Donald Trump và Bernie Sanders thắng sơ bộ ở New Hampshire

Donald Trump và Bernie Sanders thắng sơ bộ ở New Hampshire
Nguoi-viet.com

CONCORD, New Hampshire (AP) Trong cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang New Hampshire hôm Thứ Ba, tỷ phú Donald Trump thắng bên phía đảng Cộng Hòa và Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders của tiểu bang Vermont thắng bên phía đảng Dân Chủ.

Kết quả này không có gì ngạc nhiên, đúng như tình hình những thăm dò dư luận cho biết trước đó, ông Trump và ông Sanders đã dẫn đầu từ nhiều tháng.


Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders (giữa) với khuôn mặt chiến thắng tại New Hampshire. (Hình: AP Photo/John Minchillo)

Theo CNN, ít nhất 1/2 cử tri Cộng Hòa và 1/4 cử tri Dân Chủ đã có quyết định chọn ai từ mấy ngày trước.

New Hampshire vẫn nổi tiếng là nơi xảy ra những bất ngờ qua bầu cử và thắng lợi của hai ứng cử viên “nổi loạn” này thể hiện tâm lý cử tri ở cả hai đảng đòi hỏi chuyển biến trong sinh hoạt chính trị nước Mỹ.

Ông Bernie Sanders chưa bao giờ là một tên tuổi quen biết, nên đối với ông, bầu cử sơ bộ New Hampshire vô cùng cần thiết để có thể nổi lên đủ khả năng đương đầu với bà Hillary Clinton.

Do đó, tại đây, ban tranh cử của ông Sanders đã tung tiền để mua thời lượng quảng cáo vận động truyền hình nhiều gấp ba lần đối thủ.

Tuy nhiên, bà Clinton đã thu ngắn cách biệt trong mấy ngày cuối so với hơn một tuần lễ trước, từ 61%-32% xuống còn khoảng 59%-38%.

Kết quả chưa chính thức bên phía Cộng Hòa: Donald Trump 34% – John Kasich 16% – Ted Cruz 12% – Jeb Bush 12% – Marco Rubio 11% – Chris Christie 8% – Carly Fiorina 5% – Ben Carson 3%.

Ông Donald Trump được phiếu của những cử tri muốn có một người ngoài giới chính trị truyền thống.

Thống Ðốc John Kasich của tiểu bang Ohio nổi lên tại New Hampshire nhờ ủng hộ của cử tri tin tưởng một ứng cử viên đã có nhiều kinh nghiệm, có khuynh hướng ôn hòa, và những cử tri trình độ giáo dục khá.

Ủng hộ Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz của tiểu bang Texas là những cử tri bảo thủ mạnh mẽ và dân Thiên Chúa Giáo.

Ông Bernie Sanders được ủng hộ của 3/4 khối cử tri độc lập và cử tri dưới 45 tuổi.

Cử tri ủng hộ bà Clinton có tuổi trung bình 65 và thu nhập trên $200,000.

Ông Trump sẽ chiếm được khoảng 10 trong số 23 đại biểu New Hampshire tham dự đại hội đảng.

Như thế, sau hai cuộc bầu cử Iowa và New Hampshire, ông Trump dẫn đầu về số đại biểu, tuy nhiên, con số này chưa là bao so với số cần thiết 1,237 đại biểu ở đại hội đảng được tổ chức vào Tháng Bảy tại Columbus, Ohio.

Ông Sanders có thể được 15 trong số 24 đại biểu, và bà Clinton được 9, không kể 8 siêu đại biểu chưa biết sẽ đứng về phía ai.

Cho đến tối Thứ Ba, trong số siêu đại biểu Dân Chủ toàn quốc, bà Clinton hy vọng thu được 392 đại biếu, còn ông Sanders hy vọng được 42.

Tại đại hội đảng Dân Chủ được tổ chức vào Tháng Bảy ở Philadelphia, Pennsylvania, một ứng cử viên cần có 2,383 đại biểu để được đảng đề cử tranh chức tổng thống vào Tháng Mười Một.

Tính về số đại biểu, hai cuộc bầu cử đầu tiên mới chỉ cung cấp cho các ứng cử viên thắng khoảng 1% tổng số đại biểu cần thiết tại đại hội.

Cũng cho đến tối Thứ Ba, CNN đưa ra xác suất được đề cử tại đại hội đảng Cộng Hòa của ông Trump là 38% và tại đại hội đảng Dân Chủ của ông Sanders 25%.

Ðặc điểm của cuộc bầu cử sơ bộ New Hampshire

Quốc Hội New Hampshire thông qua dự luật tổ chức bầu cử sơ bộ năm 1913 và cuộc bầu cử lần thứ nhất được tổ chức năm 1916, đến nay là đúng 100 năm.

