Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông

Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào Biển Đông

Giàn khoan 981 đang hoạt động ở Biển Đông

Trung Quốc loan báo hoạt động của giàn khoan nước sâu 981 tại Biển Đông trước khi di chuyển tới một vị trí mới.

Thông báo đăng trên website của Cục Hải sự Quốc gia Trung Quốc nói trong thời gian 10 ngày từ 6/5-16/5, giàn khoan Hải Dương 981 sẽ tác nghiệp tại giếng Lăng Thủy 25-1S-1, tọa độ 17°03′44″.5 Bắc/109°59′02″.7 Đông.

Vị trí này nằm cách thành phố Tam Á, thủ phủ tỉnh Hải Nam, khoảng 75 hải lý về phía đông nam.

Giới chức Việt Nam trong các phỏng vấn với báo giới trong nước nói vị trí này “ở ngoài vùng biển Việt Nam”.

Báo Thanh Niên dẫn lời thiếu tướng Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Cảnh sát biển Việt Nam, nói Cảnh sát biển Việt Nam luôn sát sao theo dõi hoạt động của giàn khoan 981.

Trong khi đó giới quan sát đang tìm hiểu sau ngày 16/5 khi công việc ở giếng Lăng Thủy kết thúc, giàn khoan 981 sẽ di chuyển đi đâu.

Có thông tin chưa kiểm chứng nói nó có thể sẽ được đưa vào vị trí hồi tháng Năm năm ngoái, tức nằm trong thềm lục địa của Việt Nam và chỉ cách đảo Lý Sơn chừng 120 hải lý.

Ngày 1/5/2014, giàn khoan 981 được đưa vào vị trí này, khơi nguồn một làn sóng phản đối Trung Quốc mạnh mẽ mà cao trào là đợt bạo lực nhắm vào doanh nghiệp Trung Quốc ở Việt Nam.

Cho tới giữa tháng 7/2014 giàn khoan này mới rút đi.

‘Hành động điên rồ’

Nhận định về khả năng giàn khoan 981 được đưa trở lại vị trí năm 2014, Tiến sỹ Ian Storey từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đặt tại Singapore nói: “Nếu nhớ lại ảnh hưởng nghiêm trọng cho quan hệ Trung-Việt cũng như phản ứng tiêu cực trong khu vực mà việc Trung Quốc di chuyển giàn khoan hồi năm ngoái gây ra, cộng thêm sự quan ngại trước các hoạt động xây đảo nhân tạo mới đây của Trung Quốc tại Biển Đông, thì thật là điên rồ nếu Bắc Kinh lại muốn đưa giàn khoan của mình vào khu vực đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần nữa”.

“Tuy nhiên quá trình ra quyết định của Trung Quốc không rõ ràng minh bạch và trong những năm qua chúng ta thấy Trung Quốc sẵn sàng chịu thiệt hại uy tín và vẫn tiếp tục thái độ hung hăng tại Biển Đông thì khó có thể khẳng định điều gì.”

Trong một diễn biến có liên quan, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry có kế hoạch sẽ đề cập chủ đề tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông với lãnh đạo Trung Quốc khi ông thăm Bắc Kinh cuối tuần này.

Hãng tin Reuters cho hay ông Kerry “sẽ cảnh báo Trung Quốc rằng việc cải tạo cơi nới đảo mà nước này đang làm ở Biển Đông sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới ổn định khu vực cũng như cho quan hệ Trung-Mỹ”.

Trước đó, hôm thứ Ba 12/5 một quan chức Mỹ cũng nói Lầu Năm Góc đang cân nhắc điều chiến đấu cơ và tàu chiến tới để bảo đảm tự do đi lại quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đang xây tại Biển Đông.

Trung Quốc phản ứng giận dữ trước thông tin này và đòi giải thích.

Trung Quốc xây 3 phi trường lớn ở Trường Sa

Trung Quốc xây 3 phi trường lớn ở Trường Sa

Nguoi-viet.com

MANILA 26-4 (NV) – Trung Quốc không phải xây một mà tới ba phi trường kích thước đủ cho phi cơ quân sự cỡ lớn lên xuống tại các đảo nhân tạo đang xây dựng ở quần đảo Trường Sa.

Không ảnh chụp ngày 17/4/2015 bãi đá Xu Bi đang được xây dựng một phi trường, so sánh với tấm hình chụp ngày 6/2/2015 hoàn toàn khác hẳn. (Hình: DigitalGlobe)

Theo các tấm không ảnh được tạp chí thời sự chính trị The Diplomat ngày 25/4/2015 phân tích, chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn từ năm ngoái đến nay, Trung Quốc ráo riết tiến hành các kế hoạch xây dựng các căn cứ, doanh trại, cảng biển và cả phi trường tại 7 bãi đá ngầm cướp của Việt Nam năm 1988 hiện đã trở thành các đảo nhân tạo.

Đối chiếu những không ảnh mới nhất của tổ chức Digital Globe chụp từ đầu Tháng Hai đến giữa Tháng Tư 2015, người ta thấy chúng đang biến đổi vô cùng nhanh chóng. Điều này chứng tỏ Bắc Kinh ráo riết thực hiện mưu đồ khống chế nuốt trọn Biển Đông qua các căn cứ hải quân và không quân tầm cỡ lớn đặt tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Phần phía bắc của đảo nhân tạo Vành Khăn đang tiếp tục được bồi đắp thêm. Hình chụp ngày 13/4/2015. (Hình: DigitalGlobe)

Trước các sự phản đối suông của Việt Nam, Phi Luật Tân và các nước khác liên quan tới vấn đề Biển Đông, chế độ Bắc Kinh có dấu hiệu tiến hành thật nhanh việc xây dựng ở các bãi đá ngầm nay là các đảo nhân tạo, đặt các nước khác ở tình trạng đã rồi.

Một số nhà phân tích thời sự quốc tế từng dự báo Trung Quốc sẽ thiết lập vùng nhận diện phòng không tại Biển Đông khi các căn cứ quân sự tại Trường Sa đã hoàn tất.

Phân tích các tấm không ảnh chụp từ vệ tinh vào ngày 17/4/2015 cho thấy chỉ trong khoảng 10 tuần lễ, Trung Quốc đã biến bãi đá Xu Bi (một rạn san hô thuộc cụm đảo Thị Tứ của quần đảo Trường Sa) mà Trung Quốc gọi là Zhubi Jiao (Chử Bích Tiêu) thành một đảo nhân tạo.

Đảo nhân tạo Vành Khăn qua so sánh không ảnh chụp ở các thời điểm 17/2/2015 và 13/4/2015. (Hình: DigitalGlobe)

Dựa trên diện tích và hình thể và chiều dài của đảo nhân tạo này đang tiến hành, người ta có thể phỏng định dấu hiệu Trung Quốc xây dựng một phi đạo dài đến 3,300 mét. Nó tương ứng với chiều dài của phi đạo mà Trung Quốc đang xây dựng tại đảo nhân tạo Đá Thập của quần đảo Trường Sa.

Giới chuyên viên quân sự cho rằng một phi đạo dài tới 3,300 mét có thể đủ để cho các phi cơ quân sự chiến đấu cũng như tiếp liệu của không quân và hải quân Trung Quốc lên xuống.

Không ảnh chụp ngày 6/2/2015 chỉ thấy các hoạt động nạo hút cát đá lòng biển bồi đắp ở đá Xu Bi. Nhưng đến ngày 17/4/2015 chụp lại thì thấy diện tích mặt đất của đảo nhân tạo đã lên thành 2.27 km2. Nó chỉ nhỏ hơn đảo nhân tạo Đá Thập phần nào, được xác định khoảng 2.65 km2.

Theo tạp chí The Diplomat, sự khác biệt hoạt động giữa hai đảo nhân tạo vừa nói là đảo nhân tạo Đá Thập có cảng biển khá lớn và phi đạo đang được xây dựng. Chưa thấy cảng biển quân sự nào hiện diện ở đá Xu Bi, nhưng các hoạt động của đoàn tàu nạo hút cá đá ở khu vực phía nam của đảo này gần hoàn tất việc tạo lập một vòng quây kín từ các bãi đá ngầm thiên nhiên. Điều này cho hiểu khu này hình thành dần một cảng biển được bảo vệ bởi rạn đá ngầm thiên nhiên mà hoạt động hút cát đá bồi lấp ở cực nam sẽ tạo ra cầu cảng.

Các không ảnh hoạt động của Trung Quốc tại bãi đá ngầm Vành Khăn (Mischief reef, Trung Quốc gọi là Meiji Jiao hay Mỹ Tế Tiêu) từng được tạp chí an ninh quốc phòng Jane’s Defense đưa tin mấy tuần trước, nay đang là đảo nhân tạo diện tích khoảng 2.42 Km2 dựa trên sự do đạc không ảnh chụp ngày 13/4/2015.

Đảo nhân tạo Đá Thập thay đổi nhanh chóng khi so sánh hai tấm hình chụp ngày 14/2/2015 và ngày 17/4/2015. (Hình: DigitalGlobe)

Vài tháng trước đó chỉ là bãi đá ngầm nay hoàn toàn là đảo nhân tạo với sự hoạt động ngày đêm của đoàn tàu hút cát đá. Không ảnh mới nhất cho thấy sự hiện diện của 28 chiếc xe tải, trộn xi măng hoạt động tại đây bên cạnh hàng chục chiếc xe tải chuyên ngành xây dựng khác cũng có mặt.

Với những gì nhìn thấy, giới chuyên viên cũng cho rằng một phi đạo dài hơn 3,000 mét cũng có thể được xây dựng tại Vành Khăn trong những ngày sắp tới. Các đảo nhân tạo Xu Bi, Vành Khăn, Chữ Thập là ba trong số 7 bãi đá ngầm ở Trường Sa được Bắc Kinh làm thành đảo nhân tạo mà không ai tin rằng chúng không phải là các căn cứ quân sự.

Cướp của người làm của mình, Bắc Kinh khi bị đả kích đều ngang ngược tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” và muốn làm gì thì làm.

Khi tham dự cuộc họp ASEAN ở thủ đô Mã Lai đang diễn ra, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Albert del Rosario báo động với các người đồng cấp của hiệp hội khu vực rằng Trung Quốc “đang củng cố sự kiểm soát thực tế tại Biển Đông.” (TN)

Ngày 30/4 gây điêu đứng cho Phật giáo VN’

Ngày 30/4 gây điêu đứng cho Phật giáo VN

Biến cố ngày 30/4 năm 1975 không chỉ là ‘bước ngoặt đau thương cho dân tộc’ mà còn ‘gây điêu đứng cho Phật giáo’, một tôn giáo đã đồng hành cùng lịch sử hàng ngàn năm của dân tộc, một vị chức sắc của cao cấp của Phật giáo tại hải ngoại nói với BBC.

‘Không phát triển được’

Trao đổi với BBC Việt ngữ tại chùa Bát Nhã tại miền Nam California, Hòa thượng Thích Nguyên Trí, viện chủ chùa cho biết chính ông đã ‘chịu đựng những đau thương từ sau năm 1975 cho đến năm 1981’.

“Vì quá đau thương không thể xây dựng được Phật giáo trong nước nên tôi phải tìm đủ mọi cách ra hải ngoại làm việc để duy trì Phật giáo cho đến ngày hôm nay,”

Hòa thượng Thích Nguyên Trí nói.

