Vì an ninh quốc gia, Manila tẩy chay chuyên gia Trung Quốc

Vì an ninh quốc gia, Manila tẩy chay chuyên gia Trung Quốc

Trọng Nghĩa

media

Yêu sách của Bắc Kinh Biển Đông khiến người Philippines cảnh giác với Trung Quốc. REUTERS/Romeo Ranoco

Phủ Tổng thống Philippines vào hôm nay 28/02/2014, đã chính thức lên tiếng bảo vệ quyết định mới đây của Bộ Năng lượng nhằm đình chỉ sự tham gia của kỹ thuật viên Trung Quốc vào sự phát triển và vận hành của màng lưới điện quốc gia Philippines. Lý do được nêu lên là vấn đề an ninh quốc gia, nhưng giới quan sát cũng gắn liền quyết định này với tranh chấp giữa Bắc Kinh và Manila về Biển Đông.

 

Theo báo chí Philippines, trên một đài phát thanh địa phương, Phó Phát ngôn viên của Tổng thống Aquino, bà Abigail Valte khẳng định rằng : Khi quyết định không triển hạn công tác cho 16 cán bộ kỹ thuật Trung Quốc đang làm việc tại Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines NGCP, Bộ Năng lượng Philippines đã có nghiên cứu kỹ lưỡng về những ưu và khuyết điểm của vấn đề.

Bà Valte đã tuyên bố như trên sau khi Bắc Kinh lên tiếng đòi Manila phải xử sự công bằng đối với Tập đoàn NGCP – có 40% vốn Trung Quốc – vào việc xây dựng màng lưới điện toàn quốc của Philippines. Theo Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, thì tập đoàn này đã có nhiều đóng góp quan trọng, và Manila phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của tập đoàn đó.

Tranh cãi đã nẩy sinh từ hôm thứ Tư, 25/02 khi Bộ Năng lượng Philippines loan báo là sẽ chấm dứt công việc của số cán bộ kỹ thuật Trung Quốc đang làm việc trong hệ thống điện toàn quốc, vì những lý do đặc biệt về an ninh quốc gia.

Phát biểu với hãng tin Pháp AFP, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Jericho Petilla xác nhận là 16 kỹ thuật viên Trung Quốc đang công tác tại Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines NGCP sẽ không được triển hạn visa vào tháng 7 tới đây và sẽ phải hồi hương.

Là một công ty tư nhân Philippines, NGCP có tới 40% phần hùn đến từ Tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc, tập đoàn quốc doanh đang quản lý hệ thống phân phối điện tại Trung Quốc.

Khi được hỏi là phải chăng vấn đề an ninh quốc gia bị đe dọa đã khiến cho chính quyền Manila quyết định như trên, vị Bộ trưởng Philippines đã xác nhận rằng vấn đề đó « hiển nhiên là một mối quan tâm ».

Đối với chính quyền Manila, màng lưới điện quốc gia Philippines phải do chính người Philippines điều hành và người Philippines hiện có đủ năng lực chuyên môn để đảm trách phần việc do người Trung Quốc thực hiện.

Ngoài lý do an ninh nói trên, một số nhà quan sát đã gắn liền quyết định không cho chuyên gia Trung Quốc tiếp tục làm việc trong màng lưới điện quốc gia Philippines với hồ sơ tranh chấp Biển Đông giữa Manila và Bắc Kinh.

Các hành vi lấn lướt của Trung Quốc nhắm vào Philippines trong những năm gần đây, từ vụ giành quyền kiểm soát thực tế trên bãi cạn Scarborough Shoal, cho đến vụ phong tỏa đường tiếp tế cho lính Philippines đồn trú trên bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal), đã làm quan hệ song phương xấu hẳn đi.

Theo báo chí Philippines, hôm thứ tư vừa qua, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Philippines cũng thừa nhận rằng tranh chấp Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc đã tạo nên mối quan ngại về sự có mặt của chuyên gia Trung Quốc trong một tập đoàn chiến lược như tập đoàn lưới điện NGCP

Bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa : Ba ý đồ của Trung Quốc

Bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa : Ba ý đồ của Trung Quốc

Trọng Nghĩa

RFI

media

Công trình bồi đắp bãi ngầm Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef) của Trung Quốc đang hoàn thiện. Nguồn : Chinatopix.com

Bất chấp các tuyên bố mang tính trấn an của giới lãnh đạo, Trung Quốc vẫn tiếp tục kế hoạch khống chế Biển Đông mà chủ bài quan trọng vừa bị ảnh vệ tinh phương Tây lật ngửa : Thiết lập chuỗi đảo nhân tạo tại vùng quần đảo Trường Sa, làm căn cứ trú quân kiểm soát toàn vùng. Ngay sau khi chuyên san quốc phòng Jane’s Defense công bố loạt ảnh mới về các công trình xây dựng của Trung Quốc tại Trường Sa vào hôm 15/02/2015, giới chuyên gia quốc tế đã nhất loạt nêu bật các ý đồ bành trướng của Bắc Kinh.

Một cách cụ thể, với các công trình đang trên đường được hoàn thành tại nơi trước đây là bãi ngầm Đá Tư Nghĩa (Hughes Reef), Trung Quốc đã nâng thành 7 đơn vị, số đảo nhân tạo mà họ bồi đắp trên cơ sở các bãi đá hay rạn san hô mà họ đã cưỡng chiếm của Việt Nam hay Philippines.

Ngoài Đá Tư Nghĩa, Trung Quốc cũng đã bồi đắp, cải tạo và mở rộng các « đảo » như Đá Gạc Ma (Johnson South Reef), Đá Ga Ven (Gaven Reef), Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Đá Châu Viên (Cuarteron Reef), Đá Én Đất (Eldad Reef) và Đá Vành khăn (Mischief Reef).

Căn cứ vào các thông tin mà Jane’s Defense tiết lộ, một nhà ngoại giao phương Tây đã phải công nhận rằng các công trình do Trung Quốc thực hiện mang quy mô to lớn hơn rất nhiều so với tưởng tượng trước đây, với hệ quả trước mắt là đối phó với các tham vọng của Trung Quốc « sẽ đặc biệt khó khăn » nếu đà này tiếp tục.

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra Trung Quốc có thể sử dụng các đảo nhân tạo mà họ xây dựng trên Biển Đông vào mục đích gì ?

Dựa trên các công trình mà Bắc Kinh đã và đang cho xây dựng trên các đảo đó, ý đồ đầu tiên hết được cho là liên quan đến lãnh vực quân sự. Một chuyên gia phân tích đã không ngần ngại gọi mỗi đảo nhân tạo đó là một « tàu sân bay không thể đánh chìm ».

Đá Tư Nghĩa chẳng hạn, đã được thiết kế như một pháo đài, vừa có bãi đáp trực thăng, vừa có cầu tàu cho chiến hạm cập bến. Kiến trúc tương tự cũng được ghi nhận trên các đảo khác.

Chuyên gia phân tích của Jane’s Defense đã không ngần ngại gọi các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp là một chuỗi pháo đài giúp Bắc Kinh tăng cường năng lực khống chế toàn khu vực, cả trên không lẫn trên biển. Một chuyên gia phân tích tại Hồng Kông cho rằng các đảo nhân tạo sẽ cho phép Trung Quốc dễ dàng sử dụng đội trực thắng của họ, rất hữu dụng trong công việc săn tìm tầu ngầm.

Ngay cả khi không sử dụng các đảo nhân tạo này vào mục tiêu quân sự chính thống, Bắc Kinh cũng có thể dùng chúng làm chỗ dựa cho lực lượng tàu bán quân sự và tàu dân sự từng được Trung Quốc dùng làm phương tiện áp đặt chủ quyền trên Biển Đông.

Theo chuyên gia Carl Thayer, thuộc Học viện Quốc phòng Úc, đảo nhân tạo tại Biển Đông sẽ không chỉ là kho tiếp tế nhiên liệu cho các chiến hạm Trung Quốc, mà còn là một nơi cung cấp hậu cần và điểm dừng cho các tàu đánh cá hay tàu cảnh sát biển Trung Quốc.

Ý đồ thứ ba được các chuyên gia nghĩ đến là khả năng Trung Quốc sẽ cho tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông sau khi các cơ sở quân sự, đặc biệt là phi đạo và radar trên các đảo nhân tạo này được hoàn tất và đi vào hoạt động.

Một trong những yếu tố khiến Bắc Kinh cho đến nay còn ngần ngại trong việc thiết lập vùng phòng không trên Biển Đông, chính là vì họ chưa đủ thực lực để buộc nước khác tôn trọng vùng này khi cần thiết.

