December 8, 2024
Trúc Phương/Người Việt
Việc Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron mời Tổng Thống đắc cử Donald Trump, chứ không phải Tổng Thống đương nhiệm Joe Biden, dự lễ khánh thành dự án trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Paris đã cho thấy “thế thái nhân tình” như thế nào, cũng như sự tuột dốc thảm hại uy tín chính trị của ông Biden.
Ông Trump, chứ không phải ông Biden, đến dự lễ khánh thành dự án trùng tu Nhà Thờ Đức Bà Paris hôm 7 Tháng Mười Hai, 2024. (Hình: Thibault Camus/Pool/AFP via Getty Images)
Bốn năm trước, Joe Biden đã mang lại một không khí khởi sắc cho quốc gia, giờ đây, khi chuẩn bị ra đi, Joe Biden để lại hình ảnh một trong những tổng thống tệ nhất lịch sử Mỹ.
Ra đi với một di sản ít điều để tự hào
Cần nhắc lại, ngay trước khi ông Joe Biden thực hiện chuyến kinh lý nước ngoài đầu tiên (từ ngày 9 đến ngày 16 Tháng Sáu, 2021) trên cương vị tổng thống, cuộc khảo sát toàn cầu do Trung Tâm Nghiên Cứu Pew thực hiện đã cho thấy tỉ lệ tín nhiệm Biden cũng như nước Mỹ tăng cao.
Trong 12 quốc gia được khảo sát, trung bình 75% số người được hỏi đã bày tỏ sự tin tưởng vào Biden việc ông có khả năng “làm những gì đúng đắn liên quan các vấn đề thế giới,” so với 17% của Tổng Thống Trump vào năm 2020. Có 62% người được hỏi cũng bày tỏ cái nhìn tích cực nước Mỹ so với 34% vào cuối nhiệm kỳ tổng thống của Trump.
Báo cáo Pew viết: “Việc bầu Joe Biden làm tổng thống đã dẫn đến sự thay đổi mạnh mẽ trong hình ảnh quốc tế của Mỹ.”
Kinh nghiệm và kỹ năng ngoại giao cá nhân của một chính khách lão làng như Biden được hầu hết đồng minh đánh giá cao.
Trong bài viết trên The Washington Post ngày 5 Tháng Sáu, 2021, Tổng Thống Biden coi chuyến đi là một “hành trình chuộc lỗi” (redemption tour) – cơ hội để hồi sinh những căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh vốn rạn nứt nghiêm trọng thời Tổng Thống Donald Trump, cũng như là dịp tập hợp những quốc gia dân chủ cùng chí hướng để “đáp ứng những thách thức và ngăn chặn các mối đe dọa của thời đại mới.”
Theo ghi nhận của Pew trong cuộc khảo sát 2021, mức độ ưa thích Hoa Kỳ đã tăng ít nhất 23% so với năm 2020 ở Vương Quốc Anh, Pháp, Đức và Ý. Phần lớn những người được hỏi tại bốn quốc gia trên đều có cái nhìn nhận tích cực về Mỹ. Trong tất cả 16 cuộc thăm dò công chúng được khảo sát vào mùa xuân 2021, Thủ Tướng Đức Angela Merkel được xếp đầu bảng, với điểm trung bình 77%. Tổng Thống Biden, với 74%, đạt chỉ số tín nhiệm cao hơn Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, Tổng Thống Nga Vladimir Putin và Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình…
Khi tuyên thệ nhậm chức vào Tháng Giêng, 2021, ông Biden đã vạch ra một tầm nhìn táo bạo cho nhiệm kỳ tổng thống. Đứng bên ngoài Điện Capitol, ông nói: “Cùng nhau, chúng ta sẽ viết nên một câu chuyện của nước Mỹ về hy vọng chứ không phải nỗi sợ hãi… Mong rằng đây sẽ là câu chuyện dẫn dắt chúng ta, truyền cảm hứng cho chúng ta và là câu chuyện cho những thế hệ tương lai rằng chúng ta đã trả lời tiếng gọi của lịch sử như thế nào. Chúng ta đã chứng kiến thời khắc lịch sử. Nền dân chủ, niềm kỳ vọng, sự thật và công lý đã không chết dưới thời chúng ta mà còn bừng sáng.”