Ðể giành tiếng nói quan trọng trong tiến trình bầu cử tổng thống, tiểu bang này chủ trương “thi đua bầu cử sớm nhất.”

Luật quy định bầu cử New Hampshire phải là đầu tiên trên toàn quốc và trước những cuộc bầu cử khác ít nhất một tuần lễ.

Nếu các tiểu bang khác tổ chức bầu cử sớm hơn, New Hampshire đẩy ngày lên theo.

Do đó, từ 1952 tới 1968, New Hampshire bầu cử vào ngày Thứ Ba thứ nhì trong Tháng Ba; tới 1972 chuyển lên Thứ Ba thứ nhất của Tháng Ba; từ 1976 đến 1984 lên Thứ Ba thứ tư của Tháng Hai; 1988 tới 1996 là Thứ Ba thứ ba của Tháng Hai; và năm nay là Thú Ba thứ nhì trong Tháng Hai.

Iowa bầu cử sớm hơn, ngày 1 Tháng Hai, nhưng bằng hình thức “caucus,” do đảng tổ chức, để cử tri bầu chọn đại biểu trong nội bộ. Không có cạnh tranh về thời điểm vì New Hampshire cho rằng tiểu bang này mới là “primary” đầu tiên.

“Primary” do tiểu bang tổ chức cho cả hai đảng, và cử tri bỏ thẳng lá phiếu ghi tên ứng cử viên chứ không phải là bầu chọn những người đại diện của ứng cử viên.

Số đại biểu được New Hampshire đề cử tham dự đại hội đảng là 23 bên Cộng Hòa và 32 bên Dân Chủ. Tất cả 23 đại biểu Cộng Hòa đều thuộc loại có tuyên hứa sẽ ủng hộ ứng cử viên mà họ là đại diện (căn cứ theo phiếu cử tri).

Nhưng trong số 32 đại biểu Dân Chủ, chỉ có 24 là loại tuyên hứa, còn lại 8 là siêu đại biểu (do đảng chỉ định), có quyền tùy ý ủng hộ ứng cử viên nào mà họ muốn tại đại hội.

Toàn tiểu bang có 319 địa điểm đầu phiếu. Các phòng phiếu bắt buộc phải mở cửa từ 11 giờ sáng đến 7 giờ tối ngày Thứ Ba, nhưng mỗi thành phố có thể ấn định thời biểu riêng. Hầu hết thời gian bỏ phiếu từ 8 giờ sáng đến 7 giờ tối, một vài nơi bắt đầu tử 7 giờ sáng và khoảng 20 nơi khác kéo dài đến 8 giờ tối. Ba thị trấn nhỏ mở cửa từ nửa đêm và đóng cửa khi hết cử tri.

Tính tới ngày 28 Tháng Mười Hai, 2015 có 873,932 cử tri ghi danh đi bầu, 26% Dân Chủ, 30% Cộng Hòa, 44% độc lập (không chọn đảng nào). Cử tri mới đi bầu có thể ghi danh ngay trong ngày bầu cử.

Cử tri độc lập được quyền chọn lựa bỏ phiếu “primary” bên Dân Chủ hay Cộng Hòa và sự chọn lựa ấy chỉ có giá trị trong kỳ bầu cử này, sau đó trở lại tư cách độc lập. Do chiếm một tỷ lệ cao, cử tri độc lập ở New Hampshire là thành phần có vai trò quyết định trong bầu cử ở cả hai đảng và làm cho khó đoán trước kết quả.

New Hampshire ảnh hưởng quan trọng đến tiến trình bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, vì là đầu tiên và do đó được truyền thông theo dõi chặt chẽ, loan tin đầy đủ nhất. Người ta muốn xem ứng cử viên nào sẽ nổi lên qua trận đấu đầu tiên này.

Tất cả các ứng cử viên đều dành một số thời gian lớn cho việc vận động tại đây, họ đến tiểu bang nhỏ bé này nhiều lần, nói chuyện ở những cuộc tập họp quần chúng, những cuộc hội họp, cố gắng tiếp xúc với từng nhóm và từng cá nhân cử tri.

Vận động trực tiếp như thế có ý nghĩa và giá trị hơn các vận động tại những tiểu bang khác, có những nơi cử tri hầu như chỉ biết về ứng cử viên một cách gián tiếp qua truyền đơn, tin tức, báo chí, và quảng cáo trên truyền hình.

Có người nói là cử tri New Hampshire có sự hiểu biết tường tận và thận trọng đánh giá người mà họ lựa chọn ủng hộ. Tuy nhiên, thành phần cử tri New Hampshire đa số là da trắng, có thể đại diện tương đối đúng cho khuynh hướng của dân chúng vùng New England, nhưng không đủ là thể hiện chung cho toàn nước Mỹ, với các khối cử tri không phải dân da trắng càng ngày càng chiếm vai trò quan trọng.