Đại sứ Mỹ ở Nam Hàn bị rạch mặt

Đại sứ Mỹ ở Nam Hàn bị rạch mặt

Các vết thương của ông Lippert ‘không nguy hiểm tính mạng’

Đại sứ Hoa Kỳ tại Nam Hàn, Mark Lippert, vừa bị một kẻ tấn công làm bị thương ở Seoul.

Vụ tấn công xảy ra khi ông Lippert, 42 tuổi, chuẩn bị tham gia một buổi ăn sáng làm việc.

Các hình ảnh được công bố sau đó cho thấy ông đại sứ bị chảy máu một bên mặt và trên tay trái. Ông bị rạch bằng dao lam.

Ông Lippert được mang tới bệnh viện. Kẻ tấn công, được cho là một người đàn ông 55 tuổi, đã bị các nhân viên an ninh khống chế và bắt giữ.

Các vết thương của ông Lippert không nguy hiểm tính mạng, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

‘Khẩu hiệu phản chiến’

Cảnh sát Hàn Quốc được hãng tin Yonhap dẫn lời nói vụ tấn công xảy ra khoảng 07:40 sáng thứ Năm giờ địa phương (05:40 sáng giờ Hà Nội), khi ông đại sứ đang bước vào một học đường ở trung tâm Seoul.

Kẻ tấn công đã hô lớn: “Nam Hàn và Bắc Hàn phải được thống nhất!” trước khi xông vào ông đại sứ.

Kẻ tấn công cũng phản đối các cuộc tập trận thường niên mà Hoa Kỳ và Nam Hàn tổ chức, một cuộc hiện đang diễn ra.

Bình Nhưỡng nói cuộc tập trận có sự tham gia của hơn 200.000 lính là tập dượt để xâm lược Bắc Hàn và thề đánh trả.

Tuy nhiên phóng viên BBC tại Seoul, Stephen Evans, nói không có chỉ dấu gì cho thấy người tấn công là đặc vụ của Bắc Hàn.

Phóng viên của chúng tôi nói thêm rằng nhiều người miền Nam tin rằng hiện diện quân sự của Mỹ tại Nam Hàn cản trở quá trình thống nhất hai miền.

Kẻ tấn công trước đó từng ném mảnh bê tông vào đại sứ Nhật Bản ở Nam Hàn và cũng có tiền sử hoạt động dân tộc chủ nghĩa.

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gọi điện hỏi thăm ông Lippert và chúc ông chóng khỏe.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi cực lực lên án hành động bạo lực này”.

Ông Lippert – cựu thứ trưởng quốc phòng, mới được bổ nhiệm làm đại sứ ở Hàn Quốc năm 2014.

Vợ ông vừa sinh con tại đây và con trai ông có tên đệm Triều Tiên.

TQ điều tra con trai cựu thượng tướng

TQ điều tra con trai cựu thượng tướng

Thiếu tướng Quách Chính Cương đã bị điều tra ‘vì tham nhũng’

Trung Quốc công bố chính thức điều tra 14 sỹ quan cao cấp gồm cả một thiếu tướng, con trai của cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Thượng tướng Quách Bá Hùng.

Mang hàm thiếu tướng, ông Quách Chính Cương (trong hình) đang là phó chính ủy tỉnh đội Chiết Giang và đã bị điều tra vì ‘vi phạm pháp luật’, theo truyền thông nhà nước Trung Quốc hôm 2/3/2015.

Theo Reuters và các báo ở Hong Kong, ‘vi phạm pháp luật’ là cách báo chí nhà nước Trung Quốc gọi tội tham nhũng, có liên quan đến tiền bạc.

Năm nay 45 tuổi ông Quách Chính Cương là con trai của Thượng tướng Quách Bá Hùng, người từng là Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng Cộng sản và nắm chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, cơ quan lãnh đạo quân Giải phóng Trung Quốc.

Trước đó, Tướng Quách Bá Hùng từng làm tham mưu trưởng và tư lệnh các quân đoàn quan trọng của Trung Quốc và cũng nắm Quân khu Lan Châu ở vùng phía Tây, giáp với Tân Cương.

Ở cương vị Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, ông đã thăm Việt Nam hồi năm 2010.

Chống tham nhũng không ngừng

Tướng Quách Bá Hùng từng thăm Việt Nam năm 2010

Tuy nhiên, sau khi ông về hưu năm 2013, Tướng Quách Bá Hùng có vẻ như đã trở thành đối tượng của một chiến dịch chống tham nhũng.

Hồi tháng 1/2015, một thiếu tướng cựu trợ lý cho ông đã bị bắt cũng vì cáo buộc ‘vi phạm pháp luật’.

Viên tướng này cũng từng làm việc cho Thượng tướng Từ Tài Hậu, người vừa ‘thú tội’ đã nhận tiền để bán quân hàm.

Nay chính con trai ông Quách Bá Hùng cũng chính thức trở thành ‘đối tượng điều tra’ sau nhiều tuần có tin đồn về số phận của ông này đã bị Ủy ban Kỷ luật Trung ương Đảng định đoạt.

Có vẻ như các vụ bắt quan chức cao cấp của Đảng, chính quyền và quân đội Trung Quốc vẫn diễn ra không ngừng kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình nêu khẩu hiểu ‘Đả hổ diệt ruồi’.

Gần đây nhất, báo chí Trung Quốc lại đề cao thuyết ‘Tứ toàn’ của ông Tập, gồm cả nội dung ‘dùng luật trị nước’.

Hồi tháng 2/2015, có thêm một cựu quan chức cao cấp, ông Tô Vinh, từng là Phó Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân Trung Quốc đã bị khai trừ khỏi Đảng Cộng sản.

Ủy ban Kỷ luật Trung ương (CCDI) nói ông đã lợi dụng vị trí này để nhận “những khoản hối lộ lớn”.

IS tung đoạn băng chặt đầu con tin Nhật

IS tung đoạn băng chặt đầu con tin Nhật

Ông Kenji Goto được cho là đã bị IS hành hình

Một đoạn băng video đã được tung lên mạng với ý đồ cho thấy con tin người Nhật Kenji Goto đã bị các chiến binh của Nhà nước Hồi giáo (IS) chặt đầu.

Đoạn băng này được tung ra chưa tới một tuần lễ sau khi có tin một con tin người Nhật khác là Haruna Yukawa bị chặt đầu.

Ông Goto, 47 tuổi, là một nhà báo tự do và là một nhà làm phim nổi tiếng. Ông đến Syria hồi tháng 10. Lúc đó, ông được cho là tìm cách để ông Yukawa được phóng thích.

Nhật cùng với Mỹ, Anh, Pháp đã lên án vụ hành quyết.

‘Nhật sẽ đáp trả’

Đoạn băng này có những biểu tượng giống như những đoạn băng trước đó mà IS tung ra. Trong đó, một chiến binh nói giọng Anh đã chặt đầu ông Goto.

Phát ngôn nhân nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga, nói Nhật ‘phẫn nộ’ trước vụ việc và cho biết nội các Nhật đang họp để quyết định hành động đáp trả.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói Nhật ‘sẽ không đầu hàng khủng bố’ và nói ông sẽ gia tăng viện trợ cho Trung Đông.

Ông cũng nói rằng Nhật Bản sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để đưa những kẻ đứng đằng sau việc sát hại ông Kenji Goto ra trước ông lý.

IS là hiện thân của quỷ dữ và coi sinh mạng con người không ra gì.

Thủ tướng Anh David Cameron

Bà Junko Ishido, mẹ của ông Goto, nói bà ‘không thể dùng từ nào’ để diễn tả cái chết của con bà và cho biết Goto đến Syria ‘với lòng tốt và sự dũng cảm’.

Người em trai của ông, ông Junichi Goto, nói với kênh truyền hình NHK rằng: “Tôi hy vọng anh Kenji sẽ bình an trở về nhà để cảm ơn mọi người đã ủng hộ anh ấy.”

“Lòng tôi rất đau buồn vì điều đó đã không thể xảy ra.”

Trong một thông cáo, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói Mỹ lên án ‘việc sát hại ghê tởm’ ông Goto.

Anh và Pháp cũng đã lên án vụ hành quyết này.

Thủ tướng Anh David Cameron đã gọi IS là ‘hiện thân của quỷ dữ và coi sinh mạng con người không ra gì.”

Thỏa thuận bất thành

Người dân Nhật cầu nguyện cho ông Kenji Goto

Các quan chức Nhật đã làm việc cùng với Jordan để tìm cách cho IS phóng thích Goto và phi công Jordan có tên là Moaz al-Kasasbeh, người bị IS bắt giữ sau khi máy bay của anh bị bắn hạ trên bầu trời Syria hồi tháng 12.

