Taliban tấn công trưòng học ở Pakistan, giết chết 126 người

Taliban tấn công trưòng học ở Pakistan, giết chết 126 người

Nhân viên an ninh tại một bệnh viện giúp một học sinh bị thương trong vụ tấn công, Peshawar, Pakistan, 16/12/14

Nhân viên an ninh tại một bệnh viện giúp một học sinh bị thương trong vụ tấn công, Peshawar, Pakistan, 16/12/14

16.12.2014

Một nhóm phiến quân Hồi giáo mặc quân phục đã tấn công một trường học do quân đội điều hành ở miền tây bắc, giết chết ít nhất 126 người. Hơn 100 người khác bị thương trong vụ tấn công ngày hôm nay. Theo tường thuật của thông tín viên Ayaz Gul của đài VOA ở Islamabad, phe Taliban ở Pakistan đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ này.

Giới hữu trách cho biết những kẻ tấn công trang bị khí giới hùng hậu đã xông vào trường học nằm trong một khu vực được canh phòng khá chặt chẽ của thành phố Peshawar và nổ súng bừa bãi vào những học sinh đang tham gia khóa thi mùa đông.

Những kẻ tấn công đã bắt một số người không rõ là bao nhiêu làm con tin trước khi lính biệt kích Pakistan tới nơi để tiến hành một cuộc giải cứu. Những người mục kích cho biết súng nổ dữ dội bên trong trường học giữa lúc xe cứu thương chở các nạn nhân đến bệnh viện.

Phần lớn những cái chết dường như đã xảy ra khi phiến quân bắt đầu vụ tấn công. Các bác sĩ cho biết mấy mươi học sinh đang được chữa trị tại bệnh viện, trong đó có một số người đang ở trong tình trạng nguy kịch. Giới hữu trách Peshawar đã kêu gọi công chúng hiến máu.

Quân đội Pakistan cho biết cuộc hành quân giải cứu đang tiếp diễn và các binh sĩ vẫn tiếp tục bắn nhau với các phiến quân. Giới hữu trách tin rằng hầu hết học sinh và nhân viên nhà trường đã được đưa tới nơi an toàn.

Tỉnh trưởng Pervez Khattak cho báo chí biết rằng các lực lượng an ninh đã hạ sát hai kẻ tấn công trong lúc một phiến quân thứ 3 tự kích nổ những quả bom đeo trên người.

Ông Khattak nói rằng phần lớn ngôi trưòng này đã nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng an ninh, nhưng một số phiến quân vẫn còn cố thủ bên trong văn phòng hiệu trưởng và một căn phòng khác ở kế bên.

Ông Khattak cũng nói rằng phiến quân mặc đồng phục của lực lượng bán quân sự có tên là Binh đoàn Biên giới.

Phe Taliban ở Pakistan nói rằng họ thực hiện vụ tấn công này để trả đũa cho những cuộc hành quân mà quân đội Pakistan thực hiện trong những khu vực bộ tộc, trong đó có vùng Bắc Waziristan gần biên giới Afghanistan mà các phiến quân Hồi giáo dùng làm căn cứ.

Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif lên án vụ thảm sát mà ông gọi là một bi kịch của đất nước.

Thảm sát trường học ở Pakistan(BBC)

GIẢI THƯỞNG NOBEL HÒA BÌNH NĂM 2014

GIẢI THƯỞNG NOBEL HÒA BÌNH NĂM 2014

Trầm Hương Thơ

12/10/2014

Sự vinh dự dành cho 2 nhân vật nổi tiếng tranh đấu cho quyền lợi của trẻ em đến từ Ấn Độ và Pakistan.

Giải thưởng Nobel Hòa bình năm nay 2014 đã được trao tặng cho cô nữ sinh Malala Yousafzai 17 tuổi đến từ Pakistan, và ông Kailash Satyarthi 60 tuổi đến từ Ấn Độ. Cả hai đều là những nhân vật nổi tiếng thế giới chống lại sự áp bức bóc lột trẻ em lao động, và quyền được hưởng sự giáo dục từ học đường.