Trong mọi trường hợp, ứng cử viên nào chỉ đạt được một thành tích quá kém ở New Hampshire bị coi như không còn triển vọng tranh cử sau này nữa.

Năm 1952, đương kim Tổng Thống Harry Truman thua ứng cử viên Estes Kefauver ở sơ bộ New Hampshire và quyết định không tranh cử nhiệm kỳ thứ hai. Năm 1968, thời chiến tranh Việt Nam, Tổng Thống Lyndon Johnson chỉ thắng sít sao Thượng Nghị Sĩ Eugene McCarthy và rút lui với lời tuyên bố nổi tiếng trên truyền hình: “Tôi sẽ không tìm và sẽ không nhận sự tiến cử của đảng tôi cho một nhiệm kỳ tổng thống khác.”

Nhưng trong năm 2008, Thượng Nghị Sĩ Barack Obama thua Thượng Nghị Sĩ Hillary Clinton ở New Hampshire rồi sau đó thắng tại nhiều cuộc bầu cử sơ bộ ở những tiểu bang khác và trở thành ứng cử viên được đảng Dân Chủ đề cử.

Qua 10 kỳ bầu cử tổng thống gần đây, từ năm 1980, 20 ứng cử viên thắng sơ bộ ở New Hampshire có tám ứng cử viên Cộng Hòa và bảy ứng cử viên Dân Chủ được đề cử đại diện cho đảng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Cuối cùng, trong số đó, bốn ứng cử viên Cộng Hòa và ba ứng cử viên Dân Chủ đắc cử tổng thống. (HC)

Quốc tế phẫn nộ trước vụ phóng hoả tiễn của Bắc Triều Tiên

Quốc tế phẫn nộ trước vụ phóng hoả tiễn của Bắc Triều Tiên

Vụ phóng hỏa tiễn sáng sớm Chủ nhật được thực hiện tại cở sở phóng vệ tinh Tongchang-ri của Bắc Triều Tiên gần biên giới phía tây bắc giáp với Trung Quốc.

Vụ phóng hỏa tiễn sáng sớm Chủ nhật được thực hiện tại cở sở phóng vệ tinh Tongchang-ri của Bắc Triều Tiên gần biên giới phía tây bắc giáp với Trung Quốc.

Loan báo phóng hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên ngay lập tức khiến cộng đồng quốc tế phẫn nộ.

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ John Kerry ra một tuyên bố lên án Bình Nhưỡng “vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc” liên quan đến việc sử dụng “công nghệ phi đạn đạn đạo.”

Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice nói “việc sử dụng cộng nghệ phi đạn đạn đạo để phóng hỏa tiễn của Bắc Triều Tiên một lần nữa thể hiện hành động khiêu khích, gây bất ổn, và vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc.”

Bà Rice nói tiếp rằng chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên “đề ra những đe dọa nghiêm trọng đến lợi ích của chúng tôi, trong đó có vấn đề an ninh của một số đồng minh thân cận nhất của chúng tôi.”

Đại biểu Quốc hội Ed Royce, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, nói: “Hành động hung hãn mới nhất này của Bắc Triều Tiên càng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải thực thi dự luật tôi đề nghị nhằm tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với chế độ tàn bạo này.”

Tổng thống Nam Triều Tiên Park Geun Hye gọi vụ phóng hỏa tiễn này là một “hành động khiêu khích không thể dung thứ.”

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe hứa sẽ “hành động để bảo vệ an toàn và an ninh cho người dân” Nhật.

Động đất chết người ở Đài Loan trước Tết

Động đất chết người ở Đài Loan trước Tết

AP Image caption Tòa chung cư sụp rất nhanh

Một trận động đất 6,4 độ Richter khiến ít nhất 5 người chết, các tòa nhà sụp đổ tại thành phố Đài Nam, Đài Loan.

Các đội cứu hộ đang cố gắng tiếp cận những người bị mắc kẹt trong đống đổ nát sau trận động đất 6,4 độ Richter xảy ra vào rạng sáng thứ Bảy 6/2 trong lúc nhiều người còn đang ngủ.

Một em bé và một người khác đã thiệt mạng sau khi một tòa nhà chung cư đổ sập. Hơn 220 người đã được giải cứu.

Tổng thống Mã Anh Cửu đang trên đường đến Đài Nam, thành phố có hai triệu cư dân.

Cơn địa chấn có độ sâu rất nông, nên có thể gây ra thiệt hại diện rộng, Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ (USGS) cho biết.

Hình ảnh trên truyền hình cho thấy nhân viên cứu hộ đang cố tiếp cận những người bị mắc kẹt trong các tòa nhà sụp đổ, dùng thang để trèo qua đống đổ nát.