Tuy nhiên, hôm 30/1 họ cho biết các cuộc đàm phán đã đi đến bế tắc.

Một đoạn băng video được tung ra hôm 27/1 cho biết ông Goto ‘chỉ còn sống được có 24 tiếng đồng hồ’ và phi công Kasasbeh ‘thậm chí có thời gian còn ít hơn’.

Sau đó họ đưa ra thời hạn là buổi chiều tối ngày 29/1 để đạt được thỏa thuận phóng thích ông Goto để đổi lấy việc Jordan thả bà Sajida al-Rishawi, công dân Iraq đã đánh bom tự sát bất thành.

Tuy nhiên, việc đàm phán đã trở nên phức tạp với việc Jordan yêu cầu IS phải thả luôn phi công Kasasbeh.

Đoạn băng mới nhất không hề nhắc đến số phận của viên phi công này và gia đình đang nói họ đang cầu nguyện cho anh.

Lúc đầu, IS từng đòi 200 triệu đô la Mỹ tiền chuộc để thả hai con tin Nhật.

Tạp chí Charlie Hebdo bán sạch ấn bản mới nhất

Tạp chí Charlie Hebdo bán sạch ấn bản mới nhất

Người dân ở Pháp xếp hàng mua ấn bản mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo tại Saint Jean de Luz, ngày 14/1/2015.

Người dân ở Pháp xếp hàng mua ấn bản mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo tại Saint Jean de Luz, ngày 14/1/2015.

14.01.2015

Tạp chí trào phúng Charlie Hebdo của Pháp đã bán sạch số mới nhất in ra tới 3 triệu bản chỉ nội trong vòng vài phút, trong ấn bản đầu tiên của báo này từ sau cuộc tấn công khủng bố chết người nhắm vào toà soạn của tờ báo ở Paris hồi tuần trước, và hai ngày bạo động sau đó.

Ấn bản ngày thứ Tư với trang bìa đăng một bức biếm hoạ nhà tiên tri Muhammad đang khóc, cùng với dòng chữ “Tất cả đã được tha thứ” – đã bán được số báo cao vượt bực so với số báo in trung bình chỉ có 60,000 bản mỗi tuần.

Ông Michel Salion, nhân viên liên lạc báo chí của công ty phân phối báo chí MLP, phát biểu:

“Điều khác thường là thông thường chỉ có 800 ấn bản của báo Charlie Hebdo để mà phân phối cho các quầy bán báo ở Pháp, quanh Paris. Hôm nay đã có tới 6000 ấn bản. Đó là một sự kiện khác thường, Charlie Hebdo đã có số phát hành ngang hàng với các báo khác trên toàn quốc như Le Monde, Liberation hay Figaro.”

Tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba, Tổng biên tập của báo Charlie Hebdo cho hay số báo này sẽ được bán trong hai tuần, và ấn bản trên mạng sẽ có tiếng Anh, Tây Ban Nha, và Ả Rập, cũng như tiếng Pháp.

Một khách hàng tại một quầy bán báo, Claude Durand nói:

VO“Đối với tôi, trước tiên mua tờ báo là điều quan trọng, bởi vì tôi sẽ khám phá ra Charlie Hebdo, và có thể số báo này sẽ gợi hứng cho tôi để mua tờ báo này trong tương lai, nhưng mặt khác, tôi nghĩ tất cả mọi người Pháp sẽ mua tờ Charlie Hebdo.”

Hôm qua, gia đình và thân nhân của 3 nhân viên cảnh sát bị giết chết trong các cuộc tấn công khủng bố ở Paris đã nghiêng mình trước vong linh của những người quá cố tại một buổi lễ tưởng niệm.

Đứng trước các cỗ quan tài phủ quốc kỳ Pháp, Tổng Thống Francois Hollande ca ngợi lòng dũng cảm của họ, và truy tặng họ Huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, huân chương cao quý nhất của nước Pháp.

Tại Jerusalem, các tang lễ cũng được cử hành cho 4 nạn nhân đã chết trong đợt khủng bố tuần trước. Tổng cộng có 17 người bị sát hại trong các cuộc tấn công này.

Sau đó trong ngày, Hạ viện Pháp thông qua quyết định gia hạn các cuộc không kích do Pháp thực hiện chống nhóm cực đoan Nhà Nước Hồi giáo ở Iraq. Pháp là một thành viên của liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại các phần tử chủ chiến đã chiếm quyền kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq hồi năm ngoái. Nhiều kẻ tấn công ở Paris đã tuyên bố trung thành với các nhóm cực đoan Hồi giáo.

Vụ phong toả khởi sự hôm thứ Tư tuần trước tại toà soạn của tuần báo Charlie. Tại đây, 12 người đã bị giết chết. Cảnh sát Pháp đã giết những kẻ tấn công vào tờ báo Charlie Hebdo, là Said và Cherif Kouachi hôm thứ Sáu, cùng ngày một phần tử chủ chiến khác, là Amedy Coulibaly, giết chết 4 nạn nhân người Do Thái tại một siêu thị kosher ở miền Đông Paris trước khi y bị cảnh sát giết chết. Một ngày trước đó, Coulibaly đã giết một nữ cảnh sát.

Nhà chức trách nói Pháp vẫn đứng trước nguy cơ cao bị tấn công khủng bố, và đã triển khai 10.000 binh sĩ để giúp cảnh sát giữ gìn an ninh tại những nơi được cho là “nhạy cảm”, Trong số các địa điềm này, có các trường học và đền thờ Do Thái giáo, cũng như các đền thờ Hồi giáo.

Charlie Hebdo phát hành số mới

Charlie Hebdo phát hành số mới

 

Người dân tại Pháp xếp hàng dài từ sớm tại các quầy bán báo để đón mua số mới nhất của tạp chí Charlie Hebdo ra ngày hôm nay.

5 triệu bản được in và phát hành một tuần sau khi các tay súng giết 12 người tại tòa báo này và 5 người khác ở Paris.

Trang bìa tạp chí có hình Đấng Tiên tri Muhammad khóc và mang biển hiệu nói “Tôi là Charlie” – thông điệp ủng hộ cho tạp chí này.

Trong khi đó, Thủ tướng Pháp Manuel Valls nói rằng nước ông đang tuyên chiến với chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan chứ không phải với người Hồi giáo.

Phát biểu trước Quốc hội Pháp, ông Valls nói các tay súng Hồi giáo sát hại 17 người ở Paris muốn tiêu diệt ‘tinh thần nước Pháp’ nhưng đã thất bại.

Thủ tướng Valls đưa ra phát biểu này sau nghi thức tang lễ cho bảy nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công hồi tuần trước.

‘Không tuyên chiến với đạo Hồi’

Các nghị sỹ Pháp đã nhóm họp lần đầu tiên kể từ các vụ tấn công hồi tuần trước. Họ đã dành một phút mặc niệm nạn nhân trước khi hát Quốc ca.

Ông Valls nói rằng cuộc tuần hành đoàn kết khổng lồ của hàng triệu người trên khắp nước Pháp hôm Chủ nhật ngày 11/1 là ‘sự đáp trả tuyệt vời’ trước bạo lực và nói thêm: “Chúng ta tuyên chiến với thánh chiến và khủng bố… nhưng nước Pháp không tuyên chiến với đạo Hồi và người Hồi giáo.”

Chúng ta tuyên chiến với thánh chiến và khủng bố… nhưng nước Pháp không tuyên chiến với đạo Hồi và người Hồi giáo.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls

Ông thông báo một loạt các biện pháp từ các bài học rút ra sau các vụ tấn công, trong đó có giam giữ các phần tử thánh chiến ở những khu riêng biệt trong nhà tù và thắt chặt việc giám sát Internet và mạng xã hội.

“Chúng ta phải đáp trả tình huống bất thường bằng những biện pháp bất thường,” Thủ tướng Valls nói nhưng ông cũng loại trừ những biện pháp đi quá xa những nguyên tắc luật pháp và những giá trị của nước Pháp.

Bộ Quốc phòng Pháp đã triển khai 10.000 binh sỹ tại các địa điểm như giáo đường Do Thái, thánh đường Hồi giáo và các sân bay.

Trước đó, trang bìa số mới của tạp chí Charlie Hebdo đã được truyền thông Pháp đăng tải rộng rãi trước khi số mới này được chính thức phát hành.