Giải Nobel Hòa bình năm nay 2014 vừa được ông Thorbjorn Jagland, Chủ tịch Hội đồng Nobel Na Uy, công bố lúc 11h sáng nay theo giờ Âu Châu. ngoài vinh dự trên còn kèm theo 1,1 triệu USD.

Ông Thorbjørn Jagland chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy nói chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục đối với trẻ em. Sáu mươi phần trăm dân số thế giới hiện nay là người trẻ dưới 25 tuổi.

“Ủy ban rất quan tâm tới sự phát triển toàn cầu cho hòa bình và quyền của trẻ em và thanh thiếu niên phải được tôn trọng” . Nhất là ở các khu vực xung đột dẫn đến việc vi phạm quyền trẻ em nghiêm trọng, và nếu không có hòa bình thì nó sẽ tiếp diễn từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Cô gái Malala Yousafzai.

– Cô Yousafzai, sinh năm 1997, đã từng là ứng cử viên sáng giá cho giải Nobel Hòa bình năm ngoái. Cô bị phe Taliban bắn trọng thương ở đầu vào tháng 10-2012 trên một chiếc xe bus vì tranh đấu đòi quyền cho các em gái được hưởng sự công bằng về giáo dục học đường.

Với giải thưởng này, Yousafzai, 17 tuổi, trở thành người trẻ tuổi nhất từ trước tới nay nhận được giải Nobel.

– Satyarthi, 60 tuổi, vô cùng can đảm khi dẫn đầu các đoàn biểu tình chống sự khai thác lao động trẻ em ở Ấn Độ.

“Ông Kailash Satyarthi người nổi tiếng tranh đấu cho sự phát triển quyền của trẻ em cho hợp với công ước quốc tế.”

Ông đã tranh đấu trong nhiều năm trời chống lại việc lao động trẻ em ở Ấn Độ. Ông đã thể hiện lòng dũng cảm tuyệt vời! Đã tổ chức các cuộc biểu tình theo sự truyền thống của Mahatma Gandhi, và nhiều cách khác nhau đối với việc khai thác bóc lột sức lao động của trẻ em cho các mục tiêu kinh tế. Ông cũng đã góp phần rất nhiều vào sự phát triển của quyền trẻ em với quốc tế. Những nỗ lực không mệt mỏi của ông từ những năm 1980. Ông thành lập tổ chức “Bachpan Bachao Andolan” tạm gọi là: “Phong trào để cứu tuổi thơ” Nhiều lần ông đã xông vào các nhà máy, để giải thoát các trẻ em bị bắt làm việc qúa cực nhọc. Ông đã vận động không mệt mỏi để có luật cấm lao động trẻ em trong ngành công nghiệp dệt thảm.

Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng cho những nỗ lực tranh đấu của mình. Điển hình vào năm 1994 với giải thưởng Hòa bình ở Aachen. Năm 1999 với giải thưởng Nhân quyền của Friedrich-Ebert-Stiftung.

Đây là lần đầu tiên mà một người Ấn Độ đã giành được giải thưởng Nobel Hòa bình ..”

Giải thưởng Nobel Hòa bình được trao hàng năm kể từ năm 1901 của Ủy ban Nobel Na Uy ở Oslo. Có 278 ứng viên đã được đề cử cho giải Nobel Hòa bình năm 2014 – nhiều hơn tất cả những ứng cử viên từ trước tới nay. Trong số các đề nghị gồm cả 47 tổ chức.

Thanh Sơn 10.12.2014
Lược dịch từ Spiegel online Politik

Tay súng Hồi giáo chết trong vụ Sydney

Tay súng Hồi giáo chết trong vụ Sydney

Tay súng Hồi giáo, cùng hai người khác, đã thiệt mạng sau khi đặc nhiệm Úc xông vào quán cà phê ở Sydney để giải cứu con tin.

Bốn người bị thương, trong đó có một cảnh sát.

Một người đàn ông 34 tuổi và một phụ nữ 38 tuổi, cùng thủ phạm, đã tử vong sau khi được đưa vào bệnh viện, cảnh sát New South Wales nói trong một tuyên bố.