Chùa Bát Nhã cũng là văn phòng thường trực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một giáo hội bị chính quyền trong nước cấm, tại Hoa Kỳ. Hòa thượng Thích Nguyên Trí là phó chủ tịch điều hành của văn phòng này.

“Cộng sản không bao giờ có tín ngưỡng cho nên khi họ đi vào đánh chiếm miềm Nam thì hầu hết các tôn giáo bị tê liệt, trong đó có tôn giáo gắn liền với lịch sử dân tộc là Phật giáo,” ông nói.

Theo lời ông kể lại thì chính quyền của Đảng Cộng sản chiếm được miền Nam họ đã ‘thanh lọc những vị nào thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ra một bên’ và ‘đưa vào danh sách cần phải lưu ý’.

“Tất cả những hành động từ cử chỉ đi đứng tới lui sinh hoạt trong chùa chiền gần như bế tắc,” ông nói.

Vì quá đau thương không thể xây dựng được Phật giáo trong nước nên tôi phải tìm đủ mọi cách ra hải ngoại làm việc để duy trì Phật giáo cho đến ngày hôm nay,” Hòa thượng Thích Nguyên Trí Hòa thượng Thích Nguyên Trí

“Họ không cho hoạt động bất cứ điều gì. Ngay các buổi lễ cũng không cho hành lễ. Những gia đình Phật tử hồi giờ sinh hoạt tại chùa cũng bị ngăn cấm. Tất cả những ban hộ niệm, những tổ chức Phật giáo bị tê liệt toàn bộ,” ông nói thêm.

“Ngay cả các vị lãnh đạo, các vị thầy của chúng tôi như Hòa thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ cũng không còn cách nào phát huy tinh thần của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.”

“Chính vì vậy khi chúng tôi đặt chân lên bến bờ tự do thì điều trước hết là mở Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất ở hải ngoại và ngày nay có mặt ở khắp nơi,” ông nói và cho biết từ ngày ông đặt chân đến Mỹ ông đã quyên góp được hơn một triệu Mỹ kim chuyển về trong nước làm từ thiện và xây dựng chùa chiền.

‘Chỉ có hình thức’

Nhận định về tình hình Phật giáo trong nước, Hòa thượng Thích Nguyên Trí nói ‘làm theo chiều hướng của Đảng Cộng sản chứ không theo tinh thần của Phật giáo’.

Theo lời ông giải thích thì trong thành phần lãnh đạo của giáo hội Phật giáo trong nước đều ‘đặt dưới sự chỉ đạo của Nhà nước chứ không được quyền tự bầu cử và ứng cử’.

“Vấn đề thọ giới thì là những người trong tôn giáo tự sắp xếp với nhau đưa lên hàng giáo phẩm: vị nào lên hòa thượng, thượng tọa, đại đức hoàn toàn do giáo hội bổ nhiệm và suy cử chứ Nhà nước không có quyền nhúng vô,” ông nói.

“Những ngày lễ như Lễ Phật đản, Lễ Vu Lan phải xin phép chính quyền và người họ đưa ra mới được quyền đứng ra trước quần chúng làm lễ,” ông nói thêm.

Ngay cả các Phật viện trong nước, theo lời Hòa thượng Thích Nguyên Trí, thì các tăng ni sinh đến tu học cũng bị ‘xét lý lịch cá nhân’ chứ ‘không xét theo đạo đức thế nào’.

Về đời sống của các tôn giáo trong nước hiện nay, ông nhận xét rằng ‘có phát triển’ nhưng ‘chỉ là hình thức’ vì ‘tự do không có’.

“Chẳng hạn như đối với Phật giáo Hòa hảo, vị tối tôn trọng của họ là Ngài Huỳnh Giáo chủ thì ngày lễ lộc tưởng niệm hết sức khó khăn,” ông nói thêm và cho biết Nhà nước ‘theo dõi các vị chức sắc chức sắc tôn giáo xem họ phát ngôn thế nào nếu nói trật đường lối là khó sống’.

Về phương châm của Giáo hội Phật giáo Việt Nam do chính quyền kiểm soát là ‘Đạo pháp-Dân tộc-Chủ nghĩa xã hội’, ông cho rằng do Đảng Cộng sản ‘ép buộc phải đưa chủ nghĩa cộng sản vào’ chứ ‘Đạo pháp không thể đi cùng chủ nghĩa xã hội’.

“Việc này làm thành phần trí thức hiểu biết rất đau lòng,” ông nói.

Cuộc phỏng vấn của BBC Việt ngữ với Hòa thượng Thích Nguyên Trí được thực hiện trong tháng Tư, 2015 tại Nam California.

Mỹ lo Trung Quốc ỷ mạnh hiếp yếu ở Biển Đông

Mỹ lo Trung Quốc ỷ mạnh hiếp yếu ở Biển Đông

Một tàu hải giám Trung Quốc truy đuổi một tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam năm 2014.

Một tàu hải giám Trung Quốc truy đuổi một tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam năm 2014.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tuyên bố Washington lo ngại việc Trung Quốc đang dùng sức mạnh và tầm vóc của mình để gạt ra các nước nhỏ hơn cùng có tuyên bố chủ quyền các khu vực ở Biển Đông.

Phát biểu tại một buổi họp công nhân chuyến thăm Jamaica hôm qua, ông Obama nhấn mạnh Washington quan ngại rằng Bắc Kinh không nhất thiết tuân thủ các quy định và chuẩn mực của quốc tế, buộc các nước phải chịu dưới thế của Trung Quốc.

Những dự án của Trung Quốc khẩn trương bồi đắp, cải tạo đất xung quanh các bãi đá ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông khiến các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền tại đây như Việt Nam và Philippines báo động.

Ông Obama nói: “Chúng tôi cho rằng việc này có thể được giải quyết qua con đường ngoại giao, nhưng chỉ vì Philippines hay Việt Nam không lớn như Trung Quốc không có nghĩa là những nước này có thể bị hất qua một bên.”

Tổng thống Obama nhấn mạnh Hoa Kỳ không có quan điểm riêng biệt về các tranh chấp chủ quyền, chỉ mong muốn tất cả các bên sử dụng các cơ chế sẵn có trên quốc tế để giải quyết tranh chấp.

Trung Quốc bênh vực việc họ cải tạo đất đai tại các đảo có tranh chấp, nói rằng chỉ thực hiện công tác ‘xây dựng và bảo trì.’

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, tuyên bố: “Hoạt động xây dựng và bảo trì của chính phủ Trung Quốc tại một số nơi ở quần đảo Trường Sa chỉ chủ yếu nhằm cải thiện những chức năng liên hệ của các đảo, cải thiện tiêu chuẩn sinh sống và làm việc của đội ngũ nhân sự trú đóng tại đây, đảm bảo tốt hơn chủ quyền hàng hải và lãnh thổ của Trung Quốc, giúp hoàn thành tốt hơn công tác tìm kiếm-cứu hộ, ngăn ngừa thảm họa, cứu trợ, nghiên cứu khoa học biển, theo dõi khí tượng, bảo vệ môi trường, an ninh hàng hải, các dịch vụ sản xuất đánh bắt, và những trách nhiệm-nghĩa vụ quốc tế mà chúng tôi đang thực hiện. Hoạt động xây cất liên hệ là vấn đề hoàn toàn nằm trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc, công bằng, hợp lý, hợp pháp, không ảnh hưởng và cũng không nhắm mục tiêu chống lại bất kỳ quốc gia nào, không thể chê trách vào đâu được.”

Phát biểu với báo giới hôm qua, người phát ngôn Bộ Ngoại giao  Mỹ, Jeff Rathke, cho biết giới chức hoa Kỳ lo rằng Trung Quốc có thể tiến hành quân sự hóa các đảo mà họ bồi đắp nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền của họ tại những vùng có tranh chấp.

Tổng thống Obama nói bất chấp những tranh chấp với Bắc Kinh, sức mạnh kinh tế của Trung Quốc đóng một vai trò tích cực trên thế giới và rằng Hoa Kỳ hoan nghênh các khoản đầu tư hỗ trợ của Bắc Kinh trên toàn cầu.

Các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc có phần chắc đang xây dựng các đường băng tại những nơi từng là khu vực có cây cối rậm rạp, xây cảng cùng các nhà kho dự trữ nhiên liệu.

150 năm kết thúc Nội Chiến Nam – Bắc Mỹ

150 năm kết thúc Nội Chiến Nam – Bắc Mỹ

Nguoi-viet.com

APPOMATTOX, Virginia (AP)Cách nay đúng 150 năm, Nội Chiến Nam-Bắc Hoa Kỳ được coi là kết thúc sau “Battle of Appomattox Court House”, trận đánh tại làng Appotamox, Virginia.

Các lá cờ cắm trên mộ của Bắc quân và Nam quân tại công viên  Appomattox Court House National Historical Park ở Virginia trong dịp kỷ niệm 150 năm chấm dứt cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ. Thời gian ấy cờ Union mới chỉ có 34 sao, không hoàn toàn như lá cờ 50 sao trong hình. (hình: Win McNamee/Getty Images)

Tướng Robert E. Lee, tư lệnh binh đoàn Bắc Virginia của miền Nam, đầu hàng quân Liên Hiệp miền Bắc của tướng Ulysses S. Grant.với lực lượng đông gấp bội, sau một cuộc giao tranh ngắn ngủi trong ngày 9 tháng 4 năm 1865.

Trong dịp lễ kỷ niệm biến cố lịch sử này, bắt đầu từ hôm Thứ Tư 8 tháng 4, 2015 và kéo dài ba ngày, nhân vật lịch sử được nhắc tới không chỉ có hai vị tướng mà còn có một phụ nữ trước kia trong một thế kỷ rưỡi vẫn được coi là người  nô lệ cuối cùng chết trong Nội Chiến.

Bà Hannah Reynolds, 60 tuổi, là thường dân duy nhất thiệt mạng trong trận Appotamox khi một đạn trái phá rơi chúng căn lều của người nô lệ này. Nhưng những nghiên cứu gần đây xác định rằng bà Reymolds không chết ngay lúc đó mà chỉ qua đời vì thương tích ba ngày sau, ngày 12 tháng 4, khi ấy tất cả nô kệ đã được giải phóng. Và bà đã trở thành một người tự do.

Trong buổi lễ đêm Thứ Sáu sắp tới, sẽ có bài điếu văn đọc trước một quan tài gỗ đựng di hài của bà Reynolds, đội thánh ca 100 thành viên hát lễ và 4,600 cây nến tưởng niệm được thắp, tượng trưng cho 4,600 nô lệ ở Appotamox County được giải phóng. Với việc tướng Lee đầu hàng tướng Grant, các tiểu bang liên hiệp (Union) miền Bắc thắng các tiểu bang liên minh (Confederate) miền Nam, và tuyên bố chấm dứt hoàn toàn chế độ nô lệ. (HC)

Giáo Hoàng: hòa bình cho Syria và Iraq

Giáo Hoàng: hòa bình cho Syria và Iraq

Giáo hoàng Francis

Đức Giáo hoàng Francis kêu gọi hòa bình và tình bác ái, trong buổi lễ thánh hôm Chủ Nhật Phục Sinh tại Vatican.

Giáo Hoàng Francis kêu gọi hòa bình “trên hết” ở Syria và Iraq trong thông điệp truyền thống vào ngày Chủ Nhật Phục Sinh.

Ngài kêu gọi cộng đồng quốc tế giải quyết “thảm họa nhân đạo to lớn” ở cả hai quốc gia này.