Nước Pháp vẫn trong tình trạng an ninh cao độ

Trang bìa lần này là bức biếm họa vẽ Đấng Tiên tri Muhammad cầm tấm biển có dòng chữ ‘Je Suis Charlie’, có nghĩa là ‘Tôi là Charlie’ với câu chú thích ghi rằng ‘Tất cả được tha thứ’.

Rất ít báo chí ở Trung Đông và Bắc Phi sẽ đăng lại hình hảnh trên trang bìa này của Charlie Hebdo. Tuy nhiên hãng tin Tabak của Iran sẽ đăng lại nhưng nó sẽ bị làm mờ chỉ còn thấy rõ dòng chú thích ‘Tất cả được tha thứ’.

Tạp chí này sẽ phát hành ba triệu bản cho số mới, trong đó có bản tiếng Anh, tiếng Ả Rập và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Thông thường thì số phát hành của tạp chí này chỉ khoảng 60.000 bản mỗi tuần.

’70 trinh nữ đâu?’

Các họa sỹ của tờ báo sống sót sau vụ thảm sát đã làm việc ở văn phòng của nhật báo Libération.

Chúng tôi vui mừng đã làm xong và đã làm được. Công việc rất khó khăn. Làm trang bìa… rất phức tạp bởi vì nó phải diễn đạt cái gì đó mới, nó phải nói được điều gì đó liên quan đến những gì mà chúng tôi đã đối mặt.

Gerard Biard, Tổng biên tập Charlie Hebdo

Tổng biên tập Gerard Biard nói với các phóng viên: “Chúng tôi vui mừng đã làm xong và đã làm được. Công việc rất khó khăn. Làm trang bìa… rất phức tạp bởi vì nó phải diễn đạt cái gì đó mới, nó phải nói được điều gì đó liên quan đến những gì mà chúng tôi đã đối mặt.”

Trong một diễn biến khác, các nhà điều tra ở Bulgaria cho biết một công dân Pháp mà họ bắt giữ hôm 1/1 có tên là Fritz-Joly Joachin đã liên lạc với một trong số các anh em nhà Kouachi, thủ phạm vụ tấn công vào tạp chí Charlie Hebdo ở Paris.

Người này bị bắt theo một lệnh bắt ở phạm vi châu Âu do Pháp đưa ra sau khi vợ ông ta cáo buộc ông ta đã bắt cóc con trai của họ, các quan chức Bulgaria cho biết.

Một trát bắt khác sau đó đã được đưa ra đối với Joachin nhưng lần này với tội danh là ‘tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức có mục tiêu tổ chức các hành động khủng bố,” bà Darina Slavova, công tố viên Bulgaria nói với hãng tin AFP.

Ông Valls đã có bài phát biểu trước Quốc hội Pháp

Từ Paris, phóng viên BBC Hugh Schofield nhận định về số mới của Charlie Hebdo như sau:

“Toàn trang bìa là hình vẽ Đấng Tiên tri Muhammad đang rớm lệ nhưng bên trong không có thêm bất cứ hình ảnh nào về Đấng Tiên tri cả.

Số báo này dành rất nhiều sự châm biếm cho các phần tử Hồi giáo cực đoan. Một bức tranh vẽ cảnh hai kẻ khủng bố đang lên thiên đường và hỏi ’70 trinh nữ đâu?’ trên nền là cảnh các nhà báo bị sát hại của Charlie Hebdo đang vui vẻ với các trinh nữ.

Ban biên tập tờ báo cũng dành lời cảm ơn đến hàng triệu người đã gọi mình là Charlie trong những ngày qua nhưng cũng nói rằng họ không muốn có thêm lời ám chỉ nào rằng họ đã tự chuốc rắc rối với việc khiêu khích người Hồi giáo.”

 

“Tôi trốn dưới gầm bàn”: cuộc tấn công Charlie Hebdo diễn tiến thế nào

“Tôi trốn dưới gầm bàn”: cuộc tấn công Charlie Hebdo diễn tiến thế nào

Tu Thanh Ha | DCVOnline lược dịch

Các sự kiện làm nước Pháp bàng hoàng và cả thế giới sững sờ đã bắt đầu vào sáng thứ Tư trong tòa nhà văn phòng màu xám ở trung tâm Paris, nơi tạp chí Charlie Hebdo đã dọn đến sau khi trụ sở cũ đã bị phóng hỏa trong năm 2011.

Toà soạn Charlie Hebdo. Nguồn:  www.atlantico.fr

Toà soạn Charlie Hebdo. Nguồn: www.atlantico.fr

Đó là cuộc họp ban biên tập hàng tuần tại văn phòng ở tầng hai của tạp chí trào phúng Charlie Hebdo.

Một số các nhân viên thường xuyên đã vắng mặt. Họa sĩ vẽ tranh biếm Willem không bao giờ thích tham dự các cuộc họp văn phòng. Columnist Zineb El Rhazoui đang đi nghỉ mát tại Morocco quê hương cô.

Một bỉnh bút khác của tờ Charlie Hebdo, Patrick Pelloux, còn là một bác sĩ cấp cứu, đang bận trong một cuộc họp khác, với lính cứu hỏa và nhân viên xe cứu thương của Paris, để thảo luận cách làm thế nào hầu cải thiện dịch vụ nhập viện.

Nhưng ngồi quanh bàn họp của Charlie Hebdo sáng hôm đó đã có mặt một số họa sĩ tranh biếm kỳ cựu đã làm tạp chí có nội dung nổi tiếng là ô trọc và khiêu khích: các biên tập viên chính, Stéphane Charbonnier, cũng là hoa sĩ tranh biếm dưới bút danh Charb; Georges Wolinski, Jean Cabut, còn được gọi là Cabu, và Bernard (Tignous) Verlhac.

Wolinski, Cabut, Charb và Tignous. Ảnh: AFP / Getty Images

Wolinski, Cabut, Charb và Tignous. Ảnh: AFP / Getty Images

Lúc 11:28 sáng, có người ở tạp chí tweet trên đia chỉ Twitter Charlie Hebdo Twitter, đăng một biếm họa của Philippe Honoré chế giễu lãnh đạo Nhà nước Hồi giáo Abu Bakr al-Baghdadi [Hình trắng đen với hàng chữ “Voeux al-baghdadi aussi. Et sur tout la santé.”

Ngay lúc đó, một chiếc Citroen C3 sedan màu đen xuất hiện trên con đường phố hẹp bên ngoài.

Hai người đàn ông mặc đồ đen bước ra. Khuôn mặt của họ đã được che lại bằng balaclavas và họ vũ trang bằng khẩu súng liên thanh Kalashnikov (AK).

Họ tìm trụ sở của tạp chí Charlie Hebdo nhưng, không biết chắc địa chỉ, nên đầu tiên đã vào cửa tòa nhà số 6 đường Nicolas Appert, không biết là họ đã vào sai địa chỉ.

Một người phát thơ co mặt ở khu vực đã nói với tờ Libération rằng hai người đàn ông đó hỏi cô địa chỉ của Charlie Hebdo. “Họ không biết nó ở đâu. Họ đã bắn một vài phát súng để dọa chúng tôi.”

Bản đồ đường tháo chạy của sát thủ. Nguồn:  www.independent.co.uk

Bản đồ đường tháo chạy của sát thủ. Nguồn: www.independent.co.uk

François Molins, công tố viên của Paris, cho biết hai tay súng sau đó đã tìm ra đúng địa chỉ và xông vào sảnh của tòa nhà số 10 rue Nicolas Appert, một tòa nhà ba tầng có văn phòng của một số công ty.

Hai tay súng đã hỏi hai công nhân lau dọn tòa nhà văn phòng của Charlie Hebdo ở đâu, sau đó nổ súng, giết chết một trong hai nhân viên lau dọn, Frédéric Boisseau.

Rồi họ gặp một nữ họa sĩ vẽ tranh biếm của Charlie Hebdo, Corinne Rey, khi bà vừa đón con ở nhà trẻ về.

Họa sĩ Rey nói, “Họ nói tiếng Pháp hoàn hảo … và cho biết họ cùng phe với al-Qaeda.”

Theo Le Monde, họa sĩ Rey đã cố gắng đanh lạc lối hai tay súng, đưa lên tầng sai, nhưng cuối cùng họ đã tìm thấy cánh cửa dẫn đến văn phòng Charlie Hebdo.

Trong một cuộc phỏng vấn với L’Humanité, bà Rey cho biết hai người đàn ông cầm súng đe dọa hai mẹ con, buộc bà phải bấm mã mở khóa cửa.