Reuters      Đội cứu hộ đang tìm kiếm người mất tích

Thông tấn xã Đài Loan cho biết ít nhất 23 người đã bị thương trong tòa nhà chung cư cao tầng, nơi có khoảng 200 người cư ngụ.

Emma, một người dân Đài Nam nói với BBC là nhiều người sợ sẽ có thêm dư chấn. “Tôi cảm nhận động đất thật khủng khiếp,” bà nói.

Irving Chu, một người đang ở trong một khách sạn tại Đài Nam, nói rằng ông đã bị đánh thức bởi một cơn địa chấn kéo dài khoảng 40 giây.

“Cơn địa chấn rất dữ dội,” ông nói với BBC. “Toàn bộ căn phòng rung lắc”.

Barry Knapp, một công dân Anh tại Đài Loan, cho hay ông đang ở cách Đài Nam 240 km nhưng vẫn cảm nhận được dư chấn.

AP  Công tác cứu hộ đang tiến hành khẩn trương

“Tôi đang ở trên giường thì những đợt rung lắc xảy ra,” ông nói với kênh Radio 5 của BBC.

“Các đợt rung lắc diễn ra trong khoảng 20-30 giây. Sau đó những đợt rung lắc dịu bớt nhưng sau đó trở lại mạnh hơn.”

Mất nhà

Trận động đất xảy như trong lúc người dân Đài Loan đang chuẩn bị đón Tết Nguyên Đán.

Nhà báo Jay Chen nói với BBC: “Động đất quả là không đúng lúc. Chủ nhật 7/2 là mùng Một Tết. Bây giờ thì nhiều người sẽ mất nhà cửa trong ngày đầu năm mới”.

Reuters  Trận động đất xảy ra chỉ một ngày trước Tết Nguyên Đán

Cũng có ghi nhận về việc mất điện trong thành phố.

Một trận động đất 7,6 độ Richter xảy ra ở Đài Loan năm 1999 đã khiến hơn 2.300 người chết.

Đài Loan nằm trên Vành đai lửa Thái Bình Dương nên thường gặp động đất.

Mark Zuckerberg muốn 5 tỉ người sử dụng Facebook năm 2030

Mark Zuckerberg muốn 5 tỉ người sử dụng Facebook năm 2030
Nguoi-viet.com

MENLO PARK, Calif. (NV)Nhân dịp lễ kỷ niệm 12 năm thành lập Facebook hôm Thứ Hai, Tổng Giám Ðốc Mark Zuckerberg tuyên bố rằng ông muốn đến năm 2030, phải có năm tỉ người sử dụng Facebook, theo tin của báo The Verge.

MarkZuckerbergFB
Tổng giám đốc Facebook, ông Mark Zuckerberg, trong một cuộc hội thảo về kỹ thuật tại New Delhi cuối năm 2015. (Hình: Money Sharma/AFP/Getty Images)

Ðiều này có nghĩa là, theo ước muốn của ông Zuckerberg, 60% nhân loại sẽ sử dụng Facebook vào năm 2030, khi dân số toàn cầu sẽ tăng đến 8.5 tỉ người, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc.

Ông Zuckerberge nói: “Chúng tôi muốn kết thúc việc nối kết mọi người với nhau. Chúng tôi muốn hợp tác với nhiều chính phủ và nhiều cơ sở ở mọi nơi trên thế giới.”

Facebook đang muốn đem Internet và Facebook đến những khu vực chưa có Internet trên thế giới. Dịch vụ Internet miễn phí này đã gây tranh cãi và gặp trở ngại như bị cấm tại Ấn Ðộ và “đóng cửa” tại Ai Cập. Nhưng những sự kiện này không làm nản lòng Facebook.

Facebook tuyên bố rằng họ sẽ phổ cập Internet đến các trại tị nạn và đã xúc tiến việc chế tạo một “vệ tinh mini” vận chuyển bằng năng lượng mặt trời rồi phóng Internet xuống dưới.

Theo tường thuật của tờ USA Today, đứng bên dưới một “vệ tinh mini” có tên Aquila, ông Zuckerberge nói, “Vệ tinh này chạy bằng năng lượng mặt trời và sẽ bay quanh thành phố rồi phóng đường truyền Internet xuống. Có độc đáo không?”

Mặc dù có khẩu khí của một “nhà độc tài nhân từ,” như trong phần đầu cuốn tiểu sử tự thuật của mình, ông Zuckerberge và Facebook rất có thể sẽ thực hiện được ý định trên. Với hiện trạng ngày càng có nhiều người sử dụng Facebook, nhiều giới e rằng việc con người sẽ dần dà không gặp gỡ người thân nữa, mà thay vào đó là liên lạc qua trang mạng xã hội, chỉ còn là vấn đề thời gian. (ÐG)

Shell cắt giảm 10.000 việc làm

Shell cắt giảm 10.000 việc làm

Royal Dutch Shell là tập đoàn dầu lớn nhất châu Âu

Tập đoàn Royal Dutch Shell xác nhận sẽ cắt giảm 10.000 việc làm trong khi lợi nhuận hàng năm xuống mức thấp nhất trong 13 năm.