Đức Giáo Hoàng cũng kêu gọi hòa bình tại vùng Thánh Địa (Holy Land), Ukraine, Libya, Yemen, Nigeria, Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Và một lần nữa ngài đề cập cuộc bức hại các Kitô hữu ở nhiều quốc gia.

Phát biểu trước đám đông tín đồ trên quảng trường St Peter còn ướt đẫm do trời mưa, Giáo Hoàng Francis nói:

“Chúng ta cầu xin Chúa Giêsu, đấng chiến thắng trên sự chết, hãy khai sáng cho những khổ đau của nhiều anh chị em chúng ta đã bị bách hại vì làm sáng danh Chúa, cũng như khai sáng cho tất cả những người chịu đựng bất công do hậu quả của các cuộc xung đột và bạo lực đang diễn ra.

Chúng ta yêu cầu hòa bình, trên hết, cho Syria và Iraq, để những tiếng gầm thét của vũ khí có thể chấm dứt và các mối quan hệ hòa bình có thể được phục hồi

Giáo Hoàng Francis

“Chúng ta yêu cầu hòa bình, trên hết, cho Syria và Iraq, để những tiếng gầm thét của vũ khí có thể chấm dứt và các mối quan hệ hòa bình có thể được phục hồi trong các nhóm khác nhau vốn đã tạo nên những đất nước đáng yêu này.”

Thông điệp của Giáo hoàng Francis cũng cầu nguyện để cộng đồng quốc tế không phải chứng kiến những ‘bi kịch nhân đạo to lớn’ đang diễn ra ở hai quốc gia trên, cũng như trước tấn thảm kịch dẫn tới ‘vô số thường dân’ đang phải chạy tỵ nạn.

‘Iran và Kenya’

Giáo Hoàng nói những lời cầu nguyện và tâm tư của ngài cũng hướng tới với các thanh niên đã thiệt mạng trong vụ thảm sát hôm thứ Năm tuần trước tại Đại học Garissa University College ở Kenya.

Đề cập thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của Iran đã đạt được gần đây tại thành phố Lausanne của Thụy Sĩ, Giáo hoàng bày tỏ hy vọng rằng đây có thể là “một bước dứt khoát hướng tới một thế giới an toàn hơn với tình huynh đệ”.

Giáo hoàng Francis

Giáo hoàng Francis cũng làm chủ một buổi lễ hôm thứ Sáu tuần Thành, tại đó ngài đã lên án vụ giết hại các Kitô hữu ở một đại học tại Kenya tuần này.

Kết thúc diễn thuyết, Đức Giáo Hoàng nói:

“Chúng ta kêu gọi hòa bình và tự do cho những người đàn ông và phụ nữ đang phải chịu đựng các hình thức nô lệ dù cũ hay mới do các tội phạm cá nhân hay tổ chức gây ra.

“Hòa bình và tự do cho các nạn nhân của những người buôn bán ma túy, những người thường liên minh với các thế lực mà lẽ ra nên bảo vệ hòa bình và hòa hợp trong gia đình nhân loại.

“Và chúng ta cũng yêu cầu hòa bình cho thế giới, thoát khỏi bàn tay của những thương lái vũ khí.”

Hai ngày trước, trong một buổi lễ Thứ Sáu Tuần Thánh tại Roma, Đức Giáo Hoàng đã lên án những gì ông gọi là sự “im lặng đồng lõa” về việc giết hại các Kitô hữu.

Buổi lễ này diễn ra chỉ một ngày sau khi gần 150 người đã thiệt mạng trong cuộc tấn công vào trường đại học ở Kenya do các chiến binh Hồi giáo thực hiện.

Trong đó, các chiến binh này được cho là đã tách riêng các tín đồ Kitô giáo ra và biến họ thành các nạn nhân.

Vatican

Hàng ngàn tín đồ, tín hữu đã đội mưa để lắng nghe thông điệp của Giáo Hoàng.

Trung Quốc ‘xây trường thành bằng cát’

Trung Quốc ‘xây trường thành bằng cát’

Trung Quốc “đã xây hơn 4km vuông đảo nhân tạo”

Quan chức Hoa Kỳ nói kế hoạch xây dựng cải tạo đảo của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây nghi vấn nghiêm trọng.

Chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, vừa đưa ra bình luận trên trong một bài phát biểu tại Australia hôm thứ Ba 31/3.

Ông Harris nói thông qua việc bơm cát lên các rạn san hô và phủ bê tông, Trung Quốc đã tạo dựng hơn 4 cây số vuông diện tích đảo nhân tạo.

Trung Quốc hiện đang tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với một số nước láng giềng.

Bắc Kinh biện hộ rằng công việc cải tạo và xây đảo nhận tạo của họ là hoàn toàn hợp pháp vì Trung Quốc “giữ chủ quyền ở hầu hết” Biển Đông.

Trong những tháng vừa qua, xuất hiện nhiều bức ảnh mô tả việc xây đảo nhân tạo của Trung Quốc tại Trường Sa, trong đó có cả một đường băng, mà nước này có thể sẽ sử dụng cho mục đích quân sự.

“Chưa có tiền lệ’

Đô đốc Harris nói chương trình xây dựng và cải tạo đảo của Trung Quốc là “chưa có tiền lệ”.

Ông phát biểu: “Trung Quốc đang xây đảo nhân tạo bằng cách bơm cát lên các rạn san hô, kể cả các đảo chìm, rồi phủ bê tông lên trên. Cho tới nay, Trung Quốc đã tạo ra trên 4 km vuông đảo nhân tạo”.

“Trung Quốc đang dựng lên một Trường Thành bằng cát trong những tháng vừa qua.”

Ông nói rằng nếu tính đến “các hành động khiêu khích đối với các nước nhỏ hơn” của Trung Quốc tại Biển Đông, thì quy mô xây cất của nước này đang làm dấy lên các “nghi vấn nghiêm trọng”.

Tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông trong những năm qua đã gia tăng và gây căng thẳng trong khu vực.

Philippines đang kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, nhưng Bắc Kinh từ chối tham gia.

Tại Việt Nam, nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc cũng đã nổ ra, nhất là sau khi Trung Quốc mang giàn khoan nước sâu vào khu vực Hoàng Sa hồi năm ngoái.

Ngày tàn của Trung Quốc đang đến

Ngày tàn của Trung Quốc đang đến

Lời giới thiệu của ông David Brown

Bài phân tích của GS David Shambaugh đăng ngày 6 tháng 3 trên báo Wall Street Journal, một tờ báo lớn của Mỹ, quan trọng không chỉ về nội dung của nó mà còn ở chỗ tác giả là một ‘ngôi sao nhạc rock’ trong số các học giả Trung Quốc. Được biết, một cuộc thăm dò của các học giả Trung Quốc đánh giá Shambaugh là một chuyên gia nước ngoài về Trung Quốc có tầm ảnh hưởng nhất, được xếp vào hàng thứ hai.

Chuyên ngành của GS Shambaugh là chính sách đối ngoại của Trung Quốc và các vấn đề chính trị nội bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ông là người tư vấn thường xuyên cho Bộ Ngoại giao Mỹ và một tác giả có nhiều bài viết.

Tiến sĩ Shambaugh lưu ý rằng các học giả Trung Quốc khác đã từng tiên đoán sự sụp đổ của ĐCS TQ, nhưng điều đó đã không xảy ra, ít nhất là chưa xảy ra. Vì sao bây giờ ông lại nhảy vào chủ đề ‘sự sụp đổ của Trung Quốc’? Rõ ràng là Shambaugh xem sự cải cách chính trị hạn chế của Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào là những bước xây dựng có thể giúp “hệ thống này mở ra”. Shambaugh lập luận rằng, bây giờ Tập Cận Bình đã bác bỏ những cải cách và kết quả đó, điều này chỉ có thể dẫn tới sự sụp đổ – có thể rất là hỗn độn – của chế độ Cộng sản Trung Quốc.

_____

WSJ

Tác giả: David Sambaugh

Người dịch: Huỳnh Phan

06-03-2015

Ngày tàn của chế độ cộng sản ở Trung Quốc đã bắt đầu, và các biện pháp tàn nhẫn của Tập Cận Bình chỉ đưa nước này tới đổ vỡ sớm hơn

H1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, giữa phía trước, và các nhà lãnh đạo khác của Trung Quốc tham dự phiên khai mạc kỳ họp thứ ba Quốc hội hôm thứ Năm tại Đại Lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh THX / ZUMA PRESS

Hôm thứ Năm, Quốc hội Trung Quốc họp tại Bắc Kinh theo nghi thức đã trở nên quen thuộc hàng năm. Khoảng 3.000 đại biểu “được bầu” từ khắp nơi trên đất nước – từ nhóm sắc tộc ít người, ăn mặc sặc sỡ, cho đến các tỉ phú trang nhã – sẽ họp một tuần để thảo luận về tình trạng đất nước và tham gia vào việc làm chính trị giả vờ.

Một số người coi việc tụ tập đầy ấn tượng này là một dấu hiệu về sức mạnh của hệ thống chính trị Trung Quốc – nhưng nó che đậy nhiều điểm yếu nghiêm trọng. Chính trị Trung Quốc luôn khoác vỏ bọc màu mè, với các sự kiện được trình diễn như hội nghị nhằm phô trương uy quyền và sự ổn định của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Quan chức cũng như công dân đều biết rằng họ buộc phải tuân theo những nghi thức này, vui vẻ tham gia và lặp lại như vẹt các khẩu hiệu chính thức. Hành vi này trong tiếng Trung được gọi là biaotai (表态: biểu thái), “biểu lộ thái độ/ lập trường”, nhưng nó chỉ hơn hành động tuân theo hình thức một ít.

Mặc dù vẻ bề ngoài, hệ thống chính trị của Trung Quốc đang đổ vỡ tệ hại, và không ai biết điều đó rõ hơn chính Đảng Cộng sản. Người đầy quyền lực của Trung Quốc, Tập Cận Bình, đang hy vọng rằng, việc truy dẹp bất đồng chính kiến và tham nhũng sẽ củng cố sự cai trị của đảng. Ông cương quyết tránh trở thành một Mikhail Gorbachev của Trung Quốc, ngồi điều khiển sự sụp đổ của đảng. Nhưng thay vì là phản đề của Gorbachev, Tập Cận Bình rốt cuộc có thể đi tới cùng hậu quả. Sự chuyên quyền của ông đang đè nén nghiêm trọng hệ thống và xã hội Trung Quốc – và đưa nó tới gần chỗ đổ vỡ hơn.

Dự đoán sự sụp đổ của các chế độ độc tài là một việc đầy rủi ro. Vài chuyên gia phương Tây dự đoán sự sụp đổ của Liên bang Xô viết trước khi nó xảy ra vào năm 1991; CIA hoàn toàn bỏ qua điều đó. Hai năm trước khi nó xảy ra, việc sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu bị miệt thị là mơ tưởng của những người chống Cộng. Các cuộc “cách mạng màu” hậu Xô Viết ở Georgia, Ukraine và Kyrgyzstan từ 2003 đến 2005, cũng như các cuộc nổi dậy mùa xuân Ả Rập năm 2011, đều nổ ra ngoài dự đoán.

