5/2014 sau vụ một khu nhà tập thể 23 tầng tại Bình Nhưỡng bị sập, làm hơn 400 người chết. Kim Jong Un coi tai nạn nói trên là hành vi của « bè lũ » Jang Song Thaek, vì trước đây ông này từng kiểm soát bộ An ninh.

Tháng 7 vừa qua, một số quan chức cao cấp Bắc Triều Tiên đã bị hành quyết vì tội « phản bội ». Tổng cộng có khoảng 20 quan chức nhà nước đã bị sử bắn, hoặc nhẹ hơn thì bị đày ra khỏi thủ đô. Tiếp theo đó, vào tháng 9 vừa qua, lại có thêm gần 20 nhân viên trong Cơ quan tuyên truyền Bắc Triều Tiên bị xử bắn với tội « chống đảng và nhà nước », « tham nhũng » hay « quan hệ bất chính với phụ nữ ». Vẫn theo báo cáo của ngành tình báo Hàn Quốc, lại có thêm 10 đảng viên khác bị tử hình vào tháng 10/2014 với lý do từng có liên hệ với dượng rể của lãnh tụ họ Kim hay chỉ vì tội lén xem phim Hàn Quốc.

Báo Korea Joonggang bình luận : hàng loạt các vụ thanh trừng nói trên đang khiến các đảng viên của đảng Lao động Bắc Triều Tiên run sợ. Trích lời một chuyên gia, tờ báo này cho biết thêm : Bản thân đương kim Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Su Yong cũng đang lo sợ cho tính mạng của mình. Tuy đã từng dẫn dắt lãnh tụ Kim Jong Un trong thời gian cậu ấm của triều đại họ Kim du học tại Thụy Sĩ, nhưng vừa qua ông Ri đã không ngăn cản được Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu đòi đưa một số lãnh đạo Bắc Triều Tiên ra trước Tòa án hình sự Quốc tế vì phạm tội ác chống nhân loại.

Cựu tướng hàng đầu TQ nhận ăn hối lộ

Cựu tướng hàng đầu TQ nhận ăn hối lộ

Ông Từ Tài Hậu hiện đang bị ung thư bàng quang

Báo chí Trung Quốc đưa tin một trong các cựu tướng lĩnh hàng đầu nước này, ông Từ Tài Hậu, đã nhận tội ăn những khoản tiền hối lộ khổng lồ để đổi lấy các quyết định thăng quan tiến chức.

Ông này chuẩn bị phải ra tòa án binh vì tham nhũng.

Ông Từ từng giữ các chức vụ quan trọng như Thượng tướng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông thôi vị trí ở quân ủy hồi năm ngoái và ở Bộ Chính trị vào năm 2012.

Chủ tịch Quân ủy Trung ương Tập Cận Bình từng tuyên bố cam kết đấu tranh chống tham nhũng, nhất là trong quân đội Trung Quốc.

Với 2,280 triệu binh lính, quân đội Trung Quốc thuộc loại lớn nhất thế giới và Tướng Từ Tài Hậu từng phụ trách nhân sự của quân đội.

Ông bắt đầu bị điều tra cáo buộc tham nhũng từ hồi tháng Sáu, sau đó bị cách chức và tước quân tịch. Ông cũng sẽ sớm bị khai trừ Đảng, theo Tân Hoa Xã.

Thú nhận tội lỗi

Hãng tin nhà nước Trung Quốc cho hay: “Các công tố viên quân đội sau khi điều tra đã xác minh là Từ Tài Hậu lợi dụng chức quyền để phong quan tiến chức cho một số người nhằm ăn những khoản tiền hối lộ khổng lồ trực tiếp hoặc thông qua gi ađình”.

Tân Hoa Xã cũng nói ông Từ đã “thú nhận toàn bộ tội lỗi”.

Cuộc điều tra sai phạm với ông này đã kết thúc và quá trình xét xử đang được xúc tiến, khởi đầu bằng việc đưa ông ra tòa án binh.

