Chính quyền Trump cắt $2 tỷ tài trợ đại học Harvard vì bất tuân các yêu cầu

Ba’o Nguoi-Viet

April 15, 2025

CAMBRIDGE, Massachusetts (NV) – Tối Thứ Hai, 14 Tháng Tư, chính quyền liên bang loan báo quyết định đóng băng hơn $2 tỷ ngân sách tài trợ cho đại học Harvard University sau khi nhà trường tuyên bố không chấp nhận các yêu cầu do chính quyền Tổng Thống Donald Trump đưa ra, kể cả việc kiểm tra quan điểm của sinh viên, NBC đưa tin.

Lực Lượng Đặc Nhiệm Hỗn Hợp Chống Chủ Nghĩa Bài Do Thái thuộc chính quyền Trump công bố các quyết định cắt ngân sách trong một tuyên bố nêu rõ “các trường đại học danh giá nhất Hoa Kỳ đang có những suy nghĩ quyền hành độc lập đáng lo ngại.”

Trường đại học thuộc khối Ivy League sẽ bị chính quyền Trump cắt nguồn tài trợ $2.2 tỷ cũng như “hợp đồng trị giá $60 triệu kéo dài nhiều năm.”

Bức tượng John Harvard trong sân trường đại học Harvard University ngày 17 Tháng Ba, 2025 ở Cambridge, Massachusetts. (Hình: Scott Eisen/Getty Images)

Cũng trong Thứ Hai, Harvard University bác bỏ các yêu cầu do chính quyền Trump đưa ra.

“Harvard University sẽ không từ bỏ quyền độc lập hoặc các quyền hiến định,” nhà trường cho biết trong một tuyên bố trên X hôm Thứ Hai. “Harvard, cũng như các trường đại học tư thục, sẽ không để chính quyền liên bang thao túng.”

Tòa Bạch Ốc gửi cho các viên chức nhà trường một “danh sách gồm có các yêu cầu đã cập nhật và mở rộng,” cảnh cáo nhà trường phải tuân thủ nếu muốn “chính quyền liên bang tiếp tục tài trợ,” Viện Trưởng Alan M. Garber cho biết trong một bức điện thư gửi cho cộng đồng Harvard.

Chính quyền Trump đề ra 10 yêu cầu nhằm giải quyết tình trạng bài Do Thái trong nhà trường, trong đó không cho sinh viên quốc tế nhập học nếu có tư tưởng “thù địch với các giá trị và thể chế tại Hoa Kỳ.” Chính quyền cũng muốn một đơn vị thứ ba thanh tra các chương trình liên quan tới “vấn nạn bài Do Thái hoặc thể hiện hành động thao túng ý thức hệ.”

Chính quyền cũng yêu cầu lập tức dẹp bỏ tất cả các chương trình và sáng kiến dính dáng tới đa dạng, công bằng và hòa nhập DEI, kể cả trong chính sách tuyển mộ và chiêu sinh. Chính quyền còn yêu cầu Harvard thực hiện các chính sách “dựa trên năng lực” nhằm thế chỗ DEI.

Garber cho biết đây là các yêu cầu “chưa từng xảy ra,” đồng thời lên án dã tâm “kiểm soát cộng đồng Harvard” bằng cách dò xét quan điểm của sinh viên, giáo sư và viên chức.

Trong một bức thư gửi cho chính quyền Trump, các luật sư cho biết Harvard University “cam kết chống lại chủ nghĩa bài Do Thái và các hành động cố chấp trong cộng đồng nhà trường” nhưng cũng nói rằng các yêu cầu do chính quyền đưa ra “là hành vi xâm phạm quyền tự do của trường đại học vốn được Tối Cao Pháp Viện công nhận từ lâu.”

Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Harrison Fields công kích Harvard trong một tuyên bố và không có dấu hiệu cho thấy chính quyền sẽ nhân nhượng.

“Tổng Thống Trump đang nỗ lực Gầy Dựng Giáo Dục Đại Học Vĩ Đại Trở Lại bằng cách chấm dứt tình trạng bài Do Thái tràn lan và bảo đảm tiền thuế của người đóng thuế liên bang không góp phần tiếp tay cho nạn kỳ thị chủng tộc nguy hiểm hoặc bạo lực dính dáng tới kỳ thị chủng tộc tại Harvard,” Fields cho biết.

Chính quyền Trump cũng đưa ra những yêu cầu tương tự dành cho các trường đại học khác theo kế hoạch chống vấn nạn bài Do Thái cũng như các lối suy nghĩ mà chính quyền không đồng tình.

Tháng Ba vừa qua, đại học Columbia University đồng thuận với một danh sách có chín yêu cầu từ chính quyền Trump, gồm có lệnh cấm sinh viên đeo khẩu trang tại các cuộc biểu tình, tuyển mộ 36 viên chức an ninh mới cho nhà trường có năng lực bắt giữ sinh viên và bổ nhiệm một viên chức cao cấp đứng đầu lãnh vực học thuật (provost) mới nhằm giám sát khoa Nghiên Cứu Trung Đông, Nam Á và Phi Châu.

Chính quyền Trump còn cắt $400 triệu nguồn tài trợ liên bang dành cho nhà trường, cáo buộc Columbia University “dửng dưng trước tình trạng quấy rối dai dẳng nhắm vào sinh viên Do Thái.” (TTHN)


 

Mỹ hủy hơn 300 visa du học sinh vì “đi ngược lợi ích quốc gia”, gây lo ngại trong cộng đồng quốc tế

Ba’o Dat Viet

April 11, 2025

WASHINGTON – Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã thu hồi hơn 300 thị thực (visa) của du học sinh quốc tế tại Mỹ trong năm nay, với lý do những người này có hành vi hoặc tư tưởng bị cho là “đi ngược lại lợi ích quốc gia”, theo thông tin từ Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Đài CNN.

Đây là một phần trong chiến dịch siết chặt kiểm soát nhập cư và an ninh nội địa, trong đó chính quyền Mỹ nhắm đến các cá nhân bị cho là liên quan đến các hoạt động biểu tình, đặc biệt là phong trào ủng hộ Palestine hoặc có hành vi gây rối như chạy xe quá tốc độ, say rượu khi lái xe, hoặc thể hiện quan điểm chính trị nhạy cảm.

Ông Rubio cho biết, phần lớn các trường hợp bị thu hồi visa có liên quan đến làn sóng biểu tình ủng hộ người Palestine tại Dải Gaza và các hành động “cực đoan” khác. “Mỗi khi phát hiện hành vi điên rồ, chúng tôi sẽ hành động”, ông nói thêm.

Theo dữ liệu từ Inside Higher Ed, số du học sinh bị ảnh hưởng đến từ hơn 80 trường đại học lớn trên khắp nước Mỹ, bao gồm Đại học Oregon, Florida, Colorado, Columbia, Yale, Harvard và Stanford.