Hai phụ nữ bị các vết thương không nguy hiểm tính mạng và một cảnh sát bị mảnh đạn văng vào mặt.

Một phụ nữ khác bị thương ở vai do trúng đạn.

Thủ phạm, một người tị nạn Iran, đã bắt giữ nhiều người.

Trung tâm thành phố Sydney đã bị phong tỏa sau khi tay súng bắt con tin vào sáng thứ Hai, bắt họ phải trưng biểu ngữ Hồi giáo trên cửa sổ quán cà phê Lindt.

Quán cà phê Lindt Chocolat nằm tại Martin Place, một khu trung tâm mua sắm tấp nập thuộc quận tài chính của Sydney.

Cảnh sát bang New South Wales nói đây chỉ là một vụ “riêng lẻ”.

Giới chức đã tìm thấy toàn bộ 17 con tin, gồm cả hai người đã chạy thoát trước đó.

Ông Man Haron Monis

Cảnh sát biết rõ về ông Man Haron Monis

Chiến dịch giải cứu

Lính đặc nhiệm đã xông vào quán cà phê ở Sydney, kết thúc cuộc cầm giữ con tin của một người đàn ông Iran kéo dài trong 16 giờ đồng hồ.

Vào lúc 9:45 sáng thứ Hai (22:45 GMT Chủ Nhật), cảnh sát được gọi tới quán Lindt Chocolat Cafe. Giả thiết ban đầu theo đó cho rằng đây là một vụ cướp có vũ trang đã nhanh chóng bị bác bỏ.

Tới 10:09, truyền hình Úc phát đi các hình ảnh cho thấy các con tin cầm biểu ngữ Hồi giáo màu đen giương lên cửa sổ và hình ảnh tay súng buộc khăn.

Tay súng người Iran được xác định là một người Iran tị nạn.

Người này đang được tại ngoại trong lúc đối diện nhiều tội danh về dùng vũ lực.

Man Haron Monis, người đã được Úc cấp quy chế tị nạn, được một luật sư cũ của ông ta mô tả là chỉ hành động một mình.

Ông Monis, tự gọi mình là giáo sĩ Hồi giáo, đang được tại ngoại trong lúc chờ xử về tội có liên quan vụ giết vợ cũ và đối diện hơn 40 cáo buộc liên quan sách nhiễu tình dục và dùng vũ lực.

Ông ta cũng từng bị kết tội vì gửi thư đe dọa cho gia đình các quân nhân Úc đã chết.

Thủ tướng Úc trước đó mô tả vụ bắt giữ con tin là ‘cực kỳ đáng lo ngại’.

Ông nói hiện chưa rõ kẻ nào đứng sau vụ việc và mục tiêu là gì nhưng cho biết các cơ quan thực thi pháp luật của Úc đã ‘được trang bị đầy đủ để đối phó’.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông nói Ủy ban An ninh Quốc gia đã được báo cáo tình hình về kêu gọi người dân Úc vẫn tiếp tục cuộc sống hằng ngày nhưng phải cảnh giác.

Cảnh sát Australia giải cứu con tin ở Sydney

Cảnh sát Australia giải cứu con tin ở Sydney

Một con tin bị thương được cảnh sát đưa ra xe cứu thương sau khi có nhiều phát súng nổ trong 1 vụ bắt cóc ở 1 tiệm cafe  ở Martin Place ở quận trung tâm thương mại của Sydney, Australia, hôm 16/12.

Một con tin bị thương được cảnh sát đưa ra xe cứu thương sau khi có nhiều phát súng nổ trong 1 vụ bắt cóc ở 1 tiệm cafe ở Martin Place ở quận trung tâm thương mại của Sydney, Australia, hôm 16/12.

16.12.2014

SYDNEY—

Cảnh sát đã xông vào một tiệm cà phê ở Sydney, chấm dứt vụ giằng co kéo dài mười mấy giờ đồng hồ trong đó có một số người không rõ là bao nhiêu bị bắt làm con tin.

