Ông Khổng Tử trong cái bóng Thiên An Môn

Ông Khổng Tử trong cái bóng Thiên An Môn

Kính Hòa, phóng viên RFA
2015-06-15

06152015-confucius-in-shdw-of-tienanmen.mp3 Phần âm thanh Tải xuống âm thanh

Bức tượng đồng của Khổng Tử ở phía trước của Bảo tàng quốc gia của Trung Quốc trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, khánh thành ngày 11 tháng 1 năm 2011

Bức tượng đồng của Khổng Tử ở phía trước của Bảo tàng quốc gia của Trung Quốc trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc, khánh thành ngày 11 tháng 1 năm 2011

AFP

Bài hát vang dội trên thành Bắc Kinh

Mùa Xuân năm 1989

Và đó là bài hát của tự do

Thiên An Môn

Những câu thơ trên là lời một bài hát trong những ngày thượng tuần tháng sáu của 26 năm về trước, sau khi xe tăng của quân đội giải phóng nhân dân Trung quốc tràn vào quảng trường Thiên An Môn, xéo nát hàng ngàn sinh viên đấu tranh cho một nước Trung Hoa tự do.

Cuộc thảm sát ở quảng trường Thiên An Môn gần như được truyền hình trực tiếp từ ống kính của nhiều nhà báo quốc tế có mặt ở Bắc Kinh lúc đó. Nó cũng là cuộc thảm sát thực hiện bởi chính người Trung quốc trên đồng bào của mình.

Nhớ về Thiên An Môn, blogger Hoàng Ngọc Tuấn giới thiệu bài viết về thi sĩ Liệu Diệc Vũ, người Trung quốc, cất lên lời thảng thốt qua bài thơ Thảm sát, ngay sau khi ông được tin dữ từ Bắc Kinh.

Một cuộc thảm sát đang xảy ra

Trên quốc gia không tưởng này

……

Bị đánh gục bởi đạo quân hàng ngàn tên

là những người tay không tấc sắt

Blogger Hoàng Ngọc Tuấn giới thiệu cho người đọc cuộc đời gian truân của người thi sĩ, từ nhà tù của đảng cộng sản Trung quốc cho đến những ngày vất vưởng trên đường phố Thành Đô quê hương ông, vì bài thơ Thảm sát. Một cuộc đời hầu như bị lãng quên trên chính quê hương của mình.

” Sự kiện Thiên An Môn cho tôi sự hy vọng lẫn nỗi thất vọng. Sự hy vọng là trong một chế độ toàn trị đến mức như ở Trung quốc những người sinh viên vẫn sẳn sàng đứng lên đòi tự do dân chủ. Còn sự thất vọng là nó bị đàn áp trong bể máu

Nguyễn Anh Tuấn”

Không chỉ có cuộc đời thi sĩ bị lãng quên mà ngay cả biến cố Thiên An Môn xem chừng cũng bị lãng quên tại Trung quốc sau một phần tư thế kỷ, một điều trớ trêu đối với một dân tộc từng viết nên những bộ sử trường thiên. Sở dĩ có điều đó là do những nổ lực viết lịch sử theo cách của những người cầm quyền hiện nay tại Trung quốc. Trong bài Nhân dân bao giờ cũng vĩ đại hơn nhà cầm quyền, blogger Tuấn Khanh viết rằng trong tài liệu chính thức dùng để giảng dạy lịch sử tại Trung quốc, giai đoạn Thiên An Môn được ghi nhận với vỏn vẹn một dòng rằng đó là một giai đoạn bất ổn. Và ngay cả những người Trung quốc đang sống ở nước ngoài cũng bị ám ảnh một nỗi lo sợ không dám lên tiếng về Thiên An Môn. Trong một thư kiến nghị gửi nhà nước Trung quốc yêu cầu minh bạch hóa sự kiện Thiên An Môn do các sinh viên Trung quốc ở hải ngoại chủ xướng, chỉ có 11 người ký tên.

Nhìn Thiên An Môn từ Việt nam, tác giả Trọng Thành đặt câu hỏi cho một số trí thức Việt nam về cái nhìn của người Việt nam cũng như những hồi ức về sự kiện này.

Giáo sư Nguyễn Huy Quí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Trung Quốc, trả lời rằng không có ai ở Việt nam nghiên cứu câu chuyện thảm khốc đó, và một trong những nguyên nhân có thể là do sự nhạy cảm trong quan hệ với Trung quốc.

Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai lại tiết lộ rằng ông biết là vào tháng sáu năm 1989 ấy có nhiều nhà lãnh đạo Việt nam đồng tình với giải pháp bạo lực của đảng cộng sản Trung quốc, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, gương mặt một thời được coi là khởi đầu cho cải tổ kinh tế xã hội Việt nam vào năm 1986.

Ảnh tư liệu về vụ thảm sát khủng khiếp khi xe tăng tiến vào Quảng trường Thiên An Môn

Ảnh tư liệu về vụ thảm sát khủng khiếp khi xe tăng tiến vào Quảng trường Thiên An Môn

Nhưng những người Việt nam trẻ tuổi dấn thân cho công cuộc dân chủ hóa Việt nam lại biết nhiều về Thiên An Môn. Trong một lần trao đổi với chúng tôi cựu sinh viên Nguyễn Anh Tuấn nói rằng:

Sự kiện Thiên An Môn cho tôi sự hy vọng lẫn nỗi thất vọng. Sự hy vọng là trong một chế độ toàn trị đến mức như ở Trung quốc những người sinh viên vẫn sẳn sàng đứng lên đòi tự do dân chủ. Còn sự thất vọng là nó bị đàn áp trong bể máu.

Còn nếu đặt trong sự so sánh tương quan giữa Việt nam và Trung quốc đều có cùng chế độ toàn trị và đàn áp giống nhau thì người Trung quốc dù sao cũng có một thế hệ sinh viên để tự hào. Hôm qua khi xem lại các bức ảnh ông Lý Bằng tiếp các lãnh tụ sinh viên thì thấy thái độ của họ rất là tự tin trước một người ở đỉnh cao quyền lực.

Nguyễn Anh Tuấn cũng nói rằng anh cảm thấy buồn lòng vì những người dấn thân vì phong trào dân chủ ở Việt nam còn quá ít ỏi.

” Ngày nay toàn cầu hóa, hội nhập chính là áp lực mạnh từ mọi phía khiến các xã hội toàn trị bị vỡ ra nhanh hơn. Đành rằng với người lãnh đạo thông minh, có viễn kiến và bản lĩnh thì việc cải cách Thể chế đúng lúc, đúng hướng sẽ cứu vãn sự sụp đổ

Nhà Khoa học Tô Văn Trường”

Chế độ hiện hành, Khổng Tử và Mác lê

Một trong những người ít ỏi đó là blogger nhà báo Đoan Trang nhắc mọi người rằng ngày 5/6 ở Việt nam có thể xem như một ngày lịch sử, vì đó là ngày hàng ngàn sinh viên Việt nam xuống đường chống Trung quốc xâm lược. Ngày 5/6 năm nay, Đoan Trang cùng những người đồng chí hướng viết bản hiến chương 2015 kêu gọi những người dấn thân cho một nước Việt nam dân chủ hợp sức tương trợ nhau trên con đường sắp tới. Cô viết rằng:

Hiến chương 2015 là tuyên bố đoàn kết của những người yêu nước, những người đấu tranh vì dân chủ-nhân quyền ở Việt Nam. Hiến chương cũng là lời thách thức và tuyên bố không cúi đầu gửi đến chính quyền công an trị với lực lượng “còn Đảng còn mình” – vốn vẫn bất chấp cả công lý, nhân quyền lẫn luật pháp để bảo vệ chế độ.