Tân Hoa Xã không đưa thêm chi tiết.

Việc kết tội ông Từ Tài Hậu được cho là rất quan trọng vì ông làm công tác nhân sự cho quân đội trong suốt 13 năm do vậy các nhân vật tướng lĩnh hiện tại phần lớn đều do ông ký lệnh phong chức.

Ông Từ đã gần như bị quản thúc nhiều tháng nay sau khi bị triệu tập hỗ trợ điều tra cáo buộc tham nhũng đối với cựu Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Cốc Tuấn Sơn năm 2012. Ông Cốc bị buộc tội tham nhũng hồi đầu năm nay còn bản thân ông Từ thì bị điều tra từ ngày 15/3.

Hiện ông đang bị ung thư bàng quang, khiến việc khởi tố ông trở nên khó khăn.

Việc mua quan bán chức trong quân đội tuy bị cho là khá phổ biến nhưng lại không được nhắc đến nhiều.

Hội nghị Trung ương Đảng CSTQ hồi tuần trước đã thống nhất tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng.

Chủ tịch Tập Cận Bình nhiều lần tuyên bố sẽ đấu tranh chống các thành phần tham nhũng từ trên xuống dưới.

Một trong các nhân vật cao cấp, trùm an ninh Chu Vĩnh Khang, cũng đang bị điều tra.

Trung Quốc bắt đầu chống tham nhũng trong quân đội từ cuối những năm 1990, cấm quân đội làm kinh tế nhưng vi phạm vẫn thường xuyên xảy ra.

Iran treo cổ người phụ nữ bị cáo buộc đã giết chết kẻ hãm hiếp bà

Iran treo cổ người phụ nữ bị cáo buộc đã giết chết kẻ hãm hiếp bà

Bà Reyhaneh Jabbari bị kết án tử hình 5 năm qua vì đã giết chết người đàn ông theo cáo buộc là đã hãm hiếp bà.

Bà Reyhaneh Jabbari bị kết án tử hình 5 năm qua vì đã giết chết người đàn ông theo cáo buộc là đã hãm hiếp bà.

25.10.2014

Iran vừa treo cổ một phụ nữ bị kết án tử hình 5 năm qua vì đã giết chết người đàn ông theo cáo buộc là đã hãm hiếp bà.

Hãng thông tấn IRNA loan tin vụ hành quyết bà Reyhaneh Jabbari.

Tổ chức Ân xá Quốc tế gọi việc buộc tội bà là “một cuộc điều tra và xét xử giả dối.”

Người đàn ông bị bà giết chết tên là Morteza Abdolali Sarbandi, một cựu sĩ quan tình báo, mà bà nói đã cố hãm hiếp bà.

Mẹ của bà Jabbari được vào thăm bà một giờ đồng hồ hôm thứ Sáu – một thông lệ trước khi hành quyết ở Iran.

Vụ hành quyết được thực hiện sau khi gia đình của ông Sarbandi từ chối ân xá cho bà Jabbari hoặc nhận tiền bồi thường.

Các nhóm tranh đấu cho nhân quyền đã kêu gọi Iran ngưng vụ hành quyết lại.

Phong trào dân chủ Hồng Kông hủy kế hoạch trưng cầu dân ý

Phong trào dân chủ Hồng Kông hủy kế hoạch trưng cầu dân ý

Sinh viên biểu tình phát biểu tại một ngã tư ở trung tâm Mong Kok, Hong Kong.

Sinh viên biểu tình phát biểu tại một ngã tư ở trung tâm Mong Kok, Hong Kong.

26.10.2014

Những người tổ chức cuộc phản kháng đòi dân chủ ở Hồng Kông đã hủy bỏ cuộc đầu phiếu, vốn được dự trù diễn ra ngày hôm nay, về những bước kế tiếp trong cuộc chiếm cứ đường phố kéo dài cả tháng nay.