Lực lượng an ninh đã bao vây hiện trường rồi xông vào tiệm Lindt Chocolat Cafe ở trung tâm thành phố hồi sáng sớm thứ ba giờ địa phương.

Hình ảnh chiếu trực tiếp từ hiện trường cho thấy một loạt tiếng súng nổ và ánh chớp trước khi vài người được mang ra từ tòa nhà ở khu Martin Place.

Một số người được mang đi trên băng ca. Người ta trông thấy nhân viên cứu hộ làm hô hấp nhân tạo cho một người bên ngoài tiệm cà phê. Có tin về thương vong nhưng chưa được xác nhận.

Cảnh sát Australia cho biết thủ phạm vụ này là một di dân người Iran tên là Man Haron Monis.

Thủ tướng Tony Abbott nói rằng vụ này có thể có động cơ chính trị.

Man Haron Monis có tên Manteghi Bourjerdi trước khi đổi tên. Y được công chúng biết tới với một chiến dịch viết thư cho gia đình của binh sĩ Australia thiệt mạng ở Afghanistan, trong đó y chỉ trích hành động của các binh sĩ Úc. Y cũng bị cho là co dính líu tới vụ vợ cũ của y bị giết hại năm 2013.

Trong vụ khủng hoảng con tin hôm thứ hai, người ta trông thấy con tin đứng bên trong tiệm cà phê, giơ hai tay lên trời. Qua cửa sổ, người ta trông thấy một là cờ đen với một giòng chữ màu trắng viết bằng tiến Ả Rập, ghi lại một tín điều của người Hồi giáo.

Trước khi vụ giải cứu được tiến hành, có 5 người đã từ trong tiệm chạy ra bên ngoài. Hiện chưa rõ những người đó bỏ chạy thoát thân hay được thả.

Người bị hành quyết được tuyên vô tội

Người bị hành quyết được tuyên vô tội

Tòa đã xin lỗi cha mẹ của thanh niên bị hành quyết

Một thanh niên Trung Quốc bị hành quyết cách đây 18 năm vì tội hiếp dâm và giết một phụ nữ tại nhà vệ sinh công cộng được tuyên vô tội, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc.

Anh Huugjilt mới 18 tuổi khi bị tòa án ở vùng Nội Mông kết án.

Bản án bị đặt vấn đề khi một kẻ chuyên hiếp dâm thú nhận gây án hồi năm 2005, theo Tân Hoa Xã.

Chuyện tuyên án vô tội đối với người đã bị hành quyết là chuyện hiếm ở Trung Quốc.

Vụ giết người xảy ra giữa lúc có chiến dịch chống tội phạm và các chuyên viên điều tra thừa nhận họ bị sức ép phải tìm bằng được thủ phạm để kết án.

Thẩm phán tại Hohhot ở Nội Mông đã cúi người trước cha mẹ của thanh niên đã bị xử tử sau khi tuyên anh vô tội.

“Tòa Tối cao Nội Mông thấy bản án kết tội ban đầu … không phù hợp với thực tế và thiếu chứng cứ,” Tòa tuyên bố.

“Huugjilt vô tội.”

Tòa cũng trao khoản tiền 30.000 nhân dân tệ (gần 5.000 đôla Mỹ) để tỏ sự cảm thông với cha mẹ anh Huugjilt.

Tỷ lệ kết tội cao

Tân Hoa Xã đưa tin anh Huugjilt đã giúp người phụ nữ sau khi nghe thấy tiếng kêu khóc của cô từ nhà vệ sinh công cộng.

Anh cũng báo vụ việc với cảnh sát.

Tuy nhiên vào tháng Tư năm 1996 anh bị kết tội hiếp dâm và giết người phụ nữ và bị xử tử vào tháng Sáu cùng năm.

Vào năm 2005, một kẻ sát nhân và chuyên hiếp dâm, Zhai Zhihong, thú nhận với cảnh sát rằng y đã gây án.

Phiên xử lại anh Huugjilt diễn ra hồi tháng 11 năm nay.