Trong quý 4 năm 2015, tập đoàn này thu về 1,8 tỷ đôla, sụt nhiều so với con số 4,2 tỷ cùng kỳ năm trước đó.

Lãi cho cả năm 2015 là 10,7 tỷ đô, so với 22,6 tỷ năm 2014.

Hai tuần trước Shell đã thông báo việc sụt giảm mức lãi.

Hãng này cũng nói buộc phải giảm chi phí vận hành khoảng 4 tỷ đôla, tức 10%, năm 2015, và sẽ giảm tiếp 3 tỷ trong năm nay.

Tháng trước các cổ đông của Shell, tập đoàn dầu lớn nhất châu Âu, đã thông qua việc mua lại công ty BG Group.

Lúc đó, giá dầu thô là khoảng 55 đôla/thùng, nhưng nay đã sụt thêm và hiện đang ở mức 30 đôla/thùng, khiến một số cổ đông không đồng tình với kế hoạch nói trên.

Standard Life, một nhà đầu tư chủ chốt của Royal Dutch Shell, hồi đầu tháng nói giá dầu phải lên khoảng 60 đôla/thùng thì thương vụ mua công ty mới có lý về mặt tài chính.

Nếu như thỏa thuận mua BG Group được thông qua thì Shell sẽ cắt giảm 10.000 việc làm.

Tập đoàn này cũng giảm mạnh đầu tư trong năm qua. Năm 2015 Shell phải bán tài sản trị giá 5,5 tỷ đôla.

Giá dầu giảm

Tình trạng giá dầu lửa giảm bị cho là vì cung quá cầu, chủ yếu vì nguồn dầu đá phiến của Hoa Kỳ tràn ngập thị trường. Nhu cầu trong khi đó lại giảm vì kinh tế Trung Quốc và châu Âu trì trệ.

Cơ quan năng lượng quốc tế gần đây cảnh báo rằng thị trường có thể bị thừa ứ.

Cơ quan chuyên tư vấn chính sách năng lượng cho các nước cho hay tình trạng thừa dầu có thể kéo dài tới cuối 2016.

Các nhà đầu tư mới đây lo lắng về việc phương Tây bỏ cấm vận Iran có thể làm tình trạng này gia tăng. Thứ trưởng Bộ dầu lửa Iran Roknoddin Javadi, dự báo Iran có thể sản xuất thêm 500.000 thùng dầu mỗi ngày.

Quốc hội dân chủ Myanmar họp phiên đầu tiên, bắt đầu kỷ nguyên mới

 Quốc hội dân chủ Myanmar họp phiên đầu tiên, bắt đầu kỷ nguyên mới

Lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi dẫn đầu các nhà lập pháp mới được bầu từ đảng Liên minh dân chủ Toàn quốc NLD của bà vào quốc hội nằm tại thủ đô Naypyitaw, ngày 1/2/2016.

Lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi dẫn đầu các nhà lập pháp mới được bầu từ đảng Liên minh dân chủ Toàn quốc NLD của bà vào quốc hội nằm tại thủ đô Naypyitaw, ngày 1/2/2016.

01.02.2016

Myanmar bắt đầu một chương mới trong lịch sử nước này hôm nay, khi quốc hội được bầu lên một cách dân chủ của quốc gia Đông Nam Á này họp phiên đầu tiên, chính thức chấm dứt hơn một nửa thế kỷ nằm dưới sự cai trị bằng bàn tay sắt của phe quân nhân.

Với dư âm từ chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái, lãnh tụ dân chủ Aung San Suu Kyi đã dẫn đầu các nhà lập pháp mới được bầu từ đảng Liên minh dân chủ Toàn quốc (NLD) của bà vào quốc hội nằm tại thủ đô Naypyitaw.

NLD đã đánh đại Đảng Đoàn kết Phát triển Liên hiệp, vốn được phe quân nhân hậu thuẫn, với việc giành được 80% số ghế còn trống tại cả hai viện quốc hội.

Người phụ nữ từng đoạt giải Nobel Hòa bình và đảng NLD của bà đã giành được thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử năm 1990 nhưng quân đội không để cho bà lên nắm quyền.

Trong phiên họp khai mạc hôm nay, tân quốc hội sẽ bầu chọn một chủ tịch và phó chủ tịch.