Chế độ mà Đoan Trang nhắc tới trong lời tuyên bố của cô là một chế độ có nền tảng là chủ nghĩa Mác Lê Nin mà Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng là một trở ngại lớn nhất cho Việt nam, là nguyên nhân lớn nhất làm cho con người và xã hội Việt nam hôm nay suy đồi. Ông viết những ý tưởng đó trong bài phản biện nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn, khi ông Nhàn cho rằng nguyên nhân của sự suy đồi hôm nay vốn từ chiến tranh mà ra.

Nhà Khoa học Tô Văn Trường bình luận tiếp về chế độ đó:

Các chế độ toàn trị đó rất dẻo dai, tồn tại hàng ngàn năm và chỉ bị sụp đổ hoặc buộc phải thay đổi, biến báo để thích nghi khi bị sức ép từ bên ngoài hệ thống toàn trị khép kín đó. Ngày nay toàn cầu hóa, hội nhập chính là áp lực mạnh từ mọi phía khiến các xã hội toàn trị bị vỡ ra nhanh hơn. Đành rằng với người lãnh đạo thông minh, có viễn kiến và bản lĩnh thì việc cải cách Thể chế đúng lúc, đúng hướng sẽ cứu vãn sự sụp đổ, thế nhưng ở Việt Nam hiện nay dường như điều này chưa thấy xuất hiện.

Khi nói về cải cách người ta sẽ nhớ ngay đến bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó ban tuyên giáo trung ương của đảng cộng sản. Ông Hoàng viết về sự nguy hiểm của hiện tượng nhóm lợi ích, của chủ nghĩa tư bản thân hữu, như là một căn bệnh ung thư sẽ có nguy cơ làm sụp đổ không những đảng cầm quyền mà cả xã hội.

Blogger Trần Minh Khôi bình luận bài viết của ông Hoàng rằng đã là ung thư thì không có thuốc chữa.

Có thể là những người cộng sản Việt nam hy vọng chữa căn bệnh ung thư xã hội ấy bằng những lời kêu gọi thi hành đạo đức, như trường hợp từ chức của ông bí thư thành ủy Hội An Nguyễn Sự vừa qua. Ông Sự nổi tiếng như một người thanh liêm, có uy tín trong nhân dân.

Trên trang Luật Học, Nguyễn Anh Tuấn nhận xét về câu chuyện của ông Nguyễn Sự:

” Lịch sử rồi sẽ sáng tỏ, bất luận là bao lâu. Lịch sử sẽ chứng minh nhân dân mãi mãi vĩ đại hơn chế độ cầm quyền. Dù cho sự tuyên truyền thổi phồng và che đậy của chế độ Cộng sản có dày công thế nào, cũng như có khác biệt Triều Tiên, Lào hay Việt Nam cũng vậy, chỉ có thất bại với thời gian

Tuấn Khanh”

Diễn ngôn nhân danh ‘nhân dân’ như trên cùng với sự phổ biến của quan niệm quan-dân trong những thảo luận công cộng của chúng ta chứng tỏ khuôn khổ Nho gia, vốn từng đặt nền tảng cho cả ngàn năm khoa cử quan trường Việt Nam, vẫn còn ảnh hưởng sâu đậm đến văn hóa chính trị đương thời. Trong cái văn hóa chính trị đó, người dân được coi như một khối thống nhất chỉ có một quan điểm mà mất đi vẻ đa dạng phong phú về góc nhìn mà họ vốn có; trong khi những người nắm giữ quyền lực vẫn chưa được nhìn nhận như đang hành nghề chính trị chuyên nghiệp mà vẫn còn phảng phất bóng dáng quan quyền khanh tướng với những chuẩn mực khe khắt về đạo đức – dĩ nhiên không xấu, chỉ là chưa đủ, cho một thời đại đòi hỏi mỗi vị trí đều phải được chuyên nghiệp hóa như hiện nay.

Nhà nho vốn là học trò tin thần của Khổng tử, khuôn khổ Nho gia mà Nguyễn Anh Tuấn đề cập cũng là ý của tác giả Bảo Thư bình luận về Khổng tử trên trang blog của nhà văn Nguyễn Xuân diện:

Tư tưởng của Khổng Tử cũng chỉ là những lời thuyết giáo đạo đức bình thường, chỉ là trí thông minh nhỏ, không chứa đựng trí tuệ lớn… Những lời giáo huấn của Khổng Tử chỉ dạy ấy cực kỳ thực dụng, khôn khéo, nhưng không có tính thẩm mĩ hoặc triết lí thâm thúy. Ông cũng không có nhân cách cao quý hoặc tầm nhìn khoáng đạt. Ban đầu ông lang bạt tứ xứ muốn được làm quan, sau thất bại bèn trở thành thày dạy đạo đức.

Lời bình này được đưa ra trong không khí tranh cãi không những trên blog mà còn cả trên báo chí chính thống của nhà nước về việc tỉnh Vĩnh Phúc xuất 300 tỉ đồng tiền công quĩ để lập Văn miếu thờ Khổng tử.

Không ít người so sánh những lời thuyết giáo về đạo đức và tôn ti trật tự của họ Khổng cũng không xa lắm những mực thước về dân chủ tập trung của Lenin mà những người cộng sản dùng cho công cuộc đấu tranh giai cấp thành lập một xã hội mới không giai cấp như họ hình dung.

Một cuộc đấu tranh mà Milovan Djilas, người từng là nhân vật số hai của đảng cộng sản Nam Tư, nhận định là lại đưa đến sự thống trị của một giai cấp mới là giai cấp cộng sản.

Mấy mươi năm sau Djilas, blogger Tuấn Khanh viết bài Ngồi nhớ ân cần. Ông nhận thấy rằng trong xã hội Việt nam ngày nay do những người cộng sản cầm chịch, sự ân cần đáng quí của người Việt nam đã mất đi, và sự chói lọi của những số liệu phát triển lại đi kèm với những khoảng tối đen mù lòa.

Và cuối cùng để tưởng niệm Thiên An Môn, Tuấn Khanh viết rằng:

Lịch sử rồi sẽ sáng tỏ, bất luận là bao lâu. Lịch sử sẽ chứng minh nhân dân mãi mãi vĩ đại hơn chế độ cầm quyền. Dù cho sự tuyên truyền thổi phồng và che đậy của chế độ Cộng sản có dày công thế nào, cũng như có khác biệt Triều Tiên, Lào hay Việt Nam cũng vậy, chỉ có thất bại với thời gian.

Cựu phó chủ tịch FIFA sẵn sàng khai hết chuyện tham nhũng

Cựu phó chủ tịch FIFA sẵn sàng khai hết chuyện tham nhũng

Nguoi-viet.com

MARABELLA, Trinidad and Tobago (NV)Cựu phó chủ tịch liên đoàn bóng đá quốc tế (FIFA), ông Jack Warner, nói, ông có vô số chứng cớ để liên kết FIFA, kể cả Chủ Tịch Sepp Blatter, vào với tội tham nhũng trong bóng đá vốn tràn lan trên khắp thế giới.


Ông Jack Warner cầm bản sao một chi phiếu trong một buổi nói chuyện tại Marabella, Trinidad and Tobago. (Hình: AP Photo/Anthony Harris)

Theo báo Washington Post, ông Warner hứa tiết lộ tất cả những gì ông biết về những sai trái trong tổ chức điều hành bóng đá lớn nhất thế giới này.

Ông Warner thêm rằng ông có chứng cớ, liên hệ các giới chức cao cấp của FIFA với cuộc bầu cử vào năm 2010 ở nước ông là Trinidad and Tobago.

Ông Warner, cựu chủ tịch liên đoàn bóng đá vùng Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Caribbean, là tâm điểm của cuộc điều tra tham nhũng trong FIFA.

Công tố viện Mỹ nói ông Warner nhận món tiền hối lộ $10 triệu để đổi lấy việc ông ủng hộ cho Nam Phi bằng cách bỏ phiếu cho nước này được đăng cai World Cup 2010.