Sau cuộc đàm phán có tính chất dấu mốc hôm thứ ba, chính quyền Hồng Kông đề nghị gởi một văn thư cho Quốc vụ viện Trung Quốc để trình bày sự bất mãn của những người biểu tình đối với việc Bắc Kinh đòi hỏi các ứng cử viên trong cuộc bầu cử trưởng quan hành chánh Hồng Kông năm 2017 phải có được sự chấp thuận của Trung Quốc.

Chính quyền Hồng Kông cũng đề nghị tiến hành những cuộc đối thoại thường xuyên với những người biểu tình về vấn đề cải cách dân chủ, với điều kiện người biểu tình chấm dứt việc chiếm cứ đường phố.

Những nhân vật lãnh đạo chính của cuộc biểu tình bác bỏ các đề nghị của chính quyền mà họ cho là không đủ, nhưng những người khác nói rằng cần thực hiện một cuộc trưng cầu dân ý để tranh thủ thêm sự hậu thuẫn của người dân.

Hiện chưa rõ phe biểu tình có ấn định một ngày khác để tổ chức cuộc trưng cầu dân ý hay không.

Hàng vạn người đã dựng lều tại một số địa điểm biểu tình trên đường phố từ cuối tháng 9 để đòi Trưởng quan Hành chánh thân Bắc Kinh Lương Chấn Anh từ chức và đòi Trung Quốc để cho Hồng Kông được thực hiện phổ thông đầu phiếu.

Hồng Kông và giới hữu trách Hoa Lục nói rằng những cuộc biểu tình này là bất hợp pháp và cho rằng người biểu tình không phản ánh ý nguyện của toàn thể dân chúng Hồng Kông.

Hôm thứ năm, những người biểu tình đã nhận được sự khích lệ từ Ủy hội Nhân quyền Liên hiệp quốc. Cơ quan thế giới này kêu gọi Trung Quốc thực thi  phổ thông đầu phiếu, và tôn trọng các quyền của người dân, kể cả quyền ứng cử.

Ukraine bầu quốc hội mới

Ukraine bầu quốc hội mới

Cử tri Ukraine đi bỏ phiếu tại Kyiv, ngày 26/10/2014.

Cử tri Ukraine đi bỏ phiếu tại Kyiv, ngày 26/10/2014.

26.10.2014

Dân chúng Ukraine bỏ phiếu bầu quốc hội mới. Cuộc bầu cử hôm nay là cuộc bầu cử quốc hội đầu tiên kể từ khi những vụ xuống đường biểu tình ở thủ đô Kyiv buộc Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bỏ chạy hồi tháng hai, đưa tới chỗ thành lập một chính phủ thân Châu Âu do Tổng thống Petro Poroshenko lãnh đạo.

Các nhà phân tích cho biết đảng của ông Poroshenko dự kiến sẽ chiếm phiếu nhiều nhất trong cuộc đầu phiếu hôm nay, nhưng chưa rõ đảng này có thể thành lập chính phủ mà không cần tới việc liên minh với các đảng khác hay không.

Tuy nhiên, cử tri sẽ không thể bỏ phiếu ở Crimea, nơi đã bị Nga sáp nhập, và ở một số khu vực ở miền đông Ukraine đang do phiến quân đòi ly khai kiểm soát.

Các cuộc thăm dò cho thấy đa số dân chúng Ukraine ủng hộ những biện pháp cải cách kinh tế và dân chủ, nhất là những nỗ lực bài trừ tham nhũng để rốt cuộc có thể gia nhập Liên hiệp Châu Âu.

Một quốc hội mới ủng hộ Tổng thống Poroshenko có phần sẽ gây thêm căng thẳng với Nga.

Kyiv tố cáo Moscow hậu thuẫn cho các phiến quân thân Nga ở miền đông trong cuộc xung đột đã gây tử vong cho hơn 3.700 người và làm cho các vấn đề khó khăn kinh tế của Ukraine trở nên nghiêm trọng hơn.