Và đến bên trong, họ xông vào phòng họp. Theo các nhân chứng, một người hỏi “Charb đâu?” và sau đó bắn vào ông Charbonnier, trước khi tên từng họa sĩ biếm họa khác và bắn họ. Họa sĩ Rey kể lại,

“Họ đã bắn Wolinski, Cabu … cuộc thảm sát kéo dài năm phút … Tôi trốn dưới gầm bàn.”

Một nữ nhân viên khác của Charlie Hebdo, Sigolène Vinson, nói với RFI rằng một trong hai tay súng đã nhắm súng vào bà nhưng không bắn.
Và hắn ta nói,

“Tôi không giết chết cô vì cô là một người phụ nữ và chúng tôi không giết phụ nữ nhưng cô phải chuyển sang đạo Hồi.”

Hai tay súng đã bỏ đi sau khi giết chết 10 người. Tử nạn là các ông Charbonnier, ông Wolinski, ông Cabut, ông Verlhac, ông Honoré, người viết chuyên mục Elsa Cayat và chuyên viên kinh tế Bernard Maris, người cũng có một cột chuyên mục trong tạp chí Charlie Hebdo.

Cũng thiệt mạng là Mustapha Ourad, biên tập viên soạn thảo bản gốc Algeria Kabyle, Franck Brinsolaro, một sĩ quan cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ ông Charbonnier, và Michel Renaud, một cựu viên chức quan chức thành phố từ thị trấn Clermont-Ferrand đến thăm tạp chí.

Những người sống sót cho biết họ nghe thấy hai tay súng hét lên “Allahu Akbar” (Allah Vĩ đại) và nói về việc “báo thù cho Thiên sứ” khi ra ta hạ sát các nhà báo.

Sát thủ chạy khỏi văn phòng của tạp chí trào phúng Charlie Hebdo của Pháp ở Paris, trong hình lấy từ video của nhân chứng.

Sát thủ chạy khỏi văn phòng của tạp chí trào phúng Charlie Hebdo của Pháp ở Paris, trong hình lấy từ video của nhân chứng.

Hai sát thủ đã chạy trở lại chiếc xe của chúng rồi quẹo sang bên phải, vào Allée Verte, thì họ bị chặn một chiếc xe tuần tra cảnh sát chặn đầu. Các nhân chứng trên tầng thượng của tòa nhà nhìn thấy hai tay súng bước ra khỏi xe, và lại hét lên “Allah Vĩ đại” và bắn nhiều phát và xe cảnh sát.

Sau đó, theo ông Molins, thi họ bắn vào một cảnh sát đi tuần bằng xe đạp trước khi lái xe đi vì viên cảnh sát yếu thế đã rút lui.

Trong một cuộc đấu súng lần thứ ba, cách đó một quãng đường, hai tay súng một lần nữa bước ra khỏi xe và bắn nhau với một nhóm cảnh sát. Trong một đoạn video của nhân chứng cho thấy hai sát thủ chạy về phía Ahmed Merabet, một sĩ quan cảnh sát đã bị thương nằm trên vỉa hè, và bắn vào đầu ông khi nạn nhân đang giơ hai tay trên đầu.

Bác sĩ Pelloux, cũng là một nười viết chuyên mục trên tạp chí Charlie Hebdo, vẫn còn tại cuộc họp của ông với các nhân viên cứu cấp cách đó khoảng 600 mét, thì điện thoại di động của anh reo.

Đó là một nhân viên của tạp chí tên là Jean-Luc người đã thoát khỏi cuộc tàn sát gọi, “Hãy đến nhanh, chúng tôi cần ông.”

Ban đầu bác sĩ Pelloux nghĩ rằng đó là một trò đùa, nhưng ông và bác sĩ trưởng của sở cứu hỏa Paris Jean-Pierre Tourtier, đã đi về phía phố Nicolas Appert.

Họ là những người đầu tiên đến trụ sở của Charlie Hebdo và đã phải chứng kiến cảnh tượng sàn gỗ đẫm máu, bàn ghế lật đổ và lỗ đạn trên tường.

Nhân viên cứu hỏa mang theo một người đàn ông bị thương trên cáng ở phía trước của văn phòng Charlie Hebdo. (Philippe Dupeyrat / AFP / Getty Images)

Nhân viên cứu hỏa đưa một người đàn ông bị thương trên cáng ở phía trước của văn phòng Charlie Hebdo đi cứu câsp. Ảnh: Philippe Dupeyrat / AFP / Getty Images.

Bác sĩ Pelloux kể lại trong cuộc phỏng vấn truyền hình đầy nước mắt, “Thât là khủng khiếp, khủng khiếp. Nhiều người đã đã chết, vì họ bị bắn theo cách xử tử. Chúng tôi lo cứu những người khác.”

Thân người ông Charbonnier còn vướng vào ghế, khiến bác sĩ Pelloux tin rằng họa sĩ Charb đã bị giết chết khi ông đứng dậy đối đầu với sát thủ.

Trong lúc hai bác sĩ bắt đầu chăm sóc những người sống sót, hai sát thủ đã lái xe về phía bắc của Paris.

Tai Công trường du Colonel Fabien, khoảng 15 phút lái xe về phía bắc của nơi vù xảy ra cuộc tàn sát, chiếc Citroen đã tông vào một chiếc xe khác, một chiếc Volkswagen Touran.

Người phụ nữ lái xe Volkswagen cho biết có ba người trên chiếc Citroen.

Citroen vẫ cố lết đi nhưng các tay súng đã bỏ nó lại sau khi đi được khoảng 700 mét, trên đường de Meaux. Họ đã cướp một chiếc Renault Clio và biến mất khi một cuộc săn người ở Paris bắt đầu.

Đến sáng hôm sau, hàng ngàn cảnh sát và và quân đội đã được đưa vào vòng đai thủ đô để tìm kiếm hai nghi phạm, anh em Said Kouachi, 34, và Cherif Kouachi, 32 tuổi.

Một người đàn ông thứ ba, 18-tuổi, tên Hamyd Mourad, đã đầu hàng cảnh sát trong đêm.

Vào sáng thứ năm, bác sĩ Pelloux vẫn đau buồn xuất hiện trên truyền hình, kể lại những gì đã xảy ra vào sáng hôm trước, ông nói trong nước mắt, “Tôi đã không thể cứu họ.”

Ông tuyên bố rằng Charlie Hebdo sẽ tiếp tục xuất bản, Bác sĩ Pelloux nói, “Bởi vì họ sẽ không thắng được.”

Bác sĩ Patrick Pelloux thuật lại cản tàn sát ở tòa soạn tạp chí Chralie Hebdo. Ảnh chụp lại từ màn ảnh truyền hình itele.

Bác sĩ Patrick Pelloux thuật lại cảnh tàn sát ở tòa soạn tạp chí Chralie Hebdo. Ảnh chụp lại từ màn ảnh truyền hình itele.

“Charb, Cabu, Wolenski, Bernard Maris, Honoré, Elsa, Tignous, Mustapha, nhân viên cảnh sát bị bắn – người đã bảo vệ chúng tôi – họ đã không chết vô ích. Không có hận thù với người Hồi giáo. Mọi người chúng ta, mỗi ngày phải duy trì các giá trị của nền cộng hòa.”

Người Việt ở Paris và ‘Tinh thần Charlie’

Người Việt ở Paris và ‘Tinh thần Charlie’

Người dân đặt hoa phía trước văn phòng báo Charlie Hebdo ở Paris, ngày 8/1/2015.

Người dân đặt hoa phía trước văn phòng báo Charlie Hebdo ở Paris, ngày 8/1/2015.

Hoài Hương-VOA

09.01.2015

Vụ tấn công khủng bố nhắm vào toà soạn tuần báo trào phúng Charlie ở Paris đã gây nên một làn sóng công phẫn không chỉ tại Paris hay nước Pháp, mà tại nhiều nước trên thế giới, bởi vì vụ khủng bố trong đó hàng chục nhà báo và nghệ sĩ vẽ tranh biếm hoạ bị thảm sát, được coi là một cuộc tấn công trực tiếp vào tự do ngôn luận, một trong những quyền nền tảng của dân chủ. Người Việt cảm nhận như thế nào về hành động khủng bố tàn bạo diễn ra ngay giữa lòng thủ đô nước Pháp, nơi họ đã sinh sống từ lâu? Ban Việt ngữ đặt câu hỏi này với Tiến sĩ Lê Đình Thông, từng giảng dạy tại trường Đại học Paris-Nanterre.