Phát biểu trong cuộc tập họp chính trị tại Marabella, Nam Trinidad, ông Warner nói: “Tôi sẽ cung cấp mọi kiến thức về việc chuyển khoản tài chánh trong FIFA, gồm nhiều người chứ không riêng gì ông Blatter.”

Trên chương trình truyền hình dài 5 phút nhan đề “Jack Warner: The Gloves Are Off,” ông Warner nói ông đã giao các tài liệu về những chuyển khoản tài chánh của FIFA cho các luật sư.

Sau khi công tố viện Hoa Kỳ đưa ra lệnh khởi tố 14 giới chức cao cấp của FIFA và những thương gia liên hệ hồi tuần trước về cáo buộc tội tham nhũng, ông Warner bị bắt tại Trinidad.

Ông Warner được phép đóng tiền tại ngoại nhưng phải nộp sổ thông hành và phải báo cáo cảnh sát mỗi tuần hai lần. Ông đang chờ bị dẫn độ sang Hoa Kỳ. (TP)

Tranh chấp Biển Đông sẽ làm bùng nổ Thế chiến Thứ ba?

Tranh chấp Biển Đông sẽ làm bùng nổ Thế chiến Thứ ba?

Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ngoài khơi Biển Đông.

Tàu chiến Trung Quốc bắn tên lửa trong một cuộc tập trận ngoài khơi Biển Đông.

05.06.2015

Vụ tranh chấp ở Biển Đông sẽ gây ra một trận đại chiến thế giới. Đó là một dự báo mà một số người tỏ ý nghi ngờ, trong lúc các học giả Mỹ và những nhà đầu tư ở New York ra sức tìm hiểu những ảnh hưởng chính trị, quân sự và kinh tế của vụ tranh chấp chủ quyền biển đảo này giữa Trung Quốc với các nước vùng Đông Nam Á.

Trong thời gian gần đây, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã không ngớt đả kích lẫn nhau vì những hoạt động xây dựng qui mô lớn mà Bắc Kinh thực hiện để biến những bãi cạn có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông thành những sân bay.

Hôm thứ bảy vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Ashton Carter cho biết Washington chống đối “việc quân sự hoá thêm nữa” những nơi có tranh chấp. Trong khi đó, một quan chức cấp cao của quân đội Trung Quốc, Thượng tướng Tôn Kiến Quốc, đã lên tiếng bênh vực cho việc xây đảo nhân tạo ở Biển Đông mà ông cho là “hợp tình, hợp lý và hợp pháp.”

Ông Gordon Chang, tác giả cuốn “Sự sụp đổ sắp tới của Trung Quốc”, cho rằng Biển Đông có thể sắp sửa trở thành “Vùng Đại Chiến.”

Phát biểu hồi tuần trước tại một cuộc hội thảo của Hiệp hội Không quân Mỹ, ông Chang nói rằng Hoa Kỳ sẽ có những hành động mới để đáp lại thái độ và cách hành xử hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông, và khung thời gian của những hành động mới đó là ngay lúc này.

Ông nói “Hải quân Mỹ rõ ràng là đang trắc nghiệm những tuyên bố độc quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.” “Chúng ta phải làm như vậy, bởi vì nếu có một chính sách đối ngoại nhất quán của Mỹ trong vòng hai thế kỷ, thì đó chính là sự bảo vệ quyền tự do hàng hải,” ông Chang nhận định như vậy, và cho biết tiếp “Giờ đây Trung Quốc đang xâm phạm điều đó, nên tôi nghĩ rằng chúng ta có lẽ sẽ hành động trong một khung thời gian rất ngắn.”

Chiến đấu cơ của Mỹ trên boong tàu sân bay USS George Washington, phía sau là tàu USS Cowpens, trong vùng Biển Đông, 170 hải lý từ Manila (Ảnh tư liệu).

Chiến đấu cơ của Mỹ trên boong tàu sân bay USS George Washington, phía sau là tàu USS Cowpens, trong vùng Biển Đông, 170 hải lý từ Manila (Ảnh tư liệu).

Theo ông Gordon Chang, việc Trung Quốc thách thức Hoa Kỳ ở Biển Đông là “một trò chơi kẻ thắng người thua có tính chất kinh điển”, vì Trung Quốc xem Biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi, những lợi ích không thể mang ra thương lượng, trong khi Hoa Kỳ là một cường quốc hải dương trong hai thế kỷ nay. Ông cho rằng đôi bên có thể sẽ nhượng bộ đối với các vấn đề ở Biển Đông, nhưng không bên nào từ bỏ lập trường cố hữu của mình.

Ông Rick Fisher, một nhà nghiên cứu cấp cao của Trung tâm Thẩm định Chiến lược Quốc tế (IASC) cho đài VOA biết rằng mọi người cũng nên lưu ý tới những hoạt động phát triển vũ khí hạt nhân ở Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Ông nói rằng tuy Bắc Triều Tiên giữ yên lặng vào lúc này, nhưng có phần chắc Bình Nhưỡng sẽ tìm cách lợi dụng vụ tranh chấp ở Biển Đông trong tương lai gần.

“Khi nào Bắc Triều Tiên có thể chứng tỏ là họ có thể bắn một phi đạn hạt nhân thì khi đó Bắc Triều Tiên sẽ trở thành một yếu tố, bởi vì Bắc Triều Tiên có thể quyết định theo đuổi sự đối đầu ở mức cao trong một thời gian ở Biển Đông và gây thêm sức ép đối với Hoa Kỳ để nhận được những sự nhượng bộ từ Nam Triều Tiên hoặc từ chính Hoa Kỳ,” ông Fisher nói. Ông nói tiếp “Khi nào có một vụ khủng hoảng thì khi đó Bắc Triều Tiên có thể trở thành một yếu tố rất nguy hiểm.”

Ông Fisher cho rằng tuy lãnh tụ Kim Jong Un của Bắc Triều Tiên có xích mích với chính phủ Trung Quốc, cả hai đều theo chủ nghĩa Cộng Sản và hành động dựa trên ý thức hệ đó.

Chiến đấu cơ F/A 18 Hornet của Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz trong một cuộc tuần tra ở Biển Đông, tháng 5/2013.

Chiến đấu cơ F/A 18 Hornet của Hải quân Mỹ cất cánh từ tàu sân bay USS Nimitz trong một cuộc tuần tra ở Biển Đông, tháng 5/2013.

Ông George Soros, một tỉ phú Mỹ nổi tiếng về những hoạt động tài trợ chính trị, cũng bày tỏ sự lo ngại về sự hung hãn của Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua. Phát biểu tại một cuộc hội thảo mới đây của Ngân hàng Thế giới, ông Soros cho rằng nếu Trung Quốc gặp phải những khó khăn lớn trong lãnh vực kinh tế, có phần chắc họ sẽ khởi động một cuộc chiến tranh thế giới để duy trì sự đoàn kết dân tộc và để thoát khỏi những khó khăn kinh tế. Ông Soros cho rằng ngay cả trong trường hợp Trung Quốc và Mỹ không trực tiếp giao chiến với nhau, cũng có nhiều khả năng là xung đột quân sự sẽ xảy ra giữa Trung Quốc với một trong những đối tác an ninh của Mỹ là Nhật Bản; và như thế, Thế chiến Thứ ba có thể bùng nổ.

Ông Tad Daley là giám đốc của dự án tiêu diệt chiến tranh của Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh và Hoà bình. Ông không tán đồng ý kiến cho rằng các vấn đề ở Biển Đông là kết quả của những chiến lược vũ khí hạt nhân của Trung Quốc. Ông nói rằng Trung Quốc dường như chỉ muốn duy trì khả năng răn đe hạt nhân, với mục tiêu là bảo vệ khả năng tấn công thứ nhì mà không phải tấn công phủ đầu hoặc tấn công trước.