Tác động lan rộng và phản ứng lo ngại

Nhiều video trên mạng xã hội cho thấy các vụ cưỡng chế trục xuất du học sinh ngay tại khuôn viên các trường đại học. Các luật sư đại diện cho sinh viên quốc tế cho biết thị thực bị thu hồi đột ngột, không có cảnh báo trước và người bị ảnh hưởng không có quyền kháng cáo.

Một số vụ việc đã thu hút sự chú ý lớn của truyền thông Mỹ. Trong đó có Mahmoud Khalil, cựu sinh viên Đại học Columbia và là thường trú nhân hợp pháp, bị bắt ngay tại trường. Hay trường hợp của Xiaotian Liu, nghiên cứu sinh người Trung Quốc tại Đại học Dartmouth, bị hủy visa dù “không tham gia biểu tình, không phạm pháp và không được thông báo lý do”.

Một trường hợp khác là Tiến sĩ Rasha Alawieh – chuyên gia ghép thận tại Đại học Brown – bị trục xuất ngay tại sân bay Boston sau khi nhân viên xuất nhập cảnh phát hiện hình ảnh và video có nội dung liên quan đến tổ chức Hezbollah trong điện thoại cá nhân.

Ngay cả những hành vi nhỏ như mang theo mẫu vật không khai báo cũng bị xử lý nghiêm. Cô Kseniia Petrova, công dân Nga, bị hủy visa sau khi mang theo phôi ếch từ Pháp đến Mỹ, mà theo Bộ An ninh nội địa là “âm mưu buôn lậu”.

Theo các chuyên gia, tuy visa du học mang tính tạm thời, người sở hữu vẫn có quyền tự do ngôn luận như công dân Mỹ. Tuy nhiên, chính sách hiện hành khiến nhóm đối tượng này trở nên dễ bị tổn thương nhất trước các biện pháp trục xuất.

Tác động lên môi trường giáo dục

Hiện có khoảng 1,1 triệu du học sinh quốc tế đang học tập tại Mỹ. Việc siết chặt kiểm soát và gia tăng số vụ hủy thị thực đang khiến nhiều sinh viên lo lắng, ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và mối quan hệ quốc tế của các trường đại học.

Trước tình hình này, các trường buộc phải cam kết hợp tác toàn diện với Bộ An ninh nội địa để giám sát sinh viên quốc tế, theo CNN.

Giới phân tích cảnh báo rằng nếu tình trạng này kéo dài, Mỹ có nguy cơ mất đi nguồn lực trí thức toàn cầu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến vị thế hàng đầu của hệ thống giáo dục đại học Mỹ trên trường quốc tế.


 

Elon Musk công khai chỉ trích kiến trúc sư chính sách thuế của Trump, làm thị trường chao đảo

Ba’o Dat Viet

April 6, 2025

Elon Musk in Green Bay, Wis., last month.

Tỷ phú Elon Musk vừa khiến dư luận dậy sóng khi thẳng thừng chỉ trích ông Peter Navarro – cố vấn thương mại hàng đầu của cựu Tổng thống Donald Trump – người được xem là “kiến trúc sư trưởng” của chính sách thuế đối ứng đang gây chấn động thị trường toàn cầu những ngày qua.

Trong loạt bình luận đăng trên mạng xã hội X hôm 5 Tháng Tư, Musk không ngần ngại công kích năng lực và xuất thân học thuật của ông Navarro. Đáp lại một tài khoản ca ngợi Navarro là tiến sĩ kinh tế tốt nghiệp Đại học Harvard, Musk mỉa mai: “Tiến sĩ kinh tế từ Harvard là một điều xấu, không phải tốt”, ngụ ý rằng những người mang danh vị cao từ các trường danh tiếng thường hành xử thiên về cái tôi hơn là lý trí.

Khi một tài khoản khác lên tiếng bảo vệ Navarro, Musk phản pháo: “Ông ta chẳng làm được gì cả.” Trong một phản ứng khác, ông còn tỏ ra đồng tình với trích dẫn từ nhà kinh tế bảo thủ Thomas Sowell, cho rằng “trong mỗi thảm họa lịch sử ở Mỹ, thường có một người từ Harvard đứng phía sau.”

Những bình luận thẳng thắn và có phần châm biếm này được đưa ra giữa lúc chính sách thuế đối ứng của chính quyền Trump đang kéo theo làn sóng phản ứng dữ dội từ giới kinh doanh và thị trường tài chính toàn cầu. Ông Navarro, người liên tục lên truyền hình để bảo vệ chính sách thuế, cho rằng việc đánh thuế mạnh tay với các đối tác thương mại sẽ giúp Mỹ thu về khoảng 600 tỉ USD mỗi năm cho ngân sách liên bang.

Tuy nhiên, thị trường chứng khoán không chia sẻ quan điểm lạc quan này. Các chỉ số lớn tại Mỹ đều lao dốc, trong đó cổ phiếu Tesla – công ty do Elon Musk sáng lập – mất gần 18 tỉ USD giá trị vốn hóa chỉ trong vài ngày.

Trước ngày 5 Tháng Tư, Musk gần như giữ im lặng về các chính sách thuế của Nhà Trắng. Nhưng cùng ngày, ông bất ngờ xuất hiện tại một hội nghị trực tuyến với Phó Thủ tướng Ý Matteo Salvini, nơi ông bày tỏ hy vọng châu Âu và Mỹ có thể cùng nhau đưa thuế quan về mức 0%, mở đường cho một khu vực thương mại tự do xuyên Đại Tây Dương.

Những phát biểu lần này được đưa ra giữa lúc có tin đồn rằng Elon Musk sẽ rút lui khỏi vai trò lãnh đạo Ban Hiệu quả Chính phủ (DOGE) vào tháng 5 tới, khi nhiệm kỳ đặc biệt với tư cách là “nhân viên chính phủ” kết thúc. Tổ chức này gần đây cho biết đã hoàn tất phần lớn kế hoạch cắt giảm 1.000 tỉ USD thâm hụt liên bang – một mục tiêu được chính quyền Trump đặc biệt quan tâm.

Hiện tại, Nhà Trắng và ông Peter Navarro chưa đưa ra phản hồi nào về loạt phát ngôn từ Elon Musk. Nhưng trong bối cảnh thương chiến đang thổi bùng căng thẳng kinh tế toàn cầu, những mâu thuẫn công khai giữa giới kinh doanh và giới hoạch định chính sách chắc chắn sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý lớn từ cả thị trường và dư luận.


 

 4 cảnh sát viên Texas tự tử chỉ trong 6 tuần

Ba’o Nguoi-Viet

March 26, 2025

HOUSTON, Texas (NV) – Hôm Thứ Năm, 20 Tháng Năm, bằng hữu, gia đình và đồng nghiệp quây quần bên nhau nói lời tiễn đưa Christina Kohler, cựu sĩ quan Văn Phòng Cảnh Sát Quận Harris HCSO, sau khi qua đời vào tuần trước, văn phòng giảo nghiệm tử thi Quận Harris kết luận bà đã tự tử.

Đây là vụ tự tử thứ tư chỉ trong sáu tuần liên quan tới các cảnh sát viên đang làm việc và từng làm việc tại Quận Harris, trong đó có một cảnh sát viên gốc Việt, làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng sức khỏe tâm thần của các sĩ quan thực thi công lực.