GS Lê Đình Thông: “Chúng tôi người Việt, chia sẻ cái tâm tình bất khuất và tự do ngôn luận của tờ Charlie. Đó là cuộc tranh đấu cho tự do và những người nằm xuống không khi nào mất đi bởi vì cái tinh thần của họ sẽ luôn luôn được tiếp nối với một ngọn lửa bùng cháy và với một nhiệt tâm, một quyết tâm nơi tất cả những người yêu chuộng tự do trên thế giới. ”

Giáo sư Lê Đình Thông nói ông chia sẻ sự xúc động và phẫn uất của hàng ngàn người biểu tình đã bất chấp thời tiết lạnh giá, vào một ngày giữa tuần làm việc, đã kéo nhau xuống các đường phố Paris để bày tỏ thái độ thách thức trước hành động tàn bạo của khủng bố. Những người biểu tình hô to khẩu hiệu Je suis Charlie, Tôi là Charlie. Giáo sư Lê Đình Thông giải thích ý nghĩa sau khẩu hiệu này.

GS Lê Đình Thông: ‘Je suis Charlie’ là ‘Tôi là Charlie, tôi là tờ báo Charlie, tôi là tiếng nói Charlie. Trong cái tâm tình của chúng tôi là người Việt Nam ở trên nước Pháp, tôi cũng xin nhắc lại cái khẩu hiệu đó:‘Je suis Charlie’. Tôi nghĩ là cái tâm tình của tôi được chia sẻ với rất nhiều người Việt ở Pháp và cả một số người Việt ở nơi khác nữa’

Ông có nhận xét sau đây về những hung thủ đã xông vào toà soạn tờ báo Trào phúng Charlie, kêu đích danh một số nhà báo trước khi nổ súng giết họ:

GS Lê Đình Thông: “Chúng ta đều thấy những kẻ khủng bố đều có mặt nạ và họ dùng súng, hai sự việc này nói lên khía cạnh khủng bố như thế nào. Trước hết là những người giấu mặt. Tại sao? Tại vì họ không có chính nghĩa. Thứ hai, họ dùng súng đạn. Súng đạn để làm gì? Để bịt miệng những người tranh đấu cho tự do, có tiếng nói khác với họ. Đó là những người không chấp nhận cái tư tưởng, cái tự do ngôn luận của người khác mà bắt người khác phải theo cái quan điểm của mình.”

Giáo sư Lê Đình Thông.

Giáo sư Lê Đình Thông.

Trước khi ra tay, những kẻ khủng bố đã hô lên hai câu, thứ nhất là Allah Akbar, Đấng Allah là đấng Tối Cao, và thứ hai là quyết tâm khai tử Charlie. Giáo sư Lê Đình Thông nói những kẻ khủng bố sẽ không bao giờ làm được điều đó.

GS Lê Đình Thông: “Súng đạn không thể nào làm chết đi cái tinh thần Charlie được, bởi vì Paris đây không những chỉ là thành phố ánh sáng, mà còn là ánh sáng của tự do. Chúng ta đều thấy Tượng Nữ Thần Tự Do bên nước Mỹ bây giờ cũng là một cái quà tặng của nước Pháp. Và với bản Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân quyền cũng được làm tại nước Pháp. Tất cả các sự việc đó nói lên cái tinh thần tự do dân chủ cũng như tinh thần của cuộc Cách Mạng Pháp 1789 đã được thắp sáng từ đó cho đến bây giờ.”

Thưa quý vị, Tiến sĩ Lê Đình Thông là một luât sư, trước đây ông dạy môn Quan hệ Quốc tế tại Đại học Paris-Nanterre. Ông còn là một nhà thơ, một dịch giả, và là thành viên của ban Tu Thư Giáo xứ Paris. Mới đây Giáo sư Lê Đình Thông đã cho ra mắt ‘Tuyển Tập Thơ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo Đệ Nhị’, do ông dịch.

httpv://www.youtube.com/watch?v=R4L1grczk6E

Số Kitô hữu bị đàn áp trên thế giới đã lên đến 100 triệu người

Số Kitô hữu bị đàn áp trên thế giới đã lên đến 100 triệu người

Chuacuuthe.com

VRNs (10.01.2015) -Sài Gòn- theo CNA- Số Kitô hữu bị đàn áp trên thế giới đã lên đến 100 triệu người. Đó là báo cáo mới nhất và thậm chí các cuộc đàn áp bạo động nhắm đến các Kitô hữu đang tiếp tục tăng trong bối cảnh bạo lực liên tục xảy ra.

Ông David Curry, chủ tịch tổ chức Open Doors ở thành phố California, Mỹ, hôm 07 tháng 1 cho biết: “Ngay cả các quốc gia mệnh danh Kitô giáo cũng đang trải qua mức độ chưa từng có của việc loại trừ, phân biệt đối xử và bạo lực”.

Một gia đình Kitô hữu tị nạn thắp nến cầu nguyện tại giáo xứ Mẹ Thiên Chúa ở Amman, Jordan. Ảnh: CNA

Một gia đình Kitô hữu tị nạn thắp nến cầu nguyện tại giáo xứ Mẹ Thiên Chúa ở Amman, Jordan. Ảnh: CNA

Tổ chức do ông Curry đứng đầu đã làm việc để trợ giúp các Kitô hữu bị đàn áp trong vòng hơn 60 năm qua. Tổ chức này do anh Andrew người Hà Lan lập nên. Anh đã từng nhập lậu Kinh Thánh vào Đông Âu, nơi mà trước đây chế độ cộng sản bắt bớ Kitô giáo và các tôn giáo khác.

Ông Curry cho biết Danh Sách Điều Tra Thế Giới do Open Doors thực hiện vào đầu năm 2015 cho hay “số Kitô hữu đang trở thành nạn nhân của bất khoan dung và bạo lực vì đức tin thật đáng kinh ngạc.”

Danh sách liệt kê thứ tự 50 quốc gia cho thấy độ nguy hiểm và khó khăn nhất mà các Kitô hữu đang chịu. Danh sách định nghĩa sự đàn áp là “bất kỳ sự thù địch nào đối với người tin vào Chúa Kitô.” Nó gồm có: bỏ tù, tra tấn, chặt đầu, hãm hiếp, và cướp mất nhà cửa và tài sản.

Người Kitô hữu có thể bị gia đình họ tẩy chay, mất việc làm hoặc cộng đồng từ chối.

Ông Curry cho biết một số Kitô hữu “đang bị buộc phải che dấu đức tin của mình.”

Bắc Triều Tiên tiếp tục là quốc gia tồi tệ thứ nhất trong việc đàn áp Kitô giáo, nơi đây có khoảng 70.000 người Kitô hữu đang bị cầm tù vì đức tin. Sự gia tăng nhanh chóng của các cuộc khủng bố tại châu Phi và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan tiếp tục gia tăng bạo lực cũng gây lo ngại.

Somalia là quốc gia tồi tệ thứ hai vì không có sự can thiệp của chính phủ. Iraq đứng thứ ba, nơi nổi dậy Nhà Nước Hồi giáo gây ra nhiều đau khổ cho các Kitô hữu Iraq. Syria, đứng thứ 4, nơi diễn ra cuộc nội chiến khốc liệt do các phe phái Hồi giáo cực đoan gây nên.

Chúng ta cũng chứng kiến sự gia tăng đàn áp ở Afghanistan và Pakistan, 2 nước này đứng thứ năm và thứ sáu trong bảng danh sách. Iran đứng thứ bảy, trong khi đó Sudan và Eritrea đã trở lại trong top 10 quốc gia bách hại người Kitô hữu tồi tệ nhất. Nigeria đứng thứ 10 trong danh sách, nơi mà chính phủ đã không thể kiểm soát được các nhóm Hồi giáo cực đoan Boko Haram.

Tổ chức Open Doors cũng liệt kê danh sách của các nước tiếp theo là Uzbekistan, Việt Nam và Ấn Độ. Kitô hữu tại Ấn Độ “được” xếp hạng 21 trong bản báo cáo vì bị nhóm cực đoan Hồi giáo và chủ nghĩa Hindu bắt bớ.

Kenya đã “nhảy” hạng từ 43 xuống còn 19 trong bản danh sách vì nhóm Hồi giáo cực đoan Somali và các tay súng vượt biên, cũng như các nhóm chiến binh Hồi giáo khác vào nước này.

Ở Tây bán cầu, Colombia đứng thứ nhất trong bản danh sách này, xếp hạng 35 trên thế giới. Kitô hữu ở đây có thể trở thành nạn nhân của bọn tội phạm có tổ chức và tham nhũng, đặc biệt là những người nổi bật trong đời sống xã hội hay chính trị. Người dân bản địa ở nông thôn là những Kitô hữu cũng gặp tình trạng chiến tranh, nhiều Kitô hữu buộc phải di cư ra khỏi vùng đất của họ, và bạo lực đối với phụ nữ Kitô giáo ngày càng tăng. Bài giảng ở nhà thờ luôn bị theo dõi.