Ông Daley cho biết Trung Quốc đã có được khả năng tấn công đợt nhì cách nay nhiều thập niên. “Có lẽ là vào năm 1975, khi Trung Quốc cảnh báo Mỹ chớ nên phát động những vụ tấn công hạt nhân nhắm vào Trung Quốc, bởi vì có phần chắc là một vài đầu đạn hạt nhân vẫn tồn tại và chúng tôi có thể tiêu diệt Los Angles và San Francisco,” ông Daley nói. Ông nói tiếp “Tình hình đó đã tồn tại trong nhiều thập niên…”, và những hoạt động phát triển hạt nhân của Trung Quốc trong thời gian qua không làm thay đổi điều đó “với một cách thức có ý nghĩa.”

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm thứ hai vừa qua cũng đưa ra một lời cảnh báo nghiêm khắc đối với Trung Quốc là những hoạt động của Trung Quốc để tôn tạo đất đai ở Biển Đông là phản tác dụng và là một mối đe dọa cho sự thịnh vượng của Đông Nam Á.

T in tặc Trung Quốc tấn công chính phủ Mỹ, đột nhập 4 triệu hồ sơ

T in tặc Trung Quốc tấn công chính phủ Mỹ, đột nhập 4 triệu hồ sơ

Nguoi-viet.com

WASHINGTON, DC (NV) – Tin tặc Trung Quốc tấn công vào các cơ quan chính phủ Hoa Kỳ và đột nhập khoảng 4 triệu hồ sơ của nhân viên, CNN trích lời đại diện Văn Phòng Quản Trị Nhân Sự Hoa Kỳ (OPM) cho biết hôm Thứ Năm, 4 Tháng Sáu.

OPM, văn phòng kiểm tra lý lịch và lưu giữ hồ sơ tất cả nhân viên làm việc cho chính phủ liên bang, cảnh báo nhân viên để ý hồ sơ của mình, bao gồm hồ sơ tài chánh, có thể bị đánh cắp.

Vụ xâm nhập này có thể được coi là vụ tin tặc tấn công mạng lưới hệ thống máy tính và thông tin lớn nhất từ trước đến nay nhắm vào chính phủ Mỹ.

Hơn 4 triệu hồ sơ của nhân viên văn phòng chính phủ Mỹ bị tin tặc Trung Quốc tấn công. (Hình minh hoạ: JEAN-PHILIPPE KSIAZEK/AFP/Getty Images)

Các nhà điều tra cho rằng tin tặc làm việc cho quân đội Trung Quốc đứng đằng sau vụ tấn công này.
OPM phát hiện ra sự việc khi hệ thống mạng an ninh quốc phòng báo động có sự xâm nhập từ bên ngoài.

Giới chức Hoa Kỳ sử dụng hệ thống được gọi là EINSTEIN để tìm ra vụ tấn công hồi Tháng Tư, theo một phát ngôn viên của Bộ Nội An Hoa Kỳ cho biết. Một tháng sau, các dữ liệu nhạy cảm của cơ quan liên bang Mỹ lại bị xâm nhập.

Tin tặc truy cập vào các thông tin bao gồm số an sinh xã hội, các thông tin về công việc chính phủ được giao, số liệu làm việc và đào tạo cũng như các thông tin cá nhân khác của những người trong văn phòng chính phủ.

Thượng Nghị Sĩ Ron Johnson (Cộng Hoà-Wiscousin), chủ tịch Ủy Ban Nội An và Chính Phủ thuộc Thượng Viện Hoa Kỳ, cho biết vụ xâm nhập này đã gây rối loạn rất lớn cho hệ thống thông tin Mỹ và OPM cần phải đề ra một kế hoạch bảo vệ tốt hơn.

Dân Biểu Adam Schiff (Dân Chủ-California), nhân vật số hai trong Ủy Ban Tình Báo Hạ Viện, cho rằng tin tặc là “một trong những thử thách lớn nhất mà chúng ta phải lo sợ đối mặt hàng ngày.”
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng chính thức mục đích của vụ tấn công này.

FBI hiện đang ráo riết tiếp tục điều tra sự việc.

Chỉ chưa đầy trong vòng một năm dữ liệu của nhân viên liên bang Hoa Kỳ bị tấn công với cùng một nguồn gốc tin tặc ở Trung Quốc và là lần thứ hai tin tặc nước ngoài xâm nhập vào hệ thống này, sau vụ tin tặc Nga tấn công hệ thống các email của Toà Bạch Ốc và Bộ Ngoại Giao Mỹ trước đây. (NA)

Fifa và ‘đường đi’ của 10 triệu đôla

Fifa và ‘đường đi’ của 10 triệu đôla

Danny Jordaan là người rất xông xáo trong quá trình vận động giành quyền đăng cai cho Nam Phi

Một lá thư mới rò rỉ nội dung ra ngoài dường như cho thấy giới chức Nam Phi đã tìm cách gián tiếp chuyển khoản tiền 10 triệu đôla cho Fifa.

Lá thư được truyền thông Nam Phi tung ra được cho là do Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nam Phi khi đó, Danny Jordaan viết ba tuần trước khi khoản thanh toán đầu tiên được thực hiện.

Cơ quan công tố Hoa Kỳ nói đây là khoản hối lộ các quan chức Fifa nhằm giành quyền đăng cai World Cup 2010 cho Nam Phi.

Nam Phi nói đó là khoản thanh toán hợp pháp nhằm tài trợ cho bóng đá vùng Caribbe.

Khoản 10 triệu đôla là điểm chủ chốt trong cuộc điều tra hình sự diện rộng mà Mỹ tiến hành, hiện đang đe dọa nhấn chìm cơ quan quản lý bóng đá thế giới.

Bảy quan chức hàng đầu của Fifa, gồm hai phó chủ tịch, đã bị bắt hồi tuần trước tại Thụy Sỹ.

Họ nằm trong số 14 người bị Hoa Kỳ cáo buộc với các tội danh nhận hối lộ và chi tiền “lại quả” với tổng trị giá ước tính hơn 150 triệu đôla trong thời gian 24 năm.

Bốn người khác trước đó đã bị buộc tội, trong đó cựu quan chức Fifa Chuck Blazer đã nhận tội tại Hoa Kỳ là có nhận hối lộ liên quan tới cuộc đua giành quyền đăng cai của Nam Phi.

‘Di sản hải ngoại’

Phóng viên BBC chuyên về khu vực Nam Phi, Karen Allen nói rằng lá thư bị tiết lộ mới nhất này càng củng cố cho các cáo buộc theo đó nói chính phủ Nam Phi đã tìm cách che giấu việc chuyển khoản 10 triệu đôla.

Lá thư do ông Jordaan ký và đề gửi cho Tổng thư ký Fifa Jerome Valcke.

Ông Jordaan nói Thứ trưởng Tài chính Jabu Moleketi khuyến nghị rằng khoản tiền được trả cho Fifa, nhưng Ngoại trưởng Nkosazana Dlamini Zuma nói cần “được trả qua Ủy ban Tổ chức World Cup Fifa 2010 của Nam Phi”.

Báo Nam Phi, tờ Mail và tờ Guardian dẫn lời ông Moleketi nói lá thư là “thêu dệt” và ông bác bỏ việc có “trao đổi về chuyện này” với ông Jordaan.

Cơ quan công tố Hoa Kỳ nói một quan chức cao cấp của Nam Phi đã tới Paris để trao tiền mặt được xếp thành từng cọc 10 ngàn đôla trong một phòng khách sạn cho một người không rõ danh tính nhưng làm việc cho ông Jack Warner, cựu phó chủ tịch Fifa và là người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Bắc, Trung Mỹ và Caribbe (CONCACAF).