“Điều này làm nhiều người trong chúng tôi sửng sốt,” Jose Lopez, chủ tịch Hiệp Hội Huynh Đệ Cảnh Sát Quận Harris Khu Vực 39 cho biết.

Những cảnh sát viên của Quận Harris, Texas, chết vì tự tử, từ trái theo chiều kim đồng hồ: Christina Kohler, Maria Vasquez, Long Nguyễn, và William . (Hình: ABC 13)

Sĩ Quan Kohler 37 tuổi mất tích vào tuần trước. Sở Cảnh Sát Houston HPD ban hành một báo động công khai, nhưng nhà chức trách phát giác ra thi thể của bà hôm 13 Tháng Ba, nguyên nhân là tự tử.

Chưa dừng lại ở đó, chỉ ba ngày sau, cựu cảnh sát viên HCSO Harris Maria Vasquez, nghỉ việc vào Tháng Mười Hai, cũng chết do tự tử. Đầu tuần trước, một cựu cảnh sát viên khác, William Bozeman, cũng chết trong hoàn cảnh tương tự.

“Chỉ cần một người tự tử là quá nhiều rồi. Nhưng hai, ba thì sao? Chắc chắn là thảm họa,” Lopez nói, thừa nhận HCSO ngày càng lo sợ.

Lopez từng giúp đỡ đồng nghiệp vượt qua nỗi buồn bi thảm. Là người từng quen biết hai trong số những cảnh sát qua đời trong hơn hai thập niên qua, ông thấm thía được nỗi âu lo trong cộng đồng sau những vụ tự tử. Cựu cảnh sát viên Long Nguyễn, 58 tuổi, tự tử vào ngày 6 Tháng Hai, theo văn phòng giảo nghiệm tử thi.

Bác Sĩ Thomas McNeese, giám đốc Đơn Vị Sức Khỏe Hành Vi thuộc HCSO, nỗ lực gầy dựng các nguồn nhân lực chăm lo cho sức khỏe tâm thần của các viên chức. Thành lập năm 2020 dưới thời Cảnh Sát Trưởng Ed Gonzalez, đơn vị này tận tâm giúp đỡ các viên chức cũng như đảm nhiệm các công việc khác trong tất cả hoạt động, McNeese cho biết, đồng thời công nhận lãnh vực này chịu không ít gánh nặng cảm xúc.

Sĩ quan thực thi công lực và lực lượng ứng cứu khẩn cấp thường có tỷ lệ tự tử cao do áp lực lớn và những tình huống đau thương mà họ đối diện hàng ngày.

“Đó là kết quả giữa những gì họ chứng kiến trong lúc làm việc và những gì công việc đòi hỏi,” McNeese giải thích.

Mặc dù HCSO vẫn tập trung vạch ra các sáng kiến cho sức khỏe tâm thần, Lopez thừa nhận những thảm kịch gần đây đặt ra vô vàn câu hỏi hóc búa.

Nếu có ai đó đang giày vò với ý định tự tử hay lo cho một người bạn hoặc thân nhân, xin gọi cho Đường Dây Khẩn Cấp Phòng Chống Tự Tử Quốc Gia theo số 988 hoặc 1-800-273-TALK (8255), bảo mật 24 giờ một ngày, 7 ngày một tuần. (TTHN)


 

 Tham vọng chính trị đe dọa hoạt động kinh doanh của Elon Musk (RFI)

 Từ khi Elon Musk được tổng thống Donald Trump mời lãnh đạo DOGE, bộ Hiệu Quả Chính Phủ, để giúp Nhà Trắng giải quyết gánh nặng chi tiêu, giảm bớt nợ công cho Mỹ, 100 tỷ đô la tài sản của người giàu nhất hành tinh đã bốc hơi. Cổ phiếu của Tesla mất hơn 50% so với thời điểm tháng 12/2024. Ngoài hãng xe Tesla, mạng xã hội X hay tập đoàn Starlink trong tay Elon Musk đều khốn đốn do những tính toán « điên rồ » của một người đang « xem trời bằng vung ».

Tỷ phú Elon Musk mặc chiếc áo có dòng chữ "DOGE" trong khuôn viên Nhà Trắng ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 09/03/2025.

Tỷ phú Elon Musk mặc chiếc áo có dòng chữ “DOGE” trong khuôn viên Nhà Trắng ở Washington, Hoa Kỳ, ngày 09/03/2025. AFP – OLIVER CONTRERAS

Thanh Hà

Elon Musk đang trả giá đắt cho những lập trường chính trị của ông. Chính sách bảo hộ của Hoa Kỳ trực tiếp nhắm vào Canada đã khiến vùng Ontario thông báo hủy hợp đồng 100 triệu euro trang bị vệ tinh Starlink của Elon Musk. Brazil, một mục tiêu khác của Nhà Trắng, cũng đưa ra một thông báo tương tự. Vào lúc Ukraina chịu sức ép để chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh do Nga khởi động, Washington « tạm ngừng viện trợ quân sự »« ngừng chia sẻ thông tin tình báo » với Kiev, thì Elon Musk dọa ngừng cung cấp dịch vụ cho Ukraina qua hệ thống vệ tinh Starlink. Dù lời đe dọa sau đó đã được Elon Musk cải chính, nhưng đã quá trễ.

Người giàu nhất hành tinh không dừng lại ở đó. Chủ nhân mạng xã hội X tận dụng tất cả những phương tiện có trong tay để « can thiệp vào đời sống chính trị » của châu Âu và nhất là của Nam Phi, sinh quán của ông. Với Elon Musk hiện diện gần như thường trực sát cạnh từ khi Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ, quan hệ giữa Washington và Pretoria trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết, gần đây nhất là qua việc chính quyền Mỹ trục xuất đại sứ Nam Phi ở Washington để phản đối chính sách của Pretoria « ngược đãi cộng đồng người da trắng ».

Việc tự cho phép mình can thiệp vào mọi lĩnh vực khiến Elon Musk bị chỉ trích là « xem thường thiên hạ » và làm xấu đi hình ảnh của X và Starlink, cũng như Tesla, các tập đoàn mà ông điều hành. Ngay cả nước Ý và thủ tướng Giorgia Meloni, vốn có quan hệ cá nhân rất tốt đẹp với tỷ phú Mỹ Elon Musk, cũng đã tuyên bố Roma đang xét lại khả năng trang bị Starlink. Vào lúc nhà cung cấp dịch vụ internet này có nguy cơ bị mất hợp đồng, công ty khởi nghiệp EutelSat của Pháp đã thách thức Starlink, khẳng định « hoàn toàn sẵn sàng thay thế hãng Mỹ cung cấp dịch vụ cho toàn lãnh thổ Ukraina ».