Nhìn lại lịch sử nhân kỷ niệm ngày bức tường Berlin sụp đổ

Nhìn lại lịch sử nhân kỷ niệm ngày bức tường Berlin sụp đổ

Những người lính canh phía Đông Đức kéo đổ một phần của bức tường Berlin, 11/11/1989

Những người lính canh phía Đông Đức kéo đổ một phần của bức tường Berlin, 11/11/1989

23.10.2014

Ngày 9 tháng 11 đánh dấu 25 năm bức tường Berlin sụp đổ.

Chúng tôi đã nói chuyện với sử gia người Anh Frederick Taylor, một chuyên gia về Bức tường Berlin và tác giả của cuốn sách có tựa là “Bức tường Berlin – một thế giới chia rẽ 1961-1989” về những gì đã khơi ngòi cho nhà chức trách Đông Đức thoạt đầu xây bức tường này.

Theo các điều khoản của Hiệp định Yalta năm 1945, các đồng minh chiến thắng trong Thế chiến thứ hai đã chia nước Đức làm 4 khu vực chiếm đóng, khu Mỹ, khu Anh, khu Pháp và khu các nước Sô Viết.

Thủ đô Berlin nằm ở vị trí khoảng 160 kilomet bên trong khu vực Sô viết. Thành phố này cũng bị chia làm 4 khu vực giống như toàn nước Đức.

Căng thẳng giữa các cường quốc Tây phương và Sô viết

Trong khi thời kỳ hậu chiến kéo dài từ nhiều tháng đến nhiều năm, căng thẳng nổi lên giữa các nước Sô viết và 3 nước đồng minh Tây phương. Năm 1949, các khu vực Tây phương của Đức đã tách ra khỏi chính phủ cộng sản có liên hệ với Sô viết ở Đông Đức, khu vực bao quanh Berlin.

Sử gia Frederick Taylor nói, “Berlin nằm bên trong khu vực Sô viết – có thể nói như một thứ ngựa thành Troy, của chủ nghĩa tư bản dưới con mắt của phe Sô viết và các đồng minh Cộng sản Đức – trở thành một biểu tượng của lối sống Tây phương tiếp tục hiện hữu bên trong cái ngày càng trở thành một khối Sô viết thời Chiến tranh lạnh băng giá và áp chế.

Ông Taylor nói một biên giới được dựng lên giữa Đông và Tây Đức.

“Thực vậy, đến năm 1952, có một biên giới kiên cố nơi bạn có thể bị bắn vì tìm cách vượt từ Đông qua Tây Đức. Nhưng ở Berlin, vì tình trạng cá biệt của thành phố như một khu vực nằm dưới sự kiểm soát của quân đội, và tiếp tục bị đặt dưới sự kiểm soát của quân luật, ngay cả sau khi hai quốc gia Đức được thành lập.”

Ông Taylor nói tiếp: “Có những trạm kiểm soát vân vân, nhưng dân chúng thục ra có thể đi lại khá dễ dàng giữa Đông và Tây Berlin. Điều đó có nghĩa là người Đông Đức, chán ngán mức sống nghèo nàn và thiếu tự do ở Đông Đức cộng sản, mà tính đến năm 1951, thực ra nghèo hơn so với 3, 4 năm trước đó.”

Luồng di dân từ Đông Đức

Ông Taylor nói từ năm 1949 đến năm 1961, Đông Đức với khối dân 17 triệu, đã mất đi khoảng 2 triệu rưởi người bỏ qua Tây Đức.

Ông nói: “Thật vậy, điều rõ ràng đối với chính phủ Đông Đức và cuối cùng, đối với quan thầy Xô viết của họ, tính đến cuối thập niên 1950, khi chúng ta bước vào năm 1960-61, là đất nước của họ đang chảy máu đến chết – mất đi những người xuất sắc nhất cho phương Tây. Vì thế cần phải có biện pháp nào đó. Và vấn đề là biện pháp nào.”