Mexico xếp thứ 38 trong bảng danh sách, vì ở đây nhóm tội phạm có tổ chức và tập đoàn ma túy nhắm mục tiêu vào các Kitô hữu để tống tiền và vòi tiền các Kitô hữu vì họ phục hồi người nghiện ma túy và nghiện rượu. Các cộng đồng bản địa ở các bang miền Nam Mexico cũng buộc tất cả các thành viên trong cộng đồng của họ theo cùng một cách sống, điều này gây nên gánh nặng cho những người theo tôn giáo.

Các nhà điều tra đã xếp hạng các quốc gia trong bản báo cáo dựa trên mức độ tự do sống đức tin của mỗi cá nhân cũng như trong gia đình, cộng đồng, đời sống quốc gia và giáo hội. Họ cũng căn cứ trên mức độ nghiêm trọng của các Kitô hữu phải đối mặt với bạo lực.

Hoàng Minh

Truy tìm đồng phạm vụ tấn công báo Pháp

Truy tìm đồng phạm vụ tấn công báo Pháp

Boumeddiene được cho là đã có mặt bên cạnh Coulibaly khi kẻ này bắn chết một nữ cảnh sát

Cảnh sát Pháp đang khẩn cấp truy lùng đồng phạm của các tay súng đã sát hại 17 người trong vòng hai ngày qua, trong có 12 người ở tòa báo Charlie Hebdo.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất là Hayat Boumeddiene, bạn gái của Amedy Coulibaly, kẻ đã bị cảnh sát bắn chết trong vụ tấn công giải cứu con tin ở một siêu thị Paris hôm thứ Sáu 9/1.

Boumeddiene được tin đã có mặt bên cạnh Coulibaly khi kẻ này sát hại một nữ cảnh sát, và được mô tả là “có vũ khí và nguy hiểm”.

Hai tay súng từng tấn công vào trụ sở tạp chí Charlie Hebdo hôm thứ Tư 7/1 đã bị cảnh sát bắn chết.

Tổng thống Francois Hollande hôm thứ Sáu đã ca ngợi cảnh sát, nhưng cảnh báo về các đe dọa trong tương lai.

Ông Hollande cảm ơn lực lượng an ninh đã “dũng cảm và hiệu quả” trong việc giải quyết hai vụ bắt con tin. Ông nói những gì vừa diễn ra là “bi kịch của dân tộc”.

Ông Hollande cho rằng chưa phải đã hết đe dọa và nói trong phát biểu trên truyền hình phát tới toàn dân: “Chúng ta cần phải cảnh giác. Tôi cũng kêu gọi mọi người đoàn kết – đó chính là vũ khí tốt nhất của chúng ta”.

Mục tiêu chính

Francois Molins, Công tố viên trưởng của Pháp, cho hay nhà chức trách đang tập trung truy tìm Boumeddiene, bị nghi là có mặt tại nơi Coulibaly, 32 tuổi, bắn hạ một nữ cảnh sát hôm thứ Năm 8/1.

Cả hai sau đó đã chạy trốn, nhưng Coulibaly tái xuất hiện hôm thứ Sáu và bắt một số con tin tại siêu thị Hypercasher gần Porte de Vincennes ở phía đông Paris.

Người dân Pháp xuống đường bày tỏ đoàn kết ở Toulouse

Báo Pháp Le Monde đăng một loạt ảnh, được cho là của Coulibaly và Boumeddiene chụp hồi năm 2010. Trong một bức, Boumeddiene, 26 tuổi, giương một chiếc nỏ trong khi mặc áo choàng kín mặt của phụ nữ đạo Hồi, vốn bị cấm ở Pháp.

Ông Molins nói cuộc điều tra sẽ “tập trung tìm xem các đồng phạm là ai, ai cung cấp tài chính cho các hoạt động phạm pháp này và các hướng dẫn cũng như hỗ trợ mà chúng nhận được cả ở Pháp lẫn từ ngoại quốc”.

Ông cho hay cho tới nay 16 người đã bị bắt để hỏi cung, trong đó có vợ của một trong hai anh em Kouachi và các thành viên khác trong gia đình này.

Sáng thứ Bảy 10/1, các bộ trưởng Pháp sẽ có cuộc họp để bàn kế hoạch hành động sắp tới.

Một số lãnh đạo thế giới đã gọi điện cho ông Hollande để bày tỏ sự ủng hộ của mình.

Danh sách theo dõi

Vụ bắt con tin đầu tiên hôm thứ Sáu xảy ra tại Dammartin-en-Goele, cách Paris 35km về phía bắc. Trong vụ này, thủ phạm là hai anh em Kouachi, người đã tấn công tòa soạn Charlie Hebdo.

Cherif và Said Kouachi đã bị bắn chết khi xông từ một kho chứa hàng ra bắn vào cảnh sát. Hai cảnh sát viên đã bị thương.

Một con tin trước đó đã được thả, và con tin thứ hai đã núp ở trong căng tin của tòa nhà và được cảnh sát giải thoát.

Cảnh sát Pháp sau đó đã tổ chức tấn công một siêu thị ở Paris, giết chết Coulibaly và giải cứu 15 con tin. Họ cũng tìm thấy xác bốn con tin khác, bị sát hại trước khi cảnh sát tấn công.

Nhà chức trách Pháp cho hay họ từng có thông tin về Coulibaly và hai anh em Kouachi. Said Kouachi từng đi Yemen năm 2011.

Hai anh em nhà này được cho là có tên trong danh sách theo dõi của cả Anh và Hoa Kỳ.

Trong khi cố thủ trong nhà kho ở phía bắc Paris, Cherif Kouachi đã gọi điện cho một đài truyền hình của Pháp và nói anh ta hành động đại diện cho chi nhánh Yemen của mạng lưới Al-Qaeda (AQAP).

Nhóm này tối thứ Sáu cũng tung ra thông điệp ghi âm ca ngợi các vụ tấn công vào các mục tiêu của Pháp nhưng không nhận trách nhiệm.

Lãnh đạo cao cấp của AQAP Sheikh Harith al-Nadhari nói “một số kẻ ở Pháp đã hành xử hỗn láo với các đấng tiên tri”.

Ông ta nói thêm rằng các “binh lính trung thành của Thượng đế” đã dạy cho những kẻ này “ranh giới của tự do ngôn luận”.

Hai anh em Kouachi đã bị cảnh sát tiêu diệt

Sáng thứ Sáu, một người tự nhận là Coulibaly nói trên kênh BFMTV rằng mình là thành viên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo và đã “phối hợp” với vụ tấn công của hai anh em Kouachi.

Công tố viên trưởng Molins xác nhận rằng Coulibaly biết một trong hai anh em và các bạn gái của hai bên đã nói chuyện với nhau qua điện thoại hơn 500 lần.

Trong cuộc bắt con tin hôm thứ Sáu, Coulibaly đã đe dọa sẽ sát hại các tù binh nếu cảnh sát tìm cách bắt giữ hai anh em Kouachi.

‘Sai lầm’

Thủ tướng Manuel Valls thừa nhận là tình báo Pháp “rõ ràng đã có thiếu sót”.

“Nếu 17 người chết thì chắc chắn là đã có sai lầm.”

Các vụ bạo lực xảy ra hôm thứ Tư 7/1 khi anh em Kouachi sát hại 12 người và làm 11 người khác bị thương khi tấn công vào trụ sở tạp chí biếm họa Charlie Hebdo.

Các vụ tấn công đã làm chấn động trong nước và dư luận quốc tế cũng bày tỏ tình đoàn kết với nước Pháp.

Các bộ trưởng họp sáng thứ Bảy tại Paris cũng sẽ chuẩn bị cho một cuộc tuần hành lớn sẽ diễn ra ở trung tâm Paris Chủ nhật này.

Trong số những người sẽ tới tham gia có Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy.

Tổng thống Barack Obama nói ông đã ra lệnh cho tình báo Mỹ cung cấp cho Pháp bất cứ trợ giúp gì cần thiết để đối phó với các đe dọa trong tương lai.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ đã bổ sung khuyến cáo du lịch nước ngoài cho công dân Mỹ, cảnh báo họ tăng cường cảnh giác.