Bộ trưởng Thể thao Nam Phi, Fikile Mbalula hôm thứ Tư nói các khoản thanh toán liên quan tới World Cup “hoàn toàn công khai trên mặt bàn” và không hề có chuyện trả tiền hối lộ.

Khoản tiền là nhằm tài trợ cho một “Chương trình Di sản Hải ngoại” qua đó hỗ trợ bóng đá cho người Phi ở vùng Caribbe. Nam Phi tự hào đã đăng cai World Cup đầu tiên ở châu Phi, và sẽ không để mình bị vướng vào cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Fifa, ông Mbalula nói.

Ông Valcke bác bỏ việc có bất kỳ hành vi sai trái nào có liên quan tới vụ việc.

Cơ quan công tố Hoa Kỳ hôm thứ Tư công bố bản ghi lời nhận tội của ông Blazer.

Ông Blazer nói: “Bắt đầu vào năm, hoặc khoảng năm 2004 rồi tiếp tục cho đến 2011, tôi và những người khác trong ủy ban điều hành Fifa đã đồng ý nhận các khoản hối lộ liên quan đến việc chọn Nam Phi làm nước đăng cai World Cup 2010.”

Ngoài cuộc điều tra của Hoa Kỳ, tin được công bố hôm thứ Năm rằng một đơn vị cảnh sát tinh nhuệ tại Nam Phi sẽ ra cuộc điều tra sơ bộ về cáo buộc nói các quan chức đã trả hối lộ trong cuộc chạy đua giành quyền đăng cai World Cup 2010.

Một bà vứt bỏ máy điện toán Apple cũ trị giá $200,000

Một bà vứt bỏ máy điện toán Apple cũ trị giá $200,000


MILPITAS, California (AP) – Một trung tâm tái chế phế liệu ở vùng Silicon Valley đang tìm kiếm một phụ nữ đã đem đến bỏ một máy điện toán Apple loại cũ nhưng bán được cho các nhà sưu tầm với giá $200,000.

Một máy điện toán Apple I. (Hình: Justin Sullivan/Getty Images)

Chiếc máy điện toán này được để trong hộp chứa các món đồ điện tử mà bà dọn dẹp từ trong nhà để xe sau khi ông chồng qua đời, theo lời ông Victor Gichun, phó chủ tịch công ty Clean Bay Area.

Bà này không muốn có giấy chứng nhận đã cho, hay để lại địa chỉ và điện thoại liên lạc, và chỉ mấy tuần sau đó nhân viên nơi đây khi mở hộp ra mới thấy có máy điện toán Apple I bên trong.

Tờ báo địa phương San Jose Mercury News cho hay đây là một trong khoảng 200 chiếc máy Apple đời đầu tiên được các ông Steve Jobs, Steve Wozniak và Ron Wayne lắp ráp vào năm 1976.

“Chúng tôi thật sự không thể tin được vào mắt mình. Chúng tôi nghĩ đây là đồ giả,” ông Gichun cho đài truyền hình KNTV-TV cho hay.

Công ty tái chế phế liệu này bán chiếc Apple I với giá $200,000 cho một nhà sưu tầm, và vì công ty đưa lại 50% số tiền bán được cho người chủ đã tặng, ông Gichun cho hay muốn chia số tiền này với người tặng bí ẩn kia.

Ông nói rằng ông nhớ rõ mặt của người phụ nữ và yêu cầu bà quay trở lại để nhận $100,000.

“Để chứng nhận đúng là bà, tôi chỉ cần nhìn thấy bà là được,” ông Gichun nói. (V.Giang)

Tai nạn lật tàu ở Trung Quốc

Tai nạn lật tàu ở Trung Quốc

BBC

Hàng trăm người vẫn còn mất tích

Hàng trăm người mất tích sau khi một chiếc tàu chở hơn 450 người bị lật vì bão trên sông Dương Tử (tên khác của sông Trường Giang) ở tỉnh Hồ Bắc miền nam Trung Quốc.

Tân Hoa Xã nói các nhân viên cứu nạn nghe thấy tiếng kêu cứu từ chiếc tàu. Ít nhất một người chết.

Chiếc tàu không phát tín hiệu cấp cứu trước khi chìm.

Truyền thông Trung Quốc nói một số người đã bơi được lên bờ và báo tin cho cảnh sát.

Cho tới nay mới khoảng 10 người được cứu, và một số người bị thương được mang đi bệnh viện. Mưa to và gió lớn đang cản trở nỗ lực cứu trợ.

Hàng trăm binh lính đã được huy động và một tàu lớn đang trên đường tới để kéo tàu bị nạn lên, theo Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV).

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đang trên đường tới hiện trường. Ông đã chỉ đạo một nhóm của chính phủ dẫn đầu nỗ lực tìm kiếm cứu nạn.

‘Chỉ vài phút là chìm’

Tàu Đông Phương Chi Tinh (Ngôi sao phương Đông) bốn tầng chở 405 hành khách, 5 nhân viên lữ hành và thủy thủ đoàn 47 người.

Tàu này đang trên đường từ thành phố Nam Kinh tới Trùng Khánh, khoảng cách chừng 1.500km, khi bị tai nạn trên sông ở huyện Giản Lịch, tỉnh Hồ Bắc vào lúc 21:30 tối thứ Hai 1/6.

Tại đó khúc sông sâu tới 15m.

Thuyền trưởng và máy trưởng của tàu nằm trong số những người được cứu. Họ được dẫn lời nói chiếc tàu bị gió xoáy và chỉ vài phút là chìm. Lúc đó nhiều hành khách đang ngủ.

Đa số người trên tàu là khách du lịch, tuổi từ 50 tới 80, đi theo tour do công ty lữ hành Hiệp Hòa ở Thượng Hải tổ chức.

Thân nhân của các hành khách đang tụ tập bên ngoài văn phòng công ty ở Thượng Hải và cho các phóng viên biết là gọi điện cho người thân trên tàu thì không được trả lời.

Hãng tin Sina News kể chuyện một thanh niên khóc bên ngoài văn phòng đang đóng cửa nói: “Bố mẹ ơi con sai rồi, đáng ra con không nên cho bố mẹ đi du lịch đợt này”.

Phóng viên BBC Jo Floto ở Bắc Kinh nói đoạn sông Dương Tử nơi tàu lật nổi tiếng là phong cảnh hữu tình, thu hút nhiều khách du lịch cao tuổi.

CCTV cho hay chiếc tàu do Tập đoàn Tàu thủy phương Đông Trùng Khánh sở hữu và chuyên chở khách tới khu Đập Tam Hợp trên sông Trường Giang.

22 người thiệt mạng trên sông này hồi tháng 1/2015 khi một tàu kéo bị tai nạn ở gần Trương Gia Cảng, tỉnh Giang Tô.

IS ‘tra tấn bé trai Syria’

IS ‘tra tấn bé trai Syria’

Quentin Sommerville BBC News, tường thuật từ biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria

Ahmed kể lại cậu không thể ngủ được vì ác mộng

Một đoạn video quay trên điện thoại di động mà BBC có được cho thấy có vẻ như các tay súng của Nhà nước Hồi giáo (IS) đang tra tấn một cậu bé 14 tuổi người Syria.

Đoạn video do một người đào tẩu khỏi nhóm thánh chiến này quay, có cảnh cậu bé bị đánh trong lúc bị treo tay lên.

Liên Hiệp Quốc đã cáo buộc IS và các nhóm có vũ trang khác tại Syria và Iraq về tội tra tấn, giết hại trẻ em.

Các thiếu niên cũng bị tuyển mộ, huấn luyện và dùng trong chiến trận.

Một thiếu niên khác nói với BBC cậu đánh nhau và đã giết người ra sao trong hàng ngũ Mặt trận al-Nusra có liên hệ với al-Qaeda khi mới 15 tuổi. Và khi chuyển sang gia nhập IS cậu thấy có những thiếu niên 13 tuổi bị tuyên truyền nhồi sọ.