Những kẻ vũ trang bắt người làm con tin ở Bỉ

Những kẻ vũ trang bắt người làm con tin ở Bỉ

Cảnh sát thuộc lực lượng đặc biệt lắp đặt thiết bị đặc biệt trên chiếc xe van ở Ghent, Bỉ, 15/12/14

Cảnh sát thuộc lực lượng đặc biệt lắp đặt thiết bị đặc biệt trên chiếc xe van ở Ghent, Bỉ, 15/12/14

15.12.2014

Cảnh sát tại thành phố Ghent của Bỉ đang bao vây một tòa nhà chung cư, nơi có 4 người đàn ông có vũ trang đang cầm giữ một con tin.

Một giới chức chính phủ hôm nay nói rằng chưa có dấu hiệu nào cho thấy vụ có dính líu tới khủng bố, nhóm Nhà nước Hồi giáo hay những gì đang xảy ra ở Sydney.

Cảnh sát đã phong tỏa một khu vực rộng lớn xung quanh tòa nhà.

Vụ con tin ở Bỉ xảy ra vài giờ sau khi một kẻ có súng bắt người làm con tin tại một tiệm ăn ở thành phố lớn nhất của Australia.

5 người chạy thoát khỏi kẻ bắt người làm con tin ở Australia

5 người chạy thoát khỏi kẻ bắt người làm con tin ở Australia

Một con tin chạy đến với các cảnh sát sau khi thoát khỏi quán cà phê nơi một kẻ võ trang đang giữ người làm con tin, 15/12/14

Một con tin chạy đến với các cảnh sát sau khi thoát khỏi quán cà phê nơi một kẻ võ trang đang giữ người làm con tin, 15/12/14

15.12.2014

Vụ khủng hoảng con tin bắt đầu sáng ngày hôm nay ở thành phố Sydney của Australia đang tiếp diễn, và Thủ tướng Tony Abbott nói rằng chưa ai biết được động cơ của thủ phạm là gì. Từ Sydney, thông tín viên Phil Mercer của đài VOA gởi về bài tường thuật.

Năm người vừa thoát được ra khỏi nhà hàng ở trung tâm thành phố Sydney, nơi một kẻ có súng đang cầm giữ một nhóm người không rõ là bao nhiêu làm con tin. Có người nói là 10 người, nhưng cũng có tin cho biết có đến 25 người bị bắt làm con tin.

Hình ảnh tại hiện trường được chiếu trực tiếp trên truyền hình cho thấy một nhân viên của tiệm Lindt Chocolate Cafe và hai khách hàng chạy vượt những nhân viên cảnh sát đang bao vây nhà hàng này và phong tỏa khu vực xung quanh. Sau đó, hai người khác cũng chạy ra khỏi tòa nhà. Hiện chưa rõ 5 người đó đã tự chạy thoát hay được kẻ có súng thả ra.

Các văn phòng ở kế bên nhà hàng đã được di tản. Nhà hát nổi tiếng của Sydney, cách đó vài khu phố, cũng đã được sơ tán sau khi giới hữu trách nói rằng một gói khả nghi đã được phát giác ở đó. Các đường phố trong khu vực đã được phong tỏa và một tuyến xe lửa chạy bên dưới nhà hàng cũng ngưng chạy.

Người ta trông thấy những con tin đứng sát vào các cửa sổ trong lúc giơ cao hai tay lên trời và có một lá cờ màu đen với những chữ viết bằng tiếng Ả Rập. Chưa có thương vong nào được báo cáo kể từ khi vụ khủng hoảng bắt đầu vào khoảng 9:45 phút sáng nay, giờ địa phương.

Xuyên qua một cửa sổ kính, người ta trông thấy kẻ bắt con tin mặc sơ mi trắng và áo vest đen và mang khí giới.

Một nữ phát ngôn viên cảnh sát nói rằng kẻ bắt con tin đã liên lạc với giới hữu trách, nhưng các nhà thương thuyết của cảnh sát chưa xác định được động cơ của vụ này.