Pháp: Kết thúc cuộc truy lùng khủng bố, 7 người chết trong đó có 3 hung thủ

Pháp: Kết thúc cuộc truy lùng khủng bố, 7 người chết trong đó có 3 hung thủ

RFI

Thụy My

media

Lực lượng đặc nhiệm Pháp tấn công vào siêu thị Do Thái gần Porte de Vincennes Paris, nơi nhiều người bị bắt làm con tin, 09/01/2015.REUTERS/Gonzalo Fuentes

Hai anh em Kouachi, nghi phạm trong vụ khủng bố đẫm máu vào tòa soạn Charlie Hebdo, đã bị hạ sát hôm nay 09/01/2015, cùng với một tên Hồi giáo cực đoan có liên hệ với chúng, sau một ngày truy lùng đầy kịch tính với vụ bắt con tin ngay giữa thủ đô Paris. Bốn người khác bị thiệt mạng, và bốn người nữa bị thương.

Sau nhiều tiếng đồng hồ đối đầu, lực lượng đặc nhiệm đã được lệnh tấn công ở Dammartin-en-Goële thuộc vùng Seine-et-Marne, nơi Saïd và Chérif Kouachi bắt giữ một người làm con tin từ sáng nay. Cảnh sát cũng tấn công vào một siêu thị nhỏ chuyên bán hàng Do Thái ở phía đông Paris, tại đây một trong những người thân cận với hai anh em sát thủ đã bắt khoảng năm người làm con tin, sau vụ đọ súng làm ít nhất hai người chết.

Hai anh em Kouachi bị bắn hạ khi cố gắng chạy trốn và nổ súng trong lúc cuộc tấn công bắt đầu vào lúc 16 giờ 57 Paris. Con tin được giải thoát bình an vô sự, một cảnh sát đặc nhiệm GIGN bị thương.

Tại Paris, một trong những người thân cận của hai tên sát nhân là Amédy Coulibaly, cũng đã bị bắn chết trong vụ tấn công vào cửa hàng « Hyper Cacher », nơi ít nhất một người đàn ông vũ trang đã bắt giữ nhiều người làm con tin. Xác của bốn người khác được tìm thấy tại đây, hiện chưa rõ có phải do vụ tấn công hay không, bốn người nữa bị thương trong đó có một người bị thương nặng.

Cuộc tấn công mở đầu bằng ít nhất hai tiếng nổ và những tia chớp sáng, mấy chục cảnh sát sau đó đã xông vào bên trong siêu thị này. Nhiều con tin trong đó có một cậu bé đã có thể thoát ra bên ngoài, và nhanh chóng được cảnh sát bảo vệ.

Amédy Coulibaly, 32 tuổi, tội phạm có nhiều tiền án tiền sự, đã từng bị kết án trong một vụ liên quan đến Hồi giáo cực đoan, đã quen biết Chérif Kouachi trong tù, nơi anh ta trở nên « kiên định » hơn. Sinh tại Juvisy-sur-Orge ở ngoại ô Paris, hắn cũng bị nghi ngờ là thủ phạm vụ nổ súng đẫm máu ở Montrouge khiến một nữ cảnh sát trẻ tuổi bị chết và một thanh tra giao thông bị thương.

Cả hai tên có liên can trong vụ án năm 2010 về mưu toan vượt ngục của Smaïn Aït Ali Belkacem, từng là thành viên của Nhóm Hồi giáo vũ trang Algérie (GIA), bị kết án trong vụ khủng bố ở trạm tàu điện ngầm Musée d’Orsay tháng 10/1995 tại Paris. Kouachi sau đó được miễn tố, còn Coulibaly bị lãnh án 5 năm tù vào tháng 12/2013.

Lệnh truy nã cũng được ban hành đối với người phụ nữ sống chung với Coulibaly là Hayat Boumeddiene, 26 tuổi, hiện chưa biết tin tức ra sao.

Chérif và Saïd Kouachi, 32 và 34 tuổi, nghi phạm trong vụ thảm sát hôm thứ Tư 7/1 tại tòa soạn Charlie Hebdo, sáng nay cố thủ cùng với con tin tại một xưởng in nhỏ trong khu công nghiệp Dammartin-en-Goële, sau khi đọ súng với lực lượng an ninh. Hai tên đã bị cảnh sát nhận diện lúc đang lái một chiếc xe hơi cướp được.

Thành phố nhỏ bé này suốt cả ngày hôm nay được đặt trong tình trạng báo động, các trường học được sơ tán, các cửa hàng đóng cửa và cư dân không dám ra đường. Trên bầu trời, các trực thăng liên tục giám sát.

Dammartin-en-Goële nằm cách chu vi truy lùng hai hung thủ chỉ khoảng nửa giờ xe chạy, khoảng 80 km về phía đông bắc Paris. Tại đây hai kẻ khủng bố đã bị người quản lý một trạm xăng nhận ra, khi chúng tấn công vào đây, vũ trang súng kalachnikov và súng phóng lựu.

Hai anh em nhà Kouachi sinh tại Paris, có cha mẹ là người gốc Algérie, là những kẻ thánh chiến mà danh tính « từ nhiều năm qua » đã nằm trong danh sách đen khủng bố của Hoa Kỳ – theo một nguồn tin Mỹ.

Chérif đã được cảnh sát Pháp biết đến : với biệt danh Abou Issen, anh ta là thành viên của « nhánh Buttes-Chaumont » chuyên gởi người đi thánh chiến ở Irak. Bản thân hắn ta cũng đã từng đến Irak năm 2005 rồi sau đó bị câu lưu, đến năm 2008 bị tuyên án 3 năm tù, trong đó có 18 tháng tù treo.

Saïd, người anh có vẻ kín tiếng hơn. Nhưng theo một người có trách nhiệm của Mỹ và theo một nguồn tin cảnh sát Pháp, hắn đã từng đến Yemen năm 2011 để được Al-Qaida huấn luyện cách sử dụng vũ khí.

Tổng thống Pháp François Hollande sáng nay đã đến trụ sở Bộ Nội vụ. Ông kêu gọi « tất cả mọi công dân » xuống đường vào Chủ nhật tới, trong cuộc tuần hành nhằm tố cáo vụ khủng bố vào Charlie Hebdo, và chối từ những gì « quá đáng » hay việc « kết tội », khi một số địa điểm hành đạo Hồi giáo đã trở thành đích nhắm sau vụ thảm sát. Về phía Israel bày tỏ sự quan ngại trước làn sóng « tấn công khủng bố » tại Pháp.

Vụ thảm sát ở tòa soạn Charlie Hebdo, một tờ báo thường xuyên bị hăm dọa từ năm 2006 và sau khi đăng các biếm họa về Mohamet, không có ai lên tiếng nhận là tác giả. Các hung thủ đã hô to « Allah Akbar » « Chúng ta đã báo thù cho đấng tiên tri », được tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria và Irak xưng tụng là « anh hùng ». Sáng nay quân nổi dậy Hồi giáo Somalie cũng ca ngợi « hai người hùng ». Từ hôm qua, giám đốc cơ quan tình báo Anh (MI5), Andrew Parker đã cảnh báo : « Một nhóm khủng bố của Al Qaida tại Syria đang dự mưu các vụ tấn công quu mô vào phương Tây ».

Toàn nước Pháp vô cùng xúc động trước vụ thảm sát, trong đó các họa sĩ tài ba của Pháp như Wolinski và Cabu đều bị sát hại. Ngay sau ngày quốc tang, được đánh dấu bởi câu khẩu hiệu « Je suis Charlie » (« Tôi là Charlie ») và một phút mặc niệm khiến cả nước chìm trong im lặng, các hiệp hội Hồi giáo Pháp yêu cầu các giáo sĩ « cực lực lên án bạo lực và khủng bố » trong buổi cầu nguyện thứ Sáu hàng tuần hôm nay.

Chủ nhật 11/1 tới sẽ diễn ra « cuộc tuần hành cộng hòa » tại Paris theo lời kêu gọi của tất cả các đảng phái chính trị, các nghiệp đoàn, hiệp hội, tuy nhiên đảng cực hữu Mặt trận Dân tộc tố cáo bị bỏ ngoài lề trong công cuộc « đoàn kết quốc gia ». Theo tin tức mới nhất, các Thủ tướng Matteo Renzi (Ý), David Cameron (Anh), Mariano Rajoy (Tây Ban Nha), Charles Michel (Bỉ), Angela Merkel (Đức), Alexander Stubb (Phần Lan), Xavier Bettel (Luxembourg), Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Donald Tusk sẽ tham gia cuộc tuần hành, cùng với Tổng thống Pháp François Hollande và các chính khách thuộc mọi khuynh hướng.