Dí điện

Đoạn video thu bằng điện thoại cho thấy Ahmed bị treo lơ lửng cách nền đất chừng hơn một gang tay.

Cậu bị bịt mắt, và hai người đàn ông che kín mặt mặc đồ màu đen từ đầu đến chân đứng trước mặt. Một người cầm dao và một khẩu súng ngắn, người kia đi lại quanh căn phòng với khẩu AK-47 trong tay.

Họ buộc tay Ahmed treo lên trần nhà và bắt đầu đánh đập.

Cậu mới chỉ 14 tuổi khi bị IS bắt và tra tấn.

Khi được an toàn ở nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ, cậu như vừa thoát khỏi cơn ác mộng.

“Tôi nghĩ về cha mẹ mình. Tôi nghĩ tới mẹ,” cậu nói.

“Tôi nghĩ tôi sẽ chết, sẽ xa rời cha mẹ, các anh chị em, bạn bè, người thân. Tôi nghĩ là tôi sẽ chết.”

“Họ bắt đầu quất roi vào tôi, dí điện bắt tôi nhận tội. Tôi nói với họ mọi thứ.”

Ác mộng

Tại thành phố Raqqa ở miền nam Syria, nơi IS kiểm soát, Ahmed đi bán bánh mỳ để kiếm sống.

Hai người đàn ông mà cậu biết đã bảo cậu bỏ một cái túi gần nơi họp của IS. Ahmed đã bị gài bẫy để đặt bom.

Ahmed nói trước khi được điều trị tại Thổ Nhĩ Kỳ, cậu hầu như không ngủ được bởi luôn gặp ác mộng

Độ tuổi của cậu không phải là điều những kẻ tra tấn cậu bận tâm. Việc tra khảo kéo dài trong hai ngày.

“Khi họ dí điện, tôi đã gào thét gọi mẹ,” cậu nói. “Nhưng ngay khi tôi gào thét thì [một trong hai kẻ tra tấn] lại tăng điện áp lên cao hơn nữa. ‘Đừng có mà gọi mẹ,’ ông ta nói.”

“Họ giả đò như họ theo đạo, nhưng họ là những kẻ vô đạo. Họ hút thuốc. Họ giả đò như tuân thủ luật Hồi giáo nhưng mà không phải vây. Họ đánh người, giết người.”

Từ nhà tù, Ahmed đã bị kết án tử hình. Nhưng người xử tử thấy xót thương cho cậu nên đã cho cậu chạy thoát.

“Hiếm khi mà tôi có thể ngủ,” cậu nói. “Khi tôi mới đến được Thổ Nhĩ Kỳ, tôi toàn gặp ác mộng. Tôi đã được điều trị. Nhưng tôi vẫn không thể ngủ được – tôi đã luôn mơ thấy những gì đã xảy ra.”

“Khi nhắm mắt lại, tôi từng luôn mơ phải ác mộng nên sau đó thức trắng đêm luôn.”

Tôi đã gặp người ghi đoạn video cảnh Ahmed bị đánh đập. Ông đó sau đã đào tẩu khỏi IS và nói ông rất ăn năn.

Đoạn phim được làm vì những mục tiêu tuyên truyền, ông nói.

Số phận của hai người đàn ông trong đoạn băng, những người cùng bị tra tấn với Ahmed, hiện chưa rõ thế nào.

“Tôi hối tiếc về từng khoảnh khắc,” người đàn ông ghi hình nói. “Khi gia nhập IS, tôi đã không thực sự thấy thuyết phục, nhưng tôi phải theo họ.”

“Tuy tôi không thực sự nặng tay với mọi người, nhưng tôi hy vọng là những người mà tôi đã gây đau đớn sẽ tha thứ cho tôi.”

LHQ cáo buộc IS đã sử dụng và lạm dụng trẻ em trên diện rộng

Làm hỏng một thế hệ

Bên trong hệ thống tổ chức của mình, IS đã chấm dứt nền giáo dục thế tục và thay vào đó tạo ra các trường học kiểu nhà binh, nơi chuyên nhồi sọ các em nhỏ và dạy các em cách giết người.

Một đoạn video tuyên truyền của IS cho thấy cảnh các em, trong đó có những em mới chỉ khoảng 13-14 tuổi, được huấn luyện và tập bắn.

Các em bị cho xem các đoạn video chặt đầu, và cũng tham gia vào các vụ giết người.

Khaled – đây không phải là tên thật – nay 17 tuổi, nhưng từ hai năm trước đã tham gia giao tranh, giết người trong hàng ngũ của một nhánh al-Qaeda tại Syria, al-Nusra.

Sau đó, cậu bị buộc phải tham gia IS. Cậu đã đào tẩu, nhưng với cậu thì việc ra chiến trận là một phần để trở thành người đàn ông. Cậu nói trẻ em bị buộc phải hướng tới việc tham gia chiến đấu.

“Các chiến binh là người lớn trong IS chỉ chiếm thiểu số. Lớp tôi toàn những người 15-16 tuổi,” cậu nói. “Thậm chí có một số chỉ 13-14 tuổi. Số này háo hức tham gia đánh nhau hơn, và muốn làm thánh chiến vì Thượng đế.”

Khaled nổi giận khi những đối tượng đó được gọi là trẻ em.

“Thượng đế tha tội cho ông, chớ nói chữ trẻ em,” cậu nói với tôi. “Những kẻ mang súng trường, bảy cuốn tạp chí và sáu quả lựu đạn thì đều là đàn ông. Họ là đàn ông Hồi giáo. Đó là sự khác biệt giữa là một kẻ giống đực và một người đàn ông.”

“Nhiều người chỉ là con đực chứ không phải là đàn ông. Những người cầm vũ khí chiến đấu vì Thượng đế và bảo vệ danh dự cho phụ nữ Hồi giáo là những người đàn ông.”

Đây là sự làm hỏng một thế hệ. Trẻ em IS sẽ trở thành những thanh niên được đào tạo để giết người và thù ghét, và chúng sẽ gây chuyện cho Syria và Iraq trong những năm tới.

8,000 sinh viên Trung Quốc bị đuổi khỏi đại học Mỹ năm qua

8,000 sinh viên Trung Quốc bị đuổi khỏi đại học Mỹ năm qua

Nguoi-viet.com

WASHINGTON, DC (NV) – Sinh viên Trung Quốc thường được liệt vào hạng học giỏi trên thế giới, nhưng không phải luôn luôn như vậy khi họ ghi danh học tại các đại học ở Mỹ. Theo Quartz.com, năm ngoái, ở Hoa Kỳ có đến 8,000 sinh viên Trung Quốc bị đuổi học.

(Hình minh họa: Frederic j. Brown/AFP/Getty Images)

Tổ chức cố vấn giáo dục WholeRen ở Pennsylvania nghiên cứu và nhận thấy, 81% trong số 1,657 trường hợp lý do bị đuổi là do học kém hoặc gian lận.

Một giới chức tên Chen của WholeRen nói, các thế hệ sinh viên Trung Quốc trước đây vì nghèo nên phải cậy vào điểm cao và học bổng mới vào được các trường đại học ở ngoại quốc, nhưng nay họ thuộc lớp sinh viên con nhà giàu, lại không vào được các trường tiếng tăm trong nước nên phải gian lận khi du học.

Sự kiện này ngược với định kiến cho rằng “sinh viên Trung Quốc hiếu học,” khiến người ta đặt nghi vấn về phẩm chất giáo dục của họ ở quê nhà.

Nhiều chỉ trích nói rằng mức độ bỏ học tại các trường đại học ở Trung Quốc chỉ 3% so với 54% ở Mỹ hoặc 32% ở Anh vì Giáo Sư ở Trung Quốc hiếm khi đánh rớt sinh viên.