Tuy nhiên, bốn năm sau, Joe Biden đã “biến thành” một tổng thống thất bại với một di sản ngoại giao lẫn đối nội có nhiều điểm xấu hơn tích cực.
Một cuộc thăm dò vào Tháng Bảy, 2024, của tổ chức thăm dò Rasmussen Reports cho thấy 22% đảng viên Dân Chủ “hoàn toàn” hoặc “khá” đồng ý rằng Biden là một trong những tổng thống tệ nhất.
Cuộc khảo sát được thực hiện sau khi ông Biden tuyên bố rút khỏi đường đua tổng thống. Sự mất lòng dân của Tổng Thống Biden là một trong những yếu tố không thể bỏ qua khi xét đến nguyên nhân thất bại thê thảm của phe Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống lẫn bầu cử Quốc Hội. Quyết định của ông về việc ân xá toàn diện cho con trai Hunter (sau nhiều lần cam kết không bao giờ để điều đó xảy ra) đã khiến một số đảng viên Dân Chủ và truyền thông chỉ trích ông một cách dữ dội. Người ta cáo buộc ông ích kỷ và đặt “lợi ích cá nhân lên trên nhiệm vụ” và sự việc sẽ “làm hoen ố danh tiếng của ông.”
Những thất bại “đáng nhớ”
Có nhiều ví dụ cụ thể về những thất bại của Biden. Lạm phát dai dẳng trở nên tồi tệ hơn do chi tiêu liên bang quá mức; sự kiện rút quân Mỹ khỏi Afghanistan một cách bất ngờ và hỗn loạn; sự buông lỏng vấn đề nhập cư bất hợp pháp; cùng với chính sách dành cho Israel… đã làm dày thêm danh sách liệt kê những thất bại của ông Biden.
Trong bài “America’s Strategy of Renewal” viết trên Foreign Affairs (số November/December 2024), Ngoại Trưởng Antony J. Blinken nhấn mạnh rằng nước Mỹ đang ở “vị thế địa chính trị mạnh hơn nhiều so với bốn năm trước.”
Khó có thể phủ nhận thành tích của Tổng Thống Joe Biden trong việc xây dựng mạng lưới an ninh với các đối tác và đồng minh của Hoa Kỳ ở Châu Âu và Châu Á. Biden đã làm nước Nga suy yếu hơn rất nhiều. Khác với “mô hình phá hoại” và bất chấp dân chủ của Trump 1.0, Biden nhấn mạnh đến yếu tố dân chủ. Cách tiếp cận dân chủ hướng tới trật tự kinh tế và chính trị của chính quyền Biden định nghĩa một kỷ nguyên mới của “cuộc cạnh tranh khốc liệt,” với việc Hoa Kỳ tìm cách duy trì vị thế tối cao so với Trung Quốc, Nga, Iran và Triều Tiên.
Washington thời Joe Biden khiến Bắc Kinh khó khăn hơn rất nhiều trong việc bành trướng chủ nghĩa bá quyền. Biden nhiều lần nhấn mạnh việc “kiểm soát” những thách thức và tham vọng của Bắc Kinh. Khác với thời hỗn loạn của Trump 1.0, chính phủ Biden đã xây dựng thành công chính sách “răn đe tích hợp” bằng cách phối hợp các công cụ sức mạnh quốc gia với đồng minh để ngăn chặn những tình huống “định hình hành động” của Bắc Kinh, đặc biệt trong vấn đề Đài Loan.
Ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, chính quyền Biden đã thành công khi thúc đẩy các liên minh song phương thông qua việc tăng cường khả năng tương tác, các cuộc tập trận và đổi mới thể chế – chẳng hạn thay đổi bộ máy tư lệnh quân đội Mỹ ở Nhật, thiết lập các khuôn khổ đa phương nhỏ (như “nhóm” Nhật Bản-Nam Hàn-Hoa Kỳ; “nhóm” Nhật Bản-Philippines-Hoa Kỳ), thể chế hóa các nhóm như Quad (Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ); củng cố quan hệ đối tác song phương với Ấn Độ, Indonesia…
Cuộc xâm lược Ukraine của Nga vào đầu năm 2022 không làm Biden mất tập trung khỏi Trung Quốc và Châu Á. Thay vào đó, chính quyền Biden đã thành công trong việc “tích hợp” NATO, G-7 và các đồng minh phương Tây – đáng chú ý là Vương Quốc Anh, Canada, Hòa Lan, Pháp và Đức – với các đối tác của Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Một cách tổng quát, lý lẽ (logic) của các chính sách được chính quyền Biden thực hiện là tạo ra một trật tự kinh tế và chính trị lấy dân chủ làm trung tâm, một “G7+” không có Trung Quốc hoặc Nga.