Để mua lại Twitter và đổi tên mạng xã hội này thành X, Elon Musk đã phải đi vay rất nhiều tiền của ngân hàng. Nhưng chính sách của ông ở bộ Hiệu Quả Chính Phủ và lập trường chính trị của doanh nhân xuất chúng này khiến nhiều ngân hàng của Elon Musk trở nên thận trọng. Họ bắt đầu đòi nhà tỷ phú này thoái lui khỏi guồng máy lãnh đạo của mạng xã hội được sử dụng phổ biến nhất thế giới

Nhưng vố đau nhất đối với Elon Musk có lẽ là việc ông đang bị các nhà đầu tư chính, từng sát cánh với Tesla ngay từ đầu, tẩy chay. Hôm 18/03/2025, một trong những nhà đầu tư « nặng ký » nhất của Tesla, ông Ross Gerber, cho rằng đã đến lúc tập đoàn xe điện này của Mỹ cần « tìm người điều hành mới », thay thế Elon Musk đang phải tập trung quá nhiều vào công việc mà tổng thống Mỹ Donald Trump giao phó.

Tính từ ngày 17/12/2024, trong ba tháng, cổ phiếu Tesla mất giá hơn 50%, 700 tỷ đô la trị giá chứng khoán tan thành mây khói. Điều hành một quỹ đầu tư và là nhà tài trợ cho Tesla, Ross Gerber không vòng vo cho rằng đã đến lúc Elon Musk phải ra đi « tránh để làm xấu thêm hình ảnh của công ty ».

Tuyên bố này được đưa ra vào lúc gần như hàng ngày, xe Tesla, các đại lý phân phối của nhãn hiệu này bị đập phá ở Mỹ và châu Âu. Trên thị trường châu Âu, hãng xe điện của Mỹ liên tục bị các đối thủ, nhất là những đối thủ Trung Quốc, lấn sân. Những tuyên bố của Elon Musk ủng hộ đảng cực hữu AfD của Đức trước bầu cử Quốc Hội nước này, những dòng tin ngắn gọn của chủ nhân mạng xã hội X cổ vũ các phong trào cực đoan của Anh, của Pháp…, khiến xe Tesla bán ra trên thị trường châu Âu giảm 47% trong hai tháng đầu năm 2025.

Tại Hoa Kỳ, vì lập trường chính trị của Elon Musk, xe Tesla cũng bị tẩy chay. Đứng đầu bộ Hiệu Quả Chính Phủ, với sự đồng thuận của tổng thống Trump, lãnh đạo tập đoàn Tesla đã mạnh tay sa thải hàng trăm ngàn công chức, đóng cửa nhiều cơ quan trực thuộc chính quyền liên bang Hoa Kỳ, cắt ngân sách các trường đại học Mỹ, tấn công từ giới nghiên cứu khoa học đến giới cựu chiến binh.

Ngoài ra, Nga và Trung Quốc cũng là những yếu tố bất lợi cho hình ảnh và uy tín những tập đoàn mà Elon Musk điều hành. Thêm một thông tin mới bất lợi cho Elon Musk và hình ảnh của các tập đoàn ông điều hành : Matxcơva muốn « hợp tác làm ăn » với Elon Musk.

Vào lúc mà đa số công luận Mỹ « không tin tưởng vào nước Nga » và phản đối thái độ « đầy thiện cảm » của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump với đồng cấp Nga Vladimir Putin, một cựu nhân viên mật vụ KGB, báo The Moscow Times đưa tin là sau cuộc điện đàm Trump-Putin hôm 18/03/2025, lãnh đạo quỹ đầu tư của Nga, cánh tay đắc lực của điện Kremlin, Kirill Dmitriev, loan bán kế hoạch « hợp tác cùng thám hiểm sao hỏa với Elon Musk ».

Công luận Mỹ cũng rất thận trọng với Trung Quốc. Đây là một trong những chủ đề hiếm hoi mà chính giới Hoa Kỳ từ cả phe Dân Chủ lẫn Cộng Hòa có sự đồng thuận, thì Elon Musk được biết đến như « một người bạn lớn » của Bắc Kinh. Ông là một trong những lãnh đạo tập đoàn Hoa Kỳ được đích thân chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón. Elon Musk từng trực tiếp « đàm phán » với đương kim thủ tướng Trung Quốc Lý Cường về dự án xây dựng nhà máy Tesla ở Thượng Hải.

Một điều an ủi hiếm hoi đối với Elon Musk từ khi sát cánh với tổng thống Trump đó là thành công ngoạn mục của tập đoàn SpaceX, cộng tác với cơ quan NASA đưa hai phi hành gia Mỹ bị kẹt tại trạm không gian IISS trở về Trái đất một cách an toàn hôm 18/03/2025.


 

Bộ Giáo Dục Mỹ chuẩn bị sa thải gần một nửa nhân viên

Ba’o Nguoi-Viet

March 11, 2025

WASHINGTON, DC (NV) – Bộ Giáo Dục Mỹ (ED) hôm Thứ Ba, 11 Tháng Ba, loan báo đang chuẩn bị sa thải khoảng một nửa nhân viên, theo NBC News.

Khoảng 2,100 nhân viên ED sẽ nhận được thông báo sa thải và sẽ được cho phép trở lại văn phòng để nộp tài sản chính phủ và dọn dẹp bàn ghế vào Thứ Tư tuần này, hai giới chức cho hay.

Bà Linda McMahon, lúc còn đang được đề cử làm bộ trưởng Giáo Dục, dự họp Nội Các tại Tòa Bạch Ốc ở Washington, DC, hôm 26 Tháng Hai. (Hình minh họa: Jim Watson/AFP via Getty Images)

Đợt sa thải này phản ảnh việc ED “cam kết làm việc có hiệu quả, trách nhiệm, và bảo đảm đưa nguồn lực tới nơi cần nhất: Học sinh, phụ huynh, và giáo viên,” bà Linda McMahon, bộ trưởng Giáo Dục, cho biết trong thông báo của ED.

ED có khoảng 4,000 nhân viên, gồm 3,000 người tại trụ sở ED ở Washington, DC, và gần 1,000 người ở 10 văn phòng cấp khu vực. Đây là một trong những cơ quan liên bang nhỏ nhất cấp Nội Các. Năm ngoái, ngân sách ED là $268 tỷ, chiếm 4% ngân sách chính phủ liên bang.

Đợt sa thải này diễn ra giữa lúc ông Donald Trump, tổng thống, chuẩn bị ký sắc lệnh dẹp bỏ toàn bộ ED. (Ông Trump không có quyền tự mình dẹp bỏ cơ quan liên bang nào, mà phải được Quốc Hội chuẩn thuận.)

Hàng trăm nhân viên ED sẽ bị sa thải từ tối Thứ Ba, cộng với hơn 300 nhân viên tự nguyện nghỉ việc sau khi được ED trả trước $25,000, theo CNN. Tháng trước, ED sa thải 63 nhân viên đang thử việc.