H1

Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, chỗ xảy ra cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 1989. Ảnh: NATIONAL GEOGRAPHIC/GETTY IMAGES

Các nhà quan sát tình hình Trung Quốc đã cảnh giác cao đối với những dấu hiệu mục ruỗng và xuống dốc của chế độ từ trải nghiệm kề miệng hố của chế độ tại quảng trường Thiên An Môn vào năm 1989. Kể từ đó, nhiều nhà Trung Hoa học dày dạn đã đánh cược uy tín nghề nghiệp qua việc khẳng định rằng sự sụp đổ quyền cai trị của ĐCSTQ là không thể tránh khỏi. Những người khác thì thận trọng hơn, trong đó có tôi. Nhưng thời thế ở Trung Quốc thay đổi nên phân tích của chúng ta cũng phải thay đổi theo.

Tôi tin rằng ngày tàn của chế độ cộng sản Trung Quốc đã bắt đầu, và điều đó đã diễn tiến xa hơn nhiều người nghĩ. Tất nhiên chúng ta không biết con đường từ nay cho đến lúc kết thúc sẽ như thế nào. Có lẽ sẽ hết sức bất ổn và lộn xộn. Nhưng cho đến khi hệ thống bắt đầu rã ra theo cách rõ rệt nào đó thì những yếu tố bên trong sẽ diễn trò theo – do đó cùng góp phần làm bộ mặt ổn định.

Việc cai tri của cộng sản ở Trung Quốc khó có vẻ sẽ kết thúc thầm lặng. Một sự kiện đơn lẻ khó có khả năng kích thích làm nổ tan chế độ một cách hoà bình. Sự sụp đổ của nó có khả năng sẽ kéo dài, lộn xộn và bạo lực. Tôi không loại trừ khả năng Tập Cận Bình sẽ bị lật đổ trong một cuộc đấu tranh quyền lực hoặc đảo chính. Với chiến dịch chống tham nhũng hùng hổ – trọng tâm của Quốc hội trong tuần này – ông đang dùng sở đoản của mình quá mức, gây hoang mang cho các cử tri đảng, nhà nước, quân sự và thương mại then chốt.

Người Trung Quốc có một câu tục ngữ, waiying, neiruan (外硬内软: ngoại ngạnh, nội nhuyễn, tức ‘cứng bề ngoài, mềm bên trong’). Tập Cận Bình là một nhà cai trị thực sự cứng rắn, lộ rõ sự tự tin và thuyết phục. Nhưng nhân cách cứng rắn này là biểu hiện trái ngược bề ngoài của hệ thống đảng và chính trị vốn vô cùng mong manh bên trong.

Hãy xét năm chỉ dấu phô lộ về các chỗ nhược của chế độ và những yếu kém mang tính hệ thống của đảng.

H1

Đội quân nhạc trong phiên khai mạc Quốc Hội vào thứ năm tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh. Ảnh: AP

Thứ nhất, giới chủ chốt kinh tế của Trung Quốc có một chân thò ra ngoài, và họ sẵn sàng bỏ đi hàng loạt nếu hệ thống thực sự bắt đầu sụp đổ. Năm 2014, Viện nghiên cứu Hồ Nhuận (Hurun), Thượng Hải chuyên nghiên cứu về giới giàu có Trung Quốc, phát hiện ra rằng 64% các “cá nhân có lợi tức ròng cao” mà họ thăm dò – 393 triệu phú và tỉ phú – thì hoặc đang di cư hoặc đang có kế hoạch di cư. Giới nhà giàu Trung Quốc gửi con đi du học với con số kỷ lục (bản thân điều này là một cáo trạng về chất lượng của hệ thống giáo dục đại học Trung Quốc).

Tạp chí này tường thuật ngay trong tuần này rằng các nhân viên liên bang đã lục soát nhiều địa điểm ở Nam California mà chính quyền Mỹ cho là có liên hệ tới “hoạt động kinh doanh du lịch sinh con trị giá nhiều triệu đô la đã đưa hàng ngàn phụ nữ Trung Quốc sang đây du lịch rồi trở về với con vừa mới sinh là công dân Hoa Kỳ”. Giới giàu có Trung Quốc cũng đang mua bất động sản ở nước ngoài ở mức độ và giá cả kỷ lục, và họ cũng đang chuyển tài sản ra nước ngoài, thường ở những nơi dễ trốn thuế và các công ty vỏ bọc.

Trong khi đó, Bắc Kinh đang cố tìm cách giải về nước một số lượng lớn những kẻ trốn chạy đem tiền ra sống ở nước ngoài. Khi giới ưu tú của một đất nước – trong đó nhiều người là đảng viên – trốn chạy với số lượng lớn như vậy, đó là một dấu hiệu rõ ràng của sự thiếu niềm tin vào chế độ và tương lai của đất nước.

Thứ hai, từ khi nắm quyền vào năm 2012, Tập Cận Bình đã tăng cường mạnh mẽ đàn áp chính trị vốn bao trùm khắp Trung Quốc từ năm 2009. Mục tiêu nhắm vào bao gồm báo chí, truyền thông xã hội, phim ảnh, nghệ thuật và văn học, các nhóm tôn giáo, Internet, trí thức, người Tây Tạng và người Duy Ngô Nhĩ, bất đồng chính kiến, luật sư, tổ chức phi chính phủ, sinh viên đại học và sách giáo khoa. Ban Chấp Hành Trung Ương đã ra một chỉ thị hà khắc đưa xuống cấp dưới vào năm 2013 gọi là văn bản số 9, yêu cầu tất cả các đơn vị phải tìm ra mọi biểu hiện có vẻ tán đồng “các giá trị phổ quát” của phương Tây – gồm dân chủ lập hiến, xã hội dân sự, tự do báo chí và kinh tế tân tự do.

Một chính phủ vững vàng và tự tin sẽ không tiến hành đàn áp khốc liệt như vậy. Đó là triệu chứng lo âu và bất an sâu đậm của lãnh đạo đảng.

H1

Một người biểu tình bị cảnh sát quật xuống đất ngày 5-3-2014 tại Bắc Kinh trước khi Quốc Hội khai mạc gần đó. Ảnh: AP

Thứ ba, ngay cả nhiều người trung thành với chế độ cũng chỉ hành động xu thời. Thật khó có thể bỏ qua những biểu hiện diễn kịch giả tạo đã thấm đẩm khắp bộ máy chính trị Trung Quốc trong vài năm qua. Mùa hè năm ngoái, tôi là một trong số ít người nước ngoài (và là người Mỹ duy nhất) tham dự hội thảo về “Giấc mơ Trung Quốc”, một ý tưởng mang dấu ấn của Tập Cận Bình, tại một nhóm nghiên cứu trực thuộc đảng CS ở Bắc Kinh. Chúng tôi ngồi suốt hai ngày mệt óc, nghe hơn hai chục diễn giả đảng trình bày liên tục – nhưng mặt họ lạnh lùng vô cảm, ngôn ngữ điệu bộ khô cứng, và nỗi chán nản của họ hiển hiện. Họ giả vờ tuân thủ theo đảng và các câu thần chú mới nhất của lãnh đạo đảng. Nhưng rõ ràng là công tác tuyên truyền đã mất đi sức mạnh, và hoàng đế chẳng có quần áo trên người.

Tháng 12, tôi trở lại Bắc Kinh dự hội nghị tại trường Đảng Trung Ương, cơ quan cao nhất lo việc dạy dỗ chủ thuyết của đảng, và một lần nữa, các quan chức chóp bu và chuyên gia chính sách đối ngoại lại đọc thuộc lòng các khẩu hiệu đúng từng lời. Trong giờ ăn trưa một ngày nọ, tôi đến gian hàng sách của trường – luôn luôn là một điểm dừng quan trọng để tôi có thể tự cập nhật những thứ cán bộ lãnh đạo Trung Quốc đang được dạy. Những tập sách trên các kệ của cửa hàng từ “tuyển tập” của Lenin đến hồi ký của Condoleezza Rice, và một cái bàn ở lối vào chất đầy các cuốn sách nhỏ của Tập Cận Bình về chiến dịch đề cao “đường lối quần chúng” của ông – tức về liên hệ giữa đảng với quần chúng. Tôi hỏi nhân viên bán hàng: “Sách này bán thế nào?” Cô trả lời. “Ô, không. Chúng tôi chỉ biếu không”. Chồng sách cao nghệu cho thấy nó khó có thể là sách đắt hàng.

Thứ tư, tệ tham nhũng lan tràn trong nhà nước độc đảng và quân đội cũng thâm nhập vào toàn xã hội Trung Quốc nói chung. Chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình dai dẳng và khốc liệt hơn so với các chiến dịch trước đó, nhưng không có chiến dịch nào có thể khử hết được vấn nạn này. Nó có cội rể sâu trong hệ thống độc đảng, mạng lưới đỡ đầu – đàn em, nền kinh tế hoàn toàn thiếu minh bạch, phương tiện truyền thông nhà nước kiểm soát và sự thiếu vắng của nhà nước pháp quyền.

Hơn nữa, chiến dịch của Tập Cận Bình ít nhất đang biến thành một cuộc thanh trừng chọn lọc không kém gì một chiến dịch bài trừ tham nhũng. Nhiều người trong số các mục tiêu nó nhắm tới cho đến nay là các tay em và các đồng minh chính trị của cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân. Hiện 88 tuổi, ông ta vẫn là một thế lực bảo trợ chính trị ở Trung Quốc. Truy theo mạng lưới bảo trợ của Giang Trạch Dân khi ông vẫn còn đang sống là điều rất nguy hiểm cho Tập Cận Bình, đặc biệt là vì ông có vẻ chưa tập hợp được phe nhóm dưới tay trung thành khi lên vị trí cầm quyền. Một vấn đề khác nữa là Tập Cận Bình, con của thế hệ cách mạng chủ chốt đầu tiên của Trung Quốc, là một trong những “thái tử đảng”, nên các mối quan hệ chính trị của ông chủ yếu chỉ mở rộng đến các thái tử đảng khác. Thế hệ hưởng lộc (silver spoon) này đang bị chửi rủa cùng khắp trong xã hội Trung Quốc.

H1

Tập Cận Bình tại dinh tổng thống Schloss Bellevue trong chuyến thăm cường quốc xuất khẩu Đức tại Berlin vào ngày 28 tháng 3, 2014. Ảnh: AFP/ GETTY IMAGES

Cuối cùng, nền kinh tế của Trung Quốc – theo các quan điểm phương Tây, như là một lực kéo áp đảo (juggernaut) không dừng được, bị mắc kẹt trong một loạt các bẫy hệ thống không có lối thoát dễ dàng. Tháng 11 năm 2013, Tập Cận Bình chủ trì Hội Nghị Trung Ương 3 của đảng, công bố một gói đồ sộ các đề xuất cải cách kinh tế, nhưng cho đến nay, vẫn còn trên bệ phóng. Vâng, chi cho tiêu dùng có tăng lên, tệ lót tay cửa quyền có giảm xuống, và một số cải cách tài chính đã được đưa vào, nhưng trên tổng thể, các mục tiêu đầy tham vọng của Tập Cận Bình đã chết yểu. Gói cải cách này thách thức các nhóm lợi ích đầy quyền lực có gốc rể sâu xa trong hệ thống – như các doanh nghiệp nhà nước và các cán bộ đảng địa phương – và họ đang thẳng thừng ngăn chặn việc thực hiện nó.