Ông Win Mynt, một cộng sự thân cận của bà Aung San Suu Kyi, dự kiến sẽ được bầu vào vị trí người đứng đầu quốc hội, trong khi ông T Khun Myat, một thành viên của đảng thất bại, sẽ được bầu làm phó chủ tịch quốc hội.

Các nhà lập pháp cũng sẽ bầu lên một tân tổng thống để lên thay thế ông Thein Sein.

Cựu tướng lĩnh này từng tiến hành một số các cải cách dân chủ trên cương vị lãnh đạo chính phủ bán dân sự sau khi nắm quyền từ tay phe quân nhân năm 2011.

Theo hiến pháp, bà Aung San Suu Kyi bị cấm làm tổng thống vì người chồng quá cố và hai con trai của bà là công dân ngoại quốc mang quốc tịch Anh.

Nhưng bà Suu Kyi tuyên bố sẽ nắm quyền thông qua một tổng thống đại diện cho bà.

Thời kỳ cuối: Động vật lên bờ tự tử hàng loạt

Thời kỳ cuối: Động vật lên bờ tự tử hàng loạt

Người dân Ấn Độ đã bàng hoàng khi phát hiện hơn 300 con rùa quý hiếm và 1 con cá heo mũi to trôi dạt vào một bờ biển ở miền đông nước này vài ngày qua. Hiện chưa rõ nguyên nhân của vụ chết hàng loạt này.

Tại vịnh Monterey, hàng ngàn con mực Jumbo bỗng nhiên lao vào bờ tự tử. Nhiều người đã cố gắng cứu những con mực bằng cách đưa chúng trở lại biển nhưng sau đó, chúng vẫn tiếp tục lao vào bờ.

Ít nhất 50 con cá voi đã chết sau khi được cho là cố tình tự sát ở một bờ biển thuộc bang Tamil Nadu của Ấn Độ.

 Tại vùng biển New Zealand, hơn 300 con cá heo từ đại dương đã lao mình lên bãi cát, nằm phơi mình trước những ánh mắt hiếu kỳ của du khách. Điều kỳ lạ là khi người ta cố gắng đẩy chúng xuống nước thì chúng lại cứ ngoi lên, tựa hồ như chúng cố tình muốn chết

Tại tỉnh Van phía Đông Thổ Nhĩ Kỳ ở gần Iran, hàng ngàn con cừu đã theo con đầu đàn nhảy xuống một khe núi để… chết. Tổng cộng 450 con đã chết trước sự bất lực của những người chăn cừu. Chúng đã nhảy từ độ cao 15 mét xuống vực sâu. Những chú cừu xấu số này sau đó lại trở thành tấm đệm cứu thoát được khoảng 1.100 con khác cũng lao xuống theo. Tuy nhiên chúng cũng gắng sức đập đầu vào vách đá để kết liễu tính mạng của mình.

Theo: Anna Bui

Tổng thống Obama mang trong túi tràng chuỗi được Đức Phanxicô tặng

Tổng thống Obama mang trong túi tràng chuỗi được Đức Phanxicô tặng

Catholic Herald | 28-01-2015

Tổng thống Obama cho biết tràng chuỗi mân côi cho ông ‘nghĩ về hòa bình.’

Tổng thống Obama mang trong túi tràng chuỗi được Đức Phanxicô tặng

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vừa tiết lộ là ông vẫn mang trong mình tràng chuỗi mân côi mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tặng hồi năm ngoái.

Trong buổi phỏng vấn trên Youtube với Ingrid Nilsen, ngài tổng thống tiết lộ là ông vẫn đang mang trong túi một số món đồ tôn giáo.

Ông nói rằng đây là nhưng vật mà nhiều người đã tặng cho ông trong các cuộc gặp gỡ suốt nhiều năm qua, và ông thấy chúng rất có ý nghĩa.

Tổng thống Obama cho biết, trong số các món đồ thường xuyên mang trong túi, có một tràng chuỗi mân côi mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đã tặng cho ông trong chuyến công du Hoa Kỳ hồi tháng 9 năm ngoái.

Khi lấy ra từ trong túi tràng chuỗi được Đức Phanxicô tặng, tổng thống cho biết: ‘Tôi rất mến mộ ngài và tràng chuỗi này khiến tôi nghĩ về hòa bình và thúc đẩy nhận thức và hành xử đạo đức.’

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản từ chức vì vụ tai tiếng tiền bạc

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản từ chức vì vụ tai tiếng tiền bạc

Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản Akira Amari tại cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 28/1/2016.

Bộ trưởng kinh tế Nhật Bản Akira Amari tại cuộc họp báo ở Tokyo, ngày 28/1/2016.

29.01.2016

Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari hôm nay từ chức để chận lại những lời cáo buộc tham nhũng tiếp theo một bài báo nói rằng ông đã nhận tiền để đổi lấy những ưu đãi chính trị.