Đợt sa thải ở ED tương tự đợt sa thải hàng loạt nhân viên ở nhiều cơ quan liên bang khác. Đây là một phần trong chiến dịch của Tổng Thống Trump và Cơ Quan Cải Tổ Chính Phủ (DOGE) của tỷ phú Elon Musk cắt giảm quy mô chính phủ liên bang. (Th.Long) [qd]


 

Mỹ rút khỏi thỏa thuận tài trợ nỗ lực bỏ điện than của Việt Nam, Indonesia (BBC)

(BBC)

Nguồn hình ảnh,Vietnam-US

10 tháng 3 2025, 12:35 +07

Bộ Tài chính Hoa Kỳ cho biết hôm 6/3 rằng Hoa Kỳ sẽ rút khỏi thỏa thuận Quan hệ Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng (JETP), một cơ chế hợp tác tài chính giữa các quốc gia giàu có hơn nhằm giúp các nước đang phát triển chuyển đổi từ điện than sang năng lượng sạch hơn.

Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent đã rút Hoa Kỳ khỏi các thỏa thuận JETP với Nam Phi, Indonesia và Việt Nam, một phát ngôn viên của bộ này cho Reuters biết.

Cam kết của Hoa Kỳ dành cho Việt Nam và Indonesia trị giá hơn ba tỷ đô la, chủ yếu thông qua các khoản vay thương mại.

Trong khi ở Nam Phi, Mỹ cam kết cung cấp 1,063 tỷ đô la trong tổng số 11,6 tỷ đô la đến từ các quốc gia khác.


 

Hoa Kỳ không thể đạt mục tiêu ngân sách nếu không cắt Medicaid

Ba’o NguoiViet

March 6, 2025

WASHINGTON, DC (NV) – Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện không thể đạt được kế hoạch ngân sách như ý muốn, vốn là con đường cần thiết để thông qua chương trình nghị sự lập pháp do Tổng Thống Donald Trump đề ra mà không ảnh hưởng đáng kể tới Medicare hoặc Medicaid, viên chức ghi chép ngân sách chính thức xác nhận hôm Thứ Tư, 5 Tháng Ba.

Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện thông qua một bản thảo ngân sách vào tuần trước, mở đường cho việc thông qua các chính sách ưu tiên của Trump trong vấn đề nhập cư, năng lượng và thuế. Bản thảo này yêu cầu Ủy Ban Năng Lượng và Thương Mại tại Hạ Viện giảm $880 tỷ trong nguồn ngân sách trong thẩm quyền.

Văn Phòng Ngân Sách Quốc Hội CBO, một tổ chức gồm có các chuyên gia cố vấn nội bộ phi đảng phái làm trọng tài cho tiến trình thông qua ngân sách, cho biết khi tách riêng Medicare, tổng ngân sách theo thẩm quyền của ủy ban là $8.8 ngàn tỷ trong 10 năm. Medicaid chiếm $8.2 ngàn tỷ trong số đó, hay 93%.

Nguồn tài trợ chăm sóc y tế cho thành phần lợi tức thấp Medicaid có thể gặp nguy cơ cắt giảm nhằm đạt mục tiêu ngân sách do Tổng Thống Donald Trump đề ra. (Hình minh họa: Tofiqu Barbhuiya/Pexels)

Khi loại Medicare và Medicaid ra khỏi ngân sách, ủy ban giám sát tổng cộng $581 tỷ, ít hơn nhiều so với mục tiêu $880 tỷ, theo CBO. Bản thảo nêu rõ các con số này là câu trả lời cho Dân Biểu Frank Pallone (Dân Chủ-New Jersey), thành viên cao cấp tại Ủy Ban Năng Lượng và Thương Mại, và Dân Biểu Brendan Boyle (Dân Chủ-Pennsylvania), thành viên cao cấp tại Ủy Ban Ngân Sách.

Điều đó khiến các thành viên Đảng Cộng Hòa lâm vào tình thế khó khăn. Quyết nghị ngân sách, được thông qua với tỷ lệ sít sao nhất tại Hạ Viện, nơi Đảng Cộng Hòa nắm khối đa số mỏng manh, là một kết quả không mấy vững chắc sau các cuộc đàm phán giữa các thành viên theo đường lối cứng rắn bảo thủ đòi giảm mạnh ngân sách, cũng như các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa ở các địa hạt chiến trường nói rằng họ không muốn giảm bớt ngân sách trong các chương trình y tế quan trọng cho các cử tri đảng phái.

Đảng Dân Chủ cũng biến hành động bảo vệ bảo hiểm y tế Medicaid thành trọng tâm trong cuộc tấn công nhắm vào chương trình nghị sự của Đảng Cộng Hòa theo định hướng đảng phái, tố cáo Trump rắp tâm giảm bớt ngân sách chăm sóc sức khỏe cho thành phần lao động nhằm bù qua phần giảm thuế cho giới giàu có. Dân Biểu Al Green (Dân Chủ-Texas), bị mời ra khỏi nghị trường Hạ Viện trong lúc Trump phát biểu trước Quốc Hội vào tối Thứ Ba sau khi liên tục ngắt lời tổng thống và hét lên, “Ông không có quyền động tới Medicaid!”

Gần đây Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với Fox News, “Medicare, Medicaid, chúng tôi không hề động tới những chương trình đó.”

Medicare là chương trình cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao niên. Medicaid mở rộng phạm vi bảo hiểm chăm sóc sức khỏe cho những người lợi tức thấp và người tàn tật.

Các thành viên Đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện không đồng tình với Trump, sau đó đưa Medicaid vào kế hoạch cắt giảm. Chủ Tịch Hạ Viện Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana), nói rằng Medicaid đang được đặt lên bàn cân nhằm kiểm soát ngân sách.

“Medicaid là một vấn đề nan giải vì rất nhiều trường hợp gian lận, phí phạm và lạm dụng,” Johnson nói với các phóng viên vào tuần trước. “Tôi nghĩ rằng riêng Medicaid, tình trạng gian lận đã lên tới $50 tỷ một năm. Đó là những đồng tiền xương máu của người đóng thuế. Tất cả đều cam kết bảo vệ các quyền lợi Medicare cho những người thực sự cần, xứng đáng và đủ điều kiện. Những gì chúng ta đang nói tới là loại trừ gian lận, phung phí và lạm dụng.”

Khi được yêu cầu chứng minh $50 tỷ gian lận một năm, văn phòng Johnson trích dẫn một số liệu thống kê từ Trung Tâm Dịch Vụ Medicare và Medicaid CMS rằng “tỷ lệ thanh toán sai quy định” tại Medicaid là $50.3 tỷ. Nhưng phúc trình nêu rõ rằng phần lớn các lỗ hổng không phải đến từ tình trạng gian lận.

“Năm 2023, trong số các khoản thanh toán sai quy định tại Medicaid, 82% là do thiếu hồ sơ,” CMS viết trong phúc trình 2023. “Các khoản thanh toán này thường liên quan tới các tình trạng trong đó một tiểu bang hoặc nhà cung cấp quản lý hành chánh không chặt chẽ và không nhất thiết là gian lận hay lạm dụng.”