Tuy nhiên, không phải tất cả chính sách đối ngoại của Biden đều được điểm cộng như những gì có thể thấy trên bề mặt. Dù hỗ trợ đáng kể cho Ukraine ($183 tỷ viện trợ quân sự và kinh tế kể từ cuộc xâm lược của Nga vào Tháng Hai, 2022; và Israel – với $17.9 tỷ viện trợ kể từ ngày 7 Tháng Mười, 2023), Mỹ lại có rất ít quyền kiểm soát đối với các sự kiện ở cả hai khu vực xung đột này. Ở Trung Đông, Washington đóng vai trò vừa là lính cứu hỏa vừa là kẻ châm lửa, khi vừa cung cấp bom đạn cho Israel vừa tuyệt vọng tìm cách viện trợ nhân đạo cho các nạn nhân từ những cuộc tấn công của Israel.
Với Liên Minh Châu Âu, Biden đã thành công khi kéo họ về phe mình sau bốn năm EU chứng kiến sự phá hoại của Donald Trump. Tuy vậy, Washington vẫn không thể thuyết phục được EU đứng cùng Mỹ trên mặt trận chống Trung Quốc. Berlin, trung tâm quyền lực EU, tiếp tục theo đuổi chính sách cầm chừng với Trung Quốc, với niềm tin rằng sự thịnh vượng của Châu Âu phụ thuộc vào thương mại với Trung Quốc. Đó là một thực tế. Với EU, việc mất thị trường Trung Quốc là một thảm họa. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU sau Mỹ.
Thất bại nào nghiêm trọng nhất?
Đảng Dân Chủ đang đối mặt bốn năm của Trump 2.0 và một thế hệ chính trị gia Cộng Hòa được định hình theo hình ảnh nổi loạn của Trump. Đảng Dân Chủ hy vọng có thể “kiểm soát được tình thế” bởi chương trình nghị sự lập pháp của chính phủ Biden phần nào đã định hình.
Tổng Thống Biden đã ký thành luật $1.2 nghìn tỷ chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, hàng trăm tỷ đôla cho sản xuất chất bán dẫn và nghiên cứu công nghệ cao, và “Đạo luật giảm lạm phát” (“Inflation Reduction Act”) được thiết kế để hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua trợ cấp năng lượng và mở rộng các chương trình chăm sóc sức khỏe liên bang. Đây là những thành tựu mà bất kỳ tổng thống nào cũng có thể tự hào.
Tuy nhiên, “thói đời bỉ bôi,” khi đánh giá và “xét lại,” người ta luôn có khuynh hướng nhìn thấy thất bại hơn là thành công. Người ta luôn săm soi những gì chưa làm được hơn là công nhận những thành tựu đạt được.
Nói đến thất bại, có lẽ “thất bại lịch sử” của Biden là không chỉ không thể thống nhất một quốc gia đang chia rẽ mà còn không thể xây dựng một đảng Dân Chủ đủ mạnh để ngăn chặn cơn lốc Donald Trump. Trong bốn năm ngồi ghế tổng thống, Biden tập trung nhiều vào cuộc chiến “đánh” Trump hơn là củng cố và xây dựng sự đoàn kết và mang lại sức mạnh cho đảng Dân Chủ.
Trong khi đó, tất cả những gì Biden làm để chặn đứng Trump lẫn “chủ nghĩa Trump” đều vô vọng. Thay vì làm Trump suy yếu hơn, Biden vô tình làm cho Trump mạnh hơn. Thay vì tạo ra rào cản ngăn Trump, Biden dường như dọn đường cho Trump dễ dàng hơn trong việc thẳng tiến vào Tòa Bạch Ốc. Cá nhân Biden, đảng Dân Chủ, lẫn những người quý mến ông, sẽ không bao giờ quên điều này.