Tại một cuộc họp báo chật kín người được truyền hình trực tiếp, ông Amari thừa nhận đã nhận tiền của một cấp quản trị công ty xây dựng nhưng nói rằng ông đã bảo các phụ tá của mình ghi nhận các khoản tiền này một cách chính xác là món quà tặng chính trị.

Là người kiến trúc chính cho kế hoạch của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm hồi sinh nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, ông Amari không nhận là đã làm điều sai trái nhưng tạ lỗi vì đã gây ra “quan ngại và rắc rối” và gây phương hại đến lòng tin của công chúng dành cho chính phủ với “một tình huống rất bối rối.”

Ông Amari nói ông từ chức để ngăn vụ tai tiếng làm xao lãng nỗ lực của chính phủ lôi kéo đất nước ra khỏi tình trạng thiểu phát.

Những cáo buộc tham nhũng nổi lên tuần trước sau khi tạp chí Weekly Bunshun tường trình rằng ông Amari và các viên phụ tá nhận ít nhất 103 ngàn đôla tiền mặt và ưu đãi của một công ty xây dựng không nêu tên.

Trong tư cách bộ trưởng kinh tế từ cuối năm 2012, ông Amari, 66 tuổi, đã là một trong những thành viên được tín nhiệm nhất trong nội các của ông Abe. Ông cũng từng đứng đầu đoàn thương thuyết của Nhật Bản trong hiệp ước Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương. Chính phủ cho hay cựu bộ trưởng môi trường Nobuteru Ishihara sẽ thay thế ông Amari.

Với sự ra đi của ông Amari, ông Abe mất đi một đồng minh chính trong khi chuẩn bị cuộc bầu cử thượng viện vào cuối năm nay.

Theo báo New York Times, ông Abe đã vận dụng việc nới lỏng tiền tệ của Ngân hàng Nhật Bản và các biện pháp kinh tế khác – một chương trình được gọi là Abenomics – để đảo ngược tình trạng thiểu phát và tăng trưởng kinh tế trì trệ mà đất nước đã gánh chịu trong phần lớn thời gian 1 phần tư thế kỷ vừa qua.

Nhật bất ngờ áp dụng lãi suất âm

Nhật bất ngờ áp dụng lãi suất âm

EPA Việc cắt giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy chi tiêu trong nước và đầu tư kinh doanh Trong một động thái bất ngờ, Ngân hàng Trung ương Nhật vừa thông qua lãi suất âm để vực dậy suy thoái kinh tế đang diễn ra.

Mức lãi suất -0,1% nghĩa là ngân hàng trung ương trong thực tế sẽ tính phí 0,1% với một số khoản tiền gửi của các ngân hàng thương mại.

Ngân hàng Trung ương Nhật hy vọng việc nới lỏng chính sách tiền tệ sẽ duy trì lạm phát bền vững và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Đây là chính sách mà thường chỉ ảnh hưởng đến cho vay liên ngân hàng.

Quyết định đưa ra sau khi Ngân hàng Trung ương kết thúc cuộc họp đầu tiên của năm 2016 vào hôm thứ Sáu 29/1.

Đầu ngày, dữ liệu kinh tế một lần nữa làm dấy lên quan ngại về tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ lạm phát lõi tháng 12/2015 là 0,1% – thấp hơn nhiều so mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương.

AP Image caption Bộ trưởng Kinh tế Nhật Akira Amari vừa từ chức vì cáo buộc tham nhũng

Tại sao lãi suất âm?

Nhật đang đối mặt với mức lạm phát rất thấp, nghĩa là người dân và các doanh nghiệp có xu hướng giữ tiền với giả định rằng họ có thể nhận được nhiều hơn sau một thời gian.

Vì vậy, thay vì chi tiêu hoặc đầu tư, họ sẽ gửi tiền trong ngân hàng.

Việc cắt giảm lãi suất cho vay nhằm thúc đẩy chi tiêu trong nước và đầu tư kinh doanh.

Động thái này cũng nhắm mục tiêu lạm phát, khuyến khích người dân và doanh nghiệp chi tiêu hơn là tiết kiệm.

Hôm thứ Sáu 29/1, dữ liệu cũng cho thấy sản lượng công nghiệp của Nhật đã giảm 1,4% trong tháng so với tháng trước – yếu hơn so với dự báo.

Đây là tháng thứ hai suy giảm, nhấn mạnh rằng tác động từ suy thoái kinh tế bên ngoài cũng như nhu cầu nội địa yếu đang đè nặng lên nền kinh tế của Nhật.