Chép bài của người khác là vấn nạn thông thường ở Trung Quốc và thường được bỏ lơ.

Khi ban giám hiệu một đại học danh tiếng ở Trung Quốc hồi năm ngoài cố tìm cách ngăn chặn gian lận thì lập tức hàng trăm phụ huynh nổi loạn.

Họ tập trung và la lối, “Chúng tôi cần sự công bằng. Sẽ không có công bằng chừng nào chúng tôi không được gian lận.”

Tuần trước, 15 công dân Trung Quốc bị bắt quả tang gian lận các kỳ thi SAT và GRE ở Mỹ. (TP)

Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông

Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông

Giàn khoan 981 đang hoạt động ở Biển Đông

Trung Quốc loan báo hoạt động của giàn khoan nước sâu 981 tại Biển Đông trước khi di chuyển tới một vị trí mới.

Thông báo đăng trên website của Cục Hải sự Quốc gia Trung Quốc nói trong thời gian 10 ngày từ 6/5-16/5, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tác nghiệp tại giếng Lăng Thủy 25-1S-1, tọa độ 17°03′44″.5 Bắc/109°59′02″.7 Đông.

Vị trí này nằm cách thành phố Tam Á, thủ phủ tỉnh Hải Nam, khoảng 75 hải lý về phía đông nam.

Giới chức Việt Nam trong các phỏng vấn với báo giới trong nước nói vị trí này “ở ngoài vùng biển Việt Nam”.

Báo Thanh Niên dẫn lời thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, nói Cảnh sát biển Việt Nam luôn sát sao theo dõi hoạt động của giàn khoan 981.

Trong khi đó giới quan sát đang tìm hiểu sau ngày 16/5 khi công việc ở giếng Lăng Thủy kết thúc, giàn khoan 981 sẽ di chuyển đi đâu.

Có thông tin chưa kiểm chứng nói nó có thể sẽ được đưa vào vị trí hồi tháng Năm năm ngoái, tức nằm trong thềm lục địa của Việt Nam và chỉ cách đảo Lý Sơn chừng 120 hải lý.

Ngày 1/5/2014, giàn khoan 981 được đưa vào vị trí này, khơi nguồn một làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ mà cao trào là đợt bạo lực nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam.

Cho tới giữa tháng 7/2014 giàn khoan này mới rút đi.

‘Hành động điên rồ’

Nhận định về khả năng giàn khoan 981 được đưa trở lại vị trí năm 2014, Tiến sỹ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore nói: “Nếu nhớ lại ảnh hưởng nghiêm trọng cho quan hệ Trung-Việt cũng như phản ứng tiêu cực trong khu vực mà việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan hồi năm ngoái gây ra, cộng thêm sự quan ngại trước các hoạt động xây đảo nhân tạo mới đây của Trung Quốc tại Biển Đông, thì thật là điên rồ nếu Bắc Kinh lại muốn đưa giàn khoan của mình vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần nữa”.

“Tuy nhiên quá trình ra quyết định của Trung Quốc không rõ ràng minh bạch và trong những năm qua chúng ta thấy Trung Quốc sẵn sàng chịu thiệt hại uy tín và vẫn tiếp tục thái độ hung hăng tại Biển Đông thì khó có thể khẳng định điều gì.”

Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có kế hoạch sẽ đề cập chủ đề tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông với lãnh đạo Trung Quốc khi ông thăm Bắc Kinh cuối tuần này.

Hãng tin Reuters cho hay ông Kerry “sẽ cảnh báo Trung Quốc rằng việc cải tạo cơi nới đảo mà nước này đang làm ở Biển Đông sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới ổn định khu vực cũng như cho quan hệ Trung-Mỹ”.

Trước đó, hôm thứ Ba 12/5 một quan chức Mỹ cũng nói Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều chiến đấu cơ và tàu chiến tới để bảo đảm tự do đi lại quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây tại Biển Đông.

Trung Quốc phản ứng giận dữ trước thông tin này và đòi giải thích.

Trung Quốc xây 3 phi trường lớn ở Trường Sa

Trung Quốc xây 3 phi trường lớn ở Trường Sa

Nguoi-viet.com

MANILA 26-4 (NV) – Trung Quốc không phải xây một mà tới ba phi trường kích thước đủ cho phi cơ quân sự cỡ lớn lên xuống tại các đảo nhân tạo đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

Không ảnh chụp ngày 17/4/2015 bãi đá Xu Bi đang được xây dựng một phi trường, so sánh với tấm hình chụp ngày 6/2/2015 hoàn toàn khác hẳn. (Hình: DigitalGlobe)

Theo các tấm không ảnh được tạp chí thời sự chính trị The Diplomat ngày 25/4/2015 phân tích, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn từ năm ngoái đến nay, Trung Quốc ráo riết tiến hành các kế hoạch xây dựng các căn cứ, doanh trại, cảng biển và cả phi trường tại 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam năm 1988 hiện đã trở thành các đảo nhân tạo.

Đối chiếu những không ảnh mới nhất của tổ chức Digital Globe chụp từ đầu Tháng Hai đến giữa Tháng Tư 2015, người ta thấy chúng đang biến đổi vô cùng nhanh chóng. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh ráo riết thực hiện mưu đồ khống chế nuốt trọn Biển Đông qua các căn cứ hải quân và không quân tầm cỡ lớn đặt tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phần phía bắc của đảo nhân tạo Vành Khăn đang tiếp tục được bồi đắp thêm. Hình chụp ngày 13/4/2015. (Hình: DigitalGlobe)

Trước các sự phản đối suông của Việt Nam, Phi Luật Tân và các nước khác liên quan tới vấn đề Biển Đông, chế độ Bắc Kinh có dấu hiệu tiến hành thật nhanh việc xây dựng ở các bãi đá ngầm nay là các đảo nhân tạo, đặt các nước khác ở tình trạng đã rồi.

Một số nhà phân tích thời sự quốc tế từng dự báo Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông khi các căn cứ quân sự tại Trường Sa đã hoàn tất.

Phân tích các tấm không ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 17/4/2015 cho thấy chỉ trong khoảng 10 tuần lễ, Trung Quốc đã biến bãi đá Xu Bi (một rạn san hô thuộc cụm đảo Thị Tứ của quần đảo Trường Sa) mà Trung Quốc gọi là Zhubi Jiao (Chử Bích Tiêu) thành một đảo nhân tạo.

Đảo nhân tạo Vành Khăn qua so sánh không ảnh chụp ở các thời điểm 17/2/2015 và 13/4/2015. (Hình: DigitalGlobe)

Dựa trên diện tích và hình thể và chiều dài của đảo nhân tạo này đang tiến hành, người ta có thể phỏng định dấu hiệu Trung Quốc xây dựng một phi đạo dài đến 3,300 mét. Nó tương ứng với chiều dài của phi đạo mà Trung Quốc đang xây dựng tại đảo nhân tạo Đá Thập của quần đảo Trường Sa.

Giới chuyên viên quân sự cho rằng một phi đạo dài tới 3,300 mét có thể đủ để cho các phi cơ quân sự chiến đấu cũng như tiếp liệu của không quân và hải quân Trung Quốc lên xuống.

Không ảnh chụp ngày 6/2/2015 chỉ thấy các hoạt động nạo hút cát đá lòng biển bồi đắp ở đá Xu Bi. Nhưng đến ngày 17/4/2015 chụp lại thì thấy diện tích mặt đất của đảo nhân tạo đã lên thành 2.27 km2. Nó chỉ nhỏ hơn đảo nhân tạo Đá Thập phần nào, được xác định khoảng 2.65 km2.