Phó Tổng Giám đốc Cảnh sát Tiểu bang New South Wales, bà Catherine Burn, phát biểu như sau:

“Các nhà thương thuyết của cảnh sát đã thiết lập sự liên lạc và họ tiếp tục liên lạc và chúng tôi sẽ giải quyết vụ này thông qua các nhà thương thuyết. Có thể phải mất một ít thời gian nhưng chúng tôi muốn giải quyết vụ này một cách hòa bình và tôi bảo đảm với quí vị là nếu cần có thời giờ thì chúng tôi sẽ kiên nhẫn chờ đợi.”

Trước đó, Thủ tướng Australia Tony Abbott cho biết tại một cuộc họp báo là chưa ai biết động cơ của thủ phạm. Ông nói thêm rằng mục tiêu của những hành động như vậy là gây hoảng sợ cho mọi người và ông hối thúc dân chúng tiếp tục các sinh hoạt bình thường như mọi ngày.

Ông Andrew Scipione, Tổng Giám đốc Cảnh sát Tiểu bang New South Wales, nói với báo chí rằng giới hữu trách chưa biết được động cơ của kẻ bắt con tin. Ông cũng nhất mực không chịu nói rằng đây là một vụ khủng bố. Ông cho biết:

Vào lúc này, tôi được thông báo là chúng tôi vẫn đang xem xét động cơ của vụ này là gì và ở thời điểm này chúng tôi chưa biết thủ phạm là người nước nào.

Phóng viên ảnh tường trình về Ebola qua đời ở tuổi 58

Phóng viên ảnh tường trình về Ebola qua đời ở tuổi 58

Nguoi-viet.com

WASHINGTON DC (NV)Ông Michel du Cille, phóng viên ảnh được giải Pulitzer của báo Washington Post vừa qua đời hôm Thứ Năm do bị trụy tim, Huffington Post trích thuật theo tin của tờ Post.

Ông Cille bị té quỵ sau khi tản bộ trong thời gian công tác ở Liberia, nơi ông thu thập tài liệu về sự bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi. Ông hôn mê khi được đưa vào bệnh viện và qua đời tại đó.



Phóng viên Michel du Cille. (Hình: Getty Images)

Ông từng được ba giải Pulitzer về nhiếp ảnh, hai với tờ Miami Herald vào các năm 1986 và 1988, cái còn lại với báo Washington Post vào năm 2008 về loạt điều tra liên quan đến việc đối xử với cựu chiến binh tại bệnh viện Walter Reed Army Medical Center.

Năm 2007, ông được bổ nhiệm làm giám đốc bộ môn nhiếp ảnh cho tờ Washington Post và ông trở lại công việc săn ảnh ngoài tòa báo vào năm 2012, tường thuật về những vụ xung đột, trong đó có Afghanistan.

Việc làm gần đây của ông tập trung vào hậu quả tai hại do sự bùng phát của dịch Ebola gây nên ở Tây Phi.

Trong báo cáo mới nhất, ông viết về những thách thức khi làm công việc tường trình cuộc khủng hoảng Ebola, ông nói: “Tôi tin rằng thế giới cần được thấy hậu quả khốc liệt và dã man của Ebola. Câu chuyện cần phải nói ra.”

Ông Cille cho trang mạng Poynter.org hay rằng ông tình nguyện làm công tác tường thuật về Ebola.

Ông qua đời để lại vợ là Nikki Kahn, cũng là phóng viên ảnh của Washington Post. (TP)

Đồng rúp của Nga tiếp tục trượt giá

Đồng rúp của Nga tiếp tục trượt giá

Giá trị đồng rúp đã giảm 42% trong năm nay.

Giá trị đồng rúp đã giảm 42% trong năm nay.

12.12.2014

Giá trị đồng rúp của Nga đã tụt xuống mức thấp mới so với đồng đôla Mỹ và đồng euro, ngay cả khi ngân hàng trung ương của Moscow một lần nữa nâng lãi suất chủ chốt trong một nỗ lực nhằm vực dậy nền kinh tế đang sa sút của nước này.