Stalin ‘nhìn phân thấy tính cách Mao’

Stalin ‘nhìn phân thấy tính cách Mao’

Steve Rosenberg BBC News, Moscow

AP

Một cựu nhân viên an ninh Liên Xô cũ nói ông tìm thấy bằng chứng Joseph Stalin theo dõi Mao Trạch Đông cùng một số nhân vật khác, và còn dùng phương pháp phân tích phân của Mao để xác định tính cách.

Đây là một dự án tối mật và hôi thối.

Theo các bài trên báo Nga, vào thập niên 1940, công an mật của Stalin lập ra một Ban chuyên thu lượm phân người.

Mục đích của họ là phân tích chất phế thải từ cơ thể các lãnh đạo nước ngoài.

Nói đúng ra, đây là hoạt động do thám bằng cách nhìn vào phân.

Ông Igor Atamanenko, cựu nhân viên mật vụ Liên Xô nói ông đã tìm ra tin tức về dự án này khi nghiên cứu hồ sơ lưu trữ của tình báo Nga.

“Thời đó, Liên Xô không có công cụ nghe lén như tình báo ngày nay,” ông nói với báo chí.

“Vì thế, các chuyên gia của chúng tôi đã tìm ra cách siêu đặc biệt để thu lượm thông tin về con người.”

Ông Atamanenko nói Lavrenti Beria, cánh tay phải của Stalin, được giao nhiệm vụ giám sát phòng thí nghiệm mật này.

Nói chuyện với tôi, ông Atamanenko cho hay các nhà khoa học Liên Xô đã phân tích cả cứt người.

“Ví dụ nếu họ tìm thấy lượng amino acid Tryptophan cao thì sẽ kết luận là người đó dễ gần, tính tình ổn định.”

“Còn nếu thiếu chất potassium trong phân thì có thể là dấu hiệu dễ bực bội, hoặc cho thấy người đó mắc chứng mất ngủ.

Vào tháng 12/1949, gián điệp Liên Xô đã lấy phân của Chủ tịch Trung Quốc, Mao Trạch Đông khi ông đến thăm Moscow. Họ đã lắp toilet đặc biệt cho ông với ống dẫn không nối xuống cống và vào các hộp riêng.

Trong 10 ngày liền, Mao được cho ăn uống và phân thì chuyển sang phòng phân tích. Sau đó, người ta tin rằng Stalin, trên cơ sở phân tích phân của Mao, đã ‘ị’ vào ý tưởng ký một hiệp định quan trọng với Mao.

 

Ông Putin lên án chính quyền Bolshevik của Lenin ‘tàn bạo’

Ông Putin lên án chính quyền Bolshevik của Lenin ‘tàn bạo’

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp khu vực của Mặt trận Nhân dân Đoàn kết thân Kremlin ở Stavropol, hôm 25/1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại một cuộc họp khu vực của Mặt trận Nhân dân Đoàn kết thân Kremlin ở Stavropol, hôm 25/1.

26.01.2016

Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ trích chế độ cai trị của người sáng lập Liên bang Soviet Vladimir Lenin và mạnh mẽ lên án những hành động trấn áp tàn bạo của chính phủ Bolshevik.

Trong một cuộc gặp gỡ hôm thứ Hai với những nhà hoạt động ủng hộ Điện Kremlin ở thành phố Stavropol ở miền nam nước Nga, ông Putin lên án Lenin và chính quyền của ông ta vì hành quyết tàn nhẫn Sa hoàng cuối cùng của Nga cùng với toàn bộ gia đình và những người hầu của họ, cũng như giết chết hàng ngàn linh mục và những người thuộc giai cấp tư sản.

Ông Putin gợi ý rằng hệ tư tưởng của Lenin giống như một “quả bom nguyên tử” mà cuối cùng đã dẫn tới sự sụp đổ của Liên bang Soviet.

Ông nói Lenin đã sai trong cuộc tranh chấp của mình với Josef Stalin, người ủng hộ mô hình nhà nước đơn nhất trong khi Lenin cho các nước cộng hòa quyền được rời khỏi Liên bang Soviet.

“Quyền [ly khai] đó là mìn nổ chậm cài bên dưới địa vị quốc gia của chúng ta. Đây chính là điều mà cuối cùng đã làm đất nước chúng ta tan rã,” ông Putin nói.

Trong những phát biểu của mình hôm thứ Hai, ông Putin cho biết ông thành thực tin vào lý tưởng cộng sản khi còn phục vụ trong KGB, cánh vũ trang của đảng.

“Trái với nhiều viên chức tôi đã không ném thẻ đảng viên của mình đi hoặc đốt nó ở nơi công cộng. Tôi vẫn còn giữ nó ở nhà.”

Tuy nhiên ông thừa nhận “hiện thân của những ý tưởng tuyệt vời này ở nước chúng ta đã khác xa so với những gì mà chủ nghĩa xã hội không tưởng tuyên bố.”