Theo tạp chí The Diplomat, sự khác biệt hoạt động giữa hai đảo nhân tạo vừa nói là đảo nhân tạo Đá Thập có cảng biển khá lớn và phi đạo đang được xây dựng. Chưa thấy cảng biển quân sự nào hiện diện ở đá Xu Bi, nhưng các hoạt động của đoàn tàu nạo hút cá đá ở khu vực phía nam của đảo này gần hoàn tất việc tạo lập một vòng quây kín từ các bãi đá ngầm thiên nhiên. Điều này cho hiểu khu này hình thành dần một cảng biển được bảo vệ bởi rạn đá ngầm thiên nhiên mà hoạt động hút cát đá bồi lấp ở cực nam sẽ tạo ra cầu cảng.

Các không ảnh hoạt động của Trung Quốc tại bãi đá ngầm Vành Khăn (Mischief reef, Trung Quốc gọi là Meiji Jiao hay Mỹ Tế Tiêu) từng được tạp chí an ninh quốc phòng Jane’s Defense đưa tin mấy tuần trước, nay đang là đảo nhân tạo diện tích khoảng 2.42 Km2 dựa trên sự do đạc không ảnh chụp ngày 13/4/2015.

Đảo nhân tạo Đá Thập thay đổi nhanh chóng khi so sánh hai tấm hình chụp ngày 14/2/2015 và ngày 17/4/2015. (Hình: DigitalGlobe)

Vài tháng trước đó chỉ là bãi đá ngầm nay hoàn toàn là đảo nhân tạo với sự hoạt động ngày đêm của đoàn tàu hút cát đá. Không ảnh mới nhất cho thấy sự hiện diện của 28 chiếc xe tải, trộn xi măng hoạt động tại đây bên cạnh hàng chục chiếc xe tải chuyên ngành xây dựng khác cũng có mặt.

Với những gì nhìn thấy, giới chuyên viên cũng cho rằng một phi đạo dài hơn 3,000 mét cũng có thể được xây dựng tại Vành Khăn trong những ngày sắp tới. Các đảo nhân tạo Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập là ba trong số 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa được Bắc Kinh làm thành đảo nhân tạo mà không ai tin rằng chúng không phải là các căn cứ quân sự.

Cướp của người làm của mình, Bắc Kinh khi bị đả kích đều ngang ngược tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” và muốn làm gì thì làm.

Khi tham dự cuộc họp ASEAN ở thủ đô Mã Lai đang diễn ra, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario báo động với các người đồng cấp của hiệp hội khu vực rằng Trung Quốc “đang củng cố sự kiểm soát thực tế tại Biển Đông.” (TN)

Ngày 30/4 gây điêu đứng cho Phật giáo VN’

Ngày 30/4 gây điêu đứng cho Phật giáo VN

Biến cố ngày 30/4 năm 1975 không chỉ là ‘bước ngoặt đau thương cho dân tộc’ mà còn ‘gây điêu đứng cho Phật giáo’, một tôn giáo đã đồng hành cùng lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, một vị chức sắc của cao cấp của Phật giáo tại hải ngoại nói với BBC.

‘Không phát triển được’

Trao đổi với BBC Việt ngữ tại chùa Bát Nhã tại miền Nam California, Hòa thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa cho biết chính ông đã ‘chịu đựng những đau thương từ sau năm 1975 cho đến năm 1981’.

“Vì quá đau thương không thể xây dựng được Phật giáo trong nước nên tôi phải tìm đủ mọi cách ra hải ngoại làm việc để duy trì Phật giáo cho đến ngày hôm nay,”

Hòa thượng Thích Nguyên Trí nói.

Chùa Bát Nhã cũng là văn phòng thường trực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội bị chính quyền trong nước cấm, tại Hoa Kỳ. Hòa thượng Thích Nguyên Trí là phó chủ tịch điều hành của văn phòng này.

“Cộng sản không bao giờ có tín ngưỡng cho nên khi họ đi vào đánh chiếm miềm Nam thì hầu hết các tôn giáo bị tê liệt, trong đó có tôn giáo gắn liền với lịch sử dân tộc là Phật giáo,” ông nói.

Theo lời ông kể lại thì chính quyền của Đảng Cộng sản chiếm được miền Nam họ đã ‘thanh lọc những vị nào thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra một bên’ và ‘đưa vào danh sách cần phải lưu ý’.

“Tất cả những hành động từ cử chỉ đi đứng tới lui sinh hoạt trong chùa chiền gần như bế tắc,” ông nói.

Vì quá đau thương không thể xây dựng được Phật giáo trong nước nên tôi phải tìm đủ mọi cách ra hải ngoại làm việc để duy trì Phật giáo cho đến ngày hôm nay,” Hòa thượng Thích Nguyên Trí Hòa thượng Thích Nguyên Trí

“Họ không cho hoạt động bất cứ điều gì. Ngay các buổi lễ cũng không cho hành lễ. Những gia đình Phật tử hồi giờ sinh hoạt tại chùa cũng bị ngăn cấm. Tất cả những ban hộ niệm, những tổ chức Phật giáo bị tê liệt toàn bộ,” ông nói thêm.

“Ngay cả các vị lãnh đạo, các vị thầy của chúng tôi như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng không còn cách nào phát huy tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.”

“Chính vì vậy khi chúng tôi đặt chân lên bến bờ tự do thì điều trước hết là mở Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hải ngoại và ngày nay có mặt ở khắp nơi,” ông nói và cho biết từ ngày ông đặt chân đến Mỹ ông đã quyên góp được hơn một triệu Mỹ kim chuyển về trong nước làm từ thiện và xây dựng chùa chiền.

‘Chỉ có hình thức’

Nhận định về tình hình Phật giáo trong nước, Hòa thượng Thích Nguyên Trí nói ‘làm theo chiều hướng của Đảng Cộng sản chứ không theo tinh thần của Phật giáo’.

Theo lời ông giải thích thì trong thành phần lãnh đạo của giáo hội Phật giáo trong nước đều ‘đặt dưới sự chỉ đạo của Nhà nước chứ không được quyền tự bầu cử và ứng cử’.

“Vấn đề thọ giới thì là những người trong tôn giáo tự sắp xếp với nhau đưa lên hàng giáo phẩm: vị nào lên hòa thượng, thượng tọa, đại đức hoàn toàn do giáo hội bổ nhiệm và suy cử chứ Nhà nước không có quyền nhúng vô,” ông nói.

“Những ngày lễ như Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan phải xin phép chính quyền và người họ đưa ra mới được quyền đứng ra trước quần chúng làm lễ,” ông nói thêm.

Ngay cả các Phật viện trong nước, theo lời Hòa thượng Thích Nguyên Trí, thì các tăng ni sinh đến tu học cũng bị ‘xét lý lịch cá nhân’ chứ ‘không xét theo đạo đức thế nào’.

Về đời sống của các tôn giáo trong nước hiện nay, ông nhận xét rằng ‘có phát triển’ nhưng ‘chỉ là hình thức’ vì ‘tự do không có’.

“Chẳng hạn như đối với Phật giáo Hòa hảo, vị tối tôn trọng của họ là Ngài Huỳnh Giáo chủ thì ngày lễ lộc tưởng niệm hết sức khó khăn,” ông nói thêm và cho biết Nhà nước ‘theo dõi các vị chức sắc chức sắc tôn giáo xem họ phát ngôn thế nào nếu nói trật đường lối là khó sống’.

Về phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền kiểm soát là ‘Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội’, ông cho rằng do Đảng Cộng sản ‘ép buộc phải đưa chủ nghĩa cộng sản vào’ chứ ‘Đạo pháp không thể đi cùng chủ nghĩa xã hội’.

“Việc này làm thành phần trí thức hiểu biết rất đau lòng,” ông nói.

Cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ với Hòa thượng Thích Nguyên Trí được thực hiện trong tháng Tư, 2015 tại Nam California.