Đồng nội tệ của Nga lần đầu tiên vượt lên trên mức 55 rúp đổi một đôla hôm thứ Năm, và cũng tụt xuống đáy mới so với đồng euro được sử dụng trong 18 nước thuộc khối đồng tiền chung châu Âu.

Giá trị đồng rúp đã giảm 42% trong năm nay. Nền kinh tế Nga đã chao đảo vì những biện pháp trừng phạt do Mỹ và châu Âu áp đặt do Tổng thống Vladimir Putin can thiệp ở Ukraine ủng hộ quân nổi dậy thân Nga, đang chiến đấu với lực lượng chính phủ Ukraine. Ngoài ra, dầu thô – một trụ cột của nền kinh tế Nga – đã sụt giá mạnh.

Ngân hàng trung ương đã tăng một điểm phần trăm lãi suất cơ bản lên 10,5%, một động thái nhằm giảm bớt áp lực bán tháo đồng rúp và làm chậm lại giá cả tiêu dùng tăng cao ở Nga. Ngân hàng cho biết lạm phát dự kiến sẽ đạt 10% trong năm nay và tiếp tục tăng trong những tháng đầu năm 2015.

Chính phủ Nga đã dự đoán nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái vào năm sau.

Trung Quốc đã bí mật thiết lập ADIZ trên Biển Đông?

Trung Quốc đã bí mật thiết lập ADIZ trên Biển Đông?

Vùng nhận dạng phòng không trùng lắp giữa các nước Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Trung Quốc

Vùng nhận dạng phòng không trùng lắp giữa các nước Nhật Bản, Nam Triều Tiên, Trung Quốc

11.12.2014

Trung Quốc có thể đã bí mật thiết lập khu nhận dạng phòng không – ADIZ trên Biển Đông, mà không tuyên bố công khai để tránh bị phản đối, theo tin của Trung tâm Thông tin Kanwa, có trụ sở đặt ở Canada.

Báo WantChinaTimes của Đài Loan hôm qua trích nguồn tin này nói rằng chính phủ Trung Quốc đã lên kế hoạch thiết lập hai khu nhận dạng phòng không bao trùm Biển Hoa Đông, và Biển Đông từ sau sự cố đảo Hải Nam năm 2001, khi một chiến đấu cơ J-811 của Trung Quốc và một máy bay do thám của Mỹ đâm vào nhau trên không, làm phi công Trung Quốc thiệt mạng, dẫn tới việc phi hành đoàn Mỹ gồm 24 người bị Trung Quốc bắt giữ và thẩm vấn.

Tháng 8 năm nay, một máy bay săn tàu ngầm P8 của Mỹ cũng đã chạm trán với một chiến đấu cơ J-11BH của Trung Quốc. Lúc đó, tạp chí quốc phòng IHS Jane’s của Anh cho rằng chiến đấu cơ Trung Quốc đã khiêu khích chiếc máy bay P8 của Mỹ.

Ngũ Giác Đài đã phổ biến những đoạn phim quay cảnh vụ chạm trán này, cho thấy chiến đấu cơ Trung Quốc bẻ lái sang tay trái chỉ cách 10 thước trước mặt máy bay của Mỹ, rồi nghiêng cánh để phô trương vũ khí.

Sự cố này diễn ra gần ranh giới của khu đặc quyền kinh tế Trung Quốc, tức trong vòng 200 hải lý tính từ đảo Hải Nam. Trung tâm thông tin Kanwa xem đây là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc rất có thể đã thiết lập một khu nhận dạng phòng không trong khu vực, bởi vì chiếc máy bay của Mỹ đã bị nghênh cản bên trên vùng biển được coi là lãnh hải quốc tế.

Bản tin của Want China Times nói rằng kế hoạch thiết lập khu nhận dạng phòng không đã bị chính quyền Trung Quốc hoãn lại trong bối cảnh nước này chuẩn bị tổ chức hội nghị thượng đỉnh APEC ở Bắc Kinh vào tháng 11, để tránh bị các nước khác phản đối, đặc biệt là các nước đang tranh giành chủ quyền biển đảo với Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.