Trump không nhắc tới Medicaid trong phần phát biểu trước phiên họp chung tại Quốc Hội hôm Thứ Ba. (TTHN)


 

Làn sóng biểu tình phản đối Musk đang làm giảm doanh số Tesla

Ba’o Nguoi-Viet

February 19, 2025

QUẬN CAM, California (NV) – Hình ảnh Elon Musk như là một người quyền lực nhất, đứng sau nhiều chính sách gây tranh cãi của chính quyền Trump đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến thương hiệu xe Tesla.

Theo trang mạng xe điện electrek.co, Tesla đang bị ảnh hưởng bởi làn sóng phản đối Elon Musk tại hàng chục cửa hàng ở Bắc Mỹ vào cuối tuần qua. Với doanh số bán hàng sụt giảm, có vẻ như nhiều nhân viên cũng như cổ đông Tesla bắt đầu lo lắng. Các cuộc biểu tình đa số là ôn hòa và hợp pháp. Nhưng cũng có một số hành vi phá hoại được ghi nhận, với hình ảnh các cửa hàng Tesla bị vẽ lên những cụm từ chống phát xít. Phòng trưng bày Tesla ở Manhattan chứng kiến ​​một trong những cuộc biểu tình lớn nhất.

Làn sóng biểu tình phản đối Musk đang làm giảm doanh số Tesla. (Ảnh cắt từ video trên Facebook)

Các cuộc biểu tình được cho là nhằm mục đích gây ảnh hưởng đến doanh số bán hàng của Tesla, phản đối sự can thiệp của Musk vào chính trị. Các nhóm ủng hộ các cuộc biểu tình, như Anonymous, cho biết đây chỉ là bước khởi đầu, và áp lực sẽ còn tiếp tục nặng nề hơn.

Hiện tại, phong trào phản đối Elon Musk không chỉ diễn ra ở Mỹ. Ở Châu Âu, doanh số bán hàng của Tesla đang giảm mạnh. Tại Hoa Kỳ, dữ liệu bán hàng được công bố muộn hơn một chút, cho nên chưa biết doanh số của Tesla bị ảnh hưởng như thế nào. Tuy nhiên, những cuộc biểu tình chống lại Tesla lần này chắc chắn là chưa từng có.

Hội đồng quản trị của Tesla, những người có thẩm quyền đối với CEO, đã hoàn toàn im lặng trước tình hình này. Họ vẫn để Musk làm bất cứ điều gì ông ta muốn, bao gồm cả việc dành ít thời gian ở Tesla để điều hành X, xAI, SpaceX, và nay là cơ quan DOGE chuyên cắt giảm ngân sách liên bang của chính quyền Trump.

Trong khi hội đồng quản trị vẫn im lặng, một số những người trong nội bộ Tesla bắt đầu lên tiếng. Tờ Washington Post công bố một bản ghi âm từ một cuộc họp nhân viên tại Tesla, trong đó một số người đã công khai bày tỏ lo ngại về Musk. Một số lãnh đạo cấp cao tại một cuộc họp đã công khai bày tỏ lo ngại rằng Musk đang gây tổn hại đến hoạt động kinh doanh của công ty. Một số nhân viên mạnh dạn nói rằng ông Musk đang làm hoen ố thương hiệu Tesla. Công ty sẽ tốt hơn nếu ông Musk từ chức.

Bên trong Tesla, hầu hết các cuộc thảo luận bất mãn về Elon Musk đều diễn ra lặng lẽ trong giờ ăn trưa, hoặc trong các tin nhắn riêng. Nguyên nhân là vì nhân viên lo sợ công ty có thể đang theo dõi nhân viên. Nếu có dấu hiệu bất trung, họ có thể bị sa thải. Gần đây, Tesla có nhiều đợt sa thải lãnh đạo cao cấp. Và ông Musk đã củng cố quyền lực tập trung bằng cách chỉ giữ lại những người trung thành.

Những hành động này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến Tesla? Chưa có câu trả lời cụ thể trong thời điểm này. Tuy nhiên, dự đoán doanh số và lợi nhuân của Tesla trong Quý I sẽ khá tệ là điều mà các cổ đông không vui. Còn đối với chủ nhân những chiếc Tesla, dịch vụ hậu mãi có thể bị ảnh hưởng khi tình hình nội bộ của Tesla bất ổn. (HD)


 

Cựu Thượng Nghị Sĩ Gốc Việt Bị Tù 18 Tháng Vì Gian Lận Quỹ Thất Nghiệp

Ba’o Dat Viet

February 15, 2025

Cựu Thượng nghị sĩ gốc Việt của tiểu bang Massachusetts, Dean Trần, đã bị kết án 18 tháng tù giam vì tội lừa đảo quỹ thất nghiệp và khai sai thu nhập. Ông Trần, 48 tuổi, từ Fitchburg, đã nhận tội vào tháng Chín về 20 tội danh gian lận qua điện thoại và ba tội danh nộp bản khai thuế sai. Sự việc này diễn ra sau khi ông ta nhận trợ cấp thất nghiệp trong khi đồng thời làm việc có trả lương, mà không khai báo với cơ quan thuế.

Chánh cộng tố Leah B. Foley nhấn mạnh rằng hành vi lừa đảo của Trần đã làm xói mòn lòng tin của công chúng vào các quan chức được bầu. Theo cáo buộc, trong khi làm việc với tư cách là cố vấn cho một công ty phụ tùng xe hơi ở New Hampshire, Trần đã nhận được 30,120 đô la trợ cấp thất nghiệp một cách gian lận và che giấu 54,700 đô la thu nhập tư vấn khỏi bản khai thuế thu nhập liên bang năm 2021 của mình.

Dean Trần đã phản ứng mạnh mẽ đối với phán quyết, tuyên bố sẽ kháng cáo và cho rằng ông là nạn nhân của một “cuộc săn phù thủy vì động cơ chính trị”. Ông phủ nhận mọi cáo buộc về hành vi lừa đảo liên quan đến trợ cấp thất nghiệp trong đại dịch.

Hậu Quả Pháp Lý và Dân Sự Ngoài án tù, Trần cũng phải hoàn trả hơn 25,000 đô la cho Bộ Trợ cấp Thất nghiệp Massachusetts và hơn 23,000 đô la cho Cục Thuế vụ Nội bộ. Ông cũng phải nộp một khoản tiền phạt 7,500 đô la.

Dean Trần là người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào một chức vụ nhà nước ở Massachusetts. Ông đã không thành công trong việc đối đầu với nghị sĩ Dân chủ Lori Trahan cho ghế đại diện quận thứ ba của tiểu bang trong cuộc bầu cử năm 2022. Năm 2020, ông đã bị Thượng viện Massachusetts cấm giao tiếp với nhân viên của mình trừ qua email chính thức sau một cuộc điều tra về đạo đức cho thấy ông đã khiến nhân viên của mình làm công việc vận động tranh cử trong giờ làm việc chính thức của Thượng viện.