Vị sử gia này nói các nhà lãnh đạo Đông Đức có những chọn lựa:

“Họ có thể đề xuất các cải cách, họ có thể đề nghị một nền kinh tế hữu hiệu và tốt đẹp hơn. Họ có thể đề xuất các hình thức tự do chính trị và tự do đi lại mà hầu hết những người có học thức và văn minh nhất đòi hỏi. Nhưng dĩ nhiên là họ đã không làm như thế. Họ gắn chặt với mô hình của một nền kinh tế chỉ huy theo chủ nghĩa Stalin, nay chỉ thấy ở một số rất ít nơi trên thế giới, có lẽ chỉ ở Bắc Triều Tiên và Cuba.”

Ông Taylor nói giới lãnh đạo Đông Đức cảm thấy cách duy nhất để ngăn chặn luồng di dân Đông Đức qua Tây Đức là xây lên một hàng rào thực sự. Và họ đã quyết định làm điều đó giữa Đông và Tây Berlin.

Bức tường Berlin được dựng lên

Sử gia này nói vào đêm ngày 12 rạng ngày 13 tháng 8 năm 1961, hàng tấn gỗ, những khối than và dây thép gai đã được tuồn vào Đông Berlin.

Ông Taylor kể: “Cơ bản điều họ làm đầu tiên là chạy đường dây thép gai quanh mọi thứ, chận nhiều con đường đi từ Đông qua Tây Berlin bằng chất liệu xây bẫy bằng bê-tông và những khối than. Có lính bảo vệ cách nhau vài thước canh chừng công nhân dựng các hàng rào và cơ bản là họ đã xây toàn bộ bức tường lên trong vòng chưa đầy 12 tiếng đồng hồ. Đến sáng chủ nhật, sáng ngày chủ nhật 13 tháng 8 năm 1961, mọi người thức dậy, cả người dân Đông lẫn Tây Berlin đều nhận thấy là một hàng rào đã được dựng lên. Đó chưa phải là một bức tường, chỉ là một hàng rào. Một hàng rào dây kẽm gai với những khối than để chận các đường phố và ngăn xe cộ đi xuyên qua.”

Ông Taylor nói lớp dây kẽm gai bắt đầu cho bức tường Berlin đã ngăn cách chỉ qua một đêm, một cách quyết tâm dã man, các khu phố, các gia đình và bạn bè.

Các gia đình và Khu phố bị chia cách

Dù các bạn ở đâu vào đêm đó, bạn phải quyết định làm gì. Nếu bạn là một người Tây Đức sống ở Đông Đức, thì họ để cho bạn trở về, đó là điều chắc chắn. Nếu bạn là một người Đông Đức đang ở phía Tây cùng với thân nhân chẳng hạn, mà dĩ nhiên chỉ là trong thời gian cuối tuần, thật ra, nhiều người, cả mấy ngàn người, đang ở lại miền Tây và phải quyết định làm gì: trở lại với gia đình hay ở lại Tây Đức. Nhiều người, rất nhiều người quyết định ở lại với sự hy sinh đáng kể. Nhưng cũng có những khu phố – hàng rào mới gần như nằm giữa những con đường.

Nhà sử học này nói khoảng một tuần sau, thì một công trình giống như bức tường đã được xây dựng ở phía nam Cổng Brandenburg. Khi được xây xong hoàn toàn, bức tường dài khoảng 43 kilomet nơi nó cắt ngang trung tâm Berlin và 110 kilomet nơi nó chia cách Tây Berlin ra khỏi Đông Đức. Ngoài ra, còn có thêm 300 chòi canh, cũng như những bãi mìn, đen pha và súng ống tự động bắn đi.