Năm vết nứt ngày càng hiện rõ này trong việc kiểm soát chế độ chỉ có thể chỉnh sửa thông qua cải cách chính trị. Cho đến khi và trừ khi có sự nới lỏng kiểm soát chính trị hà khắc, Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành một xã hội sáng tạo và một “nền kinh tế tri thức” – một mục tiêu chính của các cải cách của Hội Nghị 3. Hệ thống chính trị đã trở thành những trở ngại chính cho các cải cách kinh tế và xã hội cần thiết của Trung Quốc. Nếu Tập Cận Bình và các lãnh đạo đảng không nới lỏng quyền kiểm soát thì họ có thể phải đối mặt với kết cục định sẵn mà họ muốn tránh.

Trong nhiều thập niên kể từ khi Liên Xô sụp đổ, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc luôn bị ám ảnh về sự sụp đổ của nước cộng sản anh em khổng lồ này. Hàng trăm phân tích hậu nghiệm ở Trung Quốc đã mổ xẻ những nguyên nhân dẫn đến sự tan rã của Liên Xô.

“Giấc mơ Trung Quốc” thực của Tập Cận Bình phải tránh cơn ác mộng Liên Xô. Chỉ một vài tháng lên cầm quyền, ông ta đã đưa ra một bài phát biểu nội bộ dè biểu sự sụp đổ của Liên Xô và than phiền Gorbachev phản bội, cho rằng Moscow đã thiếu một “người đàn ông đích thực” dám đứng lên chống lại nhà lãnh đạo cải cách cuối cùng. Làn sóng đàn áp hiện nay của Tập Cận Bình làm điều trái ngược với perestroika (cải tổ) và glasnost (cởi mở) của Gorbachev. Thay vì cởi mở, Tập Cận Bình lại tăng sự kiểm soát đối với bất đồng chính kiến, nền kinh tế và thậm chí cả các đối thủ trong đảng lên gấp đôi.

Nhưng phản ứng lại và đàn áp không phải là lựa chọn duy nhất của Tập Cận Bình. Các tiền nhiệm của ông, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã rút ra những bài học rất khác từ sự sụp đổ của Liên Xô. Từ năm 2000 đến năm 2008, hai ông đã thể chế hoá nhiều chính sách nhằm mở cửa hệ thống với các cải cách chính trị có giới hạn một cách cẩn thận.

Hai ông đã tăng cường các cấp uỷ đảng địa phương và thử nghiệm việc bầu bí thư với nhiều ứng cử viên. Hai ông thu nhận vào đảng nhiều doanh nhân và trí thức. Hai ông đã mở rộng tham vấn với các nhóm ngoài đảng và làm cho các thủ tục làm việc của Bộ Chính trị minh bạch hơn. Hai ông đã cải thiện cơ chế phản hồi trong đảng, áp dụng tiêu chí tài đức nhiều hơn cho việc đánh giá và đề bạt, và tạo ra hệ thống bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc cho toàn bộ 45 triệu cán bộ đảng và nhà nước. Cả hai đã đưa vào thực hiện các đòi hỏi về hưu trí và luân chuyển công tác của cán bộ, sĩ quan cứ mỗi vài năm.

Trên thực tế, trong một quảng thời gian Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào đã tìm cách quản lý sự thay đổi chứ không phải chống lại nó. Tuy nhiên, Tập Cận Bình không thích điều nào trong số này. Từ năm 2009 (khi mà ngay cả Hồ Cẩm Đào trước đây cởi mở cũng đã chuyển hướng và bắt đầu kiểm soát chặt chẽ), chế độ ngày càng bất an đã rút lại tất cả những cải cách chính trị (trừ hệ thống huấn luyện cán bộ). Những cải cách này do cánh tay chính trị đắc lực của Giang Trạch Dân, cựu phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng đạo diễn, là người đã nghỉ hưu vào năm 2008 và hiện đang bị nghi ngờ trong chiến dịch chống tham nhũng của Tập – thêm một dấu hiệu về sự thù địch của Tập Cận Bình với các biện pháp có thể làm dịu những căn bệnh của hệ thống đang phân rã.

Một số chuyên gia cho rằng chiến thuật hà khắc của Tập Cận Bình thực ra có thể báo trước một hướng cởi mở hơn và cải cách về sau trong nhiệm kỳ của ông. Tôi không đồng tình điều này. Nhà lãnh đạo và chế độ này xem chính trị như cuộc chơi có tổng zero: Theo quan điểm của họ, nới lỏng kiểm soát chắc chắn là một bước hướng tới sự huỷ diệt của hệ thống và sự sụp đổ của chính họ. Họ cũng có cách nhìn theo thuyết âm mưu rằng Hoa Kỳ đang tích cực hành động để lật đổ Đảng Cộng sản [Trung Quốc]. Không có điều nào trong gợi mở này cho thấy rằng các cải cách sâu rộng sắp quay trở lại.

Chúng ta không thể dự đoán Cộng sản Trung Quốc sẽ sụp đổ lúc nào, nhưng không khó để kết luận rằng chúng ta đang chứng kiến giai đoạn cuối cùng của nó. ĐCSTQ là chế độ cầm quyền lâu thứ hai trên thế giới (chỉ sau Bắc Triều Tiên), và không có một đảng nào có thể thống trị mãi mãi.

Nhìn về phía trước, các nhà theo dõi Trung Quốc nên để mắt vào các công cụ kiểm soát của chế độ và vào những người được phân công sử dụng những công cụ này. Một số lượng lớn các công dân lẫn đảng viên đã bỏ phiếu bằng chân rời bỏ đất nước hoặc thể hiện sự thiếu thành thật bằng cách giả vờ tuân theo mệnh lệnh của đảng.

Chúng ta cần quan sát ngày mà các nhân viên tuyên truyền và bộ máy an ninh nội bộ của chế độ bắt đầu trở nên lỏng lẻo trong việc thực thi mệnh lệnh của đảng – hoặc khi họ bắt đầu đồng nhất mình với bất đồng chính kiến, như nhân viên Stasi (an ninh) của Đông Đức trong phim “The Lives of Others” (Mãnh đời của nhưng kẻ khác), anh đã thông cảm với các đối tượng bị theo dõi. Khi sự đồng cảm của con người bắt đầu chiến thắng bộ máy cầm quyền cứng nhắc thì ngày tàn của cộng sản Trung Quốc sẽ thực sự bắt đầu.

Tác giả: TS Shambaugh là giáo sư về các vấn đề quốc tế và là giám đốc Chương Trình Chính Sách Trung Quốc tại Đại Học George Washington, cộng tác viên cao cấp tại Viện Brookings. Sách của ông gồm có “China’s Communist Party: Atrophy and Adaptation” (ĐCS Trung Quốc: hao mòn và thích ứng”), và gần đây nhất, “China Goes Global: The Partial Power.” (Trung Quốc vươn lên toàn cầu: một thế lực cục bộ)

Nơi viếng ông Lý Quang Diệu rất giản dị’

Nơi viếng ông Lý Quang Diệu rất giản dị’

Phóng viên Nguyễn Lễ của BBC tiếng Việt mô tả lại quang cảnh dân xếp hàng dài chờ vào viếng cố lãnh đạo Lý Quang Diệu.

“Tôi hết sức bất ngờ trước sự giản dị của nơi đặt thi hài ông Lý Quang Diệu. Tức là linh cữu không đặt trong hội trường mà ở ngoài sảnh hay hành lang của tòa nhà quốc hội Singapore, ngay chỗ có cầu thang đi lên.

“Quan tài được đặt trên bệ và phủ quốc kỳ, không hề có bàn thờ hay có dòng chữ gì cả.

“Xung quanh chỉ có bốn người lính đứng gác và hai cành hoa lan mang tên cố lãnh đạo Singapore mà thôi.

“Khách vào viếng dừng trước linh cữu ông chỉ chừng 5-10 giây, họ cúi đầu và có người chắp tay thành kính. Tôi nghe thấy cả một người phụ nữ khóc ngay sau tôi nữa”, Nguyễn Lễ cho biết vào hôm thứ Sáu 27/03.

” Quan tài được đặt trên bệ và phủ quốc kỳ, không hề có bàn thờ hay có dòng chữ gì cả. Xung quanh chỉ có bốn người lính đứng gác và hai cành hoa lan mang tên cố lãnh đạo Singapore.”

Phóng viên BBC nói người tới viếng phải xếp hàng tới khoảng 7 giờ.

“Vào hôm nay nhà chức trách Singapore quyết định mở cửa tàu điện ngầm 24/24 giờ để đáp ứng nhu cầu đi viếng của người dân. Họ muốn giãn bớt số người viếng vào ban ngày để người ta có thể vào viếng ban đêm.

“Cá nhân tôi vì là nhà báo nên được đi vào hàng ưu tiên bao gồm cả người già và trẻ em, nên nhanh hơn nhưng cũng phải mất tới bốn tiếng kể từ khi xếp hàng mới vào được tới nơi.

“Có nhiều người già và người phải đi xe lăn và người ẵm theo cả con nhỏ tới viếng ông Lý Quang Diệu.

“Có nhiều người chịu đứng ngoài nắng nhiều giờ rất nóng và nhịn qua cả bữa ăn để có thể vào viếng”, Nguyễn Lễ cho biết.

Giới chức trách Singapore vào hôm thứ Sáu khuyến cáo người dân ngừng xếp hàng vào viếng ông Lý Quang Diệu, chính khách và người sáng lập đất nước Singapore tại nơi lĩnh cữu ông được quàn.

Họ cảnh báo rằng tới chiều thứ Sáu thì thời gian xếp hàng chờ để vào được Nhà Quốc hội sẽ là chín tiếng.

Khoảng 250.000 người đã viếng để tỏ lòng tôn kính với ông Lý, người qua đời hôm thứ Hai hưởng thọ tuổi 91.

Các thủ tục quốc tang sẽ được tổ chức vào ngày Chủ Nhật, với sự hiện diện của các quan khách quốc tế từ khắp nơi trên thế giới.

Giới chức trách cho biết trong một tuyên bố rằng dân chúng đã được “khuyên” rất rõ ràng là không nên xếp hàng nữa và chỉ dẫn cho họ chuyển đến các địa điểm tưởng niệm nhỏ hơn được lập ra rải rác trên quốc đảo này.

Lý Quang Diệu và chính sách ngăn ngừa CS tại Singapore

Lý Quang Diệu và chính sách ngăn ngừa CS tại Singapore

Trần Trung Đạo

Cựu Thủ tướng Cộng Hòa Singapore Lý Quang Diệu được đưa vào bệnh viện hôm 5 tháng 2 vì bịnh viêm phổi trầm trọng. Chỉ vài hôm sau, ông được chuyển qua hệ thống duy trì sự sống (life support). Theo nhiều nguồn tin, hai năm trước đây ông đã thêm vào di chúc một đoạn trong đó ông không muốn kéo dài sự sống vô nghĩa bằng cách này. Theo thông báo của chính phủ Singapore “ông qua đời trong thanh thản” tại Tổng Y Viện Singapore lúc 03:18 sáng, giờ địa phương thứ Hai 23/3/2015, thọ 91 tuổi. Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên của Singapore và mất vào năm kỷ niệm 50 năm độc lập của quốc gia này.

Các thành tựu kinh tế

Về đối ngoại, hầu hết các chính trị gia thế giới từ Margaret Thatcher của Anh trước đây đến Barack Obama của Mỹ hiện nay đã từng ca ngợi Thủ tướng Lý Quang Diệu. Ông có một tầm nhìn rất xa không chỉ vào tương lai Singapore mà cả chính trị khu vực Á Châu và Thái Bình Dương. Từ đầu năm 1994, Lý Quang Diệu đã thấy trước sự căng thẳng trong vùng biển Đông.