Kanwa cho rằng sự kiện cộng đồng quốc tế đã lên án việc thiết lập khu nhận dạng phòng không trên Biển Hoa Đông trước đó cũng là một yếu tố khiến Bắc Kinh phải hoãn ý định này.

Vụ chạm trán này, theo Kanwa, cho thấy Trung Quốc đang tìm cách ngăn chận các phi cơ thám thính của Mỹ bay vào vùng đặc quyền kinh tế của họ, và sự xuất hiện của máy bay Mỹ cho thấy Hải quân Hoa Kỳ muốn theo dõi việc Trung Quốc điều các tàu ngầm vào các vùng biển cách khu đặc quyền kinh tế Trung Quốc 220 km về hướng Tây Nam trong Biển Đông.

Trung tâm thông tin Kanwa tiên đoán những vụ chạm trán như thế này sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Nguồn: Want China Times, Nguoi Lao Dong

Cả trăm phụ nữ Việt ‘mất tích’ ở TQ

Cả trăm phụ nữ Việt ‘mất tích’ ở TQ

Hai phụ nữ Việt Nam lấy chồng Trung Quốc ở tỉnh Hà Nam

Chính quyền Trung Quốc đang điều tra vụ hơn 100 phụ nữ người Việt mất tích ở tỉnh Hà Bắc.

Truyền thông Trung Quốc đưa tin, những phụ nữ trên lấy chồng qua môi giới ở các khu vực nông thôn gần Hàm Đan, nhưng bỗng biến mất hồi cuối tháng 11/2014.

Người môi giới là một phụ nữ Việt Nam sống ở Trung Quốc, cũng đã bỏ đi.

Mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc đôi khi dẫn tới việc đàn ông độc thân ở tầng lớp nghèo hơn phải đi tìm vợ ở các nước Đông Nam Á.

Báo China Daily dẫn lời một quan chức nói một “nhóm tội phạm có tổ chức” có thể liên quan tới vụ mất tích tập thể này.

Nhiều đàn ông độc thân Trung Quốc đã trả hàng chục ngàn nhân dân tệ mỗi người, cho một người mối lái người Việt Nam, thường được người địa phương gọi là Wu Meiyu, đã sống ở Hà Bắc được hơn 20 năm.

Hồi đầu năm nay bà Wu đi khắp các khu vực nông thôn ở Hà Bắc để tìm khách hàng, hứa sẽ mang cho họ một cô dâu người Việt với khoản phí 115.000 nhân dân tệ (khoảng 18.600 USD), theo các bài báo.

Đàn ông độc thân ở các vùng nông thôn Trung Quốc thường phải nhờ tới môi giới để lấy được vợ

Hôm 20/11, những phụ nữ này được cho là đã nói với chồng rằng họ sẽ đi ăn với các phụ nữ người Việt khác, sau đó đã mất liên lạc hoàn toàn.

Khi chồng họ tới nhà bà Wu để tìm hiểu, họ cũng phát hiện ra bà đã đi mất vài ngày trước đó.

Jinghua Daily đưa tin rằng ít nhất một cô dâu đã quay trở lại. Cô nói bị “bất tỉnh” sau bữa ăn và khi tỉnh dậy thì thấy mình đang ở trong một căn nhà nhỏ cách xa khu làng của nhà chồng ở Cù Châu.

Bài báo dẫn lời cô nói sẽ không “đi tìm chồng khác”. Cô cũng đã làm đơn báo cảnh sát Cù Châu.

Chính sách một con kéo dài của Trung Quốc gây ra bất cân bằng giới tính khi văn hóa truyền thống Trung Hoa vẫn chuộng con trai hơn con gái.

Những đàn ông độc thân nghèo hơn ở nông thôn thường phải dựa vào dịch vụ môi giới để tìm cô dâu từ những nước gần đó như Việt Nam, Campuchia và Miến Điện.

Nhu cầu này làm gia tăng nạn buôn người. Hồi tháng trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin rằng chính quyền đã bắt giữ một băng nhóm bán phụ nữ và trẻ em người Miến Điện làm vợ ở Trung Quốc.