Ông Taylor mô tả cảm tưởng của nhiều người Đông Đức:

“Đó là thảm kịch vĩ đại của thời đại này. Đó là những hy vọng bị dập tắt, sự thất vọng, cảm tưởng bị vây hãm, cảm giác ghê rợn của tình trạng thiếu tự do đi lại, tự do hít thở, tự do cảm nhận. Tôi nghĩ khi tôi nói chuyện với những người đã sống qua tất cả những kinh nghiệm ấy, thì đó luôn là điểm nổi bật nhất. Tôi nghĩ chúng ta khó mà hiểu được.”

Trong nhiều thập niên tiếp theo đó, người dân Đông Đức đã tìm cách đi tìm tự do bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ việc leo qua bức tường cho đến việc đào hầm đi bên dưới. Các cơ may thoát được rất nhỏ nhoi. Nhưng ông Taylor nói mọi người sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro để đi tìm một cuộc sống tốt đẹp hơn ngay bên kia bức tường Berlin.

Công giáo và Ấn Độ Giáo “làm việc cùng nhau chống lại sự vô cảm trên phạm vi toàn cầu”

Công giáo và Ấn Độ Giáo “làm việc cùng nhau chống lại sự vô cảm trên phạm vi toàn cầu”

Chuacuuthe.com

INDIA_-_1021_-_Dialogo

VRNs (23.10.2014) – Sài Gòn-  Mumbai (AsiaNews) -. Công Giáo và Ấn Độ Giáo “phải tăng cường tôn trọng lẫn nhau và tình hữu nghị, không phải bằng cách bỏ qua sự khác biệt cần thiết tồn tại giữa hai truyền thống tôn giáo, mà là do sự hiểu biết, thừa nhận và chấp nhận chúng, và do đó cả hai bên tôn trọng lẫn nhau. Giáo Hội Công Giáo không bao giờ áp đặt niềm tin vào người khác, và luôn luôn là để phục vụ người nghèo và thiệt thòi. Mối quan hệ của chúng tôi luôn luôn cải thiện, vì lợi ích chung ” Đức Ông Felix Machado, Chủ tịch Văn phòng Đối thoại liên tôn và đại kết của Hội đồng Giám mục Công giáo Ấn Độ, bình luận ​​với AsiaNews về thông điệp ngày hôm qua của Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn đển cộng đồng đạo Hindu.

Theo vị giám chức, người cũng đứng đầu văn phòng đối thoại trong Liên Hội đồng Giám mục Á châu, Ấn Độ “là một xã hội đa tôn giáo và đa nguyên, nơi mà tinh thần bao gồm luôn luôn được thúc đẩy bởi người Công giáo. Giáo Hội khuyến khích đối thoại và hợp tác với các tôn giáo khác, vì lợi ích chung. Chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức phát sinh với nhau, vì cùng nhau chúng ta có thể phát triển thịnh vượng.”

Đức Ông Machado nói, thông điệp của Diwali “phản ánh suy nghĩ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô: sự thờ ơ trên phạm vi toàn cầu tạo ra một nền văn hóa loại trừ trong đó người nghèo, người dễ bị tổn thương và thiệt thòi thấy quyền lợi của mình bị chà đạp. Trong khi các cơ hội và các nguồn lực được phân bổ cho những người khác. Bất cứ ai sống bên lề bị sử dụng và loại bỏ như một đồ vật. Và điều đó làm tổn thương mọi người.”

Ngược lại, “Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ đã luôn luôn làm việc cho người nghèo và người thiệt thòi. Đối với Dalits và các bộ lạc, phụ nữ và trẻ em gái ở vùng sâu vùng xa của đất nước, với những người bất hạnh, bất kể  tôn giáo, cam kết đánh bại sự thờ ơ trên phạm vi toàn cần này. Chúng tôi đang tham gia vào cuộc đối thoại liên tôn và không phân biệt đối xử, và sẽ tiếp tục hợp tác với nhà nước, với xã hội vì lợi ích chung. Đối thoại giữa Ấn giáo và Kitô giáo có thể trở thành một hình mẫu cho các tôn giáo khác “.

Pv.VRNs