Về đối nội, mặc dù nhiều chính sách cứng rắn của Lý Quang Diệu tạo nên nhiều tranh luận và phê bình, ông có một niềm tin vững chắc vào khả năng lãnh đạo của chính mình và tiềm năng của nhân dân Singapore để cùng đưa quốc gia rất nhỏ bé và bị bao quanh bởi các quốc gia thù địch thành một trong những nước giàu có nhất thế giới. Ngày nay, Singapore, quốc gia có dân số 5.5 triệu, là một trong những trung tâm thương mại lớn nhất thế giới, một trong năm cảng thương mại bận rộn nhất thế giới và có lợi tức đầu người cao thứ ba trên thế giới.

Một danh sách dài của những bảng danh dự mà các thống kê, các tổ chức kinh tế, tài chánh, thương mại quốc tế dành cho Singapore trong nhiều lãnh vực. Chẳng hạn, World Bank xếp Singapore vào hạng nhất trên thế giới về dễ dàng làm thương mại (The ease of doing business) và giữ vị thứ này suốt 7 năm liền; Singapore được xếp hạng ba trên thế giới về quốc gia cạnh tranh nhất (Most competitive country in the world); Singapore đứng hạng nhất về bảo vệ tài sản trí tuệ (The best protection of intellectual property); WHO (World Health Organization) năm 2010 xếp Singapore hạng nhì về tỉ lệ tử vong thấp trong thiếu nhi; Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International: Corruption Perceptions Index) năm 2010 xếp Singapore vào hạng quốc gia trong sạch nhất. Và rất nhiều bảng danh dự quốc tế khác.

Thành tựu lớn nhất của Lý Quang Diệu chưa hẳn là thành tựu kinh tế

Reihan Salam, Chủ bút điều hành của National Review Institute và tác giả nhiều tác phẩm chính trị, trong phân tích và cũng là kết luận Thành Tựu Lớn Nhất Của Lý Quang Diệu Chưa Hẳn Là Thành Tựu Kinh Tế của Singapore (Lee Kuan Yew’s Greatest Accomplishment May Not Have Been Singapore’s Economic Success) đăng trên National Review sáng 23/3/2015 vừa qua.

Theo Reihan Salam, trong những năm trước 1959, xã hội Singapore chịu đựng tình trạng xung đột chủng tộc giữa các sắc dân Ấn, Mã Lai và Trung Hoa không chỉ về kinh tế mà trong cả văn hóa, tôn giáo. Ngoài ra, sự phân liệt trầm trọng diễn ra trong sinh hoạt chính trị với đa số thành phần CS và thân Cộng là người gốc Hoa trong khi đa số thành phần chống Cộng là gốc Mã Lai. Thế nhưng, ngày nay có thể nói không một quốc gia nào mà nơi đó người dân thuộc thành phần thiểu số cảm thấy an toàn hơn tại Singapore và gần một nửa số người đang sống yên ổn tại Singapore vốn sinh ra tại nước ngoài. Sự an toàn, ổn định và hòa hợp đó sẽ không xảy ra nếu quốc gia này nằm trong tay CS. Thành tựu lớn nhất của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, do đó, phải là thành tựu ngăn chận được sự phát triển của phong trào CS tại Singapore.

Lịch sử phong trào CS tại Mã Lai và Singapore

Năm 1927, năm cán bộ CS Trung cộng được phái tới Mã Lai để thành lập đảng CS Nanyang (Mã Lai, Singapore) với tầm hoạt động bao gồm cả Thái Lan, Đông Dương và các thuộc địa Đông Ấn thuộc Hòa Lan. Năm 1930, Đệ Tam Quốc Tế CS (1919-1943) tổ chức một hội nghị tại Singapore, giải tán đảng CS Nanyang và thành lập đảng CS Mã Lai. Cùng thời gian này, đảng CSVN cũng thuộc Đệ Tam Quốc Tế được thành lập.

Địa bàn hoạt động của đảng CS Mã Lai bao gồm Mã Lai, Singapore và lan rộng tận Thái Lan. Chương trình hành động của đảng CS Mã Lai gắn liền với điều kiện chính trị tại Trung cộng và đảng CSTQ bởi vì đa số đảng viên CS Mã Lai là người gốc Hoa. Những năm hòa hoãn giữa đảng CSTQ và Quốc Dân Đảng Trung Hoa để chống Nhật, đảng CS Mã Lai có cơ hội hoạt động mạnh hơn. Năm 1939, đảng CS Mã Lai có khoảng 40 ngàn đảng viên với một nửa số đó hoạt động tại Singapore. Tài liệu của đảng CSVN không ghi thống kê của năm 1939 nhưng trong giai đoạn 1935 đảng chỉ có 600 đảng viên. So sánh để thấy, hoạt động của đảng CS Mã Lai lúc bấy giờ mạnh đến dường nào.

Các đảng CS thuộc Đệ Tam Quốc Tế, trong đó có Việt Nam và Mã Lai, thực thi một chiến lược giống nhau do Lenin vạch ra trong Cương lĩnh của Quốc tế Cộng sản được chấp thuận tại đại hội Đệ Tam Quốc Tế lần thứ nhất vào năm 1919 và Luận Cương về Vấn đề Dân Tộc và Thuộc Địa do Lenin đọc tại đại hội của Đệ Tam Quốc Tế CS lần thứ 2 vào năm 1920. Chấp hành đường lối quốc tế đó, đảng CS tại các nước thuộc địa dùng cơ hội hợp tác với chính quyền chống ngoại xâm để phát triển đảng một cách công khai. Mã Lai-Singapore chống Anh, Trung Hoa chống Nhật và Việt Nam chống Pháp. Đảng CS mượn chiếc cầu chống thực dân và lợi dụng lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân để đạt mục đích tối hậu là thiết lập chế độ CS trên phạm vi cả nước.

Lai Teck, Tổng bí thư đảng CS Mã Lai có máu Việt Nam

Khi Thế chiến thứ hai bùng nổ, đảng CS Mã Lai tuyên bố hợp tác với chính quyền bảo hộ Anh để bảo vệ Singapore. Nhiều đảng viên CS Mã Lai được Anh huấn luyện quân sự. Lai Teck, Tổng bí thư đảng CS Mã Lai nhưng thực chất là một gián điệp làm việc cho nhiều cơ quan tình báo chống CS. Y có máu Việt Nam với cha là người Việt và mẹ là người Hoa. Lai Teck sinh tại Việt Nam và có tên thật là Trương Phước Đạt. Y từng làm việc cho cơ quan mật thám Pháp và xâm nhập đảng CSVN. Sau khi toàn thành nhiệm vụ Pháp chuyển Lai Teck sang cho tình báo Anh và tình báo Anh chỉ thị y xâm nhập vào đảng CS Mã Lai năm 1935. Lai Teck có một tiểu sử đầy kỳ bí và nhiều câu hỏi về nhân vật này vẫn chưa được ai trả lời thỏa mãn.

Khi Singapore rơi vào tay Nhật, Tổng bí thư Lai Teck bị Nhật bắt và trong giai đoạn này y lại bí mật hợp tác với Nhật. Sau Thế chiến thứ hai, Lai Teck vẫn tiếp tục hoạt động trong đảng CS. Mãi cho đến 1947, khi quá khứ bị phanh phui, Lai Teck bỏ trốn sang Thái. Chin Peng, Tổng bí thư mới của đảng CS Mã Lai yêu cầu các đảng viên CS Thái và CS Việt Nam đang hoạt động trên đất Thái truy lùng Lai Teck. Cuối cùng, một tổ ám sát CS Thái tìm ra và siết cổ y chết tại Bangkok. Xác của Lai Teck được ném xuống sông Chao Phraya năm 1947. Năm đó Lai Teck 44 tuổi.

Cộng sản Mã Lai và Singapore sau Thế chiến thứ hai

Giống như tại Việt Nam, khi Nhật rút lui nhưng Đồng Minh chưa đến, các nhóm CS Mã Lai xuất hiện, nhất là trong các khu người Hoa. Các đảng viên CS này được chào đón như những anh hùng cứu tinh dân tộc. Đảng CS tịch thu vũ khí do Nhật để lại và tuyển dụng đảng viên một cách công khai. Những “trung đoàn” CS trong thời chiến mỗi đơn vị chỉ hơn một trăm lính đã lên đến con số 6 ngàn trong một thời gian ngắn.

Khi chính quyền bảo hộ Anh được tái lập tại Singapore và ra lệnh đảng CS Mã Lai phải giao nạp vũ khí và giải tán các “trung đoàn” CS. Đảng CS buộc phải đồng ý giải tán nhưng cũng giấu đi nhiều vũ khí. Theo lịch sử đảng CS Mã Lai, các “trung đoàn” phải giải tán vì thiếu hàng ngũ cán bộ chính trị viên để nắm vững phần tư tưởng của đảng viên, nhưng dù sao đó cũng là một quyết định sai lầm của đảng. Trong khi đó tại Việt Nam, đảng CS lợi dụng khoảng trống cuối Thế chiến thứ hai để chiếm Hà Nội và vài thành phố khác qua biến cố gọi là “Cách mạng Mùa Thu”.

Sau thời kỳ Lai Teck, Chin Peng, 27 tuổi, một lãnh đạo CS Mã Lai gốc Hoa lên nắm quyền Tổng bí thư và chuyển sang đấu tranh bạo động, bao gồm ám sát và khủng bố. Chính quyền phản ứng mạnh qua các chiến dịch truy lùng các lãnh đạo đảng nhưng Chin Peng trốn thoát. Đảng CS Mã Lai thành lập một tổ chức ngoại vi có tên Mặt Trận Giải Phóng Dân Tộc Mã Lai. Chính quyền Mã Lai áp dụng chính sách cắt nguồn tiếp tế cho CS bằng cách đưa dân về các “Khu tân lập” được bảo vệ an ninh chặt chẽ. Sau lần đàm phán thứ nhất để giải quyết xung đột trong hòa bình thất bại, các lực lượng CS rút lui dần về biên giới Thái. Theo ước đoán của Bộ Ngoại giao Mỹ, số đảng viên CS Mã Lai trong giai đoạn này chỉ còn vào khoảng 2 ngàn người. Anh trao trả độc lập hoàn toàn cho Mã Lai ngày 31 tháng 8 năm 1957 nhưng vẫn tiếp tục bảo hộ Singapore.

Lý Quang Diệu và CS Singapore

Năm 1950, sau khi học xong ngành luật tại Fitzwilliam College, Cambridge, Anh, và hoàn tất chương trình thực tập luật, Lý Quang Diệu được nhận vào luật sư đoàn Anh nhưng ông đổi ý định hành nghề ở Anh và về nước. Chàng luật sư 27 tuổi Lý Quang Diệu trở lại quê hương mang theo một tấm lòng yêu nước, lý tưởng công bằng xã hội, ý chí quyết tâm và tầm nhìn xa vào tương lai Singapore.

Lý Quang Diệu là một trong ba người thành lập Đảng Hành động Nhân dân Singapore (People Action Party, gọi tắt là PAP) vào ngày 21 tháng 11, 1954. Mục đích chính của PAP là bảo đảm an ninh quốc gia mà không phải sử dụng bạo lực và xác định trong tuyên ngôn thành lập “PAP sẵn sàng hợp tác một cách thành thật với các đảng phái chính trị khác để đạt đến mục tiêu độc lập thật sự cho đất nước”.