Cựu Thượng nghị sĩ Cộng hòa Dean Trần phát biểu tại một phiên điều trần ủy ban vào ngày 14 tháng 3 năm 2018. Hình: State House News Service


 

Mỹ trục xuất di dân Phi Châu và Á Châu, có cả Việt Nam, qua Panama

Ba’o Nguoi-Viet

February 14, 2025

WASHINGTON, DC (NV) – Hàng loạt di dân bất hợp pháp đến từ các quốc gia Phi Châu và Á Châu đang bị Hoa Kỳ trục xuất qua Panama, một bước đột phá về ngoại giao cho nỗ lực trục xuất hàng loạt của chính quyền Tổng Thống Donald Trump, theo các hồ sơ liên bang nội bộ được CBS News thu thập.

Hôm Thứ Tư, 12 Tháng Hai, Hoa Kỳ tổ chức một chuyến bay quân sự nhằm trục xuất di dân Á Châu đang bị giam giữ tại Hoa Kỳ qua Panama, theo ghi nhận đây là lần đầu tiên chính quyền Trump trục xuất di dân qua quốc gia Trung Mỹ. Di dân bị trục xuất gồm có người trưởng thành và gia đình có trẻ em xuất thân từ Afghanistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Uzbekistan, các hồ sơ liên bang cho biết.

Theo kế hoạch, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục tổ chức một chuyến bay quân sự khác nhằm trục xuất thêm di dân Á Châu qua Panama vào Thứ Năm, ngoài ra còn có một số di dân Phi Châu. Hồ sơ liên bang cho thấy một trong số các di dân Phi Châu là dân Cameroon.

Phi cơ Boeing C-17 của Không Lực Hoa Kỳ dùng để chở di dân bị trục xuất tại Căn Cứ Bliss, El Paso, Texas ngày 13 Tháng Hai, 2025. (Hình: JUSTIN HAMEL/AFP/Getty Images)

Trong một tuyên bố hôm Thứ Năm, Bộ Ngoại Giao Panama xác nhận rằng họ đã đón nhận chuyến bay đầu tiên hôm Thứ Tư sau khi đạt được thỏa thuận với chính quyền Trump nhằm cho phép Hoa Kỳ trục xuất những người không phải công dân Panama tới quốc gia Trung Mỹ.

Bộ Ngoại Giao Panama cho biết chuyến bay trục xuất hôm Thứ Tư chở 119 di dân bị trục xuất từ ​​Afghanistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Nepal, Pakistan, Tích Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Uzbekistan và Việt Nam, đồng thời cho biết thêm rằng Hoa Kỳ sẽ thanh toán chi phí trục xuất như đã thỏa thuận.

Panama được là nơi trung chuyển trong làn sóng di cư hàng loạt xảy ra trong khu vực trong những năm gần đây nên chiến dịch trục xuất di dân qua quốc gia Trung Mỹ là một chiến thắng ngoại giao quan trọng dành cho tổng thống, cũng như kế hoạch thực thi luật nhập cư bất hợp pháp đang được toàn chính quyền Trump thực thi.

Sở dĩ Hoa Kỳ gặp khó khăn trong việc trục xuất di dân Phi Châu và Á Châu là vì Bán Cầu Đông là một khu vực xa xôi theo kế hoạch trục xuất, đồng thời chính phủ ở các châu lục đó quyết định hạn chế hoặc từ chối các chuyến bay trục xuất từ Hoa Kỳ. The New York Times là tờ báo đầu tiên đưa tin về chiến dịch trục xuất di dân Á Châu vào Thứ Tư.

Ngoài ra cũng có hai quốc gia chấp nhận đón di dân bị Hoa Kỳ trục xuất dù không phải là công dân là El Salvador và Guatemala. Thậm chí Tổng Thống El Salvador Nayib Bukele còn đề nghị đón nhận và giam giữ di dân bị tình nghi thuộc băng đảng Tren de Aragua có nguồn gốc từ Venezuela do Hoa Kỳ trục xuất.

Chính quyền Trump cũng đang nỗ lực thực hiện thêm các thỏa thuận trục xuất, dầu chưa rõ có thể tiếp tục nhất quán với những quốc gia nào cho các kế hoạch trục xuất, trong đó theo một kế hoạch đã được đề ra, Hoa Kỳ sẽ đưa công dân của quốc gia thứ ba tới quốc gia Nam Mỹ Guyana, hai viên chức Hoa Kỳ ẩn danh nói với CBS News.

Việc Panama sẵn sàng đón nhận di dân bị trục xuất cũng diễn ra trong thời điểm Tổng Thống Trump để mắt tới kế hoạch giành lại quyền kiểm soát Kênh Đào Panama, một khu vực có tầm quan trọng về chiến lược. Năm 1999, Hoa Kỳ từng nhượng lại kênh đào cho Panama. Các nhà lãnh đạo Panama thẳng thừng khước từ ý tưởng của Trump cũng như phản đối những tuyên bố do ông và các viên chức Hoa Kỳ đưa ra rằng Trung Quốc đang gây ảnh hưởng tới hoạt động tại kênh đào.

Trong chuyến công du quốc tế đầu tiên, Ngoại Trưởng Marco Rubio viếng thăm Panama ngay khi nhậm chức, đồng thời Bộ Ngoại Giao cho biết vào tuần trước rằng Hoa Kỳ đã đạt được một thỏa thuận cho phép các hạm đội Mỹ băng qua kênh đào mà không tốn lệ phí. Tổng thống Panama cho biết đôi bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận như Hoa Kỳ đã nói đồng thời cho biết tuyên bố do Bộ Ngoại Giao Mỹ đưa ra là “giảo biện.”

Các phát ngôn viên Bộ Nội An và Bộ Ngoại Giao chưa trả lời yêu cầu bình luận liên quan tới các chuyến bay trục xuất qua Panama.

Tương tự Hoa Kỳ, trong những năm gần đây Panama không ngừng gặp rắc rối trong các vấn đề di cư.

Darién Gap, một khu rừng không có đường đi, đồi núi hiểm trở và từng là nơi bất khả xâm phạm ngăn cách Panama và Colombia, nay là nơi ngày đêm trung chuyển các đoàn di dân nuôi hy vọng vượt qua Trung Mỹ và Mexico để đặt chân tới Hoa Kỳ.

Năm 2023, hơn nửa triệu di dân phần lớn xuất thân từ Venezuela, vượt qua cánh rừng Darién rồi lọt vào Panama, một con số kỷ lục. Số lượng di dân đó giảm xuống còn hơn 300,000 vào năm 2024, mặc dù vẫn là số liệu thống kê hàng năm cao thứ nhì do chính quyền Panama ghi nhận. (TTHN)


 

Trump 2.0 và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung: So sánh giữa Biden và Trump

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Đoàn Hưng Quốc

10/02/2025

Ảnh minh họa- CNN

Nói ngắn gọn trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung thì Biden đánh điểm nhọn còn Trump đánh diện rộng. Chính sách của Biden là “vườn nhỏ, rào cao” (small yard, high fence) tập trung mũi nhọn ngăn chận đà tiến của Trung Quốc trong hai ngành công nghệ chiến lược của thế kỷ thứ 21 là điện toán và trí tuệ nhân tạo. Trong khi đó Trump đe dọa áp thuế 60% trên diện rộng lên toàn bộ các mặt hàng từ Trung Quốc.