Trong cuộc bầu cử tháng Năm 1959, PAP thắng lớn. Singapore thành quốc gia tự trị trong khuôn khổ Commonwealth và Lý Quang Diệu là Thủ tướng đầu tiên với Thống đốc Sir William Allmond Codrington Goode là Quốc trưởng. Theo kết quả của cuộc trưng cầu dân ý 1962, Singapore sáp nhập vào Liên Bang Mã Lai. Việc chọn gia nhập Liên Bang Mã Lai phát xuất từ mối lo ngại thiếu tài nguyên và ngoài ra, một số chính trị gia cũng quan tâm đến việc Singapore có thể trở thành một quốc gia CS. Tuy nhiên chỉ trong vòng 3 năm, Quốc hội Mã Lai với số phiếu 126 trên 126 loại Singapore ra khỏi liên bang. Thủ tướng Lý Quang Diệu đứng trước một tương lai Singapore đầy bất ổn. Ngay cả trong nội bộ PAP, vài năm trước, các thành viên sáng lập cũng đã chọn con đường tả khuynh cho riêng họ.

Các thành phần CS và tả khuynh trong lãnh đạo PAP

Hai thành viên sáng lập khác là Fong Swee Suan và Lim Chin Siong có lập trường tả khuynh trong lúc Lý Quang Diệu quyết tâm ngăn chận mầm mống CS phát sinh trong xã hội Singapore. Lý Quang Diệu biết rõ rất đông lãnh đạo và đảng viên PAP bị ảnh hưởng CS và việc chấp nhận sự ủng hộ của cánh CS chẳng khác gì ngồi trên lưng cọp nhưng ông tin tưởng vào khả năng và có một niềm tin kiên định vào mục đích sống của đời mình. Muốn đưa Singapore trở thành một quốc gia cường thịnh, trước hết phải xóa bỏ mọi tàng tích CS còn tồn đọng từ quá khứ và ngăn chận mọi mầm mống phát sinh của ý thức hệ CS tại Singapore. Tất cả chính sách đối nội của Lý Quang Diệu đều tập trung vào mục đích đó.

Đảng PAP tập hợp những thanh niên Singapore trẻ, có tinh thần độc lập và liên kết với các nghiệp đoàn, nhưng như Lý Quang Diệu giải thích, sự liên kết này chẳng khác gì một loại “hôn nhân hợp đồng” vì ông chỉ biết nói tiếng Anh nên cần các đảng viên biết nói tiếng Tàu trong giới lao động thân CS.

Lim Chin Siong, một trong ba người thành lập, có giọng nói hùng hồn và thu hút người nghe đã đắc cử Dân biểu Quốc Hội đơn vị Bukit Timah khi chỉ mới 22 tuổi. Năm 23 tuổi Lim Chin Siong và Lý Quang Diệu đại diện cho Singapore để thảo luận về hiến pháp tại London.

Những hoạt động tả khuynh quá khích của Lim Chin Siong đã làm cho hai lãnh đạo PAP xa nhau rất sớm. Lý Quang Diệu tố cáo Lim Chin Siong là CS và dựa vào Sắc Luật An Ninh Quốc Nội (Internal Security Act) bỏ tù đồng chí sáng lập PAP này nhiều năm không xét xử.

Mặc dù Lim từ chối là CS, các hành vi của y như việc đọc diễn văn trong lễ tưởng niệm Joseph Stalin và kế hoạch lật đổ chính phủ Lý Quang Diệu sau khi Singapore sáp nhập vào Mã Lai cho thấy chủ trương CS hóa Mã Lai bao gồm cả Singapore nằm trong ý định của Lim và mục tiêu của đảng Barisan Sosialis do y thành lập. Dù sao, sau khi Lim Chin Siong chết ngày 5 tháng Hai 1996, Lý Quang Diệu bày tỏ sự kính trọng về quyết tâm, tận tụy với lý tưởng dành cho đồng chí sáng lập PAP vừa qua đời.

Fong Swee Suan, một thành viên sáng lập khác của PAP cũng có lập trường thân CS. Không giống Lý Quang Diệu học hành đổ đạt, Fong Swee Suan bị trục xuất ra khỏi trường trung học vì tham gia đình công. Fong dành hết thời gian còn lại cho các hoạt động của giới thợ thuyền. Trong thời gian PAP lãnh đạo Singapore, Fong Swee Suan là Bộ trưởng Bộ Lao Động. Tháng Bảy 1961, Lý Quang Diệu yêu cầu Fong Swee Suan từ chức vì có liên can đến việc kêu gọi Singapore tự trị. Fong bị bắt tháng Hai 1963, giam tại Mã Lai và được phóng thích vào tháng Tám 1967. Fong có niềm tin sâu xa rằng giới công nhân là giới bị áp bức bóc lột và nghiệp đoàn là phương tiện để giới công nhân đấu tranh giải phóng áp bức bóc lột. Ông thừa nhận là một người xã hội chứ không phải là CS.

Sau khi giới hạn các thành phần CS và tả khuynh trong hàng ngũ lãnh đạo PAP, và ổn định chính trị quốc nội, Lý Quang Diệu thực hiện hàng loạt các chính sách kinh tế trong nước và mở rộng các quan hệ quốc tế. Singapore gia nhập Liên Hiệp Quốc 1965 và ASEAN 1967.

Lý Quang Diệu và Cộng Sản Tàu

Có lẽ không ai có ý thức rõ ràng và sâu sắc hơn Lý Quang Diệu về hiểm họa CS Tàu tại Singapore. Hầu hết, nếu không muốn nói tất cả đảng viên CS hoạt động tại Singapore là người Hoa. Do đó, tách rời Singapore ra khỏi quỹ đạo của Trung Cộng càng xa càng tốt. Ông học về lý thuyết CS tại Anh một cách nghiêm túc và nhiều lần khẳng định chủ nghĩa CS không cần thiết là một phương tiện để giành độc lập và chủ nghĩa CS không thể xây dựng Singapore thành một nước cường thịnh về mọi mặt.

Vào những năm đầu thập niên 1960, trong lúc các nhà lãnh đạo CSVN phải sang chầu Trung Cộng hàng năm để xin súng đạn, Lý Quang Diệu từ chối ngay cả việc thừa nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một nước có chủ quyền toàn vẹn. Những biện pháp cứng rắn của chính phủ Lý Quang Diệu sau khi Singapore ra khỏi Liên bang Mã Lai là nhằm bảo vệ sự tồn tại mong manh của bán đảo này và ngăn chặn sự xâm nhập của Cộng Sản với hậu thuẩn tích cực của Trung Cộng.

Khi Đặng Tiểu Bình phát động bốn hiện đại hóa, Lý Quang Diệu mở rộng các quan hệ các quan hệ kinh tế, thương mại với Trung Cộng vì lợi ích của Singapore nhưng vẫn chưa thiết lập các quan hệ chính trị trên tầm mức quốc gia. Mặc dù công khai bày tỏ sự kính phục dành cho Đặng Tiểu Bình và được mời thăm Trung Cộng nhiều lần, mãi đến tháng 10 năm 1990, khi Singapore đủ mạnh về kinh tế và ổn định về chính trị, Lý Quang Diệu mới thiết lập ngoại giao hoàn toàn. Singapore là nước cuối cùng ở Đông Nam Á thừa nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Và mặc dù công nhận Trung Cộng, Lý Quang Diệu đồng thời cũng duy trì một quan hệ tốt với Đài Loan.

Quan hệ thương mại với Trung Cộng, tránh phê bình chế độ chính trị CS tại Trung Cộng không có nghĩa Lý Quang Diệu thừa nhận cơ chế CS là đúng. Lý Quang Diệu hiểu CS hơn nhiều lãnh đạo quốc gia khác vì chính ông đã từng tranh đấu một cách gian nan để ngăn chận CS tại Singapore cũng như đã từng phát biểu về lâu về dài nền dân chủ Ấn Độ sẽ giúp cho quốc gia này vượt qua Trung Cộng.

Một số học giả Trung Cộng như Lu Qi gọi Lý Quang Diệu là hanjian (Hán Gian) khi kết án ông Lý đã buộc người dân Singapore sử dụng tiếng Anh như ngôn ngữ chính và kết quả làm cho đa số người dân Singapore gốc Hoa ngày nay không biết tiếng Tàu. Nhưng tên học giả này quên rằng Lý Quang Diệu là Singapore chứ không phải là Trung Hoa và lại càng không phải Hán. Quyết định duy trì tiếng Anh làm ngôn ngữ chính ngay từ thời gian mới độc lập là một phần trong tầm nhìn xa của họ Lý để chuẩn bị cho Singapore dễ dàng hội nhập vào thế giới toàn cầu hóa năm chục năm sau.

Trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, Lý Quang Diệu và nhiều lãnh đạo sáng suốt ở châu Á đã lợi dụng chính sách chống CS của Mỹ ở châu Á để hợp tác và phát triển kinh tế với Mỹ, nhờ đó, không chỉ nền kinh tế Singapore mà nhiều nước nhỏ khác ở châu Á như Nam Hàn, Đài Loan cũng đã lần lượt cất cánh và trong một thời gian ngắn được thế giới ca ngợi như là những con rồng châu Á.

“Vâng, nếu tôi không làm thế, chúng ta có thể không có mặt ở đây hôm nay”

Như Joseph Chinyong Liow, thuộc Viện Nghiên Cứu Brookings, phân tích trong bài bình luận Lý Quang Diệu, con người và giấc mơ hôm 22 tháng 3 vừa qua, chính lý tưởng và tầm nhìn đã giúp Lý Quang Diệu đưa Singapore từ một quốc gia bị trị, phân hóa chính trị, CS hoành hành, xung đột chủng tộc, thiếu thốn tài nguyên thiên thiên trở thành một nước hiện đại, được nhân loại khắp năm châu kính nể.

Lý Quang Diệu, một lần, thừa nhận đã có can thiệp vào đời sống riêng tư của người dân nhưng như ông biện luận “Vâng, nếu tôi không làm thế, chúng ta có thể không có mặt ở đây hôm nay”. Đúng thế, lịch sử Singapore hiện đại đã chứng minh một cách hùng hồn rằng Lý Quang Diệu có lẽ là lãnh đạo có lập trường quốc gia duy nhất không những tồn tại mà còn xóa bỏ được cả một hệ thống CS tại Singapore và đưa đất nước ông thăng tiến vượt lên trên phần lớn nhân loại.