***

Biden vẫn có phần đánh diện rộng vì không hủy mức thuế 25% của Trump lên 350 tỷ USD các mặt hàng từ Trung Quốc mà còn tăng thuế sắt thép, ngành năng lượng tái tạo và 100% lên xe hơi điện từ Trung Quốc. Nhưng trọng tâm chính sách của Biden qua lời phát biểu của cố vấn an ninh quốc gia Jack Sullivan vào tháng 10/2022 rằng Mỹ không chỉ dẫn đầu mà còn phải vượt lên càng xa càng tốt trong cuộc chạy đua về công nghệ điện toán và trí tuệ nhân tạo so với Trung Quốc [1]:

  • Tháng 08/2022 Hoa Kỳ thông qua ngân sách 52 tỷ USD hỗ trợ cho các công ty sản xuất chip điện toán trong nước Mỹ.
  • Tháng 10/2023 bộ Thương Mại Hoa Kỳ ngăn cấm bán các cơ phận sản xuất và loại chip điện toán tối tân đối với 140 các công ty quốc doanh, bán quốc doanh hay liên hệ đến quốc phòng ở Trung Quốc.
  • Tháng 03/2024 ngăn cấm bán các chip điện toán tối tân nhất dùng trong trí tuệ nhân tạo sang Trung Quốc.
  • Tháng 12/2024 chuẩn bị đối phó với Trung Quốc đầu tư tràn ngập thị trường đối với loại chip hạng trung bình nhưng thông dụng trong sản xuất xe hơi, tivi, tủ lạnh, v.v…
  • Bắc Kinh đã trả đũa bằng cách phong tỏa sản xuất các sản phẩm đất hiếm bán sang công ty Mỹ.

Dù bị cấm vận nhưng công ty Huawei đã tạo bất ngờ vào tháng 08/2023 rồi 11/2024 với điện thoại cầm tay Mate 60 & 70 trang bị loại chip 7nm sản xuất từ nội địa cho thấy Trung Quốc tiến bộ nhanh hơn 2-3 năm so với các dự đoán của Mỹ. Tháng 11/2024 cựu tổng giám đốc công ty Google ông Eric Smith trước đây cho rằng Trung Quốc chậm trễ 2-3 năm trong ngành trí tuệ nhân tạo, nay nhận xét nước này đang bắt kịp và có thể qua mặt Hoa Kỳ trong lãnh vực AI cực kỳ quan trọng này. Một điều đáng nói là trong khi thế giới chú ý nhiều đến loại AI tạo sinh (hay generative AI theo kiểu ChatGPT) thì Bắc Kinh từ nhiều năm nay đầu tư ồ ạt vào AI ứng dụng trong sản xuất và an ninh nhận diện; điều này giúp cho Trung Quốc hiện thời dẫn đầu sản xuất ngành công nghệ xanh và xe hơi điện. Tổng giám đốc Tesla ông Elon Musk 13 năm trước đây từng chê xe hơi của BYD, nay nhìn nhận rằng sản phẩm BYD đủ sức cạnh tranh ra quốc tế, và nếu Âu-Mỹ không dựng hàng rào thuế quan thì xe hơi sản xuất từ Trung Quốc sẽ giết chết những công ty Tây Phương.

Lý do khiến chính sách phong tỏa sản phẩm công nghệ của Biden kém hiệu quả là từ lúc tuyên bố cho đến khi áp dụng cấm vận chậm lụt mất một năm trời để thảo luận bàn cãi với chính quyền Âu-Nhật cùng các công ty tư nhân; lắm thầy thối ma cho nên Trung Quốc chuẩn bị đủ thời giờ để mua tích trữ hệ sản phẩm cần thiết dùng trong sản xuất nội địa. Chính sách của Biden cũng không ngăn chận hàng hóa Trung Quốc chạy sang Mexico và Việt Nam dán nhãn trốn thuế khiến thâm thủng mậu dịch giữa Mỹ và hai nước này tăng vọt lên đến 152 tỷ USD và 105 tỷ USD vào năm 2023.

***

Trung Quốc như con thuồng luồng 100 đầu nên chận ngõ này thì luồn lách sang hướng khác (Mỹ gọi là whack-a-mole). Nhưng đối với Trump thì các đối thủ chính trị như Trung Quốc hay những nước đồng minh như Âu Châu, Nhật Bản, Nam Hàn, Đài Loan…đều lợi dụng Hoa Kỳ nên Trump sẽ đánh thuế trên diện rộng 60% lên các mặt hàng từ Trung Quốc cùng các nước nhận làm trung gian và 20% đối với các nước còn lại. Cho dù Mỹ buôn bán với hơn 200 nước và lãnh thổ trên thế giới, nhưng cố vấn cao cấp và diều hâu về thương mại Peter Navarro nhận xét chỉ cần nhắm áp thuế 5 nước chính (Trung Quốc hạng 1, Mexico hạng 2 và Việt Nam hạng 3) thì cũng chỉnh đốn được phần lớn cán cân mậu dịch.

Các kinh tế gia cho rằng thuế nhập khẩu sẽ khiến giá cả gia tăng khiến người tiêu thụ ở Mỹ bị thiệt hại. Tuy nhiên dân Mỹ tiêu thụ quá nhiều, thí dụ mỗi người đã có 20 đôi giày thì nay bớt mua còn 18 đôi vẫn đủ xài suốt đời. Chương trình trọn gói của Trump có thể tóm tắt như sau:

  1. Trump cắt thuế thu nhập để dân Mỹ có đủ tiền tiêu xài ngay cả nếu giá hàng đắt hơn.
  2. Trump tăng sản xuất dầu hỏa và khí đốt để dân Mỹ bớt tốn tiền đổ xăng, đồng thời bán nhiên liệu ra nước ngoài bù đắp cho thâm thủng mậu dịch.
  3. Trump giảm thuế doanh nghiệp và các quy định nhà nước. Thuế thấp, giá điện rẻ và giám sát dễ dãi sẽ thu hút công ty trong và ngoài nước đầu tư tạo công ăn việc làm cho dân Mỹ.
  4. Mức thuế 60-20% chỉ như lá bài đầu dùng trong thương lượng. Thị trường tài chính hiện dự trù mức thuế cuối cùng ở khoảng 25-30%, do đó mà giá chứng khoán tiếp tục tăng cho dù có Trump có đe dọa chiến tranh thương mại.

Bài viết kế tiếp sẽ bàn về thế mạnh và yếu của hai nền kinh tế Mỹ-Trung trong cuộc chiến tranh thương maị.

Đoàn Hưng Quốc

Đọc các phần trước và bài cùng tác giả tại đây

***

[1] https://www.whitehouse.gov/briefing-room/speeches-remarks/2022/09/16/remarks-by-national-security-advisor-jake-sullivan-at-the-special-competitive-studies-project-global-emerging-technologies-summit/?utm_source=chatgpt.com

…we (the US) must maintain as large of a lead as possible…