Trần Trung Đạo

Tham khảo:

– Lee Kuan Yew: The Crucial Years, Alex Josey, Marshall Cavendish International 2012, p10-p15.
– National and Colonial Questions For The Second Congress Of The Communist International, Lenin, 5 June, 1920 (https://www.marxists.org/archive/lenin/works/1920/jun/05.htm)
– The Cold War in Asia (1945-1990), National Archives of Australia, 2007
– Malayan Communist Party
(http://en.wikipedia.org/wiki/Malayan_Communist_Party)
– Workers’ Party of Singapore
(http://en.wikipedia.org/wiki/Workers%27_Party_of_Singapore)
– Internal Security Act (Singapore) http://en.wikipedia.org/wiki/Internal_Security_Act_(Singapore)
(http://www.nationalreview.com/article/415871/lee-kuan-yews-greatest-accomplishment-may-not-have-been-singapores-economic-success
– Barisan Sosialis (http://en.wikipedia.org/wiki/Barisan_Sosialis)
– Lim Chin Siong (http://en.wikipedia.org/wiki/Lim_Chin_Siong)
– Lee Kuan Yew, Early Political Career (http://en.wikipedia.org/wiki/Lee_Kuan_Yew#Early_political_career.C2.A0.E2.80.93_1951_to_195)
– Lee Kuan Yew’s Greatest Accomplishment May Not Have Been Singapore’s Economic Success (http://www.nationalreview.com/article/415871/lee-kuan-yews-greatest-accomplishment-may-not-have-been-singapores-economic-success)
– Fong Swee Suan (http://eresources.nlb.gov.sg/infopedia/articles/SIP_2013-07-29_173512.html)
– Lai Teck (http://en.wikipedia.org/wiki/Lai_Teck)
– Singapore (http://en.wikipedia.org/wiki/Singapore)
– Malaysia (http://en.wikipedia.org/wiki/Malaysia)
– Lai Teck – the traitor of all traitors, Barry Wain, 2011 (http://heresthenews.blogspot.com/2011/01/lai-teck-traitor-of-all-traitors.html)
– Was Lee Kuan Yew an Inspiration or a Race Traitor? Chinese Can’t Agree (http://www.chinafile.com/reporting-opinion/media/was-lee-kuan-yew-inspiration-or-race-traitor-chinese-cant-agree)

1,062 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới trong thời gian từ 1980 đến 2014

1,062 nhà truyền giáo bị giết trên thế giới trong thời gian từ 1980 đến 2014

Nguyễn Việt Nam

3/24/2015

Ngày 24 tháng 3, Giáo Hội tại nhiều nơi trên thế giới kỷ niệm ngày “Các Nhà Truyền Giáo Tử Đạo” là ngày cầu nguyện và ăn chay để tưởng nhớ các nhà truyền giáo đã thiệt mạng trên bước đường rao giảng Chúa Kitô cho muôn dân.

Đây là một sáng kiến của phong trào thanh niên của các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo, được cử hành đúng vào ngày Đức Cha Oscar Arnulfo Romero, Tổng Giám Mục San. Salvador bị giết chết. Ngài sẽ được phong chân phước vào ngày 23 tháng 5 tới đây.

Theo thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trong thập niên từ năm 1980 đến 1989, có115 nhà truyền giáo bị giết. Thập niên tiếp theo, tức là từ năm 1990 đến Năm Thánh 2000 con số này tăng lên gần gấp 6 lần với 604 nhà truyền giáo bị sát hại. Sự đột biến này chủ yếu là kết quả của tội ác diệt chủng ở Rwanda, với 248 nhà truyền giáo bị giết tại đây.

Trong thời gian từ năm 2001 đến cuối năm 2014, 343 nhà truyền giáo bị thiệt mạng vì bạo lực chống lại đức tin Kitô. Riêng trong năm qua 2014, 26 vị đã bị giết bao gồm 17 linh mục, 1 thầy, 6 nữ tu, 1 chủng sinh, và 1 giáo dân.

Lý Quang Diệu, nhà độc tài được yêu mến và ngưỡng mộ nhất thế giới

Lý Quang Diệu, nhà độc tài được yêu mến và ngưỡng mộ nhất thế giới


Nguyễn Hưng Quốc

Trên thế giới, trong nửa sau thế kỷ 20, không có chính khách nào thành công và được ngưỡng mộ như là Lý Quang Diệu (1923-2015).

Thành công đầu tiên là ông nắm quyền lực trong một thời gian rất lâu. Có thể nói ông là một trong những thủ tướng dân cử tại vị lâu nhất trên thế giới, trong hơn 30 năm, từ 1959 đến 1990. Sau đó, với chức bộ trưởng danh dự (senior minister) và người hướng dẫn các bộ trưởng khác (minister mentor), ông tiếp tục có ảnh hưởng lớn trong việc phác hoạ chính sách phát triển cho Singapore. Từ năm 2011, ông chính thức rút lui khỏi bộ máy cầm quyền, nhưng vẫn tiếp tục làm dân biểu Quốc hội, ở đó, tiếng nói của ông vẫn được lắng nghe một cách đặc biệt, một phần vì thủ tướng đương nhiệm, Lý Hiển Long, là con trai của ông, phần khác, quan trọng hơn, vì những ý kiến của ông bao giờ cũng được xem là khôn ngoan và sắc sảo không những chỉ ở tầm quốc gia mà còn ở tầm quốc tế.

Thành công thứ hai của Lý Quang Diệu là ông đã làm cho đảng Hành động Nhân dân (People’s Action Party – PAP) do ông sáng lập với một số bạn bè từ năm 1954 trở thành một đảng cầm quyền có uy tín và sức mạnh hầu như vô địch tại Singapore trong suốt 60 năm qua. Trong cuộc bầu cử năm 1963, đảng của ông chiếm 37 trên tổng số 51 chiếc ghế Quốc hội; trong các cuộc bầu cử sau đó, từ năm 1968 đến 1980, đảng của ông chiếm toàn bộ số ghế. Chỉ từ năm 1984 trở đi, trong Quốc hội mới thấp thoáng có vài ba chiếc ghế thuộc phe đối lập. Cho đến nay, đảng Hành động Nhân dân vẫn giữ ưu thế tuyệt đối trong Quốc hội.

Thành công thứ ba và cũng là thành công to lớn nhất của Lý Quang Diệu là, trong suốt mấy chục năm, ông đã biến Singapore từ một quốc gia nhỏ xíu, nghèo đói và lạc hậu trở thành một trong những quốc gia phát triển và có thu nhập trên đầu người thuộc vào hạng cao nhất trên thế giới.

Xin lưu ý Singapore là một trong vài quốc gia nhỏ và có mật độ dân cư cao nhất thế giới. Với diện tích khoảng 700 cây số vuông, Singapore chỉ bằng một nửa thành phố Đà Nẵng của Việt Nam. Cái đảo quốc này không có đất cho nông nghiệp, thậm chí, không đủ nguồn nước ngọt để sử dụng, hầu như không có bất cứ một thứ tài nguyên nào cả. Vào những năm mới được tự trị cũng là lúc Lý Quang Diệu mới lên làm Thủ tướng, Singapore là một quốc gia rất nghèo nàn với trình độ dân trí rất thấp, hơn nữa, lại bị chia rẽ trầm trọng về sắc tộc. Sự chia rẽ trầm trọng đến độ Malaysia không muốn nhận Singapore làm một thành viên trong Liên bang Malaysia dù hầu hết các chính khách tại Singapore, kể cả Lý Quang Diệu, khao khát điều đó: Hầu như mọi người đều cho, với những bất lợi về phương diện địa lý và một số dân ít ỏi như vậy, Singapore rất khó phát triển và bảo vệ được chủ quyền của mình sau khi được Anh trao trả độc lập.

Thế mà, chỉ mấy chục năm sau, dù dân số vẫn rất thấp (hiện nay khoảng 5 triệu rưỡi), Singapore đã trở thành một trong những quốc gia tiên tiến nhất trên thế giới. Đó là quốc gia có thu nhập trên đầu người thuộc loại cao nhất trên thế giới; có những trường đại học được xếp vào hạng ưu tú nhất trên thế giới; nơi có môi trường làm ăn thuận lợi và dễ dàng nhất trên thế giới, quốc gia ít tham nhũng và minh bạch nhất thế giới; nơi có hãng hàng không và phi trường được xem là uy tín nhất thế giới; một hải cảng tấp nập nhất thế giới; những đường phố sạch sẽ nhất thế giới, v.v…

Sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc của Singapore xuất phát từ nhiều lý do nhưng hầu như tất cả các nhà phân tích chính trị và nghiên cứu lịch sử đều đồng ý với nhau ở một điểm: lý do quan trọng nhất là sự lãnh đạo khôn ngoan của Lý Quang Diệu. Ông được xem là người lập quốc, một vị cha già của dân tộc. Nhắc đến Singapore, nhiều học giả gọi đó là Singapore của Lý Quang Diệu (Lee Kuan Yew’s Singapore).

Khác với các “vị cha già” (founding father) khác, từ Mao Trạch Đông đến Fidel Castro, Kim Nhật Thành và Hồ Chí Minh, những kẻ chỉ đẩy đất nước vào chiến tranh hoặc khốn cùng, “vị cha già” Lý Quang Diệu làm cho đất nước ông càng ngày càng văn minh và giàu có, được cả thế giới kính trọng.

Với tư cách một kiến trúc sư, người xây dựng một nước Singapore hiện đại, không phải Lý Quang Diệu không có khuyết điểm. Khuyết điểm nổi bật nhất của ông là độc tài. Ông trấn áp những người đối lập, tìm mọi cách để ngăn chận sự phát triển của xã hội dân sự, ưu tiên cho những thành phần ưu tú, để cho gia đình ông nắm giữ những chức vụ cao cấp trong bộ máy chính quyền cũng như trong lãnh vực kinh tế, có những chủ trương khắc nghiệt để bảo vệ một Singapore trong sạch và lành mạnh. Tuy nhiên, phần đông dân chúng vẫn hài lòng với sự độc tài ấy. Họ hiểu nguyên nhân của sự độc tài là từ thiện chí muốn, một, tạo nên một hệ thống quản trị tốt và hữu hiệu và hai, đẩy nhanh quá trình hiện đại hoá đất nước của Lý Quang Diệu. Bởi vậy, biết ông độc tài, người ta vẫn yêu mến và kính trọng ông. Có thể nói, Lý Quang Diệu là một trong những nhà độc tài khả ái và khả kính hiếm hoi trên thế giới. Hầu như tất cả các lãnh tụ trên thế giới, khi nói về ông, bao giờ cũng tỏ vẻ đầy tôn trọng. Các tổng thống Mỹ, từ Richard Nixon đến Bill Clinton và George H.W. Bush; các thủ tướng Anh, từ Margaret Thatcher đến Tony Blair, đều nhiệt liệt khen ngợi ông.

Nhưng sự thành công của Lý Quang Diệu không dừng lại ở phạm vi Singapore. Ông được xem là một nhà chiến lược thiên tài ở châu Á. Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Việt Nam, thường xin ý kiến của ông trong nỗ lực hiện đại hoá đất nước của họ. Ở phạm vi quốc tế, một trong những đóng góp nổi bật của Lý Quang Diệu là đưa ra khái niệm bảng giá trị Á châu (Asian virtue) với nội dung chính là: khác với Tây phương nơi các bảng giá trị được xây dựng trên chủ nghĩa cá nhân, ở châu Á, dưới ảnh hưởng của Nho giáo và các nền văn hoá bản địa, tinh thần tập thể cao hơn hẳn, ở đó, người ta tìm kiếm sự đồng thuận hơn là cạnh tranh, nhắm đến cái chung hơn cái riêng, đặt quyền lợi của đất nước cao hơn quyền lợi của gia đình và quyền lợi của gia đình cao hơn quyền lợi của bản thân. Dĩ nhiên, người ta thừa biết quan điểm này của Lý Quang Diệu chỉ là một sự biện hộ cho các chính sách bị xem là độc tài và độc đoán của ông. Biết vậy, nhưng người ta cũng không thể không ghi nhận là với quan điểm ấy, ông trở thành một thủ lãnh tinh thần của châu Á, một Kissinger ở Phương Đông, như nhận định của một số học giả.